5- An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra. Đây là một đề mục rất quan trọng trong sự tu tập mà đức Phật thường nhắc nhở: “Nhiếp tâm và an trú tâm”. Từ đề mục thứ nhất đến đề mục thứ tư là những đề mục nhiếp tâm, còn đề mục thứ năm này là đề mục an trú tâm, chứ không còn là đề mục nhiếp tâm nữa. Đề mục này rất quan trọng và lợi ích to lớn trong việc đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và pháp. Đề mục này tu xong cũng giống như người lính đánh trận có chiến hào, vì thế tất cả cảm thọ không thể tấn công được. Đây là phương pháp làm chủ bệnh mà Tứ Niệm Xứ thường dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu”. “Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu”. “Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu”. “Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. Quý Phật tử nên lưu ý đề mục này nó rất quan trọng trong sự tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
“An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đề mục này tu tập an trú tâm vào hơi thở để diệt trừ các bệnh khổ. Khi thân có bệnh thì nó là nơi núp ẩn để chiến đấu với giặc bệnh, tử. Cho nên, “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” vừa nương vào hơi thở. Hơi thở thứ nhất biết thân mình đang an ổn; hơi thở thứ hai cũng vậy; hơi thở thứ ba, thứ tư, thứ năm, cũng vậy. Nhắc câu tác ý lại một lần nữa, rồi từng hơi thở kĩ lưỡng nương vào mà cảm nhận thân an ổn. Chưa an ổn thì tiếp tục nương nó nữa, cảm nhận nữa, cứ 5 hơi thở tác ý.
An tịnh là mục đích phải đạt được của đề mục thứ 5 Định Niệm Hơi Thở trong 30 phút khi quý Phật tử hít thở như vậy. Lúc đầu tâm quý Phật tử phải có thời gian để nương vào được trong hơi thở thì tướng an tịnh mới hiện ra. Bây giờ tập luyện được 20 phút thì bỗng thấy tướng an tịnh hiện ra thật sự. Đó là có kết quả. Quý Phật tử cứ tiếp tục tập luyện riết trong những thời khóa khác thì chỉ sau 5 hơi thở là nó đã hiện ra rồi, thời gian được thu ngắn lại.
Có khi vừa mới vào tập luyện, quý Phật tử mới nhắc “Tâm phải bám chặt vào hơi thở nghe! Thân phải an tịnh nghe, không được mất an tịnh!”, nhắc như vậy rồi quý vị tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, chỉ mới 5 hơi thở thôi thì đã thấy tướng trạng an tịnh hiện ra rồi. Được nhanh vậy là nhờ khi quý vị ngồi chơi mà xả tâm nên quý Phật tử đã được tâm an tịnh rồi, vì thế vừa vào tập luyện quý Phật tử chỉ mới nhắc là nó hiện ra ngay.
“An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Là đề mục làm cho xuất hiện tướng trạng thân an tịnh để đẩy lui bệnh khổ.
“An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, quý Phật tử chỉ nương vào hơi thở mà tác ý như vậy, chỉ cần ngồi rồi nhắc như vậy thôi mà tướng trạng đó hiện ra, toàn thân của mình an ổn vô cùng, không có cái gì làm cho thân đau được, làm cho bất an được. Khi hít vô thì cảm nhận thân an, không bị động đậy, không bị rung động thì đó là thân an; khi thở ra thì thấy tâm mình không niệm, không niệm là yên tịnh. Cứ hai trạng thái đó mà cảm nhận thôi.
Từ từ hai trạng thái an ổn đó lớn dần lên theo pháp hướng tâm tác ý. Và suốt trong khoảng thời gian từ 5 hay 10 phút mà tâm nhiếp thì trạng thái an ổn đó lớn dần lên. Nếu nhanh thì chỉ trong 4, 5 hơi thở sẽ hiện tướngtrạng thân an tịnh ra, đó là đúng rồi, được rồi. Còn khi tác ý đến 5, 10 lần nó mới hiện ra, đó là chậm, chưa được, quý Phật tử cần tập luyện nhiều nữa.
“An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Tập luyện đề mục này là chủ động trạng thái an tịnh toàn thân. Có như vậy mới làm chủ bệnh.
Quý Phật tử lưu ý: tập luyện đến đề mục thứ 5 là khi ta đã nhiếp phục được tâm trong hơi thở được rồi, có nghĩa là từ các đề mục 1 đến 4 ta đã đạt được 30 phút không niệm khởi. Lúc đó những tư niệm sẽ dẫn tâm của mình và hơi thở để chúng nhiếp vào với nhau. Lúc tập luyện đề mục 5 này ta sẽ có sự an ổn nhẹ nhẹ là đúng, chứ chưa phải sự an ổn nhiều; nếu có sự an ổn nhiều là sai, phải chấm dứt bằng tác ý bảo nó dừng lại “An ổn này hãy dừng lại. Ta chưa cho an ổn”. Mình phải nhắc, phải biết nhiếp phục trong hơi thở. Nếu không tác ý bảo ngưng thì sự an ổn này làm ta có một niệm khác hơn là niệm của thân hành trong hơi thở. Chỉ niệm thân hành trong hơi thở mới thật là niệm mục đích của đề mục 5.
Khi nhiếp tâm thì đã có sẵn cái an trú nên khi nhắc an trú, thì nó từ từ hiện ra do mình dẫn đi. Sau khi an trú rồi thì mình được giảm hôn trầm, tức là năng lượng đã được phục hồi. Trong một thời tập luyện được hoàn toàn an trú thì nghe trong thân sung mãn lắm, xả ra không thấy đói khát, không mệt mỏi, không buồn ngủ. Khi năng lực có rồi thì quý Phật tử phải bắt đầu dùng để li dục li ác pháp ở những đề mục 8, 9,... của Định Niệm Hơi Thở.
Nếu trong 5 phút mà quý Phật biết hơi thở vô ra nhẹ nhàng tự nhiên không thất niệm, không có tạp niệm là đủ điều kiện để thân an trú rồi. Quý Phật tử cần tập luyện nhiều đoạn 5 phút cho nó trọn vẹn; tập luyện cho đúng cách để có chất lượng.
Từ trước tới nay quý Phật tử cứ 5 hơi thở tác ý một lần, bây giờ tăng lên 10 hơi thở mới tác ý và xem thử trong thời gian 10 hơi thở có niệm nào xẹt vô không; rồi lần lần tăng lên cho tới 5 phút tác ý một lần. Phải lấy tiêu chuẩn 5 phút và bắt đầu lấy thời gian 10 hơi thở tác ý, rồi 20 hơi thở tác ý,... cho đến 40, 100 hơi thở tác ý. Cứ trong khoảng thời gian số hơi thở đó không thất niệm là đạt được của thời gian đó. Đến khi quý Phật tử đạt được kết quả của thời gian 5 phút không thất niệm là đã an trú được rồi, trạng thái an trú sẽ xuất hiện ngay. Rồi tăng dần tập luyện kéo dài tới 30 phút. Thế là thành công.
Nhưng coi chừng tăng quá sức sẽ bị hôn trầm. Phải tập luyện ở mức độ vừa sức cho thành thục, cho sung mãn năng lượng để khỏi bị hôn trầm vì mất sức.
Muốn được an trú lâu dài thì phải biết cách tập luyện để sự an trú kéo dài hơn. Phải xem trong khoảng thời gian nào được an trú, rồi khi nào thấy nó bắt đầu lui dần, lúc đó phải sử dụng pháp Như Lý Tác Ý nào đã được an trú khi vào để tác ý lại, không cho nó lui. Phải nhớ kĩ pháp mới tập luyện có kết quả, không nhớ kĩ thì không biết đường vào.
Trong khi tập luyện Định Niệm Hơi Thở nếu hôn trầm tới thì quý Phật tử đứng dậy đi nhưng vẫn tập hơi thở giống như khi đang ngồi. Tuy nhiên khi đó tâm quý Phật tử bị phân ra vừa biết hơi thở mà cũng vừa biết bước đi. Quý Phật tử phải tập như thế nào để tâm chỉ biết một hành động hơi thở thôi, chứ không để nó vừa biết bước đi mà cũng biết hơi thở.
Khi đứng dậy đi, quý Phật tử phải tác ý “Tâm phải biết hơi thở, không được biết bước đi!”, rồi mới tập trung vào hơi thở. Khi tập trung thì chỉ biết hơi thở vô ra, và nhìn ra ngoài là đúng, mà tâm thì vẫn gom ở nhân trung. Hãy nhìn tới trước trên đường đi kinh hành một khoảng độ 2 thước, nhưng tâm hoàn toàn tập trung vào hơi thở. Cứ mỗi lần thấy tâm bị phân ra vừa biết hơi thở, vừa biết bước chân đi thì nhắc câu tác ý để nó quay trở về với hơi thở.
Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn mà đức Phật trang bị cho ta để đẩy lui các chướng ngại pháp. Cho nên đề mục 5 “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” là cách đẩy lui chướng ngại của thân; đề mục 7 “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” là cách đẩy lui chướng ngại của tâm; còn đề mục 18 “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” là cách đẩy lui tâm si, đẩy lui sự buồn ngủ, đẩy lui trạng thái lười biếng.
Do đó, phải tập chuyên cần cho đến khi có kết quả thực sự của những đề mục này thì có lợi ích rất lớn cho con đường tập luyện.
Khi thân mình có cảm thọ khổ gì thì dùng đề mục thứ 5 tu tập đã kết quả thuần thục để đẩy lui. Thí dụ sắp có cái nhọt ở đây thì nó có những cảm giác báo động trước. Người tập luyện biết từ khi nó chỉ mới báo động. Ở giai đoạn này đẩy lui bệnh tật dễ lắm, chứ khi nó đã tập trung nặng nề thì khó khăn nhiều, có khi không đẩy lui được. Người tập luyện có cảm giác rất vi tế, trong thân sắp sửa có bệnh gì đó đang ủ, đang hình thành, 3, 4 ngày nữa mới phát ra, thì ngay bây giờ đã nhận ra được. Khi nhận ra được như vậy quý Phật tử dùng đề mục thứ 5 tác ý “An tịnhthân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” thì sau đó có lực đẩy chướng ngại pháp đó đi. Khi đó chưa phải là bệnh, chỉ mới mầm bệnh nên sử dụng pháp đẩy lui, được khỏi bệnh dễ dàng, do quý Phật tử đã biết ngừa trước rồi, cho nên sự đuổi bệnh nhẹ nhàng hơn, dễ hơn.