1.- Lời Dạy Đầu
Con phải biết đây là pháp tập luyện sau khi 4 Niệm Xứ đã sung mãn, nghĩa là ngồi chơi mà tâm thanh thản an lạc vô sự 12 tiếng đồng hồ, vẫn thản nhiên không khởi một niệm nào. Lúc đó mới bắt đầu ôm pháp Thân Hành Niệm mà luyện. Chỉ trong vòng 3 đến 5 tiếng đồng hồ thì 10 Thần lực, hay 10 Như Lai Lực, tức 4 Thần Túc hay 4 Như Ý Túc, hiện ra đầy đủ, bởi luyện pháp Thân Hành Niệm này tạo ra lực đó. Người tâm chưa li dục li ác pháp mà luyện pháp này thì nó sinh lực tưởng, và từ lực tưởng đó hiện ra những cái rất tai hại, chỉ nguy hiểm cho người tập luyện. Thầy thấy pháp hay nhưng chỉ hay đối với người đã chứng giới luật nghiêm chỉnh, đã li dục li ác pháp. Còn những người chưa chứng giới luật, nghe pháp hay như vậy rồi bắt chước và cố công tập luyện, nếu xẩy ra điều gì thì rất đau buồn. Nếu không có Thầy giúp cho để xả, thì suốt đời ôm bệnh thần kinh rất khổ, khổ cho bản thân và khổ cho gia đình.
“Lúc này Thầy chưa muốn dạy pháp này mà chờ đến khi có người nào giới luật nghiêm chỉnh, lúc đó người này mới được dạy pháp Thân Hành Niệm. Chỉ khi giới luật nghiêm chỉnh thì 4 Niệm Xứ mới được sung mãn, tâm mới được thanh thản an lạc vô sự. Không phải Thầy không muốn cho các con tập luyện pháp Thân Hành Niệm nhưng Thầy không muốn khi được phổ biến, có những người biết pháp đó tuyệt vời quá, nên bắt chước tập luyện mà lẽ ra phải đủ giới luật và dưới sự hướng dẫn của bậc Thầy cho đúng với đặc tướng của người đó thì không bị tai hại. Vậy dừng lại, đừng tập luyện pháp Thân Hành Niệm, trừ khi Thầy cho người đó tập để phá cái gì.” (Trích Lớp Chánh Kiến 2005-2006, Ngày Khai Giảng).
Bây giờ con chỉ tập làm quen với Thân Hành Niệm, mỗi thời chỉ nên tập 10, 15 phút thôi. Còn Chánh Niệm Tĩnh Giác (kinh hành) thì tập 30 phút, dù có an hay không an cũng chỉ tập bấy nhiêu thôi. Tập luyện Định Niệm Hơi Thở cũng vậy, chỉ 30 phút thôi. Tập nhiều quá sẽ quá sức, không có lợi.
Khi đã tập luyện 30 phút trong pháp môn nào thì cứ giữ 30 phút, đừng tập đến một giờ rồi sụt lui lại, không nên.
2.- Cần Thiện Xảo Chọn Tốc Độ
Đi Thân Hành Niệm chậm nhưng không nên chậm quá. Nếu chậm quá thì thừa thời gian, vọng niệm tới tâm sẽ phóng dật, không theo dõi kỹ từng động tác của chân. Thí dụ dở chân lên như vầy, đưa tới như vầy, hạ xuống như vầy... Nếu thân hành vừa đúng với đặc tướng và nhân tướng của con, không nhanh cũng không chậm quá thì sẽ không bao giờ có niệm khác xen vào. Nếu chậm quá sẽ dư thời gian vì thế mà có niệm khác xẹt vô; mà nhanh quá cũng có niệm khác xẹt vô. Làm sao để thiện xảo đến mức độ tập luyện Thân Hành Niệm tâm không phóng dật, không niệm nào xen vào được.
Như cách con đang đi Thân Hành Niệm thì nên đi hơi chậm hơn một chút nữa và khi ra lệnh phải ra lệnh cho mạnh, rõ ràng từng động tác nhỏ của bàn chân. Ra từng lệnh và đi như thế cho sức định đạt, cho tâm bám chặt lệnh và thân hành.
Để tránh sự nghiêng ngã vì thiếu thăng bằng trong khi đi thì nên bước với khoảng cách ngắn lại và không dở bàn chân lên cao quá. Khi một chân giữ trụ và chân kia đưa xa tới trước hay dở cao sẽ bị mất thăng bằng, khó giữ được thăng bằng.
Tập riết thì các hành động đi sẽ nhịp nhàng, từ từ. Tập Thân Hành Niệm dần dần sẽ đi vào hành động vi tế của thân. Nó sẽ cấu kết thành cỗ xe.
3.- Phối Hợp Thân Hành
Tập luyện Thân Hành Niệm làm sao cho nhịp nhàng, các thân hành ăn nhịp chặt chẽ, cấu kết thành một cỗ xe. Thí dụ con đang đi, ra lệnh đứng lại thì làm sao đứng lại không bị lừng khừng, hai chân phải đều ngang nhau, không chân trước chân sau; rồi ngồi xuống; kéo chân vô; đặt chân lên. Tất cả làm sao cho nhịp nhàng, đều đặn, ăn khớp. Có vậy mới thành cỗ xe.
Trong hành động đi, vì chỉ có một hành đi nên dễ ăn khớp, dễ nhịp nhàng. Còn khi cần cấu kết từ hành động đi này với hành động khác như đứng, ngồi..., đòi hỏi sự ăn khớp. Khi đang đi muốn đứng thì làm sao? Đang đứng muốn ngồi thì làm sao, v.v... Mọi hành động của thân phải nối với nhau nhịp nhàng, suôn sẻ, không ngập ngừng, lừng khừng. Có vậy mới thành cỗ xe, mới thành căn cứ địa. Khi được như vậy thì dường như mình quên hết mọi ngoại cảnh, ai làm gì cũng không bận tâm, trời nóng trời lạnh cũng không biết, muỗi cắn mình cũng không còn biết. Khi đó sẽ có một niệm gọi là Thân Hành Niệm, là niệm của thân. Khi đã có được niệm này thì dùng nó để dẫn tâm vào định. Bây giờ con tập làm sao cho mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi... ăn khớp, nhịp nhàng để từ đó mới dần dần đi vào niệm thân hành.
Phải cố gắng chuyên cần tập cho đúng phương pháp mới có được niệm này, chớ không phải dễ dàng đâu. Dù có những hành động sai khác nhau, nhưng làm sao để hành động này ăn khớp với hành động kia. Đó là phương pháp tập luyện. Con cố gắng đạt cho được.
4.- Thực Hành Tập Luyện
Với Kinh Hành Tĩnh Giác, khi ra lệnh chân mặt bước thì cả bàn chân dở lên bước tới chứ không lưu ý tới các động tác nhỏ trong sự di chuyển bàn chân, mục đích là để đạt sự tĩnh giác thôi. Còn trái lại, trong Thân Hành Niệm ra lệnh tổng quát xong còn phải ra lệnh tiếp từng động tác nhỏ của bàn chân di chuyển. Thí dụ: “Chân phải bước!”; “Dở gót lên!”; “Dở chân lên!”; “Đưa chân tới!”; ‘Hạ chân xuống!”; “Hạ gót xuống!”. Cứ mỗi động tác là một lệnh. Lệnh đi trước, chân chuyển động theo sau làm sao cho nó nhịp nhàng, để nó trở thành một lực đạo, thành Trạch Pháp Giác Chi, cho đến khi tâm điều khiển toàn bộ thân hành. Cho nên cần phải chậm. Chỉ trong một khoảng ngắn thôi, con có thể đi đến 20 bước. Và khi đi đủ 20 bước thì ra lệnh “Đứng lại!”; “Ngồi xuống!”;... Tập rất kĩ từng hành động đó.
Khi đi kinh hành thì con đâu biết trong động tác đưa chân như vậy có những động tác khác. Cho đến khi tập Thân Hành Niệm thì mới thấy từng động tác nhỏ, vi tế được bao gồm trong động tác di chuyển chân tới trước của mỗi bước. Thân nghiệp rất vi tế, nó làm thành thói quen, nhanh quá nên ý thức mình không nhận thấy kịp, không nhận ra được, không kiểm soát được. Hô bước thì nó (thân nghiệp) bước cái vụt trong khi động tác đó có biết bao động tác khác mà nó làm nhoáng một cái bao gồm hết toàn bộ. Bây giờ phải chẻ nát nó ra, làm thành rõ ràng từng cái, từng cái. Đó là mình bắt đầu làm chủ nó.
Sau khi cấu kết các hành động rồi thì mới đều nên thời gian để đi trong một đoạn đường phải giảm xuống. Thí dụ lúc mới tập Thân Hành Niệm con đi quanh thất chỉ 2 hay 3 vòng trong 30 phút. Nhưng khi đã cấu kết thành cỗ xe chạy đều đặn rồi thì có thể đi tới 5 hay 6 vòng với thời gian 30 phút. Lúc mới đầu mà đi 8 hay 10 vòng thì nhanh quá, không kiểm soát thân hành được. Phải chậm lại để theo dõi từng hành động cho kĩ lưỡng. Phải rất kĩ, không bỏ sót hành động nào. Mới đóng chiếc xe, phải đóng cho kĩ lưỡng. Khi cỗ xe đã cấu kết được rồi, cho chạy thì nó chạy đều đặn, và nhanh hơn vì chạy thì phải nhanh.
Thân Hành Niệm giúp cho tâm định tỉnh hoàn toàn, do vậy mà tiếng động bên ngoài không làm cho tâm phóng đi được. Không phải luyện lơ mơ mà được trạng thái đó. Gom toàn bộ tâm vào động tác của bàn chân theo lệnh. Lệnh đi trước, hành động theo sau. Hành động phải được theo dõi kĩ. Thí dụ bảo “Dở gót lên!” thì gót chân đang nằm yên bắt đầu dở lên. Dở lên xong giữ yên đó không làm thêm động tác nào cho đến khi ra lệnh tiếp “Dở chân lên!” thì chân từ từ dở lên. Rồi “Đưa chân tới!” thì từ từ đưa chân tới. Khi chưa bảo đưa tới thì chân không được đưa tới.
Tập luyện Thân Hành Niệm trong khi đi, đứng, ngồi xuống, đứng lên... được thuần thục rồi thì trong tất cả mọi hành động ngoài giờ tập luyện này cũng tự động được điều khiển và động tác hành động sẽ chậm lại. Sau khi luyện thuần thục Thân Hành Niệm thì ngay khi ngồi ăn cơm tự nhiên các động tác cũng chậm nữa. Như khi muốn múc cơm thì hành động đó cũng được điều khiển trước “Lấy muỗng!”; “Múc cơm!”; “Đưa lên!”... Làm như thói quen, hễ hành động là phải được điều khiển. Điều khiển tất cả mọi hành động.
Đó là Thân Hành Niệm. Cần phải có thời gian tập luyện. Nó đi tới phần rốt ráo. Nó là phần rốt ráo. Khi tâm đã điều khiển mọi thân hành thì tâm cũng điều khiển cái nghiệp nữa. Lúc đó có thể xem như toàn thiện rồi. Khó chứ không phải dễ đâu. Nhưng chuyên cần tập luyện theo thời gian rồi phải quen.
5.- Chọn Đúng Tốc Độ
Thân Hành Niệm phải luyện tập từ từ mới được nhịp nhàng. Hành động bước đi rồi đứng mà không khéo thì bị lọng gọng, lừng khừng. Đứng mà hai chân không ngang nhau, chân trước chân sau. Khi ngồi xuống, khi đứng lên thì đưa tay ra như thế nào để cấu kết nhịp nhàng.
Con hãy trình Thầy xem cách con đi Thân Hành Niệm như thế nào.
Con tập như vậy là gần đúng rồi, gần thành cỗ xe được. Tuy nhiên cần phải chậm hơn nữa để tâm theo sát các động tác cho kĩ. Chậm thì tâm mới theo không bỏ sót, sức định tỉnh mới gom vào trong hành động. Thí dụ bảo “Chân mặt bước!” thì đó là lệnh tổng quát, chưa làm gì hết, chỉ chân mặt chuẩn bị thôi. Đến khi ra lệnh “Dở gót lên!” thì gót chân dở lên từ từ, lưu ý thật kĩ gót dở lên. Từ từ vừa phải. Không quá chậm, cũng không quá nhanh. Làm chầm chậm mỗi động tác, lưu ý kĩ mỗi sự chuyển động của bàn chân trong từng chuyển động, từ khởi đầu đến dứt.
Thân Hành Niệm đi chậm vừa đủ thì kĩ, nhưng chậm quá thì thừa, mà khá nhanh thì ý thức theo không kịp. Con tập từ từ sẽ nhận ra được tốc độ đi như thế nào thì phù hợp với đặc tướng để có kết quả tốt nhất của pháp Thân Hành Niệm.
Lúc đó các hoạt động của thân rất nhịp nhàng, an trú được trong thân hành, nhưng lúc này chỉ an trú được một thời gian ngắn thôi.
Hiện giờ con chỉ tập Thân Hành Niệm để ráp cho thành cỗ xe; chưa thực sự thành cỗ xe để sử dụng đâu, nghĩa là chỉ mới ở giai đoạn tập cho quen với những động tác ra lệnh của Thân Hành Niệm. Nếu chưa quen thì có thể bị sơ hở, bỏ sót hành động, có những hành động bị lướt qua. Khi Thân Hành Niệm đã ráp thành cỗ xe kiên cố rồi và đồng thời con đã nhiếp phục và an trú tâm trên thân hành được nữa, lúc đó cho cỗ xe chạy thì nó sẽ chạy tốt đẹp lắm.
6.- Tập Kỹ Lưỡng
Tập Thân Hành Niệm là phải tập kĩ lưỡng. Theo như cách con đã tập luyện đó, giờ chỉ cần chậm hơn một chút là được. Chậm quá thì thừa thời gian, không cần thiết.
Thầy đi như vầy cho con thấy: “Dở gót lên!”; “Dở chân lên!”; “Đưa chân tới!”; “Hạ chân xuống!”; “Hạ gót xuống!”. Đó, đi như vậy thì định tỉnh lắm. Nó định chặt chẽ trên hành động của thân. Chậm cũng vừa đủ thôi, chậm lắm sẽ dễ mất thăng bằng.
Trong hành động bình thường nhiều chuyển động nhập cuộc với nhau, giờ tập luyện Thân Hành Niệm phải phân ra từng hành động, từng chuyển động một để tác ý theo dõi sát, không bỏ sót, ý bám vào thật kĩ làm cho sức định tỉnh được tăng lên.
Tập thật kĩ lưỡng Thân Hành Niệm thì 7 Giác Chi sẽ xuất hiện, khi đó cảm giác như có một lực điều khiển thân mình hoạt động, không làm theo không được. Lực đó buộc mình hành động theo lệnh truyền ra. Con luyện sẽ thành được thói quen, giúp tâm định tỉnh trên hành động gọi là Thân Hành Niệm, lấy thân hành mà niệm trên đó để được định tỉnh. Sức định tỉnh bám chặt vào hành động của thân, lúc bấy giờ tự nhiên 7 Giác Chi xuất hiện làm cho tâm dính chặt vào thân hành một cách dễ dàng. Khi có đủ 7 Giác Chi thì sẽ có năng lực của Giác Chi, gọi là 4 Thần Túc, để nhập các định.
Bây giờ thì con chưa có định gì hết, chỉ tập để được tĩnh giác thôi. Nếu tập mà không có niệm khởi, không phóng tâm phóng dật thì chỉ mới tĩnh giác mà thôi chứ không có định đâu. Phải tinh tấn nữa cho tới khi 7 Giác Chi xuất hiện thì mới co năng lực của 4 Thần Túc để điều khiển thân mình nhập định, sau khi tâm hoàn toàn xả li mọi tham, sân, si. Nếu không có năng lực 4 Thần Túc của 7 Giác Chi này thì không xả li được tham, sân, si; không nhập định được.
Lúc mới tập luyện con đâu có đi được vậy, nay nhờ qua thời gian tập luyện con mới thấy được và đi được như vậy, chủ động được như vậy. Ý của mình hay cái tâm nhận thức thân hành tức là thân nghiệp. Lúc chưa tập luyện thì nghiệp dẫn thân hành. Làm rồi mới biết hành động đó, tức nghiệp chủ động. Bây giờ cái ý chủ động thân nghiệp. Tác ý rồi mới hành động. Cứ tập luyện chuyên cần lâu ngày con sẽ làm chủ cái nghiệp. Làm chủ được nghiệp thì cũng làm chủ được nhân quả. Nhân quả không dẫn mình được nữa. Nhân quả không còn đưa mình vào các ác pháp được nữa vì mình đã tĩnh giác trên thân nghiệp tức thân hành rồi. Đó là phương pháp để chuyển nhân quả mới, giải thoát mình ra khỏi vòng bao vây của nhân quả, ra khỏi sự khổ đau của nhân quả.
Trong khi tập luyện Thân Hành Niệm con thấy rõ ràng nếu tâm an trú được, năng lượng sung mãn thì con tăng giờ tập luyện lên. Còn nếu không thấy gì thì giữ ở thời gian đó mà tập luyện để không bị hao hụt năng lượng, rồi ngày sau tập tiếp. Tập luyện đúng cách thì năng lượng tăng lên, tập luyện quá sức thì năng lượng bị hao. Nếu tâm không an trú thì không sung mãn năng lượng mà nếu năng lượng không đầy đủ thì 7 Giác Chi không thể xuất hiện đủ. 7 Giác Chi là năng lực nhờ huân tu đúng cách mà năng lượng đó trở thành lực rất mạnh. Mọi người đều có khả năng tạo lập 7 Giác Chi này.
7.- Chú Tâm Trong Thân Hành Niệm
Pháp Thân Hành Niệm thì tập trung ý thức vào từng hành động và theo lệnh tác ý từng hành động đó. Lúc đầu phải nhìn rất kĩ, tác ý rất kĩ . Sau khi lực đẩy xuất hiện, có lực đẩy rồi thì không nhìn kĩ nữa. Khi tác ý thì tự nó bật ra sức đẩy. Thí dụ Thầy bảo “Tay mặt đưa lên” thì lẽ ra theo ý Thầy phải đưa tay lên liền, nhưng ở đây nó tự động điều khiển đưa tay ra, rồi nó tự động điều khiển đưa tay lên. No không theo ý của Thầy. Ý Thầy muốn nó đưa ngay lên, nhưng nó tự đẩy tay ra rồi mới đưa lên, thì đó là cái lực nó tự làm như vậy, không phải là Thầy làm. Cho nên nó muốn cách đó thì nó tự đẩy ra, rồi tự đưa lên. Thầy không sai bảo nhưng nó làm theo kiểu của nó, tại vì nó biết cách điều khiển đúng đắn, nhịp nhàng, ăn khớp các cơ bắp và hệ thần kinh. Ý Thầy cứ làm ngay cách thức có hại cho cơ thể, chỉ có vận dụng cơ bắp mà không phù hợp hệ thần kinh.
Lúc đầu, khi đi con tập trung sự chú ý nhìn dưới bước chân, vừa thấy, vừa cảm nhận hành động của chân thật kĩ. Do tập kĩ lưỡng như vậy được một thời gian thì lực đẩy xuất hiện, lúc đó con không chú ý nhìn hành động thân kĩ như thế nữa, cũng không tác ý ra lệnh nhắc từng chi tiết nhỏ mà chỉ tác ý ra lệnh tổng quát, thí dụ ra lệnh: “Chân mặt bước!” thì chân tự động dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống. Con nhìn ra tới trước, không nhìn xuống chân mà tự động nó đẩy dở gót, đẩy dở chân... Con chỉ ra lệnh tổng quát chân bước thế mà nó tự động làm hết các động tác theo thứ tự để chân bước tới. Đó là giai đoạn Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện mới được vậy, chứ con tự thay đổi thì không đúng cách.
Thay đổi cách nhìn tới trước trong khi đi Thân Hành Niệm mà con vừa trình bày đó là không đúng cách. Lúc này con cứ tập trung, cứ nhìn kĩ xuống chân, đến chừng Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện thì con chỉ ra lệnh tổng quát, trong đầu im phăng phắc thế mà chân tự động dở lên, đưa tới,... chứ không phải trong đầu vẫn ra lệnh như bây giờ. Lúc đó con thấy nó lạ lùng lắm, hay lắm. Khi chân hạ xuống xong mà con không ra lệnh nào khác thì nó đứng yên tại chỗ đó, không làm thêm động tác nào khác khi chưa có lệnh. Nếu con bảo “Chân mặt bước!” thì chân mới bắt đầu dở gót lên rồi tiếp những động tác cần thiết để đưa chân bước tới, chẳng khác gì người của mình trở thành máy móc (robot). Từ chỗ thanh tịnh mà nó có lệnh thì gọi là Trạch Pháp Giác Chi.
Bây giờ con tập luyện Thân Hành Niệm như Thầy đã chỉ dạy. Ra lệnh tổng quát và ra lệnh từng động tác nhỏ của bàn chân. Ra lệnh xong mới từ từ chuyển động chân trong khi tâm chú ý hoàn toàn vào động tác để ghi nhận. Chậm, nhưng không nên quá chậm, quá chậm sẽ thừa thời gian. Mỗi bước hoàn tất không lâu hơn nửa phút. Cấu kết thuần thục các động tác cho tâm gắn chặt chẽ với thân hành. Con tập luyện Thân Hành Niệm với lệnh tác ý từng động tác một cho đến một ngày nào mà con tác ý “Chân phải bước!” nhưng chưa ra lệnh tiếp “Dở gót lên!” thì chân không hành động. Chừng nào trong đầu ra lệnh tiếp như vậy thì chân mới bước. Nó hay đến như vậy đó. Con không ra lệnh thầm nhưng trong đầu cái ý ra lệnh “Dở gót lên!”. Cái đó là Trạch Pháp Giác Chi. Nó rất mạnh. Trạch Pháp Giác Chi ra lệnh rất mạnh. Con thấy con không ra lệnh mà sao trong đầu nó ra lệnh, làm như cái tưởng của con, nhưng không phải là tưởng mà chính là ý thức. Thành ra ngay từ lúc này phải tập ra lệnh rất mạnh. Nhờ thế nó trở thành ý thức lực. Con chưa ra lệnh thì chân chưa dám dở gót, chưa dám bước. Khi ra lệnh thì động lệnh phải mạnh, thí dụ “Chân phải bước!” thì chữ “bước” phải mạnh; “Dở gót lên!” thì chữ “lên”. Con cư tập luyện như vậy cho đến chừng tạo ra lực ý thức, lúc bấy giờ lực ý thức sẽ điều khiển thân con.
Thí dụ cái tay của con mà ý của con muốn thì nó mới hành động chứ ý chưa muốn thì nó không hành động. Mà hễ nó ra lệnh rồi thì có lực đẩy, con muốn dừng lại nó không dừng. Nó ra lệnh “Dở gót lên!” mà con không dở gót không được. Nó có lực bên trong đẩy gót lên, con không cưỡng chống lại cái lực đó được. Lực đó rất mạnh. Cho nên bước đi mà nghe thân nhẹ nhàng. Nó đẩy thân đi. Nó đẩy chân lên. Nó kéo chân xuống, làm bước đi của con nhịp nhàng. Con cứ tác ý tập luyện như vậy một thời gian thì sẽ có lực ý thức đó hiện ra. Lực ý thức xuất hiện dần dần, mạnh lên dần dần.
Khi sự luyện tập đã thành thục rồi thì con thử chỉ ra lệnh tổng quát thôi. Thí dụ “Chân mặt bước!” Rồi con quan sát chân. Nó sẽ từ từ dở gót, dở chân, bước tới,... Con thấy tuy không còn ra lệnh từng động tác nhỏ của chân nhưng chân tự động làm những động tác y như khi có ra lệnh. Khi tâm an trú được trong hành động đi thì con sẽ cảm thấy có cái lực tuyệt vời. Và sự an trú càng lúc càng tăng trưởng, càng lớn mạnh, nó làm cho mình rất an ổn.
Muốn đạt được như thế thì Định Niệm Hơi Thở không thể nào không đi đầu, tức con cần phải an trú tâm vào trong hơi thở cho được. Con đã biết cách an trú này. Khi an trú vào hơi thở xong thì đứng dậy bắt đầu ra lệnh “Chân trái bước!” Một khi tâm đã an trú và con vừa khởi động luyện Thân Hành Niệm thì sẽ có một lực hiện ra tức khắc, tức là khi con dở chân dường như có một sức đẩy lên; đưa chân tới thì có sức đẩy đưa tới; để xuống, tự nó hút xuống; rồi gót dở lên, để xuống do sức hút mà con không còn phải dùng cơ bắp nữa.
Khi tập luyện Thân Hành Niệm mà chỉ ra lệnh tổng quát, không ra lệnh từng động tác nhỏ của bàn chân, tuy nhiên vẫn còn cái lệnh “vi tế”, dường như vẫn còn ra lệnh. Đến khi con tập luyện thuần thục rồi thì lệnh vi tế không còn mà chỉ còn cái ý bám chặt vào thân hành, chừng đó ý tới đâu thân hành động tới đó, thân không rời khỏi ý mà ý cũng không rời khỏi thân. Lúc đó gọi là “tâm định trên thân ” của Niệm Giác Chi. Tình trạng rất vắng lặng, ý bám rất chặt vào thân hành.
Khi Niệm Giác Chi xuất hiện thì tâm bám chặt trên hành động thân. Cho nên con không ra lệnh mà tâm theo rất chặt, vì vậy mà buộc lòng con phải bước chậm để cho nó theo chứ nhanh nó theo không kịp. Lần lượt con trải qua cái thô rồi mới tới cái vi tế bởi vì từ Niệm Giác Chi mới đi đến Định Giác Chi. Tâm lần lượt bám vào trong hành động rất kĩ. Khi đó mới có định.
Chừng nào tập luyện tới giai đoạn 3 của 4 Niệm Xứ thì con sẽ tập Thân Hành Niệm một giờ qua 4 Niệm Xứ một giờ. Cứ hai pháp môn liên tục thay nhau tập luyện. Lúc đó luyện 4 Niệm Xứ là ngồi để đẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp bằng các tác ý, rồi trở về Thân Hành Niệm là luyện như trên. Và cuối cùng chỉ còn luyện Thân Hành Niệm thôi, không luyện 4 Niệm Xứ nữa. Thân Hành Niệm là NHẤT DẠ HIỀN đó. Nó rất tuyệt vời. Tập luyện Thân Hành Niệm sẽ có 10 Như Lai Lực như trong kinh Phật đã xác định.
Niệm Giác Chi là Thân Hành Niệm, đức Phật nói vậy, tức là niệm của thân. Niệm Giác Chi hiện ra rồi thì thân tự hành động. Khi con ra lệnh bước thì thân con hiện ra bước đi đều đặn, nhịp nhàng, dài ngắn, cao thấp, bước nào cũng như bước nấy, không khác nhau. Khi Niệm Giác Chi chưa có thì sự nhịp nhàng này không có, bước đi thì độ dài ngắn, cao thấp không đồng đều. Niệm Giác Chi hiện ra rồi thì con không vận động thân nữa mà tự động có cái lực bên trong khiến thân hành động nhịp nhàng, đều đặn. Thân tự niệm.
Nhưng bây giờ con dùng ý để niệm thì đây là ý niệm chứ không phải thân niệm. Còn Niệm Giác Chi là thân niệm, không còn ý niệm nữa mà ý điều khiển cái thân cho thân niệm. Thân tự niệm bước đi chứ ý không còn điều khiển bước đi nữa.
8.- Cần Tập Luyện Dưới Sự Chỉ Dạy Của Vị Thầy
Thường thường người tập luyện thiếu sự chỉ dạy từ một bậc Thầy, cứ nghĩ tưởng mình đã làm đúng, đã tập luyện đúng, nhưng thật sự thì chưa, vì khi tập luyện có nhiều sơ sót lắm, rồi sẽ gặp khó khăn. Thí dụ do sự tập luyện sai sót mà sinh chướng ngại, khiến thân đau nhức chứ không phải tập luyện mà sinh đau nhức. Pháp của Phật tập luyện đúng thì bao giờ cũng đẩy lui các chướng ngại pháp, không xẩy ra đau nhức. Nhưng vì tập luyện không đúng nên sự đau nhức mới hiện ra.
Thầy cũng gặp khó khăn trong khi tập luyện vì đâu có vị Thầy nào dạy cho Thầy. Thầy chỉ nương vào lòng tin đối với đức Phật thôi. Chỉ khi thấy quá khó khăn không thể vượt qua được, Thầy mới kêu gọi đức Phật gia hộ. Thầy thầm kêu gọi “Con quyết tâm tập luyện giải thoát, nhưng sao gặp chướng duyên khổ mình. Xin Phật Thích Ca gia hộ giúp con!”. Thầy chỉ biết nguyện trong lòng như vậy, mong Đức Phật trợ giúp, thế mà tự nhiên trong đầu nghĩ ra pháp. Pháp tự nó sáng ra. “À, cái này mới đúng. Cái kia sai rồi”. Trước đó đầu óc mờ mịt nhưng sau khi kêu gọi như vậy thì tự nhiên đầu óc sáng ra. Nhờ vậy, Thầy mới sửa lại hành động tập luyện. Từ đó giải quyết được khó khăn, chứ Thầy đâu biết cái nào đúng sai.
Thầy đâu thấy ông Phật dạy, chỉ trong đầu dạy. Nhưng tại sao trước đó nó không sáng mà sau khi kêu gọi nó mới sáng? Mặc dù không thấy Đức Phật hộ trợ, nhưng Thầy tin Phật đã hộ trợ. Nhờ vậy Thầy mới sửa lần. Từ đó Thầy biết được cách thực hành tu tập pháp Thân Hành Niệm.
Bây giờ con tập luyện được có Thầy bên cạnh chỉ dẫn. Thầy còn sống thì có được kinh nghiệm của Thầy, tập luyện sẽ dễ chứ nếu không có thì con đâu biết hỏi ai. Như ngài Mục Kiền Liên ngày xưa ở nơi hoang vắng thế mà đức Phật đã giao cảm được để tới đó bảo cho Ngài Mục Kiền Liên. Khi thì “Hãy im lặng như Thánh”, khi thì dạy cách phá buồn ngủ.
Con phải có lòng tin chứ chư Phật không thể đến gần con được. Có tiếp nhận từ trường chư Phật được hay không là do mình. Khi Phật nhập diệt rồi thì chỉ còn cơ may tiếp nhận được hay không tiếp nhận được năng lực đó. Nếu tiếp nhận được thì sẽ vượt qua được các khó khăn gặp phải. Nhưng làm sao để hưởng được sự trợ giúp này của năng lực chư Phật? - Do mình thôi, không do nhờ ai khác. Vấn đề là phải có năng lực của lòng tin do sự quyết tâm của mình. Chỉ có vậy thôi.
Bây giờ Thầy nói rõ trước: Tập luyện pháp Thân Hành Niệm này khi xẩy ra pháp tưởng thì nguy hiểm nhiều lắm, nó khiến mình làm thơ, làm văn... Lúc đo Thầy bảo “Phải im lặng như Thánh!” thì phải xả bỏ, không được làm thơ văn gì nữa, đừng viết nữa. Người nào không nghe lời mà cứ viết thì người đó sẽ bị pháp tưởng nguy hiểm vô cùng.
Mình phải có lòng tin ở bậc Thầy và nhiệt tâm, quyết tâm. Lòng tin làm cho mình cố gắng nhiều, không chịu lùi. Kế đó làm sao để giao cảm được với tập hợp từ trường của những bậc đã tu chứng lưu hành trong vũ trụ và đúng lúc thì từ trường này làm cho đầu óc mình sáng tỏ ra.
9.- Thân Hành Niệm Sanh Bảy Giác Chi
Nếu luyện 4 Niệm Xứ chưa sung mãn, nghĩa là khi các niệm tuôn trào nhưng thấy tâm thanh tịnh chưa sung mãn lắm thì con luyện pháp Thân Hành Niệm ngay. Dùng pháp Thân Hành Niệm để cho 7 Giác Chi xuất hiện đầy đủ năng lực.
Khi thấy các niệm quay vô, tâm được bất động mà chưa có cái lực hướng tâm đủ mạnh cho con vào Định nào được, thấy tại sao nó không tác ý mà chỉ giữ thanh thản thôi, không thấy nó đưa con nhập vào các Định tức là con chưa có đủ năng lực 7 Giác Chi. Lúc đó phải sử dụng pháp Thân Hành Niệm liền. Phải quay lại ôm chặt pháp Thân Hành Niệm. Tác ý từng hành động của mỗi bước.
Nên nhớ lúc đó nó tự tác ý ra lệnh chi tiết từng hành động, con chỉ ra lệnh tổng quát thôi. Nó tự động làm. Từ trước đến giờ, con tập phải ra lệnh bảo từng hành động dở lên, để xuống. Còn lúc này thì từng bước nó làm chứ không phải con làm, vì lúc này tâm định tỉnh rồi, tâm không phóng dật nữa. Khi ra lệnh “Bước!” thì tự động chân dở lên, đưa tới, để xuống; nhịp nhàng, đều đặn, nhẹ nhàng, không sai, không sót. Cái ý bám sát từng hành động bởi vì thân định tỉnh rồi cho nên hành động của thân tự thành Niệm Giác Chi. Nó không làm lộn xộn một lần hai ba hành động đâu. Nó không làm gì lướt qua dối trá, che đậy hành động đó. Rất hay.
Khi đó con chỉ duy nhất dùng pháp Thân Hành Niệm. Đi tới, ngồi xuống, đứng lên. Chỉ liên tục luyện trong vòng một giờ thì 7 Giác Chi xuất hiện đủ hết. Trong người dồi dào năng lực làm như đang có sung mãn một lực gì mạnh kinh khiếp. Thí dụ con có thể nghĩ nếu hét la lên một tiếng thì tiếng đó phải làm quả đất sụp. Cảm thấy thần lực mạnh kinh khiếp, không thể nghĩ tưởng được. Đó là lực của tâm thanh tịnh của con người.
Thân Hành Niệm là pháp điều khiển hành động của thân với đầy đủ ý thức. Luyện ở giai đoạn cuối cùng để 7 Giác Chi xuất hiện nên cần phải tỉnh thức. Khi nào con đạt được trình độ tinh tấn đúng mức thì Tinh Tấn Giác Chi xuất hiện, nó làm cho con siêng năng tập luyện một cách tự nhiên, không thấy có cố gắng chút nào mà tự nhiên thích tập luyện, không còn lười biếng giải đãi. Sau đó Khinh An Giác Chi xuất hiện, con cảm thấy thân hình nhẹ nhàng, bước đi thanh thản, cấu kết các thân hành đi, đứng, nằm, ngồi, đưa tay ra, co tay vào ăn khớp chặt chẻ với tâm của con. Cùng lúc đó con thấy vui vẻ phấn khởi một cách tự nhiên. Đó là Hỉ Giác Chi. Khinh An Giác Chi và Hỉ Giác Chi liền cặp với nhau. Khi Khinh An Giác Chi xuất hiện thì Hỉ Giác Chi cũng xuất hiện ngay sau đó. Từ đây thân và tâm gắn chặt với nhau và Niệm Giác Chi bắt đầu có. Thân trở thành niệm của tâm, hay trong kinh nói “Tâm định trên thân” và con bắt đầu có Định Giác Chi, tâm không còn phóng dật ra nữa. Rồi Xả Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi cũng xuất hiện.
Năng lực bảy Giác Chi là năng lực của giải thoát. Chỉ người có năng lực bảy Giác Chi mới biết nó như thế nào, chứ người thường, người chưa có bảy năng lực này không thể hiểu bằng lý trí được.
Nhưng con phải tập luyện 7 đề mục căn bản đầu của Định Niệm Hơi Thở cho đạt được kết quả, chừng đó chuyển qua luyện 7 Giác Chi sẽ được dễ dàng.
10.- Tứ Niệm Xứ – Thân Hành Niệm
Do đặc tướng từng người làm sao để trước nhất họ nhiếp tâm trên bước đi cho được, cho nên Thầy dạy cho người này tập làm quen với pháp Thân Hành Niệm. Khi tập pháp Thân Hành Niệm này họ có được sự nhiếp tâm trên bước đi. Để khi tập luyện pháp môn Kinh Hành Tĩnh Giác hay Định Niệm Hơi Thở thì dễ nhiếp tâm vào bước đi hay hơi thở hơn. Nhờ được tập làm quen Thân Hành Niệm nên họ mới đủ lực để tập luyện các pháp môn đó, rút bớt thời gian để mau đạt được tĩnh giác, không bị vọng niệm khởi nhiều.
Con chỉ mới ngồi được 1 phút là có vọng niệm lộn xộn rồi. Nếu không cho tập nhiếp tâm trong thân hành của Thân Hành Niệm thì con rất mệt mỏi trong việc nhiếp tâm vào Kinh Hành Tĩnh Giác hay Định Niệm Hơi Thở. Nhờ Thân Hành Niệm mà bây giờ vừa mới đi con đã nhiếp tâm được. Chỉ khi nào luyện tất cả các đề mục của Định Niệm Hơi Thở, nhiếp tâm và an trú tâm được có kết quả chắc chắn, ổn định thì mới bắt đầu luyện 4 Niệm Xứ, lúc đó chỉ ngồi thư thả bình thường để đẩy lui chướng ngại pháp. Có chướng ngại pháp nào tới thì dùng kết quả của các đề mục đó của Định Niệm Hơi Thở mà đẩy lui chúng ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp. Sau khi đẩy lui hết tất cả chướng ngại thì lúc đó mới thực sự luyện Thân Hành Niệm để có 10 thần lực xuất hiện ra.
Thân Hành Niệm là pháp để luyện 10 thần lực chứ không phải tập luyện Chánh Niệm Tĩnh Giác nữa. Cho nên ai ôm riết pháp Thân Hành Niệm tập trong khi tâm tham sân si chưa đoạn trừ thì sẽ bị phản ứng liền. Nó sinh ra những đau nhức, mỏi mệt đủ thứ, làm cho người này hết còn tập luyện được. Nhưng ở đây con chỉ sử dụng để tập nhiếp tâm thì không sao, con đâu tập Thân Hành Niệm nhiều, chỉ 5 hay 10 phút trong mỗi thời tập luyện thôi. Còn ai tham, nghe nói nó có 10 thần lực mà tập nhiều thì sẽ bị nó vật liền vì tâm tham sân si chưa được xả.
Ngay cả khi con tập làm quen với nó, nếu nhiếp được tâm trong khi đi Thân Hành Niệm nghĩa là khi thấy có lực đẩy thân nhè nhẹ thì phải ngưng ngay, và trở về tập luyện các đề mục của Định Niệm Hơi Thở và Kinh Hành Tỉnh Giác. Nếu không nghe lời, cứ tập tới thì sẽ bị phản ứng cơ thể, tay chân mỏi mệt rụng rời hết.
Khi mới tập luyện Thân Hành Niệm mà có lực đẩy thì đó chỉ là lực của ma. Nếu con cảm thấy hoan hỉ mà cho là Khinh An Giác Chi xuất hiện, làm cho con thích đi, đi hoài từ 1, 2 cho đến 3 giờ mà chưa muốn xả nghỉ nữa. Như vậy là bị nó làm cho xem nó là vật quý, liền khởi tâm tham đắm.
Nhưng nếu khi con hiểu rằng đó là dấu hiệu cho biết con đã đủ trình độ để trở về 4 Niệm Xứ luyện xả tâm thì các lực ma đó không xẩy ra. Và luyện 4 Niệm Xứ cho đến lúc có lực hoan hỉ, hỉ lạc, khinh an. Tiếp tục luyện cho đến khi tâm thanh thản an lạc, thân cũng được an lạc khinh an, không cảm thấy có gì chướng ngại nữa, ngồi lâu không thấy mỏi mệt đau nhức thì biết là 4 Niệm Xứ đã viên mãn. Bốn Niệm Xứ là pháp làm cho thân và tâm bất động, tức là nhập vào Bất Động Tâm Định cho nên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp hoàn toàn im phăng phắc, không gì làm động được. Lúc đó, con đứng lên đi Thân Hành Niệm một lúc thì 10 thần lực đó hiện ra. Đó mới là Thần Lực Như Lai.
Pháp Thân Hành Niệm được tập luyện đúng thì thần lực phải hiện ra vì thần lực là kết quả đích thực của Thân Hành Niệm. Không có thần lực của Thân Hành Niệm thì không làm chủ sự sống chết được.
Đức Phật đưa ra pháp nào cũng thực tế cụ thể chứ không hề có sự mơ hồ. Tập luyện đúng là có kết quả. Bởi vậy Phật nói “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Nhưng phải tập luyện cho đúng pháp, đúng thời mới được. Cho nên Thầy dạy làm sao thì phải tập luyện làm vậy. Đừng nghĩ và làm theo ý riêng của mình. Thầy bảo pháp này tập 5 phút thì tập 5 phút thôi, pháp kia tập nửa giờ thì tập nửa giờ. Rồi một bữa hay hai bữa đến trình cho Thầy biết con tập luyện vậy mà nó vậy vậy, chứ đừng âm thầm tự suy nghĩ sửa đổi thêm bớt rồi phải tốn công sức và thì giờ lâu để gỡ rối.
Vậy trong thời gian ở giai đoạn đầu này, con tập Thân Hành Niệm thì đi độ 10 – 12 phút cho 20 bước, theo dõi sát các hoạt động của bước chân. Con chỉ tập cho quen tác ý và động tác đi đôi với nhau, vậy đừng nên tập nhiều, không tập lâu. Nếu tập nhiều, tập lâu sẽ không thích nghi với cơ thể khi cơ thể chỉ mới bắt đầu tập luyện, ác pháp còn nhiều, sẽ sinh bệnh tật, mệt mỏi, hoặc làm cho con cảm thấy khó chịu. Chỉ tập từ từ cho nó thích nghi dần. Tập luyện cần phải có thời gian cho cơ thể và tinh thần được thích nghi, đừng có vội gấp.
Bất cứ pháp môn nào cũng không nên tập luyện nhiều quá bằng không thì tự con làm cho cơ thể bị rối loạn. Vậy phải tập luyện chỉ như thăm dò xem cơ thể đã thích nghi hay chưa.
Pháp Thân Hành Niệm rất đặc biệt vì đức Phật nói nó có 10 thần lực, từ đó năng lực của 7 Giác Chi xuất hiện. Phải biết pháp môn đặc biệt thì phải cẩn thận chờ cho đến khi tinh thần và cơ thể thích nghi. Có thanh tịnh mới thích nghi được.
Tinh thần và cơ thể còn quá bất tịnh thì không thể thích nghi. Khi chưa thanh tịnh mà tập luyện quá nhiều, quá dài lâu, bắt ép chịu đựng trên pháp thì tinh thần và cơ thể không thích nghi được, cho nên bị rối loạn. Vậy phải có sự hiểu biết đúng đắn hợp lý, hợp khoa học để không bị các tác hại do làm sai, tập luyện sai, tập luyện quá sức.
Thầy sợ người ta tập luyện Thân Hành Niệm không đúng lúc sẽ sinh ra thần thông tưởng, có hại. Như con thấy, K.T. nhờ tập luyện pháp Thân Hành Niệm nên chỉ cần tác ý ra lệnh thì tiếng động lớn ồn ào mà thấy im phăng phắc, không nghe gì. Nhưng đó chỉ bởi sức ức chế của K.T. rất cao, cho nên tưởng lực rất mạnh. Những người nào có năng lực tưởng mạnh thì có thần thông. Thầy thấy năng lực này nên sợ người ta còn tâm dục mà có thần thông. Thầy thấy nguy hiểm nên bảo K.T. hãy dừng lại, hãy xả tâm trong lúc tập luyện 4 Niệm Xứ.
Luyện 4 Niệm Xứ cho tới khi tâm hết chướng ngại thì nó mới li dục li ác pháp thật sự. Bởi nếu trên 4 niệm xứ còn chướng ngại, còn khởi niệm, còn cảm thọ này, cảm thọ kia thì đó là những ác pháp, nên phải ở trên 4 Niệm Xứ để đẩy lui. Chừng nào con ngồi suốt ngày mà không có gì tác động trên thân tâm con, lúc đó là trình độ đúng mức của người luyện 4 Niệm Xứ. Ngồi kiết già tập luyện suốt ngày không cảm thấy đau chân, mỏi mệt bởi khi đó tâm ở trong trạng thái thanh thản an lạc vô sự hoàn toàn, cho nên không còn cảm thọ dục mà chỉ có cảm thọ hỉ lạc là cảm thọ của người tu 4 Niệm Xứ.
Ở trình độ của con, Thân Hành Niệm giúp giảm nhẹ tâm si, chế ngự tâm si, phá buồn ngủ, nâng sức tĩnh giác, phá loạn tưởng, các vọng tưởng không chen vô được. Và khi tập Thân Hành Niệm cơ thể vận động giống như một bài tập thể dục. Giai đoạn đầu này, chỉ nên tập Thân Hành Niệm để làm quen sự liên tục của các thân hành đi – đứng – ngồi – hít thở.
11.- Thân Hành Niệm: Thần Thông
Thân Hành Niệm tập luyện kết hợp, phối hợp thân hành nội và thân hành ngoại trong cách thức phối hợp các động tác co tay, co chân, ngồi xuống, hít thở, đứng lên, đi tới, đi lui đều phải có tác ý dẫn các hành động của thân. Đó là phương pháp tập sanh nội lực rất lớn. Đức Phật đã dạy luyện pháp Thân Hành Niệm nếu cấu kết thành như cỗ xe, kiên cố như căn cứ địa thì có 7 Thần Lực xuất hiện.
Do vậy nếu khi tâm chưa li tham, sân, si tức chưa li dục li ác pháp hết mà cố luyện Thân Hành Niệm thì những thần lực đó thể hiện những thần thông tưởng, chỉ là Thần Lực Tưởng, thuộc về ma. Những thần lực đó làm cho ta ham thích thì đó là những thần thông hữu lậu chứ không phải là thần thông vô lậu. Cho nên đức Phật xem đó là đồ bỏ, không quan trọng.
Còn khi đã li dục li ác pháp rồi thì chúng ta sử dụng mười thần lực đó để thực hiện làm chủ sự sống chết của chúng ta. Đó là tâm vô lậu. Nếu các thần thông đó có mà còn tâm dục thì đó là thần thông ngoại đạo. Họ có thần thông nhưng vì còn dục nên là hữu lậu. Chúng ta, qua các pháp tập luyện, tâm li dục li ác pháp hết rồi nên thần thông đó là thần thông vô lậu. Ðức Phật dùng ví dụ người ta chửi mình mà không giận là mình thể hiện thần thông. Không giận là mình phải có nội lực gì mới không giận.
Khi luyện Thân Hành Niệm, nội lực thể hiện đầu tiên là có sức đẩy rất mạnh. Nó có thể đẩy cơ thể bay một đoạn. Nếu tâm dục còn thì không làm chủ được sức đẩy này. Bây giờ con tập Thân Hành Niệm chỉ nhằm để tập tĩnh giác và rèn nghị lực của người mới tập luyện thôi. Tức kinh hành theo Thân Hành Niệm 20 bước, ngồi xuống hít thở 5 hơi, chứ không tập kĩ để nó xuất hiện các thần lực đó, vì không có lợi ích gì cho con trong lúc này.
Thân Hành Niệm đức Phật nói cấu kết như cỗ xe là khác với Chánh Niệm Tĩnh Giác, hay Kinh Hành. Qua kinh nghiệm của Thầy thì mới biết thật sự tại sao đức Phật không nói Chánh Niệm Tĩnh Giác có thần lực mà nói Thân Hành Niệm có 10 Như Lai Lực, con thấy rõ chứ? Luyện Thân Hành Niệm sau cùng, đức Phật nói khi nó cấu kết như cỗ xe, như căn cứ địa rồi thì 10 Thần Lực xuất hiện. Thần lực mà Đức Phật nói thì chúng ta đã thấy 5 cái đầu rồi, nhưng 5 cái sau, như ngồi đây mà sờ mặt trăng mặt trời, hoặc một thân biến ra nhiều thân, thì người ta không tưởng tượng nổi. Nhưng đức Phật nói là có chứ không phải không. Phật không nói sai đâu. Pháp Thân Hành Niệm rất tuyệt vời. Thầy biết rất rõ là vì Thầy đã đi qua rồi, Thầy làm được chuyện này.
Năm 2003, khi Thầy viết bức Thư Ngỏ về bộ sách Đường Về Xứ Phật, có ý nói là bây giờ nếu có một vị đạo sĩ nào ở bất kỳ đâu trên thế giới hành tinh này muốn thách đấu thần lực với Thầy thì Thầy không sợ ai hết nghĩa là khả năng của Thầy làm được 10 thần lực đó. Khi Thầy viết bức thư đó Thầy biết rõ việc Thầy làm, bởi vì muốn luận là Thầy sai thì vị đạo sĩ này phải có đủ 10 thần thông đó. Người tập luyện xong rồi thì biết Thầy ở mức độ nào, người ta không tranh luận với Thầy đâu. Ngoại đạo thì không làm gì được.
Ngày xưa ông Ca Diếp bị đức Phật nhận chìm xuống nước. Chuyện này nói ông Ca Diếp chê Phật không có thần thông, chỉ ông mới có, ông nói chuyện trên mây trên trời nên đức Phật đi trên mặt nước, lôi ông ra giữa dòng sông cho ông chìm, đức Phật thị hiện thần thông cho ông thấy. Từ đó ông và toàn bộ đoàn đồ đệ theo đức Phật.
Pháp Thân Hành Niệm khi cô đọng lại thành một cỗ xe, thành như căn cứ địa thì pháp đó rất tuyệt vời. Khó lắm; không dễ đâu. Mới tập luyện mà xuất hiện lực là không đúng, rất nguy hiểm; chỉ khi xuất hiện 10 Thần Lực Như Lai mới là lực đúng của nó. Đức Phật xác định nó có 10 Thần Lực Như Lai thì đâu phải tập chơi chơi mà có thể có được. Thần lực là lực của sức mạnh phi phàm, chứ đâu phải phàm lực.
Vậy cho nên pháp Thân Hành Niệm không phải là pháp tĩnh giác bình thường. Đi kinh hành bình thường thì khi đi chỉ cần ý thức bước đi và tĩnh giác trên bước đi thôi. Đi như thế không thể phát sinh thần lực của Thân Hành Niệm.
Luyện thần lực tức là luyện thần thông rồi, đâu phải tập bình thường, cho nên cách thức tập luyện phải khác. Vì vậy mới điều khiển từng hành động, ra lệnh từng hành động, làm từng hành động. Nó hoàn toàn khác với kinh hành.
Trong đi kinh hành, bước đi dù chân uốn éo như thế nào cũng được, chỉ cần biết bước đi thôi. Niệm an trú trong bước đi, không khởi niệm ra ngoài bước đi là đúng, là đủ. Đó chỉ là Chánh Niệm Tĩnh Giác, tĩnh giác trên bước đi thôi.
Còn Thân Hành Niệm không phải chỉ có vậy. Khi con muốn đưa tay ra mà chưa có lệnh thì nó không đưa đâu, bởi lực của nó là vậy, chỉ khi ra lệnh “Đưa tay ra” thì nó mới đưa ra. Khi đã ra lệnh rồi mà muốn ngưng lại thì nó không ngưng đâu. Nó có thần lực đẩy đi. Nó là thần lực rất đặc biệt.
Có nhiều người về đây nói Thầy không có thần thông gì hết. Họ nói Thầy chỉ có trí tuệ A-la-hán Thanh Văn chứ chưa phải là Duyên Giác hay Độc Giác. Nếu Thầy thị hiện thần thông là bị họ sai mình, cho nên Thầy đưa pháp Thân Hành Niệm ra dạy để họ thấy cái lực. Nếu người nào không biết, không tu tập pháp này thì không bao giờ có thần thông. Còn người đã biết cách tu tập pháp này là người đó có thần thông. Cho nên K.T. tập luyện là có thần lực liền; rồi cô M.C. cũng có thần lực; N.T. có thần lực đẩy liền tức khắc; C.T. cũng có thần lực liền.
Thầy dạy nếu tập luyện đúng thì thần lực xuất hiện liền. Thầy xác định pháp Thân Hành Niệm có thần lực, có thần thông. Đó là Thầy báo cho biết rằng tập luyện theo pháp Phật thì mới có thần thông. Nhưng muốn có nó thì tâm phải hết dục. Nếu tâm còn dục thì đó là thần thông ngoại đạo. Cho nên theo pháp Phật thì mọi người buộc lòng phải trở về 4 Niệm Xứ tập để li dục li ác pháp đẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ đó. Con hiểu điểm này chứ! Có vậy mới là Phật pháp. Chứ Phật pháp gì mà vô là ức chế cho có thần thông thì đó là ngoại đạo, là thần thông ngoại đạo. Kiểu như Vô Thượng Sư Thanh Hải, hay như các sư Tây Tạng Mật Tông thôi.
Chúng ta phải thấy như vậy mà phân biệt thần thông hữu lậu và thần thông vô lậu, và chúng ta chỉ thực hiện thần thông vô lậu. Người ta chửi mình mà không giận, ngày ăn một bữa cơm là thị hiện thần thông. Nếu không có nội lực thì ngày ăn một bữa làm sao chịu nổi; nghe chửi làm sao không giận được. Cho nên người ta nói Thầy không có thần thông là người ta nói sai. Không có thần thông mà Thầy sống đúng giới luật được như vầy sao? Đó là thần thông của người tập luyện. Người ta không hiểu được đâu. Con đọc trong Trường Bộ sẽ thấy bài kinh đức Phật nói về thần thông. Đức Phật lý luận rất rõ thần thông hữu lậu và thần thông vô lậu. Ai nói Thầy như thế nào thì Thầy chứng minh cho họ thấy thế ấy. Họ nói Thầy không có thần thông thì Thầy chứng minh bằng cách đem pháp ra cho họ tập để họ có thần thông. Những thần thông theo kiểu ngoại đạo ta đều có. Nhưng không quan trọng. Vấn đề chúng ta nhắm tới là chân lý giải thoát cho mình thoát khỏi khổ. Chính đó mới là thần thông. Nội lực để chúng ta làm chủ sự sống chết y như của đức Phật mới là thần thông của đạo Phật.
Cho nên các con muốn biết Thầy có thần thông hay không thì các con ôm pháp Thân Hành Niệm luyện sẽ biết được.