Bài 40: CHIỀU SÂU CỦA SỰ CHIA SẺ

Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia công tác từ thiện tại địa phương. Công việc của tôi là phân phát thực phẩm cho những gia đình thật sự khó khăn.

Một buổi tối nọ, tôi nhận được tin báo từ Hội Từ Thiện: Có một gia đình có 8 đứa trẻ đang rất cần sự giúp đỡ. Họ không còn gì để ăn từ nhiều ngày qua. Tôi vội vã rời nhà, mang theo một ít gạo và thức ăn trong túi. Đó là một ngôi nhà cũ nát. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá. Những đứa trẻ quần áo rách rưới, đang run lên vì đói. Nhìn những khuôn mặt vàng vọt, xám xịt lại vì thiếu ăn, tôi không thể cầm lòng được.

Tôi vội vã mở túi, dốc hết gạo và thức ăn ra, rồi thúc giục người mẹ:

- Chị hãy nấu ngay cho bọn trẻ một bữa ăn thật ngon nào! Dường như bà không nghe lời tôi nói, cũng không nhìn thấy ánh mắt nôn nóng, trông chờ của lũ trẻ, bà lập tức chia số gạo và thức ăn ra làm hai phần, để ở nhà một phần và mang phần kia chạy nhanh ra khỏi nhà.

Vài phút sau, bà quay về với vẻ mặt trông rất mãn nguyện, tôi liền hỏi:

- Chị đi đâu thế? - Tôi đem gạo sang người hàng xóm. Họ cũng đang đói như chúng tôi! Tôi thực sự ngạc nhiên trước hành động đầy nhân ái của người phụ nữ. Theo lẽ thường, khi con người đã quá khổ sở với những khó khăn, cơ cực mà mình đang nếm trải, thì sẽ ít, thậm chí không có thời gian và tâm sức để quan tâm đến người khác, cho dù họ cũng có những nỗi đau và khó khăn như mình. Nhưng trong căn nhà cũ nát này, tôi đã thấy điều ngược lại.

Tôi đã học được từ người phụ nữ nghèo khổ ấy nhiều điều ý nghĩa về tình người. Con người luôn có nhu cầu được chia sẻ, cả khi tuyệt vọng nhất hay hạnh phúc nhất. Chỉ cần như thế, nỗi đau sẽ vơi đi một nửa và niềm hạnh phúc sẽ được nhân đôi.

Hạt Giống Tâm Hồn Tập VI, trang 10

BÀI LÀM

1- Đại ý:

Bài này nói về đức hiếu sinh đa hướng thương người bằng cách san sẻ mới chính là thương mình.

2- Phân đoạn:

Bài này có 7 đoạn:

1- Sau khi tốt nghiệp, tôi tham gia công tác từ thiện tại địa phương. Công việc của tôi là phân phát thực phẩm cho những gia đình thật sự khó khăn.

2- Một buổi tối nọ, tôi nhận được tin báo từ Hội Từ Thiện: Có một gia đình có 8 đứa trẻ đang rất cần sự giúp đỡ. Họ không còn gì để ăn từ nhiều ngày qua. Tôi vội vã rời nhà, mang theo một ít gạo và thức ăn trong túi.

3- Đó là một ngôi nhà cũ nát. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá. Những đứa trẻ quần áo rách rưới, đang run lên vì đói. Nhìn những khuôn mặt vàng vọt, xám xịt lại vì thiếu ăn, tôi không thể cầm lòng được.

4- Tôi vội vã mở túi, dốc hết gạo và thức ăn ra, rồi thúc giục người mẹ:

- Chị hãy nấu ngay cho bọn trẻ một bữa ăn thật ngon nào! 5- Dường như bà không nghe lời tôi nói, cũng không nhìn thấy ánh mắt nôn nóng, trông chờ của lũ trẻ, bà lập tức chia số gạo và thức ăn ra làm hai phần, để ở nhà một phần và mang phần kia chạy nhanh ra khỏi nhà.

Vài phút sau, bà quay về với vẻ mặt trông rất mãn nguyện, tôi liền hỏi:

- Chị đi đâu thế? - Tôi đem gạo sang người hàng xóm. Họ cũng đang đói như chúng tôi! 6- Tôi thực sự ngạc nhiên trước hành động đầy nhân ái của người phụ nữ. Theo lẽ thường, khi con người đã quá khổ sở với những khó khăn, cơ cực mà mình đang nếm trải, thì sẽ ít, thậm chí không có thời gian và tâm sức để quan tâm đến người khác, cho dù họ cũng có những nỗi đau và khó khăn như mình. Nhưng trong căn nhà cũ nát này, tôi đã thấy điều ngược lại.

7- Tôi đã học được từ người phụ nữ nghèo khổ ấy nhiều điều ý nghĩa về tình người. Con người luôn có nhu cầu được chia sẻ, cả khi tuyệt vọng nhất hay hạnh phúc nhất. Chỉ cần như thế, nỗi đau sẽ vơi đi một nửa và niềm hạnh phúc sẽ được nhân đôi.

3- Đáp án:

Bài này có 7 đức:

1- Đức hiếu sinh từ thiện thân hành.

2- Đức bố thí hiếu sinh ý hành, thân hành (được tin mang gạo và thực phẩm).

3- Thiếu đức hiếu sinh bố thí (nhân quả tâm keo kiệt quá khứ).

4- Đức bố thí hiếu sinh thân hành, khẩu hành (mở túi và thúc dục).

5- Đức hiếu sinh bố thí cao thượng thân hành, khẩu hành (chia số gạo và thức ăn ra làm hai phần...).

6- Một tâm hồn cao thượng hiếu sinh.

7- Một bài học đức hiếu sinh tuyệt vời.

4- Giải trình án:

ĐỨC THỨ NHẤT ĐỨC HIẾU SINH TỪ THIỆN THÂN HÀNH

Nếu cuộc đời này ai cũng được như người phụ nữ trong bài này thì đời đâu còn khổ đau nữa. Mọi người đều sống có tình người, biết thương người. Từ những người có đầy đủ phước báu, cơm ăn áo mặc dư thừa đến những người còn thiếu thốn mọi thứ, nhưng đứng trước cảnh những người bất hạnh gặp nhiều khó khăn thì họ tự nguyện, tự giác đem chia sẻ với nhau từng bát cơm, manh áo như người phụ nữ nghèo khó trong câu chuyện trên đây thì xã hội loài người hạnh phúc biết bao, vì mọi người đối xử với nhau tràn đầy tình thương yêu.

Trong đức hiếu sinh có nhiều hành động cao thượng thương người tuyệt vời. Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện đức hiếu sinh đơn giản, nhưng làm cho mọi người đều xúc động và khó quên:

MÓN QUÀ TỪ TRÁI TIM”

Khi tôi còn là một thiếu niên, có lẽ khoảng 13 tuổi, mẹ đã dạy tôi một bài học quý giá mà tôi chẳng bao giờ quên được. Một ngày nọ, lúc chúng tôi đang mua tạp hoá ở một cửa hàng nhỏ, thì tôi để ý thấy một gia đình khác cũng vừa bước vào cửa hàng như chúng tôi.

Trông có vẻ đó là một bà mẹ, một cô con gái và một đứa cháu nhỏ. Họ trông khá tươm tất dù quần áo đã củ sờn, và rõ ràng là họ chẳng lấy gì làm giàu có cả. Họ đẩy chiếc xe đi khắp cửa hàng, cẩn thận và cân nhắc lựa chọn từng món hàng. Tôi để ý thấy hầu hết những món hàng họ mua đều là những mặt hàng tầm thường và thực phẩm thiết yếu cho một gia đình.

Mẹ và tôi mua sắm đã xong, hai bên đẩy xe hàng đi thẳng đến quầy để tính tiền. Lúc chúng tôi đến đó, gia đình nọ đã có mặt từ trước, cùng với một người khách khác đang đứng ở giữa, ngay trước chúng tôi, chờ đến lượt mình tính tiền.

Khi nhìn gia đình họ đặt hàng hóa lên băng chuyền, tôi nghe bà mẹ luôn miệng nhờ người thu ngân tính tổng số tiền khi mỗi món hàng được đưa qua máy, bởi bà cần phải dành tiền chi phí cho nhiều việc khác nữa. Việc làm này hơi mất thời gian một chút, và người khách đứng trước tôi lắc đầu tỏ ra mất kiên nhẫn thấy rõ, thậm chí bà ta còn càu nhàu những điều mà tôi đoán chắc là ai cũng có thể nghe được.

Khi cô thu ngân đưa ra tổng số tiền cuối cùng, người đàn bà nọ đã không có đủ tiền mặc dù đã lục hết các túi quần, túi áo, vì thế bà ấy trả bớt lại vài món thực phẩm đã mua. Ngay lúc ấy, mẹ tôi cho tay vào ví, lấy ra tờ 20 đô la cuối cùng của mình và trao cho người đàn bà nọ. Bà ấy tỏ vẻ rất ngạc nhiên và nói: “Tôi không thể nhận được đâu!”. Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt bà, khẽ đáp: “Không sao đâu, chị có thể nhận nó mà. Xin hãy xem đó như một món quà cũng được. Chẳng có món đồ nào trong chiếc xe đẩy mà chị không cần cả, vì vậy xin chị hãy vui lòng nhận”.

Người phụ nữ đó không khỏi xúc động khi nghe mẹ tôi nói chân thành như thế, bà đưa tay ra nhận lấy tờ bạc. Lúc đó, bà nắm chặt tay mẹ tôi một lúc và nước mắt lăn dài trên má, bà xúc động nói với mẹ tôi: “Cảm ơn cô rất nhiều. Cô thật tốt bụng. Trước nay chưa từng có ai đối xử với tôi tốt như thế cả! Tôi thật lòng rất biết ơn cô”.

Tôi biết mình đã rời khỏi cửa hàng với đôi mắt đỏ hoe, và đó sẽ là điều mà tôi mãi mãi gìn giữ trong lòng mình. Bạn biết không, ba mẹ tôi đã phải nuôi dạy sáu đứa con và bản thân họ cũng không lấy gì làm giàu có. Thế nhưng, tôi rất lấy làm hạnh phúc để nói rằng mình đã được thừa hưởng từ mẹ một trái tim nhân hậu.

Nhờ có mẹ, tôi đã biết sống không ích kỷ, và tôi tin rằng đi khắp thế gian này cũng không tìm được cảm giác nào tuyệt vời hơn thế đâu!”

Một việc làm từ thiện xuất phát từ lòng thương yêu những người bất hạnh trong xã hội, những người gặp những hoàn cảnh khó khăn hoặc tai nạn và bệnh tật ngặt nghèo. Vì lòng yêu thương ấy, sau khi tốt nghiệp đại học xong, người sinh viên liền xin gia nhập vào đoàn từ thiện thành phố.

Làm việc từ thiện là một việc làm có ý nghĩa cao đẹp “tình người”; là một hành động đạo đức bố thí đem tình yêu thương đến với mọi người bất hạnh trên toàn cầu mà không có ý nghĩa trao đổi “bánh sáp đi bánh qui trở lại”.

Làm việc từ thiện đó là một điều làm cho chúng ta sung sướng nhất, hạnh phúc nhất; đó là một điều nói lên từ trong trái tim của chúng ta biết chia sẻ những nỗi đau buồn với những người khác. Cho nên đức hiếu sinh bố thí từ thiện chúng ta phải tu học, trau dồi, rèn luyện cho thấm nhuần tất cả những hành động thân, miệng, ý. Nhờ đó con người của chúng ta mới trở thành những con người đức hạnh toàn diện.

Đứng trước cảnh khổ của người khác làm sao chúng ta làm ngơ được. Phải không quý vị? Nếu không làm ngơ được, chúng ta phải xông vào công việc từ thiện giúp người, an ủi người trong cơn hoạn nạn bằng cách kêu gọi mọi người, kẻ ít người nhiều cùng nhau đóng góp những vật dụng cần thiết như: quần áo, cơm gạo, rồi cùng nhau chuyển đến những nơi xảy ra cảnh màn trời chiếu đất. Những người không tiền của thì ra công hợp sức nhau dựng lại từng mái ấm tình thương, đó là những hành động tương thân tương ái lá lành đùm lá rách.

Những việc làm này nói lên tình yêu thương của mọi người với nhau trong môi trường sống trên hành tinh này. Và như vậy mới thắm đượm tình người, mới nói lên được đức hiếu sinh đa hướng từ thiện.

Trên đời này chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự bình an cho mình và cho mọi người. Vì vậy, chúng ta cần phải học tập và rèn luyện đức hiếu sinh cho thấm nhuần thân hành, khẩu hành và ý hành. Nếu không học tập, trau dồi thì không sao trở thành một con người có đạo đức được.

ĐỨC THỨ HAI ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH Ý HÀNH, THÂN HÀNH

Chúng tôi vừa nghe tin ở Trung Quốc động đất tại tỉnh Triết Giang, và bão tố lũ lụt ở Manyan nhà cửa sập đổ tan nát, người chết và bị thương quá nhiều. Tin tức này đã loan tin khắp nơi trên thế giới qua các thông tin truyền hình, truyền thanh và trên những trang mạng vi tính.

Từ nước này đến nước kia, mỗi người dân có tâm từ thiện, kẻ ít người nhiều cùng nhau đóng góp để gửi về cứu trợ.

Hiện giờ tình thương của con người không còn biên giới nước này nước khác. Cho nên, bất cứ một nước nào trên thế giới có tai ách, khổ nạn thiên tai lũ lụt, sóng thần, động đất, v.v.. thì mọi người trên thế giới không phân biệt màu da, thứ tóc; không phân biệt tiếng nói, sắc tộc, v.v..

họ đều tập trung, kẻ ít người nhiều tùy khả năng của mỗi người, mỗi gia đình, rồi những món quà đóng góp ấy được gửi đến cứu trợ với đầy đủ tình thương yêu từ trong trái tim của mọi người trên toàn cầu.

Đoàn từ thiện y bác sĩ Việt Nam sang Manyan đem theo dụng cụ y khoa và thuốc thang đến xứ này với tổng trị giá 100.000 USD để chích thuốc trị bệnh và ngừa bệnh cho những nạn nhân thiên tai tại xứ sở này với tình thương yêu tràn đầy tình người.

Con người hôm nay trên hành tinh này sẽ gần gũi nhau hơn nhờ những mạng thông tin, Vì thế, tình thương yêu của họ sẽ ban tặng cho nhau một cách cụ thể qua những món quà nho nhỏ, những gói trọn đầy lòng yêu thương trong đó.

Cho nên bất cứ một nước nào, khi nhân dân ở nước đó có tai nạn xảy ra thì tất cả mọi người dân trên thế giới đều gửi quà, gửi lời thăm viếng và chia sẻ những nỗi đau buồn mất mát. Những gói quà, những lời thăm viếng và những sự chia sẻ sự đau buồn đã nói lên được tình người, tình yêu thương nhân loại. Do đó, tình yêu thương của con người tràn đầy khắp nơi trên thế giới thì thế giới làm sao còn chiến tranh; thì thế giới làm sao còn có nước này đem quân đi xâm chiếm nước kia. Phải không quý vị? Thế giới không hòa bình là vì con người chưa có tình yêu thương, con người chưa có sống trong đạo đức hiếu sinh. Vì thế sự xung đột thường xảy ra hằng ngày khắp nơi, không chỗ này thì chỗ khác.

Đức hiếu sinh bố thí là do từ lòng thương yêu của những người có từ tâm, luôn luôn họ muốn giúp đỡ và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, chứ không vì “DANH” làm từ thiện; chứ không vì “SỰ NGHIỆP LÀM ĂN” mà lợi dụng từ thiện, làm giàu trên danh nghĩa nhân từ; chứ không vì một thế lực nào bắt ép làm từ thiện. Từ thiện xuất phát từ lòng yêu thương mới chính từ thiện. Làm từ thiện chính từ lòng tự nguyện, tự giác; vì lòng yêu thương.

Một câu chuyện có thật trong cuộc đời này xuất phát từ lòng yêu thương bạn:

NĂM NĂM CÕNG BẠN ĐẾN TRƯỜNG”

(Một hình ảnh đẹp của đôi bạn Bình và Phil) “Nguyễn Thái Bình, học sinh lớp 11 trường cấp 2, 3 Bình Khánh, huyện Cần Giờ - TP HCM.

Cuộc sống gia đình Bình cũng không khá giả gì, sau giờ học, em phải làm việc giúp gia đình.

Nhưng bao giờ em cũng dành thời gian cho người bạn cùng lớp thiếu may mắn Quách Văn Phil.

Nhà ở gần nhau, nên Bình luôn cố gắng sắp xếp để có thể ở bên cạnh để giúp đỡ Phil và cùng nhau học tập. Bình bảo: “Em rất thương và nể Phil. Tuy bạn ấy là người kém may mắn, nhưng không bao giờ tự ti mà luôn cố gắng học tập, sống hòa nhã và vui vẻ với mọi người”.

Còn với Phil, Bình là người bạn thân thương và chân thành nhất.

Bạn bè vẫn trêu đùa Bình là đôi chân của Phil. Quả vậy, năm 5 qua, hơn 1.000 ngày, Phil đến trường trên lưng bạn. Không những vậy, Bình còn cõng Phil đi thăm thầy cô, đến tham gia các hoạt động của lớp, cắm trại, dã ngoại...

Ngay cả việc đưa Phil vào nhà vệ sinh trong giờ lên lớp, Bình cũng đảm nhận. Phil đã như một người bạn, người em gắn bó với Bình suốt cả quãng đời học sinh. Thầy cô giáo, bạn bè trong trường cũng như những người dân xã Tam Thôn Hiệp đều biết và thường nhắc đến hình ảnh cõng bạn đến trường của Bình với cả lòng yêu thương và trân trọng”.

Tiểu Quyên

Tình yêu thương xuất từ trái tim con người, ở đây không ai bắt buộc em Bình cõng bạn, mà Bình tự nguyện vì thương bạn mà chịu khó cõng bạn suốt năm 5 liền trong tuổi học trò. Em Bình thể hiện đức hiếu sinh tuyệt vời.

Đấy là em Bình đã thực hiện ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH THÂN HÀNH. Ở đời, người ta bố thí bằng tiền bạc, của cải, tài sản, cơm ăn, áo mặc, nhà ở, v.v.. nhưng có người bố thí bằng công lao, sức lực thì cũng đâu thua kém gì tiền bạc, của cải, vật chất, v.v.. như em Bình ở đây đã bố thí công sức cõng bạn đi học suốt năm năm liền.

Thật là một gương hạnh đức hiếu sinh bố thí công sức tuyệt vời, không thể lấy vàng bạc, châu báu mà sánh được! Trong đức hiếu sinh bố thí còn mang theo một đức hạnh tuyệt vời nữa, đó là ĐỨC BUÔNG XẢ. Vì thế, người biết bố thí là người biết buông xả tâm ích kỷ, hẹp hòi, bỏn xẻn; người biết bố thí là người biết lìa tâm tham, sân, si. Vì lìa tâm tham, sân, si, mạn, nghi là người ly dục ly ác pháp. Người ly dục ly ác pháp thân tâm sẽ bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Chính đó là ĐỨC HẠNH GIẢI THOÁT CỦA PHẬT GIÁO.

ĐỨC THỨ BA THIẾU ĐỨC HIẾU SINH BỐ THÍ

Nhìn cảnh thiếu trước, hụt sau là biết ngay nhân quả đời trước thiếu đức bố thí. Người thiếu đức bố thí là người sống ích kỷ, bỏn xẻn, hẹp hòi, v.v... Họ chỉ biết lo cho cá nhân của mình, muốn cho mọi thứ, mọi vật trên đời này đều dồn về cho mình, chỉ một mình mình giàu có, còn ai nghèo khổ mặc kệ. Lòng tham muốn của con người giống như chiếc túi không đáy, đựng không bao giờ đầy. Vì thế, lòng ham muốn không bao giờ đạt được thỏa mãn. Vả lại, chúng ta ai cũng biết, ngoài lòng tham muốn của chúng ta, còn có luật nhân quả. Nhưng luật nhân quả có cho phép chúng ta làm thỏa mãn lòng ham muốn đó không? Chắc là không, vì lòng ham muốn của chúng ta là túi không đáy. Túi không đáy làm sao đầy được. Phải không quý vị? Khi còn lòng dục tham muốn thì tâm tạo tác biết bao nhiêu là ác pháp. Do tạo tác các ác pháp nên phải trả những quả ác, như ích kỷ, bỏn xẻn, tham lam, trộm cắp, lấy của không cho thì trả quả phải bị thiên tai sóng thần, bão tố, động đất, hỏa hoạn, lũ lụt, nước trôi, v.v... Do sống trong ác pháp làm ra của cải, tài sản, nên của cải, tài sản ấy phải bị tiêu tan, mất trắng tay. Như vậy, không bao giờ làm thỏa lòng ham muốn được.

Lòng dục ham muốn càng cao thì lại càng nghèo đói hơn. Cho nên chúng ta phải biết xả lòng tham muốn. Xả lòng ham muốn tức là khi chúng ta có một cái gì để sống liền đem chia sẻ cho người nghèo đói như mình. Một người đang nghèo đói, nhưng khi được những nhà từ thiện bố thí thực phẩm liền san sẻ chia làm đôi, đem bố thí cho người khác cùng trong cảnh ngộ như mình.

Những người nghèo mà làm được những điều này chắc chắn những người này sẽ giàu lòng yêu thương mình và yêu thương người.

Nếu trên đời này ai thực hiện được như vậy là người giàu có nhất. Giàu lòng yêu thương.

Người giàu lòng yêu thương là người được đầy đủ hơn, cơm ăn áo mặc không còn thiếu nữa.

Như vậy, đức hiếu sinh bố thí thật là tuyệt vời, luôn đem lại sự bình an cho mình và cho mọi người. Vì thế làm người chúng ta nên học hỏi và trau dồi, rèn luyện đức hạnh này.

ĐỨC THỨ TƯ ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH

Hành động trên đây của một người mẹ nghèo san sẻ của bố thí cho người khác nghèo như mình. Trong khi cả gia đình mình đang đói khổ mà dám phân chia sự sống của mình cho người khác. Đó là một hành động bố thí trên bố thí, những con người này đã biết buông xả bằng đức hiếu sinh “Thương mình, thương người” như cụ Nguyễn Trãi đã dạy:

Thương người như thể thương thân

Thấy ai đói rét thì thương

Rét thường cho mặc

Đói thường cho ăn”

Lời dạy trên đây là lời dạy chúng ta nên sống với đức hiếu sinh bố thí. Người có lòng bố thí giúp người thì không bao giờ đói khổ, cơm ăn áo mặc dư thừa. Đó là luật nhân quả, nếu sống đức hạnh thì đức hạnh sẽ chuyển quả khổ thành quả yên vui.

Theo quy luật nhân quả thì con người ai cũng có lòng tham dục, nhưng người nào có đức hiếu sinh từ trong lòng từ ái thì tâm tham dục của họ được làm giảm đi rất nhiều. Do đức hiếu sinh lòng từ ái mới biết thương người, thương mình, vì có thương mình thương người nên thấy ai hoạn nạn bất hạnh thì sẵn lòng thương giúp đỡ.

Giúp đỡ bằng công sức hay tiền của, cơm ăn, áo mặc. Tất cả những hành động giúp người như vậy đều gọi là đức bố thí. Cho nên đức bố thí là phương cách thức thể hiện lòng yêu thương.

Khi thấy ai biết bố thí cho người khác là biết người ấy thương mình, thương người. Nhưng chính vì biết thương mình, thương người khác, đó mới thật sự thương mình. Còn cứ nghĩ thương mình mà cứ lo gom góp mọi thứ vào cho mình, còn ai khổ mặc kệ ai, ai đói cũng không cần biết tới. Do không cần biết đến cuộc sống của mọi người nên đã tự làm khổ mình, biến mình trở thành những con người vô đạo đức.

Người ích kỷ, bỏn xẻn lúc nào cũng nơm nớp sợ mọi người sẽ trộm cắp, cướp lấy hay chiếm đoạt của cải, tài sản của mình. Vì thế, người có của cải giàu sang cũng khổ. Khổ vì sợ hao mất tài sản nên ăn không ngon, ngủ không yên giấc; khổ vì phải nghĩ ngợi trăm mưu ngàn kế để làm ra tiền của; khổ vì phải sinh lòng gian tham, dối trá, lừa đảo trăm muôn vạn người để thu tóm danh lợi về một mình.

Người giàu sang biết chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội thì của cải tài sản không bao giờ hết, không cần giữ gìn cũng không bao giờ mất mát, vì nhân bố thí, nên quả phải giàu sang. Còn người giàu sang mà tính tình bỏn xẻn ích kỷ, không dám bố thí cho ai một đồng một cắc thì của cải sẽ không giữ gìn trọn vẹn. Tại sao vậy? Vì người giàu sang ích kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt là người chưa xả lòng tham lam. Chưa xả lòng tham lam là nhân nghèo đói. Hiện giờ giàu sang nhưng không giữ gìn sự giàu sang được bền lâu đâu, đến khi phước báu hết thì của cải sẽ theo con cái hư phá tán, ăn chơi, bài bạc hoặc bệnh tật mà đi sạch, ruộng vườn cũng không còn, trở thành những người nghèo đói.

Đây là một câu chuyện bố thí để nhắc nhở chúng ta, khi bố thí rồi thì không nên ân hận; không nên tiếc rẻ, dù chúng ta bị kẻ khác lừa đảo. Thà bị người lừa đảo còn hơn bỏ qua khi gặp một người có hoàn cảnh khó khăn hoặc có tai nạn, bệnh tật ngặt nghèo cần nên giúp đỡ.

“TIỀN LẺ” là tựa đề của một câu chuyện xảy ra để nhắc nhở chúng ta lúc thực hiện đức hiếu sinh bố thí để thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự. Khi đã bố thí giúp người rồi thì không nên hối tiếc, dù bị người khác lừa đảo:

Trong suy nghĩ của tôi, những người ăn xin luôn tự bịa ra những câu chuyện cực kỳ thuyết phục đến nỗi bạn không thể biết được đâu là thật, đâu là giả. Sau vài lần bị mắc lừa, tôi thật sự bực mình, không phải vì mất mấy đồng tiền lẻ đó mà vì tôi cảm thấy mình giống như một thằng ngốc vậy. Từ đó, tôi tự nhủ sẽ không bố thí cho ai một xu nào nữa.

Ngày nào trên đường đi làm, tôi cũng ghé mua một tách cà phê cappuccino, và lần nào người ta cũng thối lại cho tôi vài đồng tiền lẻ.

Hôm đó, khi tôi chuẩn bị cất những đồng tiền lẻ vào ví thì có một người đàn ông tiến về phía tôi và nói: “Thưa ông, tôi đang trên đường về nhà thì xe bị hết xăng. Chiếc xe của tôi đậu cách đây bốn dãy nhà, và có hai đứa bé đang chờ tôi trong xe. Nếu có thể ông làm ơn...” Nghe thế, tôi bực mình lẩm bẩm: “Lại nữa!”, nhưng rồi vẫn đưa ông ta 10 đô la. Tôi ngồi lại uống hết tách cà phê của mình rồi trở ra xe. Bỗng tôi thấy người đàn ông lúc nãy vội vàng chạy đến, mỉm cười thật tươi: “Rất cám ơn ông, tôi đã đổ đủ xăng để về đến nhà và vẫn còn dư đây 2 đô la để trả lại ông. Ngày mai, tôi sẽ đến gửi trả 8 đô la còn lại cho ông”.

Ở hàng phía sau, hai đứa bé con ông in mũi vào tấm kính xe, trao cho tôi nụ cười thơ ngây.

Cầm hai tờ bạc trong tay, tôi cảm thấy mình như người có lỗi. Từ ngày đó trở đi, tôi không bao giờ còn cảm thấy phiền hà khi có ai đó nhờ giúp đỡ, và tôi cũng luôn cố hết sức có thể để chia sẻ cùng họ trong khó khăn”.

Theo Spare Change (Ngọc Khanh)

Câu chuyện trên đây cũng là một câu chuyện nói đến tâm trạng chung của những ai có lòng thương người, biết bố thí để chúng ta an tâm khi bố thí chia sẻ với những ai gặp hoàn cảnh khó khăn, dù chúng ta có bị kẻ khác lừa đảo lường gạt.

Mặc dù chúng ta có bị lường gạt, nhưng chúng ta đừng nên nghĩ mình bị lường gạt, mà nên nghĩ chúng ta đã giúp cho người bất hạnh là đủ. “Có một cậu sinh viên đến bệnh viện thăm người thân, vừa đến bệnh viện có một người chạy ra xin tiền cậu: “Cậu ơi, cậu hãy giúp cho con tôi 500 đồng để đóng tiền vào phòng cấp cứu, nếu không có thì con tôi phải chết”. Không do dự, cậu sinh viên móc túi đưa cho bà ta 500 đồng. Bà ta cám ơn rối rít và chạy vào bệnh viện.

Lúc bấy giờ, có người nói với cậu sinh viên nọ: “Cậu bị gạt rồi! Có đứa trẻ nào cấp cứu đâu”.

Cậu sinh viên trả lời: “Như vậy cháu rất mừng là không có đứa trẻ nào chết”. Mục đích của cháu là cứu giúp cho em bé thoát chết, và bây giờ không có em bé nào chết là mục đích của cháu đã đạt được. Đó là nỗi mừng thật sự của cháu”.

Với tinh thần yêu thương bố thí là phải nghĩ đến sự cứu giúp người thoát khổ, chứ đừng nghĩ chúng ta bị người khác lừa gạt, mà hãy nghĩ rằng chúng ta giúp người thoát khổ là mình vui mừng.

Cậu sinh viên này có một tri kiến hiếu sinh bố thí tuyệt vời, không bao giờ nghĩ rằng mình bị người khác lừa gạt, mà chỉ biết không có em bé nào chết là mãn nguyện.

Với sự sống của em bé mới có giá trị lớn, còn 500 trăm ngàn đồng của cậu sinh viên chỉ tượng trưng cho tình thương của cậu mà thôi.

Lòng yêu thương bố thí cứu người thoát chết, thoát khổ là mục đích, nên khi biết người khác đang khổ là chúng ta giúp đỡ ngay liền, chứ không chần chờ, đắn đo, suy tư hơn thiệt sợ bị lường gạt hay không bị lường gạt. Người khác lường gạt mình là vay nợ mình, kiếp này không trả thì kiếp sau cũng phải trả. Luật nhân quả không ai trốn đâu cho khỏi. Vì thế bất cứ thấy bất hạnh khổ đau thì nên sẵn sàng giúp đỡ với lòng thương yêu.

Người gian xảo lường gạt không thể qua mắt được người có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ và tình thương thì không ai dám lường gạt chúng ta được. Vì thế, chúng ta không sợ bị lường gạt.

Nhưng khi đã bố thí xong thì chỉ biết giúp người thoát khổ, chứ không nên nghĩ mình bị lường gạt. Khi làm một việc từ thiện như bố thí tiền của hay công sức của mình thì chúng ta nên tin rằng sẽ có những người được an ủi trong hoàn cảnh khổ; sẽ có những người thoát chết, thoát nạn, v.v...

Đó là mục đích của việc làm từ thiện bố thí do đức hiếu sinh. Đức hiếu sinh bố thí mới thực sự là làm việc từ thiện, còn ngoài ra, làm việc từ thiện coi chừng mình sẽ lợi dụng danh từ “từ thiện” để làm một việc khác, một việc làm “danh và lợi”. Cho nên quý vị phải nhớ: Làm việc từ thiện phải xuất phát từ đức hiếu sinh.

ĐỨC THỨ NĂM ĐỨC HIẾU SINH BỐ THÍ CAO THƯỢNG THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH

Đức hiếu sinh bố thí cao thượng là một hành động bố thí thân mạng mình để cứu người trong cơn hoạn nạn, v.v... Trong cảnh nghèo đói, nhưng lại biết san sẻ từng sự sống của mình cho người khác thì đó là đức hiếu sinh bố thí cao thượng.

Trong lúc đang nguy kịch, Hoàng Văn Trọng và một số bạn nam đã không ngần ngại lao ra dòng nước dữ cứu các bạn nữ cùng lớp bị sóng cuốn, lún cát; có người may mắn thoát nạn, nhưng có người ra đi mãi mãi, để lại vô vàn thương tiếc... của mọi người. Chúng ta hãy đọc bài: “ANH HÙNG NHỎ TUỔI” trên báo Thanh Niên và Cuộc Sống số 124, Thứ bảy 03/5/2008, tác giả Trương Quang Nam:

Vào 14 giờ ngày 18/02/2007, em Hoàng Văn Trọng và một số bạn cùng lớp rủ nhau đi chơi Tết và chụp ảnh. Để có những tấm hình đẹp, các bạn cùng rủ nhau ra biển lấy vỏ sò, vỏ ốc kết lại và cùng tắm biển tại thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc. Nhưng sự việc đáng tiếc không may đã xảy ra, một số bạn nữ trong lúc tắm bị sóng cuốn, lún cát hoảng loạn kêu cứu. Nghe tiếng các bạn kêu cứu, Hoàng Văn Trọng và một số bạn nam nhanh chóng lao về các bạn nữ gặp nạn. Sau một thời gian vật lộn với sóng lớn và cát lún. Hoàng Văn Trọng đã cứu được một nữ vào bờ an toàn và tiếp tục quay ra để cứu tiếp các bạn khác. Nhưng vì đuối sức, lại thêm cát lún và những đợt sóng lớn đã cướp đi sự sống khi em vừa mới 14 tuổi”.

Một tấm gương anh hùng tuổi nhỏ dám hy sinh bố thí thân mạng mình cứu người trong khổ ải. Thật đáng ca ngợi, khen tặng “anh hùng nhỏ tuổi mà gan dạ”.

Trước cảnh khổ của người khác, lúc bấy giờ lòng thương yêu dâng lên cao độ, chúng ta quên mình nên mới dám xông pha vào sóng dữ, gió to để cứu người chết đuối; mới dám xông vào lửa bỏng, nước sôi để cứu người chết cháy. Hành động xông pha vào chỗ hiểm nguy cũng giống như những người lính xông vào trận mạc, vì muốn bảo vệ tổ quốc quê hương; vì thương yêu nòi giống, nên xông pha vào trận mạc, dám hy sinh thân mạng trước lằn tên mũi đạn để cứu dân, cứu nước thoát khỏi ách cai trị nô lệ của ngoại bang. Đó là những người dùng hạnh bố thí thân mạng cho tổ quốc quê hương mà lịch sử còn ghi danh mãi mãi muôn đời muôn kiếp.

Trong bài học trên đây là đức hiếu sinh bố thí trên hạnh bố thí. Khi cả gia đình mình đang trong cơn đói khổ, nhưng khi có được phần bố thí của người khác đem cho. Lúc bấy giờ lại dám đem phần bố thí ấy ra phân chia làm hai, cho người nghèo đói khác, thì người phụ nữ này đang thực hiện đức hạnh bố thí trên đức hạnh bố thí. Đó là một hành động biết thương mình, thương người, ít ai làm được. Nếu trên đời này ai cũng có tấm lòng biết chia sẻ như vậy thì thế gian này tốt đẹp biết bao! Cho nên đạo đức hiếu sinh bố thí rất cần thiết cho mình, cho người, cho các loài thú vật đang sống trên hành tinh này. Trong một xã hội mà mọi người ai cũng đều biết quý trọng sự sống của mình như quý trọng sự sống của người khác và của muôn loài thú vật khác, thì cuộc sống này là Thiên Đàng, Cực Lạc.

Con người chỉ có sống với đức hạnh hiếu sinh bố thí thì con người mới biết san sẻ cho nhau từng sự sống. Nhờ có những hành động này mà thế giới loài người sẽ không còn xung đột và chiến tranh nữa.

Bởi vậy, cuộc sống của loài người trên hành tinh này chỉ có đạo đức hiếu sinh là quan trọng trên hết. Một con người mà không đạo đức, dù là người có tài giỏi, nhưng tài giỏi ấy sẽ không làm lợi ích cho cuộc đời mà còn làm khổ đau cho đời nhiều hơn. Ngược lại, một người không có tài mà có đức thì xã hội này mọi người đối xử với nhau bằng đạo đức thương yêu, đùm bọc, san sẻ, tha thứ, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, v.v... thì sẽ đem lại sự an vui, hạnh phúc cho nhau. Đức hiếu sinh bố thí rất quan trọng cho đời sống của loài người và loài vật, xin quý vị cố gắng rèn luyện nhân cách của mình để mình trở thành là con người hiếu sinh.

ĐỨC THỨ SÁU MỘT TÂM HỒN CAO THƯỢNG HIẾU SINH

Một người có tâm hồn cao thượng là người luôn sống với đức hiếu sinh. Khi sống với đức hiếu sinh thì họ luôn luôn sẵn sàng dám hy sinh thân mạng mình cho sự sống của người khác, dù gặp bao nhiêu gian khổ họ cũng không bao giờ chùn bước hoặc từ nan trước những sự khó khăn và gian khổ.

Một câu chuyện dưới đây, “MỘT NGƯỜI VÌ MỌI NGƯỜI”, để chứng minh cho chúng ta thấy sự dũng cảm gan dạ, trước cái chết người ta vẫn coi thường, xem sự sống của mình nhẹ nhàng như lông hồng. Người dám hy sinh như vậy là người có một tình yêu thương rộng lớn, thấy sự sống của mọi người rất quan trọng. Chỉ có những người xem tiền bạc, châu báu là trên hết, nên mới giết người cướp của mà chẳng chút lòng thương xót. Ngược lại, những người biết quý trọng sự sống trên đời này, xem như không có một vật gì quý báu hơn, thì mới dám hy sinh thân mạng sống của mình, chỉ vì có một ước mong là làm sao cho mọi người được sống bình an, yên vui. Chính vì sự sống bình an, yên vui của mọi người thì mình mới có sự sống yên vui, an ổn chân thật cho mình. “Người vui mình mới có vui, người buồn mình có vui đâu bao giờ”.

Điều này có đúng không quý vị? Những người sống vì mọi người là những người biết đặt tình yêu thương lên hàng đầu trong cuộc sống. Vì biết yêu thương mọi người nên đời sống của mình mới được bình an, yên ổn.

Đây là câu chuyện do một vị linh mục cao tuổi kể lại vào một ngày chủ nhật. Đó là một câu chuyện có thật xảy ra khi ông còn phục vụ trong quân ngũ:

Một ngày nọ, vị trung sĩ huấn luyện cho doanh trại của ông bất thình lình ném một quả thủ pháo vào một nhóm lính trẻ. Tất cả những người lính đó đều bỏ chạy, sau đó vị trung sĩ từ tốn nói rằng: Quả lựu đạn thật ra không được cài kíp nổ, và ông làm vậy chỉ để xem phản ứng của họ như thế nào mà thôi.

Ngày hôm sau, có một tân binh gia nhập vào nhóm lính đó. Vị trung sĩ huấn luyện yêu cầu những người lính không được nói với anh lính mới này về những gì sắp xảy ra. Khi trung sĩ ném quả lựu đạn vào nhóm lính, người lính mới đó không hề biết rằng nó sẽ không nổ, anh đã dũng cảm lao vào đè lên quả lựu đạn trong lòng để ngăn không cho nó gây thương tổn đến những người khác. Anh ấy sẵn sàng hy sinh vì đồng đội của mình.

Năm đó, người lính trẻ ấy được trao tặng huân chương cao quý duy nhất cho lòng can đảm và tinh thần quả cảm của mình, đó là tấm huân chương chưa một ai từng nhận được trong những cuộc chiến trước đó”.

Một tấm gương dũng cảm dám hy sinh bố thí thân mạng của mình để cho mọi người thoát chết. Những người làm được những điều này đều là những người sống với một tâm hồn cao thượng hiếu sinh bố thí thân mạng. Một hành động dũng cảm gan dạ mà ít có người làm được.

Bởi vậy, những ai làm được điều này chúng ta đều nên kính phục và tôn trọng lòng dũng cảm đức hiếu sinh cao thượng bố thí vĩ đại.

Chúng ta làm người cần phải tập những gương hạnh hiếu sinh bố thí cao thượng này để xứng đáng là một con người.

ĐỨC THỨ BẢY MỘT BÀI HỌC ĐỨC HIẾU SINH TUYỆT VỜI

Nói về đạo đức trong cuộc đời này thì không có đạo đức nào hơn “ĐỨC HIẾU SINH”.

Bởi vậy con người chỉ cần đào tạo đạo đức hiếu sinh cho họ thì xã hội này không còn xung đột và chiến tranh nữa như trên đã nói.

Bởi con người sinh ra từ TÌNH THƯƠNG, được nuôi dưỡng lớn lên trong TÌNH THƯƠNG, và muốn có cuộc sống được an vui không làm khổ mình, khổ người thì phải duy trì sự sống bằng TÌNH THƯƠNG.

Chính tình thương mới đem lại hạnh phúc an vui cho con người, cho nên mỗi hành động trong cuộc sống hằng ngày phải thực hiện bằng tình thương. Nếu ai đi ngược lại là người ấy đã tạo sự khổ đau cho mình, cho người ngay liền.

Hành động TÌNH THƯƠNG nhiều khi người ta thường sống với nó, nhưng không mấy khi lưu ý. Thường người ta lưu ý khi người ta nói:

“TÔI THƯƠNG”. Nhưng sự thật lời nói: “tôi thương”, chưa hẳn là “tôi thương”. Vì lời nói “tôi thương” nhưng liền đó lại có thể hai người cãi cọ chửi mắng nhau như trâu trắng, trâu đen .

Cho nên trên đời này chỉ có tình thương bằng hành động mới chân thật, tuy không nói ra lời THƯƠNG YÊU, nhưng tình THƯƠNG YÊU rất thấm thía như câu chuyện

SỢI TÓC TRONG HỘP CƠM”.

Trong những năm tháng gian khổ đó, rất nhiều học sinh ngay đến khả năng mang những món cơm hộp giản tiện nhất trông chẳng ra hồn để đến trường học cũng không có, bạn học ngồi cạnh tôi chính là như vậy. Thức ăn của cậu ta mãi mãi là đậu xị, đen xì, còn cơm hộp của tôi thì thường mang giăm bông và trứng ốp lết. Sự khác biệt của hai người quả là một trời, một vực. Hơn nữa, bạn học này mỗi lần ăn đều nhặt các sợi tóc ở trong cơm hộp trước, rồi mới ăn như không có gì xảy ra. Tôi thấy việc này vẫn kéo dài mãi, ngày này sang ngày khác không có gì thay đổi.

Có thể nói là mẹ cậu ta rất luộm thuộm, cho nên trong cơm hằng mang đi đều có tóc”.

Các bạn học sinh đều bàn tán vụng trộm.

Có một hôm nhà trường nghỉ học, bạn học sinh đó mời tôi: “Nếu bạn không bận việc gì, xin mời đến nhà mình chơi”.

Tuy trong lòng không muốn lắm. Song từ ngày vào học cùng lớp, đây là lần đầu cậu ta mời tôi tới nhà chơi, cho nên tôi không nỡ từ chối .

Theo bạn đến thôn nghèo nơi địa hình dốc núi dựng đứng ở vùng núi ngoại thành.

Mẹ, con đưa bạn đến chơi đây nè!”. Sau khi nghe thấy tiếng nói phấn khởi của bạn tôi, cửa buồng mở ra. Bà mẹ già cả của cậu ta đã xuất hiện ở cửa.

Anh bạn của con tôi đến rồi à! Để tôi xem nào”. Nhưng mẹ bạn tôi ra khỏi cửa buồng, cứ dùng tay sờ sờ chiếc cột bức tường ở ngoài cửa.

Hóa ra bà ta là một người bị mù cả hai mắt.

Tôi cảm thấy xúc động mắt cay cay, không nói được lời nào. Thức ăn trong suất cơm hộp của bạn tôi, tuy mỗi ngày thường chỉ là đậu xị, song là do người mẹ mắt mù không nhìn thấy, cẩn thận giúp cậu sửa soạn cơm hộp. Đó không chỉ là suất cơm trưa, mà đó còn là tấm lòng đầy yêu thương của người mẹ, thậm chí việc lẫn sợi tóc vào trong đó cũng không sao, nó vẫn là tình yêu của người mẹ”.

Tình thương yêu không lời, không ranh giới, nó thực hiện bằng đức hiếu sinh. Cho nên người biết sống với đức hiếu sinh là người biết thương mình, thương người và thương tất cả những loài chúng sinh khác. Bởi đức hiếu sinh rất tuyệt vời, luôn luôn đem lại sự bình an, yên vui cho mọi người.

Đức hiếu sinh rất tuyệt vời mà trong tất cả mọi người ai ai cũng đều có, chỉ vì mọi người chưa có dịp thực hiện đức hạnh đó mà thôi.

Dưới đây là một câu chuyện có thật bằng tình yêu thương hiến máu của mọi người giúp cháu Lê Hầu Minh Quân thoát bệnh hiểm nghèo:

TRÁI TIM CON TÔI ĐÃ ĐẬP LẠI TỪ MÁU BẠN ĐỌC GẦN XA!”

Báo pháp luật TP.HCM ra ngày 27/4 có bài “Thông Điệp Xanh Từ Blog”, thông tin về bệnh trạng của bé Lê Hầu Minh Quân, con của anh Lê Minh Nghĩa (phóng viên báo Giao Thông Vận Tải), mắc bệnh tim bẩm sinh, cần phẫu thuật gấp. Bé Quân thuộc nhóm máu AB, một nhóm máu hiếm, cần bốn người có cùng nhóm máu tương thích để tiếp máu cho cháu trong quá trình phẫu thuật.

Anh Nghĩa tải thông tin lên mạng qua blog của một người bạn. Sau đó chưa đầy 48 giờ, nhiều người trong cộng đồng blogger đã tình nguyện hiến máu để giúp bé Quân. Kết quả xét nghiệm nhóm có bốn người cho máu, trong đó có chị Nguyễn Thị Bình An, thư ký toà soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Sau ca phẫu thuật, trình trạng sức khoẻ của bé Quân phát triển khá tốt.

Cha cháu viết thư cám ơn gửi Báo: “Tôi thật sự xúc động sau khi gửi thông tin cầu cứu nhóm máu AB trên mạng, các anh chị phóng viên, biên tập viên của báo Pháp Luật TP.HCM đã tự nguyện đến Viện Tim TP.HCM xin được thử máu. Có chị còn kêu gọi cả chồng và những người thân đến hiến máu. Tôi nhớ rất rõ gương mặt chị Bình An vẫn cười tươi dù sắc mặt rất xanh xao khi được rút đi một đơn vị máu và nếu cần, chị sẵn sàng hiến tiếp. Phóng viên Q.V và T.N viết bài, có rất nhiều bạn đọc tận Hà Nội, Bình Thuận sẵn sàng vào TP.HCM cho máu bé Quân. Ca phẫu thuật ngày 28/5 thành công và đủ máu AB. Trái tim đau đớn của con trai đầu lòng tôi đã nhịp đập trở lại bằng những giọt máu quý giá của bạn đọc gần xa”...

PV báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh Xã Hội. Ngày 27/6/2007.

Còn biết bao hành động đức hiếu sinh đã để lại cho đời những tấm gương đạo đức cao thượng mà mọi người ai cũng có thể làm được, chỉ chúng ta có thật lòng thương yêu hay không.

Nếu thật lòng yêu thương với nhau thì trên đời này làm sao còn khổ đau nữa. Phải không quý vị? Đức hiếu sinh là một đức hạnh tuyệt vời, chúng tôi kêu gọi mọi người trên hành tinh này hãy cùng nhau học tập, rèn luyện đức hiếu sinh cho thấm nhuần, để thân tâm mình trở thành một thói quen luôn luôn biết thương mình, thương người và thương các chúng sinh. Nhờ đó chúng ta mới tìm thấy sự an vui và hạnh phúc chân thật của kiếp làm người. Chỉ có đức hiếu sinh chúng ta mới yêu thương nhau chân thật; chúng ta mới tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm. Có như vậy thế gian này mới không còn xung đột và chiến tranh nữa.