TRẢ LỜI THẦY GIA HẠNH

Hỏi 1: Kính thưa Thầy, Thầy Thiện Cảnh hỏi: Bốn thầy dự thính không được sinh hoạt chung trong Tăng đoàn, như vậy ngày mai 14 tháng 8 Âm lịch là ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối, thì bốn thầy có dự sám hối với tăng đoàn được không?
Đáp: Tu viện hôm nay có sự thay đổi rất lớn, vì từ khi có tăng đoàn Chơn Như ra đời cho đến nay mà đoàn viên của Tăng đoàn giới luật đức hạnh chưa nghiêm chỉnh, người mới người cũ ra vào như đi chợ, ai muốn đi đâu thì đi, chẳng cần xin phép, vì thế kỷ cương chưa có nên Tăng đoàn chưa có tổ chức hoàn thiện.
Hôm nay phải chấn chỉnh lại: Các thầy dự  thính (những tu sĩ mới vào) không được tham gia sinh hoạt trong Tăng đoàn. Những tu sĩ mới vào tu tập thì cho ở riêng khu chứ không được ở chung trong khu Tăng đoàn. Những tu sĩ mới vào tu viện được hướng dẫn tu tập bốn pháp:
1. Định Niệm Hơi Thở 2. Định Vô Lậu 3. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác 4. Định Thư Giãn (Định Sáng Suốt) Và chỉ dạy học tập phương cách sống đúng giới luật đức hạnh trong Thanh qui của tu viện. Khi giới luật đức hạnh không còn vi phạm và bốn pháp định tu tập thuần thục thì đủ năm người cho thành Tăng đoàn II. Mỗi Tăng đoàn có năm người lãnh đạo đoàn:
1. Trưởng đoàn 2. Phó đoàn 3. Giám luật đoàn 4. Giảng viên đoàn 5. Thư ký đoàn. Nếu số người chưa đủ năm thì chưa thành một Tăng đoàn. Số lượng người trong Tăng đoàn ít nhất là năm người và nhiều nhất là 20 người, vì số người ít thì việc kiểm tra và quản chúng dễ dàng và kỹ lưỡng, thì sự tu  học của mọi người trong Tăng đoàn dễ dàng tiến bộ. Còn số lượng đông, đa dạng khó quản lý và kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Mục đích thành lập Tăng đoàn ở đây là tạo thành một tập thể, một nhóm người để chứng đạt chân lý, nên Tăng đoàn số lượng ít người dễ sách tấn khích lệ nhau đồng sửa sai để tiến tới chứng đạo.
Nếu dưới năm người chưa thành lập Tăng đoàn, nên những tu sĩ mới vào tu viện được hướng dẫn tu học bốn loại định và sống đúng theo Thanh qui như trên đã dạy, chừng nào các tu sĩ này thuần thục và có thêm đủ năm người thì cho thành lập Tăng đoàn thứ II, chứ không cho nhập vào Tăng đoàn thứ I. Vì Tăng đoàn thứ I đã đi vào nề nếp chuyên tu, bước qua những giai đoạn thử thách nên để tiến đến giai đoạn tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác cao hơn trên Tứ Niệm Xứ. Vì thế, không thể để cho những người mới vào tu làm động sự tu tập của chúng.
Hỏi 2: Ngày 14 và 30 mỗi tháng là ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối. Như vậy sám hối 7 giờ sáng thì quý thầy có thể cạo tóc trước vào chiều hoặc tối ngày 13 và 29 thì có phạm giới không? Hay là phải đợi sáng ngày 14 và 30 mới cạo tóc được?
 Con kính xin Thầy chỉ dạy để các con thực hiện mà không phạm giới.

Đáp: Trước ngày thỉnh nguyện, tức là trưa ngày 13 và 29 sẽ lo cạo tóc, chứ không phải đợi vào ngày 14 và 30 mới cạo tóc. Cạo tóc rồi còn phải tắm rửa sạch sẽ để sáng ngày 14 và 30 làm lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối cho đúng pháp. Cho nên, cạo tóc vào ngày 13 và 29 không có phạm giới gì cả.
Thường trong các chùa Đại thừa tu sĩ cạo tóc vào ngày 14 và 30, cho nên buổi tối ngày 14 và 30 mới tụng kinh Hồng Danh, lạy sám hối. Đó là sám hối theo kiểu tha lực, đọc danh hiệu Phật và lạy là sẽ tiêu tai giải tội theo tưởng giải của Đại thừa.
Chúng ta sinh hoạt theo kiểu tự giác tự nguyện thỉnh nguyện phát lồ sám hối, để tự sửa lỗi lầm của mình.
Vậy các con từ nay về sau không cạo tóc theo Đại thừa vào ngày 14 và 30 mỗi tháng nữa, mà vào ngày 13 và 29 là cạo tóc.
Chúng ta tu hành theo Phật giáo, phải làm đúng theo lời Phật dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi...” chứ đừng theo thói quen cạo tóc vào ngày 14 và 30 mà cho rằng cạo tóc vào ngày khác là phạm giới.
Chúng ta nên tổ chức sinh hoạt như thế nào cho tiện lợi và mang ý nghĩa thâm sâu, ghi ấn tượng trong ngày phát lồ thỉnh nguyện sám hối, khi chúng ta cố gắng khắc phục mình, sửa sai những lỗi lầm để ngày ngày càng tiến bước trên đường giải thoát mà làm gương hạnh tốt cho mọi người soi.