I- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU NGŨ UẨN

Như thế nào là Định Vô Lậu câu hữu với Ngũ Uẩn?

Định Vô Lậu câu hữu với thân Ngũ Uẩn có nghĩa là quán xét tư duy phá chấp thân ngũ uẩn như:

1- Sắc Uẩn:

Quán xét sắc thân do bốn đại đất, nước, gió, lửa hoà hợp tạo nên không có gì là của mình, không có gì là bản ngã của mình, không có gì là mình. Vậy, tại sao ta lại ngu si lầm chấp cho sắc thân này là của ta, thân này là ta, là bản ngã của ta, một ngày kia thân này hoại diệt đất phải trả về cho đất, nước phải trả về cho nước, gió phải trả về cho gió, lửa phải trả về cho lửa thì cái gì còn lại là của ta, là ta, là bản ngã của ta nữa đâu. Thế tại sao mỗi khi bị người khen chê, chửi mắng, xỉ vả sắc thân là chó, là trâu, là đồ tồi, đồ bẩn thỉu thì ta lại căm tức, thù hận oán ghét họ. Sự căm tức, thù giận, oán ghét họ là vì ta không rõ, chấp sắc thân là có thật, là của ta, là bản ngã của ta.

Từ đây, ta hiểu rõ sắc thân không phải là ta, của ta, bản ngã của ta, mà là một khối duyên hợp do nhân quả tác thành hay nói cách khác hơn cho dễ hiểu là do môi trường sống tạo nên theo qui luật vô thường của nhân quả.

Khi quán xét như vậy, ta không còn dính mắc chấp đắm vào sắc thân, nhờ đó ta đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm một cách dễ dàng, các chướng ngại pháp trong tâm ta được đẩy lui thì tâm ta vô lậu, do đó nó mới có tên là Định Vô Lậu câu hữu với Sắc uẩn.

2- Thọ Uẩn:

Chúng ta đã quán xét tư duy tu tập sắc uẩn xong, kế tiếp quán xét tu tập thọ uẩn, vậy tu tập thọ uẩn như thế nào, để đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm?

Khi thân ta bị đau nhức khổ sở vô cùng, chúng ta tư duy quán xét thọ uẩn. Vậy thọ uẩn do duyên gì hợp lại mà có?

Thọ uẩn có là do duyên nhân ác tích lũy tạo thành do sắc uẩn hành, sắc uẩn hành ác nên sắc uẩn thọ khổ chứ không ai tạo tác khổ cho sắc uẩn cả, nếu sắc uẩn không hành ác thì thọ khổ do đâu mà có được?

- Thọ uẩn có ba trường hợp xảy ra:

a) Thọ khổ

b) Thọ lạc

c) Thọ không lạc không khổ.

- Thọ uẩn hoạt động hai chỗ:

+ Hoạt động nơi sắc uẩn gọi là não, hay là đau nhức.

+ Hoạt động nơi tưởng uẩn tức là tâm uẩn gọi là ưu hay là buồn phiền tức giận, lo toan, sợ hãi.

Nếu sắc uẩn và tưởng uẩn không hành ác pháp thì không có thọ lạc, thọ khổ và thọ không lạc không khổ, không có ba thọ này sắc uẩn và tâm uẩn thanh thản, an lạc và vô sự, còn ngược lại sắc uẩn và tưởng uẩn hành ác pháp thì có ba thọ hiện tiền khiến cho con người phiền não đau khổ.

Cho nên, ba thọ có là do duyên nhân quả, nhân quả có là do hành, vì vậy quán xét nhân quả của sắc uẩn là quán xét hành động nơi thân, miệng, ý. Nếu muốn ba thọ này không có thì phải thường xuyên nơi thân, miệng, ý phải cảnh giác không làm, không nói, không suy tư điều ác, luôn phải thể hiện điều lành tức là lúc nào cũng không làm khổ mình, khổ người.

Do quán xét như vậy tâm chúng ta đẩy lui các chướng ngại pháp, đó là tu Định Vô Lậu câu hữu với Thọ uẩn.

3- Tưởng Uẩn:

Kế tiếp chúng ta quán xét tưởng uẩn, tưởng uẩn tức là tâm uẩn. Tâm uẩn thuộc về loại vô hình nó không có hình sắc như sắc uẩn nhưng chúng ta cũng dễ nhận ra, nó thường khởi niệm tưởng, khi niệm có tức là tâm có, khi không niệm tức là tâm không, tâm không, không có nghĩa là không có tâm. Tưởng uẩn có ba trạng thái:

- Niệm thiện.

- Niệm ác.

- Niệm không.

Kinh sách phát triển lấy niệm không làm Phật Tánh (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hoặc chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền). Trong khi tưởng uẩn chỉ là một trong bốn duyên kia kết hợp để tạo thành con người theo luật nhân quả, nói một cách khác để dễ hiểu hơn, tưởng uẩn là một duyên trong năm uẩn được kết hợp lại theo môi trường sống của luật nhân quả. Khi năm uẩn này tan rã hoại diệt thì chẳng còn một vật gì trong năm uẩn này tồn tại. Người không có trí hiểu biết thường sống trong tưởng tri lầm chấp cho rằng thân ngũ uẩn này là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Còn như trên chúng tôi đã nói kinh sách phát triển lấy tâm không niệm tức là “tưởng không” làm Phật Tánh thật là lầm chấp sống trong ảo tưởng mà tưởng là thật tướng Niết Bàn, rồi chấp chặt thành thân kiến kiết sử mà không biết, tu mãi từ đời Thầy Tổ đến con cháu, chít chắt mà vẫn chẳng có ích lợi gì, chỉ toàn dùng những ngôn ngữ lừa đảo những người sau.

Tưởng uẩn được kết hợp tạo thành bằng nghiệp thiện ác, nghiệp thiện ác được tạo thành bởi dục và ác pháp cho nên người tu sĩ theo đạo Phật phải tìm mọi cách ly dục ly ác pháp, đó là pháp đầu tiên mà họ cần phải tu tập, ly dục ly ác pháp tức là không tạo nghiệp thiện nghiệp ác mới nữa, không tạo nghiệp thiện nghiệp ác mới nữa tức là ly nghiệp thiện nghiệp ác mới, đó là khiến cho thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh. Còn muốn lìa nghiệp thiện ác cũ thì phải ly hỷ tưởng đây là giai đoạn thứ ba của bốn thiền đạo Phật. Muốn lìa nghiệp thiện ác cũ tức là ly hỷ tưởng thì phải đóng tầm tứ mà trong kinh Phật dạy: “Diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền hay tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền”.

Khi diệt tầm tứ xong ta ly hỷ tưởng mới được, còn tầm tứ chưa diệt chúng ta không thể ly hỷ tưởng được, ly hỷ tưởng tức là lìa nghiệp thiện ác cũ.

Ở đây xin quý vị nên hiểu trong bốn thiền có hai giai đoạn ly, một giai đoạn diệt, một giai đoạn xả.

- Thiền Thứ Nhất: Ly dục ly ác pháp thuộc về sắc uẩn (ly là chừa bỏ hẳn, lìa xa cảnh giác tâm tham dục và các ác pháp để nó không còn trở lại).

- Thiền Thứ Hai: Diệt tầm tứ tức là ngưng sáu thức thuộc về sắc uẩn (diệt tức là không còn để nó trở lui, trở lại được).

- Thiền Thứ Ba: Ly hỷ tưởng dục thuộc về tưởng uẩn (ly hỷ tưởng có nghĩa là lìa hỷ tưởng, chứ chưa diệt bỏ hẳn, phải cảnh giác kẻo nó sẽ còn trở tại).

- Thiền Thứ Tư: Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thuộc về sắc uẩn và tưởng uẩn, xả tức là bỏ không còn lấy lại. Do sự tu tập quán xét như vậy, khiến cho tưởng dục không còn sanh khởi, tức là chúng ta đã đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm, đó là tu Định Vô Lậu câu hữu với Tưởng uẩn.

4- Hành Uẩn:

Hành uẩn là sự hoạt động của sắc uẩn và tưởng uẩn, chúng ta tư duy thấy các hành là vô thường, là khổ. Thế nào các hành là vô thường, là khổ?

Các hành thường có lúc hành thiện, có lúc hành ác, nhưng cũng có lúc cũng không hành thiện hành ác, sự hoạt động của các hành thì không thường lúc như thế này lúc như thế khác, nên gọi là vô thường. Vì hành động có lúc thiện, lại có lúc ác nên tạo ra biết bao nhiêu là nghiệp khổ cho loài người nên kinh gọi các hành khổ là như vậy.

Một người tọa thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy thì giống như cây đá, đó là thiền của hệ phái phát triển, ngược lại thiền định của đạo Phật thân không hành ác, nhưng thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện. Cho nên, đạo Phật không chấp nhận hành không, không chấp nhận hành ác, chỉ chấp nhận hành thiện, vì vậy tu theo đạo Phật không trở thành cây đá, mà trở thành một con người hữu ích cho mình, cho người, có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Khi quán sát hành uẩn như vậy chúng ta thấu rõ phải sử dụng hành uẩn nào cho đúng với Phật Pháp để mình và người được giải thoát.

5- Thức Uẩn:

Trong bốn uẩn đầu chúng ta đã học xong và cũng biết cách tu tập, rèn luyện mỗi uẩn bằng giới luật và bằng thiền định. Như vậy chúng ta đã rõ, giới luật giúp chúng ta tu tập nhập Thiền Thứ Nhất hay nói cách khác là giới luật giúp chúng ta tu tập làm cho thanh tịnh sáu thức: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thức, tức là giúp sắc uẩn và hành uẩn của chúng ta thanh tịnh.

Còn ba Thiền kia là: Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền được tu tập, được rèn luyện giúp tưởng uẩn và thọ uẩn của chúng ta thanh tịnh.

Thức uẩn là một uẩn cuối cùng được tu tập. Khi bốn uẩn kia đã thanh tịnh thì chúng ta phải dùng pháp hướng đánh thức thức uẩn để triển khai trí tuệ Tam Minh, thức uẩn thanh tịnh có nghĩa là mầm mống lậu hoặc đã được quét sạch.

Tóm lại, thân ngũ uẩn phải được tu tập rèn luyện đúng pháp Giới, Định, Tuệ thì mới thanh tịnh, bằng tu hành sai pháp, thì chính là nuôi dưỡng thân ngũ uẩn trong các ác pháp thuộc về tà giáo ngoại đạo thì đó một sự nguy cơ cho loài người trên hành tinh này không ít.