Kính gửi: Nguyễn hữu Quang
Những ý kiến và tình thương của con rất hay, nhưng con không ngờ lộ trình tu học của Phật giáo là một chương trình giáo dục đào tạo người tu chứng quả A La Hán, nên có ba cấp và tám lớp học rõ ràng, chứ không phải có một đường lối tu tập chung chung mà từ lâu người ta hiểu Phật giáo như vậy Người mới tu cũng như người tu lâu năm, chỉ có một lớp học mà kẻ mới, người cũ ra vào như cái chợ. Lớp học ra vào như cái chợ thì còn gì thể thống của một lớp học tu chứng quả giải thoát. Phải không con?
Tu viện Chơn Như đang chỉnh đốn lại các lớp học, các lớp tu tập, pháp nào dạy ở lớp nào thì phải dạy ở lớp nấy, để lúc nào các lớp học và các lớp tu tập cũng phải có trật tự, phải có kỷ cương.
Như con đã biết, tổ chức một chương trình giáo dục đào tạo người tu chứng đạo, đâu phải có một lớp học tu tập chung chung. Lớp học nào phải sinh hoạt theo lớp học nấy, lớp thấp sinh hoạt theo lớp thấp, lớp cao sinh hoạt theo lớp cao. Vì thế, các lớp học mới có kỷ cương.
Nếu tu viện không tổ chức như vậy, những người hiểu biết sẽ cho rằng: Tu Viện Chơn Như thiếu tổ chức, thiếu kỷ cương trong các lớp học. Từ lâu tu viện quá dễ dãi với mọi người, vì đặt lòng yêu thương tu sĩ không đúng chỗ nên thương người mà thành ra hại người, và tình trạng này khiến cho tu viện Chơn Như hướng dẫn người tu tập chứng đạo lại dậm chân tại chỗ.
Như các con hiểu, học sinh lớp tiểu học mà sinh hoạt hay dự thính học tập với các sinh viên đại học thì các em tiểu học có tiếp thu được những gì, hay chỉ làm mất thời giờ các em vô ích, mà còn làm cho lớp học các sinh viên mất kỷ cương. Cũng vậy, các thầy mới vào mà cho sinh hoạt và dự thính lớp học chung trong Tăng đoàn thì làm cho lớp học Tăng đoàn không kỷ cương và mất trật tự:
Người vấn y như thế này, kẻ vấn y như thế khác (trật tự); đi ra vào không giờ giấc không xin phép (kỷ cương)...
Bốn vị thầy mới đến tu viện thì nên học tập vào một lớp cơ bản của tu viện, và tập sinh hoạt chung với những người cư sĩ mới xuất gia. Đó là những tu sĩ đang chuẩn bị cho thành lập Tăng đoàn II của tu viện.
Trong Tăng đoàn Chơn Như có nhiều Tăng đoàn, từ Tăng đoàn I đến Tăng đoàn X, nhờ thế việc tổ chức các lớp tu học mới đi vào nề nếp có kỷ cương, có trật tự, khiến cho những người điều hành Tăng đoàn và giảng viên đứng lớp dạy được dễ dàng hơn. Đó là việc tổ chức các lớp học có bài bản mà những người hiểu biết sẽ không dám xem thường tu viện Chơn Như.
Trong khi tổ chức lại Tăng đoàn và các lớp học theo đúng chương trình tu học của Phật giáo, thì không thể tránh khỏi những sự khen chê, chỉ trích, phê phán, v.v... Vấn đề này không quan trọng, mà quan trọng là việc Tăng đoàn và lớp học phải đi vào kỷ cương, trật tự; phải hướng dẫn người tu học đến nơi đến chốn.
Thầy xin có lời cảm ơn con đã có ý kiến để xây dựng Tăng đoàn ngày càng tốt hơn, mà không ai dám lợi dụng chỗ sơ hở của Thầy để chỉ trích.
Thầy của con.