Muốn diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi để đạt được tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự thì phải tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM. Pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn diệt các chướng ngại pháp tuyệt vời, nhưng tu tập phải biến nó trở thành căn cứ địa, còn nếu không được vậy thì sẽ gặp nhiều tai họa trên đường tu tập.
Pháp môn THÂN HÀNH NIỆM được lập thành như cỗ xe, khi xe chạy thì không có một vật gì cản trở nó được, nếu có một chướng ngại pháp nào cản lối thì xe THÂN HÀNH NIỆM sẽ cán nát không một vật gì mà nó không cán được. Cho nên người tu tập pháp môn THÂN HÀNH NIỆM là tu tập pháp môn để diệt trừ tâm dục và các ác pháp khiến cho thân tâm thanh tịnh. Vì thế đức Phật gọi là MA VƯƠNG không có cơ hội và không có duyên với vị ấy. Do Ma VƯƠNG không có duyên và không có cơ hội với vị ấy, nên thân tâm vị ấy bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ đó mới chứng tâm VÔ LẬU. Vậy muốn hiểu rõ điều này chúng ta hãy nghe đức Phật dạy:
“Này các tỳ-kheo, vị nào có tu tập THÂN HÀNH NIỆM, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội với vị ấy, Ma (vương) không có duyên với vị ấy. Ví như, này các tỳ-kheo, có người quăng một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây. Này các tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Trái banh dây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
2- Cũng vậy, này các tỳ-kheo, đối với vị nào có tu tập THÂN HÀNH NIỆM, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như, này các tỳ-kheo, một cây ướt có nhựa, rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: “Tôi sẽ làm cho lửa sinh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên”. Này các tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
3- Cũng vậy, này các tỳ-kheo, đối với vị nào có tu tập THÂN HÀNH NIỆM, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như, này các tỳ-kheo, một bình nước đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có người đi đến, mang theo đầy nước. Này các tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ được nước vào (bình ấy) không?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này các tỳ-kheo, đối với vị nào tu tập THÂN HÀNH NIỆM, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội đối với người ấy, Ma (vương) không có cơ duyên đối với người ấy”.
Đúng vậy một người tu pháp môn THÂN HÀNH NIỆM thì không có một ác pháp nào hay một tâm dục nào xen vào thân tâm họ được, nếu tu đúng pháp, còn nếu tu sai pháp tức là tu tập không kiên cố thì tất cả các cảm thọ sẽ tấn công tới tấp chỉ còn nước xin đi bác sĩ hay đi bệnh viện.
Tu tập theo Phật giáo mà còn đi bác sĩ, bệnh viện, đó là những người không có gan dạ, nhút nhát sợ chết, ý chí như vậy rất tệ.
Những người hèn yếu như vậy xin đừng tu theo Phật giáo. Phật giáo chỉ giành cho những trượng phu chớ không thể để cho những người phàm phu tục tử tham sống sợ chết. Những hạng người này nên sống chờ VÔ THƯỜNG đến mời đi là tốt nhất, chớ đừng mong làm chủ nó.
Làm chủ giặc sinh tử là phải những người quân tử chớ những người tiểu nhân thì xin đừng nên theo Phật giáo tu hành, vì theo Phật giáo tu hành thì làm mất uy tín Phật giáo.