Bậc Ba Minh Dạy Luyện Tỉnh Thức

Kính dâng A-la-hán Thích Thông Lạc, Bậc Thầy Trời, Người với tất cả lòng biết ơn sâu sắc

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách này được ghi lại theo lời giảng dạy của Thầy trong lớp học hoặc trong lúc tu sinh thưa hỏi riêng, Nguyên Thiện đã ghi lại rành rẽ để quý Phật  tử nghiền ngẫm kỹ lưỡng, đến khi thực  hành tu tập không sợ tu tập sai pháp, bởi tu tập sai pháp một ly là đi sai một ngàn dặm.  Do sự tu sai này mà các Tổ đã biến chánh pháp của Phật thành tà pháp của ngoại đạo. Vì vậy trước khi tu tập, quý Phật tử hãy cẩn thận thưa hỏi cho rành rẽ, nhất là pháp hành 37 phẩm trợ đạo.

Trong tập sách này Nguyên Thiện dùng lời văn nói, cốt ý làm sao cho quý Phật tử hiểu biết cách thức tu tập một cách cụ thể, để khi tu tập đạt được kết quả ngay liền, tức là chứng đạt chân lý (chứng đạo), đầy đủ Tứ Thần Túc, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi trong hiện kiếp và biết rất rõ mình đã làm chủ nhân quả ngay trên thân tâm của mình. Tu tập đến đây quý Phật tử đã mãn nguyện. Có đúng như vậy không?

Cuốn sách này có giá trị rất lớn là giúp quý Phật tử tu tập làm cho sung mãn Tứ Niệm Xứ. Nó là cuốn sách gối đầu nằm của quý vị.

Mong quý vị trân trọng đón tiếp.

Kính ghi,

Trưởng Lão Thích Thông Lạc.

Tu Viện Chơn Như, tháng 7 Phật lịch 2550.

Lời Đầu Sách

Kính thưa Quý vị, Sách này là một tập hợp những bài giảng của Trưởng Lão Thích Thông Lạc khi thì trước tập thể tu sinh nam, khi thì trước tập thể tu sinh nữ hay từng cá nhân thuộc lớp Chánh Tư Duy nên có tính cách vừa tổng quát vừa riêng biệt, rất thích hợp cho mọi người nghiên cứu để áp dụng vào con đường tu của riêng mình trong giai đoạn Chánh Niệm Tỉnh Giác qua Định Tỉnh để có thể tu pháp 4 Niệm Xứ.

Cũng như giai đoạn tỉnh giác, để giai đoạn Chánh Niệm Tỉnh Giác qua Định Tỉnh đạt được kết quả tốt thì hành giả phải thực hành tu tập dưới sự chỉ dạy và giám sát của một bậc Thầy-chân-thật-chứng-đắc để khỏi bị sai lầm mà mang hậu quả không sửa chữa được suốt đời hay lạc vào tà thiền ngoại đạo. Quý vị nên lưu ý: tu càng cao thì càng có nhiều ngã rẽ nên hành giả cần có trí tuệ nghiệm suy, cân nhắc và lựa chọn pháp hành đúng với đặc tướng của mình, đúng với sự hướng dẫn của bậc Thầy. Làm đệ tử của vị Thầy Vô Minh rất dễ, ngược lại, làm đệ tử của A-la-hán khó vô cùng vì các Ngài là “Người Chỉ Đường”, chúng ta phải “tự thắp đuốc lên mà đi”.

Pháp môn tuy chỉ MỘT nhưng có vô số cách trình bày, giải thích nên bậc A-la-hán tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà hướng dẫn cách tu cho đối tượng. Sách này có nội dung như thế và viết lại trong thể nói truyền đạt kinh nghiệm và khuyên dạy nên lời văn đơn giản, cụ thể, rõ ràng và chi tiết.

Có thể quý vị là người may mắn khi chỉ đọc vài đoạn đã nắm được pháp hành thích hợp, nhưng đa số cần đọc nghiền ngẫm từng đoạn văn và đọc hết tập sách nhiều lần, có khi lên hằng trăm lần đọc, mới sắp xếp được con đường tu tập cho riêng mình.

“Dục tốc bất đạt” và “cẩn tắc vô ưu” là hai châm ngôn của chúng tôi trong khi tu học.

Mong quý vị là người may mắn thành công dễ dàng hơn chúng tôi trong cùng mục đích làm chủ sanh tử, tái sanh.

Kính ghi,

Nguyên Thiện.

Mùa Thu năm Phật lịch 2550.


1 “Gấp rút, vội vàng không thể thành công” và “Cẩn thận ắt không bị ưu lo phiền não về sau.”

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT

Của Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà đã hai tháng rồi, giống như một giấc mộng. Nhìn lại sự tu tập của các con Thầy rất lo lắng, vì tu tập như vậy làm sao chứng đạt chân lí được. Phải không các con?

Muốn chứng đạt chân lý là phải tu tập xả tất cả chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm và pháp, chứ đâu tu tập ức chế ý thức để cầu không niệm.
Tu tập Tứ Niệm Xứ mà cứ như tu tập Tứ Chánh Cần, tu như vậy làm sao đi đến chỗ chứng đạo được! Chỗ này các con hãy lắng nghe và tìm hiểu nghĩa lý thực hành cho rõ ràng từng pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, rồi từng giai đoạn tu tập của các pháp môn này.

Cùng một pháp môn nhưng giai đoạn đầu tu tập khác; giai đoạn sau tu tập khác huống là hai pháp môn khác nhau trong hai lớp khác nhau của Bát Chánh Đạo như: lớp Chánh Tinh Tấn và lớp Chánh Niệm. Lớp Chánh Tinh Tấn là phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, còn lớp Chánh Niệm là phải tu tập Tứ Niệm Xứ. Vì thế cần phải hiểu rõ nghĩa như sau:

1- Tu tập Tứ Chánh Cần là “ngăn” và “diệt” các ác pháp để luôn luôn “sinh” thiện tăng trưởng thiện pháp. Các con nên lưu ý những danh từ: “NGĂN” và “DIỆT"; "SANH” và “TĂNG TRƯỞNG” . Vậy ngăn và diệt; sanh và tăng trưởng là nghĩa như thế nào? Còn tu tập như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con có nhớ không?
“Ngăn” nghĩa là ngăn ngừa, ngăn chặn, ngăn cản không cho vào.
“Diệt” nghĩa là làm cho tiêu mất, làm cho chết, làm cho tiêu diệt, làm cho không còn, không tồn tại.
“Sinh” nghĩa là sinh ra, làm ra cho nhiều, sản xuất.
“Tăng trưởng” nghĩa là làm cho lớn, cho nhiều, cho mạnh.

2- Tu tập Tứ Niệm Xứ là trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu; trên thọ quán thọ...; trên tâm quán tâm...; trên pháp quán pháp để nhiếp phục tham ưu.
Các con nên lưu ý những danh từ: “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU”. Vậy quán, nhiếp phục, tham ưu nghĩa là gì? Và cách thức tu tập “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU” như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con còn nhớ không?
“Quán” nghĩa là quan sát bằng mắt; bằng sự cảm nhận.
“Nhiếp phục” nghĩa là thu phục làm cho phục tùng; làm cho đầu hàng; làm cho không còn chướng ngại pháp và ác pháp nữa; làm cho không còn phá phách; làm cho không còn đau khổ; làm cho không còn phiền não; làm cho không còn giận hờn tham, sân, si, mạn, nghi nữa“Tham ưu” nghĩa là tham muốn và phiền não, nghĩa chung là những chướng ngại pháp.

Có hiểu nghĩa rõ ràng như vậy các con mới tu tập đúng pháp thì sự chứng đạt chân lí mới nhanh chóng và dễ dàng. Các con đang hiểu sai pháp nên tu hành không đúng. Tu Tứ Niệm Xứ mà cứ tu tập Tứ Chánh Cần như trên đã nói, chỉ còn năm tháng nữa mà tu sai làm sao chứng đạo. Hãy mau mau sửa lại sự tu tập cho đúng, kẻo phí thời giờ vô ích.

Tu tập như vậy làm sao chánh pháp của Phật thường còn? Tu mà không chịu khó quan sát xem xét những giới luật mình đang thọ và giữ gìn (Mười Giới Đức Thánh Sa Di), có vi phạm giới nào không? Giới luật là đời sống phạm hạnh của người tu, là pháp ly dục ly ác pháp, thế mà các con không giữ gìn cho trọn vẹn luôn luôn vi phạm giới luật, để trở thành người phá giới, nhất là giới hạnh độc cư. Giới hạnh độc cư là giới phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi miệng, thân, ý. Các con không giữ gìn nó thì làm sao tâm ly dục ly ác pháp cho được; tu mà không giới luật thì không xả tâm chỉ biết ức chế tâm và còn để tâm dung ruổi chạy theo dục lạc ở đời; theo tình cảm của cuộc sống người này với người kia; theo các ác pháp dùng lời nói li gián, để chia rẽ, để ganh ghét, để thù hận với nhau, thì còn nghĩa lý gì là tu hành nữa. Phải không các con?

Tu mà nói chuyện người này đúng, người kia sai; tu mà còn so bì hơn thua với nhau từng chút, từng ly; tu mà đi rình ngó người này tu như thế này, người kia tu như thế kia, thì làm sao chứng đạo được các con? Nhìn thấy sự tu tập của các con mà Thầy rất buồn lòng. Buồn là nghĩ đến nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người làm sao có người dựng lại được, khi các con tu tập như vậy. Tâm Thầy lại còn xót xa hơn, khi nghĩ đến hạnh phúc của loài người trên hành tinh này quá mỏng manh, nhất là loài người không bao giờ có được hạnh phúc ấy. Hiện giờ các con là những người đại diện cho mọi người mà hiểu lầm và tu hành sai pháp như vậy. Rồi đây làm sao có người thay thế Thầy dựng lại Chánh pháp của Phật? Thầy đã già rồi, đừng ỷ lại vào Thầy. Phật sống đến 80 tuổi. Ông A Nan sống 120 tuổi, nhưng có người còn bảo Ông A Nan già lú lẫn...
Ôi! Chúng sanh ít phước, làm sao thọ hưởng được nền đạo đức ấy. Các con là những người đại diện cho muôn người, vạn triệu người trên hành tinh này như trên đã nói mà tu tập như vậy thì còn hy vọng gì nữa các con! Thầy sẽ ra đi vĩnh viễn và mãi mãi các con sẽ mất Thầy.
Còn năm tháng nữa, chứng nào tật nấy làm sao các con bỏ được tâm bỉ thử đây! Làm sao sống được đạo đức làm người sống không làm khổ mình khổ người. Tu hành mà các con luôn thấy lỗi người không thấy lỗi mình thì đạo đức gì đây! Nhìn các con tu hành lòng Thầy đau xót như ai cắt ruột.
Các con có biết không? Còn năm tháng nữa, tu như vậy làm sao chứng đạo được các con?
Một lần nữa, nếu không có người chứng đạo, Thầy sẽ ra đi! Và đi! Đi mãi!!!
Nếu còn duyên Thầy sẽ ẩn bóng viết xong bộ sách “ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI”, rồi vĩnh biệt các con. Các con ở lại mà sống với cuộc đời đầy ác pháp, đầy nước mắt và đau khổ. Chừng đó các con có nhớ Thầy, thì hãy nhớ giới luật và Tứ Niệm Xứ. Giới luật và pháp môn Tứ Niệm Xứ là thầy của các con; là ngọn đuốc soi đường cho các con đi; là chỗ nương tựa vững chắc cho đời tu hành của các con. Các con nhớ kỹ lời dạy này, đừng bao giờ quên hỡi các con?
Thấy pháp hành các con áp dụng còn nhiều chỗ chưa hiểu rõ ràng, do đó khi thực hành vào pháp xả tâm trên Tứ Niệm Xứ thì lại ức chế tâm, tu như vậy không đúng theo lời Thầy dạy. Do không hiểu đúng lời Thầy dạy nên các con tu hành thấy khó khăn và vất vả, thật đáng thương. Biết làm sao bây giờ đây, sự hiểu biết của các con có giới hạn, nên lời nói và sự cố gắng của Thầy để diễn đạt cho các con hiểu, nhưng sự hiểu của các con còn hạn cuộc trong không gian và thời gian của ý thức. Vì thế, các con chỉ hiểu ở mức độ đó, không thể nào hiểu hơn được nữa, nên cũng đành chịu thôi vậy.
Ở đây, chỗ các con đã hiểu sai về Phật pháp, nhất là về sự chứng đạo của Phật giáo. Cho nên hiện giờ quý sư, quý thầy, quý ni và quý cư sĩ đang tu theo Phật giáo đều nghĩ rằng: “chứng đạo là chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại ghê gớm lắm”. Hiểu như vậy là hiểu sai Phật giáo. Phật giáo là nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai, mà mọi người lại hiểu Phật giáo là một tôn giáo thần quyền, là một loại thiền định siêu đẳng, là một thế giới ngoài thế giới của loài người, nên kinh sách phát triển Bắc tông cũng như kinh sách Nam tông đều hướng dẫn tu tập ức chế tâm và còn nghĩ rằng: con người cần phải nhờ vào oai lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ và còn phải tu tập nhiều đời nhiều kiếp. Nhất là còn phải tạo nhiều phước báu hữu lậu như: bố thí, cúng dường xây dựng chùa, tháp, đúc chuông, tạc tượng Phật và làm từ thiện v.v... Nhưng thật sự không phải vậy.
Kinh sách Phật giáo Nguyên thủy đức Phật đã khẳng định trong bài Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Sau buổi thuyếp pháp đó, năm anh em Kiều Trần Như đều chứng pháp nhãn thanh tịnh và chẳng bao lâu đều chứng quả A La Hán. “Nghe xong bài thuyết pháp này và một bài thứ hai có đầu đề “Anttalakkhana sutta”, bàn về thuyết vô ngã (không có cái Ta), năm vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được giác ngộ và không bao lâu trở thành A La Hán” (Lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni do HT Minh Châu biên soạn trang 29).
Đọc đoạn kinh này xong chúng ta biết rằng Phật giáo không phải là pháp môn khó tu tập như thiền Yoga và thiền Tông Trung Hoa. Đối với Phật giáo chỉ cần hiểu đúng và sống đúng là chứng quả A La Hán.
Danh từ chứng đạo đã khiến cho mọi người hiểu nó qua trí tưởng tượng nhiều hơn, nên chứng đạo là chứng cái gì cao siêu và phi thường vượt ngoài tầm tay con người. Vì thế, người ta thấy nó quá khó khăn vô cùng. Tư tưởng thấy quá khó khăn cũng là một điều cản trở rất lớn trên bước đường tu tập chứng đạo.
Như đoạn kinh trên đã nói: năm anh em Kiều Trần Như nghe xong pháp và chứng quả A La Hán đâu có khó khăn gì! Vì thế, chúng ta nên xét kỹ lại các pháp đang tu tập, nhất là pháp môn Tứ Niệm Xứ thì sự chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con?
Nhưng vì mọi người đã hiểu lầm lạc. Họ đâu biết rằng: “Chứng đạo chỉ là sống với một tâm không bị dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu tác động.
Cho nên, chứng đạo không có chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại cả, chỉ là một cái tâm bình thường như mọi người, nhưng không có chướng ngại pháp nào làm cho tâm người ấy bị dao động”.
Chứng đạo không có nghĩa là chứng thần thông, phép lực cao cường, hô phong, hoán vũ, tàng hình, biến hóa, đằng vân, độn thổ, biết chuyện quá khứ, vị lai của mọi người v.v... mà chứng đạo chỉ là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
Chứng đạo chỉ là sống với tâm thanh thản, an lạc và vô sự, lúc nào cũng như lúc nào không bị kèm chế, không bị bắt buộc phải tu tập như thế này, phải làm như thế kia. Trong sự chứng đạo chỉ có một điều quan trọng nhất, đó là phải sống đúng giới luật như trong bộ sách Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống tập I đã dạy. Chúng ta phải quyết tâm buông xả đời sống nhân quả đang hiện có trong thân tâm của chúng ta.
Mục đích tu hành của chúng ta là làm chủ bốn nỗi đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh và chết, nhưng muốn làm chủ sanh, già, bệnh và chết thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng: Cái gì làm cho chúng ta bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Muốn biết rõ được điều này chúng ta hãy vào kinh Trung Bộ tập I, tạng kinh Việt Nam, trang 364, đọc Kinh Thánh Cầu mà đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỳ kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng bạc là bị sanh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.
Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị già; vàng bạc là bị già. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già.
Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh; vàng bạc là bị bệnh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh.
Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị chết? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết; gà và heo là bị chết; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị chết; vàng bạc là bị chết. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết.
Và Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu; gà và heo là bị sầu; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị sầu; vàng bạc là bị sầu. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sầu, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu.
Và Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng bạc là bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu
”.
Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy rất rõ ràng cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết, đó là sanh y, tức là những vật chất, những người thân. Những vật chất và những người thân xung quanh chúng ta gọi chung là các pháp mà chúng ta lầm tưởng những pháp đó đang phục vụ đời sống của mình và mang lại hạnh phúc, nhưng khi những vật chất đó càng nhiều hơn thì sự khổ đau cũng nhiều hơn. Những vật chất đó càng nhiều thì chính chúng ta là những người nô lệ cho những vật chất đó, đang bị chúng sai bảo và dẫn dắt chúng ta vào cảnh giới ưu bi, sầu khổ, bệnh, chết như trong kinh Thánh Cầu đã dạy ở trên và kinh Thập Nhị Nhân Duyên đã dạy dưới đây: “Có duyên sanh thì ắt phải có duyên ưu bi, sầu khổ và bệnh, chết”, và như vậy hai bài kinh đã dạy không sai khác.
Muốn thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này chúng ta hãy đọc tiếp kinh Thánh Cầu để được đức Phật chỉ đường: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh cầu?
Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Thánh cầu
”.
Sau khi đọc đoạn kinh trên đây các con có biết cách thức tu tập xả ly và từ bỏ cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu và bị ô nhiễm chưa? Nếu không biết cách thức tu tập xả ly từ bỏ sanh, già, bệnh, chết ... thì các con sẽ lầm lạc vào chỗ tu tập ức chế thân tâm, có thể dẫn đến chỗ rối loạn thần kinh như trên Thầy đã dạy.
Các con phải biết, tu hành theo Phật giáo là một sự sống bình thường, chứ lý đâu lại diệt hết ý thức phân biệt vọng niệm thiện pháp của mình. Cho nên có vọng tưởng hay không vọng tưởng đều là ý thức bình thường của mỗi con người, nhưng người tu hành sống đời đạo đức không làm khổ mình khổ người thì không chấp nhận những vọng tưởng có tính bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Vì thế khi có các vọng tưởng đó thì dùng đúng pháp của Phật đã dạy để xả ly, để từ bỏ, để đoạn diệt, không nên để nó lưu lại trong tâm dù một phút, một giây, phải đuổi đi một cách quyết liệt, một cách dũng cảm, một cách gan dạ; phải đầy đủ nghị lực chiến đấu với những vọng tưởng và các cảm thọ đó.
Tất cả những vọng tưởng đó là ác pháp, là cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Cho nên chúng ta đều phải ngăn và diệt cho tận gốc cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết này. Tu hành chỉ có làm một việc như vậy thôi, chứ có tu tập gì nhiều đâu!
Còn những vọng tưởng không sanh, không già, không bệnh, không chết thì để nó tự nhiên, có gì mà phải ngăn diệt nó. Nó là ý thức của chúng ta, nó đâu phải là chướng ngại pháp. Vậy mà các con hễ thấy niệm là diệt, là tìm mọi cách ức chế cho đừng có niệm như Pháp Bảo Đàn Kinh dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Như kinh Di Đà dạy: “...Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật...” . Như kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh ký tâm”. Đó là phương pháp tu hành của Đại thừa và Thiền tông ức chế ý thức tối đa khiến cho người tu hành rơi vào thiền tưởng. Do rơi vào thiền tưởng mới tưởng con người có Phật tánh; mới tưởng có thế giới Cực Lạc, Thiên Đường; do rơi vào thiền tưởng nên không biết đường đi đến cứu cánh, giải thoát hoàn toàn. Vì thế họ phải tự an ủi cuộc đời tu hành của mình bằng cách phải tu tập nhiều đời, nhiều kiếp.
Các con hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Thế nên, các Tỳ kheo không nên phóng dật. Ta chính nhờ không buông lung (phóng dật) mà thành Chánh Giác, vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung (phóng dật) mà có được. Tất cả vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của đức Như Lai”. Kinh Du Hành trang 207 Trường A Hàm tập I thuộc tạng kinh Việt Nam.
Các con có nghe rõ lời dạy này chưa? Lời đức Phật dạy quá rõ ràng: tâm không phóng dật tức là tâm không buông lung, hai chữ buông lung xác định nghĩa rất cụ thể: tâm không buông lung là tâm không chạy theo dục lạc và các pháp thế gian, chứ không phải tâm không niệm. Các con nên phân biệt cho rõ: Tâm không buông lung có nghĩa là ý thức không khởi niệm ham muốn cái này cái kia, còn tâm không niệm có nghĩa là ý thức không khởi niệm vọng tưởng. Ý thức không khởi niệm là pháp môn của ngoại đạo, còn Phật giáo ý thức không phóng dật, không buông lung chạy theo pháp trần, nhưng các niệm thiện vẫn còn. Vì thế đức Phật dạy: “Vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung mà có được”. Cho nên tâm không phóng dật, nhưng các pháp lành từ nơi tâm không phóng dật mà sanh ra. Đọc câu kinh này chúng ta thấy người tu hành có hết vọng tưởng không?
Tại sao tu hành chúng ta lại hiểu là phải diệt hết vọng tưởng? Diệt hết vọng tưởng để trở thành cây, đá thì còn ý nghĩa gì là sự giải thoát?
Tu là để làm chủ những sự đau khổ, để hết đau khổ, chứ đâu phải tu là làm cho chúng ta trở thành người ngu ngu, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như người mất hồn, đi thì gầm gầm không dám ngó nhìn ai, nói nói, cười cười một mình.
Tu là đem lại cho chúng ta một tâm hồn hân hoan vui vẻ, đoan trang, chánh trực, không liếc xéo, liếc ngang, không nói xấu, nói lỗi người khác, không li gián người này với người kia.
Tu là đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, thoải mái, chứ đâu phải đi cúi đầu, khom lưng, bước thấp bước cao.
Tu là tỉnh giác, nhưng tỉnh giác đâu có nghĩa là chỉ có biết cảm nhận bước đi và hơi thở ra, hơi thở vào mà thôi. Tỉnh giác là tỉnh thức luôn luôn sáng suốt nhận xét tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta một cách đúng với chánh pháp. Nếu các con hiểu đúng nghĩa như vậy thì sự tu tập đâu có sai pháp và chứng đạo đâu có khó khăn mệt nhọc gì.
Cho nên nói tu tập là nói theo tôn giáo, nhưng nói theo tôn giáo thì người ta lại hiểu tu tập là ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bắt ấn, cầu siêu, cầu an, lạy lễ hồng danh Phật để sám hối cho tiêu tai, giải tội v.v... Tu tập nói theo đời sống bình thường của con người là sửa sai những điều làm khổ mình, khổ người; sửa sai những hành động làm ác; sửa sai những điều bị ô nhiễm nghiện ngậm; sửa sai những lời nói ác, lời nói dối, lời nói li gián khiến cho mọi người mất đoàn kết bất hòa; sửa sai những ý nghĩ ác, những ý nghĩ làm hại người.
Vì sửa sai để trở thành con người tốt, con người có đạo đức. Cho nên tu theo Phật giáo chỉ có sửa sai tâm tính của mình, vì thế đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” hoặc “Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” hoặc “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Những lời dạy trên đây của đức Phật là những lời dạy để sửa sai những thói hư tật xấu của mình; để mình trở thành người tốt; người có đạo đức; người không còn thói hư tật xấu nữa; người sống luôn luôn không làm khổ mình, khổ người.
Người chứng đạo rồi cũng giống như người bình thường nhưng lại phi thường vì sanh, già, bệnh và chết không sai khiến thân tâm họ được, còn người chưa chứng đạo thì bị sanh, già, bệnh và chết tác động vào thân tâm khiến cho thân tâm bất an thường bệnh tật, phiền não, khổ đau, sợ hãi, lo lắng, thương ghét, giận hờn v.v...
Một lần nữa người chứng đạo và người bình thường chỉ khác nhau là ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Người sống bình thường chỉ cần biết đâu là con đường thiện và đâu là con đường ác và không sống theo con đường ác, chỉ sống theo con đường thiện. Người biết sống được như vậy là người chứng đạo. Cho nên chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con?
Tu đâu có nghĩa là làm thay đổi thân tâm khác thường; tu là ngăn và diệt những hành động làm khổ mình, khổ người.
Sau hai tháng tu hành xả tâm trên Tứ Niệm Xứ, trên gương mặt của quý sư, quý thầy, quý cô và quý cư sĩ nam, nữ sao không hân hoan, sao không thoải mái, dễ chịu, trông có vẻ khắc khổ lắm vậy.
Cho nên các con cần phải xác định cho rõ ràng: Tu chứng là chứng cái gì?
Như trên đã nói, đâu phải tu hết vọng tưởng là chứng đạo như Thiền Tông dạy: “Chẳng niệm thiệm niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Tu hết vọng tưởng để làm gì các con? Nó không có giải thoát bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết được, hết niệm để chạy theo dục tưởng hỷ lạc.
Đâu phải tỉnh giác là chứng đạo? Tỉnh giác chỉ là giai đoạn đầu mới tu tập tỉnh thức để phá tâm si mê, mờ mịt, vì vô minh, vì hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.
Đâu phải tu có thần thông là chứng đạo? Thần thông chỉ là một trò ảo thuật của tưởng thức để lừa đảo những người nhẹ dạ dễ tin.
Tu đâu phải ngồi thiền nhiều là chứng đạo? Ngồi thiền nhiều nhập định tưởng. Định tưởng là một loại thiền định vô sắc do tưởng uẩn tạo ra. Tu mà nhập vào thiền tưởng để làm gì? Có ích lợi gì cho mình, cho người. Xưa đức Phật nhập vào các định tưởng: Không Vô Biên Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, khi tu xong Ngài ném bỏ như ném bỏ chiếc giày rách. Có đúng như vậy không các con?
Chứng đạo là chứng ở trạng thái tâm định tĩnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, khi ý thức muốn sai bảo thân tâm làm một việc gì thì thân tâm làm theo đúng như ý.
Chứng đạo là chứng một đạo lực có Bốn Thần Túc để thực hiện Tam Minh, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Cho nên, trước khi chưa chứng đạo, những người muốn tu tập chứng đạo phải biết rõ trên đường đi đến chứng đạo. Và còn phải biết rõ sự chứng đạo lợi ích cho mình cho người như thế nào? Nếu chưa hiểu biết rõ sự lợi ích như trên đã nói thì đừng nên tu tập, vì có tu tập cũng chẳng lợi ích gì cho ai cả, còn phí sức, phí tiền của vô ích.
Đường đi đến chứng đạo là con đường Tứ Niệm Xứ. Nếu không trên pháp môn Tứ Niệm Xứ tu tập thì không bao giờ chứng đạo, nhưng trên Tứ Niệm Xứ tu tập thì phải tỉnh giác, nếu thiếu tỉnh giác thì không tu tập được. Vậy tỉnh giác như thế nào?
Khi tâm ham muốn một điều gì thì biết ngay tâm ham muốn điều đó, đó là tâm tỉnh giác. Khi biết tâm tỉnh giác được như vậy thì ý thức bảo: “Tâm không được ham muốn, ham muốn đó là ác pháp, là pháp khổ đau”. Ý thức lệnh bảo như vậy thì tâm chấm dứt ham muốn.
Khi tâm đang sân giận, ý thức bảo: “Tâm phải chấm dứt ngay sân giận, sân giận là pháp ác, là pháp đau khổ”; khi tác ý như vậy là tâm không còn sân giận.
Khi thân già yếu, ý thức bảo: “Thân vô thường, nhưng không được yếu đuối run rẩy phải quắc thước”; khi tác ý như vậy thì thân lần lần không còn yếu đuối và run rẩy, luôn luôn quắc thước.
Khi thân bị bệnh, ý thức bảo: “Thân phải mạnh khỏe, tất cả bệnh tật đều phải lui ra khỏi thân”. Lệnh của ý thức như vậy thì bệnh lần lần lui ra sạch.
Khi thân sắp chết, thở không được thì ý thức bảo: “Thân phải thở lại bình thường, không được chết”. Ý thức lệnh như vậy thì thân mạnh khoẻ và thở lại bình thường.
Khi thân đang mạnh khoẻ bình thường mà muốn chết, muốn bỏ thân này thì ý thức ra lệnh: “Hơi thở phải tịnh chỉ, từ bỏ thân tứ đại này”. Lệnh như vậy thì hơi thở lần lần ngưng hoạt động, tâm nhập vào chỗ bất động Tứ Thiền Thiên và xuất Tứ Thiền Thiên nhập vào trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự của Niết Bàn. Lúc bấy giờ tứ đại tan rã.
Trên đây là năng lực của những người tu chứng đạo, ý thức của họ hoàn toàn chủ động điều khiển sự sống chết của cơ thể họ. Cho nên người tu chứng đạo làm chủ sự sống chết, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Do làm chủ sự sống chết tự tại như vậy, nên mọi người ai cũng quyết tâm tu cho bằng được, nhưng lại tu sai, rơi vào chỗ ức chế tâm.
Theo Phật giáo tu chứng đạo không có khó khăn, nhưng vì không hiểu biết rõ ràng pháp tu hành nên trở thành khó khăn như trên đã nói.
Tu khó sao đức Phật tu tập chỉ có 49 ngày chứng đạo? Tu khó sao Thầy tu có sáu tháng rưỡi chứng đạo? Tu khó sao năm anh em Kiều Trần Như nghe bài pháp Tứ Diệu Đế và bài pháp vô ngã liền chứng pháp nhãn thanh tịnh và tu tập không bao lâu chứng quả A La Hán.
Phật pháp đâu phải khó tu, chỉ vì chúng ta nhận lầm pháp hành nên tu sai.
Cho nên muốn tu tập theo Phật giáo thì những gì cần thông hiểu phải thông hiểu cho rõ ràng (giác ngộ) về các pháp hành và nhận ra cho được trạng thái chân lý, đó là điều cần thiết mà mọi người tu hành nên lưu ý. Vì thế, đức Phật dạy: “Nên thân cận thiện hữu tri thức”. Nhờ có thân cận thiện hữu tri thức chúng ta mới hiểu rõ các pháp hành và chân lý. Khi hiểu rõ các pháp hành là chúng ta biết cách thức sống để hộ trì chân lý. Sống để hộ trì chân lý thì đâu có cái gì để tu. Không có cái gì để tu thì có cái gì khó. Phải không các con?
Nói tu tập là nói theo tôn giáo, chứ Phật giáo nói tu tập là nói sống không làm khổ mình, khổ người. Sống không làm khổ mình khổ người là hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý. Người nào biết sống hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý là không hiểu sai Phật pháp. Còn ngược lại tu khác sống khác là không hiểu Phật pháp, nên tu tập gần chết mà không chứng đạo. Người hiểu đúng chỉ cần sống biết xả các chướng ngại pháp là chứng đạo.
Trong thời đức Phật còn tại thế, khi người ta nghe Phật thuyết pháp xong là chứng pháp nhãn thanh tịnh. Chứng pháp nhãn thanh tịnh rồi từ đó họ biết cách sống, luôn luôn xả những chướng ngại pháp để giữ gìn và bảo vệ chân lý, nhờ đó chẳng bao lâu họ chứng đạo.
Dưới đây Thầy sẽ trích dẫn ra những đoạn kinh Phật thuyết mà người nghe xong liền chứng các quả A La Hán.

PHỤ LỤC 1 ĐỨC PHẬT THÍCH CA VỀ THĂM GIA ĐÌNH

“Thân phụ đức Phật, vua Suddhodana (Tịnh Phạn) bây giờ đã già yếu, nghe tin đức Phật đã thành đạo và đang thuyết pháp ở thành Rajagaha (Vương Xá). Vua rất nóng lòng được gặp lại con. Vua liền phái sứ giả Rajagaha (Vương Xá), thỉnh cầu đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình. Nhưng các sứ giả của Vua đến Vương Xá, được nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia làm Tỳ kheo và chứng quả A La Hán. Vị sứ giả thứ 10 là Kaludàyi, vốn là người bạn thân của đức Phật, lúc Ngài còn là Thái tử. Ông này đến Vương Xá, nghe Phật thuyết pháp cũng xin xuất gia và không bao lâu chứng quả A La Hán như chín vị sứ giả trước. Kaludàyi không quên chuyển tới đức Phật lời phụ vương mời đức Phật về thăm gia đình. Đức Phật nhận lời, lên đường cùng với đông đảo đệ tử”. (Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 35 do HT Minh Châu biên soạn) Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy rất rõ ràng chỉ cần nghe Phật thuyết giảng xong là các vị quan trong triều vua liền bỏ xuống hết danh, lợi, cha mẹ, gia đình, vợ con, của cải, tài sản, quan chức v.v… để được theo Phật xin xuất gia. Chứng tỏ giáo pháp của Phật rất thực tế về đời sống con người, nói về khổ và nguyên nhân sinh ra khổ của kiếp người, đó là một sự thật không còn ai phủ nhận được, đúng là 100/100, nên khi nghe Phật thuyết pháp xong thì các quan liền buông xuống hết, theo Phật tu hành và chẳng bao lâu đều chứng quả A La Hán.

Trên đây là các quan chứ không phải là tu sĩ Bà La Môn đã có tu. Vậy khi nghe pháp và chứng đạo chỉ có một thời gian rất ngắn. Như vậy pháp Phật tu hành đâu có khó khăn gì. Phải không các con?

Chỉ một bài kinh này cũng đủ xác định: Chứng đạo đâu phải khó khăn và thời gian chứng đạo đâu có lâu dài. Có đúng như vậy không các con?

PHỤ LỤC 2 ĐỨC PHẬT VÀ PHỤ VƯƠNG SUDDHODANA

“Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua Tịnh Phạn, quần thần và dân chúng đón tiếp long trọng. Được nghe đức Phật thuyết pháp.
Vua chứng ngay Sơ quả (Tu Đà Hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai (Tư Đà Hàm) , còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả. Lần thứ ba đức Phật giảng kinh Dhammapala Jataka cho vua cha và vua cha chứng Thánh quả thứ ba (A Na Hàm). Sách kể rằng: sau này trên giường bệnh vua cha được đức Phật về thăm và giảng pháp. Lần nghe pháp cuối cùng này, vua chứng quả A La Hán. Và sau bảy ngày tận hưởng lạc thú giải thoát, vua qua đời vào năm đức Phật tròn 40 tuổi.” (Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 36 do HT Minh Châu biên soạn). Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy một người già như vua Tịnh Phạn khi nghe Phật thuyết pháp xong sống biết buông xả ly dục ly ác pháp liền chứng Sơ Quả; khi nghe bài pháp thứ hai liền chứng Nhị Quả; khi nghe bài pháp thứ ba liền chứng Tam Quả và lần nghe pháp cuối cũng đức Vua liền chứng quả A La Hán và nhập Niết Bàn. Như vậy Phật pháp đâu phải khó tu.
Tu khó là do các con chịu ảnh hưởng của Đại thừa và Thiền Tông, cứ lo tu tập ức chế ý thức cho hết vọng tưởng, nên tu khó và tu mãi chẳng đi đến đâu.
Thấy người xưa buông xả quá dễ dàng, còn ngày nay Thầy khô cổ giảng dạy sách tấn khích lệ các con buông xả:

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!

Các con không dám buông xả nên từ năm này đến năm khác tu cứ giậm chân tại chỗ. Nhất là các con lại hiều sai sự chứng đạo của Phật, nên có gắng ức chế tâm cho hết vọng tưởng như trên đã nói. Thành ra tu tập cho tới bây giờ mà chưa có người nào chứng quả A La Hán. Quả A La Hán, tu tập đâu có khó khăn như các đoạn kinh trên đã dạy. Thầy sẽ chứng minh thêm một phụ bản nữa để các con thấy sự chứng đạo của đạo Phật không có khó khăn.

PHỤ LỤC 3 ĐỨC PHẬT VÀ RAHULA (LA HẦU LA)

Rahula (Hán dịch La Hầu La) là người con trai độc nhất của đức Phật, khi đức Phật còn là Thái tử. Lần đầu tiên đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình, sau ngày thành đạo, Rahula lên 7 tuổi, được mẹ và dì Gotami trực tiếp nuôi dưỡng, săn sóc. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Rahala được chấp nhận vào tăng đoàn, và được đức Phật giao cho ngài Xá Lợi Phất trực tiếp dạy dỗ.
Một trong những bài kinh nổi tiếng, đức Phật đích thân giảng cho La Hầu La sau khi La Hầu La xuất gia, là kinh Ambalatthika Raluhovada sutta, trong đó đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tánh trung thực, của sự phản tỉnh để trừ diệt mọi ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, bất chánh..
Nhờ luyện tập pháp tu định niệm hơi thở, theo lời chỉ dẫn của đức Phật, và sau khi nghe giảng kinh Cula Rahulovada, Ngài La hầu La chứng quả A La Hán. Ngài qua đời trước Phật và Xá Lợi Phất.
Trong “Trưởng Lão Tăng Kệ”. Sau khi Ngài chứng quả A La Hán, Ngài có hai bài kệ như sau:
"Nhờ ta được đầy đủ
Hai đức tình tốt đẹp
Được bạn có trí gọi
La Hầu La may mắn
Ta là con đức Phật
Ta lại được pháp nhãn
Các lậu hoặc đoạn tận
Không còn có tái sanh
Ba minh ta đạt được
Thấy được giới bất tử

Đối với La Hầu La qua đoạn kinh trên chúng ta thấy La Hầu La có nghe pháp, có tu tập, rồi có chứng đạo, nhưng chứng đạo cũng không có khó khăn, thời gian cũng không lâu.
Như vậy trong thời đức Phật người nào được nghe Phật thuyết pháp rồi quyết tâm từ bỏ ly dục ly ác pháp và cuối cùng người nào cũng chứng quả A La Hán hết chỉ có những người nghe pháp rồi bỏ qua không chấp nhận và không thiết tha xả bỏ tham, sân, si, mạn, nghi thì không bao giờ chứng đạo được.
Muốn tu chứng đạo mà đời không dám bỏ thì tu làm sao chứng được.
Trong bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống tập II Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa sống không nhà cửa không gia đình”. Đây là những giới luật đầu tiên cho người mới xuất gia theo Phật giáo. Người mới xuất gia là người phải buông xả sạch đời sống thế gian. Cho nên những người nghe pháp xong liền xin Phật xuất gia thì không bao lâu họ sẽ chứng quả A la Hán, chính là do họ buông xả sạch đời sống thế tục.
Mười vị sứ giả của vua Tịnh Phạn sai đến mời Phật về thăm cố đô, nhưng khi gặp Phật nghe pháp liền xin xuất gia theo Phật tu hành không cần đến danh lợi, tiền của, vật chất, gia đình, vợ con, quan cao chức lớn. Có xả tâm như vậy mới có chứng quả A La Hán một cách dễ dàng và chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi Để kết luận những lời tâm huyết này, Thầy xin nhắc các con, hãy nên lưu ý pháp tu Tứ Niệm Xứ “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu; trên thọ quán thọ...; trên tâm quán tâm...; trên pháp quán pháp để nhiếp phục tham ưu”. Bài kinh dạy như vậy nhưng rất nhiều người hiểu sai thành thử chia pháp môn Tứ Niệm Xứ thành ra bốn pháp tu tập. Cho nên có trường thiền chuyên tu QUÁN THÂN; có trường thiền chuyên tu QUÁN THỌ; có trường thiền chuyên tu QUÁN TÂM; có trường thiện chuyên tu QUÁN PHÁP.
Đây là một cái sai của các nhà học giả tu hành chưa tới nơi mà dám chia pháp môn Tứ Niệm Xứ, rồi đem dạy người tu tập thật là tội nghiệp.
Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn xả mọi chướng ngại trên thân tâm, cho nên nó mới được gọi là nhiếp phục tham ưu. Nhưng khi quán thân là đã có quán tâm, quán thọ và quán pháp.
Khi ngồi tu Tứ Niệm Xứ là không tu gì cả, chỉ ngồi chơi như người vô sự.
Người vô sự thì tâm họ ở đâu? Đã vô sự thì ý thức quán thân nó, chứ nó ở đâu?
Quán thân không có nghĩa là nó đang tư duy suy nghĩ, quán ở đây có nghĩa là nó tỉnh giác cảm nhận toàn thân tức là nó đang quan sát thân. Cho nên thân nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; tâm nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; thọ nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; pháp có chướng ngại gì thì nó liền biết. Nhờ biết đó mà nó dùng pháp như lý tác ý đuổi đi các chướng ngại ra khỏi bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Khi các chướng ngại ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp thì ý thức lúc biết thân, lúc biết thọ, lúc biết tâm, lúc biết pháp. Khi nó đang quán như vậy thì các con đừng tác ý khởi niệm, nếu khởi niệm là tâm các con đang phóng dật. Mục đích tu tập của TỨ NIỆM XỨ là tâm không phóng dật. Chỉ khi nào trên thân, thọ, tâm và pháp có chướng ngại pháp thì mới tác ý xả, còn không chướng ngại thì không tác ý. Các con đừng hiểu lầm xả từng niệm trong tâm, đó là các con tu sai pháp Các con nên lưu ý cách thức QUÁN TỨ NIỆM XỨ, nếu không lưu ý các con sẽ quán sai thành ra quán ức chế tâm, chứ không phải quán Tứ Niệm Xứ.
Pháp môn này đức Phật tu tập 49 ngày đêm là chứng đạo. Thầy sáu tháng rưỡi chứng đạo. Ông Châu Lợi Bàn Đặc cũng do tu tập phá p môn này mà chứng đạo.
Vì thế, trước khi nhập Niết Bàn đức Phật đã di chúc lại cho người đời sau:
“Hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm Thầy, đừng lấy ai làm thầy; làm ngọn đuốc soi đường, làm chỗ nương tựa vững chắc”.
 Còn năm tháng nữa chúc các con chứng quả A La Hán để không phụ lòng Thầy mong đợi.

Thân thương chào các con.

Kính ghi,

Thầy của các con.

BÀI THỨ NHẤT : DẠY TU SINH NAM NỮ CHUNG

Hôm nay ở đây lớp chúng ta Thầy đã chọn được 10 người, còn những người mới vào sau đều là dự khuyết. Nhưng trong số 10 người Thầy đã chọn không thật tin lời Thầy. Thầy xin nhắc lại lời đức Phật, không tin Thầy tức là không tin đức Phật, bởi Thầy dạy hoàn toàn trong kinh sách của Phật, Thầy không đặt ra một điều gì mới của Thầy, mà đức Phật đã xác định điều đó rất rõ ràng “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Thấy cái gì? – Thấy sự giải thoát. Thấy sự giải thoát là chứng đạo. Giải thoát là chứng đạo. Thế mà chúng ta không chịu chứng đạo, cứ chạy loanh quanh trong ác pháp mà không chịu bỏ xuống. Vậy làm sao chứng đạo? Khi đức Phật tuyên bố “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy” nghĩa là không phải đợi một, hai, ba, năm... ngày để chứng đạo mà thấy cái gì? – thấy sự giải thoát. Mà thấy sự giải thoát là chứng đạo. Quý vị cứ nghĩ coi đức Phật nói đúng không hay đức Phật nói láo?
Khi Thầy tuyên bố lớp này sẽ tu chứng quả A-la-hán, thế mà quý vị không tin Thầy đâu, cứ cho là tu rất khó. Khó là tại quý vị tu khó, chứ thật sự không khó. Đức Phật nói ngũ triền cái thế nào? – tham, sân, si, mạn, nghi.
Mọi con người đều đủ 5 triền cái này hết, không có người nào thiếu 5 triền cái này. Cho nên đức Phật xác định “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, thấy sự giải thoát thì đức Phật xác định như thế nào? Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham. Tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham. Đó là pháp để mà thấy. Tâm tôi có sân tôi biết tâm tôi có sân. Tôi biết tôi chứ ai biết tôi hơn. Quý vị nghĩ coi có đúng không. Tâm tôi không sân tôi biết tâm tôi không sân. Như bây giờ tâm tôi có sân đâu.
Quý vị biết rất rõ ràng, không ai mà không biết. Tâm tôi có si tôi biết tâm tôi có si. Bây giờ có ai buồn ngủ không. Không có buồn ngủ thì có si chỗ nào.
Tâm tôi có mạn tôi biết tâm tôi có mạn. Bây giờ quý vị biết quý vị có mạn hay không mạn. Tâm tôi có nghi tôi biết tâm tôi có nghi. Mình nghi người này, nghi người kia, nghi người nọ như vật rõ ràng mình biết chứ ai đâu biết được, nhưng nghi là ác pháp. Nghi đem đến khổ mình khổ người mà sao lại nghi? Tại vì mình muốn ác pháp. Đạo Phật xác định rõ ràng ai cũng biết.
Tâm mình lúc nào có thì mình biết, nhưng có thì mình ngăn, mình diệt, đừng để ác pháp đó, đừng để tâm đó thì làm sao không giải thoát. Mình đã biết thì ngay đó buông xả liền.
Thế mà Thầy nói thì ai cũng nghĩ tu chứng quả A-la-hán khó. Quý vị ngồi đây nhiếp trong hơi thở, ngồi đây để nhiếp tâm ức chế tâm bằng cách này cách khác, ngồi đây giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, quý vị điên đảo như vậy.
Đức Phật đâu dạy chúng ta lìa con người của chúng ta để chứng đạo. Chúng ta là con người bình thường, đâu cần tu gì đâu. Thầy nói ngồi chơi để làm gì? - Để thấy được 5 triền cái lúc đó chúng ta có hay không. Không có thì mặc nó chứ mình cần gì phải tu tập. Vậy thì trong khi không có ngũ triền cái thì có chứng không? Có giải thoát không hay chúng ta phải tu mới có giải thoát, hay phải vào một trạng thái nào đó mới là giải thoát. Đức Phật không dạy chúng ta điều đó. Trong cái chứng chúng ta tu tập ở đây quá cụ thể rõ ràng, nhưng quý vị muốn giải thoát hay không muốn. Muốn giải thoát mới về đây tu tập với Thầy. Bỏ hết cuộc đời của mình rồi, không còn ham thích gì nữa hết, chỉ còn 3 y một bát. Cái gì cũng bỏ hết mà ngũ triền cái không chịu bỏ. Năm màn ngăn che không chịu bỏ. Biết triền cái rõ ràng. Nghi thì biết nghi, sân thì biết sân thế thì sao không chịu bỏ.
Đức Phật nói “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, tức là đến để mà chứng sự giải thoát rất rõ ràng. Nhưng quý vị có tha thiết nhiệt tâm xả những triền cái này không hay là nuôi nó. Quý vị tự biết. Quý vị nghĩ phải nhiếp tâm trong hơi thở, trong thân hành này kia, rồi quý vị đi kinh hành, đi thân hành niệm. Đó là lúc đầu của người mới vào tu chứ không phải lúc bây giờ quý vị ngồi tu cái đó đâu. Bây giờ còn ôm pháp tỉnh thức chánh niệm đi kinh hành này kia, làm cái đó là làm sai.
Ở đây người nào tin Thầy thì Thầy biết, người nào không tin Thầy cũng biết, bán tin bán nghi Thầy cũng biết. Các con nên nhớ Thầy chọn người để đào tạo họ chứng quả Alahán để nói lên tiếng nói của Phật pháp là pháp của Phật thực tế, tu rất dễ dàng, không lâu chứng đắc. Chín năm trời giam mình trong thất Thầy tu chẳng ích lợi mà chỉ 6 tháng ngồi tựa cửa lại thấy được mình giải thoát. Tâm làm gì mình thấy rất rõ, tâm mình 5 triền cái hiện ra cái nào mình cũng biết hết, không cái nào không biết. Mà biết như thế rồi mình theo nó sao, nuôi dưỡng nó sao? Trong khi mình bỏ hết cuộc đời này mà không bỏ tham sân si mạn nghi sao? Nó xẩy ra cái gì cũng biết hết. Tham cái gì? Tham đi chơi, tham nói chuyện... rõ ràng mình biết mình hết chứ. Rồi tham danh, tham lợi, tham này kia đủ loại. Ai cũng biết 5 triền cái, nhưng tại sao mình biết cái đó là ác pháp, lại không dừng? Pháp Thầy tu dạy sai sao?
Thầy có dạy ngoài lời Phật dạy đâu? Đức Phật đã xác định pháp một cách rất rõ ràng.
Sức của Thầy chỉ dạy 20 người, không thể hơn 20 người bởi vì pháp Phật cụ thể rõ ràng như vậy mà các con tu tập không đúng. Giới luật thì vi phạm phá hạnh độc cư. Trong mấy người Thầy chọn, các con muốn dự lớp này thì lẽ ra từ ngày Thầy chọn vô lớp cho đến nay, các con phải không đi nói chuyện với ai hết. Nghĩa là Thầy tuyên bố thời gian của mấy con là 7 tháng chứng đạo thế mà các con đợi cho tới ngày khai hạ Thầy giảng cho các con thì chừng đó các con mới cố gắng. Lẽ đáng ra, ngay từ lúc đầu tiên Thầy sắp lớp cho các con rồi, các con phải giữ hạnh thì may ra mới thấy kết quả các con tu tập chứ; đằng này các con cứ chạy tới, chạy lui, chuyện này chuyện nọ đủ hết.
Các con bỏ cuộc đời vô đây để làm gì, để tìm sự giải thoát hay để làm gì đây? Thầy cực, các con cực, đàn na thí chủ cực, người ta bỏ tiền bạc, hạt cơm cúng dường, mọi người trong nhà bếp cực. Người ta lo bữa ăn cho mình thế mà pháp Phật thực tế như vậy tại sao chúng ta tu như vầy? Chúng ta làm sai, hay Phật dạy sai, hay Thầy dạy sai? Ai cũng là con người cho nên trên trời dưới trời con người là duy nhầt làm chủ sanh già bịnh chết. Chỉ có con người biết.
Chỉ có con người hiểu. Chúng ta hiểu đây là tham, chúng ta biết rõ như thật nhưng tại sao chúng ta không chịu xả. Chúng ta biết tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham tại sao không bỏ cái tham? Tại sao bỏ hết cuộc đời được mà tham lại không chịu bỏ?
Hôm nay Thầy nhắc lại cho các con thấy muốn tu thì phải tu cho đàng hoàng, người nào nghi ngờ thì cứ ra khỏi Tu Viện; Thầy không mời, không gọi các con về đây tu đâu. Các con đến với Thầy thì Thầy thêm cực mà các con đi thì Thầy khỏi cực. Người nào không muốn tu thì cứ đi về. Tin thì quyết tâm tu thật, làm thật, ăn chắc nói chắc, làm cho thật sự giải thoát, còn nghi ngờ thì chưa được. Thầy không ép các con ở lại theo Thầy tu. Các con tu, các con giải thoát chứ không phải Thầy. Thầy chỉ cực khổ với các con thôi chứ không có gì lợi ích cho Thầy. Danh Thầy không màng, lợi Thầy không ham. Với mục đích dựng lại nền đạo đức cho loài người sống không làm khổ mình khổ người mà Thầy mở các lớp học, Thầy viết kinh sách từ bao lâu nay. Những người tu thật tu thì Thầy sẽ hướng dẫn họ chứng đắc quả Alahan. Các con hãy nói cho Thầy nghe người chứng quả Alahan là như thế nào, trạng thái chứng quả Alahan ra sao. Các con có biết không mà đâm nghi lời Thầy.
Một cái gì Thầy tuyên bố ra đều có bằng chứng trong kinh sách của Phật hẳn hòi. Có lời dạy của đức Phật hẳn hòi. Thầy xin nhắc lại đức Phật nói “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, tức là đến với pháp Phật mà chúng ta quyết tâm tu, nhiệt tâm tu thì chúng ta có giải thoát, được chứng đạo ngay thời điểm đó tức khắc; không phải đợi 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng mới chứng đạo, mà chứng đạo ngay từ giờ phút đó. Nếu một người quyết tâm suốt 7 năm sống như vậy, xả 5 triền cái như vậy, ngày nào cũng nỗ lực xả tâm như vậy, thì đâu cần đến 7 năm, đâu cần đến 7 tháng, đâu phải 7 ngày mà chỉ Nhất Dạ Hiền. Như vậy tu tập đâu phải khó, đến là chứng đạo rồi vì “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Các con thấy chứng cái gì?
Chứng tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham, tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham.
Bây giờ tôi biết tâm tôi không tham, tâm tôi không sân, tâm tôi không si, tâm tôi không mạn, tâm tôi không nghi. Chỗ đó không phải là chỗ Phật sao, không phải là chỗ Alahan sao. Các con xét coi trong tâm các con các con có 5 triền cái không? Ngay bây giờ thôi. Không tham sân si mạn nghi là quả Alahan ở chỗ đó chứ đâu phải ở chỗ 3 Minh. Đức Phật đâu cần thứ 3 Minh đó.
Nhưng tâm không có 5 triền cái thì 3 Minh là cái chẳng giá trị gì. Đâu phải tu để cầu 3 Minh, đâu phải tu để cầu nhập định; nhưng tu nhắm ở chỗ bất động để giải thoát, ở chỗ 5 triền cái không tác động được thân tâm chúng ta. Chỗ đó là chỗ giải thoát. Tại sao các con cứ chạy lòng vòng đi tìm. Các con cho giải thoát là đợi cho các con nhập được 4 thiền, đợi cho các con có được 3 Minh, trong khi một phút một giây của tâm không có 5 triền cái này lại không giữ.
Lúc thì chạy đi nói chuyện đầu này, lúc thì đi nói chuyện đầu kia. Cái đó là cái gì? Đó không phải tham sao? Tại sao các con không thấy. Bỏ hết cuộc đời vào đây tu để cầu giải thoát mà các con hành động như vậy, tu như vậy thì cầu giải thoát cái gì? Các con trả lời cho Thầy nghe các con đúng ở chỗ nào.
Lời đức Phật dạy “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, rồi kế đó giải thích “tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham; tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham. Tâm tôi có sân tôi biết tâm tôi có sân; tâm tôi không sân tôi biết tâm tôi không sân. Tâm tôi có si tôi biết tâm tôi có si; tâm tôi không si tôi biết tâm tôi không si. Tâm tôi có mạn tôi biết tâm tôi có mạn; tâm tôi không mạn tôi biết tâm tôi không mạn. Tâm tôi có nghi tôi biết tâm tôi có nghi; tâm tôi không nghi tôi biết tâm tôi không nghi". Đức Phật giải thích pháp rõ ràng, Ngài dạy bài đó trên 5 triền cái.
Vậy thì hôm nay chúng ta đến đây tu thì cũng ngay trên điểm 5 triền cái những lời Phật dạy mà tu thì có gì đâu khó khăn. Các con cứ đổ thừa nghiệp nặng nên hôn trầm nhiều; ngũ triền cái tham sân si mạn nghi là tại nghiệp nặng. Vậy ai trên đời này không nghiệp. Không nghiệp làm sao có thân này.
Thân này là thân nghiệp chứ là gì. Người nào cũng có thân, Phật cũng có, Thầy cũng có, đi mà vấp cục đá thì người nào cũng đau chứ có ai không đau?
Hôm nay Thầy đọc lại danh sách trong số Thầy đã chọn lựa: cô Huệ Ân, cô Từ Đức, Mỹ Thiện, Hương Từ, Nguyên Thanh, Từ Hạnh, Mỹ Linh, Hải Tâm, Diệu Quang, Liễu Châu. Mặc dù Liễu Châu không có mặt ở đây nhưng có ghi danh trong này. Còn bên nam thì Chơn Thành, Minh Nhân, Từ Quang, Thanh Quang, Pháp Châu, Thiện Thảo, Chí Thiện, Minh Nghĩa, Mật Hạnh, Thanh Trí. Trong 20 người này ai không trọn niềm tin với pháp của Phật “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, quý vị nghi và nghĩ rằng nghiệp mình nặng không thể tu được thì quý vị tự rút lui, Thầy không ép Đừng làm quý vị khổ mà Thầy cũng khổ, khổ công trong những ngày tu tập. Có tu cũng chẳng kết quả gì được vì quý vị đang nghi nghiệp mình nặng.
Ở đây không có tu thử. Phật pháp không dạy chúng ta tu thử mà dạy chúng ta tin thì làm không tin thì thôi. Tín lực là hàng đầu. Không bao giờ chờ có một người tu được thì quý vị mới tu, còn không có người tu được thì quý vị nghỉ vì quý vị đã bỏ tất cả nhà cửa, sản nghiệp, công ăn việc làm, thậm chí cả thân mạng cũng không nghĩ đến. Chúng ta ăn ngày một bữa còn gì nữa mà nghĩ đến thân mạng; ăn không cần ngon, không cần mập, không cần béo. Có một vị sư đến đây một thời gian nhưng sau khi về lại chỉ mấy bữa mà mặt mập tròn thì biết rằng người này tu như thế nào. Chắc các con cũng thấy vị đó.
Thầy rất đau lòng, sống ở đây bao tháng trời mà sau khi trở về dục vẫn cám dỗ lôi vào đường ăn uống được. Đạo Phật xác định rất rõ mục đích giải thoát; một người tu mà còn chạy theo dục ăn uống thì mục đích giải thoát chỗ nào. Người ta gầy còn bằng que tăm mà còn chưa xả được cái ngã của mình huống hồ mình mập ú lên thì mấy người đó làm sao tu được. Cho nên ở đây tu thật, làm thật.
Có tin thì tu không tin thì thôi.
Những lời Thầy dạy là hoàn toàn của Phật, Thầy không đặt ra một pháp môn nào mới hết, mà Thầy căn cứ vào những gì đức Phật đã xác định từng chút rõ ràng. Chúng ta là những người bỏ đời để vào đạo chứ không phải đến đây để tu cầm chừng, để tu lấy có, để tu thử. Phật pháp từ xưa đã có người tu làm chủ và hiện giờ cũng có người tu làm chủ được, chứ không phải nói chơi, nói suông.
Đứng trước cảnh dục thì làm sao không biết tâm mình có dục hay không có dục. Có dục thì ngăn diệt chứ đâu được để. Phật đã dạy điều đó. Tâm mình có sân biết tâm mình có sân, đâu điên khùng gì mà để tâm mình sân, không ngăn, không diệt? Còn thấy mình không đủ khả năng ngăn diệt, mình không đủ nhiệt tâm, còn thương yêu tham sân si mạn nghi, còn nuôi dưỡng nó, không nỡ diệt nó thì tu làm gì? Thầy thường kêu gọi các con khi một người lầm lạc thì thương người đó vì họ chưa biết cách xả tâm, chưa biết cách tu cho nên họ còn lầm lạc. Bây giờ chúng ta đã biết cách rồi mà chúng ta còn lầm lạc sao.
Trước mặt chúng ta ai cũng là con người thì đều là đáng thương, không đáng ghét. Tại sao chúng ta muốn dìm người này xuống, dìm người kia xuống, muốn nói nặng người này, muốn chửi mắng người kia. Là con người với nhau cần phải thương nhau chứ. Một con vật nhỏ tí ti chúng ta còn thương xót, một cây cỏ chúng ta còn thương xót thì nỡ lòng nào chúng ta mạt sát nhau từng chút!
Vì danh ư ? vì lợi ư ? Một người tu theo Phật biết thương chứ không biết ghét.
Chúng ta biết lỗi mình mà không biết lỗi người. Đó mới là tu theo đạo Phật.
Còn đằng này các con thấy lỗi người, lúc nào cũng thấy người có lỗi, mà chẳng tự thấy mình. Thấy người có lỗi là mình có lỗi rồi.
Hôm nay Thầy nhắc nhở để các con thấy trên con đường tu tập của chúng ta không phải khó, nó không có khó chút nào hết. Một người nhiệt tâm, quyết tâm thì chỉ cần trong một tuần lễ là họ chứng đạo. Tại các con chưa biết quyết tâm nên chưa chứng đạo. Nếu các con biết từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 7 giữ không cho có mặt tham sân si mạn nghi nào lén vào trong đầu chúng ta được, không có tác động vào thân tâm các con được thì các con đã giải thoát rồi. Đâu cần gì phải tu lâu. “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, trong suốt 7 ngày các con hộ trì và bảo vệ trạng thái bất động đó. Chúng ta đâu dùng trạng thái đó để giữ gìn nó mà chúng ta hộ trì bảo vệ bằng cách không cho 5 triền cái xâm chiếm nó. Còn các con thì nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự rồi cố gắng giữ tâm thanh thản an lạc vô sự. Cái đó các con tu đúng hay sai. Hở một chút liền có tham sân si, như vậy đúng hay sai? Đi kinh hành cố gắng tập trung trong bước đi rất kĩ lưỡng, rất tỉnh thức hoàn toàn không niệm, cái đó đúng hay sai? Cái đó là để cho người sơ cơ mới vào tu tập, chứ không phải người đã nhận pháp trên 4 niệm xứ để xả tâm mình để ngăn diệt 5 triền cái.
Các con thấy khó nữa không? Ai thấy khó thì cứ ra khỏi Tu Viện. Điều đó cho thấy các con biết mình rất rõ. “Tuy Phật nói vậy nhưng tôi tu không nổi”. Thầy mừng vì thấy các con biết các con rất rõ. Các con biết các con còn thương tham sân si mạn nghi; còn thương nó, còn nuôi dưỡng nó, còn thích cuộc sống của thế gian ăn uống ngủ nghỉ, vui chơi thoả thích, đi đây đi đó, thì không nên ở trong lớp của Phật. Tại sao vậy? Đức Phật lìa xa tất cả những cái đó, bởi những cái thích đó là những cái đau khổ mà các con không chấm dứt được thì các con nên về để thoả thích. Chừng nào đến mức độ quá khổ rồi thì hãy đến tu tập. Bây giờ còn ham thích thì hãy vui chơi với nó đi, chạy theo nó đi. Người nào còn thích nó, không dám bỏ nó, không dám buông nó thì hãy sống theo nó đi; rồi một thời gian không còn thích nó nữa thì hãy theo Phật mà tu, theo pháp Thầy dạy mà tu. Còn đang thích thì thôi, đừng nửa đời nửa đạo không ích gì, đừng bắt cá hai tay: đời không muốn bỏ mà đạo muốn ôm vô thì không được. Đây là hai con đường nghịch. Bỏ cái này mới được cái kia, bỏ cái kia mới được cái này. Không thể đi một lượt cả hai cái được. Muốn giải thoát thì phải đi đúng con đường giải thoát chứ không thể đi hàng hai được.
Những người quyết tâm tu thì thử hỏi mình được dạy chung như thế này không hay phải được dạy từng người. Đúng vậy, dạy chung chẳng ai tu được.
Muốn đào tạo họ để họ chứng đạt chơn lí, được giải thoát hoàn toàn thì chỉ có thầy trò truyền nhau cách thức để xả tâm. Còn nói chung chung các con nghe rồi các con chỉ biết nói như con chim học nói. Đi đến đâu cũng nói tu như vậy, làm như vậy sẽ được giải thoát. Nhưng các con chưa được gì hết tại vì các con học nói. Cho nên Thầy tự nghĩ lớp này đã 20 người thì mình phải kêu từng người để mình dạy. Nếu Thầy dạy công khai chung như vầy, ai cũng nghe hết thì họ có tin tưởng mình đâu. Bởi vì trong số người trước mặt Thầy có tin Thầy hết đâu thì Thầy dạy họ chỉ mất công thôi chứ ích gì. Thầy có nói thì họ cũng không tu được.
Còn người nào tin Thầy, khi Thầy nói bây giờ tu như vậy vậy, phải làm như vậy vậy thì người đó nhiệt tâm tu. Họ nghe lời Thầy, tin Thầy không một chút nghi ngờ Thầy. Cũng như hiện giờ người ta tin Phật nhưng người ta không làm theo Phật dạy giải thoát cho nên cái tin đó chưa hẳn là tin. Còn các con tin theo Thầy, lời Thầy nói các con làm đúng theo thì giải thoát sẽ có chứ sao. Còn bán tin bán nghi, cứ tu theo kiểu mình nghĩ, làm theo kiểu mình ưa, do đó Thầy có dạy gì đi nữa cũng chẳng đi tới đâu. Bởi vì các con đã hơn Thầy thì các con sẽ thích làm theo kiểu của các con. Nếu các con nghĩ mình hơn Thầy thì các con đã làm chủ sự sống chết chưa, các con có bất động trước các ác pháp chưa. Khi các con bị nói những điều mà các con không có thì các con có bất động không hay bực tức, phiền não; người ta mạt sát các con bằng cách này, bằng cách khác thì có bực tức không. Nếu các con còn bực tức thì chưa xả được tâm. Còn không thấy bực tức mà thấy nó là sai, thấy nó là ác pháp thì các con cần gì phải sân. Cho nên một người tu chứng thấy quá rõ ràng. Ở đây có nhiều người mắng Thầy, chửi Thầy rất nhiều nhưng Thầy đâu phiền giận họ mà Thầy rất thương họ, không bao giờ ghét. Thấy họ rất tội.
Thầy nói thẳng nói thật họ đã hiểu. Qua những điều kiện trong Tu Viện các con thấy Thầy không bao giờ nói một chuyện gì. Thầy biết tất cả đều do nhân quả. Thầy đã dạy các con học nhân quả.
Thầy nhắc lại, 5 triền cái rất quan trọng, hầu hết các con đều bị lưới vây trong 5 triền cái. Biết rất rõ nhưng không chịu xả, không chịu buông mà đổ thừa tại nghiệp của mình.
Thầy tuyên bố cho các con nghe một lần nữa: Ở đây không nên thu hình, không nên quảng cáo lớp học chúng ta bởi lớp học này là lớp chứng quả Alahán. Bây giờ chúng ta quảng cáo ở lớp này tu chứng Alahan mà cuối cùng không ai chứng thì mình nói láo với người khác, cho nên Thầy không cho.
Chừng nào chúng ta có người tu chứng hẳn hòi thì chừng đó các con đưa lên mạng hay đưa lên đâu cũng được, cho mọi người biết bởi vì mình nói và mình đã làm được. Còn chưa có người tu chứng thì khoan đã, hãy chờ đợi. Các con hãy chờ đợi, không lâu đâu.
Trong lớp chúng ta hiện giờ, 20 người của lớp hãy giữ hạnh đi xin ăn.
Theo Thầy thiết nghĩ cô Liên Châu trợ giúp cho mình một thời gian. Thầy xin 20 khẩu phần cho 20 người cho đến khi nào cơ sở của cô thành lập xong thì cô sẽ rút về ngoài đó nuôi dưỡng số tu sĩ ngoài đó. Còn ở đây mình sẽ tổ chức sự sống của tu sinh. Thầy không muốn trong Tu Viện có tổ chức nhà bếp. Khi Thầy vô bếp thấy Phật tử cúng dường rau cải tươi quá nhiều. Thầy rất lo vấn đề đó. Nếu có nơi nào bên ngoài nấu thì chúng ta đưa cho họ, mướn một người lo đời sống cho các tu sinh để cô Út Diệu Quang được rảnh rang. Thầy mong cô Diệu Quang dự lớp này cố gắng tu tập đem lại kết quả. Cô cũng quyết tâm.
Nhưng quyết tâm không phải ngay bây giờ là giải thoát mà phải có thời gian để chúng ta diệt 5 triền cái. Điều kiện bắt đầu từ ngày khai hạ cho đến ngày chúng ta hoàn thành được tâm bất động thì không giờ phút nào chúng ta không ngăn diệt 5 triền cái, nghĩa là không cho chúng xâm chiếm thì thời điểm đó đối với chúng ta sẽ không lâu, bởi vì “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, thấy sự giải thoát hoàn toàn và kéo dài sự giải thoát đó thì nó không lâu. Nếu ai gan dạ thì sẽ làm được, và Thầy tin rằng ai cũng muốn được giải thoát, ai cũng muốn được an vui chắc chắn mọi người trước mặt Thầy người nào cũng làm được, người nào cũng đủ khả năng làm.
Ở đây không học, không chép, không ghi, không làm bài nữa mà chỉ cần các con ý thức được 5 triền cái để xả. Làm bài là chỉ ở lớp Chánh Tư Duy, tập xả theo trường lớp đào tạo và giáo dục của chúng ta để đi đến chứng quả Alahan. Còn ở đây là lớp cấp tốc, không chờ đợi vì chúng ta đã tu nhiều năm tháng ở đây rồi, người nào cũng đã từng trải nếm mùi cay đắng ở đây rồi, người nào cũng biết rõ tham sân si mạn nghi của mình nhiều rồi. Pháp của Phật từ 4 loại định: Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Vô Lậu, tất cả các thầy ở đây đều rõ hết, đều có tập luyện qua hết rồi, trừ những người mới vào chưa biết thì mấy người đó còn thọ Bát Quan Trai, còn tập theo kiểu Bát Quan Trai. Còn những người Thầy đã ghi tên đều đã biết hết rồi, chỉ cần nỗ lực tu, chỉ cần sống đúng cách, chỉ cần quyết tâm nhiệt tâm xả bỏ 5 triền cái thì ngày thành tựu viên mãn của các con không xa.
Ngay từ lúc đầu các con đã giải thoát thì tới ngày cuối cùng 7 ngày, 7 tháng cũng y như vậy thì làm gì mà các con không giải thoát.
Đó là quyết định của Thầy ngày hôm nay nếu khi vào lớp này rồi mà người nào đi tới đi lui nói chuyện thì bị cho ra khỏi lớp. Những người nào có ghi tên thì ôm bình bát đi xin ăn như đức Phật ngày xưa để Thầy đào tạo họ chứng quả Alahan. Trong 20 khẩu phần này có khẩu phần của cô Diệu Quang, cô vẫn đi xin ăn như mọi người, mặc dù cô lo cho khách tham quan và những người ở tu trong tu viện không nằm trong danh sách 20 người mà Thầy đã xin cô Liên Châu, có khẩu phần ăn hằng ngày đầy đủ.
Trong số 20 người này nếu có người nào tu không được, xin Thầy rời khỏi Tu Viện thì Thầy cho họ về. Khi người đó về thì khẩu phần của người này sẽ được trả lại cô Liên Châu chứ Thầy không để phần đó cho khách tham quan hay người mới vào sau. Thầy đã xin cho người tu thì Thầy làm đúng chứ không làm sai. Nếu chỉ còn 10 người thì Thầy chỉ giữ lại 10 khẩu phần và trả lại cô Liên Châu 10 khẩu phần của những người đã rời Tu Viện. Nếu quả chăng chỉ còn một người trong lớp này thì Thầy trả lại 19 khẩu phần và tiệm cơm chay cũng sẵn sàng mang một khẩu phần đó vào, nhưng người đó phải quyết tâm tu, Thầy muốn lập hạnh cho đúng. Còn phần những khách tham quan đến đây, dự thính, dự khuyết thì hiện giờ Thầy không xin cho các con vì Thầy không ghi các con vào danh sách khoá tu này. Các con chỉ được nghe, được hiểu, được biết, được học để mà tu. Nếu có dịp mở những khoá khác chừng đó các con được dự vào. Bây giờ chỉ 20 người và Thầy tin tưởng rằng Thầy sẽ đào tạo họ chứng quả Alahan. Chỉ cần một người được Thầy đào tạo chứng quả cũng là tiếng nói của Phật giáo. Càng ít, Thầy càng khoẻ, Thầy chăm sóc càng kĩ, đệ tử của Thầy sẽ chứng đạo không khó khăn.
Thầy tuyên bố cho các con hiểu rằng pháp của Phật không phải tu lâu mà Thầy từng nói như đức Phật đã nói 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Nhưng sự thật không phải 7 năm mà 7 tháng, nếu một người quyết tâm nhiệt tình thât sự thì 7 tháng chứng đạo không hề khó, qua kinh nghiệm 6 tháng của Thầy. Những cái gì tu sai bỏ xuống hết, không dùng được chút nào hết. Đừng nói Thầy tu theo thiền Đông Độ, rồi tu theo Đại Thừa nhiếp tâm lọt vào định tưởng thế này thế khác nhờ đó tu xả tâm mới dễ. Không phải đâu. Thầy đã chiêm nghiệm điều đó cho nên Thầy biết con đường tu của Phật. Một người bình thường chứ không phải một người có tu bị vấp té nhiều lần, mà nỗ lực nghe lời Thầy dạy, tin tưởng lời Thầy dạy họ cũng chỉ 7 tháng thôi chứ không phải 7 năm.
Các con tu theo Phật mà bán nghi bán tin thì Thầy không biết làm sao.
Những lời của Phật dạy, những gì Thầy đã ghi chép ra, rõ ràng là lời của Phật dạy, không có gì mới mẻ của Thầy. Chỗ Thầy bảo các con sẽ chứng quả Alahán là Phật đã bảo “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Chắc các con bảo đến để mà thấy chút thôi rồi đâu cũng vào đấy chứ gì? Như vậy làm sao gọi là Nhất Dạ Hiền, làm sao nói là 7 ngày, làm sao nói là 7 tháng, làm sao nói là 7 năm. Các con đừng hiểu đơn giản quá vậy. Bây giờ chúng tôi yên ổn nhưng lát nữa chúng tôi giận ầm ầm chúng tôi đánh lộn thì như vậy có nghĩa lí gì gọi là tu theo Phật. Đã hiểu Phật rồi, đã thấy sự giải thoát rồi, thì luôn từ ngày các con thấy giải thoát cho đến khi chúng ta hoàn tất được sự thấy này, chứ đâu phải lúc thấy vầy, lúc thấy khác. Các con đã học rồi mà các con có làm đúng lời Phật dạy không? Vậy từ lâu nay các con tu cái gì, nói xả là xả cái gì? Bây giờ các con đã hiểu chưa? Thầy nói rất mệt nhọc, nhưng không biết các con có thực sự tiếp thu lời Thầy nói không? Nếu không tiếp thu thực sự thì các con tu theo Thầy làm gì? Thầy nói rất rõ, thậm chí Thầy còn đặt câu hỏi “chứng Alahán là chứng cái gì?”. Người nào nghĩ chứng Alahan như thế này thế khác, nói lên cho Thầy nghe, coi các con đúng hay sai, rồi các con dẫn chứng cái nào mà Phật dạy cái đó cho Thầy thấy.
Ở đời người ta tu thì có cái bắt đầu và có cái sau cùng, chứ đâu chỉ tu ở bước đầu hoài, nghĩa là bắt đầu chúng ta tu như thế nào và cuối cùng tu như thế nào. Các con lấy quả Alahan sau cùng mà nói người chứng Alahán phải có 3 Minh, phải có thần thông, phải có lục thông, phải nhập định, phải ngồi thiền 7, 8 ngày; một tháng, hai tháng... Các con chỉ lấy cái đuôi mà không biết cái đầu thì các con tu cái gì đây? Đầu ra sao, đuôi ra sao; phải hiểu cách thức đầu mình tu như thế nào, đuôi tu như thế nào. Ở đây đầu đuôi phải y như nhau, không phải đầu khác đuôi khác. Nhưng cái dụng của cái đầu và cái dụng của cái đuôi khác nhau. Lục thông, tam minh đều là cái dụng của tâm bất động, chứ đâu phải là cái chứng. Chứng đạo không phải vậy. Chơn lí chứng đạo là trạng thái Diệt Đế của tâm bất động chứ đâu phải là tam minh, lục thông. Các con lấy cái dụng làm kết quả thì hoàn toàn sai mất. Các con hiểu Phật theo kiểu của các con, hiểu cái dụng mà không hiểu mục đích giải thoát, cho nên các con nói khó quá. Bây giờ các con không cần có thần thông thì đâu khó, có nghĩ đến điều đó đâu mà chỉ nghĩ đến tâm mình bất động không ác pháp, không có tham sân si mạn nghi, không có dục vào đó thì đó là giải thoát. Cho nên cái hiểu của các con bị lệch lạc. Các con nói Phật có dạy người chứng quả có Tam Minh, Lục Thông, biết từ kiếp này tới kiếp này... Các con nói toàn dụng thôi BẬC BA MINH DẠY TU CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC mà không biết chỗ giải thoát là gì. Không lẻ người đó tu xong rồi tối ngày cứ ở trên trời bay qua bay lại làm như chim kên kên, chim quạ vậy sao, hay tàng hình biến hình thành cóc nhái sao, hay là phóng hào quang lên làm gì đây.
Cái dụng đó để làm gì, người tu đó trở thành bóng đèn hay sao, tối ngày bật lên cho sáng. Hiểu như vậy thì hiểu tu chứng để làm cái gì?
Thầy nói để các con hiểu đừng lấy cái dụng mà nói đó là kết quả giải thoát của các con. Đó là cái dụng của tâm bất động chứ không phải là kết quả của quả Alahan ở chỗ đó. Đức Phật xác định rất rõ: mục đích của đạo Phật là chỗ bất động tâm trước ác pháp và các cảm thọ. Mà ngay từ lúc đầu chúng ta đã bất động rồi, ác pháp tác động chúng ta có được đâu. Chúng ta bắt đầu rồi:
Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, Thầy nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu Phật nói đó.
Hôm nay lớp học được khởi sự cho chúng ta và đồng thời lớp này Thầy giữ nguyên số 20 người này. Ai tin thì theo Thầy tu, ai không tin thì Thầy cho các con rút tên ra. Người nào dự khuyết mà Thầy thấy nhiệt tâm Thầy sẽ cho vô thay thế. Ở đây Thầy cho khai hạ mùa năm nay và không biết mùa hạ nào chứng đạo thì mới ra thất, còn chưa chứng đạo thì quyết ở trong đó. Người nào cũng tha thiết muốn làm chủ sự sống chết của mình thì phải có quyết tâm.
Người nào thấy không được thì xuất thất ra. Trong 20 người này Thầy sẽ hướng dẫn họ đầy đủ, họ sẽ chứng đạo. Và chứng đạo để tiếng nói của Phật giáo trong thời đại của chúng ta ở lớp chúng ta có 20 người đều tu chứng.
Các con không vì một tâm nhỏ mọn nào mà các con phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trên sự tu chứng. Các con có tâm ganh tị thì ngay đó các con rời khỏi lớp tu này vì tâm các con không tốt. Còn các con biết thương nhau, biết sự tu tập kéo dài thời gian này, sống trong thời gian này không phải là chuyện dễ, các con giúp đỡ thương yêu để nâng đỡ nhau đồng lên để các con cùng nhau có một tiếng nói chung là Phật pháp có người tu chứng. Đây là lời nói thật. 20 người này chứng minh cho sự nói thật của chúng ta.
Ở đây chúng ta nói tâm bất động của chúng ta, chúng ta không cần nói cái dụng bởi tâm chúng ta tròn đầy thì cái dụng sẽ tự có đầy đủ tất cả. Ở đây các con phải biết để các con tu tập, các con biết thương nhau trên con đường tu.
Các con bỏ hết, đâu có ăn phi thời; các con bỏ hết, đâu có vui chơi nói chuyện; thậm chí như cả quần áo các con đang có, các con cũng không cần thay đổi bộ nào. Từ đây cho đến khi chứng đạo không cần thay đổi áo quần nào cả. Có bấy nhiêu các con thấy đủ, chứ không cần có nhiều bộ quần áo. Chỉ một bộ đang mặc trong người là đủ 3 y một bát cho đến ngày các con chứng đạo, không cần thêm.
Đó là quyết định của các con, Thầy chỉ là người khích lệ, sách tấn hướng dẫn cho các con tu. Thầy là người hướng đạo, Thầy là người cầm đuốc soi đường cho các con đi. Còn đi hay không là quyền của các con. Ở đây pháp của Phật như thật, nghĩa là tâm các con như thế nào thì biết như thật, không còn ai che đậy được nữa đối với các con.
Các con nhớ rằng lớp của các con là lớp quyết định phải đạt được kết quả của sự tu tập. Ít ra cũng phải được một hai người, không dưới. Các con tự lượng sức của các con. Thầy cố gắng hết mình giúp các con tu tập. Người nào Thầy cũng thương. Mặc dù các con có nói Thầy như thế nào đi nữa Thầy vẫn thương. Đối với Thầy không có người nào Thầy ghét. Các con nói Thầy sao lúc nói qua, lúc nói lại, Thầy chẳng thành vấn đề. Hôm nay Thầy nói như thế này, ngày mai Thầy nói như thế khác chưa hẳn Thầy nói trật với mục đích của nó. Các con cứ nghiệm xét lời của Thầy. Không bao giờ Thầy nói trật, nhưng Thầy có thay đổi biến chuyển từng kế hoạch, từng nhân quả đang diễn biến, nhưng mục đích chính của nó không bao giờ Thầy trật. Lời nói của Thầy bao giờ cũng giữ đúng cốt lõi của nó nhưng thay đổi cho phù hợp theo nhân quả đang diễn biến.
Hiện giờ thì thời điểm nó như vầy nhưng ngày mai hay chốc nữa nhân quả diễn biến, Thầy phải làm sao khéo léo linh động để giữ cái lớp này cho được xây dựng để tiếng nói của nền đạo đức sống không làm khổ mình khổ người được dựng lại. Không chứng minh được nền đạo đức thì còn gì nữa. Lúc nào cũng hờn giận, cũng phiền não thế này, thế kia, làm khổ mình làm khổ người thì nền đạo đức đó ích lợi gì cho ai, để làm gì trong khi những người đại diện cho loài người lúc nào cũng khích bác chống đối nhau, có đúng không?
Không đúng thì dẹp đi chứ để làm gì, có tu được không. Các con là đại diện cho con người trên hành tinh này mà các con làm không được thì những người kia có làm được không? Chắc cũng không được. Cho nên dẹp lớp này đi cho rồi, Thầy còn khoẻ hơn, sống thanh thản an lạc một mình có phải sướng hơn không. Thầy tự tại, muốn chết muốn sống lúc nào cũng được, bịnh đau đâu có làm gì Thầy được. Riêng Thầy thì được an lạc rồi, còn các con chưa thoát khỏi thì có ăn nhằm gì Thầy đâu. Thầy thương Thầy dựng, mong các con thực hiện được mà các con không làm được, các con còn mang tâm tham sân si trong lòng, ganh tị tị hiềm này nọ đủ thứ thì đó là lỗi của các con chứ đâu phải lỗi Thầy. Thầy dạy các con phải xả bỏ, từ bỏ, ngăn chặn, diệt; các con không nghe, các con muốn nuôi dưỡng nó thì các con chịu lấy hậu quả đau khổ chứ Thầy có trật lúc nào đâu. Nếu các con còn mang một tâm tham sân si ác pháp như vậy thì Thầy đào tạo không được, Thầy dẹp lớp, kinh sách Thầy cũng dẹp, đạo đức Thầy bỏ, không bao giờ phổ biến đạo đức này, mặc dù sách Thầy viết thực tế cụ thể. Ðời khổ là do nghiệp của người ta, Thầy cố gắng kê vai chuyển nghiệp cho họ mà chuyển không nổi là tại họ. Mọi nguời cùng đi với Thầy chứ đâu phải một mình Thầy đi mà cho các con được bình an. Cả bao nhiêu người trên hành tinh này cùng đi với Thầy thì mọi người mới được bình an, chứ bây giờ có một mình Thầy đi mà mọi người không chịu đi thì Thầy đi cho ai đây.
Tốt hơn Thầy đi vào nơi an bình.
Các con nghe rồi suy ngẩm xem mình tu nổi hay không, người nào tu không nổi thì xin rút lui, còn người nào quyết một là chết hai là chứng đạo thì ở lại với Thầy. Một là Thầy trò đồng độc cư, hai là các con sẽ chứng đạo như Thầy. Đừng tự ti mặc cảm mình không tu nổi. Những người ngồi trước mặt Thầy ai cũng tu được, bởi pháp Phật dễ chứ không khó, dạy cho chung ta cụ thể rõ ràng. Tham thì mình biết tâm mình tham, chứ nó lộ tướng tham mình không biết sao. Sân là tức giận trong lòng mình làm sao không biết. Tướng si là buồn ngủ hôn trầm thùy miên mình biết chứ sao không và cách thức phá mình cũng biết rồi, đâu có người nào không biết, rồi ngã mạn của mình mình cũng biết, ai động tới mình thì mình sân, rồi mình thèm ăn cái này cái kia, đó là cái tà mạng chứ chánh mạng mình đâu có. Cái mạng đều hiện qua các tướng tham dục này kia mình thấy quá rõ. Còn nghi, các con thấy rõ ràng không nghi cái này thì cũng nghi cái kia, nghi người này nghi người kia.
Huynh đệ của mình mà mình nghi cái gì. Từ cái nghi đó mà đưa đến cái thiếu đoàn kết cái chia lìa. Cho nên trong cuộc đời chúng ta tu được hay không được gì, thiếu đoàn kết thì nền đạo Phật làm sao dựng lại được. cái nghi là cái quan trọng, nó làm chúng ta li gián, nó làm chúng ta tức giận nhau, nó làm chúng ta chia lìa nhau.
Đó là điều chúng ta cần xả thật sạch chứ không phải ngồi thiền nhập định, không phải Định Niệm Hơi Thở gì cả nhưng những phương pháp đó đều trợ giúp chúng ta để chúng ta xả những ác pháp. Nó trợ giúp chúng ta chứ không phải pháp đó đưa chúng ta đi đến cứu cánh. Trợ giúp chúng ta để đem lại sự bất động.
Trong giai đoạn này các con còn gặp các huynh đệ từ xa đến chứ khi khai hạ quyết tử tu thì không còn gặp ai nữa, một là chết, hai là chứng đạo, không còn gặp, không còn nói chuyện với ai. Nếu có ai đến đây xin gặp thì Thầy bảo họ đi về, ở đây không cho tiếp khách. Ở đây khép mình vô khoá tu rồi. Tóm lại khi Thầy đã khai hạ, các con bắt đầu vào thất tu rồi thì kể từ ngày đó sắp lên không còn tiếp khách nữa. Cho dù khách là ai cũng không tiếp nữa. Nỗ lực để cứu mình trước đã rồi sau đó mới cứu những bạn bè, những người thân của mình. Bây giờ đây là quyết định chứ không còn kéo dài chuyện này đến chuyện kia nữa.

BÀI THỨ HAI : DẠY BỐN TU SINH NAM

(Ngày 23-2-2006)

Hướng dẫn căn bản NGỒI QUÁN THÂN TRÊN THÂN THEO TỨ NIỆM XỨ. Muốn ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các con phải nhớ kĩ câu đức Phật dạy trong Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, nghĩa là các con hít vô thở ra nhưng cảm nhận cảm giác toàn thân. Đó là giai đoạn đầu, còn bây giờ các con đã rành rồi thì các con tác ý như thế này “Tâm quay vô nhìn thân, quan sát thân của mình”, rồi bắt đầu các con lắng, yên lặng thì các con thấy nó quay vô, tức là nó quay vô. Các con đã làm như vậy chưa?
- Dạ chưa.
- Bắt đầu tu tập thì các con nhắc câu theo Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, tức là mình cảm nhận toàn thân trong khi nương vào hơi thở. Cái này các con đã tập chưa?
- Dạ đang tập.
- Vậy được rồi. Bây giờ các con chỉ tác ý “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”. Tác ý xong các con ngồi yên lặng thì thấy nó nhìn, nó cảm nhận liền, tức tâm quay vô; nó quay vô tức là nó không còn phóng dật nữa. Mình chỉ truyền lệnh chứ mình không nói câu như người mới tu trong Định Niệm Hơi Thở. Các con cứ nhắc thì thấy cái tâm mình quay vô. Khi nó quay vô thì nó tỉnh thức trên thân liền. Nhưng các con cần khéo léo khi nhắc “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, nếu thấy bụng của mình co, phình xọp thì các con đừng tập trung ở đó. Các con cần cảm nhận thân mình mà lại tập trung vào chỗ đó thì sẽ bị kẹt. Cho nên nếu chỉ sai một chút xíu thì sẽ đi vào chỗ ức chế tâm. Vậy cần phải tránh cái sai này.
Bây giờ các con đã nhớ thì các con hãy ngồi xuống hết. Đầu tiên vô các con ngồi xuống, tác ý “cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, xong nhắc tiếp câu “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”, rồi ngồi yên lặng để thấy tâm quay vô nhìn thân.
Nếu quên thì nhắc lại lần nữa “Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp” . Trong thời gian đó con nương vào hơi thở mà cảm nhận trên toàn thân.
Ngồi phải giữ tư thế ngồi cho đúng. Chân kiết già; lưng thẳng, không khòm, không nghiêng; đầu thẳng, không cúi; mắt mở một phần ba, nhìn xuống trước mặt cách khoảng độ 5, 7 tấc, đừng nhắm mắt; tay để tự nhiên trên gối, trước hai chân hay trên gót chân sát bụng. Các con kiểm soát lại xem đã đúng chưa, thoải mái không? Đoan trang chánh hạnh chưa? Các con giữ yên lặng và kiểm soát thân trong 3-5 phút. Các con có thấy được thân các con từ đầu cổ xuống hai vai và lưng, ngực, bụng, hai vế, cẳng chân, bàn chân đang kiết già; nghĩa là các con cảm nhận và thấy toàn bộ thân của các con. Bây giờ các con làm sao giữ cho hình ảnh thân các con qua cảm nhận và thấy đó được cụ thể rõ ràng trong tâm đúng với thực tế, đó là các con thấy thân như thật. Giữ thân bất động, không nhúc nhích động đậy chỗ nào hết trong vài phút nữa, các con cảm nhận và thấy thêm những gì? Toàn thân các con từ mông lên ngực bụng đầu đều có rung động đẩy lên nở ra khi hít vào và khi thở ra thì thu trở về, xẹp xuống lại. Các chuyển động rung động đó lan truyền nhè nhẹ xuống hai chân kiết già. Nói chung toàn bộ thân đều có rung động theo hơi thở. Các con cảm nhận thấy thân, cảm nhận thấy sự rung động của thân. Tất cả đều rõ ràng, cụ thể. Đó là các con đã “Quán thân trên thân”, nương vào hơi thở để thấy sự rung động của thân trên thân.
Khi tu Định Niệm Hơi Thở, các con nương theo hơi thở vô hơi thở ra để cảm nhận sự rung động này của thân. Bây giờ tu quán thân trên thân theo Tứ Niệm Xứ, các con lấy tâm để quan sát thân trong tác động của hơi thở; tâm có niệm hay không có niệm không quan trọng; đừng quên cảm nhận toàn thân của mình. Nếu quên thì nhắc lại câu pháp hướng lần nữa. (“Tâm quay vô nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp”) Có bấy nhiêu đó thôi. Đến chừng vào lớp, Thầy sẽ kiểm lại một lần nữa.
Các con lưu ý đừng quên quan sát cảm nhận thân nương vào hơi thở.
Đây là mình tập quan sát thân thọ tâm pháp của mình. Vừa biết thân vừa biết cảm nhận hơi thở, đừng mất biết thân, đừng mất cảm nhận hơi thở, dù mình biết có niệm, biết không niệm. Đây là lúc mình tập quán thân trên thân, chứ chưa diệt niệm khắc phục tham ưu. Chưa quán được thân mà lo diệt niệm nữa thì không được.
Nương theo đề mục 4 của Định Niệm Hơi Thở để tập cho tâm quay vô để quán. Tập cái này trong vòng một tuần cho quen. Tâm quay vô nó quán tức quan sát. Tâm tỉnh thức trên thân hành của nó. Khi quay vô quen rồi thì mình chỉ vừa tác ý, nó liền quay vô. Khi quay vô thành thục rồi thì chừng đó mình mới sử dụng để xả các niệm. Chứ mới đầu mà mình xả các niệm lia lịa thì nó động, mà động thì sức cảm nhận, sức tỉnh của mình bị mất rồi không cảm nhận thân hành được. Mới vô chưa cảm nhận cụ thể thân của mình, mới tu chỉ 2, 3 phút, có khi còn quên, mà thấy có niệm lo xả niệm, thấy có cảm thọ lo xả cảm thọ, không chịu để cho tâm của mình quen cảm nhận là vội quá, không đúng.
Đức Phật nói “Trên thân quán thân”, “Trên tâm quán tâm”, “Trên thọ quán thọ”, “Trên pháp quán pháp”. Tập quán trước đã. Chưa quán được thì chưa dùng nó để xả cái gì hết, chưa khắc phục tham ưu đâu. Phải quán được rồi mới tập khắc phục tham ưu. Mình phải tu từng bước, chứ mới nhào vô mà nghe nói “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” rồi khắc phục tham ưu liền thì đâu được. Phải qua nhiều bước. Tu từng bước thì mới vững vàng, mới ổn định. Vừa quán vừa nhiếp thì cái quán của mình chưa thuần, đang còn lúc ra lúc vô, lúc được lúc mất, chưa chủ động được, rồi mình phải cố gắng để nhiếp thành ra bị ức chế.
Đây là tập tỉnh thức trên cái quán. Tu Tứ Niệm Xứ là tập quán thân, thọ, tâm, pháp. Quán là ngầm tỉnh thức trên đó. Sau đó dùng pháp tác ý cho tâm quay vô, vừa quay vô là nó quán liền để tỉnh thức trên đề mục quán thân.
Rồi mới tới giai đoạn xả, tức là giai đoạn nhiếp phục tham ưu. Nghe câu kinh thì có vẻ đơn giản: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Nghe dường như làm một lượt vừa quán vừa nhiếp phục, nhưng mình phải ngắt làm hai bước, tu tập từng bước cho nó dễ. Bước đầu mình phải tập quán sát trên pháp tỉnh thức; sau khi thấy tỉnh được rồi thì tới bước thứ hai mới bắt đầu nhiếp phục tham ưu, tức là giai đoạn tỉnh thức được rồi thì mới tới giai đoạn nhiếp. Phải tu từng giai đoạn.
Hôm nay Thầy dạy cho các con phần căn bản để thời gian tu được thu ngắn lại, không còn dài nữa. Khi quán được rồi, tới cách thức nhiếp phục thì Thầy sẽ trao pháp tiếp. Tham ưu tới thì mình nhiếp. Khi các con tỉnh thức quán được rồi thì ít bị chướng ngại, tức ít bị trạng thái tham ưu, mà nếu có thì mình nhiếp. Quán chưa được, quán mà không tỉnh thì bị chướng ngại, bị hôn trầm, thùy miên. Đó là những trạng thái tham ưu, chướng ngại. Khi không tỉnh thì quên, quán không được, do vậy vọng niệm mới xen vô. Sức tỉnh chưa có mà đánh lung tung thì phải dậm chân tại chỗ thôi.
Bây giờ nhận ra đúng pháp rồi, vậy các con về thất tu tập. Các con thấy từ lâu các con đã có khả năng quán thấy tâm quay vô. Khi cảm giác toàn thân thì cái tâm quay vô cho nên nó thấy cái bụng phình lên xẹp xuống. Nhưng bây giờ các con đừng có tập trung vào chỗ bụng đó nữa mà phải thấy từ chân lên đầu. Đi qua bụng cũng thấy phình lên xẹp xuống như thế nhưng các con đừng có đứng lại ở chỗ bụng; đứng lại ở đó các con gom tâm tới đó rồi cứ thấy bụng phình lên xẹp xuống, các con sẽ bị sanh tưởng. Mà nếu đứng hẳn ở hơi thở thì bị tưởng hơi thở, lại cũng sai. Các con cứ thấy hơi thở khắp toàn thân; hít thở, hít thở... Hơi thở cứ lên xuống, lên xuống. Phải khéo như vậy đó.
Cảm nhận tức là cái tâm của mình gom lại, quay vô quan sát từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Nó không đứng ở chỗ nào cả. Nếu nó đứng lại ở bụng thì thấy bụng phình lên xẹp xuống. Thầy sợ các con sai lắm. Sợ các con đứng ở bụng. Phải nhớ hễ tỉnh thức trên thân của mình thì không những thấy hơi thở ở chỗ bụng phình lên xẹp xuống, mà còn thấy nó chạy xuống tới dưới chân nữa. Cứ đi lên đi xuống như thế, không đứng lại ở điểm nào mà phải thấy khắp toàn thân. Đấy, phải nhận xét cho kỹ ở điểm này để tu tập chứ không khéo trật một chút là trật hoàn toàn liền.
Nếu có niệm nào hay nếu tâm tập trung trên một nơi ở đâu thì phải đem tâm trở về quán toàn thân, đừng cho tâm trụ ở một điểm nào, có niệm khởi hay không có niệm khởi thì cũng được, không sao. Bây giờ chỉ mới tập cho tỉnh thức trên thân chứ chưa phải tới giai đoạn xả niệm, hay nhiếp phục tham ưu nên không quan trọng có niệm hay không niệm; cũng không tìm cách khắc phục cho không niệm. Tập sao để khi vừa thấy có niệm thì tâm quay lại cảm nhận thân để tỉnh thức trên thân. Mà khi quay lại quan sát thân kĩ lưỡng, niệm không có, chỉ nương theo biết hơi thở, nhờ sự động dụng của hơi thở vô ra đó mà nó thấy từ trên đầu xuống tới dưới chân hay từ dưới chân lên đầu, nghĩa là cảm nhận toàn thân cùng lúc, toàn bộ từ trên xuống từ dưới lên. Tập làm sao cho tâm cảm nhận được cái thân, không trụ ở hơi thở cũng không trụ ở bụng hay ở mũi hay ở mỗi hành động của thân thì đó là mình đạt được rồi. Luôn luôn có sự nhẹ nhàng quan sát từ dưới chân lên đầu từ đầu xuống chân, tức nó đang quán, đang tập quán. Làm sao thấy nó quan sát cái rung động, chuyển động của toàn thân chứ không phải chạy theo hơi thở lên xuống, cũng không phải dẫn hơi thở chạy lên xuống, không phải dẫn hơi thở đi chỗ này chỗ khác, mà nó quan sát toàn thân theo nhịp của hơi thở.
Bây giờ chỉ tập ngồi quan sát thân, thọ, tâm của mình theo hơi thở. Khi đã thành thục thì mới đổi oai nghi như đi quan sát thân, thọ, tâm của mình; đứng quan sát thân, thọ, tâm của mình; nằm quan sát thân, thọ, tâm của mình. Tập từng oai nghi để rồi ráp lại, chứ mình không thể nào giỏi mà tập cùng lúc tất cả 4 oai nghi được. Tập từng hành động cho đến khi quen. Tập tỉnh thức trong mỗi hành động đó cho được, rồi mới bắt đầu mở cuộc chiến đấu để dẹp giặc sanh tử của mình.
Bây giờ các con chưa đánh mà chỉ tập quan sát mặt trận. Quan sát cho quen mặt trận để biết cách giặc đi như thế nào, ở chỗ nào cho hoàn chỉnh.
Biết cho hoàn chỉnh trên mặt trận Tứ Niệm Xứ, tức là con làm sao để biết toàn thân hành trong suốt thời gian một hay hai giờ. Quan sát tức quán trong khi rất tỉnh, rồi sau đó mới tới diệt tham ưu, tức là làm cho ưu phiền hết.
Không ưu phiền thì nhiếp thân vô trong hơi thở.
Tập quán thân mà các con cứ nhiếp vào hơi thở là do các con tập nhiếp vào hơi thở thành thói quen. Vậy thì các con tập buông hơi thở ra, chỉ tập trung quan sát trên thân như Thầy mới chỉ dẫn. Khi quan sát thân thì nó nhẹ nhàng, không còn nhiếp ở hơi thở hay ở đâu khác nữa. Thí dụ nếu nhiếp vào bụng thì nó chỉ còn biết cái bụng phình lên xẹp xuống mà nó quên cái chân, quên cái đầu. Nếu nhiếp vào hơi thở thì nó quên cái thân, quên cái bụng, chỉ còn biết hơi thở ra vô. Còn nếu nhiếp phục tham ưu là nó nhiếp phục những cái gì làm cho thân tâm của mình bị chướng ngại. Nhiếp là làm cho nó hết.
Đó là các con nhiếp để tâp trung gom tâm là không đúng với quan sát cảm giác, cảm nhận toàn thân. Không đúng “quán thân trên thân”.
Vậy thì các con làm sao để cảm nhận liên tục trên thân hành của các con, chứ đừng có lúc vô lúc ra. Các con cố gắng tập đừng nhiếp vào hơi thở hoặc nơi bụng thì sẽ cảm nhận toàn thân liền. Nhiếp vào toàn thân là đúng, quay về toàn thân là đúng, đó chính là quán thân. Nếu nó đi ra khỏi thân mà tự động nó nhớ, nó quay về, tự động nó kéo trở về lại thân thì để như thế. Quay về biết toàn thân là đúng rồi.
Phải mở mắt mà tập quán, đừng nhắm mắt. Nhắm mắt thì đến khi nhiếp tâm và an trú vừa được nó lại sanh tưởng, phải mất công đuổi, mà đuổi thì ta bị mất niệm của biết thân, mất sự quan sát thân. Quán thân là tập tỉnh thức trên thân, sau này kéo dài cái biết thân để được định tỉnh trên thân.
Nghĩa là từ quán thân đi đến tỉnh thức; từ tỉnh thức mới đi đến định tỉnh.
Phải đi mấy giai đoạn mới định tỉnh. Định tỉnh thì tâm nhu nhuyến dễ sử dụng. Tức là mình đi đường Tứ Niệm Xứ, khỏi đi qua góc độ của Một Pháp Độc Nhất.
Các con tập cảm nhận sự rung động như trong pháp Thân Hành Niệm “Cảm giác thân hành, tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành, tôi biết tôi thở ra” mà đức Phật đã dạy. Nghĩa là khi hít vô ta thấy có sự rung động nhẹ nhàng. Đó là hành trong toàn thân theo hơi thở. Trong bài Thân Hành Niệm dạy về hơi thở đức Phật xác định rõ cảm giác thân hành toàn thân.
Khi mình hít vô hay thở ra cảm thấy có sự rung động là cảm nhận trên hành động của toàn thân chứ không phải là cảm nhận một khối toàn thân. Nếu cảm thấy toàn thân như một khối cứng mà thiếu sự rung động của cái khối thì sau này có thể bị tưởng thành một khối nặng, rồi cảm giác nặng.
Còn bên Định Niệm Hơi Thở thì nói: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra”, nếu cảm nhận được cả một khối có sự rung động nhẹ nhàng theo hơi thở vô ra, rồi một lúc sau sẽ có cảm giác nhẹ nhàng cả toàn thân thì cũng được.
Cũng trên pháp Tứ Niệm Xứ mà mỗi người có đặc tướng riêng có những cách thức quán khác nhau. Cho nên tùy theo đặc tướng mà quan sát thân đúng với pháp Tứ Niệm Xứ. Đừng quán sai, sau này khi nhiếp tâm sẽ bị tưởng, do đó sẽ bị dậm chân tại chỗ. Pháp Tứ Niệm Xứ là pháp tuyệt vời. Đúng theo Tứ Niệm Xứ mà tu thì đức Phật nói thời gian mình tu không có lâu đâu.
Hôm nay các con qua giai đoạn tu quán Tứ Niệm Xứ thì đây là giai đoạn quan trọng, phải tu tập cẩn thận và cố gắng siêng năng tinh tấn. Pháp Tứ Niệm Xứ lúc đầu còn tác ý cảm giác toàn thân, nhưng sau thì không dùng pháp tác ý nữa mà dùng pháp hướng tâm ra lệnh: “Tâm không phóng dật, quay vô nhìn thân! Quan sát thân!”. Ra lệnh xong rồi tác ý “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”. Lắng nghe thì thấy tâm thanh thản an lạc vô sự. Lắng là mình thấy nó quan sát. Hướng tâm thì nhanh lắm, không cần sử dụng tác ý.
Các con nên tập ra lệnh hướng tâm cho quen, sau này sẽ dễ. Vừa hướng tâm là tâm quay vô liền. Ngay từ đầu mà tập cho nhanh được thì sẽ dễ cho mình sau này. Thứ nhất là dùng phương pháp của Phật dạy để mình nương vào hơi thở mà quan sát thân; cái thứ hai là dùng pháp tác ý bảo nó quay vô, không phóng dật.
Mình biết mục đích mà đức Phật nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”, giờ mình nhắc bảo nó “Tâm không phóng dật, quay vô, quan sát thân theo Tứ Niệm Xứ” thì nó quay vô. Tập như thế kết quả mau lắm. Lệnh truyền thì mau kết quả. Tức là mình tập Tứ Thần Túc đó.
Bây giờ các con đã biết được cách thức tập rồi thì tập theo vậy cho nhanh. Hồi nào giờ các con tập mỗi người mỗi khác; nhưng bây giờ không nên vậy nữa, các con đã biết cách rồi thì phải tập cho nhanh. Các con ra lệnh thì được thực hiện ngay liền.
Vừa mới ngồi xong là các con bảo tâm quay vô: “Tâm thanh thản an lạc vô sự, quan sát trên thân, thọ, tâm, pháp.” Ra lệnh như vậy, rồi ngồi lặng yên thì thấy tâm quay vô. Bảo nó quay vô thì thấy tâm quay vô nhìn thân; rồi bắt đầu thấy toàn thân rung động ăn nhịp với hơi thở vô ra, vô ra.
Sau đó không cần hơi thở nữa, mà nó vẫn tỉnh thức quan sát trên toàn thân của nó; không có gì làm mất sự quan sát đó được. Mà nó quan sát nhẹ nhàng lắm. Chẳng hạn như bây giờ Thầy bảo “Tâm không phóng dật nghe!” rồi Thầy bắt đầu ngồi im, chống tay ngồi, Thầy thấy rõ ràng là nó nhìn thân của Thầy, như là thân của Thầy đang ngủ mà tâm của Thầy đang coi thân của Thầy. Đó là tâm Thầy đang quan sát. Có hai phần thật sự: thân đang ngồi và tâm của Thầy đứng ở ngoài nhìn thân Thầy. Luôn luôn nhìn thân Thầy chứ nó không nhìn chỗ khác đâu. Nó chú ý nhìn cái thân đang ở đó. Nó yên lặng. Đó là cách thức quan sát Tứ Niệm Xứ đã được định tỉnh. Tâm đã định trên thân mà quan sát cái thân. Tâm định tỉnh.
Các con bây giờ tập để định trên thân hành, để tỉnh thức trên thân hành, sau đó mới tới giai đoạn định tỉnh. Lúc đầu tập cảm nhận thân của mình rồi sau đó mới tỉnh thức; tỉnh thức rồi mới tới định tỉnh.
Đó, cách thức hướng tâm như vậy, không qua pháp tác ý, chỉ hướng tâm thôi. Mình muốn là nó làm y như vậy; muốn là nó quay vô như vậy. Cái tâm quay vô, tức là không phóng dật.
Chỗ quan trọng của Tứ niệm Xứ là tập cho tâm không phóng dật. Vậy khi không phóng dật thì tâm sẽ ở chỗ nào? Phật nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật” thì tâm ở đâu? – Thì nó phải ở trên tứ niệm xứ của nó chứ ở đâu! Giờ mình sử dụng pháp Tứ Niệm Xứ cho nó không phóng dật thì nó phải “phóng” trên tứ niệm xứ chứ đâu; nó phải tỉnh thức trên tứ niệm xứ mới thành tựu. Đó, các con thấy mình thành tựu là nhờ tâm không phóng dật là như thế. Ai làm gì thì làm nó không cần lưu ý đâu, nó chỉ biết ở đây thôi, nó biết trên thân của nó thôi, thì rõ ràng nó không phóng dật. Nó không phóng dật thì nó phải ở trên thân chứ không lẽ không phóng dật rồi nó không có chỗ nào nằm. Nó đâu có chun vào chỗ nào được!
Đó, các con đã hiểu rồi thì bây giờ các con chỉ tập cho cái tâm không phóng dật chứ không có gì hết. Nhưng đức Phật hay thiệt, chỉ có Tứ Niệm Xứ mới giúp cho tâm không phóng dật; chính Tứ Niệm Xứ là chỗ cho nó nằm nên nó không phóng đi đâu được. Mình không cần phải biết tâm đang ở đâu mà chỉ biết tâm đang quan sát thân của mình, vì thế mới nói “Tâm định trên thân”. Không phóng dật là định trên thân.
Khi các con ngồi trong một tư thế nào lâu mà bị chướng ngại đau nhức gì thì có thể thay đổi thế ngồi nhưng trong lúc đó không rời, không ngắt đoạn, không gián đoạn sự quan sát thân. Trong khi thay đổi bốn oai nghi vẫn quan sát thân, tức là không phóng dật đó. Trong kinh sách nói “Tâm định trên thân” chính là không phóng dật. Giờ mình tập Tứ Niệm Xứ là tập cho nó không phóng dật.
Bây giờ các con chỉ tập trong một oai nghi thôi, tập lung tung thì không được đâu, coi chừng tập “ba lam nham” thì không được. Các con khởi tập trong thế ngồi cho đến khi thuần thục rồi mới qua tập trong thế đi. Trong khi ngồi, nếu có bị các chướng ngại như bị hôn trầm thì dùng pháp đi kinh hành mà phá. Nếu không bị chướng ngại gì thì các con tập trong thế ngồi. Mỗi lần ngồi độ 30 phút và quan sát thân nương theo hơi thở. Nếu bị hôn trầm thì đứng dậy đi kinh hành cho hết hôn trầm, cho tỉnh lại.
Đích chính của mình là tập cho tâm không phóng dật theo pháp Tứ Niệm Xứ. Pháp bây giờ Thầy dạy cho các con ở lớp Chánh Tư Duy này là tập tỉnh thức trên thân của các con trước. Hễ lúc nào các con tỉnh táo thì các con ở trong Tứ Niệm Xứ. Nếu bị hôn trầm buồn ngủ thì các con đi kinh hành phá hôn trầm, chứ lúc này chưa phải lúc các con chiến đấu với hôn trầm thùy miên đâu. Ở đây còn đang tập tỉnh thức, tập cho cái tâm quay vô đã.
Khi tập tỉnh thức ở thế ngồi rồi thì sẽ tập tỉnh thức trong thế đi; tỉnh thức trong thế đi rồi thì tập tỉnh thức trong thế nằm; còn thế đứng thì cũng giống như thế ngồi thôi. Rồi khi đã tỉnh thức trong cả 4 oai nghi xong thì sẽ kết hợp tất cả bốn oai nghi lại.
Thế nằm khó là rất dễ vào hôn trầm cho nên phải tâp một thời gian cho nhuần nhuyển trong thế nằm. Nằm thì phải nằm kiết tường, cũng như ngồi thì phải ngồi kiết già.
Khi tập Tứ Niệm Xứ thì phải sửa soạn tư thế cho đúng, cho nghiêm chỉnh, mới có thể ngồi lâu. Không nên ngồi ẹo, gục vì rất dễ mỏi mệt. Ngồi trong thế kiết già hay bán già thì tốt. Đừng nói tôi tu Tứ Niệm Xứ chỉ cần tu tập cái tâm, không cần cái thân. Ngồi mà thân không đúng, không đoan chánh, không chánh mạng sẽ bị tà mạng; mà tà mạng sẽ ảnh hưởng đến pháp môn tu. Khi ngồi cúi đầu sẽ bị gom vào tưởng. Ngồi gục xuống bị gom vô tưởng mà lại thấy an lạc. Người ta thấy tướng của mình người ta biết. Còn tướng ngồi nhiếp tâm mà chân cẳng động địa, quạt lên quạt xuống hoặc cái đầu lúc lắc thì cũng biết người đó đang ở trong trạng thái tưởng. Vì vậy phải giữ tư thế cho ngay ngắn, đúng cách thức, cho nghiêm chỉnh rồi mới bắt đầu nhiếp.
Phải tập ngay từ giây phút đầu lúc mới ngồi. Thân và tâm của các con ảnh hưởng trong sự nhiếp tâm rất chặt chẽ lắm. Các con phải hiểu biết điều này để sau này khỏi mất công sửa và tránh tu trật từ bây giờ.
Cách đúng là ngồi không cúi đầu, cũng không ngửa lưng, mắt không nhắm, nhìn tới trước một khoảng cách vừa tầm, chân kiết già, tay để trên đùi hay để sao cho thoải mái cũng được. Trong khi đang ngồi mà bị kiến đốt, muỗi châm bị ngứa thì có thể gãi nhưng đừng phân tâm ra khỏi sự quan sát thân.
Giai đoạn này chỉ mới tập tỉnh thức chứ chưa phải giai đoạn khắc phục tham ưu.
Mỗi khi tâm phóng khởi niệm hay bị phóng dật thì tác ý “Tâm thanh thản an lạc vô sự, không phóng dật, hãy quay vô nhìn thân!”; hoặc “Tâm không phóng dật, nhìn thân! Tâm thanh thản, an lạc, vô sự” Giai đoạn này chỉ mới tập tỉnh thức thôi. Thầy dạy các con từng bước, chứ không dồn dập. Các con chỉ như người lính mới bắt đầu tập luyện cho quen với chiến thuật, chiến lược, cách sử dụng vũ khí, cho quen với mặt trận Tứ Niệm Xứ thôi. Lúc này bắt đầu các con tập tỉnh thức trên thân, tập không phóng dật trên thân, không phóng dật ra ngoài để luôn luôn biết tỉnh thức trên thân của các con. Chỉ có như vậy thôi, các con hãy nhớ kĩ như thế mà tập luyện.
Đến lúc nhiếp tâm an trú tâm dùng đẩy lui chướng ngại pháp trên thân thì khác. Tới khi Thầy dạy nhiếp phục tham ưu thì mới sử dụng cái đó, bây giờ không được áp dụng đẩy lui chướng ngại pháp. Chỉ áp dụng quan sát thân trong khi ngồi trước cho thuần thục đã. Chừng nào được thuần thục, người đó trình cho Thầy biết đã cảm nhận được thân mình trong khi ngồi lúc nào cũng 30 phút hay một giờ không có thay đổi, không mất cảm nhận đó thì mới tới giai đoạn khác. Trong giai đoạn này thì chỉ 30 phút thôi. Sau khi ngồi trong suốt 30 phút hay một giờ đã ổn định được rồi, không mất cảm nhận thân thì Thầy bắt đầu cho các con tập cảm nhận trong khi đi. Đi mà quan sát trên thân. Quan sát trên thân trong khi đi được kết quả ổn định thì Thầy cho tập quan sát trong khi nằm.
Vào giờ bắt đầu tu lớp Chánh Tư Duy này, thí dụ lúc 7 giờ, Thầy sẽ có mặt để theo dõi xem các con đã tu chưa hay còn nằm ngủ, nằm chơi. Hễ đúng 7 giờ là vô tu. Các con ngồi nghiêm chỉnh đàng hoàng thì một lúc sau đó sẽ có mặt trực tiếp của Thầy tại thất các con, xem xét các con tu hành như thế nào.
Nếu trong thời gian ngồi tu mà có những tâm niệm chướng ngại gì thì chỉ tác ý cho tâm quay về tỉnh thức quan sát thân thôi, chứ không phải dùng cách tu này để ức chế đâu. Thí dụ có niệm gì thì mình bảo “Tâm không được phóng dật, quay vô quan sát thân, thọ, tâm, pháp; không được chạy theo niệm!”. Chỉ có vậy thôi, chứ không dùng quán thân này để ức chế niệm.
Sau này tác chiến với niệm thì mình móc cái niệm này ra. Bây giờ chỉ lo tập tỉnh thức trên thân thôi.
Nếu niệm hiện đến làm cho các con không tỉnh thức trên thân thì các con nhắc tâm cho nó quay trở lại, bỏ cái niệm đó đi, nhã cái niệm đó ra đặng tâm quay vô trên thân. Tập cho quen cái này trước đã. Làm sao cho lúc nào cũng phải quen quan sát thân, không rời thân. Không khéo mất thì giờ lúc nào cũng quán cũng xả các niệm đó nhưng chưa phải lúc là bị xem như thất niệm, các con không còn ở trong sự tỉnh thức nữa rồi. Các con phải tu cái nào cho ra cái nấy để thời gian có giá trị lớn cho sự tu. Mặc dù niệm đến nhưng tâm còn quan sát trên thân thì niệm đó dừng liền. Nó đang quan sát tỉnh thức trên thân mà cái niệm này hiện ra thì niệm đó phải dừng lại, không thể đánh vô được, không thể không dừng. Chỉ khi các con mê nó mới đánh vô được.
Lúc này các con chỉ mới tu tập tỉnh thức thôi nên đôi lúc các con phải ức chế cho niệm không vô được bằng cách tác ý cho tâm quay vô. Các con chế ngự bắt buộc nó phải tỉnh thức thôi. Tập cho quen tỉnh thức trước đã, chưa đến lúc xả đâu; không khéo các con đi sâu nữa thì sẽ ức chế, sẽ bị tưởng. Giờ chỉ tập tỉnh thức thôi. Phải hiểu từng bước tu tập, từng giai đoạn, từng thời gian tu của pháp Tứ Niệm Xứ. Bây giờ chưa phải là lúc tu tập xả mà chỉ tu tập tỉnh thức thôi. Nói như vây các con hiểu hết chứ?
Các con cần được Thầy theo dõi sửa chữa từng chút chứ không khéo khi đã sai lệch các con tu chỉ dẫm chân tại chỗ mà cứ nghĩ là mình tu đúng. Trật một chút chứ rồi không thể đến quả được. Còn khi Thầy kiểm tra, săn sóc, sửa cho các con đúng, và khi các con đã tu đúng rồi thì đến giai đoạn nào, các con hiểu giai đoạn đó các con sẽ xả rất nhanh.
Như sau khi Thầy đã dạy cho các con lớp Chánh Tri Kiến, tự trong tâm các con có hiểu biết chánh kiến thì nó đã xả rất nhiều các dục, các ác pháp.
Tuy các con không thấy, nhưng giả như bây giờ có ác pháp tác động tới thì những hiểu biết đó sẽ giúp các con xả rất nhiều. Tại cái hiểu biết chánh kiến này là như thế, nó xả các ác pháp.
Bây giờ nhờ tỉnh thức quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp này mà các niệm ít vô được nữa, cảm thọ cũng không đánh các con được, chứ không thì các con có những kẽ hỡ như vậy nó sẽ vô đốt các con nát hết. Tự các pháp tu tỉnh thức không phóng dật mà tu được kết quả rồi thì nó xả rất nhiều ác pháp, nhiều chướng ngại trên thân và tâm các con. Chỉ khi các con thiếu tỉnh thức nó mới đánh vô từ niệm này đến niệm khác, vì vậy các con tu dậm chân tại chỗ, tu hoài không chứng.
Các con nên biết trong bốn tháng Thầy dạy Chánh Kiến, các con đã xả nhiều rồi. Mặc dù các con học, các con tư duy triển khai tri kiến nhưng tâm các con vẫn li dục li ác pháp, không những thế nó còn xây dựng cho các con lòng từ lòng bi rất nhiều. Như khi các con nghe những tiếng kêu đau xót, lòng các con xúc động; đó là nó gợi cho các con lòng bi lòng từ lớn.
Các con nên hiểu rằng khi các con học qua các lớp sẽ đem lại sự lợi ích rất lớn cho tâm các con. Bây giờ các con học lớp Chánh Niệm Tỉnh Thức này cái chánh là giúp cho các con quan sát được thân các con nhưng nó cũng giúp các con xả và li ác pháp rất nhiều, vì mình học đúng thì nó phải xả thôi. Cho tới giai đoạn cuối cùng khi các con nhiếp phục tham ưu thì các tham ưu không còn bao nhiêu nữa, nó gần hết rồi.
Thầy biết các con học lớp Chánh Kiến thì tự nó có cái tri kiến. Bây giờ các con học tới lớp Tỉnh Thức này tức là quan sát, tỉnh thức trên thân. Có tỉnh thức là đã xả, mà phải xả ít nhất một phần nửa. Cho nên mặc dù các con chưa nhiếp phục tham ưu để xả thế mà do pháp mình học nó tự xả. Rồi tới khi các con định tỉnh trên thân thì nó còn xả nhiều nữa. Tại cái pháp tu đúng, mình tu đúng thì nó phải xả.
Như các con thấy các con học lớp Chánh Kiến xong, khi các con tư duy với hiểu biết chánh kiến thì nó đã xả rồi. Bây giờ tới lớp Chánh Tư Duy sẽ dạy cho các con định tỉnh. Từ sức định tỉnh nó còn xả nhiều nữa. Định tỉnh thì nó sẽ xả những cái vi tế. Tri kiến thì xả phần thô. Định tỉnh mà không bị ức chế, cái đó mới là quan trọng.
Lần lượt các con sẽ dùng chỗ này tu tập. Tâm các con không bị ức chế trong đối tượng nào hết cho nên các con sẽ thấy nó xả. Khi đã định tỉnh rồi, không phóng dật rồi thì không có niệm nào phóng ra hết. Lớp Chánh Tri Kiến xây dựng toàn bộ sự hiểu biết cho các con và bây giờ có thêm sức định tỉnh nữa thì còn mặt nào ác pháp vô tác động các con được nữa. Không có ác pháp vô được nữa thì đâu có gì cần phải đuổi.
Dục tham bị chận, bị giảm, không cho tác động vào thân nhờ sự hiểu biết chánh kiến của mình. Thành ra nhờ sự hiểu biết chánh tri kiến mà nó chận đường hết, bảo vệ không cho tâm dục của mình khởi. Như con thấy, khi thấy không có nước tương ăn thì nó chạy ra đón liền, không cho mình khởi ý này kia, không cho mình bị phạm cái lỗi nhỏ nhặt tham dục ăn đó đâu. Những cái các con hiểu biết đó chính là tri kiến giải thoát mà Thầy đã huân cho các con trong lớp Chánh Tri Kiến. Rồi bây giờ các con học lớp quan sát thân các con. Khi sự quan sát được định tỉnh, tâm không còn phóng dật thì những dục tham đó không còn phóng ra nữa! Đó là nó lìa tham hết rồi, không còn tác động vô các con. Những ý nghĩ dục tham vi tế đó, những dục và ác pháp như thế nhờ pháp tu đúng mà nó không còn, hết nghĩ tới, nó không sinh khởi ra nữa. Nếu mình còn nghĩ này kia là còn phóng dật. Nó đã định tỉnh thì không phóng dật.
Tóm lại, các con đã được hướng dẫn dần từ cái tâm quay vô, cái tỉnh thức, rồi cái định tỉnh. Định tỉnh rồi thì hoàn toàn không có một ác pháp nào tác động vô được đâu. Đến chừng đó các con sẽ ngồi tu Tứ Niệm Xứ, tâm tự nó thanh thản từ 12 tiếng đến 24 tiếng đồng hồ rất dễ.
Bây giờ tâm các con không định tỉnh. Tuy các con ngồi nhưng cứ lát có chuyện này, lát chuyện kia, chuyện nọ đuổi không hết. Tu Tứ Niệm Xứ mà như thế thì không bao giờ thắng giặc sanh tử được. Thầy nói như thế, các con cứ nghiệm xét qua thời gian các con đã tu Tứ Niệm Xứ không được Thầy hướng dẫn, các con thấy không thể nào dẹp hết các niệm khởi này được. Còn nếu các con tu kĩ đàng hoàng theo Thầy dạy thì chắc chắn các con sẽ dẹp được giặc này trên Tứ Niệm Xứ, ác pháp không tác động vào thân các con được; nghĩa là hoàn toàn tự nó xả chứ ta không cần phải làm gì khác.
Nói Quán thân trên thân khắc phục tham ưu chứ thật ra khi định tỉnh được thì nó tự khắc phục tham ưu trong pháp định tỉnh đó nhiều lắm.
Bây giờ nếu tâm các con tỉnh giác, không phóng dật, quay vô là nó đã xả rồi, không xả thì không định tỉnh được; nó đã li nữa thì tham ưu đâu có vô được.
Ác pháp đâu dễ vô khi người này đã tỉnh giác, đã định tỉnh trên thân của người ta. Người ta luôn luôn quan sát thân thì tham ưu đâu có thể dễ vô được chỗ người ta đang quan sát, đang canh chừng cẩn mật.
Tại vì các con chưa biết cách tập để định tỉnh, chưa biết cách tập để quan sát; các con mất sự quan sát hoàn toàn cho nên tham ưu mới vô. Tham ưu vô thì các con phải nhiếp phục, phải đuổi; đuổi hoài mà không hết.
Đấy, Thầy nhắc để các con thấy nhờ lớp Chánh Kiến các con có sự hiểu biết chánh tri kiến thì các con đã xả tâm. Tham ưu không làm động các con thì các con mới bất động tâm được. Bây giờ tới lớp Chánh Tư Duy, khi tâm định tỉnh rồi, chánh niệm tỉnh giác được rồi thì có cái gì tác động vô được nó.
Nó bảo vệ được chơn lý. Cái lý được bảo vệ, được hộ trì; hộ trì bằng sức định tỉnh của các con. Đấy, các con thấy nó đơn giản, dễ dàng như thế đấy.
Các con định tỉnh được thì các con chứng đạo; kéo dài thời gian định tỉnh lâu không phóng dật là thành tựu: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nếu trọn thời gian nỗ lực tu không có kẽ hỡ, miên mật không có nghỉ giây phút nào, lúc nào cũng định tỉnh trên thân của mình thì có giặc nào vô xâm chiếm được, như vậy mà mình không chứng đạo sao?
 Đó là sự thật, không phải giả dối đâu. Các con biết cách tu thì đâu có gì mà làm không được. Đâu có khó. Nếu có người nào do người đó thật sự tìm ra cách tu đúng rồi dạy cho các con thì tu theo đạo Phật không còn khó nữa, việc chứng quả không còn xa vời nữa.
Sau khi thấy sự định tỉnh của mình trên thân, thọ, tâm, pháp, cụ thể rồi thì tất cả những pháp mà các con đã tu tập mấy lâu nay đều dẹp hết, không còn trở lui tu chúng nữa, mà chỉ còn ôm Tứ Niệm Xứ thôi. Hiện giờ nếu các con chưa có sức định tỉnh đó thì các con có thể trở lui tu tập các pháp đó cho thêm sung mãn. Nhưng khi đã vô chính pháp Tứ Niệm Xứ tu tập rồi thì phải ôm phao Tứ Niệm Xứ mà tu tập cho định tỉnh, đạt cho được định tỉnh, phải dùng Tứ Niệm Xứ để chiến đấu, chiến thắng giặc hôn trầm thùy miên.
Như vậy là các con thông suốt hết rồi, không ai mà không biết, có phải thế không? Bây giờ các con ai về thất nấy bắt đầu tu tập như Thầy đã dạy.

BÀI THỨ BA: DẠY MỘT TU SINH NAM

Khi ngồi lâu sinh những cảm thọ này kia thì hãy xả ra, đứng dậy đi, đừng ngồi nữa. Mình đang tập quán thân thì đi mà vẫn quan sát thân. Khi mới ngồi tu Tứ Niệm Xứ thì đừng để thọ niệm xứ cũng như tâm niệm xứ xen vào lúc đang quan sát thân niệm xứ.
Các con ngồi, bắt đầu hít vô thở ra tác ý, chú ý cảm nhận thân mình rõ ràng. Khi nào các con nghe chừng như có cảm giác thì các con đứng dậy đi, chứ không phải đợi đến khi có cảm thọ. Đi để xả thọ ra, vì mình đang tu quán thân chứ không phải quán thọ. Khi đi các con vẫn quán thân, nhưng khác với lúc ngồi; lúc ngồi thì quán thân nương vào hơi thở, bây giờ đi thì quán thân nương vào bước đi, chứ không nương vào hơi thở. Các con cũng cảm biết toàn bộ thân từ trên đầu xuống tới chân, từ chân lên tới trên đầu trong lúc chân bước đi, không lưu tâm tới bước đi, tập trung tâm vào trên toàn thân, vì vậy có thể phải đi chậm hơn lúc đi kinh hành tỉnh giác.
Khi đi cũng quán được trên thân, ngồi cũng quán được trên thân thì bắt đầu tập quán thân trong tư thế nằm. Khi quán được thân trọn vẹn trong cả 4 oai nghi thì hôn trầm không vô nữa, niệm cũng không vô, thọ cũng không vô.
Các con hãy đọc câu “Trên thân quán thân nhiếp phục tham ưu”. Quán thân thì nhiếp phục các ưu phiền hết, không để chúng vô. Mình tu cái thân, mà trên thân thì có thọ, tâm, pháp; quán thân tức là quán thọ, quán tâm, quán pháp đủ hết, vì thân là cái khối của tứ niệm xứ. Nhưng hiện giờ ta tu quán thân nên không cho thọ tới, cũng không cho tâm tới, pháp tới. Chỉ quán thân thôi. Đi chậm thì mới quan sát kĩ, mới cảm nhận để nhiếp phục tham ưu.
Quán thân nhiếp phục tham ưu là quán thân thì không có niệm nào khởi lên xen vô được. Có vậy mới gọi là nhiếp phục tham ưu. Quán thân là nhiếp phục hết, không có niệm nào mà không nhiếp phục. Quán thân đến khi không có những cái tham ưu gì khác thì chỉ còn quán thân thôi. Như vậy mới đi đến định tỉnh, tâm định trên thân.
Đi Kinh Hành Tứ Niệm Xứ cần chậm để quan sát thân cho kĩ. Động tác đi làm thân máy động, rung động theo nhịp bước đi. Nương vào đó để quan sát thân, không cho mất niệm quan sát thân. Khi quan sát kĩ như thế thì nó nhiếp phục tham ưu, không có một niệm ưu phiền gì, không có cảm thọ gì xen vô lúc đó được, không có pháp nào tác động trong đó được. Khi mình quán thân thì tâm quay vô, không phóng dật. Hễ quay vô không phóng dật thì nó quán, mà quán không hề quên. Quán hoài thì càng ngày càng định tỉnh, mà đã định tỉnh thì nhiếp phục tham ưu hết. Nhiếp phục hết tất cả những chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp cho nên mới nói “Trên thân quán thân nhiếp phục tham ưu”.
Khi đã tu đúng rồi thì ta không cần phải tác ý đuổi niệm nào đi nữa. Tu không đúng, cứ để các niệm xen vô thì làm sao không có cảm thọ các thứ, rồi cứ quán này quán kia đưa tâm mình đi chỗ này chỗ kia làm trật hết. Nhất là cứ bảo ta phải ghi nhận, ghi nhận. Tiêu hết. Ở đây kinh bảo “Quán thân trên thân để khắc phục tham ưu”, khắc phục rồi thì đâu còn ưu phiền nữa đâu mà bảo ghi nhận. Lại có pháp môn “Niệm Thọ”. Thọ thì lúc có lúc không, làm sao “Niệm Thọ” được. Có đau thì niệm thọ được còn không đau thì lấy gì mà niệm?
Có chăng thì chỉ “Quán Thọ” thôi.
Bây giờ con làm sao tập quan sát cho được thân. Cái đó là cái thứ nhất.
Đừng ham tập nhiều, chỉ tập ít, tập cho kĩ lưỡng để nó nhiếp phục tham ưu, chứ tập lỏng lẻo thì nó nhiếp phục không được đâu. Có nghĩa là tu tập đúng với đặc tướng, đúng với sức của mình. Cái thứ hai là Chánh Kiến, tư duy không đủ thâm sâu thì lên lớp này sẽ rớt xuống hết. Khi triển khai tri kiến rồi thì tự nó xả li nhiều lắm. Cho nên ở lớp Chánh Kiến làm bài vở đầy đủ rồi thì lên lớp Chánh Tư Duy này ngồi nhiếp tâm quan sát quán thân thì nó im re, không có niệm nào vô được đâu, tại vì cái lực tri kiến xả ở lớp Chánh Kiến mạnh.
Như khi các con đã quán thâm sâu về thực phẩm bất tịnh thì tâm đã nhàm, không thèm, không muốn ăn rồi, nó li dục ăn rồi. Sau đó quán các pháp vô thường thì nó xả ngã. Tại quán không sâu nên còn ngã, chứ quán sâu thấy thật sự vô thường thì không chấp nhận ngã, không chấp nhận thường. Riêng học nhân quả mà sâu rồi thì có cái gì mà không ở trong nhân quả. Nếu lớp Chánh Kiến được học trong một năm, các bài được làm đi làm lại tư duy cho sâu, không còn sót một vấn đề nào trong số các vấn đề đã học, thì nó sẽ thấm nhuần, thì sẽ xả vô cùng nhiều, không còn tham đắm gì nữa, nó sẽ li dục li ác pháp rất nhiều; chừng tới lớp Chánh Tư Duy nó nhiếp phục tham ưu hết.
Lớp dưới có căn bản thì lên lớp trên sẽ dễ tu hơn. Cho nên ai tu ở lớp Chánh Kiến mà làm bài quán chưa đủ thâm sâu thì lên lớp này sẽ bị rớt xuống lại hết. Chứ làm sao không rớt được khi ngồi lại thì cứ niệm này niệm kia dồn dập tới, làm sao tu được.
Con tu ở lớp Chánh Tư Duy này mà đúng thì con sẽ thấy nó nhiếp ghê lắm, đến khi sung mãn Tứ Niệm Xứ con sẽ thấy trạng thái nhiếp của nó. Con cứ tập từ từ, đừng có vội, tập cho nhuần nhuyễn.
Quán thân không phải dễ đâu. Phải quan sát thân đừng để lúc quên lúc nhớ. Khi con tập quan sát toàn thân đầy đủ, không có sót một chỗ nào, không có niệm, quán trọn vẹn liên tục suốt thời gian từ phút đầu đến phút cuối đều y như vậy thì mới xem là được.
Khi ngồi, con hãy quán thân nương vào hơi thở hít vô thở ra. Đó là công thức. Tập quán thân cho kĩ đi, khoan rời hơi thở. Nhưng đừng rơi vào hơi thở mà quên quán thân. Phải cảm nhận sự rung động của thân nhè nhẹ từ đầu xuống tới chân theo hơi thở vô ra. Khoan rời hơi thở. Đừng cảm nhận duy nhất hơi thở. Tập quán thân kĩ như vậy.
Phải tập luyện quán thân trong trạng thái đầy đủ ý thức, đừng để ý thức có một chút nào mê mờ. Khi ý thức có một khoảnh khắc mê mờ thì ngay lúc đó tưởng thức có cơ hội chen vào và hướng dẫn cái biết của ta đi vào tưởng.
Các con tỉnh nhưng tỉnh trong tưởng, sáng suốt trong tưởng. Bởi vậy khi lọt vào pháp tưởng thì lí luận rất hay. Phải tu ý thức từng hơi thở, đừng để bị mất ý thức hay ý thức bị chìm lắng đi. Do vậy, không nên tu lâu trong một oai nghi bằng không thì sẽ đi đến chỗ ức chế tâm, mà ức chế tâm thì tưởng thức mới có cơ hội xen vào đẩy lùi ý thức đi để tưởng thức thay chỗ.
Đạo Phật tu bằng ý chứ không tu bằng tưởng. Khi hít vô, thở ra đều có sự rung động bành trướng giản nỡ. Đó là cảm nhận thân hành.
Đứng, ngồi và nằm đều có cảm nhận giống nhau, cảm giác giống nhau.
Cả ba oai nghi này đều có trạng thái nhiếp tâm giống nhau. Thay đổi các oai nghi này để không cho niệm thọ xẩy ra, nên khi ngồi lâu muốn tránh không để xẩy ra cảm thọ thì ta nên thay đổi bằng đứng hay nằm, hoặc đi. Đi thì cảm nhận khác hơn, nó tùy theo hai hành động: hành động đi và hành động hơi thở, vậy mình phải nương hành động nào? Mỗi bước đi đều làm chuyển động toàn cơ thể, còn hơi thở nhẹ hơn.

BÀI THỨ TƯ: DẠY MỘT TU SINH NAM

(Ngày 14-3-2006)

QUÁN THÂN TRÊN THÂN THEO OAI NGHI ĐI, ĐỨNG, NẰM.

Kính thưa Thầy, sau mười ngày tu tập quán thân trên thân theo pháp 4 Niệm Xứ, bản thân con gặp trở ngại vì thiếu căn bản nhiếp tâm và an trú tâm trên hơi thở trong thời gian tối thiểu 10 phút theo lời Thầy dạy, nên ngồi tu 4 Niệm Xứ không đạt kết quả đúng yêu cầu. Vì vậy, con kính xin Thầy cho con trở lui tu tập để nhiếp tâm cho được trên hơi thở và tiến lên an trú tâm trên thân hành. Sau khi hoàn toàn làm chủ hai công hạnh này, con sẽ xin tu 4 Niệm Xứ trở lại.
Ở đây mình mới tập quán thân, coi quán được hay không. Nó quan trọng là ở chỗ QUÁN THÂN. Quán thân là cảm giác toàn thân chứ không phải là đứng ở một điểm nào trên thân, mà phải ở toàn thân. Đó là điều quan trọng của sự tu tập Tứ Niệm Xứ, “Quán thân trên thân để khắc phục tham ưu”. Khi quán được thì nó nhiếp phục được niệm, không còn một niệm gì hết, bởi vì pháp Tứ Niệm Xứ đặc biệt vô cùng.
Mới đầu vô tu Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác thì gồm bốn pháp đủ trong đó: Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh GiácĐịnh Vô Lậu. Khi tới Tứ Niệm Xứ thì đã li dục li ác pháp rất nhiều, chỉ còn ác pháp vi tế thôi, vì vậy khi trên thân quán thân thì chỉ cần nhìn tổng quát cái thân là đã nhiếp phục hết tất cả mọi ác pháp.
Quán thân quan trọng như vậy cho nên cần tập quán cho được. Quán thân là Chánh Niệm, nó ở lớp thứ 7. Phải quán cho được, nếu quán không được thì coi như không tu Tứ Niệm Xứ được. Mà phải tu Tứ Niệm Xứ trong 4 oai nghi, bởi tứ niệm xứ có đủ trong 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; chứ không thể chỉ tu trong một oai nghi được. Mỗi oai nghi đều quán quán toàn thân được hết.
Con phải nhân ra cho được, quán cho được vì quán toàn thân rất quan trọng.
Bây giờ con tập ngồi con cảm giác hết toàn thân của con mà không bị tưởng. Thí dụ con nương vào hơi thở mà nếu con thấy hơi thở luồng trong thân, thế là không được. Phải như con dùng đôi mắt nhìn ngón tay, con thấy từ đầu ngón tay tới chân ngón tay. Đó là quán toàn ngón tay của con. Quán thân cũng vậy, nhưng không cúi xuống nhìn thân. Quán mà cứ cúi xuống nhìn thân thì không đúng, vì khi nhìn xuống thì chỉ mắt con thấy cái thân.
Còn khi cảm nhận cái thân thì tâm quay vô, có dạng tâm của tâm quay vô, do đó tâm mình không phóng dật, quay vô thì không phóng dật. Tâm quay vô quan sát trên thân không ngưng nghỉ suốt trong thời gian tu thì nó nhiếp phục được tham ưu. Cho nên tâm không phóng dật là tâm đã nhiếp phục được tham ưu, vì vậy đức Phật nói “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật” . Con thấy câu nói này và khi con quan sát thân thì thấy đúng như thế, cái tâm quay vô thật, nó nhìn cái thân của nó, không phải nhìn bằng mắt. Con ngồi bình thường mà cảm nhận cái thân tức là ý thức của con nhận ra toàn bộ thân của con.
Thầy nói nương vào bước đi là khi đi, cái thân có nhiều chuyển động theo chuyển động của chân nên cảm giác toàn thân rất dễ. Cho nên khi ta ôm pháp Tứ Niệm Xứ tu 1, 2, 3 giờ liên tục, không có một niệm nào xẩy ra. Nó an ổn vô cùng.
Còn khi Thầy nói nương vào hơi thở là khi ngồi con cảm nhận toàn bộ thân của con rung động theo hơi thở vô ra. Lúc đó làm như có hai phần: phần thân con đang ngồi và phần khác đang nhìn, đang theo dõi không rời toàn bộ thân con đang ngồi, đang hít thở, đang rung động theo hơi thở.
Khi quán được thì nhiếp vào thân rất là nhanh chóng. Nhưng khi quán không được thì nay trật cái này, mai trật cái kia; rồi khổ nổi thay vì lấy thân hành để quán sự rung động của thân, như lời đức Phật dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hoặc là “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”; tức là đức Phật đã gợi ý cho mình biết trên thân quán thân, thì mình lại chế ra cách này kia.
Như bên nữ, theo các thư gởi cho Thầy, thì phần nhiều là họ tu theo lối Chuyển Pháp Luân của ngoại đạo, cứ dẫn ý chạy lên trên đầu, thở ra; rồi chạy xuống chỗ này chỗ kia, vòng vòng, nhiều khi lại còn tác ý nữa, tác ý theo tưởng luồng hơi đi tới đầu, chân, đầu gối... đặng cho nó nhớ. Cách thức đó là cách thức Chuyển Pháp Luân của ngoại đạo, không phải là pháp của đức Phật.
Không được. Tập như vậy đâu đúng. Thầy bảo tập phải cảm nhận cho được toàn thân, không phải điểm này, điểm kia, cũng không phải phần này phần khác.
Tập được như vậy thì mới tu Tứ Niệm Xứ được. Nếu không được thì trở về tu tâm xả.
Tu tâm xả thì ngồi chơi mà có niệm gì, có chướng ngại gì thì đuổi như là tu Tứ Niệm Xứ trên 4 Chánh Cần cho chắc ăn. Nhưng khi tâm yên lặng thì nó quay vô quan sát thân nó. Đầu tiên khi mình ngồi thì nó thấy hơi thở, nhưng đừng có bám vào hơi thở, thấy hơi thở thì mặc nó, chỉ quan sát trên thân mà thôi. Thế thì cũng giống như Tứ Niệm Xứ.
Tu tâm xả thì phải biết cách để đừng bám vào hơi thở, chứ cứ bám vào hơi thở là bị ức chế, là trật. Trong khi được tâm yên lặng thì tâm lại bị ức chế, thì lại sai; bởi lẽ trong khi có niệm hơi thở là niệm động, nó động mà mình lúc nào cũng động để đuổi niệm, đuổi cái động đó thì cũng sai, không đúng. Đuổi cái động để cho tâm đi vào cái tịnh thanh thản, an lạc vô sự. Nhưng khi nó thanh thản, an lạc vô sự rồi thì nó ở đâu? – Nó phải ở trên thân, giống như trở về tu Tứ Niệm Xứ, nhưng nếu không biết, thì các con ức chế tâm trong hơi thở thì rất là nguy hiểm.
Vậy thì con tu Tứ Niệm Xứ như thế nào trình lại cho Thầy biết, rồi con ngồi, Thầy lắng nghe cách con tu đúng hay không. Bởi vì khi ngồi quán đúng thì nó không niệm, mà quán trật thì có niệm, quán trật mới có niệm. Quán trật là con biết ngay liền.
Thí dụ con ngồi 30 phút thì không niệm, nhưng nếu con ráng hơn nữa thì sức của con bị yếu, khi quán yếu thì sẽ có niệm vô. Hoặc là con ngồi 2, 3 tiếng đồng hồ mà con thấy có hôn trầm thùy miên tức là tu quá sức của con nên không thể nào con tránh hôn trầm thùy miên được. Do đó tập quán cũng phải tăng lên dần từ từ. Quán được lâu tới đâu thì phải chủ động tới đó, tức là chủ động nhiếp phục tham ưu tới đó. Cho nên nếu con biết tu thay đổi theo 4 oai nghi thì không bao giờ có sự mỏi mệt, không bao giờ có sự tê chân hoặc là chướng ngại nào do cảm thọ khổ. Các cảm thọ khổ không có, chỉ có cảm thọ lạc thôi.
Đó, trên Tứ Niệm Xứ là phải tu tập như vậy. Cho nên khi tu tới đâu thì các con biết tới đó, tu được hay không là biết liền. Vô Tứ Niệm Xứ quán thân trên thân để nhiếp phục tham ưu, không bao giờ còn tham ưu, mà chỉ có lạc, nhưng các con cũng không chấp nhận cái lạc mà quên cái quán thân, cho nên lúc nào cũng ở trên thân, thân lúc nào cũng hiện tiền. Và nhanh chóng lắm, nó là một pháp duy nhất mà đi đến cứu cánh, chỉ trong 7 ngày, 7 tháng, 7 năm.
Kinh nói 7 năm nhưng thật ra không tới 7 năm đâu. Khi con nhiếp được đúng 7 ngày tâm thanh thản, an lạc vô sự trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi không bị buồn ngủ, luôn luôn tỉnh táo mà thấy an lạc, nằm xuống nó cũng không ngủ đâu, nó rất tỉnh mà tâm lúc nào cũng ở yên trên thân, thấy từ trên đầu tới chân rất rõ, rất tỉnh, mà thấy nhanh chứ không phải thấy từ từ như khi mình đi.
Nó quan sát thân y như một ngọn đèn từ xa rọi chiếu vào thân, thấy rõ ràng toàn thân mà khi định tỉnh càng cao thì nó thấy thân nó càng rõ ràng hơn. Đó là định tỉnh. Mà đã được định tỉnh thì tâm nhu nhuyến dễ sử dụng, nghĩa là nó bám chặt trên toàn thân để quán thì đương nhiên là nó định tỉnh rồi. Tâm đã định tỉnh thì phải nhu nhuyến dễ sử dụng, chứ không còn khó, vì vậy mà con có đủ 4 Thần Túc.
Bây giờ mình tập quán. Quán được rồi thì mình mới nối tiếp từ oai nghi này tới oai nghi khác. Nối tiếp các oai nghi được trong một giờ, đến hai giờ rồi kéo dài thêm, tăng thời gian lên. Nếu chưa đủ sức nối tiếp các oai nghi như thế mà tăng thời gian lên thì coi chừng.
Con quán thân trong oai nghi ngồi không gián đoạn không niệm khởi trong thời gian 30 phút được rồi, thì con bắt đầu tập quán thân trong oai nghi đi; rồi trong oai nghi đứng; trong oai nghi nằm, oai nghi nào cũng quán được 30 phút hết. Sau đó con tu thay đổi từ oai nghi này sang oai nghi khác. Cứ ngồi 5 phút thì con đứng dậy đi 5 phút; đứng lại 5 phút; nằm xuống 5 phút.
Lúc nào cũng giữ tâm trên thân được như vậy và cứ giữ tiếp tục để cho nó quán thân trên thân liên tục không gián đoạn mỗi khi thay đổi oai nghi, không nhất thiết theo một thứ tự nào. Nằm, ngồi, đi, đứng, oai nghi nào cũng đều quán thân trên thân được không thay đổi, không mất niệm thân.
Sau khi quán được đủ cả 4 oai nghi rồi, nối kết liền lạc được đủ cả 4 oai nghi rồi thì lúc đó mới bắt đầu tăng giờ, chứ chưa nối kết được mà tăng giờ là sai. Không được. Nó sẽ lọt vào trong pháp; trật đi.
Điều chánh yếu là con phải biết quán và quán thân cho được, chứ không thể không quán thân được. Phải quán thân cho rõ ràng.
Bây giờ con trình bày cho Thầy cách thức quán như thế nào, như khi con đi thì con cảm nhận toàn thân của con từ trên đầu xuống tới chân như thế nào, thân rung động như thế nào.
Khi con đi muốn cho tâm chỉ biết thân rung động thôi thì con để hai tay sau lưng hoặc khoanh tay trước bụng rồi con đi con sẽ thấy sự rung động của nó cụ thể. Khi đã quán thân đi thành thục rồi thì con có thể buông thỏng hai tay dọc theo hông cho thoải mái. Mắt con nhìn xuống tới trước một đoạn độ vài thước.
Trước khi đi con nên đứng yên lặng một lúc để cảm nhận toàn thân từ trên đầu xuống chân và từ chân lên đầu. Con thấy toàn bộ thân con đang đứng. Con thấy thân con rung động theo hơi thở vô ra, cũng tương tự như khi con ngồi tu 4 Niệm Xứ. Con giữ cảm nhận đó rõ ràng không thay đổi trong tâm. Con thấy biết thân con như thật, đúng y như nó đang đứng đó, không có gì tưởng tượng.
Tất cả những điểm chuẩn bị để đi này là điều kiện con quán thân trong lúc đứng, trong oai nghi đứng. Có nhiều người đứng lâu không được, họ thường bị chao đảo ngả nghiêng. Những người này có thể tựa nhẹ người vào vách tường hay vật ổn định để giữ thân yên trong lúc đứng.
Sau khi thấy biết thân con trong khi đứng rõ ràng cụ thể như thế rồi con mới bắt đầu đi để quán thân trong oai nghi đi. Con phải đi chậm, khá chậm thì con mới quán thân kĩ lưỡng, không bỏ sót. Con thấy sự chuyển động của thân liên tục không gián đoạn khi chân trái bước rồi chân phải bước.
Khi con từ từ dở gót chân trái lên thì đồng thời thân con cũng được đẩy qua phải để toàn thân thẳng đứng trên chân phải. Khi gót chân trái vừa đặt xuống thì gót chân phải cũng bắt đầu dở lên và toàn thân từ từ được chuyển tới sang trái để đứng thẳng trên chân trái, trong lúc bàn chân trái từ từ đứng ổn định thì bàn chân phải dở khỏi mặt đất đang chuẩn bị để đưa chân phải tới, chân phải bước tới. Các chuyển động của thân trong khi chân phải bước tới thì cũng tương tự với chuyển động của thân khi chân trái bước tới. Và cứ như thế, toàn thân di chuyển tới liên tục với dạng chuyển động khi xàng qua phải (chân trái bước), khi xàng qua trái (chân phải bước) nhịp nhàng, nhịp nhàng trong khi đi.
Nếu kinh hành tỉnh giác thì con chỉ chú ý vào sự chuyển động của hai chân, nhưng ở đây con quán thân trong khi đi vậy thì con phải thấy toàn bộ thân con trong suốt tiến trình bước tới của mỗi chân, của hai chân. Con phải thấy biết thân con từ đầu xuống chân trong bất kỳ giây phút nào của bước đi, chân này rồi chân kia liên tục chuyển động bước tới. Có thể phân mỗi bước thành hai phần để dễ tác ý theo dõi chuyển động của toàn thân: Phần đầu đẩy thân khi gót chân nâng lên đẩy thân chuyển động tới trước để toàn bộ sức nặng chuyển qua chân đang đứng trụ, và phần kế chân bước khi toàn bộ sức nặng thân đã ở trên chân đang đứng thì chân kia dở lên và bước chân đưa tới.
Trong khi đi con không nên cúi đầu nhìn bước chân, phải nhìn tới trước mà vẫn thấy biết toàn thân cụ thể như thật và con chỉ nên tập lâu nhất là nửa giờ thôi, đừng lâu hơn. Trong nửa giờ đi đó mà thấy lúc nào cũng quán thân được, tức là đi thấy thân mà không có một niệm nào khác xen vô, nó nhiếp phục tham ưu trên thân trong khi đi, không bị hôn trầm thùy miên, không phóng niệm, không phóng dật, nó có một trạng thái bất động yên lặng, chỉ cảm nhận rõ ràng sự rung động trên thân thôi, thì con đã thành tựu được quán thân trong oai nghi đi.
Nằm tu Tứ Niệm Xứ thì phải nằm kiết tường nghĩa là nằm nghiêng trên hông bên phải, bàn tay phải lót đầu, tay trái xuôi theo thân, hai chân thẳng chồng lên nhau. Trong khi nằm thì con quán thân nương vào hơi thở. Hơi thở làm thân con rung động máy động để con nhận thấy biết toàn thân theo sự rung động này. Con giữ hình ảnh toàn thân con trong tâm mà không mất niệm hơi thở, không bị hôn trầm thuỳ miên, không phóng niệm. Con ở trong một trạng thái bất động yên lặng mà cảm nhận rõ ràng cụ thể sự rung động của thân, thấy biết toàn thân. Đó là con đã thành tựu quán thân trong oai nghi nằm. Tu trong oai nghi nằm rất khó vì dễ bị hôn trầm tấn công nên con phải chọn giờ nào mà con rất tỉnh táo để tu nằm và con phải tu từ 5 phút rồi tăng dần lên cho đến nửa giờ.
Khi quán thân trong oai nghi đi đã thành tựu được rồi thì con mới thay đổi qua oai nghi ngồi, rồi oai nghi đứng, rồi oai nghi nằm. Và trong cả 4 oai nghi đó đều y trang một cái quán thân như vậy hết thì lúc đó mới bắt đầu tăng giờ lên.
Thầy cho các con tu quán chỉ trong 30 phút thôi, đừng quán quá lâu.
Nếu quán quá lâu trong một tư thế, sau đó khi các con thay đổi oai nghi, các con lại quán cách khác, nhiều cách quán quá là trật. Phải chọn lấy duy nhất một cách quán cho đúng, chứ không phải khi đi thì quán như vầy, khi ngồi thì quán khác. Làm như vậy là không được. Phải y chang một cái quán thôi thì nó mới là một pháp độc nhất, chứ một lát quán cách này, lát quán cách khác thì không được. Thầy nhắc nhở như vậy để biết, nhớ và thực hành cho đúng.
Đúng ra thì Thầy phải kiểm tra các con tu, nhưng vì Thầy không có nhiều thì giờ, vì muốn kiểm tra thì Thầy phải mất ít nhất mỗi người một tiếng để tâm Thầy cũng phải yên lặng lắng đọng mới nghe, mới theo dõi từng tâm niệm của các con. Thầy bây giờ phải vừa trả lời thơ, vừa trả lời các thắc mắc của các cô. Bên nam thì ít thắc mắc chứ bên nữ quá nhiều. Không biết quý thầy tu ra sao, Thầy nghĩ chắc cũng sai chứ chưa đúng.
Nhiếp tâm đâu phải là dễ, vì khi nhiếp phục được thì phải khắc phục được tham ưu. Các con tu mà quán thân được rồi thì nhiếp phục tham ưu được, quán trật thì nhiếp phục không được, nó có niệm xẹt ra. Khi thấy có niệm khởi thì coi chừng quán sai, hoặc là các con tu tập quá sức, hoặc là tu tập chưa được nhuần nhuyễn mà đã muốn dài nên ngồi cho lâu. Đa số các con vừa thấy được an một chút thì đã tăng giờ lên là các con đã quá tham rồi. Không đúng.
Thí dụ Thầy cho 30 phút thì các con cứ tu 30 phút xong xả nghỉ, rồi chút nữa các con tu tiếp 30 phút khác, suy nghiệm xem cách quán có giống nhau hay khác nhau. Đừng tu 30 phút này quán như vầy mà 30 phút sau lại quán cách khác. Nếu trong tất cả các thời tu, các con quán thân đều giống nhau như vậy hết thì Thầy sẽ đặc cách cho lên lớp tu cao hơn.
Vậy con trình cho Thầy nghe cách con quán như thế nào. Thầy chấp nhận chỗ nào thì con về thất cứ duy nhất như chỗ đó mà tu tập và chỉ tu tập trong 30 phút thôi. Sau khi tu 30 phút mà con tu được rồi thì Thầy sẽ chịu khó để ra 30 phút kiểm tra. Nếu thấy con tu đúng như thế rồi thì Thầy sẽ cho con thay đổi oai nghi. Chứ đừng vội. Nhiều khi tự con thay đổi oai nghi Thầy không biết con đã nhiếp như thế nào. Thầy cần biết rõ tâm của con trong khi đi rồi mới chấp nhận cho con thay đổi oai nghi mà tu tập.
Bắt đầu con ngồi, Thầy theo dõi tâm của con xem con quán thân có giống y như khi con quán thân trong khi con đi không. Giống thì Thầy chấp nhận mà không giống thì Thầy không chấp nhận. Có như vậy thì con sẽ nhiếp phục được.
Thầy tin trong 30 phút các con sẽ quán biết rõ thân của mình mà không có một niệm nào. Mình không ức chế nó mà quán sát thân của mình thôi; quán sát được và quán sát đúng thì không có niệm khởi ra xen vô. Mình cứ theo hơi thở đi ra, hơi thở đi vô, biết rõ từ trên đầu tới chân, từ chân lên trên đầu mà không phải là Chuyển Pháp Luân. Chuyển Pháp Luân nhờ nhiếp tâm mà không vọng niệm nhưng lại sanh ra tưởng, cho nên nó sai.
Mình quán như cái đèn pha chiếu soi vào thân. Ý thức của mình soi vào thấy toàn thân. Mình không dùng con mắt để nhìn nhưng mình dùng cảm nhận, cảm nhận chỉ có sự rung động. Con hiểu chỗ Thầy muốn nói không?
Tuy Thầy nhìn xuống như vầy nhưng Thầy thấy cả từ trên đầu xuống tới chân. Con mắt Thầy nhìn như vầy nhưng không phải Thầy thấy bằng mắt mà cái ý của Thầy thấy xuống tới dưới chân, Thầy thấy mặt của Thầy nữa.
Cái thấy mà Thầy nhìn vầy như đèn pha soi xuống. Nếu mắt mình cứ nhìn xuống hoài như vầy thì sẽ hư thị lực, mỏi mắt, bởi nhìn bằng mắt thì phải cứ nhìn chăm chăm vào thân để có cái thấy liên tục toàn thân, chứ nếu nháy mắt thì trong khi nháy nó làm mình mất đi một khoảng thời gian không thấy thân.
Còn đằng này mình cảm nhận. Cái cảm nhận luôn luôn có, không bị cái gì làm cho sự cảm nhận gián đoạn, trừ khi mình không đạt sự nhiếp tâm và an trú tâm.
Khi đi thì hành tướng đi rất thô, rung động lớn hơn, dễ nhận ra các rung động đó. Quán thân khi đi đã nhận ra được rồi thì sau đó đi tới cái vi tế hơn, đó là quán thân rung động nhẹ trong hít thở lúc mình ngồi sẽ dễ nhận ra.
Quan sát thân khi đi chưa nhận được thì quan sát thân khi ngồi với rung động nhẹ khó nhận ra, rồi sẽ bị tưởng. Tưởng luồng đi trong cơ thể của mình chứ chưa thấy sự rung động nhẹ của thân. Phải kinh nghiệm mọi trường hợp như thế để biết cái khó, cái dễ.
Cho nên nếu ai mới vô mà muốn ngồi để quán thân trên thân thì người đó dễ sanh tưởng theo những pháp môn của ngoại đạo. Thầy cũng biết khi cho đề tài quán thân trên thân trong oai nghi ngồi thì sẽ dễ bị tưởng. Chỉ người siêng đi kinh hành thì người đó khó bị tưởng, không bị tưởng, bởi cái thân khi đi rung động dễ dàng cảm nhận hơn.
Nếu khi đi theo cách bình thường mà không nhận được thân hành thì người ta còn có cách đi chậm và mạnh để cho thân động cụ thể hơn, thấy rõ hơn để cảm nhận được sự rung động toàn thân từ trên đầu cho tới dưới chân.
Cảm nhận độ nghiêng của thân khi chân dở lên, bước chân tới, đặt chân xuống.
Thân của mình cứ bị lúc lắc, sàng qua lại bên phải bên trái. Rồi thân nghiêng tới trước khi đẩy mình đi tới. Khi chân bước tới thì thân được đưa lên cao rồi chuyển xuống thấp theo bước chân. Nói chung toàn thân mình từ trên đầu cổ, xuống tới thân mình tay chân đều có sự chuyển động rung chuyển liên tục trong mỗi bước đi. Quán thân khi đi kinh hành phải thấy biết được thân chuyển động liên tục, không gián đoạn theo bước chân trong mọi giây phút.
Nếu muốn nhiếp tâm trong khi đi kinh hành, thì các con chỉ quán duy nhất như vậy và các con thuần thục nó. Chỉ cần tinh tấn tập một tuần lễ thì chắc chắn các con sẽ thuần thục. Sau đó khi ngồi quán thân với hơi thở nhẹ nhàng, tuy không tập trung mà mình vẫn thấy độ rung của cơ thể bởi khi đi kinh hành mình đã biết cách tập trung, đã tập trung được và tâm đã định tỉnh tức là tâm đã quán thân quay vô không còn phóng dật. Lúc nào cũng quán thân được thì tâm đã định tỉnh trên thân, cho nên khi tu tập trong oai nghi ngồi cũng như oai nghi khác kết quả sẽ đến nhanh. Đức Phật nói 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Người nào tập đúng, siêng năng đúng là mau kết quả lắm.
Cũng như nói chỉ cần tu Nhất Dạ Hiền. Có nghĩa là mình tu một ngày mà nỗ lực tu cho kết quả như vậy, và ngày nào tu cũng đạt kết quả như vậy, không chút gì khác, thì 7 ngày không chứng đạo sao được; đó là tinh tấn mà! Tinh tấn, siêng năng trên pháp tu. Mà phải tu đúng chứ tu sai thì làm sao chứng đạo được?
Đấy, con cứ tập dần theo đúng như lời Thầy dạy cho đủ 4 oai nghi. Cái nào con cũng quán thân cho (giống) đúng nhau thì thời gian con tu sẽ nhanh lắm. Các con sẽ có đủ thần lực, không thể nào không đạt, nghĩa là trong tâm nhu nhuyến dễ sử dụng chứ không thể không. Mà trước khi tâm đạt nhu nhuyến thì tâm đạt sự định tỉnh; khi tâm định tỉnh thì tâm phải ở đâu? – Nó phải định tỉnh trên thân của nó, mà trên thân thì quán thân chứ đâu quán gì khác.
Như vậy là hợp với Tứ Niệm Xứ rồi. “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” thì tham ưu đâu còn trên đó nữa. Nó nhiếp phục rồi thì tham ưu không còn. Cho nên từ chỗ này suy ra những lời Phật dạy hợp nhau ở trên Tứ Niệm Xứ rất cụ thể. Bây giờ đây cái mình phải tập là tập quán. Quán được rồi thì từ từ nó sẽ đi đến định tỉnh. Tâm định tỉnh thì tâm không phóng dật, tâm phải nhu nhuyến dễ sử dụng.
Nghe thì thấy như khó tu nhưng mình siêng năng tập, tập đúng thì không khó đâu.
Theo Thầy thiết nghĩ như vầy: Cái căn bản của các con là phải tu nhiếp tâm cho an trú tâm vào hơi thở hay bước đi kinh hành cho được trong một phút, rồi nghỉ 3, 4 phút, rồi tu lại một phút khác. Chừng nào nhuần nhuyển để vô một phút là vô ngay, không còn trật vuột, vô thật dễ dàng, tự nhiên, nhanh chóng, đúng y. Nghĩa là cách thức nhiếp tâm trong hơi thở thì phải là hơi thở giống nhau, không phải một phút thì hơi thở dài, một phút khác thì hơi thở ngắn, phút nào cũng cho là một phút mà một phút lúc vầy lúc khác thì không đúng.
Đức Phật đã dạy “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài” hay “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn”, đó là trụ trong hơi thở để an trú trong một phút. Hễ hơi thở dài thì lúc nào cũng dài, mà hơi thở ngắn thì lúc nào cũng ngắn, chứ không thể lúc vầy lúc khác được; không thể lộn xộn được. Người nào hơi thở an trú cũng phải nhất định chỉ có một hơi thở đó thôi, hoặc dài, hoặc ngắn mà thôi; lúc nào cũng là hơi thở đó tôi thở vô tôi nhiếp cho được. Đừng có thay đổi hơi thở đó. Do đó phải chọn lấy một hơi thở cho được cố định, không còn thay đổi nữa, sau đó mới tới đề mục khác. Theo Định Niệm Hơi Thở thì tới “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, đó là đề mục để hướng dẫn cho các con đi vào quán Tứ Niệm Xứ.
Vấn đề quan trọng là ở chỗ tu. Tu làm sao để phải nhiếp tâm và an trú tâm cho được hoặc là trong bước đi hoặc là trong hơi thở rồi đi vào cái thân hành niệm mà tu tập. Thân hành niệm, cái niệm chân chánh của thân, mà mình tu tập được nhiếp tâm an trú tâm được thì lần lượt những cái khác mình dễ dàng tu lắm, nhưng nếu mình tham cứ thấy hơi được là mình tăng lên.
Không được tăng như vậy. Mình phải tu tập chỉ môt phút thôi trong cái pháp đó một hoặc hai tuần lễ, tu cho nhuần nhuyễn một phút cho đạt được, lúc nào cũng chỉ một phút thôi chứ đừng có thêm, đừng có tăng lên hai ba phút.
Các con có cái sai là cứ thấy nó không niệm, hơi được một hai lần là các con tự tăng lên ba bốn phút liên tục. Trong khi đúng ra phải tu một thời gian cho nó nhuần nhuyễn, thiệt nhuần nhuyễn. Trong một phút đó mình thấy lúc nào cũng tu là được, nhiếp vô là được không có trật vuột. Và khi tu được một tuần lễ rồi, bất kỳ lúc nào thấy có hơi hôn trầm thì mình ngồi lại hít thở một cái là tỉnh bơ liền tức là mình đã nhiếp được, an trú được rồi, tâm không còn mờ mịt. Nếu mình nhiếp mà không phá được hôn trầm thì mình còn bị mờ.
Mình chỉ tu một phút thôi mà một phút nó muốn hôn trầm lừ đừ, muốn buồn ngủ thì mình nhiếp tâm vô, là an trú vô liền bởi vì mình tập nhiếp tâm và an trú. Khi nhiếp tâm và an trú được rồi thì Thầy nói quá hay, nó sẽ phá hôn trầm liền tức khắc.
Khi trên Tứ Niệm Xứ tu tập có căn bản như vậy thì chỉ nhìn thân của nó một cái thì tất cả các ác pháp khác đều bị nhiếp phục hết, nó không còn tới lui được cái tâm của con nữa, cho nên nó sáng như ngọn đèn soi, đó là chánh niệm tỉnh giác. Nó quá tỉnh rồi, nó không còn mê mờ. Còn mình tu lúc tỉnh lúc mê như các con hiện giờ thì rõ ràng là còn dẫm chân tại chỗ rồi, mình không làm chủ. Tu tập cái pháp mà mình vẫn còn bị các lực của si mê, hay lực của tham, sân, si đều ập vô cho nên mình mới có vọng niệm, tức là mình thiếu tỉnh, bị mờ mịt cho nên mới bị ác pháp xâm chiếm vô được. Còn đằng này mình nhiếp tâm rồi an trú tâm, nó quá tỉnh mới được vậy chứ.
Người ta đâu dạy mình tu nhiều, tu nhiều là tu quá sức, tu không có nổi.
Thầy dạy tu một phút thì tập một phút, một phút tập cho thuần thục đi. Đằng này cứ thấy vừa được thì tăng lên. Sức mình đâu phải sức thần mà tăng lên nhiều vậy.
Bây giờ các con phải bỏ thói quen lúc nào cũng muốn tăng giờ tu lên trong khi chưa tu được nhuần nhuyễn. Phải tu căn bản lại, một phút là một phút nhuần nhuyễn, hai phút là hai phút nhuần nhuyễn cho đến mười phút là mười phút nhuần nhuyễn. Bây giờ các con đang bước qua giai đoạn Tứ Niệm Xứ rồi thì các con phải có căn bản chứ không có căn bản thì không được. Mà căn bản thì bây giờ mình nhìn lại mình đang ở trên đề mục thứ ba và đề mục thứ tư của Định Niệm Hơi Thở “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” tức là quán thân chứ có khác gì. Mà muốn quán được thì mình “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” một phút nhiếp tâm và an trú tâm cho được. Mà khi đã nhiếp tâm và an trú tâm được thì giống như điều Thầy nói “Đứng ở trên lô cốt mà nhìn xuống” tức là thấy toàn diện thân và hơi thở của nó chứ, như vậy mình nương vào hơi thở chứ mình đâu trụ nó. Mình an trú trong hơi thở rồi mình bắt đầu quán soi vào trong thân thể mình coi cái thân thể của mình, chứ mình đâu kẹt vào trong hơi thở đâu mà bị ức chế. Con thấy chưa, chỉ một phút được rồi thì chỉ cần soi lại quán thân, chỉ quán thân thôi, thì Thầy thấy sẽ toàn diện có kết quả, mà không bị ức chế chút nào hết.
Thật sự đây là cái lớp đào tạo, các con chỉ cần làm đúng theo sự chỉ dạy thì chắc chắn các con sẽ đạt được kết quả liền, không thể sai trật được vì chương trình của đạo Phật là Đạo Đế, đó là chơn lí, không có thể dạy cho người thì được người thì không. Khi người đó chịu siêng năng tinh cần, chịu tu thôi thì người đó phải được. Cho nên đức Phật mới tuyên bố “Trên trời dưới trời, con người là duy nhất làm chủ sanh, già, bệnh, chết.” Chỉ có con người mới làm được nhưng phải là người làm đúng, chứ làm sai thì làm sao mà được.
Mà làm đúng thì chơn lí này dạy thực tế chứ đâu dạy mơ hồ, nó rất rõ ràng.
Khi Thầy triển khai rồi thì nó rất rõ, mà Thầy đưa vào đâu thì đức Phật dạy y như vậy.
Con thấy như “Quán thân trên thân để nhiếp phục tham ưu”, cả một câu như vậy mà từ lâu nay họ nghĩ sai chứ Thầy hiểu mình quán thân được thì mình nhiếp phục được tham ưu thì đâu phải là ngồi đó mà quán này kia nữa đâu, chỉ cần quan sát được cái thân của mình là nhiếp phục được tham ưu.
Cái đó quá rõ ràng rồi. Mà muốn quán được thân này thì phải ở trên Định Niệm Hơi Thở mà quan sát. Con thấy đúng như vậy không, con thấy đức Phật quá hợp lý phải không, cái pháp này lý lẽ quá chặt chẽ không sai trật, không kẽ hở, nó là một hệ thống đi vào thì các con đạt được kết quả của nó một cách cụ thể. Thế mà các con cứ tu từng pháp rời rạc thì thử hỏi lợi ích gì, pháp đó dẫn mình tới đâu. Nó có chân rít để nối liền các pháp lại. Như con thấy Tứ Niệm Xứ nối liền với Thất Giác Chi; Thất Giác Chi nối liền với Tam Minh. Nó nối liền chân rít nhau trong đó, chứ đâu phải nó rời rạc ra.
Cái lý lẽ rõ ràng như vậy đó mà dạy thì các con có cái thói quen cứ tự mình tăng lên tăng lên; cái này chưa có thuần, một phút chưa nhiếp tâm, chưa an trú được, nó mới được có chút chút thôi thì đã lo tăng lên; nó hỏng chân rồi, nó chưa có nhuần nhuyễn. Tu thì phải nhuần nhuyễn chứ, nó phải nhu nhuyến mới được chứ, còn đây chưa có được nhuần nhuyễn mà cứ muốn mau cho mau, cứ muốn cho 30 phút, một giờ, hai giờ; ngồi cũng vậy, đi cũng vậy. Không được làm thế. Tu là phải thấy chất lượng của sự nhiếp tâm đó.
Các con phải trở về căn bản lại, một phút phải là một phút nhiếp tâm và an trú tâm cho được. Đó là căn bản nhất của giai đoạn các con bắt đầu sau này, và đồng thời những Định Vô Lậu cần phải thông suốt “Những gì cần thông suốt phải thông suốt”, chưa thông suốt thì làm sao mà xả. Trong khi mình chỉ có nhiếp tâm và an trú được trong có một phút thôi thì còn biết bao nhiêu cái vọng niệm, cho dù các con ngồi chơi thôi thì vọng niệm cũng đến với các con rồi, các con không nhiếp không an trú mà đã có vọng niệm rồi, mà những vọng niệm đó thì chỉ Định Vô Lậu mới quét nó, trong khi các con cần tập cho an trú để sau đó các con chuyển nó qua trên Tứ Niệm Xứ mà quán, thì lúc bấy giờ tự cái quán đó sẽ nhiếp phục tham ưu. Còn bây giờ các con đâu có được nhờ Định Vô Lậu, là cái tri kiến của các con để xả tất cả các tham ưu, chứ không thì các con chạy theo dục lạc, phạm giới hết. Cho nên cái Chánh Kiến nhờ cái tri kiến đó mà nó xả tâm các con rất nhiều để tâm các con thanh tịnh.
Khi tâm thanh tịnh thì chỗ nhiếp tâm, an trú này mới vững chắc. Hai cái chân rít nó hợp nhau để nó an trú cho được, còn nếu mình không xả tâm thì cái an trú này không được.
Thầy dạy các con xả tâm được thì an trú được, an trú được thì xả tâm được, nó như hai cái chân rít quấn chặt nhau. Cái này được thuần thục rồi mình bắt đầu quán thân thì rất tốt. Cho nên khi nó được rồi thì các con sẽ nhận ra được hơi thở dài hay hơi thở ngắn ở trên chỗ nhiếp tâm an trú tâm quá cụ thể. Bởi vì trong khi con nhiếp tâm an trú tâm, con thấy rõ hơi thở nào thì con sẽ nhiếp tâm an trú lúc nào cũng được, đó là hơi thở dài hay hơi thở ngắn như thế nào. Khi con nhiếp tâm và an trú được thuần thục thì con nhận ra được hơi thở đó của con liền. Hễ con vô hơi thở đó thì con nhiếp tâm an trú liền. Đó là cách thức con chủ động. Cái hơi thở nó lợi ích rất lớn bởi vì nó là cái đường dây hơi thở để mình nắm vô an trú là vô liền.
Bây giờ con chưa biết cái hơi thở nào sẽ nhiếp tâm và an trú được thì như thế con mất căn bản rồi. Cái đó quá rõ ràng cụ thể, mình không biết cái hơi thở nào mình nhiếp tâm an trú được, cho nên vô đó cứ lát thở dài lát thở ngắn, lát thở vầy, lát thở khác, đủ các hơi thở hết thì làm sao được, làm sao mà gọi là nhiếp tâm an trú? Mình phải chọn lấy một hơi thở mà khi mình tu tập nhiếp tâm an trú thì thấy hơi thở này vô được mau mắn mà dễ nhiếp tâm an trú trong một phút. Một phút nó có đủ thời gian để cá c con nhận được cái hơi thở đó, nghĩa là cứ thở hơi thở đó thì bắt đầu nhiếp tâm an trú liền. Như thế hơi thở đó chính là đường dây cho mình vào nhiếp tâm. Cho nên con chỉ cần nhìn hơi thở và cái thân của con, con quán được liền thì lúc bấy giờ sẽ dễ cho con, còn bây giờ thì con phải tập quán bằng cách này hay cách khác.
Căn bản an trú: Thấy được hơi thở đường dây, biết hơi thở đó dài hoặc là hơi thở đó ngắn như thế nào, hoặc hơi thở đó nhẹ cái tầm vóc ra sao, sau đó bất kỳ lúc nào con vô con cũng thở ngay liền cái hơi thở đó, tập ngay liền cái hơi thở đó. Căn bản một phút nhiếp tâm an trú cho được trong hơi thở này.

BÀI THỨ NĂM: DẠY MỘT TU SINH NAM

Trong các câu tác ý của quán thân theo 4 Niệm Xứ thì có ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 con hãy còn trong pháp quán thân, chừng qua đến giai đoạn 3 con mới hoàn toàn vô sự. Nhưng con phải tu qua các giai đoạn đầu, chừng tâm con trải qua những trạng thái kế tiếp tiến bộ con mới vào giai đoạn vô sự này bởi vì con còn can dự vào các trạng thái của hơi thở, các trạng thái đó giúp cho con dễ vô sự, chớ nếu không thì con bị hữu sự thôi, không vô sự được. Con phải tu một thời gian thì con mới qua được giai đoạn 3 này chứ không thì con chỉ ở giai đoạn một và hai thôi. Cũng quán thân nhưng chỉ ở giai đoạn 1 và 2 chứ không qua giai đoạn hoàn toàn vô sự được. Tới chỗ vô sự rồi thì thấy như mình không có tu tập gì cả. Con phải qua giai đoạn giảm lần sự vận dụng mới tới vô sự chứ không khéo...
Con phải theo hơi thở thấy nó tác động lên thân con như thế nào thì cứ để tự nhiên như vậy, không can thiệp thay đổi. Nó nhẹ, nó chậm như thế nào thì cứ để cho nó như thế ấy, không làm gì lên nó hết. Con chỉ ngồi ghi nhận nó thôi, ghi nhận sự tác động của hơi thở lên thân con thôi để thấy thân con dưới tác động của hơi thở mà không có sự can thiệp thay đổi nào của con. Nó làm gì thì cứ để nó làm, mình chỉ có bổn phận nhìn nó thôi, bởi vì thân yên thì nó làm theo kiểu yên của nó. Khi nó chưa yên thì nó làm theo kiểu chưa yên.
Mình chỉ có một bổn phận nhìn nó thôi tức là quán thân thôi. Đó là quán.
Đừng có sửa soạn gì trong đó hết, đừng có hướng dẫn gì hết, chỉ có bổn phận quán trong đó thôi.
Đầu tiên con nhìn coi hơi thở. Đừng vận dụng gì hết, đừng can thiệp gì hết chỉ nhìn xem hơi thở tự nhiên của nó, con sẽ thấy hơi thở có nhiều tốc độ nhanh, chậm, nhẹ, mạnh, dài, ngắn đủ hết trong đó. Con lắng nghe con sẽ thấy. Đôi lúc con cảm giác những cảm thọ hiện ra trên thân con. Nếu con thấy thân con phát nhiệt thì trong thân đang có bệnh gì đó nên nó phát nhiệt để giải trừ. Nếu thân con không có gì hết, đang khoẻ mạnh thì nó không có gì, chỉ cảm nghe mát mẻ thôi. Khi con nghe có chỗ nào hiện ra đau nhức gì thì con giữ tâm yên tịnh và đưa tưởng về đó để chữa trị, dùng tưởng và tác ý chữa những cảm thọ làm thân không an. Phải đẩy lui cảm thọ mới trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ tu mới được. Con dùng câu tác ý của Định Niệm Hơi Thở, nếu cảm thọ trên thân thì “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”; nếu cảm thọ thuộc về tâm như thương nhớ ân hận hối tiếc,... thì con dùng câu tác ý “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi con dùng tưởng đẩy các chướng pháp lui khỏi thân con, xong đâu đấy mới trở về tu quán thân theo 4 Niệm Xứ.
Khi mình tu, tâm mình yên tịnh thì các thân nghiệp của mình càng ngày càng hiện ra, vì nó là thân nghiệp thì làm sao không hiện ra được. Khi nó hiện ra thì mình đẩy lui, mình tu mình đẩy lui thì cái lực đẩy lui của mình đó trở thành 4 Thần Túc. Cho nên mình tu có nghiệp chừng nào mà mình đẩy lui chúng hết thì lực mình mau thành tựu. Nhưng bịnh cũng phải vừa với sức đẩy lui của mình chứ nếu không thì mình sử dụng năng lượng nhiều hao quá sức chịu đựng, mình mới tu an trú mới chút xíu mà đẩy lui bịnh nặng thì sao được.
Mình phải tu cho đến khi có đủ lực rồi thì có bịnh nào mà đẩy lui không được.
Cũng như sức mình nhỏ mà tảng đá lớn thì làm sao di chuyển nó được.
Bây giờ con ngồi tu 4 Niệm Xứ quán thân trên thân mà đúng với giai đoạn 3 thân tâm đều an tịnh thì trạng thái tâm thanh thản phải hiện ra, khi con kéo dài trạng thái an tịnh đủ một thời gian cần thiết thì buộc nó phải hiện ra, không cách nào không hiện ra. Tâm thanh thản hiện ra chính là 7 năng lực giác chi chứ không phải cái gì khác. Đó là Khinh an giác chi, Hỉ giác chi, Niệm giác chi,.... mình kéo dài được thì nó phải hiện ra. Trên 4 Niệm Xứ mà mình bảo vệ chơn lí đó dài lâu không bị gián đoạn thì 7 năng lực giác chi phải hiện ra.
Nếu thân tâm con còn những chướng ngại pháp thì 7 năng lực giác chi không hiện ra đâu, con phải trở về giai đoạn 1, 2 mà chiến đấu với các cảm thọ đó chứ ở giai đoạn 3 không thể thắng nó được đâu. Con phải trở về các tác ý của Định Niệm Hơi Thở đúng với cảm thọ con đang có để đẩy ra. Nếu xả tâm mà chưa thành tựu thì con cũng phải tu tập thêm xả tâm để nó li hết các tâm tham sân si mới vào giai đoạn 3 giữ tâm mình bất động mới được. Con đang ở trên 4 Niệm Xứ nhiếp phục tham ưu thì làm sao còn chướng ngại được. Mà nếu còn chướng ngại thì bắt buộc con phải trở vế Định Niệm Hơi Thở, cũng như sức con chưa tới mà con trèo cao quá thì đâu được. Vậy khi có chướng ngại pháp thì buộc con phải trở lui Định Niệm Hơi Thở để tác ý khắc phục, xong con mới trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ giữ tâm bất động thanh thản. Cứ mỗi khi có chướng ngại thì con lại trở lui Định Niệm Hơi Thở, xong lại trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ. Chừng các chướng ngại không còn thì con chỉ còn tâm bất động thanh thản an lạc vô sự thôi. Con bảo vệ tâm này kéo dài “nhất dạ hiền” được 7 ngày là con chứng đạo.

BÀI THỨ SÁU: DẠY LỚP TU SINH NỮ

(Ngày13.3.2006)

Trong sự tu tập, khi các con vào lớp Chánh Tư Duy thì có hai ngả để xả tâm. Ngả thứ nhất là tu tâm xả, ngồi chơi mà xả hết những niệm, những chướng ngại gì đến trong thân tâm của các con bằng pháp xả. Về pháp xả, trong lớp Chánh Kiến các con đã biết cách xả niệm bằng pháp tác ý khi các con biết niệm đó, bằng không thì phải tư duy quán xét theo cách đã học ở lớp Chánh Kiến, xả bằng tri kiến giải thoát của các con.
Ngả thứ hai thuộc lớp quán thân theo 4 Niệm Xứ thì cao hơn nên khó khăn hơn vì vậy mà sau một thời gian Thầy kiểm lại thì thấy lớp Chánh Tư Duy, đi vào trên thân quán thân, hầu như tất cả các con quán sai nên không nhiếp phục được tham ưu trên thân thọ tâm pháp của các con. Vì vậy hôm nay Thầy gởi cho các con bài Căn bản Quán Thân Trên Thân tu theo 4 Niệm Xứ và đồng thời bảng Đường lối tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy tóm lược từ quán thân theo 4 Niệm Xứ cho đến Thân Hành Niệm và tất cả những gì ở trong đường lối tu tập để các con không bị sai lệch. Nếu các con tu tập đúng thì chỉ trong một thời gian ngắn là thành tựu, còn tu tập sai thì nay có niệm, mai thì có hỉ lạc bằng cách này hay cách khác do các con không giữ một mực quán đúng. Thí dụ như trên thân quán thân thì các con giữ cách quán như thế nào để trong khi đi, khi đứng, khi nằm hay khi ngồi cũng đều có cùng một cách quán giống y nhau, chứ không phải khi thì các con chuyển pháp luân bằng cách chạy từng chút từng chút, hoặc có khi các con chỉ quán có một phần thân, hoặc các con nương vào hơi thở hoặc nương vào nhịp tim hay cơ bụng. Tất cả những cách đó đều sai.
Trong bài Căn bản quán thân theo 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, Thầy nhắc nhở cái biết thân của các con như một ngọn đèn pha soi vào thân các con qua sự cảm nhận, qua cái thấy. Thí dụ trước tiên các con dùng mắt để thấy thì thật sự thấy từ đầu tới chân một lượt như đèn soi vào một vật. Trong sự tu tập giai đoạn quán thân theo 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, trên thân quán thân, nếu các con soi được như vậy thì không thể có một chướng ngại nào có thể tác động vào, vì vậy đức Phật nói “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu” tức là nhiếp phục tất cả mọi chướng ngại trên đó hết khi quán được thân, chứ không phải quán thân theo kiểu 4 Chánh Cần. Trên 4 Chánh Cần thì các con quán trên thân có chướng ngại như vầy, tâm có niệm thế kia, khi đó các con dùng một trong 4 loại định để quán xét xả như Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở. Đó là các con tu 4 Chánh Cần trên 4 Niệm Xứ chứ chưa phải 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ. Khi các con tu trên thân quán thân các con thấy những chướng ngại trên đó các con dùng những phương pháp khác để ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện, đem lại sự bình an cho thân tức là các con tu 4 Chánh Cần. Phân biệt rõ như vậy để biết các con đang tu ở giai đoạn nào.
Các con có hiểu rõ, tu mới có kết quả chứ không thì tu sẽ sai. Trong khi tu 4 Chánh Cần trên 4 Niệm Xứ là để khắc phục những phần thô của tham sân si còn phần vi tế của tham sân si ở trên thân tâm của các con sẽ dùng 4 Niệm Xứ để gạn lọc. Ở giai đoạn này nhờ sự tỉnh thức trên thân của các con tức là quán thân trên thân thì nó sẽ nhiếp phục tất cả những vi tế chướng ngại ở trên thân cho nên gọi là nhiếp phục tham ưu. Tự nó nhiếp phục chứ các con không dùng pháp nào khác nữa hết, chỉ dùng quán thân trên thân mà thôi.
Vậy các con hãy đọc tập căn bản nhất của quán thân theo 4 Niệm Xứ, người nào trên thân quán được thân thì nên tu 4 Niệm Xứ. Còn người nào không quán thân trên thân được có nghĩa là giờ thì quán như thế này, lát nữa thì quán khác, như vậy là không quán thân được, thì hãy trở về tu xả tâm vô lượng. Nghĩa là bây giờ các con không trở về lớp 4 Chánh Cần ngăn ác diệt ác nữa mà các con phải ở trên xả tâm vô lượng bởi vì trải qua một thời gian rất dài các con đã tu ngăn ác diệt ác trên 4 Chánh Cần rồi. Hiện giờ vẫn còn nhiều phần thô hay phần vi tế mà các con quán thân không được là bởi các con chuyển pháp luân trên thân của các con. Tức là các con quán mà thấy từng phần đầu, ngực, bụng, chân... đi từng phần rồi chạy lên chạy xuống, như vậy là chuyển pháp luân. Đó là sai, không đúng.
Nếu các con đi mà thấy sự rung động toàn thân rất dễ, có ai trong các con biết cách thức đi để nhận ra toàn thân của mình không? Thật ra không có gì khó khăn bởi đức Phật đã trang bị cho chúng ta những đề mục để chúng ta quán thân. Như trong những đề mục Định Niệm Hơi Thở thì đức Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đó là đề mục để chúng ta nhận ra cho được cảm giác toàn thân của chúng ta. Đức Phật muốn cho chúng ta tu quán thân theo 4 Niệm Xứ nên trên Định Niệm Hơi Thở đã chuẩn bị đề mục thứ 1 đến đề mục thứ 5, chúng ta thấy rất rõ. Đề mục thứ nhất “hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” mà Thầy đã dạy cho các con căn bản một phút nhiếp tâm và an trú tâm.
Thầy đâu dạy các con tu lâu, chỉ một phút thôi, nhưng phải nhiếp tâm và an trú tâm cho được. Nhiếp tâm và an trú tâm một phút được là các con sẽ cảm giác toàn thân của các con rất dễ, mà Thầy nói như thể các con đứng trên chòi canh, tháp canh cao nhìn xuống toàn diện thì các con thấy rất rõ. Không phải trụ trong hơi thở mà nhiếp trong hơi thở. Các con ở trên hơi thở mà nhìn thân của các con nên các con không bị kẹt trong hơi thở. Trước khi chúng ta tu 4 Niệm Xứ, đức Phật đã trang bị cho chúng ta trước những đề mục đó. Trên Định Niệm Hơi Thở có những phương pháp, những cách thức để khi trở về với 4 Niệm Xứ thì chúng ta biết cách mà quán thân trên thân.
Thường thường những phương pháp của đức Phật kết nối rất chặt chẽ, nó như chân rít, pháp này liên hệ với pháp khác, cho nên đức Phật nói pháp này là thực phẩm cho pháp kia. Hằng ngày mình sống tu tập pháp này cũng giống như ăn thực phẩm thì mình mới có pháp kia. Nó kết nối chặt chẽ, nó như chân rít cho nên rất cụ thể và rõ ràng. Khi chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở thì đâu có nghĩa hơi thở đưa chúng ta đi đến cứu cánh, nhưng những đề mục hơi thở đó chuẩn bị giúp cho chúng ta tu trên 4 Niệm Xứ tức là quán thân trên thân. Đó là những đề mục đầu tiên, còn những đề mục như “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”; “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” hay quán li tham, quán li sân, quán li si... là để giúp cho chúng ta phần ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Nó rõ ràng quá chứ!
Cho nên Định Niệm Hơi Thở dạy chúng ta hai phương pháp, một phương pháp giúp cho chúng ta ở trên 4 Chánh Cần mà tu tập và một phương pháp giúp chúng ta ở trên 4 Niệm Xứ mà trên thân quán thân. Cho nên người nào tu mà nghe lời Thầy, tu căn bản nhất thì đến khi trở về với 4 Niệm Xứ thì rất dễ vì các con đã từng nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút, chỉ một phút thôi, các con nghỉ 3, 4 phút rồi các con tu lại một phút. Cứ tu như vậy và phút nào nhiếp vô các con cũng thấy giống y như vậy, chứ không phải một phút mà lúc này thì thở hơi thở này lát nữa một phút khác lại thở hơi thở khác, nghĩa là hơi thở dài thì lúc nào cũng dài dài mà hơi thở ngắn thì lúc nào cũng ngắn cho nên đức Phật nói “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài” hay “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn”. Nếu các con thấy các con nhiếp được trong hơi thở dài và an trú trong hơi thở dài thì lúc nào cũng là hơi thở dài. Còn nếu các con thấy các con nhiếp tâm và an trú tâm được trong hơi thở ngắn thì các con nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở ngắn; đừng có lúc dài lúc ngắn, mà lúc nào các con cũng nhận thấy hơi thở các con nhiếp được chỉ một loại thôi thì các con đã chủ động được sự tu tập của mình và khi bước qua quán thân theo 4 Niệm Xứ thì các con quán thân rất dễ dàng.
Hôm nay Thầy sẽ đi kinh hành để các con nhìn thấy sự quán thân trên thân một cách cụ thể rõ ràng. Nó có những cách thức của nó. Để đi kinh hành mà quán thân thì thân chúng ta có sự rung động đều đặn nghiêng qua nghiêng lại, nghiêng tới để bước đi. Bước đi của các con mới đầu đi nhanh, nhưng không có nghĩa là quá nhanh để các con kịp cảm nhận toàn thân của các con theo nhịp bước đi, rồi kế đó các con đi chậm dần để khi đi chậm vậy các con mới có sự cảm nhận thân được liên tục từ chỗ di chuyển qua chỗ đứng lại rồi ngồi xuống dễ dàng mà không bị mất, không bị gián đoạn cái quán thân. Nếu đi nhanh rồi các con phải đứng lại rồi các con ngồi thì cái quán thân sẽ bị gián đoạn chỗ đứng làm cho các con bị mất đi chỗ quán thân của các con.
Pháp quán thân có nghĩa là tâm không phóng dật mà các con thường nghe trong kinh Phật nói “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Nghĩa là tâm chúng ta luôn luôn quán trên thân nó tức là nó không phóng ra ngoài, đó là không phóng dật. Nó không phóng dật cái quán thân được một thời gian thì nó sẽ định tỉnh, nó bám chặt trên thân nó, không còn rời ra, cho nên nó định tỉnh. Định tỉnh như nó có rễ mọc trên đó. Nó định tỉnh thì nhu nhuyến dễ sử dụng, nhờ thế 7 năng lực giác chi xuất hiện. Tâm có 7 năng lực Giác Chi cho nên nó nhu nhuyến dễ sử dụng, muốn làm gì thì có nấy, đó là nó có đủ 4 Thần Túc. Cho nên đức Phật mới dám xác định tu 4 Niệm Xứ 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Nhưng chúng ta tu đúng thì chỉ trong 7 ngày hoặc 7 tháng là cao chứ đâu tới 7 năm.
Đó là nói phòng ngừa thôi chứ sự thật ra khi tâm chúng ta không phóng dật, định tỉnh trên thân của chúng ta được thì lúc bấy giờ nó có đủ thần lực.
Khi có đủ thần lực thì chúng ta đâu cần gì phải tu nữa, chúng ta làm chủ được sanh già bệnh chết rồi, như vậy chúng ta đã tu xong đâu có gì cần tu nữa. Tức là khi tâm định tỉnh trên thân của nó thì đương nhiên lúc nào nó cũng nhiếp phục những ưu phiền trên thân và tâm của nó rồi. Do đó nó sẽ như thế nào?
Nó sẽ thanh thản an lạc vô sự. Mà trạng thái thanh thản an lạc vô sự là chơn lí của đạo Phật, như vậy chúng ta đã chứng đạt chơn lí rồi.
Nó cụ thể rõ ràng chứ đâu phải khó khăn gì. Còn bây giờ các con cứ tu lúc thì vầy, lúc thì khác, lúc thì buồn ngủ. Đã quán thân thì làm sao các con còn buồn ngủ được? Trên thân quán thân nó tỉnh táo như vậy thì làm sao buồn ngủ được! Các con nhiếp tâm và an trú được trong hơi thở một phút thôi, thì cái buồn ngủ sẽ chạy mất tức khắc. Bây giờ Thầy buồn ngủ này, Thầy nói nhất định phải nhiếp tâm trong một phút, rồi Thầy nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút thì cái buồn ngủ sẽ chạy mất tức khắc. Phương pháp như thế mà các con tu không đạt được cho nên cứ gục tới gục lui, chỉ còn ráng đi kinh hành để chống buồn ngủ. Còn ngủ tới ngủ lui thì các con thấy như thế nào? Như vậy là không căn bản, thiếu căn bản trong sự tu tập. Thiếu căn bản trong sự tu tập thì không biết chừng nào các con mới đạt được cứu cánh, dù các con tu trong thời gian dài.
Thật sự ra Thầy thấy trong sự tu tập, các con có gắng công nhưng tham tu cho nhiều giờ mà quên căn bản là các con tu tập cái gì cũng phải đạt cho được chất lượng căn bản của cái đó, nhờ vậy mà tín lực càng ngày càng tăng lên bởi có kết quả. Còn các con tu cứ dậm chân tại chỗ mãi sanh ra các loại tưởng làm cản trở đường đi của các con làm các con thối chuyển. Cái khó khăn của Thầy trong việc hướng dẫn cho các con tu là các con không thấy được cách căn bản quán thân trên thân.
Đức Phật đã trang bị “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hoặc là “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi đang đi kinh hành”, nghĩa là đang đi kinh hành thì phải cảm nhận cho được sự rung động của thân. Bây giờ các con lưu ý nhận xét trong khi Thầy thực hành bằng không thì không thể nào biết cách thức tu tập. Khi đi có thể để tay sau lưng hay bắt tay trước bụng. Khi bước đi cảm nhận cho được cái thân; khi dở chân lên, đưa chân tới cũng thế. Cái chân này đưa tới thì nó rung động, các con cảm nhận sự rung động của nó: dở lên, đưa tới, để xuống. Cái thân phải nghiêng, khi chân bên nay dở lên thì chân kia phải làm trụ đỡ thân.
Thân rung động chứ. Đến khi chân kia dở lên đưa tới thì thân nghiêng qua chân này và khi đẩy thân tới thì chân này dở lên. Thân đưa tới thì nó động đến trên vai trên đầu. Mỗi bước chân đều có nhiều rung động ở nhiều phần thân. Thân cứ lắc qua lắc lại. Đó là cách thức để các con quán thân. Nếu lúc nào các con cũng tập để chú ý quán thân hành của các con như vậy thì làm sao mà các con tu tập không được. Nó có phương pháp nó không trụ vào chỗ nào trên thân các con. Nó tương tự pháp thân hành niệm nhưng không tác ý từng hành động thôi. Cho nên từ pháp 4 Niệm Xứ này nó cũng được đủ cho các con có thần lực vì nó gần như thân hành niệm. Bây giờ các con ngồi trên ghế như vầy rồi “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Các con thấy sự rung động của thân chứ không phải thấy hơi ruồng vô trong thân. Khi ngồi như vậy để quán thân từ trên đầu xuống tới chân thì rất là tỉnh táo chứ không bị mờ mịt chỗ nào hết.
Bây giờ nói đến thời gian. Các con sức tu 10 phút thì tu 10 phút đừng tu đến 20 phút vì khi tăng lên 20 phút các con sẽ thấy có niệm vào tức khắc. Sức các con chừng nào thì tu như vậy để tập tâm quay vào cho được. Khi các con nói “Trên thân quán thân. Tâm phải quay vô quán thân” thì lúc đó thấy như nó từ trên đầu nhìn xuống. Nó có dạng như ở ngoài nó ngó vô, nhưng các con nhìn ra ngoài chứ các con không ngó vô bởi các con dùng mắt nhìn thì dễ nhưng sẽ ảnh hưởng đến các cơ con mắt, nó làm cho mõi mắt. Còn các con cảm nhận thì không mỏi mắt cho nên đức Phật không dạy chúng ta nhìn mà dạy chúng ta cảm nhận cảm giác “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đức Phật có kinh nghiệm quán.
Như bây giờ Thầy quán Thầy nhìn từ trên mặt nhìn xuống, như ngọn đèn nó chiếu trên thân của Thầy. Cái nhìn biết của Thầy như ngọn đèn chiếu sáng như vậy. Nó ngồi im như vầy nó nhìn. Nó không cần phải chạy tới chạy lui mà nó vẫn thấy từ đầu xuống chân. Nếu chúng ta nhìn bằng mắt thì khi nháy mắt có một khoảng quán của chúng ta bị đứt đoạn.
Các con cố gắng nỗ lực tập luyện quán thân theo 4 Niệm Xứ thì quán sẽ nhanh lắm. Còn nếu các con quán sai, quán lúc vầy lúc khác thì các con nên dẹp tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà trở về tu tâm xả, xả tâm vô lượng. Như Mật Hạnh dù không biết viết bài hay nhưng khi ngồi lại thì tất cả những tâm niệm khởi lên trong tâm như nhớ chuyện đi chơi chỗ này chỗ nọ, tiếp duyên người này người kia thì biết đây là dục, đây là ác pháp, đây là khổ đau, đem đến sự đau khổ thì không chấp nhận. Ở đây chỉ thanh thản an lạc vô sự thôi, chỉ tác ý đuổi đi rồi ngồi im lặng thì lúc bấy giờ cảm nhận thấy được thân của nó, cảm nhận một cách tự nhiên thấy được sự rung động của thân mà không trụ nơi hơi thở. Mỗi lúc có niệm đến thì nó đuổi. Cứ tập như vậy chứ không tập gì khác. Thầy mong rằng các con nếu quán thân không được thì các con trở về tu tâm xả trong tứ vô lượng tâm như vậy.
Còn người nào có tâm từ tâm bi thì khởi lòng từ bi. Nếu tu tâm từ thì phải tỉnh thức, nghĩa là tu trong tất cả mọi hành động của mình. Làm một hành động gì đều khởi lên lòng thương yêu cố gắng tránh không làm đau khổ chúng sanh từ trong mọi việc như lúc ăn, lúc rửa bát... Mọi lúc đều tỉnh thức trên đó mới gọi là tu tâm từ tránh gây đau khổ chúng sanh. Chúng ta vô tình không có tỉnh thức trên những hành động đó nên thường làm đau khổ chúng sanh. Khi đã tỉnh thức rồi thì trong khi ngồi im không làm gì hết người đó cũng trở về thấy thân của người đó chứ không thấy gì khác. Mà trong khi thấy được thân thì cũng thấy được thân rung động theo hơi thở thôi. Như vậy cũng trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ rồi. Thành tựu là ở trên tâm không phóng dật, mà không phóng dật thì phải ở trên thân nó thôi.
Tu tâm xả cũng trở về đó, tu tâm từ cũng trở về đó, bởi vì khi hành động thì phải tập rất tỉnh trên hành động đó. Cho nên sau khi vô sự, không làm gì hết, ngồi chơi kiết già thì tâm tỉnh táo ở trên thân, trên hành động. Nó tỉnh táo trên thân là phải qua sự rung động thân bằng hơi thở. Nó không bám vào hơi thở cho nên nó không lấy hơi thở làm đối tượng để tập trung. Tu tâm từ đâu lấy hơi thở làm đối tượng vậy mà giờ nó lấy hơi thở làm đối tượng để nhiếp tâm thì không đúng. Cho nên nó phải trụ trên thân thấy sự rung động của thân, nó không chạy đi đâu khác. Dù tu tâm từ thì cũng thấy thân mà tu tâm xả cũng trở về thân mà thôi, không có gì khác.
Thân là nơi tập hợp 4 Niệm Xứ. Lớp cuối cùng của Bát Chánh Đạo là Chánh Niệm; Chánh Niệm là 4 Niệm Xứ cho nên mọi cái đều về Chánh Niệm là niệm thân của nó thôi hay có thể gọi là niệm Thân Hành, lấy cái rung động của thân làm niệm cho nên gọi là thân hành niệm. Pháp thân hành niệm kiên cố như căn cứ địa, như cỗ xe. Nó luôn luôn biết thân như vậy thì nó có đủ 10 Như Lai Lực tức là nó có đủ 7 năng lực của Giác Chi và 4 Thần Túc xuất hiện trên tâm không phóng dật, tâm ở trên thân nó. Rõ ràng pháp Phật nào cũng trở về vị trí đó để được giải thoát, không thể đi sai chỗ tu tập của nó được.
Vậy chúng ta biết được hiểu được rõ ràng thì làm sao chúng ta tu tập sai được, phải thế không?
Bây giờ Thầy đi kinh hành để các con thấy biết. Nếu đường tu thân hành nội là hơi thở mà các con thấy khó, thì các con hãy trở về với thân hành khi đi sẽ dễ dàng nhận ra cái thân nghiêng qua nghiêng lại, nghiêng tới ngã lui và cái chân của con động thì các con thấy toàn bộ thân các con. Các con tu tập quán thân đi kinh hành trong một thời gian 5 ngày, 3 ngày rồi các con tu tập trong khi ngồi cũng nhận ra được thân rung động như vậy; các con nằm cũng thấy hơi thở rung động thân phần trên rất chặt chịa, rất rõ ràng và khi đứng lại các con tu tập cũng cảm thấy được sự rung động của thân qua hơi thở các con.
Đi kinh hành là thân hành ngoại thô làm cho các con dễ cảm nhận cảm giác cái thân nghiêng qua nghiêng lại toàn thân. Khi đi thì nghiêng qua nghiêng lại chứ không bao giờ đi thẳng đâu. Mình nhìn thì thấy dường như thẳng nhưng không bao giờ thẳng được vì khi chân này dở bước tới thì chân kia làm trụ chịu sức nặng, nó phải nghiêng qua để nó giữ thăng bằng, rồi bắt đầu chân kia dở lên thì nó phải nghiêng qua phần chân này cho nó chịu sức nặng, do đó các con cảm nhận được sự nghiêng qua nghiêng lại của thân rõ ràng. Các con về tập sẽ thấy đúng như vậy, không sai.
Hôm nay Thầy nói như vậy để các con biết sau hai tuần lễ các con thấy các con tu đã đúng chưa hay còn sai. Hơi thở cũng có sự liên kết trong bước đi nhưng khi đi mình chỉ lấy hành động đi thôi mặc dù các con đang hít thở. Khi quán thân được đến mức yên lặng thì mình cảm thấy được cả hơi thở và bước đi khi chân dở lên bước. Mình tu tập thì tâm thanh tịnh lúc bấy giờ mình lắng nghe được sự rung động trên thân thấy hơi thở và luôn cả bước đi của mình.
Cái đó là đúng chứ không sai.
Các con tập quán thân đi được rồi thì các con tập quán thân ngồi. Ngồi trên ghế cũng được. Tất cả mọi tư thế nào các con cũng quán được, nhiếp được trên thân, mà khi quán được trên thân như thế thì thời gian chứng đạo không còn lâu nữa. Coi như khi mà buổi học hôm nay mà các con nắm được vững trên thân quán thân rồi thì bất kỳ các con ở chỗ nào các con tu cũng chứng đạo được hết. Các con nắm vững được trên thân quán thân rồi thì các con không cần gặp Thầy nữa, các con vẫn tu chứng được đạo lực, các con làm chủ được sự sống chết của các con, khỏi cần hỏi Thầy cái gì khác nữa. Trên thân quán thân mà quán đúng sẽ nhiếp phục được tham ưu. Mà nó nhiếp phục được hết tham ưu, hoàn toàn từ giờ này đến giờ khác không còn có chướng ngại gì trên thân các con thì đó là giải thoát chứ gì nữa.
Các con quán thân trên thân thì tự nó nhiếp phục rồi. Khi các con quán đúng thì không còn một niệm nào khởi xen vô được, không còn hôn trầm thùy miên nữa, không còn cảm thọ này khác nữa. Các con tu trong 4 oai nghi chứ đâu phải chỉ trong một oai nghi đâu mà bị cảm thọ. Thí dụ như bây giờ các con tu cứ 5 phút đi, 5 phút ngồi, 5 phút nằm. Chỉ tu trong 5 phút thì đâu có lâu để bị ngủ. Các con cứ tu mỗi oai nghi chỉ 5 phút thôi, liên tục các oai nghi kế tiếp thay nhau thì làm gì các con mỏi mệt, đau nhức, hôn trầm được? Mà khi nhiếp phục được thì nó an trú, nó có trạng thái hỉ lạc. Đi nó lại thích. Nó thấy an ổn vô cùng, tâm rỗng rang mà yên ổn. Tâm hoàn toàn ở trên thân, nó quan sát rõ ràng mà tỉnh táo vô cùng, không có một chút nào hôn trầm thùy miên, mà nó lại tinh tấn bởi cái tinh tấn giác chi hiện ra rất rõ ràng. Khi nào có Hỉ Giác Chi thì có Tinh Tấn Giác Chi, Khinh An Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, có đủ cả 7 Giác Chi liên tục nhưng còn yếu thôi bởi 4 Niệm Xứ là thực phẩm của 7 Giác Chi. Các con nghe nó rõ ràng lắm, bởi vì mình tu 4 Niệm Xứ là thức ăn của 7 Giác Chi thì 7 Giác Chi phải có. Cho nên các con tu trên thân quán thân mà đúng rồi thì 7 Giác Chi phải hiện ra vì quán trên thân là đúng 4 Niệm Xứ rồi, mà 4 Niệm Xứ là thức ăn, là thực phẩm của 7 Giác Chi, cho nên khi mình ăn đúng món ăn của 7 Giác Chi rồi thì 7 Giác Chi phải hiện ra. Mà nó hiện ra kéo dài được 12 tiếng hoặc là 24 tiếng đồng hồ thì 7 Giác Chi đủ lực hết, các năng lực đủ hết.
Còn bây giờ dù mới tu trong vòng 5 phút hay 10 phút thì 7 Giác Chi cũng hiện ra rồi nhưng năng lực chưa đủ trọn vẹn, nhưng nó vẫn hiện ra, có hiện ra. Các con phải tu đúng chứ tu sai thì không có. Nó hiện ra với Tinh Tấn Giác Chi thì các con thấy thích thú tu lắm, không bao giờ còn lười biếng nữa, tự nó thích tu như vậy. Cứ 5 phút con đi, 5 phút thì ngồi, 5 phút thì nằm, 5 phút thì đứng. Cứ 4 oai nghi đó thay đổi tu suốt đêm như vậy đâu có mỏi mệt chút nào đâu. Tất cả những niệm khác nó đều nhiếp phục hết là tâm không phóng dật; mà tâm không phóng dật thì nó phải thành tựu chứ làm sao không thành tựu được.
Thầy nói bây giờ các con về tu chưa chừng ngày mai các con chứng đạo hết. Thật mà. Nhưng phải nhiếp đúng chứ nhiếp sai thì chưa chắc à! Thầy bảo các con trên thân quán thân, chỉ quán thân thôi, chứ Thầy đâu bảo các con tu phải dẹp cho hết các vọng tưởng. Bây giờ các con tu tập từng oai nghi thôi nghĩa là các con tập đi quán được trên thân, tập ngồi quán được trên thân, tập nằm quán được trên thân, tập từng phần rồi sau đó ráp lại. Khi mấy oai nghi này ráp lại được rồi và các con kéo dài quán được thì chừng đó mới thật tu 4 Niệm Xứ.
Hiện giờ các con đang tập quán chứ chưa nhiếp phục tham ưu đâu. Sức các con tập quán thôi. Đang tập quán mà bảo tập suốt đêm nay tôi chứng đạo thì không có đâu. Nhưng Thầy muốn nói các con quán trong 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi đều giữ được quán trên sự rung động của thân đúng vậy. Thầy nói nội đêm nay các con thành tựu đó là khi các con quán được, chứ chưa quán được thì làm sao một đêm mà làm được. Vì vậy hôm nay các con tập quán, coi quán được hay chưa. Quán được mới được.
Người nào mới vô quán liền có tưởng thì thôi đừng tu 4 Niệm Xứ, hãy tu xả giùm Thầy, có tưởng vô thì tu tâm xả chứ không khéo thì không được.
Người nào tu mà đã có nhiều tưởng rồi thì coi chừng quán thân trên thân sẽ bị tưởng, bởi vì tâm mình trụ vô yên lặng là tưởng hiện ra. Thay vì người ta quán thân sanh ra 7 Giác Chi thì nó lại sanh ra những loại tưởng kỳ lạ thế này thế khác thì lúc bấy giờ chỉ còn dừng lại mà thôi, phải tác ý xả thôi chứ không có cách gì khác, coi như toàn bộ thời gian ngồi chơi để cho nó có những chướng ngại, những niệm đến để tác ý xả thôi. Xả rồi lần lần đến khi tâm quay vô và khi nó định tỉnh trên thân nó quán thân, nó tự quán chứ mình không có tập luyện trên đó, mình không tự tập mà tự tâm quay vô nó quán thân nó như vậy thôi thì mới bảo đảm, chứ không khéo các con tu không tới nơi tới chốn.
Các con nhớ kĩ, các con tu tập quán thân được thì dễ rồi, nếu các con tu mà có chướng ngại thì các con nên tu tâm xả thôi. Vậy là có hai đường đi mở lối cho các con tu, người nào cũng có thể tu được. Đúng ra khi các con bắt đầu lên lớp Chánh Tư Duy này, Thầy dạy áp dụng vào lớp Chánh Kiến là các con còn tiếp tục làm bài chứ chưa phải hết, nghĩa là các con ngồi tu coi như tu 4 Niệm Xứ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự nhưng thực ra còn ở trên 4 Chánh Cần, do đó có một niệm nào đến thì niệm đó thành đề tài quán xét của các con.
Các con lấy niệm đó ra, như Quảng Kính có niệm lo lắng do đó viết thành bài để xả sự lo lắng trong tâm, đó là chánh tư duy trên lớp Chánh Tư Duy, nghĩa là đem mổ xẻ cái niệm của mình để xả niệm đó. Làm được vậy thì có căn bản lắm.
Nhưng Thầy không có đủ thì giờ để dạy các con theo những lớp đó, cho nên Thầy cho các con nhảy vọt lên lớp này liền ngay sau lớp Chánh Kiến. Lớp này là lớp thứ bảy là lớp Chánh Niệm. Đó là các con nhảy lớp. Nhảy lớp thì thế nào cũng phải có người học được, có người học không được, bởi vì nhảy quá nhiều lớp chứ đâu phải nhảy một lớp. Các con thấy từ lớp Chánh Kiến, các con bỏ các lớp Chánh Tư Duy, lớp Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn. Các con vào học lớp Chánh Niệm là bỏ bốn năm lớp chứ đâu ít. Nhảy lớp như vậy thì sức người nào đạt được thì sẽ quán được trên thân, người đó học được lớp Chánh Niệm. Từ lớp Chánh Niệm qua Chánh Định chỉ một chút xíu thôi là thành tựu rồi. Nhảy lớp cao để các con mau chứng vì vậy mà đòi hỏi các con khả năng rất lớn.
Chẳng hạn như ngày xưa Thầy chưa biết tu thiền gì hết thế mà ngồi xuống nhiếp tâm trong pháp Tri Vọng Liền Buông Thầy giữ tâm 30 phút không niệm. Còn các con một phút có niệm mà nhảy lớp kiểu này thì có lẽ là hổng chân rồi, còn Thầy nhảy lớp được tại vì sức nhiếp tâm của Thầy đến mức độ như vậy. Vì vậy mà Thầy nhảy lên lớp Chánh Niệm dễ lắm. Ở trên thân mà Thầy quán thì đâu có niệm vô, sức của Thầy khác với các con.
Bây giờ các con tu một phút thôi mà nhiều khi còn có niệm vô thì thử hỏi làm sao nhảy lớp nổi cho nên các con phải ở trên lớp Chánh Tư Duy này mà tu tập và đồng thời còn có cửa mở ra để các con được tu đó là tâm xả. Xả tâm vô lượng cũng là pháp độc nhất cho chúng ta khởi bước vào tu xả cho đến cuối cùng thành tựu chứ đâu không. Vì vậy mà Thầy biết trong đạo Phật có 8 con đường độc nhất để tu chứng đạo. Pháp 4 Niệm Xứ rất là tuyệt vời mà người tu được phải có căn bản, thiếu căn bản thì không vô được. Người không đủ căn bản tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì tu tâm xả. Thầy cũng đã trang bị cho các con đủ tri kiến bằng Định Vô Lậu để đủ sức xả, mà nếu chưa đủ sức thì các con sử dụng thêm pháp Như Lí Tác Ý, nhưng phải tác ý đúng, không thể sai được, vì các pháp hiện lên trong đầu các con đều hoàn toàn là ác pháp, thuộc về tham sân si hết. Những niệm nào khởi ra trong tâm đều thuộc về tham sân si mà tham sân si thì các con cần phải diệt, phải li, không chấp nhận, không làm theo nó thì các con phải xả nó.
Hôm nay Thầy nói như vậy để các con biết cách thức tu tập và đồng thời các con phải đọc hai tập vừa gởi cho các con. Rút tỉa những điều của mọi tu sĩ thưa hỏi, Thầy biết được trong những ngày các con nỗ lực tu quán thân 4 Niệm Xứ, các con có nhiều cái sai trong cách quán. Trong hai tuần nay có nhiều người trình bày với Thầy cách thức tu quán thân 4 Niệm Xứ như thế này thế khác, cũng như các con viết trong thơ hỏi Thầy. Do đó Thầy biết được cái sai của các con cho nên tập sách này ra đời để các con biết các con tu cái nào đúng cái nào sai như thế nào, đáp ứng giúp các con tu thật đúng, không còn sai nữa.
Các con nên đọc kỉ. Cuối tháng này các con sẽ gặp lại Thầy, Thầy mong rằng trong các con có người tu chứng.
Thầy nói thật đấy. Các con tu đúng, đạt tâm thanh thản an lạc vô sự thì các con sẽ chứng. Còn các con quán sai thì nên nghiên cứu kĩ lại hai tập hướng dẫn này. Các con đâu có nghĩ là các con sẽ tàng hình biến hoá gì đâu, mà các con chỉ muốn chứng được chơn lí. Có nghĩa là suốt thời gian 12 tiếng các con sống trong trạng thái tâm thanh thản an lạc vô sự thì đó là các con chứng đạt chơn lí rồi.
Suốt trong 12 tiếng đồng hồ, các con thấy tâm luôn luôn quán trên thân, có đầy đủ sự hỉ lạc thì các con đâu còn ham ngủ, đâu còn vọng tưởng gì như vậy các con chứng được chơn lí rồi. Trong hai tuần tới người nào tích cực tu đúng trong hai lần 7 ngày, đức Phật nói trong 7 ngày mà nay các con có đến những hai lần 7 ngày, như vậy quá nhiều, quá đủ thời gian, thì ít ra trong số các con đây cũng phải có một người chứng chứ lẽ nào không. Thầy nghĩ rằng các con tu càng sớm chứng được chơn lí chừng nào càng tốt chừng nấy. Người chứng xong sẽ giúp Thầy làm biết bao công việc đang cần làm, vừa ở trong nước cũng như ở ngoài nước, nghĩa là tổ chức của chúng ta là để dựng lại Chánh Pháp của Phật.
Chúng ta tu để dựng lại Chánh Pháp, dựng lại nền đạo đức nhân bản nhân quả của đạo Phật. Việc làm của chúng ta có mục đích rất lớn là đem lại lợi ích cho mọi người, cho nên chúng ta phải có tổ chức hẳn hòi để đáp ứng nhu cầu càng ngày càng được mở rộng. Chẳng hạn như lớp học của các con hôm nay chỉ có 62 người mà nếu có được 2 hay 3, hay 5 người chứng quả Alahan thì các con nghĩ số lượng người sắp tham dự những lớp sau này sẽ lên đến con số hàng ngàn chứ không ít. Đời quá khổ, có người tu được giải thoát thì ai mà không thích, ai mà không ham tu, phải không? Nếu không có người thì làm sao các con đáp ứng được việc hướng dẫn cho số lượng người lớn như vậy tu học giải thoát. Bây giờ chẳng hạn dù các con có được 5, 3 người thì cũng không đủ để đảm trách tất cả các lớp đâu. Số lượng người quá đông, ai cũng muốn tu hết mình đâu thể bỏ họ được, nhưng đông quá thì làm sao mình kham nổi. Như các con thấy lớp Chánh Kiến chỉ hơn 60 người mà bài vở như vậy thì khi số người đông làm sao các con kham nổi. Nhưng khi lớp các con đạt đuợc nhiều người thì các con làm công việc lợi ích rất lớn cho loài người. Chương trình của Thầy không đơn giản, không nhỏ mà rất lớn. Chương trình của Thầy sẽ không còn chùa chiền, tu viện,... mà chỉ có những lớp học cho mọi người học để đem lại hạnh phúc làm chủ 4 nổi khổ đau của kiếp sống.
Chương trình của Thầy không còn là tôn giáo nữa đâu mà nó là nền đạo đức, nghĩa là khi Thầy dựng lại thì không còn hình thức tôn giáo Phật giáo nữa mà nó là nền đạo đức chân thật của cuộc sống. Người mà chúng ta phải nhớ ơn chính là đức Phật chứ không phải là Phật giáo. Phật giáo sẽ không có nữa mà chỉ có đạo đức của loài người. Nghĩa là bây giờ nếu các con làm chủ sự sống chết của các con rồi thì đó là đạo đức của các con đó. Đạo đức không làm khổ các con. Vì nếu các con bị khổ thì các con làm cho nó hết khổ. Đó là hành động đạo đức.
Khi các con tu học được 4 Niệm Xứ, Thầy nghĩ rằng những điều chúng ta tu tập là đúng, bởi quá rõ, quá cụ thể: trên thân quán thân để nhiếp phục, khắc phục tham ưu. Mình quán trên thân quán thân thì nó phải khắc phục tham ưu chứ có gì nữa. Nó đâu đòi hỏi pháp gì khác nữa đâu. Mà phải quán cho được chứ quán không được thì nó không nhiếp phục được cái gì. Tại sao chúng ta biết rõ ràng như vậy? Tại vì nếu chúng ta quán không được thì có niệm, có hôn trầm thùy miên. Còn chúng ta quán được là chúng ta nhiếp phục được thì không có hôn trầm thùy miên. Mà không hôn trầm thùy miên kéo dài từ giờ này đến giờ khác thì đó là chứng đạt chơn lí chứ còn gì nữa.
Các con tu cứ có tưởng này, tưởng khác thì làm sao chứng đạt được. Lúc thì thấy thân rung động, lúc thì thấy cái khác. Cái khác, đó là sai. Sai thì làm sao nhiếp phục tham ưu được? Còn lúc nào các con đi cũng thấy độ rung động của thân các con như vậy, ngồi xuống thì thấy hơi thở các con rung động cái thân các con như vậy. Đúng y với cái quán thân của các con. Không sai pháp. Lúc nào cũng được y như vậy thì thời gian chứng đạt nhanh vô cùng.
Cho nên tập đúng thì các con đạt được, mà tập sai thì không đạt.
Từ lâu nay người ta triển khai 4 Niệm Xứ không đúng cách cho nên người ta không làm chủ được. Còn chúng ta triển khai đúng. Hiện giờ người nào trong các con thích tu 4 Niệm Xứ, các con hãy tập quán trên thân của các con cho đúng cách. Thầy muốn nói bây giờ các con tập sai nhưng lát nữa các con tập đúng. Nếu lát nữa các con tập còn sai thì tập lại cho đúng. Tập hoài, tập cho đến lúc nào tập cũng đúng cả. Các con bền chí thì riết rồi tập phải đúng thôi. Như ngày đầu Thầy vô học võ được dạy phải đứng trung bình tấn.
Lúc đầu Thầy đứng không được, không đúng, nhưng nhờ sửa đi sửa lại, sửa riết rồi phải đúng. Các con thấy đó, cái gì cũng phải tập, tập riết thì phải được chứ. Đó là cách thức tập luyện có bền chí.
Ở đây cũng vậy, chúng ta tập trên thân quán thân, vậy thì quán như thế nào? Đức Phật đã dạy cho chúng ta cách thức đó thì hãy nương vào cách thức đó mà quán “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Các con tập rồi trình cho Thầy biết các con quán thân như vậy các con thấy hơi thở ra sao ra sao, vậy đúng hay sai. Nếu Thầy bảo sai thì tập lại chứ đừng nghe nói sai rồi bất mãn quá cuốn gói về. Chuyện như vậy thì hết nói rồi. Sai thì sửa chữa, sao sai lại bỏ đi về, có ai tự nhiên mà giỏi đâu. Cũng như một đứa bé làm sao tự đi được, bà mẹ mới nắm tay nó, nó nương vào tay mẹ mới bước tới. Lúc đầu nó đâu có đi được, chưa điều khiển chân co lại để đi mà cứ thẳng chân. Bà mẹ mới lôi nó. Nó té sấp té nghiêng cho đến lúc nó biết co chân, biết bước đi. Các con cũng vậy thôi. Các con cũng phải tập qua những giai đoạn như đứa bé. Từ bò rồi mới đứng, rồi mới chập chững, rồi mới đi chứ. Tập quán thân theo 4 Niệm Xứ cũng vậy thôi. Lúc đầu thì phải trật, phải sửa, rồi phải đúng chứ có gì khó. Không có gì khó hết.
Không biết, không làm được thì phải tập. Tập riết thì phải được. Tập được rồi thì mới chạy, cũng như đứa con nít. Các con chạy suốt một đêm thì chứng đạo chứ có gì nữa đâu. Căn bản là chỗ các con bước đi có được hay không thôi. Khi đi được rồi thì tập dần cho cứng chân cứng cẳng rồi bắt đầu chạy chứ chưa cứng mà chạy thì sẽ bị té. Chạy được rồi thì chạy một đêm sáng ra người nào cũng chứng quả Alahan hết. Trên đầu hiện hào quang sáng trưng! Thực sự là như vậy. Pháp của Phật rất thực tế chứ đâu phải mơ hồ gì. Các con đừng nghĩ tuởng Thầy nói đùa. Các con làm đúng thì sẽ được như vậy thật sự.
Trong tập sách mỏng này, các con đọc kĩ sẽ thấy rõ. Từ lâu nay các con tu sai nhiều quá cho nên nó sanh ra tưởng này tưởng kia và cuối cùng Thầy đúc kết những cái sai của các con mới có tập sách mỏng này. Các con không sai thì không có tập sách này. Thầy cứ ngỡ ai cũng tu đúng hết nhưng không ngờ khi kiểm tra mới biết. Nhờ vậy mới vạch ra được cái cần làm đúng, chứ nếu cứ theo cái đúng của Thầy mà dạy thì các con đâu làm theo Thầy được. Đầu tiên mới vô mà Thầy nhiếp 30 phút thì các con có làm được vậy không. Các con thua Thầy rồi phải không? Như vậy các con muốn làm được như Thầy thì phải tập luyện trong 5, 7 năm mới có khả năng nhiếp một hơi 30 phút không vọng tưởng, có phải không? Bây giờ Thầy chỉ đòi hỏi ở các con một phút nhiếp tâm và an trú tâm thôi. Còn hồi trước Thầy chưa biết tu là gì mà 30 phút nhiếp tâm và an trú tâm, bây giờ so sánh thì các con biết được các con ở mức độ như thế nào. Một phút đối với người mới tu như các con thì quả là lâu ghê lắm chứ còn đối với Thầy thì đâu thấy có thời gian. Các con một phút còn chưa xong thì làm sao 30 phút mà làm được. Cho nên nếu các con nhiếp tâm và an trú tâm một phút được thì ở trên thân quán thân được. Bởi vì một phút an trú trong hơi thở được thì cũng giống như lúc đó các con ngồi trên chòi canh tháp canh mà nhìn khắp trong căn cứ địa canh chừng ngăn cản kẻ lạ xâm nhập, không cho giặc vào. Khi quán được rồi thì đâu có gì sanh chướng ngại được vì vậy mà nó nhiếp phục tham ưu hết. Đó là điều kiện cần thiết cho sự tu tập của các con.
Hôm nay Thầy đã trang bị cho các con đủ hết rồi. Cách thức đi thì hồi nãy các con đã thấy. Còn ngồi thì các con khó nhận quá vì Thầy ngồi thở thì làm sao các con nhận ra hơi thở làm thân Thầy rung động được. Vậy bây giờ các con muốn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì các con về tập theo cách đi trước tiên. Khi đi quán được rồi mới ngồi. Khi ngồi hít thở thì thân rung động. Nếu Thầy muốn kiểm tra xem các con tu quán thân theo hơi thở có được không thì ít ra Thầy phải mất 30 phút để kiểm tra một người vì Thầy phải giữ tâm Thầy bất động để quan sát sự nhiếp tâm quán trên thân của các con từ phút đầu đến phút thứ 30, coi trong thời gian đó các con có những niệm gì xẩy ra trong tâm các con không. Như thế thì mất thời giờ của Thầy nhiều quá vì số lượng các con đông.
Các con ngồi tu quán thân trên thân, trong tâm các con có niệm hay không thì các con tự biết được chớ có lẽ nào lại không. Nếu không biết tức là các con không nhiếp phục được, vậy là các con quán thân sai hoặc là quán quá sức của các con, có nghĩa là sức các con 5 phút mà các con tu đến 10 phút là các con bị sai rồi. Bị sai có nghĩa là tâm các con lúc đó bị lờ mờ, không có tỉnh.
Cũng như ngọn đèn pha bị hết điện nên nó mờ yếu đi, không soi rõ được. Khi sức các con không đủ mà các con cố gắng ngồi lâu để quán thì sức quán bị mờ, mà bị mờ không đủ sức để quán thì làm sao nhiếp phục tham ưu được cho nên các ưu phiền tác động vô. Vậy sức các con chưa đủ thì hãy tu ít, đừng tu nhiều.
Bây giờ các con về đọc lại kĩ tập này rồi tập luyện đúng với sức các con.
Còn khi viết thư hỏi thì đừng có hỏi những việc không liên quan sự quán thân trên thân, chỉ hỏi những gì trong sự tu tập thôi, đừng hỏi những chuyện xa xưa như những câu kinh câu kệ. Đừng hỏi những thứ đó. Chỉ hỏi ngay pháp tu là điều đáng hỏi, thí dụ hỏi con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà nhiếp như vậy thì đó là thế nào... xin Thầy xác định cho con đúng hay sai. Nếu Thầy nói đó là sai thì về tập lại chứ đừng thối chí. Đó, chỉ có vậy thôi thì thời gian một tháng, hai tháng, khi đã quán được rồi các con sẽ tự thấy kết quả chứng đạo của các con bao xa.
Chỉ khi quán được thì mới nhiếp phục được tham ưu chứ đâu phải ngồi đó mày mò hoài đâu. Bây giờ chỉ tập quán cho được. Trong khi muốn quán được như vậy thì các con phải giữ độc cư. Không giữ độc cư thì quán không được đâu, vì có thanh tịnh thì mới lắng nghe được nó và luôn luôn tập trung vào thân của mình thì mới thấy thân được rõ ràng.

TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA LỚP TU SINH NỮ

Hôm nay trong vấn đề tu tập Thầy nhắc nhở như vậy, rồi các con về đọc kĩ tập sách mỏng này để biết được điều kiện cần thiết cho sự tu tập của các con. Bây giờ các con có ai muốn hỏi Thầy gì không?
1.- Ở câu hỏi này, con ngồi chờ giặc tới thì con nên tu tâm xả. Tu tâm xả thì sẳn sàng chiến đấu. Nếu con tu như vậy thì cuối cùng cũng sẽ thấy tâm quay vô trong thân con nhưng trong khi tu có những chướng ngại pháp. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì không có giặc tới. Giặc không tới được vì không có một mặt nào giặc xen vô trong 4 Niệm Xứ của ta được. Trên thân quán thân, phương pháp quán đó là nó ngăn chặn không còn giặc, cho nên nó nhiếp phục tham ưu hết. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là con chủ động điều khiển hoàn toàn, nghĩa là con quán thân con thì tất cả những ác pháp đều không lọt vô được. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì con tập quán thôi, tập quán cho được trong cả 4 oai nghi rồi con mới kết hợp lại trong một đêm hay trong 24 giờ là con thành tựu. Đó là cách thức tu quán thân theo 4 Niệm Xứ.
Điều kiện của con như vậy tu tâm xả rất tốt. Con không thể nhiếp tâm trên thân của con để tu 4 Niệm Xứ thì con nên tu tâm xả là hoàn toàn tốt. Khi bị động thì phòng hộ mắt tai mũi miệng thân ý bảo nó quay vô. Nó quay vô thì nó giữ được sự thanh thản của nó. Tu tâm xả rồi cũng tới nơi tới chốn.
2 - Con tu tập trọn cả 4 oai nghi, mỗi oai nghi tu 5 phút kết hợp tu liên tục để không có một chướng pháp nào lọt vô. Giờ giấc tu con phải giữ cho nghiêm chỉnh, không để phi thời tu, nghỉ. Cứ 11 giờ ngủ, 2 giờ dậy là 2 giờ dậy hay 10 giờ đi ngủ là đi ngủ, 2 giờ dậy là 2 giờ dậy. Con cứ tu như vậy cho đến khi con kết hợp được 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi con đều quán trên thân con được thì lúc bấy giờ con mới tăng giờ tu đánh rốc luôn hết. Cái quán thân của con sẽ nhiếp phục được hết các chướng ngại pháp trên đó, chừng đó con quyết định không cần ngủ nữa, bởi khi con nằm là con đã nghỉ trên sự tỉnh thức của con rồi nên cơ thể con không phải thiếu ngủ đâu. Con nằm yên thì đó là lúc nó nghỉ, và như vậy nó phục hồi năng lượng cho cơ thể con rồi. Còn tâm con hoàn toàn tỉnh không khởi niệm gì hết, lúc nào cũng thấy được thân con thì nó cũng đang nghỉ đó cho nên nó khoẻ, nó sung mãn. Khi tu quán thân theo 4 Niệm Xứ được rồi thì cơ thể chúng ta sung mãn vô cùng, nó không dụng công gì nhiều nên không mất sức. Vì thế khi 4 oai nghi này con kết hợp được rồi thì con đánh rốc luôn, khỏi cần ngủ. Còn bây giờ trên 4 Niệm Xứ chưa trọn, oai nghi này được mà oai nghi khác không được thì con phải giữ giờ giấc nghiêm chỉnh để tập cho nó trọn vẹn. Khi đã được cả 4 oai nghi rồi thì ta kết hợp lại với nhau để thành cỗ xe 4 Niệm Xứ cho nó chạy, thì con sẽ thắng. Vậy bây giờ con phải tu tập như vậy.
Trong khi con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì không có niệm, nhưng khi xả nghỉ thì có. Có niệm mà con muốn xả cho nó được bình an thì con dùng Định Vô Lâu, quán tư duy hay tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” để đẩy lui những mỏi mệt trong thân con. Nhưng sau khi kết hợp tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trong 4 oai nghi rồi thì không được để các niệm xen vô, chỉ duy nhất có 4 Niệm Xứ mà thôi.
Các con ai thích pháp nào thì phải nỗ lực tu pháp đó. Pháp xả cũng rất tuyệt vời. Khi nó trở về trên thân, khi nó xả được tâm nó, được bình an rồi thì nó quay lại thấy thân nó rất rõ ràng. Nó ở trên thân của nó mà không trụ vào chỗ nào hết. Để tự nhiên nó ở trên thân thì nó được bình an thanh thản. Nó ở trên thân nhưng chúng ta không phải quán thân như của 4 Niệm Xứ. Tự nó quán thân, tự nó ở trên đó nó thấy, bởi tâm chúng ta ở đâu thì nó thấy ở đó. Cho nên nó nhẹ nhàng lắm mà hễ có mặt niệm nào xuất hiện ra thì nó đuổi mà không có thì nó ngồi đó chơi, nó chơi với nó, nó nhìn nó chơi thôi chứ không chơi với ai hết. Đó là cách thức nó sống độc cư, nó an trú thích thú một mình nó, nó không thích nói chuyện với ai hết. Người tu tâm xả không thích nói chuyện. Khi có người nào nói chuyện với nó, nó bị lôi đi thì nó nhọc nhằn một vài bữa cũng trở về với cái tâm xả của nó, chứ nó không khó khăn lắm. Bởi vì xả vô lượng tâm cho nên gặp khó khăn gì nó cũng cố gắng xả ra hết.
3 - Còn Huệ Ân, con nên giữ tâm thanh thản an lạc vô sự thôi. Lúc nào cũng nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự, rồi con tập dần bảo hơi thở tịnh chỉ, ngưng đi. Rồi con để thanh thản, xem hơi thở ngưng được phút nào hay phút nấy. Lúc nào con cũng xả thôi, coi như là con tu xả chứ không tu trên thân quán thân đâu. Nếu thân con có đau nhức chỗ nào thì con dùng pháp xả các chướng ngại đó ra, còn tâm con có niệm gì cũng dùng pháp xả thôi. Con chỉ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, duy nhất pháp đó cùng với tập tịnh chỉ hơi thở dần. Đến lúc ra đi con chủ động bảo hơi thở dừng.
4 - Thầy nhắc lại khi các con tu 4 Niệm Xứ quán được thân thì có trạng thái hỉ lạc. Các con biết có lạc nhưng đừng chú ý nó mà chỉ chú ý trên thân các con thôi, chỉ quán thân thôi, có trạng thái hỉ lạc thì kệ nó chẳng quan tâm.
Trạng thái hỉ lạc thể hiện qua 7 giác chi nên các con đừng chấp, đừng sai lầm trụ tâm vào chỗ đó, các con chỉ lo quán thân thôi. Mục đích các con quán thân là để nhiếp phục những ưu phiền, còn lạc là hỉ lạc trong 7 giác chi phải hiện tướng ra, các con đừng chú ý, nếu không thì sẽ bị tưởng, xúc tưởng hỉ lạc. Nếu chú ý thì nó không thành giác chi nữa mà bị sai qua tưởng, bởi các con chú ý nên thích thú mà còn thích thú là còn dục. Nếu các con không chú ý mà chỉ một bề quán thân, có lạc hay không, hoặc có trạng thái gì đi nữa các con cũng chỉ một bề quán thân thôi thì các con sẽ thành tựu quán thân.
Tu đề mục thứ 4 Định Niệm Hơi Thở thì khi hít vô thở ra cảm nhận được sự rung động của thân, cố gắng cảm nhận sự rung động, đừng thấy hơi thở chạy lên đầu chạy xuống chân. Thấy hơi thở chạy lên chạy xuống thì coi chừng bị tưởng, là sai. Mình tập quán thân là tập cảm nhận thân. Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” các con phải làm đúng lời dạy của Phật, đừng làm sai. Cảm giác là cảm nhận cái thân của mình, đừng thấy hơi thở, vì thế trong bài kinh Thân Hành Niệm, đức Phật dạy “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra” đó là xác định cho chúng ta thấy sự rung động của thân chứ không phải thấy hơi thở chạy lên chạy xuống thì các con tu mới đúng. Còn nếu các con quan sát thân từ trên đầu xuống chân, từ chân lên đầu là đúng nhưng cần lưu ý là thấy biết toàn bộ thân chứ đừng chạy theo hơi thở lên xuống. Đừng thấy hít vô hơi thở luồn(g) đi trong thân mà phải cảm nhận sự rung động của thân theo hơi thở mới đúng. Thầy nghĩ các con nên tập quán thân theo hành đi trước cho dễ quán, vì quán theo hơi thở thì các con thường cứ thấy hơi thở chạy luồn(g) trong thân thì thành tưởng mất. Cho nên các con tập thấy độ đẩy đưa nghiêng qua lại của thân trong khi đi. Hành đi thô nên rất dễ nhận ra thân để quán. Khi quán thân trong khi đi được rồi thì các con ngồi sẽ dễ nhận ra thân, dễ quán được thân.
5 - Nếu chấp nhận tu xả tâm thì cố gắng tập xả, tất cả những chướng ngại gì cũng xả, xả hết thì tự nhiên cũng trở lại thân con. Tu tâm xả thì dễ hơn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Xả thì các con biết ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện trên 4 Chánh Cần. Tu xả không bị ức chế tâm, không bị trụ tâm vào chỗ nào hết, nên dễ hơn. Con thấy mình ngồi chơi, khi có chướng pháp thì xả, không có thì thôi, đâu có làm gì. Nếu có cảm thọ thì con tác ý xả. Con dùng câu tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra; an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” hoặc là “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” đó là cách thức của xả tâm xả cảm thọ, con dùng Định Niệm Hơi thở rất nhiều trên tâm xả.
Hay con dùng những câu tác ý con trạch ra hay Thầy đã dạy. Thí dụ đầu nhức thì con tác ý “Thọ là vô thường, cái đầu nhức này hãy đi đi” rồi tác ý thêm “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là cách thức Thầy đã dạy để đẩy lui bệnh thì có lẽ nào đến lúc tu tâm xả mà con bỏ nó đi hay sao. Đó là phương pháp, là cách thức xả. Khi con xả hết thì nó ở đâu, Thầy đã dạy rồi. Nếu con không biết nó ở đâu thì con đã lọt vào không ngơ rồi, lọt vào trong tưởng rồi. Vậy là con đã tu sai. Thầy đã dạy khi xả hết thì tâm phải ở trên thân thôi, tự động nó phải ở trên thân để nó thấy có niệm gì, có chướng ngại gì thì nó xả. Bất kỳ ở đâu trên 4 Niệm Xứ có chướng ngại thì nó xả. Nếu nó ở trong không thì làm sao nó thấy những cái chướng ngại này. Khi nó đã lọt trong không vô biên xứ rồi thì làm sao nó thấy được. Nếu không phải không thì nó lọt vô vô ký, hôn trầm thùy miên tức là nó ngủ rồi. Hoặc nó ở trong không tưởng. Con xả hết thì nó đâu thể ở trong mấy chỗ đó được. Ở đây con xả bằng ý thức thì ý thức của con phải ở trên thân chứ có chỗ nào nữa, nó phải quay vô. Thầy đã nói rồi, tại con quên, con nghĩ tưởng. Cái này là con tưởng ra không chứ khi con xả bằng ý thức thì không thể có điều đó, trừ ra khi con dừng ý thức của con. Dừng không cho niệm. Còn ở đây con xả những chướng ngại. Giờ có niệm tới, con xả bằng cách con hiểu nó, hoặc cảm thọ đến con xả bằng ý thức, bằng phương pháp đàng hoàng. Ý thức không mất. Ý thức không mất thì làm sao không được, cho nên nó phải ở trên thân con.
6 - Thầy gợi ý cho con: con nên tu tâm xả vì con hay bị tưởng, nếu con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trụ tâm trên thân con thì con hay bị tưởng. Cho nên tốt nhất là con tu tâm xả tự tâm con quán rồi tự nó trụ trên thân con thì hay hơn vì vậy mà nó không bị các trạng thái tưởng. Con tu tâm xả thì con ngồi chơi nhưng mà nó cũng sẽ tới nơi dễ dàng không khó khăn gì. Như ông Châu Lợi Bàn Đặc tu tâm xả tức là ngồi quét tâm thôi. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ thì phải tu thật sự là luôn luôn nó phải quán trên thân nó, nó bám chặt trên thân nó, cho nên rất khó. Người đã bị tưởng nếu trụ vô quán trên thân thì sanh ra tưởng liền. Mặc dù hiện giờ con tu 4 Niệm Xứ đặt tâm trên thân thì thấy rất rõ nhưng không được đâu. Theo đặc tướng thì con nên tu tâm xả tốt hơn. Ở nơi cổ con thấy bị ngợp thì đó là một dạng tưởng đó. Con tác ý “Dị tưởng hãy lui đi. Ở đây thân phải bình thường như mọi người.” Sau đó con trở về tu tâm xả thì dị tưởng đó sẽ hết, tâm con không còn dị tưởng nữa, nó sẽ trở về ở trên thân con.
Con tu trong 4 oai nghi để xả tâm. Không phải chỉ quán thân theo 4 Niệm Xứ mới tu trong 4 oai nghi đâu. Tu tâm xả áp dụng trong khi nằm cũng bình thường, đi cũng bình thường, coi như không tu gì hết. Xả hoàn toàn trong các oai nghi. Còn tu quán thân theo 4 Niệm Xứ người ta tập quán thân trên thân trong tất cả 4 oai nghi để cấu kết lại trở thành một chuỗi trên thân để người ta tiến tới chứng đạt chơn lí. Còn mình xả hết thì cũng chứng đạt chơn lí. Tu tâm xả thì cũng liên tục xả, coi như không còn thời gian nữa, ngồi chơi không tập trung gì hết, không mệt nhọc gì hết, có niệm thì xả, không có thì thôi. Ngồi chơi suốt từ sáng tới chiều khép chặt mình trong xả tâm, không có giờ nghỉ. Tỉnh thức trên tâm để xả, thí dụ ngồi ăn mà khởi niệm thức ăn bữa nay sao mà ăn không được thì cũng xả luôn. Đó là xả tâm khen chê. Cho nên lúc nào cũng xả. Xả vô lượng tâm là đó. Hễ bình thường thì thôi mà có niệm là xả. Tu tâm xả thì đóng cửa thất ngồi trong đó mà xả chứ ra ngoài không khéo thì chạy theo các niệm không xả được. Thấy cái này cái kia thì đâu có xả, cứ huân vào hoài thì đâu xả được. Cho nên cố gắng xả là cố gắng ngồi lì hoài một chỗ nào đó mà xả. Cũng có thể ra ngoài nhưng chỉ khi nào không bị động mới được. Khi ra ngoài thì phải phòng hộ cho nghiêm mật chứ không thì nhìn cây nhìn cỏ cũng dính vô. Cho nên người tu tâm xả nỗ lực ít đi ra, chỉ sống trong thất đi tới đi lui. Đi khất thực, mang y rửa bát đều lắng tâm nghe tâm có niệm mà xả. Tu tâm xả không có chướng ngại gì lọt vào trong đầu được. Lâu lâu tác ý tâm thanh thản an lạc vô sự. Nếu cảm nhận thanh thản thì cứ để nó tự cảm nhận, giữ tâm tự nhiên.
7 - Bây giờ con tập quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi đi thôi, tập riêng phần đi, chứ đừng tập thêm cái khác. Tập phần đi chưa được mà tập thêm phần ngồi thì chưa nhận rõ, như thế sẽ bị lờ mờ, bị niệm khác, bị chướng ngại pháp tác động vào làm cho con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ như vậy sẽ dậm chân tại chỗ, không tiến bộ. Không tiến bộ thì một thời gian sau sẽ bị ức chế, bị lọt vào trạng thái tưởng rất nguy hiểm. Các con chỉ tu quán thân theo 4 Niệm Xứ khi đi thôi. Đi xong thì nghỉ. Trong khi nghỉ là tu tâm xả, có những chướng ngại gì thì dùng tác ý đẩy lui, chứ không phải nghỉ là buông thả lỏng. Mình cũng tu quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi mình nghỉ theo cách như người tu tâm xả ngồi chơi. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là rèn luyện trên thân quán thân. Mình tập cách thức quán trong khi đi trước. Quán trong khi đi được rồi thì mới quán tiếp trong khi ngồi. Khi quán trong khi đi chưa được thì khoan tập quán trong oai nghi khác. Phải tu quán cho được một oai nghi thì đó mới là tu căn bản. Tu đủ hết các oai nghi cùng lúc thì không ra gì hết mà coi chừng bị ức chế tâm.
Tập quán thân theo 4 Niệm Xứ trong khi đi thì hành tướng đi thô dễ cảm nhận. Khi nhận được cái thô của nó, lúc nào cũng nhận y chang một hành động cảm nhận đó thì mới thay đổi qua tập trong khi đứng. Đứng xong mới qua ngồi, vì ngồi nhận qua hơi thở thì nhẹ nhàng, vi tế hơn trong thân, nhưng mình sẽ dễ dàng nhận được vì mình đã nhận được rung động của thân trong khi đi và đứng được nhuần nhuyễn rồi. Tập quán khi đi, rồi khi đứng, khi ngồi, mới qua tập khi nằm. Trong tất cả các oai nghi đều nhận được sự rung động qua hơi thở từ đầu tới chân. Thường mình bị khó với hơi thở là vì mình thấy được hơi thở là ở mũi thở ra hít vô, thứ hai nữa là ở ngực, ở bụng, mấy chỗ đó thấy rõ chứ còn ở chân tay thì không thấy rõ cho nên khó của hơi thở là vậy. Còn đi kinh hành thì rung động cả thân, có thể hơi thở làm rung động phần trên, còn thân nghiêng qua nghiêng lại làm các con cảm nhận dễ. Nhưng khi đứng thì khó hơn. Nếu mình tập nhuần nhuyễn quán thân đi kinh hành rồi thì quán thân trên hơi thở dễ, không còn khó nữa, cho dù hơi thở vi tế đến mức nào như ở ngực, ở bụng phình lên xẹp xuống thì các con vẫn thấy được rõ, thấy thân các con từ chân lên có sự rung động nhẹ, các con cảm nhận được. Đó là các con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Còn nếu thấy tu quán thân theo 4 Niệm Xứ không được thì tu tâm xả, có vậy thôi. Tu tâm xả thì không hạn cuộc trong thời gian lúc nào cũng tu được hết.
8 - Nếu mình nhìn bằng mắt thì mình thấy bằng mắt, nhưng ở đây đức Phật dạy mình cảm nhận tức là “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” cho nên vì sao không dùng mắt nhìn? Bởi vì nhìn lâu thị giác các con bị mỏi mệt, mà cái quán này đòi hỏi quán thời gian dài vì vậy không để các con bị mỏi mệt vì nhìn, bằng không thì các con quán không được rõ ràng, quán bị mờ mịt, ngay cả khi mắt các con cần nháy thì các con cũng đã bị gián đoạn cái nhìn thân bằng mắt trong khi nháy.
Cho nên pháp quán bằng mắt đức Phật không dạy chúng ta mà đức Phật dạy chúng ta cảm nhận. Ở đây Thầy lấy những điều Phật dạy. Lấy thí dụ như các con thấy một vật được ngọn đèn soi vào thì các con thấy vật đó rõ, vậy con dùng mắt nhìn thân con thì con thấy ngay liền từ chân lên đầu, nếu vật cao hơn thì phải đảo mắt mới nhìn toàn bộ vật đó. Cũng không phải như kiểu quán chân dung để biết đẹp xấu mà chỉ làm sao để các con biết toàn bộ, biết trọn thân của các con, các con cảm nhận thân thấy thân như vậy thôi, không có tư tưởng gì khác. Còn nếu các con nhìn thì thấy thân mà không qua cảm nhận thấy bằng sự rung động là thiếu, nhưng nếu nhắm mắt để cảm nhận qua thân thức thì cũng sai. Không nên nhắm mắt vì dễ sanh tưởng.
9 - Con tu tâm thanh thản an lạc vô sự là con tu tâm xả cho nên có chướng ngại gì cũng xả ra hết. Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là tự trên thân nhiếp phục không còn một chướng ngại gì. Sức con lớn tuổi rồi, không nhiếp phục được mà chỉ nên tu tâm xả thôi. Thân già cỗi nên lát thì đau chỗ này, lát đau chỗ khác, tức là bị chướng ngại thân mà con muốn quán thân theo 4 Niệm Xứ nhiếp phục cho được những cái đó thì sức con không đủ, cho nên con chỉ nên tu tâm xả. Nhưng cuối cùng nó cũng quán trở lại trên thân con thấy bình an.
Khi tu tâm xả các con có thể đọc kinh sách, nghe băng giảng được trong những giờ nghỉ, cũng như các con tu quán thân theo 4 Niệm Xứ đều đọc kinh sách nghe băng trong giờ nghỉ quán. Nhưng khi cấu kết cả 4 oai nghi thì không được nghe, đọc cái gì hết. Nghĩa là 4 oai nghi đi đứng nằm ngồi đều quán. Quán thân theo 4 Niệm Xứ được từ nửa giờ trở lên thì lúc bấy giờ dẹp toàn bộ hết, không nghe, không đọc, không nghỉ. Các con hiện giờ chưa tới giai đoạn đó nên được làm tất cả mọi việc để các con hiểu thấu, nắm vững các pháp tu. Đến khi các con quán thân được trong khi đi, khi ngồi thì cần tập cho nhuần nhuyễn, cho sung mãn lúc đó chỉ còn ôm pháp quán thân theo 4 Niệm Xứ thôi chứ không còn cần nghiên cứu cái gì khác nữa hết. Lúc đó mà các con còn đọc thì chỉ làm loãng tâm các con thôi. Không nên làm vậy.
Tu quán thân theo 4 Niệm Xứ là con có pháp, có phao; còn tu tâm xả thì không có phao, không có pháp nào hết ngoại trừ pháp xả bằng tri kiến, bằng ý thức của các con thôi. Vì vậy mà hai phương cách tu, một thì bắt buộc quán thân theo 4 Niệm Xứ, một thì không bắt buộc nhưng khi xả hết thì tâm cũng tự động trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ, nó cũng thành tựu trên quán thân theo 4 Niệm Xứ, cũng sung mãn trên đó. Các con hiểu rõ như vậy thì tu không còn sai nữa, không còn trật đường nữa.
10 - Con về tập, nhận xét con cảm nhận như thế nào, cái quán thân trong khi đi có giống như khi ngồi, có giống như khi nằm không, rồi trình Thầy biết. Cái cảm nhận thân đi thì thô nhưng khi ngồi lại hay nằm xuống con đều cảm nhận được sự rung động, dao động của thân con, mặc dù nó vi tế, nhỏ nhiệm hơn nhưng con vẫn thấy rất rõ sự rung động đó. Đó là con đã tu nhuần nhuyễn thì trình Thầy biết như vậy. Còn nếu con tu tập tới giai đoạn nằm hay ngồi mà nhận không ra được sự rung động thì con cũng trình để Thầy dạy con biết cách thức làm sao nhận ra cho được.
Khi các con quán đúng rồi thì không bao giờ khởi ra một niệm nào xen vô trong khi các con quán, dù là khi đi hay đứng hay ngồi, nằm. Tâm các con lúc nào cũng im re chỉ còn cái quán thân thôi. Rất tỉnh, hoàn toàn biết từ đầu tới chân rất rõ. Không có niệm là quán đúng, có niệm là quán chưa đúng, quán trật. Các con biết như vậy rồi hiểu rõ như vậy rồi thì không còn gì để hỏi Thầy nữa. Ở bất kỳ nơi nào, các con cũng tu chứng đạo được hết.
Chánh nghiệp (oai nghi tế hạnh) - Oai nghi tế hạnh của người tu tập thì ngồi chơi cũng phải trong oai nghi thẳng lưng đúng cách. Sau này các con học lớp Chánh Nghiệp thì đi đứng nằm ngồi phải đúng oai nghi. Ngồi không được thụng lưng, không tréo chân vách mảy, lúc nào cũng giữ gìn thân hành nghiêm trang. Lớp Chánh Ngữ thì dạy lời nói. Người tu thì lúc nào cũng trong oai nghi nghiêm trang đẹp đẽ. Người đời không học oai nghi nên các thân hành của họ không đẹp lắm. Ngồi thì thụng lưng, nằm thì co quắp hay nằm sấp chẳng khác gì cách của thú vật. Họ cho là tự tại vô ngại, đói ăn khát uống, mệt thì ngủ nằm kiểu nào cũng được. Đó thiệt ra không phải là con người đâu. Con người thì phải có những oai nghi tế hạnh, mình phải học. Từ cha mẹ sanh ra chưa biết đi mà giờ mình biết thì do ai dạy mình. Có phải do cha mẹ dạy không? Vậy thì từ lời nói từ cách thức đi đứng nằm ngồi đều phải được dẫn dạy. Con người thì phải có ý thức, phải được học. Nếu không học, thả lỏng thì chẳng khác loài thú sinh hoạt theo bản năng tự nhiên của nó.
Con người có trí tuệ thì phải có cách thức phương pháp dạy cho nó những oai nghi tế hạnh vượt trên loài cầm thú để có những hành động đẹp đẽ cho nên gọi là oai nghi tế hạnh mà đạo Phật nói tới. Các con có thấy có tôn giáo nào dạy oai nghi tế hạnh như đạo Phật không? Dạy chánh ngữ, chánh nghiệp, tà nghiệp như thế nào. Hành động nằm sấp là tà nghiệp, ngồi thụng ẹo là tà nghiệp. Ngồi chơi thì ngồi thụng, ngồi thiền thì ngồi thẳng thì đó là tà nghiệp và chánh nghiệp. Cho nên những oai nghi đó phải được học.
Thầy có soạn viết ra các con mới học để biết, chứ các con đâu có. Chừng Thầy mất rồi thì các con biết hỏi ai. Do đó các con bị bất lợi lớn. Một ngày nào 4 tập Giới Luật Thầy tiếp tục viết ra, trong đó dạy cho các con đủ các oai nghi tế hạnh. Là con người thì các con phải sống như vậy chứ không phải chỉ tu sĩ mới sống. Tất cả mọi người phải sống như vậy mới xứng đáng là con người. Nếu không có những hành động như vậy là không khác loài thú. Thầy xác định như vậy trong sách. Chúng ta là con người thì phải uốn nắn hành động tư tưởng sao cho thật sự là con người.
Đạo Phật dạy cho chúng ta rõ ràng các oai nghi tế hạnh, nếu chúng ta sơ suất thì sẽ bị người chê cười. Chúng ta tu thì phải học tập rèn luyện để có hành động đúng là chánh nghiệp chứ không phải là tà nghiệp được nữa để chúng ta thành con người thật sự là Người. Các con có phước mới được học lớp Bát Chánh Đạo, đó là chơn lí của con người. Đạo Đế là đạo của con người, dạy con người trở thành đúng là Người, không còn hành động của loài thú. Muốn thoát khỏi loài thú thì phải tập luyện. Nếu cha mẹ mình không tập luyện cho mình đi thì giờ này chắc chúng ta chỉ biết bò như các loài thú thôi. Đức Phật dạy cho chúng ta chánh ngữ, chánh nghiệp là những điều chơn chánh để chúng ta trở thành con người thật sự, không còn dính ảnh hưởng gì của loài động vật.
Tám lớp học của đạo Phật đưa chúng ta ra khỏi loài động vật, chúng ta làm chủ sự sống chết của chúng ta. Loài động vật làm sao làm chủ được cái này.
Chúng ta tu đâu phải để làm Phật, Thánh, Tiên gì mà chỉ để làm một con người thật sự là người.
Các con thấy ngôn ngữ con người lúc sơ khai đâu có dồi dào như bây giờ.
Trong thời đức Phật, ngôn ngữ đâu nhiều như thời chúng ta ngày nay. Mỗi năm ngôn ngữ tăng lên nhiều hơn. Các con thấy trong các bộ tự điển mỗi năm số từ được cập nhật thêm một số. Có nước ngôn ngữ tăng nhiều, có nước tăng ít. Cho nên chúng ta diễn tả lời nói ngày càng tăng.
Trong sự học chúng ta xây dựng chúng ta ngày càng trở nên con người thật sự là Người, mà Bát Chánh đạo chính là lớp đào tạo con người thật sự này. Từ con người thú trở thành con người thật sự thì đó là Thánh chứ còn gì nữa, đâu phải có ông Thánh từ đâu tới, không ai phù hộ chúng ta đâu, không có ông Phật nào hết. Khi chúng ta chết rồi thì thành một từ trường thanh thản an lạc vô sự, không phải còn con người như chúng ta nữa đâu.
Con người như chúng ta phải khác xa các loài vật ở chỗ có sự hiểu biết, ở chỗ có sự rèn luyện tập luyện, ở chỗ có hành động sống hằng ngày được tư duy, chúng ta mới trở thành con người thật sự. Chứ con người gì mà mở miệng ra nói những lời hung ác làm cho người khác khổ, làm cho mình khổ. Đó là con người gì?
CHỨNG ĐẠO KHÔNG CẦN THẦN THÔNG:
Cho nên hôm nay quyết tâm các con tu phải có người đạt để nói lên tiếng nói rằng đạo Phật có người tu làm chủ sanh tử được như vậy, chứ chúng ta không cần thần thông, chúng ta không có thần thông. Có người đòi xét lại Thầy Thông Lạc có Tam Minh không. Thầy trả lời chẳng có Tam Minh gì hết, mà chỉ biết Thầy làm chủ sanh già bệnh chết. Thầy có khả năng gì mà làm chủ được bốn sự đau khổ này thì các con đủ biết, khỏi cần nói Tam Minh trong này. Người không đủ 4 Thần Túc thì làm sao làm chủ được sự sống chết của họ, làm sao nhập định được? Cho nên ở đây đừng có hỏi xem thầy Thông Lạc có tàng hình biến hoá được không. Thầy không làm những việc như vậy cho các con coi đâu. Thầy Thông Lạc là thầy Thông Lạc chứ không phải là người có ba đầu chín tay đâu. Thầy vẫn là một con người bình thường ốm nhắt như que tăm thôi, lùn nhỏ thấp chứ chẳng cao lớn hơn ai. Hồi nào như thế thì nay cũng như thế mà chỉ suy yếu thêm thôi, sắp sửa ra đi rồi. Trong số các con trước mặt Thầy đây mà có người tu chứng thì thầy Thông Lạc yên tâm đi được rồi, chứ ở lại đây cực lắm, Thầy không ham đâu. Cuộc đời này không có chơn hạnh phúc đâu mà vì nổi khổ đau của chúng sanh nên Thầy còn lê gót phong trần chứ nếu không thì thầy đã bỏ đi mất từ lâu rồi. Thầy mong sao trong số nữ các con có người tu chứng là Thầy thích nhất.
TU TÂM XẢ:
Tu tâm xả thì pháp tác ý là đệ nhất pháp: “Tác ý một tướng khác tướng kia thì tướng kia bị diệt”. Tâm xả nhờ tác ý nhiều nhất. Khi xả rồi thì nó trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ, trở về trên thân các con chứ không chạy đi đâu hết, nó thấy thân rung động chứ không mất điều đó được. Các con lưu ý hai phần: phần xả là có chướng ngại thì xả, còn phần yên lặng thì nó ở đâu? Đó là hai phần rõ ràng của pháp tu tâm xả. Vậy phần yên lặng không chướng ngại thì nó phải ở trên thân nó. Lúc đó các con sẽ thấy nó rất tuyệt vời. Không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ mà nó lại nằm trên 4 Niệm Xứ. Nó thoi thóp, thoi thóp hoài ở đó, rồi khi có động thì nó nhảy ra tác ý xả. Tâm xả hay lắm. Khi có động thì nó xả. Bất kì động lớn động nhỏ gì nó cũng tỉnh táo vì nó đang ở trên thân. Nó rất tỉnh nhưng nó không nhiếp ở trên thân, không quán trên thân, mà tự nó ở trên thân. Bởi vậy nó là pháp độc nhất đi đến cứu cánh. Người tu quán thân theo 4 Niệm Xứ tới thì người tu tâm xả cũng tới như thường. Trên tâm xả hết thì nó cũng ở 4 Niệm Xứ nó tới. Dở hay hay cuối cùng đều trên 4 Niệm Xứ mà tới cứu cánh. Chỉ có 4 Niệm Xứ mới đưa ta tới cứu cánh thôi.
Pháp xả thì giặc tới mới đánh, không tới thì thôi. Mà đánh thì thắng chứ không bị bại. Dùng tri kiến đã được trang bị mà đánh thì làm sao thua được. Giặc sanh tử là hôn trầm, thùy miên, loạn tưởng, cảm thọ khổ ưu... Khi có một niệm gì trên thân thọ tâm của các con thì các con đều phải tu tâm xả chứ không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ. Quán thân theo 4 Niệm Xứ khi đã ôm pháp thì không có một niệm nào của giặc sanh tử xen vô trừ ra khi các con xả tu 4 Niệm Xứ. Nếu các con đang ở trên 4 Niệm Xứ mà có cảm thọ này kia thì các con phải tu tâm xả chứ không tu quán thân theo 4 Niệm Xứ được. Có cảm thọ là vì các con nhiếp tâm có sai, tức là quán thân có cái gì quán chưa đúng cho nên không nhiếp phục được tham ưu. Nhiếp phục được thì làm sao còn bóng dáng giặc nào được. Chỉ quán sai hay sức quán không đủ mạnh; có nghĩa là sức con chỉ quán trong nửa giờ mà ngồi quán hơn 1 giờ thì số giờ sau nửa giờ đầu sức quán các con không đủ, quán trong sức tỉnh giác lờ mờ, thiếu sáng suốt tỉnh thức mới có giặc sanh tử xen vô.
Người tu quán thân theo 4 Niệm Xứ quán được thì nhiếp phục tham ưu, không còn chướng ngại. Nhiếp phục được thì không có chướng ngại nào làm động tâm người này được, không bao giờ còn giặc sanh tử trên thân tâm người này được. Khi tu đúng thì không bao giờ có ác pháp tác động vô được. Đã nhiếp phục tham ưu thì có gì chướng ngại nữa. Khi quán thân theo 4 Niệm Xứ thành thục thì lực nó rất mạnh, làm tan hết tất cả tham ưu chướng ngại.
Hôm nay Thầy giảng rõ tất cả mọi điểm để các con tự biết mình phải tu pháp nào, tu tâm xả hay tu quán thân 4 Niệm Xứ. Các con phải hiểu là cả hai pháp tu giống nhau không cái nào cao hơn cái nào, nhưng tâm xả thích hợp với người bị tưởng. Tu tâm xả để xả luôn cái tưởng chứ ngồi tu quán thân 4 Niệm Xứ rồi tưởng hiện ra phải trở về tu tâm xả thì lộn xộn pháp tu. Người không bị tưởng tu quán thân 4 Niệm Xứ 1 phút là một phút nhiếp vào thân thì không có một tham ưu nào xen vô, rồi 2 phút là 2 phút nhiếp thân, trọn thời gian của người này nhiếp phục hết tham ưu. Nếu các con không làm được vậy thì phải tu tâm xả. 4 Niệm Xứ là lớp thứ bảy trong 8 Chánh đạo, nó là Chánh Niệm.
Nó phải đầy đủ lực lượng giải phóng thân tâm để vào được Định, Chánh Định.
ĐÚC KẾT
Hôm nay các con đã biết được hết rồi thì các con bắt đầu trở về tập quán thân theo 4 Niệm Xứ lại. Tập sách mỏng nầy là phương tiện giúp các con rèn luyện làm chủ sự sống chết của các con. Tuy mỏng như vầy nhưng rất quý.
Các con muốn tu đúng thì nghiên cứu kỉ hai tập này, chúng cô đọng lại từ lớp học Chánh Kiến cho đến bây giờ để cho các con biết đường đi của chúng ta.
Chính vì những cái sai của các con mà có hai tập sách này, chứ nếu các con đều đúng hết thì không làm sao có chúng được. Thầy dạy mà các con không hiểu, các con tập theo thói quen của các con cho nên thành sai. Đã sai thì buộc lòng phải kiểm điểm cho nên mới được viết thành tập sách này để các con biết mà tập lại cho đúng. Tập lại được đúng thì phải mừng chứ sao lại buồn. Đừng nghĩ rằng từ hồi nào đến giờ ra công tu tập mà bây giờ theo hai tập sách này phải bỏ hết để tập theo cái này. Sai thì sao lại không chịu bỏ? Đi cà lết mà bảo đi cho thẳng thì không chịu, như vậy có đúng không?
Vậy hôm nay Thầy dạy kĩ rồi thì các con yên tâm tu cho tới nơi tới chốn.
Thật sự nếu không kiểm điểm thế này thì các con sẽ đi sai hết, cuối cùng lớp học đào tạo này chẳng có người tu chứng; chắc chắn là không có người tu chứng.

BÀI THỨ BẢY: DẠY LỚP TU SINH NAM

(Ngày 14.3.2006)

ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ

Trong Tu viện này các hệ phái đều có thể đến học. Ở đây mọi hệ phái được xem bình đẳng, không trọng hệ phái này hay hệ phái khác, chỉ mong sao giúp cho những tu sĩ hoàn toàn theo Phật Giáo tu đạt được sự làm chủ 4 chỗ sanh già bệnh chết mà thôi. Mục đích của tu viện là vậy.
Ở đây chúng ta tu tập nhằm mục đích cố gắng dựng lại chánh pháp của Phật; dựng lại nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người của đạo Phật để giúp cho mọi người trên hành tinh này sống được hạnh phúc, chứ không riêng gì dân tộc Việt Nam chúng ta. Đó là mục đích của tu viện.
Cho nên chúng ta không phân biệt hệ phái nào của Phật giáo, cũng như không phân biệt tôn giáo nào, dù Thiên chúa hay Cao Đài, hay một hệ tôn giáo nào. Trong lớp học chúng ta có một linh mục và một người Cao Đài đến học.
Nhưng họ theo chúng ta không nổi vì họ bị hôn trầm thùy miên quá nhiều.
Bên Cao Đài cũng có tri kiến về Phật giáo rất sâu sắc, như chú Tần có tri kiến về tâm từ bi hỉ xả rất sâu sắc. Nếu đứng trên đạo Phật, người được tri kiến như vậy mà quyết tâm tu tập thì cũng được giải thoát, không khó. Tất cả mọi người dù có tôn giáo hay không mà vào đây học đều đem lại lợi ích cho mọi người, chứ không phân biệt tôn giáo nào. Như trong bảng thống kê, chúng ta thấy đầy đủ các hệ phái Phật giáo đều có mặt trong lớp học. Thầy mong rằng đây là nơi chúng ta phối hợp đoàn kết thật sự trên phương pháp tu giải thoát để nói lên tiếng nói của Phật giáo là đem lại sự giải thoát thật sự chứ không phải thành lập riêng rẽ để có ý kình chống, đối kháng hệ thống này hay hệ thống khác. Nhưng có cái sai thì nói sai để cùng nhau sửa, chứ không phải để bằng cách này khác chống đối nhau, dựng riêng cho mình có hệ phái khác.
Thầy không muốn điều đó mà chỉ mong sao có nền đạo đức cho con người, dựng được nền đạo đức mà thôi, chứ không đứng trong góc độ tôn giáo này hay tôn giáo nọ. Thầy cũng không muốn ngay cả cái tên Phật giáo nữa.
Tại sao vậy? Chúng ta biết ơn đức Phật nhưng chúng ta không nên chia rẽ con người trên hành tinh này ra nhiều tôn giáo. Chúng ta không làm điều đó vì nó không đúng tinh thần đạo đức nhân bản nhân quả của loài người, bởi vì càng có nhiều tôn giáo, có nhiều hệ phái khác nhau thì nạn chia rẽ càng trầm trọng.
Chúng ta chỉ mong đem lại nền đạo đức chung cho loài người. Nền đạo đức đó có con người đề xuất ra cách đây 2550, đó là đức Phật Thích ca Mâu ni. Người đời sau tôn xưng ngài là đức Phật và thành lập giáo lí đạo đức của ngài thành giáo lí tôn giáo Phật giáo. Thật sự trong thời đức Phật ngài chỉ tự xưng mình là một Bà la môn đúng, khác với Bà la môn sai mà thôi. Đúng là đúng trên đạo đức, sai là thiếu đạo đức. Đó là mục đích của đạo Phật mà chúng ta thấy trong kinh Pháp cú, đức Phật đã nói rất nhiều về vấn đề này. Không tự xưng mình là Phật, nhưng người đời sau gán cho đức Phật bằng 10 danh hiệu. Thầy mong rằng ý rất tuyệt vời này của đức Phật được người đời biến bốn chơn lí của đức Phật thành đạo đức của loài người. Chơn lí của loài người thì trả lại cho loài người. Chơn lí này có sẳn đó chứ đức Phật không tạo ra hay chế biến thêm, mà đây là đức Phật thấy được, hiểu được con người là phải có đạo đức đó.
Đạo đức đó có sẵn nơi con người chứ không có gì mới mẻ cả. Và hôm nay chúng ta cũng mong muốn nền đạo đức đó được duy trì, được phát triển cho con người để đem lại hạnh phúc chung trong xã hội trên hành tinh này.
Và Thầy mong rằng khi Thầy đã thị tịch ở bất cứ nơi đâu, hoặc trong rừng, trong núi trong hang hay không biết ở đâu, nếu các con nhớ Thầy thì phải đem pháp tu học của mình, đạo đức của mình đạt được dạy lại cho người khác. Đó là không phụ lòng Thầy. Còn nếu khi Thầy đã ra đi rồi, các con thấy đời khổ quá mà không hướng dẫn họ, các con bỏ cuộc đầu hàng sự khó khăn thì các con không xứng đáng, các con phụ lòng Thầy đó. Thầy chịu cực khổ dựng lại đường tu học của Phật giáo để sống lại đạo đức của Phật giáo mà các con lại bỏ thì rất uổng. Dù gian khổ bao nhiêu mà nền đạo đức đó được chấn chỉnh lại cho con người trên hành tinh này có đường lối tu tập thì Thầy cũng vui lòng. Nhưng nếu duyên không đủ, Thầy phải ra đi thì các con phải tiếp tục chấn chỉnh lại con đường này của Phật giáo, làm sáng tỏ lại nền đạo đức nhân bản nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, thì mới là xứng đáng theo Thầy, làm đệ tử của Thầy, của Phật. Đạo Phật là chơn lí của loài người. Hãy làm sống lại đường lối của đạo Phật, đừng nên để đạo Phật mất đi.
Đạo Phật mất là sự thiệt thòi lớn cho loài người, chúng ta không có quyền bỏ nó. Cho nên khi tu tập được, Thầy thấy rằng là con người, chúng ta không có quyền bỏ giáo lí này, chơn pháp này, nó đem lại lợi ích thiết thực.
Thầy mong rằng các con nhớ kĩ lời Thầy hôm nay và hôm nay Thầy trao cho các con những điều cần thiết cho sự tu tập của các con. Sau giờ phút này dù ở bất cứ chỗ nào các con cũng tu được hết. Khi các con tu thành công được là các con nối tiếp ngọn đuốc làm sáng tỏ lại đạo đức của Phật giáo. Đừng nghĩ rằng tôi là người này, tôi là người kia. Đừng nghĩ vậy mà chỉ nghĩ rằng tôi là con người, mà con người thì phải sống có đạo đức. Là con người có học 8 chánh đạo thì chúng ta phải sống cho xứng đáng với 8 chánh đạo, với đức Phật là người cha đã thương các con đã để lại cách thức tu tập, để lại đường lối để các con của mình sống được an ổn, được yên vui, được làm chủ 4 sự đau khổ của kiếp người. Có làm được vậy thì chúng ta mới không phụ lòng đức Phật, người đã bỏ hết cuộc đời của mình, bỏ hết dục lạc thế gian đem cả thân mạng của mình để đi tìm chơn lí của loài người.
Phật đã tìm được và để lại cho chúng ta những cái thiết thực như qua bằng chứng bản thân Thầy, Thầy thấy Thầy đã làm được giống như Phật và được giải thoát giống như Phật. Thầy rất tiếc nếu một mai các con để chơn lí mất đi là các con có lỗi với con người, với các thế hệ hậu sinh của chúng ta.
Nếu các con không làm mất chơn lí thì các con đã xứng đáng không phụ lòng đức Phật, cũng như cuộc đời của Thầy.
Thầy quyết định dựng lại nền đạo đức chơn lí của loài người mà sức khoẻ của Thầy đã suy yếu đành phải ra đi trước khi hoàn thành sứ mạng này.
Nhưng Thầy cũng mãn nguyện là mình đã đem hết sức lực của mình ra làm để dựng lại nền đạo đức, chơn lí của đạo Phật, không để mất. Đó là Thầy đã hết bổn phận.
Các con cũng vậy, hãy nỗ lực làm cho tận cùng thì mới không phụ lòng tin của Thầy và Thầy nghĩ rằng mỗi người nối tiếp nhau để cùng nhau dựng lại thì nền đạo đức này không thể mất. Hôm nay các con đã hiểu rõ rồi thì hãy cố gắng trên bước đường tu tập.
QUAN HỆ THẦY – TRÒ
Từ chỗ Thầy gần gũi các đệ tử của mình mới biết họ tu như thế nào để đào tạo họ trở thành những người tu chứng. Nếu không gần gũi làm sao biết họ tu sai; không gần gũi thì làm sao lắng nghe họ tu tập cách thức này cách thức kia. Muốn đào tạo họ thì phải gần gũi.
Thầy nhớ trong thời đức Phật, khi ông Mục Kiền Liên xin đức Phật vào một khu rừng vắng để tu tập, đức Phật chấp nhận và đồng thời lúc nào cũng có sự hiện diện của đức Phật, dù là buổi tối, buổi khuya, giờ nào cũng có đức Phật.
Khi ông Mục Kiền Liên tu sai thì ngay đó đức Phật bảo hãy im lặng như Thánh, không cho ông khởi niệm về điều kiện ông đang tu.
Các con đã đọc bài kinh Khu Rừng Sừng Bò chưa? Ba vị tôn giả ở tu, đức Phật tới thăm, ba vị trình bày cho đức Phật nghe sự tu tập của họ. Họ sống độc cư mà tuỳ thuận theo ý của người bạn, không phải do ý của mình. Các con thấy thấm thía không. Ở trong kinh chỉ nói đức Phật tới thăm một lần chứ đâu biết thật sự đức Phật đã tới nhiều lần. Nếu các con có 3 Minh mới biết lòng thương của đức Phật đối với đệ tử của mình. Khi ba vị tôn giả này vào Khu Rừng Sừng Bò để tu tập, các con mới thấy thương đức Phật vô cùng.
Người không để học trò của mình tu tập một mình vì sợ lạc đường, các con nên nhớ điều đó. Cho nên khi chúng ta đọc trong kinh đó chúng ta đừng nghĩ đức Phật đến thăm chỉ một lần mà nhiều lần. Hướng dẫn cho ba vị này chứng đạo không phải là chuyện dễ. Cả ba vị này đều chứng đạt 3 Minh trọn vẹn. Nếu đức Phật không chăm sóc đệ tử của mình thì đến Khu Rừng Sừng Bò để làm gì.
Ở đây Thầy muốn nhắc lại để các con thấy khi gặp một bài kinh như vậy, nếu chưa thấu rõ mà muốn thấu rõ thì phải sử dụng trí 3 Minh trở về xem đức Phật đã đến Khu Rừng Sừng Bò bao nhiêu lần. Nhiều lần lắm. Còn ông Mục Kiền Liên vào khu rừng yên tịnh một mình, lúc nào ông có những niệm gì không hợp thì đức Phật đã ra lịnh im lặng như thánh ngay liền, không để cho ông bị lầm trên niệm đó.
Thầy nghĩ đức Phật là một người cha thương yêu các đệ tử của mình hơn là con. Khi nhận một người tu theo mình rồi thì có trách nhiệm rất lớn cho nên luôn luôn chăm sóc. Khi có đệ tử ngồi tu thì đức Phật đâu có ở trong thất của ngài để nghỉ ngơi. Thương đệ tử của mình, ngài chăm sóc rất kĩ. Ngài đâu dùng thần thông mà luôn luôn trực tiếp, nhưng người ta cứ nghĩ ngài dùng.
Ngài cũng có thể dùng thần thông, nhưng lúc nào ngài cũng trực tiếp đến giúp đỡ chứ không phải quan sát để xem coi rồi chỉ đến khi đệ tử gặp khó khăn mà thôi.
Đó là cách thức của đức Phật ngày xưa, còn Thầy hôm nay dù quá nhiều công việc nhưng Thầy cũng không bỏ các con. Các con tu không nghe lời Thầy, tu theo ý riêng. Cho nên từ những cái tu sai đó mà lần lượt có những bài Thầy giảng để các con tu đúng. Nếu các con tu không sai thì chắc không có những bài này, vì tu sai nên mới có. Nhờ Thầy đọc lại, nói lại những cái sai của các con, bên nữ cũng như bên nam, có thầy TQ. thu băng và đánh vi tính ra chứ Thầy không có nhiều thì giờ để viết ra. Khi Từ Quang đến gặp Thầy thưa thỉnh vấn đề tu tập sai đúng như thế nào và đồng thời Thầy thấy sự nhiếp tâm của các con trên 4 Niệm Xứ sai. Thầy đã dạy rất cụ thể, rõ ràng và trước đó Thầy đã chuẩn bị cho các con từng chút trước khi Thầy dạy tu 4 Niệm Xứ. Thế mà các con không hiểu, tưởng là pháp này tu như vậy, pháp kia tu như vậy chứ không ngờ đó là kinh nghiệm của Thầy đem ra dạy cho các con để các con tu thực tế và cụ thể hơn.
Hôm nay nếu các con nỗ lực tu tập đúng và Thầy duyệt lại thấy các con tu đúng thì Thầy yên bụng lắm. Những người này sẽ chứng đạt, nghĩa là trên thân quán thân các con quán được thì các con sẽ là người chứng đạt, không làm sao không chứng, bởi pháp của Phật như thật.
Còn các con quán trật thì các con không chứng đạo đâu.
Các con nào xả tâm thì cần biết cách để xả. Có 4 pháp dùng để xả tâm tức là Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh GiácĐịnh Niệm Hơi Thở. Các con vững vàng trong 4 pháp đó thì các con tu tâm xả.
Ngồi chơi mà xả tâm. Nhưng phải rành 4 pháp đó. Nếu chưa rành, chưa thuần thục thì phải tập cho rành, cho thuần thục mới đi vào tâm xả. Còn chưa rành mà đi vào tâm xả thì khi gặp chướng pháp các con không biết phải dùng pháp nào để xả. Xả không đúng cách thì các con sẽ bị lạc trong tưởng càng nguy hiểm. Đó là những điều cần thiết mà Thầy muốn nói.
PHÁP 4 NIỆM XỨ
Những điều thầy làm hôm nay mong quý thầy nghiên cứ kĩ vì chúng ta có sự hiểu biết lệch lạc từ khi tu tập. Buộc lòng có những bài cô đọng lại như vầy được phát ra cho quý thầy hôm nay. Pháp Thân Hành Niệm là pháp độc nhất của đạo Phật. Nó là hòn đảo, là phao để chúng ta vượt qua những khổ đau của kiếp người. Cho nên đức Phật, trước khi thị tịch, đã di chúc lại cho chúng ta hãy lấy giáo pháp Phật để làm hòn đảo nương tựa vững chắc để tu hành. Giáo pháp của đức Phật tức là 4 Niệm Xứ. Nếu hôm nay chúng ta tu tập 4 Niệm Xứ sai thì chẳng bao giờ chúng ta chứng đạt được. Đã bao lần bên Nam tông và Đại thừa cũng nói đến 4 Niệm Xứ nhưng vì không biết cách tu cho nên đã tu trật, tu sai làm cho người đời sau không giải thoát được. Chỉ bằng trên ngôn từ, lời nói suông mà không kết quả thực tế thực sự. Hôm nay Thầy dựng lại pháp 4 Niệm Xứ không phải nó là của Thầy mà của Phật. Dựng lại đúng cách tu, đúng nghĩa của nó. Do đó những tập sách này nói rằng chúng ta sẽ tập đúng.
Trước khi trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu, ưu phiền trên thân thọ tâm pháp của chúng ta thì chúng ta phải hiểu quán như thế nào đúng, quán như thế nào sai. Đức Phật biết rằng quán rất khó cho nên trong Định Niệm Hơi Thở, Ngài đã dạy: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra”, nghĩa là nương vào hơi thở mà cảm nhận thân của mình gọi là trên thân quán thân.
Pháp của Phật là một chân rít (BBT: móc xích), từ pháp này nối với pháp kia rất chặt chẽ, không rời ra, cho nên trong kinh đức Phật thường nói pháp này là thực phẩm của pháp kia. Thí dụ 4 Niệm Xứ là thực phẩm của 7 Giác Chi mà 7 Giác Chi là thực phẩm của 3 Minh. Nếu hằng ngày chúng ta tu tập cũng như hằng ngày chúng ta ăn để sống. Chúng ta tu tập pháp của Phật đúng thì chúng ta đạt được, chúng ta có được pháp kia. Thí dụ như bây giờ chúng ta tu 4 Niệm Xứ đạt được. Mà 4 Niệm Xứ là thực phẩm của 7 Giác Chi thì chúng ta sẽ có 7 Giác Chi. 7 Giác Chi hiện tiền rõ ràng cụ thể thì sẽ có 3 Minh vì 7 Giác Chi là thực phẩm của 3 Minh. Đó là những thực phẩm, những món ăn. Như vậy thì chúng ta làm sao sai được. Cũng như chúng ta thực hiện Định Niệm Hơi Thở. Định Niệm Hơi Thở có chân rít với 4 Niệm Xứ cho nên “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, thì đó là trên thân quán thân, là thực phẩm của 4 Niệm Xứ, bởi vì chúng ta nương vào hơi thở mà quán được toàn thân của mình. Mà hễ quán thân được thì nhiếp phục được tham ưu.
Còn đằng này các con quán 4 Niệm Xứ nhiếp phục tham ưu mà lại có niệm khởi, có mõi mệt, có hôn trầm thùy miên... như vậy là các con quán 4 Niệm Xứ không đúng. Hễ quán 4 Niệm Xứ đúng thì nó nhiếp phục, mà không đúng thì làm sao nó nhiếp phục được. Không đúng trong nhiều cách.
Các con quán 4 Niệm Xứ cảm nhận được thân mà tại sao lại còn niệm khởi? Tức là các con tu quá sức. Sức của các con chỉ có hạn, chỉ quán được một thời gian 5 phút hay 10 phút mà các con lại quán 1 giờ thì chắc chắn các con sẽ bị mỏi mệt bởi vì các con quán chứ các con đâu phải ngồi chơi. Khi bị mỏi mệt, các con không đủ sức quán vì vậy mà có niệm khác đánh vô. Các con tu có mục đích rèn luyện tâm cho nó thành thục, nhu nhuyến từ đó các con tiến dần lên nhờ vậy sức quán các con càng ngày càng quen. Chẳng khác gì sức của các con vác được 20 kg, rồi mỗi ngày các con tập vác thêm 3 kg hay 5 kg thành 23 kg hay 25 kg. Một thời gian sau thì các con sẽ vác được 30, 40 hay 50 kg theo sự cố gắng luyện tập của các con. Đó là các con có luyện tập chuyên cần hằng ngày. Chứ hiện giờ các con chỉ đủ sức vác 20 kg mà các con cố vác vật 30, 40 kg thì phải có sự cố thôi. Các con thấy những người phu khuân vác nhờ sự luyện tập trong công việc mà họ có thể khuân vác những kiện nặng 50, 70 hay cả 100 kg dễ dàng, chứ bề ngoài trông họ chẳng khác gì chúng ta.
Tập quán trên thân cũng vậy, mới tập quán thì các con chỉ nên quán vừa sức mà thôi, và Thầy còn chuẩn bị cho các con có cách thức rất cụ thể đó là nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở chỉ một phút thôi. Nếu nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở một phút được hẳn hòi hoàn toàn, thì trong một phút đó ở trên chòi canh nhìn lại thân của các con thì quán quá dễ dàng chứ gì.
Nhưng vì các con tu tập không căn bản, coi thường căn bản một phút, do đó trong một phút nhiếp tâm và an trú tâm không trọn vẹn.
Các con có thói quen vừa thấy không niệm thì cứ tăng thời gian tu lên, rồi đến khi có niệm mới dừng lại. Đó là cách tu tập sai, không đúng. Cho nên cần phải tu tập đúng, đừng tu tập sai vì nó rất tai hại cho con đường tu. Khi đã bị xẩy ra những hiện tượng tưởng là cả một vấn đề khó tu vì mỗi khi các con nhiếp tâm và an trú tâm thì hiện tượng tưởng đó xẩy ra, các con không còn tu gì được nữa, chỉ còn cách phải xả cái tưởng đó thôi. Nếu các con tu đúng, ngay từ đầu không để xẩy ra tưởng thì sự tu tập được tiến bộ nhanh hơn.
Thầy mong rằng các con đọc kĩ tập sách mỏng này thì dù các con ở đâu tu cũng chứng đạt chứ không cần phải ở đây đâu. Chỉ có điều kiện là phải tạo được môi trường yên tịnh thanh vắng để sống độc cư cho được, còn nơi động, nơi ồn náo quá thì các con không thể nhiếp tâm được. Cho nên dù bất cứ ở đâu, khi các con nắm được pháp rồi thì tìm nơi yên lặng thanh vắng mà tu thì Thầy tin rằng các con không thể bị sai, sẽ tới nơi cuối cùng, vẫn chứng đạt được chơn lí, vẫn làm chủ được 4 sự đau khổ, khi các con đọc bài thứ nhất “Quán thân trên thân theo 4 Niệm Xứ”.
Nhưng ở đây có người quán thân trên thân mà quán không được, cứ bị ức chế hay bị sanh tưởng, thì người đó tu tâm xả hơn là tu 4 Niệm Xứ. Tu xả tâm vô lượng thì người đó ngồi chơi chứ không tu một pháp nào cả, mọi chướng ngại, mọi tâm niệm xẩy ra trên thân tâm thì dùng pháp xả để xả. Khi đó dùng pháp Như Lí Tác Ý mà xả, dùng tri kiến giải thoát mà xả, dùng Định Niệm Hơi Thở mà xả; tất cả những bịnh khổ nơi thân các con đều có pháp xả hết. Khi xả xong thì tâm các con sẽ thanh thản an lạc vô sự. Tâm thanh thản an lạc vô sự thì tâm ở đâu? Rõ ràng nó phải ở trên thân, biết thân nó chứ không thể nào ở ngoài được, tức là nó thấy thân nó một cách cụ thể rõ ràng.
Các con lưu ý vấn đề trên thân quán thân có nhiều sai lạc nghĩa là khi quán sát, xem xét thân từ đầu tới chân mà quán không được; lúc thì chỉ thấy cái đầu, lúc thì chỉ thầy có hơi thở, lúc thì chỉ thấy có cái ngực, lúc thì chỉ thấy có cái bụng... Những người quán mà bị như vậy là quán không trọn vẹn thì không thể tu quán thân trên thân. Đức Phật đã gợi ý cho chúng ta qua Định Niệm Hơi Thở rất rõ ràng “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra”, là quán toàn diện cơ thể chúng ta chứ không phải chỉ một phần nào của cơ thể; nhưng không khéo rồi các con thấy từng phần, thấy có cái đầu, rồi có cái bụng rồi có hai bắp chân, rồi hai bàn chân, rồi 10 ngón chân; rồi lần lượt từ dưới đi lên cũng cái kiểu đó thì đó là Chuyển Pháp Luân rồi. Quán mà chạy từng chút như vậy là tu sai, không đúng pháp. Bởi vì quán thân trên thân như một ngọn đèn pha soi vào một vật thì vật đó phải được các con thấy rõ ràng từ đầu chí chân cùng một lúc chứ không thể chạy từng chút từng chút như thế được. Các con phải tập đúng chứ đừng lẫn lộn qua chuyển pháp luân của ngoại đạo là không đúng.
Trong vấn đề tu tập, Thầy nhắc lại để các con thấy sự tu tập của pháp trên thân quán thân của 4 Niệm Xứ rất rõ ràng và rất dễ dàng khi các con bước đi, bởi khi bước đi thì thân các con rung động. Khi một chân dở lên thì chân kia đứng lại chịu trọng lượng cơ thể, coi như nó gồng lên chịu đựng, còn một chân các con dở lên đưa tới thì nó sẽ động và thân hình các con khi đưa tới thì nó phải nghiêng, khi nó đứng trụ lại thì nó phải nghiêng qua bên đứng trụ. Cho nên nó nghiêng qua, rồi đưa chân tới thì nó nghiêng tới nên thân các con dao động. Vì vậy người tu 4 Niệm Xứ quán được thân của mình, thấy rất rõ ràng toàn diện trên sự đi các con.
Đi nhanh các con cũng cảm nhận được, đi chậm các con cũng cảm nhận được. Nhưng đi chậm có lợi hơn vì khi các con thay đổi qua oai nghi ngồi thì không mất sự quan sát trên thân. Đi nhanh thì buộc lòng các con phải đứng lại rồi mới ngồi. Do đó các con bị trên ba hành động đi, đứng rồi ngồi phải liên tục làm các con quan sát thân khó khăn hơn.
Còn đi chậm, muốn đổi sang oai nghi ngồi, khi các con vừa để chân này xuống cho bằng ngang với chân kia xong thì hai gối chân co lại và từ từ ngồi xuống giống như trong pháp Thân hành niệm các con đã tu tập; chỉ khác nhau ở chỗ pháp thân hành niệm phải có tác ý đi kèm mỗi hành động, trong khi ở trên pháp 4 Niệm Xứ thì không có tác ý mà chỉ có sự chú ý cái thân. Trong khi chuyển từ thế đứng sang thế ngồi thì toàn thân rung động chuyển động như thế nào, rồi cách thức tréo chân như thế nào, các con lúc nào cũng quan sát toàn thân chứ không phải chỉ quan sát hành động thôi.
Ở đây các con tập luyện trên thân quán thân chứ chưa phải tu 4 Niệm Xứ đâu. Tập quán trong khi đi cho đến chừng nào thuần thục các con mới tập qua một oai nghi khác và cũng luyện quán cho được thuần thục. Và lần lượt tập luyện đủ cả 4 oai nghi cho được thuần thục hết, lúc đó các con cứ mỗi 5 phút tu tập một oai nghi, liên tục thay đổi đủ hết cả 4 oai nghi.
Khi các con tu tập trên thân quán thân liên tục suốt đêm ngày thì sẽ nhiếp phục được toàn bộ ưu phiền trên thân thọ tâm các con. Suốt một đêm mà không có ưu phiền chướng ngại gì trên thân thì các con đã chứng đạo rồi.
Vì thế đức Phật xác định pháp môn 4 Niệm Xứ tu 7 ngày, 7 tháng, 7 năm.
Nếu thật sự các con tu tập đúng thì thời gian không tới 7 năm cũng không phải 7 tháng mà chỉ trong vòng 7 ngày bởi vì nỗ lực tu đúng quán đúng. Thời gian các con tu tập trên thân quán thân là thời gian tập đúng.
Khi tập đúng rồi các con kết hợp 4 oai nghi này lại thì nội trong 7 ngày các con sẽ chứng được đạo quả, tức là chứng được trạng thái tâm bất động thanh thản an lạc vô sự, không bị chướng ngại nào tác động vào thân thọ tâm của các con được. Đó là tu để đạt được sự giải thoát hoàn toàn, nhưng các con phải tập kĩ và tập cho đúng trên thân quán thân.
Hôm nay có tập sách mỏng này ra đời nói rõ cho các con biết quán như thế nào đúng, như thế nào sai. Thầy mong các con đọc kĩ. Nếu các con thấy quán thân không được thì nên trở về tu xả tâm vô lượng chứ đừng thấy 4 Niệm Xứ hay rồi cứ cố gắng tập để bị rơi vào ức chế thì không đúng, không được ích lợi. Thấy mình quán không được, không thể tu 4 Niệm Xứ được, cứ vào quán là bị cái này hay bị cái kia thì hãy nhanh chóng trở về pháp xả đừng để bị phí thời giờ.
Trở về tâm xả thì ngồi chơi. Không có chỗ nương tựa mà chỉ ngồi chơi.
Ngồi chơi mà luôn luôn phải tỉnh thức, luôn luôn quan sát có niệm nào, có cảm thọ gì xẩy ra trên thân tâm của các con thì mau mau dùng các pháp khác mà diệt trừ, không được để nó kéo dài tác động trên thân thọ tâm của các con.
Nếu bị hôn trầm thùy miên thì đứng dậy đi kinh hành. Thầy mong các con đọc kĩ lưỡng tập sách này để tu tập cho trọn vẹn.
NGƯỜI TU XONG NÊN LÀM
Mục đích lớp học là phải có thời gian theo học. Thí dụ các con về đây học 3 tháng, hoặc 6 tháng, hay một năm. Các con được hướng dẫn học đúng pháp, tu đúng cách thức; sau khi học được rồi thì các con rời khỏi nơi này về nơi trú xứ của các con mà nỗ lực tu tập. Rồi có một số người khác tiếp tục vào đây học tu nữa. Lớp học cũng như trường học. Khoá học lớp này xong, lên lớp trên thì những người khác tiếp tục vào học lớp này. Đến khi có lớp cuối cùng mãn khoá tốt nghiệp ra trường thì tất cả các lớp từ lớp đầu đến lớp chót đều có người đang theo học.
Chương trình lớp 8 Chánh đạo của chúng ta cũng như vậy. Không phải các con vô đây học rồi ở hoài đây, chứng đạo rồi cũng ở đây. Không phải như từ xưa tới giờ ở các nơi khác. Không phải vậy. Ở Tu Viện chúng ta, khi các con tốt nghiệp chứng đạo xong sẽ được giới thiệu về những cơ sở để các con đứng lớp đem nền đạo đức của Phật giáo phổ biến rộng rãi ra hơn để giúp cho mọi người hiểu cách sống đạo đức không làm khổ mình khổ người. Không phải các con tu chứng đạo xong cũng ở trong Tu Viện, không đi chỗ khác, ở miết một chỗ này. Không phải vậy. Các con phải ra đi để làm lợi ích cho mọi người.
Tốt nghiệp xong thì các con là những giáo sư rồi, những thầy giáo rồi thì các con phải đi ra dạy cho mọi người. Dù là một vị thầy hơn 80 tuổi nếu thấy mình còn sống trong một ngày, hay một tháng, một năm đều nên đem lợi ích cho con người. Khi mọi người đang cần mình thì mình chưa ra đi, mặc dù sức khoẻ mình rất kém nhưng mình không bỏ loài người đang đau khổ. Mình phải đến dự vào lớp làm một người thầy dạy đạo đức không làm khổ mình khổ người. Một ông thầy giáo dạy cho người khác làm chủ 4 sự đau khổ sanh già bịnh chết. Ông thầy giáo 80 lưng còm mà vẫn đứng lớp dạy cho nhiều người khác, trong đó có những thanh niên và người già. Trong lớp học đạo đức học làm chủ sự sống chết thì có nhiều hạng tuổi. Thầy mong các con khi tu xong sẽ làm những người thầy giáo để dạy cho người khác, cho đến ngày các con ra đi. Chừng đó các con thấy các con đã làm được những việc có lợi ích cho con người. Hiện giờ thì các con lo làm lợi ích cho chính mình nhưng khi tu xong thì các con làm lợi ích cho người khác. Đó là điều Thầy mong muốn. Không phải khi tu xong rồi nói: “Đời khổ quá khó dạy quá, thôi tu xong rồi thời tôi đi cho khoẻ, ai sao mặc họ, tu được hay không được đâu can hệ gì chứ đứng ra dạy rồi bị nói này nói kia làm cho tôi khổ nữa”. Đừng làm vậy. Các con lấy nên lấy sự cực nhọc của các con nhìn sự đau khổ của người mà không nỡ bỏ.
Thầy mong quý thầy nghĩ đến mục đích của đường tu là đem lại lợi ích lớn như vậy cho đời để càng cố gắng tu. Có như vậy thì vừa lợi ích cho mình mà cũng vừa lợi ích cho người. Như trong lớp này hiện có hai bác lớn tuổi, nếu khi tu xong hai bác đừng nghĩ rằng mình già rồi, thôi tu xong thì chết cho rồi.
Đừng nghĩ vậy. Đừng nghĩ tôi già rồi, không nên cực mệt với những học viên như thế này. Mà khi tu xong, hai bác hãy vui vẻ làm công việc lợi ích lớn đó trong những năm tháng hai bác còn sống.
Thầy mong các con nỗ lực tu vì pháp 4 Niệm Xứ các con nắm vững được thì con đường tu của các con rất nhanh, không còn lâu đâu.
Nhưng nếu tu 4 Niệm Xứ không được thì các con trở về tu tâm xả. Như Mật Hạnh chỉ biết tu tâm xả thôi, mọi cái gì khởi niệm ham muốn đều xả hết.
Hôm nay Thầy rất mong những người còn trẻ, sức trẻ như Phước Tồn, Thiện Thảo nghe lời Thầy dạy, nỗ lực tu đúng, thì sẽ đạt được kết quả. Thầy đang chú ý đến tuổi trẻ. Các con còn thời gian dài, sức khoẻ nhiều mà các con tu tập xong, các con sẽ đứng lớp dạy, đem lại lợi ích lớn cho đời.
Thầy nghĩ phải đào tạo những người tuổi trẻ và đồng thời Thầy nhìn thấy cần cho tương lai. Cho nên khi quý Thầy đến đây còn tuổi trẻ đều được Thầy chú ý hướng dẫn rất nhiều, mong sẽ đào tạo được quý thầy, mặc dù đào tạo cho được quý thầy rất vất vả và khó khăn, nhưng đó là mục đích Thầy quyết tâm.
Từ lâu nay Thầy chú ý đến Mật Hạnh rất nhiều tuy rằng gặp khó khăn.
Những lúc nó ra đời Thầy vẫn theo dõi từng chút. Thầy mong dù ra như vậy Mật Hạnh không đến nổi bị nhiễm ô đời, không bị đời lôi cuốn. Hôm nay Mật Hạnh trở lại tu. Thầy mong rằng lần trở lại con đường tu này thì Mật Hạnh sẽ làm xong nhiệm vụ của một người tu tập.
Khi Thầy cố gắng để đào tạo Mật Hạnh, Thầy đã có nhiều khó khăn.
Người nào mà Thầy chú ý để đào tạo họ trở thành những bậc Alahan sau này để giúp đời thì Thầy đều gặp khó khăn cả nhưng Thầy luôn luôn đứng trên đầu sóng chứ không phải dưới sóng. Lúc nào giờ nào Thầy cũng không được yên ổn, nghĩa là lúc nào Thầy cũng đang bị dồi dập sóng gió. Như các con thấy Thầy ngồi đây bình an nhưng thật sự sóng gió cũng dồi dập chứ không phải an bình, các con không hiểu được đâu. Nếu Thầy không đứng trên đầu sóng thì các con không yên mà ngồi tu đâu. Nhờ Thầy biết cách ngồi trên đầu sóng, vượt qua tất cả các đợt sóng mà hôm nay các con được yên ổn để lớp học được kéo dài cho tới giờ phút các con học 4 Niệm Xứ.
Bây giờ các con một số tu tập 4 Niệm Xứ, và một số các con tu tập xả tâm, tức là tới giai đoạn cần thực hành thì càng khó khăn hơn. Hiện giờ tâm các con còn yếu lắm, nếu có gì động thì tâm các con sẽ bị dao động, mất kết quả. Thầy mong rằng lớp này khi có điều kiện yên ổn thì các con cùng nhau sống ở đây mà tu tập. Nếu không yên ổn thì dù bất cứ ở đâu các con cũng ôm pháp 4 Niệm Xứ là hòn đảo, là cái phao cho các con đi tới nơi cứu cánh giải thoát cuối cùng. Vậy các con nhớ lời Thầy: một là các con ôm pháp 4 Niệm Xứ, hai là các con ôm pháp xả tâm vô lượng. Các con nên nhớ kĩ: xả tâm vô lượng nghĩa là vô lượng tâm xả, cái gì cũng xả hết thì mới đạt được cứu cánh.
Thầy dạy lớp Chánh Kiến cho các con thấy được hai lộ trình mà các con phải đi. Lộ trình thứ nhất là lộ trình một số các con mới bắt đầu đi đó là 4 Niệm Xứ trên thân quán thân; lộ trình thứ hai là Xả Tâm Vô Lượng. Tâm các con có nhiều lắm, quá nhiều, cho nên gọi là vô lượng mà lúc nào các con cũng phải xả thì nó mới đem lại cứu cánh cho những gì sau này.
TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI
Nhiều khi các con nói “Quán thân trên thân để nhiếp phục mọi tham ưu, tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán thọ trên thọ để nhiếp phục mọi tham ưu, tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra”, rồi “Quán tâm trên tâm để nhiếp phục mọi tham ưu, tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra”. Các con đọc như thần chú mất rồi. Không phải thế, mà như thế này, Thầy sẽ chỉ cho các con cách thức quán thân, chứ như thế này là các con đọc bài kinh mất, không đúng đâu.
Trước tiên muốn quán thân trên thân thì các con phải tập quán thân trên thân bằng pháp đi kinh hành trước, bởi thân hành trong khi đi thô còn hơi thở thuộc thân hành nội, vi tế hơn nhiều cho nên nhiều khi các con ngồi hít thở các con chỉ cảm nhận có phần trên thân, từ bụng trở lên chứ phần chân không cảm thấy rung động. Nếu cảm nhận được ở chân thì chỉ là cái tưởng thôi. Tưởng là trật. Thực sự là vậy, vì hai chân các con ngồi kẹp như vậy thì thấy nó rung động như thế nào? Nếu thấy rung thì tưởng thôi chứ chạy đâu khỏi. Cái thô thì các con nhận được chứ cái vi tế thì bây giờ sức tỉnh của các con không có, làm sao các con nhận ra được sự rung động của hơi thở dưới chân các con. Các con có nhận thấy điều đó không? Sức tỉnh của các con chưa có thì làm sao nhận ra được cái vi tế của rung động.
Sức tỉnh của các con hiện giờ là tỉnh còn trong cái mê. Nếu tỉnh không mê thì sao các con còn ham ngủ, còn hôn trầm thùy miên. Khi các con tỉnh thật sự thì không làm sao còn buồn ngủ. Lúc đó ngồi như thế này, hơi thở hít vô có sự rung động để nó nuôi hai chân, chứ nếu hơi thở không rung động thì làm sao nó nuôi hai chân các con được. Hơi thở là để nuôi dưỡng cơ thể bằng không khí, cho nên khi hít vô nó phải có sự rung động thấm nhuần tới dưới chân các con. Nhưng vì bây giờ các con chưa nghe nó được cho nên các con phải tập quán từ cái thô trên thân quán thân trong khi đi trước.
Ai cũng nói giỏi hết chứ thật ra chỉ là giỏi tưởng thôi. Trong cái tưởng, các con tưởng cả hơi thở luồn(g) trong thân các con nữa. Hơi thở thì tới phổi là hết mức chứ làm sao đi luồn(g) trong thân được, làm như có lỗ trong đó vậy! Chỉ có tưởng mới làm được những việc như vậy. Còn không thì các con cũng giống như trẻ con nhảy kiến chậu, nhảy từ đầu xuống ngực, xuống bụng rồi đi tới chân, nhảy từng bậc như vậy rồi nói quán. Đó là nhảy thôi chứ quán gì. Cho nên các con phải biết cách làm sao để các con quán cho được trọn vẹn.
Khi mới bắt đầu tu tập, Thầy sẽ đi kinh hành không chậm cũng không nhanh để các con thấy sự rung động của thân cách thức như thế nào. Các con nên lưu ý khi mới vào thì hai tay nên bắt chéo trước ngực hoặc chấp tay sau lưng mà đi cho thân của mình nghiêng tới nghiêng qua nghiêng lại mà nhận ra được dễ dàng. Thí dụ như khi dở chân trái lên thì thấy độ rung của thân, dở chân lên thì thân phải nghiêng, Thầy đang đứng hai chân giờ Thầy dở lên thì có phải thân nghiêng qua phía này không? Khi đưa chân tới, chân động thì thân theo chân đẩy tới. Do đó toàn diện thân theo thân hành mà rung động, phải không?
Bây giờ Thầy đi từng bước cho các con quan sát, có phải khi Thầy đi thì toàn bộ thân Thầy từ đầu tới chân đều rung động theo bước chân, chân này rồi chân kia, chân bước tới thì thân Thầy nghiêng qua bên đó đồng thời toàn thân đẩy tới, khi chân kia bước tới thì thân Thầy lại nghiêng qua bên chân kia rồi cũng toàn thân đưa tới, thành ra thân Thầy nghiêng qua nghiêng lại như vậy.
Thầy thấy thân Thầy rung động toàn diện. Bước đi là động tác làm thân Thầy rung động nhưng Thầy đâu có chú ý bước đi mà chú ý cái thân của Thầy. Thầy nhìn cái thân của Thầy nghiêng qua nghiêng lại thôi.
Đó là quán thân trên thân “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi đi kinh hành”. Thân của mình từ chân lên đầu lắc qua lắc lại, rung động toàn thân.
Đó là đi bước chân hơi chậm hơn bình thường, chứ các con đi chậm hơn nữa sẽ cảm nhận được vi tế hơn, hay hơn nữa.
Trong lớp có một người đi chậm, Thầy đã quan sát thấy đi rất đúng, vậy Thầy nhờ thầy đó đi cho các con quan sát cách thức đi độ chậm quan sát thân hành. Trong khi đi chậm như thế các con phải chú ý toàn bộ từ đầu xuống chân chứ đừng chỉ chú ý vào động tác của hai nhân như trong Thân Hành Niệm. Có thể nói về độ chậm thì hai cách đi gần giống nhau nhưng trong Thân Hành Niệm thì các con tác ý ra lệnh từng động tác của chân, còn ở đây các con không ra lệnh gì hết mà tâm ý theo dõi sát chuyển động rung động toàn cơ thể từ đầu xuống chân trong khi đi.
Đó là cách thức đi chậm. Từ đi chậm, các con thay đổi qua oai nghi ngồi dễ dàng lắm. Vậy các con cố gắng tập luyện trên thân quán thân cho đúng cách. Đó là pháp môn rất quan trọng. Nếu các con trên thân quán thân được rồi và khi đi rất chậm thì không có một niệm nào xen vô được trong khi nghe rõ ràng sự rung động toàn thân. Đi như bình thường là để các con nhận ra được sự rung động của thân. Mới đầu các con tu như vậy, sau đó các con thay đổi đi chậm cho sự quan sát vi tế hơn, nhẹ hàng hơn cho đến khi rất là vi tế rồi các con mới bắt đầu quán thân ngồi hít thở.
Từ chỗ tập luyện quán thân trên thân được rồi thì con đường tu không còn khó khăn nữa. Bảo đảm các con sẽ chứng đạo vì đó là pháp độc nhất của đức Phật. Pháp 4 Niệm Xứ là pháp mà đức Phật trước khi nhập diệt đã di chúc lại chúng ta. Giới luật và pháp nhưng không phải toàn bộ giáo pháp đâu mà chính chỉ là pháp 4 Niệm Xứ. Đó là lời cuối cùng của đức Phật.
Khi chúng ta nghe 37 phẩm trợ đạo, chúng ta không biết pháp nào là chánh để tu tập. Nhưng muốn tu tập 4 Niệm Xứ thì 4 Chánh Cần phải tu tập xong rồi mới tu 4 Niệm Xứ được. Khi chúng ta sống giữ tròn giới luật và tu tập pháp 4 Niệm Xứ được viên mãn thì chúng ta sẽ đạt được cứu cánh của con đường tu. Cho nên các con cố gắng tập. Có tập quán mới quán được chứ không phải mới vào là quán được đâu. Nhiều khi các con quán sai là bị ức chế. Các con gom tập trung về một điểm nào trên thân của các con là ức chế.
Đầu tiên muốn quán thân được thì chỉ có pháp đi kinh hành mới dễ quán thôi, chứ đầu tiên mà vào ngồi quán thân theo hơi thở thì rất khó. Sau khi các con quán được sự rung động nhỏ nhặt vi tế của thân rồi, chừng đó các con ngồi quán thân rung động nhẹ nhàng theo hơi thở mới được dễ dàng. Các con đã có sức tỉnh thức trên pháp đi kinh hành. Tập từ cái thô được rồi thì qua cái vi tế trong hơi thở, quán mới đúng, chứ không khéo nói quán mà thực sự lại ức chế thì các con đã tu sai.
Lúc đầu các con có thể đi trong 5, 10 phút. Sau khi 5, 10 phút đã quán được rồi thì tăng lên 20 phút. 20 phút được rồi thì tăng lên 30 phút. 30 phút được rồi thì dừng lại, tập qua oai nghi đứng. Nhưng các con phải nhớ tập quán trong khi đi theo cách thức rất chậm như vừa thấy mà quán được thân không dứt đoạn trong thời gian 30 phút đó cho được thì chuyển qua tập trong oai nghi đứng được.
Tập quán thân trong oai nghi đứng cũng theo thời gian và điều kiện quán thân không dứt đoạn như trong khi đi chậm được 30 phút rồi, không tăng thêm lên mà chuyển qua tập trong oai nghi ngồi. Tập quán thân trong khi ngồi cũng theo các điều kiện như thế cho đến khi đạt được quán không dứt đoạn trong 30 phút thì chuyển qua tập quán thân trong oai nghi nằm cũng đạt được 30 phút không gián đoạn quán thì lúc đó các con tu kết hợp các oai nghi lại. Mỗi oai nghi các con tu trong 5 phút xong chuyển qua oai nghi khác. Thí dụ các con đi 5 phút, rồi đứng 5 phút, rồi ngồi 5 phút, rồi nằm 5 phút.
Cứ tập kết hợp như vậy và tập suốt ngày đêm. Lúc đã kết hợp thì không còn tính giờ tập nữa. Mỗi thời 3 giờ thì tu suốt 3 giờ liên tục thay đổi từ oai nghi này sang oai nghi khác, đủ cả 4 oai nghi. Khi thấy sức của các con tăng lên được thì tăng lên. Nghĩa là bây giờ thời tu của các con từ 7 giờ đến 10 giờ, từ 2 giờ đến 5 giờ thì các con tu y thời gian đó, không có khoảng nghỉ xả trong suốt 3 giờ được rồi thì tăng giờ thời khoá lên, thay vì 10 giờ thì bây giờ 11 giờ các con mới nghỉ, và 2 giờ mới bắt đầu thì bây giờ bắt đầu vào tập lúc 1 giờ.
Sức tỉnh của các con lúc này cao nên không còn buồn ngủ nhiều đâu, cho đến khi nào các con thấy liên tục thay đổi 4 oai nghi suốt ngày đêm được thì các con đánh rốc suốt ngày đêm không còn ngủ nghỉ nữa và cuối cùng thì các con chứng đạo.
Phải thấy liên tục thay đổi 4 oai nghi được mới nên tăng giờ chứ chưa được thì chưa nên. Nghĩa là bây giờ các con tu từ 7 giờ đến 10 giờ nghỉ đi khất thực. 2 giờ chiều vào tu cho đến 5 giờ. 7 giờ tối vào tu cho đến 10 giờ đi ngủ.
2 giờ dậy tu đến 5 giờ sáng nghỉ. Tu như vậy từ nửa tháng đến một tháng được thuần thục rồi thì tăng lên 11 giờ nghỉ ngủ rồi 1 giờ dậy tu. Tu như vậy cho đến khi thấy thuần thục được rồi, ít nhất cũng phải vài tháng chứ mới thấy hơi thuần thì chưa được đâu. Phải cho thật thuần thục thực sự, phải có đủ thời gian cho nó ổn định sự thuần thục, thì lúc đó các con đi suốt đêm ngày liên tục.
Lúc bấy giờ chỉ còn chờ chứng đạo thôi, chứ không còn gì làm chướng ngại các con được nữa. Hễ nhiếp phục vô thì tất cả mọi tham ưu đều bị nhiếp phục hết, không còn gì có thể hiện ra, bởi vì con tu có 5 phút là đổi oai nghi rồi.
Nếu thấy khả năng các con được 10 phút quán trên thân oai nghi này rồi 10 phút oai nghi khác, thì cứ 10 phút như vậy mà thay phiên. Thầy thấy khó vì như 10 phút trong khi nằm chưa biết chừng các con thiếp vào giấc ngủ mà không hay, cho nên Thầy lấy 5 phút thôi. 5 phút thì thời gian ngắn, các con vừa nằm một lúc là đủ 5 phút các con đứng dậy đi rồi, đâu có kịp lặn vào giấc ngủ đâu, cho nên tu dễ dàng.
Nhưng nếu sức tỉnh các con nhiều thì 10 phút càng tốt chứ có hại gì đâu.
Nếu sức tỉnh của các con cao hơn nữa thì cho dài tới 15 phút mỗi oai nghi: 15 phút đi, 15 phút đứng, 15 phút ngồi, 15 phút nằm thì càng tốt. Tùy theo sức tỉnh thức của các con mà chọn thời gian tu mỗi oai nghi cho thích hợp, nếu các con thấy dễ bị hôn trầm thì lấy thời gian tối thiểu 5 phút. Đấy, sự tu tập như vậy thì bảo đảm sự chứng đạt chơn lí không còn xa nữa.
4 Niệm Xứ là phương pháp nhiếp phục, đâu còn chướng ngại nữa và suốt thời gian đó tâm quay vô không phóng dật. Quay vô mới quan sát chứ quay ra làm sao quan sát được. Nó quay vô quan sát thì nó phải ở trên thân, mà ở trên thân thì nó không phóng dật. Nó không phóng dật trong 12 tiếng đồng hồ thì không phải chứng đạo sao các con? Đâu có dễ để tâm quay vô kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Chính nhờ phương pháp đó buộc lòng nó phải quay trở vô ở trên thân. Nó quay vô kéo dài như vậy thì các con có đủ 7 năng lực Giác Chi, đủ 4 Thần Túc, các con chứng đạo rồi. Lúc bấy giờ các con thấy các con có đủ thần lực làm chủ sự sanh tử thì còn tu nữa để làm gì. Hằng ngày sống trong bất động tâm, không ai làm cho con buồn phiền được, không ai làm cho con nhớ thương đau khổ nữa, các con xả hết rồi thì con đường tu của các con tới đây là xong, nhiệm vụ Thầy dẫn dắt các con tới đó là hết. Bây giờ nhiệm vụ của các con là tiếp tục thay thế Thầy để dạy lại cho người, cho đời.
Sau khi các con tu chứng rồi thì lấy kinh nghiệm của các con dạy lại cho người khác thì làm sao sai được, cũng như Thầy đã theo dõi quan sát cách thức đi chậm của TQ. Thầy thấy đúng, vì vậy hôm nay Thầy cho TQ trình bày đi chậm để các con nương vào đó tu tập cho đúng. Thầy đang lo cho Trung Tâm An Dưỡng ra đời để có cơ sở cho những đệ tử của Thầy sau khi tu xong các con ra đó đem những kinh nghiệm tu hành của các con truyền đạt lại cho người đi sau. Cho nên các con vì lợi ích cho nhiều người, các con phải ráng tu.
Khi con ngồi tu mà cảm thấy một cảm giác rần rần toàn người thì đó là cảm giác tưởng. Còn cảm nhận thân hành trong khi hít thở thì giống như khi có một ngọn đèn soi vào một vật thì thấy vật đó rõ ràng hay con nhìn ngón tay Thầy thì con thấy ngay liền toàn bộ ngón tay từ đầu ngón đến chân ngón tay.
Con nhìn thân con bằng mắt và cảm nhận nữa thì thấy toàn thân con từ đầu tới chân đó là quán thân. Dùng mắt thì thấy cái thân thôi chứ không có cảm giác gì khác hết. Khi các con không dùng mắt để thấy thì cảm nhận sự rung động của cái thân. Thấy bằng mắt thì không thấy thân rung động gì hết nhưng khi cảm nhận thì phải nương vào hơi thở mà hơi thở thì có sự rung động của thân nhưng không phải cảm thấy cảm giác rần rần. Thầy muốn nói sao cho con hiểu cũng như con muốn diễn tả sao cho Thầy hiểu thì đó là cái khó của cảm nhận cái thân. Bây giờ con đừng nghĩ đến cảm giác rần rần nữa thì con sẽ thấy toàn thân con. Tại vì con có cái tưởng rần rần rồi. Nếu con có cảm nhận như vậy chăng nữa thì con cũng tác ý không có cảm nhận đó, chỉ quán thân thôi thì lần lần sẽ bình an trên sự quán, tức tâm không phóng dật, chỉ nhìn thân nó thôi. Tất cả những hiện tượng khác lạ đều là bị tưởng, tức là trật. Cho nên trong sự quán thân con phải tập quán, nếu có sự gì khác lạ ngoài cái quán thấy thân thì xả bỏ nó đi. Các con thấy được từ trên đầu tới dưới chân với một cách bình thường thôi, làm sao thấy được toàn thân của các con thì đó là thấy đúng, còn tất cả những hiện tượng gì khác thì xả bỏ. Nếu con tập luyện một thời gian mà những hiện tượng khác lạ đó không hết thì con phải đổi qua tu tập tâm xả thôi, chứ không thì mỗi khi nhiếp tâm hiện tượng tưởng đó xuất hiện, con sẽ không tu 4 Niệm Xứ được.
-Trường hợp con đã tu tập theo pháp xuất hồn đến mức con thấy con có hai phần, một phần đứng bên ngoài nhìn trở lại phần kia đến độ con có thể thấy được những cái thẹo trên mặt con, con cục cựa thân thì con cũng thấy sự cục cựa này đúng như người thứ hai nhìn vào con. Thưa Thầy đó có đúng là quán thân của 4 Niệm Xứ hay là pháp xuất hồn?
- Đó là pháp xuất hồn trở lại với con. Đó là trạng thái của tưởng. Nếu con đã bị trạng thái của tưởng do con tập luyện trước đây thì phải xả bỏ hết.
Bây giờ con chỉ nên tu tập tâm xả thôi mới được. Nếu con quyết tu 4 Niệm Xứ thì con chỉ có thể đi kinh hành thôi may ra trừ được trạng thái tưởng của con.
Đây là pháp của Phật lấy ý thức mà tu, không dùng cái nào khác hết.
Khi tu 4 Niệm Xứ, nếu tu không đúng thì thứ nhất các con bị ức chế, thứ hai là bị tưởng.
- Kính thưa Thầy, trường hợp con thì bị ảo ảnh những mặt người xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy xả bỏ đi bằng cách nào.
Trong thời gian 3 ngày đầu con tu tập tốt nghĩa là trong suốt thời gian 30 phút con ngồi không có niệm khởi, sau đó thì hôn trầm nặng nề suốt ngày trong vài ngày thì hết nhưng hiện tượng ảo ảnh lại hiện ra trong những ngày kế. Cứ như vậy trở đi trở lại. Bạch Thầy, như vậy làm sao?

Câu tác ý trước đây trong pháp tu (Định Niệm Hơi Thở) 4 Niệm Xứ là “Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”.
Như vậy trong một câu tác ý có hai lần quan sát về thân: lúc hít vô thì quan sát từ chân lên đầu, lúc thở ra thì quan sát từ đầu xuống chân. Chỉ thấy cảm giác đi lướt thôi, nhưng có khác biệt nhau trong tư thế ngồi. Con chọn tư thế ngồi nào thấy cảm giác rõ để ngồi tu.
-Còn trong khi đi, câu tác ý (Định Niệm Hơi Thở) là “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi đang đi”, vậy sự quan sát thân xẩy ra lúc nào, chỉ có một lần quan sát thân từ chân lên đầu hoặc chỉ một lần quan sát từ đầu xuống chân, có phải vậy không.
Trong khi đi khất thực con có tu tập quan sát thì thấy mỗi bước chân, trọng lượng cơ thể khi thì dồn qua chân này, khi thì dồn qua chân kia cho nên thân con cứ đẩy đưa qua lại. Như vậy có đúng cách quán thân không
?
Cảm nhận quán thân trong khi con đi khất thực là đúng. Cảm nhận dưới chân cảm nhận lên, theo hai chân bước mà cảm nhận sự rung động, chứ không như hơi thở ra hơi thở vô. Cảm nhận quán thân trong khi kinh hành thì con cảm nhận trong bước chân mà không cảm nhận lên xuống như trong hơi thở. Mỗi lần bước thì con cảm nhận thân con có rung động.
Còn với hơi thở thì mỗi lần hít vô con cảm nhận sự rung động của thân từ đầu xuống chân theo luồng hơi đi vô, khi thở ra thì cảm nhận thân rung động theo hơi thở ra từ chân lên đầu. Nhưng nhiều khi các con có cảm nhận ngược lại, hít vô thì cảm nhận rung động từ chân lên đầu, thở ra thì sự rung động chạy từ đầu xuống chân. Sự rung động chạy như thế nào cũng được, miễn sao các con cảm nhận được là đúng.
Còn những hình dáng con thấy thì tác ý sẽ hết. Tất cả những ảo ảnh và hôn trầm đều do sự tu quá sức con. Thầy bảo các con tu chỉ 5 phút thôi rồi nghỉ, xong tu lại 5 phút khác, làm sao cho trong khoảng thời gian đó được nhuần nhuyễn. Vì con tu nhiều quá cho nên bị hôn trầm thùy miên đánh gục lên gục xuống trong mấy ngày rồi mới tỉnh lại. Đó là con sử dụng quá sức tu tập, thấy quán thân được rồi nên cứ tăng dần lên quá nhiều làm hao năng lực trong người con do vậy mà con bị hôn trầm thùy miên tới tấn công.
Pháp 4 Niệm Xứ trên thân quán thân hết giờ tu tập, xả ra thì các con dùng 4 Niệm Xứ trên 4 Chánh Cần để các con ngăn ác diệt ác tức là trong khi các con xả ra có ác pháp gì thì các con dùng nó mà ngăn mà diệt.
Khi các con tập 4 Niệm Xứ thì các con phải tập quán cho chính xác cho nó không niệm, không có gì xen vô trong khoảng thời gian các con tu 4 Niệm Xứ. Nếu trong khi tu 4 Niệm Xứ mà con để có niệm thì coi như con chỉ tu 4 Chánh Cần chứ không còn là 4 Niệm Xứ. Cho nên 4 Niệm Xứ tự bản thân nó khi các con quán trên thân quán thân thì nó nhiếp phục tất cả mọi ưu phiền, không còn hôn trầm thùy miên nữa, cho nên các con tu tập ít để các con nhiếp phục cho được trong khoảng thời gian này. Chứ các con tu nhiều quá thì nó hiện ra hôn trầm thùy miên, lúc bấy giờ con không còn đủ sức ở trên cái quán của thân đâu và quán cũng không đủ sức để hàng phục ưu phiền. Do đó, các con tu tập cho đúng với sức của các con, đừng tu quá dài thì không được, phải tu ít lại. Nghĩa là các con tu để cho nhuần nhuyễn.
Thời gian 5 tháng, 3 tháng các con chỉ tu trong khoảng thời gian 5 phút đó rồi xả nghỉ 10 phút, 20 phút cũng được, nhưng đìều cần là trong thời gian tu đó nhiếp cho kĩ, cảm nhận cho kĩ, không một niệm vọng nào xen vô.
Như lúc đầu Thầy dạy cho các con nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở một phút là để cho các con có căn bản, và bây giờ các con dùng nó cho nhiếp tâm trong 5 phút hay 10 phút quán thân trên hơi thở, nghĩa là không bao giờ để một sự việc xẩy ra trên thân tâm các con được. Như vậy mới là tập quán thân trên thân.
Lúc này các con chỉ mới tập quán thân thì đừng kéo dài đến 30 phút như vậy là không phải tập. Các con tập luyện dưỡng sức cho các con mà các con tập như vậy là quá hơn sức của các con. Các con tập luyện mà niệm cứ xẹt ra xẹt vô thì không phải, không đúng 4 Niệm Xứ. Bởi vì pháp tu 4 Niệm Xứ trên thân quán thân là cái pháp khi các con tự quán được thân của các con là nó nhiếp phục được tham ưu hết rồi. Cho nên cần biết sức của các con nhiếp được trên thân quán thân là bao lâu. Các con căn cứ vào sự tu tập mà biết. Thí dụ 5 phút thì không niệm nhưng qua 10 phút hay 7 phút thì có, thì các con chỉ tu 5 phút thôi, xả nghỉ 5, 10 phút rồi tu lại. Tu cho bảo đảm, tu cho chắc chắn nghĩa là sức của các con quán kĩ lưỡng trong 5 phút là tu trong 5 phút. Đến chừng chỉ tu trong 5 phút thôi mà các con được định tỉnh, tâm các con ở trên thân các con thì lúc bấy giờ kéo dài ra, lúc đó sẽ không bao giờ có một niệm nào xen vô vì nó đã định tỉnh rồi. Tâm bám vào thân như cây mọc rễ trong đất rồi, gió bão không lật gốc được.
Còn khi có niệm thì gió bão hất các con té nhào hết, tức là sức định tỉnh các con chưa có, chỉ mới tỉnh giác thôi. Ngay cả tỉnh giác các con vẫn còn hơ hỏng nữa, nghĩa là các con tăng lên là các con hơ hỏng sức tỉnh giác của các con. Chừng nào tâm thật sự bám chặt trên thân nghĩa là khi nó quay vô mới được.
Mới đầu các con tu tập cảm nhận vậy, nhưng sau khi tỉnh thức rồi thì nó khác với lúc đầu, nó tỉnh một cách rất vi tế. Trong thân các con cái nhỏ nhiệm cách gì nó cũng thấy được hết, nó tỉnh được đến mức độ đó. Cho nên bây giờ các con tập cho được tỉnh giác trong 5 phút đã, rồi các con lấy sự tỉnh giác đó tập cho nó định tỉnh được cũng trong 5 phút đã. Sau khi định tỉnh được rồi thì các con muốn tăng bao nhiêu thì tăng.
Thầy đã bảo các con tập tu 4 Niệm Xứ, chưa phải lúc các con ôm 4 Niệm Xứ để chứng đạo. Các con hiểu sai. Đâu phải lúc này các con ôm 4 Niệm Xứ để chứng đạo đâu. Tập quán thân trên thân thôi. Tập quán còn chưa được mà đòi nhiếp phục tâm thì làm sao được. Có quán được thì mới tỉnh giác, mới tỉnh thức trên thân của nó. Nó có quay vô mới tỉnh thức được. Tỉnh thức được mới định tỉnh được trên thân của nó. Mà nó định tỉnh được 5 phút thì mới kéo dài 12 tiếng đồng hồ, mới nhu nhuyến dễ sử dụng, mới thành tựu. Các con hiểu chứ? Chỉ cần nó định tỉnh 5 phút trên thân của nó thôi là đã thấy đường đi của các con rõ ràng rồi, chiến thắng được rồi. Có định tỉnh trên thân được thì mới kéo dài được dễ dàng, còn nó chưa định tỉnh, tỉnh thức cũng chưa được nữa, mà kéo dài ra, thì sức các con chưa đủ lực như vậy. Đừng cố lướt tới cho được. Không thể được.
Thầy bảo đây là tu tập 4 Niệm Xứ, phải tập định tỉnh. Chừng nào các con định tỉnh 5 phút được thì báo cho Thầy trạng thái đó như thế nào. Thầy thấy đúng trạng thái đó mới được. Còn các con đang ở trong trạng thái tỉnh giác, mới tỉnh giác thôi thì khoan tăng đã. Hãy tập nữa. Thầy có bổn phận ngồi lắng nghe thôi. Thầy đã biết trạng thái đó rồi nhưng không có diễn tả nó. Chừng khi các con tu tới đó mà nói ra thì Thầy biết đúng sai liền. Lúc đó Thầy mới bảo các con kéo dài ra. Còn khi Thầy bảo chưa được, hãy tập nhiều nữa thì tập thêm nữa. Nghe lời mới bảo đảm. Mặc dù các con chịu khó 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng các con tập, mà trong thời gian 7 tháng đó các con định tỉnh được thì chỉ cần thêm trong vòng một đêm là các con làm xong công chuyện. Đức Phật nói 7 tháng chứng đạo chứ đâu lâu dài hơn. Khi các con 6 tháng định tỉnh được rồi thì Thầy bảo “Đây được rồi, đi vô đi!” thì một đêm Dạ Hiền. Nó định tỉnh rồi thì Nhứt dạ hiền được. Còn chưa định tỉnh thì các con còn tu tập. Còn tu tập thì làm sao Nhứt Dạ Hiền được. Các con gấp quá. Mới tu tập chưa tỉnh thức, chưa định tỉnh; mới quán trên thân thấy có rung động chút chút, chưa có chút gì định tỉnh hết mà muốn nhảy, muốn kéo dài thì phải hổng chân thôi. Thí dụ ở đây thầy Chơn Thành hay người nào trình bày mà Thầy nói “Được rồi! Cứ tới” thì tăng lên; còn Thầy nói “Chưa được, hãy lùi trở lại” thì phải nghe lời Thầy. Vừa rồi thầy Chơn Thành trình bày mỗi oai nghi tu 15 phút, Thầy bảo “Không được! Hãy lui lại 10 phút”. Nghe lời Thầy lùi lại 10 thì Thầy bảo đảm. Chỉ có vậy thôi.
Thầy theo dõi các con từng chút như thế. Chỉ các con hay quá, tu mà không cần hỏi Thầy, các con là sư rồi thì thôi. Khi các con chịu khó thì Thầy cũng chịu khó với các con. Nếu không gặp trực tiếp Thầy thì các con viết giấy hỏi Thầy. Nếu Thầy thấy cần thiết gặp trực tiếp thì Thầy kêu lên. Chừng đó Thầy kiểm điểm lại sự tu tập của các con cho thực tế cụ thể giúp các con.
Đừng nghĩ rằng tôi giỏi. Không giỏi đâu. Tới 4 Niệm Xứ này Thầy báo trước các con sẽ rớt xuống lại nhiều. Thầy cho các con lên lớp nhưng Thầy biết các con sẽ rơi rớt trở lại, mà nếu không tu nữa thì chẳng biết đường đâu hết, nghĩa là các con không tu mà tới nói thì Thầy biết ngay chỉ là nói dốc. Tu hay không, các con quán như thế nào nói ra thì Thầy biết liền. Các con nhận nó bằng cách nào. Cho nên các con nói sai là lòi liền. Bởi các con nhận qua sự rung động của thân các con mới đúng, còn các con tưởng mà nói ra thì làm sao Thầy không biết được. Bởi sự tu tập này là cái thực nên không thể dối được.
Các con bị tưởng, Thầy cũng biết; các con bịa ra, Thầy cũng biết; các con bắt chước người khác mà nói như là các con có thì Thầy cũng biết. Không cách nào các con dấu được.
Trước kia Thầy dạy chung chung, không đi vào những chi tiết kĩ lưỡng như thế này. Đó không phải là lớp học mà chỉ là lớp tu cho nên dạy chung chung. Thầy nghĩ rằng ai cũng như các con, nghĩa là nhiếp tâm thì không vọng tưởng rồi sẽ đi tới chỗ xả tâm. Nhưng không ngờ người ta đi tới chỗ tạo thành tưởng. Người ta ức chế tâm quá nhiều. Bây giờ đây là lớp 4 Niệm Xứ không khéo thì các con cũng bị ức chế. Cho nên các con cẩn thận kĩ lưỡng từng phút từng giây thì các con sẽ tránh thoát được.
- Khi tu tập 4 Niệm Xứ tác ý câu “Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô; Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra” con thấy sự rung động từ đầu tới chân lúc đầu thì thô, đến khoảng nửa giờ thì sự rung động vi tế nhỏ lần. Kính bạch Thầy vậy có đúng không?
Con tu tập nên lượng với sức của các con theo thời gian mà tu. Đầu tiên con thấy cái rung động thô, sau đó kéo dài, thì trong khoảng thời gian tu có niệm gì xen vô không. Nếu không niệm thì được, còn nếu có niệm thì lùi thời gian lại. Bởi vì quán 4 Niệm Xứ là phải nhiếp phục tham ưu, không còn có niệm gì xen vô nữa. bây giờ đây các con tu có mục đích là trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu.
Trong câu tác ý có hai pháp nối liền nhau mà bây giờ con nói chung chung con cảm nhận toàn thân con. Con hít vô thấy sự rung động toàn thân thô, lần lượt vi tế nhỏ nhiệm hơn. Nhưng trong khoảng thời gian đó con có còn bị niệm nào xen vô trong tâm con không. Còn niệm thì con phải lui lại bởi vì 4 Niệm Xứ phải nhiếp phục được niệm, nếu không nhiếp phục được niệm thì không phải là 4 Niệm Xứ, nó là 4 Chánh Cần vì còn niệm. Còn 4 Niệm Xứ là phải nhiếp phục không niệm, không còn trạng thái hôn trầm thùy miên chen vô. Nếu còn thì lùi thời gian lại. Rồi từ cảm nhận thô đến cảm nhận vi tế mà hoàn toàn không có niệm khởi thì con lấy mốc thời gian đó mà tu tập. Giờ nào con cũng chủ động trên pháp trên thân quán thân thì sau một thời gian nó mới tỉnh thức hoàn toàn, nó mới nhiếp phục được, rồi mới đi vào định tỉnh. Khi chưa định tỉnh thì chưa tăng, có vậy mới bảo đảm pháp 4 Niệm Xứ đạt được kết quả.
- Khi có niệm trong lúc con tu 4 Niệm Xứ được tâm thanh thản rồi thì con dùng câu tác ý “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết thở ra” thì hết niệm. Vậy con có thể dùng như vậy được không, thưa Thầy?
Không được. Con dùng như vậy là ức chế tâm và con đang ở giai đoạn 4 Chánh Cần, ngăn ác diệt ác pháp, chứ không phải ở giai đoạn 4 Niệm Xứ. Khi có niệm con ngăn bằng câu tác ý đó là đúng. Thầy nhắc lại còn niệm là còn tu 4 Chánh Cần. Còn 4 Niệm Xứ, câu pháp của nó là “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Không có một niệm nào xen được vào trong đó thì mới gọi là 4 Niệm Xứ.
Các con lưu ý vấn đề như vậy, 4 Niệm Xứ là phải không có niệm. Cho nên không khéo là các con bị ức chế. Ức chế không niệm, tức là tập trung cao là sai mà không khéo thì các con bị tưởng, cũng trật. Vì vậy pháp 4 Niệm Xứ này được gọi là trên thân quán thân. Mục đích tập quán là phải quán như thế nào cho nó tỉnh thức được thân của nó tức là tâm không phóng dật. Nó không phóng dật thì nó phải ở trên thân, nó quán. Quán thế nào mà còn niệm thì nó còn ở trên 4 Chánh Cần, không phải trên 4 Niệm Xứ. Chỉ không niệm mới là 4 Niệm Xứ. Cái quán đó nhiếp phục tham ưu thì nó đòi hỏi phải tỉnh thức mà sức tỉnh thức này không phải là cố gắng tập trung. Nó rất bình thường cho nên không bị ức chế.
Do vậy các con phải biết được sức tỉnh thức của các con khoảng 5 hay 10 phút quán trên thân của các con. Các con tu trong khoảng 5, 10 phút đó để cho tỉnh thức trọn vẹn. Khi tỉnh thức được trọn vẹn rồi thì nó sẽ định tỉnh. Chỉ trong vòng 5 phút thôi, không cần nhiều, là đã định tỉnh rồi. Mấy con cần nhiều đến 30 phút thì hổng chân các con rồi.
Các con từ lâu đến giờ có nhiếp tâm được như Thầy 30 phút không vọng tưởng chưa? Nếu các con được 30 phút không vọng tưởng thì các con tu như vậy được. Nếu còn vọng tưởng mà tu như vậy thì sức mới tập tu như các con chắc chắn một là các con ức chế mới không vọng, thứ hai với sức tỉnh của các con làm sao các con được 30 phút không vọng. Các con chỉ là người đang quán trên thân chứ chưa có phải tỉnh thức trên đó được. Mới tập tỉnh thức thôi chứ chưa tỉnh thức cho nên nó phải còn niệm. Mới tập tỉnh thức mà các con kéo dài thời gian quán đến 30 phút thì làm sao sự tỉnh thức đó khỏi mất. Khi mất thì phải có niệm vô.
Đó, các con thấy rõ các con tu 4 Niệm Xứ bị sai ngay từ lúc đầu rồi. Bây giờ các con nói các con tu 4 Niệm Xứ mà thực sự là các con tu 4 Chánh Cần, bởi vì trên thân quán thân mà khi có niệm thì các con dùng pháp này pháp nọ để xả, để đẩy lui; đó là ngăn ác diệt ác trên 4 Niệm Xứ chứ gì? Đúng là vậy, dùng pháp để đẩy lui ác pháp là tu 4 Niệm Xứ trên 4 Chánh Cần, không phải tu 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ đâu. Con đang tu 4 Niệm Xứ ở trên 4 Chánh Cần, vì nó còn có niệm xen ra xen vô, mặc dù con dùng hơi thở để quán thân.
Tu 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ thì khác “trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”; quán thân thì không còn niệm gì trong thân mới gọi là tu 4 Niệm Xứ. Vậy thì các con phải tu như thế nào để tâm các con tỉnh thức được?
Để tâm các con định tỉnh được? – Cách thức các con cần tu tập là tập quán thân để được tỉnh thức, để được định tỉnh. Hai điều đó là hai điều quan trọng.
Còn dùng hơi thở để quán thân, con tác ý: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” thì con thấy sự rung động của thân con; thở vô con thấy sự rung động, thở ra con thấy sự rung động, thì đó là con tu 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, để được tâm tỉnh thức trên 4 Niệm Xứ.
Con dùng hơi thở vô ra để làm mất niệm là con ở trên 4 Chánh Cần, vì có niệm con mới dùng câu tác ý đó để làm nó không niệm, để con giữ được trạng thái đó thì đó là 4 Chánh Cần chứ không phải 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ. Tức là có niệm thì ngăn diệt nó bằng phương cách đó, bằng đề mục đó mà thôi. Thay vì con tu tâm xả con dùng tư duy con quán niệm đó, biết nó là kiết sử thì tác ý: “Đây là kiết sử, hãy đi đi, ta không chấp nhận đâu” hay hoặc là “Đây là tham dục, hãy đi đi”, hay là “Đây là sắc dục. Hãy đi đi!” Nó khởi niệm có mang tính chất tham sân si, do đó con tu tập cũng ở trên 4 Niệm Xứ con quán thân con để thấy sự rung động của từng hơi thở nhưng con tu là theo 4 Chánh Cần, ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện. Tức còn ác tác động. Còn 4 Niệm Xứ thì nó tự nhiếp phục được tất cả các niệm đó. Nó cao hơn 4 Chánh Cần. 4 Chánh Cần là phương pháp đầu tiên còn 4 Niệm Xứ là phưong pháp cuối cùng để chứng đạo. Cho nên các con đừng lầm, lầm là không được. Lầm cho nên các con tu 4 Niệm Xứ mà cứ tu theo 4 Chánh Cần hoài.
Khi tu 4 Chánh Cần các con nương các đối tượng mà cảm giác toàn thân các con. Còn người tu tâm xả không nương chỗ đó đâu. Họ không nương vào chỗ cảm giác toàn thân. Không có cái gì xả thì ngồi chơi, họ không tu cái gì hết vì là xả tâm vô lượng. Có chướng ngại thì họ xả. Xả xong, tâm họ trở lại biết hơi thở và biết thân nó, cũng vô 4 Niệm Xứ, chẳng gì khác.
Mỗi pháp môn phải quan sát được pháp tu, chứ không phải cái nào cũng giống nhau. Không giống đâu. Người tu tâm xả không quan sát 4 Niệm Xứ đâu, khi nó yên tịnh thì để tự nhiên cho nó yên tịnh, rồi nó biết có tâm niệm gì đó thì nó sử dụng pháp của nó để ngăn và diệt, nó xả ra. Khi xả xong rồi thì nó quay vô quán trên thân nó. Các con thấy dù không tu 4 Niệm Xứ nhưng nó lại quán trên thân nó chứ không chạy đi đâu, nó tự nhiên lắm. Đó là tu tâm xả.
Còn như con tu hiện giờ là 4 Chánh Cần trên 4 Niệm Xứ, dùng phương pháp hơi thở để quán thân của nó, có niệm thì con dùng câu tác ý để dừng nó thôi, tức là con đang bị ức chế, là con ngăn và diệt nó bằng các phương pháp của Định Niệm Hơi Thở, không cho nó khởi nệm. Cho nên cách tu của con cần sửa lại một chút, không khéo thì con chỉ tu ở trên 4 Chánh Cần thôi. Nếu bây giờ nó khởi niệm thì một là con trở về tâm xả, hai là con trở về 4 Chánh Cần, con sử dụng 4 pháp tu trong 4 Chánh Cần ngăn và diệt. Bây giờ không có pháp thì con phải tu pháp nào, Định Niệm Hơi Thở đề mục thứ mấy hay tu Chánh Niệm Tỉnh Giác đi kinh hành, hay tu Thân Hành Niệm, tu những pháp Thầy đã dạy.
Con ngồi tu hoặc hít thở mà nó có niệm thì con dùng những phương pháp tác ý để diệt hoặc dùng những pháp đẩy lui các cảm thọ. Đó là tu 4 Chánh Cần. Những gì con trình bày vừa rồi cho thấy con tu 4 Chánh Cần, do đó con không ngồi chơi theo cách người tu xả tâm được. Con tu hết giờ này thì ôm pháp khác tu, có nghĩa là con ngồi tu quán thân con hết giờ đó thì con đứng dậy ôm pháp đi kinh hành con quán bước chân con đi chứ không còn ngồi quán cái thân nữa. Đó là tu 4 Chánh Cần.
Còn người tu 4 Niệm Xứ thì luôn luôn lúc nào cũng quán thân hết. Đi cũng quán, ngồi cũng quán, nằm cũng quán, quán hết. Nhưng quán làm sao cho không có niệm chứ có thì phải trở về 4 Chánh Cần.
-Kính thưa Trưởng lão, hơi thở của 4 Niệm Xứ thì tác ý “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” thì lúc đó hơi thở tự động vô ra chứ không bị ý thức ức chế. Còn nếu có ức chế thì không phải là hơi thở của 4 Niệm Xứ?
Đúng vậy, không vận dụng, không điều khiển, để nó tự động thở ra thì các con cảm nhận ra, hít vô thì cảm nhận vô.
Mình không dùng ý thức thì nó sẽ chìm vào trong và sẽ không có niệm.
Mình sẽ không thấy gì nữa?
Khi không thấy gì nữa, xả hết thì nó sẽ rơi vào trong không tưởng nhưng con vẫn cảm nhận được hơi thở mà cảm nhận đó là cảm nhận bằng cái tưởng chứ không phải bằng ý thức. Bằng ý thức thì nó phải thấy hơi thở của nó rõ ràng bởi vì ý thức phải có đối tượng thật còn con làm mất đối tượng thật mà chỉ còn rung động thôi. Nếu con không để mất ý thức thì được vì ý thức có đối tượng. Mặc dù hơi thở nhẹ hay thế nào thì con cũng đừng vận dụng nó mà chỉ lôi ra để ý thức các con biết mà cảm nhận toàn thân.
Mục đích của tu 4 Niệm Xứ là tập tỉnh thức trên thân, rồi định tỉnh trên thân, đạt được hai cái này các con mới kéo dài ra. Bây giờ các con chưa có được hai cái đó mà kéo dài là trật, nó đi lọt vào cái khác, nó không ở trên thân để nhiếp phục tham ưu đâu. 4 Niệm Xứ phải hoàn toàn tu ở trong ý thức cho nên với sức quán của nó đến khi tỉnh thức cao mới định tỉnh. Chừng đó mới kéo dài Nhất Dạ Hiền. Mục đích nó là chỗ này. Nó ở trong hiện tại ý thức của nó:
Quá khứ không truy tìm.
Vị lai không ước vọng.
Chỉ có hiện tại thôi
”.
Nhất Dạ Hiền thì ở trong hiện tại nhưng hiện tại phải ở trong đối tượng của nó chứ, nhưng nó lại không trụ trên đối tượng mà nó lại quán trên thân tức là nó không phóng dật. Nó hay như vậy mà nếu các con lầm một chút xíu là các con trật đường. Các con chưa có tỉnh thức, chưa có định tỉnh mà kéo dài nó ra thì nó phải rơi vào chỗ khác. 4 Niệm Xứ khi các con tu đúng rồi sẽ thấy hạnh phúc lắm.
Bây giờ Thầy trả lời thêm câu thứ hai “Khi ngồi con không nhìn đồng hồ nên có lúc 45 phút, có lúc 1 giờ rồi con đi kinh hành rồi vào ngồi tập tiếp, khi có niệm ra vô thì con quay về quán thân liền. Kính bạch Thầy như vậy con có thể tu tập 4 Niệm Xứ được không hay cần tu pháp xả?"
Nếu con tu như vậy thì chỉ tu pháp xả thôi. Tu 4 Niệm Xứ mà còn niệm ra vô thì đâu nhiếp phục tham ưu. Các con hiểu câu của đức Phật nói câu “trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Mục đích của quán thân là để nhiếp phục tham ưu chứ đâu phải để nhiếp chơi. Đây con nhiếp chơi để có niệm trong đó thì con xả nữa, như vậy không đúng pháp 4 Niệm Xứ đâu.
Theo Thầy thì con phải tập thanh thản an lạc vô sự rồi giữ tâm của con để xả thôi chứ sức của con không tu 4 Niệm Xứ được đâu, bởi quán trên 4 Niệm Xứ là tập sức tỉnh thức cho đến định tỉnh. Giờ về con tập theo sức của con, con coi có quán thân được chưa, cảm nhận được thân con chưa. Đầu tiên là phải cảm nhận được thân “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, con cảm nhận được thân của con. Con đi kinh hành con cảm nhận được thân trước đã; cảm nhận được rồi mới tập tỉnh thức trên đó, sau đó mới tập định tỉnh trên thân. Có nhiều giai đoạn như vậy trên 4 Niệm Xứ gọi là tập quán thân trên thân. Chứ không phải người nào mới vô rồi muốn quán thân trên là quán ngay. Không phải vậy đâu. Các con quán không được đâu. Thầy nói thực đó. Pháp hay thì phải khó chứ pháp hay mà dễ thì người nào cũng đạt được hết sao.
-Thưa Thầy kì rồi Thầy có dạy con kinh hành 4 Niệm Xứ. Con đã tập.
Thầy dạy thêm con gì nữa không.
Con đi và đã cảm nhận được thân là được nhưng khoảng thời gian con tu chỉ được tu 5 phút thôi, không được tu nhiều bằng không thì sai. Con tập quán cho được, chứ quán chưa được thì đừng hỏi thêm gì khác. Khi con quán được rồi thì Thầy mới dạy cách để con tỉnh thức trên đó, trên chỗ quán thân. Sau khi Thầy kiểm tra xem sức tỉnh thức của như thế nào rồi Thầy mới dạy con định tỉnh trên đó.
Con đang thắc mắc vấn đề dùng từ ngữ tiếng Việt trong khi dịch kinh.
Sự diễn tả trạng thái người tu chứng và người đang tu làm sao đúng được khi người dịch không tự thân có kinh nghiệm chứng đạt?
Sự thật đúng vậy. Những dịch giả phải hiểu nghĩa các từ dùng trong khi dịch bằng kinh nghiệm tu như của các con mới chính xác, còn người chưa có kinh nghiệm tu thì chỉ hiểu nghĩa chung chung thôi chứ họ không rành. Cho nên khi muốn hiểu nghĩa của câu “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Hoà Thượng Minh Châu dịch “Cảm giác” hoặc “Cảm nhận” thì cũng được, không sao vì “cảm giác” và “cảm nhận” không có gì khác xa nhau nhiều. Nhưng “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” thì không rõ nghĩa bằng câu “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”, Hoà Thượng Minh Châu dịch “Cảm giác thân hành” trong bài kinh Thân Hành Niệm thì đức Phật đã xác định câu đó rõ ràng. Tại sao câu kia thì “Cảm giác toàn thân” mà ở câu này thì “Cảm giác thân hành” vì trong thân hành thì phải “Cảm giác thân hành”. Cho nên ở đây câu “Cảm giác toàn thân” Hoà Thượng Minh Châu dịch từ chữ Pali chỉ nói cảm giác của thân thôi, nhưng qua thân hành niệm thì ngài dịch “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”. Cảm giác thân hành là cả một sự rung động. Bây giờ con muốn hỏi “cảm giác toàn thân” hay “cảm nhận toàn thân” có phải là “cảm giác thân hành” thì ở đây đức Phật đã xác định rồi. Tôi cảm nhận sự rung động tức là cảm nhận thân hành của nó. Vậy các con nhận ra được “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” là nhận ra được sự rung động của thân các con.
Cho nên từ bài pháp này đến bài pháp khác chúng ta kết hợp, lại chúng ta xác định được nghĩa. Còn sự tu chứng của Thầy, Thầy rất biết nhưng các con không đủ niềm tin vào Thầy nên Thầy đưa những bài kinh của Phật dạy mà Hoà thượng Minh Châu dịch để làm sự xác chứng cho các con có đủ niềm tin. Thầy tu chứng các con đâu biết được sự tu chứng trong lòng Thầy như thế nào. Trong những bài pháp có những câu, những từ làm chúng ta khó hiểu mà chỉ người tu chứng mới hiểu được mới hoá giải được. Thí dụ trong bài kinh Đại Không, bài kinh Tiểu Không, nếu không phải là người tu chứng thì không hiểu nó được, người ta chỉ nghĩ đó là Tánh Không chứ không phải là Không Tánh.
Mà Không Tánh là nghĩa nào, họ cũng chưa hiểu được. Nếu Thầy không giải thích những từ này thì chắc chắn người tu không chứng cũng như người không tu chứng không hiểu, không giải thích nổi. Cho nên các nhà học giả đều không giải thích được nghĩa lí của kinh sách Nguyên Thủy, không biến thành pháp hành cho chúng ta một cách thực tế.
Hôm trước con nghe Thầy dạy những người đang bị bệnh thì phải trị cho thật hết rồi mới nên vào tu?
Những điều Thầy nói liên quan trong sự tu tập, nếu đang có bịnh thì hãy trị cho thật lành rồi vào tu mới dễ. Còn các con bị bịnh là một cái khổ vì bịnh thì làm sao các con được thanh thản an lạc vô sự. Cho nên có bịnh thì phải trị cho thật hết rồi mới tu, chứ không thì vừa ngồi xuống là chướng bịnh nổi lên làm sao tu được. Đức Phật nói có 5 điều khó tu, người có thân bịnh thì tu không tới đâu, dù có ham cũng không tu được. Các con đang bị bịnh, hãy lo trị cho hết bịnh. Lẽ ra phải sắp xếp các con bị bịnh vào một khu riêng để được trị bịnh. Người bịnh ở trong đó không làm động người khác để cho người ta tu.
Hiện giờ cô Út đang chia tu viện ra từng khu nhưng chưa sắp xếp được.
Như lớp chúng ta cũng chia thành nhiều mức độ, hôm nay Thầy đang xem xét coi người tu 4 Niệm Xứ được bao nhiêu người, người tu tâm xả được bao nhiêu và người còn đang ở trong lớp Chánh Kiến để triển khai tri kiến được bao nhiêu người, rồi mới sắp xếp theo khu nào lớp nào trình độ nào. Nhờ vậy sẽ giữ gìn được giới luật đem lại an ổn cho người trong khu và các khu khác.
-Bạch Thầy, con không dùng tưởng tượng từ đầu xuống chân và ngược lại để quán thân mà chỉ để tâm quay vô để cảm nhận thêm trên thân. Như vậy có đúng không thưa Thầy ?
Có thể con cần được kiểm tra lại chứ có thể con muốn quán thân mà không trở thành quán thân.
Con cảm nhận trên thân có chỗ nào khó chịu hoặc là đau ở đầu, ở ngực, ở chân con dùng tâm quân bình.
Đúng nhiếp tâm trong 4 Niệm Xứ thì không có chỗ nào đau hết, tu 4 Niệm Xứ mà có chướng ngại thì không phải 4 Niệm Xứ. Nó không đau mà nếu ngồi quán thấy chỗ này chỗ kia đau thì phải tu 4 Chánh Cần chớ không thể tu 4 Niệm Xứ. 4 Niệm Xứ là phải thanh thản an lạc vô sự, không đau, hoàn toàn bất động. Tâm phải bất động trước ác pháp rồi mới tu 4 Niệm Xứ chứ chưa bất động thì chưa tu 4 Niệm Xứ được. Nó là lớp thứ 7 của 8 Chánh đạo, cho nên tâm các con phải rất thanh tịnh, thân các con cũng phải thanh tịnh, không còn các bịnh lặt vặt trong đó. Thầy đã chuẩn bị cho các con khắc phục bằng giai đoạn 4 Chánh Cần rồi. Thân còn đau tâm còn chướng ngại thì lo mà khắc phục những ưu phiền trên đó, đừng nói tới tu 4 Niệm Xứ. Lo đẩy lui các chướng ngại này thì phải ở trên 4 Chánh Cần chứ đâu phải trên 4 Niệm Xứ. 4 Niệm Xứ là phải bình an để các con đi vào giai đoạn tỉnh thức và định tỉnh để các con đạt được cứu cánh, cho nên ở 4 Niệm Xứ thì phải không còn đau, không còn niệm, không còn chướng ngại. Bởi vì bản thân 4 Niệm Xứ là nó khắc phục tham ưu, không còn cái đau khổ nào nữa. Nếu còn mang sự đau khổ mà tu 4 Niệm Xứ thì làm sao tu được. Bây giờ tôi đang đau mà tôi đi ôm pháp 4 Niệm Xứ để khắc phục thì làm sao khắc phục được. Hãy trở lui 4 Chánh Cần để trong đó có pháp sử dụng để đẩy lui; đẩy lui xong hết rồi mới qua giai đoạn tu 4 Niệm Xứ. Tôi chưa đẩy lui mà qua đây thì đâu dùng pháp 4 Niệm Xứ này đẩy lui chướng ngại pháp được. Các con tu như vậy là không hiểu pháp. Đến đây các con hiểu rồi chứ?
-Thưa Thầy, nếu con tu theo pháp xả thì sau này có trở về tu 4 Niệm Xứ được không?
Không cần phải trở về mà tự nó quay vô quán thân rồi. Nó xả xong thì nó quay vô là nó quán trên 4 Niệm Xứ rồi. Lúc bấy giờ các con mới ôm pháp 4 Niệm Xứ nhiếp phục.
4 Chánh Cần mới ngăn diệt bịnh, không phải 4 Niệm Xứ Khi cảm nhận thân có chỗ nào căng hoặc khó chịu, hoặc đau ở đầu, hay ở ngực, hay ở chân, con dùng tâm quân bình tự nhiên các chỗ trên đều tạm nhẹ yên, khi yên rồi con chỉ cảm nhận trên thân con hơi thở ra hơi thở vô.
 Không phải thế, đó là con đang tu ở trên 4 Chánh Cần, khi còn cảm nhận đau đớn trên thân thì 4 Niệm Xứ không tu được. 4 Niệm Xứ phải là con người khoẻ mạnh bình yên mới tu tập tỉnh thức và định tỉnh trên 4 Niệm Xứ tức là quán thân trên thân. Đây là tập quán chứ chưa phải là nhiếp phục đâu.
Tập quán mà cứ bị chướng ngại thì quán sao được, cứ lo đẩy lui bịnh thôi thì làm sao quán. Theo cách trình bày của con thì con đang ở trên 4 Chánh Cần, ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện tức 4 Chánh Cần.
Cho nên các con phải nhận ra cho được pháp tu 4 Niệm Xứ, đừng lầm lộn 4 Chánh Cần ra 4 Niệm Xứ. Người có chướng ngại đau bịnh này kia sẽ bị khó tu là khó tu với 4 Niệm Xứ chứ đâu phải khó tu với 4 Chánh Cần, bởi 4 Chánh Cần chính là pháp ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện. Cho nên 4 Chánh Cần chính là pháp được sử dụng và cần sử dụng trong lúc này, ở giai đoạn đau bịnh này. Còn vị trí đúng của 4 Niệm Xứ là khi thật bình an.
Bây giờ các con mới biết Phật pháp, pháp nào hợp với các con, pháp nào chưa hợp.
Do đặc tướng của con người, mỗi người có những bịnh khác nhau, thì pháp phải hợp với người đó vào lúc đó mới tu tập được. Pháp Phật không bỏ một người nào hết. Người khoẻ mạnh hay người đau bịnh đều tu được, nhưng khó là chọn cho đúng pháp với nó; không thể ở trên pháp này mà tu cho cái khác. Như anh loạn tưởng mà vào pháp 4 Niệm Xứ thì tu sao được, anh chỉ vào 4 Chánh Cần tu, mà phải tu pháp nào của 4 Chánh Cần để hợp với loạn tưởng. Vậy là chỉ Định Niệm Hơi Thở thôi vì trong đó có đề mục nhiếp phục được sự loạn tưởng: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Trong Định Niệm Hơi Thở có những đề mục khắc phục các tình trạng chướng ngại rất rõ ràng. Còn anh bị hôn trầm thùy miên thì cũng có những đề mục giúp khắc phục hôn trầm thùy miên: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”.
Đức Phật trang bị cho chúng ta đủ hết chứ đâu đợi chúng ta đi kinh hành đâu nhưng vì anh tập Định Niệm Hơi Thở chưa đủ căn bản, nghĩa là một phút nhiếp tâm và an trú tâm chưa làm được thì thử hỏi làm sao anh phá được hôn trầm thùy miên, buộc lòng anh phải đi Kinh Hành Chánh Niệm Tỉnh Thức thôi. Chứ còn anh tu Định Niệm Hơi Thở hẳn hòi kĩ lưỡng thì có chướng ngại pháp nào xen vô trong anh được, bởi Định Niệm Hơi Thở là lợi ích rất lớn, tất cả những chướng ngại gì vào trong thân nó đều đẩy lui ra được hết. Nó có phương pháp đẩy lui, nó có cách thức, đề mục đẩy lui rõ ràng, không phải mơ hồ. Không phải tôi nhiếp tâm vô hơi thở để sổ tức tùy tức để chứng được thiền không vọng tưởng. Không phải. Mọi người hiểu sai, hiểu không đúng Phật pháp cho nên mới đẻ ra Lục Diệu pháp môn, đẻ ra Sổ Tức Tùy Tức,... Đó là những điều sai. Các Tổ không hiểu Phật giáo, không hiểu pháp hơi thở của Phật giáo.
Khi Thầy vạch ra rõ như vậy thì Thầy thấy các Tổ không hiểu Phật giáo.
Các Tổ hiểu qua tưởng của các Tổ, đẻ ra nhiều pháp làm chúng ta lầm lạc đi vào pháp ức chế tâm để không có vọng tưởng. Tu như vậy là vì hiểu sai Phật giáo. Mục đích của đạo Phật là ngăn ác diệt ác, làm cho chúng ta không còn tham sân si. Hết tham sân si là giải thoát, chứ không cần gì nữa.
Cái gì cần làm phải làm xong trước Hôm nay Thầy nói như vậy để các con biết con đường tu của các con.
Người nào thiếu pháp nào thì phải tu pháp đó, mà không hợp với pháp đó thì trở xuống tu pháp thấp hợp với mình hơn. Các con tu để giải thoát chứ tu pháp cao không hợp đó để làm gì. Có danh vị để làm gì. Có lợi ích thiết thực cho các con không hay là mua cấp bằng, khoe với đời tôi cũng tu 4 Niệm Xứ đây! Nhưng sự thực 4 Niệm Xứ của các ông có làm chủ được sanh già bệnh chết chưa? Có chứng đạt chân lí chưa?
Lớp thứ 7 là lớp chứng đạt chân lí mà các con làm được chưa, trong khi các con ngồi đó mà đau bịnh nhức chỗ này chỗ khác mà bảo xuống lớp 4 Chánh Cần để xả những cái đó thì không chịu, coi là lớp thấp; khi tri kiến các con không hiểu những gì cần thông hiểu mà không chịu ở lớp Chánh Kiến để học mà muốn vào những lớp cao hơn thì thử hỏi tri kiến của các con làm sao đủ.
Các con muốn các con cao, muốn làm Hoà thượng, Thượng toạ thôi. Nhưng làm những cái đó để làm gì, có lợi ích gì đâu. Các con phải làm sao làm được những cái gì các con làm được. Thà các con ở lớp 1 mà các con là một tu sinh giỏi thì còn hơn là tu sinh ở lớp 2 mà dở.
Thầy nói vậy để các con hiểu các con tu phải có căn bản. Chính vì không căn bản mà các con vô 4 Niệm Xứ không được. Thầy đã trang bị trước cho các con các pháp rồi. Trước khi các con vào lớp 4 Niệm Xứ này thì Thầy đã trang bị một phút nhiếp tâm và an trú tâm. Thế mà các con muốn tu và đã chỉ tu 5, 10 phút thôi. Các con đâu chịu nghe Thầy. Thầy dạy một phút thì hãy tu một phút cho được. Chừng nào Thầy dạy 2 phút thì tu cho được 2 phút, 3 phút thì tu 3 phút... Thầy chưa cho thì cứ một phút đó mà tu.
Khi một phút mà tu được rồi thì lên 4 Niệm Xứ các con thấy mình ở trên chóp bu của hơi thở mà nhìn lại cái thân. Các con không nhiếp tâm và an trú trong một phút, các con chưa nhiếp tâm và an trú trong một phút, vậy bây giờ các con nhìn lại xem hơi thở quán thân có được không? Thế mà các con không hiểu gì hết, không biết gì hết. Bây giờ tu 4 Niệm Xứ mới thấy được sự quán yếu kém của các con. Nó trật vuột, nó tới lui, không có bám được, không có định tỉnh, không có tỉnh thức được trên đó. Đó là do tu tập thiếu căn bản trong khi Thầy dạy rất căn bản.
Căn bản khác nhau giữa 4 Chánh Cần và 4 Niệm Xứ Hôm nay các con biết sự tu tập của các con như vậy thì phải cố gắng tu tập kĩ hơn. Người nào trên thân quán thân nhiếp được thì nhiếp trong 5 phút rồi tập cho được tỉnh thức rồi định tỉnh trên thân cho Thầy. Trong những giờ phút cần gặp Thầy để kịp kiểm tra chặt chẽ sự quán thân, bởi nó là pháp quán thân để nhiếp phục tham ưu, nó quan trọng vô cùng, nó chỉ cần nhiếp thế mà các ưu phiền không hề có.
Pháp 4 Niệm Xứ tự bản thân nó quán mà nhiếp phục ưu phiền, không cần dùng pháp nào khác nữa, không dùng cái gì khác hết cho nên nó khó. 4 Niệm Xứ thì chỉ ở trên 4 Niệm Xứ thôi. Chính vậy mới nói 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ, trên thân quán thân, trên thọ quán thọ, trên tâm quán tâm, trên pháp quán pháp.
Còn trong 4 Chánh Cần, khi thân các con có chướng ngại gì hay tâm các con có chướng ngại gì thì có phương pháp khác đúng cách để đẩy lui dễ dàng.
Với 4 Chánh Cần các con thấy nó ở trên 4 Chánh Cần nó quan sát thân nó, khi có ác pháp nào tác động đến thân thì nó lấy phương pháp khác đem vào để đẩy ác pháp chứ nó đâu có ở trên 4 Chánh Cần. 4 Chánh Cần đâu có nói trên thân quán thân mà chỉ nói “ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện” thôi.
Pháp nào phải tu đúng theo pháp đó.
-Phải tu chuyên một oai nghi: Thời tu tối từ 7 giờ đến 10 giờ, con ngồi bất động thân kèm theo hơi thở cảm giác toàn thân để ngó thân. Con tu 5 phút nghỉ 10 phút liên tục cho đến hết giờ đầu. Giờ thứ hai có hôn trầm thì con kinh hành ngó thân đi 5 phút xả nghỉ 10 phút, con tu liên tục từ 8 giờ đến 9 giờ. Con tu chuyển sang tư thế nằm kiết tường ngó thân 5 phút, nghỉ 10 phút liên tục tu hết giờ 9 – 10 giờ. Thưa Thầy con tu nhu vậy có sai pháp 4 Niệm Xứ không hay chỉ tu ngồi ngó thân cho thuần mới chuyể sang tư thế khác?
Con tu như vậy đúng, nhưng vì chưa thuần thục trong đi kinh hành mà trong thời tu con tu nhiều oai nghi. Bây giờ con tu từ 7 – 8 giờ đi kinh hành để cảm giác toàn thân thôi. Giờ thứ hai, từ 8 – 9 giờ con cũng tiếp tục đi kinh hành, đừng có nằm ngồi gì. Giờ thứ ba, từ 9 – 10 giờ con cũng đi kinh hành mà không thay thế nằm ngồi gì. Nghĩa là trong suốt thời khoá từ 7 – 10 giờ con chỉ đi kinh hành xen kẽ nghỉ xả như con đã tu trong giờ đầu, để cho nó được định tỉnh trên thân hành của con bằng tỉnh thức trong khi đi trước đã.
Sau khi đi đã tỉnh thức được rồi thì con mới thay đổi qua ngồi hoặc đứng, hoặc nằm thì rất thuận lợi. Từ căn bản này sẽ dẫn dắt tới căn bản khác của oai nghi khác thì nó sẽ rất tiện lợi. Còn lúc thì con ngồi, lúc thì con đi, lúc thì con nằm, nhiều khi bị những ác pháp ngoài tác động vô con mà con không ngờ được.
Khi con tu chỉ một oai nghi đi, chẳng hạn, trong suốt một, hay hai, hay ba tuần lễ cho được thuần thục, cho nhu nhuyến, cho tỉnh thức hoàn toàn trên thân con, chừng đó con mới nên chuyển qua oai nghi khác.
-Ngoài giờ tu để ngó thân, thí dụ như thân đi đứng nằm ngồi tác ý bảo “thân đừng dẫm đạp chúng sanh” hoặc đi khất thực để ý ngó thân suốt từ khi đi đến khi về thất, như vậy có được không? hoặc ăn cơm ngó thân biết ăn, múc cơm biết múc cơm, đưa lên miệng biết đưa lên, nhai biết nhai, mọi thân hành của con phải nhìn ngó quan sát liên tục thường xuyên. Như vậy có phải là 4 Niệm Xứ không, hay là pháp tu Chánh Niệm Tỉh Giác, xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Hiện giờ con tu như vậy là Chánh Niệm Tỉnh Giác chứ không phải 4 Niệm Xứ đâu, bởi vì chính đi kinh hành thôi mà con chưa tỉnh thức, bây giờ tu thêm tất cả các hành động khác rất là khó. Như vậy chỉ tỉnh thức thôi, không thể nào khác hơn được. Trong tỉnh thức này còn khởi tâm từ bi để cho tỉnh thức, con câu hữu được những điều này thì cũng chỉ tỉnh thức thôi, không có gì khác đâu.
Còn tu 4 Niệm Xứ thì con phải tu chuyên phần đó trong các thời tu như từ 7 – 10 giờ sáng hay tối, từ 2 – 5 giờ chiều hay khuya cứ tu chuyên một pháp trên oai nghi đi. Cứ tu chuyên như vậy suốt trong một tháng hay nửa tháng cho nó nhu nhuyến thành thục, lúc nào con đi cũng dễ dàng cảm nhận được thân trong thời giờ tu. Còn trong thời giờ xả ra, con tập cho tỉnh thức bằng pháp này pháp khác thêm được thì tốt, rất tốt cho con, không sao đâu.

BÀI THỨ TÁM: DẠY MỘT TU SINH NAM

(Ngày 16-7-2006)

PHÁP TỨ NIỆM XỨ

-Kính xin Thầy chỉ dạy cho con những điểm căn bản của pháp 4 Niệm Xứ.
Pháp 4 Niệm Xứ đức Phật dạy rất rõ: trên thân quán thân, trên thọ quán thọ, trên tâm quán tâm, trên pháp quán pháp, tức là khi tu các con quán một lần luôn cả 4 pháp. Thân có hình sắc, dễ quán cho nên đang trên thân quán thân mà tâm có niệm thì nó quán tâm liền; nếu có thọ thì nó quán thọ liền, chứ không phải chỉ ngồi quán thọ riêng biệt. Khi có thọ thì nó cảm nhận liền, cũng như có tâm niệm là nó cảm nhận liền, vừa cảm nhận là nó quán ngay. Còn đối với các pháp bên ngoài thì nó mới quán. Thí dụ khi bên ngoài không có tiếng động thì thôi chứ có tiếng động thì nó nghe liền. Nó nghe nó biết có tiếng đó, nó quán tiếng đó nhưng không để bị dính mắc, tức là nó không bị phóng dật. Khi đang ở trên thân như vầy, nó nghe cho nên nó quán ra bên ngoài, nó quán âm thanh bên ngoài, tức là quán pháp.
Tiến trình thực hành quán 4 Niệm Xứ Quán thân thọ tâm pháp, 4 niệm xứ, thì đức Phật không thể nào nói một lượt 4 pháp, nhưng khi tu các con tu 4 cái một lượt cho nên tâm các con sẽ chạy, một lúc thì ở thân, một lúc ở thọ, một lúc ở tâm, một lúc ở pháp.
Bây giờ nhắc “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”, tức trạng thái tâm 4 Niệm Xứ, thì lúc đó yên lặng, không có niệm gì thì nó sẽ thấy hơi thở là thân hành của nó. Nhưng các con không tu hơi thở thì đừng bám vô hơi thở, bằng không thì bị ức chế. Cho nên nó thấy hơi thở thì nó bắt đầu thấy cái thân.
Mới đầu nó thấy thân từng khúc chỗ này chỗ kia, nó chưa thấy toàn thân được bởi sức tỉnh chưa trọn vẹn cho nên nó quán từ trên đầu tới ngang bụng thôi, rồi nó mới quán lần lần tới chân; hoặc là nó quán từ chân thôi rồi mới lên tới đầu.
Nó đi từng bậc như vậy.
Nếu nó đang quán thân mà các con cố gắng giữ cho nó ở trên thân thì bị ức chế, bởi vì đức Phật nói quán thân, rồi quán thọ, quán tâm, quán pháp. Khi nó đang quán thân bỗng dưng nó nghe con dế kêu thì nó hết còn thấy thân mà nó nghe tiếng dế kêu. Nhưng nó không dính mắc trong tiếng con dế đâu. Nó chỉ nghe thôi. Nghe xong thì nó trở lại thân nó. Hoặc nó đang nghe tiếng dế mà thân nó bị nhức chân thì nó liền trở lại quán thân liền, quán thọ liền. Nó biết chân nó nhức. Khi có thọ như vậy thì nó tác ý đuổi thọ đi. Còn nó quán tiếng con dế thì nó không nghĩ con dế này sao không để tâm các con yên.
Nghĩ như vậy thì nó bị dính mắc tiếng đó rồi. Cho nên các con tác ý đuổi đi, không được dính vào pháp trần, giữ gìn cho tâm thanh thản, an lạc, vô sự thì tâm không còn nói chuyện với con dế nữa. Nó vẫn nghe nhưng nó bắt đầu quay lại thân của nó. Tâm khởi lên niệm thì nó thấy niệm đó liền, nó tác ý đuổi thì niệm đó đi.
Bây giờ không có cảm thọ trên thân, không có tâm niệm khởi lên, không có pháp bên ngoài tác động nó thì nó sẽ thấy được hơi thở rồi nó thấy thân của nó lên xuống lên xuống. Một hơi sau thì nó lãng đãng chạy ra bên ngoài, nếu bên ngoài có pháp. Còn nếu nó không chạy đi đâu thì các con được an trú tâm ở thanh thản, an lạc, vô sự. Rồi một hơi sau nó lại chạy theo con mắt thấy cây, cỏ... là nó đang quán cây, cỏ... nhưng nó không dính. Nó không nghĩ cây này tốt, cây kia cao thấp này nọ... hay hôm nay trời trong hay mây nhiều... thì đó là nó đang quán trời, mây. Còn nó thấy cây tốt đẹp, trời mưa nắng... là nó dính mắc, thấy sắc dính sắc. Đó là sai. Không phải nó quán mà nó đang dính mắc. Khi nó khởi phân biệt đối tượng này kia của sắc trần thì ngay đó tác ý liền, chấm dứt không cho nó dính các sắc pháp trần. Đó gọi là quán pháp. Nó luôn luôn bảo vệ đem lại sự thanh thản, an lạc, vô sự... Đó gọi là tu 4 Niệm Xứ.
Đừng gom chặt trong thân, hoặc là cảm giác cái thân, hoặc là nương vào hơi thở để tâm không có niêm khởi. Gom là sai. Càng có niệm thì mới thấy được tâm các con, thấy được tâm có niệm thì dùng pháp tác ý đuổi, rồi pháp tác ý đó tạo thành lực của 7 Giác Chi hay 7 năng lực Giác Chi hay 4 thần túc. Cho nên các con đừng ức chế tâm mà hãy để ý thức các con hoạt động tự nhiên, các con có pháp để đuổi nên các con có sức tỉnh để quán. Lúc thì quán thân, lúc thì quán thọ, lúc thì quán tâm, lúc thì quán pháp khi có các pháp bên ngoài tác động. Nó quán tức là nó nghe biết rõ ràng chứ không phải mờ mịt. Đó mới là tu 4 Niệm Xứ. Nhớ kĩ như thế, chứ không khéo các con dính mắc ở trong các pháp thì sai.
Khi quán thân thấy từ trên đầu tới xuống dưới chân, rồi thấy hơi thở cảm nhận toàn thân. Nếu các con nghĩ nói “À, cái thân các con yên lặng quá, không có gì hết” là bị mất quán 4 Niệm Xứ, bị phóng dật rồi. Sai. Không đúng. Đừng nói gì hết, để cho nó tự nhiên thì đúng.
Khi đi ra ngoài, thấy mọi cái chung quanh, tâm không khởi niệm nào, thấy thoái mái như vậy là đúng cách quán 4 Niệm Xứ. Nhưng khi các con tự biết các con được thoái mái do tâm không khởi niệm thì ngay đó tức khắc các con bị dính thoái mái, vậy là bị phóng dật thoái mái, mất quán 4 Niệm Xứ.
Cho nên đừng khởi niệm. Đang thoái mái biết thoái mái thôi. Cũng như cảm nhận thân biết cảm nhận thôi, đừng khởi niệm các con đang cảm nhận thân thoái mái. Khởi niệm là bị phóng dật. Cảm nhận thì im lặng cảm nhận không khởi niệm, chỉ biết thế thôi. Khéo léo chỗ này thì mới đúng cách quán 4 Niệm Xứ.
Con tu đang đi cảm nhận thân đi là đúng quán 4 Niệm Xứ. Nhưng nếu con khởi niệm biết cảm nhận thân đi hay khởi niệm cảm nhận thân thấy được an trú hay thấy được thanh thản là sai tức khắc. Khởi niệm là không đúng, quán trạng thái đó là đúng. Khởi niệm là tâm đã bị phóng dật trên cái niệm đó, trên trạng thái đó. Còn để cho nó tự nhiên, nó sao thì sao, không khởi niệm thì đúng. Đó là quán 4 Niệm Xứ.
Tu 4 Niệm Xứ mà nhân ra được vậy thì mau chứng đạt lắm.
Nói cách khác:
Tu 4 Niệm Xứ là khi thì nhận ra cái thân, khi thì tai nghe, khi thì mắt thấy... nhưng đừng phân biệt. Hễ phân biệt là bị dính mắc, bị phóng dật trên niệm phân biệt. Ngay cả trên thân cũng đừng phân biệt, thí dụ như “thân này bây giờ yên ổn quá”, “Nó thanh thản quá”. Nó yên ổn biết nó yên ổn, nó thanh thản biết nó thanh thản, đừng nghĩ đang yên ổn, đang thanh thản.
Nghĩ là trật.
Nếu khi đang tu rồi nghe tiếng đồng hồ kêu tíc tắc, con giữ tâm theo dõi tiếng kêu tíc tắc, không rời khỏi tiếng đó. Cái đó không phải con tu 4 Niệm Xứ đâu. Pháp 4 Niệm Xứ nghe tiếng tíc tắc thì một lúc cái tâm sẽ tự rời khỏi tiếng kêu đó, nó sẽ quán qua cái khác. Nó không đứng hoài ở đó đâu. Đứng như vậy là nó bị ức chế, mà nó quán qua cái khác. Nếu các con lôi tâm các con vào tiếng đồng hồ nữa là các con ức chế tâm. Là các con sai. Trong khi nghe tiếng đồng hồ là nó đang quán pháp thì trong tâm các con đừng khởi ý nghĩ các con quán pháp. Là đúng quán 4 Niệm Xứ về pháp. Nếu khởi là sai, là phóng dật. Đã bị nghe âm thanh đó mà lại bị phân tâm đang quán pháp là sai rồi. Ngay cả các con nghĩ các con quán pháp là đã sai. Phân biệt tiếng đồng hồ, cho là nó làm rầy, làm động nhiếp tâm không được thì lại càng phóng dật hơn nữa, sai hơn nữa.
Chữ quán có nghĩa là quan sát. Tự nó quan sát. Các con nhận biết thầm lặng thôi. Nếu khởi lên ý nghĩ tôi đang quán là sai ngay chỗ khởi ý đó.
Bị phóng dật rồi. Thầm lặng biết là đúng cái trạng thái bất động của nó.
Khi các niệm khác làm chướng ngại thân, làm động tâm thì các con tác ý để đuổi chướng ngại đi. Cho nên đã bị động bởi chướng ngại rồi, đã bị phóng dật vì chướng ngại rồi, bị phóng niệm bởi chướng ngại rồi thì phải tác ý đuổi chướng ngại đi. Trong khi có niệm đến mà không tác ý, sợ tác ý bị phóng dật.
Sợ như vậy là sai. Không đúng. Cái niệm làm cho các con phóng dật rồi, bây giờ muốn cho cái phóng dật đó không còn làm các con bị phóng niệm thì phải diệt. Vậy thì các con phải tác ý để diệt cái phóng dật đó, cái chướng ngại pháp đó. Việc làm đó là đúng. Nhưng khi tâm các con đang quán cái đó mà các con khởi niệm các con đang quán. Việc làm đó là sai.
Chẳng hạn khi con ngồi trên xe chạy trong phố, mắt con thấy các bảng hiệu, tâm con khởi đọc liên tiếp bảng hiệu trên các phố tiệm. Nếu nói trên pháp quán pháp thì việc đọc các bảng hiệu như vậy là sai là tại vì nó phân biệt. Cái tâm dễ bị dính lắm. Khi mắt thấy các bảng hiệu thì tâm muốn đọc để nó hiểu các bảng đó nói gì. Đó là bị dính mắc. Bị phóng dật trên các bảng đó. Còn bây giờ thấy mà không cần đọc, thấy biết có các bảng đó thôi, không cần đọc, như vậy mới là quán pháp theo 4 Niệm Xứ. Cho nên đức Phật mới nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. 4 Niệm Xứ có mục đích để tâm không phóng dật chớ không có gì khác, tức là tâm không buông lung chạy chỗ này, chạy chỗ kia. Phóng dật có nghĩa là buông lung. Không phóng dật là không buông lung. Thấy, nghe... thì chỉ ở trên cái thấy, cái nghe... chứ không buông lung ra thêm cái thấy đó, cái nghe đó... Tức là không phóng dật.
Các con giữ tâm không phóng dật thì các con vẫn thấy, vẫn nghe... như người bình thường nhưng KHÔNG PHÓNG DẬT tức là CHỨNG ĐẠO. Vậy chứng đạo đâu có khó; chứng đạo đâu cần gì phải có thần thông phép tắc.
Nhưng khi tâm không phóng dật thì nó thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì nó phải có 4 thần túc. Các con có luyện thần túc đâu, tại tâm thanh tịnh nó có 4 thần túc như thế. Đó, các con tu 4 Niệm Xứ thì thật tuyệt vời. Ngay chơn lí Diệt Đế là các con đã sống trong đó cho nên tâm không phóng dật rồi.
Lịch sử 4 Niệm Xứ Sáu năm khổ hạnh đức Phật thấy hoàn toàn không có gì lợi ích cho đức Phật hết. Khi đức Phật kiệt quệ không còn đứng dậy nổi, rồi nhờ bát sữa dê của người chăn dê mới tỉnh lại. Hồi tưởng lại kinh nghiệm trạng thái li dục lúc còn nhỏ, khi theo vua cha đi làm lễ khai cày mùa vụ, Phật mới khởi nghĩ ta thử tu li dục li ác pháp có thể chứng đạo chăng, còn tu khổ hạnh như vầy chỉ làm khổ thân xác thôi, không có sự giải thoát hết khổ mà còn làm khổ nhiều hơn. Sau đó đức Phật mới ăn thô thực trở lại, nghĩa là ăn một bữa mà đầy đủ, không ăn ít nữa. Khi cơ thể đã phục hồi sức khoẻ, Phật mới chọn gốc bồ đề, mới ngồi li dục li ác pháp trong 49 ngày thì chứng đạo, không phải những sự tu tập khổ hạnh kia giúp đức Phật chứng đạo đâu.
Không phải đức Phật ngồi dưới cội bồ đề tu hơi thở vô ra để chứng đạo.
Nói vậy không đúng đâu. Các con biết pháp 4 Niệm Xứ là ở chỗ li dục li ác pháp này, khi li thấy rất rõ ràng vì trên thân quán thân thì li đó. Không ai dạy bài kinh này cho đức Phật mà tự Phật suy tìm ra rồi tu.
Trên thân quán thân tức là tự ngồi im lặng thì thấy thân của nó, toàn diện thân. Nhưng khi thấy thân thì nếu trên thân có thọ, khi thấy vậy thì đẩy thọ đó lui. Đẩy lui bằng cách nào? Hồi đó đức Phật đâu biết pháp Như lí Tác ý nhưng Phật muốn cảm thọ đó phải rời khỏi thân nên đức Phật tự nghĩ ra rồi tác ý đuổi cảm thọ. Sau này chúng ta mới được dạy pháp Như lí Tác ý này.
Rồi do thấy được kết quả đuổi cảm thọ đức Phật mới tác ý thêm đuổi từng tâm niệm. Đó là trên thân quán thân, trên thọ quán thọ; dùng cái thân của các con mà thấy được thân thọ do bên ngoài tác động vào thì đức Phật cũng dùng pháp tác ý để tâm không phóng dật, không dính vào các pháp. Cuối cùng đức Phật thấy rõ ràng đây là 4 Niệm Xứ mới dạy cho chúng ta.
Đức Phật từ kinh nghiệm bản thân rút ra bài 4 Niệm Xứ chứ trước kia làm gì có được. Chính đức Phật tu 49 ngày dưới cội bồ đề là tu 4 Niệm Xứ, chứ không có pháp nào nữa hết. Nói 4 Niệm Xứ là nói 4 Niệm Xứ chứ làm gì có Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền ở đây. Li dục để nó nhập vào chơn lí là tâm bất động tâm thanh thản, an lạc, vô sự chứ đâu phải là vô Sơ thiền. Khi tâm đã thanh thản, an lạc, vô sự thì nó định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng, lúc bấy giờ mới nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Có đúng không?
Trong bài kinh đức Phật nói vậy, tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng, cho nên mới nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Rõ ràng đâu phải đi theo hơi thở để nhập Sơ thiền mà vì quán thân thì phải thấy hơi thở chứ.
Không tu hơi thở nhưng tâm quán trên thân thì phải thấy hơi thở.
Hồi còn nhỏ đức Phật đi theo vua cha ra đồng ruộng mới thấy con rắn bắt con nhái, con ó rình bắt con rắn và người thợ săn rình bắt con ó. Phật thấy cả một dọc con vật này ăn thịt con kia. Đó là tâm từ của đức Phật thấy con người cũng như các con vật đều xâu xé nhau. Lúc đó đức Phật mới ngồi lại li dục li ác pháp là những cảnh tượng xâu xé đó. Li ra là ngồi mà những hình ảnh xâu xé đó làm tâm đức Phật xót xa nên mới vô tình tác ý bảo tâm xót đau đó li ra. Không dè tác ý như vậy mà Phật cảm thấy tâm hết đau xót, được an tịnh. Nhờ kinh nghiệm đó mà sau khi đức Phật tu khổ hạnh đến độ cơ thể kiệt quệ rồi được phục hồi nhờ một bát sữa dê, Phật mới nhớ lại và suy nghĩ “Phải chăng li dục li ác pháp như vậy có thể được giải thoát”. Phật suy nghĩ thôi chứ chưa chắc đã được, nhưng có kinh nghiệm từ hồi bé tự tìm thấy một cách tình cờ mà được an tịnh, hết nổi đau xót trong tâm. Cho nên sau khi ăn thô thực trở lại, không tu khổ hạnh nữa, không hành hạ xác thân nữa, Phật mới ngồi xuống ở cội bồ đề và phát nguyện “Nếu ta tu pháp li dục li ác pháp này mà không chứng đạo thì ta sẽ chết tại dưới cội bồ đề này”.
Tất cả các pháp tu trong thời đó đức Phật đã tu tới mức cao nhất, tột cùng nhất, kể cả những pháp khổ hạnh Ngài cũng tu đến mức tột cùng không thể có người nào tu hơn, vậy mà Phật không chứng đạo thì còn gì nữa mà hi vọng.
Vậy chỉ còn duy nhất pháp li dục mà Ngài tình cờ kinh nghiệm được từ bé, nếu cũng không chứng đạo thì đâu còn mong gì nữa mà sống. Cho nên đức Phật ở đó tu và xác định được những kinh nghiệm hồi bé xưa giúp được tâm li dục li ác pháp đạt trạng thái thanh thản an lạc vô sự của tâm bất động.
Phải biết đức Phật tu cả 4 oai nghi chứ không phải chỉ ngồi thôi như người ta tưởng tượng sai lầm, bởi tu 4 Niệm Xứ là phải tu cả 4 oai nghi. Trong bài kinh Tiểu không, đức Phật nói rất rõ những oai nghi tu 4 Niệm Xứ. Chúng ta dựa vào đó biết rằng qua kinh nghiệm, đức Phật mới đưa ra pháp này, chứ ngoại đạo làm sao biết pháp đó để dạy cho đức Phật. Đồng thời con biết pháp 4 Niệm Xứ là pháp Ngài nhắc nhở trước khi Ngài tịch. Phật đã khẳng định nó là ngọn đuốc soi đường, là chỗ nương tựa vững chắc, nó là vị thầy của chúng ta. Phật đưa ra giới luật và giáo pháp. Giáo pháp của ta là 4 Niệm Xứ . Phật xác định 4 Niệm Xứ trong giờ cuối của Ngài, không dạy chúng ta tu pháp khác mà chỉ dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ. Sao trong giờ phút cuối đời đó Phật không dạy chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu... mà lại dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ? Giới luật và 4 Niệm Xứ là hai pháp làm thầy chúng ta, là chỗ nương tựa vững chắc của chúng ta. Như vậy các con phải nhớ khi các con tu 4 Niệm Xứ đúng thì các con sẽ chứng đạo.
Vượt chướng ngại bằng pháp tác ý; Trong bài kinh Tiểu Không, đức Phật đã nói tu 4 Niệm Xứ là tu trong cả 4 oai nghi, vậy nếu chỉ ngồi liên tục sinh đau nhức là chướng ngại pháp thì làm sao. Trên 4 Niệm Xứ đâu cho có chướng ngại pháp được. Trong thời gian tu chứng đạo, để thắng vượt qua 5 ấm ma thì cũng phải dùng pháp tác ý để đuổi.
5 ấm ma là trong thân 5 ấm của chúng ta. 5 uẩn là 5 ấm ma, nó hiện ra những tưởng, những niệm, như niệm xui về tình dục, sắc dục là nữ sắc. Tượng trưng cho nữ sắc mới khởi ra những con gái ma vương tới quyến rũ Phật.
Tượng trưng cho những cảm thọ đau đớn trong thân thì nó hiện ra những ma vương đâm chém Phật... Những cái đó đều làm cho các con đau khổ cho nên đều dùng pháp tác ý đuổi đi. Đức Phật đuổi ma đi hết, cuối cùng bất động và chứng đạo. Đuổi tất cả những ấm ma bằng pháp tác ý. Trên đường đi cuối cùng khi sắp nhập Niết Bàn đức Phật bị đau đớn kịch liệt thì ngay đó Phật tỉnh thức dùng pháp tác ý đuổi bịnh, không còn đau nữa.
Chỉ dùng pháp tác ý để đuổi bịnh thôi, không dùng pháp khác. Cho nên người nào tu đã bị tưởng rồi nếu vượt qua được tưởng thì người đó chứng đạo.
Thí dụ con bị hành tưởng, nó bắt cái đầu con lúc lắc, hay bắt răng con nghiến, nó làm cho thân con động đậy, hay con bị sắc tưởng thấy hình ảnh Phật tiên đủ loại hết, còn nghe trong tai lải nhải này kia, nghe dạy pháp nữa thì đó là thanh tưởng... Tất cả những điều đó thuộc về 5 ấm ma hết. Vượt qua hết được thì chứng đạo.
Đầu tiên thì các con vượt qua dục của ý thức, sau đó vượt qua dục của tưởng thức. Tất cả đều dùng pháp tác ý mà đuổi. Không thể tác ý kiểu chung chung được mà phải đúng tên, đúng tướng trạng của nó. Như trong thân bị nhức đầu mà con bảo cái chân không nhức nữa thì đầu không hết đau được hay con tác ý kiểu chung chung bảo “Bịnh trong thân này hãy đi đi!” thì không hết bịnh đâu. Cái đầu đau thì bảo cái đầu đừng đau, chân đau thì bảo chân đừng đau, nó mới hết. Tác ý phải thẳng ngay như vậy. Bất kỳ niệm nào khởi lên cũng phải hiểu nội dung của nó mới tác ý chứ tác ý trật, nó không đi, nó cứ trở lui trở tới hoài, không chịu ra đâu. Cái niệm đó ý muốn cái gì, phải rõ rồi tác ý ngay nó, nó sẽ đi. Bởi đó là Trạch pháp giác chi; trạch là phải chọn cho đúng tên đúng tướng trạng của nó thì nó sẽ đi.
Khi ác pháp huân vô bằng ý thì đuổi nó cũng bằng ý. Kinh nói “Ý chủ, ý tạo tác. Ý dẫn đầu các pháp”. Ý dẫn vào pháp thiện thì sẽ bình an, còn ý dẫn vào ác pháp thì đem đến khổ đau cho các con. Ác pháp vô bằng ý thì cũng bằng ý đó mà đuổi ra, chứ không phải dùng pháp khác. Giữ giới luật thì nó chuyển được pháp ác ra pháp thiện, còn pháp như lí là pháp trực tiếp đẩy ác pháp ra. Hai pháp có hai tác dụng rõ ràng, cho nên người tu, thứ nhất là phải giữ giới, vì giới là thiện pháp nó mới chuyển ác pháp trong kho tàng nghiệp và muốn đẩy các ác pháp đó cho nhanh chóng hơn thì phải dùng pháp tác ý. Vì vậy trước khi chết đức Phật mới di chúc cho chúng ta “Lấy giới luật và giáo pháp ta mà làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc”. Giới luật là thiện pháp thì đã biết rồi để nó chuyển ác pháp, đẩy ác pháp ra; còn giáo pháp của Phật là pháp tác ý, nó quán trên thân nó thì phải theo tác ý mà đẩy, cho nên nó trực tiếp đẩy ác pháp ra.
4 Niệm Xứ, giải thích cách khác Nhưng để khỏi lầm lạc qua Chánh Niệm Tỉnh Giác thì tỉnh giác là ở trên thân hành của nó, hơi thở hoặc bước đi, hoặc tay chân của các con đưa ra đưa vô, đó là tỉnh giác. Định Niệm Hơi Thở thì trụ trên đề mục của nó, còn 4 Niệm Xứ thì không trụ, nó cùng lúc ở trên 4 chỗ chứ không trụ trên chỗ nào hết. Cái tâm các con ở đâu thì biết ở đó mà khởi ý biết ở đó thì sai pháp 4 Niệm Xứ.
Trong một bài kinh có ví dụ tâm như con dế tìm chạy ra 6 cửa, chỉ quan sát nó chạy hướng nào thì cứ để vậy, không cản trở gì hết, chỉ biết thế thôi, nó ló đầu ra cửa nào thì biết thế thôi. Thí dụ nó ló qua tai thì tôi nghe, qua mắt thì tôi thấy, qua ý thì tôi khởi niệm nhưng tôi không dính mắc trong ý đó. Thí dụ như bây giờ tôi đang thanh thản, nó ló qua cái ý của tôi nhưng tôi đừng khởi niệm là tôi đang thanh thản; hễ tôi khởi niệm tôi đang thanh thản là tôi bị dính mắc, bị phóng dật. Ý ló ra đâu thì biết nó ló ra chỗ đó nhưng không khởi niệm, không cần nói nó ló ra chỗ nào hết, chỉ biết ý đang ở đâu thôi.
Cũng như không bắt con dế chạy ra cửa nào, chỉ thấy biết con dế đang chạy loanh quanh trong 6 lỗ cửa của nó thôi.
Câu chuyện con dế này ở trong Thanh Tịnh Đạo trình bày như vậy là đúng, không sai. Nhưng người ta không nói rõ câu chuyện đó là pháp hành tu 4 Niệm Xứ. Câu chuyện thì rất hay nhưng người ta không biết hành động tu là thế nào. Cho nên người ta tu 4 Niệm Xứ chỉ tu toàn một cái nào đó thôi. Hoặc là họ tu thân niệm xứ thì chỉ tu một cái đó thôi, hay tu thọ niệm xứ thì chỉ tu một cái đó thôi, hay tu tâm niệm xứ thì cũng chỉ tu một cái đó. Nhưng đạo Phật đã dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ; pháp 4 Niệm Xứ thì phải 4 chỗ chứ sao lại cắt ngang từng chỗ. Cho nên Thầy dạy các con quán thân là trên đó có đủ 4 chỗ hết. Như vậy mới đúng là 4 Niệm Xứ.
Bài kinh hồi nãy nói con dế chạy ra 6 cửa nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý là mới nói ý chạy ra pháp thôi, là 6 căn là 6 lỗ . Nói quán pháp là nói 6 cái lỗ đó.
Ở trên 4 Niệm Xứ, 6 căn này chỉ mới một chỗ pháp, nó còn phải quán thân thọ tâm nó nữa; nhưng pháp rộng đến 6 chỗ. Nó ló ra mắt thành thấy, nó ló ra tai thành nghe,... nhưng đó chỉ mới quán pháp, chứ nó chưa quán thân, thọ, tâm.
Mặc dù mắt tai mũi lưỡi thân ý là pháp nhưng chúng ta quán thân cũng là một pháp, tâm cũng là một pháp. Cái ý là tâm đó. Nó quán niệm khi nó thấy có niệm, còn không niệm thì nó thấy tâm thanh thản an lạc vô sự của nó. Ý ló đâu thì ló, các con đừng khởi niệm thì tâm thanh thản. Cho nên nó ở trên thân thọ tâm, mà thân có cảm thọ, khi nó quán thân cảm thọ thì nó chỉ quán cảm thọ thôi là quán thọ. Thân có ba trạng thái thọ: lạc, khổ, bất lạc bất khổ.
Quán thọ là quán 3 trạng thái này.
Thanh thản thuộc về tâm, còn an lạc thuộc về thân. Sự an lạc trong 4 Niệm Xứ có trạng thái riêng của nó. An lạc không nằm ở chỗ nào trong 3 thọ thuộc thân: lạc, khổ, bất lạc bất khổ. Lạc mà làm cho các con thích thú thì bị dục, nằm trong 3 thọ dục của thân. Còn lạc 4 Niệm Xứ không có thích thú.
Cho nên bữa nào tu con thấy lạc mà thích tu thì coi chừng thọ dục, còn an lạc làm cho các con có trạng thái an ổn thấy thoái mái dễ chịu mà không làm cho các con thấy có dục thì đó mới là trạng thái lạc của 4 Niệm Xứ. Lạc mà làm cho các con thích muốn tu thêm thì đó là lạc của thọ lạc của thân; thọ khổ là đau nhức; còn bất lạc bất khổ là không lạc không khổ.
Khi các con tu 4 Niệm Xứ thì có lạc rồi, làm sao có không lạc không khổ ở đây được. Khi các con ngồi bình thường không tu mà cảm thấy bình thường không khổ không vui thì đó là thọ bất lạc bất khổ. Còn khi ôm 4 Niệm Xứ mà tu quán được rồi thì nó đâu còn nằm yên ở chỗ này. Lúc đầu thấy bình thường không thọ lạc thọ khổ. Nó còn nằm trong thọ mà không thọ lạc thọ khổ. Cho nên đương nhiên con quán thân thì cũng thấy cái thọ, thấy bình thường không đau nhức gì hết tức là thọ không lạc không khổ đây. Không chấp nhận nó đâu.
Nhưng khi 4 Niệm Xứ sung mãn rồi thì có trạng thái an lạc của 4 Niệm Xứ.
Thanh thản là tâm thanh thản; các con ngồi tu mà thân không bị tê bị nhức là an lạc. Hai từ này chỉ trạng thái về tâm hay trạng thái về thân rất rõ.
Còn vô sự thì cả tâm vô sự mà thân cũng vô sự. Vô sự là chỉ cho thân và tâm không làm việc gì hết. Cho nên con còn nghĩ quán này quán kia là sai. Vì thế vô sự xác định rất rõ thân và tâm không làm một cái gì.
Trạng thái thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ thuộc về thân mà cũng thuộc về tâm nữa, có khi tâm không thanh thản. Bây giờ đang ở trên an lạc thì nó thuộc về thân; còn nói về sự thanh thản thì nói về tâm, tâm không thanh thản thì nó có niệm. Tâm buồn phiền bực bội gì đó, hay giận hờn tức tối là nó không thanh thản thì đó là thọ của tâm, không phải thọ của thân. Trong an lạc bình thường của con người thì đó là thọ bất lạc bất khổ. Đó là nói người bình thường, còn người tu thì khác. Người tu có niềm vui trong pháp tu thì nó mới đúng cái pháp. Như bây giờ con biết tâm con đang ở trong thọ bất lạc bất khổ của tâm bình thường đây. Các con biết rất rõ cái thọ là của nó đây, nhưng cái nầy các con không chấp nhận bởi các con cần tu tới cho nó có cái pháp chứ không phải vầy. Cho nên thọ bất lạc bất khổ là nói cho người bình thưòng chứ không phải nói cho người tu vì người tu phải sung mãn 4 Niệm Xứ thì phải có an lạc của pháp, có cái hỉ của nó.
Khi các con nói người li dục li ác pháp thì người này phải có cái hỷ li dục li ác pháp của nó. Anh chưa li hết thì anh còn cái tâm bất thọ lạc bất thọ khổ, là chỗ bình thường. Còn chỗ bình thường của người tu thì đâu phải ở chỗ bình thường của anh được. Đó mới gọi là tu 4 Niệm Xứ. Người bình thường khi chưa có được sự an lạc của 4 Niệm Xứ, khi không có thọ khổ hay thọ lạc, nghĩa là không bị đau nhức hay thích thú gì thì đó là thọ bất lạc bất khổ.
Nói người tu là chỉ cho người đã đạt trạng thái sung mãn 4 Niệm Xứ hay ít ra phải đạt được sự li dục li ác pháp. Nếu chưa sung mãn 4 Niệm Xứ hay chưa li dục li ác pháp thì người này chỉ là người bình thường. Người đang tu, đang ở trong sự bất động thì phải khác, nó phải có sự gì khác lạ với người bình thường. Đức Phật nói “không chấp nhận ba cảm thọ này” đó là những cảm thọ thuộc phàm phu. Người tu là người thoát ra khỏi phàm phu mà còn chấp nhận những cảm thọ thuộc phàm phu sao? Các con tu thì thọ khổ không sợ, thọ lạc không ham, xả cả ba cảm thọ phàm phu thì thọ bất lạc bất khổ của người tu phải khác chứ. Anh không tu thì anh ở trong trạng thái thọ của người bình thường thôi chứ đâu có gì khác. Người tu, đầu tiên thì có thọ bất lạc bất khổ nhưng sau đó thì nó thay đổi, không còn nằm chỗ đó nữa đâu.
Như vậy biết cách tu đúng thì hằng ngày ngồi mà giải thoát, không có pháp nào tác động các con được.

BÀI THỨ CHÍN: DẠY LỚP TU SINH NỮ

(Sáng 18-3-2006)
KHỞI ĐẦU PHÂN TÁN
Thầy báo để các con biết mặc dù chúng ta nhập hạ tu nhưng theo quy định của Giáo Hội và chính quyền thì chúng ta phải xin phép trước, bằng không thì Đại Thừa sẽ kết hợp không để chúng ta yên mà tu học đâu. Khoá học Hạ 3 tháng nhưng phải xin phép. Bây giờ mình đứng ra xin phép thì không được. Cho nên hôm nay mình có duyên là Phật tử Thành Phố tích cực cúng dường Tu Viện một khu đất rộng ở Long Thành để xây dựng Trung Tâm An Dưỡng. Giáo Hội tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dựa trên băng giảng của lớp Chánh Kiến và Nhà nước sẽ đồng ý. Còn ở Hà Nội, chú Tuấn đang lo xin phép, ở Phước Hải Chơn Tâm cũng đang xin phép.
Hôm nay có dịp, các con về quê thăm gia đình vài hôm, khi có đủ duyên các con trở lại và dưới sự hướng dẫn của Thầy, các con sẽ tu đúng hết, không còn sai nữa, mà đúng thì sẽ đi đến đích được. Bằng chứng là Thầy đã hướng dẫn dẹp phá hết những cái sai cho các con. Những sự tự tu tập của các con có những cái sai, lần lượt các con vén lên sẽ thấy rõ, nhờ vậy sự tu tập của các con không còn sai nữa.
Và nếu chúng ta được mở 8 lớp này thì chúng ta sẽ có một số người thành tựu trên con đường này để xác chứng rằng con đường của đạo Phật có người tu chứng chứ không phải không. Nội trong chúng ở đây nếu chỉ một huynh đệ của chúng ta tu chứng cũng là một tiếng vang rất lớn, chứ không nói chi đến 5, 3 người tu chứng. Các con hiểu điều đó chứ. Việc tu chứng làm cho lớp đào tạo này trở nên giá trị rất lớn. Nếu chỉ có một người tuyên bố tôi đã làm chủ sự sống chết không thua gì Thầy Thông Lạc, thì người ta sẽ theo con đường Nguyên Thủy tu nhiều lắm. Bởi đời khổ quá với bốn sự đau khổ mà còn vì danh, vì lợi mà tranh chấp hơn thua, chà đạp lên nhau. Hệ phái này hệ phái kia, chùa này chùa kia đều có sự tranh chấp nhau, chứ chưa có đoàn kết.
Nhưng khi có ánh đuốc tu chứng thì người ta sẽ buông xuống hết. Danh lợi để làm gì. Bây giờ không có chỗ để tu chứng thì không danh lợi làm sao người ta sống, vì vậy mà người ta còn bám. Nếu có người tu chứng làm một ngọn đuốc sáng soi đường cho người ta đi thì sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu.
Hôm nay gặp Thầy các con có những gì cần hỏi, Thầy sẽ giải đáp hết những câu hỏi của các con. Thầy biết có nhiều sự khó khăn, nên chúng ta phải hành động trước, chứ không phải nói như vậy rồi được êm luôn đâu, nhưng chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn đó. Các con biết rằng Thầy đã từng ngày, từng giờ phút vượt qua bao sự khó khăn để bảo vệ sự tu tập của các con trong mấy tháng nay. Một lớp học của Nhà nước có sự bình an, còn ở đây chúng ta không có được sự bình an như vậy mà do sự bảo vệ rất tận tình của Thầy để các con yên tâm tu. Khi có sự xáo động thì tâm các con bị chao động. Thầy muốn thật rất bình an, không có một sự việc gì xẩy ra để các con yên ổn tu tập với nhau. Còn khi mình đang tu yên lành mà có sự việc gì làm mình chao động; muốn trở lại bình thường mình phải mất một thời gian.
Thầy mong rằng những lớp học của chúng ta sau này phải thật sự bình an như những lớp học của nhà nước tổ chức, con đường tu của các con sẽ thành công dễ dàng hơn, chứ một vài bữa có việc này làm chao động, một vài bữa lại có việc khác làm chao động thì công việc tu của các con rất khó thành công. Vì thế mà ngày xưa người ta phải vào rừng ẩn tu chứ ở ngoài thì bị động, người ta tu sâu không được. Hôm nay chúng ta tổ chức thì phải làm sao tạo cho được hoàn cảnh thuận tiện để cho tu sinh không bị động một chút nào hết lần lượt mới đi sâu vào sự tu tập; chứ cứ nay động, mai động thì Thầy không dẫn dắt các con tới nơi được. Hai mươi mấy năm trời nay lúc nào cũng có động cho nên cuối cùng không có một người nào tu chứng hết. Nếu chúng ta tạo được hoàn cảnh thuận tiện, yên ổn mãi, không bị gì hết thì hẳn đã có người tu đến nơi rồi. Như các con thấy, vì luôn luôn bị động cho đến giờ này các con tham dự lớp này các con cũng vẫn thấy bị động đấy.
Các con đâu phải là gốc cây, cục đá thì làm sao không bị động khi nghe chuyện này chuyện khác. Các con là con người thì tai phải nghe, mắt phải thấy, như vậy tâm các con làm sao yên khi có chuyện xẩy ra. Thầy muốn rằng dù tai nghe mắt thấy, sự tu tập của các con lúc nào cũng được bình yên, cho nên bây giờ các con cần trở về thăm lại gia đình chờ khi Thầy xây dựng xong cơ sở tốt hơn thì các con trở lại tu được yên ổn. Còn các con nào được yên ổn ở đây thì các con tiếp tục ở; các con nào vì hoàn cảnh khó khăn, về chùa mình cũng không được thì thôi thà ở đây. Còn người nào thuận tiện thì về lại gia đình một thời gian vài ba tháng chờ khi cơ sở mới xây dựng được phù hợp thì trở lại.
Trong các cơ sở mới, Thầy mong rằng Phật tử sẽ lo lắng hết, Thầy chỉ đến dạy, các con đến tu. Phật tử sẽ lo lắng về đời sống cho các con con. Các Phật tử đang tổ chức những ban bệ để bảo vệ các trung tâm an dưỡng được tốt đẹp. Các con chỉ biết tu, còn Thầy thì chỉ biết dạy, vấn đề cuộc sống của chúng ta về tinh thần cũng như vật chất thì những ban bệ do cư sĩ lo liệu. [10;00] - Cách thức tu tập theo đạo Phật, mình làm chủ chứ đâu cố chấp làm gì cho đau khổ. Trong bài 4 Niệm Xứ “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” nếu con quán được rồi, được tỉnh thức trên đó rồi, định tỉnh trên đó rồi thì nó nhiếp phục tham ưu thì con nhớ mẹ nữa không. Nhiếp phục được rồi thì không nhớ chứ chưa nhiếp phục, không nhiếp phục được thì phải nhớ chứ làm sao không nhớ được. Các con quán được thân mình thì nó tự nhiếp phục.
Còn bây giờ các con chưa quán được, chưa nhiếp được, lúc thì thấy đầu, lúc thì thấy chân, lúc thì thấy không toàn diện. Đó là quán chưa được, đang tập quán.
Nhớ mẹ thì để cho nó nhớ, ai biểu nhắc làm gì cho nó khổ.
Từ chỗ tu sai, mình vạch ra được đường lối, mình thấy sai chỗ nào, thấy đúng chổ nào cho nên đâu cần diệt mấy cái ái kiết sử đó. Thương cha mẹ là hiếu hạnh, là tốt chứ sao bảo đừng, bảo xả đi. Chừng nào tu tới 4 Niệm Xứ, tự pháp này phá kiết sử đó thì tự nó hết, chứ bây giờ tôi còn nhớ cha, nhớ mẹ làm sao bảo tôi đừng nhớ. Tôi là con người có cha mẹ sanh ra thì tôi thương cha mẹ tôi chứ làm sao không thương nhớ được. Tôi là con người thì có tình cảm.
Như vậy các con thấy con đường tu của chúng ta từ đầu chí cuối hiếu hạnh vẫn hiếu hạnh, nhưng pháp tu giúp chúng ta đi vào trạng thái bất động cuối cùng để chúng ta có 4 Thần túc chứ đâu phải để diệt con người trở thành cây, thành đá. Đã là con người thì sao lại không thương cha mẹ. Các con thấy mình tu đúng thì mình là con người vẫn là con người, vẫn biết thương cha mẹ. Nhưng mình tu chưa xong, mình thương cha mẹ thì có sự bi lụy, nó làm cho mình khổ. Lúc mình tu xong, mình cũng vẫn thương cha mẹ nhưng có sự khác biệt. Mình tu đâu phải trở thành người vong ân cha mẹ.
- Con xin trình kết quả 3 ngày qua cảm giác trên bước đi, con có cảm nhận từ khi nhắc chân lên đến khi đặt xuống, con đặt các ngón xuống hơi mạnh để cảm giác cái mát lạnh, độ rền cả người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước, bàn chân cổ chân gồng chịu sức nặng người đưa tới và cảm nhận tiếp hai cảm giác trên mỗi khi bước. Con đi trong cốc 2 vòng là 1 phút, mắt nhìn phía trước nhưng tâm quay vô cảm nhấn sự rung động của thân. Lúc nào có buồn ngủ hay ồn náo thì con nhịp các ngón chân hơi mạnh gây sự chú ý nhắc tâm quay vô, cảm nhận liên tục không phân tán. Như vậy thưa Thầy có được không?
Được. Đó là sự thiện xảo của con, còn sự tu tập cảm nhận thì có chỗ này để Thầy nhắc lại: cái mát của bàn chân cảm nhận được khi mình đặt xuống mặt nền thì được. “Độ rền của người và trọng lực của người dồn nghiêng bên chân bước” đó là sự rung động của toàn thân, cái đó quan trọng lắm, tức là mình bước mình nghiêng qua nghiêng lại cả cái thân của mình đều bị giao động thì mình chú ý cả toàn thân thì cần thiết còn tất cả những cái kia mặc dù có cảm nhận như vậy nhưng không quan trọng bằng độ rung động của thân chúng ta đưa tới, nghiêng qua nghiêng lại theo bước đi của mình. Cái thân của mình toàn bộ cứ nghiêng qua nghiêng lại đẩy tới theo bước đi của mình thì cái đó đúng. Ráng cố gắng mà tập tu.
Bây giờ thì sức tỉnh của các con chưa tỉnh thức ở đó đâu nhưng nó đang tâp quán. Tập cho mình nhận ra được sự nghiêng qua nghiêng lại cả cái thân của mình trong khi đi. Đó là tập quán. Trong khi tập, cố gắng xem xét sự rung động của thân của mình khi bước đi, cũng như khi hít thở thì sự rung động của cơ thể như đức Phật đã dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” hay là “Cảm giác thân hành tôi biết tôi bước đi” nghĩa là tôi bước đi thân tôi rung động như thế nào tôi biết như thế ấy. Đó là các con tập quán chứ chưa tỉnh thức, một thời gian sau được thuần thục rồi mới là tỉnh thức; một thời gian tỉnh thức được rồi thì nó mới định tỉnh. Phải có thời gian. Cho nên Thầy mới bảo các con chỉ tu một oai nghi thôi cho đến chừng oai nghi đó đạt được vững vàng rồi mới tu tới oai nghi khác.
Các con nghe đức Phật dạy 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Ngồi phải tu sau cùng bởi vì ngồi là lúc chúng ta định tỉnh rồi. Định tỉnh mới ngồi. Đi chưa tỉnh thức thì sao định tỉnh được. Trong khi đi thì thân rung động, tập quán toàn thân dễ quán được. Sau khi đi một thời gian thì nó mới tỉnh thức được trên thân của nó; và khi tỉnh thức rồi thì nó mới được định tỉnh tức là tâm bám chặt trên thân nó. Sau đó chúng ta thay đổi oai nghi khác. Đi được rồi thì thay oai nghi đứng vào sẽ quán dễ dàng vô cùng. Rồi nằm cũng dễ dàng được nữa thì các con ngồi là vô nhập định rồi. Các con thấy không, tới ngồi là mình nhập định rồi. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi; ngồi là oai nghi cuối cùng.
Các con phải theo thứ tự sắp xếp của nó. Còn đằng này các con không theo thứ tự lại tu theo ý của mình nên mới vào liền ngồi. Ngồi là oai nghi sau cùng thế mà hầu hết các con ngồi rồi mới đi, mới đứng, mới nằm. Như vậy các con làm lộn xộn, không đúng.
40 phút nghỉ hay 30 phút nghỉ và thời gian còn lại con dùng cho việc xả từng tâm niệm. Sau mỗi lần xử lí một niệm, con nhắc tâm luôn thanh thản an lạc vô sự, không được phóng dật nữa. Hầu như niệm nào cũng được con kiểm duyệt và xử lí, các niệm chỉ lưa thưa thôi.
Vậy được rồi, khi nghỉ mình dùng tâm xả ngồi chơi. Nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự rồi ngồi chơi nếu có chướng ngại, có niệm gì thì con dùng các pháp xả ra. Con tu vậy là đúng rồi. Không sai.
-Tập bước đi, thấy hai ngày đầu con tỉnh lắm, 10 giờ đi ngủ mà cứ tỉnh đến 12 giờ. Đến ngày thứ ba nó như đòi ngủ bù. Con cố gắng trị nó để không bị hôn trầm. Giặc buồn ngủ này sao khủng khiếp quá, nên 4 phút nghỉ mà con cũng phải đi tới đi lui chứ ngồi thì bị ngủ dù con ngồi ở ghế.
Đúng vậy, trong tu tập nếu mình giữ giờ giấc nào thì mình phải chiến thắng, đừng để cho nó ngủ. Một thời gian sau thì mới quen , mình phải thắng được cái ngủ. Còn nếu mình thấy sức của mình chưa đủ thắng nó thì mình nên lui bớt giờ tu lại, chừng nào mình tu được sức tỉnh thì mới tăng thời gian lên.
Nếu cố giữ thời gian cho nhiều mà sức mình không nổi thì sẽ bị hôn trầm thùy miên đánh gục tới gục lui, mất thì giờ của mình, mà không tu tập tỉnh thức một cách cụ thể rõ ràng. Cho nên trong sự tu tập phải sáng suốt, phải linh động, phải khéo léo, phải thiện xảo thì mới tu tập tốt được.
-Con sợ con cảm nhận bước đi không đúng hay con phải tập thêm pháp nào nữa cho hết buồn ngủ?
Thật ra thì có pháp Thân Hành Niệm khi mình bị buồn ngủ thì ôm pháp Thân Hành Niệm tập thì sẽ tỉnh ra, hết buồn ngủ. Hoặc là trước khi bị buồn ngủ thì mình nên tập đề mục 18 để khi ngồi mà không được tỉnh thức thì tác ý câu “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh, tôi bìết tôi thở ra” đó để cho tâm định tỉnh, không còn bị hôn trầm thùy miên nữa. Khi mình không bị hôn trầm thùy miên thì thường mình tập đề mục 18 đó khi bị buồn ngủ mình tác ý thì sẽ hết liền. Nếu con muốn cho đừng bị hôn trầm thùy miên thì con nên tập pháp Thân Hành Niệm nhiều một chút; tập pháp đó sẽ làm cho mình khoẻ hơn, mà hôn trầm thùy miên sẽ không tác động được mình nhiều.
1 - Con phải tập một phút quán thân cho thuần thục. Tập một phút rất dễ dàng, không có khó khăn, còn tập nhiều quá thì khó khăn. Tập một phút được rồi thì tăng dần lên 5 phút. Giữ 5 phút đó tập trong oai nghi đi cho được thật thuần thục rồi mới chuyển qua oai nghi khác, nhưng phải tập oai nghi đi quán cho được thân rồi mới tập những oai nghi khác. Nếu bây giờ quán thân 5 phút chưa ổn, chưa thuần thục mà lại tập qua một phút ngồi hay một phút đứng, hay một phút nằm thì chưa nên, mà phải tập chuyên một oai nghi đi cho thật sự ổn định.
Mình mới tập quán trên bước đi mà đang có lúc quán được lúc quên, chưa phải là nhớ hết trong suốt thời gian tu, do đó hãy tập 1 phút rồi xả ra. Nếu thấy 1 phút này đạt chất lượng thì tu thêm 1 phút nữa. Ở trong khi đi mà mình tu quán thân như vậy cho đến khi thuần thục thì mới thay đổi qua oai nghi khác. Còn chưa thuần thục thì chưa nên thay đổi. Thí dụ con quán thân con đi 1 phút, trong 1 phút đó con thấy tỉnh thức hoàn toàn, con chủ động hoàn toàn rồi thì tăng lên 2 phút; 3 phút cho đến 5 phút. Sau khi được 5 phút hoàn toàn tỉnh thức rồi thì con mới chuyển qua một oai nghi khác thì có sức định tỉnh quán thân trên thân liền. Bởi con tu tập chuyên, không tập lộn xộn nhiều oai nghi. Nếu bây giờ con vừa tập quán khi đi 1 phút, rồi tập ngồi 1 phút, rồi tập đứng 1 phút, rồi tập nằm 1 phút thì nó phân tâm con bởi oai nghi này khác với oai nghi nọ cho nên nó không còn chuyên, không thuần thục được. Còn con tập thuần thục oai nghi này xong mới chuyển qua oai nghi khác thì dễ dàng hơn bởi con có sức tỉnh thức, sức định tỉnh cho nên con chuyển qua cái này.
Ngay như khi ngồi, hơi thở con nhỏ nhiệm mà vẫn nghe sự rung động cụ thể tỉnh thức định tỉnh trên đó. Cái gì dù nhỏ như mạch máu trong thân mà con vẫn cảm nhận được. Điều cần thiết là con phải tập rất thuần thục tức là tinh xảo một oai nghi này rồi mới chuyển qua oai nghi khác mới đúng cách tập.
Trong sự tu tập con phải nhớ tập cho thuần thục một oai nghi, nếu tu 4 Niệm Xứ. Có nhiều người rất sợ tu 4 Niệm Xứ bởi 4 Niệm Xứ có sự tập trung quán trên thân thì gò bó. Còn nếu tu tâm xả thì nên nhớ lúc nào con cũng xả được hết. Có niệm gì khởi trong tâm hay trên thân có chướng ngại thì lúc bấy giờ có pháp xả rồi. Tu tâm xả, xả chưa hết thì còn niệm. Còn niệm thì còn bị buồn ngủ mà các con vội ngồi quán trên thân để tập trung thì các con bị ức chế tâm, thế nào cũng bị ức chế. Khi các con xả hết thì tâm các con tự quay lại.
Thầy nhắc để các con nghe. Như Mật Hạnh được sống gần bên Thầy nhưng không muốn tu 4 Niệm Xứ cao, mà chỉ muốn tu cái dễ, nghĩa là muốn tu tâm xả thôi:
Nhiều khi hôn trầm thùy miên đánh con như lúc khuya con muốn dậy không nổi, con chưa xả nó được thì con đâu dám tu 4 Niệm Xứ”.
Nếu chưa xả được hôn trầm thuỳ miên mà ôm pháp 4 Niệm Xứ là bị ức chế, vì đó là pháp tập trung để chú ý cái thân của mình là đã ức chế. Bị ức chế là vì hôn trầm thùy miên còn khi mình ráng nhìn nó để nhiếp phục cái này nhưng thật ra là mình bị ức chế chứ không phải là nhiếp phục. Con trình bày cho Thầy nghe có niệm nào con cũng xả hết, nhưng tâm con đâu phải lúc nào cũng có niệm, nó phải có lúc bình yên chứ. Lúc bình yên thì con thấy rõ ràng tâm con thấy hơi thở; mà thấy hơi thở nhưng con đâu có trụ ở hơi thở cho nên nó phải trụ ở thân con. Do đó nó vừa biết thân con mà nó cũng vừa biết hơi thở. Nó biết thì biết, con không cần tu cái đó. Nó ở đó thanh thản vậy đó, có lúc nó biết hơi thở, có lúc nó thấy rất rõ thân nó đang rung động. Nó biết hết.
Nhưng mỗi khi có niệm gì thì con đuổi, mà không có thì con ngồi chơi. Nó muốn thấy chỗ nào thì để tự nó thấy nhưng con cho nó thấy thân con mà con không tập trung trong thân con. Cho nên trước hay sau con vẫn tu tâm xả, chừng nào tới đâu hay đó, con không cầu mau chẳng sợ lâu. Các con cứ ráng nỗ lực tu tâm xả. Nó cũng đi tới nơi tới chốn vậy. Đó là cách thức M. H. tu và đã trình lại với Thầy. Nó trình bày cái trạng thái thanh thản an lạc vô sự:
Không có chướng ngại trên thân thì cái tâm tự quay lại trên thân, tự nó quán chứ con không quán. Nếu con có ý quán thân là con bị ức chế. Con không làm vậy vì con biết mình còn những niệm lăng xăng này kia. Như con bây giờ ở gần gia đình con mà anh em hay cha con có gì thì làm sao tâm con yên được, cho nên chỉ còn nước tu xả thôi. Con nói kệ nó, đó là nhân quả, con buông xuống hết. Nhưng nếu con buông xuống là ức chế. Cho nên Thầy dạy con tu tâm xả theo con thấy là hợp với con hơn hết”.
Còn nếu các con nhiếp tâm vào trên thân quán thân, các con thấy khi tu tập từng phút tưng giây mà thấy không có một hiện tượng gì xẩy ra trên thân con thì con quán thân được; còn nếu có hiện tượng thì không quán được.
Hãy nhớ kĩ những điều Thầy nói. Nhưng khi tu tập quán thì quán thân trong khi đi trước, rồi lần lần cho tỉnh thức, có tỉnh thức rồi định tỉnh được trong oai nghi đi, khi đó mới tu tới oai nghi khác. Có như vậy mới bảo đảm sự tu tập trên thân quán thân rất tốt.
Trong Định Niệm Hơi Thở nếu thiếu căn bản thì con trở về tu lại cho căn bản, thí du như: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” con hít vô rồi thở ra con cảm nhận thân con không căn bản cho nên con ôm pháp 4 Niệm Xứ có lúc thấy rõ chỗ này, có lúc lại thấy rõ chỗ kia, không thấy thân hoàn toàn một cách cụ thể. Do sự tu tập thiếu căn bản cho nên bây giờ bước qua lớp 4 Niệm Xứ để quán thân thì bị chới với liền, không đi sâu được.
Con có căn bản trên đề mục này do nhờ con có tập cũng ở trên đó rồi nên con quán “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra” thấy tâm con quay vô dựa trên hơi thở mà biết thân rung động nhẹ nhàng. Bắt đầu từ 5 phút, nếu quá dễ dàng thì 10 phút. Con thay đổi từ oai nghi này đến oai nghi khác đủ cả 4 oai nghi. Nếu căn bản đã được vậy, các con nối tiếp các oai nghi đó trong thời gian 7 ngày thì các con thành tựu rồi, hay cho đến 7 năm cũng phải thành tựu. Chỉ sợ các con tu không căn bản thì không nói trong hạn định này.
-Con còn làm việc buổi sáng, con còn tiếp duyên, vậy con có thể tu 4 Niệm Xứ được không?
Khi rỗi rảnh con thấy tâm quay vô thấy hơi thở vô ra. Con có tập thử 4 Niệm Xứ và con có cảm nhận được hơi thở hai oai nghi đi và ngồi con cảm nhận được độ rung động cơ thể khi tâm con thanh thản Khi còn tiếp duyên thì con tu tâm xả là tốt nhất, bởi con tiếp duyên có cái gì con cũng xả, ai làm gì không tốt, chướng tâm, con xả hết cho nên xả vô lượng tâm là thích hợp. Khi xả rồi thì tâm con cũng quay vô thấy ở trên 4 Niệm Xứ đó là đúng. Con lấy tâm xả mà xả luôn mọi tâm niệm. Theo như con trình thì trong hai oai nghi đi và ngồi con nhận được 4 Niệm Xứ thì đó là tốt; con đã có cái thế để khi con xả hết thì tự tâm con cảm nhận được 4 Niệm Xứ.
Khi ngồi con cảm nhận được hơi thở trong oai nghi ngồi, khi đi con cũng cảm nhận được thân trong oai nghi đi, như vậy là tốt. Nhưng đây chỉ là lúc nào đó thôi chứ chưa phải là lúc con tu 4 Niệm Xứ đâu. Đây là khi con để tâm cho nó tự quay về 4 Niệm Xứ. Còn con tu tập 4 Niệm Xứ như trong thư con trình thì Thầy thấy con nên để nó tự quay về 4 Niệm Xứ hơn là con có ý tu tập. Con tự tập tức là có sự bắt buộc nó để nó quán trên thân mà công việc con còn làm, còn tiếp duyên, cho nên coi chừng bị ức chế. Con chỉ nên để tự nhiên cho nó, khi nó tự quay về trên thân quán thân thì con biết tâm quay về và đồng thời thời gian yên ổn đó con để cho nó tự quán thân được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ không bắt buộc 1 phút hay 5 phút gì, mà để nó tự động quay về thân thì con cũng cảm nhận y như người tu 4 Niệm Xứ vậy. Đó là đúng pháp Thường quán nhân quả để xả thất kiết sử. Nếu con không quán về nhân quả thì quán các pháp đều vô thường: “Mặc dù hôm nay như vầy nhưng ngày mai vô thường đến thì làm sao? Trước khi muốn báo hiếu cha mẹ thì mình phải tu tập cho xong. Thương nhớ cha mẹ, vì ái kiết sử, thì mình nỗ lực tu để đền đáp công ơn của người. Khi tu xong, về giúp đỡ cho cha mẹ biết cách tu. Nếu bây giờ mình không nỗ lực tu thì mai mốt vô thường đến mình đền đáp công ơn cha mẹ chỗ nào đâu”. Đó là mình nhắc nhở tâm mình thương nhớ cha mẹ mà cũng xả thương nhớ ra. Mình không nói gì về nhân quả mà mình chỉ nhắc các pháp vô thường, nói về sự tu tập của mình. Con quán như vậy cũng được rồi.
Nếu con quán nhân quả được thì hay. Con quán nhân quả để con an tâm tu chứ không phải quán để diệt hết lòng thương cha mẹ. Ngay như bây giờ thì Thầy bình thường nhưng khi nhắc tới cha mẹ thì Thầy cũng nhớ tới công ơn của cha mẹ. Thầy nhớ lại trong những giờ phút tu tập, lúc còn ở trong thất, Thầy viết cho mẹ Thầy một tập kinh để mẹ Thầy tu. Thầy thấy một người con giúp được cha mẹ tu như vậy là hạnh phúc quá. Sau khi Thầy chứng rồi, nhờ công đức tu tập, mẹ Thầy được an ổn trong khi ra đi. Thầy thấy đó là hạnh phúc quá lớn rồi. Đó là cách một người con đền đáp công ơn cho cha mẹ. Thầy mong các con thấy được cách thức báo đáp công ơn cha mẹ để tình cảm bi lụy ái kiết sử dừng lại, cho mình nổ lực tu.
- Con cảm nhận con đang xoay tròn chứ thật sự con không có xoay, tức đó là cảm nhận bị tưởng. Ở đây cảm nhận đúng là con chỉ cảm nhận sự rung động của thân con thôi. Con đang còn có niệm nên Thầy thiết nghĩ con nên tu tâm xả một thời gian nữa cho đến khi con không quán trên thân mà tự nhiên nó vẫn quay về với thân con. Con đừng quán thân bằng không thì sẽ xẩy ra những trạng thái tưởng. Con quán thân đồng thời cũng cảm nhận thân qua hơi thở nữa thì dễ bị sanh ra tưởng lắm.
Khi quán thân trên thân để nhiếp phục tham ưu thì hôn trầm thùy miên đừng có mới đúng với pháp 4 Niệm Xứ. Nếu có niệm hoặc một trạng thái tưởng nào xảy ra thì nên trở về với pháp xả tâm thì hơn, vì pháp xả không có đối tượng tập trung nên dễ hơn. Còn quán thân có đối tượng thân để quán, có sự rung động của thân để cảm nhận nên ít bị vọng tưởng. Cho nên con nên trở về pháp tu xả tâm thì tốt nhất. Cái gì mình cũng xả hết thì sẽ đem lại sự bình an cho tâm được. Khi bình an tận cùng thì nó thanh thản an lạc vô sự, tâm con sẽ quay vô ở trên 4 Niệm Xứ dễ dàng hơn, nhờ thế nên lúc xa Thầy các con tu tâm xả được dễ. Còn tu 4 Niệm Xứ khó, không dễ đâu. Lỡ có ức chế, bởi vì mình dùng thân để quán nên có sức tập trung, mặc dù mình tu đúng nhưng nó cũng dễ sanh ra tưởng. Cho nên phải ở gần Thầy để tập quán cho đúng.
Theo Thầy thấy trong lớp học chỉ có một vài người có thể tu quán 4 Niệm Xứ thôi chứ toàn lớp tu quán 4 Niệm Xứ thì không được đâu. Con đừng vội tu 4 Niệm Xứ. Con nên tu tâm xả vô lượng, xả rồi cuối cùng con cũng trở về 4 Niệm Xứ. Khi trở về 4 niệm xứ rồi thì lúc đó con mới bắt đầu quán 4 Niệm Xứ.
Quán 4 Niệm Xứ nằm ở lớp thứ 7 Chánh Niệm, nhưng vì Thầy muốn thu ngắn thời gian, chọn lấy một hai người để có thể trong một năm hay hai năm là họ tu chứng để có tiếng nói rằng lớp học của mình có người tu chứng đàng hoàng. Kết quả đó tạo nên thế vững mạnh cho lớp tu của chúng ta hưng thịnh lên, đạo đức của chúng ta sẽ phổ biến rộng ra. Thầy chỉ mong nòng cốt đó thành tựu để nền đạo đức Phật giáo sống không làm khổ mình khổ người sẽ phổ biến rộng ra.
Còn nếu không có người tu chứng thì người ta bán tín bán nghi thì tội cho họ. Vì muốn cho người ta có niềm tin cho nên Thầy buộc lòng đưa gấp ra lớp thứ 7 cho người nào rớt là rớt mà đậu là đậu. Nhưng phần lớn các con rớt thôi. Các con đừng buồn, vì trình độ sức của các con đến đó thôi, nhưng các con cứ tiếp tục ở tu thì cũng lên. Một hai người đã tu lâu người ta quán trên thân được; những người đó được Thầy hướng dẫn cho họ đi tới tận cùng. Nếu bây giờ cứ để chúng chung chung mà không săn sóc kĩ cho những người đó thì nó lại kéo dài thời gian ra nữa. Mình không sớm đưa ra kết quả cho mọi người thấy thì họ bị mất lòng tin thì cũng tội. Một khi họ đã thấy trong lớp này có người tu chứng được, nghe được tin như vậy, người ta sửng sốt, vì tin đó làm cho người ta quá mừng cho nên mọi người không còn nghi ngờ gì nữa. Đến khi chúng ta mở lớp thứ 2 Chánh Kiến vào tháng 10 năm tới, họ sẽ khăn gói đi lên lớp học. Thầy chỉ mong như vậy để nền đạo đức của Phật giáo được phổ biến rộng hơn, cứu vớt biết bao người đang đau khổ.
Vậy con về nhớ tu tâm xả, bởi vì qua sự trình bày của con, Thầy biết rõ.
Một khi các con học lớp Thầy dạy rồi, nghe Thầy nói rồi, các con nhận ra được các con quán thân trên thân có được chưa và các con đang ở lớp nào tu thì các con cũng biết. Các con nhận ra trạng thái của các con như thế nào, khi quán thân trên thân 4 Niệm Xứ, các con đều biết rõ ràng các con đã có sức tỉnh thức hay chưa, có sức định tỉnh hay chưa. Khi nghe Thầy dạy rồi thì người nào lanh ý sẽ nhận ra được liền. Khi nghe người khác nói tu 4 Niệm Xứ hay gì nếu họ trình bày trạng thái đó ra thì mình sẽ biết họ như thế nào. Bởi Thầy dạy cặn kẽ cụ thể cho nên không còn ai gạt các con được. Nếu các con đi các trường thiền khác khi họ dạy 4 Niệm Xứ các con sẽ không thể nào chấp nhận được. Nghe họ nói các con biết rõ họ tu chẳng tới đâu hết. Chẳng hạn một người dạy con tu thiền mà người này còn ăn phi thời là họ không bằng các con rồi, các con còn ăn ngày một ngọ còn người này dạy tu thiền nói thì trên trời mà còn ăn phi thời tức chưa li dục thì làm sao các con phục để theo tu. Các con thấy nội giới luật mà các con còn không phục họ thì làm sao nhận họ dạy mình. Từ đây các con đi bất cứ trường thiền nào, dù vị thầy đứng ra dạy thiền là như thế nào mà con biết vị đó không tròn giới luật thì biết chắc các con sẽ bị dẫn đi lầm lạc đường lối Phật rồi. Các ông có đời sống không phạm hạnh trong ăn uống, trong ca hát, trong lợi dưỡng, sống không khác ngoài đời thì dạy tu thiền gì đây. Thậm chí như chỗ ở của họ thôi, các con vô thấy những tiện nghi của thế gian như thế nào thì họ đều có mà lại là loại sang trọng, quý giá mà ông dạy các con tu buông xả vậy có đáng tin để tu theo không.
Các con đã đến Tu Viện sống với Thầy một thời gian thì khi các con đi chỗ khác làm sao các con phục họ để các con tu, trừ khi con không hay biết gì về đời sống ở đây hết thì các con sẽ cho rằng ông thầy này có phước quá, được nhà cửa đẹp sang, phương tiện đầy đủ hơn nhà giàu, đi đứng oai nghi bệ vệ rộn ràng xe pháo đón đưa... thì các con mong được như ông ta hay có thể nhờ tiếng là học với ông ta mà các con có lợi điểm thêm. Nhưng đó là phước hữu lậu, chỉ chạy theo dục thôi chứ có giá trị tu hành gì. Các con biết như vậy sau khi đã học với Thầy thì không người nào như họ có thể lừa đảo các con được.
- Quán 4 Niệm Xứ thì khi nào con thuần thục trên bước đi, rồi con có đủ sức tỉnh thức, rồi có đủ sức định tỉnh, lúc đó con qua quán trên thân khi ngồi thì rất dễ. Còn bây giờ Thầy nói thì chắc con chưa hiểu nổi. Ngồi mà cảm nhận toàn thân con “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Làm sao con cảm nhận sự rung động từ trên đầu tới dưới chân khi con hít vô mặc dù con ngồi xếp bằng kiết già, rồi sự rung động từ bàn chân lên tới trên đầu của con khi con thở ra. Cảm giác toàn thân con được vậy là con sẽ ngồi tu là tốt nhất, bởi vì bây giờ mà ngồi thì con chỉ thấy hai chân con yên lặng chứ không rung động đâu. Nhưng khi hít vô con thấy nó rung tới ngón chân luôn, con thở ra thấy nó từ ngón chân rung động dần lên tới trên đầu y như hơi thở, nhưng điều kiện là con phải có đủ sức tỉnh giác tức tỉnh thức, nếu có định tỉnh nữa thì sự rung động đó lại dễ dàng cảm nhận lúc ngồi lắm. Còn bây giờ, sức tỉnh thức con chưa có, con mới tập quán thôi. Đi mà ngã tới ngã lui mới thấy chứ nếu không ngã thì có thể không thấy.
Sau khi tập quán được định tỉnh xong thì mới đi nhẹ nhàng mà thấy thân con rung động. Rồi đi càng chậm nhẹ nữa con cũng thấy sự rung động. Đó là sức tỉnh thức ngày càng cao mình thấy rõ. Đó là cách thức tập. Thầy nói như vậy các con hiểu rồi phải không? Các con cứ tập dần rồi sẽ thấy. Khi tâm các con định tỉnh các con ngồi sẽ thấy rõ, chứ bây giờ các con ngồi phải ráng thấy mà không thấy thì tưởng. Tưởng thì nó chạy, vì chạy nên trật. Chạy từ trên đầu tới chân coi như hơi thở chạy, như vậy coi chừng bị tưởng hết. Cho nên ráng tu trong oai nghi đi trước, từ từ, không lẽ mới nửa tháng hay một tháng mà ngồi được sao? Sáu tháng sau chưa chắc ngồi được nữa chứ!
- Con tu tâm xả, bây giờ tâm quay về hơi thở thì nó thấy hơi thở, nhưng mình không trụ vào hơi thở; thấy được thân cũng tốt mà không thấy được thân thì không sao. Mình xả được đến khi tâm thanh thản an lạc vô sự thì nó sẽ biết hơi thở đầu tiên, biết cái rung động của hơi thở rồi bắt đầu nó có thấy được thân nó cũng tốt hay không thấy cũng chẳng sao, chỉ thấy hơi thở là đủ rồi. Như Mật Hạnh nói có thấy hơi thở mà cũng thấy thân nó tại vì lúc bấy giờ nó tỉnh thức, con hiểu không? Chưa tỉnh thức thì nó bám hơi thở nó thấy; nhưng đừng cho nó bám chặt theo kiểu nhiếp trong hơi thở, mình chỉ để tự nhiên thôi, rồi lần lượt sức tỉnh cao lên thì nó thấy được thân nó. Tự nó quán chứ mình không quán, con hiểu chứ?
Con tu như vậy là đúng nhưng cần lưu ý đừng trụ trong hơi thở mới đúng. Mới đầu chưa tỉnh thức thì nó chỉ thấy hơi thở thôi, không thấy thân đâu. Một thời gian sau, khi sức tỉnh thức tăng lên thì mới bắt đầu thấy thân.
Càng tỉnh thức thì thấy thân càng rõ. Mới xả được thì thấy có hơi thở thôi.
Xả xong rồi lâu sau mới thấy thêm thân.

BÀI THỨ MƯỜI: DẠY LỚP TU SINH NAM

(Chiều 18-3-2006)
Như các con cũng đã hiểu lớp của các con, ai có duyên thì đến học trọn đủ lớp Chánh Kiến, ai chưa đủ duyên, mới đến chưa học trọn thì chờ sang năm, tháng 10 âm lịch, Thầy sẽ mở lớp Chánh Kiến trở lại. Những người lên lớp Chánh Tư Duy, trường hợp này các con về quê thăm lại quê trong vòng vài tháng, chờ trung tâm an dưỡng sẽ ra đời vì vừa rồi ở Thành phố báo cho Thầy biết đã xin phép được rồi, như vậy trong vòng vài tháng tới Thầy sẽ ra đó lo xây dựng khu đó. Thầy đã đến thăm khu đất đó thấy lô đất rộng rãi nên sẽ được chia hai khu vực nam nữ riêng biệt, chung quanh bốn mặt đường lưu thông nên chúng ta có thể làm hai cổng vào, một cho khu nam và một cho khu nữ. Phần xây cất am thất và các hạng mục công trình sẽ do Thầy kêu gọi Phật tử hỗ trợ và sẽ được làm xong trong vòng hai tháng. Chừng đó Thầy sẽ đưa các con về đó tu, còn ở đây Tu Viện không xin phép nên chỉ ở đây một số ít thôi, chừng 10 – 20 người, chứ ở đông, nếu có điều kiện gì thì chúng ta trả lời không được, còn ở trung tâm an dưỡng có xin được phép nên chúng ta không ngại gặp khó khăn. Việc xin phép hoạt động được chính quyền và giáo hội tỉnh Đồng Nai, sau khi họ nghe bài giảng của Thầy trong lớp Chánh Kiến thì họ đã chấp thuận chương trình hoạt động của trung tâm. Về mặt đời sống thì đã có Phật tử lo. Sẽ có những ban phụ trách những mặt điều hành của trung tâm.
Khi thành lập xong thì Thầy cho các thầy hay để tới đó tu học. Còn người nào có duyên không rời Tu Viện thì tiếp tục ở đây, chỉ khoảng 10 – 20 người.
Ở đây Tu Viện sẽ không có Ban Quản Trị vì nhỏ quá mà phần lo lắng về đời sống chỉ có cô Út thôi. Cô Út đã quen mọi việc. Còn ở trung tâm, phạm vi hoạt động rộng lớn hơn, chúng ta được phép của chính quyền và giáo hội nên không ai làm phiền. Chúng ta học giới luật và đạo đức.
Hôm nay Thầy báo cáo như vậy cũng như sau mấy tháng học tập lớp Chánh Kiến, bây giờ các con nghỉ xả hơi. Sau hai tuần “thi tốt nghiệp” thì đa số bị rớt vì quán thân trên thân chưa được. Không thể quán thân trên thân thì làm sao có thể tu ở lớp 4 Niệm Xứ, ở lớp Chánh Niệm được, phải trở về với lớp xả tâm, tức là các con trở về lớp Chánh Tư Duy để tư duy xả từng tâm niệm của mình. Khi các niệm thanh tịnh tức đã xả sạch rồi thì các con lên lớp Chánh Niệm để các con tu tập 4 Niệm Xứ thì trên thân quán thân dễ dàng, không gặp khó khăn nữa.
Còn người nào đã quán thân trên thân được rồi thì người đó được theo Thầy. Thầy sẽ ở bất kỳ đâu cũng sẽ dẫn mấy người đó theo để đào tạo, để tháng 10 âm lịch tới, bây giờ là tháng 3 âm lịch, đức Phật nói tu 7 ngày, 7 tháng, 7 năm, mà từ nay tới đó còn 7 tháng nữa, những người đó sẽ chứng đạt được chơn lí thanh thản an lạc vô sự. Khi tâm họ bất động thì họ đủ khả năng để đứng lớp. Lớp Chánh Kiến được mở mang ra.
Lớp Chánh Kiến sắp tới không phải số lượng người ít, vì vừa rồi cũng có một số quý thầy cũng như nhiều vị sư đăng kí xin học. Hôm trước có 4, 5 vị sư đi trì bình chỗ này chỗ kia đến đây cũng có xin Thầy vào tu nhưng Thầy nói chờ lớp này ra xong, mở lớp khác rồi hãy đến. Bốn vị sư đó rủ sư Mẫn là 5 vị cả thảy, chắc ở đây có nhiều người biết sư Mẫn, sư Mẫn thấy hạnh du phương cũng tiện việc tu nên đi theo để học hạnh du phương sống rừng, sống các nơi cho biết. Ngoài ra cũng có một số đông cư sĩ và tu sĩ Bắc Tông đến xin nhưng đều được Thầy bảo họ chờ đến khi mở lớp Chánh Kiến mới, vào tháng 10 âm lịch năm này. Họ cũng có duyên đã được nghe một số các đĩa, băng Thầy giảng trong lớp Chánh Kiến, đồng thời đọc những bộ sách Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống và bộ sách Những Lời Gốc Phật dạy nên họ tha thiết muốn được giải thoát mới về đây xin Thầy.
Nếu có đủ duyên được giấy phép thì chúng ta chia làm nhiều lớp tại nhiều địa phương. Thí dụ ở Hà Nội có lớp cho cư sĩ Hà nội và các tỉnh phía Bắc về đó; các sư, thầy tu sĩ và cư sĩ miền Nam thì có thể về trung tâm ở thành phố cho tiện hơn. Thầy chỉ chịu khó đi tới đi lui để dạy thôi. Năm nay thì Thầy ngồi tại đây để dạy, nhưng tháng 10 mở thêm lớp Chánh Kiến khác thì chắc chắn Thầy phải đi nhiều, nhưng nếu có người thay thế Thầy đứng lớp dạy thì Thầy khỏi đi. Đặt vấn đề thí dụ thầy Chơn Thành tu xong, về Hà nội thì Thầy khỏi đi Hà nội, còn trong Nam này có thầy nào tu xong, thì Thầy cho ra Long Thành dạy. Những người như vậy sẽ ở luôn tại đó để hướng dẫn người khác tu lớp Chánh Kiến, hay những lớp khác. Thầy chỉ thường xuyên đến thăm thôi. Khi đó hoặc là Thầy ở tại đây hay tìm nơi yên tỉnh hơn. Ở đây thì ngày nào Thầy cũng phải tiếp khách hết, không ngày nào rảnh, nên Thầy rất bận rộn trong khi Thầy còn viết cho xong những sách giới luật và đạo đức làm người còn lại trong chương trình Thầy đã dự tính.
Hôm nay Thầy gởi các con những tập sách mỏng này cũng đủ xác định chúng ta tu đúng rồi, đó là ở chỗ nhận ra cách để trên thân quán thân và biết cách để quán. Có người biết cách và có người chưa; có người biết mà quán được nhưng có người biết mà quán chưa được, còn trật tới trật lui; cũng như đứa bé mới tập đi còn bị té lên té xuống chưa đi được. 4 Niệm Xứ khó chứ không đơn giản đâu. Lúc đầu mới tu cứ nghĩ là mình tu được, nhưng sau một thời gian nhìn lại thì thấy trật. Đó là vì xả tâm chưa hết.
Mới đầu quán thì cũng thấy thân rung động thế này thế khác nhưng chỉ vài bữa sau thì thấy trật rồi, không đúng chút nào hết. Bị hôn trầm thùy miên đánh vô là trật rồi, hay niệm này niệm khác xen vô là cũng trật. Mấy bữa trước làm được mà sao nay làm không được? Cứ những thứ như vậy xen vô thì phải biết là mình chưa đủ khả năng ở lớp này. Nếu các con cố gắng không niệm thì bị ức chế, mà ức chế thì chắc chắn bị rơi vào tưởng, không thoát khỏi được, bởi lẽ ý thức bị ức chế thì tưởng thức hoạt động thay liền tức khắc. Còn bây giờ các con sống xả tâm, chừng xả tâm hết thì nó trở về 4 Niệm Xứ mà không chút nào ức chế.
Cụ thể rõ ràng như vậy. Nếu chúng ta hiểu như thế thì chúng ta biết con đường đi. Mà khi biết và hiểu như vậy thì mọi người cứ yên tâm về lại chùa hay nhà của các con tu tiếp.
Hôm kia Thầy đi khất thực trở về thì bát cơm của Thầy bị tuột tay rơi bể như nói là lớp của chúng ta tới đây tạm ngưng một thời gian vì hôm qua Thầy được tin có điều kiện không thuận lợi sẽ xẩy ra nếu chúng ta tiếp tục lớp như vầy. Đó, các con thấy vấn đề gì cũng có nhân quả hết, việc bể bát như nói Thầy tạm ngưng khất thực một vài hôm thì tin nọ bảo mình phải ngưng lớp một thời gian. Mình làm thiện thì có báo động thiện. Cứ sống ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện thì mọi việc sẽ bình an. Tu Viện làm việc thiện thì sẽ được bình an, hơn nữa các con sắp làm Phật rồi thì phải có tình nghĩa về thăm lại gia đình một thời gian. Đó cũng là điều tốt, điều đúng để có dịp báo cho gia đình và bạn bè biết rõ con đường đi đúng của các con là trên thân quán thân để khắc phục tham ưu. Do tu tập như vậy thì chúng ta không có gì trở ngại.
Chúng ta tạm thời giải thể lớp để nghỉ một thời gian để bảo vệ Tu Viện được bình an. Hồi hôm Thầy được tin đã xin phép lập trung tâm an dưỡng ở Long Thành được rồi. Như vậy là chúng ta có được đủ phước, chỉ còn chờ thời gian xây dựng. Việc xây dựng Thầy cũng đã suy nghĩ nếu ở địa phương lạnh thì phải xây tường cho ấm như ở Đà lạt hay ngoài Bắc chẳng hạn. Nhưng ở Long Thành, Đồng Nai thì thời tiết không khác gì mấy với ở đây nên mình có thể dùng những vật liệu nhẹ.
Các con hiện giờ giới luật chưa nghiêm chỉnh thì nên cố gắng khi tới những nơi nào mới phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống độc cư cho trọn vẹn; nhiều khi các con bị động quá. Độc cư, độc bộ, độc hành là bí quyết thành công sự tu tập của các con. Các con sống một mình mới thấy từng tâm niệm của các con chứ sống cứ nói chuyện này kia thì khó thấy tâm các con lắm.
Càng cô đơn bao nhiều thì tâm niệm mình càng hiện rõ bấy nhiều.
Các con phải ghi nhớ và sống đúng lời này của Thầy mà tu hành thì chắc chắn kết quả giải thoát không còn xa nữa. Chúng ta nhiếp được chơn lí của chúng ta, đó là trạng thái tâm thanh thản an lạc vô sự. Hiện giờ các con tu học là hộ trì và bảo vệ chơn lí đó, làm sao để các con sống được trong trạng thái tâm lí đó mãi mãi và suốt đời các con từ nay tới ngày chết, các con vẫn ở trong trạng thái đó. Đó là cứu cánh cuộc đời của chúng ta và đó là sự chứng đạo của chúng ta chứ không có gì khác hơn nữa. Đức Phật cũng đang ở đó chứ không nơi nào xa khác đâu. Thầy bỏ thân này Thầy cũng vào đó chứ không đi đâu xa ngoài chỗ thanh thản an lạc vô sự. Chúng ta giữ được chơn lí thì chúng ta ở được; nếu chúng ta giữ không được thì chúng ta sẽ bị nghiệp lôi chúng ta đi tái sanh luân hồi. Các con cố gắng thực hiện.
Hôm nay Thầy thấy các con đâu cần có gì phải thưa hỏi, phải không?
Quán 4 Niệm Xứ không được thì trở về xả tâm. Xả tâm hết thì nó trở về 4 Niệm Xứ chứ có đường nào khác nữa. Khi các con xả tâm hết, các con ở trạng thái thanh thản an lạc vô sự thì tâm các con ở đâu? Lúc đó nó phải ở trên thân các con thôi chứ không ở đâu khác được. Thí dụ như tâm Thầy thanh thản an lạc vô sự thì nó phải thấy hơi thở của Thầy chứ đâu không thấy được.
Nó không thấy hơi thở thì không lẽ nó bị ngủ sao, rõ ràng nó đang thức chứ đâu có ngủ. Đang thức ở trên thân thì nó phải thấy thân nó mà thấy thân thì phải thấy hơi thở chứ làm sao không. Chúng ta biết nếu tập trung trong hơi thở là sai nên chúng ta không tập trung, mà không tập trung trong hơi thở thì nó phải thấy thân nó rung động. Như vậy là nó tự trở về 4 Niệm Xứ mà không bị ức chế. Vậy có phải là tiện lợi không?
Trong vấn đề tu tập sự nhiếp phục tham ưu đơn giản dễ dàng lắm. Nếu được nhiếp tâm và an trú tâm trên thân và quán thân được rồi thì nó phải nhiếp phục được tham ưu. Bây giờ các con thấy ưu phiền còn nghĩa là còn niệm này kia tức là chưa quán thân được. Chưa quán thân được thì các con phải xả tâm từng niệm đó cho thật hết. Muốn xả tâm từng niệm đó thì điều kiện là các con phải sống độc cư. Có sống độc cư mới thấy được tâm niệm của các con từng lúc rất nhỏ. Nếu còn đi nói chuyện đạo chuyện đời này kia với người này người nọ, còn đọc sách nghe băng, nghe đĩa, hay làm gì khác không để độc cư là còn bị động, còn phóng dật thì không thể thấy tâm niệm các con đâu. Vậy hãy cố gắng nghe lời Thầy. Lớp này được bình an trong 4 tháng qua là một may mắn lớn cho chúng ta. Những bài vở các con làm có những bài rất đạt tiêu chuẩn. Bây giờ nếu được còn trong sự yên ổn thì chúng ta tiếp lên lớp Chánh tư duy. Những người không lên lớp Chánh niệm, tức là lớp quán 4 Niệm Xứ thì các con ở lớp xả tâm.
Lớp xả tâm thì nói chung chung cái gì cũng xả chứ nó có nhiều cấp bậc trong đó; có người xả thấp, có người xả cao, chứ không phải xả giống nhau.
Một người sân quá dữ thì xả lâu, còn người sân ít thì xả mau. Người tham ít, chỉ muốn ăn ngày một bữa, thì xả mau chứ người cái gì cũng muốn hết, nhà lầu xe hơi tiền bạc danh lợi cái gì cũng muốn thu gom, thì phải xả lâu. Vậy thì phân ra những lớp để tu cho đúng với đặc tướng của các con. Ở đây không được quyền tu chung chung vì thế khi tình thế được an ổn trở lại thì Thầy sẽ sắp cho lớp các con được tốt hơn để các con học. Người nào trình độ ở lớp Chánh kiến thì phải trở về lớp Chánh kiến bởi tri kiến người này chưa đủ sức xả các niệm. Còn người nào đủ sức thì ở trên lớp Chánh Tư Duy, từng tâm niệm các con khởi ra thì làm từng bài luận để xả tâm đó, chứ không phải khi có niệm nói “Cái này là ái kiết sử, thôi hãy đi đi!”. Chỉ nói thế thì không thể nào dứt niệm đó được.
Trong lớp Chánh Tư Duy cũng có nhiều bậc chứ đâu cùng một. Đặc tướng trình độ các con ở lớp nào thì tu theo lớp đó. Nói thì mọi người cùng ở lớp Chánh Tư Duy, chứ kỳ thật người thì ở lớp A, người ở lớp B... khác nhau chứ không chung nhau được. Khi nói phân lớp thì phải phân theo trình độ đúng lớp đó để người ta học, rồi đưa dần người ta đến kết quả đó mới cụ thể, chứ không phải học chung chung. Ở đây làm thật, tu thật, đạt sự giải thoát thật chứ không phải ở trong sự hiểu biết suông, trong kiến giải suông. Thầy nói như thế các con hiểu được trong sự tu học của các con Thầy rất vất vả để các con đạt được sự cụ thể trong tu tập.
Bây giờ Thầy xin trả lời những câu hỏi của các con
-Kính thưa Thầy con tu tập 4 Niệm Xứ trong oai nghi ngồi từ 3 đến 5 phút, con thấy sự rung động từ đầu tới chân và ngược lại, sự cảm nhận còn rõ hơn trong oai nghi đi. Vậy kính xin Thầy dạy con nên tu 4 Niệm Xứ hay nên tu tâm xả.(C. T.)
Khi con tu 4 Niệm Xứ con thấy được sự rung động của thân thể rất rõ thì con cứ tu, nhưng có niệm thì con xả, không sao hết. Thời gian con tu 4 Niệm Xứ là 5 phút thì giữ đúng 5 phút, đừng tăng lên. Lúc nào trong 5 phút đó con cũng đều khắc phục được tham ưu, tức là không niệm mà không mỏi mệt, con nghe trong thân thoái mái dễ chịu, không có gì chướng ngại thì con đã tu đúng.
Con nên giữ như thế mà tu. Nếu con còn thấy có niệm, còn hôn trầm thùy miên ra vô thì con nên trở về tu tâm xả. Hiện giờ trong giai đoạn chuyển qua quán thân trên thân cho được trọn vẹn thì các con còn thời gian nghỉ dài; thời gian nghỉ này chính là thời gian xả tâm. Xả tâm là dùng tri kiến hiểu biết của các con tư duy suy nghĩ rồi xả.
-Kính xin Thầy con xin hỏi 3 câu: (T. V.) Trước tiên con cảm nhận toàn thân thì chưa có cái gì trong đó, khi con cảm giác toàn thân rung động từ chân lên đầu và ngược lại, sự rung động chuyển bước đi và hơi thở lên xuống. Cái biết này ở trong thân cảm nhận nhưng nó không phải là thân cũng không phải là sự cảm giác, trái lại cái biết đó trên cả hai: cái thân và sự rung động gọi là thức tỉnh để rọi vào thấy chúng đang hoạt động rung chuyển từ chân lên đầu và ngược lại khi cái biết bám chặt vào thân rồi, con thay đổi oai nghi rất nhiều động tác nhưng nó vẫn còn biết bám chặt trên thân lên xuống khi nuốt nước miếng nó lại mất. Trạng thái này đã vào được 4 Niệm Xứ chưa, thưa Thầy?
Đây chỉ mới là tỉnh thức thôi chứ chưa tỉnh thức cao, nhưng có điều kiện là phải xét sự cảm nhận. Ở đây sự cảm nhận của con là cảm nhận sự rung động của thân thôi. Con biết trên thân quán thân thôi, tức là con không thấy cái biết gì ở đây hết. Cái biết cảm nhận tức là thân thức. Cảm nhận sự rung động đó là thân thức của chúng ta.
Ở đây các con dùng 6 thức mắt tai mũi miệng thân ý mà mắt thì các con không thể nhìn chăm chăm thân thể các con được, tai các con cũng không nghe được thân các con mà chỉ có cảm nhận sự rung động thân của các con. Các con sử dụng cả 6 cái biết mà cái nào có thể cảm nhận toàn thân các con thì các con sử dụng cái đó. Nó có 6 thức của nhóm ý thức, cảm nhận chỉ là một trong nhóm 6 thức mà thôi. Các con không phải là nhà tâm lí mà phân tích nó là cái biết, cái tỉnh thức như vầy như khác mà các con chỉ biết đây là đang quán thân của các con trọn vẹn biết rõ từ đầu tới chân các con. Biết rất rõ từng hơi thở của các con hít vô thở ra và thân các con rung động là đủ rồi. Không cần phải suy tư, không cần chia chẻ nó ra đây là cái biết, đây là sự rung động. Các con không cần trở nên nhà tâm lí phân tích mà chỉ cần là một nhà biết quán thôi, là nhà quan sát cho được sự rung động của thân các con trong từng hơi thở là đủ, là trên thân quán thân. Ở đây mục đích là quán thân chứ không để thấy cái biết, rồi cái rung động này kia. Các con cảm nhận được mỗi hơi thở hít vô các con cảm nhận sự rung động từ đầu chí chân, mỗi hơi thở ra các con cảm nhận từ chân lên đầu. Các con cảm nhận được vậy thôi. Cảm nhận rõ ràng từng hơi thở kĩ lưỡng; không một hơi thở nào các con quên cảm nhận.
Vậy là được. Như vậy là đúng.
-Tại sao khi tâm ở trên thân rồi lại tự nó an ổn, hết hôn trầm, không mệt mỏi; làm sao nó khắc phục được quá mầu nhiệm như vậy, không tác ý mà cũng không hướng tâm, thưa Thầy?
Đây là pháp 4 Niệm Xứ rồi, trên thân quán thân, tại vì quán thân có 3 giai đoạn, giai đoạn đầu tập quán để biết cách quán cho đúng vì các con chưa biết cách, như bây giờ cứ nhìn thân gọi là quán là không được mà các con phải quán như thế nào thì đức Phật đã dạy cho chúng ta: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, do đó các con theo lời đức Phật dạy để các con quán thân. Khi quán được rồi, các con phải tập cho nó thuần thục. Các con chỉ mới biết cách thấy thân rung động thì chỉ mới biết cách quán thôi, chưa thuần, phải sau một thời gian tu tập một tháng, hai tháng thì sức tỉnh thức trên thân mới có, chứ không phải các con chỉ mới biết một hai lần hoặc một hai ngày các con cho là đã quán được thân. Không phải đâu. Các con còn phải tập cho thuần, cho nhuần nhuyễn, mà khi đã được nhuần nhuyễn rồi thì mới tỉnh thức. Khi tỉnh thức rồi thì các con vẫn tiếp tục tập ở trên quán thân đó nữa. Tập cho đến khi tâm các con được định tỉnh trên thân các con. Khi định tỉnh được thì nó nhu nhuyến dễ sử dụng tức là nó có 7 năng lực giác chi.
Chính vì mục đích như vậy cho nên các con tập đúng, quán đúng thì đó không phải là mầu nhiệm mà vì đó là phương pháp tự nó nhiếp phục được tham ưu, cho nên đức Phật mới dạy trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu. Cách thức đó là cách thức nhiếp phục tham ưu, làm cho nó hết ưu phiền ở trên thân nó. Cho nên đó là phương pháp mà cũng là kinh nghiệm đức Phật đã tu tập và để lại cho chúng ta. Qua kinh nghiệm bằng xương máu của Phật mới thấy được pháp này, cái pháp quán có giá trị tuyệt vời. Mới đầu các con nghe nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu, không biết làm sao để nó nhiếp phục. Rõ ràng nó nhiếp phục thì nó quay vô, không còn quay ra nữa là nó làm cho tất cả thân tâm các con rất an ổn, tức là nó nhiếp phục, không còn khổ đau trên đó nữa. Chỉ những người đã tu tập qua rồi như đức Phật mới thấy được, mới để lại cho chúng ta qua câu đó để chúng ta biết trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu.
Bây giờ các con hỏi tại sao thì Phật trả lời đâu có tại sao, tại cái pháp là như vậy. Cũng giống như hỏi tại sao đường ngọt, muối mặn thì tại đường ngọt muối mặn chứ có tại sao. Bởi chúng ta giải thích theo sự hiểu của chúng ta đường là phải ngọt, muối thì phải mặn, ớt thì phải cay... cho nên cái pháp đó là phương pháp để nhiếp phục làm cho hết đau khổ thân thọ tâm pháp của chúng ta. Nó trên thân, trên tâm, trên thọ, trên pháp quán để nhiếp phục tham ưu trên đó. Đó là pháp làm cho chúng ta hết đau khổ cho nên mới nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu.
Nếu hỏi làm sao quán lại hết tham ưu thì cứ quán coi có hết không. Nếu quán đúng thì các con không thấy ưu phiền trên đó, đó là nó nhiếp phục. Nếu quán sai, quán trật thì nó không nhiếp phục. Nếu bây giờ nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu, tôi cũng cố gắng thấy hơi thở vô ra vô ra, tôi cũng cảm giác toàn thân tôi nhưng có một niệm xẹt vô như vậy là tôi quán chưa kĩ, đó là do tôi có một dạng nào không rõ ràng lắm cho nên mới có niệm đó xẹt vô, hoặc lớp này không phải là lớp đúng sức của tôi tu, tôi chưa hàng phục được tâm ở trong lớp thấp mà tôi nhảy lên tu ở lớp cao hơn. Thí dụ lớp Chánh Tri Kiến tôi chưa thông suốt mà tôi nhảy lên đây thì làm sao tôi nhiếp phục được.
Nghĩa là lớp này là lớp thứ 7, tôi chưa học xong các lớp 1, 2, 3... mà nhảy lên lớp 7 này thì làm sao tham ưu nhiếp phục được. Pháp này ở lớp thứ 7, tôi phải trải qua 6 lớp mới đến được nó thì mới nhiếp phục các tham ưu được. Cũng như muốn ăn được đường ngọt thì phải qua nhiều khâu như khâu ép mía, khâu nấu cho từ từ cô đặc lại để thành cục đường thì mới ngọt chứ còn nước mía thì làm sao ngọt như đường được.
Từ lớp Chánh Kiến đến lớp Chánh Niệm phải qua một thời gian trau luyện, có vậy khi ở Chánh Niệm mới nhiếp phục được tham ưu. Chưa học thông suốt tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 6 thì phải trở về học các lớp đó lần lượt cho đến được lớp 7 Chánh Niệm thì mới nhiếp phục được tham ưu.
Có vậy mới nói Đạo Đế là chơn lí tức là chương trình giáo dục đào tạo chứ không phải là một pháp tầm thường. 8 Chánh Đạo không phải là chơn lí của đạo Phật sao? Không học lớp 1, lớp 2... mà nhào vào lớp 7 học thì làm sao học được. Rồi hỏi làm sao tôi nhiếp không được. Tôi cũng nhiếp thấy thân tôi rung động vậy, nhưng tại sao nó còn có niệm, tại sao nó còn mỏi mệt, tại sao còn bị hôn trầm. Còn mấy ông tu sao thấy dễ dàng quá, không có các thứ đó?
Đó là người ta đã đi từ lớp 1, lớp 2 lên, đã biết bao nhiêu lần dẹp các chướng pháp đó rồi, nay ở lớp 7 này mới không còn những thứ đó. Vậy thì căn cứ vào chỗ nhiếp phục tham ưu được không, nếu nhiếp không được thì các con tự biết phải trở về lớp xả tâm mà tu, không ở lớp quán 4 Niệm Xứ được.
-Tại sao khi tâm ở trên thân rồi thì tự nó an ổn, không hôn trầm, không mỏi mệt, làm sao nó khắc phục được mầu nhiệm như vậy?
Câu hỏi này chỉ là đặt lại câu hỏi trên thôi. Câu trả lời là tại vì các con tu tập thiếu căn bản. Khi thấy các con thiếu căn bản thì hãy trở về lớp thấp tu tập lần lượt cho có căn bản trước.
-Tại sao khi quán được rồi thì nó bám chặt vào thân, phải tác ý nó mới thôi. Kính xin Thầy chỉ dạy cách xả nghỉ ra.
Khi thấy nó bám thì nên nhớ rằng khi vào các con bảo tâm quay vô quán trên thân thấy thân thọ tâm pháp rõ ràng, thì khi ra các con bảo “Xả cái thân ra, không được ở trên thân quán nữa” chứ không khéo xả ra rồi mà đi đâu nó cũng dính trong thân các con, nó không thèm ngó ra ngoài, thì đi đâu cũng 4 Niệm Xứ. Người ta tu 4 Niệm Xứ Nhất Dạ Hiền có một đêm thôi chứ có ai tu tháng này qua tháng kia bao giờ đâu. Vậy khi xả ra thì các con nhắc “Tâm phải xả ra bình thường, không bám trên 4 Niệm Xứ nữa nghe, không quán 4 Niệm Xứ nữa. Hãy trở về trạng thái bình thường”.
Khi tác ý như vậy và không còn chú ý trên thân nữa thì nó sẽ xả ra. Nếu các con cứ tu hoài, tu hoài riết nó quen, nhắc vậy mà nó cứ ở trên thân. Đó là thành thói quen. Khi tu tập đã làm chủ rồi thì phải xả ra. Không lẽ Thầy làm chủ tịnh chỉ hơi thở, rồi cứ ngồi tịnh chỉ hơi thở hoài sao, không khéo người ta thấy Thầy hết thở họ cho là Thầy đã chết rồi đem chôn Thầy sao? Bộ Thầy điên hay sao. Thầy làm chủ hơi thở được rồi thì Thầy phải xả ra thở như mọi người cho đến khi Thầy muốn chết, lúc đó Thầy bảo “Tịnh chỉ hơi thở nghe. Bây giờ chết nghe”. Chứ bây giờ các con tịnh chỉ hơi thở, rồi cứ ngồi đó ngưng thở hoài làm mọi người tưởng là chết rồi họ đem chôn cất mất.
Ở đây Phật pháp dạy khi chúng ta vào định nào xong thì phải ra khỏi định đó, chứ không phải nói giờ các con tu rồi xả ra vẫn thấy tâm các con ở trong đó. Như vậy là các con không thấy cái xuất cái nhập của đạo Phật, cái làm chủ của đạo Phật. Nghe nói xuất nhập, có người chê thiền gì mà còn xuất nhập. Thiền tôi đâu có xuất nhập. Thiền tôi cao lắm, khỏi cần xuất nhập.
Xuất nhập của đạo Phật có nghĩa là sự làm chủ của người tu. Muốn nhập định là nhập định, muốn ngưng là ngưng. Tôi muốn làm chủ bịnh là tôi đẩy lui bệnh chứ không phải lúc nào cơ thể bị bịnh là bịnh. Như vậy không được đâu.
Sự xuất nhập định là sức làm chủ của chúng ta. Chúng ta muốn nhập thì nhập mà không muốn thì xả ra trở về đời sống bình thường. Đó là sự tu tập của chúng ta.
Các con vào tu 4 Niệm Xứ mà không có hôn trầm thùy miên là do nhờ xả tâm ở các lớp khác đã được tỉnh thức. Đó là điều tốt. Nhưng nếu có trường lớp thì dễ, chứ không có trường lớp các con chỉ học hiểu rồi tự nó xả hồi nào các con không hay. Còn ở đây các con được dạy lớp đó thấy nó xả đàng hoàng, tự nó khắc phục được các chướng ngại và tham ưu. Như lớp Chánh Kiến vừa rồi, các con học rồi tự nó nhiếp phục được rất nhiều cái ham muốn nhờ trên sự hiểu biết đó. Tự nó xả rất nhiều chứ không phải đợi có chướng pháp ló mặt ra mới xả đâu. Như bây giờ các con xả cái ăn uống phi thời, các con biết thực phẩm bất tịnh là các con đã xả rất nhiều, các con không thèm ăn như trước nữa đâu.
Mỗi lần thèm gì đó thì các con nghĩ thực phẩm bất tịnh, cần gì mà thèm thì tự nó cũng giảm lòng dục ăn xuống rất nhiều. Nó ngăn chặn liền. Nó làm giảm lòng dục ăn xuống rất nhiều.
Cho nên khi con muốn xả ra thì tác ý cho nó xả, đừng để mang tâm 4 Niệm Xứ trên đó nó không hay. Các con muốn vô thì tác ý bảo vô; muốn ra thì tác ý xả ra. Các con xả ra bình thường chứ không phải giờ nào đi đứng nằm ngồi đều cũng tu hết. Không phải đâu.
Đi đứng nằm ngồi là lúc bấy giờ là một đêm nhất dạ hiền, các con dùng 4 oai nghi mà giữ chơn lí thanh thản an lạc vô sự, tức là ở trên 4 Niệm Xứ mà nhiếp phục trong 4 oai nghi, không có chướng ngại nào trong đó trong 12 tiếng đồng hồ thì các con chứng đạo, chứng được chơn lí.

BÀI THỨ MƯỜI MỘT: DẠY LỚP TU SINH NỮ

(27-3-2006)
Sau thời gian giải thể lớp học, giải thể có nghĩa là chọn ra những người có khả năng tu chứng chứ để đông quá Thầy không làm sao hướng dẫn cho tất cả đạt được kết quả. Cho nên giải thể nhưng thật ra là chọn người tu. Thầy mong những người được chọn cố gắng nỗ lực tu. Bên nam chắc cũng được một hai người đạt kết quả. Thầy mong bên nữ các con cố gắng hơn để trong số những người nữ cũng có người tu tập được để thay Thầy hướng dẫn cho người khác. Một lớp học đông đúc quá thì bị động nhiều, hết chuyện này tới chuyện kia do đó vừa động mình vừa động người khác, tu không kết quả.
Sau một tuần lễ tu tập nay gặp lại Thầy hãy cho Thầy biết các con tu tập được những gì, chưa được những gì. Nhưng Thầy nhắc rằng Phật pháp rất dễ dàng, không khó khăn, chỉ tại ta quá cố gắng tu tập mà tu tập sai, chứ không khó gì cả bởi vì các con hãy nghe đức Phật nói, lời nói rất đơn giản: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Vậy tâm không phóng dật là cái gì? Đó là lúc nào tâm cũng quay vô ở trên thân của nó, nó biết thân rung rinh, động đậy; nó biết thân di chuyển như thế nào như thế nào một cách rõ ràng.
Các con đọc lại tập 7 Đường Về Xứ Phật, đức Phật nói “Đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, nói, nín, mặc y, mang bát... tất cả mọi hành động của thân chúng ta đều biết rất rõ ràng”. Như vậy khi đi thân chúng ta rung động như thế nào chúng ta đều biết thì đó là trên thân quán thân. Còn bây giờ các con cố gắng tập trung trên thân để quán thân thì các con biến nó thành pháp ức chế tâm. Hãy để tự nhiên mà nó đi vào thì lúc bấy giờ tâm không phóng dật, lúc nào tâm cũng quay vô nhìn thân của nó rung động thôi. Đơn giản như thế mà các con không hiểu rồi cố gắng tập trung hết sức mình nhưng cuối cùng là sai, không đúng pháp. Không đúng pháp thì làm sao chứng đạt được.
Cho nên khi tâm chúng ta có niệm, thân chúng ta có chướng ngại thì chúng ta dụng pháp mà đẩy lui. Không có niệm, không bị chướng ngại thì thôi, tâm ở đâu hãy để nó tự nhiên ở đó. Các con muốn đạt kết quả thì phải giữ hạnh độc cư, ăn ngày một bữa, phá hôn trầm thùy miên tức là ngủ nghỉ giờ giấc đừng phi thời thì sự tu tập rất nhanh, không còn khó khăn nữa.
Trong những ngày gần đây, thầy Chơn Thành cũng hết sức nỗ lực tu, Mật Hạnh bỏ hết chuyện đời, thậm chí như điện thoại cũng giao lại, xả bỏ hết, để nỗ lực tu cho chứng đạt được. Thầy cũng mong sự nỗ lực tu như vậy phải được chứ không có khó gì. Thầy thường nhắc nhở “Tâm không phóng dật”, có bấy nhiêu thôi. Đức Phật cũng nhờ đó mà thành Chánh Giác. Các con cũng tu bấy nhiêu đó thôi. Có gì khó đâu, sống một mình, đừng đi tới đi lui các thất, ở trong thất của mình, có điều kiện gì, có tâm niệm gì, có chướng ngại gì thì xả. Xả hết thì được bình an; nhất là cơ thể các con đang mạnh khoẻ, không đau ốm thì dễ tu vô cùng. Những người bịnh tật là những người khó tu, những người mạnh khoẻ là những người dễ. Bởi bịnh tật là chướng ngại, ngồi thì bị đau nhức hay nằm thì khó chịu. Đó là những chướng ngại, mà chướng ngại trong khi chưa nhiếp tâm và an trú tâm, tâm chưa đủ lực thì đẩy lui rất khó khăn. Còn người nhiếp tâm và an trú tâm được thì đẩy lui rất dễ. Tâm không bị phóng dật trên cảm thọ, nên kết quả tu tập rất tốt.
Các con xét lại con đường tu của mình. Các con đi kinh hành, đi một cách tự nhiên, các con nghe thân rung động, rung chuyển dễ dàng; còn ngồi im lặng thì nghe hơi thở của mình, rồi cũng thấy thân rung động nhẹ nhàng. Đó là tâm quay vô, mà khi thường xuyên quay vô như vậy thì đó là thành tựu.
Bây giờ chúng ta đang tập tâm không phóng dật, tâm quay vô. Chúng ta nói cho nhiều chứ kì thật trên 4 Niệm Xứ trên thân quán thân thì cũng đó; mà khi xả hết tất cả các niệm thì nó cũng vào đó; mà giữ cho tâm không phóng dật thì cũng vào đó; mà sống độc cư, không nói chuyện với ai tâm không phóng dật thì nó cũng vào đó. Các con thấy tất cả mọi pháp đều quy tụ về tâm không phóng dật chứ có gì ngoài cái đó đâu. Cho nên không phóng dật thì nó thanh thản an lạc vô sự, nó luôn luôn biết thân nó rung động, rung chuyển rất rõ. Có vậy thôi, đâu còn gì khác.
Những cái này các con đều biết rõ hết rồi, bây giờ chỉ còn có công ra sức tu tập theo thời gian thôi. Khi tu tập xong thì các con có đủ đạo lực làm chủ sanh già bịnh chết của mình. Đó là thành quả trong con đường tu. Có như vậy thôi, không còn gì khác hết. Rồi cuộc đời quá đau khổ, mọi người đang đau khổ, người ta không biết đường để giải thoát, mình cố gắng soạn thảo những bài đạo đức làm người, dạy cho họ đạo đức để họ biết sống theo đạo đức không làm khổ mình không làm khổ người bằng hành động nhân quả thiện ác của họ, thế thôi. Chỉ làm bấy nhiêu là các con cũng đền đáp ơn Phật ơn Thầy rồi, không cần thêm gì khác.
Tu xong sớm chừng nào tốt chừng nấy. Và khi chúng ta tu được thì biết bao nhiêu người quá khổ, họ đi tìm con đường thoát khổ, chỗ nào tu không được họ đâu có tìm đến mà chỉ tìm nơi nào tu được thôi. Nhưng tu quá đơn giản chứ khó khăn gì đâu. Thầy ngồi chơi cũng thấy tâm luôn luôn ở trên thân chứ đâu có rời thân Thầy, rõ ràng là nó không phóng dật.
Mình ngồi chơi, ăn ngày một bữa, người ta cho gì cũng được. Trưa ôm bình bát đi khất thực. Cái gì cũng không còn quan trọng nữa, mà chỉ tâm không phóng dật mới quan trọng thôi. Do đó, đi mình cũng giữ gìn tâm không phóng dật; nhận cơm cũng giữ gìn tâm không phóng dật; về tới thất ngồi ăn cũng giữ gìn tâm không phóng dật; khi rửa bát rửa khay cũng giữ gìn tâm không phóng dật. Suốt ngày luôn luôn lúc nào cũng nhận thấy tâm mình biết tất cả mọi hành động đó. Mà biết hành động đó như vậy là tâm mình không phóng dật.
Thầy đã nhuận lại tập 7 Đường Về Xứ Phật, trong đó có đoạn dạy 6 điều cần tu tập trên thân để giữ cho tâm không phóng dật. Trước kia Thầy ghi lại y như lời đức Phật dạy thôi, Thầy không giải thích; nay nhuận lại thấy lời đức Phật dạy quá hay mà quá cô đọng người ta không hiểu nên Thầy giải thích những hành động đó thành oai nghi tế hạnh của người tu như thế nào để cho tâm không phóng dật. Thầy cố gắng để làm cho xong những điều này. Nếu có điều kiện xin được phép in phổ biến rộng cho người ta biết cách thức sống cho tâm không phóng dật.
Hôm nay Thầy nhắc nhở lớp học, chúng ta cố gắng tu tập đừng tập trung nhiều, đừng ức chế tâm mà phải cố gắng giữ gìn tâm không phóng dật. Nhưng giữ gìn không phóng dật thì xả tâm chứ cố gắng giữ nó thì bị ức chế trên thân.
Nhớ kĩ những lời Thầy nói thì các con tu tập rất tốt, không còn khó khăn nữa.
Khi ngồi, con cảm nhận được, không cần thấy rung nhưng khi hít vô thở ra cũng cảm nhận từ trên đầu tới chân từ chân lên đầu, mặc dù không thấy nó rung nhưng cũng cảm nhận được. Các con không dùng mắt quan sát nhưng dùng cảm giác của mình quan sát toàn thân. Tức các con cảm nhận thân thì biết các ngón chân, cũng biết cái đầu, tóc, mặt mũi của mình. Tức là mình cảm nhận, không thấy rung động nhưng cảm nhận được. Thí dụ Thầy ngồi đây nhìn ra như vầy mà Thầy cảm nhận được ngón chân của Thầy, rồi cảm nhận được cái mũi, cái trán, tóc của Thầy. Tức là từ dưới chân lên tới đỉnh đầu đều cảm nhận mà không cần phải thấy rung. Các con cứ ngồi lắng nghe coi có phải thế không, cứ cảm nhận, đừng nhìn nó. Các con cảm nhận cái chân, cảm nhận toàn thân, cảm nhận cổ, mặt, đầu. Không cần thấy rung mà vẫn cảm nhận được toàn thân.
Hôm nay Thầy nhắc nhở lại chỗ đức Phật dạy “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hay là câu “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”, một tuần lễ trôi qua thì các con cũng biết được thân các con từ ngồi cho đến đi. Cái thân rung chuyển khi bước đi; vai nghiêng qua nghiêng lại; toàn thân rung chuyển. Rồi đến rung động của thân khi ngồi. Các con thấy rất rõ rồi. Bây giờ giai đoạn nữa là chúng ta cảm nhận thôi không cần thấy rung động. Thầy dạy các con lần lượt đi tới các con cảm giác toàn thân mà không cần sự rung động của nó nhưng chúng ta cũng thấy hơi thở rõ ràng nhưng không tập trung trong hơi thở. Hơi thở là thân hành mà đạo Phật thì lấy cái niệm cho nên chúng ta có cảm nhận toàn thân, chúng ta cũng nương vào hơi thở, cái thân hành đó để cảm nhận từng chút từng chút để chúng ta biết được, quán được cái thân rất rõ ràng mà không quên. chứ nếu chúng ta chỉ ngồi cảm nhận mà không nương hơi thở thì một lúc sẽ quên mất. Cho nên có chỗ nương tựa để nhớ trong tu tập.
Chúng ta tập dần bởi vì Thầy nói trên thân quán thân, các con tập cho nó quen; nó quen rồi mới tập quán; quán được rồi mới có tỉnh giác; tỉnh giác rồi nó mới định tỉnh; định tỉnh rồi mới nhu nhuyến dễ sử dụng. Các con tập dần, đừng nghĩ rằng 7 ngày, 7 tháng, 7 năm mà chỉ nghĩ hằng ngày các con tu tập thôi rồi kết quả sẽ đến dù thời gian ngắn hay dài là do sự tu tập của các con chuyên cần hay không, giải thoát rồi là điều mừng vui lớn nhất.
Con nay đã tịnh chỉ hơi thở được 10 phút là điều rất tốt. Cơ thể con đã lớn tuổi rồi nên Thầy mới dạy con cách thức tịnh chỉ hơi thở để khi cơ thể sắp hoại diệt mà nó đau khổ, không thể nào con vượt qua được chỉ có tịnh chỉ hơi thở thôi. Nay con đã tịnh chỉ hơi thở được 10 phút thì quý quá rồi để khi ra đi con điều khiển được hơi thở rồi con tự tại từ biết đường mà không còn chướng ngại nào hết.
Thầy mong rằng đệ tử của Thầy làm chủ được sự sống chết chú không phải sự sống chết làm chủ mình. Mình muốn chết lúc nào chết, muốn sống hồi nào sống. Đó là hạnh phúc nhất của đời người. Có thân này là do nhân quả mà làm chủ được nhân quả để mình tự tại muốn chết hồi nào chết là hạnh phúc lắm. Con đã tu tập tịnh chỉ hơi thở từ một phút tới 5 phút, rồi hôm nay đưọc 10 phút. Tập dần dần cho đến khi hơi thở tịnh chỉ thời gian dài thì lúc chết mình ra đi tự tại lắm. Đó là cách thức làm chủ nhân quả.
Các con thấy chúng ta tu tập thực tế, không có chỗ nào có sự mơ hồ ảo tưởng cả mà đây là chúng ta sử dụng pháp Như Lí Tác Ý của Phật để làm chủ được sự sống chết. Các con thấy mình làm chủ được tâm của mình khi tâm có niệm các con dùng pháp tác ý đuổi thì nó đi ngay, khi thân các con đau bịnh cũng dùng pháp tác ý đuổi đi được, rồi bây giờ tới hơi thở các con tập cũng dừng lại được. Bằng chứng là hiện diện trước mặt các con cô Huệ Ân là người đã lớn tuổi thế mà tập tịnh chỉ hơi thở được lâu tới 10 phút chỉ trong thời gian vài tháng luyện tập kiên trì từng chút. Nếu một năm sau vẫn tiếp tục tu tiến như vầy thì sẽ dừng hơi thở được 30 phút thì lúc đó muốn chết là tự tại chết.
Đó, các con thấy tâm mình có chướng ngại, có đau khổ thì mình dùng pháp tác ý đẩy lui được, tức là mình trở về với sự giải thoát. Rồi thân mình có bịnh đau mình cũng dùng pháp tác ý đẩy lui bịnh đau được rồi. Bây giờ hơi thở mình muốn ngừng thì mình cũng ngừng được rồi. Như vậy chúng ta tu cái pháp của chúng quá cụ thể làm chủ được 4 sự đau khổ của chúng ta, đâu cần cái gì khác hơn nữa đâu. Hạnh phúc lắm. Thầy đem trao cho các con những pháp mà ngày xưa, đức Phật đã dạy cho các đệ tử của Ngài, cách nay mấy ngàn năm, đã bị chôn vùi mất đi, không còn ai biết đướng nữa. Hôm nay lớp học của chúng ta đã làm sống lại một cách thiết thực. Cô Huệ Ân là một người lớn tuổi mà đã nỗ lực tu tập thì cô cũng đã làm được, Thầy nghĩ các con còn trẻ tuổi cũng làm được chứ không có gì khó. Chỉ cần chúng ta quyết chí mà thôi. Đời người có gì đâu các con. Thân này vô thường, các pháp đều vô thường, chúng ta xin được một cái thất làm bằng tầm vông gốc tre, rồi chúng ta xin được một bữa ăn, chúng ta nỗ lực thì chúng ta làm chủ 4 sự đau khổ của kiếp làm người là hạnh phúc rồi. Chúng ta không cần gì nữa, bỏ hết đi, buông xuống hết, ráng cố gắng. Ngày ăn một bữa không chết đâu mà sống mạnh khoẻ.
-Kính xin Thầy giảng lại cho con biết thế nào là sự an trú.
Khi con ngồi yên mà không có một niệm gì khởi ra trong tâm con mà nó không có một chướng ngại gì trên thân con, tức là tâm con an trú. Tâm an trú là tâm không có niệm. Bây giờ con ngồi, con thấy toàn thân con từ đầu chí chân, thấy cái tâm quay vô quan sát cái thân, hoặc thấy hơi thở ra, vô tự nhiên mà trong khoảng thời gian một phút không có niệm gì xảy ra trong đó, con vẫn thấy duy nhất là tâm con thấy được thân, nó quay vô trên thân nó. Đó là một phút an trú. Mà hai phút thì được hai phút an trú; ba phút thì được ba phút an trú... mười phút thì được 10 phút an trú, tức là nó không có niệm. Còn nó có niệm trong mấy phút đó nhưng con vẫn thấy được cái thân của con, con vẫn quán được thân con tức là con chỉ mới nhiếp tâm trên thân con thôi chứ chưa an trú. An trú là không có niệm, không có chướng ngại. An có nghĩa là an ổn. Trú có nghĩa là ở rất an ổn trên thân con. Tức là tâm con an ổn trên thân con, gọi là an trú trên thân. An ổn kéo dài một thời gian thì có an trú.
Có trường hợp như sau, các con phải chuẩn bị để đối phó: Khi tâm được an trú như vậy rồi, mà hay quên, không nhớ. Đây là một cái khó, coi chừng bị lọt vô trong Thiền Tông bị vô phân biệt. Nó không nhớ gì cả. Thậm chí câu tác ý mà nó cũng không nhớ. Nó không là không thôi, nó không niệm rồi nó không nhớ nữa, nó không phân biệt. Lúc bấy giờ các con phải sử dụng pháp Như Lí Tác Ý “Tâm phải bình thường. Nhớ lại tất cả những sự việc gì xẩy ra, Thầy nói gì phải nhớ hết, nhưng tâm không phóng niệm, không phóng dật mà thôi” để cho tâm các con khởi niệm nhớ lại. Chứ không, các con tu riết bị lẫn lộn, quên hết thì làm sao được, khi không niệm rồi nó lẫn luôn, quên luôn.
Thầy mong tất cả mọi người tu rất tự nhiên, đừng quá ức chế, quá gò bó; đừng thấy có người khác tu được rồi mình ham, cứ nghĩ tâm không phóng dật là thành chánh giác bắt chước theo Phật, nhưng không vì không phóng dật mà ức chế để không phóng dật mà mình phải sống tự nhiên, đi bết mình đi, đứng biết mình đứng, ngồi biết mình ngồi. Nhưng đi, đứng, nằm, ngồi đều biết thân rõ ràng, tâm mình biết thân từ đầu tới chân, mỗi hành động đều biết rõ ràng.
Đó là đủ rồi. Không ức chế chỗ nào hết.
Khi ngồi chơi tâm thanh thản an lạc vô sự thì nó ở trên thân, nó niệm gì thì mặc nó, mình chỉ tác ý đuổi nó đi thôi, không có gì hết. Cứ ngồi chơi mà đuổi giặc. Đuổi đến chừng giặc không còn thì đất nước độc lập, giặc không bén mảng thì nước nhà thịnh trị. Bấy giờ mình muốn thân làm gì thì nó làm theo nhưng đừng có sai nó làm theo lối khùng, nói lặp bặp hay múa may thì không được. Vậy thì các con phải tu cho đúng, lúc nào chúng ta cũng thấy chúng ta an trú được và vui vẻ. Nhất là sau một thời gian chỉ một tuần thôi, các con thấy thích thú sống một mình, không muốn nói chuyện. Rồi tuần thứ hai thấy thích một mình, không ưa ai tới gần mình. Đó là có tiến bộ. Thích sống một mình, đó là tiến bộ. Rồi tuần thứ ba cho đến 4 tháng các con sống biệt trú như vậy, chừng đó các con thấy kết quả lớn lắm. Sống biệt trú mà thấy vui thích.
Những tuần lễ vừa qua, Thầy đang theo dõi thầy Mật Hạnh, tuần đầu thấy đóng cửa; tuần thứ hai, đóng cửa. Cô Út mua cho một bộ y áo cư sĩ, thầy Mật Hạnh vui vẻ mặc. Đó là Mật Hạnh đã quay lại sống tu. Nếu từ đây cho đến 4 tháng sau Mật Hạnh sống độc cư trong thất, không cần thiết gì thì tự làm động, cứ sống một mình nghiêm chỉnh giờ nào ra giờ nấy trong suốt 4 tháng liền là con đường tu chắc chắn không còn lâu. Cho nên chúng ta cố gắng nỗ lực tu thật tu. Hồi còn đi ra ngoài thì Mật Hạnh lăng xăng đủ thứ những chuyện bên ngoài, nhưng khi vào tu thì thật sự tu. Theo Thầy thấy trong những này đầu rất khó vì từ chỗ lăng xăng ở ngoài đời chuyển vô chỗ độc cư thầm lặng sống rất khó, những tâm niệm đánh mình tan nát. Nhưng nỗ lực sống được trong mấy tuần lễ qua là điều tốt. Nên cố gắng càng cố gắng nhiều hơn thì sự tu tập ngày càng tốt.
Các con cũng thế, người nào có đủ duyên thì hãy tu trong thất, đừng đến thất ai hết, không nói chuyện với ai hết, xem coi tâm mình có sống an vui một mình không. Đó là điều quan trọng. Tâm chịu sống một mình thì nó bắt đầu không phóng dật. Nếu nó không chịu thì nó bày đủ thứ như săn sóc thất sạch, dọn dẹp thứ này kia, nhỏ cỏ, trồng cây... Tâm không chịu sống một mình thì con đường tu lâu lắm. Ngược lại khi nó chịu thì nó sống một mình nó ngồi chơi mà không làm gì hết.
Thầy theo dõi đệ tử của Thầy từng chút. Người nào còn làm này kia thì đường tu người đó còn lâu. Còn người nào ngồi trong thất chơi một mình mà không ngủ thì người này tốt, xứng đáng là đệ tử của Phật, của Thầy rồi. Sống như Phật rồi, cho nên ngồi trong thất mà không ngủ, ngồi chơi một mình đó là tu tốt. Qua cái hạnh đó mà xét thấy người đó tu được hay không một cách rõ ràng. Ai ở trong thất mà thấy buồn khổ quá, rồi sanh ra chuyện này chuyện kia thì người đó còn lâu mới vào được lớp 4 Niệm Xứ. Vậy các con tự xét qua những điều đó để biết mà tu tập. Thầy nghĩ rằng các con biết như thế nào là tu đúng thì nỗ lực tu tập cho được, đừng để thời gian qua uổng phí.
Bây giờ có ai cần hỏi Thầy gì không?
- Cảm giác mát ở chỗ nào trên đầu con cũng chỉ là cảm thọ, đừng quan trọng nó. Con tác ý “Thân phải bình thường, tâm không phóng dật”. Các trạng thái nào tới cũng không lưu tâm. Đã là cảm thọ thì dù nó là lạc, khổ hay bất lạc bất khổ đều không được chấp nhận trên con đường tu 4 Niệm Xứ. 4 Niệm Xứ chỉ biết quán thân trên thân thôi. Tâm không phóng dật thì luôn ở trên thân thôi. Đó là đúng pháp. Có gì đến trên thân mặc dù biết nhưng không chấp nhận, đuổi đi. Tất cả mọi cảm thọ đều tác ý đuổi đi. Con đang tu tâm xả thì tất cả trạng thái gì an lạc hay không an lạc đều tác ý xả chỉ giữ tâm thanh thản bất động trên thân của mình thôi, là trên thân quán thân thôi.
Mình tuỳ thuận là ai làm gì cũng được nhưng không để bị lôi cuốn. Nếu con trở về sống trong gia đình mà theo lối sống của gia đình thì không đúng với hạnh của người tu, đó là môi trường sống theo dục lạc, nếu con thích nghi với gia đình thì hết tu rồi, tức là con chạy theo dục lạc trở lại. Còn chấp nhận dục lạc, còn chạy theo dục lạc là còn đau khổ, không làm chủ được sanh già bịnh chết. Đó không phải là môi trường của người tu ở, không phải là con đường giải thoát, phải tìm nơi phù hợp với người tu.
Hiện giờ đang lo cho có người tu được thay Thầy đứng lớp dạy. Các con hãy nỗ lực tu để giúp mình giúp người. Thầy mong trong lớp chúng ta phải nỗ lực tu, chết bỏ, nghĩa là thà chết trong giới luật chứ đừng sống phạm giới phá giới. Quyết tâm cho mạnh mẽ. Đời chỉ là con số không, chết rồi chẳng có gì.
Hãy nỗ lực tu. Thật sự tu rất dễ, đừng ức chế, có chướng ngại pháp thì xả.
Nhớ lời Thầy dạy thì các con tu không sai đâu. Cứ ôm thất, ở trong thất mà chơi một mình đi, rồi nó sẽ tới. Các con đừng đi ra ngoài, đừng nói chuyện, đừng làm gì hết, ai làm gì cũng mặc, mình chỉ lo tu cho riêng mình. Như vậy kết quả mau tới. Đừng lo chuyện người khác, lo cho người khác khi mình tu chưa xong. Thầy khuyên thầy Chơn Thành, thầy Mật Hạnh đừng lo chuyện người khác mà hãy lo cho chuyện tu của mình đi. Tu xong sớm chừng nào tốt chừng nấy. Đó là tiếng nói chung của Phật giáo và cũng là hình ảnh chấn chỉnh lại được Phật giáo khi có một người tu làm chủ được sanh già bịnh chết.
Ở đây cô Huệ Ân tịnh chỉ được hơi thở 5, 10 phút cũng là một tiếng nói rất lớn. Một người già 88 tuổi như cô Huệ Ân mà làm chủ được hơi thở như vậy là có mọt giá trị rất lớn, nhưng chưa đủ. Cô Huệ Ân và các con phải tiếp tục cho đạt được nội lực có đầy đủ thì chúng ta có đủ sức chuyển biến làm tốt lại Phật giáo giúp mọi người hướng về chánh pháp của Phật, các con thay Thầy đứng lớp dạy.
Ở đây có một số quý thầy ở trong thất tu một mình không tiếp xúc ai nhưng rồi chỉ một thời gian có chuyện hay kiếm chuyện để rời tu viện ít hôm.
Cứ đi ra đi vô như vậy thì làm sao tu được. Thầy thấy rất uổng, rất tiếc cho họ và biết rằng họ tu không tới đâu.
Thầy nói cuộc đời con người không bao giờ vô sự được, nó luôn luôn hữu sự. Nếu chúng ta không dẹp nó thì hữu sự muôn đời cho đến khi chúng ta chết nó mới hết. Nhưng nó hết trong đời này trong thân này chứ trong thân khác nó tiếp tục hữu sự nữa chứ nó đâu có hết luôn. Cho nên sự tu tập của đạo Phật là phải vô sự. Thầy nói “tâm thanh thản an lạc vô sự” mà hầu như cái vô sự đó thì không thấy ai có. Vô sự thì ngồi trong thất chơi không làm gì hết mới gọi là vô sự. Các con cố gắng đi sẽ thấy cái vô sự các con tuyệt vời. Ở trên đời này các con thấy mọi người như con ong, con kiến lăng xăng còn mình ở trong thất ngồi chơi.
Nếu các con thật tu, tu tốt thì Thầy sẽ tổ chức đi Hòn Sơn để các con có dịp thăm lại cho biết nơi xưa kia Thầy tu trong những năm tháng của Thầy tu khổ hạnh.

MỤC LỤC

MỤC LỤC

MỜI CÁC BẠN ĐÓN ĐỌC HAI TẬP SÁCH

1- Đạo Đức Làm Người tập 3

2- Giới Đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

*Đạo Đức Làm Người tập III dạy đạo đức về ý thức, đạo đức về lời nói, đạo đức về những hành động nơi thân, v.v… Đọc sách đạo đức này, các bạn sẽ truy tìm những điều mới lạ trong thân tâm mà thật sự thì không có gì mới lạ cả. Vì nó là một sự thật trong nội tâm của các bạn, nhưng từ lâu, các bạn không lưu ý đến nó mà thôi.
*Giới Đức Thánh Tăng và Thánh Ni là một bộ sách dạy về Phạm hạnh của những vị Tỳ Kheo Tăng và Ni. Một tu sĩ Phật Giáo không tu học giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni thì không xứng đáng là đệ tử của Phật. Xin các bạn Tăng, Ni lưu ý: “Giới luật còn là Phật Giáo còn, giới luật mất là Phật Giáo mất”.
 


MỜI QUÝ BẠN TÌM ĐỌC NHỮNG BỘ SÁCH CỦA TU VIỆN CHƠN NHƯ

1- Mười tập Đường Về Xứ Phật (Bộ mới).
2- Giới Đức Làm Người tập I và II.
3- Diễn Đàn Chơn Như (tức Giáo Án Tu Tập Cho Người Cư Sĩ Vì Chánh Phật Pháp) 7 tập.
4- Cẩm Nang Tu Phật I, II.
5- Thiền Căn Bản tập I.
6- Thọ Bát Quan Trai.
7- Những lời Phật Dạy tập I, II và III (Bộ mới).
8- Hành Thập Thiện.
9- Thời Khóa tu Tập Trong Thời Đức Phật.
10- Vườn Thơ Nguyên Thủy tập 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18.
11- Cẩm Nang Hành Thiện.
12- Mười Giới Đức Thánh Sa Di tập I và tập II.
13- Đạo Đức Làm Người tập I, tập II.
- Phậ t tử đã đưa hầu hết kinh sách của Tu Viện Chơn Như lên mạng ở địa chỉ:

www.nguyenthuychonnhu.net www.chonnhu.net


SÁCH SẼ IN

1- Giới Đức Làm Thánh Tăng tập I.
2- Vườn Thơ Nguyên Thủy tập 19, 20, 21.
3- Những Lời Phật Dạy tập 6, 7, 8, 9, 10 (Mới nhuận)
4- Đạo Đức Làm Người tập III.
5- Văn Hóa Phật giáo Truyền Thống tập II.