Hôm nay chúng ta học bài thứ nhất trong năm giới: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Không nên giết hại chúng sinh là một lời khuyên của đức Phật từ ngàn xưa được lưu giữ trong kho tàng kinh điển nguyên thủy bằng tiếng Pàli tại Tích Lan.
Lời dạy này đi ngược lại đời sống con người trên hành tinh này. Vậy chúng ta tự hỏi: Tại sao đức Phật lại khuyên chúng ta không nên giết hại chúng sinh như vậy? Như quý tu sinh đã biết: khắp nơi trên hành tinh này không có nơi nào, không có ngày nào mà con người không giết hại chúng sinh để ăn thịt. Máu của chúng sinh chảy như sông, xương của chúng sinh chất như núi.
Sự đau khổ lăn lộn dưới dao trên thớt của loài người, sự chết chóc ghê rợn của chúng sinh trùng trùng, điệp điệp vô lượng vô biên, làm sao chúng ta kể cho hết những hình ảnh đau thương ấy. Ôi! Đau thương vô cùng tận, biết nói làm sao bây giờ. Và nói với ai đây? Vì sự sống của con người đã huân tập thành một thói quen ác độc giết hại các loài động vật mà không chút lòng thương xót, nhất là thói quen ăn thịt động vật.
Nhìn thấy được sự chết chóc đau khổ của chúng sinh, với lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến như trời, như biển của đức Phật, làm sao Ngài không có lời khuyên ngăn chúng ta:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”. Lời khuyên ấy là vì đức Phật thương xót loài người như người cha thương đứa con một, nếu con người giết hại chúng sinh ăn thịt sẽ gặt lấy quả khổ đau.
Đức Phật còn thấy rất rõ do nhân quả ác nghiệp của con người, vì vô minh con người không thấy nên tạo ra vô vàn ác pháp, vì thế phải thọ lãnh những quả khổ đau từ vô lượng kiếp, nên mỗi lần sinh ra cho đến khi chết, cuộc sống hoàn toàn khổ đau, khổ đau vô cùng, vô tận.
Đứng trước cảnh vô minh con người tự tạo nhân quả ác rồi tự gặt lấy những quả khổ đau cho chính mình, vì thế đức Phật thương xót bảo: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Mình tự làm điều ác thì mình phải tự chuốc lấy mọi sự khổ đau, làm sao có ai cứu mình được!? Muốn hiểu rõ điều này, chúng ta hãy quán xét tư duy và tự hỏi cho đúng nghĩa sự đau khổ này do từ đâu sinh ra? Do từ sự giết hại chúng sinh để ăn thịt.
Đúng như vậy, đó là do nhân giết hại và ăn thịt chúng sinh mà phải trả quả quá đắt, là chịu mọi sự khổ đau suốt từ đời này sang kiếp khác, chứ không phải chỉ riêng cho một kiếp này.
Trong góc độ nhân quả ai cũng nhìn thấy:
từ nhân ác mà phải chịu mọi sự khổ đau; từ nhân thiện mà hưởng được sự an vui và hạnh phúc. Khổ vui trên đời này đều là do nhân quả. Do nhân quả thiện ác khổ vui như vậy, nên các pháp trên thế gian này thay đổi liên tục, do thay đổi liên tục nên gọi các pháp là vô thường. Các pháp trên thế gian vô thường thay đổi liên tục, nên sự khổ đau của loài người cũng triền miên bất tận từ khổ đau này đến khổ đau khác.
Con người không hiểu quy luật nhân quả thay đổi như vậy, nên cho các pháp là thường hằng, bất biến, là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do hiểu sai lầm nên đắm mê chạy theo dục lạc vật chất vô thường của thế gian, cho rằng những vật chất là có thật, nên lấy đó để cung cấp và phụng dưỡng cho cái ngã, tạo biết bao nhiêu điều tội ác và biết bao nhiêu điều tội lỗi.
Với đôi mắt của đức Phật nhìn thấy mọi sự sống trên hành tinh đều do các duyên nhân quả tác thành, vì thế mới có sự thay đổi liên tục, đó là sự tất yếu không thể phủ nhận, do sự thay đổi ấy mà mọi sự sống của tất cả các loài vật trên hành tinh này hoàn toàn phải chịu mọi sự khổ đau. Con người cũng là một loài động vật đều có sự cảm nhận đau khổ, sống chết như nhau. Vì thế đức Phật khuyên: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”, thật là thấm thía biết bao.
Phải không quý tu sinh? Ý nghĩa câu: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” còn mang theo một hành động đạo đức cao đẹp tuyệt vời của con người, đó là ĐỨC HIẾU SINH. Đức Hiếu Sinh có nghĩa là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này.
Đây chính là bài học rèn luyện nhân cách đạo đức đầu tiên của lớp NGŨ GIỚI Phật giáo, để chúng ta biết cách sống làm người với một tâm hồn cao thượng, một con người đầy lòng tha thứ và yêu thương mọi sự sống của nhau trên hành tinh này. Vì vậy, khi hiểu như thế nào thì quý cô cứ trả lời như vậy. Như trên đã nói, chúng ta là những người còn đang tu học, cho nên càng trả lời thì lại càng thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của sự tu học; càng trả lời lại càng huân tập lòng thương yêu rộng lớn. Người có lòng thương yêu rộng lớn là người có hạnh phúc nhất trần gian.
NHỮNG CÂU HỎI
Bây giờ, quý tu sinh hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
Câu hỏi 1:
Tại sao đức Phật lại có lời khuyên chúng ta “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên khuyến khích:
- Các tu sinh hãy cho một tràng pháo tay.
- Những ý nghĩa trả lời của tu sinh góp ý làm sáng tỏ đạo đức nhân bản - nhân quả câu “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý về câu hỏi này để chúng ta cùng nhau tu học và rèn luyện nhân cách.
Trả lời câu hỏi 1:
Đức Phật có lời khuyên chúng ta “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”.
Vì người biết rất rõ quy luật của nhân quả, nếu ai làm những điều ác giết hại và ăn thịt chúng sinh thì phải gặt lấy những hậu quả khổ đau. Do lòng thương yêu chúng sinh nên đức Phật khuyên chúng ta: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH”.
Không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh là một hành động thương yêu, thương yêu tất cả sự sống trên hành tinh này, đó là đạo đức hiếu sinh mà mỗi người đều phải học tập, trau dồi và rèn luyện cho thấm nhuần đạo đức này, để cuộc sống không còn làm khổ cho nhau nữa; để biến cuộc sống thế gian này thành cuộc sống an lạc, yên vui trên cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.
Giết hại và ăn thịt chúng sinh là một tội rất nặng, đó là cướp lấy mạng sống của sự sống.
Hành động giết hại và ăn thịt chúng sinh là một hành động làm cho cuộc sống trên thế gian này bất an, làm cho hành tinh này máu chúng sinh chảy như sông, xương chúng sinh chất như núi. Vì thế, hành tinh này lúc nào cũng biến động, biết bao nhiêu tai họa thảm khốc xảy ra: thiên tai, động đất, lũ lụt, sóng thần, bão tố, v.v... Những công trình của loài người bao nhiêu công lao, bao nhiêu năm tháng xây dựng chỉ trong một phút giây động đất, bão tố thì để lại đống gạch vụn ngổn ngang; biết bao nhiêu năm tháng để xây dựng chỉ trong vòng tíc tắc tan tành như mây khói; biết bao công trình của con người xây dựng từ xưa đến nay mà loài người hãnh diện cho đó là những kỳ quan thế giới, nhưng một trận động đất, một cơn bão tố thì đâu còn gì nữa? Bởi vậy, con người cứ giết hại và ăn thịt chúng sinh thì không thể nào tránh khỏi những hậu quả thảm khốc.
Câu hỏi 2:
Do nguyên nhân gì mà con người phải chịu sự khổ đau?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ “nguyên nhân gì mà con người phải chịu sự khổ đau” rất hay, và ... (giảng viên xưng pháp danh) cũng xin góp ý trả lời câu 2, để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 2:
Do nguyên nhân vô minh, không hiểu biết, không thông suốt luật nhân quả nên con người giết hại và ăn thịt chúng sinh, ngoài ra còn tạo vô vàn ác pháp khác nữa, từ những hành động ác của mọi người mà những từ trường ác phóng xuất trong không gian, vì vậy con người phải chịu muôn vàn sự khổ đau, từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt.
Câu hỏi 3:
Do nguyên nhân gì các pháp thường thay đổi?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ “nguyên nhân gì các pháp thường thay đổi” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận, trả lời câu 3 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 3:
Do nguyên nhân các pháp vận hành theo quy luật nhân quả từ thiện sang ác, từ ác sang thiện tạo thành ra thời gian và không gian trong sự thành, trụ, hoại, không. Vì thế các pháp thường thay đổi từng sát na, nên kinh sách Phật giáo gọi các pháp trong vũ trụ là pháp VÔ THƯỜNG. Các pháp không có ngã do duyên hợp tạo thành nên sinh diệt liên tục. Do các pháp sinh diệt liên tục nên con người phải chịu khổ đau từ kiếp này đến kiếp khác không bao giờ dứt.
Vô thường là chỉ cho các pháp thường thay đổi, không đứng yên một chỗ, cho nên trong đời sống của con người không có pháp nào bất di bất dịch cả. Cho nên ngày nay như thế này, ngày mai như thế khác.
Câu hỏi 4:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” la đạo đức gì?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH là đạo đức gì” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin trả lời câu 4 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 4:
“KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” là đạo đức hiếu sinh, tức là lòng yêu thương tất cả chúng sinh, thương tất cả sự sống trên môi trường sống của hành tinh này. Vì thế chúng ta không nên giết hại và ăn thịt chúng sinh nữa, giết hại và ăn thịt chúng sinh rất tội nghiệp, chúng sinh bao giờ cũng tham sống sợ chết như chúng ta vậy.
Câu hỏi 5:
Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách nào?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ phương pháp rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin trả lời câu 5 và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 5:
Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến lòng yêu thương chúng sinh (tâm từ, bi). Con người ai cũng có lòng thương yêu, nhưng vì lòng tham, sân, si, mạn, nghi che khuất nên họ chỉ còn biết thương cá nhân họ mà thôi, xem mình trên đời này là trên hết, cho mình là quan trọng nhất. Vì thế mọi sự khổ đau lại đổ trên đầu họ. Muốn thoát ra mọi sự khổ đau trên thế gian này thì phải thực hiện theo những phương pháp sau đây:
1- Muốn thực hiện lòng yêu thương chúng sinh thì phải ly dục ly ác pháp, lìa tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi (ngũ triền cái) của mình.
2- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến nhân quả luôn luôn ngăn ác, diệt ác pháp và sống trong thiện pháp.
3- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến đạo đức nhân bản nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
4- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến về phương pháp tác ý: “Tất cả mọi người, mọi loài vật trên hành tinh này đều có sự sống như nhau, đều sợ chết, sợ khổ đau như nhau. Vậy chúng ta hãy thương yêu tất cả mọi người, mọi loài vật trên hành tinh này như thương yêu chính chúng ta, như người mẹ thương con vậy”.
5- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến tỉnh thức trong mỗi hành động thân, miệng, ý không làm khổ mọi người và tất cả chúng sinh.
6- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến tỉnh thức bằng bốn cách đi kinh hành tỉnh giác đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, nói, nín, v.v... đều không làm những người khác và tất cả chúng sinh khổ đau.
7- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến về hơi thở ra, hơi thở vô tác ý xả tâm ly tham, sân, si, mạn, nghi.
8- Rèn nhân cách “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH” bằng cách triển khai tri kiến Tứ Vô Lượng Tâm TỪ, BI, HỶ, XẢ.
Có rèn luyện được lòng yêu thương như vậy ta mới thấy lòng thương yêu là một tâm hồn cao thượng luôn luôn không làm khổ mình, khổ người.
Câu hỏi 6:
Tại sao con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ tu sinh trả lời. Tu sinh trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa tu sinh đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “tại sao con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 6:
Con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót là vì chấp ngã quá to lớn, chỉ biết có mình, còn tất cả các loài vật khác chỉ sinh ra để phục vụ cho con người.
Cho nên người xưa nói: “Vật dưỡng nhân”, đó là một tư tưởng sai lầm thiếu đạo đức hiếu sinh mà người xưa vì quen ăn thịt chúng sinh nên đã gieo sâu vào lòng người những tư tưởng tội lỗi. Vật dưỡng nhân đã thành cội rễ trong tư tưởng, nên con người giết hại và ăn thịt chúng sinh không chút lòng thương xót.
Thật đáng chê trách những tư tưởng sai lầm đánh mất tính thiện của loài người.
Con người giết các loài động vật không chút lòng thương xót vì không hiểu biết quy luật nhân quả thiện ác: Khi giết hại chúng sinh thì phải trả quả khổ đau bệnh tật, tai nạn hoặc bị giết hại lại. Chính những người giết hại và ăn thịt chúng sinh cũng không lưu ý sự khổ đau, sợ chết, tham sống, sợ hãi của chúng sinh như chính bản thân của họ vậy, nên vô tình giết hại chúng sinh mà không thương xót.
Con người giết các loài động vật mà không chút lòng thương xót vì không có lòng thương yêu sự sống của những loài động vật khác, vì không có đức hiếu sinh, thiếu lòng từ bi đối với muôn loài vật.
Trong cuộc sống hằng ngày trên thế gian này, con người có lòng yêu thương chân thật thì mới mang lại sự bình an cho trái đất, thiếu lòng thương yêu thì trái đất này sẽ nổi sóng và con người sẽ chịu mọi sự khổ đau tận cùng cho kiếp làm người.
Câu hỏi 7:
Tại sao con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết nhau và ăn thịt nhau?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “tại sao con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết nhau và ăn thịt nhau” rất hay, ... (giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 7:
Con người và loài vật sinh ra cùng sống trong một môi trường như nhau mà lại giết hại và ăn thịt nhau là do vô minh, do sự không hiểu biết nên mới giết hại ăn thịt lẫn nhau.
Chính sự vô minh là mầm sinh ra làm nhiều điều ác, vì thế mà phải thọ chịu nhiều sự đau khổ trong sự sống của mỗi cá nhân trên hành tinh này.
Trong vòng tròn mười hai nhân duyên, VÔ MINH là duyên thứ nhất, do VÔ MINH mới có HÀNH ĐỘNG VÔ MINH thiện hay ác, có thiện ác mới gọi là nhân quả; do HÀNH ĐỘNG VÔ MINH mới có THỨC VÔ MINH; do THỨC VÔ MINH mới có DANH SẮC VÔ MINH; do DANH SẮC VÔ MINH mới có LỤC NHẬP VÔ MINH; do LỤC NHẬP VÔ MINH mới có XÚC VÔ MINH; do XÚC VÔ MINH mới có ÁI VÔ MINH; do ÁI VÔ MINH mới có HỮU VÔ MINH; do HỮU VÔ MINH mới có THỦ VÔ MINH; do THỦ VÔ MINH mới có SANH Y VÔ MINH; do SANH Y VÔ MINH mới có ƯU BI, SẦU KHỔ, SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT. Như vậy, tất cả sự sống trên hành tinh này đều do VÔ MINH chủ động gây ra muôn vàn sự khổ đau và sinh, già, bệnh, chết của chúng sinh, của muôn vật.
Muốn chấm dứt vô minh chỉ có con đường duy nhất là con đường Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người của Phật giáo. Như vậy, quý vị tu thiền theo Phật giáo là quý vị biết phải tu cái gì không? Đó là tu GIỚI LUẬT, trong giới luật thì đức hiếu sinh là đức thứ nhất, tu đức hiếu sinh tức là tu lòng yêu thương. Khi nào quý vị thực hiện được lòng yêu thương ban rải khắp mọi nơi thì chừng đó quý vị chứng tâm vô lậu.
Chứng tâm vô lậu là chứng thiền định của Phật giáo.
Cho nên chỉ có tu tập lòng yêu thương mà quý vị chứng đạo, đâu có gì là khó khăn.
Câu hỏi 8:
Trong môi trường sống chúng ta phải đối xử như thế nào?
Khi hỏi xong, giảng viên chờ học viên trả lời. Học viên trả lời xong thì giảng viên kết luận câu hỏi:
- Những ý nghĩa học viên đã trả lời góp ý làm sáng tỏ câu hỏi “trong môi trường sống chúng ta phải đối xử như thế nào” rất hay, ...
(giảng viên xưng pháp danh) xin ghi nhận những ý kiến ấy và góp ý để chúng ta cùng nhau tu học.
Trả lời câu hỏi 8:
Trong môi trường sống chúng ta phải đối xử với nhau bằng đức hiếu sinh, bằng tình thương yêu rộng lớn như trời, như biển, lúc nào cũng chỉ biết có yêu thương như mẹ thương con, như tình thương của ông Phú Lâu Na không lấy gì so sánh được. Ông Phú Lâu Na là một vị đại đệ tử của đức Phật, một bậc A La Hán.
Lòng yêu thương của chúng ta là một phương pháp xả tâm tuyệt vời, nếu người nào luôn luôn sống với đức hiếu sinh thì không có một ác pháp nào làm động tâm được. Bởi vậy trong giới luật Phật thì giới không nên giết hại chúng sinh là giới thứ nhất. Đó là dạy chúng ta đức hiếu sinh để chúng ta thoát khổ. Vì thế có thương yêu sự sống của muôn loài thì chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Nhờ lòng thương yêu chúng ta thoát khổ, chính là chúng ta thoát khỏi tất cả tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình.
Nhờ lòng thương yêu chúng ta chứng thánh quả A La Hán vô lậu; nhờ lòng thương yêu chúng ta ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp; nhờ lòng thương yêu chúng ta ly dục, ly ác pháp hoàn toàn; nhờ lòng thương yêu chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh; nhờ lòng thương yêu chúng ta nhập Tứ Thánh Định; nhờ lòng thương yêu chúng ta có Tứ Thần Túc và thực hiện được Tam Minh không có khó khăn, không có mệt nhọc.
Bởi vậy đức hiếu sinh rất tuyệt vời, chúng ta chỉ cần triển khai, rèn luyện và học tập để lúc nào cũng trưởng dưỡng nó; để lúc nào nó trưởng thành, nó là chúng ta, chúng ta là nó thì thế gian này là Niết Bàn, là Cực Lạc.
Nhờ đó không còn một ác pháp nào và một người nào làm động tâm chúng ta được nữa.
Chính nó là thiền định của Phật giáo.