Bài 34: CÒN AI NÓI LỜI CẢM ƠN

Câu chuyện của một người vợ, ngày nọ, chị chợt nhớ ra lâu nay mình đã quên nói lời cảm ơn chồng… Đó là vấn đề của một người hay của nhiều người chồng, người vợ? Bảy năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ gương mặt hớn hở của người chồng, như trẻ con được quà, hôm anh vào viện đón hai mẹ con về nhà. Bó hoa tươi thắm chuyển vào tay tôi: “Cám ơn em đã sinh cho anh đứa con xinh xắn!” Ngày bụng tôi kềnh càng, tuần nào anh cũng mua cua, kỳ cạnh về giã để “em ăn cho con cứng xương”... Bao năm qua, anh vẫn nói lời cảm ơn vợ khi nhờ tôi đón con hoặc mua thứ này, thứ khác... Còn tôi quá kiệm lời cảm ơn với chồng.

Chẳng phải tôi không cảm động trước những việc anh đã làm cho tôi, cho gia đình. Chỉ là thấy quá quen nhau rồi nên đâu cần phải cảm ơn. Thậm chí tôi còn nghĩ lời cảm ơn có vẻ khách sáo xa cách lắm... Bạn tôi cũng bảo:

nhiều lúc nói lời cảm ơn trực tiếp với vợ khi vợ tặng quà, chăm sóc, nhưng sao thấy khó thế.

Đành phải dùng điện thoại nhắn tin cảm ơn vợ.

“Tớ nghĩ người lạ mới cần cảm ơn. Người trong nhà với nhau đâu cần cầu kỳ thế. Đến bố mẹ tớ còn chẳng cảm ơn bao giờ mà”.

Tôi còn nhớ ngày 8-3 năm nào, chồng hớt hải chạy về cho kịp giờ cơm, bó hoa trên tay xơ xác tặng hai mẹ con ngày lễ. Anh thanh minh:

“Xếp hàng mãi mới mua được hoa. Mà ngày hôm nay đông thật đấy!”. Tôi chỉ cằn nhằn: “Về thì muộn, mua hoa làm gì cho đắt...” Rồi một 8- 3 năm khác, chồng tặng tôi phong bì, trong là hóa đơn điện thoại đã được thanh toán có dòng chữ nắn nót: “Tặng em, chúc em luôn vui vẻ và mặt không được ủ rũ”. Tôi phì cười nói: “Hâm quá, ngày này tặng hoa quà chứ ai tặng thứ này!” Có lần về quê, tôi chợt giật mình khi nghe mẹ chồng nhẹ nhàng cảm ơn bố chồng với việc giúp đỡ rất nhỏ. Thấy mẹ chồng giật sợi dây lạt từ xe đạp không nổi, bố chồng liền cầm ra cái dao, bảo: “Bà cầm dao mà cắt giật thế bao giờ ra”. “Vâng, tôi cảm ơn ông”. Chính điều này làm tôi giật mình. Một người văn hóa đại học, sống ở thành phố lớn như tôi mà không cảm ơn chồng vì những việc vặt như thế bao giờ.

Hằng ngày, tôi vẫn dạy con phải biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, mà bản thân lại quên xử dụng chúng với chính chồng mình. Tôi thường bắt con cảm ơn khi tôi lấy hộ quyển truyện, đồ chơi, và con tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Vậy mà những lời cảm ơn chồng trong hàng ngàn việc anh giúp mình, tôi lại chẳng thốt ra được! Lục vấn lại, thấy văn hóa cảm ơn của tôi vẫn có và vẫn thể hiện hằng ngày, nhưng là với...

người dưng! Đi chợ người ta cho thêm cọng hành nấu canh, buột miệng cảm ơn ngay. Hay chủ quán nước lấy hộ cái ghế ân cần, cảm ơn rất nhanh và thoải mái. Người đi đường nhắc cái chân chống xe chưa gạt, cũng với theo cảm ơn.

Sao những lời cảm ơn như thế lại nói dễ vậy? Có phải là do suy nghĩ đối với người lạ dễ cảm ơn hơn và cần phải thể hiện văn hóa hơn? Còn với người thân, với vợ, với chồng, quá văn hóa thì không... gần gũi? Lời cảm ơn sao khó nói với người mình thương yêu thế, nhưng lời cắn đắng thì lại quá dồi dào! Những lần chồng về muộn, những buổi lỡ hẹn làm tôi phải chở con đi chơi một mình, chuyện quần áo bừa bãi, chuyện bóng đèn chưa thay...

Ngày tôi 20 tuổi, bà ngoại bảo vợ chồng là phải “tương kính như tân” - lúc nào cũng kính trọng nhau như những ngày đầu thì cuộc sống mới lâu bền, dễ chịu. Ngày đó tôi đã phì cười cho là bà cổ lỗ... Nhưng nhìn cảnh mẹ chồng tôi mới hiểu: lời cảm ơn đâu chỉ tỏ lòng biết ơn, mà còn là bày tỏ tình yêu dành cho nhau.

Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hối hả khi ta quên cảm ơn chồng, vợ. Đừng quên cảm ơn người thân khi vẫn còn cơ hội. Bạn kể tôi nghe một kỷ niệm ân hận, day dứt tận bây giờ. Trời hôm đó mưa to lắm, sáng bạn quên không mang áo mưa.

Vợ bạn đi xe ôm tới, đem cho bạn áo mưa vì sợ chiều về chồng bị ướt. Bạn cằn nhằn: “Mưa thế đến làm gì cho ướt hết người. Khổ quá, sao mà lẩn thẩn thế!”. Rồi ngày vợ bạn mất vì bệnh ung thư, bạn thì thầm bên vợ đâu còn nghe thấy! Vợ, chồng làm việc tốt cho nhau vì tình yêu thương, chẳng hề mong nhận lại lời cảm ơn.

Cảm ơn vợ chồng chẳng bao giờ là lời khách sáo. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng người bạn đời của mình. Khi cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, sự bền vững chỉ còn đếm bằng giờ.

Biết cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả vàng bạc...

Vân Khánh

Báo Tuổi Trẻ, Chủ Nhật 17/02/2008

BÀI LÀM

1- Đại ý:

Bài này đại ý nói về đức lễ “LỜI CẢM ƠN” với những người thân trong gia đình sao khó quá.

2- Phân đoạn:

Bài này có 13 đoạn:

1- Bảy năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ gương mặt hớn hở của người chồng, như trẻ con được quà, hôm anh vào viện đón hai mẹ con về nhà. Bó hoa tươi thắm chuyển vào tay tôi và nói: “Cám ơn em đã sinh cho anh đứa con xinh xắn! ”

2- Ngày bụng tôi kềnh càng, tuần nào anh cũng mua cua, kỳ cạch về giã để “em ăn cho con cứng xương ”...

3- Bao năm qua, anh vẫn nói lời cảm ơn vợ khi nhờ tôi đón con hoặc mua thứ này, thứ khác… Còn tôi quá kiệm lời cảm ơn với chồng.

4- Chẳng phải tôi không cảm động trước những việc anh đã làm cho tôi, cho gia đình. Chỉ là thấy quá quen nhau rồi nên đâu cần phải cảm ơn. Thậm chí tôi còn nghĩ lời cảm ơn có vẻ khách sáo xa cách lắm... Bạn tôi cũng bảo: nhiều lúc nói lời cảm ơn trực tiếp với vợ khi vợ tặng quà, chăm sóc, nhưng sao thấy khó thế. Đành phải dùng điện thoại nhắn tin cảm ơn vợ. “Tớ nghĩ người lạ mới cần cảm ơn. Người trong nhà với nhau đâu cần cầu kỳ thế. Đến bố mẹ tớ còn chẳng cảm ơn bao giờ mà”.

5- Tôi còn nhớ ngày 8-3 năm nào, chồng hớt hải chạy về cho kịp giờ cơm, bó hoa trên tay xơ xác tặng hai mẹ con ngày lễ. Anh thanh minh: “Xếp hàng mãi mới mua được hoa. Mà ngày hôm nay đông thật đấy!” Tôi chỉ cằn nhằn: “Về thì muộn, mua hoa làm gì cho đắt...” Rồi một 8-3 năm khác, chồng tặng tôi phong bì, trong là hóa đơn điện thoại đã được thanh toán có dòng chữ nắn nót: “Tặng em, chúc em luôn vui vẻ và mặt không được ủ rũ ”. Tôi phì cười nói: “Hâm quá, ngày này tặng hoa quà chứ ai tặng thứ này!”.

6- Có lần về quê, tôi chợt giật mình khi nghe mẹ chồng nhẹ nhàng cảm ơn bố chồng với việc giúp đỡ rất nhỏ. Thấy mẹ chồng giật sợi dây lạt từ xe đạp không nổi, bố chồng liền cầm ra cái dao, bảo: “Bà cầm dao mà cắt giật thế bao giờ ra ”. “Vâng, tôi cảm ơn ông”.

7- Chính điều này làm tôi giật mình. Một người văn hóa đại học, sống ở thành phố lớn như tôi mà không cảm ơn chồng vì những việc vặt như thế bao giờ.

8- Hằng ngày, tôi vẫn dạy con phải biết nói “cảm ơn ”, “xin lỗi ”, mà bản thân lại quên xử dụng chúng với chính chồng mình. Tôi thường bắt con cảm ơn khi tôi lấy hộ quyển truyện, đồ chơi, và con tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Vậy mà những lời cảm ơn chồng trong hàng ngàn việc anh giúp mình, tôi lại chẳng thốt ra được!

9- Lục vấn lại, thấy văn hóa cảm ơn của tôi vẫn có và vẫn thể hiện hằng ngày, nhưng là với... người dưng! Đi chợ người ta cho thêm cọng hành nấu canh, buột miệng cảm ơn ngay.

Hay chủ quán nước lấy hộ cái ghế ân cần, cảm ơn rất nhanh và thoải mái. Người đi đường nhắc cái chân chống xe chưa gạt, cũng với theo cảm ơn. Sao những lời cảm ơn như thế lại nói dễ vậy?

10- Có phải là do suy nghĩ đối với người lạ dễ cảm ơn hơn và cần phải thể hiện văn hóa hơn? Còn với người thân, với vợ, với chồng quá văn hóa thì không... gần gũi? Lời cảm ơn sao khó nói với người mình thương yêu thế, nhưng lời cắn đắng thì lại quá dồi dào! Những lần chồng về muộn, những buổi lỡ hẹn làm tôi phải chở con đi chơi một mình, chuyện quần áo bừa bãi, chuyện bóng đèn chưa thay...

11- Ngày tôi 20 tuổi, bà ngoại bảo vợ chồng là phải “tương kính như tân ” - lúc nào cũng kính trọng nhau như những ngày đầu thì cuộc sống mới lâu bền, dễ chịu. Ngày đó tôi đã phì cười cho là bà cổ lỗ... Nhưng nhìn cảnh mẹ chồng tôi mới hiểu: Lời cảm ơn đâu chỉ tỏ lòng biết ơn, mà còn là bày tỏ tình yêu dành cho nhau.

12- Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hối hả khi ta quên cảm ơn chồng, vợ. Đừng quên cảm ơn người thân khi vẫn còn cơ hội. Bạn kể tôi nghe một kỷ niệm ân hận, day dứt tận bây giờ. Trời hôm đó mưa to lắm, sáng bạn quên không mang áo mưa. Vợ bạn đi xe ôm tới, đem cho bạn áo mưa vì sợ chiều về chồng bị ướt. Bạn cằn nhằn:

Mưa thế đến làm gì cho ướt hết người. Khổ quá, sao mà lẩn thẩn thế!”. Rồi ngày vợ bạn mất vì bệnh ung thư, bạn thì thầm bên vợ đâu còn nghe thấy!

13- Vợ, chồng làm việc tốt cho nhau vì tình yêu thương, chẳng hề mong nhận lại lời cảm ơn. Cảm ơn vợ chồng chẳng bao giờ là lời khách sáo. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng người bạn đời của mình. Khi cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, sự bền vững chỉ còn đếm bằng giờ.

Biết cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả vàng bạc...

3- Đáp án:

Bài này có 13 đức:

1- Đức cảm ơn khẩu hành.

2- Đức chăm sóc thân hành.

3- Thiếu đức cảm ơn khẩu hành.

4- Quen mặt xem thường, thiếu đức cảm ơn khẩu hành.

5- Thiếu đức cảm ơn khẩu hành.

6- Đức cảm ơn khẩu hành.

7- Đức hối hận ý hành.

8- Thiếu đức lễ cung kính, tôn trọng khẩu hành.

9- Quen mặt thiếu đức cung kính cảm ơn.

10- Thiếu đức cung kính, tôn trọng khẩu hành.

11- Đức cảm ơn, bao gồm đức cung kính hiếu sinh.

12- Đức hối hận khẩu hành, ý hành.

13- Đức lễ cung kính và tôn trọng.

4- Giải trình án:

ĐỨC THỨ NHẤT ĐỨC CẢM ƠN KHẨU HÀNH

Lời cảm ơn là một đức hạnh nói lên được sự cung kính, tôn trọng và thân thương đến với mọi người, vì thế lời nói cảm ơn rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta với mọi người, nhất là những người thân trong gia đình.

Mỗi khi có ai giúp đỡ chúng ta những việc làm nặng hay nhẹ, chúng ta đều cảm ơn họ.

Cũng như mỗi khi có ai tặng một món quà gì, dù ít, dù nhiều, nhưng tượng trưng tình người, nó đều nói lên được lòng yêu thương quý mến của những người khác với chúng ta. Vì thế, chúng ta phải nói lời cảm ơn, vì lời nói cảm ơn là một lời nói hết sức lịch sự và đầy đủ ý nghĩa biết ơn và yêu thương, nhưng trong lời nói cảm ơn ấy còn có sự tôn trọng và cung kính nhau.

Người chồng vì biết cung kính tôn trọng vợ, biết thương yêu nên tỏ ra những hành động cung kính tôn trọng và thương yêu của mình bằng những bó hoa tươi thắm, bằng những lời nói cảm ơn. Chúng ta hãy đọc lại đoạn văn này:

“Bảy năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ gương mặt hớn hở của người chồng, như trẻ con được quà, hôm anh vào viện đón hai mẹ con về nhà. Bó hoa tươi thắm chuyển vào tay tôi và nói: “Cám ơn em đã sinh cho anh đứa con xinh xắn!”. Lời nói tuy đơn giản, mộc mạc, nhưng đầy đủ ý nghĩa tình thương và biết ơn.

Trong gia đình mọi người đều phải biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau, thì lời nói cảm ơn với những người thân trong gia đình lại giúp mọi người gần gũi và tình yêu thương gắn bó nhiều hơn. Nhất là lời nói cảm ơn lại giúp mọi người tỏ ra lòng tôn kính và quý trọng lẫn nhau một cách cụ thể rõ ràng.

Bài này đã xác định rất rõ do mọi người trong gia đình vì quá quen mặt, thân thuộc nên thiếu sự cung kính tôn trọng lẫn nhau, vì thế lời nói cảm ơn rất gượng gạo, khó nói. Còn trẻ con dễ nói lời cảm ơn là vì cha mẹ dạy sao nói vậy.

Nhất là trẻ con tính chất còn thơ ngây, chưa biết chấp bản ngã nên sự cung kính và tôn trọng với người lớn, cũng như với những đứa trẻ khác bằng tuổi hoặc nhỏ hơn vẫn thực hiện một cách trôi chảy mà không thấy có gì khó khăn và trở ngại cả.

Với những người thân, người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ thì nói lời cảm ơn rất dễ dàng, còn với chồng, với vợ là những người ngang nhau, hoặc con cái trong gia đình là những người nhỏ hơn nên nói lời cảm ơn rất khó, vì đó là mang tính chất chấp ngã, xem như mình là người lớn.

Trong những hành động đạo đức nào cũng vậy, chỉ nên hằng ngày tập luyện để trở thành những thói quen, những thói quen tốt, những thói quen sống không làm khổ mình, khổ người, đó là những thói quen sống đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho muôn vật.

ĐỨC THỨ HAI ĐỨC CHĂM SÓC THÂN HÀNH

Hành động chăm sóc giúp đỡ cho người khác là đức hiếu sinh chăm sóc, nếu chăm sóc cho người để lấy tiền thì không phải là hành động đạo đức hiếu sinh chăm sóc.

Đức hiếu sinh chăm sóc là đem công sức mình ra làm giúp đỡ cho người khác mà không tính tiền, tính công cán, như cha hay mẹ chăm sóc con cái; như con cái chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Những hành động chăm sóc đó đều gọi là đức hiếu sinh chăm sóc.

Người vợ lo làm bữa ăn hoặc may vá quần áo cho chồng, con là đức hiếu sinh chăm sóc.

Người chồng đi làm về cùng làm phụ với vợ, dọn cơm và thực phẩm hay lau nhà, rửa bát, chén, đĩa. Những hành động đó là đạo đức hiếu sinh chăm sóc.

Như đoạn văn này: “Ngày bụng tôi kềnh càng, tuần nào anh cũng mua cua, kỳ cạnh về giã để “em ăn cho con cứng xương”. Đó là người chồng chăm sóc sức khỏe khi người vợ mang thai. Hành động làm như vậy là đạo đức hiếu sinh chăm sóc. Nhưng nếu người vợ là người có đạo đức, lễ nghĩa thì liền nói: “Cảm ơn anh đã chăm sóc cho em”. Lời nói nghe đơn giản mà lại gieo vào lòng người một tình yêu thương chan chứa của hai người, khiến cho tình yêu thương càng bền chặt nhiều hơn, càng thêm khăng khít khó quên.

Đạo đức quá xuống cấp, người vợ thật tệ, vì quá quen mặt, nên sự tôn kính lẫn nhau đã quên mất, vì vậy người vợ không thốt ra lời nói cảm ơn chồng.

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta luôn luôn phải thực hiện đạo đức hiếu sinh chăm sóc lẫn nhau cho những người thân trong gia đình, có như vậy gia đình mới yên vui và hạnh phúc.

Những hành động đạo đức thường gắn liền trong cuộc sống không có phút nào lơi lỏng, nếu lơi lỏng không sống trong đạo đức thì khổ đau sẽ đến ngay liền. Bởi vậy, chỉ có đạo đức mới đem lại sự bình an cho mình và cho người, nếu chúng ta quên đi chỉ trong một phút giây không đạo đức là chúng ta gặp ngay sự đau khổ không những trong tâm, mà còn bản thân phải thọ lấy vô cùng đau khổ, bệnh tật hay tai nạn này, tai nạn khác, hoặc nói nặng lời nhau gây ra nhiều điều phiền não.

Những hành động chăm sóc cho nhau là những hành động đạo đức mà người ở đời cần nên có. Nhưng chăm sóc không đúng cách như mua rượu hay thuốc lá cho chồng con uống hay hút là những hành động sai, đó không phải đạo đức chăm sóc mà là hành động hại chồng con, khiến cho họ nghiện ngập trở thành người bệnh tật.

Hành động biết nhường nhịn nhau từng lời nói, không nói những lời gay gắt, không nói những lời dữ dằn, cộc cằn khiến cho những người thân trong gia đình buồn phiền. Đó là những lời nói thiếu đức hiếu sinh chăm sóc cho nhau.

Chăm sóc hiếu sinh không phải ở hành động làm việc này, việc khác giúp nhau, mà chăm sóc hiếu sinh còn là lời nói. Lời nói đem lại sự an vui cho mình, cho người là lời nói đạo đức hiếu sinh chăm sóc cho nhau.

Cho nên hành động đạo đức hiếu sinh chăm sóc cần phải cẩn thận, không khéo sẽ trở thành người thiếu đạo đức hiếu sinh chăm sóc. Chăm sóc như thế nào đúng và như thế nào sai, xin quý vị lưu ý và còn phải học hiểu nhiều hơn.

Trong cuộc đời, biết sống có đạo đức hiếu sinh chăm sóc từ hành động việc làm đến hành động lời nói thì con người trên hành tinh này không bao giờ khổ đau.

ĐỨC THỨ BA THIẾU ĐỨC CẢM ƠN KHẨU HÀNH

Cảm ơn là một đức lễ tuyệt vời, vì nó luôn luôn gắn liền với đời sống của con người, nên khi mới lớn lên, cha mẹ đã dạy chúng ta cảm ơn mỗi khi có ai cho một cái gì, làm giúp một điều gì thì câu cảm ơn phải thực hiện ngay liền, chứ không phải làm thinh nhận quà biếu mà không nói lời nào thì thật là đạo đức văn hóa quá kém khuyết, quá dở tệ, đáng trách là người biết ăn mà không biết nói.

Câu nói cảm ơn rất gần gũi với con người, nên khi có người hỏi thăm sức khoẻ của cha hay mẹ:

- Ba mẹ con có khỏe không? - Dạ, cảm ơn bác, ba mẹ con vẫn khỏe mạnh.

Người thiếu đức cảm ơn là người thiếu lòng cung kính, tôn trọng và biết ơn người khác.

Ví dụ như người vợ trong gia đình này, họ kiệm lời cảm ơn với chồng tức là họ giảm sự cung kính tôn trọng chồng. Cho nên, người vợ không nói lời cảm ơn với chồng được, họ xem như lời nói cảm ơn với chồng con đó là lời khách sáo ngoài đầu môi chót lưỡi, không thành thật. Dù có nói ra cũng đầy vẻ gượng gạo khó nói: “Còn tôi quá kiệm lời cảm ơn với chồng”.

Như trên đã nói: khó nói lời cảm ơn tức là đã giảm lòng cung kính và tôn trọng chồng.

Người chồng biết ơn và cung kính tôn trọng vợ, nên thường thấy vợ làm giúp cho mình một việc gì trong gia đình thì người chồng cảm ơn vợ ngay liền: “Bao năm qua, anh vẫn nói lời cảm ơn vợ khi nhờ tôi đón con hoặc mua thứ này, thứ khác...” Lời nói cảm ơn của người chồng tỏ ra người chồng rất thương yêu và tôn trọng vợ, không coi thường vợ, đúng là người chồng gương mẫu, trong xã hội ngày nay khó tìm ra một người chồng như vậy.

Vợ chồng có tôn trọng và cung kính lẫn nhau thì lời nói cảm ơn lúc nào cũng thể hiện trong mọi thời gian, nếu có dịp thì bộc lộ ngay liền, khiến cho gia đình càng thương mến yêu nhau hơn và càng ngày càng thêm khăng khít, luôn luôn không muốn lìa nhau, vì những người thân của mình lịch sự, lễ độ, sống có văn hóa đạo đức, khiến ai nghe thấy được cũng phải trầm trồ mong muốn có đời sống gia đình như vậy.

Chúng ta là những con người được sinh ra trong giai đoạn đạo đức của loài người đang xuống cấp trầm trọng, nhưng lại có người ra công dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, đem ánh sáng đạo đức cho bình an cho loài người thì đó là một điều may mắn hết sức. Vì thế chúng ta phải nỗ lực thực hiện đạo đức làm người sống không làm khổ mình, khổ người, để xứng đáng công ơn với những người làm nên trang sử đạo đức nhân bản - nhân quả. Bởi vậy ơn nghĩa ấy chúng ta làm sao quên được. Muốn không quên được ơn nghĩa ấy thì chúng ta phải luôn luôn sống trong đạo đức nhân bản - nhân quả để không phụ ơn nghĩa của bậc ân nhân nhân loại.

ĐỨC THỨ TƯ QUEN MẶT XEM THƯỜNG, THIẾU ĐỨC CẢM ƠN KHẨU HÀNH

Cái sai của con người là vì quá quen mặt nên quên đạo đức cảm ơn, do sự sống chung nhau sinh ra lờn mặt nên không thực hiện hành động đạo đức cảm ơn. Không thực hiện đạo đức cảm ơn đối với những người thân của mình là một điều đáng trách. Nhất là điều đáng trách, đáng chê hơn nữa là tự mình dối mình bằng những lý luận để che đậy những hành động thiếu đạo đức của mình đối với người thân của mình: “quá quen, đâu cần phải cảm ơn, lời cảm ơn có vẻ khách sáo xa cách lắm, người trong nhà với nhau đâu cần cầu kỳ thế”. Lời nói trên đây là lời lý luận để khéo che đậy bản ngã của mình; lời nói trên đây chính là mình đã xem thường và không còn kính trọng những người thân trong gia đình của mình nữa. Tuy những lời nói rất chân tình, đúng là tâm trạng của mọi người hiện nay đang thiếu đạo đức nhân bản - nhân quả trong gia đình.

Đó là một sự thật, khi đạo đức xuống cấp thì mọi người khi sống thiếu đạo đức thường dùng mọi lời lẽ để bào chữa những cái sai, để sống theo những thói quen thiếu đạo đức. Trong khi sống thiếu đạo đức thì chịu biết bao sự đau khổ phiền não nhưng có mấy ai đã lưu ý, họ chỉ cho những sự đau khổ phiền não đó là tự nhiên.

Trong khi mọi sự đau khổ phiền não trên cuộc đời này chỉ vì sống thiếu đạo đức.

Chúng ta hãy đọc đoạn văn sau đây thì sẽ rõ con người hiện nay đang sống thiếu đạo đức, nhất là đức lễ cung kính và tôn trọng lẫn nhau.

Vì thế gia đình nào cũng cũng có những sự việc xảy ra đều đau khổ, nhất là đạo đức về lời nói cảm ơn không thực hiện được đối với những người thân: “Chẳng phải tôi không cảm động trước những việc anh đã làm cho tôi, cho gia đình. Chỉ là thấy quá quen nhau rồi nên đâu cần phải cảm ơn. Thậm chí tôi còn nghĩ lời cảm ơn có vẻ khách sáo xa cách lắm... Bạn tôi cũng bảo: nhiều lúc nói lời cảm ơn trực tiếp với vợ khi vợ tặng quà, chăm sóc, nhưng sao thấy khó thế. Đành phải dùng điện thoại nhắn tin cảm ơn vợ. “Tớ nghĩ người lạ mới cần cảm ơn. Người trong nhà với nhau đâu cần cầu kỳ thế. Đến bố mẹ tớ còn chẳng cảm ơn bao giờ mà”.

Đọc đoạn văn này chúng ta thấy rõ ràng con người hiện nay đang sống thiếu đạo đức lễ nghĩa, vì thế sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau một cách chân thật không còn, chỉ còn một hình thức lễ nghĩa xã giao mà thôi, chứ trong thâm tâm của họ thật sự cung kính và tôn trọng người khác thì không còn nữa. Vì thế, trong xã hội thường xảy ra những con người dám giết con người, chỉ vì một vài chỉ vàng; chỉ vì một vài tấc đất; chỉ vì hơn thua một vài lời nói là có thể đánh nhau và giết nhau, ngay cả những người thân trong gia đình cũng có thể giết nhau mà không chút xót thương. Đạo đức xuống cấp đến như vậy thì con người là ác quỷ.

Gia đình không có hạnh phúc, xã hội không có trật tự an ninh là do con người thiếu đạo đức.

Bởi vậy những ai là người lãnh đạo đất nước thì hãy sáng suốt đem nền đạo đức nhân bản - nhân quả đến với mọi người, bằng cách đưa vào chương trình giáo dục văn hóa từ thấp đến cao học.

Sự sống rất quý, mất đi sự sống là mất đi tất cả, vậy mà mọi người sao lại không quý trọng sự sống, lại chà đạp lên sự sống của nhau, không biết cung kính và tôn trọng sự sống, lại hời hợt xem nhẹ với những hành động đạo đức cung kính và tôn trọng. Nhất là những người thân trong gia đình lại còn xem nhẹ lời nói cảm ơn, khi chia vui xẻ buồn; khi kê vai cùng gánh nặng nhẹ có nhau sao mọi người lại không nói lời cảm ơn. Vì thế lời cảm ơn họ cũng tiết kiệm, không dám nói ra. Thật đáng trách thay! Đáng buồn thay!

ĐỨC THỨ NĂM THIẾU ĐỨC CẢM ƠN KHẨU HÀNH

Vì thiếu đức cảm ơn nên sự tôn trọng và cung kính sự sống của nhau không còn nữa.

Cuộc sống hiện nay mọi người xem thường không thực hiện đức lễ, vì thế tự làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Lời cảm ơn từ xưa đến nay có ai nghĩ rằng nó là đạo đức hiếu sinh cung kính, tôn trọng đâu? Và cũng có ai nghĩ rằng đó là đạo đức thành thật biết ơn đâu? Người ta chỉ nghĩ rằng nó là lời nói khéo léo xã giao với mọi người trong xã hội. Vả lại còn có người cho rằng đó là lời khách sáo ngoài đầu môi chót lưỡi, chứ lời nói cảm ơn đâu có nghĩa lý gì? Hiểu lời nói cảm ơn như vậy là sai, vì lời cảm ơn nói lên được tình thương và biết ơn người cho mình vật gì hay giúp mình làm việc gì. Lời nói cảm ơn là đức hạnh thật sự cung kính tôn trọng người khác. Khi nói ra lời cảm ơn đối với người khác nghe nhẹ nhàng, êm ái, chan hòa một thứ tình thương yêu quý mến và tôn trọng lẫn nhau, làm cho người được cảm ơn cũng hân hoan vui vẻ đón nhận một cách chân tình, khiến cho mọi người trong gia đình vốn gần gũi nhau lại càng gần gũi nhau hơn.

Người không nói lên được lời cảm ơn tức là không hiểu tình thương của người khác đang đem đến cho mình. Người ta có quý trọng thương mình thì mới đem biếu cho mình vật này vật kia, nếu không thương mến mình thì ai đem vật dụng cho mình làm chi, có thương mới quà biếu, quà biếu là tượng trưng cho lòng thương yêu. Chúng ta hãy đọc đoạn văn dưới đây: “Tôi còn nhớ ngày 8-3 năm nào, chồng hớt hải chạy về cho kịp giờ cơm, bó hoa trên tay xơ xác tặng hai mẹ con ngày lễ. Anh thanh minh: “Xếp hàng mãi mới mua được hoa. Mà ngày hôm nay đông thật đấy!” Tôi chỉ cằn nhằn: “Về thì muộn, mua hoa làm gì cho đắt...” Rồi một 8-3 năm khác, chồng tặng tôi phong bì, trong là hóa đơn điện thoại đã được thanh toán có dòng chữ nắn nót:

“Tặng em, chúc em luôn vui vẻ và mặt không được ủ rũ”. Tôi phì cười nói: “Hâm quá, ngày này tặng hoa quà chứ ai tặng thứ này!”. Đọc đoạn văn này, chúng ta thấy rất rõ người vợ không nghĩ đến công lao khó nhọc của người chồng phải xếp hàng mua hoa về tặng vợ, người vợ không một lời nói cảm ơn chồng mà còn cằn nhằn, thật là một người vợ thiếu đức hạnh cung kính và tôn trọng đối với người chồng. Nhưng người chồng một mực yêu thương và cung kính tôn trọng vợ, tuy bị vợ cằn nhằn nhưng không một lời trách mắng vợ, nhất là lòng yêu thương của người chồng chứng tỏ qua bó hoa xơ xác.

Một gia đình thiếu đạo đức này là một điển hình cho bao nhiêu gia đình khác đang sống thiếu đạo đức trong xã hội, nhất là đức lễ, đức cảm ơn. Họ không biết tri ân người đã ban tình thương cho mình. Bó hoa là tượng trưng cho tình thương của người chồng, quý vị có biết không?

ĐỨC THỨ SÁU ĐỨC CẢM ƠN KHẨU HÀNH

Cảm ơn là một hành động đạo đức tuyệt vời. Nó nâng cao giá trị con người một cách rõ ràng, dù là người ít học, một nông dân chất phác tay lấm chân bùn, nhưng biết thực hiện đạo đức thì còn hơn một người có bằng cao học. Dù có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ, mà không có hành động đạo đức thì giá trị làm người cũng chẳng bằng ai.

Một con người mà thiếu đạo đức nhân bản thì có khác nào là con thú vật, dù người đó có học vị cao. Học vị cao mà thiếu đạo đức thì có khác nào là con vật thông minh, cho nên đạo đức sẽ nâng cao giá trị từ một loài động vật mới trở thành con người. Bởi vậy, chỉ có lấy đạo đức làm tiêu chuẩn xác định con người hay con thú.

Đời vô đạo đức thì con người là con thú vật, là ác quỷ. Mà con thú vật và ác quỷ thì luôn tự mình làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ tất cả chúng sinh, đôi khi họ còn làm khổ cả hai, cả nhiều người, nhiều vật.

Các bạn hãy đọc đoạn văn dưới đây mà tự so sánh lại mình với những bà mẹ quê ở nông thôn tay lấm chân bùn, không có trình độ học thức cao mà vẫn sống có đạo đức trong gia đình rất tuyệt vời: “Có lần về quê, tôi chợt giật mình khi nghe mẹ chồng nhẹ nhàng cảm ơn bố chồng với việc giúp đỡ rất nhỏ. Thấy mẹ chồng giật sợi dây lạt từ xe đạp không nổi, bố chồng liền cầm ra cái dao, bảo: “Bà cầm dao mà cắt giật thế bao giờ ra”. “Vâng, tôi cảm ơn ông”.

Đây là một bài học cho những ai xem thường đạo đức. Đạo đức không cần phải có trình độ học thức cao. Trong gia đình chỉ có mọi người sống có đạo đức thì mới đem lại hạnh phúc an vui cho nhau. Học thức cao mà thiếu đạo đức thì chỉ tạo cho con người cống cao ngã mạn, khinh dễ mọi người mà thôi.

Học thức cao, một cụ già 75 tuổi, ông Nguyễn Văn Ân có bằng thạc sĩ, từng dạy tại các trường ĐH ở TP HCM và nhiều tỉnh thành khác mà còn có bồ nhí tuổi 15 đáng cháu, chít, thì còn gì đạo đức trong xã hội này nữa. Cho nên quý vị đừng nghĩ rằng có học thức cao là có đạo đức. Điều này không đúng quý vị ạ! Chương trình giáo dục đào tạo văn hóa và nghề nghiệp, Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã quên đi vấn đề giáo dục đào tạo rèn luyện nhân cách đạo đức nhân bản - nhân quả của con người, nên ngày nay xã hội con người đạo đức đang xuống cấp trầm trọng, vì thế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông càng ngày càng gia tăng, nạn bạo lực gia đình ngày càng thêm chứ không thấy bớt.

Vợ chồng cãi nhau như cơm bữa, thật là đau xót vô cùng!

ĐỨC THỨ BẢY ĐỨC HỐI HẬN Ý HÀNH

Khi làm sai một điều gì khiến cho mình buồn khổ hay cho người khác buồn khổ, hoặc cướp mạng sống của loài vật làm thực phẩm để ăn uống thì nên hối hận những việc làm ác ấy và từ bỏ. Người biết hối hận từ bỏ không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh là người có đạo đức hiếu sinh hối hận.

Người làm những điều ác, như tức giận la lối, chửi mắng; như nói dối không thật; như tham lam lấy của không cho; như không chung tình, chung thủy, ngoại tình gian díu người này, người khác; như rượu chè say sưa, hút chích, bài bạc, cá cược; như giết hại chúng sinh và ăn thịt v.v.. mà không biết hối hận thì thật là đáng trách.

Làm con người phải biết hối hận ăn năn trong những việc làm ác của mình thì con người ấy sẽ tiến bộ trên đường đạo đức. Bởi đức hối hận ăn năn giúp chúng ta sửa sai để không còn lầm lỗi nữa.

Khi nghe người mẹ chồng cảm ơn bố chồng khiến cho người vợ trẻ này hối hận. Với một trình độ văn hóa kiến thức đại học, sống giữa thành phố lớn như Hà Nội mà đạo đức không bằng một bà già ở thôn quê đối với chồng, khi chồng đưa cái dao để cắt sợi dây. “Vâng, tôi cảm ơn ông”. Lời cảm ơn của một bà nhà quê đối với chồng thật là tuyệt vời. Chính hành động đạo đức cảm ơn này đã làm cho cô gái thành phố có học thức phải giật mình.

Vậy quý vị hãy đọc lại đoạn văn này thì rõ:

“Chính điều này làm tôi giật mình. Một người văn hóa đại học, sống ở thành phố lớn như tôi mà không cảm ơn chồng vì những việc vặt như thế bao giờ”. Cho nên đâu phải học cao mà có đạo đức. Học cao mà không có đạo đức là do chương trình giáo dục đào tạo văn hóa không quan tâm đến đạo đức. Vì thế, những người học cao vẫn thiếu đạo đức. Hiện giờ biết bao nhiêu sinh viện tốt nghiệp đại học các ngành nghề kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư, bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ sư phạm ra trường, nhưng đạo đức vẫn không thông suốt, nhất là ngành y, ngành sư phạm. Do đó, những thế hệ trẻ sau này làm sao sống có đạo đức được.

Bởi vậy đạo đức rất cần thiết cho con người, nhất là đạo đức hối hận, nhờ có đạo đức hối hận con người mới ăn năn, sám hối sửa sai; nhờ có sửa sai nên con người mới trở nên tốt đẹp hơn; mới trở nên sống không làm khổ mình, khổ người.

Giải trình án về đạo đức hối hận này, chúng tôi mong rằng mọi người khi có lỡ làm sai một điều gì thì nên hối hận ăn năn, cố gắng khắc phục đừng để làm sai nữa, vì làm sai sẽ làm khổ mình, khổ người, và như vậy cuộc đời sẽ thêm u ám và đen tối hơn.

ĐỨC THỨ TÁM THIẾU ĐỨC LỄ CUNG KÍNH, TÔN TRỌNG KHẨU HÀNH

Người thiếu đức lễ là thiếu lời cảm ơn. Ví như cha mẹ sinh và nuôi dưỡng chúng ta lớn khôn nên người, thì công ơn ấy như trời biển, không thể lấy gì sánh được. Vậy mà từ khi chúng ta lớn lên nên người, nhưng chưa bao giờ chúng ta nhắc đến để tỏ lời cảm ơn ấy với cha mẹ. Chúng ta thật là quá tệ, quá đáng trách. Biết ơn thì biết, nhưng nói lời cảm ơn với cha mẹ sao mà khó nói quá! Phải không quý vị? Đó là vì chúng ta quá quen thân nên nói lời cảm ơn giống như người xa lạ, khách sáo, cầu kỳ, kiểu cách mất vẻ thân thiện.

Tại sao đối với người xa lạ chúng ta nói lời cảm ơn rất dễ dàng. Lời cảm ơn đối với người xa lạ rất dễ dàng, là do chúng ta có một thói quen hay nói lời cảm ơn là để tỏ ra mình là người lịch sự, biết xã giao, chứ trong thâm tâm chúng ta chưa hẳn cung kính, tôn trọng hay biết ơn người ấy một cách chân thành. Vì thế lời cảm ơn chỉ ở ngoài đầu môi chót lưỡi mà thôi, nói rồi như gió thổi ngoài tai, như nước chảy qua cầu.

Lời cảm ơn đâu còn lưu lại trong tâm người khác nữa.

Nghĩ như vậy là sai, khi chúng ta mang một vật gì đến cho một người khác, đó là chúng ta có cảm tình thương mến người đó. Do thương mến người đó chúng ta mới đem cho, nếu không thương mến làm gì chúng ta đem cho. Phải không quý vị? Do cảm tình thương mến, người khác mới nhận và cảm ơn chúng ta. Lời cảm ơn ấy xuất phát từ tâm thương mến cung kính, tôn trọng và biết ơn chân thật, chứ không phải là lời nói cảm ơn ngoài đầu môi chót lưỡi, đẩy đưa cho qua chuyện như người ta đã nghĩ. Cho nên lời nói cảm ơn xuất phát từ tình thương yêu chân thật trong trái tim của con người đối với con người, chứ không thể cho lời nói cảm ơn là lời khách sáo, xã giao trong giao tiếp. Hiểu như vậy là những người chưa học đạo đức, chưa biết đạo đức. Vì đạo đức nào cũng xuất phát từ đức hiếu sinh, nếu không có đức hiếu sinh thì ai đem cho mình vật này, vật kia; nếu không đức hiếu sinh thì ai nhận quà của người khác. Khi nhận quà của người khác là chúng ta đã có tình thương mến giữa hai người, cho nên lời cảm ơn cũng xuất phát từ tình thương mến.

Đạo đức đang xuống cấp trầm trọng là người ta không hiểu biết đạo đức, chứ không phải người ta không muốn sống trong đạo đức.

Chúng ta hãy đọc đoạn văn này, người mẹ dạy con “cảm ơn và xin lỗi”, nhưng người mẹ không bao giờ cảm ơn và xin lỗi chồng, khi người chồng luôn luôn cảm ơn và xin lỗi vợ:

“Hằng ngày, tôi vẫn dạy con phải biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi”, mà bản thân lại quên xử dụng chúng với chính chồng mình. Tôi thường bắt con cảm ơn khi tôi lấy hộ quyển truyện, đồ chơi, và con tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Vậy mà những lời cảm ơn chồng trong hàng ngàn việc anh giúp mình, tôi lại chẳng thốt ra được!”.

Đọc qua đoạn văn này, chúng ta biết ngay người vợ vẫn nhận ra lỗi mình thiếu đức lễ cung kính và tôn trọng chồng, nên không nói lời cảm ơn với chồng được.

Khi biết mình sai thì cố gắng khắc phục sửa sai, đừng để mình trở thành người vô đạo đức, người vô đạo đức là con thú vật. Cho nên con người thì phải sống sao cho ra con người, chứ không thể con người là con thú vật.

Xã hội đạo đức đang xuống cấp, tệ nạn xã hội đang dẫy đầy thì do con người thiếu đạo đức. Vì thiếu đạo đức nên con người có khác gì con thú. Muốn con người thật là con người thì con người phải sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, thì đó mới là con người.

Đạo đức rất cần thiết cho cuộc sống loài người, vì đạo đức sẽ đem lại cho loài người một cuộc sống bình an, yên vui và hạnh phúc. Cuộc sống con người vô đạo đức thì con người phải chịu khổ vô cùng, vô tận.

Muốn bản thân, gia đình và xã hội có đạo đức, thì Bộ Giáo Dục phải đưa bộ môn đạo đức nhân bản - nhân quả vào chương trình giáo dục đào tạo văn hóa và nghề nghiệp cho học sinh từ Tiểu học, Trung học và Đại học. Có giáo dục như vậy thì con người sẽ không thành những con thú vật, sẽ không thành những loài ác quỷ, nhờ đó tệ nạn xã hội sẽ chấm dứt và tai nạn giao thông sẽ không còn xảy ra nữa.

ĐỨC THỨ CHÍN QUEN MẶT THIẾU ĐỨC CUNG KÍNH CẢM ƠN

Như trên đã nói, quen mặt, lờn mặt nói lời cảm ơn rất khó, nhưng người ta không thấy do quen mặt, lờn mặt người ta không còn cung kính và tôn trọng nhau, vì vậy nói lời cảm ơn rất khó.

Tại sao người lạ lại nói lời cảm ơn dễ dàng, đây là tâm sự của tác giả bài này: “Lục vấn lại, thấy văn hóa cảm ơn của tôi vẫn có và vẫn thể hiện hằng ngày, nhưng là với... người dưng! Đi chợ người ta cho thêm cọng hành nấu canh, buột miệng cảm ơn ngay. Hay chủ quán nước lấy hộ cái ghế ân cần, cảm ơn rất nhanh và thoải mái. Người đi đường nhắc cái chân chống xe chưa gạt, cũng với theo cảm ơn. Sao những lời cảm ơn như thế lại nói dễ vậy?” Với người lạ nói lời cảm ơn dễ dàng là vì lịch sự xã giao, chứ trong thâm tâm chưa hẳn chúng ta đã cung kính tôn trọng họ. Bởi vậy, khi đức cảm ơn thực hiện qua lời nói thì phải có đầy đủ lòng yêu thương, đức lễ cung kính và tôn trọng, thì mới thật sự đó là đức cảm ơn, còn thiếu một phần nào thì không thể gọi là đức cảm ơn được.

Một người biết xử dụng đức cảm ơn từ trong trái tim lưu xuất thì đó là đạo đức nhân bản. Trẻ con cảm ơn là do cha mẹ bắt buộc, chứ thực tâm nó cũng chẳng biết gì về đạo đức cảm ơn cả.

Chính người lớn dạy nó cảm ơn còn không hiểu nghĩa trọn vẹn của đạo đức này.

Đối với đạo đức nhân bản - nhân quả, khi chúng ta áp dụng thực hiện vào đời sống hằng ngày thì phải thông suốt những hành động đạo đức đó, nó xuất phát từ trong tâm hồn yêu thương chân thật của chúng ta, nên mỗi hành động hay lời nói đạo đức không có sự bắt buộc hay giả dối bằng những hành động đạo đức đầu môi chót lưỡi.

Cũng một lời nói cảm ơn, mà lời nói có đạo đức và lời nói không đạo đức. Ví dụ như có một người bác mang đến cho cháu bé một bộ quần áo mới, người mẹ bảo con: “Cám ơn bác đi con!”. Đứa bé nói lời cảm ơn nhưng trong đầu nó chẳng có gì là biết ơn cả; chẳng có gì là cung kính tôn trọng bác cả. Cháu bé nói lời cảm ơn như con chim học nói tiếng người.

Về đạo đức nhân bản - nhân quả, nó xuất phát từ sự hiểu biết bằng ý thức, nên biết phải làm gì và không nên làm gì.

Hành động đạo đức nhân bản - nhân quả được điều khiển bằng ý thức của chúng ta, vì vậy mỗi khi làm một điều gì gọi là đạo đức thì nó kiểm tra rất chặt chịa, chứ không phải làm theo thói quen làm lấy có. Cho nên khi đạo đức nhân bản - nhân quả được thực hiện thì người lạ cũng như người quen, không có gì mà khó khăn cả. Bởi vì đạo đức là một hành động chân thật, nếu hành động giả dối thì làm sao gọi là đạo đức cho được. Phải không quý vị?

ĐỨC THỨ MƯỜI THIẾU ĐỨC CUNG KÍNH, TÔN TRỌNG KHẨU HÀNH

Trong gia đình, vợ chồng thường hay cắn đắng nhau đều do không tôn trọng và cung kính nhau.

Ngày mới về nhà chồng, vợ chồng còn cung kính và tôn trọng nhau nên lời nói nhẹ nhàng, ôn tồn nhã nhặn, xưng hô anh hay em ngọt ngào như đường phèn, nhưng khi đã quen mặt nhau rồi thì không còn xưng hô anh và em nữa. Đôi khi tức giận thì xưng hô mầy tao, mi tớ một cách vô văn hóa như trẻ con. Cho nên ông bà xưa dạy con cháu: vợ chồng phải đối xử với nhau như lúc mới về nhà chồng “TƯƠNG KÍNH NHƯ TÂN”. Vì mới về nhà chồng, vợ chồng còn xa lạ nên khéo giữ lễ độ cung kính và tôn trọng nhau, nên không bao giờ cằn nhằn cãi cọ. Khi vợ chồng không còn cung kính và tôn trọng nhau thì gia đình mới có lục đục, mới có sự đau khổ.

Vì thế, đức lễ cung kính và tôn trọng nhau rất cần cho mỗi gia đình và xã hội, vì đức lễ sẽ mang đến cho gia đình có một cuộc sống hạnh phúc an vui và xã hội có trật tự an ninh. Gia đình và xã hội được như vậy là vì ai ai cũng biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta hãy lắng nghe tác giả bài này tâm sự: “Có phải là do suy nghĩ đối với người lạ dễ cảm ơn hơn và cần phải thể hiện văn hóa hơn? Còn với người thân, với vợ, với chồng, quá văn hóa thì không... gần gũi? Lời cảm ơn sao khó nói với người mình thương yêu thế, nhưng lời cắn đắng thì lại quá dồi dào! Những lần chồng về muộn, những buổi lỡ hẹn làm tôi phải chở con đi chơi một mình, chuyện quần áo bừa bãi, chuyện bóng đèn chưa thay...” Có sự tư duy suy nghĩ mà tác giả không nhận ra nguyên nhân là vì tác giả không nhận ra mình chưa thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả, nên tác giả không thể kết luận bài này một cách đúng đắn.

Những điều khó khăn và những tệ nạn của xã hội, cũng như những điều khó khăn của gia đình và những bạo lực gia đình thường xảy ra là do con người sống thiếu đạo đức nhân bản - nhân quả. Vì thế có nhiều nhà xã hội và nhiều nhà lãnh đạo đất nước họ đau đầu không biết phải làm cách nào để đem lại sự bình an cho nhân dân, cho mọi gia đình. Họ đã tốn hao biết bao nhiêu giấy mực để soạn thảo những đạo luật này và những đạo luật khác để ngăn chặn những tệ nạn xã hội và những bạo lực gia đình, nhưng không bao giờ thấy giảm mà còn có thể gia tăng.

Tại sao các nhà xã hội và các nhà lãnh đạo đất nước không nghĩ đến nền đạo đức nhân bản - nhân quả? Có lẽ họ cũng chẳng bao giờ nghe đến tên của nền đạo đức này, huống là thông hiểu từng hành động đạo đức của nó. Hôm nay các tu sinh tại tu viện Chơn Như có đủ duyên mới được học hiểu, nhưng chỉ mới bắt đầu, chứ chưa có ai đã am tường nền đạo đức này. Hiện giờ quý tu sinh được học tới đâu thì hiểu biết đến đó.

Nền đạo đức nhân bản - nhân quả nó sâu rộng bao la không cùng tận, mỗi hành động của con người là mỗi hành động đạo đức. Nó mang lại cho con người niềm an vui hạnh phúc chân thật. Còn ngược lại, những hành động thiếu đạo đức thì sẽ làm khổ cho nhau.

Nền đạo đức nhân bản - nhân quả này dễ nhận ra. Nếu mọi người còn khổ là mọi người còn sống thiếu đạo đức. Nếu mọi người hết khổ là mọi người đang sống trong nền đạo đức.

Bởi vậy sống giữa thế gian loài người, đức cung kính và tôn trọng luôn luôn phải thực hiện.

Có được như vậy thì loài người sống trong thế gian này là cõi Cực Lạc, Thiên Đàng hay Niết Bàn.

 ĐỨC THỨ MƯỜI MỘT ĐỨC CẢM ƠN, BAO GỒM ĐỨC CUNG KÍNH HIẾU SINH hư trên đã nói, đức cảm ơn bao gồm đức cung kính tôn trọng và thương yêu. Tác giả đã tự nhắc nhở mình qua đoạn văn dưới đây:

“Ngày tôi 20 tuổi, bà ngoại bảo vợ chồng là phải “tương kính như tân” - lúc nào cũng kính trọng nhau như những ngày đầu thì cuộc sống mới lâu bền, dễ chịu. Ngày đó tôi đã phì cười cho là bà cổ lỗ... Nhưng nhìn cảnh mẹ chồng tôi mới hiểu: lời cảm ơn đâu chỉ tỏ lòng biết ơn, mà còn là bày tỏ tình yêu dành cho nhau”. Đúng vậy, lời cảm ơn đâu phải chỉ có biết cảm ơn, mà còn tỏ ra lòng thương yêu nhau trong sự cung kính và tôn trọng nhau.

Nếu ai cũng hiểu được đạo đức nhân bản - nhân quả như vậy thì sự sống của loài người an vui và hạnh phúc biết bao.

Qua bài này, chúng ta rút ra được một bài học đạo đức rất thấm thía trong cuộc sống của con người.

ĐỨC THỨ MƯỜI HAI ĐỨC HỐI HẬN KHẨU HÀNH, Ý HÀNH

Đức hối hận đã có dịp chúng tôi dạy ở trên, xin quý vị hãy lật lại những bài học cũ.

Đức hối hận là một hành động biết sửa sai những lỗi lầm của mình. Đó là một đức hạnh sẽ giúp chúng ta làm thay đổi từ con người xấu để trở thành những con người tốt. Trên đời này không ai muốn cho mình là một người xấu ác, một người vô đạo đức. Có đúng như vậy không quý vị? Ai cũng muốn mình là con người tốt, con người thiện, con người sống có đạo đức, nhưng làm con người thì làm sao tránh khỏi những điều sai sót, những điều thiếu đạo đức. Nhưng khi đã lỡ làm sai, làm những điều tội lỗi, những điều làm khổ mình, khổ người thì phải hối hận, ăn năn sám hối, cố gắng khắc phục sửa sai. Thường người ta làm lỗi mà không hối hận ăn năn, lại đổ lỗi cho người khác. Đó là phần đông những người trong xã hội hiện nay. Chúng tôi xin thuật lại một câu chuyện để quý vị lấy đó làm bài học đừng đổ lỗi cho ai cả: “Tôi gặp gia đình của Jane White khi tôi bước vào năm đầu tiên của đời sinh viên. Tôi và cô ấy học chung một lớp.

Lần đầu tiên tôi đến nhà Jane, tôi đã cảm thấy không khí ấm áp như ở nhà mình, dù gia đình họ hoàn toàn chẳng có chút gì giống gia đình tôi.

Trong gia đình tôi, khi có bất cứ chuyện gì không hay xảy ra, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là tìm ra người nào phạm lỗi.

Đứa nào bày ra như thế này?”. Mẹ tôi sẽ hỏi ngay như vậy khi thấy nhà bếp bề bộn ngổn ngang.

Cái này chắc là tại Catherine hết đây!”.

Cha tôi sẽ khẳng định như vậy khi chiếc xe hơi bị hư hay máy rửa chén ngừng chạy.

Ngay từ hồi còn nhỏ, mấy chị em tôi đã quen việc mách tội của nhau. Chúng tôi đã dành hẳn một chỗ cho việc đổ lỗi tại bàn ăn.

Nhưng gia đình họ White này thì không như vậy. Họ chẳng quan tâm đến việc ai phạm sai lầm gì. Họ lướt qua những lỗi lầm của nhau và vẫn vui vẻ tiếp tục sống. Vẻ đẹp đáng quý ấy đã thấm vào trong tôi vào cái mùa hè mà Jane chia tay cuộc sống.

Gia đình White có sáu người con: 3 trai và 3 gái. Một người con trai đã chết yểu từ bé, có lẽ chính vì thế mà năm anh em còn lại rất gần gũi nhau.

Đó là một ngày tháng 7, mấy chị em của Jane và tôi quyết định lái xe lên New York chơi.

Từ Florida, nơi họ ở, đến New York khá xa. Lúc ấy, Amy, con gái út trong nhà, mới tròn 16 tuổi.

Cô bé mới lấy được bằng lái xe nên rất hãnh diện và hào hứng khi được lái xe trên đường đi.

Amy vui vẻ khoe tấm bằng của mình với mọi người nó gặp.

Ban đầu chị Sarah và Jane thay nhau xem chừng Amy lái, nhưng đến những quãng đường vắng vẻ, họ đã để Amy tự lái một mình. Chúng tôi dừng lại ăn trưa. Sau đó, Amy tiếp tục cầm lái. Đến một giao lộ, khi đèn đỏ bật lên, chẳng biết do bối rối hay lơ đễnh không trông thấy, Amy vẫn tiếp tục chạy qua. Một chiếc xe tải đã đâm sầm vào xe chúng tôi.

Jane chết ngay tức khắc. Tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Và điều khó khăn nhất mà tôi phải làm lúc ấy là gọi về nhà Jane để báo tin dữ. Mất một người bạn, tôi đã thấy đau đớn lắm rồi, với bố mẹ Jane, chẳng biết họ sẽ khó khăn đến dường nào.

Khi hai ông bà đến bệnh viện, thấy ba chúng tôi nằm chung phòng, họ đã ôm chúng tôi mà khóc, vừa đau đớn vừa mừng. Mừng vì Sarah và Amy còn sống. Sarah bị thương ở đầu còn Amy thì bị gãy chân. Họ lau nước mắt cho hai cô con gái, và còn chọc Amy vài câu khi trông cô bé tập mang cây nạng.

Họ chỉ nói đi nói lại với hai cô con gái, và đặc biệt với Amy đơn giản rằng: “Các con còn sống là ba mẹ mừng rồi!” Tôi thật ngạc nhiên. Chẳng một lời trách móc hay buộc tội nào! Sau này, có một lần tôi hỏi mẹ Jane tại sao họ không bao giờ đả động gì đến việc Amy lái xe vượt đèn đỏ, bà ngậm ngùi trả lời rằng:

- Jane đã đi rồi, bác nhớ nó vô cùng. Có nói gì cũng chẳng mang nó về lại được. Còn Amy có cả một quãng đời phía trước. Làm sao nó sống vui vẻ và hạnh phúc được, khi nó cứ mang nặng cảm giác tội lỗi là chính nó đã gây ra cái chết cho chị mình? Bà nói đúng. Giờ đây, Amy đã tốt nghiệp đại học và đã lập gia đình. Amy làm giáo viên cho một trường khuyết tật và hiện đang là mẹ của hai cô con gái nhỏ, đứa con đầu lòng cũng mang tên Jane.

Tôi đã học được bài học từ gia đình Jane rằng việc đỗ lỗi cho ai vì bất cứ chuyện gì là không quan trọng. Đôi khi, nó chẳng có tác dụng gì”. Khi đọc xong câu chuyện trên khiến tôi xúc động vô cùng, nhưng nó là một bài học cho mỗi người trong chúng ta.

Người ta ở đời thường hay đổ lỗi và vạch lỗi nhau, không ai dám thẳn thắng nhận lỗi của mình. Đã không nhận lỗi của mình thì làm gì có hối hận, không hối hận thì làm sao mà sửa sai.

Như vậy con người xấu ác sẽ trở thành con người xấu ác và xấu ác mãi mãi. Lời nói của đức Phật từ ngàn xưa còn vang mãi bên tai chúng ta: “THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI”.

Lời dạy này tuyệt vời! Nếu mọi người đều thấy lỗi mình thì còn có người nào vạch lỗi người khác nữa không? Thì còn có ai đổ lỗi cho người khác nữa không? Có điều gì xảy ra và làm cho bất an trong gia đình thì thường đổ lỗi cho người này, người kia hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đó là một điều thiếu đạo đức hết sức, một điều đáng trách.

Người vợ sợ trời mưa chồng đi làm về bị ướt nên mang áo mưa đến trao cho chồng, nhưng người chồng thiếu đạo đức hiếu sinh cung kính, tôn trọng cảm ơn vợ, nên dùng lời lẽ cằn nhằn.

Người vợ làm thinh thui thủi ra về, vẻ mặt buồn dàu dàu. Thật là tội nghiệp. Chúng ta hãy đọc đoạn văn dưới đây thì sẽ rõ: “Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hối hả, khi ta quên cảm ơn chồng, vợ.

Đừng quên cảm ơn người thân khi vẫn còn cơ hội. Bạn kể tôi nghe một kỷ niệm ân hận, day dứt tận bây giờ. Trời hôm đó mưa to lắm, sáng bạn quên không mang áo mưa. Vợ bạn đi xe ôm tới, đem cho bạn áo mưa vì sợ chiều về chồng bị ướt. Bạn cằn nhằn: “Mưa thế đến làm gì cho ướt hết người. Khổ quá, sao mà lẩn thẩn thế!”.

Rồi ngày vợ bạn mất vì bệnh ung thư, bạn thì thầm bên vợ đâu còn nghe thấy!” Qua những câu chuyện trên đây đều ghi đậm một dấu ấn trong tâm hồn chúng ta. Một tai nạn giao thông xảy ra do sự bất cẩn thiếu đạo đức hiếu sinh cẩn thận giao thông, làm cho một người chị chết mà cả gia đình không đổ lỗi, mà còn tránh không nói những lỗi lầm đó, để cho người làm lỗi không quá hối hận. Sự đối xử nhau như vậy thật là tuyệt vời, mang đầy đủ ý nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả “thấy lỗi mình không thấy lỗi người” như lời đức Phật đã dạy. Trong cuộc đời này, mọi người đừng vạch lỗi của nhau mà tự nhận thấy lỗi mình để sửa thì đời tốt đẹp biết bao.

Còn câu chuyện thứ hai, nếu người chồng có đức cảm ơn, biết tôn trọng vợ thì đâu có hối hận trong tâm khi người vợ mất. Một sự hối hận trong tâm biết bao giờ phai mờ. Bởi vậy, lời nói cảm ơn là một hành động đạo đức tuyệt vời, nó mang lại cho chúng ta đầy đủ ý nghĩa lòng yêu thương chân thật, cung kính và tôn trọng lẫn nhau đối với những người thân trong gia đình.

Nếu mọi người trong gia đình đều thực hiện đức cảm ơn được như vậy thì gia đình trong ấm ngoài êm, trên dưới hòa thuận nhau, hạnh phúc gia đình luôn luôn bền vững, không ai lay chuyển được. Nếu gia đình mọi người đều thực hiện đức cảm ơn thì không bao giờ có bạo lực gia đình.

ĐỨC THỨ MƯỜI BA ĐỨC LỄ CUNG KÍNH VÀ TÔN TRỌNG

Tình yêu thương giữa vợ và chồng mà biết thực hiện đạo đức thì lời cảm ơn không bao giờ là lời khách sáo, mà đó là sự thực hiện lòng yêu thương, cung kính và tôn trọng lẫn nhau. Vợ chồng biết tôn trọng và cung kính nhau thì vợ chồng không bao giờ to tiếng cằn nhằn lời qua, tiếng lại, cãi cọ, giận hờn, ghen tuông, v.v... Bạo lực gia đình cũng từ rượu chè, bài bạc, ghen tuông mới xảy ra.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chỉ sống một mình thì không có điều gì phải nói cả, nhưng khi hai người cùng sống chung nhau thì có hai tư tưởng khác nhau. Hai tưởng khác nhau mà muốn hòa hợp sống chung nhau thì phải biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Muốn nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng mà không cung kính, tôn trọng nhau thì làm sao nhẫn nhục được.

Đức cung kính, tôn trọng rất cần thiết cho nhiều người cùng sống chung nhau, nhờ đó mà mọi người mới có đoàn kết và yêu thương nhau.

Nhưng thể hiện đức cung kính, tôn trọng nhau bằng cách gặp nhau chào hỏi thì chưa đủ. Cho nên, mỗi khi có ai giúp đỡ mình hoặc cho mình một vật gì, thì lời cảm ơn nó thị hiện lòng cung kính, tôn trọng và biết ơn.

Đức cảm ơn khi thực hiện đối với những người lạ, cũng như những người thân trong gia đình thì chúng ta đừng nghĩ rằng lời nói cảm ơn là lời nói khách sáo. Không đâu quý vị ạ! Nó không có nghĩa khách sáo, mà lời nói cảm ơn là nói từ trong trái tim thật tình cung kính, tôn trọng người khác. Chúng ta hãy đọc đoạn kết của bài này, để thấy tác giả cùng có một tâm niệm như chúng ta: “Vợ, chồng làm việc tốt cho nhau vì tình yêu thương, chẳng hề mong nhận lại lời cảm ơn. Cảm ơn vợ, chồng chẳng bao giờ là lời khách sáo. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng người bạn đời của mình. Khi cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, sự bền vững chỉ còn đếm bằng giờ.

Biết cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả vàng bạc...” Lời cảm ơn là tỏ lòng biết ơn và tôn trọng những người thân trong gia đình của mình.

Người sống có đạo đức như vậy thì dù đem vàng bạc, châu báu cũng không đổi được.

Bởi vậy, bản thân có đạo đức thì tâm hồn mới thanh thản, an vui, và gia đình mới thương yêu, gắn bó, chia sẻ ngọt bùi, cay đắng có nhau.

Lời cảm ơn tuy rất đơn giản, nhưng mang đầy đủ ý nghĩa hành động đạo đức thương yêu chan hòa tình người. Trên đời này, chính vì nguời ta không lưu ý đến những hành động đạo đức sống hằng ngày, nên xem thường lời nói cảm ơn là một lời khách sáo ngoài đầu môi chót lưỡi. Nhưng với những người sống đạo đức thật sự, thì họ xem lời nói cảm ơn là một hành động thương yêu có đầy đủ lòng cung kính và tôn trọng, nhất là sự biết ơn.

Vì thế, đạo đức cảm ơn là một hành động ngôn ngữ đối xử nhau mang tình yêu thương đến với mọi người thật là tuyệt vời, mà không có hành động đạo đức nào hơn được. Vì nó là những hành động rất gần gũi của mọi người, nên chúng ta đừng e ngại nó là lời nói khách sáo ngoài đầu môi chót lưỡi. Không đâu quý vị ạ! Người giả dối xử dụng đức cảm ơn là lời nói khách sáo ngoài đầu môi chót lưỡi. Ngược lại, người có đạo đức nhân bản thì lời nói cảm ơn là thể hiện một tình thương yêu chân thật.