Trong một tập thể cùng sống chung nhau như trong Tăng đoàn của tu viện Chơn Như, khi có vật gì thì nên chia đều cho nhau, từ thực phẩm ăn uống đến những vật dụng hằng ngày. Tất cả tài vật trong tu viện là của chung, của những người tu sĩ và cư sĩ đang có mặt. Không ai có quyền giữ riêng cho mình, chỉ có bảo vệ giữ gìn để cùng sử dụng cho sự sống tu tập hằng ngày. Vì thế, thất ở, đường sá, rừng cây trong tu viện đều được giữ gìn vệ sinh sạch đẹp quang đãng không những chỉ riêng thất của mình ở mà các thất khác.
Khi các thất khác bỏ trống, không có người ở hay có người ở mà đã rời khỏi thì hãy báo cho người quản lý tu viện biết để cho người dọn dẹp sạch sẽ trong khuôn viên thất của mình. Khi thất nào có người ở thì chúng ta không nên vào dọn dẹp và đi qua lại làm động người khác.
Không nên đi qua lại khu thất của người khác. Trong mỗi khu đều có người ở. Vì vậy, mọi người ở trong khu nào của mình thì giữ vệ sinh trong khu mình ở mà thôi.
Điện và nước phải xem xét chỗ nào điện chạm, bóng đèn hư thì cần phải báo cáo cho người quản lý tu viện để cho người thay và sửa lại, nhờ đó không hao điện, không hao nước, đó là biết tiết kiệm bảo vệ và giữ gìn của chung của tu viện. Chúng ta những tu sĩ trong tu viện mọi người đều có trách nhiệm và bổn phận phải giữ gìn và bảo vệ tài sản chung của tu viện, vì đó là tài sản chung của các tu sinh hiện đang có mặt trong tu viện. Cho nên, tất cả tu sinh cần phải coi sóc chỗ nào ống nước hư cần phải thay, đừng để nước chảy suốt ngày, phí bỏ nước rất uổng. Với việc làm này vào những giờ lao tác, còn tất cả những thời gian khác cần phải để tu tập xả tâm chứ đừng mượn cớ làm việc này mà bỏ giờ tu tập thì không nên.
Trong một tăng đoàn ít nhất phải có 5 người, nhiều nhất phải có 20 người không được hơn số lượng này. Vì Tăng đoàn là một tập thể thực hiện sự tu chứng của đạo Phật, chứ không phải một Tăng đoàn là một tập thể đông người để làm hình thức lấy “oai” với mọi người, giống như để “khoe” lực lượng.
Tăng đoàn của tu viện Chơn Như là một Tăng đoàn tu tập chứng quả A La Hán nên đoàn viên phải sống đúng những oai nghi tế hạnh như sau:
1- Phải đầy đủ oai nghi Chánh hạnh.
2- Sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt.
3- Chấp nhận giữ gìn giới luật.
4- Giữ gìn mắt tai mũi miệng thân ý không cho dính mắc sáu trần (độc cư).
5- Ăn uống phải tiết độ, không nên ăn uống phi thời.
6- Ngủ nghỉ phải theo giờ giấc nhất định trong thời khóa, không nên ngủ nghỉ phi thời.
Đó là sáu điều căn bản sống của mỗi đoàn viên Chơn Như, nếu đoàn viên nào cảm thấy sống với sáu điều này không nổi thì hãy xin ra khỏi Tăng đoàn.
Tăng đoàn là một tập thể có tổ chức hẳn hoi. Có kỷ luật nghiêm chỉnh thì hướng dẫn mọi đoàn viên mới đi vào nề nếp sống tu tập chứng quả A La Hán. Quý vị đừng nghĩ rằng: Những bậc A La Hán là những bậc đã giải thoát thì phải sống tự do tự tại vô ngại, thì có đâu cần đến OAI NGHI CHÁNH HẠNH; thì có đâu cần đến THÂN HÒA ĐỒNG TRỤ.
Xin thưa cùng quý vị! Bậc A La Hán mà OAI NGHI CHÁNH HẠNH không có, LỤC HÒA không có thì đó là A La Hán của ngoại đạo chứ A La Hán của Phật giáo phải từ sự chấp nhận giữ gìn Giới luật và oai nghi chánh hạnh; phải từ Lục hòa và ăn uống, ngủ nghỉ tiết độ, không ăn uống, ngủ nghỉ phi thời; phải từ sự phòng hộ mắt tai mũi miệng thân ý và luôn luôn sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. Nhờ những pháp này mới sinh ra bậc A La Hán. Vậy khi đã chứng quả A La Hán lại tự tại vô ngại phạm vào các pháp sống của A La Hán thì còn gì là A La Hán nữa. Phải không quý vị? Nếu A La Hán sống tự tại vô ngại phạm những giới luật này thì A La Hán bị mất gốc. Quý vị có biết không? Tự tại vô ngại trong dục lạc thế gian thì người thế gian cũng sống được cần gì phải tu chứng quả A La Hán.
Có lẽ quý vị chưa hiểu nghĩa A La Hán. Vì A La Hán có nghĩa là không còn tham sân si. Không còn tham, sân, si sao lại tự do ăn uống ngủ nghỉ phi thời và như vậy quả vị A La Hán này có đúng không thưa quý vị?
Trong tập thể có một vị A La Hán tự tại vô ngại đói ăn khát uống mệt ngủ thì có còn sống LỤC HÒA không?
LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN là một pháp sống của những bậc A La Hán, của một Tăng đoàn, của một tập thể sống có tổ chức, có kỷ cương, sống có hoà hợp, nên có những gì đều chia đồng cùng sống.