Phần II: CÁCH XƯNG HÔ

Hỏi 5: Tu sĩ xuất gia đã lâu năm được mọi người thưa hỏi như sau: Kính thưa quý sư cô Liên Châu, sư cô Huệ Ân, sư cô Liễu Huệ, sư cô Hạnh Từ, v.v... còn những tu sĩ mới xuất gia như chúng con chưa thọ đủ giới luật. Oai nghi tế hạnh chưa tròn thì nên thưa hỏi như thế nào cho đúng với giới luật Phật, con kính mong thầy chỉ dạy?

Đáp: Khi đã xuất gia trở thành tu sĩ thì cách xưng hô người mới tu cũng như người tu lâu năm giới luật thọ đầy đủ, là y như nhau: “THƯA SƯ CÔ LIÊN CHÂU”, “THƯA SƯ CÔ LIỄU NGỌC”, và tự xưng pháp danh mình như sau:

- “THƯA SƯ CÔ LIÊN CHÂU !” Rồi tự xưng  pháp danh mình: “LIỄU NGỌC” muốn thưa hỏi điều này... Trong việc xưng hô rất thiện xảo để có lễ độ, cung kính và tôn trọng lẫn nhau, mà người thế tục không thể hơn được:

- LIỄU NGỌC xin thưa hỏi SƯ CÔ LIÊN CHÂU cách thức tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp như thế nào?

Còn tu sĩ xưng hô với những người thân trong gia đình và những người ngoài đời thế nào? Cách xưng hô này chưa có ai hỏi nên Thầy chưa trả lời.

Hỏi 6: Người mới xuất gia, thọ mười Sa di giới thì phải giữ gìn và bảo vệ đúng mười giới luật Sa di hoàn toàn trọn vẹn nghiêm chỉnh, không hề sai phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong 10 giới Sa di. Người Sa di ni có phải giữ gìn 348 giới của Tỳ kheo ni không? Hay để khi nào người Sa di ni ấy được Thầy cho thọ giới cụ túc thì mới giữ gìn bảo vệ và hành theo giới bổn 348 giới. Điều này con chưa hiểu, kính mong Thầy chỉ dạy!

Đáp: Người Sa di ni mới thọ 10 giới thì nên giữ 10 giới cho nghiêm túc, không nên vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong 10 giới Sa di ni, nhưng người Sa di ni có quyền nghiên cứu học hỏi 348 giới của người Tỳ kheo ni và cố gắng giữ gìn được giới nào trong 348 giới  đều tốt cả. Đó là để chuẩn bị, khi nào người Sa di ni giữ gìn được trọn vẹn 348 giới Tỳ kheo ni thì Thầy Bổn Sư sẽ cho thọ giới cụ túc.

Hỏi 7: Về oai nghi khi đi khất thực trên đường, gặp người đi ngược chiều có nên dừng lại chào không? Đang đi khất thực bỗng nghe tiếng kêu của ếch nhái bị rắn bắt, có dừng lại cứu chúng không, khi đang đi trong đoàn?

Đáp: Khi đang đi khất thực trong đoàn, có một người quen thân của mình đi ngược chiều thì mình cúi đầu chào, còn những người khất sĩ khác thì không cúi đầu chào. Khi đang đi khất thực trong đoàn, bỗng nghe tiếng nhái kêu vì bị rắn bắt, nếu có một người trong đoàn khất thực lìa đoàn để cứu con nhái thì mình cứ theo đoàn đi khất thực, nếu trong đoàn không có ai cứu con nhái thì mình lìa đoàn đến chỗ con nhái kêu để cứu nó. Cứu xong mình vẫn tiếp tục đi chậm rãi ung dung một mình đến chỗ khất thực, chứ không được vội vàng chạy theo đoàn.

Hỏi 8: Ngày 14 và ngày 30 mỗi tháng, có phải đọc giới bổn của Sa di mười giới và Tỳ kheo ni 348 giới không? Hay đến ngày ấy chỉ có sám hối, ăn năn trước đức Phật và đức  Thầy, hoặc Sư cô trưởng đoàn và trong chúng chỉ chứng minh mà thôi? Cụ thể hàng tháng ngày 14 và ngày 30 nên thực hiện như thế nào cho đúng giới luật Phật? Con tha thiết kính mong thầy chỉ dạy!

Đáp: Ngày 14 và ngày 30 mỗi tháng là hai ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối trong các tu viện, còn các chùa Đại thừa thì tụng “KINH SÁM HỐI HỒNG DANH”. Các Phật học viện thì đọc giới bổn nam 10 giới Sa di và 250 giới Tỳ kheo tăng, còn bên nữ thì đọc giới bổn 10 giới Sa di và 348 giới Tỳ kheo ni.

Thỉnh nguyện phát lồ sám hối có nghĩa là ngày ấy, các tu sĩ tập trung trong Tổ đường, ngồi xếp bằng phân làm hai hàng thẳng, chừa một lối đi rộng khoảng 2m giữa bàn thờ Tổ, những tu sĩ có hạ lạp cao thì ngồi trước, còn những tu sĩ có hạ lạp thấp thì ngồi sau, theo thứ tự người lớn tuổi ngồi trước, người nhỏ tuổi ngồi sau.

Bắt đầu thỉnh nguyện, người Chủ lễ đọc một bài diễn văn khai mạc (Xin quý vị đọc bài diễn văn khai mạc buổi lễ thỉnh nguyện trong tập sách “CÁC PHÁP YẾT MA”) Khi đọc xong thì thầy chủ lễ xin phát lồ sám hối trước:

Nếu thấy mình có làm lỗi thì phát lồ: “Hôm nay là ngày 14 tháng 7 năm Mậu Tý. Suốt nửa tháng tu học tại tu viện Chơn Như, con, tỳ kheo Thích Minh Khánh, có làm một lỗi là phá hạnh độc cư đến thất thầy... hỏi thăm về gia đình. Vậy từ đây con xin sám hối, không dám vi phạm lỗi lầm đó nữa, xin Phật và đại chúng chứng minh cho con, để thân tâm con được thanh tịnh”.

Nếu thấy mình không có lỗi thì nên phát lồ như dưới đây: “Hôm nay là ngày 14 tháng 7 năm Mậu Tý. Suốt nửa tháng tu học tại tu viện Chơn Như, con, tỳ kheo Thích Minh Khánh, không tự thấy mình có làm lỗi trong giới luật Phật. Vậy ngưỡng mong quý thầy có nhận thấy Minh Khánh có vô ý làm lỗi gì, xin quý thầy chỉ dạy để Minh Khánh phát lồ sám hối, nhờ đó từ đây về sau Minh Khánh không tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Minh Khánh xin thành tâm tri ân quý thầy”.

Người chủ lễ phát lồ xong thì đến người thứ hai ngồi kế, và cứ tiếp tục cho đến người cuối cùng. Sau khi người cuối cùng phát lồ xong thì tất cả mọi người đồng tụng bài ước nguyện:

“Hôm nay ngày phát lồ

Chúng con nguyện thành tâm

Giữ gìn tròn giới luật 

Không hề vi phạm phải

Dù một lỗi nhỏ nhặt

Cũng không hề vi phạm

Nhờ đó tâm ly dục

Nhờ đó ác pháp lìa

Nhờ đó tâm thanh tịnh

Chúng con cũng thành tâm

Ước nguyện cho mọi người

Phát lồ như chúng con

Để thân tâm bất động

Thanh thản và an lạc

Cùng nhau vào Niết Bàn”.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hỏi 9: Người tu sĩ khi có công việc phải đi ra ngoài để giải quyết việc gia đình, việc ngoài thế gian, vậy người tu sĩ đó có đi được hay không? Và đi như vậy có đúng giới luật hay không? Hay phải làm như nào? Con kính mong Thầy chỉ dạy để chúng con được rõ.

Đáp: Khi xuất gia tu hành thì tất cả những việc gì ngoài đời đều bỏ sạch, chỉ còn một việc làm, đó là sự giữ gìn và bảo vệ chân lý “TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, và VÔ SỰ”. Do sự tu tập này, người tu sĩ Phật giáo đâu còn có thì giờ để đi ra ngoài giải quyết việc này, việc kia. Thậm chí như việc cha và mẹ qua phần (chết) còn không về chịu  tang khó như người ngoài đời, huống là đi giải quyết những chuyện lặt vặt. Người tu sĩ không còn một việc gì ngoài đời để họ giải quyết cả. Khi đã xuất gia thì buông xả sạch hết những vật chất thế gian, thì họ còn gì đâu mà giải quyết, họ đã giao hết cho anh em, chị em, hoặc chồng hay vợ và con cái.

Đời sống của họ chỉ còn ba y một bát, đi xin cơm ăn hằng ngày, đó là để thực hiện con đường giải thoát của đạo Phật. Nên nói đi ra ngoài giải quyết sự việc, đó là lường gạt người khác để đi chơi, đi du ngoạn. Người tu sĩ Phật giáo mà còn đi đây, đi đó là không phải người tu sĩ Phật giáo, họ là những người lười biếng lao động, sợ cực khổ dãi nắng dầm mưa, chỉ muốn đi chơi nơi này, nơi khác cho thỏa thích lòng dục, mượn chiếc áo tu sĩ Phật giáo để lừa đảo miếng cơm, manh áo và tiền bạc của phật tử. Người tu sĩ Phật giáo chấp nhận một đời sống lang thang nay chùa này, mai chùa khác, nay am thất này, mai am thất khác, đó là những tu sĩ lười biếng, chấp nhận một đời sống vô tích sự. Ngoài mặt dối gạt người nói tu tập, chứ kỳ thực họ có tu tập được gì đâu, chỉ sống tự do chạy theo dục vọng, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, muốn đi chơi thì đi chơi, lúc nào cũng tự do thoải mái theo lòng ham muốn của mình.

Người xuất gia là người đã quyết chí tu tập làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi, thì phải đầy đủ ý chí, cương quyết nhất định không rời nơi mình xuất gia một phút giây nào cả. Chỉ có một điều duy nhất là bền chí nhập thất tu tập, cho đến khi tu tập chứng đạo xong mới thôi. Cho nên, từ khi xuất gia cho đến khi chứng đạo không rời tu viện nửa bước. Những người xuất gia như vậy mới thật là những người xứng đáng xuất gia; mới mong chứng đạo. Xuất gia rồi mặc y mang bát đi đầu này, đầu kia chơi, thì thật là trái với luật xuất gia. Xuất gia rồi có đi đâu đều phải đi chung trong đoàn thể Tăng đoàn hay toàn thể Ni đoàn, chứ không được đi riêng rẽ, đi một mình. Người xuất gia mà đi riêng rẽ, đi một mình là phạm giới luật.

Xuất gia rồi chỉ còn có một hướng là tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ không phải xuất gia mà còn giải quyết việc gia đình hay những việc khác, thì đó là xuất gia của ngoại đạo, không đúng theo Phật giáo. Những người thân trong gia đình cũng vậy, khi chấp nhận cho những người thân của mình xuất gia thì không nên báo tin này, tin kia cho người xuất gia biết. Báo tin đó là làm động tâm người xuất gia họ sẽ không tu hành được. Hỡi các người thân trong gia đình! Hãy để cho những  người xuất gia yên thân tu hành, đừng làm động họ tội nghiệp. Con đường tu tập để được giải thoát sinh tử luân hồi là một chiến trận vĩ đại, nên những người xuất gia đang chiến đấu một mất một còn để đòi quyền làm chủ, độc lập tự do của một kiếp người. Nếu nay có chuyện này, mai có chuyện khác xảy ra trong gia đình, thì làm sao người tu sĩ chiến thắng giặc sinh tử được.

Giặc sinh tử rất là cam go, khi mở màn cho cuộc chiến tranh giành độc lập tự do sinh tử thì cả những người thân trong gia đình phải lo liệu lấy tất cả những gì xảy ra, đừng nên báo cho người tu sĩ biết mọi việc gì trong gia đình, đó là những người biết thương người thân tu hành. Còn ngược lại là làm chậm bước tiến tu hành. Và vì thế, con đường tu tập của những người thân của mình sẽ không biết chừng nào mới tu xong. Thật là tội nghiệp vô cùng.

Hỏi 10: Người tu sĩ khi có gia đình, có việc đột xuất họ cần người tu sĩ ở lại giúp họ như: bệnh ốm đau, gia cảnh mắc hoạn nạn và có người chết, v.v... thì người tu sĩ đó có được ở lại hay không? Và gia đình họ có phòng riêng biệt, không có ai qua lại nơi đó, họ dành riêng cho người tu sĩ ở, thì người tu sĩ đó có được ở phòng đó không? Con kính  mong Thầy chỉ dạy?

Đáp: Khi người tu sĩ về thăm những người thân trong gia đình gặp cảnh hoạn nạn, người bệnh hay có người chết thì người tu sĩ được quyền ở lại để hướng dẫn những người thân trong gia đình phải theo đúng pháp của Phật dạy như:

1- Bệnh tật thì hướng dẫn người thân của mình biết cách đẩy lui tất cả bệnh tật ra khỏi thân, khiến cho những người thân trong gia đình đều được an ổn, không phải đi bệnh viện, chỉ nằm nhà trị bệnh mà thôi, dù có uống thuốc hay đi bác sĩ khám bệnh cũng không sao, vì có pháp trị bệnh thì cả gia đình không còn lo sợ. Nhưng khi trị bệnh thì người bệnh phải giữ gìn năm giới cho trọn vẹn, không nên vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới thì bệnh sẽ mau lành.

2- Gặp cảnh hoạn nạn thì người tu sĩ khai ngộ cho mọi người trong gia đình thông suốt luật nhân quả. Nhờ đó, mọi người đều vui lòng thản nhiên chấp nhận không hề lo lắng, sợ hãi trước cảnh hoạn nạn. Nhất là khuyên mọi người muốn vượt qua cảnh hoạn nạn thì nên sống đúng năm đức hạnh trong ngũ giới, đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới này thì hoạn nạn sẽ qua mau.

3- Nếu có người thân trong gia đình chết thì người tu sĩ ở lại hướng dẫn cách tẩm liệm, đặt quan tài trong nhà, lập bàn thờ rồi chôn cất theo đúng cách thức của Phật giáo nguyên thủy.
Tất cả những việc giúp đỡ trên đây, nếu mọi người trong gia đình chấp nhận thì người tu sĩ ở lại, còn không chấp nhận thì người tu sĩ xin giao lại cho những người thân giải quyết, và xin phép được trở về tu viện sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Trong khi ở lại trong gia đình để giải quyết mọi việc, thì người tu sĩ không được phép ở chung với bất cứ một người thân nào trong gia đình, phải ở riêng một căn phòng hay một túp lều trong vườn im ắng.

Hỏi 11: Trước khi thọ thực ở thất hoặc tập trung cả chúng sư ni, thì nên tự mình sắp xếp chuẩn bị các thứ cần dùng như: dao kéo khăn thìa và các thứ gia vị trước lúc vào cúng dàng đức Phật, thầy không nên để quên thứ gì. Khi ngồi xuống đất, ngồi kiết già rồi mà mình còn quên thứ gì thì thôi, thực hiện pháp tri túc biết đủ để ly dục, không cần phải đứng dậy đi lấy. Đã ngồi kiết già trong chúng đang yên lặng thanh tịnh thì không nên đi lại làm động, mà chỉ ngồi xuống một  lần cho đến thọ thực xong. Trong chúng đang ngồi im lặng thanh tịnh mà đứng lên đi qua lại như vậy làm mất trang nghiêm không thanh tịnh chúng, mà tự thân làm động như vậy tức là tâm không ly dục, chưa buông xả.
Thưa Thầy, những oai nghi tế hạnh này có đúng giới luật Phật dạy không? Con kính mong Thầy dạy bảo cho chúng con được rõ.

Đáp: Khi thọ thực chung trong đoàn thì tất cả những dụng cụ cá nhân trong khi ăn uống phải mang theo đầy đủ. Trong giờ ăn uống không được mượn dụng cụ của người khác, không được chạy tới chạy lui đi lấy dụng cụ, khi ngồi xếp bằng vào vị trí ăn uống thì phải giữ gìn im lặng, không được nói chuyện. Trước khi ăn uống mọi tu sĩ đồng chắp tay kính ngưỡng tỏ lòng biết chư Phật đã chỉ dạy pháp tu hành giải thoát và ông bà cha mẹ đã bố thí có thân mạng này mới có ngày nay tu tập. Đó là những công ơn rất lớn và sâu dày. Khi tỏ lòng biết ơn dâng lên bữa cơm này xong thì đi vào ăn uống trong sự im lặng, không nên khua chén, khua bát, khua đũa, khua muỗng, v.v... Ăn uống rất nhẹ nhàng, khoan thai, nhai nuốt không nghe tiếng kêu. Sau khi ăn uống xong, thu vén mọi thứ vỏ trái cây và giấy lá thừa cho vào bát gọn gàng, rồi đồng thời chắp tay thầm đọc lời  biết ơn của người làm ra thực phẩm. Khi đọc xong bài biết ơn thì mỗi tu sĩ đều đứng lên mang bát trên vai, đồng chắp tay xá chào nhau rồi theo thứ tự người lớn tuổi đi trước, người nhỏ tuổi đi sau, và cuối cùng ai về thất nấy lo rửa bát, muỗng, đũa, v.v... Trong sinh hoạt ăn uống luôn luôn giữ gìn im lặng, không được nói chuyện với nhau, cho đến khi về thất vẫn giữ thanh tịnh trong im lặng, không được làm ồn náo như cái chợ.

Hỏi 12: Đức Phật dạy thừa tự pháp, chứ không thừa tự thực phẩm, như vậy các thứ đồ ăn nhỏ nhất như: muối trắng, muối tiêu, thức ăn dư thừa của ngọ trước để lại ngọ sau dùng là không được rồi (đó là trong thất). Nhưng ở đây có những đồ ăn gia vị, luôn có như muốn trắng, muối tiêu, nước ma di, nước tương ớt, v.v... thường có tại nơi đến khất thực hàng ngày vào thời gian trên dưới mười giờ trưa. nếu ai có muốn dùng thêm thì tự lấy trong lúc khất thực. Như vậy, các thứ đồ ăn để lưu trữ tại nơi quy định lúc khất thực có được dùng thêm không? Và có phải đó là thừa tự thực phẩm không? Hoặc nên thực hiện như thế nào? Con kính mong Thầy chỉ dạy.

Đáp: Muối trắng, muối tiêu, muối ớt, muối xả, nước tương, nước tàu vị yểu và những đồ  ăn dư thừa, bánh hay trái cây trong bữa ngọ trai xong thì không nên giữ gìn trong thất những thức ăn nào cả, nếu giữ gìn đồ ăn dư thừa để lại ngày hôm sau đều vi phạm giới luật về oai nghi ăn uống, để lại thực phẩm như vậy không xứng đáng là người tu sĩ Phật giáo. Người tu sĩ Phật giáo ăn bữa nào xong bữa nấy.

Còn đến giờ khất thực các tu sĩ mang bát đến nơi khất thực, nơi đó người tu sĩ có quyền muốn khất thực món ăn nào thì tự lấy như: muối tiêu, muối xả, muối ớt, nước tương, tương ớt đều có đầy đủ, nhưng các tu sĩ không được mang về thất để giành, có thì khất thực ăn, không có thì thôi chứ không đòi hỏi. Cất giữ và đòi hỏi thêm những thực phẩm dù là muối trắng cũng phạm giới luật.

Hỏi 13: Về thời gian để thọ thực Thầy đã quy định theo phép 1 giờ 30 phút vào cúng dàng rồi thọ thực là hoàn tất, nhưng còn một số ít người trong thời gian ấy thọ vẫn chưa xong, mà thời gian 1giờ 30 phút đã hết, lúc ấy đồng hồ chưa đến 12 giờ. Mới có 11 giờ 15 phút thôi mới đúng 12 giờ. Như vậy thì xử lý như thế nào? Con kính mong Thầy dạy bảo.

Đáp: Trong giờ sinh hoạt thọ trai tập thể, khi ăn uống xong còn người khác ăn uống  chưa xong thì nên kiên nhẫn chờ đợi. Trong khi chờ đợi tâm luôn luôn giữ gìn THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ. Còn một số ít huynh đệ ăn chậm ấy phải tập ăn nhanh hơn một chút, để những bạn đồng tu khỏi phải chờ đợi nhiều. Có như vậy mới gọi là HÒA HỢP CHÚNG.

Người tu sĩ luôn luôn phải biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, trong mọi sự việc và với tất cả mọi người, thì dù mọi người có ăn uống bao lâu chúng ta cũng chờ đợi không sao. Nhưng ăn uống trong tập thể vốn là oai nghi tế hạnh trong ăn uống, nên cũng không ăn uống nhanh quá và cũng không ăn uống chậm quá, lượng như thế để thể hiện tinh thần LỤC HÒA.

Hỏi 14: Người tu sĩ khi có duyên sự đi ra ngoài, gặp người cư sĩ đồng tu họ thành tâm mời ở lại cùng thọ thực, vì họ cũng chỉ ăn một ngọ. Như vậy đến giờ thọ trai người tu sĩ có được phép ở lại nhà cư sĩ để thọ trai không? Và thọ với hình thức cụ thể như thế nào?

Người tu sĩ không muốn ở lại nhà cư sĩ thọ trai, mà chỉ muốn thọ trai nơi thất riêng. Vì thế, chỉ xin cơm thực phẩm mang về được không? Trên đường về thất còn xa, người tu  sĩ có thể tìm một nơi thoáng mát, thanh tịnh ít người qua lại như gốc cây to, quãng đường cấm xe cộ không có qua lại nhiều, người đi bộ ít, thì người tu sĩ này tự thọ thực tại những nơi đó có được không? Con kính xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:
1- Được, nên ở lại thọ thực với người cư sĩ theo nghi thức thọ trai mà các con đã được học tập.

2- Không muốn ở nhà người cư sĩ thọ trai vì làm bận rộn những người trong gia đình, nên từ chối và chỉ xin cơm và thực phẩm về thất thọ thực là tiện nhất. Trên đường về thất còn xa mà giờ thọ trai đã đến thì chọn một gốc cây mát mẻ yên tịnh, ít người qua lại, liền thọ trai và nghỉ ngơi tại đó.

Hỏi 15: Người tu sĩ gặp cư sĩ họ thành tâm cúng dàng để ấn tống pháp bảo, hoặc cúng dàng tu viện để xây dựng, và các thứ thực phẩm đồ ăn họ nhờ mang giúp vào tu viện, tiền tài vật thực như vậy, người tu sĩ đó có được phép mang giúp họ vào trong tu viện hay không? Nếu người tu sĩ mang giúp họ thì có phạm vào giới cấm giữ tiền bạc thứ 10 của giới Sa di không? Thời gian mang giúp họ là được bao nhiêu ngày. Những sự việc trên con  kính mong Thầy chỉ dạy.

Đáp: Tất cả thực phẩm hay tiền bạc do phật tử gửi cúng dường tu viện hay in kinh sách, người tu sĩ được quyền mang theo về tu viện, nhưng phải đống gói kín đáo kỹ lưỡng cho tiện để người tu sĩ mang theo. Trước khi nhận mang tiền bạc hay thực phẩm thì người tu sĩ xin khai giới, và được giữ gìn mang theo trong 10 ngày thì không phạm giới gì. Ngoài 10 ngày không được cất giữ hay mang theo, mà còn cất giữ hay mang theo thì vi phạm giới.

Hỏi 16: Cách xưng hô của người tu sĩ và người cư sĩ, phải xưng hô như thế nào cho đúng. Thí dụ: Con kính thưa sư cô Liên Châu, sư cô Huệ Ân, sư cô Liễu Huệ, sư cô Hạnh Từ. hoặc chỉ thưa gọn như sau. Con kính thưa cô Diệu Quang. Cách xưng hô thứ hai thì xưng hô gọn nhanh và dễ cho người thưa hỏi. nhưng đây con nghĩ dùng cho người cư sĩ xưng hô thì phải, còn tu sĩ thì nên xưng danh thêm chữ (Sư). Trong hai cách xưng hô với nhau của người tu sĩ như vậy, cách nào nên dùng cách nào nên bỏ, hoặc nên xưng danh như thế nào cho đúng với oai nghi tế hạnh của người tu sĩ. Con kính mong Thầy chỉ dạy.

Đáp: Trong hai cách xưng hô này chỉ định rất rõ ràng người tu sĩ và người cư sĩ:

1- Đối với người tu sĩ xưng hô thì nên có chữ “SƯ”.

2- Đối với người cư sĩ xưng hô thì không nên có chữ “SƯ”.

Hỏi 17: Người tu sĩ khi giao tiếp với người cư sĩ ở trên giảng đường (chỉ có bảy tấm hình ảnh ép cho khỏi bị mốc), vì thiếu tỉnh giác về sự giữ gìn và bảo vệ giới luật của mình đang giữ, nên đã bị người cư sĩ lôi cuốn. Nhưng kịp thời người tu sĩ tỉnh ngộ ngay liền, mang trả lại người cư sĩ (tiền chỉ có mấy ngàn đồng để ép 7 tấm hình ảnh, không đáng bao nhiêu mà phải chịu phạm vào giới luật). Nhưng người cư sĩ này chẳng hiểu ý người tu sĩ mà còn khăng khăng bảo rằng: “Con xin cô nhận cho để con có được chút phúc”. Người cư sĩ chỉ biết được như vậy thôi và không biết nói gì hơn nữa. Người tu sĩ e ngại nói: “Con kính thưa cô con không có nhận tiền của cô, lúc trước con có xin cô, nhưng lúc sau này con không xin cô nữa”. Hai người cứ giằng lấy tấm ảnh trên giảng đường. Cô cư sĩ bảo để cho cô ép hộ cho, nhưng con không đồng ý. Còn cô ấy cứ làm theo ý cô, nên nay con mang tiền trả lại cô và nói: “Mong cô hoan  hỷ nhận cho”. Thế rồi người tu sĩ để chiếc phong bì có 10 ngàn đồng ở trong thất cô cư sĩ, rồi đi ra về không có nói lời gì thêm.

Người tu sĩ thiếu cẩn thận tỉnh giác từ ngay lúc đầu, nên đã bị chướng ngại dồn dập đổ vào đầu người tu sĩ không nhỏ. Nhưng người tu sĩ thực hiện đúng giới luật nên tâm vẫn bình tĩnh, bất động trước các ác pháp tấn công dồn dập. Sự việc của người tu sĩ đã xảy ra như vậy, và đã thực hiện hành động thẳng thắn như vậy để trả lại tiền cho người cư sĩ đó. Người cư sĩ cố tình không nhận như vậy thì người tu sĩ có bị phạm giới thứ 10 của Sa di nữa không? Con kính mong Thầy dạy bảo.

Đáp: Người tu sĩ chỉ phạm vào giới hạnh không biết TÙY THUẬN nên làm khổ mình khổ người, còn giới Sa di không phạm. Người học đạo giải thoát thì lúc nào cũng phải sống với ba đức NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG, vì thế tâm luôn luôn bất động không bị trạo hối khổ đau. Đó chỉ vì thiếu đức buông xả mà phải chịu lương tâm cắn rứt, khiến cho tâm bất an. Đời sống của người tu sĩ lấy sự bất động làm nền tảng giải thoát.

Hỏi 18: Khi đi khất thực người tu sĩ ôm bình bát, lúc đi cũng như lúc về đều ôm bình bát mà không để trong túi bát, dù đi khất thực xa hay đi gần. Thực hiện đi khất thực như vậy có đúng oai nghi tế hạnh của người đi khất thực không? Mang bát và ôm bình bát vào thời gian nào cho đúng oai nghi. Con kính mong Thầy chỉ dạy.

Đáp: Khi đi khất thực đến nơi nào để xin ăn thì mới lấy bát ra ôm, đến khi khất thực đầy bát thì bỏ bát vào túi mang về thất thọ trai, chứ không được ôm bát lúc mới bắt đầu đi cho đến khi về thất. Ôm bát như vậy không đúng oai nghi của người khất thực. Ở trong tu viện có chỗ cho chúng ta đến khất thực. Vì thế, trong Ni đoàn bắt đầu tới giờ đi khất thực thì cho các tu sĩ biết nơi điểm tập hợp, và tu sĩ trong mỗi thất đều tập trung tại đó chờ nhau, khi có đủ mặt thì theo thứ tự người lớn tuổi đi trước, người nhỏ tuổi đi sau, dù cho hạ lạp có cao cũng phải đi sau (Kính lão đắc thọ). Ở đây sống theo đạo đức, chứ không theo thứ tự hạ lạp. Lúc bấy giờ mỗi tu sĩ tay đều ôm bát, lần lượt bước đi theo đoàn đến nơi khất thực. Đến nơi, cứ hai người vào sớt bát một lượt, hai người này sớt bát xong thì đi ra, đứng đợi nơi điểm trở về. Kế tiếp hai người khác đến sớt bát, cho đến khi mọi người đều sớt bát xong đầy đủ và nối tiếp nhau theo thứ tự. Khi mọi người sớt bát xong bắt đầu đi về điểm tập trung lúc đầu, rồi từ điểm đó mỗi người mới mang bát trở về thất của mình thọ trai.

Hỏi 19: Người tu sĩ kể từ khi đã cắt ái ly gia thọ trì ba y một bát, sống không gia đình không nhà cửa, chỉ có nương tựa vào nơi trụ xứ tu viện Chơn Như. chẳng còn có cái gì của phàm phu dính mắc sinh y nữa. Nhưng đột xuất người tu sĩ đó có sự việc cần phải đi ra, để giải quyết. Khi xong công việc người tu sĩ đó lại trở về trụ xứ của giáo đoàn tại tu viện Chơn Như.

Khi ra đi có phải giải quyết công việc có cần thay bộ y áo khác không? Nếu cần phải thay đổi y áo thì người tu sĩ đó không có y áo khác.

Và có phải mang theo ba y một bát luôn ở bên thân, không rời 3 y một bát một giây phút nào không?

Người tu sĩ phải ăn mặc như thế nào cho đúng giới luật Phật đã chỉ dạy. Con kính mong Thầy dạy bảo.

Đáp: Khi đã xuất gia rồi thì chỉ có một việc làm là lo tu tập cho được giải thoát, chứ không có việc gì cần phải lo giải quyết cả, nếu có việc muốn giải quyết thì cứ mặc y áo tu sĩ như thường, đừng nên thay đổi y áo  khác. Vì khi nào cần thay đổi y áo khác là phải có những việc rất đặc biệt, nếu là những việc thường thì phải luôn luôn giữ gìn ba y một bát cho đến khi nhập Niết Bàn. Trước khi xuất gia, các con đã chuẩn bị tất cả mọi việc đâu vào đó và buông xả sạch rồi mới xuất gia, để khi xuất gia thân tâm không còn lo lắng, bận bịu một việc nhỏ nhặt nào nữa cả. Bởi con đường tu tập rất khó, nếu còn có một việc gì chưa giải quyết được thì con đường tu tập không bao giờ đạt được giải thoát hoàn toàn.

Hỏi 20: Nếu người tu sĩ khi có công việc phải đi, nhưng giấy tờ không có tùy thân, thì e rằng có chướng ngại diễn ra, thì phải giải quyết cách nào cho hợp pháp, con kính mong thầy dạy thêm cho con đựơc rõ.

Đáp: Khi xuất gia thì người tu sĩ được thầy Bổn Sư lo giấy tờ xuất gia đầy đủ. Trong giấy có gia đình, chánh quyền, giáo hội đều chứng nhận đầy đủ, nên khi người tu sĩ đi đâu, ở đâu cũng không ai làm khó khăn gì cả.

Nhưng khi đã xuất gia là có sự quyết tâm tu tập để được giải thoát, nên đâu có việc gì phải đi ra giải quyết; nên đâu còn có thì giờ đi giải quyết chuyện thế gian.

Khi xuất gia tu học là quyết chí không rời nơi mình xuất gia để được tu tập đến nơi, đến chốn, cho nên người xuất gia không bao giờ lìa xa tu viện nửa bước. Chừng nào tu xong, thì tùy duyên đem kinh nghiệm tu tập của mình dạy người hữu duyên, còn không có duyên thì vào Niết Bàn an lạc. Bởi vì, đời đâu có điều gì lôi cuốn người tu sĩ đã giải thoát ở lại. Đời chỉ là những chuỗi ngày vô thường sinh diệt của các pháp, nên người tu hành dù có sống thêm trong thế gian này thì cũng như trong Niết Bàn, nhưng không duyên với chúng sinh thì sống có ích lợi gì? Nên người tu chứng đạo ra khỏi cõi ta bà này là một điều sáng suốt.