TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH

Thư của Kim Quang:

Có một tu sinh Nam gửi cho con một bức thư, nhờ Trưởng Lão trả lời những câu hỏi có liên quan đến những bài học trong giáo án lớp học đạo đức HIẾU SINH, nhưng con nhận xét những câu hỏi này không nằm trong lớp học HIẾU SINH, mà ở những lớp học khác cao hơn, tuy nhiên không lạc đề của bài học, nhưng không ở lớp học mà con đang dạy. Vậy con mong Trưởng Lão từ bi thương xót chỉ dạy và giảng trạch cho các tu sinh hiểu. Đây là bức thư của tu sinh:

“Kính bạch Thầy cho con xin hỏi:

Câu hỏi 1:

Trong bài giảng: “Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ”, hành động im lặng của vị tỳ kheo trước những câu hỏi của ông chủ nhà: “Thưa sư! Sư có thấy chiếc nhẫn của con đánh rơi không? Và câu hỏi tiếp: “Con mới làm rớt đây! Tại sao lại mất?” Sự im lặng của sư làm cho ông chủ nhà sinh ra nghi ngờ dẫn đến ác khẩu và có thân hành ác.

Trong lớp có phật tử nêu ra câu hỏi về hành động im lặng của vị tỳ kheo là đúng hay sai, theo phật tử nói rằng: “Đạo Phật la đạo trí tuệ có thiện xảo, có khéo léo. Do đó vị tỳ kheo phải biết rõ là khi mình im lặng nhẫn nhục sẽ làm cho vị chủ nhà sinh ra các ác pháp là nghi ngờ, nóng giận...

Để giải quyết trường hợp này, vị phật tử trả lời thay cho vị tỳ kheo: “Tôi là đệ tử Phật, phải giữ gìn các giới luật: 1- Giới sát sinh; 2- không tham lam trộm cướp; 3- không nói dối”.

Theo con nghĩ: Khi vị tỳ kheo trả lời như vậy là người có trí tuệ biết khéo léo ngăn ngừa các ác pháp xảy đến cho gia chủ va mình. Đó cũng là câu nói có đạo đức hiếu sinh khẩu hành.

Vậy xin Thầy cho ý kiến câu trả lời như vậy có được không? Hay chỉ nên im lặng như Thánh để trả nhân quả?

Trả lời câu hỏi 1:

Khi đọc lại bài này, quý tu sinh sẽ thấy tác giả viết bài này chủ đề nêu cao đức nhẫn nhục hiếu sinh. “SỰ IM LẶNG NHƯ THÁNH” của vị tỳ kheo là tác giả đã đạt được mục đích viết bài, còn trả lời như phật tử trên đây thì lạc đề, lấy đề phụ làm đề chánh của bài.

Bài học này ở lớp NGŨ GIỚI, nên câu hỏi và câu trả lời chỉ nhắm vào chủ đề của bài, chứ không phải như bài học ở lớp THẬP THIỆN. Cái sai của quý tu sinh là không hiểu chủ đề của bài, nên luận về đạo đức đi lạc đề chính, biến thành bài học mất giá trị.

Để trả lời đúng với chủ đề, để thực hiện đức hiếu sinh ở góc độ ĐỨC NHẪN NHỤC HIẾU SINH NHÂN QUẢ, thì nên im lặng như Thánh là đúng chủ đề.

Bài học này đưa ra là dạy về đức nhẫn nhục hiếu sinh nhân quả, chứ không phải dạy đạo đức chuyển hóa nhân quả hiếu sinh.

Trả lời như câu trên là đức hiếu sinh chuyển hóa nhân quả. Bài này không phải mục đích đó.

Trong cuộc sống của chúng ta có nhiều việc xảy ra, bất cứ một việc gì, nếu người ta ở trong ác pháp là họ sẽ chửi mắng, mạ lị, mạt sát và đánh đập chúng ta nữa mà không cần chúng ta phân bua phải trái, trắng đen, v.v...

Bài học đạo đức nhẫn nhục hiếu sinh ở đây là để chúng ta noi theo gương của vị tỳ kheo này, phải tập im lặng như Thánh để thực hiện đức hiếu sinh nhẫn nhục. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta không phải lúc nào cũng dùng đạo đức hiếu sinh chuyển hóa nhân quả được. Có lúc cần nói thì nói, có lúc không cần nói thì phải im lặng để làm một bài học giá trị đạo đức cho những người tính quá nóng nảy nông nổi thiếu suy tư.

Chủ đề bài học “Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ” có hai đức hạnh giá trị:

1- Vị tỳ kheo im lặng như Thánh tức là thực hiện đức hiếu sinh nhẫn nhục.

2- Khi biết rõ sự việc, người chủ nhà rất hối hận về sự nghi ngờ, tức giận nông nổi của mình, tức là đức hiếu sinh ăn năn hối lỗi.

Cho nên bài học “Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ” có một giá trị đạo đức rất lớn là lột trần và làm nổi bật hai đức hạnh HIẾU SINH NHẪN NHỤC và HIẾU SINH ĂN NĂN HỐI LỖI. Còn trả lời cách khác thì lạc đề, làm mất giá trị của bài học này.

Cho nên những câu trả lời của các tu sinh thường lạc đề, làm mất giá trị của bài học, biến bài học đạo đức thành một bài học tranh luận. Cái ngã của các tu sinh cho mình là hiểu biết, không ngờ cái hiểu biết của các tu sinh lại để cho người khác thấy cái không hiểu biết của mình.

Bài học “Thầy Tỳ Kheo Nhân Từ” này có hai cách trả lời:

1- Im lặng như Thánh đó là đức hiếu sinh nhẫn nhục ý hành.

2- Tôi là đệ tử Phật phải giữ gìn các giới luật: 1- Giới sát sinh; 2- không tham lam trộm cướp; 3- không nói dối. Đó là đức hiếu sinh khẩu hành chuyển đổi nhân quả ở lớp khác.

Hai câu này trả lời đều đúng nhân quả, nhưng câu 1 ở trên đúng chủ đề của bài học nhẫn nhục; còn câu dưới lạc đề của bài học.

Trong khi thi mà tu sinh trả lời như câu 2 ở trên là thi rớt, các tu sinh có biết không? Khi trả lời câu hỏi thì phải hiểu rõ chủ đề bài học. Chưa hiểu rõ chủ đề bài học trả lời là sai.

Muốn trả lời không sai về đạo đức nhân bản - nhân quả thì phải hiểu rõ nhân quả trong ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Hiểu như vậy chưa đủ, còn phải hiểu rõ những từ trường tương ưng nhân quả của người còn đang sống (hiện tại nghiệp), của người sắp chết (cận tử nghiệp).

Sau khi lắng nghe từng câu trả lời của tu sinh, thì Thầy thấy các tu sinh hiểu nhân quả còn lờ mờ chưa rõ ràng, giống như những người mù rờ voi, kẻ hiểu chỗ này người hiểu chỗ kia, ai cũng cho mình là hiểu đúng, rồi sinh ra tranh luận hơn thua làm mất ý nghĩa đạo đức hiếu sinh mà mình đang tu học, làm lạc đề bài học, khiến cho những người khác chưa thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả nghe dao động tâm, không biết nghĩa nào đúng, nghĩa nào sai, nhất là ý kiến của các tu sinh làm mất giá trị bài học.

Những bài học đạo đức hiếu sinh này còn học lại ở những lớp học cao hơn, chừng đó các tu sinh đã thông suốt đạo đức nhân bản - nhân quả, mới đủ tri kiến hiểu biết dẫn chứng tất cả đức hiếu sinh ở từng mọi góc độ nhân quả của bài học, nhờ đó để biết áp dụng đức hiếu sinh ấy vào đời sống hằng ngày của các tu sinh, còn bây giờ các tu sinh hãy nhắm vào chủ đề của bài học, đừng góp ý lạc đề làm mất thì giờ vô ích mà nuôi lớn thêm bản ngã.

Các tu sinh có đọc bài những người mù rờ voi chưa? Người rờ cái tai cho con voi là cái thúng; người rờ cái ngà cho con voi là cán cày; người rờ cái đuôi cho con voi là cây chổi; người rờ cái chân cho con voi là cây cột.

Những câu trả lời của các tu sinh về đạo đức nhân bản - nhân quả hiếu sinh hiện giờ giống như những người mù rờ voi này vậy.

Câu hỏi 2:

Khi lớp học bắt đầu, thầy Chơn Thành nói cho chúng niệm hồng danh 5 phút. Con không hiểu ý nghĩa của việc tụng niệm này?

Trả lời câu hỏi 2:

Đó là Thầy Chơn Thành hướng dẫn niệm hồng danh đức Phật cho tu sinh quen để niệm Phật không lỏi chỏi, kẻ đọc trước, người đọc sau. Sau khi thuần thục thì không có niệm như vậy nữa, chỉ niệm hồng danh đức Phật khi mới vào lớp học và đọc suôn sẻ ăn rập với nhau mà thôi, chứ không có tụng niệm ê a như Đại thừa.

Câu hỏi 3:

Mười một năm cõng bạn đến trường...”

Trả lời câu hỏi 3:

Muốn hiểu đạo đức hiếu sinh của bài học này thì phải nhận xét nghiệp báo nhân quả qua hai trường hợp:

1- Từ trường nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

2- Từ trường nhân quả thiện ác cận tử nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

Tuổi tác sinh ra đồng nhau để trả nhân quả trong hiện kiếp là từ trường cận tử nghiệp tái sinh, còn tuổi tác không đồng nhau để trả nhân quả trong hiện kiếp là từ trường nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.

Hai cháu bé gái này tuổi tác chênh lệch, cõng nhau vượt khó suốt 11 năm thì biết ngay đức hiếu sinh thân hành từ từ trường nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.