LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa quý vị! Sau khi Thọ Tam Quy và Ngũ Giới xong, thì quý vị mới được gọi là Phật tử. Phật tử có nghĩa là con của Phật, nhưng quý vị chỉ là những người con mới bước chân vào đạo Phật mà thôi, cho nên đức hạnh và giới luật chưa nghiêm chỉnh, vì thế quý vị còn rất ngỡ ngàng, xa lạ và chưa quen với cách sống đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo.

Nếu quý vị không được hướng dẫn kỹ lưỡng đúng theo đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả - không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai của đạo Phật, thì những người con Phật lại chưa xứng đáng là con của Phật, là đệ tử của Phật. Dù quý vị đã quy y rất lâu từ 5, 10 năm hoặc đến 60, 70 năm, cũng vẫn chưa thành những người con chính thức của Phật được. Tại sao vậy?

Vì quý vị biết đi chùa, cúng dường, lạy Phật, tụng kinh, bái sám, niệm Phật, ngồi thiền, nghe thuyết giảng kinh sách mà không biết giữ gìn giới luật, không biết sống đạo đức nhân bản – nhân quả làm người.

Thưa quý vị! Làm con của Phật, làm đệ tử của Phật là phải sống giống như Phật. Làm con của Phật, làm đệ tử của Phật mà sống không giống như Phật thì làm sao gọi là con Phật, là đệ tử Phật được. Phải không quý vị?

Vậy muốn sống giống như Phật thì phải học đạo đức. Cho nên khi Thọ Tam Quy thì liền phải Thọ Ngũ Giới tức là thọ 5 đức hạnh làm người. Nếu Thọ Tam Quy mà không Thọ Ngũ Giới thì không đúng quy cách đến với đạo Phật. Bởi Ngũ Giới xác định đúng quy cách hành động đạo đức sống như Phật. Cho nên Thọ Tam Quy thì phải Thọ Ngũ Giới một lượt để từ đó quý vị thay đổi sự sống thế gian bằng sự sống đức hạnh của Phật giáo. Cho nên năm đức hạnh (Ngũ Giới) đã xác định sự sống của người con Phật không giống như sự sống của người thế gian.

Ví dụ: Người thế gian sống ăn thực phẩm động vật, còn người Phật tử sống ăn thực phẩm thực vật; người thế gian sống tham lam, nhiều ham muốn, còn người Phật tử sống từ bỏ lấy của không cho; người thế gian coi thường sự sống chung thủy, còn người Phật tử sống coi trọng sự chung thủy; người thế gian sống xem thường nói lời thành thật, nên thường hay nói dối, còn người Phật tử sống quý trọng lời nói thành thật, nên không dám nói dối; người thế gian xem thường phẩm cách, sống nghiện ngập rượu chè say xỉn, nên thường uống rượu, còn người Phật tử sống không dám xem thường nghiện ngập rượu chè, say xỉn. Nên không dám uống rượu. Đó là những sự khác biết giữa người thế gian và người Phật tử.

Năm đức hạnh làm người như thế nào? Xin quý vị hãy đọc trở lại tập sách Thọ Tam Quy  và Ngũ Giới thì biết rõ năm đức hạnh này do Tu Viện biên soạn.

Sau một tháng Quy Y Tam Bảo  và Thọ Ngũ Giới quý vị được vị thầy Quy Y cho quý vị sẽ hướng dẫn cách sống 5 đức hạnh.

Nhờ sống 5 đức hạnh đó, bấy giờ quý vị sống mới biết yêu thương mọi người, mọi vật như chính thương yêu bản thân mình; mới biết sống không tham lam trộm cắp; mới biết sống thương yêu gia đình con cái và vợ chồng chung thủy với nhau; mới biết sống nói những lời thành thật; mới biết sống không đắm mê rượu chè, bài bạc, hút xách v.v...Sống được như vậy quý vị thấy có giống như Phật chưa?

Chắn hẵn quý vị sống như Phật rồi, nhưng chỉ mới giống có một chút mà thôi, còn phải sống giống nhiều hơn nữa, có nghĩa là quý vị học và sống đạo đức nhiều nữa. Vì thế, Phật sống như thế nào thì quý vị phải sống như thế nấy, thì bấy giờ mới gọi là sống như Phật. Phải không quý vị?

Muốn sống được đạo đức hơn nữa, thì quý vị phải chuyển qua giai đoạn tu tập thứ hai. Khi mà giai đoạn thứ nhất quý vị đã sống đúng năm đức hạnh, không hề còn vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm đức hạnh này, thì quý vị phải chuyển qua giai đoạn tu tập thứ hai.

Vậy giai đoạn thứ hai tu học theo Phật giáo như thế nào? Và tên pháp môn tu học ấy gọi là gì?

Giai đoạn tu học thứ hai có tên là “Thọ Bát Quan Trai”. Thọ Bát Quan Trai là tên một tập sách đạo đức của Phật giáo dạy nguời cư sĩ về Tám đức hạnh và bốn pháp định để những người con Phật biết cách thức tu tập và sống đời đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.

Đến giai đoạn này những người Phật tử phải tu học rất nhiều, để rèn luyện thân tâm của mình trở thành người đạo đức, có như vậy mới xứng đáng là con của Phật, là đệ tử của Phật. Phải không quý vị?

Vậy tám đức hạnh là gì? Và bốn định là gì?

Tám đức hạnh gồm có:

1-Đức hiếu sinh

2-Đức buông xả không tham lam

3-Đức chung thủy.

4-Đức thành thật

5-Đức minh mẫn.

6-Đức tự nhiên và thanh bần

7-Đức trầm lặng độc cư

8-Đức ly dục

Bốn định gồm có:

1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác

2- Định Niệm Hơi Thở

3- Định Vô Lậu

4- Định Sáng Suốt

Người cư sĩ Phật tử như quý vị gia duyên còn ràng buộc quá nhiều, vì cuộc sống gia đình xã hội đang gắn bó trong cuộc sống như mắt xích, vì thế mỗi tháng quý vị chọn 2 ngày: ngày đầu tháng và ngày giữa tháng để Thọ Bát Quan Trai.

Tám giới này là thiện pháp nó có công năng chuyển nghiệp đau khổ của quý vị, nếu quý vị mỗi tháng tu tập được hai ngày hay nhiều hơn thì bản thân của quý vị và gia đình đều được an vui, ít bệnh tật, ít tai nạn xảy ra. Gia đình đầm ấm, vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, con cái hiếu thảo v.v…Đó là nhờ tám giới đức hạnh thiện pháp mà chuyển được nghiệp ác pháp của gia đình.

Bát Quan Trai là pháp môn tu tập của người cư sĩ Phật tử để chuyển bước qua giai đoạn tu tập thứ ba của người tu sĩ Phật giáo. Người cư sĩ Phật tử không sống 5 đức hạnh; không tu tập Bát Quan Trai và bốn loại định thì người cư sĩ Phật tử ấy chưa phải là con của Phật, là người đệ tử của Phật như trên đã nói.

Đây là những tập sách gối đầu nằm của người cư sĩ Phật tử, sách này không phải là sách đọc một lần, xin quý vị nên lưu ý.

Đến đây Thầy xin ước nguyện cho quý Phật tử sống và tu tập theo sách này ngày một kết quả đạo đức tốt đẹp cho đời sống hạnh phúc an vui.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc