Gốc khổ của con người là tâm tham dục mà ăn uống là một tham dục trong năm thứ dục lạc: DANH, LỢI, SẮC, THỰC, THÙY nên con người hay ưa thích ăn uống (THỰC). Ăn một ngày hai ba bữa mà còn ăn uống lặt vặt cái này, cái khác có khi lại còn ăn đêm. Vì dục lạc như vậy nên đức Phật khuyên: “KHÔNG NÊN ĂN UỐNG PHI THỜI”.
Đạo Phật vốn dạy người tu hành để thoát khổ, vì thế muốn thoát khổ nên phải diệt lòng tham dục, diệt lòng tham dục thì phải ăn uống ngày một bữa. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Ăn ngày một bữa cũng chính là phương pháp ly dục ly ác pháp. Trên đời vì tranh ăn mà có sự xung đột và chiến tranh; vì tham ăn mà nồi da xáo thịt anh em ruột thịt xem nhau như kẻ thù.
Bởi ăn uống phi thời là chạy theo dục lạc, do chạy theo dục lạc nên khó nhiếp và an trú tâm. Nhiếp và an trú tâm không được nên đẩy lui bệnh khổ trên thân không thể được, vì thế phải chịu khổ muôn đời vì bệnh tật. Người tu theo Phật giáo nên ăn uống giản dị và tiết độ càng ăn uống giản dị và tiết độ bao nhiêu thì tu hành nhiếp và an trú tâm dễ dàng bấy nhiêu và như vậy tu hành sẽ không phí thì giờ vô ích.
Cho nên giới thứ chín rất quan trọng trong đời sống con người. Do ăn uống bừa bãi mà con người dễ bệnh tật, vì biết rất rõ nên Ngài khuyên mỗi người nên ăn uống ngày một bữa có tiết độ trong ăn uống để tránh khỏi bệnh tật, ăn uống không nên ăn thịt chúng sanh vì ăn thịt chúng sanh thân dễ bệnh tật, đó là qui luật nhân quả.