Chú bé đưa cho mẹ một tờ giấy mời họp hội nghị phụ huynh của trường tiểu học. Lạ thay, khi thấy mẹ bảo sẽ tham dự, chú bé lộ vẻ sững sờ! Đây là lần đầu tiên bạn học và cô giáo có dịp gặp mặt mẹ chú, nhưng chú thì chẳng muốn chút nào, chú rất ngượng ngập vì vẻ bề ngoài của mẹ. Mặc dù khá xinh đẹp, nhưng phía bên má phải của bà có một vết sẹo rất lớn. Chú bé chưa bao giờ hỏi tại sao và trong trường hợp nào mẹ lại bị như vậy.
Suốt buổi họp lớp, chẳng ai để ý đến vết thẹo ấy, mà chỉ ấn tượng về vẻ duyên dáng và phong cách cư xử ấm áp của bà. Tuy vậy, chú bé vẫn bối rối và lẩn tránh mọi người.
Tình cờ chú nghe lỏm được câu chuyện giữa mẹ và cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo rụt rè hỏi:
- Da, vì sao bà lại bị vết sẹo này trên mặt vậy ạ? Mẹ của cậu bé trả lời:
- Khi con trai tôi còn đỏ hỏn, nó bị kẹt trong căn phòng bị hỏa hoạn. Lửa bén dữ quá nên không ai dám xông vào, thế là tôi liều mình lao đại vào. Vừa chạy tới bên nôi của cháu thì tôi thấy một thanh xà sắp rơi xuống, không kịp suy nghĩ, tôi liền ghé thân che cho con rồi bất tỉnh luôn. May mà một anh lính cứu hỏa đến kịp và cứu hai mẹ con tôi ra. Vết thẹo đã thành vĩnh viễn. Nhưng tôi không bao giờ hối hận về điều đó.
Nghe xong thì chú bé chạy ùa tới, ôm chầm lấy mẹ, nước mắt lưng tròng. Người chú run lên vì xúc động. Đức hy sinh của mẹ thanh cao quá! Cả ngày hôm đó, chú cứ nắm riết lấy tay mẹ không rời.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Đây là lần đầu tiên bạn học và cô giáo có dịp gặp mặt mẹ chú, nhưng chú thì chẳng muốn chút nào, chú rất ngượng ngập vì vẻ bề ngoài của mẹ. Mặc dù khá xinh đẹp, nhưng phía bên má phải của bà có một vết sẹo rất lớn”. Đoạn này nói lên sự ngượng ngập xấu hổ của chú bé về vết thẹo trên mặt của mẹ là thiếu đạo đức gì?
Câu hỏi 2: “Khi con trai tôi còn đỏ hỏn, nó bị kẹt trong căn phòng bị hỏa hoạn. Lửa bén dữ quá nên không ai dám xông vào, thế là tôi liều mình lao đại vào”. Câu này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 3: “Vừa chạy tới bên nôi của cháu, thì tôi thấy một thanh xa sắp rơi xuống, không kịp suy nghĩ, tôi liền ghé thân che cho con rồi bất tỉnh luôn”. Câu này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 4: “May mà một anh lính cứu hỏa đến kịp và cứu hai mẹ con tôi ra”. Câu này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Vết thẹo đã thành vĩnh viễn. Nhưng tôi không bao giờ hối hận về điều đó”. Đoạn này nói lên đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Nghe xong thì chú bé chạy ùa tới ôm chầm lấy mẹ, nước mắt lưng tròng. Người chú run lên vì xúc động”. Hành động chú bé chạy vào, ôm chầm và khóc là đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Đức hy sinh của mẹ thanh cao quá! Cả ngày hôm đó, chú cứ nắm riết lấy tay mẹ không rời”. Đây là hành động đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Đây là lần đầu tiên bạn học và cô giáo có dịp gặp mặt mẹ chú, nhưng chú thì chẳng muốn chút nào, chú rất ngượng ngập vì vẻ bề ngoài của mẹ. Mặc du khá xinh đẹp, nhưng phía bên má phải của bà có một vết sẹo rất lớn”. Đoạn này nói lên sự ngượng ngập, xấu hổ của chú bé về vết thẹo trên mặt của mẹ do sự tư duy cạn cợt, cố chấp về hình dáng bên ngoài, đó là chú THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Chú bé thương mẹ, nhưng xấu hổ với bạn bè và cô giáo, vì trên mặt người mẹ có vết thẹo làm cho gương mặt mẹ xấu xí.
Trí suy nghĩ non nớt của chú bé chỉ chọn cái vẻ đẹp bên ngoài, nên chú đã tạo ra một tội lỗi rất lớn đối với mẹ, chú ngăn chặn không muốn cho mẹ tiếp xúc với ai cả, vì mẹ tiếp xúc với mọi người là chú cảm thấy xấu hổ, vì chú có một bà mẹ trên mặt có một vết thẹo quá xấu.
Dù mẹ mình có hình thể xấu xa bên ngoài, nhưng cũng là mẹ mình; dù mẹ mình có nghèo khổ đi buôn gánh bán bưng kiếm từng lon từng lít, nhưng cũng là mẹ mình; dù mẹ mình có ít học thua kém mọi người, nhưng vẫn là mẹ mình, thì mình phải biết kính trọng, phải biết thương yêu mẹ mình nhiều hơn nữa, vì mẹ mình kém phước nên tật nguyền, trên mặt có thẹo, nên nghèo khổ, nên ít học, v.v...
Mình phải hiểu rõ mỗi khi mẹ tiếp xúc với bất cứ người nào, vết thẹo trên mặt của mẹ mình có thể làm Người mặc cảm, buồn khổ, thì mình phải tìm lời khuyên và an ủi mẹ, để mẹ không buồn khổ, để mẹ khỏi mặc cảm với mọi người thì mới đúng đạo làm người, làm con có hiếu.
Ở đây, chú bé thấy mẹ có vết thẹo trên mặt, thường muốn mẹ đừng tiếp xúc với ai cả, sợ mẹ tiếp xúc với mọi người thì người ta chê cười chú có người mẹ không đẹp. Chú còn bé quá, làm sao chú hiểu luật nhân quả.
Tất cả đều do nhân quả ác nghiệp, vì vô minh không biết thiện ác nên làm theo sự hiểu biết ngu si, do lòng ham muốn thúc giục, nên làm những điều ác, rồi phải gánh chịu những hậu quả, khi sinh ra phải chịu tật nguyền, người xấu xí, khuyết tật, sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Do nhân quả thiện ác, cuộc đời mới xảy ra tai nạn này, tai nạn khác, vì lòng thương con mà phải hy sinh thân mình cứu con, để rồi phải chịu mang vết thẹo trên mặt suốt đời.
Trong xã hội loài người có rất nhiều người kém phước, do không hiểu biết luật nhân quả thiện ác nên chạy theo lòng ham muốn. Và vì thế bị lòng tham muốn điều khiển, sai khiến làm những điều ác đức, hậu quả phải gánh chịu những nỗi bất hạnh rất đau buồn như mẹ chú bé này vậy, nhưng nhờ lòng yêu thương của bà mà chuyển được quả ác, nên hai mẹ con mới được cứu thoát.
Vì thế ở đời chúng ta cần phải học đạo đức nhân bản nhân - nhân quả, để thông suốt lý nhân quả, để biết đường đi của nhân quả, nhờ đó chúng ta sống chuyển đổi nhân quả xấu ác đau khổ trở thành nhân quả thiện lành an vui, không còn khổ đau nữa.
Câu chuyện Vết Thẹo trên đây cũng xác định rất rõ ràng: chỉ có lòng yêu thương chân thật mà chuyển đổi được nhân quả, lòng yêu thương bù đắp được lòng yêu thương do lòng yêu thương cao thượng.
Trả lời câu hỏi 2:
“Khi con trai tôi còn đỏ hỏn, nó bị kẹt trong căn phòng bị hỏa hoạn. Lửa bén dữ quá, nên không ai dám xông vào, thế là tôi liều mình lao đại vào”. Câu này nói lên ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH tuyệt vời. Chỉ có lòng mẹ yêu thương con mạnh nhất, dám liều chết xông vào cứu con. Đúng vậy, không có người mẹ nào không thương con. Cầm thú, loài nào cũng biết thương con, dám xông pha vào chỗ chết để cứu con, trước miệng hùm nanh sói không loài vật nào bỏ con.Vậy mà thời đại chúng ta hiện nay, đạo đức xuống cấp, hằng ngày biết bao nhiêu bà mẹ trẻ nạo thai móc thai đem bỏ con mình mà chẳng chút lòng xót thương. Thật là đáng trách loài người lòng thương con không bằng loài thú vật.
Nếu mọi người trên hành tinh này đều được học và rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh làm người, biết thương yêu con mình, biết thương yêu giọt máu của mình, thì làm gì có những bà mẹ trẻ móc thai, nạo thai. Nếu trên hành tinh này ai cũng có lòng thương yêu, thương mình, thương mọi người, thương mọi chúng sinh, và vì lòng thương yêu nên biết tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, do đó cuộc đời này sẽ bình an và hạnh phúc biết bao.
Trả lời câu hỏi 3:
“Vừa chạy tới bên nôi của cháu thì tôi thấy một thanh xà sắp rơi xuống, không kịp suy nghĩ, tôi liền ghé thân che cho con rồi bất tỉnh luôn”. Câu này nói lên ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH rất tuyệt vời. Lấy thân mẹ che đậy cho con, chỉ có người mẹ mới dám làm được điều này, chỉ có người mẹ mới dám hy sinh thân mình cho con mình.
Thật là tình mẫu tử thiêng liêng không gì so sánh bằng! Vậy mà có những bà mẹ trẻ lại nạo thai, móc thai, giết con mình vì công danh, vì sự nghiệp, vì danh dự... thì thật đáng chê trách.
Con thú vật còn không làm điều này.
Hình ảnh người mẹ lấy thân che chắn cho con, bảo vệ con như nhạc sĩ Y Vân đã viết:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...” Trong cuộc đời tu hành của chúng ta, nếu thực hiện được lòng yêu thương mọi người như người mẹ thương con này thì không còn có một chướng ngại nào tác động được vào tâm chúng ta, chỉ có lòng yêu thương mới xả tất cả ác pháp; chỉ có lòng yêu thương mới giúp được tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; chỉ có lòng yêu thương mới diệt ngã xả tâm; chỉ có lòng yêu thương thì tâm hồn mới thanh thản, an lạc và vô sự; chỉ có lòng yêu thương mới bảo vệ và giữ gìn chân lí. Vì thế đạo Phật được gọi là đạo TỪ BI (Đạo thương yêu tất cả muôn loài).
Trả lời câu hỏi 4:
“May mà một anh lính cứu hỏa đến kịp va cứu hai mẹ con tôi ra”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Nhân hy sinh thân mình cứu con thì quả có anh lính cứu hỏa đến kịp và cứu hai mẹ con thoát chết. Đây là nhân quả trong hiện kiếp, nhân thiện có quả lành ngay liền trong tức khắc. Người mẹ hy sinh thân mình để cứu con thì người lính cứu hỏa cứu hai mẹ con thoát khỏi cái chết trong gang tấc.
Thật là quy luật nhân quả sắp xếp thời gian rất tuyệt vời, không sai sót một phút giây nào cả. Cho nên nhân quả xảy ra đều theo đúng lịch trình vay trả thiện ác của nó, không sai một hào li.
Nhân quả thường vay trả trong hiện kiếp hoặc vay trả ngay liền tức khắc như câu chuyện ở trên đây, hoặc xảy ra có thời gian một năm, hai năm hoặc 5, 10 năm sau.
Nhưng nhân quả khứ trong một đời hay nhiều đời thì chỉ còn là một nền tảng của nhân quả hiện tại để trả vay mà thôi. Do đó chúng ta phải tỉnh giác từ thân hành, khẩu hành, ý hành để lúc nào cũng hành động theo nhân quả thiện, tránh những hành động nhân quả ác. Hành động theo nhân quả thiện tránh những hành động nhân quả ác tức là chuyển đổi nhân quả; chuyển đổi nhân quả là làm thay đổi cuộc sống, làm thay đổi cuộc đời của chúng ta, tức là chúng ta sống trong lòng yêu thương của mình đối với mọi người và mọi sự sống trên hành tinh này.
Trả lời câu hỏi 5:
“Vết thẹo đã thành vĩnh viễn. Nhưng tôi không bao giờ hối hận về điều đó”. Đoạn này nói lên ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH của người mẹ, không vì sắc đẹp của mình mà hối hận việc cứu con mình. Thật là một lời nói đầy lòng yêu thương cao thượng của một người mẹ trẻ.
Phụ nữ ai mà không thích sắc đẹp, họ xem sắc đẹp như là một sự sống của họ; như là sinh mệnh của họ, nếu khi mẹ sinh ra mà có một gương mặt xấu xí thì họ rất tủi thân, hoặc có một tai nạn nào xảy đến khiến gương mặt như quỉ thì họ chỉ còn muốn chết. Sống với gương mặt xấu xí là họ khổ tâm vô cùng.
Sống với gương mặt xấu xí là một đời sống đen tối của người phụ nữ. Nhưng ngược lại, người mẹ trẻ này không bao giờ khổ tâm buồn rầu vì gương mặt có vết thẹo, mà người mẹ trẻ này lại thấy mình xứng đáng làm một người mẹ, người mẹ biết thương con, cho nên người mẹ này nói lên lòng thương con của mình tuyệt vời: “Nhưng tôi không bao giờ hối hận về điều đó”.
Người mẹ trẻ này là một phụ nữ đáng quý trọng, đáng làm gương tốt cho tất cả những người mẹ trẻ khác trong xã hội. Một người mẹ có một tâm hồn cao thượng mà người đời sau mãi mãi đều ghi nhớ không quên.
Trả lời câu hỏi 6:
“Nghe xong thì chú bé chạy ùa tới, ôm chầm lấy mẹ, nước mắt lưng tròng. Người chú run lên vì xúc động”. Hành động chú bé chạy ùa tới, ôm chầm lấy mẹ và khóc nức nở là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Chú bé khóc là vì chú thương mẹ lắm, nếu không có mẹ hy sinh, lấy thân mẹ làm tấm bình phong che chắn thì chú đã bị cây đà rơi ngay xuống chỗ chú đang nằm là chú đã chết mất rồi. Người mẹ ấy đã hy sinh gương mặt cứu chú sống. Trước kia chú cũng rất yêu thương mẹ, nên sợ mọi người gặp và chê mẹ xấu xí, làm mẹ khổ tâm buồn bã, khổ nhất là chú cũng có mặc cảm có người mẹ mang vết thẹo xấu xí trên mặt, nên không muốn cho mẹ gặp ai.
Giờ đây chú đã rõ vết thẹo trên mặt mẹ xấu xí là đánh dấu cho một tâm hồn cao thượng, hy sinh nhan sắc của mình để cứu đứa con còn đỏ hỏn.
Bây giờ nhìn thấy vết thẹo trên mặt mẹ là thấy một lòng thương yêu vô bờ bến của mẹ, lòng thương yêu ấy như biển Thái Bình dạt dào. Đức hiếu sinh của một người mẹ thương con thật là tuyệt vời, nếu mọi người trên thế gian này ai ai cũng biết thương yêu nhau như người mẹ thương con, thì loài người hạnh phúc biết bao; thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc.
Cuộc sống con người trên thế gian này được giáo dục rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh, thì ai ai cũng sống trong lòng yêu thương chân thật, biết tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau thì hành tinh này sẽ được bình an, yên vui và hạnh phúc vô cùng.
Trả lời câu hỏi 7:
“Đức hy sinh của mẹ thanh cao quá! Cả ngày hôm đó, chú cứ nắm riết lấy tay mẹ không rời”. Đây là hành động ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Lòng thương yêu của người mẹ thanh cao quá! Không những đối với chú mà còn là tấm gương soi sáng cho tất cả những bà mẹ trẻ trên thế gian này đừng nạo thai, móc thai.
Bởi vậy, chỉ có lòng yêu thương mới dám hy sinh mình cho người khác, mới đem lại hạnh phúc an vui cho con người trên hành tinh này; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới phá tan những hận thù oán ghét; chỉ có lòng yêu thương chân thật mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; chỉ có lòng yêu thương chân thật thì con người mới gần nhau mà không làm khổ cho nhau; chỉ có lòng yêu thương chân thật con người mới đem lại lợi ích cho con người, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới.
Bởi vậy, đạo đức hiếu sinh rất cần thiết cho loài người trên hành tinh này, nếu đạo đức hiếu sinh vắng bóng thì hành tinh này là địa ngục. Vì thế tiếng kêu la, rên khóc của con người và tất cả loài vật vang dậy thấu trời xanh, máu xương của chúng sinh và của con người chất như núi, chảy như sông. Thế giới toàn là đau khổ.
Bởi đạo đức hiếu sinh quan trọng như vậy, xin mọi người hãy học cho thấu triệt, tu tập rèn luyện cho thấm nhuần.