Rời khỏi Chân Không

Thường thì ít ai biết chịu thua vọng tưởng, nhưng khi nó mời gọi những ý kiến hấp dẫn thì khó tránh khỏi vòng tay của nó.

Vì thế, THẦY THIỆN NĂNG và THIỆN ẤN bất ngờ đến rủ THẦY THÔNG LẠC rời CHÂN KHÔNG ra đi giáo hoá sau ba tháng vẻn vẹn học thiền, qua những bài kinh BÁT NHÃ, cuốn NGUỒN THIỀN, Thiền Quang Sách Tấn, Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng và kinh Lăng Già Tâm Ấn.

Thầy Thông Lạc không chấp nhận ý kiến phóng dật chạy theo ngũ dục lạc (đi chu du chơi), mà lại mượn danh từ HÀNH ĐẠO để lừa mình, lừa người thật là tội lỗi vô cùng. Thầy Thông Lạc thẳng thắn nói theo tâm nguyện của mình:

“Tôi đã hứa với Sư phụ: là sẽ ở đây  học thiền suốt ba năm. Đâu lẽ bây giờ lại ra đi thì lời hứa kia còn ra gì? Xin quý Thầy cứ đi, Thông Lạc xin ở lại đây tu học đến khi nào chứng đạo mới thôi”.

THẦY THIỆN ẤN nói khích:

- Tôi biết mà - Thầy muốn ở lại để được khen là đại tinh tấn chứ gì.

Như một ngón nhất dương, chỉ điểm đúng vào yếu huyệt sợ danh dự của thầy THÔNG LẠC.

Sau một đêm suy tư không ngủ, nước mắt thầy THÔNG LẠC tràn trề. Ở thì không được vì lời nói của Thầy THIỆN ẤN quá cay độc, còn đi thì thương Thầy (HT THANH TỪ) và thân phận tu hành của mình, không biết rồi sẽ ra sao? Đi về đâu?

Đối với Hòa Thượng THANH TỪ thì Thầy trò mới gặp nhau trong ba tháng an cư năm 1970 mà tình nghĩa rất sâu đậm.

Sáng hôm sau THẦY THÔNG LẠC  trả lời đồng ý ra đi.

 Sự ra đi đột ngột ấy làm sao thầy THÔNG LẠC quên được tình nghĩa Thầy trò. Những buổi ngồi thiền chung với chúng trong thiền đường, Hòa Thượng cầm thiền bản đi tới đi lui tuần thiền, để xem xét và kiểm tra cách thức chúng ngồi thiền. Trong khi ấy thầy THÔNG LẠC ngồi thiền đau chân lắm, Hòa Thượng biết được sự đau đớn này nên lấy bàn tay để nhẹ sau lưng của thầy THÔNG LẠC. Khi bàn tay Hòa Thượng đặt vào sau lưng, thì thầy THÔNG LẠC cảm thấy mát lạnh, sự đau đớn ấy giảm đi rất nhiều. Tình thương bằng hành động ấy làm sao thầy THÔNG LẠC quên được; làm sao Thầy THÔNG LẠC không khóc. Lời nói cay nghiệt của Thầy Thiện Ấn bắt buộc thầy Thông Lạc phải ra đi, phải rời Hòa Thượng, một vị Thầy mà trên đời này khó tìm được, tình thương của Hòa Thượng THANH TỪ như vậy thì lòng dạ nào không đau sót; thì lòng dạ nào không tan nát. Phải không các bạn? Thầy THÔNG LẠC khóc nhiều lắm nhưng có ai biết đâu. Cho nên tối hôm đó ba người đến đảnh lễ Hòa Thượng để sáng sớm hôm sau ra đi, thầy THÔNG LẠC khóc nức nở nghẹn ngào. Hòa Thượng cũng không nói được lời nào, chỉ nhìn những người học trò thân thương của mình quá dại dột:

Hòa Thượng nhẹ nhàng nói qua hơi thở như một lời trách móc:

-          Thầy sợ mấy chú nông nổi.

Hòa thượng chỉ nói được những lời ấy thôi, rồi im lặng. Trong bầu không khí vắng ngắt, không một tiếng động, trong sự chia lìa thương đau trước cảnh kẻ ở, người đi, thật là đau buồn tê tái, đứt từng đoạn ruột, nói làm sao hết nỗi thương đau này. Các bạn có biết không? Có cảm nhận được sự chia ly đau buồn này không?

 Trong tu viện chỉ có 10 huynh đệ mà bây giờ đi mất ba người làm sao mà không buồn, không rơi nước mắt được.