Một thời, Phật ở tịnh xá Kỳ Hoàn, thuộc thành Xá Vệ. Bấy giờ có ba người cãi nhau về sự khoái lạc. Một người bảo:
- Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khoái lạc.
Một người bảo:
- Tiền của giàu nhiều, vinh quang là khoái lạc.
Một người bảo:
- Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc.
Cãi cọ phân vân nhau mãi, ai cũng bảo mình nói đúng, đức Phật nghe thế bảo:
Các người chỉ tìm khoái lạc theo sở thích của mình, phát ngôn như vậy, chứ chưa thấy cái khổ của nó. Còn cái vui chung của mọi người làm sao các người biết được.
Các người hãy lắng nghe, Ta sẽ chỉ dạy cho các ngươi hiểu rõ:
1/ Tất cả các pháp trên đời này đều vô thường. Hằng năm đều có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng Xuân, Hạ, Thu, Đông đều thay đổi liên tục. Ví dụ: Mùa Xuân đến rồi lại đi, sẽ để lại sự điêu tàn nóng bức của mùa Hạ.
Vậy những người thân thuộc sẽ ly biệt và biệt ly mãi không bao giờ trở về. Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu? 2/ Tiền của nhiều là nhân lo sợ, lo sợ trộm cắp, cướp của giết người. Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu? 3/ Thê thiếp nhiều sinh ra ghen tuông, trong cuộc sống bất an thường nay cãi cọ chuyện này mai cãi cọ chuyện khác. Đó là thảm họa sầu bi, chứ vui chỗ nào đâu? Và tất cả xoay quanh mình mà xâm phạm, làm đau khổ. Người chí nhân chỉ có một khoái lạc, đó là: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI”.
Nhìn nhận sự tương quan sinh tồn, chí nhân khổ cái khổ của người, vui cái vui của muôn loài, nên lợi người trước mình. Cái vui ấy là cái vui vô lượng. Các ngươi hãy đánh đổi sự khoái lạc nhỏ hẹp cho cái vui vô lượng ấy.
KINH PHÁP CÚ
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: Đại ý bài này nói gì? Bài này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 2: Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khoái lạc. Lời nói này có đúng không? Lời dạy này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 3: Tiền của giàu nhiều, vinh quang la khoái lạc. Lời nói này có đúng không? Lời dạy này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 4: Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê la khoái lạc. Lời nói này có đúng không? Lời dạy này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 5: Kết luận bài này nói gì? Lời dạy này dạy đạo đức gì? Hãy làm bài luận nói về “ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH”.
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
Đại ý bài này nói: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI”. Vậy sống đạo là sống như thế nào? Như quý học viên đã biết, đạo Phật là đạo TỪ BI, đạo từ bi tức là đạo lấy tình thương làm đầu, tức là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH, đạo thương sự sống của muôn loài. Ý nghĩa của câu này là chỉ sống có tình thương với tất cả mọi người thì đời mới an vui. Câu nói ngắn nhưng ý nghĩa rất đầy đủ của đời sống làm người: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI”.
Chữ “ĐẠO” chúng ta đừng hiểu theo nghĩa tôn giáo, mà hãy hiểu theo nghĩa “LÒNG YÊU THƯƠNG”.
1/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta không còn giận hờn, oán ghét ai.
2/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta tha thứ những lỗi lầm của người khác.
3/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
4/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta sống đời sống thanh thản, an lạc và vô sự.
5/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta ngăn ác, diệt ác pháp rất dễ dàng.
6/ Lòng thương yêu sẽ giúp chúng ta chuyển đổi nhân quả khổ đau trở thành nhân quả hạnh phúc, an vui.
Ở đâu có lòng yêu thương thì ở đó là Thiên Đàng, Cực Lạc. Lòng yêu thương quan trọng như vậy, nên đức Phật dạy: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI”. Chỉ có mọi người sống trong lòng yêu thương thì đời mới có cái vui chân thật.
Người không biết sống trong ĐẠO là người tự làm khổ đau cho mình, cho người, nay chuyện này khổ đau chưa dứt, thì mai lại có chuyện khác khổ đau tiếp nối. Người không biết sống ĐẠO, chỉ biết chạy theo dục lạc, sống trong cái vui thế tục là sống trong cái khổ theo quy luật nhân quả của vũ trụ. Người không biết sống trong ĐẠO chỉ còn tuân theo quy luật đó, chứ không bao giờ làm khác được.
Trả lời câu hỏi 2:
“Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khoái lạc”. Lời nói này không đúng. Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khổ đau. Nếu quý học viên không tin, chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị hiểu quy luật nhân quả là quy luật vô thường. Cho nên những người thân thuộc sẽ ly biệt và biệt ly mãi không bao giờ trở về.
Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu? Có đúng không quý vị? Nhìn lại từ xưa đến nay, tổ tiên, ông bà, cô bác, dì dượng, cậu mợ, cha mẹ, anh em, chị em, có ai còn sống mãi không? Hay họ đã ra đi, chỉ để lại trong lòng chúng ta những thương nhớ sầu khổ, dù là những dòng họ làm vua, làm quan, có những người nào không chết không? Cho nên bảo: “Thân thuộc quyền quý, ca ẩm là khoái lạc”, điều đó rất sai, không đúng.
Người hiểu như thế này là người không hiểu ĐẠO là gì, chỉ hiểu đạo bằng cách cúng bái cầu siêu, cầu an, tụng kinh, ngồi thiền niệm chú, niệm Phật, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu dựng nhà, xây hướng, cưới vợ gả chồng, xây mồ mả. Đó là hiểu đạo bằng sự mê tín lạc hậu.
Đừng đứng trong dục lạc thế gian mà cho đó là hạnh phúc, an vui, thì thật là người điên đảo tưởng.
Trả lời câu hỏi 3:
“Tiền của giàu nhiều, vinh quang là khoái lạc”. Lời nói này không đúng.
Tiền của nhiều là nhân lo sợ, lo sợ trộm cắp, cướp của giết người. Đó sự sầu khổ chứ vui chỗ nào đâu? Chúng ta thử cứ kê khai những nhà tỷ phú trên hành tinh này để xem những nhà tỷ phú nào không đau khổ, sống toàn là vinh quang, là khoái lạc. Điều này không bao giờ có. Phải không các quý học viên? Người giàu sang của cải nhiều chừng nào thì sự khổ đau nhiều chừng nấy.
Quý học viên cứ tự xét mình càng có của cải nhiều càng lo sợ: lo sợ trộm cắp, cướp giựt, con cái trong nhà phá tán; lo sợ thủy tai hỏa hoạn, động đất, sóng thần, bão tố, v.v...
Cho nên đừng nghĩ tưởng có của cải nhiều là mua tiên cũng được, là hạnh phúc, là khoái lạc.
Biết bao nhiêu người chạy theo tiền của mà vào tù ra khám, mà thân bại danh liệt.
Báo chí đã thường đăng in tức ông giám đốc này vào tù, ông giám đốc kia bị tịch thu tài sản. Một khi mọi việc đã bị bại lộ thì Bộ Trưởng, Thủ Tướng Chính Phủ vẫn bị đi tù và tử hình như thường. Cho nên bảo rằng:
“Tiền của giàu nhiều, vinh quang là khoái lạc”, đó là sống trong tưởng, trong mơ.
Trả lời câu hỏi 4:
“Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc.” Lời nói này không đúng.
Thê thiếp nhiều sinh ra ghen tuông, trong cuộc sống bất an thường nay cãi cọ chuyện này, mai cãi cọ chuyện khác. Đó là thảm họa sầu bi, chứ vui chỗ nào đâu? Người xưa nói: “Một vợ nằm giường lèo; 2 vợ nằm chèo queo; ba vợ nằm chuồng heo”.
Đúng vậy, câu ca dao này là kinh nghiệm nhiều đời của ông cha chúng ta đổi lấy bằng một giá trị cuộc sống.
Dù ba thê bảy thiếp, trong thời phong kiến người đàn ông có đầy đủ quyền uy trong tay và được luật pháp phong kiến ủng hộ, áp đặt người phụ nữ, nhưng họ là con người chứ không phải con thú vật: “Chồng một thì sống, chồng chung thì đừng”.
Cho nên trong thời Phong Kiến Trung Quốc, Đế Quốc La Mã, tuy pháp luật và chế độ bắt buộc người phụ nữ như con súc vật sống trong Tam cung, Lục viện như một cái chuồng kín cổng cao tường, nhưng vẫn bất an, vẫn chống đối nhau, vẫn giết hại lẫn nhau vì lòng ghen tuông.
Vậy câu trên bảo rằng: “Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc”. Đúng là con người đắm mê sắc dục nên mới tuyên bố như vậy, thật là người mù không thấy ánh sáng mặt trời, không thấy nam nữ sắc dục là con đường đau khổ, con đường sinh tử luân hồi.
Dù một vợ một chồng nhưng cũng không hạnh phúc đâu! Thường chồng hay vợ khi họ thương nhau tấm lòng họ rất ích kỷ, ti tiện, nhỏ hẹp, muốn chiếm hữu người chồng hay người vợ là của riêng họ. Cho nên khi thấy một người khác phái nói chuyện với vợ hay chồng là họ tức lên lồng lộng, tìm mọi cách để diệt trừ tình địch.
Báo chí thường đăng tin tức xảy ra những vụ đánh ghen đâm chém, rạch mặt hoặc tạt axit để thẹo muôn đời.
Xin quý học viên hãy đọc tập III “GIÁO ÁN RÈN NHÂN CÁCH LÒNG CHUNG THỦY”.
Đó là một bộ sách dạy đạo đức gia đình của Phật giáo, mà trong khóa tu học này tu sinh sẽ được học đạo đức chung thủy ý hành, khẩu hành và thân hành rất phong phú, dạy về đạo đức gia đình.
Phật giáo đã trang bị cho chúng ta những phương pháp rèn luyện nhân cách đạo đức làm một con người rất đầy đủ đức hạnh, chỉ ngại quý học viên không đủ thời gian tu học mà thôi.
Cho nên nói: “Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc”, đó là một điều hiểu biết quá sai.
Càng đắm mê thì thì lại càng khổ đau.
Quý học viên có nghe cả thế giới báo động bệnh thời đại Sida, AIDS và còn nhiều thứ bệnh khác nữa mà không có thuốc trị. Vậy mà an lạc chỗ nào?
Trả lời câu hỏi 5:
Kết luận bài này nói: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI”. Sống đạo tức là sống bằng tình yêu thương rộng lớn, nếu vì người thân thuộc quyền quý, ca ẩm; nếu vì tiền của giàu nhiều, vinh quang; nếu vì thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê chạy theo khoái lạc thì tình thương yêu rộng lớn trong ĐẠO bị đánh mất. Cho nên người sống vì lòng thương yêu rộng lớn thì không vì thân thuộc với người quyền quý, ca ẩm; với người tiền của giàu nhiều, vinh quang; với người thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê.
Những loại dục lạc trên đây là những loại dục lạc nhỏ hẹp trong thất tình lục dục: hỷ, nộ, ái ố, ai, lạc, dục. Khi một người nào đã vướng vào những loại thất tình lục dục này thì lòng từ bi sẽ không còn nữa, có nghĩa là họ không còn sống với tâm hồn thương yêu rộng lớn nữa. Cho nên câu nói: “CHỈ CÓ SỐNG ĐẠO MỚI VUI ĐỜI” thật tuyệt vời! Người biết sống trong đạo là người biết thương tất cả mọi sự sống trên hành tinh này.
Ước mong sao quý học viên luôn luôn biết sống trong đạo để đem lại cho đời một sự an vui.