TỔNG QUÁT CHÍN GIỚI LUẬT TỲ KHEO TĂNG, TỲ KHEO NI NHÓM THỨ NHẤT
Kính thưa các bạn! Những ai muốn tu theo Phật giáo để trở thành những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni vô lậu đều phải chấp nhận chín giới luật này. Chín giới luật đầu tiên này làm thay đổi đời sống tại gia, nên nó gọi là đời sống xuất thế gian. Đời sống xuất thế gian là một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Cho nên nó gồm có chín giới:
1- Cạo bỏ râu tóc.
2- Khoác áo cà sa.
3- Từ bỏ gia đình.
4- Sống không gia đình xuất gia tu hành.
5- Sống chế ngự thân.
6- Sống chế ngự lời nói.
7- Sống chế ngự ý nghĩ.
8- Bằng lòng với nhu cầu tối thiểu, về ăn uống y áo.
9- Hoan hỉ sống an tịnh trong đời sống Phạm hạnh (thiếu thốn).
Chíngiới nàylà những hành động đạo đức Thánh hạnh thuộc về thân tâm làm Thánh, nó chỉ rõ hình tướng lối sống của những vị tu sĩ Thánh Tăng, Thánh Ni mà người thế gian không thể sống và làm được theo hình tướng và những hạnh sống này, chỉ có những bậc ly trần thoát khổ mới chấp nhận chín đức và chín hạnh “xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần”, mà chỉ có đạo Phật mới có mà thôi. Trên hành tinh này không có một tôn giáo nào dám chấp nhận hình tướng này.
Đây là hình ảnh đạo hạnh của một người tu sĩ Phật giáo “CẠO BỎ RÂU TÓC”.Cạo bỏ râu tóclà giới hạnh thứ nhất của một vị Thánh Tăng, Thánh Ni mà trong kinh Sa Môn Quả đã ghi chép rõ ràng. Nếu ai không giữ trọn vẹn giới này thì không thể nào gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni. Cho nên, giới này đã xác định về tướng mạo đạo hạnh giải thoát của bậc Thánh Tăng, Thánh Ni trong mười giới luật đầu tiên của Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni cụ thể rõ ràng, nếu ai làm sai phạm, không đúng những giới luật trên đây đều được xem là không phải đệ tử của Phật, không phải là tu sĩ Phật giáo mà là tu sĩ của ngoại đạo.
Hai giới đầu tiên nói về tướng mạo và cách ăn mặc đạo hạnh của tu sĩ Phật giáo thì biết ngay là những người này ra khỏi nhà thế tục.
- Giới hạnh thứ nhất: “CẠO BỎ RÂU TÓC”là đức hạnh buông xả hình tướng thế tục, bởi nếu còn râu tóc là còn trang điểm, có nghĩa là râu phải cắt tỉa, tóc phải chải gỡ, thoa dầu v.v..trang điểmlàm đẹp. Cho nên,cạo bỏ râu tóc là một tướng mạo li trần thoát tục của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni “xả thân cầu đạo”. Cạo bỏ râu tóc cũng có nghĩa làbuông xả sạch dục và ác pháp. Cho nên, cạo bỏ râu tóc cũng là cạo bỏ những trần cấu, uế trược hôi thối của thân tâm mình.
- Giới hạnh thứ hai: “ĐẮP ÁO CÀ SA”.Đắp áo cà sa có nghĩa buông bỏ vật chất thế gian, cho nên quần áo đẹp sang cũng phải bỏ xuống hết, chỉ còn mặc quần áo vải thô xấu, vải bó thây ma, vải chuột cắn bỏ, vải mọi người bỏ v.v.. Ăn mặc mà chỉ còn ăn mặc để che kín thân không còn ăn mặc sang đẹp thì cuộc đời này còn những gì nữa mà tham đắm. Phải không các bạn?
Người tu sĩ Phật giáo ăn mặc sang đẹp là không đúng Thánh hạnh “xả phú cầu bần”. Vì thế chúng ta hãy nhìn chung quanh các chùa Đại Thừa. Tăng, Ni thời nay là phú Tăng, chứ không phải là bần Tăng. Họ ăn mặc sang đẹp, có cả chùa to, Phật lớn, xe cộ sang trọng, nhà ở tiện nghi hơn người thế gian.
Tóm lại, hành động cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa là nói lên được Thánh hạnh buông xả đời sống thế gian. Giới hạnh chỉ rõ cho chúng ta thấy kết quả giải thoát ngay liền ở tướng mạo là không còn cực nhọc hằng ngày phải tắm gội chải gỡ cắt tỉa.
Xả bỏ râu tóc, đắp áo cà sa là có kết quả tướng mạo buông xả vật chất để có sự giải thoát ngay liền, nhờ tướng mạo buông xả ấy mà mọi người tỏ lòng tôn trọng và cung kính. Nhưng ngày nay thì không còn nữa. Tại sao vậy?
Vì tất cả tu sĩ Phật giáo đều mang hình sắc tướng mạo cạo bỏ râu tóc, nhưng không đắp áo cà sa vải thô xấu, vì thế họ không còn sống đúng Phạm hạnh, hằng ngày họ luôn lo trang điểm sửa sang đầu tròn, áo vuông, ăn mặc sang đẹp hơn nhà giàu. Đó là hình tướng dính mắc vật chất thế gian chứ không còn là hình sắc tướng mạo buông xả cao thượng tuyệt vời của người tu sĩ Phật giáo nữa.
Ngày xưa đức Phật dùng chín giới luật này để trả lời những câu hỏi của vua A Xà Thế, khiến cho nhà vua phải chấp nhận cung kính, tôn trọng, đảnh lễ những hạnh quả buông xả giải thoát của người tu sĩ Phật giáo mà trên đời này không có một vật gì sánh bằng. Vậy các bạn hãy lắng nghe vua A Xà Thế thưa hỏi Phật, rồi các bạn suy nghiệm: “Bạch Thế Tôn! Mọi người trong thế gian này ai ai cũng có nghề nghiệp làm để sống, nghề nghiệp mang đến cho họ những kết quả thiết thực cụ thể như cơm ăn, áo mặc, nhà ở v.v.. Còn kết quả của những người tu hành theo Phật Giáo thì như thế nào? Xin Đức Thế Tôn trả lời cho biết”.
Vua A Xà Thế là một người rất thông minh và khôn ngoan đáo để, trước khi đưa ra câu hỏi về kết quả của người đi tu theo Phật giáo như thế nào, (Sa Môn Quả và Sa Môn Hạnh) thì nhà vua đã đưa ra một số kết quả của những nghề nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cụ thể cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước.
Rất khó cho các tôn giáo khác khi trả lời những câu hỏi hóc búa này. Những câu hỏi này có tính cách thực tế bắt buộc người trả lời phải trả lời chính xác về kết quả lợi ích, thiết thực, cụ thể rõ ràng của các tôn giáo khi những ai theo tu hành. Nhà vua không chấp nhận những câu trả lời về kết quả tu hành mơ hồ, trừu tượng, viễn vông, trườn uốn như con lươn, v.v.. mà trả lời phải chỉ rõ kết quả thực tế, cụ thể, lợi ích, thiết thực rõ ràng như những kết quả của các nghề nghiệp trong thế gian.
Phần đông các hệ phái tôn giáo khác đều trả lời quanh quẩn trườn uốn như con lươn, giống như kiểu tưởng giải của Đại Thừa và Thiền Tông ngày nay vậy: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc, hoặc Kiến tánh thành Phật, Bản lai diện mục hiện tiền, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết là Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật là Tánh Giác và tánh không”. Trả lời như vậy vua A Xà Thế không chấp nhận.
Nếu bây giờ các hệ phái Phật giáo phát triển Đại Thừa và Thiền Tông được hỏi như vậy và trả lời những câu như: “Chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền” hoặc “Kiến tánh thành Phật v.v..”, “Ba cân gai”, “chẳng biết...” hoặc“đưa một ngón tay...”.
Trả lời như vậy có thực tế, lợi ích, thiết thực, cụ thể, rõ ràng không các bạn?
Lại nữa nếu Tịnh Độ Tông trả lời: “Thất nhật nhất tâm bất loạn danh hiệu A Di Đà thì được vãng sanh Cực Lạc Tây Phương”, với câu trả lời này có lợi ích, thiết thực, cụ thể rõ ràng không các bạn?
Trước khi nghe đức Phật trả lời những câu hỏi của vua A Xà Thế. Xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh này một lần nữa rồi suy nghiệm “Bạch Thế Tôn, cũng như các công nghệ chức nghiệp: như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, cung thuật sư, mã kỵ binh, nguyên soái, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dũng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà làm vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản, các công nghiệp, chức nghiệp khác, chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghiệp chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc hạnh phúc, chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho vợ con được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho bè bạn được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa Môn, Bà La Môn sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau liện hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báu an lạc, thác sanh vào cõi trời. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho biết kết quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa Môn chăng?”.
Nhờ có câu hỏi của vua A Xà Thế mà đời sau chúng ta mới có những bài học về giới luật, giới đức, giới hạnh và giới hành rất là tuyệt vời. Công ơn của người hỏi ấy làm sao chúng ta quên được. Phải không các bạn?
Nhất là câu trả lời của đức Phật đối đáp không thua kém câu hỏi của vua A Xà Thế. Những câu trả lời ấy lại còn hơn thế nữa, vừa nêu lên đức hạnh buông xả của một bậc Thánh giải thoát trần tục, vừa làm một cuộc cách mạng giai cấp của đất nước Ấn độ lúc bấy giờ. Những câu trả lời ấy có tính thuyết phục cao bắt buộc nhà vua phải chấp nhận cuộc cách mạng vô giai cấp đó.
Cuộc vấn đáp của vua A Xà Thế và đức Phật đã làm sáng tỏ cuộc cách mạng bốn giai cấp của đất nước Ấn Độ lúc bấy giờ. Nhà vua đại diện cho tư tưởng giai cấp lãnh đạo nhân dân, còn đức Phật đại diện cho tư tưởng bình đẳng vô giai cấp của nhân dân. Cho nên cuộc vấn đáp càng lúc càng làm sáng tỏ nền đạo đức nhân bản - nhân quả của con người.
Nước Ấn Độ lúc bấy giờ chia ra làm bốn giai cấp:
1. Tư tưởng giai cấp thống trị do Dòng Sát Đế Lị tức là dòng vua chúa thuộc về vương pháp.
2. Tư tưởng giai cấp lãnh đạo tinh thần dòng Bà Là Môn thuộc về pháp vương.
3. Tư tưởng giai cấp công nhân, thợ thuyền, thương mãi và nông dân giai cấp bị trị.
4. Tư tưởng giai cấp Chiên Đà La là tư tưởng giai cấp cùng đinh, làm nô lệ, tôi tớ, tay sai cho người khác.
Câu trả lời của đức Phật rất khéo léo, trả lời bằng câu hỏi trở lại để tự nhà vua phải chấp nhận sự bình đẳng vô giai cấp của con người.
Những đoạn kinh này đã xác định cho các bạn thấy rõ Phật giáo là một tôn giáo nhân bản, luôn luôn nâng cao giá trị bình đẳng của mọi người sống trên hành tinh này như nhau, dù mầu da, thứ tóc và tiếng nói có khác nhau, nhưng đều có quyền sống bình đẳng như nhau.
Những câu trả lời này là lối trả lời bắt buộc người khác phải chấp nhận mà không thể từ chối được. Do vậy, chúng ta hãy lắng nghe những câu trả lời của đức Phật: “Này Đại Vương có thể được. Ta sẽ hỏi Đại Vương về vấn đề này. Đại Vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Đại Vương”.
Khởi đầu cho câu trả lời bằng cách rào đón trước sau quá chặt chẽ khiến nhà vua không thể ngờ được.
Được nghe câu hỏi của vua A Xà Thế và câu trả lời của đức Phật mở đầu cho một cuộc cách mạng tư tưởng văn hoá tốt đẹp, phá vỡ hàng rào giai cấp của dân tộc Ấn Độ lúc bấy giờ: “Đại Vương nghĩ sao? Nếu Đại Vương có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya thi hành mọi mệnh lệnh của Đại Vương làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt của Đại Vương... sau một thời gian làm nô lệ, người nô bộc ấy muốn đi tu nên cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa từ bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia tu hành, sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu, về ăn uống y áo hoan hỉ sống an tịnh.
Khi Đại Vương biết rõ người nô bộc của mình xuất gia tu hành như vậy thì Đại Vương có gọi người ấy đến với Đại Vương, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, thức khuya dậy sớm, thi hành mọi mệnh lệnh của Đại Vương, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt”.
Xét qua câu trả lời bằng câu hỏi của đức Phật, thì chúng ta thấy rằng đức Phật là một con người tuyệt vời, đứng trước uy quyền của nhà vua Ngài đã dám đem người nô bộc của nhà vua ra hỏi, để xác định kết quả giải thoát cụ thể thực tế của một vi tu sĩ Phật giáo, luôn luôn được mọi người cung kính, tôn trọng những giới đức, giới hạnh, giới hành một cách thiết thực cụ thể đã xác định được sự giải thoát không có thời gian, đến để mà thấy..., khiến cho nhà vua phải chấp nhận và tỏ lòng cung kính, tôn trọng người tu sĩ Phật giáo, dù người đó là nô bộc của mình.
Như vậy rõ ràng là kết quả việc làm của người tu sĩ Phật giáo là sống đúng giới luật, tức là phải sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý, sống bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo và hoan hỉ sống an tịnh.
Người nô bộc thực hiện được những giới luật trên đây không những mọi người mà cả nhà vua cũng đều phải cung kính, tôn trọng, lúc nào họ cũng vui lòng lễ bái. Tại sao vậy?
Những hành động sống đúng Phạm hạnh như trên đức Phật đã dạy thì không phải ai cũng làm được, chỉ có những người quyết tâm tìm đường thoát khổ ra khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời thì mới đủ gan dạ sống như vậy để đạt được mục đích cao thượng mà người đời thường gọi là bậc Thánh A La Hán hay là Phật.
Người nô bộc thuộc giai cấp hạ liệt cùng đinh của xã hội Ấn Độ. Lúc bấy giờ giai cấp này được mọi người dân Ấn Độ ở những giai cấp khác đều khinh thường, xem rẻ. Chính bản thân của những người giai cấp này, họ cũng xem thường họ. Họ biết thân phận của họ sinh ra và lớn lên trong giai cấp cùng đinh, hạ liệt này, nên khi gặp những người ở giai cấp khác thì họ đều phải tránh đường; phải quỳ mọp sát đất, không dám nhìn mặt những người ở giai cấp khác.
Đặc biệt nhất ở đoạn bài pháp này là đức Phật không nói đến thần thông mà chỉ nói đến giới luật đức hạnh của người tu sĩ Phật giáo thật là tuyệt vời, khiến cho nhà vua phải chấp nhận mà không có một ý kiến chống trái lại những điều đức Phật đã nêu lên.
Đúng vậy, Chỉ có đức hạnh mới phá vỡ hàng rào giai cấp muôn đời của loài người; chỉ có đức hạnh mới phá vỡ thế giới siêu hình ảo tưởng mà đã ăn sâu vào tư tưởng của loài người thành một dấu ấn muôn đời muôn kiếp; chỉ có đức hạnh mới đem lại sự hạnh phúc an vui cho loài người trên hành tinh này vậy.
Bài pháp này được xem là một bài tuyên ngôn cách mạng tư tưởng giai cấp cua nước Ấn Độ cách đây 2555 năm. Phải nói rằng trong giai đoạn ở thế kỷ này, bài kinh của Phật là một tiếng sét đánh thức những giai cấp thống trị một cách thẳng thắn, không nhân nhượng. Vì thế, nó có một giá trị lịch sử làm thay đổi tư tưởng giai cấp Ấn Độ rất lớn. Người đứng ra chủ trương cuộc cách mạng này không ai khác hơn là đức Phật, là một thái tử sắp thay vua cha làm vua. Một ông vua trong hàng ngũ giai cấp thống trị lại đứng ra làm cuộc cách mạng san bằng giai cấp xã hội thật là tuyệt vời, còn ai dám chống lại. Phải không các bạn?
Vua A Xà Thế đại diện cho giai cấp sát đế lị (thống trị) phải chấp nhận những Phạm hạnh giới luật của người tu sĩ Phật giáo thật là tuyệt vời, một đức hạnh giải thoát cao thượng mà cũng không phải ai cũng làm được. Vì thế, nhà Vua trả lời: “Bạch Thế Tôn, chúng con không thể xem họ là nô bộc được nữa. Trái lại chúng con phải kính lễ những người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ che chở những người ấy đúng theo pháp luật”.
Thưa các bạn! Tại sao nhà vua lại chấp nhận phải cung kính, tôn trọng một giai cấp cùng đinh hạ liệt trong xã hội của mình như vậy?
Giới đức, giới hạnh, giới hành, được đức Phật nêu ra một đời sống Phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo như vậy thì trong cuộc đời này không phải ai cũng làm và sống được như trên đã nói. Khi nào các bạn có thực hành sống đúng những giới luật này thì các bạn mới thấy vô vàn khó, nhưng không khó với những người có ý chí, có quyết tâm thoát ra cuộc đời đầy ô trược và ác pháp.
Vua A Xà Thế là người thông minh sáng suốt nghe qua những giới luật đức hạnh buông xả ấy. Người biết rằng đó là những Thánh hạnh, người phàm phu không thể sống và làm được, nên Người phải chấp nhận ngay liền và nói lên những lời cung kính tôn trọng những con người sống được những đức hạnh như vậy. Sống được những đức hạnh như vậy tức họ là những bậc Thánh, chứ không còn là những người phàm phu trong giai cấp hạ liệt nữa.
Đọc bài kinh này chúng ta thấy đạo Phật là một tôn giáo chân thật không lừa đảo, lường gạt người khác bằng thần thông, ảo tưởng, bằng bùa ngải, chú thuật, bằng mê tín cúng tế, cầu an, cầu siêu, bằng thiền định ức chế tâm, bằng ảo tưởng Phật tánh, bằng lí luận tánh không, bằng tưởng giải bản lai diện mục hiện tiền v.v.. Người tu sĩ Phật giáo chỉ sống bằng Phạm hạnh, thiểu dục tri túc, ba y một bát, sống không nhà cửa, không gia đình, biết tỉnh thức từng thân hành, khẩu hành, ý hành, biết ly dục ly ác pháp và biết xả tâm diệt ngã. Thế mà làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết. Thật tuyệt vời!
Thưa các bạn! Các bạn đã về tu viện Chơn Như tu tập một thời gian phải chấp nhận sống đúng những giới luật này, nhưng các bạn có sống đúng những giới luật này chưa? Những giới luật này không phải là một việc dễ làm, dễ sống. Phải không các bạn?
Trong đoạn kinh này gồm có chín giới dạy rõ đức và hạnh như sau:
1/ Giới thứ nhất: Cạo bỏ râu tóc.
2/ Giới thứ hai: Đắp áo cà sa.
3/ Giới thứ ba: Từ bỏ gia đình.
4/ Giới thứ tư: Sống không nhà.
5/ Giới thứ năm: Sống chế ngự thân.
6/ Giới thứ sáu: Sống chế ngự lời nói.
7/ Giới thứ bảy: Sống chế ngự ý nghĩ.
8/ Giới thứ tám: Sống bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo.
9/ Giới thứ chín: Hoan hỉ sống an tịnh trong đời sống Phạm hạnh.
Xét qua chín giới này: giới đức, giới hạnh và giới hành. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành là những hành động đạo đức như thế nào mà khiến cho vua A Xà Thế phải cung kính và tôn trọng như vậy?
Xin các bạn lưu ý chúng tôi sẽ cố gắng giải thích để các bạn hiểu rõ về Phạm hạnh giới luật của đức Phật, nó có một giá trị về đời sống Thánh hạnh mà người phàm phu không thể nào sống và làm được.