Chỉ có LÒNG YÊU THƯƠNG là duy nhất trên đời này, nó đem lại sự bình an cho mình cho người như trên đã nói. Cậu bé Rôbetti dám liều mình hy sinh để cứu người khác một cách gan dạ, vì cứu một em bé mà bàn chân cậu bị bánh xe nghiền nát, nhưng tinh thần YÊU THƯƠNG của cậu cao thượng tuyệt vời, không thể lấy vật gì so sánh với sự hy sinh cao cả ấy.
“Năm học đã bắt đầu bằng một tai họa. Sáng nay, trên đường đi học, tôi đang kể lại cho bố nghe những lời nói chân thành của thầy Pec-bô-ni, thì bỗng thấy đường phố đông nghịt những người. Họ dừng lại trước cổng trường thị xã. Bố kêu lên:
- Chắc đã xảy ra tai nạn gì rồi!
Chúng tôi phải len vào trường một cách rất khó khăn. Căn phòng lớn chật ních bố mẹ học sinh, và cả học sinh mà các thầy giáo không tài nào cho vào lớp được. Tất cả mọi người đều nhìn về phía cửa phòng thầy hiệu trưởng, và có người nói: “Tội nghiệp cậu bé! Tội nghiệp Rô-bet-ti!”. Ở tít đằng cuối phòng lớn, người ta thấy nhô lên trên đám đông cái mũ của một người cảnh vệ thị xã và cái đầu hói của thầy hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đi vào, và người ta thì thầm: “Kìa, bác sĩ”.
Bố tôi hỏi một thầy giáo: “Việc gì vậy, thưa thầy?”.
Thầy giáo trả lời: “Xe đè lên chân cậu ấy”.
Một người khác tiếp lời: “Và đã nghiến nát bàn chân cậu ta”.
Người bị nạn là một học sinh lớp hai. Cậu ta đang đi ở đường phố Đô-ra Grôt-xa để đến trường, thì thấy một em bé lớp sơ đẳng tuột khỏi tay mẹ và ngã xuống trước một chiếc xe chở khách đang chạy, chỉ cách xe có một bước. Lập tức cậu ta dũng cảm lao đến cứu em bé, bế xốc em dậy. Không may bánh xe đè lên chân cậu bé quả cảm. Cậu ta là con trai ông đại úy pháo binh. Câu chuyện người ta kể cho chúng tôi đến đó thì một người đàn bà hốt hoảng, rẽ đám đông đâm bổ vào trong phòng. Đó là mẹ của Rô-bet-ti, mà người ta vừa báo cho biết. Một người khác, mẹ của em bé được cứu sống, chạy lại ôm choàng lấy cổ bà mẹ Rô-bet-ti mà khóc nức nở, và dìu bà vào trong phòng thầy hiệu trưởng. Ở bên ngoài chúng tôi nghe tiếng kêu thất vọng của bà Rô-bet-ti: “Ôi, Giu-li-ô của mẹ, con yêu dấu của mẹ!”. Một lát sau, một chiếc xe đỗ trước cổng và thầy hiệu trưởng đi ra, bế cậu bé bị thương trên tay. Cậu bé đáng thương, mặt tái nhợt, mắt nửa nhắm nửa mở, đầu tựa lên vai thầy hiệu trưởng. Thấy cậu, mọi người đều im lặng. Người ta chỉ còn nghe tiếng nấc cố nén của bà Rô-bet-ti. Thầy hiệu trưởng dừng lại một chốc trong phòng, nâng cậu Rô-bet-ti lên, như để cho mọi người trông thấy cậu.
Tức thì, thầy giáo, cô giáo, bố mẹ học sinh và học sinh, tất cả đều nói to:
“Rôbetti dũng cảm! Cậu bé dũng cảm và đáng thương!”.
Người ta gởi đến cậu những cái hôn; các cô giáo và học sinh đứng gần thì hôn hai bàn tay bé nhỏ bất động của cậu. Cậu mở mắt ra và thì thầm hỏi: “Cặp sách của cháu đâu rồi?”. Bà mẹ của em bé được cứu sống vừa đưa chiếc cặp ra nói. “Đây, chính bác giữ đây, cháu yêu dấu của bác ạ!” Nghe con đã nói được, bà Rô-bet-ti mỉm cười. Mọi người đều đi ra. Cậu bé bị thương được đặt nằm cẩn thận trong xe, người ta quất roi cho ngựa chạy. Và tất cả chúng tôi vào lớp học, lặng lẽ và xúc động.”
Những tấm lòng cao cả.
Một em bé cứu một em bé thoát chết trong gan tấc trước mắt mọi người mà không ai kịp phản ứng gì cả, nếu không có em nhanh chân thì em bé sẽ ra sao? Một bàn chân của em đổi lấy mạng sống của em bé thật là cao cả. Đọc đến đây ai cũng phải xúc cảm rơi nước mắt và chấp nhận lòng hào hiệp cao thượng của cậu bé biết cứu người dù phải hy sinh thân mạng. Đó làđđcậu bé Robetti biết đem LÒNG YÊU THƯƠNG đến với em bé và chắc chắn sẽ đến với mọi người.