LỜI TÁC BẠCH (Cho ấn bản năm 2008)

Kính thưa chư vị độc giả,

Sau thời gian ấn bản photocopy của tập sách này được phổ biến nội bộ huynh đệ trong Tu Viện Chơn Như, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến xây dựng nên tập sách được sắp xếp thay đổi theo cách thức mà quý vị đang có trong tay.

Lần biên tập lại này, nội dung tập sách được chia làm hai phần: Phần tổng quát và phần thực hành các pháp tu tập. Sự sắp xếp này làm sáng tỏ những lời dạy rất tâm huyết của một bậc Thầy chí tình mong người đệ tử cố công chứng đạt chân lý của đức Phật qua các pháp hành mà Người đã chứng đạt. Tuy việc ghi chép chưa được đầy đủ đúng theo lời dạy của Thầy nhưng từng pháp hành theo sự trình bày đổi mới trong sách sáng tỏ hơn để giúp quý vị tự mình xét nghiệm trình độ và lập chương trình tu tập đúng theo năng lực của quý vị (cần thiết phải có sự chỉ dạy của bậc Thầy-tâm-vô-lậu), không bị chi phối bởi căn cơ của Nguyên Thiện, đồng thời giảm thiểu những lời dạy trùng lặp của Trưởng Lão trong lần biên tập năm 2006.

Phần Phụ Lục chỉ còn giữ lại “Giới Hành Niệm Hơi Thở Ra Hơi Thở Vô”.

Trong sách này có hai từ TĨNH GIÁC và TỈNH THỨC nhấn mạnh đến hai giai đoạn tu tập:

- Tĩnh giác là giai đoạn từ tâm loạn động được chế ngự để được yên tịnh theo dõi và biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ, biết rất kĩ lưỡng, biết không mờ mịt một chút xíu nào về đối tượng đang tu tập. Đây là mục đích chánh của giai đoạn Tứ Chánh Cần, là đối tượng của tập sách này.

- Tỉnh thức là trạng thái tâm tĩnh giác mà bất động, không có pháp nào khác ngoài tâm bất động này, được phòng hộ để chủ động sự sống chết, chấm dứt luân hồi. Chỉ khi đã tĩnh giác mới TỈNH THỨC, lúc đó tâm hoàn toàn tỉnh táo trong trạng thái thanh thản an lạc vô sự, mới đủ khả năng để tu tập đúng pháp môn 4 Niệm Xứ. Những lời dạy của Trưởng Lão Thích Thông Lạc trong lớp Chánh Tư Duy và lớp Bốn Niệm Xứ các năm 2006-2007 về giai đoạn này, được biên tập trong sách “Bậc Ba Minh Dạy Tu Tỉnh Thức Chánh Niệm”.

Xin quý vị hoan hỉ đóng góp ý kiến xây dựng để tập sách, trong lần ấn bản tới, càng đáp ứng được nhu cầu tu tập của nhiều người.

Kính tác bạch,
Nguyên Thiện.
Tháng 5 năm Phật lịch 2552.