VẤN ĐỀ TÁC Ý

1.-Tác Ý

Cách thức tác ý phải như thế nào để năng lực của câu tác ý phát triển, tăng trưởng cao, chứng đạt được kết quả?

Chìa khóa chính của vấn đề là chỉ khi nào tâm được an trú thì năng lực của câu tác ý hiện khởi rất nhanh. Khi đó có trạng thái an trú thật sự chứ không phải an trú là lúc thấy tâm an thân tịnh. Không phải vậy. Tâm an trú có trạng thái an trú hiện ra. Nhưng trạng thái an trú chỉ hiện ra sau một thời gian tập luyện lâu dài và từ khi nó hiện ra cho đến khi tâm an trú được trong trạng thái đó thì cũng phải tập luyện một thời gian khá lâu nữa. Khi đã an trú trong trạng thái đó rồi, nếu muốn cái gì thì chỉ cần tác ý hướng tâm, lực tác ý sẽ thực hiện điều đó nhanh chóng. Tâm lúc bấy giờ rất thanh tịnh.

Nhưng đây chưa phải là ở trong giai đoạn 4 Như Ý Túc, vì 4 Như Ý Túc là giai đoạn phải có 7 Giác Chi. Ở đây chỉ có trạng thái an trú và lực hướng tâm thôi. Sử dụng lực hướng tâm để vào các đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Lực này chỉ là lực ngầm của tự kỷ ám thị chứ thân tâm chưa li dục li ác pháp. Khi tâm an trú rồi thì lực này hiện ra rõ ràng. Khi tác ý đề mục 5 “An tịnh toàn thân, tôi biết tôi hít vô; an tịnh toàn thân, tôi biết tôi thở ra” thì có ý ngầm tạo ra lực trong lúc đó. Đầu tiên khi tác ý an tịnh – sau mỗi 5 hay 10 hơi hít thở – thì tâm nhận lệnh của tác ý. Nó quan sát để thay đổi điểm trụ, dời điểm trụ đi. AN, quan sát thân an; TỊNH, lắng nghe tâm tịnh. Cho nên không bị kẹt chỗ nào, không bị ức chế.

Có tập lắng nghe thì nó mới xuất hiện ra trạng thái an tịnh thật. Chừng khi có trạng thái an tịnh rõ ràng thật mới được xem câu tác ý an tịnh có kết quả. Tác ý an tịnh là làm cho tâm trú vào cái an ổn của thân. Khi tâm đã an trú vững vàng rồi thì bắt đầu từ lúc này tập qua các đề mục sau (từ đề mục 6 trở đi) sẽ dễ dàng.

Tu tập Định Niệm Hơi Thở khi tác ý li tham, hay li sân, hay li si, mỗi cái LI thì hít vô và khi thở ra thì cảm nghĩ như có tâm tham, hay tâm sân, hay tâm si theo hơi thở mà đi ra. Con có cảm tưởng như thế. Tập luyện như vậy thì mới có kết quả thực tế, chứ còn tác ý mà không có cảm tưởng gì hết thì không ích lợi gì đâu. Đây là tập luyện phải dùng tưởng một ít. Vậy mà ta hết tham, sân, si.

Biết sử dụng tưởng thì rất hay, nó đưa con vào đúng pháp, chứ cái tưởng tự sanh thì sai. Cũng như quán thực phẩm bất tịnh, quán thân bất tịnh có kết quả thì rất hay. Con tưởng ra chứ thật sự không có cái nào bất tịnh ở đó. Còn khi hít thở, tưởng li tham, tưởng li sân, tưởng li si cũng tưởng ra, chứ hơi thở làm gì có tham, sân, si trong đó. Nhưng ta tưởng mà nó li tham, sân, si thật sự, bởi vì khi huân vô bằng cái tưởng, thì bây giờ li ra cũng bằng cái tưởng. Tưởng lâu ngày sinh ra năng lực. Năng lực tưởng mạnh lắm và có sức tác dụng vô cùng đặc biệt. Các loại khí công, khinh công, bùa chú đều dùng năng lực tưởng.

Kinh Hành Tĩnh Giác khi nhiếp tâm xong thì tác ý mỗi bước “An”, “Tịnh”. Sau khi trạng thái an tịnh hiện ra rồi thì tác ý “An – Trú”. An là trạng thái của thân, còn trú là trạng thái của tâm trú vào sự an ổn đó, không còn bung ra, không còn phóng dật. Đây là tâm định trên thân, là tâm trú trên thân yên ổn của nó. Nếu thân không yên ổn, không an thì tâm chỉ trú một lúc lại bung ra.

Khi tác ý trong lúc kinh hành li ngũ triền cái, diệt ngũ triền cái, đoạn ngũ triền cái, mục đích là để tạo một năng lực ngầm trong người thôi; mãi tới lúc tập luyện 4 Niệm Xứ mới có năng lực thật của tâm (năng lực 7 Giác Chi). Bây giờ chỉ có năng lực ngầm, tạo thành một lực ngầm nhưng cũng thay đổi câu tác ý để không bị nhàm do tác ý lâu chỉ một câu. Thí dụ quán li tham..., quán diệt tham..., quán đoạn tham....

Khi nào thì thay câu tác ý “An, Tịnh” sang câu tác ý “An, Trú” trong khi kinh hành?
- Bắt đầu, tác ý từng bước đi. Bước thứ nhất “An”, bước thứ hai “Tịnh”, cứ vậy tác ý “an – tịnh”; “an – tịnh”... Lúc đầu mới tập thì chỉ dùng nó để nhiếp tâm thôi, tác ý theo bước chân để đừng có vọng tưởng. Thí dụ khi đi kinh hành lâu thì có vọng tưởng cho nên dùng câu tác ý theo từng bước để nhiếp tâm, cũng như cái lệnh theo từng bước. Đây là ta luyện Định Diệt Tầm Giữ Tứ trong khi đi để vọng tưởng hoàn toàn không vô.

Vừa tác ý, vừa nhiếp tâm, vừa tĩnh giác, mà cũng vừa cảm nhận sự an ổn. Câu tác ý có công dụng như vậy. Nhưng sau khi thấy an ổn thật sự thì tập thưa tác ý ra. Thí dụ trong 5 hay 7 ngày con quyết định tập cứ mỗi bước đều tác ý “an-tịnh – an-tịnh”. Tập luyện như vậy cho đến khi nào thấy tác ý đã nhuần, không bao giờ quên, cứ mỗi bước đi đều tác ý an – tịnh. Nếu khi ngồi lại hay trong khi đi mà không nghe trong đầu tác ý, chỉ khi có tác ý, có ra lệnh mới nghe thì con vẫn dùng câu tác ý đó. Còn nếu vừa mới bước đi mà nghe nó khởi nói tự động an-tịnh – an- tịnh thì phải dừng lại, không tác ý nữa, nhưng lắng nghe sự an tịnh trong thân trong khi vẫn đi 5, 10 bước đi chứ không thì thành thói quen cứ tác ý trong đầu “an-tịnh – an-tịnh” mỗi khi bước đi. Như vậy không được, sai rồi. Nó làm động con.

Ở đây rất dễ bị quen rồi sanh ra tưởng. Thành thói quen cứ tác ý trong đầu mỗi khi bước đi, cho nên không có sự an tịnh mà bị động. Không tác ý mà nó cứ tự động tác ý thì làm động. Đức Phật có nhắc nhở phải thiện xảo tùy theo khả năng của mình làm sao phải đạt cho được chất lượng của câu tác ý theo đề mục. An trú tâm chỉ có khi không được có niệm vọng tưởng. Còn vọng tưởng thì chưa thể có an trú tâm được.

Con cần phải tập cho tới chỗ tâm bất động, tức phải đạt cho được sự bất động tâm. Khi đã đạt được sự an tịnh bất động tâm rồi mà trong thân, trong tâm còn sanh cái gì ra thêm, thấy có những cái gì khác nữa thì phải mau mau xả li. Khi tâm chưa an thì xả lâu, nhưng khi an được thì xả mau lắm vì câu tác ý có lực. Tâm an rồi thì xem như trên mức của tự kỷ ám thị, nó có lực của như lý tác ý, thuộc ý thức lực, nhưng chưa tới lực của 7 Giác Chi. Khi nào thực hiện 4 Niệm Xứ hoàn toàn viên mãn, 7 Giác Chi hiện ra rõ ràng thì mới bắt đầu có năng lực thực hiện 4 Như Ý Túc.

Chỉ mới đạt được bất động tâm mà trong thân đã cảm thấy khoẻ, không còn thấy mệt nhọc gì, ham thích tập luyện lắm. Đến chừng chứng đạt được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì mỗi Thiền lại cho mình những trạng thái an trú càng lúc càng cao, năng lượng càng tăng lên nhiều hơn, càng thấy khỏe hơn.

2.-Phương Pháp Như Lý Tác Ý

Nói chung phương pháp Như Lý Tác Ý, là đường lối tập luyện Thiền của đạo Phật, có 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất của Như Lý Tác Ý là dẫn tâm vào trạng thái giải thoát. Dẫn tâm là tâm đang ở môi trường ác, đưa nó, dẫn nó vào môi trường thiện.

Giai đoạn thứ nhì của Như Lý Tác Ý là hướng tâm, là tâm hoàn toàn thiện rồi hướng nó đi vào hướng nào thì nó làm việc theo hướng đó. Không phải tâm còn ác mà hướng. Hướng như vậy sẽ hướng tâm ác hết. Vì thế cần hiểu rõ điều này để thực hiện Như Lý Tác Ý đúng theo Phật giáo.

Tu tập có được thiền định, có được giải thoát hết tham, sân, si đều do pháp Như Lý Tác Ý. Như Lý Tác Ý là thực phẩm ăn hằng ngày của một người tu tập 7 Giác Chi, tức 7 trạng thái Giải Thoát, hay 7 Bồ Đề. Pháp môn Như Lý Tác Ý là món ăn của 7 Giác Chi. Muốn 7 Giác Chi mạnh khoẻ và tăng trưởng thì Như Lý Tác Ý là thực phẩm của nó. Không có Như Lý Tác Ý thì 7 Giác Chi không bao giờ có.1

Muốn được như thế thì phải phân biệt rõ ràng giữa pháp dẫn tâm và pháp hướng tâm.

Pháp dẫn tâm thứ nhất là tự kỉ ám thị: tác ý một câu mà hoàn toàn như là không có đối tượng nào hết. Thí dụ tâm trong lúc không có tham, sân, si, đang sáng suốt, không ham muốn gì hết mà tác ý “Tâm như cục đất; li tham, li sân, li si hết đi!” thì đó là dẫn tâm, dẫn tâm vào chỗ không tham sân si. Nên nhớ kĩ là trong điều kiện bình thường, khi luôn nhớ và tác ý, như vậy là tự kỉ ám thị để đưa tâm vào chỗ không tham sân si.

Pháp dẫn tâm thứ hai là nó đang ở chỗ tham sân si mà nhớ và nhắc để nó hết bị tham, sân, si chi phối. Khi nhắc như vậy thì tâm có ý thức để giải trừ khỏi trạng thái tham, sân, si đang có.

Pháp dẫn tâm thứ ba: Khi tác ý theo từng hành động của thân thì đó không phải là pháp dẫn tâm nữa mà là truyền lệnh. Thí dụ ra lệnh bảo “Cánh tay mặt đưa lên!” thì cánh tay đưa lên. Đó cũng là Tác Ý nhưng khi lệnh được đưa ra thì hành động thân phải làm theo. Có lệnh truyền “Hít” – “Thở” thì phải hít, phải thở. Đây chính là pháp Như Lý Tác Ý.

Còn các pháp tự kỷ ám thị vừa nói trên chỉ được gọi là pháp Tác Ý. Pháp Tác Ý là pháp không có hành động của thân tâm ngay tức thì.

Cả ba pháp này đều được gọi là pháp Dẫn Tâm: dẫn tâm vào Đạo và dẫn tâm theo lệnh. Dẫn tâm vào Đạo (Tác Ý) có năng lực thấp hơn dẫn tâm theo lệnh (Như Lý Tác Ý).

Sau khi pháp Như Lý Tác Ý thuần thục rồi, nhu nhuyến rồi thì bệnh đau trong thân, con chỉ bảo “Thọ là vô thường, hãy đi đi!” là bệnh đau hết. Cũng giống như hành động của cánh tay đưa ra khi được lệnh “Đưa ra!” thì nó đưa ra; hay khi bảo chân “Đi” thì nó đi. Khi người ta đang chửi mắng, con bị sân thì bảo “Sân hãy li ra” thì sân li liền.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn đủ 7 Giác Chi xuất hiện thì đây gọi là giai đoạn Hướng Tâm. Hướng tâm nhập 4 Thánh Định, hướng tâm thực hiện ba Minh. Chỉ khi có sự xuất hiện đủ 7 Giác Chi mới hướng tâm được; nếu 7 Giác Chi chưa xuất hiện đủ thì đừng mong hướng được tâm. Như vậy Hướng Tâm chỉ thực hiện trong giai đoạn này và dùng trong hai nhiệm vụ chính yếu của sự giải thoát theo Phật Giáo: nhập 4 Thánh Định và vào 3 Minh.

Có người nghe nói nhập Thiền thứ tư là tịnh chỉ hơi thở. Chưa có 7 Giác Chi mà bảo “Hơi thở tịnh chỉ” – ngưng thở – rồi cố gắng để nín thở vì vậy mà bị sặc ra máu thì đó là tại tác ý sai. Chưa có 7 Giác Chi mà tác ý nín thở thì không nín thở được. Pháp phải dùng để tịnh chỉ hơi thở là pháp Hướng Tâm chứ không phải là Tác Ý hay Như Lý Tác Ý. Tác ý bảo “Hơi thở ngưng đi” là Như Lý Tác Ý, là tác ý không đúng cách.

Khả năng chưa có mà bảo “Diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền đi!” thì không phải là pháp hướng tâm. Hướng tâm chỉ nhẹ nhàng hướng thôi, không tác ý hay truyền lệnh như vậy.

Như Lý Tác Ý là hành động ra lệnh bảo, như “Dở gót lên!” thì gót dở lên, “Đưa chân tới!” thì chân đưa tới. Con cần phải biết rõ chỗ này.

Tóm lại, pháp môn Như Lý Tác Ý có ba giai đoạn tập luyện, phải thực hiện tập luyện cho đủ cả ba giai đoạn: giai đoạn Tác Ý, giai đoạn Như Lý Tác Ý và giai đoạn Hướng Tâm. Cả ba giai đoạn của pháp Như Lý Tác Ý đều áp dụng trên pháp 4 Niệm Xứ cũng như trên pháp Thân Hành Niệm.

Nhưng cần phải biết rõ tâm hết hay chưa hết tham, sân, si để tu tập pháp Như Lý Tác Ý. Vậy làm thế nào để xét tâm mình? Đó là nếu khi luyện pháp Thân Hành Niệm mà vẫn còn niệm xẹt vô xẹt ra. Trên Thân Hành Niệm thì phải hoàn toàn không có niệm. Nếu có niệm vọng tưởng thì biết là tâm mình chưa sạch các niệm vi tế tham, sân, si. Lúc đó phải quay trở về luyện 4 Niệm Xứ. Mặc dù tập luyện Thân Hành Niệm có những lợi ích như dễ dàng đẩy lui các chướng ngại pháp, không bị tác động bởi thời tiết nóng lạnh, thì cũng phải giảm tập luyện Thân Hành Niệm lại, tập ít thôi, mà dồn hết nỗ lực cho luyện 4 Niệm Xứ.

Tóm lại: pháp môn Như Lý Tác Ý đầu tiên là ám thị, kế là Như Lý Tác Ý là tác ý hành động nào thì thân làm ngay hành động đó theo lệnh ý thức đưa ra. Ám thị là tác ý tâm mình, như “Tâm như cục đất, li tham sân si!” hay “Tâm phải vô ngã, xem thân này không phải của ta!”. Đó là những pháp tác ý mà ám thị.

Như Lý Tác Ý là tập luyện trên pháp THÂN HÀNH. Nó tác ý trên hành động của thân, luyện cái thân, còn ám thị là tập luyện trên pháp TÂM HÀNH, nó tác ý về cái tâm, luyện cái tâm. Hai cái này phải liên tục tập luyện, đừng có lơi. Ngồi yên là tác ý; ngồi yên là tác ý. Tác ý, tác ý hoài.

Bên cạnh tác ý thì phải khéo léo dùng tưởng nữa. Thí dụ như “Quán li tham...” thì khi nương vào hơi thở tưởng như hơi thở đi ra mang theo bao nhiêu cái tham, sân, si đi hết ra theo. Ngồi quán mà thiếu tưởng thì không được. Biết dùng tưởng nhưng đừng tưởng sai. Đạo Phật có tưởng chứ không phải không tưởng nhưng phải tưởng đúng chứ không tưởng sai được. Cho nên khi bước đi, mỗi bước đều tác ý “Li”, “Tham” thì con tưởng tất cả cái tham trong lòng theo bước chân mà ra ngoài.

Phải luôn luôn tập tác ý. Tập riết thì sẽ trở thành thói quen. Phải tập cho trở thành thói quen tác ý. Sau đó mỗi bước đi thì chân bước đi nhưng cảm giác tham sân si li ra. Tác ý như vậy mà THẤY nó lìa ra chứ không phải chỉ lưu ý bước đi thôi, PHẢI CẢM NHẬN như có cái tham trong lòng mình ra theo bước chân.

Tập luyện được như vậy thì con sẽ tu tập tới nơi, tâm sẽ hết tham sân si. Tâm hết tham sân si là tâm vô lậu, là tâm của quả A-La-Hán. Dù không có Thầy cũng chứng quả A-La-Hán được.


1 Xem thêm bài kinh “Các thức ăn” trong kinh Tương Ưng và Những Lời Gốc Phật Dạy