Bài 36: CÓ PHẢI CHÁU SẼ CHẾT NGAY BÂY GIỜ KHÔNG?

Một bé gái mắc phải một bệnh rất hiếm gặp. Để có cơ hội được cứu sống, cô bé cần được truyền máu của cậu anh trai năm tuổi - cũng mắc phải căn bệnh ấy nhưng lại sống được, nhờ cơ thể cậu bé có thể tự sản sinh được một loại kháng thể.

Bác sĩ giải thích điều đó với anh trai của cô bé, và hỏi cậu có sẵn sàng cho máu để cứu em gái mình không. Cậu bé do dự một lát, cậu hít thở sâu và nói: “Cháu sẽ đồng ý, nếu điều đó giúp em cháu có thể khoẻ lại được!”.

Khi đang truyền máu, hai anh em nằm trên hai giường gần nhau. Cậu bé mỉm cười khi nhìn thấy đôi má em gái mình bắt đầu lấy lại được sắc hồng. Rồi gương mặt cậu anh tái đi và nụ cười tắt dần. Cậu nhìn bác sĩ, run run hỏi: “Cháu sắp chết rồi phải không bác! Bác cố gắng cứu sống em cháu nhé!”.

Cậu bé ngây thơ ấy cứ ngỡ rằng, cậu sẽ cho em gái hết tất cả máu của mình để cứu em, rồi cậu sẽ phải chết. Và cậu bé đã sẵn sàng để làm điều đó.

Tuệ Nương

BÀI LÀM

1- Đại ý:

Tình thương em của một cậu bé trai năm tuổi tuyệt vời. Cậu dám hy sinh thân mình để cứu đứa em gái.

2- Phân đoạn:

Bài này có 6 đoạn:

1- Một bé gái mắc phải một bệnh rất hiếm gặp.

2- Để có cơ hội được cứu sống, cô bé cần được truyền máu của cậu anh trai năm tuổi - cũng mắc phải căn bệnh ấy nhưng lại sống được, nhờ cơ thể cậu bé có thể tự sản sinh được một loại kháng thể.

3- Bác sĩ giải thích điều đó với anh trai của cô bé, và hỏi cậu có sẵn sàng cho máu để cứu em gái mình không. Cậu bé do dự một lát, cậu hít thở sâu và nói: “Cháu sẽ đồng ý, nếu điều đó giúp em cháu có thể khoẻ lại được! ”.

4- Khi đang truyền máu, hai anh em nằm trên hai giường gần nhau. Cậu bé mỉm cười khi nhìn thấy đôi má em gái mình bắt đầu lấy lại được sắc hồng.

5- Rồi gương mặt cậu anh tái đi và nụ cười tắt dần. Cậu nhìn bác sĩ run run hỏi: “Cháu sắp chết rồi phải không bác! Bác cố gắng cứu sống em cháu nhé! ”.

6- Cậu bé ngây thơ ấy cứ ngỡ rằng, cậu sẽ cho em gái hết tất cả máu của mình để cứu em, rồi cậu sẽ phải chết. Và cậu bé đã sẵn sàng để làm điều đó.

3- Đáp án:

Bài này có 6 đức:

1- Thiếu đức nhân quả thiện.

2- Đức nhân quả thiện chuyển nghiệp.

3- Đức bố thí hiếu sinh.

4- Đức hân hoan thân hành.

5- Đức hiếu sinh khẩu hành.

6- Đức hy sinh thân hành.

4- Giải trình án:

ĐỨC THỨ NHẤT THIẾU ĐỨC NHÂN QUẢ THIỆN

Người không sống trong thiện pháp, luôn làm điều ác thì trong ba thời hiện tại, quá khứ và vị lai đều gặp nhiều tai nạn khổ ách. Đó là theo qui luật nhân quả: làm ác thì phải gặt lấy quả khổ đau, làm lành thì hưởng những điều may mắn. Cháu bé gái mắc phải bệnh hiểm nghèo cũng là do nhân quả đời trước, nên đời sống hiện tại của cháu vừa mở mắt chào đời là phải trả quả báo. Thật là tội nghiệp, vì sự vô minh không hiểu biết luật nhân quả nên vô tình lại nợ nhân quả trả vay, vay trả đời này sang đời khác.

Vì vậy chúng ta hãy đề cao cảnh giác từng hành động của mình, nếu hành động ác không sao tránh tai ương nạn khổ. Luật nhân quả không tha thứ một ai, dù một hành động ác nhỏ nó cũng không bỏ qua.

Vì hiểu rõ luật nhân quả, nên đức Phật dạy chúng ta hằng ngày nên ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp. Pháp môn tu tập như vậy gọi là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần có nghĩa là bốn việc cần phải siêng năng làm, tức là ngăn và diệt ác pháp hằng ngày trong cuộc sống, từ ngày này sang ngày khác, chứ không phải chỉ có tu tập một lúc mà thôi. Nhờ sống tu tập Tứ Chánh Cần như vậy mà cuộc sống của chúng ta chuyển từ quả khổ đau thành quả an vui và hạnh phúc.

Được sinh ra làm người, được gặp chánh pháp của Phật là một điều may mắn nhất trên đời. Vì gặp được chánh pháp của Phật sẽ làm thay đổi cuộc sống, từ cuộc sống đau khổ của thế gian và dẫy đầy ác pháp được thay thế vào cuộc sống thiện pháp, luôn luôn không làm những điều ác, thường làm những điều thiện. Đó là sống không làm khổ mình, khổ người và làm khổ chúng sinh. Vì thế mà cuộc sống không còn mình, người và chúng sinh khổ đau nữa.

Trong cuộc sống trên thế gian này, nếu ai cũng sống trong thiện pháp, làm những điều thiện, không còn ai làm khổ cho ai thì thế gian là Thiên Đường, Cực Lạc; thì thế gian này làm gì còn có những tệ nạn xã hội, còn có những tai nạn giao thông, còn có sự cướp của giết người nữa, v.v...

Người sống trong hiện tại làm việc thiện thì quả quá khứ và tương lai đều tốt đẹp, đều được an lành. Người sống trong hiện tại làm nhiều điều ác thì quả quá khứ và vị lai đều xấu, đều bất an.

Bởi vậy, đứng trong luật nhân quả mà suy xét, thì cứ ngay trong nhân và quả hiện tại của mọi người mà xét thì không bao giờ xét sai ai cả. Cứ lấy sự sống trong hiện tại mà xét quá khứ và vị lai. Nếu thấy quả hiện tại an vui, bình an, yên ổn thì biết quá khứ đã gieo nhân thiện. Nếu quả hiện tại đau khổ, bệnh tật, phiền não lo sợ, v.v.. thì biết nhân quá khứ làm những điều ác.

Cũng nên xét nhân hiện tại thì biết quả tương lai. Nếu nhân hiện tại làm điều thiện thì quả tương lai sẽ hưởng phước báu an lành. Nếu nhân hiện tại làm điều ác thì quả tương lai sẽ thọ lấy quả khổ đau. Đó là qui luật của nhân quả rất công bằng và công lý. Không thể làm thay đổi định luật này được.

Vì định luật nhân quả công minh chính trực không thể thay đổi, vì thế một người làm thiện thì luôn luôn sống trong cảnh yên vui và hạnh phúc, còn người làm ác thì phải thọ chịu những quả khổ đau từ đời này đến đời khác.

Luật nhân quả là một đạo luật vận hành trong vũ trụ, không riêng ở hành tinh sống của chúng ta, mà tất cả vô lượng, vô biên những hành tinh khác cũng đang vận hành theo qui luật nhân quả. Dù bất cứ một hành tinh nào đang vận hành theo quỹ đạo thái dương hệ của nó, nhưng vẫn không ra ngoài qui luật nhân quả. Luật nhân quả vận hành điều khiển không sai một hào li nào cả. Nếu sai một hào li thì tai nạn giao thông trong vũ trụ này sẽ xảy ra giữa hành tinh này và hành tinh khác. Cho nên luật nhân quả giao thông của những hành tinh trong không gian thật là tuyệt vời. Bởi vì những hành tinh và ngôi sao trên trời nhiều hơn xe trong thành phố Hồ Chí Minh, thế mà thành phố kẹt xe liên tục còn trong vũ trụ không bao giờ có hành tinh nào bị kẹt. Bởi vậy luật giao thông của con người không bằng luật giao thông của nhân quả. Do sự suy tư này, chúng ta thấy rất rõ luật nhân quả vận hành trong vũ trụ thật là tuyệt vời, với đầu óc của con người không thể điều hành được những điều đó. Dù có thông minh đến đâu cũng không thể điều khiển công bằng và công lý như vậy được.

ĐỨC THỨ HAI ĐỨC NHÂN QUẢ THIỆN CHUYỂN NGHIỆP

Con người sinh ra trong đời là do nghiệp thiện ác của nhân quả đời trước. Như cháu bé gái trên đây được sinh ra đã mang một chứng bệnh hiểm nghèo không thuốc trị. Nếu không có dòng máu kháng thể của người anh trai năm tuổi thì cháu bé gái không thể sống thêm được. Đấy cũng là duyên nhân quả. Cùng một dòng máu của cha mẹ sinh ra, nhưng cháu bé trai có dòng máu kháng thể nên vượt qua bệnh hiểm nghèo.

Nhờ dòng máu đó mới chuyển đổi được nhân quả của cháu bé gái.

Bởi vậy mọi người cần phải thông hiểu về đạo đức nhân quả. Đạo đức nhân quả là những hành động thân, khẩu, ý của con người sống trong thiện pháp, không sống trong ác pháp.

Nhờ con người sống trong thiện pháp nên làm chuyển biến thay đổi cuộc sống từ khổ đau, bệnh tật, tai nạn, bất hạnh trở thành cuộc sống bình an, yên vui và hạnh phúc.

Kính thưa quý vị! Quý vị đừng hiểu rằng con người sinh ra là do SỐ MỆNH đã định sẵn. Tin vào thuyết SỐ MỆNH đã định sẵn là sai. Thuyết này do một số người tiêu cực, mất sức tự chủ, không tự lực chuyển đổi cuộc sống của mình; chấp nhận cuộc sống như thế nào thì đành chịu, không tự lực vươn lên, nên dựa vào tha lực Trời, Phật, Tiên, Thánh, Thần, quỷ, ma, v.v... Những hạng người này thường cúng tế, cầu cạnh để an ủi tinh thần khi bị suy sụp.

Hầu hết những người vô minh không thông hiểu biết về đạo đức nhân quả nên tự đặt ra SỐ MỆNH để an ủi thân phận của mình. Còn thuyết THIÊN MỆNH cũng do con người tự đặt ra, khi có những việc đau khổ buồn hay vui đều cho rằng là do TRỜI ĐỊNH. Thuyết này cũng mơ hồ không đúng sự thật. Trời là ai mà định số mệnh của con người? Ngọc Hoàng Thượng Đế ư? Không đúng! Các vị này ở đâu? Khi chúng tôi tu hành có Tam Minh, dùng Thiên Nhãn Minh quan sát vũ trụ thì không thấy nơi đâu có các vị này. Cho nên thuyết THIÊN MỆNH và thuyết ĐỊNH MỆNH là do ảo tưởng của con người. Vì những người này họ không hiểu qui luật nhân quả nên mới sản xuất định luật SỐ MỆNH và THIÊN MỆNH. Từ đó truyền thừa từ đời này đến đời khác nên đã ăn sâu vào tư tưởng của con người hơn mấy ngàn năm.

Khi đã thông hiểu đạo đức nhân quả thì mỗi người nên sống thiện, làm điều thiện. Đó là sự tích luỹ những điều thiện trong hiện tại, tương lai và quá khứ, thì cuộc sống hằng ngày của quý vị sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ đau tất cả chúng sinh nữa. Nhờ đó cuộc sống của quý vị sẽ được bình an, yên vui và hạnh phúc.

Ngay trong hiện tại, chúng ta sống với đức hiếu sinh thương yêu và giúp đỡ cho mọi người trong khi họ đang lâm nạn. Nhờ đó chúng ta xa lìa những điều làm ác. Nhờ xa lìa không làm những điều ác, chúng ta tích luỹ những điều lành, những điều tốt, những điều không làm khổ người khác và tất cả các loài khác. Do vậy khi chúng ta sinh ra làm người đều gặp nhiều điều may mắn.

Cháu bé gái trong kiếp quá khứ đã khéo vun trồng điều lành, nên người anh trai tuy mới năm tuổi đầu mà biết thương em gái mình, dám hy sinh sự sống của mình để cứu em mình trong cơn bệnh ngặt nghèo hiểm nguy.

Một cậu bé năm tuổi gan dạ dám hy sinh mình để cứu đứa em gái bé bỏng. Thật là gan dạ vô cùng! Cậu chấp nhận lời của bác sĩ để lấy máu mình truyền cho đứa em gái và trong đầu cậu nghĩ, nếu cho máu em mình xong là mình phải chết, nhưng chết mà cứu em mình được sống là một niềm vui vô cùng. Bởi vậy, cậu bé sẵn sàng cho em máu mà không hề hối tiếc. Từ khi sinh ra và lớn lên, cậu chỉ có hai anh em mà thôi, thà cậu chết mà em gái cậu được sống thì cậu mãn nguyện lắm rồi. Làm được việc này chính là lòng yêu thương của con người, lòng yêu thương ấy thật là cao quý tuyệt vời. Chỉ có con người mới có mà thôi.

Thường trên đời này anh em ruột thịt một cha, một mẹ, sống chung nhau một nhà, lúc bé thơ một nửa cái bánh còn cắn chia nhau ăn.

Nhưng khi lớn lên, lòng tham lam phát triển nên nghĩ đến cá nhân mình nhiều hơn, vì thế anh em ít ai nghĩ đến nhau như lúc còn bé. Khi có gia đình riêng tư, anh em thường tranh giành của cải tài sản của cha mẹ. Đôi khi vì danh lợi riêng tư có thể anh em cãi cọ nhau, đặt ra nhiều điều nói xấu nhau, bêu riếu mạt sát khắp nơi để anh mình hay em mình không còn nhìn mặt ai được nữa.

Đôi khi còn thậm tệ hơn nữa là đánh đập, chửi mắng nhau hoặc thưa kiện, có khi giết hại nhau.

Thật là tương tàn, nồi da xáo thịt, trên đời này chẳng có ai khen, họ còn chê trách.

Nhân quả nghiệp báo ai có thân cũng có bệnh. Bệnh do duyên giết hại và ăn thịt chúng sinh. Do đó, nhìn mọi người đang sống quanh chúng ta, người nào cũng có bệnh, không ai là không bệnh, không bệnh này thì cũng bệnh khác. Đó chính là do đời trước đã tạo nhiều duyên ác giết hại và ăn thịt chúng sinh. Giết hại và ăn thịt nhiều thì bệnh càng nặng và hiểm nghèo nan y, còn giết hại và ăn thịt ít thì bệnh nhẹ, bệnh sơ sài, bệnh không quan trọng.

Nếu ai muốn thân này không bệnh khổ thì nên ngay từ lúc này, phải nuôi sống thân mạng bằng ăn thực phẩm thực vật, tránh ăn thực phẩm động vật, tránh giết hại chúng sinh và luôn luôn khởi lòng yêu thương sự sống của mình, của mọi người và của mọi loài vật. Dù là con kiến, con trùng, con sâu, con bọ, con rầy, v.v.. chúng ta cũng không nên giết. Phải thương yêu chúng như chính bản thân chúng ta. Cháu bé gái mới sinh, một hai tuổi làm gì nên tội mà mắc cơn bệnh ngặt nghèo rất hiếm. Chúng ta hãy đọc lại đoạn văn này sẽ rõ nhân quả, và như vậy sẽ không ai trốn thoát qui luật này: “Một bé gái mắc phải một bệnh rất hiếm gặp. Để có cơ hội được cứu sống, cô bé cần được truyền máu của cậu anh trai năm tuổi - cũng mắc phải căn bệnh ấy nhưng lại sống được, nhờ cơ thể cậu bé có thể tự sản sinh được một loại kháng thể”.

Đấy không phải là duyên nhân quả thiện trong kiếp quá khứ sao? Nên nay trong kiếp hiện tại vẫn gặp may mắn có người anh năm tuổi có dòng máu kháng thể để cứu thoát một bệnh tật hiếm gặp.

Làm ác phải trả quả khổ, dù bất cứ trong đời nào: quá khứ, vị lai hay hiện tại, hễ đủ duyên thì không bao giờ tránh khỏi quả khổ đau. Còn ngược lại, làm thiện thì trong thời nào: quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng gặp may mắn vượt qua những khổ ách. Bằng chứng cụ thể cháu bé gái trong bài học hôm nay.

Câu chuyện đức hiếu sinh của cháu bé trai tuy đơn sơ, nhưng nói lên được đức hy sinh để thực hiện lòng yêu thương đứa em gái bé bỏng của mình. Câu chuyện đáng nói ở đây là một câu bé năm tuổi mà lòng thương em của mình, người lớn đầy đủ trí tuệ tư duy chưa chắc dám hy sinh mạng sống để cứu những người thân ruột thịt của mình. Phải không thưa quý vị? Một người mẹ dám hy sinh hai vành tai cho con mình, cho đến khi qua phần người con mới biết.

Một vết thẹo trên mặt suốt đời của một người mẹ dám hy sinh cứu con trong dầu sôi lửa bỏng.

Thật đáng cho chúng ta khâm phục! Đó là những lòng yêu thương con của một người mẹ. Còn ở đây là một cậu bé mới năm tuổi, đâu có hiểu biết gì về lòng yêu thương, nhưng lại hy sinh máu của mình để cứu đứa em gái. Trong trí non nớt của cậu bé nghĩ rằng:

“Cho hết máu của mình để em mình sống, còn mình sẽ phải chết”. Thật là đức hiếu sinh tuyệt vời! Trong đức hiếu sinh có sự hy sinh, vậy sự hy sinh có làm đau mình hay không? Đã dám hy sinh cho người khác, chết còn không sợ huống là khổ đau. Khi tinh thần dám hy sinh thì không còn sợ hãi, không còn sợ đau khổ. Chứ còn sợ đau khổ, còn sợ chết thì không dám hy sinh.

Phải không quý vị? Cho nên mới gọi là đức hiếu sinh tuyệt vời.

Cậu bé năm tuổi chưa bao giờ học đức hiếu sinh mà vẫn thực hiện đức hiếu sinh một cách tuyệt vời. Như vậy chứng tỏ đức hiếu sinh trong mỗi con người đều có, chúng ta chỉ có phát triển cho nó ngày một lớn mạnh hơn.

Ở đây có nhiều người cho rằng: “Hy sinh không phải là đức hiếu sinh, vì hy sinh là làm khổ mình”. Sự hiểu biết đức hiếu sinh như vậy là hiểu biết về hình thức, còn nông cạn, chứ họ chưa hiểu đức hiếu sinh về tinh thần. Hiểu biết đức hiếu sinh về tinh thần mới thâm sâu. Một người dám hy sinh cứu người khác để mình chịu chết hay chịu khổ thì tinh thần của họ rất hân hoan vui sướng vì đã làm một việc nghĩa vĩ đại.

Như vậy họ có khổ không? Cái khổ của cơ thể chỉ như hạt cát đối với tinh thần. Phải không quý vị? Khi tinh thần hân hoan vui sướng thì cái khổ của cơ thể đâu còn nữa, cho nên đức hy sinh mang đầy đủ đức hiếu sinh là đúng. Quý vị cứ suy ngẫm có đúng như vậy không? Đức hiếu sinh không ranh giới, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt nước này nước khác. Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện xảy ra trên đất nước Việt Nam, trong cuộc chiến tranh giữ gìn đất nước quê hương mà những người lính Mỹ đã trực tiếp tham gia trong cuộc chiến tranh này. Những hình ảnh chết chóc đau thương của dân tộc Việt Nam là một dấu ấn xót xa cho những người lính Mỹ có lòng nhân đạo, không bao giờ quên được.

Trước khi chết, ông Rick Bradshaw di chúc:

“Khi ông chết nên đem thiêu hài cốt, lấy nắm tro tàn rải trên thượng nguồn sông Thu Bồn để ông cùng chia sẻ những nỗi đau thương với dân tộc Việt Nam. Đây, chúng ta hãy đọc đoạn văn này, chúng tôi đã trích trong báo Thanh Niên số 121 ngày 30/4/2008, do phóng viên Trương Điện Thắng viết:

Trong những chuyến trở lại Việt Nam, giáo sư Hermann đã đưa các sinh viên Mỹ đến thắp hương ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung Việt Nam - “nơi yên nghỉ của những kẻ thù hôm qua, đã chiến đấu để bảo vệ quê hương họ”, thăm những người dân quê từng trải qua những đau khổ của chiến tranh mà ông và đồng đội từng góp phần gây ra. Câu chuyện cảm động nhất là khi ông mang tro hài cốt của một cựu binh tên Rick Bradshaw - chết tại Mỹ vì di chứng chiến tranh ở Việt Nam - rải trên thượng nguồn sông Thu Bồn, theo di chúc của anh, trong sự ngậm ngùi của những sinh viên Mỹ lẫn người dân Việt Nam chứng kiến.

(Giáo sư Kenneth Hermann và một em bé nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng)

Bài thơ của Rick Bradshaw để lại như một di chúc mà giáo sư Hermann đã đọc lại vào phút ấy có những câu cảm động:

Một mai khi tôi chết

Tôi muốn tro tàn xác thân tôi

Theo gió núi rải đi khắp cao nguyên Trung phần Việt Nam

Từ nơi này tâm hồn tôi

Sẽ dõi nhìn vẻ đẹp cuộc đời

Và dòng nước của trời sẽ gọt rửa tâm hồn tôi

Mang đến những thửa ruộng bậc thang

Mọc lên bên sườn đồi...

Tôi sẽ sống ở đây mãi mãi...

Để mỗi ngày sẽ trồi lên trong những cánh hoa rừng...

Những gì đã theo tôi đến mảnh đất này

Đến cái nơi mà tôi không thể nào dứt bỏ khỏi trái tim tôi...”

T.D.T

Đọc bài thơ của một người Mỹ - ông Rick Bradshaw, tình yêu thương dân tộc Việt Nam của ông sao mà thắm thía vô cùng, khiến cho mọi người đọc đoạn văn trên phải ngậm ngùi xúc động.

Đúng vậy, đức hiếu sinh không phân biệt màu da thứ tóc, không phân biệt nước này nước khác, chỉ biết thương yêu sự sống bình đẳng như nhau, như con một nhà, như con một cha, một mẹ, v.v... Thật là chỉ có tình thương yêu mới tuyệt vời như vậy, mới phá vỡ hàng rào ngăn cách của lòng người.

ĐỨC THỨ BA ĐỨC BỐ THÍ HIẾU SINH

Bố thí là một hành động đạo đức giúp cho những người khác trong khi họ gặp những nỗi đau thương, khó khăn trong đời sống.

Bố thí là làm một việc gì mà không tính công lao, không tính tiền bạc, không tính của cải, nhà cửa ruộng vườn. Bố thí cao nhất là bố thân mạng. Một người xông pha vào lửa đỏ để cứu một em bé thoát chết, đó là bố thí thân mạng.

Một cậu bé năm tuổi sẵn sàng cho máu để cứu sống em mình. Trong đầu cậu nghĩ khi cho hết máu rồi thì mình chết. Biết mình chết mà dám cho máu em mình thì đó là đức bố thí cao cả. Cho nên đức bố thí thật là tuyệt vời: “Bác sĩ giải thích điều đó với anh trai của cô bé, và hỏi cậu có sẵn sàng cho máu để cứu em gái mình không. Cậu bé do dự một lát, cậu hít thở sâu và nói: “Cháu sẽ đồng ý, nếu điều đó giúp em cháu có thể khoẻ lại được!” Đâu có ai nghĩ rằng đức bố thí lại là đức hy sinh cao cả vô cùng. Cô bé Enveni bố thí thân mạng để cho hai mẹ con người kia sống sum họp trên chiếc tàu cứu hộ, còn riêng mình, vị thuyền trưởng và con tàu từ từ chìm xuống đáy biển. Thật là cao thượng thay đức bố thí thân mạng cứu người.

Cho nên đức bố thí từ một lời nói, một hành động, một bát cơm, một đồng bạc đến thân mạng của mình để giúp người khác thật là hành động bố thí vĩ đại. Thật đáng mọi người ca ngợi và mãi mãi nhớ công ơn bố thí ấy khó quên.

Ngày xưa, trong một kiếp quá khứ, khi chưa tu chứng đạo, đức Phật nhìn thấy cảnh đói khát của đàn cọp con, Ngài không nỡ ngồi nhìn, nên đã bố thí thân mạng cho cọp ăn. Thật là lòng yêu chúng sinh của đức Phật tuyệt vời! Ngày xưa, đức Phật thí thân mạng mình cho chúng sinh ăn. Còn ngày nay, con người lại đi bắt chúng sinh giết và ăn thịt một cách tàn nhẫn không chút lòng thương xót, trước những tiếng kêu la giãy giụa của loài vật. Thật là đáng chê trách. Lòng thương yêu sự sống của loài người ngày này chỉ còn là số “không”. Những hành động ác của loài người ngày nay thật đáng nhắc nhở cho chúng ta lưu ý: “Đây là những con người hay là những ác thú...???”. Những con thú mang mặt người khiến cho chúng ta cần phải cảnh giác nhiều hơn, cần phải đề phòng nhiều hơn, vì những người này họ đã mất nhân tính, giết loài vật ăn thịt được thì giết người không khó khăn. Chỉ vì con người không giết nhau ăn thịt là nhờ có pháp luật của các nhà lãnh đạo trong các nước trên thế giới đặt ra.

Có người cho rằng, đức bố thí thân mạng để cứu người là không có đức hiếu sinh, vì đức hiếu sinh không làm khổ mình mà hy sinh thân mạng là làm khổ mình. Ý nghĩ này chúng tôi đã trả lời qua đức hy sinh, vì bố thí thân mạng là hy sinh thân mạng mình, cho nên đức bố thí thân mạng là đức hy sinh. Vậy quý vị hãy đọc lại đức hy sinh thì sẽ rõ. Trong đức hy sinh có mang theo một mục đích to lớn vì tổ quốc, vì sự sống của người khác, chứ không phải vì danh vì lợi tầm thường của thế gian, biết chỉ phục vụ cho cá nhân mình thì ở đây không có nghĩa là đức hy sinh.

ĐỨC THỨ TƯ ĐỨC HÂN HOAN THÂN HÀNH

Hân hoan là một sự vui mừng khi mình làm nên một việc gì có lợi ích cho mình, cho người. Niềm hân hoan của chúng ta là đem lại sự bình an cho mình, cho người khác, tức là những hành động, lời nói đem lại sự che chở khiến cho người khác không còn lo sợ, không còn buồn rầu, không còn đau khổ, không còn giận hờn phiền não. Niềm hân hoan là một đức hạnh giúp cho mình yêu đời hơn, vì đời sống con người trong thế gian này không có gì cho chúng ta đáng trách. Bởi vạn pháp trong thế gian đều do qui luật nhân quả tác thành thì mọi người, mọi vật phải theo đó mà sống, mà vui, mà khổ đau, mà ham muốn chạy theo dục vọng.

Họ còn biết cách nào làm khác hơn. Hiểu biết được như vậy thì chúng ta lại thương yêu và tha thứ mọi người, mọi vật. Mọi người, mọi vật có chủ động trong cuộc sống này không? Chủ động sao? Có ai bao giờ muốn cho thân mình bệnh tật, thế mà bệnh tật không sao tránh khỏi? Có ai bao giờ muốn cho mình chết. Phải không quý vị? Thế mà mọi người đều phải chết, không ai làm chủ trước cái chết được. Cho nên trong cuộc sống này không ai làm chủ mình được.

Vì không làm chủ được cuộc sống và hiểu biết rõ qui luật nhân quả điều khiển mọi vật vận hành trong vũ trụ nên chúng ta hân hoan đón nhận bất cứ một việc gì, dù thuận duyên hay nghịch duyên với một niềm vui thương yêu và tha thứ. Chính nhờ thế, chúng ta mới làm cho mình vững vàng trong cuộc sống hơn.

Một người hân hoan lúc nào trong lòng cũng vui vẻ, lạc hoan yêu đời. Họ nhìn đời như một buổi bình minh tươi sáng.

Cậu bé hân hoan khi nhìn thấy em mình đã phục hồi sự sống bằng những dòng máu của mình: “Khi đang truyền máu, hai anh em nằm trên hai giường gần nhau. Cậu bé mỉm cười khi nhìn thấy đôi má em gái mình bắt đầu lấy lại được sắc hồng”. Làm người mà đã giúp đỡ hay làm một điều gì có lợi ích, có sự an vui, có sự bình an cho mọi người thì người ấy phải hân hoan vô cùng.

Hân hoan là một đức hạnh giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, giúp cho tinh thần sảng khoái dễ chịu hơn. Dù trước mắt có nhiều chông gai, khó khăn gian khổ, nhưng đức hân hoan khiến cho chúng ta không bao giờ chùn bước, không bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh, luôn luôn thẳng tiến, quyết tâm làm đến nơi đến chốn, nguyện sẽ thành công trong niềm hân hoan với những việc làm lợi ích mình, lợi ích người.

Trước những hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng ta luôn luôn sẵn sàng hân hoan đón nhận mà không chút phiền hà trong lòng, đấy cũng là những đức tính cao thượng vì lợi ích mình, lợi ích người, mà mọi người trong chúng ta ai cũng cần nên học tập và trau dồi rèn luyện hằng ngày.

ĐỨC THỨ NĂM ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH

Đức hiếu sinh là một đức hạnh rất tuyệt vời, nếu ai biết sử dụng đức hiếu sinh trong mọi trường hợp nó sẽ đem lại sự bình an cho mình, cho người. Nhưng ở đây, bài học nói về một cậu bé mới có năm tuổi, với tuổi này chưa có ý thức như người lớn, thì làm sao hiểu được đức hiếu sinh. Vậy mà cậu bé năm tuổi đã thực hiện đức hiếu sinh bằng một tình thương em mình chân thật tự trong trái tim. Như vậy, đức hiếu sinh sẵn có trong mỗi con người.

Nghe nói đến cái chết thì trẻ em nào không sợ, chính người lớn còn sợ thay huống là trẻ em, phải không quý vị? Vậy mà cậu bé này khi nghe bác sĩ giải thích truyền máu của mình để cứu sống em gái thì cậu bé nghĩ rằng nếu lấy hết máu của mình thì mình phải chết, nên cậu do dự một lúc, nhưng rồi cậu sẵn sàng chấp nhận chết để cứu em mình. Sự suy nghĩ nông cạn của một đứa bé và sự chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để cứu em gái thật là tuyệt vời: “Bác sĩ giải thích điều đó với anh trai của cô bé, và hỏi cậu có sẵn sàng cho máu để cứu em gái mình không? Cậu bé do dự một lát, cậu hít thở sâu và nói: “Cháu sẽ đồng ý, nếu điều đó giúp em cháu có thể khoẻ lại được!”.

Với trí suy nghĩ hiểu biết non nớt của cậu bé mà dám hy sinh thân mạng mình để cứu đứa em, thật là một việc làm vĩ đại rất đáng khen. Nếu là một người khác hiểu như vậy, chắc không ai dám hy sinh.

Do tình thương mà người ta dám hy sinh mạng sống cứu người khác. Khi có một sự việc xảy ra bất cập, thì người ta xông vào lửa đỏ nước sôi để cứu người, chứ ít ai nghĩ rằng do động lực lòng yêu thương người mà họ không sợ chết. Nghe tiếng kêu cứu trong ngôi nhà đang cháy mà ai nỡ lòng nào đứng nhìn. Do không nỡ lòng nào là đức hiếu sinh.

Như trên đã nói, đức hiếu sinh sẵn có trong mỗi người, chỉ cần chúng ta hằng ngày triển khai rèn luyện thì đức hiếu sinh luôn luôn sẽ ở trong mỗi hành động thân, khẩu, ý. Nhờ có đức hiếu sinh nên không có một ác pháp nào dám bén mảng vào tâm chúng ta được.

Bởi vậy đức hiếu sinh ngăn ác, diệt ác pháp rất tài tình mà không có một pháp môn nào xả tâm ly dục, ly ác pháp hơn được.

Đức xả tâm ly dục, ly ác pháp của Phật giáo chỉ có đức hiếu sinh. Đức hiếu sinh là giới pháp đầu tiên trong năm giới cấm của người con Phật (giới sát sinh). Cho nên, người đệ tử Phật không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ đều phải giữ gìn và sống đúng giới đức này thì cuộc sống mới có bình an, yên vui và hạnh phúc.

ĐỨC THỨ SÁU ĐỨC HY SINH THÂN HÀNH

Hy sinh là một đức hạnh cần thiết cho mọi người, vì có hy sinh công sức mới giúp nhau tận tình; vì có hy sinh tiền bạc, của cải mới giúp người trong cảnh đói khát lầm than; vì có hy sinh mới đem sinh mạng mình cứu giúp người trong cơn hoạn nạn hiểm nguy; vì có hy sinh mình mới cứu người trong lửa đỏ; vì có hy sinh mình cứu thoát 13 người đắm thuyền trên sông.

Cậu bé rất tội nghiệp, thương em nên quyết cứu em mình sống, nhưng khi nghĩ đến mình cho máu hết chắc phải chết. Là con người ai cũng sợ chết, nên khi nghĩ đến cái chết cậu bé run sợ và nụ cười tắt dần, nhưng tình thương em của cậu rất mãnh liệt và tha thiết, nên cậu vượt qua sợ hãi và nói với bác sĩ: “Cháu sắp chết rồi phải không bác! Bác cố gắng cứu sống em cháu nhé!”. Câu nói đầy lòng yêu thương như lời trối của người sắp chết đến nơi, khiến cho ai đọc đến đây cũng xúc động trước tình thương cao cả của người anh trai bé bỏng.

Đến khi sắp chết, cậu vẫn mong muốn và gửi gắm em mình được sống. Tình thương em của cậu bé này thật là tuyệt vời, khó có người anh trai nào dám liều chết hy sinh cho em mình sống như thế. Thật đáng khen! Một cậu bé năm tuổi có những hành động đạo đức cao thượng, đó là một tấm gương sáng cho mọi người soi. “Anh em như thể tay chân, từ trong bác mẹ một lòng mà ra”.

Đức hy sinh là một hành động thực hiện lòng yêu thương của mình đối với người khác. Một nhà từ thiện vì lòng yêu thương những người bất hạnh trong xã hội nên đã đem của cải tài sản ra giúp đỡ cho người khác trong cơn hoạn nạn nghèo đói. Bỏ công sức của mình ra giúp đỡ cho người khác cũng là đức hy sinh. Đức hy sinh trong đức bố thí, người không có đức hy sinh thì không dám bố thí. Bởi vậy, trong đức bố thí vẫn đầy đủ đức hy sinh, nhưng trong đức hy sinh vẫn có đầy đủ đức bố thí.

Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về đức hạnh: “Nếu con người không có đức hiếu sinh thì không bao giờ có đức hy sinh. Đức hy sinh không có thì không làm sao có đức bố thí”. Cho nên, nói về đạo đức là nói đến một chuỗi then chuyền đạo đức. Ở đây nên hiểu đức hiếu sinh là gốc, từ gốc mới sinh ra đức hy sinh và đức bố thí, v.v...

Một người lính xông pha vào trận mạc chiến đấu với giặc để bảo vệ tổ quốc, chẳng may anh đã chết giữa sa trường, đó là đức hy sinh mình vì tổ quốc.

Một cháu bé chăn trâu bên bờ sông đã hy sinh mình cứu sống 13 người chết đuối trên chiếc tàu đò, và cứu thoát người cuối cùng thì sức cùng lực kiệt, cháu bị nước cuốn trôi đi và đã chết trên dòng sông. Đó là đức hy sinh mình cứu người.

Vì sự sống của người khác mà chúng ta dám xông vào chỗ chết để cứu họ, không kể đến mạng sống của mình, đó là đức hy sinh. Đức hy sinh cao thượng hơn tất cả các đức hạnh khác.

Xin nhắc lại, dám xông pha vào chỗ chết để cứu người đó là đức hy sinh. Dám nhận cái chết về mình để người khác được sống. Cậu bé Duy Duyệt nhường chỗ trên tàu cứu hộ để cháu gái Maria về đoàn tụ với gia đình. Cháu gái Enveni nhường chỗ trên tàu cứu hộ cho hai mẹ con cô Lyskey sum hợp. Cháu Cricot chạy ôm bà chịu lưỡi dao oan nghiệt của bọn cướp. Cháu Encrico đứng lên nhận lỗi thay cho bạn mình, v.v... Tất cả những gương hạnh trên đây đều là những người sống với đức hy sinh. Đức hy sinh thật là cao thượng khiến cho chúng ta càng trân trọng hơn.