Kính thưa quý Phật tử! Chúng tôi là những hành giả, nhà tu hành, chứ không phải là học giả, nhà nghiên cứu, cho nên khi nói về Phật giáo là nói về kinh nghiệm tu tập của mình, còn nhà học giả khi nói về Phật giáo là nói về sự nghiên cứu của mình.
Những gì chúng tôi đã nói ở trên là những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi mà quý Phật tử đã được đọc. Vậy bây giờ chúng tôi xin mời quý Phật tử hãy đọc lời nói của Hòa Thượng Minh Châu, một học giả Phật Giáo Việt Nam danh tiếng nhất trong thời đại này. Ngài là người đầu tiên dịch tạng kinh Pàli ra ngôn ngữ Việt Nam.
Trong tập sách“Chánh Pháp và Hạnh Phúc” của Hòa Thượng Minh Châu được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo cho phép in ấn và nộp lưu chiểu tháng 6 năm 2001.
Đây Hòa Thượng Minh Châu viết:“Khi chúng tôi bắt đầu dịch kinh Pàli ra tiếng Việt, có người bảo là một phận sự thuần chất tôn giáo, không dính gì Đại học. Có người khắt khe hơn lại chỉ trích: “Đang làm viện trưởng một viện Đại học mà dịch kinh là sẽ có hại cho trách nhiệm điều khiển một Đại học”. Chúng tôi muốn chứng minh rằng dịch kinh như chúng tôi đang làm cũng là một dịch vụ Đại học, không những không có xung khắc mâu thuẫn, mà chính tiêu biễu tốt đẹp cho thâu hóa kiến thức và văn hóa nhân loại, và phát huy tinh thần cầu tiến, nghiên cứu sáng tạo của Đại học.
Trước hết, dịch kinh như là một phận sự chính của những vị tu hành đi qua Ấn Độ tu học. Như ngài Pháp Hiển người Trung hoa, đi qua Ấn Độ và Tích Lan vào thế kỷ thứ tư để lại một số dịch phẩm quan trọng có thể dịch từ chữ Sanskrit, Prakrit, Pàli qua chữ Hán. Ngài Huyền Trang, một nhà chiêm bái Trung Hoa thế kỷ thứ 7, đã du học trên 17 năm, và khi về nước đã dịch tất cả là 77 bộ kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán. Rồi đến ngài Nghĩa Tịnh người Trung Hoa vào thế kỷ thứ 8 cũng đi qua du học tại Ấn Độ với một nhà sư Việt Nam, ngài Đại Thặng Đăng và khi về dịch từ tiếng Phạn qua chữ Hán. Còn các vị sư Ấn Độ qua Việt Nam và qua Trung Hoa cũng dịch kinh từ tiếng Phạn qua tiếng Trung Hoa, và những bậc dịch sư có danh tiếng như ngài Sanghadeva (Tăng già đề bà), đã dịch tập Trung A Hàm. Ngài Cưu Ma La Thập đã dịch tập Ma ha bát nhã, Diệu pháp liên hoa vv...
Chính công trình của quý vị dịch sư này đã xây dựng nên Tam Tạng Kinh Trung Hoa, một dịch Tạng phong phú nhất trong các dịch Tạng. Thật sự vấn đề dịch kinh điển là một công trình văn hóa hơn là một công trình tôn giáo, và ba tạng giáo điển Phật giáo không những phong phú nhất về lượng và cũng dồi dào nhất về những uyên thâm triết lí và tinh vi nhất về những phương pháp tu hành. Những danh từ “Dhammacakkam pavatteti” (chuyển pháp luân) “Dhammam deseti” (thuyết pháp) mang nặng tính cách trao truyền chân lý, truyền thừa pháp môn và vì vậy phiên dịch kinh điển là một dịch vụ thuần túy văn hóa và rất phù hợp với công tác Đại học.
Khi chúng tôi dịch từ tiếng Pàli ra tiếng Việt là chúng tôi muốn giới thiệu ba Tạng Pàli cho các Phật tử và học giả Việt Nam, một Tam Tạng kinh điển rất phong phú, rất gần với lời dạy nguyên thủy của đức Phật, lại được phổ biến rất rộng rãi khắp năm châu, qua công trình dịch thuật của hội Pàli Text Society, London. Chúng tôi lại đặc biệt dịch kinh Tạng, là một trong ba Tạng được xem là ghi chép trung thành và thuần túy nhất những lời dạy nguyên thủy của đức Phật. Từ trước cho đến nay, tuy có một số kinh điển được dịch từ chữ Pàli ra tiếng Việt, nhưng phần lớn là trích dịch, và các kinh được dịch phần lớn dù để tụng đọc trong các nghi lễ nên có tính cách tôn giáo nhiều hơn, ở nơi đây chúng tôi cố gắng dịch trọn vẹn, không bỏ qua một kinh nào, và dịch có in nguyên bản Pàli đối chiếu với dụng ý để người học có thể tự mình tìm hiểu nguyên nghĩa của từng chữ, từng câu, khỏi rơi vào những giải thích hay lệch lạc của người dịch. Kinh Pàli được bắt đầu giới thiệu cho người Việt Nam và người Việt Nam lần đầu tiên được đọc thẳng kinh tạng Pàli bằng tiếng Việt có nguyên bản Pàli đối chiếu. Không những chúng tôi giới thiệu kinh tạng Pàli cho các Phật tử và học giả Việt Nam tụng đọc, chúng tôi còn cống hiến cho các học giả Việt Nam những tài liệu nghiên cứu và tham khảo để viết những tham luận về Phật giáo. Từ trước các học giả có viết về Phật giáo chỉ có thể trích dẫn các sách do các người ngoại quốc viết về Phật giáo, khó có thể tham chiếu từ tạng Pàli hay tạng Hán, và như vậy có thể hiểu lầm và sai lạc. Nay các học giả có thể trích dẫn nơi bản dịch từ văn Pàli ra tiếng Việt của chúng tôi, lại có thêm nguyên văn Pàli đối chiếu. Như vậy sự trích dẫn được chính xác và khỏi lệch lạc.
Khi chúng tôi giới thiệu kinh tạng Pàli với các bản dịch năm bộ Nikàya (Trường bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tăng Nhất Bộ kinh, Tiểu Bộ Kinh)), chúng tôi gián tiếp giới thiệu bốn bộ A Hàm là Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và vô số kinh tương đương khác thuộc nhiều học pháp khác mà từ trước đến nay, rất ít người tham khảo. Trường A hàm được Hoà Thượng Thích Thiện Siêu dịch ra Việt văn nhưng không được đầy đủ. Trung A Hàm được Hoà Thượng Thích Thanh Từ và Đại Đức Tuệ Sĩ dịch ra Việt văn nhưng chỉ dịch một số kinh và cũng chưa in thành sách. Bản chữ Hán tuy có học tại các Phật học Viện, nhưng cũng chỉ trích học. Bản chữ Hán được dịch vào thế kỷ thứ 2 sau kỷ nguyên nên rất xưa và khó hiểu và ít được có người tham khảo. Chúng tôi xin kể sơ một ít danh từ được ngài Sanghade đã dịch từ tập Màdhỳamàgama (Trung A Hàm) ra chữ Hán. Như chữ Vedanà dịch là giác, sau dịch là thọ. Savitakka, Savicàra, Ngài dịch là hữu giác, hữu quán, về sau dịch là hữu tầm, hữu tứ. Phassa, Ngài dịch là cánh lạc, về sau dịch là xúc. Chúng tôi hy vọng sau bản Pàli được trích dịch thời nhiều đoạn A Hàm, tương đương được sáng nghĩa hơn, và sẽ có nhiều vị tiếp tục dịch các bộ A Hàm một cách trọn vẹn và đầy đủ, bốn bộ A Hàm và một số rất nhiều bài kinh chưa được phân loại là những tài liệu rất quý giá đề cập đến các học phái, mà nay hình như chỉ có ông André Bareau người Pháp nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng trong một thời gian gần đây sẽ có một số học giả nghiên cứu đến những tài liệu này và sẽ khám phá rất nhiều tài liệu Phật giáo mới lạ và hy hữu. Cho nên khi dịch các tài liệu Pàli, chúng tôi hy vọng mở đường cho nhiều nghiên cứu khác đặt nặng vào bốn bộ A Hàm và các kinh điển khác rãi rác trong Tam Tạng Pàli. Chúng tôi gián tiếp giới thiệu kinh Tạng A Hàm và tương đương, và sự đóng góp này mang nặng tính chất vừa văn hóa, vừa Đại học.
Cho dịch và cho in các bản kinh Pàli, chúng tôi không mong muốn gì hơn là để các Phật tử, các học giả, các sinh viên được đọc thẳng vào kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, và sự tự mình tìm hiểu những lời dạy thật sự của đức Phật, khỏi phải qua những lập trường của các bộ phái. Nhất là khỏi phải qua những xuyên tạc của những học giả và những Phật tử muốn giải thích đạo Phật theo dục vọng và tà kiến của mình. Muốn chạy theo dục vọng, thì giải thích kinh điển một cách dễ hiểu rằng đạo Phật chấp nhận và tha thứ dục vọng. Muốn giết người và muốn bênh vực kẻ giết người, đạo Phật được giải thích như là có thể tha thứ và chấp nhận sự giết người. Muốn chạy theo tà giáo và tà kiến, lại giải thích đạo Phật viên dung vô ngại, chấp nhận mọi tà kiến, mọi tà thuyết. Tà kiến nào, tà thuyết nào cũng là Phật giáo được hết! Muốn tránh những tai nạn trên, cần nhất là phổ biến những kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để Phật tử được đọc thẳng ngay kinh Phật, khỏi qua một ống kính màu nào. Đạo Phậtcần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu, rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình. Chính kinh Đại Bát Niết Bàn, trang 124- 126, tập III có ghi rằng, dù chúng ta có nghe vị Tỳ kheo nào nói tự thân nghe đức Phật, tự thân nghe các vị Thượng Tọa, Thủ chúng vv... nói như vậy là pháp, như vậy là luật, đức Phật khuyên cũng không được tán thán, đã kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải so sánh với kinh, đối chiếu với luật, có phù hợp mới được chấp nhận, không phù hợp thời phải từ bỏ. Đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu suy tư cá nhân rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận xét, tìm hiểu suy tư. Khi chúng ta được đọc những lời dạy nguyên thủy nhất hay gần nguyên thủy nhất của đức Phật.
Chúng tôi dịch kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu. Những kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dù Ấn Độ, Trung Hoa, hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sao khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ. Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt, Đạo của người thấy, của người biết (Passato Ajànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.
Thật sự chúng tôi chỉ mong rằng quý vị đọc thật kỹ và suy tư thật chín chắn, những đoạn mà chúng tôi phiên dịch rồi quý vị hãy tự hỏi, những đoạn ấy có phải là những đoạn “Tiểu thừa” dành riêng cho những vị có tiểu tâm, chỉ tư lợi không biết vị tha, chỉ biết tự giác không biết giác tha. Như chúng tôi đã phân tích trong lời giới thiệu bản dịch tập “Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa” chúng ta đừng có mắc bẫy các vị Bà La Môn Ấn Độ giáo tìm cách gán cho chữ“Tiểu thừa” để loại ra ngoài những lời Phật dạy căn bản, như một số Phật tử Đại thừa đã bị mê hoặc, không dám đọc những lời Phật, vì bị gán nhãn hiệu Tiểu thừa. Bên phái Nam tông, tuy tôn thờ Tam Tạng Pàli, nhưng một số Phật tử cũng rơi vào nạn tương tự, là chỉ học luật tạng và A Ty Đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pàli, vì xem A Ty Đàm tạng mới đề cập đến Đệ Nhất Nghĩa Đế, còn kinh tạng chỉ bàn đến Tục Đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A Ty Đàm phát xuất từ kinh tạng, và bỏ để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá. Thật sự đạo Phật đâu có phân biệt Tiểu thừa và Đại Thừa, đâu có chia đôi Chân đế Tục đế. Những sự phân chia này chỉ là hậu tác phẩm, hoặc của giáo sĩ Bà la Môn mang danh Phật tử muốn loại bỏ những gì tinh túy nhất của đạo Phật không cho Phật tử học và tu, hay của một số đệ tử Phật muốn làm Tổ sư một giáo phái, nên đề xướng các chủ thuyết lấn át những lời dạy nguyên thủy của đức Phật.
Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm tìm đọc và tìm hiểu những lời dạy thật sự là những lời dạy của đức Phật, và vì trách nhiệm ấy mà chúng tôi đang cố gắng phiên dịch kinh tạng Pàli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chín chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn Sư chúng ta.
Đây là sự đóng góp của Viện Đại Học Vạn Hạnh vào nền văn hóa Phật giáo bằng cách giới thiệu một cách đầy đủ và trung thực những tài liệu tiếng Việt quý báu nhất về kinh tạng Pàli, vừa cho các Phật tử tìm hiểu, thực hành và thực chứng, vừa giúp các học giả Phật giáo có những tài liệu tham khảo khá đầy đủ và trung thực. Viện Đại Học Vạn Hạnh là môi trường đầu tiên nếu không phải là độc nhất, đã cố gắng giới thiệu kinh tạng Pàli cho Phật tử Việt Nam, học giả Việt Nam, dân chúng Việt Nam. Viện Đại Học Vạn Hạnh cũng đi tiên phong mở đường cho một cao trào nghiên cứu đi thẳng vào lời dạy nguyên thủy của đức Phật, khỏi bị những lệch lạc của học phái hay của Bà La Môn giáo. Điều quan trọng hơn nữa, Viện Đại Học Vạn Hạnh khuyến khích các học giả và các Phật tử, tự mình mở mắt tìm hiểu, suy tư đối chiếu, không có nhắm mắt tin theo, không có thụ động chấp nhận, trái lại phải biết thâu hóa, so sánh, để làm sáng tỏ những lời dạy nguyên thủy của đức Phật”.
Kính thưa quý Phật tử! Khi đọc xong tiếng nói của Hoà Thượng Thích Minh Châu, một vị Hoà Thượng đáng tôn kính nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay, Người đã dám chỉ thẳng nói cái sai của Phật giáo hiện giờ để cảnh giác mọi người thì quý Phật tử hãy tự suy ngẫm rồi chọn cho mình một con đường đúng chánh pháp của Phật, để xây dựng cho mình một đời sống đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình khổ người. Đó là điều ước nguyện của chúng tôi biên soạn tập sách này. Mong sao mọi người trên hành tinh này sẽ sống và sống được như vậy thì chúng tôi mãn nguyện.
Điều ước nguyện cuối cùng của chúng tôi là mọi người nên sống cho chính mình. Vậy sống cho chính mình là sống như thế nào?
Sống cho chính mình là sống có phương pháp hẳn hoi. Hằng ngày phải sống với tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, muốn sống được với tâm này thì phải dùng phương pháp tác ý. Tóm lại cách thức tu tập hằng ngày như sau:
Khi chúng ta đi, đứng, nằm hay ngồi đều nên tác ý giữ gìn tâm BẤT ĐỘNG.
- Thứ nhất phải nhận ra tâm Tỉnh Thức hoàn toàn, không có hôn trầm, thùy miên, vô ký.
- Thứ hai phải nhận ra được tâm Bất Động.
- Thứ ba phải thiện xảo trong pháp như lý tác ý.
Đến đây chúng tôi xin chấm dứt buổi nói chuyện hôm nay, gửi lời thăm và chúc cả gia đình của quí vị sức khỏe dồi dào, thân tâm thường vui vẻ.
HẾT