Của cải tài sản là những vật làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mọi người. Vì thế, tu sĩ và cư sĩ đang tu học tại tu viện Chơn Như không nên lấy của không cho, không nên lượm của rơi ngoài đường, dù là cây kim, sợi chỉ cho đến tất cả những miếng ăn nhỏ như trái cây, bánh mứt, cục đường, hạt muối đều không nên lấy, vì lấy như vậy là trộm cắp, là cướp giựt của người.
Hành động tham lam lấy của không cho là một hành động xấu xa. Hành động cướp lấy sự sống của người khác cũng giống như giết người. Của cải tiền bạc làm ra bằng công sức, bằng mồ hôi nước mắt, bằng trí óc của con người, nếu bị người khác trộm lấy hay cướp đi thì người mất của rất là đau khổ, gần như muốn chết. Người sống có đạo đức hiếu sinh thì không bao giờ lấy của không cho, thà chết đói chớ không bao giờ lấy của người.
Tu sĩ cũng như cư sĩ trong tu viện Chơn Như không bao giờ lấy của không cho, không bao giờ ăn thêm cọng rau trái ớt hoặc đi hái, đi bẻ những rau ớt hoang dại xung quanh thất. Hoặc nhận của cúng dường riêng tư để ăn thêm, đó cũng là cách tham lam cần phải diệt bỏ lòng tham như vậy, khi có ai cúng riêng cho mình, bất cứ một vật gì nhiều hay ít đều mang đến người quản lý nhà bếp và giao cho họ chia đều cho tất cả mọi người, còn riêng mình cũng chỉ nhận một bữa cơm giống như mọi người mà thôi, như vậy mới thật là không tham ăn. Khi tu viện cho ăn những gì thì ăn như vậy, chứ không muốn ăn thêm một vật gì khác. Sống như vậy mới đầy đủ ý nghĩa đức ly tham.
Đức ly tham là một đức hạnh lìa xa những vật chất thế gian khiến cho tâm hồn con người rất trong sạch, không còn bợn nhơ một chút lòng tham muốn ăn, muốn ngủ, không còn một chút vật chất để dành dụm, để làm của riêng tư. Đời sống của họ chỉ còn ba y một bát. Chính đời sống giới luật mới mới xác định họ là những tu sĩ của Phật giáo, họ không còn tham lam, nhờ đó họ mới thật sự là những người ra khỏi nhà sinh tử. Ngược lại có một số người cũng mang hình thức ba y một bát, như lại ăn uống ngủ nghỉ phi thời, như vậy chứng tỏ họ còn tham lam chứ chưa phải ly tham. Vì thế, họ tu hành mãi mà không làm chủ sinh, già, bệnh, chết.
Bởi giới luật không nghiêm chỉnh thì không làm sao làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi. Tu mà không chấp nhận giữ gìn giới luật thì tu tập chỉ uổng phí cho một đời chứ chẳng đi đến đâu. Đời quá khổ, ăn uống là những món bất tịnh; ngủ nghỉ là mê muội tâm trí làm cho không thông minh sáng suốt. Thế mà mọi người lại tham ăn tham ngủ mới lạ kỳ. Nếu ngay từ ăn ngủ mà không lìa thì đức hạnh LY THAM ở đâu?
Giới thứ hai rất quan trọng là ở chỗ phải lìa tâm tham lam, cho nên người tu hành phải lưu ý giới luật này, vì tham dục dễ len lỏi vào tâm và nó sẽ dẫn dắt người tu sĩ phạm giới, nên cẩn thận đối với từng tâm niệm khi chúng sinh khởi lên trong tâm thì dễ bị vi phạm trong giới luật này.