Sau thời gian tu tập TỨ CHÁNH CẦN, đức Phật cảm nhận thân tâm mình tham, sân, si giảm bớt thấy rất rõ ràng, và trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự rõ ràng hơn, và mỗi ngày đức Phật càng tăng thêm thời gian dài ra trạng thái đó. Lúc bấy giờ đức Phật thấy tâm mình rất lạ lùng là luôn luôn cảm nhận toàn thân tâm của mình trong hơi thở ra và hơi thở vào từ canh này sang canh khác, không có một niệm nào xen vào; không một ác pháp nào khởi ra được, nhất là các ác pháp bên ngoài không tác động vào được thân tâm. Do trạng thái này đức Phật không còn phải ngăn, diệt dục và ác pháp như trong pháp môn tu tập TỨ CHÁNH CẦN.
Khi tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN thì niệm dục và niệm ác pháp khởi liên tục, còn bây giờ thì khác xa, tâm không có một niệm ác hay dục khởi lên một cách rất tự nhiên, chớ không phải còn gò bó ra công tu tập như ngày xưa nữa.
Với cách quán xét thân, thọ, tâm, pháp này, từ ngày này sang ngày khác chỉ duy nhất có một cảm nhận quán xét trên toàn thân. Khi trạng thái này xuất hiện thì sự tu tập tâm bất động của đức Phật rất dễ dàng và thoái mái.
Suốt thời gian còn lại, hơn 7 ngày trong 49 ngày tu tập dưới cội bồ đề, đức Phật thấy rất rõ tâm mình có một cảm nhận trên thân quán thân như vậy, không có một tâm niệm nào khác nữa. Trong suốt 7 ngày đêm mà đức Phật tưởng chừng như trong một thời gian rất ngắn hơn một phút. Ở trạng thái tâm này kéo dài cho đến khi tâm VÔ LẬU hoàn toàn. Nhờ tâm VÔ LẬU hoàn toàn nên mới có đầy đủ TỨ THẦN TÚC. Đó là lúc chứng đạo giải thoát.
Từ trạng thái tu tập tâm này đức Phật mới đặt cho nó một cái tên đúng nghĩa quán bốn chỗ của nó là “TỨ NIỆM XỨ”.
Bởi vậy pháp môn TỨ NIỆM XỨ chỉ có đạo Phật mới có, còn tất cả các tôn giáo khác đều không có pháp môn này. Tại sao lại gọi là TỨ NIỆM XỨ?
TỨ NIỆM XỨ có nghĩa là bốn nơi dùng để quán xét, nó gồm có:
1- THÂN là phần cơ thể: đầu, mình, hai tay và hai chân.
2- THỌ là các cảm thọ của thân và tâm.
3- TÂM là phần sáu thức tiếp xúc sáu trần.
4- PHÁP là thân, thọ, tâm và sáu trần đang xung quanh chúng ta.
Trong bốn nơi này chỉ cần quán xét một nơi là quán xét tất cả bốn nơi. Cho nên, mới gọi là TỨ NIỆM XỨ.
TỨ NIỆM XỨ là một phương pháp tu tập lớp thứ bảy, tức là lớp Chánh Niệm trong BÁT CHÁNH ĐẠO. Lớp thứ bảy là lớp tu chứng đạo của Phật giáo. Ngoài pháp môn TỨ NIỆM XỨ thì không có pháp nào tu chứng đạo giải thoát được.
Ngoại đạo không bao giờ có pháp môn TỨ NIỆM XỨ cho nên ngoại đạo không có ai tu chứng đạo giải thoát. Nhờ có pháp môn TỨ NIỆM XỨ nên ngoại đạo không thể lừa dối phật tử, lấy pháp môn của mình cho là pháp môn của Phật được.
Trước khi nhập diệt Ngài đã di chúc: “Sau khi Ta nhập diệt các vị tỳ kheo hãy lấy GIỚI LUẬT và GIÁO PHÁP của Ta mà làm THẦY”. Giáo pháp mà đức Phật đã di chúc ở đây là pháp môn “TỨ NIỆM XỨ”.