HẠNH ĐỘC CƯ

1.-Sống Độc Cư

Khi vô thất rồi thì phải hoàn toàn sống trong hạnh độc cư. Hằng ngày chuyên cần tập luyện các pháp. Ôm pháp mà tập luyện, giữ gìn tâm để nó không có duyên phóng ra, thì tự động nó bắt đầu từ từ quay vô. Cuối cùng con sẽ đạt được tâm rất thanh tịnh, sẽ sống trong trạng thái thanh tịnh đặc biệt. Giây phút nào tâm cũng ở trong trạng thái thanh tịnh đó hết. Ngồi chơi tâm cũng ở trong trạng thái thanh tịnh đó.

Đức Phật nói thiện xảo nhập định; thiện xảo an trú trong định; thiện xảo sống trong định. Chính độc cư là pháp để giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý cho tâm không có niệm. Do đó pháp phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý là thiện xảo sống trong định. Chỉ độc cư mới là phương pháp đúng để phòng hộ sáu căn, mới là thiện xảo sống trong định. Không ai biết thiện xảo sống trong định là sao hết. Đi gặp người này, người kia nói chuyện thì đó là phá độc cư, là làm mất thiện xảo rồi, cho nên không sống trong định được. Phá độc cư thì không thiện xảo được.

Khi tâm đã thanh tịnh thì dù không tập luyện gì, ngồi chơi thôi thế mà tâm vẫn ở trong trạng thái đó, không ra. Chính nhờ đời sống độc cư mà được vậy. Mắt sắp chạy theo gì thì lôi mắt trở về; tai nghe gì thì lôi tai vào.... Độc cư trọn vẹn là phòng hộ sáu căn nghiêm túc. Khi chỉ còn nghe thấy trong tâm thôi, không nghe thấy gì bên ngoài thì đó là độc cư trọn vẹn, chứ không phải gói mình trong phòng mới gọi là độc cư.

Muốn cho sáu căn hướng nội thì phải tác ý hằng ngày để dẫn nó vô, chứ không thì nó luôn luôn chạy ra. Không cho sáu căn phóng ra tiếp duyên sáu trần, lôi nó vào hết. Độc cư tới giai đoạn này thì phải luôn luôn phòng hộ. Tuy đi kinh hành như vậy nhưng mắt phải nhìn xuống, không ngó qua ngó lại. Khi tập luyện tới đó Thầy sẽ dạy rõ ràng hơn.

2.-Hạnh Độc Cư Là Phương Pháp Chế Ngự

Hạnh độc cư có ba giai đoạn tập luyện, không thể vượt bỏ giai đoạn nào được. Không phải mới vô liền ôm pháp độc cư giai đoạn 2 hay giai đoạn 3, làm vậy thì chỉ như bị nhốt, bị giam cầm, như vậy là quá ức chế. Quá ức chế thì sẽ rất tai hại, chỉ làm cho mình khổ mà rốt cuộc thì không có độc cư, không có kết quả gì hết.

Hạnh độc cư chỉ là phương tiện để phòng hộ tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý. Pháp độc cư là để phòng hộ sáu căn, qua đó giúp cho tâm không phóng dật. Chính nhờ tâm không phóng dật mà đức Phật thành đạo quả.

Cần lưu ý các danh từ đức Phật dạy “chế ngự” và “ức chế”. Chế ngự là làm giảm bớt lại từ từ cho tới khi đi đến chỗ hoàn toàn phòng hộ được tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý. Vì vậy mà tập luyện từng chút, từng chút, nên mọi người đều tập luyện được. Nhưng vì nhiều người muốn cho nhanh, cho mau nên họ khép chặt vào độc cư thì bị lọt vào chỗ ức chế. Nếu chỉ giảm dần, giảm dần thì độc cư mà không ức chế. Đó là cách thức chế ngự tâm.

Nếu quá hăng say trong pháp độc cư thì bị ức chế chứ không phải chế ngự. Thí dụ lúc trước tiếp giao, tiếp xúc với mọi người là 10 hay 100 lần, nhưng khi vào Tu Viện con giảm xuống bớt. Đó là độc cư. Từ hôm con vào đây và sống tập luyện như thế là một cách độc cư nhỏ. Nó hạn chế bớt những điều kiện sống ngoài đời. Nếu đứng trong góc độ độc cư trọn vẹn, từ chỗ nhiếp phục tâm tới chỗ an trú tâm, mặc dù chưa đạt được gì hết, nhưng con cũng đã bắt đầu có chế ngự.

Do chỗ độc cư chế ngự một phần nên trong sự tập luyện các pháp môn như Kinh Hành, Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, tức thân hành niệm nội và thân hành niệm ngoại, con chỉ chế ngự. Nếu đi vào chỗ sai lầm làm cho tâm không niệm ngay liền, là ức chế. Nghĩa là ngồi 30 phút hay 1 giờ hay 2 giờ cố gắng giữ tâm không khởi niệm nào, thì đó là ức chế. Trái lại con đã thực sự chỉ chế ngự thôi. Nghĩa là mọi lần khi chưa tập luyện, con ngồi rồi nghĩ lung tung, nhưng hôm nay nghĩ ít hơn, rồi lần lượt ít hơn nữa. Đó là phương pháp chế ngự.

Thời gian đầu mới vào, con tập đề mục 1 Định Niệm Hơi Thở, đức Phật dạy “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”. Biết hơi thở ở một điểm tại nhân trung ngay chỗ hơi thở vô ra. Lúc con tác ý cứ sau mỗi 5 hơi thở một lần là tập luyện chế ngự để tâm dần dần bớt phóng dật. Đó là tập nhiếp phục tâm từ từ cho quen chứ không phải ức chế. Nếu cố gắng tập trung vào hơi thở để tâm không phóng dật thì bị lạc đường, tức là ức chế.

Giai đoạn đầu này rất khó, không được ức chế tâm mà chỉ chế ngự. Tức là lúc đầu mới vào 5, 3 phút có thể không có niệm khởi, nhưng sau đó con thấy tâm có khởi niệm. Dù vậy, cứ để mặc nó. Có niệm thì có niệm chứ đâu hại gì. Niệm đến thì để nó đến, niệm lui thì để nó lui; chỉ cần tập luyện đúng pháp để nhiếp phục tâm thôi. Như vậy cách thức và phương pháp mà con đang tập luyện là chế ngự tâm. Con không cố gắng tập trung nên không bị nặng đầu, nhức đầu, hoặc căng mặt. Đó là không ức chế. Không sai. Pháp ở đây là tâm không lay chuyển trước mọi niệm. Trong khi tu 4 Niệm Xứ thì cũng sống với thiện pháp, giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, khi có ác pháp thì dùng Định Niệm Hơi Thở đẩy lui.

3.-Muốn Sống Độc Cư Phải Suy Xét Hoàn Cảnh

Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng. Như bây giờ hoàn cảnh của con, mới vô mà khép độc cư hoàn toàn liền thì không được cho nên phải độc cư giai đoạn 1, con giữ gìn bằng cách chế ngự tâm. Do vậy còn tiếp duyên.

Sau khi thấy các ngoại duyên hết rồi thì qua giai đoạn 2. Chưa thể vào giai đoạn 3 được đâu, con hiểu chứ? Sống ở giai đoạn 2 để thử thách xem nội tâm chịu đựng nổi sự độc cư này không. Nếu ức chế để vào giai đoạn 3 thì nó sẽ phản ứng sanh ra bệnh, làm cho con bị thế này, thế khác. Nếu bệnh thì con phải đủ năng lực Như Lý Tác Ý – do tập luyện ở giai đoạn 1 và 2 – để đẩy lui những chướng ngại của thọ tạo bệnh này, bằng không đủ năng lực thì phải đi bác sĩ, bệnh viện, tức là phá độc cư.

Như vậy con phải suy xét từng chút hoàn cảnh xem có cho phép chấm dứt tiếp xúc với mọi người để hoàn toàn độc cư giai đoạn 2 thì mới sống độc cư.

Thí dụ sau khi giải quyết xong, về thất khép mình trong khuôn khổ tập luyện theo các pháp tức là giữ độc cư. Giữ độc cư là sống theo pháp tu hành để tâm không còn phóng dật. Đó là mục đích của sự độc cư. Hoàn cảnh của con còn có chuyện này chuyện nọ thì con giải quyết, không sao hết. Vả lại con còn phải học đọc kinh Nguyên Thủy Nikaya; còn phải nghe, phải hiểu biết những lời dạy của Thầy để nắm cho vững, hiểu cho rõ để khi đến giai đoạn 3 độc cư thì hoàn toàn không còn tiếp duyên. Ở đây hầu hết chưa có ai độc cư giai đoạn 3, chỉ ở giai đoạn 2 thôi. Ai cũng còn hỏi Thầy thì họ còn phóng dật.

Bây giờ cần sắp xếp thế nào để hoàn cảnh không làm động đến con nữa. Thời gian này là thời gian sắp xếp các chuyện như anh em, chị em... Mục đích vô đây là phải tập luyện, phải đạt cho được theo ý nguyện. Ý mình muốn giải thoát là phải đạt cho bằng được.

Nếu hoàn cảnh của con chưa sắp đặt xong mà vào giai đoạn 2 độc cư liền thì mọi người phiền trách, kế đó con bị ức chế. Ngồi tập luyện mà thấy trong lòng như có sự áy náy, ráng tập luyện mà cứ bị phân tâm. Bởi vậy con cần giải quyết cho xong mọi mặt. Nó có đạo đức hẳn hòi nghĩa là làm cho mọi người vui hết. Sau đó, khi mọi việc đã ổn định được rồi mới bắt đầu vô độc cư để tập luyện thì lúc đó con ôm pháp mới trọn.

 Đó, hiểu biết như vậy thì tùy sức con. Khi thấy đủ điều kiện để sống độc cư giai đoạn 2 thì con sống chứ Thầy không ép điều này đâu. Nếu Thầy bảo con sống độc cư giai đoạn 2 ngay bây giờ thì con bị ức chế, mà ta chỉ nên chế ngự thôi, không được ức chế. Ức chế thành ra ngoại đạo.

Đức Phật 6 năm khổ hạnh là 6 năm ức chế cho nên hoàn toàn không thành tựu. Trái lại khi Ngài trở về tập luyện li dục li ác pháp là chế ngự chứ không ức chế. Pháp tự nhiên, tâm tự nhiên, cách thức tự nhiên cho nên đạt kết quả. Vậy tuỳ theo hoàn cảnh, xét thấy thuận sống độc cư giai đoạn nào, lúc nào thì xếp mình theo lúc ấy mà sống thì nó thích hợp.

Trong pháp tập luyện, Thầy đưa ra ba giai đoạn độc cư. Con vừa mới về trong Tu Viện tập luyện thì đang ở giai đoạn đầu, cho nên ai nói gì mặc ai, phần con chỉ biết tác ý: “Tôi biết tôi cần tập luyện từng phần. Nếu tôi tập luyện ngay như mấy ông được thì tôi bị ức chế, tôi tập luyện sai. Cho nên để khỏi sai, khỏi ức chế, tôi không cố gắng gò bó cho giống với mấy ông. Tôi tập luyện như vầy là tôi chế ngự tâm. Nó giảm thiểu các niệm thì tôi tiến lên tập luyện các pháp khác để nhiếp phục tâm tôi cho được, rồi an trú cho được. Đầu tiên tôi chỉ nhắm mục đích nhiếp tâm và an trú tâm thôi, chỉ cần tập luyện bấy nhiêu thôi”.

Khó lắm, không phải dễ được an trú đâu nghe con!

4.-Sống Độc Cư Để Giữ Gìn Năng Lượng

Con lưu ý điểm này: Khi tâm còn phóng dật thì khi tập luyện, năng lượng trong người còn tiêu hao. Khi tâm hết phóng dật thì năng lượng không bị tiêu hao mà còn được tăng trưởng lên cho đến khi trọn vẹn sung mãn thì lúc đó 7 Giác Chi xuất hiện.

Vậy cần biết khi nào tập luyện có được năng lượng, sức khoẻ tăng trưởng, hay khi nào tập luyện sức khoẻ tổn giảm, năng lượng hao hụt.

Khi nào tập luyện thấy nhọc nhằn thì lúc đó con dùng năng lượng của con để tập luyện. Đó là nguyên nhân của sự hao hụt năng lượng. Khi đã hao hụt năng lượng thì con sẽ dễ bị buồn ngủ vì giấc ngủ mới phục hồi năng lượng bị hao hụt.

Đến khi tập luyện tâm được an trú, con thấy an ổn, thì đó là lúc năng lượng tăng lên. Sau khi tập luyện xong con thấy không mệt mỏi, không buồn ngủ là năng lượng sung mãn. Vì thế, những người tập luyện thông suốt đến cuối cùng thì người ta không buồn ngủ là vì năng lượng được bổ sung đầy đủ trong khi luyện tập, chứ không thì buồn ngủ phải sinh.

Khi còn khởi niệm suy nghĩ gì thì lúc đó phải sử dụng năng lượng nên năng lượng bị tiêu hao. Khi nào thân và tâm được an trú, tức không phóng dật thì năng lượng không bị tiêu hao mà lại được tăng trưởng.

Vậy trong thời gian tập luyện, con xét xem đã được an trú chưa. Nếu chưa thì còn tiêu hao năng lượng. Còn tiêu hao năng lượng thì phải ngủ. Khi đã được an trú thì bắt đầu từ chỗ đó năng lượng tăng trưởng nhiều lên, lần lần cái ngủ giảm xuống, bởi ngủ để phục hồi năng lượng. Cho nên người nào ráng thức để tập luyện cho được thì người này còn tiêu hao năng lượng. Chỉ khi nào an trú được, năng lượng tăng lên thì buồn ngủ, ngủ gật sẽ giảm. Người tập luyện đến khi năng lượng đầy đủ thì họ không cần ăn uống hoặc chỉ ăn uống rất ít, rất đơn sơ, không cần bổ dưỡng. Mình tập luyện chưa tới thì thiếu năng lượng nên phải ăn, phải ngủ. Đó là khía cạnh khoa học.

Nhưng vấn đề là phải biết cách tập luyện đúng phương pháp, đúng pháp môn. Cho nên tập luyện đúng cách, đúng pháp của Phật, tâm được an trú thì dù ăn ngày một bữa nhưng thân tâm vẫn thường an ổn. Năng lượng được chuyển hoá từ thức ăn rất thường thành chất bổ dưỡng cho cơ thể. Còn khi chưa đủ sức an trú thì dù mình ăn nhiều chất bổ dưỡng nó cũng tiêu hao hết.

Vậy sống độc cư là để phòng hộ, giữ gìn cho năng lượng khỏi bị mất. Con khởi một niệm thì hao một chút năng lượng; khởi ra nhiều niệm thì hao hụt nhiều năng lượng. Còn cơn sân cơn giận thì hao năng lượng nhiều hơn. Người hay giận hờn thì hao năng lượng nhiều cho nên dễ bị bệnh. Không giận hờn thì ít hao năng lượng, người khoẻ mạnh vui vẻ. Chỉ sống độc cư mới phòng hộ tránh được ngoại ác pháp, mới li dục li ác pháp được dễ.

5.-Hạnh Sống Và Pháp Môn Tu Tập

Giai đoạn đầu của người tập luyện là giai đoạn rất khó. Làm sao li dục li ác pháp để sau khi li hết dục và ác pháp thì sẽ an trú trong một tâm không có niệm khởi, không phóng dật, không phóng tâm . Đó là chỗ đặc biệt của tâm thanh tịnh.
Không có tâm nào tương tự tâm này được.

Nếu tâm chưa li dục li ác pháp thì phải cố gắng tinh cần tập luyện nữa, cho đến khi nào pháp tập luyện li và hạnh sống li được giữ gìn trọn vẹn thì sẽ đạt được kết quả mục đích tập luyện, tức giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Người tập luyện lâu ngày mà không đạt được mục đích là do hạnh sống chưa đúng hay pháp tập luyện không đúng, tâm không an trú được. Còn người vừa sống hạnh đúng vừa tập luyện pháp mà an trú được thì thời gian đạt mục đích rất nhanh. Cho nên tập luyện phải cẩn thận để không bị sơ sót trong hai pháp này.

Khi hạnh sống chưa đúng nhưng pháp tập luyện đúng để li dục li ác pháp thì cũng an trú được. Nhưng sự an trú không kéo dài. An trú được vài phút thì nó bung ra trở lại. Khi đó phải xem xét lại hạnh sống. Thà chết chứ nhất định không phạm giới tức không phạm vào cái hạnh thì sau đó tâm được an trú dài ra trong pháp tập luyện đó. Tóm lại pháp an trú được nhưng hạnh sống sơ sót thì không kéo dài sự an trú ra được. Hạnh không trọn thì an trú không được. Đó, con cần lưu y điều này.

Khi dù có hạnh sống đúng mà pháp tập luyện không đúng để li dục li ác pháp thì hạnh đó bị ức chế, không li dục được. Dục bị ức chế. Nếu bây giờ sống hạnh sống đúng, mà tập luyện pháp 4 Niệm Xứ này thấy tâm không an trú được là do lỗi tập luyện không thiện xảo, tập luyện sai, không đúng cách tập luyện của pháp. Nghĩa là tập luyện ức chế, tập luyện cầm chừng cho qua ngày tháng vì thế nên tâm an trú không hiện ra được. Nếu an trú không được mà hạnh giữ trọn là pháp tu bị ức chế, cũng không xong.

Khi hạnh sống đúng, tập luyện pháp đúng thì sự an trú ngày càng được kéo dài, tăng dần lên cho đến khi đúng mức thì 7 Giác Chi xuất hiện. Khi 7 Giác Chi xuất hiện sẽ giúp kéo dài sự an trú ra được 12 tiếng đồng hồ. Luyện một thời gian cho kéo dài lên 24 tiếng, hay một ngày đêm. Khi kéo dài sự an trú lên 24 giờ được, thì kéo dài an trú suốt một tuần lễ cũng sẽ được, không còn khó khăn gì nữa. Làm được vậy là chứng Đạo, là tu xong.

Do vậy ta thấy hai hạnh này rất cần thiết và sự an trú này rất căn bản. Con đường tập luyện để thân tâm thanh tịnh thì nương vào giới hạnh và giới hành. Nương cả hai. Giới hành là các pháp tập luyện. Giới hạnh là các đức giới. Con phải thông suốt các đức giới để sống không vi phạm, phải giữ gìn Thánh Giới Đức thì mới có kết quả tốt. Tập luyện phải cẩn thận để không bị sơ sót bên nào hết vì sơ sót bất kỳ bên nào thì sự tập luyện cũng không đi đến thành tựu được.

Con muốn tập luyện để kéo dài sự an trú, thế nhưng tiếp duyên tức là phá hạnh độc cư, là phạm vào giới không ca hát và không nghe ca hát, tức là Giới Đức Thầm Lặng Độc Cư. Đức Thầm Lặng Độc Cư bị vi phạm thì con bị khuyết điểm bởi tâm bị phóng dật do tiếp duyên nên tâm chỉ an trú được trong thời gian ở trong pháp mà thôi, xả ra thì mất an trú, không an trú. Như thế là sống trong an trú không được, tức không thiện xảo sống trong định.

Muốn sống trong an trú được thì phải hoàn toàn độc cư, nhờ vậy tâm li dục li ác pháp hoàn toàn cho đến khi hoàn tất các pháp tập luyện. Tâm li dục li ác pháp được thành tựu, được an trú thì hoàn tất đường tập luyện.

Hai kết quả đầu tiên phải tranh thủ đạt cho được, bắt buộc phải tập cho được ở giai đoạn độc cư thứ nhất đó là nhiếp phục tâm và an trú tâm trong hơi thở và trong kinh hành. Chỉ hai cái này thôi vì chúng sẽ đi kèm với các pháp tu tập khác. Mười chín đề mục Định Niệm Hơi Thở là đủ hết các pháp để con tập luyện. Mỗi đề mục cần phải tập luyện cho đạt được các kết quả mới đủ năng lực để đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân tâm, tức là các ác pháp, vì thế con nên tập luyện thật kĩ. Độc cư là điều kiện giúp con tập luyện thành công 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở, nhất là khi giữ giới không ăn phi thời thì li dục được.

6.-Xưa, Tỳ Kheo Khất Thực, Độc Cư

Trong thời đức Phật, các vị tỳ khưu phải đi khất thực, như vậy là còn có tiếp duyên thì làm sao họ có thể sống độc cư trọn vẹn? - Chính nhờ pháp độc cư có ba giai đoạn.

Trước tiên, họ đi nhưng biết cách phòng hộ các căn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý.

Sống đời tu sĩ khất thực thì chờ gần giờ ăn mới đi xin, không đi quá sớm, và khi khất thực xong phải ăn trước ngọ. Họ đi chầm chậm, phòng hộ các căn. Nếu có ai cúng dường thì họ đứng lại nhận sự cúng dường. Sau khi bát đã đậy nắp mà có người muốn cúng dường thì vị tỳ khưu chỉ lắc đầu chứ không nói chuyện. Chỉ khi nào nắp bát còn mở, thấy như vậy, người muốn cúng dường tới xá vị tỳ khưu một xá có nghĩa là họ xin được cúng dường thì vị tỳ khưu đứng lại trong khi người thí chủ vào nhà lấy thí vật. Sau khi sớt bát cúng dường xong họ xá vị tỳ khưu một xá rồi đi vào nhà. Khi thí chủ đi xong, vị tỳ khưu ước nguyện cho người cúng dường rồi mới bước đi. Cũng đi chầm chậm như vậy và khi thấy đã đủ cho mình ăn thì đậy nắp bát lại, đi chầm chậm trở về. Nếu bát còn mở nắp thì người ta còn cúng dường. Thường người ta đã quen, khi thấy nắp bát đã đậy thì không đến cúng dường nữa.

Nhận tất cả mọi thí vật, không nói là mình ăn được hay không ăn được. Sau khi tới chỗ để thọ thực, cái nào ăn được thì ăn, cái nào không ăn được thì bỏ. Thí dụ mình không ăn thịt cá thì lấy thịt cá bỏ đi, để ở một nơi nào cho con vật khác ăn. Chỉ ăn vừa no, còn bao nhiêu cũng đổ bỏ, không mang về thất. Ăn không tập trung một chỗ mà trên đường đi về họ ngồi ăn dưới một gốc cây hay chỗ nào đó. Ăn xong rửa bát mới về thất hay tới chỗ tập luyện. Khi ăn không cúng bái tụng niệm gì hết.

Như vậy là đi khất thực, và đó là cái hạnh của người tu sĩ khất thực.

Đó là độc cư giai đoạn đầu, giai đoạn thứ nhất của tu sĩ.

Qua giai đoạn độc cư thứ hai, người tu sĩ sẽ được người khác xin về chia lại, không còn tự mình đi xin nữa. Đây là giai đoạn bắt đầu độc cư trọn vẹn.

Sau một thời gian thấy các pháp tu tiến bộ thì mới xin Phật cho mình rời khỏi chúng vào rừng sâu tập luyện để sống độc cư trọn vẹn giai đoạn 3, không tiếp xúc, không nói chuyện với ai hết để tâm quay trở vô, ngay cả không cần thiết thấy ai khác để tâm không còn vọng động.

Khó hàng phục tâm lắm, không phải dễ đâu.

Phải có tổ chức để lo phần ăn uống cho những người tập luyện chuyên sâu này. Phải có môi trường như vậy mới tập luyện chuyên sâu được, bằng không thì tập luyện chuyên sâu không đạt kết quả.

Ngay ở giai đoạn đầu của độc cư, người ta đã không nói chuyện với nhau rồi. Đi khất thực còn thấy đi chung nhưng không nói chuyện với nhau, không nói chuyện với người cho. Tuy còn sống chung trong Tăng Đoàn, nhưng không nói chuyện với ai. Sống trong khu vực có nhiều người là để mình tập phòng hộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sau khi thấy mình đã phòng hộ được, muốn sống độc cư hơn nữa để tiến hơn nữa thì xin ở riêng khỏi khu vực mà chúng Tăng đang ở để sống trong khu rừng nào đó. Đức Phật chấp nhận theo lời xin.

Các vị tỳ khưu đó có tổ chức với nhau, ai hộ trợ cho ai thì họ sống gần nhau, hay trong Tăng Đoàn có vị nào nguyện hộ trợ cho vị này thì vị đó đi xin về sớt lại cho vị này. Vị này chỉ sống trong thất tập luyện, tới giờ ra ăn phần cơm đã được sớt lại.

Trong bài kinh Khu Rừng Sừng Bò nói rõ hạnh độc cư của ba vị tôn giả trong việc đi xin ăn, chia lại phần ăn, chừa lại phần ăn, làm việc nặng nhọc cần sự trợ giúp của bạn. Mọi việc đều diễn tiến trong im lặng, không nói thành lời, không trình bày cái đã tu tập chứng đạt. Chỉ khi tôn giả Anuruddha (A-na-luật) trình bày với đức Phật họ mới biết mức độ tu chứng của nhau. Như vậy mới thật sự độc cư.

Trong kinh có nói đến một vị tỳ khưu, vị này thiếu phước, đi xin không ai cho, trong khi Sariputta (Xá Lợi Phất) là người có phước đi xin ăn được đầy đủ. Sariputta nói với vị tỳ khưu này để tôi đi xin về cho ông ăn. Tôn giả đó không chấp nhận nói tại nhân quả của tôi vậy phải chấp nhận, xin có thì ăn, không có thì thiền duyệt thực. Cho đến giờ chết, ông cũng chết đói. Đó là vì nhân quả đời trước do lòng ích kỷ mà bị vậy. Đời nay gặp Phật pháp, ông lấy thiền duyệt thực mà sống chứ ít dùng thực phẩm chúng sanh, cho nên khi tu chứng ông nhập Niết Bàn. Ông không có duyên với chúng sanh, ông cắt đứt luôn, bởi kiếp trước ông bủn xỉn ích kỉ. Ở ngoài đời thì ông sẽ làm gì cũng không được, sẽ chết đói, nhưng may gặp đức Phật dạy nên ông dùng pháp Thiền mà sống tu, sống bằng Pháp, cho nên vẫn an ổn khoẻ mạnh. Đến khi sắp chết, Sariputta nói để tôi đi xin cho Ngài một bữa. Đó là bữa ăn cuối cùng của vị tôn giả đó.

Có mấy Sư Nguyên Thủy về đây tập luyện, họ nói thế này: Mỗi người có một bát, buổi sáng họ đem bát xuống nhà bếp để đó cho nhà bếp sớt bát, nhưng các thức ăn được gói riêng từng món. Khi đến mang bát về, nếu thấy không đủ bữa thì xin thêm ngay lúc đó, còn nếu thấy đủ rồi thì mang về ăn, mở các gói đó ra, để chung lại trong bát, trộn lên, múc từng muỗng mà ăn, không để riêng từng món. Giản dị và gọn cho đời sống của mình nhưng vẫn đầy đủ chất bổ. Ăn trộn chung thì tốt hơn ăn từng món.

Ở đây trong Tu viện, con bưng mâm về cũng làm vậy, trộn chung lại trong bát chứ không nên ăn riêng từng món như ngoài đời, không đúng cách của một tu sĩ. Khi ăn thì ngồi quay mặt ra ngoài cho đủ ánh sáng. Ăn không chạy theo ngon dở mà phải nhiếp tâm tĩnh giác trong hành động múc, nhai thức ăn...

Thờ Phật phải thờ nơi trang nghiêm, không nên thờ trong thất. Thất là chỗ ăn, ở, ngủ nghỉ.