Đường Về Xứ Phật

ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT

( 10 tập )

Sách của Trưởng Lão Thích Thông Lạc chỉ kính biếu, không bán!

Quý phật tử hay bạn đọc nào có nhu cầu thỉnh sách, xin vui lòng liên hệ ban kinh sách của TU VIỆN CHƠN NHƯ:

ĐT:066.3892911 (Tu viện Chơn Như)

0988094445  (Hà Nội)

Email:  chonnhu2@gmail.com kinhsach.chonnhu@gmail.com

Web: https://tuvienchonnhu.net/

Pháp Âm: www.youtube.com/tuvienchonnhu

Đường Về Xứ Phật (tập 1)

BẬC A LA HÁN

Bậc A La Hán xuất hiện làm chấn động, đảo lộn tư tưởng triết học, thần học, thiền học v.v.. Dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, giúp loài người xây dựng cuộc sống thế gian thành cuộc sống Thiên đàng, Cực Lạc.

THƯ NGỎ

Chơn Như, ngày 24 tháng 8 năm 2003.

Kính gửi: Các bậc Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và quý vị Phật tử nam nữ cư sĩ bốn phương.

Kính thưa quý vị! Bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Đường Về Xứ Phật và bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Giới Đức Làm Người đến nay đã được Nhà Nước cho phép in ấn và phát hành. Hai bộ sách trên đây là một trong những bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Mười Giới Đức Thánh Sa Di, Giới Đức Thánh Tăng và Thánh Ni, Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả. Những bộ sách Văn Hóa Phật Giáo nguyên gốc mà tác giả ghi lại bằng những kinh nghiệm công sức tu tập của mình theo đường lối giáo lý Nguyên Thủy “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ” của Đức Phật. Nó mang lại một kết quả rất thực tế và cụ thể cho một đời sống an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc của kiếp làm người. “Sống không làm khổ mình khổ người” và “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”.

Nếu ai muốn đem những bộ sách này ra bình luận đúng sai thì hãy tu tập như tác giả, có nghĩa là phải tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nếu chưa làm chủ được bốn sự đau khổ này, mà bình luận bộ sách này thì quý vị tự biết khả năng của mình chưa đủ sức bình luận nó.

Nếu vì một lý do gì về sự sống của quý vị mà bình luận nó thì quý vị quá nông cạn, đã tự dối mình, dối người để che đậy những điều không phải của Phật Giáo. Đó là quý vị quên đi bổn phận và trách nhiệm của người đệ tử Phật là phải dẹp bỏ những tà kiến ngoại đạo đang ẩn núp trong ngôi nhà chánh pháp.

Trong sách này dạy rằng “không có thế giới siêu hình”, nếu quý vị bảo rằng: “có thế giới siêu hình" thì quý vị hãy tu tập có trí tuệ tam minh, rồi quan sát vũ trụ tìm xem linh hồn người chết, Thần, Thánh, quỷ ma ở đâu, có hay không có? Chừng đó mới bình luận sách này đúng sai.

Còn bảo rằng sách này dạy không đúng lời của Phật, thì quý vị hãy lấy tạng kinh Nikaya ra so sánh và phải sống cho đúng đời sống Phạm hạnh của bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, thiền định phải nhập cho được bốn Thánh Định, làm chủ đời sống, tâm không còn tham sân si, mạn, nghi; làm chủ bệnh tật, không còn đi bệnh viện bác sĩ mà phải tự khắc phục các bệnh khổ, nó không còn tác động đến thân tâm và phải làm chủ sự sống chết. Khi làm chủ được như vậy thì quý vị mới bình luận bộ sách này đúng sai với giáo lý Phật Giáo. Còn quý vị chưa thực hiện được thì xin quý vị đừng bàn đến mà hãy lo tu tập để cứu mình. Vì quý vị chưa làm chủ được sự sống chết mà dựa vào những kiến giải của những nhà học giả xưa và nay thì cũng giống như những người mù sờ voi thì quý vị sẽ làm trò cười cho những người hiểu biết. Tại sao vậy?

Vì lời nói của quý vị không minh chứng được với việc tu hành. Lời nói không đi đôi với hành động sống và làm chủ thân tâm, thành ra quý vị chỉ lý luận suông mà thôi.

Kính thưa quý vị! Phật Giáo là một tôn giáo có nền đạo đức nhân bản - nhân quả của lòai người, nền đạo đức ấy sẽ giúp cho con người xây dựng cho mình một cuộc sống Thiên Đàng, Cực Lạc tại thế gian này. Vì thế,chúng ta không có quyền dìm mất nó đi một lần nữa, nó mất đi loài người trên hành tinh này chịu một sự thiệt thòi rất lớn và nhất là Phật giáo chỉ còn là một tôn giáo mê tín mà thôi. Xin quý vị lưu ý.

Sau cùng chúng tôi xin thành tâm kính chúc quý vị thân tâm dồi dào sức khỏe.

Kính ghi

Thích Thông Lạc

THAY LỜI TỰA

Hôm nay là buổi học đầu tiên về pháp hành, đường lối tu tập của đạo Phật, xin quý Thầy và quý Phật tử nên chắp tay lên niệm hồng danh đức Phật:

“Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” (3 lần).

Đây là những bài học đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, nó được mọi người có đủ duyên rèn luyện tu tập từ khi có đạo Phật xuất hiện trên hành tinh này. Đấng Giáo Chủ đạo Phật được người đời sau tôn xưng là Đức Thích Ca Mâu Ni. Người đã tự tu, tự chứng và đã giác ngộ đạo lý nhiệm mầu, chứng thật sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là một sự giải thoát ra khỏi kiếp sống của con người đầy dẫy đau khổ và luôn luôn nối tiếp mãi trong kiếp luân hồi sanh tử không bao giờ dứt.

Đạo Phật đã có mặt trên trái đất này từ 2541 năm cho đến nay, nhưng nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu kỹ về kinh sách và lịch sử của đạo Phật theo kinh tạng Nguyên Thủy thì chúng ta sẽ thấy:

Khi đức Phật còn tại thế, thì chúng Tỳ kheo tu tập đúng chánh pháp. Còn khi ông A Nan mất và về sau này chúng Tỳ kheo đều tu sai pháp của đạo Phật (Ông A Nan là người đệ tử sau cùng của đức Phật nhập diệt). Vì thế, không còn người tu chứng lái con thuyền Phật giáo vững vàng, nên các Tổ Bà La Môn tự tung, tự tác kết tập và biên soạn kinh sách theo kiến giải, tưởng giải của mình, không có một chút kinh nghiệm tu chứng, nên kinh sách phát triển biên soạn theo kiểu thế tục hóa mê tín dân gian. Cho nên, khi các Tổ tu chưa chứng mà đi truyền đạo đến các nước khác thì bị các tôn giáo khác đồng hóa. Vì thế, kinh sách phát triển Đại Thừa là một loại kinh sách tưởng mà không có gốc.

Tuy vậy, một trăm năm đầu ấy, ngay từ khi đức Phật còn tại thế, chúng Tỳ kheo còn có nhiều người sống không đúng Phạm hạnh, không ly dục ly ác pháp, nên đức Phật buộc lòng phải chế giới bổn Patimokha để ngăn cấm, nhưng từ khi có giới bổn ra đời chúng Tỳ kheo lại càng vi phạm nhiều hơn (Đoạn kinh này do lý giải của các Tổ trong các kinh Đại Thừa). Riêng chúng tôi nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy thì không phải vậy. Vì bộ kinh giới Sa Môn Quả, đức Phật đã dạy đầy đủ giới luật, không có thiếu một giới nào cả: “giới cấm, giới đức, giới hạnh và giới hành” trong kinh Trường Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Nikaya – Pali. Chỉ có giới cấm sau này các Tổ biên soạn ra và gán cho Phật chế ra. Trong bộ giới cấm của các Tổ, chúng ta thấy có nhiều chỗ sai lầm rất lớn như: đức Phật là một người tu chứng đầy đủ trí tuệ, thế mà chế giới ra, giới luật lại được sửa đi, sửa lại năm lần bảy lượt. Các bạn thấy như vậy có đúng không? Còn trong kinh Sa Môn Quả, đức Phật chỉ thuyết giảng Thánh Hạnh quả của người tu sĩ Phật giáo cho vua A Xà Thế nghe có một lần, chứ không bao giờ sửa đi sửa lại. Do điều này, mà chúng ta biết bộ giới cấm là do các Tổ biên soạn viết ra.

Đến khi đức Phật thị tịch, các vị đại đệ tử của Người, không đủ uy đức điều khiển với một số chư Tăng quá đông đảo (1250) vị Tỳ kheo. Vì thế, sau khi trà tỳ đức Phật xong, các vị đại đệ tử của đức Phật, nhất là ông Ca Diếp đã trực tiếp nghe một số chúng Tỳ kheo vui mừng khi hay tin đức Phật nhập diệt.

Sau khi đám tang xong, ông vội vàng mở cuộc họp, thiết lập cuộc kết tập kinh luật lần đầu tiên, để lấy đó làm giềng mối cho đạo Phật ở ngày mai.

Từ khi đức Phật nhập diệt, kinh luật đã được thiết lập theo các Tổ,nhưng mầm mống chia rẽ và phá giới, phạm giới đã có từ lúc đức Phật còn tại thế. Cho nên, ít ai còn giữ gìn và sống đúng giới hạnh. Đến khi ông A Nan tịch thì không còn ai có đủ quyền lãnh đạo, nên lần lượt chư Tăng chia thành nhiều bộ phái (20 bộ phái) và mỗi bộ phái tự kiến giải kinh luật riêng của bộ phái mình. Do đó, kinh sách phát triển của đạo Phật, càng ngày càng tăng lên rất nhiều.

Chính những kinh sách này, dẫn đến lìa xa đạo Phật (mất gốc). Người tu sĩ đạo Phật, sống không còn đúng Phạm hạnh, tâm không ly dục ly ác pháp được, nên Thiền định tu hành chẳng có kết quả, nhập định chẳng được, phần đông rơi vào tà định. Vì thế, thời nay ít ai tu đúng "Chánh Niệm" và nhập đúng "Chánh Định". Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định chỉ còn là lý thuyết suông.

Những học giả, những giảng sư và những hành giả tu chưa đến nơi, đến chốn, đem tưởng giải và kiến giải ra giảng những kinh Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Thập Thiện, Đạo Đức Nhân Quả của đạo Phật v.v… Họ không thể triển khai nổi, chỉ thuyết giảng loanh quanh, lập lại những kiến giải, tưởng giải của những người xưa, rồi thêm vào những kiến giải vay mượn của các tôn giáo khác, của cả khoa học hiện đại ngày nay.

Đọc lại những quyển kinh luận của các nhà học giả, sư, thầy viết ra, lý chánh pháp mù mờ không rõ, đời - đạo viên dung lố bịch, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia, giống như chiếc áo chắp vá chỗ này, chắp vá chỗ khác, hành pháp thì không thông, nên tưởng tượng ra các hành, dựa theo khoa học, võ học, dưỡng sinh, khí công, các pháp hành của Yoga v.v…, tu tập ức chế thân tâm một cách quá đáng, tạo ra biết bao nhiêu bịnh tật cho những hành giả ngu si tự đem mình vào chỗ chết, chỗ khổ mà không biết.

Kinh sách phát triển của đạo Phật quá nhiều, nhưng chẳng biết tìm đâu ra một cuốn kinh nào để tu đến nơi đến chốn, đọc vào chỉ toàn là luận lý thuyết suông, thực hành thì vay mượn những pháp môn của ngoại đạo. Chính những người đã viết ra những bộ kinh sách đang bày bán, họ cũng chẳng tu đến đâu, vì họ đang sống chạy theo dục lạc thế gian như những người khác, vì thế biết rõ họ chưa giải thoát.

Sau mười năm trong thất, sống giữ gìn giới luật đúng Phạm hạnh và tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, chúng tôi đã thấy được kết quả của những pháp môn này, làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Ra thất, chúng tôi thành lập tu viện Chơn Như, quyết tâm chấn hưng lại Phật Pháp. Mười bảy năm trôi qua, biết bao nhiêu người theo tu với chúng tôi, chỉ có ăn, ngủ, độc cư mà không ai tu nổi, thì làm sao tu định vô lậu, ly dục ly ác pháp, không ly được dục ly ác pháp thì làm sao nhập Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định được.

Hiện Tại An Lạc Trú Tứ Thánh Định không nhập được thì không bao giờ làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Tu viện của chúng tôi, chỉ còn lại một vài nguời sống đúng Phạm hạnh, ly dục ly ác pháp, hiện giờ họ đang thực hiện khá sâu vào Tứ Niệm Xứ để thực hiện Thiền định (Tứ Thánh Định), họ sẽ là những người thắp sáng lại đạo Phật sau này, nếu chúng sanh có đủ duyên, còn nếu không đủ duyên tức là thiếu phước thì những tu sĩ này sẽ không đủ nghị lực và bền chí chiến đấu lại những nghiệp lực cuối cùng của đời họ, thì Phật giáo chấn chỉnh rất mờ mịt và khó khăn vô cùng (BBT: thì việc chấn chỉnh Phật Giáo rất mờ mịt ...). Vì giới luật là cửa ngõ để bước vào được nhà Thiền định mà giới luật thì quá khắc nghiệt. Cho nên, sống đúng giới luật thì quá khó khăn vô cùng.

Con đường tu hành theo đạo Phật rất thực tế và cụ thể cho tất cả mọi người, đều có thể giải thoát khỏi cảnh khổ của thế gian bằng một cuộc sống "Đạo" ly dục ly ác pháp.

Sống có ly dục ly ác pháp thì sự tu hành theo đạo Phật mới có kết quả, bằng ngược lại tu hành vô ích, không lợi mình lợi người còn mang nợ đàn na thí chủ.

Vì sống đạo thì phải ly dục ly ác pháp, nên ít có người theo sống được, hầu hết đều bỏ cuộc tu hành hoặc tu có hình thức hoặc biến thái đạo Phật qua một hình thức khác (Bồ tát hạnh) để dễ bề hành dục lạc.

Suy đi nghĩ lại, chúng tôi đắn đo nhiều lần. Có nên triển khai giáo án đường lối tu tập của đạo Phật cho hậu thế ngày mai không? Nếu đường lối tu hành của đạo Phật không được phổ biến ở đời này, nhất là “đạo đức nhân bản - nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người” thì loài người sẽ đi về đâu? Và sẽ khổ đau biết dường nào?

Sự mê mờ vô minh của con người từ ngàn xưa đến nay đã lầm chấp và cho các pháp thế gian là thật có sẽ đem lại hạnh phúc cho họ, khi họ được đầy đủ. Vì sự lầm chấp này, họ ôm giữ khư khư không chịu buông bỏ ra. Do thế, ác pháp càng tăng trưởng, thiện pháp càng suy giảm, con người khổ đau lại càng khổ đau hơn.

Lòng thương xót loài người, họ đã theo đạo Phật từ xa xưa, hiện giờ và mai sau, bao thế hệ này nối tiếp bao thế hệ kia, giải thoát đâu không thấy chỉ thấy toàn ưu bi,sầu khổ, bịnh, chết, lại càng khổ đau hơn. Tu mãi chỉ có an ủi tinh thần một cách trừu tượng, mơ hồ chẳng có thực tế chút nào cả, chẳng có lối thoát ra, loanh quanh lẩn quẩn trong mê hồn trận của ngoại đạo.

Những gương Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết họ phải chịu khổ đau quá ư cay đắng, khiến cho chúng ta bâng khuâng và lo nghĩ rất nhiều về số phận của mình và các đệ tử sau này.

Đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác nói chung, có giải quyết được sự khổ đau của con người hay chăng? Nhất là bốn nỗi khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết. Không lẽ tôn giáo ra đời chỉ là những điều an ủi tinh thần suông của thế hệ này, đến thế hệ khác sao? Cho nên, chúng ta tự hỏi: “mục đích của các tôn giáo đến với loài người để làm gì?”. Đến với loài người, để xây dựng nền đạo đức nhân bản – nhân quả, giúp cho con người tự không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh, hay là tôn giáo đến để ru ngủ con người vào một giấc mơ đẹp Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn hay chứng Thiền, chứng đạo hoặc kiến tánh thành Phật, thành Tiên, thành Thánh v.v…

Do những sự tư duy trên đây, bắt buộc chúng ta phải xác định rõ ràng về tôn giáo: Nếu giáo lý của tôn giáo nào chứng nghiệm được như khoa học thì giáo lý ấy là đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người;còn giáo lý nào chứng nghiệm khoa học không được thì giáo lý ấy là giáo lý mơ hồ, trừu tượng, giáo lý mê tín, giáo lý ru ngủ con người giống như liều thuốc an thần.

Sau những ngày nghiên cứu các tôn giáo, Chúng tôi chọn Phật Giáo, vì Phật giáo rất gần gũi với khoa học. Chọn xong và đem hết cuộc đời mình, quyết hy sinh làm một cuộc thí nghiệm trên giáo pháp của tôn giáo ấy. Nhờ sự quyết tâm đó, chúng tôi đã loại bỏ ra rất nhiều pháp môn của ngoại đạo đang pha trộn trong giáo pháp của Phật Giáo. Cuối cùng, chúng tôi chứng nghiệm sự giải thoát của đạo Phật rất cụ thể và rõ ràng. Khi sống trong trạng thái giải thoát, chúng tôi không đành lòng nhìn con người dần dần đi xuống hố thẳm khổ đau, mà cứ tưởng mình vượt ra đau khổ bằng khối óc, đôi tay, bằng những kỹ thuật, khoa học, công nghệ hiện đại v.v…Họ tin rằng, khoa học và công nghệ hiện đại sẽ làm ra vật chất đầy dẫy, thì loài người sẽ đầy đủ hạnh phúc an vui, không còn khổ đau nữa. Sự nghĩ tưởng như vậy, họ đã lầm. Nếu con người không có đạo đức, thì đừng lấy vật chất mà giải quyết sự khổ đau của con người được. Vật chất càng nhiều, sự khổ đau của con người càng lớn, do lòng ham muốn vật chất nên tạo ra nhiều ác pháp và thế gian này sẽ là địa ngục. Nếu không có đạo đức, mà vì vật chất thì con người sẽ trở thành ác thú hay là quỷ dữ v.v…Biết mình tu hành chưa đủ uy đức như Phật, chưa đủ tài trí làm công việc lớn này, nhưng không thể làm ngơ trước sự đau khổ của muôn người, trước sự tồn vong của đạo Phật, nhất là nền đạo đức nhân bản – nhân quả.

Một tôn giáo có hàng triệu triệu người theo tu hành, lại tu không đúng chánh pháp. Vì thế, chúng tôi chẳng ngại nói lên sự thật, để xây dựng lại đường lối tu tập của đạo Phật đúng đắn, để làm sáng tỏ lại giáo pháp và nền đạo đức của đức Phật, và để cứu giúp biết bao nhiêu người, đang lầm đường lạc lối, tu sai pháp (tu ức chế tâm).

Nếu trên thế gian này, còn có những bậc chân tu của Phật giáo thì hãy vì tiền đồ của Phật giáo, vì tất cả chúng sanh, vì nhân loại… Hãy cùng với chúng tôi, vui lòng góp sức chỉ những chỗ sai sót, để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh cho đúng đường lối tu hành, và đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật. Xin chân thành tri ân quý vị.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

(Ngày 06 - 10 – 1997)

LỜI BẠT

Biên soạn và trả lời những câu hỏi của các Phật tử bốn phương về đường lối tu tập của đạo Phật, chúng tôi dựa theo bốn bộ kinh A Hàm thuộc Hán Tạng và năm bộ kinh Nikaya thuộc Tạng Kinh Pali cộng với kinh nghiệm tu hành của chúng tôi.

Việc biên soạn những câu trả lời này, chúng tôi tự hiểu lời dạy của đức Phật qua kinh nghiệm tu hành, không dựa vào diễn giải của các nhà học giả xưa và nay, không theo lối mòn đã giảng dạy của các Ngài, không chịu ảnh hưởng danh từ dịch thuật và các tôn giáo khác.

Chúng tôi biên soạn những câu trả lời này qua những lời Phật dạy trong các bộ kinh Nguyên Thủy mà chúng tôi tu tập đã có kết quả thiết thực, cụ thể, làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi bằng sức ý thức định lực tâm linh của mình.

Có những kinh nghiệm của chúng tôi đúng với những pháp hành trong kinh điển của đạo Phật. Phần đông, các nhà học giả, các vị giảng sư, xưa và nay không triển khai nổi. Nên chúng tôi phải dùng những câu kinh để chứng minh Phật đã dạy thực hành như vậy, chứ không phải tự chúng tôi kiến giải theo tâm thức phàm phu.

Khi minh chứng những lời dạy này, chúng tôi đóng ngoặc và ghi lời dạy đó ở bộ kinh luận nào, trang mấy, bài kinh số mấy để quý vị tiện nghiên cứu lại. Còn chỗ nào dễ hiểu và không nghi ngờ, thì chúng tôi thuyết giảng luôn và không minh chứng, được xem đó là dòng tư tưởng lưu xuất của chúng tôi đang hòa nhịp với những lời Phật dạy trong kinh tạng Pali. Vì thế, chúng tôi không cần nêu ra, vì có nêu ra làm mất thời giờ vô ích.

Bộ sách Văn Hoá Phật giáo Đường Về Xứ Phật này, được giảng dạy đi thẳng vào cuộc sống Phạm hạnh (Giới luật), lý đạo, lý pháp song song với hành pháp, để tiện việc cho người tu hành, biết cách sống đúng Thánh hạnh của đạo Phật. Và những gì cần thông suốt thì phải thông suốt, thực hành dứt bỏ những gì cần dứt bỏ, tu tập những gì cần tu tập, trau dồi thân tâm những gì cần trau dồi.

Người muốn tu theo đạo Phật, phải chấp nhận đường lối tu tập này, là một pháp môn tuyệt vời đưa mình ra khỏi cảnh trầm luân của thế gian, trong 24 tiếng đồng hồ một ngày đêm, không còn có thời giờ rảnh rỗi, liên tục tu tập, dù là giờ đi nghỉ, giờ thọ thực vẫn có pháp để thực hành.

Người tu theo đạo Phật, thực hành đúng như lời dạy trong đường lối tu tập này, thì trong hiện tại ngay đây liền sẽ có một cuộc sống giải thoát hoàn toàn, hạnh phúc an lạc, không phải chờ đợi một ngày, hai ngày, ba bốn năm ngày mà ngay khi quyết tâm bắt tay vào sự tu hành. Kết quả thấy liền, không làm khổ mình, không làm khổ người, sống một đời thanh cao, an lạc.

Chỉ có những người không nhiệt tâm, chấp hành tu tập không đúng lời dạy trong sách này, thường để thất niệm nên không có kết quả giải thoát, dù tu suốt đời cũng vậy. Họ là những người tu theo đạo Phật mà tâm đời không muốn rời bỏ, nên kết quả chẳng ra gì. Họ là những người tu chơi làm mất thời giờ vô ích.

Việc biên soạn những câu trả lời này, mục đích dựng lại những tinh hoa cốt tủy của đạo Phật, ngõ hầu giúp cho mọi người thấu hiểu đạo Phật rõ ràng và khái quát hơn.

Một tôn giáo có cuộc sống an lạc hạnh phúc, gần nhất của loài người, thực tế và cụ thể như khoa học hiện đại, một tôn giáo không có tính cách mê tín, trừu tượng, huyền bí, thần kỳ, chỉ là một sức tự lực thoát ra lòng ham muốn của chính mình, để vượt khỏi sóng gió ba đào của kiếp người, bằng một nghị lực kiên cường, gan dạ, nhẫn nại, bền chí …

Việc biên soạn những câu trả lời này, là mục tiêu quét sạch những tà kiến ngoại đạo đang giả danh, giả nghĩa đạo Phật, làm mê mờ và lừa gạt hằng vạn triệu tín đồ Phật giáo trên khắp năm châu.

Việc biên soạn những câu trả lời này là mục đích chỉ thẳng cho tín đồ Phật giáo nhận biết những vị Tỳ kheo nào là đệ tử của đức Phật và những vị Tỳ kheo nào là đệ tử của Bà La Môn Giáo và Tiên Giáo…

Lời thật mất lòng, chúng tôi biết, ngoài chúng tôi ra chẳng còn ai dám nói thẳng. Từ xưa đến giờ, có nhiều người đã biết cái không đúng trong đạo Phật và giáo lý ngoại lai đã biến Phật giáo thành Thần giáo mà vẫn cứ chịu làm thinh, vì không dám nói ra, nói ra các vị thầy lớn và các bậc tôn túc răn đe đủ cách khiến cho các thầy nhỏ chẳng dám hé răng. Họ bưng bít mọi điều để che đậy các hành động sai quấy của mình. Cũng vì thế, Phật giáo chỉ còn có bề mặt bên ngoài, còn bên trong thì mối mọt đã đục nát tan.

Những bậc chân tu nhìn thấy hoàn cảnh tu sĩ của Phật giáo hiện giờ, phạm giới, phá giới, sống như người thế tục, vật chất đầy đủ, xe cộ không thiếu, nhà cao cửa rộng, sống như những hàng vua chúa, ai mà không đau lòng, đó là một sự sa đọa của tu sĩ Phật giáo, một sự phá hoại Phật giáo tận cùng.

Hoàn thành một bộ sách Văn Hoá Phật giáo Đường Về Xứ Phật, để xác định rõ đường lối tu tập của đạo Phật là một việc làm rất khó trong giai đoạn này. Vả lại, việc in thành sách nếu không có Phật tử góp công, góp sức và ủng hộ thì khó viên thành. Nhưng, chúng tôi là những tu sĩ đạo Phật, thấy biết rất rõ các pháp trong thế gian đều do duyên. Duyên chưa đủ, chúng ta có muốn cũng khó thành. Nếu phước chúng sanh đủ, duyên kia sẽ thành, lo gì bộ sách này không đến tay quý vị.

Chúng tôi sẽ đem hết sức mình làm việc, để bộ sách này, được đến tay quý vị, sớm chừng nào tốt chừng nấy, để không phụ lòng mong đợi của quý vị.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

(Ngày 08 tháng 10 năm 1997)

CHƯƠNG I

NGƯỜI CƯ SĨ ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT TRƯỚC TIÊN CẦN THÔNG HIỂU

DUYÊN PHẬT PHÁP

Một người có đủ duyên được đọc kinh sách của đạo Phật, thấy được chân lý của Đạo rất thực tế và cụ thể, hướng dẫn con người cách thức sống có đạo đức, tu tập và trau dồi thân tâm để thoát khỏi kiếp sống đọa đày trầm luân đau khổ của kiếp người, bằng sức tự lực của chính mình nhất là điều khiển được sự sống chết như ý muốn và còn chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Vì thế, khi bắt đầu đến với đạo Phật để trở thành người đệ tử chân chánh, thì quý vị cần phải thông hiểu những gì chân thật và những gì không chân thật của đạo Phật. Quý vị cần phải sáng suốt chấp nhận những gì đúng và phải biết gạt bỏ những gì không đúng của Phật giáo. Và cuối cùng, quý vị cần phải biết kính trọng và không kính trọng những gì phải và những gì không phải của đạo Phật.

Phần đông, Phật tử hiện giờ không cung kính và tôn trọng chánh pháp của đạo Phật, họ thường tôn kính giáo pháp phát triển của một số hệ phái và luôn luôn tu hành theo giáo pháp trừu tượng mê tín đó, mặc dù kết quả tu hành chẳng ra gì. Nếu có ai mạnh dạn nói rằng, giáo pháp phát triển của những hệ phái đókhông phải là của Phật thuyết, đó là giáo pháp mê tín của ngoại đạo Bà La Môn, thì họ căm tức và tìm mọi cách chống lại. Đôi khi, còn dùng những lời lẽ xỉ vả, mạt sát, một cách hung tợn và bảo thủ.

Khi một người chưa biết Phật Pháp, chưa hiểu đạo Phật, một hôm có đủ duyên được đọc một cuốn kinh Phật như trường hợp chúng tôi đã nghe quý Phật tử thuật lại: Con từ hồi nào tới giờ chưa biết Phật Pháp, một hôm được người bạn trao cho cuốn kinh Thủ Lăng Nghiêm.Nhờ đọc kinh này, con thấu lý của đạo Phật quá tuyệt vời, quá hay. Nên từ đó, con hướng tâm đến đạo Phật, thường đi nghe thuyết giảng trong các chùa và mua thêm những loại kinh sách Phật để tham cứu đường lối và cách thức tu tập của đạo Phật, càng đọc kinh sách Phật con lại càng có ý muốn đi tu hơn!!!”.

Đó là, những người hữu duyên may mắn được đọc các bộ kinh như: Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang Kinh, Pháp Hoa Kinh, Phật Học Phổ Thông và toàn bộ giáo lý A Hàm hoặc kinh Nikaya. Ngược lại, những người chưa đủ duyên, chưa được đọc kinh sách Phật, chưa hiểu đạo Phật ra sao, nên nhìn đạo Phật như một tôn giáo mê tín, ông Phật như ông Thần chuyên phò hộ và ban phước lành cho nhân gian.

Hầu hết hiện giờ, mọi người hiểu đạo Phật qua bốn hệ phái khác nhau:

1. Tịnh Độ Tông, biến Phật giáo thành tôn giáo mê tín, cúng bái, cầu khẩn, niệm Phật cầu vãng sanh như Đạo Bà La Môn.

2. Thiền Tông, biến Phật giáo thành Tiên Giáo.

3. Duy Thức Tông, biến Phật giáo thành khoa tâm lý học.

4. Mật Tông, biến Phật giáo thành tôn giáo huyền bí, linh thiêng.

Thật ra, Phật giáo không phải tâm lý học, không phải cảnh giới siêu hình (Cực Lạc) không phải bản thể của vạn hữu, cũng không phải linh thiêng siêu phàm nhập thánh mà chính là cuộc sống bình thường như mọi người đang sống, nhưng họ đã lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp.

Người nào hiểu đúng và biết cách sống đúng ly dục ly ác phápsẽ có tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Đó chính là, người có hữu duyên với chánh pháp của đạo Phật, bằng ngược lại thì đó là vô duyên hoặc gặp tà pháp, hoặc có duyên với tà pháp như người Phật tử đã nói ở trên.

Vô duyên không gặp chánh Phật Pháp, còn hơn là những người hữu duyên mà gặp lại tà pháp của ngoại đạo. Gặp tà pháp của ngoại đạo thì lại sanh ra kiến chấp, kiến chấp rất là khó bỏ. Con người vốn vô minh nên khi gặp pháp nào cũng đều tin. Tin một cách mù quáng nên dễ dính mắc tà pháp, nhưng dù biết đó không đúng pháp của đạo Phật, nhưng rất khó bỏ. Vì thế, trên thế gian này có rất nhiều tôn giáo, nhưng tôn giáo nào cũng có người theo, nhất là những tôn giáo có thần thông lại dễ cám dỗ người theo hơn. Do đó, giáo pháp nào có thần thông thì người theo càng ngày càng đông, như kiến bu trên cục đường. Nghe thần thông ai lại không mê, nhưng thần thông chỉ là một loại tưởng lực, ảo giác, lừa đảo con người.

NGƯỜI TÍN ĐỒ CHÂN CHÁNH CỦA PHẬT GIÁO

Do sự hiểu biết không thâm sâu về đạo Phật, hiểu biết một cách nông cạn. Vì thế, tín đồ Phật giáo có thể chia làm năm loại:

1. Người tín đồ đến chùa cúng bái, cầu an, cầu siêu, xin xăm, bói quẻ, xem ngày tốt xấu, cúng sao, giải hạn v.v.. (Phật tử mê tín).

2. Người tín đồ đến chùa cúng dường chư Tăng, nghe thuyết pháp giảng kinh để tìm hiểu đạo Phật, những người này có học thức nhưng lại thiếu cân nhắc, nghe giảng pháp nào tin ngay pháp nấy. Không biết pháp có đúng hay sai của đạo Phật, cứ nghe giảng có lý là cứ tu tập. Do thế, sanh ra kiến chấp, tranh luận hơn thua... (Phật tử nông nổi).

3. Người tín đồ đến chùa ít cúng dường chư Tăng, ít lễ Phật, ít cúng bái, chỉ chuyên nghe thuyết giảng kinh điển, học thuộc làu nghĩa lý và thỉnh nhiều loại kinh sách của các nhà học giả nghiên cứu sưu tầm soạn ra, lấy đó làm tiêu chuẩn, rồi cũng tự kiến giải nghĩa lý ấy, theo quan điểm riêng tư của mình, tìm các bậc tu hành tranh luận hơn thua để hạ nhục họ và tự cho mình như một bậc Thầy thông suốt lý đạo. Đôi khi, còn tỏ ra như mình đã tu chứng (Phật tử kiêu căng).

4. Người tín đồ đến chùa không cúng bái Phật, không cúng dường chư Tăng, không nghe thuyết giảng kinh, chỉ móc nối làm ăn (Phật tử mượn danh làm ăn).

5. Người tín đồ đến chùa cúng bái Phật, cúng dường chư Tăng, nghe thuyết giảng kinh điển để tìm hiểu và cân nhắc pháp môn nào đúng, pháp môn nào sai, để chọn lấy pháp môn chân chánh của đạo Phật rồi mới tu tập (Phật tử chân chánh).

Trong năm loại Phật tử, chỉ có loại Phật tử thứ năm, mới chính là tín đồ Phật giáo thuần thành, chấp hành nghiêm túc theo đúng lời dạy của đức Phật, còn bốn loại Phật tử kia, là tín đồ không hiểu đạo Phật (BBT: . Chịu ảnh hưởng) chịu ảnh hưởng tà giáo ngoại đạo khiến Phật giáo suy vong, cũng chính do bốn hạng Phật tử trên, nhất là hạng Phật tử mê tín.

Nếu không là đệ tử của đức Phật thì thôi, mà đã là đệ tử của đức Phật, thì phải có sự sáng suốt, ngăn ngừa bảo vệ không cho tà giáo ngoại đạo xâm chiếm vào Phật giáo mới đúng, đàng này thì khác, đệ tử của đức Phật mà lại nối giáo cho ngoại đạo để diệt Phật giáo mới thật là đau lòng.

Kính thưa quý vị! Không phải quý vị hiện giờ đang thực hành và ca ngợi giáo pháp của ngoại đạo sao?

Những điều quý vị đến chùa cúng bái, cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu v.v..và như vậy, quý vị có làm đúng như lời Phật dạy không?

Quý vị hằng ngày ngồi Thiền, niệm Phật đã được những kết quả giải thoát gì? Tâm có hết tham, sân, si chưa? Hay chỉ ngồi kiết già ba bốn tiếng đồng hồ, quý vị cho đó là kết quả ư!

Ở những giáo pháp này, đã biến quý vị trở thành những con chiên ngoan đạo, quý vị có biết không?

Những giáo pháp này, đã biến Phật giáo thành tà giáo ngoại đạo, mê tín, lạc hậu, thiếu khoa học, không logic. Các vị có tin lời nói của chúng tôi không? Đó là, một sự thật hiển nhiên, xin các vị suy ngẫm lại.

VỊ MINH SƯ PHẬT GIÁO

Người vô duyên không được gặp Phật Pháp, cuộc đời trôi theo dòng nước dục lạc uế trược thế gian, bảy nổi ba chìm, khổ đau vô tận, từ kiếp này chuyển sang kiếp khác không bao giờ dứt, như con kiến đi quanh vòng miệng lu.

Người vô duyên không gặp Phật Pháp, lại gặp tà pháp, càng tu tự ngã càng cao, thường gạt người để mua danh cầu lợi, làm nhiều điều tội ác, thật là uổng phí cho một đời tu của một kiếp người.

Người hữu duyên gặp được Phật Pháp nhưng không gặp được minh sư, không thấu rõ lý chánh pháp của đạo Phật, tu tập theo kiến giải của các nhà học giả, giống như loài vật gặm xương, bỏ đi thì uổng, nhai lại thì chẳng có gì.

Người hữu duyên và có tâm quyết tu theo đạo Phật, để mong cầu thoát ra cảnh khổ trần lao thế tục, mà lại gặp những kinh sách phát triển ngoại đạo, hiện hành của các nhà học giả biên soạn ra, xưa và nay thì tu hành, dở sống dở chết chẳng ra gì. Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.

Để làm sáng tỏ trong giới tu sĩ Phật giáo hiện giờ, chúng ta có thể chia làm sáu loại tu sĩ như sau:

1/ Tỳ kheo chuyên cúng bái, tán tụng, kệ ngâm (ứng phú đạo tràng). Tỳ kheo này ít học giáo lý, chùa là nơi sinh sống như một gia đình, có vợ, có con, tự làm ăn mọi nghề nghiệp như một gia đình thế tục: làm ruộng, làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi heo, gà, dê, bò v.v..Có ai thỉnh đi cúng bái, tụng niệm cầu siêu, cầu an v.v.., đều cất giá tiền công hẳn hòi.

2/ Tỳ kheo chuyên cúng bái tụng niệm, cầu siêu, cầu an, tổ chức lễ lộc, tổ chức hành hương, tổ chức từ thiện v.v.. Các vị Tỳ kheo này không có vợ con, có trình độ giáo lý và có học thức, đi đám tụng niệm không lấy tiền công, chỉ nhận tiền cúng dường trai tăng tứ sự v.v.. Chùa là nơi sinh hoạt của những Phật tử mê tín suốt ngày.

3/ Tỳ kheo chuyên học tập giáo lý, làm việc Giáo Hội, giảng sư dịch thuật, soạn kinh viết sách, các vị Tỳ kheo này có trình độ văn hóa cao, có kiến thức Phật giáo sâu rộng nhưng không có tu hành, họ thuộc về cấp lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo.

4/ Tỳ kheo vừa tu vừa thuyết giảng kinh điển Thiền, Mật và Tịnh cho tín đồ tu tập theo kiến giải của mình, những Tỳ kheo này tu theo Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh. Bốn hạng Tỳ kheo trên đây thuộc về Bắc Tông Đại Thừa Giáo.

5/ Tỳ kheo chuyên ăn thịt chúng sanh, đó là những Sư Nam Tông, tu theo kinh sách Nguyên Thủy, nhưng bị kiến giải của các nhà học giả có học thức cao trên đại học, thường phá giới, sống phi Phạm hạnh nên hiểu sai lời dạy của đức Phật đã trở thành những ác tri thức, mất chủng tử từ bi, xa lìa hạt giống chánh pháp, thường lý luận để ăn thịt chúng sanh: “Ăn không thấy, không nghe, không nghi”.

6/ Tỳ kheo cất thất, am, cốc riêng để tu một mình, đó là những tu sĩ tiêu cực, yếm thế, chỉ tìm sự an vui cho cá nhân. Họ tưởng tu như vậy là giải thoát, nhưng nào ngờ là trốn đời chạy theo tâm ham muốn sống cảnh yên tịnh.

Trên đây là sáu hạng Tỳ kheo:

a/ Nếu quý vị chọn loại một làm thầy thì quý vị tu theo Phật giáo Ứng Phú Đạo Tràng mê tín, chịu nhiều ảnh hưởng phong tục tập quán dân gian, những Tỳ kheo này phần đông phá giới, phạm giới, sống không bao giờ đúng giới hạnh, những tu sĩ này được xem là những cư sĩ trọc đầu.

b/ Nếu quý vị chọn loại hai làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo thuộc Bà La Môn Giáo, tu phước hữu lậu.

c/ Nếu quý vị chọn loại ba làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo danh lợi.

d/ Nếu quý vị chọn loại bốn làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông. Những pháp môn tu này giống như người nhai viên sắt, nuốt chẳng vô, nhả chẳng ra.

e/ Nếu quý vị chọn loại năm làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo Nam Tông, trở thành ác tri thức, mất tâm từ bi, xa lìa đạo giải thoát.

f/  Nếu quý vị chọn loại sáu làm thầy, thì quý vị tu theo Phật giáo yếm thế trốn đời, tiêu cực. Cuộc đời tu hành chẳng tu tới đâu, chỉ có công mà chẳng lợi ích gì.

Trong đạo Phật có sáu loại tu sĩ như vậy, nếu quý vị không chấp nhận họ làm thầy của mình, thì quý vị chấp nhận ai làm thầy của mình?

Chúng tôi xin giới thiệu một vị minh sư của đạo Phật, để quý vị khỏi tìm kiếm đâu xa và khỏi bị tà sư ngoại đạo lường gạt. Vị minh sư ấy là Giáo Pháp và Giới Luật của đức Phật’’. Xưa, đức Phật cũng nhờ nương vào giáo pháp và giới luật này, mà Ngài tu chứng đạo. Cho nên, khi thành đạo Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp này và tôn xưng nó là Thầy của mình. Đến khi nhập diệt vào Niết Bàn, Ngài di chúc lại: “Sau khi Ta nhập Niết Bàn, các Thầy Tỳ kheo hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành…”

Chúng tôi cũng xin giới thiệu, kinh sách của chính đạo Phật để quý vị khỏi lầm kinh giả.

1. Bốn bộ kinh A Hàm.

2. Năm bộ kinh Nikaya.

Tuy rằng, bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nikaya là kinh gốc của đạo Phật, nhưng trong ấy các Tổ đã có sự thêm bớt rất nhiều, nhất là kinh A Hàm, các Tổ đã dịch làm lệch ý của Phật và còn soạn viết những bài kinh gạch nối giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa. Vậy, quý Phật tử khi nghiên cứu đừng tin trọn những kinh sách này, mà hãy nhớ lời đức Phật đã dạy:

“Này các Kàlàmà!

1- Chớ có tin vì nghe truyền thuyết,

2- Chớ có tin vì nghe truyền thống,

3- Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn,

4- Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng,

5- Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình,

6- Chớ có tin vì đúng theo một lập trường,

7- Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện,

8- Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình,

9- Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền,

10- Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v..

Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào, tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.

Những lời dạy trên đây của đức Phật, là những lời nhắc nhở và cảnh cáo đệ tử của mình, đừng quá vội tin mà bị lừa đảo những pháp môn ngoại đạo giả mạo của Phật giáo.

Rút ra từ những lời dạy này, khi bước chân vào các tôn giáo thì chúng ta cần phải dè dặt cẩn thận nhiều hơn, không nên tin mù quáng mà phải chọn đúng chánh pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì chính đạo đức làm Người, làm Thánh là sẽ không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả những loài chúng sanh.

ĐẠO PHẬT LÀ MỘT TÔN GIÁO TỰ LỰC

Người muốn đi theo con đường tu hành chân chánh của đạo Phật, thì phải thấu rõ đời sống của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết, toàn là một cuộc sống khổ, khổ như thật, khổ vì thân tâm của mình mang đầy ắp phiền não tham, sân, si, khổ vì mọi người sống chung quanh mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì hoàn cảnh trái ngang lúc thuận lúc nghịch, khổ vì cơm ăn áo mặc phải vất vả gian nan. Khi chúng ta thấy đúng, biết đúng khổ như vậy, thì mới dám chọn con đường tu hành của đạo Phật. Nếu không thấy đời sống khổ như thật, còn thấy nó có hạnh phúc, có an lạc, sung sướng thì đừng nên chọn con đường tu hành của đạo Phật.

Tại sao vậy?

Tại vì, con đường tu hành của đạo Phật là con đường đi ngược lại với cuộc sống của đời người. Vả lại, con đường tu hành theo đạo Phật là một con đường phải tự lực dùng sức lực của mình, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu tập cố sức xả bỏ những tâm niệm đầy tham muốn và các ác pháp đang vây quanh. Khi muốn xả bỏ như vậy, thì chúng ta cần phải gan dạ, lầm lỳ, kiên trì, chịu đựng, kham nhẫn v.v.. Và còn phải đầy đủ nghị lực để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải vào điện Phật cúng bái, cầu khẩn, van xin, nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, trợ lực cứu khổ cứu nạn, giải thoát các khổ đau, tai ương, bệnh tật v.v.., hay phóng hào quang tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Cực Lạc Tây Phương.

Và cũng không phải tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, ngồi Thiền, luyện bùa, luyện chú để có thần thông, pháp thuật v.v.. hoặc để cầu được sinh về Cực lạc, Niết Bàn bằng những tha lực, oai lực của chư Phật, chư Bồ tát.

Muốn tu theo đạo Phật để thoát cảnh khổ đau của kiếp làm người, thì phải dùng sức tự lực của chính mình, chứ không phải bằng tha lực của người khác, như trong các kinh sách phát triển ngoại đạo dạy.

Đọc kinh sách Nguyên Thủy, chúng ta thấy đức Phật dạy tu hành bằng những pháp môn tự lực, hầu hết không có một bài pháp nào dạy tu tập cầu tha lực. Chỉ có kinh sách phát triển ngoại đạo mới có dạy tu tha lực mà thôi (niệm Phật cầu vãng sanh).

Khi nghe giảng đến đây, có người lại hỏi chúng tôi: Vậy, kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh”, không phải pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?

Kính thưa quý Phật tử! Đức Phật dạy niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật; niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh; niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải trai tăng cúng dàng lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu; niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới. Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu; “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Niệm như vậy, là niệm không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây, đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng và đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy là để nhất tâm bất loạn tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi, thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...). Còn hiểu theo Thiền Tông, thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác là Thiền định, là Phật tánh. Nhưng tất cả những sự tu tập như vậy, đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị, sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây quý vị coi chừng rối loạn thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng.

Người mới bước chân vào đạo Phật, ngơ ngác trước đống kinh sách khổng lồ của Phật giáo phát triển. Có những loại kinh sách, chúng ta đọc vào thấy toàn sự tu tập đều nhờ tha lực để trợ lực trên bước đường đi đến giải thoát như: kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà, kinh Quy Ngươn, kinh Pháp Hoa v.v..

Tất cả kinh này đã làm cho người tu sĩ nhụt chí, mất hết nghị lực, biến Phật giáo thành một tôn giáo tha lực, một tôn giáo mê tín khiến cho người đời sau tu hành chỉ còn biết cầu cạnh vào kẻ khác, do những sự tu hành sai này đạo Phật chẳng còn ai tu chứng.

Họ lý luận, người mới tu phải tụng kinh, bái sám, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật, phải cầu tha lực, còn người tu lâu năm phải tự lực ngồi Thiền quán niệm hơi thở. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy, tức là chẳng hiểu Phật giáo gì cả. Hiểu như vậy là hiểu theo Phật giáo phát triển.

Người mới tu, như các cư sĩ bước chân vào Đạo, đức Phật đã dạy bài học tu tập tự lực đầu tiên là phải dứt bỏ sáu nghề nghiệp ác đang sanh sống hàng ngày, nghĩa là chúng ta muốn theo đạo Phật tu hành thì phải đổi nghề ác làm nghề thiện.

Qua bài kinh dứt sáu nghề ác, chúng ta thấy rõ sự tự lực của đạo Phật ngay từ lúc ban đầu.

Khi bước chân vào Đạo ta được nghe Người dạy: Thông hiểu những gì cần phải thông hiểu, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần tu tập, trau dồi những gì cần trau dồi. Những việc làm này không thể cầu tha lực của người khác được.

Đạo Phật là một tôn giáo xây dựng trên nền tảng thiện pháp, mọi ác pháp đều phải được loại trừ dứt bỏ, nhờ có loại trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, cuộc sống mới có sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho mình, cho người.

Loại trừ ác pháp, chỉ có tự lực, không thể có tha lực, những điều làm ác phải tự mình dứt bỏ chứ không thể cầu cạnh người khác giúp mình được.

Ví như mình đi ăn cắp, ăn trộm, nhờ người khác giúp mình đừng ăn cắp, ăn trộm có được không? Không thể được, phải tự mình biết đó là một việc làm ác, khiến người ta sầu khổ thì mình nên dứt bỏ, cũng như sáu nghề nghiệp ác, không thể cầu chư Phật giúp mình dứt các nghề nghiệp ác đó được. Chính phải tự mình tự lực dứt bỏ, không hành nghề ác đó nữa.

Nhờ thế, chúng ta mới biết rõ đạo Phật là đạo tự lực. Kinh sách tha lực không phải kinh sách đạo Phật.

Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, nhân quả chỉ có tự lực mới dứt bỏ được mà thôi, dù cho có một đấng vạn năng cũng không giúp chúng ta vào việc này được.

Vì thế, đạo Phật là một tôn giáo mà phi tôn giáo; một tôn giáo không có đấng thiêng liêng vạn năng cứu khổ, một tôn giáo bằng sức tự lực của con người cứu mình ra mọi cảnh khổ, nên đạo Phật còn gọi là “Đạo Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.

Đạo Phật còn gọi là nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình,khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.

CHƯƠNG II

NGƯỜI CƯ SĨ CÓ SÁU NGHỀ KHÔNG NÊN LÀM

CÓ SÁU NGHỀ ÁC

Trong kinh A Hàm và Nikaya, đức Phật đã ngăn cấm người cư sĩ không nên hành sáu nghề ác, vì sáu nghề này không phù hợp với tâm từ bi của đạo Phật. Sáu nghề ác đó như sau:

1. Không làm nghề săn bắn, nghề săn bắn là một nghề cực ác, giết hại biết bao nhiêu loài cầm thú rừng: nai, hươu, khỉ, chồn, heo, gà rừng và các loại chim chóc khác nữa v.v..

2. Không làm nghề chài lưới, nghề chài lưới cũng là một nghề rất độc ác, chuyên bắt tôm cá, giết hại loài thủy tộc như: đặt rọ, lờ, chài, lưới, vó, câu v.v..

3. Không làm nghề buôn bán thịt sống, nghề buôn bán thịt sống là nghề sát sanh trâu, bò, heo, dê, ngựa, chó, gà, vịt v.v.. Người làm nghề này, gọi là đồ tể giết gia súc bán từng ký lô cho người khác mua về làm thực phẩm, nghề này rất độc ác, giết hại chúng sanh không chút lòng thương xót.

4. Không làm nghề buôn bán thịt chín, nghề buôn bán thịt chín là nghề lấy thịt chúng sanh nấu thành thực phẩm như: phở, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bì chả, nem v.v.. Nghề này cũng là nghề độc ác, người hành nghề này cũng đánh mất tâm từ bi.

5. Không làm nghề sản xuất và buôn bán rượu, vì sản xuất và buôn bán rượu khiến người ta nghiện ngập say sưa, không còn trí thông minh, nên họ có thể la xóm, mắng làng, chửi vợ mắng con, bất kể cha, mẹ, anh, em ruột thịt, không biết dơ sạch, nằm ngoài đường, ngủ bụi, ngủ bờ, nằm sương nằm nắng, làm mất thể diện con người, thân thể dễ sanh bệnh tật, tạo cảnh khổ đau cho cha, mẹ, anh, em, vợ, con v.v..

6. Không làm nghề buôn bán người, nghề buôn bán người là nghề mãi nô (bán nô lệ) nghề buôn hương bán phấn (nghề mãi dâm) cũng là nghề buôn bán người. Nghề này rất độc ác, dùng thế lực, tiền bạc, vật chất bắt ép những người cô thân thất thế đang cảnh nghèo đói bán thân làm nô lệ, làm gái mãi dâm, khiến cho gia đình khổ đau và tan nát. Nghề mãi dâm là một nghề đồi bại làm mất nhân phẩm của con người, khiến con người không còn đạo đức và còn tệ hơn loài thú vật, vì con vật có lúc dâm và cũng có lúc không dâm, cho nên kẻ làm nghề bán trôn nuôi miệng là kẻ làm xấu xa thân phận làm người.

Sáu nghề nghiệp này, là sáu nghề nghiệp độc ác, giết hại chúng sanh và làm khổ đau bệnh tật muôn người, nhất là nghề sản xuất và bán rượu, sản xuất và bán thuốc phiện, sản xuất và bán xì-ke ma túy, sản xuất và bán thuốc lá, thuốc lào v.v.. là những thứ gây bệnh tật nghiện ngập hao tổn tiền bạc, của cải, tài sản biết bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu thế hệ phải gánh lấy hậu quả đau khổ này.

Do thế, những người hành những nghề nghiệp này để nuôi thân mạng, cha mẹ, gia đình và làm giàu trên sự đau khổ của muôn người muôn vật.

Họ là những người vô minh không thấy luật nhân quả đang chi phối diễn biến từng phút giây trong mỗi con người, luật nhân quả sẽ không tha thứ một ai, nếu ai đã làm điều ác thì phải hứng lấy hậu quả khổ đau.

Nếu quý vị không tin lời Phật dạy, thì hỏi thăm những gia đình đang hành những nghề nghiệp này. Trông bề ngoài có vẻ giàu sang sung sướng nhưng bên trong chẳng có hạnh phúc gì cả. Thường những gia đình này hay có những người đau ốm bệnh tật, không người này thì đến người khác, tai nạn thường xảy ra, khiến gia đạo bất an, lúc nào cũng lo lắng sợ sệt, cuộc sống của gia đình họ chẳng bao giờ êm ấm yên vui hạnh phúc.

Làm ác thì phải lãnh quả khổ. Không làm sao và cũng không ai cứu thoát khổ được.

Vì thế, đức Phật biết rất rõ nhân quả thiện ác, nên Ngài muốn cho đệ tử của mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài thường ngăn cấm không cho người cư sĩ hành sáu nghề nghiệp ác, dù nghề nghiệp ấy kiếm tiền rất dễ, nhưng nó không phải là hạnh phúc chân chánh. Do đó, Ngài muốn cho các đệ tử của mình sống an vui hạnh phúc chân chánh, không còn gặp cảnh đau khổ nữa. Chính vì hằng ngày, trong cuộc sống chúng ta đã tạo ra nhiều nhân ác nên phải chịu những quả khổ đau đời đời kiếp kiếp, chứ không ai mang đến quả khổ ấy cho ta được dù kẻ đó là quỉ thần ác độc. Cũng như không có một vị thần Thánh nào hay một đức Phật cùng những vị Bồ Tát nào ban phúc lành cho chúng ta được. Xin các bạn lưu ý cho điểm này.

Nhân quả là một đạo luật công bằng, chính chúng ta làm ra là chúng ta phải chịu, không thể người khác chịu thay cho chúng ta được. Vì thế, không ai mang đến khổ đau cho chúng ta mà chính chúng ta,cũng như không ai mang đến hạnh phúc an vui cho chúng ta mà chính chúng ta.

Bởi, người cư sĩ không thấy luật nhân quả rất công bằng và công lý, cho nên trong cuộc sống họ không biết chọn nghề nghiệp, chỉ thấy nghề nào làm ra tiền và có cơm ăn áo mặc dễ dàng, nhất là môi trường sống, nơi đó mọi người làm nghề sát sanh là dễ kiếm tiền thì họ bắt chước làm theo, nhưng không ngờ lại tạo ra vô vàn tội ác. Từ những hành động tạo ra sự chết chóc và đau khổ cho chúng sanh thì chính bản thân họ và ngay cả gia đình đều phải thọ lãnh những quả khổ đau ấy từ người này đến người khác.

Là đệ tử của đức Phật, những hàng cư sĩ phải lưu ý sáu nghề nghiệp ác độc này, luôn luôn phải vâng theo lời dạy của đức Phật thì mới tìm thấy chơn hạnh phúc, an vui của cá nhân và của cả gia đình mình.

Hành nghề đúng như vậy mới gọi là chánh nghiệp, chính nghề nghiệp chân chánh mới nuôi được chánh mạng của mình và của mọi người trong gia đình. Hạnh phúc từ ấy sẽ đến với các bạn. Các bạn có tin những lời dạy này không?

THỌ DỤNG THỰC PHẨM ĐỘNG VẬT KHÔNG THẤY, KHÔNG NGHE, VÀ KHÔNG NGHI

Sáu nghề nghiệp ác đã dạy trong tập sách này, chúng tôi có ghi chú thêm để quý Thầy và các Phật tử nhận thấy rõ.

Tại sao lại có chư Tăng Nam Tông thọ dụng thực phẩm động vật?

Có phải đức Phật đã cho phép chư Tăng thọ dụng thực phẩm động vật hay không?

Để trả lời những câu hỏi này và làm sáng tỏ Phật giáo. Các nhà sư Nam Tông không biết dựa vào lời dạy nào của đức Phật mà dám thọ dụng thịt động vật.

Thưa quý Hòa Thượng, quý Sư, Thầy và các Phật tử hãy đọc lại bài kinh số 55 Jivaka trang 71, kinh Trung Bộ tập 2, Tạng Kinh Việt Nam do HT Minh Châu chuyển ngữ từ tiếng Pali sang Việt ngữ.

Trong bài kinh này, đoạn kinh thứ nhất đức Phật đã dạy người tu sĩ không được thọ dụng thịt động vật thấy, nghe và nghi: Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt động vật không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi”.

Theo nghĩa của đoạn kinh này, khi một vị Tỳ kheo “thấy” thực phẩm của người Phật tử cúng dường có thịt chúng sanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ nhất.

Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường “không thấy” có thịt chúng sanh nhưng lại “nghe” người khác nói trong thực phẩm đó, có thịt chúng sanh, thì không được ăn, đó là trường hợp thứ hai.

Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường “không thấy” có thịt và cũng “không nghe” nói có thịt chúng sanh nhưng tâm lại sanh “nghi ngờ” thực phẩm này có thịt chúng sanh, vì có mùi tanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ ba.

Xét qua ba trường hợp trên đây, rõ ràng đức Phật không cấm ăn thịt chúng sanh mà chỉ có lời khuyên để chúng Tỳ kheo ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt. Ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt tức là thực hiện lòng từ bi thương xót chúng sanh, có nghĩa là sống đúng đạo đức hiếu sinh. Còn cấm, tức là giới cấm, giới cấm là có sự bắt buộc không ăn thịt chúng sanh, có nghĩa là ăn chay, nhưng ăn chay ấy là ăn chay theo kiểu Đại Thừa Bà La Môn Giáo (Ăn chay do giới cấm). Còn ngược lại, Phật giáo Nguyên Thủy chỉ dùng giới đức không cấm nhưng chỉ khuyên người tu sĩ phải tự giác ăn như thế nào để thể hiện được đạo từ bi đúng nghĩa của từ tâm.

Trường hợp thứ nhất và thứ hai thì quá rõ ràng, còn trường hợp thứ ba là nghi ngờ, dường như mơ hồ, nhưng thực ra thịt chúng sanh thì có mùi tanh hôi của chúng, mặc dù chúng ta không thấy, không nghe, nhưng mùi cá làm sao không tanh cá, mùi thịt bò làm sao không hôi bò, mùi thịt heo làm sao không hôi heo, mùi thịt gà làm sao không tanh gà v.v.. Tất cả, thịt động vật đều có mùi riêng của nó, làm sao chúng ta không nghi ngờ, mà đã nghi ngờ thì không được phép ăn, vì lương tâm và tình thương của chúng ta, không cho phép nuôi mạng sống bằng sự khổ đau của loài vật khác.

Phật dạy lần thứ hai: Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp thịt được thọ dụng:Không thấy, không nghe và không nghi. Có lẽ, dựa theo lời dạy này, mà các nhà sư Nam Tông dùng lý luận biện hộ cho những hành động tội ác của mình: “Không thấy nghĩa là không thấy người giết con vật, để cúng dường cho mình; không nghe, nghĩa là không nghe tiếng kêu của con vật khi bị giết để cúng dường cho mình; không nghi nghĩa là thấy thực phẩm động vật Phật tử cúng dường không nghi ngờ người ta giết con vật làm thực phẩm để cúng dường cho mình”. Cho nên, trong bài kinh Jivaka có mở ngoặc và đóng ngoặc (Vì mình mà giết). Bốn chữ này, là do người sau thêm vào để thỏa mãn dục vọng tham ăn thịt chúng sanh. Xưa, các Tổ không có điều gì mà không dám làm, họ thêm bớt rất nhiều trong kinh sách Nguyên Thủy, ngày nay cũng vậy, họ cũng dám lý luận làm sai lệch lời dạy của đức Phật, có khi vì bảo vệ danh dự của mình trong lúc vi phạm giới luật và cũng có khi vì không hiểu phương pháp hoặc do tu tập chưa chứng.

Nếu bài kinh chấm dứt ở đây, thì chúng ta khó làm sáng tỏ được Phật giáo. Nhưng bài kinh lại dạy tiếp phần thứ hai và phần thứ ba, nên chúng ta mới thấy rõ bộ mặt bất thiện và lòng tham dục của các nhà sư Nam Tông khéo thêm thắt, khéo lý luận bóp méo kinh sách của đức Phật để gây tội ác tày trời, nên tất cả các xứ Phật giáo Nam Tông tu hành chẳng đến đâu, nhập định điên khùng “Minh Sát Tuệ” tu hành không đúng Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định của đạo Phật. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh: Đây là trường Thiền tu Tâm Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thân Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thọ Niệm Xứ. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh như vậy, mà lại còn hô hào rùm beng viết kinh sách phổ biến khắp nơi, làm cho người sau hiểu lầm Phật Pháp, tu hành sai lệch, chẳng giải quyết được sanh, già, bệnh, chết. Trong khi, Pháp môn Tứ Niệm Xứ rất tuyệt vời, tu là thấy kết quả ngay liền, tu tập là có những thần lực siêu việt không thể nghĩ bàn. Do chia chẻ pháp Môn Tứ Niệm Xứ, nên các nhà Sư Nam Tông tu hành chẳng tới đâu, chỉ loanh quanh trong các định tưởng, chẳng bao giờ đạt được sự giải thoát của Phật giáo.

Các nước theo Phật giáo Nam Tông, lấy Phật giáo làm Quốc Giáo, mọi thanh niên đúng tuổi đều phải vào chùa tu tập ba năm, nếu ai muốn tu luôn thì ở lại tiếp tục tu hành còn không muốn tu thì phải “xuất sãi”. Xuất sãi có nghĩa ra đời (hoàn tục) lập gia đình. Nhưng, những người thanh niên này, đã tu theo đạo Phật mà không có chút lòng từ bi nào cả, họ đã dám cầm dao, súng, vũ khí diệt dân tộc họ như giết heo, gà, dê v.v..

Bởi, tu hành mà còn ăn thịt chúng sanh, thì thành ác quỷ chứ làm sao thành Phật được. Bài kinh Jivaka đức Phật đã dạy như vậy, mà các Tổ bên Nam Tông dám bịa ra ăn năm thứ bất tịnh nhục. Thật là đau lòng.

Tại sao vậy? Tại vì, tu sĩ Phật giáo Nam Tông ăn thịt chúng sanh, nên tâm họ rất hung ác. Đời sống tu sĩ của họ sống ngược lại với đạo đức không làm khổ mình,khổ người và khổ tất cả chúng sanh của đạo Phật.

Đạo Phật, là đạo đức của loài người, đạo đức của loài người sao lại nỡ nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh, mà không chút lòng thương yêu. Vậy, những người tu sĩ này, có phải là tu sĩ của đạo Phật hay không? Xin các bạn trả lời cho.

Cũng trong bài kinh ấy, đức Phật dạy tiếp cho các vị Tỳ kheo không nên ăn thịt chúng sanh, bằng phương pháp tu tập và trau dồi “Tứ Vô Lượng Tâm”.

Bài kinh dạy tiếp: Này Jivaka! Tỳ kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy phải luôn tu tập tâm mình biến mãn khắp cùng một phương với lòng từ và an trú, phương thứ hai, thứ ba, thứ tư cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên, tâm vị ấy biến mãn và câu hữu với lòng từ quảng đại vô biên không hận, không sân và an trú’’.

Với ý nghĩa của đọan kinh này, khi một vị Tỳ Kheo ăn uống thì phải quan sát khắp cùng trên món ăn của mình,đồng thời khởi tâm từ bi thương xót tất cả muôn loài chúng sanh, nếu thấy có thịt chúng sanh thà chết chớ không ăn. Đó là thực hiện Đạo từ bi, lòng hiếu sinh của mình. Bài pháp dạy rõ ràng như vậy, thế mà các nhà sư Nam Tông nỡ nhẫn tâm ăn thịt được thì chúng tôi rất thương hại cho họ, chỉ một đời tu hành mà chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình,cho tất cả chúng sanh.

Đoạn kinh này, đức Phật đã xác định rõ ràng: Một người tu sĩ đạo Phật phải luôn tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”. Người đã tu tập Tứ Vô Lượng Tâm thì còn lòng dạ nào ăn thịt chúng sanh được. Phải vậy không các bạn? Vậy mà, các sư Nam Tông vẫn nuốt trôi được thịt chúng sanh mới thực là hay!

Về phần các vị Tỳ kheo đức Phật đã dạy, không ăn thịt chúng sanh bằng hai bài pháp tuyệt vời:

1- Ăn thịt chúng sanh không thấy, không nghe và không nghi.

2- Ăn thịt chúng sanh với lòng từ bi biến mãn khắp cùng mười phương trên dưới.

Cũng trong bài kinh ấy,đức Phật dạy người cư sĩ phải cúng dường thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng: Này Jivaka! Người nào vì Như Lai hay vì đệ tử của Như Lai mà giết hại sinh vật làm thực phẩm cúng dường, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: Hãy đi và dắt con thú này đến đây. Đó là, nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy khi bị dắt đi, bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ đau đớn khổ ưu. Đó là, nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói:Hãy đi và giết con thú này. Đó là, nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ đau đớn khổ ưu vô cùng, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử của Như Lai một cách phi pháp. Đó là, nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức”.

Qua đoạn kinh này, chúng ta thấy rất rõ, đức Phật đã dạy rất kỹ cho người cư sĩ không nên cúng dường Phật và chúng Thánh Tăng thực phẩm động vật. Vì cúng dường như vậy, là cúng dường phi pháp, không có phước mà tổn đức thêm trọng tội vì sát hại sanh linh.

Một bài kinh rất có giá trị với các tu sĩ Nam Tông. Bài Jivaka trong Trung Bộ kinh đã khẳng định người tu sĩ đạo Phật không được ăn thịt chúng sanh nên ăn thực phẩm thực vật với mục đích là để trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả của mình để ly dục ly ác pháp, khiến cho thân tâm thanh tịnh, nhập được các loại Thiền định, làm chủ được sự sống chết luân hồi. Ngược lại, một người tu sĩ còn ăn thịt chúng sanh tức là tâm dục chưa ly, ác pháp chưa lìa, thì rất uổng cho một đời tu hành theo đạo Phật, mà chẳng hưởng được sự giải thoát của đạo Phật, mà lại còn đọa vào địa ngục (địa ngục ở đây không phải cõi địa ngục mà là trạng thái đau khổ của thân hay phiền não của tâm). Tu mà còn tâm ác như vậy, thì phải mang nợ đàn na thí chủ muôn đời, muôn kiếp. Hiện giờ, các nhà sư Nam Tông ăn uống cho khoái khẩu, thân hình mập béo, lấy ác pháp mà nuôi thân mạng, thì thân mạng này phải chịu thọ khổ muôn vàn, vì đã đem vào thân những sự đau khổ của chúng sanh thì làm sao tránh khỏi sự đau khổ ấy.

Ghi chú:

Đọc bài kinh Jivaka, chúng ta nhận xét về đạo Phật. Đạo Phật là một tôn giáo tự lực, dạy đạo đức nhân bản – nhân quả rất thực tế và cụ thể. Cho nên, đức Phật là một nhà tâm lý học thông suốt mọi tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của mọi người. Vì thế, giáo pháp của Ngài dạy toàn là đạo đức làm người. Vì dạy đạo đức làm người nên nói về tâm lý của con người rất là sâu sắc:

1- Dạy người cư sĩ không làm nghề nghiệp ác để tránh nhân quả xấu như: tai nạn, bịnh tật, yểu tử v.v..

2- Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh bằng sự ý tứ cẩn thận trong từng miếng ăn của mình bằng một tấm lòng thương yêu rộng lớn đối với muôn loài chúng sanh.

3- Dạy Phật tử không nên cúng dường thịt chúng sanh làm ra thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng. Cúng dường như vậy là phi pháp, phi công đức (không có phước báo mà còn thêm tội lỗi).

Toàn bộ giáo lý của đức Phật từ sơ thiện, trung thiện, đến hậu thiện, Ngài dạy con người cách thức sống trong thiện pháp, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp. Vì thế, mà ngay từ bước đầu tiên đức Phật đã dạy người cư sĩ không làm sáu nghề nghiệp ác như trên đã giảng.

Cách thức tu của đạo Phật rất cụ thể. Ở đây, quý Thầy và các Phật tử phải hiểu cho rõ ràng, đổi nghề nghiệp, không làm nghề ác nữa tức là tu hành, tu tức là sửa đổi, thay đổi, làm tốt lại, làm thiện lại và không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, chứ không phải ngồi đó gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật, lần chuỗi, ngồi Thiền hay lạy hồng danh sám hối mà tiêu tội hưởng phước được v.v..

Quý vị đừng lầm hiểu theo sự hướng dẫn tu tập của các nhà học giả của một số hệ phái, khi tu tập là phải ngồi Thiền, nhập thất, tụng kinh, sám hối, niệm Phật, niệm chú, truyền tâm ấn, la hét, đánh, xô đẩy để ngộ Phật Tánh. Đó là, hình thức tu tập chịu ảnh hưởng ngoại lai của các tôn giáo khác, chẳng giúp gì cho chúng ta giải thoát tâm tham, sân, si, phiền não, thương, ghét, giận hờn, thù oán, tật đố, nghi kỵ và các ác pháp khác.

Cách thức tu tập của đạo Phật trong kinh điển Nguyên Thủy dạy thực tế và cụ thể hơn, có kết quả ngay liền khi bắt tay vào tu, không như những pháp hành của các nhà học giả dạy ở trên theo kinh sách phát triển của một số hệ phái.

Như trên đã nói, quý vị đổi nghề ác làm nghề thiện là quý vị không làm khổ chúng sanh, không làm khổ đau cho chúng sanh tức là quý vị không làm khổ đau cho quý vị, không làm khổ đau cho quý vị tức là giải thoát.

Dạy người không làm nghề ác, không làm việc ác tức là tu thiện đấy các bạn. Các bạn có hiểu biết điều này không?

Dạy người không cúng dường thực phẩm bằng xương máu chúng sanh tức là tạo nghiệp thân ít bịnh, tuổi thọ sống lâu.

Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh là trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả để đối trị tâm tham, sân, si, ích kỷ, nhỏ mọn v.v..

Bài kinh này, quý Thầy và quý Phật tử nên lưu ý lời dạy của đức Phật: “Ăn thịt chúng sanh phải không thấy, không nghe và không nghi”. Lời dạy này, có nghĩa là trong sự ăn uống phải trau dồi mắt tai của mình, phải ý tứ cẩn thận, khi ăn khi uống phải biết rõ trong thực phẩm đang ăn có xương máu và sự chết chóc đau khổ của chúng sanh trong đó hay không? Nếu có chúng ta thà chết trong giới luật của Phật chớ không ăn mà phạm giới.

Tại sao vậy?

Tại vì, người tu sĩ đạo Phật thường trau dồi tu tập tâm mình lòng thương yêu rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, đối với nhân loại khắp mười phương thế giới.

Nếu chúng ta chỉ vì bổ béo cho xác thân vô thường bất tịnh này và chạy theo dục lạc, ảo giác ngon ngọt của vị giác thì chúng ta chưa phải một vị tu sĩ đạo Phật chân chánh có lòng từ bi.

Đạo Phật ăn chay trên ăn chay, ăn chay vì lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến. Ngược lại, trong thế gian này có những người ăn chay, không ăn thịt chúng sanh nhưng làm thực phẩm giống như thịt chúng sanh, thì đó là ăn chay theo kiểu phàm phu, ăn chay còn thèm thịt, nên tạo thực phẩm chay giống như thực phẩm thịt chúng sanh để ăn đỡ thèm.

Cách thức ăn chay như thế, đức Phật không chấp nhận. Đạo Phật tu thật, làm việc thiện từ trong lòng thiện sanh ra, ăn chay vì thương xót chân thật đối với chúng sanh nên không nỡ ăn thịt chúng sanh.

Ăn chay chỉ vì sợ địa ngục, sợ quỷ Vô Thường, quỷ Dạ Xoa hành hạ, thiêu đốt, đâm chém, cắt lưỡi, móc họng, rút gân v.v..

Ăn chay để cầu sanh về Cực Lạc, Thiên Đường v..v..

Ăn chay để cầu cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, tuổi thọ sống lâu v..v...

Ăn chay như vậy, đạo Phật không chấp nhận vì không phải pháp tu hành để giải thoát, đó là một loại ăn chay để an ủi tinh thần, ăn chay như vậy giống như con bò ăn cỏ, không có nghĩa lý gì của Đạo giải thoát cả.

CHÁNH NGHIỆP VÀ CHÁNH MẠNG

Đạo Phật rất tuyệt vời dạy tu tập để thoát ra cảnh khổ đau của đời sống con người, bằng sự thay đổi trong nghề nghiệp ác để không làm khổ mình, khổ người, kế đến dạy ăn uống để nuôi thân bằng những thực phẩm không có sự đau khổ, bố thí cho mọi người và cúng dường cho chư Tăng, vật cúng dường không được phi pháp, không làm tổn phước đức, đầy đủ phước báo hiện tại và mai sau:

1- Làm thì tránh nghề nghiệp ác và hành động ác.

2- Ăn thì ý tứ cẩn thận, không phải đụng đâu ăn đó, gặp gì ăn nấy, ăn có nơi có chỗ, không phải ngồi quán, ngồi lều giữa chợ giữa đường và còn phải trải tâm từ bi biết ơn người làm ra của cúng dường, không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh, đầy lòng thương xót khắp cùng.

3- Cúng dường chư Tăng bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra, không được gian tham trộm cắp, không được giết hại chúng sanh.

Người tu sĩ khi thọ thực phẩm phải tránh ăn thịt chúng sanh, mà còn phải quán xét sự tu tập của mình (công đức) có xứng đáng thọ dụng hay không?

Từ một nghề nghiệp chân chánh (Chánh Nghiệp) làm bằng sức lao động chân tay hoặc bằng trí óc tạo ra những thực phẩm lương thiện để nuôi thân mạng (Chánh Mạng) không có sự gian ác và đau khổ trong đó.

Trong Bát Chánh Đạo, đức Phật đã khẳng định có hai nẻo (hai lớp học) tu tập chỉ về cách sống của người tu sĩ chân chánh (Chánh Nghiệp và Chánh Mạng). Đó là, hai nẻo tu tập để thoát ra cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Một người hành nghề nghiệp giết hại chúng sanh, làm đau khổ người khác thì nghề nghiệp ấy đạo Phật gọi là tà nghiệp, tà nghiệp còn có nghĩa là hành động, lời nói và ý nghĩ ác, hành động giết hại chúng sanh và làm đau khổ người khác hay mắng chửi người khác, nói xấu người khác, vu khống người khác, chuyện ít xích ra nhiều thêm bớt v.v.. Đó là, hành động ác, hành động ác là tà nghiệp, nhân tà nghiệp thì quả phải khổ đau, không chạy tránh đường nào được cả. Cho nên, nhân quả không thể trốn tránh, dù có trốn lên Trời hay chui xuống đất cũng không thoát khỏi.

Tà nghiệp còn có nghĩa là nghiệp quả khổ. Thấy một người gặp tai nạn khổ sở có thể đi đến tù tội và tử hình, thì đó đều là do nghiệp quả ác của họ. Người bệnh tật đau khổ rên la trăn trở suốt đêm ngày cho đến khi chết, thì đó cũng là nghiệp quả ác của họ, do họ đã tự tạo ra nhân ác trong quá khứ v.v..

Tà nghiệp, còn gọi là thói hư tật xấu như người ham mê bài bạc, rượu chè, đĩ thõa, điếm đàng, du đãng v.v..

Tà nghiệp, còn là những hành động phóng dật, chạy theo dục lạc ác pháp thế gian làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh v.v..

Tà nghiệp, còn là những hành động sai trái phi pháp luật, làm ra tiền của đem về nuôi thân mạng cũng như những hành động bắt và giết hại chúng sanh để trao đổi và buôn bán làm ra tiền nuôi sống cha mẹ, gia đình, vợ con… Thì đó là, lấy tà nghiệp nuôi lớn tà mạng, không phải chỉ riêng mình mà còn cả gia đình.

Dưới đôi mắt của đức Phật, nhìn những nghiệp ác của chúng sanh đem về nuôi thân mạng, thì đó là đem vào thân mạng một nghiệp ác, một sự khổ đau, một tai họa lớn. Nên Ngài dạy những hành động đó, là những hành động không chân chánh, những hành động tà nghiệp nuôi dưỡng tà mạng, nuôi tội ác và nuôi đau khổ cho mình cho người.

Muốn không tạo ra các tà nghiệp, đức Phật ngăn cấm không cho đệ tử của mình hành sáu nghề ác, để tránh đem vào thân mạng những sự khổ đau, do nghiệp quả ác chính mình đã tự tạo ra.

Vì Chánh Mạng, nên đức Phật còn dạy thêm, đừng nên ăn thịt chúng sanh vì ăn thịt chúng sanh là nuôi tà mạng, đem vào thân mạng những bệnh tật tai ương, đem vào cuộc sống những sự đau khổ tai họa hiểm nghèo, đem vào gia đình những chuyện bất an, bất toại nguyện v.v..

Người cúng dường và bố thí cho chư Tăng bằng sự gian ác sẽ không được phước báo mà còn phi công đức, thọ lấy những quả khổ địa ngục, súc sanh v.v..

Người nhận của bố thí cúng dường, mà không thấy từ sự gian ác của người cúng dường, thọ dụng như vậy là nuôi tà mạng, do nuôi tà mạng, thân tâm không thanh tịnh, không ly được dục và ác pháp. Vì thế, vị Tỳ kheo này tu hành uổng công, chẳng có kết quả, chẳng nhập được Tứ Thánh Định, chẳng thực hiện được Tam Minh.

Bởi vậy, đức Phật dạy: “chư Tăng phải thiểu dục tri túc, thừa kế pháp, không nên thừa kế thực phẩm”, (BBT: . Không) không thiểu dục tri túc, không thừa kế pháp, luôn thừa kế vật chất và thực phẩm thì tâm sanh ra tham dục, ham muốn phóng dật, chạy theo ngũ dục lạc, ăn uống phi thời, ngủ nghỉ phi thời, trí tuệ đần độn, tưởng tuệ phát triển, thường luận Đông luận Tây che đậy lỗi lầm, phá sạch giới bổn, sống đời sống dục lạc chẳng biết sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt, chẳng biết xấu hổ khi oai nghi tế hạnh cũng không có, đi, đứng, nhìn, ngó, giống như người thế gian.

Chánh Nghiệp, tức là nói về những bài học về hành động thân, miệng và ý phải chân chánh, ở đây có nghĩa là do ba nơi này tu tập không làm hành động ác.

Chánh Mạng, tức là nói về những bài học sự nuôi dưỡng thân mạng chân chánh. Thân mạng chân chánh ở đây có ý nghĩa tu sửa không ăn uống lặt vặt phi thời, ăn uống không đúng giờ đúng lúc, ăn uống có tiết độ, ăn uống không phải vì thèm khát, ăn uống là vì sự sống để tu tập, không vì lợi dưỡng, không ăn thịt chúng sanh, không ăn uống những chất độc hại, gây tạo cho cơ thể bệnh tật khổ sở, dù những thực phẩm đó có ngon ngọt béo bổ đến đâu cũng nên tránh xa, đó là nuôi chánh mạng.

Thân mạng được nuôi sống chân chánh có những ích lợi:

1- Thân không trả nghiệp quả khổ đau.

2- Thân không bệnh tật khổ đau.

3- Tuổi thọ được lâu dài.

4- Thân được mạnh khỏe tu tập dễ dàng hơn.

5- Thân được mạnh khỏe tâm hồn được an vui, thanh thản và vô sự.

Người tu theo đạo Phật cần phải siêng năng tu tập trau dồi những bài học về Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Vì đó là, đạo đức nhân quả, nằm trong cuộc sống của mỗi con người, khi tu tập theo đạo Phật.

Chúng ta là những đệ tử của đức Phật, không thể xem thường Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Vì Chánh Nghiệp tốt thì Chánh Mạng mới tốt theo, Chánh Nghiệp thanh tịnh thì Chánh Mạng mới thanh tịnh. Do đó, đời sống mới được an vui, hạnh phúc, bằng ngược lại, Chánh Nghiệp xấu thì Chánh Mạng phải chịu nhiều tai ương, họa khổ v.v..

Vị Tỳ kheo, đệ tử của đức Phật, cũng phải lưu ý Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Nếu Chánh Nghiệp không đúng Phạm hạnh, phạm phải những lỗi lầm nhỏ nhặt, không biết xấu hổ, thì Chánh Mạng tu hành chẳng tới đâu, tâm lậu hoặc không sao diệt được, thiền định thì rơi vào tà Thiền, tà định, tu suốt đời chẳng có ích lợi gì, còn mất thì giờ vô ích.

Vì thế, người cư sĩ cũng như vị Tỳ kheo muốn được giải thoát an vui, hạnh phúc trong kiếp sống này, thì sự tu hành phải tu đến nơi đến chốn. Trước tiên, phải tu tập Chánh Nghiệp và trau dồi mỗi hành động thân, miệng, ý của mình toàn thiện, tức là không làm khổ mình, khổ người. Nhờ đó, mới nuôi thân bằng Chánh Mạng, thì chắc chắn có muôn vạn người tu theo đạo Phật đều đạt được kết quả giải thoát như nhau. Nếu mọi người biết sống đúng Chánh Nghiệp, nuôi thân bằng Chánh Mạng thì thế gian này, là Thiên Đàng, Cực Lạc không còn phải đi tìm nơi đâu, không cần phải niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương. Phải không các bạn?

NIỀM TIN

Nếu trên bước đường tu tập đầu tiên, mà quý vị đã nghe lời dạy của đức Phật, thay đổi nghề nghiệp ác bằng những nghề nghiệp thiện là quý vị đã đặt trọn niềm tin nơi đức Phật, Pháp, chư Hiền Thánh Tăng và giới luật.

Niềm tin đó, có được nơi quý vị là do chỗ suy tư quán triệt lời dạy của đức Phật. Ví như Ngài dạy câu này: “Đừng làm khổ mình, khổ người thì sẽ thoát ra cảnh khổ”. Với lời dạy này, biết áp dụng vào đời sống thì rất đúng không sai, có kết quả ngay liền.

Khi Ngài dạy, thay đổi nghề nghiệp ác, chúng ta tư duy thấy rất đúng, vì những nghề nghiệp ác đó, chúng ta đang hành là những nghề làm đau khổ và giết hại chúng sanh rất nhiều, như: nghề chài lưới, săn bắn, bán rượu, thuốc phiện v.v.. Người có trí sau những lời dạy này, chúng ta cũng đủ đặt trọn niềm tin ở Người, vì đó là một lời dạy rất thực tế đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho các loài vật đang sống trên hành tinh này. Do thế, chúng ta tin và không bao giờ có ai lay chuyển được lòng tin ấy.

Tại sao vậy?

Tại vì, lời dạy của Ngài rất thực tế và cụ thể, đem đến sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho chúng ta và tất cả muôn loài vật như trên đã nói.

Mình không làm khổ ai, chắc không ai làm khổ mình. Nếu có người khác làm khổ mình, có lẽ người ta chưa nghe và chưa hiểu lời dạy của đức Phật. Nếu mọi người ai cũng được nghe, hiểu và thực hành theo đúng lời dạy của Ngài, thì thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc hạnh phúc biết bao cho muôn loài, còn đâu đau khổ nữa.

Pháp môn tu tập của Ngài rất thực tế mang lại sự giải thoát cụ thể ngay liền tức khắc, nếu chúng ta chỉ thay đổi nghề nghiệp ngay đó, chúng sanh thoát chết, thoát khổ, người mạnh không ăn hiếp người yếu, con vật lớn không ăn thịt con vật nhỏ. Nhìn thấy cảnh thoát chết thoát khổ của chúng sanh, tâm hồn chúng ta hân hoan, bàn tay chúng ta không còn làm ác, không còn vấy máu nữa, mắt chúng ta không còn thấy sự chết chóc, đau khổ của chúng sanh nữa. Đó là hạnh phúc biết bao cho muôn loài vạn vật, đang sống trên hành tinh này.

Từ sự suy tư quán xét và cân nhắc kỹ lưỡng, thấy rất rõ sự giải thoát cho mình, người và chúng sanh. Sự thay đổi nghề nghiệp ác chuyển thành nghề nghiệp thiện mà còn được hạnh phúc như vậy, giải thoát như vậy, thì thử hỏi người tu sĩ xuất gia sống ba y một bát thì còn giải thoát và hạnh phúc biết dường nào, nhất là nhập các định làm chủ sanh tử luân hồi, chấm dứt tái sanh, thì lòng tin ấy phải như thế nào?

Nhờ có kết quả chúng ta mới tin sâu hơn, vì vậy lúc đầu chúng ta tin Phật, Pháp, Tăng, nhưng lòng tin ấy chưa phải là lòng tin sâu. Vậy, tin Phật, Pháp, Tăng và Giới như thế nào mới gọi là tin sâu?

Muốn niềm tin được sâu, lâu dài và bền bỉ thì kết quả tu hành giải thoát trong cuộc sống hàng ngày, thân và tâm phải được thành tựu giải thoát cụ thể trong mỗi pháp môn tu tập, mỗi sự thực hành tu tập đều phải có kết quả dù ít dù nhiều thì lòng tin ấy mới tăng trưởng, bền bỉ và lâu dài.

Mới đầu quý vị chỉ có tư duy theo lời dạy của đức Phật và nhìn thấy những người khác thay đổi nghề nghiệp được hạnh phúc an vui. Do thế, quý vị quyết tâm thay đổi nghề nghiệp ác, trước tiên quý vị thấy kết quả giải thoát là không còn thấy những sự giãy dụa đau khổ và chết chóc của loài vật. Đôi bàn tay quý vị cũng không còn làm đổ máu chúng sanh nữa, không còn thấy những người say rượu đi ngoài đường, té xuống đứng lên, chân bước tới chân bước lui, chửi vợ mắng con hoặc chửi làng chửi xóm, không còn thấy phụ nữ làm nghề bán thân nuôi miệng đồi bại như một loài thú vật không biết xấu hổ, không còn thấy những người ngồi quán ngồi lều ăn thịt chúng sanh như loài ác thú, không còn thấy những loài thủy tộc mắc lưới mắc câu giãy dụa đau khổ trước cái chết, không còn thấy những loài thú vật sợ hãi chạy tán loạn trước những người thợ săn... Lòng quý vị hân hoan sung sướng, nhìn thấy cảnh đó, là cảnh giải thoát cho mình, cho người và cho muôn vật. Thật là hạnh phúc biết bao cho con người và loài vật trên hành tinh này.

Ngoại cảnh yên vui của mọi người và muôn vật đang hòa nhịp với tâm hồn quý vị thanh thản, an lạc, khiến cho đời sống càng hạnh phúc hơn và lòng yêu thương của mọi người, mọi chúng sanh càng lúc càng thấm thía hơn nhiều phải không hỡi quý vị?

Mới đầu, chúng ta đổi nghề còn thấy vất vả và khó khăn, sau một thời gian mới lấy lại bình thường, không còn lo lắng sợ hãi như lúc ban đầu.

Dần dần nghề nghiệp mới phát triển hơn, nghĩ tới hồi nào còn đi chài lưới, giờ này còn ở sông ở biển, mỗi khi có gió to bão lớn, sự sống chết như chỉ mành treo chuông, người thân trong gia đình đau đớn khổ sở, lo lắng thức suốt đêm cầu nguyện cho người thân mình tai qua, nạn khỏi, bể lặng, sóng yên.

Nỗi khổ tâm nhất là những người làm nghề giết hại chúng sanh, thường gia đình sống trong nỗi lo âu, bệnh tật tai họa thường hay xảy đến cho họ, nhưng họ nào biết được.

Đến với đạo Phật, thực hiện sống đúng lời dạy của Ngài, người nào chịu khó nghiệm xét sẽ thấy nhiều điều kiện may mắn đến với họ hơn là những tai họa.

Hồi tưởng lại, khi còn làm nghề nghiệp ác, thường có nhiều sự tai biến bất an xảy ra cho gia đình nhưng họ không để ý, khổ thì cứ khổ, lo lắng thì cứ lo lắng, nhưng cuộc sống cứ thả trôi theo dòng đời ba chìm bảy nổi mãi mãi và mãi mãi.

Nhưng khi bước chân vào đạo Phật, bằng sự thay đổi nghề nghiệp đúng như lời đức Phật đã dạy, họ đã tìm được sự giải thoát khổ trong những hành động thiện, chớ không phải chờ đợi mười năm hay hai ba chục năm sau, mới thấy được sự giải thoát đó, giải thoát ngay liền khi chúng ta sống thiện, làm những điều thiện, tức là không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Có những người hiểu sự giải thoát của đạo Phật một cách lầm lạc, nghĩa là giải thoát của họ là cầu gì phải được nấy, muốn gì thì phải được toại nguyện nấy. Cái đó, không phải sự giải thoát của đạo Phật, mà đó là sự chạy theo của lòng ham muốn và bị sự trói buộc thêm của vật chất thế gian, khiến càng khổ lại càng khổ thêm, nhiều hơn nữa.

Đạo Phật vốn buông ra để không khổ, từ bỏ lòng tham muốn để thoát ly sanh tử, luân hồi. Đại khái các hành pháp của đạo Phật là như vậy. Ôm vào, thì sanh ác pháp, buông ra thì thiện pháp tăng trưởng.

Sống trong cảnh cơm ăn áo mặc đầy đủ, không giàu sang danh vọng to nhưng tâm hồn thanh thản biết đủ, an nhàn, ít muốn, thảnh thơi an lạc. Biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trước mọi cảnh, mọi người. Cái đó, không phải là giải thoát của đạo Phật sao?

Tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, khen chê, sợ hãi, lo toan v.v.. đều không làm động tâm, thì đó chẳng phải là giải thoát sao?

Giải thoát của đạo Phật là nhằm vào chỗ tâm bất động trước mọi cảnh, mọi vật, mọi sự cám dỗ của cuộc đời và mọi sự cảm thọ đau đớn khổ sở vô tận của thân tâm, chớ không phải chỗ xuất hồn, nhập xác, ngồi Thiền năm bảy ngày, thọ hưởng hỷ lạc tưởng, hay ngồi trầm tư mặc tưởng một thế giới siêu hình nào đó, nó cũng không phải thần thông phép lạ mà cũng không phải là kiến tánh thành Phật v.v.. Đó là, những thứ ảo giác, huyễn hoặc, giàu tưởng tượng làm mê hoặc lừa đảo tín đồ.

Nhờ có kết quả giải thoát thật sự như vậy, nhờ có tu tập tâm bất động được như vậy người ta mới tin đạo Phật, mới bỏ hết cuộc đời như đức Phật đã dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống chỉ còn ba y một bát đi xin ăn mà thôi”. Nếu không kết quả thật sự như vậy, thì chẳng còn ai dám theo đạo Phật, vì cuộc sống của đạo Phật rất khổ (xa lìa ngũ dục lạc thế gian). Vả lại, sự tu hành còn phải dày công và còn nhiều gian nan vất vả khác nữa.

 Chẳng hạn, như quý Thầy hiện giờ đang tu Thiền Đông Độ suốt cả năm năm, mười năm, có người đã tu từ 15 đến 20 năm rồi, mà vẫn chưa thấy giải thoát gì cả, kiến tánh rồi, tiệm tu mà cứ tu mãi tu hoài tu cho hết vọng tưởng và hằng ngày cứ ngồi Thiền, ngồi đó mong giữ cho tâm hết vọng tưởng để làm Phật, nhưng khi hết vọng tưởng lại rơi vào vô ký và rơi vào những trạng thái hỷ lạc của tưởng. Khi thì như thế này, khi thì như thế khác, lúc được lúc mất, nhưng gặp việc thì tâm tham, sân, si vẫn còn chẳng mất, thấy danh lợi thì tâm vẫn còn tham, ăn uống phi thời, không đúng hạnh Thánh, thì làm sao gọi là giải thoát được.

Từ bắt đầu tu tập ngồi 30 phút tăng dần đến 1 giờ rồi 10 giờ, 12 giờ nhưng vọng tưởng có lúc hết lúc không, có lúc rất an ổn, có lúc rất bất an, tiến tới thì không tới được nữa, lui thì rất uổng công. Trường hợp và hoàn cảnh tu tập này, quý Thầy có thối tâm hay không? Chỉ còn an ủi mình bằng những lời nói của các Tổ: “Tu phải trải qua nhiều kiếp”, có Tổ phải tu hai ba chục năm v.v..

Quý Thầy nuôi hy vọng và tự an ủi mình, chắc có lẽ mình tu chưa đến nơi đến chốn, phải ráng tu thêm nữa. Mười năm qua nhìn lại, tâm nào tật nấy, tham, sân, si còn đủ, thôi thì phải ráng tu tập thêm. Hai mươi năm qua tu tập hết sức mình làm chủ sự sống chết thì chẳng thấy gì, mà cứ có ai động đến tâm thì tham, sân, si lại nổi lên ầm ầm, phiền não đau khổ vẫn còn, tu mãi tu hoài mà sao không hết được?

Ngồi Thiền 7, 8 tiếng đồng hồ cho đến 11, 12 tiếng đều được, nhưng ngồi 1, 2 ngày thì lại không được.

Tại sao vậy?

Tại vì, không có pháp hành và tu tập không đúng pháp, nên kết quả không có, tu tập dậm chân tại chỗ, nhưng đã lỡ tu, lỡ dạy người khác, bây giờ biết ăn làm sao, nói làm sao? Đó là những Thầy lớn, nói ra thì mất danh mất lợi, nói ra khó nói quá, tiến thối lưỡng nan, thôi mặc kệ tới đâu hay tới đó, cứ nhắm mắt làm liều, còn các Thầy nhỏ thì đã lỡ rồi, ra đời thì sợ người ta chê cười, mà tu thì chẳng đến đâu, cứ dối gạt Phật tử mà sống bằng cách thuyết giảng, nay kinh này mai kinh khác, như trao đổi thực phẩm để người ta dễ ăn dễ nuốt, thường dùng những lối lý luận mơ hồ trừu tượng bằng những pháp huyền, pháp thoại ở đầu môi chót lưỡi, loanh quanh nghĩa lý nhai lại của các Tổ xưa có bấy nhiêu, cứ lặp đi lặp lại, thêm mắm dậm muối (BBT: dặm) làm có vẻ mới mẻ để lừa đảo người, cho nên có người bảo: “Coi chừng bị lưỡi lừa của ông ta”.

Những ai đã gõ cửa đúng của đạo Phật, thì ngay đó, có sự giải thoát liền, chiêm nghiệm được sự giải thoát đó, một cách cụ thể.

Vả lại, khi bước chân vào đạo Phật chúng ta thấy sự tu tập rất cụ thể, giải thoát rõ ràng không có mơ hồ, vì pháp thiện và pháp ác, ai cũng có thể dễ nhận ra. Nói như vậy, có nghĩa là những người nào đã học xong đạo đức nhân quả thì mới dễ nhận ra pháp ác và pháp thiện. Tu hành của đạo Phật tức là sống, sống thiện là giải thoát, sống ác là đau khổ.

Đổi nghề nghiệp ác làm nghề nghiệp thiện, nếu biết tư duy quán xét ngay liền có một tâm hồn yên vui, an lạc không những một mình mà cả gia đình. Nhất là, những người biết thiểu dục tri túc thì sự yên vui hạnh phúc lại càng gia tăng gấp bội.

Những ai đã tin sâu nhân quả và đã học được đạo đức nhân bản – nhân quả thì sẽ chứng nghiệm phước báo rất rõ ràng, dù người đó không cầu mong điều gì, cứ hân hoan sung sướng làm việc thiện thì luật nhân quả sẽ đem phước báo đến cho họ và họ luôn luôn hưởng trọn đầy hạnh phúc của cuộc sống. Đối với những người này ác pháp đến với họ như nước đổ trên lá khoai môn.

ĐẠO VÀ ĐỜI

Muốn thành tựu được lòng tin tịnh tín sâu sắc, quý vị phải suy nghĩ cho kỹ và so sánh giữa cuộc sống “Đời” và cuộc sống “Đạo”. Đời có cuộc sống theo Đời, Đạo có cuộc sống theo Đạo.

Sự sống theo Đạo là đi ngược lại sự sống theo Đời, Đạo thì buông xả ra, Đời thì ôm lấy vào, cho nên quý vị đừng tưởng cuộc sống Đời và cuộc sống Đạo giống nhau.

Không! Hoàn toàn không! Không giống nhau một chút nào cả. Người tu sĩ đạo Phật có cuộc sống như thế gian, nghĩa là có vợ, có con, sống chạy theo danh lợi, ăn ngủ phi thời, là những người cư sĩ trọc đầu, chứ không phải là một vị Tỳ kheo xuất gia đệ tử của đức Phật, họ diệt Phật giáo chết cũng giống như trùng trong lông sư tử sẽ diệt sư tử.

Người tu sĩ Phật giáo sống như người thế gian ăn ngủ phi thời, không buông xả vật chất, tâm dễ dính mắc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ngũ triền cái luôn luôn che mờ trí tuệ họ, Thất kiết sử thường trói buộc như dây xích sắt khiến họ khó vẫy vùng, nên họ đã trở thành Ma Ba Tuần.

Vì thế, làm sao sống đúng Phạm hạnh, ly dục ly ác pháp được? Làm sao nhập Tứ Thánh Định, làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi được? Làm sao nhập Định Vô Lậu xả tâm diệt ngã chấm dứt khổ đau? Làm sao nhập Định Bất Động Tâm sống thanh thản, an lạc và vô sự?

Nếu một người tu sĩ mà còn có lối sống như thế gian thì không thể nào tu hành theo đạo Phật được, đó là những kẻ mượn chiếc áo Phật giáo tìm miếng cơm để sống, sống như vậy là sống một cách hèn hạ, chỉ biết lừa đảo tín đồ mê muội để sống bằng mồ hôi nước mắt của người khác, thật là đáng khinh bỉ.

Có người lầm hiểu đạo Phật cho rằng, chỉ cần biết được pháp môn tu tập, chớ không phải do sự sống đúng Phạm hạnh. Hiểu như vậy là hiểu sai, hiểu như vậy có nghĩa là sự sống và sự tu tập là hai lối khác nhau: niệm Phật, tụng kinh, bái sám, niệm chú, ngồi Thiền trước điện Phật có ăn nhập gì vào cuộc sống đâu? Đó là, cái hiểu về tu hành nông cạn, của những người tâm còn tham đắm quá nhiều vật chất, đời không muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm.

Đạo Phật vốn tu nghĩa là sống, sống biết sửa sai, sửa quấy những lỗi lầm, biết ngăn chặn không làm những điều ác, biết xa lìa mọi cám dỗ vật chất thế gian, biết tiết độ trong ăn uống ngủ nghỉ. Biết thiểu dục tri túc đối với đời sống, biết phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, biết giữ chánh niệm để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

Lấy cuộc sống Đạo của những bậc chân tu đem so sánh với cuộc sống người thế gian, bên nào khổ, bên nào thoát khổ.

Khi đã so sánh như vậy, ta mới thấy đời sống con người thật khổ, khổ như thật, đời sống xuất gia tu hành phóng khoáng như hư không, không gì trói buộc được, không gì làm động đến tâm họ được.

Khi đã thấu rõ cả hai cuộc sống ta mới quyết định chọn một trong hai con đường này. Nếu không so sánh, không thể thấu rõ, mà vội vàng chọn lấy con đường tu thì e rằng chúng ta nông nổi, bồng bột, đến chừng vào Đạo đã trở thành một tu sĩ thì chừng đó tiến thối lưỡng nan.

Đời sống Đạo rất khó, không phải dễ như mọi người lầm tưởng. Rồi đây, cuộc sống Đạo chẳng ra Đạo, Đời chẳng ra Đời, chết cũng dở, sống cũng dở.

Lấy cuộc sống của mọi người mà suy ngẫm cuộc sống của mình. Đời sống trong gia đình đầy rẫy những triền phược, biết bao dây mơ rễ má trói buộc, biết bao nhiêu vật chất cám dỗ và lôi cuốn vào đường tội ác. Đường đời đầy dẫy ô nhiễm và uế trược, biết bao chông gai và hố thẳm của ác pháp đang chờ đón, càng suy ngẫm chúng ta mới thấy rằng, đời sống con người sinh ra là để khổ, khổ thật.

Chúng ta mới lớn lên chưa lập gia đình, đời còn tươi đẹp giống như một giấc mơ, ăn rồi đi học, chẳng lo nghĩ gì hết, đói no có cha mẹ lo, đến khi lớn lên một chút, biết ham muốn, biết xài tiền, biết ăn chơi vui đùa, chớ chưa biết khổ là gì nên thường rủ rê bạn bè uống rượu, cờ bạc rồi đánh nhau, hoặc đua xe gắn máy, gây tai nạn giao thông, gãy chân, gãy tay, có khi mất mạng. Bây giờ, mới thấy khổ nhưng cái khổ đó có thấm vào đâu.

Đến khi lập gia đình, chừng đó mới thấy cái khổ của đời sống con người: vợ con, tiền bạc, nhà cửa và những vật dụng tiêu thụ hàng ngày.

Khi cha mẹ còn sống, có thiếu hụt cái gì thì ông bà giúp đỡ cho, đến khi cha mẹ mất, chẳng còn ai giúp đỡ, tự mình phải lo lấy cuộc sống của mình, trên vai chất gánh nặng phải lo toan đủ thứ, thế mà vợ con đâu biết, nên đâu phải lúc nào cũng ngọt ngào với mình, vợ con cũng phải có những tư tưởng riêng, lối sống ưa thích riêng do những đặc trưng riêng biệt, mình cũng vậy. Cho nên, sống với nhau đâu phải lúc nào cũng hợp nhau được.

Do sự khác biệt đó, nên trong nhà thường có sự lục đục, rầy rà trái ý nhau, làm cho tâm mình bất toại nguyện, phiền não, chớ đâu phải sung sướng gì. Nếu không nhẫn nhục, tùy thuận với nhau thì gia đình là một địa ngục tại trần gian, càng tư duy suy nghĩ, ta càng thấy đời sống khổ đau, quá khổ, không có gì là hạnh phúc nhưng nó lại trói buộc chặt hơn bất cứ một thứ gì. Chẳng hạn, đang sống chung với nhau có một người chết, thử hỏi những người còn sống có buồn khổ không? Chắc chắn không ai là không đau khổ. Hai vợ chồng ngồi trong mâm cơm vừa ăn vừa nói chuyện hàng xóm, rốt cuộc gây gổ nhau thì thử hỏi có vui sướng gì không? Thấy thế, đời sống có vui sướng gì? Hai vợ chồng sống chung với nhau không tiền không bạc, vợ thì ham muốn cái này cái kia, do đó vợ chồng cãi cọ hờn giận nhau, thế mới biết đời khổ, khổ mọi điều, nhưng ở đời người ta đâu biết, đâu thấy cái khổ đó, người ta chỉ thấy cái ảo ảnh bề ngoài tưởng là hạnh phúc như đôi vợ chồng trẻ ngồi trên chiếc xe hơi bóng loáng, hoặc trên chiếc xe Honda, hình ảnh này thật là hạnh phúc nhưng lòng dạ họ đang khổ nào ai biết. Một người nghèo nói: “Tôi nghèo không có cơm ăn áo mặc, tôi quá khổ”, nhưng người giàu có lại nói: “Tôi có tiền có bạc, tôi lại còn khổ hơn nữa, tôi ngủ không yên sợ trộm cắp”. Đó là, mọi thứ khổ đau ưu não của cuộc đời.

Ở gần nhau con gà, con vịt, con chó, con heo qua lại đã xảy ra những trận gây gổ, làm náo loạn cả xóm làng, con cái chơi giỡn với nhau, vì bênh con đã xảy ra chuyện lớn, kẻ đi tù, người nằm nhà thương, còn hai gia đình thì hận nhau mãi, chuyện nhỏ mọn lặt vặt đó, đã khiến cho đời người bất an, bất toại nguyện.

Nhìn lại, đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, không có một vật gì trói buộc, không có một hoàn cảnh nào làm dao động tâm, tâm hồn rộng lớn như đất trời, bao dung tất cả mọi thứ, dơ xấu bất tịnh cũng chẳng buồn, tốt đẹp quý báu như vàng bạc ngọc ngà cũng chẳng mừng vui.

Bởi vậy, thật khó cho những người còn sống ở trong gia đình không thể thực hiện sống theo pháp hạnh đầy đủ hoàn toàn, trắng bạch như vỏ ốc của những người xuất gia.

Đem so sánh giữa hai đời sống thế gian và xuất thế gian. Đời sống thế gian suốt đời nô lệ cho vật chất, đời sống xuất thế gian hoàn toàn cởi bỏ ách nô lệ vật chất, vì thế nên không còn một vật gì hết, chỉ còn ba y một bát, tối ngủ yên giấc, không sợ trộm cắp gì cả, không sợ hư hao gì hết, bởi vì còn có gì nữa đâu mà hư hao, nhà cửa cũng không, gia đình cũng không, lấy gì mà sợ vợ đói, con khát. Cuộc sống người xuất gia là như vậy nên tâm hồn an vui thanh thản và hoàn toàn hạnh phúc, tâm hồn trong trắng như vỏ ốc, không có vật gì làm hoen ố, ác pháp không làm dao động được tâm.

Họ sống độc cư, độc bộ, độc hành nhưng lại biết hòa mình trong mọi cuộc sống của người khác bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Từ chiếc áo của người cư sĩ chúng ta đem so sánh với chiếc áo của người xuất gia, ta nhận xét, người cư sĩ tu theo đạo Phật hoàn toàn khó giải thoát như người xuất gia, chỉ giải quyết được cuộc sống bằng Thiện pháp và không thể thực hiện được sự làm chủ sống chết bằng Thiền định.

Khi quán triệt cuộc sống Đời và Đạo, ta mới thấu rõ người tu sĩ đạo Phật không thể sống theo dục lạc thế gian, không thể sống có vật chất tài sản được, phải xa lìa viễn ly tất cả, buông bỏ xuống hết, không chùa to tháp lớn, không ti-vi, tủ lạnh, không xe hơi, xe cúp, không điện thoại di động v.v.. sống đời thiểu dục tri túc, ba y một bát, hằng ngày sống một bữa ăn, không ăn uống lặt vặt phi thời, đi khất thực nuôi thân, chẳng thân chẳng sơ với ai, chẳng tiền chẳng bạc, chẳng danh chẳng lợi, ai hỏi Đạo thì chỉ thẳng, chẳng nói, chẳng dạy điều mê tín gạt người.

Vì thế, cuộc sống Đời và cuộc sống Đạo không thể giống nhau được, giống nhau thì không phải Đạo.

Ở đây, trong tu viện có tu sĩ và cũng có cư sĩ, nam có, nữ có nhưng sự cân nhắc tu hành quả thật chỉ có buông bỏ mà quý vị chưa hoàn toàn buông bỏ sạch. Chúng tôi biết rất rõ quý vị nghe chúng tôi giảng để hiểu biết, chớ sự thật tu hành để giải thoát cảnh trần lao đau khổ thì quý vị không đủ ý chí cương quyết và khả năng hành trì được. Người có quyết tâm đi tìm sự giải thoát thì phải gan dạ, gọt bỏ râu tóc, mặc y áo xấu xa, cắt đứt dây mơ rễ má tình cảm với gia đình, cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt, vợ con và người thân quyến thuộc, lại còn phải bỏ tất cả tài sản của cải châu báu vàng bạc. Có đoạn dứt được như vậy, thì con đường Thiền định của đạo Phật mới tu tập được, có tu tập được Thiền định (Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định) thì mới làm chủ được sự sống chết, mới tịnh chỉ được các hành trong thân. Sự tu hành này, nó không đơn giản mà phải tu tập hết sức. Các Thầy phải tự suy nghĩ, các hành đang hoạt động trong thân của chúng ta như: tim đập, gan, phèo, phổi, thần kinh đang hoạt động không ngừng nghỉ, hơi thở đang ra vô tự động, da đang bài tiết. Tất cả, những sinh hoạt này đang tạo ra một sức sống cho thân mạng chúng ta. Thế mà, tu tập Bốn Thánh Định chúng ta điều khiển làm cho nó ngưng hoạt động, thì đây không phải là một việc dễ làm, nếu tâm của chúng ta chưa thanh tịnh, chưa ly dục ly ác pháp, còn thương, còn ghét, còn giận, còn hờn, còn tham muốn vật này vật khác, chưa đoạn lìa tình cảm thế gian thì chắc chắn quý Thầy không thể thực hiện được, không thể làm chuyện vĩ đại này được.

Giáo lý của đức Phật đã vạch ra con đường tu hành rất rõ ràng, lấy nhân quả làm nòng cốt đối tượng cho sự tu tập, vì thế thay đổi nghề nghiệp ác là hành động đầu tiên trau dồi thân tâm thiện (Chánh Nghiệp) kế đến, chúng ta lần lượt tu tập những hạnh bố thí cúng dường, để xả bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi, để xa lìa lòng ham muốn nhiều của mình và hàng ngày còn trau dồi đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh, mọi sự việc. Chính những sự tu tập này, đã mang đến cho quý vị và gia đình một sự an vui hạnh phúc tuyệt vời.

Người cư sĩ chỉ cần tu tập bấy nhiêu đây, cũng đủ đem lại một cuộc sống an lành hạnh phúc mà hầu hết mọi người trên thế gian này đều mơ ước, chỉ có những người chưa biết an phận thì con đường tu tập này không phù hợp.

Nếu không có đạo Phật chỉ đường vạch lối giải thoát cho loài người thì loài người đi tìm hạnh phúc trong ảo tưởng, đó chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi.

Ở đây, chúng tôi xin lưu ý các bạn: Đời và Đạo không thể đi chung nhau một đường, mà hai nẻo rõ ràng. Đời là đau khổ, Đạo là giải thoát; Đời thì ôm vào tất cả, Đạo thì buông ra chẳng còn một vật. Vì thế, mà các bạn quan sát biết rõ người tu đúng và người tu sai, người nào tu theo đúng chánh pháp của đạo Phật; người nào tu sai lạc vào tà pháp của ngoại đạo, thì các bạn không còn lầm người. Đó là, Đạo và Đời đã xác định rõ như vậy.

DỨT BỎ NHỮNG GÌ CẦN DỨT BỎ VƯỢT THOÁT CUỘC SỐNG THẾ GIAN

Trong kinh Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa”. Đây là, giai đoạn thứ II trên đường tu tập của đạo Phật. Người cư sĩ muốn tiến tới giai đoạn này thì phải thấu hiểu rõ đời sống xuất gia, liệu mình có thể sống được như vậy hay không? Đời sống xuất gia cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa là một giới hành thứ nhất trong bộ “Giới Đức Thánh Tăng và Thánh Ni”. Cho nên, muốn trở thành một vị Thánh Tăng và Thánh Ni thì phải có một hình tướng của một bậc Thánh, nhờ hình tướng ấy khiến cho vua chúa và những người có quyền thế nhìn thấy đều phải cúi đầu đảnh lễ. Hiện giờ, Tăng Ni không được mọi người tôn trọng cung kính là vì sống không đúng Phạm hạnh, thường vi phạm các giới luật, sống không có oai nghi tế hạnh của một bậc Thánh.

Qua lời dạy trong đoạn kinh này: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa”. Đây là, lời dạy dứt bỏ cuộc sống thế tục để cắt các duyên bên ngoài, không trang điểm làm đẹp, phải làm cho mình xấu xí, ăn mặc thì không được chải chuốt, mặc phải bằng những vải thô xấu, hình ảnh bên ngoài phải phá và dẹp bỏ cái đẹp đẽ của trần gian khiến cho mọi người không còn để ý đến mình thì mới dễ dàng tu hành. Trong cuốn “Góp Nhặt Cát Đá” có câu chuyện, một cô thiếu nữ rất đẹp đến xin với một vị Thiền sư tu hành. Vị Thiền sư bảo: “Cô tu không được”. Cô ta ngạc nhiên hỏi lại vị Thiền sư: “Tại sao con tu không được? Xin Thiền sư chỉ dạy cho”.

Vị Thiền sư đáp: “Tại cô quá đẹp”.

Nghe xong cô trở về nhà tìm cách phá hủy sắc đẹp của mình. Sau khi vết thương trên mặt đã lành, để lại một vết thẹo khiến cho gương mặt cô giống như ác quỷ. Bấy giờ, cô trở lại gặp vị Thiền sư.

Vừa trông thấy mặt, vị Thiền sư đã nhận ra cô và chấp nhận cho cô ở tu. Câu chuyện trên đây, là câu chuyện của Thiền Đông Độ, nhưng Thiền Đông Độ vẫn còn không chấp nhận sắc đẹp huống là đạo Phật chân chánh. Phải không các bạn?

Câu kinh kế dạy: “Từ bỏ tài sản, của cải, nhà cửa, sự nghiệp”, đây là lời dạy buông xả vật chất thế gian không còn một thứ gì ngoài ba y một bát, để tâm trí không còn lo lắng, hối tiếc, sợ hư hao, sợ mất mát, lửa cháy, nước trôi, trộm, cướp, người khác tranh giành v.v..

Cũng bài kinh đó, câu cuối cùng dạy: “Sống không gia đình” nghĩa là đoạn dứt tình cảm cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt, vợ con, bè bạn, người thân quyến thuộc v.v..

Khi hiểu rõ từng đoạn kinh này, đức Phật đã chỉ dạy rất rõ ràng, người cư sĩ quyết tâm đi theo con đường giải thoát của đạo Phật thì bắt đầu chuyển mình qua cuộc sống mới, cuộc sống Đạo. Đoạn kinh này, tuy ngắn nhưng ta thấy sự chỉ dạy của đức Phật rất rõ ràng, đây là một sự thay đổi vĩ đại của cuộc sống đời người, có thể chia làm ba trường hợp như sau:

1-   Người đi tu mà còn trang điểm làm đẹp, làm dáng là không thể nào theo đạo Phật tu hành đến nơi đến chốn được.

2-   Người đi tu mà không dứt bỏ tài sản, của cải, vật chất, vàng, bạc của báu thì không thể nào theo đạo Phật tu hành đến nơi đến chốn được.

3-   Người đi tu mà không dứt bỏ tình cảm, không cắt đứt lòng luyến ái đối với những người thân thì không thể nào theo đạo Phật tu hành đến nơi đến chốn được.

Cái khó của người đi tu theo đạo Phật đầu tiên là ở trong ba trường hợp này: nếu dứt một còn hai thì đi tu cũng vô ích, nếu dứt hai còn một thì tu cũng chẳng có kết quả gì, chỉ khi nào dứt trọn vẹn ba trường hợp này thì xuất gia tu hành mới đạt được kết quả giải thoát, còn không dứt được ba trường hợp này thì quý vị có tu hành xuất gia cũng chỉ làm một người cư sĩ trọc đầu mà thôi, chứ không thể thành tu sĩ được.

Xét qua ba trường hợp này, trước tiên chúng ta muốn tu tập cầu giải thoát thì phải bỏ trang điểm, bỏ làm dáng, làm đẹp, tập ăn mặc vải thật xấu, kế đến tập bố thí, xả bỏ của cải tài sản, buông xả cho thật sạch, đừng nghĩ rằng để dành cất chùa, cất am cho thật đẹp, độ người tu, điều này là tâm luận thế gian qua ngõ tôn giáo, đó là bị tâm mình lừa gạt. Tu để cứu mình thoát khổ cảnh trầm luân, chưa cứu mình được mà lo cứu người đó là si mê dại dột. Đừng vội làm thầy Trời, Người mà sự tu hành của mình chỉ là số không, đừng bắt chước các nhà Đại Thừa làm Bồ Tát độ chúng sanh, coi chừng cả mình và chúng sanh đều xuống địa ngục cả đám. Đó cũng là, tâm danh lợi khéo che đậy mà thôi.

Ta phải xả bỏ hết của cải như ông Bàng Long Uẩn, đem tài sản của cải châu báu đổ xuống sông mà không tiếc rẻ chút nào cả. Khi xả bỏ được tài sản của cải châu báu vàng bạc, ta phải giải quyết tình cảm như thế nào để không còn bị trói buộc nhớ thương, đối với những người thân thương.

Đây là một giai đoạn rất khó đối với đạo Phật, nghe thì dễ nhưng thực hiện thì khó vô cùng, bởi nó thuộc về ái kiết sử.

Muốn vượt thoát cuộc sống thế gian đâu phải ai cũng làm được, phải là người gan dạ, đầy đủ nghị lực, cương quyết dũng cảm thì mới vượt thoát ra được.

Một người có gia đình như các cư sĩ đang ngồi đây, nghe chúng tôi thuyết giảng, thử hỏi quý vị có bỏ gia đình đi tu ngay liền được hay không?

Quý vị muốn đi tu nhưng vợ con có đồng ý hay không? Nếu quý vị đoạn dứt bỏ đi, thì quý vị đã làm trái với lời Phật dạy “Không làm khổ mình, khổ người”. Do ý này, quý vị sẽ hỏi chúng tôi: “Tại sao đức Phật đi tu bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả gia đình cha mẹ trong lúc mọi người không chấp nhận, không muốn rời xa, vì lòng thương yêu? Đức Phật còn như vậy, ở đây Thầy lại bảo không làm khổ mình, khổ người, như vậy đạo Phật có mâu thuẫn hay không?”.

Quý vị quên rằng: khi đức Phật đi tu là đạo Phật chưa có. Do đạo Phật chưa có, nên chưa có ai dạy đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người, còn bây giờ chúng ta đã có được đạo Phật, và đức Phật đã dạy: “Đạo đức không làm khổ mình, khổ người”. Vì thế, bà Dhamar phải chờ chồng chết rồi mới được đi tu, lúc bây giờ hơn 70 tuổi. Bà là một Thánh Ni trong thời đức Phật.

Hai chữ “bổn phận” đã trói buộc chúng ta chắc hơn cả dây xích sắt. Bổn phận làm người đối với cha mẹ, đối với vợ con chúng ta có bỏ được không? Điều đó, ít có ai làm được, đâu phải dễ. Phải không các bạn?

Một người làm được điều này, ví như một bầy cá đang mắc trong lưới chỉ có một con vượt thoát ra khỏi lưới, đó là một điều hy hữu ít có. Vì thế, ông Trang Tử vỗ tay ca ngợi: “Con cá khôn thật, tuyệt vời”.

Chúng ta là những người bị lưới gia đình, lưới vật chất, lưới danh, lưới lợi bao vây khắp cùng không thể vượt thoát ra được. Thầy Minh Tông là một cư sĩ có vợ, con còn nhỏ, mẹ già đang bịnh tật, nhưng đứng trước sự chết sống, bịnh khổ và tái sanh luân hồi của kiếp người. Thầy không chần chờ được nữa, mạnh dạn quyết tâm vượt ra khỏi mạng lưới, để thực hiện con đường giải thoát cứu mình và cứu mọi người, trong đó có gia đình mình cha mẹ và vợ con, nhưng năm năm trôi qua xác định Thầy không cắt được ái kiết sử, mỗi lần vợ con đến thăm là Thầy xin tiếp duyên. Ôi, có quyết tâm đi tu mà ái kiết sử không đoạn trừ, thì cũng phí uổng một đời mà còn mang tiếng là bất hiếu thiếu tình nghĩa đối với vợ con, không làm hết bổn phận làm chồng, làm cha, thật đáng trách phải không các bạn.

Một người làm được như cư sĩ Minh Tông không phải ai cũng làm được như vậy hết, nhưng vì làm được bằng hình thức bên ngoài mà nội tâm không đoạn trừ ái kiết sử. Vì thế, mà phải đổ vỡ con đường tu. Hầu hết quý vị đang có mặt ở đây, đang nghe chúng tôi thuyết giảng, chẳng qua chỉ để nghe cho hiểu biết, chớ không đủ can đảm vượt qua những mạng lưới của gia đình, cạo bỏ râu tóc xuất gia, thay đổi cuộc sống hoàn toàn, cắt đứt dây mơ rễ má, tình cảm gia đình để thực hiện đời sống cao quý của đạo Phật “Không làm khổ mình, khổ người” và còn phải đi sâu hơn nữa con đường giải thoát của đạo Phật, đó là thực hiện Thiền định, tịnh chỉ các hành trong thân, làm chủ sự sống chết, quét sạch luật nhân quả luân hồi. Những việc làm này, không thể người cư sĩ tại gia còn sống trong gia đình mà làm được. Con đường tu tập của đạo Phật không đơn giản như mọi người nghĩ mà phải thực hiện từng bước ban đầu, có bậc minh sư hướng dẫn tu tập đúng cách, đúng pháp.

Quý Thầy và các Phật tử cứ nghĩ xem các hành trong thân của chúng ta đang tự hoạt động như: tim đập, phổi hô hấp, bao tử nhồi bóp thực phẩm, ruột non, ruột già và da đang bài tiết, óc, thần kinh đang hoạt động, hơi thở ra vô liên tục, thế mà người ta tu hành tập điều khiển làm cho các hành trong thân đều ngưng hoạt động, thì quý Thầy và các Phật tử tự suy nghĩ đây không phải là một việc dễ làm, dễ tu tập.

Nếu tâm quý vị còn đắm nhiễm mùi tục lụy thế gian: còn thương, còn ghét, còn giận hờn, còn ham muốn vật này vật kia, còn ham thích nói chuyện đời, chuyện đạo, tranh luận hơn thua, chưa từ bỏ viễn ly, chắc chắn quý Thầy và các Phật tử không thể làm được những chuyện vĩ đại này.

Giáo lý của đức Phật, đã vạch ra cho chúng ta thấy con đường tu tập rất rõ ràng, bắt đầu phải diệt trừ các ác pháp, lìa tâm ham muốn, lấy nhân quả làm nòng cốt, tu tập thiện pháp khiến cho tâm xa lìa và đoạn dứt thất kiết sử, ngũ triền cái, lần lượt tu tập buông xả, lập hạnh bố thí, cúng dường và còn trau dồi những đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh v.v.. Nếu bước đầu tu tập đúng như vậy, quý Thầy và các Phật tử sẽ ly dục ly ác pháp một cách dễ dàng, mà đã ly dục ly ác pháp được thì tâm của quý vị sống trong gia đình được yên vui hạnh phúc, chẳng ai làm gì động tâm được cả, luôn luôn lúc nào tâm của quý vị cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

Khi thực hiện được giai đoạn ly dục ly ác pháp, quý vị sẽ có được một tâm hồn giải thoát an lạc và một cuộc sống hạnh phúc an vui, nếu quý vị mãn nguyện nơi đây, thì con đường tu của đạo Phật, quý vị mới đi được một phần ba đường.

Quý vị muốn đi nốt quãng đường còn lại của đạo Phật trong chiếc áo người cư sĩ chắc chắn quý vị khó mà thực hiện được.

Giai đoạn chuyển tiếp từ chiếc áo người cư sĩ đến chiếc áo của người tu sĩ, quý vị phải xả bỏ hết tài sản của cải như ông Bàng Long Uẩn, đem của cải, tài sản, vàng bạc, châu báu đổ hết xuống sông. Khi xả bỏ được của cải, vàng bạc châu báu chúng ta mới giải quyết tình cảm ái kiết sử như thế nào, để không còn bị trói buộc thương nhớ, khi sống độc cư một mình.

Đây là một giai đoạn rất khó, nếu cha, mẹ, anh em, chị em, vợ, con đều thông suốt Phật Pháp thì dễ dàng dứt áo ra đi. Bằng ngược lại, thì khó khăn vô vàn. Đó là phần hình thức, đồng ý hay không đồng ý, còn về tình cảm của chúng ta đối với những người này, trong tâm có dứt được hay không?

Khi vào chùa ngồi tu mà tâm tư luôn ở gia đình, thì tâm niệm đó không thể tu giải thoát được.

Muốn tìm con đường tu hành giải thoát mà không mạnh dạn dứt bỏ, không đủ nghị lực xa lìa những người thân thương, thì dù tu ngàn kiếp cũng chẳng tới đâu, trường hợp như một số cư sĩ về đây tu hành. Họ cứ nghĩ rằng, ngồi Thiền ức chế vọng tưởng khi nào hết vọng tưởng là tâm không còn thương nhớ và tham sân si cũng không còn nữa, đó là họ đã hiểu theo lối tu tập của của một số hệ phái phát triển. Cho nên, họ tu ngàn kiếp muôn kiếp, cũng không bao giờ đoạn dứt thương nhớ và tham, sân, si v.v..

Quyết tìm đường giải thoát ra khỏi kiếp sống trần lao gian khổ, mà không dứt bỏ tình cảm thì làm sao thoát ra khỏi trần lao được. Nếu quý vị, giải quyết tâm mình không ổn thì quý vị nên giữ chiếc áo cư sĩ mà tu thiện pháp, đừng có mơ tưởng đến Thiền định, Thiền định chỉ dành riêng cho những người biết buông xả, buông xả sạch.

Đường lối tu tập của đạo Phật và cách thức rèn luyện thân tâm rất rõ ràng, tuần tự, giai đoạn I trước tiên quý vị cần phải thông hiểu đường lối, phương pháp, cách thức rèn luyện, trau dồi như thế nào? Để diệt trừ thói hư tật xấu, không làm các ác pháp, luôn tăng trưởng thiện pháp, lập hạnh bố thí cúng dường, tạo phước báo lâu dài, xả bỏ lòng xan tham, ích kỷ để tâm được rộng lớn, lập đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng để tâm hồn lúc nào cũng hân hoan thanh thản, không biết hờn giận phiền não với ai, không biết tham muốn tài sản của ai, vui sống với gia đình làm gương tốt cho mọi người: “không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh”.

Vai trò người cư sĩ đệ tử của đức Phật chỉ tu như vậy, đừng nên tu hơn nữa, tại sao vậy? Vì có tu cao hơn cũng chẳng đi tới đâu, nếu không đoạn dứt ái kiết sử.

Đạo Phật có lớp tu thấp, có lớp tu cao, được chia ra làm tám lớp gọi là Bát Chánh Đạo. Người cư sĩ tu theo lớp của người cư sĩ, còn người tu sĩ khi xuất gia trở thành tu sĩ thì phải trải qua tu cho xong lớp đạo đức của người cư sĩ, nếu không tu tập đạo đức như vậy thì sẽ mất căn bản. Bằng chứng, hiện giờ các vị Tỳ kheo Tăng cũng như tỳ kheo Ni thường phạm giới cấm tức là thiếu đạo đức làm Người, làm Thánh, nên con đường tu hành chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, mà còn trở thành một người hành nghề lừa đảo, nghề mê tín.

Để chuẩn bị lên lớp tu sĩ thì quý vị phải sắp xếp buông xả vật chất cho thật sạch, tình cảm phải dứt khoát, không còn để dây dưa mà phải đoạn cho dứt, xem như mình đã chết rồi. Có như vậy, mới vượt thoát cuộc sống thế gian, mới trở thành người đệ tử xuất gia chân chánh của đạo Phật.

Nơi đây, là giai đoạn rất quan trọng cho cuộc đời tu hành của mỗi người, có dứt khoát được tình cảm, có xa lìa được tài sản thì mới nhập được chánh định, bằng không chỉ là tu tập có hình thức, chẳng bao giờ nếm được mùi vị của giải thoát.

Từ cuộc sống Đời bước sang cuộc sống Đạo toàn bộ đều thay đổi khác hẳn, vì thế người muốn tu giải thoát mà không chuẩn bị sẵn sàng sẽ bị một cơn sốc nặng, từ đó về sau cuộc sống “Đời chẳng ra đời, Đạo chẳng ra đạo” sự tu hành cũng chẳng đi tới đâu, phí uổng một đời người chẳng ích lợi gì cho mình, cho người.

Người nào vượt qua đoạn đường này, ví như cá vượt vũ môn. Xưa, Trang Tử cùng một người bạn đứng xem người chài lưới cá có một con cá từ trong lưới đang kéo lên vọt thoát ra ngoài. Trang Tử vỗ tay ca ngợi: “Hay! Một con cá khôn thật!”.

Người bạn hỏi: “Sao anh lại biết nó khôn?”

Đáp: “Tất cả, những con cá khác đồng chung số phận sa lưới, mà không thấy mình sa lưới, không thấy sự nguy hiểm tai họa, không thấy sự đau khổ mất mạng, không thấy trên dao dưới nước sôi lửa bỏng, không thấy thân mạng như chỉ mành treo chuông, chỉ trong chốc lát ô hô! Thì còn gì là sự sống, cả một bầy cá mà chỉ có một con vượt ra khỏi, không phải là khôn sao?”.

Ai là người khôn, thấy được thân này là vô thường, là khổ, là vô ngã, thấy thân này là bất tịnh uế nhiễm, hôi thúi, bệnh tật, khổ đau, thấy những người thân quyến thuộc là nhân quả, là những người vay nợ với nhau, không có chi là thường còn, vĩnh viễn, các pháp trong thế gian này không phải của mình nữa, là do duyên hợp, là đau khổ, là trói buộc, thương nhớ chỉ là một sự tạm bợ trong khi thân này còn sống, đến khi nó hoại diệt rồi thì sự thương nhớ kia cũng không còn, nó sẽ tan ra thành mây khói. Phải không các bạn?

Người đi tu theo đạo Phật mà không thấy ba trường hợp quyết định số phận tu hành của mình thì dù có tu đến đâu cũng chẳng ra gì, chỉ là hình thức tu sĩ mà thôi.

Năm năm trời dài đằng đẳng, trong những ngày công phu ức chế tâm hết sức để vào Thiền định 5, 6 tiếng đồng hồ không một chút vọng tưởng xen vào, hơi thở đã đình chỉ từ 1 đến 5 phút, nhưng đến giờ phút cuối cùng cô Diệu Quang đã trắc nghiệm Minh Tông, Minh Tông như từ trên trời rớt xuống. Tâm sân bừng bốc ngút ngàn. Tất cả mọi người đều sáng mắt ra kinh sách phát triển chỉ là một pháp môn lừa đảo người từ xưa đến giờ. Xưa, các Tổ đã lầm lạc và bây giờ chúng ta cũng lầm lạc, rồi đây con cháu của chúng ta cũng lầm lạc mãi mãi.

Hơn 25 thế kỷ trôi qua, từ thế hệ này đến thế hệ khác đã dõi bước theo chân đức Phật nhưng nào ngờ đã theo chân của ngoại đạo huyền thoại mê tín. Biết bao nhiêu công sức của mọi người giờ đây đã trở thành cát bụi, mây khói.

PHÁP HÀNH

Bài “Vượt thoát cuộc sống thế gian” là bài pháp dạy về “dứt bỏ, từ bỏ, đoạn diệt tâm tham, sân, si”.

Muốn vượt thoát cuộc sống thế gian để trở thành người tu sĩ chân chánh của Phật Giáo; để trở thành bậc Thánh nhân; bậc chân nhân; bậc giải thoát; bậc A La Hán thì phải gan dạ đoạn dứt, dứt bỏ từ giã, xa lìa viễn ly tất cả các pháp thế gian như:

1- Xa lìa, từ bỏ, không trang điểm làm cho thân thể đẹp và sang.

2- Xa lìa, từ bỏ của cải, tài sản vật chất thế gian.

3- Xa lìa, đoạn dứt tình cảm cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng, quyến thuộc...

Muốn dứt bỏ được ba trường hợp này, quý vị phải trạch pháp dùng pháp hướng Như Lý Tác Ý hàng ngày phải đặt niệm trước mặt quán xét suy tư: “Thân này bất tịnh hôi thúi có gì sang đẹp mà trang điểm hãy từ bỏ viễn ly không làm đẹp nữa. Thân này vô thường là ổ bệnh tật, là khổ đau, là không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”.

Câu hai: “Của cải, tài sản, vàng bạc, châu báu là những thứ làm ta đau khổ nhiều nhất, tai họa cũng từ đó sanh ra, ta hãy xả bỏ, tránh xa, từ khước, viễn ly như xa lìa loài rắn độc”.

Câu ba: “Cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng, quyến thuộc, bạn bè, đều do duyên nhân quả nợ vay, vay nợ với nhau, chớ đâu có gì mà phải thương nhớ, phải ghét giận, phải khổ đau, phải mong ngóng, ta hãy xả bỏ và đoạn dứt hết”.

Trên đây, là những câu trạch pháp được chọn ra để người cư sĩ quán xét tư duy và dùng nó để ám thị tâm mình, chuẩn bị bước qua giai đoạn thứ hai trên đường tu tập của đạo Phật, nếu ai muốn tìm đường giải thoát thì nên hằng ngày phải siêng năng tu tập quán xét cho thông suốt những lý này và rèn luyện pháp hướng để tạo cho mình có một nội lực vững chắc, đến khi mình trở thành tu sĩ thì mình sẽ không bị đổ vỡ và tiến tu dễ dàng hơn.

Những người đã tu sai để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá vô cùng, từ đó chúng ta nên tập tu theo đúng những lời đức Phật đã dạy trong kinh Nguyên Thủy, đừng dựa theo kinh sách phát triển mà uổng phí một đời tu hành.

Thưa quý Phật tử! Nếu quý vị muốn tu tập để cầu giải thoát theo Phật giáo thì những lời dạy trên đây, là lời khuyên chân thật của một người đã tu tập xong, giống như một người cha, một bà mẹ thương con luôn luôn chăm sóc cho con mình, mong nó được nên người hữu ích cho nó và cho mọi người.

Các bạn nên lưu ý! Trong những bài pháp này có pháp hành, các bạn nên dùng nó mà tu tập hằng ngày. Các bài pháp này, sẽ mang đến nhiều kết quả lợi ích cho các bạn.

THOÁT KHỎI TRẦN LAO VIỆC CHẲNG THƯỜNG

Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên dạy: “Nếu duyên sanh có thì duyên ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết có; nếu duyên sanh không có thì duyên ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết không có”.Biết như vậy, thì người tu theo đạo Phật phải đoạn dứt duyên sanh thì ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết sẽ đoạn dứt. Ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết đoạn dứt là giải thoát, là Niết Bàn.

Thông hiểu như vậy, biết rõ như vậy. Muốn chấm dứt ưu bi, sầu khổ, sanh tử luân hồi thì không còn cách nào khác hơn là phải đoạn dứt duyên “sanh”.

Con đường giải thoát duy nhất của đạo Phật bắt đầu tu tập để trở thành một vị Tỳ kheo (tu sĩ) là phải đoạn lìa duyên “sanh”. Nếu không đoạn lìa duyên sanh thì không thể trở thành một Tỳ kheo được.

Do không hiểu sự giải thoát của đạo Phật, nên người ta xuất gia tu hành theo kiểu hình thức tu sĩ (chiếc áo, đầu trọc). Học hỏi giáo lý thông suốt để trở thành một bậc thầy thuyết giảng gọi là Tỳ kheo, nhưng thật ra những vị Tỳ kheo này không thọ hưởng sự giải thoát chân thật của đạo Phật mà chỉ thọ hưởng danh lợi, dục lạc thế gian, như bao nhiều người khác.

Như ở trên đã dạy, đoạn dứt duyên “sanh” thì ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết không có, trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên Phật dạy: “Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết thì phải dứt bỏ, từ giã, từ khước, xa lìa, viễn ly, từ bỏ, buông xuống duyên “sanh”.

Sanh ở đây quý Thầy và các quý Phật tử phải hiểu là “sanh y”. Sanh có nghĩa là sanh sống, cuộc sống, đời sống, nương tựa vào để sống, chớ không có nghĩa như sanh đẻ, đản sanh. Các nhà học giả thường dựa theo trong những bài kinh Tương Ưng hoặc kinh A Hàm mà giải thích sanh là sanh đẻ, đản sanh, nên các Ngài luận: “có sanh tức có tử”. Giải thích như vậy, không đúng nghĩa của kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Vì mười hai nhân duyên này hợp lại chỉ thành ra một con người; thành một con người, tức là sai. Tuy rằng, kinh sách Tương Ưng và A Hàm là kinh sách Nguyên Thủy nhưng giải thích nghĩa như vậy chúng tôi không chấp nhận, vì nghĩa như vậy không đúng nghĩa thế giới quan của Thập Nhị Nhân Duyên, cho nên “sanh” có nghĩa sanh đẻ, đản sanh, là không đúng.

Còn nghĩa của chữ “sanh” trong Thập Nhị Nhân Duyên chỉ là một duyên với các duyên kia để hợp lại tạo thành hay sanh ra một thế giới khổ đau. Đó là, một thế giới quan của Phật Giáo, chứ không phải là một nhân sanh quan như các nhà học giả và các kinh sách giải thích. Đây là, một sự lầm lạc rất lớn của các nhà học giả xưa và nay.

Vì muốn cho con người hết khổ, chấm dứt luân hồi sanh tử. Đức Phật đưa ra một triết thuyết Mười Hai Nhân Duyên nối tiếp nhau không kẽ hở “sanh diệt” tiếp diễn mãi “diệt sanh” theo định luật nhân quả trả vay, vay trả, nên trong các kinh đức Phật thường xác định nhắc đi nhắc lại Mười Hai Nhân Duyên này hợp lại thành thế giới khổ đau như trên đã giảng.

Làm cách nào? Tu như thế nào? Để Mười Hai Duyên này tan rã?

Đọc hết giáo lý kinh Nguyên Thủy đức Phật đã chọn duyên “sanh” làm vị trí cho chặng đường đầu tiên của người tu sĩ phải thực hiện, đó là giai đoạn thứ nhất của một vị Tỳ kheo phải tu tập cho bằng được, tức là đoạn dứt duyên sanh.

Muốn trở thành một vị Tỳ kheo của đạo Phật thì “sanh y” phải đoạn dứt, người nào chưa đoạn dứt sanh y thì không thành Tỳ kheo nghĩa là không thành đệ tử xuất gia của đạo Phật.

Như ở trên đã giải thích “sanh” là sanh sống, “y” là nương tựa vào để sống. Vậy, sanh y có nghĩa là nhà cửa, tài sản, tiền bạc, châu báu, cha mẹ, anh chị em, vợ con, bà con quyến thuộc nội ngoại, bạn bè thân thiết, chùa to tháp lớn, Phật tử đông, đó là sanh y.

Tu chưa xong mà lo độ người khác là mê muội, ngu si, tự mình chôn mình vào mồ danh lợi để mà chết trong khổ đau, cũng chẳng khác như một người nhà giàu kia vậy, đó là sanh y.

Người xuất gia tu theo đạo Phật thì phải đoạn dứt sanh y, có đoạn dứt sanh y mới sống đúng đời sống Phạm hạnh trọn vẹn và tu tập Thiền định đạt được kết quả.

Nếu chúng ta tu hành không đoạn dứt sanh y, còn tình cảm thương ghét, ngồi trong chùa mà tâm hướng về cha mẹ, vợ con, bạn bè, quyến thuộc, của cải, tài sản v.v.. nhớ mong, thương tiếc thì con đường tu hành giải thoát làm sao đạt được.

Hiện giờ, người nào cũng có hai tay, một tay thì ôm đời, một tay thì ôm đạo. Tay nào quý vị cũng nắm hết. Đời quý vị không bỏ, đạo quý vị muốn thêm. Như vậy, quý vị làm sao nắm trọn được con đường tu hành.

Ví như, có một người đi thuyền, hai chân đứng trên hai chiếc thuyền, đứng như vậy làm sao thuyền đi được? Nếu muốn tìm đường giải thoát ra khỏi cảnh khổ của cuộc đời thì quý vị phải bỏ tay đời, rồi dùng tay đó cùng với tay kia sẽ ôm chặt con đường đạo, lúc bấy giờ quý vị sẽ thấy ngay liền có giải thoát tức khắc.

Đức Phật đã dạy: “dứt bỏ sanh y thì Phạm hạnh mới xong”.  Lời dạy này rõ ràng và cụ thể, xác định dứt khoát “có dứt bỏ thì có giải thoát”.

Nếu Đời không muốn bỏ mà muốn tu theo đạo Phật thì chỉ tu tập “thiện pháp” mà thôi, không thể tu cao hơn được nữa, không thể nhập Vô Lậu Định và Tứ Thánh Định được.

Người thời nay, do chỗ tu hành không đúng, không hiểu rõ Phật Pháp, còn bắt cá hai tay, nên một số cư sĩ tu theo đạo Phật, không lượng sức mình, không rõ pháp môn nên ngày đêm tụng kinh, ngồi Thiền, cũng siêng năng nỗ lực tu hành lại còn đi nghe các giảng sư, Thiền sư thuyết pháp, dạy cách ngồi Thiền. Họ có công tu tập nhưng lại không dám bỏ vợ, bỏ con, không dám cắt lìa tài sản, lúc nào cũng lo làm ra tiền, ra bạc thì thử hỏi sự tu tập của họ sẽ giải thoát chỗ nào? Sẽ đi về đâu? Họ còn được các vị Thiền sư ấn chứng là đã kiến tánh thành Phật. Kiến tánh của những vị này là kiến ngôn, kiến ngữ, giỏi tài đối đáp chứ không phải thấy tánh, chỉ giỏi tài lý luận tưởng vô minh mà thôi.

Này, quý Thầy và quý vị cư sĩ đang ngồi đây nghe chúng tôi thuyết giảng đến chỗ này, quý vị nghĩ sao?

Có bỏ Đời đi theo Đạo được không?

Có xả được tình cảm của gia đình hay không?

Có xả được của cải, tài sản được không?

Đó là, con đường đoạn dứt sanh y, các bạn có làm được hay không?

Nếu chọn Đạo làm con đường giải thoát kiếp sống lầm than đau khổ của mình, thì Đạo có gian khổ cách nào ta cũng không chùn bước, thà chết, chết trong Đạo, chết trên bồ đoàn, chứ không thể chết dưới bồ đoàn, chết trong sự giải thoát nhân quả, chứ không thể chết trong tình cảm trói buộc của gia đình, của cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc v.v.., không thể chết vì của cải, tài sản, sự nghiệp mà phải chết vì Đạo, vì sự chấm dứt luân hồi, đau khổ của đời người.

Có cương quyết, gan dạ đi theo Đạo giải thoát, chúng ta mới bỏ hết, dẹp hết, viễn ly, xa lìa tất cả những gì gọi là cuộc sống thế gian. Chúng ta chấp nhận đời sống xuất thế gian nghèo nhưng không khổ, chỉ chọn lấy một nghề duy nhất, đó là nghề ăn xin, nghề hèn hạ nhất trong xã hội nhưng chính nhờ có tu tập và nuôi sống thân mạng bằng nghề này mới giải quyết được bản ngã ác vĩ đại, mới xô đổ và đập nhẹp nó xuống được.

Người đi tu theo đạo Phật không còn làm ra tiền bạc nữa, không còn đi cày ruộng trồng rau để mà ăn nữa.

Ngày một bữa, đói xin cơm ăn, không xin tiền, khát xin nước uống hoặc xuống suối uống, không có thuốc thang đành chịu, không than thân trách phận, không bỏ cuộc tu hành, y áo rách xin y áo mặc, không có vẫn vui lòng chấp nhận để xả hết mọi pháp thế gian, để thoát ly những vật chất trói buộc làm khổ đau con người muôn đời muôn kiếp.

Đến với đạo Phật, là để trở thành người tu sĩ xuất gia thì đời sống vật chất thiếu thốn mọi mặt, gần như không còn gì hết. Nếu người nào không có quyết tâm, không thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ thật sự thì khó mà chấp nhận đời sống Đạo.

Đời sống Đạo phải hoàn toàn đoạn lìa, không còn mang một chút gì của Đời trong tâm hồn thì sự tu hành mới dễ dàng. Đừng ngồi đây mà lo đời nghĩ nhớ cái này, cái kia hoặc lo toan thứ này thứ nọ.

Đối với Phật tử, họ chỉ là cái nhân để cho quý Thầy tạo cái duyên tu hành cho họ về sau, chớ đừng khuyến khích họ xuất gia tu hành ngay liền bây giờ hoặc bày vẽ kêu gọi họ cúng dường, làm từ thiện, xây chùa, xây tháp, hoặc trai tăng tứ sự v.v.. Đó là biến họ trở thành sự trói buộc quý Thầy. Cũng vì chuyện cúng dường, xây chùa tháp làm từ thiện v.v.. mà quý Thầy đã ngã quỵ trên đường tu hành của mình, quý Thầy đã trở thành những người phục vụ cho nhu cầu tinh thần của cư sĩ, chứ không còn là một vị tu sĩ chân chánh.

Khi quý Thầy làm trụ trì một ngôi chùa nào đó, hầu hết quý Thầy ít bị gia đình trói buộc mà bị Phật tử trói buộc. Họ cúng dường quý Thầy cái này để quý Thầy thỏa mãn nguyện vọng làm Phật sự thì họ cũng đòi hỏi quý Thầy ở cái kia, mặc dù cái kia không phải là giáo pháp của đức Phật, quý Thầy cũng phải làm cho vừa lòng họ.

Người tu sĩ lìa khỏi cuộc sống thế gian thì lại bị sai khiến trong cuộc sống xuất thế gian. Chúng ta lìa bỏ đời để đi tìm mục đích giải thoát nhưng không khéo lại bị đời sai khiến làm lệch Đạo.

Vượt thoát cuộc sống thế gian là một việc làm khó, thế mà vượt thoát đời sống không đúng của đạo Phật lại còn khó hơn. Vì những điều lệch lạc và không đúng của đạo Phật đã ăn sâu vào tâm não của mọi người, nó đã trở thành những phong tục tập quán truyền thống sâu sắc vào đời sống dân gian (mượn danh là Phật giáo).

Thời đại chúng ta có những tiêu chuẩn pháp hành cụ thể rõ ràng chánh thống của đạo Phật, vậy mà người ta xem thường, xem những pháp hành đó chẳng ra gì.

Bởi vậy, muốn giải thoát khỏi cảnh lầm than thế tục và còn phải vượt thoát những tà Thiền tà giáo của ngoại đạo, thì chúng ta phải noi gương đức Phật, buông xuống, buông xuống hết. Chỉ còn duy nhất những pháp nào Ngài đã thực hiện được giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, thì chúng ta phải lấy đó hành trì không nên biếng trễ, để trở thành người giải thoát hoàn toàn.

Thoát khỏi trần lao là một việc rất khó vô cùng, nhưng đã vượt ra khỏi mà lại tu không đúng pháp của Phật thì rất uổng cho một đời người; vượt ra khỏi mà không nghe lời dạy của những người có kinh nghiệm đi trước mà cứ tu theo kiến giải của mình, tưởng là mình đã hiểu đúng, nào ngờ đó cũng là một sự lầm lạc còn lớn hơn nữa, tu như vậy chỉ là tu mù, phần đông những người tu sĩ này, chịu ảnh hưởng tà giáo ngoại đạo.

Đoạn dứt sanh y tức là sống đúng đời sống Phạm hạnh, sống đúng đời sống Phạm hạnh tức là hành trì giới luật nghiêm túc, giới luật nghiêm túc tức là trí tuệ như trong kinh Trường Bộ, đức Phật dạy: “Chỗ nào có giới luật nhất định chỗ ấy có trí tuệ, chỗ nào có trí tuệ nhất định chỗ ấy có giới luật…”. Như vậy, đoạn dứt duyên sanh tức là trí tuệ, trí tuệ tức là “minh”. Ở đâu có minh thì ở đó, không có vô minh.

Ở đây, chúng ta thấy rất rõ, do vô minh sanh hành, do hành sanh thức... mới tạo ra thế giới đau khổ của loài người, nếu có minh thì vô minh không có, không có vô minh thì không có hành, không có hành thì không có thức, không có thức thì không có thế giới đau khổ của loài người, nhưng minh ở đây là đời sống phạm hạnh giới luật, đức Phật đã xác định như vậy, chứ không phải do học tập thông suốt Tam Tạng Thánh Điển là minh.

Muốn đập tan Mười Hai Nhân Duyên này thì chúng ta phải có minh, muốn có minh thì phải đoạn dứt sanh, muốn đoạn dứt sanh thì phải sống đúng Phạm hạnh, muốn sống đúng Phạm hạnh thì phải trì giới luật nghiêm túc, trì giới luật nghiêm túc tức là minh. Minh ở đây, không phải là trí tuệ Tam Minh. Minh ở đây, là tri kiến và giới luật Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.

Tu hành theo đạo Phật mà hiểu sai một ly thì tu sai ngàn dặm. Các tu sĩ Phật giáo hiện giờ tu sai nên chẳng tìm thấy sự giải thoát, do đó luôn luôn sống trong dục lạc thế gian, sống rất giàu sang, chùa to Phật lớn, cuộc sống đầy đủ vật chất hơn người thế gian.

Hằng ngày ăn uống ngủ nghỉ phi thời, vui chơi nghe ca hát và tự ca hát. Vả lại, các Sư Thầy còn cất giữ tiền bạc, đó là duyên sanh chưa lìa, duyên sanh chưa lìa thì hình sắc, đầu tròn áo vuông của quý Thầy là chửi rủa Phật giáo. Chính các Thầy xuất gia, mà không lìa duyên sanh. Vì thế, các Thầy đã vô tình tự mình đã diệt Phật giáo, nhưng các Thầy có bao giờ biết.

TỨ NIỆM XỨ VÔ LẬU THÁNH ĐỊNH VÀ TỨ THÁNH HIỆN TẠI AN LẠC TRÚ ĐỊNH

Cũng vì đời sống thế gian không bỏ được, nên hầu hết tu sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, năm châu không thể nhập Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định được, họ chỉ còn lý thuyết kiến giải loanh quanh “Tứ Niệm Xứ” bằng một cái tên “Minh Sát Tuệ, Trái Tim Thiền Định, Bốn Lãnh Vực Quán Niệm v.v..”

Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định là một loại Thiền định của đạo Phật, hành giả chuyên cần tu tập sẽ quét sạch lậu hoặc đưa tâm con người ly dục ly ác pháp, giải thoát hoàn toàn chấm dứt được sự tái sanh luân hồi. Nhưng quý vị, đừng hiểu theo tưởng giải của các nhà học giả mà tu hành chẳng đi đến đâu, họ lý luận đủ loại nhưng cuối cùng chỉ ức chế tâm chứ không có khắc phục tham ưu chút nào được.

Muốn thực hiện Thiền định này mà quý vị không chịu rời bỏ “duyên sanh”  thì làm sao thực hiện được. Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định cũng vậy, “duyên sanh” mà không lìa bỏ thì hành giả đừng nên tu tập đến nó, vì có tu tập quý vị cũng chẳng đạt đến đâu, còn làm rối loạn thần kinh vì ức chế tâm, chẳng ích lợi gì còn có tai hại hiểm nguy khác nữa, là rối loạn thần kinh điên khùng.

Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định và Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định. Từ khi đức Phật và các vị Thánh Tăng đã nhập diệt, lần lượt về sau không còn ai tu tập và thực hiện nhập được, nên được xem như hai loại Thiền định này đã mất gốc, không còn ai biết đường tu tập đúng pháp.

Nhìn cuộc sống của tu sĩ Phật giáo hiện giờ, phần đông sống trong danh lợi, ăn ngủ phi thời, cách thức ăn mặc và lối sống như vua chúa thời phong kiến, chùa xây cất như cung vàng điện ngọc to lớn đồ sộ vĩ đại. Thấy cách thức sống xác định tâm họ lậu hoặc còn đầy dẫy, ham thích cái này cái nọ tốt, sang, đẹp và chú trọng đến danh tiếng. Vì thế, Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định không có một vị nào nhập được, chỉ còn là những danh từ suông trong kinh sách Nguyên Thủy. Không còn có một vị nào có kinh nghiệm tu tập được.

Hầu hết, các tu sĩ Phật giáo Bắc Tông hiện giờ đang trụ khắp nơi trên thế giới đều cho Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định là Thiền định ngoại đạo, Thiền phàm phu, Thiền Tiểu Thừa, Nhị Thừa.

Theo quan niệm Phật giáo Đại Thừa hiện giờ họ cho Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định là Thiền ngoại đạo của các tôn giáo khác. Vậy, chúng ta nên tìm tôn giáo nào có bốn loại Thiền định này:

1- Yoga.

2- Hồi Giáo.

3- Bà La Môn Giáo.

4- Ấn Độ Giáo.

5- Thiên Chúa Giáo

6- Tin Lành Giáo.

7- Thiền Đông Độ.

8- Cao Đài Giáo.

9- Hòa Hảo.

10- Bửu Sơn Kỳ Hương.

11- Lão Tử.

12- Trang Tử.

13- Mặc Tử.

14- Khổng Giáo.

15- Lạt Ma Giáo.

16- Khí Công.

17- Nội Công.

18- Trường Sinh Học.

19- Khoa Học.

20- Lục Sư Ngoại Đạo v.v..

Trong thời đức Phật chỉ thấy trong kinh có ghi lại 62 luận thuyết của ngoại đạo mà không thấy nói đến Tứ Thánh Định.

Xét tận cùng, từ xưa đến nay các tôn giáo hiện có mặt trên thế gian này, trong kinh sách của họ không thấy có dạy tu tập “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định” chỉ có kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy mới có dạy. Nhưng xét cho kỹ, trước đức Phật thì loại Thiền định này cũng đã có, nhưng là của ngoại đạo lối bốn Thiền ức chế tâm nên khi lúc còn bé, đức Phật ngồi dưới cội cây jambu hướng tâm ly dục ly ác pháp.

Hiện giờ hầu hết các tu sĩ Phật giáo và ngoại đạo đều không có người nào nhập được Tứ Thánh Định.

Các nhà học giả xưa và nay nghiên cứu đến Thiền định này, họ chẳng triển khai nổi các pháp hành, chỉ dựa vào một số danh từ đã có sẵn trong kinh sách, giảng dạy không rõ ràng, lờ mờ như người đi đêm không đèn, không đuốc, nhất là cố tránh né lướt qua, không dám đụng đến nó.

Tại sao, chúng ta biết không có người nhập được Thiền định này?

1- Toàn bộ kinh sách hiện giờ đang được lưu hành dạy về Thiền định, không thấy có kinh sách nào dạy tu tập Thiền định này.

2- Rất ít kinh sách xưa cổ nói về bốn loại Thiền định này, dù có nói đến như kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng các nhà học giả không có tu hành và nhập được các loại định này nên cũng chỉ nói sơ sài qua loa, nói theo tưởng, không có kinh nghiệm, không có pháp hành cụ thể.

3- Khắp trên thế giới chưa có tin tức người nào nhập được Thiền định này.

4- Khắp trên thế giới chưa nghe có người nào nhập Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở từ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng cho đến 1 năm, 2 năm, 3 năm không ăn không uống mà không chết.

5- Nhập các loại định này, hơi thở và các hành trong thân đều phải ngưng nghỉ.

6- Sau khi nhập định xong từ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng cho đến 1 năm, 2 năm, 3 năm, khi xuất định vẫn phục hồi sự sống lại như thường.

Đó là những loại Thiền định khó thấy ở thế gian này và khó tu tập hơn các loại Thiền định khác.

Người nào không chịu moi đầu động não để nghiên cứu Tứ Thánh Định mà chỉ dựa vào Thiền định này của ngoại đạo, đó là những người vuốt đuôi kẻ khác chẳng có trí tuệ.

Qua sự sưu tầm và nghiên cứu nhiều loại kinh sách, chúng ta quả quyết xác định “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định và Tứ Niệm Xứ Vô Lậu Thánh Định” chỉ có Phật giáo mới có mà thôi và kinh sách Nguyên Thủy đã dạy rất kỹ từ những phương pháp nhỏ nhặt và dễ dàng nhất đến để thực hành cho có kết quả ngay liền cho đến những phương pháp khó nhất để tịnh chỉ hơi thở, làm chủ sự sống chết.

DỨT BỎ DANH LỢI TRONG ĐẠO

Khi đã khoác chiếc áo Tỳ kheo, chúng ta đã nhận được đời sống xuất gia, không thể như đời sống tại gia được, hoàn toàn phải đoạn trừ tâm luyến ái, viễn ly, xa lìa, từ khước tâm danh, tâm lợi của đời sống thế gian. Không những chỉ đoạn trừ tâm danh lợi ở thế gian mà còn phải đoạn trừ tâm danh lợi trong Đạo. Danh lợi mang hình thức là Đạo nhưng thật sự nó là tâm danh lợi của con người.

Quý Thầy hãy đề phòng cảnh giác, đừng quên rằng cái tâm gian xảo của quý Thầy sẽ lường gạt chính quý Thầy, khiến cho quý Thầy tưởng mình không danh lợi, tưởng mình tu chân chánh.

Quý Thầy đã lầm, nó sai khiến quý Thầy như một tên nô lệ, làm tất cả mọi cái gì nó muốn, chỉ cần nó che đậy mắt quý Thầy bằng những danh từ cao thượng, “độ chúng sanh, làm lợi ích Phật Pháp”. Thế là,quýThầy đã an tâm, “vì Phật Pháp, vì chúng sanh”.

Quý Thầy nên nhớ kỹ từ khi mới vào chùa xuất gia tu hành, quý Thầy chỉ là một chú “Điệu” chẳng có danh có lợi gì cả. Ăn rồi học giáo lý, hàng ngày cúng bái tụng niệm.

Sau thời gian năm năm, mười năm đi làm giảng sư, làm trụ trì chùa này hoặc chùa kia. Bây giờ, danh và lợi làm mờ mắt quý vị. Quý vị suốt ngày hết làm Phật sự này đến làm Phật sự khác. Nói danh từ Phật sự nghe cho thanh cao chứ thật sự quý Thầy đang hành một cái nghề làm “tôn giáo” để cầu danh, mưu lợi cho bản thân quý Thầy.

Quý Thầy quên rồi, quý Thầy là những người từ bỏ danh lợi, bỏ tất cả tình thương của thế tục, để tu hành tìm đường giải thoát.

Thế mà, bây giờ quý Thầy lại chạy theo danh lợi, bằng những danh từ khác, danh từ cao thượng “Phật sự, Như Lai sứ giả, tu Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo”. Ai nghe đến những danh từ này cũng phải kính nể, quỳ lạy sát đất.

Quý Thầy có tự xét lại mình không? Có buồn cười cho chính bản thân mình không? Hàng ngày quý Thầy đi thuyết giảng dạy người tu cái này, cái kia mà quý Thầy lại tu không được những điều quý Thầy đã giảng dạy, quý Thầy nói láo đó. Quý Thầy có biết không?

Lời giảng dạy của quý Thầy rất tuyệt vời, ý nghĩa thâm sâu tưởng chừng quý Thầy là vị Phật sống. Nhưng xét kỹ cách thức sống của quý Thầy, người ta không khỏi ngạc nhiên, quý Thầy dạy một điều mà cuộc sống của quý Thầy lại sống một ngả.

Hồi mới vào tu, thì nghèo xơ nghèo xác, đến chừng làm trụ trì, giảng sư, Thiền sư thì quý Thầy bắt đầu giàu có, chùa dần dần xây dựng vĩ đại, đồ sộ, vật dụng thế gian không có một vật gì thiếu cả.

Mới vào tu quý Thầy cưỡi chiếc xe đạp cũ mèm, sau thời gian thì có xe Honda rồi xe Dream, càng tu quý Thầy lại càng giàu ra nhiều, có cả ô tô thứ thượng hạng, ngoài đời người ta có cái gì thì quý Thầy có cái nấy.

Ở đời, người ta tìm danh, tìm lợi rất khó, quý Thầy ở trong Đạo tìm danh tìm lợi rất dễ dàng. Ngoài đời, người ta làm lụng tìm ra miếng cơm manh áo rất là vất vả, khổ nhọc. Trong Đạo, quý Thầy ăn không ngồi rồi, học tập chơi đùa chẳng làm động móng tay, quần áo sang đẹp, bánh trái đồ ăn thực phẩm ăn không hết. Vì thế, người đi tu theo đạo Phật hiện giờ không tìm sự giải thoát mà chỉ nhắm vào danh và lợi.

Pháp môn của Phật giáo phát triển hiện giờ quý Thầy đang tu là pháp môn dạy tu danh lợi. Tại sao chúng ta biết như vậy?

Thấy cách thức sống của quý Thầy là thấu rõ, còn những pháp môn dạy tu giải thoát thì quý Thầy đã ném qua một bên, không còn lưu ý đến nó nữa. Không phải quý Thầy không biết, nhưng vì pháp môn đó sống không dục lạc.

Những pháp môn này dạy xả ly, bỏ danh, bỏ lợi, đời sống tu sĩ chẳng có gì, thiểu dục tri túc, khắc kỷ với mình, sống ba y một bát. Đời sống giải thoát là như vậy, mới chính là người tu sĩ của đạo Phật.

Muốn giải thoát theo nghĩa của đạo Phật, mà không chịu vứt bỏ đời sống thế gian thì đâu còn nghĩa lý gì giải thoát của đạo Phật nữa.

Người tu sĩ đạo Phật muốn thể hiện độ người tu giải thoát thì phải thể hiện sự sống giải thoát tức là ly dục ly ác pháp, ly vật chất của cải tài sản tiền bạc châu báu thế gian, lìa chùa to tháp lớn, lìa danh lìa lợi, lìa nữ sắc, lìa ăn ngon, mặc đẹp v.v.. Nếu sự sống mà ly được như vậy thì đó là gương hạnh độ người tu tập. Lời nói thuyết giảng giáo lý kinh điển của đạo Phật đều phải phù hợp với cách sống của mình không sai một mảy. Nếu sống ngược lại, thì lời nói thuyết giảng kinh sách không đi đôi với cuộc sống của mình, như vậy là lừa bịp, lường gạt người khác, sống trong mát ăn bát vàng, bằng mồ hôi nước mắt của người khác. Thật đáng phỉ nhổ và khinh bỉ. Đã không độ được người giải thoát mà còn làm hoen ố đạo Phật, khiến cho Phật Pháp suy đồi, chánh pháp chìm mất. Người trí hiểu biết nhìn vào đạo Phật khinh dễ và nghi ngờ.

Này, quý Thầy! Bổn phận và trọng trách đối với đạo Phật, quý Thầy không thể làm ngơ làm điếc làm đui được. Quý Thầy đã từng học và đã nghiên cứu kinh sách của đạo Phật. Đã thông suốt lý của Đạo, đời sống của Đạo. Cớ sao quý Thầy lại sống, lại tu tập không đúng lời dạy của đức Phật. Đó là, một lỗi lầm rất lớn mà quý Thầy phải chịu trách nhiệm đối với đạo Phật và tín đồ.

Nếu không có Tạng Kinh A Hàm và Tạng Kinh Nikaya, thì làm sao còn biết đâu là đạo Phật nữa; còn biết đâu là đường lối tu hành chân chánh của đạo Phật.

Muốn làm sáng tỏ đạo Phật; muốn cứu mình ra khỏi cuộc đời trầm luân đau khổ và sanh tử luân hồi, không gì hơn là quý Thầy phải quay về đường tu tập chân chánh của đạo Phật mà hai Tạng Kinh này đã dạy rất rõ. Quý Thầy phải bỏ danh lợi trong Đạo mà đức Phật đã dạy: Có danh có lợi thì nên ẩn bóng”, vượt ra khỏi những dây xích sắt danh và lợi của tôn giáo, chọn đời sống Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo chân chánh, thì đạo Phật chẳng làm gì nó sẽ sáng chói và huy hoàng.

Gương hạnh sống đó, ly dục ly ác pháp, giúp cho quý Thầy nhập được các định làm chủ được sự sống chết, chấm dứt được sự tái sanh luân hồi và còn giúp mọi người biết buông xả, dứt các điều ác, tăng trưởng các điều lành mang lại hạnh phúc, an vui cho mình, cho người và xã hội.

SỐNG TRẦM LẶNG

Đời sống của người tu sĩ đạo Phật phải trầm lặng, cô đơn độc cư và ít nói chuyện v.v.. Nhất là phải giữ gìn tâm mình trong trạng thái yên lặng, bất động, không được nhôn nhao, lăng xăng nghĩ ngợi, lo lắng, suy tư và sợ hãi, giận hờn, buồn rầu, lo nghĩ v.v..

Bài kệ nhất dạ hiền, đức Phật đã dạy chúng ta tu tập như thế nào để sống một cuộc đời tu sĩ trầm lặng?

Ông A Nan nhớ lại lời huấn thị bài kệ Nhất Dạ Hiền, ông đã thực hiện trong một đêm không ngủ, sáng hôm sau ông dùng thần thông đi xuyên qua cửa đá vào hang Thất Liệp để kết tập kinh điển cùng với năm trăm vị A La Hán khác. Đây bài kệ:

NHẤT DẠ HIỀN

Quá khứ không truy tìm.

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã qua rồi (đoạn tận).

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại.

Chánh niệm tỉnh giác đây.

Tuệ tri quán vô lậu.

Không động không rung chuyển.

Biết vậy nên tu tập.

Hôm nay nhiệt tâm làm.

Ai biết ngày mai chết.

Không ai điều đình được.

Với bọn tử thần kia.

Nhiệt tâm quyết tu tập.

Đêm ngày không mỏi mệt.

Xứng gọi Nhất Dạ Hiền.

Bậc an tịnh, trầm lặng”.

Là một tu sĩ Phật giáo, luôn luôn phải giữ tâm mình không cho suy nghĩ những chuyện vu vơ, không cho lo lắng hối tiếc buồn phiền những chuyện đã qua, không cho giận, hờn, căm thù, bất toại nguyện những chuyện hiện tại. Vì có suy tư những chuyện đã qua cũng chẳng ích lợi gì mà ngược lại còn làm buồn phiền, đau khổ. Do chỗ buồn phiền, đau khổ, tâm ta không được thanh thản, an vui nên đức Phật mới dạy muốn giải thoát tâm hồn được thanh thản, an lạc thì đừng nhớ, lo, nghĩ về những chuyện đã xảy rồi; nhớ, lo, nghĩ những chuyện đã qua rồi khiến tâm bất an, chẳng có ích lợi gì.

Đạo Phật dạy phải đoạn dứt những sự suy tư về chuyện quá khứ, vì chuyện quá khứ đã qua rồi, có lo nghĩ có buồn phiền thì cũng chẳng giải quyết gì được mà còn làm tâm ta đau khổ, u tối thêm, không còn sáng suốt đối với chuyện hiện tại.

Vậy, chúng ta nên lấy 2 câu kệ này làm pháp hướng nhắc tâm mình để xa lìa quá khứ.

“Quá khứ không truy tìm

 Quá khứ đã qua rồi”. 

Còn tìm kiếm có ích lợi gì cho ta nữa, ta hãy xả đi, buông đi.

Quá khứ đã không tìm trở lại thì vị lai đừng nuôi hy vọng ước mơ. Vì tương lai đến, đến không bao giờ đúng với sự mơ ước, thế là thất vọng, thất vọng là khổ đau.

Bởi vì, luật nhân quả đang chi phối từng phút, từng giây trong thời gian và không gian của sự vật. Nên sự mơ ước của con người còn tùy thuộc ở nhân quả của người đó, nên sự ước mơ không bao giờ đúng và đạt được.

Người thấu rõ luật nhân quả chẳng bao giờ mơ ước một điều gì về tương lai, chỉ lo giải quyết mọi việc đang xảy ra trong hiện tại, không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, thì vị lai không ước mơ nhưng vẫn thành sự tốt đẹp đến với mình.

Đạo Phật lấy mốc thời gian hiện tại để tu tập, để không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không lo lắng về tương lai.

Vậy thời gian hiện tại ta tu tập cái gì? Như trong bài kệ đã dạy:

“Chánh Niệm Tỉnh Giác đây.

Tuệ tri quán Vô Lậu”.

Đây là hai loại Thiền định mà đức Phật đã dạy người mới tu, cần phải siêng năng tu tập để tâm không nhớ nghĩ về quá khứ và cũng không mơ ước về tương lai.

Chánh Niệm Tỉnh Giác đây tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Cách tu tập định này, trên thân quán thân tu về hành tướng ngoại (Tứ Niệm Xứ) nghĩa là thân đi biết thân đi, thân đứng biết thân đứng, thân ngồi biết thân ngồi, thân mặc y mang bát biết thân mặc y mang bát, thân làm việc gì đều biết thân làm việc nấy. Tâm luôn chú ý theo dõi hành động của thân đang hoạt động, không để thất niệm đang làm, mất niệm đang làm là thất niệm, thất niệm là mất tỉnh giác, mất tỉnh giác tức là mê, mê còn gọi là quên. Cho nên, tu tập mà để thất niệm là tu sai, tu như vậy không có kết quả, tu suốt đời cũng chẳng có ích lợi gì.

Thất niệm có hai trạng thái khác xen vào:

1- Quên mất niệm hành động của thân, xen vào những vọng tưởng, nghĩ ngợi chuyện thế gian (bị vọng niệm).

2- Quên mất niệm hành động của thân (vô ký) hành động theo thói quen, không nhớ, hay quên.

3- Quên mất niệm là quên pháp như lý tác ý, quên pháp như lý tác ý là ý thức chìm thì tưởng thức hoạt động, tưởng thức hoạt động thì sẽ rơi vào Thiền tưởng.

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, người mới tu phải dùng pháp hướng dẫn tâm tỉnh thức, nếu không dùng pháp hướng thì tâm dễ bị vọng tưởng và vô ký. Cái khó là ở chỗ tu tập nếu không có người có kinh nghiệm hướng dẫn thì khó mà tu tập tỉnh thức an trú thời gian dài được.

Tuệ tri quán vô lậu tức là Định Vô Lậu. Định Vô Lậu này được thực hiện trên thân quán thân tu về nhân tướng (Tứ Niệm Xứ) để khắc phục tham ưu tức là ly dục ly ác pháp. Cách thức tu tập định này có ba cách:

1- Ngồi kiết già thẳng lưng đặt niệm thân trước mặt quán xét tư duy, thấu suốt lý duyên khởi, lý duyên sanh, lý vô thường, khổ, không và vô ngã, lý bất tịnh, xấu xí, bẩn thỉu, hôi thúi, uế trược v.v..

Khi quán xét thân xong, ngồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp trước mặt cũng quán xét như vậy.

2- Ngồi kiết già lưng thẳng đặt niệm thân trước mặt, quán xét tư duy về Nhân Quả, về Bốn Đại Duyên Hợp và Thập Nhị Nhân Duyên. Khi quán xét tư duy thân xong rồi đặt niệm thọ, tâm và các pháp cũng quán xét như vậy.

3- Khi đang tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác bỗng có một niệm khác xen vào ta nên lấy niệm đó đặt trước mặt quán xét tư duy, tu Định Vô Lậu liền, để xả bỏ niệm ấy cho rốt ráo, không còn tới lui, chớ không được buông ngang vì buông ngang niệm ấy sẽ sanh trở lại khiến cho tâm thất niệm.

Hai loại định: Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu sẽ hỗ trợ cho nhau, khi chúng ta biết câu hữu, chúng sẽ giúp chúng ta diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ thế tâm bất động trước các đối tượng, do vậy trong bài kệ có câu:

“Không động không rung chuyển”.

Nếu người siêng năng tu tập như vậy, tâm được thanh tịnh hoàn toàn, giống như cục đất không còn phiền não, khổ đau, giận hờn, thương ghét nữa.

Hiểu được và biết rõ sự lợi ích của hai loại định này chúng ta cần phải siêng năng tu tập nhiều hơn, không bỏ phí thì giờ. Kết quả mang đến tâm chúng ta được giải thoát, cuộc sống được an vui, thanh thản và vô sự, không có một vật gì, hoàn cảnh nào làm động tâm được, thì trên đời này còn có gì hạnh phúc và sung sướng cho bằng.

Này, quý Thầy và các Phật tử, khi đã nhận được hai pháp Thiền định quý báu vô giá này, thì trên đời không còn có vật gì quý báu hơn và sánh bằng được.

Biết nó quý báu vô giá như vậy, nên đức Phật khuyên chúng ta:

“Biết vậy nên tu tập.

Hôm nay nhiệt tâm làm.

Đêm ngày không mỏi mệt”.

Đó là một lời khuyên chơn thật của đức Phật, biết hai loại định này sẽ giải thoát tâm con người ra khỏi sông mê biển khổ. Vì thế, người tu sĩ phải thấy giá trị của nó to lớn và lợi ích biết dường bao.

Khi thấu suốt giá trị của hai pháp môn Thiền định này, thì đừng để mất thời giờ vàng ngọc của mình trôi qua quá uổng, dù là một phút cũng không tìm lại được. Phải nỗ lực siêng năng tu tập với một tâm thành nhiệt huyết, ngày đêm tinh tấn không biết mỏi mệt là gì.

Sự nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, không biếng trễ, không bỏ qua một giây phút nào, thì kết quả sẽ nhanh chóng, giải thoát chỉ một đêm tu tập sẽ trở thành bậc Thánh Hiền.

“Xứng gọi nhất dạ hiền”.

Chỉ có một đêm tu tập không thất niệm, tâm hồn chúng ta sẽ trở thành trầm lặng, sống ít nói, tâm hồn không lăng xăng, không nhộn nhịp, sống độc cư an vui một mình.

Qua bài kệ này, quý Thầy và các Phật tử đã nhận ra được những kinh nghiệm trong hai pháp môn Thiền định quý giá để thực hành cụ thể và kết quả sẽ mãn nguyện.

Người cư sĩ tại gia cũng như người tu sĩ xuất gia đều dễ dàng tu tập hai pháp môn Thiền định này mà không sợ lạc Thiền, tẩu hỏa nhập ma hoặc rối loạn thần kinh, hoặc ông lên bà xuống như nhập đồng, nhập xác.

Kết quả của hai pháp môn Thiền định này nhanh chóng, ngay liền tức khắc, không phải chờ đợi.

Nếu ai tha thiết con đường tu tập của đạo Phật mà được hướng dẫn tu tập hai pháp môn này, như người đang chết đuối mà vớ được phao, như người bệnh sắp chết mà vớ được thần dược.

Người có hữu duyên gieo trồng chánh pháp của đạo Phật mới gặp được hai Thánh pháp này. Do thế, phải nỗ lực siêng năng tu hành ngày đêm không biết mỏi mệt để cứu mình ra khỏi biển khổ, để đền đáp ơn Phật, ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha và ơn đàn na thí chủ, có như vậy mới xứng danh là người đệ tử của đức Phật, là những bậc Thánh Tăng, là những bậc Thánh cư sĩ, là những bậc chân tu sống trầm lặng tuyệt vời.

SANH ĐÃ TẬN PHẠM HẠNH MỚI XONG

Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên đức Phật đã dạy: “Người mới vào tu, phải tu tập đoạn dứt duyên “sanh”.

Kinh Thập Nhị Nhân Duyên có mười hai duyên như mắt xích sắt, duyên này có thì duyên kia có, duyên này diệt thì duyên kia diệt. Kinh này bắt đầu từ duyên “Vô Minh” như sau:

1- Vì vô minh không thấu rõ các pháp thế gian lầm chấp chúng là thật có nên hành động chạy theo tâm ham muốn, sanh ra các ác pháp, tạo biết bao nhiêu nghiệp khổ đau, do thế kinh dạy: “Vô Minh sanh Hành”.

2- Hành động theo lòng ham muốn dục lạc chạy theo ái dục sanh ra thức, nên kinh dạy: “Hành sanh Thức”.

3- Thức, kết hợp noãn châu và tinh trùng sanh ra danh sắc nên kinh gọi: “Thức sanh Danh Sắc”.

4- Danh sắc, là thân và tưởng của con người, lần lần phát triển đầy đủ: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý. Mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý tiếp xúc với sáu trần bên ngoài nên kinh dạy: “Danh Sắc sanh Lục Nhập”.

5- Lục nhập, có nghĩa là sáu căn và sáu trần. Sáu căn gồm có: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Sáu trần gồm có: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu trần tiếp xúc sáu căn, nên kinh dạy: “Lục Nhập sanh ra Xúc”.

6- Xúc, tạo ra sự va chạm êm ấm, ngọt bùi, khả hỷ, khả lạc nên kinh dạy: “Xúc sanh ra Thọ”.

7- Thọ, sanh ra cảm giác thích thú, cảm mến, giận hờn, thương ghét nên kinh dạy “Thọ sanh ra Ái”.

8- Ái, là yêu mến, thương mến, ưa thích người vật và vật chất nhà cửa nên từ đó chúng ta mới có (Hữu), nên kinh dạy: “Ái sanh ra Hữu”.

9- Hữu là có vật này, vật kia như: thân tứ đại, thân ngũ uẩn, nhà cửa, của cải, tài sản, cha, mẹ, anh, chị, em, bà con... Khi đã có thì mới gìn giữ bảo vệ, nên kinh dạy: “Hữu sinh ra Thủ”.

10- Thủ là giữ lại, nhờ có giữ gìn bảo vệ của cải tài sản, thân bằng quyến thuộc nên mới có đời sống (sanh), cho nên kinh dạy: “Thủ sinh ra Sanh”.

11- Sanh, phải nói đủ là sanh y, sanh là của cải, tài sản, vật chất, sự nghiệp, cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc, bạn bè v.v.. như trên đã nói. Do thế, khi tài sản của cải bị mất thì sanh ra buồn rầu bịnh khổ và chết, cha mẹ vợ con chết cũng sanh ra buồn rầu, đau khổ phiền lòng nên kinh dạy: “Sanh sanh ra Ưu Bi, Sầu Khổ, Bệnh, Chết”.

12- Ưu bi, sầu khổ, bệnh, chết là duyên cuối cùng của Mười Hai Duyên này, hợp lại thành thế giới khổ đau của kiếp người.

Sau khi quán xét Mười Hai Nhân Duyên, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt.

Như đã nói ở trên, Mười Hai Nhân Duyên này hợp lại là thế giới đau khổ của con người thành hình. Mười Hai Nhân Duyên này rã tan là thế giới hết khổ đau, hoại diệt.

Muốn thoát khổ thì Mười Hai Nhân Duyên này phải rã tan. Vậy, rã tan như thế nào và duyên nào rã trước?

Kinh điển phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ nhắm vào duyên vô minh phải phá trước bằng “Minh”, minh tức là trí tuệ.

Muốn triển khai “Minh” trí tuệ, các nhà Đại thừa và Thiền Đông Độ dùng pháp hành ức chế niệm thiện niệm ác, cho tâm không niệm thiện niệm ác là định và do tâm định thì phát tuệ (chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền), bản lai diện mục hiện tiền là Phật Tánh, mà Phật Tánh là tánh giác, tánh giác tức là trí tuệ. Do những pháp hành tu tập để triển khai trí tuệ như vậy. Họ đã lầm, không ngờ đường tu tập ấy lại khai mở tưởng tuệ. Khi tưởng tuệ được khai mở thì lý luận của các nhà Đại thừa siêu việt tưởng, nên không tôn giáo nào tranh luận hơn được, nhất là lý Bát Nhã của Đại Thừa.

Do lý luận siêu việt tưởng Bát Nhã nên nó đã phá luôn Phật giáo chính gốc (vô khổ, tập, diệt, đạo). Vì, Phật giáo Nguyên Thủy chính gốc, không có lý luận tranh hơn thua, không có lý luận siêu việt tưởng như vậy, chỉ dạy thẳng đời người là khổ, nguyên nhân sinh ra đau khổ, trạng thái tâm hết khổ đau và tám cách thức tu tập để diệt nguyên nhân sinh khổ. Những pháp hành này, cụ thể để mọi người ai cũng tu được, cũng thực hiện được sự giải thoát hết khổ như nhau.

Vì thế, kinh điển Nguyên Thủy nhắm vào duyên “sanh” để đoạn dứt nó, đoạn dứt nó thì ưu bi, sầu khổ, bịnh, chết cũng đoạn dứt, nên kinh thường nhắc đi nhắc lại: “Sanh đã tận Phạm hạnh mới xong”.

Nếu một người tu tập quyết tìm đường giải thoát ra khỏi cuộc sống trần lao này, thì phải buông xả như đức Phật và các bậc Thánh Tăng: không trang điểm làm đẹp, của cải tài sản bỏ sạch, cha mẹ, anh em, chị em, vợ con đều bỏ xuống hết như trong bài “Vượt thoát” đã dạy.

Đó là bứt tất cả những sợi dây xiềng xích đang trói rất chặt mọi người. Chỉ có những bậc chân tu thấy được nhân quả nên họ đã mạnh dạn dứt bỏ sạch để vượt thoát cảnh đời thế tục.

Sự dứt bỏ vượt thoát này, không phải ai cũng làm được, tuy nói rất dễ nhưng làm rất khó. Người tầm thường không thể làm được, trong kinh dạy rất đơn giản: “Sanh đã tận Phạm hạnh mới xong” hoặc “duyên sanh dứt thì bệnh tử sầu khổ ưu bi dứt”. Những danh từ nghe thì dễ dàng, nhưng đương đầu trước của cải, tài sản châu báu, ngọc ngà cùng cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xả bỏ hay đoạn tận là một việc không phải dễ làm.

Nếu không đoạn tận, thì không thể thực hiện được con đường giải thoát của đạo Phật.

Tại sao vậy?

Tại vì đạo Phật gọi là đạo giải thoát mà không bứt được những sợi dây xiềng xích vô hình đó đang trói buộc thì làm sao gọi là giải thoát được?

Hiện giờ, những người đang tu theo đạo Phật, đời chẳng muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm, hai tay đều nắm hết. Do thế, cuộc sống tu hành Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo.

Hiện giờ, quý Thầy và các cư sĩ tu hành chẳng đến đâu, chỉ vì tu theo kiểu đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, rất uổng công cho một đời tu hành. Tu mãi chỉ còn lấy Phật giáo làm danh làm lợi cho cuộc sống thế tục.

Tu theo Phật giáo, người tu hành phải đoạn dứt sanh y, có đoạn sanh y thì tâm mới được giải thoát đau khổ. Tâm có được giải thoát đau khổ thì tâm mới có thanh tịnh; tâm có thanh tịnh thì tâm mới nhập Thiền định; Tâm nhập được Thiền định thì tâm mới làm chủ được sự sống chết.

Người không đoạn dứt sanh y, không thể nào ly dục ly ác pháp và nhập Tứ Thánh Định được, do không ly dục ly ác pháp và nhập Tứ Thánh Định được, thì không còn pháp nào tu tập làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi.

Đường về xứ Phật không khó, nhưng khó cho những ai, không muốn dứt bỏ đời sống dục lạc và tình cảm thương mến ở thế gian.

Pháp môn tu hành của đạo Phật không có gì huyền bí và vĩ đại, chỉ cần hiểu rõ đời sống thế gian là khổ vô vàn và khổ muôn kiếp. Đời sống xuất thế gian là dứt khổ, hết khổ, chỉ còn một đời sống này nữa mà thôi, một đời sống tu theo đạo Phật hoàn toàn sẽ chấm dứt khổ.

BỐN THÁNH ĐỊNH

Quý vị muốn tu tập Thiền định của đạo Phật, thì nên theo bản tóm lược này mà tu tập từng giai đoạn một để có kết quả như ý mình. (Tứ Thánh Định).

I – SƠ THIỀN

1- Tịnh chỉ ngôn ngữ.

2- Sống đúng giới hạnh.

3- Lấy giới bổn Patimôkha phòng hộ sáu căn.

4- Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

5- Tu tập Định Vô Lậu, diệt ngã xả tâm, quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử tức là ly dục ly ác pháp.

6- Thiểu dục tri túc.

II – NHỊ THIỀN

1- Tu tập Định Niệm Hơi Thở.

2- Định Diệt Tầm Giữ Tứ.

3- Định Diệt Tầm Diệt Tứ.

4- Hướng tâm tịnh chỉ tầm tứ.

5- Tịnh chỉ tầm tứ.

III – TAM THIỀN

1- Tu tập Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.

2- Nương hơi thở hướng tâm, xả ly sáu loại hỷ tưởng đầu tiên: sắc, thinh, hương, vị xúc, pháp tưởng (ly hỷ trú xả).

3- Tỉnh thức trong giấc ngủ xả mộng tưởng.

4- Dùng pháp hướng xả ly 18 loại hỷ tưởng.

IV – TỨ THIỀN

1- Nương Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.

2- Hướng tâm tịnh chỉ âm thanh.

3- Hướng tâm tịnh chỉ các thọ.

4- Hướng tâm tịnh chỉ hơi thở.

5- Hướng tâm tịnh chỉ các hành và hơi thở.

6- Tịnh chỉ các hànhhơi thở.

7- Nương Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý.

Trên đây là phần lý thuyết của bốn Thiền, còn phần thực hành để nhập Tứ Thiền Thánh Định thì phải tu học có căn bản, từ thấp đến cao.

Đạo Phật là đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, nó là chân lý của con người, vì thế con người không có hai ba chân lý mà duy nhất chỉ có một mà thôi. Do nó là chân lý, nên nó phải có chương trình tu học như chương trình giáo dục kiến thức ngoài đời.

Chúng ta ai cũng biết chương trình tu học của đạo Phật chia làm tám lớp tu học gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo gồm có như sau: 1- Lớp Chánh kiến; 2- Lớp Chánh tư duy; 3- Lớp Chánh ngữ; 4- Lớp Chánh nghiệp; 5- Lớp Chánh mạng; 6- Lớp Chánh tinh tấn; 7- Lớp Chánh niệm; 8- Lớp Chánh định. Trong tám lớp tu học (Bát Chánh Đạo) có ba cấp (Giới, Định, Tuệ).

Cho nên, muốn nhập được bốn Thánh Định, thì phải học từ lớp 1 đến lớp 8. Còn nếu, ngay từ bốn Thánh Định mà tu tập như lý thuyết trên đây, thì phải có người tu xong hướng dẫn thì mới nhập được, còn nếu không có người hướng dẫn thì chỉ tu chơi, chứ không bao giờ nhập được.

Thưa các bạn! Không phải Tứ Thánh Định là một thứ Thiền định tu hành khó khăn như các bạn tưởng. Đức Phật đã từng dạy: “Với tâm định tỉnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng nhập bốn Thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc”.

Theo kinh nghiệm bản thân của chúng tôi thì giới luật phải nghiêm chỉnh, muốn cho giới luật được nghiêm chỉnh thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, trong Tứ Chánh Cần có các pháp cần tu tập. Đó là Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Trong Tứ Niệm Xứ có các pháp cần tu tập. Đó là Tứ Niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ, pháp Thân Hành Niệm. Pháp môn Thân Hành Niệm là pháp môn cuối cùng của lớp học Chánh niệm. Kết quả của pháp môn này, là lần lượt bảy năng lực Giác Chi xuất hiện, khi giác chi cuối cùng xuất hiện thì chúng ta đã hoàn thành Tứ Như Ý Túc. Khi Tứ Như Ý Túc đã có, thì Tứ Thánh Định nhập vào không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.

Nếu chúng ta tu tập như vậy, thì chắc chắn sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi một cách không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nhưng dù sao các bạn cũng nên nhớ lời Phật dạy trong kinh Ước Nguyện: “Muốn nhập bốn Thánh Định và thực hiện Tam Minh thì giới luật phải sống nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì Bốn Thánh Định và Tam Minh sẽ thực hiện không có khó khăn, không có mệt nhọc”.

Theo lời Phật dạy trên đây, các bạn đừng lo không nhập được bốn Thánh Định và Tam Minh, chỉ ngại các bạn sống không sống đúng giới luật, chứ sống đúng giới luật thì không có khó khăn đâu các bạn ạ! Hãy bền chí tiến lên các bạn ạ! Con đường giải thoát đang chờ bạn ở phía trước.

CHƯƠNG III

HỎI ĐẠO

NHIỆT TÂM

Câu hỏi của Hải Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Nếu không có nghị lực, dứt khoát, từ bỏ thì tu Định Vô Lậu và tu tập Pháp Hướng Tâm, theo sự nhận xét của con trong sự tu tập thì con thấy cũng không có hiệu quả, có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Con đường tu theo đạo Phật nếu không có quyết tâm dứt khoát từ bỏ, nhất là thiếu nghị lực thì không thể nào tu Định Vô Lậu và dùng pháp Hướng Tâm có hiệu quả được. Người ta biết thuốc lá, thuốc phiện và rượu gây bệnh tật, tai hại cho cơ thể, nhưng không quyết tâm dứt khoát từ bỏ thì vẫn phải chịu bệnh nghiện và con người luôn luôn ương gàn như một con thú vật, họ không biết đạo đức là gì.

Nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức cho bước đường tu tập xả tâm, nếu không có nhiệt tâm thì nhất định không bao giờ có xả tâm được.

Định Vô Lậu là một danh từ nếu chúng ta chỉ dùng danh từ để quán xét và nói suông thì chẳng có nghĩa gì là vô lậu. Nói vô lậu tức là nói không còn đau khổ, nói không còn đau khổ tức là nói không còn chướng ngại pháp trong tâm, nói chướng ngại pháp trong tâm tức là nói ác pháp.

Do đó, đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là để thoát khổ, nếu người không có nhiệt tâm ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp thì khó mà giải thoát được.

Bởi, nhiệt tâm là một việc làm tích cực hết sức của một người quyết chí đi tìm đường giải thoát, nếu người quyết chí đi tìm đường giải thoát mà không có nhiệt tâm thì sự tu hành cũng chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Muốn bỏ một điều ác nào, thì chúng ta phải thông suốt điều ác ấy. Vậy, phải thông suốt như thế nào?

- Thứ nhất, là phải thông suốt lý nhân quả thiện và ác.

- Thứ hai, là phải thông suốt lý duyên hợp.

- Thứ ba, là phải thông suốt lý các pháp vô thường, khổ, vô ngã.

- Thứ tư, phải thông suốt Bát Chánh Đạo, tức là tám lớp tu tập để được giải thoát như:

Lớp 1: Chánh Kiến.

Lớp 2: Chánh Tư Duy.

Lớp 3: Chánh Ngữ.

Lớp 4: Chánh Nghiệp.

Lớp 5: Chánh Mạng.

Lớp 6: Chánh Tinh Tấn.

Lớp 7: Chánh Niệm.

Lớp 8: Chánh Định.

- Thứ năm, phải thông suốt ba lậu như: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

- Thứ sáu, phải thông suốt Ngũ triền cái và Thất kiết sử.

- Thứ bảy, phải thông suốt Năm hạ phần kiết sử và Năm thượng phần kiết sử.

- Thứ tám, phải thông suốt Thập thiện và Thập ác.

- Thứ chín, phải thông suốt bốn loại định: Định Sáng Suốt, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. 

- Thứ mười, phải thông suốt Tứ Thánh Định.

- Thứ mười một, phải thông suốt pháp Như lý tác ý và pháp Tác ý.

- Thứ mười hai, phải thông suốt phóng tâm và phóng dật.

Trong khi đã thông suốt 12 pháp môn này, mà thiếu nhiệt tâm dứt bỏ tu hành thì trở thành một vị giảng sư, vị giảng sư là người nói được, chứ không làm được, người nói được mà chưa làm được là người nói láo. Người nói láo bằng thuyết giảng là người lừa đảo người khác bằng kinh sách.

Vốn đạo Phật không phải là một tôn giáo nói láo, nên khi đã thông suốt các pháp thì phải nỗ lực xả bỏ, ly tham đoạn diệt ác pháp cho chính mình, để được ra khỏi cuộc đời đầy khổ đau, chứ không phải thông suốt lý đạo để đem ra dạy đời bằng những lý thuyết suông trong khi mình tu tập chẳng ra gì mà lại dạy người tu thì hóa ra lừa đảo người. Đừng dùng những ngôn từ trong kinh phát triển để che mắt thiên hạ “Y pháp bấty nhân”, có nghĩa là y nơi pháp mà tu hành, còn đừng y vào các Thầy, vì các Thầy tuy dạy như vậy mà chưa có tu hành được như trong kinh đã dạy.

Đối với con đường tu hành theo đạo Phật, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy quyết dứt bỏ những chướng ngại pháp trong tâm, như những lời dạy của đức Phật trong thời khóa tu tập lúc đức Phật còn tại thế thì không bao giờ làm chủ được sanh, già, bệnh, chết, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy sửa đổi những lỗi lầm của mình trong những thói hư tật xấu thì chẳng bao giờ trở thành những con người tốt trong xã hội được. Những con người có đạo đức, nếu không có nhiệt tâm nồng cháy ly dục ly ác pháp, sửa đổi tánh hư tật xấu thì không bao giờ có ly dục ly ác pháp được. Không ly dục ly ác pháp, thì không bao giờ nhập được Thiền định, nếu không nhập được Thiền định thì không bao giờ thực hiện được Tam Minh, nếu không thực hiện được Tam Minh thì không bao giờ chấm dứt tái sanh luân hồi.

Xem thế, chúng ta mới thấy nhiệt tâm là một điều quan trọng hết sức trong việc tu hành theo đạo Phật, vì có nhiệt tâm mới có giải thoát.

Chúng ta biết, có nhiệt tâm mới có nghị lực để chiến đấu với nội tâm của mình, không nhiệt tâm thì không nghị lực, người không có nghị lực làm việc gì, người ấy đều gặp thất bại, huống là công việc tu hành thì lại còn thất bại nặng nề hơn.

Cho nên, người tu Định Vô Lậu cũng như sử dụng pháp Hướng Tâm mà không có nhiệt tâm dứt khoát từ bỏ, thì sự tu tập chỉ có hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành, chẳng bao giờ có giải thoát đối với những người này.

Theo sự nhận xét của con, trong sự tu tập của chính mình, thì con đã rút ra được những kinh nghiệm bản thân, nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập cũng chỉ hoài công vô ích và uổng phí một đời tu hành chẳng bao giờ có giải thoát. Với những ai tu chơi thì chẳng bao giờ có nhiệt tâm, không có nhiệt tâm thì đừng nên tu theo đạo Phật đã chẳng ích lợi cho mình mà còn hại đạo Phật thêm, khiến cho người đời khinh chê và phỉ báng vì phạm giới cấm của đức Phật.

Theo sự nhận xét của con trong sự tu tập của chính mình, thì con đã hiểu biết được những kinh nghiệm bản thân, “nếu không có nhiệt tâm xả bỏ thì sự tu tập không có hiệu quả”.

Đúng vậy! Đúng vậy! Lời nói này là cả một kinh nghiệm bản thân. Nếu trên đường tu tập mà ai không có nhiệt tâm xả bỏ xa lìa ác pháp và lòng ham muốn của mình, thì kết quả chẳng ra gì như trên đã dạy.

Nếu một người tu hành theo đạo Phật mà sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật, thì người ấy không bao giờ có nhiệt tâm với sự tu tập của mình. Người có nhiệt tâm, là người sống đúng giới luật Phạm hạnh.

Nếu tu tập mà không có kết quả, thì sự nhiệt tâm sẽ mất dần và cuối cùng, lòng tha thiết nhiệt tâm tu hành giải thoát không còn nữa.

Bởi vậy, kẻ nào tu sai, nhiệt tâm sẽ bị mất, nhiệt tâm mất thì nghị lực cũng không còn, tu như vậy chỉ mang tiếng tu mà thôi.

Đây là một vấn đề quan trọng trong sự tu hành, quý Thầy và quý Phật tử phải bảo vệ và giữ gìn nhiệt tâm của mình, đừng nên để nó mất, nó mất đi cuộc đời tu hành của quý vị sẽ trở thành đen tối và âm u.

Người tu hành theo đạo Phật nhiệt tâm là hàng đầu của người xuất gia, nó sẽ giúp cho quý vị tu tập đến nơi đến chốn, quý vị nên nhớ kỹ và khắc ghi mãi trong lòng hai chữ “NHIỆT TÂM”. Nhiệt tâm còn là còn sự tích cực, nhiệt tâm mất là tiêu cực đến.

PHÁP MÔN DẪN TÂM

Hỏi: Kính bạch Thầy! Pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý có lợi ích như thế nào? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con được hiểu.

Đáp: Pháp Hướng Tâm có hai phần lợi ích và hiệu quả rất lớn cho những người tu tập theo đạo Phật:

1- Giúp cho trí tuệ bén nhạy nhanh chóng trước các pháp ác.

2- Giúp cho tâm tạo ra một năng lực siêu việt không thể nghĩ lường.

3- Pháp hướng tâm là phương cách dẫn thân tâm vào chỗ giải thoát, ví như: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra, hoặc an tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay ra, hoặc an tịnh tâm hành tôi biết tôi đưa tay vô”.

4- Pháp hướng tâm còn gọi là pháp huấn luyện tâm.

Như lời đức Phật đã dạy trong Kinh và đã xác quyết pháp môn dẫn tâm là một bí quyết giúp chúng ta ly tham đoạn diệt mà không có pháp nào khác hơn: “Ta không thấy pháp nào khác”, có nghĩa không còn pháp nào khác hơn là pháp “Như Lý Tác Ý”.

Để minh chứng lời dạy này, chúng tôi xin trích ra một vài đoạn kinh, trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Ta không thấy một pháp nào, này các Thầy Tỳ Kheo, đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi và sân đã sanh được tăng trưởng rộng lớn, này các Tỳ Kheo, đó là đối ngại tướng trong tâm. Này các Thầy Tỳ Kheo, đối ngại tướng trong tâm, nếu không như lý tác ý sẽ đưa đến sân chưa sanh được sanh khởi và sân đã sanh được tăng trưởng rộng lớn”.

Ở đây, đức Phật đã xác định có tính cách quả quyết và nhất định một cách hùng hồn chỉ có pháp Như Lý Tác Ý làm sân đoạn diệt, nếu không có pháp Như Lý Tác Ý, thì không có pháp nào đoạn diệt được tâm sân.

Nếu muốn trừ tâm nghi, mà ta không dùng pháp Như Lý Tác Ý, thì sẽ không còn pháp nào diệt trừ tâm nghi được, nên đức Phật dạy: “Ta không thấy pháp nào khác, này các Thầy Tỳ Kheo, đưa đến nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng rộng lớn, này các Thầy Tỳ Kheo, nếu không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Thầy Tỳ Kheo, nghi hoặc chưa sanh được sanh khởi và nghi hoặc đã sanh được tăng trưởng rộng lớn”.

Tâm tham dục cũng vậy, nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà ly tham đoạn dục; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thành tựu được Đạo giải thoát; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thành tựu Thiền định; nếu không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì khó mà thực hiện được Tam Minh.

Bởi thấy người tu Thiền định hiện giờ mà không có pháp dẫn tâm vào Đạo thì biết họ tu tà Thiền, tà định không thể có quả giải thoát được. Do thế, ta mới biết được pháp môn Như Lý Tác Ý là một pháp môn có lợi ích rất lớn trên bước đường tu tập, nếu không có pháp môn này, con đường tu tập chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Đối với những người muốn thực hiện lòng từ, bi, hỷ, xả mà không có pháp Như Lý Tác Ý, thì lòng từ, bi, hỷ, xả cũng không bao giờ có được, để minh chứng điều này Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các Thầy Tỳ Kheo, như từ tâm giải thoát chưa sanh không sanh khởi và từ tâm không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ Kheo, không như lý tác ý. Nếu như lý tác ý, thời từ tâm chưa sanh được sanh khởi, và từ tâm sẽ được tu tập viên mãn”.

Để minh chứng một đoạn kinh đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ trang 31: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Thầy Tỳ Kheo, do pháp ấy các giác chi chưa sanh không sanh khởi, và các giác chi chưa sanh không đi đến tu tập viên mãn, này các Tỳ Kheo, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này các Thầy Tỳ Kheo, các giác chi chưa sanh không được sanh khởi, và các giác chi không đi đến tu tập viên mãn”.

Qua những lời dạy của đức Phật trên đây, quý Thầy và quý Phật tử đã thấy rõ giá trị của pháp Như Lý Tác Ý, là một pháp môn có tầm cỡ vĩ đại cho đường tu tập của quý vị. Nếu không có pháp môn này, thì không bao giờ quý vị ly tham đoạn diệt được tâm tham ưu của quý vị; nếu không có pháp môn này thì giới luật của quý vị không thể sống nghiêm chỉnh được; nếu không có pháp môn này thì Thiền định quý vị không thể nhập được và nếu không có pháp môn này thì Tam Minh chỉ là một danh từ suông, một ảo mộng thần thông của loài người.

Tóm lại, không có pháp Như Lý Tác Ý thì con đường tu tập của đạo Phật, chỉ là một giấc mộng mà thôi.

ĐẮM NHIỄM - KHÓ TIÊU - TÁN LOẠN

Hỏi: Kính thưa Thầy, xin Thầy giảng rõ cho con hiểu: “Đắm nhiễm, khó tiêu, tâm thường sanh tán loạn” như thế nào?

Đáp: Đắm nhiễm, khó tiêu, tán loạn là những động từ kép.

- Đắm nhiễm: có nghĩa là dính mãi, không bỏ được, thành thói quen, nghiện ngập, nghiệp lực.

- Khó tiêu: có nghĩa là không dứt bỏ được, không xa lìa được, không tiêu hóa được.

- Tán loạn: có nghĩa là tâm thường khởi niệm tưởng chuyện này đến chuyện khác không dứt, gọi là vọng tưởng lăng xăng.

“Đắm nhiễm khó tiêu tâm thường sanh tán loạn” nghĩa là tâm dính mắc thành thói quen không bỏ được nên sinh ra nghĩ ngợi lung tung chuyện này đến chuyện khác, tùy miên trong mỗi niệm tâm khởi ham thích chạy theo vật chất thế gian như: tiền tài, danh lợi, sắc đẹp, ăn, ngủ phi thời, khiến cho người tu sĩ ham mê chùa to Phật lớn, trở thành những người phóng dật, chứ không còn là người tu sĩ giải thoát. Bởi, trước khi đắm nhiễm thì phải có phóng tâm, phóng tâm mà không kịp thời xả bỏ, đoạn diệt tâm niệm ấy, thì bắt đầu tâm phóng dật, tâm phóng dật mà không đoạn dứt thì tâm đắm nhiễm.

Đức Phật dạy: “Đứng về phương diện nội phần, này các Tỳ Kheo, Ta không thấy một phần nào khác bất lợi như vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, như phóng dật. Phóng dật đưa đến bất lợi lớn” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 36).

Khởi sự bằng sự phóng tâm, nếu chúng ta thiếu sự phòng hộ và bảo vệ sáu căn thì không có người nào là không có sự phóng tâm, cho nên người mới bắt đầu tu hành là phải lấy giới luật phòng hộ sáu căn tức là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình, nhất là pháp “Độc Cư” dùng để phòng hộ sáu căn không cho tiếp xúc sáu trần thì ít phóng tâm và dần dần sẽ không còn phóng tâm nữa, không còn phóng tâm nữa, thì đó là tâm đã ly dục ly ác pháp, nếu không phòng hộ sáu căn thì tâm thường phóng tâm, tâm thường phóng tâm mà không ngăn ngừa thì tâm phóng dật, tâm phóng dật mà không đoạn diệt thì tâm đắm nhiễm, tâm đã đắm nhiễm thì khó mà đoạn trừ, nếu đoạn trừ không được thì tâm sanh ra tán loạn, tâm sanh ra tán loạn là tâm bất an, tâm bất an thì tham, sân, si, mạn, nghi, đầy đủ và thất kiết sử khó bứt được, giống như con cá đã mắc lưới, mắc câu thì chỉ còn chờ chết mà thôi.

Người tu hành mà còn đắm nhiễm, khó tiêu và tán loạn là người không thể nào sống độc cư được, họ thích nói chuyện, họ thích tranh luận, họ thích đi chơi, không bao giờ ở yên một chỗ.

Chúng ta không tu theo đạo Phật thì thôi, mà đã tu theo đạo Phật thì phải tu cho đúng pháp của Phật. Trước tiên, chúng ta phải lấy giới luật để phòng hộ giữ tâm mình, tức là chúng ta phải sống cho đúng Phạm hạnh, sống không đúng Phạm hạnh thì tâm hay khởi niệm tức là phóng tâm, nếu không có pháp ngăn giữ phóng tâm, mà lấy giới luật ngăn ngừa và phòng hộ tâm sẽ trở thành pháp môn ức chế tâm. Do đó, người tu sĩ chỉ biết có giới luật mà tu tập theo đạo Phật, thì người tu sĩ ấy chấp giới, tức là lấy giới ức chế tâm và như vậy vô tình, người tu sĩ lấy giới ức chế tâm sẽ biến dạng giới luật, từ đó lý luận thêm thắt trong giới luật, để tránh né phạm giới, do đó, kinh sách hiện giờ lệch lạc ý giới luật và ý kinh của Phật. Kinh sách phát triển và Nguyên Thủy có nhiều điểm rất sai khác nhau mà các Tổ đã làm lệch lạc, cũng như các nhà sư Nam Tông hiện giờ, họ soạn viết ra một tập sách lấy tên là “Vấn Đề Ẩm Thực Trong Phật Giáo”. Của Jan Sanjivaputta viết, dịch ra Việt ngữ do Tỳ Kheo Thiện Minh. Theo lý luận của họ giống như con cọp lý luận ăn thịt người để nuốt cho trôi, còn lý luận theo các nhà tu hành Phật giáo phát triển thì cũng giống như con bò lý luận để ăn cỏ cho đỡ nghẹn, do đó, khiến cho người sau tu hành phá giới, bẻ vụn giới và còn tạo thêm tội lỗi lén lút phá giới và chính như vậy là người tu sĩ chỉ còn có hình tướng tu hành, ngoài khéo che, khéo đậy trong sự đắm nhiễm của mình. Và đã bị đắm nhiễm như vậy thì xả bỏ rất khó như đã nói ở trên.

Một tu sĩ mà phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là tu sĩ đã sống tà mạng, không còn là một tu sĩ chân chánh, những tu sĩ này là “những con sâu làm rầu nồi canh”.

Bởi, những tu sĩ này đã làm cho những tu sĩ chân chánh xấu hổ.

Hiện giờ, có nhiều người muốn theo đạo Phật tìm tu giải thoát, nhưng nhìn vào giới tu sĩ phá giới, phạm giới đang đắm nhiễm vật chất thế gian, đang sống trong chùa to Phật lớn có đầy đủ tiện nghi như những người giàu sang thì họ chẳng dám bước chân vào cổng chùa. Nếu có người đã mạnh dạn bước vào chùa thì lại càng thấy rõ ràng hơn và cuối cùng, tâm dù muốn tu hành mà chẳng biết nơi đâu để mình tìm tu giải thoát.

Nhìn chung, các tôn giáo không riêng gì Phật giáo, phần đông mọi tu sĩ đều đắm nhiễm.

Sự làm thiện của những tu sĩ này đối với những người khác, là sự cám dỗ người khác để theo tôn giáo mình, hoặc gây ảnh hưởng chánh trị với các nhà lãnh đạo quốc gia, chứ không phải với tâm thiện thật lòng. Họ làm thiện để được sanh lên Cực Lạc, Thiên Đường, chứ không phải làm thiện vì thương người bất hạnh; họ làm thiện để dành hạnh phúc về sau cho họ; họ làm thiện để được sự khen tặng là nhà từ thiện.

Bởi, làm thiện như vậy là làm thiện đắm nhiễm. Có nhiều nhà từ thiện mà tai nạn xảy đến, họ bảo rằng chúng tôi làm thiện mà sao không được phước.

Làm thiện để cầu danh, cầu lợi; làm thiện để được tiếng khen; làm thiện để móc nối làm ăn bất lương; làm thiện như vậy thì làm sao có phước được; làm thiện đó là làm thiện đắm nhiễm.

Chúng ta là những tu sĩ Phật giáo phải cố gắng tránh sự đắm nhiễm. Một người nghiện thuốc lá, rượu, cà-phê, thuốc phiện v.v.. là những người đắm nhiễm.

Một tu sĩ Phật giáo, mà cầm một điếu thuốc lá, uống một ly bia hay uống một tách cà-phê, chén trà đậm đặc là những tu sĩ đắm nhiễm. Những người tu sĩ đắm nhiễm này là những loài trùng bọ trong lông sư tử, họ chỉ còn biết lý luận để che đậy sự đắm nhiễm của mình bằng những danh từ rất tuyệt mỹ: “Trà Đạo, rượu nghĩa”.

Một người bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng là những người đắm nhiễm, những người này được xem là những người đồi trụy xấu xa của xã hội.

Vì đắm nhiễm những người này sanh ra trộm cắp, giết người, cướp của, làm cho cuộc sống của mọi người bất an, xã hội rối trật tự.

Người ta nói đến tình dục, tức là nói đến sự đắm nhiễm của nhục dục.

Một người nam và một người nữ gần nhau sanh ra tình dục, tình dục là sự đắm nhiễm rất khó bỏ cũng ví như thuốc lá, cà phê, rượu, thuốc phiện v.v..

Tình dục là một sự khổ tuyệt cùng theo sau đó, nhất là người phụ nữ phải chịu bao nhiêu nỗi cay đắng, đau khổ của tình dục, gần như suốt đời của họ. Tục ngữ có câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

Đúng vậy, sau khi tình dục, bao nhiêu sự khổ đau đều đổ lên đầu của người đàn bà. Người ta bảo rằng không có sự đau khổ nào bằng sự đau bụng đẻ, thế mà người ta đắm nhiễm tình dục, người ta không thể bỏ được, dù biết sự khổ như cắt da cắt thịt, gần như chết đi sống lại nhưng người ta vẫn không bỏ được tình dục, đó là sự đau khổ về thể xác, chứ không phải hạnh phúc gì cả.

Khi sanh con ra họ còn tiếp tục chịu nhiều lao khổ; phải nuôi con cho lớn khôn; phải chịu hôi, chịu thối sự bài tiết của con; phải chịu cực nhọc khi con đau ốm; phải chịu nhọc nhằn nuôi con cho nên người, và còn biết bao nhiêu sự khổ khác nữa, cho đến khi họ đi vào lòng đất.

Tình dục là khổ như vậy, nhưng khi đã đắm nhiễm nó thì hầu hết không có ai bỏ được. Nam nữ gặp nhau là ham thích liền. Biết tình dục là khổ mà vẫn chịu đi vào chỗ khổ đó, thật là điên đảo, ngu si.

Bởi vậy, người ta ca ngợi con người là một động vật thông minh, nhưng sự thật con người không thông minh mà con người là một động vật điên đảo, vô minh, tự tạo ra cho mình biết bao nhiêu sự đau khổ để rồi phải gánh chịu sự khổ đau ấy từ kiếp này đến kiếp khác cũng chỉ vì sự đắm nhiễm. Cho nên, lời Phật dạy: “Đắm nhiễm, khó tiêu, tán loạn” là vậy.

Bởi thế, người tu sĩ cũng như mọi người ở đời cần phải cảnh giác, đừng để thân tâm đắm nhiễm dù bất cứ một vật chất gì, nhỏ mọn đến đâu trong thế gian này, thì chúng ta nên xem nó là một đối tượng khổ, do cảnh giác như vậy thì thân tâm mới được an lạc và hạnh phúc.

ĐỊNH SÁNG SUỐT

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con, cách thức tu Định Sáng Suốt như thế nào? Để chúng con tu hành cho đúng, nếu không chúng con sẽ tu sai thì vừa mất thì giờ và còn có thể đưa đến bịnh tật.

Đáp: Định Sáng Suốt gồm có hai cách tu tập:

1- Bình thường tâm không tán loạn, không thùy miên, không vô ký, không lờ mờ, không nửa tỉnh nửa mê, không bần thần lười biếng, thì dùng pháp hướng khi đi kinh hành hoặc ngồi một chỗ, như lý tác ý: “Tâm phải sáng suốt như ban ngày, tâm phải thanh thản, tâm phải vô sự”.

2- Khi tâm bị thùy miên (buồn ngủ), hôn trầm (ngủ gục), vô ký (mất tỉnh giác), hôn tịch (tỉnh tỉnh mê mê) bần thần, lười biếng. Không nên ngồi, nên đi kinh hành dùng pháp hướng tâm: “Tâm phải tỉnh thức, sáng suốt đêm như ngày”, “Tâm phải tỉnh táo như ban ngày”, “Tâm phải sáng suốt như ánh mặt trời”.

Định Sáng Suốt tuy trong kinh Nikaya đức Phật dạy phải dùng tưởng tâm sáng suốt như ban ngày, sáng suốt như mặt trời v.v.. nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi hiểu định này là một loại Thiền định thư giãn các cơ và thần kinh trong thân.

Khi dụng công tu tập nhiều thì thân tâm mỏi mệt, sanh ra lười biếng mệt nhọc, u tối, trí óc không còn sáng suốt. Gặp trường hợp này, chúng ta phải tu Định Sáng Suốt.

Định Sáng Suốt tức là phương pháp thư giãn của đạo Phật, giúp chúng ta thư giãn thân tâm, khiến cho các cơ và tinh thần không còn căng thẳng, mỏi mệt.

Biết được công năng của định này, do đó khi mỗi thời gian tu tập một loại định nào xong, chúng ta đều dùng định này để thư giãn, nhờ đó thân tâm chúng ta liên tục tu tập không thấy mỏi mệt hôn trầm, thùy miên; càng tu càng tỉnh thức và càng sáng suốt; càng tu càng thích thú và ưa thích ham tu hơn; càng tu càng thấy tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát rõ ràng.

Nếu người tu hành theo đạo Phật mà không biết loại Định Sáng Suốt này thì dễ bị ức chế thân tâm và nếu ức chế thân tâm quá căng thì dễ sanh ra bệnh tật, hoặc bị căng mặt, căng đầu có khi rối loạn thần kinh, sanh ra điên khùng mất trí.

Tóm lại, cách thức tu Định Sáng Suốt là dùng pháp Hướng Tâm thư giãn các cơ trong thân cũng như thư giãn thần kinh, khiến cho các cơ và thần kinh buông xuống không còn một chút xíu dụng công và ức chế nào, nên thấy cơ thể và tinh thần nhẹ nhàng thoải mái.

Khi thư giãn, chúng ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc, nghe rất thoải mái vô cùng.

Ở đây, quý Thầy và quý Phật tử nên dùng câu pháp hướng, ra lệnh cho các cơ và thần kinh thư giãn bằng cách hướng tâm. Khi cảm giác nghe cơ thể mệt nhọc, đầu óc căng thẳng thì chúng ta nên ngồi nghỉ, hai chân duỗi thẳng dài ra, hai tay buông thỏng, thả nhẹ xuống, các cơ trong thân không được gồng, tinh thần không được suy nghĩ và tập trung nơi nào cả, chỉ để nó tự nhiên theo tự nhiên của nó. Khi cảm giác thân tâm buông thỏng chúng ta mới hướng tâm: “Toàn thân an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn” hoặc “Toàn tâm an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn”.

Xong, chúng ta để thân tâm tự nhiên thư giãn và an tịnh.

Kế tiếp, chúng ta lại hướng tâm nữa: “Các cơ trong thân thư giãn, buông xuống không được gồng phải nhẹ nhàng thanh thản, an lạc và vô sự”.

“Đầu óc phải thư giãn, không được tập trung chỗ nào hết, phải tự nhiên, hồn nhiên với vạn pháp”.

Đó là những cách hướng tâm để thư giãn, quý vị nên nhớ mà tu tập đừng nên biếng trễ.

Định Sáng Suốt sẽ giúp cho quý vị mau chóng tỉnh giác, để luôn luôn quý vị ở trong chánh niệm, nhờ đó, quý vị mới ly tham đoạn ác pháp. Có ly tham đoạn ác pháp thì quý vị mới nhập được Thiền định và Tam Minh.

Nếu không có Định Sáng Suốt thì quý vị tu hành sẽ rơi vào pháp ức chế tâm, và chừng đó quý vị sẽ nhập định tưởng, quý vị sẽ rơi vào tà đạo giống như các Thiền sư Đông Độ.

Định Sáng Suốt là một loại định rất quý cho quý vị trên đường tu tập giải thoát, quý vị cần phải tu tập nhiều hơn để thấy được trạng thái thanh thản, vô sự và an lạc của loại định này.

TỈNH THỨC LỢI ÍCH GÌ?

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tu tập sức tỉnh thức có ích lợi như thế nào?

Đáp: Sức tỉnh thức có lợi ích rất lớn cho đường tu tập như:

1- Có tỉnh thức mới sáng suốt sống được chánh niệm.

2- Có tỉnh thức mới ở trong chánh niệm và chánh niệm mới hiện tiền.

3- Có tỉnh thức mới phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.

4- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ ngôn ngữ.

5- Có tỉnh thức mới thấy được nhân quả.

6- Có tỉnh thức mới ly được lòng ham muốn.

7- Có tỉnh thức mới ly các ác pháp.

8- Có tỉnh thức mới giữ tứ diệt tầm được.

9- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ tầm tứ.

10- Có tỉnh thức mới xả được 18 loại hỷ tưởng.

11- Có tỉnh thức mới xả được mộng tưởng.

12- Có tỉnh thức mới xả được âm thanh.

13- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ được hơi thở, xả thọ và các hành.

14- Có tỉnh thức mới tu Tứ Như Ý Túc.

15- Có tỉnh thức mới hướng tâm đến Tam Minh.

Toàn bộ giáo trình của đạo Phật, quan trọng nhất, là tập luyện tâm tỉnh thức, có được tâm tỉnh thức mới đạt được Niết Bàn cứu cánh giải thoát.

Tỉnh thức như thế nào?

Người tu tập theo đạo Phật, lúc mê biết mình mê là tỉnh thức, lúc tỉnh biết mình tỉnh là tỉnh thức.

Tâm mình tham, biết tâm mình tham là tỉnh thức; tâm mình sân, biết tâm mình sân là tỉnh thức; tâm mình phiền não, biết tâm mình phiền não là tỉnh thức; tâm mình khởi niệm ác, biết tâm mình khởi niệm ác là tỉnh thức; tâm mình lo rầu, biết tâm mình lo rầu là tỉnh thức.

Đi, mình biết mình đi là tỉnh thức.

Ăn, biết mình đang ăn là tỉnh thức. Đó là bước đầu mấu chốt sự tu tập giải thoát của đạo Phật.

Tu tập tỉnh thức có nhiều phương cách khác nhau:

1- Định Niệm Hơi Thở là phương cách tỉnh thức trong hơi thở, để ly tham đoạn diệt khắc phục tham ưu.

2- Định Vô Lậu là phương cách tỉnh thức trong quán xét suy tư để xả bỏ dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

3- Định Sáng Suốt là phương cách tỉnh thức để phá hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, cơ thể mệt nhọc và căng thẳng.

4- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là phương cách tỉnh thức trong mọi hành động, để ngăn ác diệt ác pháp.

5- Định Sơ Thiền là phương cách tỉnh thức ly dục ly ác pháp.

6- Định Diệt Tầm Giữ Tứ là phương cách tỉnh thức trong tác ý hướng tâm khắc phục tham ưu.

7- Định Diệt Tầm Diệt Tứ là phương cách tỉnh thức giữ tâm yên lặng, bất động để làm chủ sự vô thường.

8- Định Tam Thiền là phương cách tỉnh thức vượt qua mọi trạng thái tưởng.

9- Định Ly Hỷ Trú Xả là phương cách tỉnh thức trong giấc ngủ xả mộng tưởng.

10Tịnh chỉ âm thanh là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng.

11Tịnh chỉ các thọ là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng vượt qua thọ để tịnh chỉ hơi thở.

12Tịnh chỉ hơi thở và các hành trong thân, là phương cách tỉnh thức giữ tâm vắng lặng toàn thân tâm bất động.

Những phương pháp trên đây, dùng để tu tập tỉnh thức, sống không làm khổ mình, khổ người tức là làm chủ được mình. Đức Phật đã xác định sự tu tập tỉnh thức, có lợi ích rất lớn, trên bước đường giải thoát của đạo Phật, Ngài dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách, đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú đưa đến chứng ngộ qủa minh và giải thoát. Một pháp ấy là gì?

Chính là Thân Hành Niệm. Đây là một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, nếu pháp ấy được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến cảm hứng lớn, lợi ích lớn, an ổn lớn, khỏi các khổ ách đưa đến chánh niệm tỉnh giác, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 88, bài 2-8).

Đoạn kinh trên đây, đã xác chứng sự tỉnh thức là một sự quan trọng rất lớn trên bước đường tu theo Phật Giáo, nó giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn giải thoát và làm chủ thân tâm, cho nên, đức Phật đã xác định chỉ có một pháp này. “Có một pháp” tức là không có pháp thứ hai. Do lời dạy này, chúng ta mới biết rõ kinh sách Đại Thừa là kinh sách lừa đảo dối gạt chúng ta và bảo rằng: “Đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn”. Thật là xảo trá, chỉ có các Tổ Bà La Môn mới nói như vậy.

Muốn cho thân tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp không còn đắm nhiễm, dính mắc thì chúng ta phải tu tập tỉnh thức.

Để làm sáng tỏ điều này đức Phật dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân HànhNiệm…” (Tăng Chi Bộ Kinh, Tập1 trang 89). Nếu chúng ta muốn tỉnh giác ngăn ác, diệt ác pháp, thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm. Nhờ có tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm, thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản và an lạc: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi và các ác pháp đã sanh bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 89, bài 13).

Nếu chúng ta có sức tỉnh giác, để các pháp thiện chưa sanh, được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh, được tăng trưởng thì cũng phải tu tập tỉnh thức trong thân hành niệm, thì thân tâm của chúng ta mới có thanh thản, an lạc và giải thoát: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, các pháp thiện đã sanh được đưa đến tăng trưởng, quảng đại. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm”.

Nếu chúng ta muốn có minh sanh khởi, và vô minh được diệt trừ, ngã mạn được đoạn tận cùng các tùy miên được nhổ sạch và các kiết sử bị đoạn tận, thì phải tu tập tỉnh thức nơi thân hành của chính mình như đức Phật đã dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập được làm cho sung mãn, vô minh được đoạn tận, minh sanh khởi, ngã mạn được đoạn tận, các tùy miên được nhổ sạch, các kiết sử bị đoạn tận. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm…” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90, bài 16-21).

Nếu chúng ta muốn chứng quả Dự Lưu, chứng quả Nhất Lai, chứng quả Bất Lai và chứng quả A La Hán, thì không có một pháp nào khác hơn, là pháp tỉnh thức nơi thân hành niệm của chính chúng ta, nó sẽ giúp chúng ta đạt được như ý nguyện. Phật dạy: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A La Hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm…”.

Bởi sự tu tỉnh thức trong thân hành niệm quan trọng như vậy, đối với đạo Phật nó là một pháp tu tập duy nhất đạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, không còn có một pháp thứ hai nào nữa. Thế mà, kinh sách phát triển dạy chúng ta tu mọi pháp, nào là Niệm Phật cầu vãng sanh, nào là tụng kinh, trì chú, cúng bái, tế lễ, sám hối lạy hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, hoặc ngồi thiền ức chế tâm bằng những pháp môn Chăn Trâu, Tham Thoại Đầu, Tham Công Án v.v.. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai thành tựu viên mãn chỉ đem lại một hy vọng ảo huyền.

Đức Phật cũng đã xác định, nếu ai không tu tỉnh thức thân hành niệm, thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh,chết: “Những vị này, không hưởng được bất tử, này các Tỳ Kheo, là những vị không thực hiện Thân Hành Niệm. Những vị hưởng được bất tử, này các Thầy Tỳ Kheo, là những vị thực hiện Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91, bài số 47-48).

Xem thế, chúng ta mới biết tỉnh thức lợi ích biết là dường nào, cho sự tu tập giải thoát con đường của đạo Phật.

Bởi nó là pháp môn quan trọng hàng đầu của đạo Phật, nếu không có pháp môn này thì pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý cũng không có kết quả trong sự tu tập.

TÂM BẤT AN

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi làm xong việc, con vào cốc tu tập, tâm con cũng chưa được an?

Đáp: Khi vào cốc tu tập, tâm chưa được an, tức là xả tâm chưa được sạch. Nếu tâm xả chưa được sạch thì không nên tu Định Niệm Hơi Thở, mà phải tu Định Vô Lậu, quán triệt cho thông suốt lý chân thật của các pháp.

Ở đây, con làm xong việc, rồi mới vào thất tu, như vậy làm việc và tu là hai việc khác nhau, do hiểu như vậy và tu như vậy nên tâm con bất an là phải.

Thầy thường dạy: “Tu là sống, sốnglà tu” nghĩa là tu tập trong mỗi hành động, việc làm chứ không phải đợi vào cốc ngồi tu, thế mới là tu. Con không nhớ lời đức Phật dạy sao? Phải tu ngay trong thân hành niệm con ạ! Lúc nào thân có động dụng thì phải tu ngay trong hành động ấy, đó là tu tỉnh thức chánh niệm.

Ở đời, người ta thường hiểu tu là vào chùa cạo đầu, mặc áo tu sĩ là tu, hiểu như vậy là sai hoặc người ta thấy ai gõ mõ tụng kinh, niệm chú, lần chuỗi niệm Phật, ngồi Thiền họ cho đó là tu thì còn sai hơn nữa; đó là những hình thức của tôn giáo, chứ đâu phải tu hành là vậy.

Tu ở đây theo đạo Phật, có nghĩa là sửa đổi những thói hư tật xấu; sửa đổi những hành động ác, không làm ác nữa tức là không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người tức là tu, nhưng không muốn làm khổ mình, khổ người thì phải tu tập tỉnh thức trong mỗi hành động việc làm mà đức Phật gọi là “thân hành niệm”.

Tâm bất an tức là tâm vẫn còn trong chướng ngại pháp, tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp; tâm chưa xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp mà vào thất ngồi tu, đó là cách thức ức chế tâm, nén tâm. Tu như vậy làm sao có giải thoát được, con phải tu trở lại cho đúng pháp.

Muốn tu cho tâm được an, thì phải theo lời đức Phật đã dạy: “Tỉnh thức trong thân hành niệm ngoại”, tức là đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc đều phải tỉnh thức trong mọi hành động, việc làm của mình. Tỉnh thức trong hành động ngoại để làm gì? Để khắc phục tham ưu tức là lìa các chướng ngại pháp trong tâm. Lìa chướng ngại pháp trong tâm thì tâm được an ổn. Muốn được như vậy, thì tâm luôn luôn phải tỉnh thức trên thân hành, và luôn luôn phải tác ý ly tham, đoạn ác pháp.

Cho nên, tu trong thân hành niệm tức là lấy hành động của thân để tỉnh thức mà xả các niệm ác, xả các chướng ngại pháp để tâm không còn bất an.

Tâm con bất an thì Tổ Sư Thiền Đông Độ sẽ bảo: “Lấy tâm ra đây ta an cho”  thì tâm con sẽ an liền, như Huệ Khả đã được Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho, đó là một lối nói để người nghe dùng tưởng mà nhận ra tâm đã an, nhưng kỳ thật, không bao giờ có tâm an. Bởi vì, tâm đã huân thành nghiệp bất an lâu đời, nên hở ra một pháp nào va chạm vào tâm là tâm chướng ngại bất an liền, cho nên cần phải siêng năng tu tập xả tâm, chứ không phải nhìn lại chỗ bất an mà tâm an.

Ví dụ: khi chúng ta bị nhức đầu, tâm chúng ta bất an, bấy giờ chúng ta tìm chỗ tâm bất an, thì tâm chúng ta có hết bất an không? Khi mà đầu chúng ta còn đau nhức.

Bởi người ta hiểu tâm và nghiệp là hai, nhưng kỳ thực tâm và nghiệp là một, nghiệp là tâm, tâm là nghiệp. Các nhà học giả hiểu tâm và nghiệp là hai nên bảo rằng: “Nghiệp dẫn tâm đi tái sanh luân hồi”. Không có dẫn tâm đi luân hồi, mà nghiệp luân hồi, tức là nghiệp tạo duyên. Nghiệp tạo duyên vô minh.

Ví dụ: Như một người nam và một người nữ do đắm nhiễm tình dục, nên tạo thành nghiệp ái dục, nghiệp ái dục tức là sự ưa thích tình dục cho nên họ hành động gần gũi nhau để rồi tạo ra thức.

Họ không biết tình dục sau đó, là một sự khổ đau, sự khổ đau tức là ác pháp. Họ không biết ác pháp khổ đau nên họ lấy nhau, đó là vô minh của nghiệp ái dục tạo nên duyên hành “lấy nhau”. Do hành động lấy nhau, tạo duyên thức, thức này là thức nghiệp ái dục. Nên loài động vật sinh ra, không ai dạy dâm dục cho nó, nhưng con vật nào cũng dâm dục, con người cũng vậy. Dâm dục tức là nghiệp. Cho nên, người tu hành mà không đoạn dâm dục thì chẳng bao giờ có giải thoát.

Vì thế, tâm là nghiệp, nghiệp là tâm, nó không phải là hai. Nên đức Phật dạy: “lìa nghiệp ác, đoạn diệt nghiệp ác vì nghiệp ác tạo ra muôn thứ khổ đau, còn nghiệp thiện, không làm khổ mình, khổ người thì nên giữ và tăng trưởng nó”.

Ví dụ: Chúng ta tu pháp Như Lý Tác Ý như câu: “Tâm như cục đất” tức là tạo nghiệp thiện, mà nghiệp thiện đã có thì nghiệp ác không có. Nghiệp ác không có thì không có sự khổ đau tức là giải thoát (Niết Bàn).

Con người khổ vì nghiệp ác, nghiệp ác là những hành động ác đã lặp đi lặp lại nhiều lần và đã đắm nhiễm hay nói cách khác là đã thành thói quen khó bỏ, các nhà Đại Thừa gọi là “tập khí”.

Khi tu tập tâm bất an, là tu sai không đúng pháp. Pháp của đức Phật dạy, là pháp ngăn ác diệt ác pháp, cho nên tâm lúc nào cũng được an ổn, vì tâm không an ổn là tại không biết sử dụng pháp đúng cách.

Do chỗ đẩy lùi các ác pháp trong tâm nên đức Phật dạy: “Pháp Ta tu là có kết quả ngay liền không có thời gian, có khả năng hướng thượng”. Kết quả ngay liền là tâm không còn bất an.

Tâm còn bất an là còn không xả tâm, muốn xả tâm thì tu tập phải có đối tượng. Nhờ có đối tượng mà biết tâm xả hay chưa xả.

Người tu hành theo đạo Phật, mà tránh né đối tượng, thì tu chẳng bao giờ có giải thoát. Cho nên, muốn tu tập giải thoát thì ngay nơi ác pháp ngăn và diệt, ngăn và diệt là dùng pháp như lý tác ý, nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Giải thoát của đạo Phật không phải chỗ có thần thông phép tắc, chỗ thấy Tánh, chỗ ngồi Thiền năm, bảy ngày, một đôi tháng mà chỗ đẩy lui chướng ngại pháp trong thân và tâm.

Hằng ngày, từng phút, từng giây siêng năng chuyên cần đẩy lui các chướng ngại pháp thì làm sao tâm con bất an được. Tâm không còn bất an tức là giải thoát của đạo Phật hay gọi là tâm bất động.

HƠI THỞ NGƯNG, CÁC HÀNH TRONG THÂN CÓ NGƯNG KHÔNG

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi hơi thở ngưng các hành ngưng theo liền hay là phải đợi một thời gian lâu các hành mới ngừng?

Đáp: Các hành nội thân ngưng thì hơi thở ngưng, nhưng ở đây phải hiểu, hơi thở nhẹ và mất dần cho đến khi không thấy hơi thở nữa gọi là tịnh chỉ hơi thở, do đó các hành trong thân còn hoạt động nhẹ nhàng chưa dứt hẳn, nhất là ý căn, ý căn tức là bộ não của chúng ta.

Hơi thở tịnh chỉ tức là thân hành tịnh chỉ, thân hành tịnh chỉ tức là nhập Tứ Thiền. Nhập Tứ Thiền cơ thể chưa ngưng hoạt động hoàn toàn, chỉ có nhập Diệt Thọ Tưởng Định hay là Diệt Tận Định thì cơ thể hoàn toàn mới ngưng hoạt động chỉ còn lại từ trường của Diệt Tận Định để bảo vệ thân không bị hoại diệt.

Ở đây, giai đoạn tu hành của con chưa đến tịnh chỉ hơi thở, con hỏi về hơi thở ngưng để tìm hiểu chứ kỳ thực không thể tu hành được. Khi tâm chưa xả ly ngũ triền cái và thất kiết sử mà tu tịnh chỉ hơi thở là tự giết mình, bằng chứng con không thấy Minh Tông sao? Tu hành không xả tâm, chỉ ức chế tâm để rồi tịnh chỉ hơi thở, do đó đứt mao phế quản, khạc ra máu gây tổn thương cho phổi.

Tu hành Minh Tông bỏ vợ con không được, thường gặp vợ con và bạn bè để nói chuyện đó là ái kiết sử làm sao đoạn diệt được. Không đoạn dứt ái kiết sử mà muốn tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, là điên đảo tưởng, điên đảo tâm mà tâm điên đảo thì làm sao tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền được.

Khi tịnh chỉ hơi thở không được thì Minh Tông nói với mọi Phật tử: “Đức Phật không có dạy tịnh chỉ hơi thở, chỉ có Thầy bịa ra mà thôi”. Khi biết được tâm niệm của Minh Tông như vậy, Thầy trao cho bộ Kinh Nguyên Thủy để đọc và nghiên cứu để thấy lời Phật dạy rõ ràng như thế này:

“Có ba hành:

1- Khẩu hành

2- Thân hành

3- Ý hành

Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền; tịnh chỉ thân hành nhập Tứ Thiền; tịnh chỉ Ý hành là nhập Diệt Tận Định.

- Khẩu hành là tầm tứ,

- Thân hành là hơi thở,

- Ý hành là tưởng và thọ”.

Đó là kinh sách Nguyên Thủy, Phật dạy rất rõ ràng như vậy, khi nào có dịp nhắc đến Tứ Thiền, Thầy sẽ trích những bài kinh đó ra để Phật tử nghiên cứu và đặt trọn niềm tin hơn.

Xưa Tổ Khương Tăng Hội đã có nghiên cứu đến Tứ Thiền, Tổ thấy Phật dạy tịnh chỉ hơi thở, Tổ cũng nghĩ như Minh Tông hơi thở không thể tịnh chỉ được, nên Tổ tưởng ra hơi thở tịnh chỉ là ngưng sổ tức, còn Minh Tông không tưởng ra được như vậy và nghiên cứu Kinh sách Phật không kỹ nên cho rằng Thầy bịa ra.

Một vị đã nhận ra lời Phật dạy thì tưởng ra ngưng đếm hơi thở là nhập Tứ Thiền.

Còn một vị không nhận ra lời Phật dạy cho Thầy bịa đặt ra “Tịnh chỉ hơi thở”.

Đây là một bài kệ đức Phật dạy về Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở:

“Không thở ra thở vào

Tâm trú vào chánh định

Không tham ái tịch tịnh

Với tâm an bất động

Như đèn sáng chợt tắt

Tâm giải thoát Niết Bàn”

Khi người ta tu không được, tịnh chỉ hơi thở không xong, thì họ lại bảo Thầy đặt ra pháp tịnh chỉ hơi thở, nhưng không ngờ Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở thật và đức Phật đã dạy rõ ràng.

Ở đây, để xác định lại Thiền Thứ Tư, trong Kinh Nguyên Thủy có nhiều bài Kinh nói về tịnh chỉ hơi thở mà đức Phật đã dạy chứ không phải Thầy bịa ra như các Tổ hệ phái phát triển đã bịa ra nhiều pháp làm sai lệch ý Kinh và ý Phật.

Cho nên, những gì Thầy dạy là của Phật dạy, người ta bác Thầy tức là người ta bác Phật Thích Ca, đó là trường hợp của Minh Tông.

Có một nhà học giả bảo rằng bốn Thiền của Phật là Thiền của ngoại đạo, tu không giải thoát, đó là lời nói bài bác giáo pháp của đức Phật Thích Ca.

Lời nói của Minh Tông và các vị học giả xưa và nay đã vô minh tu hành chưa đến đâu vội xác nhận một cách sai lệch làm cho người sau mờ mịt đối với Bốn loại Thánh Định của đạo Phật.

Thiền định ngưng hơi thở đâu phải là Thiền dành cho những kẻ phàm phu, tâm còn đầy dẫy uế trược, bất tịnh, tham ưu v.v..

Thiền định ngưng hơi thở là Thiền định dành cho những bậc giới đức thanh tịnh, tâm hoàn toàn ly dục ly ác pháp, thì mới tịnh chỉ hơi thở.

Một loại Thiền định dành cho những bậc Thánh, không thể dành cho những bậc phàm phu còn ăn uống phi thời, còn phạm giới, bẻ vụn giới, còn có chùa to tháp lớn, sống trong cảnh giàu sang như cung vàng điện ngọc thì làm sao nhập được những loại định này.

Một loại Thiền không thể dành cho những người còn ái kiết sử trói buộc, ngồi trong thất tu mà nhớ vợ, nhớ con, nhớ tiền tài vật chất, nhớ xe hơi nhà lầu v.v.. thì làm sao nhập được loại Thiền này.

Trong tu viện có một vị cư sĩ muốn nhập loại Thiền này mà vợ con không bỏ, nên cố nín thở để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền khiến cho phổi bị tổn thương sanh ra bệnh, đây là một kinh nghiệm rất lớn để cảnh giác cho những ai muốn tu về Tứ Thánh Định.

Chúng tôi cũng được nghe ở Qui Nhơn có một bác sĩ nghe tịnh chỉ hơi thở, ông ta không biết tu tập như thế nào mà đã chết luôn. Đây là những điều cảnh giác cho người ham tu mà tự tu là rất nguy hiểm, tu là phải có người hướng dẫn, Minh Tông không nghe lời dạy của Thầy, không chịu sống độc cư và không xa lìa bạn bè vợ con để xả tâm, bảo rằng Phật không có dạy độc cư nên còn xin Thầy cho phép tiếp bạn bè và vợ con nếu họ đến thăm. Và còn hứa hẹn với Thầy là sẽ thực hiện tu hành chứng đạo có thần thông cho Thầy xem.

Thầy chỉ cười và bảo: “Nếu được vậy, Thầy sẽ tuyên bố với Phật tử là con đã tìm được một con đường khác hơn con đường của Thầy và đã chứng đạo”. Sau đó, không đầy một tháng Minh Tông đã khạc ra máu đống, đống… và đi trị bệnh. Tu là phải nhờ thiện hữu đi trước hướng dẫn chứ đừng tự mình tu là chết, đó là những hình ảnh cảnh giác cho chúng ta sau này. Minh Tông trình độ học thức trên đại học, nên cho mình là người có học, thông minh, hiểu biết, tự đọc kinh sách mà tu, cãi lời Thầy mới ra nông nỗi như vậy. Bởi vậy, những kiến giải của những nhà học giả là một sự nguy hiểm cho người thực hành tu tập.

Vì thế, mới biết loại Thiền này là loại Thánh Định như đức Phật đã gọi “Tứ Thánh Định”.

Tâm còn phàm phu mà muốn nhập Thánh Định thì nhập làm sao được?

Tam Minh là Thánh Tuệ của đức Phật thì người phàm phu làm sao mà có Thánh Tuệ đó được. Cho nên, nói đến bốn Thiền và Tam Minh thì hiện giờ chưa có ai thực hiện được.

Tại sao vậy?

Tại vì, mọi người tâm còn phàm phu. Trước khi muốn nhập bốn Thiền và Tam Minh thì phải tu tập tâm Thánh, tức là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn nếu chưa ly dục ly ác pháp thì đừng mong nhập bốn Thiền và Tam Minh.

Bởi, ngưng hơi thở là các hành trong thân lần lượt sẽ ngưng nghỉ, ngưng nghỉ mà thân không hoại diệt như vậy mới gọi là Thiền Định Thánh. Các hành trong thân ngưng nghỉ mà thân hoại diệt thì không phải nhập định mà là một thân người chết.

Chừng nào, các con đã xả tâm ly dục ly ác pháp, tâm thanh tịnh hoàn toàn, nghĩa là tâm không phóng dật, tâm thường quay vào định trên thân lúc bấy giờ Thầy sẽ chỉ cho các con tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Còn bây giờ, các con nên cố gắng phải xả ly tâm “như cục đất”. Đừng hỏi lung tung về hơi thở mà mất thì giờ vô ích.

LÚC NÀO HƠI THỞ TỊNH CHỈ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Chỉ khi nào con buông xả sạch và không còn dính mắc, tâm con đã thanh tịnh, lúc bấy giờ hơi thở mới tịnh chỉ phải không thưa Thầy?

Đáp: Đúng vậy, chỉ khi nào tâm con buông xả sạch và không còn phóng tâm theo các pháp, lúc bấy giờ hơi thở mới thật sự tịnh chỉ, không còn bị tưởng thức che ngăn.

Hơi thở tịnh chỉ không phải khó, khó là ở chỗ tâm thanh tịnh, cho nên sự tu tập của đạo Phật là chỗ có giới luật, chỗ có giới luật là chỗ rất khó giữ. Vì thế, hiện giờ tu sĩ Phật giáo đều rơi rớt ở giới luật, mọi tu sĩ hầu hết đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v..

Giới luật giúp tâm chúng ta thanh tịnh tức là giới luật giúp chúng ta ly dục ly ác pháp.

Con người sanh ra ở chỗ dục nên sống trong dục, làm việc gì cũng dục mà ở đâu có dục là ở đó có ác pháp, ở đâu có ác pháp là ở đó có đau khổ.

Mục đích của đạo Phật không phải nhắm vào chỗ hơi thở tịnh chỉ mà nhắm vào chỗ tâm bất động, chỗ tâm bất động là chỗ ly dục ly ác pháp, chỗ ly dục ly ác pháp là chỗ giới luật của đức Phật; chỗ giới luật không phải là giới cấm mà là chỗ đức hạnh làm Người, không làm khổ mình, khổ người và chỗ đức hạnh làm Thánh Nhân, sống một đời sống không còn ràng buộc thất kiết sử và không bị ngăn che bởi ngũ triền cái.

Chỗ tâm bất động này, là chỗ để quý vị tịnh chỉ các hành trong thân, nếu tâm quý vị chưa bất động thì dù quý vị có muốn tịnh chỉ tầm tứ còn không được thay, huống là quý vị tịnh chỉ hơi thở.

Bởi vì, quý vị chưa tịnh chỉ lòng ham muốn và chướng ngại pháp trong tâm thì làm sao quý vị tịnh chỉ được hơi thở, đó là một sự việc rất rõ ràng, nếu quý vị không lo tịnh chỉ các chướng ngại pháp trong tâm, mà lo tịnh chỉ hơi thở thì đó là một việc làm hoài công vô ích.

Tịnh chỉ dục và ác pháp rất dễ, chỉ cần có nhiệt tâm, nhiệt huyết là quý vị tịnh chỉ ngay liền.

Như quý vị đã biết lòng ham muốn và ác pháp là những sự việc sẽ đem đến cho quý vị khổ đau. Khổ đau là quý vị không bao giờ ưa thích và khi gặp nó quý vị sợ hãi và chán chường. Thế biết như vậy, cớ sao quý vị không nhiệt tâm dứt bỏ nó. Quý vị ăn cơm để sống, chớ đâu phải hút thuốc lá, uống rượu, cà phê, thuốc phiện mà quý vị sống. Tại sao quý vị không tịnh chỉ được nó, để thọ chịu sự khổ vì nó.

Mục đích của đạo Phật, là ở chỗ tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải ở chỗ tịnh chỉ hơi thở hay thần thông phép tắc, biến hóa tàng hình, kêu mây gọi gió v.v..

Vì những thần thông phép tắc ngoại đạo đều tu tập có được, cũng như tịnh chỉ hơi thở như quý vị đều biết, có những tu sĩ Yoga họ tịnh chỉ được hơi thở, nhưng không tịnh chỉ được lòng ham muốn và ác pháp, mặc dù đem chôn họ trong đất, dìm trong nước họ đều không chết, nhưng tâm họ vẫn còn động trong danh lợi.

Tại sao chúng ta biết được? Tại vì, họ đã biểu diễn những thần thông đó, cho mọi người xem, khiến cho con người trên thế giới mê mệt vì những thần thông, do đó nên chúng ta biết tâm họ lòng tham và ác pháp còn.

Đạo Phật vốn ra đời là giúp cho con người thoát khổ, chứ không phải ra đời để biểu diễn những trò ảo thuật huyễn hóa để lừa đảo những người khác.

Cho nên, sự tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp rất cần thiết để cho con người sống không làm khổ mình, khổ người, mà đã không làm khổ mình, khổ người thì không phải là tâm bất động sao? Thì không phải là sự lợi ích lớn cho cá nhân và xã hội sao? Còn thần thông có lợi ích gì, chỉ là một trò ảo thuật mua vui giải trí cho thiên hạ mà thôi. Người mới bắt đầu tu theo đạo Phật là phải tịnh chỉ thói hư tật xấu, không còn nữa. Chúng ta tiến lên một bước nữa là tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp.

Ví dụ: Ngày chúng ta ăn ba bữa, bây giờ chúng ta tu theo Phật giáo chúng ta tịnh chỉ hai bữa, còn chỉ ăn có một bữa. Và sự tịnh chỉ như vậy chúng ta có làm được không?

Chắc chắn việc làm này ai cũng tịnh chỉ được.

Ví dụ, chúng ta nghiện thuốc lá, chúng ta tịnh chỉ không hút thuốc lá nữa có được không?

Chắc chắn, việc làm này ai cũng làm được trừ ra chúng ta không muốn tịnh chỉ hút thuốc lá thì chúng ta phải nghiện mà thôi.

Bởi thế, trong sự tịnh chỉ không phải khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Bởi vì, chúng ta biết lòng ham muốn và các ác pháp là đau khổ, nên chúng ta có quyết tâm tịnh chỉ là chúng ta sẽ làm được ngay liền, chứ không phải chờ đợi một vài kiếp như kinh sách phát triển dạy: “Tu hành phải vô lượng kiếp”.

Cũng như người nghiện rượu, biết rượu sẽ đem đến cho chúng ta nhiều sự đau khổ, do đó chỉ cần có sự quyết tâm là chúng ta tịnh chỉ không uống rượu nữa, chỉ có những người không biết rượu đem đến cho họ đau khổ, hoặc có những người biết rượu sẽ đem đến tai hại cho họ, nhưng họ là những người không biết dừng, là những người chai lỳ chấp nhận, chịu đựng sự đau khổ, họ là những người không có ý chí thoát khổ, họ là những tên nô lệ cho dục vọng chịu mọi sự đau khổ, họ là những kẻ nô lệ cho rượu, cho thuốc lá, cho cà-phê, cho thuốc phiện v.v.. Họ là những kẻ ngu si, u tối suốt đời sống trong đêm tối của dục vọng, họ chỉ làm nô lệ cho vật chất, cho những thứ thuốc độc.

Bởi vậy, kẻ nào không tịnh chỉ lòng ham muốn, không ngăn và diệt các ác pháp, đó là những kẻ nô lệ cho ác pháp và lòng ham muốn của họ.

Vì lòng ham muốn và các ác pháp thường sai bảo, khiến cho đời sống của họ khổ sở, điêu đứng, có khi gần như chết, nhưng họ là những con trâu bị xỏ mũi bởi dục vọng nên không dám chống lại, chỉ an phận làm tôi tớ nô lệ cho nó. Vì thế, cuộc đời của họ phải chịu mọi sự khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác.

Đạo Phật dạy chúng ta chiến đấu lại lòng ham muốn của mình, và ngăn diệt các ác pháp để chúng ta giải thoát khỏi kiếp đời nô lệ tôi đòi, chứ đâu phải dạy chúng ta những thần thông phép tắc, những trò ảo thuật để lừa đảo người khác.

Vì thần thông là những trò lừa đảo này đã có từ xưa, mà các tôn giáo khác đã từng dạy thiên hạ để lừa đảo mọi người, chứ nó có lợi ích gì đâu, cho kiếp sống của loài người.

Cũng như ngồi Thiền tịnh chỉ hơi thở có ích lợi gì thiết thực cho cuộc sống chúng ta đâu, nó chỉ là một trò khiến cho người khác kính nể chơi chứ có nghĩa lý gì cho đời sống.

Cũng như các đạo sĩ Yoga đã biểu diễn thần thông làm cho người Tây phương mê mệt, nhưng sự thật nó có ích gì đâu cho kiếp sống làm người của họ của người khác. Họ phải bỏ ra cả cuộc đời tu tập quá vất vả và khổ sở, cuối cùng chỉ là một trò giải trí cho người khác như một trò xiếc mà thôi (dìm trong nước, chôn trong đất mà không chết)

Vì thế, khi đức Phật còn sống Ngài không có chấp nhận thần thông. Ngài dạy: “Mục đích đạo Phật không phải ở chỗ Giới luật, Thiền định, Tam minh mà ở chỗ bất động tâm trước các pháp và các cảm thọ”.

Cho nên, tịnh chỉ hơi thở là vấn đề phụ, chúng ta đừng nên quan tâm nó, mà hãy quan tâm đến tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp tức là ly dục ly ác pháp.

Vậy, con không nên quan tâm điều này mà lo tu tập xả tâm, diệt ngã ly dục ly ác pháp để cứu mình ra khỏi nghiệp nhân quả thiện ác, đó mới chính là con đường tu theo đạo Phật và chính là con đường giải thoát của con.

THIẾU NGHỊ LỰC, NHIỆT TÂM VÀ ÁM THỊ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tại sao con buông xả quá chậm, nay được mai mất, con chưa làm chủ được gì? Con không biết tìm biện pháp nào mạnh hơn? Dùng Định Vô Lậu, tu pháp Hướng Tâm sao chưa được thấy kết quả hay con đã quán xét, tư duy chưa thấu triệt, tu tập pháp hướng chưa đúng mức?

Đáp: Đúng vậy, tất cả sự tu tập của con chưa chuyên nhất.

1- Dùng pháp Hướng Tâm còn yếu, chưa nhạy bén.

2- Định Vô Lậu quán triệt chưa thông suốt lý các pháp, lý nhân quả.

3- Mức tỉnh thức chưa đủ sức.

4- Chánh niệm còn kém (thiện pháp).

5- Nghị lực và nhiệt tâm còn yếu kém, chưa dũng mãnh.

6- Chưa quán triệt thấu suốt kiếp sống của con người: “khổ như thật – thật khổ”.

7- Không có sự quyết định dứt khoát mạnh mẽ.

8- Không có sự tích cực trong sự dứt khoát xả bỏ thói quen.

Nói xả bỏ hay nói ly dục ly ác pháp là nói chứ chưa phải xả, đến khi xả là chúng ta mới thấy khó vô cùng.

Buông xả là một danh từ suông, thật sự xả bỏ một điều gì không đơn giản như chúng ta nói, nếu một người không quyết tử thì khó mà xả bỏ được.

Ví dụ, như ăn ngày một bữa để xả bỏ hai bữa ăn kia, nếu một người không quyết tử thì cũng khó mà ăn một bữa được, đó là cái ăn nó dễ dàng như vậy mà nó còn khó xả huống là xả dục và các ác pháp.

Ví dụ, như một người ăn thịt cá quen, bây giờ bắt đầu ăn chay, nếu không quyết tử thì việc ăn chay cũng không dễ dàng.

Ví dụ, như một người nghiện thuốc lá nếu anh ta không quyết tử thì cũng không bao giờ bỏ được thuốc lá. Đó là những sự buông xả tầm thường mà còn phải quyết tử huống là con quyết bỏ tâm tham, sân, si thì đâu phải là một việc dễ làm. Mỗi lần vấp ngã là mỗi lần đứng lên, dũng mãnh hơn, liều chết, cắn chặt răng, đưa lưỡi lên nóc họng quyết tử với tâm tham, sân, si của mình thì mới mong chiến thắng nó được. Đức Phật dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Có nghĩa lời xác định này, xả tâm rất khó, khó vô cùng, khó chứ không phải dễ, nếu không xem mình là một tử thi, thì không thể nào xả bỏ được tham, sân, si. Nhất là tâm si, trạng thái tâm si là hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không, khi các hiện tượng này xảy ra nếu không có một nghị lực kiên cường, một ý chí dũng mãnh thì không bao giờ thắng chúng được. Hầu hết, các tu sĩ về đây tu tập, đều đầu hàng giặc si này, mọi người đều cuốn cờ rút chạy dài, đầu hàng vô điều kiện.

Người ta đọc câu Kinh Pháp Cú ai cũng thấy kinh này quá hay, nhưng cái hay của nó ở danh từ chứ việc làm của nó thì gần hết như con người trên hành tinh này, mấy ai là người đã làm được.

Con hãy quán xét thử khắp trong thế gian này, người ta có thể tu tập có thần thông, có sự linh thiêng huyền diệu, mầu nhiệm, có sự đình chỉ hơi thở thật sự, nhưng ít ai hoặc không có người đình chỉ tâm tham, sân, si.

Đình chỉ lòng tham, sân, si tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức tuyệt vời của con người. Đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.

Thế mà, một việc làm có lợi ích lớn như vậy, tại sao người ta không làm được?

Người ta nói tu, nhưng người ta không hiểu tu là làm gì? Phần đông người ta hiểu tu là tụng kinh, trì chú, ngồi Thiền, niệm Phật hoặc làm những việc lành từ thiện, bố thí cúng dường hoặc luyện bùa, niệm chú hoặc tập luyện Yoga hơi thở bằng cách này hoặc bằng cách khác để có thần thông, những việc làm như vậy họ gọi là tu.

Đối với đạo Phật sự tu không phải như vậy, mà là một cuộc sống, một hành động sống không làm khổ mình, khổ người.

Chúng ta sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người, thì đó là một sự tu của đạo Phật. Sự tu ấy trong đạo Phật gọi là tịnh chỉ lòng tham, sân, si; còn gọi là xả bỏ ly tham đoạn diệt ác pháp.

Muốn đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp đang làm cho đời sống của chúng ta đau khổ, nay chuyện này mai xảy ra chuyện khác thì phải có đầy đủ nghị lực và nhiệt tâm.

Nếu chúng ta biết đời là khổ mà không quyết tâm buông bỏ những sự đau khổ đó. Cũng như người ăn trộm cắp, biết trộm cắp là sẽ bị tù tội và sẽ bị người ta bắt được đánh đập mình và có khi còn giết mình, thế mà người ăn trộm cắp không bỏ được, không ly được thì quý vị nghĩ sao?

Biết ác pháp và lòng ham muốn là khổ, mà không chịu bỏ thì có ai bỏ dùm mình được không?

Ví dụ: Biết nói chuyện là tâm không ly dục ly ác pháp, tâm không bao giờ hết phóng dật, thế mà không bỏ được sự nói chuyện thì có ly dục ly ác pháp được không? Nếu không ly dục ly ác pháp thì làm sao hết tham, sân, si. Vậy mà, ngay bây giờ không chịu bỏ nói chuyện, thì tu làm gì, cho mất công và cũng chẳng có ích lợi gì.

Cho nên, tu là buông xả chứ không phải ngồi Thiền, niệm Phật, tụng kinh mà buông xả được. Chúng ta thử xem lại thời gian đã qua, các bậc Thầy Tổ của chúng ta từ xưa đến giờ, họ đã từng tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi Thiền, mà có người nào xả bỏ tham, sân, si được chưa? Ngoài hình thức bệ vệ trong chiếc áo cà sa, Thầy Tổ của chúng ta vẫn còn tham danh đắm lợi. Không tham danh đắm lợi sao họ lại xây cất chùa to Phật lớn như vậy? Không tham danh đắm lợi sao họ lại ăn uống phi thời, sống một đời vật chất quá đầy đủ như một nhà giàu có.

Phật dạy: “Ba y, một bát, sống không nhà cửa, không gia đình”. Thế mà, Thầy Tổ có sống được như vậy không?

Thưa các bậc tôn túc Tăng và Ni cũng như quý vị cư sĩ hãy thành thật với mình, với những tín đồ Phật Giáo, có phải chúng ta đã ly tham ly ác pháp? Có phải chúng ta sống đúng Phạm hạnh của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni hay cuộc sống của chúng ta không khác gì với những người phàm phu, cũng danh, cũng lợi, cũng tham, cũng sân, cũng si mê dính mắc: sắc, danh, lợi, thực, thùy?

Có nghị lực, có nhiệt tâm xả bỏ, có chấp nhận một cuộc sống buông xả giải thoát; có chấp nhận Phạm hạnh giới đức của Phật Giáo; có biết rõ đời sống thiểu dục tri túc là đời sống đạo của đạo Phật, là đời sống giải thoát không?

Hỡi các vị tôn túc! Xin quý vị hãy nhìn lại đời sống của mình có xứng đáng là người tu sĩ đạo Phật hay không; có đầy đủ nghị lực; có nhiệt tâm xả bỏ ly tham ly ác pháp chưa?

Phải thành thật với mình, với tín đồ Phật Giáo, để làm sáng tỏ lại Phật giáo. Đừng vì danh, vì lợi, vì cuộc sống thế tục mà dựa theo kinh sách phát triển bưng bít những lỗi lầm đáng sợ, tai hại cho mình và cho Phật Giáo.

Trước khi làm những gì, chúng ta hãy suy nghĩ đến hậu quả của nó.

Hậu quả của những người tu, chúng ta trực tiếp đã thấy quá rõ ràng. Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết phải thọ lấy sự đau khổ vô cùng, chỉ vì sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật nên phải gánh chịu sự đau khổ vô vàn. Đó là vì, chúng ta không nhìn thấy sự tu hành giả dối của chúng ta, nhân giả dối lừa đảo thì quả phải khổ đau.

Thưa quý vị, quý vị nói chứ quý vị có xả đâu, quý vị đừng ôm thêm, ôm thêm để mà khổ quý vị ạ!

Hãy buông xả! Buông xả với một nhiệt tâm nồng cháy; với một nghị lực kiên cường; với một sự hiểu thông suốt: “Dục và ác pháp là khổ”, thì quý vị mới xả bỏ được, mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của đạo Phật.

“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì

Thở ra chẳng lại còn chi nữa

Vạn pháp vô thường buông xuống đi

--o0o--

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Tâm hồn thanh thản chẳng sầu bi

Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt

Còn có vui gì chẳng bỏ đi

--o0o--

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Trò đời như mộng có còn chi

Tứ đại trả về cho tứ đại

Thanh nhàn an lạc lúc phân ly”

Muốn cho có một nội lực sung mãn, để khắc phục tâm tham ưu của mình; để có kết quả tâm bất động trước các pháp; để ly được dục ly được ác pháp; để tâm không phóng dật và cuối cùng tâm định trên thân, thì thường xuyên con nên dùng pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý, ám thị tâm con khi con muốn tâm con phải làm một điều gì như con muốn.

Ví dụ, như con muốn tâm con không còn giận hờn, thương ghét, hay không cho nó nói chuyện, để sống trầm lặng một mình, thì con nên trạch pháp một câu: “Tâm như cục đất, không nên nói chuyện với ai cả để sống đúng chánh hạnh, để được an vui, thanh thản và vô sự”.

Câu hướng tâm này, con phải sống với nó như bóng với hình, lúc nào, giờ nào con cũng phải nhớ ám thị, đừng nên quên thì sẽ có hiệu quả xả tâm rất tốt. Nhớ kỹ, ám thị cho đến chừng nào có hiệu quả mới thôi.

TRẠNG THÁI HƠI THỞ TRONG BỐN THIỀN

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy giảng lại cho con hơi thở Sơ Thiền đến Tứ Thiền như thế nào?

Đáp: Sơ Thiền, hơi thở bình thường như chúng ta thở sống hằng ngày.

Nhị Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Sơ Thiền, do tầm tứ diệt, tạo nên một trạng thái an ổn thích tu (siêng năng), ưa ngồi.

Tam Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Nhị Thiền do ly hỷ tưởng, người đang ở trong trạng thái này cảm giác như hơi thở gần như không, thở hơi thở nhẹ nhàng tự động ra vô.

Tứ Thiền, hơi thở tịnh chỉ, hoàn toàn không thấy hơi thở ra vô.

Hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở của tâm ly dục ly ác pháp. Ai là người đã ly dục ly ác pháp thì mới nhận ra hơi thở này. Như chúng ta hiện giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp, tâm còn đầy dẫy sự tham ưu, còn phiền não, đau khổ và còn lo sợ, giận hờn, thù oán thì làm sao nhận ra được hơi thở của Sơ Thiền.

Nói hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở bình thường, là nói hơi thở giống như hơi thở bình thường chứ thực ra, nó không giống hơi thở bình thường, vì tâm chúng ta hiện giờ đâu có bình thường, lúc nào cũng lăng xăng loạn động, không nghĩ việc này thì lại nghĩ việc khác, cho nên trong kinh sách bảo tâm chúng ta, là tâm như con vượn, ý chúng ta là như con ngựa, như vậy chúng ta có hơi thở bình thường chăng? Tâm chưa bình thường thì làm sao hơi thở bình thường được.

Nhưng chúng ta phải lưu ý khi tâm chúng ta bình thường là lúc thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Lúc đó, là lúc hơi thở bình thường của tâm còn ham muốn và còn chướng ngại pháp (ác pháp) thì hơi thở có bình thường, nhưng bình thường của nó, mặc dù lúc đó tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp hết, nhưng nó không có dục và ác pháp khởi lên nên được xem hơi thở lúc đó là bình thường.

Đến hơi thở của Nhị Thiền, thì không có một hơi thở nào so sánh, khó mà giúp cho con nhận ra, chỉ khi nào nhập vào Nhị Thiền thì mới nhận ra và biết rõ ràng. Ở đây, Thầy chỉ trả lời hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở nhập Sơ Thiền. Hơi thở Sơ Thiền, đã không biết thì làm sao biết được hơi thở Nhị Thiền, không khéo nghe Thầy nói hơi thở chậm và nhẹ, rồi các con tưởng ra hơi thở chậm nhẹ, do đó tưởng thức sẽ hiện tướng hơi thở đó thì các con đã lọt vào định tưởng, một loại định rất nguy hiểm. Khi đã rơi vào định này thì khó mà thoát khỏi tưởng pháp. Hầu hết các thầy tu sai đều đã chết trong loại định tưởng này, và kinh sách phát triển để lại quá nhiều pháp hành về trạng thái tưởng pháp này.

Từ Nhị Thiền cho đến Tứ Thiền, khi nhận ra được hơi thở của nó, tức là nhận ra được trạng thái của Thiền định đó, cho nên ở đây, Thầy nói để cho chúng ta biết mức độ của hơi thở các loại Thiền định của Tứ Thánh Định, nhưng chúng ta đừng quan tâm đến nó, quan tâm đến, nó tức là chúng ta sẽ rơi vào tưởng thức.

Hiện giờ, con nên nương vào hơi thở để tập tỉnh thức mà cố gắng xả tâm ly tham đoạn diệt khổ ưu, chừng nào tu tập đến đó thì chúng ta sẽ biết, còn hiện giờ muốn biết nó thì là một tai hại xảy đến không tốt cho đường tu tập của con.

Tu tập về hơi thở thì nên tu tập 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy, chứ đừng tu hơi thở theo pháp môn Lục Diệu của Ngài Trí Khải, nó không phải của Phật giáo. Lục Diệu Pháp Môn là một loại Thiền tưởng của Trung Hoa và cũng đừng tu sổ tức quán, vì nó cũng là một loại Thiền ức chế tâm do các Tổ hệ phái phát triển chế ra.

Hơi thở rất khó tu, nếu tu không có người hướng dẫn sẽ sinh ra rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh. Cho nên, tu tập hơi thở phải dè dặt cẩn thận.

Tóm lại, hơi thở chỉ là một thân hành như các thân hành khác trong thân, tu hơi thở ra vô, cũng giống như tu cánh tay đưa ra vô vậy, chứ không có gì quan trọng lắm.

TU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ TÂM KHÔNG PHI PHẠM HẠNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con xin sám hối về cái tội ăn thêm, đã ăn rồi mà còn ăn thêm nữa. Như vậy con phải tu Định Vô Lậu đặt niệm trước mặt quán xét tư duy như thế nào? Dùng pháp hướng như thế nào? Để quét sạch tội phi Phạm hạnh này?

Đáp: Muốn sống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, con nên đặt niệm thực phẩm rồi quán xét sự bất tịnh của thực phẩm.

Quán xét thực phẩm bất tịnh trong lúc đi cầu.

Dùng pháp hướng tâm: “Thực phẩm là một thứ thuốc trị bệnh đói của cơ thể, ta không nên ưa thích”; “Thực phẩm là những thứ bất tịnh uế trược, để lâu mùi hôi khó chịu ta nên chừa bỏ tánh ưa thích ham ăn”.

Xét ra, từ cái ăn mà người ta nhận thấy và đánh giá trị được con Người, Thánh Nhân hay loài thú vật.

Một con thú vật, lúc nào gặp món ăn là nó ăn ngay, không phân biệt giờ ăn, giờ nghỉ là tại vì con thú vật không trí tuệ, chỉ biết sống ăn và tranh đấu cho miếng ăn.

Con người thì có trí tuệ, có đạo lý hơn, ăn uống biết chia ra giờ giấc, không ăn uống phi thời, ngược lại con người mà ăn uống lặt vặt phi thời không giờ, không bữa là con người đó còn mang bản chất của loài cầm thú thích ăn, chúng ta là con người phải có trí tuệ, nhất định ăn uống phải có giờ giấc.

Còn bậc Thánh Nhân thì khác, biết rằng ăn uống là sự sống của các loài động vật, nhưng bậc Thánh Nhân không xem ăn uống là một thứ dục lạc, gây sự ưa thích ham mê như người thế gian và loài thú vật, mà khi sống thì phải ăn để sống, cho nên ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Người thế gian và loài thú vật sống để ăn chứ không phải ăn để sống. Vì thế, trong sự ăn uống của họ, chỉ cần ngon và bổ dưỡng nên họ sát hại sanh linh để họ ăn thịt chúng sinh như loài cọp beo, ăn bằng thích, ăn bằng ưa, đó là sống để ăn, nhưng họ không biết đó là họ đã đem sự đau khổ vào thân tâm của họ.

Bậc Thánh Nhân đã hiểu điều này, nên họ ăn để sống, vì thế họ không ăn thịt chúng sanh và ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời, là vì những bậc Thánh muốn thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú sống để ăn uống; để nô lệ cho sự ăn uống.

Người ta không muốn mình làm con người, mà muốn sống như loài cầm thú, chỉ biết có ăn, ăn để ngon, để mập, để béo, nên ăn uống của họ không còn có đạo lý làm người gì cả.

Người ta sống để ăn, cho nên con người trở thành một con thú vật, đó là cách sống để ăn, nên người ta mới giày đạp lên sự sống của nhau, giết nhau. Bằng chứng, về chủ nghĩa cá nhân thì họ cướp giựt, giết người không gớm tay; về tập thể thì nước này đánh chiếm nước kia, lịch sử loài người đã chứng minh điều này, đến ngày nay, không lúc nào thế giới chấm dứt chiến tranh, không nước này đánh nhau thì nước kia đánh nhau, giết nhau bằng những vũ khí tối tân và hiện đại.

Đó là, bản chất của loài cầm thú còn tồn đọng trong loài người. Họ chỉ là một con thú vật sống chỉ biết tranh giành để ăn, chứ không phải sống có đạo lý làm người, làm Thánh.

Bởi, con người là phải khác với con thú vật, vì con người phải sống có đạo lý, có đức hạnh, phải sống không vì ăn uống, không vì vật chất của cải tài sản. Sống, phải biết thương mình thương người, thương mọi sự sống trên hành tinh này, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ mọi loài, đó mới chính là con người, còn làm khổ cho nhau là những loài thú vật chỉ biết có ăn là trên hết, chứ không biết đạo lý.

Chúng ta muốn làm Người, muốn làm Thánh chứ không ai muốn làm loài thú vật. Phải không các bạn? Muốn vậy, thì chúng ta ăn để sống, ăn không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì phải ăn có giờ bữa, không được ăn uống lặt vặt phi thời và không được ăn thịt chúng sanh. Bởi muốn làm Thánh thì ăn ngày một bữa, như đức Phật ngày xưa và chúng Thánh Tăng.

Cho nên, sự ăn uống trong đạo Phật là sự ăn uống trong thiện pháp để không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Vì thế, đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Do thế, coi chừng trong ăn uống sẽ rơi vào ác pháp, ăn uống theo phàm phu thì sự ăn uống ấy không đúng Thánh Hạnh. Ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, cơ thể dễ sanh ra nhiều bệnh tật, đó là ác pháp là khổ đau cho mình, khi mình đau khổ, còn làm khổ cho người khác nữa.

Vì thế, ăn uống rất quan trọng cho đời sống của con người. Càng ăn uống đơn giản thì đời sống càng thảnh thơi, an lạc, cơ thể nhẹ nhàng ít bệnh tật, ít tai nạn.

Trong cuộc đời làm người, chúng ta cũng nhận thấy những pháp môn của đức Phật dạy đạo đức về ăn uống rất thực tế và cụ thể để con người sống trong đạo đức về ăn uống:

- Thứ nhất, là không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.

- Thứ hai, là sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh không còn phàm ăn uống như loài thú vật.

- Thứ ba, là ăn uống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt.

- Thứ tư, là ăn uống trong sự biết tôn kính và quý trọng của mồ hôi nước mắt làm ra bằng sức lao động của mình, của người khác.

- Thứ năm, là ăn uống để sách tấn trên đường tu tập, để được giải thoát sanh tử luân hồi, để được chấm dứt mọi sự khổ đau, chứ không phải ăn uống vì tham ăn, thích ăn v.v..

- Thứ sáu, là ăn uống phải thực hiện lòng từ bi, thương xót tất cả loài chúng sanh và thương xót người làm ra thực phẩm cực nhọc.

Khi chúng ta tu hành theo đạo Phật, mà còn thích ăn uống phi thời, thì đó là, chúng ta chạy theo tâm dục lạc thế gian, còn tâm dục lạc thế gian đó là huân ác pháp vào thân, vì thế chúng ta phải hiểu cho thấu suốt lý của đạo đức làm người, làm Thánh là không nên vì ăn mà làm khổ mình, khổ người. Luôn luôn nhớ đến bốn trọng ân, thì bấy giờ chúng ta sẽ nhiệt tâm dứt khoát, dù có chết nhất định không còn phạm phải lỗi ăn uống phi thời, chừng đó chúng ta mới thấy có sự an vui của người sống đúng Phạm hạnh.

Các con phải cố gắng đừng để vi phạm những lỗi lầm này, những lỗi lầm này sẽ đưa con trở về đời sống loài thú vật. Các con nên nhớ kỹ đừng quên lời Thầy dạy con nhé! Dù cho thân con có tan nát, nhưng đừng phạm phải lỗi ăn uống phi thời. Đó là con đường tiến đạo.

PHẠM HẠNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, vật chất, hoàn cảnh nào cám dỗ họ được”. Con phải hướng tâm như thế nào đây mới chứng được điều này?

Đáp: Chỉ cần siêng năng tu tập các loại pháp môn ly dục ly ác pháp và sống đúng giới hạnh, nhập được Sơ Thiền thì đời sống xuất gia sẽ phóng khoáng như hư không.

Tuy nói như vậy, nhưng không phải dễ, nếu chỉ có cạo bỏ râu tóc, mặc y áo cà sa, tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền v.v.. thì đâu có gì là khó, còn ngược lại phải sống đúng giới hạnh, phải tập tu ly dục ly ác pháp thì khó vô cùng. Cho nên, điều cần thiết là con phải hiểu rõ đời sống tại gia của người cư sĩ khổ như thế nào?

- Thứ nhất, phải làm ra tiền bạc, thực phẩm, áo quần, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp. Những sự sống này, khiến cho con người phải lo toan rất nhiều, nhiều khi thiếu trước hụt sau, sợ đói, sợ bịnh đau, không tiền, không thực phẩm là rất khổ, nói chung chỉ có những nghề nghiệp làm ra để sống, nhưng nghề nghiệp làm ăn lại thất bại, khi thất bại là khổ, còn nếu làm ăn được thì phải trăm muôn vạn kế tính toán lo toan nhiều, khi còn phải sử dụng mưu kế gian xảo, lừa đảo bằng mọi thủ đoạn, tạo ra biết bao nhiêu điều ác, nên trong lòng lúc nào cũng bất an, lo sợ nơm nớp tù tội bị phạt vạ, và còn lo sợ trộm cướp nữa.

- Thứ hai, là khổ sở khi mình nghèo sợ người ta khi dễ.

- Thứ ba, khi mình có của cải, cuộc sống thoải mái hơn, thì lo sợ người khác ganh tỵ tìm mọi cách nói xấu hoặc thù ghét và hãm hại.

- Thứ tư, lo sợ tai nạn, bịnh tật, mà tiền mất nhưng tật phải mang.

- Thứ năm, con cái hư phá tán tài sản.

- Thứ sáu, vợ hoặc chồng sống không chung thủy, làm tiêu tan sản nghiệp, đó là nỗi khổ đau của mọi người, mà người nào cũng không tránh khỏi.

- Thứ bảy, những người thân có tai nạn hoặc bịnh tật.

- Thứ tám, trong nhà anh em tranh giành của cải tài sản, kiện thưa.

- Thứ chín, khổ vì người khác nói trái ý, nghịch lòng.

- Thứ mười, khổ vì không đạt được ước nguyện.

Thường thường, người cư sĩ sống tại gia có nhiều duyên sự xảy đến, khiến cho họ phải chịu nhiều sự khổ đau như vậy.

Cho nên, đời sống tại gia rất là phức tạp và khổ sở. Có một nhà thơ đã nói đến sự khổ đau của con người, từ khi bắt đầu sinh ra:

“Lúc sanh ra miệng đã khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì”.

Nếu là một người có nhiều suy tư về đời sống thì chúng ta thấy rất rõ ràng cuộc sống con người là biển khổ, khổ từ lúc sinh ra cho đến khi chết.

Do thấy đời sống tại gia khổ như vậy, nên chúng ta chịu chấp nhận một cuộc sống đi ngược lại với sự sống tại gia, đó là đời sống xuất gia. Đối với đời sống tại gia thì đời sống xuất gia hoàn toàn khác hẳn, vì buông xả sạch vật chất chỉ còn sống với tinh thần phóng khoáng như hư không, vì thế tự tại thung dung, không lo đói, lo no, không còn kêu réo, làm bận tâm bận trí, bất toại nguyện. Với đôi mắt của người xuất gia, nhìn mọi vật đều vô thường. Cho nên:

“Các pháp vô thường

 Là pháp sinh diệt

Sinh diệt, diệt rồi

Tịch diệt là vui”

Vì thấu hiểu như vậy, nên đời sống xuất gia là một đời sống buông xả sạch, chỉ còn ba y, một bát đi xin ăn của những người hảo tâm. Đời sống như vậy rất khổ về vật chất, vì không có gì cả, nếu chúng ta không ý thức và thấu rõ chỗ không có gì cả là chỗ phóng khoáng như hư không, thì chúng ta sẽ khổ sở vô cùng. Nhưng nếu, chúng ta ý thức được điều này thì đời sống xuất gia thật là phóng khoáng như hư không, không có vật gì trói buộc; không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh nào cám dỗ được.

Đó là đời sống giải thoát, đời sống Phạm hạnh, đời sống Thánh Thiện, còn ngược lại đời sống xuất gia mà có chùa to, Phật lớn là đời sống vật chất nhiều, không giải thoát, đó là đời sống như người tại gia, những vị tu sĩ này bị trói buộc như cá mắc rọ, lưới, lờ, câu không thể phóng khoáng như hư không được. Họ thường là những người phục dịch cho những Phật tử mê tín.

Đời sống xuất gia là đời sống trống rỗng cho nên mới gọi là như hư không.

Nếu hư không mà có, thì làm sao gọi là hư không. Vì thế, những tu sĩ có chùa to Phật lớn sang đẹp và vật chất nhiều thì làm sao giống như hư không được. Do thế, không thể giải thoát. Phải không các bạn?

Bởi vậy, các vị Tỳ-Kheo trong thời đức Phật, các Ngài đã nói: “Vì giải thoát sanh tử luân hồi, chúng con mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh của Gotama”.

Vì sanh tử luân hồi là đời sống tại gia, mà sanh tử luân hồi là sự đau khổ của loài người, không chỉ khổ có một kiếp mà khổ nhiều kiếp.

Đời sống xuất gia là đời sống Phạm hạnh, đời sống buông xả, đời sống phóng khoáng như hư không, cho nên còn có gì mà tái sanh luân hồi.

Một hôm đức Phật đi khất thực, đi ngang qua một ngôi nhà giàu có, một con chó từ trong nhà chạy ra sủa to, đức Phật dừng lại mới bảo rằng: “Nhà ngươi vì vô minh lầm chấp của cải tài sản là của nhà ngươi, do đó nhà ngươi phải tái sanh làm thân chó để giữ của cải đó, nhưng của cải đó không phải là của nhà ngươi nữa đâu. Tội cho ngươi không thấy mọi vật chất thế gian là pháp vô thường, nên phải chịu làm thân chúng sanh khổ sở muôn vàn từ kiếp này sang kiếp khác”.

Con chó nghe được lời này, dường như nó ngộ được lý này, nên từ đó, nó buồn rầu và bỏ ăn, ít hôm sau con chó chết.

Loài chúng sanh còn nhận được lời đức Phật dạy, mà xả tâm dính mắc thế gian để chuyển hóa thân chó.

Chúng ta là những con người khi nghe đức Phật dạy: “Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không, trắng bạch như vỏ ốc, không có gì trói buộc, không có một đối tượng, một vật chất, một hoàn cảnh, một sự việc nào cám dỗ họ được và làm cho họ động tâm được”.

Đời sống Phạm hạnh, đời sống như vậy còn gì mà khiến cho họ tái sanh luân hồi.

Bởi, xét cho cùng đạo Phật chỉ lấy cuộc sống Phạm hạnh, làm một chứng cứ cụ thể để mọi người thấy đó là sự giải thoát thật sự, không còn sanh tử luân hồi, như câu chuyện con chó lúc nãy, vì dính mắc của cải tài sản của nhà ấy, phải sanh làm con chó để giữ của cải đó.

Còn chúng ta, muốn tu theo đạo Phật để cầu giải thoát thì tại sao lại không chấp nhận đời sống Phạm hạnh.

Đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn, nếu chúng ta chấp nhận đời sống Phạm hạnh thì chúng ta phải đoạn dứt lòng tham dục, có đoạn dứt lòng tham dục thì chúng ta mới sống đời sống Phạm hạnh trọn vẹn. Nếu không đoạn dứt lòng tham dục thì đời sống Phạm hạnh không trọn vẹn, giống như các tu sĩ của Phật giáo phát triển hiện giờ; đời sống Phạm hạnh chưa trọn vẹn thì kiếp sau phải làm thân chó để giữ gìn những ngôi chùa sang đẹp. Đó là, sự dính mắc của các tu sĩ hiện giờ, họ đâu biết rằng, khi tâm tham dục còn một chút xíu dính mắc pháp thế gian là họ phải tiếp tục tái sanh trong vòng luân hồi khổ đau.

Họ đâu biết rằng đời sống Phạm hạnh là Niết Bàn của chư Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi. Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn; cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà La Môn, Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí giác hiểu”. (Kinh Tăng Chi Tập 1, trang 285).

Đời sống thế gian là ngục tối âm u đầy đau khổ.

Đời sống xuất gia Phạm hạnh hoàn toàn giải thoát như hư không, Cực Lạc, Niết Bàn.

Rõ thấy được như vậy, thì con nên chọn đời sống nào? Đời sống thế gian hay đời sống Phạm hạnh?

Chọn nó thì phải có nhiệt tâm xả bỏ, tâm như cục đất, chỉ có nhiệt tâm và hướng tâm mình như cục đất.

Đời sống Phạm hạnh là đời sống từ bỏ tất cả sanh y. Nếu muốn từ bỏ tất cả những sanh y thì chúng ta phải dùng pháp Như Lý Tác Ý: “Sanh y là đau khổ, là dính mắc, là tái sanh luân hồi ta phải từ bỏ, xa lìa vĩnh viễn những thứ đau khổ này”.

Đức Phật sách tấn chúng ta sống đúng đời sống phạm hạnh. Ngài dạy: “Này các Tỳ Kheo, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả sanh y”. Như vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy cần phải học tập”.

Đây là, lời dạy chí tình của đức Phật qua những danh từ “tối thắng”, “tinh cần”, “từ bỏ”, “sanh y”. Những danh từ này, đã xác định đời sống Phạm hạnh là giải thoát hoàn toàn, là Niết Bàn tại thế, là chấm dứt tái sanh luân hồi.

Bởi thế, cuộc đời tu hành theo đạo Phật quan trọng nhất là đời sống Phạm hạnh. Đời sống Phạm hạnh không phải ở chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc mà là tâm Phạm hạnh. Bởi vì, chiếc áo cà-sa và chiếc đầu cạo trọc chỉ là một hình thức lừa đảo người, nó đã làm ô uế cho Phật giáo từ bao nhiêu thế kỷ nay.

Xưa, khi đức Phật nhập Niết Bàn đã nói lên lời nói di chúc: “Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.

Giới luật là gì? Giới luật là Phạm hạnh. Nếu một tu sĩ còn có Phạm hạnh là đạo Phật còn, nếu một tu sĩ Phạm hạnh không có thì đạo Phật mất.

Lời di chúc này chúng ta cũng xác định đạo Phật còn hay là mất, không thể che dấu ai được.

Phạm hạnh là gì? Là tâm ly dục ly ác pháp. Chỉ khi nào con ly dục ly ác pháp thì đời sống Phạm hạnh con trọn vẹn.

Con có nhìn thấy bạn của con không? Cũng cạo đầu, cũng mặc áo tu sĩ rồi một thời gian để tóc lại, mặc đồ đời, có chồng rồi đây sắp có con. Họ có thật sự thấy đời sống thế gian là khổ không? Hay chỉ muốn tu để có thần thông phép tắc và ngồi mát ăn bát vàng. Hay muốn tìm đường giải thoát mà không muốn buông xả bỏ sanh y thì làm sao tìm đường giải thoát cho được. Sanh y là gì?

Là chồng con hay vợ con, là của cải tài sản v.v..

Này các con, sanh y trong lòng con chứ không phải sanh y là những vật chất bên ngoài.

Xả sanh y vật chất bên ngoài như Minh Tông, còn sanh y bên trong thì tâm không chịu xả, ngồi trong thất mà nhớ vợ, nhớ con, như vậy xả sanh y bên ngoài để làm gì? Có lợi ích gì? Phải không các con? Cuối cùng cũng chỉ trôi lăn trong lục đạo. Cô Diệu Quang đã trắc nghiệm tâm sân của Minh Tông đã hiện ra, như người chưa bao giờ tu, chắc các con đã trực tiếp thấy và nghe rõ ràng.

Năm năm trời, mài miệt trong thất chỉ có một phút giây tan tành như gió bụi, uổng công phu tu tập vô cùng.

Tới hôm nay, tâm con đã sống Phạm hạnh được chưa? Nếu chưa được, thì hãy cố gắng con ạ! Đừng bỏ cuộc, đừng nản lòng, đừng bắt chước các bạn con thối tâm.

Hãy đứng lên chiến đấu tận cùng, để đạt được đời sống Phạm hạnh, để làm chủ đời sống sanh, già, bịnh, chết, đời sống cao thượng của một bậc chân tu với một tâm hồn phóng khoáng như hư không.

Nếu trên đường tu tập theo Phật giáo mà con không có chí lớn như Bà Triệu Ẩu “Cưỡi cá kình, vượt sóng to, sống một đời không chịu luồn cúi làm thê thiếp cho thiên hạ”. Ý chí này, với tư tưởng này thì mới có thể sống một đời sống cao thượng, phóng khoáng như hư không và trắng bạch như vỏ ốc của các bậc Thánh Ni, những đệ tử Ni của đức Phật ngày xưa. Còn nếu sống không được đời sống Phạm hạnh thì con chẳng khác gì như các bạn con, chỉ một đời luồn cúi làm thê thiếp cho kẻ khác và còn bị đánh đập chửi mắng và hành hạ nữa, con có thấy bạn con không???

Rấc tiếc là bộ giới đức, giới hạnh và giới hành Thầy đã viết chưa xong. Giới đức, giới hạnh, giới hành tức là Phạm hạnh, hay gọi là Sa Môn hạnh hoặc gọi là Sa Môn Quả. Đó là những giới luật của Phật giáo chứ không phải giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề. Giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề là giới luật của các Tổ biên soạn viết ra dựa vào kinh giới rút ra một số lập thành giới cấm.

Như chúng ta ai cũng biết, đạo Phật là đạo tự lực không cầu tha lực, vì thế, giới là sự sống của Tăng Ni và các cư sĩ, cho nên người nào đến với đạo Phật là phải tự nguyện sống Phạm hạnh chứ không có sự bắt buộc như giới cấm của các Tổ. Vì cầu giải thoát, nên chúng tôi mới tự nguyện sống đời Phạm hạnh dưới sự chỉ đạo của đức Gotama. Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, không đúng tinh thần tự nguyện, tự giác của Phật giáo.

Đạo Phật là một tôn giáo tự do tín ngưỡng, không cám dỗ, mà cũng không bắt buộc ai. Ai tự nguyện, đến giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì dạy bảo và giúp đỡ cho tu hành, còn sống giới luật không nổi, xin ra, thì cũng vui vẻ chấp nhận ngay liền, không bắt buộc người theo Phật giáo phải thề thốt “Trời tru đất diệt”.

Cho nên, giới cấm của các Tổ là sai, vì giới cấm là có sự bắt buộc. Đạo Phật không có cấm ai cả, chỉ người tu phải tự nguyện, tự lực, tự giác, tự ngộ mà đến với đạo Phật. Còn giới luật đúng của đạo Phật là giới đức, giới hạnh, giới hành. Những giới luật này, đức Phật dạy cho đệ tử mình, sống một đời sống Phạm hạnh và tu tập để được giải thoát, nên giới luật này còn gọi là Giới Vô Lậu. Vì thế, giới là đức hạnh sống của người tu sĩ, giới là pháp môn tu tập để dứt trừ các lậu hoặc. Các bạn đừng nhầm lẫn giới cấm và giới hành. Vì giới hành là thể hiện đời sống Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh cư sĩ.

HƯỚNG TÂM CÁC HÀNH NGƯNG NGHỈ

Hỏi: Kính bạch Thầy! Khi hơi thở con gần như mất hẳn thì con thấy rõ cái bụng hoạt động (ra vô) càng mạnh, lúc đó, tác ý “các hành ngưng nghỉ” con không biết đúng hay sai?

Đáp: Khi hơi thở gần như mất hoặc mất hẳn, sức tỉnh thức sẽ tập trung vào các hành trong thân con phải hướng tâm nhắc: “Các hành phải ngưng hoạt động! Ngưng hoàn toàn!”.

Cách thức hướng tâm như vậy là đúng pháp và đúng lúc, không sai, nhưng có một điều con nên lưu ý: khi một người tu hành mà tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn, hoặc chỉ ly một ít nào đó, hoặc chưa ly chút nào hết, lúc bấy giờ tâm dục và các ác pháp đang ẩn núp trong thân tâm hay nói một cách khác là tâm tham, sân, si đang nằm ngủ hay nói rõ hơn là tâm tham, sân, si đang bị ức chế nên lúc bấy giờ ý thức ngưng hoạt động thay thế bằng tưởng thức hoạt động. Do tưởng thức hoạt động con mới có cảm giác hơi thở gần như ngừng hẳn, đôi khi mất hẳn, mà chỉ có cơ bụng hoạt động rất mạnh (phình xẹp) giống như Thiền “Minh Sát Tuệ” do Mahasi dạy. Ngài cũng do tu tập ức chế nên lọt vào tưởng thức, thấy cơ bụng phình xẹp rõ ràng. Từ đó, Ngài rơi vào tưởng pháp, nên Ngài thường dạy đồ chúng Minh Sát để khắc phục tham ưu, nhưng khắc phục tham ưu bằng tưởng thì làm sao ly dục ly ác pháp được.

Nếu không ly dục ly ác pháp bằng ý thức để khắc phục tham ưu mà bằng tưởng thức, thì giống như một loài vật ngu, tha một miếng thịt đi ngang qua một chiếc cầu, thấy miếng thịt dưới dòng sông lớn hơn, nên vội bỏ miếng thịt thật, nhảy xuống đớp ngay cái bóng của miếng thịt, thì ôi thôi! Đã mất miếng mồi mà còn thiệt thân.

Thầy Thiện Thuận do tu sai nên lạc vào định tưởng dùng pháp hướng tâm để tịnh chỉ hơi thở nên cơ thể rối loạn, khiến Thầy rối loạn thần kinh, mất tự chủ mà người đời gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”. Nhờ Thầy kịp lúc ở gần mới xả được.

Cháu Ngọc, do tu sai ức chế lòng ham muốn, dồn nén đến tận cùng để đạt được cứu cánh, lúc bấy giờ có người gợi đúng lòng ham muốn của cháu, nên thần kinh hưng phấn quá mạnh mất thăng bằng, nên cháu nói lung tung với những điều bị quá nén, tức bực trong tâm, cũng giống như người đang sân họ nói tất cả những sự bực tức, khi đổ ra hết những sự bực tức thì họ cảm thấy như mình không còn sân, đó là sự tuôn trào của tâm sân, tức là trong lúc sân thì thần kinh hưng phấn, nên người sân giống như người điên, nói ào ào dữ dằn như cọp beo, trâu rống.

Khi muốn tịnh chỉ các hành trong thân, nhất là hơi thở, thì phải thấu rõ tâm mình, phải ly dục ly ác pháp tức là tâm như cục đất hoặc nói khác hơn là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, tâm bất động tức là không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa; tâm không phóng dật là tâm thường quay vô định trên thân. Nếu được vậy, tức là tâm nhập Bất động Định, chỉ khi nào tâm nhập Bất động Định thì con mới dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ các hành trong thân thì mới có hiệu quả, còn không khéo bị tưởng thì rất nguy hiểm cho sinh mạng con.

Minh Tông ức chế tâm không vọng tưởng, dùng pháp hướng tịnh chỉ hơi thở đứt mao phế quản khạc ra máu, đó là một kinh nghiệm xấu để chúng lấy đó mà cố tránh, đứng giẫm lại lối sai này con ạ!

Tu hành phải cẩn thận, những gì Thầy dạy phải làm đúng, đừng làm sai theo sự hiểu biết của mình, đừng làm sai, làm theo kiến giải tưởng giải của mình mà tự giết chết đời mình con ạ!

Cho nên, tu theo đạo Phật điều quan trọng nhất là xả tâm, ly tham đoạn diệt lòng ưu não, để đạt được tâm bất động chứ không phải chỗ tịnh chỉ hơi thở.

Hiện giờ, lòng ham muốn tu hành của con người để đạt được sự giải thoát thì đã bị lệch lạc quá nhiều, do các Tổ tưởng giải ra pháp môn tu tập ức chế tâm.

Người ta cứ nghĩ tưởng rằng, có thần thông thì sẽ không còn giận hờn, phiền não, đau khổ nữa và có thể chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy là sai.

Người ta cứ nghĩ rằng, khi tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết là không còn tham, sân, si, phiền não, đau khổ nữa và chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự nghĩ tưởng như vậy cũng là sai, không đúng.

Người ta cứ nghĩ tưởng rằng, khi Kiến Tánh là không còn tham, sân, si, phiền não nữa là thành Phật, là chấm dứt tái sanh luân hồi. Sự thực là không phải vậy, tất cả những sự nghĩ tưởng trên đây đều là sai cả. Vì những người có thần thông vẫn còn tham, sân, si như thường và còn tham, sân, si nhiều hơn. Đó là, những vị giáo chủ có thần thông mà chúng ta đã từng nghe báo chí trên thế giới loan tin.

Người ta cũng cho rằng, những nhà Yoga tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước mà không chết, các ông này có thể không còn tham, sân, si nữa, sự thật là không phải vậy.

Báo chí thế giới, đã loan tin có các đạo sĩ Yoga ở Ấn Độ đã biểu diễn bên Liên Xô khiến cho mọi người đều kính phục. Tưởng việc làm như vậy của họ là giải thoát, nhưng kỳ thực đó là những điều tu luyện cầu danh, mà còn cầu danh thì tham, sân, si còn đủ. Tham, sân, si còn đủ thì làm sao gọi là giải thoát được. Vì sự biểu diễn của họ, họ còn tâm háo danh.

Hiện giờ, đường lối Thiền Đông Độ đã hướng dẫn con người Kiến Tánh rất đông đảo, từ người trí thức làm việc văn phòng cho đến những người buôn bán và những lao công đều có thể Kiến Tánh dễ dàng, nhưng chứng minh chưa có ai hết tham, sân, si, phiền não cả và cũng không làm chủ bệnh đau và sự chết.

Vì thế, con người trên hành tinh này, chúng ta đang sống trong nỗi khắc khoải của sự đau khổ của kiếp làm người, nhìn chung không có một tôn giáo và giáo phái nào đáp ứng được sự khắc khoải của nhu cầu này.

Thần thông để mà làm gì? Để lừa bịp thiên hạ ư?

Yoga luyện tập quá gian khổ để làm gì? Để ngừa bệnh, trị bệnh ư? Để biểu diễn đình chỉ hơi thở cho mọi người kính phục chơi thì có nghĩa lý gì?

Còn Kiến Tánh để mà Kiến Tánh thì có nghĩa gì? Khi tham, sân, si vẫn còn nguyên.

Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy:

“Này Bà La Môn, có ba loại thần thông. Thế nào là ba?

1- Thần thông biến hóa.

2- Thần thông ký thuyết.

3- Thần thông giáo hóa.

Và này Bà La Môn, thế nào là thần thông biến hóa?

Ở đây, này Bà La Môn, có người chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước, đi trên nước, không nứt nẻ ra như trên đất liền, ngồi kiết già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.

Và này Bà La Môn thế nào là thần thông ký thuyết?

Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên nhờ tưởng “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà La Môn, có người nói lên không nhờ tưởng, nhưng nghe tiếng của loài Người, hay của phi nhân, hay của chư Thiên, liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà La Môn có người nói lên không nhờ tưởng, cũng không nhờ nghe tiếng loài Người, hay loài phi nhân, hay chư Thiên mà nói lên, nhưng sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư; sau khi suy tầm và suy tư liền nói lên: “Như vậy là ý của Ông, như thế này là ý của Ông, như thế này là tâm của Ông”. Nếu vị ấy nói lên nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác.

Ở đây, này Bà La Môn có người không nói lên nhờ tưởng, không nói lên nhờ nghe tiếng loài Người hay phi nhân, hay chư Thiên, không nói lên sau khi nghe được tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư, sau khi suy tầm và suy tư. Nhưng, thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị Tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy. Nếu vị ấy nói lên có nhiều, cũng chỉ là như vậy, không có gì khác. Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông ký thuyết.

Và như thế nào, này Bà La Môn, là thần thông giáo hóa?

Ở đây, này Bà La Môn, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!”. Này Bà La Môn, đây gọi là thần thông giáo hóa”.

Trên đây, đức Phật đã trình bày ba loại thần thông và đức Phật đã chấp nhận loại thần thông nào?

Qua bài Kinh trên đây, chúng ta nhận xét thấy ba loại thần thông này ở những pháp môn nào của đức Phật đã thực hiện ra được.

1- Thần thông thứ nhất, là thần thông biến hóa, nó nằm ở pháp môn nào?

Thần thông này nó nằm ở từ pháp Tứ Thiền đến Tam Minh.

2- Thần thông thứ hai, là thần thông ký thuyết, nó bắt đầu từ pháp môn Nhị Thiền đến Tam Thiền, biết tư niệm của người khác. Thường thần thông này trong nhà thiền người ta gọi là trực giác.

3- Thần thông thứ ba, là loại thần thông giáo hóa, tức là đức hạnh làm Thánh, làm Người.

 Người dạy thần thông loại nào thì phải thể hiện loại thần thông đó.

Ví dụ: Người dạy về thần thông biến hóa thì phải thể hiện sự biến hóa để dạy cho người ta tu tập biến hóa.

Người dạy thần thông về trực giác thì phải thể hiện biết chuyện quá khứ vị lai và tư niệm của họ.

Người dạy thần thông giáo hóa thì phải thể hiện đức hạnh làm Người, làm Thánh.

Bây giờ, chúng ta tiếp nghe lời của đức Phật, Ngài đã chấp nhận loại thần thông nào?

“Này Bà La Môn, trong ba loại thần thông này, Ông có thể chấp nhận loại thần thông nào là hy hữu hơn, thù diệu hơn?

- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, loại thần thông này: Ở đây, có người chứng được nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân… Có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Loại thần thông này, thưa Tôn già Gotama, ai làm loại thần thông ấy, người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây có người nhờ tưởng nói lên… sau khi nghe tiếng chư Thiên… sau khi nghe tiếng trình bày rõ ràng và có suy tư… Với tâm của mình, rõ biết tâm của người khác. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, ai làm thần thông ấy người ấy tự kinh nghiệm lấy. Ai làm thần thông ấy, tự mình có được thần thông ấy. Loại thần thông này, đối với con, được xem tánh chất như là huyễn hóa.

Còn loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama: Ở đây, có người giáo giới như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này… hãy đạt đến cái này và an trú”. Loại thần thông này, thưa Tôn giả Gotama, con có thể chấp nhận là hy hữu hơn, và thù diệu hơn trong ba loại thầnthông” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 304).

Xét qua những lời đức Phật đã dạy trên đây, chúng ta biết con đường tu theo đạo Phật là tu những gì có ích cho mình, cho người, còn những gì không ích lợi thì đó chỉ là những trò huyễn hóa mà thôi.

Thế mà, hầu hết mọi người đến với tôn giáo không riêng gì Phật giáo, họ đều nhắm vào mục đích thần thông, họ quý trọng mục đích thần thông như những gì siêu việt, người thực hiện được thần thông họ đều xem như Thánh, Thần, Tiên, Phật.

Trong lịch sử tôn giáo không có một tôn giáo nào mà không ca ngợi và tôn sùng thần thông, ngoại trừ có Phật giáo không bài bác thần thông, nhưng xem thần thông như một trò ảo thuật huyễn hóa. Đạo Phật không chấp nhận nó, vì nó không ích lợi gì cho mình, cho con người, chỉ là một trò ảo thuật giải trí của thiên hạ, nói như vậy không có nghĩa là đạo Phật không thực hiện được thần thông. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Thật vậy, này Bà La Môn, lời nói của Ông trước như là chống ta, sau xích lại gần ta. Và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà La Môn, Ta chứng được nhiều loại thần thông…” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 308).

Hướng tới tịnh chỉ hơi thở cũng là một loại thần thông, nó thuôc về loại thần thông biến hóa, thần thông biến hóa nó nằm trọn trong hệ thống Tam Minh. Hệ thống Tam Minh gồm có Tứ Thiền và Tam Minh; và Tứ Thiền là tịnh chỉ hơi thở, cho nên con tu tập cho các hành trong thân ngưng nghỉ, thì đó là một sự tập luyện về thần thông.

Ở đây, sự tập luyện về thần thông cũng không cần thiết. Đối với đạo Phật sự tu tập cần thiết là phải ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức làm Người, làm Thánh, là giới luật của đức Phật, là giáo pháp của Ngài, là Phạm hạnh của người tu.

Muốn được như vậy, thì hằng ngày con nên tu tập pháp hướng tâm, “Tâm như cục đất”. Tâm như cục đất thật sự, thì tịnh chỉ các hành trong thân của con không còn khó khăn nữa. Cho nên, đức Phật dạy: “Tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng”.

Chỉ khi nào tâm con như cục đất thì lúc bấy giờ con muốn sử dụng nó như thế nào, nó sẽ làm theo ý muốn của con.

Tâm chưa như cục đất, mà lo tu tập tịnh chỉ các hành trong thân thì cũng giống như Minh Tông, Thiện Thuận và một ông bác sĩ ở Quy Nhơn đều là đem đến tai hại nguy hiểm khó lường.

Muốn tịnh chỉ các hành trong thân thì con nên xem tham, sân, si của con đã quét sạch chưa? Nếu chưa thì con nên hướng tâm như cục đất, còn nếu tham, sân, si đã vắng bóng thì con hướng tâm tịnh chỉ các hành và sẽ có kết quả ngay liền, con không còn thấy khó khăn một chút nào cả. Vì khi tâm tham, sân, si vắng bóng thì bảy năng lực Giác Chi phải xuất hiện, nó xuất hiện để giúp con làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Sau khi đọc những đoạn Kinh trên đây mà Đức Phật đã dạy, nếu ai còn ham mê thần thông, tịnh chỉ các hành, tịnh chỉ hơi thở, khi mà tâm chưa thanh tịnh thì thật là điên rồ và ngu si như con vật ngu, bỏ mồi bắt bóng mà còn phải thiệt thân.

Điều lo lắng nhất của con người tu hành, là làm sao ly dục ly ác pháp cho được. Điều đó, đức Phật đã xác định cho chúng ta một pháp môn Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý để chúng ta thành tựu, con nên nhớ kỹ mà ghi nhớ trong lòng mãi mãi “Tâm như cục đất”. Tâm như cục đất thì sự tu hành của con đã hoàn tất, không còn phải tu tập gì nữa cả, lúc nào muốn sống chết là quyền ở con, chứ không còn ở luật nhân quả nữa.

Đến đây, Thầy chúc con tu tập sớm thành công, trước tiên tâm con được an ổn, khi đứng trước các ác pháp như: sanh, già, bệnh, chết, con không còn bận tâm và lo lắng nó nữa, trước khi chết con biết chỗ con về. Còn đối về mặt ân nghĩa thì con đã đền đáp ơn Phật, ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và không phụ ơn Thầy và Đàn na thí chủ. Như vậy, con đã xứng đáng là một người Phật tử. Phải ráng lên con ạ!

NĂNG KHIẾU

Hỏi: Kính thưa Thầy, qua gương hạnh đáng kính của cô Út Diệu Quang, theo con nhận xét sự tu tập rèn luyện thân tâm không phải tầm thường. Một người tu đạt kết quả như vậy, họ có sẵn một cái tài hay một năng khiếu, một trí thông minh... nên con đường tu mau kết quả, có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Sự tu tập nào có được nhanh chóng, đều phải nhờ nhiều đời huân tu chớ không phải có sẵn tài, trí và năng khiếu. Tài trí và năng khiếu là do sự huân tập nhiều đời mà có. Nếu đời này con không trau dồi, tu tập rèn luyện tài trí và năng khiếu thì đời sau con cũng chẳng có.

Tu tập và xả tâm càng gặp khó khăn, đừng nên chán nản, mà phải quyết tâm khắc phục cho được, xả bỏ cho được, quyết thực hiện cho bằng được thì người đó, sẽ trong một đời này thành tựu viên mãn, chỉ có “quyết tâm” là làm nên việc lớn, Đời cũng như Đạo.

Trí thông minh và năng khiếu không phải người có, người không, mà tất cả mọi người ai cũng có, nhưng chỉ vì chúng ta không huân tập nên không có mà thôi.

Ví dụ: Trong một lớp học có 60 học sinh, nhưng học sinh giỏi thì có năm ba đứa, chúng học rất nhanh và mau thuộc bài, môn học nào chúng cũng xuất sắc. Thật sự số học sinh này rất ít, nghĩa là học sinh giỏi tất cả các bộ môn.

Còn số học sinh giỏi từng môn thì nhiều, kẻ giỏi toán, người giỏi văn, người giỏi sinh ngữ v.v..

Đó là vì chúng ta đã có học tập trong đời trước, nên đời này chúng học lại môn đó, tức là ôn lại, nên học rất nhanh làm bài rất giỏi. Còn những người đời trước không học, đời nay học, nên học lâu thuộc bài, nhiều khi học mãi mà không thuộc.

Lịch sử Việt Nam, có nhắc lại ông Lê Quý Đôn, khi ông bố sai mua một cuốn lịch xem ngày, ông đem tiền ra mua giấy và đến cửa hàng bán lịch ông xin cho mượn xem, xem xong ông trả lại cho hàng sách, về nhà ông chép lại cho bố một cuốn lịch mà không sai một chữ nào.

Bên Trung Hoa, đời Tam Quốc, bên Tây Thục sai một người đi sứ qua Bắc Ngụy, tức là Tào Tháo. Tào Tháo viết một cuốn sách lấy tên là Tào Mạnh Đức Kinh, đem khoe với vị sứ giả. Vị sứ giả bảo bên nước tôi trẻ con đều thuộc làu kinh sách này. Tào Tháo không tin mới bảo Ông hãy đọc cho Tào Tháo nghe một đoạn, Ông bảo Tào Tháo xin Ngài đưa cho tôi xem có đúng không? Rồi tôi sẽ đọc cho Ngài nghe. Tào Tháo đưa cho Ông đọc, Ông đọc xong trả lại cho Tào Tháo, Ông cả cười nói: “Tôi nói đâu có sai, đúng là trẻ con của nước tôi từng đã đọc sách này”, Ông bắt đầu đọc cho Tào Tháo nghe không sai sót một chữ nào. Tào Tháo tán thán và không bắt tội Ông được.

Trí thông minh như vậy quá tuyệt vời, đọc qua là thuộc làu, thế mà trí thông minh đó dùng vào việc gì, chỉ đi ra làm quan mà không giải quyết sự khổ đau của dân tộc. Trong thời làm quan, các vị này cũng chẳng làm được những gì lợi ích cho dân, cho nước nhiều, mà chính sự thông minh đó cũng chẳng giải quyết được gì, cho đời sống của các Ông cả, các Ông ấy cũng chỉ khổ đau vì danh, vì lợi như bao nhiêu người khác.

Làm được như Thầy (tức là làm chủ tham, sân, si) không để tâm mình phiền não khổ đau, giận hờn, thương ghét, ấy là tài năng và trí tuệ. Thông minh cũng như năng khiếu đó mới chính là tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật, còn ngược lại tài năng, trí tuệ, thông minh và năng khiếu mà tự làm khổ mình, khổ người. Đó là tài năng trí tuệ của phàm phu, của người thường trong thế gian.

Bởi vậy, người có tài năng, trí tuệ, thông minh của đạo Phật là sống thanh thản, an lạc không làm khổ mình, khổ người (chỉ có những bậc Thánh Alahán mà thôi). Người có được trí tuệ như vậy, không phải từ trên trời rơi xuống, mà do công huân tu tập của chúng ta nhiều ngày và nhiều đời, cũng như bây giờ con thấy Cô Út Diệu Quang có được tri kiến như vậy, cũng chính là đời trước cũng phải huân tu rất nhiều, huân tu mà còn phải có ước nguyện, khi mình cố gắng xả tâm được, thì mình làm nghịch hạnh, để vừa xả tâm mình, vừa hướng dẫn mọi người đồng được giải thoát khỏi kiếp đời trầm luân khổ đau.

Như các con đã biết, Cô Diệu Quang chẳng học Kinh sách Phật, chẳng chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào, Cô chỉ có công giúp Thầy tu trong thất bằng cách làm kinh tế, mua gạo và thực phẩm để mẹ Thầy nấu cơm cúng dường Thầy ăn và tu hành.

Mục đích của Thầy tu là tìm sự giải thoát, khi nào giải thoát được thì mới dạy người tu, còn đang tu thì nhất định không dạy ai hết, cho nên Cô Diệu Quang chỉ biết trợ giúp cho Thầy tu, chứ không có tu hành gì cả.

Đến khi Thầy tu xong, về trình sự tu hành của mình cho Hòa Thượng Thanh Từ, thì cũng năm đó Phật tử tìm về kiếm Thầy hỏi pháp, do Hòa Thượng Thanh Từ báo cho Phật tử biết chính là Thầy đã tu chứng quả “A-La-Hán”. Đó là vị cư sĩ tìm về đây đầu tiên là Ông Chánh Giải ở Châu Đốc. Khi gặp Thầy ông xin Thầy cho phép đảnh lễ vì Hòa Thượng đã cho Ông biết Thầy đã chứng quả A-La-Hán.

Từ đó, Cô Út Diệu Quang trở thành một người phục vụ cho tu sĩ cũng như Phật tử thì còn đâu có thì giờ mà tu tập.

Lúc nào rảnh rỗi hoặc nửa đêm, Cô mới có thì giờ ngồi tập dừng cái ý, thời gian ấy không lâu chỉ độ 30 phút là cao.

Hoàn cảnh tu sĩ và Phật tử là một trở ngại rất lớn cho sự sống yên tĩnh tu hành của Cô. Cô bị mọi người khen thì ít, mà chê thì nhiều, nhất là tâm phàm phu của thiên hạ. Nhất là dựa theo tâm lý phàm phu của thế tục mà suy diễn về cô Diệu Quang, thì những sự suy nghĩ đó, sẽ đem lại ác pháp cho người, chứ cô Diệu Quang như thế nào thì cô tự biết, đó là nhân quả của Cô, chứ Thầy không ý kiến gì hết. Thầy chỉ thấy đó là duyên phước chúng sanh chưa đủ phước, và là luật nhân quả đời trước. Từ những sự việc đó xảy ra, tự Cô phải đương đầu với nội tâm của mình, tâm như biển sóng dồn dập, Cô như chiếc thuyền nan trên mặt biển.

Cô vừa chiến đấu với nội tâm để xả những u hoài khổ đau của mình vừa phản công những đối tượng bên ngoài (Phật tử và tu sĩ).

Phiền não tức Bồ Đề, nhờ các đối tượng ấy, Cô đã tìm ra phương pháp xả tâm để cứu mình thoát khổ. Đối với những người, đã làm Cô khổ, nhưng có điều là Cô không oán hận những người đó, Cô xem đó như bình thường, không có gì cả, và khi những người đó hữu sự, có tai nạn, thì Cô sẵn sàng khuyên lơn và giúp đỡ. Cô nói nặng nhẹ người khác. Bởi vì, Cô đang còn trên đường tu tập xả tâm, nhưng lòng yêu thương đối với con người không xa lìa, lúc nào cũng thương yêu mọi người, sẵn sàng giúp đỡ, nhưng sẵn sàng nói nặng, vì hạt giống tham, sân, si vẫn còn, để người ấy xả tâm thật sự hay không. Nếu xả tâm thật sự, thì người ấy sẽ chiến thắng được mình. Vả lại, Cô cũng đang còn trên đường tu tập xả tâm, vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi… nên các con hãy lấy Cô làm đối tượng nghịch cảnh để buông xả tâm mình, đừng oán giận Cô.

Khi Cô cố gắng để xả được tâm mình không còn khổ đau, thù hận, xem mọi việc như không, nghĩa là mọi việc không làm Cô bận tâm. Cũng từ đó, tri kiến của Cô phát triển, như các con hiện giờ đã thấy. Cô đối đáp giải quyết theo bản năng tự nhiên của đời trước đã huân tu, chứ không phải trong đời nay và trong kinh sách.

Các con đừng hiểu rằng, đời trước là một đời kế đây, đời trước ở đây là một đời mà nhiều đời và cũng có thể đồng thời với đức Phật, Cô là người đã học và tu trong những thời đó, kiếp này Cô được làm người, nó đã sống lại trong quá khứ xa xưa kia. Vì thế, các con nên nhớ những gì mà các con tu đúng pháp, dù muôn đời nó vẫn không mất, nó sẽ làm sống lại nơi tâm hồn của các con mà các con sẽ gọi nó là tài năng, năng khiếu hay là trí thông minh. Nhưng nếu các con tu sai, nó vẫn sống lại và đưa các con vào biển khổ bằng ảo tưởng như đồng cốt, những người này họ đâu có tu hành trong đời này, nhưng đời trước họ đã tu theo tà đạo, đời này năng khiếu đó, nó sống lại, cho nên họ trở thành là những loại đồng cốt, ông lên, bà xuống, bóng chàng v.v..

Những người ở đời này, tu Thiền Đông Độ, Thiền xuất hồn, Thiền Yoga và tất cả các loại Thiền tưởng, kiếp sau họ trở thành những thầy cúng, phù thủy, đồng, cốt, thầy bói, thầy bùa, thầy ngải v.v.. Nói chung kiếp này tu sai chánh pháp, kiếp sau làm những điều mê tín, tiếp tục lừa đảo người khác, đó là năng khiếu tà giáo ngoại đạo. Khi chúng ta huân tu thì nó không bao giờ mất, nó sẽ sống lại trong khi chúng ta sanh lên làm người. Còn chúng ta tu đúng theo chánh pháp của Phật thì luôn luôn lúc nào cũng xả tâm ly dục ly ác pháp. Tuy rằng, cuộc sống có nhiều sóng gió ba đào, nhưng chúng ta không bị lạc vào hoang đảo, cũng vì nhờ đức hạnh và giới luật, nó là ngọn hải đăng đưa tàu vào bến an toàn.

Cuộc đời tu hành của Thầy cũng vậy, khi mất cả hy vọng trên đường tu tập, chới với giữa biển pháp của Đại Thừa, bước đường cùng, chỉ còn chết mà thôi.

Trong khi mất hết cả niềm hy vọng, thì năng khiếu trỗi dậy để cứu mình, nên trong tiềm thức của Thầy nhớ đến lời của Hòa Thượng Minh Châu. Trong khi sắp chết đuối, một chiếc phao đã hiện ra và đã cứu Thầy.

Thầy đã tìm được lối thoát mà xưa kia Thầy đã từng tu học giáo pháp này, nên đọc tới đâu Thầy nhận ra pháp hành tới đó và thực hành có kết quả ngay liền, nghĩa là Thầy tu lại theo lời dạy của đức Phật đã dạy trong Kinh Nguyên Thủy pháp “Như Lý Tác Ý” mà hơn nửa đời người theo đạo Phật tu hành chẳng có một vị Thầy nào dạy tu tập điểm này với pháp môn này, Thầy đã nhận ra bí quyết thành công của pháp môn này là “Độc Cư”.

Pháp Như Lý Tác Ý và Độc Cư là năng khiếu của Thầy trỗi dậy. Xưa, đức Phật cũng vậy, khi con đường tu tập tận cùng, Ngài như sắp chết, thì năng khiếu Ngài trỗi dậy. Ngài nhớ lại đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài liền bỏ sạch các pháp môn của ngoại đạo, Ngài không tu khổ hạnh nữa, tiếp tục sống đúng đời sống Phạm hạnh, khi cơ thể Ngài bình phục, 49 ngày dưới cội Bồ Đề do đạo lộ Tứ Thánh Định, Ngài đã viên mãn con đường tu giải thoát, thỏa mãn được ước vọng của Ngài làm chủ sanh, già, bịnh, chết.

Bởi vậy, muốn có năng khiếu và trí thông minh thì phải tu tập pháp “Hướng Tâm” “Độc Cư” con ạ!

Quyết định phải tu cho bằng được phải không con? Dù cho xương có tan, thịt có nát nhất định chúng ta phải thành công, thì đó là con đã huân tập một tài năng, một tri kiến, một năng khiếu.

Hiện giờ, Cô Diệu Quang có trắc nghiệm bằng một phương pháp nào, mà có tận cùng sự khổ đau thì nhất định tâm con cũng như cục đất phải không con? Có như vậy, mới thấy tâm được giải thoát thanh thản, an lạc và vô sự, đó là kết quả của tâm bất động.

TRÍ TUỆ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu Định Vô Lậu tri kiến giải thoát phóng ra đó có phải là trí tuệ không?

Đáp: Tu tập Định Vô Lậu giúp cho sự hiểu biết thông suốt bản chất thực của các pháp thế gian và xuất thế gian, để không hiểu sai lệch, không đúng lý, không bị lầm chấp. Do sự hiểu biết các pháp không lệch lạc thấy đúng, biết đúng như thật, để tâm không bị lầm chấp dính mắc nên gọi là trí tuệ tri kiến giải thoát. Hiểu biết đúng các pháp như thật, tâm không dính mắc, lầm chấp nên không còn phiền não đau khổ, giận hờn, bất toại nguyện gọi là giải thoát.

Người chưa tu Định Vô Lậu là chưa có trí tuệ giải thoát, trí tuệ giải thoát gọi đúng nghĩa của nó là tri kiến giải thoát.

Vô lậu là không còn đau khổ, trí tuệ hiểu biết không còn đau khổ là trí tuệ vô lậu, trí tuệ vô lậu mới bắt đầu tu tập là tri kiến giải thoát, gọi trí tuệ ở đây không đúng nghĩa lắm. Vì theo đạo Phật xác định Giới sanh Định; Định sanh Tuệ nhưng chúng ta mới tu tập giới chưa thanh tịnh thì làm sao có định mà định chưa có thì làm sao có tuệ mà gọi là tuệ được. Phải không con?

Người tu hành muốn có được tri kiến giải thoát này, thì không phải tự trên trời rơi xuống mà chính mình phải biết ngăn ác diệt ác pháp, phải biết lìa lòng ham muốn.

Biết ngăn ác diệt ác pháp chia ra làm tám phần:

1- Phòng ngừa các ác pháp bên ngoài tức là tránh duyên cảnh bên ngoài (độc cư).

2- Phòng hộ sáu căn tức là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (độc cư).

3- Ngăn ngừa không cho việc ác sanh khởi trong tâm như thường tu các định thực hiện về thân hành niệm.

4- Dùng pháp Hướng Tâm - Như Lý Tác Ý để tạo thành nội lực tỉnh thức, buông xả.

5- Diệt các pháp ác đã sanh bằng Định Vô Lậu.

6- Diệt các pháp ác bằng quán xét nhân quả.

7- Diệt các ác pháp bằng tâm từ, bi, hỷ, xả.

8- Diệt các ác pháp bằng nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng hoặc trầm lặng, từ khước.

Trong tám pháp tu tập này, thì bốn pháp ngăn ngừa là trên hết. Người ta bảo: “Ngừa bệnh hơn trị bệnh”.

Cho nên, tri kiến giải thoát là tri kiến phòng hộ, tri kiến phòng hộ là đệ nhất, tri kiến phòng hộ tức là giới luật. Phật dạy: “Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó. Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Đoạn kinh này, tức là đức Phật nói pháp ngăn ác, nói pháp ngăn ác tức là nói pháp độc cư, pháp độc cư là bí quyết thành công thiền định của đạo Phật vì nó là pháp ngăn ác tuyệt vời.

Tóm lại, muốn có tri kiến giải thoát thì phải tu tập “Bát Chánh Đạo”: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Đó là con đường dẫn đến tri kiến và trí tuệ giải thoát.

MỤC ĐÍCH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC LÀ GÌ

Hỏi: Kính bạch Thầy! Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác theo hành động làm việc liên tục từ sáng đến chiều chỉ biết hành động “làm việc tôi biết tôi đang làm việc” không có nghĩ ngợi gì khác hơn, tức là không có tạp niệm xen vào, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như vậy là một sức tỉnh thức kinh hồn, đủ để xả tâm và nhập các định khác một cách dễ dàng.

Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập trong Thân Hành Niệm. Nhờ có tu tập Thân Hành Niệm ta mới có tỉnh giác chánh niệm, có tỉnh giác mới ở trong chánh niệm, có chánh niệm thì tâm mới không làm khổ mình, khổ người, mới có lợi lớn, an ổn lớn khỏi các khổ ách, đưa đến chứng đắc tri kiến, đưa đến hiện tại lạc trú, đưa đến chứng ngộ quả minh và giải thoát.

Mục đích chánh niệm tỉnh giác là gồm tất cả các thiện pháp và trí tuệ Tam Minh. Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ai tu tập làm cho sung mãn Thân Hành Niệm, cũng bao gồm tất cả thiện pháp gồm những pháp thuộc về Minh phần”. (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 88).

Chúng tôi xin xác định cho quý vị được rõ, vì ở trên chỉ nói lướt qua “Chánh niệm Tỉnh Giác và Thân Hành Niệm” còn ởđây là hai danh từ để chỉ cho một hành động tu tập Thân Hành Niệm. Tu tập Thân Hành Niệm là chỉ cho sự tỉnh giác trong hành động của thân phải biết hành động đó rõ ràng cụ thể không được bỏ sót một hành động nào của thân, còn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì cũng nghĩa như vậy nhưng nó có từ Chánh Niệm để chỉ rõ hơn, chúng ta thử đặt lại vấn đề, tỉnh giác để làm gì? Để Chánh Niệm, còn Thân Hành Niệm tức là tỉnh giác, vậy tỉnh giác để làm gì? Tỉnh giác để xả tâm tức là khắc phục tham ưu như trong Tứ Niệm Xứ đức Phật đã dạy: “Trên thân quán thân tu về hành tướng nội ngoại để khắc phục tham ưu”. Hành tướng nội ngoại của thân không phải là Thân Hành Niệm sao? Còn khắc phục tham ưu không phải là Chánh Niệm sao? Cho nên, Thân Hành Niệm tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Ở đây đức Phật đã xác định Chánh Niệm Tỉnh Giác có nhiều kết quả rất lớn cho sự tu tập để đi đến giải thoát: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 89).

Như trong đoạn Kinh này, mục đích chánh Niệm Tỉnh Giác giúp chúng ta tịnh chỉ tầm tứ, tức là nhập Nhị Thiền.

Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự Lưu, đưa đến sự chứng ngộ quả Nhất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất Lai, đưa đến sự chứng ngộ quả A La Hán. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 90).

Chánh Niệm Tỉnh Giác còn đưa chúng ta đạt đến những trí tuệ vô hạn và siêu việt: “Có một pháp, này các Thầy Tỳ Kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng đắc trí tuệ, đưa đến sự tăng trưởng trí tuệ, đưa đến trí tuệ rộng rãi, đưa đến quảng đại trí tuệ, đưa đến thâm sâu trí tuệ, đưa đến vô song trí tuệ, đưa đến vô hạn trí tuệ, đưa đến nhiều trí tuệ, đưa đến trí tuệ nhanh lẹ, đưa đến trí tuệ nhẹ nhàng, đưa đến trí tuệ hoan hỷ, đưa đến trí tuệ tốc hành, đưa đến trí tuệ sắc sảo, đưa đến trí tuệ thể nhập. Một pháp ấy là gì? Chính là Thân Hành Niệm” (Tăng Chi Bộ Kinh Tập1, trang 91).

Khi con tu tập tỉnh giác trong hành động suốt ngày đêm như vậy, là con sẽ chứng quả A La Hán, tức là làm chủ sanh, già, bịnh, chết hoàn toàn. Vì sức tỉnh thức khiến tâm con thanh tịnh, không còn một pháp nào làm động tâm con được. Và nội lực thanh tịnh của tâm con tức là lực ly dục ly ác pháp sẽ giúp con thành tựu Thiền định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn. Lúc bấy giờ, con chỉ cần hướng tâm là có hiệu quả ngay, con muốn gì được nấy, vì tâm con hiện giờ thuần thục, nhu nhuyễn dễ sử dụng.

Sức tỉnh giác như con đã nói ở trên, là mục đích của đạo Phật, con đã hoàn tất được mục đích đó khi sức tỉnh thức của con được như vậy.

Trên đây, con đã hỏi về pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và con được giảng dạy như vậy con có hiểu chưa? Con có biết những câu hỏi mà con hỏi có một giá trị vô giá không? Vô giá là ở chỗ học được pháp vô giá của đạo Phật, thế mà mọi người đọc tới đây, có người vẫn xem thường pháp vô giá. Ôi, thật đáng thương! Nếu từ ngày Thầy giảng trạch pháp này, mà mọi người biết nó là vô giá thì bây giờ biết bao nhiêu người đã chứng quả vô lậu A La Hán. Con có nhớ không, bài giảng này khởi sự giảng dạy các con vào năm 1979 đến nay là 2004 tức là 25 năm. Phải không con? Bây giờ, nhuận lại đoạn kinh này, nhìn lại sự tu hành của các con, thì Thầy rất đau lòng vì pháp bảo cứu người biển khổ mà mọi người không đủ phước để thọ hưởng, vì thế pháp bảo 25 năm nay, trở thành một vật vô dụng. Ôi, thật là phí uổng. Vật vô giá, mà trao cho người không có mắt, thì cũng như trao đất cát đồ vô dụng cho họ.

TRÍ TUỆ THẾ GIAN CÓ PHẢI LÀ TRI KIẾN GIẢI THOÁT HAY KHÔNG

Hỏi: Kính bạch Thầy! Sự suy tư trong việc làm, để làm việc không thất bại, đó có phải là trí tuệ hay không? Trí tuệ đó có bằng tri kiến giải thoát trong đạo Phật không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Sự suy tư trong hành động để làm việc không gặp thất bại, đó là tri kiến thế gian, nó thường mang theo những hành động thiện và ác, nên khi biến ra hành động việc làm thường mang theo quả khổ vui của tri kiến đó, nó không phải là tri kiến giải thoát của đạo Phật, nó là tri kiến dính mắc khổ đau, còn tri kiến dùng để quán xét xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp, đó là tri kiến dùng để tu tập Định Vô Lậu trong từng tâm niệm, từng hành động việc làm để xả tâm tham ưu, phiền não, do sự quán xét tư duy này nên tâm được giải thoát an vui, thanh thản và vô sự, đó là tri kiến giải thoát.

Tu tập trong tâm niệm và việc làm, tức là tu tập Thân Hành Niệm, đó là một pháp môn đệ nhất của đạo Phật về việc chánh niệm tỉnh thức, nhưng đây là giai đoạn đầu của pháp Thân Hành Niệm.

Tu tập Định Vô Lậu giúp chúng ta sống trong chánh niệm diệt trừ tà niệm.

Tu tập Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là giúp chúng ta tỉnh thức phá trừ si mê hôn ám và thường sống trong thiện pháp. Để xác định một lần nữa về trí tuệ thế gian và trí tuệ giải thoát. Trí tuệ là sự hiểu biết và tư duy đều giống nhau cả. Nhưng sự tư duy suy nghĩ một điều gì mà do lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thúc đẩy thì đó gọi là trí tuệ thế gian; còn sự tư duy, suy nghĩ đó mà đi ngược lại với lòng ham muốn và nghiệp tham, sân, si thì đó là trí tuệ giải thoát, còn gọi là tri kiến giải thoát.

Do sự phân tích và xác định này thì tri kiến giải thoát không phải ngoài trí tuệ thế gian mà có, không phải do tu tập Thiền định mà sanh ra theo kiểu Thiền Đông Độ đã nghĩ tưởng. Ngồi yên lặng không niệm thiện niệm ác, tức là không có vọng tưởng thì trí tuệ phát sanh. Trí tuệ đó không phải là trí tuệ giải thoát mà là tưởng tuệ.

Có một câu chuyện xảy ra trong thế kỷ này, người ta ca ngợi về Thiền Đông Độ một cách huyền thoại:

Họ nói rằng trong thời chiến tranh Việt Nam có một vị Đại Sứ Mỹ C.B.L. khi được Tổng Thống Mỹ đưa sang Việt Nam để giải quyết vấn đề Phật giáo năm 1962-1963, thì Ông phải đi sang Nhật Bổn học Thiền một khoá rồi mới đến Việt Nam giải quyết. Người ta bảo rằng mỗi khi có gặp một vấn đề khó khăn không giải quyết được, thì Ông tọa Thiền khoảng 30 phút là trí tuệ Ông phát ra và hôm sau Ông giải quyết sự việc một cách tốt đẹp, đó cũng là một trò lừa bịp.

Khi nghe trong Kinh điển đức Phật dạy: “Giới sanh định, định sanh tuệ”. Do định sanh tuệ, rồi người ta lại tưởng ra và hiểu một cách sai lệnh về định, cho rằng: ngồi Thiền giữ tâm không vọng tưởng là định và khi ngồi im lặng được không vọng niệm xen vào thì trí tuệ phát sanh, trí tuệ này do định sanh rất thông minh. Người ta chưa biết định là gì, nên đã hiểu lầm chữ định sanh tuệ trong nhà Phật.

Chữ định trong nhà Phật, là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì tri kiến đó là tri kiến thế gian, còn tâm đã ly dục ly ác thì tri kiến ly dục ly ác pháp đó là tri kiến giải thoát, tri kiến giải thoát tức là định, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm bất động, tâm bất động tức là định, định tức là tri kiến giải thoát. Như vậy, đức Phật gọi định sanh tuệ, chứ không phải ngồi như con cóc không niệm thiện niệm ác rồi mới phát sanh trí tuệ. Đó là, một sự hiểu sai lệch, hiểu theo tưởng tri của các nhà học giả xưa và nay.

Hằng ngày, con tu tập diệt ngã xả tâm, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là con đã tu tập tri kiến giải thoát. Nhờ tu tập trí tuệ tri kiến giải thoát này tâm con nhuần nhuyễn, bén nhạy, phản ứng tự nhiên, khi gặp các ác pháp khiến tâm con thanh thản và an lạc thì đó gọi là tri kiến giải thoát. Cho nên, một sự tư duy suy nghĩ nào, mà khiến cho tâm ly dục ly ác pháp là trí tuệ tri kiến giải thoát của con chứ không phải ngồi Thiền mà phóng ra trí tuệ đó được.

Muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát, thì ngày nào con cũng tu tập quán xét, suy tư để đẩy lùi các chướng ngại pháp trong thân tâm đó là con tu tập rèn luyện trí tuệ tri kiến giải thoát, nó lớn mạnh dần theo sự tu tập của con là con đã khắc phục được tâm tham ưu khổ não của mình, tức là con khắc phục được sanh tử luân hồi.

Những việc tu tập này đức Phật gọi là Thiền định: “Này các Thầy Tỳ Kheo, đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với các pháp ác, bất thiện đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với các pháp thiện chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng… Đối với pháp thiện đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng…”. Trên đây, là một bài Kinh trong 37 phẩm trợ đạo mà đức Phật đã dạy chúng ta tu Thiền định thuộc Tăng Chi Bộ Kinh Tập 1, trang 82, bài 14-17, tựa là Thiền Định.

Tóm lại, từ định sanh ra trí tuệ tri kiến giải thoát thì phải ở trong thân hành niệm mà tu tập. Nhờ có tu tập pháp Thân Hành Niệm, thì mới đủ năng lực đẩy lùi các ác pháp và nội lực tham dục, sân dục và si dục. Những dục tham, sân, si này rất mạnh, nếu một người tu hành mà không hành pháp Thân hành Niệm thì chẳng bao giờ có nội lực để đương đầu với nội lực ác pháp tham, sân, si, chúng có một sức mạnh kinh khủng là vì chúng ta đã (BBT: huân) tập tham, sân, si nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải có một đời này.

Thân Hành Niệm, là một tên pháp môn chỉ gồm chung nhiều pháp môn tu tập, rèn luyện về trí tuệ tri kiến giải thoát, về nội lực bảy Giác Chi, về lệnh Tứ Như ý Túc.

Do sự suy tư tu tập này, chúng ta suy ra mới thấy rõ đường lối tu tập của đạo Phật là chuyển từ tri kiến thế gian để trở thành tri kiến giải thoát, từ tri kiến giải thoát chuyển thành tâm ly dục ly ác pháp, từ tâm ly dục ly ác pháp chuyển thành tuệ Tam Minh, chứ không phải từ sự yên lặng nào mà sanh ra được.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, là đạo chuyển hóa tâm phàm phu trở thành tâm Thánh.

Vậy các con có muốn mình có trí tuệ tri kiến giải thoát hay không?

Muốn được như vậy không phải dễ đâu!

Phải bằng nước mắt, xương và máu của chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải chết đi một lần và sống lại.

Nếu không có sự quyết tử ấy thì cuộc đời tu hành của chúng ta hoài công vô ích mà thôi.

Bởi tâm Thánh không thể dành cho những kẻ còn ham sống sợ chết, đàng nào rồi các con cũng phải chết, nhưng chết trong đau khổ và mãi mãi khổ đau. Ngược lại, người sống mà như đã chết thì sẽ sống mãi, sống mãi muôn đời và không còn khổ đau nữa.

BUỒN CHÁN KHI XẢ TÂM KHÔNG ĐƯỢC

Hỏi: Kính bạch Thầy! Con đã học, đã biết nhất là khép mình trong giới luật sao con vẫn phạm, lương tâm con cắn rứt, khổ sở vô cùng. Ngày nào, giữ đúng con thấy tâm con được yên ổn, thanh thản, an vui.

Sự tu hành cũng có nhiều khó khăn, tâm còn yếu con không thể vượt qua được, đôi lúc con cũng chán nản. Thưa Thầy, những lúc này con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?

Đáp: Còn phạm tức là tỉnh thức chưa đủ, chánh niệm còn yếu, nên cố gắng tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu, siêng năng cần mẫn tập nhiều hơn, thì sẽ khắc phục được không còn phạm (còn phạm tức là còn tu, hết phạm tức là hết tu). Đường lối tu tập của đạo Phật rất cụ thể, tu tới đâu biết tới đó, có kết quả hay không có kết quả. Bởi vì, pháp tu xả tâm, xả ít kết quả ít, xả nhiều kết quả nhiều.

Con nên quan sát lại tâm mình, con sẽ thấy có những kết quả rất lớn, đời sống của con bây giờ so với lúc chưa tu thì có khác xa nhiều, tâm con cũng vậy nhưng chưa rốt ráo.

Gặp lúc tâm chán nản, con nên quán sát lại kiếp sống của con người “Con người sanh ra vốn để mà khổ”. Khổ thật, rồi con hướng tâm ám thị “Ta phải thoát ra cảnh khổ này, dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng quyết chiến thắng tận cùng để giành sự giải thoát cho mình”.

Đọc đến câu hỏi này, Thầy cảm thông nỗi lòng đau khổ của con: “Đạo cảm ứng giao nan tư nghì”. Xưa, đọc đến câu kinh này, Thầy rơi nước mắt. Đạo quá khó khăn không thể nghĩ lường, nên chư Phật đã cảm thông nỗi khắc khoải tu hành của những người đệ tử của mình.

Bây giờ Thầy cũng vậy, khi nỗi lòng con trút lên trang giấy, để cầu Thầy cứu con thoát ra kiếp trầm luân đau khổ. “Tâm còn yếu ớt, con không thể vượt qua được”, lời nói này khiến Thầy cảm thông, con như người đang chới với giữa dòng sông sắp chết đuối tới nơi. Tiếng kêu cứu của con thét lên: “Thưa Thầy những lúc này, con phải tu như thế nào? Trạch pháp ra sao để tiến bước trên đường tu tập?”. Nghe tiếng kêu cứu này Thầy quá bồi hồi, cảm ứng như Thầy đang chới với giữa dòng sông như con vậy. Thầy là một con người không phải là một cây đá. Tu hành không có nghĩa là trở thành cây đá, tu hành là dẹp bỏ những tâm ích kỷ, nhỏ mọn để không làm khổ mình, khổ người, không thương ghét trong sự đối đãi, chứ không thể nào làm mất tâm từ bi của một tu sĩ Phật giáo. Do đó, sự cảm thông của Thầy không phải đây là lần đầu tiên, mà là của bao nhiêu lần, khi mỗi người đệ tử của Thầy bỏ cuộc ra đi, Thầy biết họ đang chìm dưới dòng sông khổ đau. Lòng Thầy tê tái. Bởi vì, luật nhân quả công bằng và công lý nên quá khắt khe không ai cứu cho ai được cả, chỉ có mỗi người phải tự cứu lấy mình. Xưa, đức Phật cũng đã từng cảm thông, Ngài xót thương nói lên: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”.

Cách đây ba, bốn năm Thầy đã trả lời con câu hỏi này ngắn gọn để con có một chiếc phao mà vượt qua, lòng Thầy cũng giao cảm, se thắt và thương xót, đến giờ này con còn bám theo Thầy, nên khi nhuận lại tập sách này, một lần nữa Thầy đã xót xa, thương cảm và nhớ đến những người đệ tử của mình quá dại dột, nhẹ dạ, mềm lòng chạy theo những tà pháp cám dỗ bằng những dục lạc, ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, chùa to Phật lớn, đời sống vật chất đầy đủ, tu hành sung sướng như một nhà giàu, sống thì được nuông chiều nâng niu, còn ở đây, thì quá khắt khe trong giới luật ăn, ngủ, độc cư mà còn bị nhiều thử thách nghịch duyên. Khiến cho tâm các con tan nát. Nếu không tu tập rèn luyện như vậy thì làm sao thấy tâm mình giải thoát. Hoa sen nở trong lò lửa, chứ hoa sen nở nơi bùn lầy nước hôi thúi thì ra gì. Người tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy như hoa sen nở trong lò lửa: “Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt”.

Thắng tâm mình tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp không đơn giản, nó là một cuộc tranh đấu cam go giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và không tội lỗi, giữa đau khổ và không đau khổ, giữa sống và chết, giữa thiên đàng và địa ngục.

Trong cuộc đời này, ai là người đã vượt qua dòng sông nhân quả, dòng sông đau khổ.

Tiếng kêu cứu từ tự thâm tâm của con, muốn vượt qua dòng sông đau khổ để đến bờ giải thoát, nhưng sóng gió bão bùng quá mạnh, sức con đã kiệt, hơi thở con đã tàn, con không thể vượt qua nổi, như các bạn con họ đã chìm tận đáy sông rồi còn mong gì Thầy cứu được. Hiện giờ, con còn đang lặn hụp chới với, sắp sửa chết đuối dưới dòng sông này nữa. Thầy cũng sẽ mất đi một người học trò, Thầy biết làm sao hơn để cứu con bây giờ, nếu không phải bằng sức lực của chính con thì còn ai hơn nữa. Thầy chỉ còn có chiếc phao cuối cùng, đó là pháp môn “Như Lý Tác Ý”: “Dòng đời là khổ đau, tâm ta hãy như cục đất, buông xuống! Buông xuống hết!”.

Suốt ngày đêm trong 24 tiếng đồng hồ, con thường nhắc tâm như cục đất thì may ra con sẽ đến bờ bên kia.

Con hãy nổ lực và dùng hơi thở cuối cùng để chiến đấu với nội tâm mình.

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì

Thở ra chẳng lại còn chi nữa

Vạn sự vô thường buông xuống đi!”

Trước kia, hằng tuần Thầy thường gặp các con, là niềm an ủi trong khi bước chân của các con còn tập tễnh. Bây giờ, các con cứng cáp vững vàng hơn, Thầy không thể đưa tay dìu dắt cho các con từng bước nữa mà phải buông tay ra để các con tự bước vì sức Thầy đã già yếu, cứ một ngày qua là sức khỏe tàn tạ thêm theo năm tháng không thể dìu dắt như trước nữa, vì cơ thể là một phần vật chất vô thường. Thầy đã dùng nó tu tập khổ hạnh một đời để tìm ra ánh sáng của đạo Phật đã bị dìm mất từ xưa, khi tìm ra được thì sức lực đã yếu lắm rồi, nhờ nội lực tu tập Thầy đã phục hồi và duy trì cho đến ngày nay, Thầy gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người.

“Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sống không gia đình, không nhà cửa”.

Trời! Lời nói thì đơn giản, sao mà chẳng ai sống được?

Bởi vì, người ta còn muốn sống, người ta chưa dám chết, nếu không dám chết một lần thì làm sao sống lại.

Tại vì con chưa dám chết, nên con phải sống, sống trong đau khổ, đau khổ muôn đời.

Con thử nghĩ hiện giờ, con đang sống mà như người đã chết thì ai chửi mắng con, con có giận không?

Lửa cháy, nước ngập con có sợ hãi không?

Nếu tâm con như cục đất tức là con đã chết, cái chết đó là cái sống muôn đời con ạ! Sanh tử luân hồi không còn nữa.

Hãy thử chết đi một lần con ạ! Thì con sẽ thấy được vũ trụ này không gì mà con không thông suốt.

Thầy lúc nào cũng bên các con, mỗi sự đau khổ của các con, Thầy đều cảm thông và chia sẻ, những nỗi nghẹn ngào, khi nước mắt của các con tuôn trào, các con có biết chăng? Lúc bây giờ, Thầy đều cảm thông những nỗi thống khổ này, lòng Thầy se thắt, nước mắt Thầy cũng tuôn trào như các con.

Hãy ráng vượt qua các con ạ!

Đường đi không còn xa nữa, chỉ có phút giây tận lực cuối cùng này mà thôi. Phút giây tử thần: “Sống mà như chết”.

NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Ngọc Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có một số điều trăn trở, mong Thầy tháo gỡ giải tỏa cho con.

Đạo Phật dựa trên cơ sở nhân quả và luân hồi. Mặc dù con đã đọc các cuốn sách của Thầy viết, như cái niềm tin trong con nó chưa được lớn, vì vậy sự buông xả còn kém cỏi, sự tu tập còn lười biếng. Con từ nhỏ tới nay, vẫn cứ cho rằng: “Con người chỉ sống có một lần, sau khi chết tất cả đều tan hoại”, đó là vì con đã tiếp thu những tư tưởng duy vật biện chứng. Con đã đọc: “Kinh Nhân Quả Ba Đời” nhưng con vẫn thấy nó mơ hồ trừu tượng nên con không tin.

Đáp: Kinh sách Nhân Quả Ba Đời là kinh sách hệ phái phát triển, kinh sách này luận về nhân quả thiếu tính khoa học nên lý luận mơ hồ, không thực tế, có vẻ hoang đường, làm mất tính chất đạo đức nhân bản - nhân quả của luật nhân quả. Người có sự hiểu biết về khoa học và chuộng sự thật thì không thể nào tin nhân quả theo kiểu lý luận mơ hồ, trừu tượng, đầy sự hoang đường mê tín lạc hậu này được. Đọc kinh sách phát triển phần nhiều là những lý luận mơ hồ trừu tượng mê tín đẫy đầy không có cuốn kinh nào mà không có. Cho nên, kinh sách phát triển làm mất lòng tin của mọi người với Phật giáo. Con cũng bị ảnh hưởng đó, chính vì con đã học về triết học duy vật biện chứng, nên con không thể tin những điều mơ hồ trừu tượng được, Phải không con?

Muốn biết rõ nhân quả như thật thì chúng ta phải tự hỏi: “Khi người chết cái gì còn lại?”.

Đức Phật đã xác định điều này rất rõ ràng: “Khi người chết toàn bộ thân ngũ uẩn đều tan rã không còn một vật gì tồn tại”. Vậy, không còn một vật gì tồn tại, sao đạo Phật còn chủ trương thuyết tái sanh luân hồi và như vậy có mâu thuẫn nhau không?

Thưa các bạn! Đạo Phật không mâu thuẫn. Khi con người còn sống hằng ngày luôn luôn hoạt động theo tâm tham, sân, si của mình, do mỗi hành động thân, miệng, ý phóng xuất ra những từ trường thiện hay ác (từ trường là một danh từ vật lý tạm dùng để mọi người dễ hiểu, chứ nghĩa của danh từ “từ trường” chưa đúng hẳn) khắp nơi trong bầu khí quyển. Theo luật nhân quả thì từ trường ấy được gọi là nghiệp. Cho nên, con người chết là mất hết chỉ còn nghiệp (từ trường) thiện ác, nghiệp thiện ác không phải là linh hồn, thần thức hay Phật tánh.

Hầu hết mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo, luôn cả các nhà Đại Thừa hiện đang có mặt trên hành tinh này, đều không hiểu lý duyên hợp duyên sinh, do đó tưởng khi người chết còn có linh hồn, thần thức, Phật tánh, tiểu ngã, bản thể v.v.. là một vật thường hằng mang theo nghiệp đi tái sanh luân hồi, điều hiểu biết này là ảo tưởng, mê tín, không đúng sự thật, không có tính khoa học, là sai. Sự hiểu biết này, đức Phật gọi “Chấp thường”. Còn có một số người dựa vào duy vật biện chứng, cho con người mất là mất cả, chỉ có một đời này mà thôi. Sự hiểu biết như vậy, đức Phật gọi là “chấp đoạn”.

Những triết thuyết chấp thường, chấp đoạn là những triết thuyết còn mơ hồ chưa hiểu biết rõ về môi trường sống trên hành tinh này. Môi trường sống trên hành tinh này có nhiều chất liệu, có chất liệu có hình sắc, có chất liệu không hình sắc mà đức Phật gọi chung là “các duyên”. Cho nên, giáo lý nhà Phật gọi môi trường sống trên hành tinh này là “thế giới duyên hợp”. Có duyên hợp mới sinh ra muôn loài, muôn vật, có duyên hợp mới tạo thành thế giới, không duyên hợp thì không có thế giới. Do thuyết nhân duyên mà đạo Phật đã xác định được con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu rất khoa học mà không có một khoa học hay một triết học nào bắt bẻ được, vì đó là một sự thật, một sự thật do sự tu chứng đã thấy rõ như thấy những chỉ trong lòng bàn tay.

Đạo Phật chấp nhận thuyết tái sanh luân hồi, vì khi con người chết thì mất hết nhưng những nghiệp (từ trường) này không mất, do nghiệp này không mất nên tương ưng với tâm tham, sân, si của người khác hợp đủ duyên tạo thành thai nhi. Cho nên, đạo Phật gọi là “nghiệp tái sanh luân hồi”, chứ không gọi “nghiệp đi tái sanh luân hồi”. Kinh sách Đại Thừa gọi nghiệp đi tái sanh luân hồi là sai, vì nghiệp là từ trường nên bất cứ nơi đâu trong bầu khí quyển đều có nó, do đó từ trường không đến không đi, chỉ có hợp đúng thời, đúng duyên là tái sinh luân hồi tức khắc.

TÂM SẮC DỤC

Câu hỏi của Quang Tụ

Hỏi: Pháp “Như Lý Tác Ý” con áp dụng vào cuộc sống thì có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa mạnh. Con còn nhiễm sắc dục thế gian, nhất là đối với phụ nữ. Con dù quán bất tịnh nhưng lúc được lúc không. Xin Thầy cho con một lời khuyên!

Đáp: Muốn đối trị tâm sắc dục, con nên đến nghĩa địa, nơi mọi người đang cải táng hài cốt để nhìn xem thi thể người chết, nhất là mùi hôi thối bốc lên, còn nếu không có dịp xem sự cải táng bốc mộ thì con nên đến bệnh viện xin được xem xác người phụ nữ đã chết đang ướp trong phòng lạnh. Chỉ một lần thấy thi thể người chết là về quán thân bất tịnh thì tâm sắc dục của con sẽ bị triệt tiêu.

Thăm và chúc con tu tập xả tâm tốt, sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Kính thư

Thầy của con

CHÁNH KIẾN

Câu hỏi của Thu Phương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sau khi con đọc bài ĐẠO ĐẾ trong Đặc San Kỷ Niệm Ngày Sinh Nhật Thầy, con có một vài điều thắc mắc về những bài học trong lớp Chánh Kiến như: Tứ Bất Hoại Tịnh và nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn.. Tại sao lại niệm Phật, niệm Pháp, Niệm Tăng và Niệm Giới trên lớp Chánh Kiến? Tu học như vậy có giống như Đại Thừa không? Khi người mới vào tu thì Đại Thừa dạy: niệm Phật là niệm danh hiệu đức Phật, niệm Pháp là tụng kinh, niệm Tăng là cúng dường trai tăng và niệm Giới là tụng giới vào ngày rằm và ngày 30 mỗi tháng. Thưa Thầy lớp chánh kiến tu học mà Thầy đã giảng dạy như vậy thì cũng giống như bên Đại Thừa, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ. Còn Nhãn căn, Nhĩ căn và Tỷ căn phải tu học như thế nào trong lớp chánh kiến?

Đáp: Nguyên nhân có bài giảng về “Đạo Đế” trong Đặc San Mừng Ngày Sinh Nhật Thầy, do Phật tử Bảo Châu - Thanh Trí xin Thầy chỉnh lại bài Tứ Diệu Đế, nhưng Thầy thấy trong bài kinh Tứ Diệu Đế quý sư thầy đã giảng sai quá nhiều, nhất là Đạo Đế. Từ xưa các nhà học giả tu hành chưa chứng đạo nên đã giảng dạy Tứ Diệu Đế sai nghĩa, lệch ý không đúng chánh pháp của Phật.

Đạo Đế là một mô hình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả của đức Phật (Kinh Sa Môn Quả) nhằm để hướng dẫn bốn giới đệ tử của mình tu học trở thành những bậc Thánh A La Hán. Vì thế, nó đã phân ra ba cấp và tám lớp tu học rất rõ ràng giống như chương trình giáo dục văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Thầy đã dự định chương trình soạn thảo giáo trình tu học cho ba cấp và tám lớp học này, nhưng phải lần lượt không thể ngay bây giờ được, vì hiện giờ Thầy còn đang soạn thảo bộ Giới Đức Thánh Tăng, Thánh Ni trên một ngàn trang giấy và còn tiếp đến bộ sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả trên 10 tập mỗi tập trên 300 trang giấy. Với việc làm quá nhiều, ngoài sức tưởng tượng của con người. Cho nên, khi Bảo Châu – Thanh Trí nhờ Thầy chỉnh lại Tứ Diệu Đế thì Thầy viết bài Đại Cương Về Đạo Đế để mọi người nhận xét và thấy rõ chương trình giáo dục đào tạo bậc A La Hán của Phật giáo rất rõ ràng cụ thể, chứ không như kinh sách Đại Thừa của các Tổ biên soạn một cách mù mờ. Với lộ trình tu hành mơ hồ, ảo tưởng đầy hoang đường và mê tín.

Bài Đạo Đế này, khi đến tay quý Phật tử cũng như các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni cùng với các cư sĩ bốn phương sẽ làm đảo lộn sự hiểu biết xưa nay của các vị, nhưng đây là một sự thật, là một chân lý. Không lẽ, một chân lý của Phật giáo, mà hiểu một cách lầm lạc như các nhà Đại Thừa vậy sao?

Bài giảng ấy tuy ngắn, nhưng nó là một cú “sốc” mạnh làm đảo lộn và đau đầu cho các nhà học giả và cảnh cáo cho các vị ấy, phải tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ đừng trên chữ nghĩa kinh sách mà thuyết giảng, không có một chút kinh nghiệm bản thân tu hành nào, thành ra, các vị ấy trở thành người vọng ngữ, tội lỗi rất lớn, chẳng ích lợi gì cho ai, mà còn tai hại cho Phật giáo và cho các thế hệ tuổi trẻ sau này.

Cho nên, khi đọc bài Đạo Đế, không riêng Thu Phương lấy làm lạ, mà còn có nhiều người lại hỏi chúng tôi: Vậy kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Tứ Bất Hoại Tịnh”. Tứ Bất Hoại Tịnh không phải là pháp môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới sao?

Kính thưa quý Phật tử! Đức Phật dạy:

1/ Niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật (Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).

2/ Niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh.

3/ Niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải, trai tăng cúng dàng, lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu.

4/ Niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm giới luật, và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới.

Nghe dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì các nhà học giả kiến giải theo chữ nghĩa mà giải thích ra, niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu: “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm như vậy không có nghĩa gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây, đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó, mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Bài pháp Tứ Bất Hoại Tịnh này, được tu học và rèn luyện trên lớp Chánh Kiến. Do tu học trên lớp Chánh Kiến, nên phải dùng nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn mà tu tập.

Có hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng, đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy, là để nhất tâm bất loạn, tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi, thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo kiến giải lầm lạc của Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...). Còn hiểu theo Thiền Tông, thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác, thì bản lai diện mục hiện tiền. Bản lai diện mục hiện tiền, là Thiền định, là Phật tánh, nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết quý vị ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của quý vị, sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Quý vị tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây, quý vị coi chừng rối loạn thần kinh mà nguy hiểm tánh mạng, biến quý vị trở thành người điên khùng, mất trí v.v..

Đến đây, quý vị đã hiểu sơ sơ về bài học “TỨ BẤT HOẠI TỊNH” của lớp Chánh kiến. Sau này, có dịp các bạn sẽ gặp lại chúng tôi trên những giáo trình tu học của tám lớp học này, còn thú vị hơn nhiều.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn dồi dào sức khoẻ.

ĐẠO VÀ ĐỜI

Câu hỏi của Từ Chơn

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có phải đường đời và đường đạo là hai ngả cách ngăn không sao dung hòa được phải không thưa Thầy?

Con thường nghe người ta nói: Khi một người thành công trên đường đời thì không thành công trên đường đạo. Có phải vậy không?

Đáp: Lời nói này không đúng con ạ! Người ta đứng trên góc độ những tôn giáo mê tín mà nói thì đời đạo là hai ngả, còn đứng trên góc độ những tôn giáo đạo đức, không mê tín thì đời đạo là một ngả.

Tại sao vậy?

Bởi tôn giáo mê tín là tôn giáo lừa đảo mọi người nên đời đạo cách xa như hai ngả đường, còn tôn giáo không mê tín là tôn giáo đạo đức, tôn giáo đạo đức là đời sống của con người, nên đời đạo không hai. Nếu đời sống con người không đạo đức là đời sống của loài thú vật, đời sống đau khổ, đời sống u tối như bóng đêm. Còn đời sống có đạo đức là đời sống tôn giáo như đạo Phật Nguyên Thủy, đạo Ông Bà, đạo Nho Giáo.

Cho nên, tôn giáo nào không chứng minh được rõ ràng mục đích, thường chứng minh không cụ thể, không thực tế, mơ hồ, ảo tưởng là tôn giáo mê tín, còn tôn giáo nào chứng minh được rõ ràng mục đích cụ thể, không mơ hồ, ảo tưởng thì tôn giáo đó là tôn giáo đạo đức của con người. Vì thế, đạo đức của con người thì làm sao gọi là đời đạo hai ngả? Nếu đời sống không đạo đức là đời sống của loài thú vật. Có đúng như vậy không các con? Còn đời sống có đạo đức là đời sống có tôn giáo, chứ không phải theo tôn giáo mới gọi là có tôn giáo. Các con có hiểu ý này không?

Thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo là thành công trên đường ác. Thành công trên đường đời mà thành công trên đường đạo là thành công trên đường thiện, cho nên đời có đạo là đời thêm tươi, thêm hạnh phúc cho mình và cho muôn người, muôn vật, còn đạo không đời là không phải đạo…

Ví dụ: Một người giàu có mà không đạo đức là người bóc lột mồ hôi công sức của những người khác. Đây là thành công trên đường đời mà không thành công trên đường đạo. Cho nên, đời thì phải có đạo mà đạo thì phải có đời, đời mà không có đạo là đời sống của loài thú vật như trên đã nói, còn đạo mà không có đời thì làm đạo cho ai. Đến đây các con đã hiểu đời như thế nào là đời đúng, là đời sai. Và đạo như thế nào là đạo đúng, là đạo sai.

CHÁNH TRỊ

Hỏi: Người ta nói chánh trị không có tôn giáo trong đó, nên con rất phân vân mong Thầy mở rộng lòng từ bi chỉ dạy cho con.

Đáp: Người ta nói chánh trị không có tôn giáo trong đó, vì người ta hiểu về tôn giáo không chính xác, thường cho rằng tất cả tôn giáo đều là thần quyền, mê tín, chứ người ta đâu biết rằng có những tôn giáo không có thần quyền, không mê tín, như Đạo Thờ Ông Bà, Đạo Nho Giáo, đạo Phật giáo Nguyên Thủy. Những tôn giáo ấy là đạo đức của loài người. Vậy chánh trị rất cần những tôn giáo đạo đức ấy.

Chánh trị không tôn giáo đạo đức là chánh trị độc tài. Chánh trị không tôn giáo mê tín là chánh trị sáng suốt. Tôn Giáo mê tín là chánh trị độc tài. Tôn giáo không mê tín là chánh trị đạo đức đem lại hạnh phúc cho muôn người.

Chánh trị không tôn giáo đạo đức nhân bản là chánh trị què. Tôn giáo không đạo đức nhân bản là tôn giáo mù, tôn giáo mê tín, tôn giáo thần quyền.

THÔNG MINH

Hỏi: Ăn mặn có nhiều prôtít để thông minh học giỏi, học bài mau thuộc, còn những người ăn chay trí tuệ không phát triển, học hành càng ngày càng sa sút có đúng như vậy không thưa Thầy?

Đáp: Theo luật nhân quả thì người học giỏi là người đã huân học nhiều đời nhiều kiếp, đến đời này họ chỉ đọc sơ qua là đã thuộc làu, còn những người không thông minh là những người nhiều đời nhiều kiếp trước không huân học nên đời nay học lâu thuộc bài, cho nên học giỏi hay học dở không phải chỗ ăn mặn hay ăn chay.

Có người ăn mặn học giỏi nhưng cũng có người ăn chay học giỏi. Thầy ăn chay từ lúc tám tuổi thế mà học hành thì không thua ai, còn tu hành thì ai hơn được. Cho nên, vấn đề thông minh không phải ăn chay, ăn mặn mà chỗ do siêng năng học tập nhiều đời nhiều kiếp.

TRIẾT HỌC CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG

Hỏi: Học môn triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng và Chủ Nghĩa Duy Vật Lịch Sử. Thầy cô đều dạy phải có một lập trường tư tưởng vững vàng, phải đứng trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân… nên làm con rất dao động tư tưởng.

Đáp: Về môn triết học thì loài người từ xưa cho đến nay đã để lại cho chúng ta rất nhiều triết học, nhưng không có một triết học nào đứng vững, nó chỉ đáp ứng theo xu thế của thời đại mà thôi. Triết học không phải là chân lý của loài người, cho nên nó thường không theo kịp từng thời đại thường bị lỗi thời, nên không được con người áp dụng vào cuộc sống triệt để.

Chúng ta ai cũng biết con người có hai phần:

1- Phần vật chất

2- Phần tinh thần

-Phần vật chất gồm có một duyên (sắc uẩn là thân tứ đại).

-Phần tinh thần gồm có bốn duyên (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn).

Như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng chỉ luận về phần vật chất, còn phần tinh thần hoàn toàn không hiểu. Và như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng không đủ những điều kiện giải quyết nhân sinh quan và vũ trụ quan để cho chúng ta có một lập trường tư tưởng vững vàng. Có đúng như vậy không các con?

LUẬT NHÂN QUẢ

Hỏi: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu. Vậy sao trên đời này chẳng thấy có cái gì là công bằng cả.

Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Tại sao vậy?

Đáp: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu, nhưng chúng ta phải có đủ trí tuệ quán xét, chứ không nhìn một cách thông thường mà thấy được sự công bằng ấy.

Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Nếu nhìn thông thường thì chúng ta thấy luật nhân quả không công bằng, còn chúng ta nhìn suốt lý nhân quả thì mới thấy luật nhân quả không bỏ sót một hành động thiện ác nào mà ta đã tạo nhân trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Cho nên, luật nhân quả gồm có nhiều góc độ nhìn:

- Thứ nhất nhân hiện tại quả hiện tại.

- Thứ hai nhân quá khứ quả hiện tại.

- Thứ ba nhân hiện tại quả tuơng lai.

- Thứ tư nhân người này quả người khác chịu do chùm nhân quả.

Ví dụ trên về người sinh viên thì phải nhìn nhân quá khứ, quả hiện tại, thì mới thấy luật nhân quả công bằng, còn nhìn nhân hiện tại, quả hiện tại thì luật nhân quả không công bằng, đó là nhìn sai. Thường mọi người chỉ nhìn thấy nhân hiện tại, quả hiện tại, chứ không chịu thấy những nhân quả ở các góc độ khác nhau, vì vậy đôi khi thấy nhân quả không công bằng. Ví dụ: Như một người ăn cắp mà không bị bắt quả tang tại trận, không bị đánh đập, không bị tù tội thì cho đó là nhân quả không công bằng. Như vậy là cái nhìn nhân quả không đúng, chứ không phải nhân quả không công bằng. Luật nhân quả có sự chuyển biến thay đổi theo từng sát na, từng giây, từng phút không để một kẻ nhỏ của thời gian thiếu công bằng. Nếu một hành động thiện vừa làm là có sự thay đổi nghiệp quả ngay liền chuyển biến sự đau khổ của người làm thiện. Thiện ở đây có ba nơi xuất phát:

1- Thân hành thiện

2- Khẩu hành thiện

3- Ý hành thiện

Chỉ một ý hành thiện vừa khởi là chúng ta cũng cảm thấy quả khổ tiêu tan ngay liền.

Ví dụ 1: Một người đang tức giận bị người khác mắng chửi, họ chỉ cần khởi niệm: “Đời trước ta đã gieo nhân này nên ngày nay ta phải trả hoặc người này là người đáng thương họ đang tạo nhân quả ác”. Khi nghĩ như vậy ngay liền là họ hết khổ. Phải biết, đang tức giận là đang trả quả ác (khổ), đang chửi mắng là đang tạo nhân ác.

Ví dụ 2: Khi ta vừa khởi niệm người ấy xấu ác là nhân thì ngay đó liền có quả ta phiền não và đau khổ.

Cho nên, phải quán xét trong nhiều góc độ khác nhau thì ta mới thấy luật nhân quả công bằng, và công bằng tuyệt đối, do công bằng tuyệt đối nên không sai một hào ly, vì không sai một hào ly, nên người nào không đủ trí tuệ quán xét tế nhị thì không thấu rõ, vì vậy cho rằng luật nhân quả không công bằng.

Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Là vì người học sinh ấy học hành không có phương pháp nên học nhiều mà không nhớ (nhân), do đó kết quả thi thì cứ điểm thấp (quả hiện tại). Còn người học ít nhưng lại học có phương pháp nên nhớ không quên (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì điểm cao (quả hiện tại). Vì công bằng cho nên luật nhân quả không phải chỉ có ở góc độ nhân quả hiện tại mà còn ở nhiều góc độ khác nữa, khi nào các con học đạo đức nhân bản – nhân quả thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn nhiều về sự công bằng của luật nhân quả.

Các con cứ thử nghĩ xem: luật nhân quả chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một sát na không công bằng thì vũ trụ này sẽ đổ nhào và không còn trật tự, tất cả vạn vật đều bị rối lọan và bị tiêu diệt.

Với đôi mắt và trí óc phàm phu người ta không thể nào nhìn thấu suốt quy luật họat động của nhân quả, vì thế người này thấy góc độ này, người kia thấy góc độ khác, chứ chẳng bao giờ thấy toàn diện.

NGẪU NHIÊN

Hỏi: Trên đời này có những điều may mắn ngoài quy luật nhân quả không thưa Thầy?

Đáp: Trên đời này không có sự ngẫu nhiên, mọi sự kiện, mọi sự vật xảy ra đều phải theo quy luật nhân quả điều khiển hoạt động. Cho nên sự may mắn cũng như sự rủi ro đều do sự định đoạt của luật nhân quả cả. Bởi vì luật nhân quả không ai tạo ra nó mà chính mình tạo ra, nên nó xử phạt lại mình rất công bằng.

Con người mê mờ không đủ trí tuệ nhìn xuyên suốt đường đi của nhân quả nên cho rằng sự may mắn và sự rủi ro ngoài quy luật nhân quả.

Nếu các con cho rằng: mọi sự xảy ra đều là sự ngẫu nhiên thì các con cứ làm ác đi! Hay làm thiện đi! Thì các con sẽ thấy rõ… Nhân quả thiện ác sẽ đến thăm các con, nó không tha một người nào đâu, các con ạ!

SỐ MỆNH

Hỏi: Có số phận không thưa Thầy?

Đáp: Có luật nhân quả, chớ không có số phận. Do tinh thần tiêu cực, mất hết ý chí tự lực, nên có một số người đặt ra thuyết định mệnh để an ủi lại mình khi đứng trước những nhân quả quá khắc nghiệt, quá khó khăn. Do bi quan họ nghĩ tưởng rằng: con người không thể nào vượt qua số phận.

Phần đông ngày nay người ta chịu ảnh hưởng thuyết định mạng nhân quả của văn hóa Trung Hoa. Khi đứng trước những việc khó khăn, những sự thử thách gian nan, khổ sở, họ đều co đầu, rút cổ và bảo rằng: Đó là Định mệnh do Trời đã quyết định, chúng ta là con người không thể làm nên và cũng không thể nào vượt qua được. Do sự tư duy như vậy nên nghị lực mất hết, tinh thần yếu kém, mất sức tự chủ v.v..

Nếu có số phận của con người thì trên đời này không có luật nhân quả. Không có luật nhân quả thì xã hội loài người không bao giờ có sự công bằng.

Nếu không có luật nhân quả thì không bao giờ có câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời”. Vì đời sống con người đều nằm trong luật vô thường chung của các pháp, đó là quy luật của nhân quả, của bánh xe tiến hóa luân hồi. Do đó không thể nào nói có số phận được, phải không các con?

Nếu không có luật nhân quả thì bốn chân lý của đạo Phật không ra đời, vì mọi sự đau khổ của con người là số mệnh, là số phận cố định. Vì mọi sự đau khổ của con người là số phận, là số mệnh cố định không thay đổi được, vì thế không thể nào chuyển khổ thành vui được. Do đó, chân lý của đạo Phật không còn là chân lý của loài người nữa.

Mục đích đạo Phật ra đời là dạy con người chuyển khổ thành vui, lấy nhân thiện chuyển quả ác đem lại sự an vui hạnh phúc cho mọi người, cho nên chân lý của Phật giáo sẽ đập tan tành thuyết định mệnh, vì thế con người không còn gọi là số phận mà là chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.

Ví dụ: Một người chửi mắng mình, mình không chửi mắng lại, vui vẻ không giận hờn, đó là chuyển nhân ác thành quả vui. Như vậy đâu phải là số phận mà là nhân quả, phải không các con?

SÁCH ĐẠO ĐỨC

Hỏi: Có nên đưa sách của Thầy cho người khác xem không thưa Thầy?

Đáp: Khi đưa sách của Thầy cho người khác xem thì con nên chọn những người bạn thân, người bạn tốt, người bạn đối xử có tình, có nghĩa. Còn những người bạn nào có tính cố chấp thì không nên đưa.

Kinh là lời dạy của Phật, là lời vàng, lời dạy đạo đức làm Người, làm Thánh khiến cho chúng ta có cái nhìn rộng rãi hơn, thấu suốt những lý lẽ mà ta chưa từng hiểu biết, những lời dạy ấy khiến cho ta có được một tấm lòng cởi mở, một tâm hồn phóng khoáng, thoải mái dễ chịu. Những lời dạy ấy giúp cho ta mở rộng lòng thương yêu đến với sự sống của muôn loài vạn vật trên hành tinh này. Những lời dạy ấy còn giúp cho chúng ta mở rộng lòng tha thứ những tội lỗi của những người khác khiến cho thân tâm của chúng ta thanh thản, an lạc và vô sự.

Nhờ những lời dạy ấy chúng ta mới xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống cao thượng không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.

Những lời dạy quý báu như vậy khi ta cần cho một người nào thì phải xét họ có đủ duyên hay chưa? Nếu họ là người có đủ duyên thì họ phải là người thành thật, không nói láo, không nói thêm bớt, không nói xấu người khác, không vu khống, không nịnh bợ, a dua, không nói lời hung dữ v.v..

Nếu xét thấy những người như vậy thì nên cho và giúp họ đọc những lời dạy đạo đức của Phật, của Thầy.

Ngược lại con không cho những người mà con chưa hiểu, thì sự không cho ấy là không có tội và không phải là ích kỷ. Cho người khác đọc mà người ta xem thường những lời dạy của Phật là không lợi ích cho họ mà còn tạo thêm tội lỗi phỉ báng Phật giáo nữa.

Cho sách đạo đức làm người mà người nhận sách không xứng đáng, thì người cho không được phước, còn người nhận thì càng thêm tội lỗi. Cũng ví như người biết luật mà vi phạm luật thì tội nặng, còn người chưa biết pháp luật mà vi phạm luật thì tội nhẹ hơn nhiều.

PHÁ HÔN TRẦM THÙY MIÊN

Câu hỏi của Bảo Ngọc

Hỏi: Kính thưa Thầy! Làm thế nào để phá hôn trầm thùy miên sạch?

Đáp: Muốn quét sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký thì trước tiên con phải tập đi kinh hành Chánh Niêm Tỉnh Giác cho nhuần nhuyễn, kế đó phải tu tập pháp Thân Hành Niệm, nếu hai pháp này không thắng nỗi hôn trầm, thùy miên thì con nên quan sát lại xem về giới luật. Chỉ có một pháp duy nhất phá được hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không tuyệt gốc. Đó là “GIỚI LUẬT”.

Theo sự nhận xét của Thầy thì người tu hành thời nay bị hôn trầm, thùy miên nặng, vì giới luật sống không nghiêm chỉnh, thường vi phạm vào những lỗi nhỏ nhặt, những giới trọng thì bẻ vụn nát tan để vi phạm không ai biết, sống như đời thường thế tục, nhất là ăn ngủ phi thời, phạm vào giới ăn uống phi thời. Thường thuyết giảng kinh sách mà mình chưa tu chứng, đó là phạm vào giới vọng ngữ. Tứ thời tụng niệm thường tụng kinh ê, a giọng cao giọng thấp theo tiếng chuông, tiếng mõ như ca hát, đó là phạm vào giới ca hát. Hiện giờ các Thầy đều còn cất giữ tiền bạc, đó là phạm giới cất tiền. Y áo toàn của quý Thầy thường mặc những thứ vải đắt tiền, chứ không mặc y phấn tảo như đức Phật ngày xưa, vì thế các thầy phạm vào giới không trang sức. Thường thấy người khác phái còn sinh tâm sắc dục, đó là phạm vào giới dâm. Còn thấy ưa thích những vật dụng thế gian, vật này tốt vật kia xấu, đó là phạm vào giới tham. Thấy muỗi, kiến cắn còn nỡ tâm giết hại chúng, chưa có lòng từ bi, thì đó là phạm vào giới sát sanh. Những sự sống phạm giới, phá giới như vậy là những tu sĩ hiện giờ chịu ảnh hưởng của giáo pháp hệ phái phát triển cho rằng giới luật Phật thời nay không phù hợp, lỗi thời, chứ họ không ngờ giới luật là một pháp phá hôn trầm, thùy miên, vô ký tuyệt vời, chỉ có giới luật mới phá nổi tâm si của con người mà thôi. Tâm si tức là hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không. Nếu không sống đúng giới luật thì không bao giờ phá nổi tâm si (hôn trầm, thùy miên, vô ký). Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ Kheo, đưa đến hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hay hôn trầm thùy miên đã sanh đã sanh được đoạn tận, này các Tỳ Kheo, như tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới. Người tinh cần, tinh tấn, dõng mãnh, này các Tỳ Kheo, hôn trầm thùy miên chưa sanh không sanh khởi, hôn trầm thùy miên đã sanh được đoạn tận”. (Kinh Tăng Chi Bộ tập 1 trang 13 bài 8 tạng kinh Việt Nam).

Đọc qua đoạn kinh này nhất là câu: “Ta không thấy một pháp nào khác”, chỉ có Giới luật là pháp duy nhất mới quét sạnh hôn trầm, thùy miên, vô ký. Đây là lời xác quyết của đức Phật. Vậy khi bị hôn trầm thùy miên nặng thì nên trở về giới luật, sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đúng như lời Phật dạy hôn trầm, thùy miên sẽ được quét sạch.

Thưa các bạn! Lời dạy trên đây các bạn có tin không? Chứ riêng bản thân chúng tôi đã có kinh nghiệm trên sự tu tập này. Do chúng tôi sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào, nên chúng tôi không bị hôn trầm, thùy miên đến thăm như các bạn.

Hôn trầm, thùy miên là một loại bệnh lười biếng rất khó trị và dai dẳng, nếu không giới luật thì không có pháp nào trị dứt được. Cho nên, chấp nhận cuộc sống tu hành theo Phật giáo thì giới luật là pháp môn ly dục ly ác pháp đệ nhất.

ĐỨC PHẬT KHÔNG LÀM CHỦ NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Thiện Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong tập hai Đường Về Xứ Phật, bìa xanh, mục nhân quả trang 160 Thầy viết khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài bị đau lưng nên bảo ông Anan trải tọa cụ để nằm nghỉ.

Đạo Phật là đạo làm chủ sanh, già, bệnh, chết, cớ sao đức Phật lại bị đau lưng như vậy?

Khi nhập diệt đức Phật phải nhập định ba lần xuôi ngược rồi mới nhập diệt, như vậy là ý nghĩa gì?

Nếu kinh sách Đại Thừa nói đức Phật đau lưng thì không thể nào được ghi vào sách của Thầy, mong Thầy chỉ cho con hiểu.

Đáp: Trong câu này gồm có ba câu hỏi:

1- Làm chủ bệnh sao đức Phật lại bệnh đau lưng?

2- Làm chủ chết sao đức Phật không tự tại nhập diệt mà phải nhập định ba lần?

3- Tạo sao đoạn kinh này lại được ghi vào sách của Thầy?

Như con đã biết trong kinh sách Nguyên Thủy, đức Phật dạy phương cách làm chủ bệnh là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn khắc phục những sự đau khổ của thân và tâm (Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu…) tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Người cha sinh ra pháp môn ấy là đức Phật. Thế sao đức Phật lại còn bị bệnh đau lưng? Một điều vô lý hết sức. Giáo lý đạo Phật có mâu thuẩn nhau không? có lường gạt người ta không? Mà lại viết những điều này.

Ai đã viết điều này trong kinh sách Nguyên Thủy? (Đức Phật đau lưng) Ai đã phỉ báng đức Phật như thế này? (Nói láo). Nếu không có Thầy thực hiện và không có các đệ tử của Thầy tu tập pháp Tứ Niệm Xứ đẩy lui các bệnh khổ thì ai là người minh oan cho đức Phật và xác định Tứ Niệm Xứ là pháp môn làm chủ sanh, già, bệnh chết thật sự. Trong khi đó, kinh sách Nguyên Thủy ghi chép đức Phật đau lưng rõ ràng bằng giấy trắng mực đen.

Chúng tôi chứng nghiệm được pháp môn Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân tâm nên mạnh dạn tuyên bố với các bạn: “đoạn kinh kết tập này là sai do người sau thêm vào để che đậy pháp môn Đại Thừa tu hành không làm chủ bệnh”.

Hơn 25 thế kỷ trôi qua ai cũng nghĩ rằng đức Phật chưa có làm chủ bệnh khổ. Người tu xong đọc đến đoạn kinh này rất đau lòng và thương cho Phật Giáo. Vì thương mình, thương người, đức Phật phải bỏ hết sự giàu sang, quyền thế, dục lạc thế gian, phải hy sinh cả thân mạng để mưu cầu hạnh phúc an vui cho mọi người. Ngài là người cha sinh ra Phật Giáo, vậy ai nỡ nhẫn tâm viết những đọan kinh ghép vào trong kinh sách nguyên Thủy để đánh lừa mọi người khác, để phỉ báng đức Phật thật là đau lòng, những kẻ ấy sẽ bị đọa xứ ác, chịu khổ đau vô lượng.

Đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, nhập xuôi, nhập ngược ba lần rồi nhập vào Tứ Thiền xả bỏ báo thân. Đó là “thân hành di chúc”  lần cuối cùng để nhắc người đời sau: “Tứ Thánh Định mới là chánh định, mới là thiền của Phật Giáo”.

Nhập Tứ Thánh Định, xả bỏ báo thân cũng là xác định cho người đời sau biết: Chỉ có bốn thiền này mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết, ngoài bốn thiền này không có thiền nào làm chủ trọn vẹn bốn sự đau khổ của kiếp người được. Các bạn nên lưu ý: những thiền của ngoại đạo, làm chủ được cái này thì không làm chủ được cái kia.

Đoạn kinh này rút ra từ trong kinh tạng Nguyên Thủy, được ghi vào sách Đường Về Xứ Phật, để xác định cho mọi người thấy cái sai của những người kết tập kinh sách thường thêm vào và bớt ra làm kinh sách nguyên gốc của Phật giáo mất giá trị như đoạn kinh trên đây. Trong bộ sách Văn Hóa Đường Về Xứ Phật do Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin nhóm người biên tập đã cắt bỏ đoạn kết luận của bài Nhân Quả làm mất ý nghĩa. Xin cáo lỗi cùng các bạn.

----&----

HẾT TẬP I

MỤC LỤC TẬP I

MỤC LỤC



GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011)

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011)

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011)

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...)

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập)

6. Thiền căn bản

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III)

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...)

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...)

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II)

14. Giới Đức Thánh Tăng, Thánh Ni

15. Định niệm hơi thở

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009)

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009)

22. Lòng yêu thương (2009)

23. Linh hồn không có (2010 quý I)

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010)

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010)

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010)

28. Linh hồn không có – tái bản lần I (2010 quý IV)

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.nethttp://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP I”

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP I

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


S lượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY C PHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 2)

BẬC A LA HÁN

Bậc A La Hán xuất hiện ra đời sẽ làm sống lại Giới luật qua Phạm hạnh của Người. Vì thế, đạo Phật còn là bậc A La Hán còn, đạo Phật mất là bậc A La Hán mất.

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa các bậc Tôn Túc, Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử bốn phương.

Kính thưa quý vị! Bộ sách Văn Hóa Phật giáo Đường Về Xứ Phật tập 1 được Nhà nước cho phép in ấn và phát hành, khi nó đến tay quý vị, chắc chắn sẽ có những điều không vừa ý, mong quý vị niệm tình vui lòng tha thứ cho.

Tập 2 sắp chào đời, với tập sách này chúng tôi thành tâm tha thiết, kêu gọi lòng chân thành của quý vị, hãy hướng về chánh pháp của đức Phật.

Kính thưa quý vị! Từ xa xưa đến nay, các bậc Thầy Tổ của chúng ta, đang lầm lạc tu theo một giáo pháp không đúng của đạo Phật, mà cứ ngỡ tưởng rằng, mình đang tu theo đúng giáo pháp chân chánh của đức Phật. Tại sao lại lầm lạc như vậy?

Vì không có người tu chứng hướng dẫn, nên cứ tự mình, dựa vào kinh sách phát triển của một số hệ phái, do kiến tưởng giải của các Tổ xưa biên soạn ra, mà tu tập hoặc tu theo những sự hướng dẫn của Thầy Tổ đang tu tập chưa chứng đạo.

Giáo pháp chân chánh của đạo Phật, không bao giờ dùng những danh từ trừu tượng, rất kêu như: “Chân Không, Phật Tánh, Bản lai diện mục, Cực Lạc, Thiên Đàng v.v..”. Đó là những danh từ trừu tượng để lừa đảo tín đồ.

Giáo pháp chân chánh của đạo Phật, luôn luôn chỉ thẳng, nói thật, nói những pháp hành cụ thể, thực tế, rõ ràng như: “Ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp” hoặc “Không nên làm các pháp ác, nên làm các pháp thiện”. Cho nên, giáo pháp của Phật không bao giờ nói sai sự thật, luôn luôn nói đúng đạo đức nhân bản - nhân quả của con người, để mọi người hiểu biết rõ ràng và tự sửa sai những điều lầm lỗi, những điều làm không đúng theo đạo đức làm Người, làm Thánh. Vì đạo Phật đã xác định Thánh nhân không phải ngoài con người, ngoài con người không thể tìm có Thánh nhân được. Cho nên, giáo pháp của đức Phật là một giáo pháp không trừu tượng, ảo tưởng, không mê tín, dị đoan, phi đạo đức, v.v.. Ngược lại, những giáo pháp mà Thầy Tổ của chúng ta đang tu theo, nó để lại một rừng kinh sách toàn là những loại giáo pháp trừu tượng, ảo tưởng, mê tín, dị đoan, phi đạo đức v.v.. để lừa đảo tín đồ. Lần lượt, chúng tôi sẽ lật tẩy bộ mặt lừa đảo gian dối của những kinh sách này, để quý vị suy ngẫm. Nó đã giết chết Thầy Tổ của chúng ta bao đời, bao kiếp, kéo dài từ thế kỷ này, đến thế kỷ khác và nó còn tiếp tục giết hại, những tư tưởng, thế hệ tuổi trẻ con em của chúng ta ngày mai.

Một giáo pháp phi đạo đức, mơ hồ, trừu tượng, mê tín, lạc hậu mạo danh là Phật giáo. Giáo pháp ấy, còn mang những cái tên rất kêu “Đại Thừa, Tối Thượng Thừa, Phật Thừa”. Với những danh từ vĩ đại này, có mục đích để dìm Phật giáo chân chánh Nguyên Thủy xuống, ở góc độ nhỏ hẹp “Tiểu Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa”, rồi lần lượt, biến dần giáo pháp chân chánh của đạo Phật, thành tà giáo ngoại đạo, để dễ bề đưa giáo pháp của mình ra lừa đảo, lường gạt tín đồ Phật giáo. Thầy Tổ của chúng ta, từ xa xưa đã bị các pháp môn này lừa đảo, họ đều là nạn nhân của những giáo pháp này.

Kính thưa quý vị! Những bậc Thầy Tổ, Tôn Túc xa xưa của chúng ta, đã tu hành, lầm đường lạc lối theo những giáo pháp phát triển này, nên kết quả tu hành chẳng ra gì, chỉ sống trong một giấc mơ thế giới siêu hình Phật Tánh, Niết Bàn, Cực Lạc, v.v.. Để lừa đảo mọi người bằng những lời an ủi suông trong kinh sách này: “Tu hành phải vô lượng kiếp mới thành Phật”. Do bị lừa bởi những câu nói quá siêu, nên vô tình các Ngài trước tác những kinh luận để ca ngợi xiển dương, xương minh giáo pháp không đúng của đạo Phật lên tận mây xanh, khiến cho người sau, càng lầm đường lạc lối hơn, từ đời này sang đời khác, cứ bổn cũ các Ngài thuyết đi thuyết lại mãi, mà chẳng có ai tu được những gì. Vì thế, kinh sách phát triển để lại cho chúng ta rất nhiều, nhiều như rừng, như biển, nhưng toàn là những thứ kinh sách trừu tượng, ảo giác, mê tín, phi đạo đức, thiếu thực tế, không cụ thể, như trên đã nói, phần nhiều là lý thuyết suông rỗng tếch, chẳng nói lên được một đạo đức làm Người, làm Thánh và chẳng nói lên được một pháp hành cụ thể lợi ích như thế nào cho bước đường tu hành của mọi người, chỉ toàn hướng dẫn tụng kinh, niệm chú, niệm danh hiệu Phật, cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, trừ tà yểm quỷ, ngồi thiền tưởng, v.v.. Đó toàn là những pháp hành mê tín, lừa đảo, phi đạo đức.

Kinh, sử, sách phát triển là một loại kinh đại vọng ngữ huyễn hóa. Nói về lịch sử của đức Phật thì thần thánh hóa đức Phật như một vị Thánh: “Khi đức Phật vừa sanh ra đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân, và tay chỉ trời chỉ đất bảo: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Làm gì một đứa bé mới sinh ra đi được, nói được, điều này không bao giờ có. Phải không thưa các bậc tôn túc? Vả lại, một đứa bé mới sinh ra mà nói được câu kệ này thì làm gì phải sáu năm khổ hạnh trong rừng già “sống mà như chết”, khổ hạnh tận cùng để mong cầu sự giải thoát.

Còn các Tổ tu hành thì sao? Lục Tổ sinh ra thì ánh sáng đầy trời, ném bình bát thu rồng: “Phóng hào quang, biến hóa, tàng hình, biết chuyện quá khứ vị lai, thu thần, nhập diệt, tự tại sanh tử, v.v..”. Đó là những trò ảo thuật lừa đảo bằng tưởng lực để cho những người chưa chứng đạo, chưa rõ Phật giáo Nguyên Thủy nên mới tin theo, còn những người biết rõ Phật giáo thì họ cho đó là thủ đoạn lừa đảo của những người buôn thần bán Thánh, mượn đạo tạo đời.

Thưa các bạn! Kinh, sách, sử của giáo pháp phát triển nói như vậy, nhưng có vị Thầy Tổ nào đã làm được như vậy đâu? Trước mắt chúng ta, khi sắp chết Thầy Tổ nào cũng bị bệnh, đau đớn, khổ sở đi đứng không được, bán thân nằm liệt một chỗ, thọ biết bao nhiêu là cay đắng của cuộc đời tu hành của mình, có nghĩa là cũng còn tâm tham, sân, si, giận hờn, phiền não, đau khổ, v.v.. đến giờ phút cuối cùng, thì ô hô! Khi biết tu hành sai pháp, mạng căn không còn nữa, đó là những vị còn tỉnh táo, nhưng có những vị tới giờ phút lâm chung mà còn chưa biết mình tu sai pháp, còn đang sống trong mơ, một giấc mơ trong mê hồn trận thế giới siêu hình Cực Lạc Tây Phương, Phật Tánh, v.v.. Nhất là những vị tôn túc có được nhiều tín đồ biết danh, lại chết trong đau khổ kinh khủng. Vậy mà, còn chưa biết mình tu sai pháp. Chính chúng tôi đã chứng kiến những sự việc này.

Còn những Thầy Tổ xa xưa cách đây từ mười bảy, mười tám thế kỷ thì chúng ta không biết họ thu thần nhập diệt như thế nào? Trong những kinh sách của họ, không có nói cách thức thu thần nhập diệt rõ ràng cụ thể như đức Phật, họ chỉ dùng những danh từ thu thần nhập diệt suông, theo lối lừa đảo. Còn ngược lại, trong kinh Nguyên Thủy khi đức Phật thu thần nhập diệt tự tại sanh tử một cách rõ ràng và cụ thể như trong kinh Niết Bàn thuộc hệ thống Trường Bộ kinh trong tạng kinh Nikaya. Khi đức Phật nói lời di chúc cuối cùng, liền vào định Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, nhập đi nhập lại ba lần rồi Ngài nhập Tứ Thiền, ra Tứ Thiền, xả bỏ báo thân, nhập vào Niết Bàn.

Hành động nhập bốn thiền, nhập đi nhập lại ba lần đến Thiền Thứ Tư thì đức Phật xả bỏ báo thân một cách tự tại trong sanh tử rõ ràng và cụ thể, đó là lời di chúc không lời cuối cùng đối với người đời sau, cho nên không còn ai dám phỉ báng, bài bác Bốn Thánh Định của Phật giáo là mơ hồ trừu tượng dối gạt người như các loại thiền khác thường nói suông thu thần nhập diệt rất mơ hồ trừu tượng bằng những lời lẽ để lừa đảo Thầy Tổ của chúng ta, và bây giờ cả chúng ta nữa. Do tin những giáo thuyết này mà chúng ta tu chết người, tu căng mặt, căng mày, nặng đầu, tức ngực, đau lói bên hông và đôi khi bị rối loạn thần kinh sanh ra điên khùng, mất trí v.v..

Những Thầy Tổ xa xưa của chúng ta, tu hành giải thoát như thế nào? Chúng ta không thấy được, chỉ nghe thấy trong kinh sách nói lại mà thôi, còn những Thầy Tổ hiện tại trong thời của chúng ta, nên chúng ta đã trực tiếp nghe, thấy sự sống và chết của các Ngài rất rõ ràng như trên đã nói.

Thứ nhất, cuộc sống tu hành của các Ngài tâm tham, sân, si, mạn, nghi chưa hết, vì thế lòng sân không kém gì người thế tục.

Thứ hai, vị Hòa Thượng nào đến khi chết cũng bệnh tật chịu nhiều sự khổ đau nằm trên giường bệnh ít nhất cũng là sáu tháng còn không thì cũng đôi ba năm liệt giường, liệt chiếu bài tiết và ăn uống có một chỗ. Cuộc đời tu hành của Thầy Tổ chúng ta quá khổ đau như vậy.

Kính thưa các bậc Tôn Túc, quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử bốn phương.

Kính thưa quý vị! Đó là một bằng chứng hiển nhiên mà quý vị hãy kiểm chứng lại xem có phải đúng giáo pháp phát triển đã lừa đảo và giết chết Thầy Tổ của chúng ta, một cách khổ đau vô cùng tận không? Khi mà Thầy Tổ của chúng ta hết sức tin tưởng tu hành, với những pháp môn này không dám biếng trễ.

Gương tu hành, việc làm Phật sự của Thầy Tổ rất nhiệt tâm và cuối cùng sự sống chết của các Ngài như vậy, chúng ta đừng che giấu, mà hãy thành thật nói lên sự thật để người sau biết rõ giáo pháp phát triển là một thứ giáo pháp lừa đảo thật sự, tu hành chẳng đi về đâu được cả, chỉ vì danh, lợi mà người trước dối người sau, người sau dối người sau nữa và cứ như vậy trải qua trên hai mươi lăm thế kỷ nay Thầy Tổ của chúng ta chưa có ai làm chủ được sự sống chết như đức Phật, cũng chỉ vì tu sai lầm pháp môn của ngoại đạo, của tưởng giải, của các học giả.

Kính thưa quý vị! Hiện giờ quý vị là những bậc Thầy Tổ của Tăng Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử bốn phương. Qúi vị hãy xem lại thân tâm của mình, tuổi đạo trên bốn, năm chục năm và hiện giờ có vị đã bảy tám mươi tuổi đời, chức vụ làm Tăng Thống, Phó Tăng thống, Viện Chủ, Viện Trưởng, v.v.. đã làm chủ thân tâm được những gì trong bốn sự đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bịnh, chết.

Sanh, tức là đời sống, quý vị làm chủ được những gì? Có hết tham, sân, si chưa? Nếu bảo rằng hết tham, sao quý vị còn ăn uống phi thời, còn thích ở chùa to tháp lớn? Sao không sống thiểu dục tri túc, ba y một bát, đi xin ăn từng nhà, mặc y áo phấn tảo, vải bỏ của thiên hạ như đức Phật ngày xưa, như vậy mới gọi là hết tham.

Sân, tức là lòng căm giận, nếu bảo rằng quý vị hết sân thì điều này quý vị tự biết hơn ai hết, nhưng khi gặp chướng ngại pháp, sao quý vị lại đỏ mặt tía tai la hét dữ vậy.

Già, tức là cơ thể cằn cỗi, lụm cụm tay chân run rẩy và sức lực yếu đuối, da nhăn nheo, mặt gầy, nếu quý vị đã nhập vào tâm bất động hay định Nhị Thiền thì quý vị nhận rất rõ nhân quả vô thường không còn tác động làm sắc thân của quý vị yếu đuối, lụm cụm, run rẩy, đi đứng không vững vàng rất cụ thể và rõ ràng, còn chưa nhập được thì quý vị như người mù chẳng biết màu sắc ra sao cả, chỉ biết có một màu đen sâu thẳm như trong đêm tối.

Bệnh, tức là đau nhức của cơ thể, chắc chắn quý vị sẽ không thể tránh khỏi những khổ đau này và quý vị cũng không che giấu được ai cả, ngay bây giờ cơ thể của quý vị bệnh đau rề rề, nay bệnh này, mai bệnh khác, nay nhức chỗ này, mai đau chỗ kia. Hiện giờ, sắc thân của quý vị sống bằng thuốc thang, bằng gạo lứt muối mè, bằng nhịn ăn tiết thực, lúc nào cũng chích thuốc và châm cứu, bấm huyệt, cạo gió, tập thể thao, dưỡng sinh và tập luyện thiền yoga. Nhất là cố gắng ăn nhiều bữa để cơ thể có đủ chất dinh dưỡng, ngõ hầu sống thêm được ngày nào tốt ngày nấy. Thật sự, tu hành như vậy là hèn nhát, không xứng đáng là đệ tử của đức Phật.

Chết, tức là cơ thể không còn hoạt động, không còn thở, nếu quý vị không nhập được Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở thì khó mà quý vị làm chủ được sự sống chết này.

Kính thưa quý vị! Quý vị đã từng theo giáo pháp phát triển tu tập, quý vị đã làm chủ được một trong bốn sự đau khổ trên đây chưa?

Nếu chưa làm chủ được một trong bốn sự đau khổ này, thì quý vị phải sáng suốt, đừng vì một lý do nào cả, mà hãy vì mọi người trên hành tinh này mà vạch trần sự thật để cho mọi người khỏi tốn công, tốn sức, tốn của cải tài sản, tốn công lao tu tập, tốn tiền bạc in kinh sách phát triển, nó chẳng ích lợi gì cho đời mà còn có hại cho con người, vì giáo pháp này dạy cầu tha lực, do đó tu sĩ không còn sức tự lực, lúc nào cũng cầu cạnh, van xin cúng tế, v.v.. Kinh sách phát triển lừa đảo con người bằng mọi hình thức trừu tượng, mê tín, huyễn thuật, dị đoan, chỉ có tín đồ Phật giáo phải gánh chịu mọi sự khổ đau này.

Chúng tôi tin chắc rằng, quý vị tu theo giáo pháp phát triển không bao giờ làm chủ được bốn sự đau khổ này, mà chính quý vị không đủ can đảm nói thật ra mà thôi, nhưng chính không đủ can đảm nói thật ra thì quý vị đã tự làm khổ mình và còn làm khổ bao nhiêu người khác nữa, không những làm khổ mình, khổ người khác mà còn giết chết Phật giáo, giết chết nền đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật. Dù quý vị cố giữ bí mật không nói ra, nhưng sự sống của quý vị phá giới, phạm giới là một chứng minh hùng hồn là quý vị chưa làm chủ sự sống, chưa làm chủ được sự sống thì chứng tỏ quý vị không thể nào làm chủ được sự chết, bằng chứng cụ thể là khi quý vị chết, chết trong bệnh tật trong đau khổ. Đó là những hiện tượng mà quý vị không làm sao che giấu được tín đồ và những người khác.

Chúng tôi biết rất rõ, quý vị thuyết giảng rất hay, nhưng lời nói không đi đôi với tâm giải thoát của quý vị, vì thế quý vị nên tự xét, đừng bắt chước Thầy Tổ của chúng ta nói một điều không thật, nói một điều mà làm một ngả không nhất quán.

Giáo pháp phát triển, dù quý vị có tu trăm muôn ngàn kiếp thì quý vị cũng chẳng bao giờ làm chủ bốn sự đau khổ này được, chỉ uổng công mà thôi, vì nó là giáo pháp thuộc về hý luận, chứ không phải giáo pháp để tu hành giải thoát “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Đó là lời nói trừu tượng, không xác quyết, có là có, không là không. Hiện giờ, có là nói có, lát nữa không thì nói không, thời gian có hiện tại, quá khứ và vị lai rõ ràng, thời gian nào là nói theo thời gian nấy, dù là một sát na (nháy mắt) chứ đâu nói, có là không, không là có, đó là một sự lừa đảo lường gạt người, theo hý luận của Ngài Long Thọ, trườn uốn như con lươn.

Kính thưa quý vị! Hôm nay tập 2 Văn Hoá Phật giáo Đường Về Xứ Phật ra đời chúng tôi thành tâm kêu gọi quý vị Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ Phật tử bốn phương. Hãy mạnh dạn đứng lên, nói sự thật về các loại kinh sách này như Thiền Sư Thường Chiếu, Hòa Thượng Minh Châu, cư sĩ Trùng Quang và một vị sử gia Phật giáo Thái Lan tên là Thitanàna Thero biên soạn cuốn Phật giáo Sử do Sư Giác Nguyên dịch ra Việt ngữ, v.v..

Những lời nói của các vị là vạch trần những điều tội lỗi, của kinh sách phát triển mà lịch sử đã còn ghi lại nhiều thủ đoạn gian ác của Bà La Môn giáo và của những người vì danh, vì lợi đã nỡ tâm muốn diệt Phật giáo, diệt một nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người mà chính Phật giáo mới có. Một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người, có lợi ích cho con người trên hành tinh này rất lớn.

Vì thế, chúng tôi kêu gọi quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử bốn phương. Hãy vì sự trường tồn của Phật giáo và nền đạo đức nhân bản – nhân quả của con người trên hành tinh này, quý vị hãy nói sự thật và cùng với chúng tôi dựng lại những gì của Phật giáo đã bị kinh sách phát triển ném bỏ từ lâu. Vì Phật giáo, vì loài người chúng ta hãy đứng lên, chung lưng đấu cật, quyết tâm quét sạch những tà giáo ngoại đạo đang mượn danh Phật giáo, đang làm những việc mê tín, lừa đảo, lường gạt mọi người, tiền mất tật mang mà chẳng có ích lợi gì cho ai cả, chỉ làm giàu cho bọn tà sư đội lốt Phật giáo.

Hỡi quý Hòa Thượng, Thượng Tọa Đại Đức, Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử bốn phương. Hãy nhận định sáng suốt đâu là chánh pháp của đạo Phật, đâu là tà pháp của ngoại đạo, mạnh tay dẹp bỏ những hý luận của Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, v.v..

Những hý luận này chẳng ích lợi gì cho người tu, nó chỉ để cho những người kiêu căng, tự đắc lạm dụng, để hý luận làm trò tranh luận hơn thua, với những người còn tham danh đắm lợi ở thế gian (Lối lý luận trừu tượng, nhưng không tu hành được, đó là đại vọng ngữ lừa đảo của các vị Tổ Sư này). Tổ Sư Tử chịu chết một cách rất oan uổng, cũng vì những luận này “Ngũ uẩn giai không”.

Kính thưa các bậc Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử bốn phương!

Nếu quý vị cứ theo vết chân của các vị Tổ Sư này, thì tất cả tu sĩ của Phật giáo sẽ chạy theo danh và lợi của thế gian thì đức hạnh làm Người, làm Thánh sẽ không còn nữa và như vậy muôn đời Phật giáo chỉ là tấm bia để cho người đời phỉ báng mà thôi.

Kính thưa quý vị! Người ta đã châm biếm Phật giáo quá nhiều, khiến cho những tu sĩ thế hệ trẻ mặc cảm với chiếc áo tu sĩ Phật giáo, rất đáng thương… Nếu quý vị không thẳng thừng, quét sạch những tà giáo ngoại đạo đang ẩn núp trong Phật giáo, để làm tốt lại Phật giáo mà cứ theo lối mòn của các Tổ, thì chắc chắn Phật giáo sẽ bị diệt vong.

Kính thưa quý vị! Khi đọc bộ sách 10 tập Văn Hoá Phật giáo Đường Về Xứ Phật xong, quý vị hãy bình tâm mà suy ngẫm những lời nói của chúng tôi, có đúng hay là sai, các Tổ có phải là những người đáng cho chúng ta tin tưởng, đầu đội vai mang hay không?

Theo chúng tôi thiết nghĩ, đức Phật là một con người hoàn hảo, Ngài biết những lời nào Ngài dạy cho chúng ta là vừa đủ, để con người không làm khổ mình, khổ người nữa, lời nói của Ngài không thừa không thiếu. Một hôm, Ngài nắm trong tay một nắm lá cây và hỏi chúng Tỳ kheo: “Nắm lá cây trong tay Ta, có nhiều bằng rừng lá cây hay không?

Chúng Tỳ kheo trả lời: “Bạch Thế Tôn! nắm lá cây trong tay của Thế Tôn quá ít so với rừng lá cây quá nhiều”.

Đức Phật nói tiếp: “Pháp Ta chứng như rừng lá cây, nhưng Ta dạy các ngươi tu tập như nắm lá cây trong tay”. Tại sao vậy?

“Vì sự hiểu biết của các người có giới hạn, nên Ta dạy những điều cần thiết vừa đủ để các người đạt đến mục đích giải thoát sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi”.

Bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ chúng sanh, đức Phật đã trang bị cho chúng ta vừa đủ những pháp hành để tu tập đi đến giải thoát, cho nên những gì lý luận cao siêu thì đức Phật cho đó là tưởng tri, hý luận để làm giàu cho sự tranh luận hơn thua, không nhằm mục đích giải thoát. Những điều đó, không ích lợi cho mình cho người, mà còn sanh oán thù và làm mất thì giờ vô ích, thế mà người sau muốn triển khai cái rừng lá cây của đức Phật đã chứng, như Tổ Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, v.v..Vì thế, đẻ ra triết lý Chân Không, mục đích của Long Thọ là đập phá luôn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo của đạo Phật để giáo pháp Bát Nhã Ba La Mật của mình, một triết lý ảo tưởng để trở thành một chân lý duy nhất, không còn một chân lý nào hơn được, vì thế Thầy Tổ của chúng ta quá phục lăn chân lý ấy, nên xúm nhau triển khai trí tuệ Bát Nhã “Chân Không”. Từ triết lý Chân Không, sản xuất ra Thiền Tông, khiến cho người đệ tử Trung Hoa đầu tiên của giáo phái này, bị tàn tật cụt một cánh tay, vì cầu pháp và chết một cách oan uổng, đó là cái thấy tưởng tri của các Tổ đã giết người, chứ không phải là liễu tri để cứu người. Từ đây, nó mang đến những tai hại cho con người biết dường nào, bao nhiêu tu sĩ hủy hoại một phần cơ thể để cầu pháp Chân Không như trong kinh Pháp Hoa đã dạy: “Lấy toàn thân hoặc hủy hoại một phần cơ thể để cúng dường chư Phật cầu pháp”. Còn cái thấy của đức Phật thì không giống như cái thấy của các Tổ, cái thấy không tưởng tri, cái thấy không vọng ngữ nói láo, không dựng lên cái không có mà thành có như các Tổ: “Này các Tỳ Kheo cái gì trong toàn thế giới… được thấy …được ý tư duy và quan sát, Ta được rõ biết như sau: “Tất cả đều được Như Lai biết đến, Như Lai không có dựng đứng lên cái mới”. Lời xác định này của đức Phật rất rõ ràng, đức Phật không có dựng lên một cái gì kì đặc mới mẻ. Đọc kinh sách phát triển, chúng ta thấy các Tổ thường hay dựng lên những pháp môn mới lạ ngoài sự hiểu biết của trí hữu hạn của con người, nên thành ra pháp tưởng, mà pháp tưởng là pháp không có thật.

Chúng ta hãy nghe tiếp đức Phật nói: “Này các Tỳ kheo, nếu Ta nói rằng: “Ta biết tất cả, cái gì trong toàn thế giới… được thấy … được ý tư duy và quan sát”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Nếu Ta nói như sau: “Ta nói cả hai, biết và không biết”.Như vậy là có nói láo trong ta. Nếu Ta nói như sau: “Ta không biết và cũng không phải không biết”. Như vậy là có nói láo trong Ta. Và như vậy là có lỗi trong Ta”.[1]

Lời dạy trên đây của đức Phật đã xác định những kinh sách luận của các Tổ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” là nói láo lừa đảo tín đồ. Cho nên, kinh sách của đức Phật, không có lý luận cao siêu ngoài sức hiểu biết của con người. Kinh sách của đức Phật, không có bài kinh nào dạy trừu tượng, mơ hồ như lý luận của các Tổ.

Chúng ta hãy đọc tiếp bài kinh Kàlaka: “Này các Tỳ kheo, Như Lai là vị đã thấy những cái gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thấy, không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy. Đã nghe những cái gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những cái gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe. Đã cảm giác những gì cần cảm giác, nhưng không có tưởng tượng điều đã được cảm giác, không có tưởng tượng những cái gì không được cảm giác, không có tưởng tượng những gì cần phải cảm giác, không có tưởng tượng đối với người cảm giác. Đã thức tri những cái gì cần thức tri, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì cần phải thức tri, không có tưởng tượng đối với người thức tri. Như vậy này các Tỳ kheo, Như Lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, nên vị ấy là như vậy. Lại nữa hơn người là như vậy, không có ai khác tối thượng hơn và thù thắng hơn, Ta tuyên bố như vậy”.

Bài kinh này, đức Phật đã xác định rõ ràng những gì đức Phật dạy, đều là thực tế, cụ thể không có tưởng tượng, còn kinh sách phát triển, đều dạy tưởng tượng quá nhiều, cho nên người ta gọi kinh sách phát triển là kinh tưởng. Luận của các Tổ đều nằm trong trong tưởng tượng mà ra. Trong bài kinh Kàlaka đức Phật chỉ rõ cho chúng ta thấy kinh tưởng là kinh nói láo, nên Thầy Tổ của chúng ta tu hành hết sức mà chẳng được những gì, toàn là thứ ảo giác.

Tổ Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, v.v.. các Ngài là cha đẻ của những chân lý tưởng, nên chân lý của các Ngài siêu tưởng và chân lý ấy sẽ áp dụng vào thế giới tưởng thì rất phù hợp, còn ở cảnh thế gian của loài người thì nó là một chân lý ngụy, lừa đảo mà đức Phật bảo là “nói láo”.

Theo chúng tôi nghĩ, con người trên hành tinh này chỉ có một chân lý không thể có hai ba chân lý mà được, cho nên chân lý của đạo Phật đưa ra khổ, tập, diệt, đạo mà mọi người trên hành tinh này, đều công nhận là đúng, mà đúng thật như vậy, cho nên nó không còn có một chân lý thứ hai nào được xen vào cái thế giới của loài người này được nữa.

Do hý luận của Ngài Long Thọ lừa đảo thiên hạ, khiến cho tín đồ Phật giáo quên đi nguồn gốc Nguyên Thủy của đạo Phật, đánh mất một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, không làm khổ mình, khổ người. Thật là quá uổng!

Cuối cùng, những tín đồ Phật giáo chạy theo miệng lưỡi của Long Thọ, chẳng có người nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết được, thường chết trong bệnh tật đau khổ để cho tín đồ mục kích thấy được “Chân Không” của Long Thọ, nó không có không đâu? Mà còn phải trải qua nhiều đời kiếp thọ tội vọng ngữ tưởng tri Chân Không, vì tội lừa đảo, đã giết biết bao nhiêu tín đồ Phật giáo từ khi có Chân Không của Long Thọ ra đời.

Cho nên, Thầy Tổ của chúng ta sống theo danh lợi, thường phạm giới phá giới, bẻ vụn giới. Có ai chỉ trích lỗi thì dùng ngôn ngữ của Long Thọ che đậy, bưng bít để tự tại sống theo dục lạc thế gian mà không ai phê phán được. Ông Long Thọ là một người diệt đạo Phật đệ nhất, hơn các vị Tổ Sư khác, còn Thầy Tổ của chúng ta chỉ là những người bắt chước, vô tình nối giáo cho Long Thọ diệt Phật giáo mà thôi. Người xưa nói sao thì Thầy Tổ của chúng ta nói vậy, thậm chí còn không dám nói sai lời của các ông ấy, và cũng không bao giờ dám nói xúc phạm với những con người độc ác này, Thầy Tổ của chúng ta xem các vị Tổ Sư này còn hơn là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Có người bảo rằng: “Một tôn giáo được hoàn chỉnh đều phải nhờ vào các tông đồ”. Điều này đúng, nhưng đúng với các tôn giáo khác như: Thiên Chúa, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo v.v.. còn không đúng với Phật giáo. Tại sao vậy?

Vì các tôn giáo khác, người sáng lập ra tôn giáo đó, chưa phải là người hoàn chỉnh, nên phải nhờ đến những đệ tử ưu tú của mình, sau này mới hoàn chỉnh giáo pháp như: Khổng Giáo, Lão Giáo, Thiên Chúa Giáo như trên đã nói v.v.. đều phải nhờ vào các tông đồ thêm bớt mới hoàn chỉnh được Thánh kinh, còn ngược lại Phật giáo, nếu có vị Tổ Sư nào, dám cả gan chỉnh đốn giáo lý của đạo Phật thì sẽ liền biến thành một tôn giáo mới, một tôn giáo ngoại đạo mang bản chất vay mượn tà giáo, bằng chứng chúng ta đã thấy Tổ Long Thọ, Tổ Bồ Đề Đạt Ma và còn nhiều vị Tổ khác nữa đã biến Phật giáo thành một thứ tà giáo ngoại đạo khác biệt với Phật giáo Nguyên Thủy. Cho nên, giáo lý của các Tổ là giáo lý vay mượn của Bà La Môn Giáo thuộc hệ thống kinh Vệ Đà. Vì thế, các Tổ không phải là người hoàn chỉnh Phật giáo mà là phá hoại Phật giáo, đưa Phật giáo đi đến suy thoái và biến tu sĩ Phật giáo thành trùng trong lông sư tử, và thứ loại vi trùng độc này, đã giết Phật giáo chết. Chính hiện giờ, những tu sĩ Phật giáo phạm giới, phá giới này là những loại vi trùng độc của đạo Phật, cho nên Phật giáo hiện giờ đã chết thật, chết vì những loại vi trùng này.

Kính thưa quý vị! Chúng tôi hy vọng rằng, quý vị là những người có tâm huyết với Phật giáo, có cái nhìn thấu suốt, đâu là chánh pháp của Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo. Như chúng tôi đã nói ở trên, đức Phật là một con người hoàn chỉnh, do sự tu hành đạo đức nhân bản - nhân quả (tâm không phóng dật), Ngài đã chứng được trí tuệ siêu việt, Ngài biết sử dụng trí tuệ ấy, để dạy con người trên hành tinh này, với một giáo pháp vừa đủ, không thiếu mà cũng không thừa, để con người lấy đó làm thầy, làm chỗ nương tựa, vững chắc tu hành sau này.

Nếu giáo pháp của Ngài, còn thiếu mà các Tổ sau này bổ sung thêm, thì Ngài đâu dám di chúc: “Này các Tỳ Kheo, khi Ta diệt độ, các Thầy hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành”. Cho nên, người đời sau không biết, lấy các Tổ làm Thầy (33 vị Tổ Sư Thiền Tông Ấn Độ và Trung Hoa), đó là làm sai với lời di chúc của đức Phật. Họ cứ dựa theo lời của các Tổ mà tu hành thành ra phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, vì thế tâm không ly dục, ly ác pháp nên phần nhiều nhập vào các loại định tưởng, thuộc về thiền định của ngoại đạo, cho nên, tu sĩ Phật giáo tu mãi mà chẳng ra gì, thiền định nhập mãi cũng không được, mà đức hạnh cũng không có, chỉ có giỏi thuyết giảng bằng miệng lưỡi lừa đảo, nói láo, lường gạt thiên hạ, khiến cho những người tu sĩ tu hành dỡ sống dỡ chết mà thôi.

Bởi, giáo pháp của đức Phật là một giáo pháp hoàn chỉnh cho Trời, Người tu hành, cho nên kẻ nào dám thay đổi hoặc thêm bớt, đó là kẻ loạn tưởng điên khùng, muốn làm hơn đức Phật, để rồi trở thành Ma vương, Ác quỷ, v.v..

Vậy mà, đời sau này lại có kẻ háo danh, dám làm điều này và đã đưa toàn bộ tín đồ Phật giáo đi vào đường cùng, ngõ cụt. Cho nên, bằng chứng hiện giờ tín đồ Phật giáo không ai tu hành nghiêm trì giới luật, nhập được Tứ Thánh Định, thực hiện được Tam Minh, làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Kính thưa Các bậc Tôn Túc, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử trong nước Việt Nam nói riêng và tất cả các nước trên thế giới nói chung. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi quý vị: vì tiền đồ Phật giáo, vì con người trên hành tinh này, đang cần phải có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người mà chính đạo Phật mới có nền đạo đức ấy. Chúng tôi chỉ mong quý vị cùng với chúng tôi, đứng lên đập tan và quét sạch những giáo pháp trừu tượng, ảo giác, mê tín, dị đoan và những hý luận mơ hồ vô ích của các nhà học giả Phật giáo khắp nơi trên thế giới, đang trộn lẫn trong giáo pháp của đức Phật. Chúng ta hãy thanh lọc lại những gì của đạo Phật thì hãy trả về cho đạo Phật, còn những gì không phải của đạo Phật thì hãy quét sạch, đốt sạch, đừng để những thứ rác bẩn này trong giáo lý của đạo Phật mà làm ô nhiễm Phật giáo. Từ bao thế kỷ nay, Thầy Tổ của chúng ta đã bị những loại kinh sách ô nhiễm này mà sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, thậm chí đến giới đức làm người mà còn không biết huống là giới đức làm Thánh. Người tu sĩ Phật giáo sống và dạy theo đạo đức của Nho Giáo như Thiền Sư Vạn Hạnh Việt Nam và các Thiền Sư Trung Hoa (trong tập Thiền Lâm Bảo Huấn) thường lấy Nho Giáo làm đạo đức của Phật giáo thì chúng ta có thấy nhục nhã, xấu hổ không? Vậy mà, có kẻ hãnh diện “Vạn Hạnh dung tam tế”. Trong lúc đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả tuyệt vời, không có một tôn giáo nào, có một nền đạo đức như vậy hơn được.

Kính thưa quý vị Tôn Túc Trưởng Lão! Ngưỡng mong quý vị đừng vì một lý do gì mà bỏ qua hay cố tình tránh né, hoặc làm lơ qua để cho ngôi nhà Phật giáo như một bệnh truyền nhiễm lây lan khắp mọi nơi, trong khi quý vị có đầy đủ khả năng và thế lực, quét sạch những tà giáo ngoại đạo này và chấn hưng lại Phật giáo Việt Nam tốt đẹp như thời đức Phật còn tại thế. Trong khi đó, quý vị có đầy đủ tài liệu giáo pháp chính gốc của đức Phật, mà quý vị còn chần chờ gì nữa?

Cuối cùng, chúng tôi xin thành tâm chúc sức khỏe của quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử bốn phương được dồi dào sức khỏe, thân ái chào quý vị.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày 1 - 6 – 2000




[1]Bài kinh số 24 Kàlaka trong kinh Tăng Chi Bộ trang 594

BỨC TÂM THƯ

Chơn Như ngày 09 tháng 10 năm 2004.

Kính gửi: Huệ Ân, Chơn Thành, Thanh Quang, Từ Quang, Tâm Đức, Từ Đức, Tâm Nhẫn, Đức Thông (Hiến), Liễu Huệ, Minh Đức, Liễu Đạo, các cụ và các bác.

Trong những ngày gặp gỡ Phật tử ở Hà Nội Thầy rất bồi hồi và lo lắng thân tứ đại của các bác, các cụ đã báo động thời gian còn lại không bao lâu nữa. Rồi đây kẻ ở người đi và đi mãi mãi, nhưng đi về đâu các bác, các cụ có biết không?

Huệ Ân, Chơn Thành, Thanh Quang, Từ Quang, Tâm Đức, Từ Đức, Tâm Nhẫn, Đức Thông, Liễu Huệ, Minh Đức, Liễu Đạo, các cụ và các bác, các con còn nhớ lời Thầy dạy chăng?

Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là nơi các con về khi bỏ thân tứ đại này. Nơi đó mãi mãi không còn tái sinh luân hồi nữa; nơi đó không còn khổ đau các con ạ! Nơi đó là nơi chư Phật ba đời đều an trú.

Trước kia trong những ngày ra Bắc Thầy gặp các con trong chiếc thân tứ đại, nhưng hôm nay và ngày mai sẽ gặp các con trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, các con có biết không? Nếu các con giữ gìn được trạng thái ấy, bằng không thì Thầy trò khó mà gặp nhau các con ạ!

Muốn giữ được tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một việc làm đâu phải dễ, nếu không ngay từ bây giờ, lúc thân tứ đại còn khỏe mạnh, còn sức lực mà không tu tập thì đến khi thân tứ đại già nua, mỏi mòn, yếu đuối thì tu tập và rèn luyện tâm thanh thản an lạc và vô sự làm sao được nữa.

Nghiệp lực tác động rất mạnh khi nó đến thăm các con, lúc bây giờ các con không còn sức chịu đựng, tinh thần không sáng suốt, nhiều khi nó làm cho các con hôn mê không còn biết gì cả, sống mà như chết. Giờ phút ấy các con còn gì nữa hỡi các con!? “Nghiệp tương ưng luân hồi” hết mộtkiếp người rồi mãi mãi… Ôi! Một sự luân hồi đầy khổ đau, nào ai biết phải không các con?

Các con cứ hình dung tưởng tượng từ khi chết đến khi tái sinh nằm trong bụng mẹ là một chuỗi dài khổ đau vô cùng, vô tận của kiếp người. Chết thì trăn trở rã rời cơ thể, đau nhức, mệt nhọc… Sinh thì nằm co trong bụng mẹ ngâm mình trong chất nhơ bẩn, uế trược, chật chội, cựa quậy khó khăn vô cùng. Đó là một cuộc tái sinh luân hồi khổ như vậy, thế mà mọi người nào ai có biết sự khổ đau này các con ạ!

Muốn chấm dứt tái sanh luân hồi thì ngay từ bây giờ các con phải siêng năng tận lực tu tập rèn luyện trước “các chướng ngại pháp vui cũng như buồn đều phải buông xuống cả”. Buông xuống như thế nào đây?

Buông xuống bằng pháp hướng tâm, phải theo pháp hướng tâm như lý tác ý mà buông xuống: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, các pháp thế gian là pháp sinh diệt, là pháp khổ đau phải chấm dứt ngay liền”. Khi tác ý như vậy xong thì con nên tác ý tiếp để dẫn thân, tâm vào chỗ không đau khổ, nếu tâm đang bị chướng ngại thì các con nên tác ý câu này: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi im lặng hít thở vô thở ra năm lần rồi lại tác ý như trước. Nếu thân các con bị bệnh đau thì con nên tác ý câu này: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” rồi im lặng hít vô thở ra năm lần rồi lại tác ý như trước.

Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là pháp duy nhất để đối trị mọi nghiệp chướng đang vây quanh các con.

Từ Quang, Từ Đức, Tâm Nhẫn, Đức Thông, các cụ và các bác, các con hãy nhớ khi thân các con còn mạnh khỏe hay lúc đau ốm thì phải siêng năng tu tập đừng bỏ qua một thời gian nào, dù là một phút, một giây, một sát na ngắn ngủi, vì thời gian tuổi đời của các con còn lại rất quý:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Hãy giao mọi việc cho các con, các cháu, chúng nó đều trưởng thành, trở nên người gánh vác mọi việc tốt đẹp. Còn phần các con là hãy tự lo cho mình, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy cứu mình, vì thời gian còn lại quá ít.

Những thời gian còn lại chỉ đủ để các con luyện tập chuẩn bị cho mình có đầy đủ nội lực khi giặc sinh tử đến thăm.

Khi luyện tập và giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì nó có một nội lực rất mạnh, một sức đề kháng kinh khủng, nó sẽ giúp cho các con đẩy lùi mọi chướng ngại pháp như: bệnh tật, phiền não, tai nạn, lo rầu, thương ghét, giận hờn v.v.. nó còn giúp cho các con giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Khi nghiệp đến với các con thì chỉ cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, tất cả các pháp đều vô thường hãy đi đi! Không được ở trong thân tâm ta nữa”. Tác ý như vậy phải bền chí, phải kiên cường, phải gan dạ, đầy đủ nghị lực chiến đấu đôi khi chỉ cần tác ý ba bốn lần thì chúng sẽ không còn tác động vào thân tâm các con được nữa, nhưng các con phải nhớ kỹ khi muốn đẩy lùi các chướng ngại pháp thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, vì giới luật là thiện pháp, chúng sẽ chuyển tất cả nghiệp báo khổ đau nhiều đời của các con. Trong khi đó để trợ lực với giới luật thì dùng pháp như lý tác ý, các con sẽ đẩy lùi tất cả chướng ngại pháp và không còn một ác pháp nào tác động vào thân tâm các con được.

Trước lúc từ giã cõi đời này chỉ có pháp môn này giúp các con thoát khổ và chấm dứt luân hồi sinh tử mà đức Phật thương xót chúng sanh để lại cho chúng ta ngày nay: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sanh thì không sanh, lậu hoặc đã sanh thì đoạn diệt”.

Một pháp bảo quý báu vô giá không có vàng bạc, châu ngọc, kim cương đem so sánh được, các con nhớ kỹ.

Các con hãy nhớ ôm chặt pháp như ôm phao qua biển, để vượt sóng gió ba đào của kiếp làm người, để đến bờ bên kia. Buông pháp là buông phao các con sẽ chìm xuống đáy biển sanh tử luân hồi mãi mãi muôn đời, muôn kiếp. Từ đây Thầy trò không còn gặp nhau mãi mãi các con ạ!

Thăm và chúc các con mạnh khỏe tu tập xả tâm tốt, luôn luôn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, chúc các con thành công vĩ đại.

Kính thư,

Thầy của các con

LÒNG THƯƠNG VÔ BỜ BẾN CỦA MỘT VỊ THẦY

Câu hỏi của Hải Tâm (cô Mười)

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con không có tài, cũng chưa có đức độ bao nhiêu. Nếu được Thầy chấp nhận cho ở lại tu học thì con cũng cố gắng nghe và thực hành theo sự chỉ dẫn của Thầy cho đến tận cùng đường tu, dù có cực khổ, gian nan, đói khát con cũng không hề than thở.

Đáp: Thầy hoan hỷ và rất xúc động, khi nghe con nói lời thiết tha đầy nhiệt huyết tu hành, thì làm sao không chấp nhận. Con đã có quyết tâm, có bền chí tu tập đến nơi đến chốn, không bỏ cuộc giữa đường tu thì nhất định không bao giờ bỏ con bơ vơ trên đường tu tập, mà phải hướng dẫn tận cùng đến nơi đến chốn, để có đủ tài, đủ đức, để hoàn thành được con đường giải thoát, nhất là nói lên tiếng nói chân thật của đạo Phật và cũng là chấn hưng Phật Pháp mà từ xa xưa đã bị Bà La Môn Giáo dìm mất chân pháp của đức Phật. Trừ ra, con nhận thấy con đường tu theo đạo Phật xả tâm quá khó khăn và sống một đời sống thiểu dục tri túc khiến cho con không thoái mái dễ chịu được, cũng như rèn luyện đức hạnh làm người không làm khổ mình, khổ người thì các con cảm thấy như mình chịu thiệt thòi nhất, trong cuộc sống thường tình của thế gian, các con phải chịu kham nhẫn mọi mặt và mọi người luôn luôn chà đạp giày xéo lên tâm hồn của các con mà các con không bao giờ có ăn thua đủ với ai cả, vì đó là những Thánh hạnh của những bậc vĩ đại thoát ra khỏi cuộc đời thế tục thường tình. Cho nên, các con có thể bỏ cuộc thì Thầy cũng chẳng biết làm sao hơn chỉ biết nhìn theo bước chân, nhưng rất thương tâm không biết cách nào để cứu và lôi các con ra khỏi những tư tưởng vô minh đen tối của những kẻ phàm phu tục tử chỉ biết tự ái và danh dự hão của thế gian, vì bao đời tư tưởng vô minh này đã giết loài người chết trong đau khổ, chết trong ác pháp. Người ta luôn luôn dại dột sống với bản ngã anh hùng, sống với mặc cảm, với tự ái, với bản tính anh hùng. Anh hùng, mặc cảm, tự ái đối với đạo Phật, nó là chướng ngại pháp, là ác pháp, là pháp làm khổ người, khổ mình. Người đời cho nó là danh dự phải bảo vệ, phải ăn thua đủ còn đối với đạo Phật cho nó là chướng ngại pháp, là địa ngục.

Trải qua một thời gian tu tập khá dài mà không thấy có thần thông chút nào cả, chỉ sống trong những ngày cô đơn buồn tẻ và có nhiều sự tức tối, buồn phiền, cho nên các con ngã lòng tìm cầu một pháp môn khác thì Thầy cũng đành bó tay trước nghiệp duyên của các con mà thôi, chỉ vì các con không đủ niềm tin với Chánh pháp của đức Phật nên đành phải rẽ sang đường khác, như huynh đệ của các con, thì Thầy cũng đành nhìn theo bóng dáng của những người đệ tử thân thương của mình, dù một ngày các con về đây tu học, nhưng tình Thầy trò không bao giờ phai mờ. Rồi đây dòng đời sẽ dẫn dắt các con đi vào con đường mờ mịt của kiếp người đầy gian truân và cay đắng.

Gần hai mươi sáu năm từ 1980-2005, Thầy bỏ ra công lao, biết là bao nhiêu, kể sao cho hết, để hướng dẫn đào tạo một số người có giới đức làm Người, làm Thánh, nghiêm chỉnh nhất là áp dụng phương pháp độc cư để cho mọi người phòng hộ sáu căn, thúc liễm thân tâm, lìa xa các chướng ngại pháp, để thực hiện tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ tức là để tâm hoàn toàn ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, nhưng mọi người chịu ảnh hưởng của kinh sách phát triển nên tu tập cứ ức chế tâm, không nghe lời Thầy dạy sống độc cư, cứ hết giờ ngồi thiền ức chế tâm thì lại tìm gặp nhau để nói chuyện; có người bảo là đã nhập được Tam Thiền, Tứ Thiền; có người bảo là đã nhập định vong thân; có người bảo là đã có thần thông bay lên hư không; có người bảo là tịnh chỉ hơi thở; có người bảo là không còn nghe âm thanh v.v.. nhưng tất cả các con đều lén lút Thầy phá hạnh độc cư, tìm cách nói chuyện với nhau. Cuối cùng có một người đệ tử thẳng thừng không chấp nhận hạnh độc cư của Thầy, xin Thầy cho phép tiếp chuyện với vợ con và bạn bè, chỉ một thời gian ngắn tu chứng thần thông sẽ dạy lại Thầy.

Bởi vậy, thời sau này con người tu hành chưa ra gì mà muốn hơn Phật như các Tổ Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, rồi bây giờ các đệ tử của Thầy cũng vậy, họ muốn tu tập hơn thầy, chỉ vì Thầy không có thể hiện thần thông, trong lúc họ là những người đang cần thần thông. Người tu sĩ đạo Phật mà ham mê thần thông là đi ngược lại đạo Phật.

Những người tu hành theo đạo Phật phá hạnh độc cư mà muốn chứng đạo thì cũng như lấy cát nấu cơm, làm sao mà thành cơm được.

Số đệ tử của Thầy không ngờ đến giờ phút cuối cùng thì Thầy bắt buộc họ phải sống độc cư trọn vẹn một trăm phần trăm thì họ lại bẻ ngang phá độc cư rồi bỏ cuộc tu hành. Họ đâu ngờ Thầy khép chặt họ vào hạnh độc cư cốt để họ xả tâm cho rốt ráo, hoàn toàn ly dục ly ác pháp để họ nhập được thiền đầu tiên của đạo Phật, đó là “Sơ Thiền” hay nói một cách khác là giúp cho họ nhập được Bất Động Tâm Định để họ làm chủ được đời sống, nhưng họ lại không chấp nhận hạnh độc cư, họ còn bảo rằng: “đức Phật không có dạy độc cư, đức Phật đã phá chấp hạnh độc cư, vì trước kia đức Phật đã tu theo pháp độc cư của ngoại đạo, khi thấy một bóng dáng người thì đức Phật đã chạy trốn mất không để ai gặp mình cả, do sự độc cư như vậy đức Phật không tìm thấy sự giải thoát nên Ngài bỏ độc cư theo kiểu đó”.

Đệ tử của Thầy không hiểu sự độc cư là phòng hộ sáu căn nên họ lấy bài kinh Sư Tử Hống trong kinh tạng Pali này mà chống lại Thầy. Họ đâu biết rằng độc cư của đạo Phật là giữ gìn tâm không phóng dật, vì vậy độc cư của đạo Phật là phòng hộ sáu căn, là pháp xả tâm, ly dục ly ác pháp, độc cư của đạo Phật là cấm nói chuyện phiếm, chuyện vô ích, độc cư của đạo Phật còn có nghĩa là tránh xa sự ồn náo, sự ham vui của thế tục. Những người còn ham vui còn thích hội họp nói chuyện thì đi tu theo đạo Phật chỉ mất thì giờ vô ích, vì những người này không bao giờ xả tâm được. Đạo Phật vốn xả tâm và chướng ngại pháp mà thành tựu đạo giải thoát. Hạnh độc cư là bí quyết xả tâm, nhờ có xả tâm nên mới có thiền định.

Tất cả đệ tử của Thầy không tin hạnh độc cư, vì vậy Thầy phải đem 42 bài kệ dạy độc cư của đức Phật ra chứng minh và rất nhiều bài kinh khác nữa của Phật dạy về độc cư trong kinh Nguyên Thủy Nikaya, thế mà họ vẫn không tin. Thầy Minh Tông còn thách thức với Thầy: “Xin Thầy cho con tiếp vợ con và bạn bè, con sẽ thực hiện tu chứng giải thoát bằng một con đường khác không cần hạnh độc cư và thể hiện thần thông cho Thầy xem như trên đã nói”.

Phần đông số đệ tử của Thầy không tin pháp của Thầy dạy tức là không tin pháp của Phật dạy, họ là những người muốn hơn Phật, muốn đưa ra một đường lối tu tập mới, nhưng cuối cùng cũng giống như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh v.v.. chỉ có giỏi lý luận ngôn ngữ mà thôi.

Thầy cũng để nhìn xem những người đệ tử muốn hơn Phật, hơn Thầy sẽ làm được những gì lợi ích cho bản thân của họ.

Nếu quyết tâm tìm cầu con đường giải thoát sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi thì con nên bền chí mà tu tập pháp hướng tâm “Như lý tác ý”, pháp này phải bền chí lắm mới có hiệu quả. Hằng ngày phải cố gắng buông xả các chướng ngại pháp trong tâm, khi các pháp này thường hiện khởi trên bốn chỗ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Nếu con đẩy lui được thì tức khắc con có sự giải thoát nơi thân tâm con, thân tâm con sẽ được thanh thản an lạc và vô sự.

Đạo Phật tu hành không khó, khó là chỗ người ta không biết tu sai thành ức chế thân tâm và nhất là chỗ không dám buông xả đời sống thường tình thế tục, do chỗ tu sai và không dám bỏ đời sống thế tục, nên tu hành chỉ có hình thức, chứ không có giải thoát rốt ráo được.

Tu theo đạo Phật không phải chỗ ngồi thiền, chỗ đi kinh hành mà chỗ đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, nhưng mượn tư thế ngồi, tư thế đi kinh hành là để dễ tỉnh thức xả tâm chướng ngại.

Xả hết tâm chướng ngại tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp tức là xả ngũ triền cái và Thất kiết sử, chứ không phải xả vọng tưởng lăng xăng như kinh sách phát triển dạy.

Con nên nhớ, sự tu tập này rất dễ dàng và thân tâm thoái mái dễ chịu, không có mệt nhọc, không có khó khăn, tu là có kết quả giải thoát ngay liền. Bình thường con nên tỉnh thức nhớ hướng tâm “Tâm như đất không còn tham sân si nữa”, phải nhớ nhắc thường xuyên không được quên, quên tức là thiếu tỉnh thức, đó là với tâm bình thường còn tâm không bình thường đang bị chướng ngại pháp thì dùng Định Vô Lậu quán xét mà đẩy lui.

Đã quyết tâm theo Thầy tu tập đúng chánh pháp Phật giáo Nguyên thủy thì phải cố gắng rèn luyện tu tập và bền chí nhẫn nại bám chặt theo những lời đã dạy để xả tâm cho thật sạch, suốt 24 tiếng đồng hồ không dụng công mà tâm định trên hơi thở, không dụng công mà khi đi tâm luôn định trên bước đi, đó là tâm xả sạch, tâm đã thanh tịnh, tâm ly dục ly ác pháp. Cách thức tu như vậy không khó chỉ có từng giây, từng phút quan sát các chướng ngại pháp phát khởi tại bốn chỗ thân, thọ, tâm và các pháp, lúc không có chướng ngại pháp thì tâm sẽ định trên thân, còn khi có chướng ngại pháp thì con nên dùng Định Vô Lậu quán xét mà đẩy lui nó như trên đã dạy, đẩy lui nó cho đến khi tâm như đất, tâm con được như đất thì con đã hoàn toàn giải thoát.

Một người đệ tử quyết tâm tu hành để tìm cầu sự giải thoát, dù có gian nan khó khổ đến đâu cũng không lìa thiện hữu tri thức của mình, mặc dù nghịch cảnh có thử thách đuổi xô thậm tệ đi chăng nữa cũng chỉ để tạo đối tượng cho con xả tâm như đất mà thôi. Chính lúc bây giờ con áp dụng Định Vô Lậu quán xét nhân quả của mình để buông xả cái tâm oán ghét, giận hờn đó, chứ không nên như người thế tục có những gì trái ý nghịch lòng thì ôm lòng thù oán ghét giận, bằng chứng như con đã thấy, biết bao nhiêu người khi đến sống với Thầy để học tu hành đều bị thử thách, trắc nghiệm xem có xả tâm được hay không, tức là có sống đúng đức hạnh nhân bản làm người không làm khổ mình, khổ người hay không? Khi mà mọi người được Thầy hướng dẫn và dạy tu tập rèn luyện những đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, nhưng cuối cùng mọi người nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng ngoài mặt mà trong lòng thì oán hận, cho nên thường tìm cách nói xấu thiện hữu tri thức của mình với mọi người để hạ nhục cho hả cơn hận thù và khi rời khỏi tu viện lại còn nói xấu hơn. Các con là những người xa lạ từ những phương trời xa đến đây tu học, có thù có oán nhau đâu, cớ sao lại có những điều này xảy ra, những điều này xảy ra là do duyên nhân quả để rồi gặp nhau, gặp nhau để xả tâm, để ly dục ly ác pháp, để được giải thoát, để làm chủ được tâm hồn của mình, để làm chủ cuộc sống của mình, để học được những đạo đức không làm khổ mình, khổ người, để trở thành những bậc Thánh nhân.

Một người Thầy dạy đạo đức giải thoát cho đệ tử thật là khó vô cùng, lòng thương yêu của vị Thầy ấy phải bao la như đất trời, tâm vị ấy như đất, như nước thì mới dám đem đạo đức này dạy người. Tại sao vậy?

Vì đạo đức này con người chưa bao giờ được nghe, được thấy, được học. Từ khi đức Phật ra đời chỉ có một khoảng thời gian quá ngắn 100 năm thì được Ngài dạy đạo đức này cho những người đệ tử của mình rồi từ đó về sau này không còn ai nhắc đến nữa, cho nên bây giờ đem đạo đức này ra dạy là một việc làm rất khó, khó vô cùng.

Một đạo đức giải thoát thật sự không làm khổ mình, khổ người đem đến cho mọi người một cuộc sống an vui và hạnh phúc bằng những đức hạnh cao thượng nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng khiến cho mình vui, người khác vui. Nhưng khi áp dụng những đức hạnh cao thượng này vào những người đệ tử của mình, Thầy đã được trả một ơn quá lớn…, nhưng đối với học trò của mình thì Thầy rất thương yêu và tha thứ, nếu người học trò quyết tâm trở lại tu tập thì Thầy sẵn sàng hướng dẫn từng phương cách xả tâm để thực hiện đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người, vì Thầy nghĩ rằng cần phải có những người đầy đủ đạo đức nhân bản – nhân quả làm gương cho những người khác thì sau này dạy đạo đức mới dễ dàng hơn.

Con người trên hành tinh này đang cần có một nền đạo đức để đối xử và đem lại cho nhau những sự an vui và hạnh phúc. Thầy nghĩ rằng tại tu viện Chơn Như mới bắt đầu nhen nhúm một ngọn lửa đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật ra dạy lần đầu tiên sau 100 năm đức Phật nhập diệt, Thầy là người áp dụng đạo đức nhân bản - nhân quả vào những tu sĩ và cư sĩ ở đây trước tiên, khiến cho quí vị ở đây chao đảo, dao động gần như không chịu nổi, các tu sĩ và cư sĩ nam cũng như tu sĩ và cư sĩ nữ ở đây đều muốn bỏ cuộc.

Thầy là người đã am hiểu rất rõ đường lối tu tập thiền định của đạo Phật, nhất là phải xả tâm như đất thì mới có thiền định, mà muốn xả tâm được như đất thì phải sống cho đúng ba đức ăn, ngủ, độc cư và ba hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, nhưng toàn bộ tu sĩ và cư sĩ nam và nữ ở đây không có một người nào sống đúng ba đức, ba hạnh. Nếu sống không đúng ba đức, ba hạnh thì làm sao tâm như đất được mà tâm không như đất thì làm sao sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Mà còn làm khổ mình, khổ người thì làm sao có giải thoát được.

Mỗi tu sĩ và cư sĩ về đây tu hành họ đều phạm vào ba đức, ba hạnh này nên cuối cùng họ phải ra đi, nhưng tâm nguyện của người Thầy thầm ước nguyện một ngày nào đó họ tỉnh ngộ, nhận ra ba đức, ba hạnh là một đạo đức cao thượng tuyệt vời không làm khổ mình, khổ người để trở về rèn luyện đức hạnh làm gương sáng cho mọi người soi, để mọi người nương vào ánh sáng đạo đức đó mà sống không làm khổ mình, khổ người đem lại cho thế gian này thành cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.

Một vị Thầy luôn luôn tâm niệm có những người đệ tử tu tập không phải vì mình mà vì mọi người thì mới có đủ nghị lực kiên cường sống đúng ba đức, ba hạnh, hầu hết tất cả tu sĩ và cư sĩ về đây tu tập, tu cho cá nhân chứ chưa có người nào có nguyện ước tu vì mọi người.

Bởi con đường tu hành của đạo Phật rất khó, nếu nghĩ tu cho cá nhân mình thì chẳng bao giờ sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người được.

Vì thế, mỗi khi có một người đệ tử ra đi là lòng của vị Thầy xót xa thương tưởng cho người đệ tử của mình đang đi vào bước đường cùng trong đêm đen u tối, bởi vì vị Thầy đã biết duy nhất chỉ có một con đường Giới, Định, Tuệ của đạo Phật sẽ đưa họ đến nơi giải thoát hoàn toàn và chấm dứt đau khổ của kiếp làm người, ngoài ra không còn giáo pháp nào hơn nữa. Nếu họ bỏ Giới, Định, Tuệ mà đi tìm một giáo pháp khác là họ đã tự mở cửa bước vào địa ngục.

Cho nên, những người học trò của Thầy ra đi là lòng Thầy bồi hồi thương tiếc một kiếp người vô duyên với Phật pháp, vô duyên với sự giải thoát, đáng thương nhất là những người đệ tử theo Thầy tu hành mà đắm mê thần thông, sau thời gian theo Thầy tu tập chỉ mong Thầy thể hiện thần thông, nhưng họ thất vọng vì Thầy không thể hiện thần thông, từ đó họ nghi Thầy không có thần thông, nên lần lượt họ bỏ ra đi, nhìn những người đệ tử này ra đi mà Thầy bùi ngùi xót xa. Tại sao người ta vô minh quá vậy? Tu có thần thông để làm gì? Để khoe khoang làm trò ảo thuật cho thiên hạ xem chơi, để được ca ngợi, tán thán, chứ có ích lợi gì cho mình cho người đâu. Phải không các con?

Tâm tham vọng của những người này quá cao, muốn cho mình trở thành siêu nhân hơn tất cả mọi người trong thế gian này. Hơn tất cả mọi người trong thế gian này để làm gì? Để làm bá chủ toàn cầu. Nếu muốn trở thành siêu nhân như vậy thì nên qua Tây Tạng tu tập với các vị Lạt Ma chứ theo đạo Phật thì không có dạy điều đó mà chỉ dạy cho chúng ta làm người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, được như vậy thế gian này là Thiên Đàng thì chúng ta đã mãn nguyện lắm rồi.

Hỡi các người đệ tử của Thầy! Các con có hiểu nỗi lòng của Thầy chăng? Thầy chỉ mong các đê tử hãy tin nơi Thầy, Thầy sẽ dẫn dắt các con trên con đường đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú để trở thành thật sự là con người thật, con người có một tâm hồn cao thượng không làm khổ mình, khổ người, các con theo Thầy quyết tìm con đường thoát khổ, cớ sao các con không chịu buông xả những thói đời thường tình của mình, để làm chi ôm ấp sự đau khổ trong lòng; cớ sao các con không chịu buông xả những kiến chấp thần thông của Mật Tông, lý luận mơ hồ trừu tượng ảo giác của Thiền Tông và mê tín, dị đoan của Tịnh Độ Tông mà chính những điều Thầy dạy đạo đức nhân bản – nhân quả lợi ích cho mình cho người thì các con lại xem thường, lại bỏ đi, để đi tìm những cái cao siêu, cái cao siêu đó là cái mà các con đang bị các tôn giáo lừa đảo.

Nhìn những người đệ tử ngu si của mình đang lầm lạc trên đường tu tập, hầu hết mọi người đều bị các tôn giáo ru hồn vào cõi mộng siêu hình và thần thông. Một vị Thầy rất đau lòng và thương yêu những người đệ tử của mình, nhưng biết làm sao hơn khi họ đã gieo hạt giống đắng thì phải gặt lấy quả đắng, luật nhân quả quá khắc nghiệt, nếu những người đệ tử ấy không biết thay đổi hạt giống thì muôn đời ngàn kiếp phải chịu lấy quả cay đắng mà thôi, dù cho Thầy có thương yêu các con bao nhiêu cũng không thể làm gì được cho các con mà chính các con phải thương yêu các con, các con phải biết từ bỏ những cái sai và nhận lấy những cái đúng, cái sai cái đúng này không ai bỏ giúp cho các con được mà phải chính các con tự bỏ lấy.

Lòng thương yêu vô bờ bến của một vị Thầy các con đâu hiểu được, khi các con đến xin Thầy tu học, Thầy biết thói thường tình đời các con khó bỏ, nhưng trước lòng tha thiết của các con Thầy không nỡ nhẫn tâm từ chối, nhận rồi thì phải có trách nhiệm, nhưng những lời Thầy dạy mà các con vâng theo làm không sơ sót thì lòng Thầy vui sướng biết bao, nhưng khi các con làm không đúng lời dạy thì lòng Thầy đau xót vô cùng và biết rằng một ngày nào đó các con sẽ rời khỏi vòng tay của Thầy, vòng tay thương yêu tận tình đưa đường dẫn lối cho các con đi được an toàn và đến nơi đến chốn đạo đức nhân bản – nhân quả làm người không làm khổ mình, khổ người. Điều này không làm thỏa mãn ước vọng của các con, vì tâm các con còn tham đắm một điều cao hơn.

Thế rồi các con lần lượt ra đi, đi với một lòng oán hận chỉ vì Thầy cấm không cho các con nói chuyện tào lao, phóng tâm phóng dật và cấm không cho các con tu theo những pháp tà giáo ngoại đạo, nhưng làm sao cấm được lòng người, chỉ các con phải biết tự giác ý thức pháp nào đúng, pháp nào sai.

Rồi những buổi chiều hoàng hôn khi tắt nắng, Thầy nhìn ra cổng chùa như hướng về một chân trời xa thẳm nơi ấy có những người đệ tử của mình đang tu hành sai pháp, rồi đây chúng sẽ chôn vùi cuộc đời chúng trong biển khổ muôn đời muôn kiếp.

Lòng thương yêu của một vị Thầy vô bờ bến lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm bất nghĩa và thương yêu những người đệ tử của mình đến hơi thở cuối cùng.

“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng

Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.

TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, con tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì tâm con được giải thoát rồi, thì con khỏi tu Định Vô Lậu được không?

Đáp: Được, muốn tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì con phải tu Định Vô Lậu, tu Định Vô Lậu tức là thể hiện pháp môn Tứ Niệm Xứ, thể hiện Tứ Niệm Xứ tức là trên thân, thọ, tâm và pháp mà tu tập, sống và làm việc giống như thân, thọ, tâm, pháp của đức Phật nhưng muốn tu tập cho được tốt thì con phải tùy theo đặc tướng thân, thọ, tâm và pháp của các con mà niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới được triển khai mạnh, quét sạch tất cả các lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp.

Tu như vậy gọi là tu Định Vô Lậu câu hữu (kết hợp) với pháp Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là tu Định Vô Lậu thân, thọ, tâm và pháp để sống và làm đúng như đức Phật đang sống và đang hành. Đúng như pháp mà đức Phật đã dạy không được làm sai lời dạy của pháp. Đúng như đời sống chúng Thánh Tăng đang sống đang hành và đúng như giới luật đã dạy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.

Tứ Bất Hoại Tịnh là bốn pháp hay là bốn đối tượng gương hạnh thanh tịnh của đạo Phật, để làm bốn chỗ chúng ta lấy Thân, Thọ, Tâm và Pháp của mình nương theo đó giữ gìn tu tập, sống đúng đời sống giải thoát của bốn chỗ này, khiến cho thân tâm chúng ta thanh tịnh, nên đức Phật gọi pháp môn này là Tứ Bất Hoại Tịnh.

Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là bốn pháp tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là sự giải thoát của đạo Phật, sự giải thoát của đạo Phật có nghĩa là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản của đạo Phật, một đạo đức tuyệt vời biến cảnh thế gian này thành cảnh Cực Lạc, Thiên Đàng.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Đức Phật dạy tu Tứ Bất Hoại Tịnh là có bốn cách niệm:

1. Niệm Phật

2. Niệm Pháp

3. Niệm Tăng

4. Niệm Giới

NIỆM PHẬT

Niệm Phật như thế nào?

Các kinh sách Đại Thừa và các nhà học giả Phật giáo dạy niệm Phật là niệm danh hiệu Phật như:

- Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Niệm Pháp như thế nào?

Kinh sách Đại thừa dạy niệm Pháp là tụng kinh, tụng chú v.v..

Niệm Tăng như thế nào?

Kinh sách Đại thừa dạy niệm Tăng là cúng dường trai tăng y áo, thực phẩm, tiền bạc và tứ sự.

Niệm Giới như thế nào?

Kinh sách Đại Thừa dạy niệm Giới là mỗi tháng tụng giới hai ngày vào ngày 14 và ngày 30.

Cho nên hiện giờ trong các chùa theo tưởng giải của các nhà học giả Tổ sư của Phật giáo Đại Thừa dạy Tăng Ni và các cư sĩ niệm Phật rất ồn náo, niệm tất cả các danh hiệu của chư Phật mà các nhà học giả tưởng tượng ra vô số tên Phật. Thậm chí như bộ Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân tưởng tượng viết theo kiểu tiểu thuyết bốn thấy trò Tam Tạng thỉnh kinh Đông Độ đó là những nhân vật giả tưởng, không có thật, thế mà bộ kinh Hồng Danh sám hối lại ghi những nhân vật đó vào để chư Tăng, những ngày 14 và ngày 30 mỗi tháng, đều niệm và lạy hồng danh chư Phật đó để xin sám hối cho tiêu tội. Trong kinh sám hối Hồng Danh có cái tên Đấu Chiến Thắng Phật. Đấu Chiến Thắng Phật tức là Tôn Hành Giả, Tôn Hành Giả còn có tên là Tề Thiên Đại Thánh. Tề Thiên Đại Thánh là một con khỉ đột, nhà tiểu thuyết tưởng tượng ra chứ không có thật, thế mà các Tổ Sư Đại Thừa xem đó là có thật nên biên soạn kinh Sám Hối Hồng Danh ghi tên thầy trò Đường Tăng vào để bắt Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ niệm Hồng danh các vị ấy và lạy mòn đầu gối. Thật là buồn cười cho quý Tăng, Ni và cư sĩ u mê, ngu si, bị lừa đảo mà không hay biết bị lừa đảo.

Niệm Phật như kiểu này dù có niệm muôn ngàn kiếp thì thân tâm cũng không bao giờ thanh tịnh, một bằng chứng hiển nhiên mà ai cũng thấy, quý thầy và quý Phật tử trong các chùa quanh năm suốt tháng không có ngày nào mà không tụng kinh, niệm Phật, nhưng chúng ta xét lại xem số tu sĩ và cư sĩ hiện giờ tụng kinh, niệm Phật thân tâm có thanh tịnh hay không? Hay tâm còn tham, sân, si như các người khác. Như vậy gọi là niệm Phật thân tâm được thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh chỗ nào? Đó là tưởng giải của các nhà học giả Tổ sư Đại Thừa dạy sai ý Phật nên người đời sau tu mà không có kết quả, biến cảnh chùa nơi tu hành thanh tịnh thành chỗ cúng tế, niệm danh hiệu Phật. Khi tụng kinh niệm Phật thì chuông, trống, mõ làm inh ỏi ồn náo, tụng kinh như ca hát ý ê, ý à… giọng cao giọng thấp, trầm bổng nghe như hát bộ. Kinh sách Đại Thừa biến dần Tứ Bất Hoại Tịnh thành pháp môn tụng niệm, nói cách khác là biến thành ca nhạc Phật giáo, để ru hồn tín đồ vào thế giới siêu hình mê tín, gây tinh thần tiêu cực tựa nương vào thế giới tưởng, khiến cho Phật giáo mất hết ý nghĩa tự lực giải thoát, cho nên tín đồ hiện giờ nghe vị Thầy nào tụng niệm ê a giọng cao, giọng thấp thì rất thích, nghe như nghe âm nhạc thế gian và còn thích hơn vì thỏa mãn được tình cảm thân thương của mình đối với những người thân đã khuất.

Từ cái hiểu sai, dẫn đến sự tu sai, khiến cho Phật giáo suy thoái không còn người tu chứng đạo, chỉ còn là vọng ngữ huyền thoại nói láo chuyền nhau.

Niệm, người ta hiểu nghĩa của nó là lặp đi lặp lại một câu kinh, một danh hiệu Phật bằng ý không lời hoặc phát ra lời nói, họ còn hiểu sai hơn nữa là nhờ câu niệm Phật để ức chế tâm không vọng tưởng như trong kinh Di Đà dạy: “…Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền, có nghĩa là niệm Phật A Di Đà từ một ngày cho đến bảy ngày tâm không loạn tức là không có vọng tưởng thì thấy Phật Di Đà và Thánh Chúng hiện ra trước mặt, báo cho biết trước khi lâm chung đức Phật và Thánh Chúng sẽ phóng hào quang rước về cõi Cực Lạc Tây Phương. Hiểu như vậy nên Thầy Tổ nào cũng có một xâu chuỗi, lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật.

Từ chỗ hiểu sai Tứ Bất Hoại Tịnh, các nhà học giả Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã biến thành một pháp môn ức chế tâm, pháp môn ức chế tâm chẳng giúp cho người tu giải quyết được gì cả mà còn thêm bệnh.

Niệm trong Tứ Bất Hoại Tịnh có nghĩa là tư duy, quán xét, suy ngẫm về thân, thọ, tâm và pháp của đức Phật, sống như thế nào mà tâm hồn thanh thản, an lạc giải thoát, cho nên niệm có nghĩa là tâm tâm niệm niệm về đời sống của đức Phật, Ngài sống như thế nào mà tâm không phóng dật? Ngài sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người?

Khi mà tâm niệm của chúng ta như vậy khiến cho tâm chúng ta đặt lòng tin trọn vẹn ở đức Phật, do đó đức Phật sống như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng sống như thế nấy, đức Phật làm như thế nào thì chúng ta sẽ cố gắng làm như thế nấy. Sống và làm đúng như Phật thì tâm chúng ta thanh tịnh, không còn phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác ác pháp tức là tâm giải thoát hay nói một cách khác hơn là làm chủ cuộc sống, tâm bất động trước các pháp, như vậy mới gọi là niệm Phật thân tâm bất hoại tịnh.

Đây là một bài kinh dạy cách thức chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới rõ ràng, chỉ vì các nhà Đại Thừa chẳng chịu nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy tự kiến giải rồi dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới theo tưởng giải, khiến cho người tu tập ức chế tâm thành bệnh. Niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc đâu không thấy mà chỉ thấy bệnh đau quá hiểm nghèo. Hòa Thượng Thiền Tâm là người xương minh pháp môn Tịnh Độ chuyên ròng niệm Phật, không biết Ngài niệm Phật ức chế tâm như thế nào mà trước khi chết Ngài đã ói ra máu, chúng tôi cũng có một người đệ tử cũng tu ức chế tâm để tịnh chỉ hơi thở cũng khạc ra máu đống đống. Muốn niệm Phật cho đúng thì chúng ta nên lắng nghe đức Phật dạy niệm Phật: “Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tuỳ niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai”. Đoạn kinh trên đây đức Phật đã xác định cách thức niệm Phật rất rõ ràng “Tuỳ niệm Như Lai” có nghĩa là tâm Như Lai không tham, không sân, không si thì người sống (niệm Phật) như Phật không nên để tham, sân, si chi phối. Khi tâm không bị tham, sân, si chi phối thì tâm được chánh trực. Danh từ chánh trực ở đây chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Chánh trực có nghĩa là tâm ngay thẳng, tâm ngay thẳng tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm không phóng dật.

Chúng ta hãy lắng tai nghe tiếp đức Phật dạy: “Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, liền được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”.

Đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy kết quả cách thức sống như Phật sẽ hiện ra những trạng thái gì?

Khi sống như Phật tâm được thanh thản, an lạc và vô sự thì liền có một niềm tin nơi Phật trong ta khởi lên trong ta, vì thế kinh xác định trạng thái bằng những danh từ ngắn gọn: “liền được nghĩa tín thọ” nhưng rất đầy đủ ý nghĩa cho những ai thực hiện đúng lời dạy, còn những người sống không đúng như Phật thì chẳng hưởng được những kết quả này. Vì thế Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”.

Khi trong ta có trạng thái lòng tin Phật khởi lên, nếu ai có thực hiện được mới biết trạng thái này, một trạng thái tuyệt vời của người có lòng tin như thật. Còn bây giờ chúng ta chưa có trạng thái này nói tin Phật chứ chúng ta chưa có tin như thật. Khi nhận được cảm thọ lòng tin này thì ngay đó tâm hân hoan thích thú pháp niệm Phật. Vậy hân hoan thích thú pháp niệm Phật là gì? Nghĩa là chúng ta luôn luôn thích sống như Phật, có nghĩa là tâm không còn ham muốn một vật gì hết ngay cả cũng không còn ham muốn ăn uống gì cả. Tâm sân cũng vậy, không còn một pháp ác nào tác động vào thân tâm, làm ta nổi sân được và si cũng vậy lúc bây giờ không còn ham thích lười biếng ưa ngủ nghỉ, có nghĩa là trong trạng thái tín thọ không còn hôn trầm, thuỳ miên, vô ký nữa mà rất siêng năng sống như Phật. Cho nên, đoạn kinh dạy: Được hân hoan liên hệ đến pháp”. Cụm danh từ này có nghĩa là vui mừng thích thú sống như Phật.

Khi trong tâm có trạng thái thích sống như Phật thì một trạng thái khác hiện lên, đó là trạng thái niềm vui mừng khởi lên trong tâm như kinh dạy: “Người ấy có hân hoan nên hỷ sanh”. Niềm vui mừng hiện rõ trong ta thì cơ thể ta an lạc và nhẹ nhàng như không còn trọng lượng bước đi rất thoải mái, thân không còn đau nhức hay mệt mỏi gì cả, một trạng thái của thân an lạc vô cùng nên kinh dạy: Người có hỷ, nên thân được khinh an”. Đúng vậy, người có niềm vui thì thân được nhẹ nhàng an lạc. Khi thân được nhẹ nhàng an lạc thì toàn bộ thân tâm có một cảm giác thọ lạc một cách kỳ lạ mà không thể nói ra được vì không có danh từ nào để diễn tả chỉ có người tu tập đến những trạng thái đó mới cảm nhận được như người uống nước nóng lạnh tự biết, người ngoài cuộc không thể biết được. Đoạn kinh đã xác định rõ ràng: Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ”. Trong trạng thái lạc thọ này hành giả mới xác định được tâm định tỉnh. Từ lâu mọi người ai cũng nói tâm định tỉnh, nhưng chưa ai biết được trạng thái tâm định tỉnh như thế nào? Trải qua bao nhiêu trạng thái mới thấy được tâm định tỉnh. Với tâm định tỉnh này các bạn sẽ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức. Tu tập được tâm định tỉnh không phải dễ đâu các bạn ạ!

Sống như Phật cuối cùng chúng ta mới có được trạng thái tâm định tỉnh như trong kinh dạy: Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh”. Nếu tâm bạn chưa có lạc thọ thì không bao giờ bạn có được tâm định tỉnh.

Sau khi được tâm định tỉnh thì các bạn mới có một cuộc sống bình thản trước mọi ác pháp và mọi cảm thọ; chừng đó chúng ta mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh như thật; chừng đó tâm chúng ta mới bất động thật sự trước các ác pháp và các cảm thọ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật là vậy”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 16)

Đến đây các bạn đã thấy rõ phương pháp niệm Phật của Phật giáo Nguyên Thuỷ không giống phương pháp niệm Phật của kinh sách Đại Thừa. Niệm Phật của kinh sách Đại Thừa là phương pháp niệm Phật ức chế tâm nhằm chế ngự vọng tưởng “Thất nhựt nhất tâm bất loạn…”.Đó là một phương pháp niệm Phật của ngoại đạo, chúng ta tu theo Phật hãy ném bỏ nó, vì đó là phương pháp tu tập sai. Xin các bạn cần lưu ý để tránh sự lừa đảo của ngoại đạo.

Trên đây là một trong những bài kinh đã xác định đức Phật dạy niệm Phật rõ ràng “dựa vào Như Lai” có nghĩa là sống giống như Như Lai thì đó là niệm Phật đúng nghĩa.

NIỆM PHÁP

Niệm Pháp như thế nào?

Niệm Pháp không phải theo kiểu các Nhà học giả Tổ sư Đại Thừa dạy: “Nam Mô Pháp”, niệm Pháp như vậy dù cho có niệm đến 1.000 năm, 1.000.000 năm, thân tâm của quý vị cũng không thanh tịnh.

Niệm Pháp có nghĩa là tư duy suy nghĩ những pháp mà đức Phật đã dạy.

Ví dụ: đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, theo lời dạy này, ngày ngày tâm tâm niệm niệm luôn luôn cảnh giác giữ gìn và ngăn ngừa các pháp ác, nếu lỡ có các pháp ác sanh ra thì mau mau tìm cách diệt nó không được để trong tâm kéo dài sự khổ đau giận hờn phiền toái bất toại nguyện,khiến cho tâm thanh thản an lạc nhẹ nhàng thoải mái yên ổn, đó chính là chúng ta niệm Pháp, niệm Pháp như vậy có kết quả giải thoát ngay liền khiến cho tâm thanh tịnh nên gọi là niệm Pháp thân, tâm bất hoại tịnh.

Pháp của đức Phật có 37 phẩm trợ đạo, chúng ta nên chọn trong 37 phẩm trợ đạo này với một pháp môn nào phù hợp với đặc tướng của mình rồi lấy đó thực hành áp dụng vào cuộc sống hằng ngày để xây dựng cho mình có một đạo đức làm người mà không làm khổ mình, khổ người, đây là niệm pháp bất hoại tịnh.

Đây, chúng ta hãy lắng nghe một đoạn kinh mà đức Phật đã dạy niệm Pháp: “Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tuỳ niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!”. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tuỳ niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Pháp. Và này Mahànàma, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Pháp”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 18)

NIỆM TĂNG

Niệm Tăng như thế nào?

Nếu theo kinh sách của các nhà học giả Tổ sư giáo pháp phát triển dạy: “Nam Mô Tăng” và cứ như vậy mà niệm thì dù có tu trăm muôn ngàn kiếp thì thân tâm này cũng chẳng thanh tịnh, Nam Mô Tăng như vậy là một pháp ức chế tâm khiến cho tâm bị dồn nén tham, sân, si, mạn, nghi, càng tu thì tâm này càng tham, sân, si dữ tợn khi gặp chướng ngại pháp.

Muốn tu pháp niệm Tăng cho đúng thì trước tiên phải chọn những vị Tăng nghiêm trì giới luật, Những vị Tăng nghiêm trì Giới luật là những vị sống thiểu dục tri túc, ba y một bát, sống không có chùa to Phật lớn, sống xa lìa những vật chất tiện nghi đầy đủ, sống không có ăn mặc sang đẹp, sống thường đi xin từng miếng mà ăn, sống không cất giữ tiền bạc của cải tài sản, thường lấy gốc cây làm giường nằm, sống ngày một bữa không có ăn uống phi thời.

Chọn được những vị Tăng như vậy chúng ta tôn kính những bậc này và xin họ làm Thầy. Từ đây chúng ta có ngọn đuốc soi đường, hằng ngày ta quan sát tư duy qua gương Thánh hạnh đạo hạnh của họ và chúng ta tập sống như họ, để biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, để biết đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, để biết thương yêu hòa hợp với mọi người, để biết chịu phần thiệt về mình luôn luôn bắt chước các đức hạnh của chúng Tăng, sống theo gương Thánh đức của chúng Tăng. Ngược lại, những vị Tăng phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì chúng ta xem họ như những tu sĩ Bà La Môn không đáng cho chúng ta cung kính và cúng dường.

Tư duy quán xét những đức hạnh sống của chúng Thánh Tăng để lấy đó làm gương sống tu tập ly dục ly ác pháp, đó mới chính là chúng ta niệm Tăng. Niệm Tăng như vậy có ích lợi cho mình, cho người rất lớn sẽ không làm khổ mình, khổ người; niệm Tăng như vậy thân tâm mới thanh tịnh; niệm Tăng như vậy mới gọi là niệm Tăng Bất Hoại Tịnh.

Đây là lời đức Phật dạy chúng ta cách thức niệm Tăng: “Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tuỳ niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở đời”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệtử tuỳ niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, trong khi ấy tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào tuỳ niệm chúng Tăng. Và này Mahànàma, một vị Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến chúng Tăng. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ tâm được định tỉnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm chúng Tăng”. (Kinh Tăng Chi tập 3 trang 19)

NIỆM GIỚI

Niệm Giới như thế nào?

Nếu chúng ta theo cách dạy của kinh sách phát triển rồi niệm Giới bằng cách mỗi nửa tháng một kỳ ngày 14 hoặc ngày 30 tập trung nhau lại tụng Giới đó là cách thức của họ niệm Giới, niệm Giới như vậy dù một triệu kiếp tu hành Giới luật cũng không nghiêm trì thanh tịnh được.

Họ đâu biết rằng Giới luật là hành động sống đạo đức của một vị Thánh Tăng, Thánh Ni, nếu họ tụng Giới luật suông như vậy thì không có ý nghĩa và lợi ích gì cả, đó chỉ là hình thức che đậy sự phá giới của họ.

Cho nên, hầu hết các Thầy hệ phái phát triển niệm Giới như vậy đều sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới.

Họ hiểu không đúng pháp Tứ Bất Hoại Tịnh nên thực hành sai, do thực hành sai mà thân tâm ô nhiễm không thanh tịnh, cuối cùng tu Tứ Bất Hoại Tịnh mà thành Tứ Hoại Tịnh, không có giải thoát chút nào. Vậy, niệm Giới như thế nào cho đúng?

Muốn niệm Giới cho đúng thì phải học giới luật cho thông suốt, khi Giới luật đã học thông suốt thì chúng ta quán xét và tư duy những đức hạnh nào của giới dạy về đạo đức làm Người và những giới luật nào dạy về giới đức làm Thánh. Chúng ta đã hiểu rõ các đức hạnh của giới xong, thì từ đó hằng ngày chúng ta quyết tâm phải sống cho đúng những đạo đức làm Người và làm Thánh, nhờ có quán sát và tư duy như vậy nên sống đúng giới luật nghiêm túc, do sống đúng giới luật nghiêm túc nên thân tâm thanh tịnh ly dục ly ác pháp.

Người tư duy quán sát và sống đúng giới luật như vậy nên gọi là niệm Giới Bất Hoại Tịnh, niệm như vậy mới gọi là niệm Giới chứ không phải niệm Giới theo kiểu hệ phái phát triển tụng một bài Giới là xong, niệm Giới như vậy, gọi là niệm Giới Đại Thừa, chứ không phải niệm Giới Bất Hoại Tịnh.

Đây, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy niệm Giới:“Lại nữa này Mahànàma, Thánh đệ tử tuỳ niệm các giới của mình: “Giới không bị bẻ vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tuỳ niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Giới. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến giới pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tỉnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với mọi người không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với mọi người có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, đó là vị ấy tu tập niệm Giới”. ( Kinh Tăng Chi tập 3 trang19)

Đây là một trong những bài kinh, để xác chứng lời đức Phật dạy như vậy mà các Tổ dám cả gan dạy sai, khiến cho người đời sau tu tập sai lạc, đó là các Tổ dạy sai pháp của đức Phật, còn những pháp các Tổ bịa đặt ra cũng đều gán cho là đức Phật thuyết. Bởi vậy, từ 25 thế kỷ nay người ta tu theo đạo Phật chứ kỳ thật là người ta tu theo Đạo của các Tổ, cho nên hằng triệu vạn người tu hành mà chẳng có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Con nên nhớ, nếu con quyết tâm tu hành tìm cầu sự giải thoát của đạo Phật, thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh con cũng đã thành tựu viên mãn con đường tu tập có nghĩa là con sẽ làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, thì cần gì con phải tu các pháp môn khác.

Còn nói con tu Tứ Bất Hoại Tịnh câu hữu với Định Vô Lậu là vì con tư duy, quán xét, suy ngẫm về Phật, Pháp, Tăng và Giới để con thực hiện sống cho đúng như Phật như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy, để không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, đó là cách thức quét sạch lậu hoặc trong con nên mới gọi là câu hữu với Định Vô Lậu, chứ kỳ thực con không có tu Định Vô Lậu mà tu Tứ Bất Hoại Tịnh.

Tóm lại, một người quyết tâm tu hành để tìm cầu sự giải thoát thì chỉ cần tu Tứ Bất Hoại Tịnh thì cũng đủ sự giải thoát rồi đâu cần gì phải tu nhiều thứ cho mệt.

Ví dụ: mình quyết sống như Phật thì khi gặp chướng ngại pháp trong tâm, chúng ta nhất định không sân, không phiền não, không đau khổ, sống và làm y như Phật thì ngay đó thân tâm thanh tịnh hay nói cách khác là tâm bất động trước các ác pháp. Tu hành chỉ có như vậy mà thôi, thế mà chẳng ai làm được cả.

Pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn hay tuyệt vời, nếu một người quyết tử tu tập thì sẽ có kết quả ngay liền, không còn phải chờ đợi kéo dài từ năm này đến tháng kia hoặc năm khác.

TU ĐỊNH HIỆN TẠI AN LẠC TRÚ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Định Hiện Tại An Lạc Trú, con chỉ tu 30’ thường hướng tâm: “Sáu căn phải tập trung tại tụ điểm nghe hơi thở và nhìn hơi thở”. Rồi con lại tiếp tục hướng tâm nữa: “Hơi thở phải chậm và nhẹ”. Con thấy hơi thở con càng lúc càng chậm, càng nhẹ dần. Nhờ con tu ít lại nên hôn trầm cũng bớt nhiều, tu như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Đúng, Định Niệm Hơi Thở con tu như vậy rất tốt. Khi hơi thở nhẹ và chậm, tâm yên lặng và bám chặt vào hơi thở thì con hãy tiếp tục hướng tâm vắng lặng. Thỉnh thoảng và nhẹ nhàng thoáng hướng tâm như lý tác ý: “Nhĩ thức hãy nghe vào trong và nằm yên như ngủ, không được nghe ra ngoài”.

Nếu khoảng thời gian này con chỉ cần kéo dài 30’ là cao nhất, không nên kéo dài thêm nữa, vì kéo dài thêm nữa con sẽ rơi vào trạng thái tĩnh lặng và khi rơi vào trạng thái tĩnh lặng thì rất là nguy hiểm, vì từ trạng thái tĩnh lặng sẽ phát sinh sáu loại tưởng đầu tiên:

1- Xúc tưởng hỷ lạc, là một cảm giác an lạc thích thú của xúc tưởng.

2- Sắc tưởng là thấy ánh sáng hào quang hoặc thấy hình ảnh chư Phật chư Tổ, ma quỷ v.v..

3- Thinh tưởng là nghe âm thanh hoặc tiếng nói trong tai v.v..

4- Hương tưởng là cảm giác mùi thơm bay phảng phất.

5- Vị tưởng là cảm giác nước miếng ngọt và đang tiết ra trong miệng.

6- Pháp tưởng là hiểu thông suốt 1700 công án Thiền Tông và các loại kinh tưởng Đại Thừa.

Khi hành giả tu hành, gặp sáu loại tưởng này thì bản ngã to lớn vĩ đại, kiến chấp sâu dày rất khó bỏ.

Định Hiện Tại An Lạc Trú là một tên gọi chung cho bốn loại Thiền Định Vô Thượng Tâm của Phật giáo là:

1- Sơ Thiền.

2- Nhị Thiền.

3- Tam Thiền.

4- Tứ Thiền.

Khi nhập vào bốn loại thiền định này trong hiện tại có sự an lạc, cho nên gọi là Hiện Tại An Lạc Trú Định. Nhập vào bốn loại thiền định này là phải tu hai loại định Thân Hành Niệm nội (hơi thở) và Thân Hành Niệm ngoại (hành động bên ngoài của thân).

Trong bốn loại thiền định này, có một loại định rất khó tu tập nhất, đó là Sơ Thiền. Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, nếu hành giả tu hành không biết chỉ cần sơ sót là rơi vào thiền ức chế tâm, thì chẳng bao giờ nhập Sơ Thiền được.

Người muốn nhập Định Hiện Tại An Lạc Trú này thì phải nghiêm trì và sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, luôn luôn lúc nào cũng phải phòng hộ sáu căn giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Vả lại, còn phải chấp nhận hạnh thiểu dục tri túc, sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị Thánh Tăng thì mới thực hiện được Hiện Tại An Lạc Trú Định.

Nếu không sống đúng một đời sống Phạm hạnh thì khó mà nhập được các loại định này, vì cánh cửa Sơ Thiền đóng rất kín nếu kẻ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì chỉ còn đứng ngoài cửa chứ không được vào. Tại sao vậy?

Tại vì Giới luật còn vi phạm thì thân tâm không thanh tịnh, thân tâm chưa thanh tịnh thì tâm chưa ly dục ly ác pháp, tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không thể nào vào cửa Sơ Thiền được, không vào cửa Sơ Thiền được thì khó mà nhập Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Như vậy Hiện Tại An Lạc Trú Định khó mà bước vào được.

Theo sự trình bày tu tập của con là Định Niệm Hơi Thở, chứ không phải Định Hiện Tại An Lạc Trú đó là giai đoạn thứ nhất trong sự tu tập tỉnh thức của Định Niệm Hơi Thở để tỉnh thức xả tâm ly dục ly ác pháp, khi xả tâm ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì đó mới bắt đầu nhập vào Định Hiện Tại An Lạc Trú. Ở đây, con chỉ tu mới được phân nửa thuộc về tỉnh thức, còn phân nửa thuộc về xả tâm thì hiện giờ con phải áp dụng vào phương pháp quán xét Tứ Niệm Xứ tức là tư duy suy ngẫm bốn chỗ: Thân, thọ, tâm và các pháp, xem trên bốn chỗ này có chướng ngại pháp hay không, nếu không chướng ngại pháp thì con nên để tâm tự nhiên biết hơi thở ra vào chứ đừng bắt buộc hay ức chế tập trung tâm vào hơi thở.

Định Hiện Tại An Lạc Trú không khó nhập, nếu một người ngộ lý mười hai nhân duyên, thông suốt thế giới các pháp đều do duyên hợp mà thành, do đó trên thế gian này không có một pháp nào thường hằng vĩnh viễn, dù cho ai muốn giữ gìn cũng không được. Có vật chất càng nhiều thì càng khổ, cho nên càng xả bỏ ra thì càng giải thoát, xả nhiều giải thoát nhiều, xả ít giải thoát ít, xả hết thì hoàn toàn giải thoát. Vì thế, đời sống phạm hạnh của một vị Thánh Tăng chỉ còn ba y một bát, sống không nhà cửa không gia đình, đó là giải thoát hết, nên đời sống của một vị Thánh Tăng là đời sống buông xả, đời sống giải thoát.

Phần nhiều tu sĩ và cư sĩ thời nay sống Phạm hạnh bằng hình thức bên ngoài mà trong tâm thật sự chưa xả, có nghĩa là trong tâm chưa nhàm chán thế gian, chưa thấy mười hai duyên hợp thật sự nên còn ham thích cái này, cái nọ.

Tâm chưa nhàm chán các pháp thế gian thì khó mà nhập được Hiện Tại An Lạc Trú Định. Tuy rằng theo đường dây hơi thở mà nhập các loại định này, nhưng không nhàm chán các pháp thế gian thì không bao giờ nhập được.

Định Hiện Tại An Lạc Trú phải theo đường dây hơi thở mà vào, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy trong kinh Nikaya: “Này các Thầy Tỳ Kheo! Ta trước khi chưa giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác, còn là Bồ Tát. Này các Thầy Tỳ Kheo! Do Ta tu tập nhiều với pháp môn này thân ta và con mắt không có mệt nhọc và tâm Ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ”.

Đoạn kinh trên, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy, do khéo tu Hiện tại An Lạc Trú Định, thân và con mắt không có mỏi mệt, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có còn chấp thủ, nhưng phải do đường dây hơi thở mà tu tập, đường dây hơi thở mà đức Phật còn gọi là Định Niệm Hơi Thở và pháp hướng tâm. “Do vậy này cácThầy Tỳ Kheo! Nếu các Thầy muốn rằng: “Thân và con mắt khỏi bị mỏi mệt và tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ” thì Định Niệm Hơi thở vô, hơi thở ra cần phải khéo tác ý”.

Cần phải khéo tác ý hơi thở vô hơi thở ra như thế nào và thân và con mắt không có mỏi mệt, còn tâm thì được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, chấp thủ ở đây có nghĩa là ức chế vọng tưởng. Hầu hết mọi người tu về Định Niệm Hơi Thở đều không hiểu chỗ này, cho nên tu tập hơi thở thành ức chế tâm như pháp Sổ Tức Quán và Lục Diệu Pháp Môn của các hệ phái phát triển.

Chúng ta hãy trở về Định Niệm Hơi Thở trong bài kinh Xuất Tức Nhập Tức thuộc kinh Nikaya Trung Bộ: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, đó là câu hướng tâm theo hơi thở để tâm không bị ức chế vọng tưởng mà được nhẹ nhàng tự nhiên hơn, cho nên thân và con mắt không có mỏi mệt, tâm thì được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không bị ức chế. Đây, chúng ta nghe tiếp bài kinh Xuất Tức Nhập Tức: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Do sự tu tập khéo tác ý như vậy nên sự tu tập đạt được theo ý muốn của mình.

Nếu chúng ta muốn cho tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là đoạn tận vọng tưởng không còn xen vào trong tâm mà thân tâm không bị ức chế thì chúng ta cũng nương theo hơi thở và tác ý như vậy: “Do vậy này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu các Thầy muốn rằng các niệm các tư duy được đoạn tận” thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải khéo tác ý”.

Nếu trong đời tu hành của chúng ta còn dính mắc một điều gì không buông xả được cũng như không nhàm chán các pháp thế gian tâm vẫn còn ham thích thì chúng ta cũng nên dùng Hiện Tại An Lạc Trú Định mà tu tập theo pháp hướng tâm như lời đức Phật dạy: “Do vậy, này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu các Thầy muốn tu tập với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán” thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải được tác ý”.

Nếu muốn tâm giữ gìn giới luật nghiêm túc, tâm không phóng dật, tâm ly dục ly ác pháp thì cũng phải tu Định Niệm Hơi Thở như đức Phật đã dạy: “Do vậy này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu các Thầy mong rằng ly dục ly ác pháp, các Thầy sẽ chứng đạt và an trú Thiền Thứ Nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ” thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra cần phải được khéo tác ý”.

Nếu quý vị muốn nhập Nhị Thiền thì quý vị cũng phải nương vào hơi thở của Định Hiện Tại An Lạc Trú và khéo tác ý như lời đức Phật đã dạy: “Do vậy này các Thầy Tỳ Kheo! Nếu Tỳ Kheo muốn rằng: “Mong rằng làm cho tịnh chỉ tầm tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền Thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ nội tỉnh nhất tâm, thời Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải tác ý”.

Nếu quý vị muốn nhập Tam Thiền thì cũng phải theo đường dây hơi thở và hướng tâm như lý của Tam Thiền tác ý thì sẽ nhập Tam Thiền không mấy khó khăn như lời đức Phật đã dạy: “Do vậy, này các Thầy Tỳ Kheo, nếu các Thầy ước muốn rằng: “Mong rằng ly hỷ trú xả, Chánh Niệm Tỉnh Giác cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tôi chứng đạt và sẽ an trú Thiền Thứ Ba, thì Định Niệm Hơi Thở vô và hơi thở ra này cần phải tác ý”.

Nếu quý vị muốn nhập Tứ Thiền thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra cần phải được khéo tác ý như đức Phật đã dạy:“Do vậy này các Thầy Tỳ Kheo, nếu các Thầy ước muốn rằng: “Mong rằng đoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền Thứ Tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh” thì Định Niệm Hơi Thở vô và hơi thở ra này cần phải được tác ý”.

Định Hiện Tại An Lạc Trú tức là Bốn Thiền Hữu Sắc, nhưng muốn tu Bốn Thiền Hữu Sắc thì phải dùng Định Niệm Hơi Thở nhưng phải luôn luôn khéo tác ý đúng bốn trạng thái ly, từ, diệt, xả của Bốn loại thiền này.

Ví dụ: Sơ Thiền muốn đạt được thì phải ly dục ly ác pháp. Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ hay nói cách khác là diệt tầm tứ. Tam Thiền thì phải ly các loại hỷ tưởng hay nói cách khác là ly hỷ trú xả. Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở hay nói cách khác là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Những điều con đã trình bày ở trên là tu tập tỉnh thức trong Thân Hành Niệm nội và đã được kết quả như ý, nhưng con phải dùng sự tỉnh thức này tu Tứ Niệm Xứ tức là con quán sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp nếu có niệm xảy ra trên bốn chỗ này thì con dùng Định Vô Lậu quán xét đẩy lui các chướng ngại pháp đó, nên trong Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy:

1- Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu.

2- Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu.

3- Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.

4- Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu.

Thầy xin nhắc lại, muốn tu tập Tứ Niệm Xứ thì trước tiên phải tu tập Định Niệm Hơi Thở như con đã trình bày ở trên, sau khi tu tập Định Niệm Hơi Thở đã có sức tỉnh thức thì lấy sức tỉnh thức đó áp dụng vào Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu tức là ly dục ly ác pháp.

Bây giờ con quan sát lại lộ trình tu tập có ba giai đoạn đi vào Định Hiện Tại An Lạc Trú:

- Giai đoạn thứ nhất, con tu Định Niệm Hơi Thở để có tỉnh thức.

- Giai đoạn thứ hai, con dùng sức tỉnh thức của Định Niệm Hơi Thở tu Tứ Niệm Xứ để ly dục ly ác pháp, tức là con hoàn chỉnh giới luật thanh tịnh.

- Giai đoạn thứ ba, con dùng tâm ly dục ly ác pháp để nhập bốn loại thiền định hữu sắc đó là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền tức là con đã hoàn chỉnh bốn thiền định Hữu Sắc.

Như vậy, ba giai đoạn này con đã tu được hai phần ba đường của đạo Phật, còn một phần nữa là xong nốt quãng đường giải thoát đó là Tam Minh.

Tóm lại, con đã tu từ 5’- 30’ tỉnh thức trong Định Niệm Hơi Thở, kết quả ấy con đem áp dụng vào Tứ Niệm Xứ để quan sát thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại pháp thì con nên đẩy lui. Con nên hiểu giai đoạn này là giai đoạn tu tập ly dục ly ác pháp, giai đoạn cam go nhất của người tu hành theo đạo Phật và nó cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Cho nên, phải tu tập nhiếp tâm cho được trong thân hành nội hay ngoại. Khi nhiếp tâm được chỉ trong khoảng thời gian 30’ thì phải tập an trú cho được trong thân hành, còn nếu tập an trú chưa được thì phải trở lại tu tập Định Vô Lậu xả tâm cho thật sạch, có như vậy mới an trú được.

Sự tỉnh thức của con tu đúng pháp khi áp dụng vào Tứ Niệm Xứ thì rất dễ đẩy lui các chướng ngại pháp, đẩy lui các chướng ngại pháp tức là con đã ly dục ly ác ác pháp dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc, còn sự tỉnh thức chưa đúng pháp thì tu tập hay quên; còn đẩy lui chướng ngại pháp khó khăn là pháp hướng chưa có đủ lực, sự an trú chưa vững chắc, nhưng con hãy bền chí hướng tâm và tu tập an trú cho được thì con sẽ đạt được kết quả như ý muốn.

ĐỊNH SÁNG SUỐT

Hỏi: Kính thưa Thầy! Những lúc nào con tu Định Sáng Suốt. Khi ngồi trên xe buồn ngủ, hoặc đang may vá buồn ngủ, con tu Định Sáng Suốt có được không?

Đáp: Được, khi buồn ngủ con nên tu Định Sáng Suốt, tu Định Sáng Suốt là con phải đi kinh hành hoặc ngồi ám thị hướng tâm mạnh, phải gằn giọng như ra lệnh: “Phải tỉnh thức sáng suốt như ban ngày, không được buồn ngủ nữa như ban đêm!”. Tốt hơn hết khi buồn ngủ thì con nên đứng dậy đi kinh hành, nhưng con ngồi trên xe hoặc đang may vá buồn ngủ thì không thể đi kinh hành được vậy chỉ còn có cách dùng pháp hướng tâm đuổi ma hôn trầm mà thôi.

Định Sáng Suốt là một loại thiền định để thư giãn khi làm việc cũng như tu tập quá sức nên sanh ra mỏi mệt lười biếng hôn trầm thùy miên, v.v..

Sau mỗi thời gian tu tập các loại định khác thì lại xen kẽ Định Sáng Suốt vào để thư giãn thân tâm trở về trạng thái bình thường, khiến cho thân tâm bớt căng thẳng, bớt mỏi mệt và thoải mái dễ chịu hơn. Người tu tập thiền định mà không biết dùng Định Sáng Suốt thư giãn thì càng tu tâm trí càng u tối, đần độn ai bảo sao nghe vậy chẳng biết phân biệt thiền nào của Phật và thiền nào của ngoại đạo.

Phần đông hiện giờ tu sĩ cũng như cư sĩ đều chịu ảnh hưởng của kinh sách phát triển, ngồi tu thì ức chế tâm cho hết vọng tưởng họ nghĩ rằng hết vọng tưởng là thành Phật hay là chứng ngộ hoặc triệt ngộ, do đó có nhiều trường hợp xảy ra:

1/ Nếu người tu tập có hệ thống thần kinh tốt thì không bị rối loạn, còn người tu tập có thần kinh yếu thì bị rối loạn và điên khùng.

2/ Nếu người tu tập có hệ thần kinh tốt không bị rối loạn không điên khùng, nhưng vì quá tập trung ức chế tâm không vọng tưởng nên nặng đầu, các cơ mặt bị căng khiến cho đau nhức khó chịu hoặc các cơ hoành hoặc ngực tức lói làm cho sự tu tập có lùi chứ không có tiến.

3/ Nếu người tu tập hệ thần kinh tốt và các cơ mặt, cơ hoành đều tốt thì không bị rối loạn, không bị căng đau nên ức chế ý thức ngưng hoạt động, ý thức ngưng hoạt động thì tưởng thức thay vào hoạt động, giống như người ngủ có chiêm bao, nhưng ở đây vì tu tập ức chế nên con người vẫn hoạt động bình thường nhưng lại ý thức không hoạt động nên tưởng thức hoạt động với mức độ bình thường thì đương nhiên người này có nhiều lý luận mơ hồ trừu tượng siêu hình vô vi mà đức Phật gọi những hạng người này là những hạng người sống trong tưởng tri như các nhà học giả, các nhà thần học, các nhà Đại Thừa như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước, Mã Minh, v.v.. và các Thiền Sư Đông Độ.

Còn tưởng thức hoạt động ở mức độ cao thì họ sống hoang tưởng, nhưng họ chưa hẳn điên thật gần giống như người điên.

Đó là những trường hợp xảy ra cho những người tu thiền ức chế tâm mà không có phương pháp thư giãn, còn ngược lại thiền xả tâm của đức Phật tu hành không ức chế tâm mà còn có một loại định thư giãn như quý vị đã biết, đó là Định Sáng Suốt.

Cách thức tu tập Định Sáng Suốt có hai giai đoạn:

- Giai đoạn một:

Ví dụ, lúc 7 giờ sáng bắt đầu chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở đến 7g 30’ chúng ta xả ra nghỉ, xả nghỉ tức là thư giãn, thư giãn tức là tu Định Sáng Suốt. Muốn tu Định Sáng Suốt thì chúng ta phải ngồi tựa lưng, buông thõng hai tay hai chân, các cơ trong thân cũng phải đều buông thõng xuống hết rồi chúng ta hướng tâm nhắc: “Các cơ trong thân buông xuống hết, thần kinh trong thân đều thư giãn hết, thân tâm phải thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc và vô sự”, khi nhắc như vậy xong thì ta buông thõng các cơ xuống không được gồng một cơ bắp nào cả và tâm thì không được tập trung vào một đối tượng nào, để tự nhiên cho thân tâm tự do một cách dễ chịu.

- Giai đoạn hai:

 Ví dụ: khi thân tâm thoải mái dễ chịu thì chúng ta hướng tâm nhắc:

Thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự, tâm phải sáng suốt như ban ngày, như ánh sáng mặt trời”.

Trong thời gian thư giãn, thỉnh thoảng chúng ta lại nhắc câu pháp hướng như trên, cứ như vậy để giúp cho thân tâm nhẹ nhàng thoái mái cho đến hết giờ thư giãn

Trong lúc tu Định Sáng Suốt thư giãn như vậy và thân tâm cảm giác tỉnh táo nhẹ nhàng thanh thản an lạc và vô sự thì đó là tu đúng bằng ngược lại là tu sai.

Khi thư giãn xong cơ thể phục hồi lại sức khoẻ cảm giác tỉnh thức và siêng năng ham tu, còn ngược lại thì tu sai, bây giờ tiếp tục tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác vừa đi kinh hành vừa hướng tâm tỉnh thức theo bước đi mà cũng vừa hướng tâm ly tham đoạn ác pháp.

Khi đi kinh hành xong khoảng độ 30’ chúng ta ngồi lại xả nghỉ và thư giãn như trước, cứ như vậy chúng ta tiếp tục tu tập suốt ngày đêm không biết mỏi mệt và càng tu càng thấy tiến bộ rõ rệt tức là thấy thân tâm an lạc, thanh thản, vô sự giải thoát rõ ràng. Riêng về phần pháp hướng thì thấy hiệu quả, cụ thể rõ ràng hơn, cứ ra lệnh là thân tâm làm theo như ý muốn của mình.

KHI TU XONG, CÒN THAM, SÂN, SI NỮA KHÔNG?

Hỏi: Kính thưa Thầy! Câu “vì vô minh nên ta sống viễn ly” có phải người sống viễn ly như vậy tu toàn pháp quán, tưởng, Định Vô Lậu, tu không có đối cảnh để buông xả, ly dục ly ác pháp…. nhưng khi ra giữa chợ, họ còn thèm ăn, ai chửi mắng họ còn có tức giận và tham, sân, si nữa hay không?

Đáp: “Vì vô minh ta sống viễn ly”, Vô minh là không hiểu rõ, viễn ly là xa lìa.

Câu này không có nghĩa bỏ cuộc đời sống một mình trong rừng núi như các nhà Yoga, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mà phải hiểu “Vì thông hiểu rõ các pháp nên các pháp đến ta đều bỏ xuống không cho dính mắc trong tâm”.

Tu không đối tượng không bao giờ có giải thoát chỉ là một dạng người yếm thế tiêu cực trốn đời, lánh khổ. Đạo Phật không chấp nhận điều này nên pháp môn hành thiền của Ngài, Thiền Thứ Nhất “ly dục ly ác pháp” diệt ngã xả tâm quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử, chỉ khi nào tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, thì mới sống độc cư trong rừng núi một mình để thực hiện những thiền định sau cùng. Xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua nhiều kiếp tu hạnh “Nhẫn nhục”, “Tứ vô lượng tâm” (tu có đối tượng) đến kiếp cuối cùng Ngài mới thành Phật. Tu có đối tượng tức là “Hoa sen nở trong lò lửa”.

Người tránh cảnh, tu để tiêu dao, thảnh thơi an lạc không ai quấy rầy là người yếm thế như Lão Trang (Tiên Đạo). Khi đụng đến đối tượng, bao nhiêu tâm phiền não vẫn còn đầy đủ.

Đạo Phật không yếm thế, ngay cảnh phiền não, giải quyết tâm mình, buông xả hay viễn ly, tức bồ đề (giải thoát).

“Vì vô minh ta sống viễn ly”, câu này theo như các con hiểu khi tâm chúng ta còn tham, sân, si thì nên sống tránh xa mọi người, tìm nơi thanh vắng yên tịnh, để tu tập thiền định đến khi nhập các định xong, nhờ các định sẽ quét sạch tâm tham, sân, si, điều này là ảo tưởng con ạ! Con nên nhớ trong Bát Chánh Đạo, Chánh Định không bao giờ đi trước Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ, v.v..

Các con nên nhớ, khi sống trong rừng núi một mình tâm chúng ta không bao giờ chịu cô đơn, nó sẽ tìm mọi cách lý luận.

Cho nên, khi vào trong rừng núi ở tu một mình tâm sanh ra nhiều thứ chướng ngại khiến cho chúng ta bỏ hạnh độc cư thường hay thỉnh thoảng đi tới đi lui như sư cô..., sư Thầy... Còn ngồi lỳ trong thất tu hành mà không xả tâm lại ức chế tâm, nén tâm đến khi có pháp chướng ngại thì tâm nổi lên sân ầm ầm như Minh Tông mà các con là những người đã trực tiếp chứng kiến sự tu tập từ đầu đến cuối hoàn toàn sống cách ly suốt gần năm năm, thế mà tâm Thầy vẫn còn phiền não và sân hận như người bình thường chưa tu, rất uổng công tu tập gần năm năm trời một thời gian quá dài bây giờ trở về với một số “không”, chỉ còn có hình thức tu hành mà thôi, chứ xét nghiệm lại đức hạnh thì cũng không có mà thiền định thì lại rơi vào thiền tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển, cho nên năm năm trời tu hành chẳng ích lợi cho mình và cho người, bây giờ chỉ còn nói vọng ngữ lừa đảo với thiên hạ mà thôi.

“Vì vô minh ta sống viễn ly”, hiểu như các con đó là sai, vì hiểu sai như vậy đã biến đạo Phật trở thành đạo yếm thế, nhưng để chứng minh cho các con thấy, các huynh đệ của các con đã để lại một kinh nghiệm sai lầm quá lớn “Vì vô minh ta sống viễn ly”.

Xưa, có một vị Hòa Thượng ở trong rừng núi, ông xin một đứa bé hài nhi đem về núi nuôi dạy tu hành, khi đứa bé đến tuổi trưởng thành ông đưa về thành phố nơi phồn hoa đô hội “Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Khi vào thành phố đứa bé thấy mọi vật cái gì cũng đẹp cũng lạ và nhất là phụ nữ thì cậu ta lại càng thích hơn và hỏi Thầy: “đó là con vật chi thưa Thầy?”.

Vị Thầy trả lời: “Đó là con cọp”.

Cậu bé hỏi: “Con cọp có dữ không thưa Thầy? Sao con thấy nó dễ thương quá vậy”.

Vị Thầy trả lời: “Con cọp dữ lắm con ạ! Nó sẽ ăn thịt con đó, con đừng nên lại gần nó”.

Sau chuyến đi thành phố này trở về núi, cậu bé không còn vui đùa hồn nhiên như trước, luôn luôn lúc nào cũng có chiều suy tư. Một hôm cậu thưa với Thầy: “Kính bạch Thầy! Xin Thầy cho phép con mua con cọp đó về nuôi được không? Sao con ưa thích nó quá”.

Vị Thầy làm thinh không trả lời và suy tư: “Tu hành theo đạo Phật không thể tránh cảnh mà tâm thanh tịnh được, trực tiếp trong mọi cảnh và phải thấu suốt cảnh vật, có trực tiếp, có thấu suốt thì mới buông xả được”, còn cậu bé này được cách ly thế giới bên ngoài từ lúc sơ sinh cho đến 18 tuổi chuyên ngồi thiền niệm Phật tụng kinh bái sám, nhưng ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám chẳng giúp gì cho cậu buông xả được mà ngược lại khi trực tiếp vào cảnh thì cậu bị lôi cuốn ngay từ lúc đầu “ái dục”.

Cho nên, câu nói “Vì vô minh ta sống viễn ly” đó là lời nói sai không đúng. Đừng hiểu lầm theo kiểu kinh sách phát, trí tuệ từ thiền định sanh ra, điều này không đúng, người ta cứ nghĩ rằng khi tọa thiền, ngồi im lặng thân tâm bất động tức là tâm hết vọng tưởng thì trí tuệ sanh, hiểu như vậy là hiểu sai. Trí tuệ được phát triển từ chỗ quán xét tư duy đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người, còn ngược lại tọa thiền ức chế tâm, tâm không vọng tưởng, từ trong sự yên lặng đó tưởng tuệ phát sanh, khiến cho từ xưa đến này mọi nguời đều lầm tưởng rằng tưởng tuệ là trí tuệ, cho nên kinh sách của các Tổ viết ra đều do tưởng tuệ, chứ không phải trí tuệ.

 Cái sai thứ nhất của kinh sách phát triển và Thiền Tông là: Khi tâm hết vọng tưởng do sự tập trung ức chế ý thức mà cho là định thì đó không phải định của đạo Phật, mà định của ngoại đạo.

Cái sai thứ hai là: Trong chỗ hết vọng tưởng phát sanh sự hiểu biết, mọi người đều lầm tưởng cho sự hiểu biết đó là trí tuệ, sự thật đó là tưởng tri chứ không phải trí tuệ. Đức Phật đã xác định trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, mà giới luật tức là đức hạnh, cho nên người có đức hạnh là người có trí tuệ, người có trí tuệ là người có đức hạnh.

Trí tuệ hiểu biết những tưởng pháp như hiểu biết trong kinh sách phát triển là tưởng tuệ, sự hiểu biết đó không ích lợi cho mình cho người, sự hiểu biết đó chỉ là một hý luận. Từ xưa đến giờ các thiền sư dựng lên trò hý luận “công án” nói Đông trả lời Tây, nói Nam trả lời Bắc và còn hơn thế nữa là la, hét, chỉ, trỏ, v.v..

Vì hiểu không đúng nên mọi người khi nói đến tu thiền định thì ai ai cũng nghĩ rằng phải tìm nơi yên tịnh vắng vẻ để tu tập thiền định, chừng nào đắc định thì trí tuệ phát sanh, trí tuệ phát sanh sẽ quét sạch tâm tham, sân, si và các chướng ngại pháp, do sự hiểu lầm lạc mà người ta đẻ ra câu kinh này: “Vì vô minh ta sống viễn ly”.

Thuần Tâm là một hành giả Yoga, ông biên soạn và viết về các loại sách này có câu: “Có thiền định mới có trí tuệ, ngoài thiền định không có trí tuệ”. Nếu không có bài kinh Sonadanda trong kinh Nguyên Thủy thì lấy đâu chỉnh đốn sự sai lầm này.

Đạo Phật lấy đức hạnh làm thanh tịnh trí tuệ, lấy trí tuệ làm thanh tịnh đức hạnh, do vậy mà người tu sĩ lấy đối tượng các chướng ngại pháp của cuộc sống đẩy lui khỏi tâm mình bằng sự triển khai trí tuệ vô lậu, cho nên câu: “Vì vô minh ta sống viễn ly”. Muốn hết vô minh ta phải sống viễn ly các ác pháp chứ không phải sống viễn ly là tránh né trốn đời, trốn ác pháp.

Khi mà tránh né trốn đời, trốn ác pháp, tìm nơi yên tịnh, thanh vắng tu tập thiền định của Đại Thừa và thiền Đông Độ, khi triệt ngộ xong có nghĩa là họ đã thành một thiền sư chánh thức, khi họ xuống núi va chạm vào cuộc đời thì tâm tham, sân, si họ vẫn còn đủ và có thể còn nhiều hơn nữa, bằng chứng các thiền sư Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam sống phạm giới, phá giới, sống ăn uống phi thời, chùa to Phật lớn, và mỗi vị Hòa Thượng tịch đều xây tháp vĩ đại, khiến cho hao tài tốn của, mang nợ của đàn na thí chủ quá nhiều, mà họ có làm lợi ích được những gì cho ai đâu.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 làn gió Thiền Tông từ Nhật Bản thổi sang Tây Âu làm dậy sóng và thức tỉnh Á Châu, nhưng bước sang đầu thế kỷ thứ 21 Thiền Tông bắt đầu tuột dốc, vì người ta đã tìm thấy thực chất của nó là một trò hý luận ảo tưởng. Hai vị Thiền Sư lớn nhất của Việt Nam là Hoà Thượng Nhất Hạnh và Hoà Thượng Thanh Từ đã bắt đầu quay hướng về những lời dạy Nguyên Thủy của đức Phật, gần đây những bài giảng của hai Ngài rất gần với ý kinh Tứ Chánh Cần.

Tóm lại, tu hành thiền định của đạo Phật, không phải chỗ ngồi thiền, tụng kinh, bái sám, niệm chú, niệm Phật, v.v.. mà ở chỗ ngăn ác diệt ác pháp và đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, thì đó mới chính là tu thiền của đạo Phật.

PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ

Hỏi: Kính Thưa Thầy! Người tu có đối tượng và người tu không đối tượng, vậy người nào tu mau kết quả hơn?

Đáp: Người tu có đối tượng kết quả xả tâm nhanh hơn, còn người tu không có đối tượng kết quả chậm hơn, nhưng phải biết nhiều khi có đối tượng tức là có chướng ngại pháp trong tâm mà không xả, chỉ có kham nhẫn chịu đựng, cho nên trong lòng rất buồn phiền và đau khổ, đó là tu có đối tượng lại ức chế tâm thành ra tạo khổ thêm cho mình chứ không có giải thoát. Tu có đối tượng dễ nhận xét được tâm mình xả hay là ức chế rất rõ ràng, còn tu không có đối tượng, nên không biết mình có xả được chướng ngại pháp trong tâm không, lúc nào cũng thấy tâm hồn mình yên tịnh nhưng sự yên tịnh đó là sự yên tịnh không có đối tượng.

Trong đạo Phật lấy hạnh đi xin từng miếng, từng nhà để sống tức là tạo đối tượng diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ đi xin ăn nên va chạm với mọi giới trong xã hội, do đó mới rõ thấu được tâm mình có xả hay không xả, bất động hay bị động, vì thế sự tu tập có đối tượng dễ tu tập hơn là không có đối tượng. Hạnh đi xin ăn là một pháp môn tu xả tâm có đối tượng rất tốt; hạnh đi xin ăn được mọi người cung kính khen tặng cũng nhiều, nhưng chê bai khinh bỉ cũng không ít.

Cho nên, tu sĩ đạo Phật không thể sống một mình mà sống chung trong tập thể, sống chung trong tập thể nhưng lại sống một mình vì phòng hộ sáu căn nên ít tiếp duyên với mọi người để không tạo chướng ngại pháp trong tâm của người khác, còn những người khác thường hay tạo chướng ngại pháp trong tâm của mình thì mình phải quán xét tư duy quét sạch những chướng ngại pháp đó ra khỏi tâm mình, hằng ngày nên nhớ tu Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu, đó là tu trên bốn chỗ:

1/ Nơi thân.

2/ Nơi thọ.

3/ Nơi tâm.

4/ Nơi các pháp.

Hiện giờ các con tu tập quán xét về nơi các pháp nhiều nhất, pháp thiện và pháp ác, pháp ác luôn luôn dồn dập tới tấp nếu các con không đủ sức kham nhẫn, không đủ nghị lực chịu đựng, không đủ tri kiến giải thoát và không đủ trí tuệ nhân quả, thì các con phải bỏ cuộc tu hành như các bạn của các con, trong bốn nơi tu tập này các con chỉ cần tu xả được một nơi là các con đã xả được tâm tham, sân, si của mình chứ không phải các con tu hết bốn chỗ, hoàn cảnh của các con là tu nơi các pháp. Đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm của các con là các con đã chiến thắng các ác pháp bên ngoài. Khi các con chiến thắng các ác pháp bên ngoài là tâm các con bất động, đó là một loại thiền định mà đức Phật gọi là Bất Động Tâm Định nó còn có một cái tên nữa là Vô Tướng Tâm Định.

Muốn chiến thắng nơi các pháp thuộc về Tứ Niệm Xứ như ở trên Thầy đã dạy:

1/ Phải đầy đủ sức kham nhẫn.

2/ Phải có nghị lực dũng mãnh.

3/ Phải đầy đủ tri kiến giải thoát.

4/ Phải có trí tuệ nhân quả.

Khi các pháp ác dồn dập tới tấp như bão tố, sóng thần nếu chúng ta không đủ sức kham nhẫn thì chúng ta sẽ bị bão tố và sóng thần cuốn trôi đi. Muốn có đủ sức kham nhẫn để không bị bão tố và sóng thần thổi cuốn trôi, thì hằng ngày chúng ta nên tu tập pháp hướng tâm: “Tâm bất động như núi đá, khen không mừng, chê không buồn, chửi mắng, mạ nhục không giận phải trơ trơ như tường đồng vách sắt”, với những câu hướng tâm này các con cần phải thuộc lòng và phải luyện tập cho có lực, khi gặp các pháp ác đến tới tấp thì các con mới đủ sức kham nhẫn vượt qua và cuối cùng các con mới xả được.

Nếu là tu pháp xả tâm mà tu không đúng cách thức xả tâm khi ở một mình thì lại bị ức chế tâm mà không biết, trường hợp như quý Thầy và quý Cô và quý cư sĩ thích sống độc cư mà độc cư không trọn vẹn, độc cư không đúng cách, khi độc cư không trọn vẹn, không đúng cách trở thành ích kỉ, lười biếng, ăn không ngồi rồi, tưởng là mình tu tập xả tâm, nhưng không ngờ lại ức chế tâm.

Các con nên lưu ý điều này trên bước đường tu tập, khi tâm còn phóng dật mà vội khép mình độc cư một trăm phần trăm thì đó là ức chế tâm. Cho nên, có nhiều người nhập thất chuyên ngồi thiền, hoặc niệm Phật, hoặc niệm chú, tưởng thực hành như vậy là sẽ nhập định và khi có thiền định thì sẽ có trí tuệ, nhưng không ngờ sống một mình tu như vậy là ức chế tâm, ức chế tâm là rơi vào tưởng tuệ, do tưởng tuệ phát sanh nên bản ngã càng lớn, bản ngã càng lớn thì tâm tham, sân, si càng nhiều, như vậy là tu sai pháp của đức Phật lọt vào tà pháp của ngoại đạo.

Khi tâm hết phóng dật là tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã ly dục ly ác pháp nên lúc nào tâm cũng định vào thân, nếu thân bất động thì nó định vào sự bất động của thân, nếu thân còn động thì nó sẽ định vào sự động của thân, do đó khi nó định vào thân, thân đi thì nó biết thân đi, thân làm thì nó biết thân làm, thân ngồi thì nó biết thân ngồi, thân thở thì nó biết thân thở, nó biết hơi thở ra và hơi thở vô, thân nằm thì nó cũng biết thân nằm.

Chỗ này các con nên lưu ý phân biệt cho rõ ràng, khi tâm không phóng dật thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm định trên ba nơi:

1/ Nếu thân đi hay làm việc gì thì tâm định nơi hành động đi hoặc nơi hành động việc làm.

2/ Nếu thân ngồi hay nằm thì tâm định nơi hơi thở vô, hơi thở ra.

3/ Nếu thân không hoạt động, không thở vô thở ra thì tâm định trên thân bất động của nó chứ nó không có phóng tâm chạy theo các pháp bên ngoài.

Cho nên, người tu có đối tượng cũng như người tu không có đối tượng đều do sự tu tập đúng hay sai, có đối tượng mà nén tâm chịu đựng, ôm ấp đau khổ trong lòng mà không nói ra được tức là ức chế tâm, có đối tượng mà tu như vậy cũng không có kết quả chỉ là làm khổ thân tâm của mình mà thôi, tu có đối tượng mà quyết tâm tìm đường giải thoát, nhất định xả bỏ các ác pháp gây chướng ngại cho tâm thì người ấy tu mau, vì tâm như cục đất họ đã giải thoát trong mọi ác pháp, họ còn mang thân người nhưng tâm họ là tâm của bậc Thánh (bất động).

Tu có đối tượng dễ nhận được tâm mình phàm hay Thánh rất dễ dàng và cũng dễ nhận ra mình có ức chế tâm hay không rất cụ thể.

Tu không có đối tượng rất khó nhận ra tâm mình phàm hay Thánh và cũng rất khó nhận ra tu có ức chế tâm hay không, khi mà nhận ra được thì thân tâm đã thành bệnh và phí uổng một cuộc đời tu hành. Hầu như những người tu không có đối tượng phần nhiều là tu sai đều bị ức chế tâm như kinh sách phát triển dạy.

Tóm lại, tu có đối tượng, mà có nhiệt tâm, quyết xả bỏ các chướng ngại pháp, thường dẫn tâm vào chỗ thanh thản, an lạc và vô sự thì tu rất nhanh, cho nên kinh dạy: “Phiền não tức bồ đề”, nơi đâu có chướng ngại pháp thì nơi đó có giải thoát, nơi đâu có phiền não, có đau khổ thì nơi đó có giải thoát, có giải thoát tức là có tu, còn nơi đâu không có chướng ngại pháp thì nơi đó không có giải thoát, coi chừng bị ức chế tâm, tu mà muốn sung sướng nuông chiều, yên tịnh an ổn thì nơi đó chỉ là tránh né, trốn chạy chướng ngại pháp, người tu mà cầu mong như vậy thì đi tu chỉ uổng công mà thôi, phí một đời chẳng ích gì cho mình, cho người mà còn ăn bám vào người khác.

NHỮNG PHÁP MÔN CON GHI RA ĐÂY CÓ ĐỦ CHƯA?

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con ghi những điều để xả tâm và cách thức tu tập để xả như vậy có đủ không? Xin Thầy chỉ dạy thêm cho con được rõ.

Đáp: Về việc xả tâm ly dục ly ác pháp, con ghi như vậy chưa đủ, để Thầy ghi thêm cho được đầy đủ hơn:

i. Định Vô Lậu câu hữu Ngũ Uẩn.

ii. Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ.

iii. Định Vô Lậu câu hữu Tứ Chánh Cần (Thập Thiện).

iv. Định Vô Lậu câu hữu nhân quả quá khứ, nhân quả hiện tại và nhân quả vị lai.

v. Định Vô Lậu câu hữu Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.

vi. Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm.

vii. Định Vô Lậu câu hữu Tứ Bất Hoại Tịnh.

viii. Định Vô Lậu câu hữu Định Niệm Hơi Thở.

ix. Định Vô Lậu câu hữu các pháp Bất Tịnh.

x. Định Vô Lậu câu hữu các pháp duyên hợp (Thập Nhị Nhân Duyên).

I- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU NGŨ UẨN

Như thế nào là Định Vô Lậu câu hữu với Ngũ Uẩn?

Định Vô Lậu câu hữu với thân Ngũ Uẩn có nghĩa là quán xét tư duy phá chấp thân ngũ uẩn như:

1- Sắc Uẩn:

Quán xét sắc thân do bốn đại đất, nước, gió, lửa hoà hợp tạo nên không có gì là của mình, không có gì là bản ngã của mình, không có gì là mình. Vậy, tại sao ta lại ngu si lầm chấp cho sắc thân này là của ta, thân này là ta, là bản ngã của ta, một ngày kia thân này hoại diệt đất phải trả về cho đất, nước phải trả về cho nước, gió phải trả về cho gió, lửa phải trả về cho lửa thì cái gì còn lại là của ta, là ta, là bản ngã của ta nữa đâu. Thế tại sao mỗi khi bị người khen chê, chửi mắng, xỉ vả sắc thân là chó, là trâu, là đồ tồi, đồ bẩn thỉu thì ta lại căm tức, thù hận oán ghét họ. Sự căm tức, thù giận, oán ghét họ là vì ta không rõ, chấp sắc thân là có thật, là của ta, là bản ngã của ta.

Từ đây, ta hiểu rõ sắc thân không phải là ta, của ta, bản ngã của ta, mà là một khối duyên hợp do nhân quả tác thành hay nói cách khác hơn cho dễ hiểu là do môi trường sống tạo nên theo qui luật vô thường của nhân quả.

Khi quán xét như vậy, ta không còn dính mắc chấp đắm vào sắc thân, nhờ đó ta đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm một cách dễ dàng, các chướng ngại pháp trong tâm ta được đẩy lui thì tâm ta vô lậu, do đó nó mới có tên là Định Vô Lậu câu hữu với Sắc uẩn.

2- Thọ Uẩn:

Chúng ta đã quán xét tư duy tu tập sắc uẩn xong, kế tiếp quán xét tu tập thọ uẩn, vậy tu tập thọ uẩn như thế nào, để đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm?

Khi thân ta bị đau nhức khổ sở vô cùng, chúng ta tư duy quán xét thọ uẩn. Vậy thọ uẩn do duyên gì hợp lại mà có?

Thọ uẩn có là do duyên nhân ác tích lũy tạo thành do sắc uẩn hành, sắc uẩn hành ác nên sắc uẩn thọ khổ chứ không ai tạo tác khổ cho sắc uẩn cả, nếu sắc uẩn không hành ác thì thọ khổ do đâu mà có được?

- Thọ uẩn có ba trường hợp xảy ra:

a) Thọ khổ

b) Thọ lạc

c) Thọ không lạc không khổ.

- Thọ uẩn hoạt động hai chỗ:

+ Hoạt động nơi sắc uẩn gọi là não, hay là đau nhức.

+ Hoạt động nơi tưởng uẩn tức là tâm uẩn gọi là ưu hay là buồn phiền tức giận, lo toan, sợ hãi.

Nếu sắc uẩn và tưởng uẩn không hành ác pháp thì không có thọ lạc, thọ khổ và thọ không lạc không khổ, không có ba thọ này sắc uẩn và tâm uẩn thanh thản, an lạc và vô sự, còn ngược lại sắc uẩn và tưởng uẩn hành ác pháp thì có ba thọ hiện tiền khiến cho con người phiền não đau khổ.

Cho nên, ba thọ có là do duyên nhân quả, nhân quả có là do hành, vì vậy quán xét nhân quả của sắc uẩn là quán xét hành động nơi thân, miệng, ý. Nếu muốn ba thọ này không có thì phải thường xuyên nơi thân, miệng, ý phải cảnh giác không làm, không nói, không suy tư điều ác, luôn phải thể hiện điều lành tức là lúc nào cũng không làm khổ mình, khổ người.

Do quán xét như vậy tâm chúng ta đẩy lui các chướng ngại pháp, đó là tu Định Vô Lậu câu hữu với Thọ uẩn.

3- Tưởng Uẩn:

Kế tiếp chúng ta quán xét tưởng uẩn, tưởng uẩn tức là tâm uẩn. Tâm uẩn thuộc về loại vô hình nó không có hình sắc như sắc uẩn nhưng chúng ta cũng dễ nhận ra, nó thường khởi niệm tưởng, khi niệm có tức là tâm có, khi không niệm tức là tâm không, tâm không, không có nghĩa là không có tâm. Tưởng uẩn có ba trạng thái:

- Niệm thiện.

- Niệm ác.

- Niệm không.

Kinh sách phát triển lấy niệm không làm Phật Tánh (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hoặc chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền). Trong khi tưởng uẩn chỉ là một trong bốn duyên kia kết hợp để tạo thành con người theo luật nhân quả, nói một cách khác để dễ hiểu hơn, tưởng uẩn là một duyên trong năm uẩn được kết hợp lại theo môi trường sống của luật nhân quả. Khi năm uẩn này tan rã hoại diệt thì chẳng còn một vật gì trong năm uẩn này tồn tại. Người không có trí hiểu biết thường sống trong tưởng tri lầm chấp cho rằng thân ngũ uẩn này là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Còn như trên chúng tôi đã nói kinh sách phát triển lấy tâm không niệm tức là “tưởng không” làm Phật Tánh thật là lầm chấp sống trong ảo tưởng mà tưởng là thật tướng Niết Bàn, rồi chấp chặt thành thân kiến kiết sử mà không biết, tu mãi từ đời Thầy Tổ đến con cháu, chít chắt mà vẫn chẳng có ích lợi gì, chỉ toàn dùng những ngôn ngữ lừa đảo những người sau.

Tưởng uẩn được kết hợp tạo thành bằng nghiệp thiện ác, nghiệp thiện ác được tạo thành bởi dục và ác pháp cho nên người tu sĩ theo đạo Phật phải tìm mọi cách ly dục ly ác pháp, đó là pháp đầu tiên mà họ cần phải tu tập, ly dục ly ác pháp tức là không tạo nghiệp thiện nghiệp ác mới nữa, không tạo nghiệp thiện nghiệp ác mới nữa tức là ly nghiệp thiện nghiệp ác mới, đó là khiến cho thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh. Còn muốn lìa nghiệp thiện ác cũ thì phải ly hỷ tưởng đây là giai đoạn thứ ba của bốn thiền đạo Phật. Muốn lìa nghiệp thiện ác cũ tức là ly hỷ tưởng thì phải đóng tầm tứ mà trong kinh Phật dạy: “Diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền hay tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền”.

Khi diệt tầm tứ xong ta ly hỷ tưởng mới được, còn tầm tứ chưa diệt chúng ta không thể ly hỷ tưởng được, ly hỷ tưởng tức là lìa nghiệp thiện ác cũ.

Ở đây xin quý vị nên hiểu trong bốn thiền có hai giai đoạn ly, một giai đoạn diệt, một giai đoạn xả.

- Thiền Thứ Nhất: Ly dục ly ác pháp thuộc về sắc uẩn (ly là chừa bỏ hẳn, lìa xa cảnh giác tâm tham dục và các ác pháp để nó không còn trở lại).

- Thiền Thứ Hai: Diệt tầm tứ tức là ngưng sáu thức thuộc về sắc uẩn (diệt tức là không còn để nó trở lui, trở lại được).

- Thiền Thứ Ba: Ly hỷ tưởng dục thuộc về tưởng uẩn (ly hỷ tưởng có nghĩa là lìa hỷ tưởng, chứ chưa diệt bỏ hẳn, phải cảnh giác kẻo nó sẽ còn trở tại).

- Thiền Thứ Tư: Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thuộc về sắc uẩn và tưởng uẩn, xả tức là bỏ không còn lấy lại. Do sự tu tập quán xét như vậy, khiến cho tưởng dục không còn sanh khởi, tức là chúng ta đã đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm, đó là tu Định Vô Lậu câu hữu với Tưởng uẩn.

4- Hành Uẩn:

Hành uẩn là sự hoạt động của sắc uẩn và tưởng uẩn, chúng ta tư duy thấy các hành là vô thường, là khổ. Thế nào các hành là vô thường, là khổ?

Các hành thường có lúc hành thiện, có lúc hành ác, nhưng cũng có lúc cũng không hành thiện hành ác, sự hoạt động của các hành thì không thường lúc như thế này lúc như thế khác, nên gọi là vô thường. Vì hành động có lúc thiện, lại có lúc ác nên tạo ra biết bao nhiêu là nghiệp khổ cho loài người nên kinh gọi các hành khổ là như vậy.

Một người tọa thiền thân không động, miệng không nói và ý không tư duy thì giống như cây đá, đó là thiền của hệ phái phát triển, ngược lại thiền định của đạo Phật thân không hành ác, nhưng thân hành thiện, miệng không nói lời ác, nhưng miệng nói lời thiện, ý không suy nghĩ điều ác, nhưng ý suy nghĩ điều thiện. Cho nên, đạo Phật không chấp nhận hành không, không chấp nhận hành ác, chỉ chấp nhận hành thiện, vì vậy tu theo đạo Phật không trở thành cây đá, mà trở thành một con người hữu ích cho mình, cho người, có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Khi quán sát hành uẩn như vậy chúng ta thấu rõ phải sử dụng hành uẩn nào cho đúng với Phật Pháp để mình và người được giải thoát.

5- Thức Uẩn:

Trong bốn uẩn đầu chúng ta đã học xong và cũng biết cách tu tập, rèn luyện mỗi uẩn bằng giới luật và bằng thiền định. Như vậy chúng ta đã rõ, giới luật giúp chúng ta tu tập nhập Thiền Thứ Nhất hay nói cách khác là giới luật giúp chúng ta tu tập làm cho thanh tịnh sáu thức: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thức, tức là giúp sắc uẩn và hành uẩn của chúng ta thanh tịnh.

Còn ba Thiền kia là: Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền được tu tập, được rèn luyện giúp tưởng uẩn và thọ uẩn của chúng ta thanh tịnh.

Thức uẩn là một uẩn cuối cùng được tu tập. Khi bốn uẩn kia đã thanh tịnh thì chúng ta phải dùng pháp hướng đánh thức thức uẩn để triển khai trí tuệ Tam Minh, thức uẩn thanh tịnh có nghĩa là mầm mống lậu hoặc đã được quét sạch.

Tóm lại, thân ngũ uẩn phải được tu tập rèn luyện đúng pháp Giới, Định, Tuệ thì mới thanh tịnh, bằng tu hành sai pháp, thì chính là nuôi dưỡng thân ngũ uẩn trong các ác pháp thuộc về tà giáo ngoại đạo thì đó một sự nguy cơ cho loài người trên hành tinh này không ít.

II- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU TỨ NIỆM XỨ

Như thế nào là Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ?

Như trong kinh đức Phật đã dạy Tứ Niệm Xứ, Tứ Niệm Xứ có bốn chỗ:

- Thân

- Thọ

- Tâm

- Pháp

Vậy, chúng ta tu tập Định Vô Lậu trên bốn chỗ này, nên gọi là câu hữu Tứ Niệm Xứ.

1- Thân Niệm Xứ:

Trong Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo quán thân trên thân nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Chúng ta nên lưu ý lời dạy này: “Quán thân trên thân”, quán thân trên thân tức là xem xét thân của mình coi có lậu hoặc hay không? Nếu có thì phải khắc phục hay chế ngự không cho lậu hoặc tác động vào thân, vì vậy mà đức Phật dạy: “Chế ngự tham ưu”, tham ưu tức là lậu hoặc.

Như vậy, trên thân quan sát thân có nghĩa là xem thân coi có chướng ngại pháp hay không, để đẩy lui các chướng ngại pháp ra khỏi thân không cho các chướng ngại pháp tác động làm khổ cho thân, như vậy tức là tu Định Vô Lậu câu hữu với thân Tứ Niệm Xứ. Hằng ngày chúng ta ngồi hoặc đi hoặc nằm hoặc đứng đều xem xét thân của mình coi có chướng ngại pháp thì đẩy lui cho khỏi, đừng để chướng ngại pháp trong thân dù một phút giây nào cả thì đó là thân vô lậu mà thân đã vô lậu là giải thoát. Cho nên, đức Phật thường ca ngợi pháp môn Tứ Niệm Xứ là đạo lộ đệ nhất pháp vô lậu. “Này các Thầy Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ”.

2- Thọ Niệm Xứ:

Đức Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”. Lời dạy này quý vị nên lưu ý là phải luôn luôn xem xét từng phút, từng giây trên các cảm thọ của thân và của tâm, nếu các cảm thọ này làm chướng ngại cho thân và tâm thì chúng ta tìm mọi cách đẩy lui không để chướng ngại pháp này trong thân tâm của chúng ta nữa thì đó là khắc phục sự đau khổ giúp cho thân tâm giải thoát, khi thân tâm không còn chướng ngại pháp là thân tâm vô lậu, như vậy trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu tức là tu tập Định Vô Lậu câu hữu với thọ Niệm Xứ.

3- Tâm Niệm Xứ:

Lời Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, ở đây Tỳ Kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”.

Quý vị nên lưu ý lời dạy này “Trên tâm quán tâm” tức là dạy quý vị hằng ngày quan sát xem xét tư duy nội tâm của quý vị nó đang khởi những niệm gì, đang nghĩ gì, đang lo sợ, đang phiền não bất toại nguyện, đang giận hờn ganh ghét, đang nghĩ suy những âm mưu thâm độc để hại người, đang tính toán những trò giải trí không lành mạnh, đang nghĩ những chuyện tào lao không ích lợi, đang khởi những niệm tưởng không đâu để độ người tu hành thiền định bằng những thần thông siêu việt, khiến cho mọi người quá kính nể phục lăn sát đất hoặc đang khởi những niệm làm thế này làm thế kia để cúng dường Phật, Pháp, Tăng v.v..? Tất cả những niệm khởi lên trong tâm được quan sát và xem xét cuối cùng phải được đẩy lui tất cả các niệm ra khỏi tâm không còn một bóng dáng nào cả. Khi tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp thì tất cả những niệm được khởi lên trong tâm đều là niệm ác, đừng nghĩ rằng chúng tôi khởi niệm làm ích lợi chúng sanh như: làm từ thiện, phóng sanh, bố thí, giúp người bằng cách này hoặc bằng cách khác trong khi tâm dục chưa lìa ác pháp, chưa đoạn thì những hành động đó chưa phải là thiện, đó là hành động làm danh, làm lợi khéo léo cho cá nhân mình bằng những lý luận lừa đảo của nó.

Theo Phật giáo khi nào tâm thanh tịnh tức là tâm đã ly dục ly ác pháp thì niệm khởi là niệm thiện còn chúng ta còn phàm phu thì niệm khởi là niệm ác. Tại sao vậy?

Tại vì tâm còn danh và lợi, cho nên tuy việc làm nhìn bên ngoài là thiện mà trong tâm là ác pháp. Việc làm thiện đó chẳng có phước báo vì cả, người làm việc thiện này thường hay bị bệnh tật khổ đau v.v..

Vì thế, người tu Định Vô Lậu câu hữu Tâm Niệm Xứ luôn luôn quan sát tâm mình xem coi có niệm gì khởi ra thì mau mau tìm mọi cách đẩy lui niệm đó khỏi tâm, hướng tâm trở lại vị trí thanh thản, an lạc và vô sự của nó.

Tóm lại, người tu Định Vô Lậu câu hữu Tâm Niệm Xứ, tức là trên tâm quán tâm khi tâm có niệm khởi thì phải đẩy lui niệm khởi đó ra khỏi nội tâm thì chỗ này đức Phật dạy: “Nhiệt tâm, tỉnh giác”, phải luôn cảnh giác rất tỉnh ở niệm vừa khởi khi thấy mặt nó ngay liền đồng thời mổ xẻ niệm này ra nên đức Phật gọi là quán tâm tức là xem xét tư duy cho thấu suốt niệm đó, pháp môn này khác với pháp môn tri vọng, vì tri vọng là biết vọng liền buông tức là không cần phải hiểu vọng thuộc về loại nào trong lậu hoặc, cho nên pháp tri vọng là pháp ức chế tâm còn pháp trên tâm quán tâm là pháp xả tâm, vì những niệm, có niệm là một chướng ngại pháp cho tâm thì nên quán xét đẩy lui, còn có niệm không phải là chướng ngại pháp của tâm thì không cần đẩy lui.

Thưa quý vị! Niệm không chướng ngại tâm của quý vị đó là niệm thanh thản, niệm an lạc và niệm vô sự. Tại sao chúng tôi lại bảo thanh thản, an lạc và vô sự là niệm?

Thưa quý vị! Nếu tâm không niệm thì tâm không, nhưng ở đây nó biết rõ ràng là có tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế mà chúng tôi bảo niệm thanh thản, niệm an lạc và niệm vô sự, quý vị cứ suy ngẫm có đúng không? Niệm ấy có chướng ngại tâm không?

Vì nó không chướng ngại cho tâm nên chúng ta không đẩy lui nó.

4- Pháp Niệm Xứ:

Bây giờ chúng ta tu tập tới Định Vô Lậu câu hữu với Pháp Niệm Xứ. Đây là pháp thứ tư của Tứ Niệm Xứ, pháp này coi vậy chứ không đơn giản, nếu chúng ta không biết rõ nó thì rất khó tu tập vô cùng và chúng ta sẽ bị nhận ra tâm thanh tịnh sai lầm. Từ chỗ các pháp tác động khiến tâm sanh ra niệm thiện ác, từ chỗ các pháp tác động tâm sanh ra các cảm thọ cho thân và tâm khiến ra vô lượng vô biên chướng ngại pháp, vì chính các pháp mà tạo cho tâm của chúng ta bất an và nếu chúng ta không chủ động điều khiển được tâm thì tâm sẽ sanh ra muôn ngàn ác pháp khác để tạo thành nghiệp lực và nghiệp lực này sẽ tiếp tục tái sanh luân hồi mãi mãi trong muôn kiếp, muôn đời của chúng ta. Nghiệp lực này không phải một sanh ra một, mà một sanh mười, mười sanh trăm, trăm sanh ra vạn, vạn sanh ra triệu, v.v..

Hằng ngày trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi của chúng ta, chúng ta đều quan sát thân, thọ, tâm, pháp xem coi có chướng ngại pháp hay không? Như trên đã dạy, nếu trên bốn chỗ này không có chướng ngại pháp thì chúng ta xem tâm đang phóng dật ở chỗ nào? Thường tâm không phóng dật là tâm định trên thân, mà tâm định trên thân thì tâm luôn biết hơi thở ra hơi thở vô một cách rất tự nhiên, chứ không bị ức chế hay bị bắt buộc phải tập trung trong hơi thở ra vô như các loại thiền khác. Đức Phật đã xác định khi nào tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân tức là tâm định trên hơi thở, tâm định trên hơi thở là tâm chỉ biết có hơi thở mà thôi. Nơi đây chúng ta phải lưu ý, khi tâm không khởi niệm thì tâm hay phóng dật theo các pháp bên ngoài.

Ví dụ: Khi tâm không có niệm thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự, nhưng tâm không định trên hơi thở (Thân Hành Niệm nội) mà lại phóng tâm chạy theo các sắc pháp bên ngoài thân, như tâm cảm nhận cỏ, cây, trời, mây, nước, núi, sông, v.v.. nói chung là tâm đang phóng dật theo tất cả các hình ảnh của sắc pháp. Người tu Thiền Đông Độ đến chỗ này họ cảm thấy như tâm mình phủ trùm vạn hữu, cho nên Bàng Long Uẩn nói: “Dễ dễ dễ, ý Tổ sư trên mỗi đầu ngọn cỏ”, ngược lại đức Phật bảo chỗ này tâm còn phóng dật theo các pháp nên chưa được định.

Người tu Định Vô Lậu câu hữu với Pháp Niệm Xứ thì phải lưu ý điều này, nếu để tâm phóng ra ngoại cảnh lang thang trời, trăng, mây, nước theo âm thanh sắc tướng bên ngoài như Thiền sư Ba Tiêu của Nhật Bổn theo âm thanh tiếng con nhái kêu hay tiếng con ếch nhảy, tiếng nước kêu, đó là tâm đang phóng dật theo pháp chứ không phải tâm định, vì thế người tu thiền định của đạo Phật phải cảnh giác điều này, khi mà tâm đi lang thang phóng dật như vậy thì phải nhắc khéo cho tâm trở về hơi thở như đức Phật dạy: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, nhưng không được ức chế nó mà phải để nó tự nhiên định vào hơi thở, chỗ này khi chúng chỉ cần biết là tâm đang phóng dật theo pháp trần thì tâm định ngay liền trên hơi thở, bởi vì tâm không còn khởi niệm nữa nên nó đã ly dục ly ác pháp, như chưa quen định trên hơi thở. Chỗ này đức Phật đã dạy: “Thì Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý”.

Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Niệm Xứ là một pháp môn thiền định dễ tu nhất hơn tất cả các pháp môn khác vì nó không ức chế tâm, không tập trung tâm vào một chỗ nó luôn luôn quan sát trong bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, nếu có chướng ngại pháp xâm chiếm vào bốn chỗ này thì nó dùng tất cả mọi sự hiểu biết của các pháp ngăn ác, diệt ác pháp đẩy lui khiến cho tâm ở trong trạng thái thanh tịnh an lạc giải thoát. Nếu hằng ngày cứ giữ gìn pháp này tu tập thì luôn luôn lúc nào cũng có sự giải thoát, kéo dài một phút sẽ giải thoát một phút, một giờ sẽ giải thoát một giờ, một ngày sẽ giải thoát một ngày, một tháng sẽ giải thoát một tháng. Sự giải thoát ấy tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là tâm thiền định, cho nên thiền định mà không ức chế tâm, không tập trung tâm mà lại có thiền định. Tu chỉ có mục đích xả tâm tham, sân, si mà lại có thiền định thì thật là tuyệt vời, thiền định lại làm chủ sự sống chết và chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Cho nên, trong kinh Nguyên Thủy đức Phật thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chúng ta lưu ý pháp môn này: “Này các Thầy Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ”. (Kinh Niệm Xứ (Satipatthanasutta) trong kinh Trung Bộ tập 1 trang 131 thuộc tạng kinh Pali).

Hầu hết các nhà học giả không có kinh nghiệm tu hành trong Tứ Niệm Xứ nên dựa theo sự dẫn giải của đức Phật trong kinh mà không hiểu ý nghĩa của Phật muốn nói gì trong chín giai đoạn quán thân trên thân như:

1/ Quán niệm thân hành tướng nội (hơi thở), tỉnh thức trong hơi thở.

2/ Quán thân hành tướng ngoại như đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, co tay, duỗi tay ngó tới, ngó lui, mang bát, mặc y, v.v.. đó là tỉnh thức trong hành tướng ngoại thân.

3/ Quán niệm thân hành tướng ngoại và tướng nội như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, hơi thở, v.v.. và tất cả các cảm giác xảy ra toàn thể nội ngoại thân hành, tỉnh thức trong mọi hành động thân nội ngoại tướng sanh diệt.

4/ Quán thân bất tịnh để phá ngã chấp thân là của chúng ta.

5/ Quán thân tứ đại duyên hợp để phá chấp thân là vật thường hằng.

6/ Quán thân tử thi chết trương phồng hôi thúi để phá chấp thân là đẹp xinh thơm tho để nhàm chán sắc dục.

7/ Quán thân tử thi bỏ trong nghĩa địa bị các loài cầm thú xé ăn và loài côn trùng dòi đục khoét để nhàm chán thân xa lìa sắc dục.

8/ Quán bộ xương còn nối với những sợi gân để nhàm chán các pháp thế gian chẳng có gì là bền chắc.

9/ Quán bộ xương trắng để tránh tâm sắc dục và nhàm chán các pháp thế gian.

Các nhà học giả dựa theo chín pháp quán thân trên thân trong kinh Tứ Niệm Xứ mà hiểu theo kiến giải của mình rồi dạy người tu tập đã biến pháp môn Tứ Niệm Xứ thành một pháp môn ức chế và tập trung tâm quá căng thẳng, khiến cho mọi người tu tập thành bịnh các cơ mặt và thần kinh.

Các nhà học giả đâu hiểu rằng Tứ Niệm Xứ là bốn nơi để cho hành giả quan sát tư duy suy ngẫm để đẩy lui tất cả các chướng ngại pháp tức là những pháp làm cho tâm bất an, làm cho tâm khởi ham muốn. Chín pháp quán thân trên thân thì có ba pháp tập tỉnh thức, còn sáu pháp xả các chướng ngại pháp để tâm hoàn toàn sống trong chánh niệm.

Người tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Niệm Xứ tức là quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại pháp liền tìm mọi cách đẩy lui để lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự như trên đã dạy, đó là sự giải thoát. Còn nếu giải thích vòng vòng theo kinh Tứ Niệm Xứ thì chỉ có người tu chứng mới hiểu được ý của đức Phật, còn người không tu chứng sẽ lý giải sai pháp khiến cho người đời sau tu hành chẳng có giải thoát mà còn rơi vào trạng thái có thể điên khùng bệnh tật, các sư một số hệ phái tưởng giải ra tu tập cho nên ông nào cũng không nhập định được chết một cách rất là đau khổ, không có vị nào làm chủ sự sống chết được, đó là kinh sách Nguyên Thủy mà các Sư tu hành còn như vậy, huống là kinh sách phát triển, Thầy nào Thầy nấy tu hành đến khi sắp chết đều nhe răng méo miệng khổ sở vô cùng, thật đáng thương! Đáng thương vô cùng, lúc còn mạnh tay khỏe chân thì luận đông luận tây dạy người tu hành tưởng mình như là Phật sống, không ngờ sự tu hành của mình chưa ngả về tới đâu mà vội mưa pháp vọng ngữ để giết hằng loạt người ham tu thiền, ham tu có thần thông, cuối cùng Thầy trò dẫn nhau xuống địa ngục mà không biết. (BBT: mưa pháp: nói pháp như mưa)

III- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU TỨ CHÁNH CẦN

Trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp của con, hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm lúc nào con cũng phải quan sát bốn chỗ này và cảnh giác giữ gìn không cho các ác pháp tấn công vào bốn căn cứ này, nếu vô ý để chúng tấn công thì mau mau phải diệt chúng không để chúng sống trên các cứ điểm này dù là một giây một phút nào.

Nếu con siêng năng tu tập chỉ một pháp môn này con cũng làm chủ sự sốngchết, chẳng cần phải tu những pháp khác. Bởi vì pháp môn này là pháp môn tu thiền định đầu tiên của đạo Phật, đó là thứ thiền xả tâm giúp cho tâm con ly tham, đoạn ác pháp đem lại một nguồn giải thoát an vui cho mình cho người, khiến cảnh thế gian thành Thiên Đàng Cực Lạc.

Khi cư sĩ Visaka hỏi Ni Sư Diandinama:

 - Tu thiền phải lấy pháp gì tu?

Ni Sư Trả lời:

- Tu thiền phải dùng pháp Định Tư Cụ”.

Định Tư Cụ là Tứ Chánh Cần. Vậy chúng ta tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Chánh Cần tức là tu pháp thiền đầu tiên của đạo Phật như trên chúng tôi đã dạy, đó là một loại thiền rất lợi ích cho chúng sanh khi tu là có kết quả giải thoát ngay liền như đức Phật đã xác định: “Pháp Ta thiết thực cụ thể không có thời gian, đến để mà thấy”. Ngăn ác, diệt ác pháp trên Tứ Niệm Xứ tức là chúng ta ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là không làm khổ mình, khổ người, đó là một sự tu tập để xây dựng mình có một đạo đức nhân bản. Một pháp môn thiền định tu tập để làm chủ bốn sự đau khổ của cuộc đời sanh, già, bịnh, chết, thế mà nó cũng là một pháp môn để cho con người rèn luyện tu tập trở thành một con người có đạo đức, một đạo đức cao thượng làm người không làm khổ mình, khổ người.

Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Chánh Cần là pháp môn có lợi ích rất lớn quét sạch lậu hoặc khiến cho người tu hành giải thoát hoàn toàn, sống trong thế gian mà tâm bất động, đó là một pháp môn cần thiết cho cuộc sống mọi người trên hành tinh này.

IV- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU NHÂN QUẢ

Hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm lúc nào chúng ta cũng quan sát xem xét tư duy suy ngẫm trên ba chỗ xuất phát nhân quả thân hành, khẩu hành và ý hành.

Bất kỳ lúc nào cũng phải cẩn thận ý tứ cảnh giác và giữ gìn không để thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, luôn luôn phải thể hiện thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện.

1- Thân hành thiện: Là thân không giết hại chúng sanh, không ăn thịt chúng sanh, không làm đau khổ chúng sanh và phải ý tứ để thân không vô tình giẫm đạp làm đau khổ chúng sanh.

Thân hành thiện là thân không lấy của không cho dù là vật nhỏ mọn như cây kim sợi chỉ, trái cà, trái ớt, cũng không được lấy.

Thân hành thiện là thân không tà dâm, đối với người cư sĩ, nghĩa là khi có vợ con hoặc có chồng con thì không được dâm dục với người khác, dâm dục với người khác sẽ làm đau khổ gia đình mình và đau khổ gia đình người khác, còn người tu sĩ thì không nên dâm dục vì dâm dục tức là thân hành ác pháp tạo ra sự khổ cho mình cho người và làm cho Phật Pháp suy đồi.

2- Khẩu hành thiện: Là miệng không nói dối, luôn luôn phải nói lời chân thật, thấy, nghe sao nói vậy không được nói sai sự thật.

Khẩu hành thiện là miệng không được nói lời thêu dệt, chuyện xấu nói tốt, chuyện tốt nói xấu, chuyện sai nói đúng, chuyện đúng nói sai. Lúc nào cũng phải tránh nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện vô ích.

Khẩu hành thiện là miệng không nói lật lọng, không nói ngược ngạo, không vu oan giá họa cho kẻ khác.

Khẩu hành thiện là miệng không nói lời hung dữ, không chửi thề, không la mắng to tiếng, nạt nộ, hù dọa, v.v..

3- Ý hành thiện: Là ý không khởi nghĩ ham muốn một vật gì cả, ý không sân hận oán thù, ganh ghét ai cả, ý không si mê thường sáng suốt nhận rõ mọi hành động nhân quả thiện ác để luôn luôn ý nghĩ đến điều thiện không làm khổ mình, khổ người.

Tóm lại, trên đây là tu Định Vô Lậu câu hữu với nhân quả tức là tu tập vô lậu trên đường đi lối về của nhân quả. Muốn cho các chướng ngại pháp không tác động vào thân tâm sanh ra lậu hoặc nên thường cảnh giác và giữ gìn thân, miệng, ý không cho hành động ác luôn luôn phải thực hiện hành động thiện để tạo cảnh an vui cho mình cho người, để tạo sự giải thoát cho mình và các pháp chướng ngại không còn tác động được thân tâm, đó là sự giải thoát của Định Vô Lậu câu hữu với Nhân Quả thiện ác.

Định Vô Lậu câu hữu với nhân quả là một pháp môn ngăn các ác pháp tuyệt vời, nếu người nào siêng năng tu tập thì thân hành, ý hành, khẩu hành không bao giờ làm khổ mình, khổ người, đó là một hành động đạo đức cao thượng nhất trên thế gian này.

V- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU TỨ DIỆU ĐẾ

Quán Tứ Diệu Đế tức là quán khổ, tập, diệt, đạo. Vậy quán khổ, tập, diệt, đạo như thế nào?

Đây là bốn chân lý của đạo Phật, từ khi bắt đầu có đạo Phật cho đến nay, chưa có ai dám thay đổi chân lý này, vì nó là chân lý nên nó xác định đời sống của con người rất logique và khoa học nên giáo lý này mới được gọi là chân lý.

Cách đây mấy trăm năm có một số người muốn làm Sư Tổ của Phật giáo bài bác bốn chân lý này để sản sanh ra một chân lý mới trừu tượng và mơ hồ, đó là chân lý Bát Nhã Ba La Mật của Tổ Long Thọ là “Chân Không” để đả phá chân lý của đạo Phật “Vô khổ, tập, diệt, đạo”, kế tiếp có Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, v.v.. xúm nhau để xương minh chân lý này, nhưng nó chỉ là một chân lý ảo tưởng, nó không nói lên được sự thật của cuộc sống loài người thì làm sao là chân lý được của thế giới hành tinh này.

Cho nên, các nhà tôn giáo và các nhà triết học đã đưa ra nhiều triết thuyết về chân lý, nhưng tất cả đều nằm trong những triết thuyết chân lý ảo tưởng của tưởng tri con người, vì thế, những triết thuyết chân lý đó, chỉ sống trong một thời gian ngắn ngủi rồi chết đi, chỉ vì nó không thiết thực lợi ích cụ thể đối với đời sống của con người, nó chẳng giống như triết thuyết chân lý của đạo Phật. Vậy, chúng ta hãy lắng nghe chân lý của đạo Phật đối với con người trên hành tinh này như thế nào? Mà nó được gọi là chân lý của loài người?

CHÂN LÍ THỨ NHẤT “KHỔ ĐẾ"

Khế kinh có câu: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”, lời nói này có quá đáng chăng? Chúng ta chưa vội xác định câu nói này mà hãy dùng Định Vô Lậu quán xét tư duy chân lý thứ nhất, rồi mới xác định sau. Người không hiểu biết cho rằng đời là một hạnh phúc, nhưng họ không ngờ những khoái lạc của cuộc đời đều là giả dối, lừa phỉnh, chẳng khác gì như người khát nước mà cứ uống nước mặn, càng uống lại càng khát và càng khổ đau. Cho nên, những sự vui của cuộc đời chỉ là tạm bợ, hào nhoáng như một lớp sơn bên ngoài mà thôi. Bản chất của cuộc đời là khổ đau. Cõi đời này là một biển nước mắt và mồ hôi của loài người, trong ấy, mọi người đang bơi lội, hụp lặn, chìm nổi, trôi lăn. Nếu ai đã từng nếm mùi vị của cuộc đời thì không ai bảo rằng đời là hạnh phúc, là sung sướng, người thấy rõ đời sống là khổ không ai hơn đức Phật, nên chân lý của Ngài đưa ra mọi người đều phải công nhận, chỉ có một vài người mang tà kiến mới cho nó là “vô khổ, tập, diệt, đạo”, như Long Thọ, còn các Tổ sau này chỉ là những người hùa theo, cho nên Thiền sư Thường Chiếu bảo: “Một con chó sủa, một bầy chó sủa theo”.

Không ai có thể kể ra hết mọi sự đau khổ trong thế gian, nhưng căn cứ vào lời dạy của đức Phật thì có ba loại khổ:

1- Khổ khổ

2- Hoại khổ

3- Hành khổ

Khổ khổ: Cái khổ chồng chất lên cái khổ; bản thân đã là khổ mà hoàn cảnh chung quanh lại đè lên bao cái khổ khác: đó là khổ khổ.

Chúng ta quán xét tự thân mình là nạn nhân của bao nhiêu cái khổ, cái xấu xa đê tiện; thân thể là một bao đựng đầy thịt xương dơ bẩn hôi thúi bất tịnh, nếu một vài ngày không tắm rửa chăm sóc, thì thối tha không chịu được. Vả lại, cái thân của chúng ta rất giòn bở mong manh; khát nước độ ba ngày, ngạt thở độ năm phút, đứt một mạch máu, bị nhiễm vi trùng độc… thế là mạng vong, không còn sống được nữa. Lại nữa, cái khổ sống chết bất ngờ mà không ai làm chủ, còn biết bao nhiêu cái khổ khác nữa chồng chất lên nhau, không sao tránh khỏi như: bệnh tật, tai họa đói khát, bão lụt, chiến tranh, động đất, hỏa hoạn, chiến tranh áp bức, sưu cao, thuế nặng, v.v.. đó là khổ khổ.

Hoại khổ: Thật vậy, vạn vật trong vũ trụ có hình tướng đều phải bị hoại diệt vì luật vô thường chi phối từng giây từng phút, nên không có vật gì được tồn tại mãi, dù cho sắt đá lâu ngày cũng phải mục nát, to lớn như đất trời còn phải tan hoại. Yếu ớt nhỏ nhoi như thân người thì mạng sống như bong bóng nước, như mây nổi giữa trời, như hoa phù dung sớm nở tối tàn, mỗi phút mỗi giây chúng ta đang sống là mỗi phút mỗi giây đang hủy hoại, dù cho chúng ta có sức khỏe, có quyền thế, có giàu sang, tiền của, châu báu, ngọc ngà, vàng bạc có chất đầy cả không gian này thì cũng không cản ngăn, chống đỡ không cho thời gian hủy diệt đời sống của chúng ta được. Chúng ta hoàn toàn bất lực trước sự vô thường của thời gian.

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Thật là khổ sở, tủi nhục, đau đớn cho kiếp sanh làm người.

¨Hành khổ: Là chỉ cho mọi hành động của chúng ta thương, ghét, giận, hờn, lo lắng, ưa thích, ham muốn, v.v.. Vả lại, mỗi hành động của chúng ta đều mang theo bản chất thiện và ác; ác thì làm khổ mình, khổ người; thiện thì không làm khổ mình, khổ người, nhưng phần nhiều hành động thân, miệng ý của chúng ta thường đem đến sự khổ đau cho nhau hơn là đem đến sự an vui hạnh phúc. Bởi vậy, đức Phật dạy: “các hành là vô thường, là khổ”, lúc thì nó hành như thế này, lúc thì nó hành như thế khác, nó không bao giờ đứng yên lặng một chỗ. Nếu chúng ta chịu khó quan sát và sẽ nhận thấy rõ ràng: thân thì chẳng lúc nào chịu im lặng, không đi thì ngồi, không ngồi thì đứng, không đứng thì nằm, không nằm thì làm việc này việc khác, lúc nào thân cũng động đậy trừ ra lúc nằm ngủ.

Miệng lúc nào cũng muốn nói chuyện không chuyện này thì nói chuyện khác, nếu vắng một lúc không nói là đi tìm người để nói chuyện, con người vốn thích động không thích tịnh, sống độc cư trầm lặng một mình chịu không nổi, cho nên các Tổ quở trách các đệ tử: “Không chịu để miệng đóng móc meo”.

Ý thì lăng xăng nghĩ chuyện này sang chuyện khác như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cây, không bao giờ dừng nghỉ. Đó là ba chỗ hành của thân con người, ba nơi đó nếu chúng ta không biết dừng nghỉ những hành động ác thì sẽ mang lại cho mình và mọi người biết bao nhiêu là muôn ngàn thứ đau khổ xảy ra, cho nên đức Phật nói: “hành là khổ” là vậy.

Ba thứ khổ này chia ra làm tám thứ khổ:

1/Sanh khổ: Sanh ở đây có hai nghĩa đời sống và sự sanh đẻ.

a) Khổ trong lúc sanh ra: Người sanh và đứa bé được sanh đều khổ. Khi người mẹ mới mang thai đã bắt đầu biếng ăn, mất ngủ, nôn oẹ, dã dợt, bần thần, người gầy ốm trong những tháng đầu. Thai nhi mỗi ngày mỗi lớn, thì người mẹ mỗi ngày mỗi mệt mỏi, nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp. Khi gần đến ngày sanh thì sự đau đớn không sao nói hết được. Đến ngày hoa khai nở nhụy, nếu thuận thai thì người mẹ cũng đau đớn thập tử nhất sanh, khi sanh con ra mẹ phải chịu nhơ uế nhiều ngày, yếu đuối nhiều tháng, vì máu huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém. Còn nghịch thai thì người mẹ phải bị mổ xẻ, 100 phần chết chỉ có một phần sống mà thôi, đôi khi giải phẩu người mẹ và phải chịu bệnh tật suốt đời khi sinh con.

Còn đứa bé từ khi chào đời cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Chín tháng mười ngày trong bụng mẹ sống trong cảnh tối tăm chật hẹp. Đến kỳ sanh nở thì thân còn phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bề, nên khi vừa thoát ra ngoài vì khổ quá, vả lại còn bị móc miệng đau đớn không cùng nên vội khóc thét lên.

“Thảo nào lúc mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!”.

b)Khổ về đời sống: Khổ về đời sống có hai phương diện vật chất và tinh thần:

- Khổ về vật chất: Cuộc sống của con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như: món ăn, thức uống, y phục, nhà ở, thuốc men. Muốn có những nhu cầu ấy, con người phải lao động cần cù quanh năm suốt tháng, vất vả, khổ sở mới đổi lấy nó được, phải bằng mồ hôi nước mắt và sức lực của mình. Nhiều khi, suốt đời làm lụng cơm không đủ ăn, nhà ở không đủ ấm.

Chẳng những đợi đến cảnh đói khát mới là khổ; ăn uống thất thường bữa đói bữa no, thiếu thốn trước sau cũng đã là khổ. Chẳng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hay ăn lông ở lỗ mới gọi là khổ; áo quần không đủ ấm, nhà cửa không che được nắng mưa đó cũng là khổ lắm rồi. Người nghèo đã khổ như thế thì người giàu có khổ hay không?

Muốn có tiền bạc của cải tài sản, tất phải thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, đầu tắt mặt tối trong công việc, mồ hôi nước mắt đổ ra biết bao nhiêu mới có được, chứ đâu phải tiền bạc, của cải, tài sản ở trên trời rơi xuống mà phải bằng công sức và đầu óc tính toán, nhiều khi phải quên ăn, mất ngủ, nhưng khi đã có của cải rồi, đâu phải là sung sướng, phải lo giữ gìn bảo vệ nó, nếu một mai bị trộm cướp, nước trôi, hỏa hoạn hoặc bị vua quan sung vào công quỹ thì khổ sở vô cùng, có người vì của cải tài sản mất mà điên, cũng có người vì của cải mất mà phải buồn khổ đến chết, đó là khổ sở về vật chất.

- Khổ về tinh thần: Thì không biết bao nhiêu sự khổ kể ra làm sao cho hết. Chúng tôi nêu lên một vài ví dụ như: thua kém mọi người từ ăn mặc đến nhà ở là chúng ta đã khổ, thua kém từ học thức đến địa vị trong xã hội là chúng ta cũng khổ, khổ từ những lời nói khen chê của kẻ khác, khổ vì bị lừa gạt, bị áp bức, khổ vì những người thù oán, khổ vì bị kẻ khác khinh bỉ, v.v..

Tóm lại, về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống của chúng ta có biết bao nhiêu là sự khổ đau, mà làm con người phải gánh chịu, cho nên chơn lý thứ nhất của đạo Phật là “Khổ Đế”. Khổ Đế là chỉ cho đời sống của con người khổ thật, khổ thật nhưng không phải biết khổ để mà trốn khổ, để mà tiêu cực yếm thế bỏ đời. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy một sự thật hiển nhiên của cuộc sống là khổ như vậy để mà vượt lên trên những nỗi khổ đó, để xây dựng cho mình, cho người có một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người để biến cảnh thế gian thành cảnh giới Cực Lạc Thiên Đàng. Cho nên, kẻ nào thất tình thất vọng vào chùa tu hành để nhờ câu kinh tiếng kệ mà quên đi sự đau khổ của cuộc đời là kẻ hèn nhát không xứng đáng là đệ tử của đức Phật, còn kẻ nào mượn Phật giáo kinh doanh làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ, ngồi mát ăn bát vàng là kẻ ăn cướp của đàn na thí chủ, của mọi người, bày ra nhiều trò mê tín lừa đảo, những người còn vô minh, mang nặng lòng kiến chấp những phong tục tập quán lạc hậu. Đó là những loài ma vương đội lốt tu sĩ và cư sĩ Phật giáo để diệt Phật giáo, chứ không phải là chấn hưng Phật giáo.

2/ Lão khổ: Con người đến lúc già, thân thể hao mòn, tinh thần suy kém nên thể xác lẫn tinh thần đều khổ.

Càng già khí huyết càng hao mòn, ngày càng mỏi mệt, hoạt động một cách yếu ớt, mắt lờ tai điếc, tay chân run rẩy, đi đứng khó khăn làm việc gì cũng phải nhờ đến kẻ khác, khi trời trở tiết thì toàn thân đau nhức, đó là cơ thể già là khổ như vậy.

Càng già thân thể càng suy yếu, trí tuệ càng lu mờ, do đó sanh ra lẫn lộn, quên trước quên sau, hành động giống như kẻ ngây dại có khi ăn dơ, uống bẩn mà không biết, nói năng lặp đi lặp lại như người mất trí; ăn rồi bảo chưa ăn, chưa ăn bảo ăn rồi, có khi nói nhảm nhí một mình thật đúng là già khổ.

3/ Bệnh khổ: Bất luận thân của chúng ta đau bệnh gì, từ cái đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, mỏi tay, mỏi chân cho đến những bệnh hiểm nghèo trầm trọng như ung thư, lao phổi, hoặc cùi phong, đái đường, lên máu, sơ gan cổ trướng, v.v.. đều làm cho con người phải đau khổ, nhức nhối, rên xiết… Nhất là những bệnh trầm kha thì lại hành hạ xác thân, đắng cơm, nghẹn nước, cầu sống không được, cầu chết cũng không xong, oan oan ương ương thật là khổ não.

Thân bệnh đau mà tiền thì không, có người sau khi lành bệnh tiền bạc không còn, của cải tài sản bán sạch, chỉ còn hai bàn tay trắng, sống một đời sống tràn đầy sự khổ đau bất tận, cuộc sống là một màn đêm đen tối hướng về tương lai.

Đó là về bản thân phải chịu lấy những bệnh khổ, còn về những thân bằng quyến thuộc thì buồn rầu lo sợ, cho nên, mỗi khi trong nhà có người bị bệnh, thì cả gia đình đều rộn ràng bâng khuâng đứng ngồi không yên, quên ăn mất ngủ, bỏ cả công ăn việc làm, thật đúng như lời đức Phật dạy: “Bệnh là khổ”. Khổ về tinh thần và khổ về thân xác vật chất, cho nên, ai có thân bệnh đều sợ cả, không ai mà không sợ bệnh khổ.

4/ Tử khổ: Trong bốn cái khổ của đời người là sanh, già, bệnh, chết, nhưng chết thì ai nghe nói đến cũng đều kinh hãi, nhất là ai cũng biết rằng con người sớm muộn gì rồi cũng phải chết, nhưng nghe nói chết thì ai cũng sợ, sợ nhưng không ai tránh khỏi. Chết là khi cơ thể tan rã, nhưng trước khi tan rã hoại diệt nó đau đớn từng đốt xương lóng tay, da thịt như ai đần, ai bầm rêm cả thân người, nằm không yên, ngồi không được, người đời thường gọi đó là lúc trăn trở để mà chết, nên trước khi chết, mọi người ai cũng phải chịu sự đau khổ tận cùng, sức chịu đựng thân mạng này, rồi mới chết. Cho nên, đức Phật dạy: “chết là khổ chứ không phải chết là hết khổ”.

Người đời thường nghĩ chết là hết khổ, sự thật không phải vậy, chết là một sự nối tiếp sự khổ. Hiện tượng người chết quá ư khổ thì khi họ tái sanh cũng khổ và còn khổ hơn nữa, ngược lại, người chết không khổ thì tiếp tục tái sanh không khổ.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý, trong thế gian có bốn hạng người:

§ Hạng người thứ nhất: Chết khổ là hạng người bị bệnh đau khổ sở vô cùng, ăn, ỉa, đái một chỗ, chịu hôi, chịu thối của xác thân tứ đại, cho đến khi chết phải đau nhức trăn trở khổ sở tận cùng, rồi mới chịu chết, đó là hạng người chết khổ.

§ Hạng người thứ hai: Chết ít khổ là những hạng người bị bệnh mà không phát hiện ra, đến khi thình lình đứt mạch máu não hoặc rút tay giựt chân, méo miệng rồi ngã lăn ra chết, những người này thời gian thọ bệnh khổ rất ngắn, đó là hạng người chết ít khổ.

§ Hạng người thứ ba: Chết không khổ là hạng người không bị bệnh đau gì cả nằm ngủ rồi ngủ luôn, đó là hạng người chết không khổ.

§ Hạng người thứ tư: Làm chủ sự sống chết, họ muốn sống là sống và muốn chết là chết, chết lúc nào cũng tự tại dễ dàng, không phải chờ bệnh đau tận cùng rồi mới chết, đó là hạng người làm chủ sự sống chết như đức Phật và các bậc Thánh Tăng A La Hán.

Cho nên, trong đời sống của loài người có bốn hạng người như vậy.

- Hạng người thứ nhất, chuyên làm ác giết hại chúng sanh như những người làm nghề đồ tể, săn bắn, chài lưới, v.v..và những hạng người chuyên lừa đảo thiên hạ buôn thần bán Thánh, v.v..

- Hạng người thứ hai, có làm ác có làm thiện, nên chết ít khổ hơn.

- Hạng người thứ ba, sống chuyên làm thiện không làm khổ mình, khổ người.

- Hạng người thứ tư, là những bậc tu hành toàn thiện, toàn định, toàn tuệ đầy đủ thần lực làm chủ nhân quả, chấm dứt luân hồi, nên luật nhân quả không còn tác động họ được.

5/ Ái biệt ly khổ: Con người sanh ra ở đời ai cũng có lòng yêu thương, loài thú vật cũng có lòng thương yêu, chúng cũng biết buồn thương và khóc, huống là con người như chúng ta, tình thương giữa vợ chồng, con cái, anh em, chị em, cha mẹ, quyến thuộc, bạn bè, thân hữu, v.v.. đang thương yêu mặn nồng thắm thiết mà bị sự bắt buộc chia ly, thì thật không có gì đau đớn hơn khi kẻ bắc người nam hoặc kẻ còn người mất. Sự chia ly chia ra làm hai loại:

a) Sanh ly khổ: Một gia đình đang sống trong cảnh sum họp, đầm ấm, an vui, bỗng có một hoàn cảnh bắt buộc hay vì một thiên tai, giặc giã, v.v.. làm cho mỗi người bơ vơ, thất lạc nhau, kẻ đông người tây, kẻ nam người bắc, kẻ góc biển, người chân trời, nỗi nhớ mong, thương xót không cùng. Sự sống mà chia ly nhau là sự đau khổ không cùng nên người đời khổ quá mới nói ra lời: “Thà lìa tử chứ ai nỡ lìa sanh”.

b) Tử biệt khổ: Người ở đời mỗi lần chết là một lần vĩnh viễn không còn gặp nhau nữa, dù là ly biệt có khổ nhưng còn có ngày hy vọng gặp lại nhau, chứ một khi đã chết rồi thì bao thuở được sum vầy nữa. Cho nên, trước cảnh chết, là một sự ra đi vĩnh viễn, làm người trước cảnh ấy ai mà chẳng nức nở, khổ đau, vì thế trước cảnh này đã có nhiều người xót thương rầu rĩ không còn thích ăn thích ngủ, có người quá đau đớn tuyệt vọng vì thương nhớ đến nỗi phải toan chết theo người thân thương quá cố của mình, có người ôm quan tài của người quá cố lăn lộn nức nở nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi lả tả dường như ai cắt ruột cắt gan mình. Đó là cái khổ của tử biệt, mà sanh ra làm người ai ai cũng phải biết, và bao lần đứt ruột đứt gan nước mắt đổ xuống vì những người thân thương ra đi vĩnh viễn. Chính bản thân chúng tôi, khi người cha thân yêu của chúng tôi ra đi vĩnh viễn, nước mắt của chúng tôi đã đổ xuống chan hòa, cổ chúng tôi nghẹn ngào, chúng tôi thầm ước nguyện: “Con nguyện sẽ tìm cha cho bằng được dù bất cứ có gian khổ như thế nào con cũng không chùng bước trước mọi gian nguy thử thách trừ ra con chết, nếu còn một chút hơi thở dư tàn con cũng quyết tìm cha cho bằng được”. Lời nguyện ước này cộng thêm sự sách tấn của Hoà Thượng Thanh Từ: “Đạo Phật còn là còn một người tu chứng”. Những điều này đã tạo thành một mãnh lực quyết liệt trong đời tu hành của chúng tôi để chiến đấu và chiến thắng từng tâm niệm ham muốn các ác pháp trong nội tâm của mình. Cuối cùng, chúng tôi đã chiến thắng và mãn nguyện.

Còn hiện giờ, mọi người tu chỉ tu danh, tu lợi, tu mà sợ khổ, sợ cực nhọc, sợ đói, sợ khát, sợ chết, sợ mất sức, sợ bỏ của cải tài sản, sợ bỏ vợ bỏ con tội nghiệp, tu mà còn tham muốn thần thông phép tắc hơn người, chưa tu được gì mà vội muốn làm thầy thiên hạ, vay mượn kinh sách của người xưa, nhai đi nhai lại những thứ bã mía lừa đảo người, cho nên tu hành chẳng ra gì.

Tử biệt sanh ly là nỗi khổ của loài người, thế mà đã đi tu, lại không lo giải quyết cho xong, đã bao nhiêu lần nước mắt tuôn rơi vì mất cha, mất mẹ mà còn không biết, không lo. Cha mẹ còn hay mất ở nơi đâu, đi về đâu…? Vậy mà dám vỗ ngực xưng tên là con hiếu. Cha mẹ chết mặc cha mẹ, cứ mãi lo tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, chẳng còn ai hay biết gì, nhưng tiền bạc danh vọng đó, chết rồi cũng không mang theo được, chỉ còn lại nghiệp thiện ác mà thôi, để rồi tiếp tục trên con đường khổ đau như cũ, quanh quẩn trong vòng luân hồi muôn đời muôn kiếp.

6/ Cầu bất đắc khổ: Người sanh ra ở đời, ai cũng có sự hy vọng, sự hy vọng càng nhiều thì sự thất vọng càng to. Bất luận trong tất cả mọi việc làm, số người làm được đạt như ý muốn thì quá hiếm mà kẻ thất bại thì quá nhiều, cho nên gặp thất bại không có người nào là không khổ; có nhiều người thất bại quá tự tử; có nhiều người thất bại bỏ vào chùa tu; còn muốn đạt kết quả tốt đẹp, người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu là năng lực, lao tâm tổn trí, quên ăn bỏ ngủ để đạt được kết quả như ý muốn, nhưng đến giờ phút cuối cùng không thành công thì sự đau khổ không biết là dường nào.

Ví dụ: Như người buôn bán lỗ lã, người nông phu làm mùa thất bại, người học trò thi rớt, v.v.. thì khổ sở và cay đắng biết là bao nhiêu, nói sao cho cùng.

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng nám mùi dâu!”

(Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều).

Muốn mau làm giàu, nhiều người tìm mọi cách gian xảo lừa đảo lường gạt người, nhưng mưu gian chước lận, ăn lo hối lộ đổ bể, tài sản bị tịch thu, bản thân bị tù tội, gia quyến bị nhục nhã xấu hổ, không dám nhìn mọi người, thật đau đớn và khổ sở.

Trong cuộc đời nói về tình ái, biết bao nhiêu người tình duyên trắc trở, đưa đến sự quyên sinh vì thất vọng thất tình. Trên đây là những sự cầu mong mà chẳng đạt được thành ra bao nhiêu thứ khổ.

7/ Oán tằng hội khổ: “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt; ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”. Lời nói này không sai, vì gần những người thù oán thì tâm mình khổ sở vô cùng, cho nên kinh gọi là oán tằng hội khổ rất đúng vậy.

Người trong một gia đình anh em dòng họ quyến thuộc vì tranh chấp một lí do nào đó, sanh ra bất hòa với nhau, khi nhìn thấy mặt nhau cũng là rất khó chịu, hằng ngày phải thấy mặt nhau, vì là tình thân quyến thuộc, ghét không ưa mà cứ gặp nhau là rất khổ tâm, muốn tránh mà tránh không được, ở gần có ngày phải đụng chạm to tiếng và có thể xảy ra án mạng, tù tội hoặc đi nằm nhà thương, bởi vì thù oán nhau thì phải có ngày đi đến chỗ khổ đau lớn, đó là Oán tằng hội khổ.

8/ Ngũ ấm xí thạnh khổ: Thân ngũ ấm của chúng ta gồm có: sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm, năm ấm ấy luôn luôn sống trong động theo luật chi phối của nhân quả. Vả lại, năm ấm này được sanh ra từ vô minh, nên mỗi sự hoạt động của nó thúc giục theo lòng ham muốn nên tạo ra biết bao nhiêu điều ác khiến cho mình khổ và người khác khổ vô lượng vô biên.

Thân ngũ ấm bị luật vô thường chi phối, từng giây từng phút khiến cho sự thay đổi liên tục, từ trẻ đến già, từ mạnh đến ốm, từ bệnh đến chết, luôn luôn lúc nào cũng làm cho con người khổ sở buồn phiền, lo lắng, sợ hãi.

Sáu trần lôi cuốn, thất tình lục dục đắm say, khiến cho thân tâm khổ lụy vô cùng tận.

Vọng tưởng điên đảo, chấp trước dính mắc đủ thứ vật chất thế gian, nên chấp có ta, của ta và bản ngã của ta, do đó mới thấy còn, mất, khôn, dại, chấp có, chấp không, vì vậy mà sanh ra rầu lo, đau khổ buồn phiền.

Thân ngũ ấm đi, đứng, ngồi, nằm nhiều quá, chịu cũng không nổi, vì mỏi mệt tê đau nhức, cho nên phải có lúc đi, lúc nằm, lúc đứng, lúc ngồi, thân ngũ ấm bắt buộc phải động đậy liên tục như vậy thì mới thấy dễ chịu, cái dễ chịu của sự động thì làm sao mà được an vui, thanh tịnh chân thật? Nên đó là những sự khổ đau của thân ngũ ấm.

Thân ngũ ấm là một khối năm duyên hợp lại trong môi trường sống,nhưng hành động đều do nghiệp lực nhân quả tạo tác nên mỗi con người sanh ra, đều phải chịu theo qui luật nhân quả thiện ác khổ vui mà thọ hưởng hoặc chịu lấy sự khổ vui nhiều ít là tùy theo những hành động thiện ác, chứ không có một kẻ nào ban phước giáng họa cho loài người được.

Chỉ vì sự mê lầm chấp đắm vật chất, cho rằng người nào có nhiều vật chất là hạnh phúc nên mỗi hành động luôn luôn kèm theo sự ích kỉ, nhỏ hẹp cho cá nhân của mình, thường không những làm khổ người mà còn làm khổ mình.

Đức Phật dạy: “là con người chứ không phải là con thú vật thì phải làm thiện, làm thiện không có nghĩa làm việc từ thiện, mà làm việc thiện ở đây có nghĩa là không làm khổ mình, khổ người”, như vậy các hành trong thân ngũ ấm mới không còn khổ đau nữa, chứ làm việc từ thiện theo kiểu hệ phái phát triển phước đâu thì không thấy, mà bị kẻ khác lợi dụng thì có, cho nên, tai họa bệnh tật khổ đau thường viếng thăm những người làm thiện này.

Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Các hành là vô thường, là khổ”. Nhưng chúng ta học đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người của đạo Phật nên các hành đều thực hiện nhân quả thiện, mà các hành đã làm thiện thì quả là phước mà quả phước thì thân con người thanh thản, an lạc và vô sự, thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự đó là thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh tức là thiền định, thiền định thì thân tâm bất động, thân tâm bất động tức là các hành ngưng hoạt động, các hành ngưng hoạt động tức là chấm dứt sự vô thường và khổ đau, chấm dứt sự vô thường và khổ đau là phước vô lậu, là cảnh giới Niết Bàn tại thế gian.

Tóm lại, người tu Định Vô Lậu câu hữu với Khổ Đế tức là quán xét ba khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ để chúng ta rõ thấu và cố gắng tránh không làm khổ mình, khổ người và điều đó khiến cho thân tâm chúng ta vô lậu, mà mục đích của đạo Phật là phải đạt tâm vô lậu.

CHÂN LÝ THỨ HAI “TẬP ĐẾ”

Định Vô Lậu câu hữu với Tập Đế, tức là chúng ta quán xét nguyên nhân sanh khởi sự khổ đau của con người để thấu rõ nó, có thấu rõ nó, chúng ta mới cố gắng ngăn chặn diệt trừ và đoạn dứt.

Vậy Tập Đế là gì?

Chữ Tập có nghĩa là nơi tập hợp mọi sự đau khổ, phiền não của con người. Tập còn có nghĩa là nơi chứa nhóm, dồn thêm mỗi ngày một nhiều hơn.

Chữ Đế có nghĩa là sự thật, đúng đắn không sai. Tập Đế là một nguyên nhân của mọi sự khổ đau đã chứa nhóm và tích trữ lâu đời nhiều kiếp trong mỗi chúng sanh. Nói một cách khác hơn đó là cội gốc sanh tử luân hồi của loài người.

Cội nguồn sanh ra mọi sự đau khổ phiền não của con người gồm có 10 phiền não gốc là:

1/ Tham: Có nghĩa là lòng tham lam như Hoà Thượng Thiện Hoa dạy: “Tánh tham có động lực bắt ta phải dòm ngó, theo dõi những cái gì nó ưa thích, như tiền tài, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở, v.v.. rồi nó xui ta lập mưu nầy, chước nọ để tìm kiếm cho được những thứ ấy. Điều tai hại nhất là lòng tham không đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa; được một muốn có mười, được mười muốn có trăm. Tham cho mình chưa đủ, và còn tham cho bà con quyến thuộc và xứ sở của mình. Cũng vì tham mà ăn không ngon, ngủ không yên; cũng vì tham mà cha mẹ vợ con xung đột; cũng vì tham mà bè bạn chia lìa; cũng vì tham mà đồng bào trở lại xung đột, xâu xé nhau; cũng vì tham mà chiến tranh tiếp diễn, giết hại không biết bao sanh linh. Tóm lại, cũng vì tham mà nhân loại và chúng sanh chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ”.

Lòng tham đã mang đến không riêng cho chúng ta khổ mà còn cả mọi người, không những trong quá khứ, hiện tại mà còn có thể kéo dài trong tương lai nữa.

2/ Sân: Có nghĩa là nóng giận, Hoà Thượng Thiện Hoa dạy: “Khi gặp những cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện, thì sân nổi lên, như một ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta. Thế là mặt mày đỏ tía hay tái xanh, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, có khi dùng đến võ lực hay vũ khí để hạ kẻ làm trái ý, phật lòng mình. Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà mọi người trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật, người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp. Kinh dạy: “Nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai” có nghĩa là một niệm nóng giận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách xưa dạy: “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, có nghĩa là một đóm lửa giận, có thể thiêu đốt sạch muôn mẫu rừng công đức. Thật vậy, lửa sân hận đã bừng cháy lên giữa lòng nhân loại và đã đốt thiêu không biết bao nhiêu công lao, sự nghiệp mà con người đã tốn biết bao nhiêu mồi hôi nước mắt mới tạo ra được”.

Đúng vậy những lời dạy trên đây rất thực tế và cụ thể để răn nhắc cho những ai còn mang đầy ắp tâm sân hận là một nỗi khổ đau tận cùng của kiếp người khi tâm sân khởi ngút ngàn.

3/ Si: Có nghĩa là si mê, mờ ám, biết không rõ, không chính xác, không đúng, Hoà Thượng Thiện Hoa dạy: “Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí tuệ của ta, làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay cái dở, cái tốt, cái xấu. Do đó ta gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi, làm hại mình hại người mà không hay. Vì si mà lòng tham trở thành không đáy, bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của lòng tham, thì người ta đã kềm hãm được một phần nào tánh tham. Vì ngu si mà lửa giận bùng cháy; nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế. Người xưa dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác tri”. Có nghĩa là không sợ tâm tham và sân, mà chỉ sợ tâm si mê. Nếu tâm tham sân nổi lên mà có trí tuệ sáng suốt ngăn chặn lại, thì lòng tham sân phải bị dập tắt, không còn làm gì được cả. Cho nên, đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, nếu đã có trí tuệ sáng suốt thì lòng tham sân không thể tồn tại được, cũng như khi đã có ánh sáng mặt trời lên thì bóng tối tất nhiên phải tan biến”.

Đức Phật thường gọi tham, sân, si là ba độc, nó thường làm đau khổ chúng sanh và phải chịu nhiều kiếp sanh tử luân hồi, đọa vào ba cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

4/ Mạn: Có nghĩa là ngã mạn, kiêu căng, tự đắc. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Là nâng cao mình lên và hạ người khác xuống; tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; ỷ mình có tiền của, tài trí, có học thức, có cấp bằng Cao học như Tiến sĩ hay có quyền thế mà sanh tâm dương dương tự đắc, mục hạ vô nhân, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên”.

Vì lòng ngã mạn tự kiêu tự đại cho mình là hơn hết nên chẳng chịu học hỏi thêm những điều hay lẽ phải. Do đó, làm nhiều điều lầm lẫn sai quấy, gây ra bao nhiêu tội ác, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng, cho nên phải chịu sanh tử luân hồi muôn đời ngàn kiếp.

- Mạn có bảy thứ:

a) Mạn: Nghĩ mình hơn người.

b) Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người.

c) Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng.

d) Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.

e) Tăng thượng mạn: Chưa chứng Thánh quả mà cho mình đã chứng.

 f) Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói mình thua ít.

g) Tà mạn: Người tu về tà mạn được chút ít thần thông, hoặc hiểu biết đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người khác xem trời đất không còn ai.

5/ Nghi: Có nghĩa là lòng nghi ngờ, ngờ vực, không tin. Hoà Thượng Thiện Hoa dạy: “Người nghi ngờ không làm được việc gì hết. Đối với người thân trong gia đình, họ không tin cậy giao phó công việc; đối với bạn bè, họ nghi ngờ tất cả mọi thiện chí. Ngay đối với họ, họ cũng không tự tin nữa.Đã không tự tin, họ còn gây hoang mang cho người chung quanh, làm cho người ta ngã lòng thối chí”.

Đối với đạo lý chân chánh như đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản giải thoát tuyệt vời mà họ cũng không tin, nhưng họ lại tin theo tà giáo và những pháp môn mê tín, trừu tượng của kinh sách phát triển.

- Trong sự nghi ngờ có ba phương diện:

a) Tự nghi: Có nghĩa là nghi mình. Chẳng hạn như đọc kinh sách đức Phật dạy: “Tu hành sẽ được giải thoát”, nhưng lại tự nghĩ rằng: “Chẳng biết mình tu có được không?”. Vì lòng do dự nghi ngờ ấy, nên không chịu tu hành.

b) Nghi pháp: Có nghĩa là nghi phương pháp mình đang tu. Chẳng hạn như nghe kinh Tứ Chánh Cần dạy: “Ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp” thì sẽ được giải thoát ngay liền hay như trong kinh Pháp Cú dạy: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”. Do sự nghi ngờ lời dạy này không biết kết quả có đúng hay không? Nên không tu tập.

c) Nghi nhân: Có nghĩa là nghi người dạy mình, không tin ông Thầy dạy mình, nghi pháp mình đang tu không đúng là chánh pháp của Phật. Khi chánh pháp của Phật dạy mà mình nghi là không phải pháp của Phật thì đó là mình đã đánh mất pháp chân chánh. Còn Thầy dạy mình tu học mà mình nghi Thầy mình là mình đã bị đứt đầu, không còn cách nào cứu chữa được. Ở tại tu viện Chơn Như chúng tôi có một số đệ tử ham mê thần thông, nhưng chúng tôi không thể hiện thần thông, nên chúng mất niềm tin và không theo tu tập với chúng tôi nữa. Mục đích tu viện của chúng tôi hướng dẫn tu tập xả tâm ly tham đoạn diệt các ác pháp để đạt được tâm giải thoát không còn phiền não, khổ đau, không còn tham sân, si, mạn, nghi nữa, giúp cho con người có một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người, đấy là hạnh phúc giải thoát chứ không phải ngồi thiền nhập định năm bảy ngày hoặc kiến tánh thành Phật, hoặc tụng kinh niệm chú cho có thần thông phép lạ hoặc niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc Tây phương, v.v.. Ở đây, chúng tôi dạy đúng theo đường lối tu tập của đạo Phật là hằng ngày không có tụng niệm lần chuỗi ngồi thiền ức chế tâm, mà chỉ có sống đúng giới luật và theo như những lời dạy trong kinh Tăng Chi tập 3 trang 30: “Ở đây này các Hiền giả, Tỳ Kheo ưa công việc, thích thú công việc; ưa nói chuyện, thích thú nói chuyện; ưa ngủ nghỉ, thích thú ngủ nghỉ, chuyên tâm ưa thích ngủ nghỉ; ưa hội chúng, thích thú hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng, ưa liên lạc giao thiệp, thích thú liên lạc giao thiệp, chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; ưa hý luận, thích thú hý luận, chuyên tâm thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỳ Kheo sống nếp sống như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỳ Kheo ái lạc có thân, không từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau”. Đây là lời dạy chân chánh của đức Phật, muốn tu theo đạo Phật thì phải tu đúng pháp, sống đúng pháp như lời dạy thì mới có sự giải thoát, còn tổ chức gia đình Phật tử này, Đạo tràng nọ thì chỉ là một hình thức sinh hoạt Phật giáo theo kiểu giáo pháp phát triển, chứ tu tập chẳng có kết quả gì chỉ là một trò giải trí lành mạnh như bao nhiêu trò giải trí lành mạnh khác của xã hội, đó là những người đi tìm ái lạc của thân vì họ là những người dư thừa thời gian không biết làm gì cho hết tuổi đời. Nếu không từ bỏ những trò giải trí này thì không bao giờ chân chánh chấm dứt sự khổ đau. Nếu quý vị không tin lời chúng tôi nói thì nên đọc lại đoạn kinh trên rồi suy ngẫm và xét lại từ xưa đến nay biết bao nhiêu Đạo tràng và gia đình Phật tử họ đã được giải thoát những gì với con đường giải thoát này. Đối với đạo Phật thời gian sinh hoạt của quý vị rất là uổng phí khi: “Được thân người là khó”, nên đức Phật đã nhắc nhở:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó,

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Thế mà quý vị sinh hoạt như vậy gọi là tu, tu như vậy có giải thoát được không? Quý vị cứ nhìn lại bản thân của quý vị thì quý vị sẽ thấy, nếu chúng tôi nói thẳng thừng thì quý vị không ưa chúng tôi, nhiều khi chúng tôi thấy quý vị như một con cờ dùng để cho người khác sử dụng nước cờ tôn giáo, chứ quý vị tu như vậy dù tu một triệu năm nữa cũng chưa thấy và hiểu biết sự giải thoát như thế nào?

Chúng tôi dạy đúng như lời Phật dạy cấm không cho tu sĩ và cư sĩ tập họp nói chuyện thì họ không thích, họ muốn tu tập theo kiểu giáo pháp phát triển, sinh hoạt như các Đạo tràng và các gia đình Phật tử, họ khoái hội họp, thích vui chơi, thích nói chuyện, thích ca hát, ngâm thơ, thích tụng kinh niệm Phật.

Chỗ tu hành của chúng tôi là chỗ tu tìm sự giải thoát, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết và chủ động đi vào con đường hoá sanh, chứ không chấp nhận chịu bó tay sanh nơi dâm dục bất tịnh, ô trược, bẩn thỉu, hôi thúi và khổ đau. Vì thế, ai muốn tu được thì hãy sống đúng như lời đức Phật đã dạy, như chúng tôi đã dạy, nếu không sống được thì đừng nên theo đạo Phật tu hành, chẳng có ích lợi gì mà còn làm cho kẻ khác phỉ báng Phật giáo.

Đạo Phật không cầu mong có nhiều người tu mà phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, vô đạo đức làm người, làm Thánh. Thà chỉ cần ít người hay một người tu đúng pháp có giới đức hẳn hoi, có một đời sống phạm hạnh của bậc Thánh Tăng thì Phật giáo mới còn rực rỡ trên thế gian này, dù chỉ có một người còn hơn đi đâu cũng gặp tu sĩ và cư sĩ mà đời chẳng đời, đạo chẳng đạo, họ sống với những nghề nghiệp lừa đảo thiên hạ thật là đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Giữa ban ngày thắp đuốc lên đi tìm một bậc giới đức khắp trên thế gian này không bao giờ có, toàn là những tu sĩ và cư sĩ phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, v.v..

Nếu quý vị thấy sống không kham nổi trong giới luật của Phật, thì quý vị đi tu làm gì, để phạm giới, phá giới như vậy, có ích lợi gì cho quý vị và cho người khác, nếu quý vị sống không kham, thì quý vị ra đời mà sống, sống trong chùa mà bày ra những trò mê tín, dị đoan, cúng bái, tế lễ, xin xăm bói quẻ, v.v.. đó là đi ngược lại Phật giáo, cũng như quý vị thuyết giảng hý luận trừu tượng mơ hồ bằng lối chơi chữ để lừa đảo những người nhẹ dạ dễ tin để cầu được sự cúng dường.

Tóm lại, quý vị muốn tu theo đạo Phật thì quý vị phải nghiên cứu Phật giáo cho kỹ, nếu thấy chúng tôi dạy đúng thì xin vào tu, còn nếu thấy chúng tôi dạy không đúng thì quý vị đừng xin vào tu thử, vì sự tu thử sẽ làm quý vị phí thì giờ vô ích mà còn sanh tâm nghi ngờ chánh pháp của Phật, tạo thêm tội lỗi như quý thầy: Thầy Chơn Đức, Thầy Từ Minh, Thầy Minh Tông, Thầy Thiện Thiền, v.v.. họ đã trở thành những người đệ tử bất nghĩa muôn đời ngàn đời để lại tiếng đời không tốt cho mai sau.

Tánh nghi ngờ làm cản trở sự tiến triển tu hành cũng như những sự việc khác, làm ngăn ngại mọi công tác hữu ích cho mình, cho xã hội và cũng vì tâm nghi ngờ khiến cho cuộc đời không vượt khỏi cảnh tối tăm khổ sở.

6/ Thân kiến:Có nghĩa là vì không rõ nên lầm chấp thân ngũ uẩn tứ đại giả hợp này cho là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy về thân kiến: “Vì cái chấp sai lầm ấy, nên thấy có một cái ta riêng biệt, chắc thật không biến đổi, thấy cái ta ấy là riêng của ta, không dính dấp đến người khác, và xem nó là một thứ rất quý báu. Vì tưởng lầm như vậy, nên kiếm món ngon vật lạ cho ta ăn, may sắm quần áo tốt đẹp cho ta mặc, lo xây dựng nhà cao cửa rộng, chùa to Phật lớn v.v.. cho ta ở, thâu góp thật nhiều của cải, đất ruộng để dành cho ta dùng, kiếm công danh chức tước, địa vị cho ta hãnh diện với mọi người. Do sự quý chuộng cung phụng cho cái ta ấy, biến Phật giáo thành tà giáo mê tín; gây mê muội và lạc hậu. Do sự quý chuộng cung phụng cho cái ta ấy mà tạo ra lắm điều tội lỗi, chà đạp lên bao nhiêu cái ta khác, làm cho họ đau khổ vì ta. Và thế giới trở thành một bãi chiến trường cũng vì cái ta”.

Chúng ta hằng ngày chịu nhiều đau khổ cũng chính vì Thân kiến tức là cái kiến chấp về thân. Nó là một trong bảy kiết sử trói buộc và sai sử chúng ta như một tên nô lệ rất khó mà bứt bỏ, nếu không có pháp như lý tác ý của đức Phật dạy thì khó có pháp nào diệt thân kiết sử này được, nếu hằng ngày chúng ta không siêng tu pháp như lý tác ý thì chẳng bao giờ chúng ta bứt được sợi dây thân kiết sử này, cho nên, đức Phật thường nhắc đi nhắc lại câu pháp hướng này: “Thân này không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta”. Câu này quý vị nên nhớ mà hướng tâm hằng ngày đừng nên biếng trễ và xem thường, đó là lời tâm huyết mà đức Phật đã dạy cho chúng ta vì thương tưởng chúng ta vô minh mà lầm chấp thân kiến chịu khổ muôn đời.

7/ Biên kiến: Có nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, đó là những thành kiến rất cực đoan. Biên kiến có nhiều lối chấp sai lầm lớn nhất là:

a) Thường kiến:Có nghĩa là một loại luận thuyết mơ hồ trừu tượng, cho rằng người chết còn linh hồn, cho rằng có thế giới siêu hình, có bản thể vũ trụ, có tiểu ngã, đại ngã, có thần thức, có Phật tánh, có Thiên đàng, có địa ngục, có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có Chúa Trời, có Thần, quỷ, ma, v.v..

Những người chấp thường kiến là những con người thường sống trong mê tín, lạc hậu, sống trong mộng tưởng, xây dựng cảnh giới siêu hình thường cầu cúng lễ bái và ước vọng làm những điều thiện để khi chết được sanh lên Cực lạc, Thiên đàng của cõi Trời, cõi Niết bàn hay cảnh giới chư Phật, Thiền Tông, Mật Tông đều thuộc về thường kiến.

b) Đoạn kiến:Đoạn kiến là một loại luận thuyết chết cứng, khô cằn, chết là hết không còn gì cả, loại luận thuyết này, khiến cho con người mất hết niềm hy vọng về tương lai. Cho nên, người ta đặt ra câu hỏi: “Tương lai không có thì hiện giờ làm để làm gì?”. Ngày mai chết là hết, vì vậy con người chấp đoạn kiến thì làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, chẳng còn biết nghĩ đến ai cả, sống chỉ quay cuồng trong dục lạc, ăn uống vui chơi trụy lạc, xì ke, ma túy, rượu chè bê bết, sống theo kiểu hiện sinh không có ngày mai. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Đối với hạng người chấp đoạn kiến, thì hễ tắt thở là không còn gì tồn tại nữa; tội cũng không mà phước lại cũng chẳng có. Họ không tin nhân quả luân hồi, nên mặc tình làm các điều tội lỗi. Họ tự bảo: “Tu nhân tích đức già đời cũng chết; hung hăng bạo ngược tắt thở cũng không còn”.

Vì chấp đoạn kiến, có người đứng trước cảnh thất tình, thất vọng, hoặc gặp cảnh buồn lòng nghịch ý, tưởng rằng chết là hết đau khổ, là giải thoát tất cả khổ, nên họ không ngần ngại mượn chén thuốc độc, hay dòng sông sâu hoặc sợi dây oan trái để kết liễu đời mình. Họ đâu có ngờ rằng chết rồi vẫn chưa hết! Họ đâu biết rằng luật nhân quả nghiệp báo là một vật thường hằng bất biến của môi trường sống, ngoài những hành động ác thiện của loài động vật ra khi chết, không có gì còn lại cả. Chính vì những hành động của loài đông vật là một tác nhân tạo ra nghiệp, cho nên đức Phật dạy: “Nghiệp là cha đẻ ra con người, con người là thừa tự nghiệp”. Như thế làm sao gọi là đoạn kiến. Khi chết trong ác nghiệp khổ đau thì nghiệp khổ đau ấy vẫn phải tiếp tục tái sanh trong nghiệp nhân quả đau khổ kế tiếp.

Người chấp đoạn kiến là những người không thông suốt môi trường sống hợp duyên của các pháp. Trong môi trường sống này không có một vật gì sanh ra mà đơn điệu toàn là các pháp hợp lại tạo thành.

Ví dụ 1: Không thể có một người đàn ông cũng như một người đàn bà đơn điệu tự một mình sanh ra con được, mà phải có hai người nam nữ lấy nhau tạo duyên ngũ uẩn hòa hợp mới thành ra con người.

Ví dụ 2: Không thể lấy một cây cột, lấy một tấm tôn, một miếng vách mà bảo rằng vật đó là cái nhà được, một cái nhà phải có các vật hợp lại như: cột, kèo, vách, tôn, cửa lớn, cửa nhỏ rồi tạo dựng ra cái nhà. Đó là các pháp trong môi trường sống này đều do duyên hợp mà thành, nhưng bảo rằng khi hoại diệt thì không còn gì hết là sai (đoạn kiến) mà bảo rằng còn thì cũng sai (thường kiến), đó là hai cái sai của những lý luận này.

c) Vừa thường vừa đoạn kiến:Có một luận thuyết cho rằng các pháp trong thế gian này vừa có vừa không như Ngài Long Thọ: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đó là lối lý luận trườn uốn như con lươn, để rồi Ngài đẻ ra trí tuệ Bát Nhã Chơn Không thành ra thường kiến, cuối cùng Ngài cũng như các nhà thường kiến khác, nhưng giỏi khéo lý luận để che mắt thiên hạ, chứ kỳ thực Chơn Không của Ngài đâu có khác gì thần thức, linh hồn, đại ngã, Phật tánh, bản thể vạn hữu, chỉ có khác là danh từ mà thôi.

Do những lý luận này đã biến những tu sĩ Phật giáo thành những nạn nhân, bỏ biết bao nhiêu công lao sức lực tu hành, cuối cùng chẳng ra gì, khổ đau cũng hoàn khổ đau, chẳng có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết cả.

8/ Kiến thủ:Có nghĩa là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình có ba trường hợp:

a) Kiến thủ vì ảnh hưởng tư tưởng của người khác. Khi học hiểu một điều gì do lý luận của các nhà tư tưởng như tưởng Chơn Không, Phật Tánh,v.v.. Cũng như thấy những hiện tượng nhập đồng nhập cốt do cô cậu hoặc linh hồn người chết oan nhập vào nói đâu trúng đó, rồi cho đó có linh hồn người chết, có thế giới siêu hình rồi chấp chặt ai nói gì cũng không tin. Không ngờ thế giới siêu hình là do tưởng uẩn tạo thành chứ không có thế giới siêu hình thật sự. Do sự chấp chặt này họ phải chịu thiệt thòi nhiều mặt về sự tu hành cũng như về đời sống.

b) Kiến thủ vì không ý thức được sự sai lầm của mình. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Hành vi của mình sai quấy, ý kiến của mình sai lầm, nhưng vì không đủ trí sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình, tự cho mình là hay là giỏi, ai nói gì cũng chẳng nghe”.

c) Kiến thủ vì tự ái hay vì ngoan cố cứng đầu. Biết mình làm như thế là sai, nói như vậy là không đúng, lỡ lời, nhưng vì tự ái cứ bảo thủ cái sai, cái không đúng của mình, không chịu thay đổi, không chịu sám hối, xin lỗi, không chịu từ bỏ, xa lìa.

Ví dụ: Như trước kia ông bà đã lỡ theo tà giáo, ngoại đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà giáo nhưng cứ theo mãi không dám bỏ, cho đó là tôn giáo truyền thống của tổ tiên, ông bà để lại không được bỏ, mặc tôn giáo đó dạy những điều phi đạo đức, phi nhân quả, thường dạy những điều cầu cúng, mê tín, lạc hậu, v.v.. Có người còn nói một cách liều lĩnh, ngu si: “Xưa sao nay vậy” hay “Xưa bày nay làm”. Cũng như cha mẹ trước là nghề nghiệp ác chài lưới, săn bắn hoặc làm nghề đồ tể, bán thịt sống, thịt chết, mãi dâm, bán rượu, thuốc phiện, xì ke ma túy, v.v.. đó là những nghề ác độc tội lỗi, đến con cháu vẫn cứ bảo thủ nghề ấy, không chịu thay đổi nghề khác.

Nhìn rộng ra xã hội bên ngoài, có một số đông người, mặc dù thời đại của chúng ta hiện giờ, con người đã có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện đại hóa đời sống, thế mà người ta cứ vẫn giữ lại những lề lối cổ tục hủ bại, hễ trong nhà có người chết là giết heo bò để cúng kiếng, rước thầy chùa tụng kinh để cầu siêu linh hồn trong khi ông thầy tụng chưa độ được ông siêu, mà ông đi cầu siêu cho kẻ khác thì việc làm đó là một điều ngu si, khi đưa đám tang thì rải giấy tiền vàng mã; mỗi khi tuần tự hay giỗ kỵ thì lại đốt giấy tiền vàng mã và quần áo kho đụn phướng xá. Hằng năm cứ vào ngày rằm tháng ba âm lịch thì Ban Tế Tự tập họp dân chúng làm lễ kỳ an cúng tế tà Thần, ác quỷ, v.v.. Làng xã chấp chặt những hủ tục mê tín lạc hậu như thế mà còn cho đó là “Văn hóa truyền thống của dân tộc” không được bỏ. Những việc làm đó đều thuộc về kiến thủ.

9/ Giới cấm thủ:Có nghĩa là làm theo, sống theo giới cấm của ngoại đạo, tà giáo, những giới cấm của tà giáo ngoại đạo này phần nhiều vô lý phi đạo đức, mê muội, dã man, v.v.. Những giới cấm này khiến cho con người bất hiếu và tự làm khổ mình. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Các giáo phái ngoại đạo ở Ấn Độ lấy đá dằn bụng, đứng một chân giữa trời nắng, nằm trên chỗ bẩn thỉu, leo lên cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa, nhảy xuống sông trầm mình chịu lạnh lẽo để được phước, chặt hoặc đốt một lóng tay, có người chặt nguyên một cánh tay để cầu pháp.

Những thứ cuồng tín như thế, không làm cho cuộc đời sáng sủa, mà còn làm cho đen tối và khổ đau thêm”.

Giới cấm thủ này chúng ta thấy trong kinh Pháp Hoa Phẩm Tựa dạy cúng dường thân mạng hoặc một phần thân mạng để cầu pháp giải thoát, khiến cho những người cuồng tín chặt hoặc đốt ngón tay, hủy hoại cơ thể của mình không tật nguyền mà thành tật nguyền, không khổ mà làm thêm khổ, đó là giới cấm thủ hay còn gọi là những giáo điều của ngoại đạo.

10/ Tà kiến: Có nghĩa là chấp chặt theo lối không chân chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả, phi đạo đức như trong kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn chúng sanh, đó là tà kiến phi đạo đức, phi nhân quả, mê tín. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Nói một cách khác, tà kiến nghĩa là mê tín, dị đoan, như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xăm,bói quẻ, buộc tôm đeo niệt, coi sao, cúng hạn, v.v..”.

Nói rộng ra bốn món chấp trên đều thuộc về tà kiến cả. Nghĩa là trên đời này cái gì ý thức không hiểu được mà dùng tưởng thức để hiểu, hiểu như vậy là hiểu một cách mơ hồ, trừu tượng, không rõ ràng, không thực tế, không cụ thể đều được gọi là tà kiến.

Khi tu Định Vô Lậu câu hữu với Tập Đế thì chúng ta sống trong thực tế, cái gì ý thức hiểu biết cụ thể thực tế còn hoàn toàn ngoài ra không tin một cái gì cả, phần nhiều người ta thường hay sống trong tưởng thức nên người ta phải chịu khổ.

Ví dụ: Người ta chửi mình đồ chó, trâu mình tưởng ra mình là chó trâu, nên mình sanh tức giận chửi mắng lại họ, cũng như người ta chửi mình: “Tao đào mồ mả cha mày lên”, mình tưởng rằng họ đào mồ mả cha mình chứ sự thật họ đâu có đào, thế mà mình sống trong tưởng rồi sanh ra tức giận chửi mắng đánh với nhau, khiến làm khổ cho nhau, thật là tà kiến điên đảo và sống không thực tế, tạo cảnh mình khổ, người khác khổ chẳng có ích lợi gì cả.

Ví dụ: Người ta chửi mình là đồ ăn cắp, ăn trộm mình tự ái sợ người khác không hiểu mình, sanh ra nghi ngờ mình ăn cắp, ăn trộm thì xấu hổ, cái tự ái sợ hãi người ta nghi ngờ mình nên mình tức giận và buồn khổ trong lòng mãi mãi, đó là mình sống trong tưởng, chứ sự thật mình có ăn trộm ăn cắp đâu mà sợ. Con người ở đời thường sống trong tưởng tức là sống trong tà kiến nên luôn luôn chịu khổ đau tức giận sanh ra thù hận không nguôi, tạo ra nhiều điều ác đức tội lỗi, rồi lại còn tiếp tục bằng cách trả thù, trả oán cho đã cơn giận.

Cho nên, khi chúng ta biết áp dụng Định Vô Lậu kết hợp với Tập Đế thì chúng ta không còn sống trong tưởng, nói cách khác là chúng ta không còn sống trong tà kiến.

CHÂN LÝ THỨ BA “DIỆT ĐẾ”

Trước khi muốn quán xét Diệt Đế để thực hiện Định Vô Lậu thì chúng ta phải hiểu Diệt Đế là gì?

Diệt tức là tiêu diệt, trừ diệt, diệt ở đây tức là diệt lòng tham muốn của mình và diệt các ác pháp.

Đế có nghĩa là lý lẽ chắc thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu một cách rõ ràng không có mờ mịt, trừu tượng, ảo tưởng bằng tưởng tri.

Diệt Đế là một trạng thái tâm đã đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp, người sống trong trạng thái này được xem là đã giải thoát hoàn toàn tức là người đã làm chủ sự sống chết của mình, người làm chủ sự sống chết của mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.

Người ta thường bảo Diệt Đế là Niết Bàn như thế này, như thế nọ, đó là tưởng tri của các nhà học giả, nhất là các nhà học giả phát triển thì lại bịa ra đủ loại Niết Bàn

Diệt Đế không phải là một cảnh giới siêu hình như các nhà Đại Thừa thường tưởng tượng và cho đó là nơi chư Phật thường trú. Nếu một người đoạn diệt lòng tham muốn và các ác pháp thì cuộc sống của họ là Niết Bàn, chứ không phải ở nơi đâu cả.

Đức Phật gọi Diệt Đế là một chơn lý thật sự, một trạng thái tâm lý thật sự không còn khổ đau của kiếp người, chứ không giống như các nhà học giả phát triển xây dựng những cảnh giới Niết Bàn mơ hồ, trừu tượng, ảo tưởng. Những loại Niết Bàn này không được gọi là chân lý, vì nó là những cảnh giới tưởng tượng của con người, cho nên nó không thật có, chỉ duy nhất có Diệt Đế của đạo Phật mới được gọi là chơn lý của loài người mà thôi vì nó có thật.

Khi chúng ta quán xét Diệt Đế rõ thấu trạng thái thật sự giải thoát của đạo Phật là chỗ đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp. Rõ thấu được như vậy chúng ta mới có phương hướng nhắm vào từng giây, từng phút đẩy lui toàn bộ lòng tham muốn và các ác pháp trong ta. Khi đẩy lui lòng tham muốn và các ác pháp trong ta thì đó là Diệt Đế; thì đó là chúng ta đã đạt được chơn lý của kiếp sống làm người.

Chơn lý của kiếp sống con người không phải là thần thông phép thuật, thế mà người đời nói đến tu hành là nói đến thần thông pháp thuật, thần thông pháp thuật chỉ là một điều huyễn hóa lừa đảo thiên hạ bằng cách làm trò ảo thuật hoặc nói láo truyền miệng, mà Ngài Thường Chiếu nói: “Một con chó sủa một bầy chó sủa theo”. Dù nếu có thần thông thật sự đi nữa thì đó cũng chỉ là một trò ảo thuật giải trí cho những người thừa thì giờ nhàn rỗi, chứ chẳng ích lợi gì cho loài người trên hành tinh này. Từ xưa đến nay, chúng ta đã từng nghe tin tức qua báo chí hoặc phim ảnh có nhiều đạo sĩ tu tập rất vất vả, nhưng lại thị hiện làm trò ảo thuật cho mọi người xem chơi, tạo danh cho cá nhân của mình, lợi dụng lòng ham mê thần thông của con người, nên mở ra rất nhiều thiền đường, giảng đường để lừa đảo thiên hạ làm hao tốn biết bao nhiêu tiền của và công sức của mọi người nhưng nhìn lại có ích lợi gì cho ai đâu.

Niết Bàn của Phật giáo chân thật như vậy, với trí hữu hạn của chúng ta đều nhận biết rõ ràng thực tế và cụ thể, không có một sự tưởng tượng nào trong trạng thái này. Vì Chân lý của đạo Phật rất thực tế trong đời sống của chúng tôi, nên chúng tôi chọn đạo Phật, lấy đạo Phật làm những bài học để xây dựng cho mình trở thành những con người có một đạo đức không làm khổ mình, khổ người và như vậy có lợi ích cho mình và cho người, đó là nguyện vọng của chúng tôi khi đến với đạo Phật và tu tập Định Vô Lậu câu hữu Diệt Đế.

Diệt Đế là một chân lý thật sự, có thật, mà con người thực hiện được, làm được, sống được chứ không phải là một lý luận suông, như những lý luận của các tôn giáo và các tông phái khác.

CHÂN LÝ THỨ TƯ “ĐẠO ĐẾ”

Tu tập quán xét Định Vô Lậu câu hữu với Đạo Đế tức là chúng ta tư duy quán xét về Đạo Đế. Đạo Đế là mọt chơn lý thứ tư của đạo Phật. Vậy Đạo Đế là gì?

Đạo có nghĩa là con đường đi, đạo có nghĩa là phương pháp cách thức tu tập rèn luyện trau dồi để tu sửa lại thân tâm con người, vì thân tâm con người thường hành động theo lòng ham muốn tạo ra biết bao nhiêu là sự lầm lạc, sai quấy khiến cho mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sinh đều đau khổ.

Đế có nghĩa là sự thật, chơn thật, không sai, đúng như thật, không dối gạt, không lừa đảo.

Đạo Đế là phương pháp dạy người tu hành có kết quả giải thoát thật sự. Đạo Đế là phương pháp tu sửa, rèn luyện thân tâm con người có đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người chân thật biến cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên đàng Cực lạc. Đạo Đế còn là phương pháp tu tập có đủ tâm lực tỉnh thức làm chủ sanh, già, bịnh, chết thật sự.

Đạo Đế là một chân lý thật sự đúng đắn không dối gạt, không lừa đảo người, mọi người nếu ai có nhiệt tâm muốn thoát ra cảnh khổ của thế gian, với đầy đủ nhiệt tâm, nhiệt huyết xả bỏ những ác pháp và xa lìa lòng ham muốn của mình thường đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, cố gắng áp dụng và thực hành như vậy thì đều có kết quả giải thoát như nhau.

Đạo Đế là một chương trình giáo dục đào tạo rèn luyện con người để chứng quả vô lậu A La Hán. Một quả vị giải thoát cao nhất trong đạo Phật (Làm chủ sanh, già, bệnh, chết).

Cho nên, Đạo Đế được chia ra làm tám lớp học (phương thức chân chánh) để trau dồi thân tâm, từ lớp thấp đến lớp cao, gọi là Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo gồm có:

1/ Chánh Kiến

2/ Chánh Tư Duy

3/ Chánh Ngữ

4/ Chánh Nghiệp

5/ Chánh Mạng

6/ Chánh Tinh Tấn

7/ Chánh Niệm

8/ Chánh Định

Tám lớp (phương thức) này gọi là tám nẻo, tám nẻo này để cho người mới bắt đầu tu tập cho đến khi thành tựu viên mãn đạo giải thoát.

Người mới bắt đầu học tu phải vào lớp Chánh kiến rồi lần lượt theo các lớp mà tiến lên học tất cả những lớp cao hơn mà đức Phật đã dạy rất đầy đủ những giáo trình tu học trong các bộ kinh Nguyên Thủy về mỗi lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Những bài vở nào ở lớp nào rất rõ ràng và cụ thể, nhưng các Tổ kết tập kinh sách làm lộn xộn, nên hiện giờ khó có người hiểu đúng chương trình giáo dục đào tạo A La Hán của đức Phật.

LỚP THỨ NHẤT: “CHÁNH KIẾN”

Học về lớp Chánh Kiến. Vậy lớp học Chánh kiến như thế nào?

Trước khi muốn học lớp Chánh Kiến thì chúng ta phải hiểu nghĩa chữ Chánh Kiến.

Chánh Kiến có nghĩa là thấy nghe, hay biết một cách ngay thẳng, công minh, chánh trực, rõ ràng, cụ thể, không chủ quan. Sự vật như thế nào thì thấy nghe hiểu biết như thế nấy, không sống trong tưởng tri trừu tượng mê tín, không dựa bên này, không dựa bên kia, không lấy trắng làm đen, không lấy đen làm trắng, không lấy xấu làm tốt, không lấy tốt làm xấu, không lấy dở làm hay, không lấy hay làm dở, không lấy trái làm phải, không lấy phải làm trái. Sự nhận xét thấy biết không bị tập quán, thành kiến, dục vọng. Người có Chánh Kiến luôn luôn biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật. Ví dụ, như các nhà học giả họ không phân biệt pháp nào của Phật, pháp nào của Bà La Môn. Vì thế, họ đã bị kinh sách phát triển lừa đảo, tưởng đó là giáo pháp của đức Phật. Chính chỗ này xác định các nhà học giả và các bậc Thầy Tổ của chúng ta không có Chánh Kiến vì không có Chánh Kiến nên con người dễ bị các học thuyết và các tôn giáo khác lừa đảo, để rồi suốt một đời chạy theo ảo ảnh mà chẳng có được những gì. Đức Phật hiểu rất rõ điều này, sau khi Ngài chứng đạo, trước kia Ngài chưa có Chánh Kiến nên đã bị các tôn giáo lừa đảo Ngài tu hành gần như muốn chết, cuối cùng Ngài tư duy tất cả giáo pháp của ngoại đạo không đưa con người đến chỗ giải thoát hoàn toàn mà đưa con người đi vào chỗ chết, chỗ thân không khổ đau mà làm cho khổ đau, ví dụ, như quý vị ngồi tréo chân kiết già để tu tập thiền tưởng, hai chân đau gần chết mà cố gắng chịu đau, mồ hôi mẹ mồ hôi con đổ ra ướt đầm đìa cả áo, đó là thiếu Chánh Kiến, cho nên đức Phật dạy chúng ta học về Chánh Kiến đầu tiên, vì Chánh Kiến nên Ngài dạy chúng ta cũng không nên tin ở Ngài mà hãy tin những pháp môn gì mà người trí khen ngợi và thực hiện áp dụng vào đời sống có kết quả an vui thật sự ngay liền cho mình, cho người thì hãy tin. “Này Kàlàmà! Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói (đồn), chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin vì xuất phát nơi có uy quyền, chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình, v.v..

Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này Kàlàmà! Hãy từ bỏ chúng không nên theo”.Như vậy, đức Phật đã dạy chúng ta về Chánh Kiến có nghĩa là làm lợi ích thật sự cho mình cho người.

Tóm lại, Chánh Kiến tức là thấy nghe hiểu biết mọi sự, mọi việc và mọi vật bằng pháp thiện, nếu có ác pháp xen vào thì không còn là Chánh Kiến nữa, cho nên Chánh Kiến toàn là thiện pháp, người có Chánh Kiến không làm khổ mình, khổ người. Thấy, nghe, hiểu biết mà không làm khổ mình, khổ người, đó là cái thấy nghe của Chánh Kiến, của Thánh Nhân, chứ không phải của kẻ phàm phu mà thấy nghe hiểu biết như vậy được.

Chúng ta đã hiểu nghĩa Chánh Kiến rồi, vậy bây giờ chúng ta học Chánh Kiến như trong kinh đức Phật đã dạy: “Này chư Hiền! Khi Thánh đệ tử tuệ tri[1] được bất thiện[2] và tuệ tri được căn bản[3] bất thiện, Này chư Hiền! Khi Thánh đệ tử cóChánh Tri Kiến, có Tri Kiến Chánh Trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”.

Nếu một người hiểu rõ lời dạy này thì tâm bất động trước các pháp, chứ đâu cần phải tu tập gì nhiều. Người ta nói Chánh Tri Kiến thì rất nhiều mà người hiểu và sống trong Chánh Tri Kiến thì chẳng có mấy ai. Tại sao vậy?

Tại vì mọi người đã không hiểu Chánh Tri Kiến bằng thức tri mà lại hiểu Chánh Tri Kiến bằng tưởng tri, cho nên người nào cũng hiểu mà hiểu bằng chữ nghĩa suông để nói vọng ngữ, lừa đảo kẻ khác, vì thế không ích lợi gì cho mình cho người. Câu kinh trên đây dạy có nghĩa là khi Thánh đệ tử nghe, thấy, hiểu biết rõ các pháp ác và nguồn gốc của các pháp ác, thì đó chính là có tri kiến chân chánh, có tri kiến chánh trực, nếu người có Chánh Tri Kiến, có tri kiến chánh trực và đã có lòng tin “Bát Chánh Đạo” tuyệt đối thì người này sẽ ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp thì sẽ có tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Lúc nào cũng có tâm hồn an lạc, thảnh thơi và vô sự, người được như vậy là người giải thoát hoàn toàn.

Ở trên đây, chúng ta mới bước chân vào lớp thứ nhất mà đã thấy được sự giải thoát thiết thực cụ thể như vậy, nếu chúng ta học hiểu và áp dụng vào đời sống luôn cả tám lớp thì thế gian này là Niết Bàn, Cực Lạc.

Như trên đã nói về Chánh kiến để chúng ta hiểu tổng thể của lớp học này, đó là lý thuyết khái lược của giáo trình tu học. Bắt đầu tu học phải theo giáo trình tu học từ thấp đến cao của lớp này chứ không thể nói suông như trên được mà phải bắt đầu thực hành, pháp nào học hiểu phải cần học hiểu; pháp nào tu tập phải cần tu tập, chứ không được nói chung chung như kiểu kinh sách phát triển.

“Này chư Hiền! Thế nào là bất thiện, thế nào là căn bản bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bản thiện?”.

Trên đây, đức Phật nêu ra những câu hỏi để rồi giải thích cho chúng ta hiểu thế nào là thiện và bất thiện, thế nào là nguồn gốc thiện và nguồn gốc bất thiện. Nếu quý vị không học thì làm sao quý vị biết được, mà đã không biết được thì cái sai vẫn cho là cái đúng, cũng như cái đúng vẫn thấy nó là sai, và như thế thì làm sao được gọi là Chánh Kiến? Cầu siêu, cầu an, cúng vong tiễn linh cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, quý vị đều cho là đúng, nếu không đúng sao quý vị lại vào chùa làm những điều mê tín này? Nếu những việc làm này là đúng thì nó là Chánh Kiến sao? Chánh Kiến gì mà việc làm không rõ, mơ hồ, trừu tượng không cụ thể, không thiết thực. Cũng như người ta gọi Phật Tánh là lấy cái ý thức chẳng niệm thiện niệm ác, để rồi tưởng tượng ra xây dựng thành bản thể Chân Không nhưng lại sợ đồng với cái không, nên mới thêm vào cái diệu hữu để người ta đừng hiểu nó là không ngơ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nhưng dù luận như thế nào, nó cũng chỉ là tưởng tri hý luận, chứ không có. Vì thế một người chết, ý thức cũng tiêu ma ra cát bụi, bởi vì ngoài thân ngũ uẩn ra, không có cái thức nào khác cả, cho nên thân ngũ uẩn hoại diệt thì thức nào cũng không còn. Cái thấy biết như vậy, không thể nào gọi là Chánh Kiến, đó là Tà Kiến mà ngoại đạo hay lấy bản thể vạn hữu mà luận thuyết như thế này hoặc như thế khác, để xây dựng một thế giới thường hằng bất biến. Chánh Kiến như vậy, không có ích lợi thiết thực, chỉ là một hý luận suông.

Chúng ta từ môi trường sống sanh ra, mà môi trường sống là vật chất phải có trước như: không khí, thời tiết, mưa gió, đất, đá, gò, nổng, núi, sông, rồi rong rêu cỏ cây thảo mộc, kế đó mới vạn vật xuất hiện và như vậy mới gọi là môi trường sống. Khi có môi trường sống thì chỗ đó có cái biết sống, rồi biết đau đớn khổ sở, rồi biết thiện biết ác, như vậy cái biết có sau vật chất.

Ví dụ: Vật chất gồm các tế bào, kết hợp cấu tạo thành một môi trường sống, ở đó chúng chuyên làm một phận sự, như môi trường tế bào sống ở tai thì chúng có nhiệm vụ để nghe, ở mắt để thấy, ở miệng để ăn và nhận biết mùi vị, ở mũi để thở và biết mùi thơm thúi, ở thân thì cảm xúc nóng lạnh, ở ý thì chỉ có biết, cho nên khi môi trường của ý (ý căn) hoại diệt thì cái biết của ý đâu còn, môi trường sống không có thì cái biết cũng không có. Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ là loại kinh sách tưởng tri xây dựng trên tưởng thức để lừa đảo thiên hạ, chứ tu hành có đi đến đâu chỉ là một trò ảo ảnh huyễn hóa, cái thấy biết đó không thể gọi là Chánh Kiến được, mà đó là Tà Kiến, từ xưa đến nay các tôn giáo đều sống trong Tà Kiến này.

Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy: “Nếu còn một chút xíu “Thức” như đất trong móng tay Ta, thì đạo Ta không ra đời vì loài người không giải thoát khổ được”.Như vậy cái thấy biết, có một bản thể thường hằng bất biến là cái thấy biết của Tà Kiến, cái thấy biết không đúng sự thật, cái thấy biết không có thật chỉ là một ảo tưởng của các nhà giàu tưởng tượng, sống trong tưởng.

Đây, chúng ta hãy nghe đức Phật dạy về Chánh Kiến: “Này chư Hiền! Sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói lưỡi hai chiều là bất thiện, nói lời phù phiếm là bất thiện, nói lời hung ác là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Này chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và này chư Hiền! Thế nào là căn bản bất thiện? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện”.

Trên đây, đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy, có mười pháp ác và ba cội nguồn gốc ác. Hằng ngày mọi sự việc xảy ra, chúng ta đều quan sát nơi thân, thọ, tâm và các pháp, nếu có mười pháp ác xảy ra trên thân, thọ, tâm và các pháp thì chúng ta biết được không? Nếu không học thì chúng ta không biết, còn đã học thì chúng ta đều biết mà biết như vậy có phải là Chánh Kiến không? Đức Phật đã dạy, thấy biết như vậy là Chánh Kiến rõ ràng.

Thưa quý vị! Chánh Kiến có khó biết không? Chắc là không, phải không quý vị? Nhưng quý vị nên lưu ý gốc ác pháp đó là tâm tham, sân, si; tâm tham, sân, si có một nghiệp lực rất mạnh, cho nên dù quý vị đã có Chánh Kiến nhưng quý vị không dừng lại được gốc tham, sân, si thì cái thấy Chánh Kiến của quý vị sẽ thành Tà Kiến.

Ví dụ: Như quý vị biết nói láo là Tà Kiến nhưng vì lực tham thúc đẩy, quý vị sẽ phải nói láo, mà không còn cách nào kềm giữ gìn lại được thành ra phải nói láo, nhưng khi nói ra rồi rất là hối hận, mặc dù nói láo đó không hại ai cả.

Muốn thấy Chánh Kiến và hành đúng Chánh Kiến thì quý vị phải hằng ngày trau dồi pháp hướng tâm để tận trừ nguồn gốc của các ác pháp: “Tâm như cục đất phải lìa tham, sân, si cho thật sạch”. Khi tu tập pháp hướng tâm có hiệu quả thì lúc bây giờ Chánh Kiến ở đâu thì tâm ly dục ly ác pháp ở đó và ở đó có giải thoát liền, nếu pháp hướng tâm chưa có hiệu quả thì dù có Chánh Kiến biết đúng, nhưng tâm không ly dục ly ác pháp, thì vẫn là Tà Kiến.

Cho nên, ai cũng học Chánh Kiến, biết rất rõ thập ác và thập thiện, nhưng mấy ai sống đúng thập thiện và loại trừ thập ác, ai nói Chánh Kiến cũng được, nhưng sống đúng Chánh Kiến thì không ai làm được. Đây là những người đã có Chánh Kiến mà còn sống chưa được, huống là những người còn đang sống trong Tà Kiến như: Mật Tông, Thiền Tông và Tịnh Độ Tông v.v..

- Chánh Kiến có hai giai đoạn tu tập:

1/ Giai đoạn học tập Chánh Kiến để loại trừ Tà Kiến.

2/ Giai đoạn tu tập Chánh Kiến là giai đoạn áp dụng Chánh Kiến vào đời sống hằng ngày bằng Định Vô Lậu và pháp hướng tâm.

Lớp Chánh Kiến học thì thấy dễ nhưng tu tập phải đúng pháp, đúng bài bản giáo trình thì mới có hiệu quả, cho nên chúng tôi nói: “Chỉ khi nào tâm ly dục ly ác pháp thì mới có Chánh Kiến”.

Như trên chúng tôi đã nói, nếu ai biết tu tập pháp hướng tâm để quét sạch nguồn gốc ác pháp tham, sân, si đang ngủ ngầm trong chúng ta, thì phải cố gắng hằng ngày đừng quên nhắc tâm lìa tham, sân, si hoặc tâm như đất, nhờ vậy mới đủ sức lực đoạn trừ tận gốc tham, sân, si. Vậy, chúng ta hằng ngày phải thường tỉnh thức quan sát thân, thọ, tâm và pháp để đẩy lui các ác pháp không cho chúng xâm chiếm bốn chỗ này. Nên đức Phật dạy: “Này chư Hiền! Khi nào Thánh đệ tử tuệ tri bất thiện như vậy, tuệ tri căn bản bất thiện như vậy, tuệ tri thiện như vậy, tuệ tri căn bản thiện như vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại”. (Trung Bộ Kinh tập 1 trang 113).

 Ở đây, quý vị có nghe lời đức Phật dạy không? Quý vị chỉ cần tu tập có Chánh Tri Kiến là đã diệt tận khổ đau trong hiện tại. Nếu quý vị chỉ cần có Chánh Tri Kiến thì ngay đó, quý vị đã đoạn trừ vô minh, khiến minh sanh khởi, đây là mục đích của đạo Phật.

Tóm lại, trong lớp Chánh Tri Kiến này, nếu quý vị tin sâu lời dạy của đức Phật hằng ngày chỉ cần thấy pháp thiện biết ngay liền pháp thiện, thấy pháp ác biết ngay liền pháp ác, đó là Chánh Kiến, và khi gặp pháp ác thì cố gắng đẩy lui khỏi tâm tư của mình để cho tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an vui, và vô sự.

Tóm lại, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nếu biết áp dụng Chánh Tri Kiến như trên đã dạy, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống an vui, hạnh phúc biết bao không những cho mình mà cho cả những người thân thương của mình và xã hội quanh ta, nhưng các bạn nên nhớ: đó là lớp học cơ bản đầu tiên của Phật giáo, nó không phải khó và không phải dễ, nếu giới luật không giữ gìn nghiêm túc thì sự tu học của lớp này các bạn sẽ không thành công.



[1] Tuệ tri có nghĩa là hiểu biết

[2]Bất thiện có nghĩa là ác pháp

[3] Căn bản có nghĩa là nguồn gốc

LỚP THỨ HAI: “CHÁNH TƯ DUY”

Lớp thứ hai trong tám lớp của Đạo Đế là lớp Chánh Tư Duy. Vậy Chánh Tư Duy có nghĩa là gì?

Chánh Tư Duy có nghĩa là suy tư, suy ngẫm về mười điều thiện và mười điều ác, do sự tư duy như vậy ta nhất định sống trong mười điều lành và luôn luôn loại trừ mười điều ác, mỗi khi có điều gì khởi lên trong ta, ta tư duy suy ngẫm và hiểu rõ nó thiện hay là ác, nếu là ác pháp thì ngay đó ta liền đẩy lui ra khỏi tâm ta, như trong kinh Song Tầm đức Phật dạy: “Này chư Tỳ Kheo! Trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành chánh giác và còn là Bồ Tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Này chư Tỳ Kheo, phàm có dục tầm[1] nào, sân tầm[2] nào, hạitầm[3] nào, đó là Ta phân làm phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, đó là Ta phân làm phần thứ hai. Này chư Tỳ Kheo! Rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Khi dục tầm khởi lên Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại Ta, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, dục tầm này đưa đến diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn (tức là không đưađến tâm thanh thản an lạc và vô sự cho mình cho người)”. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại Ta”, dục tầm tự biến mất. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm tự biến mất. Này chư Tỳ Kheo! Khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai Ta và người”, dục tầm được biến mất. Này chư Tỳ Kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm này được biến mất. Nàychư Tỳ Kheo! Như vậyTa cứ Chánh Tư Duy tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn diệt dục tầm”. (Trung Bộ Kinh tập 1 trang 262).

Đoạn kinh trên đây, đức Phật đã dạy chúng ta tu học trong lớp Chánh Tư Duy, nhờ có học, tu tập và sống trong lớp Chánh Tư Duy như vậy chúng ta mới lìa xa gốc tham dục và ác pháp.

Nếu một người quyết tâm tu hành, để cầu giải thoát thì trong lớp Chánh Tư Duy này chúng ta đã tìm được sự giải thoát thật sự đâu cần phải tu pháp nào khác hơn nữa. Phải không hỡi quý vị?

Từ khi thành lập tu viện đến giờ, hầu hết chúng tôi thấy, người tu thời bấy giờ họ không xả tâm, họ biết Chánh Kiến, biết rất rõ pháp nào ác, pháp nào thiện, họ cũng biết Chánh Tư Duy, biết rất rõ các pháp ác làm khổ mình, khổ người nhưng họ không xả ly mà chỉ ôm ấp trong lòng thù hận, oán ghét… để chịu khổ, thật là đảo điên! Điên đảo! Vậy, họ tu theo Phật để làm gì? Nếu không xả tâm dục và ác pháp.

Mục đích của đạo Phật chỉ có xả tâm để được giải thoát, nếu họ không xả tâm mà cầu Phật Đạo là cầu cái gì? Cầu thần thông ư? Điều này có lợi ích gì? Cầu về Cực Lạc Tây Phương ư? Mơ hồ trừu tượng quá không thực tế, ích kỉ cá nhân. Cầu kiến tánh thành Phật ư? Điều này cũng quá mơ hồ trừu tượng, chỉ có những người điên đảo, đảo điên thì mới sống trong mơ mộng và ảo tưởng như vậy. Cầu thiền định ư? Thiền định thì ở chỗ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, ngoài Chánh Kiến, Chánh Tư Duy thì không có Chánh Thiền Định, đó là tà thiền tà định, mà tà thiền tà định thì có lợi ích gì cho mình cho người đâu.

Đạo Đế là con đường duy nhất tu tập của đạo Phật, để có Chánh Thiền Định, ngoài Đạo Đế ra, không còn có con đường nào khác hơn nữa, để có Chánh Thiền Định, đi đến giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chỉ là những pháp môn trợ giúp cho Đạo Đế, hay nói một cách khác cho dễ hiểu hơn ba mươi bảy phẩm trợ đạo là giáo trình tu học của Bát Chánh Đạo, nó làm sáng tỏ thêm Đạo Đế, về cách thức thực hành tu tập rèn luyện trau dồi trí tuệ, để sống đúng tám phương pháp này, tám phương pháp này là đạo đức làm Người, làm Thánh của đạo Phật như: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Vì thế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phải là Đạo Đế, nếu cho nó là Đạo Đế thì còn gọi nó trợ đạo để làm gì?

Ví dụ 1: Chúng ta lấy Tứ Chánh Cần để tu tập ngăn ác, diệt ác pháp thì Tứ Chánh Cần là pháp môn giúp cho chúng ta thấy rõ các ác pháp, tức là giúp cho chúng ta có Chánh Kiến, giúp chúng ta thấy biết rõ căn gốc của ác pháp, tức là giúp chúng ta có Chánh Tư Duy. Và như vậy, chúng ta tu Tứ Chánh Cần, tức là chúng ta tu tập trí tuệ Chánh Kiến và Chánh Tư Tuy hay nói cách khác Tứ Chánh Cần là giáo trình thực tập trên các lớp Chánh Kiến đến lớp Chánh Niệm có những bài vở từ thấp đến cao.

Tứ Chánh Cần, xác định rõ cho chúng ta biết vị trí và phận sự của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là ngăn ác, diệt ác pháp, có ngăn ác, diệt ác pháp thì mới gọi là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, nếu không ngăn ác, diệt ác pháp thì không thể nào gọi là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy mà phải gọi là Tà Kiến và Tà Tư Duy.

Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là lớp để tu tập Tứ Chánh Cần, còn Tứ Chánh Cần là giáo trình thực tập để định nghĩa và làm sáng tỏ cho lớp Chánh Kiến và Chánh Tư Duy trong tu tập.

Ví dụ 2: Chúng ta lấy Tứ Niệm Xứ trên thân, quán thân để tu tâp khắc phục tham ưu, thì Tứ Niệm Xứ sẽ giúp cho chúng ta quan sát, hiểu biết rõ bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, khi có các ác pháp tham ưu sanh khởi, trên bốn chỗ này khiến cho nó bị khổ đau, phiền toái. Như vậy, Tứ Niệm Xứ cũng là giáo trình thực tập để xác định và làm sáng tỏ giúp cho chúng ta có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy để ngăn ác và diệt các ác pháp trên bốn chỗ này. Và như vậy, chúng ta tu tập giáo trình Tứ Niệm Xứ, tức là tu tập trí tuệ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Tóm lại, ba mươi bảy phẩm trợ đạo chỉ là những giáo trình tu học làm sáng tỏcho sự hiểu biết và sự thực hành để chúng ta thực hiện chương trình Bát Chánh Đạo dễ dàng hơn, không có mệt nhọc mà kết quả giải thoát rất cụ thể.

Trên đây, chúng ta tu học lớp thứ hai Chánh Tư Duy, nếu chúng ta theo như lời đức Phật đã dạy mà tu tập lớp Chánh Tư Duy như vậy thì chắc chắn không những chúng ta mà bất cứ người nào tu tập cũng đều có sự giải thoát như nhau cả, nghĩa là người nào tu theo đạo Phật đúng con đường Bát Chánh Đạo thì chắc chắn trăm muôn ngàn người đều có kết quả thiết thực cụ thể, tức là giải thoát giống y như nhau.

Kính thưa các bạn! Tu học Bát Chánh Đạo, đức Phật đâu có dạy: tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú đánh chuông, gõ mõ, v.v.. mà chỉ có sống đúng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ...

Bát Chánh Đạo là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật và nó chính là chương trình tu học chân chánh của đạo Phật thì cách thức tu tập phải rõ ràng, cụ thể và thiết thực không thể mơ hồ, trừu tượng, mê tín được. Nếu Bát Chánh Đạo là chương trình giáo dục đào tạo tu học mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, huyễn hóa thì không được gọi là chương trình giáo dục đào tạo, không được gọi là chân lý.

Cho nên, chương trình giáo dục đào tạo, được gọi là chân lý phải là thiết thực, cụ thể, phải hiểu biết bằng tri thức của chúng ta, còn những loại pháp môn trừu tượng, mơ hồ, ảo giác, với sự hiểu biết bằng tưởng tri thì không được gọi là chân lý như: Triết học Tánh Không, Trí tuệ Bát Nhã, Phật Tánh, v.v.. đều không được gọi là chân lý, phần nhiều người ta hiểu về những pháp này bằng tưởng tuệ, chứ không phải trí tuệ, nên các pháp môn này được xem là Tà Kiến ngoại đạo, không phải là của đạo Phật.



[1] Dục tầm là ý niệm về dục khởi lên

[2] Sân tầm là ý niệm về sân khởi lên

[3] Hại tầm là ý niệm về tai hại khởi lên

LỚP THỨ BA: “CHÁNH NGỮ”

Chánh Ngữ là lớp thứ ba trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Ngữ là gì?

Chánh Ngữ có nghĩa là lời nói chân thật, ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, lời nói không thiên vị, không xuyên tạc, không nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, không nói đùa, nói chơi, nói giỡn cợt, nói móc họng, nói mỉa mai, nói to tiếng, nói tranh luận hơn thua, nói xỉ vả, chửi mắng, nạt nộ, la hét, hù dọa, không nói lời làm cho người khác tức giận, không nói lời làm cho người khác buồn phiền khổ đau, không nói xấu người khác, không đặt điều thêm bớt, không đem chuyện người này nói lại với người kia…

Chánh Ngữ còn là lời nói hiền lành, lời nói không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh như: Không nói lời giết hại chúng sanh, không nói lời xui khiến người giết hại chúng sanh, không nói lời trộm cắp cướp giựt của người, không nói lời xui khiến người khác trộm cắp cướp giựt của người khác, không nói lời dâm dục, tục tĩu.

Tóm lại, Chánh Ngữ là những lời nói luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung và lời nói không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Nếu một mai, chúng ta có lỡ lời nói không Chánh Ngữ, khiến cho mình khổ, người khác khổ thì chúng ta nhất định phải từ bỏ, không được dùng lời nói đó nữa, nếu chúng ta còn nói lời đó nữa, là chúng ta không phải con người, vì chúng ta đã học Chánh Ngữ, thế mà chúng ta còn dùng lời nói làm khổ mình, khổ người thì chúng ta là con vật, chứ không phải là con người tu hành. Và vì vậy, mỗi khi nói một điều gì thì chúng ta phải tư duy, suy nghĩ cho kỹ rồi mới được nói, như đức Phật đã dạy: “Này chư Tỳ Kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Người có thể dùng khi nói với người khác:

1/ Đúng thời hay phi thời.

2/ Chơn thật hay không chơn thật.

3/ Nhu nhuyễn hay thô bạo.

4/ Có lợi ích hay không lợi ích.

5/ Với từ tâm hay với sân tâm.

- Này chư Tỳ kheo khi nói với người khác, các ngươi có thể nói đúng thời, đừng nói phi thời.

- Này chư Tỳ Kheo, khi nói với các người khác, các ngươi có thể nói lời chân thật, chứ đừng nói lời không chơn thật.

- Này chư Tỳ Kheo, khi nói với người khác, các ngươi có thể nói lời nhu nhuyễn chứ đừng nói lời thô bạo.

- Này chư Tỳ Kheo, khi nói với các người khác, các ngươi có thể nói với từ tâm chứ đừng nói với sân tâm.

Này chư Tỳ Kheo, ở tại đây, các người cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với một tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ mọi người với tâm câu hữu với lòng từ. Và với mọi người này là đối tượng của ta, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với lòng từ, lòng quảng đại vô biên, không hận, không sân”.

Này chư Tỳ Kheo, như vậy các người cần phải học tập”.

Trên đây, đức Phật nhắc nhở chúng ta giữ gìn lời nói, có năm điều kiện để nói, nếu chúng ta giữ gìn đúng lời dạy trên đây. Đó là chúng ta đang tu học lớp Chánh Ngữ.

Chánh Ngữ rất lợi ích cho đời sống của chúng ta, nếu chúng ta biết giữ gìn đúng Chánh Ngữ như trên đức Phật đã dạy thì chúng ta đã đem lại cho mình cho người một sự an vui, thanh thản giải thoát dù ở bất cứ nơi đâu.

LỚP THỨ TƯ: “CHÁNH NGHIỆP”

Chánh Nghiệp là lớp thứ tư trong Đạo Đế mà chúng ta cần phải sống, học và tu tập hằng ngày trong mỗi hành động thân, miệng và ý của chúng ta.

Chánh Nghiệp là những hành động thiện, hành động không làm đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.

Về thân có ba hành động Chánh Nghiệp như:

1/ Thân không đánh đập, không làm đau khổ và không tự giết hại mình, người và tất cả chúng sanh, đó là Chánh Nghiệp.

2/ Thân không trộm, cắp, cướp giựt, không móc túi, không lấy của không cho, đó là Chánh Nghiệp.

3/ Thân không tà dâm, không làm những điều bất chánh gây đau khổ cho mình cho người, đó là Chánh Nghiệp.

Về miệng nếu giữ gìn được Chánh Ngữ tức là giữ gìn Chánh Nghiệp của miệng, cho nên học về Chánh Ngữ tức là học về Chánh nghiệp của miệng, như vậy những bài học Chánh Ngữ ở trên là những bài học Chánh Nghiệp ở đây. Chánh Nghiệp về miệng còn một điều nữa rất là quan trọng, đó là miệng không nên ăn thịt chúng sanh, tại vì hành động ăn thịt chúng sanh tức là tạo ra nghiệp đau khổ vào thân mà không biết, cho nên hành động ăn thịt chúng sanh không phải là Chánh Nghiệp mà là Tà Nghiệp.

Chánh Nghiệp còn gọi là những nghề nghiệp sống chân chánh, nghề nghiệp không làm đau khổ chúng sanh. Có sáu Tà Nghiệp mà người Phật tử không nên làm như:

1/        Không làm nghề săn bắn.

2/        Không làm nghề ngư phủ.

3/        Không được làm nghề buôn bán thịt sống.

4/        Không được làm nghề buôn bán thịt chín.

5/        Không được làm nghề sản xuất rượu và buôn bán rượu.

6/        Không được làm nghề buôn bán người (mãi dâm).

Tóm lại, Chánh Nghiệp là tu tập rèn luyện mỗi hành động thân, miệng, ý phải được trong sạch, thanh tịnh; trong sạch, thanh tịnh tức là hành động thân, miệng, ý toàn thiện, nếu còn có một chút xíu hành động ác thì không được gọi là Chánh Nghiệp, cho nên Chánh Nghiệp tức là mỗi hành động thân, miệng, ý của chúng ta không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, thì đó mới chính là Chánh Nghiệp.

Mỗi người sinh ra trong đời đều phải có nghề nghiệp làm để sống, nhưng phải chọn nghề nghiệp thiện, đừng nên chọn nghề nghiệp ác. Vì nghề nghiệp ác sẽ đem đến sự khổ đau cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh, còn nghề nghiệp thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh. Cho nên, Chánh nghiệp rất quan trọng trong đời sống của con người. Vì thế, mỗi người cần phải theo tu học lớp học Chánh Nghiệp này, đừng bỏ qua rất uổng, hễ là con người dù bất cứ có tôn giáo nào hay không tôn giáo, mọi người cũng đều phải học và thực tập để hiểu biết cách sống đúng ý nghĩa trong Chánh Nghiệp

LỚP THỨ NĂM: “CHÁNH MẠNG”

Chánh Mạng là nẻo tu tập thứ năm còn gọi là lớp tu học thứ năm của Đạo Đế. Vậy Chánh Mạng là gì?

Chánh Mạng là mạng sống chân chánh của con người, là sự sống của cơ thể không huân tập vào thân những sự khổ đau của kẻ khác và của tất cả chúng sanh.

Chánh Mạng là nuôi sống thân mạng bằng những nghề nghiệp chân chánh tức là những nghề nghiệp lương thiện không tạo việc làm ác để nuôi thân mạng.

Chánh Mạng còn có nghĩa là sống đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong tưởng giải, ảo giác, mơ hồ, trừu tượng.

Chánh Mạng còn có nghĩa là sống không chạy theo dục vọng và các ác pháp về ăn uống. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến cho các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hộ trợ cho sanh. Thế nào là bốn?

1/ Đoàn thực loại thô hay loại tế.

2/ Xúc thực.

3/ Tư niệm thực.

4/ Thức thực.

Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh Đạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Này chư Hiền khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi thức ăn như vậy,tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạng tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh sanh khởi, diệt tận gốc khổ đau ngay trong hiện tại. Này chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có Chánh Tri Kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”.

Trên đây là lời dạy của đức Phật chúng ta nên lưu ý câu này “Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn”. Chúng ta đảo ngược câu nói này lại, chúng ta có một pháp hành rất cụ thể “Từ tập khởi của thức ăn, có tập khởi của ái, từ đoạn diệt thức ăn, có đoạn diệt của ái”.

Cho nên, người tu học lớp Chánh Mạng tức là nuôi mạng sống thì không nên tập khởi theo ăn uống, vì chạy theo ăn uống tức là nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng tức là tập khởi thức ăn, tập khởi thức ăn tức là tập khởi ái dục. Ngược lại, ăn ngày một bữa để sống, tức là nuôi Chánh Mạng, còn người tu sĩ mà ăn hai ba bữa trong một ngày thì đó là nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng thì tâm dục sanh, bằng chứng quý vị cứ suy ngẫm lời đức Phật dạy có đúng không? Quý vị nên lấy đời sống của mình làm thí điểm thì sẽ thấy rất rõ ràng.

Một chúng sanh, phải thọ thực bằng bốn cách nuôi sống thân mạng như trên đức Phật đã dạy, nhưng người tu theo Bát Chánh Đạo, thực hiện lớp Chánh Mạng thì chỉ dùng có Đoàn thực dù thô hay tế để đủ nuôi sống thân mạng mà thôi, còn Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực thì ngăn chặn và đoạn dứt, không nên dùng ba cách thức ăn uống này, vì ba cách thức ăn uống này sanh ra dục như lời dạy ở trên “ăn uống tập khởi thì dục tập khởi”.

Người tu theo đạo Phật nên lưu ý: chúng ta là những người đến với đạo Phật là đi tìm sự giải thoát, làm chủ sự sống chết và luân hồi, chứ không phải đi tìm ăn uống hay tìm danh lợi hoặc tìm thần thông phép thuật, tàng hình biến hóa, v.v..

Chúng ta đến với đạo Phật là đi tìm sự làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết chứ không phải ngồi thiền nhập định năm bảy ngày hoặc một tháng hai tháng hoặc chết để lại nhục thân hoặc tiếp tục tái sanh luân hồi làm Bồ Tát, để rồi vừa sanh ra là nhớ lại được tiền kiếp của mình. Chúng ta tu hành không có mục đích đó, nên chúng ta phải sống đúng những lời dạy trong Bát Chánh Đạo, vì lẽ đó chúng ta phải sống đúng Chánh Mạng, ăn ngày một bữa, đủ sống để nuôi thân, ăn không cần ngon, không cần thích, không cần tưởng.

Trong đạo Phật dạy có bốn cách nuôi Tà Mạng, người tu sĩ chân chánh của đạo Phật thì phải tránh bốn cách nuôi mạng sống không chân chánh này:

1/ Hạ khẩu thực, tức là đi khất thực phi thời và ăn uống phi thời, hạng tu sĩ này là những người nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng thì dù họ có tu pháp môn nào thì cũng tu tà pháp mà thôi.

Bởi Đạo Đế là con đường chân lý chắc thật của đạo Phật, nếu người nào tu đúng đường lối đó thì sẽ có giải thoát ngay liền, thế mà người tu nuôi mạng sống bằng Tà Mạng thì làm sao tìm giải thoát được.

2/ Ngưỡng khẩu thực, có nghĩa là không giữ gìn phạm hạnh đi xin ăn, mà lại đi làm nghề xem thiên văn như: nhìn xem hiện tượng trăng sao, đoán thời tiết, bói khoa, tiên tri chuyện quá khứ vị lai cho người, hoặc xem ngày giờ tốt xấu cất nhà cửa, xây mồ mả, dựng vợ gả chồng, coi sao hạn để rồi cúng sao giải hạn để cắt giá ăn tiền hoặc trao đổi sự cúng dường, đó là hành những nghề mê tín lường gạt người để nuôi sống Tà Mạng. Trong Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy:“Như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú để làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùngbùa chú khiến cho người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi đồng cốt, hỏi Thiên Thần để biết họa phước, thờ Mặt Trời, thờ Thổ Địa, thờ Thần Tài Siri. Còn Sa Môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên”.(Kinh Phạm Võng trang 27 trong Trường Bộ Kinh tập 1 thuộc tạng kinh Nikaya).

Đức Phật chấp nhận cho người tu sĩ chỉ có một cái nghề duy nhất, đó là đi khất thực, ngoài ra các nghề khác, bất cứ một nghề nào đức Phật cũng không chấp nhận, vì mọi nghề khác đều nuôi thân mạng không chân chánh. Tại sao vậy?

Tại vì tất cả mọi nghề khác làm ra tiền để sống thì không thể nào xả tâm tham, sân, si được. Đạo Phật vốn là đạo buông xả sạch vật chất thế gian, vì thế còn làm ra tiền là còn nuôi dưỡng tâm tham dục, còn làm tất cả các nghề khác là còn vật sở hữu, dù là vật sở hữu có một chút vẫn không xả hết tâm dục và ác pháp.

Lớp tu tập về Chánh Mạng quý vị nên lưu ý: nó là một chân lý để tu tập đi đến giải thoát, thế mà một người đi tìm đạo giải thoát mà tu hành không đúng pháp tức là sống nuôi Tà Mạng, không đúng Chánh Mạng thì quý vị nghĩ sao? Họ có giải thoát được không? Chắc hẳn là không, phải không quý vị?

Quý vị Tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Diệu Đế, thì thấy rất rõ sự tu tập có giải thoát ngay liền và sự tu tập không có mệt nhọc, không có khó khăn gì cả, chỉ cần sống đúng những lời dạy này, tức là hằng ngày quý vị áp dụng vào Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng, chỉ trong năm lớp tu học này thì quý vị cũng cảm thấy tâm bất động trước các pháp và luôn luôn lúc nào quý vị cũng sống trong thiện pháp đúng đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Đó là chân hạnh phúc của loài người trên hành tinh này.

Khi giảng Tứ Diệu Đế đến đây, chúng tôi cảm nhận bốn chân lý của đạo Phật thật là tuyệt vời, đúng là bốn chân lý của loài người. Một chương trình giáo dục đào tạo những bậc vô lậu chứng Thánh quả A La Hán.

Đạo Đế là một pháp môn giải thoát vi diệu mầu nhiệm, nhưng tại sao các bậc Thầy Tổ của chúng ta lại không thấy nó là một chân lý chân thật, một pháp môn giải thoát bốn sự đau khổ của kiếp người và chấm dứt luân hồi sanh tử mà không thể có một pháp môn nào hơn được, một pháp môn sống an lạc thanh thản và vô sự giải thoát cụ thể, thiết thực, lợi ích cho mình, cho người rất rõ ràng. Pháp thiết thực, cụ thể như vậy mà Thầy Tổ của chúng ta lại dạy những pháp mơ hồ, trừu tượng như: Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, chúng ta tu tập chết người mà tâm tham, sân, si vẫn còn và nhiều khi còn mạnh hơn, những pháp môn này tu tập mãi chúng ta rơi vào cửa danh, cửa lợi khiến chúng ta chết chìm trong danh lợi của thế gian như: ăn uống, quần áo, xe cộ, ti vi, tủ lạnh, chùa to Phật lớn, v.v..

Chánh Nghiệp của đạo Phật dạy là như vậy mà Thầy Tổ của chúng ta biến chúng ta thành những người hành nghề nghiệp ác, mê tín lừa đảo, lường gạt người, khiến chúng ta mất cả lương tri Chánh Nghiệp của đạo Phật thật là đau lòng.

Còn năm lớp trong Bát Chánh Đạo chỉ cho chúng ta thấy rất rõ ràng các pháp, tức là các đối tượng đến với chúng ta thì ngay đó, chúng ta thấy biết liền chúng là ác pháp hay là thiện pháp, đó là chúng ta đang thấy chúng bằng Chánh Kiến, nếu Chánh Kiến không nhận ra chúng thiện hay ác được thì liền ngay đó chúng ta dùng Chánh Tư Duy, Chánh Tư Duy giúp chúng ta thông suốt ác pháp hay là thiện pháp. Khi đã biết rõ ràng, chúng ta mới dùng Chánh Ngữ thì lời nói của chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người, tức là chúng ta ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp tức là chúng ta sống đúng Chánh Nghiệp, sống đúng Chánh Nghiệp tức là hành động thân, miệng, ý toàn thiện, có nghĩa là không còn làm khổ mình, khổ người nữa. Không làm khổ mình, khổ người nữa, tức là sống đúng Chánh Mạng, sống đúng Chánh Mạng thì chỉ còn có đi xin ăn mà thôi.

Kết quả của năm lớp này đưa chúng ta đi đến con đường giải thoát thực tế cụ thể, hiện tại không có thời gian, nếu chúng ta là những người đã từng lăn lộn trong cuộc sống bảy nổi ba chìm thì làm sao không thấy đời là khổ, thật sự đời người sanh ra là khổ, khổ đủ mọi mặt và khi nghĩ như vậy chúng ta rất ngao ngán và chán chường cho kiếp sống của con người. Con người sanh ra để làm gì? Kết cuộc rồi cũng chẳng có gì, chỉ là một trò ảo ảnh. Nếu xét đi xét lại hết một kiếp người chỉ có bon chen vật lộn với cái ăn, cái mặc, cái ở cuối cùng cũng chẳng có nghĩa lý gì cả, lớp người trước chết mất đi, lớp người sau thừa kế cũng như vậy và cứ như vậy mãi mãi muôn đời muôn kiếp vô vị chẳng có nghĩa lý gì! Ôi thật là một trò huyễn mộng của kiếp người.

LỚP THỨ SÁU: “CHÁNH TINH TẤN”

Chánh Tinh Tấn là lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Tinh Tấn là gì?

Chánh Tinh Tấn là sự siêng năng đúng với chánh pháp, có những sự siêng năng mà không đúng chánh pháp như những tu sĩ và cư sĩ siêng năng “niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, v.v…”, đó không phải là Chánh Tinh Tấn, mà chính là Tà Tinh Tấn.

Chánh Tinh Tấn mà đức Phật đã xác định rất rõ ràng là “Tứ Chánh Cần”. Người nào có Chánh Tinh Tấn tức là hằng ngày siêng năng tu tập “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Và sự tu tập siêng năng như vậy sẽ mang lại cho họ ngay liền một cuộc sống thanh thản, an vui và vô sự.

Cách thức tu tập Tứ Chánh Cần thì quý vị đã học rồi chúng tôi không cần giảng ra đây làm mất thì giờ vô ích.

Người mới bắt đầu tu theo đạo Phật thì phải tu học và sống cho đúng theo năm lớp: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, nếu đã tu học và sống đúng năm lớp này thì đương nhiên người đó đang tu tập Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, mà ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện, tức là đang thực hiện lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo, đó là Chánh Tinh Tấn. Vậy Chánh Tinh Tấn tức là siêng năng tu tập, nhưng siêng năng tu tập cái gì?

Siêng năng tu tập ngăn ác diệt ác pháp tức là siêng năng tu tập: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Trong thiền định của đạo Phật thì Chánh Tinh Tấn là phương pháp đầu tiên để tu tập thiền định, nghĩa là hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, nói nín đều ngăn ác diệt ác pháp và luôn luôn sống trong thiện pháp, để giúp cho thân tâm ly dục ly ác pháp, thân tâm ly dục ly ác pháp, thì thân tâm mới thanh tịnh, thân tâm có thanh tịnh thì mới bắt đầu có định, chính từ tâm thanh tịnh này chúng ta mới chính thức đi vào thiền định. Nếu thân tâm chưa thanh tịnh mà vội vàng tu thiền định tức là tu sai, tu không đúng như trong Bát Chánh Đạo đã dạy.

Chánh Tinh Tấn tức là Tứ Chánh Cần, Tứ Chánh Cần là một danh từ chỉ chung cho cách thức tu tập của năm lớp trong Bát Chánh Đạo như: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Trong năm lớp này cách thức tu tập theo Tứ Chánh Cần rất rõ ràng.

Ví dụ: Có một pháp xảy đến, trước tiên chúng ta thấy pháp đó không làm khổ mình, khổ người, nhưng muốn chắc ăn hơn chúng ta tư duy suy xét pháp đó đúng là pháp thiện, pháp không làm khổ mình, khổ người tức là chúng ta tu tập lớp Chánh Tư Duy, khi đã tư duy xong pháp đó chúng mới đưa ra hành động thân, miệng, ý của mình tức là chúng ta tu tập Chánh Nghiệp. Hành động Chánh Nghiệp đưa đến thân tâm của chúng ta được thanh thản, an lạc và vô sự, thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự đó là chúng ta tu tập Chánh Mạng. Như vậy trong sáu lớp của Bát Chánh Đạo chúng ta tu tập được thân tâm thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn.

Còn hai lớp nữa là Chánh Niệm và Chánh Định, như vậy có thừa không? Chúng tôi xin thưa rằng: Đức Phật không bao giờ dạy thừa mà cũng không dạy thiếu, vì Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý thì không lý nào lại dạy thừa mà cũng không lý nào lại dạy thiếu, vì dạy thiếu người đời sau không biết đâu mà tu tập, còn dạy thừa tu tập mất thì giờ vô ích. Lần lượt chúng ta sẽ tu học trọn hai lớp sau cùng và sẽ thấu rõ tám lớp tu tập của đạo Phật không thiếu, không thừa.

Sáu lớp này chúng ta chưa thấy đức Phật dạy ngồi thiền, tụng kinh, lạy sám hối hoặc trì chú, niệm Phật, cúng bái, tế lễ v.v.. mà chỉ có dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp. Lần theo dấu vết của Bát Chánh Đạo chúng ta mới thấy rõ Thầy Tổ của chúng ta tu sai pháp, lạc vào pháp môn của ngoại đạo tà giáo rất rõ ràng.

LỚP THỨ BẢY: “CHÁNH NIỆM”

Chánh Niệm là lớp thứ bảy trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Niệm là gì?

Chánh Niệm là niệm chân chánh không có tà niệm, niệm thiện, niệm không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, đức Phật đã xác định Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, Tứ Niệm Xứ là một tên khác của Chánh Niệm, cho nên người tu Chánh Niệm tức là tu tập Tứ Niệm Xứ. Người đời sau không hiểu vì chưa có thực hành tu chứng nên đã biến Tứ Niệm Xứ thành một loạt thiền ức chế tâm chứ không còn là Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo.

Cho nên, Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã xác định là Tứ Niệm Xứ như trên chúng tôi đã dạy, nếu đức Phật không xác định như vậy thì chắc chắn Tứ Niệm Xứ là Tà Niệm. Bởi vì, Chánh Niệm là chân lý của đạo Phật, mà trong đạo Phật thì không thể có hai ba chân lý được, chánh là chánh, tà là tà, không thể cái nào cũng chánh hết cả. Vì thế, pháp môn Tứ Niệm Xứ là giáo trình tu học cho lớp Chánh Niệm của Bát Chánh Đạo. Cho nên tên Chánh Niệm là tên của lớp học, còn Tứ Niệm Xứ là những môn học cho lớp học đó, chứ không phải Chánh Niệm là những môn học như Tứ Niệm Xứ. Quý vị có hiểu chưa?

Tu Tứ Niệm Xứ thì ai cũng thông suốt theo kiểu kinh sách phát triển và kiến giải của các nhà học giả, họ lý giải Tứ Niệm Xứ đủ kiểu cách nhưng nhìn lại quá trình tu tập của mọi người thì kết quả sẽ chẳng đi tới đâu cả. Bởi vì người ta biến Tứ Niệm Xứ thành Tà Niệm, một loại pháp môn tu hành ức chế tâm, chứ không còn là Chánh Niệm nữa.

Như trong bài trước, đức Phật đã xác định Chánh Tinh Tấn là Tứ Chánh Cần cũng như trong bài này Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, như vậy trong bốn pháp này chỉ có hai pháp mà thôi, tuy tên có khác nhưng tu tập và kết quả đều đẩy lui các chướng ngại pháp (ác pháp). Theo lời đức Phật dạy trên đây chúng ta phải hiểu như thế nào?

Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi thì Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là những pháp môn trong 37 phẩm trợ đạo. Vì thế, chúng tôi hiểu rằng đức Phật xác định như vậy là vì Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là những bài pháp tu học cho lớp Chánh Tinh Tấn và lớp Chánh Niệm, chứ không phải Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm là môn học như trên đã nói.

Cách thức tu tập Tứ Niệm Xứ tức là trên thân quán thân tỉnh giác Chánh Niệm để khắc phục tham ưu ở đời, đó là kinh dạy như vậy nhưng chúng ta phải hiểu quán là quan sát, quán xét trên bốn chỗ thân, thọ tâm, pháp, bốn chỗ này đức Phật gọi là Tứ Niệm Xứ, quan sát quán xét trên bốn chỗ này để làm gì?

Trên bốn chỗ này thường có Tà Niệm xảy ra (ác pháp) vì vậy mà phải quan sát quán xét cho kỹ để phát hiện ra những Tà kiến, Tà Niệm, phát hiện ra được những Tà Kiến và Tà Niệm là chúng ta đã đẩy lui chúng ra khỏi tâm tư mà Đức phật gọi là khắc phục tham ưu.

Công việc tu hành Tứ Niệm Xứ là chỉ có quan sát bốn vị trí này để diệt trừ các chướng ngại pháp, cho nên tâm thường ở trong Chánh Niệm tức là không có Tà Niệm, không có Tà Niệm tức là không có niệm ác, không có niệm ác thì thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Quý vị nên lưu ý trong Bát Chánh Đạo có hai nẻo tu tập xả tâm như:

1/ Chánh Tinh Tấn.

2/ Chánh Niệm.

Chánh Tinh Tấn thì ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Đây là pháp tu tập phòng hộ bảo vệ thân tâm không cho các ác pháp bên ngoài xâm chiếm vào bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Chánh Tinh Tấn giống như chiến thuật chiến lược ngăn và đánh giặc, không cho giặc tấn công vào lãnh thổ.

Học lớp Chánh Niệm là học lớp khắc phục tham ưu có nghĩa là chiến đấu với nội tâm của mình khi thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta có chướng ngại thì dùng Tứ Niệm Xứ đã học trong lớp Chánh Niệm để đẩy lui ác pháp. Cũng giống như một nhà vua dùng chiến thuật chiến lược diệt giặc nội chiến để đem lại đất nước thống nhất, tức là trị nội loạn, còn dùng Tứ Chánh Cần đã học trong lớp Chánh Tinh Tấn đem ra diệt giặc ngoại xâm. Qua sự giải thích này quý vị có thể hiểu rõ ràng là Phật giáo có một chương trình giáo dục đào tạo những bậc Thánh vô lậu A La Hán mà chúng tôi cố gắng giải thích cho quý vị hiểu dễ dàng để không bị giáo pháp phát triển lừa gạt đánh lận pháp môn vào pháp môn của Phật giáo.

Người tu tập theo đạo Phật mà không biết sử dụng Tứ Chánh Cần thì đâu dễ gì ngăn ác pháp bên ngoài được.

Người tu theo đạo Phật mà không biết sử dụng Tứ Niệm Xứ thì đâu dễ gì diệt ác pháp trong nội tâm được.

Tóm lại, tu học lớp Chánh Tinh Tấn là cách thức ngăn và diệt các ác pháp bên ngoài, còn tu học lớp Chánh Niệm thì tu học cách thức đoạn diệt các ác pháp bên trong.

LỚP THỨ TÁM: “CHÁNH ĐỊNH”

Chánh Định là lớp thứ tám của Bát Chánh Đạo, đây cũng là lớp cuối cùng của Đạo Đế. Vậy Chánh Định là gì?

Chánh Định ở đây có nghĩa là ngưng hoạt động, tịnh chỉ các hành trong thân và tâm. Đức Phật đã xác định Chánh Định là Bốn Thiền tức là Tứ Thánh Định. Trong Tứ Thánh Định này có bốn thiền như:

1/ Sơ Thiền

2/ Nhị Thiền

3/ Tam Thiền

4/ Tứ Thiền

- Muốn nhập Sơ Thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ tức là ly dục ly ác pháp.

- Muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ tức là lìa sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

- Muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ tưởng thức tức là ly hỷ dục tưởng.

- Muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở tức là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Khi giảng tới đây chúng tôi mới thấy rõ Đạo Đế của đạo Phật thật là một chân lý giải thoát thực tế, cụ thể và rất rõ ràng, chỉ còn có quyết tâm tu tập hay không tu tập mà thôi, đều là do hành giả chứ không phải do pháp môn nữa, vì lớp học Chánh Định này chỉ dạy Bốn Thiền quá rõ ràng, không còn một điểm nào nghi ngờ lớp học này được nữa và cũng không còn một Tà Thiền, Tà Định nào lừa đảo, dối gạt chúng ta được nữa.

Bát Chánh Đạo đã xác định từ cách thức tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp cho đến cách thức nhập các định cụ thể rõ ràng mà không còn có một pháp môn của ngoại đạo nào lồng vào giáo pháp của đạo Phật được, lồng đến đâu người ta đều thấy bộ mặt giả của nó, vì Bát Chánh Đạo đã chỉ cho chúng ta biết rất rõ. Những bài vở học tu ở lớp nào ra lớp nấy, đâu đó rõ ràng, có mạch lạc, có thứ lớp tứ thấp đến cao. Cho nên, theo chương trình giáo dục đào tạo ở trên thì giáo pháp của một số hệ phái khác không còn gạt được ai nữa.

Nếu ai có đủ duyên học tập Tứ Diệu Đế, hiểu rõ bốn chân lý này thì không còn bị các pháp thiền của ngoại đạo lừa đảo được. Bởi vì, đức Phật đã xác định nghĩa lý của thiền định rất rõ ràng. Từ xưa đến giờ người ta hiểu thiền định của Phật giáo không đúng.

 Đây, chúng ta nghe các nhà học giả xưa và nay định nghĩa Chánh Định: “Chánh Định có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình cho người”. Người theo đúng Chánh Định, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây như:

1- Quán thân bất tịnh.

2- Quán từ bi.

3- Quán nhân duyên.

4- Quán giới phân biệt.

5- Quán hơi thở.

Như vậy, ở đây quý vị thấy chữ “định” có đúng nghĩa hay không?

Đức Phật đã xác định nghĩa của chữ “định” rất rõ ràng “Tịnh chỉ, ngưng hoạt động”, còn các nhà học giả định nghĩa chữ “định” bằng cách “tập trung tư tưởng rồi quán xét các pháp”. Ở trong Bát Chánh Đạo Chúng ta thấy rất rõ, tập trung tư tưởng quán xét các pháp là ở các lớp tu tập đầu tiên như: “Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm, còn Chánh Định thì không còn tư duy quán xét mà chỉ có tịnh chỉ các hành trong thân ngũ uẩn.

So sánh như vậy chúng ta thấy rất rõ ràng, người tu thiền thời nay và thiền của đạo Phật ngày xưa thì không giống nhau.

Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Thánh Đế tức là nhờ quán xét tu tập Tứ Thánh Đế mà thân tâm hoàn toàn vô lậu, vô lậu tức là giải thoát không còn khổ đau nữa.

Nếu được sanh làm người, được gặp Tứ Thánh Đế và được tu tập Đạo Đế thì sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi trong một kiếp này mà thôi.

VI- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm tức là dùng Tứ Vô Lượng Tâm tu tập để đạt được vô lậu. Tứ Vô Lượng Tâm chúng tôi đã giảng dạy trong Giáo Án Tu Tập Đường Lối của đạo Phật xin quý vị nghe lại những đoạn băng này.

Ở đây, chúng tôi xin nhắc sơ lược lại cách thức dùng Tứ Vô Lượng Tâm để tâm được vô lậu.

Ví dụ: Có người chửi mắng mình, mình bị chửi mắng tức là phải có nguyên nhân, như đức Phật đã dạy mọi nguyên nhân đau khổ đều do lòng tham dục, tham dục của người hoặc tham dục của mình. Biết rõ lòng tham dục của mình tạo ra sự bất mãn, tự ái, tức giận của người, do đó ta nên xả lòng tham dục của ta không được ganh đua hơn thiệt với người.

Tự ái, bất mãn, tức giận là sự đau khổ của người nên ta khởi tâm thương yêu họ và cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ tạo cho họ được an vui và không còn thù oán ta nữa, cho nên Đức phật dạy: “Lấy ân trả oán chứ đừng lấy oán trả oán”.

Từ chỗ xả ly tâm tham dục đã giúp chúng ta an vui biết thương người khiến cho người không còn khổ, đó là làm mình vui và kẻ khác vui. Những việc làm như vậy gọi là tu tập từ, bi, hỷ, xả; tu tập từ, bi, hỷ, xả từ việc lớn đến việc nhỏ, không bỏ xót một việc nào thì gọi là tu Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Vô Lượng Tâm còn có một cái tên nữa là Vô Lượng Tâm Hành, Vô Lượng Tâm hành sẽ diệt tận khổ đau, tức là diệt tạn lậu hoặc cho nên gọi là Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm.

Tóm lại, dùng Tứ Vô Lượng Tâm để quét sạch lậu hoặc, khiến cho tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

VII- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Tứ Bất Hoại Tịnh chúng tôi đã giảng dạy trong Giáo Án Tu Tập Đường Lối của đạo Phật xin quý vị vui lòng nghe lại đoạn băng đó.

Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp trợ đạo cho Đạo Đế, là một giáo trình tu học trong lớp Chánh Kiến nó cũng là một pháp môn trong 37 phẩm trợ đạo, nó lấy Tứ Niệm Xứ tức là lấy thân, thọ, tâm và pháp mà niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và niệm Giới, nó thuộc về Tín Lực tức là nó lấy lòng tin mà tu. Vì tin Phật nên phải sống như Phật, vì tin Pháp nên Pháp dạy sao tu tập không sai, vì tin Tăng nên sống đúng như chư Tăng, vì tin Giới nên sống không phạm Giới. Phần nhiều tu sĩ và cư sĩ ngày nay họ không tin Phật, Pháp, Tăng và Giới vì thế họ tu theo đạo Phật mà sống không giống Phật, không như pháp đã dạy, không giống hạnh các bậc Thánh Tăng, thường phạm giới, phá giới nên thành sống theo tà đạo.

Mục đích của pháp môn này là sống như thế nào cho đúng và giống như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng, như Giới Luật đã dạy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì thân tâm mới được gọi là Chánh Kiến, mới được gọi là thanh tịnh.

Đó là một pháp độc lập tự nơi nó khiến cho thân tâm ly dục ly ác pháp hay nói một cách khác là pháp này sẽ giúp cho thân tâm thanh tịnh và đạt được kết quả tâm bất động trước các pháp ác.

Người tu Tứ Bất Hoại Tịnh tuy mới nhìn vào thì không hiểu pháp này có sự liên hệ chặt chẽ với Bát Chánh Đạo, nhưng chính người nào có lòng tin Phật, Pháp, Tăng và Giới thì tất cả mọi hành động tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh tức là mọi hành động tu tập lớp Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo chứ không phải ngoài pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh mà còn có những pháp môn nào khác hơn, vì mỗi hành động trong Bát Chánh Đạo là mỗi hành động của Phật, Pháp, Tăng và Giới Luật, nó luôn luôn tu học đầy đủ trong các lớp: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.

Cho nên pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn cần phải học hiểu cho thông suốt như đức Phật đã dạy: “Những gì thông hiểu cần phải thông hiểu”. Nói đến người tu hành theo Phật giáo mà không thông hiểu pháp môn Tứ Bất Hoại Tịnh, đó là một điều thiếu sót rất lớn cho con đường tu tập để đạt đến sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

VIII- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Định Niệm Hơi Thở là một loại định ngăn các pháp ác tuyệt vời, khiến cho tâm không còn phiền não, đau khổ, phiền toái, bất toại nguyện hoặc giận hờn, thương ghét, lo sợ, v.v… Nó khiến cho tâm vô lậu hoàn toàn nên gọi Định Vô Lậu câu hữu với hơi thở.

Định Niệm Hơi Thở chúng tôi đã giảng xong, trong chương trình Giáo Án Đường Lối Tu Tập của đạo Phật, xin quý vị nghe lại đoạn băng đó.

Chúng tôi xin tóm lược lại, để quý vị có một khái niệm về Định Vô Lậu câu hữu Định Niệm Hơi Thở, như trong kinh Xuất Tức Nhập Tức dạy:

“Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”.

“Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”.

“Quán ly si tôi biết tôi hít vô, quán ly si tôi biết tôi thở ra”.

Vậy tham, sân, si là gì?

Tham, sân, si là lậu hoặc, nương vào hơi thở để lìa xa tham, sân, si tức là nương vào hơi thở để xa lìa lậu hoặc, vì thế do sự tu tập hai pháp kết hợp lại làm thành một pháp, nên gọi là câu hữu.

IX- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU PHÁP BẤT TỊNH

Pháp Bất Tịnh là gì?

Pháp bất tịnh là pháp cấu uế, ô trược, bẩn thỉu, hôi thúi, v.v..

Người chấp thân là ngã quá nặng, tâm ham mê sắc dục không bỏ được nên phải dùng những đề mục thiền quán như:

1-        Quán tử thi.

2-        Quán tử thi sình hôi thúi.

3-        Quán xương trắng.

4-        Quán sự bài tiết bất tịnh bên ngoài thân.

5-        Quán sự bất tịnh uế trược trong nội thân.

Nhờ quán tưởng như vậy nên diệt được ngã, xả được tâm sắc dục. Nếu là một người có chí bền tâm tu tập quán tưởng bất tịnh thì sẽ xa lìa được những lậu hoặc này, cho nên Định Vô Lậu câu hữu với Pháp Bất Tịnh là vậy.

X- ĐỊNH VÔ LẬU CÂU HỮU THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

Thập Nhị Nhân Duyên là gì?

Thập Nhị Nhân Duyên là 12 duyên như:

1/ Duyên Vô Minh

2/ Duyên Hành

3/ Duyên Thức

4/ Duyên Danh Sắc

5/ Duyên Lục Nhập

6/ Duyên Xúc

7/ Duyên Thọ

8/ Duyên Ái

9/ Duyên Hữu

10/ Duyên Thủ

11/ Duyên Sanh

12/ Duyên Bệnh Tử Ưu Bi.

Mười hai duyên này, kết hợp lại thành một thế giới khổ đau, do duyên vô minh chỉ đạo, nói một cách khác cho dễ hiểu hơn, là một môi trường sống có 12 duyên hợp lại tạo thành một thế giới khổ đau của muôn loài sanh linh trên hành tinh này.

Quán 12 nhân duyên này, để phá tan cái thế giới đau khổ của chúng sanh nói chung và nói riêng là diệt lậu hoặc của con người. Trong Giáo Án Đường Lối Tu Tập của đạo Phật chúng tôi đã giảng trạch đầy đủ, ở đây xin giảng để đi vào thực hành ngắn gọn, nhưng sẽ giúp cho chúng ta biết được lộ trình đi đúng vào quỹ đạo giải thoát của đạo Phật qua 12 duyên này.

Ở đây, chúng tôi xin nhắc nhở thêm, trong 12 nhân duyên, Vô Minh là duyên thứ nhất. Vậy muốn phá Vô Minh thì phải có Minh, muốn có Minh thì phải đi ngõ nào vào đây?

Nếu lấy sự học làm Minh thì đó là sở tri chướng, mà sở tri chướng thì không thể nào là Minh được.

Nếu lấy chỗ thiền định để phát triển trí tuệ làm Minh thì đó là không đúng, vì tâm chưa ly dục ly ác pháp làm sao có thiền định được, còn nếu ức chế tâm để hết vọng tưởng gọi đó là thiền định thì sai, đó chẳng qua chỉ là một trạng thái ức chế ý thức ngưng hoạt động để tưởng thức hoạt động và sự phát triển hiểu biết do ức chế đó gọi là tưởng tuệ, tưởng tuệ không thể nào gọi là Minh được. Trong kinh Sonananda đức Phật đã xác định trí tuệ rất rõ ràng: “Trí tuệ ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là trí tuệ ở đó. Trí tuệ làm thanh tịnh giới luật,giới luật làm thanh tịnh trí tuệ”.Lời dạy trên đây rất rõ ràng.

Trí tuệ là giới luật, giới luật là trí tuệ, như vậy chúng ta chọn giới luật làm trí tuệ, chọn giới luật làm trí tuệ tức là chọn đời sống phạm hạnh, chọn đời sống phạm hạnh thì phải buông xả tất cả, buông xả tất cả thì duyên sanh không còn; duyên Sanh không còn thì duyên Thủ diệt, duyên Thủ diệt thì duyên Hữu diệt; duyên Hữu diệt thì duyên Ái diệt; duyên Ái diệt thì duyên Thọ diệt; duyên Thọ diệt thì duyên Xúc diệt; duyên Xúc diệt thì duyên Lục Nhập diệt; duyên Lục Nhập diệt thì duyên Danh Sắc diệt; duyên Danh Sắc diệt thì duyên Thức diệt; duyên Thức diệt thì duyên Hành diệt; duyên Hành diệt thì duyên Vô Minh diệt; duyên Vô Minh diệt thì Minh sanh.

Như vậy, muốn có Minh thì chúng ta bắt đầu vào giới luật, sống đúng giới luật chứ không thể ngoài giới luật đi tìm Minh mà có được, cho nên đi tìm Minh bằng sự học, bằng thiền định thì không thể có được.

Nhờ có Minh mà chúng ta nhập được Chánh Định, nhờ có Chánh Định chúng ta mới thực hiện được Tam Minh, nhờ có Tam Minh chúng ta mới quét sạch lậu hoặc, do đó mới gọi là Định Vô Lậu câu hữu Thập Nhị Nhân Duyên.

TU BAO LÂU NỮA MỚI DIỆT ĐƯỢC TẦM TỨ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu như vậy còn bao lâu nữa mới diệt được tầm và tứ? Vậy mong Thầy chỉ dạy.

Đáp:Qua sự trình bày tu tập “Định Niệm Hơi Thở của con”. Có lúc con nhắc một, hai câu đầu rồi nương theo hơi thở cho đến hết 30 phút đó là con đã diệt tầm và tứ trong con rồi, nhưng con phải hiểu đó là con ức chế tâm diệt tầm tứ chứ chưa phải diệt tầm tứ chân thật. Vì ức chế tâm diệt tầm tứ như vậy thì con sẽ rơi vào định tưởng và con sẽ gặp các trạng thái hỷ tưởng xuất hiện rởn ốc, rùn mình, cảm giác mát mẻ, xây xẩm chút ít, thấy trong mình nặng nặng, chảy nước mắt, thấy màu đỏ, thấy ánh sáng, cảm giác rát rát ở thân, nhột nhột như ruồi hay kiến bu, kiến bò ở mặt, ở tay ở lưng, nhưng khi rờ phủi thì không có gì hết, có khi bị mất ngủ, có khi thân mình lúc lắc, nghiêng qua nghiêng lại, có khi hất tay hất chân như lên đồng, có khi thấy thân mình đang ngồi bay lên không, có khi gục tới gục lui, có khi xây qua xây lại, có khi há miệng, có khi miệng nói lầm thầm, v.v..

Diệt tầm tứ bằng cách ức chế tâm thì rất là nguy hiểm, tất cả những trạng thái trên đây đều do thiền ức chế tâm mà ra, những người hành thiền không đúng đường lối của đức Phật đã dạy thì phần đông đều rơi vào những trạng thái ma tưởng này, cho nên trong thời đại này người tu thì đông nhưng chẳng có người nào tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết được, tâm luôn luôn còn tham, sân, si, phiền não, chỉ vì cứ lo tu tập cho hết vọng tưởng mà không lo xả tâm tham, sân, si, cứ thích ngồi cho nhiều giờ kéo dài trạng thái không vọng tưởng nhưng có ích lợi gì cho mình cho người, tâm nào cũng còn tật nấy. Ngồi cho nhiều diệt tầm tứ sạch mà giới luật chẳng ra gì, còn đắm chìm trong dục lạc ăn ngủ, còn thọ những bệnh tật khổ đau sống bằng thuốc bằng gạo lức muối mè hay phải nhịn ăn để trị bệnh. Tu mà không có pháp làm chủ sự sống chết, cứ ngồi thiền cho nhiều, tầm tứ không có, nhưng sống chết không làm chủ được thì ngồi nhiều và diệt tầm tứ có ích lợi gì. Tu như vậy cuộc sống không làm chủ được tâm, tâm luôn luôn bị động trước các chướng ngại pháp, thì tu diệt tầm tứ để làm gì?

Cho nên, con đừng lo diệt tầm tứ mà hãy lo xả tâm và nhập cho được Bất Động Tâm Định, hãy cố gắng hằng ngày hướng tâm: “tâm như cục đất” để tâm con trở thành cục đất thật sự, thì lúc bây giờ con đã nhập được Bất Động Tâm Định, nhập được Bất Động Tâm Định con sẽ đạt được lợi ích rất lớn không làm khổ mình, khổ người, tâm hồn con lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, đó là một hạnh phúc rất lớn cho con, con hãy cố và cố gắng hơn thì sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết sẽ đến với con trước mắt và lúc chết con biết nơi con về.

LÀM VIỆC BIẾT LÀM VIỆC CÓ XẢ TÂM KHÔNG?

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tại sao vừa làm việc, vừa suy tư để buông xả tâm mình, nhưng con lại tu không được hay chính hành động con làm là buông xả chăng? Có đúng như vậy không?

Đáp:Vừa làm vừa suy tư để buông xả tâm mình là tu Định Vô Lậu câu hữu Thân Hành Niệm tức là tỉnh thức trong hành động làm việc để xả tâm.

Vừa làm, vừa không suy tư chỉ biết hành động đang làm là tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Chính hành động đang làm mà biết đang làm là tỉnh thức, chớ không phải buông xả, có tỉnh thức mới biết cái đúng cái sai, mới biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng mà buông xả. Buông xả là tu Định Vô Lậu.

Tâm tỉnh thức trong hành động làm, tức là tâm biết mình đang làm công việc đó, không có niệm khởi hoặc tùy miên trong niệm hoặc vô ký tức là quên, quên hành động làm, thì đó mới chỉ là tỉnh thức, chứ chưa xả niệm. Con nên phân biệt Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác (Thân Hành Niệm) khác nhau nhưng rất hỗ trợ cho nhau trên đường tu tập giải thoát, nếu biết kết hợp lại.

Con nên phân biệt khi làm việc biết mình làm việc nhưng phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, không còn tham, sân, si nữa; tham, sân, si là khổ đau là ác pháp phải viễn ly phải xa lìa, phải đoạn diệt không được để trong tâm nữa, nếu không xa lìa các ác pháp đó tức là ngu si”. Vừa làm việc, vừa tỉnh thức trong động, vừa làm việc cũng vừa thỉnh thoảng hướng tâm, nhắc tâm; hướng tâm, nhắc tâm càng nhiều càng tốt trong việc Chánh Niệm xả tâm.

Mục đích tu hành xả tâm tham, sân, si là phải tỉnh thức để xả tâm nhờ pháp hướng, nếu tâm đang thanh thản, an lạc và vô sự thì pháp hướng là một vai chánh trong sự tu tập xả tâm và ác pháp, chứ không phải tâm con biết hành động làm là buông xả mà chính pháp hướng tâm là buông xả. Còn khi tâm có niệm chướng ngại pháp khởi sanh thì con phải tỉnh ngay niệm khởi đó để dùng Định Vô Lậu quán xét cho thấu suốt niệm khởi đó để hoàn toàn đẩy lui khỏi tâm con thì mới gọi là xả tâm.

KHÔNG CHỐNG ĐỐI VA CHẠM

Hỏi:Kính thưa Thầy, câu “không chống đối va chạm”, va chạm là như thế nào? Nếu sống riêng một mình, không tiếp xúc, không va chạm thì tu hành có được không?

Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống như thế nào? Có phải giữ gìn thân, khẩu, ý hay không?

Đáp:“Không chống đối va chạm” không có nghĩa là sống một mình.

Không chống đối tức là nhẫn nhục; không va chạm tức là tùy thuận.

Sống chung đụng với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận là sống không chống đối va chạm.

Giữ gìn thân, khẩu, ý tức là tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Nếu sống riêng một mình không chống đối, không va chạm với ai thì tu hành dễ dàng không khó, nhưng phải hiểu rõ các pháp tu và còn phải biết cách tu tập cho đúng pháp, chỉ cần tu sai một tí là lọt vào thiền ức chế tâm rất là nguy hiểm, hoặc sống không đúng cách cũng có thể rơi vào sự ức chế tâm.

Cho nên, sự tu hành có va chạm, có chống đối thì ít bị ức chế tâm. Tại sao vậy?

Tại vì có đối tượng nên thấy được tâm mình còn tức giận hay hết tức giận rõ ràng. Nếu thấy được tâm mình còn phiền não giận hờn hay tức tối thì cố gắng xả ly đẩy lui các chướng ngại pháp đó để tâm được thanh thản, an lạc, còn nếu không đẩy lui các chướng ngại pháp đó mà cứ để trong tâm ôm ấp, đó chỉ là những người chưa biết cách tu, người chưa học đạo đức làm người, người còn vô minh, ngu si, dại dột, cứ để ôm ấp sự đau khổ đó trong lòng, người không trí tuệ thường sống ngược lại với người biết tu, người có trí tuệ đạo đức nhân bản nhân quả, họ chẳng ngu gì mà để ôm ấp sự đau khổ trong tâm như vậy, họ luôn luôn sáng suốt và nhất định dù một giây một phút cũng không để ác pháp trong tâm.

Trong cảnh động muốn tránh va chạm thì phải sống phòng hộ khẩu hành, nghĩa là phải giữ gìn miệng lưỡi, không được nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện người khác, không có ý kiến trong tất cả mọi việc, ai làm gì mặc họ, mình chỉ biết giữ gìn tâm và ý của mình lúc nào cũng thanh thản, an lạc, vô sự, ngoài chuyện thanh thản, an lạc của tâm, nhất định mình không để ý chuyện gì khác như lời đức Phật đã dạy: “Chuyện mình, mình biết chuyện người, người hay”. Biết chuyện người thì tâm bất an tức là tâm phóng dật, biết chuyện mình là để xả tâm ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là tâm thanh thản, an lạc, đó là một trạng thái tâm giải thoát không còn khổ đau tức là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm thiền định.

Người tu hành mà sống đúng cách, biết phòng hộ sáu căn, giữ gìn tâm ý không tham dự vào chuyện của ai cả thì người ấy sống độc cư trọn vẹn. Sống độc cư mà không ức chế tâm đó là đời sống của con tê ngưu một sừng. Suốt ngày gặp mọi người mà không ai tác động được vào tâm tư của mình đó là sống độc cư. Có nhiều người hiểu độc cư là trốn tránh né mọi người, riêng ở trong cảnh một mình không dám gặp ai hết như lúc đức Phật tu tập hạnh độc cư của ngoại đạo. Ngài ở trong một khu rừng hoang vắng hễ thấy bóng dáng có người là Ngài trốn chạy, chưa từng để cho ai gặp mình cả, đó là độc cư ức chế tâm.

Tóm lại, sống chung với mọi người nhưng không nói chuyện với ai cả, ai hỏi thì trả lời, không hỏi thì không kiếm chuyện nói, sống mà cứ lo giữ gìn tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự, đó là độc cư, độc bộ, độc hành, đó là im lặng như Thánh. Suốt ngày sống với mọi người mà chỉ có một mình, sống như vậy không bao giờ có va chạm, đó là sống phòng hộ sáu căn giữ gìn tâm ý. Người sống được như vậy thì sự tu hành không bao lâu sẽ thành đạt, nghĩa là người ấy sẽ đạt được Thiền Định và Tam Minh một cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc.

Bởi vậy, người biết sống độc cư như vậy là người tu đúng pháp, không bao giờ sợ sai pháp. Sống độc cư được như vậy tức là đã biết ôm pháp tu hành, lúc nào cũng không lìa pháp, vì thế tâm hồn họ thanh thản, an lạc và vô sự, đó là một trạng thái giải thoát của người tu theo đạo Phật.

GIÁO ÁN TU TẬP QUÁ NHIỀU, KHÔNG BIẾT PHÁP NÀO TU CHO KẾT QUẢ?

Hỏi:Kính thưa Thầy, giáo án tu tập thì mênh mông, như hiện nay con thực hiện như thế nào để đạt kết quả viên mãn trong cảnh động.

Đáp:Trong cảnh động con nên tu tập, nhưng cũng tùy theo đặc tướng của con hợp với pháp nào nên lấy pháp ấy tu hành. Nghĩa là pháp ấy có kết quả giải thoát rõ ràng đối với bản thân của mình như:

1.        Phòng Hộ Sáu Căn

2.        Tứ Vô Lượng Tâm

3.        Tứ Chánh Cần

4.        Tứ Bất Hoại Tịnh

5.        Thiểu Dục Tri Túc

6.        Chánh Niệm Tỉnh Thức

7.        Định Niệm Hơi Thở

8.        Định Vô Lậu

9.        Định Sáng Suốt

10.    Trạch Pháp

11.    Hướng Pháp

12.    Quán Pháp

13.    Đoạn Dứt Pháp

14.    Viễn Ly Pháp

15.    Tùy Pháp

16.    Nhẫn Pháp

17.    Tịnh Chỉ Pháp

18.    Ức Chế Pháp

19.    Xả Pháp

20.    Từ Khước Pháp.

Trong hai mươi pháp này Thầy sẽ chọn cho con để con tu tập cho dễ dàng, về cuộc sống thì con nên chọn bốn pháp như:

1.        Phòng Hộ.

2.        Thiểu Dục Tri Túc.

3.        Nhẫn Pháp.

4.        Từ Khước.

Về các pháp tu tập thì con nên chọn sáu pháp như:

1.        Tứ Chánh Cần.

2.        Chánh Niệm Tỉnh Giác.

3.        Định Niệm Hơi Thở.

4.        Định Vô Lậu.

5.        Định Sáng Suốt.

6.        Pháp Hướng Tâm.

Trong sáu pháp này Thầy sẽ chọn gọn lại cho con để con có một pháp duy nhất tu tập hằng ngày đêm, đó là Định Vô Lậu câu hữu với Thân Hành Niệm nội ngoại trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp để ngăn ác diệt ác pháp và không cho tâm con dính mắc vào các pháp ấy.

Nếu con quyết tâm tu hành để cầu giải thoát thì các pháp duy nhất này sẽ giúp con mãn nguyện trên đường tu tập, chỉ còn tu tập đúng theo lời dạy của Thầy và có nhiệt tình quyết tâm thì thời gian không còn lâu, nếu không quyết tâm nhiệt tình thì sự tu tập không biết bao lâu mới xong.

Phải cố gắng lên con ạ! Cuộc đời chẳng có gì là của chúng ta cả, chỉ toàn là một trò ảo ảnh lừa đảo con người mà thôi, khi đã chết đi rồi, danh cũng không còn, của cải, tiền bạc châu báu, ngọc ngà, còn có vật gì mà mang theo chúng ta được, thân này cũng không còn là ta, thì còn gì là ta nữa, của ta nữa, thôi hết rồi chỉ còn một nghiệp lực khổ đau tiếp diễn luân hồi tái sanh rồi lại tiếp tục trò ảo ảnh của cuộc sống này nữa mãi mãi muôn đời muôn kiếp.

Tóm lại, hằng ngày con nên quan sát thân, thọ, tâm và pháp, trên bốn chỗ này có chướng ngại pháp thì con hãy mau mau đẩy lui nó khỏi thân tâm con thì ngay đó là con giải thoát, đó là một pháp duy nhất mà Thầy chọn cho con để đem lại cho con một sự giải thoát chân thật nơi tâm hồn, con hãy cố gắng lên con ạ!

SẮC DỤC

Hỏi:Kính thưa Thầy, tâm sắc dục là gì? Đối trị nó như thế nào?

Đáp:Tâm sắc dục là lòng thương yêu giữa trai gái gồm có tình yêu và tình dục.

Muốn đối trị tâm này, người tu sĩ và người cư sĩ phải tu tập Định Vô Lậu, quán xét như:

1-      Quán xét tâm sắc dục bất tịnh, uế trược, bẩn thỉu, hôi thối, v.v…

2-      Quán thân bất tịnh.

3-      Quán tử thi sình trương hôi thúi.

4-      Quán xương trắng.

5-      Quán xét tâm sắc dục, trong nhân quả nối tiếp sanh tử luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp khổ đau, không những một người mà nhiều người.

6-      Quán xét tâm sắc dục, trong 12 nhân duyên hợp lại tạo thành một thế giới khổ đau triền miên, bất tận.

7-      Quán Tứ Diệu Đế.

8-      Quán xét sắc dục, trong đời sống vợ chồng nghèo đói, con cái nheo nhóc thiếu ăn thiếu mặc, không được học hành tới nơi tới chốn.

9-      Quán xét sắc dục, trong đời sống đôi vợ chồng gây gổ đánh nhau, chửi mắng la khóc.

10-  Quán xét sắc dục, trong đời sống vợ chồng ghen tuông.

11-  Quán xét sắc dục, khi người phụ nữ đang sanh.

12-  Quán xét sắc dục, khi người phụ nữ ôm con nuôi nấng cho đến lớn khôn.

Sắc dục là con đường đi tái sanh luân hồi của tất cả các loài động vật, không riêng gì loài người, cho nên, trên đời này không có người nào thoát khỏi, chỉ vì sắc dục có mùi vị dục lạc cám dỗ rất mạnh khiến cho ai cũng đắm mê.

Dục lạc của sắc dục chỉ chốc lát mà để lại cho con người biết bao nhiêu là sự khổ đau của cả một đời người.

Con đường tái sanh luân hồi ai cũng biết đó là sắc dục, muốn chấm dứt tái sanh luân hồi mà không dứt tâm sắc dục thì làm sao mà tránh khỏi tái sanh luân hồi được.

Có người bảo rằng: “Nếu mọi người trên thế gian này ai cũng ngăn chặn và tránh sắc dục thì con người trên hành tinh này sẽ không còn nữa, loài người sẽ tuyệt chủng”. Nếu mọi người ai cũng không đi vào con đường sắc dục thì trong môi trường sống này sẽ có một loài động vật sanh ra nơi thanh tịnh và cao quý hơn.

Loài động vật sanh ra có bốn chỗ sanh:

1-      Hóa sanh

2-      Thấp sanh

3-      Noãn sanh

4-      Thai sanh

Trong bốn loại sanh này có hai loại sanh không đi vào con đường sắc dục, đó là hóa sanh và thấp sanh, còn noãn sanh và thai sanh thì phải đi vào đường sắc dục. Từ thấp sanh, noãn sanh và thai sanh đi vào con đường bất tịnh ô uế bẩn thỉu để tạo môi trường hợp duyên sản sinh các loài động vật.

Hóa sanh, các con đừng hiểu sự biến hóa ra con người, mà là sự chủ động phối hợp các duyên để sản sanh ra một con người bằng một khả năng tâm lực, mà chỉ có những người tu hành lìa khỏi các duyên hợp bất tịnh và đoạn dứt tâm dục thế gian thì mới có đầy đủ tâm lực hòa hợp các duyên trong môi trường sống tạo nên một con người hoàn thiện, hoàn thiện cả thân và tâm, có nghĩa là thân tâm của người hóa sanh thanh tịnh không còn một chút dục và ác pháp.

Như vậy, trên hành tinh này sẽ có một số lượng con người được sanh ra theo sự chủ động của con người và những con người hóa sanh này sẽ có một tuổi thọ theo ý muốn của loài người.

Như chúng tôi đã nói ở trên, do tâm lực mà người tu hành tạo ra khi họ còn mang thân ngũ uẩn, thân ngũ uẩn là một loại thân bất tịnh được sanh ra nơi con đường sắc dục, con đường ô uế, bẩn thỉu.

Nếu con người toàn bộ đều chấm dứt con đường sắc dục thì thế gian này rất thanh tịnh và con người sẽ xuất hiện bằng con đường hoá sanh. Con đường hóa sanh là con đường chủ động sanh ra chứ không phải như con đường sanh sản bị động như thấp sanh, noãn sanh và thai sanh. Nếu trên thế gian này con người không sợ nạn nhân mãn cứ để tự do theo đường sắc dục mà sanh đẻ thì trái đất này sẽ không còn chỗ ở và cũng không có lấy vật gì để đủ ăn mà sống.

Kế hoạch hóa gia đình là chiến lược hàng đầu của thế giới chống nạn nhân mãn, cho nên sự sanh sản đi qua nẻo sắc dục là một sự lo lắng và đau khổ nhất của loài người, nhưng con người cứ mãi đắm đuối trên sắc dục mà không thấy sự khổ đau, sự lo lắng, sự ưu tư mà những người trí hiểu biết đang tìm mọi cách thoát ra con đường tái sanh bẩn thỉu nguy hiểm và đau khổ này.

Đạo Phật đã thấy được điều này, vì vậy Ngài chủ trương tuyệt dục để chấm dứt con đường thai sanh, khiến cho loài người không còn khổ đau nữa.

Nếu như vậy, trên hành tinh này loài người sanh ra bằng con đường hóa sanh thì sẽ có một số lượng con người vừa đủ để sống không thừa, không thiếu. Tại sao vậy?

Vì con người chủ động sự sanh sản bằng cách hoá sanh, sanh mà không bị sắc dục lôi cuốn, sanh mà không bị sự đam mê của dục lạc, sanh mà không bị đau khổ, tự tại thật là hạnh phúc biết bao, sanh mà không bị động như ba loại sanh sản kia.

Như vậy chúng ta nên chọn lấy con đường sanh sản nào hơn, nếu chọn con đường sanh sản hóa sanh thì chúng ta phải chấm dứt con đường sanh sản bằng tình dục. Con đường sanh sản bằng tình dục là con đường sanh sản bẩn thỉu, hôi thúi, bất tịnh, uế trược, khổ đau, cho nên loài người sanh ra trên hành tinh này đều vô minh dù là một nhà bác học vẫn là vô minh. Tại sao vậy?

Tại vì sanh ra từ con đường bất tịnh, uế trược, hôi thúi, dục lạc hèn hạ, ích kỉ, dơ bẩn giữa đôi trai gái. Cho nên, nhà bác học cũng còn mang bản chất vô minh, còn tự làm khổ mình, khổ người, có nghĩa là nhà bác học vẫn ăn thịt chúng sanh, vẫn còn tham muốn, vẫn còn sân hận, vẫn còn buồn lo, sợ hãi, phiền não, bất toại nguyện, v.v.. Những con người còn mang bản chất này là còn vô minh, u tối, dại dột, ngu si dù là họ có những bằng Tiến sĩ.

Người ta cứ nghĩ rằng con người là một con vật thông minh, biết sáng tạo, sang chế ra mọi thứ vật chất để phục vụ con người, nhưng con người đã lầm to, dù phục vụ con người có tiện nghi như thế nào đi nữa, thì con người càng khổ đau nhiều hơn vì sự sanh, già, bệnh, chết con người không giải quyết được, cuối cùng những nhà bác học vẫn đau khổ, phiền não, bất toại nguyện vì lòng tham, sân, si trong cuộc sống của họ; họ vẫn khổ đau vì thân già yếu lụm cụm; vẫn khổ đau vì các chứng bệnh; vẫn khổ đau vì phải chết.

Hiện giờ khoa học đang ráo riết đưa ra những đề án để giải quyết sanh, già, bệnh, chết của loài người, nhưng nếu con người còn sống trong dục thì những đề án này khó thành công.

Cách đây 2548 năm đức Phật là người đầu tiên đưa ra đề án này để giải quyết sanh, già, bịnh, chết của loài người, đề án đó đã trở thành mọt chân lý của loài người “Tứ Thánh Đế”. Nếu con người trên hành tinh này thực hiện Tứ Thánh Đế là để giải quyết sanh, già, bệnh, chết thì phải đi về ngả hóa sanh, chứ không thể còn có con đường nào khác hơn nữa được.

Trên hành tinh này có nhà bác học nào đã thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này chưa? Cho nên vật chất của các ông sáng tạo ra đối với người vô minh thì nó là phục vụ tiện nghi cho đời sống con người, nhưng đối với người có trí hiểu biết thì rất lo lắng nó là tai họa của loài người. Tại sao người ngu cho những phát minh sáng tạo ra vật chất phục vụ tiện nghi cho con người là hạnh phúc, còn người trí thì cho là tai họa?

Tại vì người ta sanh ra nơi con đường tình dục nên phải ngu si thấy vật chất cho là hạnh phúc, chứ kỳ thực nó là một đối tượng để con người chà đạp lên nhau, xâu xé lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, làm khổ cho nhau, trừ ra khi nào con người tránh sanh nơi con đường tình dục thì vật chất phát minh sáng tạo ra kia mới là hạnh phúc chân thật.

Đạo Phật ra đời giúp con người sanh ra bằng con đường hoá sanh, vì thế Ngài dạy chúng ta “Ái dục” là khổ đau, là vô thường cần phải chấm dứt. Nếu loài người ai cũng biết và hiểu được như vậy thì nên cố tránh xa con đường tình dục, vì con đường đó sản sanh ra con người u mê, uế trược, bất tịnh, vô minh, vô thường, khổ đau và luôn luôn chịu chi phối trong luật nhân quả sanh, già, bệnh, chết.

CỨU ĐỘ CHA MẸ KHI ĐÃ KHUẤT BÓNG

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người tu hành đắc đạo, khi cha mẹ đã qua phần lâu rồi, có độ được hay không?

Đáp:Khi tu xong đắc Tam Minh, dùng Thiên Nhãn Minh quan sát khắp cả Thế gian xem xét coi nghiệp lực cha mẹ mình đã sanh về đâu, biết được vị trí cha mẹ sanh ra và đang ở đó, nghiệp lực đó còn duyên hay đã hết duyên với mình, nếu đã hết duyên thì mình tạo duyên mới tức là gieo duyên để gặp lại cha mẹ, nếu còn có duyên cũ thì sớm muộn gì, nghiệp lực nhân quả sẽ đưa đẩy cha mẹ gặp lại mình dễ dàng nhưng lại sợ mình tu chưa chứng nên không làm sao nhận ra người được. Khi gặp nhau nghiệp lực nhân quả có sức thu hút tạo thành một thiện cảm. Nhờ đó, người tu chứng dùng lời lẽ hay dùng kinh sách để giúp cho người thân của mình hiểu thông đạo đức nhân bản nhân quả làm người và tạo duyên hoặc khuyến khích độ cha mẹ tu hành thọ Bát Quan Trai và hằng ngày sống trong hành động ngăn ác diệt ác pháp để người thân của mình không tạo nhân ác luôn tạo nhân thiện. Đó chính là mình độ những người thân thương của mình có một đời sống với thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu họ có duyên trong một đời nầy thì mình sách tấn họ trở thành những bậc xuất gia để tiến tới tu tập thiền định và Tam Minh chấm dứt sanh tử luân hồi, không còn tái sanh lại cõi thế gian này nữa.

Với việc làm này của một người tu chứng Tam Minh thì không còn khó khăn, chúng ta nhớ lại khi mẹ đức Phật sanh Ngài ra chỉ trong vòng bảy ngày mẹ Ngài chết. Lúc bây giờ đức Phật được người dì nuôi nấng cho đến trưởng thành đi tu và chứng đạo. Sau khi chứng đạo Ngài quan sát thấy nghiệp lực của mẹ sanh lên cõi Trời và mùa hạ năm đó đức Phật đến cõi Trời để dạy mẹ mình tu hành, còn vua cha đức Phật cũng hướng dẫn cha mình tu tập và sau khi chết được sanh lên cõi Trời.

Như vậy, mẹ của đức Phật chết gần bốn chục năm, Ngài tìm được không mấy khó khăn và độ mẹ mình tu hành, trong kinh sách còn ghi lại rõ ràng. Nếu chúng ta nỗ lực tu hành khi chứng được Tam Minh thì không lý nào một người tu sĩ đệ tử của đức Phật lại làm ngơ trước lòng hiếu hạnh của mình sao? Đạo đức của đạo Phật dạy rất đầy đủ sự hiếu hạnh làm người. Làm người phải nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, cha mẹ phải chịu biết bao nhiêu sự khổ cực để nuôi con lớn khôn, công ấy như trời biển, không sao kể hết được.

Những người không tu theo đạo Phật họ còn có hiếu thay, huống là những người tu theo đạo Phật thì lòng hiếu hạnh của họ phải còn gấp trăm ngàn lần.

Những người tu theo đạo Phật là những người biết thương mình thương người, vì đạo Phật tu hành rất khó khăn, nếu ai không thương mình thương người thì không bao giờ tu được, bởi vì tu theo đạo Phật không tựa nương vào oai lực của ai cả chỉ bằng sức lực của mình, nhất là đời sống của người tu sĩ đạo Phật phải buông xả vật chất thế gian cho thật sạch thì mới có thể ly dục ly ác pháp được, mà có ly dục ly ác pháp thì mới gọi là thương mình thương người và chính vì vậy mà họ phải thương cha mẹ họ nhiều nhất, cho nên khi tu xong, họ liền quan sát tìm cha mẹ được sanh về nơi đâu rồi tìm mọi cách để độ cha mẹ, ngõ hầu đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục cao dày như trời, như biển.

BẬC TU CHỨNG KHI NHẬP DIỆT CÓ DÙNG THA LỰC ĐỘ CHÚNG SANH KHÔNG?

Hỏi:Kính bạch Thầy! Các bậc tu đạt đạo đã nhập diệt có thể thị hiện hoặc dùng tha lực để độ chúng sanh không?

Đáp:Các bậc tu chứng đã nhập diệt chỉ có thị hiện độ chúng sanh, không dùng tha lực, vì tha lực trái với đạo Phật, trái với luật nhân quả.

Đạo Phật xây dựng giáo pháp của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản nhân quả, cho nên không thể nào dùng tha lực độ người được.

Đạo Phật là một tôn giáo có một nền đạo đức công bằng và công lý, không có một tôn giáo nào có một nền đạo đức hơn được.

Vì thế cầu siêu, cầu an, tụng kinh, cúng bái, tế lễ, niệm Phật, vẽ bùa đọc thần chú, v.v.. là của ngoại đạo, với việc làm này đạo Phật được xem là việc làm phi đạo đức, tà nghiệp.

Đạo Phật là một tôn giáo dạy người phải tự lực cứu mình bằng những hành động đạo đức nhân quả có nghĩa là mình muốn được an vui hạnh phúc thì không nên làm những điều ác, những điều làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, nếu làm những điều ác khổ mình, khổ người, dù có cầu Thánh, Thần, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ thì cũng không bao giờ có một vị nào dám cứu độ cho một việc làm phi đạo đức như vậy. Cho nên, đạo Phật không có dùng tha lực cứu độ mà chỉ có thị hiện để dạy người sống có đạo đức và nhờ sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì chính đó là đem lại sự an vui hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho mọi người, chứ không thể cầu ai cứu khổ cho mình được cả.

Tóm lại, đạo Phật không có dạy cầu tha lực, cầu tha lực là không đúng của đạo Phật mà đó là chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, chịu ảnh hưởng mê tín lạc hậu của dân gian.

Bậc A La Hán hoặc Phật thị hiện để độ chúng sanh là thể hiện những đức hạnh đạo đức không làm khổ mình, khổ người, sống đúng một đời sống phạm hạnh ly dục ly ác pháp, không phạm phải một giới luật nhỏ nhặt nào, thường sống thiểu dục tri túc, chứ không có thể hiện thần thông hoặc trị bệnh trừ tà yểm quỷ, như các vị giáo chủ của ngoại đạo thường dùng những danh từ “cứu dân độ thế”, những danh từ cứu dân độ thế là để lừa đảo thiên hạ.

Cho nên, đạo Phật chân chánh và đạo Phật không chân chánh chúng ta rất dễ nhận ra, nhận ra là ở chỗ tha lực và tự lực; nhận ra là ở chỗ mê tín và không mê tín; nhận ra là ở chỗ đạo đức không làm khổ mình, khổ người và không đạo đức thường làm khổ mình, khổ người; nhận ra là ở chỗ giới luật nghiêm trì và không nghiêm trì giới luật, phạm giới, phá giới; nhận ra là ở chỗ cúng tế và không cúng tế; nhận ra là ở chỗ thiểu dục tri túc và không thiểu dục tri túc; nhận ra là ở chỗ phòng hộ sáu căn và không phòng hộ sáu căn.

Vì công bằng công lý của đạo đức nhân quả nên các bậc tu chứng chỉ độ người bằng sự thị hiện để dạy đạo cho người ấy phải tự mình thắp đuốc lên mà đi chứ không dùng tha lực giúp họ được, dù bất cứ trường hợp nào, cho đến sự báo hiếu đối với cha mẹ cũng không dùng tha lực mà chỉ dùng duyên nhân quả để giúp cho cha mẹ hiểu rõ thiện và ác và không nên làm các điều ác luôn sống trong thiện pháp thì cha mẹ được an vui hạnh phúc, đó là độ cha mẹ giải thoát.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ, CHỈ CÓ THẾ GIỚI TƯỞNG

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy xác định là không có cõi siêu hình nhưng có nhiều kinh nói đến các cõi Trời, và người ta làm được gì đều bảo là nhờ chư Thiên hoặc Tam Bảo gia hộ. Vậy có cõi mà họ không có sắc thân chăng?

Thưa Thầy! Nếu có thì họ có phải ở vào cõi siêu hình không Thầy?

Trong băng Thầy có nói mấy ông ở cõi Trời, nhìn xuống thế gian thấy khoa học hiện đại tạo đời sống tiện nghi hơn nhiều, nên họ cũng khoái xuống trần gian. Xin Thầy giải thích cho con hiểu rõ thêm?

Đáp:Kinh Thập Nhị Nhân Duyên và kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định không có các cõi siêu hình (linh hồn), 33 cõi Trời toàn là các cõi tưởng tri[1] chứ không phải là cõi liễu tri[2], cho nên những kinh khác nói đến cõi Trời hoặc cõi Địa Ngục đều chỉ là nói đến cõi Tưởng ấm, cho nên nhiều người không hiểu tưởng là đức Phật nói có cõi siêu hình thật sự. Đức Phật không bao giờ tự mâu thuẫn với mình, bài kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định rõ ràng, tất cả cõi Trời mà đức Phật nói ra đều là cõi tưởng, cõi không có thật.

 Khi một người còn sống là có cõi hữu hình (hữu sắc) và có cõi siêu hình (vô sắc). Khi một người mất đi thì cõi hữu hình mất và cõi vô hình cũng mất luôn.

Trong kinh điển Phật dạy: Thiện là cõi chư Thiên, ác là cõi Địa ngục, dục là cõi nhân gian. Quý Phật tử hãy đọc tập 3 Đường Về Xứ Phật, Thầy đã giải đáp về thế giới siêu hình rất rõ ràng.

Chư Thiên và Tam Bảo không có gia hộ vì gia hộ là trái với luật nhân quả (phi đạo đức), nhưng người ta thường sống theo thói quen nên hễ làm một điều gì thành công thì bảo là chư Thiên hay là Tam Bảo gia hộ chứ sự thật thì không có ai gia hộ mình cả mà chỉ có công sức của mình và những hành động làm những điều thiện sống đúng trong đạo đức nhân quả, do nhân làm thiện nên quả phải thành công tốt đẹp, nếu nhân làm ác thì quả sớm muộn gì cũng phải gặp thất bại.

Chư Thiên cũng chẳng có, cõi siêu hình cũng không có. Thầy nói mấy ông ở cõi Trời nhìn xuống thế gian… là nói mấy ông đi tu mà không dám bỏ dục lạc thế gian.

Như Thầy đã dạy ở trên: cõi Trời là cõi thiện, quý Thầy đang ở trong chùa tức là ở cõi thiện, cõi thiện tức là cõi Trời. Cõi Trời cơm ăn áo mặc rất đầy đủ, không làm vẫn có ăn có mặc, thế mà quý thầy còn chạy theo dục lạc thế gian, ăn uống phi thời, áo quần sang, chùa cao Phật lớn, xe cộ đủ loại, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, v.v.. Thế gian có vật gì thì trong chùa có vật nấy, như vậy các vị có phải ở trên cõi Trời mà nhìn xuống thế gian sanh tâm ham thích không?

Có dịp Thầy sẽ giải thích thế giới siêu hình (linh hồn người chết) có hay không để các con không còn nghi ngờ. Bởi vì các hiện tượng siêu hình thường xảy ra chung quanh các con, nên làm sao người ta rõ được là không có thế giới siêu hình.

Trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, linh hồn người chết về nhập đồng cốt để chỉ cho thân nhân tìm xương cốt, khiến cho người ta phải chấp nhận có linh hồn, mà đã có linh hồn thì phải có thế giới siêu hình, vấn đề này làm các nhà khoa học cũng điên đầu, nhưng đối với những vị tu sĩ Phật giáo đã nhập Tứ Thánh Định vượt qua thế giới tưởng ấm thì họ mới xác định thế giới siêu hình đúng đắn giống như đức Phật đã dạy: “Thế giới siêu hình chỉ là một thế giới của tưởng tri chứ không phải liễu tri”.

Cho nên, đức Phật dạy về thế giới cõi Trời là những người cũng sống trong cõi thế gian như chúng ta nhưng họ sống Thập Thiện, không sống trong Thập Ác.

Đạo Phật tính theo hành động đạo đức nhân quả thiện ác mà phân loại Phật, Trời, Người, A Tu La và tất cả các loài chúng sanh theo tiêu chuẩn như sau:

1/    Thế giới của chư Phật thì vô lậu.

2/    Thế giới của chư Thiên thì Thập Thiện.

3/    Thế giới của loài Người là dục giới và ngũ giới.

4/    Thế giới của A Tu La là sân và ác pháp.

5/    Thế giới của loài chúng sanh là ác pháp nhiều, thiện pháp ít.

6/    Thế giới của Địa Ngục là toàn ác pháp.

Trên đây là sáu cõi mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta rất cụ thể như:

1/    Người sống vô lậu là Phật.

2/    Người sống Thập Thiện là Trời.

3/    Người sống giữ gìn ngũ giới là Người.

4/    Người sống thường hay giận dữ là A Tu La.

5/    Người sống ác nhiều thiện ít là chúng sanh mang lốt người và tất cả loài chúng sanh.

6/    Người sống toàn ác là người ở cảnh giới Địa Ngục.

Sáu cõi trên đây không có cảnh giới nào là siêu hình cả. Nếu quả thật có cảnh giới siêu hình thì không phải để chúng ta hiểu, vì tri thức hữu hạn của chúng ta không cho phép chúng ta hiểu nó, thế giới đó nếu có thật sự thì chúng ta phải có trí vô hạn. Sanh ra làm người chúng ta không thể nào có trí vô hạn được, trí của chúng ta hiện giờ, đối với không gian thì bị ngăn sông cách núi, nên không thấy, không nghe, còn đối với thời gian thì bị chia cắt quá khứ hiện tại và vị lai, cho nên con người phải phát minh ra những loại máy để sử dụng thâu ngắn không gian và ghi nhớ để hạn chế bớt thời gian chia cắt.

Nếu đạo Phật có cõi Trời thì đạo Phật cũng bắt chước các tôn giáo khác mà thôi, đó là đúc từ khuôn mê muội và quá sợ hãi của loài người thời cổ, trước sự hùng vĩ của môi trường sống thiên nhiên.



[1] Tưởng tri là sự hiểu biết bằng tưởng thức, không rõ ràng, cụ thể, thiết thực, nói cách khác cho dễ hiểu, có nghĩa là ý thức không thấy, hiểu, biết được, nên phải  vận dụng tưởng thức tưởng tượng.

[2] Liễu tri là sự hiểu biết bằng ý thức rất cụ thể, rõ ràng, thiết thực, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác.

NHẬP TỨ THIỀN CÓ PHẢI LÀ A LA HÁN KHÔNG?

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy và quý Thầy tu nhập Định Tứ Thiền có phải như một A La Hán trong thời đức Phật không?

Phật và A La Hán khác nhau như thế nào?

Đáp:Người nhập xong Tứ Thiền, chứng Tam Minh là bậc A La Hán như trong thời đức Phật còn tại thế. Phật và A La Hán không khác nhau chỗ tu hành và giải thoát. A La Hán chỉ khác Phật là chỗ đức Phật là Giáo chủ, người sáng lập ra Phật giáo.

Bởi vì đức Phật cũng tu từ Giới, Định, Tuệ mà được giải thoát, các bậc A La Hán cũng tu từ pháp môn này mà thành tựu, cho nên sự viên mãn giải thoát phải giống như nhau. Khi tu hành giải thoát rồi thì người nào cũng như người nấy.

Chúng ta trở lại thời quá khứ của đức Phật trong khi Ngài từ bỏ các pháp môn của ngoại đạo để tu Tứ Thánh Định và Tam Minh, nhờ giáo pháp này mà đức Phật đã chứng đạo giải thoát, các đệ tử của Người cũng nhờ giáo pháp này chứng quả A La Hán.

Tứ Thánh Định và Tam Minh tức là Giới, Định, Tuệ, vì trong bốn thiền có giới và định, Sơ Thiền thuộc về giới ly dục ly ác pháp do ly dục sanh hỷ lạc, Nhị Thiền diệt tầm tứ do định sanh hỷ lạc, Tam Thiền ly hỷ tưởng và Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, ba loại thiền này thuộc về định, còn Tam Minh thuộc về tuệ.

Xin quý vị đọc lại bài kinh Saccaka sẽ thấy đức Phật tu tập Sơ Thiền cho đến Tam Minh và thành tựu viên mãn đạo giải thoát: “Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này, Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua”. Rồi này Aggivessana, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại. Này Aggivessana, lúc bây giờ năm Tỳ Kheo hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa Môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết”. Này Agivessana khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ Ta và nói: “Sa Môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn trở lui đời sống sung túc”.

“Này Agivessana, khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Này Agivessana như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ do định sanh không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ không lạc xả niệm thanh tịnh. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.Đến đây, đức Phật đã nhập xong bốn Thiền, tức là đức Phật đã thực hiện được Giới và Định.

Sau khi đức Phật thực hiện xong Giới và Định thì Ngài tiếp tục thực hiện Tam Minh: “Với tâm định tỉnh thuần tịnh trongsáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ… Ta dẫn tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh, Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh… Ta dẫn tâm đến Lậu tận trí, Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ...”.

Sau khi tu chứng xong, tâm đức Phật sẽ an trú trong định nào? Chúng ta sẽ nghe đức Phật trả lời: “Này Agivessana, sau khi chấm dứt buổi thuyết giảng như vậy, Ta an trú nọi tâm, làm cho tịnh chỉ, làm cho nhất tâm, làm cho định tỉnh trên định tướng thứ nhất ấy, và như vậy Ta sống an trú, trường cửu, vĩnh viễn”.

Sau khi chứng đạo giải thoát, Phật và các bậc A La Hán đều giải thoát an trú giống như nhau cả, không có sự giải thoát trong Phật giáo có cao, có thấp. Không có sự tu hành giải thoát lừng chừng mà phải giải thoát tận gốc (Vô Lậu) và sự giải thoát lừng chừng là chưa giải thoát.

Ví dụ: Một người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mà không nhập định thì giới luật đó chỉ là ức chế tâm chứ chưa phải giải thoát, cũng như một người nhập Tứ Thánh Định mà không thực hiện Tam Minh thì cũng chưa được gọi là giải thoát, đó là ức chế tâm.

Bởi, đạo Phật có một lớp vô lậu giải thoát mà thôi, không thể có hai ba lớp vô lậu, vì thế ai tu vô lậu là giải thoát, ai tu không vô lậu là không giải thoát. Người tu vô lậu là bậc A La Hán nên Phật cũng là A La Hán mà thôi, vì thế Phật và A La Hán không khác nhau.

BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có nhiều kinh nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” là chỉ cho những vị Bồ Tát phát tâm nhập thế tu hành. Vậy chư vị Bồ Tát, vì nguyện tu hành thành Phật mà xuống cõi ta bà này để độ chúng sanh không? Nhưng sao Thầy bảo Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng tượng chứkhông có thật. Vậy xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con hiểu ý này?

Đáp:“Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” câu nói này của kinh điển phát triển (Đại Thừa). Bồ Tát là vị tu hành chưa xong mà thể hiện độ chúng sanh, chẳng khác một người mù mà dẫn dắt một đám người mù, cũng như người chưa biết lội mà cứu người chết đuối, thì làm sao mà cứu được, chỉ có chết chung nhau cả đám mà thôi. Có người bảo rằng cứ theo kinh sách có sẵn của đức Phật mà cứ giảng ra có sai đâu. Kinh sách là pháp môn chết nên nó không chỉ cho chúng ta kinh nghiệm được, vì thế mà các giảng sư học giả dạy đạo cho người tu là giết người, bằng chứng Thầy Tổ của chúng ta đã chết một cách đau khổ bởi tu theo học giả.

Bồ Tát Quán Thế Âm là một sản phẩm của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thể hiện phá luật nhân quả, phi đạo đức và phi giáo lý của đạo Phật.

Bồ Tát chỉ là một tưởng tượng của người tu chưa chứng đẻ ra, để an ủi mình, để che đậy việc phá giới luật, để kinh doanh Phật pháp, để làm giàu trên xương máu của tín đồ, để đưa tín đồ đến chỗ mê tín, lạc hậu, luôn luôn chỉ biết cầu cạnh dựa nương vào tha lực, làm mất hết nghị lực tự lực cứu mình thoát cảnh trầm luân.

Câu nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” có nghĩa là đời đời nguyện làm Bồ Tát độ chúng sanh như Bồ Tát Quán Thế Âm độ hết nạn khổ của chúng sanh mới thành Phật, Bồ Tát Địa Tạng độ hết tội nhân dưới địa ngục thì mới thành Phật. Chúng ta mới nghe lời nguyện ước này thật là vĩ đại, nhưng càng suy ngẫm chúng ta mới thấy là lời nói lừa đảo những tín đồ mê tín. Nạn khổ của chúng sanh do đâu mà có? Có phải do hành động ác của chúng sanh đã tạo ra không? Tội nhân dưới địa ngục có phải do làm ác của chúng sanh không? Muốn thoát nạn khổ và muốn không làm tội nhân nữa thì chỉ có duy nhất là tự chúng sanh đó đừng làm việc ác nữa, còn độ theo kiểu hai vị Bồ Tát này khiến cho chúng sanh làm ác thêm và thế gian này càng thêm rối loạn vì nạn trôm cướp và những kẻ hung dữ náo loạn gây rối trật tự an ninh.

Bồ Tát trong kinh Nguyên Thủy chỉ là một người mới tu hành chưa chứng đạo, cho nên chẳng dám dạy ai tu hành cả. Đức Phật răn nhắc điều này: “Tu chưa chứng đạo mà dạy người là giết người”.

Bồ Tát trong kinh phát triển là Bồ Tát tham danh, tu chưa tới đâu chỉ học trong mấy bộ kinh rồi tưởng giải ra làm lệch ý Phật đẻ ra kinh sách phát triển dạy người tu hành mê tín trừu tượng ảo giác, khiến người tu hành theo Phật giáo mà thành tu pháp môn ngoại đạo. Cho nên, quý Phật tử cần phải đề cao cảnh giác những hạng Bồ Tát danh lợi này.

Việc làm của hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng giống như con dã tràng xe cát, giống như người lấp biển.

Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng là hai vị thần của Bà La Môn, nó là một sản phẩm tưởng tượng hý luận của ngoại đạo tạo sự mê tín phi đạo đức trong dân gian mà hầu hết mọi người đều mê lầm.

CHƠN TÂM

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ở Thường Chiếu có Thầy nhập thất trên 15 năm. Có phải vị đó ngộ được Chơn tâm và sống vớinó? Hay nhập Chơn tâm rồi và nuôi dưỡng nó càng ngày càng sâu mầu hơn?

Đáp:Lẽ ra, câu hỏi này con nên hỏi Hòa Thượng Thanh Từ, vì đó là nguồn gốc của Thiền Tông Trung Hoa, chứ không phải của Phật giáo Nguyên Thủy. Chơn tâm là sự tưởng giải của kinh sách phát triển Ấn Độ, ảnh hưởng Lão giáo đẻ ra thiền Đông Độ.

Mục đích của người tu thiền Đông Độ là kiến tánh rồi khởi tu (thấy tánh rồi mới tu) tu như vậy gọi là “bảo nhậm”, giữ “ông chủ” đó là chỗ ngộ được chơn tâm rồi mới sống với nó chứ không phải nhập chơn tâm vì đã nhập vào thì đâu còn gì phải nuôi dưỡng.

Mục đích của thiền Đông độ không phải làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi, mà chỉ nhắm vào bản thể bất biến thường hằng bốn tánh Niết bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”.

Nhập thất 15 năm cho đến 1000 năm tu theo Thiền Đông Độ thì chỉ có triệt ngộ các công án tức là triệt ngộ các pháp tưởng hay nói cách khác là nhập vào tưởng định, phát triển tưởng tuệ, tu đến đây hành giả không còn biết đường nào đi tới nữa, nên tâm tham, sân, si của họ vẫn như xưa, đụng chướng ngại pháp thì hiện tướng ra liền, do đó pháp môn Thiền Đông Độ không phải là Phật Pháp nên không làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi, tu theo pháp môn này chỉ uổng một đời tu hành mà thôi, chẳng có ích lợi cụ thể thiết thực gì, chỉ là một trò hý luận ảo tưởng thơ văn của những tâm hồn giàu tưởng tượng.

Còn nói về sự làm chủ sanh, già, bịnh, chết thì một Thiền sư Việt Nam danh tiếng nhất vào thế kỷ thứ XIII, Ngài Thường Chiếu đã xác định: “Đó là bọn đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo”.

TƯỞNG UẨN

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có lần Hòa Thượng nói, có vị Thiền sư khi chứng ngộ khóc ròng, nhưng cũng có vị Thiền sư khi chứng ngộ cười hoài. Có phải đó là cảm xúc của người thấy được Chơn tâm không thưa Thầy?

Đáp:Khóc ròng và cười hoài đó là những người tu rơi vào định tưởng, tưởng uẩn tác động gây cảm xúc tưởng mình đã ngộ nhập vào bản thể Chơn Như (chân thật có), nên mới có những trạng thái kỳ lạ.

Sự tu hành này chính là sự ức chế ý thức khiến cho ý thức không khởi niệm thiện cũng như niệm ác, nên ý thức ngưng bặt làm cho tưởng thức bắt đầu hoạt động, khi tưởng thức bắt đầu hoạt động thì hành giả có những cảm giác hỷ lạc hoặc các sắc tưởng, hương tưởng, vị tưởng, thinh tưởng, cho đến khi pháp tưởng xuất hiện, pháp tưởng xuất hiện có nhiều trường hợp xảy ra khi tâm dừng bặt vọng tưởng.

Có vị pháp tưởng xuất hiện nhận ra Phật Tánh bằng một câu kinh, như Lục Tổ Huệ Năng “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, câu này trong kinh Kim Cang Bát Nhã. Mã Tổ ngộ Phật Tánh bằng câu kinh: “Tức tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Có vị pháp tưởng xuất hiện ngộ Phật Tánh bằng một câu công án của Thiền sư Triệu Châu: “Con chó có Phật Tánh hay không? - Không”. Nhờ câu này mà Thiền sư Huệ Khai đã ngộ được tâm “Vô, vô, vô, vô..”.

Hoàng Bá ngộ được Phật Tánh khóc mãi, Linh Vân ngộ được Phật Tánh cười hoài.

Tất cả những sự ngộ này đều do ảnh hưởng của tưởng uẩn tạo ra khiến cho người khóc, kẻ cười, người la, kẻ hét, người đánh, kẻ làm thinh, gần như người điên, may là họ ngộ pháp tưởng còn như vậy huống là rối loạn thần kinh thì hết cứu chữa.

ĐỘ NGƯỜI

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy cho con biết con của con, nó có thể thực hiện ý nguyện lấy đức độ người được không?

Đáp:Được, lấy đức độ người có hai nguyên nhân cần phải làm:

1- Phải trau dồi cho mình có đức hạnh.

2- Phải có duyên với chúng sanh và chúng sanh phải đủ phước.

Cháu có thể làm được nhưng phải có tâm nguyện lớn “Vì mọi người xả thân”. Lấy đức độ người rất khó vì mình phải là tấm gương đạo đức sáng chói, nếu có một vài hành động sơ sót thì cũng gặp khó khăn.

Tâm nguyện độ chúng sanh là một điều thiện rất tốt nhưng phải biết giữ gìn tâm nguyện đó, do có sự quyết tâm và lòng thành thì tâm nguyện đó sẽ thành tựu.

Thầy rất tán đồng ý kiến và nguyện vọng của cháu, nếu đủ duyên thời tiết đến Thầy sẽ giúp cháu bằng “Giáo trình đạo đức nhân bản - nhân quả”.

ÁI KIẾT SỬ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, là do duyên gì, nhân gì, xin Thầy chỉ dạy cho con hiểu?

Đáp:Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, có ba nguyên nhân chính:

1- Nợ nhân quả quá nặng.

2- Thất kiết sử quá dầy.

3- Ngũ triền cái ngăn che.

Đó là ba nguyên nhân khiến cho người muốn đi tu theo đạo Phật rất khó vượt qua, đó cũng là ba mạng lưới bao vây kiếp con người, mãi mãi trôi lăn trong biển sanh tử, luân hồi và nhiều khổ đau trong nhiều đời nhiều kiếp.

Chỉ có người trí hiểu biết và còn phải có đủ nghị lực, can đảm, gan dạ, mới vượt ra khỏi, mới biết được những sợi dây xích kiết sử tuy vô hình nhưng nó chắc hơn những sợi dây lòi tói.

Con có duyên với Phật pháp, nhưng tánh con yếu đuối không thể vượt qua bức tường nhân quả, vì thế con nên tu trong chiếc áo của người cư sĩ:

1-      Tu tập xả ly năm triền cái bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

2-      Luôn luôn trau dồi thân tâm trong mọi hành động thân, khẩu, ý bằng “Tứ Vô Lượng Tâm”: Đức hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả.

3-      Dứt bỏ 10 điều ác và cố tăng trưởng 10 điều lành.

4-      Cần phải thông hiểu và nghiên cứu tường tận đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình, khổ người.

5-      Hằng ngày phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, tham, sân, si phải đoạn diệt sạch”

Người cư sĩ cần tu năm pháp môn này, thân tâm được an vui và hạnh phúc trong cuộc sống, chẳng có đối tượng, hoàn cảnh, sự việc nào làm dao động tâm được, đó chính là nguồn giải thoát của đạo Phật trong mọi người cư sĩ, con hãy cố gắng lên! Cố gắng lên tu tập con ạ!

Khi tu tập xả tâm như vậy, tức là con tu tập đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người là con đã trả vay nghiệp nhân quả của tiền kiếp, trả vay nhân quả của tiền kiếp tức là con bứt bỏ thất kiết sử, khi bứt bỏ thất kiết sử thì con không còn phóng dật, tâm con không còn phóng dật tức là tâm định trong thân con, tâm định trong thân thì tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự, tâm thường thanh thản an lạc và vô sự thì tâm luôn luôn biết hơi thở ra vô một cách tự nhiên không bị ức chế hay bị gom tâm tập trung vào một chỗ.

Khi tâm định trên thân như vậy thì lúc bây giờ là lúc tu thiền định để nhập các định sâu hơn và khó hơn.

Còn nếu con bứt bỏ ngang mà đi tu thì dù con có tu đúng chánh pháp của đạo Phật cũng trở thành tà pháp, tại sao vậy? Tại vì sự bứt ngang bỏ đi, đó là ức chế tâm, chứ không phải xả tâm và như vậy con sẽ bị rơi vào tà thiền, tà định chừng đó con sẽ sống trong Tà kiến của ngoại đạo rất là khó gở.

SÁT SANH MÀ KHÔNG TỘI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy dạy đứng trên công lý được phép giết những loài sâu bọ côn trùng, chuột, v.v.. nhưng các loài đó sinh ra là bản tính của chúng như vậy. Cứ cho là giết hết chúng thì sẽ sinh ra loài khác tương tự hoặc không sinh ra loài khác thì mối tương quan tương sinh “có loài này thì sẽ có loài khác là sự hỗ tương trong môi trường”.

Phần này đối với đời sống của con người bình thường là họ sẽ giết, song đối với đạo Phật có lòng từ bi “Tứ Vô Lượng Tâm”, Phật dạy không được sát sanh dù là con vật nhỏ nhất, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Con suy nghĩ mục này, nên để ở bộ sách Đạo Đức Làm Người chứ ở bộ sách Đường Về Xứ Phật thì nhiều người sẽ nghĩ là không có lòng từ bi. Vậy kính mong Thầy dạy cho.

Đáp:Bộ sách Đường Về Xứ Phật là bộ sách phá những kiến chấp sai lầm trong đạo Phật cũng như ngoài đời. Vì thế, đời đạo phải rõ ràng: Đời là đời, đạo là đạo; đời có đạo đức của đời, đạo có đạo đức của đạo.

Đời có đạo đức của đời, đạo đức của đời là cách thức và hành động trách nhiệm bổn phận đối nhân xử thế, phải sản xuất ra sự sống, phải bảo vệ sự sống, phải làm hết bổn phận làm người đối với gia đình và xã hội, quê hương xứ sở, v.v…

Ai cũng biết vị trí làm người là phải sản xuất ra sự sống và bảo vệ nó, chứ không được quyền ăn bám vào người khác. Nếu có kẻ nào khác hay những loài vật nào xâm phạm cướp giựt, phá hoại sự sống thì người đời phải có quyền bảo vệ cầm súng hay bất cứ một vũ khí nào hoặc bình xịt thuốc sâu rầy để diệt trừ những côn trùng phá hoại mùa màng và kẻ xâm phạm sự sống. Đừng lấy Thánh hạnh hiếu sinh của người ly gia cắt ái mà áp dụng vào đời thường thì không đúng đạo đức làm người. Những câu trả lời trong bộ sách Đường Về Xứ Phật là trả lời chung cho người cư sĩ và người tu sĩ, chứ không riêng gì người tu sĩ đã ly gia cắt ái.

Đạo đức của người đời thì không được vô cớ giết hại người và tất cả chúng sanh dù là loài vật đó nhỏ như vi khuẩn, vi trùng.

Đạo đức làm người không cho phép chúng ta làm ngơ nhìn giặc cướp nước mà không cầm súng giết giặc bảo vệ quê hương Tổ Quốc, để nước mất nhà tan là người không có đạo đức. Vua Lương Võ Đế vì tin Phật không đúng chánh pháp, mê tín không trí tuệ, giặc đến cướp nước mà cứ tưởng rằng mình có công với Phật giáo, bỏ tiền ra xây cất 72 cảnh chùa và giúp đỡ biết bao nhiêu Tăng chúng tu học. Do công lao ấy nên an nhiên tự tại ngồi gõ mõ tụng kinh cầu chư Phật đuổi giặc. Giặc không đuổi được, nước mất, nhà tan, chết một cách rất thảm thương.

Hầu hết mọi người hiểu nghĩa Tứ Vô Lượng Tâm một cách sai lệch. Từ bi không phải là lòng yêu thương tầm thường, từ xưa đến nay mọi người đều hiểu như vậy. Hiểu đúng nghĩa “Từ bi” là phương pháp buông xả để đối trị tâm sân hận, chứ không phải lòng yêu thương bình thường, nhưng chúng ta không có danh từ nào để diễn tả đúng nghĩa từ bi buông xả với một tâm hồn thanh thản. Từ bi cũng là một pháp độc nhất để đi đến cứu cánh hoàn toàn, cho nên lấy tâm phàm phu của con người mà hiểu từ bi Tứ Vô Lượng Tâm thì làm sao hiểu được.

Tứ Vô Lượng Tâm là pháp không phóng dật, là pháp tâm bất động, còn thương yêu là còn động tâm. Như vậy Từ, Bi, Hỷ, Xả là một trạng thái Niết Bàn, chứ không phải từ bi là yêu thương theo kiểu giáo pháp phát triển.

Từ bi của giáo pháp phát triển là một trạng thái tiêu cực, chịu đựng ức chế tâm, chứ không phải từ bi không phóng dật.

Người tu sĩ Phật giáo sống ba y một bát, không nhà, không cửa, không làm một nghề nghiệp nào cả chỉ có đi xin ăn ngày một bữa thì làm gì có diệt sâu rầy, thì làm gì mà không tỉnh thức để đến nỗi vô tình sát sanh, hại mạng chúng sanh.

“Bộ sách Đường Về Xứ Phật là trả lời chung cho tất cả những câu hỏi về đời, về đạo chứ không phải chỉ có riêng trả lời về đạo mà thôi”.

Từ bi của đạo Phật là một pháp môn độc nhất tu hành từ tâm phàm phu đến tâm vô lậu, nó luôn luôn được áp dụng cho sự tu tập của tu sĩ, hơn là áp dụng nó cho cư sĩ, vì áp dụng cho người cư sĩ thì nó trở thành lòng yêu thương tầm thường nên rơi vào pháp đối đãi, do đó bị chướng ngại khi nghe nói hay thấy người cư sĩ bảo vệ mùa màng hoặc cầm súng giết giặc thì bảo rằng không lòng “Từ bi”. Ấy là hiểu và sử dụng lòng từ bi không đúng pháp, đúng chỗ, đúng người.

Đọc sách Đường Về Xứ Phật có nhiều chỗ không phải khó hiểu, nhưng vì bị những kiến chấp sai lầm từ lâu của kinh sách phát triển thành ra khó hiểu, nên hiểu không đúng ý nghĩa chánh pháp của Phật, đâm ra nghi ngờ tác giả dạy sai.

ĐỆ TỬ VI PHẠM NÓI XẤU THẦY TỔ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Với trí tuệ Tam Minh Thầy có thể hiểu mọi việc, mọi sự vật không hạn cuộc. Ở đây có hạng đệ tử tu không được, sau khi ra ngoài nói xấu Thầy như thầy Minh Tông nào đó mà con không biết, chỉ đọc trong sách Những Lời Phật Dạy.

Thưa Thầy, nói xấu với người bình thường còn bị tội đọa, huống là với bậc A La Hán thì tội rất nặng và không biết địa ngục nào sẽ đọa vào.

Với trí tuệ của Thầy là vô hạn, con nghĩ ngay từ đầu Thầy quan sát và không nên nhận họ để họ đỡ bị tội nặng như thế có được không?

Thầy có thể từ bi vị tha song luật nhân quả có tha cho họ đâu. Mong Thầy dạy cho con hiểu.

Đáp:Đề Bà Đạt Đa đến với đức Phật xin tu hành. Đức Phật chấp nhận, nhưng sau này Đề Bà Đạt Đa chống lại đức Phật, tìm cách giết Phật, lăn đá, cho voi say, v.v.. Như vậy các bạn hiểu như thế nào? Với trí tuệ Tam Minh đức Phật có biết Đề Bà Đạt Đa chống lại mình không? Biết, sao đức Phật lại chấp nhận?

Đó là duyên nhân quả, nhưng nhân quả chỉ có chuyển hóa chứ không phải tu hành chứng đạo là không còn nhân quả nữa. Vì còn mang thân này là còn có nhân quả. Lăn đá, cho voi say để giết Phật là quả; không hại được Phật là chuyển nhân quả.

Thầy cũng vậy, nhờ có Minh Tông mà mọi người mới biết tu sai tu đúng chánh pháp của Phật, nhưng tất cả đều do phước báo nhân quả của chúng sanh. Vì thế, không ai sống trong vũ trụ này mà ra khỏi qui luật của nhân quả, làm ác phải gạt quả dữ. Minh Tông té thang lầu, chết đi sống lại chịu biết bao nhiêu khổ sở. Đấy không phải là địa ngục vô gián sao? Xưa, Đề Bà Đạt Đa cũng rơi vào địa ngục ấy. Phước còn quả báo chưa đến, phước hết quả báo sẽ không tha thứ một ai, nhân nào quả ấy, không trốn chạy đâu khỏi.

CHÙA TO PHẬT LỚN

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong nhiều sách Thầy nói về chùa to Phật lớn và có ví dụ như nước CamPuChia có chùa Đế Thiên, Đế Thích và tháp Angkor. Về phần này có hai cách hiểu khác nhau:

Thưa Thầy, Thầy dạy những bậc tu Phạm hạnh của đạo Phật là ba y một bát nay đây mai đó. Chùa càng to Phật càng lớn thì càng bận tâm. Có đúng như vậy không thưa Thầy?

Hiện nay về phương diện lịch sử, kinh tế, du lịch, mỹ quan thì người ta cho đó là những kỳ quan cả thế giới công nhận, tuy nhiên khi làm ra nó thì vất vả tốn kém, song hiện nay người ta thu lợi rất lớn về du lịch và mọi người họ tự hào vì đã được Unesco công nhận lịch sử văn hóa hàng đầu của thế giới trong tám kỳ quan. Vậy Thầy có thể dạy trong sách việc xây chùa tượng bằng hai cách:

-       Một là đối với tu sĩ chuyên tu thì nên sống đơn giản.

-       Hai là đối với tu sĩ đã tu xong thì có thể đến nơi đó để thuyết pháp, vì những người này chùa nào họ cũng không động tâm. Nhờ nơi đó người dân dễ tập trung nghe pháp, nó sẽ làm tăng giá trị lịch sử của Phật giáo. Các thế hệ sau này cũng tự hào về tôn giáo của họ. Vậy, Thầy có thể giảng cho con tường tận vấn đề này được không?

Đáp:Ai đọc kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy đều phải công nhận giáo lý của đạo Phật là chân lý của loài người. Nói chân lý loài người là nói đến một sự thật không hề có một chút xíu không đúng. Chính vì vậy nó là đạo đức nhân bản – nhân quả, nên đức Phật đã xác định:

“Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn”.

Đạo Phật chủ trương nhân bản, lấy con người làm trụ cột, biến cõi sống thế gian thành cảnh Cực Lạc, Thiên Đàng, chứ không có hình thức mơ mộng, ảo tưởng Thiên Đàng, Cực Lạc hoặc Thần Thánh, Tiên Phật, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Chúa Trời, v.v…

Do chủ trương nhân bản – nhân quả nên Phật giáo lấy đức hạnh (Giới luật) làm chỗ nương tựa, làm thầy hướng dẫn, làm cuộc sống cho mình. Vì thế, xây chùa to Phật lớn là sai. Gương hạnh đức Phật ngày xưa còn đó. Thành đạo dưới cội cây Bồ đề. Chết dưới cội Sa La song thọ. Thế mà ngày nay chùa to Phật lớn khắp nơi, lại còn có những ngôi chùa, tháp được mọi người công nhận là kỳ quan đệ nhất thế giới thì thử hỏi những việc làm này đi ngược lại tinh thần xả phú cầu bần”củaPhật giáo thì còn gì là Phật giáo nữa. Phải không các bạn?

Vì lấy con người làm gốc nên Phật giáo phải xây dựng con người. Xây dựng con người để trở thành những kỳ quan thế giới bằng chất liệu đức hạnh không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Theo chúng tôi thiết nghĩ đó là một kỳ quan thế giới tuyệt vời xứng đáng để con người tự hào hãnh diện về con người thì mới đúng nghĩa. Còn xây chùa to Phật lớn lấy chất liệu đất đá mô phỏng theo hình thức vạn vật vũ trụ thiên nhiên tạo ra rồi tự hào bảo nhau đó là kỳ quan thế giới. Thực tế trên hành tinh này vũ trụ đã xây dựng biết bao nhiêu kỳ quan đẹp đẽ gấp trăm ngàn lần những kỳ quan của loài người: như Vinh Hạ Long, Phong Nha, v.v… Trước những cảnh này con người có làm được như vậy không?

Những kỳ quan thế giới hiện giờ chỉ là những sự mô phỏng bắt chước thiên nhiên vũ trụ, vẻ hùng vĩ đẹp đẽ của nó còn thua xa vũ trụ gấp trăm ngàn lần như trên đã nói thì có gì mà chúng ta tự hào?

Những vật chất này đều vô thường, không bền chắc, không giữ gìn được lâu dài, chỉ một trận động đất những kỳ quan này còn bảo tồn được nữa không?

Một kỳ quan của loài người, lấy chất liệu đạo đức xây dựng thì động đất không làm hư hoại, lũ lụt không trôi, bão tố không làm sụp đổ, hỏa hoạn không thiêu đốt được, đi khắp bốn phương ngược gió không trở ngại. Phật giáo chủ trương như vậy, vì lấy con người làm gốc, nên người nào đi ngược lại xây dựng chùa to Phật lớn là không phải Phật giáo là Thần đạo, là đạo mê tín, là đạo lường gạt con người.

Tôn giáo có thế giới siêu hình là tôn giáo phi khoa học, phi nhân bản, vô đạo đức nhân bản - nhân quả, v.v.. Phần đông những tôn giáo này đều có chùa to Phật lớn.

Đệ tử của đức Phật ngày xưa được sự chỉ đạo của Ngài nên không cất chùa to Phật lớn, chỉ am tranh vách lá cúng dường Phật và chư Tăng để tránh mưa ẩn nắng tu hành, chứ không có thờ phượng như chúng ta ngày nay. Những nơi ở ấy được gọi là TỊNH XÁ”.Tịnh xá có nghĩa là ngôi nhà ở thanh tịnh. Trong kinh sách Nguyên Thủy thường nhắc những tịnh xá như: Tịnh xá Kỳ Hoàn, tịnh xá Trúc Lâm, v.v..

Hòa Thượng Huệ Quang, Hòa Thượng Khánh Anh tổ chức những chuyến hành hương về thăm xứ Phật. Trước mắt các Ngài tịnh xá Kỳ Hoàn và tịnh xá Trúc Lâm chỉ còn là một khu rừng hoang vu không tìm ra một cục đá, một viên gạch, chứng tỏ ngày xưa đức Phật và chúng Thánh Tăng sống dưới bóng cây, dưới túp lều tranh lá hay trong hang hóc… Những nơi Thánh địa ấy chứng tỏ Phạm hạnh của tu sĩ thời đó rất cao.

Tất cả các tôn giáo trên hành tinh đều nhắm vào sự xây dựng cơ sở đồ sộ vĩ đại để lại như: Tòa Thánh La Mã (Thiên Chúa), Đế Thiên, Đế Thích, đền Angkor (Phật giáo Nam Tông), tòa Thánh Tây Ninh (Cao Đài Giáo) v.v…

Còn cơ sở Phật giáo Nguyên Thủy chỉ còn là một khu rừng hoang vu. Chính khu rừng hoang vu ấy mới nói lên ý nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh. Đó là tòa Thánh của Phật giáo, là một kỳ quan thế giới đẹp nhất của mọi người.

Mục đích của Phật giáo là giải thoát mọi sự đau khổ, vì thế phải dứt bỏ sanh y tức là xả bỏ sạch, chỉ còn ba y một bát, sống không nhà cửa, không gia đình. Sống không nhà cửa, không gia đình là một giới hạnh của người tu sĩ, thế mà có chùa to Phật lớn thì giới hạnh của tu sĩ còn gì? Như vậy tu sĩ nào sống trong chùa to Phật lớn là tu sĩ Phạm giới. Tu sĩ phạm giới là Ma Ba Tuần trong Phật giáo, là trùng trong lông sư tử đang diệt Phật giáo. Xin các bạn lưu ý.

Còn bảo rằng tu sĩ đã tu xong, ở trong chùa to Phật lớn, đâu sợ gì dính mắc. Vả lại dùng cơ sở đó làm nơi giảng đạo, mọi người tập trung về nghe pháp rất tiện lợi.

Thuyết giáo đâu bằng thân giáo, người sống phạm giới, phá giới thuyết giảng cho mọi người nghe cũng giống như đào kép hát múa, diễn tuồng trên sân khấu. Chùa to Phật lớn là sân khấu cho những giảng sư tu hành chưa tới đâu, còn người tu chứng đạo, vì ích lợi mọi người, nên giữ đúng Phạm hạnh “xả phú cầu bần”, lấy thân giáo dạy người, làm gương sáng đạo đức cho mọi người soi nên từ giã những nơi cung vàng điện ngọc, chùa to Phật lớn.

NHỤC THÂN

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong sách Đường Về Xứ Phật, Thầy có đề cập đến những vị tu thiền để lại nhục thân. Theo Phật giáo người tu sĩ để lại nhục thân là không đúng với chủ trương của đạo Phật. Người tu thiền để lại nhục thân không từ trường, chỉ khi nào nhập định mới có từ trường. Vậy con có những giả thuyết như sau:

-       Thứ nhất: ướp xác bằng các hình thức, nhưng khi chết có thể rất đau đớn, không thể ngồi trong tư thế kiết già.

-       Thứ hai: dùng thuốc tự tử trong tư thế ngồi kiết già thì phải lấy dây bó thật chặt, nếu không trước khi chết, giãy dụa, cơ thể ngả nghiêng không thể ngồi ngay thẳng.

-       Thứ ba: Phải có một pháp môn nào đó, họ tự tại ra đi trong tư thế kiết già. Và như vậy họ cũng làm chủ được sự chết. Con vô minh cúi mong Thầy chỉ dạy.

Đáp:Đức Phật nhìn thân người là một chất bất tịnh, hôi thối do các duyên hợp lại, thường thay đổi tạo nhiều khổ đau, nên thân người không có gì quý báu.

Người tu hành không hiểu mục đích của đạo Phật, nên thường nghĩ ra những điều kỳ lạ để bảo chứng sự tu hành của mình chứng đạo.

Thưa các bạn! Mục đích của đạo Phật là chỗ bất động tâm trước pháp ác và các cảm thọ, chứ không phải để lại nhục thân, xá lợi v.v.. hoặc ngồi thiền năm bảy ngày, tịnh chỉ hơi thở hoặc thị hiện thần thông biến hóa tàng hình, v.v…

Trong kinh sách Phật không có dạy cách thức tu tập để lại nhục thân và xá lợi, chỉ có các vị Tổ bày đặt ra để lừa đảo người khác khiến cho tín đồ mê tín hiếu kỳ cúng dường nhiều tiền bạc để thụ hưởng ngồi trong mát ăn bát vàng và xây cất chùa to Phật lớn làm nơi du lịch tham quan để thu lợi nhiều hơn nữa.

Nghệ thuật ướp xác để lại nhục thân bằng mọi hình thức khác nhau hoặc xá lợi, đó không phải mục đích của đạo Phật như trên đã nói. Để lại nhục thân và xá lợi là hình thức của ngoại đạo, là trò lừa đảo bằng con đường thiền ức chế tâm như: thiềnYoga, thiền ông Tư, ông Tám, Thiền Tông Trung Hoa, Mật Tông Tây Tạng, v.v…

Thường thấy cái lạ và cái kỳ đặc là cho người đó tu chứng đạo là sai, người làm trò ảo thuật có tu chứng đạo không? Người chui qua Vạn Lý Trường Thành, người chôn trong đất, dìm trong nước không chết, người đi trên lửa không cháy, những người ấy có chứng đạo không? Chứng đạo sao còn háo danh biểu diễn những trò ảo thuật như vậy?

Chứng đạo là làm chủ sanh, già, bệnh, chết, sống đúng giới hạnh chuyển hóa nhân quả ác, biến thế gian thành cõi Cực Lạc Thiên Đàng.

Phật giáo có mục đích tu chứng rõ ràng, cụ thể, không có mơ hồ trừu tượng, không có thần thông ảo thuật, nên không chấp nhận những trò lừa đảo này. Xin các bạn lưu ý đừng để ngoại đạo lường gạt.

VĂN THÙ SƯ LỢI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong sách Hành Thập Thiện (trang 57) Thầy có ví dụ về Ngài Văn Thù Sư Lợi tại núi Nga Mi Trung Quốc. Vậy Ngài Văn Thù có hay không? Kinh sách phát triển thường nói về Văn Thù Sư Lợi, nhưng kinh sách nguyên Thủy thì không có. Vậy mong Thầy dạy cho.

Đáp:Ngài Văn Thù Sư Lợi ở núi Nga Mi là người Trung Quốc tu theo Lão Tử (Tiên Đạo). Đọc lại đoạn kinh Hành Thập Thiện thì chúng ta thấy lời nói của Ngài Văn Thù giống như lời nói của các vị Thiền Sư Trung Hoa.

Kinh sách phát triển chịu ảnh hưởng Tiên Đạo sinh ra Thiền Tông. Thiền Tông chính là con của Lão Tử.

Văn Thù Sư Lợi trong kinh phát triển là một vị thần của Bà La Môn, chứ không phải Văn Thù Sư Lợi của Trung Hoa ở núi Nga Mi.

Tiểu thuyết gia Trung Quốc tác giả bộ truyện Phong Thần đã biến hai vị Văn Thù Sư Lợi thành một vị bằng cách cho Ngài Văn Thù Sư Lợi trước tu Tiên sau tu theo Phật. Đó là những nhân vật tiểu thuyết, chứ không có thật, chỉ có những người thiếu tri kiến nhận xét mới tin những nhân vật huyền thoại hư cấu của tiểu thuyết.

Đây là những nhân vật hư cấu không có lịch sử chân thật. Khi đưa ra nhân vật này trong kinh Hành Thập Thiện, là chúng tôi có mục đích dung hòa Đại Thừa, Thiền Tông và Nguyên Thủy, vì thời điểm đó nói thẳng bất lợi.

Kinh sách phát triển Đại Thừa có từ bên Ấn Độ nên ngài Văn Thù Sư Lợi phải là người Ấn Độ, vì vậy có hai vị Văn Thù Sư Lợi một Trung Hoa, một Ấn Độ. Từ xưa đến nay người ta đã lầm tưởng là có một vị mà thôi.

AM THẤT

Hỏi:Kính thưa Thầy, thất làm bằng tầm vông trúc tre, hằng ngày con phải chú ý lắm mà vẫn xảy ra những lầm lỗi, vì côn trùng sâu kiến rất nhiều, nếu không cẩn thận sẽ làm chết chúng, mắc vào tội sát sanh, thiếu đức hiếu sinh. Do sự kiện này con suy nghĩ: Tu Viện nên xây cất thất cấp 4 không hao tốn nhiều, bền bỉ, lâu dài tránh vô tình sát sanh.

Một số người có điều kiện về tu viện xây dựng cá nhân, Thầy có cho phép và cô Diệu Quang có đồng ý không? Còn những người có trụ xứ riêng thì việc xây dựng có được không?

Đáp:Ý kiến này rất hay, để Thầy nghiên cứu lại mô hình xây cất thất như thế nào để phù hợp với Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Thất phải đơn giản, ít hao tốn, mát mẻ, vệ sinh, tiện nghi cho việc hành thiền, tránh được những loài côn trùng xâm chiếm vào thất và bảo trì được lâu dài.

Nếu những người nào có điều kiện về tu viện xây dựng cá nhân, Thầy sẽ cho phép họ xây cất theo mô hình đúng tiêu chuẩn Phạm hạnh của tu viện, để nói lên được tinh thần bình đẳng và mỹ thuật của tu viện.

Còn những người có trụ xứ riêng muốn xây dựng thất ở tu hành thì nên theo mô hình của tu viện mà xây cất đúng kích thước để nói lên được đời sống Phạm hạnh của người đệ tử tu viện Chơn Như.

GIÁO TRÌNH TU TẬP BÁT CHÁNH ĐẠO

Hỏi:Kính thưa Thầy! Vì lợi ích chúng sanh, con xin thỉnh Thầy viết bộ Giáo trình cốt lõi dành cho những người chuyên tu từ sơ cơ đến cao cấp (A La Hán). Trong từng cấp học có những bài học theo thứ tự từ thấp lên cao. Sau khi học xong mỗi cấp đều được kiểm chứng kết quả tu học. Nếu kiểm chứng kết quả tu học không đúng tiêu chuẩn thì được ở lại tu học lớp cũ.

Hiện giờ giáo trình tu học chưa có, những người ở xa Thầy gặp nhiều khó khăn. Nếu họ tu sai không thấy kết quả, mất hết lòng tin, sự tu hành thối chuyển hoặc rơi vào thiền tưởng của ngoại đạo rất nguy hiểm. Con lấy ví dụ của con mà suy đoán. Mong Thầy chỉ cho.

Kính thưa Thầy! Con tập bài đi kinh hành 20 bước và ngồi xuống hít thở 5 hơi, trong bốn tháng không tập bài nào khác. Con theo dõi từng tháng một và thấy kết quả từng tháng rất rõ. Kết quả này đã đạt được là nhờ thưa hỏi, Thầy đã giảng đúng với khả năng và hiện tượng trên thân tâm. Như vậy đã được kiểm chứng từ nơi Thầy. Do thế con suy nghĩ, nếu sau này Thầy về với chư Phật thì chúng con rất thiệt thòi vì không được Thầy chỉ dạy trực tiếp, mà chỉ thông qua kinh sách của Thầy để lại. Thế hệ mai sau muốn kết tập từ nhiều bộ sách là rất khó khăn. Vậy, cúi xin Thầy kết tập bộ Giáo trình từ bây giờ để tránh sự sai lạc mai sau.

Đáp:Một mô hình kết tập kinh sách Phật lần thứ năm, được Thầy đã vẽ ra một cái khung sườn rất rõ ràng qua bài “ĐẠO ĐẾ”trong tập Đặc San Mừng Ngày Sinh Nhật Thầy.

Lần kết tập này là lần biên soạn Giáo trình tu học cho tám lớp Đạo Đế để đào tạo và rèn luyện đức hạnh vô lậu Thánh đệ tử Phật. Nếu hiện giờ có được bốn năm vị A La Hán thì sự biên soạn chỉ trong năm ba năm là xong hết. Nhưng hiện giờ chỉ có một mình Thầy thì phải có thời gian dài. Nhưng dù sao cũng do phước báu của chúng sanh, nếu phước chúng sanh không đủ thì chúng ta có muốn gì cũng khó làm được.

Theo Thầy thiết nghĩ: Giáo trình tu học tám lớp Đạo Đế, để đào tạo và rèn luyện đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người rất cần thiết cho mọi người trên hành tinh này. Do đó, Thầy cũng quyết tâm soạn thảo cho xong chương trình giáo dục đào tạo đức hạnh, đem lại sự lợi ích, an vui hạnh phúc cho mọi người, trước khi rời khỏi thế gian này thì Thầy mới mãn nguyện.

THẦN THÔNG

Câu hỏi của bạn Dũng

Hỏi: Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật không đề cập đến “thần thông”, “siêu hình” (xem câu chuyện người bị bắn tên kinh Trung Bộ tập 2 mục 63 tiểu kinh Malunkya).

Đáp:Kính thưa các bạn! Nguyên Thanh được Thầy trao cho những câu hỏi của các bạn và khuyên Nguyên Thanh nên trả lời giúp cho Thầy, vì Thầy quá bận nhiều công việc đang soạn thảo bộ sách Văn Hóa Truyền Thống Thánh Hạnh tập II (Giới Đức Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni).

Trước tiên, Nguyên Thanh xin các bạn xét qua câu hỏi của bạn Dũng. Theo thiển ý của Nguyên Thanh thì các bạn hỏi câu này, cách thức xưng hô hơi vụng về. Phải không các bạn?

Trước khi muốn thưa hỏi một điều gì với người nào. Dù người ấy nhỏ hơn mình, bằng mình hoặc lớn hơn mình, thì các bạn phải giữ gìn lễ độ, cung kính, có giáo dục thưa hỏi có văn hóa đạo đức, của một con người có học thức, dù câu hỏi đó là câu vấn nạn, tranh chấp hơn thua cũng phải giữ gìnlịch sự của người có văn hóa, có học thức, có lễ độ của dân tộc Việt Nam. Huống là các bạn hỏi để học, để hiểu biết những điều mình chưa hiểu biết thì cần phải giữ gìn lễ độ, cho đúng ý nghĩa cầu pháp. Nhờ có sự cung kính lễ độ đó, mà những bậc thông hiểu sẽ chỉ giáo cho các bạn.

Ở đây, Nguyên Thanh chỉ nhắc nhở cho các bạn thôi, chứ Nguyên Thanh sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các bạn theo khả năng của mình, nếu có điều chi sơ sótkhông vừa ý, xin các bạn vui lòng tha thứ cho. Vì Nguyên Thanh cũng chỉ là người đang tu học.

Nguyên Thanh muốn các bạn phải gia công tìm đọc lại toàn bộ kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy để khi thưa hỏi là hỏi những điều chưa hiểu biết, để có sự lợi ích cho các bạn, chứ không phải như những câu hỏi trên đây, chẳng có ích lợi gì cho các bạn.

 Vì ảnh hưởng tư tưởng từ kinh sách phát triển, nên các bạn hiểu nghĩa những danh từ trong kinh sách Nguyên Thủy giống như kinh sách phát triển: “An trú không, không tánh, chiếc bè, ngón tay, mặt trăng, v.v…”. Tất cả sự hiểu biết này đều sai nghĩa, không đúng ý nghĩa trong kinh sách Nguyên Thủy.

Những danh từ này trong kinh sách Nguyên Thủy đều có dạy, nhưng các bạn không phải là hành giả đúng chánh pháp của Phật giáo. Vì thế, các bạn hiểu theo kiểu ảnh hưởng Đại Thừa và Thiền Tông chứ nghĩa của nó không phải vậy.

Nguyên Thanh lần lượt sẽ giải thích cho các bạn hiểu rõ, nếu Thầy Thông Lạc đồng ý.

HÃY CẢNH GIÁC THẦN THÔNG

Hỏi:Trong đoạn 51 kinh Kandaraka trong kinh Trung Bộ có mô tả một vị tu sĩ đạt qua các trạng thái chứng Thiền thứ Nhất, Thiền thứ Hai, Thiền thứ Ba, Thiền thứ Tư. Trong đó hoàn toàn không có tịnh chỉ hơi thở. Vậy tịnh chỉ hơi thở có phải là ngoại đạo, thần thông không? Nếu có mô tảvề tịnh chỉ hơi thở thì mô tả ở kinh Nguyên Thủy nào, mục nào? Nhờ Thầy chỉ dẫn rõ ràng. Nếu không có trong kinh Nguyên Thủy là ngoại đạo. Như vậy Thầy Thông Lạc có bị kẹt trong thần thông không? Hãy cảnh giác với thần thông.

Đáp:Thưa các bạn! Về văn phạm một câu mà viết hai chữ “trong” thì câu văn “què”, Nguyên Thanh xin sửa lại câu hỏi của bạn: Trong đoạn kinh 51 Kandaraka thuộc kinh Trung Bộ có mô tả một vị tu sĩ đạt qua các trạng thái chứng…”.

Các bạn chỉ đọc kinh Trung Bộ mà dám bảo rằng kinh Nguyên Thủy Phật không đề cập đến thần thông thì sự hiểubiết của bạn quá nông cạn. Nếu các bạn không tin Thầy Thông Lạc nói “tịnh chỉ hơi thở nhập Thiền Thứ Tư”thì các bạn cứ gửi thư hỏi báo Giác Ngộ hay trực tiếp đến Vạn Hạnh hỏi Hòa Thượng Minh Châu người dịch ra kinh sách Nguyên Thủy thì sẽ rõ.

Thưa các bạn! Kinh sách Nguyên Thủy đức Phật đã đề cập đến thần thông có ba loại:

1 - Thần thông giáo hóa.

2 - Thần thông ký thuyết.

3 - Thần thông biến hóa.

Nguyên Thanh sẽ trình bày ba loại thần thông để các bạn hiểu.

Đức Phật đã xác định ba loại thần thông rất rõ ràng như sau:

- Tâm tôi có tham, tôi biết tâm tôi có tham. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tâm tôi có sân, tôi biết tâm tôi có sân. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tôi ăn uống phi thời, tôi biết tôi ăn uống phi thời, tôi sẽ cố gắng khắc phục không ăn uống phi thời. Đó là thần thông giáo hóa.

- Người ta chửi mắng, mạ lị, mạt sát tôi, tôi biết nhưng tôi không giận họ. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tâm tôi có dục ăn, dục ngủ tôi biết tâm tôi có dục ăn, dục ngủ, tôi cố gắng khắc phục không cho dục ăn, dục ngủ phi thời. Đó là thần thông giáo hóa.

- Khi tôi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký tôi biết tâm tôi có hôn trầm thùy miên và vô ký, tôi liền tác ý: “Cút”thì hôn trầm, thùy miên, vô ký biến mất. Đó là thần thông giáo hóa.

- Khi thân tôi đau nhức, tôi biết thân tôi đau nhức, tôi liền tác ý: Thọ là vô thường, “Cút”đau nhức tự biến đi mất. Đó là thần thông giáo hóa.

- Tôi biết cơ thể tôi già yếu, chẳng làm ích lợi gì cho đời, tôi liền tác ý: “Hơi thở tịnh chỉ bỏ thân tứ đại”thì ngay đó hơi thở ngưng, tôi bỏ thân tứ đại. Đó là thần thông giáo hóa.

Thưa các bạn, khi tôi có khả năng làm chủ thân tâm mình như vậy, mà đức Phật gọi là thần thông giáo hóa hay còn gọi là Tứ Như Ý Túc. Xem thế, thần thông giáo hóa đem lại lợi ích cho thân tâm tôi như vậy, thì Thầy Thông Lạc có kẹt trong thần thông đó không các bạn?

Có cần phải cảnh giác với thần thông này không các bạn?

Bạn đọc kinh sách chưa thấu suốt, mà kêu gọi mọi người hãy cảnh giác với thần thông. Vậy, thần thông nào cảnh giác bạn biết không?

Đọc qua câu hỏi của bạn, người ta biết bạn chưa hiểu một chút gì về Phật giáo.

Còn những thần thông khác, có dịp Nguyên Thanh sẽ giải thích cho các bạn hiểu, nếu các bạn muốn nghe. Nguyên Thanh chỉ ước mong, các bạn thức thời hiểu biết nên sám hối những sự hiểu lầm nông cạn của mình, để các bạn còn có duyên may gặp được chánh pháp. Còn nếu không thì kiếp kiếp đời đời, các bạn sẽ trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi.

Như vậy mà các bạn bảo rằng, đức Phật không đề cập đến thần thông, bạn hãy nghiên cứu lại kỹ, đừng có đưa ra ý kiến bừa bãi mà người hiểu biết Phật pháp sẽ cười bạn là người dốt. Các bạn có hiểu không?

Đọc chỉ một vài bộ kinh mà dám xác định cả hệ thống giáo lí của Phật và bảo rằng: Phật không có đề cập thần thông, tự xác định một việc làm như vậy, các bạn thấy có đúng không? Các bạn có bộp chộp không?

Bức thư ngỏ, Thầy Thông Lạc đã cảnh cáo các bạn, muốn nói một điều gì về kinh sách Nguyên Thủy thì hãy tu cho được như Thầy Thông Lạc, phải làm chủ được bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết phải chấm dứt luân hồi, phải nhập Bốn Thiền, phải thực hiện Tam Minh thì mới bàn về kinh sách Nguyên Thủy, còn chưa làm được như vậy thì các bạn hiểu biết gì? Mà nói ngoại hay không ngoại đạo.

Nếu muốn biết những điều này thì các bạn hãy về đảnh lễ Thầy Thông Lạc, xin Người chỉ dạy cho, chứ đừng dùng tri kiến phàm phu mà hiểu tri kiến Thánh, các bạn làm sao hiểu được. Các bạn lo cho Thầy Thông Lạc hay các bạn phỉ báng Thầy Thông Lạc? “Nếu không có trong kinhNguyên Thủy là ngoại đạo. Như vậy Thầy Thông Lạc có bị kẹt trong thần thông không? Hãy cảnh giác với thần thông”.Các bạn bảo nhau cảnh giác thần thông hay cảnh giác Thầy Thông Lạc?

Như các bạn đã nói: “Vào trang web của Nguyên Thủy Chơn Như thấy hình của Thầy Thông Lạc. Như vậy Thầy vẫn còn THAMdanh phải không? Chưa bỏ được THAMphải không?”.

Vì những câu hỏi này, chắc chắn các bạn cho rằng Thầy Thông Lạc còn tham danh, đắm lợi nên bảo mọi người hãy cảnh giác Thầy Thông Lạc. Có đúng như vậy không các bạn?

Ăn ngày một bữa, ngủ trên một tảng đá và ở trong túp lều tranh, chùa không to vách liếp, Phật không lớn bằng xi măng thì còn gì là danh, là lợi nữa. Và danh lợi để làm gì nữa các bạn?

Nếu mọi người đều có ý như vậy thì chắc Thầy Thông Lạc xin thân ái chào các bạn và ra đi vĩnh viễn. Điều này đối với Thầy Thông Lạc là duyên nợ nhân quả đã hết rồi. Vì Thầy biết mình chỉ có một kiếp này nữa mà thôi. Thầy ra đi, Nguyên Thanh quyết chắc rằng không còn ai dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Thật là chúng sanh vô phước!

 Hơn 2500 năm mới có một người tu chứng làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi. Thật là hy hữu! Quá hiếm! Quá hiếm!!!

Nếu tâm của chúng sanh có ác ý và nghĩ xấu như vậy thì các bậc vĩ nhân sẽ không xuất hiện. Nỗi đau của nhân loại sẽ không có gì hàn gắn được. Tiếc thay! Tiếc thay!!!

TỊNH CHỈ HƠI THỞ

Kính thưa các bạn! Đọc vào đoạn đầu của câu hỏi này thì biết ngay, bạn là tân học giả nghiên cứu mới một vài bộ kinh nên câu hỏi có vẻ quê mùa, như cô gái nông thôn mới lên thành phố, trông cái gì cũng lạ mắt, hỏi nhiều câu ngớ ngẩn.

Một học giả viết về kinh Phật thường dẫn chứng lời Phật dạy, xuất xứ từ bài kinh nào? Trong kinh gì? Trang số mấy? Phải ghi rõ ràng. Còn hành giả viết là để các bạn hiểu mà tu tập, chứ không phải viết để các bạn nghiên cứu nên không cần phải viết rõ xuất xứ của đoạn kinh hay bài kinh ấy, miễn sao sự tu tập của các bạn có kết quả lợi ích thiết thực. Cho nên, hành giả viết là cần chỗ thực hành tu tập đi đến giải thoát rốt ráo. Còn xuất xứ bài kinh không cần ghi, các bạn có tin thì các bạn tu tập lợi ích đến với các bạn, còn không tin thì thôi, không ai bắt ép các bạn. Có tin, các bạn tu tập thì các bạn được giải thoát, còn không tin thì các bạn phải chịu khổ đau.

Ở đây, không phải đùa chơi trên ngôn ngữ, mà mượn ngôn ngữ để diễn đạt sự tu tập có lợi ích thiết thực cho đời sống của mình, mang lại sự thanh thản, an lạc cho thân tâm, chứ không phải tranh luận hơn thua, câu này của Phật hay không phải của Phật, Phật nói hay không nói, vấn đề đó không quan trọng mà quan trọng ở chỗ thực hành có kết quả hay không có kết quả. Khi đọc những câu hỏi của các bạn, các bạn còn dính mắc rất nhiều mà những điều đó, đã được Thầy Thông Lạc giảng dạy trong bộ sách “Những Lời Phật Dạy”tập I, II, III, IV.

Dường như, bạn chưa đọc hết kinh sách Nguyên Thủy chỉ mới đọc một vài bài kinh Trung Bộ. Với sự nghiên cứu của bạn còn sơ sót quá nhiều, chưa trọn vẹn đầy đủ, nhất là bạn chỉ nghiên cứu suông, không chịu khó tu tập. Vì thế, sự hiểu biết của bạn rất cạn cợt, nếu đem ra phân tích sự góp nhặt của bạn, xem như chưa được hiểu biết gì bao nhiêu về Phật giáo.

Kinh sách Phật, vốn để tu tập giải thoát, chứ không phải để hiểu biết suông hay chỉ tụng đọc thường.

Những câu hỏi thắc mắc của bạn, chứng tỏ bạn là người không có thực hành tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy. Nhất là đầu óc bạn, đang chịu ảnh hưởng tư tưởng của kinh sách phát triển, nên bạn tưởng Thầy Thông Lạc chưa đọc những tập kinh Trung Bộ sao?

Muốn hiểu giáo lí Nguyên Thủy của Phật giáo trọn vẹn, thì không phải chỉ đọc một vài bài kinh mà hiểu hết được.

Bạn phải nghiên cứu toàn bộ giáo lí mà còn phải thực hành cho miên mật những lời dạy ấy, thì các bạn mới hiểu được toàn bộ ý nghĩa của Phật dạy.

Như các bạn đã đọc kinh Kandaraka, thấy kinh dạy nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mà không có dạy tịnh chỉ hơi thở, bạn chỉ hiểu có bài kinh này, mà cho Phật không có dạy tịnh chỉ hơi thở, thì bạn giống như con ếch ngồi dưới đáy giếng nhìn trời.

Trong kinh này dạy tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền mà bạn có tu đâu mà hiểu nghĩa. Nguyên Thanh xin lặp lại đoạn kinh Kandaraka dạy: “Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh nhập Tứ Thiền”tức là xả các cảm thọ. Vậy, Nguyên Thanh xin hỏi các bạn: “Nếu không tịnh chỉ hơi thở thì làm sao các cảm thọ mất?”.Nghĩa quá rõ ràng mà các bạn không hiểu. Vậy các bạn nghiên cứu kinh sách Phật để hiểu mà không hiểu. Vậy trí óc của các bạn ở đâu? Để làm gì? Mà không chịu hiểu nghĩa lí chân thật trong kinh như vậy, lại còn bảo rằng Phật không có dạy tịnh chỉ hơi thở. Thật là điên đảo!

Các bạn hãy đọc bộ kinh Tăng Chi, bộ kinh Tương Ưng, Trường Bộ kinh thì bạn sẽ thấy đức Phật dạy tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền còn rõ ràng hơn, chứ không phải Thầy Thông Lạc đặt điều, thêm bớt trong kinh sách Phật. Nếu Thầy Thông Lạc đặt điều ra nói, thì những vị Hòa Thượng, những Tăng, Ni sinh đã từng học trên Cao Đẳng Vạn Hạnh, các Tăng, Ni sinh Cao Cấp Phật Học Viện khác và báo Giác Ngộ sẽ la rùm lên, khỏi phải các bạn hỏi.

Giả thuyết, đặt lại vấn đề nếu kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy không có dạy tịnh chỉ hơi thở, nhưng Thầy Thông Lạc tu tập làm chủ được bốn chỗ: sanh, già, bệnh, chết thì Thầy tuyên bố nói, tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, làm chủ sự sống chết có được không?

Thầy Thông Lạc đã làm chủ được như vậy thì Thầy nói có sai không? Nói được làm được là không dối người. Nói được mà không làm được là dối người, nói được làm được mà kinh sách Phật cũng dạy như vậy thì có gì thêm bớt trong kinh sách đâu, có gì mà có tội lỗi. Cho nên ai nói rằng, kinh sách Nguyên Thủy không có dạy tịnh chỉ hơi thở là người ấy chưa hiểu kinh sách Nguyên Thủy.

Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, kinh sách Nguyên Thủy đã có dạy hẳn hoi, nhưng các bạn nghiên cứu, chưa đọc hết những kinh sách Nguyên Thủy. Vả lại, các bạn chỉ là một tân học giả, không có một ngày tu tập Tứ Thánh Định thì làm gì biết được Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở hay không tịnh chỉ hơi thở, sự hiểu biết của các bạn đối với Phật giáo quá nông cạn. Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, như trên đã nói. Nguyên Thanh sẽ dẫn chứng hai câu kệ trong kinh Niết Bàn thuộc kinh Trường Bộ tập II:

“Không phải thở ra thở vào

Chính tâm trú chánh định

Không tham ái tịch tịnh

Tu sĩ hướng diệt độ

Chính tâm tịnh bất động

Nhẫn chịu mọi cảm thọ

Như đèn sáng bị tắt

Tâm giải thoát hoàn toàn”.

Hai câu kệ đầu trong bài kệ này, tán thán Phật nhập Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, rồi xả trạng thái Tứ Thiền, để vào Niết Bàn của tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), trang 667 Tạng kinh Việt Nam.

Kinh Tăng Chi Bộ tập 4 trang 417- 418 có dạy về tịnh chỉ hơi thở: “Với người chứng Thiền Thứ Tư hơi thở vô, hơi thở ra là cây gai”.Kinh Tăng Chi Bộ và kinh Tương Ưng còn dạy rõ về cách thức tịnh chỉ hơi thở để nhập Tứ Thiền. Cho nên, trong kinh dạy rất rõ ràng, xin các bạn chịu khó nghiên cứu lại và hiểu cho thật kỹ rồi mới nói.

Thầy Thông Lạc không phải là học giả. Con đường Thầy đi, trùng lặp con đường Phật đi, nên Thầy nói ra đúng vào những lời dạy trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật.

Kinh sách Phật đã ghi rõ ràng như vậy, chứng tỏ bạn chỉ đọc lướt qua chứ chẳng hiểu gì cả.

Xin thưa cùng các bạn! Nếu Phật giáo tu tập chỉ tụng kinh, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, Tây Phương, hoặc ngồi thiền kiến tánh thành Phật, mà không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết thì các bạn tu theo Phật giáo đó để làm gì? Nếu tu theo Phật giáo đó, không lợi ích thiết thực cụ thể mà chỉ sống trong mơ mộng ảo tưởng thì Nguyên Thanh xin tu hành theo ngoại đạo còn hơn, vì ngoại đạo tu tập làm chủ được sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi, sống không làm khổ mình, khổ người. Còn theo Phật giáo mà chuyên cúng bái cầu siêu, cầu an thì chẳng khác nào là một tôn giáo mê tín, lừa đảo dối người thì quyết định không theo tôn giáo đó nữa. Phải không hỡi các bạn?

KHÔNG ĐƯỢC NÓI NGƯỜI KHÁC LÀ SAI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Phật dạy không được nói người khác là sai. Vậy Thầy Thông Lạc có làm sai lời Phật dạy không?

Đáp:Kính thưa các bạn! Nguyên Thanh xin trả lời, mong các bạn hãy lắng nghe cho kỹ:

 Nguyên Thanh nghĩ rằng các bạn đều là những người có học, có kiến thức, có trí tuệ. Thế mà đọc kinh sách Phật, các bạn lại không hiểu lời Phật dạy. Thật đáng thương thay!!!

Trong kinh sách Phật đã dạy người tu chưa chứng thì không được nói cái sai của người khác. Có đúng như vậy không các bạn?

“Không nên nhìn lỗi người

Người làm hay không làm

Nên tự nhìn thân ta

Có làm hay không làm”

(Kinh Pháp Cú)

Khi tu hành chưa chứng đạo, các bạn có hiểu biết điều gì đâu, có thông suốt chuyện gì đâu mà nói đúng, nói sai của người khác. Chính nơi thân tâm của các bạn, các bạn còn chưa hiểu, chưa rõ nó hết, thì các bạn biết những gì mà phê bình, chỉ trích nói sai, nói đúng mọi người. Ngày xưa, Đức Thánh Khổng Tử đánh xe đi ngang qua một đoạn đường có các cháu bé đang hốt cát chơi. Đức Khổng Phu Tử dừng xe lại bảo các cháu:

- Các cháu hãy tránh cho xe ông đi.

Trong các cháu bé có một cháu bé nhỏ nhất đứng dậy chấp tay và hỏi:

- Kính thưa Ông! Chúng cháu đang xây thành. Vậy, thành tránh xe hay xe tránh thành?

Khổng Phu Tử nghe hỏi ngạc nhiên, há miệng mà không biết trả lời ra sao, thì cháu bé ấy lại hỏi tiếp:

- Kính thưa Ông! Ông là ai?

Khổng Phu Tử trả lời:

- Ông là Khổng Phu Tử.

- Kính thưa Ông! Ông là một bậc Thánh đã được mọi người kính trọng. Vậy cháu xin hỏi Ông một câu nữa, nếu Ông trả lời được thì chúng cháu sẽ tránh đường cho Ông đi.

Kính thưa Ông! Cháu không hỏi Ông chuyện xa vời mà hỏi chuyện trước mắt Ông.

-Vậy lông nheo trước mắt Ông, Ông có biết mấy cọng không?

Khổng Phu Tử nhìn cháu bé nói:

- Hậu sinh khả úy (Người sau đáng sợ).

 Đức Thánh Khổng Phu Tử nói xong đành quay xe rẽ sang lối khác.

Trí thông minh như Đức Thánh Khổng Phu Tử thế mà còn không trả lời được với những câu hỏi hóc búa của một vị thần đồng phàm phu Hạn Thác, còn một vị Thánh A La Hán trí tuệ vô lậu phi không gian và thời gian thì đó là một thứ trí tuệ không thể nghĩ bàn. Cho nên, kinh sách Phật với trí phàm phu tu hành chưa chứng đạo thì các bạn biết những gì mà bảo rằng Phật dạy không được nói cái sai của người khác, của các hệ phái tôn giáo khác, các bạn giống như người mù rờ voi. Có phải vậy không các bạn?

Kính thưa các bạn! Đức Phật dạy đúng như trên đã nói, nhưng ở đây các bạn lại hiểu sai lầm. “Người tu hành không được nói cái sai của người khác”. Đó là hiểu một cách tổng quát, hiểu như vậy là hiểu sai; hiểu như vậy các bạn sẽ vơ đũa cả nắm cho rằng hễ ai tu hành theo Phật giáo thì không được nói cái sai của người khác. Có đúng như vậy không các bạn?

Ý của đức Phật nói ở đây, là dạy người tu chưa chứng không được nói cái sai của người khác, chứ không phải dạy người tu đã chứng. Các bạn có hiểu chưa?

Người tu chứng có quyền nói những cái sai của mọi người, của kinh sách, của các tôn giáo khác. Nói cái sai đó là để cảnh giác cho mọi người khác để tránh xa những sự tai hại, những sự lừa đảo, lường gạt của kẻ khác.

Cho nên, người tu hành đã chứng đạo thì đức Phật khuyến khích họ dùng trực hạnh như thế nào các bạn có biết không? Đây, các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh”.

“Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”.

 Khi đức Phật chứng đạo xong, Ngài bài bác sạch 62 luận thuyết của ngoại đạo. Ngài đập phá luôn những giới khổ hạnh sai lầm của ngoại đạo và thế giới siêu hình, đập luôn tất cả các vị Thần, Thánh, quỉ, ma, v.v.. của các tôn giáo đa thần khác.

Thưa các bạn! Khi Thầy Thông Lạc tu hành chưa chứng, chưa làm chủ sanh, già bệnh, chết và chưa chấm dứt sanh tử luân hồi thì Thầy Thông Lạc có bao giờ nói hệ phái Phật giáo nào sai đâu. Có đúng như vậy không các bạn?

Khi Thầy Thông Lạc tu chứng đạo, làm chủ được sự sống chết thì Thầy biết rất rõ cái sai của kinh sách phát triển, nó đang lừa đảo lường gạt người. Khiến cho mọi người tu theo nó phải hao tài tốn của và phí biết bao nhiêu công sức, nhưng kết quả của nó chẳng được những lợi ích gì, chỉ uổng phí một đời tu hành, mà đôi khi còn bị điên khùng mất trí.

Vì lòng thương người, vì lời Phật dạy: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh”.Do đó Thầy Thông Lạc mạnh tay đập thẳng những điều sai trong kinh sách phát triển. Vì những giáo pháp này đã cố tình diệt Phật giáo.

Nói thẳng, chỉ thẳng là vì lợi ích cho mọi người, chứ không phải vì lợi ích cho Thầy Thông Lạc. Xin các bạn cảm thông cho. Như vậy, Thầy Thông Lạc có làm sai lời Phật dạy không? Theo Nguyên Thanh nghĩ: Thầy Thông Lạc nói đúng và làm đúng lời Phật dạy.

Còn riêng sự phê phán đúng sai của các bạn, thì xin các bạn hãy đứng trên lập trường công tâm khách quan mà trả lời.

Theo kinh sách Nguyên Thủy thì đức Phật luôn luôn dẹp bỏ những cái sai của Lục Sư ngoại đạo, cả thế giới siêu hình đức Phật còn dẹp luôn và không chấp nhận có thế giới siêu hình.

THAM DANH

Hỏi:Kính thưa Thầy! Vào trang web của Tu Viện Chơn Như, thấy hình của Thầy Thông Lạc. Như vậy Thầy vẫn còn THAMdanh phải không? Chưa bỏ được THAMphải không?

Nếu nói là do học trò quản lý trang web, Thầy không biết chuyện này thì như vậy là Thầy dung túng học trò làm điều sai phải không? Có nên bỏ hình ảnh của Thầy trên trang web không? Như vậy mới là VÔ NGÃtheo lời Phật dạy phải không?

Mới vào trang web đã thấy vẫn còn THAMnên họ ngán ngẫm như bao vị Thầy khác, như vậy có đúng không?

Đáp:Kính thưa các bạn! Để trả lời câu hỏi này Nguyên Thanh xin mời các bạn hãy đọc “Những Lời Phật Dạy”tập 4, qua phần phụ bản các bạn sẽ đọc được những bức thư mà Thầy Thông Lạc đã gửi cho các Phật tử Miền Bắc và nhà Xuất Bản Văn Hóa - Thông Tin, khi họ muốn in hình ảnh và tiểu sử của Thầy Thông Lạc trong những trang đầu của bộ sách “VĂN HÓA PHẬT GIÁO ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT”thì các bạn sẽ rõ Thầy Thông Lạc có tham danh hay không tham danh.

Nói thật, dù các bạn có biết rõ Thầy Thông Lạc như thế nào, nhưng các bạn không đủ duyên với Thầy Thông Lạc thì sự ngán ngẫm của các bạn cũng không bao giờ hết. Phải không các bạn? Khi đã không có duyên, tức là không có thiện cảm với người nào đó. Dù người đó có tốt bao nhiêu thì các bạn cũng thấy người đó xấu, người đó không đúng. Có đúng như vậy không các bạn?

Trong câu hỏi của các bạn có phần góp ý:“Có nên bỏ hình ảnh của Thầy trên trang web không? Như vậy mới là VÔ NGÃtheo lời Phật dạy phải không?”.

Thưa các bạn!Góp ý như vậy không đúng. Vì hiện giờ có nhiều người ở khắp các nước trên hành tinh này cần muốn biết hình ảnh Thầy Thông Lạc như thế nào, mà dám cả gan bài bác Đại Thừa và Thiền Tông như vậy. Vả lại, người đương thời có đầy đủ phương tiện lưu giữ lại hình ảnh của Thầy Thông Lạc mà không giữ được hình ảnh thì những thế hệ ngày mai sẽ trách móc những người đương thời với Thầy Thông Lạc. Vì cảm thông với mọi người ở xa và trách nhiệm lịch sử của loài người nên chúng tôi cho lên trang web chân dung của Thầy Thích Thông Lạc.

Thưa các bạn! Hiện giờ chúng ta muốn biết hình ảnh của một bậc vĩ nhân và ân nhân của nhân loại như đức Phật thì làm sao với con mắt phàm phu của chúng ta thấy được?

Người đồng thời với đức Phật không lưu giữ lại hình ảnh Phật thì ngày giờ này chúng ta có hối tiếc hay trách móc người xưa thì có ích lợi gì. Phải không các bạn?

Cho nên, hiện giờ trách nhiệm của người Phật tử là phải làm những điều này, còn riêng Thầy Thông Lạc thì các bạn hãy đọc những bức tâm thư của Thầy thì sẽ rõ “danh lợi đối với Thầy như nước chảy qua cầu”.

Thưa các bạn! Không phải vì bỏ hình ảnh Thầy trên trang web mà Thầy Thông Lạc VÔ NGÃ, hiểu vô ngã như vậy là các bạn đã hiểu sai, hiểu không đúng lời dạy của đức Phật. Các bạn có biết không?

Tâm ly dục ly ác pháp hay là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ là tâm VÔ NGÃ.

KINH SÁCH LÀ CHIẾC BÈ QUA SÔNG

Hỏi:Kính thưa Thầy! Kinh sách là chiếc bè qua sông, chánh pháp còn phải bỏ huống còn phi pháp.

Đáp:Kính thưa các bạn! Nguyên Thanh xin giới thiệu cùng các bạn. Các bạn nên đọc tập sách thứ tư trong Những Lời Phật Dạy. Thầy Thông Lạc có giảng về vấn đề kinh sách nói về giáo pháp của đức Phật như chiếc bè qua sông. Lời dạy này có đúng là giáo pháp của Phật hay giáo pháp của ngoại đạo. Chiếc bè qua sông và ngón tay chỉ mặt trăng là những giáo pháp của tôn giáo nào? Tại sao trong kinh Nguyên Thủy lại có những câu này và nghĩa nó như thế nào? Có đúng như nghĩa trong kinh sách phát triển mà các Tổ thường dạy không?

Những điều này trong tập bốn đã giải nghi cho các bạn, nhưng các bạn là những người chịu ảnh hưởng của kinh sách phát triển quá sâu đậm, thì dù Thầy Thông Lạc có giảng giải như thế nào để các bạn hiểu cho rõ ràng, nhưng các bạn cũng khó bỏ những tư tưởng đã chịu ảnh hưởng của kinh sách phát triển.

TAM MINH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con Minh Pháp có một số nghi vấn như sau:

1- Người tu theo đạo Phật Nguyên Thủy khi chứng đắc Tam Minh hoàn toàn, chấm dứt sanh tử luân hồi. Duy nhất chỉ có con đường Tam Minh mà thôi. Vậy các Tổ sư Thiền Tông có giải thoát sanh tử luân hồi hay không?

2- Mọi người chưa đắc Tam Minh vẫn còn tái sanh luân hồi mãi mãi.

Đáp: Nguyên Thanh xin trả lời. Đạo Phật chỉ duy nhất có một con đường Giới, Định, Tuệ có nghĩa là từ đức hạnh nhân bản - nhân quả (giới luật), Tứ Thánh Định và Tam Minh ngoài ra không còn có con đường nào khác nữa.

Chân lý thứ tư của Phật giáo đã xác định rõ ràng: Từ Chánh kiến đến Chánh định phải tu tập những pháp môn nào. Sự tu tập này giống như chương trình giáo dục đào tạo của Bộ Giáo Dục Quốc Gia. Vì thế, nó chỉ có một con đường tu học duy nhất mà thôi.

Tổ sư thiền chỉ là một loại thiền vô vi của Lão Trang, thiền này không bao giờ chấm dứt sanh tử luân hồi, nó chỉ xây dựng trên ảo tưởng “Kiến Tánh Thành Phật”, với những lý luận siêu lý luận để lừa đảo những người nhẹ dạ chưa đủ trí sáng suốt. Ngay cả các nhà khoa học vẫn bị lừa đảo bởi cách thức sử dụng những danh từ nhiều ẩn ý khiến cho những người ở góc độ nào cũng suy luận đúng cả. Có thể nói ngôn ngữ Thiền Tông ẩn ý lừa đảo cao hơn sấm Trạng Trình.

Mọi người chưa chứng đắc Tam Minh thì vẫn còn tái sanh luân hồi mãi mãi. Đúng vậy, những ai tu đúng theo Phật giáo thì tâm tham, sân, si giảm lần cho đến năm hạ phần kiết sử diệt. Người tu được như vậy thì không còn tái sanh, nhưng khi chết họ vẫn tiếp tục tu tập bằng tưởng thức của họ. Tu tập như vậy cho đến khi lậu hoặc thật sạch, khi lậu hoặc sạch thì tâm bất động, tâm bất động thì có Tứ Như Ý Túc. Có Tứ Như Ý Túc tức là có Tam Minh, trong Tam Minh có Lậu Tận Minh, khi có Lậu Tận Minh thì mới làm chủ sanh tử và chấm dứt tái sanh luân hồi.

TU VIỆN NUÔI NHIỀU NGƯỜI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tại sao Tu viện nuôi cho nhiều người để làm gì?

Đáp:Nguyên Thanh xin hỏi lại, các bạn vui lòng trả lời nhé! Tại sao trường học cho trẻ con đến trường để làm gì? Các bạn trả lời đi?!

Tu viện nuôi nhiều người là để cho họ tu học đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.

Đó là mục đích của Tu viện nuôi nhiều người để đem lại đạo đức cho con người, xây dựng lại cuộc sống trên thế gian này biến cảnh thế gian thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.

THIỆN LAI TỲ KHEO

Câu hỏi của Tâm Niệm

Hỏi:Vào thời đức Phật còn tại thế, mỗi khi các đệ tử nào, chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh, giới hạnh tròn đầy thì được Phật gọi: “Thiện Lai Tỳ Kheo” tức thì râu tóc của họ tự nhiên rụng, thân hình của họ tự nhiên đắp áo cà sa vàng, đấy có phải là hình thức trao truyền y bát qua thần thông của Phật không? Thầy Chơn Như có thể làm như Phật hay bằng cách nào khác để truyền y bát cho đệ tử của mình.

Mong quý vị giải thích thắc mắc cho tôi được thông suốt.

Đáp: Sau khi đọc những bức thư trên mạng, có những câu hỏi liên hệ đến Thầy Thông Lạc. Nguyên Thanh có đến trình và xin phép Thầy được trả lời cho bạn Tâm Niệm (Kim Ngân).

Thầy Thông Lạc dạy: Nguyên Thanh con hãy trả lời những câu hỏi nào có sự lợi ích chung cho sự tu tập theo Phật giáo Nguyên Thủy, còn những câu hỏi nào có tính cách vấn nạn hơn thua bài bác, chỉ trích lẫn nhau thì nên im lặng như Thánh.

Thưa chị Tâm Niệm! Đọc qua câu hỏi của chị thì theo sự hiểu biết của chị “Thiện Lai Tỳ Kheo” là qua hình thức thần thông (râu tóc tự nhiên rụng, thân hình tự nhiên đắp áo cà sa vàng). Đối với đạo Phật chị hiểu như vậy là sai, không đúng chị ạ!

Chị nên hiểu đúng nghĩa theo bốn chân lý của Phật giáo là râu tóc tượng trưng cho trần cấu, lậu hoặc; áo cà sa vàng tượng trưng cho tâm bất động, vô lậu.

Phần đông mọi người theo Phật giáo mà không hiểu Phật giáo. Không hiểu Phật giáo, vì họ đã chịu ảnh hưởng thần thông của một số hệ phái và các tôn giáo khác khắp nơi trên thế gian này. Hễ khi nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến thần thông. Nhất là Phật giáo do tư tưởng giáo pháp phát triển lồng vào. Theo Nguyên Thanh hiểu Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Vì thế, bốn chân lý của đạo Phật đã xác định rõ ràng, không có nói đến thế giới siêu hình và thần thông chút nào cả.

Thế giới siêu hình và thần thông là một sự hiểu biết qua tưởng tri, chứ không phải liễu tri. Và vì thế nên sự hiểu biết ấy theo chữ nghĩa tưởng tượng ra không cụ thể, nó có vẻ như mơ hồ, trừu tượng và ảo giác, v.v..

Vì thế, nghe nói đến chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh, tròn đầy giới luật và Phật gọi “Thiện Lai Tỳ Kheo”là nghĩ ngay đến thần thông. Có đúng như vậy không các bạn? Ở đây không có nghĩa như vậy, đức Phật gọi: “Thiện Lai Tỳ Kheo”là gọi người đã tu hành xong ba cấp: “Giới, Định, Tuệ”.Ba cấp: “Giới, Định, Tuệ”là ba cấp tu học tâm vô lậu, chứ không phải ba cấp “Giới, Định, Tuệ” là ba pháp môn tu tập để có thần thông (Tam Minh, Lục Thông). Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng có Tam Minh, Lục Thông là có thần thông. Hiểu như vậy là sai không đúng ý nghĩa giải thoát của Phật giáo.

Tam Minh, Lục Thông là một phương pháp để rà soát lại tâm của người tu hành có sạch lậu hoặc hay chưa, chứ không phải có Tam Minh, Lục Thông để làm thầy bói biết chuyện quá khứ vị lai hay làm trò ảo thuật lường gạt người, biến hóa, phóng hào quang, bay trên trời, đi trên mặt nước, độn thổ, đi xuyên qua tường, qua đá, v.v..

Các nhà học giả cứ theo chữ nghĩa nghiên cứu Phật giáo đến những từ Tam Minh, Lục Thông chỉ hiểu nghĩa thần thông nên làm lệch ý nghĩa của kinh sách Phật.

Thưa các bạn! Nếu các bạn muốn nghiên cứu Phật giáo thì xin các bạn đừng bao giờ lìa xa bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

- Chân lý thứ nhất, các bạn thấy “Khổ Đế”dạy sự đau khổ của con người có điều gì mơ hồ trừu tượng không?

- Chân lý thứ hai, các bạn thấy “Tập Đế”là nguyên nhân sinh ra mọi sự đau khổ dạy như vậy có điều gì mơ hồ trừu tượng không?

- Chân lý thứ ba, các bạn thấy “Diệt Đế” là một trạng thái tâm diệt hết mọi sự đau khổ tức là tâm vô lậu, tâm không phóng dật dạy như vậy có điều gì mơ hồ trừu tượng không?

Chân lý này là mục đích của Phật giáo, nhưng nó có nói gì đến Tam Minh Lục Thông không? Hay chỉ dạy cho các bạn tu tập tâm vô dục, tâm vô lậu, tâm bất động.

- Chân lý thứ tư, các bạn thấy “Đạo Đế” là tám lớp và ba cấp tu học của Phật giáo có dạy điều gì thần thông mơ hồ trừu tượng không?

Vậy khi nghe nói đến chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh, giới hạnh tròn đầy và được Phật gọi “Thiện Lai Tỳ Kheo”là râu tóc tự nhiên rụng, thân tự nhiên đắp áo cà sa vàng là các bạn nghĩ ngay thần thông. Sao các bạn không nghĩ một điều khác, giống như chân lý đức Phật đã vạch ra “Diệt Đế”. Diệt Đế là một trạng thái tâm vô lậu hoàn toàn.

Vậy chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh và giới luật tròn đầy là tâm vô lậu. Hiểu như vậy có đúng không các bạn?

Khi tâm đã vô lậu là hình ảnh một vị Thánh Tăng tóc râu rụng sạch và thân đắp áo cà sa vàng, mặc dù người ấy đang là hiện thân của một người cư sĩ không hơn không kém. Chỗ này bạn có hiểu không???

Xin thưa cùng các bạn! Phật không bao giờ truyền y bát bằng thần thông mà đức Phật đưa ra một hình ảnh tâm vô lậu cụ thể rõ ràng như râu tóc rụng, đắp áo cà sa vàng, chỉ vì các bạn không hiểu nghĩa này nên mới có câu hỏi, nếu không hỏi cho ra lẽ thì các bạn sẽ hiểu Phật giáo là một tôn giáo thần thông, chứ không phải là một tôn giáo đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người.

Thầy Thông Lạc cũng có thể làm như Phật, nhưng các bạn đừng nghĩ Thầy Thông Lạc thị hiện thần thông thì không đúng các bạn ạ!

Người nào chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh và tròn đầy giới luật thì Thầy Thông Lạc trao y bát thật sự mà không cần làm lễ truyền giới, chỉ khuyên người ấy nên làm tướng phước điền cho chúng sanh nương tựa.

Thầy Thông Lạc còn truyền y bát một cách khác nữa. Khi thấy biết tất cả các đệ tử của mình, người nào giới luật nghiêm túc, tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì Thầy Thông Lạc mang y bát đến trao cho người ấy chứ không gọi như Phật “Thiện Lai Tỳ Kheo”mà khuyên đệ tử của mình “Hãy vì tất cả chúng sanh mà làm tướng phước điền”.

Thân mến kính chào chị! Chúc chị tu tập và xả tâm tốt.

Kính ghi

Nguyên Thanh

Tu Viện Chơn Như

CÁO LỖI

Xin cáo lỗi cùng quý vị Phật tử. Sau khi đọc lại tập I, II, III Đường Về Xứ Phật, về vấn đề “Hỏi đạo”. Lúc bấy giờ chúng tôi trả lời cho những người đang theo tu học tại tu viện, chứ không có ý định in thành sách, chỉ nghe giảng học để tu, nhưng quý Phật tử rất quý trọng những lời giảng này nên nghe và ghi lại đánh máy in thành sách.

Chúng tôi dự định chương trình sau khi thuyết giảng xong giáo án đường lối tu tập của đạo Phật là chúng tôi ẩn bóng, vì đức Phật đã dạy: “Có danh có lợi thì nên ẩn bóng”.

Sau khi giảng xong giáo án thì chúng tôi nhận được một tài liệu do cháu Trúc, một Phật tử nghe băng và đánh vi tính. Chúng tôi đọc thấy còn nhiều thiếu khuyết nên nhuận lại thành sách nhưng vì muốn thu ngắn thời gian để đi ẩn bóng, chúng tôi nhuận lại ngắn gọn.

Sau khi sách được lưu hành thì chúng tôi nhận được rất nhiều thư của Phật tử gởi đến thưa hỏi về cách thức thực hành 37 phẩm trợ đạo của đạo Phật. Nếu chúng tôi không trả lời mà đi ẩn bóng thì phụ lòng những người có tâm tha thiết cầu đạo với một tâm thành.

Vì thế, sau khi nhuận lại tập 1 làm sáng tỏ đường lối tu tập của Phật giáo, thấy gần 1000 trang giấy, chúng tôi chia làm ba tập. Nếu có ai đã được đọc tập 2 và tập 3 cũ thấy tập 2 và tập 3 mới, tức là tập 2 và tập 3 nhuận lại không giống tập 2, 3 cũ là vì lý do này. Như vậy chúng tôi xin cáo lỗi cùng quý Phật tử.

----&----

 

HẾT TẬP II

MỤC LỤC TẬP II

MỤC LỤC

Lời nói đầu. 5

Bức tâm thư. 51

Lòng thương vô bờ bến của một vị Thầy. 57

Tứ bất hoại tịnh. 73

Niệm Phật75

Niệm Pháp. 86

Niệm Tăng. 88

Niệm Giới91

Tu định hiện tại an lạc trú. 95

Định sáng suốt108

Khi tu xong còn tham, sân, si nữa không?. 113

Phiền não tức bồ đề. 121

Những pháp con ghi ra đã đủ chưa?. 128

I- Định vô lậu câu hữu thân ngũ uẩn. 129

II- Định vô lậu câu hữu Tứ niệm xứ. 137

III- Định vô lậu câu hữu Tứ chánh cần. 150

IV- Định vô lậu câu hữu nhân quả. 152

V- Định vô lậu câu hữu Tứ diệu đế. 155

Chân lý thứ nhất “Khổ Đế”. 156

Chân lý thứ hai “Tập Đế”. 176

Chân lý thứ ba “Diệt Đế”. 198

Chân lý thứ tư “Đạo Đế”. 202

Lớp thứ nhất: “Chánh kiến”. 204

Lớp thứ hai: “Chánh tu duy”. 217

Lớp thứ ba: “Chánh ngữ”. 224

Lớp thứ tư: “Chánh nghiệp”. 227

Lớp thứ năm: “Chánh mạng”. 230

Lớp thứ sáu: “Chánh tinh tấn”. 240

Lớp thứ bảy: “Chánh niệm”. 243

Lớp thứ tám: “Chánh định”. 248

VI- Định vô lậu câu hữu Tứ vô lượng tâm.. 252

VII- Định vô lậu câu hữu Tứ bất hoại tịnh. 254

VIII- Định vô lậu câu hữu Định niệm hơi thở. 256

IX- Định vô lậu câu hữu pháp bất tịnh. 257

X- Định vô lậu câu hữu Thập nhị nhân duyên. 258

Tu bao lâu nữa mới diệt được tầm tứ. 262

làm việc biết làm việc có xả tâm không?. 264

Không chống đối va chạm.. 266

Giáo án quá nhiều, không biết tu pháp nào. 270

Sắc dục. 274

Cứu độ cha mẹ khi đã khuất bóng. 281

Bậc tu chứng khi nhập diệt có dùng tha lực độ chúng sanh không  285

Thế giới siêu hình không có,... 288

Nhập tứ thiền có phải là A la hán không?. 293

Bồ tát quan thế âm.. 298

Chơn tâm.. 301

Tưởng uẩn. 302

Độ người304

Ái kiết sử. 305

Sát sanh mà không tội308

Đệ tử vi phạm nói xấu thầy tổ. 313

Chùa to Phật lớn. 315

Nhục thân. 321

Văn thù sư lợi323

Am thất325

Giáo trình tu tập bát chánh đạo. 327

Thần thông. 329

Hãy cảnh giác thần thông. 331

Tịnh chỉ hơi thở. 337

Không được nói người khác là sai344

Tham danh. 349

Khi kinh sách là chiếc bè qua sông. 352

Tam minh. 353

Tu viện nuôi nhiều người355

Thiện lai tỳ kheo. 356

Cáo lỗi363



GIỚI THIỆU SÁCH

1.      Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011)

2.      Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011)

3.      Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011)

4.      Đạo đức làm người (Tập I, II...)

5.      Cẩm nang tu Phật (Hai tập)

6.      Thiền căn bản

7.      Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm

8.      Những chặng đường tu học của người cư sĩ

9.      Thời khóa tu tập trong thời đức Phật

10.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III)

11.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...)

       12.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới:      Đạo Đức Gia Đình (Tập I...)

13.  Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II)

14.  Giơi đức Thánh Tăng, Thánh Ni

15.  Định niệm hơi thở

16.  Phật giáo có đường lối riêng biệt

17.  Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18.  Nghi thức thọ trai

19.  Những lời tâm huyết...

20.  Mười hai cửa vào đạo (2009)

21.  Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009)

22.  Lòng yêu thương (2009)

23.  Linh hồn không có (2010 quý I)

24.  Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25.  Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010)

26.  Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010)

27.  Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010)

28.  Linh hồn không có – tái bản lần I (2010 quý IV)

29.  Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30.  Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31.  Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32.  Sống mười điều lành (2011)

 

 

Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.chonnhu.net http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.



PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP II”

-       Phật tử Hà Nội

-       Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

-       Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

-       Phật tử Bắc Ninh

-       Phật tử Quảng Ninh

-       Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

-       Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

-       Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

-       Phật tử Phú Yên

-       Phật tử Đà Nẵng

-       Phật tử Huế Thừa Thiên

-       Phật tử Ninh Thuận

-       Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

-       Phật tử Bình Phước

-       Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

-       Phật tử TP Hồ Chí Minh

-       Phật tử Đồng Nai

-       Phật tử Cần Thơ

-       Phật tử Đồng Tháp

-       Phật tử Châu Đốc, An Giang

-       Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

-       Phật tử Long An

-       Phật tử Tây Ninh

-       Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

-       Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

-       Phật tử Kiên Giang

-       Phật tử Cà Mau, Nam Căn

-       Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

-       Phật tử Phước Hải, Long Đất

-       Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

-       Phật tử Củ Chi, Gia Định

-       Phật tử Bình Dương

-       Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

-       Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

-       Phật tử Cẩm Giang

-       Phật tử Phước Hiệp

-       Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

-       Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀXỨPHẬT - TẬP II

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 3)

Đường Về Xứ Phật (tập 3)

GIỚI LUẬT

 

Giới luật như chiếc chìa khóa để mở cửa thiền định, người tu sĩ cũng như người cư sĩ  tu tập thiền định mà không giữ gìn giới luật thì không bao giờ bước vào cửa thiền định được. Thiền định của Phật giáo chỉ giành cho những người giới luật nghiêm chỉnh. Xin các bạn lưu ý!

LỜI NÓI ĐẦU

Đường Về Xứ Phật tập 3 ra đời sẽ chỉ thẳng cho quý vị biết rất rõ về thế giới siêu hình mà từ xưa cho đến ngày nay, con người trên hành tinh này từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc và tất cả các tôn giáo khác có mặt trên hành tinh này, ngoại trừ Phật giáo ra, đều chấp nhận có thế giới siêu hình. Thế giới siêu hình có thật hay không? Xin thưa quý bạn hãy đọc Đường Về Xứ Phật tập ba thì sẽ rõ.

Về vấn đề giải quyết thế giới siêu hình là một vấn đề nan giải của loài người, vì từ xưa cho đến ngày nay, nhất là khoa học hiện đại đang truy tìm để xác chứng có hay là không có, nhưng các nhà khoa học hiện giờ đều điên đầu với những hiện tượng siêu hình mà không thể lý giải chứng minh bằng khoa học được.

Chúng tôi là những hành giả của đạo Phật, lấy giới luật và giáo pháp của đức Phật làm hành trang và vũ khí để tiến bước vào tâm linh của mình, nói cách khác cho dễ hiểu hơn là chúng tôi dùng giới luật và giáo pháp của đức Phật điều khiển và khai mở thân ngũ uẩn. Khi khai mở thân ngũ uẩn tức là khai mở bộ óc của con người, khai mở bộ óc của con người tức là khám phá thế giới linh hồn của người chết.

Thưa quý vị, thân ngũ uẩn là một bộ máy rất tinh vi mà tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều phải chấp nhận. Vì khoa học chưa có thể sáng tạo ra con người thật con người được, nhất là về phần tâm linh.

Khoa học hiện đại đã phát minh ra bộ máy vi tính tuyệt vời làm việc đa năng, nhưng sánh với bộ máy thân ngũ uẩn của con người thì nó còn kém quá xa, vì máy vi tính không có phần tình cảm thương, yêu, ghét, giận, hờn, phiền não, khổ đau v.v..Nếu khoa học chịu khó không ngừng tiến triển thì chắc chắn bộ máy vi tính sẽ thay thế não bộ của con người để khám phá bộ não của con người, thì chừng đó thế giới linh hồn của người chết mới lý giải và minh chứng được sự thật thế giới siêu hình là không có.

Ngày xưa, ông Galilé bảo rằng quả đất tròn, thì Giáo Hội La Mã cho rằng ông nói sai, vì Thiên Chúa bảo rằng quả đất  vuông, cho nên ông bị kết tội tử hình. Ngày nay khoa học đã xác minh đúng là quả đất tròn thì mọi người ai cũng đều thương tiếc ông. (Nhưng có thuyết cho rằng ông Galilé bảo trái đất đi quanh mặt trời ngược lại kinh thánh Thiên Chúa cho rằng Mặt trời đi quanh trái đất).

Cách đây 2545 năm, có một người Ấn Độ tên là Sĩ Đạt Ta (đức Phật) bảo rằng: “Thế giới siêu hình không có, nó chỉ là một thế giới tưởng (tưởng tri) mà thôi. Cho đến ngày nay người ta cũng vẫn không tin lời nói này.

Khi đức Phật tu tập xong và cảm nhận bộ máy thân ngũ uẩn thật là vi diệu và tuyệt vời, Ngài đã điều khiển nó bắt gặp các tần số âm thanh, sắc tướng và tất cả những hành động của những sự việc đã qua của những người chết còn lưu lại trong không gian. Bất kỳ thời gian quá khứ nào Ngài cũng bắt gặp lại được dễ dàng, những danh từ trong thời Ngài được gọi, đó là “Túc Mạng Minh”.

Những hình ảnh, âm thanh và những hành động đã qua của con người còn giữ lại trong không gian này bất kỳ nơi đâu, khi điều khiển thân ngũ uẩn, nó đều bắt gặp các tần số hình ảnh và âm thanh một cách dễ dàng, danh từ trong thời Đức Phật gọi đó là “ Thiên Nhãn Minh”.

Khi Đức Phật tu xong, Ngài truy tìm con người từ đâu sanh ra? Với chiếc máy thân ngũ uẩn Ngài đã điều khiển và tìm thấy được nguyên nhân sanh ra con người đó là “nghiệp lực nhân quả" mà danh từ trong thời Đức Phật gọi là “Lậu Tận Minh”.

Sau khi chứng đạt chân lí xong Ngài dùng bộ máy thân ngũ uẩn truy tìm linh hồn con người tái sanh nơi đâu? Nhưng Ngài không bắt gặp linh hồn mà lại bắt gặp nghiệp lực nhân quả tái sanh luân hồi. Do đó trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản Ngài quả quyết xác định thế giới siêu hình và hữu hình không có thật, chỉ là tưởng tri của con người dựng lên. Do sự dựng lên và chấp chặt mà loài người phải chịu khổ đau từ đời này sang đời khác; do sự dựng lên và chấp chặt con người đã đánh mất đạo đức làm người. Vì con người tin và nghĩ rằng: “Trong cuộc sống hiện hữu của họ còn có thế giới vô hình ngự trị,gia hộ bảo bọc cho họ(Dù cho tạo tội như núi cả. Diệu pháp Liên Hoa tụng mấy hàng). Vì tư tưởng dựa lưng vào Thần Thánh biến dần họ trở thành những ác thú và còn hơn thế nữa,họ là những ác quỷ. Hiện nay có một số người dựa lưng vào thế giới siêu hình khủng bố, giết hại người vô tội thật đáng thương.

Vì thế,Đức Phật nói sáu cõi luân hồi tức là nói sáu đẳng cấp sống của muôn loài vạn vật trên hành tinh này,trong đó có con người, vì con người được xem như một loài động vật.

Nói đến cõi Trời tức là nói đến hành động thiện của con người, chứ không phải nói đến thế giới siêu hình, vì thế Đức Phật nói: “Ta đến cõi Phạm Thiên như duỗi  cánh tay”. Lời nói này chúng ta phải hiểu đó là một trạng thái, một từ trường thiện hay ác, dục hay vô dục.

Bởi vậy,Niết Bàn là một chân lý có thật, vì thế trong Tứ Thánh Đế, Diệt Đế là Niết Bàn, Niết Bàn là một trạng thái tâm diệt dục, chứ không có cõi giới Niết Bàn như các nhà Đại Thừa tưởng, vẽ ra và dựng lên nhiều cõi như: Nhị chủng Niết Bàn, Tứ Chủng Niết Bàn, Ngũ chủng Niết Bàn, v.v..

- Nhị Chủng Niết Bàn gồm có:

1- Hữu dư Niết Bàn

2- Vô dư Niết Bàn

- Tứ Chủng Niết Bàn gồm có:

1- Bản lai tự tính thanh tịnh Niết Bàn.

2- Hữu dư y Niết Bàn.

3- Vô dư y Niết Bàn.

4- Vô trụ xứ Niết Bàn.

- Ngũ Chủng Niết Bàn gồm có:

1- Cõi dục giới là nơi chứng quả mà mến mộ là Niết Bàn phàm phu thứ nhất.

2- Mến mộ tính vô ái của Sơ Thiền là Niết Bàn phàm phu thứ hai.

3- Mến mộ tâm vô khổ Nhị Thiền là Niết Bàn phàm phu thứ ba.

4- Mến mộ sự cực duyệt của Tam Thiền là Niết Bàn phàm phu thứ tư.

5- Mến mộ sự khổ lạc đều quên của Tứ Thiền là Niết Bàn phàm phu thứ năm.

Bởi vậy mùi vị giải thoát chỉ có một, chứ không hai, nó cũng giống như nước biển chỉ duy nhất có một mùi vị mặn mà thôi,nhưng các Tổ sau này bày vẽ và chia chẻ Niết Bàn ra nhiều loại để lừa đảo mọi người rằng mình cũng chứng trong những trạng thái Niết Bàn.

 Làm sao bốn trạng thái Bốn Thiền là bốn Niết Bàn được, trong khi kinh sách Phật đã xác định rõ ràng: “Bốn trạng thái Tứ Thánh Định là bốn trạng thái cõi Trời” như:

1- Sơ Thiền Thiên

2- Nhị Thiền Thiên

3- Tam Thiền Thiên

4- Tứ Thiền Thiên

Thật sự các nhà học giả phát triểncó nhiều ý thâm độc ác để đánh lừa Phật tử bằng nhiều cảnh giới Niết Bàn để biến dần trạng thái Niết Bàn thành cõi giới siêu hình Niết Bàn.

Trong kinh Duy Ma Cật,khi Thiên nữ rải hoa tán thán pháp môn bất nhị thì hàng Bồ Tát như: Ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Chí, Quan Âm thì hoa không dính,còn ngược lại hàng Thanh Văn như: Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, A Na Luật đều bị hoa dính đầy áo, đó là một việc làm của các Tổ soạn viết kinh sách phát triểnvới thâm ý hạ bệ các vị đại đệ tử của đức Phật, để làm sống lại thế giới siêu hình mà đã bị đức Phật  bóp chết từ khi đạo Phật có mặt trên hành tinh này.

Các vị đại đệ tử của Phật là một chứng cứ trạng thái Niết Bàn hiện tại trong cuộc sống hằng ngày và đến khi nhập diệt trạng thái đó vẫn không sai khác.

Vì có một chứng cứ cụ thể như vậy cho nên thế giới siêu hình bị diệt mất, thế giới siêu hình bị diệt mất thì các tôn giáo trên hành tinh này không còn đất đứng, có nghĩa là không còn lừa đảo ai được nữa.

Hiểu biết rất rõ điều này nên các giáo sĩ Bà La Môn thừa nước đục thả câu, tức là thừa lúc Phật giáo không có người tu chứng, nên soạn viết kinh sách lồng vào giáo pháp của Phật để biến tu sĩ Phật giáo thành các tu sĩ Bà La Môn mà không hay biết, các tu sĩ này cứ ngỡ tưởng mình là tu sĩ Phật giáo. Chúng tôi nói đến đây quý vị cứ suy ngẫm có đúng vậy không? Nếu đúng thì quý vị tin, còn không thì quý vị xem như đây là chúng tôi chưa từng nói những lời này.

Người ta hạ bệ các vị đại đệ tử của đức Phật bằng nhiều cách, trên đây là một cách trong kinh Duy Ma Cật và các kinh khác còn rất nhiều.

Như quý vị đã biết,giới luật của Phật là dạy sống trong những hành động đạo đức làm Người, làm Thánh. Ánh sáng đạo đức của Phật giáo như ánh hào quang khiến cho người đời đều tôn kính và quý trọng.

Vì thế,đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu các Thầy giữ gìn giới luật nghiêm túc thì hàng cư sĩ Phật tử sẽ trải tóc cho các Thầy đi trên đó”.Thời nào cũng vậy con người ai cũng quý trọng và tôn kính đạo đức, chỉ có những tu sĩ phạm giới, phá giới sống bừa bãi, ăn uống ngủ nghỉ phi thời, thường có những hành động vô đạo đức, nên mới lý luận phá giới luật của Phật, nhất là dựa vào những lời thêm bớt của các Tổ trong kinh sách, lấy cớ là Phật thuyết để mặc tình theo đó sống phóng dật chạy theo dục, thọ hưởng lạc thế gian mà các nhà học giả gọi đó là hợp thời.

Giới luật của Phật khiến cho hàng bạch y (cư sĩ) quá kính trọng. Vì thế, các giáo sĩ Bà La Môn ganh tị, muốn diệt giới luật của Phật, nên khi đức Phật tịch thì họ lồng thêm vào những lời di chúc của đức Phật bằng câu kinh rất phi lý: “Này Ananda từ nay trở đi cho phép các Tỳ kheo tùy nghi bỏ các giới nhỏnhặt.Lời dạy này thật là phi lý, giới luật của Phật là những hành động đạo đức giải thoát cho mình cho người, thì có giới luật nhỏ nhặt nào phải bỏ, chỉ có những tu sĩ phóng dật chạy theo dục lạc thế gian,tham ăn tham ngủ mới dựa vào những lời di chúc giả mạo của Bà La Môn mà ngang nhiên sống phạm giới phá giới luật.

Người tu sĩ cũng như cư sĩ đệ tử của Phật sống mà không giới luật hay nói cách khác là khi thọ giới luật mà luôn lúc nào cũng sống phạm giới, phá giới thì làm đệ tử của Phật làm gì ? Thà là đừng quy y Tam Bảo, đừng xuất gia, đã quy y Tam Bảo và xuất gia mà giới luật vi phạm thì thử hỏi quý vị còn tu pháp môn gì của đạo Phật mà gọi là đạo Phật?

 Như đức Phật đã dạy: “Giới luật là trí tuệ, trí tuệ là giới luật”,đó là đức Phật nói đạo đức không làm khổ mình,khổ người. Ngài dạy tiếp: “Ta nói giới luật là nói tâm ly dục ly ác pháp, Ta nói tâm ly dục ly ác pháp, đó là Ta nói thiền định”.Cho nên, “Ta nói giới luật là nói tâm không phóng dật, Ta nói tâm không phóng dật đó là Ta nói Niết Bàn”.Do đó,trước giờ phút lâm chung đức Phật di chúc: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.Như vậy,đức Phật thành đạo không phải là do giới luật hay sao? Vậy mà tu theo đạo Phật,giới luật không nghiêm túc thì tu theo để làm gì? Có ích lợi gì? Có giải thoát gì đâu?

Giới luật là một pháp môn sống đúng, tu tập đúng là con người có đạo đức, có trí tuệ, có thiền định và có sự giải thoát ngay liền như những lời trên đức Phật đã xác định.

Nhìn lại sự tu tập của quý vị, quý vị có thấy mình tu hành đúng hay không? Đúng sao quý vị không nếm được mùi giải thoát? Mùi vị giải thoát của đạo Phật như thế nào?

Sống không làm khổ mình,khổ người là giải thoát; sống ly dục ly ác pháp là giải thoát; sống tâm không phóng dật là giải thoát. Những sự giải thoát trên đây không phải do giới luật mà có hay sao?

Thế mà thời nay người ta tu hành chỉ biết Thiền, Mật, Tịnh mà không biết giới luật thì tu hành như vậy không thể nào đúng đạo Phật được. Người tu hành có giới luật là người có đạo đức, người có đạo đức  thì không chấp nhận thế giới siêu hình,vì thế giới siêu hình là thế giới phi đạo đức. Nếu tất cả tín đồ của Phật giáo đều sống đúng đạo đức thì có cần gì phải cầu khẩn, phải cúng tế những ông Thần, ông Thánh tưởng tượng đó.

Người đệ tử của Phật sống đúng giới luật thì còn ai lừa đảo họ được, vì giới luật là trí tuệ “Giới luật ở đâu trí tuệ ở đó”, chỉ vì tín đồ Phật Giáo sống không đúng giới luật, do sống không đúng giới luật nên ngu si không trí tuệ, mê muội bị ngoại đạo lừa đảo. Đến giờ này họ còn chưa thức tỉnh, chưa biết đâu là nẻo chánh nẻo tà, luôn luôn không thấy Thầy Tổ của họ sống không đúng giới luật, sống không trí tuệ, đang sống trong cảnh giới mơ hồ ảo tưởng (bùa chú thần thông, Phật tánh ảo tưởng, Cực Lạc Thiên Đường mơ hồ).

Tập 3 Đường Về Xứ Phật ,Thầy sẽ cố gắng làm sáng tỏ để mọi người hiểu biết rằng thế giới siêu hình không có, tuy rằng Thầy đã nhiều lần giải thích, nhưng có một số người quá cố chấp (kiến chấp theo kiểu tà kiến kinh sách phát triển) theo ngôn ngữ kinh sách phát triển mà không hiểu ý Phật .

Những gì chúng tôi nói ở đây là một sự cố gắng làm sáng tỏ mọi vấn đề để đem lại sự lợi ích và giúp cho mọi người thoát khổ, sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình,khổ người. Đạo Phật đến với mọi người là như thế, một sự an vui hạnh phúc thực tế và cụ thể không có mơ hồ, trừu tượng, ảo giác chút nào cả.

Bước thứ nhất chúng ta đã đạt được, thì bước thứ hai đâu có khó khăn gì. Đức Phật đã nói: “Khi tâm định tỉnh, nhu nhuyễn  dễ sử dụng thì nhập định không có khó khăn, không mệt nhọc, không có phí sức”.

Ở đây tâm định tỉnh và nhu nhuyễn  như thế nào? Tâm định tỉnh, nhu nhuyễn  là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm sống đúng giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả. Nhờ giới luật nghiêm túc không phạm nên nhập định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, chứ không như các pháp môn khác, tu tập thiền định mãi mà chẳng nhập được thiền định gì cả chỉ rơi vào trạng thái tưởng mà thôi. Cuối cùng thì chẳng có làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi được.

Nếu cuộc đời tu hành mà sống không đúng giới luật thì đừng đi tu, dù đi tu cũng chẳng ích lợi gì, chỉ phí uổng một đời mà thôi.

Đi tu mà phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới là những người diệt Phật giáo, phá nền đạo đức của Phật giáo, những người có tội lớn với nhân loại. Ngày mai lịch sử sẽ ghi và kết án những người phá hoại nền đạo đức này.

Những gì trong tập sách này, chúng tôi đã nói ra có gì còn sơ sót,không vừa ý xin quý vị vui lòng suy ngẫm lại và sẵn lòng bỏ qua cho, chúng tôi rất biết ơn.

               Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

   Ngày 20 tháng 3 năm 2001

PHÁP HƯỚNG TÂM

Câu hỏi của Huệ Ân

Hỏi:Kính thưa Thầy, theo lời cô Út Diệu Quang đã dạy con, phải dùng pháp hướng tịnh chỉ thân bệnh, con đã nghe lời và tin ở cô. Khi đau nhức bất cứ chỗ nào trong thân con đều hướng tâm ám thị một hai lần làm cơn đau giảm thấy rõ ràng và hết đau. Con thấy pháp hướng tâm cô Út Diệu Quang dạy rất hay và xin Thầy chỉ dạy thêm cho con được rõ?

Đáp: Pháp môn Phật dạy, pháp nào cũng đều có hiệu quả tốt, nhưng do ở lòng tin và sự siêng năng tập luyện chuyên cần là thấy kết quả, cho nên trong kinh thường dạy: “Pháp là cụ thể thiết thực không có thời gian”.Nếu đặt trọn lòng tin ở pháp đó mà nỗ lực tu tập thì có kết quả thấy được ngay liền. Và kết quả đó là giúp cho các con có lòng tin không lay chuyển, người tu tập không kết quả lòng tin lần lần biến mất, mà hễ lòng tin biến mất thì tâm thối chuyển, tâm thối chuyển thì dễ bị lọt vào tà pháp, dễ bị người khác lừa đảo.

Vì thế, trong kinh sách của đạo Phật, khi bắt đầu thực hành thì đức Phật thường nhắc nhở “Tín lực” là trên hết. Tín lực là lòng tin mạnh mẽ để người tu sẽ đạt được đạo, người không có lòng tin thì tu chẳng kết quả tốt. Trong Ngũ Lực, Tín lực là pháp tu hàng đầu, nếu không đặt trọn lòng tin ở giáo pháp của Phật thì sự tu hành trở thành vô ích chẳng có kết quả gì, có lòng tin thì mới cố gắng tu tập, không có lòng tin thì tu cho có hình thức, chứ không có kết quả nữa.

Ví dụ: Như hiện giờ quý Thầy nương theo Thầy tu hành, trong khi đó tâm quý Thầy khởi nghi về Thầy một điều gì như: “Thầy dạy như vậy không biết Thầy có tu chứng hay không? Sao không thấy Thầy thể hiện thần thông? Sao không thấy Thầy ngồi thiền nhập định một hai tháng cho mình xem, hoặc tịnh chỉ hơi thở để mình tin thiền định đó có đúng như kinh đã dạy không ???”

Khi đã có tâm nghi như vậy, dù quý Thầy có ở đây nỗ lực tu hành cũng không có kết quả gì. Tại sao vậy?

Tại vì mục đích tu hành của quý thầy không phải cầu giải thoát mà cầu thần thông, cầu thiền định, cầu được sanh về Cực Lạc, Thiên Đàng, Niết Bàn.

Như Đức Phật đã xác định: “Mục đích của Đạo Ta không phải chỗ giới luật, không phải chỗ thiền định, không phải chỗ trí tuệ, không phải chỗ thần thông v.v.. mà chỗ bất động tâm”.

Khi chúng ta tu hành theo Đạo Phật mà không xác định đúng vị trí và mục đích của đạo Phật thì chúng ta tu tập sẽ rơi vào ngoại đạo. Người ta thường mong muốn một vị Thầy phải thị hiện thần thông phép lạ thì người ta mới tu hành theo, bằng ngược lại người ta bỏ đi. Vì thế, đức Phật đã trả lời cho một vị Tỳ Kheo: “Ta có bao giờ bảo ngươi theo Ta tu hành thì Ta thể hiện thần thông cho ngươi xem chăng? Các ngươi có tu hành thì các ngươi được giải thoát, còn không tu hành thì các người phải chịu khổ đau, chứ có lợi ích gì cho Ta mà Ta phải dụ dỗ các ngươi bằng thần thông”. Lấy thần thông dụ dỗ các ngươi tu hành là dẫn dắt các ngươi đi vào tà đạo; lấy thần thông dụ dỗ các ngươi tu hành là tạo tâm tham đắm của các ngươi càng to lớn và nhiều hơn, như vậy là đã đi sai đường của Phật giáo rồi.

Người nào đến với Thầy mà tâm không tha thiết tu tập cầu giải thoát, mà chỉ biết tu tập cầu thần thông thì người ấy sẽ không sống chung với Thầy lâu dài. Tại sao vậy?

Tại vì Thầy đến với đạo Phật là đến với sự cầu tu tập cho được tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Tại vì Thầy đến với đạo Phật là cầu tu tập sống được một đời sống không làm khổ mình, khổ người, chứ không phải đến với đạo Phật cầu cơm ăn áo mặc hoặc danh lợi chùa to Phật lớn.

Tại vì Thầy đến với đạo Phật là cầu tu tập cho được một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, chứ không phải cầu thiền định, thần thông và trí tuệ siêu việt.

Vì thế, lòng tin nơi đạo Phật là tin nơi đạo đức nhân bản của Phật, chúng Thánh Tăng và Thánh Ni. Và tin nơi giáo pháp dạy toàn thiện của đức Phật. Do lòng tin ấy mà sự tu tập của chúng ta có kết quả ngay liền như con đã trình bày trên.

Quý Thầy nghi ngờ vị Thầy dạy mình tu tập, thì lòng tin của quý Thầy đã bị đánh mất rồi. Lòng tin mất là tu không có kết quả. Chỉ vì mục đích và hướng tu của quý Thầy nhắm vào thần thông, chứ không phải mục đích và hướng tu vào sự giải thoát, cũng như các cô bên nữ khi còn lòng tin và kính trọng nơi cô Diệu Quang, lúc các cô bị cô Út Diệu Quang đập thì tâm các con dễ buông xả, dễ thanh thản, an lạc hơn, thấy tâm mình giải thoát rõ ràng. Còn khi mất niềm tin và không còn kính trọng cô Út Diệu Quang nữa thì lúc bị cô đập thì các cô và các con dễ bị tức giận và đau khổ, rồi sanh ra thù hận, ghét cay ghét đắng. Vì thế, lấy kinh nghiệm tu hành nơi bản thân của mình thì thấu rõ.

 “Lòng tin là quan trọng đệ nhất trên bước đường tu hành”, thiếu lòng tin thì dù pháp có mầu nhiệm cũng thành dở phải không hỡi các con?

Tại sao cũng một pháp môn hướng tâm như lý tác ý, mà có người tu có kết quả tốt, mà lại có người tu không kết quả, đó là như thế nào? Có hai nguyên nhân:

1- Người nghe pháp môn như lý tác ý mà có lòng tin rất sâu, tin không gì lay chuyển được lòng họ, đó là trường hợp của con, trường hợp này là vì đời trước con có tu pháp như lý tác ý rồi nên đã có một thời gian huân nó, bây giờ tu tập trở lại, và vì vậy mà nó có hiệu quả ngay tức thời.

2- Người nghe pháp môn như lý tác ý, cũng tin mà tin chưa sâu, cũng tập tu, nhưng tập tu lấy lệ, tu tập không có bền chí, không có cố gắng, không có ráng sức, không có quyết chí, không có gan dạ liều sống chết với pháp môn này nên không có hiệu quả. Vả lại kiếp trước không có huân tu, chỉ có hiện tại trong kiếp này mà thôi.

Người tu sĩ và người cư sĩ muốn ly dục ly ác pháp, để tâm mình được an vui, thanh thản và vô sự, thì phải đặt trọn lòng tin ở người Thiện hữu tri thức thân cận, nếu không đặt trọn niềm tin ấy, người tu sĩ và người cư sĩ tu hành khó có kết quả. Các con cứ thử nghĩ, nếu không tin người hướng dẫn mình, mà cứ tu hành theo người đó thì có kết quả gì? Mất công sức và mất thì giờ vô ích.

Người Thiện hữu tri thức thân cận, họ luôn để ý đến mình, biết mình tu sai, tu đúng để chỉ bảo thêm, vì hàng ngày họ tiếp duyên với mình, họ đều có gợi ý thử thách, để xem mình tu đến đâu, mà tìm cách chỉ dạy buông xả cho hết tâm phiền não, đau khổ. Mình không đặt niềm tin ở họ, thì mình tu không giải thoát và phải chịu lấy mọi sự đau khổ, chứ đâu phải mình tu đem lại ích lợi cho họ, mình tu tập đúng thì có giải thoát mình nhờ, còn tu sai mình phải gánh chịu hậu quả, chứ người hướng dẫn có lợi ích chỗ nào đâu?

Con đã đặt trọn lòng tin ở cô Út nên tu tập có hiệu quả rất cụ thể. Con cũng có nhân duyên với cô Út, ngay từ khi cô Út dạy đâu con tu đó, đó là do lòng tin chân thật không còn nghi ngờ. Cũng như gần đây, cô Út dạy con tu tập hơi thở, tùy theo mức, con thấy thân con được an lạc và tâm con buông xả không còn lo lắng cho mấy đứa con nhiều nữa.

Ở đây, Hải Tâm (Mười) cũng có lòng tin ở cô Út, nó xả tâm rất tốt, theo cô Út dạy về Định Niệm Hơi Thở, nghe theo lời dạy của cô Út, nó không tăng thời gian, vì thế, sức tỉnh thức cao dễ điều khiển pháp hướng tâm đi sâu vào định tỉnh xả tâm mà không bị tưởng ma, có nghĩa tỉnh thức trong niệm thiện ác, nhờ đó mà tâm có ly dục và ly ác pháp nên không bị tưởng ma quấy phá.

Tuy ở đây, Hải Tâm chưa xả sạch hoàn toàn nhưng về xả tâm và hơi thở nó đã tu có đúng cách, nếu nó tiếp tục cố gắng tu tập và gìn giữ giới luật nghiêm chỉnh nhất là hạnh ăn, hạnh ngủ, hạnh độc cư thì sẽ tốt hơn nhiều. Tu tập như vậy không mất thời giờ mà kết quả giải thoát sẽ không còn lâu nữa. Nhưng phải nhớ kỹ, càng tu cao thì ma chướng càng nhiều, càng tu cao thì sự đổ vỡ càng dễ dàng, nên phải đề phòng cẩn thận, nhất là hạnh độc cư phòng hộ sáu căn.

Qua những câu hỏi đạo của Hải Tâm chứng tỏ nó đã biết cách tu đúng theo sự hướng dẫn của cô Út Diệu Quang và rút ra được nhiều kinh nghiệm bản thân xả tâm của mình, nhưng phải lưu ý điều này, sự xả tâm phải được xả tận cùng, xả cho đến khi nào tâm không còn phóng dật thì mới có an ổn được, nếu tâm còn phóng dật thì nên đề cao cảnh giác, chứ đừng lơi lỏng mà hỏng chân, thất bại và có thể bỏ cuộc, cuối cùng không còn tu tập được gì cả.

Vì chính không xả tâm tham, sân, si được thì bị ức chế tâm và ức chế tâm thì rất khổ đau, nên phải tu tập đi đến tận cùng con đường giải thoát, đừng tu tập bỏ lỡ giữa đường.

Trên bước đường tu tập theo đạo Phật, mỗi hành giả đều phải có những kinh nghiệm riêng tư, rút ra từ bản thân trau dồi rèn luyện thân tâm của mình, nhờ đó mới có thể đi đến kết quả giải thoát hoàn toàn làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Con hãy cố gắng thực hành cho đúng lời dạy của Thầy và thường trao đổi thưa hỏi pháp tu thì thời gian còn lại của đời con không quá trễ. Các con của con cũng đã tự lo lấy đời sống tu hành của nó. Con đừng bận tâm luôn luôn tập tu định vô lậu để đoạn trừ tất cả ái kiết sử, thì con mới đạt được sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Con đừng bận tâm lo cho các cháu, hiện giờ chúng nó đang theo Thầy tu tập, Thầy xem chúng nó như những đứa con thân thương của mình, Thầy không bao giờ bỏ chúng nó, con hãy yên tâm mà lo tu hành cho đến ngày chết mà vẫn giữ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Nhờ đó, luôn luôn con cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là trạng thái mà chư Phật sau khi bỏ thân này đều ở nơi đó. Nếu con giữ được tâm ấy, khi chết con sẽ gặp chư Phật và Thầy.

Con hãy nghe lời Thầy dạy mà cố gắng đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp của con thì tâm con sẽ thành tựu tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Chỉ cần hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tâm con đạt được trạng thái như vậy là con đã tu xong rồi, đó là tâm con đã chứng đạt chân lí, tâm con sẽ không còn phóng dật. Con hãy nghe đức Phật nhắc nhở chúng ta trong lời dạy cuối cùng trước khi nhập Niết Bàn: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”,con hãy ghi khắc và nhớ mãi câu này đừng quên con ạ! Thầy chúc con thành công trên đường về xứ Phật.

THÚ CHƠI HOA KIỂNG

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tánh con ưa thích chơi hoa kiểng, biết đó là sai nhưng sao con không dừng được? Thưa Thầy có phải tại con thiếu nghị lực không?

Đáp:  Đúng vậy, biết việc làm đó sai mà không bỏ được là thiếu nghị lực.

Người nghiện rượu biết rượu là chất độc, làm hại đến cơ thể, sanh ra bệnh tật nhưng không bỏ được là người thiếu nghị lực, thiếu sức kiên trì, bền chí và nhất là vô minh không trí tuệ minh mẫn. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn, đó là người ngu si, biết khổ đau mà không chịu bỏ để chịu khổ đau, đó là người ngu dại số một.

Một người bỏ hết cuộc đời đi tu theo đạo Phật mà không bỏ được chuyện nhỏ nhặt như vậy thì đi tu theo đạo Phật chẳng có ích lợi gì cả, cũng như chúng ta đi tu theo đạo Phật biết tham, sân, si là ác pháp là khổ đau mà không chịu bỏ cứ ôm ấp trong lòng, để mang cái địa ngục khổ đau đó mãi mãi. Biết độc cư là bí quyết tu thiền định mà cứ đi nói chuyện với người này và đến nói chuyện với người khác, không chịu bỏ đó là người không có nghị lực, người không có nghị lực làm gì tu thiền định được, làm gì đi theo con của đường giải thoát của Phật giáo được. Biết nói chuyện là sanh ra nhiều chuyện, nhiều chuyện thì sanh ra phiền toái, phiền toái thì sanh ra nhiều đau khổ. Và như vậy tu theo đạo Phật mà không bỏ được những lỗi lầm sai trái thì có ích lợi gì cho mình thà đừng đi tu còn hơn.

Những người thích nói chuyện là những người không xứng đáng là đệ tử của Phật, ngoài đời người ưa đem chuyện người này nói cho người khác biết hoặc đem chuyện người khác nói cho người này biết là những người không tốt, người ác, người nhiều chuyện, chúng ta là những người tu theo đạo Phật thì hãy tránh xa những hạng người này, họ là những loại vi trùng độc sẽ giết chúng ta trên đường đạo.

Chuyện chơi hoa kiểng cũng vậy, đó là một trò tiêu khiển làm vui cho người già, nhưng họ là những người ngu si, không muốn mình là người vô sự, người thanh thản và an lạc mà biến họ trở thành người nô lệ cho hoa kiểng. Đối với đạo Phật đó là một người vô minh ngu si không biết tìm sự giải thoát an lạc mà chỉ làm khổ mình mà không biết còn lại làm khổ cây kiểng nữa.

Chơi hoa kiểng là một việc làm rất tội lỗi. Một cây kia đang sống tự do nơi lòng đất, rễ chúng đang tự do muốn đi hướng nào cũng được. Đó là một sự sống hồn nhiên của những loài thảo mộc. Thế mà người ta đào gốc nó lên, rồi đem trồng trong một chiếc chậu cũng giống như ta nhốt một con chim trong lồng, con cá trong lu. Chúng chỉ còn là một vật làm đẹp mắt cho chúng ta xem chơi, chứ đời chúng không còn ý nghĩa gì cả. Chúng ta nhốt chúng trong chậu để làm đẹp mắt cho ta mà cả một đời đau khổ của chúng.

Người tu hành theo đạo Phật tâm từ bi của chúng ta há nỡ đành lòng nào nhìn cảnh cá chậu chim lồng sao? Mọi vật đều phải có quyền sống bình đẳng như nhau và hồn nhiên trong môi trường sống thiên nhiên. Không ai có quyền làm mất sự sống bình đẳng hồn nhiên của muôn loài vạn vật khác phải không hỡi các con?

Vì sự sống của ta, ta không thể không ăn uống, nhưng ăn uống ta phải có lòng yêu thương muôn loài, trong ăn uống càng cố gắng tiết kiệm sự khổ đau, sự chết chóc của muôn loài vạn vật, đó là để thể hiện lòng thương yêu đúng ý nghĩa của đạo đức nhân bản – nhân quả làm người.

Vì thế trò chơi cây kiểng là một thú vui tao nhã của con người từ xưa đến nay, nhưng xét cho tận cùng thì thú vui ấy là một điều làm tội lỗi, vì có sự khổ đau nào bằng thân cá chậu chim lồng, một cây kiểng được trồng trong chậu, cũng giống như chúng ta thân như bị tù tội, bị giam cầm trong ngục tù phải không hỡi các con?

Ví dụ: Hiện giờ con đang sống tự do, muốn đi Đông, đi Tây, đi Nam, đi Bắc thì mặc tình, bỗng nhiên có người bắt con giam vào trong bốn vách tường thì con có khổ đau buồn rầu không? Mặc dù họ cho con ăn đầy đủ.

Nếu con thấy đó là một sự đau khổ chân thật, thì con không nên chơi cây kiểng nữa con ạ! Có vui đẹp gì đâu khi mà loài cây bị giam cầm trong chậu và có sung sướng gì đâu khi mà con phải mất thì giờ quý báu để chăm sóc bón phân tưới nước phải không hỡi con? Bởi vậy, khi nào được rảnh rang Thầy sẽ giải phóng những cây kiểng mà cô Diệu Quang đã mua đem về, giải phóng là trả cho nó trở về thiên nhiên với đất trời, nó sẽ có một sự sống hồn nhiên trong muôn loài vạn vật khác, nó sẽ có hạnh phúc vô cùng trong môi trường sống thân thương.

Một người tu theo đạo Phật lấy cuộc sống bình đẳng tự do của muôn loài không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh làm cuộc sống của mình thì hạnh phúc biết bao phải không hỡi con ?

CHẲNG THƯƠNG, CHẲNG GHÉT

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thật sự tâm con chẳng ghét bỏ ai, hễ ai làm sai quấy, không đúng kỷ luật của tu viện cũng như phạm những lỗi trong giới luật của Phật hoặc có ý chán nản tu hành, con báo cho cô Diệu Quang biết, để hướng dẫn họ tu tập tốt, nhưng qua rồi tâm con bị trạo hối và tự hỏi lại thân tâm, mình đã tốt trọn vẹn chưa mà lại đi vạch lỗi người? Bản thân mình có làm đúng như lời Thầy dạy chưa mà góp ý kiến giúp đỡ người khác?

Thưa Thầy, những việc này đã làm tâm con trạo hối, và muốn làm cho tâm không trạo hối con phải làm sao?

Đáp:Muốn phá tâm trạo hối, con phải dùng trí tuệ tri kiến giải thoát, muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát thì phải dùng Định Vô Lậu quán xét, tức là đặt niệm trạo hối trước mặt quán xét và tư duy cho thấu suốt:

1- Nếu người đó không phạm kỷ luật của tu viện, không phạm vào giới luật Phật mà vì lòng ganh tị nhỏ mọn một việc gì đó mà con vu khống cho bạn, đó là con trạo hối về tội lỗi.

2- Nếu bạn của con tu hành đúng cách theo lời dạy của Thầy hoặc cô Diệu Quang mà con đặt điều nói xấu bạn để Thầy và cô Út rầy mắng bạn, thì đó là con trạo hối về tội lỗi mà con đã gây ra.

3- Người bạn đó tu hành tốt được nhiều kết quả, Thầy khen. Nếu con đặt điều nói xấu cho bạn con phạm kỷ luật tu hành như thế này, thế khác. Khi người này bị rầy oan ức thì tâm con bị trạo hối. Sự trạo hối này là sự trạo hối chân chánh, vì thế con phải dùng pháp tự sám hối hoặc phát lồ sám hối:

1 - Tự sám hối, con quỳ trước tượng Phật phát lồ những điều làm sai, vu khống bạn, xin đức Phật chứng minh từ đây về sau con xin từ bỏ không tái phạm lỗi này nữa.

2- Phát lồ sám hối, con đến trước một vị Thầy thanh tịnh giới luật tỏ bày những lỗi lầm của mình, xin Thầy chứng minh cho con sám hối, từ đây con xin chừa bỏ, quyết tâm không tái phạm lại nữa.

Nếu con có phạm kỷ luật hoặc lầm lỗi những điều gì, thì đều đến xin phát lồ sám hối thì con sẽ không còn trạo hối.

Nếu bạn con phạm kỷ luật, tu hành không đúng cách, không chịu xả tâm, khởi tâm nghĩ ác pháp, tự tạo mình khổ không giải thoát luôn luôn phiền não, bất toại nguyện, hoặc lười biếng, tu chơi, ngủ li bì hoặc làm động người khác, thích nói chuyện tào lao, hoặc thích làm Thầy dạy người khác tu hành. Con đem những việc này trình lại Thầy hoặc cô Diệu Quang để kịp thời ngăn chặn và hướng dẫn bạn con tu hành cho tốt lại.

Điều này, con không có lỗi gì cả mà phải trạo hối. Tất cả tu sĩ và cư sĩ trong tu viện đều phải giúp đỡ lẫn nhau, bằng cách khiến cho bạn mình phải tu tốt, tu đúng, mặc dù hiện tại bạn mình bị cảnh cáo hay bị phạt hoặc bị đuổi, con cũng vẫn không có lỗi, “một con sâu làm rầu nồi canh” nếu một người bạn xấu sẽ làm xấu tất cả. Một người không tu được sẽ làm cho nhiều người không tu được, một người tu sai sẽ làm cho nhiều người đều tu sai.

Những điều con đã làm, là điều làm tốt, giúp cho mọi người trong tu viện bạn con và con đều tu hành càng ngày càng tốt hơn. Ngược lại, con che giấu những lỗi lầm đó, tu viện mỗi ngày một tệ hơn, các bạn con và chính con sẽ xem thường kỷ luật tu viện. Đó là sự thương hại không đúng cách mà con đã tự hại mình, hại người không thấy, không trạo hối.

Còn bây giờ con bị trạo hối là vì con thấy bạn con bị phạt hoặc bị đuổi, bị cô Út la rầy mà con không thấy lợi ích về sau đối với bạn con cũng như cả tu viện.

Con sẽ tư duy và quan sát cái nào thiện, cái nào ác, một ông Thầy giáo đánh học trò là muốn cho học trò nên người tốt hơn là ghét nó, đánh học trò không có nghĩa là ông thầy giáo ghét học trò, mà thương học trò muốn cho nó nên người tốt, người giỏi. Cô Út cũng vậy, nhân quả của cô và các con là để các con xả tâm “tâm như cục đất”. Còn những người bản ngã ác to lớn thì làm sao tu theo đạo Phật được. Đạo Phật là đạo vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp. Vì thế, họ phải đành ra đi, dù có nuông chiều họ, nhỏ nhẹ với họ thì họ cũng không tu hành được gì cả. Người gặp ác pháp mà tâm  phiền não sân hận khởi lên mà không khắc phục được thì đi tu chẳng ích lợi gì. Đạo Phật là đạo diệt ngã ác, xả tâm ác thế mà họ không diệt ngã, xả tâm thì họ tu cái gì? Thiền định gì? Chẳng qua là một lớp áo hình thức tu hành mà thôi. Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo, uổng phí một đời người.

Khi quán xét như vậy, con đã thấu rõ được việc con làm là thương chứ không phải ghét, là thiện chứ không phải ác thì con đâu còn trạo hối nữa, mặc dù bây giờ con sẽ bị người khác nói con xấu bằng cách này hoặc bằng cách khác. Cũng như Thầy vì muốn độ người khác được an vui hạnh phúc chân thật, thì mang tiếng mình là người ác, người dữ. Ai không biết “ngọt mật chết ruồi” nhưng tu theo đạo Phật như vậy có thật chân giải thoát không? Hay chỉ là trốn chạy sự đau khổ của cuộc đời?

Những điều con làm tốt, làm thiện cho mình cho người mà bạn bè gắn cho mình những danh từ “bất hảo” thì con nên lấy đó mà xả tâm mình và vui vẻ chờ thời gian trả lời ai là người bất hảo.

Đến khi họ đã được giải thoát, xả được tâm, ly được dục thì họ biết ơn con chừng nào.

Trên đời tốt xấu có gì đâu, chỉ do tâm mình mà thôi! Mình cứ làm tốt thì mọi việc tốt sẽ đến với mình, mình làm xấu mà mong việc tốt thì không thể được.

Thánh phàm không thể nhìn tướng bên ngoài mà xác định được, Thánh phàm là phải tự người đó thể hiện qua thân hành, khẩu hành, ý hành thì thấy rõ ràng, chứ người khác khó mà đánh giá trị được. Thánh phàm không thể lấy thần thông, bùa chú và ngồi thiền nhập định mà gọi là Thánh phàm. Chỉ người nào tâm hết tham, sân, si là Thánh, còn có tâm tham, sân, si thì không phải Thánh, là phàm phu, đó là Phật giáo đã xác định như vậy.

Mình biết xả tâm mình, làm tốt cho người khác tu hành được giải thoát, đó là sự an vui, hạnh phúc giải thoát cho chính mình.

Do sự tu tập không đúng pháp độc cư, không đúng cách phòng hộ sáu căn, không đúng pháp môn ngăn ác, diệt ác pháp nên dẫn đến chỗ kết bè, kết bạn, chia phe, chia nhóm. Cũng từ đó muôn pháp ác sanh ra, khiến cho cuộc sống của người tu sĩ và người cư sĩ giống như cuộc sống thế gian, cũng danh lợi, cũng hơn thua, ganh tị, cũng tham lam, trộm cắp, v.v.. không khác gì như ở ngoài đời và còn tệ hơn nữa là mặc chiếc áo cà sa, bôi nhọ Phật Giáo.

Mỗi một tu sĩ cũng như cư sĩ là mỗi thành viên trong đại gia đình Phật giáo đều phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ Phật giáo, bất luận kẻ nào dù là H.T, T.T, Đ.Đ Tăng, Ni cho đến chú Sa Di, Sa Di Ni phạm giới, phá giới đều được quyền cảnh cáo và đuổi ra khỏi cổng chùa, nếu những người phạm giới, phá giới mà không chịu ra khỏi cổng chùa thì mọi người cư sĩ không cúng dường và không đến chùa đó nữa.

Có như vậy thì Phật giáo mới hưng thịnh và nhờ vậy thì Phật giáo mới không còn ai dám nghi ngờ và khinh chê.

Cũng như con hiện giờ dám nói ra những lỗi lầm của chị em khác, để kịp thời sửa sai, khiến cho chị em trở thành những bậc chân tu chân chánh trong đạo Phật. Mỗi lần có nói ra khi thấy chị em bị la rầy, bị phạt có khi bị đuổi thì con lại trạo hối, tâm con bất an mà con không thấy việc làm của con là đúng, là vì Phật Pháp, là vì những người tu hành giải thoát. Bởi vì việc làm của con là việc làm đem lại sự lợi ích rất lớn cho bạn con, cho con và cho Phật giáo. Tại sao vậy?

Vì để những con sâu mọt này trong Phật giáo sẽ khiến cho các con không tu tập được và mọi người cũng không tu tập được.

Những người hay nói chuyện, kết bè, kết bạn, tụ năm, tụ ba là những người xấu những người không tốt. Người tu hành theo Phật giáo, các con cần nên tránh xa những hạng người này, những hạng người này là ác tri thức.

Những người nhiều chuyện, lắm mồm là những người không thể tu theo con đường của đạo Phật được, biết mình là người nhiều chuyện, lắm mồm thì đừng có vào chùa tu hành mà làm tội cho những người khác không tu hành được và làm cho Phật Pháp suy đồi thì mang tội rất lớn.

Nếu thấy khả năng mình sống độc cư được thì vào chùa mà tu tập, còn thấy sống độc cư  không được thì đừng vào chùa, vì vào chùa sẽ sinh ra rối loạn trong chùa thì rất tội nghiệp.

Tóm lại, những việc làm của con là tốt, đâu có gì con phải trạo hối chỉ trừ con nói xấu người khác được mà con không giữ gìn được thì đó mới là sự trạo hối. Mới là sự đáng trách, mới là đáng khinh chê và đáng phỉ nhổ vào mặt con.

Nói người mà con giữ gìn đúng, không hề vi phạm những lỗi lầm, đó chính con mới là người xứng đáng trong đại gia đình Phật giáo, con mới là người đệ tử thân cận của Phật, con mới là người đáng tin cậy của Thầy và cô Diệu Quang.

CÁCH THỨC GOM TÂM

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Lúc này con gom tâm rất chậm từ 10' đến 15' mới gom được là tại sao?

Đáp:Gom tâm chậm là pháp hướng tâm còn yếu, tỉnh thức chưa cao và chưa biết cách thức gom tâm.

Cách thức gom tâm cũng không khó khăn gì lắm, nhưng phải thường xuyên tu tập những cách sau đây:

1- Phải thường xuyên đi kinh hành, phải biết đi kinh hành đúng pháp môn, đúng cách đi kinh hành, làm mọi việc phải biết làm mọi việc, hoặc ngồi tại chỗ biết ngồi tại chỗ, trong lúc ấy thường hướng tâm nhắc: “Tâm phải gom về thân hành, thân làm cái gì thì tâm phải biết làm cái nấy, không được phóng dật ra ngoài, không được đi lang thang, không được nghe ngóng, phải gom về thân hành cho thật chặt”. Con nên tu tập tỉnh thức bằng pháp hướng này thì kết quả con gom tâm rất nhanh.

2- Con nên theo phương pháp thở hơi thở chậm này để gom tâm. Trước khi thở hơi thở chậm con hướng tâm: “Tâm phải tập trung vào hơi thở tại nhân trung”, hướng tâm xong con hít vô chậm chậm cho đến khi không còn hít vô được thì con bắt đầu thở ra và thở ra cũng chậm chậm cho đến khi hết thở ra được, thì con thở trở lại hơi thở bình thường, sau khi mười hơi thở bình thường con đã thở xong thì con thở trở lại hơi thở chậm chậm và nhẹ, trước khi thở hơi thở chậm chậm thì con lại hướng tâm một lần. Cứ như thế mà con tu đến 30' thì xả nghỉ.

Tóm lại, khi dùng hơi thở chậm thì con gom tâm rất dễ dàng, không còn khó khăn. Nếu 10 hơi thở con thấy sức gom tâm còn yếu thì con nên tu năm hơi thở bình thường và một hơi thở chậm, khi nào tâm con gom được thì con chỉ thở hơi thở bình thường mà không cần thở hơi thở chậm và nhẹ nữa.

Con nên cố gắng tu tập, rồi báo cáo cho Thầy biết để chỉnh đốn lại cho đúng, khi tu tập đúng là có kết quả ngay liền, còn ngược lại có trạng thái nặng đầu, căng mặt thì con hãy ngưng sự tu tập và hỏi lại Thầy để tu tập cho đúng đặc tướng. Chúc con tu tập tốt và thành công.

TÂM BUNG RA HOẶC RƠI VÀO VÔ KÝ

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:  Kính thưa Thầy! Con gom tâm yên lặng chỉ 15' hoặc 20' thì tâm con lại bung ra hoặc rơi vào vô ký. Thưa Thầy có cách nào an trú trong yên lặng và đừng để rơi vào vô ký không?

Đáp:Định diệt tầm giữ tứ con tu chưa được thuần thục, phải tu trở lại, luôn luôn phải giữ tứ trong câu pháp hướng: “Tâm phải gom trong hơi thở, hơi thở chậm và nhẹ”, trong khi ngồi tu con luôn nhắc câu trên đây, không cần đếm. Tu như vậy tâm sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký.

Còn một cách khác nữa là tâm con sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký, con hãy đứng dậy ngay liền đi kinh hành 20 bước và ngồi xuống đếm năm hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước, cứ thế tiếp tục tu tập mãi cho hết giờ xả nghỉ.

Tu như vậy con nên ghi nhớ trong mọi hành động khi ngồi, khi thở, khi đứng dậy, khi đi kinh hành và khi hướng tâm con không được quên, nếu thấy mệt thì tu ít giờ trở lại, không được tu tập quá sức.

Còn một cách nữa là lúc nào con cũng đẩy lui các ác pháp trên thân thọ, tâm và pháp của con thì tâm con tự gom vào hơi thở nên không có khó khăn, không có mệt nhọc. Đó là tâm không phóng dật.

Có tu như vậy tâm con sẽ không bị bung ra và không rơi vào vô ký; tu như vậy sẽ có một sức tỉnh thức đầy đủ để xả tâm và tâm định tỉnh luôn ở trong chánh niệm tỉnh giác. Vì thế, không có dục và các ác pháp tác động vào thân tâm con được.

HÔN TRẦM VÀ LƯỜI BIẾNG

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Bị hôn trầm và lười biếng con phải phá như thế nào?

Đáp:Gặp bệnh này con phải hết sức chiến đấu với nó, biết có trạng thái muốn nằm ngủ thì không nên ngồi mà phải đứng dậy đi kinh hành liền không được chậm trễ, vì chậm trễ lười biếng sẽ lôi con nằm xuống và tâm con sẽ có những lý luận rất tinh vi, để lôi con nằm hoặc ngồi tu, rồi ngủ.

Gặp bệnh này:

1- Con phải hướng tâm nơi bước chân đi và tác ý to tiếng: “Tâm phải luôn tập trung vào bước chân đi, không được xao lãng”.

2- Tìm một bài kệ, một câu thơ thường nhắc đến sự chết và tất cả sự vô thường đau khổ của thân người để cảnh giác. Từ đó con quán xét đường tu hành của con hiện giờ tu hành chưa đến đâu mà lỡ vô thường nhân quả đến thì lấy gì tiếp tục tu đây. Mất thân rồi biết còn có được thân sau nữa hay không? Khi tư duy như vậy rồi con lại đem thân ra suy nghĩ kế tiếp về nghĩa lý vô lậu hoặc về thân vô thường, bất tịnh, vô ngã và đau khổ.

Hoặc nhớ lại người cha thân yêu của mình đã mất, mình phải siêng năng tinh tấn tu tập để tìm thấy cha mình sanh về đâu.

Tốt nhất muốn phá tâm hôn trầm thùy miên và lười biếng thì con nên đi kinh hành 20 bước rồi lại ngồi tu 5 hơi thở, cứ tu tập như vậy mãi chừng nào hết hôn trầm thùy miên và lười biếng thì mới thôi, tu 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành là phương pháp phá và diệt sạch hôn trầm tuyệt vời. Các con nên cố gắng tu tập thì sẽ chiến thắng trong tay. Nếu hôn trầm thùy miên quá nặng thì mỗi bước đi thì mỗi tác ý to tiếng kèm theo như truyền lệnh: “Chân mặt bước! Chân trái bước!!!!”. Cứ mỗi lệnh là một hành động làm theo đúng lệnh. Lệnh truyền như tiếng thét. Có tu tập như vậy con mới phá được hôn trầm, vì hôn trầm rất khó phá. Đừng để gục rồi mới đi kinh hành là quá trễ, vừa thấy dạng hôn trầm là đứng dậy ngay liền, chiến đấu liền, không được xem thường nó. Ngay từ lúc đầu phải chiến đấu tận lực thì mới mong thắng được nó. Hôn trầm thùy miên là trạng thái tâm si của con vì vậy nó rất khó trị. Tu hành thường bị nó cản trở nên rất khó dẹp, phải bền chí kiên cường, giờ giấc phải nghiêm chỉnh. Lúc nào cũng đề cao cảnh giác trạng thái lười biếng, hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v..

DIỆT TẦM

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Làm cách nào để diệt được tầm hết hẳn, không còn trở tới trở lui nữa?

Đáp:Muốn diệt được tầm hết hẳn trong thời gian 30' hoặc 1 giờ thì tu “định diệt tầm giữ tứ”. Lâu lâu tầm vẫn còn tái diễn là tu định diệt tầm chưa thuần.

Định diệt tầm[1] chưa thuần mà vội xả tứ[2] nó có hai trường hợp xảy ra:

1- Tầm không dứt, thường tái diễn trở lại.

2- Tầm chưa dứt sạch mà bỏ tứ thường xảy ra vô ký.

Muốn diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền mà Sơ Thiền chưa nhập được thì làm sao diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền. Bởi vì Nhị Thiền là bắt đầu thân định. Trong pháp tu hành về thiền định, tâm chưa định mà thân định thì không bao giờ có được, họa may có định cũng chỉ là định tưởng mà thôi.

Định ly dục ly ác pháp chưa nhập được mà lo tu tập định diệt tầm tứ thì đó chỉ là mơ mộng mà thôi.

Một người nhập được chánh định thì người ấy phải sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả, bởi từ giới luật thanh tịnh nó mới có đủ Tứ Thần Túc. Có đủ Tứ Thần Túc thì mới diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền. Cho nên, giới luật không thanh tịnh thì không bao giờ nhập Sơ Thiền được huống là Nhị Thiền.

Tại sao các con không diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền?

Tại vì tâm các con chưa ly dục ly ác pháp, nói cách khác cho dễ hiểu hơn, tại vì các con còn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, tâm chưa thanh tịnh giới.

Lấy giới luật mà xét thì biết người nào nhập định và không nhập định rất rõ ràng và cụ thể, dù cho họ có ngồi thiền một hai ba ngày hoặc bảy tám ngày thì đó là thiền tưởng, tà thiền, chứ không phải là chánh định của Đạo Phật.

Khi tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp xong thì người này tu định diệt tầm giữ tứ, tức là khi tâm họ không còn phóng dật thì họ tìm nơi gốc cây bóng mát nơi vắng vẻ, nơi không có người lai vãng, họ ngồi kiết già lưng thẳng và khi tâm họ bắt đầu an lạc thanh thản và vô sự thì họ dùng pháp hướng tâm: “Tâm phải diệt tầm” đến khi ta thấy tầm không còn nữa, nghĩa là ta còn thấy rõ bốn chi thiền của Sơ Thiền: tứ hỷ, lạc và nhất tâm thì lúc bây giờ chúng ta mới tu định diệt tầm tứ… như trên Thầy đã dạy.

Phần đông người tu thiền thời nay, tu chưa xong lớp thiền này thì vội tu lớp thiền khác, tu như vậy là tu sai không có lớp lang, tu lộn xộn, tu theo kiến giải tưởng giải của người xưa, v.v..

Khi tu tập Tứ Niệm Xứ, bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp được sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Tứ Thần Túc xuất hiện thì dùng ngay Định Thần Túc nhập các định không còn khó khăn, mệt nhọc, không còn phí sức tu tập, nhập định dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi.



[1] - Tầm là sự suy tư nghĩ ngợi một điều gì

[2] - Tứ là tác ý, khởi niệm

BUỒN CHÁN

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Làm sao ngăn chặn được tâm buồn chán?

Đáp:Buồn chán là một trạng thái bi quan. Buồn chán là một trạng thái ngao ngán cho một sự việc mình đang làm mà gặp thất bại. Muốn hết buồn chán con nên tìm hiểu tâm con đang buồn chán cái gì?

Khi đã rõ sự việc buồn chán con đặt niệm đó tư duy quán xét theo như cách tu “Định Vô Lậu”.

Nên trao đổi tâm niệm buồn chán với một Thiện hữu tri thức thân thương, người ấy sẽ giúp xả tâm niệm đó.

Buồn chán là một trạng thái khổ đau, nó là ác pháp. Người tu hành theo Đạo Phật nhất định không để tâm buồn chán và tìm mọi cách đẩy lui nó ra khỏi tâm, giúp cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Vì lời dạy của Đức Phật luôn luôn phải: “Ngăn ác, diệt ác pháp”. Buồn chán là một ác pháp, ác pháp này rất độc nó có thể khiến con đi đến tự tử. Tự tử để không còn buồn chán, nhưng sự thật nó không phải vậy. Bởi vì tự tử gây ra một tội lỗi rất lớn, tội giết người. Người chết trong tự tử là người chết trong đau khổ, chết trong đau khổ là chết trong địa ngục có nghĩa là người này bỏ thân này tiếp nối thân khác ngay liền đều gặp thân đau khổ và còn đau khổ hơn trong kiếp này nữa.

Vì vậy, buồn chán là một ác pháp tối độc hại, người tu theo đạo Phật phải đề cao cảnh giác đừng để tâm buồn chán, vừa thấy tâm hơi buồn là chúng ta đã hóa giải nó ngay liền.

Trên đường tu hành theo đạo Phật “chúng ta nên tu tập để nhàm chán đời sống thế gian, chứ không nên buồn chán”, vì nhàm chán khác với buồn chán, buồn chán là vì không thỏa mãn được lòng ham muốn, còn nhàm chán có nghĩa là đã từng trải đời, thấy đời là một sự khổ đau chân thật không có gì vui chỉ là một chuỗi dài thời gian toàn là sự vô thường và khổ đau.

Cho nên, buồn chán là một ác pháp cần phải diệt, còn nhàm chán là một diệu pháp giúp chúng ta thoát ra khỏi cuộc đời đầy sóng gió, ba đào.

Người tu hành theo Phật giáo mà để tâm buồn chán là người ngu si ôm ác pháp trong tâm để rồi tự giết mình trong ác pháp, chết trong ác pháp ấy, người như vậy không xứng đáng là đệ tử của Phật. Người đệ tử của Phật lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là hạnh phúc nhất trần gian.

MUỐN XẢ NHỮNG LỖI LẦM

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người lầm lỗi tại đây, hoặc ra đi thì phải chịu nhân quả đó. Nhưng muốn vượt qua, làm chủ được những nhân quả này, thì phải thường xuyên tu tập những pháp môn gì?

Đáp: Nhân quả do tâm tạo ra tội lỗi (nhất thiết do tâm tạo). Muốn chấm dứt nhân quả tội lỗi thì phải diệt ngã xả tâm, muốn diệt ngã xả tâm thì phải tu Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác...

Do diệt ngã xả tâm, nên nhân quả không tác dụng được tâm, vì thế gọi là vượt qua hay làm chủ nhân quả.

Khi đã làm lỗi ở đây, mà quyết tâm ở đây để xả tâm bằng cách tự răn nhắc tâm mình không lầm lỗi nữa hoặc phát lồ sám hối với một vị Thầy tâm đầy đủ thanh tịnh và hứa khả cố gắng giữ gìn không cho vi phạm những lỗi lầm đó nữa, đó là sự diệt ngã xả tâm. Còn đi nơi khác để tu tập xả tâm thì đó là một sự tránh né và sự tránh né tức là nuôi ngã và các ác pháp. Do đó, tội lỗi càng lớn mạnh hơn.

Tóm lại, muốn vượt qua nhân quả tội lỗi này thì điều thứ nhất là phải tự giác sám hối và hứa khả với tâm mình là phải từ bỏ những lỗi lầm mình đã gây ra không còn tái phạm lại nữa.

Điều thứ hai là đến trước một vị Thầy giới đức thanh tịnh, nghĩa là vị Thầy đó không hề vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào cả, phát lồ tất cả những lỗi lầm của mình và nhờ vị ấy chứng minh cho mình sám hối những lỗi lầm và hứa khả từ đây mình không còn tái phạm những lỗi lầm đó nữa.

Có sám hối những lỗi lầm đúng cách như vậy thì những tội lỗi mới được hóa giải, tâm hồn mới thanh thản, an lạc và vô sự.

Pháp Phật vi diệu và đặc biệt dù bất cứ ở nơi đâu mà đã làm tội lỗi thì chỉ có tự mình sám hối ăn năn chừa cải, hoặc bằng cách phải phát lồ với một vị Thầy thanh tịnh giới đức thì tội lỗi mới được hóa giải.

TU ĐỊNH VÔ LẬU TRONG TẤT CẢ HÀNH ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Từ nay con tu tập Định Vô Lậu nhiều hơn, có khi ngay cả trong giờ làm việc và cả giờ tối tu Định Niệm Hơi Thở có được không thưa Thầy?

Đáp:Được, càng tu tập Định Vô Lậu càng xả tâm nhanh chóng, càng thấy kết quả nhanh hơn:

1- Thân được an vui, thanh thản.

2- Tâm bất động như cục đất trước các đối tượng.

3- Tâm được chánh định, không rơi vào tà định (tưởng định).

4- Pháp hướng có hiệu quả và hiệu quả mầu nhiệm siêu việt lạ lùng.

Nhưng có một điều con cần lưu ý tất cả pháp hành trong Phật Giáo đều nhắm vào một mục đích duy nhất là vô lậu. Vậy lúc nào tu Định Vô Lậu để quán vô lậu; lúc nào tu Định Niệm Hơi Thở để quán vô lậu; lúc nào đi kinh hành để quán vô lậu; lúc nào làm việc để quán vô lậu; lúc nào tu Định Niệm Hơi Thở để tác ý vô lậu; lúc nào đi kinh hành để tác ý vô lậu, lúc nào làm việc để tác ý vô lậu, đó là những điều cần thiết vừa đủ để tu tập tâm vô lậu nhưng phải rất thiện xảo và phải luôn nhớ đừng quên, đây là cốt lõi trên đường tu tập giải thoát của đạo Phật.

Đọc trong thư con, thì sự hiểu biết của con về Phật pháp chỉ mới trang bị cho sự bắt đầu những điều chân chánh để tu tập, nhưng còn áp dụng vào cuộc sống thì lại là một điều khác.

Muốn có kết quả giải thoát thân tâm thì phải:

1- Thường xuyên thưa hỏi mọi tâm niệm xảy ra của mình để được thông suốt và hóa giải do người thiện hữu trí thức thân cận.

2- Phải siêng năng tu tập chánh niệm tỉnh giác trong tất cả mọi hành động và trong tất cả việc làm, không chỉ riêng tu Định Niệm Hơi Thở, mà còn phải tu luôn cả Định Vô Lậu. Nhưng phải lưu ý tỉnh giác không phải chỉ biết có tỉnh giác trong thân hành niệm nội và ngoại mà còn phải tỉnh giác trong chánh niệm, tức là biết hành động của thân, khẩu, ý của mình đang làm việc gì thiện hay ác. Lại còn phải biết các pháp bên ngoài thiện hay ác để ngăn chặn và diệt, còn thiện pháp thì tăng trưởng. Có như vậy mới được gọi là tỉnh giác trong chánh niệm của cuộc sống.

3- Siêng năng tu tập Định Vô Lậu, quán xét tư duy về đời sống là khổ, lòng ham muốn là khổ, nhân quả là khổ, ái dục là khổ, sân hận là khổ, nhớ thương là khổ. Thân, thọ, tâm, pháp vô thường bất tịnh là khổ, thực phẩm bất tịnh thường ăn vào sinh ra bệnh tật, ái dục bất tịnh sinh ra dục lạc khiến tâm mê mờ tạo nhiều ác nghiệp là khổ v.v.. Quán tưởng nhàm chán cuộc sống thế gian là khổ, vì vui đó rồi lại khổ đó, khổ đó rồi lại vui. Cuộc sống của con người giống như một vở tuồng trên sân khấu, không có gì bảo đảm.

4- Phải dứt khoát xả tâm cho thật sạch (tâm như cục đất) thì mới mong có sự thanh thản, an lạc và vô sự.

Đó chỉ là mới có sự bắt đầu cho một cuộc sống biết tu hành, chứ chưa phải là thấm nhuần sự giải thoát. Cho nên “hiểu biết chỉ là một sự mới bắt đầu tỉnh thức cho một điều kiện nhân quả thiện để chuyển đổi nhân quả ác”.

CÓ SỰ ĐIỀU KHIỂN TRONG HƠI THỞ LÀ CHƯA NHẬP ĐỊNH

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi hơi thở thật nhẹ, rất thông và dài, nhưng cũng có sự điều khiển phải không thưa Thầy?

Đáp:Khi hơi thở thông nhẹ và dài mà còn có sự điều khiển bằng pháp hướng hoặc bằng sự vận dụng thì đó là đang tập tu nhiếp tâm, chứ không phải nhập định. Nhất là đang tu định diệt tầm giữ tứ thì mọi sự điều khiển và sự hướng tâm là rất cần thiết cho định này.

Hơi thở nhẹ, dài và thông suốt, phải coi chừng hơi thở này là hơi thở tưởng, tức là tưởng tức, khi có tưởng tức xuất hiện ngay liền thì có trạng thái khinh an. Đó là do công phu ức chế tâm mà rơi vào trạng thái của định tưởng.

Khi gặp hơi thở này thì chúng ta cố nhớ tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” hay “Quán tâm như đất tôi biết tôi hít vô, quán tâm như đất tôi biết tôi thở ra” hay “Tâm hãy ly dục ly ác pháp bất động tâm”

Nhờ có tác ý như vậy mà phá được tưởng thức, và đồng thời có lợi lạc rất lớn là xả được tâm ác, lìa tham, sân, si là tâm có năng lực không tham, sân, si, năng lực không tham, sân, si là năng lực của tâm thanh tịnh, năng lực tâm thanh tịnh tức là phương tiện điều khiển thân tâm nhập các loại định sau này.

TRẠNG THÁI AN ỔN KHÔNG CÓ LIÊN TỤC

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi hơi thở bắt đầu quá nhẹ, đi vào trạng thái an ổn thì khoảng 5' bung ra, khi bung ra khoảng 5', 10' mới an ổn trở lại. Kính thưa Thầy! Như vậy làm cách nào để nó được an ổn luôn luôn?

Đáp:Khi đã bắt đầu đi vào trạng thái an ổn, chỉ trong thời gian ngắn, không thể kéo dài ra được có ba trường hợp:

1- Xả tứ quá sớm.

2- Sức tỉnh thức chưa đủ để xả tâm có nghĩa là sự tỉnh thức chưa đủ để sống trong chánh niệm.

3- Lậu hoặc chưa sạch.

Đó là thiếu thiện xảo an trú trong an ổn, có người được 5' hoặc 10'. Có người được 30' lại có người được 1 giờ cho đến 3, 4 giờ lại bung ra.

Muốn được an trú kéo dài thời gian an ổn đó (yên lặng) thì phải tu tập các định:

1- Định diệt tầm giữ tứ.

2- Định chánh niệm tỉnh giác.

3- Định vô lậu quét sạch lậu hoặc.

Nếu không tu ba loại định này cho thuần thục thì trạng thái an ổn kia chỉ là một xúc tưởng hỷ lạc sẽ đưa hành giả vào một loại định tưởng (tà định) hoặc lúc có lúc không và trạng thái đó không được duy trì lâu bền.

Chính người tu thiền định ngày nay đều rơi vào trạng thái an ổn của các loại tà định này, nên sinh ra kiến giải, tưởng giải, từ đó ngã chấp to lớn xem như mình đã chứng đạo (kiến tánh thành Phật, Phật mà chưa hết tâm tham, sân, si còn tham ăn, tham ngủ, tham tiền, tham bạc, tham sắc, tham danh, tham lợi, v.v..).

Tóm lại, khi tu thiền mà tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn mà có trạng thái hỷ lạc, khinh an thì nên đề cao cảnh giác coi chừng tu sai pháp rồi đó.

Điều cần thiết khi có cảm giác khinh an hay hỷ lạc thì phải mau mau đến thưa hỏi với một Thiện hữu tri thức có kinh nghiệm trong sự tu tập này, để giải nghi cho, chứ đừng có tự ý tu tập thì không tốt có thể xảy ra bệnh tật hoặc điên khùng như người mất trí.

CÓ TRẠNG THÁI AN ỔN RỒI MỚI NHẬP ĐỊNH

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền lần lần hơi thở đi đến nhẹ nhàng, vào trạng thái an rồi mới nhập được định. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, nhưng đừng để tâm ở trạng thái “an lạc” mà phải ở trạng thái “yên lặng”.

An có nghĩa là khinh an, nhưng khinh an hiện giờ có là do ức chế tâm mà sinh ra, do ức chế tâm sinh ra thì an đó là khinh an của tưởng, chứ không phải khinh an do ly dục ly ác pháp sinh ra, tu đến đây coi chừng nhập vào định tưởng, cần cảnh giác.

Khi nào nhập định là lúc bây giờ tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì mới nhập đúng chánh định, còn tâm chưa ly dục ly ác pháp mà nhập định thì phải đề cao cảnh giác tránh rơi vào các định tưởng như trên đã nói.

Hiện giờ, con nên tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm; để khắc phục tâm tham, sân, si của con hơn là thiền định, vì thiền định chân chánh của Phật sẽ không chấp nhận tâm chưa ly dục ly ác pháp.

Tâm còn giận hờn phiền não mà muốn nhập định thì đó là định của ngoại đạo, chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành đều nhờ đó sinh ra”. Lời nhắc nhở này làm sao chúng ta quên được, làm sao chúng ta tu lạc vào thiền của ngoại đạo được phải không hỡi các con?

Vậy, tâm con hiện giờ còn như đống rác bất tịnh, tham, sân, si, mạn, nghi còn dẫy đầy ác pháp, thì làm gì con nhập định được, nếu theo sự an ổn của tưởng kia mà nhập định thì định ấy là tà định con ạ!

Nhập tà định có ích lợi gì cho bản thân con, có lợi ích gì cho mọi người khác đâu, tà định sẽ đưa con vào con đường tội lỗi, rồi đây tham, sân, si của con còn nhiều hơn.

1- Thứ nhất, con làm tội cho con vì tâm ngã mạn, cống cao, khiến con có nhiều khổ đau và bất toại nguyện.

2- Thứ hai, con đường tu của con sai lạc rơi vào thiền tưởng, đó là bước đường cùng của sự tu tập.

Khi tu hành đúng pháp, tâm ly dục ly ác pháp thì con cảm thấy mình an lạc bất động trước các ác pháp, do đó tâm con giải thoát, dù bất cứ ai làm gì con, con cũng an nhiên không có mống tâm phiền não, sân hận một chút nào cả, còn ngược lại thì con khổ đau vô vàn.

Cho nên, sự tu tập có những trạng thái khinh an thì đừng lưu ý đến nó mà hãy lưu ý đến pháp hành con đang tu tập và ôm pháp cho thật chặt như người vượt biển ôm phao, khi gặp sóng gió ba đào. Nếu buông phao là chết chìm dưới biển, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Người tu hành có khinh an hỷ lạc cũng giống như người ôm phao vậy.

NGỒI THIỀN LƯNG ĐAU, NHỨC VÀ CHÂN TÊ CỨNG

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu một thời từ 25' đến 30', lúc gần hết giờ, còn khoảng 5' đến 10' con bị trạo cử ngồi không an, đau buốt cái lưng, nhức và tê cứng đôi bàn chân, chịu không muốn nổi, buộc con phải xả sớm hơn. Có khi con ám thị thì nó hết, có khi lại không hết. Cúi mong Thầy chỉ dẫn cho con.

Đáp: Khi ngồi thiền, gần hết giờ bị đau, nhức, tê chịu không nổi, thì con nên dùng pháp hướng mà nhắn nhủ như thế này: “Ta quyết định chết bỏ dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng chẳng bao giờ xả ra, ta quyết tu xem mày làm gì?”.

Khi ám thị xong câu này, con tiếp tục hướng tâm ra lệnh: “Sáu thức phải gom chặt vào tụ điểm, tâm phải định tỉnh trong thân cho chặt không được phóng theo thọ”. Khi hướng tâm xong, bắt đầu con vận dụng hơi thở chậm chậm và nhẹ từng hơi thở một, để cho tâm gom thật kỹ. Khi tâm gom chặt thì con tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Tác ý như vậy được một lúc sau con không thấy đau và tê nữa.

Nhớ đừng động thân, phải giữ thân cho thật chặt dù có đau nhức đến đâu cũng giữ thân bất động và tâm phải bám chặt hơi thở thì sẽ hết đau, đây là phương cách thứ nhất để chiến đấu với cảm thọ, còn phương cách thứ hai con phải thực hiện Tứ Niệm Xứ, trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp để khắc phục tham ưu, đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó. Khi con gặp chướng ngại của Thọ thì con không nên ngồi ráng thêm một phút giây nào cả mà phải đứng dậy đi kinh hành ngay liền, tâm con luôn giữ gìn tỉnh thức khi đứng dậy, khi hướng tâm, khi bước đi giống như con đang ngồi tỉnh thức trong hơi thở vậy. Và như vậy con đã xả Thọ, con sẽ có cảm giác giải thoát ngay liền khi con đứng dậy không còn thấy tê và đau chân nữa, đó là tu theo pháp xả của Tứ Niệm Xứ, cho nên Đức Phật gọi là: “Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu là vậy”.

Dưới đây là hai phương pháp tu hành:

1- Ức chế thân tâm để nhập định, phương pháp này rất nguy hiểm, dễ rơi vào tà định, dễ rối loạn thần kinh, dễ sinh ra những bệnh hiểm nghèo như tê, bại, xịu, v.v..

2- Xả các chướng ngại pháp để nhập định, phương pháp này bảo đảm hơn vì có xả là có giải thoát, nên thân tâm nhập vào chánh định dễ dàng, không có khó khăn, không mệt nhọc. Tâm hồn từ bắt đầu tu cho đến khi xả không có một cảm giác khó chịu hay bất toại nguyện, luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.

Tóm lại, người mới bắt đầu tu tập đều phải tùy theo đặc tướng của cơ thể, chứ không bắt buộc ngồi kiết già để chịu tê, đau nhức, còn bắt buộc ngồi kiết già chịu đau, tê nhức, nóng đó là mục đích rèn luyện nghị lực, can đảm, gan dạ, chịu đựng, bền chí v.v.. Và đó cũng là sự rèn luyện để chuẩn bị trên cuộc hành trình đường xa.

LƯNG THỤNG

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi con ngồi lúc đầu thì thẳng lưng, nhưng từ từ lại bị thụng xuống. Con sửa lại và ám thị “cái thọ hãy ngồi thẳng lưng, không được thụng xuống” có lúc nó nghe, có lúc nó không nghe, con lại tự nghĩ chắc con bị đau lưng phải không Thầy?

Đáp:Không phải lưng con đau mà là một thói quen hay thụng. Khi ngồi thiền con nên tìm chỗ tựa lưng cho thẳng, nhờ điểm tựa lưng đó, sau này con ngồi không có điểm tựa, lưng vẫn thẳng hết thụng, phải tập ngồi tựa lưng, một thời gian khá lâu rồi mới bỏ được.

Lưng thụng là vì sức con ngồi ít mà ráng ngồi nhiều, ngồi lâu nên dễ bị thụng bị nghiêng, bị ngửa, v.v..

Lưng thụng mà con ám thị thọ là không đúng mà phải ám thị cột sống: “Cột sống phải thẳng đứng không được thụng” hoặc “Lưng phải thẳng đứng không được thụng”.

Nhưng con nên nhớ, khi hướng tâm như vậy thì con phải cố gắng giữ gìn lưng phải thật thẳng, đừng để thụng nữa, vì để lưng thụng sẽ thành thói quen khó sửa.

Thầy chỉ có lời khuyên chân thật con nên ngồi ít lại, đi kinh hành nhiều là tốt, nhất là thiền định ở tâm lìa tham, sân, si chứ không phải ở chỗ ngồi, ngồi chỉ là một hình tướng gom tâm dễ dàng, nhưng gom tâm không phải thiền định, gom tâm chỉ là một phương tiện để giữ tâm tỉnh thức mà thôi. Tỉnh thức không phải chỉ để tỉnh thức ở chỗ đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, hơi thở, v.v.. mà ở chỗ chánh niệm để luôn luôn lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

NGỒI THIỀN BỊ KIẾN BÒ

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền, con thường bị kiến bò ray rứt khiến tâm con bất an, con phải làm sao thưa Thầy?

Đáp:Khi tâm chưa đủ định lực, con nên dùng tay phủi nhẹ, khi phủi xong thì tâm con được an ổn liền.

Từ khinh an, lưng thụng, đến kiến bò v.v.. mà con đã trình bày ở trên đều do sự hiểu lầm thiền định của Phật. Tuy rằng Phật có dạy khinh an, ngồi thẳng lưng, trạo cử, trạo hối, hôn trầm, thùy miên, vô ký v.v.. nhưng những điều này đâu có quan trọng mà quan trọng ở chỗ tâm ly dục ly ác pháp, ở chỗ tâm bất động, ở chỗ tâm không phóng dật.

Thầy xin nhắc lại để con đừng quên khi tu tập thiền định của Phật, không phải chỗ ngồi, nằm, đi, đứng, không phải chỗ hết vọng tưởng mà chỗ ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp hay trên Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp, thì dù đi, dù đứng, ngồi, nằm đều tu hành được cả, đó là những pháp hành để ly dục ly ác pháp; đó là những pháp hành để thực hiện đạo đức giải thoát; đó là những pháp hành để triển khai trí tuệ giới đức làm người làm Thánh; đó là những pháp hành thực hiện tâm bất động giải thoát. Vì thế khinh an, lưng thụng, kiến bò không phải là vấn đề làm tâm mất định.

SỰ TỈNH THỨC TỰ NHIÊN LÀ ĐỊNH

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi ngồi thiền sự tỉnh thức quá cao, cứ chăm chú theo dõi từng hơi thở một, không đi vào trạng thái lặng hoặc mơ mơ, màng màng gì hết. Thưa Thầy, sức tỉnh thức đó có thể đi vào định được không?

Đáp:Sức tỉnh thức đó là định tỉnh chánh niệm, nên không cần phải đi vào định tỉnh nào khác nữa, nhưng con phải hiểu, sức tỉnh thức đó không phải do ức chế tâm mà cóđược, sức tỉnh thức đó có được là nhờ tâm ly dục, ly ác pháp, nhưng không phải nhìn đăm đăm hơi thở, sức tỉnh thức đó là sức tỉnh thức rất tự nhiên không có sự bắt buộc và gò bó của những loại thiền ức chế tâm, mà do tâm không phóng dật, sức tỉnh thức đó là sự nhận biết nhanh chóng ra các ác pháp trong sát na (nháy mắt).

Muốn tâm không phóng dật thì phải tu tập ngũ căn, tu tập ngũ căn thì phải phòng hộ năm căn, phòng hộ năm căn thì phải sống đúng ba đức ba hạnh của một bậc Thánh.

Ba hạnh gồm có:

1- Ăn

2- Ngủ

3- Độc cư

Ba đức gồm có:

1- Nhẫn nhục

2- Tùy thuận.

3- Bằng lòng

Nhờ tu tập ba đức, ba hạnh này mà tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm tỉnh thức, tâm tỉnh thức này là một loại tâm tỉnh thức tự nhiên chứ không có ức chế như các loại thiền định khác.

HẠNH ĐỘC CƯ

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Giữ hạnh độc cư, chủ yếu là không nói chuyện, để khỏi bị động tâm hay là không thốt ra lời? Hoặc không cho ra hơi nhiều, vì sợ mất đi sức thiền định?

Đáp:Độc cư không có nghĩa là câm, không nói chuyện, không thốt ra lời hay sợ mất hơi mà không nhập được định.

Độc cư có nghĩa là không tụ họp, không nói chuyện tào lao, chuyện phiếm, tập ít nói, lựa lời đáng nói mới nói, lời không đáng nói nhất định không nói.

Độc cư còn có nghĩa là Thọ Bát Quan Trai, Thọ Bát Quan Trai tức là tu tập học sống làm Phật trong một ngày.

Độc cư còn có nghĩa là nhập thất để sống cho mình hay nói cách khác là để tẩy trừ những chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và các pháp.

Độc cư chính là phòng hộ sáu căn giữ gìn không cho dính mắc sáu trần, đó là pháp đệ nhất tu tập ngũ căn.

Độc cư là Thánh hạnh, phàm phu không thể sống được, nếu phàm phu không tập sống Thánh hạnh thì chẳng bao giờ nhập được Thánh Định, bằng chứng hiện giờ chư Tăng phạm giới, phá giới, vì thế Thánh Định chỉ là những bài thuyết giảng suông.

Độc cư là bí quyết thành tựu Tứ Thánh Định, thế nhưng ai là người sống đúng hạnh độc cư, hơn 200 người về đây tu tập với Thầy, không có ai là người sống đúng, vì thế chẳng bao giờ ly dục ly ác pháp được, tức là họ sống không phòng hộ sáu căn hay nói cách khác là sống không hàng phục tâm, thường để tâm phóng dật, đó là hành động phá hạnh độc cư tâm mình.

Người tu hành theo Phật giáo mà phá hạnh độc cư thì tu hành phí công vô ích tức là tự phá hoại đời sống tu hành của mình thì đi tu làm chi cho mất công vô ích.

HƠI THỞ THIỀN ĐỊNH

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo con nhận xét riêng, bản thân của con, con thấy hơi thở thiền định nó khác với hơi thở bình thường. Hơi thở thiền định thì có sự điều khiển chậm, nhẹ, dài và có lực. Thưa Thầy có đúng không?

Đáp:Hơi thở chậm, nhẹ, dài, có lực và có sự điều khiển là tu Định Niệm Hơi Thở có kết quả tỉnh thức, chứ không phải hơi thở là thiền định, mà cũng không phải có thiền định mà hơi thở sanh ra chậm, nhẹ, có lực và có sự điều khiển.

Tất cả những sự tưởng ra trạng thái thiền định như thế này, như thế khác đều là sai cả, đều là do tưởng. Có những trạng thái thiền xảy ra trong khi tu tập ức chế tâm không vọng tưởng là tà thiền, tà định của ngoại đạo.

Thiền định của Phật chỉ khi nào tâm ly dục ly ác pháp hay nói cách khác là tâm lìa tham, sân, si thì đó mới chính là thiền định của đạo Phật.

Như vậy khi tu thiền có trạng thái này trạng thái nọ, thì phải mau mau xả tất cả những trạng thái đó, chứ đừng có cho nó là định tướng, thì bước đường tu hành sẽ là bước đường cùng, tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ uổng cho một đời tu hành mà thôi.

LÀM SAY MÊ QUÊN HƯỚNG TÂM CÓ MẤT TỈNH THỨC KHÔNG?

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con thường có thói quen, làm công việc gì, làm mải miết cho xong, quên nhắc tâm tỉnh thức, như vậy có mất tỉnh thức không thưa Thầy?

Đáp:Làm mải miết cho xong mà không có suy tư và cũng không quên mình đang làm là tỉnh thức, không cần hướng tâm.

Làm mải miết mà có suy tư là thất niệm (bị vọng tưởng).

Làm mải miết không có suy tư mà cũng không nhớ đang làm (làm theo thói quen) là thất niệm vô ký. Phải dùng pháp hướng nhắc tâm tỉnh thức.

Người ta hiểu lầm tu tập tỉnh thức chỉ biết có tỉnh thức trong hành động của thân hành động nội hay ngoại thì điều đó sai không có ý nghĩa gì cả của sự tu hành.

Người ta tập tỉnh thức để tỉnh thức nhận biết được ác pháp để đẩy lui chúng ra khỏi thân tâm của chúng ta, để đem lại cho thân tâm chúng ta một sự thanh thản, an lạc và vô sự, đó mới chính là sự giải thoát của đạo Phật.

Bởi tỉnh thức không có nghĩa biết tỉnh thức mà tỉnh thức phải biết đâu là chánh niệm và đâu là tà niệm.

Như vậy sự tu tập tỉnh thức mới thực sự có ích lợi lớn cho mình cho người, còn tu tập tỉnh thức mà chỉ biết tỉnh thức thì đó là tu sai không ích lợi, mất thời giờ vô ích và mất công sức mỏi mệt.

MỘT NGƯỜI CHỨNG TỨ THIỀN, ĐẮC TAM MINH CÓ KHI NÀO CHẾT BẤT NGỜ KHÔNG?

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Một người chứng đến Tứ Thiền, đắc Tam Minh có khi nào vô thường đến dẫn đi không thưa Thầy? Có nghĩa là cái chết đến bất ngờ họ không kịp làm chủ.

Đáp:Một người chứng Tứ Thiền, đắc Tam Minh là đã làm chủ sanh tử luân hồi thì không có sự chết bất ngờ, vì họ đã biết trước mọi nhân quả xảy ra, không thể có một vật gì che mắt tuệ Tam Minh họ được.

Khi nhập Tứ Thiền chứng Tam Minh thì dưới đôi mắt tuệ của họ không còn có một điều gì mà họ không hiểu.

Không gian có trải dài, thời gian có chia cắt nhưng không thể vì thế mà che mắt tuệ họ được, thì làm sao có sự vô thường đến với họ thình lình.

Người tu hành đến nơi đến chốn, họ đã làm chủ được sự sống chết, thì không còn có một chướng ngại nào mà họ không thông suốt, chỉ có người tu chưa đến nơi đến chốn thì chịu mờ mịt trước uy lực của nhân quả.

Tóm lại, người tu đến nơi đến chốn thì không có sự thình lình ngẫu nhiên, mà có sự chủ động từ sự sống đến sự chết.

CON CÁI LÀ NHỜ ĐỨC CHA MẸ

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo tục lệ ông bà nói: “Con cái là nhờ đức cha mẹ”. Như cha mẹ hiền đức thì con cái cũng nhờ đó ăn theo phải không thưa Thầy?

Đáp:Câu nói này rất đúng: “Con cái nhờ đức của cha mẹ” vì có nhân quả thiện mới sanh vào nhà hiền đức, nhờ gương hạnh hiền đức của ông bà cha mẹ, nên con cái cũng trở thành hiền đức, nhờ hành động hiền đức của con cái mà nó được hưởng phước, nếu hành động nó làm ác hiện thời, khi nó thọ hết phước của đời trước đã gieo (vào nhà hiền đức) thì nó phải thọ lấy tai ương của hành động hiện tại.

Ví dụ: Những đứa con được sanh vào nhà giàu có nhưng lại thích ăn chơi trác táng, rượu chè, bài bạc, xì ke, ma túy, v.v.. không thích học hành, những đứa con này không thể lấy phước đức của ông bà cha mẹ mà che chở chúng được, do đó suy ra chúng ta biết phước báo là phải do chính con cái tạo ra, chứ không phải do phước đức của ông bà cha mẹ mà nó hưởng được,... nó chỉ hưởng được ảnh hưởng tốt của ông bà cha mẹ mà thôi, còn nó được chia gia tài của cải hoặc làm ăn khá giả đều do phước báo đời trước của nó nên mới sanh vào nhà giàu có và hiền đức.

Tóm lại, nếu một người được tái sanh vào nhà hiền đức là do tiền kiếp khéo tu thiện pháp, nếu trong kiếp hiện tại không theo gương đức hạnh của cha mẹ ăn hiền ở lành thì ngay trong kiếp hiện tại đó cũng phải gặt hái những tai ương, họa khổ, vì chính hành động bất thiện của con cái dù cha mẹ có hiền đức nhưng con cái vẫn phải thọ khổ. Vì thế, có những gia đình hiền đức mà con cái chẳng hiền đức chút nào, thường nghiện ngập, xì ke, ma túy, rượu chè, bài bạc, v.v.. Đây là môi trường tốt nhưng hạt giống xấu.

Ngược lại, có những gia đình không hiền đức mà những đứa con ngoan tốt… chăm học, không tham lam trộm cắp, không rượu chè bài bạc, hút xách, không xì ke ma túy… Đây là môi trường xấu mà hạt giống tốt.

Con cái nhờ đức của cha mẹ là nhờ cái gương đức hạnh để làm tốt theo, chứ không phải nhờ vào đức hạnh của cha mẹ mà thọ hưởng sự giàu sang phú quý.

Theo luật nhân quả ai làm thiện thì hưởng phước báo, ai làm ác thì phải chịu quả khổ, không ai giúp cho ai được. Dù là cha mẹ có thương con cách nào cũng không giúp được, nếu chính bản thân nó không ăn hiền ở lành, sống đời sống thiếu đạo đức thì nó phải chịu lấy hậu quả xấu. Dù cha mẹ có ở hiền đức gì cũng không cứu nó được, chỉ trừ cha mẹ thiếu nợ nhân quả của nó, nên nó đến nó đòi, bằng cách phá của cải tài sản của cha mẹ tiêu tan.

Cho nên câu nói: “Con cái nhờ đức của cha mẹ”, nếu không khéo hiểu thì câu này trở thành lời nói phi đạo đức nhân quả, khiến cho con cái dựa lưng vào cha mẹ mà không tự lực vươn lên trong nền đạo đức nhân bản nhân quả, thì cuộc đời của nó chỉ là một cuộc đời khổ đau, tiêu cực.

LỠ TAY LÀM CHÚNG SANH CHẾT THÌ PHẢI LÀM SAO?

Câu hỏi của Diệu Tịnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy đã dạy chúng con tu tập trau dồi lòng từ, bi, hỷ, xả, trong công việc làm hàng ngày lỡ tay làm chúng sanh đau khổ hoặc chết.

Trước cảnh đau khổ và chết của chúng sanh, con phải làm như thế nào để tránh sự trạo hối trong tâm con? Nhất là con đã xuất gia, để khỏi bị khuyết giới và nhân quả?

Đáp:Xưa, Đức Thế Tôn là người đi kinh hành nhiều nhất, ngay cả ban đêm, vì thế làm sao không vô tình giẫm đạp lên chúng sanh.

Giới luật dạy không giết hại chúng sanh, tức là dạy không cố tình giết hại chúng sanh, chứ không phải dạy vô tình.

Tứ vô lượng tâm là dạy từ, bi, hỷ, xả là để đối trị tâm tham, sân, si, ngã mạn, nghi, chứ không phải dạy vô tình sát sanh.

Chánh niệm tỉnh giác định là dạy chúng ta tỉnh thức trong mọi hành động để tránh sự vô tình sát sanh. Có tỉnh thức làm sao vô tình sát sanh, chỉ thiếu tỉnh thức say mê công việc, hoặc làm cho rồi việc thì mất tỉnh thức nên mới có trường hợp xảy ra vô tình sát sanh.

Người đi tu có tỉnh thức không bao giờ vô tình sát sanh.

Người làm mọi công việc có tỉnh thức cũng không vô tình sát sanh.

Chỗ nào có chúng sanh nhiều chúng ta nên tránh, dưới cỏ, dưới đất, ta rất ý tứ nhưng không thấy lỡ tay làm cho chúng đau khổ hoặc chết, khi làm lỡ tay như vậy, trước thể xác chúng sanh con hãy chấp tay lên trước ngực và xin ước nguyện cho chúng sanh đang chết được sanh làm người, được gặp Phật pháp, được gặp Minh sư, được tu hành đến nơi đến chốn, đừng sanh làm loài chúng sanh nữa.

Một hạt gạo, một củ khoai, một trái cây, chúng ta ăn để sống hàng ngày, đều có sự gián tiếp giết hại chúng sanh trong đó.

Người nông dân sản xuất gạo và thực phẩm cho sự sống của con người, họ phải giết hại các loài sâu bọ, côn trùng mà còn phải giết các loài chim, chuột và các loài cầm thú khác để bảo vệ thực phẩm mùa màng.

Tuy chúng ta không trực tiếp giết hại, nhưng chúng ta ăn thực phẩm là đã gián tiếp giết hại, bởi vậy có thân này là thân nhân quả nghiệp báo không thể nào thoát khỏi nhân quả, tuy là vô tình nhưng cũng phải đền nợ máu. Đời sống chúng ta không còn cách nào khác hơn khi ta đã là con người và chúng sanh đã là con vật. Nợ máu xương trong tiền kiếp, kiếp này gặp nhau tuy vô tình cũng phải trả vay, vay trả.

Đạo Phật dạy chúng ta những gì chưa thấu hiểu, phải thấu hiểu. Có thấu hiểu lý của Đạo ta mới vững tâm tu hành, nếu không thấu lý của Đạo, tưởng chừng như không thể nào tu hành nổi.

Mới nghe giới luật đạo đức hiếu sinh của đạo Phật chúng ta chỉ còn có nước nhịn ăn, nhịn uống, treo chân, treo tay, chẳng còn dám làm gì cả. Nhưng, tội do đâu mà có?

-       Do tâm mà có tội.

-       Tâm do đâu mà có?

-       Do dục mà có.

-       Dục do đâu mà có?

-       Do tham, sân, si mà có.

Mục đích tu tập của đạo Phật là đoạn dứt tham, sân, si, chứ không phải đoạn dứt sự vô tình sát sanh.

Khi nào tâm tham, sân, si hết là tâm đã bất động, mà tâm đã bất động thì còn hoàn cảnh, đối tượng và sự việc nào làm họ đau khổ thì làm sao gọi là có tội.

“Tánh tội vốn không do tâm tạo

Tâm bất động rồi tội có được không?”

Ở đây chúng ta đã hiểu được lý của Đạo nhưng còn tu hành phải như thế nào?

Tùy mọi hoàn cảnh, mọi việc làm, mọi đối tượng, cẩn thận, ý tứ, tỉnh thức để tránh vô tình sát sanh được ở mức nào tốt mức nấy. Đừng làm đại, làm đùa cho xong việc, mà hãy lấy việc làm thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm, tránh vô tình giết hại bằng sức tỉnh thức và pháp hướng tâm để quét sạch tâm tham, sân, si (vô lậu).

Người đời không biết tu, dù họ có tránh sát sanh hoặc vô tình sát sanh bằng mọi cách, nhưng tội khổ họ vẫn phải chịu.

Người tu biết cách diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, dù tội họ có chất ngập cả không gian này, tâm họ bất động vẫn không thấy có tội. Tại sao vậy?

Tại vì có tâm động mới có tội.

Mục đích tu hành là lo diệt ngã, xả tâm, chứ không đoạn dứt sự vô tình sát sanh nhưng phải cẩn thận, ý tứ, từng hành động để tránh sự vô tình sát sanh, đó là một hành động tu tỉnh thức tốt nhất.

Trước sự quằn quại đau thương của chúng sanh dưới bàn tay vô tình của mình, chúng ta không thấy thương tâm sao?

Người tu sĩ Phật giáo phải lấy tứ vô lượng tâm thực hiện định chánh niệm tỉnh giác, nhờ đó mới đạt được tâm “vô lậu” và nhập được “Tứ Thánh Hiện Tại An Lạc Trú Định” một cách dễ dàng, không còn khó khăn nữa.

Đừng tu tập theo kiểu Tịnh Độ một cách giả dối gian ác và lừa đảo mọi người. Tay cầm dao cắt cổ gà miệng đọc chú vãng sanh: “Nam Mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ...”. Đọc thần chú này khi con gà bị chết, linh hồn sẽ được về Cực Lạc Tây Phương, để được sanh làm người, thật là lừa đảo, dối người.

Những người tu theo Tịnh Độ với việc làm như vậy được xem là thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả” ư!

Thời nay, người xuất gia làm nhiều việc không phải việc của người xuất gia, nên thường phạm tội lỗi, nhất là tội sát sanh, ngày xưa người xuất gia chỉ duy nhất có một nghề khất thực, vì nghề đi khất thực nên ít phạm lỗi lầm, do đó tập tu Tứ Vô Lượng Tâm rất dễ dàng, chỉ cần tỉnh thức trên từng bước đi của mình là đã thực hiện được tâm từ, bi, hỷ, xả.

BẰNG CÁCH NÀO KIẾP SAU GẶP ĐƯỢC CHÁNH PHẬT PHÁP

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nếu kiếp này con không tu giải thoát được, nhưng có hiểu chút ít chánh pháp, làm thế nào để kiếp sau con vẫn nhớ và ngộ đạo được sớm hơn (6,7 tuổi) đi tu?

Đáp:Nếu muốn kiếp sau gặp được chánh pháp tu hành, thì kiếp này mỗi tháng con nên chọn một ngày Thọ Bát Quan Trai.

Thọ Bát Quan Trai là phương pháp học làm Phật một ngày, chỉ một tháng có một ngày làm Phật thì đó là gieo duyên với chánh Phật Pháp để kiếp sau còn có duyên gặp được Chánh Phật Pháp, đức Phật ví dụ như cây cổ thụ kia, nó nghiêng về hướng nào thì bóng nó nghiêng về hướng nấy.

Thọ Bát Quan Trai là phương pháp tu tập giữ gìn giới đức Thánh Tăng, nếu một ngày tu tập Thọ Bát Quan Trai, chịu khó con tư duy lại xem có phải ngày ấy là một ngày con ly dục ly ác pháp chăng? Có phải ngày ấy là ngày con sống cho con phải không ? Nếu ngày ấy con tu hành đúng pháp của Phật thì con tìm thấy được một ngày giải thoát hoàn toàn.

Ngày Thọ Bát Quan Trai mà con biết buông xuống hết những gì đang trói buộc trong con, thì con tìm thấy một chân trời hạnh phúc tại ngay đó.

Ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày con gieo nhân với chánh Pháp của Phật, ngày ấy không bao giờ mất.

Ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày con thắp sáng ngọn đèn trí tuệ giải thoát trong con, và ngọn đèn trí tuệ ấy cháy mãi cho đến khi con hoàn toàn chấm dứt sanh, tử, luân hồi vào Niết Bàn.

Như vậy ngày Thọ Bát Quan Trai là ngày quan trọng nhất của đời người cư sĩ của các con, nó là một mốc quan trọng quyết định cho cuộc đời tu hành theo Chánh Phật Pháp. Các con hãy ghi nhớ những lời dạy trên đây, nhưng các con cũng phải đề phòng, vì có những loại Thọ Bát Quan Trai giả, lừa đảo mà không đúng chánh pháp của Phật.

Ví dụ: Thọ Bát Quan Trai bằng cách tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền nghe thuyết pháp... đó là Thọ Bát Quan Trai của Bà La Môn.

Thọ Bát Quan Trai đúng cách của Phật giáo thì không được tập trung đông người vào Thiền đường, Tổ đường, Đại hùng bảo điện, mà chỉ mỗi người ở riêng một cái thất, sống độc cư, phòng hộ sáu căn và tu tập Tứ Niệm Xứ đẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp, khiến cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự suốt ngày hôm ấy, giống như Phật và chúng Tỳ kheo Tăng và Tỳ kheo Ni ngày xưa trong thời Phật còn tại thế. Có tu tập đúng như vậy mới gieo duyên với Chánh Pháp. Nhờ đó, muôn đời ngàn kiếp không sợ mất chánh pháp.

NHẬP TAM THIỀN CÓ HẾT LẬU HOẶC CHƯA?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi một vị Tỳ Kheo nhập được Tam Thiền có thể hết lậu hoặc chưa (không còn tham, sân)?

Đáp:Trong kinh dạy một vị Tỳ Kheo nhập được Tam Thiền mới đoạn dứt năm hạ phần kiết sử còn năm thượng phần kiết sử chưa đoạn, vì thế lậu hoặc chưa hết. Một người nhập Tam thiền mà chưa có Tứ Thần Túc là người nhập Tam thiền của ngoại đạo, riêng kinh nghiệm bản thân của Thầy, một vị Tỳ Kheo nhập được Sơ Thiền là ly được “tâm dục”, còn nhập được Tam Thiền là ly được “tưởng dục”,tuy gốc lậu hoặc chưa quét sạch, nhưng cũng tìm thấy sự an ổn bất động của tâm. Chỉ khi nào chứng Lậu tận minh thì lậu hoặc mới thật sạch, chừng đó mới chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Khi nhập Tứ Thiền nơi đây có hai ngõ diệt sạch lậu hoặc, một ngõ đi về Tam Minh và một ngõ đi về Diệt thọ tưởng định, nếu đi về ngõ Diệt thọ tưởng định thì thân tâm như cây đá, thân giống như người chết nhưng không hoại diệt, nhờ từ trường định của diệt thọ bảo vệ thì trong lúc nhập Diệt Thọ Tưởng Định không có lậu hoặc.

Đi ngõ Tam Minh thì thân tâm giống như người sống bình thường nhưng bất động trước các ác pháp, tâm luôn lúc nào cũng thanh tịnh và thanh thản, an lạc, vô sự. Sống, chết, bệnh, đau là việc vô thường của nhân quả không tác động được thân tâm họ. Họ sống một đời sống còn lại những ngày an vui tuyệt vời.

NGƯỜI GIẢNG THIỀN THÂM SÂU CÓ PHẢI VƯỢT QUA NĂM ẤM CHƯA?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Một vị Tỳ Kheo thuyết giảng thiền rất thâm sâu, tâm vượt năm ấm tường tận, có phải vị ấy đã trải qua kinh nghiệm tu mà nói lên?

Đáp: Một vị Tỳ Kheo nhập Tam Thiền không thể vượt qua năm ấm được, chỉ có nhập Diệt thọ tưởng định mới vượt qua năm ấm.

Một vị Tỳ Kheo thuyết giảng thiền rất thâm sâu về lý, nhưng không trải qua kinh nghiệm tu hành mà nói lên, nên phần nhiều lạc vào tưởng pháp do tưởng tuệ. Sự giảng kinh thuyết pháp rất hay, nhưng xét cho cùng chỉ là một lý thuyết suông ở đầu môi chót lưỡi, nên pháp hành tu tập không thông, tu tập sai pháp, không có kết quả. Vì thế, họ chưa bao giờ nhập định được.

Trong kinh sách Phật có dạy sáu loại tưởng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng, người tu thiền định lạc vào định tưởng, pháp tưởng triển khai, luận thiền, luận đạo rất là thâm sâu về lý, nhưng pháp hành không vững. (Thiếu kinh nghiệm bản thân chỉ vay mượn trong kinh sách nói hoặc tưởng theo chữ nghĩa giảng dạy ra có khi đúng nhưng cũng có khi sai). Những gì của các nhà học giả giảng ra theo tưởng giải thì không thể nào tu tập được vì thiếu kinh nghiệm tu.

Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa đều do tưởng giải của người xưa nên chúng ta tu tập không đưa đến kết quả rốt ráo được, định cũng không ra định, tuệ cũng không ra tuệ, cuối cùng chỉ trở thành một trò hý luận, chứ chẳng thấy có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết cụ thể.

Bởi vì, các thiền sư thời đại của chúng ta nói nhiều, mà bệnh đau thì đi nằm nhà thương, bác sĩ trị, thì thử hỏi làm sao chúng ta tin miệng họ được.

Người tu thiền Đông Độ sống vì danh, vì lợi nên luôn luôn tranh luận hơn thua và còn dùng những danh từ nói xấu kẻ khác, trong khi đó tu hành chỉ có hình thức mà chẳng có ai nhập định làm chủ sanh, già, bệnh, chết được.

Xưa, đức Phật từng đã nhắc nhở chúng ta: “Đừng có tin... đừng có tin... mà hãy tin những gì chúng ta thực hiện có lợi ích không làm khổ mình, khổ người”. Cho nên, người ta thuyết giảng hay chưa hẳn họ đã làm được hay.

TAM MINH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong băng Thầy phủ nhận không có Lục Thông và Tam Minh. Qua suốt giáo án chúng con ngầm hiểu Thầy có được những điều ấy. Tại sao Thầy không nhận để nó là linh hồn, là niềm tin vững chắc của giáo án? Con nhớ Phật còn bảo: Ta đã chứng được Tam Minh, lậu tận ta đã hết.

Đáp:Thầy phủ nhận Tam Minh, Lục Thông là vì thần thông không phải là mục đích tu hành giải thoát của đạo Phật. Một người tu hành làm chủ được sự sống chết và chấm dứt luân hồi thì Tam Minh, Lục Thông họ phải đầy đủ, nhưng vì nó không phải mục đích, nếu dùng nó thì người ta đến với đạo Phật sẽ sai mục đích, mà đã sai mục đích thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được. Nếu không làm chủ sanh, già, bệnh, chết được thì Tam Minh, Lục Thông cũng chẳng bao giờ có, và nếu có thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả.

Phật là đấng giáo chủ, Ngài tuyên bố thần thông như vậy là để đối phó với ngoại đạo. Các đệ tử của Ngài không được tuyên bố như vậy. Kinh Đại Thừa dạy: “Còn thấy mình chứng quả A La Hán là chưa chứng quả A La Hán”. Đó là lối lý luận lừa đảo của Đại Thừa che đậy khi tu hành chưa đến nơi đến chốn. Còn Phật giáo Nguyên Thủy tu đến đâu chứng đến đấy, tâm có tham thì biết tâm có tham, tâm không tham thì biết tâm không tham; tâm có sân thì biết tâm có sân; tâm không sân thì biết tâm không sân; tâm có Tam Minh, Lục Thông thì biết tâm có Tam Minh, Lục Thông; tâm không có Tam Minh, Lục Thông thì biết tâm không có Tam Minh, Lục Thông. Và biết sử dụng đúng thời, không bị lợi danh làm mờ tâm trí, do đó Thầy phủ nhận không tự xưng mình có Tam Minh, Lục Thông mà chỉ biết có sự giải thoát mà thôi.

Thầy không dụ dỗ người theo Thầy tu hành bằng thần thông, ai thấy con đường tu hành của Thầy là phương pháp sống đạo đức giải thoát không làm khổ mình, khổ người thì theo, còn không muốn sống đạo đức nhân bản - nhân quả thì Thầy không ép, không mời, không lôi cuốn bằng những kinh sách nói láo, bằng sự mê tín, bằng bùa chú thần thông, v.v..

Trên đường tu tập thiền định để đi đến sự cứu cánh thì phải đi ngang qua Lục Thông Tam Minh nên biết nó rõ ràng nhưng không phải vì tu để chứng nó. Nó không phải là mục đích để chúng ta chứng, mục đích tu chứng là tâm bất động.

Xay lúa, có gạo và trấu, gạo chúng ta lấy, trấu chúng ta bỏ.

Thần thông ví như vỏ trấu còn tâm bất động là gạo, cho nên tu tập theo Phật giáo tâm không được tham đắm thần thông, còn tham đắm thần thông là không bao giờ tâm ly dục ly ác pháp được, tâm không ly dục ly ác pháp thì không bao giờ nhập chánh định được mà không nhập được chánh định thì không bao giờ có Lục Thông, Tam Minh.

Người chưa ly dục ly ác pháp mà nhập được định đó là tà định, vì thế, họ có Ngũ Thông chứ không được Lục Thông, Tam Minh như người tâm ly dục ly ác pháp.

Người tâm chưa ly dục ly ác pháp dù họ có Ngũ Thông, có nhập định để lại nhục thân, nhưng không làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi được.

Thần thông không phải cốt tủy và niềm tin của đạo Phật. Vì Thầy tu hành có thần thông nhưng Thầy xem nó là một trò ảo thuật để dễ lừa đảo người khác.

Xưa, ông thân của Thầy là một tu sĩ Mật Tông, ông lên núi Bà Đen và sang núi Cậu tu luyện thần thông rất linh diệu và mầu nhiệm, ông đã truyền lại cho Thầy tất cả mật chú, nhưng Thầy không phải là kẻ lừa đảo và ác độc, nên Thầy quyết tâm đi tìm đường tu tập giải thoát ra khỏi mọi sự đau khổ của kiếp làm người.

Chung quanh chùa nơi Thầy đang ở lúc bấy giờ toàn là một hàng rào tre, đến mùa măng mọc người chung quanh xóm nghèo khổ lén vào cắt trộm măng, ông thân Thầy dùng bùa chú yểm, khiến cho người vào đến ranh giới chùa là bất động đứng như trời trồng, ông thân của Thầy chỉ còn ra bắt và khuyên không nên trộm cắp, nếu còn trộm cắp măng thì ông thân Thầy sẽ đưa đến làng xã, khiến cho người ta quá sợ.

Bùa chú của ngoại đạo mà còn mầu nhiệm như vậy huống là tâm ly dục ly ác pháp, thanh tịnh hoàn toàn thì sự mầu nhiệm của tâm không thể lường được, vì thế người tu sĩ Phật giáo đi tu không cầu mong Lục Thông Tam Minh mà vẫn có đầy đủ Lục Thông Tam Minh, không tu luyện Lục Thông Tam Minh mà vẫn có Lục Thông Tam Minh đầy đủ.

Người đi tu theo Phật giáo mà còn có tâm cầu Lục Thông Tam Minh thì đã tu sai đường. Hãy xa lìa và đoạn trừ tâm đó mà chỉ cố gắng tu tập sống một đời sống ly dục ly ác pháp, thì nơi đó là Niết Bàn, là hạnh phúc, là sự giải thoát của một kiếp làm người, là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Thế là đủ lắm rồi, có còn mong muốn những điều gì hơn. Phải không con?

Cho nên, Thầy biết đủ thứ thần thông, nhưng Thầy không chấp nhận thần thông và thế giới siêu hình, luôn luôn lúc nào Thầy cũng muốn đem lại cho con người một nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, đó là một sự lợi ích thiết thực, còn thần thông chỉ là một trò lừa đảo, làm khổ người. Chẳng hạn như ông thân của Thầy, nếu ông thân của Thầy vắng mặt, không có ở chùa thì các con nghĩ sao? Khi người trộm cắp măng này bị bùa chú bắt cứng mình thì họ sẽ khổ biết dường nào!

Trên cuộc đời này, con có thấy những người tu hành có thần thông, đem lại hạnh phúc gì cho con người chưa? Hay chỉ là những người có thần thông luôn luôn làm việc bất chánh, làm khổ đau người “tiền mất tật mang”.

Nếu Thầy không giải thích cho các con rõ, mà nhận mình có thần thông là Thầy đã phỉ báng Phật giáo, là Thầy đã hại Phật giáo. Vì Phật giáo không phải là những tôn giáo tu tập để có thần thông, dùng thần thông cám dỗ người theo đạo mình, mà Phật giáo là tôn giáo tu tập làm ích lợi cho mình, cho người.

Thầy không lấy thần thông cám dỗ các con theo Phật giáo, mà chỉ lấy đạo đức dạy các con đối xử với nhau, để không làm khổ mình, khổ người, đó là các con thoát khổ.

Các con nên hiểu, có thần thông là không có đạo đức, có đạo đức là không thực hiện thần thông. Ai muốn tu theo Thầy để cầu sống một đời sống không làm khổ mình, khổ người, để tâm hồn được thanh thản an lạc và vô sự thì theo, bằng cầu thần thông thì đi tìm nơi khác mà tu, chứ ở đây Thầy chẳng có thần thông để dạy.

TẦM TỨ

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Xin Thầy giảng rõ thêm tầm[1], tứ[2]. Cách diệt tầm tứ?

Đáp: Tầm là suy tư, suy nghĩ; tứ là ý tứ, tác ý ra. Tầm tứ có hai loại:

1- Tầm tứ ác.

2- Tầm tứ thiện.

Muốn diệt tầm tứ, ta phải diệt tầm tứ ác trước.

1- Diệt tầm tứ ác, ta phải tu tập phòng hộ sáu căn, thiểu dục tri túc, ăn ngủ không được phi thời, tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, tu Định Vô Lậu (ly dục ly ác pháp). Tu tập Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp.

2- Diệt tầm tứ thiện, ta phải tu Định Niệm Hơi Thở, định diệt tầm giữ tứ, tu tập pháp hướng tâm, tu tập định diệt tứ.

Tóm lại, tầm tứ là sự tác ý và sự tư duy, suy nghĩ của ý thức. Con nên đọc thêm bài kinh Song Tầm và An Trú Tầm, thì mới rõ nghĩa tầm tứ một cách cụ thể hơn, mà đức Phật đã chỉ dạy một cách tường tận trên bước đường hành thiền theo Phật giáo. Chính Ngài cũng nhờ sự tu tập này mà thành Chánh giác.

Muốn diệt tầm tứ, chỉ có Tứ Thần Túc thì diệt tầm tứ rất dễ dàng, ngoài Tứ Thần Túc diệt tầm tứ rất khó khăn.

“Chư Tỳ Kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ Tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm. Chư Tỳ Kheo, phàm có dục tầm nào, (Dục tầm là lòng ham muốn khởi lên trong ta, bất cứ một sự ham muốn điều gì đều là dục tầm)”.

Ví dụ: Chúng ta đang tu tập giữ gìn tâm không phóng dật, thì bỗng dưng khởi niệm thần thông, nếu tu tập có thần thông mình sẽ phóng hào quang hoặc tịnh chỉ hơi thở cho phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình biết, để loan  tin thì chắc chắn người ta sẽ theo đạo Phật nhiều và như vậy chúng ta sẽ chấn hưng Phật giáo rất nhanh. Những niệm khởi như vậy gọi là dục tầm. Sân tầm nào, (Sân tầm là lòng tức giận khởi lên trong ta), hại tầm nào, (Hại tầm là lòng nham hiểm, độc ác khởi lên tìm cách này cách nọ để nói xấu người khác, hoặc tìm mưu cách hãm hại khiến cho người khác đau khổ, khiến cho người khác mất uy tín, khiến cho tín đồ không còn theo tu tập, khiến cho người khác mất nghề nghiệp đói khổ v.v..).

 “Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào (ly dục tầm là lìa lòng ham muốn), vô sân tầm nào (vô sân tầm là tâm không còn giận hờn), vô hại tầm nào (vô hại tầm nào là tâm không còn mưu đồ tính toán hại người, nói xấu người) Ta phân làm phần thứ hai. Chư Tỳ Kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt  tâm tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm này được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm, sân tầm, hại tầm”.

Qua đoạn kinh này chúng ta xét thấy một phương pháp tu thiền định rất thực tế của đạo Phật. Ở đây, chúng ta không thấy đức Phật dạy ngồi thiền, nhiếp tâm bằng cách này, cách khác mà chỉ dạy chúng ta cách thức tư duy, suy nghĩ về lòng ham muốn của mình, xem coi lòng ham muốn của mình có còn ham muốn cái gì không. Nếu còn thì Đức Phật gọi là “Dục Tầm”, nếu thấy lòng mình không còn có ham muốn thì đức Phật gọi đó là “Ly Dục Tầm”, nếu chúng ta còn dục tầm thì đức Phật dạy chúng ta quán xét dục tầm, dục tầm sẽ đưa đến tự hại ta, hại người và hại cả hai. Bởi vì còn dục tầm sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, do hiểu biết như vậy ta liền xa lìa dục tầm, nhờ có xa lìa dục tầm ta mới thấy được tâm thanh thản, an lạc và vô sự; tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp là tâm nhập Sơ Thiền; tâm nhập Sơ Thiền là tâm lìa tham, sân, si; tâm lìa tham sân, si là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh ấy là thiền định của đạo Phật.

Như vậy, bài Kinh Song Tầm là bài kinh dạy chúng ta tu thiền định của đạo Phật.

Chúng ta nên đọc thêm một bài kinh nữa, đó là bài kinh An Trú Tầm. Bài kinh Song Tầm đức Phật dạy chúng ta lựa chọn tầm thiện, loại trừ tầm ác ra khỏi tâm.

Qua bài kinh này, chúng ta đã biết cách lựa chọn tầm thiện, nhưng chưa biết cách sống trong tầm thiện, vì thế đến bài kinh An Trú Tầm, đức Phật dạy chúng ta cách thức tu tập để được an trú trong tầm thiện, đó là một phương pháp rất đặc biệt của Phật giáo trong việc nhập định, mà không có một giáo pháp nào của ngoại đạo có được.

“Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo muốn thực hiện tu tăng thượng tâm cần phải thường thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm?

Tỳ Kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cầnphải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, thì các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được diệt trừ, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.Đây là phương pháp thứ nhất mà Đức Phật dạy: Khi trong thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta có ác pháp xâm chiếm, thì phải tác ý một tướng khác tướng ác đó, tức là một tướng thiện, tướng thiện là một tướng đi ngược lại với tướng ác đó. Nhờ có tác ý một tướng thiện đối trị lại tướng ác đó, nên tướng ác đó bị đoạn trừ và tiêu diệt, lúc bây giờ tâm chúng ta mới đẩy lùi chướng ngại pháp, tức là ngăn ác, diệt ác pháp để tâm được an trú trong tầm thiện, để được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh tức là nhập định.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện mà các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Thời này chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phải quan sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Đây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo. Nhờ quan sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.

Đây là phương pháp thứ hai, dùng quán tư duy để ngăn ác diệt ác pháp, để tâm được an trú trong tầm thiện, tức là an trú trong định. Một người tu thiền định để tìm sự giải thoát, thì không thể thiếu phương pháp tu tập này được.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn còn khởi lên, thời này chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được diệt trừ, đi đến diệt vong. Nhờ chính diệt trừ chúng,nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

Đây là phương pháp thứ ba, để an trú trong tầm thiện, tức là ngăn ác diệt ác pháp, để tâm ly dục ly ác pháp nhập bất động tâm (Sơ thiền), do ly dục tầm mới được tầm tứ thiện, mới được nhất tâm, định tỉnh. Phương pháp tu tập này cũng giống như người không muốn nhìn thấy các sắc pháp nên nhắm mắt hoặc nhìn chỗ khác.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, lên hệ sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Chư Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, đến sân, đến si được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

Đây là phương pháp thứ tư, để an trú trong tầm thiện bằng cách tác ý các hành trong thân và giảm các hành dần để đi đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh, nhờ có an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật thì tâm mới ly dục, ly ác pháp dễ dàng. Phương pháp ngăn ác diệt ác pháp này, tu tập có hiệu quả hay không, là do đặc tướng của mỗi hành giả.

Pháp này được xem là pháp môn tu tập trong Thân Hành Niệm để an trú tầm thiện và rất có hiệu quả khi một người có nhiệt tâm tu hành.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, đến sân, đến si vẫn khởi lên, thờichư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng. Lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân và si được trừ diệt, đi đến diệt vong”.

Đây là phương pháp thứ năm, của pháp an trú tầm thiện cũng là phương pháp cuối cùng trong khi chiến đấu với các ác bất thiện pháp.

Phương pháp này chúng tôi thường gọi là niệm lực hay là pháp gom tâm vào tụ điểm để nhẫn nhục trước các ác bất thiện pháp, để diệt trừ tâm loạn động, để diệt trừ tâm si mê ham ngủ nghỉ (hôn trầm thùy miên vô ký), để diệt trừ tâm tham dục, để diệt trừ tâm đang tức giận, để diệt trừ tâm đang khi thân bị bệnh khổ, v.v.. Phương pháp này là phương pháp chống trả lại các ác pháp rất mãnh liệt để tận diệt cho bằng được các ác bất thiện pháp.

Tóm lại, trong năm phương pháp tu tập để an trú tầm thiện, đức Phật đã trao cho chúng ta tất cả kinh nghiệm tu hành để đưa đến chỗ tâm không phóng dật.

Năm phương pháp an trú tầm là năm phương pháp dùng để ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời, mà một người tu tập phải luôn luôn sống với pháp môn này như hơi thở mà chúng ta đang thở, nếu hơi thở dừng thì chúng ta ra người thiên cổ, còn pháp môn này rời khỏi chúng ta thì chúng ta sống trong hỏa ngục cũng như người chết chưa chôn.

Trên đường về xứ Phật, đức Phật đã trang bị cho chúng ta đủ mọi thứ cần thiết để vượt qua những đoạn đường gian nan khốn khổ và nguy hiểm, nếu chúng ta bền chí, kiên cường, dũng cảm thì chắc chắn sẽ đến nơi, đến chốn an toàn.


[1] Tầm là sự suy tư nghĩ ngợi một điều gì

[2] Tứ là tác ý, khởi niệm

BỒ TÁT QUAN ÂM DO TƯỞNG SAO CÓ SỰ LINH THIÊNG?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng mà có, nhưng cũng có sự linh thiêng và cứu độ? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.

Đáp:Chính vì người ta thấy những bóng ma phảng phất, những sự linh thiêng của những nhân vật tưởng tượng nên thế giới siêu hình mới có. Không ai giải thích được những hiện tượng kỳ lạ đó, do đâu mà có, khoa học cũng đành bó tay. Chỉ có những người nhập được chánh định, vượt qua cảnh giới hữu sắc và vô sắc tức là vượt qua các loại định tưởng thì mới thấy được thế giới siêu hình rõ ràng và sự linh thiêng đó do đâu mà có.

Thân chúng ta gồm năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

- Sắc là thế giới hữu hình.

- Tưởng là thế giới vô hình.

Người ta hiểu tưởng là do sự tưởng tượng. Tưởng ở đây không phải là tưởng tượng, là tưởng ấm cũng như sắc ấm vậy, chứ không phải sự tưởng tượng. Sắc ấm có cảnh giới của sắc ấm như: nhà cửa, cây cỏ, vạn vật, cầm thú, vạn hữu, v.v.. thì cảnh giới tưởng ấm cũng vậy nó chỉ khác là vô sắc. Vì nó là hình ảnh bóng dáng theo khuôn mẫu  của thế giới sắc ấm (hữu hình), nó cũng giống như cây cổ thụ kia, hình và bóng của nó. Cây là thế giới hữu hình, còn bóng của nó là thế giới siêu hình, cho nên cây không có thì bóng cũng không có. Vì thế, thân người mất thì linh hồn người cũng không còn.

Cảnh giới hữu hình và siêu hình của một người nó theo nhau như hình với bóng. Phước đến thì nó hiện ra giải nạn do một niềm tin ở vị Thần, Thánh nào đó, ngược lại người đó không tin Thần, Thánh thì nó khiến người đó lỡ tàu, lỡ xe để thoát nạn.

Đồng thời mọi người cùng thấy ở một góc độ nào đó, thì đó là do cộng nghiệp và do lòng tin, nhưng nó còn tùy ở tưởng ấm hoạt động giao cảm mạnh hay yếu.

Người tu tập thiền định, trạng thái tưởng xuất hiện kỳ lạ, nếu không có thiện hữu tri thức thì không thể nào ngồi yên nổi để tu. Trường hợp đó người tu nào cũng đều cho đó là thế giới oan hồn đến phá. Thấy một tảng đá, hoặc một người ngồi giữa đường, người lái xe lạc tay lái, gây tai nạn, đó là nghiệp ác đến, tưởng ấm xuất hiện ra. Một người té xuống sông, có cảm giác như có người lôi họ xuống nước, đó là nghiệp ác lôi họ xuống, nhờ tạo thiện nên có người cứu thoát họ.

Luật nhân quả nghiệp báo sử dụng sắc ấm và tưởng ấm rất là vi diệu mà loài người không thể lường được.

Hàng ngày, một người không tu tập và không trau dồi thân tâm bằng thiện pháp, nhân quả nghiệp báo sai sắc ấm của họ làm những điều tội ác mà họ không hề hay biết, đến khi tội khổ thì họ lại than trời trách đất, đi cầu khẩn Thần, Thánh gia hộ.

Còn nhân quả nghiệp báo sai tưởng ấm của họ gây tai họa hoặc cứu họ thoát chết thì họ cho oan hồn, quỷ ma tác họa, ngược lại được phước báo thì cho là Thần Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ bình an.

Mọi người sống trong thế giới đối đãi mà không thấy đối đãi. Sống trong thế giới nhân quả mà không thấy nhân quả.

Con người từ nhân quả sanh ra, chết đi về nhân quả, lại không thấy, cho rằng có những linh hồn người chết, có những Thần, Thánh, quỷ, ma. Cho nên Đức Phật dạy: “Con người là thừa tự nhân quả”. Đã thừa tự nhân quả thì làm sao có ma được? Có thế giới linh hồn người chết được?

Tất cả các tôn giáo khác đều không vén màn vô minh này, nên tôn giáo nào cũng xây dựng thế giới siêu hình có thật. Và vì thế, cuộc đời này đã làm mất đi sự công bằng và công lý của loài người.

Người ta theo các tôn giáo thì được cứu rỗi, được gia hộ; còn ai không theo tôn giáo thì chẳng được ai cứu rỗi và gia hộ cả. Như vậy có bất công không? Chỉ có Phật giáo dám xác định thế giới siêu hình khách quan không có, mà có thế giới siêu hình chủ quan do từ tưởng ấm lưu xuất. Khi một người còn sống thì có, nhưng khi đã chết thì không có. Vì thế, đức Phật cả quyết xác định thế giới siêu hình là do tưởng tri sản xuất sanh ra chứ không có thế giới thật: “Tưởng tri chứ không phải Liễu tri”.

CÓ CÕI TRỜI KHÔNG?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trời có phải là một trong sáu nẻo luân hồi, nếu làm thiện tương xứng sẽ sanh ở đó. Trong kinh có nói 18 tầng trời hoặc 36 cõi trời. Xin Thầy chỉ cho con rõ?

Đáp:Sáu nẻo luân hồi chỉ là một sự diễn biến nhân quả nghiệp báo, do con người và chúng sanh vì vô minh tạo ra mà phải gánh chịu.

Mười tám tầng trời chỉ cho 18 trạng thái thiện.

Ba mươi sáu cõi trời chỉ cho ba mươi sáu pháp thiện.

Ví dụ: Thầy nhập Sơ Thiền tức là Thầy đã ở cõi Sơ Thiền Thiên, nhập Không vô biên xứ tưởng tức là Thầy đã ở cõi Không vô biên xứ Thiên, nhập nhẫn nhục tức là Thầy đã ở cõi Đâu suất Thiên... Như vậy có phải đợi chết rồi mới sanh về đó đâu? Chỉ cần thực hiện diệt một ác pháp, tăng trưởng một thiện pháp là sanh vào cõi trời đó ngay liền, nhưng con phải hiểu thiện pháp có rất nhiều, nên có 33 cõi thiện pháp mà trong kinh gọi là 33 cõi trời, 33 cõi trời tức là 33 trạng thái thiện pháp.

Đó là một trạng thái giải thoát của tâm, khi tâm đã đạt mức độ thiện ở đó, thì tương xứng với cảnh giới Thiện ở đó. Có hiểu được như vậy mới hiểu được đạo Phật.

Dù cho có các cõi Trời thật sự đi nữa mà tâm chẳng thiện thì cũng chẳng có ích lợi gì cho chúng ta, phải không hỡi con ?

Dù cho không có các cõi Trời đi nữa, mà tâm chúng ta sống trong thiện pháp thì tâm chúng ta cũng được an vui, hạnh phúc như thường. Và như vậy, không phải sống trong cõi Trời sao? Chứ đâu phải chết mới được sanh về đó. Chết được sanh về cõi trời đó là một ảo tưởng, một giấc mộng mơ hồ của những người thiếu óc thực tế khoa học, vô minh không sáng suốt bị các tôn giáo lừa đảo.

Sống đang ở trong cõi Trời thì chết về đâu các con có biết không? Hỏi tức là trả lời. Do thế ngay từ trong cảnh sống ở thế gian mà người nào biết ngăn ác, diệt ác pháp thì người ấy đang sống trong Thiên Đàng chứ không phải Thiên Đàng ở cõi giới nào cả.

Thế giới siêu hình Thiên Đàng là do các tôn giáo dựng lên, chỉ là một cảnh giới do tưởng ấm sanh ra, để an ủi tinh thần của những người yếu đuối đang gặp khổ đau tai nạn, để nuôi hy vọng làm thiện được sanh về đó...

Người tu sĩ đạo Phật vì thấu rõ nhân quả nghiệp báo, nên tự lực cứu mình bằng cách sống trong thiện pháp: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đây là lời kêu gọi thiết tha do lòng đại từ bi của đức Phật đối với chúng ta.

Nói đến thế giới thì chúng ta phải nói đến sự duyên hợp, có nhiều duyên hợp lại mới thành thế giới, vì thế một thần thức (thức ấm) đơn độc không thể là thế giới được. Vì thế giới hữu hình không có thì thế giới siêu hình và linh hồn cũng không có.

Ví dụ: Chúng ta lấy một cây cột mà bảo rằng là cái nhà thì không thể được, vì cái nhà phải có nhiều duyên hợp lại như: cột, kèo, cửa sổ, cửa cái, vách, đòn tay, ngói gạch hợp lại thì mới gọi là cái nhà được.

Tóm lại, thế giới siêu hình không có mà chỉ có những trạng thái, từ trường thiện, ác pháp của nhân quả đang phóng xuất theo thân hành, khẩu hành và ý hành của sự vận hành nhân quả.

CHÁNH KIẾN

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con kính trình Thầy những vấn đề con nhận thức được sau thời gian được Thầy chỉ dạy và cả những câu hỏi xin Thầy giảng dạy để con thấu hiểu hơn.

1- Thầy dạy câu: “Chỉ có tâm ly dục mới hiểu được mình, được người bằng chánh kiến”. Con đã suy tư và nhận thấy:

Tâm không ly dục ly ác pháp là tâm còn vẩn đục, đen đúa, ví như cái kiếng đen mà còn bị chà xước làm sao thấy được người đúng như thật. Tâm ly dục là tâm trong sáng như pha lê, thấy người như thật có và thấy mình như thật có. Con nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, con đã hiểu những lời Thầy dạy, mặc dù các kinh có giải thích về Chánh kiến; thấy thân, thọ, tâm, pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã; thấy 12 nhân duyên hợp là thế giới khổ; thấy 12 nhân duyên rã là hết khổ; thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. Thấy biết đúng như vậy gọi là Chánh kiến. Chánh kiến ở đây là giải nghĩa Chánh kiến, chứ không phải Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo. Vì Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo là lớp học đầu tiên của Phật giáo trong tám lớp.

Tuy dựa theo các kinh để hiểu biết, nhưng không phải như vậy, vì thế tâm vẫn còn chấp ngã, tham, sân, si vẫn đầy dẫy thì làm sao gọi là “Chánh kiến” được, chỉ khi nào tâm ly dục ly ác pháp thì mới thấy thân, thọ, tâm, pháp, vô thường, khổ, không, vô ngã như thật (Chánh kiến).

Tóm lại, khi nhìn thấy hình sắc xấu, tốt cũng như khi nghe âm thinh thuận tai, chướng tai, khi cảm giác êm ấm, thoái mái dễ chịu, khi ngửi một mùi thơm hay thối đều không có chướng ngại thân tâm thì đó là Chánh kiến; khi lục căn tiếp xúc lục trần không dính mắc là Chánh kiến, tức là một sự hiểu biết mà không có khổ đau, đó là Chánh kiến.

Một sự hiểu biết mà không có sự dối trá, gian xảo, không có sự lừa đảo, lường gạt, không có sự phi đạo đức thì đó là Chánh kiến.

Một sự hiểu biết mà không có ảo tưởng, trừu tượng, không có tưởng tri thì đó là Chánh kiến.

Ví dụ: Không có thế giới siêu hình mà cho rằng có, là không phải Chánh kiến. Không có Cực Lạc, Tây Phương, không có Thiên Đàng mà cho rằng có, là không có Chánh kiến.

Không có thần thức, không có linh hồn, không có Phật tánh, không có đại ngã, không có tiểu ngã, không có bản thể vạn hữu mà cho rằng có, đó là không có Chánh kiến.

Chánh kiến nơi đâu thì nơi đó có đời sống giới luật, nơi đâu có đời sống giới luật thì nơi đó có Chánh kiến. Nơi đâu sống đời sống phạm giới, phá giới thì nơi đó không có Chánh kiến.

Nơi đâu có Chánh kiến thì nơi đó có tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Và vì vậy, nơi đó có sự giải thoát của đạo Phật.

SAU KHI NHẬP DIỆT CHƯ PHẬT CÒN TRỞ LẠI THẾ GIAN NỮA KHÔNG?

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật xưa kia, sau khi nhập diệt từ bỏ xác thân có trở lại thế gian nữa không?

Đáp:  Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni sau khi nhập diệt từ bỏ sắc thân không còn trở lại thế gian nữa.

Trong kinh Nguyên Thủy thuộc tạng kinh A Hàm, Đức Phật Thích Ca đã xác định điều này rất rõ ràng. “Ta chỉ còn một kiếp này nữa thôi”. Tại sao Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa?

Chư Phật không tái sanh lại cõi thế gian này nữa, vì cõi thế gian đầy rẫy các ác pháp, con người trên thế gian này có việc gì thì ăn thua đủ, không biết nhẫn nhịn, hung dữ, chửi mắng, mạt sát lẫn nhau, gian xảo, lừa đảo, điêu ngoa, xảo quyệt, giả dối, nhiều chuyện, gian ác, hiểm độc, v.v..

Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì khí hậu thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng, lúc mưa, gió bão bất thường, lại thêm bão lụt, động đất, thủy tai, hỏa hoạn, giặc giã, trộm cướp, giết người chẳng chút lòng xót thương, v.v..

Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì mang thân tứ đại này giống như ở tù chung thân đi đâu cũng không được tự tại, tự do rất là khổ sở.

Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa là vì tâm Phật hết tham, sân, si. Tâm Phật hết tham, sân, si thì không còn tương ưng với chúng sanh thì không thể nào tái sinh lại được, dù Phật muốn sinh làm người lại nhưng không làm sao được nữa.

Phật không dám tái sanh lại cõi thế gian này nữa, là vì mang thân tứ đại này như ở trong ổ bệnh, nóng nực quá chịu không nổi, lạnh quá chịu cũng không xong, mỗi mỗi đều có thể xảy ra gây thương tích làm đau nhức không xiết kể. Thân tứ đại lại vô thường nên thường xảy ra bệnh tật, khi bệnh tật thì khổ đau vô cùng, vô tận. Vì thân tứ đại vô thường, nên không tránh khỏi sự già nua, mà hễ già nua thì tay chân run rẩy, đi đứng không vững vàng, thì thật là khổ sở vô cùng. Vì thân tứ đại vô thường nên sự hoại diệt chắc chắn phải đến, đến trong sự đau khổ tử biệt sanh ly.

Cho nên, khi một đức Phật nhập diệt không tránh khỏi cả một trời đau thương phải không hỡi các con?

Khi còn là một học Tăng, Thầy đọc kinh Niết Bàn, trước giờ phút đức Phật nhập diệt cả Trời Người đều khóc thương thảm thiết, khiến Thầy cũng xúc động khóc theo. Đây không phải là sự đau khổ tận cùng của sự chia ly hay sao?

Cho nên, đức Phật ra đi, bỏ báo thân này thì không bao giờ trở lại làm thân người nữa, không phải chư Phật sợ khổ đau làm thân chúng sanh, mà chính duyên chúng sanh đã hết. Nếu còn duyên với chúng sanh thì đức Phật không bao giờ nhập Niết Bàn, Ngài sẽ phục hồi sự sống rất dễ dàng, muốn sống bao lâu cũng được. Trong kinh Niết Bàn đã nói điều này rất rõ ràng.

Hết duyên với chúng sanh, có nghĩa là duyên nhân quả đã hết. Mục đích của một người tu theo đạo Phật là phải trả sạch nhân quả, có nghĩa là không còn nợ nhân quả; không còn nợ nhân quả tức là một người sống toàn thiện, vì sống toàn thiện là thoát khổ, cho nên không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh; không còn nghiệp lực nhân quả đi tái sanh, thì lấy cái gì để đi tái sanh, cái đi tái sanh đã bị diệt rồi và nợ nhân quả cũng hết rồi thì còn duyên nghiệp gì, để Phật đi tái sanh nữa.

Mục đích phải đạt của một vị tu sĩ là tu thành Phật, thành Phật để chấm dứt duyên nghiệp tái sanh luân hồi. Khi chấm dứt rồi thì còn lấy cái gì đi tái sanh. Mầm tái sanh đã bị diệt ngay từ lúc hướng tâm đến Lậu Tận Minh.

Mầm tái sanh làm người đã dứt thì nợ nhân quả đã hết, nợ nhân quả đã hết thì duyên chúng sanh đã hết, duyên chúng sanh đã hết, thì dù có muốn tái sanh cũng không làm ích lợi cho con người. Vì hết duyên, có thuyết giảng, có dạy đạo chúng sanh cũng chẳng nghe.

Ví dụ: Hiện giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tái sanh trở lại dạy người tu hành thì người ta vẫn phỉ báng rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy pháp điên, dạy lỗi thời, dạy không đúng giáo pháp Đại Thừa và Thiền Đông Độ, dạy cho những người sơ cơ còn có chứng, có đắc, còn pháp môn hiện giờ vô chứng, vô đắc, tự tại, vô ngại đói ăn, khát uống, không chấp giới luật.

Do những điều trên đây mà chư Phật nhập diệt rồi thì không bao giờ trở lại cảnh giới thế gian này nữa.

KHI NHẬP DIỆT ĐỨC PHẬT ĐÃ TRỞ THÀNH SÓNG ÁNH SÁNG?

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có phải các vị Phật đã trở thành ánh sáng (sóng ánh sáng). Ánh sáng này mang năng lượng tỉnh giác, trí tuệ, không phải ánh sáng do mặt trời chiếu?

Đáp:Khi nhập diệt, bỏ sắc thân này tức là chấm dứt tái sanh luân hồi, chấm dứt tái sanh luân hồi tức là chấm dứt sự đau khổ của muôn vạn kiếp làm chúng sanh.

Khi chấm dứt tái sanh luân hồi, thì không trở thành ánh sáng (sóng ánh sáng), mang năng lượng tỉnh giác trí tuệ.

Khi vào Niết Bàn bỏ xác thân này, thì chư Phật luôn luôn lúc nào cũng ở trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, chỗ tâm không còn ái dục. Lúc còn sống khi tu xong chư Phật đều ở trong Niết Bàn này, cho đến khi chết thì trạng thái này vĩnh viễn không bao giờ mất. Chứ không trở thành sóng ánh sáng như người khác tưởng mà là một từ trường trong muôn vạn từ trường khác nhưng nó lại thanh thản, an lạc  và vô sự.

Trong không gian có một từ trường thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế người tu hành giữ gìn tâm không phóng dật là ở trạng thái từ trường đó, nên tâm chúng ta và từ trường đó là một. Nếu trong không gian mà không có từ trường đó, thì chúng ta không tu tập có được tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Cũng như có tứ đại bên ngoài, thì thân tứ đại của chúng ta mới tồn tại, hay nói cách khác cho hiểu rõ ràng hơn. Có tứ đại bên ngoài thì mới nuôi sống thân tứ đại của chúng ta. Nếu bên ngoài không có tứ đại, thì thân tứ đại của chúng ta cũng không có.

Cho nên, trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự bên ngoài không có thì tâm chúng ta cũng không giữ gìn được thanh thản, an lạc và vô sự.

Vì thế, khi một đức Phật đã nhập Niết Bàn thì không bao giờ trở lại tái sanh đời này nữa, chỉ có những người tu chưa xong nên còn mầm tái sanh và nợ nhân quả chưa dứt, tức là còn duyên với chúng sanh. Còn duyên với chúng sanh tức là còn tâm tham, sân, si. Còn tâm tham, sân, si tức là còn tương ưng với chúng sanh, vì chúng sanh còn tâm tham, sân, si. Do đó, còn đi tái sanh luân hồi, làm con của những người khác. Thật là khổ đau vô cùng, vô tận từ kiếp này đến kiếp khác.

CÓ PHẢI PHẬT LÀ TRÍ TUỆ CỦA MỘT VỊ MINH SƯ KHÔNG?

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có phải Phật là trí tuệ của vị Minh sư, vị A La Hán đang tại thế không?

Đáp:Đúng vậy, Phật là trí tuệ của vị Minh sư, vị A La Hán đang tại thế.

Nhưng phải biết phân biệt vị Minh sư và vị A La Hán là bậc sống đúng giới hạnh (Phạm hạnh), không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Chính những bậc này là trí tuệ của Phật, của bậc A La Hán. Vì thế, Phật là trí tuệ của họ.

Vì đức Phật đã xác định trí tuệ ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là trí tuệ ở đó. Cho nên, Phật là trí tuệ của vị Minh sư, nhưng vị Minh sư sống phạm giới, phá giới thì vị Minh sư ấy không phải là trí tuệ của Phật, họ chỉ là một học giả mà thôi.

Phật tử chỉ cần xét vị Minh sư của mình qua giới luật của Phật, thì sẽ rõ thấu vị Minh sư hay là vị ám sư, nếu là Minh sư thì giới luật nghiêm chỉnh, còn ám sư thì phạm giới, phá giới, thường sống trong chùa to Phật lớn; sống theo dục lạc thế gian; sống như người giàu sang thế tục; sống ăn uống phi thời; sống cất giữ tiền bạc, châu báu, ngọc ngà; sống xem tivi, ca hát, nhạc kịch, phim ảnh, v.v.. Đó là những vị ám sư chứ không phải Minh sư.

Vị Minh sư luôn luôn lúc nào cũng lấy giới luật làm hạnh sống của mình, lấy giới luật làm thước đo tâm ly dục ly ác pháp của mình, lấy giới luật làm tiêu chuẩn xét lại tâm mình có định hay chưa có định, lấy giới luật làm bản đồ, để chỉ hướng đến con đường giải thoát, mà không sợ lạc lối, không sợ lầm đường; lấy giới luật để làm ngọn đuốc sáng cho mọi người soi. Vì thế, mỗi ngày tu là nghiệm thấy kết quả giải thoát ngay liền.

ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Vị Minh sư tỏa sáng đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có tâm ly dục trở nên trong sáng sẽ được hưởng ánh sáng nhiều và ngược lại.

Đáp:Vị Minh sư luôn tỏa ánh sáng trí tuệ đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đủ duyên với Phật pháp, nên khi gặp được ánh sáng trí tuệ đó, liền đặt trọn lòng tin kiên cố ở vị Minh sư, nhiệt tâm thực hiện lời dạy của Người, sống đúng, tu tập đúng, nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp. Ngày ngày tâm trở nên trong sáng hơn và thụ hưởng áng sáng trí tuệ đó nhiều hơn.

Ánh sáng trí tuệ Phật luôn luôn tỏa khắp trong không gian, như không khí mà quý vị đang hít thở, nếu quý vị khởi một niệm thiện pháp thì ánh sáng đó trở thành trí tuệ của quý vị, tức là quý vị đang hành động một đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người.

Vì thế, kẻ nào sống trong thiện pháp biết ngăn ngừa ác pháp, là đang sống trong trí tuệ của Phật, trí tuệ của vị Minh sư, ngược lại sống không biết ngăn ác, diệt ác pháp, sống phạm giới, phá giới là sống xa lìa trí tuệ Phật, không hưởng được ánh sáng của vị Minh sư, tức là sống xa lìa sự giải thoát của đạo Phật.

Phật lúc nào cũng sống bên chúng sanh, còn chúng sanh thì lúc nào cũng sống xa Phật. Tại sao vậy?

Vì chúng sanh thường sống trong ác pháp, còn Phật thì sống trong thiện pháp. Nếu chúng sanh biết sống trong thiện pháp thì đó là trở về với Phật, còn chúng sanh sống trong ác pháp, là xa lìa Phật, dù muốn gần Phật cũng không được, dù hết lòng cầu khẩn cũng không được.

Cho nên, đạo Phật rất đơn giản nhưng người không biết tu tập sai pháp như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, đọc thần chú, bái sám, lạy hồng danh chư Phật, cầu an, cầu siêu, v.v.. đều là những việc làm đi ngược lại với Phật giáo. Gây tạo ra nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, ảo giác, trừu tượng... Phần nhiều sống trong ảo mộng. Xét lại, tất cả các tôn giáo hiện có mặt trên hành tinh này đều có sự giống nhau, không rơi vào hình thức mê tín này, thì lại rớt vào hình thức mê tín khác. Đó là vì chịu ảnh hưởng chung trong một bối cảnh siêu hình của tưởng tri.

Vì thế, khi đức Phật nhập diệt các tu sĩ ngoại đạo cố gắng lồng thế giới siêu hình vào đạo Phật, để biến Phật giáo giống như các tôn giáo khác, để dễ bề chúng phát triển thế giới siêu hình.

Nếu đạo Phật giẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác, thì đạo Phật không còn ý nghĩa tự lực của đạo giải thoát nữa.

Nhìn chung toàn bộ kinh sách Đại Thừa đều là một kho giáo lý góp nhặt những tưởng tri của các nhà triết học tôn giáo và thế tục.

Lý luận nghe rất siêu, nhưng áp dụng vào đời sống con người thì ích lợi không bao nhiêu mà tai hại thì rất nhiều.

DIỆT NGÃ

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy dạy: “Đạo Phật là Đạo diệt ngã”. Con hiểu rằng muốn diệt ngã là phải tu đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là để không gặp đối kháng trong đời, để khỏi hao phí lực.

Đáp:Đúng vậy, con đã hiểu đúng ý Thầy dạy phần thứ nhất (không hao phí lực).

Phần thứ hai: nhẫn nhục là tu tâm từ bi; tùy thuận là tu tâm xả; bằng lòng là tu tâm hỷ. Do thế tâm hồn con mới được an lạc thanh thản và giải thoát.

Phần thứ ba: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là giúp con tu tập ly dục, ly các ác pháp; ly dục ly các ác pháp, tức là diệt ngã. Cho nên, người tu sĩ không ly dục ly ác pháp, thì không bao giờ diệt ngã được, nhưng ly dục ly ác pháp phải có những pháp hành đúng đắn, nếu không có pháp hành đúng đắn thì sẽ bị phí sức, đôi khi còn lạc vào thiền ức chế tâm, đã không có được giải thoát mà còn sanh bệnh tật rất nguy hại và hiểm nghèo.

Sự tu tập theo Phật giáo phải có thiện hữu tri thức (người đã tu xong), hướng dẫn thì sự tu tập diệt ngã xả tâm không có phí sức.

Bởi vì, tu theo giáo pháp của đức Phật, rất nhẹ nhàng, không có khó khăn không có mệt nhọc, không có phí sức.

Còn tu sai không đúng pháp thì phí sức nên sanh ra lười biếng, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, mệt nhọc, tinh thần thiếu sáng suốt, lờ đờ, không tỉnh giác, hay quên trước, quên sau, lẫn lộn, v.v..

Còn tu đúng pháp thì thân tâm nhẹ nhàng, an lạc, thoái mái, dễ chịu, thích tu, siêng năng tinh tấn, không lười biếng, nhất là lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc, hân hoan và vô sự.

Tu đúng pháp thì sức khỏe dồi dào, ít bệnh tật. Tuy rằng, ngày ăn một bữa cơm, không ăn uống lặt vặt, phi thời nhưng sức khỏe không bị tổn giảm.

Cho nên, tu theo pháp của đức Phật liền có sự giải thoát nơi thân tâm, nếu không có giải thoát ngay liền, thì đó là chúng ta đã tu sai, cần nên tu sửa trở lại cho đúng cách.

Người tu theo đạo Phật không sợ lạc lối, không sợ tu sai pháp. Vì đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên nền tảng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, mỗi hành động thân, khẩu, ý đều xuất phát đầy đủ trọn vẹn thiện pháp.

Người sống trọn vẹn đầy đủ thiện pháp, là người hạnh phúc nhất thế gian, do đó không còn sự khổ đau nào xâm chiếm tâm hồn họ được.

Vì vậy khi bắt đầu tu, là phải sống trong thiện pháp, một thiện pháp được sống và tăng trưởng thì một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ. Một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ, thì ngay đó chúng ta có tìm thấy sự giải thoát không? Chắc chắn là có, như vậy chúng ta tu tập theo Phật giáo làm sao sợ sai pháp được? Làm sao đi lạc lối được? Có tu là có giải thoát, có sống là có đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Phải không hỡi các con?

THIỂU DỤC TRI TÚC

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thiểu dục, tri túc như con hiểu là để bớt công sức tạo ra vật chất bồi đắp cho mình và bớt công sức tiêu hao vật chất mà mình thu nhận vào thân.

Đáp:Đúng vậy, con đã hiểu được phần thứ nhất thuộc về phần tiết kiệm công sức của thân và tâm. Còn phần thứ hai, thứ ba và thứ tư thuộc về tâm khiến cho tâm con buông xả mọi vật chất (các pháp trần), dù trong hoàn cảnh nào, tâm vẫn thấy đủ, đó là cách thức xả tâm, diệt ngã.

1- Phần thứ nhất là tiết kiệm công sức, để vun đắp năng lực cho sự xả tâm, ly dục, ly ác pháp.

2- Phần thứ hai cũng thuộc về tâm, nhờ sống ít muốn biết đủ nên tâm dần dần ly dục, ly ác pháp, không còn ham muốn vật chất thế gian (các pháp), nên lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.

3- Phần thứ ba thiểu dục tri túc là một Thánh hạnh, một đức hạnh buông xả giải thoát mà người phàm phu không thể sống nổi, không thể làm được. Nhất là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một bát của một vị Tỳ Kheo đệ tử của đức Phật thì ít có ai sống và làm được.

Nói đến hạnh thiểu dục tri túc là nói đến một tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Trên đời này, không còn có một vật gì ràng buộc tâm hồn của họ được. Đi hay ở tùy thích, không có chùa to, Phật lớn, không có nhà cao cửa rộng. Nhất là họ đã thoát ra khỏi kiếp nô lệ tiền bạc, vì họ không cất giữ tiền bạc. Trên đời này khó mà có ai sống như họ được. Có như vậy mới gọi là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một bát.

Nếu một người tu theo Đạo Phật mà không sống hạnh thiểu dục tri túc, không ba y một bát thì cuộc đời tu hành của những người này không bao giờ tìm thấy sự giải thoát chân thật, dù trong một phút, một giây cũng không có. Tâm hồn họ còn nặng nề và đang bị trói buộc bởi các pháp thế gian (dục và ác pháp).

TỈNH GIÁC

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo như con hiểu là để quay vào kiểm soát thân tâm, để khỏi bị đời lôi cuốn. Tất cả để bảo tồn năng lượng, năng lực tự chủ, để tới lúc đủ lực vút lên khỏi ngục tù xác thân?

Đáp:Đúng vậy, con đã hiểu được phần thứ nhất về định lực, còn phần thứ hai, thứ ba và thứ tư để Thầy sẽ giảng rõ cho con hiểu thêm:

- Thứ hai là hạnh lực “Cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo”, đó là giữ gìn hành động thân, hành động lời nói và hành động suy nghĩ, làm cho oai nghi, tế hạnh của con nhẹ nhàng, êm dịu, ôn tồn, nhã nhặn, những hành động đó không thể vô tình, vô ý được. Vì vậy khiến cho các con không làm khổ mình, không làm khổ người khác nữa.

- Phần thứ ba là phần tỉnh thức. Khi có cẩn thận, kín đáo, dè dặt, kỹ lưỡng thì phải có sức tỉnh thức rất cao, nếu không tỉnh giác thì cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo chỉ là danh từ suông.

Như con đã biết, về vấn đề tu tập hàng đầu của đạo Phật là tu tập tỉnh giác, có tỉnh giác mới phát hiện được ác pháp và lòng tham đắm của mình, nếu không tỉnh giác mà nói tu theo đạo Phật thì chỉ hoài công vô ích. Cho nên, sự tu tập tỉnh thức là một vấn đề quan trọng của đạo Phật.

- Phần thứ tư là phần chánh niệm, khi có cẩn thận, dè dặt, kỹ lưỡng, kín đáo thì tâm luôn luôn ở trong chánh niệm, không có tà niệm xen vào, tức là không có niệm ác.

Tuy những danh từ đơn giản nhưng hiểu ra để tu tập, trau dồi thân tâm là một công trình tu tập, mà còn phải biết các pháp hành đúng như pháp của Phật thì mới có kết quả tốt đẹp.

Cho nên, người nào có tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì ngoài đời làm ăn cũng dễ thành công, trong đạo tu hành cũng dễ thành tựu viên mãn.

Vì có cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì sự tu hành dễ tỉnh thức, các chướng ngại pháp ít xâm chiếm thân tâm. Người cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo mỗi tâm niệm thiện hay ác khởi lên, người ấy dễ nhận thấy được một cách dễ dàng.

Người không có tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo, tánh tình thường thô lỗ, cộc cằn, hung dữ thì tu hành rất khó khăn và đôi khi sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ mang tiếng tu hành, chứ chẳng có ích lợi gì cho mình, cho người.

Tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo rất quan trọng cho cả cuộc sống đời, lẫn cuộc sống đạo.

Người tu tập tỉnh thức, tức là tu tập Thân Hành Niệm, tu tập Thân Hành Niệm, tức là tập luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo, chứ không phải sự tập trung tâm vào bước đi hoặc mọi hành động của thân, để cho tâm không khởi niệm vọng tưởng, đó là một sự tu tập sai lầm của các cư sĩ và tu sĩ, họ đã từng tu tập như vậy đã bao thế kỷ nay, mà chẳng có ai đạt được ích lợi gì cho bản thân của mình và cho người khác.

Còn tu tập rèn luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì ngay trong sự kỹ lưỡng, dè dặt, cẩn thận, kín đáo đó trên mỗi hành động thiện hay ác của họ, liền có sự giải thoát, khiến cho thân tâm được an lạc, thanh thản và vô sự. Vì sự cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo (tỉnh giác) trong thiện pháp (chánh niệm) nên thường ngăn chặn và diệt trừ các ác pháp (tà niệm).

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thế giới siêu hình. Dựa theo lời Thầy dạy con hiểu thế giới siêu hình như cái tivi, đầu vidéo, những cuốn băng hình do con người tạo ra, để thu giữ những hình ảnh của thế giới con người hoặc là thế giới thần tiên cũng do con người diễn xuất. Nếu đập vỡ phương tiện thì chẳng còn gì. Con sợ con sa vào tưởng tượng nên con mạnh dạn trình Thầy để Thầy chỉ dạy.

Đáp:Đúng, con đã hiểu được ý của Thầy nói về thế giới siêu hình. Còn có sắc thân này còn có cảnh giới siêu hình, nếu sắc thân này mất, thì cảnh giới siêu hình cũng mất.

Bởi vì con người đang sống trong thế giới đối đãi, thế giới duyên hợp nên cái này có cái kia có, cái này mất cái kia mất.

Con ví dụ rất khéo, thế giới siêu hình như cái tivi đầu máy vidéo và cuốn băng quá cụ thể và rõ ràng, khiến cho mọi người đều có thể nhận ra được.

Bởi sắc uẩn nó là cái tivi, tưởng uẩn là đầu máy vidéo còn cuộn băng là năng lực của tưởng thức. Nên chiêm bao, mộng mị, hình bóng ma, quỷ, linh hồn, thần, tiên, lên đồng, nhập xác cô, cậu đều do sắc uẩn tức là thế giới hữu hình của chúng ta đang sống và đóng những vai trò trên sân khấu của tưởng uẩn, tạo ra những hình ảnh sống động khiến cho mọi người đều lầm tưởng là có thế giới siêu hình như thật. Nếu không đập vỡ sắc uẩn, tưởng uẩn và tưởng thức (tivi, đầu máy vidéo và cuốn băng) thì ngàn đời người ta đều cho có thế giới siêu hình như thật.

 Ví dụ của con ở phần trên, rất chính xác khiến cho mọi người dễ nhận ra thế giới siêu hình do từ đâu mà có. Nếu không có sắc uẩn, tưởng uẩn và tưởng thức thì thế giới siêu hình cũng không có.

Khi một người chết thì tưởng uẩn và tưởng thức cũng tan hoại theo năm uẩn của nó, thì thử hỏi linh hồn của con người làm sao còn được?

Vậy mà sự vô minh, mê muội của con người không thấy như thật, nên cho người chết còn có linh hồn bất tử luôn luôn đi tái sanh luân hồi thì thật là sống trong mơ mộng.

Do không chân thật nhận ra bằng ý thức, mà chỉ nhận qua trạng thái tưởng uẩn và tưởng thức của chính bản thân mình lưu xuất. Vì thế, mà thế giới siêu hình không một ai dám xác nhận thế giới siêu hình không có. Thậm chí, cho đến các nhà khoa học dù ở phương Đông cũng như ở phương Tây, không có một nhà khoa học nào dám khẳng định không có thế giới siêu hình, vì không thể đem khoa học chứng minh chính xác được những hiện tượng xảy ra của tưởng uẩn và tưởng thức.

Những nhà ngoại cảm đã mang đến những hiện tượng siêu hình, khiến cho các nhà khoa học không thể giải thích được, nên đành phải im lặng, nhưng cũng không dám bảo rằng có, cũng không dám bảo rằng không. Nếu bảo không có thì không giải thích được những hiện tượng siêu hình thì ai tin cho, còn bảo rằng có thì không chứng minh được những hiện tượng như sương, như khói, không gian và thời gian không bị chia cắt và trải dài là cái gì?

Khi các nhà khoa học không chứng minh những hiện tượng của tưởng uẩn được là vì trí tuệ của các nhà khoa học còn trong sự hạn chế của trí tuệ hữu hạn. Còn những nhà tu hành đạt được trí tuệ vô hạn nên họ đã thấy biết rất rõ ràng các pháp trong vũ trụ. Khi họ nói ra một điều gì, nếu chúng ta chịu khó tư duy, suy nghĩ thì chúng ta sẽ hiểu một cách cụ thể, không có mơ hồ và trừu tượng.

Bởi vì trong hiện tại chúng ta nói, làm, suy nghĩ một việc gì thì những việc ấy còn lưu lại mãi trong không gian mà không bao giờ mất. Vì thế, tưởng uẩn của các nhà ngoại cảm bắt gặp những âm thinh, sắc tướng đó. Nhưng vì là tưởng uẩn muốn trình bày sự bắt gặp đó, nó phải dùng hai trường hợp:

1- Phải thể hiện qua giấc mộng (chiêm bao).

2- Phải thể hiện qua sự nhập xác (đánh thiếp, lên đồng, nhập cốt...)

Không thể mượn ý thức diễn đạt, vì bấy giờ ý thức không còn hoạt động, vì thế tưởng thức chỉ còn có cách thể hiện diễn đạt bằng hai cách nói trên.

Do tưởng uẩn diễn đạt như vậy, nên chúng ta mới lầm tưởng có linh hồn người về nhập xác người sống. Và còn nhiều hiện tượng khác nữa như: sắc tưởng (hình bóng như sương như khói v.v..), thinh tưởng (tiếng than khóc, tiếng kêu, tiếng hú giữa ban đêm v.v..), xúc tưởng (cảm giác ớn lạnh, gió lay bức màn, xúc tưởng loài bướm bay hoặc đậu nơi người vừa chết, v.v..).

Tất cả những hiện tượng này xảy ra, nếu không có một người tu chứng, vượt qua tưởng uẩn thì không ai dám bảo rằng: không có thế giới siêu hình, có nghĩa là có đời sống sau khi chết.

Từ khi chúng tôi được sanh làm người thì cái thế giới siêu hình luôn luôn được ngự trị trong chúng tôi, trên hết là cõi Niết Bàn tức là cõi Phật, kế đó là cõi Trời tức là cõi của chư Thiên ở, cõi Thần, Thánh, cõi quỷ, cõi ma, v.v.. Tất cả những cõi trên đây đều là những cảnh giới của thế giới siêu hình hay nói cho dễ hiểu hơn là cõi của những linh hồn người chết. Đến khi tu tập, nhập được các định, vượt qua được tưởng uẩn, chúng tôi mới nhận thấy, thế giới linh hồn của người chết không có, nhưng chúng tôi không nói ra, nói ra sợ người ta không tin. Đến khi đọc lại toàn bộ kinh sách từ Đại Thừa đến Nguyên Thủy thì chúng tôi thấy bài kinh Pháp Môn Căn Bản trong kinh Trung Bộ, đức Phật đã xác định thế giới siêu hình không có. Bài kinh này là một cơ sở vững chắc để triệt tiêu thế giới siêu hình. Nhờ có triẹt tiêu thế giới siêu hình thì mới có thể xây dựng nền đạo đức nhân bản nhân quả cho loài người trên hành tinh này. Nếu thế giới siêu hình có, thì luật nhân quả không có, luật nhân quả không có thì không thể có sự công bằng và công lý và loài người chỉ là loài ác thú.

Muốn cho cuộc sống của con người có công bằng và công lý thì đạo đức nhân bản nhân quả phải được triển khai, biên soạn và viết ra thành bộ sách đạo đức làm người để giúp cho con người biết cách thực hiện sự công bằng và công lý trên hành tinh này.

Muốn cho cuộc sống của con người có công bằng và công lý thì trước tiên chúng ta phải triệt tiêu thế giới siêu hình, như chúng tôi đã nói ở trên. Vì còn có thế giới siêu hình thì chúng ta không thể áp dụng đạo đức nhân bản - nhân quả vào cuộc sống của loài người được.

Nếu không áp dụng đạo đức nhân bản - nhân quả vào cuộc sống của loài người thì loài người không còn có sự công bằng và công lý nữa và vì vậy cuộc sống của loài người sẽ khổ đau không cùng tận. Thế gian này là địa ngục trần gian. Cho nên, mỗi người phải có tầm nhìn xa hiểu rộng để dẹp bỏ những ảo tưởng của thế giới siêu hình mới mong có ngày trái đất này là Cực Lạc, Thiên Đàng v.v..

TU TẬP CÓ ĐỐI TƯỢNG

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu tập xả tâm bằng cách: lấy người khác thường làm khó khăn, làm đối tượng tu tập buông xả, dẹp bỏ sân, si, phiền não. Nhờ tu tập như vậy lần lần thấy hết và những khó khăn được gỡ dần, bản thân con thấy an ổn hơn. Bây giờ con bắt đầu tập xả tâm nhớ thương tương tự như vậy. Con trình Thầy cách tập luyện như vậy có được không?

Đáp:Được, đó là lấy đối tượng tu tập Định Vô Lậu, rất thực tế và cụ thể, cô Út Diệu Quang thường tạo đối tượng giúp các cháu gái tu tập Định Vô Lậu xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp này.

Cách thức tu tập này rất khó, nếu là người có chí, có nhiệt tâm, có nhiệt huyết tìm đường tu hành để giải thoát đau khổ của cuộc đời thì một thời gian ngắn đã giải thoát hoàn toàn, đắc định và chứng Tam Minh không có khó khăn. Bằng ngược lại thì đau khổ nhiều, tâm thường sanh oán hận. Nếu tâm thường sanh oán hận, người này đang sống trong cảnh địa ngục và cuối cùng cuộc đời tu hành của họ cũng chẳng có ích gì cho chính bản thân họ, lại càng làm cho họ khổ đau hơn.

Lấy đối tượng tu tập Định Vô Lậu là phải thông suốt lý nhân quả, lý duyên hợp, thân ngũ uẩn, và còn phải dùng pháp hướng tâm “tâm như cục đất”, phải tập tỉnh thức trong mọi công việc làm hàng ngày, phải thiểu dục tri túc; phải giữ gìn sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Có tu tập như vậy kết quả giải thoát hiện tiền, mới đem lại đời sống an lạc, hạnh phúc chân thật cho chính bản thân của mình.

Tu tập có đối tượng, tức là tu tập Tứ Chánh Cần, tu tập Tứ Chánh Cần có bốn phần:

1- Ngăn ngừa các ác pháp, giúp tâm không phóng dật theo các pháp bên ngoài.

2- Đoạn diệt các ác pháp, quyết tâm tận diệt các ác pháp, khi các ác pháp đã làm chướng ngại tâm, làm cho tâm phiền não và khổ đau.

3- Luôn luôn giữ gìn và bảo vệ tâm trong thiện pháp, không để tâm bị ác pháp xâm chiếm.

4- Lúc nào cũng tìm mọi cách để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

Tu có đối tượng là người phải có nghị lực, dũng cảm, gan dạ, kiên nhẫn, bền chí. Luôn luôn chiến đấu, nhưng quyết định phải giành được phần thắng về mình, nhất định là không chịu thất bại trước các ác pháp nào cả.

Người có ý chí có quyết tâm như vậy thì chắc chắn phải thành tựu viên mãn trong sự tu tập.

Tu có đối tượng tuy khó, nhưng kết quả dễ nhận ra và nhận ra rõ ràng, cụ thể. Tu tập có đối tượng không sợ bị ức chế tâm, không sợ lạc vào thiền tưởng, nhưng phải tránh sự chịu đựng.

Tu tập có đối tượng dễ phát triển tri kiến giải thoát, vì phải thường xuyên quán xét, tư duy, suy nghĩ, làm việc nhiều về trí óc. Phát triển tri kiến giải thoát tức là phát triển trí tuệ đạo đức nhân bản - nhân quả.

Người tu tập phát triển tri kiến giải thoát là người sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả. Nhờ đó tâm họ ly dục ly ác pháp một cách dễ dàng.

Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Người tu hành tâm không phóng dật là tâm giải thoát. Như Đức Phật đã dạy: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành cũng từ nơi đó sanh ra”.

XẢ SẠCH

Câu hỏi của Hải Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Biết bao giờ tâm con mới xả sạch?

Đáp:Nếu thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ như thật. Trong cõi đời này không có một vật gì là của mình, là mình cả. Và những vật ấy không bao giờ thường còn mãi mãi, luôn có sự thay đổi vô thường từng phút giây. Vì thế, sáng vui, chiều khóc, chiều vui, sáng khóc. Đời sống con người là vậy vui ít, khổ nhiều, có gì là hạnh phúc đâu; có gì mà tham đắm.

Nếu một người không biết nhàm chán những sự cám dỗ của cuộc đời này, để vượt ra khỏi những khổ đau của kiếp làm người, mà cứ mãi đắm chìm theo dục lạc của nó thì khó mà buông xả sạch.

Nếu không chịu khó thường quán xét, tư duy thì không thể nào thấu suốt lý vô thường, khổ đau và vô ngã của vạn pháp trong thế gian này, thì làm sao buông xả sạch vạn pháp cho được.

Nếu tâm còn ham thích, chưa ngao ngán, chán chường cuộc sống này, thì làm sao xả bỏ sạch được, nếu xả bỏ sạch không được thì cuộc đời tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Đạo Phật là đạo buông xả, có nghĩa buông xuống không dính mắc bất cứ một vật nào cả, còn dính mắc, dù cho một pháp nhỏ nhất như đầu mũi kim thì cũng chưa chấm dứt sanh tử, luân hồi.

Buông xuống, không có nghĩa trốn tránh, tiêu cực trong cuộc sống, như có một số nhà học giả hiểu Phật giáo như vậy, hiểu trong tinh thần tiêu cực, thụ động. Ngược lại, Phật giáo buông xuống, nhưng có nghĩa là tích cực, năng nổ làm việc để đem lại cho mình cho người có một cuộc sống ấm no đầy đủ, nhưng không vì vật chất mà chà đạp, xâu xé lên nhau để chiếm đoạt về phần mình nhiều hơn. Do đó, buông xuống có nghĩa là không dính mắc, chứ không có nghĩa tiêu cực không làm việc.

Nhàm chán không có nghĩa là chán đời. Ở đây có nghĩa là thấu suốt được vạn pháp không có thực thể, nên tâm không còn tham đắm và dính mắc nó nữa.

Nói buông xả có nghĩa là sống một đời sống ly dục ly các ác pháp, khiến cho tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự.

Nói buông xả, là nói đến một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Một đời sống đức hạnh tuyệt vời mà mọi người hằng mơ ước.

Bởi vậy con hãy cố gắng xả cho thật sạch. Xả cho thật sạch thì tâm con được an lạc, thanh thản và vô sự. Một trạng thái vô cùng an ổn và lợi ích cho muôn vạn người và tất cả chúng sanh, chứ không ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi như cuộc sống của con người hiện nay. Con người hiện nay đang sống trên sự đau khổ của muôn loài chúng sanh, nhưng vô tình họ nào có hay biết gì đâu.

Con hãy cố gắng xả cho thật sạch thì sự tu tập của con không phí bỏ vô ích một kiếp làm người. Vì những điều con muốn biết, muốn hiểu, con đều sẽ hiểu biết tất cả. Không gian và thời gian không còn chia cắt và ngăn cách đối với con nữa. Rồi con sẽ hiểu: “Con người từ đâu sanh ra và chết đi về đâu?”.

Và con còn sẽ hiểu hơn nữa: “Không có con người sanh tử mà chỉ có sự thay đổi hợp, tan của môi trường sống theo định luật của nhân quả”.

Hãy cố gắng tu tập buông xả con ạ! Không uổng phí công tu tập, không hoài công đâu con ạ!

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì?

Ôm vào đau khổ vô cùng tận,

Buông xuống ngay liền vạn khổ đi.

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi, con sẽ thấy hạnh phúc vô cùng, vô tận.

Cuộc sống của con người chỉ là một vở tuồng trên sân khấu nhân quả, có đáng gì cho chúng ta đắm mê, mà không buông bỏ được phải không hỡi con? Chỉ toàn là khổ đau, khổ đau vì tranh ăn; khổ đau vì danh lợi; khổ đau vì hơn thua, v.v..

Cho nên, đạo Phật ra đời dạy: “Con người bỏ xuống tất cả các ác pháp và sẽ được tất cả các thiện pháp. Đó là một bí quyết bảo vệ môi trường sống trên hành tinh này, đem lại cho muôn loài một đời sống công bằng và công lý.

TÂM NHƯ ĐẤT

Câu hỏi của Hải Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tâm như cục đất có xả sạch được chưa?

Đáp:Tâm như cục đất là tâm con đã xả sạch, chừng đó con chẳng cần tu tập thiền định nào cả, lúc nào con cần nhập định là nhập được ngay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.

Tâm như cục đất, đó là sự ước muốn của con. Muốn cho tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, khi tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa là tâm hết khổ đau. Sự ước muốn như vậy, nếu con không cố gắng khắc phục tâm mình ly tham, đoạn ác pháp thì làm sao tâm thành đất được.

Muốn cho tâm thành đất thì con phải tu tập Bát Chánh Đạo. Nói tu tập Bát Chánh Đạo là nói cách thức sống ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp hay nói cách khác là sống toàn thiện.

Muốn sống toàn thiện thì phải có Chánh kiến, Chánh kiến tức là thấy đúng nhân quả thiện và ác, chứ không phải thấy đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu, v.v..

Trong cuộc sống bất cứ một việc gì xảy đến, chúng ta đều phải nhìn với lòng thiện, lòng từ, lòng bi, lòng hỷ, lòng xả. Nếu chúng ta nhìn thấy bất cứ việc gì với lòng bất thiện, lòng không từ, không bi, không hỷ, không xả thì ác pháp sẽ đến với chúng ta. Và vì thế tâm chúng ta sẽ khổ đau, và như vậy tâm không thể thành đất được.

Muốn tâm thành đất chúng ta phải có sự tư duy, suy nghĩ thiện và ác trong bất cứ một sự việc gì xảy ra, thiện thì chúng ta tăng trưởng để mà sống, không làm khổ mình, khổ người, còn ác thì chúng ta tư duy suy nghĩ quét sạch những pháp ác ấy ra khỏi tâm, để đem lại cho tâm một sự thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ có tu tập được như vậy thì cuộc sống mới có an vui, hạnh phúc.

Muốn tâm thành đất thì chúng ta khéo léo giữ gìn tâm không phóng dật. Giữ gìn tâm như thế nào?

Muốn giữ gìn tâm thì luôn lúc nào cũng phải nhớ nhắc tâm: “Tâm không được phóng dật, phải định vào thân đi” hay “Tâm định vào hơi thở đi”, hoặc “Tâm như đất lìa tham, sân, si, mạn, nghi đi”.

Trong tất cả câu pháp hướng này, tùy theo mọi người mà chọn lấy cho mình một câu phù hợp với đặc tướng, còn riêng Thầy thì câu: “Tâm không được phóng dật phải định vào hơi thở đi”, thì rất phù hợp. Tại sao vậy?

Tại vì câu này có hai tác dụng:

1- Bắt buộc tâm không được phóng dật theo ra các pháp.

2- Bắt buộc tâm phải định vào hơi thở (định vào thân).

Nếu tâm không phóng dật là tâm thành đất, tâm thành đất là tâm bất động, tâm bất động là con đã viên mãn con đường tu tập theo Phật giáo của mình.

ĐỘC CƯ

Câu hỏi của Hải Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy và cô Út, xin giảng lại cho con hiểu rõ chỗ độc cư?

Đáp:Mục đích của độc cư là giữ tâm chuyên nhất vào pháp hướng để tu tập, không phóng tâm ra ngoài. Người không giữ hạnh độc cư, thường để tâm phóng dật chạy theo trần cảnh bên ngoài, sanh ra trạo cử gọi là tuôn trào, khi tâm tuôn trào chạy đi nói chuyện đầu này, đầu kia, sanh ra nhiều ác pháp, khiến cho mình và người khác không an để tu tập, đó là đã phá hạnh độc cư, làm hại mình hại người. Người phá hạnh độc cư, được xem là người đã tu sai pháp, khiến tâm không bao giờ buông xả được. Họ chỉ nói buông xả, chứ thật ra tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn đầy đủ. Vì thế lòng thương, ghét, thù, oán, tị hiềm, v.v.. không mất một chút nào cả. Và cuối cùng họ còn hiểm độc, gian xảo, hung ác hơn những người chưa tu, chỉ vì họ bị ức chế tâm.

Đức Phật gọi tâm này là tâm phóng dật. Người tu hành còn để tâm phóng dật thì không thể tu theo đạo Phật được, nên trở về sống đời sống thế gian, trau dồi đạo đức nhân quả, thì không mang nợ của đàn na thí chủ.

Người tu hành nhập thất từ 1 tháng đến 3 tháng, rồi xả thất ra đi ta bà chỗ này đến chỗ kia... Sau đó rồi trở về tu tập lại. Nếu người nào cứ tu như vậy thì suốt đời tu hành cũng chẳng tới đâu, vì luôn luôn phá hạnh độc cư.

Người sống độc cư không chịu nổi là người không thể tu thiền định của đức Phật được.

Người muốn sống độc cư được trọn vẹn thì phải giữ tâm trong các pháp hành thật miên mật, không được để có kẽ hở.

Còn có kẽ hở thì tâm theo kẽ hở đó mà phóng ra, khiến cho chúng ta cảm thấy cô đơn vô cùng. Từ đấy tâm dễ sanh buồn chán và sự tu hành bắt đầu chểnh mảng, tâm không còn thích tu nữa. Do đó, sự tu hành chỉ còn tu lấy lệ cho qua ngày.

Khi sống không đúng độc cư, con bị phóng tâm chạy theo ngoại cảnh. Do đó, con tu thiền dù bất cứ loại thiền nào, con cũng sẽ rơi vào tà thiền.

Tà Thiền ở đây có nghĩa là loại thiền không làm chủ được sự sống chết và không chấm dứt luân hồi tái sanh.

Bởi hạnh độc cư rất quan trọng, nếu một người tu mà không giữ gìn trọn vẹn hạnh này thì uổng phí một đời tu, chẳng có kết quả gì.

Những tu sĩ đến đây tu hành nhìn qua hạnh độc cư là biết người tu được hay không tu được. Ngày xưa, Đức Phật đã đuổi 500 vị Tỳ kheo không giữ gìn hạnh độc cư, mặc dù đó là những đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên.

Gần 20 năm Thầy đón nhận những người về đây tu tập chưa tìm thấy một người nào giữ hạnh độc cư trọn vẹn.

VỀ KẾT QUẢ BẢN THÂN

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nương theo sự chỉ dạy của Thầy, con đã y cứ vào đó mà thọ trì tu tập, càng ngày con càng nhận được sự thanh thản, an lạc rõ ràng hơn. Hiện nay trước một loạt các khó khăn và bất an xảy ra thường ngày con đã vững vàng, bình tỉnh  hơn, và đã vượt qua được. Nếu so với trước đây thì khó khăn lắm con mới làm chủ được. Tất cả những gì con làm là đều do ánh sáng trí tuệ của Phật, của Thầy chỉ dạy, con hiểu ra rằng chỉ có sống đúng đạo đức nhân bản bằng những giới luật hằng ngày thì ta mới có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua được mọi sóng gió của cuộc đời. Tuy kết quả chưa được to lớn nhưng cũng là một sự khích lệ, động viên để con vững bước trên con đường mình đã chọn.

Kính thưa Thầy, trong khi tu tập thực hành có nhiều lúc con phải kìm nén, những giọt nước mắt trước sự tấn công của ác pháp, vì hiện tại con chưa đủ đạo lực để vượt qua. Nhưng qua những lần như vậy con lại cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Con luôn tự nhủ nếu mình chùng bước trước mọi ác pháp thì mình sẽ mãi mãi trôi lăn trong khổ đau vô tận. Những lần như vậy con lại nghĩ đến Thầy, đến cô Út với tất cả tấm lòng kính trọng vô biên trước mọi khó khăn, cực nhọc mà Thầy và cô đã trải qua. Do vậy, trong lúc học đạo làm người có những việc con chưa làm được, còn phạm phải những lỗi lầm không đáng có. Ví dụ, như vẫn còn hay cãi lại mẹ hay lời nói không được đẹp tai, dịu dàng lắm, v.v.. Mỗi lần như vậy con thật sự xấu hổ với bản thân. Hôm nay con viết những dòng này kính bạch lên Thầy những việc con chưa làm được mà tự nơi tâm con không thể nói hết được, kính xin Thầy từ bi hoan hỉ tha thứ và chỉ dạy.

Đáp:Mặc dù con rất cố gắng khắc phục tâm mình, nhưng gặp những pháp cực ác thì không sao làm chủ được. Đó là nghiệp lực sân hận con đã huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, nó đã thành khối. Vì thế, muốn tu tập quét cho thật sạch khối nghiệp lực này thì phải kiên trì, bền chí tu tập với một ý chí sắt đá hằng ngày phải thường nhắc câu pháp hướng “Tâm như đất, tham, sân, si phải chấm dứt”, mỗi lần vấp ngã thì con hãy đứng lên tiếp tục tu tập nữa; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần rút ra nhiều kinh nghiệm xả tâm; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần giúp con tỉnh giác nhận được ác pháp ngay liền nơi con và thiện pháp nơi người; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần pháp hướng tâm hiện ra như một người bạn lành tốt bụng nhắc con, khiến cho tâm con được an ổn ngay liền; mỗi lần vấp ngã là mỗi lần trí tuệ tri kiến giải thoát của con phát triển, nếu con biết cách triển khai. Nhờ đó mà tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự.

Một người tu theo đạo Phật mà sợ gặp ác pháp, thường tránh né, tìm chỗ an ổn để tu tập, thì khó mà xả tâm, thường bị ức chế tâm.

Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các ác pháp. Muốn tâm bất động trước các ác pháp thì con nên nhớ hằng ngày phải trau dồi những pháp sau đây:

1-        Pháp hướng tâm “Dẫn tâm vào đạo chứ đừng dẫn đạo vào tâm”, nghĩa là tu tập nhiều chứ đừng học nhiều, học nhiều không tu thì chẳng ích lợi gì, giống như cái tủ đựng kinh sách.

2-        Triển khai trí tuệ tri kiến nhân quả “Đừng thấy mọi sự việc đúng, sai, phải, trái, mà hãy thấy nó thiện và ác”.

3-        Đừng thấy lỗi người mà hãy thấy lỗi mình.

4-        Hãy khởi tâm yêu thương những người đang sống trong ác pháp.

5-        Hãy khởi tâm tha thứ những người đang sống trong ác pháp.

6-        Chúng ta lớn hơn, cao thượng hơn mọi người là nhờ ở chỗ biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

7-        Chúng ta có được một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, đó là nhờ biết buông xả các ác pháp.

8-        Chúng ta làm chủ được sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi là nhờ biết ly dục ly bất thiện pháp, biết diệt ngã, xả tâm, biết buông xả các ác pháp, biết giữ tâm bất động trước ác pháp và các cảm thọ và luôn luôn lúc nào cũng biết giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Một cuộc đời tu tập theo đạo Phật mà biết buông xả, tâm bất động trước các ác pháp, thì không có một vật gì quý báu nhất trong đời này mà đem trao đổi được.

Vì biết tâm thanh thản, an lạc và vô sự là một vật vô giá, không có vật quý báu nào trên thế gian này hơn được. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tu tập, tu tập cho bằng được, vì nó rất lợi ích cho chúng ta và cho mọi người trên hành tinh này.

TRAI HAY LÀ CHAY

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong một bài giảng về chánh tín và mê tín đăng trên nguyệt san Giác Ngộ. Hòa Thượng Thích Thanh Từ có giảng... Trong Miền Nam các nhà sư Nguyên Thủy chỉ có ăn trai chứ không ăn chay. Vì trong khi hành hạnh khất thực, ai cho gì ăn nấy kể cả thức ăn mặn. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Trai là một danh từ chữ Hán.

Chay là một danh từ chữ Việt.

Nghĩa của “trai” và “chay” thì đồng nghĩa, có nghĩa là không ăn thịt chúng sanh. Vì thế mới có “nguyệt trai”, “nhật trai”.

Nguyệt trai là một tháng ăn chay (không ăn thịt chúng sanh), như: tháng giêng, tháng bảy và tháng mười.

Nhật trai là ngày ăn chay (không ăn thịt chúng sanh) như:

1- Nhị trai

2- Lục trai

3- Thập Trai

- Nhị trai: Gồm có ngày rằm và ngày 30 Âm lịch.

- Lục trai: Gồm có ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30 Âm lịch.

- Thập trai:Gồm có các ngày như: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 Âm lịch.

Theo chữ nghĩa thì Bắc Tông Đại Thừa hiểu chữ trai là “ăn chay”. Nam Tông Tiểu Thừa hiểu chữ trai là “giới cấm”, cho nên mới có Thọ Bát Quan Trai, ngọ trai.

Nhưng nói đến giới cấm thì không nói đến chay và mặn, mà chỉ nói đến thiện và ác. Vì vậy, trong giới luật của Phật mới có “Giới thứ nhất dạy chẳng sát sanh”, nghĩa là cấm không cho giết hại chúng sanh, không bảo, không xui bảo người khác giết hại.

Ở đây, có nghĩa giới luật cấm các vị Tỳ Kheo không được ăn thịt động vật, vì ăn thịt động vật tức là bảo người khác giết hại chúng sanh.

Cho nên, chữ trai bên Nam Tông Tiểu Thừa cũng có nghĩa là ăn chay, nhưng các sư biến chữ trai thành nghĩa khác như HT Thích Thanh Từ giảng như vậy là để tùy thuận với các sư Nam Tông, nuốt trôi những miếng thịt động vật.

ỨC CHẾ TÂM

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo sự hiểu biết của con, thì ức chế vọng tưởng là do những niệm khởi lên mà ta không tỉnh thức quán xét xem là thiện hay ác pháp, để xả bỏ. Vội vàng đoạn diệt không cần truy cập nó thuộc về lậu hoặc nào.

Vả lại, ức chế tâm còn do sự ham muốn dục lạc, khi dục lạc ham muốn khởi lên ta cũng không quán xét lợi hay hại để xả bỏ mà chỉ có nhẫn chịu, vì thế, nếu có dịp nó sẽ bung ra.  Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, sự ức chế tâm có hai cách:

1- Chịu đựng mọi sự giận hờn, căm tức, phiền não, sợ hãi, lo rầu, v.v.. mà không bao giờ nói ra cho một ai biết. Sự chịu đựng này gọi là kham nhẫn.

Ví dụ: Trong gia đình có người chồng độc tài luôn luôn bắt vợ con phải tuân theo lệnh của mình, sai bảo đâu làm đó, không được làm trái. Những người bị bắt buộc như vậy gọi là chịu đựng, những người chịu đựng là những người ức chế tâm.

Sức chịu đựng sẽ đến một mức độ nào đó, thì không còn chịu đựng được nổi. Khi không còn chịu đựng nổi thì thần kinh hưng phấn, thần kinh hưng phấn thì người ấy bị rối loạn thần kinh, bị điên khùng, bị tẩu hỏa nhập ma, v.v..

Suốt thời gian chịu đựng thì người ấy là người khổ đau tận cùng của cuộc đời mình.

2- Người dùng một đối tượng, một pháp môn để ức chế tâm để không khởi niệm vọng tưởng, đó là loại ức chế có pháp môn, có phương cách.

Loại ức chế tâm này có đường lối, có phương pháp để dẫn tâm vào thế giới tưởng như: Thiền xuất hồn, Thiền Yoga, Thiền Đại Thừa, Thiền Đông Độ, Thiền Lục Diệu Pháp Môn, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, v.v..

Cho nên, các pháp môn này đều xây dựng cho mình một thế giới siêu hình mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, khiến cho con người phải mê mệt với nó, nhưng không ích lợi thiết thực cho đời sống.

Chỉ riêng có thiền của Phật giáo Nguyên Thủy thì xả tâm “ly tham đoạn ác pháp”. Do đó, người tu hành sẽ không bị ức chế tâm và đạt được kết quả giải thoát làm chủ sanh, già, bịnh, chết, chấm dứt tái sanh luân hồi.

KINH NĂM BA

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong kinh Trung Bộ, phẩm kinh Năm Ba con không hiểu rõ lắm, xin Thầy giảng tóm tắt ý nghĩa cho con được không?

Đáp:Bài kinh Năm Ba là bài kinh đức Phật dùng để bài bác 62 luận thuyết của tà giáo ngoại đạo, tức là 62 pháp môn của các tôn giáo đương thời trong đất nước Ấn Độ. Và cuối cùng đức Phật đưa ra giáo thuyết của mình, tức là bốn chân lí: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” để giải quyết sự khổ đau của con người trên hành tinh này rất thực tế và cụ thể.

“Ở đây, này các Tỳ Kheo, vô thượng tịch tịnh tối thắng đạo này được Như Lai chánh đẳng giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ”.

Tất cả giáo lý của đạo Phật không ngoài bốn chân lí: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nó là một chân lí của loài người để con người rèn luyện tu tập thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú, để trở thành con người thật sự là con người và cao hơn nữa để trở thành những bậc Thánh nhân.

Ngoài bốn chân lí này, nếu còn có giáo pháp nào khác, thì coi chừng đó là tà giáo ngoại đạo xen vào trong Phật giáo. Chúng ta là những hàng đệ tử của Phật phải đề cao, cảnh giác và loại trừ chúng ra khỏi.

Bốn chân lý của đạo Phật là dựng lại một nền đạo đức nhân bản nhân quả cho loài người, khiến cho con người trên hành tinh này sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, biến hành tinh này trở thành Cực Lạc, Thiên Đàng.

Bài kinh Năm Ba là bài kinh xác định giáo pháp của đức Phật và giáo pháp của ngoại đạo không có giống nhau một chút xíu nào cả, khiến cho người Phật tử tinh ý sẽ không thể lầm lạc được.

Thế mà hiện giờ người ta đã lầm lạc lấy giáo pháp của ngoại đạo làm giáo pháp của Phật để tu hành và còn khinh thường giáo pháp của Phật là Tiểu Thừa, thật là đau lòng. Phải không con?

PHƯƠNG PHÁP TU TẬP CHO NGƯỜI GIÀ

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi: Kính thưa Thầy, ở ngoài này có bác Hạnh Nghĩa, rất nỗ lực tu học, nhưng chưa biết cách thức tu học cho phù hợp với bản thân và gia cảnh. Bác có hỏi con nhưng con không biết trả lời ra sao, mà chỉ góp ý với bác hãy sống đúng giới hạnh của người cư sĩ đó là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho Bác (Bác năm nay gần 70 tuổi, Nhưng vẫn khỏe mạnh và bình thường).

Đáp: Con nên chỉ dạy cho bác cách tu tập giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Dạy cho bác câu pháp hướng tâm: “Tâm như đất, lìa tham, sân, si là hết khổ”, để hằng ngày bác huân tập câu pháp này sẽ có hiệu quả giải thoát trong những ngày cuối cùng của đời bác.

Lúc bệnh tật khổ đau cũng như lúc gặp các ác pháp thì con nên dạy bác nhắc tâm: “Tâm phải bất động trước các ác pháp, không được sợ hãi, hãy bình tĩnh, hãy gan dạ, tất cả đều là do nhân quả”.

Cuối cùng, con nên dạy bác mỗi tháng nên Thọ Bát Quan Trai một ngày. Ngày ấy là ngày tập làm Phật.

TU TẬP GIỚI CHƯA ĐỦ

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tại sao trong một câu nói: Tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói lưỡi hai chiều, từ bỏ sân, tâm có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung họ đều sanh vào thiện thú, thiện giới, cõi đời này. Như vậy, Ta không chấp nhận cho vị ấy .

-          Còn câu nói: Ta đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... như trên. Như vậy, Ta chấp nhận cho vị ấy.

Đáp:Cùng một câu nói, một ý nghĩa như nhau, mà được Đức Phật chấp nhận và không chấp nhận. Chỉ vì, người thực hiện pháp đó lại khác nhau (người tu sĩ và người cư sĩ).

Người tu sĩ mà thực hiện pháp thiện đó chưa đủ để giải thoát, chỉ mới được sanh vào thiện thú, thiện giới ở cõi đời thì Đức Phật không chấp nhận.

Còn người cư sĩ tại gia thực hiện pháp thiện đó để được sanh vào thiện thú, thiện giới ở cõi đời này thì Đức Phật chấp nhận.

Tóm lại, câu này Đức Phật xác định tu tập Giới luật chưa đủ để giải thoát hoàn toàn, mà phải tiếp tục tu tập Định và Tuệ.

DUYÊN NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, vợ chồng lấy nhau, người ta bảo rằng, đều có số định cả, có nghĩa là người này phải lấy người mà có số định với mình, không được lấy người nào khác. Có phải vậy không thưa Thầy ?

Đáp:Không phải số định mà cũng không phải số mệnh mà là duyên nhân quả nợ vay trong thuận cảnh, cũng như trong nghịch cảnh.

Ví dụ: Kiếp trước chúng ta đối xử với những người làm công cho mình quá khắc nghiệt, đánh đập, chửi mắng, trả tiền công ít, v.v..

Kiếp này họ làm vợ hoặc chồng hoặc con cái trong nhà, họ phá tán của cải tài sản và còn chửi mắng đánh đập, khiến cho gia đình đau khổ bất an.

Cho nên, kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy. Tình nghĩa vợ chồng con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định. Vì không có tiền định. Tiền định là cái vật gì? Ông gì? Ông Ngọc Hoàng Thượng Đế ư ?

Vì không hiểu môi trường sống nên người ta đặt ra những câu hỏi để có hỏi mà không có trả lời: “Con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?”.

Do không hiểu, người ta dùng tưởng tri, tạo ra một Đấng Vạn Năng, một ông Ngọc Hoàng, một ông Trời, một ông Tạo Hóa sanh ra vạn vật trên hành tinh này. Lại có thuyết cho rằng từ trong Đại ngã vạn vật sanh ra và mỗi vật được sanh ra là tiểu ngã. Những thuyết này mơ hồ và trừu tượng không thể trả lời hai câu hỏi trên. Và vì vậy, hai câu hỏi trên vẫn còn đóng kín cửa.

Duyên tiền định giữa đôi vợ chồng cũng là sự tưởng tri của con người đặt ra, chứ không có số định, số mệnh.

Theo đạo Phật con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu đến và chết cũng không đi về đâu.

Còn duyên vợ chồng, con cái đều là do vay nợ của nhân quả theo định luật của nhân quả “Vay thì phải trả”.

Vậy, chồng vợ có số mệnh là không đúng, mà có nợ nhân quả ác hay thiện với nhau là đúng.

Nhìn cuộc sống của họ chúng ta có thể biết chắc chồng nợ vợ hay vợ nợ chồng một cách cụ thể và rõ ràng.

Vì thế, trong cuộc đời này vợ chồng thường làm khổ cho nhau nhiều hơn là đem lại hạnh phúc an vui cho nhau. Họ sống với nhau phần đông là chịu đựng.

HỒN VỀ NHẬP CÔ ĐỒNG

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, con đi gọi hồn, cô đồng nói đúng được tên tuổi người trong gia đình con, thưa Thầy như vậy là thế nào?

Đáp:Cô đồng dùng tưởng thức của mình giao cảm với tưởng thức của con, nên nói đúng tên họ tuổi người trong gia đình con, chứ không phải có linh hồn người chết trong gia đình con về nhập cô đồng.

Người chết, đó là danh từ chỉ cho các duyên nhân quả đã tan hoại hết, tức là thân ngũ uẩn đã tan rã không còn sót một duyên nào, thì còn đâu có linh hồn người chết.

Trong thân người đâu có linh hồn, linh hồn là một danh từ chỉ cho một hình ảnh ảo tưởng do năng lực tưởng tạo ra. Trong thân người chỉ có năm duyên như: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mà trong kinh Phật gọi là thân ngũ uẩn. Khi người chết các duyên tan rã, đâu còn một duyên nào thì làm sao gọi là người chết còn có linh hồn, như trên chúng tôi đã nói.

Cái mà người chết còn lại là hành động thiện ác, hành động thiện ác, tức là nhân quả. Khi người chết là nhân quả trở về với nhân quả. Vì thế Đức Phật dạy: “Chết trở về nhân quả”. Như vậy là đã trả lời câu hỏi thứ hai của các con.

Hành động nhân quả không thể gọi là linh hồn được. Thế sao có linh hồn nhập đồng nhập cốt?

Không có linh hồn nhập đồng, nhập cốt, mà chỉ có tưởng thức của đồng, cốt giao cảm rồi tự xưng mình là ông này, bà kia chết oan, chết ức, chết tức, chết tối, v.v.. nhập vào. Người không có trí tuệ vô hạn, không hiểu biết được, nên vội tin theo lời của đồng, cốt cho là có linh hồn người chết về nhập, báo cho gia đình biết mọi sự xảy ra đúng như thật.

Nhờ báo lại những sự việc xảy ra cách 5 năm hay 10 năm đều đúng như thật, mà các nhà khoa học không sao chứng minh được, nên cũng phải đành tin theo và cho rằng có thế giới siêu hình, có sự sống sau khi chết.

Như chúng tôi cũng thường nói: Chỉ duy nhất trên thế gian này có một người không chấp nhận thế giới siêu hình, đó là đức Phật. Ngài cho rằng: “Có thế giới siêu hình thì con người không bao giờ tu hành giải thoát khổ đau được và Phật giáo cũng không có mặt ở trên đời này”.

Bởi vì, thế giới của chúng ta đang sống là do các duyên hợp, cho nên các pháp không có bản thể thường hằng. Các pháp chỉ là vô thường thay đổi liên tục, tan hợp không dừng nghỉ.

Cho nên, các con đừng tin có linh hồn, tin có linh hồn là mê tín. Linh hồn chỉ là một sản phẩm của tưởng thức tạo ra. Đối với trí tuệ hữu hạn của loài người không thể hiểu được năng lực của tưởng, nếu lý giải như khoa học thì không thể lý giải được, nhưng có thể lý giải ở góc độ khác mà khoa học thì chưa đến, nên chưa chứng minh được.

XIN QUẺ

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính bạch Thầy, mấy năm con bị ốm đau. Đầu năm con đến chùa xin quẻ thẻ. Quẻ thẻ cho biết suốt cả năm, nó nói đúng 60%. Thưa Thầy trong đó có câu ghi như sau:

“Đất ở nhà ngươi có người Thần

Ta về mau đi mới được yên”.

Con xin thêm vài quẻ thẻ đầu năm đều nói lên như vậy. Con làm cơm canh cúng cũng không thấy khỏi. Sau đó con phải đến nhờ cô đồng gọi hồn xem con ốm vì sao?

Kính bạch Thầy, sau đó hồn lên nói con bị ốm bệnh về âm, vì có ông Thần đất ngay nhà con ở, ông ấy làm cho con ốm. Sau đó cô đồng bảo con về làm lễ tại nhà và rước vong xuống thờ điện nhà cô đồng, rồi cô rước vong đi chùa Hương. Cho họ ăn lộc chùa Hương, vì ông Thần này là người Tàu chết cách đây 387 năm thành ông Thần Hoàng .

Kính bạch Thầy, sau con cũng về làm đúng như vậy thì thấy bệnh có đỡ và các năm sau đó con cũng xin quẻ thẻ mà không thấy quẻ thẻ nói gì về ông Thần đó nữa. Con kính bạch Thầy, xin Thầy giải thích cho con biết.

Đáp:Tất cả những quẻ thẻ đều ghi những sự việc xảy ra chung chung trong đời người, không xác định cụ thể, giống như lời sấm. Chỉ có thể đúng 50 đến 60 phần trăm.

Khi người đến chùa hay đến điện thờ của ông đồng, bà cốt xin thẻ đều là những người có tâm trạng bất an, ý thức không còn chủ động, thường sống trong tưởng. Khi đó, người lắc hoặc rút thẻ do tưởng giao cảm khiến cho quẻ thẻ rút ra hoặc lắc được giống như tâm trạng của mình đang bị ảnh hưởng truyền thống mê tín ông Thần này, bà Chúa kia, linh hồn nọ, v.v..

Căn bệnh của con thuộc về loại bệnh tinh thần (tinh thần bệnh thì thân bệnh), vì thế con tự cúng lễ thì không hết bệnh mà nhờ có cô đồng rước vong vị thần đó về chùa Hương để hưởng lộc chùa. Cô đồng đã giải tỏa được tâm bệnh của con, cho nên bệnh con hết.

Tóm lại, vì ảnh hưởng mê tín thế giới siêu hình có ông Thần này, bà Chúa nọ, oan hồn kia, v.v.. đã mang đến cho con người biết bao nhiêu là sự khổ đau về thế giới này “THẾ GIỚI TƯỞNG”,thế giới không có thật, chỉ vì tưởng của mình và tưởng của người khác giao cảm mà biết đúng những sự việc xảy ra của mình, do đó nên dễ bị kẻ khác lừa đảo, khiến cho mình khổ lại càng khổ hơn. Mình dại khờ tự mình làm khổ cho mình mà không biết, chứ quỷ Thần làm sao làm khổ mình được.

Người ta đâu biết rằng sự khổ đau hay hạnh phúc đều do hành động nhân quả thiện ác của chính bản thân mình tạo ra.

Cho nên đức Phật dạy: “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là để chúng ta dừng những hành động nhân quả ác. Dừng những hành động nhân quả ác có nghĩa là dừng những điều đau khổ cho chính mình và mọi người, chứ không có Thần, Thánh, quỷ, ma bắt con người đau bệnh và làm ra tai nạn khổ ách.

Về sau con xin quẻ thẻ không có nói đến vị Thần đó nữa, là vì bệnh tinh thần tưởng của con đã khỏi hẳn, nên tưởng của con không còn giao cảm với những quẻ thẻ nói đến Thần, chứ không phải vị Thần ấy đã đi khỏi nhà con.

Hiện giờ, những người mê tín là những người sống trong tưởng ấm, sống trong ảo giác, sống trong trừu tượng, mơ hồ, hư hư, thực thực. Những hạng người này dễ bị kẻ khác lừa đảo trong thế giới siêu hình.

Trong một cuộc cách mạng mê tín, nếu không giải thích được những hiện tượng siêu hình khiến cho con người càng mê tín lại càng mê tín hơn.

Muốn quét sạch những truyền thống mê tín, dị đoan, lạc hậu thì phải có cơ sở giải thích những hiện tượng siêu hình kỳ lạ thì mới có thể phá và quét sạch chúng. Còn nếu chưa có cơ sở vững chắc thì không nên động đến chúng. Động đến chúng mà không giải thích được thì sự mê tín càng phát triển mạnh.

Cuối tập 3 Đường Về Xứ Phật, quý bạn sẽ được đọc một bài viết về thế giới siêu hình của một nhà trí thức học giả miền Bắc. Với mục đích viết bài này là một sự nghi ngờ quá lớn, tác giả thuật lại những hiện tượng siêu hình xảy ra qua trung gian của những nhà ngoại cảm, là để dựng lại hay nói cách khác là yêu cầu các nhà khoa học chứng minh, làm sáng tỏ: “có sự sống sau khi chết”, trong cuộc đi tìm hài cốt liệt sĩ của em mình.

Nếu không được giải thích rõ ràng thì sự mê tín càng lúc càng phát triển mạnh thì những người hiền lành dễ bị những thầy phù thủy, đồng, cốt và các nhà tôn giáo lừa đảo bằng những hiện tượng siêu hình kỳ lạ “Tiền mất tật mang”.

NHÀ NGOẠI CẢM

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, ở Hà Nội bây giờ có một ông ở khu Kim Liên, người ta gọi là cậu Liên (được bộ công an quận chấp nhận). Ông có khả năng đi tìm mồ mả thất lạc và hài cốt của liệt sĩ. Kể cả những người con đang sống thất lạc. Đây là hiện tượng có thật. Cậu còn chữa được cả bệnh.

Vậy con kính mong Thầy giải đáp cho chúng con được hiểu rõ hơn.

Đáp:Con hãy đọc Đường Về Xứ Phật tập 3 đoạn cuối: “Những hiện tượng các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sĩ” thì con sẽ rõ và cũng trả lời câu hỏi này của con.

SỰ LỪA ĐẢO CỦA ĐỒNG CỐT

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, ở chùa làng con thôn Cư Đình, xã Việt Hưng. Vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch, hay đội bát nhang và hầu đồng. Hôm ấy con có đi dự, đến lúc có một bà đang đội bát nhang, tự nhiên hai tay cứ vả vào mặt mình, các đệ tử của bà cứ khẩn vái kêu van mãi mới thôi. Hỏi ra mới biết là bà ấy trước đây có đội bát nhang, sau bỏ mấy năm không đội nữa, đến nay đội lại nên bị Ngài phạt.

Đáp:Đó là trò bịp, lừa gạt người khác của các thầy phù thủy, thầy bùa, đồng, cốt v.v.. Nếu chúng ta đi vào bề trái thế giới của những hạng người này thì chúng ta sẽ thấy được những sự lừa đảo, gian xảo, có nhiều thủ thuật và những thủ đoạn tinh vi để tạo ra sự mê tín. Nhờ có những người vô minh không rõ mánh khóe gian xảo, nên những đồng cốt giả hiệu dễ bề lừa đảo, cướp giựt tiền của những người đang gặp tai nạn hay bệnh tật v.v.. Nhất là kiến thức còn cạn cợt.

Có dịp Thầy sẽ kể cho các con nghe, những tội ác gian xảo của bọn người lợi dụng sự giao cảm của tưởng thức làm tiền bất chánh mà pháp luật không bắt tội họ được.

Vả vào mặt mình để tạo uy thế cho ông Thần hay Cô, Cậu rất hiển linh, khiến cho mọi người phải tin và cúng bái tiền bạc.

Con cũng là một người bị lừa đảo trong số người đến dự ngày hôm đó.

Đối với đạo Phật thì các con không nên tin một cách mù quáng về thế giới siêu hình mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người; mà hãy tin những gì mà ý thức con phán xét thấy như thật, biết như thật thì mới tin.

Đối với đạo Phật thì các con nên tránh xa những hạng người bói khoa, đồng cốt, thầy phù thủy, thầy bùa, thầy ngải, thầy cúng bái, tụng niệm v.v.. Những hạng người này là những hạng người không tốt, họ có nhiều mánh khóe, gian xảo, lừa đảo, họ là những hạng người ác.

Đức Phật thường dạy: “Làm bạn với thiện xa lánh với ác”. Những lời dạy này con nên ghi nhớ: “Chọn bạn mà chơi, những người hay nói xấu kẻ khác là người ác, không nên thân cận với họ”.

TƯỞNG LỰC

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, con có một cô em gái cũng bị Ngài phạt, Ngài trói ghì cánh khuỷu tay, nhưng không có dây. Và trói đầu chặt lắm không gỡ ra được. Chính miệng cô em con nói ra như vậy. Chúng con là người vô minh không hiểu. Vậy chúng con tha thiết kính xin Thầy giảng giải cho chúng con hiểu rõ.

Đáp:Cô em gái của con là người chịu ảnh hưởng mê tín nặng, nghe đâu thì dễ tin theo đó, có nghĩa là cô em của con rất tin có linh hồn người chết, do lòng tin ấy mà tưởng uẩn của cô rất bén nhạy, thường hoạt động thay cho ý thức. Vì thế, ý thức thường nhường lại cho tưởng thức làm việc, cho nên tâm tính cô em thường sống trong niềm tin hơn là sống với lý trí phân biệt phán xét. Do đó, cô bị tưởng lực của chính cô tạo ra trạng thái như bị trói chặt hai khuỷu tay của cô.

Sự bị trói hai khuỷu tay của cô em là một trạng thái tưởng của cô em và chính cô không những cảm giác và còn thấy mình đang bị trói rất chặt.

Mọi người bên ngoài không hiểu tưởng là có (Thần Tàu) bắt phạt cô em của con đã có sự lầm lỗi với Ngài.

Với trường hợp này xảy ra khiến cho mọi người ai nấy đều tin có Thần, Thánh, ma, quỷ và linh hồn người chết thật sự. Nói chung là nhờ có những trạng thái của tưởng uẩn hoạt động một cách mầu nhiệm mà trí hữu hạn của con người không thấu rõ được. Do đó, thế giới siêu hình mới thành hình.

Thế giới siêu hình không thể lấy ý thức mà hiểu nó được, không thể phân tích bằng phương pháp khoa học như khám phá phân tích vạn vật bằng phương pháp vật lý hoá học của thế giới hữu hình được.

Cho nên, khoa học và trí hữu hạn của con người phải đành bó tay trước những hiện tượng kỳ lạ của tưởng uẩn (tưởng thức).

Cái kỳ lạ của thế giới siêu hình, chứ sự thật thì không có kỳ lạ gì hết. Vì ý thức của con người bị hạn cuộc bởi thời gian và không gian. Còn tưởng thức thì không bị hạn cuộc bởi không gian và thời gian, nên nó mầu nhiệm với ý thức, mà không mầu nhiệm với tưởng thức, với tâm thức.

Sự linh thiêng của thế giới siêu hình đối với hạng người tin nó, có những người không tin thì không có thiêng. Người sống trong trí tuệ ý thức thì không bao giờ tin có thế giới siêu hình, là những người sống không mê tín. Người thường sống trong trí tuệ tưởng thức là người tin có thế giới siêu hình, là những người mê tín.

Vì thế một người còn đang sống thì luôn luôn có hai thế giới hữu hình và vô hình, còn khi chết thì hai thế giới này cũng không còn.

Một người chết là tất cả đều hết. Hành động nhân quả hằng ngày đều trả về nhân quả. Và tất cả những hành động nhân quả ấy tiếp tục lại luân hồi tái sanh làm chúng sanh khác, thứ hai, thứ ba và thứ vô lượng kiếp.

Người nào tin có thế giới siêu hình là người sống trong tưởng thức, phán xét bằng tưởng tuệ, là người không trí tuệ, thường sống trong ảo ảnh, mơ hồ, trừu tượng, thiếu thực tế, thiếu khoa học. Còn người không tin có thế giới siêu hình là người sống trong ý thức, người có trí tuệ, người có óc khoa học, thích sống thực tế.

Người sống trong tưởng tuệ thường bị người khác lừa đảo, thường sống trong cảnh khổ đau hơn người sống trong trí tuệ.

Bệnh tật, tai nạn xảy ra thì những người sống trong tưởng thức, khổ đau nhiều hơn người sống trong ý thức.

Người sống trong tưởng thức thường tốn hao tiền của một cách ngu si, “tiền mất tật mang”. Còn người sống trong ý thức khó ai lừa đảo họ được.

Chính những nhà ngoại cảm, đồng, cốt, các tôn giáo và các hệ phái tư tưởng mang màu sắc siêu hình khác nhau, đều bị sự lừa đảo của tưởng thức mà họ không hề hay biết.

THẦN GIAO CÁCH CẢM

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, con có một ông chú họ, có thể nói được tầm vóc và tính tìnhcủa một người tương lai sẽ làm dâu của con.Mặc dù chưa bao giờ gặp mặt. Đã ba năm rồi khi con dâu con về nhà thì con suy ngẫm đúng hệt như ông đã nói.

Vậy con kính bạch Thầy, Thầy dạy cho con hiểu thêm.

Đáp:Đây cũng do tưởng ấm của ông chú này đã giao cảm được với cô con dâu của con mà chưa bao giờ biết mặt. Tất cả những sự việc có vẻ siêu hình và mầu nhiệm, mà hiện nay con người không thể giải đáp được, chỉ vì nó vượt ra khỏi tầm hiểu biết của ý thức loài người.

Chỉ có những người tâm không còn tham, sân, si thì mới thấy được năng lực mầu nhiệm của tưởng ấm loài người, thật là kỳ lạ và mầu nhiệm. Nhưng khi một người đã chết thì thế giới của tưởng ấm kia cũng không còn.

Trong môi trường sống trên hành tinh này, nó đầy đủ các duyên vận chuyển hợp tan không bao giờ ngưng nghỉ. Do sự vận chuyển hợp tan này mà vạn vật phải vô thường.

Sự vô thường này chia làm hai mặt:

1/ Sự vô thường về hữu hình.

2/ Sự vô thường về vô hình.

Sự vô thường về hữu hình thì ai cũng rõ, đó là sự sanh diệt của vạn hữu. Còn sự vô thường về vô hình thì ít ai biết đến. Và người ta còn lầm chấp cho rằng thế giới vô hình thì trường tồn vĩnh viễn.

Khi con người chết ở thế giới hữu hình thì họ trở về thế giới vô hình vĩnh cửu. Ở thế giới hữu hình còn chưa hiểu hết thì làm sao hiểu được thế giới vô hình. Vì thế, người ta hiểu thế giới vô hình chỉ là một sự “tưởng hiểu”. Tưởng hiểu nên thế giới siêu hình không thật sự có.

TƯỞNG ẤM

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, tưởng ấm là gì? Tưởng ấm ở đâu?

Đáp:Tưởng ấm là một duyên trong thân ngũ ấm. Thân ngũ ấm gồm có:

1/ Sắc ấm

2/ Thọ ấm

3/ Tưởng ấm

4/ Hành ấm

5/ Thức ấm

Năm ấm này hợp lại thành thân người. Vì thế chia ra làm hai phần:

1/ Về phần hữu hình thì duy nhất chỉ có sắc ấm.

2/ Về siêu hình gồm có bốn ấm kia: Thọ ấm, hành ấm, tưởng ấm và thức ấm.

Nhưng dù thế giới hữu hình hay siêu hình đều hoạt động do phần sắc ấm, phần sắc ấm rất quan trọng nhất là bộ óc của con người. Thế giới hữu hình và thế giới siêu hình cũng do nó chỉ huy. Vì thế, khi sắc thân hoại diệt thì bộ óc cũng hoại diệt theo. Bộ óc hoại diệt thì thế giới siêu hình cũng hoại diệt theo.

Cho nên, đức Phật dạy: “Khi một người chết thì toàn thân ngũ ấm đều hoại diệt không còn một ấm nào cả”.

Như vậy tưởng ấm chỉ là một duyên của thân ngũ ấm và nó ở trong thân ngũ ấm. Đó là thế giới siêu hình của quý vị, mong quý vị hãy bỏ đi, đừng có vô minh, tự làm khổ mình mà không biết.

Thế giới siêu hình chẳng có ích lợi gì mà còn tai hại cho đời sống của quý vị.

Hãy bỏ xuống! Hãy bỏ xuống! Đó là một ảo ảnh, một hình bóng của thế giới hữu hình của con người.

THẤY MA

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:  Kính thưa Thầy! Con đã được đọc quyển Vanga, của Bungari. Bà Vanga này là một người mù. Bà nói gần đúng như Thầy. Nhưng có khác Thầy là Bà Vanga nói rằng: Bà ấy nhìn thấy ma, và ai đến xem về người âm Bà Vanga có thể nói về người chết đó hiện nay đang mặc quần áo gì, và đang đứng trước mặt Bà ấy. Vậy con kính thưa Thầy giải thích cho con được rõ thêm.

Đáp: Bà Vanga là một nhà ngoại cảm, trường hợp tưởng thức của bà Vanga giao cảm với những từ trường của những người chết hay nói cách khác là tưởng thức của bà bắt gặp từ trường tưởng thức của người chết còn lưu lại trong không gian những hình ảnh, âm thanh và hành động. Khi bắt gặp như vậy thì Bà Vanga thấy người chết nói chuyện với Bà, và kể lại tất cả những sự việc đã xảy ra. Vì thế, Bà thấy ma và còn nói chuyện với ma, đó là năng lực tưởng thức của Bà tạo ra con ma để kể lại cho Bà nghe, và Bà nói lại cho người khác nghe, chứ con “ma tưởng” của Bà không thể nói cho người khác nghe được mà mượn thân miệng Bà nói lại. Trường hợp này cũng giống như lên đồng, nhập cốt, nhưng lên đồng, nhập cốt thì thân lúc lắc hoặc ợ, ngáp, v.v.. còn Bà Vanga thì rất tự nhiên, vì Bà bị mù mắt, nên Bà thường sống với tưởng thức của mình nhiều hơn ý thức.

Ở đây chúng ta nên hiểu, tưởng của Bà giao cảm với người chết rồi mượn thân miệng bà nói lại cho người khác biết.

Ví dụ: Thân miệng của Bà làm thông ngôn cho tưởng ấm của Bà để nói lại cho chúng ta biết những gì đã xảy ra của một người đã chết từ lâu hay mới chết, chứ không phải có con ma thật nào nhập vào Bà.

Do đó, Đức Phật đã xác định: “Thế giới siêu hình là thế giới của “tưởng tri” chứ không phải là “liễu tri”. Vậy các con hãy tin theo lời Phật dạy: Thế giới siêu hình không bao giờ có, chỉ là tưởng tri của con tạo dựng ra. Các con nên cảnh giác đừng để mắc lừa người khác.

NĂNG LỰC CỦA TƯỞNG

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, người ta vì bốc mả người chết mà đổ nước vào trong quan tài khấn vài câu, xương nổi lên mặt nước hết vì sao? Xương bốc bỏ vào tiểu đầy không hết, đậy nắp không được, nhưng nếu khấn vài câu tự nhiên xẹp xuống và đậy nắp kín. Con kính mong Thầy giải thích cho con được rõ?

Đáp:Từ nhỏ còn bé cho đến hôm nay tuổi Thầy đã gần đất xa trời mà chưa có một lần đi bốc mả, vì miền Nam không có tục lệ như miền Bắc. Do đó, Thầy không có dịp trực tiếp quan sát những sự việc xảy ra khi bốc mộ, nhưng theo sự suy tư của Thầy có hai trường hợp xảy ra:

1/ Về khoa học xương người chết, nước và không khí có tác dụng khoa học, khiến xương nổi lên và xẹp xuống.

2/ Về phần tâm linh thuộc về tưởng ấm. Khi tâm thành khấn thì năng lực tưởng của người khấn phát tác, khiến cho xương nổi lên và xẹp xuống đậy kín nắp tiểu.

Ở đây, chúng ta đừng hiểu theo kiểu mê tín có linh hồn người chết khiến cho xương nổi lên, xương nổi lên cần gì phải đổ nước vào quan tài? Nếu khấn mà linh thiêng thì khấn cho tất cả xương đều bay vào tiểu, cần gì người ta phải lượm xương chất vào tiểu.

Tất cả những sự việc trên đây mà con hỏi cũng đã khiến cho người ta phải tin rằng có thế giới siêu hình có thật. Vì không ai hiểu và giải thích được của một năng lực tưởng của người còn sống siêu thời gian và không gian.

Vì thế, chỉ có những người tu hành đúng chánh pháp của Phật vượt không gian và thời gian thì mới thấu rõ được năng lực của tưởng của người còn sống thật là vi diệu.

Từ xưa đến nay, loài người và các tôn giáo đều không hiểu rõ năng lực của tưởng nên lầm lạc cho đó là thế giới siêu hình. Vì thế, mà thế giới siêu hình được duy trì và tồn tại sống mãi đến ngày hôm nay. Mặc dù dân trí của loài người nhờ khoa học nâng lên tầm hiểu biết khá sâu rộng, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng tiến bộ rất xa... Sự tiến bộ này đã bắt đầu làm rung chuyển thế giới siêu hình. Cho nên, một số hệ phái Phật giáo phát triển sẽ không còn lừa phỉnh được ai.

Rồi đây, thế giới siêu hình hoàn toàn bị triệt tiêu trên hành tinh này do các nhà khoa học và đạo đức học.

CÂU CHUYỆN LIÊU TRAI

Câu hỏi của Đào Thị Vinh

Hỏi:Kính thưa Thầy, người ta bảo trần sao âm vậy. Vì người ta từng đi “tem” qua chỗ tha ma người ta thấy họ cũng họp chợ lao xao tiếng nói như người. Vậy như thế nào? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Đây là câu chuyện Liêu Trai mà người ta đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của Bồ Tùng Linh. Những chuyện Ma của Bồ Tùng Linh là một tư tưởng phi không gian và thời gian có nghĩa là không có sự chết mà chỉ có một sự hiện hữu trong cuộc đời này bằng hai mặt: sắc và vô sắc.

Với đôi mắt của Bồ Tùng Linh thế giới hữu hình và thế giới siêu hình chỉ là một, chứ không hai. Do thế một tiểu thư con gái nhà quan đã chết hơn trăm năm mà vẫn thành chồng vợ với một cậu thư sinh mới mười tám tuổi.

Vì thế, sự họp chợ ngoài nghĩa địa tha ma là một sự tưởng tượng phi không gian và thời gian của nhà văn Bồ Tùng Linh.

Chúng ta phải đứng trong góc độ của ý thức xây dựng cho mình một nền đạo đức chân thật để mang hạnh phúc an vui cho mình cho người, đừng nên sống trong sự tưởng tượng của Bồ Tùng Linh, nó không lợi ích thiết thực mà chỉ là một giấc mơ ảo huyền, đôi khi còn ám ảnh tâm hồn của chúng ta trong thế giới ma.

Nếu chúng ta không hiểu ý nghĩa của Bồ Tùng Linh thì cái thế giới tưởng siêu không gian và thời gian này sẽ mang cho chúng ta một sự mê tín rất lớn và còn đem tai hại cho đời sống của chúng ta nhiều khổ đau hơn là hạnh phúc.

Là một con người chúng ta phải sống chân thật cho mình, đừng sống trong ảo tưởng, mà phải sống trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người, để khắc phục những nỗi khó khăn của kiếp làm người. Những nỗi khó khăn đó đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.

SỐNG LÀ TU

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy, sống là tu, tu là sống như thế nào?

Đáp:Thường người ta quan niệm tu hành, khác với cuộc sống. Khi tu phải lìa xa cuộc sống thế gian, không có sống chung với người thế gian, nghĩa là khi đi tu thì phải cắt ái, ly gia, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp, lìa xa gia đình, những người thân, ngay cả cha mẹ và anh em dòng họ, v.v.. Người tu hành phải thực hiện các pháp môn hằng ngày như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật, v.v..

Những pháp môn này không phải của đức Phật dạy mà của ngoại đạo khéo lồng vào giáo pháp của đức Phật để lừa đảo tín đồ Phật giáo.

Bước vào Đạo Đế tức là bước vào một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật. Mà Đạo Đế là pháp hành của đạo Phật dạy chúng ta để sống trong cuộc sống với mọi người thì làm gì có dạy chúng ta ly gia cắt ái, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ gia đình sự nghiệp, v.v.. Khi bắt đầu vào tu theo pháp môn của đạo Phật thì Ngài dạy chúng ta phải sống đúng chánh kiến, nghĩa là hằng ngày chúng ta phải thấy và hiểu biết: Cái nào thiện thì biết là thiện, cái nào ác thì biết là ác; biết thiện thì tăng trưởng, vì thiện không làm khổ mình, khổ người; biết ác thì ngăn ngừa và diệt chúng để không làm khổ mình, khổ người. Người thấy và biết sống như vậy là tu tập chánh kiến.

Sống không làm khổ mình, khổ người là tu, mà người tu tập phải sống có chánh kiến như vậy, mà sống có chánh kiến như vậy tức là tu tập. Như vậy đạo Phật không có dạy chúng ta tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, cúng bái, tế lễ v.v.. mà dạy chúng sống đúng Chánh kiến, sống đúng Chánh tư duy, sống đúng Chánh ngữ, sống đúng Chánh nghiệp, sống đúng Chánh mạng, sống đúng Chánh tinh tấn, sống đúng Chánh niệm và như vậy chúng ta sẽ sống đúng Chánh định tức là Chánh thiền định mà Chánh thiền định, tức là bắt đầu từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền, mà Sơ Thiền tức là ly dục ly ác pháp, mà ly dục ly ác pháp tức là Chánh kiến.

Như vậy, không phải sống là tu hay sao? Và tu là sống không làm khổ mình, khổ người thì có đúng không? Cho nên, thiền định là cuộc sống mà tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải thứ thiền định lìa cuộc sống, Ngồi thiền”.

Sự tu tập của đạo Phật không lìa cuộc sống, kẻ nào lìa cuộc sống ngồi thiền, tụng kinh, v.v.. thì tu hành không bao giờ có sự giải thoát. Xa lìa cuộc sống mà sống phạm giới, phá giới, thì có khác gì cuộc sống của người thế gian, thì người đó tu không đúng đạo Phật, mà đang tu theo ngoại đạo. Tu theo ngoại đạo thì sẽ rơi vào tà kiến, tà niệm, tà thiền, tà định, thì đời đời kiếp kiếp sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

CON NGƯỜI TỪ ĐÂU SANH?

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con người từ nhân quả sanh ra là sao? Nghĩa như thế nào? Sống trong nhân quả? Chết trở về nhân quả? Nghĩa nó như thế nào? Xin Thầy giảng cho chúng con được hiểu.

Đáp:Con người từ nhân quả sanh ra có nghĩa là con người được sanh ra từ những hành động nhân quả thiện ác của môi trường sống.

Đức Phật dạy: “Vô minh” sanh “hành”, “hành” sanh “thức”. Vậy “thức” có được là nhờ “hành”, “hành” có được là nhờ “vô minh”. Do vô minh mới có những hành động lúc ác, lúc thiện; do hành động lúc ác, lúc thiện mới có làm khổ mình, khổ người, do hành động ác và thiện này mà sanh ra thức, do thức mới có danh sắc.

Trên đây là nói theo kinh sách, nói theo lời dạy của đức Phật, còn nói theo thực tế qua cái nhìn hiểu biết của ý thức, thì con người từ môi trường sống sanh ra. Trong môi trường sống gồm có đất, nước, gió, lửa, các chất khí và các từ trường, do sự vận hành của các chất khí và các từ trường mà tạo ra sự biến dịch thay đổi không ngừng của các vật thể, vì thế mà tạo các duyên tan hợp, nhờ các duyên tan hợp này mà vạn vật sanh ra.

Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu sanh và cũng không về đâu. Đó là câu trả lời: “Con người từ đâu sanh ra và chết đi về đâu?”.

Câu trả lời này rất cụ thể và dễ hiểu. Vì con người từ cát bụi và không khí (môi trường sống) sanh ra thì chết cũng trở về cát bụi và không khí (môi trường sống).

Nếu không có môi trường sống thì con người không thể sanh ra được, như mặt trăng, mặt trời và các hành tinh khác không có sự sống thì không có vạn vật sanh ra.

Sự sanh ra được vạn vật trong vũ trụ là nhờ sự vận hành của các duyên lúc hợp lúc tan; lúc hợp lúc tan, tức là có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy đức Phật gọi các duyên là vô thường, hay các pháp vô thường đều có nghĩa này. Do các pháp vô thường và biết chắc chắn như vậy nên đức Phật xác định: “Mười hai nhân duyên khi tan rã thì không còn duyên nào cả, cũng như thân ngũ uẩn, khi một người chết thì không còn uẩn nào cả”. Do đó, đức Phật lại còn xác định thêm: “Nếu các duyên dù còn một chút xíu như đất trong móng tay Ta thì Đạo Ta không ra đời, vì không giải khổ cho ai được hết”. Do tánh chất vô thường thay đổi của các pháp, nên con người tu hành giải thoát được.

Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta, nhưng chúng ta không chửi mắng lại họ, không buồn tức giận họ, và còn khởi tâm thương họ, thì ngay đó nó đã thay đổi các duyên của các ác pháp đó trở thành các duyên cho các thiện pháp. Do tánh chất các pháp vô thường thay đổi như vậy nên chúng ta thấy được sự giải thoát một cách cụ thể và rõ ràng. Nếu các pháp không vô thường, cố định, hay nói cách khác là các pháp có tánh chất thường hằng thì không thể làm thay đổi được ác pháp thành thiện pháp được.

Ví dụ: Một người chửi mắng chúng ta thì chúng ta phải tức giận và chửi mắng lại họ. Nếu tánh chất các pháp thường hằng thì ác pháp này không thể thay đổi được, nếu thay đổi không được thì con người dù có tu hành cũng không thể giải thoát được.

Nếu các pháp không thể thay đổi được thì các pháp phải có bản thể thường hằng, nếu các pháp có bản thể thường hằng thì con người phải có đời sống sau khi chết, nếu có đời sống sau khi chết thì con người phải có linh hồn, có linh hồn thì thế giới siêu hình mới có.

Nếu thế giới siêu hình có thì phải có một ông vua của thế giới này, và ông vua của thế giới này thì phải là một đấng toàn năng, một đấng tạo hóa, một đấng toàn thiện v.v.. Mà là đấng tạo hóa, toàn năng, toàn thiện khi tạo tác ra con người và vạn vật thì con người và vạn vật phải là hiền lành không bao giờ giết hại và ăn thịt lẫn nhau.

Con người và vạn vật do đấng toàn thiện sanh ra thì phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chứ có đâu giết hại lẫn nhau mà chẳng hề xót thương chút nào...

Do thế, chúng ta không tin thuyết này vì nó không thực tế, mơ hồ, trừu tượng, cho nên những tôn giáo xây dựng thế giới siêu hình đã lỗi thời, không thể còn lừa đảo được ai nữa, khi trình độ hiểu biết của con người được nâng lên theo sự tiến bộ của khoa học.

Cho nên, thuyết “nhân duyên” của Phật giáo là phù hợp, là thực tế, cụ thể như khoa học. Vì thế, không có một triết thuyết nào bài bác nó được, nó là một sự thật hiển nhiên của vạn vật trên hành tinh này đều do duyên hợp.

Mà đã do duyên hợp thì chỉ có môi trường sống mới có sanh ra vạn vật, từ loài rong rêu, cỏ cây cho đến các loài động vật nhỏ nhất như vi trùng, vi khuẩn, v.v..

Con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác nên cũng từ môi trường sống sanh ra. Vì thế, chúng ta khẳng định: “Con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả”.

TƯỞNG TRI VÀ THẬT TRI

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tưởng tri và thật tri nghĩa như thế nào?

Đáp:Tưởng tri và thật tri khác nhau không giống nhau. Tưởng tri là sự hiểu biết qua tưởng thức, thật tri là sự hiểu biết qua ý thức.

Ví dụ: Một người chưa từng bao giờ thấy ma, nghe người ta nói ma, họ diễn tả con ma hình thù bằng cách này, bằng cách khác. Do sự tưởng diễn tả những hình ảnh của ma. Từ đó năng lực tưởng thức của chúng ta mô phỏng theo hình dáng đó xuất hiện, khiến chúng ta nhìn thấy con ma như thật. Cái thấy con ma thật sự như vậy gọi là tưởng tri.

Cho nên, cái thế giới siêu hình cũng do từ năng lực của tưởng tạo ra, chứ không phải có linh hồn người chết nhập vào người còn sống, mà chính người còn sống mới có năng lực tưởng tri của mình tạo ra. Chính năng lực tưởng tri của người đó đã nói chuyện với người đó.

Vì thế, các nhà ngoại cảm vẫn thấy có linh hồn người chết mượn xác thân mình nói chuyện với người còn sống.

Những sự hiểu biết như vậy qua tưởng  thức như vậy gọi là tưởng tri.

Còn thật tri là sự hiểu biết qua ý thức, chắc quý vị ai cũng đều rõ. Khi chúng ta phân biệt mọi vật trước mắt mà hiểu được mọi vật đó một cách rõ ràng và cụ thể thì đó là thật tri.

Thật tri chính là ý thức của chúng ta đang sử dụng hằng ngày trong cuộc sống. Đó là sự hiểu biết phân biệt phải, trái, tốt, xấu, trắng, đen, dơ, sạch, thiện, ác v.v..

PHẠM HẠNH

Câu hỏi của Liễu Thiện

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thân người do tâm ham muốn (dục) mà có. Do ái dục mà có sanh y. Muốn bước lên quả vị Thánh thì phải triệt tiêu ái dục, triệt tiêu ái dục thì phải triệt tiêu sanh y. Vậy triệt tiêu sanh y như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Muốn triệt tiêu sanh y, tức là phải sống đúng đời sống giới luật của Phật, có nghĩa là sống đúng Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng. Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng như thế nào?

Chúng ta hãy nghe kinh dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, thiểu dục, tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không”. Đó là một lối sống triệt tiêu sanh y, lối sống giới luật, có sống đúng giới luật thì tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm có ly dục ly ác pháp thì mới đoạn dứt sanh y, đoạn dứt sanh y thì tâm mới bất động trước các ác pháp.

Như vậy chúng ta thấy rõ ràng, muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì sanh y là cửa vào của chúng ta. Muốn bước vào cửa sanh y thì phải mở ống khóa giới luật. Cho nên, giới luật là một pháp môn vô cùng quan trọng cho người mới bắt đầu tu theo đạo Phật.

Nếu tu hành theo đạo Phật mà không nghiêm trì giới luật, thì tu hành chẳng ích lợi gì và còn phí công vô ích, uổng một đời tu chỉ có hình thức mà thôi.

Vì thế người cư sĩ tu theo đạo Phật, muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì phải Thọ Bát Quan Trai, một tháng ít nhất cũng phải có một ngày tu tập làm Phật, tức là một ngày giữ  tám giới trọn vẹn.

Một ngày giữ tám giới trọn vẹn là một ngày lìa xa sanh y, lìa xa sanh y tức là lìa dục, lìa ái dục tức là giải thoát.

Vậy, giới luật là một pháp môn quan trọng nhất cho con đường giải thoát của đạo Phật, nếu ai tu theo đạo Phật mà phạm giới, phá giới, xem thường giới luật Phật, là tu theo ngoại đạo, tu theo tà giáo thì con đường tu tập để được giải thoát sẽ còn rất xa và xa biệt mù.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ

Bài viết của giáo sư Trần Phương

Vào ngày 17 tháng 6 năm 2000 chúng tôi có nhận được một tài liệu nói về thế giới siêu hình do cô Minh Châu đưa về. Muốn làm sáng tỏ vấn đề này thì chỉ có những người nhập được Tứ Thánh Định và Tam Minh của đạo Phật thì mới đủ khả năng giải thích cho mọi người rõ.

Dưới đây là một bài viết của Giáo sư Trần Phương ghi lại sự tìm kiếm hài cốt cô em gái của mình (một liệt sĩ). Người muốn nói lên những điều mắt thấy, tai nghe mà mình đã chứng kiến trên bước đường tìm hài cốt đứa em thân thương của mình, nhưng không sao giải thích được, qua những việc làm của các nhà ngoại cảm.

Phải chăng có sự sống sau khi chết?

Nếu có sự sống sau khi chết, thì thế giới siêu hình là có thật. Và sự mê tín của con người sẽ không còn là mê tín nữa.

Vậy chúng ta hãy đọc: “TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ, MỘT HÀNH TRÌNH ĐẦY BÍ ẨN”của Giáo sư Trần Phương viết.

TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ, MỘT HÀNH TRÌNH ĐẦY BÍ ẨN

“Tôi có cô em gái, kém tôi hai tuổi (sanh năm 1929), tên là Vũ Thị Kính, thuở nhỏ gọi tránh là Cánh. Từ hồi kháng chiến chống Pháp được biết đến cái bí danh Trần Thị Khang. Cô tham gia cách mạng 16 tuổi, tỏ ra là một giao liên gan dạ, một cán bộ phụ vận có uy tín. Năm 1950 cô là Huyện Ủy viên của Đảng bộ Phù Cừ (ĐCSVN), Bí thư phụ nữ cứu quốc Huyện, người  tổ chức chỉ huy đội nữ du kích Hoàng Ngân trong Huyện. Tháng 6 năm đó, địch bắt được cô từ hầm bí mật, đưa về bót La Tiến (bót đóng ngay trên bến đò La Tiến), là một bót khét tiếng tàn ác, một đồn binh lớn án ngữ phía Nam tỉnh Hưng Yên, phía Bắc tỉnh Thái Bình và phía Tây tỉnh Hải Dương. Chúng biết cô là ai, vì vậy đã dùng mọi cực hình tra tấn, hòng buộc cô khai báo và đầu hàng. Trước khí tiết không lay chuyển của cô, chúng đã giết chết cô và vất xác cô xuống sông Luộc. Sau ngày cô hy sinh, đội nữ du kích Hoàng Ngân của Huyện đã phát động: “Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Khang”. Chánh phủ đã truy tặng cô Huân chương kháng chiến hạng nhì.

Huyện Ủy và đội du kích Hoàng Ngân đã tổ chức đi tìm xác cô, nhưng không thấy. Đây là nỗi ray rứt xót xa của gia đình tôi suốt mấy chục năm. Mặc dù vẫn biết rằng người chết thì mọi nỗi đau cũng chấm dứt. Mẹ tôi hồi còn sống, thỉnh thoảng lại hỏi tôi: “có tìm thấy xác em không?”. Tôi đành tìm lời an ủi: “Bao giờ chiến tranh hết, con sẽ tổ chức việc tìm kiếm, chắc là được mẹ ạ!”. Nói thế mà lòng tôi muốn khóc, vì biết mình bất lực trước nỗi đau của mẹ. Cả một dòng sông Luộc mênh mông như thế trôi ra biển cả, biết tìm kiếm nơi đâu?

Mươi năm lại đây, nghe tin nhiều người tìm được hài cốt người thân, bằng gọi hồn, bằng ngoại cảm, bằng thấu thị. Tóm lại là bằng những phương pháp, được xem là thần bí, chưa ai lý giải được. Tôi vốn được đào tạo theo tinh thần khoa học thực nghiệm, cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Trong đời, tôi chưa bao giờ tin có linh hồn, Thần, Thánh, ma, quỷ. Ngay những ngày giỗ bố mẹ, tôi cũng không làm cơm cúng, không thắp hương, chỉ sửa một lọ hoa tươi để tự mình tưởng nhớ. Vậy mà khi nghe những tin trên, trong lòng tôi hé lên một niềm hy vọng mong manh: biết đâu đấy? Nếu bằng phương pháp thần bí mà tìm được hài cốt em tôi thì có gì phải câu nệ? Miễn là có cái gì đó để nhận biết hài cốt ấy đúng là của em tôi. Và điều này mới chính là điều khó nhất. Sau hơn năm chục năm trôi dạt, hài cốt có còn gì không để nhận ra em tôi? Nếu còn thì may ra là còn được hàm răng không nhuộm đen. Nhưng thời đó, thiếu gì con gái không nhuộm răng đen? Đã có lần bạn bè mách bảo tôi một bộ hài cốt vô thừa nhận mà đặc biệt là hàm răng không nhuộm đen. Lúc đó, chính tôi đã phân vân: nhận một hài cốt mà trong lòng nghi hoặc, mỗi khi tưởng niệm thì có ý nghĩa gì? Còn khám nghiệm AND ? Đó là chuyện xa vời. Trong tình cảnh bất lực của chính mình và của khoa học thực nghiệm thì bất cứ phương pháp nào giải tỏa được nỗi ray rứt trong tôi và gia đình tôi đều phải được xem trọng. Nghĩ thế tôi bèn tìm cách tiếp cận các nhà ngoại cảm có tiếng tăm. Một số thông tin báo rằng hài cốt vẫn còn, nhưng chưa có ai chỉ rõ được nơi chôn cất.

Giữa lúc ấy thì tôi gặp chị Tuyết Nga là người đã nhờ ông Liên tìm được mộ bà mẹ bị giặc sát hại từ những năm 60. Chị khuyên tôi nên tìm đến bạn chị là anh Nguyễn Văn Nhã, một người nổi tiếng ở miền Nam, vì đã tìm thấy nhiều mộ liệt sĩ. Chị gọi điện cho anh Nhã, và ngay chiều hôm đó anh bay ra Hà Nội.

Sớm ngày hôm sau, ngày 25.7.1999, tôi gặp anh Nhã, anh chưa đến 50 tuổi, là một kỹ sư Hóa, Đảng viên, nhiều năm làm công tác ở đoàn viên thanh niên Cộng Sản thành phố Hồ Chí Minh. Theo anh nói thì anh mới có khả năng đặc biệt này từ trước Tết và không được ai huấn luyện cả. Anh đã vẽ hơn sáu trăm ngôi mộ, tỷ lệ trúng đạt sáu chục phần trăm. Có những trường hợp trúng đến mức chính anh cũng phải kinh ngạc. “Thông tin” đến với anh như thế nào thì anh vẽ như thế ấy. Còn thông tin từ đâu đến, trúng hay trật, đối với chính anh cũng là điều bí ẩn.

Trong căn phòng làm việc của tôi, không có hương khói gì cả, anh hỏi tôi và vợ tôi mấy thông tin đơn giản: Cô em tên là gì? Sinh năm nào? Hy sinh ngày tháng nào? Ở đâu? Người đi tìm tên là gì? Anh lại hỏi bến đò La Tiến thuộc xã nào? Huyện Phù Cứ thuộc tỉnh nào? Bến đò ấy có cây cầu không? (chứng tỏ anh không biết gì về vùng đất đó cả). Rồi anh lấy một tờ giấy to và mấy cây bút màu ra vẽ bản đồ, vẽ một cách thư thả, lưu loát, không gạch xóa gì cả. Mọi việc chỉ diễn ra trong vòng mười phút.

Nhìn vào bản đồ, tôi thấy anh vẽ con sông uốn lượn đường to đường nhỏ giao nhau, rồi ghi: từ bến đò La Tiến đi về hướng Đông Nam thấy một trường học đi chừng 1 km6 thì đến một ngã tư, phía trái ngãtư thấy một quán tạp hóa có cửa màu xanh dương, lúc đó rẽ tay phải, thấy một cái đình, đi chừng một km thì rẽ trái vào một con đường nhỏ, đi chừng 60 mét thì rẽ phải, đi chừng 45 mét nữa thì đến mộ. Mộ nằm trên đất cô Nhường 47 tuổi đối diện với mộ về hướng Tây là quán ông An 56 tuổi. Mộ chôn về hướng Tây, cách một gốc cây độ 4 mét, trên mộ có một khúc cây dài 4 tấc, một cục gạch vỡ màu nâu đỏ và năm cây cỏ dại có hoa màu tím nhạt.

Rồi anh hỏi tôi: Bao giờ thì đi tìm mộ? Tôi trả lời: Để chuẩn bị thì cũng phải 2 tuần nữa. Anh nói chậm quá, nên đi sớm. Tôi quyết định: 3 ngày nữa thì đi. Anh nói: tôi phải cho anh một tín hiệu để dễ tìm. Hai con bướm nhé? Tôi nói: Hai con bướm thì sợ khó tìm. Anh ngẫm nghĩ mấy giây rồi nói: Vậy thì một bé gái nhé? Rồi anh ghi tiếp vào tấm bản đồ 13h30 ngày thứ tư 28 tháng 7 sẽ có một bé gái chừng 11 tuổi, mặc áo hoa xanh đến gần mộ (Tôi thật không hiểu anh làm cách nào mà điều được cho tôi một cô bé đến vào ngày đó, giờ đó) rồi anh dặn: Nếu anh đến sớm thì năm cây cỏ dại có 10 bông hoa tím, nếu anh đến muộn thì chỉ còn 5 bông.

Ngạc nhiên quá tôi hỏi anh: Anh không biết gì về vùng đất đó cả, vậy dựa vào cái gì mà anh vẽ ra tấm bản đồ chi tiết như vậy?

Anh nói: Tôi thấy trong đầu tôi hiện ra như thế nào thì tôi vẽ như thế nấy tôi cũng chẳng hiểu nữa.

Tôi lại hỏi: Còn những tên người kia? Tại sao gọi là đất cô Nhường, là quán ông An?

Anh nói: Tôi thấy trong tai tôi như có âm thanh ấy có thể là Nhương, Nhường, Nhượng gì đó, cũng có thể là 47 tuổi hay 87 tuổi, còn An thì cũng có thể là Am. Anh còn dặn thêm: Có thể phải xem cái bản đồ này từ âm bản. Lời dặn này, lúc ấy tôi không để ý lắm.

Vẽ bản đồ trao đổi trong vòng nửa  tiếng xong, anh Nhã chia tay tôi, để vội vã bay về thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh đang phải điều hành một công ty tư vấn.

Về phần tôi, tin hay không tin thì vẫn phải làm theo chỉ dẫn của anh. Còn có cách nào khác đâu?

Tìm mộ ngày thứ nhất.

Đúng hẹn ngày 28 tháng 7 cả gia đình tôi phóng về bến đò La Tiến, cách Hà Nội chừng 100 km. Chúng tôi chia nhau làm nhiều ngả, đối chiếu với bản đồ mà tìm. Tất cả các ngả đều không tìm được những dấu hiệu khớp với bản đồ, trừ một ngả hướng thẳng vào giữa làng La Tiến, hướng này do anh Đạt, một cán bộ về hưu có cái quán giải khát ở bến đò, chỉ dẫn. Khi xem bản đồ, cụ Yến, cũng đang ngồi ở quán giải khát nói: Cái bản đồ này vẽ theo đường ngày xưa, ang áng như bây giờ thôi, có mấy đoạn đã được nắn lại. Tuy nhiên, đường từ bến đò đến nơi ghi là phần mộ lại rất ngắn, chỉ bằng một phần ba cự ly ghi trong bản đồ. Tôi dùng điện thoại di động hỏi anh Nhã, anh trả lời: miễn là tìm thấy các dấu hiệu đã ghi, nhất là 4 dấu hiệu nơi phần mộ, còn cự ly thì có thể là do anh ước lượng không chính xác.

Lần theo hướng ghi trên bản đồ và các dấu hiệu trên đường (trường học, đình, quán tạp hóa có cửa màu xanh nước biển, đến ngã tư rẽ phải, rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải tất cả đều đúng) chúng tôi đến đất nhà anh Điển, một nông dân kiêm thợ nề trên 60 tuổi. Cả hai vợ chồng đều gầy gò ốm yếu nhưng tốt bụng. Ông bà sẵn sàng cho chúng tôi tìm bới hài cốt liệt sĩ, mặc dù không tin rằng đất trong đê lại có thể có hài cốt liệt sĩ. Ông bà Điển cũng như nhiều người khác đều chỉ chúng tôi ra dải đất bãi phía ngoài đê, cạnh vụng Quạ (gọi thế là vì có nhiều quạ bay tới vụng để ăn xác chết bị cuốn vào vụng) mà từ nhà ông Điển nhìn ra thì về hướng Đông, chưa đến nửa cây số cạnh vụng quạ, vẫn còn ba cái mộ vô thừa nhận. Chúng tôi đến đó xem xét rất kỹ, nhưng không thấy một dấu hiệu nào như anh Nhã đã cho, đành quay về nhà ông Điển, theo đúng bản đồ.

Giữa mảnh đất rộng chừng hai sào, có một ngôi nhà gạch hướng Đông Nam, trước nhà là sân gạch tường hoa, một dải vườn đẹp lơ thơ mấy vạt dây lang rồi đến một cái ao to. Tiếp đó là đường làng, một cái đầm sen mênh mông, rồi đến con đê sông Luộc chạy dài từ Tây sang Đông. Sau nhà là một vườn chuối được dọn sạch sẽ, không một ngọn cỏ. Đầu hồi phía Đông là đường vào ngôi nhà. Vậy chỉ còn tìm kiếm ở đầu hồi phía Tây. Vườn ở phía này rộng, trồng táo và mít um tùm, dưới gốc đầy cỏ dại, toàn một loại có hoa bằng hạt thóc, màu tím nhạt. Tìm một ngàn cây thì được, chứ tìm 5 cây thì biết chọn cây nào? Còn cành cây khô và mảnh gạch vỡ thì bừa bãi, đâu cũng có. Sục tìm một hồi lâu, chúng tôi đành thất vọng quay ra.

Đứng trước cửa nhà, nhìn về chân đê sông Luộc, chệch về phía Tây, là ngôi nhà của anh An, 45 tuổi nhà xây bằng gạch để ở, chứ không bày biện như một quán hàng. Anh cho biết vợ anh có một gian quán bán lòng lợn ở chợ La Tiến, hàng ngày gánh hàng đến đó, nhưng có ai cần mua tại nhà thì vẫn dành lại để bán. Như vậy thì nhà anh có đáng gọi là một quán hàng không? Tôi phân vân như cứ tạm cho là được đi.

Còn đất bà Nhường? Cả làng không có ai tên là Nhường hay Nhượng. Chỉ có một bà tên là Nhương, khoảng 70 tuổi. Bà này thì tôi biết vì cùng hoạt động với em gái tôi. Chính Bà mấy năm trước, thông qua Bà Tiến, đã nhắn tôi về nhận một bộ hài cốt vô thừa nhận mà căn cứ vào hàm răng trắng, Bà cho là hài cốt của cô Khang.

Dấu hiệu dẫn đến ngôi mộ thì có đủ, nhưng dấu hiệu của chính ngôi mộ thì không thấy. Tôi đành chờ đến 13h30. Vào giờ này, giữa trưa hè oi ả, giữa cái làng hẻo lánh giáp đê sông Luộc này thì kiếm đâu ra một bé gái mặc áo hoa xanh? Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chia nhau đón các ngả đường dẫn đến nhà ông Điển. Đường sá vắng tanh. Cả vùng như ngừng thở với ánh nắng chói chang.

Quá 10 phút rồi 15 phút. Bỗng một tốp thiếu niên ồn ào đạp xe từ cuối làng tới. Nhưng tất cả đều là con trai. Mấy phút sau, có một tốp con gái cũng từ cuối làng đi bộ tới. Chúng tôi giữ các em lại hỏi thăm. Các em chỉ nhà bà Nhương ở gần ngã tư, sau cái đình. Ba em hăng hái dẫn chú em tôi tới đó, còn một em không muốn mà đứng lại. Em mặc áo màu xanh lá cây, có hai bông hoa to in trước ngực em khai tuổi 15, nhưng vóc người thì nhỏ hơn tuổi. Hỏi về những ngôi mộ vô thừa nhận, em chỉ mấy ngôi ở vườn chùa ngay cạnh đó đây là mộ của những người chết đói năm 45. Em lại chỉ 3 ngôi mộ ở phía ngoài đê, cạnh vụng quạ. Chúng tôi đã đến đó vào sáng nay. Em đứng lại với chúng tôi chừng nửa tiếng bên bờ cái ao to trước nhà ông Điển mà không có mục đích gì cả, phải chăng đó là tín hiệu mà ông Nhã điều cho tôi? Nhưng khai thác được gì ở em thì không được gì cả.

Xế chiều gần như mất phương hướng, tôi lại gọi điện cho anh Nhã. Anh hỏi: Có thấy cái lạch nước không? Có thấy cái cống không? (dường như từ Sài Gòn, anh nhìn thấy những cái đó!) rồi anh bảo tôi đi tìm ngôi nhà mà 4 mặt đều sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ.

Cái cống lớn xây bằng gạch cạnh đất chùa, kế nhà ông Điển, thì chính tôi đã ngồi trên đó để hỏi chuyện bé gái. Còn cái lạch nước, hỏi ông Điển hồi lâu mới biết: ba chục năm trước đây, chính cái đầm sen là một vùng ruộng trũng ở giữa có một con đường bờ vùng chạy song song với một con lạch, dẫn nước qua cống của chùa vào vùng ruộng mạ mà nay là đất ở của ông và mấy nhà chung quanh. Cuối những năm 60, để lấy đất bồi đắp con đê sông Luộc, người ta đã biến vùng ruộng trũng thành cái đầm sen bây giờ, nó chạy dài gần một cây số ven đê và ruộng vài trăm mét. Con đường và cái lạch nước cũng biến mất trong lòng cái đầm sen ấy.

Chúng tôi ngó nghiêng khắp làng để tìm “ngôi nhà mà 4 mặt đều sơn màu trắng lốp”. Chẳng có cái nào cả, mọi nhà đều quét vôi vàng hoặc xám. Bỗng anh Tân Cương (một cộng sự của tôi đã từng nhiều lần đi tìm mộ) chỉ vào cái quán bên đường, hay là cái này? Đó là cái quán nước mà chúng tôi vẫn qua lại từ sáng đến giờ. Quán nhỏ và thấp lè tè, xây bằng gạch, đủ kê một cái giường và một cái chõng bày bán mấy gói kẹo và mấy chai nước ngọt. Quán mới xây, cả bốn mặt đều quét vôi trắng xóa. Một cái quán nhỏ cũng có thể xem là một cái nhà được chứ? Tạm cho là như vậy. Nhưng còn hoa đỏ? Tìm tòi hồi lâu, anh Tân Cương chỉ cho tôi cái đầm sen trước mặt. Giữa mùa hè, đầm sen là cả một biển hoa đỏ có thể là như vậy chăng?

Chủ quán là một bà lão hom hem. Nhà cụ giáp nhà ông Điển, về phía Tây, cụ xây cái quán ngay cạnh đường làng, lối đi vào nhà cụ mà cũng là một cái bờ ao nhà ông Điển. Hỏi tên tuổi thì cụ cho biết tên là Mân đó là tên chồng, còn tên thật của cụ là Nguyễn Thị Nhờ, năm nay 81 tuổi.

Sục sạo đến tối mịt, chúng tôi đành quay về Hà Nội. Tôi gọi điện cho anh Nhã.  Anh bảo tìm được cái quán trắng làm mốc là tốt rồi. Cự ly so với bến đò có gần hơn, không sao. Có trường học, có ngã tư, có quán màu xanh dương, có cái đình rồi. Có cái cống không? (tôi báo cáo cho anh biết kết quả điều tra được). Anh động viên: nên tìm kiếm liên tục. Hôm nay chưa thấy thì ngày mai lại đi. “Chỉnh mộ là một quá trình vất vả lắm đấy, không thể một lần mà trúng ngay được”.

Rồi anh chỉ dẫn cho tôi ngày mai làm gì ?

Tám giờ sáng phải có mặt ở cái quán trắng. Tôi hoặc con tôi (phải là ngườiruột thịt của cô Khang) thắp 20 nén hương ở lối đi bên cạnh. Khoảng 8 giờ  rưỡi, có một con chó vàng nâu đến cách đó chừng 10 mét, nó nhìn mình xem mình có đi theo nó không, hãy đi theo nó, giữ một khoảng cách. Nó sẽ đi hơn 100 mét, rồi dừng lại, ngửi và bới. Nhớ lấy chỗ đó, rồi quan sát, tìm những dấu hiệu phần mộ như đã ghi trên bản đồ.

Nếu tín hiệu trên không xuất hiện thì chờ đến 8 giờ 30 - 9giờ tìm kiếm quanh vùng sẽ thấy một con chó vàng nằm một chỗ như ốm. Đánh dấu lấy chỗ đó mà đào. Đào thấy thì con chó sẽ hết ốm. Khi nào thấy tín hiệu thì gọi điện lại để anh chỉ dẫn tiếp.

Tìm mộ ngày thứ hai.

Chúng tôi lại đến làng La Tiến, làm đúng những việc mà anh Nhã dặn. Chúng tôi chia nhau đi các ngả để xem có con chó vàng nâu nào tiến về phía quán trắng không. Quá 8 giờ 30 mà không thấy tín hiệu thứ nhất xuất hiện, chúng tôi bèn chia nhau đến các nhà quanh vùng. Nhà nào cũng nuôi chó vàng, thấy người lạ vào là chúng nhảy ra sủa inh ỏi, không có con nào nằm một chỗ như ốm. Cô em tôi mấy lần vào ra nhà cụ Nhờ, ngó nghiêng mọi xó xỉnh cuối cùng, cô phát hiện thấy phía sâu bên trong gian nhà phụ, dưới gậm giường, có một con chó vàng nằm ệp. Chúng tôi lần lượt vào ngó, nhưng nó vẫn nằm im, chỉ ngước nhìn mà không sủa. Hỏi chủ nhà thì biết nó chửa, chê cơm mấy hôm nay. Tôi liền điện cho anh Nhã. Anh bảo: Tìm kiếm trong vòng bán kính 10 mét xem có những dấu hiệu phần mộ không.

Từ chỗ con chó nằm, tôi vạch một vòng tròn có bán kính 10 mét. Hầu hết vòng tròn bao lấy nhà và sân gạch của cụ Nhờ, chỉ một mẩu nhỏ lấn sang dải vườn hẹp trước tường hoa nhà ông Điển. Dải vườn này, hôm trước chúng tôi đã đi qua mà không thèm để ý đến mấy vạt rau lang. Hôm nay tập trung vào một diện tích hẹp, anh Tân Cương là người đầu tiên phát hiện ra một gốc cây đổ vùi lấp dưới lớp dây lang, gốc cây to bằng bắp chân, dài hơn gang tay, nằm sát đất, trên thân cây lơ thơ mấy cái chồi cằn cỗi. Ông Điển cho biết đó là cây nhót mà ông đã chặt đi năm ngoái, nhưng chưa kịp đánh gốc. Cách gốc cây nhót về hướng Đông chừng hai mét, chúng tôi thấy ngay nửa viên gạch vỡ màu nâu đỏ nằm cạnh một cành cây khô to bằng cổ tay, dài nửa mét. Nhìn tiếp về hướng Đông chừng 3 mét nữa, dưới tán cây cam thấp lùn, chúng tôi reo lên khi thấy cả một dãy cây hoa màu tím nhạt vượt lên đám rau lang, đếm được đúng 5 gốc mỗi gốc mang hai bông hoa to và dài bằng ngón tay. Cây hoa mọc theo một đường thẳng dài 3 mét từ tường hoa ra phía bờ ao. Ông Điển cho biết mấy năm trước ông trồng làm cảnh, sau chán, vất ra vườn.

Sau khi soát xét lại kỹ càng, tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Từ gốc cây đổ đến dãy hoa tím, vẽ thành hình tam giác, rồi đứng vào giữa, đánh dấu lại. Lấy một chiếc đũa cắm vào chỗ đó, rồi tự tay tôi (phải là người ruột thịt) đặt một quả trứng lên đỉnh chiếc đũa, nếu quả trứng nằm im là đúng. Nếu quả trứng không nằm im thì cắm chiếc đũa lùi ra nửa mét.

Bà Điển vội vã rút từ ống đũa cho tôi một chiếc, rồi chạy vào ổ gà lấy quả trứng mới đẻ. Nhìn chiếc đũa tre còn mới, tôi thầm nghĩ: Nghèo quá, đến chiếc đũa tre cũng khẳng khiu! Với chiếc đũa này, lão Nhã đánh đố mình đây. Rồi tôi suy luận: Chẳng lẽ xác cô em mình lại có sức hút mạnh hơn trọng lực trái đất ư ? Vấn đề chỉ là ở chỗ ngắm cho thật cân và không được xúc động!

Tôi loay hoay mãi với quả trứng. Ngắm nghía thật lâu rồi mới đặt xuống nhiều lần như vậy. Đặt nằm rồi lại đặt đứng. Nó vẫn lăn bo xuống đất. Người tôi vã mồ hôi. Mấy chục người chung quanh dán mắt vào quả trứng như nín thở, tôi nghĩ chỉ tại cái đũa chết tiệt ! Tiết diện nhỏ quá mà lại không phẳng, tài gì mà đặt được quả trứng cho cân!

Tôi bèn lùi lại nửa mét, mặt vẫn hướng vào tường hoa. Cắm chiếc đũa thật thẳng rồi nhẹ nhàng đặt quả trứng xuống như mọi lần. Kỳ lạ quá, nó nằm im trên đầu đũa, tựa như có chất keo gắn vào đầu đũa. Tôi không tin có sự can thiệp của cô em tôi (vì làm gì có linh hồn mà can thiệp? Mà nếu có thì linh hồn đâu phải là một lực tác động vật chất?) nhưng vẫn thở phào nhẹ nhõm vì nếu không qua được thử thách này thì không thể đi tiếp bước sau.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Lấy quả trứng làm tâm, vẽ một hình chữ nhật dài 2 mét, rộng 1 mét 2 rồi đào sâu xuống 1 mét 5 cho đến lớp cát đen. Hài cốt không nằm sâu hơn lớp cát đen đó.

Lúc ấy đã gần trưa. Chúng tôi tạm nghỉ, ra bến đò La Tiến ăn cơm hàng. Trời đang nắng gắt bỗng ập xuống một cơn mưa như trút nước kèm theo gió to kéo dài gần một tiếng. Chúng tôi bảo nhau phen này thì đền quả trứng của bà Điển thì cái chắc. Khi quay về thì lạ quá, quả trứng vẫn yên vị trên đầu chiếc đũa chẳng lẽ khi mưa, bao giờ cũng có hai giọt nước rơi cân bằng xuống hai đầu quả trứng? Còn gió to nữa, chẳng lẽ nó không tác động gì đến quả trứng?

Để chuẩn bị cho thợ đào đất, tôi gỡ quả trứng ra khỏi chiếc đũa hai tay tôi cảm nhận thấy một sức hút nhẹ. Phải chăng nước mưa đã làm giãn hở vỏ trứng và chiếc đũa tre, khiến cho quả trứng gắn chặt vào đầu đũa?

Hai tốp thợ thay nhau đào. Sâu 1,2 mét thì hết lớp đất màu nâu là lớp “vượt thổ”, đến lớp bùn đen pha cát, vừa đào, chúng tôi vừa soát xét từng xẻng đất đào lên xem có hài cốt không? đến độ sâu 1,5 mét vẫn không thấy gì cả.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo: Phát triển về hướng Nam và đào sâu thêm 4 tấc nữa. Chiều rộng của cái hố được mở thêm nửa mét ra phía bờ ao và đến tối mịt thì chiều sâu đạt tới 2,8 mét. Vẫn không thấy gì cả. Chúng tôi quay về Hà Nội.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh bảo:Thử đào sâu thêm vài tấc nữa. Thực ra thì cái hố đã được đào sâu quá mức ấy rồi. Tôi cảm thấy “thầy” đã hết phép. Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định ngày mai đi tiếp.

Tìm mộ ngày thứ ba.

Qua hai ngày, dậy từ bốn giờ sáng, mãi 11 giờ khuya mới về đến nhà, cái tuổi 72 của tôi đã cảm thấy đuối sức. Tôi ủy nhiệm cho các con cùng bà chị tôi và anh Tân Cương đi tiếp. Tôi dặn: Không đào sâu thêm nữa làm gì, chỉ soát lại đống cát đen đào xới lên, họa  may tìm thấy mảnh hài cốt nào thì đem về, nếu không thì thu dọn chiến trường mà về. Họ làm đúng như thế.

Thấy chúng tôi không thu được kết quả gì, nhiều cụ già, nhất là các cụ về hưu, xúm lại bài bác: Đã bảo mà! Tìm ở ngoài đê, quanh cái vụng Quạ thì không lại đi tìm ở trong đê! Làm gì có xác trôi sông vượt qua được con đê để vào tận trong đồng! Chị Tiến và chị Nhương cũng có mặt, hai chị khuyên chúng tôi nhận lấy bộ hài cốt răng trắng chôn ở góc đa phía trên bến đò.

Duy có anh Thìn, con cụ Giám, hiện là Hiệu Trưởng trường cấp hai, thì nói: bố anh hồi ấy có vớt được ba cái xác hai nữ một nam- kéo qua đê, rồi chôn ở cánh đồng này. Cụ Giám, theo dân làng nói, là người rất nghèo (làm nghề đơm đó và đánh dậm) nhưng bạo gan, nhà ai có việc đào huyệt, bốc mộ thì đều nhờ đến cụ, cả những cháu bé bị chết, cụ cũng sẵn sàng vác lên vai đem đi chôn giúp. Từ hồi kháng chiến chống Pháp, có nhiều xác chết nổi lên ở vụng Quạ, làng cũng giao cho cụ vớt lên chôn cất. Cụ Yến xác nhận rằng cụ Giám được làng phụ cấp để làm việc đó, nếu có xác chết chôn ở đây thì chỉ là nhờ tay cụ Giám thôi. Cụ Trọng thì nhất quyết bài bác: làm gì có chuyện đó! Anh Thìn đưa ra thông tin trên là đưa vào tiết lộ của cụ Giám, nhưng cụ Giám thì mất cách đây 18 năm. Hồi còn sống, cụ đã được tặng bằng khen vì những thành tích trong kháng chiến chống Pháp.

Tôi gọi điện cho anh Nhã. Anh nói: Nghe gia đình đã báo cáo tìm thấy đủ các dấu hiệu thì tôi cũng tin, tuy rằng cự ly có phần không đúng. Bây giờ thì phải lật cái bản đồ mà xem từ âm bản. Tôi hỏi: Như vậy có nghĩa là phần mộ sẽ nằm ở bên kia sông, tức là trên đất Thái Bình? Anh nói: Phải vậy đó. Rồi anh dặn tiếp: Phải tìm đến một cái vụng xoáy, “một cái vụng do nước xoáy vào bãi sông mà tạo thành” ở đó có một xóm mới, dân mới ra ở đó khoảng hai chục năm, trong đó có cô Nhường, có ông An. Mộ nằm trên đất cô Nhường, trên mộ vẫn những dấu hiệu như đã chỉ.

Tìm mộ ngày thứ tư và thứ năm.

Các con tôi, vốn đã không tin vào phương pháp thần bí, đều không muốn đi tiếp. Các lão già (chị và các em tôi) thì đều đã mệt mỏi. Chỉ có anh Tân Cương là vẫn vững lòng tin, vì chính anh đã nhờ vào các nhà ngoại cảm mà tìm được mồ mả gia tiên. Anh nhận giúp tôi tìm kiếm tiếp. Anh cùng anh Đạt vượt bến đò La Tiến sang đất Thái Bình, đi dọc sông để tìm cái vụng xoáy, chốc chốc lại gọi điện thoại di động về. Xế chiều, cách bến đò La Tiến chừng 8 cây số, một cụ già bảo anh: phía Thái Bình không có vụng xoáy đâu. Vì nước sông ở đoạn này quật sang đất Hưng Yên. Cụ chỉ sang vụng bà Khán Mỹ bên kia sông. Gọi thế là vì bà Khán Mỹ nhiều năm sinh sống trên vụng đó bằng thuyền đánh cá. Vậy là lại phải qua sông để trở về đất Hưng Yên. Cạnh vụng bà Khán Mỹ. Trên đất bãi có một xóm mới, trong đó có một chị tên là Nhường, có một anh tên là An có mấy ngôi mộ vô thừa nhận, nhưng chẳng có dấu hiệu nào khớp với bản đồ mà anh Nhã đã cho.

Anh Tân Cương đi tiếp một ngày nữa, từ vụng bà Khán Mỹ ngược lên vụng Quạ. Nơi nào có mộ vô thừa nhận là anh đến. Nhưng chẳng đâu tìm thấy đủ những dấu hiệu mà anh Nhã cho.

Cuộc tìm kiếm theo đủ mọi hướng đến đây xem như tắc tị. Cái tính hoài nghi khoa học vốn có của tôi trỗi dậy: Tôi nghĩ: Lão Nhã này, hắn đánh đố mình! Hắn bày ra cả một “trận đồ bát quái”, nào là dấu hiệu, tín hiệu, tên người và tên đất, rồi bảo mình phải đi tìm cho đủ. Lục tìm cả cái đất nước này, chưa chắc đã có nơi nào khớp được với cái trận đồ bát quái của hắn!

Nghĩ thế rồi tự trách mình là vô lý. Đã chấp nhận đi theo “thầy Nhã mà tỷ lệ trúng mộ chỉ đạt 60% thì lý gì lại thắc mắc khi trường hợp của mình rơi vào 40% kia?”. Đã chấp nhận tìm đến con đường thần bí như nguồn hy vọng cuối cùng thì lý gì lại đòi hỏi phải lý giải cái “Trận đồ bát quái kia?”

GỌI HỒN

Theo đuổi hai nhà ngoại cảm nổi tiếng đã vẽ trúng hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ, nhưng đến lượt mình thì không có duyên, tôi bàn với anh Tân Cương chỉ còn cách là tìm đến những người có khả năng gọi hồn. Theo tin của anh thì cô Phan Thị Bích Hằng đã mất năng lực đó vài năm nay rồi, anh đang giúp tôi liên hệ với một bà ở Cẩm Giang và một bà ở Hải Phòng. Chị Tuyết Nga cũng khuyên tôi tìm kiếm theo hướng đó. Chị cho tôi một địa chỉ điện thoại mà điều tra ra thì đó chính là địa chỉ của cô Bích Hằng. Trong quá trình tìm mộ, tôi thường hay kể lại với bạn bè khi rảnh rỗi. Tình cờ một hôm, anh Trần Công Bảy biết tôi có ý định gọi hồn, liền nhận giúp tôi liên hệ với cô Bích Hằng. Cô nhận giúp tôi vào chiều ngày 9.8.1999.

Ngày 9.8.1999 tiếp xúc với linh hồn.

Qua cô Bích Hằng, tôi hy vọng có được thông tin về phần mộ em tôi, nhưng điều còn quan trọng hơn là: Kiểm nghiệm xem có thật linh hồn còn tồn tại sau khi người ta chết không. Tôi lục tìm trong trí nhớ những vụ việc mà chỉ tôi và em tôi biết, để kiểm tra xem có thật là linh hồn em tôi đang nói với tôi không. Dự buổi  gọi hồn có chị tôi và em gái tôi, nhưng tôi dặn không ai được nói, đề phòng hớ hênh, để lộ thông tin cho “thầy bói nói dựa”.

Bích Hằng là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và thùy mị, năm nay 27 tuổi tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân, hiện đang làm kế toán cho một công ty xây dựng của quân đội, đồng thời vẫn theo học lớp đào tạo thạc sĩ quản lý kinh doanh do trường đại học Oxtord (Anh) tổ chức tại Hà Nội.

Tôi hỏi cháu có khả năng đặc biệt từ bao giờ. Cô nói: từ khi còn đang học phổ thông, sau khi bị chó dại cắn, lên cơn nhưng không chết. Cô bạn cháu cùng bị chó dại cắn thì chết. Một hôm, giỗ bà nội, cháu nhìn lên bàn thờ thấy bà ngồi cùng hai đứa bé. Cháu hỏi ông nội: hai cậu bé ngồi cùng bà nội kia là ai? Sau một hồi kinh ngạc, ông nội giải thích: người con thứ nhất của bà được hơn một tuổi thì chết, người con thứ ba sau bố cháu được hơn hai tuổi cũng chết. Từ đó trở đi, khi qua nghĩa địa, cháu nhìn thấy vô số là vong hồn người nằm, người đứng, khi tỏ khi mờ giống như nhìn vào cái màn hình bị nhiễu. Mới đầu thì rất sợ, sau cũng quen dần đi.

Tôi lại hỏi: “Có tin nói là khả năng đặc biệt của cháu suy giảm rồi, có đúng không?”. Cô trả lời: “Khi cháu có bầu và sinh con, cháu phải lấy cớ đó để từ chối. Bây giờ con cháu đã 14 tháng, cháu mới nhận giúp bác”.

Khác với anh Nhã, cháu Hằng yêu cầu đặt lên một cốc nước, một cốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang theo cháu nói là để nhận diện vong hồn được triệu về có đúng là cô không. Cháu mang theo một xấp giấy tiền đặt lên bàn.

Thắp hương và đốt nến xong, cháu khấn mời cô Khang bằng một giọng nhỏ nhẹ, tưởng chừng như cô đang ngồi trước mặt.

Rồi quay sang nói với tôi: Ở căn phòng này, bác không thờ bao giờ, có thể là khó về.

Nghe Hằng nói, tôi đâm lo. Chẳng những không thờ bao giờ mà 10 năm nay tôi không ở nhà này, giao cho con. Nhìn quanh cửa kính đóng kín mít (dễ mở máy điều hòa nhiệt độ) thì mùi hương bay đi đâu mà cô nhận biết được? Cháu Hằng có lời mời nhưng cô ở đâu mà nghe thấy được? Nếu nghe thấy thì tìm sao nổi đến địa chỉ này giữa cái thành phố ồn ào bát ngát? Nếu tìm thấy địa chỉ thì lách qua kẽ hở nào mà vào được?

Một phút chờ đợi căng thẳng trôi qua. Cháu Hằng vẫn dán mắt vào tấm ảnh. Rồi hai phút, rồi ba phút. Bỗng cháu Hằng hớn hở: Cháu chào cô ạ! Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Trần Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi cô hài cốt của cô hiện nay ở đâu?

Rồi Hằng vội quay sang tôi, hạ giọng nói: Có một người đàn ông, thanh niên đi cùng với cô. Tôi ngồi im, cố đoán xem người đó là ai.

Cháu Hằng vẫn chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại vâng à, à, thế ạ! à, cái gì ngân, cô Ngân hay là cái gì?

Qua phiên dịch của cháu Hằng, cô Khang nói: người thanh niên đi cùng em chính là anh Sơn đấy. Anh vẫn thường xuyên đến gặp em (Anh Sơn thật ư? Người anh, người bạn và người đồng chí thân thiết nhất của tôi! Tôi muốn reo lên, gọi thật to tên anh. Nhưng tôi cố nén mình lại, chờ xem sao). Anh không có duyên rồi, anh đi tìm em, đối mặt với em rồi mà không đến được với em. Từ hôm anh đến mấy chị với em trong đội Hoàng Ngân của em cứ bảo sao lâu quá không thấy anh Phương trở lại. Chỗ em nằm chỉ cách chỗ anh đào 3 bước chân xoải dài ra phía bờ ao (tôi hỏi: Vậy em nằm trên vườn hay dưới ao? Đến bờ ao cũng còn ba bước chân nữa. Phía trên em chừng 2 mét là chị Nguyễn Thị Bê, đội viên đội nữ du kích Hoàng Ngân, quê ở ngay làng La Tiến. Cách chỗ em nằm cũng chừng hai mét về phía Đông là một nam, bị bắt từ Hải Dương về, em không biết tên. Ba cái mộ gần như nằm trên một đường thẳng. Hai người kia cùng bị giết một ngày với em. Chúng cột tay ba người lại với nhau rồi vất xuống sông vào nửa đêm. Dân phòng ta có đi tìm nhưng không thấy. Mãi mấy ngày sau, xác mới nổi lên. Dân vớt được thực ra, dân cũng là dân phòng giả dạng thôi. Đưa về đây chôn, vì thế mà ba cái mộ sát gần nhau. Xa hơn, còn mấy người nữa. Chỗ này còn có cả thẩy bảy người cơ. Mấy người nổi lên trước thì dân còn cho được manh chiếu. Còn nổi lên sau thì đến manh chiếu cũng không có, nói gì đến quan tài! (vì cháu Hằng hỏi: Chôn cô có quan tài không?)

Rồi cô chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm cây cỏ chung quanh, bắt đầu từ cây nhãn ở góc vườn mà tôi nhận ra ngay. Đó là cây nhãn giáp với nhà bà Nhờ, tôi đã ngồi ở đó để theo dõi việc đào mộ.

Tôi hỏi: Em có biết chỗ em nằm thuộc về đất của ai không? Của bà nào không?

Cô đáp: Em cũng không biết nữa.

Cháu Hằng xem ảnh bác Sơn, bảo đúng, nhưng trông bác già hơn và gầy hơn trong ảnh. Thực vậy, bức ảnh chụp năm 1948, trong tư thế rất bảnh trai, khi anh tôi đang công tác ở Sơn Tây.

Anh nói: Chú đi tìm em Khang mà chẳng nói với anh một câu. (Tôi xin lỗi anh. Nhưng trong bụng vẫn nghĩ: Oan em quá, em đâu có biết anh còn tồn tại?). Lần sau, chú báo trước cho anh, anh sẽ dẫn đường cho chú đến tận nơi. Người trên này có tâm đấy, nhưng mò kim đáy biển, biết chỗ nào mà đào? Ai khoanh cho chú chỗ ấy là họ hiểu biết đấy. Cũng may mà khúc sông ấy hơi cong lại, xác em mình dạt vào, nếu không thì đã trôi tuột đi rồi.

Mẹ thì khóc thương em nhiều lắm, cứ muốn em về bên mẹ để mẹ ôm ấp. Còn anh thì anh khuyên em về nghĩa trang liệt sĩ. Vì đấy là vinh dự của em mình, của gia đình mình cơ mà. Tổ quốc ghi công mình, đời đời người ta thắp hương cho mình, chứ đâu chỉ con cháu trong gia đình mình. Vả lại đời anh chị em mình đã vậy, chứ đến đời thằng An thì nó còn biết gì! (Tôi giật mình, vì thằng An chính là con tôi, 10 năm sau khi hy sinh, nó mới ra đời).

Hôm nào khi đưa em Khang về nghĩa trang liệt sĩ, chú cũng cần nói lại với bố mẹ như thế.

Hôm chú đi tìm mộ em Khang, anh cũng có theo dõi. Chú đào xuyên đến cả lớp đất nguyên thủy. Em mình đâu có nằm sâu đến thế. Chỉ hơn một mét là đến lớp cát đen rồi. Em mình cũng chỉ nằm ở tầm ấy thôi. Lần này chú để ý sẽ thấy một thanh củi mục. Thực ra, đấy là cái cán thuổng mà người đào đất đánh gãy vất lại đó, vô tình như đánh dấu cho mình.

Bỗng cháu Hằng nói như ra lệnh: Pha chén nước chè!

Tôi hỏi nhỏ cháu sao lại làm như vậy?

Hằng nói Bác Sơn bảo: Nói chuyện khan thế này thôi à?

Cháu Hùng đứng dậy đi ra ngoài, rồi lại vào ngồi cạnh tôi. Một lát cháu đứng dậy đi ra cửa, đỡ lấy hai chén trà nóng đặt lên bàn.

Cháu Hằng quay sang tôi nói: Bác Sơn bảo: Ơ kìa cái thằng An! Nó vào mà không chào bác.

Cháu Hằng và tôi đều ngồi quay lưng ra cửa, không để ý ai đã hé cửa đưa chén trà cho Hùng. Sau mới biết là cháu An, nó vừa đi làm về.

Bác Sơn nói tiếp: Các cháu học sinh nó không biết đấy thôi. Người âm không giúp được gì nhiều, nhưng cũng có lúc đỡ được. Có lần, chỉ cần anh đến chậm một tý thì cháu Trang đã gặp nguy hiểm rồi (Tôi kinh ngạc khi anh nhắc đến tên cháu Trang con của An).

Tôi hỏi: Anh bảo sẽ dẫn đường cho em, làm cách nào mà em nhận biết được?

Anh nói: Anh không thể nắm tay chú, nhưng anh sẽ tìm con vật nào đấy: con ong, con bướm chẳng hạn, sai khiến nó để nó dẫn đường cho chú. Làm việc này đối với người âm là khó đấy, nhưng anh sẽ cố. Khi thấy con vật chú gọi nó lại, rồi đi theo nó đến chỗ nó đậu.

Một lúc lâu cháu Hằng không dịch, mà trao đổi gì đó. Tôi chỉ nghe cháu nói (cháu còn con nhỏ. Vâng, cháu sẽ cố. Sau này hỏi lại, Hằng nói: cô Khang cứ thuyết phục cháu đi đến mộ để cô nói với cháu, chỉ cho cháu đúng chỗ cô nằm, kẻo lại đào chệch như lần trước. Bác Sơn cũng dỗ cháu. Bác bảo: Chú Phương chú ấy quen tác phong chỉ huy, ra lệnh. Còn bác thì bác nhờ cháu. Bác Sơn bác ấy vui tính lắm. Hễ bác nói là thấy không khí vui vẻ, phấn khởi ngay. Còn cô Khang thì có vẻ hơi buồn.

Cháu Hằng lại hỏi: Bác Phương muốn biết chính xác ngày giỗ của cô. Bác ấy chỉ biết vào khoảng 20 tháng sáu dương lịch.

Rồi Hằng nói tiếp: Cô cười bảo: Đối với anh Phương thì ngày nào mà giỗ chẳng được. Em bị chúng nó bắt, có được bóc lịch đâu mà biết ngày. Chỉ nhớ một hôm, khoảng 18 hay 19 gì đó, thằng quan tư bảo: “Bọn mày cứng đầu! Đến ngày 24 mà không khai thì bắn bỏ”, anh cứ lấy ngày ấy là được. Còn ngày âm lịch em không biết là ngày nào.

Anh Sơn bổ sung: Cứ qua ngày giết sâu bọ là em Khang lại bảo anh: Sắp đến ngày giỗ em rồi đấy.

(Sau này tôi tra lịch thì biết: ngày 24.6.1950 là ngày mùng mười tháng năm âm lịch).

Rồi anh nói tiếp: Hôm nào đi tìm mộ em Khang, các cô kiếm lấy ít hoa quả, thắp hương mời chị em. Người ta chết cùng nhau, mình chỉ hì hục đào tìm em mình thì người ta cũng tủi, phía trên mộ cô Khang là mộ một chị liên lạc, cấp dưỡng cho đội du kích, người địa phương (cô Khang nhắc: chị Nguyễn Thị Bê) nên báo cho gia đình chị ấy biết mà đến tìm. Chú Phương kiếm cho anh mấy bao (cháu Hằng nói: bao gì ạ... à vâng), bao thuốc Cáp tăng để anh mời anh em. Bây giờ anh cũng chỉ huy cả trung đoàn đấy.

Bỗng cháu Hằng nói như ra lệnh: Đốt tiền đi! Sắp đi rồi đấy.

Tôi hỏi nhỏ cháu: Sao lại làm vậy?

Cháu nói: Bác Sơn bảo.

Chúng tôi vội hỏi đôi điều về “đời sống” của anh tôi và em tôi. Cô Khang nói: Có lần em về thăm chị Nghĩa, chỉ đứng ngoài mà không vào được (chị Nghĩa là chị lớn nhất nhà của chúng tôi).

Anh Sơn nói: Em bị chết trôi sông, đã có ai bắc cầu đâu mà hễ nhớ chị nhớ em thì chỗ nào cũng đòi vào. Bận sau đi với anh. Bây giờ công việc ở đây đã xong, đi với anh đến nhà Quỳnh chơi (Quỳnh là em út của chúng tôi. Tuy là út, nhưng cũng đã thành một “ông lão ngoại 60 rồi”). Chỉ riêng cách xưng hô đó cũng chỉ nói lên vị thế và tình cảm của người anh cả đối với thằng em út.

Nói rồi, biến mất. Cuộn băng ghi âm 90 phút cũng vừa hết.

Sau đó tôi nghe lại băng ghi âm nhiều lần. Quả thật lại quá nhiều điều bí ẩn do chính anh tôi nói ra mà tôi không kịp hỏi lại. Nhưng, qua những tên người trong gia đình được nhắc đến một cách ngẫu nhiên, qua cách xưng hô, sự hiểu biết về tính cách từng người còn sống, cách xử sự và tâm tư tình cảm của người nói, tôi nhận ra đúng là anh tôi và em tôi. Người khác, dù biết rõ gia đình tôi đến mấy, cũng không thể sáng tác ra một kịch bản như thế, huống hồ là cháu Hằng, một người mà tôi vừa mới gặp lần đầu. Cháu chỉ đơn thuần đóng vai người phiên dịch, chăm chú lắng nghe, hỏi lại cho đúng rồi nói lại. Cháu hỏi han, vâng dạ, trao đổi với người chết cứ như nói chuyện với người sống đang ngồi trước mặt, hoàn toàn không phải là một cô đồng nửa tỉnh nửa mê.

Nếu thừa nhận người đang nói đúng là anh tôi và em tôi thì không thể không thừa nhận: Sau khi người ta chết đi, vẫn còn lại một cái gì đó mà ta quen gọi là linh hồn. Nhưng linh hồn là gì? Tôi tự hỏi. Nó phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó thì cháu Hằng mới nhìn thấy và nhận diện được qua tấm ảnh. Nó phải phát ra tiếng nói qua một tần số nào đó thì cháu Hằng mới nghe thấy mà nói lại cho tôi. Đối với tôi nó là vô hình, nhưng đối với cháu Hằng thì nó lại là hữu hình. Đối với tôi nó là câm lặng, nhưng đối với cháu Hằng thì nó lại phát ra những âm thanh có thể nghe thấy, những âm thanh này chuyển tải đủ cả những sắc thái sống động của tình cảm, của tư duy, hệt như tiếng nói của người sống vậy.

Nếu linh hồn đã là một dạng vật chất có hình thù và khả năng phát ra âm thanh thì “theo cách nói của triết học” nó thuộc phạm trù “Tồn tại” mang tính khách quan, chứ không thuộc phạm trù ý thức mang tính chủ quan. Nhận biết nó hay không nhận biết được nó, là tùy ở khả năng của từng người. Cháu Hằng có khả năng nhận biết được nó. Còn tôi thì không. Nhưng đâu phải vì tôi không có khả năng nhận biết được nó mà tôi có quyền phủ nhận sự tồn tại của nó? Đối với tất cả những gì ta chưa có khả năng nhận biết được chớ vội vất vào cái sọt rác mê tín dị đoan thì khoa học còn việc gì để làm, còn gì để khám phá? Lâu nay, tôi đinh ninh mình là duy vật, hóa ra chính mình lại là duy tâm chủ quan: “Cái gì ta cho là tồn tại thì nó tồn tại, cái gì ta cho là nó không tồn tại thì nó không tồn tại, nó chỉ là mê tín dị đoan!”.

Lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với linh hồn, tôi nhận ra như thế, hoặc suy ra như thế. Tuy nhiên, cũng còn phải chờ cuộc đào bới tiếp mới kiểm nghiệm được những thông tin do linh hồn cung cấp là đúng hay sai.

Vùng đào bới tiếp lại trùng hợp với vùng đào bới do anh Nhã chỉ dẫn. Vì vậy, cũng là một việc để kiểm nghiệm lại cái trận đồ bát quái của anh.

Hy vọng và hoài nghi lẫn lộn, tôi nóng lòng chờ ngày hẹn của cháu Hằng để cùng về La Tiến. Cuối cùng ngày hẹn được ấn định: 17.8.1999.

Ngày 17.8.1999 cuộc đào bới lần thứ hai.

Ngay sau khi nhận được hẹn của cháu Hằng, tức là 4 ngày trước khi tiến hành cuộc đào bới lần thứ hai, tôi cử chú Quỳnh cùng anh Tân Cương về La Tiến làm các công việc chuẩn bị. Khi còn cách La Tiến 40 cây số, anh Tân Cương gọi điện cho anh Nhã. Anh rất mừng khi biết tin Bích Hằng vào cuộc. Lần này anh cho Tân Cương một tín hiệu: 10 giờ hôm đó, sẽ có hai con bướm màu bay lượn quanh mộ rồi đậu lại, hãy đánh dấu lấy chỗ đó.

Đến nhà ông Điển, đúng giờ hẹn, anh Tân Cương ra gốc nhãn ngồi. Cái hố mà chúng tôi đào hôm trước nay đã được lấp bằng. Một lát, có hai con bướm đen đốm hoa bay đến, rồi một con bay đi, một con đậu lại trên cành nhãn. Anh Tân Cương chiếu thẳng từ cành nhãn xuống đất cắm một cây que đánh dấu lại. Cây que cách chỗ tôi đặt quả trứng hôm trước 2 mét ra phía bờ ao. Ông Điển đứng bên tường hoa theo dõi, chỉ tủm tỉm cười. Vào trong nhà ông mới kể: Sau lần đào bới hôm trước, ông mời “thầy” về cúng, thầy bảo mộ cô nằm cũng ở chỗ cây que đó.

Nghe anh Tân Cương thuật lại câu chuyện, tôi chỉ biết ghi nhận. Tất cả còn phải chờ kết quả cuộc đào bới tiếp. Nhưng nếu đúng thì thật kỳ lạ. Anh Nhã ở tận Sài Gòn, làm sao điều động được hai con bướm đến một điểm chỉ cách thành hồ cũ 1 mét? Điểm ấy đúng như ý anh chỉ đạo lần trước là phát triển về hướng Nam, nhưng không phải về hướng Nam như tôi đã thực hiện, mà xa hơn. Còn bà “thầy vườn”? Chẳng lẽ đất nước này cũng lắm người có tài năng kỳ bí, chứ không phải chỉ rặt một hạng người buôn Thần bán Thánh nhảm nhí?

Trong những việc tôi nhờ anh Tân Cương, có việc điều tra xem trong danh sách liệt sĩ của xã, có ai là Nguyễn Thị Bê. Anh thất vọng kể lại: Chẳng những lục tìm sổ sách mà còn đi hỏi rất nhiều cụ 70 tuổi trong làng, không đâu biết có một cái tên như thế. Đối với tôi thì sự thất vọng càng lớn. Vậy là em gái tôi nói sai? Và cả anh tôi nữa. Thậm chí anh tôi còn nói cụ thể chị ấy là liên lạc cấp dưỡng của đội du kích. Em gái tôi và anh tôi thì tôi biết là người không thể nghi ngờ được. Vậy dấu hỏi phải đặt vào người nói: Có thật là người nói em gái tôi và anh tôi không?

Tối hôm 16.8, tôi không quên thắp hương và báo cáo với anh tôi rằng sớm ngày mai chúng tôi sẽ về La Tiến tìm mộ em Khang.

Đến nơi, chị tôi theo đúng lời dặn của anh Sơn, bày hoa quả vào mâm đặt lên tường hoa, cháu Hằng khấn mời. Khấn xong, cháu cầm bó hương, đi thẳng ra gốc cây vải (cách gốc cây nhãn 6 mét về hướng Đông, cả hai cây đều sát bờ ao). Ngắm nghía rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, cháu vạch một cái hố hình chữ nhật để đào. (Sau này Hằng bảo tôi: Khi cháu đang khấn thì đã thấy bác Sơn và cô Khang đứng ở gốc cây vải cô vẫy cháu lại rồi chỉ cho cháu chỗ cắm hương, đầu và chân ngôi mộ).

Nhìn bó hương của Hằng, tôi thấy nó cách quả trứng của tôi 3 mét ra phía bờ ao, nhưng lại lui về hướng Đông dọc theo bờ ao 2 mét nữa. Cái hố mà cháu vạch không nhằm thẳng hướng Tây - Đông như cái hố hôm trước mà đầu về hướng Tây Bắc, cuối về hướng Đông Nam, sát gốc cây vải nghĩa là gần như vuông góc với cái hố hôm trước. Cái hố mới nằm ngoài hình tam giác hôm trước, cạnh của nó là cạnh đáy của hình tam giác nối dài ra phía bờ ao.

Trong khi thợ đào đất chuẩn bị làm việc, Hằng đặt ảnh cô Khang ở dưới gốc cây vải; rồi nói:

- Thưa cô, chỗ cô nằm, cháu đã vạch theo chỗ cô chỉ. Còn hài cốt thì như hiện trạng cháu nhìn thấy, còn rất ít, khi bốc lên có thể mủn ra. Vậy xin cô cho phép bốc lẫn cả đất mang về. Nếu không được đầy đủ thì cô cũng thông cảm cho. (sau này tôi hỏi Hằng: Cháu nhìn thấy hiện trạng của hài cốt thật ư ? Hằng nói: cháu nhìn thấy.

- Hồi năm 1994, tìm hài cốt 13 liệt sĩ ở núi Non Nước - Ninh Bình, cháu nhìn thấy hài cốt bị vùi dưới lớp đất sâu 4,5 mét. Khi đào đến độ sâu 3 mét, không thấy gì, mọi người đã nản, nhưng cháu yêu cầu đào thêm, vì cháu đã nhìn thấy hài cốt ở độ sâu ấy).

- Cô Khang nói: Lần này nhìn thấy cậu Quỳnh là chị phấn khởi rồi, cậu Quỳnh mà đi thì chắc là được (Lần trước Quỳnh không đi, Quỳnh lại là người tin vào thần Phật). Còn anh Dung (Tôi tên thật là Vũ Văn Dung) thì thần thánh anh ấy cũng chẳng sợ, có khi chỉ nhiễu quan trần, còn quan âm thì chẳng ai giúp mình. Anh Sơn tức anh Nhung nhà mình (tên thật của anh tôi là Vũ Văn Nhung) cũng ở đây suốt từ sáng. Anh cứ bảo sao mình chưa đến. Anh trách cháu An, nếu mà có kiên trì, bình tỉnh thì đã đưa được cô về từ lần trước để thu dọn chiến trường.

- Cháu Hằng hỏi: Ai là Hậu? Cô gọi chị Hậu. Chị tôi vội chạy từ trong nhàra. Cô Khang nói tiếp:

- Chị đã xuống đây mà không ra với em, lại cứ ngồi trong ấy. Hài cốt của em thì không còn nguyên vẹn. Nhưng chị bốc cho em một nắm đất về quê mình thì em cũng mừng rồi. Ở đây tuy có nhiều chị em đồng đội, nhưng không phải là ruột thịt, cả năm cũng chả ai đến thắp cho một nén hương. Chả lẽ cứ ở đây quấy quả nhà ông An mãi!

- Bác Sơn nói: Cứ bốc cho bằng hết, dù ít dù nhiều thì cũng là máu thịt của em mình. Không bỏ vừa trong tiểu thì đắp lên mộ cho em. Cái con Uyên là người hợp với em nhất, được cô cho nhiều lộc nhất, đáng lẽ hôm nay nó đi thì mới phải (Uyên là con gái út của tôi, nó đã đi hôm đầu tiên).

- Anh Tân Cương hỏi cô có biết cháu là ai không?

- Cô Khang nói: Nếu tôi không biết anh Cương thì hóa ra tôi vô tình quá, Anh lăn lộn với tôi nhiều.

- Bác Sơn bổ sung: Thằng Tuấn Anh chưa chắc đã lăn lộn với cô bằng anh Cương (Tuấn Anh là con thứ hai của tôi, nó sinh ra mấy ngày sau khi anh tôi hy sinh).

- Tân Cương lại hỏi: Ai mai táng cô, cô có biết không? Nhiều người không tin là thi thể cô có thể trôi dạt vào đây. Cô vừa nói đến ông An, là ông An nào, ở đâu?

- Cô Khang nói: Nếu có cách gì là cho cụ Đặng Đình Giám sống lại thì gia đình mình khỏi mất công tìm kiếm. Rất tiếc là đã gặp cụ ở âm phủ mất rồi. Em bị chúng nó ném xuống sông, khi xác nổi lên, gặp lúc triều cường, dạt vào một khúc quanh, được cụ Giám vớt lên, kéo qua một cái rãnh nước rồi dừng lại. Cụ bảo: Mấy vị chết ở đây, nếu đói khát, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc. 

- Được chị động viên, Quỳnh kể về quá trình đi tìm hài cốt của chị, trong đó có đoạn: Chị Tiến và chị Nhương báo cho gia đình mình đến nhận bộ hài cốt chôn ở gốc đa phía trên bến đò. Người ta bảo cô Chử Thị Dung ở Thái Bình đã tìm thấy hài cốt của bố cô ấy chôn cùng với người phụ nữ đó. Để xác minh, em đã theo dấu chân cô ấy từ Thái Bình đến tận Vũng Tàu. Nhưng cô ấy nói rằng chính cô ấy cũng tìm thấy hài cốt của bố cô ấy.

- Nghe xong, cô Khang nói: Chị nói cho em biết cái mộ ở gốc đa nếu là một nữ du kích mà nhận là chị thì còn được, đằng này lại không phải nữ du kích, sao ngộ nhận như thế được! Còn Chử Thị Dung, chính bố cô ấy đã kể với chị rằng em đã đến tìm gặp cô ấy. Ông ấy nhờ chị nói với em nhắn giùm cho cô ấy đến tìm bố. Bố cô ấy cũng nằm ở đây.

- Rồi cô chỉ chỗ ngôi mộ, ngay dưới chân cái hố sắp đào. Đó chính là ngôi mộ người đàn ông bị bắt từ Hải Dương về (Sau này Hằng kể lại người đàn ông lúc ấy cũng đứng bên cạnh cô Khang nói lại, cháu mới nghe thấy, khi cô chỉ ngôi mộ, cháu nhìn xuống thì thấy hài cốt không có đầu).

- Đến đây cháu Hằng nói: Xin phép cô cho bắt đầu.

- Đào hết lớp đất vượt thổ thì Hằng bảo thợ ngừng đào. Cháu nhảy xuống hố, lấy dầm gạt nhẹ từng lớp cát đen. Chỉ hơn một gang tay thì vướng vào thanh củi mục, nạy lên, thả vào nước thì nhận ra đó là một khúc tre già, thịt tre đã bị phân hủy hết, nhưng xơ tre và đốt tre thì vẫn còn nguyên. Khúc tre dài hơn một gang tay, đường kính tương đối lớn, không thể tra vừa bất cứ một loại xẻng hay cuốc nào, chỉ có thể tra vừa cái thuổng hình lưỡi mai (mặt phẳng bề ngang nhỏ hơn lưỡi xẻng, nhưng dài hơn lưỡi xẻng).

- Mọi người đều kinh ngạc khi biết thông tin về cái thuổng đã được báo trước. Riêng tôi thì mừng khôn xiết. Vì đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để nhận biết nấm mộ này đích thực là mộ em gái tôi. Cái cán thuổng đã bị vùi dưới đất cách đây 50 năm, người đời không ai ngụy tạo ra nó được. Dấu hiệu đó lại được linh hồn mách bảo cho tôi chính ngày trước khi khai quật. Người đời không ai nhìn thấy mà mách bảo được. Còn sự chính xác thì đạt đến mức chi tiết. Thú thật, khi nghe anh tôi nói đến cái cán thuổng, tôi nghi ngờ : Hoặc là anh tôi nhận định sai, hoặc là cháu Hằng dịch sai. Vì người đào huyệt phải dùng mai, xẻng cuốc, chứ sao lại dùng thuổng? Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến loại thuổng thông dụng nhất loại có lưỡi hình vũm để đào gốc cây, chứ không nghĩ đến loại thuổng hình lưỡi mai để đào đất, tác dụng giống như cái mai nhưng khỏe hơn cái mai. Loại thuổng này cũng còn nơi gọi là mai.

- Sau khi tìm thấy cái thuổng, chỉ gạt vào lớp cát mỏng là thi hài em tôi hiện ra. Khi chôn, người ta đã đặt em tôi nằm nghiêng, người hơi cong, mặt hướng ra vụng Quạ, đầu về hướng Tây Bắc, chân về hướng Đông Nam. Trùm lên sọ là một mảng tóc đen nhánh, rồi đến những đốt xương cổ nhìn rất rõ. Nhưng khi bốc lên thì tóc rụng ra ngay, những đốt xương nguyên vẹn gãy ra như những chiếc bánh bích quy thấm nước. Cháu Hằng hỏi cô Khang: Răng cô ở đâu, để cháu mang đi đãi. Cuối cùng tìm được 5 chiếc răng. Tôi xem thì đúng là răng trắng, nhưng do ngâm lâu trong bùn nên ngả sang màu xám và đen xỉn. Theo đúng mệnh lệnh của anh Sơn, chúng tôi bốc tất cả số bùn đất theo hình người nằm cong, bỏ vào túi mang về. Cháu Hằng tìm mãi không thấy chiếc còng sắt. Cháu hỏi cô Khang, cô cũng không chỉ được. Tôi nhận định: có thể là nó đã rỉ đất qua 50 năm trong bùn.

- Lúc này thì Hằng không dịch, nhưng hôm sau, cháu nói với tôi: Lần này đi tìm mộ cô Khang, cháu thương cô quá. Lúc tìm được răng rồi, mấy người ở trên miệng hố nhắc cháu tìm móng tay. Cháu bèn hỏi cô: Móng tay của cô ở chỗ nào cô chỉ cho cháu. Cô giơ hai bàn tay lên trước mặt cho cháu, nói: Chúng nó rút hết móng tay của cô rồi, còn đâu mà tìm!

- Tôi vô cùng kinh ngạc, vì điều này chỉ mình tôi biết. Sau khi em tôi bị giặc sát hại. Huyện ủy Phù Cừ gửi riêng cho tôi bản báo cáo gửi lên cấp trên (Trước đó, tôi là phó bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, có nhiều gắn bó với Huyện Phù Cừ) kể rõ em tôi bị bắt, bị tra tấn và bị giết như thế nào. Trong những cực hình mà địch sử dụng, có việc dùng kìm rút hết móng tay rồi cắm kim vào đó, dí điện vào hai đầu vú, thọc gậy vào âm hộ, treo ngược lên cành cây mà đấm đá. Tôi không muốn một ai khác trong gia đình phải chịu đựng những nỗi thương xót như tôi, vì vậy đã giấu kín những tin này. Nay được cháu Hằng kể lại, tôi tin chắc người nằm dưới mộ đích thực là em gái tôi.

- Cháu Hằng lúi húi tìm kiếm và chỉ đạo mấy người giúp việc, thỉnh thoảng lại nhô đầu lên nói chuyện với những người ngồi trên miệng hố. Bỗng Hằng nói: Có một cụ cứ tủm tỉm ngồi nhìn, không biết có phải là cụ Giám không? Rồi Hằng cất giọng, lễ phép nói :

- Cháu chào cụ ạ. Cụ cho phép cháu được biết quý danh của cụ.

  Lắng nghe hồi lâu, Hằng nói như reo lên:

- Cụ An!

Rồi Hằng tự giới thiệu mình cùng gia đình đi tìm hài cốt cô Khang, đề nghị cụ giúp đỡ.

Cụ An nói: Tôi là hàng xóm, nhà tôi ở vệ đê, bên kia đầm, lần nào các bác về đây mà tôi chả biết. Tôi nhớ, đêm hôm ấy, vào lúc gà gáy canh hai, ông Giám qua nhà tôi, hỏi mượn tôi cái mai. Tôi hỏi để làm gì? Ông Giám: Suỵt! Để chôn người chết trôi. Tôi nhìn ra thì thấy một cái xác cụt đầu, biết ngay là cán bộ cách mạng. Ở chỗ kia kìa có cái rãnh nước, ông Giám kéo mấy cái xác vào rãnh nước, đến đây là chân ruộng mạ. Ông Điển mới ra ở đây thôi, chứ ngày ấy là ruộng mạ, thuộc chủ khác.

Cháu Hằng đưa ảnh cô Khang, hỏi cụ có nhận ra người chết được không? Cụ An nói: Bà này là thân nhân của ông cán bộ trước là tỉnh ủy ở đây. Nhưng chôn cất như thế nào thì cả tôi, cả ông Yền, ông Trọng đều không biết gì đâu. Chỉ có ông Giám là biết thôi. Để tôi đi tìm giúp ông Giám.

Một lúc lâu cụ An đi cùng với cụ Giám về. Hằng nói nhỏ: Cụ này già thế nhỉ! Rồi Hằng tự giới thiệu và nêu ra đề nghị: nhận diện người chết qua tấm ảnh cái còng sắt nằm ở chỗ nào?

Cụ Giám nói: Đêm tối, tôi chỉ thấy loáng thoáng thôi. Xác ngâm lâu đã trương lên rồi, mặt mũi thì nhìn không rõ. Tóc thì không vấn như thế này đâu, mà cắt ngang gáy như cô bây giờ, nhưng xõa xượi dưới nước. Lần ấy tôi đem về đây không phải một người, mà ba người cơ. Tôi kéo người phụ nữ lên trước, cứ thấy vướng. Thì ra tay trái cô ấy xích vào tay phải người đàn ông. Khi chôn, chẳng lẽ lại chôn hai người một hố, tôi tuột tay một người ra khỏi cái vòng. Tôi chôn người phụ nữ ở đây, còn người đàn ông thì ở chỗ kia. Sức tôi cũng chỉ kéo được đến thế. Khi tôi chôn thì xác bị trói đã cứng, không nắn thẳng ra được, đành đặt hơi nghiêng, mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Còn người phụ nữ nữa, tôi chôn ở góc kia (cụ chỉ ra phía gốc nhãn) nhưng bây giờ thì đã tụt xuống ao rồi hình như lúc bị chết bà ấy đang có chửa.

Tân Cương nói: Một số người không thể hiểu được xác chết trôi sông lại có thể vào được đến đây.

Cụ giám nói: Cái con mẹ Tiến nó cứ mồm năm miệng mười, chứ làm sao mà nó biết được bằng tôi. Ở ngoài kia nước cả, không đem vào đây thì vùi làm sao được? Cụ nói tiếp: Điều này thì tôi chỉ nghe phong phanh thôi. Tụi lính đóng ở đồn nó bảo người phụ nữ bị giết đêm hôm ấy là bà bé của tay xếp bót.

Cụ An cãi lại: Ông thì chỉ được cái ăn no vác nặng, chẳng có hiểu biết gì. Có lần ông chôn một anh bộ đội, ông lại bảo thằng lính dõng. Tôi thì không được kéo xác như ông, nhưng việc này thì tôi biết rõ. Có một người phụ nữ du kích bị bắt, thằng xếp Bách dụ làm vợ bé không được, nó đã giết đi. Ở bót này có một thằng quan tư là quan thầy người Pháp, còn thằng Bách tuy là tay sai nhưng cũng được  gọi là (thằng Bách lấy vợ người La Tiến, dân đều biết rất rõ về nó).

Trời đã xế chiều. Mọi người hối hả thu dọn.

Hằng nói: Bác Sơn bảo: Còn cái chân của cô, moi sâu vào mà bốc. Bác bảo cứ bình tỉnh! Từ sáng, bác đã rải quân canh phòng từ đầu làng rồi, không cho phép quấy rối. (Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng lần nào bới trước có cả trăm người vây vòng trong vòng ngoài, còn hôm nay thì chỉ có mấy đứa trẻ). Bác bảo: Được bà chị xuống với em, chẳng giúp được việc gì, chỉ ngồi khóc!

Tân Cương tưởng anh tôi nói về cô em dễ xúc động của tôi, liền chêm vào: sáng nay bà ấy cứ nhất định đòi đi.

Hằng cải chính - Bác Sơn nói là nói đến bà chị - Bác Nghĩa. Từ nãy, bà già cứ ngồi một chỗ khóc: Nhà có sáu chị em gái, ai nấy đều có phận, đâu đến nỗi nào, riêng em tôi giỏi giang xinh xắn nhất nhà thì thế này! Không tìm được  xác em tôi, tôi chết cũng không nhắm được mắt. Bây giờ tìm được em thì mình cũng đã ra người thiên cổ rồi!

Bất chợt nghe thấy con số 6, tôi vội bấm đốt ngón tay: 6 hay 5 nhỉ ? đúng là 6.

Bác Sơn (như hiểu ý anh Tân Cương) nói: Cho cái cô Nam nhà tôi xuống đây thì chỉ được cái bù lu bù loa, chẳng cho ai làm gì. Tính cái con ấy nó vậy!

Cô Khang nói: Sau lần gặp cô em, ông anh tôi đã về bốc cát lập ngay 7 bát hương, mỗi người một bát! Đúng là một cuộc cách mạng với ông anh tôi! Em Khang cảm động khi nhận tấm lòng của anh Phương, chị Thủy.

Cụ An nói: Bà cô là liệt sĩ, sao không làm lễ truy điệu rồi hãy mang về quê?

Bác Sơn nói: Hôm nay cập rập quá, gia đình chuẩn bị không kịp. Hôm nào đưa về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, sẽ làm lễ truy điệu.

Cô Khang nói: Cậu Quỳnh còn giữ những giấy tờ, bằng khen của chị không? (Quỳnh đáp: Bằng khen và huân chương của chị em vẫn giữ). Hôm nào làm lễ truy điệu chị ở nghĩa trang liệt sĩ, cậu nhớ mang theo.

Tôi thật không ngờ; người chết đã 50 năm mà vẫn quan tâm đến những vinh dự của mình nơi trần thế!

Hằng nói: Cô cười bảo: Cụ Giám ạ! Cụ nói oan quá, đã được làm bé ngày nào đâu? (mọi người cùng cười). Nhưng cụ nói đúng đấy. Ngày xưa ai cũng gọi là cô Khang tóc dài, nhưng khi bị bắt, nó đã cắt cụt hết tóc. Trong việc chôn cất các liệt sĩ ở đây, cụ là người có công nhất: Chúng tôi rất biết ơn cụ.

Công việc thu vét hài cốt xong xuôi thì mặt trời sắp lặn. Mọi người vây quanh gốc cây vải, nơi đặt bàn thờ tạm. (Sau này Hằng kể lại: Suốt ngày cô Khang và bác Sơn quanh quẩn ở đó, buổi chiều thì bác Nghĩa cũng ngồi ở đó ôm lấy tấm ảnh, cụ An và cụ Giám thì ngồi ở xa hơn, về phía tường hoa).

Cô Khang nói lời cảm ơn đối với gia đình bác Điển, bác Đạt, nhờ bác Điển chuyển lời thăm hỏi đến chị Nhương, chị Tiến.

Nay tôi về Mỹ Hào quê tôi, về với anh tôi. Nằm tại đây còn một bộ hài cốt, gia đình người ta cũng sẽ đến bốc về. Chỉ còn chị Bê, hài cốt không còn gì. Nhờ bác Điển hương khói cho vong hồn chị, chị sẽ phù hộ cho. Hồi đi hoạt động lấy tên là Nguyễn Thị Bê, nhưng tên thật của chị là Nguyễn Thị Út (Mấy người làng ồ lên: bà Út! Thế mà tìm kiếm mãi!)

Cuối cùng cô dặn: Nhờ bác Điển đem mâm lễ phát lộc cho các cháu.

Chúng tôi đưa hài cốt em tôi về nhà, và 2 hôm sau, đưa về nghĩa trang liệt sĩ của huyện, có mặt đông đủ họ hàng nội ngoại. Sự xúc động được đón người thân sau 50 năm cách biệt xen lẫn với niềm tự hào về người con gái của dòng họ đã hiến cuộc đời mình cho cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay”.

MÒ TÌM TRONG BÍ ẨN NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG TIN CẬY

“Từ hôm gặp anh Nhã đến hôm bốc được hài cốt là một hành trình mò lần trong bí ẩn. Những thông tin do anh Nhã đưa ra, đối với chính anh cũng là điều bí ẩn: trúng hay trật, chính anh cũng không biết. Còn linh hồn? Chỉ có cháu Hằng nhìn thấy và nghe thấy. Cháu nói lại những điều cháu nghe được, còn thực hư thế nào cháu đâu có biết.

Cuộc hành trình đầy bí ẩn đã buộc tôi mò đến hai nhà ngoại cảm nổi tiếng, mỗi người một phương pháp: vẽ mộ và gọi hồn. Cả hai phương pháp đều dẫn tôi đến cùng một kết quả.

Hai mươi bốn ngày mò tìm trong bí ẩn, chỉ đến ngày cuối cùng “ngày bốc mộ” mới kiểm chứng được các thông tin. Tập hợp lại các thông tin, tôi có được một hệ thống thông tin mà tôi cho là đáng tin cậy, một số có thể xem như vật chứng bằng chứng. Những thông tin thu được qua các linh hồn.

1- Điều đầu tiên đặt ra với tôi: Có đúng là những linh hồn người thân đang nói với tôi không? Cháu Hằng nhận dạng được các linh hồn, cả những lúc cười cả vẻ mặt buồn hay vui. Linh hồn cô Khang và anh Sơn đã được cháu Hằng nhận diện qua tấm ảnh, còn tôi không nhìn thấy, tôi kiểm tra qua những điều mà linh hồn nói ra.

Hôm đầu tiên gọi hồn, lòng đầy nghi ngờ, tôi thủ sẵn trong túi tấm ảnh của anh Sơn, định bụng sẽ đưa ra hỏi linh hồn. Nhưng, ngay khi nhìn thấy cô Khang, cháu Hằng đã báo cho tôi: có một người đàn ông, thanh niên đi cùng với cô. Nếu là một cô đồng gà mờ bịp bợm thì dại gì mà “đẻ số” cho mình như thế? Tiếp đến, cô Khang nói ngay: Người thanh niên đi cùng với em chính là anh Sơn đấy. Vậy là tôi đã kiểm tra được linh hồn cô Khang qua anh Sơn, và không những thế, đã nhờ cháu Hằng nhận diện cả hai linh hồn qua ảnh.

Ngày đầu tiên hai linh hồn đã nhắc đến 5 người trong gia đình tôi, với sự hiểu biết rất chính xác về tính cách của từng người. Ngày thứ hai tức ngày 17, hai linh hồn đã nhắc đến 10 người trong gia đình tôi, cũng với sự hiểu biết chính xác như thế. Cách xưng hô cũng thể hiện rất đúng vị thế, thái độ và tình cảm của người nói đối với những người được nhắc đến.

Các con tôi, có ý kiến nói: Bích Hằng đã điều tra gia đình mình từ trước rồi. Sự nghi ngờ đó, tôi biết là vô căn cứ, nhưng dù có điều tra đi nữa, cũng không thể đặt vào miệng người nói những câu như thế mà không phạm sai lầm.

Ngoài những người trong gia đình, cô Khang còn nhắc đến chị Tiến, chị Nhương là những người quen biết cũ, nhắc đến cả anh Cương, anh Đạt là những người không quen biết nhưng đã góp sức vào việc tìm mộ gần đây.

Ngày 17 xuất hiện thêm 4 linh hồn nữa. Lần này thì không có ảnh để nhận diện. Nhưng qua những điều mà linh hồn nói ra thì phải thừa nhận đúng là những người đã chết đang nói. Bà già ngồi một chỗ khóc than, kể lể  về sáu chị em gái, đúng là chị cả của chúng tôi chị Nghĩa. Cụ An là người cho mượn cái mai và chứng kiến việc chôn cất, cụ Giám là người chôn cất, mỗi cụ nói ra những điều thể hiện đúng tư cách của mình. Còn linh hồn người đàn ông họ Chử tuy nói không nghe rõ, nhưng đã nhờ cô Khang nói với chú Quỳnh nhắn giùm cho con gái ông ấy ở Vũng Tàu. Khớp lại những điều mà các linh hồn nói ra thì đều xác nhận hài cốt đã được bốc lên đúng là em tôi.

1- Cái cán thuổng là một vật chứng xác nhận thông tin mà linh hồn em tôi cung cấp, đồng thời xác nhận ngôi mộ: đúng là mộ em tôi.

2- Răng trắng chuyển sang màu đen xỉn là một vật chứng xác nhận thông tin của linh hồn em tôi, đồng thời xác nhận hài cốt đúng là em tôi.

3- Thông tin của em tôi về chị Nguyễn Thị Bê, khi được biết tên thật là Nguyễn Thị Út, đã được xác nhận. Chị nằm trong danh sách liệt sĩ của xã.

4- Thông tin của em tôi về cái còng sắt khóa tay em tôi với tay người đàn ông đã được xác nhận qua lời kể của cụ Giám, tuy hiện vật thì không tìm thấy có thể nó đã rỉ thành đất.

5- Thông tin của em tôi về vị trí ngôi mộ cách cái hố đào lần trước ba bước chân xoải dài ra phía bờ ao đã được xác nhận trên thực tế. Thông tin của em tôi về 3 ngôi mộ sát gần nhau, gần như nằm trên một đường thẳng, trong đó mộ em tôi nằm giữa, điều này khớp với chỉ dẫn của cụ Giám.

6- Thông tin của em tôi về người dân đã vớt xác, thực ra cũng là dân phòng giả dạng thôi, điều này khớp với bằng khen về thành tích kháng chiến mà cụ Giám nhận được, đồng thời khớp với lời kể của cụ Yền về vai trò mà làng giao cho cụ Giám.

7- Buổi sáng ngày 17, khoảng 10 giờ cô Khang nói rằng: Người vớt xác là cụ Đặng Đình Giám, thì buổi chiều khoảng 3 giờ, chính cụ Giám xuất  hiện kể về việc cụ đã vớt và chôn như thế nào.

8- Buổi sáng cô Khang kể về việc cụ Giám dừng lại bảo, khi nào nhà ông An lên hương thì vào mà xin lộc, thì buổi chiều, cụ An xuất hiện nói về việc cụ Giám vào mượn cái mai, rồi kéo xác qua cái rãnh nước đến chân ruộng mạ như thế nào.

9- Khi xem ảnh, cụ Giám bảo người phụ nữ mà cụ chôn cất không để tóc dài như trong ảnh, mà cắt tóc đến gáy như Bích Hằng. Cô Khang xác nhận là đúng, chính bọn địch đã cắt cụt tóc cô. Mớ tóc trùm lên sọ mà chúng tôi tìm thấy cũng là mớ tóc ngắn.

10- Cụ Giám tả lại khi chôn, cụ đã đặt cái xác hơi nghiêng vì không nắn thẳng ra được, mặt hướng ra sông cho mát mẻ. Trước đó chúng tôi đã tìm thấy hài cốt ở tư thế ấy.

11- Cô Khang kể với cháu Hằng về móng tay của cô. Điều này đối với tôi là một bằng chứng vô cùng quý giá để khẳng định hài cốt đúng là em tôi.

12- Cô Khang khoe với mọi người về việc ông anh bốc cát lập bát hương. Điều này tuy chỉ là tiểu tiết, nhưng chứng tỏ linh hồn em tôi đã biết việc tôi làm, kể cả việc nhồi cát vào 7 bát hương mấy ngày trước đó.

Nhìn lại cái trận đồ bát quái của anh Nhã. Với những thông tin đáng tin cậy thu thập được qua các linh hồn, kết hợp với những thông tin do dân làng cung cấp qua cuộc điều tra của chúng tôi, tôi nhìn lại cái trận đồ bát quái của anh Nhã. Mọi thông tin anh cho tôi đều đúng, nhưng do sắp xếp không theo một trật tự lôgíc nên khó hiểu, rối mù như một trận đồ bát quái. Bây giờ việc đã thành, tôi hiểu nó như sau:

1- Trước tiên phải tìm đến một cái vụng xoáy. Chính ở cái vụng này. Xác em tôi khi còn chìm dưới đáy sông, đã bị cuốn vào. Cuối tháng 6 đang là mùa nước, mực nước sông Luộc khi chưa đến mức báo động, thường cách mặt đê chỉ vài mét. Lúc xác nổi lên gặp lúc triều cường thì không trôi tuột đi mà dạt vào một khúc quanh của con đê. Cái vụng xoáy chính là vụng Quạ. Khúc quanh của con đê cũng ở đó.

Vào mùa nước thì dải đất bãi ngoài đê, kể cả cây cối, đều ngập bỉm dưới nước, không thể chôn trên đất bãi được, mà phải kéo xác qua đê vào trong đồng. Nhưng dưới chân đê lại là một vùng ruộng trũng. Tháng 6 đang là mùa mưa, ruộng trũng đang bị ngập nước, vì thế phải kéo xác vào vùng chân mạ, cao hơn.

2- Ông Giám đã kéo 3 cái xác qua đê không khó khăn gì, vì mặt nước gần sát mặt đê. Nhưng nhà ông ở mãi cuối làng, cách đó một cây số, ông phải tạt vào nhà ông An để mượn cái mai. Khi dừng lại, ông đã nói với xác chết về việc xin lộc, ông An mà anh Nhã nói không phải là anh An - con đã tiếp chúng tôi, mà là ông An - bố tức là cụ An, cụ đã mất cách đây 40 năm. Cái quán ông An không phải là cái nhà anh An bây giờ, anh chị mới ra ở đó chừng 10 năm nay thôi. Bố mẹ anh vẫn ở cách đó 300m, sát mép cái đầm sen về phía Tây. Ông làm nghề chở đò ở bến La Tiến, còn bà làm hàng xáo và bán bánh đúc. Cái nhà tranh lụp xụp của ông bà đồng thời là cái quán bán bánh đúc.

3- Mượn được mai rồi, ông Giám đi trên con đường bờ vùng, còn xác thì kéo trên cái lạch nước gần nhà ông An, đến cái cống ở cửa chùa để đến vùng chân mạ mà nay là đất ở của cụ Nhờ và ông Điển. Con đường bờ vùng và cái lạch nước nay đã biến mất trong lòng cái đầm sen. Cái cống lấy nước từ lạch vào vùng ruộng mạ thì nay vẫn còn, nhưng đường làng đã ngăn cách nó với đầm sen, nó không còn tác dụng lấy nước vào vùng ruộng mạ nữa.

4- Hồi cải cách ruộng đất vợ chồng bà Nhờ được chia một mảnh ruộng mạ của địa chủ mà nay là đất ở của bà và ông Điển. Năm 1960, trong phong trào hợp tác hóa, ông bà đã góp ruộng vào hợp tác xã. Năm 1969, ông Điển được hợp tác xã chia cho một mảnh ruộng là đất ở. Mấy năm sau, bà Nhờ và nhiều nhà trong vùng cũng được chia đất ở. Đó chính là cái xóm mới, dân mới ra khoảng 20 năm. Mộ nằm trên đất cô Nhường, đúng ra là trên đất cô Nhờ, cái âm thanh mà anh Nhã nghe lơ lớ như Nhường, Nhương, Nhượng, thực ra là Nhờ, một cái tên rất quê và cũng ít gặp.

5- Đường sá mà anh Nhã vẽ trên bản đồ thì anh Đạt và cụ Yền nhận ra ngay, nhưng cụ Yền nhận xét: nó được vẽ theo đường ngày xưa, ang áng như bây giờ thôi.

Tất cả những thông tin trên, đến với anh Nhã đúng như đã diễn ra cách đây 50 năm (Chính xác là 49 năm + 1 tháng), sớm nhất cũng là 20 năm. Nhưng thông tin đến với anh không theo trình tự thời gian và cũng chẳng có mối liên kết giữa các hiện tượng, thành thử đã có lúc tôi nghĩ nó chỉ là trận đồ bát quái do anh bày ra.

6- Những dấu hiệu và tín hiệu khác cũng rất đúng nhưng lại là những hiện tượng mới xảy ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra. Cái gốc cây đổ là cây nhót mà ông Điển mới chặt, nhưng chưa kịp đánh gốc. 5 cây cỏ lại có 10 bông hoa màu tím nhạt thì sớm nhất cũng chỉ ra hoa được một tuần trước đó. Rồi bé gái mặt áo hoa xanh, rồi con chó vàng nằm một chỗ như ốm, rồi cái nhà mà bốn mặt đều sơn màu trắng lốp, trước nhà đầy hoa đỏ... tất cả đều đúng, nhưng tại sao anh Nhã nói trúng như thế, chính anh cũng không hiểu thì tôi làm sao mà hiểu được?

7- Cái bản đồ do anh Nhã vẽ, sau này tôi mới hiểu là chỉ có thể dùng để định hướng thôi, không thể xem như một bản đồ địa chính. Có những chỗ rất đúng về chi tiết như: rẽ trái 60 mét, rồi rẽ phải 45 mét. Nhưng cái quán ông An thì lại không nằm cạnh đường, mà nằm bên kia cái đầm sen, cách nhà ông Điển chừng nửa cây số; cái quán tạp hóa có cửa màu xanh dương cũng không nằm cạnh ngã tư, mà nằm ở bên kia một cái ao to, tuổi tác của cô Nhường, của ông An, cũng chỉ áng chừng chứ không thực chính xác.

8- Địa điểm ngôi mộ rất đúng, nhưng chỉ đúng cho một hình vuông, có cạnh 5 mét. Ngoài hình vuông đó sẽ chạm vào 2 ngôi mộ khác. Trong khoảng diện tích 25m đó phải đào một cái hố chỉ rộng 2,5 mét, quả là không dễ gì trúng ngay được. Khi vẽ bản đồ anh ghi: Mộ nằm cách gốc cây đổ 4 mét. Nếu đào đúng như thế về hướng Đông - Đông Nam thì trúng. Nhưng khi anh hướng dẫn tôi về hình tam giác thì lại chỉ còn cách gốc cây đổ 1,5 mét. Khi chỉnh mộ thì anh bảo phát triển về hướng Nam, đúng ra là phải phát triển về hướng Đông - Đông Nam. Lần thứ hai, với sự chỉ dẫn của đôi bướm màu, thì tiến thêm về Đông Nam là đúng hướng. Nhưng nếu đào thì phần cuối của hố mới gần chạm đến đầu hài cốt. Phải đào một cái hố thứ ba, xoay ngang theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và lùi hẳn về hướng Đông hai mét, lấy dải hoa tím chiếu thẳng ra bờ ao làm cạnh của hố, mới trúng được hài cốt. Qua đây, tôi hiểu tại sao anh Nhã dặn tôi, chỉnh mộ là một quá trình vất vả lắm đấy. Thực tình nếu phải đào đến cái hố thứ hai mà không đạt kết quả thì niềm tin và hy vọng mong manh của tôi vào con đường thần bí chắc sẽ bốc hơi hết, không còn gì để đào tiếp cái hố thứ 3. Nếu không nhờ được cháu Hằng chỉnh mộ theo con đường gọi hồn thì bao nhiêu công sức của anh Nhã và của tôi đều bỏ phí, xem như rơi vào tỷ lệ trật 40% .

9- Về độ sâu của cái hố phải đào thì chỉ dẫn đầu tiên của anh Nhã là rất đúng. Chính ở độ sâu một 1,5 mét, chúng tôi đã bốc được hài cốt. Nhưng khi chỉnh mộ thì anh lại hai lần yêu cầu đào sâu thêm nữa. Phải chăng chính anh cũng đang phải mò mẫm trong sự bí ẩn?”

KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN

“Hài cốt em tôi thì tôi đã tìm thấy, nhưng những con đường bí ẩn dẫn đến kết quả ấy thì vẫn là bí ẩn. Khám phá ra những điều bí ẩn ấy không phải là điều dễ dàng. Tôi chỉ qua thể nghiệm của riêng mình mà đề xuất một số vấn đề, một số câu hỏi để các chuyên gia về lĩnh vực này xem xét.

1- Tôi có căn cứ để tin rằng đã gặp linh hồn em tôi, anh tôi và chị tôi, cả linh hồn cụ Giám là người chôn cất và linh hồn cụ An là người chứng kiến. Cháu Hằng đã nhận dạng được linh hồn, thậm chí nhận diện được linh hồn qua tấm ảnh, đã nghe được tiếng nói của linh hồn. Như vậy linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có khả năng phát ra tiếng nói. Đã là một dạng vật chất thì vật lý học, hóa học, y học, sinh học, với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra. Các nhà khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?

2- Tôi nhận thấy linh hồn người chết vẫn thể hiện những tình cảm vui buồn quan tâm, ước muốn (thậm chí giận dữ như cụ Giám, tranh cãi như cụ An) vẫn nhớ và kể lại những việc đã qua, kể cả những việc xảy ra sau khi thể xác mình đã chết, vẫn theo dõi và đánh giá được những việc mà người sống đang làm. Như vậy, linh hồn không phải là một vật thể vô tri vô giác, mà là một vật thể sống, có tình cảm và tư duy. Điều này đặt ra một câu hỏi: Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới của con người đang sống không?

Thế giới linh hồn hoạt động như thế nào? Có khả năng tác động gì vào thế giới của con người đang sống không?

Để đáp ứng những sự mong muốn của linh hồn người thân, người sống dâng đồ cúng tế tiền bạc, đồ dùng hằng ngày (dưới dạng vàng mã) là đúng hay nhảm nhí? Linh hồn có tiêu vong đi không? Hay là tồn tại mãi mãi?

Tìm lời giải cho những vấn đề này, nếu chỉ dựa vào suy luận thì sẽ dẫn đến tranh cãi bất tận. Vấn đề là chứng minh.

3- Hầu hết mọi người đều không có khả năng nhìn thấy linh hồn, nhìn thấy hài cốt vùi lấp dưới lớp đất dày mấy mét. Chỉ một số ít người như cháu Hằng có khả năng đó. Khả năng đặc biệt ấy là do cấu tạo đặc biệt sinh lý nào vậy? Y học nên quan tâm tìm ra lời giải.

4- Nếu khả năng nhìn thấy linh hồn và nghe thấy tiếng nói của linh hồn có thể quy về cấu tạo sinh lý đặc biệt của một số người thì khả năng nhận biết được những thông tin bí ẩn của anh Nhã, anh Liên và một số người khác càng khó khám phá hơn. Nhưng một khả năng đã giúp cho nhân dân tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ, chẳng lẽ không đáng bỏ công tìm hiểu, khám phá?

5- Để làm những công việc trên, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã lập ra một trung tâm nghiên cứu có tên là “Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người”. Song quyền hạn và phương tiện thì rất hạn hẹp. Nên chăng thành lập một viện nghiên cứu có sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước, có sự quyên góp tự nguyện của những người quan tâm? Công việc của viện này, nếu thành công, xác nhận được sự tồn tại của linh hồn, thì không những có ý nghĩa nhân văn mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt khác, kể cả về hình sự (Nếu người bị giết khi nói ra thì kẻ giết người tránh sao khỏi tội?), không những có ý nghĩa quốc gia mà còn ý nghĩa quốc tế.

Trong khi chờ đợi nghiên cứu thành công, thì cần có những chánh sách chế độ để những người có khả năng đặc biệt có thể phát huy tài năng nhiều hơn vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, là nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn gia đình.

Tránh những lời bổ báng, vội vã, tránh vơ đũa cả nắm, nhập cục vào số người buôn thần, bán thánh, lợi dụng mê tín, dị đoan. Càng nên tránh những thái độ thô bạo cấm đoán, bắt bớ, giam cầm.

Mới chỉ cách đây 50 năm thôi, nhiều nhà khoa học Liên Xô, vì nghiên cứu, đã bị tống giam vào nhà thương điên. Trên con đường khúc khuỷu của khoa học đã xảy ra biết bao nhiêu sự kiện đau lòng như thế, chẳng nên lấy đó làm răn ư !?”

THAY LỜI KẾT LUẬN

“Tôi viết bài này với mục đích chính là trong tôi có một sự nghi ngờ rất lớn mà tôi không thể trả lời được.

Khi viết gần xong, tình cờ tôi có dịp làm quen với giáo sư Đào Vọng Đức và thiếu tướng - Phó tiến sĩ Nguyễn Chu Phác là những người phụ trách chủ chốt của Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người. Biết được mục tiêu nghiên cứu của các anh, tôi sẵn sàng gửi câu chuyện gia đình của tôi cho các anh, để Trung tâm sử dụng như một tư liệu tham khảo. Với ý nghĩa đó, tôi đã viết thêm một đoạn “Khám phá sự bí ẩn?” hy vọng những lời bàn chầu rìa của một người ngoài lĩnh vực này (tôi chỉ là một nhà kinh tế) có chút gì bổ ích cho công cuộc nghiên cứu của các anh chăng?”.

Hà Nội, tháng 12 năm 1999

Giáo sư Trần Phương

TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI CỦA GIÁO SƯ TRẦN PHƯƠNG VỀ THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

NƠI XUẤT PHÁT THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Sau khi đọc bài viết của giáo sư Trần Phương “TÌM HÀI CỐT LIỆT SĨ, MỘT HÀNH TRÌNH ĐẦY BÍ ẨN”.Trong bài viết này đoạn cuối, chúng tôi thấy giáo sư có đưa ra nhiều câu hỏi để gợi ý giúp cho Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Của Con Người qua tựa đề “KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN”.

Theo nhận xét của chúng tôi những hiện tượng đã xảy ra trong chuyến đi tìm hài cốt của cô em gái của giáo sư Trần Phương, dù cho mười cái Trung Tâm Nghiên Cứu và tập trung tất cả các nhà khoa học trên thế giới cũng không giải thích được, trừ ra sự tiến bộ của khoa học đã tạo ra được một bộ óc điện tử như bộ óc của con người thì mới xác định được thế giới siêu hình có hay không. Và những hiện tượng con người có khả năng thấy và nói chuyện với ma cũng như làm thông dịch lại cho chúng ta biết.

Đọc qua những câu hỏi của giáo sư, chúng tôi thấy đây là những câu hỏi của mọi người, chứ không riêng gì của giáo sư. Những câu hỏi của giáo sư đại diện cho giới trí thức đang bị những hiện tượng kỳ lạ, dày vò tâm tư mà không thể giải đáp được.

Với một số ngôn ngữ hiện có, khó mà giải thích cho quý bạn hiểu biết một cách rành rẽ về những hiện tượng này, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Tin hay không tin là quyền ở các bạn. Phải chi chúng tôi có được nhiều người như chúng tôi, thì chắc chắn các bạn sẽ dễ tin hơn.

Trước khi nghe chúng tôi trình bày những hiện tượng này. Chúng tôi xin có những lời khuyên các bạn: “Trong cuộc sống của con người điều quan trọng và cần nhất là đạo đức, cái gì phi đạo đức là chúng ta không chấp nhận, bởi vì có thế giới siêu hình tác động vào cuộc sống của loài người thì có sự phi đạo đức”.

Ví dụ: Con cháu làm điều tội lỗi phạm pháp luật, bị tù tội, tai nạn, bệnh tật khổ đau v.v.. Những linh hồn ông bà cha mẹ, vì  thương con cháu nên phù hộ chúng, cho thoát nạn, tai ương, họa khổ v.v.. hoặc những linh hồn này thù oán ai, khiến cho họ đau bệnh, hoặc gặp tai nạn này tai nạn khác. Và như vậy là một việc làm phi đạo đức. Còn nếu thế giới linh hồn người chết mà không tác dụng lợi ích cho cuộc sống của con người thì thế giới linh hồn có để làm gì? Hay để làm hao tốn tiền bạc, của loài người, trong khi những linh hồn này không làm ra vật chất, mà đòi hỏi vật chất thế gian: Trà nước, thuốc Cáp Tăng, giấy tiền vàng mã (cháu Hằng thông dịch lại), quần áo, nhà cửa, kho đụn, xe cộ, tivi, tủ lạnh, v.v.. Đó có phải thế giới linh hồn là một thế giới phi đạo đức không???

Thưa các bạn! Chúng tôi đã nhờ sức Tứ Thánh Định của Phật giáo mà biết được những hiện tượng phi không gian và thời gian này xảy ra do năng lực nào và năng lực ấy từ đâu xuất phát làm nên những hiện tượng kỳ lạ này?

Sau khi đọc xong bài “Tìm hài cốt liệt sĩ” cái cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là xúc cảm, thương đau cho những người anh, người chị, người em trai và người em gái của chúng tôi, khắp nơi trên đất nước Việt Nam, quê hương này, đã vì tổ quốc chịu biết bao nhiêu cực hình, cay đắng rồi hy sinh mạng sống của mình cho dân, cho nước, cho Đảng. Để ngày nay chúng ta, những người còn sống, thọ hưởng sự độc lập, tự do, bình đẳng và hãnh diện với mọi người khắp năm châu.

Một đất nước bị nô lệ ngoại xâm, thì dân nước đó phải chịu khổ biết dường nào. Vì nhân quyền không có. Nếu đứng lên chống giặc ngoại xâm thì xương máu phải tô thắm đỏ mảnh đất này.

Chúng tôi cũng có người em trai đã hy sinh trong trận Đồng Khởi Tua Hai Tây Ninh, xác em tôi được chôn vùi nơi bìa rừng. Chiến tranh chấm dứt thì nơi đó đã trở thành nơi dân cư trù phú, vì thế chúng tôi không thể tìm hài cốt em tôi được. Và chúng tôi thiết nghĩ, xương thịt của em tôi dù chôn vùi bất cứ nơi đâu trên mảnh đất quê hương này, thì nó cũng xứng đáng là một công dân Việt Nam yêu nước, yêu quê hương, yêu tổ quốc và thương yêu dân tộc của nó.

Giáo sư Trần Phương thương khóc cho cô em gái của mình phải chịu đựng những cực hình khổ đau nhất đời của những con người không phải người, hung ác hơn loài ác thú. Hôm nay giáo sư đã tìm được hài cốt cô em gái của mình, cô Khang.

Còn chúng tôi thì sao? Các anh, các chị và các em gái của chúng tôi đã hy sinh thân mình cho tổ quốc, cho dân tộc, cho quê hương xứ sở này. Hôm nay có người tìm được hài cốt đem về nghĩa trang liệt sĩ, nhưng có người chưa tìm được còn nằm rải rác khắp nơi trên mảnh đất quê hương này.

Thân cát bụi trả về cho cát bụi, còn linh hồn thì sao, có hay là không có?

Chúng tôi không trích ra từng đoạn để trả lời giáo sư về thế giới linh hồn, mà cho in cả bài này vào tập Đường Về Xứ Phật. Vì bài này nói lên được ý nghĩa kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng, dân tộc Việt Nam.

Sau khi tìm hài cốt cô em gái của mình giáo sư Trần Phương không còn đứng yên trên vị trí khoa học nữa mà đã bị đảo lộn tư tưởng bởi những nhà ngoại cảm làm sống lại cái thế giới siêu hình. Rồi đây ai cũng nghĩ: sau khi chết còn có sự sống. Sau khi chết còn có sự sống, thì tệ nạn mê tín dị đoan lại sẽ gia tăng lên nhiều hơn nữa, thì đạo đức lại xuống dốc.

Giáo sư nêu lên những câu hỏi để mong cầu những ai có thể giải đáp cho mình, cho mọi người những điều mắt thấy tai nghe mà riêng tri thức của giáo sư cũng như mọi người khác không thể hiểu và giải thích được. Những câu hỏi ấy giáo sư đã lấy tên: “KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN”.Có nghĩa là ai trả lời được những câu hỏi của giáo sư là khám phá ra sự bí ẩn của thế giới siêu hình.

Đọc bài này chúng tôi cảm thấy vô tình giáo sư đã làm sống lại cái thế giới siêu hình mà từ lâu các nhà khoa học không chấp nhận, thường tìm mọi cách để chứng minh cho mọi người biết thế giới siêu hình không có, nhưng khả năng của khoa học còn phải tiến xa hơn nữa và tiến xa hơn nữa thì mới có mong khám phá ra những sự bí ẩn này.

Còn hiện giờ thì sao? Thì cứ mặc tình cho mọi người mê tín dị đoan. Do kẽ hở này mà một số tôn giáo, một số người lợi dụng khoa học không giải thích được thế giới siêu hình mà bịa ra nhiều điều mê tín, dị đoan để làm tiền thiên hạ mà không pháp luật nào bắt tội họ được.

Đứng trước những sự lừa đảo lường gạt người bất chánh của Đại Thừa giáo, của các thầy phù thủy, của đồng, bóng, cốt, tự xưng là Phật, Thánh, Tiên, bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, quỷ, ma, cô, cậu v.v..

Bài viết này của giáo sư Trần Phương, là một cái cớ để cho những người vô loại này thừa “nước đục thả câu” mà phát triển giáo pháp mê tín, thì đạo đức nhân bản - nhân quả làm người sẽ mất dần và loài người không còn là người nữa mà là ác thú, ác quỷ.

Hiểu được điều này chúng tôi không thể làm ngơ. Vì ích lợi cho mọi người và vì nền đạo đức của con người trên hành tinh này, vì thế chúng tôi xin mạo muội trả lời những câu hỏi của giáo sư không phải để khám phá những điều bí ẩn của giáo sư mà chỉ nêu lên một sự thật “Thế giới linh hồn không có” để đem lại sự lợi ích cho mọi người, không còn bị người khác lợi dụng sự chưa hiểu của mình mà làm những điều lừa gạt bất chánh.

LINH HỒN LÀ DO TƯỞNG TRI CỦA CON NGƯỜI CÒN SỐNG

Chúng tôi xin trả lời câu hỏi thứ nhất của giáo sư:

1- Câu hỏi giáo sư đã xác định: “Tôi căn cứ để tin rằng đã gặp linh hồn em tôi, anh tôi và chị tôi, cả linh hồn cụ Giám là người chôn cất và linh hồn cụ An là người chứng kiến. Cháu Hằng đã nhận dạng được linh hồn, thậm chí còn nhận diện được linh hồn qua tấm ảnh, đã được nghe tiếng nói của linh hồn. Như vậy linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có khả năng phát ra tiếng nói. Đã là một dạng vật chất thì vật lý học, hóa học, y học, sinh học, với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn sẽ có ngày tìm ra. Các nhà khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?”

Cách đây 2548 năm có một người đã xác định rằng: “không có thế giới siêu hình”, có nghĩa là không có đời sống sau khi chết Ngài đã chia thân người làm năm phần:

- Phần thứ nhất là sắc uẩn.

- Phần thứ hai là thọ uẩn.

- Phần thứ ba là tưởng uẩn.

- Phần thứ tư là hành uẩn.

- Phần thứ năm là thức uẩn.

Một người chết năm uẩn này đều tan rã không còn một chút xíu nào cả. Người xác định điều này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vậy thì cái gì còn lại gọi là linh hồn của con người?

Theo cái nhìn của Phật giáo thì một con người là do năm duyên hợp lại mà thành ra. Và xa hơn nữa là vạn vật trên thế gian này đều hiện hữu, sự hiện hữu có mặt của một vật đều do nhiều duyên hợp lại. Cho nên, một thế giới mà có được thì phải có nhiều duyên kết hợp mới lập thành. Một thế giới không thể nào chỉ có một vật thể đơn điệu được.

Ví dụ 1: Một cái cây kia, nếu không có đất, nước, gió, không khí và nhiệt độ, nóng lạnh, ẩm thấp, nắng mưa, v.v.. thì cây kia không thể sống được.

Ví dụ 2: Một con người sanh ra ở đời, nếu không có cỏ cây, thực phẩm để nuôi sống thì con người cũng không sanh ra được, nếu có sanh ra được thì cũng không sống được. Cỏ cây, con người và vạn vật không có sự hiện hữu trên hành tinh này thì làm sao gọi là thế giới.

Vì thế, nếu quả chăng con người có sự sống sau khi chết, thì thế giới của người chết phải có một môi trường sống riêng cho linh hồn, chứ đâu cần gì chúng ta phải cúng những thực phẩm mà những thực phẩm ấy chỉ nuôi sống cho những duyên hợp hiện hữu của nó, chứ đâu phải những thực phẩm của chúng ta là để cho linh hồn thọ dụng. Vì thế, cúng lễ những thực phẩm hoặc đốt hương, vàng mã của thế giới hữu hình cho thế giới vô hình thì quý vị suy nghĩ có đúng không? Hay làm một việc nhảm nhí?

Nếu quả chăng có thế giới siêu hình thì những linh hồn đó, phải có một hình dáng cố định, vì thế giới siêu hình là thế giới thường hằng không thay đổi thì không thể nào linh hồn lấy hình dáng của con người làm hình dáng của mình. Khi mà hình dáng của con người vô thường không cố định chỉ trong một đời người mà đã thay đổi nhiều lần: trẻ có hình dáng khác, thanh niên có hình dáng khác và già có hình dáng khác, huống là đời này mang hình dáng này đời sau mang hình dáng khác. Xét như vậy chúng ta thấy linh hồn có đúng không?

Cho nên, thế giới hữu hình của chúng ta do các duyên hợp thành, vì do các duyên mà thành nên có sự vô thường thay đổi liên tục. Vì vậy một con người mới sanh ra cho đến 7, 8 chục năm sau thì không giống nhau. Chúng ta hãy quan sát một con người từ hình dáng của một đứa bé mới sanh so sánh với hình dáng của một ông cụ già 7, 8 mươi tuổi thì hai hình dáng này không giống nhau, như vậy chứng tỏ sự vô thường thật sự, như trên chúng tôi đã nói.

Như các bạn thường nghĩ và cho linh hồn là một vật thể không thay đổi. Vì thế, linh hồn là bất tử, nên thường đi tái sanh luân hồi từ thân này, đến thân khác. Thân thì có trẻ, có già, có chết. Còn linh hồn thì không già, không trẻ và không chết. Như vậy cháu Bích Hằng phải xem bức ảnh của cô Khang rồi mới nhận ra linh hồn của cô Khang thì như vậy không đúng. Vì sao vậy? Là vì linh hồn của cô Khang bây giờ không còn là hình dáng của cô Khang nữa, mà là hình dáng bất di bất dịch của linh hồn. Khi linh hồn ấy còn mang thân xác của cô Khang thì hình dáng ấy là hình dáng xác thân của cô Khang, chứ đâu phải là hình dáng linh hồn của cô Khang phải không thưa quý vị? Khi cô Khang chết thì hình dáng của cô Khang cũng không còn, thì như vậy linh hồn của cô Khang phải trở về với hình dáng nguyên thủy của nó, thì làm sao linh hồn có hình dáng giống cô Khang được. Vì linh hồn là một vật không thay đổi, như chúng tôi đã nói ở trên.

Xét ở góc độ này thì cháu Bích Hằng gọi hồn cô Khang về là một năng lực trong thân ngũ uẩn của cháu Bích Hằng tạo ra linh hồn của cô Khang, chứ không phải có linh hồn cô Khang thật, vì thế cháu phải nhìn hình ảnh cô Khang rồi mới tạo ra hình ảnh cô Khang được.

Do đó, chúng ta suy ra, nếu có thế giới linh hồn của người chết thì những linh hồn ấy không có hình dáng giống như chúng ta. Tại sao vậy?

Tại vì một linh hồn phải trải qua nhiều lần tái sanh luân hồi, do đó mỗi lần tái sanh là mỗi lần có hình dáng khác nhau của thân xác, có nhiều hình dáng khác nhau như vậy thì làm sao linh hồn cô Khang giống cô Khang được?

Tất cả những sự việc này lần lượt chúng tôi sẽ cố gắng vén bức màn bí ẩn để quý vị không còn thấy nó là bí ẩn nữa.

KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN CỦA ANH NHÃ

Trạng thái ngoại cảm của anh Nhã rất rõ nét, vì anh làm việc ngoài ý thức của anh, có nghĩa là trong đầu anh nghe nói tên (Nhương, Nhường, Nhượng) hoặc tự điều khiển anh viết hoặc vẽ bản đồ chứ riêng anh không có chủ ý viết hoặc vẽ. Tự trong đầu anh có sự điều khiển trong vô thức. (“Tôi thấy trong đầu tôi hiện ra như thế nào thì tôi vẽ như thế ấy, tôi cũng chẳng hiểu nữa”). Đây là lời của anh Nhã nói, khi giáo sư Trần Phương hỏi. Và anh còn nghe được những âm thanh trong tai (“Tôi thấy trong tai tôi như có âm thanh ấy”).

Qua sự trình bày của anh Nhã chúng tôi xin giải thích để quý vị rõ. Do đâu điều khiển mà anh Nhã đã vẽ được bản đồ của một vùng chưa bao giờ đi đến và vị trí địa thế ngôi mộ cũng được xem là đúng ở cự ly rộng.

Trong bộ óc của con người có nhiều nhóm tế bào não, mỗi nhóm tế bào não đều làm việc theo phận sự của nó.

Ví dụ: Một người đang thức và đang làm một việc gì đó, hay đang tư duy suy nghĩ về một vấn đề gì, thì nhóm tế bào não thuộc về ý thức hoạt động, làm việc, trường hợp đó cũng giống như chúng tôi đang tư duy, suy nghĩ để viết sách và viết như thế nào để quý bạn dễ hiểu và hiểu một cách cụ thể hơn.

Chúng ta có thể gọi nhóm tế bào não bộ này là nhóm tế bào não bộ ý thức.

Còn trường hợp chúng ta đang ngủ mà bị chiêm bao thì nhóm tế bào não nào làm việc đây?

Chúng tôi xin giải thích, khi chúng ta đang ngủ thì toàn bộ nhóm tế bào thuộc về ý thức, chắc chắn phải ngưng hoạt động, như lúc ngủ mắt không thấy vật, tai không nghe âm thanh, ý không phân biệt, v.v.. như vậy rõ ràng là nhóm tế bào ý thức chúng ta ngưng hoạt động. Vậy cái gì hoạt động trong giấc chiêm bao?

Xin thưa, khi nhóm tế bào não thuộc về ý thức không hoạt động, thì nhóm tế bào não thuộc về tưởng thức hoạt động, do nhóm tế bào tưởng thức này hoạt động nên người ta mới có chiêm bao.

Còn trường hợp của anh Nhã thì hai nhóm tế bào não trong óc anh nó kết hợp (câu hữu) làm việc với nhau, và sự kết hợp làm việc này mới xảy ra với anh chứ trước kia anh không có trạng thái này.

Ở đây, chúng ta cần phải hiểu thêm về nhóm tế bào não thuộc về ý thức, khi nó hoạt động thì không vượt qua được không gian và thời gian, vì thế khoảng cách xa, như ngăn sông, cách núi, hoặc dưới lòng đất, dưới đáy biển đại dương, v.v.. thì nó không thể thấy biết được. Về thời gian, nó bị chia cắt có quá khứ, vị lai và hiện tại, quá khứ nó không nhớ biết, vị lai thì mờ mịt không rõ. Ngược lại, nhóm tế bào não bộ thuộc về tưởng thức, khi nó hoạt động thì nó vượt qua hàng rào không gian và thời gian, nên thời gian và không gian không còn chia cắt và trải dài. Vì thế, nó bắt gặp hay nói cách khác là giao cảm với những gì đã xảy ra ở quá khứ và vị lai.

Ở trường hợp này nhóm tế bào não tưởng thức của anh Nhã thì quá rõ ràng, không có trạng thái đồng cốt như cháu Bích Hằng, nhưng nó hoạt động chưa chính xác 100%. Vì tưởng thức của anh tự nó hoạt động chứ không phải do anh triển khai, điều khiển, nên mức độ hoạt động của nó chưa hoàn chỉnh và chính xác.

Khi tưởng thức hoạt động thì anh Nhã cảm thấy như mình không chủ động, tự trong đầu nó điều khiển như thế nào thì anh làm theo như thế ấy, nhưng ý thức của anh vẫn biết rõ ràng, thậm chí những âm thanh nói trong tai, anh vẫn nghe và biết rõ. Xét trường hợp trong đầu anh Nhã, thì trong đầu anh làm việc hai phận sự:

1- Làm việc bị hạn cuộc trong không gian và thời gian, có nghĩa là không vượt ra khỏi thời gian chia cắt và không gian trải dài hay bị ngăn cách.

2- Làm việc không bị hạn cuộc trong không gian và thời gian, có nghĩa là vượt qua không gian và thời gian. Sự làm việc này gọi là làm việc trong vô thức.

Người tu theo đạo Phật khi nhập được Tứ Thánh Định thì người ta hiểu biết rất rõ ràng. Trường hợp anh Nhã, ý thức của anh kết hợp với tưởng thức của anh hoạt động hai mặt:

a- Hữu thức

b- Vô thức

Tóm lại, trường hợp của anh Nhã trong một bộ óc của anh làm việc hai phận sự hữu hình và vô hình, hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn là bộ óc anh có phần làm việc bị hạn cuộc không gian và thời gian và có phần làm việc không bị hạn cuộc không gian và thời gian, nhưng chưa chính xác 100%.

Cho nên, sự bí ẩn của anh Nhã không có gì bí ẩn, anh sử dụng được những tế bào não ý thức và những tế bào não tưởng thức, khiến chúng hoạt động khi ý muốn anh khởi ra.

Tóm lại, sự bí ẩn của anh Nhã thì không có gì là bí ẩn cả, chỉ có bộ óc của anh làm việc được hai phần: “phần ý thức và phần tưởng thức”.

KHÁM PHÁ SỰ BÍ ẨN VỀ CHÁU BÍCH HẰNG

Trường hợp cháu Bích Hằng thì không giống trường hợp anh Nhã, hiện tượng của cháu Hằng xảy ra giống như có một linh hồn người chết nhập vào như thật.

Khi trực tiếp chứng kiến năng lực của tưởng uẩn con người. Nhất là trường hợp của cháu Bích Hằng, khiến cho giáo sư Trần Phương không còn đứng vững trên lập trường khoa học nữa, ông đặt ra nhiều câu hỏi: “Như vậy linh hồn phải tồn tại dưới một dạng vật chất nào đó, có hình thù, có khả năng phát ra tiếng nói. Đã là một dạng vật chất thì vật lý học, hóa học, y học, sinh học v.v.. Với những phương tiện quang học và điện tử tinh vi, hẳn có ngày tìm ra. Các nhà khoa học Việt Nam có thể đóng góp gì theo hướng đó?”.

Còn lâu lắm các nhà khoa học Việt Nam mới có thể chứng minh và giải thích những hiện tượng đó bằng hóa học, sinh học, y học, lý học, v.v.. Còn bây giờ thì sao? Hay để cho nhân dân Việt Nam sống trong mê tín, phải chịu tốn hao với một số tiền bạc vô nghĩa (đốt tiền vàng mã, cúng sao giải hạn, cầu an, cầu siêu, v.v..).

Khi đọc bài của giáo sư Trần Phương, chúng tôi thấy, nếu bài này được phổ biến sâu rộng trong khắp nước, mà các nhà khoa học Việt Nam không có tiếng nói, thì chắc chắn nạn mê tín, dị đoan sẽ lan rộng khắp nơi. Và sẽ có một số người lợi dụng trường hợp này mà gây tạo ra nhiều loại mê tín khác nữa để lừa đảo người.

Chúng tôi đọc bài tâm nguyện của một cư sĩ M.N.C.S ở Long Hải nói rằng: “Những nhà ngoại cảm này thường khoe khoang, nhà nước đang tìm kiếm những người tài như họ để trưng dụng về việc quốc phòng”. Lời nói này chúng tôi e rằng những hạng người này “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng trạng thái tưởng thức không có không gian và thời gian, giao cảm mọi sự việc xảy ra tạo dựng thế giới siêu hình để lừa đảo mọi người, chứ từ xưa đến giờ chưa có lịch sử nước nào ghi công lao của những người làm đồng, cốt và những nhà ngoại cảm, nhờ lên đồng, nhập cốt và ngoại cảm mà ngăn giặc, đuổi giặc, giữ nước, dựng nước, bắt những kẻ trộm cướp giết người, hiếp dâm, giữ gìn trật tự, an ninh cho quê hương, xứ sở.

Vì biết rằng các nhà khoa học không thể chứng minh được những hiện tượng hoạt động của tưởng thức, nên trong các tôn giáo người ta cố ý tu tập để triển khai tưởng thức hoạt động ngõ hầu lấy đó tạo dựng thế giới siêu hình và thần thông để lừa đảo mọi người. Vì không nhận ra những hiện tượng đó nên mọi người tin tưởng gia nhập vào tôn giáo, nuôi hy vọng khi chết đi sẽ được sanh về nơi đó (Cực Lạc, Thiên Đàng, Niết Bàn), hay có những thần thông pháp thuật.

Do phong thổ, thời tiết, thức ăn nước uống tại địa phương, hoặc do tai nạn xảy ra gây ảnh hưởng não bộ, hoặc sự phát triển hoạt động của não bộ không đồng đều, khiến cho tưởng thức hoạt động nhiều hơn ý thức (trường hợp cháu Bích Hằng), hoặc ý thức và tưởng thức cùng hoạt động (trường hợp như anh Nhã). Vì thế, biến họ từ một con người bình thường trở thành đồng, cốt và các nhà ngoại cảm. Một con người có khả năng đặc biệt.

Chúng ta không hiểu được năng lực của tưởng thức khi nó hoạt động không giống như ý thức chút nào cả:

1- Nó hoạt động rất đặc biệt tại một điểm, nên không có không gian và thời gian, khoa học không thể chứng minh được.

2- Nó giao cảm được mọi âm thanh sắc tướng, vì các từ trường của nó. Các nhà khoa học có thể chứng minh được.

3- Nó biến hiện ra muôn hình sắc tướng của những người đã chết không sai một nét nào cả. Đó là năng lực duyên hợp của tưởng thức. Các nhà khoa học không thể chứng minh được, vì nó không phải là vật lý học, hóa  học, y học, sinh học, v.v..

4- Nó tạo ra một người thứ hai đang tiếp chuyện với ý thức của nó. Đó là năng lực hợp duyên của tưởng thức, khoa học không thể chứng minh được.

5- Vì không có không gian, nên nó nhìn suốt trong lòng đất thấy mọi vật và bất cứ địa phương nào ở nơi đâu, cách xa bao nhiêu, nó cũng biết được. Khoa học có thể chứng minh được vì đó là từ trường của tưởng thức.

6- Vì không có thời gian nên bất cứ chuyện gì đã xảy ra hoặc sắp xảy ra bao lâu nó cũng biết được. Và biết một cách rất cụ thể. Đó là từ trường của tưởng thức giao cảm và bắt gặp những hành động, hình ảnh và âm thanh của mọi sự việc đã xảy ra còn lưu lại trong môi trường sống, khoa học có thể chứng minh được. Cũng như những sự việc sắp xảy ra trong môi trường sống nhân quả của mỗi con người, nó đều bắt gặp và giao cảm được cả, khoa học không có thể chứng minh được.

Hiện giờ giáo sư Trần Phương hy vọng vào các nhà khoa học Việt Nam, quang học và điện tử tinh vi để giải đáp: “Linh hồn có hay không?”, nhưng giáo sư phải còn chờ đợi lâu lắm, có lẽ giáo sư sẽ chết mất mà những câu hỏi này chưa được giải đáp.

Là một nhà tu tập thiền định theo Phật giáo, tự bản thân chúng tôi đã trực tiếp truy tìm thế giới siêu hình để thấy, nghe, hiểu biết, thì chúng tôi biết nó từ đâu xuất hiện những hiện tượng đó. Vì thế, chúng tôi xác định quả quyết: “Thế giới siêu hình không có, chỉ là năng lực tưởng thức của mỗi con người còn đang sống tạo ra, chứ người chết rồi thì không còn lưu lại một vật gì cả”. Xưa, thái tử Sĩ Đạt Ta khi tu thành Phật, Ngài cũng xác định: “Thế giới siêu hình là thế giới của tưởng tri”.

Câu hỏi thứ hai của giáo sư nêu lên tình cảm vui, buồn, quan tâm, ước muốn, giận dữ, tranh cãi của linh hồn để rồi nêu lên câu hỏi: Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới con người đang sống không? Thế giới linh hồn hoạt động như thế nào? Có khả năng tác động gì vào thế giới của con người đang sống? Để đáp ứng mong muốn của linh hồn người thân, người sống dâng đồ cúng lễ, tiền bạc đồ dùng hằng ngày (dưới dạng vàng mã) là đúng hay nhảm nhí? Linh hồn có tiêu vong đi không, hay là tồn tại mãi mãi?

Để trả lời những câu hỏi này:

1- Ngoài hai trạng thái hình và bóng của cuộc sống con người hiện hữu trên hành tinh này, thì không còn có thế giới linh hồn nào khác nữa. Thế giới linh hồn mà người ta cảm nhận được là do năng lực của tưởng thức trong mỗi người giao cảm mà tạo ra. Năng lực ấy được phát triển là do tu tập các loại thiền định tưởng hoặc bị tai nạn hay bị một cú “sốc” gì trong cuộc đời, khiến cho phần nhóm tế bào não tưởng thức hoạt động, đó là trường hợp của các nhà ngoại cảm.

2- Vì không có thế giới linh hồn nên nó không có sự sinh hoạt riêng, không có sự sống riêng. Do tưởng thức của con người còn đang sống, nên sự sinh hoạt của nó cũng mang đầy tính chất của con người: tình cảm vui, buồn, quan tâm, ước muốn, giận dữ, tranh cãi v.v.. Nếu quả chăng có thế giới linh hồn của con người thì phải có sự sinh hoạt khác hơn con người, từ thực phẩm ăn uống, đến tình cảm, truyền thông, diễn  đạt v.v..

3- Nếu có khả năng tác động vào con người thì có hai góc độ:

a- Gia hộ con người, giúp cho con người tiêu tai, thoát nạn, bệnh  tật tiêu trừ.

b- Hủy diệt loài người để cho thế giới linh hồn tăng trưởng.

Trong hai điều kiện trên đây đều phi đạo đức và phi nhân quả cả. Vì thế, nên thế giới linh hồn không được loài người chấp nhận. Nếu con người chấp nhận nó, là tự con người làm khổ mình, khổ người.

Thế giới linh hồn của con người do năng lực tưởng thức của người còn sống tạo ra thì có hai trường hợp:

1- Không tin nó là thế giới linh hồn của người chết, mà biết sử dụng năng lực tưởng thức đó áp dụng vào cuộc sống hiện hữu của con người thì rất có lợi ích như: tìm hài cốt liệt sĩ, báo động trước những tai nạn sẽ xảy ra v.v..

2- Nếu tin nó là thế giới linh hồn của con người, thì đó là một tai họa rất lớn, gây cho chúng ta bệnh tật và tai nạn “tiền mất tật mang”. Nếu tin nó thì đời sống của chúng ta hoàn toàn bị lệ thuộc, mất tự chủ, sống thiếu đạo đức.

Vì thế giới linh hồn không có, người thân chúng ta chết, nghiệp lực đã tiếp tục tái sanh luân hồi còn đâu mà cúng lễ, tiền bạc, đồ dùng hằng ngày (dưới dạng vàng mã) hay tụng kinh cầu siêu v.v.. thì đó là nhảm nhí.

 Vì thế giới linh hồn không có thì làm gì có linh hồn tiêu vong hay tồn tại mãi mãi.

Ở đây, chúng tôi không suy luận để tranh cãi mà là sự chứng nghiệm của bản thân chúng tôi. Nhập vào trạng thái tưởng thức thì chúng tôi bắt gặp thế giới linh hồn của con người qua năng lực tưởng thức của chúng tạo ra, chứ không phải thế giới linh hồn của con người có sẵn. Vì thế, chúng tôi biết rất rõ ràng.

Hầu hết mọi người đều có khả năng nhìn thấy linh hồn, nghe thấy tiếng nói của linh hồn, nhìn  thấy hài cốt lắp vùi dưới lớp đất dày mấy mét v.v.. không riêng gì cháu Bích Hằng, chỉ vì mọi người chưa được triển khai tưởng thức đúng mức, nên không thấy không nghe được như cháu Bích Hằng mà thôi.

Khả năng đặc biệt, ấy do một nhóm tế bào não của tưởng thức. Nếu các nhà y học và khoa học chịu khó nghiên cứu bộ não của con người thì sẽ khám phá ra rất dễ dàng.

4- Do sự không hiểu biết, giáo sư Trần Phương cho rằng: Những thông tin bí ẩn của anh Nhã, anh Liên, cháu Bích Hằng là những khả năng đặc biệt càng khó khám phá.

Sự thật không phải vậy. Bởi vì thế giới siêu hình không có, tức là không có linh hồn người chết, không có linh hồn thì làm sao có chất liệu quang học, y học, vật lý học mà khám phá. Nếu rời khỏi bộ óc con người mà khám phá thì chẳng bao giờ khám phá ra được thế giới linh hồn.

Cho nên, các nhà y học và khoa học hãy khám phá nơi bộ óc của một nhà ngoại cảm đang hoạt động, thì có thể sẽ khám phá ra từ những từ trường của những tế bào não tưởng thức phóng ra giao cảm với những từ trường còn lưu giữ trong không gian, những hình ảnh, âm thanh, sắc tướng, những hành động và tình cảm của mỗi con người trước khi chết. Đó là y học và khoa học có thể khám phá ra được. Nhưng có những điều mà khoa học và y học không thể khám phá ra được, đó là năng lực của tưởng thức, năng lực đó có thể biến tạo ra hàng vạn vạn triệu triệu linh hồn con người chết và mỗi linh hồn người chết, từ hành động cử chỉ, lời ăn, tiếng nói đến đặc tướng, cung cách không sai khác như người đó lúc còn sống. Nhất là những linh hồn do tưởng thức của nhà ngoại cảm biến hiện ra, lại nói chuyện với nhà ngoại cảm, nhà ngoại cảm hiện giờ như người trung gian nói lại cho chúng ta nghe những sự việc xảy ra mà chỉ có những người thân trong gia đình mới biết. Chúng tôi xin nêu lên một ví dụ để quý vị dễ hiểu hơn.

Trong giấc mộng chúng ta gặp lại ông, bà, cha, mẹ đã chết cách 10 năm hoặc 20 năm, cùng lúc trong đó chúng ta cũng gặp lại những người còn sống như anh, chị, em, cô, bác cùng bà con hàng xóm. Chúng ta đừng hiểu nông cạn là những linh hồn người còn sống cùng với những linh hồn người chết về gặp chúng ta trong giấc mộng. Nếu quả chăng những người còn sống xuất hồn gặp chúng ta thì những người ấy phải nằm mộng như chúng ta. Nhưng sự thật những người ấy không có nằm mộng. Như vậy những người gặp chúng ta trong giấc mộng là gì? Đó là do năng lực tưởng thức của chúng ta biến hiện ra, nó có thể biến hiện một số lượng người và xe cộ đông đúc như chợ Bến Thành, nó có thể biến hiện ra một thủ đô lớn như thủ đô Hà Nội, v.v..

Xét qua giấc mộng thì năng lực tưởng thức của giấc mộng chỉ bằng 1 phần trăm của tưởng thức cháu Hằng khi tìm hài cốt liệt sĩ, và khả năng tưởng thức còn gấp trăm triệu lần khả năng tưởng thức của cháu Hằng hiện giờ, khi nó làm những việc còn siêu việt hơn. Cho nên, những nhà Khí công, nhà Nhân điện đều dùng khả năng của tưởng thức.

Giáo sư Trần Phương với hy vọng: “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, xác nhận được sự tồn tại của linh hồn thì không những có ý nghĩa nhân văn mà còn có ý nghĩa về nhiều mặt khác, kể cả về hình sự (nếu người bị giết mà nói ra thì kẻ giết người tránh sao khỏi tội?), không những có ý nghĩa quốc gia, mà còn có ý nghĩa quốc tế”.

Sự hy vọng của giáo sư Trần Phương không thể thành đạt được, là vì linh hồn không có, chỉ có năng lực tưởng thức tạo ra.

Vì thế, Thiền xuất hồn là một phương tiện tu tập khai triển năng lực của tưởng thức. Khí công là một môn võ học tập luyện để trien khai năng lực tưởng thức; Mật Tông cũng là một pháp môn triển khai sự mầu nhiệm của năng lực tưởng thức; Nhân điện cũng là một phương pháp triển khai năng lực tưởng thức để trị bệnh; Tịnh Độ Tông triển khai năng lực tưởng thức tạo ra thế giới siêu hình Cực Lạc Tây Phương; Thiền Tông là một pháp môn tu tập triển khai năng lực tưởng giải ảo giác,Chân không, Phật tánh v.v..

Cho nên, từ trong các tôn giáo cho đến những người có kiến thức khoa học còn nông cạn và chưa thấu suốt nền đạo đức nhân bản nhân quả, nên tin rằng có thế giới linh hồn người chết, đó là một điều mê tín, lạc hậu mà trong thời đại này không thể tha thứ được.

Vì sự thật hiển nhiên, là không có thế giới linh hồn người chết, mà chỉ có sự biến hiện do năng lực tưởng thức của con người còn sống tạo ra. Vì thế, Trung Tâm nghiên cứu tiềm năng con người có ra đời cũng chỉ loanh quanh nghiên cứu trong đống sách cũ của những người xưa, toàn là sách tưởng do những nhà tưởng học để lại. Nếu có nghiên cứu xa hơn thì cũng dựa vào những nhà Nhân điện tưởng, Khí công tưởng, Xuất hồn tưởng, Võ công tưởng, Thiền tưởng, Định tưởng, Thần chú tưởng, Ngoại cảm tưởng v.v.. thì cũng không thể nào giải quyết được những gì mà giáo sư mong đợi. Còn nếu đem những nhà ngoại cảm này áp dụng vào hình sự thì chúng tôi e rằng không chính xác, vì các nhà ngoại cảm không phải tự mình điều khiển cái năng lực đó, mà chính cái năng lực tự động của tưởng thức đó điều khiển họ, nên có khi chính xác và có khi không chính xác, có nghĩa là tưởng thức của họ, lúc làm việc, lúc không làm việc. Cũng giống như trường hợp anh Nhã, lúc nó làm việc thì chính xác, lúc nó không làm việc thì anh mò mẫm như người mù dò đường.

Cho nên, đem những hình bóng biến hiện linh hồn người chết của tưởng thức vào việc lấy hài cốt liệt sĩ thì tốt nhất, còn về việc hình sự và quốc phòng thì cũng chẳng khác nào đem sự mê tín vào những vấn đề quan trọng của đất nước, thì chúng tôi e rằng không có lợi mà có hại nhiều hơn.

Bởi vì các nhà ngoại cảm không điều khiển được tưởng thức của mình mà bị tưởng thức của mình điều khiển lại mình.

Tóm lại bài này viết, vì lợi ích cho mọi người trên hành tinh này, chúng tôi nói lên sự thật, sự thật 100%. Chúng tôi nói lên không cần quý vị tin, mà chỉ cần đem lại sự lợi ích cho quý vị, để quý vị trở thành những người không mù mờ, không dại dột bị kẻ khác lợi dụng tưởng thức của mình lừa đảo. Tưởng thức như con dao hai lưỡi, nếu quý vị biết dùng nó, thì nó lợi ích cho quý vị, còn quý vị không biết dùng nó, thì nó trở lại làm khổ và làm hại quý vị.

Sự thật là sự thật, không thể nói khác được, chúng tôi nêu lên một sự thật, thời gian và sự tiến bộ của loài người sẽ xác chứng những điều này, những điều chúng tôi đã nói ngày hôm nay “Thế giới linh hồn là do tưởng tri”.

PHỤ CHÚ I

TỬ BIỆT SANH LY L MỘT SỰ ĐAU KHỔ CỦA KIẾP NGƯỜI

Trả lời thư Liễu Tâm

Câu chuyện tử biệt sanh ly của gia đình nhà con, là những câu chuyện nức nở thương tâm đau khổ thường xảy ra trong kiếp sống của con người, mà mỗi gia đình nào cũng đều  không tránh khỏi.

Luật nhân quả quá khắc nghiệt, vì sự công bằng và công lý của nó. Nó chẳng động lòng thương xót và chẳng tư vị một ai.

Trong cuộc sống của gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả, vui buồn, khổ đau, hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện... đều là do sự vay trả, trả vay của nhân quả.

Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy, mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt.

Cháu Thanh Phước cũng vậy, cháu đã trả xong nợ nhân quả, vì thế cháu phải ra đi, ra đi vĩnh viễn vì cháu đã hết nợ trong cộng đồng đó. Riêng các con không thấy được nợ vay của luật nhân quả mà cho đến giờ này còn khóc thương thảm thiết.

Thầy xin nêu lên một ví dụ để con hiểu cho rõ ràng: Ví như, con là một người thiếu một món nợ rất lớn của một ông chủ, con phải đến nhà của ông chủ nợ cố gắng làm lụng hết sức mình để trả xong món nợ, khi con đã trả xong món nợ, con rời khỏi gia đình ông ta, thì ông ta kêu khóc thảm thiết không cho con đi, lúc nào cũng muốn con ở lại làm cho ông ta nữa. Như vậy, con thấy ông ta có công bằng không? Và con là người đã trả nợ xong thì con vui mừng rời khỏi gia đình ông ta thì hạnh phúc biết bao! Vì không còn nợ nần nữa.

Như vậy, con nên tư duy theo luật nhân quả, thì sự thương khóc của con có công bằng không? Khi cháu Thanh Phước đã trả xong nợ nhân quả của cộng đồng gia đình con, cháu ra đi như trong thư con đã thuật lại: “Cháu rất hiền lành và tốt bụng, thương yêu vợ con hết mực, hiếu thảo với cha mẹ bốn bên, đối với bạn bè cơ quan ai cũng khóc thương...”. Nhờ những sự tốt bụng này, tức là thiện pháp mà cháu Thanh Phước đã trả xong món nợ nhân quả quá nhanh, vì thế cháu ra đi lúc đầu còn xanh tóc, vừa mới 45 tuổi.

Nếu cháu Thanh Phước còn nghe tiếng khóc thương của con và mọi người thì cháu rất buồn, vì cháu đã trả xong nợ, mà cứ kêu gọi đòi nợ cháu hoài, thì cháu rất đau khổ và không hài lòng phải không hỡi các con?

Sao các con lại vô minh đến thế? Người còn sống là còn nợ nhân quả, sao các con không lo trả cho hết? Người trả xong nợ ra đi thì các con phải vui mừng cớ sao lại buồn khóc, thật là đảo điên.

Cuộc đời là một bi hài kịch trên sân khấu nhân quả, có gì là thật đâu mà phải thương khóc, hết đóng vai này đến đóng vai khác và luôn luôn tiếp diễn những trò ảo ảnh đó vô cùng, vô tận. Thế mà, các con tự mình chuốc lấy sự khổ đau cho mình mà không biết, đó là vô minh, thiếu sự hiểu biết.

Có một câu chuyện nhân quả mà Thầy được ông thân Thầy kể lại: “Có một gia đình kia, chỉ sanh ra một cậu con trai duy nhất, cậu rất hiền lành dễ thương, hiếu hạnh chăm học, không bao giờ cãi lời và làm cha mẹ buồn khổ, lớn lên cậu rất cần cù làm ăn khiến cho gia đình giàu có nhất trong vùng. Vì thế, cha mẹ thương yêu cậu hơn là vàng bạc châu báu. Nhưng không may cậu lâm bệnh ít hôm rồi chết, để lại sự thương tiếc của cha mẹ vợ con và xóm làng.

Trong làng có một vị phù thủy rất cao tay ấn thường đánh thiếp cho người xuống âm phủ gặp những người thân mình đã chết.

Vì thương con nên ông cụ đến nhờ Thầy đánh thiếp xuống âm phủ để gặp con. Khi xuống đến âm phủ, ông cụ bước vào một cái quán bên lề đường hỏi thăm. Người chủ quán cho biết cách đây  khoảng  hơn hai tháng có một cậu thanh niên ở trên trần gian mới xuống, và bảo ông cụ: “Cụ hãy ngồi ở đây chờ một chút, thế nào cậu trai ấy cũng sẽ cưỡi ngựa đi ngang qua đây, chừng đó cụ sẽ ra nhìn mặt, coi có phải là con trai của cụ không?”.

Ông cụ nghe lời, ngồi chờ chẳng bao lâu nghe tiếng vó ngựa, cụ ra đón đường, quả đúng là cậu con trai, con của cụ. Mừng quá cụ vừa khóc, vừa níu tay con và vừa nói: “Sao con bỏ bố mẹ, trong khi bố mẹ thương con hết mực...”.Ông cụ vừa nói đến đó thì cậu con trai thét lên: “Ai là con cái nhà ông, chúng tôi đã mắc nợ ông, làm trả nợ cho ông xong thì chúng tôi có quyền đi, cớ sao ông cứ theo đòi nợ hoài”. Nói xong cậu con trai quất ngựa chạy đi, chẳng hề đoái hoài đến ông cụ. Ông cụ sững sờ nhìn theo bóng cậu con trai mà bao lòng thương của cụ đều buông xuống sạch. Câu chuyện trên đây con nên suy ngẫm, để thấu suốt lý nhân quả, nhờ đó con mới chuyển được và tâm hồn mới thanh thản an lạc và vô sự.

Cháu Thanh Phước ra đi là nhắc nhở cho con thấy: “Đời là vô thường, là khổ đau và cuối cùng là không có gì cả”. Chính con là người vay nợ nhân quả rất nhiều, do đó con là người chịu khổ đau nhiều nhất trong cộng đồng gia đình này. Nếu con không gặp chánh pháp của Phật thì giờ này con sẽ trở thành người điên mất.

Khi đọc xong bức thư này con hãy tư duy suy nghĩ để tự cứu mình ra khỏi sự vô minh ngu dại của mình đã tự dày vò, đã tự làm khổ đau cho mình mà cứ mãi làm khổ đau không dứt, đó là một điều thiếu đạo đức nhân bản làm người đối với mình, con ạ!

Hãy đứng lên, tự thắp đuốc đạo đức mà đi, đừng để sống trong đêm đen tối mờ mịt mà món nợ nhân quả chưa biết kiếp nào trả xong.

Thầy có lời thăm và chúc các con quán xét xả tâm tốt để có một bầu trời thanh thản, an lạc và vô sự.

  Kính thư

 Thầy của các con

PHỤ CHÚ II

TU TẬP TỨ NIỆM XỨ

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi:Kính thưa Thầy, xin cho con hỏi: Khi tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ, nếu vọng niệm, cảm thọ đến thì con phải dùng câu tác ý đuổi đi phải không Thầy? Hay là giữ tâm bất động trước các cảm thọ đó, không cần phải nhắc câu hướng tâm đuổi đi?

Theo con hiểu thì khi các niệm ác, cảm thọ nóng, lạnh, đau nhức đến thì phải dùng câu tác ý đuổi đi. Còn giữ tâm bấtđộng trước các pháp và các cảm thọ là tâm không tham, sân giận, kiêu mạn, nghi ngờ, sợ hãi, ảo tưởng… trước các ác pháp và các cảm thọ.

Đáp: - Khi tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập để tâm thanh thản an lạc và vô sự tự nhiên chứ không được bắt buộc ức chế tâm giữ gìn thanh thản, an lạc và vô sự. Mục đích của Tứ Niệm Xứ là khắc phục đẩy lui những điều làm cho thân, thọ, tâm, pháp bất an, cho nên có vọng niệm hay cảm thọ đến là con dùng câu tác ý đuổi đi là đúng, không cần phải dùng câu pháp hướng dài dòng, chỉ ngắn gọn đủ nghĩa.

TƯỞNG UẨN

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi:  Kính thưa Thầy, khi ngồi tu thì con thấy các cơ mặt của con tự nhiên bị giựt nhẹ nhẹ, con dùng câu tác ý : “Tưởng hành lui đi”, vậy có đúng không thưa Thầy? Bởi vì sự giựt cơ này không phải do con ý thức làm mà do tự nhiên nó giựt, nhưng nó cũng không phải là trạng thái bình thường nên con nghĩ là do tưởng điều khiển.

Đáp:Khi ngồi tu có những trạng thái gì xảy ra đều do tưởng cả, con nên tác ý đuổi đi: “tưởng hành lui đi” là đúng.

TRONG KHI TU TẬP TỨ NIỆM XỨ CÓ HỌC TẬP HAY LÀM MỘT VIỆC GÌ KHÁC ĐƯỢC KHÔNG?

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi: Hôm qua con có viết thơ hỏi Thầy về việc nghỉ học tiếng Anh. Con nghĩ hiện nay con sống trong môi trường xã hội, muốn tu tập xả bỏ mọi thứ thì con phải sống trong nó và xả bỏ trong mọi hoàn cảnh, chứ nếu con lý luận rằng bởi vì khi đi học tiếng Anh làm cho tâm con lo lắng không an, nên con nghỉ học tiếng Anh thì đó là hèn nhát chạy trốn, chứ không phải xả tâm. Có phải như vậy không Thầy?

Đáp:Đúng vậy, nếu con bỏ học tiếng Anh không có nghĩa là con xả bỏ những ác pháp. Xả bỏ những ác pháp là xả bỏ những pháp tác động vào thân tâm con làm con khổ đau, chứ phải không xả bỏ tiếng Anh là xả bỏ các ác pháp, vì tiếng Anh đâu phải là ác pháp. Cho nên, con học tiếng Anh là một điều cần thiết cho những người Việt ở nước ngoài. Có lợi ích chứ có hại cho con đâu.

KIÊU MẠN

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi: Khi tâm ưa lý luận, phân tích việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách của người khác là tâm còn chấp ngã phải không Thầy? Có phải là tâm kiêu mạn, chưa có sống tùy thuận theo mọi người. Con dùng câu tác ý: “Bản ngã hãy lui đi”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này đâu phải là  ta, là của ta, vậy thì lý luận, phân tích so sánh làm gì, cho ai, hãy sống biết tôn trọngtất cả mọi thứ, mọi hành vi của mọi người (suy nghĩ, việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách…).

Đáp:Đúng vậy, khi tâm ưa lý luận phân tích việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách của người khác là tâm con còn chấp ngã, còn kiêu mạn v.v..

Vậy con hãy từ bỏ, con hãy nghe Phật dạy: “Biết chuyện mình đừng biết chuyện người”. “Đừng thấy lỗi người mà hãy thấy lỗi mình”. Thấy lỗi người là tâm con bất an, tự con đã làm khổ cho con, cho nên nói xấu người khác là mình xấu đấy con ạ!

BỊ TRẠO CỬ PHẢI KHẮC PHỤC NHƯ THẾ NÀO?

Kim Quang hỏi đạo

HỏiKính thưa Thầy, xin cho con hỏi:

Khi con ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các cảm thọ (ngứa, lạnh, đau…), các hành (tay, chân, thân bị co giật, hoặc đầu bị căng), các niệm (xấu, ác, quá khứ, tương lai…) xuất hiện liên tục. Con dùng câu hướng tâm: “Ác lui đi” để đuổi các pháp trên đi.

Hết giờ này sang giờ khác con cứ đuổi liên tục như vậy, không có được giây phút nào ngừng nghỉ, nghĩa là thân tâm của con không có thanh thản, an lạc và vô sự.

Con tự hỏi mình rằng: Nếu có ý muốn nhắc câu tác ý để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đi thì không biết có rơi vào Tưởng hay không? Vì Tưởng biết được là ý con muốn gì, và nó sẽ dẫn dắt đi sâu vào Tưởng.

Đáp: Khi tu tập Tứ Niệm Xứ con bị trạo cử như vậy thì nên tác ý nhắc tâm đuổi ác pháp đó đi. Do ý thức chủ động điều khiển tâm nên không bị tưởng lôi. Tình trạng trạo cử thân tâm con là do nghiệp nhân quả cộng thêm tưởng uẩn tác động vào thân tâm con. Do đó, con dùng ý thức tác ý dẹp trạo cử tức là chuyển nghiệp nhân quả. Chuyển nghiệp nhân quả tức là dẹp luôn tưởng uẩn, cho nên dù tưởng uẩn có biết nó cũng phải ra đi theo nghiệp.

TÂM BẤT ĐỘNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM KHAM NHẪN

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi: Mục đích của Tứ Niệm Xứ là giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nghĩa là tâm phải bất động trước các pháp ác và các cảm thọ xuất hiện. Vậy khi các ác pháp và các cảm thọ xuất hiện con nhắc câu tác ý là để tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải là để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đó đi. Vì theo con hiểu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường, khổ và vô ngã. Vậy thì ta không nên để tâm dính mắc vào các ác pháp và các cảm thọ đó, nghĩa là không cần phải cố gắng tiêu diệt hết các cảm thọ và các ác pháp, chỉ cần nhắc tâm không bị dính mắc vào những ác phápđó thôi. Và đừng để cho có tâm ham muốn xuất hiện kể cả ham muốn diệt các ác pháp và các cảm thọ, hoặc là tu như thế này thì sẽ có kết quả như thế này, là diệt được cái này. Nếu con còn lý luận như thế thì con nghĩ con vẫn còn lẩn quẩn trong ảo tưởng.

Đáp:Những lý luận của con ở trên đây là con đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái phát triển, những lý luận này trong kinh sách phát triển rất đầy đủ, đó là những lý luận lẩn quẩn không lối thoát. Cho nên, diệt dục cả thiện lẫn ác thì con người là đá, là vật vô tri vô giác, diệt dục cả thiện lẫn ác là không đúng nghĩa của Phật giáo. Đạo Phật ai cũng biết: “Ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện” là đường lối tu tập của Phật giáo. Do đó, chúng ta biết diệt dục ác, chứ dục thiện còn giữ lại. Cho nên, đạo Phật là đạo diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp nhưng diệt ngã ác, xả tâm ác, ly dục ác, ly ác pháp, chứ không diệt ngã thiện, không xả tâm thiện, không xả dục thiện, không ly thiện pháp. Vì thế đạo Phật mới chấp nhận Bát Chánh Đạo và không chấp nhận Bát Tà Đạo. Cho nên, đạo Phật có bờ bên này và bờ bên kia; bờ bên này là ác, bờ bên kia là thiện. Vì thế, đạo Phật có hai lộ trình: một là lộ trình thiện; hai là lộ trình ác.

Do chỗ tà, chánh, thiện, ác này mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết có bốn chân lý của đời người. Đó là đức Phật gợi ý cho chúng ta hướng về sự thoát khổ. Hướng về sự thoát khổ tức là muốn thoát ra mọi sự khổ đau, nếu diệt hết lòng ham muốn thì lấy cái gì để tu tập hay biến mình thành cây đá thì có lợi ích gì cho mình cho người.

Do ý muốn mà con người càng ngày càng tiến bộ trên hành tinh này về khoa học, kỹ nghệ, thông tin v.v..; do ý muốn thoát khổ nên các tôn giáo trong đó có Phật giáo mới có mặt trên hành tinh này. Vì thế, Pháp của Phật là pháp môn tu tập để “muốn” làm chủ sanh, già, bệnh, chết; muốn giải thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người, nếu không có ý muốn thoát khổ thì chúng ta đi tu để làm gì? Nghe đạo Phật nói diệt dục (Diệt Đế) là các con điên đảo hiểu biết một cách sai lạc, diệt hết tâm dục là thành tựu đất đá, tu hành để thành đất đá thì còn có nghĩa gì là con người nữa phải không con? Nếu hiểu nghĩa như vậy là không đúng nghĩa của Phật giáo. Vì mục đích của Phật giáo là làm chủ nghiệp nhân quả và các cảm thọ. Cho nên, trong Tứ Niệm Xứ dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục có nghĩa là làm cho hết đau chứ không phải chỉ có giữ tâm bất động không. Mục đích của đạo Phật là chỗ tâm bất động, nhưng tâm bất động trong sự làm chủ nghiệp và các ác pháp bằng Tứ Thần Túc chứ không phải bất động trong sự chịu đựng của các ác pháp và sự chịu đựng của các cảm thọ.

Cho nên, sự hiểu biết của con như vậy là sự hiểu biết theo kinh sách phát triển, là sai không đúng nghĩa của Phật giáo.

Đức Phật dạy:

“Thiên thượng thiên hạ

   Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”

Tạm dịch:

Trên trời, dưới trời

Khắp trong thế gian

Con người là duy nhất

Làm chủ: sanh. già, bệnh, chết

TÂM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI PHÁP THÌ TÁC Ý: TÂM THANH THẢN, AN, LẠC VÀ VÔ SỰ, CÒN CÓ CHƯỚNG NGẠI PHÁP THÌ TÁC Ý: ÁC PHÁP LUI!

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi:Xin Thầy cho con biết khi nào thì nhắc câu tác ý “Thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự.” và câu “Ác pháp lui đi”.

 Đáp:Khi nào thân tâm con bình an yên ổn thì thỉnh thoảng con tác ý một lần: “Thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự”, để duy trì trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, còn khi thân tâm con bị chướng ngại pháp tức là bị các cảm thọ, bị trạo cử, bị các niệm ác xen vào hay bị hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không thì con nên tác ý: “Ác pháp lui đi” hoặc con tác ý rõ ràng hơn từng đối tượng của nó như: đầu, cổ, tay, chân, lưng, ngực, bụng: “Thọ là vô thường, cái đầu đau nhức này phải lui đi và thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự” hoặc về tâm thì con bảo: “Tâm là vô thường, ái kiết sử này phải ra khỏi nơi đây, thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự”.

KHI TÁC Ý BỆNH LUI ĐI CÓ PHẢI LÀ TƯỞNG KHÔNG?

Câu hỏi của Kim Quang

Hỏi: Khi con ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các cảm thọ hay các hành xuất hiện con dùng câu tác ý “Ác pháp lui đi”. Khi con nhắc như vậy thì các cảm thọ hay là các hành mất ngay, nhưng sau đó thì các cảm thọ hoặc hành khác mới xuất hiện và con lại nhắctiếp đuổi bọn nó đi. Con thấy rằng những cảm thọ và các hành này giảm dần về cường độ mạnh và nhỏ đi.  (Con không biết con có bị Tưởng hay không?)Và cứ như vậy suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Xin Thầy chỉ dạy kỹ lại cho con hiểu rõ để con biết đúng phương hướng tu tập không phải rơi vào Tưởng. Cám ơn Thầy.

Đáp:Con nên lưu ý kỹ về pháp môn Tứ Niệm Xứ mà đức Phật đã dạy:“Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời”.Cụm từ này cần phải hiểu rõ nghĩa:“Khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục tham ưu ở đời có nghĩa là làm cho hết đau khổ và hết ưu phiền. Vậy phải làm bằng cách nào? Căn cứ vào bài kinhnào mà chúng ta khắc phục được bệnh khổ nơi thân?

Con hãy đọc lại đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn này: “Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán... Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”. Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. (Kinh Trường Bộ tập I trang 582 kinh Đại Bát Niết Bàn).

Đọc đoạn kinh này chúng ta nhận xét rất rõ khi bị bệnh đức Phật giữ tâm chánh niệm tỉnh giác không một chút rên la đau đớn:“Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán”.Đây là cách thức giữ tâm bất động trong cơn đau dữ dội. Có lẽ con đã biết cách giữ tâm chánh niệm tỉnh giác rồi chứ. Giữ tâm chánh niệm tỉnh giác tức là nhiếp tâm an trú trên thân hành nội hoặc thân hành ngoại.

Khi nhiếp tâm an trú được trên thânhành nội hay ngoại thì bắt đầu nhiếp phục bệnh đau trên thân. Con hãy lắng nghe Phật dạy tiếp: “Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy, duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy. Vậy Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy là làm gì?

Với sức tinh tấn tức là siêng năng; nhiếp phục bệnh ấy tức là tác ý ngay bệnh đau đó ra khỏi thân tâm, như đứcPhật đã dạy: “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt”.

Với cảm nhận của con về sự tác ý đuổi bệnh ra khỏi thân, cơn đau giảm từ từ, đó không phải là tưởng.

TU TỨ NIỆM XỨ CÓ CẦN NGỒI KIẾT GIÀ HAY KHÔNG?

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con muốn hỏi Thầy về việc ngồi kiết già có cần thiết hay không?

Hiện nay con chỉ ngồi trên ghế thường thôi. Con có cố gắng ngồi kiết già mỗi ngày 10-15 phút, nhưng sau đó con thấy chân bị đau.

Con nghĩ việc ngồi kiểu gì đâu có quan trọng, quan trọng là tâm ly dục ly ác pháp phải không Thầy?

Đáp:Đúng vậy, hiện giờ sự tu tập của con, quan trọng nhất là ở chỗ tâm bất động ly dục ly ác pháp, chứ không phải ở chỗ ngồi kiết già, cho nên sự tu tập của con là phải tu tập trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Đi, đứng, nằm, ngồi cách nào cũng được, miễn: đi, đứng, nằm, ngồi sao cho thoái mái, dễ chịu, an ổn v.v..

Tâm bất động ly dục ly ác pháp là tâm thanh thản an lạc và vô sự. Tâmthanhthản an lạc và vô sự là tâm Tứ Niệm Xứ. Như vậy con đang Tứ Niệm Xứ: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”.Có các chướng ngại trên thân, thọ, tâm và các pháp thì phải đuổi ngay liền. Cho nên,không cần phải ngồi kiết già, nhưng nếu ngồi được kiết già cũng tốt vì nó là tướng phước điền nên nhiếp phục được mọi người khi họ nhìn thấy con đang tu tập.

Tóm lại,khi tu tập Tứ Niệm Xứ để diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp thì không cần ngồi kiết già, ngồi cách nào tu tập cũng được.

PHỤ CHÚ III

SỐNG TẺ NHẠT, ĐƠN ĐIỆU, BUỒN CHÁN, LÃNG PHÍ THỜI GIAN

Câu hỏi của N.C

Hỏi 1:Kính thưa Thầy! Nhìn thấy cuộc sống của mọi người trong tu viện sao tẻ nhạt, đơn điệu quá. Thầy chỉ nhận chúng về đây tu học chứ không bắt chúng làm công quả nặng nhọc như những chùa khác. Chúng sống như thế có buồn chán hay lãng phí thời gian không thưa Thầy?

Đáp:Khi đã trực tiếp về đây tu học theo giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật, thì con đã biết độc cư là bí quyết thành công của sự tu tập thiền định. Vậy sao con hỏi câu này với ý nghĩa gì hỡi con? Ở đây tu viện không có mời thỉnh một ai về đây sống độc cư để cho tâm hồn họ buồn chán, tẻ nhạt, đơn điệu và lãng phí thời gian, chẳng có ích lợi gì cho bản thân, cho đời, cho đạo. Mà chính mọi người về đây đều phải tự nguyện, tự giác chấp nhận nếp sống tẻ nhạt, đơn điệu này. Đó là nếp sống của tu viện như vậy, nếu ai không bằng lòng, không chấp nhận nếp sống này thì chắc chắn sẽ không tu tập theo giáo pháp Nguyên Thủy được.

Sự tu tập này là đem lại lợi ích cho bản thân người tu, chứ không phải làm lợi ích cho người khác, nếu ai thấy nếp sống này không lợi ích, tẻ nhạt, đơn điệu, buồn chán, lãng phí thời gian thì không nên đi con đường này. Phải không con?

Con có biết không? Vì có sống tẻ nhạt, đơn điệu mới nhận ra từng tâm niệm làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ cả hai. Đó là phương pháp chứng đạt đạo đức chân lý của đạo Phật. Vì thế, tu viện chấp nhận một nếp sống tẻ nhạt, đơn điệu, li dục, li ác pháp không giống như nếp sống ồn ào chạy theo dục và ác pháp như ngoài đời.

Nếu không chấp nhận sống tẻ nhạt, đơn điệu thì nên sống như người ngoài đời. Có ai bắt buộc ai phải sống nhàm chán, tẻ nhạt, đơn điệu lãng phí thời gian chôn vùi một đời người trong đau khổ đâu?

Như con đã biết: đời phải sống đúng đời, đạo phải sống đúng đạo; đạo đời không thể lẫn lộn; đạo đời lẫn lộn không phải đạo. Có phải vậy không con?

Ở trong đạo tập họp nói chuyện là phá hạnh độc cư, là phi đạo, phi đời. Đời chẳng giống đời, đạo chẳng giống đạo. Ngày xưa, đức Phật gọi những người hay tập họp nói chuyện là ngoại đạo.

Tại sao con lại có tâm niệm cho rằng: sống hạnh độc cư của những bậc vượt thoát trần lao là đơn điệu, tẻ nhạt, buồn chán, lãng phí thời gian?

Nếu con đem đời sống thất tình lục dục của con người bình thường mà lồng ghép trong hạnh độc cư của những bậc thoát dòng tục lụy thì làm sao con chẳng cảm thấy tẻ nhạt, đơn điệu, buồn chán, lãng phí thời gian. Phải không con?

Thầy nghĩ rằng với kiến thức của con hiện có, chưa phải thiếu sáng suốt như vậy mà con hỏi những câu hỏi này quả là trí tuệ con đang bị đám mây mù che khuất. Bởi vì con đã từng đọc sách của Thầy thì lý đâu con như người chưa từng đọc, như người chưa hiểu gì cả. Tâm con đang bị điên đảo tưởng, điên đảo tâm, điên đảo tình cảm. Phải không con?

Vì lợi ích Thầy không bắt buộc mọi người về đây tu tập làm công quả nặng nhọc như các chùa khác, chỉ muốn cho họ đừng phí thời giờ tu tập, nên ghép họ vào nếp sống độc cư, nhưng họ tu tập không đúng cách, còn thừa thời giờ nhiều nên sinh ra buồn chán, đi tập họp nhau nói chuyện, phá hạnh độc cư, như vậy họ rấtlãng phí thời gian và rất tội nghiệp. Bỏ đời vào chùa tu tập xả tâm, thế mà lại phá hạnh độc. Phá hạnh độc cư có lợi ích gì. Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo như trên đã nói. Tiếc thay! Uổng thay! Phí cả một đời người.

VỊ A LA HÁN TỪ TUỆ SINH ĐỨC HAY TỪ ĐỨC SINH TUỆ

Câu hỏi của N.C

Hỏi 2:Kính thưa Thầy! Trên bước đường Thầy đào tạo A La Hán tương lai thì giữa Đạo đức và Trí tuệ Thầy chú trọng mặt nào hơn? Vị A La Hán đó từ Tuệ sanh Đức hay từ Đức sanh Tuệ?

Đáp:Thầy đào tạo bậc A La Hán đúng theo tiêu chuẩn của đức Phật đã dạy: ‘Trí tuệ ở đâu thì đức hạnh ở đó, đức hạnh ở đâu thì trí tuệ ở đó; trí tuệ làm thanh tịnh đức hạnh, đức hạnh  làm thanh tịnh trí tuệ?”.

Câu hỏi của con trí tuệđức hạnh là hai pháp. Đó xác định sự hiểu biết của con về đạo Phật chưa toàn diện. Chưa hiểu rõ đạo Phật nên con mới hỏi Thầy: “Đào tạo A La Hán tương lai thì giữa đạo đức và trí tuệ Thầy chú trọng mặt nào hơn?”. Con đã từng đọc sách Phật mà lại hỏi Thầy. Như vậy con có ngớ ngẩn không ?

Trong đạo Phật đức hạnh là giới luật, ngoài giới luật đi tìm đức hạnh thì không bao giờ có. Cho nên, đức hạnh của Phật là giới luật. Vì vậy Phật dạy: “Đức hạnh ở đâu thì trí tuệ ở đó”. Con có nghe lời dạy này chăng?

Bậc A La Hán đức hạnh và trí tuệ là một. Còn phàm phu thì trí tuệ là trí tuệ, đức hạnh là đức hạnh. Cho nên, trí tuệ và đức hạnh là hai pháp. Do đó, người đời thường hay đau khổ vì trí tuệ không có đức hạnh, nên tâm tham, sân, si, mạn, nghi lẫy lừng.

A La Hán không phải từ tuệ sinh đức, mà cũng không phải từ đức sanh tuệ. A La Hán là trí trong đức, đức trong trí. Người có trí tuệ đức hạnh không làm khổ mình, khổ người là A La Hán. Do trí tuệ đức hạnh như vậy tâm mới vô lậu. Tâm vô lậu là quả A La Hán tại đó, không cần tìm đâu xa, không tu tập thêm gì cả.

KHẨU KHÍ A LA HÁN

Câu hỏi của N.C

Hỏi 3:Kính thưa Thầy! Bài Thần Thông tác giả Nguyên Thanh thay Thầy trả lời câu hỏi. Ngòi bút của cô quá thẳng như nhát roi quất mạnh vào lưng người hỏi. Đọc xong người ta không tỉnh ngộ mà còn phẫn nộ. Có người bảo Nguyên Thanh bản ngã cao, Thầy cho đó là khẩu khí của A La Hán, con không biết nghiêng về phía nào?

Đáp:Nguyên Thanh viết bài Thần Thông là để trả lời cho những người hiểu sai Phật giáo, thẳng thắn vạch trần những tư tưởng xuyên tạc Phật giáo, cố ý dìm Chánh pháp, dìm đạo đức chân chánh của Phật.

Theo Thầy hiểu: Nguyên Thanh nói như vậy còn nhẹ, vì những người này là Nhất Xiển Đề trong Phật giáo. Có lẽ con quá yếu đuối trước thế lực của tà đạo hay có sự mặc cảm nào, vội lên án Nguyên Thanh ngã mạn cao, “nói như roi quất vào lưng họ. Người hiểu Phật pháp sai, nên dạy cho họ biết cái sai, để không còn hiểu sai nữa là ơn, chứ sao lại thành oán, dù là lời nói thẳng mạnh, nhưng không mạ lị, mạt sát người.

Con có nghe đức Phật nói về Nhất Xiển Đề không? Nhất Xiển Đề là những người không thể giáo dục, cảm hóa được, những hạng người này cần phải nói thẳng, đập mạnh như đức Phật ngày xưa đã từng chỉ thẳng mặt Nhất Xiển Đề, Ngài bảo:“Ông là người ngu si, là vô giáo dục”. Nhờ có nói thẳng, đập mạnh như vậy mới khiến họ dẹp bỏ tính vô minh, kiến chấp. Thuốc đắng đã tật. Con có biết không?

Trong đạo Phật thường dạy: “Thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người”, còn ở đây Thầy nhờ Nguyên Thanh trả lời dùm, nên Nguyên Thanh phải trả lời hết ý theo bài luận vấn nạn, mạt sát, mạ lị người của Đại Thừa. Vì thế, Nguyên Thanh phải vạch rõ những cái sai của người dốt mà hay nói chữ.

Người viết văn còn sai lầm văn phạm và chính tả thì không nên phê bình văn ai cả, thế mà dốt lại dám phê bình văn của kẻ khác, thì Nguyên Thanh chỉnh lại để sau này họ viết văn cẩn thận tốt hơn, đấy là làm ơn, chứ đâu phải nói nặng người.

Vì Chánh pháp của Phật, khi tu hành chưa chứng đạt chân lí, mà dám cầm bút phê bình người chứng đạt chơn lí, thì việc làm ấy quá nông cạn, không biết mình, không biết người. Cho nên, Nguyên Thanh khuyên bảo: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đó là một lời khuyên rất tốt, rất đúng. Sao lại bảo Nguyên Thanh bản ngã cao?

Nếu không có Nguyên Thanh thẳng thắn khuyên bảo thì ngựa quen đường cũ, cứ vẫn viết văn phê bình người khác thì càng lộ tẩy cái ngu dốt của họ cho mọi người khác biết thì rất tội nghiệp. Như vậy, Nguyên Thanh đã làm ơn, chứ đâu có gieo oán với ai đâu. Vậy mà Nguyên Thanh mang tiếng bản ngã cao.

Người Nhất Xiển Đề không bao giờ tỉnh ngộ, không bao giờ thấy lỗi lầm, chỉ biết phẫn nộ, nhưng phẫn nộ là địa ngục, Nhất Xiển Đề luôn luôn mở cửa địa ngục.

Nguyên Thanh nói thẳng mạnh để các hệ phái phát triển biết rằng: “Những pháp môn của các ngài đều sai, không phải chỉ có một mình Thầy Thông Lạc biết mà còn có nhiều người biết nữa, như: Minh Điền, Thu Phương, Hạt Cát, Diệu Quang, Mật Hạnh, Nguyên Thanh...”.

Ví dụ có một người nói sai về ba mẹ con, con phải làm sao? Hay phải nhỏ nhẹ năn nỉ ông ta.

Khi gặp sự bất bình nói sai về cha mẹ mình, ít ra con phải nói cho ông ta biết rằng: “Ông nói như vậy là không đúng về cha mẹ tôi. Biết thì ông nói, còn không biết thì ông đừng nên nói”. Đó là lời khuyên tốt, chứ đâu mắng chửi ông ta. Có phải vậy không con? Khi người ta phân giải đúng sai, phải trái, lại bảo người ta bản ngã cao. Con nói như vậy có đúng không?

Phân tích cho người ta biết cái hiểu sai để người ta sửa, bằng một lời khuyên chân tình. Khi đọc bài Thần Thông họ đã nhận được cái sai của mình thì hết sức cám ơn Nguyên Thanh. Còn con đọc bài Thần Thông, thì cho là Nguyên Thanh bản ngã cao.

Khuyên người làm sai không nên làm sai nữa, thì bị các con lên án, sau này có ai làm sai, chắc không dám nói thẳng và khuyên bảo nữa. Như vậy cuộc đời này sẽ ra sao?

Nguyên Thanh dám dùng lời nói thẳng thừng khuyên dạy người trong khi mình tu chưa chứng. Đấy không phải khẩu khí làm Thầy thiên hạ sao? Con có thấy điều này không?

Để trả lời câu hỏi này, con không biết nghiêng về phía nào, Như vậy đợi Nguyên Thanh chứng quả A La Hán sẽ trả lời câu hỏi của con.

Một lần nữa, lời Thầy nói chưa đủ lòng tin. Vậy con hãy đợi đức Phật vị lai ra đời sẽ trả lời câu hỏi này của con.

Trong thời đức Phật còn tại thế mọi người đang theo Phật tu hành, khi nghe người ta nói xấu Phật có thai với một phụ nữ, mọi người không suy nghĩ kỹ, vội bỏ Phật không theo tu nữa. Người ta đã hiểu lầm, khi một người tu chứng đạt chân lí thì dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu đã được làm chủ và đoạn diệt thì làm sao lại có chuyện có thai với người phụ nữ. Họ nói và hiểu người tu chứng đạt chân lí như kẻ phàm phu. Họ đâu biết rằng: Khi chứng đạt chân lí thì thân tâm người tu hành thanh tịnh, trong sạch, không còn bẩn thỉu, ô trược, uế nhiễm mùi tục lụy thế gian.

Đối với đức Phật ngày xưa, Ngài tu hành chứng đạt chân lí cho Ngài, giải thoát cho Ngài, chứ đâu phải tu hành để cầu mọi người theo mình. Sau khi tu hành chứng đạt chân lí, Ngài thấy mình được giải thoát hoàn toàn, nên vì lòng thương chúng sanh mà đem giáo pháp dạy lại cho con người. Cho nên, ai theo Phật tu tập thì Phật phải nhọc nhằn, không ai theo Phật tu tập thì Phật thảnh thơi. Còn Thầy thì sao? Các con không tin, không theo Thầy tu hành thì Thầy thảnh thơi. Danh lợi làm chi cho nhọc nhằn. Phải không con?

Hạt Cát, Thu Phương, Minh Điền, Mật Hạnh, Diệu Quang, đã vạch trần cái hiểu biết sai lầm của người khác, nhưng không có lời khuyên bảo như Nguyên Thanh nên không bị mọi người lên án ngã mạn cao.

Cuộc đời con luôn học đạo đức với Thầy mà lại nghĩ xấu về người khác, trong khi Phật dạy: “Thấy lỗi mình không nên thấy lỗi người”. Thầy không có dạy con vạch lỗi người khác, thế mà con vạch lỗi, nói xấu người khác, trong khi Nguyên Thanh là một bạn gái đồng tu như các con; trong khi Nguyên Thanh chưa có một lỗi lầm nào với các con. Vậy mà các con nỡ lòng nào nói những lời như vậy; trong khi Nguyên Thanh chỉ vâng lệnh, trả lời giúp Thầy, nhưng đều phải qua sự duyệt lại của Thầy. Các con chê bài viết của Nguyên Thanh là ngã mạn cao tức là các con cho Thầy là ngã mạn cao. Các con có hiểu không? Các con không kém gì số người ở hệ phái khác đã từng nói Thầy ngã mạn cống cao chê các Tổ.

Sau thời gian về đây tu tập, Thầy tưởng các con tu tập xả tâm tốt, nhưng không ngờ...

Mọi người đều nghi ngờ Thầy như các con thì đạo đức nhân bản - nhân quả sẽ không có mặt trên thế gian này. Đạo đức nhân bản - nhân quả sẽ không có mặt trên thế gian này thì mọi người sẽ tìm hạnh phúc trong sự làm khổ mình, làm khổ người, và loài người sẽ đi về đau!?  Các con có biết không?

KHẢ NĂNG LÀM VIỆC PHI THƯỜNG

Câu hỏi của N.C

Hỏi 4: Kính thưa Thầy!Tháng hè con ở tu viện Chơn Như thấy Thầy và cô Út làm việc vất vả cật lực thậm chí không có thời gian để nghỉ ngơi. Thầy từng nói thân Thầy cũng vô thường như thân con. Vậy sao Thầy và cô Útcó khả năng làm việc phi thường đến như thế?

Đáp:Thầy và cô Út không có sức khoẻ phi thường như con nghĩ, Thầy và cô Út làm việc vì lợi ích cho mọi người sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, nên vui vẻ. Vì thế mà việc làm khỏe hơn.

MANG LẤY NGHIỆP THẢM HẠI

Câu hỏi của N.C

Hỏi 5:Kính thưa Thầy! Những người về Chơn Như tu học có người thật sự nhiệt tâm tu, tu rất tốt nhưng lại không chứng quả A La Hán còn mang lấy nghiệp thảm hại. Thầy có thể nói rõ nguyên nhân để những người sau biết đường tu, tránh dẫm lên bước chân lầm lạc.

Đáp:Tại sao con hỏi như vậy? Có ý nghĩa gì? Những người về tu viện Chơn Như có người tu thật sự nhiệt tâm, tu rất tốt nhưng lại không chứng được quả A La Hán, còn mang lấy nghiệp thảm hại. Con hỏi như vậy có nghịch lý không con?

Tại sao tu thật nhiệt tâm, tu rất tốt nhưng không chứng quả A La Hán mà con mang lấy nghiệp thảm hại?

Một câu hỏi không có lý, một người tu thật nhiệt tâm, tu rất tốt, ngay trong sự tu tập nhiệt tâm buông xả, rất tốt buông xả là đã chứng quả A La Hán ngay đó rồi, vì nhiệt tâm và rất tốt buông xả thì tham, sân, si đã quét sạch thì quả A La Hán tại đó con ạ! Tâm còn tham, sân, si thì còn mang lấy nghiệp thảm hại; tâm hết tham, sân, si thì còn mang lấy nghiệp thảm hại chỗ nào được? Cho nên, tâm tham, sân, si sạch thì quả A La Hán tại chỗ đó như đã nói trên.

Những người về tu viện Chơn Như tu tập xả tâm chưa sạch, nhưng vẫn làm muội lượt tham, sân, si. Tham, sân, si muội lượt thì sự đau khổ cũng giảm rất nhiều và như vậy còn mang nghiệp thảm hại ở chỗ nào? Khi người ấy biết xả tâm.

Ở tu viện đâu có dạy trộm cướp, giết người mà phải mang lấy nghiệp thảm hại vào thân. Chỉ có những người về tu viện không tu tập dụm năm, dụm ba nói xấu người này, nói xấu người kia thì phải mang lấy nghiệp thảm hại vào thân; chỉ có những người về đây tu tập kết phe, kết đảng, li gián, gây rối thì những người này mới mang lấy nghiệp thảm hại vào thân.

Những ngày qua các con tu tập nói chuyện quá nhiều, nên mang lấy nghiệp thảm hại vào than. Các con có biết không?

Nghiệp thảm hại là gì các con có biết không? Đó là những sự kiện xảy ra làm cho thân tâm bất an. Thân tâm bất an thì tu hành rất khó khăn, có khi phải bỏ cuộc trở về thế tục.

Thầy rất đau xót khi thấy các con tập họp nhau nói chuyện thì công lao dạy dỗ của Thầy như nước chảy qua cầu, còn gì nữa đâu. Phải không con ?

HAI TÂM ĐÓ CÓ KHÁC NHAU KHÔNG?

Câu hỏi của N.C

Hỏi 6:Kính thưa Thầy!Mục đích của người tu theo Thiền tông, để trở về với tâm Chân Như, còn tu theo pháp Nguyên Thủy của Thầy thì sống với tâm bất động trước ác pháp, hai tâm đó có khác nhau không vậy Thầy?

 Đáp: Tâm Chân Như là tâm chẳng niệm thiện, niệm ác. Tâm chẳng niệm, thiện niệm ác là tâm tưởng không niệm. Tâm tưởng không niệm là tâm chẳng có ích lợi gì cho đời sống tu hành giải thoát của mình, tâm Chân Như khi xả ra, trở lại tâm bình thường thì tham, sân, si vẫn còn dẫy đầy, không muội lượt chút nào.

Ngược lại, tâm bất động Nguyên Thủy không có nghĩa là tâm không có niệm thiện, niệm ác. Tâm bất động Nguyên Thủy là tâm ly dục ly ác pháp, nên tâm tham, sân, si đều xả sạch; tâm bất động là tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

DUY TRÌ TUỔI THỌ

Câu hỏi của N.C

Hỏi 7:Kính thưa Thầy! Nếu chưa đào tạo được A La Hán kế tiếp mà Thầy nhập diệt, con e rằng Chánh pháp sẽ bị dìm mất lần thứ 2. Thương chúng sanh đau khổ Thầy có thể nào duy trì tuổi thọ lâu dài hay hóa sanh trở lại tiếp tục dẫn dắt đàn con qua bờ bên kia không Thầy?

Đáp:Nếu mọi người về đây không lo tu tập xả tâm, thường phá hạnh độc cư, hội họp nói chuyện. Đó là phước báo của chúng sanh đã hết, không còn đủ duyên với đạo đức nhân bản - nhân quả, thì Thầy đào tạo A La Hán làm chi nữa cho khổ nhọc. Viết sách đạo đức có lợi ích gì cho ai nữa. Trường hợp này Thầy sẽ đi ẩn bóng là vừa, và cũng là sự ra đi vĩnh viễn, để ngày mai có những vị Phật tương lai ra đời dạy họ tu tập tốt hơn.

GÓP PHẦN VÀO VIỆC GIỮ GÌN VÀ XÂY DỰNG CHÁNH PHÁP

Câu hỏi của N.C

Hỏi 8:Kính thưa Thầy! Là đệ tử tại gia của Phật, chúng con cũng muốn đóng gópmình cho việc giữ gìn và xây dựng Chánh pháp. Chúng con có thể làm được những gì, nhất là trong thời còn Đại Thừa đang phát triển mạnh, ác pháp đang lan tràn, làm con người sống trong đảo điên tâm tưởng.

Đáp: Muốn góp phần vào việc giữ gìn và xây dựng Chánh pháp thì phải tu tập và giữ gìn giới hạnh đúng pháp như trong những ngày Thọ Bát Quan Trai, rồi đem sự tu tập này áp dụng vào đời sống hằng ngày xả tâm để thực hiện đạo đức làm người sống không làm khổ mình, khổ người. Đó là góp phần vào việc giữ gìn và xây dựng Chánh pháp.

Muốn góp phần vào việc giữ gìn và xây dựng Chánh pháp không phải ở chỗ xây dựng cơ sở, không phải ở chỗ in kinh sách nhiều mà ở chỗ mỗi người phải sống có đạo đức: đừng nói những lời li gián, đừng nói xấu người khác, đừng tranh chấp hơn thua, đừng vì danh, vì lợi mà vì sống lợi ích cho mình, cho người.

BẤT KÌ TÔN GIÁO NÀO ĐỀU CÓ NHỮNG LÝ LUẬN: “ĐÂY LÀ TRỰC ĐẠO, ĐÂY LÀ CHÁNH ĐẠO…”

Câu hỏi của N.C

Hỏi 9:Kính thưa Thầy! Bất kì một tôn giáo nào, một hệ phái nào cũng đều có những lí luận chứng minh pháp môn mình là đúng, là chân chánh. Còn đối với pháp môn Nguyên Thủy của ta phải chăng cần thể hiện qua sự thực hành, qua gương hạnh sống hơn là lí luận phải không Thầy?

Đáp:Đúng vậy, thể hiện qua sự thực hành sống đức hạnh là cái gốc, nhưng đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì “Tri hành phải hợp nhất”.Cho nên, kinh sách Nguyên Thủy có những lý luận sắc bén dựng lên sự chân thật rõ ràng và cụ thể toàn diện sự thật của con người. Còn các tôn giáo khác và các tư tưởng triết học đều có lý luận chứng minh những điều họ nói ra nhưng chỉ đúng một phần nào sự thật, chứ chưa toàn diện. Cho nên những lí luận của họ thiếu thực tế, không cụ thể, còn có kẽ hở, nên gặp người trí vạch ra thì ai cũng nhận biết sự lí luận của họ còn ảo tưởng chưa như thật.

Phật giáo Nguyên Thủy lấy bốn sự thật của loài người chỉ rõ cho họ thấy, vì thế nên không bị ảo tưởng, hư tưởng lừa đảo.

Các tôn giáo và các hệ phái và các triết học không dựa vào sự thật toàn diện mà lí luận nên thường bị tưởng tri xen vào khiến cho lí luận của các tôn giáo, các hệ phái và các triết học thành phiến diện có nhiều kẽ hở sai sự thật.

CON NGƯỜI KHỔ VÌ THIẾU NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

Câu hỏi của N.C

Hỏi 10:Kính thưa Thầy! Ở trên đời có người khổ vì vật chất, có người khổ về tinh thần. Nhưng con xét thấy người ta khổ chỉ vì thiếu nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Con nhận thấy như vậy có đúng không thưa Thầy?

Phải chăng chỉ có người sống đúng theo Phạm hạnh của Phật mới thoát khổ hoàn toàn.

Đáp:Đúng vậy, Ở trên đời có người khổ vì vật chất, có người khổ về tinh thần, nhưng chỉ vì thiếu nền đạo đức nhân bản - nhân quả mà chịu khổ như vậy. Con nhận xét như vậy rất đúng.

Muốn thoát khổ hoàn toàn thì chỉ sống không làm khổ mình,khổ người. Đạo Phật ra đời dạy người thoát khổ cũng là vì mục đích này.

Chơn Như 13/7/2005

                                       Kính ghi

 Thầy của các con

BÀI XIN SÁM HỐI CỦA N.C

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Sau khi đọc xong “Trả lời những câu hỏi của N.C” thì chúng con đã hiểu và nhận ra cái sai của mình. Con xin thành tâm sám hối với Thầy và cả với Nguyên Thanh.

Quả thật cả một cuộc đời con học đạo đức với Thầy vẫn được nhắc khuyên: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Nay vì một phút nông cạn, thiếu nghĩ suy mà con đã quên đi lời dạy đó.

Vì chúng con hội họp nói chuyện phá hạnh độc cư nên bị cô Útkỷ luật đuổi ra khu ngoại trú và cũng từ bỏ phóng tâm chuyển sang phóng dật mà công phu tu tập của các con trong thời gian qua mất hết  “trở về con số 0”.

Chúng con chuốc lấy thảm hại vào thân chỉ vì không vâng lời Thầy dạy.

Thầy đừng buồn, đừng chán nản các con mà ẩn bóng ra đi vĩnh viễn nghe Thầy!

Chúng con đang cần có Thầy,nói đúng hơn nhân loại đang cần có Thầy chỉ dạy nền đạo đức nhân bản - nhân quả để cuộc đời này vơi bớt những khổ đau.

Nếu không tin vào Thầy thì con đâu phát nguyện đời này làm đệ tử của Thầy. Chúng con đã không có phước duyên sanh vào thời đức Phật,nhưng may thay có Thầy,bậc đoạn tận lậu hoặc,nếu không nương tựa vào thì chúng con biết nương tựa vào ai để tu học chứng đạt giải thoát.Thầy chính là vị Minh Sư của các con,giới luật là Đạo Sư của các con.

Nếu con không nghe lời chỉ dạy của Minh Sư, không theo sự chỉ đường của Đạo Sư (giữ gìn giới luật) thì các con sẽ tìm cầu giải thoát trong sự khổ đau rồi đây cuộc đời sẽ ra sao??? Từng dòng con viết lên đây là từng nỗi day dứt và hổ thẹn trong tâm con. Kính mong Thầy quán xét và từ bi cho chúng con được sám hối lỗi lầm.

Qua sự việc lần này con đã thấy được tầm quan trọng thiết yếu của hạnh độc cư khi tu tập theo pháp môn Nguyên Thủy.

Ngày mai con ra đời làm cô giáo sẽ luôn luôn khắc ghi lời dạy của Thầy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người. Đừng nhìn cuộc sống bằng sự đúng sai phải trái, mà hãy nhìn bằng đôi mắt nhân quả, thiện ác”.

Đó là phương châm xử thế, là cẩm nang giúp cho con vượt qua trở ngại cuộc đời.

Không bao lâu con sẽ trở về bên Thầy chính thức làm đệ tử xuất gia của Thầy. Con hứa từ đây về sau không dám coi thường giới luật, sai phạm giới luật, các con sẽ là những đứa con ngoan, không ngỗ nghịch làm buồn lòng Thầy nữa đâu.

Thầy hoan hỷ tha thứ lỗi lầm cho chúng con nhe Thầy!

Chơn Như ngày 24/7/2005

    Kính N.C

 

TB: Thầy ơi! Hồi nhỏ tới lớn con phạm lỗi nhiều lắm. Mỗi lần bị người ta trách mắng, con chỉ biết “xin lỗi” chứ không biết ghi bài sám hối.

Những gì con nói ra đây là sự hối hận thực tâm ngưỡng mong Thầy chấp nhận.

----&----

HẾT TẬP III

MỤC LỤC TẬP III

MỤC LỤC

 


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn  nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I (2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP III”

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP III

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2011

Đường Về Xứ Phật (tập 4)

Đường Về Xứ Phật (tập 4)

BÓNG THỜI GIAN

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”

LỜI NÓI ĐẦU

Người đi tu mà không học là tu mù, người có học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách”. Người tu có học hiểu mà không thưa hỏi kinh nghiệm của thiện hữu tri thức, tự kiến giải, tự tu thì cũng giống như người đi lạc trong rừng sâu chẳng biết đường ra. Cho nên sự tu hành theo Phật giáo không thưa hỏi, không nghiên cứu thông suốt giáo pháp tu tập thì trăm ngàn người đều tu sai, tu không tới nơi tới chốn, tu vô ích.

 Tự kiến giải tu, đó là một điều sai. Tu tập chưa tới đâu, vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành, thì cũng giống như người mù, dắt một bầy mù đi. Tất cả đều có thể sa hầm lọt hố và chết chùm nhau cả đám trong rừng sâu, trong biển cả, trong sa mạc v.v..

Tất cả những người tu theo đạo Phật hiện nay đều đang đi trên lộ trình này, đang lạc vào mê hồn trận của kiến giải, tưởng giải của các Tổ, của kinh sách các Tổ biên soạn viết ra.

Ngôn ngữ danh từ không đủ để diễn tả chính xác, những trạng thái kinh nghiệm tu hành.

Một khi, muốn hành động tu tập thân tâm một điều gì, thì cần phải thưa hỏi rất kỹ với một thiện hữu tri thức, một người tu hành đã chứng đạt chân lí. Đừng vội vàng nghe những lý thuyết suông của người tu hành chưa chứng đạt chân lí. Đó là sự kiến giải, tưởng giải của họ. Và các bạn cũng đừng tự nghĩ cho rằng mình đã hiểu, rồi cứ theo sự suy nghĩ hiểu biết đó mà tu tập, thì chẳng bao giờ tu tập có kết quả, chỉ dậm chân tại chỗ hoặc thành bệnh mà thôi.               

Sự tu tập như vậy chẳng tu tập đến đâu, mà còn dẫn đến chỗ tu sai lạc, nhất là sai lệch vào chổ thiền ức chế tâm, rất là nguy hiểm có thể bị điên khùng, tẩu hỏa nhập ma, thường tu hành không tiến bộ, tu mãi chẳng đi đến đâu, còn lại thêm bệnh tật khổ đau, chỉ uổng phí một đời tu, chẳng lợi gì cho mình cho người, còn hoài công vô ích.

 Trong phần vấn đạo vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, khiến cho mình thông suốt đường lối và phương pháp cách thức tu tập, không còn nghi ngờ đường lối và giáo pháp tu hành của Phật giáo là sai lạc nữa, khiến cho tâm mình tin chắc tu tập sẽ thành công, đến nơi đến chốn.

Bắt đầu tu tập từng bước một, không vội vàng, không nôn nóng. Mỗi bước tu tập là mỗi bước đi vững vàng, mỗi kết quả cụ thể. Tu tập như vậy, càng ngày càng thấy tiến bộ xả tâm rõ rệt, nhờ thế tu tập có kết quả như vậy, nên khiến mình thông suốt, đâu là Chánh pháp của Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo. Và cũng biết rất rõ tà giáo ngoại đạo đang xen lẫn trong giáo pháp của đạo Phật. Biết rõ như vậy, nên khiến cho mình vững vàng niềm tin ở Chánh pháp môn của mình đang tu tập. Đó chính là pháp môn của đạo Phật, chứ không còn sợ sai lạc vào tà pháp của ngoại đạo như trước kia nữa.

Từ lâu ai cũng đang sống trong sự vô minh, đen tối, mờ mịt, chẳng thấy rõ pháp môn nào của đạo Phật và pháp nào của ngoại đạo. Nhiều khi chúng ta nhận lầm pháp môn của ngoại đạo (Đại Thừa) là pháp môn của Phật. Đó là điều chắc chắn, mà không còn ai dám khẳng định giáo pháp Đại Thừa là giáo pháp chân chánh của Phật giáo.

Nhờ có vấn đạo ta mới thoát khỏi màn mây đen tối của các pháp tà sư ngoại đạo đang phủ mờ giáo pháp của Phật giáo từ bao thế kỷ nay.

 Nhờ có vấn đạo ta mới hiểu rõ, thế giới siêu hình và hữu hình đều là thế giới tưởng (thế giới không có thật).

 Nhờ có vấn đạo ta mới rõ thế giới hữu hình và siêu hình là thế giới tưởng của con người, nên mạnh tay đập phá cái thế giới siêu hình mê tín đó, đã gây biết bao nhiêu sự rắc rối, tạo biết bao nhiêu hao tốn tiền của và đau khổ của loài người, cũng vì cái thế giới đó, khiến cho con người đánh mất đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Từ thế giới siêu hình đó, con người đã mất đi sức tự lực, chỉ còn lại một tinh thần yếu đuối tha lực, luôn luôn biết dựa nương và cầu cạnh vào những hình ảnh trừu tượng, mờ ảo của những vị thần linh, của những vị Bồ Tát tưởng tượng thuộc tưởng tri do sự hoạt động của tưởng uẩn.

Bởi vậy chúng ta cần phải cảnh giác đừng để những mánh khóe lừa đảo của các nhà học giả giàu tưởng tượng.

Nhờ vấn đạo ta mới thấu rõ các pháp thế gian là do duyên hợp, nên ta dễ dàng buông xả thế giới hữu hình vật chất.

Nhờ vấn đạo ta đã biết rõ thế giới chúng ta đang sống, cũng chỉ là một thế giới tưởng của con người. Nhưng chúng ta đang bị trí tuệ u tối, vô minh che khuất từ biết bao nhiêu đời kiếp, khiến cho con người lầm chấp cho thế giới chúng ta đang sống là thật có. Do cho thế giới chúng ta đang sống là thật có nên dính mắc các pháp, chạy theo các pháp, tạo biết bao điều ác độc đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh, cũng vì thế mà con người chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác mãi mãi không bao giờ dứt.

 Nhờ có vấn đạo, ta mới biết cách tu tập xả ly, đoạn diệt thế giới hữu hình và thế giới siêu hình. Chính nhờ ly dục, ly ác pháp của ý thức và của tưởng thức mà thân tâm chúng ta mới được thanh thản, an lạc và vô sự.

Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ thiền định nào đúng hoặc sai của đạo Phật, không bị giáo pháp Bà La Môn lừa đảo.

Nhờ có vấn đạo ta mới thấu rõ đạo Phật có bốn loại định:

1/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

2/ Định Vô Lậu.

3/ Định Niệm Hơi Thở.

4/ Định Sáng Suốt.

Khởi đầu tu bốn loại định này bằng pháp môn Tứ Chánh Cần. Dùng bốn loại định này ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp, tức là diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

Nhờ có vấn đạo ta không rơi vào thiền ức chế tâm, và tu tập đúng thiền xả ly tâm, nên thân tâm chúng ta thường thanh thản, an lạc và vô sự như đất trời bao la giải thoát .

Nhờ có vấn đạo ta mới thông suốt “Tam Vô Lậu Học”. Đó chính là pháp môn của đạo Phật. Nhờ biết chính pháp môn của Phật nên không bị tà sư ngoại đạo nào lừa đảo, lường gạt chúng ta được.

Cho nên vấn đạo là một điều cần thiết cho những người mới tu, cũng như người tu lâu năm. Người mới tu cũng cần phải thưa hỏi kỹ để tu tập đúng cách, đúng pháp, nhờ đó tu hành mới có căn bản. Còn người đã tu lâu năm thì gặp nhiều trạng thái kỳ lạ, nhất là tu thiền tưởng, những trạng thái ấy xuất hiện, có khi đúng, cũng có khi sai. Nếu không thưa hỏi kỹ thì rất có nhiều tai hại và còn nguy hiểm đến tánh mạng là khác nữa. Nên vấn đạo có nhiều điều lợi ích rất lớn cho người mới tu, cũng như người tu lâu năm.

 Trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, người ta bảo rằng Phật giáo có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Nếu không vấn đạo rõ ràng, chúng ta sẽ bị kinh sách phát triển lừa đảo bằng 84 ngàn pháp môn và bằng câu kinh này:“Pháp pháp đều vô ngại và dung thông”. Theo như kinh sách thì pháp nào cũng của đạo Phật, người có duyên với pháp môn nào đều tu cũng tốt, cũng được giải thoát, cũng được giác ngộ tùy theo căn cơ của mỗi người có thấp, có cao nên pháp môn tu hành nào cũng vậy. Đó là lối lý luận sai không đúng của Phật giáo. Đức Phật dạy: “Ngoài Bát Chánh Đạo thì không có pháp môn nào của đạo Phật cả”.

 Cho nên hiện giờ, tất cả mọi người ai cũng tin lời nói này, nhưng không ngờ đã bị lừa đảo, bỏ hết sự nghiệp, gia đình, vợ dại, con thơ, cha già, mẹ yếu và cả cuộc đời mình, cuối cùng tu chẳng thấy gì là giải thoát, là làm chủ sanh tử luân hồi, đoạn diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình.

Bởi vậy, kẻ nào cho rằng tất cả các pháp môn đều tu cũng tốt, cũng được, cũng thiện, cũng được giải thoát, cũng chấm dứt đau khổ và luân hồi, thì đó là kẻ nông nổi, u mê, không biết tai hại về sau như thế nào? Không trí tuệ, thiếu nhận xét, nhắm mắt tin càng, tin bừa, để rồi phải ân hận về sau.

Nếu các pháp tu đều tốt, đều thiện, đều tu tập có kết quả giải thoát như nhau, thì đạo Phật ra đời để làm gì? Có phải bằng dư thừa không quý Phật tử?

Chúng ta nên tìm hiểu, tại sao đức Phật tu các pháp môn của ngoại đạo, nhập đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, nghiệm xét lại thấy thân tâm mình không giải thoát, để rồi tự mình phải tìm ra một giáo pháp, một đường lối, một đạo lộ tu tập đi đến giải thoát cứu kính làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác, thời bấy giờ không có pháp môn này.

Một giáo pháp chỉ có 49 ngày tu tập, nhiệt tâm, quyết chí xả ly, lìa tâm ham muốn, từ bỏ ác pháp, Ngài đã thành tựu đạo giải thoát, chứng quả Bồ đề.

Sáu năm trời khổ hạnh, Ngài tu tập mọi loại pháp môn, ức chế tâm, nhất là pháp môn hơi thở Ngài nín thở ức chế tâm tối đa, tưởng chừng như Ngài sắp chết. Nín thở Ngài tìm thấy pháp môn này không giải thoát, nên Ngài chuyển qua pháp môn ức chế thân khổ hạnh tối đa, ngày ăn bảy hạt mè hoặc một ít cháo đậu. Vì tiết thực nên cơ thể kiệt quệ, Ngài đi hết nổi. Nhờ bát sữa dê, phục hồi cơ thể, Ngài tỉnh táo và tư duy, biết các pháp ức chế thân tâm không thể tu tập đi đến giải thoát được, Ngài từ bỏ và viễn ly các pháp đó.

Qua sự tu tập của đức Phật, chúng ta rút tỉa ra được những kinh nghiệm thực tế và cụ thể. Các giáo pháp phát triển cùng tất cả các pháp môn của các tôn giáo trên thế gian này, đi đến kết luận không thể làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi của kiếp người.

Giáo pháp Ngài tìm ra được, là một giáo pháp không giống bất cứ một giáo pháp nào của Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác trên hành tinh này.

Vì thế, đạo Phật ra đời, không nhai lại bã mía của các tôn giáo khác. Pháp môn của Ngài đi từ sự tu tập sức tỉnh giác để giữ tâm trong chánh niệm, tức là xả tâm, ly dục ly ác pháp, không có một chút ức chế tâm nào cả.

Lấy tâm nương hành động của thân nội và ngoại tập tỉnh thức chánh niệm, để xả dục, xả ác pháp, tránh không đi vào trạng thái tĩnh lặng, ức chế tâm mà đi vào trạng thái đoạn diệt tâm tham, sân, si khiến cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự để đi vào trạng thái thanh tịnh bất động tâm, tức là định của đạo Phật.

Từ đó suy ra, ta biết pháp môn của đạo Phật, không giống một pháp môn nào của ngoại đạo. Vì thế, kẻ nào cho rằng 84 ngàn pháp môn là của Phật giáo, kẻ đó quá si mê, u tối bị tà giáo ngoại đạo lừa đảo mà không biết.

Bởi vậy, vấn đạo là một điều quan trọng hết sức trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, khi giáo pháp của đạo Phật đã bị pha trộn nhiều thứ pháp ngoại lai.

Vấn đạo khiến chúng ta hiểu rõ, phần đông giáo pháp ngoại đạo, phi đạo đức, dạy người cầu tha lực, thường mang đến tai họa khổ đau cho người hơn là mang đến hạnh phúc. Vì hướng dẫn con người đi vào cảnh giới siêu hình mang đầy tính chất mê tín, dị đoan, thần thánh hoá, lạc hậu v.v..

Cho nên, trong vấn đề tu tập theo đạo Phật, vấn đạo là điều cần thiết, để thăm dò các pháp môn, pháp nào đúng, pháp nào sai, pháp nào tu tập có kết quả, cụ thể và thực tế.

Qua cuộc vấn đạo trong bộ sách “Đường Về Xứ Phật”, quý vị đã được đọc, đừng vội vàng tin những lời nói trong đây, mà hãy suy nghĩ kỹ, nếu sách chỉ vạch chỗ phi đạo đức xét thấy là thật sự phi đạo đức, chỗ lý luận sai mà thật sai, chỗ tu tập giải thoát mà có giải thoát thật sự, chỗ mê tín lạc hậu, đúng là chỗ mê tín lạc hậu thật sự như vậy thì quý vị hãy tin, còn ngược lại thì quý vị đừng nên tin, vì chúng tôi cũng chỉ là một người như quý vị.

Qua một cuộc vấn đạo, chúng tôi trả lời chỉ muốn làm sáng tỏ lại đạo Phật mà thôi. Bởi vì, chúng tôi không muốn đạo Phật mất đi trên thế gian này, nhất là đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật. Một đạo đức sống“không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai”.

Nếu đạo Phật mất đi thì loài người trên hành tinh này, chịu thiệt thòi một điều rất lớn, một tai họa không thể lường được, một bằng chứng hiển nhiên trên hành tinh này không lúc nào mà chiến tranh chấm dứt. Con người giết con người không gớm tay và không thương xót, đó chỉ  vì, đạo Phật có mặt, nhưng đạo đức của đạo Phật đã mất từ lâu. Con người thiếu đạo đức làm người, một đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, trong khi khoa học lại tiến triển phát minh, những vật chất phục vụ đời sống con người rất tiện nghi. Vì vật chất tiện nghi này, tâm dục con người tăng trưởng, biến dần con người trở thành ác thú hung dữ. Từ đó con người tự sát mà không biết, tự làm khổ mà không hay, tự chuốc họa vào thân mà không ngờ, nếu không có một đạo đức quân bình với khoa học thì quả địa cầu này, một ngày nào đó sẽ bị hủy diệt, bởi tâm tham đắm của con người.

Người muốn tu theo đạo Phật cho đúng Chánh pháp của đức Phật, thì phải chịu khó nghiên cứu cho kỹ các pháp môn, vì kinh sách hiện giờ, toàn là của các nhà học giả biên soạn, đụng đâu viết đó theo sở thích của mình, không có kinh nghiệm tu hành, viết mà chẳng thấy trách nhiệm của mình, chỉ biết nêu tên tuổi (cầu danh). Họ đâu hiểu rằng soạn viết ra kinh sách như vậy là để lại một tai hại cho bao nhiêu thế hệ con người sau này, như kinh sách phát triển hiện giờ.

 Muốn soạn viết kinh sách có lợi ích cho người đời sau, thì phải có thực hành tu tập đến nơi đến chốn, đời sống phải có một đạo hạnh hẳn hoi, phải nhập được các định, làm chủ được sự sống chết, phải có Tam Minh, đoạn dứt các lậu hoặc, chấm dứt luân hồi sinh tử, thì soạn viết kinh sách mới có ích lợi thiết thực cho người đời sau, bằng ngược lại là giết người, không những giết một đời người, mà giết nhiều thế hệ con người. Xin quý Phật tử lưu ý những loại kinh sách đang được phổ biến hiện hành.

  Còn ngược lại, tu hành chưa đến đâu, đời sống đạo hạnh chưa ra gì, đức hạnh không có, giới luật vi phạm, thiền định chỉ có hình thức ngồi thiền, sống với những cấp bằng và những kiến giải suông, dựa vào sở tri, và nhai lại bã mía của người xưa viết soạn kinh sách, thì loại kinh sách đó, là kinh sách giết người,  giết cả bao thế hệ về tương lai.

Phần vấn đạo là phần rất quan trọng, nên chúng tôi muốn trả lời cho một câu hỏi nào, đều phải đứng trên lập trường đạo đức của đạo Phật mà trả lời.

 Những câu trả lời của chúng tôi, đều góp ý xây dựng lại nền đạo đức của Phật giáo đã bị tà sư ngoại đạo đã biến đạo đức của Phật giáo, thành một thứ đạo đức mê tín (nhân quả ba đời).

 Thiền định của đạo Phật đã biến thành thiền định ức chế tâm, để nhập vào các định tưởng, triển khai tưởng tuệ, biến thành một loại thiền miệng (khẩu đầu thiền). Còn loại thiền làm chủ sự sanh, già, bệnh, chết như Tứ Niệm Xứ; làm chủ sống chết và chấm dứt luân hồi như Bốn Thánh Định thì được xem là thiền Tiểu Thừa, là thiền phàm phu, là thiền ngoại đạo. Thật là đau lòng phải không quý Phật tử?                                      

Cuối cùng, chúng tôi ngưỡng mong những bậc cao minh, giới đức, đạo hạnh, vì con người trên hành tinh này, vì đạo đức xã hội, vì lợi ích thiết thực chung cho con người và vì đạo Phật, hãy vui lòng chỉ dạy cho chúng tôi, những điều còn sai sót, và cùng chung với chúng tôi xây dựng lại một nền đạo đức cho con người, để không còn ai tự làm khổ mình, làm khổ người thường mang đến cho mọi cá nhân con người một nguồn sống thanh thản, an lạc, vô sự và yên vui; một gia đình hòa hợp, hạnh phúc; một xã hội có trật tự an ninh; một đất nước phồn vinh thịnh vượng; một thế giới hòa bình, an lạc. Và thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo đang bị những trận cuồng phong tà giáo thổi tới tấp sắp bị tàn rụi.

Kính thưa các bậc Tôn túc! Quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni cùng quý vị nam nữ Phật tử bốn phương!

Phật giáo phát triển đã hoằng truyền một thời gian quá dài hơn 2500 năm không đủ để chúng ta xác định giáo pháp phát triển là một giáo pháp phi đạo đức, phi chân lí; một giáo pháp đầy mê tín, dị đoan, ảo tưởng; một giáo lừa đảo mọi người tu hành chẳng có kết quả giải thoát, chỉ tu danh, tu lợi, tu cấp bằng, tu chùa to, Phật lớn, tu trong dục lạc thế gian sao.

Vậy, kính xin quý vị Tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và nam nữ Phật tử bốn phương đại diện Giáo Hội Phật Giáo xem xét quán triệt đình chỉ ngay những kinh sách phát triển là giáo pháp không phải Phật thuyết, để triển khai kinh sách Nguyên Thủy xây dựng chương trình giáo dục đào tạo tám lớp (Bát Chánh Đạo) để giảng dạy đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người. Cho mọi người.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Ngày 5-11-1998

TRÍ VÔ HẠN VÀ HỮU HẠN

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin Thầy dạy cho con hiểu trí hữu hạn và vô hạn?

Đáp:Có lần Thầy đã giảng về trí hữu hạn và vô hạn rồi. Trí hữu hạn là sự hiểu biết có giới hạn, không vượt ra ngoài không gian và thời gian. Trí hữu hạn chỉ là sự hiểu biết trong thế giới hữu sắc mà thôi, sự hiểu biết còn bị hạn cuộc trong không gian và thời gian như trên đã nói, nên sự hiểu biết rất cạn cợt. Vì thế, thỉnh thoảng các nhà khoa học tìm kiếm hay phát minh ra một vật thể gì mới lạ thì con người hết sức vui mừng. Đó là một bằng chứng cho biết trí hữu hạn, sự hiểu biết rất hạn cuộc.

Đối với thế giới siêu hình, trí hữu hạn không thể nào hiểu biết nổi. Phần đông, người ta dùng tưởng tri, để hiểu biết, nên đã lầm lạc. Do đó tưởng tri của con người cho rằng con người có Linh hồn, Thần thức, Tiểu ngã, Phật tánh, Bản thể Vạn hữu, Đại ngã, Chơn Không, Chơn Như, v.v.. Người chết oan ức, chết bất đắc kỳ tử, linh hồn không đi đầu thai được, không chỗ nương tựa, sống vất vưởng theo cây cao bóng mát,thành ma, thành quỷ, đói khát bắt bớngười còn sống, bệnh đau hoặc tai nạn để được cúng bái, tế lễ. Những người làm tướng xông pha trận mạc dẹp giặc bảo vệ non sông, đất nước, khi chết linh hồn thành Thần, thành Thánh. Những người bỏ thế tục ly gia cắt ái vào rừng sâu núi thẳm tu hành, đến khi chết linh hồn thành Tiên, thành Phật, v.v..

Phải nói trí hữu hạn, chỉ là sự hiểu biết của con người trong hạn cuộc không gian và thời gian. Ngăn sông cách núi thì không thấy, tương lai thì không rõ, quá khứ, cách một đời, hai đời thì không biết, không nhớ.

Chỉ có trí vô hạn mới hiểu biết thế giới siêu hình, không gian và thời gian không còn hạn cuộc. Trí vô hạn tức là trí tuệ Tam Minh của nhà Phật. Muốn có trí vô hạn, chúng ta phải chịu khó tu tập, trau dồi thân tâm và xa lìa vật chất dục lạc thế gian, thường tránh xa các ác pháp (ly dục, ly ác pháp).

Người tu theo Phật giáo, phải tu tập theo lộ trình, “Giới, Định, Tuệ”và nhập bốn loại định hữu sắc, “Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền”tức là tịnh chỉ ngôn hành, tịnh chỉ khẩu hành, tịnh chỉ tưởng hành và tịnh chỉ thân hành. Khi đó, thân định trên tâm, tâm định trên thân, rồi hướng tâm đến Tam Minh, tâm đã viên mãn Tam Minh, thì trí vô hạn mới có.

Mục đích để đạt được trí vô hạn, hành giả phải nhập “Bất động tâm định”.Muốn nhập bất động tâm định, hành giả phải sống đúng giới đức và giới hạnh của đạo Phật. Nếu sống không đúng giới đức và giới hạnh, thì dù quý vị có tu pháp thiền định nào cũng chẳng có trí vô hạn, duy chỉ có pháp môn “Tam Vô Lậu Học”,tu tập mới có trí vô hạn mà thôi.

Tam Vô Lậu Học là pháp môn chia làm ba giai đoạn tu tập hay còn gọi là ba cấp tu học trong chương trình giáo dục đào tạo của Phật giáo:

1-        Tu tập đức hạnh không làm khổ mình, khổ người tức là ly dục ly ác pháp.

2-        Tu thiền định tức là phải nhập từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền đến Tứ Thiền.

3-        Tu tập Tam Minh tức là hướng tâm đến Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.

Sau khi tu tập xong ba giai đoạn này thì trí vô hạn hiện tiền.

KIẾN GIẢI

Câu hỏi của Viên Minh

 Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhà thiền gọi người tu rơi vào kiến giải, là như người chết mà như hồn phách chưa tan. Người tu như vậy có nhập định được hay không?

  Không nhập vào được định là do thân tâm yếu hay nghị lực không có, hoặc bị trạng thái nào cản trở mà không thể vượt qua được? Hay là tu đến đó không còn cách nào tu tập được nữa?

  Đáp:Người tu hành rơi vào “kiến giải”,là người tu thiền theo ngoại đạo, tu tập thiền định ức chế tâm, “dừng vọng tưởng”khi vọng tưởng dừng, hành giả rơi vào định tưởng, (Không Vô Biên Xứ Tưởng), từ đó triển khai tưởng tuệ, được xem như hành giả tu đến đây, có những “tiểu ngộ”hoặc “đại ngộ”về những công án và các kinh sách phát triển. Trên lộ trình này, hành giả tiếp tục đi sâu vào trạng thái tĩnh lặng, vượt qua không vô biên xứ, nhập vào trạng thái thức vô biên xứ, trạng thái này hành giả “triệt ngộ”,(ngộ tất cả các công án và kinh sách phát triển).

  Các loại thiền định này, không phải là thiền định xả tâm của đạo Phật (ly dục ly ác pháp) nên đắm chìm trong các pháp thế gian, tâm còn say mê ăn, uống, ngủ, nghỉ phi thời v.v.. và còn ham thích chùa to, tháp lớn, danh tiếng vang lừng. Vì tâm dục và ác pháp không trừ, nên con đường tu tập không thể nhập vào Chánh định, chứ không phải thân tâm và nghị lực yếu kém. Vì đã rơi vào kiến giải, tưởng mình như đã tu chứng, do đó bản ngã to lớn ra, cũng từ đó đường tu chấm dứt, chỉ còn biết lợi dụng kiến giải này, để buôn Phật, bán Pháp, làm cho cuộc sống danh lợi càng ngày, càng phát triển to lớn như một lãnh chúa.

Hạng tu sĩ này họ đâu biết rằng, kinh sách kiến giải của họ soạn viết ra, là đã giết biết bao nhiêu thế hệ con người đã qua.  Những kinh sách kiến giải này, đã đưa những người tu sĩ Phật giáo đi đến chỗ “Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo”.Giới luật chẳng nghiêm túc, đạo hạnh chẳng có gì, oai nghi tế hạnh thì thô tháo, ăn, nói, cười cợt không đúng cách, khiến mọi người nhìn thấy tu sĩ Phật giáo mà đau lòng. 

Những kiến giải này, được phổ biến sâu rộng, trong mọi từng lớp con người ở xã hội, khiến cho mọi người đều sống trong tưởng tuệ. Sống trong một thế giới mơ hồ, trừu tượng, ảo ảnh Phật tánh, Thượng Đế, Thần linh, v.v.. Họ đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ con người đi vào thế giới siêu hình, đến chỗ mê tín, cuồng tín, lạc hậu. Từ đó ông lên, bà xuống, bói khoa, bùa chú, trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ, cúng bái, cầu khẩn, tế tự, xin xăm, bói quẻ, xem ngày tốt xấu ngồi thiền nhập định tưởng, v.v..

Từ chỗ kiến giải đưa người tu sĩ chơn chánh của đạo Phật trở thành những tu sĩ của ngoại đạo, rồi tiếp tục lừa đảo, lường gạt tín đồ, bằng những hình thức tu hành ức chế tâm, tạo ra thế giới siêu hình tưởng, trừu tượng, ảo ảnh, mê tín dị đoan khiến bao nhiêu người hao tiền, tốn của mà chẳng ích lợi gì.

Kiến giải là một tai hại rất lớn cho người tu sĩ chân chánh, tưởng là thông suốt giáo lý kinh sách, thiền ngữ, nào ngờ sự thông suốt ấy lại là một tai họa hiểm nghèo cho kiếp đời tu sĩ, đi đến bước đường cùng của sự tu tập. Tu đến đây kể như đời họ chấm dứt, ngoài danh lợi họ không còn thấy gì khác hơn với một số ngôn ngữ bã mía của người xưa, họ chỉ biết cắm đầu vào những kiến giải đó mà thôi. Bởi vậy người tu sĩ chơn chánh, quyết tìm tu giải thoát cho cuộc đời mình, thì rất sợ kiến giải.

 Kiến giải không phải là trí tuệ hiểu biết chân thật mà là tưởng tuệ, phát triển theo chỗ ức chế tâm của thiền định tưởng.

 Cho nên trong nhà thiền gọi người tu, rơi vào kiến giải như người chết mà hồn phách chưa tan là vậy. 

 Người tu theo đạo Phật, phải cảnh giác, phải nghiên cứu kỹ các loại thiền định: loại thiền định nào ức chế tâm, là loại thiền định rơi vào kiến giải, chỉ có thiền định của đạo Phật, là Bốn Thánh Định, là loại thiền định xả tâm. Vì thế thiền định này không rơi vào kiến giải và đưa hành giả đến nơi giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi, sanh tử.

Bởi vậy người tu sĩ cần phải lưu ý, khi tâm thanh tịnh, tức là vọng tưởng vắng bóng trong lúc tọa thiền, thường phát khởi niệm kiến giải, cảm thấy như mình thông suốt nghĩa lý kinh sách và công án, thì coi chừng bị ma pháp tưởng. Đây không phải là trí tuệ mà chính là ma tưởng.

Người tu sĩ đã bị ma tưởng cũng giống như người chết chưa chôn. Do ma tưởng nhập, vị tu sĩ này bản ngã ngày một to lớn hơn, họ đang nuôi bản ngã ngược lại với đạo Phật diệt ngã xả tâm.

Từ chỗ tu theo đạo Phật, họ đã trở thành tu sĩ ngoại đạo mà không biết, cứ tưởng mình là tu sĩ Phật giáo. Hiện giờ tình trạng tu sĩ Phật giáo là như vậy.

Tóm lại, người tu sĩ Phật giáo phải cảnh giác với trí tuệ này, vì trí tuệ này là trí tuệ tưởng, được xem như là một trí tuệ nguy hiểm nhất, dẫn dắt chúng ta vào con đường phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, bế tắc sự tu tập giải thoát, chứ không phải trí tuệ giải thoát của Phật giáo. Xin các Phật tử hãy lưu ý cảnh giác xa lìa.

THIỆN PHÁP

Câu hỏi của Viên Minh

 Hỏi:Kính thưa Thầy! Người mới vào tu thiền định, giai đoạn cơ bản và sơ cơ của người mới tập tễnh vào thiền định. Vậy Sơ Thiền có phải theo lời Thầy dạy: Trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng đều sống trong thiện pháp, tức là tu tập Tứ Chánh Cần, thường ngăn ác diệt ác pháp và khởi thiện tăng trưởng thiện pháp.

  Thưa Thầy! Diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó có thanh tịnh. Phải không thưa Thầy?

 Đáp:Đúng vậy, Thầy dạy người mới sơ cơ tu tập thiền định cơ bản, lúc nào cũng phải sống trong thiện pháp. Muốn sống trong thiện pháp, thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp, chứ không phải ngồi thiền nhiều, ức chế tâm, dừng vọng diệt vọng như kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ dạy. Đó là đường lối tu tập thiền định của đạo Phật mà trong kinh sách Nguyên Thủy dạy rất rõ ràng: “Định Tư Cụ là Tứ Chánh cần”.

Câu hỏi thứ hai: Hành giả mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó có thanh tịnh hoàn toàn chưa? Hành giả diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó mới được thanh tịnh chứ chưa hoàn toàn chỉ mới nhập được Bất Động Tâm, làm chủ được tâm, tâm mới được thanh thản, yên tịnh và vô sự. Chính tâm mới được thanh thản, yên tịnh và vô sự là thiền định sơ khởi của đạo Phật.

Con nên ghi nhớ và phân biệt thiền của đạo Phật và Thiền Đông Độ, Thiền của Phật là chỗ tâm hết tham, sân, si, chứ không phải chỗ hết vọng tưởng; còn thiền Đông Độ và kinh sách phát triển là chỗ hết vọng tưởng.

 Người mới nhập Bất Động Tâm Định, chỉ làm chủ được đời sống (sanh y), chứ chưa làm chủ được thân, có nghĩa là làm chủ sanh, già, bệnh, còn làm chủ sự chết chưa được, phải đợi nhập xong Tứ Thiền. Con nên nhớ Bất Động Tâm Định chỉ có ly dục ly ác pháp, chứ chưa có diệt dục và diệt ác pháp. Vì vậy thân, thọ, tâm, pháp chưa làm chủ trọn vẹn, tức là lậu hoặc chưa xả sạch, còn phải trải qua một thời gian tu tập nữa.

Đây là giai đoạn đầu tiên của người mới tu tập Tam Vô Lậu Học “Giới, Định, Tuệ” mà giáo pháp của đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng. Thế mà người đời nay chẳng tu theo Chánh pháp của Phật, lại chạy theo tu giáo pháp của ngoại đạo (Thiền Đông Độ và giáo pháp phát triển). Cho nên tu mãi mà chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt sanh tử luân hồi. Họ chỉ sống trong ảo tưởng (Phật tánh, Tánh không, Tánh biết, Tánh nghe, Tánh Thấy và những trạng thái xúc tưởng hỷ lạc).

Tâm ly dục ly ác pháp là tâm mới thực hiện được sự thanh tịnh giới luật, tức là giới luật nghiêm tịnh, không còn vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Còn muốn thân, thọ, tâm, pháp thanh tịnh thì phải tu tập “Tứ Niệm Xứ”. Khi tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện, nhờ Tứ Thần Túc chúng ta mới nhập “Tứ Thánh Định và thực hiện Tam minh”, tức là tu tập hai giai đoạn sau: Định và Tuệ”.

Muốn diệt lậu hoặc cho sạch, tức là ngũ triền cái và thất kiết sử thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ rồi nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và thực hiện Tam Minh mới làm chủ được thân, thọ nghĩa là thân, thọ mới được thanh tịnh, tức là bệnh tật, sống, chết đã được tự tại theo ý muốn (bệnh, tật, sống, chết không còn chi phối thân, tâm).

Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, diệt sạch gốc lậu hoặc (không còn đi tái sanh luân hồi nữa) thì phải tu tập Tam Minh quét sạch gốc lậu hoặc, mới làm chủ tất cả các pháp.

Theo đường lối tu tập của đạo Phật, phải nhập từ Sơ Thiền, Nhị Thiền đến Tứ Thiền, thì thân, thọ thanh tịnh, rồi tiếp tục thực hiện Tam Minh mới dễ dàng. Thực hiện Tam Minh xong thì mới làm chủ được sự sống chết hoàn toàn, còn diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, thì hành giả được tâm bất động giải thoát. Diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp chỉ là mới nhập được tâm Bất Động Định, giai đoạn thứ nhất trong đường lối tu tập của Phật giáo. Nhưng đó là đạt mục đích giải thoát của Phật giáo làm chủ trong thân. Vì thế, hành giả còn phải tu tập và trải qua nhiều giai đoạn thử thách ngoại ma và nội ma, nếu vượt qua những giai đoạn này, thì tâm định trên thân, thân định trên tâm chừng đó hành giả mới dễ dàng thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.

Khi thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh thì tâm mới vô lậu hoàn toàn. Tâm vô lậu hoàn toàn thì mới chấm dứt tái sanh luân hồi. Tu theo Phật giáo đến đây mới thành tựu viên mãn, chỉ còn một kiếp này nữa mà thôi.

PHẬT TÁNH

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thiền Tông gọi Phật tánh. Phật tánh có phải là ý thức hay không?

 Công án thiền có câu chuyện thiền ngữ: “Con chó có Phật tánh không?”,nếu có Phật tánh, tại sao lại chui vào cái đãy bẩn thỉu để làm gì cho khổ? Cầu mong Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

 Đáp:Câu này có hai câu hỏi, nhưng rất liên hệ với nhau (tuy hai mà một). Câu hỏi một, trong tất cả kinh sách Đại Thừa đã xác nhận ý thức, không niệm thiện niệm ác, là “Phật tánh”.Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Bồ tát độ hết chúng sanh thì thành Phật”, kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Tánh thấy, tánh nghe, tánh biết và chủ, khách”,kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”,v.v..

Đó là chỉ cho ý thức chẳng khởi niệm, kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông cho trạng thái đó là “Phật tánh”.Cho nên câu công án “con chó có Phật tánh không?”đó là công án của Thiền Sư Triệu Châu. Một hôm, có một thiền Tăng đến hỏi Ngài: “Con chó có Phật tánh không?”.Ngài đáp: “có”.Vị thiền Tăng lấy làm lạ hỏi lại: “Có Phật tánh tại sao nó lại chui vào đãy da bẩn thỉu để làm gì cho khổ?”.

Phật tánh là một “tánh giác”,tánh giác là tánh sáng suốt, không có si mê, thế mà không sáng suốt lại chui vào đãy da uế trược, hôi thúi. Nếu theo ý thức phân biệt thì đây là một điều vô lý hết sức.

Còn Thiền Tông, cách thức lập công án, có nghĩa là khiến cho người ta bặt đường suy nghĩ; bặt đường suy nghĩ, thì ý thức không hoạt động; ý thức không hoạt động thì niệm thiện niệm ác không có; niệm thiện niệm ác không có thì trạng thái đó Thiền Tông và kinh sách phát triển cho đó là Phật tánh. Mục đích câu công án trên giúp cho người tu thiền định không suy tư phân biệt được để nhận ra gọi là “ngộ”trạng thái này thành Phật “kiến tánh thành Phật”.Ngược lại trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Ý thức thanh tịnh (chẳng niệm thiện niệm ác), không liên hệ năm căn, (vô phân biệt) thì hành giả rơi vào không vôbiên xứ định”, một loại định tưởng vô sắc của ngoại đạo trong bốn loại định tưởng. Thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã được ngoại đạo dạy, và đã thực hiện được các loại định này đến nơi đến chốn, nhưng không tìm thấy có sự giải thoát gì trong đó và cũng không tìm thấy “Phật tánh”ở đâu, nên Ngài bỏ các pháp môn này, trở lại tìm lộ trình Tứ Thánh Định.

Cho nên, đức Phật đã xác định:“Chỗ không niệm thiện niệm ác không phải là Phật tánh, mà là Không vô biên xứ định tưởng”. Các nhà tu hành hệ phái phát triển và Thiền Đông Độ đã lầm lạc ở trạng thái này, nên dựng nó thành “Phật tánh, Thần thức”.Bồ Đề Đạt Ma gọi là “Tâm”,Lục Tổ Huệ Năng gọi là “Bản lai diện mục”.

Khi tu đến đây, các Thiền Sư Trung Hoa và các Thiền Sư Thiền Trúc Lâm Yên Tử (Việt Nam) sau này không chấp nhận, cho “Vô tâm còn cách một lớp rào”.Họ lấy tưởng thức làm Phật tánh, vượt qua trạng thái không vô biên xứ định tưởng nhập vào thức vô biên xứ định tưởng, ở trạng thái này họ tưởng, thấy các pháp chỉ là “một”chứ không hai (bất nhị) nên trong Thập Mục Ngưu Đồ gọi là “Phản bổn hoànnguyên”hoặc còn gọi là “Bản thể vạn hữu”.Bà La Môn Giáo cho đó là “Đại ngã”, kinh sách Nguyên Thủy Phật giáo cho đó là “Thức vô biên xứ tưởng”.

Như vậy Phật tánh chỉ là ý thức không niệm thiện niệm ác. Giả dụ nếu Phật tánh có thật đi nữa mà không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không chấm dứt được sự luân hồi tái sanh thì chúng ta cũng ném bỏ như đức Phật đã ném bỏ các pháp ức chế thân tâm và bốn định vô sắc tưởng của ngoại đạo, như ném bỏ một chiếc giày rách.

Trong thế kỷ thứ hai mươi, Thiền Tông đã phát triển cao độ, người theo tu có hằng vạn triệu, nhưng nhìn lại ai là người đã tu tập thiền định này mà đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi chưa? Nếu một loại thiền định tu tập mà không làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà chỉ có đạt được trạng thái tĩnh lặng và khinh an cùng một số ngôn ngữ đối đáp lý luận và trực giác biết chuyện quá khứ vị lai của người khác, người tu hành đạt được như vậy để làm gì? Kính thưa quý Phật tử! Quý Phật tử hãy trả lời đi!? Để làm sáng tỏ pháp môn tu hành của Phật giáo.

Kính thưa thưa quý vị! Điều này quý vị cần suy ngẫm kỹ, thời gian là thước đo của sự xác chứng nghiêm chỉnh về sự chứng đắc của các loại thiền định giáo pháp phát triển này, riêng chúng tôi có nói gì, xin quý vị đừng tin mà hãy tự xét, tự kiểm lại mình trên bước đường tu tập theo kinh sách phát triển và Thiền Tông.

VÔ MINH

Câu hỏi của Viên Minh.

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ngồi tu chỉ một niệm “gục”là tâm người ấy bị vô minh che đậy. Nếu trong một tháng mà tu không một niệm “gục”,thì tâm người ấy đã được thanh thản. Nếu con tu mỗi lần 10 hơi thở, con xả nghỉ một phút và tiếp tục tu 30 phút, như vậy con không bị “gục”. Khi xả nghỉ tâm con có lúc nhẹ nhàng, nếu con cứ tu như vậy, con còn bị vô minh che đậy nữa không? Cầu xin Thầy chỉ dạy.

 Đáp:Nếu con tu tập không bị “gục”và thất niệm thì con đã phá sạch vô minh, chỉ vì thời gian con tu hiện giờ còn ngắn lắm, chỉ cách khoảng 10 hơi thở xả nghỉ một phút, sức tỉnh thức chưa kéo dài được, nhưng con khéo thiện xảo tu như vậy và siêng năng không biếng trễ niệm “gục”và thất niệm không có, thì sức tỉnh thức sẽ cao độ, thời gian sẽ chiếm trọn ngày đêm, lúc bây giờ vô minh bị quét sạch.

Vốn chúng ta sanh ra đời, mang nghiệp thân nhân quả khổ đau này, do từ nơi vô minh. Nếu quét sạch vô minh, thì chúng ta đã giải thoát hoàn toàn, đâu còn gì phải tu nữa. Chính vì phá vô minh, mà đạo Phật dạy ta tu tập, nhắm vào sức tỉnh giác. Từ Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, đều phải tu trên Thân Hành Niệm, lấy mọi hành động của thân tu tập để tạo sức tỉnh thức, do tu như vậy nên không bị niệm “gục”.Nhưng con cũng nên nhớ: chỉ có giới luật nghiêm túc thì niệm “gục”mới không thăm con, như lời Phật đã dạy. Hiện giờ niệm “gục”đến thì nên dùng pháp Thân Hành Niệm mới quét sạch, ngoài pháp môn Thân Hành Niệm khó mà thắng niệm “gục”.

Tỉnh thức có thì vô minh không có, cho nên người tu còn gục và thất miệm là chưa có sức tỉnh thức. Do tu sai pháp, tu quá sức, ngồi nhiều, không đi kinh hành, không tu trong mọi hành động. Sức tỉnh thức chưa có thì vô minh còn; vô minh còn thì tham, sân, si còn; tham, sân, si còn; thì ác pháp còn; ác pháp còn thì tâm dục còn; tâm dục còn thì chưa giải thoát.

Muốn phá vô minh mà hành giả cứ tìm kiếm học hỏi và nghiên cứu, để được thông suốt giáo lý kinh điển thì hành giả đó, chỉ là học giả, vô minh lại càng vô minh hơn. Đừng nghĩ rằng học hỏi nghiên cứu thông suốt tam tạng kinh điển là hết vô minh. Đó là một điều nghĩ sai.

Các Thiền Sư, các nhà học giả, họ là những người thông suốt kinh sách, lý luận sắc bén, đối đáp như gió thổi, nhưng đối với đạo Phật, họ là những kẻ vô minh, chỉ vì chưa có sức tỉnh thức, còn “Gục”.

Các pháp môn tu tập thiền định của đạo Phật, được chia làm hai loại rất rõ ràng và cụ thể:

 1- Các pháp môn tu tập Tỉnh thức.

 2- Các pháp môn tu tập Chánh niệm.

Vấn đề tu tập, quan trọng trong đạo Phật, là phải tu tập như thế nào, để phá sạch vô minh?

Vì biết rõ do vô minh, nên nghiệp lực của con người, tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và chịu biết bao đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác.

Muốn chấm dứt khổ đau thì phải đoạn dứt vô minh. Vì thế đường lối của đạo Phật, bắt đầu phải tu tập pháp nào trước. Vì đức Phật là hành giả tu tập các pháp môn của ngoại đạo, không đạt được giải thoát, nên Ngài đã quá thông suốt, khi dạy người tu thiền định, bắt đầu phải thực hành pháp môn trước tiên: là “Thân Hành Niệm”.Thân Hành Niệm, tức là nương theo hành động của thân nội và ngoại để tập tỉnh thức, nhờ có tỉnh thức tâm mới phá vô minh, tức là tâm luôn tỉnh thức trong Chánh niệm (Thân niệm), nên đức Phật ghép hai danh từ này lại thành một tên thiền định của đạo Phật, “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định”.Một loại định xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp, mang đến cho hành giả từng phút, từng giây giải thoát.

Pháp môn Chánh niệm tỉnh giác định là một pháp môn trong bốn pháp môn để tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, nên có tên gọi là “Tứ Chánh Cần”, một pháp môn ngăn ác, diệt ác tuyệt vời, luôn sống trong thiện pháp, an vui trong thiện pháp, khiến cho hành giả có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Để tiếp tục pháp thứ hai, con đường của đạo Phật diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp hành giả tu tập “Định Vô Lậu” để triển khai tri kiến giải thoát.

Muốn tu tập Định vô lậu, hành giả phải có sự tỉnh thức khá cao, dùng sức tỉnh thức đó quán xét nhân quả trong mỗi tâm niệm, mỗi đối tượng, mỗi sự việc và mỗi hoàn cảnh. Từ đó sẽ thấy các pháp vô thường như thật, khổ như thật, vô ngã và bất tịnh như thật.

Trên đường tu tập, nếu con tu đúng như lời dạy trên đây, thì phải tu tập kế tiếp những pháp môn sau đây: Định Niệm Hơi Thở và Định Sáng Suốt, vì các loại định này rất cần thiết để đẩy lùi các chướng ngại pháp. Do đẩy lùi các chướng ngại pháp thì mới phá sạch vô minh. Nhờ đó con không còn gục và thất niệm nữa, từ đây về sau tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự. Từ đó một niềm vui vi diệu của đạo Phật xuất hiện mà không tìm nơi đâu có được.

NHƯ LÝ TÁC Ý

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nếu con tu pháp hướng tâm như lý tác ý (ám thị), luôn không dứt “Tâm như đất”. Giai đoạn đầu con tu còn vọng tưởng khi hướng tâm (ám thị), tuy vậy con vẫn ám thị luôn không dứt, như thế lâu ngày tâm con có hết tham, sân, si không ? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Muốn hướng tâm như lý tác ý (ám thị) “Tâm như đất” có hiệu quả, nghĩa là tâm hết tham, sân, si thì không phải chờ hết vọng tưởng, mà ở chỗ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh: ăn, ngủ, độc cư, sống trầm lặng một mình. Thường sống biết nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng. Đó là vừa hướng tâm “ám thị”,vừa lấy giới luật phòng hộ sáu căn, vừa sống lập đức lập hạnh, do tu đúng như vậy, thì tâm lần lượt sẽ thanh tịnh, tức là lần lượt tâm ly dục ly ác pháp cho đến thanh tịnh hoàn toàn (tham, sân, sân, si bị quét sạch).

Phải nhớ trong đạo Phật, duy nhất pháp hướng tâm là một pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời, nếu siêng năng tu tập và giữ đúng giới luật, đừng vi phạm một lỗi lầm nhỏ nào thì kết quả pháp hướng tâm này có đủ năng lực (đạo lực) điều khiển, truyền lệnh làm chủ thân tâm (nhân quả), giải thoát sanh, già, bệnh, chết hoàn toàn. Nếu con có đủ niềm tin ở pháp môn tác ý này, thì hãy cố gắng hằng ngày đừng sao lãng lúc nào cũng nhớ hướng tâm: “Tâm như đất ly tham, sân, si cho thật sạch, tham, sân, si là pháp ác là đau khổ”.

 Xưa, Đức Phật cũng nhờ pháp này diệt ngã xả tâm, đi đến cứu kính giải thoát hoàn toàn, thời nay Thầy cũng nhờ nó mà tâm hồn được thanh thản, an lạc.

   Vậy, các con có đủ niềm tin chăng? Nếu đủ thì các con hãy siêng năng hằng ngày tu tập đừng nên biếng trễ tác ý.

PHƯỚC HỮU LẬU

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Câu chuyện Bách Trượng và ông già chồn, vì không hiểu nhân quả nên ông già chồn phải đọa 500 kiếp làm thân chồn. Về câu chuyện này, các nhà học giả xưa và nay, ai cũng biết.

Ngày nay, các nhà học giả soạn kinh viết sách, họ không viết đúng theo lời Phậtdạy, thêu dệt, thêm bớt theo sự nghĩ tưởng của mình qua tưởng giải và còn dám cả gancắt xén kinh điển làm lệch ý Phật, ý kinh khiến cho đoàn hậu học sau này, ham tu dựa vào kinh sách này, tu hành chẳng đến đâu, uổng công sức và phí cả cuộc đời. Họ đã khéo léo ca ngợi, kêu gọi mọi người và còn bắt buộc phải tu theo năm bộ kinh lớn của Đại Thừa như: Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Thủ Lăng Nghiêm, v.v…

Nếu thọ trì tu chứng theo kiểu tưởng pháp này và làm những việc từ thiện xã hội, nhưng không làm chủ được thân tâm, thì các nhà dịch giả và soạn giả những bộ kinh này có công đức hay phước báo gì? Cúi xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ!

Đáp:Câu chuyện “Bách Trượng dã hồ”là câu chuyện bịa đặt của Thiền Tông để lừa đảo người khác. Câu chuyện “Bách Trượng dã hồ”là câu chuyện chấp nhận định mệnh nhân quả tức là nhân quả không chuyển hoá được, không thay đổi được, chỉ đừng mê muội nhân quả mà thôi, chỗ “chẳng muội nhân quả”tức là định mệnh. Khi quả đến ta chấp nhận tai nạn, bệnh tật, khổ đau, nhưng không sợ hãi trước tai nạn khổ đau đó. Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì ông già chồn nói không đúng: “Bậc đại tu hành chẳng lạc nhân quả”. Chữ “lạc”ở đây có nghĩa là rơi, bị, nghĩa là bậc đại tu hành không bị nhân quả tác dụng, đó là hiểu sai, đã mang thân nhân quả, thì phải có tai nạn, bệnh tật, dù người đó tu đã thành Phật, thân nhân quả vẫn là thân nhân quả không thể thay đổi được, nên vẫn phải có tai nạn, bệnh tật. Nhưng tu đúng theo pháp của đức Phật, thì tâm không dao động trước tai nạn, bệnh tật và kế đó dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ, làm cho các cảm thọ khổ, lạc, bất khổ bất lạc, không tác động được vào thân và tâm và còn khắc phục chuyển hóa khổ thọ, lạc thọ ra khỏi thân tâm (Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu).Cho nên pháp của Phật, tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì nghiệp nhân quả làm sao chi phối được, nghiệp nhân quả tuy có nhưng không chi phối được tâm người tu chứng, tức là làm chủ nhân quả, làm chủ nhân quả tức là làm chủ nghiệp, chứ không phải làm chủ cái thân nhân quả duyên hợp như ông già chồn đã nói, còn bảo không mê muội như Thiền Tông mà không làm chủ được các thọ, thì không đúng pháp Phật.

Cho nên cuộc sống (sanh y) không còn đối với tâm ham muốn và các ác pháp (tham, sân, si, mạn, nghi đã chấm dứt), “Tâm như đất trời” thì hành giả tu được như vậy những oai nghi tế hạnh đầy đủ, không còn vi phạm giới luật, dù một lỗi nhỏ nhặt nào, đó là tâm giải thoát của đạo Phật. Ngược lại Thiền Tông, chỉ cần không mê muội nhân quả, nghĩa là thân tâm có bệnh tật, tai nạn, phiền não, sân hận, thương ghét v.v.. Mặc nó, chẳng lo, chẳng sợ, chẳng dẹp, chẳng dứt, cứ để mặc tình, tâm luôn tự tại vô ngại, danh, lợi, dâm dục, ăn ngủ cũng mặc miễn đừng mê muội sợ hãi nó là được.

Do lý luận chẳng mê muội nhân quả như vậy, nên Thiền Tông mới có sản xuất Tế Điên Hòa Thượng, Phật sống Cựu Kim Sơn, Thượng Sĩ Tuệ Trung. Khi đã chứng đạo thì họ “Thõng tay vào chợ”.Chẳng cần giới luật, chẳng trọng đạo đức và đức hạnh. Do đó tu sĩ Thiền Tông và Đại Thừa đã đưa Phật giáo đi vào triết học hiện sinh, đi đến ngõ cụt của cuộc đời tu hành.

 Còn các nhà học giả xưa và nay soạn và viết kinh sách Đại Thừa, họ chỉ dạy người tu làm phước thiện “Tứ nhiếp pháp”,tạo phước báo ở đời, chứ không dạy như kinh Nguyên Thủy  tu tập để làm chủ sanh tử, luân hồi. Cho nên y báo và phước báo của họ đều gắn liền trong hiện kiếp rõ ràng, nhưng về tội viết sai lời Phật dạy, họ phải chịu quả báo địa ngục, tức là họ phải thọ chịu quả bệnh tật khổ đau trên giường bệnh rất khổ sở, thời gian có thể kéo dài đôi ba năm, bằng chứng trước mắt chúng ta đã chứng kiến các bậc tôn túc đã viên tịch, một cách khổ đau.

Trong suốt khoảng đời sống của chúng ta đã chứng kiến y báo và phước báo, cũng như sự đọa địa ngục của các Ngài.

Đó là công đức thiện pháp của pháp môn Đại Thừa, cũng như công đức thiện pháp của các tôn giáo khác ngăn chặn được ác pháp của một số người, nhờ đó ta mới thấy được phước hữu lậu của họ, với những pháp môn này họ không thể hưởng được phước vô lậu. Duy chỉ có pháp môn của Phật giáo Nguyên Thủy thì mới hưởng được phước vô lậu, tức là làm chủ sự sống chết và cũng chính là làm chủ nhân quả của kiếp người. Đối với các pháp môn của Đại Thừa chỉ dạy tu tập chẳng mê muội nhân quả, chứ không làm chủ được nhân quả.

Việc làm của các nhà học giả là để thọ hưởng phước báo tột đỉnh danh lợi của cuộc đời, chứ không phải giải thoát. Tuy rằng hưởng phước báo như vậy, nhưng đã dạy sai ý Phật, khiến cho Phật pháp suy đồi, không người tu chứng giải thoát, và toàn bộ tu sĩ đều thiếu đức hạnh, phạm giới, nên các Ngài phải chịu quả báo về tội đọa như trong luật đã dạy. Trước khi sắp viên tịch phải chịu luật nhân quả hành hạ xác thân đau khổ trên giường bệnh, mà chúng ta đã chứng kiến, không có vị Hòa Thượng nào tránh khỏi, Tăng cũng như Ni càng phước báo lớn càng đau khổ nhiều.

Luật nhân quả đã dạy, trong các pháp thiện có các pháp ác, trong các pháp ác có các pháp thiện. Tại sao vậy?

Tại vì các pháp môn của kinh sách phát triển dạy làm thiện mà không có pháp dạy ly dục ly ác pháp, nên tâm dục của các ngài chưa ly, ác pháp chưa diệt, các Ngài đều phạm giới, bẻ vụn giới, ăn ngủ phi thời, sống phóng dật, chạy theo sáu trần bên ngoài, nên chấp nhận học hành cấp bằng, chùa to, tháp lớn (giống như nhà giàu). Những phước báo mà kinh sách phát triển dạy là phước báo hữu lậu, bằng chứng cụ thể rõ ràng như: Hòa Thượng Thanh Từ, Hòa Thượng Nhất Hạnh đã đạt được những phước báo đó. Còn nói đến phước báo vô lậu thì không thể nghĩ  bàn, đó là sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết chỉ có kinh Nguyên Thủy của Đạo Phật mới có những pháp hành này mà thôi.

XÁ LỢI

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi: Kính thưa Thầy, thế nào là xá lợi của một người tu chứng? Một vị tu chứng hoàn toàn khi bỏ xác thân có xá lợi hay không? Khi vị đó để lại xá lợi thì người giữ xá lợi có công đức hay phước báo gì?

Đáp:Xá lợi là những mảnh xương được trà tỳ (thiêu đốt) còn sót lại.

Người có tu thiền nhập được định, sau khi viên tịch, thân xác được đem trà tỳ (thiêu) những mảnh xương cháy, chảy ra đóng lại thành khối nhỏ hoặc những mảnh xương cháy không hết còn sót lại. Người không tu thiền định, khi chết đem thân xác thiêu đốt, những mảnh xương này cháy hết không còn sót, nhưng cũng có người còn sót lại rất nhiều mà chẳng tu thiền định gì cả.

Người giữ xá lợi, giống như người giữ mồ mả không có công đức và phước báo chi hết. Nếu giữ xá lợi có công đức phước báo thì cần gì phải làm điều thiện. Luật nhân quả không chấp nhận điều này và như vậy thì không còn có công bằng, công lý.

Muốn có công đức và phước báo thì phải tu Thập Thiện, làm tất cả những điều thiện, do hành động thiện mà hưởng được phước báo và công đức, chứ không phải giữ xá lợi mà có được phước báo. Giữ xá lợi của người chết, có nghĩa là ta biết ơn người đó cũng như thờ xá lợi vậy.

Người ta xây tháp để thờ xá lợi của Phật, tức là để nhớ ơn Phật, đời đời chẳng quên. Ngày nay chúng ta còn có pháp môn tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi, ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ, thì ơn nghĩa đó làm sao chúng ta quên được, nên đâu đâu cũng đều có cất chùa thờ tượng Phật. Đó là thầm tưởng nhớ công ơn của Người.

PHẬT VÀ A LA HÁN

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy trên bản thể giải thoát của một vị A-La-Hán và Phật hoàn toàn đồng nhau. Cả hai đồng nhau mà sao vị A-La-Hán không thành Phật liền, và đến bao giờ vị đó thành Phật?

 Đáp:“Phật” là một danh từ chỉ cho người tu hành đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi, gọi là “Chứng đạt chân lí’’, tâm vô lậu hoàn toàn’.

“A-La-Hán”cũng là một danh từ chỉ cho người đã tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi, cũng gọi là “Chứng đạt chân lí”, tâm cũng vô lậu hoàn toàn.

Nếu chúng ta gọi Phật là A-La-Hán có đúng không?

Đúng, vì tâm vô lậu và làm chủ sanh tử luân hồi giống nhau, nhưng Đức Phật cũng tự xưng mình là A-La-Hán.

Nếu chúng ta gọi A-La-Hán là Phật có đúng không?

Đúng, vì A-La-Hán tu hành giải thoát như Phật, cũng tâm vô lậu, cũng làm chủ sanh tử luân hồi như nhau.

Hai người giải thoát giống nhau, làm chủ giống nhau, người thì gọi là “Phật”,người thì gọi là “A-La-Hán”,đó là thâm ý độc ác của các nhà hệ phái phát triển, quyết tâm dìm các bậc tu hành chơn chánh của đạo Phật, xuống hàng chót “Tiểu Thừa”,thiền của bậc A-La-Hán tu hành, thì gọi là “Thiền Phàm Phu”,còn thiền của Bồ tát tu thì gọi là “Đại Thừa Thiền, Phật Thiền, Như Lai Thiền”.Chỉ được có danh từ rất vĩ đại còn tu tập thì rơi vào tưởng định, một loại bệnh thiền định.

Mưu đồ nham hiểm của ngoại đạo, đưa giáo pháp của mình vào đạo Phật và tìm mọi cách tiêu diệt giáo pháp của đạo Phật để thành lập một Phật giáo mới “Đại Thừa Phật Giáo”. Ý đồ rất rõ ràng qua kinh sách phát triển, Bồ Tát Giới và nhất là bốn bộ kinh A Hàm. Một bộ kinh mà các Tổ biên soạn để làm bước chuyển tiếp bằng những bài kinh móc nối chuyển qua giáo pháp phát triển một cách có hệ thống, khiến cho hàng tín đồ Phật giáo không cách nào tìm ra sự gian dối và thâm ý ác độc của các giáo sĩ Bà La Môn.

Đọc bốn bộ kinh A Hàm và năm bộ kinh Nguyên Thủy, so sánh lại ta thấy có nhiều bài kinh mà các Tổ bịa đặt thêm để chuyển tiếp qua giáo pháp phát triển một cách rõ ràng và cụ thể, nếu có dịp thuận tiện Thầy sẽ kê ra những bài kinh đó để cho tất cả tín đồ Phật giáo hiểu rõ thâm ý độc ác của họ hơn.

Hiện giờ, mọi người tu theo đạo Phật mà lại tu tập theo giáo pháp của ngoại đạo (Bà La Môn) thì thật là đau lòng, mọi người bị gạt mà không biết, tu hành chẳng đi đến đâu mà không hay, chỉ có ba hoa tranh luận hơn thua cao thấp bằng ba tấc lưỡi, thiền miệng, thiền  ngôn ngữ.

Các Bà La Môn giết đạo Phật mà không cần gươm đao, chỉ bằng những danh từ cay độc, hiểm ác sâu sắc “Đại Thừa, Tối Thượng Thừa, Phật Thừa của giáo pháp Bà La Môn còn Phật Giáo chánh gốc thì gọi là Tiểu Thừa”,những danh từ đó cũng đủ đã giết chết đạo Phật. Thật sự là vậy, đạo Phật đã chết từ lâu.

Hiện giờ tu sĩ Phật giáo đều chịu ảnh hưởng rất sâu về giáo lý Bà La Môn Đại Thừa, Tối Thượng Thừa. Kinh sách của họ viết ra đều lý luận theo kiểu Đại Thừa và Tối Thượng Thừa thuộc kinh sách Vệ Đà. Còn Phật Giáo Nguyên Thủy thì họ đã bỏ quên mất, mặc dù có nhiều thầy Tỳ kheo đi học đại học Phật Giáo Nguyên Thủy ở Ấn Độ về, nhưng lối lý luận của họ đều chịu ảnh hưởng sâu sắc giáo pháp của Bà La Môn.

Tại sao vậy?

Tại vì giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật giới luật và đạo đức rất nghiêm chỉnh, đời sống phạm hạnh không thể tu sĩ thời nay sống nổi, chỉ vì tâm tham đắm vật chất danh lợi thế gian nên quý thầy dù học kinh sách Nguyên Thủy, nhưng vẫn thích sống đời sống Đại Thừa.

Bởi vậy, Phật là A-La-Hán, A-La-Hán là Phật. “Phật là chúng sanh đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành”,câu nói này giữa chúng sanh và Phật còn không khác, chỉ khác nhau chỗ thời gian mà thôi, còn bậc A-La-Hán là người tu đã giải thoát hoàn toàn mà gọi là Tiểu Thừa, như vậy quý vị có thấu hiểu lòng dạ của các nhà Đại Thừa như thế nào không?

Hai người tu hành đều chứng như nhau, làm chủ sự sống chết như nhau, có khác nhau là chỗ Phật là Đấng Giáo Chủ, người sáng lập ra tôn giáo Phật giáo (Đạo Phật).

Tuy biết rằng giáo pháp của đạo Phật tu hành không phải khó, nhưng khó với thời đại vật chất hiện nay, vì quá tiện nghi và quá đầy đủ, khiến người ta không bỏ được lòng tham muốn, giáo pháp của Phật rất rõ ràng và cụ thể tu hành đến đâu có giải thoát đến đó, không có mơ hồ trừu tượng. Vậy mà đã bị dìm mất hằng bao thế kỷ nay, khiến cho tín đồ Phật giáo không còn biết đường tu hành. Chúng tôi hiện giờ khai hoang lại con đường này, mong sao những thế hệ sau này có lộ trình tốt đẹp hơn để có pháp môn tu tập, đi đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn. Và những ước nguyện của chúng tôi được thấy con người trên hành tinh này, sống đối xử với nhau bằng đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người. Nếu được vay thì đó là đạo Phật đã sống lại với con người và sống mãi mãi.

BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI

Câu hỏi của Viên Minh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Bản thể tuyệt đối là gì? Người xả tâm sạch, có phải đạt được bản thể tuyệt đối hay không? Thỉnh Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp:Với trí hữu hạn của con người, mà đòi hiểu bản thể tuyệt đối của vạn hữu, cũng như dùng mắt thường mà muốn tìm thấy vi trùng trong ly nước. Do đó cả thế gian hiện giờ, người ta xây dựng bản thể tuyệt đối bằng “tưởng tri”.

Bởi vậy, con người với trí hữu hạn không hiểu, lại không chịu không hiểu, rồi dùng tưởng tri để hiểu, nên hiểu sai tất cả, mà cứ ngỡ rằng mình là hiểu đúng, rồi đem truyền dạy cho người khác cũng hiểu như vậy. Từ đó thế giới tưởng thành hình, mọi người ai cũng tôn thờ và cung kính, xem như một thế giới vĩnh hằng bất biến của loài người.

Người xả tâm sạch, không phải đạt được bản thể tuyệt đối, mà chỉ mới làm chủ tâm mình (ly dục ly ác pháp). Đối với đời sống hằng ngày, không còn phiền não đau khổ, thương, ghét, giận hờn, hận thù, v.v..

Trong bốn cái khổ của kiếp người, họ mới làm chủ được một cái, trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, họ còn phải tu tập nhiều nữa.

Bản thể tuyệt đối, do các tôn giáo khác tưởng ra như: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Bà La Môn, v.v.. Riêng đạo Phật biết đó là tưởng tri của loài người và của các tôn giáo khác, nên Ngài nhắm vào mục đích khác, để giải quyết bốn nỗi khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết”.

Sau khi giải quyết bốn cái khổ của kiếp người xong thì đức Phật xác định: “sanh đãtận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa. Đến đây nếu ai có hỏi: Còn có cái gì không? Nếu nói còn, tức là chấp thường, chấp ngã, nếu nói không thì chấp đoạn.

Bởi vì, trí hữu hạn của con người, đừng nên hiểu xa hơn, mà chỉ biết tu tập như thế nào để thoát khổ của đời người là hạnh phúc lắm rồi. Theo mục đích của đạo Phật là như vậy, còn tìm hiểu thêm thì hiểu sai và hiểu sai thì lại sanh ra chấp đắm, tạo nhiều điều đau khổ và còn đau khổ nhiều hơn. Vì chính hiểu sai (vô minh) sự vật, nên đã lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thật có, vì thế mới tạo ra muôn vàn đau khổ cho nhau.

Bây giờ đã thoát khổ mà lại hỏi, còn có hay không thì thật là điên đảo. Không còn chỗ nói được, đã giải thoát hết kiếp khổ của đời người mà hỏi có còn gì không. Chỗ này trí phàm phu, ai hiểu sao cứ hiểu, còn người tu đến đó, có trí vô hạn thì hiểu rõ ràng, kẻ không tu mà muốn biết, cố tìm hiểu cũng chỉ tưởng hiểu mà thôi (hiểu sai bét), và sự hiểu sai đó tạo ra sự mê tín, lạc hậu của những con người cổ xưa, mà bây giờ chúng ta còn giữ mãi, không dám bỏ những cái sai đó, thật là ngu si điên đảo.

Trong thời đại văn minh khoa học như thế này, mà con người còn tin bản thể tuyệt đối. Cách đây 2548 năm Đức Phật đã xác định, qua bài kinh “Pháp Môn Căn Bản”. Lúc bây giờ con người còn lạc hậu, dân trí còn thấp kém, sự hiểu biết chưa có khoa học chứng minh cụ thể, nên dùng tưởng tri quá nhiều, biến thành một thế giới siêu hình vĩ đại, điều khiển thế giới hữu hình, từ đó con người đã lạc vào thế giới mê tín, trừu tượng. Còn bây giờ chúng ta như thế nào? Cũng sống trong tưởng tri nữa sao? Cũng lạc hậu như những người xưa nữa sao? Trong khi khoa học tiến triển hiện đại hóa đời sống con người mà còn dại khờ, ngu ngốc để kẻ khác lừa đảo, lường gạt lặp lại những bài vở lỗi thời.

 Đời sống con người đầy đủ vật chất tiện nghi, bệnh đau có bệnh viện, có bác sĩ chăm sóc, có thuốc thang đầy đủ, cớ sao lại còn lạc hậu mê tín, tin vào cái thế giới siêu hình ấy, để tự làm khổ mình và người khác, phỏng có ích lợi gì. Thật là ngu si vô minh không chỗ nói.

Chân lí của đạo Phật là gì? Là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si là tâm không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là chân lí thứ ba của Phật giáo. Cho nên Phật và A La Hán đều chứng đạt chân lí này, chứ không phải bản thể tuyệt đối mơ hồ của ngoại đạo.

CHÁNH PHÁP, TÀ PHÁP

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con có người bạn đồng tu, luôn nhắc nhở con, tất cả mọi giáo lý của Thầy không được đưa ai xem.

Thưa Thầy! Các bạn của con, tuy chưa được quy y làm đệ tử của Thầy, nhưng tâm trí thường xuyên hướng theo pháp môn củaThầy, thì con đưa những bài vấn đạo và giáo lý của Thầy có được không thưa Thầy?

Đáp:Được, giáo lý và đường lối tu tập của đạo Phật đã bị ngoại đạo dìm gần như mất gốc. Hôm nay được Thầy tu tập, thấy có kết quả thật sự, giải thoát được tâm hồn của mình, nên triển khai lại những lời Phật dạy chính gốc Nguyên Thủy, để giúp cho người đời sau không còn tu hành lầm lạc.

Hiện giờ người ta chỉ biết qua Phật giáo hữu ngã (Phật tánh), siêu hình (thế giới Cực Lạc, Niết Bàn), thần huyền (bùa chú), v.v.. mang đầy tính chất mê tín, mơ hồ, trừu tượng, dị đoan, lạc hậu, v.v..

Kinh sách phát triển do các nhà học giả xưa và nay biên soạn theo tưởng giải của mình, đã biến giáo lý của đạo Phật thành một giáo lý hỗn tạp đủ mọi loại pháp môn (84 ngàn pháp môn). Nhìn đống kinh sách quá vĩ đại, kẻ tu pháp này, người tu pháp khác, nhưng nhìn lại cuối cùng, chẳng ai tu đến đâu cả, càng ngày càng thấy tu sĩ sống bừa bãi, phi Phạm hạnh và phạm giới luật nhiều hơn, do đó sanh ra nhiều tệ hại trong Phật giáo, người tu sĩ không còn có đạo đức, thiếu Phạm hạnh, xem thường tín đồ chẳng hiểu gì về giáo lý của đạo Phật, nên muốn giảng nói như thế nào tự do nói, nghĩa là xem tín đồ ngu dốt, ông thầy thuyết giảng gì cũng chẳng biết, bảo đúng cũng làm, bảo sai cũng làm, nói sao nghe vậy, chẳng dám cãi, chẳng dám sửa, chẳng dám nói. Đó là tín đồ Phật giáo hiện giờ.

Sau mười năm mài miệt tu tập trong thất, gần chín năm trời tu Thiền Đông Độ, nhưng không kết quả, đành trở về pháp môn Tiểu Thừa, tu tập “Giới, Định, Tuệ”,Tam Vô Lậu Học mà kinh sách phát triển Đại Thừa xem nó như là một pháp môn của ngoại đạo, cấm không cho tu sĩ (Tỳ kheo Tăng và Ni) tu học theo nó.

Nhưng, bắt đầu nghiên cứu và tu tập pháp môn này, Thầy đã thấy có kết quả ngay liền. Một sự giải thoát thật sự của kiếp sống con người, bằng cách sống đúng giới luật và hằng ngày tu tập “Tứ Chánh Cần”,ngăn ác diệt ác, lìa xa lòng ham muốn vật chất thế gian. Từ đó nhận xét rõ, tâm hồn sống thanh thản và an lạc, tâm gần như cục đất, chẳng biết thương ghét giận hờn ai hết. Tâm thường quay vô ít phóng dật, thân tâm ít muốn, biết đủ, luôn sống trầm lặng, thích thú độc cư, sống một mình mà an vui cả trời.

Sau khi ra thất, Thầy triển khai giáo pháp Nguyên Thủy, nhưng sợ đụng chạm các hệ phái khác, lúc đầu tùy thuận với họ, nên Thầy cấm không cho lưu hành rộng rãi, vì thế bạn đồng tu của con, nhắc nhở không cho ai xem là vậy.

Giai đoạn này thì khác, cần phải vạch rõ và làm sáng tỏ lại Phật giáo, con nên đưa những bài vấn đạo và giáo lý Nguyên Thủy mà Thầy đã triển khai, để mọi người hiểu rõ về Phật giáo hơn.

SINH HOẠT PHẬT GIÁO

Câu hỏi của Liễu Hương

   Hỏi:Kính thưa Thầy! Chúng con nhóm họp lại, đề ra một bản nội quy và phân nhóm, thì người bạn đồng tu của consợ Thầy không đồng ý  và  chánh  quyền  địa  phương theo dõi làm khó dễ.

Thưa Thầy, trước kia chúng con cũng thường xuyên sinh hoạt ở khu ấy, nhưng cũng chưa hề thấy ai nhắc nhở gì cả, trong những sự sinh hoạt của chúng con chưa hề mâu thuẫn và thắc mắc với nhau những điều gì.

Đáp:Con đường tu theo đạo Phật rất  khó, nhất là khó về cách sống (sống đạo). Đời sống phải đúng cách đạo hạnh, ăn, ngủ không được phi thời, thiểu dục tri túc, ít nói, sống trầm lặng độc cư, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý.

Cho nên khi có tổ chức, thành tổ tu tập, thì phải khéo léo, linh động, chia ra nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm độ bốn năm người, nhóm nào sinh hoạt theo nhóm nấy, chứ không được tập trung làm ồn náo, mỗi nhóm phải giữ gìn độc cư trầm lặng, ít nói trong suốt thời gian sinh hoạt tu tập.

Xưa, đức Phật đuổi năm trăm vị Tỳ kheo, đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên, làm ồn náo, ra khỏi khu rừng mà đức Phật đang ở. Xem thế, mới biết kỷ luật của Phật rất nghiêm chỉnh, không tư vị một ai, mặc dù là đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên là hai vị đại đệ tử của Phật nhờ cậy nhất, điều khiển và hướng dẫn 1250 vị Tỳ kheo. Đức Phật nghiêm chỉnh trong giáo pháp và giới luật, đó là vì vấn đề lợi ích chung cho toàn thể tu sĩ ở đó. Ta hãy lấy gương sinh hoạt của thời đức Phật mà sinh hoạt tổ nhóm cho đúng cách.

Sau khi soạn thảo nội quy, được gửi về Thầy, Thầy sẽ góp thêm ý kiến để bản nội quy được hoàn chỉnh.

Nếu chánh quyền địa phương có theo dõi, thì nên nói thật với họ, chúng tôi tu tập theo Phật giáo, pháp môn tu tập đã được nhà nước cho phép rõ ràng (tự do tín ngưỡng), đưa bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Đường Về Xứ Phật đã được Nhà Nước cho phép để họ xem và nghiên cứu biết rõ đường lối tu tập của Phật giáo cụ thể và thực tế đầy đủ đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người.

THA THỨ

Câu hỏi của Liễu Hương

 Hỏi: Kính thưa Thầy! Bạn đồng tu của con đến dự, thấy chị em chúng con vui vẻ, thì lại có ý không vui. Vậy, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con sống tùy thuận như thế nào, để không làm khổ mình, khổ người?

Đáp:Phàm con người còn là chúng sanh, thì phải còn phạm vào những lỗi lầm, nhưng những lỗi lầm đó, để chúng ta rút ra những bài học, tu tập đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và tha thứ, để mình không còn lầm lỗi và được an vui, giải thoát cho mình cho người.

Các con có đoàn kết, có thương yêu nhau, có khích lệ sách tấn nhau trên đường tu tập, thì đó là các con đã thắp sáng lại ngọn đèn chánh pháp của Phật, còn nếu các con chia rẽ xấu bụng với nhau, đó là các con đã diệt Phật giáo, dù các con có ngồi thiền nhập định năm bảy ngày, nhưng cách sống không đoàn kết, chia rẽ nhau, thì Phật giáo sẽ mất và mất mãi trên thế gian này, dù có hằng vạn Tỳ kheo tu hành, nhưng đó là hình thức Phật giáo, chứ thật ra Phật giáo đã mất từ lâu.

Tu sĩ Phật giáo chia rẽ, thiếu đoàn kết, đó là hiện tượng Phật giáo chơn chánh đã mất. Cho nên các con cố gắng tránh sự chia rẽ, hãy lo tu tập diệt ngã xả tâm, ly các ác pháp và sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người.

Bởi vậy thiền định của đạo Phật, trước tiên là phải sống đoàn kết thương yêu nhau, biết nhường nhịn lời nói với nhau, biết nhận rõ lỗi lầm của mình và biết tha thứ cho nhau, đó là các con đã sống đời đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người; đó là con đã ly dục, ly ác pháp và đó cũng là con đã nhập thiền định đầu tiên cua đạo Phật (Bất động tâm định), chứ không phải các loại thiền ngồi lim dim như con cóc ngủ gục.

Còn sống ích kỷ, là còn tự làm cho mình  khổ và người khác khổ, đó còn là tâm địa phàm phu tục tử, dù có muốn tu theo đạo Phật ngàn kiếp cũng chẳng giải thoát, uổng phí công lực tu tập và còn làm mang tiếng cho Phật giáo. Vậy, các con hãy cố gắng tu tập tỉnh giác và hướng tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp trước tiên, là thấy được kết quả giải thoát mình và người, đó là mục tiêu đầu tiên của đạo Phật, để đem lại đời sống an vui, hạnh phúc cho mình cho người, phải không hỡi các con?

Đức Phật đã thương xót chúng ta, ban cho chúng ta một pháp mầu vi diệu, một đạo đức tuyệt vời, để chúng ta sống và thực hiện một đời sống Thánh thiện, đem lại sự an vui và thanh thản cho mình cho mọi người, biến cảnh thế gian thành Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, đó mới là thiền định chơn chánh của đạo Phật.

LÒNG YÊU THƯƠNG

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Nhóm con gồm có hai mươi người, lấy thanh quy của Thầy, gửi ra cho Hương Đài, chúng con lấy đó sinh hoạt vào ngày chủ nhật hằng tuần, từ 7 giờ đến 9 giờ, đọc giáo lý của Thầy và tập tỉnh thức (hơi thở hoặc đi kinh hành và trong tất cả việc làm). Chúng con định mời bà Thức ra sinh hoạt có được không thưa Thầy?

 Đáp:Được, các con hãy mời bà Thức ra dự, có những bài vấn đạo, các con nên gửi cho ông bà Thức, đừng bỏ ông bà Thức các con ạ!

Các con tu tập có kết quả tốt, giải thoát được thân tâm mình, thì hãy cố gắng giúp cho ông bà Thức, từ lâu đã có công với Phật giáo, nhưng vì lầm lạc trên kinh sách phát triển mà gần cả cuộc đời mình chẳng có công đức gì. Nay tuổi đã già, sức đã yếu, sự chết gần kề mà đường chánh pháp còn xa biệt mù.

Lòng thương yêu ấy, không những đối với ông bà Thức, mà còn đối với mọi người, khi họ có duyên, thì các con nên sẵn sàng giúp đỡ họ bằng mọi cách, hoặc cho mượn băng nghe, hoặc cho mượn sách “Đường Về Xứ Phật”, hoặc cho đọc “vấn đạo”. Tất cả những gì các con có về Phật pháp chơn chánh, đều giúp cho ông bà hiểu thấu suốt đường lối tu tập của đạo Phật, có ích lợi thiết thực như thế nào cho kiếp sống con người, ở hiện tại và mai sau.

Nhất là đạo đức nhân quả (đạo đức không làm khổ mình khổ người), khi các con có tài liệu giáo trình đạo đức nhân quả, thì lại càng tìm mọi cách phổ biến rộng rãi cho đến từng lớp mọi người, để biến cảnh thế gian thành Thiên Đường.

Hiện giờ con người rất cần đạo đức, vì xã hội đạo đức đang trên đà xuống dóc. Vậy các con nên phổ biến và giúp cho mọi người hiểu biết về đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người thì lợi ích rất lớn các con ạ!

CẬN TỬ NGHIỆP

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong lúc nhà có người chết, tại sao lại phải phủ mặt, theo con nghĩ, khi người chết, có người mặt trắng, có người mặt xám, có người mặt vàng khè, như thế tướng trạng của gương mặt thay đổi theo nhân quả của từng người, phải không thưa Thầy?

 Cho nên phải đậy mặt lại, để cho người sống đỡ sợ hãi, phải không thưaThầy?

 Đáp:Theo phong tục của mỗi dân tộc trên thế gian này có khác nhau. Riêng dân tộc Việt Nam khi có người chết, đều có tục lệ đậy mặt. Theo sách phong tục tập quán dân tộc Việt Nam, do Toan Ánh biên soạn, nhưng cũng không nói đến phong tục người chết đậy mặt.

Trong kinh sách Phật giáo cũng không có dạy điều này, nhưng có dạy về cận tử nghiệp (nghiệp lực trước khi chết). Khi một người vừa tắt thở, các duyên trong thân ngũ uẩn chưa phân tán, tức là chưa hoại diệt. Nên lúc bấy giờ họ đang thị hiện một giấc mộng, giấc mộng đó báo cho biết, đây là nghiệp cuối cùng của họ trong kiếp này chuyển sang kiếp mới; giấc mộng đó cũng thể hiện một nghiệp lực, do huân tập nhân quả trải dài thời gian của một kiếp con người; giấc mộng đó cũng đang thực hiện một sức lực (nghiệp lực) tiếp tục tái sanh kiếp mới của con người, khi giấc mộng này vừa tan biến.

Giấc mộng này vừa tan thì thân tứ đại cũng vừa dừng hẳn, nghĩa là thân tứ đại này không còn phục hồi lại được nữa.

Trong thời gian nằm mộng, thì gương mặt người chết biểu lộ qua màu sắc, hoặc những nếp nhăn, câu có, hung dữ hoặc hân hoan, vui mừng, hiền lành, v.v..

Như con đã nghĩ, người chết có khi mặt trắng bạch, có khi vàng khè hoặc có khi xám xịt, v.v.. rồi trở lại bình thường giống như người đang ngủ.

Không phải chỉ có sự thay đổi màu sắc và nếp nhăn mà còn nhiều tướng trạng hiện trên gương mặt ghê sợ như: trợn trừng mắt, há hốc miệng, mím chặc môi, cắn răng, như giận dữ, hoặc le lưỡi, hoặc nói lập bập trong miệng, có khi cười, có khi khóc, có khi gương mặt biểu lộ ra sự sợ hãi, cũng có khi gương mặt biểu lộ ra sự hân hoan, vui mừng và cuối cùng giấc mộng cận tử nghiệp tan biến, thì gương mặt kia trở lại bình thường như người đang ngủ. Nên tục lệ đậy mặt người chết có lẽ để cho người sống đỡ sợ.

Vậy, xin những bậc trí giả, các bậc Trưởng lão cao niên hiểu và biết rõ phong tục tập quán này xin mách dùm, chứ trong giáo lý của đạo Phật không có dạy điều này, chúng tôi xin cảm ơn trước.

LINH HỒN

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo người đời  nói: “Người ta khi chết đi, thì hồn siêu phách lạc, hồn ở cây cả bóng cao, cầu ao, bóng mát và linh hồn người chết đi khắp đó đây”, có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Trong giáo lý của đạo Phật dạy: con người do năm duyên hợp lại thành, nên gọi là thân ngũ uẩn, khi người chết năm uẩn này tan biến mất, thân tứ đại này trở về với cát bụi hư vô, không còn sót một vật gì thường hằng (linh hồn hay Phật tánh).

Đức Phật đã xác định trong kinh như vậy, thì làm sao có linh hồn siêu, phách lạc, ở cây cả, bóng cao, cầu ao, bóng mát, đi đây, đi đó khắp nơi. Đó là một sự mê tín trong dân gian, với trí hữu hạn của con người không thể làm sao biết thế giới siêu hình được, nên phải tưởng ra như vậy. Còn các nhà tôn giáo tu hành chẳng tới đâu, rồi cũng dựa vào sự mê tín lạc hậu của dân gian ấy, để xây dựng tôn giáo của mình có một thế giới Thần Tiên (chư Thần, Thánh, Tiên, Phật v.v..). Đó là một thế giới siêu hình đầy hạnh phúc, mà cũng là một ước mơ của loài người, nhưng đó cũng chỉ là một thế giới ảo tưởng để mà thỏa mãn ước mơ.

Đã có thế giới Thần, Tiên tràn đầy hạnh phúc và an lạc, thì phải có thế giới địa ngục, mà đã có thế giới địa ngục thì phải có thế giới ma quỷ, có linh hồn người chết, có các đảng và cô hồn vất vưởng cây cao, bóng cả, cầu ao, bóng mát. Phần nhiều người ta nghĩ rằng những linh hồn chết oan không đi đầu thai được nên phải ở cây cao, bóng mát như vậy.

Trong bài kinh “Pháp Môn Căn Bản”Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta biết (Bài kinh Pháp Môn Căn Bản này được trích ra từ tập 1 kinh Trung Bộ thuộc tạng kinh Việt Nam, trang 9) do trí hiểu biết của chúng ta có hạn lượng, nên đối với các pháp, không thể hiểu rõ, luôn luôn bị lầm chấp, vì dùng tưởng  xác định các pháp, nên hiểu từ cái sai này, đến cái sai khác.

Cái thế giới hữu hình mà mọi người đang sống, đã không hiểu rõ nó, nên lầm chấp các pháp là thật có, rồi sanh ra dính mắc, do dính mắc không bỏ được, nên tạo biết bao nhiêu sự đau khổ cho mình cho người trải suốt nhiều đời kiếp.

Thế giới siêu hình là thế giới hình bóng của thế giới hữu hình. Thế giới hữu hình mà chúng ta đang hiểu biết bằng tưởng tri, thì thế giới siêu hình cũng hiểu biết như vậy. Do đó ta biết thế giới hữu hình và thế giới siêu hình là thế giới tưởng (thế giới không thật có).

Sự lầm chấp của con người, dùng tưởng để hiểu thân ngũ uẩn của mình, nên ai ai cũng cho nó là có thật, cho trong thân ngũ uẩn này có linh hồn bất biến từ vô thủy, cho nó là bản ngã của ta, còn thân ngũ uẩn này là của riêng ta (vật sở hữu của chính mình). Vì thế ai động đến thân tâm của ta, thì ta sẽ ăn thua đủ, không nhịn ai hết, nếu sức yếu thế cô thì ta ấm ức tức giận không bao giờ nguôi.

Cũng từ sự hiểu biết của tưởng tri, mà ta tưởng ra người chết có linh hồn không chết. Linh hồn mất thân không còn chỗ ở nương tựa, nên hồn siêu phách lạc đi khắp đó đây, hoặc đọa xuống địa ngục, thọ nhiều cực hình, chịu nhiều tội khổ, chờ đến khi mãn hạn, mới được tái sanh luân hồi, làm thân chúng sanh hoặc làm thân người.

Cũng từ bài kinh đó (Pháp Môn Căn Bản), Đức Phật đã xác định: “Người ta tưởng tri Sanh vật là Sanh vật… (có thật). Người ta tưởng tri chư Thiên là chư Thiên… (có thật). Người ta tưởng tri Phạm Thiên là Phạm Thiên. Người ta tưởng tri Quang Âm Thiên là Quang Âm Thiên… Người ta tưởng tri BiếnTịnh Thiên là Biến Tịnh Thiên… Người ta tưởng tri Quảng Quả Thiên là Quảng Quả Thiên… Người ta tưởng tri Thắng Giả là Thắng Giả (Abhibhù)… Người ta tưởng tri Không Vô Biên Xứ Thiên là Không Vô Biên Xứ Thiên… Người ta tưởng tri Thức Vô Biên Xứ Thiên là Thức Vô Biên Xứ Thiên… Người ta tưởng tri Vô Sở Hữu Xứ Thiên là Vô SởHữu Xứ Thiên… Người ta tưởng tri PhiTưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên… Người ta tưởng tri Sở Tri Kiến là Sở Tri Kiến… Người ta tưởng tri Sở Văn là Sở Văn… Người ta tưởng tri  Sở Tư Niệm là Sở Tư Niệm… Người ta tưởng tri Sở Tri là Sở Tri… Người ta tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất… Người ta tưởng tri Sai biệt là Sai biệt… Người ta tưởng tri Tất cả là Tất cả… Người ta tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn…”.(Pháp Môn Căn Bản kinh Trung Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Pali - Việt Nam, trang 9).

Qua đoạn kinh trên, chúng ta đã thấy rõ, con người đang sống trong thế giới tưởng, mà cứ tưởng rằng có thật. Vì tưởng rằng có thật do đó người ta mới đau khổ, vì tưởng rằng Niết Bàn có thật, nên người ta nghĩ đến tự ngã như là Niết Bàn (Phật tánh có bốn đức Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh), nên Phật dạy: “Người ấy tự nghĩ Niết Bàn là của ta – rồi sanh ra dục hỷ Niết Bàn”,tức là ham thích cảnh giới Niết Bàn, Phật dạy tiếp: “Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri Niết Bàn”.(Pháp Môn Căn Bản kinh Trung Bộ tập 1 thuộc tạng kinh Pali - Việt Nam, trang 9).Nghĩa của đoạn kinh trên là chẳng hiểu gì về Niết Bàn cả.

Đọc bài kinh này, chúng ta nhận xét đức Phật đã xác định: “Con người từ chấp ngã, tâm, linh hồn, Phật tánh, bản thể vũ trụ, cho đến 33 cõi trời và cảnh giới Niết Bàn đều do tưởng uẩn tạo ra. Từ đó con ngưòi dùng tưởng tri và ý thức để phân biệt hiểu các pháp, chứ thật sự các pháp không có thật”.

Thế giới siêu hình là thế giới bóng dáng mà con người lầm chấp có thật. Thật sự nó không có, nó chỉ là một hình bóng của tưởng uẩn mà thôi.

Có người đến hỏi Thầy Chơn Thành: “Con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu?”.

Thầy Chơn Thành đáp: “Con người sanh ra từ dục, sống trong dục, chết trở về dục”.Nói cách khác cho dễ hiểu hơn và đúng như lời Phật đã giảng trong kinh: “Con người sinh ra do từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết đi về nhân quả”.

Bởi con người không rõ luật nhân quả, nên chịu mãi trôi lăn muôn đời muôn kiếp trong nhân quả, mà không biết lối thoát ra khỏi nhân quả. Người hiểu biết nhân quả, luôn giữ gìn mỗi hành động thân, miệng, ý làm thiện với mình, với người, chẳng hề làm một điều ác nào cả, để mình không khổ và người khác không khổ. Theo luật nhân quả người làm thiện như vậy, khi chết sẽ sanh nơi thiện, hưởng được phước báo đầy đủ, sanh ra trong gia đình giàu có, muốn chi có nấy, lại được học hành đến nơi đến chốn và được nuôi dạy trong môi trường đạo đức sống toàn thiện, tạo thêm phước báo cho đời sau nữa. Ngược lại, kẻ không hiểu luật nhân quả, thường không giữ gìn những hành động thân, miệng, ý thiện, nên thường làm những điều ác, tạo khổ cho mình cho người, sống quãng đời hiện tại luôn luôn khổ đau, bất an, bất toại nguyện, v.v.. Sau khi thân hoại mạng chung, chết sanh vào nơi bất thiện, hưởng quả báo nghèo cùng, khổ đau, bệnh tật, tai nạn, đói khát, thiếu cơm ăn, áo mặc, sống không nhà cửa, vất vưởng ngủ hè, ngủ chợ, không được học hành, sống trong môi trường thiếu đạo đức, nên càng ngày càng làm điều ác hơn, tạo nhiều nhân quả xấu, thì đời sống lại càng khổ đau hơn nhiều.

Sống trong môi trường ác nghiệt như vậy, thì lại tạo những điều cực ác hơn nữa và như vậy, khi thân hoại mạng chung, chết phải đọa vào những cảnh khổ hơn làm người bần cùng và sanh vào những loài thú vật, côn trùng, v.v..

Người đó lại hỏi nữa: “Tại sao các thầy bói lại biết đồ vật trong nhà mình, khi mình đến xem bói”, Thầy Chơn Thành trả lời: “Đó là do tưởng thức, chỉ có người tu chứng mới biết rõ ràng tận nguồn gốc của nó mà thôi”. Thế giới tưởng không thể dùng trí hữu hạn của con người mà hiểu được, chỉ có trí vô hạn của Phật mới thấu suốt và biết nó như thật. Ví như, mới học toán lớp một, mà đòi hiểu toán đại học sao hiểu được? Muốn có trí vô hạn lượng, hiểu thấu suốt các pháp, thì phải tu tập.

Nếu không tin lời Phật dạy: “Thế giới siêu hình là thế giới tưởng, có hay không có thì phải tu tập theo đúng con đường của đạo Phật, thì tự mình chứng nghiệm không những thế giới siêu hình đó, mà còn thông suốt cả không gian và thời gian tận cùng của vũ trụ”.

Qua giáo lý kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật, đức Phật đã xác định nhiều bài kinh rằng: thế giới siêu hình chẳng có, đó chỉ là một thế giới tưởng của con người lưu xuất từ tưởng uẩn mà thôi, nó không bao giờ có thật sự.

Đức Phật cũng còn xác định rằng: Nếu thế giới siêu hình có thật, thì đạo Phật không có mặt trên hành tinh này. Tại sao vậy?

Đạo Phật ra đời vì mục đích giải khổ cho con người. Nếu thật sự có thế giới siêu hình, tức là các pháp trên thế gian này không phải do duyên hợp tạo thành, mà phải do một đấng Vạn năng sáng tạo. Vì thế mọi sự trừng phạt và khen thưởng đều do vị này. Chúng ta hãy chịu khó đọc lại một đoạn kinh Tiểu Thừa trong  tập kinh Tăng Nhất A-Hàm, tập 1 trang 455 thuộc tạng kinh Việt Nam. Các Thầy Tỳ kheo thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! có sắc nào thường còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời, mà không di động chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào hằng còn không biến đổi, tồn tại mãi ở đời mà không di động chăng?”

Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ kheo! Không có sắc nào hằng còn tồn tại mãi ở đời mà không biến đổi, lại không có thọ, tưởng, hành, thức nào, hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi”.

“Này các Thầy Tỳ kheo! Nếu lại có thức này (linh hồn, Phật tánh, Bản lai diện mục, Thần thức, v.v..) hằng còn mãi ở đời mà không biến đổi, thì người tu Phạm hạnh (tu theo đạo Phật giới, định, tuệ) chẳng thể phân biệt được thiện ác và chẳng thể dứt hết gốc khổ”.

Lúc bấy giờ, đức Phật, lấy một ít đất để trên đầu móng tay và bảo: “Nếu chỉ còn một chút xíu đất trên móng tay ta, không thay đổi thường hằng, thì người tu theo Phạm hạnh (theo Phật giáo) chẳng thể chấm dứt các khổ”.

  “Vì thế, này các Thầy Tỳ kheo! Vì không còn chút xíu thức nào, nên mới thực hiện được phạm hạnh, dứt đươc mé khổ”.

Bài kinh trên đã xác định rõ ràng, nếu còn có một chút xíu thế giới siêu hình (linh hồn, thần thức) thì đạo Phật không có mặt trên hành tinh này, vì không thể tu tập, làm chủ sanh, già, bệnh, chết được mà đã tu tập không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết thì mục đích của đạo Phật ra đời để làm gì?

Hay ra đời để bắt chước lục sư ngoại đạo, xây dựng thế giới siêu hình có Thần Thức, Linh Hồn, Tiểu Ngã, Đại Ngã, Chơn Như, Phật Tánh, Bản Thể Vạn Hữu, Bản Lai Diện Mục, v.v..

Thời đại đức Phật ra đời là thời đại dân trí còn thấp kém, con người đang sống trong mê lầm lạc hậu, mê tín, nên tất cả các tôn giáo khác đều theo sự lạc hậu, mê tín đó đang ở trong bối cảnh xã hội như vậy. Các tôn giáo cũng không thể nào thoát ra khỏi thế giới siêu hình tưởng đó. Vì vậy các tôn giáo cũng là những con người đang nằm trong thế giới tưởng uẩn của họ, cho nên không còn có cách nào khác hơn được nữa, họ phải xây dựng thế giới siêu hình vĩ đại hơn của con người đang có, để dễ lừa đảo hơn. Thế nên, pháp môn tu tập của các giáo phái cũng không thoát ra khỏi tưởng tuệ, thường sống trong tưởng tri. Cho nên, họ đều xây dựng thế giới siêu hình, có thần linh, có linh hồn, thì phải có sự cứu rỗi, có ban phước lành; thì phải có gia hộ, có trừng phạt, có giáng họa; có gia hộ, có trừng phạt, có giáng họa, thì phải có thưởng, có khen, v.v..

Vì thông suốt thời gian và không gian của vũ trụ, nên đạo Phật biết rất rõ các cõi đều do tưởng tri của con người sản xuất ra, nên mạnh tay đập phá thế giới hữu hình cũng như thế giới siêu hình, bằng một sự biết rất rõ, nó không có thật thường làm đau khổ cho loài người. Cho nên, qua những bài pháp chỉ thẳng rất thực tế và cụ thể, mà hiện giờ thời đại khoa học của chúng ta cũng phải chấp nhận những bài pháp đó thật là logic và khoa học.

Ngài chấp nhận cõi Trời, là chấp nhận việc làm thiện của con người. Những hành động thiện sẽ mang đến cho họ một cuộc sống an vui, thanh thản và hạnh phúc, đó là cảnh giới “Thiên Đàng”,Ngài chấp nhận ngay tại cuộc sống ở thế gian này, là cõi “Trời”chứ không ở cõi nào khác cả.

Ngài chấp nhận cõi địa ngục, là chấp nhận những việc làm ác của con người. Những hành động ác đó sẽ mang đến cho họ một cuộc sống tai ương, họa khổ, bất an, đó là cảnh giới địa ngục, tại thế gian này, chứ không có cõi địa ngục nơi nào khác cả.

Cho nên, “Thiên Đàng”hay “Địa Ngục”đều ở tại cảnh giới thế gian này, do chính bàn tay, khối óc, lời nói của con người tạo ra, chứ không phải có cảnh giới Thiên Đàng, Địa Ngục có sẵn để trừng phạt và khen thưởng con người.

Theo giáo lý của Đức Phật dạy: “chẳng có ai ban phước giáng họa cho con người, mà chính con người tự ban phước giáng họa cho mình”.

Ngài chấp nhận cảnh giới Niết Bàn là chấp nhận một trạng thái tâm hồn đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp.

Ngài không chấp nhận thế giới siêu hình huyễn hoặc, do tưởng tri bịa đặt ra để lừa đảo, lường gạt người khác, tạo cảnh giới mê tín, khiến cho con người tiền mất tật mang, mà chẳng ích lợi gì cho cuộc sống. Ngài thường cho thế giới đó là thế giới bóng dáng của thập nhị nhân duyên, thế giới tưởng tri của con người, vì vô minh chẳng rõ nên lầm chấp là có thật mà thôi.

Thời đại đức Phật ra đời, là thời đại tình trạng dân trí còn thấp kém, lạc hậu, nên thường sống trong tưởng tuệ, không thể hiểu được thực thể của các pháp, luôn luôn bị các nhà tôn giáo “tưởng”,dồn nhét vào đầu óc con người, thêm những hình ảnh huyền bí, thần thông siêu việt, những linh hồn ngự trị ở cây cao bóng mát, những ma thiêng như đom đóm lập loè trong đêm tối, những vị thần linh khổng lồ vĩ đại, như đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế quyền uy sáng tạo vũ trụ, cai trị, xử phạt, ban phước, giáng họa cho cả loài người và chư thiên. Muốn cho thế giới tưởng đó hoạt động một cách hiệu nghiệm, các nhà tôn giáo dùng tưởng ấm của mình, bằng cách “ức chế ý thức và ám thị tưởng ấm”,khiến cho ý thức phải ngưng nghỉ, tưởng thức hoạt động. Muốn cho ý thức ngưng hoạt động và tưởng thức hoạt động các nhà tôn giáo phải tọa thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, luyện bùa, luyện chú, ám thị, kệ tụng kêu gọi âm binh, tạo cảnh hồn ma, phách vía mờ mờ, ảo ảo, nói chuyện quá khứ, vị lai, trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ, trừ ma linh hiển, khiến cho người ta quá sợ hãi và tin tưởng.

Cũng do thế giới siêu hình huyền ảo đó, bằng cách này hoặc bằng cách khác, tưởng giải ra mọi hình thức trừu tượng ảo ảnh. Con người đang sống trong tai ương, hoạn họa, bệnh tật khổ đau của nhân quả và đứng trước cảnh thiên tai, thủy tai, hỏa tai, địa họa sấm sét kinh thiên động địa, trước cảnh đó làm sao con người không sợ hãi, khiếp đảm và không tin tưởng thế giới siêu hình sao được.

Vì sợ hãi, con người phải xin gia nhập vào tôn giáo để nương tựa, nhờ sự gia hộ, cứu độ của đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, Chúa, chư Phật, chư Bồ Tát, v.v.. Từ đó con người đặt trọn niềm tin sống trong thế giới siêu hình tưởng, một thế giới hình bóng mà không biết cứ ngỡ rằng đó là thế giới chơn thật, đến khi chết bỏ thân này cũng sẽ trở về thế giới vĩnh viễn đó. Vì vậy mọi việc làm thiện ở đời này, đều hồi hướng cầu mong được chấp nhận về nơi ấy. Đó là một ảo tưởng của con người thời xa xưa và con người thời bây giờ cũng đang ở trong tâm nguyện như vậy.

Thế giới siêu hình này, đã ăn sâu vào tận gốc con người, một truyền thống lâu đời, khó mà gọt sạch được trong thời gian ngắn, mặc dù hiện giờ có người đã biết, đó là một thế giới tưởng (thế giới không thật có) tuy biết vậy nhưng cũng không thể bỏ được.

“Vả lại, trí hữu hạn của con người, không tài nào họ hiểu sự vật đúng như thật được, nên dù sao họ cũng phải tin rằng, có thế giới siêu hình”.

Đạo Phật ra đời, trong một giai đoạn con người đang sống trong thế giới tưởng, chịu ảnh hưởng của các tôn giáo thần quyền rất sâu đậm, nên khó thuyết phục con người đập phá thế giới siêu hình một sớm một chiều được. Vì vậy, đức Phật nói thẳng, nói mạnh, ai muốn hiểu sao tùy ý, sáng suốt thì nhờ, vô minh mù mờ thì chịu. Cho nên, có những bài kinh đức Phật nói rất mạnh mẽ, để xác định rõ ràng, thế giới siêu hình không có, chỉ là tưởng tri.

Đọc kinh sách Nguyên Thủy, ta nhận xét rõ đạo Phật ra đời, quyết đem lại một sự hiểu biết thật sự cho con người, một cuộc sống chơn thật, khiến cho con người không còn lầm lạc để thoát ra khỏi cảnh khổ đau, bất an, bất toại nguyện v.v..

Pháp môn của Ngài tu tập, thiết thực, cụ thể, rất khoa học, không mơ hồ, trừu tượng, viển vông, thực tập để thoát khổ của kiếp làm người.

Muốn thoát kiếp khổ làm người, thì phải thực hiện một đời sống Phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo (giới luật) và tập tỉnh thức trong từng niệm của cuộc sống, không làm khổ mình, khổ người, bằng ý thức cụ thể, rõ ràng, đối với các pháp, luôn luôn lúc nào cũng cảnh giác không để tưởng thức xen vào. Vì có tưởng thức xen vào, thì mất ý thức tỉnh giác, đối với các pháp, lúc nào, tà niệm cũng hiện tiền, có tà niệm thì có ác pháp sanh khởi, ác pháp sanh khởi thì con người phải chịu khổ đau. Khi con người có khổ đau, có tai nạn, có bệnh tật v.v.. Thì thế giới siêu hình tưởng phải đến với họ.

Khi đức Phật còn tại thế, người ta đặt trọn niềm tin ở Phật, nhờ thế mà có một số người sống đúng Phạm hạnh như Phật nên mới tu chứng đạt chân lí thật sự, vì sống theo gương hạnh của Phật, cho nên thoát ra khỏi kiếp khổ của con người, làm chủ sự sống chết, luân hồi.

Đến khi đức Phật và các bậc Thánh Tăng nhập diệt, không còn ai làm gương hạnh, nên Phạm hạnh không còn với những bậc phàm Tăng. Giới luật bị bẻ vụn, không còn ai giữ gìn nghiêm túc, sống phóng dật theo dục lạc thế gian, ăn ngủ phi thời, không thiểu dục tri túc và không phòng hộ sáu căn. Từ đó các Ngài dựa vào pháp môn của ngoại đạo triển khai thành kinh sách phát triển, thường lý luận để bảo vệ sự phạm giới, phá giới của mình, hòng che mắt tín đồ. Biến dần giáo pháp của đạo Phật thành một giáo pháp mê tín, Phật giáo biến thành thần giáo, đức Phật biến thành ông thần chuyên làm việc gia hộ ban phước. Pháp môn của Phật dùng để trau dồi thân tâm, sửa những lỗi lầm, xa lìa ác pháp, viễn ly tâm ham muốn và tu tập nhập các loại định làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Thế mà bây giờ lại biến thành giáo pháp tụng niệm, cúng tế, trừ tà, ếm quỷ, trị bệnh, cầu an, cầu siêu, v.v.. Dựng lên 33 cõi trời, và vô số cõi Phật, có một cõi Cực Lạc Tây Phương rất lý tưởng của loài người, một bản thể siêu việt vĩ đại (Phật tánh) thường, lạc, ngã, tịnh (an lạc và bất biến mãi mãi trường tồn). Kể ra tất cả các tôn giáo trên thế gian này, không có một tôn giáo hữu thần nào hơn được Phật giáo phát triển bây giờ.

Theo tưởng giải, dựa vào giáo pháp của ngoại đạo, kinh sách phát triển đã dìm mất giáo pháp chơn chính của đạo Phật, đến giờ này, ngay chính vào thời đại của chúng ta, là thời đại khoa học hiện đại, thế mà những con người có học thức, có trình độ trên đại học, vẫn còn tin có thế giới siêu hình và cũng còn mê tín như những người dân lạc hậu xưa kia, thì làm sao những người dân lao động, thiếu học không tin được.

Các nhà học giả Phật giáo phát triển rất khéo léo, đem tất cả giáo lý của ngoại đạo pha trộn lại, biến thành giáo lý Phật giáo phát triển, trong đó có vay mượn giáo pháp Nguyên Thủy, nhờ đó dễ bề lừa đảo tín đồ Phật giáo, trong mọi giai cấp con người.

Ở đây, giới bình dân ít học, kiến thức hiểu biết còn hạn hẹp, trước cảnh tai ương, hoạn họa, bệnh tật nan y; trước cảnh thiên tai, dịch họa; trước cảnh bão lụt, địa chấn, hỏa sơn, khiến cho con người khiếp đảm, sợ hãi, trong sự khiếp đảm sợ hãi đó con người tưởng ra những vị thần linh có đầy đủ oai lực, có sự ban phước và cũng có sự giáng họa, theo hành động thiện ác của mỗi người.

Lợi dụng tưởng tri mê tín này, các tôn giáo xây dựng thế giới siêu hình, biến thành cõi Thiên Đàng và Địa Ngục, có chư Phật, Thánh, Tiên, Thần, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Diêm la, Thủy phủ, tà, ma, quỉ quái, v.v.. Xây dựng thế giới siêu hình xong các vị giáo chủ sản xuất những loại kinh, cúng tế, tụng niệm, cầu an, cầu siêu, làm lành, bố thí, phóng sanh và còn kêu gọi cúng dường trai Tăng, xây chùa, cất thap, lập miếu, dựng đình, v.v..

Giới trí thức có hiểu biết hơn, thì không tin sự mê tín vu vơ đó, lại tin vào sự mê tín trừu tượng như: Bản Thể Vạn Hữu, Tâm, Tánh, Phật Tánh v.v.. Do đó họ chạy theo những pháp môn thiền định, tu tập để mong “Kiến tánh thành Phật”.Thật là buồn cười cho mọi người. Khi thấy tánh thành Phật thì làm lợi ích gì cho mình, cho người, hay chỉ dùng ba tấc lưỡi lừa đảo người khác. Thấy tánh thành Phật có hết tâm tham, sân, si không? Có làm lợi ích gì cho kiếp sống của con người không? Hiện giờ biết bao nhiêu người đã kiến tánh thành Phật mà đã hết tâm tham, sân, si chưa? Đã thành Phật chưa? Phật như thế nào? Hay là những danh từ “đại giác”suông? “chứng đạo”suông? “giác ngộ”suông? Kiến tánh thành Phật sao còn tham tiền, tham bạc, ăn ngủ phi thời, giới hạnh, giới đức chẳng có, sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v..

Trong khi đạo Phật, không chấp nhận thế giới siêu hình; không chấp nhận tụng kinh, cúng bái, cầu nguyện, tế lễ, thì cúng bái tụng kinh, cầu khẩn và tế lễ với ai cho ai đây? Đạo Phật là Đạo vô ngã. Vậy, ngồi thiền nhập định để kiến tánh thành Phật là Phật gì? Vô ngã sao lại còn có Phật?

Đạo Phật là một tôn giáo ra đời, để giải quyết bốn điều khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết”.Giáo pháp của Người xây dựng trên một nền tảng “Đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người”.

Pháp môn của Người dạy tu tập tỉnh thức là để ngăn chặn lòng tham muốn và ngăn chặn các ác pháp, nhờ đó mới mang lại sự an vui, thanh thản và hạnh phúc cho mình, cho người. Một giáo pháp rất thực tế và cụ thể cho mọi người, nếu mọi người ai cũng ý thức và hiểu biết về pháp môn này, nỗ lực thực hiện sống đúng lời dạy của đức Phật, thì xã hội loài người sẽ trở thành Thiên Đàng, Cực Lạc, còn có cần gì đi tìm cõi Thiên  Đàng, Cực Lạc mơ hồ, trừu tượng kia, mà chẳng bao giờ có.

Vừa rồi, chúng tôi được đọc một cuốn sách tựa đề “Sự sống sau khi chết”.Đọc xong cuốn sách này, nếu người nào không có tu tập theo giáo lý Nguyên Thủy của đạo Phật và không có chứng nghiệm pháp hướng tâm, thì chắc chắn phải tin rằng có thế giới siêu hình. Toàn bộ cuốn sách tác giả đã lượm lặt những mẩu chuyện “cận tử nghiệp”.Tác giả này chưa bao giờ tìm hiểu Phật giáo và nếu bây giờ có tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo thì ông ta cũng vẫn hiểu lầm lạc, vì một đám mây mù giáo pháp phát triển đã che phủ và lấp kín, lời dạy của đức Phật.

Những mẩu chuyện cận tử nghiệp của bao nhiêu người lâm sàng trên giường bệnh trong bệnh viện, tác giả đều cho đó là một trạng thái của cuộc sống sau khi chết. Họ đâu biết rằng trong thân tứ đại này, khi con người còn sống có cả hai thế giới hữu hình và vô hình, nhưng khi thân tứ đại này chết, thì cả hai thế giới ấy đều diệt sạch. Khi thân này còn sống, cái gì hoạt động trong thế giới hữu hình? Và cái gì hoạt động trong thế giới vô hình?

Khi còn sống, con người hoạt động trong thế giới hữu hình bằng “sắc thức”.Sắc thức gồm có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; còn hoạt động trong thế giới vô hình thì chỉ bằng một “tưởng thức”.

Bình thường hằng ngày chúng ta sống làm mọi việc, thì ý thức điều khiển hoạt động do ý căn (bộ óc và thần kinh). Khi ý thức ngưng hoạt động giống như người đang ngủ, thì tưởng thức hoạt động, sinh ra giấc mộng (chiêm bao), cũng do ý căn (bộ óc và hệ thần kinh) điều khiển.

Cho nên một người bị benh tim, gan, phèo, phổi, v.v.. một trong những bộ phận đó bị ngưng hoạt động, được xem như chết, nhưng thật chưa chết hẳn, ý thức ngưng hoạt động, hơi thở dừng, tim không đập, nhưng hệ thần kinh tưởng còn hoạt động, tức là tưởng thức hoạt động (chiêm bao). Giấc chiêm bao đó gọi là “cận tử nghiệp”.Hằng ngày trong cuộc sống họ ưa thích làm những điều ác, thiện, đi chùa, nhà thờ, cúng, bái, tụng, niệm, ngồi thiền, ước vọng được  sanh lên Thiên Đàng gặp Chúa, được vãng sanh về Cực Lạc Tây Phương, gặp Đức Phật Di Đà, được thấy hào quang ánh sáng của chư Thiên, chư Phật, chư Bồ Tát, v.v.. Đó là những người được theo các tôn giáo và được những giáo pháp của các tôn giáo đã ghi những ấn tượng vào đầu óc của họ bằng những hình ảnh Chúa, Phật, ánh sáng, hào quang, hoa sen, thì cận tử nghiệp sẽ thể hiện giấc mộng y như hình ảnh đó.

Lợi dụng cận tử nghiệp, Tịnh Độ Tông sử dụng hộ niệm để giúp người sắp chết, thực hiện giấc mộng trực vãng Tây Phương. Tịnh Độ Tông nghĩ rằng: nghiệp cuối cùng (cận tử nghiệp) có thể thể hiện được những ước ao và ý nguyện lúc còn sống. Đó là về phần của những người có tôn giáo.

Còn những người không tôn giáo, thì cận tử nghiệp thực hiện giấc mộng theo tâm ham muốn danh, lợi, thương, yêu, mến, tiếc, giận hờn, tức tối, thù hận, căm ghét, la hét, sợ hãi, v.v.. Đó là những điều làm ác, ngược lại làm thiện thì cũng thấy cảnh vui tươi, hoan hỷ, sung sướng v.v..

Vì huân tập thành thói quen (nghiệp lực), lúc sắp chết, tưởng thức hoạt động từa tựa như giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao chỉ có sáu thức ngưng hoạt động, còn toàn bộ cơ thể đều hoạt động bình thường.

Người sắp chết, cũng ở trong trường hợp này sáu thức ngưng hoạt động nhưng lại khác là do một tạng phủ nào bị hư hoại không hoạt động được, chứ không giống như người ngủ chiêm bao.

Đó là trường hợp người sắp chết tưởng thức hoạt động, nên thấy mình xuất hồn ra khỏi thân và thấy thân đang nằm trên giường bệnh, các y, bác sĩ đang làm hô hấp cứu chữa. Nhưng cũng có người lúc lâm sàng trên giường bệnh chết, bấy giờ duyên năm uẩn chưa phân ly, nên tưởng thức hoạt động, bệnh nhân như nằm mộng, thấy hào quang ánh sáng, chư Thiên Thần, chư Tiên, chư Phật, chư Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thượng đế, quỉ sứ, ngưu đầu, mã diện, vua Diêm La, v.v.. Nhờ hô hấp, cứu chữa của y, bác sĩ, bệnh nhân tỉnh lại, giống như một giấc mọng và kể lại cho những người thân nghe: “chắc chắn có sự sống sau khi chết, có địa ngục hẳn hoi”.Qua những hình ảnh đó, con người không ngờ, đó là một hình bóng, do tâm ước muốn mà tưởng thức thể hiện qua giấc mộng cận tử nghiệp.

Nếu thật sự năm duyên ngũ uẩn phân ly, tan rã thì chẳng còn gì là của ta nữa hết, linh hồn, thần thức, Phật Tánh cũng tiêu tan hết, chỉ còn lưu lại nghiệp thiện, nghiệp ác mà thôi và tiếp tục theo nghiệp thiện, nghiệp ác đó, tương ưng vô minh theo hành động nhân quả của kẻ khác tái sanh luân hồi (Vô minh sanh hành, hành sanh thức).

Từ vô minh, chúng ta tạo nghiệp thiện nghiệp ác, trong cuộc sống hằng ngày, đến khi chết rồi, chỉ còn lại nghiệp thiện, nghiệp ác, rồi cũng theo vô minh, tiếp tục tái sanh luân hồi kiếp khác, cứ mãi như vậy, trôi lăn trong dòng nước nghiệp muôn kiếp muôn đời.

Do thế, đức Phật dạy: “con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả”,chúng ta biết rất rõ, chẳng có thế giới siêu hình, chẳng có đấng tạo hóa nào cả, chẳng ai sanh chúng ta ra cả và cũng chẳng có ai ban phước, giáng họa cho ta được, mà chính chúng ta biết dừng dòng nước nghiệp, thì tất cả tai nạn, bệnh tật, đau khổ và sự tái sanh luân hồi đều chấm dứt.

Trí hữu hạn của con người không thấu suốt và không thấy rõ thế giới nhân quả, nên lầm chấp có thế giới này, có thế giới kia, rồi sanh ra dính mắc, cái này thường hằng, cái kia vô thường, từ đó tranh luận theo tưởng giải, kiến chấp, ngã chấp của mình, sản xuất ra biết bao nhiêu cái sai lầm, sai lạc, tự cho cái này đúng, cái kia sai, rồi chia phe nhóm ra bài bác, chỉ trích lẫn nhau, loanh quanh, lẩn quẩn suy tới, nghĩ lui cũng chỉ ở trong vòng tưởng thức mà thôi, không thể nào vượt ra khỏi sự hiểu biết hữu hạn của ý thức con người.

Đời sống của con người, sự hiểu biết lúc bình thường là ý thức, đến khi, gặp thiên tai, hỏa họa, sấm sét, chớp giăng, lũ lụt, bão tố, tai ách, bệnh tật nan y, v.v.. Trước những cảnh quá khiếp đảm sợ hãi đó, ý thức không thể nào hiểu nổi được, nên tưởng thức bắt đầu hoạt động, thì thế giới siêu hình hiện ra, có những vị Thần trong tâm tưởng của họ như: Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét, Thần Núi, Thần Sông, Thần Cây, Thủy Thần, Hỏa Thần, Thổ Thần, v.v.. Tất cả những vị Thần này có thể ban phước, giáng họa cho loài người.

Với lòng thành kính tin tưởng và lúc nào cũng tựa nương vào những đấng thần linh này, nên có việc lớn, việc nhỏ gì cũng đều van vái, cầu khẩn, cúng bái các vị thần linh, lòng tin tưởng đó bắt đầu có hiệu nghiệm, thấy có sự linh nghiệm rõ ràng. Cho nên người ta nói rằng: gò mối mà cứ đến thắp hương cúng bái, thì gò mối cũng linh hiển. Cái linh hiển đó từ nơi đâu mà có? Chưa có ai hiểu được, ngoại trừ những bậc chơn tu, thạc đức, tu hành đúng theo đường lối của đạo Phật đạt đến Tứ Thiền, Tam Minh mới biết rõ từ nơi tưởng ấm của con người nhờ sức “ám thị”tạo ra, hay nói một cách khác, sự linh hiển đó, do lòng tin tưởng của chúng ta, tự động đã ám thị trong tâm chứ không phải có các thần linh trong thế giới siêu hình linh hiển thật sự.

Từ sự linh hiển đó, khiến cho người ta tin rằng, có thế giới siêu hình thật sự, có ma, có quỉ, có linh hồn người chết. Tin tưởng vào những hình bóng như vậy, gọi là mê tín, tin mà quên mình dám hy sinh cho những thần linh đó, gọi là cuồng tín. Đó là những giai đoạn đa thần, do từ lòng quá sợ hãi của con người sản xuất ra bằng tưởng thức, để an ủi tinh thần lúc quá khiếp đảm sợ hãi.

Tôn giáo ra đời cũng dựa vào lòng mê tín đó, không bỏ bớt các vị thần kia nhưng lại xây dựng một thế giới siêu hình nhất thần, do các đấng giáo chủ có đủ quyền năng điều khiển và sai khiến được các vị thần của dân gian đặt ra, họ có quyền năng tối cao hơn các vị thần khác, nên con người tin theo và xin gia nhập vào tôn giáo đó để được các vị thần trên hết ban phước cho mình.

Các nhà làm tôn giáo, chỉ cần thực hiện một vài thần thông tưởng nho nhỏ, do sự tu tập thiền định tưởng, hoặc dùng tưởng lực bùa chú, tạo ra những thần lực mà con người bình thường không thể làm được, thì mọi người sẽ theo tôn giáo mình rất nhiều. Ví như biến hóa, tàng hình, đi trên nước, đi trên lửa, đi trên hư không như chim bay, biết chuyện quá khứ vị lai của người khác, trị bệnh, trừ tà, ếm quỉ, v.v.. Làm những việc như vậy sẽ có nhiều người theo tôn giáo mình rất đông.

Có một số tôn giáo lợi dụng sự trị bệnh và cứu trợ tiền bạc, thực phẩm, gạo, sữa, đường, thuốc thang, v.v.. để lôi cuốn mọi người vào tôn giáo mình, đó là mánh khoé của các nhà làm tôn giáo. Cho nên Phật giáo phát triển có Tứ Nhiếp Pháp để nhiếp phục người khác vào tôn giáo mình.

Do dùng tưởng tập luyện, nên tâm danh, lợi, sắc dục vẫn còn, vì thế, khi có chút ít thần thông, thì lập thành một giáo phái, rồi hướng dẫn người theo giáo phái mình tu tập. Nếu vị giáo chủ không sa ngã danh, lợi và sắc đẹp, có giới luật, có kỷ cương hẳn hoi, có pháp hành và tu tập có kết quả, thì giáo phái đó được duy trì lâu dài, còn ngược lại không có kỷ luật, vị giáo chủ đắm say danh lợi và sắc dục thì thần thông tưởng biến mất, vị giáo chủ kia đi ở tù vì tội lừa đảo.

Trong đương thời, phát triển đạo giáo, thì vị giáo chủ bày ra đủ thứ mê tín, khiến con người hao tốn tiền bạc rất nhiều, nhưng cũng có điều dạy rất tốt, dạy người làm lành, biết thương yêu nhau, bố thí giúp nhau trong cảnh hoạn nạn, tương thân tương trợ đoàn kết với nhau. Nhưng rất độc tài và bảo thủ tôn giáo mình nên sách động tín đồ làm việc cực ác. Phần nhiều có chiến tranh trên hành tinh này đều do tôn giáo gây ra, máu xương con người chất như núi.

Bởi vậy, tôn giáo ra đời có lợi mà cũng có hại, lợi là dạy người làm thiện, tu thiện, biết thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau;  hại là tôn giáo này tranh giành tín đồ với tôn giáo khác, vì hệ tư tưởng khác nhau. Nhưng xét cho cùng, tất cả các tôn giáo khác trên thế gian này đều lấy tưởng thức tu tập, thậm chí như: Võ công, Khí công, Khinh công, Nội công, Yoga, Dưỡng sinh đều tập luyện bằng tưởng lực, chỉ trừ ra có Phật giáo không dùng tưởng.

Phật giáo lấy ý thức chủ động điều khiển, lấy đạo đức nhân quả làm nền tảng vào đời, nên không làm khổ mình, khổ người, luôn sống với trí tuệ nhân quả, chuyển hóa được quả xấu thành quả tốt, luôn tạo nhân lành bằng hành động thân, miệng, ý, tránh tạo nhân ác, khiến đời sống mình và mọi người đều được tràn đầy hạnh phúc, an vui, chan hòa với nhau.

Những giáo lý và pháp môn đạo đức cao quý này, đã bị những giáo lý tưởng giải, kiến giải của các nhà học giả phát triển triển khai ra và đã tìm mọi cách dìm mất giáo lý của đạo Phật, nên hiện giờ con người trên hành tinh này đã đánh mất đi một nền đạo đức nhân bản – nhân quả tuyệt vời không làm khổ mình, khổ người.

Nếu các tôn giáo cho rằng: có đời sống sau khi chết, và lấy những mẩu chuyện cận tử nghiệp của nhà sưu tầm Raymono A-Moody cho là thật, thì chúng tôi xin nêu một ví dụ.

Ví dụ, có một bệnh nhân cần phải mổ, trước khi mổ phải gây mê cơ thể cho người này. Khi bị gây mê, người này không còn biết gì hết, giống như người ngủ say, thì lúc bấy giờ linh hồn người này đâu bị gây mê, sao họ lại mất tiêu, không xuất linh hồn ra ngoài thân, để xem lại thân họ đang bị mổ, như các trường hợp trong sách này thuật lại. Trường hợp thứ hai, trong các nhà Thiền bảo rằng: “thể tánh con người hằng biết, hằng nghe, hằng thấy. Vậy, sao lúc gây mê chẳng còn nghe thấy biết gì cả?”.

Phật dạy: “cận tử nghiệp”,người sắp chết thường thể hiện cận tử nghiệp như giấc mộng, thấy cảnh giới này, cảnh giới khác, có người thì mê man bất tỉnh chẳng biết gì cả, đó là tùy theo nghiệp (thói quen do lòng ham muốn), tiếp tục tái sanh, luân hồi theo nghiệp lực dục tương ưng với đối tượng nghiệp lực dục đó, ngay liền sau khi thân này, không còn phục hồi lại được nữa. Do đó sự sống sau khi chết không có, chỉ có một cuộc sống hiện hữu đang tiếp diễn trong luật vô thường nhân quả, từ thân này đến thân khác liên tục mãi, tiếp nối nhau mãi không bao giờ có kẽ hở, như ngọn đuốc này tắt, tiếp nối ngọn đuốc khác.

 Đó là một đạo luật nhân quả bất di bất dịch, muôn đời muôn kiếp của loài người không có ai thay đổi được, bởi vì con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả và chết trở về nhân quả.

TỤC LỆ

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tại sao người chết, phải buộc tay chân vào hai bả vai?

Đáp:  Theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống mê tín, dị đoan, kỳ lạ theo từng vùng địa phương. Đây cũng là một phong tục tập quán ở miền Bắc, riêng ở miền Nam, khi nhà có người chết thì nhốt mèo lại hết. Những ông bà xưa dạy: khi trong nhà có người chết, không cột tay chân vào bả vai thì sẽ bị quỉ “nhập tràng”,quỉ nhập tràng tức là những linh hồn người chết oan ức (chết bất đắc dĩ), chết tức tối, chết không kịp trối trăn gì cả, những linh hồn người này không đi đầu thai được, sống vất vưởng theo đình, theo miếu, theo cây cao, bóng mát, thấy người nào hạp với nó, thì bắt bệnh đau; thấy người nào chết, mà hơ hỏng không chịu cột tay chân, thì nhập vào, khiến cho thây ma bật dậy chạy điên khùng, đụng vào người nào thì người đó cũng chết theo, khi đụng như vậy, dù vào người hay cây cối thì thây ma cũng bật té chết trở lại, do đó người ta sợ trường hợp này xảy ra, nên mới cột tay chân vào bả vai để tránh trước tai họa cho gia đình và những người khác.

Trong miền Nam, khi nhà có người chết, người ta không cột tay chân người chết lại, mà lại nhốt mèo, vì trong những con mèo sẽ có con mèo gọi là “linh miêu”. Nếu con mèo này nhảy ngang qua thây người chết, thì thây ma đứng dậy chạy và đụng ai thì người ấy chết, cho nên có người chết trong nhà đều nhốt mèo lại hết, bây giờ không còn tục lệ đó nữa.

Trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật giáo không có dạy những điều này, thường dạy làm những điều thiện tránh xa những điều ác, và đập phá những điều mê tín, dị đoan, nhất là xóa bỏ thế giới tưởng siêu hình, hoàn toàn không chấp nhận, cho nên những gì mê tín, dị đoan do các phong tục truyền thống của dân gian có tánh cách mơ hồ, trừu tượng không thực tế thì đức Phật nhẹ nhàng uốn nắn.        

 Chúng ta là đệ tử của đức Phật, ta phải nương theo trí tuệ Phật, quán chiếu cái gì đúng, cái gì sai, để lần lượt dẹp bỏ, cho cuộc sống bớt rườm rà và phiền toái, vì những tục lệ không lợi ích thiết thực. Nếu chúng ta chấp nhận khiến chúng ta càng vô minh hơn và càng lạc hậu hơn.

Nếu cuộc đời còn chấp nhận những điều mê tín, lạc hậu, còn mang đầy ấp những truyền thống của tổ tiên mơ hồ, trừu tượng, có tánh cách vô lý, mà không chịu dứt bỏ, mang cõng trên vai, trên cổ mãi, mà không chịu bỏ xuống thì chứng tỏ những hạng người đó quá u mê, vô minh, và lạc hậu không tiến bộ, theo kịp thời đại khoa học, đang hiện đại hóa cuộc sống loài người.

ÁO LỤC THÙ, ÁO HẢI HỘI

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Chúng con tâm còn hoảng loạn, trong lúc có người thân quyến ra đi, thật là lưu luyến kẻ ở người đi, lòng sầu bi, ũ dột. Lúc còn sống phải chuẩn bị mua sắm áo chết để mặc,“áo lục thù, áo hải hộiđể khi chết mặc đi xuống địa ngục, quỷ sứ nhìn thấy, biết đó là đệ tử của nhà Phật, mà không hành án nặng, giảm khinh tội. Thưa Thầy, con chưa hiểu, xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Đạo Phật quả quyết và xác định không có thế giới siêu hình, thì làm sao có linh hồn mặc áo hải hội, áo lục thù đi xuống địa ngục.

Đạo Phật chỉ có một thế giới con người đang sống, là thế giới tưởng tri, con người đang lầm chấp cho đó là thế giới có thật sự, nên tạo biết bao nhiêu nhân quả bất thiện, để rồi cũng phải chịu sống với bao nhiêu quả khổ đau, vui ít, khổ nhiều, còn kẻ nào tạo những điều cực ác, thì phải thọ lấy cảnh sống toàn khổ, đó là địa ngục trần gian, chứ không có địa ngục nào khác nữa; còn kẻ nào làm toàn thiện, không làm khổ mình, khổ người thì kẻ ấy có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, đó là cảnh giới của chư Thiên; còn kẻ nào cũng sống toàn thiện như trên, mà biết xa lìa tâm ham muốn (dục), không làm khổ mình, khổ người thì tâm hồn thường thanh thản, yên vui, an lạc và vô sự, đó là Niết Bàn tại thế gian.

Đối với đạo Phật, cảnh Thiên Đàng, Địa Ngục và Niết Bàn đều ở tại thế gian không phải đi tìm nơi đâu xa cả.

1-        Làm ác chịu quả khổ, đó là địa ngục tại thế gian.

2-        Làm thiện hưởng phước báo an vui, hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, sống cuộc đời đầy đủ, không thiếu hụt, muốn chi có nấy, đó là cảnh Thiên Đàng tại thế gian.

3-        Sống ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, tâm hồn vô sự, thanh thản, trầm lặng, an lạc, đó là cảnh giới Niết Bàn tại thế gian. 

Áo lục thù và áo hải hội là của các thầy cúng và các thầy phù thủy, bày đặt chuyện ra để lừa đảo, lường gạt những người không hiểu giáo lý đạo Phật chơn chánh, họ dựa theo một số kinh sách mê tín của Đại  Thừa, mà bảo với tín đồ, đó là lời Phật dạy: làm như vậy, cúng bái như vậy, sẽ có lợi ích và phước báo lớn.

Làm gì có quỷ sứ, ngưu đầu mã diện; làm gì có mười vua Diêm Vương ở cõi đại ngục hành hạ linh hồn tội nhân. Đó là sự giàu tưởng tượng của những văn viết tiểu thuyết thuộc loại hoang đường hư ảo như những tác giả kinh Địa Tạng, kinh Thập Vương, Tây Du Ký, Phong Thần, Hồi Dương Nhân Quả, Liêu Trai Chí Dị v.v..

Trong kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật, có nói đến quỷ vô thường, quỷ la sát, là nói đến sự vô thường của thân tứ đại và các pháp ác, chứ không phải có con quỷ vô thường và con quỷ la sát thật sự, người đời không hiểu cho đó là có quỷ thật sự, ở cõi địa ngục Diêm La.

Trong kinh Thập Vương diễn tả mười cảnh địa ngục, có mười vị vua Diêm La Vương, có quỉ sứ, có ngưu đầu,  mã diện, có phán quan, v.v.. Đó là một thế giới tưởng được vẽ ra, để lừa đảo tín đồ, khiến cho tín đồ quá sợ hãi. Do sự sợ hãi đó mà quý thầy Đại Thừa bảo tín đồ làm sao thì làm vậy, không dám suy nghĩ đúng, sai những điều đã được dạy bảo, nên phải chịu hao tài tốn của rất nhiều về vấn đề cầu siêu, cúng vong, tiễn linh, trừ linh, trừ thần, v.v..

CHIẾC ÁO KHÔNG CHE ĐƯỢC MẮT THÁNH

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc sống không tu tập trau dồi thiện pháp, không sửa tâmtánh, những thói hư tật xấu, sống không nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, luôn luôn tạo khổ cho mình và cho người khác. Đến khi chết, mặc áo lục thù, áo hải hội có tác dụng gì không?

Đáp: Kinh sách phát triển thường soạn viết ra những điều phi đạo đức, sống làm điều ác, gian tham, tật đố, háo danh, tham của cải, tài sản, đủ mọi mánh khóe, thủ đoạn, giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh, chẳng chút lòng lành, chẳng biết thương xót ai hết, chỉ biết có mình là trên hết. Đến khi chết chỉ cần mặc áo lục thù hoặc áo hải hội, đi xuống Diêm đình, không ai bắt tội, vì quỷ sứ, ngưu đầu, mã diện, ngục tốt đều biết đó là đệ tử của đức Phật nên vị tình tha thứ.

Đó là một hình thức trong muôn ngàn hình thức lừa đảo, lường gạt tín đồ của kinh sách phát triển, với những người còn nhẹ dạ non lòng, trình độ hiểu biết còn thấp kém, chịu ảnh hưởng sâu nặng những phong tục hủ lậu tập quán lâu đời, đã biến thành thói quen, nên có hữu sự chuyện gì, thì cứ theo lời dạy trong kinh sách đó mà làm, chẳng dám ném bỏ, dù biết đó là sai không đúng, nhưng không làm thì chịu không được, hoặc sợ mọi người lên án hay chê cười, bất hiếu, không thông kinh sách Thánh Hiền.

Đối với đạo đức nhân quả, là một đạo luật rất công bằng và công lý. Giả thuyết nếu đức Phật có làm những tội ác mà đã đi xuống địa ngục dù có mặc một trăm chiếc y hai mươi lăm điều thì luật nhân quả cũng sẽ không tha tội ông, vẫn hành tội đúng như những người khác làm tội ác mà không có chút nào thiên vị.

Cho nên, các cư sĩ đừng nghe theo kinh sách phát triển, rồi chừng đó sẽ hối hận, ăn năn không kịp, đừng lấy vải thưa che mắt Thánh, đừng lấy chiếc áo đạo, che mắt luật nhân quả được hay sao!

Hãy sống đúng luật nhân quả, đừng làm khổ mình khổ người, thì dù có sống trong cảnh giới nào, thì cũng được an vui, hạnh phúc, có chết đi về cõi nào thì cũng là cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Chẳng bao giờ  biết sợ đọa địa ngục, và chẳng bao giờ có Diêm Vương bắt nạt, có ngục tốt la hét mắng chửi, nạt nộ, hành hạ v.v..

Thời đại khoa học hiện đại, sự hiểu biết quá rõ ràng, đâu còn mê tín, lạc hậu như những ngày xưa, chết mà còn mặc những chiếc áo như vậy, đâu có tác dụng gì cả, chỉ làm một trò cười lố bịch cho thiên hạ. Bị kinh sách mê tín, lừa đảo mà không biết, thật là ngu si hết chỗ nói.

SÁT SANH SIÊU CỰC LẠC

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc chết vào giờ xấu, cả gia đình lo cuống cuồng, nào là lễ bái, tụng kinh, trì chú thật nhiều để trừ khử giờ xấu đó. Suốt ba ngày đêm phải giết một trăm con gà, làm cỗ linh đình, mời cả làng đến ăn cỗ.

Sát sanh làm cỗ như thế, tụng kinh trìchú, để chống giờ xấu đó, vong linh mới được siêu thoát và người trong gia đình mới được lợi lạc, bình an. Thưa Thầy, có được như vậy không ạ?

Đáp:Theo tinh thần của đạo Phật, đời người sanh ra có tốt, xấu, phước báo hay tai nạn, đều do những hành động nhân quả của chính mình đã gây tạo ra, chứ không phải do ai ban phước, giáng họa cho mình mà cũng không phải vì tuổi tác xung khắc tốt, xấu hoặc ngày, tháng, năm tốt, xấu đem lại quả khổ cho mình.

Bởi vậy đạo Phật xem giờ, ngày, năm, tháng không có xấu, tốt. Xấu tốt chính là hành động thân, miệng, ý của chính mình tạo ra.

Tùy theo sự văn minh của mỗi dân tộc trên hành tinh này phát triển theo sự tiến hóa của môi trường sống. Lúc bấy giờ các nước dân tộc Châu Á triển khai theo luật âm dương, bát quái, ngũ hành, dựa vào đó biên soạn kinh Thái Ất Dịch Số mới có những ngày, giờ, tốt xấu để con người kiêng cữ biến thành một loại mê tín có sách vở, có nghiên cứu rất tinh vi, khiến cho mọi người có trình độ kiến thức cao như những nhà khoa học và bác học vẫn phải tin theo, không có một lý luận nào chống trái bắt bẻ, dù dựa vào khoa học cũng không bài bác, cho là mê tín được. Nhưng chúng ta phải biết đó là một loại mê tín của văn minh người xưa cổ có bài bản.

Đối với đạo đức nhân bản - nhân quả, thì những văn minh này đã khiến cho con người duy trì và làm những điều phi đạo đức. Một người chuyên làm những điều ác đức, giết hại biết bao nhiêu con người khác và loài thú vật, vì tư lợi cá nhân của mình, vì chiếc ngai vàng của những nhà vua độc tài.

Nếu xem ngày giờ tốt, xấu trong mọi việc làm mà đạt được như ý nguyện, thì những người giàu có và các quan, vua chúa sẽ không bao giờ có tai nạn, bệnh tật, tử vong, mất nước v.v..

Nếu xem ngày, giờ, tốt, xấu trong mọi việc làm, mà đạt được như ý nguyện, thì con người trên hành tinh này sẽ trở thành những ác thú hung dữ. Tàn sát lẫn nhau  mà không gớm tay.

Ví dụ: Một người ăn trộm hoặc ăn cướp, giết người cướp của, chỉ cần đi xem ngày, giờ tốt xấu, rồi đi ăn trộm, ăn cướp sẽ không bị bắt và không bị tù tội, thì thử hỏi con người trên thế gian này, làm sao còn sống được nữa vì nạn trộm cướp. Do vậy chúng ta biết đó là một loại mê tín có sách vở, từ loại mê tín có sách vở này, mới sản xuất ra các loại sách bói khoa, chiêm tinh, tiên tri v.v..

Phật giáo ra đời không chấp nhận những điều mê tín phi đạo đức này, vì đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên một nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả công bằng và công lý. Một đạo đức không giai cấp, không quân tử, không anh hùng cá nhân, chỉ biết sống bình đẳng với mọi con người và thương yêu tất cả chúng sanh, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó là một đạo đức công bằng nhất trên hành tinh này. Nếu mọi người đều thực hiện và áp dụng vào đời sống hằng ngày thì hành tinh này là một cõi Thiên Đàng của loài người.

Nếu đạo đức này được áp dụng vào đời sống của loài người, thì thế giới siêu hình không còn có nữa, những kinh sách xem ngày, giờ tốt, xấu và những loại sách bói khoa chiêm tinh tiên tri sẽ bị đốt sạch, vì con người không ai còn tin nữa.

Ngày, giờ, năm, tháng không có tốt, xấu; tốt, xấu là do con người đặt ra để kiêng cữ thế này thế khác, nhưng kiêng cữ có tránh được tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ hay không?

Chắc là không rồi, nhưng tại sao người ta lại tin? Người ta tin chỉ vì không hiểu rõ, còn mờ mịt, u tối, vô minh không thấy đó là những điều phi đạo đức, làm lợi cho mình mà hại biết bao nhiêu người khác.

Sanh ra làm người, là do từ nhân quả, sống trong môi trường nhân quả, chung đụng với các pháp nhân quả, nên luôn phải có những hành động nhân quả để đối phó xử sự mọi sự việc trong thiện pháp, để biến cảnh sống “Địa Ngục” thành “Thiên Đàng”, muốn được vậy con người phải thông suốt luật nhân quả. Có thân này là thân nhân quả, thân nhân quả là vô thường, biến dịch thay đổi, thì có ai tránh khỏi bệnh tật, tai ương trong môi trường nhân quả này không?

Nếu biết rằng không ai tránh khỏi luật nhân quả, sao lại còn bày chi luật âm dương dịch số, xem ngày, giờ tốt, xấu, tuổi tác, vận mạng, để lừa đảo, lường gạt người khác một cách vô đạo đức như vậy?

Rút ra từ kinh nghiệm bản thân của cuộc sống, mỗi người làm điều gì đều phải xem tuổi tác và ngày, giờ tốt, xấu, nhưng mấy ai đã đạt được kết quả tốt đẹp hoàn toàn bao giờ chưa? Có ai đã xem tuổi tác và ngày, giờ tốt, mà không xảy ra bệnh tật, tai nạn chưa?

Nếu xét cho kỹ, sự được, mất là do hành động nhân quả thiện, ác của mình, chứ không phải do tuổi tác ngày giờ tốt, xấu. Đây cũng là một trò tưởng giải của loài người tự gạt, tự dối mình, tự lừa đảo mình mà không hay, không biết, nên người ta bảo rằng: “Đây cũng là một văn minh của người xưa”,nào ngờ trí hữu hạn của con người không giải quyết được những điều không hiểu, mà lại đầy ắp tâm tham vọng, mong cầu, ao ước một cuộc sống trên hết mọi người không có ai bằng mình được về mọi mặt.

Vì thế, với tâm tham vọng đó, con người tưởng giải ra các pháp mê tín, để an ủi tinh thần mình trong hy vọng về tương lai, tạo cho con người có một cuộc sống ảo tưởng, nuôi hy vọng lớn và nuôi bản ngã càng ngày, càng vĩ đại hơn.

Những giáo pháp này đã đưa con người sống không thật với chính họ và với mọi người. Cũng vì thế, đời người vốn sanh ra trong môi trường nhân quả đã đau khổ lại càng khổ đau hơn.

Kinh sách mê tín lừa đảo người, đã biến thành một nghề sống cho những người lười biếng muốn “ngồi trong mát ăn bát vàng”,bằng cách lường gạt người khác, chỉ có những người vô minh, mê mờ, thiếu đạo đức nhân quả, đầy lòng tham vọng thì mới tin theo.

Người đệ tử chơn chánh của Phật giáo không bao giờ bị lường gạt, bởi họ được giáo dục và trang bị một “đạo đức nhân bản -  nhân quả” rất đầy đủ mọi hành động không làm khổ mình, khổ người, còn những kẻ tự xưng là đệ tử của đức Phật được học tập giáo lý và nghiên cứu kinh sách phát triển mê tín, phi đạo đức thì những tu sĩ này lại là những thầy xem ngày, giờ tốt, xấu; còn tín đồ cư sĩ Phật giáo thì lại mê tín, có điều gì thì đi xem tuổi tác ngày, giờ để tránh tai bay, vạ gió hơn những người không tôn giáo. Từ đó những gì mê tín, dị đoan, lạc hậu đều do trong nhà chùa bày vẽ ra. Cũng từ đó đạo Phật mất đi nền đạo đức nhân bản – nhân quả quý giá nhất của loài người.

Đức Phật đã xác định: không có thế giới siêu hình, không có ai cứu khổ, cứu nạn cho ai, không có ngày, giờ tốt, xấu. Lời dạy bảo năm xưa của đức Phật còn vang mãi trong tai: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không cứu khổ các con được”.Đây là lời di chúc cuối cùng của đức Phật trước khi Ngài sắp nhập diệt. Thế mà, kẻ nào đã dạy tụng kinh, trì chú, để trừ khử những giờ xấu đó hoặc cầu an, cầu siêu cho gia đạo bình an và linh hồn được siêu sanh Tịnh Độ? Kẻ đó dám phỉ báng đạo Phật như vậy, chuyện không có dám mạo nhận Phật dạy như vậy, thật là gan dạ, nhưng lần lượt người ta vẫn sẽ phát giác ra sự gian xảo đó, không thể che dấu mãi được.

Lời dạy tụng kinh, trì chú trên đây, đối với Phật giáo là một điều phi đạo đức, phi Phật giáo. Người tín đồ Phật giáo chân chánh sẽ không chấp nhận những điều mê tín, trừu tượng, mơ hồ, không rõ ràng, thiếu thực tế. Chỉ có kẻ ngu si mới không biết đó là thế giới tưởng (thế giới do tưởng ấm tạo ra). Ngày, giờ tốt, xấu cũng do tưởng ấm tạo ra, dựa vào sự hoạt động luân hồi (tuần hoàn) của luật vô thường nhân quả để tiên đoán quá khứ, vị lai và hiện tại của kiếp sống con người, có khi đúng, cũng có khi sai. Đúng là nhờ tưởng ấm sử dụng không có thời gian và không gian, giao cảm được mọi sự kiện nghiệp lực của nhân quả cũ; còn không đúng là vì luật nhân quả di dịch thường hay thay đổi do hành động thiện ác của con người, khiến cho nghiệp lực nhân quả cũ được thay đổi liên tục theo không ngừng nghỉ. Do thế các nhà tiên tri, không thể nào tiên đoán trúng được 100%. Mặc dù kinh sách dịch số, chiêm tinh biên soạn rất công phu dựa vào luật âm dương, bát quái tính toán rất tinh vi, giống như khoa học. Nhưng nó không phải là khoa học, nó chỉ là khoa tưởng tri của con người dựng lên để giải quyết những tham ước vọng và giải quyết sự ngu dốt của con người. Càng giải quyết tham ước vọng, lại càng khổ đau hơn; càng giải quyết sự ngu dốt lại càng ngu dốt hơn, chỉ vì những điều được dựng lên, đều do tưởng tri tạo ra. Việc làm đó chỉ là một nguồn an ủi tinh thần, chẳng có gì ích lợi thiết thực cả, còn làm hao tài tốn của và công sức rất nhiều của con người.

Khi sống làm những điều ác đức, đến khi chết nhằm vào giờ xấu, là để chỉ cho quả báo hiện tiền, cớ sao lại trốn chạy, tránh né bằng cách dựa vào thế giới tưởng để tụng kinh, trì chú cho tai qua, nạn khỏi. Đối với đạo Phật, những kẻ làm như vậy là những kẻ không đạo đức, đó không phải là đệ tử của Phật, mà là những kẻ hèn nhát tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác, đến khi gặp khổ lại trốn chạy, tránh né.

Đứng trên lập trường nhân quả, đạo Phật dạy ta: khi ta làm một điều ác, điều ác đó đã trở thành quả, làm khổ cho ta, tức là ta phải thọ chịu lấy sự đau khổ ấy, chính ta đã vô minh làm điều khổ đau cho ta mà ta không biết. Ở đây, cần phải hiểu chính ta đã làm ác cho ta mà ta phải thọ lấy quả khổ đó, huống là ta làm khổ cho kẻ khác và cho tất cả loài chúng sanh thì ta phải gánh chịu chứ không trốn chạy.

Làm một điều ác, khiến cho người khác và chúng sanh đau khổ, thì thời tiết nhân duyên đủ, luật nhân quả xử phạt công minh, không tư vị riêng ai, kẻ làm ác thì phải chịu lấy quả khổ, đừng hòng chạy chữa nơi đâu mà thoát khỏi, chỉ có vui vẻ nhận quả khổ đó với lòng hối hận, với những việc làm ác đã tạo khổ cho mình, cho người và cho chúng sanh, để sau này không còn làm ác nữa, thì sẽ chấm dứt quả khổ, chấm dứt quả khổ không phải do xem ngày tốt, xấu, hoặc trì chú, tụng niệm mà chính hành động làm thiện “không làm khổ mình, khổ người”.

Người đệ tử của Phật, trước cảnh khổ, vui vẻ đón nhận lấy, không hề than thở, oán trách ai hết hoặc chạy chữa cúng bái, cầu khẩn, van xin, cũng không đi xem ngày tốt, xấu để tránh quả khổ đó, mà đón lấy với sự hân hoan để tư duy những điều ác của mình đã làm qua, rút ra những điều đó để tránh hiện tại không làm điều ác nữa. Đó mới chính là những điều Phật dạy chân chánh, con người đối xử với con người, con người đối xử với tất cả chúng sanh, để thế gian này là Cực Lạc, Thiên Đàng.

Dạy trì chú, tụng kinh, cầu cúng để tai qua, nạn khỏi, dạy xem ngày tốt, xấu để mang đến phước báo, tài lộc đầy nhà. Đó là một giáo pháp phi đạo đức, phi nhân quả, không thấu suốt lý nhân quả nên dạy những điều bất công, ngồi không mà muốn làm giàu; làm điều ác mà muốn tránh quả khổ. Đó là kinh sách lừa đảo, lường gạt người khác có bài bản, tạo ra những hình thức rất cụ thể, giống như khoa học hiện đại, để dễ bề lừa đảo người có học thức. Sự lừa đảo này chỉ lừa đảo với những người thiếu đạo đức nhân quả. Người có đạo đức không bao giờ chấp nhận và làm theo lời dạy trong kinh sách này.

Nghề xem ngày, giờ tốt, xấu và chiêm tinh, bói khoa hiện giờ cũng rất thịnh hành, không những với người ngu dốt mê tín mà còn với những người có trình độ học thức vẫn bị lừa đảo. Chỉ riêng đối với những người tu sĩ đạo Phật chân chánh tu tập “giới, định, tuệ”,thì không bị lừa đảo, còn ngoài ra phải nói là tất cả mọi người, không tránh khỏi loại kinh sách này.

Dạy sát sanh 100 con gà, làm cỗ linh đình, cúng tế, mời cả làng đến dự tiệc, để trừ khử cái giờ chết xấu đó. Khi chết vào giờ xấu, chứng tỏ người này lúc còn sanh tiền đã làm những điều ác đức, tạo khổ người, khổ chúng sanh. Muốn chuyển quả khổ đó, mà lại giết thêm 100 con gà, tức là tạo thêm một trăm cái khổ nữa, quả khổ chồng thêm 100 quả khổ khác nữa, thì làm sao gọi là trừ khử giờ xấu đó, để vong linh được lợi lạc. Xét cho tận cùng, đó là một điều dạy ác đức, không thể giải khổ cho người chết được, vô tình thiếu trí tuệ, phán xét bị lường gạt làm điều ác, đoản mạng chúng sanh, do đó sự vô tình này lại tạo thêm tội khổ cho vong linh và còn phải đọa nhiều kiếp khổ đau nữa.

Đứng trên góc độ nhân quả, hễ làm một  điều ác thì phải mang lấy một quả khổ, càng làm bao nhiêu điều ác, thì chồng lên bấy nhiêu quả khổ, phải chịu lấy, không thể xem ngày, giờ tốt, xấu mà tránh được, cũng không thể cầu cứu với ai, mà cứu khổ được.

Nhưng, cuộc sống hằng ngày cứ làm thiện, đừng làm khổ mình khổ người, cảnh giác từng hành động thân, miệng, ý luôn thanh tịnh, thì chuyển tất cả quả khổ ở quá khứ, mang lại hạnh phúc an vui cho mình cho người trong cuộc sống hiện tại, mà chẳng cần xem ngày giờ tốt xấu, muốn làm điều gì, thì ngày giờ nào cũng tốt, cũng lành, cũng chẳng cầu cúng ai hết, cũng chẳng tụng kinh, trì chú gì cả. Đó chính là những điều Phật dạy, các Phật tử cần nên ghi nhớ, dù đệ tử cư sĩ hay tu sĩ cũng phải ghi khắc trong lòng, đừng nghe theo tà thuyết ngoại đạo, làm những điều phi đạo đức nhân quả, không xứng đáng là đệ tử của Phật. Phải quyết tâm, chặn đứng những hành động lừa đảo, gạt người và thẳng tay đốt sạch những kinh sách mê tín, trừu tượng phi đạo đức, để tránh sự hao tài, tốn của, của đồng bào Phật tử cả nước và mọi người trên thế giới. Luôn luôn phải sống đúng đạo lý nhân quả, thiện ác phân minh rõ ràng, để đem lại mình vui, người khác vui. Đó là chân giải thoát của đạo Phật.

Người giữ gìn và sống đúng đạo đức nhân quả như vậy, thì đó chính là dệ tử chân chánh của đức Phật, sống một đời sống trầm lặng, thanh thản, an lạc và yên vui cho mình cho người.

BỐC MỘ

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi nhà có người chết ba năm, sang cát xem ngày giờ tốt xấu, để bốc mộ, khi đem thi hài người chết lên. Nhờ thầy địa lý cắm hướng để mộ, cho con cháu, dâu, rể làm ăn hưng thinh. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Nếu xem ngày tốt xấu, cắm hướng, để mộ làm ăn hưng thịnh, giàu có, làm vua quan, học hành thi đỗ thì mấy ông thầy địa lý, đã tự bốc mộ ông bà mình, để hướng cho gia đình và dòng họ mình làm ăn hưng thịnh, con cháu đi học, thi đỗ làm quan, vua giàu có không ai bằng họ được.

Trên đời này chẳng có ai muốn mình nghèo khổ cả, nếu làm giàu dễ dàng, thì ai mà chẳng ham làm. Vậy sao mấy ông thầy địa lý không làm, để đi làm thầy địa lý có ra gì, đời sống cũng nghèo khổ vất vả như ai vậy.

Trong đạo Phật, người thông suốt đạo lý nhân quả, quán xét các ông thầy địa lý, chỉ là những người hành nghề mê tín, lừa đảo người khác để kiếm tiền sống bằng một cách vô lương tâm, phi đạo đức.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc quê hương, biết bao nhiêu chiến sĩ siêu mồ, lạc mả, nhờ các thầy địa lý có khả năng siêu hình hoặc đồng cốt chỉ chỗ hài cốt siêu lạc. Do việc làm này có hiệu nghiệm, nên được mọi người rất tín nhiệm, nhưng vẫn nghi ngờ không biết cách nào mà họ hiểu được như vậy. Họ nghĩ rằng chỉ có linh hồn người chết về nhập đồng, cốt mới báo đúng như vậy được.

Họ đâu biết rằng, vốn trong mỗi người đều có thế giới siêu hình, không có không gian và thời gian trải dài và chia cắt (thế giới tưởng ấm). Cho nên việc gì xảy ra trong thời gian quá khứ xa xưa cũng như việc chưa xảy đến và bất kỳ nơi đâu, chỗ nào, tưởng ấm cũng đều giao cảm và biết rất chính xác, chỉ có điều sai, không đoán được về tương lai, là vì luật nhân quả di chuyển thay đổi từng phút từng giây, theo hành động thiện ác của con người, về chuyện quá khứ thì họ nói không sai một mảy. Do chỗ tiên đoán đúng này con người và các tôn giáo mới xây dựng thế giới siêu hình, nhưng họ đâu biết rằng, họ đã bị tưởng ấm lừa đảo, vì thế giới siêu hình không có.

Tin như vậy, mà không biết rõ, không xác định cụ thể được, thì gọi là mê tín, dị đoan, còn nằm trong sự hiểu biết trừu tượng của tưởng thức. Theo đạo Phật sự tin như vậy không đúng chánh pháp, mặc dù kinh sách địa lý của Vệ Đà kinh thuộc văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Quốc đã có trước kinh sách của đạo Phật, những kinh sách này không thấu triệt thế giới siêu hình còn lầm tưởng trong tưởng tri, vì thế đức Phật ra đời xác định lại trong những bài kinh: “Thế giới siêu hình chỉ là thế giới tưởng của loài người, do tưởng ấm của mỗi con ngườitạo ra khi họ còn sống, đến khi con người mất thì thế giới này cũng mất theo”.

Chúng ta là đệ tử của Phật, không thể tin một cách mù quáng như vậy, muốn tin một điều gì thì ý thức phải hiểu rõ ràng, không được phép dùng tưởng thức để hiểu, tưởng thức hiểu sự việc sẽ bị bóp méo, không đúng thật sự và dễ bị kẻ khác lừa đảo.

Chúng ta tin, là tin đúng lời Phật dạy, tin ở ta không làm khổ mình, khổ người, và khổ chúng sanh, thì chắc chắn, không ai làm khổ ta và không bao giờ có tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo xảy đến cho ta.

Người ở ngoài đời, hay dễ tin, chỉ cần thấy những việc làm ngoài sức tưởng tượng hiểu biết của mình như: biết chuyện quá khứ vị lai của người khác và có một ít thần lực Khí công, Nội công, Trọng công, Khinh công, v.v.. là tin ngay liền. Những kẻ tà sư ngoại đạo lợi dụng lòng tin đó, dùng tà thuật, bùa mê, thuốc lú, hoặc những thủ thuật gian xảo bằng mọi cách giống như  mình tu hành đã có thần thông, để dễ làm tiền tín đồ một cách bất lương.

Sử dụng các khoa mê tín như: bói toán, cúng bái, tụng niệm, vẽ bùa, đọc chú, trù ếm, xem ngày tốt xấu, lên đồng nhập xác, nói chuyện quá khứ vị lai của người khác, nói đâu đúng đó, hoặc thể hiện những sự thần biến ảo thuật, làm trò ma quái, khiến cho mọi người ai cũng tin theo. Do những trò bịp người lừa đảo này, mà thế giới siêu hình đến ngày nay vẫn còn chỗ đất đứng.

Những kẻ tà sư ngoại đạo, dựa vào lòng sợ hãi của con người, dựng lên thế giới siêu hình có Thần, Thánh, Tiên, Phật, quỉ, ma, địa ngục, Thiên Đàng v.v.. Luôn luôn cai trị loài người hành phạt đủ mọi cách và cũng ban thưởng; còn quỉ ma thì luôn luôn ám hại loài người, chỉ còn cách nhờ đến sư, thầy cúng bái và dùng bùa chú ếm đối, thì ma, quỉ tránh xa, người mới được bình an, tai qua, bệnh tật tiêu trừ.

Thế giới siêu hình được các tôn giáo và tà sư ngoại đạo dựng lên đã ngự trị được trong lòng người, thì mặc tình những kẻ này, ra oai tác phước, giáng họa trên đầu con người một cách dễ dàng, làm tiền cỡ nào cũng được. Bởi vậy mới có thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy, thầy bùa, thầy ngải, thầy tụng, thầy pháp, thầy địa lý, đồng, cốt, cô cậu v.v..

Do sự làm ăn bất lương của các vị sư, vị thầy đã vẽ ra bao điều mê tín lừa đảo, dần dần trải qua nhiều thế hệ con người, biến thành phong tục tập quán dân gian. Bây giờ thấy biết đó là một điều sai, không đúng sự thật, một cảnh giới mơ hồ, trừu tượng rõ ràng, không chấp nhận muốn bỏ nó, không phải dễ dàng, không phải một sớm một chiều mà dứt bỏ được liền. Muốn dứt bỏ phong tục tập quán mê tín này thì mọi người cần phải hiểu và thông suốt lý nhân quả và còn phải hiểu mọi sinh vật trên hành tinh này, được sinh ra trong môi trường duyên hợp. Trong các duyên hợp “vô minh” là một “duyên”đầu tiên trong các duyên. Nhưng vô minh nằm trong định luật nhân quả, vì có vô minh mới có thiện ác; có thiện ác mới có sự khổ vui của vạn vật.

Các pháp đều do duyên hợp mà thành, nên phải chịu luật vô thường biến dịch, không có một vật gì thường hằng bất biến trong thế gian này mãi mãi. Cái gì mà người ta nghĩ rằng trên hành tinh này còn có một vật thường hằng bất biến thì vật đó chỉ là sự tưởng tri của họ mà thôi, chứ không bao giờ có vật thường hằng bất biến được. Nếu có vật thường hằng bất biến thì các pháp duyên hợp không bao giờ có, các pháp duyên hợp không có, thì luật nhân quả không có, luật nhân quả không có, thì luật âm dương không có, luật âm dương không có, thì vạn vật không sinh nở. Nếu vạn vật trên hành tinh này không có, thì đạo Phật không ra đời, ra đời để làm gì?

Xét tận cùng, vì các pháp do duyên hợp tạo ra theo vòng quay nhân quả, nên đạo Phật ra đời giúp loài người, chủ động điều khiển nhân quả, đoạn dứt các pháp duyên hợp, để chấm dứt cảnh luân hồi, khổ đau của kiếp người.

Khi thông suốt lý nhân quả như trên đã dạy, mà còn phải tu tập, trau dồi thân tâm bằng cách sống và đối xử với mọi người đúng luật đạo đức nhân quả, thì những phong tục tập quán mê tín này mới được dứt trừ.

Còn hiện giờ, trước tiên chúng ta phải sống tùy thuận theo các phong tục hủ tục đó, nhưng khéo léo giảm thiểu:

1-        Giảm thiểu sự sát sanh tối đa.

2-        Giảm thiểu những sự mê tín có tánh cách phung phí nhảm nhí vô ích.

3-        Giảm thiểu những sự cúng bái mê tín có tánh cách lạc hậu, lỗi thời.

4-        Giảm thiểu những sự tụng niệm, trì chú có tánh cách mê tín cuồng tín của những tín đồ ngoan đạo.

Hằng ngày thường tu tập pháp hướng, nhắc tâm, dẫn tâm vào đạo, trau dồi thân tâm sống đúng đạo đức nhân quả, không làm khổ mình khổ người, tạo nhân thiện làm vui lòng mọi người, để cuộc sống luôn hưởng quả lành (phước báo). Do đó thân tâm cá nhân được thanh thản, an lạc, gia đình hạnh phúc, an vui, xã hội có trật tự, an ninh, đất nước thanh bình, phồn vinh, thịnh vượng.

NHÂN ÁC

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc sống không tu tập đạo đức nhân quả, không tạo phước báo sau này, toàn sống theo lối thương trường, không quân tử nhất ngôn, lật lọng (nay nói thế này mai nói thế khác). Lúc nào cũng muốn hơn người, xem mọi người dưới tầm tay, tầm mắt của mình, chỉ có mình là đúng, là giàu có, là quyền uy thế lực, còn thiên hạ chẳng có ai ra gì.

Họ sống như vậy, hậu quả như thế nào, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?

Đáp:Người đang sống không lo tu tập đạo đức nhân quả, không lo tạo phước báo sau này, toàn sống trong các pháp ác, tạo ra những nhân ác khiến cho những người ở chung quanh mình chịu gian nan, khổ đau thì hậu quả ấy không thể nào tránh khỏi tai ương, khổ nạn, không những ở hiện tại mà còn kéo dài mãi ở kiếp sau.

Hiện tại qua, tức là ngày đã qua (quá khứ), vì vậy đối với những người đang giàu có tỷ phú và có đầy đủ uy quyền thế lực, nhưng luật nhân quả không tha cho kẻ làm ác, dù họ có uy quyền như vua chúa, và giàu có nhất thế gian như Thạch Sùng, họ vẫn phải chịu những khổ đau, tai nạn, bệnh tật như những người khác.

Sự thiếu phước, người trong gia đình, không người này đến người khác, tai nạn này đến xong, thì tai họa khác lại đến, có khi đến cả hai (phước bất trùng lai, họa vô đơn chí). Mới nhìn vào bề ngoài tưởng họ sống hạnh phúc lắm, nào ngờ bên trong là cả mọt địa ngục đau khổ. Nhưng vì vô minh họ tưởng họ là người có hạnh phúc hơn hết, uy quyền thế lực hơn ai hết, giàu có hơn hết v.v..

Sự vô minh đã che mất, họ không thấy, nên tự cho cuộc sống của họ như thế là chơn hạnh phúc (giàu sang và uy quyền nhất thế gian). Sống như thế nào là giả hạnh phúc? Cuộc sống họ đang sống là cuộc sống hạnh phúc giả, họ là những con thiêu thân, chỉ thấy ánh sáng ngọn đèn vật chất là bu vào để mà chịu khổ, chịu chết, họ là con chó ngu bỏ mồi bắt bóng, họ tưởng họ là kẻ trên hết, nhưng không ngờ họ là người ti tiện, nhỏ mọn, ích kỷ, sống chỉ biết có mình, chẳng còn biết ai nữa hết.

Chuyên tự cao, tự đại, phách lối, ngã mạn, xem người như cỏ rác, tham muốn, giận dữ chửi mắng, la hét, đánh đập, làm đau khổ, chạy theo danh lợi, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v.. Nói chung làm khổ mình khổ người, điều đó ai làm cũng được. Chuyện tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng trước mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi sự việc và khắc phục tâm tham, sân, si của mình là một việc khó làm, không phải ai cũng làm được cả.

Cho nên việc chạy theo lòng dục vọng ham muốn của mình và các ác pháp, làm khổ mình khổ người thì rất dễ dàng, không ai mà không làm được, chuyện sống đúng đạo đức nhân quả luôn luôn làm vui lòng mình lòng người là việc khó làm.

Việc làm khổ mình khổ người là việc đem quả xấu, khổ đau, tai ương, hoạn nạn, bệnh tật cho mình cho người. Dù người đó có sang trọng, giàu có tột đỉnh, uy quyền, thế lực như vua chúa cũng không tránh khỏi quả khổ do mình gây ra. Tuy có hằng trăm vạn quân lính, có tiền bạc của báu chất ngập cả không gian cũng không làm sao tránh khỏi tai ương, họa khổ. Kiếp này chưa trả xong, kiếp sau vẫn phải tiếp tục trả nữa. Luật nhân quả công bằng không thiên vị một ai, dù kẻ đó là Ngọc Hoàng, Thượng đế, chư Phật, một khi đã tạo ác làm khổ người và chúng sanh, thì luật nhân quả phán xét xử phạt họ rất công minh.

Các con hãy để mắt nhìn xem sẽ thấy quả báo nhãn tiền, họ không thể chạy đàng trời nào thoát khỏi, khi họ đang nằm trong vòng tay của nhân quả, không những trong kiếp hiện tại này mà còn phải tiếp tục trả ở kiếp sau nữa.

Các con hãy tin nhân quả, không bao giờ trên đời này có sự ngẫu nhiên vô tình của vũ trụ, mà phải thấy sự vi diệu sắp xếp của đạo luật nhân quả rất tuyệt vời, không sai sót một ly hào nào của mỗi hành động thiện ác, thân, miệng, ý của mỗi con người.

SỐNG DẦU ĐÈN CHẾT KÈN TRỐNG

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Lúc nhà có người chết, phải mời trống kèn đến, thổi kèn và đánh trống ầm ĩ, linh đình làm cho người chết, lẫn người sống quên đi sự đau buồn kẻ ở người đi, tục ngữ có câu “sống dầu đèn, chết kèn trống”.

Thưa Thầy, lại có người bảo: “Thổi kèn trống gọi ma về rủ vong đi”,như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Trong kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật không có dạy điều này thổi kèn đánh trống ầm ĩ, để quên đi sự đau buồn của cảnh tử biệt, sanh ly, kẻ ở người đi còn đang nóng hổi, đó là sự an ủi tinh thần của người còn sống thì đúng, còn rủ ma về gọi vong đi thì không đúng (mê tín). Nếu đứng về góc độ thế gian, thổi kèn đánh trống ầm ĩ để quên đi sự đau buồn kẻ mất người đi thì được tha thứ, còn rủ ma về gọi vong đi, thì không được tha thứ, đó là tưởng tri thuộc về mê tín, dị đoan.

Theo đạo Phật đối với người chết là các duyên tan rã hết không còn tồn tại một vật gì, thì làm sao người chết có đau buồn? Chỉ có người còn sống thương nhớ, thấy mọi kỷ niệm của người chết còn lại thì lòng đau như muối xát.

Theo tinh thần tự lực của Phật giáo, mọi người đều nên trang bị một sự hiểu biết thấu suốt các pháp thế gian trên hành tinh này, đều do duyên hợp tạo thành vạn vật, nên mọi vật đều bị luật vô thường chi phối, thường thay đổi di dịch nên có thành phải có hoại tức là có sanh thì có chết. Vì thế, con người sống trên thế gian này, không ai tránh khỏi điều đó (sanh tử). Người đệ tử của Phật đều phải chuẩn bị cho mình một tinh thần vững chắc, với một trí tuệ thông suốt lý nhân quả, để ứng dụng đối phó trực tiếp trước mọi cảnh tai ương, bệnh tật, gian nan, hiểm nguy không hề sợ hãi, sờn lòng; trước cảnh ly tan hoặc sum họp cũng chẳng buồn cũng chẳng vui; trước cảnh tử biệt sanh ly, cũng chẳng thương khóc nức nở. Với trí tuệ nhân quả của đạo Phật, mọi sự việc trên đời này xảy ra trước mắt họ, họ đều thấy rõ ràng “Các pháp là vô thường, nay còn mai mất là lẽ đương nhiên của các pháp duyên hợp”.

Vì đã chuẩn bị tinh thần vững chắc với sức định tỉnh và trí tuệ nhân quả, cuộc sống thường ở trong chánh niệm (niệm thiện), người đệ tử của Phật thản nhiên trước mọi cảnh huống, nên không làm khổ mình, khổ người, thì có đâu trước cảnh sanh ly, tử biệt lại cần gì đến trống kèn ầm ĩ. Đám ma mà làm giống như đám hát, thật là một việc làm sai không đúng cách.

Nếu chúng ta là những đứa con hiếu tử, thì làm sao mượn trống kèn làm vui cho được, khi mà mất cha mất mẹ, chúng ta nên giữ im lặng để hồi tưởng lại công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Mất cha mất mẹ có vui gì, mà đánh trống thổi kèn ca hát. Một người con hiếu được theo học đạo Phật, khi cha mẹ mất hoặc có người thân mất là một điều nhắc nhở rất lớn cho họ, phải làm sao? Bằng cách nào? Giúp cha mẹ hoặc những người thân của mình thoát vòng sanh tử luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của kiếp người.

Hiểu biết sự báo hiếu của đạo Phật, người con phải tu tập đạt được giải thoát cứu cánh, thì mới đủ đạo hạnh làm gương sáng và hướng dẫn cho cha mẹ tu hành theo giáo pháp và đường lối của đạo Phật, thì người con phải có một ý chí sắt đá, một nghị lực kiên cường, một lòng dũng cảm quả quyết, để thực hiện con đường của đạo Phật rốt ráo, để làm tròn bổn phận của người con hiếu, khi nhớ đến công ơn sanh thành của mẹ cha nuôi con lớn khôn rất là vất vả, như trời, như biển.

Vì muốn nuôi con lớn khôn nên người, không thua kém ai, cha mẹ phải bao nhiêu lần làm điều ác, giờ đây đã trở thành nghiệp lực, nghiệp lực ấy theo vô minh tiếp tục tái sanh luân hồi, thọ biết bao nhiêu là thứ khổ đau của kiếp làm người, ngàn đời muôn kiếp chẳng bao giờ dứt.

Khi đã hiểu rõ Phật pháp, như lời Phật đã dạy, trong nhà có người chết, chúng ta hãy làm lễ an táng đơn giản, không kèn, không trống, không thầy chùa tụng kinh, niệm Phật, cũng không ai hộ niệm cho ai cả, mà hãy giúp tay nhau với gia đình có người chết đồng lo chôn cất hoặc thiêu đốt càng sớm càng tốt, để lâu mùi hơi hôi thúi người chết làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống của con người. Khi trong nhà có người chết ta nên tổ chức đám ma âm thầm lặng lẽ, để hồi tưởng lại những công ơn khi người còn sống.

Việc ma chay cần phải bỏ bớt, đơn giản để người sống khỏi lo lắng nhiều, những việc cúng bái có tính cách mê tín, dị đoan thì cần dẹp sạch, cốt sao cho giản dị nhất, khi đám tang xong không nợ nần ai hết. Tẩm liệm thây người chết đừng cột bó như đòn bánh Tét. Hãy để người chết nằm trong quan tài như người nằm ngủ, phủ vải lại nhẹ nhàng, đừng chèn nhét rơm rạ như ép dầu, rồi đậy nấp áo quan lại một cách giản dị, tự nhiên v.v..

Bạn bè, thân quyến đến phúng điếu chia buồn, chẳng nên làm ầm ĩ đánh trống thổi kèn làm mất vẻ trang nghiêm thanh tịnh không đúng cách đám ma, mà còn làm hao tốn tiền bạc vô ích.

Một đám tang trong âm thầm lặng lẽ trang nghiêm có ý nghĩa của sự chết hơn là một đám tang ầm ĩ kèn trống, tiếng hò hét tụng niệm giọng cao, giọng thấp trầm bổng như ca ngâm vịnh hát. Thể hiện những điều này không đúng cách đám ma, mà là một đám hát, một trò chơi của những người không có sự ưu sầu.

Vì người chết không thể sống lại được, dù để bao lâu cũng không sống, tốt hơn ta nên an táng sớm chừng nào tốt chừng nấy, để giữ vệ sinh chung cho mọi người nhất là những người thân trong gia đình, và còn lo những việc khác nữa.

Phật dạy: thân người bất tịnh hôi thúi, do bốn đại: đất, nước, gió, lửa hợp thành nên khi chết đất, nước, gió, lửa tan rã, đất trở về đất, nước trở về nước, gió trở về gió, lửa trở về lửa, thọ, tưởng, hành, thức thì tan biến theo nghiệp lực nhân quả, người chết chẳng còn một chút xíu nào cả.

Thổi kèn đánh trống để gọi ma về rủ vong đi, thì những kẻ ca hát cũng thổi kèn đánh trống, sao ma không về dẫn linh hồn họ đi? Đó là một sự bịa đặt vô căn cứ, thiếu thực tế, chúng ta không chịu suy tư, nghe đâu tin đó, bảo sao làm vậy, thấy ai làm xu hướng làm theo, chẳng biết đó là bị kẻ khác lừa đảo.

Khi đức Phật còn tại thế, Ngài cảnh giác các đệ tử của mình, thậm chí ngay lời Phật dạy, Ngài còn bảo: “Đừng tin lời ta nói, mà hãy suy nghiệm lời ta nói có lợi ích thiết thực cụ thể hay không, rồi hãy tin”.

Thật ra từ ngàn xưa đến giờ, Tổ tiên của chúng ta, đã để lại cho chúng ta một gia tài trong đó sự mê tín chiếm một nửa, cũng chỉ vì cuôc sống, ngoài sự hiểu biết của con người, nên dùng tưởng mà tạo ra, bây giờ đã biến nó thành một truyền thống thế giới siêu hình thật sự, muốn bỏ nó hiện giờ đây đâu phải dễ. Lợi dụng lòng mê tín này, con người sản xuất ra tôn giáo, để dựng lên một thế giới mê tín siêu việt hơn, độc đáo hơn, tối thượng hơn, cao hơn các thế giới siêu hình khác, khiến cho con người với trí hữu hạn không thể hiểu rõ được nên đắm mê tập trung theo tôn giáo đó, trở thành một giáo phái có uy quyền có thế lực. Từ đó lớp mê tín cũ chưa bỏ lại chồng thêm một lớp mê tín mới, trên đầu và đôi vai phải đội, mang, cõng biết bao nhiêu thần linh, ma, quỷ rồi bây giờ phải đội thêm một ông Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Tiên, Thánh, Chúa, Phật v.v..

Bây giờ là thời đại khoa học hiện đại, dân trí con người đã nâng lên khá cao, thế mà giới trí thức hiện nay có kiến thức sâu rộng về khoa học vẫn bị thế giới siêu hình lừa đảo một cách đáng thương và đáng trách.

Đạo Phật ra đời quyết đập tan phá sạch thế giới siêu hình, để đưa con người thoát ra khỏi vòng mê tín lẩn quẩn. Trong thời điểm của đức Phật, con người còn đang sống trong những bọ lạc, dân trí trình độ còn thấp kém, khó nâng cao sự hiểu biết, mặc dù giáo pháp của Ngài dạy rất rõ và xác định cụ thể về thế giới siêu hình, nhưng người ta vẫn không tin, nên sau khi Ngài tịch các đệ tử của Ngài nhất là những người tu chưa chứng đắc, họ đã thêm bớt vào giáo pháp của Ngài biến thành một giáo pháp mê tín và sản xuất ra có vô lượng cõi siêu hình.

Bốn mươi chín năm thuyết pháp, thời gian quá ngắn, Ngài chưa kịp đập tan và phá sạch thế giới siêu hình thì Ngài lại thị tịch, để lại một sự nghiệp rất khoa học, một đạo đức tuyệt vời, mà không có vị đệ tử nào thừa kế. Ngài phải đành di chúc lại cho người sau: “Hãy lấy giáo pháp và giới luật của ta làm Thầy”.Nhưng giáo pháp và giới luật của người còn đó, người tu theo đạo Ngài thì chẳng tu theo, mà lại tu theo giáo pháp và giới luật của ngoại đạo. Bây giờ giáo pháp của Ngài đã trở thành giáo pháp mê tín, còn Ngài thì trở thành ông thần phò trợ ban phước lành cho chúng sanh. Chùa là nơi cúng bái, tụng niệm, cầu an, cầu siêu, cầu phước, cầu tự v.v..; chùa cũng là nơi tập ngồi thiền trị bệnh biến thiền định của Phật thành một thứ thiền dưỡng sinh trị và ngừa bệnh, thật là đau lòng.

Mục đích của Ngài, là muốn con người hiểu thật sự, thật rõ cái thế giới mà con người đang sống, có đúng với sự hiểu biết của mình hay không? Hay là sự hiểu biết mơ hồ trừu tượng rồi tưởng ra, do sự hiểu biết không đúng đắn, nên con người lầm chấp sai lạc mà phải chịu khổ đau muôn vàn, cũng chính do sự lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới siêu hình là thật có, do đó con người tạo biết bao nhiêu nhân ác để rồi gặt lấy quả khổ và tiếp tục mãi mãi luân hồi sanh tử.

Bây giờ tất cả mọi người không riêng tín đồ Phật giáo, ai ai cũng cho những sự mê tín là của Phật Giáo, thật là đau lòng xót dạ, biết nói làm sao bây giờ, vì các bậc tôn túc Thầy Tổ của chúng ta đã làm như vậy. Đọc lại những bài kinh Nguyên Thủy, lời Phật năm xưa, khi hiểu ra, chúng ta phải rơi nước mắt. Tâm nguyện Ngài muốn đem lại cho loài người một sự hiểu biết chân thật, chỉ có sự hiểu biết chân thật, thì con người không còn khổ đau nữa và cũng chấm dứt luân hồi. Sự hiểu biết chân thật đó sẽ không còn bị ai lừa đảo lường gạt được về thế giới hữu hình và siêu hình nữa.

Hồi tưởng lại cách đây 2548 năm có một con người vĩ đại, xuất hiện ra đời, chỉ vạch cho con người biết rõ rằng không có thế giới siêu hình thật sự, mà thế giới siêu hình chỉ là một thế giới tưởng của loài người mà thôi. Một số bài kinh trong tạng kinh Nguyên Thủy của Phật Giáo đã xác định rõ ràng như: Kinh Tứ Diệu Đế, kinh Thập Nhị Nhân Duyên, kinh Ngũ Uẩn, kinh Pháp Môn Căn Bản, v.v.. Trong những bài kinh này, lời nói của Đức Phật rất hùng hồn và cả quyết: “Thế giới siêu hình không có, chỉ có thế giới tưởng mà thôi”.

Tại sao trong tạng kinh Nguyên Thủy lại có những bài kinh nói về thế giới siêu hình? Đức Phật nói về thế giới siêu hình, 33 cõi trời, cõi địa ngục, chư Thiên và ngạ quỷ là nói đến cảnh giới tưởng của con người, chứ Ngài đâu có nói đó là cảnh thật. Vì thế Ngài xác định: “Tưởng tri chứ không phải là liễu tri”.

Bây giờ, quý vị đã rõ rồi phải không? Vậy, từ đây quý vị còn mê tín nữa không? Còn tin theo kinh sách phát triển nữa không?

Nói thế, chứ đó là quyền của quý vị, tin hay không tin là ở quý vị, chứ không phải ở chúng tôi, chúng tôi chẳng có quyền và chẳng có trách nhiệm gì cả, trong vấn đề mê tín của quý vị.

Mất tiền, mất của là mất tiền của quý vị, chứ chúng tôi chẳng có hao tốn gì cả, nói để cùng nhau suy ngẫm cuộc sống con người, đâu đúng, đâu sai, đâu tà, đâu chánh, đâu thật, đâu giả v.v..

BIẾN ĐỔI LUẬT NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con người lúc mới sanh ra, cũng xem giờ tốt xấu, nếu giờ tốt thì vui vẻ, còn giờ xấu thì buồn phiền, phải nhờ Thầy ở Tháp Tràm làm lễ đổi giờ xấu ấy, để cho đứa trẻ lớn lên được mạnh khoẻ và học hành giỏi giang làm nên người hữu ích trong xã hội. Thưa Thầy, họ không hiểu nhân quả, nên đi làm những việc đổi giờ xấu thành giờ tốt. Đó là một điều mê tín lạc hậu phải không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, người đó không hiểu luật nhân quả và đang bị người khác lừa đảo bằng cách thay giờ xấu đổi giờ tốt, như thế có nghĩa là thay đổi luật nhân quả, thay đổi luật nhân quả, tức là thay đổi mạng số của con người. Kẻ làm điều này phải là đấng tạo hóa, nhưng ở đây không có đấng tạo hóa, chỉ có luật nhân quả, mà luật nhân quả rất công bằng và công lý thì làm sao đổi giờ xấu thành giờ tốt được?

Vậy từ đây về sau, các con là đệ tử của Phật không nên nghe và chạy theo những lời dạy về sự mê tín, lạc hậu như vậy, mà hãy thấy mọi sự việc trên đời đều do hành động thiện ác của mình mà có tốt xấu, do đó không có ai thay ngôi đổi vị được. Đừng để kẻ gian manh xảo trá, dùng mọi thủ đoạn, tà thuật lừa dảo, gạt gẫm mình cũng như người khác, khiến cho mình mê mờ ngu si, tiền mất tật mang mà chẳng có ích lợi gì. Còn làm “cò mồi”cho những người làm ăn không lương thiện.

Tóm lại nếu trên đời này có những vị Thầy thay đổi được nghiệp nhân quả thì tốn bao nhiêu tiền thì ai ai cũng không tiếc.

Ví dụ: Có một người sắp chết đến nơi, đến nhờ một vị Thầy cao tay ấn đến tụng niệm hoặc đọc niệm thần chú hoặc làm bùa phép, người kia sống lại được không còn chết. Đó là sự lường gạt của một số thầy như: Thầy xem ngày giờ tốt xấu, thầy bói, thầy địa lý, thầy bùa, thầy tụng, thầy ngải, đồng, cốt v.v.. Xin các bạn đừng nên tin những vị thầy lường gạt lừa đảo này, nếu thay đổi được nghiệp lực nhân quả thì các thầy này đã tự đổi nghiệp cho mình, chứ đâu để cho mình là một vị thầy vô minh ngu muội lừa đảo lường gạt người khác như thế này, trong khi mình cũng nghèo xơ, nghèo xác, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, phải đi làm cái nghề không có giá trị gì trong xã hội. Có ai lại muốn cho mình nghèo, các vị thầy ấy cũng vậy. Phải không các bạn?

SÁT SANH CẦU HẠNH PHÚC

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Nuôi con đến khi khôn lớn, dựng vợ gả chồng, làm lễ cưới thật to linh đình, cũng phải giết thật nhiều chúng sanh, liệu làm ác như vậy, hạnh phúc của đôi uyên ương có được phúc báo không thưa Thầy?

Đáp:Theo luật nhân quả, giết hại chúng sanh, làm cỗ linh đình để đãi tiệc mọi người, khiến cho mọi người ăn uống, vui cười, thỏa thích, trong lúc bao nhiêu con vật phải chịu đau khổ và chết một cách thảm thương. Trước cảnh đau khổ và chết thảm khốc của loài vật như vậy, nếu một người có lòng thương yêu mọi người và mọi vật, thì ta thử hỏi họ nhìn trước cảnh đó, họ có hạnh phúc an vui không? Họ có nỡ ăn thịt chúng sanh và vui cười được không?

Một ông vua lấy đức trị dân, thương dân như con của mình, thì ngai vàng rất vững chắc, chẳng có ai chống đối và họ còn dám chết, hy sinh vì nhà vua, nhà vua sống rất an lạc và hạnh phúc; ngược lại, một ông vua lấy uy quyền trị dân, thường nghi ngờ, bắt dân ra giết hại hoặc tù tội giam cầm về tội trộm cướp, nhưng không chịu tìm nguyên nhân trộm cướp đó, do từ đâu sanh ra. Nhất là do sự bất công của quan liêu bóc lột và hà khắc dân chúng. Từ đó dân chúng thường nổi lên chống đối lại nhà vua, nay chỗ này, mai chỗ khác, thì thử hỏi ngai vàng của nhà vua có vững chắc không? Và nhà vua ngồi trên ngai vàng có giống như ngồi trên đống lửa không?

Làm ác, làm đau khổ chúng sanh, thì không có ai mà hưởng hạnh phúc, an vui được, dù là vua chúa có đầy đủ uy quyền, vẫn phải sống thọ khổ, huống là những người dân tầm thường như chúng ta làm sao thoát khỏi được.

Từ xưa đến giờ, xét lại trong đời sống con người có cặp vợ chồng nào sống an vui, hạnh phúc trọn vẹn đâu? Họ đều có sự vui, sự buồn, nghịch ý, trái lòng, bất toại nguyện, họ cũng chẳng biết nguyên nhân nào mang đến sự vui buồn này, họ không có lối nào thoát ra, vì cuộc sống là như vậy, nên đành phải tùy thuận, nhẫn nhục để sống với nhau cho đến ngày đầu bạc răng long, nằm xuống lòng đất mà chưa có phút nào gọi là được thanh thản, an lạc nhất.

Chỉ vì mọi người chưa thông suốt lý nhân quả, chưa biết đạo đức nhân quả, nên mọi hành động làm theo lòng ham muốn của mình, tạo ra biết bao nhiêu điều làm ác, để rồi phải gánh chịu quả khổ do chính mình tạo ra, suốt đời này đến đời khác, mãi mãi cứ loanh quanh trong vòng nhân quả luân hồi, mà chẳng biết đường nào ra, mù mịt như người đi trong đêm tối; như người đi lạc trong rừng sâu.

Chỉ vì không thấu rõ luật nhân quả, nên thế giới của loài người là thế giới đau khổ, vui đó rồi buồn đó, cười đó rồi khóc đó v.v..

Cha mẹ làm đám cưới linh đình cho con, giết hại chúng sanh rất nhiều tưởng làm như vậy là tạo hạnh phúc, vinh hạnh cho mình và cho con cái, nhưng nào ngờ, những việc làm này đã mang lại cho con cái những nỗi bất hạnh mà chúng phải chịu lấy sau này, không thể nào tránh khỏi, vì luật nhân quả có vay, phải có trả. Vì thế không có cặp vợ chồng nào gọi là hạnh phúc như trên đã nói. Đám cưới giết hại chúng sanh mà gọi là hạnh phúc thì làm sao có được. Phải không các bạn?

MƯỜI HAI BÀ MỤ

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Miền Bắc chúng con nặng về thủ tục ma chay, cưới xin và sanh con ra, phải cúng các bà mụ, lấy bộ kinh Khoa Bà ra tụng. Một bà chúa mụ và 12 bà mụ phụ để các bà dạy cháu bé ăn, ngủ, cười và làm các động tác, như thế có  đúng không thưa Thầy?

 Đáp:Không đúng, một đứa bé khi đã sinh ra, nó đã mang theo những thói quen của kiếp trước: ngủ, vui, buồn, cười, khóc, đưa tay, đưa chân, đều do nhân quả đã thành nghiệp lực trong đời sống quá khứ trước kia, nên khi cháu bé ngủ, mới có những hiện tượng như vậy, chứ không phải có bà mụ nào dạy cả, chỉ có nghiệp nhân quả đời trước mà thôi.

Nghiệp lực theo nhân quả do duyên vô minh biến ra hành động tạo ra thức, từ thức mới có danh sắc (thân tứ đại và tưởng), có tứ đại mới có hành động nghiệp lực, do hành động nghiệp lực, cháu bé đang ngủ mới có cười, mếu, khóc, giận dữ, giẫy nẩy, đưa tay, đưa chân v.v..

Một bà mụ chúa và 12 bà mụ là sự mê tín trong dân gian, không thấy có kinh nào dạy, nếu có thì chỉ có kinh sách phát triển mà thôi. Khi thấy cháu bé đang ngủ, cười, khóc, đưa tay, đưa chân v.v.. cho là 12 bà mụ dạy cháu bé, chứ các con đâu biết rằng đó là nghiệp báo thể hiện sự đau khổ, buồn vui của kiếp người kế tiếp và kế tiếp mãi mãi.

CẦN XẢ BỎ MÊ TÍN

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đời thường của cư sĩ tại gia, chúng con thường xuyên phải va chạm nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận thì phạm giới.

Hiện giờ, chúng con cứ lo tu tập sống đúng đạo đức nhân quả, những việc ma chay và cưới xin, nói chung là tất cả phong tục, tập quán đều có thể ảnh hưởng đến việc tu tập của chúng con không ít, mà trong giáo án của Thầy không có dạy. Vậy cúi xin Thầy từ bi lân mẫn chỉ dạy cho chúng con.

Đáp:Là đệ tử của Phật, dù cư sĩ hay tu sĩ đều phải theo lời dạy của đức Phật, lần lượt xả bỏ không những thế giới siêu hình mà còn xả luôn cả thế giới hữu hình.

Bởi vậy, nếu đúng theo tinh thần của Phật giáo, thì trong gia đình người cư sĩ đệ tử của đức Phật, việc ma chay và cưới xin phải giản đơn và không sát sanh, không nên tổ chức linh đình, vì chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người bất hạnh thiếu cơm ăn, áo mặc. Tổ chức đám tiệc thực phẩm trai tịnh, thanh khiết, trang nghiêm, thanh tịnh, không được làm ồn náo, ầm ĩ, ca nhạc phải khéo chọn những bài hát có ý nghĩa sâu kín của người Á Đông, nói lên được sự hạnh phúc của đôi tân hôn với truyền thống Việt Nam, phải trang hoàng, thanh nhã, lịch sự, không quá cầu kỳ.

Tiệc ma chay không được trống kèn, ầm ĩ, ca, xướng, hát, táng tụng, hò hét, đàn địch, phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm, cúng bái, tế lễ phải có ngăn nắp hết sức, phải có tôn ti trật tự hẳn hòi, cấm rượu chè bê bối say sưa trong đám tang cũng như trong đám cưới.

Tổ chức đám cưới, tuy có ca hát như trên đã nói, nhưng không được ca hát quá trớn, biết rằng đám cưới là đám vui, vui trong đạo đức lành mạnh của người dân Á Châu, cho nên phải chọn những bài ca chúc tụng, những bài ca có tình, có nghĩa, ca ngợi những lòng chung thủy, không được dùng những bài ca nhảm nhí, thương vay, khóc mướn, tình tứ bi thảm. Điều cấm kỵ nhất trong đám cưới cũng như đám tang, không được chè chén, say sưa, tiếng qua, tiếng lại, tranh luận hơn thua, hoặc la hét chửi mắng  hoặc đấm đá nhau v.v.. Phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm để bầu không khí thiêng liêng trong những giờ phút chia vui đám cưới, chia buồn đám tang.

Nếu tất cả mọi việc đều giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh và không làm theo sự mê tín, dị đoan của kinh sách phát triển dạy và phong tục tập quán dân gian, thì sự tu tập theo đạo Phật rất dễ dàng.

Nếu việc ma chay và cưới xin, đừng giết hại chúng sanh làm cỗ bàn, thì sự tu tập rất là an tịnh, tinh thần thoái mái, thanh thản và an lạc.

Do sự tổ chức ma chay và cưới xin đúng cách theo đạo Phật, thì mọi người trong gia đình đều được an vui, hạnh phúc. Vì tạo nhân làm điều thiện và đơn giản nên sau khi đám tiệc xong rồi, người trong nhà không có ai nợ nần, và không có thấy máu chúng sanh đổ, nên tâm hồn thảnh thơi. Vì tổ chức làm đám giản đơn nên mọi người không mệt nhọc, không bề bộn cả nhà đều được khỏe khoắn, an vui.

Ở đời, người ta chạy theo những lời khen, chê ngoài miệng “Nhà đó tổ chức đám tiệc linh đình ầm ĩ không có gia đình nào hơn được”,chỉ những lời khen rỗng tuếch đó, mà cả mọi người trong gia đình đều mệt nhọc và khổ sở, lại còn mang nợ nần khác nữa. Đám tiệc xong có khi mọi người trong gia đình phải đau bệnh. Thật là vô minh, u tối chỉ có một lời khen hão mà con người từ xưa cho đến nay đều ngu si chạy theo danh hão đó, nên bảo sao đời người khổ là vậy.

Theo đạo Phật chỉ cầu sự giải thoát còn tất cả phong tục tập quán, dù có truyền thống lâu đời thì cũng vẫn tổ chức rất đơn giản, không chạy theo xu hướng của người khác, cứ làm y theo sự đơn giản mà đức Phật đã chỉ dạy, còn tất cả những phong tục nào mê tín, lạc hậu thì mạnh mẽ, cương quyết không chấp nhận, đình chỉ, phá bỏ, nhất định không tổ chức những  điều mê tín đó. Mục đích đập, phá như vậy là để giúp cho con cháu đời sau đỡ hao tài, tốn của một cách vô ích và phi lý.

Người cư sĩ, đệ tử của Phật, phải sáng suốt nhận định, cái nào đúng có lợi ích cho mình cho người và những việc làm nào không làm khổ mình khổ người thì hãy duy trì và giữ gìn bảo vệ những phong tục đó để mang lại cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước một sự an vui, thanh bình, trật tự, hạnh phúc và phồn vinh. Ngược lại, những phong tục mê tín, lạc hậu  nào làm hao tiền, tốn của, chẳng ích lợi gì mà còn gây tai hại tạo nhân ác làm đau khổ mọi người và chúng sanh thì ta phải phá bỏ và dẹp sạch để làm lợi ích cho con cháu về sau, không bị ảnh hưởng cha truyền, con nối hoặc theo kiểu “Tổ tổ truyền nhau”.

CÁCH THỨC TU TẬP

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo trong thời khoá con đã ghi sự tu tập của con, như vậy có đúng chưa, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ?

Đáp:Về phần tu tập con nên đọc kỹ lại những bài vấn đạo, thì sẽ biết rõ cách thức tu hành, Thầy xin tóm lược lại:

1- Ngồi nhiếp tâm trong hơi thở, phải ngồi kiết già, lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, mở một phần ba mắt.

2- Khi sức gom tâm, tập trung chưa cao, con nên kèm theo pháp hướng tâm, để nhắc nhở và dắt tâm: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở”,lượng với sức của mình tu tập, từ 1 phút đến 5 phút, rồi xả nghỉ đi kinh hành; khi đi kinh hành cũng tu từ 1 phút đến 5 phút tỉnh thức trong bước đi.

 3- Đợt thứ hai, con cũng tiếp tục tu tập như trên. Nên nhớ kỹ, Định niệm hơi thở mới đầu chỉ tu từ 10 hơi thở, rồi tăng dần lên 1 phút, từ một phút tăng lên 5 phút, từ 5’ tăng lên 15’, tăng dần lên đến 30’ rồi 1 giờ. Khi đến 1 giờ không nên tăng lên nữa, chỉ ở trạng thái trong 1 giờ đó, tập luyện pháp hướng tâm điều khiển sự sống, chết.

Đi kinh hành cũng vậy, khi đi 50 bước tỉnh thức, trong đó 10 bước có hướng tâm một lần: “Tôi đi kinh hành, tôi biết, tôi đang đi kinh hành”,khi mới tu tập đi kinh hành, cũng nên đi với sức tu tập của mình, đừng đi quá sức, đi khoảng độ 1’, rồi dần quen mới tăng lên đến 30’, đến 1 giờ. Xả nghỉ 2’ hoặc 5’ rồi ngồi thiền trở lại, nương hơi thở tu tập, khi tu tập hơi thởxong, rồi lại tiếp tục đi kinh hành 50 bước nữa, cứ như vậy tu tập cho đến đúng 30’ mới xả nghỉ luôn.

LẠC HẬU, MÊ TÍN, TIỀN MẤT TẬT MANG

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con có một việc xin trình lại Thầy, mong Thầy từ bi chỉ giáo cho con được rõ.

Thưa Thầy, một việc vừa xảy ra trong gia đình của người anh ruột người bạn đời của con.

Tháng chín năm ngoái anh này có làm một gian nhà cho con trai anh, móng nhà có sẵn, chỉ cấy thêm và bổtúc xây lên hai tầng và một tum nhỏ ra sân thượng. Năm ngoái anh này 71 tuổi và con trai là 40 tuổi. Cháu này đến gặp con và có trình bày hai tuổi này, con theo sách nhà Phật dạy con bảo: Theo cô thì ngày nào cũng tốt, năm nào cũng tốt, giờ nàocũng tốt, cô thấy như vậy, mà có sao thì do nhân quả thôi. Bố cháu già rồi lo gì Kim lâu? Thế là cháu nó nghe lời con bảo thì cũng cho qua Kim lâu và bắt tay vào làm, đến tháng12 là vừa xong nhà.Cháu có bảo mời cô lại lễ Phật cho, vì nhà cháu có thờ Phật, chính do con chỉ dẫn thờ Phật.

Tất cả từ nhỏ đến lớn và cháu trai này đều tin tưởng nơi con và thành tâm lễ bái, nhưng trong thành tâm cháu còn mê tín xen vào như: phù hộ, cầu khẩn, v.v.. đã có nhiều lần con giải thích với cháu là không nên mê tín, nhưng kết quả cũng chưa giác ngộ là bao nhiêu.

Sự việc xảy ra trong khi con đi Sài Gòn (về tu viện) lúc trở về Hà Nội thì bố của cháu đã đi nằm viện được 10 ngày… Bệnh tình càng ngày càng nặng, thấy thế, con góp ý là nên lo thuốc thang và thầy giỏi, nếu còn duyên thì khỏi mà chẳng may bố cháu hết duyên, chẳng làm thế nào được cả? Nhưng các cháu cuống cuồng đi xem bói, chia ra ba ngả:

1-        Ngả đi hỏi cô đồng.

2-        Ngả đi hỏi ông thầy ở Huế gọi điện thoại vào.

3-        Ngả đi gọi ông thầy địa lý về xemđất cát xây nhà…

Thưa Thầy, trong vòng một tuần con thật sự mất bình tĩnh vì nghe các cháu kể là bố cháu tự nhiên sốt xong, chân phùnề,bụng to lên, da vàng, đi làm xét nghiệm thì bác sĩ đều nói là chưa tìm ra bệnh gì cả. Sốt do đâu thì không rõ? Càng ngày bệnh càng tăng lên, cháu phải đi xem lễ may ra khỏi.

Lúc này con khuyên các cháu nên bình tĩnh, việc gì nó đến phải bình tĩnh giải quyết. Cuối cùng các cháu và các chị gái và em dâu của ông này đồng tình đi xem và làm lễ. Họ đều nói giống nhau là nếu ông sống qua ngày 30 đến sang ngày mùng 1 tháng tư này thì sẽ qua khỏi. Và ông thầy địa lý bảo động long mạch vì làm nhà và họ đều nói với lý do là ai làm nhà vào hai tuổi Kim lâu cơ chứ cả bố và con.

Thưa Thầy, kết quả là tiền mất và ông anh con vẫn ra đi trong đau đớn trên giường bệnh, kéo dài thêm một tuần nữa sau khi các vị làm ba cái lễ, bác sĩ họ tạm kết luận là bệnh gan.

Lúc mất rồi lại đi xem ngày mất có phạm vào đâu không? Hai nơi họ nói giống nhau là ông này chết có 3 nhập mộ (có nghĩa là có ba người chết theo).

Nhưng họ không quên bảo cháu của con phải mua bùa về yểm. Ở Hà Nội có chùa Liên Phái, ở phố Bạch Mai chuyên bán bùa yểm, đến đây mua về yểm vào quan tài vàmộ, vì năm nay vợ ông này hạn nặng lắm, con trai cả cũng thế.

Đến khi chết được ba ngày, lại mời ông sư về nhà tụng kinh cầu siêu cho vong, và cứnhư thế bảy ngày một lần cúng, cho đến 7 tuần là 49 ngày thì mới xong.

Thưa Thầy, con chỉ còn biết im lặng và tùy thuận để các cháu làm. Việc làm của con từ đầu (xây nhà) cho tới cuối cùng im lặng như thế con có lỗi gì với đạo Phật hoặc với gia đình không thưa Thầy? Con mong Thầy từ bi thương xót chỉ bảo cho con để thân tâm con được an ổn, đây là bài học bổ ích cho con về sau này thưa Thầy, con phải làm như thế nào cho đúng pháp của Phật?

Đáp:Hoàn cảnh xảy đến của gia đìnhanh con, con không có lỗi gì cả với Phật giáo và gia đình mà khả năng con không đủ lôi kéo mọi người ra khỏi bàn tay ác độc của tà giáo.

Nó đã truyền thừa những điều mê tín, phi đạo đức đã ăn sâu vào cốt tủy của con người, trường hợp như gia đình ông anh của con và còn biết bao nhiêu gia đình khác nữa. Nó đã mang đến cho xã hội một ít tốt đẹp để làm bề mặt đạo đức giả, ngõ hầu để không ai thấu rõ sự lừa đảo của nó mang lại cho xã hội trùng trùng đau khổ, như gia đình ông anh của con chẳng hạn.

Các nhà học giả kinh sách phát triển lợi dụng gia cảnh người khác đang gặp nhân quả khó khăn, làm tiền bất chánh. Tuổi 71 và 40 cất nhà làm sao bị Kim lâu, những kẻ này xem sách nào gạt người như thế?

Dương Trạch, Bát Trạch, Thông Thư, Ngọc Hạp, Trần Tử, v.v.. Tất cả sách xem ngày, giờ, tốt, xấu; dựng vợ, gả chồng, cất nhà, xây mồ mả v.v.. Sách nào dạy điều này?

Theo kinh sách coi ngày giờ tốt xấu thì tuổi 40 cất nhà được “tứ tấn tài”, tuổi 71 cất nhà được “đại kiết lợi”, sao quý thầy này lại bảo là “Kim lâu” sách vở nào? Ở đâu?

Khi nào cất nhà bị Kim lâu là nhà cất đủ bốn dài, còn hai dài, ba dài, năm dài thì không bị Kim lâu. Vả lại, cất nhà theo kiểu thời đại hiện giờ, vila, biệt thự, phố v.v.. thì không bị Kim lâu, vì không đủ bốn dài.

Còn ông thầy nào dám bảo động long mạch, khi mà nền móng đã có sẵn làm sao mà động long mạch được. Phải chi nền móng chưa có, động thổ làm nền móng thì động long mạch có lý. Toàn bộ các cháu đềubị bọn thầy tà giáo lừa đảo “tiền mất tật mang”.

Nhân quả ác đã đến thì không có Thần, Thánh nào cứu mạng được, nhân quả ác chưa đến còn chút phước thừa thì uống nước lạnh cũng hết bệnh. Đông y có câu:

“Vận bĩ hoài sơn năng sát chúng

Thời lai bạch thủy cứu nhân gian”.

Cho nên, vận bĩ tức là nhân quả xấu ác, thời lai tức là nhân quả tốt thiện. Vị thầy thuốc và bệnh nhân đều có sự tương quan nhân quả thiện, ác nên bệnh hết hay chết đều do nhân quả.

Tất cả sự việc xảy ra trong gia đình anh con, là vì tinh thần các cháu quá yếu và chưa được trang bị đạo đức nhân quả đầy đủ, lòng tin đối với luật nhân quả chưa sâu và còn bị ảnh hưởng truyền thống mê tín lâu đời chưa cởi bỏ.

Bởi vì, Đại Thừa Giáo đã truyền thừa giáo pháp của họ vào đất nước Việt Nam cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba, tính ra có hơn hai ngàn năm. Vì thế dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng mê tín sâu dày và đối với thế giới siêu hình tinh thần càng lúc càng yếu kém,chỉ còn biết tựa nương vàotha lực của Thần Thánh, nhưng cuối cùng chưa có ai tránh khỏi nhân quả khổ đau.

Cho nên chúng ta mạnh dạn chỉ mặt, vạch tên để cho mọi người hiểu biết rõ, không bị quý thầy tà giáo lừa đảo lường gạt, nhờ đó đời sống mọi người bớt khổ đau.

Lại nghe lời các thầy tà giáo đem bùa yểm cha thì còn nghĩa lý gì đạo đức làm người. Rước thầy tụng kinh cầu siêu cho cha mà cha đã bị bùa yểm thì còn siêu cái gì?

Bảy mươi mốt chết là cung khảm, đó là cung tốt để lại cho con cháu làm giàu có, có đâu tam liên tử, có nghĩa là ba người chết theo nữa (3 nhập mộ). Ba người chết theo nữa là chết nhằm cung càn, còn nếu 72 chết thì cung cấn theo sách vở thì chết theo một người nữa. Đó là xem đúng sách vở của Đại Thừa. Còn các thầy này không theo sách vở, bịa đặt xảo ngôn hại người vừa vừa, có đâu lại khiến cho người ta bất nghĩa bất hiếu đem bùa yểm cha, lại còn bày trò cầu siêu hiếu hạnh.

Nếu quả có ba người chết theo nữa, thì đâu phải cha mình chết tạo ra cái chết đó, mà do số phận nhân quả của những người này đã tạo ngắn số ở tiền kiếp.

Tại sao các cháu không thấy chánh kiến, mà lại thấy và theo tà kiến nhưvậy, để làm một lỗi lầm rất lớn, một tội bất hiếu không tha thứ được.

Các thầy tà giáo dạy người bất nghĩa, bất nhân, bất hiếu, phi đạo đức. Bây giờ các cháu đem bùa yểm cha, sau này con của các cháu cũng đem bùa yểm các cháu, hành động của các cháu làm là hành động phi đạo đức, nhân quả này đời đời vay trả biết bao giờ dứt.

Các cháu phải bình tĩnh và sáng suốt, đừng nghe theo những thầy tà giáo ngoại đạo làm điều không tốt về sau phải gánh chịu luật nhân quả.

DI CHÚC CỦA LIỄU KIM GỬI LẠI CHO CHỒNG VÀ CÁC CON

Tâm nguyện của Liễu Kim

Con là Liễu Kim viết những dòng chữ này bên hành lang phòng xét nghiệm bệnh viện K – Hà Nội.

Trong lúc chờ đợt xếp hàng lần lượt, Liễu Kim con sợ phí uổng thời gian quí báu còn lại của cuộc đời, với thân bệnh nan y hiểm nghèo nên lúc này là lúc giành giật thời gian quí hiếm ở cõi đời còn lại.

Liễu Kim con vội chợt nghĩ đến công việc của người ra đi phải nói gì cho người còn ở lại?

Thân mến gửi anh và các con !

Hạnh phúc là cái gì ?

Tìm được nó chúng ta phải tốn bao công lao?

Bảo tồn được nó chúng ta phải tốn bao công nhẫn nại?

Rồi đến khi mất nó! Chúng ta sẽ đau khổ biết chừng nào?

Vậy anh ơi! Biết được chân giá trị của nó, mỗi chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn nó từng phút, từng giây?

Có phải vậy không hỡi anh và các con? Năm mươi năm qua rồi, hạnh phúc vỏn vẹn được hơn 30 năm, với thời gian này quá ngắn ngủi đối với em, và sắp sửa chúng ta phải chia tay vĩnh viễn rồi.

Vì thế đức Phật mới dạy cho chúng sanh biết rõ hạnh phúc này là hạnh phúc giả không có thật, nó là vô thường, là vô ngã.

Bởi vậy, chính vì thế mà em khát khao đi tìm đến chân hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh viễn, không còn bị chi phối vào không gian và thời gian. Đó là con đường đưa em đến cửa của đạo Phật.

Theo cách nhìn của thế gian thì chúng ta đã có một gia đình hạnh phúc lắm rồi phải không hỡi anh? Nhưng anh a! Chúng ta có yêu thương nhau bao nhiêu đi nữa, thì tình yêu ấy vẫn không thể che chở cho chúng ta khỏi những đau khổ của cuộc đời. Thực tế là như vậy, lúc này chúng ta đang phải chứng kiến cảnh sắp chia ly đau khổ.

Ngay bây giờ tuy có hơi muộn xong vẫn còn thời gian để chúng ta biến tình yêu thương này trở thành tình yêu thương cao thượng và thanh tịnh, đó là tình anh em, tình huynh đệ, tình đồng đạo để sách tấn nhau, để động viên tạo duyên lành cùng nhau tu hành theo pháp “Đường Về Xứ Phật” mà Thầy Thông Lạc đã dầy công tìm thấy. Nay để lại cho tất cả muôn người có pháp tu, để cuộc đời hết khổ. Trong đó có gia đình nhà mình phải không anh?

Em đã có đủ duyên phước gặp Thầy Chân Sư, Thầy đã quy y cho cả gia đình mình. Nay gia đình ta bảo nhau mà tu tập Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người, sống theo mười điều thiện, luôn giữ gìn năm giới.

Em mong anh và các con lúc em ra đi về cõi vĩnh hằng rồi, thì hãy luôn nhớ đến lời di chúc này nhé!

Tủ sách quí “Đường Về Xứ Phật”, là kho báu vô giá anh và các con giữ gìn và bảo vệ hết đời này qua đời khác, lưu truyền đạo đức làm người, đạo đức nhân bản cho muôn đời sau không bao giờ mất. Đó là điều ước nguyện của em trước giờ phút ra đi mãi mãi không có ngày trở lại, mà có trở lại nữa thì điểm hẹn của chúng ta đó là quê hương của Đức Phật cùng các vị chư Hiền Thánh Tăng. Ở điểm hẹn là mùa xuân vĩnh cửu. Cả gia đình ta nhé!

Vắng em, anh và các con khéo thu xếp công việc gia đình, làm việc và học tập cho thật tốt.

Trong ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta lúc nào cũng toát ra hương sắc của một mùi hoa thơm. Đó là hoa vô sắc của mùa xuân vô lậu vĩnh cửu thường hằng mãi mãi anh nhé!

Chào vĩnh biệt anh và các con, hẹn ngày gặp lại tại đất Thánh Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đó là trụ xứ của vị Thầy của chúng ta. Nơi đó có Phật, có Thầy và có cô út Diệu Quang là biểu tượng của mùa xuân vĩnh cửu đó anh ạ! Nếu muốn tìm em thì đến đó là thấy liền.

Chào anh và các con.

Liễu Kim

TB: Trong lúc đứng ở hành lang chờ xét nghiệm con chợt nghĩ về Thầy và con viết:

Kính thưa Thầy!

Trải qua thời gian thân bệnh khổ. Thầy đã cứu con vượt qua từng cơn đau như ai cắt ruột gan.

Thầy không phải là giáo sư hay tiến sĩ y khoa, nhưng con thấy Thầy còn hơn thế nữa, là vì Thầy là y đức tuyệt vời nhất trên thế gian này, vì Thầy đã loại bỏ những ung nhọt trong tâm mà không cần phải phẫu thuật, không cần phải dùng thuốc (đó là các câu pháp hướng tâm để xả thọ khổ, xả đau, xả nhức...) mà con đã dùng hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, là phao cho con đi biển trong cả thời gian con bị trả nghiệp thân đau đớn.

Con cúi xin cảm tạ ơn Thầy, ơn này đời sau con xin cố gắng tu hành để mau chóng đến ngày làm chủ bốn nỗi khổ của kiếp làm người. Con xin tri ân công đức Thầy.

Con của Thầy

Thích Nữ Liễu Kim

TÂM THANH TỊNH LÀ NHỜ LY DỤC LY ÁC PHÁP, CHỨ KHÔNG PHẢI CHẲNG NIỆM THIỆN NIỆM ÁC

Pháp thoại Chơn Như

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các nhà học giả cho bài kinh Pháp Cú “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật Giáo” có hai phần:

1/ Tu thiền quán

2/ Tu thiền định

Như vậy có đúng không? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Dục và các ác pháp làm cho tâm mình động, chứ đâu phải không động. Khi tâm bị động thì mình phải quán xét. Quán xét thì phải dựa theo lời đức Phật dạy: phải ở trên Định Vô Lậu quán xét để đẩy lui những chướng ngại pháp ấy ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp của mình, thì gọi là ly dục, diệt ác pháp. Vừa ngăn dục, vừa diệt dục; vừa ngăn ác, vừa diệt ác xong, thì mới nhìn thấy được tâm mình thanh thản, an lạc và thanh tịnh. Tâm thanh thản, an lạc và thanh tịnh là thiền định, chứ đâu phải mình ngồi thiền, ức chế tâm cho hết vọng tưởng là thiền định là tâm thanh tịnh đâu? Cho nên bài kệ trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo”

Bài kệ này các nhà học giả phát triển tự phân ra làm hai vế:

 - Vế thứ nhất họ cho rằng: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”là mình tu theo pháp thiện, nhờ pháp thiện mà mình diệt được ác pháp, giữ gìn được thiện pháp, do giữ gìn được thiện pháp mà chính mình bị dính mắc vào thiện pháp đó. Vì thế tâm ý của mình chưa thanh tịnh, vì còn pháp thiện. Hai câu này họ cho đó là tu“thiền quán”.

Vế thứ hai họ cho rằng: “Tự tịnh kỳ ý” là pháp môn “thiền định”.Muốn tu thiền định thì mình phải tu một pháp khác hơn là pháp “ngăn ác diệt ác pháp”thì tâm mới được thanh tịnh, mới được định. Vì hiểu như vậy nên các nhà học giả mới chế ra một pháp môn khác để tu tập thiền định như:đếm hơi thở, theo hơi thở, phình xẹp nơi bụng, niệm Phật, niệm chú, chăn trâu tri vọng, công án tham thoại đầu v.v.. Tất cả các pháp khác đó là pháp giữ tâm, để tâm mình không có niệm thiện niệm ác, không có niệm thiện niệm ác thì tâm mới thanh tịnh. Đó là những sự nghĩ tưởng của các nhà học giả. Vì vậy câu kinh Pháp Cú này họ đã hiểu sai. Họ hiểu sai đã khiến cho nhiều người hiểu sai. Do đó Phật pháp đã biến thành tà pháp.

Qua kinh nghiệm tu hành của chúng tôi thì bài kệ chỉ có một ý, chứ không thể chia làm hai ý được.

Lưu ý: “Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành”,nghĩa là: Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện.

Hai câu trên là chỉ cho pháp hành, tức là gieo nhân thiện, diệt nhân ác. Gieo nhân thiện diệt nhân ác tức là hằng ngày phải sống bằng những hành động thiện. Sống bằng những hành động thiện như thế nào? Luôn suy nghĩ những điều thiện và ngăn chặn những ý niệm điều ác; luôn nói những lời lành và ngăn chặn những lời nói ác; luôn làm những việc lành và ngăn chặn làm những việc ác. Có thường xuyên huân tập như vậy mới có lợi ích rất lớn cho đời sống.

Câu dưới “Tự tịnh kỳ ý” là chỉ cho kết quả của hai câu pháp hành ở trên. Có nghĩa là khi không làm và không sống trong các ác pháp và thường làm thường sống trong các pháp thiện thì tâm ý của mình tự nó thanh tịnh. Do mình sống trong các pháp thiện này thì cái ý của mình nó thanh tịnh, chứ không cần phải tu một pháp khác nào cả.

Bây giờ Thầy đặt lại vấn đề cho nó rõ ràng và dễ hiểu hơn, để thấu lý của bài kệ pháp hành này trong kinh Pháp Cú.

 Đức Phật dạy Thập Thiện, tức là dạy 10 điều lành. Chúng ta không nói đến thiện nhiều mà chỉ cô đọng gom lại mang đầy đủ tính chất của gốc thiện, theo như đức Phật đã dạy mười điều lành trên. Mười điều lành là mười điều thiện gốc, từ mười điều lành gốc đó mà phát sanh ra muôn vạn điều lành khác. Cho nên chúng ta giữ gìn được mười điều lành này là giữ gìn được muôn vạn điều lành khác.

Ví dụ: Mười điều thiện trên đây mà Thầy chỉ mới có tu được năm điều thiện, còn 5 điều thiện nữa chưa tu xong, 5 điều thiện chưa tu xong, tức là còn 5 điều ác. 5 điều ác là đối tượng của 5 điều thiện này. Nếu Thầy chấp giữ năm điều thiện này để tu tức là để diệt các đối tượng của nó là 5 điều ác. Và như vậy thì Thầy còn bị kẹt trong năm điều thiện này. Cho nên Thầy phải cố gắng tu năm điều này cho nó toàn thiện, cho nó không còn ác pháp nữa, nếu nó còn ác pháp thì nó chưa phải là toàn thiện. Khi Thầy tu thiện rồi, thì nó hết sạch các ác pháp, tức là tâm Thầy không còn có đối tượng, đối đãi của tâm thiện nữa, thì lúc bây giờ tâm thiện đó nó còn thiện nữa hay không hỡi quý vị? Còn có ác thì còn có thiện, lúc ác hết sạch thì thiện vẫn là thiện, nhưng vì không có ác nên chúng ta vẫn thấy không có thiện. Có phải vậy không quý vị? Cho nên nó không còn cái đối tượng đối đãi thì thiện ấy mới thật sự là thiện toàn diện. Thiện toàn diện thì tâm ý nó thanh tịnh. Nên kinh dạy: “Tự tịnh kỳ ý”, phải không quý vị? Cái ý của mình nó thanh tịnh là do mình sống trong thiện pháp, toàn thiện, không còn một chút xíu các ác pháp. Còn bây giờ mình mới sống được phân nửa thiện còn phân nửa là ác. Còn có ác pháp là còn đối tượng của thiện nên thiện chưa toàn thiện, chưa trọn vẹn thiện thì còn kẹt trong pháp thiện. Nếu chúng ta kiến giải, tưởng giải ra bài kinh Pháp Cú này, phân làm hai vế. Và như vậy chúng ta đã làm lệch ý của Phật, do đó dẫn đến chúng ta tu hành sai lạc. Do hiểu sai lệch này chúng ta rơi vào thiền tưởng mà không biết, thấy tướng tưởng mà cho là định tướng, cũng như gặp ma mà cho là Phật.

Còn bây giờ chúng ta đang giữ thiện, ly ác pháp, nên tâm chưa toàn thiện, tâm chưa toàn thiện thì tâm còn đang kẹt ở giữa cái thiện và ác, vì thế tâm chúng ta chưa thanh tịnh như trên chúng tôi đã dạy. Thiền định của Đạo Phật chính là tâm toàn thiện. Tâm toàn thiện là tâm định chứ không phải thân định xin quý vị lưu ý đừng hiểu tâm định và thân định giống nhau. Vì thế Đức Phật xác định cho chúng ta hiểu rõ: “Tâm định trên thân, Thân định trên tâm” là hai loại thiền định rõ ràng:

1/ Tâm định (Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý), kinh Pháp Cú.

2/ Thân định (Không thở ra thở vào, tâm trú vào thiền định), kinh Tương Ưng.

Người kiến giải sai lệch câu kinh này, nên dùng pháp khác để tu tập cho nó thanh tịnh, bằng cách ức chế tâm của mình, không cho nó khởi niệm thiện, niệm ác. Và khi niệm thiện, niệm ác không khởi thì chắc chắn nó sẽ thanh tịnh chứ gì? Tu như vậy, sự thật nó không đúng nghĩa ở trong bài kệ của kinh Pháp Cú. Tu theo đạo Phật chúng ta phải hiểu rằng: tu là phải xả tâm, có nghĩa là ly dục ly ác pháp.

Đức Phật đã nói: “Ta nói giới luật, tức là nói ly dục, ly ác pháp”. Chỉ cóngười sống đúng giới luật thì mới ly dục, ly ác pháp được.

Bây giờ Thầy lấy một ví dụ khác: như  ngày ăn ba bữa cơm: sáng, trưa, chiều. Thì thử hỏi Thầy có ly tham chưa? Nếu một người sống phá giới thì luận rằng: “Tôi ăn tôi biết tôi ăn vậy chứ tôi đâu có cần nghĩ đến tham hay không tham?”. Đó là lý luận suông của những nhà học giả. Nhưng thật sự ra sáng và chiều không ăn thì người ta cảm thấy muốn ăn, thèm ăn, cảm thấy đói. Và như vậy là không tập sống ly tham dục. Không tập sống ly tham dục thì làm sao gọi là ly dục. Còn muốn ăn, thèm ăn, còn đói bụng tức là còn tham dục.

Một người ngày ăn 1 bữa, thì buổi sáng người ta ly tham được buổi sáng. Người ta không ăn buổi chiều thì người ta ly tham được buổi chiều. Vì thế, người ta chỉ còn ăn để sống trong một ngày, chỉ có ăn vào buổi trưa mà thôi. Nhiều khi buổi trưa đôi lúc chúng ta thấy đồ ăn ngon mà chúng ta ráng ăn nhiều cho no căng, thì đó chúng ta vẫn chưa ly dục. Chưa ly dục ly ác pháp, tức là chưa giải quyết tâm tham, sân, si. Cho nên ngon hay dở chúng ta chỉ ăn để sống mà thôi. Khi tâm mà đang còn tham ăn, mặc dù ăn ngày 1 bữa nhưng còn tham, chứ đâu phải hết tham. Cho nên đức Phật dạy: phải quán thực phẩm bất tịnh, để sanh ra tâm nhàm chán.

Nếu chúng ta quán thấy thực phẩm hoàn toàn bất tịnh, thì chúng ta ngán ngẩm và sợ hãi, chúng ta ít muốn tham ăn. Còn nếu chúng ta dùng tưởng quán thực phẩm bất tịnh, khi quán sâu quá thì chúng ta không muốn ăn do đó cơ thể chúng ta sẽ bị bệnh.

Bởi vì không ăn thì cơ thể phải bệnh chứ gì? Nên khi quán thực phẩm bất tịnh đến mức độ vừa đủ để nhàmchán thì dừng lại, chứ không được quán đến ghê gớm đến không muốn ăn thì sai. Cho nên Phật pháp mà không có người dạy kinh nghiệm tu hành thì chúng ta tu quán cũng vẫn sai.

Quán đến mức độ chúng ta tưởng ra thực phẩm quá ghê gớm, là tự giết mình trước lúc thành đạo. Cũng nhưquán thân vô thường, quán đến mức độ thấy cáithân nàyvô thường hoàn toàn thật sự thì chừng đó mình cầm dao đâm mình mà không có chút sợ hãi. Thì đó là mình đã tu sai pháp Phật. Cũng như bây giờ Thầy cho ví dụ: Một đống rác đang ở trước mặt các Phật tử, các Phật tử khởi ý muốn hốt đống rác cho sạch, nhưng vì Thọ Bát Quan Trai nên không hốt rác. Không hốt đống rác, tức là quý Phật tử đang bị ức chế tâm. Chỉ một hành động nhỏ như vậy là chúng ta đã tu sai. Pháp của Phật là pháp xả, chứ không phải pháp ức chế, thấy đống rác muốn hốt mà nghĩ rằng mình là người tu thiền, chỉ biết có thiền chứ không khởi niệm đống rác, đó là bị ức chế tâm, không có xả. Trái lại, một người muốn xả tâm thì ngay đó người ta đi hốt đống rác là xả tâm. Bởi vì, tâm mình đã phóng ra đống rác, muốn xả niệm đó thì phải xả đống rác cho sạch. Xả xong bây giờ tâm sẽ nhẹ nhàng, thoải mái. Cũng như khi mình ngồi thiền hai chân bị tê, thì đó là bị chướngngại pháp rồi, bây giờ chúng ta nói còn tu 30 phút nữa mới hết giờ thiền, ta hãy ráng ngồi cho đúng giờ. Và như vậy, rõ ràng mình đã ức chế thân của mình. Pháp tu như vậy đối với đạo Phật là sai, cho nên ta hãy xả hai chân bị tê đi, xả hai chân bị tê thì nó đem lại sự anlạc giải thoát bình thườngcho ta chứ gì? Muốn chân hết tê, chúng ta tháo chân tréo ra và xoa bóp, rồi đứng dậy đi thì thấy hết tê liền, đó là hoàn toàn cách tu xả. Cái gì làm khổ chúng ta là chướng ngại pháp, là ác pháp. Đạo Phật là đạo giải thoát ngay liền, khi chúng ta tu theo pháp Tứ Niệm Xứ. Còn bây giờ chúng ta cứ ngồi ức chế thân tâm làm cho thân tâm của chúng ta khổ đau thế này hay bằng thế khác mà gọi là tu theo Phật giáo thì quý vị đã lầm.

Bây giờ quý vị ăn ngày ba bữa đãthành thói quen mà bắt buộc quý vị ăn ngày một bữa, tức là quý vị đã bị ức chế thân tâm rồi đó, quý vị sẽ bị bệnh và khổ đau.

Đức Phật dạy: Các cư sĩ muốn tu thì nên tu tập Thọ Bát Quan Trai. Một tháng chỉ 1 ngày, 1 ngày đó thật sự mình có ức chế thân tâm, nhưng chỉ ức chế thân tâm cho nó quen dần. Tập dần cho nó quen, chứ chưa tu tập gì hết mà vội xuất gia, thì mình sẽ bị ức chế thân tâm trong giới luật. Và như vậy mình sẽ bị bệnh, không bao giờ mình tránh khỏi. Xuất gia tu hành để cầu giải thoát, cớ sao mình lại tạo cho mình thêm khổ, chứ có giải thoát gì đâu. Chỉ có một ngày Thọ Bát Quan Trai, mà chúng ta còn cảm thấy khổ thật. Ngày ăn có một bữa, ngồi dưới đất ăn không được nghe hát,trang điểm, cái hammuốn của mình bây giờ bị dừng lại hết, nó không còn ham muốn được cái gì cả, cho nên nó rất khổ. Chỉ mới có một ngày Thọ Bát Quan Trai. Rồi ta so sánh như cuộc sống thế gian và cuộc sống trong ngày Thọ Bát Quan Trai thì thấy khổ, quá khổ. Nhưng sau ngày Thọ Bát Quan Trai, mình tư duy, suy nghĩ: sáng mình khỏi ăn, trưa mình mới ăn, rồi chiều tối mình cũng không ăn, mình thấy thực sự rảnh rang, vô sự, sung sướng thật, chứ không có khổ cực gì cả. Từ sự suy nghĩ đó mình mới thấy được sự giải thoát trong ngày Thọ Bát Quan Trai của đạo Phật. Cuộc sống ngoài thế gian hằng ngày bận rộn suy tư chuyện này, chuyện nọ, tính toán buôn bán ngày kia, ngày nọ, quá cực khổ, lao tâm, tổn trí. Ngày Thọ Bát Quan Trai mình bỏ xuống sạch, chỉ ôm bát đi xin ăn như Phật, thật là hạnh phúc. Trong lúc Thọ Bát Quan Trai, mỗi tâm niệm gì khởi lên, thì mình quán xét, đẩy lui nó hết, khiến cho tâm mình thanh thản, an lạc và giải thoát. Như vậy là giải thoát thật sự phải không? Tại sao có sự tham dục? Tham ái cái này cái kia, tham nói chuyện này, chuyện kia. Đó là tâm phóng dật, do phóng dật tâm mới lăng xăng, tâm lăng xăng chúng ta mới có cảm thấy khổ.

Như vậy, từ chỗ tư duy mình mới thấy rõ và hiểu biết. Đây thật sự là con đường giải thoát. Có Thọ Bát Quan Trai tu tập một ngày thì mới thấy được sự giải thoát của ngày đó, thân và tâm của mình mới thanh thản, an lạc và vô sự. Cho nên mình thích thú và ham tu. Mình nghĩ rằng sau ngày Thọ Bát Quan Trai mình xin tu thêm một ngày nữa. Mình thọ rồi mình ước nguyện giải thoát và có sự giải thoát thật sự.

Nhờ tu tập như vậy, tâm không có động, không có ai làm động tâm mình được và không thấy mình có khởi niệm tham, sân, si, phiền não, bất toại nguyện gì trong ngày này hết. Ngày đó mình sống như Phật, mình làm như Phật, mình thấy tâm mình rất an ổn, từ đó mình suy tư và nói: “À! đúng rồi, sau này mình sẽ tập hai ngày, ba ngày liên tục”. Bởi vì có thích tập tu, cảm thấy có thoải mái dễ chịu. Nếu mình không thích tu tập, sẽ thấy khổ sở. Còn ép buộc tu tập thì nó không thích, nó không thích thì tâm bị ức chế, tâm bị ức chế thì sự tu tập sẽ dễ đổ vỡ. Cho nên mình càng tu mình càng thích, càng hăng hái tu thì tu đúng. Bởi vì tu hành là phải tìm thấy kết quả của sự giải thoát. Cho nên càngngày càng sống đúng giới luật, sống đúng giới luật tâm cànghamthích, do đó không bao giờ phạm giới. Trái lại không có tu tập, không có rèn luyện đúng cách, mà cứ ôm giới giữ gìn, thì bị ức chế tâm. Đến khi không còn giữ gìn được nữa, thì bắt đầu lén lút làm những chuyện không đúng giới luật.

Ví dụ: Ăn ngày một bữa mà không tập Thọ Bát Quan Trai cho quen, ép mình vô tu, ăn ngày một bữa như những người tu lâu, đã thuần quen, thì mình chịu không nổi nên bắt đầu mình lén lút để lại bánh trái, ăn uống phi thời. Ăn uống phi thời là một tội lỗi rất lớn, tội đọa, rồi bây giờ lại thêm một cái tội nữa là ăn lén lút, đó là tội gian xảo dối trá không thật. Cho nên ở đây, thật sự ra, có một số người nói tôi cũng ăn cơm ngọ, chứ sự thật lại ăn phi thời. Trước mặt khác, sau lưng khác. Trước mặt với Phật tử thì nói tôi là ăn ngọ nhưng mà sau lưng không phải ăn ngọ. Đó là điều tệ hại trong Phật giáo hiện nay.

Có một số tu sĩ sáng còn ăn bánh mì uống sữa, hoặc không ăn chỉ uống sữa, nươc ngọt, nước trái cây, v.v.. cũng bảo rằng mình ăn ngọ. Đó cũng là một điều sự dối trá trong đạo Phật mà chúng ta cũng đã từng thấy và nghe trong các chùa.

Chúng ta ăn ngọ thì biết đó là lốisống của các bậc Thánh, lối sống như vậy gọi là Thánh hạnh. Hạnh của một bậc Thánh Tăng. Hạnh đó là hạnh ly tham, thế mà người tu sĩ theo Phật giáo lại không muốn ly tham thì còn tu hành cái gì?

Cho nên chúng ta sống đúng hạnh đó, trước mặt cũng như sau lưng không bao giờ làm sai, có nghĩa là ngày một bữa không ăn uống lặt vặt phi thời. Những giới luật của Phật dạy chúng ta cách sống Phạm hạnh làm một bậc Thánh, và cách sống làm một con người có đạo đức. Nhờ sống có ly tham thì chúng ta mới vào được thiền định.

GIỚI LUẬT

Đọc trong kinh giới, Thầy thấy cách sống làm một con người mà đức Phật đã dạy cho người cư sĩ rất nhiều giới luật, chứ không phải có 5 giới của bậc Thánh. Năm giới này người tu sĩ giữ gìn còn chưa trọn vẹn huống là cư sĩ. Thầy, Tổ dạy 5 giới cho người cư sĩ là quá cao. Nó là giới đức Thánh. Năm giới của người cư sĩ là năm giới đức Thánh, năm giới đức này đâu phải đức hạnh tầm thường. Cho nên hầu hết quý cư sĩ đều thọ năm giới, nhưng chưa chắc ai đã giữ trọn 5 giới này. Nên bây giờ Thầy dạy những giới đức làm người cho người cư sĩ là phải giữ gìn 100 giới chúng học của Phật. Những giới đức cho người cư sĩ gồm có như: phải giữ gìn vệ sinh, một nắm rác không được ném ngoài đường hoặc ném vào chỗ bụi cây hoặc ném trên bãi cỏ, thì làm cho sự sống trên đám cỏ khi bị rác đè, lá bị úa vàng chết đi. Đi đại tiểu tiện, khạc nhổ phải có nơi có chốn. Khi đi đại tiểu tiện có nơi có chốn, đó là đạo đức vệ sinh mà cũng là đạo đức lòng hiếu sinh, không có thương sự sống của loài vật khác, không có giữ vệ sinh chung là người thiếu đạo đức. Bởi vì trong sự sống của chúng ta là môi trường sống chung, mọi vật đều sống. Nếu không có đạo đức hiếu sinh và đạo đức vệ sinh thì chúng ta sẽ hủy diệt sự sống chung nhau trên hành tinh này.

Tại sao chúng ta, vì sự sống của mình mà hại đến sự sống của các loài vật khác. Lòng từ bi của chúng ta đâu? Chúng ta phải thương yêu sự sống, chúng ta phải bảo vệ sự sống. Một nắm rác chúng ta ném ra không biết giữ gìn vệ sinh, khi nắm rác mục nát nó trở thành một lớp bụi, lớp bụi đó nó sẽ hại chúng ta, tức là nó làm khổ mình khổ người. Do đạo đức vệ sinh, giữ gìn môi trường sống trong sạch và thanh tịnh nên đức Phật cấm chúng ta không được tiêu, tiểu, khạc nhổ, xả rác trong nước, trên cỏ, nơi đông người v.v.. Bởi vì nước sẽ lôi các chất dơ ấy và làm cho môi trường sống ô nhiễm. Có nhiều người không biết nước đang bất tịnh uế trược bẩn thỉu mà ăn uống vào rất là nguy hiểm. Tiêu tiểu, khạc nhổ, những rác bẩn phải đem bỏ có chỗ nơi kín đáo hẳn hoi. Bởi vì khi mình đại tiểu tiện khạc nhổ ném rác bừa bãi, thì mùi hơi hôi hám sẽ bay lên, làm ô nhiễm bầu không khí của chúng ta không còn trong sạch nữa. Một ly nước lớn chúng ta bỏ một hạt muối vào thì không thấy mặn nhưng nó vẫn có muối trong đó chứ không phải không. Phải không hỡi quý vị? Chúng ta thường hay sợ mất công cho nên đi tiểu tiện thì cứ đi ra ngoài, chỗ nào vắng vẻ thì tiểu tiện đại, nhưng phải hiểu đó là không giữ gìn vệ sinh chung. Đối với đạo Phật không chấp nhận những hành động thiếu vệ sinh này. Đức Phật nói giữ gìn vệ sinh, thì trước mặt cũng như sau lưng, luôn luôn giữ gìn vệ sinh nghiêm túc, chứ không như chúng ta trước mặt khác sau lưng khác.

Có bao giờ chúng ta thấy trong các chùa dạy chúng ta đạo đức vệ sinh không? Một trăm giới chúng học này đức Phật đã dạy để làm gì đây? Một trăm giới chúng học là những hành động đạo đức làm người đấy các bạn ạ! Trong một trăm giới chúng học có dạy chúng ta đạo đức vệ sinh, đạo đức hiếu sinh.

Kinh sách phát triển cho những đạo đức này là những giới nhỏ nhặt nên các vị Tỳ Kheo xem thường không cần giữ gìn. Những giới nhỏ mà không giữ gìn được thì những giới trọng như thế nào? Cho nên các Tổ khéo đặt ra một câu chuyện để hủy bỏ những giới nhỏ nhặt này, nói rằng: “Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài dặn ông Anan những giới nhỏ nhặt sau này được quyền bỏ”.Cho nên bây giờ các Tỳ kheo đều bỏ những giới nhỏ nhặt.

Những giới nhỏ nhặt này có lợi ích gì không? Chẳng hạn chúng ta giữ gìn vệ sinh như vậy có lợi ích không? Giữ gìn môi trường sống trong sạch thanh tịnh có lợi ích không?

Những giới nhỏ nhặt rất có lợi ích cho đời sống con người. Thế mà người ta dám bỏ và xem thường. Những giới nhỏ nhặt là những thiện pháp, mà thiện pháp thì không làm khổ mình khổ người.

ĐỨC HẠNH LÀM NGƯỜI

Nói về luật lệ giao thông tức là nói đạo đức giao thông. Xưa, đức Phật đã có dạy đạo đức này, tức là giới cấm không cho hai vị Tỳ kheo đi song song trên đường. Tại sao vậy?

Ngày xưa đi trên đường mòn, chứ đâu có đường rộng lớn tráng đá trải nhựa như bây giờ, còn bây giờ chúng ta thấy tốc độ xe cộ chạy nhanh như gió. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí, những tin tức về tai nạn giao thông đã đem đến sự đau khổ cho biết bao nhiêu người, có những người chết, có những người bị tàn tật, cụt tay, cụt chân. Một hậu quả thương đau của xã hội do tai nạn giao thông. Đó là do thiếu đạo đức giao thông mà đã để xảy ra những tai họa khủng khiếp cho con người, đem đến cho mọi người khổ đau, khổ mình và khổ người. Cho nên khi học đạo đức của đạo Phật, thì khi lái xe ra đường, người ta phải thấy trách nhiệm, bổn phận đạo đức của mình, cẩn thận khi cầm tay lái. Khi uống rượu say thì nhất định không được lái xe, lái xe không chạy quá tốc độ làm chủ của mình. Nếu ai ai cũng thấy trách nhiệm, bổn phận của mình như vậy, thì ít có khi xảy ra tai nạn. Luật lệ giao thông có, theo những biển cấm các tài xế lái xe phải tuân theo luật lệ giao thông, không được chạy vào những chỗ cấm. Nơi ngã tư đường có đèn xanh đèn đỏ. Đèn đỏ chúng ta dừng lại, đèn xanh thì chúng ta chạy. Chúng ta đi đúng theo luật lệ giao thông, thì làm sao xảy ra tai nạn. Những luật lệ giao thông trên đây là đạo đức mà xưa kia đức Phật đã dạy. Thế mà người sau nói rằng đó là những giới nhỏ nhặt cần phải bỏ cho hợp thời thì thật là vô minh điên đảo.

Đây, đức Phật còn dạy chúng ta một đức hạnh nữa, một giới luật nhỏ nhặt nữa. Đức Phật đã cấm không cho đệ tử của Ngài leo cây, thế mà các Tổ cho giới này là giới nhỏ nhặt cần phải bỏ. Một người đệ tử của đức Phật mà leo cây thì còn thể thống gì, có khác nào là một con vượn, một con khỉ, nhưng khi lỡ tay té xuống chết hay bị gẫy tay, gẫy chân thì ai chịu khổ đau này?

Theo đức Phật nói: “Con người leo cây không có cây thang để trèo đó là một loài chúng sanh, một loài khỉ, vượn, chứ không phải con người”. Muốn sống đúng tư cách của con người thì phải sống đúng đạo đức. Muốn sống đúng đạo đức, trèo lên cây thì phải có cây thang, bắc thang trèo cây chúng ta thấy nó ít nguy hiểm hơn.

Lỡ chúng ta trèo cây, té xuống thì ai khổ và làm cho ai khổ, chắc chắn là chúng ta sẽ khổ, rồi gia đình, những người thân của chúng ta khổ. Nếu chúng ta trở thành người tàn phế nằm một chỗ, thì đó là chúng ta đã tự làm khổ mình, khổ người, và toàn là làm những người thân thương của chúng ta khổ. Đó là chúng ta “báo đời” cho những người khác, nếu lúc bây giờ chúng ta chết đi thì tốt nhất, nhưng nó không chịu chết thì mới thật là khổ.

Các con cũng nghe những người trèo cây mà có thể xảy ra tai nạn, đưa đến những sự đau khổ này không?

Ngày xưa đức Phật đã cấm chúng ta những điều này, là vì sự lợi ích cho chúng ta không làm khổ mình khổ người. Đó là đạo đức. Đạo đức để biến chúng ta từ một loài động vật để trở thành một con người thật sự. Cho nên muốn trèo cây, chúng ta phải bắc cây thang, trèo cây có cây thang ít nguy hiểm hơn là chúng ta ôm cây mà trèo như trên Thầy đã dạy. Một hành động nhỏ nhặt như vậy chúng ta không nên xem thường. Đó là đạo đức làm người, đó là thiện pháp mà đức Phật đã dạy chúng ta để ngăn ngừa những ác pháp, những ác pháp ấy có thể xảy đến cho chúng ta những tai nạn khổ ách. Đó là những điều của người cư sĩ cần phải học những đạo đức cụ thể, thực tế trong cuộc sống.

Bởi đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát từng việc làm, từng hành động tuy nhỏ nhặt nhưng sẽ mang đến cho mọi người một sự an vui và hạnh phúc chân thật.

Cái hiểu lầm của các bạn là tưởng tượng sự giải thoát của đạo Phật quá cao siêu, quá mầu nhiệm, vì thế mà từ xưa cho đến ngày nay không có ai làm được.

LÒNG HIẾU SINH

Nếu dạy người cư sĩ không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, thì chưa đủ, vì một trăm giới chúng học là một trăm giới đạo đức làm người, còn năm giới cấm này thật sự quá khó giữ gìn, không phải dễ. Bởi vì cuộc sống con người đang bị ô nhiễm bởi những ác pháp, mà đưa ra những giới luật cấm này thì chúng ta chỉ có thọ cho có hình thức, chứ giữ trọn vẹn thì chỉ có những bậc Thánh Tăng. Nghĩa là nói cấm sát sanh thì phải nói lòng thương yêu chúng sanh. Nói đến lòng yêu thương chúng sanh, là nói đến lòng hiếu sinh, lòng hiếu sinh là hiếu sự sống của muôn loài, tức là thương yêu sự sống. Nếu không dạy cho chúng ta có lòng thương yêu sự sống, mà dạy chúng ta không sát sanh thì không thể nào chúng ta không sát sanh. Vì chúng ta chưa có lòng yêu thương sự sống thì chắc chắn chúng ta không tránh khỏi sự sát sanh. Lòng hiếu sinh là lòng thương yêu rộng lớn vô bờ bến đối với muôn loài. Lòng thương yêu sự sống ấy chỉ có những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni mới thể hiện được, vì đời sống của họ ba y một bát, thiểu dục tri túc nên không hề vi phạm sát sanh, làm khổ đau chúng sanh.

Nếu chúng ta là một bậc Thánh thì không nói vọng ngữ, không vọng ngữ chỉ có bậc Thánh mới làm được, chứ một con người như chúng ta khó mà làm được. Tuy rằng chúng ta nói vọng ngữ không hại mình hại người khác, nhưng đó cũng là một điều kiện làm cho chúng ta mất uy tín với mọi người, nó làm cho người khác xem thường, không tin tưởng mình. Nhưng khi chúng ta hiểu đó là đức hạnh uy tín làm người, làm Thánh. Dù lời nói vọng ngữ đó không hại ai hết nhưng chúng ta cũng không nói, huống là nói dối hại mình hại người thì lại càng không được nói. Nếu chúng ta nói thật mà làm hại người thì sao? Chúng ta có quyền không nói chứ? Không nói tức là che dấu tội ác của kẻ khác ư?

Giới luật đạo đức của đạo Phật khó như vậy, vì thế chúng ta phải được học hỏi và tu tập rèn luyện dần dần mới thành thói quen đạo đức được, mới trả lời được những câu hỏi trên.

Thầy thiết nghĩ, muốn đi vào con đường của đạo Phật thì phải đi vào con đường giới luật, tức là con đường đức hạnh. Khi chúng ta có đức hạnh rồi thì chúng ta mới có thiền định. Đức Phật nói: khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Lúc tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì muốn nhập các định dù bất cứ định nào cũng không có khó khăn, không có mệt nhọc. Trong các kinh đức Phật đã xác định rõ ràng như vậy. Thế chúng ta sống giới luật không nghiêm chỉnh, ăn uống phi thời như người giàu có, danh lợi cuốn mình vào trong cái lớp áo giàu sang thì làm sao mình ly dục ly ác pháp được. Muốn ngồi thiền nhập định mà không ly dục ly ác pháp thì làm sao nhập định được. Cho nên do không sống đúng giới luật thì không bao giờ nhập định được như trên Thầy đã nói.

Tóm lại lòng hiếu sinh là một đức hạnh cao quý tuyệt vời của con đường giải thoát mà người đệ tử đạo Phật dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải thực hiện cho bằng được, nhờ thực hiện cho bằng được thì từ đó chúng ta có một tâm hồn biết chan hoà tình thương yêu với sự sống muôn loài trên hành tinh này thì không còn làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh nữa.

NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP

Các cư sĩ về đây muốn tu tập thì Thầy sẽ dạy cho ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Trong gia đình phải đối xử với nhau hòa thuận như nước với sữa. Cha mẹ đối xử với con như thế nào? Chứ đừng đụng chuyện gì, cũng la, cũng mắng chửi rủa con cái, rốt cuộc rồi con cái của mình, tuy sống gần nhưng lại cách xa mình, nó làm những việc gì, nó không dám cho cha mẹ biết, nó đều che dấu cha mẹ. Bởi vì con cái sợ la rầy thì làm sao nó dám nói thật với mình. Làm cha mẹ nên xem nó như người bạn, còn xem nó là đứa con nít, là con của mình, thì tự mình đã lìa xa con cái rồi. Như vậy bổn phận làm cha mẹ chưa tròn đạo đức. Cha mẹ cần phải học đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người, dù nó là con mình, mình sanh ra, mình cũng không có quyền làm khổ nó. Nó cũng là một con người, như bao nhiêu con người khác, phải đối xử với nó như thế nào cho đúng đạo đức. Cho nên có học đạo đức mình mới biết đối xử với con cái của mình. Còn con cái của mình có học đạo đức thì nó mới biết đối xử với cha mẹ. Nó không bao giờ làm cho cha mẹ buồn khổ. Như vậy rõ ràng chúng ta cần phải học đạo đức không làm khổ mình khổ người, tức là ngăn ác diệt ác pháp.

HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC

Chúng ta tu theo đạo Phật, mà không học tu tập đạo đức, mà lại đi học thiền định, để kiến tánh thành Phật hoặc đi tụng niệm để cầu được sanh về Cực Lạc Tây Phương, để cầu siêu cầu an thì điều này có đúng không? Những điều này chỉ là ảo tưởng của chúng ta mà thôi, chứ làm sao mà nhập định được? Khi tâm còn tham, sân, si... Và làm sao có cảnh giới Tây Phương được mà cầu về đó. Phỏng chừng có cõi Cực Lạc ở Tây Phương thực sự thì Đức Phật Di Đà có dám rước chúng ta về đó không? Tâm chúng ta còn dẫy đầy tham, sân, si ngút ngàn chưa có một chút gì là đạo đức thì ai dám rước mình về. Nếu rước về nước Cực Lạc, thì chắc nước Cực Lạc sẽ không còn là Cực Lạc nữa.

Ví dụ: Trong nhà Thầy, hoàn toàn mọi người đang sống hòa thuận, yên ổn, bây giờ rước thêm một cô dâu về nhà. Cô dâu không phải là người hiền đức, nên mọi sự việc xảy ra, rầy rà, la khóc, trong nhà này giống như địa ngục. Ở đây Thầy đem ví dụ để nói tâm chúng ta đang còn tham, sân, si không có đạo đức mà muốn về nước Cực Lạc thì nước đó có còn cực lạc nữa không như trên đã nói? Để chúng ta rõ, khi tâm chúng ta chưa hết tham, sân, si thì không có đức Phật nào dám rước chúng ta đâu! Nên chúng ta đừng có sống trong ảo tưởng về việc cầu vãng sanh. Không được đâu các bạn ạ? Điều đó chắc chắn không ai rước mình đâu? Còn nếu mà mình sống đạo đức hẳn hoi thì Đức Phật Di Đà đến thỉnh mình, mình cũng không muốn đi nữa. Vì mình vẫn ở trong Cực Lạc rồi, không cần về nước Phật, mình vẫn ở trong nước Phật. Bởi thiện pháp không làm khổ mình khổ người thì nó là Cực Lạc rồi, an vui rồi, chứ đi tìm nơi đâu nữa. Đó là một sự thực tế không có ảo tưởng. Phải không hỡi các bạn?

Cho nên chúng ta sống đúng, tu tập đúng pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, sống đúng tâm hồn thanh thản, an lạc, vô sự thì đó là Cực Lạc, đó là Niết Bàn, đó là Thiên Đàng. Chính đó là TU TẬP ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI.

BẤT ĐỘNG TÂM ĐỊNH

Đức Phật nói: Tâm ly dục, ly ác pháp là nhập Sơ thiền, do ly dục sanh hỷ lạc nhưng chúng ta đang còn ở trong 5 chi thiền của nó: Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm tức là chúng ta đang ở trạng thái Sơ Thiền Thiên. Còn nếu như chúng ta xả năm chi thiền này ra thì chúng ta đang ở trong trạng thái bất động, bất động đó là Niết Bàn. Lúc bấy giờ chúng ta có cần tu gì nữa không? Hay chỉ ly dục, ly ác pháp xả năm chi Sơ Thiền là nhập vào Bất động tâm định hay là Vô tướng tâm định là đủ. Mà đã ly dục, ly ác pháp là đạo đức của loài người, đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người. Cho nên lúc nảy Thầy nói đức Phật dạy: “Ta nói: ly dục ly ác pháp tức là Ta nói giới luật”.Người nào sống đúng giới luật tức là ly dục, ly ác pháp, còn người nào sống không đúng giới luật là không ly dục, ly ác pháp. Nhưng muốn sống đúng giới luật mà không ức chế thân tâm, thì phải có pháp hành để tu. Pháp hành để tu như thế nào? Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Khi ngăn ác diệt ác xong, chúng ta tiếp tục quét sạch những pháp ác vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta. Thân, thọ, tâm, pháp là thân ngũ uẩn của chúng ta. Thân ngũ uẩn của chúng ta gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trên thân ngũ uẩn gồm đủ bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp. Nên đức Phật dạy chúng ta tu Tứ Niệm Xứ trên bốn chỗ này để chúng ta quan sát và đẩy lùi chướng ngại pháp trên đó. Nhờ có tu tập như vậy nên toàn bộ thân thọ, tâm, pháp của chúng ta thanh tịnh. Mà tâm đã thanh tịnh là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm đã ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.

Như vậy rõ ràng trong giai đoạn đầu chúng ta tu pháp gì? Tu Tứ Chánh Cần, giai đoạn kế tu pháp Tứ Niệm Xứ. Tu pháp môn Tứ Niệm Xứ chúng ta chỉ có quan sát để quét sạch những ác pháp vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta. Vậy thì, Tứ Chánh Cần chúng ta sống như các cư sĩ, đang chung đụng mọi pháp ác. Gặp pháp nào ác chúng ta đều ngăn và diệt ác pháp ấy, làm cho đời sống của chúng ta tràn đầy đạo đức không làm khổ mình khổ người. Còn bây giờ, với chiếc áo tu sĩ như Thầy thì vào thất, không có ai làm động mình hết, vì vậy mình ngồi đây quét sạch chướng ngại trên thân tâm của mình giống như ông Châu Lợi Bàn Đặc. Khi ông học bài kệ bốn câu không thuộc, thì người anh của ông, đuổi ông về nhà, ông ngồi khóc, đức Phật đi ngang qua thất ông, ông mới trình bày cho đức Phật biết nguyên do ông khóc. Đức Phật bảo: “Ta sẽ dạy con, chỉ cần quét cái tâm cho sạch”.Quét tâm cho sạch, tức là tu Tứ Niệm Xứ. Sau một thời gian ngắn ông thực hiện trọn vẹn lời dạy pháp môn Tứ Niệm Xứ, và chứng quả A La Hán, đầy đủ Tam Minh.

Cho nên trong giai đoạn đầu chúng ta tu Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác pháp, cuối cùng chúng ta vào trong tu viện, sống độc cư trầm lặng rồi chúng ta quét sạch những ác pháp vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta, tức là tu Tứ Niệm Xứ. Khi tâm đã hoàn toàn sung mãn Tứ Niệm Xứ, thì có bốn Thần Túc đầy đủ trong thâm tâm. Khi có bốn Thần Túc đầy đủ thì thiền định nhập đâu còn có khó khăn, nên đức Phật bảo rằng: “Tâm định tỉnh như nhuyễn dễ sử dụng thì nhập định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức”. Nghĩa là lúc bấy giờ mình chỉ dùng Định Như Ý Túc tức là Định Thần Túc, là muốn nhập định nào, thì sẽ nhập định như thế ấy một cách dễ dàng. Khi tâm đã thanh tịnh không còn tham, sân, si thì mình bảo: diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền, tức thì tâm diệt tầm tứ và nhập vào trạng thái Nhị Thiền tức khắc.

Vậy ai diệt tầm tứ? Tâm thanh tịnh của chúng ta diệt tầm tứ, chứ không pháp nào khác hơn nữa, tức là tâm lực của chúng ta do tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn mà có, chứ không thể nào ngồi lâu mà chúng ta diệt nổi tầm tứ, diệt lỗ tai, diệt con mắt, mũi, miệng, thân và diệt ý thức của chúng ta được. Ở đây chúng ta ngồi nghỉ đừng cho khởi niệm là diệt nó sao? Diệt không thể được đâu? Vì vậy chúng ta chỉ cần tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn thì có Tứ Thần Túc, trong Tứ Thần Túc có Định Như Ý Túc như trên đã nói.

 Các Phật tử có nghe đức Phật thuật lại: Khi đức Phật nhập định, cách đó 200 mét (200m) trời sét đánh chết hai con bò. Tiếng sét to lớn như thế mà đức Phật trong định không nghe thấy gì cả. Bởi vì nhĩ căn đã ngưng hoạt động, nhĩ căn không hoạt động, thì giống như người điếc phải không quý Phật tử? Người điếc thì còn nghe được âm thanh gì nữa. Dù tiếng lớn cũng như tiếng nhỏ.

Không nghe nhưng chúng ta vẫn tỉnh bơ, vẫn biết như thường chỉ không nghe, không tác ý, không suy nghĩ. Hiện giờ cái biết của chúng ta hiện giờ giống như cái biết trong giấc mộng. Cho nên khi nhập Nhị Thiền thì chúng ta rơi vào thế giới tưởng. Khi bước vào chỗ này, thì đức Phật bảo phải ly tất cả hỷ (Ly hỷ trú xả), ly tất cả các trạng thái hỷ tưởng. Có 18 loại trạng thái hỷ tưởng, phải xả ra hết. Lúc bấy giờ xả cho sạch mới nhập được Tam Thiền có đúng như vậy không? Còn chúng ta nhập Nhị Thiền thấy hỷ lạc tưởng cho rằng định sanh hỷ lạc này là thật, nhưng không ngờ đó là trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc. Xúc tưởng hỷ lạc là một trong 18 loại tưởng. Nếu không biết xả thì chúng ta sẽ bị rơi vào trong thế giới ma tưởng, chứ không phải là thiền định gì cả. Hầu hết các Sư Thầy hiện giờ đang rơi vào loại thiền định này mà họ tưởng rằng mình nhập được Chánh định. Ôi! Thật là vô minh, tội nghiệp thay! Một cuộc đời tu hành xả bỏ hết, nay còn gì đâu nữa.

Có những người tu ức chế tâm, thấy sắc tưởng hay thinh tưởng cho là định tưởng xuất hiện. Những người này đã rơi vào mê hồn trận của định tưởng mà không biết. Khi rơi vào trong mê hồn trận này thì chẳng bao giờ họ nhập được Tam Thiền, họ chỉ còn loanh quanh trong cái thế giới tưởng này để đạt đến thần thông tưởng (ngũ thông).

Chúng ta muốn nhập Tứ Thiền thì sau khi đã dừng tất cả các trạng thái tưởng, được xem như người ngủ không còn chiêm bao, không còn chiêm bao thì lúc bấy giờ chúng ta nhập Tứ Thiền mới được an toàn. Chúng ta tịnh chỉ hơi thở, tức là chúng ta ra lệnh cho hơi thở phải tịnh chỉ, ngưng, nhập Tứ Thiền, chứ không phải chúng ta nín thở. Ngay đó theo sự lệnh truyền của chúng ta, thì dần dần tuần tự hơi thở sẽ dừng lại. Nhưng khi dừng lại thân tâm của chúng ta không hoại diệt vì thân tâm chúng ta thanh tịnh, sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Còn như cơ thể của chúng ta bất tịnh thì ngừng thở là chết ngay liền tức khắc. Bởi vì cơ thể của chúng ta đang tiếp xúc và đang được nuôi dưỡng với những chất ô nhiễm, ô trược. Tâm thì còn dẫy đầy tham, sân, si luôn sống trong đau khổ, mà bảo hơi thở dừng thì làm sao nó dừng được? Nếu nó dừng được thì đó chỉ là hơi thở tưởng dừng, chứ không phải hơi thở thật dừng.

Các nhà Yoga họ tập luyện, tâm họ chưa ly dục, ly ác pháp hoàn toàn mà họ dừng được hơi thở. Họ dừng được hơi thở là tại sao? Ở đây họ phải dùng tưởng để tu tập như: tưởng thở bằng trán, bằng lỗ chân lông, v.v.. họ thở được là nhờ năng lực của tưởng. Người tu theo tưởng định chỉ có Ngũ thông tưởng chứ nó không có Lục thông, Tam Minh, bởi vì không có Lậu Tận Minh nên nghiệp tái sanh vẫn còn, phải tiếp tục tái sanh luân hồi, tức là tâm tham, sân, si còn nguyên. Còn một người tu ly dục ly ác pháp hoàn toàn, tâm thanh tịnh thì sẽ lìa hết các lậu hoặc. Lìa hết các lậu và tiếp tục tu các thiền định và Tam Minh thì mới chấm dứt nghiệp tái sanh luân hồi. Đó là con đường tu tập đúng của đạo Phật là như vậy. Tâm lực giúp chúng ta tự tại nhập Định, tự tại đưa tâm đến Tam Minh. Ngoài sự tu tập này không còn có cách nào khác giúp chúng ta nhập định và thực hiện Tam Minh được. Cho nên chúng ta tu đúng pháp thì có giải thoát, còn tu không đúng thì không có giải thoát.

Vì thế căn bản sự tu tập thiền định của đạo Phật là ở chỗ giới luật, nhờ có giới luật tâm mới ly dục ly ác pháp, nhờ có ly dục ly ác pháp mà tâm mới bất động. Tâm bất động là giải thoát hoàn toàn, ra khỏi nhà sinh tử, chấm dứt luân hồi. Còn vấn đề thiền định và Tam Minh là vấn đề phụ.

THỌ BÁT QUAN TRAI

Hôm nay trong chiếc áo của người cư sĩ tu tập Thọ Bát Quan Trai, thì giữ gìn tám giới không có gì khó, chứ đừng có vội xuất gia tu hành. Khi xuất gia tu hành chúng ta thọ Sa Di giới, Tỳ Kheo giới, tất cả những giới này đâu phải dễ giữ gìn được, đâu phải sống ngay liền được.

Ví dụ: Trong thập giới Sa Di thôi, có một giới cấm ăn uống phi thời, chỉ ngày ăn một bữa, có giới cấm cất giữ tiền bạc, có giới cấm nghe ca hát và tự ca hát, có giới cấm trang điểm làm đẹp làm dáng. Thế mà ông thầy nào cũng ăn ngày ba bốn bữa, cũng cất giữ tiền bạc, cũng xem ca hát, thì thử hỏi như vậy có đúng không? Nếu tu sĩ ăn uống phi thời thì làm sao Phật giáo sống được. Mấy ông thầy ăn uống ngủ nghỉ sai giới luật, có ông thì đi chân trần, có ông thì mang dép da thú vật, có ông lại có xe hơi riêng, xe cúp, xe hon đa chạy bất kể luật lệ đi đường, lại có thầy lái xe lại đèo thêm một cô Phật tử; lại có Thầy đèo thêm một cô Ni sau lưng, thì thử hỏi đạo Phật còn có nghĩa lý gì của đạo Phật nữa? Giới luật ở chỗ nào nữa? Làm sao ly dục, ly bất thiện pháp được? Đó là những cái đau lòng nhất của Phật giáo hiện nay. Đó là những điều kiện để cho chúng ta xác định Phật giáo đang suy đồi, ngoại đạo mạo danh Phật giáo để làm suy đồi Phật giáo, chứ không hưng thịnh. Mặc dù bây giờ có hàng vạn tu sĩ Phật giáo nhưng tu danh, tu lợi. Bao nhiêu trường Phật học mở cửa để đào tạo tu sĩ tài đức. Những nhân tài học thức như vậy, chẳng có lợi ích gì cho xã hội, mà còn thêm gánh nặng cho mọi người. Những hạng tu sĩ danh lợi này quá đông, còn những tu sĩ tìm tu giải thoát của Phật giáo thì quá ít. Số tu sĩ tu danh, tu lợi này là gánh nặng cho tín đồ. Các cư sĩ phải nuôi, phải cúng dường. Mỗi lần trai Tăng là mỗi lần quý vị phải đóng góp nhau từng đồng, từng cắc để cho họ ăn, họ sống, họ học, họ chia của cải trên mồ hôi nước mắt của quý vị. Cho nên quý vị biết rằng:“Giới luật còn là đạo Phật còn, Giới luật mất là đạo Phật mất”.Chúng ta không nên nối giáo cho những người này, họ là giặc trong Phật giáo, họ đang diệt Phật giáo.

Quý vị đừng nghĩ rằng người nào làm tội là họ phải chịu tội. Tội những người làm cho Phật giáo suy đồi, họ không tránh khỏi nhân quả đó đâu. Nhưng quý vị cúng dường không đúng chánh pháp là tiếp tay làm hư hoại Phật giáo, thì quý vị là người đệ tử cư sĩ tại gia của đức Phật sẽ không xứng đáng, quý vị cũng phải chịu trách nhiệm tội lỗi phá hoại Phật giáo.

Ví dụ: Một người ngoại quốc vào đất nước Việt Nam, đến chùa, lăng, miếu chỗ đông người, nơi đâu cũng đều thấy ăn mày đi xin tiền xin thực phẩm, thì họ sẽ chê đất nước nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Phải không các bạn?

Tại sao lại có ăn mày như vậy?

Tại vì, quý vị đặt lòng thương không đúng chỗ, có nghĩa là thấy ăn mày là quý vị bố thí. Bố thí như vậy quý vị sẽ biến đất nước này thành đất nước ăn mày. Nhà nước có bổn phận phải tập trung những người ăn mày tàn tật vào một cái trại nào đó. Chúng ta những người dan cùng Nhà nước sẽ bỏ ra tiền bạc để nuôi những người ăn mày này, những người bất hạnh, chứ không nên để những người bất hạnh tàn tật ăn mày này đi xin rải rác khắp nơi làm xấu cho đất nước chúng ta.

Cũng như bây giờ quý vị cứ nuôi những ông thầy phá giới luật, phạm giới luật như vậy, quý vị tưởng như vậy thì Phật pháp còn ư? Hoặc quý vị bỏ ra hàng tỷ bạc như vậy để xây cất những ngôi chùa đẹp thì như vậy có phải làm hưng thịnh Phật giáo không?

Không đúng đâu. Quý vị làm cảnh đẹp tham quan để quý vị đi giải trí quên sự mệt nhọc, bằng những hình thức tu tập, chứ tu tập như vậy đi đến đâu thưa quý vị?

Quý vị quên rằng nơi của Phật giáo không phải là những cảnh tham quan đẹp đẽ. Hình ảnh của Phật giáo là sống không chùa, không nhà cửa, chỉ ba y một bát, chòi tranh vách lá mà thôi. Đời sống người tu sĩ là sống du tăng khất sĩ, rày đây mai đó, không dính mắc một cái gì hết. Quý vị cất chùa cho tốt đẹp và ông thầy là một công nhân viên để phục vụ cúng bái cầu an, cầu siêu, ma chay, làm tuần, làm tự, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu cho quý vị… Như vậy quý vị rất thỏa mãn tinh thần. Quý vị đã làm hư hoại Phật pháp hết rồi! Phật pháp không phải là chỗ để an ủi tinh thần cho quý vị mà là chỗ để quý vị thắp đuốc lên mà đi trên đường giải thoát. Cho nên tu là phải tu đúng pháp, chùa là nơi để cho quý vị đến đó Thọ Bát Quan Trai để quý vị tu tập một ngày làm Phật, làm Thánh Tăng, Thánh Ni, chứ đâu phải chùa là nơi để cho quý vị đến đó tham quan, ngoạn cảnh, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, lạy lễ hồng danh sám hối theo kiểu Bà La Môn. Cho nên những gì Thầy nói ra là những gì muốn xây dựng lại cái tốt cái đẹp cho Phật giáo. Những gì Thầy nói ra là muốn đem lại cho quý vị được một ngày làm Phật, một ngày được giải thoát, chứ không phải ở đây lý luận nói thế này, nói thế khác, để rồi rốt cuộc tu hành chẳng ra gì. Tu sĩ phải ra tu sĩ, mà cư sĩ phải ra cư sĩ, đâu ra đó hẳn hoi. Cư sĩ phải hộ trì Phật pháp, hộ trì đúng chánh pháp, chứ không thể hộ trì không đúng pháp. Thầy nói thật sự, được nghe lời Thầy là may mắn cho quý Phật tử. Dù sao quý Phật tử cũng còn mang những kiến chấp, cho Thầy quá cố chấp, quá sân hận, quá nặng lời, quá lỗi thời không hợp với thời đại này. Đối với Thầy, quý vị muốn nói sao cũng được, miễn là lời nói của Thầy là chân thật của Phật giáo, làm sống lại Phật giáo. Thật ra pháp môn gì mà đức Phật ngày xưa đã để lại thì ngày nay chúng ta áp dụng vào đời sống và đem lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, chứ không phải lỗi thời.

Thường thường người ta nghĩ rằng Thầy chấp giới, chấp cái này, chấp cái kia, vì vậy cho Thầy lỗi thời không hợp. Bây giờ vật chất, tiền của, xe cộ tất cả mọi thứ hiện đại tiện nghi như vậy mà Thầy ôm bát đi bộ, xin ăn thì quá lỗi thời. Vì hiện giờ ăn uống đầy đủ, ngày xưa không đầy đủ thì đành chịu, còn bây giờ đầy đủ Thầy còn chấp chặt những điều thiểu dục, tri túc đó, thì không hợp thời. Ở đây Thầy suy nghĩ, tư duy cái nào giải thoát, cái nào không giải thoát, cái nào đưa đến dục lạc và cái nào không đưa đến dục lạc. Cái chỗ này là chỗ quan trọng mình phải tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng, vì mình phải chấp nhận sống đúng đời sống của một vị tu sĩ Thánh Tăng. Khi mình sống đúng hạnh giải thoát thì người cư sĩ ủng hộ và bảo trì Phật pháp. Thật ra Phật pháp còn là do bàn tay của những người cư sĩ. Còn tu sĩ chỉ là những người có nhiệm vụ tu tập để thực hành đúng Phạm hạnh, để thực hiện được gương hạnh cho người cư sĩ, để người cư sĩ nương theo. Người tu sĩ đừng nên sa ngã, chạy theo dục lạc, chạy theo lòng ham muốn của mình nó là ác pháp, nó làm cho người cư sĩ khổ đau, phiền não trong lòng. Hôm nay Thầy nói ra để chúng ta thấy biết rõ ràng.

Tóm lại, muốn tu tập để được giải thoát hoàn toàn thì chúng ta mỗi người dù tu sĩ hay cư sĩ đều phải tu tập Thọ Bát Quan Trai. Vì đó là bắt đầu cho một cuộc sống ly dục ly ác pháp, cuộc sống làm Phật, cuộc sống thánh thiện, cuộc sống giải thoát, cuộc sống cao thượng.

HỌC ĐẠO ĐỨC

Bây giờ chúng ta quay trở lại vị trí tu hành. Trước tiên chúng ta phải học đạo đức. Đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người, đạo đức nhân bản - nhân quả. Đó là một điều quan trọng đem đến lợi lạc cho quý vị sống trong gia đình đối xử với nhau, hoàn toàn đưa gia đình đến an vui, hạnh phúc chân thật.

Ví dụ: Bây giờ mình muốn đi tu, mà vợ con không cho đi, nhất định chúng ta không được đi. Tại sao vậy? Mình đi tu vợ con mình đau khổ, nhớ thương, cho nên mình không đi. Mình không đi không có nghĩa là mình không tu. Vì đạo Phật dạy ta tu tập nhẫn nhục, tùy thuận. Nhẫn nhục trước sự không bằng lòng của vợ con, nhưng chúng ta tùy thuận không bị lôi cuốn vào con đường ái kiết sử, đó là cách khéo léo đưa dần cả gia đình đến với Phật pháp. Cả gia đình chúng ta là một cụm nhân quả. Chúng ta không thể bỏ đi tu để vợ con buồn khổ như thế này được. Cho nên chúng ta phải sống trong gia đình. Chúng ta phải làm những gương hạnh gì để dẫn dắt vợ con mình theo đường lối đạo đức của Phật giáo. Mình phải làm gương hạnh đạo đức hẳn hoi để giúp cho gia đình mình an vui, vợ con đồng hướng theo một hướng tốt. Chờ đến khi đủ duyên chúng ta ra đi vợ con rất sung sướng, là vì mong cầu cho chồng mình đi tu, còn con cái ước ao người cha của mình thực hiện được đạo giải thoát để về dìu dắt mẹ và anh chị em mình cùng đi trên con đường đó. Nếu cả gia đình đều đồng ý thì hạnh phúc biết bao! Vậy mình phải sống như thế nào, để sống đúng đạo đức làm gương trong gia đình. Không những làm gương cho gia đình mình mà còn làm gương cả xóm giềng chung quanh mình nữa. Vậy sống như thế nào để mình dẫn dắt những người chung quanh xóm giềng của mình.

Ví dụ: Một nhà hàng xóm bên cạnh ngay trước nhà mình, thường hay ném rác bẩn sang nhà mình, mình cứ xách chổi ra quét dọn sạch sẽ không la lối chửi mắng ai cả. Và như vậy chúng ta đã dạy cho họ một bài học đạo đức, chắc chắn một ngày nào đó họ sẽ trở thành người tốt. Người ta đã vô minh, không hiểu đạo đức vệ sinh, người ta chỉ nghĩ đến cá nhân chứ không nghĩ đến ai hết. Đạo đức dạy chúng ta nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Vì thế tốt hơn hết mình cứ vui vẻ, quét dọn sạch sẽ và nghĩ rằng: đây là nhân quả đời trước của mình, mình có nợ với người này, người này mới xả rác như vậy thì mình cứ vui vẻ làm đi, làm cho sạch, làm cho người đó họ ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao ông ta không tức giận mình? Nếu người khác lùa rác, lùa chất bẩn vô nhà mình, thì mình có giận không?

Mình tin chắc, sớm muộn gì người ta cũng ý thức được điều đó, chứ không phải không. Nhưng mình phải bền chí để giáo dục đạo đức cho người. Khi nhân quả thiện của mình tạo ra đến lúc chín muồi, nó sẽ chuyển đổi thì người ta sẽ hối hận tức khắc và sẽ đến xin lỗi mình. Bởi vì nhân quả nó chuyển đổi, chứ không phải cố định. Ví dụ bây giờ thấy người ta đổ rác làm bẩn nhà mình, mình tức giận, tức là mình bị nhân quả chuyển, chuyển từ nhân đến quả. Còn mình chuyển nhân quả thì mình không tức giận, do đó mình trả hết các nợ nhân quả đời trước. Khi nhân quả trả hết thì không bao giờ người ta làm bẩn trong nhà mình nữa.

Mình phải thấy rằng nhân quả nó chuyển biến, chuyển biến để làm cho cuộc sống từ bất yên ổn trở thành yên ổn, thanh tịnh, hoà hợp với nhau, nó không làm động nhau nữa.

Chỗ tu tập của đạo Phật Nguyên Thủy không có dạy người ta vào chùa tụng kinh, gõ mõ, lạy sám hối để cầu chư Phật phù hộ cho chúng ta bình an, tai qua nạn khỏi. Chúng ta có lầm lỗi, nhưng biết sự lầm lỗi đó là ác pháp. Do đó chúng ta nhất quyết không làm lỗi nữa. Khi không làm lỗi nữa là phải tự mình, chứ không ai giúp mình hết làm lỗi, cho nên đức Phật bảo:“Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”.Bây giờ mình không thắp đuốc lên đi, mà cứ vô chùa tụng kinh cầu chư Phật phù hộ cho mình được sao? Tại sao mình đi ngược lại lời dạy của đức Phật như vậy? Làm sai như vậy mà bảo mình tu theo Phật giáo. Cái đó là cái sai.

Tu theo Phật giáo là chúng ta phải tự lực. Mỗi một ác pháp đến làm cho tâm chúng ta chướng ngại, thì ngay đó chúng ta xả, xả tức là chúng ta chuyển đổi được nhân quả. Để nhắc lại ví dụ trên: Có người đưa rác làm bẩn nhà mình, mình cứ vui vẻ quét hốt, dọn dẹp sạch sẽ, không tức giận, tức là đầu tiên mình chuyển được tâm nhân quả của mình, kế đó nữa mình thấy được cái nhân quả của mình và tự nguyện sẽ hốt sạch rác này, cho đến khi trả hết nghiệp. Khi hết nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ cảm hoá được người làm bẩn nhà mình, nếu tôi cảm hoá được người này thì họ không còn là người xấu. Họ không còn là người xấu thì tôi rất mừng, vì tôi đã dẫn dắt họ vào con đường đạo đức. Do đó tôi phải bền chí tôi làm việc này, một tháng chưa xong, hai tháng chưa xong, một năm, hai năm, cho đến ba năm, chắc chắn tôi sẽ cảm hoá được người này bằng những hành động vui vẻ không giận hờn người này. Như vậy rõ ràng chúng ta đang theo pháp Phật dạy: ngăn ác diệt ác pháp. Đó là cách thức tu tập của chúng ta, có giải thoát ngay liền.

Đây là một ác pháp nữa. Ví dụ: Người ta chửi mình, mình giận dữ, tức là mình đem ác pháp vào trong tâm của mình, mình tự làm khổ mình, chứ có lợi ích gì đâu. Nếu người ta chửi mình, mình không giận, tức là mình không đem ác pháp vào tâm mình, mình không làm khổ mình, và như vậy mình có lợi ích lớn cho mình.

Tóm lại, một người tâm bất động trước các ác pháp là người sống có đạo đức với mình với mọi người.

LÀM CHỦ SỰ SỐNG CHẾT

Nếu Thầy làm chủ được bệnh của Thầy, tức là Thầy làm chủ được cái chết. Làm chủ được cái chết, tức là làm chủ nhân quả. Ngoài nhân quả ra thì không có cái chết. Bởi vì thân của Thầy là thân nhân quả, cho nên nó phải có sanh có diệt. Khi tu tập theo giáo pháp của đức Phật, thì trước tiên Thầy làm chủ cái tâm, làm chủ cái tâm là phải làm chủ tâm không sân, không tham, không si. Do làm chủ tâm nên mới không tham, sân, si. Nếu không làm chủ tâm được thì tâm tham, sân, si cũng giống như mọi người. Khi làm chủ được tâm không tham, sân, si rồi Thầy làm chủ được bệnh. Đầu của Thầy đau nhức, Thầy bảo: “cái thọ này vô thường, cái đầu đau nhức này phải rời khỏi thân này đi và không được đau nhức nữa”.Khi hướng tâm như vậy, thì tự cái đau nhức đầu sẽ đi mất. Như vậy có phải cần uống thuốc không hỡi quý Phật tử? Đâu có cần uống gì. Nay Thầy đã sống trên 78 tuổi rồi mà Thầy vẫn sống bình thường, không có đau bệnh gì khó khăn khổ sở. Nếu có đau Thầy sẽ đuổi nó đi. Khi Thầy sắp chết Thầy bảo hơi thở ngưng đi, cái thân già yếu này sống làm chi cho thêm cực khổ quá vậy, chết đi cho rồi. Thì bắt đầu nó ngưng hơi thở Thầy chết. Bởi vì Thầy làm chủ được thân nhân quả. Cho nên đức Phật nói:

“Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”.

Giải nghĩa:

“Trên trời, dưới trời

Con người duy nhất

Khắp trong thế gian

Vượt qua sanh, già

Làm chủ bệnh, chết”.

Đức Phật đã vượt qua sanh, già, bệnh, chết, tức là làm chủ sanh tử. Vậy thì người tu theo đạo Phật vốn có tâm niệm với mục đích làm chủ được bốn nỗi khổ đau này.

Mục đích của chúng ta là tu tập ngồi thiền để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi phải không?

Ở đây, Thầy chỉ dạy cho quý vị ngăn ác diệt ác pháp, có nghĩa là người ta chửi mình, mình không giận, mình không tham muốn gì hết. Dù thấy các vật đẹp mình cũng không ham muốn, chứ không phải ngồi thiền hít thở, niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, sám hối, v.v… Và như vậy quý vị đã làm chủ được cái tâm tham, sân, si của mình, tức là quý vị đã làm chủ được nhân quả trong cuộc sống của mình, tức là làm chủ nhân quả của tâm. Khi đã làm chủ nhân quả của tâm được rồi thì tiếp tục tu tập để làm chủ nhân quả của thân. Làm chủ nhân quả của thân, là làm chủ bệnh tật và chết phải không? Vì có làm chủ được tâm thì đó mới làm chủ được cái nhân. Làm chủ được cái nhân chưa đủ, nên phải làm chủ cho được cái thân, làm chủ được cái thân, tức là làm chủ được cái quả. Cái quả thân của chúng ta hiện giờ có là do nhân đời trước. Nhờ làm chủ được tâm thì mới làm chủ được thân. Nếu không làm chủ được tâm thì không thể nào làm chủ được thân. Khi chưa làm chủ được tâm thì thân của quý bạn có nhức đầu, dù cho quý vị có biết dùng pháp hướng nhắc tâm đến cả ngàn lần thì nó cũng nhức đầu, chứ không bao giờ hết. Còn bây giờ Thầy đã làm chủ được cái tâm thì Thầy chỉ nhắc nó một vài lần là nó hết nhức đầu ngay liền. Làm chủ được bệnh khổ như vậy thì dù có đem tiền bạc chất như núi Thái Sơn cho Thầy, thì Thầy cũng không ham. Người ta chửi Thầy, Thầy không giận, cái không sân của Thầy, dù ai có đổi chùa to Phật lớn, Thầy cũng không ham. Tại vì Thầy đã làm chủ tâm của mình được rồi, nên danh lợi sang giàu đối với Thầy trở thành vô nghĩa. Do danh lợi sang giàu trở thành vô nghĩa đối với Thầy, thì Thầy phải làm chủ được bệnh. Làm chủ được bệnh thì Thầy làm chủ được chết của mình, làm chủ được cái chết của mình, thì Thầy phải chấm dứt tái sanh luân hồi của Thầy. Có phải vậy không? Giống như trên Thầy đã dạy. Vì thế, chúng ta đã tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Khi nhập xong Tứ Thiền thì chúng ta thực hiện Tam Minh. Mà thực hiện Tam Minh thì nghiệp lậu hoặc không còn nữa, do đó Thầy đã chấm dứt sự tái sanh luân hồi của mình. Chấm dứt luân hồi tái sanh, tức là chấm dứt nghiệp lực tái sanh, chứ không phải có thần thức, linh hồn đi tái sanh, mà chính là nghiệp. Nghiệp là do hành động thiện ác của chúng ta tạo thành.

Ví dụ: Chúng ta uống rượu, nó sẽ thành quen đi với rượu, nếu không có rượu thì cơ thể chúng ta khó chịu phải không? Chúng ta hút thuốc nó quen đi, bây giờ không hút thuốc, nghe buồn bã, nghe khó chịu trong lòng, hút thuốc vào là khoẻ trong người liền. Đó là nghiệp dẫn dắt mình ham thích dục lạc, nó làm cho mình khổ sở, do như vậy chúng ta bị nhiễm. Sự nhiễm như vậy trở thành nghiệp. Bây giờ chúng ta làm chủ nghiệp, thì làm sao nghiệp đi tái sanh luân hồi được. Phải không? Nếu chúng ta còn tham, sân, si thì còn nghiệp, nghiệp còn thì tiếp tục đi tái sanh. Hằng ngày Thầy tu tập làm chủ nghiẹp. Tu tập làm chủ nghiệp tức là tu tập tâm không tham, không sân, không si. Hằng ngày Thầy thường nhắc: “tâm không tham, sân, si, phải ly dục, ly ác pháp đi”,  hoặc Thầy nhắc: “tâm như cục đất ly tham, sân, si đi, đừng có tham, sân, si nữa, tham sân si là ác pháp, là khổ đau”.Thầy nhắc nó như vậy, hằng ngày nên nó trở thành nghiệp không tham, sân, si. Khi chưa biết tu tập chúng ta thường hay tham, sân, si, lâu ngày nó huân tập thành nghiệp tham, sân, si. Còn bây giờ Thầy huân tập nghiệp không tham, sân, si. Nghiệp không tham, sân, si thì nó có tái sanh không quý vị? Nghiệp không tham, sân, si thì không tái sanh. Còn chúng ta đi tái sanh là do nghiệp tham, sân, si. Như vậy có đúng không? Vì đức Phật xác định thân ngũ uẩn của chúng ta là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và thức cũng là một trong năm thứ hoại diệt của thân ngũ uẩn. Thân này hoại diệt thì rã hết năm uẩn kia. Sắc thân này tan rã thì thức này cũng tan rã, thì thân ngũ uẩn có còn cái gì đâu. Thế mà chúng ta chấp ở trong thân này còn có thần thức, linh hồn, tánh biết, tánh thấy, tánh nghe. Nếu có linh hồn nhập vào đồng cốt thì đó là tưởng thức của chúng ta tạo tác, chứ không phải có linh hồn, chúng ta đã nhận sai rồi không đúng đâu. Vì đức Phật nói, khi chúng ta chết đi thì không còn có cái gì tồn tại hết. Nó chỉ còn lại nghiệp do hành động thiện ác của chúng ta, nghiệp đó nó tái sanh như trên đã nói. Vì thế chúng ta mãi mãi tái sanh mà không bao giờ dứt. Hôm nay chúng ta đã rõ biết được. Vậy biết rõ chúng ta phải tu tập, tu tập để có được tâm nghiệp không tham, sân, si. Hằng ngày chúng ta huân tập pháp như lý tác ý, nhờ pháp như lý tác ý mà trở thành nghiệp lực không tham, sân, si.

Nghiệp tái sanh luân hồi là nghiệp tham, sân, si. Nghiệp không tham, sân, si là nghiệp chấm dứt tái sanh luân hồi. Do đó đức Phật dạy: “Con người là thừa tự nghiệp”.

Nghiệp không tái sanh luân hồi đức Phật ví như lõi cây. Muốn tìm lõi cây thì chúng ta phải bỏ vỏ, bỏ giác. Cũng vậy muốn tu giải thoát thì phải bỏ tham, sân, si, còn lại cái không tham sân si. Cây mới mọc lên thì không có lõi liền được. Nó phải có một quá trình thời gian lâu dài thì mới có lõi được. Chúng ta là con người sống trong đau khổ, muốn thoát ra sự khổ đau thì phải có một quá trình thời gian tu tập. Nhưng phải tu đúng pháp, còn tu sai thì chẳng bao giờ có giải thoát được. Nếu không có pháp Tứ Chánh Cần, không có Tứ Niệm Xứ, không có pháp hướng tâm như lý tác ý thì dù quý vị có tu ngàn đời cũng chẳng giải thoát được.

Tóm lại, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi là làm chủ nghiệp, làm chủ nghiệp là làm chủ tâm, tức là tâm không tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Làm chủ tâm là tâm phải bất động trước các ác pháp và các cảm thọ tức là tâm không còn dục lậu, hữu lậu vô minh lậu nữa thì mới giải thoát hoàn toàn.

PHẬT TÁNH

Quý vị đừng lầm trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh là một ảo tưởng của những nhà ảo tưởng. Tu mà nuôi ảo tưởng thì chẳng bao giờ có giải thoát, tâm quý vị mãi mãi vẫn còn tham, sân, si. Còn nếu cho rằng có Phật tánh thường hằng, bất biến trong mỗi chúng sanh thì hóa ra Phật tánh quá ngu. Tại sao vậy?

Phật tánh mà cứ đi đầu thai tái sanh hoài không phải là ngu sao? Phật là tánh giác, mà sao không giác lại ngu, để rồi tham đắm mà chịu tái sanh mãi, Phật Tánh chỉ là ảo tưởng của các Tổ sư Thiền Đông Độ và Đại Thừa, chứ trong chúng ta chỉ là một khối các duyên hợp lại mà thành. Chúng ta sinh ra từ cái môi trường sống, tức là môi trường nhân quả. Nếu chỗ nào không có môi trường sống thì chỗ đó không có nhân quả. Tại sao vậy? Tại vì nơi đó không có duyên hành. Có duyên hành thì mới có mưa, bão, nắng, gió phải không? Có hành, có mưa, có bão, có nắng, có gió thì có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, thì mới có độ ẩm ướt, từ khi có độ ẩm ướt có thì rong rêu, cây, cỏ, thảo mộc mới sanh ra. Cây, cỏ sanh ra trước rồi mới có loài động vật sanh ra, nhờ có cây cỏ mà loài động vật mới ăn cây cỏ để sống, chứ loài động vật sanh ra mà không có cây cỏ sanh ra thì loài động vật lấy gì để ăn mà sống?

Đây, Thầy đặt lại vấn đề thân tứ đại làm cho rõ ràng. Thân của chúng ta đức Phật nói là do tứ đại đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Nếu không có tứ đại bên ngoài thì lấy cái gì ăn để nuôi tứ đại bên trong mà sống thì chắc chắn thân chúng ta sẽ bị hoại diệt. Từ rong rêu, cây cỏ sanh ra trước. Sau đó lần lượt đến những loài động vật sanh nơi ẩm ướt, rồi kế đó đến loài noãn sanh, tức là loài sanh trứng, rồi thai sanh, sau cùng mới đến loài hóa sanh. Hóa sanh là những người sanh ra bằng tâm lực, bằng sự hợp chất do tâm lực, bằng hợp chất do máy móc. Chúng ta đừng hiểu hoá sanh là biến hoá, hoá sanh không có nghĩa biến hoá đâu. Mà do năng lực, tâm lực của người đã tu chứng Tam Minh. Trong tập 2 Đường Về Xứ Phật, Thầy đã nói đến năng lực này. Nghĩa là chúng ta dùng năng lực của tâm hợp tất cả các gen (gen) ở trong không gian, trong không gian các gen này có đủ, ta hợp chúng lại, sẽ hoá sanh thành con người. Nếu một người chưa toàn thiện thì không làm được. Cái năng lực toàn thiện của tâm mới có làm được việc này. Con người được hoá sanh là con người toàn thiện. Con người toàn thiện thì không sống trong xã hội này được, vì con người trong thế gian rất ác độc.

Nếu toàn bộ loài người tu hành hết thì con người sẽ là những con người hoá sanh. Con người hoá sanh hoàn toàn không có đau khổ. Bởi vì tâm chúng hoàn toàn thiện do hoàn toàn thiện nên không còn quả khổ.

Khi chúng ta tu đúng thì kết quả tự tại sanh tử là vậy, tự tại sanh tử không nghĩa là an phận trong sự sống chết. Tự tại sanh tử, tức là làm chủ sự sống chết đều theo ý muốn của mình.

Tóm lại, đi tu theo đạo Phật không phải vì đi tìm Phật tánh hay bất cứ một việc gì khác, mà vì làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết.

NGƯỜI MUỐN TU THEO ĐẠO PHẬT LÀ PHẢI SỐNG CÓ ĐẠO ĐỨC

Đã tạo ra nhân quả, có vợ, có con là có nhiệm vụ đạo đức, trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm mẹ, mình không thể nào bỏ chúng được, mình không thể dứt áo ra đi tu hành ngay liền được (cắt ái ly gia được).

Ngày xưa, chưa có đạo Phật cho nên đức Phật mới dứt áo ra đi, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha bỏ những người thân, để đi tu. Tạo một điều đau khổ rất lớn, chứ không phải nhỏ. Sáu năm Ngài phải chịu rất nhiều sự đau khổ và cay đắng, do pháp tu ức chế thân tâm của ngoại đạo Bà La Môn. Vì ăn quá ít cuối cùng Ngài đứng dậy không nổi. Đó là tiết thực quá độ, ăn uống ít quá, cho nên cơ thể của Ngài quá kiệt quệ. Sự khổ đau này chính là pháp môn của ngoại đạo, nhưng cũng để nói lên nhân quả mà Ngài đã tạo ra khổ đau đối với gia đình mình.

Sau đó, Ngài tìm được con đường tu tập, để đi đến chứng ngộ giải thoát. Ngài trở về độ cả dòng họ của mình. Trên đây là những việc làm của đức Phật ngày xưa. Còn bây giờ chúng ta tu hành thấy được đường đi của đạo Phật, nhờ Ngài vạch ra, chính nó là lối đi đạo đức của loài người. Chúng ta là những người hữu duyên mới gặp được chánh pháp như vậy. Vì vậy mỗi chúng ta phải có trách nhiệm và bảo vệ nó, không được làm mất nó, vì nó bị mất đi hơn 25 thế kỷ.

Hôm nay nhân duyên đã đủ, chánh pháp của Phật mới được sống lại, chúng ta không có quyền để cho chánh pháp mất một lần nữa hay bị diệt mất, nhất là đạo đức nhân bản - nhân quả phải được bảo vệ và giữ gìn mãi mãi với cuộc sống của loài người muôn thuở.

NHỮNG CÂU HỎI

Hỏi: Kính Bạch Thầy!

Kính Thưa Đại Chúng!

Đây cũng là những câu hỏi của nhiều cư sĩ thắc mắc:

Khi Đức Phật nhập diệt, các vị Thánh Tăng đệ tử của đức Phật cũng đều nhập diệt rồi, thì hơn 2500 năm nay có vị Thánh Tăng nào hay không? Nếu có thì sách sử không thấy nói đến? Nếu thật có những bậc A La Hán tu chứng. Theo như Đại Thừa nói là các vị A La Hán không có lòng thương xót, không có lòng từ bi, cho nên quý Ngài không có thị hiện để cứu độ chúng sanh. Vậy chúng con xin Thầy chỉ dạy dùm: CÓ VỊ THÁNH TĂNG (A LA HÁN) NÀO XUẤT HIỆN KHÔNG?

Đáp:  Từ khi đức Phật nhập diệt đến nay, giáo pháp của Ngài đã bị dìm mất bởi những nhà học giả chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo pháp của ngoại đạo Bà La Môn, nên tu hành không đúng chánh pháp của Phật và sự tu hành cũng chưa đến nơi đến chốn. Vì thế, tưởng giải, kiến giải theo lối mòn của ngoại đạo, nên tìm một vị chứng quả A La Hán rất khó, vì thế từ ngày đức Phật nhập diệt đến nay chúng ta không thấy sử Phật giáo có ghi chép những bậc A La Hán kế tiếp, nhưng có những bậc độc giác A La Hán xuất hiện tu chứng quả, những vị này không nằm trong Phật giáo Đại Thừa cũng như Phật giáo Tiểu Thừa Nam Tông, nên không được lịch sử Phật Giáo ghi chép.

Lịch sử Nam truyền và Bắc truyền có ghi chép những bậc Đại Sư học giả thường gọi là Bồ Tát, vì những người này chưa nhập được Tứ Thánh Định của Phật và Tam Minh, họ chỉ nhập được Tứ Thiền của ngoại đạo, tức là một loại thiền tưởng và thần thông tưởng. Cho nên sử Phật giáo không dám xác định và ghi chép họ là những bậc A La Hán.

Trong kinh sách Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển Đại Thừa đều có dạy rằng: “Một vị A La Hán, một vị Phật xuất hiện ra đời là trên thế gian này sẽ xảy ra 6 cách chấn động”.Vì thế từ ngày đức Phật nhập diệt đến nay chúng ta chưa từng thấy có chấn động, chưa có chấn động tức là chưa có A La Hán ra đời.

Tóm lại, khi đức Phật tịch thì các ngoại đạo cố tình diệt Phật giáo. Âm mưu của chúng là phân hóa Phật giáo. Các Tỳ Kheo tu chưa chứng, đều bị âm mưu này. Phật giáo chia thành nhiều bộ phái, giáo lý của Phật đã bị thêm bớt quá nhiều và những pháp hành của Phật không có người có kinh nghiệm, nên người sau không biết đường tu tập. Vì thế không có bậc A La Hán xuất hiện.

BẬC A LA HÁN CÓ TÂM ĐẠI BI KHÔNG?

Đáp:Đại Thừa cho bậc chứng quả A La Hán không có tâm đại bi, không thương xót chúng sanh là không đúng.

Một vị Phật, một vị A La Hán xuất hiện là do đại nhân duyên của chúng sanh trong thời đó. Nếu có đủ duyên thì bậc A La Hán xuất hiện bằng ngược lại là không. Nếu chúng sanh sống hung dữ, tàn ác, không chánh tín, theo tà kiến, không có tâm tha thiết cầu sự giải thoát, v.v.. thì A La Hán không xuất hiện.

Cuộc sống con người xuất hiện nhiều tà giáo ngoại đạo. Đạo Phật bị dìm mất thì Phật và A La Hán không xuất hiện.

Phước chúng sanh có, duyên chúng sanh đủ, và tâm tha thiết của chúng sanh muốn tìm tu giải khổ. Mặc dù hiện giờ tà giáo ngoại đạo nhiều, nhưng bậc A La Hán vẫn xuất hiện, xuất hiện để làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo, xuất hiện để quân bình cuộc sống cho con người trong đạo đức nhân bản - nhân quả. Cũng giống như thời đức Phật xuất hiện. Toàn là tà giáo ngoại đạo (lục sư ngoại đạo). Nhưng chúng sanh trong thời đức Phật có đại nhân duyên, đó là duyên giải thoát. Đức Phật xuất hiện dựng lại những giáo pháp đúng mà ngoại đạo đã ném bỏ.

Thường khi đức Phật thuyết một bài pháp xong thì các cư sĩ ca ngợi tán thán đức Phật bằng cách: “Sa môn Gotama, thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì đã quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc”.

Theo Thầy thiết nghĩ đức Phật đâu có pháp môn gì mới đâu? Ngài dám nói thẳng những cái sai cái đúng; Ngài dám bài bác chú thuật thần thông của ngoại đạo; Ngài dám bài bác cúng tế, cầu siêu, cầu an của ngoại đạo; Ngài dám bài bác 62 hệ tư tưởng của ngoại đạo; Ngài dám bài bác thế giới siêu hình không có chỉ là thế giới của tưởng tri. Cũng như bây giờ Thầy dựng lại những pháp môn gì của Phật mà giáo pháp phát triển và ngoại đạo ném bỏ xuống, Thầy dựng lên, chứ Thầy đâu có pháp môn gì mới. Thầy cũng dám nói thẳng như Phật, mặc dù Phật còn có một giáo đoàn rất đông đảo và có cả nhiều vua chúa ủng hộ, còn Thầy có một mình, không có thế lực, không tiền bạc chỉ có một tâm nguyện muốn đem lại lợi ích cho loài người trên hành tinh này, một nền đạo đức nhân bản – nhân quả Phật giáo mà mọi người sống không làm khổ mình khổ người; mà mọi người sống biết thương yêu nhau, thương yêu sự sống của muôn loài trên quả địa cầu này. Rồi đây, Thầy sẽ không còn một mình, mà có nhiều người, nhiều người khắp trên hành tinh này.

Nói A La Hán thương hay không thương, độ hay không độ chúng sanh, là người ta nói, chứ những bậc A La Hán biết thời tiết nhân duyên lúc nào đúng, lúc nào chưa đúng, lúc nào độ, lúc nào chưa độ và biết mình phải làm những gì đối với chúng sanh. Với trí phàm phu hữu hạn mà trách các bậc A La Hán không thương xót chúng sanh, không độ chúng, thì Thầy e rằng quý vị không hiểu A La Hán.

Quý vị đừng nghe theo những danh từ lời nói lừa đảo của kinh sách phát triển “Thương xót chúng sanh, độ chúng sanh”,Bồ Tát độ chúng sanh hay là dắt chúng sanh vào bệnh thần kinh, hay biến chúng sanh thành người xảo trá lừa đảo nói láo. Dẫn nhau đi vào hố thẳm mà không biết.

Ông Phú Lâu Na, một vị A La Hán, đệ tử của Đức Phật đến xin Ngài đi hóa độ những người dân hung ác ở một xứ xa. Đức Phật chấp nhận. Một hình một bóng, ông ra đi về hướng đó và chẳng bao lâu ông đã độ được dân nước đó theo chánh pháp của Phật tu hành. Hành động như vậy, ai dám bảo rằng A La Hán không thương xót chúng sanh? Chỉ có những người phỉ báng Phật giáo như các giáo pháp phát triển và các ngoại đạo.

A LA HÁN CHƯA HẾT LẬU HOẶC, XIN QUÝ VỊ ĐỪNG PHỈ BÁNG BẬC A LA HÁN RẤT TỘI

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người ta nói đã co nhiều khi đọc được một số sách hay là nghe băng của Thầy họ có thắc mắc như thế này, họ vấn nạn. Nếu là vị A la Hán đã giác ngộ rồi thì phải có cái tâm từ bi. Lời nói là lời ái ngữ, còn lời nói của Thầy thì phê phán họ quá nặng. Vậy, tức là vị này chưa có đắc đạo. Một ông sư đã cho rằng: A La Hán vẫn còn những lậu hoặc, tức là chưa xả sạch hết, xin Thầy từ bi chỉ giáo. A La Hán chưa hết lậu hoặc làm sao gọi là A La Hán. Phải không?

Đáp: Vị A La Hán phải hết sạch lậu hoặc mới gọi là A La Hán. Nói A La Hán chưa hết lậu hoặc là phỉ báng A La Hán. Người ta chỉ tưởng ra mà nói, chứ chưa biết rõ thế nào là hết lậu hoặc thế nào là chưa hết lậu hoặc. Ở trong định nào mà hết lậu hoặc và ở trong định nào mà không hết lậu hoặc. Đừng dùng kinh sách Đại Thừa như: “kinh Duy Ma Cật, kinh Bỏ Những Giới Nhỏ Nhặt, kinh Đại Bát Niết Bàn v.v..” mà phỉ báng những bậc A La Hán đại đệ tử của Phật thì thật đáng thương, tự mình đã giết mình mà không biết. Đó là mục đích của Bà La Môn dùng những kinh sách này diệt Phật giáo, kiến giải của Thầy Chơn Quang là nối giáo cho giặc diệt Phật giáo, chứ không phải chấn hưng Phật giáo. Tội phỉ báng bậc A La Hán và nối giáo diệt Phật giáo là tội rất nặng, sẽ mất chủng tử giải thoát, đời đời kiếp kiếp phải đoạ địa ngục (tức là thân thường thọ bệnh khổ, không bao giờ dứt) chịu nhiều sự khổ đau và quả vị A La Hán không bao giờ chứng được.

Nói đến người chứng quả A La Hán là nói đến người giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, Bốn Thánh Định phải được nhập xong và Tam Minh phải được đầy đủ.

Như vậy, xét qua các pháp môn mà một vị A La Hán đã thực hiện xong thì lậu hoặc còn chen chân vào chỗ nào được mà gọi là A La Hán còn lậu hoặc. Chỉ có những người chưa chứng được Bốn Thiền và Tam Minh thì lậu hoặc mới còn, mà chưa chứng được Bốn Thiền và Tam Minh thì làm sao gọi là A La Hán?

Cho nên, các vị chưa hiểu A La Hán mà phỉ báng A La Hán thì tội nghiệp cho quý vị, vì phỉ báng A La Hán là tội rất nặng.

Tóm lại, chưa chứng A La Hán thì không nên bàn hay nói đến A La Hán, vì trí tuệ hữu hạn phàm phu của quý vị làm sao hiểu nổi những bậc Thánh Tăng A La Hán đệ tử của đức Phật.

Xin quý vị đừng dùng tưởng tri mà luận Thánh quả thì e rằng quý vị đã sai lầm lớn. Câu tục ngữ của Tổ Tiên ta dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.

DÙNG ÁI NGỮ NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG?

Đáp: Tại sao Thầy lại gay gắt với Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển mà không dùng ái ngữ với những giáo pháp này? Vì Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển đã giết bao nhiêu thế hệ tín đồ Phật giáo, biến Phật giáo thành thần giáo ngoại đạo, biến giáo pháp Phật giáo thành những giáo pháp mê tín, trừu tượng ảo giác v.v.. Những giáo pháp này còn hù dọa, lừa đảo quyến rũ, cám dỗ tín đồ v.v.. Trong đời Thầy đã chứng kiến biết bao nhiêu Thầy Tổ phải chịu chết trong đau khổ với những pháp môn này. Xưa, Đức Thế Tôn hoàn toàn bác sạch sáu mươi hai luận thuyết của Ngoại Đạo, Ngài mạnh dạn nói thẳng chẳng hề biết sợ lục sư ngoại đạo là gì. Thậm chí thế giới siêu hình mà các tôn giáo đều có. Đức Phật mạnh dạn xác định không có thế giới siêu hình, chỉ là thế giới tưởng tri. Mà trong thời đức Phật đâu phải dễ nói thế giới siêu hình không có. Con người thời đó sự hiểu biết về khoa học còn thấp kém, đời sống còn lạc hậu. Thế mà đức Phật dám nói, chỉ có những bậc A La Hán, họ mới là những người dám ăn dám nói một sự thật.

Ông Galilé một nhà thám hiểm nói một sự thật: “Quả đất tròn” trong thời đó mọi người đều tin rằng quả đất vuông. Do thế người ta bắt buộc ông phải nói quả đất vuông thì không kết tội tử hình, nhưng đứng trước cái chết, ông vẫn ung dung nói một sự thật mà ông đã biết: “Không thể quả đất vuông được”. Người ta đưa ông lên đoạn đầu đài.

Một nhà thám hiểm, trước cái chết còn dám nói thẳng một sự thật, thật là gương can đảm và anh hùng. Còn chúng ta thì sao? Là những nhà tôn giáo, là tượng trưng cho đạo đức mà không dám nói thẳng, nói mạnh một sự thật sai là sai, đúng là đúng, chỉ biết cúi đầu a dua nịnh bợ.

Lời nói thẳng, nói mạnh thì quý vị cho rằng lời nói không ái ngữ, còn lời nói a dua nịnh bợ cái gì cũng cho là đúng, cái gì cũng cho là phải thì quý vị cho đó là lời nói ái ngữ.

Lời nói thẳng nói mạnh là để giúp cho người tỉnh giấc mơ, để người ta trở về với sự thật, giúp cho người ta thoát ra khỏi sự lừa đảo của kẻ khác. Đó là lời ái ngữ có phải vậy không? Thưa các bạn.

Trong thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học nên Thầy mạnh dạn nói rằng thế giới siêu hình không có. Nói thế giới siêu hình không có là làm một điều chướng ngại rất lớn không những cho các nhà Phật giáo phát triển, Thiền Tông mà còn chướng ngại tất cả các tôn giáo khác trên hành tinh này. Xưa, đức Phật đã nói thế giới siêu hình là thế giới tưởng tri, ngắn gọn. Vì thế ngoại đạo dễ che lấp lời nói này. Còn bây giờ Thầy vạch trần ra hết, tất cả những sự lừa đảo, phi đạo đức của Phật giáo phát triển và Thiền Tông cho mọi người thấu rõ sự gian xảo thì người ta bảo Thầy là người không có ái ngữ. Thầy xin chấp nhận mình không ái ngữ với Phật giáo phát triển và Thiền Tông. Mà Thầy có ái ngữ với những người không có kiến chấp đem lại lợi ích cho họ. Nếu Thầy có ái ngữ với những giáo pháp này, thì những giáo pháp này sẽ giết Phật giáo và giết hết những tu sĩ Phật giáo sau này. Nếu không nói thẳng nói thật thì ai biết Phật giáo phát triển và Thiền Đông Độ là sai, là phi đạo đức, là không phải là của Phật giáo, là của Bà La Môn Giáo; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết thế giới siêu hình là không có; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được Phật giáo có một nền đạo đức nhân bản - không làm khổ mình khổ người; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những âm mưu thâm độc diệt Phật giáo của ngoại đạo; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những tu sĩ ẩn nương cửa Phật kinh doanh làm giàu trên xương máu của đồng bào Phật tử; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những tu sĩ tu danh, tu lợi đang lợi dụng mồ hôi nước mắt của đồng bào Phật tử để ăn trên ngồi trước; nếu không nói thẳng nói thật, thì làm sao làm sống lại Phật giáo, thì làm sao làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo; nếu không nói thẳng nói thật, thì làm sao dẹp sạch những nạn mê tín lạc hậu, làm hao tốn tiền của đồng bào Phật tử một cách nhảm nhí. Vì thế phải nói thẳng, nói thật, nói mạnh, chứ không thể nào ái ngữ ngọt ngào êm dịu với Phật gió phát triển và Thiền Đông Độ được. Người tu chứng đạo, biết sử dụng ngôn ngữ, đối với người nào phải dùng ái ngữ, đối với người nào không dùng ái ngữ, chứ không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ. Cũng như người cầm cân pháp luật là phải biết phạt, trị tội người nào; biết tha và biết giảm tội cho người nào. Lúc nào dùng ái ngữ, ngọt ngào an ủi; lúc nào nộ nạt tra tấn đánh đập. Người mới phạm tội lần đầu thì tha thứ, cảnh cáo, giáo dục họ, dạy họ để họ sửa lại những sự sai lầm. Còn người nào ba lần năm lượt không chịu sửa đổi phải cưỡng bức họ cải tạo, giam giữ bằng cách này, bằng cách khác. Cho nên chúng ta không phải lúcnào cũng dùng ái ngữ. Xưa, đức Phật cũng dùng ngôn ngữ không ái ngữ: “Ông ngu si, ông điên đảo…”. Như vậy, đức Phật không chứng đạo sao? Nếu họ bảo rằng: người tu chứng lúc nào cũng dùng ái ngữ, dùng ái ngữ như vậy là người a dua, nịnh bợ, không dám nói thẳng nói thật. Người chứng đạo như vậy là người nhát gan sợ hãi, người hèn nhát. Như vậy gọi là chứng đạo là không đúng.

Một người ác, một quỷ vương, một ác thú mà chúng ta dùng ái ngữ thì chúng có tha cho chúng ta không? Cho nên chúng ta phải là người sáng suốt, phải là người trí tuệ mới biết dùng ái ngữ. Vì vậy, phải biết sử dụng ái ngữ với những người nào và không sử dụng ái ngữ đối với những người nào. Chúng ta cần phải diệt cho sạch những ác pháp đó để đem lại sự an vui cho mọi người. Đó là cách thức xử sự của một người trí tuệ, của một người tu chứng.

Dùng từ “ái ngữ” hay dùng từ “địa ngục” là để bịt miệng mọi người, để mọi người không dám nói thẳng sự sai trái trong Phật giáo hiện nay là một điều tồi tệ nhất, đó là một sự để nuôi dưỡng một giáo lý không chân chánh để biến Phật giáo thành ma giáo.

Ví dụ: Hiện giờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện dạy đạo bảo rằng Phật giáo phát triển là giáo pháp mê tín, phi đạo đức của ngoại đạo, Thiền Đông Độ là thiền tưởng không đúng là thiền của Phật thì người ta vẫn chê đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lỗi thời và không ái ngữ.

Những lý luận che đậy, bưng bít, dụ dỗ, hù dọa trong sách phát triển đầy dẫy. Sau khi tu hành thành đạo, đức Phật đã tự xưng mình thành chánh đẳng, chánh giác. Thì chẳng ai dám nói: “Còn thấy tu chứng là chưa chứng”.Còn chúng ta ngày nay ai nói chứng quả A La Hán, hoặc thành chánh giác, thì người ta bắt chước trong kinh sách phát triển nói: còn thấy chứng là chưa chứng.

Ví dụ: Không lẽ tâm chúng tôi hết tham, sân, si mà chúng tôi không biết hay sao? Không lẽ chúng tôi có Tam Minh mà không biết hay sao? Không lẽ chúng tôi nhập định, làm chủ sự sống chết mà không biết hay sao? Không lẽ ngày chúng tôi ăn một bữa mà không biết hay sao? Phải không các bạn? Tất cả những kết quả tu tập này chúng tôi đều biết rất rõ, biết rất rõ không phải chúng tôi chứng hay sao? Còn thấy mình chứng là chưa chứng đó là lối lừa đảo để cho mọi người không nhận ra được “chứng hay không chứng” người tu hành phải biết. Còn tu chứng mà không dám nói mình tu chứng, tức là tu chưa chứng, vì mình tu chưa chứng, đó là lối xảo trá khéo che đậy, bưng bít để lừa đảo người khác để được sống trên mồ hôi nước mắt của Phật tử, làm giàu trên xương máu của người khác.

 Tội lừa đảo người khác là tội rất nặng. Còn chúng tôi nói thật rõ ràng để mọi người hiểu biết Phật giáo có tu được hay không, chứ không thể dùng ngôn ngữ tránh né trườn uốn như con lươn: “Vô sở đắc, còn thấy tu chứng là chưa chứng đắc”. Sở dĩ có những lời nói này là vì pháp môn phát triển và thiền Đông Độ không có tu chứng. Chúng tôi nói chứng đắc của đạo Phật là có sự thật chứng đắc giải thoát, từ sự chứng đắc khi sắp mới bước chân vào đạo tu tập cho đến chứng đắc cao hơn khi nhập Tứ Thiền, Tam Minh làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Do có sự chứng đắc giải thoát thật sự như vậy nên chúng tôi mới làm sống lại nền đạo đức nhân bản của Phật giáo đã bị dìm mất từ xưa. Nền đạo đức đó giúp cho mọi người sống có nhân bản đạo đức, nhờ thế mới đem lại sự an vui, hạnh phúc chân thật cho mọi người. Sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, đó là sự chứng đắc giải thoát chân thật của đạo Phật giúp cho con người không còn khổ đau nữa.

Còn chúng tôi chỉ là một tu sĩ thiểu dục, tri túc, ba y, một bát, sống đời sống trắng bạch như vỏ ốc, không hề tham, sân, si; không hề có những vật dụng như người đời.

Có người nói rằng: “Thầy bảo: Thầy làm chủ được hơi thở thì họ đâu có tin Thầy. Họ bảo rằng Thầy phải tịnh chỉ hơi thở cho họ xem thì họ mới tin. Phải không?”.

Nhưng khi Thầy thực hiện tịnh chỉ hơi thở thì người ta theo Thầy tu hành rất đông, nhưng tu để tịnh chỉ hơi thở, chứ không phải để tu học đạo đức giải thoát. Phải không? Đó là những người muốn tu thuận theo Thầy, còn những người có tà kiến, ác kiến với Thầy thì họ bảo rằng: “Thầy dùng tà thuật mạ con mắt người ta”.

Bây giờ người ta thấy Thầy dùng thần thông bay lên trời, phóng hào quang, thì người ta theo Thầy tu hành rất đông và cúng dường cho Thầy rất nhiều tiền, để tu theo thần thông của Thầy, chứ không phải họ tu theo Thầy để tìm chỗ tâm bất động giải thoát? Đó là những người không có ác kiến với Thầy, còn những người có ác kiến với Thầy thì bảo rằng: “Thầy dùng bùa chú hay trò ảo thuật lừa gạt người”.

Hầu hết hiện giờ người ta tu hành là nhắm vào mục đích thần thông, danh, lợi, nên khi khép vào giới luật thì nhìn lại không còn ai dám tu theo Phật giáo. Hầu như tu sĩ hiện giờ không có người nào sống đúng giới luật của Phật.

Thầy nghĩ rằng: Lấy thật dạy thật, không thể lấy giả (phương tiện) mà dạy thật được. Vì thế Thầy sống đúng giới luật đức hạnh của bậc Thánh Tăng, thì Thầy dạy người đạo đức. Còn nếu đem thần thông dụ dỗ để họ theo mình tu hành rồi dạy họ đạo đức thì không bao giờ dạy được, vì tâm họ ham mê thần thông, chứ không ham mê đạo đức. Chính đạo đức mới có sự giải thoát, còn thần thông chẳng có sự giải thoát. Muốn có thần thông thì phải có đạo đức, chính đạo đức mới xác định thần thông chân chánh. Thầy xin bảo đảm điều này. Chỉ có đạo đức mới đi đến sự giải thoát, còn thần thông chỉ là một trò ảo thuật chẳng có ích lợi gì cho đời sống con người, chỉ có đạo đức mới đem lại lợi ích cho mình cho người mà thôi.

 Nếu Thầy không nỗ lực, không nhiệt quyết, không có lời sách tấn của Hoà Thượng Thanh Từ thì chắc chắn không bao giờ Thầy sẽ tu được như thế này. Bởi vì phải có đủ duyên mới hợp lại thành, HT Thanh Từ sách tấn cũng là một nhân duyên. Thầy thích sống trong giới luật Phật cũng là một nhân duyên đời trước. Sống trong giới luật không hề vi phạm. Thấy ai sống phạm giới là Thầy không bằng lòng. Đến chùa nào ăn ba bốn bữa là Thầy không chấp nhận. Tại sao vậy? Tại vì Thầy đã huân tạo thành nghiệp thanh tịnh của giới luật. Nhờ đức giới cuối cùng duyên may giúp Thầy đi vào hướng giáo pháp Nguyên Thủy. Nhưng không theo các sư Nguyên Thủy mà tự thực hiện được đến làm chủ sanh tử.

Thời đức Phật có 1250 vị Tỳ Kheo là đều tu chứng quả A La Hán. Điều này không đúng, chỉ có một số người ít, chứ không phải chứng quả A La Hán hết. Trong kinh Đức Phật đã xác định: “Một hôm có người hỏi Đức Phật: Trong 500 vị Tỳ Kheo đang theo Phật tu hành có chứng quả hết chưa? Đức Phật đáp: Có 90 người chứng Tam Minh; có 90 người chứng đạt thiền định, còn lại bao nhiêu đều chứng giới luật”. Như vậy thì đâu thể nào gọi là chứng quả A La Hán hết được.

Phật nhập diệt hơn 2500 năm đến bây giờ không có một người nào làm sống lại giáo pháp của đức Phật. Chỉ vì chúng sanh không đủ duyên và không có lòng tha thiết với đạo Phật, mong muốn để làm sống lại đạo Phật, để làm sống lại nền đạo đức nhân bản của đạo Phật. Vì vậy cho đến giờ này cũng vẫn chưa có người xuất hiện cứu lấy đạo Phật. Chỉ vì không dám nói thẳng nói thật, nói mạnh vì sợ người khác cho mình không có ái ngữ.

Tóm lại, người tu chứng là người biết dùng ái ngữ đúng lúc, đúng thời, đúng pháp, đúng người, chứ không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ để trở thành những người vô minh không biết sai đúng, chỉ còn biết a dua, nịnh bợ, hèn nhát ve vãn vuốt đuôi để được gọi là “ái ngữ” dung hợp theo kiểu hòa đồng tôn giáo.

Lời nói thẳng nói mạnh của Thầy như những nhát búa chém mạnh vào những tà kiến của Phật giáo phát triển và Thiền Tông, khiến cho ai kiến chấp nó, thì bị những nhát búa này chém thẳng vào đầu, nên phải la hét kêu gào trước khi tà kiến đó bị chết.

CÁI HAY CỦA ĐẠI THỪA LÀ CÁI TƯỞNG CỦA BỒ TÁT LONG THỌ

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong một bài pháp Thầy Thông Huyễn (Chơn Quang) nói Đại Thừa cũng còn có những cái hay, cái hay đó là chỗ Đức Phật chưa nói ra. Sau này các Tổ triển khai trong kinh sách Đại Thừa. Thầy Thông Huyễn lấy câu đức Phật nói: “Những pháp Ta chứng như những lá cây trong rừng, còn những pháp Ta dạy cho các con biết như nắm lá trong tay”. Như vậy phải chăng những gì đức Phật thuyết chỉ có một phần nhỏ thôi và còn rất nhiều pháp mà đức Phật chưa nói ra. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:  Các nhà học giả tu hành chưa tới đâu, mà dám cả gan muốn hơn Phật, dám nói những gì đức Phật không cần nói. Trình độ tu chứng của các Tổ chỉ loanh quanh trong kiến giải như con kiến bò miệng lu, thiền định thì lọt vào thiền tưởng thì không thể nào hơn Phật được mà dám nói những điều Phật đã không nói, Phật đã không nói là vì nói ra không có ích lợi cho loài người, còn các Tổ thì nói ra bằng tưởng thì sai hết phải không? Tại vì các Tổ chưa chứng như Phật mà dám nói những điều Phật chứng. Chính Phật còn chưa dám nói ra. Những điều Phật nói ra mà chúng ta chưa hiểu hết, chưa tu hết mà nói ra những điều Phật chưa nói thì Thầy e rằng những người đó là Ma Ba Tuần. Nói ra những điều vô hạn đó, có lợi ích gì cho con người. Bởi vì trình độ kiến thức của con người còn trong hữu hạn, chưa hiểu được những điều vô hạn đó mà nói ra thì họ sẽ sống trong tưởng và như vậy là nói láo, nói không thật. Trong kinh Tương Ưng Phật dạy: “Ta nói những điều mà chúng sanh chưa hiểu được, như vậy là Ta nói láo. Còn chúng sanh hiểu được thì Ta nói và như vậy, là Ta không có nói láo”.Và như vậy là Tổ đúng hay Phật đúng?

Phật nói: “thân ngũ uẩn hoại diệt không còn một uẩn nào cả”;các Tổ nói: “thân ngũ uẩn hoại diệt còn có Phật tánh, thần thức”. Và như vậy Tổ đúng hay Phật đúng?

Như vậy, Phật nói láo hay Tổ nói láo?

Như vậy, Phật lừa đảo chúng sanh hay Tổ lừa đảo chúng sanh?

Thầy Thông Huyễn ở trong tưởng giải lừa đảo của kinh sách phát triển mà cho rằng hay, chứ nào có hay gì đâu, chỉ sống trong ảo không thực tế. Nếu bảo rằng hay thì phải có sự tu chứng, có sự làm chủ sanh tử luân hồi thì mới hay. Còn kinh sách các Tổ viết nói quá nhiều nhưng tìm một người tu chứng thì tìm không ra. Như vậy là hay thì hay chỗ nào? Các Tổ muốn làm hay hơn đức Phật nói ra những điều Phật chưa nói.

Tại sao lý luận hay mà không có người nào tu chứng, làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Hay chỉ nói láo mà thôi… Sống phá giới, phạm giới để rồi nói những điều ảo tưởng, phi đạo đức như vậy sao?

Các Tổ nói được mà không làm được thì điều này không hay ho gì đâu! Nói ra được mà làm được thì đó mới là hay.

Các Tổ đưa ra lý luận Bát Nhã để làm hay hơn Phật. Do đó người tu hành lấy cái hay của Tổ Long Thọ, hằng ngày tu sĩ tứ thời công phu đều tụng niệm Tâm Kinh Bát Nhã: “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”. Thử hỏi có ai tụng Bát Nhã Tâm kinh mà ngũ uẩn đã không chưa?

Vì chưa có ai tụng Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật mà ngũ uẩn đã không thì đó là trí tuệ Bát Nhã tưởng của Ngài Long Thọ. Trí tuệ này chỉ có thể áp dụng cho thế giới tưởng còn áp dụng vào thế giới con người thì làm sao con người tu được. Ai cũng nói ngũ uẩn giai không chứ không ai làm cho nó giai không được. Hằng ngày chùa nào cũng tụng tâm kinh Bát Nhã hết. Nhưng chùa càng to, tháp càng lớn, xe hon đa, xe hơi, tủ lạnh đủ mọi thứ. Không thì chẳng thấy không, mà có thì có rất nhiều. Nếu nói không thì nó phải quét sạch hết. Phải không? Lý luận của Tổ Long Thọ hay nhưng hay ở thế giới khác, thế giới tưởng, chứ không phải hay ở thế giới loài người. Chơn không diệu hữu là lý Bát Nhã của Long Thọ. Nhiều người cứ tu tập giữ không tu mãi nó trở thành không ngơ như cây đá. Do tưởng không này mà cái chết của tổ Sư Tử rất oan uổng, bị vua Kế Tân giết.

Đó là những chỗ các Tổ luận, còn Thầy Thông Huyễn (Chơn Quang) cũng bắt chước dựa theo đó mà luận ra sợ người không tin nên bảo rằng chỗ Phật chứng mà chưa thuyết ra. Thầy Thông Huyễn có ý muốn làm hơn Phật.

Nhưng thử hỏi bây giờ Thầy Thông Huyễn sống có đúng đời sống như Phật chưa? Nhìn lại đời sống của Thầy giới luật của mình không ra gì. Mười giới Sa Di chưa trọn vẹn mà dám nói những gì Phật chưa nói. Các Tổ ngày xưa, chúng ta chưa sống đồng thời với các Ngài nên không biết các Ngài giới luật có nghiêm túc không hay cũng như Thầy Chơn Quang bây giờ. Dù không sống đồng thời với các Ngài, nhưng xét qua tưởng giải của các Ngài là tưởng giải phá giới, như vậy các Ngài đều sống phi Phạm hạnh.

Riêng Thầy không dám giải thích những gì Phật chưa nói mà chỉ giải thích những gì đức Phật đã dạy khiến cho nó rõ ràng dễ hiểu, dễ hành. Thầy không dám dạy hơn những gì mà đức Phật đã dạy cho chúng ta. Đọc trong sách của Thầy, Thầy không bao giờ có thêm cái gì mới mẻ cả. Đức Phật nói hoá sanh, lời dạy này cô đọng quá chúng ta không hiểu hoá sanh như thế nào? Có người nói hoá sanh như một con tò vò tha con sâu bỏ vào tổ và bảo: “Hóa! Hóa”, từ đó con sâu hóa thành ra con tò vò. Sự thật đâu phải. Các nhà học giả phát triển họ giải thích theo kiểu không thực tế, không có khoa học. Thật sự con tò vò làm tổ, đẻ trứng, rồi bắt con sâu để vào tổ cho con nó nở ra và ăn thịt con sâu đó để sống lớn lên thành con tò vò. Chứ đâu phải con sâu hóa ra con tò vò. Các học giả không hiểu và hiểu như vậy không đúng sự thật, không thể chứng minh bằng khoa học được. Giải thích như vậy vô tình dẫn dắt người ta không hiểu lại càng không hiểu hơn.

Tóm lại, chỗ Phật tu chứng mà không dạy cho chúng ta, tức là chỗ thừa không ích lợi cho loài người, chỉ là hý luận suông của tưởng, nó không phải là chân lý của con người. Vì thế trước khi nhập Niết Bàn đức Phật đã nói: “Ta tự biết trong đại chúng này, dù có một vị Tỳ Kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu đạo, không còn đọa vào đường ác”. Lời nói này đức Phật đã xác định: “Ta đã dạy giáo pháp giải thoát vừa đủ, không thiếu, không thừa cho loài người. Những điều được Ta nói là Ta không có nói láo”.

Với giáo pháp chân chánh này chúng ta tu tập còn chưa hết, sống còn phạm giới, phá giới. Thế mà, các nhà học giả xưa và nay tưởng giải ra những pháp cao siêu trừu tượng, ảo tưởng khác, khiến cho người tu hành đời sau lạc vào tà kiến, tà pháp. Như vậy các nhà học giả phát triển triển khai những gì đức Phật chưa nói, đều là các Tổ sống trong tưởng nói ra, lý luận theo ảo tưởng mà Thầy Thông Huyễn lại cho là hay, như vậy rõ ràng trí tuệ của Thầy Thông Huyễn chỉ là trí tuệ học giả còn hạn cuộc trong trí hữu hạn.

Tóm lại, đức Phật thuyết giảng pháp môn tu hành cho chúng ta là vừa đủ để tu hành giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. Còn những gì các Tổ nói là giáo pháp của ngoại đạo, của Bà La Môn được lồng vào giáo pháp của Phật. Mục đích là để dìm Phật giáo, nhưng sợ tín đồ Phật giáo không tin nên mượn câu: “Ta tu chứng như rừng lá cây mà dạy chúng sanh tu tập như nắm lá cây”. Câu này người ta không hiểu nghĩa của nó, nên giải thích một cách lầm lạc. Do trí hữu hạn Thầy Chơn Quang cũng không hiểu nghĩa của câu này.

Câu nói này có nghĩa là: “Chứng”là có thể thấy biết hiểu rộng nhiều sự việc khắp trong vũ trụ này (như rừng lá cây), nhưng nói ra mọi người không hiểu nên đức Phật không nói mà chỉ nói những điều chúng sanh hiểu được (như nắm lá cây trong lòng bàn tay). Còn giáo pháp tu chứng thì chỉ có một, chứ không có nhiều giáo pháp. Chân lý của con người cũng vậy chỉ có một, chứ không thể có hai ba chân lý được.

Vì thế, khi đức Phật tu chứng, Ngài quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp mà Ngài đã thực hiện được sự giải thoát. Như vậy đạo Phật chỉ có một giáo pháp chứ không có nhiều giáo pháp, đó là “Giới, Định, Tuệ”.Nhiều giáo pháp như kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ tức là 84 ngàn pháp môn, đó toàn là giáo pháp của ngoại đạo được kết hợp lại để đánh lừa tín đồ Phật giáo.

Cho nên ai dám nói những điều tu chứng của Phật là phải tu chứng như Phật, còn tu chưa chứng như Phật mà nói là tưởng nói.

CHÍNH ĐỨC PHẬT DẠY THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cũng trong cái ý hướng đó, Thầy Chân Quang nói rằng: khi Thầy viết bộ sách Đường Về Xứ Phật là Thầy xiển dương chánh pháp của đức Phật. Nếu Thầy từ chối thế giới siêu hình mà trong khi ở kinh điển Nikaya có nói thế giới siêu hình. Thì như vậy Thầy cũng không đi đúng với đường lối của đức Phật.

Đến điều thứ nhì: Thầy Chân Quang dẫn chứng lại ngài Ca Diếp và Ngài Phú Lâu Na tranh cãi nhau về những giới cần phải bỏ. Điều đó chứng tỏ rằng hai vị A La Hán chưa có thông suốt. Trong khi đó Thầy Chân Quang nói rằng hàng chư thiên còn đồng ý với nhau được, huống chi quý vị A La Hán không đồng ý với nhau cho nên các vị đó còn sai, còn lậu hoặc, còn đủ các thứ lậu. Kính xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Trong kinh Trung Bộ, thuộc tạng kinh Nikaya, bài kinh Pháp Môn Căn Bản đức Phật đã xác định 33 cõi Trời là cõi tưởng tri chứ không phải liễu tri và như vậy trong tạng kinh Nikaya dù có bài kinh nào đức Phật nói đến cõi Trời nào đi nữa thì chúng ta cũng phải hiểu là cõi tưởng mà thôi. Do lời dạy của đức Phật và kinh nghiệm nhập định, vượt qua thế giới tưởng của Thầy, thì Thầy cũng không tìm thấy thế giới siêu hình ở đâu cả, nên Thầy xác định như Phật thế giới siêu hình không có, chỉ là một thế giới tưởng do năng lực của tưởng uẩn tạo thành. Còn nếu nhập vào định tưởng thì tất cả thế giới siêu hình đều có ở đó.

Tóm lại, việc làm của Thầy hôm nay là việc làm của đức Phật ngày xưa. Vì đức Phật ngày xưa đã bác thế giới siêu hình, để xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Thầy bác thế giới siêu hình để phá vỡ những sự mê tín, lạc hậu, để làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo không làm khổ mình, khổ người.

Còn Thầy Chân Quang hiểu như thế nào cũng được, nhưng đừng đem thế giới siêu hình gây nhiều điều mê tín cho loài người, làm mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả, thì con người phải chịu nhiều khổ đau. Trên hành tinh đã một lần bị giáo pháp phát triển và Thiền Đông Độ dìm mất nền đạo đức này. Nên hơn 25 thế kỷ loài người chịu thiệt thòi quá lớn. Đến giờ này đạo đức con người đang xuống dốc trầm trọng, thế mà nỡ tâm nào Thầy muốn làm sống lại thế giới siêu hình. Để rồi sự khổ đau trên hành tinh này mãi mãi không bao giờ dứt.

Tóm lại, thế giới siêu hình là đức Phật bài bác, chứ không phải Thầy bài bác. Thầy biết chắc chắn thế giới siêu hình không có, nên chấp nhận và dựng lại những gì của đức Phật đã bị ngoại đạo ném bỏ, ngày nay thầy Chân Quang làm sống lại thế giới siêu hình để theo dấu chân của các Tổ dìm mất giáo lý chân chánh của Phật giáo. Thật là một việc làm tội lỗi, ngày mai sẽ không tránh khỏi quả ác nghiệp này.

Còn nói ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na tranh cãi nhau về những giới cần phải bỏ. Đoạn kinh này không đúng do người sau thêm vào để phỉ báng đệ tử của Phật mà trong kinh Duy Ma Cật và kinh Pháp Hoa đã có ý đồ này.

Ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na là hai vị Đại đệ tử của Phật đều từ giới sinh ra, chứng quả A La Hán Lẽ đâu từ giới sinh ra rồi lại bài bác giới luật, đó là một cách vô lý. Phải không các bạn?

Trong kinh sách Nguyên Thủy thường có những đoạn kinh rất mâu thuẫn với những lời Phật dạy: như Phật ăn mấm bệnh kiết lị mà chết, như kinh Vô Não, bỏ những giới nhỏ nhặt, Ca Diếp và Phú Lâu Na v.v.. đều do người sau thêm vào, nếu quý vị không tin thì có bạn nào đi với chúng tôi vào Niết Bàn hỏi Phật cho ra lẽ.

Kính thưa các bạn! Các bạn tu hành chưa chứng đạt Chân lí, chưa có Tam Minh thì xin các bạn đừng dùng tri kiến hạn hẹp mà nói chuyện đến các bậc A La Hán Thánh Tăng thì lỗi của các bạn lớn lắm. Các bạn biết gì về A La Hán mà nói đến các bậc A La Hán, chỉ khi nào các bạn chứng quả A La Hán thì các bạn mới nói A La Hán. Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, chứ đừng dùng tri kiến hạn hẹp mà luận những điều mình không thấy, không biết là để lộ sự ngu dốt của mình cho mọi người thấy.

Tóm lại những gì các bạn chứng ngộ được thì hãy nói còn những gì chưa chứng ngộ được thì xin các bạn hãy im lặng mà nghe.

ĐẠI THỪA CÓ Ý ĐỒ DIỆT PHẬT GIÁO

Câu hỏi của PNT

Trong kinh Đại Thừa Duy Ma Cật ngoại đạo viết kinh này đã có ý đồ diệt Phật Giáo bằng cách hạ bệ các bậc A La Hán hàng đại đệ tử của đức Phật. Ông Xá Lợi Phất được đức Phật xem là người đệ tử đệ nhất trí tuệ. Thế mà trong kinh Duy Ma Cật xem ông Xá Lợi Phất chẳng ra thứ gì.

Bây giờ đến Thầy Chân Quang cũng đi theo lối mòn của các Tổ, muốn dùng lý luận học giả để hạ bệ hai vị đại đệ tử A La Hán của Phật: Ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na. Thầy Chân Quang không hiểu những bài kinh do các giáo sĩ Bà La Môn lồng vào trong kinh sách Phật để diệt Phật giáo.

Như chúng ta biết hai vị A La Hán ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na là hai vị đại đệ tử của Phật. Tu hành đã chứng quả A La Hán hẳn hoi. Giáo sĩ Bà La Môn bịa đặt ra câu chuyện bỏ những giới nhỏ nhặt, chứ giới luật là thiện pháp, là đạo đức giúp người tu ly dục ly ác pháp để tâm bất động trước các ác pháp, để được tâm giải thoát hoàn toàn, để tâm nhập Sơ Thiền. Và như vậy thì có giới nhỏ nhặt nào phải bỏ, chỉ có một số Tỳ Kheo chạy theo dục lạc, mới a dua theo Bà La Môn mà tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt.

Đối với hai vị A La Hán này thì sự giải quyết bỏ những giới nhỏ nhặt đâu phải là việc khó. Vì họ có đủ Tam Minh nên nhập vào Niết Bàn sẽ hỏi đức Phật bỏ những giới nào? Tại sao hai vị A La hán có đầy đủ thần thông, mà không làm điều này lại còn tranh cãi với nhau không khác gì phàm phu. Phật giáo phát triển có thủ đoạn nhưng không khôn ngoan, lồng những đoạn kinh này để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Trí tuệ học giả tưởng giải của Thầy Chân Quang lọt vào cạm bẫy của Bà La Môn nên đã vô tình nối giáo cho Phật giáo phát triển hạ bệ những vị đại đệ tử của đức Phật một cách quá đáng. Hai vị đại đệ tử này đều từ giới luật mà đạt được quả vị A La Hán. Không do giới thì làm sao các ông có được thiền định, có được Tam minh, chứng quả A La Hán. Sao các ông lại bỏ những giới luật nhỏ nhặt? Điều vô lý hết sức.

Các bậc A La Hán đều do giới sanh ra, cho nên Đức Phật nói: “Ta nói giới luật là Ta nói tâm ly dục, ly ác pháp”.Nếu tâm không ly dục ly ác pháp thì làm sao chứng quả A La Hán được. Phải không quý vị? Cho nên các nhà Phật giáo phát triển đã dìm Phật giáo xuống một cách trắng trợn, Thầy Chân Quang không hiểu bắt chước ngoại đạo diệt Phật giáo một lần nữa. Cho các bậc A La Hán Thánh Tăng của Phật giáo như kẻ phàm phu không bằng chư Thiên. Đó là một lời phỉ báng Phật giáo tận cùng, sau này Thầy Chân Quang không thể tránh khỏi quả báo này. Các bậc Hòa Thượng  tôn túc chỉ có vô tình xương minh Phật giáo phát triển mà còn chịu nghiệp quả khổ đau tận cùng. Các vị A La Hán này, sống một đời sống Phạm hạnh, giới luật nghiêm chỉnh mà lại tranh chấp bỏ những giới nhỏ nhặt. Trong khi đức Phật dạy: “Phải sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt”. Như vậy Phật dạy bỏ hay các Tổ bỏ?

Kính thưa các bạn! Bây giờ các bạn xét tất cả tu sĩ Phật giáo sẽ thấy không có một vị Hòa Thượng nào sống bằng các vị A La Hán đó được, các vị ấy là những bậc Thánh Tăng, thế mà Thầy Chân Quang dám phỉ báng những bậc A La Hán như vậy, để rồi quý vị hãy xem những kẻ phỉ báng bậc A La Hán Thánh Tăng đệ tử của đức Phật.

Dám phỉ báng những bậc A La Hán như ngài Ca Diếp và ngài Phú Lâu Na. Là phỉ báng Phật giáo. Đức hạnh của ngài Phú Lâu Na và ngài Ca Diếp khó có ai sánh kịp.

Một hôm Ngài xin Phật để đi độ chúng sanh ở xứ Sunaparanta thì đức Phật hỏi Ngài:

-Độc ác, thô bạo, này Punna là người xứ Sunàparanta nếu người xứ đó chửi bới nhiếc mắng ông, ở đây ông nghĩ thế nào?

- Nếu người xứ đó chửi bới nhiếc mắng con, ở đây con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện là người xứ đó. Vì những người đó không lấy tay đánh đập con”.

- Nếu như người xứ đó lấy tay đánh đập ông, thì ông nghĩ sao?

- Nếu người xứ đó lấy tay đánh đập con thời con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện. Vì những người xứ này không đánh đập con bằng cục đất”.

- Nhưng nếu họ đánh đập ông bằng cục đất, thì ở đây ông nghĩ thế nào?

- Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là khéo hiền thiện. Vì những người xứ này không đánh đập con bằng gậy”.

- Nhưng nếu họ đánh đập ông bằng gậy thời ông nghĩ thế nào?

- Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là khéo hiền thiện, vì những người xứ này không đánh đập con bằng kiếm”.

- Nhưng nếu những người này đánh ông bằng kiếm, thì ông nghĩ như thế nào?

- Con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện, vì những người này không đoạn mạng con với cây kiếm sắc bén”.

- Nếu họ đoạn mạng ông với cây kiếm sắt bén, thì ông nghĩ như thế nào?

- Vậy con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện vì người xứ đó vẫn còn thương con”.

Câu chuyện trên đã nói lên được đạo hạnh của một vị Thánh Tăng không thể lường được.

Đến mức độ người ta giết ông. Ông vẫn còn thương người ta. Một người như vậy là người đã ly dục, ly ác pháp hoàn toàn thì làm gì còn tranh chấp những việc nhỏ nhặt đó. Phải không hỡi các bạn? Mà ly dục ly ác pháp thì đâu phải ly bằng ngôn ngữ được. Mà phải ly bằng giới luật.

Đọc lại một đoạn tiểu sử của Ngài Phú Lâu Na, chúng ta thấy rõ ràng Ông Phú Lâu Na là bậc Thánh Tăng. Không lẽ một vị Thánh Tăng mà lại tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt như vậy thì thật là vô lý. Đúng là lý luận này của ngoại đạo để diệt Phật giáo.

Tóm lại, việc phỉ báng bậc Thánh Tăng A La Hán đại đệ tử của đức Phật là một việc làm tội lỗi rất lớn đối với Phật giáo, đối với loài người.

ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG THÁNH TĂNG ĐỀU ĂN NGÀY MỘT BỮA MÀ ĐÃ CHỨNG ĐẠO

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thật tình chúng con rất mến mộ Thầy Chân Quang, chính chúng con đã kêu gọi bạn bè đóng góp tiền để in quyển sách Luận Về Luân Hồi Nhân Quả. Thậm chí những cuộn băng của thầy Chân Quang chúng con rất quý. Nhưng từ khi chúng con nghe được cuộn băng mà Thầy Chân Quang nói về Thầy Thông Lạc, có những điểm mà trước đây chúng con nghe qua những cuốn sách, băng của Thầy giảng viết thì khác có những điểm như thế này. Ví dụ: Thầy Chân Quang nói rằng Thầy không có đồng ý với sư ông (Thầy Chân Quang đang nói chuyện với các đệ tử nên gọi là sư ông). Nói rằng sư Ông Thông Lạc còn những điểm mà Thầy không đồng ý là ănuống không đủ chất bổ, ăn uống không đủ chất bổ thì không thể nhiếp tâm được, thậm chí mình ăn no đi, ăn thật no nữa là chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền còn ăn uống thiếu thì nó hại đến não thì làm cho mình bệnh hoạn này kia. Đó là Sư ông ở tu viện Chơn Như bệnh nặng lắm. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho.

Đáp: Để xác định điều này quý cư sĩ về đây trực tiếp gặp Thầy, có thấy Thầy bệnh nặng không?

Dạ không, Thầy không có bệnh nặng.

Thầy làm việc suốt đêm từ 7 đến 12 giờ đêm, rồi Thầy chỉ đi nghỉ chút xíu, khuya Thầy dậy tọa thiền phục hồi sức khỏe để ngày hôm sau làm việc nữa. Trong một thời gian ngắn chưa đầy 3 năm bộ sách Đường Về Xứ Phật nhiều tập và các tập sách khác trên 5000 trang giấy được Thầy soạn thảo ra. Một khả năng làm việc phi thường như vậy thì các Phật tử cũng đủ biết Thầy làm việc rất nhiều. Và Thầy còn tiếp tục soạn thảo bộ sách đạo đức làm người nhiều tập. Trong lúc ấy Thầy vừa trả lời thư các cư sĩ bốn phương và cũng vừa làm việc trên máy vi tính để in thành sách với những trang sách có mỹ thuật như người chuyên nghiệp, nhằm để hoàn tất một cuốn sách đẹp, chứ không in bừa bãi thiếu mỹ thuật. Thầy làm việc như vậy quý Phật tử phải thấy được sức khoẻ của Thầy không kém thua những người còn trẻ. Trong lúc tuổi Thầy đã 78. Nhất là Thầy chỉ ăn ngày một bữa. Ăn ngày một bữa không thiếu sức khỏe, không bị bệnh đau. Ăn ngày một bữa ít bệnh đau hơn người ăn nhiều bữa. Đau bệnh phần lớn là tâm phiền não, giận hờn lo lắng, khổ đau, thương ghét v.v.. Kế đó là do ăn uống không điều độ, ăn uống quá nhiều, ăn uống phi thời, ăn nhiều bữa, ăn uống không vệ sinh v.v..? Ăn uống nhiều sanh ra dục tầm liên hệ giữa nam nữ phạm cấm giới làm hư hoại Phật pháp, còn ăn ngày một bữa đủ sống không sanh dục, không hôn trầm, dễ tu hành.

Trong giới luật của Phật đã cấm không cho tu sĩ ăn uống phi thời. Người mới vào tu như một Sa Di Tăng hay Sa Di Ni, thọ 10 giới thì giới thứ 9 cấm ăn phi thời, còn Tỳ Kheo thì thọ 250 giới. Giới thứ 37 cấm ăn phi thời, giới này thuộc giới đọa địa ngục (Ba dật đề).

Lý luận của Thầy Chân Quang ở trên là lý luận của người phá giới để chạy theo tham dục về ăn uống. Những lý luận của Thầy Chân Quang, tức là Thầy Chân Quang không hiểu thiền của đạo Phật, Thầy giẫm lại lối mòn của các Tổ nên bảo: “Ăn thật no chỉ cần đi kinh hành một chút xíu thì bắt chân lên ngồi là nhiếp tâm được liền”.Như quý Phật tử đã biết thiền của Phật, là phải lìa tâm tham diệt ác pháp, chứ không phải ngồi bắt chân lên là nhiếp tâm không vọng tưởng. Thiền của Phật là ngăn ác diệt ác pháp tức là ly dục ly ác pháp, cho nên còn tham ăn, tham dục mà gọi là thiền định thì đó là tưởng thiền, thiền Đông Độ, thiền Đại Thừa v.v…

Tóm lại, ngày xưa đức Phật và chúng Thánh Tăng ăn ngày một bữa, tu hành chứng đạo làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi sanh tử, còn bây giờ tu sĩ ăn uống phi thời, cho bổ khỏe, phá giới luật Phật tận cùng. Sống đời sống phi Phạm hạnh. Vì thế chẳng có vị tu sĩ nào chứng quả giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt luân hồi sanh tử được. Rất uổng phí một đời tu hành, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.

Thầy Chân Quang dựa vào các ông Thầy nhập định tưởng, các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt mà cho rằng họ tu chứng, tu chứng như vậy không phải của đạo Phật. Bởi vì đức Phật đã xác định: “Giới luật còn thì đạo Ta còn, giới luật mất thì đạo Ta mất”.Những ông thầy nhập định tưởng và các nhà ngoại cảm lên đồng, nhập cốt đều sống phi Phạm hạnh, sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới, thì những vị này đâu xứng đáng là người tu chứng của đạo Phật.

PHƯỚC CHÚNG SANH CHƯA ĐỦ TÌM MỘT VỊ A LA HÁN RẤT KHÓ

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy nói đợi cho có 10 vị A La Hán, mà bây giờ kiếm một vị cũng không ra. Nếu không có 9 vị như Thầy thì họ không chịu tin, mà đợi cho có đủ chín vị nữa, thì con coi bộ khó quá, đợi chừng nào mới có vị thứ nhì?

Đáp:Một người tu chứng trong giai đoạn này làm Phật sự khó có người tin được. Bởi vậy cần phải có 10 người tu chứng để chỉnh đốn lại kinh sách Phật, thì mọi người mới tin. Vì thế một người không thể chỉnh đốn lại được.

Phước của chúng sanh chưa đủ, vì thế các vị A La Hán chưa xuất hiện, chứ không phải chúng ta tìm một vị A La Hán khó. Chúng ta cứ sống đúng đức hạnh giới luật của Phật thì các bậc A La Hán sẽ xuất hiện. Chỉ vì chúng ta sống không đúng đức hạnh giới luật của Phật nên chúng ta tìm một vị A La Hán rất khó. Giới luật là mẹ sanh ra A La Hán. Cho nên, nếu tất cả Tăng, Ni giới luật nghiêm chỉnh thì không những 10 vị A La Hán mà có hàng trăm vị A La Hán xuất hiện. Giới luật ở đâu là có bậc A La Hán ở đó. Bậc A La Hán ở đâu là giới luật ở đó. Như vậy bậc A La Hán đâu phải khó tìm. Phải không quý vị?

Bậc A La Hán từ con người mà có, chứ không phải ngoài con người mà tìm được bậc A La Hán. Con người giữ giới nghiêm chỉnh, tu tập đúng pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, sống không làm khổ mình khổ người là bậc A La Hán. Xưa, đức Phật còn tại thế Ngài đã xác định: “Giới luật còn là Phật Pháp còn, giới luật mất là Phật Pháp mất”.Câu nói này có nghĩa là: “Giới luật còn là còn bậc A La Hán, giới luật mất là bậc A La Hán mất”.

Quý Phật tử đừng bảo rằng: Một vị A La Hán khó kiếm, chỉ vì Tăng, Ni không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nên bậc A La Hán khó kiếm.

Tóm lại, bậc A La Hán xuất hiện ra đời là vì chúng sanh có đủ phước báo thọ hưởng phước vô lậu.

PHÁP SAI CHỨ NGƯỜI KHÔNG SAI

Câu hỏi của PNT

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con thấy có một số quý Tăng, Ni khi thuyết pháp với tấm lòng rất tốt. Nhưng vì pháp mà quý vị đó học được qua Thầy Tổ ngày xưa như thế nào, thì học hỏi như thế đó. Chưa hẳn là quý vị có tâm ác, lừa đảo Phật tử đâu. Kính xin Thầy giảng dạy.

Đáp:Pháp sai chứ người không sai, người không sai thì phải có trí tuệ, có trí tuệ thì mới nhận ra pháp sai, pháp sai tức là pháp lừa đảo, dối gạt người, nhận ra pháp sai, mà cứ hành pháp sai, tức là lừa đảo, lường gạt người.

Vì thế, người mới vào tu là người tốt. Sau một thời gian tu học pháp sai biến họ trở thành người xấu, hằng ngày phải làm nghề lừa đảo (cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an v.v..). Cầu siêu, cầu an là một cái nghề làm giàu có nhiều tiền một cách dễ dàng. Cho nên biết pháp sai, nhưng các thầy không bao giờ bỏ.

Người mới vào tu thì nghèo đến nỗi một đồng xu dính túi còn không có. Nhưng sau khi tu lâu có những kiến giải, họ đứng vào vị trí trụ trì, giảng sư, thì tiền bạc nhiều, danh vọng lớn nên họ không thể bỏ những pháp sai, vì nhờ những pháp sai lừa đảo này mà họ sống trên nhung lụa. Thế nên làm sao họ bỏ được.

Chúng ta không thể lường được những tu sĩ mượn tôn giáo để kinh doanh buôn bán, có khi còn buôn đồ lậu thuế. Những người này là những người không những buôn bán tôn giáo, mà còn buôn bán đồ trái pháp luật. Chỉ có một thời gian năm, ba năm sau, là họ cất chùa rất đẹp, họ sắm xe hơi nhà lầu đàng hoàng, tủ lạnh, ti vi cái gì ngoài đời có là họ cũng có hết.

Tóm lại, pháp sai dẫn người đi vào chỗ sai, pháp lừa đảo, dối gạt người sẽ dẫn người đi vào chỗ lừa đảo, dối gạt. Cho nên kinh sách phát triển là kinh sách kiến giải của các nhà học giả xưa và nay, là những kinh sách mà mọi người cần phải được lưu ý. Vì đó là những kinh sách phi đạo đức, lừa đảo, dối gạt người. Biến người tốt thành người xấu, bằng chứng rõ ràng những tu sĩ Phật Giáo hiện giờ từ người tốt trở thành người xấu và đang hành nghề phi pháp.

ĂN NGÀY MỘT BỮA

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thầy bắt đầu ăn một bữa chừng bao lâu rồi?

Đáp:Sau hạ năm 1970 Thầy rời khỏi Tu Viện Chân Không, tìm nơi nhập thất tu hành, cuối năm 1970 vào đầu tháng 10 sống ngày một bữa, không ăn uống phi thời. Nhất định sống y như Phật, làm như Phật. Nhưng vẫn giữ pháp môn “tri vọng” của Hòa Thượng Thanh Từ tu tập. Thầy tu pháp đó chín năm trời liên tục. Nhưng kết quả chỉ là những thiền định tưởng, tuệ tưởng, thần thông tưởng, v.v..

Tóm lại, Thầy ăn ngày một bữa vào đầu tháng 10 năm 1970 và từ đó không còn ăn uống phi thời nữa.

ĂN NGỌ

Câu hỏi của PNT

Hỏi: Kính thưa Thầy! Gia đình con mọi người bận đi làm công việc này, việc kia thành ra muốn ăn ngày một bữa phải lấy giờ nào? Thay vì giờ ngọ, nhưng chồng và các con, ở trong văn phòng hay ở trong xí nghiệp đang làm việc thì không về được, đến chiều mọi người mới về nhà. Như vậy chúng con làm sao ăn ngọ được?

Đáp:Mọi người hiểu ăn ngọ là ăn đúng vào giờ ngọ, tức là ăn giữa ngày. Quan niệm như vậy Thầy e rằng không đúng. Ăn ngọ có nghĩa là ăn một bữa trong ngày, ăn để sống, tức là ăn vào thời gian nào cũng tốt, nhưng vì đức Phật ngày xưa đi khất thực nên chọn vào trưa để tiện việc đi xin; tiện việc cho người Phật tử cúng dường và tiện việc tu tập.

Một cộng đồng tập thể của gia đình có nhiều người. Vì thế sự ăn uống không thể nào riêng rẽ, riêng rẽ sẽ tạo cảnh buồn chán. Trong gia đình chỉ có giờ ăn, mọi người mới có sum họp. Gia đình mình sum họp vào giờ nào, là mình chọn lấy giờ đó ăn ngọ. Ăn cho vui cửa vui nhà. Ăn như vậy mới chính là ăn cơm ngọ. Còn nói tôi ăn cơm ngọ là phải tới giờ ngọ tôi mới ăn, còn những giờ khác thì tôi không ăn. Như vậy là người cố chấp, không đúng phương pháp ăn cơm ngọ của Phật. Vì ăn cơm cũng là một hành động sống, sống không làm khổ mình khổ người.

Nếu chấp giờ ngọ là phải đúng giờ trưa, nhưng 12 giờ trưa ở Việt Nam lại là 12 giờ đêm ở Mỹ. Như vậy tính mốc thời gian thì không đúng. Chỉ có lấy mốc đạo đức nhân bản là đúng nhất, hợp lý nhất, và rất thích hợp với Phật giáo. Vì Phật giáo chủ trương “ngăn ác diệt ác pháp”hoặc “các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” hay“ly dục ly ác pháp”.

Tóm lại, khi ăn cơm ngọ thì hãy chọn bữa ăn nào mà có mặt mọi người trong gia đình đầy đủ. Ăn không làm khổ mình khổ người. Trong ngày chỉ duy nhất có một bữa ăn gọi là ăn cơm ngọ.

NÓI CÁI SAI CỦA ĐẠI THỪA VÀ THIỀN ĐÔNG ĐỘ, CÓ GÌ MÀ SÂN

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con xin hỏi Thầy câu cuối cùng, vì bây giờ sắp tới giờ ngọ rồi, mà câu này cũng rất là quan trọng. Người ta nói: Khi Thầy nói, phê bình về Phật giáo phát triển, và Thiền Đông Độ. Giọng nói của Thầy hơi sân, có không thưa Thầy? Xin Thầy...

Đáp:Thật sự mà nói Thầy sân thì không đúng. Vì kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ không có làm điều gì cho Thầy sân, vì nó là kinh sách, là lời dạy của các Tổ, không đúng như lời dạy của Phật, nó là sản phẩm của những nhà học giả tu hành chưa tới nơi, tới chốn, chứ không phải của hành giả đạt đạo.

Thường người ta giận là giận con người, chứ có ai giận kinh sách bao giờ. Giọng nói của Thầy có “gằn mạnh”những từ dùng “thẳng thắn”,“mạnh bạo” như một dũng tướng xông trận, nhưng không phải vì thế mà gọi là căm tức giận hờn được. Nếu người hiểu biết giọng nói đó là tiếng chuông xé nát bầu không gian, để cảnh tỉnh mọi người đừng quá u mê, đừng nghe theo giáo pháp phi đạo đức, công lý và công bằng, giáo pháp đầy sự mê tín lạc hậu, lừa đảo mọi người v.v..

Giáo pháp đó đã giết chết biết bao nhiêu Thầy Tổ của chúng ta trải qua hai mươi mấy thế kỷ, giờ đây đang giết chết chúng ta và sẽ giết chết con cháu của chúng ta sau này.

Tiếng nói của Thầy là tiếng nói chung của nhiều người, từ trong tâm trạng đau khổ. Những ai đã thiết tha đi tìm đường giải thoát của đạo Phật.

Thầy nói ra, không phải vì sân hận đâu. Giọng nói gằn mạnh của Thầy là để cho mọi người hiểu biết mà cố tránh giáo pháp này. Vì giáo pháp này sẽ giết chúng ta như trên Thầy đã nói. Suốt cả cuộc đời tu hành của chúng ta, tu mà chẳng có gì hết.

Từ khi đức Phật tịch, giáo pháp của Ngài đã bị dìm mất. Thay thế bằng một tà giáo. Thầy Tổ của Thầy, tức là các Hoà Thượng như: là Hoà Thượng Phước Lưu, Ngài chết rất đau khổ vì bệnh bán thân. Hoà Thượng Thiện Hoà, Ngài là Thầy đỡ đầu, trên con đường học tập của Thầy, Ngài chết cũng rất đau khổ, vì bệnh bán thân.

Vì kiến chấp giáo pháp Đại Thừa nên họ phỉ báng Thầy, nói Thầy sân. Nhưng Thầy sân ai bây giờ? Tại sao Thầy lại sân giáo pháp đó để làm gì?

Không những Thầy là nạn nhận của giáo pháp đó và còn biết bao nhiêu người nữa, bao nhiêu thế hệ nữa. Trong sách Thầy đã nói: Thầy là nạn nhân của giáo pháp phát triển và Thiền Tông. Nếu Thầy không đủ phước Thầy cũng điên như Thầy Thông Vân, Thầy Thiện Thuận và rất nhiều người nữa.

Tóm lại, một giáo pháp sai giết hại biết bao nhiêu thế hệ tín đồ Phật giáo, mà không dám nói thẳng, nói mạnh thì ai biết nó là sai! Không biết giáo pháp đó sai thì ai biết đâu mà tránh! Phải không hỡi quý vị?

Biết sai nhưng nó đã trở thành những phong tục tập quán thì bỏ rất là khó.

HỌ CHẤP NHẬN THẦY CÓ LỢI GÌ CHO THẦY?

Câu hỏi của PNT

Hỏi: Kính thưa Thầy! Họ nói: Nếu Thầy nói câu lời nhẹ nhàng hơn thì may ra họ còn chấp nhận được. Còn Thầy quất mạnh quá thì họ không chấp nhận, họ không nghe.

Đáp:Họ bảo Thầy nói nhẹ nhàng thì may ra họ còn chấp nhận, nói như vậy tức là họ đã kiến chấp ngoại đạo, người có kiến chấp tà pháp ngoại đạo, dù chúng ta có nói như thế nào họ cũng chẳng nghe, họ là những người không trí tuệ, người không trí tuệ là người không đáng đi theo Phật giáo. Phật giáo đòi hỏi người đi theo đạo Phật phải là người trí tuệ, biết phán xét pháp sai pháp đúng, pháp có lợi ích cho mình cho người.

Đối với đạo Phật, người nào theo, làm đúng là có lợi ích cho người đó, chứ không phải làm lợi ích cho người hướng dẫn, cho người khác. Vì thế họ chấp nhận hay không chấp nhận có lợi ích gì cho Thầy đâu? Nếu họ chấp nhận thì Thầy phải cực khổ chỉ dạy cho họ và còn phải gánh chịu trách nhiệm trong sự tu tập của họ. Trong lúc đời sống của Thầy chỉ có 3 y một bát chẳng có gì: danh không màng, lợi không tham.

Sau khi tu xong, Thầy quyết tâm nhập diệt bỏ thân này, vì xét thấy tình đời đen bạc, không có tình nghĩa gì cả, chỉ là một trò ảo tưởng của nhân quả. Về Phật giáo phát triển chỉ có những người vô minh mới chìm đắm trong đó, xe trước mắc lầy xe sau cứ tới mà chẳng biết lùi. Chỉ có những người kinh doanh tôn giáo mới chạy theo danh lợi đua đòi, không biết nhàm chán nên mới có chùa to Phật lớn, nên mới sống ăn uống phi thời, phạm giới, phá giới làm cho Phật giáo diệt mất, để rồi sản sanh ra một thứ giáo lý kỳ lạ đủ màu sắc mê tín, huyễn hoặc, mơ hồ, trừu tượng đã giết hại biết bao nhiêu tín đồ Phật giáo. Có những vị Hòa Thượng nào đã tu giải thoát được những gì? Hay chỉ có những thần thông ảo tưởng để lừa đảo người khác.

Chấp nhận lời Thầy nói có ích lợi gì cho Thầy? Hay Thầy phải chịu nhiều sự cực nhọc. Ai biết?

Không chấp nhận lời nói của Thầy thì Thầy có sao? Thầy cũng vẫn là người tu giải thoát, tâm bất động như cục đất, làm chủ được sự sống chết, chấm dứt được sự luân hồi. Quý vị không chấp nhận, Thầy có mất những điều này không?

Chấp nhận lời Thầy thì có lợi cho quý vị, chứ chang có ích lợi gì cho Thầy, phải không?

Chỉ vì sự đau khổ của con người, của tín đồ Phật giáo. Sự đau khổ từ thế hệ trước cho đến thế hệ sau. Và từ đây về sau nữa kinh sách đó nếu còn, là còn đau khổ mãi, thì con cháu chúng ta sẽ phải khổ biết bao. Cho nên Thầy nói là ngăn chặn để con cháu chúng ta không lầm những giáo pháp này nữa. Cho nên, dù ai có nói Thầy là ngoại đạo, tà giáo đi nữa, thì Thầy cũng chẳng sờn lòng, chẳng chùn bước. Quyết tâm đem lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo cho con người trên hành tinh này.

Chấp nhận hay không chấp nhận, lời nói của Thầy vẫn hùng hồn, mạnh mẽ như gió bão, thẳng thắn như roi quất mặt, hùng dũng như chiến sĩ xông trận.

Thầy nói như vậy là đụng chạm, là đập bể nồi cơm của Phật giáo phát triển, người ta sẽ giết Thầy. Thầy có chết nhưng lời nói của Thầy không chết, mãi mãi vẫn lưu lại muôn đời.

Vì Phật pháp phải được trường tồn, vì con người trên hành tinh này cần phải có đạo đức nhân bản - nhân quả. Thầy không sợ ai nữa hết! Đối với Thầy cái chết là một sự nối tiếp cho sự sống, chứ có mất mát đi đâu mà sợ. Cho nên, từ khi bộ sách giáo án tu tập của đạo Phật ra đời, Thầy đã quyết định, xây dựng nền đạo đức không làm khổ mình khổ người trên hành tinh này và giúp cho mọi người không còn lầm đường lạc lối đi theo con đường của Phật giáo mê tín, ảo giác, trừu tượng. Dù cho khối phát triển mạnh như thế nào, cấm ngăn như thế nào thì Thầy cũng nói thẳng mặt. Sai nói sai, đúng nói đúng, không tư vị một ai. Còn biết những cái sai, tai hại cho con người mà im lặng không dám nói thì đó là hèn nhát. Không xứng đáng là một con người. Sống trong hiện hữu của mình phải có lợi ích cho loài người. Khi mình làm được điều gì có lợi ích cho mình, cho mọi người thì hãy làm. Thầy phải vạch ra cái đúng cái sai cho mọi người biết. Khi người ta biết sai thì Thầy mới dẫn dắt người ta đi vào đúng đường chánh pháp của đức Phật.

Biết hy sinh tình nghĩa riêng tư giữa Thầy và Hòa Thượng Thanh Từ để đem lại sự lợi ích cho muôn người và Thầy tin chắc rằng Hòa Thượng thương Thầy và hiểu Thầy hơn. Lúc nào Thầy cũng nhớ ơn Hòa Thượng, một vị ân sư.

Điều mà Thầy ước muốn đó là làm sao phổ biến “đạo đức làm người”, để đem lại hạnh phúc cho mọi người và được mọi người thực hiện đạo đức này. Thầy tin rằng khi con người thực hiện được đạo đức giải thoát này, thì tâm họ ly dục ly ác pháp.

Bộ sách đạo đức làm người phải ra đời đúng lúc, đúng duyên của nó thì mới làm lợi ích cho con người, nếu không đúng duyên đúng lúc thì chẳng có ích lợi gì hết.

Sách Thầy ra đời là đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Đánh lên tiếng chuông cảnh tỉnh để làm gì? Cảnh tỉnh là để cho có những người hiểu biết trợ giúp Thầy sau này làm sống lại Phật giáo chơn chánh. Nếu Thầy không viết sách thì chẳng ai biết Phật giáo đúng sai chỗ nào. Còn nếu Thầy im lặng không viết cuốn sách nào ra hết. Thì người ta làm sao biết để ủng hộ con đường chánh pháp của Phật được.

Hôm nay quý Phật tử biết được và ủng hộ Thầy, xây dựng con đường chánh pháp của Phật, là nhờ Thầy viết sách nói thẳng nói thật, vạch cái sai, chỉ cái đúng. Nếu không có sách của Thầy viết thì hiện giờ các con vẫn tin kinh sách phát triển là đúng và lời nói của Thầy Chân Quang là đúng. Phải không?

Kinh sách phát triển, kiến giải của Thầy Chân Quang và lời dạy của Thầy đúng hay sai đều không quan trọng, mà quan trọng là ở chỗ phải đúng lời dạy của đức Phật, không được thêm bớt và có lợi ích thiết thực cho loài người, có thực sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không?

LẠY LỄ HỒNG DANH SÁM HỐI CHƯ PHẬT, LÀ TIÊU TRỪ TỘI CHƯỚNG, TAI QUA NẠN KHỎI

Câu hỏi của PNT

Hỏi:Kính thưa Thầy!Có người dạy: chúng con phải lạy lễ sám hối chư Phật thì có nhiều phước báo, tội chướng tiêu trừ, tai qua nạn khỏi và ngồi thiền hết vọng tưởng. Như vậy có đúng không. Xin Thầy chỉ dạy chúng con được rõ.

Đáp:Câu này Thầy đã trả lời câu hỏi ở trên rồi, nhưng Thầy sẽ giải thích thêm để quý vị rõ hơn.

Nhiều người lạy lễ sám hối nhưng mà rốt cùng họ cũng chẳng tiêu trừ, tội chướng, tai qua nạn khỏi. Họ lạy hồng danh chư Phật, cứ vào ngày rằm, ngày 30 là họ đến chùa lạy Phật. Niệm mỗi hồng danh Phật là họ lạy một lạy, tháng nào cũng vậy nhưng nhìn lại gia đình họ cũng chưa hết khổ mà còn có khổ đau nhiều hơn.

Những lời dạy này đi ngược lại lời dạy của đức Phật. Phật dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Thế mà bây giờ lại nghe các nhà tu hành Phật giáo phát triểnBà La Môn dạy lạy lễ hồng danh sám hối thì được phước báo tiêu trừ tội khổ và ngồi thiền không vọng tưởng. Lời dạy này không đúng như trong kinh sách Nguyên Thủy. Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” hay“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.Lời dạy như vậy rất thực tế và cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực cho con người. Còn dạy lạy lễ hồng danh sám hối thì quá mơ hồ, trừu tượng, không thực tế, thiếu khoa học. Lối dạy như vậy là dạy mê tín, dắt con người vào thế giới tưởng.

Có ông Phật nào dám ban phước ban lành cho họ khi họ làm điều ác. Phước báo hay tiêu trừ tội khổ đều do chính nơi họ, họ có làm lành thì họ sẽ hưởng được phước báo, còn họ làm ác thì họ phải lãnh những tai họa tội khổ.

Có bao giờ người ta lạy lễ hồng danh chư Phật mà nhập định được, chỉ có kinh sách học giả mới dạy như vậy mà thôi. Lạy lễ hồng danh chư Phật nhập được là nhập đồng nhập cốt, nhập cô, nhập cậu.

Tóm lại, những lời dạy lạy lễ hồng danh chư Phật để được phước báo, tiêu trừ tội chướng, tai qua nạn khỏi và ngồi thiền nhập định, đó là những lời dạy không đúng lời dạy của đức Phật, nếu không cảnh giác lời dạy này mà thực hành sẽ biến mình trở thành những người phi đạo đức, mê tín, thì chỉ uổng phí cho một đời tu hành mà chẳng đến đâu cả.

Lạy lễ hồng danh chư Phật là để tỏ lòng biết ơn đối với những bậc cao quý này, chứ không có giải quyết vấn đề tiêu trừ tội chướng tai qua, nạn khỏi hoặc nhập thiền nhập định v.v..

A LA HÁN

Câu hỏi của sư Thông Vân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cho phép con xin được hỏi: Không có quả nào cao hơn quả A La Hán phải không?

Đáp:Đối với đạo Phật chỉ có quả A La Hán là cao nhất. Mục đích của đạo Phật là phải đạt được tâm vô lậu mà quả A La Hán là quả Vô lậu. Nếu ai tu hành tâm chưa vô lậu thì chưa chứng quả A La Hán. Ngoài quả A La Hán đạo Phật không còn có quả nào khác nữa, nếu có quả vị nào khác nữa là do ngoại đạo bịa đặt ra để phá hoại đạo Phật.

Tâm vô lậu là tâm giải thoát hoàn toàn, là tâm toàn thiện, là tâm không làm khổ mình khổ người. Mục đích tu hành của đạo Phật đến đây là xong, nếu ai bảo tu đến đây là tu chưa xong, còn phải tu tập hay phải hành Bồ Tát đạo thì người ấy chưa thông hiểu Phật giáo, hay nói cách khác hơn là người ấy đang bị Phật giáo phát triển lừa đảo.

Tóm lại, trong đạo Phật không quả nào cao hơn quả A La Hán. Quả A La Hán là đệ nhất vô lậu.

Thưa các bạn! Đạo Phật là một tôn giáo bình đẳng nên không có nhiều quả vị, chỉ có một quả vị giải thoát mà thôi. Khi tu tập chứng đạt chân lí thì ai cũng như ai Phật cũng như A La Hán đều bình đẳng như nhau, chứ không phải Phật có quả vị cao hơn A La Hán. Các bạn đừng nên tin kinh sách phát triển vì kinh sách phát triển là kinh sách phong kiến.

NHỮNG QUẢ A LA HÁN CỦA ĐẠI THỪA

Câu hỏi của sư Thông Vân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Do nguyên nhân nào, khi chứng quả A La Hán:

-       Có người chứng A La Hán Toàn Giác.

-       Có người chứng A La Hán Độc Giác.

-       Có người chứng A La Hán Thinh Văn Giác?

Đáp:  A La Hán là quả vị vô lậu cao nhất trong đạo Phật, nhờ vô lậu nên tâm được thanh tịnh hoàn toàn. Tâm thanh tịnh hoàn toàn như nước hồ thu trong vắt, vì vậy dưới đáy hồ có những vật gì chúng ta đều thấy rất rõ ràng. Sự thấy biết rất rõ ràng gọi là Toàn Giác.

Người chứng quả A La Hán nào, tâm cũng phải hoàn toàn vô lậu, tâm vô lậu thì người nào cũng giống như người nào, không có khác nhau. Cũng như nước hồ thu trong vắt, thì nước hồ thu nào trong vắt đều cũng giống như nhau. Nhưng vì trong sự tu hành đến với pháp tu có duyên khác nhau nên khi chứng quả A La Hán có tên gọi khác nhau.

Người chứng quả A La Hán Độc Giác là người tự mình tìm ra pháp môn tu tập đạt được tâm vô lậu hoàn toàn, trên đời này chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người duy nhất, ngoài ra thì chúng ta không thấy có người thứ hai.

Ở đây, chúng ta phải hiểu quả vị A La Hán Độc Giác là quả vị A La Hán toàn giác, không sai khác và không hơn kém nhau ở chỗ nào cả.

Người chứng quả A La Hán Thanh Văn Giác là người được đức Phật dạy cho tu tập theo giáo pháp của mình đã tu chứng, hoặc người ấy tự nghiên cứu trong kinh sách theo những lời dạy của đức Phật mà tu tập cho đến khi tâm vô lậu hoàn toàn. Do đó mới có tên gọi là A La Hán Thanh Văn Giác.

Người chứng quả A La Hán Thanh Văn Giác không sai khác quả vị A La Hán Toàn Giác, có nghĩa là mọi năng lực của người chứng quả A La Hán Toàn Giác và người chứng quả A La Hán Thanh Văn Giác đều giống nhau, không hơn không kém.

Sự phân chia ra hơn kém này là do các nhà học giả tu hành chưa tới nơi tới chốn. Đọc trong kinh sách phát triển chúng ta nhận thấy sự phân biệt này rất rõ ràng. Đó chứng tỏ các nhà sư phát triển tu chưa tới nơi tới chốn, dùng kiến tưởng giải của mình phân chia ra làm nhiều quả vị A La Hán Như vậy.

Xin quý vị lưu ý: Kinh sách phát triển không đáng cho chúng ta tin cậy lắm.

CHÍ NGUYỆN CHỨNG QUẢ A LA HÁN TOÀN GIÁC

Câu hỏi của sư Thông Vân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nếu con có chí nguyện chứng quả A La Hán Toàn Giác thì con phải gieo nhân tu như thế nào? Và làm sao để được như nguyện?

Đáp:Phải sống đúng giới luật, đời sống phải ba y một bát, đi xin ăn, sống không nhà cửa, không gia đình, tâm hồn luôn luôn phải giữ gìn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, đó là gieo nhân chứng quả A La Hán Toàn Giác. Nhờ gieo nhân như vậy tâm mới ly dục ly ác, tâm có ly dục ly ác pháp thì tâm mới có vô lậu. Nếu đời sống, không sống đúng như vậy thì muôn đời ngàn kiếp chẳng bao giờ chứng quả A la Hán Toàn Giác.

Làm sao để đạt được như nguyện? Muốn đạt được như nguyện thì phải tu tập bảy nẻo trong Đạo Đế, có nghĩa là phải tu tập hằng ngày bốn loại định ngăn ác diệt ác sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp trên bảy nẻo của Bát Chánh Đạo tức là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm.

Có sống như trên đã nói, có tu tập hằng ngày như vậy thì quả A La Hán Toàn Giác sẽ đạt được như ý nguyện.

MỘT VỊ A LA HÁN CÓ VÀO SANH RA TỬ ĐỂ ĐỘ CHÚNG SANH KHÔNG?

Câu hỏi của sư Thông Vân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Một người đã chứng quả A La Hán Thanh Văn cũng như một người chứng quả A La Hán Độc Giác có thể thị hiện vào sanh ra tử hành Bồ Tát Đạo để thành tựu quả A La Hán Toàn Giác (như kinh sách phát triển nói) không? Hay người đã chứng A La Hán Thanh Văn Giác mà thôi, có nghĩa là chỉ thành Phật Thanh Văn Giác. Độc Giác cũng vậy, chứ không thểthành Phật Toàn Giác.

Kính thưa Thầy, con có lòng tin nơi Thầy, kính xin Thầy chỉ dạy cho con tất cả sự thật và hỗ trợ cho con để tương lai con thành một vị A La Hán Toàn Giác, làm lợi ích rộng lớn như huyễn cho tất cả chúng sanh.

Đáp:Ở đây con phải phân biệt cho rõ ràng:

1.    Pháp tu chứng

2.    Quả tu chứng

3.    Năng lực tu chứng

¨Pháp tu chứng như thế nào?

- Tự tìm pháp tu, chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật, nên tên gọi là Độc Giác A La Hán hay là Độc Giác Phật

- Nghe Phật dạy hoặc đọc kinh sách thấu hiểu lời dạy của đức Phật mà tu tập chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật, nên tên gọi là Thanh Văn A La Hán hay là Thanh Văn Phật.      

¨Quả tu chứng như thế nào?

Quả tu chứng là tâm vô lậu tên gọi của tâm vô lậu là A La Hán.

Nếu tự tìm pháp tu mà tâm vô lậu thì gọi là chứng quả A La Hán Độc Giác còn nếu nghe Phật dạy hay đọc kinh sách lời dạy của đức Phật mà tu chứng thì gọi là chứng quả A La Hán Thinh Văn.

Nếu quả vô lậu chưa tròn đủ có nghĩa tâm vô lậu từng phần, vô lậu từ ít đến nhiều, vô lậu từ thô đến tế, vô lậu từ từ. Vô lậu như vậy không được gọi là vô lậu trọn vẹn. Và như vậy không được gọi là vô lậu bậc A La Hán. Ví dụ: Một người tu tập vô lậu được 99 phần trăm, chỉ còn một phần trăm li ti nữa, thì cũng chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật. Mà chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật thì cũng chưa được gọi là chứng quả A La Hán. Phật giáo phát triển không hiểu vô lậu như thế nào, nên quá xem thường quả A La Hán vô lậu của Phật giáo. Do vì không biết tầm mức vô lậu của bậc A La Hán như thế nào, nên đặt ra có nhiều quả A La Hán để dễ đánh lận người khác và còn dùng câu để che mắt mọi người: “Chứng quả A la Hán mà còn thấy mình chứng quả A La Hán là chưa chứng quả A La Hán”.

¨Năng lực tu chứng như thế nào?

Năng lực tu chứng của Phật như thế nào thì năng lực tu chứng của các bậc A La Hán cũng như vậy có nghĩa là Phật có 10 lực và minh, hạnh đầy đủ thì các bậc A La Hán cũng có được như vậy. Phật có gì thì họ cũng đều có nấy. Họ chỉ thua Phật là vì Phật là người sáng lập ra đạo Phật mà thôi. Tại sao năng lực tu chứng lại giống nhau như vậy?

Bởi vì pháp tu của Phật giúp cho tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu, chứ không phải pháp tu tập để tạo ra năng lực có cao có thấp, vì thế tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu thì giống nhau, từ tâm thanh tịnh vô lậu lưu xuất ra bảy năng lực Giác Chi. Bảy năng lực Giác Chi tạo ra Bốn Thần Túc. Do đó người tu sĩ nào tu tập tu chứng đạt chân lí đều có Tứ Thần Túc, nên năng lực phải giống nhau.

Xin các bạn đừng hiểu rằng năng lực là do độ chúng sanh mà có, hiểu như vậy không đúng các bạn ạ! Bồ Tát Hạnh chẳng qua đó là trả nợ cơm ăn áo mặc cho đàn na thí chủ chứ chẳng có công đức gì cả.

Người tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là người mang nợ đàn na thí chủ nhiều nhất, nên phải trả nợ, chứ không phải tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là có nhiều công đức và năng lực. Người tu sĩ tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát hạnh là những người tu chưa chứng của Phật giáo phát triển. Còn người tu theo Phật giáo đã chứng đạt chân lí, thực hành Bồ Tát Hạnh là để trả nợ cơm áo của đàn na thí chủ hoặc tạo duyên mới để độ mọi người nên gọi là hóa duyên độ chúng sanh.

Khi tâm thanh tịnh (Vô lậu) thì từ nơi tâm thanh tịnh đó lưu xuất ra năng lực mà chúng tôi đã nói ở trên, chứ không phải do pháp tu hành tạo ra năng lực.

Một người tập pháp môn thiền định để mong nhập được định thì định ấy là tà định không phải chánh định.

Người muốn tu tập thiền định để được nhập chánh định, thì phải tu pháp môn ly dục ly ác pháp. Khi tâm đã ly dục ác pháp sạch thì tâm thanh tịnh (hết tham, sân, si). Tâm hết tham sân si thì lưu xuất ra 7 năng lực (thất giác chi) để tự điều khiển thân tâm nhập định, chứ không phải do pháp tu mà nhập định được. Nhập định như vậy mới gọi là chánh định.

Muốn hành Bồ Tát Đạo thực hiện Bồ Tát Hạnh thì phải nên tu chứng quả A La Hán xong thì mới đi độ chúng sanh, còn tu tâm chưa vô lậu thì đừng mơ ước độ chúng sanh. Vì chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, không độ được chúng sanh mà chúng sanh lại xỏ mũi, dắt mình theo danh và lợi thì rất uổng phí một đời tu hành của một kiếp người. Bằng chứng các nhà tu hành theo Phật giáo phát triển, các vị Thiền sư đang bị chúng sanh xỏ mũi trong danh lợi chức phẩm, tiền bạc, ăn ngủ phi thời, chùa to Phật lớn v.v..

MỤC ĐÍCH CON MUỐN XUẤT GIA VỚI THẦY

Lời trần tình của NC

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Thầy!

Dẫu biết rằng: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” nhưng con vẫn quý chuộng sự thật. Ghét những gì hoa mị, giả dối, hình thức.

Dòng họ bên nội con tuy đạo Cao Đài, nhưng riêng con lại thích tìm hiểu, nghiên cứu kinh sách về đạo Phật. Con tu học theo Phật giáo phát triển 10 năm nhưng theo Thầy chỉ 5 năm thôi.

Con cũng biết đường lối, quan điểm của Thầy không đồng nhất với Phật giáo phát triển. Vốn tính hiếu kỳ con đứng giữa cả hai để xem lời nhận xét của Phật giáo phát triển nói về Thầy là đúng hay sai?

“Thầy Thông Lạc tu theo pháp môn Nguyên Thủy hành xác cực độ, Thầy chủ trương thọ dụng thực phẩm không thấy,không nghe, không nghi chẳng khác gì Nam Tông. Thầy viết kinh sách cố ý đâm thẳng Phật giáo phát triển gây chia rẽ tôn giáo với mưu đồ định làm “bá chủ”.

 Đây vừa là lời lên án vừa là lời kết tội Thầy. Họ dựa trên cơ sở Thầy quá khắt khe việc giữ giới ăn ngày một bữa và lời chỉ trích thẳng thắn của Thầy trong kinh sách khi đề cập đến Phật giáo phát triển.

Tuy nhiên họ đã quên rằng ăn ngày một bữa là giới luật Phật đưa ra, chứ không phải Thầy đưa ra. Nếu nói pháp môn Thầy tu quá khổ hạnh hành xác thì tại sao vẫn có nhiều người tu theo Thầy trong số, có cả cụ già và tầng lớp giới trẻ như chúng con? Nếu ai đã một lần đến tu viện Chơn Như hãy quan sát tất cả tu sinh xem có phải ai cũng gầy còm, ốm yếu, lực kiệt trí mòn không? Hay tu sinh đang sống trong cảnh giới Phật. Trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự?

Còn việc thọ dụng thực phẩm không thấy, không nghe, không nghi có nghĩa là được phép ăn mặn như Nam Tông. Có ai thấy Thầy Thông Lạc thọ dụng thực phẩm động vật bao giờ?

Tu theo Thầy thời gian ngắn con hoàn toàn phủ nhận lời lên án của Phật giáo phát triển. Còn lời kết tội “Thầy viết kinh sách cố ý đâm thẳng Đại Thừa gây chia rẽ tôn giáo với mưu đồ định làm bá chủ”, nói như thế chẳng khác nào Thầy Thông Lạc dùng bút như dùng cung bắn từng tu sĩ ngoại đạo, tâm danh lợi cao ngút ngàn với“mưu đồ định làm bá chủ”.

Nghe điều này con cũng suy tư: Nếu như Đại Thừa thực sự tốt thì sợ gì người ta nói xấu? Thầy vạch lỗi, chỉ trích Đại Thừa ở những lỗi nào, điều nào mà so ra thực tế có đúng như vậy không hay là Thầy Thông Lạc cố ý bịa chuyện, cố tình gây chia rẽ tôn giáo? 

Có người bảo rằng: Tu tập phải có đạo lực để làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Phải nhập được Bốn Thiền, phải có cõi Cực Lạc, phải có Phật tánh, phải biết ngày giờ chết, sống chết ra đi tự tại v.v.. Nghĩ như vậy các bạn đã đi lạc đề, đối với Phật giáo các bạn không thể nghĩ như  vậy.

Nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo thần thông; nghĩ như vậy vô tình các bạn biến Phật giáo thành một tôn giáo để làm gạch nối giữa con người và thế giới siêu hình, thành một bản thể thường hằng vĩ đại của vạn hữu; nghĩ như vậy nên vô tình các bạn lý luận đưa ra những triết lý cao siêu tuyệt đỉnh của trí tuệ bát nhã (Tánh không),  biến Phật giáo thành một triết học vi diệu cao siêu để tranh luận hơn thua với các hệ phái khác, tôn giáo khác và cũng chính để lý luận đánh lừa mọi người.

“Kính thưa các bạn! Phật giáo không phải là tôn giáo; không phải một đế quốc, lợi dụng thần quyền cai trị thế giới. Phật giáo chỉ là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người. Phật chỉ nhắc lại những gì của con người đã có sẵn, chứ không sáng tạo ra cái gì mới cả mà cũng không bịa đặt ra và thêu dệt những chuyện ảo tưởng, hư cấu, và cũng không sử dụng quyền năng siêu việt của bản thân mình để lừa đảo mọi người khuyến dụ họ theo tôn giáo mình. Cho nên những điều của Phật dạy qua ngôn ngữ thay vì hiểu nghĩa rất tầm thường, giản dị và bình dân thì các nhà học giả Đại Thừa lại hiểu một cách cao siêu, ảo tưởng, hư cấu thành sai nghĩa”. (Trích lời nói đầu trong Văn Hóa Phật Giáo tập IV trang 10)

Con đồng ý với quan điểm của Thầy vì bất cứ tôn giáo nào, hệ phái nào cũng đều khuyên con người ngăn ác, hành thiện, cũng đều công nhận Tứ Diệu Đế của đạo Phật là chân lí. Người nói thế giới Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn mà lại chưa đặt chân đến cõi đó lần nào thử hỏi làm sao con tin? Người lúc sống tạo nhiều điều ác đến khi chết con cháu bỏ tiền thỉnh Tăng, Ni cầu siêu thoát, vãng sanh về cõi giới lành thì còn gì là luật nhân quả?

Con không phải người nhẹ dạ, cả tin khi nghe điều gì ngoài sự hiểu biết của mình, vượt qua khỏi ý thức sang vô thức.

Chính vì thế khi nghe người ta kết tội Thầy con không chỉ tìm đọc hết kinh sách của Thầy mà còn tìm cách gần gũi, về tu viện Chơn Như Thọ Bát Quan Trai với mục đích là dò xét, tìm hiểu.

NHỮNG GÌ CON ĐÃ THẤY

1)        Đó là những trang tiểu sử kể về cuộc đời tu hành quá vất vả gian truân của Thầy trên mạng Internet (nguyên thủy chơn như  nét).

2)        Đó là lời thỉnh cầu Thầy khoan vội nhập Niết Bàn của HT. Thanh Từ, lời ca ngợi sư huynh Thông Lạc “Đại tinh tấn” của Thầy Chân Quang trong quyển Người Chiến Thắng tập 1.

3)        Đó là cái cốc đơn sơ Thầy ở, 3 y vải thô Thầy mặc, đôi dép lào giản dị Thầy mang, một lối sống thanh bần đúng nghĩa “Khất sĩ” của Thầy. Là một Thầy viện chủ đa đoan công việc, thế mà sáng nào cũng cầm cây chổi ra quét sân. Có mấy ai quan hệ, cư xử với chúng thương yêu và bình đẳng như Thầy ?

NHỮNG GÌ CON ĐÃ NGHE?

1)        Lời giảng dạy pháp ôn hòa, từ tốn, lời góp ý khuyên nhủ tế nhị của Thầy những lần con sai phạm phá hạnh độc cư.

2)        Nhưng tiếng reo vui của bao người khi được gặp Thầy, gặp chánh pháp chan hòa với dòng lệ ngân dài trên đôi má.

3)        Sự khẳng định cương quyết chấp hành đúng giới luật, không xem thường những lỗi nhỏ nhặt của Thầy mà đức Phật đã từng dạy: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”.

NHỮNG GÌ CON ĐÃ BIẾT

1)        Nếu Thầy là người thực sự tham danh thì Thầy đã phơi bày những thần lực siêu phàm của A La Hán để thu hút Phật tử về phía mình cớ chi phải đuổi hết những đệtử đòi theo Thầy học thần thông sang Tây Tạng mà học. Cớ chi Thầy chịu nhọc nhằn, ghi từng lời dạy đạo đức làm người; cớ chi Thầy giữ bất động tâm trước những lời lên án và kết tội vô căn cứ của Đại Thừa.

2)        Pháp môn tu của Thầy đưa đến giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết – bốn nỗi khổ của kiếp người.

3)        ĐểPhật tử vững chắc niềm tin nơi Thầy, nên con xin Thầy kể rõ tiểu sử để con viết bài “Những sự thật về Thầy Thông Lạc”. Thầy từ chối lời thỉnh cầu của con cũng như của M.H xin Thầy được viết tiếp người Chiến Thắng tập 2, Thầy bảo: “Các con làm thế thì đời sẽ hiểu lầm Thầy là người tu mà còn tham danh lợi. Nếu con muốn ghi tiểu sử của Thầy thì hãy đợi sau này Thầy tịch rồi viết”.

Lời thỉnh cầu thiết tha của con tuy bị Thầy từ chối nhưng con rất vui vì biết được Thầy mình không phải là người có tâm danh lợi ngút ngàn như các học giả phát triển bàn tán.

Sau thời gian dài tầm đạo con đã cảm thấy chán nản và mỏi mệt. Nay con quyết định dừng chân tại tu viện Chơn Như. Con muốn được xuất gia làm đệ tử của Thầy. Kính xin Thầy xót thương mà thâu nhận con.

Mục đích con muốn xuất gia với Thầy không cầu học thần thông làm A La Hán mà con chỉ cầu học nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người.

Kính bạch Thầy!

Ngày 23 tháng 8 con cùng đoàn từ thiện TP.HCM đến cứu trợ đồng bào miền Trung bị hạn hán. Con nhìn cảnh sống của người dân Hơrê, Bana ở đây chẳng khác nào tại địa ngục thế gian: trời nắng gắt thật oi bức, khó chịu thiếu nước, thiếu lương thực trầm trọng, cỏ cây khó vươn mình giữ mầm xanh sự sống, con không thể cầm lòng trước cảnh đói khổ của họ. Nếu có thể con xin được đưa vai gánh thay họ những nỗi khổ đau đó.

Đối với con niềm vui của chúng sanh chính là niềm vui của con, nỗi khổ của chúng sanh chính là nỗi khổ của con. Những thực phẩm con chu cấp cho họ bất quá chỉ cứu khổ họ trong một tháng chẳng bằng khuyên họ sống thiện, làm thiện đặng chuyển nghiệp nhân quả – cứu khổ họ đời đời. Nhưng hai con người, hai thế giới, hai tiếng nói khác nhau con biết giúp họ làm sao đây?

Xe lăn bánh trở về thành phố mà lòng con nhói đau, nước mắt con tuôn trào vì từ nhỏ tới lớn con chưa từng nhìn thấy cảnh người ta sống khổ sở như thế này Thầy a!

Mục đích con muốn xuất gia theo Thầy trước cứu độ mình, sau cứu độ người thực hành theo hạnh nguyện tự lợi lợi tha. Con thiết nghĩ: Nếu đời này con không quyết tâm tu tự giải thoát cho mình thì làm sao con thấu suốt lộ trình giải thoát để dẫn dắt cho người?

Con muốn sống một cuộc đời đạo đức – đạo đức thực sự.

Con muốn đem đến niềm an vui hạnh phúc cho muôn loài.

Con muốn nhân loại đối xử với nhau bằng tình người đừng tranh đấu sát hại lẫn nhau, đừng làm khổ nhau.

Con sẽ phá tan cõi Địa Ngục tại Ta Bà.

Con dám đánh đổi cả mạng sống của mình để đạt thành tâm nguyện đó. Nhưng đứng giữa muôn ngàn cái khó Thầy có thể từ bi trợ duyên giúp con không?

Con đề cao đạo đức, ca ngợi đạo đức và chỉ muốn mình là một con người sống có đạo đức.

Kính xin Thầy xót thương mà hóa độ cho con.

TP HCM, ngày 27/8/ 2005

Kính bút

N.C

SÓNG GIÓ CHƠN NHƯ

Sóng gió Chơn Như là một giai đoạn chuyển mình tiến lên để chấn chỉnh Phật giáo tốt hơn. Nhờ đó mới có nhiều phương án xây dựng chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo đến với mọi người.

Kính thưa quý Phật tử, quý Thầy, quý Sư đang tu tập tại tu viện Chơn Như hãy giữ gìn tâm bất động trước mọi biến cố để tu viện Chơn Như chuyển mình qua một giai đoạn mới. Hãy lo tu tập quét sạch tâm trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, để tâm lúc nào cũng thanh thản an lạc và vô sự. Còn mỗi việc lớn nhỏ đều có Thầy. Đừng vì một lý do gì mà quý Phật tử, quý Sư, quý Thầy bỏ cuộc tu hành quá uổng. Tu là xả tâm trước các ác pháp. Vậy mà khi gặp các ác pháp đến thì quý vị dao động tâm, muốn bỏ cuộc, như vậy quý vị tu hành như thế nào?

Mục đích tu tập theo Phật giáo là ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp trong tâm của mỗi người. Ngăn và diệt ác pháp là giúp cho thân tâm quý vị thanh thản, an lạc và vô sự, tức là hết khổ đau.

Người tu tập được như vậy có hai phương pháp mà quý vị cần phải nhớ kỹ:

1/ Bất động trước các ác pháp trong cuộc sống hằng ngày.

2/ Bất động từng tâm niệm trên thân, thọ, tâm, pháp của mình.

Ở đây Thầy xin giảng nói về: “Bất động trước các ác pháp trong cuộc sống hằng ngày”.

Như đã nói ở trên bất động trước các ác pháp trong cuộc sống hằng ngày thì phải dùng tri kiến giải thoát. Muốn có tri kiến giải thoát thì quý Sư, quý Thầy và quý Phật tử phải quán sát, tư duy từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm, luật nhân quả, thân ngũ uẩn, mười bảy kiết sử, ngũ triền cái, năm dục trưởng dưỡng, mười hai nhân duyên và quán xét thấu rõ thật sự các pháp vô thường, vô ngã, khổ và không có pháp nào còn tồn tại mãi trên thế gian này.

Nếu hằng ngày rèn luyện, tư duy, quán xét các pháp như vậy thì tri kiến giải thoát càng lớn mạnh. Tri kiến giải thoát này lớn mạnh thì không có một ác pháp nào làm dao động tâm quý vị được.

Như vậy, chánh tri kiến giải thoát của quý vị đã trở thành một bức tường thành kiên cố bảo vệ thân tâm của quý vị trong cuộc sống, biến tâm quý vị bất động im lặng như Thánh.

Do chỗ bất động tâm này mà đức Phật dạy có tám pháp duy nhất, chỉ cần tu một pháp cũng đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Thánh Định.

Do tư duy quán xét tu tâm từ mà ông Phú Lâu Na và em trai ông Cấp Cô Độc đã chứng quả A La Hán.

Vậy quý vị hãy lắng nghe đức Phật trắc nghiệm ông Phú Lâu Na tu tập từ tâm vô lượng và cuối cùng đức Phật phải chấp nhận Ông chứng quả A La Hán.

Một hôm ông Phú Lâu Na xin Phật đến một đất nước khác để hướng dẫn dạy người tu tập.

Đức Phật bảo: “Dân nước đó ác độc lắm, họ sẽ mắng chửi ông”.

Ông Phú Lâu Na đáp: “Dân nước đó mắng chửi con, nhưng họ còn thương con, vì họ chưa đánh con”.

Đức Phật bảo: “Họ đánh con”.

Ông Phú Lâu Na đáp: “Họ đánh con, nhưng họ còn thương con, vì họ chưa dùng dao, mác, vũ khí giết con”.

Đức Phật bảo: “Dân xứ đó sẽ dùng dao, mác, vũ khí giết con”.

Ông Phú Lâu Na đáp: “Dân xứ đó dùng vũ khí giết con, nhưng họ còn thương con, vì họ biết con còn mang thân này có nhiều tai nạn, bệnh tật, già yếu thường khổ đau”.

Đức Phật bảo: “Thôi đủ rồi! Ông cứ đi! Đi! Đi!”

Chỉ có quán xét tư duy làm cho tâm từ lớn mạnh thì quý vị sẽ được tâm bất động. Mặc dù quý vị đang sống trong các ác pháp bủa vây, nhưng có tri kiến giải thoát thì ở đâu, bất cứ chỗ nào cũng được giải thoát.

Như vậy đạo Phật tu hành đâu phải khó khăn, khó khăn là ở chỗ lòng yêu thương chân thật của quý vị chưa có? Chánh tri kiến giải thoát bắt nguồn từ lòng yêu thương chân thật của mình mà không một ác pháp nào xâm chiếm và làm động tâm quý vị được.

Đó là các bạn tu tâm xả bằng từ tâm vô lượng. Vậy từ đây các bạn hãy noi theo gươngông Phú Lâu Na mà tu tập lòng yêu thương. Chỉ có lòng yêu thương mà được giải thoát hoàn toàn;chỉ có lòng yêu thương mà các bạn chứng quả vô lậu A La Hán. Xin các bạn lưu ý cho trên đường tu tập.

Chỉ có lòng yêu thương mà sóng gió Chơn Như trở thành bất động, bất diệt của đạo Phật trong lòng của mọi người; chỉ có lòng yêu thương mà tất cả ác pháp đều được chuyển đổi thành ly nước mát dịu, đem lại sức sống cho mọi người; chỉ có lòng yêu thương mà chuyển hóa được nhân quả, chấm dứt sanh tử luân hồi; chỉ có lòng yêu thương mà đạo đức nhân bản - nhân quả mới thực hiện được trọn vẹn sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, đạo Phật được gọi là “ĐẠO TỪ BI”.

Tu viện Chơn Như ngày nay được chấn chỉnh với lòng yêu thương đối với mọi người thì tu viện mới hưng thịnh. Nếu nơi đây không có lòng yêu thương, chỉ có toàn sự tị hiềm, ganh ghét thì tu viện sẽ đi vào bóng đen âm u trong những đêm dài vô tận.

Trước hoàn cảnh như vậy, người tu sĩ Phật giáo không đầu hàng mà phải vượt qua nhân quả của chúng sanh, chuyển đổi nhân quả ác, tạo phước, gieo duyên lành để trở thành nơi tu hành tốt đẹp hơn. Cho nên, cần phải có nhiều tu viện Chơn Như hơn nữa để quét sạch những đám mây mù đang bao trùm lấy tu viện Chơn Như hiện nay. Phải không quý vị?

  Ngày 27 tháng 8 năm 2005

Kính ghi

Thầy của các con

THỌ HÀNH TỨ NIỆM XỨ

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Sau khi được đọc “bức Tâm thư” Thầy gửi cho các cụ, các bác. Mặc dù thư dạy người lớn tuổi, nhưng vô thường không phân biệt ai, nên con cố gắng thực hành theo lời Thầy dạy là: “luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự”.

Thưa Thầy trong việc tu tập Tứ Niệm Xứ suốt ngày, sao con thấy phần thọ và pháp thường tác động lên thân và tâm. Do đó con chỉ tập trung lên thân và tâm để quét hết những gì cần quét, để trở về tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Như vậy có được không thưa Thầy?

Đáp:Được! Con tu tập như vậy cũng giống như ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm ngồi quét tâm, đến khi nào quét hết chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và pháp là tu xong. Ông Châu Lợi Bàn Đặc khi quét xong ông bèn ra lệnh cho thân ông biến ra một ngàn ông Châu Lợi Bàn Đặc ngồi đầy rừng.

Còn chướng ngại trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp thì còn tu tập, nếu hết chướng ngại pháp là con đã tu xong. Muốn quét sạch các chướng ngại thì phải biết dùng pháp như lý tác ý và phải tập an trú cho được trên thân hành nội và thân hành ngoại. Tác ý phải đúng đối tượng của nó thì nó mới đi, còn tác ý không đúng đối tượng thì nó không đi.

Tu tập như vậy gọi là tu tập chánh niệm Tứ Niệm Xứ, con hãy lắng nghe Đức Phật dạy: “Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo chánh niệm? Ở đây này các Tỳ Kheo, Tỳ kheo trú quán thân trên thân nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ Kheo là Tỳ Kheo chánh niệm”.

Ở đây, chúng ta phải hiểu chữ “chánh niệm”. Chánh niệm trên Thân, thọ, tâm và pháp của chúng ta là niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn tà niệm trên thân, thọ, tâm và pháp như thế nào?

Tà niệm trên thân, thọ, tâm và pháp là chướng ngại pháp, là đau khổ, là buồn rầu, lo sợ, là giận hờn, thương ghét v.v..

Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta “Phải khắc phục tham ưu ở đời”. Vậy muốn khắc phục tham ưu ở đời chúng ta phải tu tập như thế nào?

Nếu thân chúng ta có những bệnh khổ đau thì chúng ta nên áp dụng pháp Thân Hành Niệm nội hay ngoại bằng phương pháp như lý tác ý. Đây pháp Thân Hành Niệm nội: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Nếu ai khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh theo hơi thở đi ra thì thân sẽ hết đau. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức giận một điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào “chữ thân hành bằng chữ tâm hành”.

Đây là Thân Hành Niệm nội, khi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v.. thì chúng ta áp dụng phương pháp như lý tác ý theo hơi thở ra, hơi thở vô như câu dưới đây: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”.

Còn đây là pháp Thân Hành Niệm ngoại để đối trị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v.. thì nên áp dụng pháp môn như lý tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Nếu ai khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh thì theo cánh tay đưa ra đưa vô ra thì thân sẽ hết bệnh. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức giận một điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào “chữ thân hành bằng chữ tâm hành”.

Trong lúc tu tập pháp môn chánh niệm Tứ Niệm Xứ thì chúng ta phải thiện xảo về câu tác ý cũng như về thân hành, có khi thì dùng thân hành nội, nhưng cũng có khi phải dùng thân hành ngoại. Tu tập như thế nào khắc phục những tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp mà không còn chướng ngại thì đó là tu đúng chánh pháp.

Ở đây chúng ta đừng hiểu chánh niệm theo kiểu kiến giải của học giả phát triển là dùng thân hành ức chế tâm, có nghĩa là chỉ biết duy nhất có thân hành nội hay ngoại mà không có một niệm nào khác xen vào, đó là chánh niệm sai.

THIỆN PHÁP

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Và cuối câu pháp hướng con đều có thêm ba chữ “Tăng trưởng thiện” để tóm tắt nhắc con “Tứ Chánh Cần”. Con cảm nhận rằng thiện pháp đúng là vũ khí sắc bén trợ lực cho tâm xả. Có đúng như vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng! Dùng câu tác ý thiện pháp vừa để chuyển ác pháp bên ngoài (nhân ác) vừa để chuyển ác pháp trong tâm (quả ác). Cho nên đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, có như lý tác ý lậu hoặc chưa sinh thì không sinh, đã sinh thì bị diệt mất”.

Nhớ lời dạy này của đức Phật ta nên áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, nếu ác pháp chưa sinh thì ta nên tác ý ly tham, sân, si. Còn ác pháp đã sinh thì ngay trên ác pháp mà tác ý thiện pháp như ông Phú Lâu Na xin Phật đi độ chúng sanh ở một nước khác. Đức Phật hỏi:

-       “Người dân ở nước đó, họ sẽ chửi mắng ông. Ông nghĩ thế nào?        

-       Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, chưa đến đổi lấy đá ném con.

-       Họ lấy đá ném ông. Ông nghĩ thế nào?

-       Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, chưa đến đổi lấy dao giết con

-       Họ lấy dao giết ông. Ông nghĩ thế nào?

-       Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, họ lấy dao giết là vì con còn mang cái thân nghiệp có nhiều khổ đau”.

Đấy các con thấy đức hạnh giải thoát của ông Phú Lâu Na chưa? Luôn luôn thấy thiện pháp, chứ không thấy ác pháp, luôn luôn thấy người tốt chứ không bao giờ thấy người xấu. Có đúng như vậy không các con? Vì vậy pháp của Phật bao giờ cũng là thiện pháp, thấy mọi người bao giờ cũng là thấy người tốt, là người thương mình, là người giúp mình v.v..

Đoạn kinh trên đây là để trả lời những ai đã hiểu lầm về Phật giáo Nguyên Thủy, cho Phật giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là cỗ xe nhỏ tự độ không có lợi tha. Đoạn kinh trên đây có ba nghĩa:

- Nghĩa thứ nhất người ta cho người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ tu cho mình, ích kỷ, cá nhân, nên gọi là Tiểu Thừa, không độ chúng sanh như Đại Thừa vừa tu vừa độ.

Theo đức Phật chủ trương người tu chứng đạo mới được giảng đạo, còn tu chưa chứng thì không được dạy đạo. Tạo sao vậy?

Tu chứng mới có kinh nghiệm dạy người, còn tu chưa chứng thì biết gì mà dạy người, giống như Đại Thừa tu chưa chứng mà dạy người cũng như người mù dẫn một đám người mù đi.

- Nghĩa thứ hai đoạn kinh trên đây là một phương pháp xả tâm, xả tâm bằng một phương pháp nhìn đời toàn thiện pháp, toàn sự tốt đẹp, thương yêu, chứ không nhìn đời bằng đôi mắt ác pháp, bằng sự xấu xa, tức giận, căm ghét, thù hận v.v..

- Nghĩa thứ ba bài pháp trên đây không những chỉ cho người tu chứng sống với tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự mà người tu chưa chứng vẫn phải lấy nó làm pháp xả tâm rất tuyệt vời. Cho nên các con hãy lấy nó làm vũ khí chống lại bất cứ một pháp ác nào tác động trên thân tâm.

Ở đây mọi người về tu viện tu tập, ai cũng biết Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, luôn luôn sinh thiện tăng trưởng thiện, thế mà mọi người ai cũng hiểu và cũng nói được, nhưng dưới mắt Thầy thì không ai làm được. Cho nên gặp cô Diệu Quang cho một trận tóa hỏa tam tinh thấy toàn là ác pháp, còn thiện pháp thì chạy mất. Vì thế 27 năm trôi qua biết bao nhiêu người về tu viện tu tập, nhưng chỉ một vài giây phút trắc nghiệm thì bao nhiêu công lao tu tập đều đổ sông, đổ biển.

Gương hạnh ông Phú Lâu Na còn đó, nó là một bài học đạo đức giải thoát tuyệt vời, nó dạy cho chúng ta cách thức đạo hạnh không làm khổ mình khổ người mà được cô Diệu Quang là một đối tượng trắc nghiệm. Tu Phật mà được có người trắc nghiệm tức là tu có đối tượng.

Có như vậy mới biết mình tu tập tới đâu; có như vậy mới biết mình tu tập có giải thoát hay không giải thoát; có như vậy mới biết mình tu đúng tu sai. Phải không các con?

Tại sao Thầy lại nhắc nhở các con tu tập như ông Phú Lâu Na nhiều lần?

Vì đạo Phật là ĐẠO TỪ BI, nhờ lòng từ bi mà các con chứng đạt chân lí tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; nhờ lòng từ bi mà các con mới sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai; nhờ lòng từ bi mà quả A La Hán trong lòng bàn tay của các con. Vì thế mà Thầy thường nhắc đến vị Thánh Tăng này nhiều lần, nhất là trong tập sách Đường Về Xứ Phật tập IV này.

MƯỜI NĂM TRONG THẤT KHÔNG BẰNG TU MỘT NĂM TRONG ĐỘNG

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi: Về Pháp môn Thân Hành Niệm, nghe lời Thầy và Út con tu tập rất ít chỉ một hai vòng. Nhưng khi tâm con được thanh thản trước mọi hoàn cảnh mọi đối tượng, con hết sức biết ơn Thầy và cô Út đã khéo léo rèn luyện cho chúng con. Con hằng mong sao 100% thiền sinh của tu viện Chơn Như đều ý thức cao ở“giai đọan ly dục ly ác pháp” mà tự giác xin cô Út dạy cho cách thực hành, thì may ra mới có điểm tựa, mới có nền móng tiến xa hơn, nhập vào Tứ Thánh Định. Con có cái suy nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con còn nhớ năm nào Thầy dạy: Mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động.

Đáp:Đúng vậy, mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động. Tu trong động có hai phần rất rõ nét:

1-        Ức chế tâm chịu đựng

2-        Xả tâm ly tham ly ác pháp

¨Ức chế tâm chịu đựng có nghĩa là khi gặp những chuyện bất toại nguyện, bị người khác vu oan, nóixấu hoặc bị chửimắng, mạ lị, mạt sát v.v.. tâm sinh ra tức giận, nhưng không dám nói thẳng ra, cứ ấm ức trong lòng, tâm hồn buồn bã, khóc than, khi gặp ai nói theo thì đem dòng tâm sự nói ra cho người khác nghe để vơi bớt nỗi khổ trong lòng. Khi dòng tâm sự tuôn trào thì thường nói những lời phê phán và kết án người khác ác độc, làm sai không đúng, có khi lại nói xấu kẻ khác để hả cơn giận, để trả đũa lại. Điều này tất cả mọi người tâm còn phàm phu thì không tránh khỏi những điều ác pháp này. Vì thế đức Phật dạy:

Không nên nhìn lỗi người

Người làm hay không làm

Nên tự nhìn thân ta

Có làm hay không làm”

(Kinh Pháp Cú)

Lời khuyên ấy rất tuyệt vời, nhưng người đời có mấy ai biết lời khuyên dạy quý báu này, nếu biết áp dụng vào đời sống hằng ngày thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự, thật là hạnh phúc biết bao.

Trong đời tu hành của chúng ta tại tu viện, có được một người như cô Diệu Quang cũng rất hiếm. Cô dùng tất cả những ngôn ngữ để tận tình giúp đỡ chúng ta tu tập mau giải thoát, còn nếu tu tập không buông xả thì chỉ còn có nước là rút lui êm ái, nhưng lúc nào tâm cũng tức giận oán ghét cô Út không nguôi.

¨Xả tâm ly tham, ly ác pháp có nghĩa là sống và tu tập như ông Phú Lâu Na, luôn luôn thấy mọi người đều tốt, đều thương mình. Vì nghĩ mọi người khác đều tốt, đều thương yêu mình nên tâm mình không có đau khổ, không có phiền não, luôn luôn tâm thanh thản an lạc và vô sự. Do tâm thanh thản, an lạc và vô sự nên tâm không tức giận, phiền não. Không tức giận phiền não nên không nói xấu người. Vì thế, mới gọi là xả tâm, ly dục ly ác pháp, mới gọi là sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.

NIỆM PHẬT KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP MÔN XẢ TÂM

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Con nghe những người tu Tịnh Độ nói: Niệm Phật cũng là phương pháp xả tâm”. Có phải như vậy không thưa Thầy? Những người tu Tịnh Độ dẫn chứng rằng: Khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận buồn lo sẽ biến mất. Những người tu Tịnh Độ còn cho biết: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãi” đến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt.

Đáp:Niệm Phật là một phương pháp ức chế tâm, chứ không phải niệm Phật là phương pháp xả tâm, nhưng mọi người đã hiểu lầm ức chế và xả tâm. Chính ngay những vị Thầy dạy về pháp môn Tịnh Độ họ cũng chẳng biết pháp môn đó là pháp môn ức chế tâm huống là những tín đồ. Vậy ức chế tâm như thế nào? Và xả tâm như thế nào?

¨Ức chế tâm có nghĩa là nén tâm, chịu đựng, ép buộc hay bắt buộc làm cho tâm không khởi niệm (vọng tưởng) v.v..

Pháp ức chế tâm gồm có: Niệm Phật A Di Đà, niệm thần chú, biết vọng liền buông, chẳng niệm thiện niệm ác, chăn trâu, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục Diệu Pháp Môn, Thiền Minh Sát Tuệ, tham thoại đầu, tham công án v.v.. Tất cả những pháp tu trên đây đều là những pháp ức chế tâm. Người tu Tịnh Độ hiểu lầm nên cho ví dụ: Khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận buồn lo sẽ biến mất. Đó làcách thức ức chế tâm bằng câu niệm Phậtmà ngườitu Tịnh Độ không biết cho rằng xả tâm. Tu theoTịnh Độ dùtu một ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ hết tham, sân, si, chỉ vì ức chế tâm.

¨Xả tâm có nghĩa là trước khi xả một niệm nào trong tâm phải có sự tư duy suy nghĩ cho thấu đáo nghĩa lý của niệm đó và còn phải biết áp dụng đức hạnh của giới luật vào niệm đó để chuyển hóa niệm. Sự chuyển hóa niệm gọi là xả tâm, cho nên Đức Phật bảo:“Tri kiến ở đâu thì đức hạnh giới luật ở đó, đức hạnh giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh đức hạnh giới luật”. Lời dạy trên đây là cách thức xả tâm rất tuyệt vời của kinh sách Nguyên Thủy, còn toàn bộ kinh sách phát triển đều dạy ức chế tâm, nên chẳng cần tư duy theo niệm, chỉ cố ức chế tâm vượt qua những lúc tâm giận hờn phiền não mà thôi. Khi ức chế tâm thấy tâm sân không còn tưởng là xả tâm vì vậy tâm sân không bao giờ hết.

Nếu bảo rằng niệm Phật xả tâm phiền não được, thì niệm Phật cũng xả được các cảm thọ, như khi bị bệnh đau nhức nơi thân thì niệm Phật phải hết đau. Hết đau sao người niệm Phật lại đi bác sĩ nằm nhà thương nhiều như vậy?

Các cảm thọ nơi thân là do bị bệnh đau nhức, đó là niệm thọ khổ của thân. Vậy niệm Phật có xả niệm thọ khổ của thân có không? Hay lại phải đi bác sĩ, vào bệnh viện như trên đã nói.

Trong thân chúng ta có bốn chỗ để xả: 1- Thân; 2- Thọ; 3- Tâm; 4- Pháp. Nếu niệm Phật xả tâm được thì xả thân được; xả thân được thì xả thọ được; xả thọ được thì xả pháp được. Như vậy các bạn có làm được chưa? Nếu chưa làm được như vậy thì các bạn chỉ ức chế tâm mà thôi.

Trên đời ai nói gì cũng được nhưng làm cho được thì không phải dễ, nhất là hiểu sai chữ nghĩa thì làm sao tu hành đúng được. Phải không các bạn?

Từ xưa đến nay người ta đã hiểu sai Phật pháp nên chẳng có ai tu chứng làm chủ bốn sự đau khổ. Đến giờ này các Phật tử cũng còn hiểu sai là do các Thầy Tổ khéo léo bưng bít che đậy, hướng dẫn một cách sai lầm.

Người ta không biết pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn ảo tưởngnên bị các thầy lừa đảo như câu nói này: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãiđến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra”thì sẽ được tâm rỗng rang sángsuốt”.Theo lời dạy này thật là mơ hồ trừu tượng thiếu thực tế, không khoa học.

Tôi xin hỏi các bạn, các bạn cứ thành thật trả lời. Vậy “vỡ ra” là vỡ ra cái gì? Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì?

Những danh từvỡ ra”“tâm rỗng rang sáng suốt”là những danh từ  của Thiền Tông mà Tịnh Độ Tông đã chịu ảnh hưởng rồi vay mượn, chứ Tịnh Độ Tông có biết vỡ ra là vỡ ra cái gì không? Như trên đã nói. Còn tâm rỗng rang là tâm như thế nào? Trong khi pháp môn TịnhĐộ dạy:“Thất nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Vậy thì làm sao mà rỗng rang được, thật là phi lý, bắt chước mà không hiểu nghĩa cũng giống như người mù rờ voi, cũng giống như người ăn bánh mà không biết mùi vị.

Tu hành với mục đích là phải làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết, chứ tu hành đâu phải mục đích để tâm rỗng rang sáng suốt. Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì?

Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn ảo tưởng nên tu hành không làm chủsanh, già, bệnh, chết, nên các Tổ Tịnh Độ chỉ còn biết cầu nguyện:

“Cầu cho tôi chết biết ngày,

Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh

Cầu cho bệnh khổ khỏi mình.

Y như thiền định họ Bàng thuở xưa”

Đây, các bạn có thấy những câu sám trên đây là một sự cầu nguyện và hy vọng, chứ không đủ niềm tin vào pháp niệm Phật của mình.Vậy mà bảo:“niệm mãi, niệm mãi nó sẽ“vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt”.Đó làbắt chước Thiền Tông nói một cách mơ hồ không thực tế. Ngược lại pháp môn Tứ Niệm Xứ của Phật giáo Nguyên Thủy rất thực tế đẩy lui các sự khổ đau trên bốn chỗ: Thân, thọ, tâm, pháp: “Này các Tỳ Kheo, ở đây này các Tỳ Kheo, Tỳ kheo trú quán thân trên thân nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời;trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời.Như vậy, này các Tỳ Kheo là Tỳ Kheo chánh niệm”.

Đoạn kinh trên đây chứng tỏ đạo Phật có những phương pháp để khắc phục những sự khổ đau của đời người, chứ không phải cầu nguyện.

So sánh giữa hai pháp môn Tịnh Độ và Tứ Niệm Xứ chúng ta thấy pháp môn niệm Phật của kinh sách phát triển giống như một người mù dẫn một số người mù đi thật là nguy hiểm, tốn công sức, tốn của cải tài sản một cách vô ích. Chỉ sống trong ảo tưởng, mộng mơ, làm gì có sự làmchủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Tóm lại pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tưởng, pháp môn dạy mê tín, pháp môn lừa đảo.

TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính bạch Thầy! “Tứ Bất Hoại Tịnh” là gì? Ngưỡng mong Thầy dạy lại cho chúng con được thấu suốt hơn.

Đáp:Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn tu tập làm cho thân tâm không hư hoại sự thanh tịnh. Tứ Bất Hoại Tịnh chính là pháp môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới của Phật giáo Nguyên Thủy, nó không giống pháp môn niệmPhật của Phật giáo phát triển (Tịnh Độ Tông) chuyên niệm hồng danh Phật suông.

Kính thưa các bạn! Theo như kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy:

1/        Niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật (Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).

2/        Niệm Pháp là sống đúng như pháp, tu tập đúng như pháp, chứ không phải tụng kinh.

3/        Niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau, chứ không phải trai tăng cúng dàng lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu.

4/        Niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm một giới luật nào và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới.

Bởi không tu hành nên trên chữ nghĩa các nhà học giả kiến giải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì giải thích niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu: “Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca MâuNi hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư Phật, Thế Tôn”.Hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm như vậy là niệm theo kiểu Phật giáo phát triển, niệm ức chế tâm không có nghĩa lý gì cả, không có sự giải thoát gì cả. Ở đây Đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Bài pháp Tứ Bất Họai Tịnh này được tu học và rèn luyện trên lớp Chánh Kiến. Do tu học trên lớp Chánh Kiến, nên phải dùng nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn mà tu tập.

Có hiểu biết và tu tập như vậy thì mới có giải thoát thật sự, còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dường trai Tăng, đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào. Người ta đã lầm, niệm như vậy là để nhất tâm bất loạn tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ, đó là hiểu theo kiến giải lầm lạc của Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền).Còn hiểu theo nghĩa Thiền Tông thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền là thiền định, là Phật tánh, nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết các bạn ạ! Chỗ nhất tâm bất loạn của các bạn sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Các bạn tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này. Nếu tu tập đến đây các bạn coi chừng ức chế tâm quá độ thì sẽ bị rối loạn thần kinh trở thành nguy hiểm tánh mạng của các bạn. Sự tu sai lạc này, các bạn trở thành những bệnh thần kinh, người điên khùng, người mất trí v.v..khi cười, khi khóc hay làm ra vẻ sống kỳ lạ không giống ai hết.

Đến đây các bạn đã hiểu sơ sơ về bài học của lớp Chánh kiến “TỨ BẤT HOẠI TỊNH”.Sau này có dịp các bạn sẽ gặp lại chúng tôi trên những giáo trình tu học của lớp này thì còn thú vị hơn nhiều.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn dồi dào sức khoe tu tập xả tâm tốt.

TU LÀ SỬA, CHỨ KHÔNG PHẢI TỤNG KINH, NIỆM CHÚ, NIỆM PHẬT, CÚNG BÁI, NGỒI THIỀN

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Những Lời Phật Dạy được Thầy triển khai minh bạch, logic và khoa học làm sao gửi đến giáo hội cấp cao để cùng nghiên cứu lại, cùng nhìn nhận sự thật để kịp thời chấn chỉnh lại Phật giáo. Con hằng mong ước: Ngày Đại hội Phật giáo sẽ là ngày thanh lọc lại những gì đạo Phật nên duy trì và những vì cần loại bỏ (mê tín) thì may ra mới còn giữ đúng nghĩa chữ “tu”. Vì tu là sửa. Mà giáo pháp không sửa đúng,cứ cố chấp bảo thủ mãi những giáo pháp không đúng của Phật giáo, thì làm sao thực hành theo giáo pháp ấy mà thành tựu đạo quả.

Đáp:Phải tùy duyên con ạ! Phước chúng sanh chưa đủ, dù chúng ta có muốn cũng không làm được.

Không phải thời mạt pháp, mà chỉ vì con người sống trong ác pháp, phóng xuất vô lượng từ trường ác trong bầu khí quyển, làm cho môi trường sống xấu đi, từ đó chánh pháp của Phật bị chôn vùi dưới lớp bụi mù kiến giải của những nhà học giả và của ngoại đạo.

Một Phật giáo truyền thừa đã sai lệnh từ mấy ngàn năm qua, đã ăn sâu vào tâm tư của mọi người, một truyền thống văn hoá mê tín lạc hậu của Tịnh Độ Tông, của Mật Tông, một trạng thái ảo tưởng mơ hồ lầm lạc của Thiền Tông. Muốn gội rửa những tư tưởng này không thể một thời gian ngắn mà được, phải có thời gian con ạ! Vậy chúng ta phải kiên gan bền chí lần lượt từng giờ, từng phút, từng giây để chấn chỉnh lại những kinh sách, những giới luật, những đạo đức làm Người, làm Thánh của Phật giáo. Và còn mạnh dạn thẳng thắn chỉ rõ những chỗ sai lầm, những kiến giải không đúng, những giáo pháp của ngoại đạo đang trộn lẫn vào chánh pháp của Phật, khiến cho tín đồ Phật giáo không biết pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào là của ngoại đạo. Ngơ ngác trước một rừng pháp môn của kinh sách phát triển.

Trên đường chấn chỉnh lại Phật giáo là một sự cam go và đầy gian nan thử thách. Nhưng con người có ý chí thì dời núi và lấp biển cũng không phải là khó khăn. Khó là vì chúng ta không đoàn kết, chỉ biết sống cho cá nhân của mình, chỉ vì danh lợi hão của riêng mình, chỉ vì tham mê tiền tài vật chất vô thường, muốn cho mình có nhiều, không thấy sự ích lợi chung cho mọi người, không thấy nền văn hoá tôn giáo mê tín lạc hậu đã làm suy yếu đạo đức nhân bản của loài người.

Phải chờ đợi con ạ! Chúng ta mọi người đều ý thức được sự đời là một cuộc sống vô thường, một cuộc sống không có ý nghĩa gì cả, sự an vui đâu là bao, toàn là sự khổ đau nhiều. Phải không con?

“Các pháp thế gian

Là pháp vô thường

Các pháp vô thường

Là pháp khổ đau”

Do ý thức được điều này nên mỗi người trong chúng ta phải nỗ lực tu tập xả tâm cho thật rốt ráo, nhờ có xả tâm rốt ráo chúng ta mới sống đúng đời sống đạo đức không làm khổ mình khổ người. Đó là chúng ta đã chấn chỉnh lại Phật giáo con ạ! Chúng ta đã làm cho Phật giáo sống bằng thân giáo của chúng ta, bằng đạo đức nhân bản – nhân quả, bằng một tâm hồn thanh thản, an vui trước các ác pháp và các cảm thọ.

Đừng mong đợi vào ai và cũng đừng mong đợi vào tập thể nào cả mà hãy mong đợi nơi chính mình. Mong đợi nơi chính mình thì phải cố gắng xả tâm, làm một điều thiện là con đã chấn chỉnh lại Phật giáo rồi đấy con ạ!

CHẤN CHỈNH PHẬT GIÁO

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi: Con kính bạch thầy! Sao trong thực tế: tu là sửa. Mà người đi tu là cả một sự nghiệp chuyển biến của tư tưởng từ nhận thức đến sự quyết tâm. Thế mà khi đã đi tu rồi còn có đòi hỏi cả một nghị lực và sự bền chí, gan dạ mới thắng được từng tâm niệm tham, sân, si của mình. Có người tự bỏ cuộc, có người lại chết khi chưa toại nguyện. Và rồi người chứng đạo lại càng hiếm có hơn. Đó là con muốn nói cả một đời tu với bao tâm huyết. Thế nhưng đại đa số người cứ tin vào sự cầu siêu cho hương linh được về Cực Lạc thì đều này con thấy lạ quá. Làm sao giúp mọi người tín đồ hiểu được điều này thưa Thầy? Vì khi còn sống khuyên đừng sát sanh - không làm được. Khuyên đừng uống rượu - không nghe. Khuyên sống hòa thuận - không làm. Khuyên xem sách đạo đức - lại làm ngơ. Thế mà cứ chết là cầu siêu? Làm sao siêu được!

Kính bạch Thầy! Hay là trong Giáo Hội hay pháp môn Tịnh Độ có cái nhìn, cái lý luận đúng như thế nào mà con không được biết. Thậm chí các Thầy tụng kinh niệm Phật cũng ăn thịt chúng sanh, cũng uống rượu thì còn độ ai vào cõi siêu nào nữa!

Con thật không biết đến bao giờ mới có được những ngày huy hoàng là Mặt Trận Tổ Quốc cấp cao (cơ quan nối liền các ngành), Giáo Hội Phật Giáo cấp cao (cơ quan đại diện cho tiếng nói đúng đắn của Phật giáo). Cùng vì tương lai của thế hệ mai sau, mà cùng bàn bạc với Thầy về việc xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả trong toàn dân. Từ ấy mới bắt đầu dựng lại cuộc sống quốc thái dân an, ngày ấy toàn dân được học và hành đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Ngày ấy không còn cảnh bận rộn cầu siêu, cầu khẩn xin điểm lên lớp vậy v.v..

Nếu bản thân mọi người lo học tập và hành đạo đức thì ngày ấy giảm đi số người liều mạng phạm pháp và ngày ấy ngành công an được nâng cao tâm trí được rèn luyện chuyên môn để cùng nhẹ nhàng hỗ trợ nền đạo đức, hỗ trợ cuộc sống toàn dân cao hơn nữa để quân bình sự tiến bộ của khoa học và đạo đức.

Thầy ơi! Sao con thấy điều này quá cần thiết và cấp bách nhưng biết bao giờ mới được thực hiện? Hay là nói như bao người là thời mạt pháp phải chịu nền đạo đức tồi tệ như thế để loài người đi đến diệt vong?

Lâu lắm rồi con mới viết thư trình Thầy. Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con.

Đáp: Đúng vậy, tu theo đạo Phật là cả một đời tu với bao tâm huyết mới diệt được lòng tham, sân, si, cho nên nhiều người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, kiên cường bền chí nên bỏ cuộc tu hành. Vì thế, Phật giáo phát triển biết rõ tâm lý của những người này nên sinh ra pháp môn Tịnh Độ để lôi họ vào mê hồn trận ảo tưởng của thế giới siêu hình tưởng tri. Những người không ý chí, không nghị lực, không gan dạ, không kiên cường, không bền chí, lười biếng thì thích tu theo pháp môn này. Do đó Phật giáo trở thành Thần giáo mê tín lạc hậu làm mất chánh pháp của Phật.

Trước cái sai của Phật giáo quá nhiều, ai đã từng đọc sách đạo đức nhân bản làm người đều có sự mong ước như con, nhưng làm sao được hỡi con!

Tôn giáo là lãnh đạo tinh thần của mọi người, là truyền thống văn hoá đạo đức cho con người, thế mà tôn giáo lại dạy người mê tín, phi mất đạo đức nhân bản - nhân quả như kinh sách phát triển thì chúng ta hết ý kiến. Pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn phi đạo đức. Tại sao pháp môn Tịnh Độ lại là pháp môn phi đạo đức?

Con hãy lắng nghe lời Đức Phật A Di Đà dạy:

“Thiện nam tín nữ các người

Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra

Ta không rước ở nước Ta

Thệ không làm Phật chắc đà không sai”

Trên đây là một lời nguyện trong bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật Di Đà, khi Ngài phát tâm độ chúng sanh như vậy có thật đúng như vậy không? Không đúng các con ạ! Một trăm lần không đúng. Tâm tham, sân, si một một bụng mà chỉ niệm có mười câu Phật mà được rước về cõi Cực Lạc Tây Phương thì sự việc đó không bao giờ có, thì lời nguyện của đức Phật Di Đà là lời lường gạt người là lời nói láo không thật.

Chỉ niệm 10 tiếng A Di Đà Phật là được Ngài rước về nước Cực Lạc mà không có một điều kiện gì cả. Lời dạy này có đúng không? Nếu có một người gian ác cướp của,giết người, hiếp dâm, phạm vào tội tử hình, lúc bây giờ người này chỉ cần niệm Phật A Di Đà thì đức Phật liền rước người này về cõi Cực Lạc. Ý nghĩ về cõi Cực Lạc này thì con nghĩ sao? Nếu đức Phật A Di Đà mà rước người ác này về nước của mình như vậy, thì đất nước này sẽ là một đất nước trộm cướp. Một người còn tham, sân, si mà tụng kinh Di Đà sẽ được siêu sanh Tịnh Độ, thật là lừa đảo vô đạo đức! Làm sao niệm Phật mà hết tham, sân, si được. Cho nên pháp môn Tịnh Độ là pháp môn phi đạo đức lừa đảo người khác.

Khi nào những pháp môn mê tín này được quét sạch ra khỏi Phật giáo thì nền đạo đức nhân bản – nhân quả mới được phổ biến rộng khắp nơi. Nhưng tất cả đều do phước duyên của chúng sanh con ạ! Chúng ta hãy chờ đợi và trong khi chờ đợi thì chúng ta hãy sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì đó là đem nền đạo đức nhân bản – nhân quả vào đời.

LOÀI THỰC VẬT CÓ CẢM NHẬN SỰ ĐAU KHỔ KHÔNG?

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con là người mới bước vào tìm hiểu và tu theo Phật giáo, con có một thắc mắc nhỏ, xin mạo muội được đưa ra và kính mong Thầy giải đáp giùm!

Với đôi mắt bình thường (nhục nhãn) của con. Con chỉ thấy các con vật (động vật) kêu đau khổ, vì vậy con rất thương hại chúng; con muốn hỏi Thầy: Những loài thực vật như cây đậu phộng, cây mè, cây đậu nành, các loài rau và cây ăn quả. Khi chúng ta nhổ chúng để ăn thì chúng có biết đau đớn không ạ?

Thắc mắc của con là như thế đấy. Chúng con nhìn vạn vật với đôi mắt bình thường thì không thấy các loại cây đau đớn khi bị nhổ lên làm thực phẩm. Nhưng với trí Tuệ Tam Minh và thiên nhãn của Thầy thì Thầy có cảm nhận được nỗi đau của thực vật không? (Cây lương thực, cây ăn quả, rau…).

Thắc mắc trên của con có vẻ rất đơn giản và buồn cười, nhưng con thực sự kính mong Thầy giải thích giùm để con thông suốt!

Con kính chúc Thầy sức khỏe an lạc!

Kính thư

Đáp:Câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người muốn thưa hỏi, nhưng e ngại không dám hỏi và không biết ai để hỏi.

Con hãy lắng nghe, Thầy sẽ giảng nói cho con hiểu: Nếu Thầy dùng Tam Minh giảng nói cho con nghe loài thực vật có cảm giác đau đớn thì con không đủ lòng tin nơi Thầy. Tại sao vậy? Vì các con không có Tam Minh. Cho nên, Thầy dùng ý thức giải thích để các con dễ hiểu.

Hành tinh chúng ta đang nương tựa sống là hành tinh sống mà ai cũng biết. Vì thế mọi vật trên hành tinh này đều có sự sống như nhau. Từ loài thực vật rong rêu, cỏ cây đến loài động vật nhỏ nhất như: vi khuẩn, côn trùng; lớn nhất như loài chim đại bàng, kình ngư đều có sự sống.

Mọi vật đều có sự sống thì phải có sự cảm nhận. Loài động vật thì ai cũng biết chúng có sự cảm nhận rõ ràng như nhau. Còn loài thực vật chúng có cảm nhận không?

Câu hỏi của con trên đây là muốn biết loài thực vật có cảm nhận đau đớn hay không?

Có con ạ! Tại sao chúng ta biết như vậy?

Có nhiều trường hợp chúng ta quan sát sẽ thấy những loài thực vật có cảm nhận như: tất cả cây thảo mộc, nhất là cây trinh nữ (mắc cỡ). Để chứng minh điều này, khi chúng ta đụng vào cây trinh nữ thì cây liền co cành lá xuống. Còn tất cả các loài cây thảo mộc khác khi bị che khuất áng sáng thì chúng đều nghiêng mình theo hướng có ánh sáng hoặc chúng ta đổ một đống phân, một thời gian sau chúng ta đều thấy những rễ cây hướng về đống phân.

Như vậy, tất cả loài thảo mộc đều có sự cảm nhận, có sự cảm nhận là có sự đau đớn, nhưng chúng ta không phát hiện ra được âm thanh của những loài thảo mộc kêu khóc, thở than như loài động vật. Nhưng chúng có những hiện tượng héo úa, tàn tạ, nơi cành lá, chứng tỏ chúng cũng sầu khổ trước cảnh chia ly cùng mọi vật vào cõi vĩnh hằng. Con có nhìn thấy không con?

Khi nhận ra được những điều này. Đứng trước sự sống và sự đau khổ của mọi loài và lòng thương yêu sự sống của muôn vật thì chúng ta phải làm sao hỡi con?

Chúng ta biết sống, biết đau khổ, biết thương yêu sự sống, biết khóc thương sự đau khổ của mình, của người, của muôn loài vật sống khác nhau. Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nuôi sống thân mình bằng những sự đau khổ, sự sống của muôn loài vật khác? Sao chúng ta lại nỡ nhẫn tâm nhai nuốt được những sự đau khổ, những sự sống của muôn loài vật khác? Lòng yêu thương có cho phép chúng ta sống như vậy trên sự sống và sự đau khổ của muôn loài không hỡi con?

Phải chấm dứt sự tái sinh luân hồi con ạ! Phải thoát ra khỏi kiếp làm người, làm chúng sanh con ạ!

Muốn được vậy thì chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường Bát Chánh Đạo của Phật giáo. Con đường ấy sẽ giúp chúng ta thoát kiếp làm người, làm chúng sanh và sống trọn vẹn trong lòng yêu thương của một con người thật là người muôn thuở. Phải không con?

Xét cho tận cùng sự sống trên hành tinh này là một sự khổ đau. Loài này ăn thịt loài kia để sống, loài kia ăn thịt loài này để sống thì thật là đau lòng. Phải không con?

Chính chúng ta là những người ăn thực phẩm thực vật để sống, khi biết cây cỏ thảo mộc có cảm nhận sự đau khổ thì chúng ta chỉ còn quyết tu tập cho ra khỏi nhà sinh tử, chấm dứt luân hồi, chứ không còn tha thiết sống trong sự phải ăn với nhau để sống. Sống trong sự đau khổ của nhau.

Xét cho tận cùng, mọi sự sống trên thế gian này là một sự đau khổ tận cùng của sự đau khổ, chúng ta hãy vượt ra những sự đau khổ này các con ạ! Như đức Phật đã dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Nhưng vượt qua bằng cách nào? Bằng chân lí thứ ba “Diệt Đế”tức là Tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Phải cố gắng lên các con ạ! Đời có gì vui toàn là sự khổ đau, chúng ta đang sống thì có bao nhiêu loài thực vật, động vật đau khổ và chết. Phải không hỡi con?

“Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”, lời dạy này không sai conạ! Chúng ta làm sao đây hỡi con? Hãy bắt chước Phật. Người đã vượt qua, Thầy đã vượt qua, bây giờ các con hãy vượt qua. Cố gắng lên các con ạ! Có Thầy, có Phật giúp đỡ chắc chắn các con cũng sẽ vượt qua đến bờ bên kia. Chúc các con thành công.

THƯ NGỎ

Kính bạch quý vị Tôn Túc, quý vị Đại Lão Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni cùng quý vị nam nữ cư sĩ Phật tử bốn phương!

Kính thưa quý vị! Tập IV Văn Hóa Phật Giáo Đường Về Xứ Phật là một tập sách mạnh dạn nói thẳng những sự mê tín, ảo tưởng, hư tưởng lạc hậu trong kinh sách phát triển đã truyền thừa trong dân gian trở thành một phong tục hủ lậu rất khó bỏ, để quý vị biết rằng: Đó là một loại văn hóa hư ảo Thần, Thánh, ma quỷ, linh hồn người chết v.v.. để xây dựng một thế giới siêu hình, làm hư hoại tư tưởng bao thế hệ của loài người, khiến cho họ không còn có cái nhìn, cái hiểu biết chánh tri kiến, làm lệch lạc sự hiểu biết chân thật của loài người từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

Nhưng may mắn thay trên hành tinh sống này còn có một con người không chấp nhận những tư tưởng triết học hư ảo ấy, nên Ngài quyết tâm tìm cho ra sự thật và cuối cùng Ngài đã thấy được sự thật ấy. Đó là bốn chân lí, nó đã ra đời và xác định một sự thật của con người. Một sự thật, đó là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người mà không có những hệ tư tưởng triết học, thần học, giáo điều tôn giáo học, đạo đức học nào có được. Bởi vì những hệ tư tưởng triết học, thần học, giáo điều tôn giáo học, đạo đức học đều phi đạo đức nhân bản – nhân quả.

Dựa vào bốn chân lí này Ngài đã đưa ra dạy cho loài người, để quyết tâm quét sạch những tư tưởng mê tín lạc hậu; những tư tưởng mơ mộng, ảo huyền hư cấu hủ lậu v.v.. để dựng lên một nền đạo đức nhân bản – nhân quả cho mọi người sống không làm khổ mình, khổ người. Cứu thoát loài người ra khỏi sự đau khổ, tạo cuộc sống thế gian thành Thiên Đàng Cực Lạc bằng sức tự lực của mọi người.

Ngài đập phá tất cả những tư tưởng sai lầm của kinh sách Vệ Đà mà mọi người cho là Thánh giáo, Thánh kinh, là Văn Minh của nước Ấn Độ, của nhân loại. Một tư tưởng sai lệch, lạc hậu, mê tín đã giết chết bao thế hệ con người sau này, không những ở đất nước Ấn Độ, mà còn biết bao nhiêu đất nước khác nữa trên trái đất này. Cho nên kinh sách là những món ăn tinh thần, nó rất quan trọng. Kinh sách phi đạo đức là món ăn sai lầm, là món ăn độc, khi đã ăn vào thì rất khó nôn ra lắm các bạn ạ! Biết kinh sách sai lầm, nó sẽ làm hư hoại biết bao nhiều tư tưởng thế hệ con người.

Xin các vị lãnh đạo đất nước, các vị lãnh đạo các tôn giáo và nhất là các vị lãnh đạo Phật giáo đừng vì chùa to, Phật lớn, đừng vì danh lợi hão huyền mà quên đi trách nhiệm bổn phận làm lợi ích cho loài người, cho tín đồ, nên quý vị cần phải quan tâm những loại kinh sách có hệ tư tưởng phi đạo đức, mê tín, ảo tưởng, thần quyền, thần thông tưởng, xuất hồn, nhập cốt, bói toán, chiêm tinh v.v.. đốt sạch, dẹp sạch để cứu dân ra khỏi những hủ tục tai hại. Đó là những loại kinh sách gieo rắc tư tưởng u mê, tha lực, làm mất tự lực của mọi người.

Tóm lại tập sách này, chúng tôi kính gửi đến mọi người trên hành tinh này với một tinh thần xây dựng đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người cho đúng nghĩa của nó.

Cuối cùng nếu có điều chi trong tập sách này viết không đúng sự thật thì xin quý vị chỉ giáo góp ý, chúng tôi thành tâm biết ơn.

----&----

HẾT TẬP IV

MỤC LỤC TẬP IV

MỤC LỤC

 


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I (2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP IV”

- Phật tử Hà Nội

-  Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

-  Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

-  Phật tử Bắc Ninh

-  Phật tử Quảng Ninh

-  Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

-  Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

-  Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

-  Phật tử Phú Yên

-  Phật tử Đà Nẵng

-  Phật tử Huế Thừa Thiên

-  Phật tử Ninh Thuận

-  Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

-  Phật tử Bình Phước

-  Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

-  Phật tử TP Hồ Chí Minh

-  Phật tử Đồng Nai

-  Phật tử Cần Thơ

-  Phật tử Đồng Tháp

-  Phật tử Châu Đốc, An Giang

-  Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

-  Phật tử Long An

-  Phật tử Tây Ninh

-  Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

-  Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

-  Phật tử Kiên Giang

-  Phật tử Cà Mau, Nam Căn

-  Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

-  Phật tử Phước Hải, Long Đất

-  Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

-  Phật tử Củ Chi, Gia Định

-  Phật tử Bình Dương

-  Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

-  Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

-  Phật tử Cẩm Giang

-  Phật tử Phước Hiệp

-  Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

-  Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP IV

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY C PHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2011

Đường Về Xứ Phật (tập 5)

TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH

“Tiếng chuông cảnh tỉnh răn trần thế

Giọng mõ từ bi nhắc mọi người

Phật pháp hiện giờ mê tín quá

Ai ơi! Nên hiểu chớ lầm mê”

LỜI NÓI ĐẦU

Từ nay về sau trong phần vấn đạo, để trả lời mỗi câu hỏi, chúng tôi sẽ giải đáp, thành một bài pháp, chỉ thẳng những pháp nào của đạo Phật và những pháp nào không phải của đạo Phật, bằng cách chứng minh cụ thể, xác thực qua những bài kinh Nguyên Thủy của đức Phật, để quý vị tránh khỏi bị tà giáo ngoại đạo lấy pháp của mình mạo danh là giáo pháp của Phật giáo.

Ngoài đời, trên thương trường có biết bao nhiêu mặt hàng giả mạo bằng những bao bì, nhãn hiệu, nhưng bên trong toàn là đồ “dỏm”. Trong Phật giáo cũng thế, chắc chắn phải có pháp môn giả. Tại sao chúng tôi biết như vậy?

 Vì trải qua nhiều thời gian năm tháng, trước kia chúng tôi chỉ nghe các bậc tôn túc thuật lại sự tu chứng đắc của các Tổ mà không trực tiếp thấy, còn hiện giờ chúng tôi đã thấy biết rất rõ ràng với thời gian hơn thế kỷ nay (100 năm). Thầy Tổ của chúng tôi từ người nầy đến người khác qua đời (viên tịch), không để lại cho chúng tôi một niềm tin sâu với Phật pháp. Khi còn sống các Ngài thuyết pháp rất hay, nào là thấy các pháp như mộng, như huyễn; nào là tiếp xúc với sáu trần như hoa đốm giữa hư không; nào là chết biết ngày, biết giờ, biết khắc, biết được tánh linh; nào là làm chủ sự sống chết. Nhưng đến giờ phút cuối cùng, chúng tôi chỉ thấy một hình ảnh đau thương nằm trên giường bệnh mệt nhọc khổ sở, đau đớn trăn trở và còn có lúc lại mê man chẳng còn biết gì cả trước khi viên tịch (chết).

 Thầy Tổ chúng tôi, họ đều là bậc chơn tu, tinh cần siêng năng, thức khuya, dậy sớm, xâu chuỗi không rời tay, lúc nào cũng thấy ngồi thiền, niệm Phật, công phu, bái sám không thời nào không có mặt, trừ khi làm Phật sự hoặc bệnh đau.

 Từ lúc bé, tám tuổi chúng tôi được vào chùa tu học với các Thầy Tổ, đến ở chùa nào cũng mang dòng phái Thiền Tông, Lâm Tế,Tào Động, Liễu Quán, Thái Thượng v.v.. Nhưng không thấy Thầy Tổ tu Thiền Tông, mà lại tu Tịnh Độ Tông.

 Sau những năm tháng theo Thầy tu học, lòng tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, noi theo gương hạnh của Thầy Tổ tu tập, nuôi hy vọng niệm Phật cầu vãng sinh để về cõi Cực Lạc Tây Phương.

 Thời gian ấy,bỗng dưng làn gió Thiền Tông thổi đến, kinh sách Thiền rộ nở như hoa mùa xuân: nào là Pháp Bảo Đàn Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Kim Cang Kinh; nào là Nguồn Thiền, Luận Tối ThượngThừa, Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, Thiền Luận, Thiền Đốn Ngộ v.v..

Càng đọc những kinh sách này, chúng tôi càng say mê và tưởng mình như được của báu. Chúng tôi được theo tu học thiền, lớp học đầu tiên tại tu viện Chơn Không, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ đảm trách hướng dẫn, ba tháng an cư tu học ở đó, sau ba tháng tu học, chúng tôi liền rời khỏi tu viện về Trảng Bàngthuộc tỉnh Tây Ninh, nhập thất tu tập suốt chín năm trời, chuyên cần tu tập pháp môn “Tri vọng” (Biết vọng liền buông), và hằng ngày thường sống nhìn các pháp như mộng, như huyễn, thấy lục trần như hoa đốm giữa hư không. Gần chín năm mài miệt tu hành, chúng tôi ngộ tất cả “công án Thiền Tông, ngồi thiền thì không còn vọng tưởng, (chẳng niệm thiện niệm ác) trạng thái tâm hồn yên lặng nhưhoà mình trong vũ trụ, lúc bây giờ chúng tôi tỉnh thức rất rõ. Nhưng xét lại không biết cách nào làm chủ sự sống chết, tâm mình cũngvẫn còn bất an, bất toại nguyện, phiền não, (tham, sân, si), biết rằng gặp những việc bất toại nguyện thì thấy những việc đó như mộng, như huyễn, như hoa đốm giữa hư không. Dù biết vậy, nhưng tâm vẫn còn phiền não chưa thật sạch, phải đợi có thời gian nữa, nhưng phải đợi đến bao lâu? Hay đời này hết qua đời khác... Các Tổ dạy: “Tuỳ duyên tiêu cựu nghiệp”, có chỗ dạy: “Hồn nhiên” câu nói này là một lý thuyết suông, “tuỳ duyên” như thế nào để tiêu cựu nghiệp? Không có pháp hành cụ thể rõ ràng, lời nói suông để lừa người.

 Đối với các pháp Đại Thừa, từ Tịnh Độ Tông cho đến Mật Tông, sự tu tập đối với chúng tôi gần như mất hy vọng. Vì chính ông thân của chúng tôi là một tu sĩ Mật Tông, chú thuật của ông có nhiều thần lực lạ kỳ, nhưng lại để trị bệnh, bói toán như một phù thủy, bùa chú tuy linh hiển nhưng chúng tôi không thấy nó làm chủ sự sống chết, tự tại anvui trong cuộc sống mà chỉ làm chuyện danh lợi như các nghề khác trong thế gian.

 Chúng tôi tư duy, suy nghĩ và rất khắc khoải trong lòng, nghĩ đến mình tu hành đến giờ nầy "Đời chẳng ra đời, Đạo chẳng ra đạo”. Nếu bây giờ chúng tôi trở ra đời thì quá muộn màng, tuổi đã 44 rồi còn gì nữa, ở trong đạo thì biết pháp nào tu cho đến nơi đến chốn đây: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, độ hết chúng sanh thì thành Phật”. Những điều kinh sách phát triển đã dạy, chúng tôi đều chuyên cần siêng năng, tinh tấn tu hành không dám biếng trễ, thế mà xét lại tâm mình chưa được làm chủ, cuộc sống còn nhiều bất toại nguyện, tâm vẫn còn ham muốn “danh lợi, ăn ngủ còn thích, thấy nữ sắc còn muốn nhìn”, gầnsuốt chín năm trời, sự tu hành dường như tránh né và trốn chạy các pháp thế gian, không tìm thấy một sự giải thoát chân thật ở nội tâm mình, chúng tôi tư duy và suy nghĩ: “có phảichăng các pháp môn của hệ phái phát triển là pháp môn ức chế tâm chăng?”.

 Để được trả lời câu hỏi này một cách cụ thể. Sau này chúng tôi tự tu “Giới, Định, Tuệ” pháp môn của đức Phật, theo kinh sách Nguyên Thủy dạy, chúng tôi thấy kết quả xả tâm ngay khi bắt đầu tu rất rõ ràng. Nhờ có tu tập, có kết quả trong pháp môn, “Tam VôLậu Học”. Bây giờ chúng tôi đã thấu biết được rõ và mới dám quả quyết xác định “kinh sách phát triển là pháp môn ức chế tâm thuộc loại thiền tưởng” (tà thiền).

 “Chẳng niệm thiện niệm ác, thấy các pháp như mộng, như huyễn, thấy sáu trần như hoa đốm giữa hư không”, chúng tôi đã thực hiệnnhững câu này đã nằm lòng, hễ có các pháp đến thì những câu này xuất hiện nhanh chóng, chúng tôi dùng nó đuổi các ác pháp đi hoặc tâm tham muốn của mình (tâm dục), đuổi một lúc nó mới chịu tan biến. Đuổi mãi chúng,chúng mới đi, nhưng chẳng bao giờ diệt chúng được, một bằng chứng hiển nhiên, vì không có đối tượng thì chúng không có mặt, mà hễ có đối tượng thì chúng hiện ra. Thấm thoát thời gian gần chín năm trời mà tâm chúng tôi vẫn chưa an. Tự cảm thấy như mình là kẻ trốn chạy các pháp thế gian, tránh né sáu trần và cuối cùng xét lại các pháp môn tu hành của Đại Thừa và Thiền Đông Độ này không thể giải thoát được thân tâm.

 Không biết giờ này các bạn đồng tu của chúng tôi, tu hành ra sao? Riêng chúng tôi lúc này (năm 1980), chúng tôi rất ngao ngán với số phận làm thầy tu. Một hình ảnh đen tối đến với chúng tôi, và tự nghĩ: “hay mình tìm một nơi đâu, trong rừng hoang vắng rồi tự tử cho xong đời (kiếp đời tu sĩ)”, nhưng một hình ảnh hiện lên trong chúng tôi, một người mẹ già yếu đuối, tóc bạc phơ, lưng còm, tuổi đời gần chín mươi, sự sống không còn bao lâu nữa, hằng ngày nấu cơm bưng vào thất, giúp chúngtôi sống tu hành. Nhờ hình ảnh ấy, nếu không có mẹ, chắc chúng tôi không thể sống và tiếp tục tu theo con đường giải thoát của đạo Phật, niềm hy vọng tu hành giải thoát đã trở thành mây khói.

 Trong lúc tâm hồn chúng tôi đang chán nản tận cùng, trước mặt là bước đường cùng của kiếp đời tu sĩ.

 Bỗng nhiên, chúng tôi nhớ đến lời của Hòa Thượng Minh Châu, Ngài đã nói trong bài tựa kinh Trung Bộ tập 2 Pàli-Việt đối chiếu: “Càng dịch chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự Nguyên Thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử, không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị nhữngtư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che giấu không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý. Mặt trời bao giờ cũng là mặt trời”.

 Nhớ đến đây, những lời này, chúng tôi cố tìm lại bộ kinh Nguyên Thủy Pàli-Việt để trên tủ sách trong thất, do Hòa Thượng Minh Châu dịch lần đầu tiên. Tôi lấy xuống và bắt đầu nghiên cứu lại bộ kinh sách này. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu lời Phật dạy rất kỹ, chúng tôi sống và tu tập đúng theo lời dạy của đức Phật: “Giới, Định, Tuệ”.

 Theo lộ trình “Tam Vô Lậu Học”, sống đúng giới hạnh, lấy giới luật phòng hộ sáu căn, đời sống thiểu dục ít muốn, biết đủ luôn theo pháp “Định Tư Cụ”, ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện. Nhờ đó, kết quả tâm hồn thanh thản, an lạc, tâm thường quay vô, không phóng dật, biết rõ những hoạt động trong nội thân, tâm luôn không để ý sáutrần, nên thấy rõ thân tâm có một cuộc sống giải thoát an lạc, vô sự.

Càng giữ gìn “Giới luật”, càng tu tập “Tứ Chánh Cần” thì kết quả thân tâm giải thoát rất rõ ràng và cụ thể. Càng tu lại càng ham thích, tự tâm siêng năng và tinh tấn không cần cố gắng nhiều và bắt buộc mình, tự nó siêng năng tinh tấn.

Nhờ sự nghiên cứu và tu tập các pháp môn này kết quả tâm bất động trước các pháp, nên trí tuệ được triển khai, nhờ thế chúng tôi rất am tường thông hiểu kinh sách Nguyên Thủy và có đầy đủ kinh nghiệm, vì vừa nghiên cứu lý thuyết, vừa thực hành lời dạy của đức Phật nên từng bài kinh, từng câu, từng chữ trong tạng kinh Pàli chúng tôi hiểu rất vững vàng.

Riêng về kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, chúng tôi đã bỏ công tu tập chín năm trời, nên những trạng thái ức chế tâm, tu tập các pháp hành của thiền Đông Độ và Đại Thừa chúng tôi đều biết rất rõ. Vì vậy, khi được hỏi điều gì đến những trạng thái định có liên quan đến Phật giáo dù ở bộ kinh nào của: Đại Thừa, Thiền Tông và Nguyên Thủycủa Đại Thừa, Thiền Tông và Nguyên Thủy. Chúng tôi xin trình bày ngay đến quý vị, đáp ứng các yêu cầu để làm sáng tỏ lại Phật giáo, còn nếu không có ai hỏi thì thôi. Đối với chúng tôi ai tu sao cũng được, có giải thoát hay không giải thoát là quý vị nhờ và chịu lấy. Chuyện Phật Pháp không phải chuyện riêng của chúng tôi mà là của chung mọi người.

Chúng tôi trả lời đây, vì duyên của quý vị hỏi, chứ không phải tự chúng tôi đặt ra câu hỏi để trả lời nhằm có mục đích gì. Mặc dù, chúng tôi biết phật giáo phát triển đã truyền vào đất nước Việt-Nam đầu thế kỷ thứ ba cuối thế kỷ thứ hai và Thiền Tông truyền vào thế kỷ thứ năm, thành một truyền thống dân tộc của đất nước này, muốn xóa nó không phải là một việc dễ làm, nhưng chúng tôi nghĩ đến số phận của những người tu như chúng tôi, nên chúng tôi nói, ai có tin thì tin, không tin thì thôi, tu hành có được thì quý vị nhờ, không được thì quý vị chịu, giải thoát cho quý vị đâu có liên quan gì đến chúng tôi.

Chúng tôi trả lời vì sự bắt buộc ở câu hỏi của quý vị, nếu không trả lời, chúng tôi phụ lòng quý vị, mà trả lời cho quý vị thì phải nói thẳng, nói đúng, nói cái sai, cái không đúng của đạo Phật; nói cái sai tu hành sanh ra bệnh tật điên khùng; nói cái sai để quý vị không bị kẻ khác lừa đảo bởi những pháp mê tín, phi đạo đức; nói cái sai để quý vị khỏi bị kẻ khác lường gạt, làm tiền, làm danh, hoặc buôn Phật, bán pháp (kinh doanh tôn giáo).

Vì cảm thông sự tu hành rất khó khăn và dễ bị lầm đường lạc lối. Do đó, chúng tôi nói ra cái sai để quý vị không uổng phí một đời tu hành, ngược lại quý vị cho rằng chúng tôi bài bác các Tổ sư, chống trái kinh sách phát triển.

Kính thưa quý vị! Chúng tôi chống trái để làm gì? Khi chúng tôi cũng là một nạn nhân của các pháp môn này, chúng tôi nói ra vì quý vị, quý vị có hiểu thấu chăng? Chúng tôi là chiếc xe đã lọt hố muốn cho các xe sau đừng lọt hố nữa nên cảm thông những câu hỏi của quý vị mà chúng tôi trả lời, biết như thế nào chúng tôi nói như thế nấy, đúng sai quý vị còn suy ngẫm.

Khi chúng tôi trả lời, chỉ mong quý vị suy ngẫm kỹ lời chúng tôi nói và lời kinh Nguyên Thủy dạy, có tương ưng, có phù hợp, có đúng nghĩa hay không? Đúng thì quý vị tin chúng tôi, bằng không đúng thì quý vị đừng tin và cũng đừng cười chê vì chúng tôi cũng chỉ là con người như quý vị.

Chúng tôi cũng là một con người phàm phu như quý vị, nhờ sống đúng giới hạnh và giới đức, tu tập đúng các pháp của Phật đã dạy. Từ đó, chúng tôi sống trong đạo đức “Nhân quả không làm khổ mình, khổ người”. Hằng ngày tu tập tỉnh thức trong mọi oai nghi tế hạnh, cả niệm hơi thở, chúng tôi đều hướng tâm ly tham, sân, si và ái dục, nhờ thế chúng tôi thấy được tâm mình giải thoát, đó cũng là mãn nguyện lắm rồi.

Vì đã không làm khổ mình, khổ người, chúng tôi thấy rất rõ là tâm chúng tôi đã “ly dục, ly ác pháp”. Ly dục ly ác pháp, tức là chúng tôi đã làm chủ được cuộc sống của chúng tôi. Làm chủ cuộc sống, tức là làm chủ được “Sanh” như trong kinh Phật đã dạy. Sanh là một trong bốn cái khổ của kiếp con người.

Chúng tôi trở về pháp môn Nguyên Thủy, tu tập chỉ trong vòng sáu tháng, làm chủ được tâm, không còn thấy các pháp như mộng, như huyễn, sáu trần như hoa đốm giữa hư không nữa mà lại được giải thoát.

Nhờ tu tập có kinh nghiệm và nghiên cứu toàn bộ kinh Nguyên Thủy, nên lập trường trả lời của chúng tôi đều dựa vào đó dựng lại Phật giáo, trong lúc giáo pháp của Phật đã bị dìm mất, ít có người được biết đến. Vì vậy, chúng tôi trả lời quý vị không ngoài lời Phật dạy. Tin hay không tin, đó là quyền của quý vị, chúng tôi thì nói thẳng, nói thật mà thôi, chứ không có tâm phỉ báng giáo pháp ai hết.

Xin thưa cùng quý vị, chúng tôi biết rằng, “lời thật mất lòng”, nhưng vì bị hỏi chúng tôi phải nói toạc sự thật thẳng thừng để cho mọi người không bị tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển lừa đảo và những người đang tu hành không lầm lạc pháp môn của ngoại đạo này đã tu dở chết dở sống (Đời chẳng ra đời, Đạo chẳng ra đạo) giống như chúng tôi tu hành ở những năm 1980. Chúng tôi cảm thông với những người tu sĩ ấy, có nhiệt tâm có quyết tâm tìm đường giải thoát trong đạo Phật như chúng tôi lúc trước.

Chúng tôi chỉ ước mong những câu trả lời của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ những gì của đạo Phật đang bị che mờ bởi giáo pháp của Bà La Môn. Với thâm ý của chúng tôi không muốn chống trái ai hết, ai có duyên tu pháp môn nào cũng được, nhưng có tu giải thoát được thì dạy người, bằng tu chưa có kết quả thì đừng dùng lý thuyết suông lừa đảo gạt người, gây mê tín, dị đoan khiến cho mọi người khổ sở, phí hết kiếp người và cũng đừng vì quyền lợi, ích kỉ, nhỏ mọn mà gán các pháp môn của ngoại đạo đó cho là của Phật giáo, thì chúng tôi rất đau lòng.

Phật giáo không có các pháp môn thiền tưởng, không có pháp mê tín, trừu tượng, mơ hồ. Vì thế, buộc lòng chúng tôi phải nói thẳng để cho người đời sau đừng lầm lạc một cách đáng thương.

Chúng tôi tu hành theo Phật giáo mà đã bị lừa gạt và lầm lạc pháp môn của ngoại đạo, nhiều khi chúng tôi muốn chết hơn là sống. Vì sống làm gì “Đời chẳng ra đời, Đạo chẳng ra đạo”, sống bằng ba tấc lưỡi, gạt người, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ gia đình, vợ con, bỏ cả thân bằng quyến thuộc, bỏ của cải, tài sản, sự nghiệp, nhà cửa, để đi tu, mong tìm đường giải thoát thân tâm mình, chứ đâu phải để thành tên lừa đảo có sách vở.

Vì cảm thông nỗi khổ đau của những người đồng “bệnh”, nên chúng tôi nói thẳng, chẳng hề sợ hãi trước thế lực quyền uy của kẻ khác, dù chúng tôi có ra sao và như thế nào, chúng tôi cũng vui mừng, vì đã nói một sự thật, có lợi ích cho muôn người, không phải vì cá nhân của chúng tôi.

Chúng tôi trả lời thẳng vì tín đồ Phật giáo khắp năm châu bốn biển đang hướng về Phật giáo chân chánh.

Chúng tôi trả lời thẳng vì đạo đức của Phật giáo đã bị đánh mất, bởi giáo pháp của ngoại đạo (Đại Thừa), thay thế vào một đạo đức mê tín, làm cho nhân loại mất đi một nền đạo đức sống thực, một nguồn hạnh phúc, an vui của mọi người.

Chúng tôi trả lời thẳng, chỉ vì con người trên hành tinh này đang cần một nền đạo đức “nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người”.

Trên cuộc đời này duy chỉ có đạo Phật mới có một nền đạo đức công lý và công bằng đúng đắn như vậy mà thôi.

Chúng tôi nói thẳng vì lợi ích chung cho con người trên hành tinh này, dù ai có nghĩ sao về chúng tôi, cho chúng tôi là điên khùng, dốt nát, không thông suốt kinh sách Phật giáo, không hiểu giới luật Phật là gì, nói bậy bạ không trúng vào đâu, chúng tôi vui lòng chấp nhận cả. Nhưng xin mọi người hãy theo đúng giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật mà tu tập và sửa những gì sai trái để xây dựng cho mình một tâm hồn thấm nhuần đạo đức nhân quả của đạo Phật (không làm khổ mình, khổ người) thì chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi.

Trải qua thời gian tu tập chúng tôi biết rất rõ con đường nào tu tập đi đến kết quả làm chủ sanh, già, bệnh, chết của Phật giáo. Con đường ấy không phải để cho những người tu hành phạm giới, bẻ vụn giới, phá giới như các vị Tỳ Kheo của Phật giáo phát triểnbây giờ. Phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống không đúng giới đức, giới hạnh, đời sống không thiểu dục tri túc, không lấy giới bổn phòng hộ sáu căn, ăn uống ngủ nghỉ phi thời, không sống độc cư thì dù họ có tu trăm ngàn kiếp vẫn không đến đâu, chỉ uổng cho một đời tu mà thôi.

Trả lời những câu hỏi của quý vị, nói thẳng sẽ đụng chạm rất nhiều, mong quý vị vui lòng tha thứ cho và quý vị hãy suy ngẫm những lời chúng tôi nói, nếu sai xin quý vị bỏ qua cho, còn đúng xin cầu chúc quý vị may mắn gặp thiện hữu tri thức có kinh nghiệm hướng dẫn tu tập đến nơi đến chốn.

Tu hành giải thoát làm chủ thân tâm không phải việc dễ làm, nếu tu tập một mình, giống như người đi biển không có la bàn, vào rừng không có người hướng đạo.

Nếu chúng tôi có trả lời điều chi sai sót xin những bậc cao minh, chân tu, thạc đức chỉ giáo, chúng tôi thành kính tri ân.

               Kính ghi

  Trưởng Lão Thích Thông Lạc

          Ngày 11- 12- 1998

BỒ TÁT BỆNH VÌ CHÚNG SANH BỆNH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Như trong kinh Duy Ma Cật dạy: “Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh”, câu kinh này dạy có đúng theo giáo lý của đạo Phật hay không? Kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Kinh Duy Ma Cật là kinh phát triển. Kinh giáo phát triển là kinh sách chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau và những phong tục tập quán của con người trên hành tinh này mà thành lập ra giáo lý của mình, nó không có gì đặc biệt riêng của nó, chỉ khéo dùng những danh từ thật kêu và cũng giống như vẽ rắn thêm chân, thêm râu, khiến cho mọi người dễ bị lầm tưởng là rồng thật. Giáo lý kinh sách phát triển cũng lường gạt tín đồ như vậy, tưởng là một chân lý siêu việt của đạo Phật, nào ngờ là một giáo lý chắp vá, như chiếc áo may nhiều loại vải thô xấu.

Câu: “Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh” cũng giống như câu: “Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá là vì Chúa chịu khổ thay cho con người”.

Trên bước đường hoằng hóa độ sanh của Phật giáo, các vị lãnh đạo Phật giáo, lúc bấy giờ nguồn gốc là những giáo sĩ Bà La Môn và lục sư ngoại đạo. Vì thế, kinh sách phát triển do các vị này biên soạn và viết ra, nên các ngài cố tình dìm giáo lý của đức Phật xuống và lồng giáo lý của mình vào, để phát triển một Phật giáo mới mang tên mới theo ý mình.

Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã nhìn thấy đám môn đồ của mình chưa có ai là người đủ khả năng lãnh đạo giáo hội và duy trì giáo pháp của mình.

Ngài biết rất rõ, những kẻ có khả năng, có trí tuệ, có học thức đều xuất thân từ trong các gia đình của Bà La Môn và Lục sư ngoại đạo, họ còn mang đầy ắp những kiến chấp trong tôn giáo của họ. Do những kiến chấp này họ không thực hiện theo giáo pháp của đức Phật. Và cũng vì thế, họ tu hành không giải thoát, không chứng đạt. Còn những đệ tử của đức Phật đã tu chứng thì họ đã nhập diệt trước Phật còn lại một số ít, khi đức Phật nhập diệt xong và giáo đoàn bị phân hóa chia làm nhiều bộ phái, do những người có trình độ kiến thức tranh danh, đạt lợi với nhau. Vì thế, đức Phật biết rất rõ trong số những đệ tử này, nên không trao quyền thừa kế lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo cho ai cả, chỉ nhắc nhở các đệ tử của mình nên lấy giới luật và giáo pháp làm thầy, không nên nương tựa vào ai cả. Ngài đã từng dạy: con người có ba tướng:

1-        Nhân tướng

2-        Hành tướng

3-        Đặc tướng

Do ba đặc tướng ấy nên con người không ai giống ai được. Vì thế, đức Phật không trao quyền thừa kế cho người đệ tử nào hết, nếu được trao quyền, họ sẽ dạy đạo theo đặc tướng riêng của họ, thì Phật Pháp sẽ bị lệch đi, không còn đúng chánh pháp, dù đó là những người đệ tử đã tu chứng, còn những hạng đệ tử tu không chứng, thì lại còn không được trao quyền thừa kế hơn nữa. Vậy mà sau này, các vị giáo sĩ Bà La Môn còn bịa chuyện “Niêm hoa” trên núi Linh Thứu rằng đức Phật đã trao quyền cho Ngài Ca Diếp thừa kế làm tổ thứ nhất. Đó là một câu chuyện bịa đặt thế mà mọi người vẫn tin và còn tiếp tục xây dựng thành 33 vị Tổ Sư Thiền Đông Độ.

Tuy rằng, không được trao quyền thừa kế, nhưng họ đã khéo léo biến Phật giáo thành thần giáo. Giáo lý của Phật biến thành một giáo lý chấp ngã, thần quyền, mê tín, mơ hồ, trừu tượng, lạc hậu, phi đạo đức đi ngược lại giáo lý chân chánh của đạo Phật.

Những vị giáo sĩ Bà La Môn và giáo sĩ của Lục Sư Ngoại đạo đã theo Ngài tu hành đạt được đạo giải thoát thì lần lượt họ đã thị tịch trước hoặc sau Ngài không bao lâu, còn lại những người tu chưa chứng đắc, tâm danh lợi còn dẫy đầy. Những vị Tỳ Kheo này là những Tỳ Kheo phá giới, phạm giới, sống không đúng Phạm hạnh, tu không đúng lời dạy của Ngài, họ là những người ngoại đạo, với những thâm ý sâu độc, mang lớp tu sĩ Phật giáo, ẩn núp chờ khi đức Phật thị tịch là sẽ biến giáo pháp của Phật thành giáo pháp Bà La Môn và Ấn Độ Giáo.

Quý vị, nên đọc lại kinh Phạm Võng “Bồ Tát Giới” cấm không cho tu sĩ và cư sĩ học và tu theo pháp môn Nguyên Thủy, Bồ Tát Giới cho giáo pháp Nguyên Thủy của Phật là ngoại đạo, là Thinh Văn Thừa, là Nhị Thừa, là Phàm Phu Thiền v.v..

Đọc “Bồ Tát Giới” chúng ta mới thấy rõ thâm ý ác đôc của ngoại đạo quyết tâm diệt Phật giáo, có thủ đoạn và sách lược rõ ràng với ý đồ lật đổ đức Phật Thích Ca Mâu Ni thay vào bằng đức Phật Di Lặc, để dễ sử dụng toàn bộ giáo pháp Đại Thừa mà không còn ai nghi ngờ. Và sẽ cấm không cho tín đồ tu và học theo giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, kinh sách và giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị đốt sạch.

Đúng vậy, sau khi đức Phật tịch, trong giáo hội chia làm hai bộ phái:

1-      Thượng Tọa Bộ

2-      Đại Chúng Bộ

Thượng Tọa Bộ là những tu sĩ già thủ cựu, cố giữ nguyên giáo lý căn bản Nguyên Thủy của đức Phật không cho ai thêm bớt một chữ nào cả. Đem kinh sách này hoằng hóa và phát triển đi về phương Nam nên người thời bấy giờ gọi là Phật giáo Nam Tông.

Trên đường hoằng hóa độ sanh, Thượng Tọa Bộ tuy cố giữ gốc Nguyên Thủy, nhưng vì các vị tu hành chưa chứng đắc nên có sự kiến giải trong giáo lý ấy bằng trí tuệ học giả hoặc bằng những kinh nghiệm chưa đến nơi đến chốn như: Thiền sư Mahàsi (Miến Điện), Thiền sư A-Chaan-chah (Thái Lan). Hai Ngài có những bài kinh soạn theo kiến giải kinh nghiệm tu hành của mình như: Mặt Hồ Tĩnh Lặng, Thiền Minh Sát Tuệ v.v.. Làm sai ý nghĩa và giáo pháp của đức Phật rất lớn.

Vì tu hành chưa tới nơi tới chốn, nên các Ngài biên soạn những loại kinh sách này trong hiện tại và mai sau sẽ để lại cho loài người những tai hại rất lớn, làm hao tài tốn của và phí cả cuộc đời của họ chẳng ích lợi gì, khi họ theo tu những pháp môn này.

Trong thế kỷ này tín đồ Phật giáo khắp năm châu bốn biển đua nhau tu tập thiền Minh Sát Tuệ. Tu tập thiền này phải tập trung theo cơ bụng (Phồng, xẹp) nhằm diệt “vọng tưởng”, loại thiền ấy thuộc về thiền ức chế tâm nó không phải là thiền của đạo Phật, thiền của Phật giáo là loại thiền xả tâm “ly dục ly ác pháp” lấy giới luật đức hạnh chuyển hóa nhân quả, làm chủ nhân quả (Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện hoặc ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp). Mục đích tu hành của đạo Phật là phải khắc phục cho bằng được tâm tham ưu, tức là diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, để đạt được tâm thanh tịnh bất động. Theo kinh nghiệm tu hành của những người đã trải qua thì tâm thanh tịnh bất động ấy là tâm không còn tham, sân, si. Khi tâm không còn tham, sân, si thì tâm có đủ bảy năng lực Giác Chi (đạo lực). Từ bảy năng lực Giác Chi mới có đủ Tứ Thần Túc. Tứ Thần Túc là những năng lực siêu việt điều khiển làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Năng lực điều khiển làm chủ sự sống chết của kiếp người mà đức Phật gọi là “Bốn Như Ý Muốn”. Bốn Như Ý Muốn tức là Tứ Thần Túc chứ không phải “Minh Sát’’ theo kiểu thiền sư Mahàsi dạy.  

Cũng trong thế kỷ này, thiền sư A Chaan-Chah người Thái Lan đã kiến giải qua kinh nghiệm tu hành của mình sản xuất ra một loại thiền “Tĩnh Lặng”.

Qua hồi ký tu hành của Ngài, do ức chế tâm hết vọng tưởng, Ngài đã rơi vào thiền tưởng, thay vì Ngài tu đúng pháp “ly dục ly ác pháp” thì tâm Ngài thanh tịnh, khi tâm Ngài thanh tịnh thì Ngài nhập được Nhị Thiền, Tam Thiền đến Tứ Thiền và thực hiện Tam Minh, làm chủ sanh, già, bệnh, chết một cách dễ dàng, không có khó khăn mệt nhọc. Nhưng vì ức chế tâm để được tâm tĩnh lặng nên thanh tưởng phát ra tiếng nổ trong đầu Ngài. Ngài cảm thấy như cả vũ trụ đều tan biến (giống như thiền sư Đông Độ lúc ngộ đạo), rồi từ đó tưởng giải phát ra. Ngài đối đáp vấn đạo giống như thiền sư Đông Độ không khác.

Cho nên, kinh sách Nguyên Thủy hiện giờ bên phái Nam Tông chưa hẳn đã là Nguyên Thủy. Vì các nhà học giả mượn lời Phật dạy rồi thêm bớt rất nhiều theo tưởng giải của mình, khiến cho người đời sau sưu tầm và nghiên cứu những lời Phật dạy, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Thật khó cho những ai ở đời sau, muốn tu theo đạo Phật, nhưng vì không rõ nên lại rơi vào pháp ngoại đạo, rồi chấp nhận giáo pháp của ngoại đạo là giáo pháp của Phật, thật đau lòng.

Ở đây nói về kinh sách Nam Tông, tức là kinh sách Nguyên Thủy mà các sư còn dám thêm bớt và còn nghĩ tưởng theo kiến giải của mình biên soạn và viết ra, thì làm sao đúng ý của Phật được, bằng chứng chúng ta thấy rất rõ thiền sư Mahàsi đã dám làm thì các vị trước kia làm sao không dám thêm bớt. Thế mà kinh sách này lại được phổ biến rộng rãi khắp các nước trên thế giới.

Kinh sách Bắc Tông với sự phát triển theo kiến giải phóng túng của các nhà học giả thì thử hỏi sự sai biệt với lời Phật dạy còn gấp trăm ngàn lần.

Vả lại, kinh sách Đại Thừa bị thế tục mê tín lạc hậu hóa rất nhiều. Ví dụ: một sự mê tín trong dân gian, ngày hai ba tháng chạp, tất cả mọi gia đình đều làm lễ cúng đưa “Ông Táo” chầu trời thì trong chùa cũng làm lễ cúng bái đưa “Chư Thiên”. Như vậy các bạn nghĩ sao? Phật giáo mà bị tư tưởng hủ tục thế gian đồng hóa thì Phật giáo còn có nghĩa tự thắp đuốc lên mà đi hay không? Còn có trên Trời dưới Trời con người là duy nhất không?

Từ khi Tăng Đoàn Phật giáo được chia làm hai nhóm:

1-      Thượng Tọa Bộ

2-      Đại Chúng Bộ

Sự phân chia này, thì Đại Chúng Bộ không còn bị sự kềm chế của Thượng Tọa Bộ, nên kinh sách tự do phát triển theo kiến giải học giả, không cần có kinh nghiệm tu hành, phần nhiều chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác và phong tục tập quán của dân gian.

Lợi dụng Phật giáo không có người tu chứng điều khiển, nên mặc sức phát triển theo tâm danh lợi của họ. Do đó, kinh sách phát triển ra đời với một khối lượng vĩ đại. Những người có khả năng viết lách, ai muốn viết muốn luận như thế nào, cứ mặc tình viết và lý luận miễn luận sao có lý, nghe xuôi tai là được, đời sau tu được hay không được mặc kệ. Chỉ bây giờ ngòi bút phóng túng viết cho thỏa thích mà thôi.

Muốn truyền bá loại kinh sách này – kinh sách phát triển không thể hướng phương Nam được, vì nơi đó đã có kinh sách Nguyên Thủy do Thượng Tọa Bộ truyền bá, nên tín đồ ở đó xem kinh sách này (kinh sách phát triển) là kinh sách Bà La Môn giáo, chẳng ai thèm theo và đọc.

Vì thế, kinh sách này truyền về phương Bắc, những người dân ở phương Bắc chưa hiểu gì về Phật giáo, nên kinh sách phát triển truyền đến đâu đều được họ chấp nhận ngay, là vì các họ đã biết dựa theo phong tục mê tín lạc hậu của người dân địa phương), triển khai thành kinh sách và sử dụng thần thông, kỳ lạ v.v.. Do thế kinh sách này phát triển về phương Bắc dễ dàng, nên gọi là Phật Giáo Bắc Tông.

Trên đường hoằng hóa độ sanh về phương Bắc gặp tôn giáo nào thì nó thu thập tinh ba của tôn giáo ấy rồi biến thành giáo lý của mình, như đến Trung Hoa lấy tinh ba của Lão Giáo biến thành giáo lý Tối Thượng Thừa của mình, mà các nhà khoa học, tâm lý học gọi “Thiền Tông” là Phật giáo bị thế tục hóa.

Đến Việt Nam không có tôn giáo nào đặc biệt, không có tinh ba triết lý nào vĩ đại nên nó đã dung hợp ba tôn giáo lớn: Phật (Đại Thừa), Lão (Tiên Đạo), Khổng (Nho Đạo) lại thành một Phật Giáo Việt Nam.

“Vạn Hạnh dung tam tế”.

Sinh hoạt của “Phật Giáo Mới” này tiếp tục triển khai kinh sách phát triển, bằng cách dựa theo phong tục tập quán dân gian biến dần thành kinh sách của mình, để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân gian, cho nên trong chùa thờ đủ loại; Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ma, quỷ, cô, cậu, các bà chúa, Quan Thánh Đế Quân, Thập Điện Minh Vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Long Thần Hộ Pháp, Bát Bộ Kim Cang, cô hồn, các đảng, thập loại âm binh, Nam Tào, Bắc Đẩu, hài cốt loài hổ và vong linh của những người chết trận mạc (Chiến sĩ trận vong) v.v..

Kinh sách phát triển dạy đầy ắp những điều mê tín, nào là cúng vong, tiễn linh, thí thực cô hồn các đảng, nào là cúng sao, giải hạn, cúng ếm Thần Trù, quỷ dữ, nào là cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày tốt xấu, trừ linh, trừ thần v.v.. Mỗi chiều ở các chùa cổ xưa đều cúng thí thực cô hồn các đảng, quỷ chùa, bạch hổ bằng gạo muối v.v.. Phung phí của đàn na thí chủ vô ích.

Hình thức cúng bái tạo ra có vẻ thật sự có thế giới siêu hình đang sống chung đụng với thế giới hữu hình của con người, mà mỗi tai ương, hoạn nạn, tật bệnh của loài người đều do con người của thế giới siêu hình tạo ra thưởng phạt.

Kinh sách phát triển đã lừa đảo con người bằng một thế giới siêu hình mang nhiều hình thức mê tín, lại còn gạt người khác bằng cách hy sinh to lớn với lòng đại từ, đại bi “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bịnh”.

Có bao giờ Bồ Tát “bệnh” để chia sẻ nỗi khổ đau của chúng sanh được chăng?

Đạo Phật đã dạy cho chúng ta biết rất rõ ràng: Nhân nào quả nấy, ai đã tạo nhân ác thì phải gặt lấy quả khổ, không ai chịu thay quả khổ đó cho ai được, đó là một đạo luật nhân quả công bằng và công lý của nhân loại. Vậy mà có Bồ Tát chịu khổ, chịu bệnh thay cho chúng sanh, hành động của Bồ Tát làm như vậy có phi đạo đức chăng? Con người sanh ra trên thế gian này, đức Phật đã xác định, từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết về nhân quả. Xác định như vậy thì không có đấng tạo hóa nào sanh ra con người. Vì thế, không có kẻ nào ban phước giáng họa cho con người, mà cũng không có kẻ nào thay thế sự khổ đau của con người được.

Cho nên câu: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” là câu lừa đảo gạt người của kinh sách phát triển, để chứng tỏ Bồ Tát là kẻ vĩ đại, Bồ Tát có lòng từ bi rộng lớn thương xót đối với tất cả chúng sanh, nhưng không ngờ lời nói dối trá, thành phi đạo đức. Đối với đạo Phật câu nói này là câu nói gian xảo, lừa bịp người đệ nhất.

Vì thế, ai đã tạo nhân ác thì phải gánh chịu quả khổ, không một ai chịu thay cho ai được, đó là luật nhân quả công bằng tuyệt đối, không sai một hào li nào cả.

Khi còn tại thế đức Phật đã từ chối: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là một người hướng đạo chỉ đường mà thôi”. Lời dạy này đức Phật đã khẳng định sự từ chối không cứu độ ai hết mà mọi người phải tự cứu mình. Cho nên, những lời dạy của Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải tự hành thiện, chỉ có hành thiện mới đem lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả muôn loài sanh linh.

Vậy mà lại có một Duy Ma Cật dám bệnh thay cho chúng sanh, dám chia sẻ nỗi khổ đau của chúng sanh, thật là gan dạ dám phá bỏ luật nhân quả. Nếu có một Duy Ma Cật làm được như vậy thì đạo đức trong thế gian này còn gì?

Chúng sanh do không hiểu (vô minh) làm điều ác, tạo tội lỗi rồi phải chịu nhiều thống khổ do hành động đó. Đạo Phật ra đời chỉ có mục đích cứu giúp con người thoát khổ bằng cách chỉ dạy cho họ thấu hiểu những điều họ làm là ác, là bất thiện và sẽ đem đến quả khổ đau cho họ, chứ không ai làm cho họ khổ mà chính họ. Để chứng minh lộ trình nhân quả cụ thể cho họ thấy và hiểu rõ hơn thì từ đó họ không còn hành động làm ác, làm khổ mình, khổ người nữa; thì chừng đó họ sẽ không còn chịu sự khổ đau nữa, tâm hồn họ sẽ được thanh thản, an lạc và luôn sống tùy thuận hòa hợp với mọi người.

Đạo Phật cứu người là giúp con người vén sạch màn “vô minh”, để từ đó họ sáng suốt hiểu rõ không còn lầm lạc trong hành động ác, để không tự tạo khổ cho mình cho người nữa. Sự hiểu biết tránh làm điều ác và luôn thực hiện làm điều lành, nên đạo Phật gọi sự hiểu biết đó là trí tuệ hay gọi là tri kiến giải thoát. Nhờ có tri kiến giải thoát, nên đạo Phật gọi là đạo giải thoát, tri kiến giải thoát đó không phải của ai khác mà phải chính của mình mới giải thoát cho mình được.

Cho nên câu nói: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” là câu nói nghe rất hay nhưng ý nghĩa rất dở, vì phi đạo đức, thiếu công bằng và công lý.

Đối với luật nhân quả, không ai có thể đau bệnh hoặc chịu tai nạn thế cho ai được và cũng không thể chia sẻ nỗi đau khổ với chúng sanh được.

Câu nói: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” là câu nói láo, lừa đảo thật sự. Nếu quả có một Bồ Tát bệnh thay cho chúng sanh hoặc chia sẻ nỗi đau khổ này, thì chúng sanh phải hết khổ và ít nhất cũng phải giảm thiểu được sự đau khổ, nhưng con người trên hành tinh này có hết đau khổ đâu, vậy thì Bồ Tát nói có đúng không? Các bạn nghĩ sao?

Nhưng luật nhân quả đã không chấp nhận điều này, nếu chấp nhận điều này thì thế gian này còn lấy đâu gọi là đạo đức công bằng và công lý.

Một kẻ làm ác mà có người chịu thay tội khổ, thì nhà giàu có, người làm quan, kẻ làm vua chắc không bao giờ có khổ đau bệnh tật và tai nạn v.v..

Nhưng thật sự nhìn cuộc sống con người trên thế gian này từ vua chúa, quan, dân, người giàu có và đến những kẻ nghèo cùng, khốn khổ, mỗi giới, mỗi giai cấp đều có sự khổ đau, bệnh tật như nhau mà không có ai thoát khỏi, nhất là bốn sự khổ: sanh, già, bệnh, chết và cũng chẳng ai thay thế cho ai được bốn sự khổ này chút nào.

Câu nói phi đạo đức nhân bản - nhân quả của Bồ Tát Duy Ma Cật đã làm cho kinh sách phát triển mất giá trị, nhất là đạo đức của con người.

Nếu bảo rằng kinh sách là chỉ để dùng cho bậc Thánh, Hiền, Bồ Tát chư Phật, tâm không còn sống trong các pháp đối đãi (bất nhị), nên lời nói của Bồ Tát Duy Ma Cật vượt thoát các pháp đối đãi. Nếu luận như vậy thì còn sai hơn nữa. Thánh, Hiền, Bồ Tát và chư Phật không còn biết đạo đức làm người nữa hay sao? Tức là không có pháp thiện và cũng không có pháp ác nữa (bất nhị).

Hàn Sơn, Thập Đắc, Tế Công Hòa Thượng, Phật Sống Cựu Kim Sơn v.v.. Ăn uống dơ bẩn lại còn ăn thịt uống rượu, phạm giới tận cùng, đó là các Ngài sống tự tại vô ngại trong pháp môn bất nhị của Đại Thừa, vì thế các Ngài không còn là con người mà là loài ác quỷ từ pháp môn bất nhị đã sanh ra và hiện giờ trong pháp môn bất nhị ấy còn sanh biết bao nhiêu là loài ác quỷ nữa, nếu chúng ta không chặn đứng được pháp môn bất nhị thì một nguy cơ khiến cho con người không tiến bộ mà còn sống lạc hậu thụt lùi dã man hung ác.

Nếu bảo rằng: “Chấp giới” thì phạm hạnh, tức là đạo đức của người tu sĩ Phật giáo ở chỗ nào? Không lẽ đạo Phật không có đạo đức sao? Hay toàn là những thầy tu phạm giới, phá giới v.v.. sống ngang nhiên ngoài vòng pháp luật, là những người vô pháp luật, phi đạo đức.

Hai trăm năm chục giới Tỳ Kheo Tăng và ba trăm bốn mươi tám giới Tỳ Kheo Ni, không phải là đạo đức của Phật giáo sao? Phật giáo còn nhiều giới đức giới hạnh nữa, chứ không phải có bây nhiêu giới đó sao?

Người tu sĩ nào phạm giới, phá giới là người tu sĩ không có đạo đức và thiếu giáo dục đạo đức.

Đừng dùng những danh từ: “chấp giới và tự tại vô ngại hoặc thõng tay vào chợ” để bưng bít hay bịt miệng thiên hạ, để được sống chạy theo dục lạc thế gian mà người ta vẫn tưởng đó là Phật sống. Nên các vị giáo sĩ Bà La Môn dựng lên những nhân vật phá giới, phạm giới: Tế Điên Tăng, Phật Sống Cựu Kim Sơn, Hàn Sơn, Thập Đắc, để giúp cho quý thầy của Phật giáo phát triển và các Thiền Sư Đông Độ tự do phá giới, sống phạm giới mà tín đồ không dám phê phán, đó là một tấm bình phong che đậy cho những người tu danh, tu lợi.

Kinh sách phát triển đã lầm, hay nói cách khác là không hiểu đạo đức của đạo Phật là gì? Nên thường nói giọng cao kỳ: “Đại Thừa, Tối Thượng Thừa”, tự xưng kinh sách của mình là trên hết, không có kinh sách nào bằng.

Dù Thánh Hiền, chư Phật, chư Bồ Tát, tất cả phàm phu và chúng sanh đều từ nhân quả sanh ra. Mà đã từ nhân quả sanh ra thì không sống trong hành động thiện, ác sao?

Hành động thiện không phải là đạo đức sao? Và hành động ác không phải là phi đạo đức ư?

Toàn bộ “giới luật” của Phật đều dạy chúng ta phải sống và hành động đạo đức làm người, làm Thánh nhân, làm Phật. Cớ sao những người thiếu hành động đạo đức mà chúng ta lại xem họ như Phật. Họ chỉ có một vài thần thông tưởng lòe bịp thiên hạ, chứ đức hạnh chẳng ra gì, thì làm gì ai cung kính tôn trọng ho.

Sao mọi người vô minh điên đảo, hễ thấy ai có chút ít thần thông đều cho họ là Phật, Thánh, Tiên cung kính và lễ bái, cúng dường trong khi những hành động đạo đức của họ chẳng ra gì, còn tệ hơn người phàm phu là khác nữa.

Phật và Thánh đều là những con người phàm phu tu tập trau dồi thân tâm xa lìa ác pháp không còn xảo quyệt, gian ngoa, lừa đảo, luôn luôn sống trong hành động đạo đức, thì mới gọi là Thánh nhân, Phật. Có đâu dùng những lời hoa mỹ cao thượng như: “tự tại vô ngại, chấp giới, thõng tay vào chợ, đói ăn khát uống mệt ngủ liền”, khiến cho những người chưa hiểu đạo đức nhân quả của Phật, dễ bị lầm lạc, họ tưởng những người này là bậc Thánh cao thượng dám hy sinh mình vì mọi người, chịu khổ đau vì nhân loại, vì loài người dẹp bỏ cá nhân mình thật là vĩ đại. Nhưng trong cái vĩ đại đó, là không vĩ đại gì hết. Vì ai đã làm ác thì người đó phải chịu gánh quả khổ không thể ai gánh vác được cho ai, dù kẻ đó Thánh, Thần, chư Phật, chư Bồ Tát cũng không thể gánh chịu cho ai được, thế mới gọi là công bằng, công lý. Còn có người chịu thay thế được quả khổ đau cho kẻ khác, thì trên thế gian này con người làm sao có một đạo luật gọi là công bằng và công lý được? Nếu có người chịu khổ cho kẻ khác thì thế gian này sẽ ra sao? như trên đã nói.

Nếu trên thế gian này không có một đạo luật công bằng như đạo luật nhân quả, thì con người chỉ còn là loài ác thú, một loài ác quỷ mà thôi.

Vì thế, những lời nói chịu khổ cho nhân loại là lời lừa đảo, bịp người với những người còn đang sống trong giấc mơ “siêu hình”. Thế giới siêu hình chịu khổ cho loài người hay mang lại tai họa cho loài người!?

Chúng ta là những người còn phàm phu tục tử, còn sống trong cảnh đối đãi, nên chỉ biết ở trong cảnh đối đãi mà tu tập trau dồi đạo đức như thế nào, để cùng sống chung nhau, đối xử với nhau mà tâm hồn thanh thản, an lạc, không làm khổ mình, khổ người thì đó là chân hạnh phúc của loài người và đó cũng là sự giải thoát của đạo Phật. Giải thoát chung cho loài người, chứ không riêng như kinh Duy Ma Cật chỉ dành cho những bậc Bồ Tát, Chư Phật và Thánh Hiền với trí tuệ “Bất Nhị”.

Nhìn chung các tôn giáo hiện có mặt trên thế gian này đều xây dựng cho loài người một thế giới tuyệt vời “bất nhị”.Cái thế giới ấy rất xa vời với loài người, vì con người không thể với tới, không thể có trí tuệ: “Nhất nguyên” đó được, chỉ có những bậc Thánh, Hiền như Bồ Tát Duy Ma Cật trong kinh sách phát triển mà thôi. Thậm chí như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng còn sống phạm hạnh trong đạo đức nhân quả, vì thế Ngài còn thua xa Bồ Tát Duy Ma Cật. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Ngài cũng không dám sống trong pháp môn “Bất Nhị” vì đó là pháp môn phi đạo đức.

Những bậc Thánh “Bất Nhị” này lý luận mơ hồ, trừu tượng, ảo tưởng, hư tưởng, tưởng giải, chỉ là giấc mộng đẹp của Bà La Môn Giáo mà thôi.

Nhìn chung giáo lý của các tôn giáo đều xây dựng cho loài người một giấc mơ đẹp để an ủi tinh thần con người trong cuộc sống lầm than và nhiều đau khổ hơn là trên thực tế giải khổ cho họ. Ngoài những giáo lý ấy, có một thứ giáo lý khác được mang một cái tên nhỏ bé “Tiểu Thừa Phật Giáo”.

Tiểu Thừa Phật Giáo chỉ mang một cái tên như vậy cũng đủ khiến cho người ta xem thường, coi rẻ, người ta tưởng tượng trong đầu giáo pháp đó chẳng ra gì, chẳng bằng ai, không cao siêu, vi diệu, nhỏ mọn, hạn hẹp, tầm thường chẳng có gì để cho mọi người đáng quan tâm.

Chính chúng tôi trong những ngày đầu mới xuất gia tu học theo Phật, thấy kinh sách Tiểu Thừa Phật Giáo là chúng tôi cũng có tư tưởng không muốn đọc và cũng không muốn tu theo nó nữa.

Các bậc Thầy tổ thường ca ngợi kinh sách phát triển, khuyên chúng tôi nên học, đọc và tu theo những bộ kinh như: Pháp Hoa Kinh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Viên Giác Kinh, Qui Nguyên Kinh, Đại Bửu Tích Kinh, Huê Nghiêm Kinh, Pháp Bảo Đàn Kinh v.v..

Khi học và đọc những bộ kinh này, chúng tôi thấy nó quá vĩ đại, lý luận tuyệt vời, chỉ rõ bản thể con người rất cụ thể, nếu không có kinh sách này dạy thì khó mà ai nhận ra được “Phật Tánh” từ đó chúng tôi tin kinh sách này như là của báu.

Các Tổ, các bậc Tôn Túc và các Thầy từ bao nhiêu thế kỷ nay đã bị kinh sách này lừa đảo khiến tu hành lầm lạc, cứ tu theo các pháp môn đó mà tu chẳng đi đến đâu cả, kết quả cũng chẳng có gì, chỉ có cảm giác an lạc của dục tưởng xúc và cuối cùng thì có một vài thần thông tưởng, các Thầy Tổ đã tự mãn nguyện, hoặc thấy sắc tưởng, thanh tưởng, phát hiện thấy trước mắt và tiếng nổ trong tai là tự cho mình tu chứng đạo. Con đường tu như vậy thật là đau lòng, họ không biết chứng đạo là chứng cái gì? Hay chỉ cần nói: “Vô sở đắc” là đủ mãn nguyện tu hành.

Phật tánh, thần thông, các cảnh giới siêu hình: xuất hồn, nhập định, hay là tự tại vô ngại, ngũ uẩn giai không, phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu, v.v.. đó chỉ là sống trong thế giới tưởng của tưởng tri.

Ngộ nhận những trạng thái tưởng này cho là chứng đạo, nên các Ngài truyền thừa với nhau về phương Bắc, nhưng vì danh lợi, nên hùng cứ một phương chia ra làm năm tông bảy phái (Thiền Tông Trung Quốc).

Đến Việt Nam Thiền Tông thành lập ra phái Thảo Đường, Trúc Lâm, Liễu Quán v.v.. Nhưng tên thì có khác, khuôn Thiền Đông Độ thì không có gì khác cả, đều phỏng theo khuôn mẫu của Trung Quốc.

Đến thời đại chúng ta vẫn phát triển đều đều, người tu thì đông vô số kể, mà đạt được thì chẳng có gì, chỉ là một trò lừa đảo bịp bợm người mà thôi. Truyền thừa với nhau từ đời này sang đời khác lúc thịnh lúc suy, nhìn chung chẳng có ai tu đến đâu cả, chỉ là diễn xuất tuồng hát trên sân khấu, hết màn Tịnh Độ Tông, đến màn Thiền Tông; hết màn Thiền Tông, đến màn Mật Tông; hết màn Mật Tông, đến màn Pháp Hoa Tông v.v.. Cứ những Tông này diễn tới diễn lui chẳng có gì mới mẻ cả.

Người truyền Đạo thì cũng chẳng biết mình truyền đúng hay sai của đạo Phật, người tu thì lại nhắm mắt tu đùa, chẳng cần suy nghĩ xem xét kỹ lưỡng, chỉ nghe Đại Thừa, Tối Thượng Thừa là ngon lành, là siêu việt, còn những loại kinh sách Tiểu Thừa Nguyên Thủy thì xem chẳng ra gì, liệt kê những loại kinh sách này là ngoại đạo.

Lúc chúng tôi mới bước vào chùa tu hành, thích học được kinh sách Đại Thừa và thích tu thiền Tối Thượng Thừa, xem kinh sách Tiểu Thừa A Hàm như đồ bỏ (ngoại đạo) mà trong kinh Phạm Võng Bồ Tát giới đã cấm không cho học và tu giáo lý này.

Tu như ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên, tiên nữ rắc hoa còn dính mắc, các Ngài chỉ là hàng Thinh Văn không bằng Bồ Tát và Phật, uổng công tu hành chỉ ở những bậc thấp lè tè. Đối với Phật giao phát triển lời dạy của đức Phật là ngoại đạo, sao bằng kinh sách Đại Thừa của các Tổ biên soạn ra dạy: kiến tánh thành Phật, nhanh chóng như trở bàn tay.

Đó là quan niệm hết sức sai lầm của chúng tôi, do bị ảnh hưởng kinh sách phát triển. Vì Thầy Tổ truyền dạy cho nhau không ngoài kinh sách phát triển thì làm sao chúng tôi biết đâu là kinh sách Phật, đâu là kinh sách của Bà La Môn ngoại đạo.

 Xương minh pháp môn Tịnh Độ, Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ lại còn khuyến cáo người hơn nữa bằng những từ ngữ rất kiêu: “Người tu Thiền mà không tu Tịnh Độ 10 người chưa được một người tu chứng”. “Người tu thiền mà tu thêm Tịnh Độ như cọp mọc sừng 10 người đều chứng cả”.

Tịnh Độ còn dùng những lời lẽ cám dỗ. Những lời lẽ ở trên đã đưa đường dắttín đồ một cách có thủ đoạn. Tịnh Độ Tông cho rằng thời đại chúng ta là thời đại mạt pháp, loài người sắp tận thế chỉ có pháp môn Tịnh Độ tu hành dễ chứng và tu chưa chứng đạt cũng được đức Phật A Di Đà rước về cõi Cực Lạc rồi tiếp tục tu hành.

Sau những năm tháng tu hành với hoài bão làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt sự khổ đau của kiếp người. Nhưng bị các pháp môn của các hệ phái phát triển lừa đảo, đã phí hết thời gian của tuổi thanh xuân. Hơn nửa đời người đem hết sức lực tu hành theo các pháp môn đó, chúng tôi kiến giải (triệt ngộ) được tất cả các công án và đang sống trong trạng thái tĩnh lặng, biết bao nhiêu trạng thái tưởng xảy ra, như thần thông biết chuyện quá khứ vị lai, dù biết như vậy, nhưng xét kỹ chúng tôi cũng chưa làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Chúng tôi đã trở về với pháp môn Tiểu Thừa may ra, hy vọng còn làm chủ được thân tâm.

Chúng tôi sống độc cư, sống đời sống trầm lặng, sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, với đời sống thiểu dục tri túc, chỉ xin cơm ngày một bữa mà thôi, chẳng có mong cầu gì khác.

Chúng tôi tu pháp Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định, kết quả chúng tôi hướng tâm đến Tam Minh, chỉ trong vòng sáu tháng với một nhiệt tâm nồng cháy; với một nghị lực dũng mãnh; với một ý chí sắt đá kiên cường, chúng tôi thành tựu, làm chủ sự sống chết, tâm chẳng hề dao động trước bất cứ một đối tượng nào.

Từ đó, chúng tôi xác định rõ, kinh sách phát triển là của tôn giáo khác hoặc bị thế tục hóa tôn giáo, với dụng tâm của các vị Tỳ Kheo giáo sĩ Bà La Môn, thâm ý sâu độc muốn diệt trừ Phật giáo tận gốc. Chỉ vì Phật giáo tồn tại và phát triển thì các tôn giáo khác không phát triển được mà còn có thể bị diệt vong.

Tại sao vậy?

Tại vì Phật giáo đập phá thế giới siêu hình, hủy diệt thần quyền sáng tạo đem lại cho loài người một nền đạo đức giải thoát không làm khổ mình, khổ người, biến cảnh thế gian thành Thiên Đường, Niết Bàn. Đó là một chân lí đi ngược lại giáo điều giáo lý của các tôn giáo, làm cho họ không còn đất đứng trên hành tinh này, chỉ còn có nước di cư lên cung trăng sao hỏa, sao mộc mà xây dựng Niết Bàn, Cực Lạc, Thiên Đàng v.v..

Đạo Phật và các tôn giáo khác không thể đi chung nhau một đường. Vì các tôn giáo khác có thế giới siêu hình, có thần quyền sáng tạo, có cảnh giới mơ hồ, trừu tượng, ảo huyền, có cuộc sống sau khi chết. Ngược lại, Phật giáo thiết thực và cụ thể hơn nhiều, không có thế giới siêu hình, không có thần quyền sáng tạo, không có thế giới mơ hồ, trừu tượng, ảo huyền và không có cuộc sống sau khi chết.

Nếu chánh pháp và đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo, được phổ biến sâu rộng, khiến mọi người am tường và thực thi sửa đổi thói hư tật xấu, thì xã hội loài người mới sống đúng đời sống công bằng, bác ái, thì các tôn giáo khác làm sao còn có chỗ đất đứng trên hành tinh này như trên đã nói.

Thấy rõ điều lợi hại này, nên bằng mọi giá, các tôn giáo khác đều ước muốn biến dần Phật giáo thành một tôn giáo chấp ngã, có bản thể vạn hữu (Phật tánh, Đại ngã) và còn đạo đức của Phật giáo thì biến thành một thứ đạo đức nhân quả mê tín, để Phật giáo cũng giống như các tôn giáo khác trên hành tinh này.

Cho nên, câu nói “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” cũng là một câu nói lừa đảo phi đạo đức, nhằm để lường gạt những người chưa hiểu đạo đức nhân quả thiện ác của Phật giáo. Chứ không thể lừa đảo, lường gạt những người có giới đức và giới hạnh của Phật giáo được.

Hiện giờ, mọi người chưa ai thông suốt đạo đức nhân quả và luật nhân quả, kinh sách nhân quả Phật giáo phát triển là loại kinh sách mê tín, dị đoan. Đó toàn là kinh tưởng, hiện nay tín đồ Phật giáo phát triển họ đặt trọn lòng tin những vị Bồ Tát. Vì những vị Bồ Tát này thường ban phước lành và cứu khổ cứu nạn, cùng chia sẻ những sự đau khổ của chúng sanh. Không ngờ sự cứu khổ, cứu nạn và chia sẻ sự đau khổ với chúng sanh, là một điều không thể làm được, không thể làm được là vì luật nhân quả rất công bằng và công lý, cho nên hành động cứu khổ và chia sẻ khổ nạn là phi đạo đức, làm mất công bằng và công lý, trong kiếp sống của loài người.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Câu hỏi của Cô Châu

Hỏi:Kính thưa Thầy, theo Đạo Phật Thầy đã giảng là không có thế giới siêu hình, nhưng trong các kinh Nguyên Thủy, Đức Phật đã dạy, có 33 cõi Trời và các cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, A Tu La, súc sanh, và cõi Người, như trong kinh có thuật lại:

 “Một hôm Đức Thế Tôn cùng tôn giả A Nan đi khất thực, trên đường về, tôn giả ANan thấy đức Phật mỉm cười, nên lấy làm lạ, muốn thưa hỏi Phật liền, nhưng giới luật Phật cấm, “Chẳng đặng nói chuyện trên đường đi”. A Nan chờ sau khi thọ thực xong, Ngài đến thưa hỏi Phật: “Kính bạch Thế Tôn, trong lúc đang đi khất thực về, có duyên cớ gì mà Như Lai mỉm cười?

Đức Phật bảo:

“Trên đường đi khất thực về ta thấy trên trời có một loài ngạ quỷ đang đói khổ,sau lưng bị một đoàn ó theo cắn rỉa, thật là đau khổ”.

Kính bạch Thầy, có phải cảnh giới này là địa ngục không? Nếu quả có địa ngục thì phải có đời sống sau khi chết. Nếu có đờisống sau khi chết thì phải có thế giới siêu hình?

Và đây là câu chuyện thứ hai:

“Vào lúc cuối đêm, đến chỗ Đức Phật ngự có một Thiên nữ Câu-Ca-Ni có dung sắc tuyệt diệu, cúi đầu lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp tịnh xá Sơn Cốc. Thiên nữ đọc lên một bài kệ. Khi ĐứcPhật nghe xong bảo Thiên nữ:

– “Đúng thế! Đúng thế!”

“Thiên nữ Câu Ca Ni nghe Phât khen, hoan hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất”.

Thưa Thầy, câu chuyện trên đây trong kinh Tạp A-Hàm tập IV trang 483 kinh số 1.271. Theo bài kinh này như vậy có cõi Trời, có cõi Trời tức là có thế giới siêu hình, có thế giới siêu hình, tức là có sự sống sau khi chết. Xin Thầy dạy rõ cho chúng con hiểu?

Đáp:Đã từ lâu, cũng chỉ vì thế giới siêu hình điên đảo này, Thầy đã xác định nhiều lần không có thế giới siêu hình, mà chỉ có thế giới siêu hình tưởng. Thế mà đến giờ này các con vẫn chưa đủ niềm tin hay sao?

Sự thật thế giới siêu hình không có, nhưng biết nói làm sao cho các con tin. Một thế giới siêu hình đã ăn sâu vào lòng người, từ khi con người có mặt trên hành tinh này, với một tưởng thức của con người tạo ra. Đó là một điều không thể trách được các con ạ! Các hiện tượng của thế giới siêu hình tưởng hằng ngày đang diễn biến chung quanh cuộc sống con người thì thử hỏi làm sao người ta tin rằng không có thế giới siêu hình.

Thêm vào các tôn giáo và cả Phật giáo Đại Thừa đều xác định có thế giới siêu hình thì dù tiếng nói của Thầy có thật sự đi nữa là không có, cũng khó có ai tin theo được. Đức Phật đã dạy kinh Ngũ Uẩn, kinh Thập Nhị Nhân Duyên mà Thầy đã giảng, nhưng các con chưa đủ niềm tin. Bây giờ Thầy sẽ dẫn chứng một bài kinh khác cụ thể rõ ràng hơn chính lời Phật đã dạy: “Bài kinh PhápMôn Căn Bản” trong kinh Trung Bộ tập I trang 9.

- “Này các Thầy Tỳ Kheo. Ta sẽ giảng cho các Người: “Pháp môn căn bản tất cả pháp”.

“Này các Thầy Tỳ Kheo! Ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp của các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc chân nhân, không thuần thục pháp các bậc chân nhân, không tu tập pháp các bậc chân nhân, tưởng tri đại địa là đại địa. Vì tưởng tri đại địa là đại địa, người ấy nghĩ đến đại địa (là có thật). Nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với đại địa thì tự ngã có thật. Cho nên, người ấy nghĩ “Đại địa là của ta” sanh ra ưa thích chấp đắm đại địa. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri đại địa.

Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại người ấy nghĩ đến thủy đại (là có thật) nghĩ đến tựngã đối chiếu với thủy đại thì tự ngã là có thật, cho nên người ấy nghĩ “Thủy đại là của ta” sanh ra ưa thích chấp đắm thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.

Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại: Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại (là có thật) nghĩ đến tựngã đối chiếu với hỏa đại thì tự ngã là có thật, cho nên người ấy nghĩ hỏa đại là của ta, sanh ra ưa thích chấp đắm hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại.

Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến phong đại (là có thật), nghĩ đến tự ngã đối chiếu với phong đại là tự ngã có thật, cho nên người ấy nghĩ phong đại là của ta, sanh ra ưa thích, chấp đắm phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại.

Người ấy tưởng tri sanh vật là sanh vật. Vì tưởng tri sanh vật là sanh vật, người ấy nghĩ đến sanh vật (là có thật), nghĩ đến tự ngã đối chiếu với sanh vật thì tự ngã có thật, cho nên, người ấy nghĩ “sanh vật là của ta’’ sanh ra ưa thích chấp đắm sanh vật. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri sanh vật”.

Đọc qua những lời dạy của đức Phật trên đây, chỉ cho thế giới hữu hình của chúng ta là thế giới tưởng. Tưởng đất đai, sông, núi, cây, cỏ, vạn vật là có thật. Vì tưởng nó có thật nên con người sanh ra chấp đắm, ham thích, rồi mới tranh chấp đấu tranh, giành giựt của cải, tài sản, đất đá, sông, rạch, núi, rừng, vàng, bạc, châu, báu v.v.. Giết người, cướp của, dùng mọi thủ đoạn phương tiện lừa đảo, lường gạt người bằng mọi cách, thậm chí có kẻ lợi dụng ngay cả tôn giáo, buôn Phật, bán Pháp, buôn Thần, bán Thánh v.v..

Do chỗ không hiểu thế giới hữu hình là thế giới tưởng nên mới sanh tạo ra nhiều thứ dính mắc và tạo biết bao nhiêu sự đau khổ cho mình, cho người, từ kiếp này đến kiếp khác và mãi mãi chịu khổ đau vô cùng tận, cũng chỉ vì “tưởng tri của loài người”.

Đức Phật đã thấy thế giới hữu hình của con người là thế giới tưởng, cách đây 2542 năm, Người đánh tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, thế giới hữu hình là thế giới tưởng, nhưng ai là người đã tin Ngài. Nếu không phải là người tu đúng giáo pháp của Người thì làm sao tin được thế giới này là thế giới tưởng.

Thế giới hữu hình là thế giới tưởng thì thế giới vô hình làm sao có thật, thế giới vô hình là bóng dáng của thế giới hữu hình, đã là bóng dáng thì làm gì có sự sống sau khi chết, đó chẳng qua chỉ là một ảo tưởng của loài người mà thôi.

Cho nên, hiện giờ các tôn giáo trên thế gian này, ngay cả Đại Thừa Phật Giáo cũng thấy thế giới hữu hình này là thế giới tạm bợ không có thật, vì mọi vật đều vô thường, như lời đức Phật đã dạy qua bài kinh trên “Pháp môn căn bản”.Từ đất, đá, cỏ, cây và tất cả sinh vật đang sanh sôi nảy nở trên hành tinh này đều do tưởng tri của chúng sanh, tưởng là có thật, chứ thực ra thế giới hữu hình này là thế giới duyên hợp. Mọi vật có mặt (vạn hữu) trên hành tinh này đều do duyên hợp mà thành, mọi vật (vạn hữu) hoại diệt đều do duyên tan rã mà hoại diệt, không có một vật nào thường còn bất biến, toàn là vạn vật đều vô thường.

Chỉ vì người thế gian với trí hữu hạn không thấu rõ thế giới hữu hình này cho là thật có. Đối với người có trí vô hạn thì thế giới hữu hình là thế giới tưởng của loài người. Nhưng các tôn giáo kể cả Đại Thừa Giáo cũng cho thế giới hữu hình là không thật, nhưng lại xây dựng một thế giới vô hình có thật, thì đó là đi ngược lại Phật giáo. Phật giáo cho thế giới vô hình là thế giới tưởng tri (không có).

Cũng trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản trong Trung Bộ kinh tập 1 trang 11 kinh dạy: “Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên... Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên... Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên... Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên.... Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng giả) là Abhibhù.... Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là không vô biên xứ thiên... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ thiên... Người ấy tưởng tri vô sở hữu xứ là vô sở hữu xứ thiên... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên... Người ấy tưởng tri Sở kiến là Sở kiến... Người ấy tưởng tri Sở văn là Sở văn... Người ấy tưởng tri Sở tư niệm là Sở tư niệm... người ấy tưởng tri Sở tri là Sở tri... Người ấy tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất... Người ấy tưởng tri Sai biệt là Sai biệt.... Người ấy tưởng tri Tất cả là Tất cả.... Người ấy tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn... Vì tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn người ấy nghĩ đến Niết Bàn (là có thật), nghĩ đến tự ngã đối chiếu Niết Bàn (thì tự ngã có thật nhập Niết Bàn) cho nên, người ấy nghĩ “Niết Bàn là của ta” sanh ra ưa thích chấp đắmNiết Bàn (dục hỷ). Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri (không hiểu, không biết) Niết Bàn.”

Phật giáo không chấp nhận thế giới hữu hình là có thật tri mà chỉ là tưởng tri, đến thế giới siêu hình các cõi trời địa ngục và Niết Bàn cũng là tưởng tri chứ không phải thật tri.

Vì, thế giới siêu hình là bóng dáng của thế giới hữu hình như trên chúng tôi đã nói. Vì thế, con người hữu hình như thế nào thì thế giới siêu hình con người giống như thế nấy, tất cả núi, sông, đất, đá, cây, cỏ, thảo, mộc, nhà, cửa, đền, đài, cung, điện đều giống thế giới hữu hình. Chỉ khác hơn ở thế giới hữu hình là không có không gian và thời gian mà thôi.

Bởi vậy, những người ông lên, bà xuống, nhập đồng, nhập xác, nói chuyện quá khứ, vị lai, chỉ nơi siêu mồ, lạc mả cho người lấy cốt đều đúng không sai một mảy, là nhờ tưởng uẩn không có không gian và thời gian, nhưng khi tưởng uẩn[1] hoạt động thì biết đúng, nói không sai, còn khi tưởng uẩn không hoạt động thì không biết, thường nói sai.

Do chỗ nói chuyện quá khứ, vị lai không sai, khiến người ta tin rằng có linh hồn người chết, ông này, bà kia, cậu nọ nhập xác, lên đồng, nhập cốt v.v..

Bởi tưởng uẩn làm việc như vậy người ta không rõ, rồi tin rằng có thế giới siêu hình thật sự.

Từ tưởng tri thế giới hữu hình là thật có người ta đã mang đến cho chính mình mọi sự khổ đau cho đến ngày nằm xuống lòng đất, xuôi tay vẫn còn đau khổ, thế mà có ai biết rõ điều này, mọi người đếu vô minh, ngay đến những nhà khoa học cũng đành bó tay không giải thích được vì các hiện tượng kỳ lạ mà mọi người đều phải chấp nhận thế giới siêu hình, cho nên thật khó cho ai không tin thế giới siêu hình là không có.

Sự sợ hãi và sự đau khổ do các hiện tượng thời tiết của thế giới hữu hình mới khiến con người tạo ra thế giới siêu hình để có sự phò hộ che chở giúp cho tinh thần con người được an ổn, bớt sợ hãi.

Từ khi sản xuất ra thế giới siêu hình, mọi người luôn tin tưởng có sự gia hộ, che chở, ban phước, giáng họa, nhưng sự thật, không thể phò hộ, gia bị, giáng họa, ban phước cho ai cả, chỉ con người tưởng ra để an ủi tinh thần như vậy mà thôi.

Cho nên, sự tưởng ra thế giới siêu hình lại còn tạo thêm một lớp khổ cho con người nữa, đã khổ vì thế giới hữu hình dính mắc trói buộc các pháp thế gian, rồi lại bị lường gạt bởi thế giới siêu hình nữa. Do đó có một số tà sư, ngoại đạo lợi dụng sự vô minh và lòng mê tín này tạo ra các vị thần linh để khiến con người tôn sùng, cung kính, sợ hãi và chịu biết bao nhiêu tốn hao tiền của và giết hại sanh linh, làm tội ác thêm để cúng bái, tế lễ, cầu khẩn, van xin v.v..

Cách thức làm ăn của bọn tà sư, ngoại đạo này có hiệu quả làm giàu trên xương máu của kẻ khác không phí sức lao động, chỉ cần tụng đọc ê a, hoặc vẽ bùa, đọc chú, ợ, ợ, ngáp, ngáp nói bậy bạ là hốt tiền bạc của những kẻ đang gặp nhân quả nghiệp báo xấu, nặng nề, trong lúc quá khổ đau, quá sợ hãi trước tai họa hiểm nghèo, trước bệnh tật nan y, trước sự sống chết như chỉ mành treo chuông, trí óc không còn sáng suốt. Lúc bây giờ, bọn thầy lừa đảo này nói sao họ nghe vậy, họ làm tiền một cách dễ dàng (ngồi mát ăn bát vàng).

Lại có một số tà sư ngoại đạo khéo léo hơn, dùng ba tấc lưỡi lý luận như Trương Nghi – Tô Tần thời Lục Quốc bên Trung Hoa, pháp môn này, pháp môn nọ, triết lý này triết lý kia, chân lý này chân lý nọ, lường gạt những kẻ vô minh chạy theo pháp này, chạy theo pháp kia tu tập để chứng đạt chân lý này chân lý khác.

Từ xưa đến nay, ai là người đã đi tìm chân lý thoát khổ? Chân lý ấy được bao nhiêu người đạt được? Hay chỉ là một lý luận suông?

Tại sao các người không nói thật? Để biết bao nhiêu con người phải mất công, mất của và còn tốn biết bao công lao khổ công tu tập mà chẳng được những gì. Từ tôn giáo này đến tôn giáo khác, từ pháp môn này đến pháp môn khác, để nuôi một hy vọng hão huyền giải thoát, Thiên Đuờng, Cực Lạc, Niết Bàn v.v..

Danh lợi ở thế gian có nhiều việc làm nên danh, nên lợi mà rất “thiện”. Tại sao các người không làm việc kia mà lại làm việc này, để lường gạt người khác chi vậy. Biết bao nhiêu thế hệ con người đã qua, họ đã chạy theo tu hành và rèn luyện thân tâm, nhưng họ được những gì ở các chân lý ảo tưởng ấy?

Trong khi đó họ đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công lực, tiền của và công sức. Giải thoát đâu không thấy chỉ thấy khổ và khổ, cho đến lúc chết lại càng khổ hơn, (Các Hòa Thượng khi viên tịch quá khổ sở) họ chỉ mua được cái “danh” và cái “lợi” giả.

Bởi vậy, các thế giới siêu hình tưởng, tai ương bệnh tật đều là tưởng, Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đều là tưởng, pháp môn tu hành cũng đều là tưởng, vì thế cái khổ của con người cũng hoàn lại cái khổ.

Do đó, Phật giáo ra đời quyết đập tan tành cái thế giới hữu hình duyên hợp và xé nát cái thế giới siêu hình tưởng. Giống như một vị Thần để đem lại sự công bằng và công lý cho loài người, giúp họ sống an vui, thanh thản và hạnh phúc. Tạo sự sống an vui trên hành tinh này là một cảnh giới Thiên Đàng.

Bài pháp Thân Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, Pháp Môn Căn Bản trong tạng kinh Nikaya và kinh A Hàm không đủ để chứng minh đập phá thế giới siêu hình và hữu hình này sao?

Nếu đập phá được cả hai thế giới này, thì sẽ mang lại cho con người một đời sống thoải mái, thanh thản, an lạc và hạnh phúc. Bằng ngược lại, thì con người phải chịu khổ vô cùng tận và vô lượng kiếp.

- “Trên giường bệnh hấp hối của một vị quan sát thủ, được nhà vua đến thăm căn dặn ông nhiều lần: “Khanh là một vị quan chuyên môn giết người” như vậy khanh phải đọa địa ngục, khi vào địa ngục, bằng mọi cách khanh về báo cho trẫm biết, khanh đã xuống địa ngục và địa ngục có thật, khanh nhớ kỹ lời trẫm, đừng phụ lòng trẫm. Vị quan sát thủ gật đầu và xin hứa.

Nhà vua căn dặn xong chẳng bao lâu vị quan này chết.

Chờ mãi, chờ mãi từ 1 tháng đến một năm rồi đến 3 năm mà chẳng có tin tức gì cả. Nhà vua đến một vị Đạo sư hỏi:

- “Thưa Ngài, Ngài nói có địa ngục, trẫm có một vị quan sát thủ trước khi chết trẫm đã căn dặn đôi ba lần: “Khi xuống địa ngục, bằng mọi cách khanh hãy về báo cho trẫm biết, nhưng đến nay đã ba năm rồi chẳng có tin tức gì cả, như vậy theo trẫm nghĩ “chẳng có địa ngục”.

Vị Đạo sư trả lời:

- “Tâu bệ hạ, vị quan ấy là tội nhân làm sao có quyền đi lại được để về báo cho bệ hạ hay”.

Nhà vua gật đầu chấp nhận ra về, sau ba năm nhà vua trở lại thăm vị Đạo sư và hỏi:

 - Thưa Ngài, Ngài nói có Thiên Đàng phải không?

Vị Đạo sư tâu:

- Vâng, thưa bệ hạ, có Thiên Đàng, ai làm thiện sẽ sanh lên Thiên Đàng, ai làm ác sẽ đọa xuống Địa Ngục.

Nhà vua phán:

- Ta có một vị quan đại thần suốt đời làm thiện, làm quan thì cần kiệm, liêm chánh, chí công, vô tư, làm người thì hằng ngày thường trường chay, không sát hại sanh linh, trước giờ phút lâm chung, hấp hối trẫm đến căn dặn nhiều lần: “Khanh là một người hiền lành sống thì trường chay, chẳng hề giết hại chúng sanh, làm quan thì liêm chánh ngay thẳng, chắc chắn khi chết khanh được về Thiên Đàng. Vậy bằng mọi cách sau khi chết, nhà ngươi về báo cho ta biết có cảnh Thiên Đàng chân thật haykhông? Để trẫm yên lòng”.

Như thế đến nay đã ba năm mà ta chẳng được tin tức gì, chắc chắn là chẳng có Thiên Đàng.”

Trong bài kinh này, Đức Phật còn xác định thêm: “Nếu có cảnh giới siêu hình thật thì phải có người đến và người về, đàng này đi thì có, về thì không”.

Như vậy, chứng tỏ không có thế giới siêu hình mà chỉ có một thế giới siêu hình tưởng mà thôi. Kinh Pháp Môn Căn Bản đức Phật đã dạy rất rõ ràng và cụ thể nhất.

Cho nên, trong kinh Nguyên Thủy các vị Trời đến bạch Phật cũng như Ma Vương, Ác quỷ và quỷ đói đều là cảnh giới tưởng của thế giới tưởng ấm của con người tạo ra. Tạo ra như vậy để mà chịu khổ thêm chẳng ích lợi gì cho đời sống mà còn làm hao tốn tiền của một cách vô lý.

Các tôn giáo khác, Phật Giáo phát triển đua nhau xây dựng thế giới siêu hình bằng nhiều hình thức và những xưng danh khác nhau để khéo lừa đảo con người, chứ kỳ thật cũng chỉ là thế giới tưởng mà thôi.

Nên trong kinh Pháp Môn Căn Bản Đức Phật đã xác định rõ ràng: “Người ấy tưởng tri Sở kiến là Sở kiến... Người ấy tưởng tri Sở văn là Sở văn.. Người ấy tưởng tri Sở tư niệm là Sở tư niệm.. Người ấy tưởng Tri sở là Tri sở.. Người ấy tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất.. Người ấy tưởng tri Sai biệt là Sai biệt... Người ấy tưởng triTất cả là Tất cả... Người ấy tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn..” Đó toàn là sống trong tưởng mà mọi người mấy ai biết. Trên đời chỉ có một mình đức Phật biết rất rõ.

Bởi vậy, nhìn chung các tôn giáo trên thế gian này đang xây dựng một thế giới siêu hình để thỏa mãn lòng tham vọng của loài người.

Xưa, vua Tần Thủy Hoàng vì tham vọng sống lâu, nên đã cho người đi tìm thuốc trường sanh bất tử. Theo lời dạy của các vị tu Tiên, nhưng nào có được gì đâu, chỉ hoài công vô ích.

 Phương pháp tập dưỡng sinh và đạo Yoga đều tập luyện kéo dài tuổi thọ để đạt được “Trường sanh bất tử’’, nhưng có vị nào không bệnh đau và trường sanh bất tử đâu. Cuối cùng rồi cũng bệnh đau mà chết.

Những việc làm này, con người trên thế gian ai đã làm được. Đó là một tưởng vọng của loài người, không thể thành sự thật. Như đức Phật đã dạy đó là sự tưởng tri của loài người. (tưởng tri là tưởng tri làm sao sự thật được).

Tìm mọi cách để loài người sống mãi muôn đời, nhưng không thành tựu, nên con người quay lại tìm “sự sống sau khi chết”. Do đó, mới sản xuất ra cảnh giới Thiên Đàng, Địa Ngục, Bồng Lai Tiên Cảnh, Cực Lạc Tây Phương, cõi Niết Bàn, Bản Thể Vạn Hữu, Đại Ngã, Phật Tánh v.v..

Riêng đức Phật, Ngài dạy: “Tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn”.

Câu nói của Ngài có một giá trị rất lớn đối với các Tôn giáo. Toàn bộ tất cả cảnh giới siêu hình của các Tôn giáo đều đối với đạo Phật là cảnh giới tưởng, không thể lừa đảo lường gạt người đệ tử của Phật được, vì đức Phật đã dạy cho các đệ tử của mình rất rõ ràng và cụ thể.

Các pháp môn của các tôn giáo này chỉ lừa đảo, lường gạt được những người vô minh, vì cuộc sống còn mang dẫy đầy tham vọng nên mới tìm tu và nghe theo các giáo phái đó mà thôi.

Sáu nẻo luân hồi chỉ là sáu trạng thái của tâm, chứ không phải sáu cõi giới gồm có từ hữu hình đến siêu hình. Sáu cõi giới ấy là:

1/ Cõi Trời

2/ Cõi Người

3/ Cõi A Tu La

4/ Cõi súc sanh

5/ Cõi Ngạ quỷ

6/ Địa ngục.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nếu một người không biết phương pháp tu theo Phật giáo thì có thể luân hồi sáu nẻo ngay tại kiếp sống của họ.

Ví dụ: Một người đang sống trong mười điều thiện (Thập thiện) thì trạng thái tâm hồn của họ cảm nhận được sự an lạc yên vui hạnh phúc và cơ thể của họ không có một chút nào mỏi mệt, đau nhức khổ sở, mà người khác không sống đúng mười điều lành thì không thể cảm nhận biết được. Nhưng khi họ rời khỏi mười điều lành này mà chỉ còn giữ được năm điều lành (ngũ giới) thì lúc bây giờ họ luân hồi vào cõi người sự bình an của họ không bình an và an vui bằng trạng thái của cõi Trời. Trong khi họ đang ở trong trạng thái tâm cõi người họ không giữ gìn được tâm để cơn sân bừng cháy trong lòng thì ngay đó họ đã luân hồi vào cõi A Tu La.

Nếu ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn năm giới trọn vẹn thường thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài, không buông xả các pháp ác cố chấp tị hiềm, ganh đua, hơn thiệt, dâm dục, thiếu thành thật nói những lời hung ác, nói những lời vu khống, chuyện có nói không, chuyện không nói có, tâm hồn họ luôn luôn buồn phiền khổ đau lo sợ, sống bất an, đó là họ đã luân hồi vào cõi súc sanh một trạng thái khổ đau như vậy.

Từ ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn tâm sống đúng năm giới, để tâm khởi muốn ăn, muốn uống và bụng cảm giác thấy đói khát rồi đi ăn uống phi thời, đó là họ đã luân hồi vào trạng thái cõi giới ngạ quỷ.

Từ ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn tâm sống đúng năm giới, thường giết hại, ăn thịt chúng sanh và chạy theo khẩu vị ăn những món ăn hảo hạng ngon miệng, nhưng trong đó có chất độc, sống không yêu thương sự sống, không giữ vệ sinh chung, thường làm ô nhiễm môi trường sống, nên cơ thể dễ sinh ra nhiều bệnh tật nan y. Cơ thể bị bệnh đau nhức khổ sở, đó là luân hồi vào trạng thái địa ngục.

Cho nên, sáu nẻo luân hồi không phải là sáu cõi giới hữu hình và vô hình mà là sáu trạng thái của tâm trong một con người như trên đã nói.

Còn những câu chuyện trên, Phật đã nói với ông A Nan là những câu chuyện của tưởng uẩn lưu xuất phóng ra những hình ảnh từ trường trong không gian. Khi nào một người có tưởng uẩn mạnh tức là tưởng uẩn hoạt động thì sẽ bắt gặp những hình ảnh cảnh giới của những từ trường này. Hình ảnh này không phải là cõi giới mà là hình ảnh từ trường của những người còn sống cũng như của những người đã chết phóng xuất còn lưu giữ trong không gian.

Trong kinh Pháp Môn Căn Bản Phật đã dạy: Tất cả cõi Trời, cõi Người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục đều là tưởng tri chứ không phải liểu tri.



[1] Tưởng uẩn là danh từ trong kinh sách Phật để chỉ cho nhóm tế bào thần kinh não hoạt động không có không gian và thời gian trong một đời khi nhóm tế bào thần kinh não ý thức (sắc uẩn) ngưng hoạt động.

GIỚI LUẬT

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tại sao tu sĩ Phật giáo hiện giờ không giữ gìn giới luật, sống phi giới luật, sống bẻ vụn giới luật. Như vậy con đường tu của họ sẽ đi về đâu? Và có ích lợi gì cho kiếp sống tu hành của họ?

Người tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm túc, sống đúng Phạm hạnh, thiểu dục tri túc, phòng hộ các căn đầy đủ, con đường tu của họ sẽ đi về đâu?

Và có ích lợi gì cho kiếp sống của họ? Con cúi mong Thầy chỉ dạy để cho chúng con được rõ.

Đáp:Như Thầy đã dạy giới luật là một pháp môn tu hành của đạo Phật, chứ không phải là pháp luật của một quốc gia. Cho nên các bộ giới luật do các Tổ biên soạn thành một bộ pháp luật của Phật giáo hơn là một pháp môn tu tập để tâm được vô lậu.

Pháp môn giới luật cùng với pháp môn Thiền định và pháp môn Trí tuệ, gọi chung có tên là “Tam Vô Lậu Học”.

Tam Vô Lậu Học là ba pháp môn tu tập không còn lậu hoặc, tức là ba cấp tu tập trong tám lớp học sẽ chấm dứt đau khổ của kiếp người hay nói cách khác là làm chủ sanh, già, bệnh, chết của đạo Phật.

Ba pháp môn vô lậu này, kỳ thật chỉ là ba cấp học đạo đức duy nhất của Phật giáo, nên nó được chia ra làm ba giai đoạn tu tập: Giới, Định, Tuệ.

Ba cấp học này chỉ có giới luật là cấp học quan trọng nhất và tu tập khó nhất trên đường tìm cầu đạo giải thoát theo đạo Phật.

Bởi thế, người nào tu hành mà không giữ gìn giới luật, không tu giới luật, không sống đúng giới luật, thì có tu suốt đời cũng tu chẳng tới đâu, chỉ còn tu danh, tu lợi, tu tưởng, tu chùa to Phật lớn mà thôi (chẳng bao giờ có giải thoát thật sự).

Nếu không tu giới luật mà tu định, thì Thiền định đó là tà thiền, định tưởng.

Nếu không tu giới luật mà tu trí tuệ thì trí tuệ đó là tà tuệ, kiến giải, tưởng giải, là trí tuệ tích lũy, nhai lại bã mía của người xưa, thêm râu, thêm ria, vẽ rắn thêm chân.

Từ xưa đến giờ các Tổ chỉ lặp đi, lặp lại lối mòn của nhau, chỉ dùng từ hiện đại cho lạ tai mà thôi, chứ lối mòn vẫn là lối mòn, không thể nào lối mòn là đường cái được.

Như trên Thầy đã dạy, giới luật là pháp môn quan trọng nhất trong Tam Vô Lậu Học. Cho nên, vì lợi ích chúng sanh, vì muốn thoát ra sự đau khổ của kiếp người đức Phật đã dạy: “Vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm xong, vì lòng thương tưởng Ta đã dạy các ngươi”.

Đây là một bài kinh mà Đức Phật đã khéo nhắc nhở cho các vị Tỳ Kheo tu tập giới luật, vì giới luật rất quan trọng trên đường cầu đạo giải thoát. Bài kinh “Ước Nguyện” Trung Bộ tập 1 trang 79 Phật dạy:

- “Này các Thầy Tỳ Kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.

Đoạn kinh này là lời dạy khuyên nhắc nhở của đức Phật thấm thía vô cùng, một lời khuyên từ cõi lòng vì thương tưởng chúng sanh đang sống trong cảnh khổ mà chẳng biết đường nào ra. Trên thế gian này chỉ còn có con đường duy nhất để tu tập, thoát ra sự đau khổ của kiếp người “Giới, Định, Tuệ”. Không thể còn có con đường thứ hai nào khác được nữa.

Biết rất rõ điều này, trên bước đường tầm sư học đạo. Ngài đã sáu năm gian khổ, nhưng vẫn không tìm ra con đường giải thoát. Bốn mươi chín ngày dưới cội bồ đề trầm tư và nhập Tứ Thánh Định, chứng Tam Minh. Ngài đã tự tìm ra chân pháp, chân pháp ấy là thầy của Ngài, đã dẫn đường Ngài đi đến đích, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Chân pháp ấy là gì?

Chân pháp ấy là “Giới, Định, Tuệ”. Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta với lòng yêu thương tha thiết đối với chúng ta như con một: “Hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và học tập các giới học”.

Thế mà người tu sĩ Phật giáo hiện giờ lại xem thường giới luật, oai nghi chánh hạnh không có, xem thường trong các lỗi nhỏ nhặt, phạm giới không biết xấu hổ, chẳng bao giờ lấy giới phòng hộ sáu căn, sống ăn uống phi thời, nam nữ trai gái kề cận chẳng biết đó là tai họa khổ đau, chẳng biết đó là con đường sanh tử luân hồi.

Bài kinh Ước Nguyện, đức Phật đã xây dựng nó trên nền tảng đạo đức nhân bản -nhân quả. Ngài không dạy chúng ta cầu nguyện mà dạy chúng ta ước nguyện.

Muốn ước nguyện được thành tựu sở nguyện thì phải sống đúng giới luật, giới luật là thiện pháp, do nhân thiện pháp thì chuyển được ác pháp. Vì thế, do nhân thiện pháp thì quả của thiện pháp là ước nguyện của chúng ta viên mãn.

Ví dụ: Một người có bệnh tật, tai nạn xảy đến hoặc tai nạn bệnh tật chưa xảy đến nhưng ước nguyện bệnh tật tai nạn sẽ chấm dứt và bệnh tật tai nạn sẽ không xảy ra, thì người ấy phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và học tập các học giới, thì ước nguyện sẽ thành tựu.

Nếu ai giữ gìn giới luật đúng như vậy thì tai nạn, bệnh tật sẽ qua và không xảy đến. Như vậy, Ngài đã dạy chúng ta tu tập giải thoát trên nền đạo đức nhân bản - nhân quả, lấy hành động thiện làm gốc, diệt trừ mọi hành động ác và lòng ham muốn.

Trong bài kinh Ước Nguyện, Đức Phật dạy:

“- Mong rằng ta được mọi người thương mến, yêu quý, cung kính, và tôn trọng”.

“- Mong rằng ta được các vật dụng đầy đủ không thiếu hụt”.

“- Mong rằng những người bố thí cúng dường các vật dụng sẽ được quả báo và lợi ích lớn”.

“- Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi bệnh tật tai nạn chết, mệnh chung với tâm hoan hỷ, an lạc, được quả báo và lợi ích lớn”.

Trên đây là những ví dụ ước nguyện trong bài kinh, muốn được toại nguyện cho mình cho người thì chỉ tu tập và giữ gìn giới luật nghiêm túc.

Kinh Phật đã dạy như vậy, thế mà kinh sách phát triển lại dạy cúng tế, cầu khẩn, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, cầu an, cầu siêu để được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ (do chư Phật, Bồ Tát từ bi gia hộ).

Kinh sách phát triển lối dạy tu tập đều cầu tha lực, (Tam bảo gia hộ) cho đến những ước nguyện cho mình, cho người đều dựa vào tha lực. Còn ngược lại, kinh sách Nguyên Thủy dạy tự lực. Muốn lợi mình lợi người thì người ấy phải tự mình tận lực sống đúng giới hạnh, nói cách khác là phải sống đúng thiện pháp không được sống trong ác pháp.

Nói chung đức Phật dạy, con người muốn có cuộc sống an vui, hạnh phúc thì phải sống có đầy đủ đạo đức không làm khổ mình, khổ người, thì được mọi toại nguyện.

Đọc qua bài kinh Pháp Môn Căn Bản ta thấy rõ Phật giáo không đi nhẩm lại lối mòn của các tôn giáo khác, tự mình vạch ra một lối đi độc đáo, tự lực, cụ thể không mơ hồ, chính xác để giải quyết kiếp sống con người, thoát ra mọi cảnh khổ, tạo thế gian, có cuộc sống con người thành một cõi Thiên Đàng, Cực Lạc.

Để chiến thắng sự ưa thích dục lạc thế gian, sự không ưa thích, sự bất toại nguyện, và sự khiếp đảm, sợ hãi, Phật dạy: “- Này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện: Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, chứ không phải lạc và bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục lạc và bất lạc được khởi lên. Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chớ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên nơi Tỳ Kheo, Tỳ kheo ấy “phải thành tựu viên mãngiới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định (tỉnh thức), thành tựu quán hạnh (vô lậu), thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư)”.                                                                

Lời dạy trên đây rất cụ thể cho người tu, muốn nhiếp phục tâm ham muốn và sợ hãi thì chỉ có giới luật và bốn pháp định, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở (không gián đoạn thiền định), nội tâm tịch tĩnh (Định Sáng Suốt), thành tựu quán hạnh (Định Vô Lậu), thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư).

Trong bài kinh Ước Nguyện đức Phật dạy nhập Bốn Thánh Định rất rõ ràng và dễ dàng không có khó khăn.

Vì muốn nhập Bốn Thánh Định này không khó khăn, không có ức chế tâm như các nhà học giả kiến giải dạy ra. Chỉ cần sống đúng giới hạnh và tu tập các pháp Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để xả tâm cho thật sạch (không còn tham sân, si, mạn, nghi) nữa, thì chỉ ra lệnh nhập thiền định nào thì nhập ngay thiền định ấy.

“- Này các Thầy Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện: Mong rằng, Tỳ Kheo ý muốn, không khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn thiền thuộc tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, Tỳ Kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh (Sáng Suốt Định), không gián đoạn thiền định (Thân Hành Niệm Nội Ngoại), thành tựu quán hạnh (Định Vô Lậu), thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư)”.

Nếu người nào muốn tu tập thiền định của đạo Phật nhập Bốn Thánh Định, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, không có khó khăn, chỉ cần thành tựu viên mãn giới luật, tức là sống đúng giới luật.

Xét ra từ khi đức Phật nhập diệt đến giờ, không có ai nhập được Bốn Thánh Định, chỉ vì không thành tựu viên mãn giới luật.

Nếu đã có người nào viên mãn được giới luật sống đầy đủ chánh hạnh thì Phật pháp đâu bị ngoại đạo biến thể như ngày nay và như thế này. Phật giáo ngày nay đã trở thành một tôn giáo hỗn tạp mang đủ thứ pháp môn của ngoại đạo (84 ngàn pháp môn) mà còn tự xưng những danh từ ngã mạn cống cao khác.

Như trên Phật đã dạy trong bài kinh Ước Nguyẹn. Từ đức hạnh làm người, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Để đem lại sự giải thoát, an lạc, hạnh phúc cho nhau trên hành tinh này thì “Hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới thì được toại nguyện, mãn nguyện làm người có đạo đức đầy đủ”.

Nếu muốn thành tựu những đức hạnh của bậc Thánh nhân và thực hiện thiền định làm chủ sự sống chết của bậc chân nhân mà người đời thường hay ưa thích tu thiền định, nhưng không biết thiền định nào đúng sai, cứ nghe thiền định là cứ tu, nhắm mắt tu đùa, tu không suy nghĩ đúng sai phải trái, đã mất công sức tu hành lại còn mất tiền mất của, bỏ đời sống thế gian, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ thân bằng quyến thuộc v.v.. Chỉ vì muốn thoát khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời, để trở thành bậc Thánh nhân, nhưng lại tu sai đường, Thánh nhân đâu không thấy, giải thoát đâu không thấy, ngẫm lại cuộc đời mình mà đau lòng, bị các nhà tôn giáo lừa đảo mà không dám nói ra, ngậm miệng tự an ủi mình, phải tu nhiều kiếp, kiếp này chưa xong thì kiếp khác tu nữa, Phật Thích Ca ngày xưa còn tu vô lượng kiếp mới thành Phật, câu này là câu an ủi nhất của những người bị lừa đảo, tu lạc tà pháp, họ muốn hy vọng hão huyền để mà hy vọng, để mà sống.

Nhưng trong bài kinh Ước Nguyện Phật dạy tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm hiện tại lạc trú.

Như vậy, thiền định tu tập đâu có khó khăn gì, thế mà người tu thiền thời nay lại tu quá khó khăn, tu mãi từ hai ba chục năm, nhưng không thành tựu. Các Tổ như Ngài Đại An 12 năm, Diệu Cao Phong 30 năm mà chỉ có triệt ngộ những công án mà thôi, còn làm chủ sanh tử thì chẳng biết gì, tâm sân hận thì vẫn còn cao ngút. Giải thoát đâu không thấy, làm chủ sanh, già, bệnh, chết đâu không thấy, chỉ thấy được mồm mép bén nhạy đối đáp như gió thổi (cơ phong). Còn một số người nữa lại tu vào các loại thiền khác, xuất hồn, Khí công, Yoga, Mật Tông luyện bùa, niệm chú, bắt ấn v.v.. Biến thành các tu sĩ này, thay vì tu giải thoát họ lại tu để làm thầy trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ hoặc tập luyện dưỡng sinh, tức là thiền định biến thái thành phương pháp ngừa bệnh.

Thiền định thời nay biến dần thành phương pháp ngừa bệnh (dưỡng sinh) chứ đâu còn là thiền định làm chủ sự sống chết như thời đức Phật.

Nhìn sự tu hành của Phật giáo hiện giờ, ta rất buồn cười, thiền định của Phật thì dẹp qua không tu, mà lại tu thiền của ngoại đạo, chỉ vì thiền của ngoại đạo không có giới luật nghiêm túc, đời sống theo dục lạc dễ dàng, ăn uống ngủ nghỉ phi thời.

Do đó, tu mãi không kết quả, chạy sang tu các pháp môn khác như Tịnh Độ “vừa tu Thiền vừa niệm Phật” như các Tổ Vĩnh Minh, Vân Thê, Từ Vân v.v..

Có người chuyển sang Tịnh Độ hẳn chuyên ròng niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc như Tổ Tông Bổn, Khánh Anh, Thiện Hoa, Thiện Hòa v.v..

Có người chuyển sang vừa tu Tịnh Độ cầu vãng sanh vừa tu Mật Tông; có người lại chuyển sang qua hẳn Mật Tông, chuyên ròng niệm chú, bắt ấn.

Có người tu Tịnh Độ lâu ngày chẳng thấy kết quả gì chuyển qua tu Thiền Tông, lại cũng có người tu Mật Tông lâu ngày chẳng thấy linh ứng chuyển qua tu Thiền Tông. Họ chuyển qua pháp môn này, chuyển lại pháp môn kia, tu mãi từ đời này sang đời khác mà chẳng ra gì, vẫn chết trong đau khổ và còn đau khổ hơn người thế gian.

Hiện giờ người ta tu theo Phật Giáo Đại Thừa, cứ chạy theo ba pháp môn Thiền, Tịnh, Mật và chuyển qua chuyển lại tu tập, cứ thế tu tập cho đến bây giờ chẳng ai tu đến đâu, cứ loanh quanh, lẩn quẩn trong vòng lẩn quẩn, loanh quanh.

Có người tu các loại tà thiền Yoga, xuất hồn lại rơi vào trạng thái Định tưởng; có người tu Thiền Đông Độ rơi vào Pháp tưởng nên gọi là triệt ngộ.

Tịnh Độ Tông thì rơi vào sắc, thanh tưởng thấy cảnh giới Tây Phương, Phật Di Đà và Thánh chúng, thấy hoa sen, thấy tên họ được đăng ký trên hoa sen và thấy ánh sáng hào quang, nghe Phật Di Đà thuyết pháp v.v.. Đó toàn là sắc thanh tưởng.

 

Mật Tông thì rơi vào Tha tâm tưởng, nên biết chuyện quá khứ vị lai khiến cho mọi người quá nể phục và thường làm trò ảo thuật (thần thông) lừa đảo người.

Tất cả những sự việc đã xảy ra khiến cho người tu tưởng mình đã chứng đạo, nên trong kinh Pháp Môn Căn Bản Phật dạy: “Tất cả những kết quả đó là tưởng tri chứ không phải thực chứng giải thoát(liễu tri)”.

Bởi vậy, một người tu tìm cầu sự giải thoát mà không sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống không phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, không đầy đủ oai nghi chánh hạnh, không thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, không chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới, thì dù tu ngàn đời Thiền, Tịnh, Mật cũng chẳng đi đến đâu, chỉ uổng phí một đời tu hành mà thôi, rồi cũng chạy theo danh, lợi, buôn Phật, bán Pháp mà sống, sống trong cách thức lừa đảo tín đồ để ngồi mát ăn bát vàng.

Thần thông của ngoại đạo do dùng tưởng tu tập như: Yoga, Mật Tông, Khí công, Nội công v.v.. Do dùng tưởng tu tập nên có thần thông mà tâm dục chưa diệt, ác pháp chưa trừ, nên dễ sa ngã trong nữ sắc, danh, lợi thế gian v.v.. Do sa ngã nữ sắc, danh, lợi thế gian nên thần thông mất dần.

Vì vậy, có nhiều vị giáo chủ mới xuống núi, thanh sắc đầy đủ, uy nghi chánh hạnh nghiêm trang khiến cho mọi người ai cũng kính nể, lại có thần thông kêu mây, hú gió, sai binh, khiển tướng, sái đậu thành binh, tàng hình, biến hóa, đi trên nước lửa như đi trên đất bằng, ngồi trên hư không như thuyền nổi trên nước, đi xuyên qua vách đá, chôn dưới đất mà vẫn sống, đi trong hư không như chim bay v.v..

Những hành động trên đã khiến cho mọi người kính trọng, đem dâng cúng của cải, tài sản và ngay cả sắc đẹp, không có vật gì mà họ tiếc.

Thử hỏi, thần thông như vậy để làm gì, có ích lợi gì cho loài người đâu? Chỉ là một trò ảo thuật cho người ta xem chơi mà thôi, để cám dỗ những người nhẹ dạ, ham mê thần thông, chứ không thể lường gạt những người đệ tử Phật được.

Chỉ có một hành động lừa đảo gạt người, một vị đạo sư chỉ dùng một tờ báo nấu sôi một nồi nước đã làm cho mọi người kính nể. Nấu sôi một nồi nước chỉ có một tờ báo, hành động đó ích lợi gì cho con người ở thế gian. Vậy mà mọi người vô minh đều kính phục.

Các vị giáo chủ loại này tâm dục chưa trừ, ác pháp chưa diệt, nên khi thấy của cải, tài sản, sắc đẹp thì ham thích nên lần lần sa ngã và thần thông tưởng tiêu mất.

Cho nên, thỉnh thoảng báo chí Công an phát giác ra đăng tin, vị giáo chủ này, vị giáo chủ kia, ông đạo này ông đạo kia làm chuyện lừa đảo tín đồ nhẹ dạ.

Ngược lại, thần thông của đạo Phật, không do tu tưởng mà có, chỉ dùng pháp hướng như lý đạo tác ý, để ly dục, ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, đoạn dứt tâm tham, sân, si, mạn, nghi cùng diệt sạch thất kiết sử. Do tu tập đoạn dứt những điều này mà tâm được thanh tịnh. Nhưng, phải biết rõ, muốn dùng pháp hướng tâm như lý tác ý có hiệu quả, thì phải sống đúng giới luật, lấy giới luật phòng hộ sáu căn, sống đời sống thiểu dục tri túc, oai nghi tế hạnh hẳn hòi, đi đứng trang nghiêm, đức hạnh trọn vẹn, không hề sai sót một lỗi nhỏ.

Thần thông của đạo Phật là thần thông vô dục, vô ác pháp. Người tu sĩ đạo Phật, phải biết rõ, vô dục vô ác pháp chỉ do nhờ có giới luật, mới diệt trừ được dục và ác pháp, nên trong kinh Ước Nguyện Phật dạy: “Nếu Tỳ Kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta chứng được các loại thần thông, một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân ta, hiện hình tất cả các loài vật, biến hình đi ngang qua vách qua thành, qua núi đá như đi ngang qua hư không; ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền, ta ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy tacó thể, thân ta có thần thông bay cho đến Phạm Thiên.

Muốn được vậy, Tỳ Kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới”.

Qua bài kinh Ước Nguyện đối với đạo Phật, ta muốn những gì để đạt được kết quả theo ý muốn của mình, thì đều phải thực hiện tu tập và sống đúng giới luật, đó là một nền tảng vững chắc của đạo Phật, một nền tảng đạo đức thật sự của loài người. Nếu ai bỏ nền tảng đạo đức vững chắc này, dù tu tập có tu đúng thiền định của đạo Phật thì cũng trở thành tà thiền, tà định.

Tại sao vậy?

Tại vì, khi đã lìa khỏi pháp môn căn bản của đạo Phật, tức là giới luật, một pháp môn đầu tiên trong ba pháp môn vô lậu “Giới, Định, Tuệ” thì người đó dù có tu theo đạo Phật, nhưng vẫn là tu tà đạo.

Bởi vậy, nhìn tu sĩ Phật giáo hiện giờ, biết Phật giáo suy hay thịnh, mất hay còn. Không phải ở số đông tu sĩ Phật giáo, không phải ở chỗ Phật giáo được chấp nhận là quốc giáo; không phải Giáo Hội Phật Giáo được tổ chức như một quốc gia có tổ chức hẳn hoi, có các trường học từ sơ, trung, cao đẳng để tu sĩ học tập có cấp bằng cử nhân, tiến sĩ, v.v.. Cũng không phải ở chỗ xây cất chùa to, tháp lớn, kiến trúc kiên cố vĩ đại mà ở chỗ tu sĩ phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt. Nói tóm lại, vị Tỳ Kheo phải giữ gìn giới luật nghiêm túc thì Phật giáo mới còn và hưng thịnh, còn chúng Tỳ Kheo phá giới thì Phật giáo mất và không hưng thịnh.

Lời di chúc năm xưa của đức Phật còn vang mãi trong tai chúng ta “giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.

Hỡi quý vị Tăng, Ni và Cư Sĩ! Quý vị có muốn Phật giáo trường tồn với loài người trên hành tinh này chăng? Hay để cho Phật giáo mai một suy tàn chìm mất trong lớp bụi mù dày đặc của tà pháp ngoại đạo đang phủ trùm che khắp.

Nếu muốn Phật giáo được trường tồn và hưng thịnh mãi mãi, đem lại hạnh phúc an vui cho loài người và mọi người trên hành tinh này không còn làm khổ mình, khổ người nữa, thì người cư sĩ đệ tử Phật tại gia hãy giữ gìn giới luật của người cư sĩ mà đức Phật đã dạy, phải nghiêm túc khi thọ Tam quy, Ngũ giới và Thập thiện, phải lấy nó phòng hộ cuộc sống của mình, giữ gìn đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, không làm khổ mình, khổ người thì Phật giáo sẽ còn với quý vị, với loài người trên hành tinh này.

Còn Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni đệ tử xuất gia của đức Phật, nếu muốn Phật giáo được trường tồn, làm ngọn đuốc sáng soi đường đạo đức cho mọi người trên quả địa cầu này và để có hướng đi tìm chân lý giải thoát, thoát khỏi kiếp sống khổ đau của loài người và cũng chính ngay bản thân của quý vị. Quý vị có muốn làm chủ bốn sự khổ đau sanh, lão, bệnh, tử đang tấn công quý vị hằng giây, hằng phút không? Nếu quý vị lơ đễnh thì ô hô! uổng một kiếp người.

Nếu muốn làm chủ bốn sự khổ đau này thì quý vị đã thọ cụ túc giới phải nghiêm chỉnh sống đầy đủ giới hạnh đầy đủ giới bổn, không được bẻ vụn giới luật như các Tổ đã làm, mà quý vị đang chịu ảnh hưởng rất nặng, sống phá giới.

Quý vị hãy bỏ xuống những gì của các Tổ mà phải trở lại sống đúng như Phật, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới.

BỐN ĐỊNH VÔ SẮC

Hỏi:Kính thưa Thầy! Từ lâu con được nghe Thầy giảng dạy về Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Tứ Như Ý Túc, Tam Minh, v.v.. mà chưa hề nghe Thầy dạy Bốn Định Vô Sắc.

- Vậy Bốn Định Vô Sắc tu như thế nào?

- Tu nó có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không?

- Tu nó có hại gì cho cơ thể và tinh thần không?

- Tại sao trong kinh sách Phật không dạy rõ cách thức tu nó?

Đáp:Bốn loại định vô sắc trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy rất rõ, nếu muốn đạt được Tam Vô Lậu Học giải thoát thì phải vượt qua[1] bốn loại định tưởng nhập vào Vô Tướng Tâm Định. Từ nội Vô Tướng Tâm Định này phải tư duy quán xét thì được giải thoát khỏi lậu hoặc vì ở Định Phi Tưởng còn nỗi ưu phiền là sáu nhập duyên mạng, tức là duyên với thân mạng. Người ấy muốn giải thoát thì phải thường hằng tuệ tri hiểu biết về sáu nhập duyên mạng này, cho nên khi nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì sáu nhập duyên thân mạng mà không có lậu hoặc như:

1- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có dục lậu.

2- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có hữu lậu.

3- Loại định này sáu nhập duyên mạng không có vô minh lậu.

Bởi vì lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tác động vào thân ta, tức mạng sống của ta, nhưng không sanh khởi ba lậu hoặc là nhờ tâm đang ở trong Định Vô Tướng Tâm, Vô Tướng Tâm Định có một trạng thái tỉnh thức cao độ, do thế mới tuệ tri được dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu để đẩy lui chúng ra khỏi tâm.

Vô Tướng Tâm Định không giống định Không Vô Biên Xứ Tưởng Định, là vì còn cái không phải không, tức là còn lục nhập duyên mạng nhưng lục nhập duyên mạng lại không có lậu hoặc nhờ có tuệ tri, nên tất cả các pháp đến đều không tác động được tâm, vì thế các pháp đều được xem là không có mặt ở đây, nên được gọi là không có, nhưng đối với cái còn lại là lục nhập duyên mạng thì cái kia có, cái này có, nhưng cái có này hoàn toàn không điên đảo hoàn toàn thanh tịnh, cho nên cái có này mà tâm không dao động, vì thế gọi là “không tánh” chứ không phải theo kiểu Tánh không của ông Long Thọ.

Chỗ này là chỗ lầm lạc của các nhà Phật giáo phát triển, vì không có kinh nghiệm tu hành các Ngài tưởng giải Không Tánh hay là Chân Không còn gọi là Chân Không Diệu Hữu, vì còn tuệ tri nên các nhà Đại Thừa gọi là trí tuệ Bát Nhã. Do hiểu như vậy, nên các nhà Phật giáo phát triển rất “quê” với kinh sách Phật. Lỗi ấy là do các Tổ không tu tập chứng đạt chân lí nên làm sao hiểu nghĩa kinh Phật nổi.

Do bài kinh Tiểu Không này trong kinh Nguyên Thủy, Trung Bộ Kinh, tập 3 trang 291 các Ngài soạn thành một bộ kinh Đại Bát Nhã và cho rằng Đức Phật đã thuyết giảng kinh này 22 năm.

Chúng ta hãy đọc kỹ lại bài kinh Tiểu Không trong kinh Nguyên Thủy để thấy sự tưởng giải của các Tổ biên soạn ra bộ kinh Đại Bát Nhã vĩ đại đã khiến cho các nhà học giả tốn biết bao nhiêu giấy mực để luận thuyết về “Tánh Không”.

Thiền Đông Độ lấy bộ kinh Kim Cang Bát Nhã làm cốt tủy của Thiền Tông và lập luận dung hòa để tránh khỏi sự tranh chấp giữa Thiền và Giáo, nhưng người sau không biết tưởng thiền là của Phật thuyết nên mới có sự kiện Thiền Giáo đồng hành ra đời.

 “Lại nữa, này A Nanda vị Tỳ Kheo không tác ý Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, không tác ý Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tác ý sự nhất trí do duyên Vô Tướng Tâm Định. Tâm vị ấy được thích thú hân hoan an trú, hướng đến Vô Tướng Tâm Định. Vị ấy tuệ tri nhưsau: “Vô Tướng Tâm Định này thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi do tâm tự tạo nên, cái ấy là vô tướng, chịu sự đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy”. Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát. Vị ấy tuệ tri sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa. Vị ấy tuệ tri các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây. Và chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này. Vị ấy tuệ tri. “Loại tưởng này không có dục lậu vị ấy tuệ tri. Loại tưởng này không có hữu lậu. Vị ấy tuệ tri. Loại tưởng này không có vô minh lậu. Loại tưởng này đã ly hết dục tưởng). Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: Cái kia có cái này có. “Này A Nanda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.

Qua bài kinh Tiểu Không trên đây, quý vị nhận xét kỹ sẽ hiểu không khác chúng tôi, chúng tôi cũng đã xác định ở trên họ dùng bài kinh Tiểu Không này lý luận thành lập hệ thống Bát Nhã, nhưng các Tổ đã đi quá xa thực tế nên biến thành trí tuệ Bát Nhã trừu tượng “Chân Không”.

Một cái sai lầm nữa, nếu chúng ta nhận xét không kỹ trong bài kinh Tiểu Không này thì hành giả phải nhập Bốn Định Vô Sắc:

1-      Không Vô Biên Xứ Định

2-      Thức Vô Biên Xứ Định

3-      Vô Sở Hữu Xứ Định

4-      Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định

Và cuối cùng cũng phải bỏ các loại định này để trở lại nhập vào “Vô Tướng Tâm Định”. Ở bài kinh trên đức Phật xác định: “Không cần phải tác ý nhập Bốn Định Vô Sắc, mà chỉ cần tác ý nhập“Vô Tướng Tâm Định”. Ở trạng thái định này hành giả dùng tuệ tri quán xét dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu để tự kiểm lại tâm mình khi lục trần tác động vào thân mà không thấy có lậu hoặc, như vậy chỗ lục trần tác động mà không có các lậu hoặc khởi lên, tức là không có ưu bi sầu khổ tham muốn, chỗ này tức là lục trần duyên mạng, lục trần duyên mạng là cái còn lại của ý thức vô dục chứ không phải của tưởng thức dục, nhưng hoàn toàn thanh tịnh vô dục, nên không có lậu hoặc, do đó đức Phật gọi là không tánh của thức, tức là “Vô Tướng Tâm Định”.

Đức Phật dạy: “Nhưng đối với cái còn lại, ở vị ấy biết: “Cái kia có cái này có”. Này A Nanda, cái này đối với vị ấy (Không Tánh) thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh (lục trần duyên mạng không có lậu hoặc gọi là không tánh)”.

 Như trên chúng tôi đã dạy, họ đã lầm, lấy lục trần duyên mạng (Không Tánh) cho là Chân Không diệu hữu, Tánh Không, Chân Không, Chân Như, Trí Tuệ Bát Nhã v.v..

Bây giờ chúng ta bắt đầu trở lại con đường tu tập như thế nào, để đi đến Chân Không diệu hữu?

Như trong kinh Tiểu Không Phật dạy: “Muốn đi vào không tánh này, trước tiên là sẽ tập quan sát cái không của nó”. Ví dụ như ngôi nhà chúng ta đang ở đây.

1-      Không có giường, chõng, bàn, ghế, tủ, 
 rương, đồ đạc v.v..

2-      Không có người ở.

3-      Không có đèn đuốc.

4-      Không có màn, thảm.

Toàn bộ đều trống không, đây chỉ cho không tánh của cái nhà.

“Thật vậy này Ananda, điều ông đã nghe là đúng, ghi nhớ là đúng, tác ý là đúng, thọ trì là đúng v.v..

Ví như lầu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, không có vàng bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội và chỉ có một cái nhà không, phải không?”.

 Đoạn kinh trên đã xác định không tánh của lầu đài Lộc Mẫu.

 Ở đoạn kinh này xác định cách thức tu hành của chúng ta cụ thể rõ ràng về không tánh, chứ không phải như kinh sách Phật giáo phát triển dạy chúng ta kiến tánh thành Phật (đốn ngộ ngang xương), vì thế mà hiện giờ bao nhiêu người đã kiến tánh, rõ thông tánh, thấu triệt tánh, ngộ được tánh, vậy mà chẳng có ai thành Phật được cả. Từ xưa các Tổ cho đến bây giờ ai tu học về Đại Thừa và Thiền Đông Độ một thời gian mọi người ai cũng đều kiến tánh được cả, nhưng đời sống và đức hạnh thì không giống Phật chút nào, sống với tâm sắc dục thấy nữ sắc còn ham mê, thấy danh lợi còn chìm đắm, ăn ngủ phi thời theo thế gian, ai động đến thì tâm sân nổi lên ầm ầm.

 Kiến tánh thành Phật rồi sao còn như vậy, hễ ai hỏi đạo, hỏi thiền thì đối đáp như nước chảy, như mưa tuôn mà sống thì phi đạo đức, phá giới luật. Đó là những điều tu sai mà đi đến lạc lầm không hay biết, người trước dẫn người sau đi mãi, đi mãi mà chẳng đến đâu, chỉ có tưởng giải, lý luận quanh co, lừa đảo bằng miệng lưỡi. Người đời không minh mẫn, tu không kết quả mà cứ đeo theo mãi, tưởng trạng thái tĩnh lặng và hỷ lạc là định sao? Định như vậy làm chủ được cái gì? Thấy được Phật Tánh như vậy, rồi ngẫm lại mình làm chủ được cái gì cho cuộc sống này.

Trong sáu năm tu hành, đức Phật đã thay đổi biết bao nhiêu loại pháp môn. Ngài đã nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định mà còn nghiệm xét thấy không giải thoát đối với cuộc sống đầy khổ đau của kiếp người.

Cho nên, từ Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Người đã bỏ định này để nhập vào Vô Tướng Tâm Định, từ Vô Tướng Tâm Định, Người dùng tuệ tri quán xét lậu hoặc thấy lục nhập duyên mạng mà không khởi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, Người biết rằng tâm đã hết lậu hoặc thanh tịnh. Ở trạng thái này Ngài đặt tên là “Không Tánh” tức là tánh không còn lậu hoặc.

Mặc dù làm chủ được cái tâm (tâm vô lậu) không còn tái sanh luân hồi, vì nguyên nhân tái sanh là do tâm tạo nghiệp (nghiệp luân hồi chứ không phải tâm luân hồi, khi người chết nghiệp còn tâm mất). Chỗ này Ngài thực hiện làm chủ được cái tâm, không nói đến làm chủ cái thân, nhưng chúng ta phải biết, tâm đạt đến chỗ này thì nhập định rất dễ dàng chỉ còn tác ý ra lệnh là tiến tới làm chủ thân, tức là phải nhập Tứ Thiền và Tam Minh.

Kết quả trong bài kinh Tiểu Không Phật dạy: “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Đoạn kinh này ý nói làm chủ nghiệp, chấm dứt tái sanh luân hồi (không còn trở lui trạng thái này nữa), tu đến đây cũng vừa đủ cho người tìm đạo giải thoát, không cần phải tu tập tới nữa, nếu có tu tập tới nữa là thừa, mà thừa thì chẳng ích lợi gì, phí thì giờ vô ích.

Chỗ này, cần giải thích thêm để quý vị hiểu rõ. Con đường tu hành của đạo Phật có bốn giai đoạn làm chủ:

1- Làm chủ cuộc sống (sanh).

2- Làm chủ già (lão).

3- Làm chủ thọ (bệnh).

4- Làm chủ sự hoại diệt (chết).

Giai đoạn làm chủ sanh có nghĩa là làm chủ cuộc sống, luôn tạo nhân lành nên dù sanh bất cứ nơi đâu cũng đều hưởng phước báo an lạc cho đến khi tu tập chấm dứt sanh tử luân hồi.

Bài kinh “Tiểu Không’’ chỉ cho ở giai đoạn một (vô lậu) tâm không còn tham, sân, si (các ác pháp), và lòng tham muốn dục lạc thế gian nữa, nói chung trong bài kinh dạy tu tập rất rõ từ Không Vô Biên Xứ đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, không thấy giải thoát, tức là tâm không vô lậu, phải trở lại nhập Vô Tướng Tâm Định mới thấy lậu hoặc sạch, mới làm chủ cuộc sống và nghiệp tái sanh luân hồi.

Vô Tướng Tâm Định là loại định gì?

Vô Tướng Tâm Định là một tên khác của Bất Động Tâm Định. Như trong kinh Tiểu Không đã dạy: “Khi nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu không còn, chỉ còn lục nhập duyên mạng mà thôi. Vậy lục nhập duyên mạng là gì?

Lục nhập là lục căn và lục trần, mạng là thân mạng. Câu này có nghĩa là căn, trần tiếp xúc tác động vào thân mạng mà không sanh ra ba lậu hoặc, ở trạng thái này gọi là Vô Tướng Tâm Định.

Ba lậu hoặc là gì? Ba lậu hoặc là tham, sân, si. Dục lậu ứng cho tâm tham, hữu lậu ứng cho tâm sân và vô minh lậu ứng cho tâm si. Như vậy, nhập vào Vô Tướng Tâm Định thì tham, sân, si không có, cũng như nhập vào Bất Động Tâm Định thì tâm tham, sân, si cũng không có, tức là ba lậu hoặc không còn. Như vậy Bất Động Tâm Định và Vô Tướng Tâm Định chỉ là một loại định mà hai tên khác nhau.

Bất Động Tâm Định là một tên khác của Sơ Thiền, nhưng Sơ Thiền tâm còn bị trụ vào năm chi thiền:

1/ Tầm

2/ Tứ

3/ Hỷ

4/ Lạc

5/ Nhất tâm

Đó là năm trạng thái của Sơ Thiền Thiên. Như chúng ta đã biết Sơ Thiền phải ly dục ly ác pháp, mà đã ly dục ly ác pháp thì tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham sân, si tức là ba lậu hoặc cũng không có, như vậy nhập Vô Tướng Tâm Định, Bất Động Tâm Định là nhập Sơ Thiền. Nhưng Vô Tướng Tâm Định, Bất Động Tâm Định thì không có năm chi thiền.

Cho nên, trong bài kinh Tiểu Không đức Phật đã xác định rõ ràng, dù nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ vẫn phải bỏ, vì không hết lậu hoặc nên phải nhập lại “Sơ Thiền”, bằng một cái tên khác, nhưng xét cho cùng tận chúng ta cũng nhận ra nó là Sơ Thiền, một loại thiền trong Tứ Thánh Định. Sơ Thiền thuộc về tâm định, chứ không phải thân định.

Chỉ có Sơ Thiền tâm vô lậu mới làm chủ cuộc sống (sanh) nhưng chưa hoàn tất con đường tu nên phải tiếp tục đạt đến tuệ Tam Minh để quét sạch mầm mống lậu hoặc tái sanh luận hồi. Người tu sĩ không thực hiện được Tam Minh thì không thể nào chấm dứt luân hồi.

Từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền, các loại định này làm chủ già, bệnh, và chết và duy nhất chỉ có pháp môn “Tứ Thánh Định” này mới làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người.

Bây giờ, chúng ta trở lại vấn đề “Không tánh”. Như chúng ta ai cũng biết, mọi vật, từ con người đến muôn loài vật không một ai mà không gây ưu phiền cho nhau, như vậy không thể nào có không tánh được. Chúng ta lần lượt loại trừ ra người và vật thì ta còn lại cỏ, cây, đất, đá, núi, sông v.v.. Như vậy ta không tác ý người và vật thì tâm ta không tánh người vật (không khởi niệm người vật) chỉ còn cỏ, cây, đất, đá, núi, rừng, như vậy không này chưa phải là không.

Nhưng ta thấy rằng tâm ta không người vật, thật có không điên đảo, sự thực hiện như vậy tâm ta thanh tịnh người vật không có, nên không gây ưu phiền cho ta đó là thanh tịnh không tánh người vật.

Trong bài kinh Phật dạy: “Này Ananda, Tỳ Kheo không tác ý những tưởng, chỉ tác ý nhất trí do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, tưởng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau “Các ưu phiền do duyên thôn tưởng, nhân tưởng, không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này do duyên lâm tưởng v.v..”. Như vậy, này A nanda, cái này đối với vị ấy là như vậy thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tánh”.

Để xác định cái không đầu tiên và để chúng ta nhận xét, cái nhà trống không và so sánh với cái tâm không niệm tức là “Không Vô Biên Xứ”.

Khi ở trong trạng thái Không Vô Biên Xứ ta tuệ tri các ưu phiền do duyên niệm thiện niệm ác không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này (là không tiến tới đâu được nữa) tức là Không Vô Biên Xứ Tưởng. Nhưng Không Vô Biên Xứ Tưởng có, tức là niệm thiện ác vẫn còn có mặc dù cái Không Vô Biên Xứ này thật sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh đối với niệm thiện niệm ác, nhưng trong lúc nhập Không Vô Biên Xứ còn khi xuất ra khỏi Không Vô Biên Xứ thì niệm thiện niệm ác vẫn còn nguyên vẹn như trên chúng tôi đã nói. Vì thế nhập Không Vô Biên Xứ không bao giờ có giải thoát.

Chỗ này kinh sách phát triển lầm tưởng khi nhập vào Không Vô Biên Xứ Tưởng, các Ngài cho là Phật Tánh nơi đây, nên các kinh phát triển dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” hoặc Bồ Tát độ hết chúng sanh thì thành Phật” hoặc “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã vị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, chỗ này Thiền Đông Độ dạy: “chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Tu đến đây, tức là nhập Bốn Định Vô Sắc không thấy có sự giải thoát cho nên đức Phật dạy: “Phải nhập Vô Tướng Tâm Định”, khi đức Phật nhập Vô Tướng Tâm Định thì Ngài mới thấu rõ và xác định Bốn Định Vô Sắc: “Cái kia có, cái này có, cái kia không cái này không”, do như vậy Bốn Định Vô Sắc không giải thoát, còn ngược lại Vô Tướng Tâm Định thì khác: “Cái này có nhưng lại cái kia không, tức là có lục nhập duyên mạng mà không có ba lậu hoặc, do chỗ này các nhà học giả Bát Nhã dựa vào bài kinh Tiểu Không này lý luận: “Sắc tức thị không không tức thị sắc’’ có tức là không, không tức là có, từ đó trí tuệ Bát Nhã thành hình để đập phá các luận giải của các bộ phái.

Dựa vào chỗ “Không Tánh” này các nhà Phật giáo phát triển thành lập trí tuệ Bát Nhã, lấy trí tuệ Bát Nhã tưởng này lý luận đập phá hết cả giáo lý Phật giáo (Trung Quán Luận) do Ngài Long Thọ tưởng luận ra.

Sau này các vị thiền sư Đông Độ không chấp nhận “Chẳng niệm thiện niệm ác” là cứu cánh, trong Pháp Bảo Đàn Kinh, tức lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng dạy, nên bảo: “Vô tâm còn cách lớp rào”. Do đó các Ngài (Tổ Sư Thiền) tiến tới vượt qua Không Vô Biên Xứ, nhập vào Thức Vô Biên Xứ, nơi đây các ngài chấp nhập được xem là “Phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu”. Nên Bà Bàng Long Uẩn nói: “Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư” hay “Sáng sáng, đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư”. Thiền Đông Độ tu đến đây được xem như viên mãn.

Đối với đạo Phật, sự tu tập của một số hệ phái mới nhập được hai loại Định Vô Sắc mà vội cho là chứng đạo. Cho nên tâm dục chưa hết, danh, lợi chưa trừ, bản ngã chưa diệt, vì thế các Ngài tự tôn mình là thế này thế nọ mà thôi.

Lời nói này chúng tôi khuyên các bạn đừng tin nơi chúng tôi mà cứ suy ngẫm sự tu hành của các bạn đã tu Thiền Đông Độ từ năm 10 năm đến 20 năm mà bây giờ các bạn tu đã đến đâu? Thì các bạn tự biết, các bạn có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không? Chắc điều này các bạn rõ hơn ai hết.

Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật đã xác định rõ ràng: Từ Không Vô Biên Xứ đến Thức Vô Biên Xứ. Cách thức tu tập do tâm thích thú, hân hoan an trú hướng đến tâm không (không niệm thiện ác) do sự thích thú hân hoan ấy nên nhất trí tác ý “không”, Tổ Huệ Khai khi chứng thiền bằng “tâm không” “không, không, không, không” bài kệ chứng đạo Ngài còn lưu lại:

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

“Vô vô vô vô vô”

Theo như lời hỏi của cô Diệu Quang thì nên tu Bốn Định Vô Sắc như thế nào?

Như trong bài kinh Tiểu Không Phật đã dạy và chúng ta nhận xét cái không, khi đã thông hiểu cái không thì cái không ở tâm tức là không niệm thiện niệm ác, tâm không có niệm thiện ác, tức là ý thức thanh tịnh, ý thức thanh tịnh không liên hệ ngũ căn là Không Vô Biên Xứ Định, lời dạy này đức Phật đã xác định một cách rõ ràng trong Kinh Tương Ưng.

Cách thức tu nó chỉ giữ tâm chẳng niệm thiện niệm ác như các thiền sư đã dạy: “Giữ ông chủ, chăn trâu, biết vọng liền buông,sau này các thiền sư lại chế ra pháp tu tham thoại đầu, tham công án”và cuối cùng thì niệm danh hiệu Phật Di Đà tức là “Niệm Phật là ai?”. Đây là những pháp môn tu ức chế tâm tối đa mà các Tổ đã tu sai lọt vào tưởng giải mới sản sanh ra những pháp môn như vậy, khiến cho người đời sau tu hành chẳng đi đến đâu mà trở thành phế nhân, bệnh thần kinh, uổng phí một đời người. Nếu không thức tỉnh nhận ra kịp thời ngăn chặn những tà pháp này thì hậu quả không lường cho đời sau, những người có nhiệt tâm tìm tu giải thoát.

Loại thiền định này tu chẳng làm chủ được cái gì cả cho kiếp sống con người, chỉ có được trạng thái an ổn (xúc tưởng hỷ lạc) và triển khai được tưởng tuệ, triệt ngộ mà thôi (ngộ kinh sách Đại Thừa và công án Thiền Tông).

Muốn tu tập 4 loại Định Vô Sắc này như trong kinh Tiểu Không Phật đã dạy: Tỳ Kheo nên tác ý Không Vô Biên Xứ và tâm thích thú hân hoan với trạng thái “Không” này thì sẽ đạt Không Vô Biên Xứ, không mấy khó khăn”.

Muốn nhập Thức Vô Biên Xứ thì không ưa thích, hân hoan trạng thái không và không tác ý Không Vô Biên Xứ, chỉ nên tác ý Thức Vô Biên Xứ, tu tập như vậy một thời gian sau Thức Vô Biên Xứ hiện tiền hay ở trong trạng thái Không Vô Biên Xứ mà tâm đừng chạy theo, tức là đừng bám trụ hỷ lạc của Không Vô Biên Xứ Tưởng mà phải giữ “Thức” đừng cho mất và tác ý Thức Vô Biên Xứ, rồi sanh tâm ưa thích, hân hoan với nó, tu tập như vậy một thời gian sau thì Thức Vô Biên Xứ sẽ hiện tiền không còn ở trong trạng thái Không Vô Biên Xứ nữa.

“Này Ananda, Tỳ Kheo không tác ý Địa Tưởng, không tác ý Không Vô Biên XứTưởng, chỉ tác ý Thức Vô Biên Xứ với sự nhất trí. Tâm vị ấy thích thú hân hoan, an trú hướng đến Thức Vô Biên. Vị ấy tuệ tri như sau: Các ưu phiền do duyênđịa tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Không Vô Biên Xứ Tưởng không có mặt ở đây và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Thức Vô Biên Xứ. Vị ấy tưởng tri “loại tưởng này không có địa tưởng,loại tưởng này không có Không Vô Biên Xứ Tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Thức Vô Biên Xứ Tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri. “Cái kia có cái này có”. Này A nanda cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh không tánh”.

Trong đoạn kinh này đức Phật đã xác định, dù là nhập được Không Vô Biên Xứ Tưởng nhưng vẫn còn ưu phiền cho đến Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng vẫn còn ưu phiền: “và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng”.

Đến khi nhập Vô Tướng Tâm Định thì mới chấm dứt ưu phiền, mới làm chủ được cuộc sống và chấm dứt luân hồi, còn bốn loại Định Vô Sắc kia còn ưu phiền nên chưa được giải thoát, vì thế đức Phật nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Tưởng Ngài nhận thấy tâm còn ưu phiền không giải thoát nên liền rời bỏ vị thầy dạy mình tu tập định này.

“Lại nữa, này A nanda, vị Tỳ Kheo không tác ý Vô Sở Hữu Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ tưởng, chỉ tác ý sựnhất trí do duyên Vô Tướng Tâm Định. Tâm vị ấy thích thú, hân hoan, an trú hướng đến Vô Tướng Tâm. Vị ấy tuệ tri như sau; Vô Tướng Tâm Định này hữu vi do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi do tâm tự tạo nên, cái ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt. Vị ấy tuệ tri như vậy thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát sanh đã tận v.v..”

Đến đây chúng ta mới thấy rõ những người tu định tưởng không bao giờ có giải thoát (bốn định vô sắc thuộc vô vi) nên phải trở về định hữu vi vô tướng tâm, Định Hữu Vi Vô Tướng Tâm thuộc về Định Hữu Sắc, do tu tập định Hữu Vi nên mới có được giải thoát hoàn toàn, còn Định Tưởng Vô Sắc nên tu tập không giải thoát.

Tóm lại, bốn loại định tưởng tu chẳng có lợi ích gì, còn mất công tu tập và mất thì giờ vô ích, chẳng có làm chủ được gì cả, chỉ có vọng ngữ là hơn hết.

Tu định này, nếu không biết cách ức chế tâm cho hết vọng tưởng, mà cứ cố tập trung thì căng thần kinh não hoặc căng mặt rồi sanh ra bệnh tật (rối loạn cơ thể) có khi điên khùng mà người ta gọi là “tẩu hỏa nhập ma”, hoặc rơi vào pháp tưởng, chuyên lý luận. Những kẻ tu thiền này rơi vào những trạng thái tưởng thì rất khó xả bỏ. Những ai đã tu sai lọt vào những loại thiền bệnh này thì hết phương cứu trị.

Đọc đến đây các bạn cứ suy ngẫm kỹ con đường các bạn đang tu tập thì sẽ rõ, đừng tin và nghe lời chúng tôi nói trên đây mà hãy nghiệm xét theo lời Phật dạy và lời chúng tôi nói, đúng hay sai rồi mới tin, còn không thời gian sẽ trả lời các bạn điều này.



[1] Vượt qua có nghĩa là bỏ qua không cần phải nhập bốn định này, vì bốn loại định này Đức Phật đã được Ngài Kalama dạy nhập Vô Sở Hữu Xứ Tưởng Định và Ngài Lam Phất dạy nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định, những loại định không có quảgiải thoát, nên đức Phật dẹp bỏ, chỉ cần nhập Vô Tướng Tâm Định là tìm thấy được sự giải thoát ngay liền. Cho nên nghĩa vượt qua ở đây là ném bỏ không cần thiết cho sự tu tập theo đường lối của Phật giáo.

VỌNG TƯỞNG

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong khi tọa thiền hoặc đi kinh hành khéo giữ tâm đừng cho niệm khởi, niệm khởi tức là vọng tưởng, có vọng tưởng thì không thể nào gọi là thiền định, có phải vậy không thưa Thầy? Vậy cúi mong Thầy chỉ dạy cho chúng con hiểu rõ chỗ này.

Đáp:Ức chế vọng tưởng không cho niệm khởi, tức là ức chế tâm; ức chế tâm tức là ức chế tâm tham, sân, si; ức chế tâm tham, sân, si sẽ rơi vào định tưởng (Không Vô Biên Xứ Tưởng).

Vọng tưởng là gì?

Vọng tưởng là những tư niệm lăng xăng tự động khởi niệm trong đầu, phần nhiều thuộc về quá khứ và vị lai (hồi niệm, hồi ức). Những tư niệm này căn gốc đều do lòng ham muốn và ác pháp tham, sân, si sanh ra, nên kinh sách Nguyên Thủy gọi là tầm ác.

Tầm ác là những suy tư, nghĩ tưởng làm khổ mình, khổ người. Theo kinh sách Nguyên Thủy có hai loại tầm đi song song nhau. Vì thế, có bài kinh gọi là Kinh Song Tầm. Kinh Song Tầm dạy chúng ta tư duy quán xét để thấu rõ:

1-Tầm ác

2-Tầm thiện

Người tu theo đạo Phật lúc nào cũng cảnh giác, ngăn chặn và diệt tầm ác. Ngược lại lúc nào cũng tăng trưởng tầm thiện, sống trong tầm thiện.

Bài Kinh Song Tầm trong tập 1 Trung Bộ Kinh trang 261 Phật dạy: “Khi Ta chưa thành Chánh Giác còn đang tu, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia sự suy tư làm hai phần. Phàm có dục tầm, sân tầm, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất. Phàm có ly dục tầm, vô sân tầm và vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai”.

Như ở trên đã dạy, phàm làm người đều có hai sự suy tư:

1- Suy tư ác

2- Suy tư thiện

Suy tư ác thì phải ngăn chặn và đoạn diệt, suy tư thiện thì nuôi lớn và tăng trưởng, như trong kinh “Tứ Chánh Cần” Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện tăng trưởng thiện”.

Suy tư nào ác sẽ làm khổ mình, khổ người thì phải chấm dứt ngay liền; suy tư nào thiện sẽ không làm khổ mình, khổ người thì cần phải phát triển những suy tư ấy. Đó là cách thức tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm.

Khi phân ra được hai dạng suy tư. Bấy giờ chúng ta quyết tâm sống không phóng dật, nhiệt tâm siêng năng tỉnh giác từng hành động thân ý, từng sự việc, từng đối tượng, từng hoàn cảnh v.v.. Khi có niệm khởi lên, ta quán xét niệm ấy có làm khổ mình, khổ người không? Nếu niệm ấy đưa đến khiến ta phiền não, khiến ta mất an vui, thanh thản, cũng như niệm đó khiến cho người khác mất an vui thanh thản, thì đó là niệm ác. Khi ta biết nó là niệm ác thì niệm ấy liền biến mất, nếu không biến mất thì ta dùng pháp như lý tác ý diệt ngay niệm ác đó, nếu nó còn tới lui thì ta tiếp tục quán xét cho thông suốt để trừ bỏ, xả ly và đoạn dứt. Đó là cách thức tu tập thiền định của đạo Phật, đó là Định Vô Lậu.

Khi đã phân chia làm hai thứ niệm ác và niệm thiện xong, đức Phật khép mình trong khuôn khổ tu tập. “Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Khi dục tầm (niệm ưa thích) khởi lên. Ta tuệ tri: Dục tầm này khởi lên nơi Ta và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai diệt trí tuệ (làm mất trí tuệ) dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo, khi Ta suy tư như vậy: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, thì dục tầm này được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ xả ly và đoạn tận dục tầm”.

Đọc đoạn kinh trên các bạn cần suy nghĩ kỹ. Phật dạy chúng ta xả tâm, ly dục, ly ác pháp, diệt ngã bằng những niệm ác khởi lên trong tâm, khi ta biết nó là niệm ác làm ta khổ, người khác khổ, làm hại ta, hại người khác và làm mất trí tuệ giải thoát của ta, đưa đến khổ đau, phiền não v.v.. Khi ta biết như vậy thì tự nó biến mất. Và cứ tiếp tục tu tập xả ly tâm và đoạn tận từng niệm như vậy, thì tâm chúng ta được thanh tịnh, đời sống chúng ta được giải thoát hoàn toàn không còn khổ đau, phiền não nữa.

Ở đây, các bạn chỉ cần thấy được niệm ác khởi lên trong tâm, nó là sự nguy hại, hạ liệt, uế nhiễm, đau khổ thì các bạn sẽ trừ bỏ, xả ly, đoạn tận, viễn ly, khi trừ bỏ, xả ly, đoạn tận thì sự lợi ích rất lớn đến với các bạn, sự thanh tịnh của tâm và các thiện pháp sẽ hiện tiền trước mắt, tâm các bạn sẽ được hoàn toàn an lạc và thanh thản.

“Chư Tỳ Kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần như vậy, khi ly dục tầm khởi lên. Ta tuệ tri như vầy: Ly dục tầm khởi lên nơi Ta và ly dục tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo nếu ban đêm Ta suy tư quán xét (về sự ly tầm) mà không ly tầm ác thì Ta thấy sợ hãi, dùrằng ban ngày Ta cũng sợ hãi. Chư Tỳ Kheo nếu ban đêm lẫn ngày, Ta suy tư quán xét quá lâu, thân ta có thể mệt mỏi, khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động thì tâm rất khó định tỉnh. Này chư Tỳ Kheo, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn định tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tỉnh. Vì sao vậy? Vì để tâm Ta khỏi dao động”.

Đọc đoạn kinh này các bạn thấy Phật dạy tu tập rất cụ thể: Khi ta tu tập ly dục, ly ác pháp do sự tư duy quán xét lâu quá khiến thân ta mỏi mệt và do mỏi mệt tâm ta bị dao động nhưng cuối cùng nội thân chúng ta phải tự trấn an, định tỉnh. Chỗ này chỉ cần chúng ta quán xét cố gắng ly tầm dục và ác pháp dù chúng ta có mỏi mệt nhưng phải cố gắng tiếp tục phán xét để ly tầm dục và ác pháp cho được. Ở đây chúng ta cũng phải hiểu sự mỏi mệt cũng là một ác pháp, vì thế chúng ta đừng nên dao động tâm mà tiếp tục sự tu hành đẩy lui các chướng ngại pháp trong đó có pháp mỏi mệt. Sự mệt mỏi đến mức độ nào đó là nội thân ta tự nhiên phản xạ hoặc ta quán xét trấn an và định tỉnh tâm, tức là tâm không dao động về sự mỏi mệt, khi đó ta liền đạt được nhất tâm.

Ở đây chúng ta quán xét để ly dục ly ác pháp (tầm dục) thì chúng ta đạt được nhất tâm, chứ không như kinh sách phát triển dạy tu ức chế tâm (chẳng niệm thiện niệm ác để được nhất tâm).

Hai cách thức tu tập khác nhau rất xa. Một bên thì ức chế không cho niệm thiện niệm ác khởi để được nhất tâm; một bên quán xét xả tâm ly dục ly ác pháp để được nhất tâm.

Một bên ức chế tâm để được nhất tâm, rơi vào định tưởng nên đạt được tưởng pháp, không làm chủ sanh, già, bệnh, tử chạy theo tưởng dục, sanh tâm ngã mạn cống cao, dính mắc kiến chấp Phật Tánh. Rơi vào tà đạo, không có đạo lực nên không điều khiển sự sống chết và thọ được, biến Phật giáo vô ngã ác pháp thành Phật giáo hữu ngã vô vi.

Một bên thì xả tâm ly dục ly ác pháp, nên tâm thanh tịnh, tham, sân, si mạn, nghi không còn. Do sự thanh tịnh tâm, nên tâm có đạo lực làm chủ được sự sống chết, thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.

Nếu một người quyết tâm ly dục ly ác pháp thường theo pháp như lý tác ý thì tâm có khuynh hướng sẽ ly dục ly ác pháp và tâm ly dục ly ác pháp thì nội thân được trấn an tâm, trấn tỉnh khiến tâm được nhất tâm và định tỉnh. Khi tâm tự nhất tâm, định tỉnh, lúc bây giờ tự tâm phát dũng mãnh, tinh tấn không có tiêu cực, niệm không tán loạn, được an trú, khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm luôn định tỉnh, nhất tâm. Khi ấy ta nhập Bất Động Tâm, tư nơi Bất Động tâm ta có đủ Tứ Thần Túc, từ Tứ Thần Túc ta nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền bằng sức tịnh chỉ thanh tịnh của tâm. Cuối cùng sức thanh tịnh tịnh chỉ của tâm đó, ta thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo suy tư, quán xét nhiều về ly dục tầm, vị ấy từ bỏ dục tầm. Khi tâm đã đặt nặng về ly dục tầm, tâm vịấy có khuynh hướng về ly dục tầm... Chư Tỳ Kheo, ví như về cuối mùa hè, khi tất cả lúa gạo cất vào kho thóc, một người mục đồng giữ các con bò. Khi người mục đồng ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, người ấy có thể nghĩ đến có việc cần phải làm và người ấy nghĩ: “Đây là những con bò”. Chư Tỳ Kheo cũng vậy ở đây có việc cần phải làm và ta nghĩ: “Đây là những pháp”.

“Chư Tỳ Kheo. Ta phát tâm dũng mãnh, tinh tấn, không có tiêu cực, niệmkhông tán loạn được an trú, tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tỉnh, nhấttâm. Ta ly dục ly ác pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm tứ. Diệt tầm tứ, Ta chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh. Không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Ta chứng và an trú Thiền Thứ Ba. Xả lạc, xả khổ diệthỷ ưu đã cảm thọ trước. Ta chứng và trú Thiền Thứ Tư không khổ, không lạc xả niệm thanh tịnh”.

Đến đây các bạn đã hiểu rõ bài kinh Song Tầm đức Phật đã chỉ dạy cặn kẽ rõ ràng chỉ còn chúng ta có quyết tâm tu hay là không tu mà thôi.

Đường lối tu tập của đạo Phật không phải diệt niệm thiện, niệm ác, mà phải xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp trong tâm ta, sống và nuôi lớn thiện pháp, nghĩa là diệt tầm ác mà sống tầm thiện, tức là ly dục ly ác pháp, để đem lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho mình, cho người.

Khi sống với tầm thiện thì tâm ta thanh tịnh không có hoàn cảnh, đối tượng nào, khiến tâm ta dao động, do đó gọi là tâm giải thoát không còn khổ đau vì cuộc sống làm người. Người sống được như vậy gọi là nhập Bất Động Tâm Định hay là nhập Vô Tướng Tâm Định.

Tâm thanh tịnh (tâm như đất) là tâm thiền định của đạo Phật, chứ không phải tâm hết vọng tưởng (chẳng niệm thiện niệm ác). Tâm hết vọng tưởng chỉ là tà thiền, tà định của ngoại đạo.

Tâm thanh tịnh là tâm có đủ đạo lực sai khiến (điều khiển) và làm chủ được sanh già, bệnh, chết, tức làm chủ nhân quả hay còn gọi là làm chủ sự sống chết (muốn chết lúc nào chết cũng được, muốn sống lúc nào sống cũng được, gọi là tự tại sanh tử hay là ra vào nhà sanh tử).

 Bởi vậy, kinh sách Phật dạy tu tập thiền định không khó mà không sợ điên khùng loạn óc (tẩu hỏa nhập ma) chỉ có duy nhất chuyên tu xả tâm mà thôi, để đạt được một tâm hồn thanh thản, an lạc, và vô sự, từ đó nhập các định làm chủ sự sống chết dễ như trở bàn tay.

Tà kiến, ác pháp mà các bạn đang theo tu, không chịu xả tâm mà cứ mãi ức chế tâm cho hết niệm thiện, niệm ác thì các bạn rơi vào tà định, tà thiền thì ngàn đời muôn kiếp các bạn tu chẳng tới đâu cả, chỉ uổng công tu mà thôi.

Cho nên, Phật bảo chúng ta phải sống đúng tám nẻo gọi là “Bát Chánh Đạo”, tám nẻo dẫn tâm đến chỗ xả ly không còn đau khổ, phiền não làm chủ cuộc sống. Ngược lại, các bạn sống không hiểu rõ đường lối của Phật dạy bị kinh sách phát triển lừa đảo, tu chết người mà chẳng ra gì.

Nếu người trước dạy người sau này miệng nói Bát Chánh Đạo mà sống thì trong Bát Tà Đạo:

1-      Tà kiến

2-      Tà tư duy

3-      Tà ngữ

4-      Tà nghiệp

5-      Tà mạng

6-      Tà tinh tấn

7-      Tà niệm

8-      Tà định

Trong Kinh Song Tầm Phật nhắc nhở các vị Tỳ Kheo: “Chư Tỳ Kheo, con đườngnguy hiểm chỉ là con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”.

 Những điều tu sai, ức chế tâm, đó là tà định, sống phạm giới, bẻ vụn giới, không lấy giới luật phòng hộ sáu căn, sống cuộc đời không thiểu dục tri túc, ăn uống phi thời là sống trong tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm. Điều này chắc ai cũng biết, biết mà nói ra, nói ra sẽ đụng chạm với các Phật tử và tu sĩ Phật giáo Đại Thừa hiện giờ đều sống tu trong Bát Tà Đạo; vì con đường của Phật giáo hiện giờ tu sĩ đều thực hành pháp của ngoại đạo, từ pháp môn niệm Phật để được nhất tâm, đến pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh đều là hướng đi của ngoại đạo biến dần người tu sĩ Tịnh Độ làm thầy cúng giống như các vị Bà La Môn cúng tế. Chùa có cuộc sống như gia đình thế gian, có vợ con làm đủ mọi nghề sanh sống, thậm chí còn làm nghề bắt tôm, nuôi cá, tu sĩ chỉ còn là chiếc áo và cái đầu cạo trọc mà thôi.

 Mật Tông đưa các thầy tu tập đi đến đạt thần thông, phép lạ để làm thầy trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ biến dần vị Tỳ Kheo thành một vị phù thủy. Những vị thầy này thường xưng là Giáo Chủ, bày nhiều trò, lừa đảo gạt người cúng tiền của và cả tình yêu. Pháp môn tu hành bày ra nhiều điều gợi tâm dục khiến cho con người dễ sa ngã vào đường tội lỗi.

Thiền Tông thì khéo léo hơn hai Tông trước, nhưng lại xây dựng một thế giới Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh tuyệt vời, cao vòi vọi như “Phật tánh” qua những ngôn ngữ rất kêu. “Kiến tánh thành Phật”, “giác ngộ, triệt ngộ, chứng ngộ, v.v..” nhưng lại phạm giới, phá giới luật. Sống không thiểu dục tri túc, không phòng hộ sáu căn, tuy ngoài miệng nói không dính mắc nhưng cuộc sống đều dính mắc tất cả.

Đọc bài Kinh Song Tầm, các bạn hiểu rõ đạo Phật không diệt vọng tưởng cũng không dừng vọng tưởng, mà chỉ biết vọng thiện, vọng ác, để biết tâm mình có ly dục, ly ác pháp chưa, thì hãy cố gắng xả ly tâm ác của mình (tham, sân, si), còn tâm thiện thì luôn luôn sống với nó. Chỉ xả tâm ác chứ không phải xả niệm ác, còn Thiền Tông thì xả niệm ác, niệm thiện mà không xả tâm ác nên tu mãi, kết quả chẳng có gì, chỉ vì tu sai pháp.

 Trên đây là nói về phần “tầm”, còn “tứ” thì chưa nói đến. Bên Thiền Tông khi giữ tâm chẳng niệm thiện niệm ác, tự chủ khởi ra một niệm gì thì Thiền Tông cho đó là“vọng tưởng”. Nếu tác ý, tức là “tứ” thì Thiền Tông cũng không chấp nhận, cho đó là “vọng tưởng” và tu như vậy không đúng trạng thái tâm vô niệm của Thiền Tông vì còn tùy ý, phải giữ tâm niệm không có một niệm nào xen vào thì mới gọi là thiền định. Cho nên, vào thế kỷ thứ 18 các thiền sư Trung Hoa chế ra pháp môn tham thoại đầu và khán công án vốn những pháp này ức chế tâm rất cao độ, gọi là lấy độc diệt độc. Do chỗ ức chế tâm cao độ, nên con đường Thiền tông bế tắc không còn lối tu tiến tới được nữa.

Tuy chế ra pháp môn ức chế tâm như vậy, nhưng người tu khó đạt thành “tâm không”, vì ở tâm không niệm sanh ra nhiều trạng thái tưởng, dễ lạc vào tà thiền. Người có khả năng ức chế gom tâm được thì rơi vào Pháp tưởng mà Thiền Tông gọi là “Triệt ngộ” tưởng giải toàn bộ kinh sách và 1700 công án.

Người không ức chế và gom tâm được thì tu chẳng đến đâu, chỉ kiến giải lượm lặt như nhai lại bã mía của người xưa rồi nói thiền nói đạo chứ chẳng biết thiền đạo là gì.

Cho nên, người tu theo Thiền Tông nghe tác ý trong lúc ngồi thiền đều cho đó là vọng tưởng. Không ngờ sự tu tập “Như lý tác ý” lại biến thành một đạo lực siêu việt làm chủ được thân tâm, muốn sống muốn chết dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Muốn ngồi nhập định bảy tám ngày hoặc một tháng, hai, ba tháng đều như ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, ngồi bất động như gốc cây, cục đá, nhưng rất tỉnh táo không ai bằng, trời sét không nghe.

Thế mà Thiền Đông Độ chê pháp như lý tác ý là vọng tưởng, không ngờ pháp môn như lý tác ý là một pháp môn tuyệt vời, giải quyết được bốn sự đau khổ của con người và còn giúp cho chúng ta thực hiện ba loại thần thông mà không có một loại thần thông nào của ngoại đạo hơn được.

Toàn bộ giáo trình về pháp môn tu tập thực hành của đạo Phật thì pháp như lý tác ý là một pháp môn đôc đáo tuyệt vời nhất, cũng là một pháp môn nòng cốt nhất của đạo Phật, bắt đầu từ tu tập giới luật xả tâm đến tu tập Thiền Định và Tam Minh đều dùng nó. Do đó, duy nhất tu tập chúng ta phải nhiệt tâm với pháp môn này, nhờ đó mới có đủ đạo lực, mới có thể làm chủ sanh, lão, bịnh, chết.

Chỉ có pháp môn này tu tập mới trở thành một đạo lực siêu việt không thể nghĩ lường được.

Muốn xa lìa và đoạn dứt tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì chỉ duy nhất có pháp môn này mới ly và đoạn dứt các dục và ác pháp, ngoài ra không còn có pháp môn nào khác nữa.

Muốn nhập các Định thì Tứ Như Ý Túc là pháp môn có đủ thần lực để giúp cho hành giả muốn nhập loại định nào thì tùy ý nhập được liền.

Muốn thực hiện được Tam Minh và Thần Túc Thông thì ngoài pháp môn này ra không có pháp môn nào thực hiện được.

Bởi vậy, pháp như lý tác ý là pháp môn độc nhất của đạo Phật để đưa con người thoát ra cảnh khổ của kiếp người và biến hành giả trở thành một siêu nhân, một Thánh nhân.

Một số hệ phái phát triển không hiểu chê nó là vọng tưởng thật là một việc sai lầm rất lớn.

NHƯ LÝ TÁC Ý

Hỏi:Kính thưa Thầy, tại sao Thầy dạy chúng con phải tự kỷ ám thị, mà trong kinh Phật không có dạy, cuối mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?

Đáp: Như lý tác ý là pháp môn tự kỷ ám thị, đó là một danh từ ngày xưa đức Phật dùng ám thị để thực hiện xa lìa tâm ham muốn và các ác pháp. Ngày nay, các nhà học giả không có kinh nghiệm tu hành, nên không hiểu pháp như lý tác ý là phương pháp tự kỷ ám thị.

Hầu hết các nhà học giả thuyết kinh điển Phật đều không hiểu pháp này, nên đã biến pháp môn của Phật thành một lý thuyết suông. Vì thế, hơn 25 thế kỷ không có người nào tu chứng và làm chủ sanh, già, bệnh, chết một cách cụ thể, chỉ huyền thuyết một vài mẩu chuyện thần thông cho vui mà thôi.

Nếu không có pháp“như lý tác ý” thì tu hành không có đạo lực, không có đạo lực thì không làm chủ sự sống, chết của con người được.

Nếu một người tu thiền định mà không biết sử dụng pháp như lý tác ý thì không thể nào nhập được các định.

Ở đây, chúng ta hãy nghe đức Phật dạy một người muốn tu thiền định phải dùng pháp như lý tác ý như thế nào để nhập được định, không giống như các hệ phái Phật giáo phát triển dạy.

“Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo muốn thực hiện tu tăng thượng tâm thiền định thì cần phải thường tác ý năm tướng.

Thế nào là năm tướng?

Năm tướng là:

1-      Tham

2-      Sân

3-      Si

4-      Mạn

5-      Nghi

“Ở đây Tỳ Kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nấy. Các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, và liên hệ đến nghi sanh khởi, thời này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phảitác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia (ác bất thiện pháp liên hệ đến dục) thì các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục (tham) liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, liên hệ đến nghi được diệt trừ đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

Đoạn kinh trên đây đức Phật dạy tu thiền, không phải chỗ nhiếp tâm hết vọng tưởng để nhập định và nhất tâm, định tỉnh. Ngược lại, Phật dạy dùng pháp như lý tác ý để trừ diệt, đi đến diệt vọng tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Chính nhờ diệt trừ chúng mới đạt được nhất tâm, nhập được Tứ Thánh Định.

Bài kinh này chỉ dạy rất rõ ràng, thế mà thời nay người tu thiền cứ mải mê nhiếp tâm cho hết vọng tưởng. Tu như vậy gọi là thiền của Phật thật là oan cho Phật giáo biết chừng nào! Phật dạy như vậy mà bây giờ tu sĩ lại tu khác. Chỉ có Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tối Thượng Thừa mới chấp nhận pháp ức chế tâm đó là chân chánh, vì thế tu sĩ ngày nay là tu theo pháp môn ngoại đạo mà cứ tưởng mình tu theo Phật giáo. Cho nên, tu từ đời ông đến đời cha mà chẳng có ai giải thoát cả.

Nếu khi gặp một hoàn cảnh, một đối tượng, một sự việc xảy đến khiến tâm đau khổ và phiền não, khi ấy hành giả dùng pháp như lý tác ý và tác ý với một tướng khác với tướng kia, tức là tướng không phiền não, đau khổ, tướng này liên hệ đến thiện, không tham, sân, si, mạn, nghi. Các ác pháp, bất thiện pháp có tầm liên hệ đến dục tham, sân, si, mạn, nghi kia không lìa ra được, hoặc đoạn diệt được, thì phải mau quán xét các niệm ác và bất thiện pháp kia là nguy hiểm, là khổ đau cho mình cho người. Những niệm như vậy là ác độc, là có tội lỗi và sẽ tạo ra khổ báo phiền não, đau khổ hiện giờ và mai sau.

Do quán xét và tác ý như vậy thì tâm ta sẽ xả được các ác pháp và trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự.

Khi quán xét và tác ý như vậy, các ác bất thiện pháp tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được diệt trừ và xả ly. Nhờ có quán xét và tùy ý như vậy tâm chúng ta mới xả ly được, nội tâm mới được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh và an lạc.

Nếu khi quán xét và tác ý các pháp ác đó là nguy hiểm, là tội khổ, là khổ báo mà tâm vẫn còn hậm hực, hờn giận, phiền não, sợ hãi, lo toan v.v.. Lại khởi lên các ác niệm nữa, thì ta không tác ý tâm như đất nữa và không quán xét nữa, ta để tâm tự nhiên rồi như lý tác ý: “Thân tâm thư giãn xuống, các cơ buông xuống, tâm buông xuống, thân tâm phải thoải mái, nhẹ nhàng, an lạc”. Hướng tâm xong, ta đi kinh hành hoặc ngồi hít thở, thỉnh thoảng ta lại hướng tâm như vậy thì các ác pháp kia sẽ tan biến và diệt trừ đoạn dứt tâm bất động, đau khổ và phiền não sẽ dứt sạch, nội tâm ta được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh.

Nếu dùng pháp hướng tâm như lý tác ý và thư giãn thân tâm mà “ác niệm còn khởi tâm ta chưa an tịnh” thì lại dùng pháp hướng tâm đến các hành của các ác pháp thì các ác pháp bất thiện sẽ được diệt trừ, xa lìa đoạn dứt. Nhờ có đoạn trừ, diệt chúng được, nội tâm mới được thanh thản, an lạc, định tỉnh, nhất tâm.

Dùng pháp hướng tâm đến các hành như thế nào?

Muốn hiểu nghĩa này chúng tôi cho những ví dụ cụ thể mới dễ nhận ra rõ ràng nghĩa lý này.

Ví dụ: “Một người đang đi nhanh, họ suy nghĩ và hướng tâm như lý tác ý tại sao ta lại đi nhanh? Ta hãy đi chậm lại. Trong khi hướng tâm như vậy, người ấy đi chậm lại, người ấy suy nghĩ. Như lý tác ý: Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại. Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ và tác ý. Tại sao ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống. Trong khi ngồi người ấy suy nghĩ và hướng tâm như lý. Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống”.

“Dùng pháp hướng tâm như lý tác ý bỏ dần các hành động thô của ác pháp đi đến những hành động tế nhị và cuối cùng xa lìa đoạn diệt các ác pháp liên hệ đến tâm tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được diệt trừ đi đến đoạn diệt nên nội tâm được thanh thản, an lạc, nhất tâm, định tỉnh”.

Nếu dùng pháp hướng như lý tác ý đến các hành của ác pháp liên hệ đến niệm dục mà không diệt được và xa lìa được thì phải nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng lấy tâm và các cơ chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm bằng pháp hướng như lý tác ý: “Tâm tham dục phải đoạn dứt liền, phải lìa xa nơi niệm tham muốn, sân hận, phải đi đi, đi cho khỏi nơi đây”.

Dùng pháp hướng mạnh bạo để diệt trừ tâm tham dục, ngã chấp tạo nên đau khổ, phiền lụy cho mình cho người, phải đoạn dứt một cách nhanh chóng để phục hồi tâm lại bình thường, an lạc, thanh thản. “Dùng pháp hướng mạnh bạo ấy, ví như người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu xách bổng họ và muốn ném đâu tuỳ ý”.

Tóm lại, muốn ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm thì phải dùng pháp như lý tác ý bằng năm cách như trên đã dạy mà trong Kinh Song Tầm và Kinh An Trú Tầm đức Phật đã dạy rất rõ ràng, để làm chủ được cuộc sống không còn khổ đau, và bất toại nguyện, luôn luôn lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc, định tỉnh và vô sự.

Nên đức Phật dạy: “Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy được gọi là đã an trú trong “đoạn tầm pháp môn”. Vị ấy có thể tác ý đến tầm nào vị ấy muốn, có thể không tác ý đến tầm nào vị ấy không muốn, vị ấy đã đoạn trừ khả ái, đã giải thoát các kiết sử, khéo chinh phục kiêu mạn và đã chấm dứt khổ đau”.

Pháp thế gian mà kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ gọi là “vọng tưởng,còn niệm thiện niệm ác và như lý tác ý thì kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy đó là tầm ác, tầm thiện và pháp như lý tác ý, biết tầm thiện, tầm ác và pháp như lý tác ý là biết pháp tu hành theo Phật giáo, ngược lại Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy người tu tập:

1-        Biết vọng không theo.

2-        Đối cảnh không tâm.

3-        Không kẹt hai bên.

4-        Hằng sống với cái chân thật, không theo cái giả.

Bốn cách tu tập này cũng nhắm vào diệt vọng tưởng mà thôi.

“Muốn thấy nó bạn đừng theo vọng tưởng,

Niệm lăng xăng chìm đắm biển thanh bình.

Đến đây rồi hạnh phúc khó thưa trình,

Chỉ xem thấy nụ cười luôn hé nở”.

Trên đây là một bài thơ của một thiền sư đã chứng đạo, để chứng minh pháp diệt vọng tưởng của họ.

Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ nhắm vào chỗ “vọng tưởng”, vọng tưởng hết rồi thì viên mãn “niệm lăng xăng chìm đắm biển thanh bình’’. Nhưng đối với đạo Phật thì khác xa. Tầm ác, tức là vọng tưởng ác thì ngăn chặn và diệt sạch còn tầm thiện thì sanh khởi và tăng trưởng không diệt mà còn nuôi dưỡng, để không làm khổ mình, khổ người. Nhờ tầm thiện đó mà mỗi con người xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người.

Muốn diệt tầm ác (vọng tưởng ác, niệm ác) thì dùng pháp hướng tâm tác ý (như lý tác ý, sẽ ngăn chặn và diệt trừ) tăng trưởng tầm thiện (vọng tưởng thiện, niệm thiện) để giúp tâm không làm khổ mình, khổ người, để trở về trạng thái bình thường, thanh thản, an lạc, vô sự và định tỉnh.

Xét qua hai cách tu tập thì Đại Thừa và Thiền Đông Độ do ức chế tâm diệt vọng tưởng để đạt trạng thái yên lặng đến tĩnh lặng mà họ gọi là thiền định, còn Phật dạy dùng pháp hướng tâm như lý tác ý để ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử, tâm vô lậu thanh tịnh không còn đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của thế gian, tâm được thanh tịnh đó gọi là định.

Vì thế, thiền định của Đại Thừa, Thiền Tông và thiền định của Phật không giống nhau; một bên thì tìm cái tĩnh lặng với trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh (bốn tánh Niết Bàn). Lấy cái biết không niệm thiện niệm ác làm “Phật Tánh” để hằng sống với cái chân thật đó của mình.

Một bên thì tìm về cuộc sống, có một trạng thái an lạc, thanh thản, làm chủ bốn cái khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết; còn một bên tu tập để tìm về thế giới vĩnh hằng của “Phật Tánh”, không có đạo lực, không có làm chủ sự sống chết, chỉ có đạo thông tưởng pháp, nói thiền nói đạo như gió thổi mưa sa; một bên tu tập vừa có đạo thông vừa có đạo lực điều khiển sự sống chết luân hồi theo ý muốn. Như vậy rõ ràng hai bên có hai lối tu và hai kết quả khác nhau.

Qua sự kinh nghiệm tu tập của chúng tôi và kinh sách Nguyên Thủy dạy rất rõ ràng và cụ thể, bằng ý thức chủ động điều khiển sự sống chết của con người, không mơ hồ, trừu tượng như thế giới tưởng của một số hệ phái khác. Cho nên, sự tu hành như vậy, cuộc sống của các thiền sư còn chìm đắm trong danh, lợi, tham, sân, si của thế gian.

Vọng tưởng là một đề tài của Đại Thừa và Thiền Đông Độ dùng làm đối tượng để tu tập thiền định, còn Phật giáo Nguyên Thủy “vọng tưởng” không thành vấn đề tu tập mà đối tượng tu tập là tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử.

Muốn diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử thì Phật giáo Nguyên Thủy lại dùng pháp môn như lý tác ý, (Thiền Tông cho là vọng tưởng) để tu tập, để rèn luyện Ngũ lực. Đại Thừa và Thiền Đông Độ lại chê là vọng, dẹp bỏ. Nguyên Thủy biến nó trở thành pháp môn hướng tâm như lý tác ý để diệt trừ tam độc và thất kiết sử, khiến cho tâm được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau của kiếp người và biến pháp như lý tác ý trở thành một đạo lực siêu việt làm chủ điều khiển sự sống chết của kiếp con người và đó là thực hiện Tứ Như Ý Túc, Tam Minh một cách dễ dàng, không mấy khó khăn.

ỨC CHẾ TÂM CÓ HẠI GÌ?

Câu hỏi của Minh Tông

Hỏi:Kính thưa Thầy, người tu thiền định ức chế tâm dừng và diệt vọng tưởng có hại gì? Có lợi gì? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Đạo Phật tu hành không có thiền định ức chế tâm, thiền định ức chế tâm là những pháp môn thiền định của ngoại đạo, của Đại Thừa và Thiền Đông Độ.

Xưa đức Phật đi tu, đạo Phật chưa có. Ngài tu theo giáo pháp của ngoại đạo, toàn bộ giáo pháp đều dạy ức chế thân tâm. Đó là những pháp môn khổ hạnh, do những pháp môn khổ hạnh ức chế thân tâm này mà cơ thể Ngài hoàn toàn suy yếu đến nỗi phải nằm liệt không thể đứng dậy nổi, nhờ người chăn dê đổ sữa, lần lần Ngài mới tỉnh lại, quán xét tất cả các pháp môn ức chế thân tâm không thể giải thoát sự khổ đau của kiếp người.

Đầu tiên, Ngài tu với một vị Đạo sư tên là Alara Kalama dạy Ngài ức chế tâm nhập Vô Sở Hữu Xứ Định. Sau khi nhập xong định Vô Sở Hữu Xứ Ngài tự suy nghĩ: Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết Bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ, chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ để làm gì? Không có ích lợi gì cả cho cuộc sống con người. Do đó, Ngài không tôn trọng pháp này và từ bỏ, Ngài đi tìm pháp môn khác.

Đọc bài Kinh Thánh Cầu trong kinh Trung Bộ tập 1 trang 370 đức Phật tìm đến vị Đạo sư đầu tiên của mình là Ngài Alara - Kalama dạy Ngài tu chứng đạt nhập Vô Sở Hữu Xứ Định như trên đã nói, kinh dạy: “Như vậy, này các Tỳ Kheo, Alara Kalama là Đạo sư của Ta, lại đặt Ta, là đệ tử của người ngang hàng với mình và tôn sùng Ta tối thượng. Này các Tỳ Kheo, rồi Ta tự suy nghĩ “pháp này không hướng đếnyểmly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết Bàn mà chỉ đưa đến chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy này các Tỳ Kheo. Ta không tôn kính pháp này và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi”.

Đoạn kinh này chúng ta thấy Alara Kalama không có dạy đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không Vô Biên Xứ đến Thức Vô Biên Xứ mà chỉ dạy nhập định Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy chúng ta đã biết có bốn thiền hữu sắc và bốn thiền vô sắc. Đỉnh cao nhất của thiền Hữu sắc là “Tứ Thiền”, và đỉnh cao nhất của thiền Vô sắc là “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định”. Thế mà có nhà học giả bảo rằng đức Phật đã được Alara Kalama dạy nhập Bốn Thiền mà không thấy giải thoát nên Ngài bỏ tìm pháp khác. Đây là một sự bịa đặt của các nhà học giả, để làm sai lệch ý kinh sách của đạo Phật, sai lệch lời dạy của đức Phật để làm gì?

Có hệ phái muốn xiển dương giáo pháp của mình nên cố tình dìm mất chánh pháp của Phật, khiến cho người sau không hiểu thiền định của Phật là gì?

Nhiều nhà học giả không phải là hành giả nên hiểu qua kiến giải của mình trong kinh sách phát triển, nghĩ tưởng rằng phải nhập định Hữu sắc trước rồi sau mới nhập định Vô sắc. Hiểu như vậy là cái hiểu của người chưa biết thiền định.

Nếu không có bài kinh Đại Kinh Saccaka thì làm sao chứng minh điều lầm lạc này mà nhà học giả cố tình thuyết giảng sai lệch Phật pháp để người sau không còn biết thiền định của Phật và mất lối tu hành giải thoát.

Phúc duyên của con người trên hành tinh này còn duyên với Phật Pháp, nên Kinh Trung Bộ tập 1 bài kinh Saccaka còn giữ lại nguyên văn cho đến ngày nay. Bài kinh này cả quyết và đã xác định đức Phật thành tựu viên mãn đạo giải thoát không phải ở chỗ “Kiến tánh thành Phật, không phải ở chỗ đại ngộ, triệt ngộ, mà ở chỗ tu tập đúng pháp, tức là phải nhập Sơ Thiền, Nhị Nhiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, nhờ đó tâm Phật định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh dẫn tâm đến Tam Minh.

Con đường tu theo đạo Phật chỉ có tu như vậy mới đạt được kết quả làm chủ đời sống con người, thế mà các nhà Phật học xây dựng nhiều pháp môn (84 ngàn Pháp môn) mà chẳng có pháp môn nào đưa dắt con người đến chỗ giải thoát kiếp lầm than, đau khổ của loài người.

Đạo Phật chỉ có một pháp môn duy nhất, nếu ai đọc suốt tạng kinh Nguyên Thủy sẽ không thấy có pháp môn nào khác hơn là pháp môn “Giới, Định, Tuệ”. Cả tạng kinh chúng ta thấy đức Phật cố ý lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài kinh mà không rời khỏi ba pháp môn vô lậu “Giới, Định, Tuệ”.

Đây, ta hãy nghe đức Phật thuật lại quá trình tu tập với pháp môn nào? Để đi đến cứu kính giải thoát. Thế mà các nhà học giả Đại Thừa dám cả gan bác bỏ pháp môn “Tứ Thánh Định” của Phật là thiền định phàm phu, Nhị Thừa, Thanh Văn, ngoại đạo, cấm không cho người sau học và tu tập.

“- Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta biết trong khi Phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích Ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm Phù Đề (gambu), Ta ly dục ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?’’. Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”. NàyAggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly bấtthiện pháp?”. Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua (tức là ăn lại bình thường ngày một bữa có thực phẩm). Này Aggivessana, Ta ăn thô thực cơm chua, lúc bây giờ năm Tỳ Kheo đang theo hầu hạ Ta, suy nghĩ và chờ đợi Ta khổ hạnh chứng đạo, nhưng thấy Ta ăn thô thực, các vị ấy chán ghét Ta bỏ đi và nói: “Sa môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn khổ hạnh, trở lui đời sống sung túc”.

Và Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc, xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Sau khi chứng được bốn thiền xong, tâm Đức Phật thuần tịnh, trong sáng, nhu nhuyễn dễ sử dụng, nên Ngài dẫn tâm đến Tam Minh.

“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng đến Túc Mạng Minh. Ta nhớ đến các đời quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, ba mươi, bốn mươi đời, nămmươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trămngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Này Aggivessana, đó là Minh Thứ Nhất, Ta đã chứng trong đêm canh một vô minh diệt, minh sanh ám diệt, ánh sáng sanh do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy. Này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Đó là canh một lúc bấy giờ đức Phật chứng Túc Mạng Minh. Sau khi chứng xong Túc Mạng Minh, Ngài tiếp tục hướng dẫn tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ngài chứng Thiên Nhãn Minh.

“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhunhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ v.v..Này Aggivessana đó là Minh Thứ Hai Ta đã chứng được, trong đêm canh giữa, vô minhdiệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy. Này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Đó là canh giữa đức Phật đã chứng được Thiên Nhãn Minh. Với tâm nhu nhuyễn dễ sử dụng đức Phật tiếp tục dẫn tâm hướng tâm đến Lậu Tận Minh.

“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bình tỉnh như vậy. Ta dẫn tâm hướng tâm đến Lậu Tận Trí. Ta biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân khổ”, biết như thật “đây là sự diệt khổ”, biết như thật “đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”,biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy. Ta khởi lên sự hiểu biết “Ta đã giải thoát”. Ta đã biết: “Sanh đã diệt phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác nữa”. Này Aggivessana, đó là Minh Thứ Ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Trên đây là bài kinh Đại Kinh Saccaka, trong bài kinh này đức Phật đã thuật lại quá trình tu tập của mình từ các pháp môn ức chế thân tâm của ngoại đạo để nhập các loại định tưởng và nhập được định tưởng cao nhất là Phi Tưởng Phi Tưởng Xứ Định, nhưng cuối cùng Ngài phải bỏ tất cả các pháp ức chế thân tâm này. Ngài sống trở lại đời sống bình thường của một tu sĩ ăn ngày một bữa sống không phóng dật, “Do Ta sống không phóng dật mà thành Chánh giác”.

Sau khi bỏ các pháp môn ức chế thân tâm của ngoại đạo Ngài hồi ức lại nhớ lúc còn bé đi theo vua cha trong ngày lễ hạ điền.Vua cha xuống ruộng cày buổi cày đầu tiên để làm gương cho nhân dân.

Lúc bấy giờ, đức Phật còn bé ngồi dưới bóng cây Diêm Phù Đề (Yambu), cây hồng táo, nghỉ mát, Ngài ly dục ly ác pháp trong tâm chứng và trú Thiền Thứ Nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Ngài tự nghĩ: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ. Đây là con đường giải thoát”.

Sau khi ăn uống trở lại bình thường, sức khoẻ hồi phục, Ngài không còn khổ hạnh như trước. Ngài nỗ lực theo pháp môn lúc còn bé Ngài đã vô tình ngồi chơi mà thực hiện được. Theo đạo lộ này Ngài đã thuật lại cho chúng ta nghe trong 49 ngày tu tập: Tức là Ngài bắt đầu tu tập nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh. Sau khi tu tập xong Ngài làm chủ sanh, tử và chấm dứt luân hồi với pháp môn này rất rõ ràng. Vậy mà các nhà Đại Thừa dám phỉ báng pháp môn này là Thiền Phàm phu, là Thiền Tiểu Thừa, là Thiền Ngoại Đạo v.v..

Pháp môn này do đức Phật vô tình tìm ra trong lúc còn bé, chứ không có một Đạo sư ngoại đạo nào dạy, thế mà nhà học giả Đại Thừa cho rằng Alara Kalama dạy đức Phật tu, đó là một điều phỉ báng giáo pháp của Phật vô căn cứ, nếu không có bài kinh này chứng minh thì người sau không còn biết tin vào đâu.

 Trong bài kinh Đại Kinh Saccaka, đức Phật thuật lại từ pháp ức chế thân tâm của ngoại đạo và chỉ đến pháp môn Tứ Thiền mà Ngài vô tình đã tìm ra được trong lúc còn bé mới có giải thoát. Nhờ Bốn Thánh Định này Ngài nhập xong, hướng tâm đến Tam Minh. Ngài phát giác ra lý Tứ Đế: “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân khổ”, “Đây là sự diệt khổ’’, “Đây là con đường đưa đến diệt khổ’’.

Ngoài đức Phật ra, không còn có một tôn giáo nào trên thế gian này thấy được bốn chân lí này. Thấy được bốn chân lì này, đức Phật bắt đầu khởi xướng đạo Phật ra đời.

Dựa vào bài kinh “Đại Kinh Saccaka”ta thấy đường lối tu tập của đạo Phật rất rõ ràng, cụ thể. Phân biệt đâu là pháp ức chế thân tâm, đâu là pháp xả tâm, thư giãn, diệt ngã, ly dục, ly bất thiện pháp, và còn cho ta thấy được đường lối tu tập của đạo Phật do một nhân duyên của chúng sanh kỳ lạ, một đứa bé (lúc đức Phật còn bé) đã ngồi dưới cây yambu (Diêm Phù Đề) nhập Sơ Thiền, một pháp môn thiền xả tâm, diệt ngã, ly dục, ly ác pháp tuyệt vời. “Ta ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất”. Theo như đoạn kinh này chúng ta tự hỏi. Tại sao một đứa bé 9, 10 tuổi mà biết được thiền xả tâm? Ai dạy? Cách thức tu tập như thế nào?

Vậy thiền xả tâm như thế nào mà một đứa bé 9, 10 tuổi đã nhập được một cách dễ dàng? Như chúng ta đã biết, muốn nhập được thiền xả tâm (Sơ Thiền) thì chỉ cần nương vào hơi thở khéo tác ý như trong kinh Nguyên Thủy dạy: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” rồi lại hít vô thở ra khoảng 5, 10 hơi thở rồi lại khéo tác ý nhắc tâm “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”. Đó là mấu chốt tu tập thiền định của đạo Phật dùng Định Niệm Hơi thở khéo tác ý xả tâm ly dục ly ác pháp, để thành tựu tâm thanh tịnh, tức là tâm bất động định.

Khi tu tập các pháp môn của ngoại đạo, đức Phật dốc hết toàn lực tu tập nghĩa là ức chế thân tâm tối đa để mong đạt được cứu cánh giải thoát, nào ngờ toàn bộ công trình tu tập đến giờ phút cuối cùng chỉ còn là số “không”. Cũng giống như chúng ta hiện giờ, từ pháp môn Tịnh Độ, Mật Tông đến Thiền Tông, chúng ta cũng đem hết sức lực ra tu tập gần như suốt cả cuộc đời, nhưng nhìn lại cũng chỉ là số “không”.

Qua kinh nghiệm bản thân của chúng tôi tu tập các pháp môn của Đại Thừa và Thiền Đông Độ cũng vậy, chúng tôi mất tất cả hy vọng đối với Phật giáo. Chúng tôi cho rằng: các tôn giáo nói được, chứ chẳng làm được, nhưng đã lỡ theo Phật giáo hơn nửa đời người, bây giờ trở về đời sống thế tục thì đã muộn màng, còn tu tập chẳng ra gì “Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo”, tiến thối lưỡng nan. Trong lúc lòng chúng tôi đang buồn bã, ưu sầu vì đường tu tập chẳng đến đâu. Nhớ đến lời Hòa Thượng Minh Châu và đảo mắt nhìn tủ kinh sách: Nào là Hé Mở Cửa Giải Thoát, Nghiệp Dẫn Đi Trong Luân Hồi, Đường Vào Hiện Sinh, Phật Học Phổ Thông, Trái Tim Thiền Định, Đường Xưa Mây Trắng, Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, v.v.. Não nề chúng tôi lấy tập 1 Trung Bộ Kinh, lật vài trang ra đọc cho khuây khoả.

Nhưng may mắn thay, gặp ngay bài kinh “Đại Kinh Saccaka”. Ngồi suy ngẫm, một đứa bé chín mười tuổi làm sao ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền dễ dàng?

Tự đặt câu hỏi chúng tôi lần lượt phanh dần và đọc lại các bài kinh khác như: Tứ Niệm Xứ, Xuất Tức, Nhập Tức, Tứ Chánh Cần, v.v.. thì ra là phương pháp của Phật tu như vậy, chứ không như các pháp môn tu tập của Đại Thừa và Thiền Đông Độ. Nên cuối cùng chúng tôi tập thử thấy có kết quả xả tâm có tầm tứ, có hỷ lạc và nhất tâm, một cách cụ thể, rõ ràng.

Do đó chúng tôi quay sang 180 độ, bỏ sạch các pháp môn Thiền Tông và Đại Thừa. Chuyên ròng tu tập “Tam Vô Lậu Học”.

Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề tu tập ức chế tâm, dừng vọng tưởng có hại gì mà Thiền sinh Minh Tông đã hỏi?

Tu ức chế tâm, dừng vọng tưởng có nhiều pháp:

1-        Tịnh Độ Tông niệm Phật nhất tâm (Ức chế bằng câu niệm Phật, lục tự Di Đà).

2-        Mật Tông ức chế tâm để có thần thông tưởng (niệm chú ức chế vọng tưởng).

3-        Thiền Tông ức chế tâm dừng vọng tưởng bằng những pháp: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, chẳng niệm thiện niệm ác, chăn trâu, biết vọng liền buông, tham thoại đầu, tham công án, sổ tức quán, tuỳ tức, chỉ tức v.v..” đều là những pháp ức chế tâm dừng vọng tưởng để đạt được trạng thái khinh an, xúc tưởng hỷ lạc v.v.. và các pháp tưởng mà Thiền Tông gọi là đốn ngộ, đại ngộ, triệt ngộ.

Tu những pháp này không có làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, nên không ích lợi thiết thực cho đời người, chỉ được cách thuyết giảng lừa đảo người khác dễ dàng nhờ có dục tưởng (khinh an), nhờ có pháp tưởng (triệt ngộ), nhờ có thần thông tưởng (linh ứng) và nhờ sắc tưởng (ánh sáng hào quang, thấy Phật, Tổ và các cõi Cực Lạc Tây phương).

Thời đức Phật tu hành, ngoại đạo hướng dẫn ức chế tâm tối đa: “Này Aggivessana rồi ta suy nghĩ:“Ta hãy nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp tâm đánh bại tâm! thì mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Aggivessana như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốmyếu hay nắm lấy vai có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy. Này Aggivessana, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Đây là cách ức chế tâm rất mạnh của đức Phật ngày xưa tu tập. Ngồi lâu thân sanh mỏi mệt và đau nhức, đức Phật vẫn tinh tấn chống lại khổ thọ để tu tập kéo dài thời gian. Tuy đau nhức, tâm đức Phật không bị chi phối, nhưng chẳng có giải thoát gì được cả. Đức Phật lại tu tiếp pháp hơi thở ức chế tâm tối đa: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở và này Aggivessana, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bễ đang thổi của người thợ rèn. Này Aggivessana, dầu Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm Ta”.

Đức Phật tu thiền nín thở đầu tiên phát ra âm thanh tiếng gió thổi ngang qua lỗ tai rất là kinh khủng (phong tưởng thanh) khiến cho thân bị kích động không được khinh an, khổ thọ khởi lên nhưng không chi phối được tâm của đức Phật.

Lần thứ hai đức Phật tiếp tục tu tập thiền nín thở: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta hãy tu thiền nín thở. Và này Aggivessana rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng ngang qua mũi và ngang qua tai thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động nhưng thân của Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy, tuy vậy khổ thọ ấy vẫn khởi lên nơi Ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm Ta”.

Lần thứ hai đức Phật tu thiền nín thở một ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu, đối với khổ thọ đó không chi phối được tâm của đức Phật.

Lần thứ ba, Đức Phật tu thiền nín thở thì một cảm giác đau đầu kinh khủng như ai lấy sợi dây cột quanh đầu xiết mạnh, cảm thọ đó khởi lên, nhưng không chi phối tâm Đức Phật: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở”. Và Này Aggivessana, Ta nín thở vô thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Ta cảm giác đau đầu kinh khủng, ví như một người lực sĩ lấy một sợi dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu và xiết mạnh. Này Aggivessana, dù Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dù cho niệm được an trú không dao động nhưng thân Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh cần chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy nàyAggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi Ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm Ta”.

Lần thứ tư Đức Phật tu thiền nín hơi thở một cảm giác đau đớn như ai cầm dao sắc bén cắt ngang qua bụng.

Lần thứ năm Đức Phật cũng tu thiền nín hơi thở, một sức nóng kinh khủng khởi lên như đốt người trên hố than đỏ, trong trường hợp đó một số chư thiên, tức là những người hiền đức bảo đức Phật đã chết, chưa chết, sắp chết v.v..

Đó là những pháp môn thiền hơi thở ức chế tâm, đức Phật nín thở tối đa để mong tìm được sự giải thoát, nhưng do tu pháp ức chế hơi thở sai, đức Phật sắp gần chết. Ngài bỏ các pháp ức chế tâm, chuyển qua pháp ức chế thân. Ngài dự định tuyệt thực hoàn toàn, nhưng có một số người hiền biết chuyện khuyên Ngài không nên tuyệt thực, nếu Ngài tuyệt thực chúng tôi sẽ đem đồ ăn đổ cho Ngài.

“Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực”. Rồi chư Thiên (tức là những người lành) đến với Ta và nói như sau: Này hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực, này hiền giả, nếu hiền giả hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đem thực phẩm đổ cho hiền giả và nhờ vậy hiền giả vẫn phải sống”.

Đó là sự suy tư ức chế thân tối đa để tìm sự giải thoát khi thân bị ức chế sẽ không còn tham, sân, si nữa. Đức Phật đã suy tư như vậy và cố thực hành cho bằng được. Nhưng nghe điều này một số thiện hữu đến ngăn cản. Vì tuyệt thực hoàn toàn sẽ mang đến cái chết, nếu chết là giải thoát thì bao nhiêu người đã chết nằm lô nhô ngoài nghĩa địa là giải thoát hết sao.

Nghe lời khuyên có lý này, do đó đức Phật không tuyệt thực mà tiết thực để ức chế thân khiến cho thân thoát ra khổ dục và khổ ác pháp. Lần đầu tiên Ngài giảm thiểu sự ăn uống chỉ ăn ít từng giọt một, như cháo đậu xanh, cháo đậu đen, cháo đậu đỏ, vì ăn uống quá ít thân đức Phật hết sức gầy yếu giống như cọng cỏ, những đốt cây leo khô héo, bàn chân Phật giống như móng chân con lạc đà, xương sống phô bày giống như một chuỗi banh, xương sườn gầy mòn giống như rui cột một sàn nhà hư nát, hai con mắt long lanh nằm sâu thẳm trong hai lỗ con mắt giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Da đầu Phật đã trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn, đức Phật sờ da bụng, đụng xương sống, sờ xương sống đụng da bụng. Đi đại tiểu tiện thì ngã quỵ úp mặt xuống đất. Lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng cả nắm. Có người thấy vậy nói, da đức Phật đen thui, xám xịt, vàng sẫm.

Đức Phật đã từng sống khổ hạnh khốc liệt như thế mà vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng là bậc Thánh, không có hay còn có một đạo lộ nào đưa đến giác ngộ chăng?

Ức chế tâm và ức chế thân tối đa như đức Phật từng sống và tu tập như vậy, nó không mang lại một sự giải thoát mà chỉ mang đến cho một sự khốc hại, như chúng tôi đã tu cách đây mười mấy năm. Nếu chúng sanh không có đủ duyên phước thì đức Phật không thể sống nổi qua những trận tu khổ hạnh, thì ngày nay đâu có Phật giáo truyền thừa trên thế gian này.

Tự ức chế tâm bằng pháp thiền nín thở thì tất cả pháp ức chế tâm của ngoại đạo, không có pháp nào ức chế bằng pháp này hơn được.

Tự ức chế thân bằng pháp môn tiết thực tối đa như đức Phật, thì cũng không có pháp môn tiết thực nào hơn được. Bởi vậy, bài kinh Tiếng Hống Sư Tử đã nói lên các pháp môn ức chế thân tâm rất rõ ràng và cụ thể. Xét cho cùng pháp ức chế thân tâm dù ít dù nhiều thì cũng không bao giờ tìm được giải thoát. Muốn hiểu rõ sự tu tập ức chế thân tâm của đức Phật thì nên đọc lại bài kinh Đại Kinh Saccaka thì các bạn sẽ rõ pháp ức chế không đi đến giải thoát sanh tử, luân hồi mà đi đến sự khổ đau tồi tệ hơn nữa.

Các pháp môn của ngoại đạo phần nhiều cầu tha lực còn một số các pháp môn khác như: Thiền Đông Độ, Thiền Đại Thừa, Thiền Yoga, Thiền xuất hồn, Khí công, Nội công v.v.. đều là pháp dùng tưởng ức chế tâm cho nên chẳng có sự làm chủ khổ đau của kiếp người chỉ có một vài pháp thuật thần thông để lừa đảo người khác mưu cầu danh, lợi.

Minh Tông đã hỏi Thầy: “Ức chế vọng tưởng, tức là ức chế tâm có hại và có lợi gì?”.

Thầy sợ các con không đủ niềm tin, nên đã dẫn chứng một số bài kinh Phật để chứng minh cho các con thấy pháp môn ức chế tâm là những pháp môn đem đến tai hại rất lớn cho những người tu hành mà hầu hết các pháp môn Thiền Đông Độ và các pháp môn Đại Thừa đều dạy người tu tập ức chế tâm, nên từ xưa đến giờ nó đã giết chết ông cha và Thầy Tổ của chúng ta nhiều đời, nhiều kiếp cho đến ngay bây giờ, chúng ta cũng chết dần mòn với những pháp môn này, và ngày mai với những pháp môn này nó sẽ giết con cháu của chúng ta cũng sẽ chết dần mòn trong sự tu tập.

Bằng chứng qua sự kinh nghiệm tu hành của con (Minh Tông), con đã ức chế thân, ngồi trên vết thương rướm máu suốt sáu tháng trường mà đạt được những gì?

Cô Diệu Quang đã chỉ trích cách tu của các con như: Minh Tông, Diệu Hồng, Diệu Thiện v.v.. “Ngồi như cóc, tu như vậy rất uổng công chẳng ích lợi gì”.

Trong lúc các con tu hành, kẻ ngồi sáu tiếng đồng hồ, người ngồi tám tiếng, ba tiếng, hai tiếng v.v.. Không có ai ngồi dưới một tiếng, đua nhau ngồi cho nhiều, nhưng kết quả chẳng ra gì, kẻ thì thuyết giảng lung tung như Diệu Thiện, thuyết ra toàn là pháp tưởng, tưởng giải, bị ma tưởng ám ảnh; kẻ thì thở ra không thở vô suốt cả tám tiếng đồng hồ; người thì tuyên bố nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và thấy được bóng dáng Tứ Thiền, mãi cho đến hôm nay, con (Minh Tông) đã khạc ra máu ba lần. Lần thứ nhất khi khạc ra máu, Thầy bảo con đình chỉ không được gom tâm ức chế tịnh chỉ hơi thở như vậy mà phải xả tâm diệt ngã ly dục ly ác pháp thì mới tịnh chỉ hơi thở được, con không nghe lời Thầy để xảy ra lần thứ hai rồi đến lần thứ ba, ra máu quá nhiều con mới sợ hãi và mới chịu bỏ gom tâm ức chế tịnh chỉ hơi thở.

Như vậy, pháp môn ức chế tâm có lợi và có hại gì chắc con đã rõ thấu hơn ai hết. Vì suốt năm năm trời theo Thầy tu hành, con đã dùng pháp môn ức chế thân tâm mà chẳng chịu nghe lời Thầy: “Sống độc cư trọn vẹn để diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp thì mới đủ sức tịnh chỉ tầm tứ, hỷ tưởng và hơi thở”.

Qua bài kinh Song Tầm, bài kinh An Trú Tầm, bài kinh Xuất Tức Nhập Tức và Đại Kinh Saccaka thì con sẽ hiểu thế nào là ức chế tâm, thế nào là xả tâm.

Kẻ tu hành dùng pháp môn ức chế tâm chẳng bao giờ tịnh chỉ khẩu hành (tầm tứ), tịnh chỉ tưởng hành (ly hỷ), tịnh chỉ thân hành (hơi thở), tịnh chỉ ý hành (thọ tưởng) và chẳng bao giờ thực hiện được Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.

Cô Diệu Hồng ngồi suốt tám tiếng đồng hồ trong trạng thái an lạc, thế mà xả thiền ra bị cô Diệu Quang đập cho một đòn, tâm phiền não sân hận nổi lên bỏ về Long Hải, thì thử hỏi ngồi 7,8 tiếng đồng hồ có ích lợi gì, cho cuộc sống. Ngồi để mà ngồi, như đức Phật nói: “Nhập Vô Sở Hữu Xứ để mà nhập Vô Sở Hữu Xứ, chứ không có nghĩa gì”.

Diệu Thiện ngồi thiền tịnh chỉ hơi thở từ 30 phút đến một giờ, thân bất động, tâm bất động có lợi ích gì cho bản thân, khi đọc bộ Đường Xưa Mây Trắng do Hòa Thượng Nhất Hạnh biên soạn rồi đem ra thuyết giảng lung tung, đang bị ma pháp tưởng mà không biết. Kết quả tu hành chẳng ra gì.

Suốt năm năm trời theo Thầy tu hành, rồi đây con cũng sẽ như các bạn con, cũng chẳng đi về đâu, chỉ vì không nghe lời Thầy, sống không độc cư trọn vẹn, không chịu diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp, chỉ thích ngồi thiền ức chế tâm để nhập các định, nhưng các định ấy trở thành một giấc mơ.

NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Minh Tông

Hỏi:Kính thưa Thầy, bậc tu hành đã chứng đạo làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi còn có bị tai nạn và bệnh tật xảy ra hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ.

 Đáp: Như các con đã biết, con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả.

Bậc tu hành sanh ra cũng như mọi người, từ nhân quả sanh ra và cũng đang sống như mọi người, ăn, uống, ngủ, nghỉ, nói, nín, sinh hoạt, hoạt động đều đang sống trong nhân quả và chết cũng như mọi người già cả, yếu đuối, bệnh tật và tử vong, nhưng không trở về nhân quả.

Có lẽ các bạn đã hiểu rằng một người tu chứng, làm chủ sanh tử luân hồi không bao giờ có tai nạn, bệnh tật, già, chết đến với họ. Hiểu như vậy, tức là hiểu sai, hiểu không đúng.

Bậc tu hành đắc đạo trước khi chưa tu hành, chưa đắc đạo thì các bậc ấy vẫn sanh ra như mọi người khác, vẫn mang thân nhân quả, như các bạn đã biết thân nhân quả là thân vô thường có vui, có buồn, có tai nạn, có bệnh tật, có sân hận, có si mê, có ganh tị, có tị hiềm, có nghi ngờ, có tật đố, có san tham và có già chết cũng như mọi người khác. Nhưng bậc tu hành dù đã chứng đạo, vẫn phải còn mang thân xác nhân quả đó, thì mọi sự kiện vô thường của thân nhân quả không thể tha thứ cho bất cứ một ai còn mang thân xác đó, dù đó là đức Phật vẫn bị thân nhân quả vô thường chi phối theo luật nhân quả. Vì thế, mới bảo rằng luật nhân quả rất công bằng và công lý không nể mặt một ai.

Nên khi sắp sửa nhập Niết Bàn, Đức Phật cũng bị đau, Ngài bảo ông A Nan: “Ta đau lưng quá, hãy trải chỗ cho ta nằm”.

Nói như vậy, các bạn sẽ hỏi đã nói tu hành chứng đạo, làm chủ sanh, già, bệnh, chết, cớ sao lại bảo còn có phiền não, già, bệnh, chết và có tại nạn?

Thưa các bạn, ở đây chúng tôi nói bậc tu hành chứng đạo làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nghĩa là thân nhân quả vô thường là thân sanh, già, bệnh, chết thì người tu hành chỉ làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chứ không phải làm chủ cái thân giả tạo vô thường duyên hợp. Cái thân giả tạo vô thường duyên hợp, nó là một vật không có thật, nên sự sanh, già, bệnh, chết của nó là phải đến với nó nhưng nó không tác động vào người tu chứng được. Vì thế sanh, già, bệnh, chết không còn làm tâm họ dao động. Đó là giai đoạn làm chủ thứ nhất của người tu chứng.

Chỗ làm chủ thứ hai: nghĩa là khi có sanh, già, bệnh, chết đến thì người tu chứng sẽ làm chủ cái đó, bằng cách dùng đạo lực đẩy lui để lúc nào thân tâm cũng thanh thản và an lạc, không có khổ não.

Ví dụ: Làm chủ sanh khi cuộc sống chúng ta có xảy tai nạn, tranh tụng, ham muốn, thèm khát, sợ hãi, lo toan v.v.. Người tu chứng sẽ dùng trí tuệ nhân quả quán xét thì ngay đó tâm sẽ được an ổn không còn buồn lo, sợ hãi, sân hận v.v.. Còn khởi tâm ham muốn cái này, cái khác thì ta dùng trí tuệ Tứ Niệm Xứ quán xét các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã thì tâm ham muốn (tham dục) dừng liền. Đó là cách làm chủ sanh thứ hai.

Làm chủ già, thân hành, khẩu hành, ý hành, tịnh chỉ, tức là tịnh chỉ tầm tứ. Một người tu chứng tới tuổi già tám mươi vẫn quắc thước, đi đứng vững vàng, không run rẩy, không lụm cụm, trí tuệ sáng suốt không lẫn lộn v.v.. đó là làm chủ già.

Làm chủ bệnh, khi thân có bệnh đau nhức khổ sở, chúng ta muốn làm chủ bệnh thọ này thì phải ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền, từ nơi trạng thái Tam Thiền theo pháp như lý tác ý xả thọ khổ. Kinh dạy ly hỷ trú xả, tức là sau khi trú được xả, trú được xả, tức là nhập Tam Thiền. Khi đã nhập Tam Thiền xong liền xả lạc, xả khổ, xả lạc xả khổ, tức là xả thọ, xả thọ tức là xả sự đau khổ của thân. Ở đây các bạn nên nhớ, phần nhiều bệnh đau của con người đều do tưởng sanh ra bệnh, vì thế khi nhập Tam Thiền đã ly tưởng, do ly tưởng mà tâm không dao động trước các cảm thọ, nên xả cảm thọ rất dễ. Đó là làm chủ bệnh bằng thiền định, còn làm chủ bệnh bằng pháp môn Định Niệm Hơi Thở. Khi thân có bệnh liền nhiếp tâm an trú vào hơi thở rồi dùng pháp như lý tác ý: “Thọ là vô thường bệnh gì (nói tên ra)... ra khỏi thân ta. An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”, khi tác ý xong liền hít thở năm hơi thở rồi lại tác ý lại câu trên. Cứ tu tập như vậy cho đến khi hết bệnh. Đó là phương pháp làm chủ bệnh. Còn một phương pháp làm chủ bệnh nữa, đó là Tứ Thần Túc, chỉ cần hướng tâm về thân không bệnh là bệnh hết ngay.

Làm chủ chết, khi thân suy yếu sắp chết, ta tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, hướng tâm xả bỏ thân tứ đại nhân quả một cách dễ dàng, không có mệt nhọc, không có đau khổ, không có ngộp thở, chết một cách yên nhàn và thanh thản.

Làm chủ sanh, già, bệnh, chết có hai phần:

1/ Phần thứ nhất: Làm chủ tâm bất động trước cảnh sanh, già, bệnh, chết.

2/ Phần thứ hai: Làm chủ những trạng thái sanh, già, bệnh, chết của thân xảy đến, tức là trực tiếp tịnh chỉ các trạng thái đau khổ của sanh, già, bệnh, chết chứ không phải ngăn chặn không cho sanh, già, bệnh, chết hoặc ngăn chặn tai nạn đến với thân này. Vì thân này là thân nhân quả nên phải vay trả những điều thiện ác trước kia mà ta đã tạo ra, thì không thể ngăn chặn được.

Ngăn chặn, tức là dừng nhân quả. Đạo Phật dạy làm chủ nhân quả, vượt qua nhân quả, chuyển nhân quả, chứ không dạy ngăn chặn và dừng nhân quả. Vì từ nhân quả con người sanh ra thì chỉ có làm chủ tâm không tạo nhân quả ác nữa, thì nhân quả sẽ chấm dứt, như Phật đã dạy trong pháp Tứ Chánh Cần: “ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện”. Đó là pháp tu tập làm chủ nhân quả, chuyển nhân quả hay là pháp môn tu tập nhập định để làm chủ sanh tử, luân hồi.

Tóm lại, muốn làm chủ nhân quả, chấm dứt luân hồi là phải tu tập điều khiển khẩu hành, thân hành và ý hành luôn luôn thực hiện nhân thiện để tạo quả lành, hoàn toàn phải ngăn và diệt trừ nhân ác. Đó là giai đoạn tu tập thứ nhất mà người đệ tử của Phật cần phải tinh cần siêng năng tu tập, không được biếng trễ (Sơ Thiền).

Muốn làm chủ điều khiển nghiệp quả của thân (lão, bệnh, tử) thì phải tu tập nhập Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Đó là giai đoạn thứ hai mà người đệ tử của Phật cần phải tinh cần tinh tấn siêng năng tu tập không được biếng trễ.

Muốn điều khiển làm chủ sự tái sanh luân hồi thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ để có Tứ Thần Túc. Đó là giai đoạn thứ ba, người đệ tử của Phật cần phải tinh cần tinh tấn, siêng năng tu tập không được biếng trễ.

Quý Phật tử đừng hiểu lầm, làm chủ nhân quả là dừng nhân quả. Hay nói cách khác, làm chủ nhân quả có nghĩa là làm cho thân tâm thanh thản, an lạc trước thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ chứ không như “Bất muội nhân quả” của các nhà Phật giáo phát triển.

Tóm lại, làm chủ nhân quả, tức là làm chủ thân tâm của mình trước các pháp ác, bất thiện pháp, khiến cho thân tâm bất động và tự tại.

LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

Câu hỏi của Minh Tông

 Hỏi:Kính thưa Thầy, người cư sĩ có quyết tâm tu tập đúng theo pháp của Phật đã dạy nhưng đời sống còn tại gia không xuất gia có thể làm chủ sanh, già, bệnh, chết được hay không?

Đáp:Đạo lộ của Phật đã vạch ra rất rõ ràng, có ba giai đoạn tu tập:

1- Giai đoạn tu tập cho người cư sĩ, thọ Tam quy ngũ giới, Thập thiện, sống và làm việc sống đúng đạo đức nhân quả.

2- Giai đoạn chuyển tiếp thọ Bát quan trai giới, tu tập tỉnh thức trong việc làm hằng ngày dùng tuệ tri nhân quả nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng để xả tâm. Đó là người cư sĩ tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời và giai đoạn này gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Thức”. Sự tu tập này trong những ngày thọ Bát quan trai.

3- Giai đoạn tu tập của người tu sĩ, ly gia, cắt ái, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định và Tam Minh. Với chiếc áo của người cư sĩ tu tập chỉ làm chủ được cuộc sống (sanh), chứ không thể làm chủ tự tại sống, chết và chấm dứt luân hồi được.

Làm chủ sanh, tức là làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống, tức là luôn luôn hành động thân, miệng, ý đều thiện không làm khổ mình, khổ người.

Người cư sĩ còn sống tại gia tu tập chỉ được tâm hồn thanh thản, an lạc mà thôi không thể đi xa hơn nữa được. Tuy đã xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi nhưng chưa đoạn dứt và thất kiết sử còn trói buộc (7 sợi dây đang trói chặt và sai sử) chưa bứt ra được, nên khó mà tiến tới giải thoát hoàn toàn, tức là khó tiến vào thiền định sâu mầu.

Tuy mang hình thức người cư sĩ mà đời sống và tình cảm của người này phải sống y như người tu sĩ xuất gia, tức là sống đúng giới hạnh và giới đức của người ly gia cắt ái.

Xa lìa các nghề nghiệp thế gian, không làm việc gì cả, nhờ người thân giúp đỡ ngày một bữa cơm, hằng ngày tinh tấn chuyên cần tu tập ba giai đoạn rốt ráo của đạo lộ mà đức Phật đã vạch ra (Bát Chánh Đạo) thì người cư sĩ này sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi như người tu sĩ xuất gia chân chánh.

Ngược lại, người tu sĩ vị Tỳ Kheo mang hình thức tu sĩ sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới tu tập theo pháp môn của ngoại đạo thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Tâm hồn của họ không được giải thoát, tính tình họ còn mang đầy tạp khí tham, sân, si, mạn, nghi chưa sạch. Người tu sĩ này không bằng người cư sĩ tại gia mà biết sống với trí tuệ nhân quả, biết ngăn ác diệt ác như trong kinh Tứ Chánh Cần đã dạy thì tâm hồn họ thanh thản, an lạc, vô sự hơn nhiều.

Người tu sĩ tu hành không đúng giáo pháp và giới luật của Phật, đã không được giải thoát mà còn mang nợ của đàn na thí chủ, ngàn kiếp muôn kiếp phải trả nợ áo cơm nhân quả mà chẳng biết chừng nào xong.

Các bạn hãy nhìn các ngôi chùa đồ sộ vĩ đại kia, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu tín đồ đóng góp, chừng nào các ngôi chùa kiên cố tàn rụi như đống tro tàn thì nợ đàn na thí chủ mới trả xong, nếu nó còn mãi với không gian và thời gian thì nợ kia cũng còn mãi với muôn đời muôn kiếp. Đừng hãnh diện rằng ngôi chùa kiên cố đồ sộ kia là công lao rất lớn của quý Thầy, mà là khối nợ vĩ đại của quý Thầy đấy, nó còn là nợ quý Thầy còn mãi, nó mất thì nợ quý Thầy mới mất. Bởi vậy người tu sĩ biết tu, biết xả theo đúng đạo lộ của đạo Phật thì rất sợ của đàn na thí chủ.

Nói như vậy, đạo Phật sẽ không còn có những gì trên thế gian này sao? Đối với đạo Phật nhìn các pháp trong thế gian này là vô thường nên không lưu lại những hình ảnh vật chất vô thường ấy, nó làm hao tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của loài người, đạo Phật chỉ lưu lại cho loài người “một tâm hồn cao thượng và đẹp đẽ, một đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh”.

Trên hành tinh này, nếu người có trí, có mắt, thì sẽ nhận xét thấy những gì còn lưu lại gọi là Phật giáo, thì không chính đó là của Phật giáo mà là của Bà La Môn giáo.

Chính các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Bà La Môn.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật luôn luôn phải sống và làm việc với tinh thần đạo đức nhân quả giải thoát không làm khổ mình, khổ người, thì không cần gì phải có chùa to tháp lớn, phải có cảnh quang đẹp đẽ, u nhàn v.v.. Chỉ cần có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả chân thật của đạo Phật, thì đạo Phật vẫn sáng tỏ như ánh hào quang trên thế gian này mãi mãi muôn đời.

SÁU NẺO LUÂN HỒI

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin Thầy giảng cho con hiểu đúng nghĩa “Sáu nẻo luân hồi: Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục và Súc sanh”.

Đáp:Sáu nẻo luân hồi, theo kiến giải của các nhà học giả Phật giáo phát triển thì có sáu cõi từ hữu hình đến siêu hình, hữu hình là thế giới của loài người và vạn vật, còn thế giới siêu hình là để cho linh hồn người chết về đó, tùy theo việc làm thiện hay ác mà tiếp tục tái sanh tại các cảnh giới đó.

Ví dụ: Như cõi Trời, ở đó chư Thiên hưởng phước báo, nhưng lại sanh lòng dục, do sanh lòng dục mà tạo ác pháp, chờ hưởng hết phước báo cõi Trời thì các vị Trời ấy sẽ chết, chết vì lòng dục và ác pháp nên phải đọa làm thân Người, nói cách khác là chư Thiên chết sanh làm người do dục và ác pháp. Còn ngược lại ở cõi thế gian, con người làm thiện, ít ham muốn thì lại được sanh lên cõi Trời. Đó là sự hiểu biết của các học giả Phật giáo phát triển, từ thế giới hữu hình sang thế giới siêu hình.

Nếu ở cõi làm Người sanh tâm làm ác, thường giận dữ, thích đánh đá, đến khi lìa bỏ thân người linh hồn tiếp tục (nghiệp lực ác) đi tái sanh vào cõi Atula. Đây là cõi Atula siêu hình mà các nhà học giả hiểu lầm dựng lên.

Nếu sanh vào cõi Atula mà biết làm thiện ít giận hờn, không đánh đá ai hết đến khi chết sẽ được sanh làm Người trở lại. Hoặc những Atula này làm thiện, ít dục, không giận dữ, không đánh đập, không làm khổ mình, khổ người thì đến khi chết sẽ được sanh vào cõi Trời. Đó là sự lý luận của Phật giáo phát triển trong tưởng.

Nếu một Atula tâm thường giận dữ, ích kỷ, bỏn xẻn, hà tiện không dám tiêu xài, không dám bố thí cho những người bất hạnh. Sau khi Atula này chết bỏ thân được tái sanh làm thân Ngạ quỷ.

Đời sống thân Ngạ quỷ thường đói khổ, muốn ăn không có mà ăn hoặc muốn ăn mà không ăn được; muốn uống không có mà uống hoặc có mà không uống được.

Nếu ngay trong cuộc sống Ngạ quỷ mà một Ngạ quỷ biết bố thí, biết san sẻ nhưng không từ bỏ những tâm sân, dữ tợn thì đến khi chết được sanh vào cảnh giới Atula.

Còn nếu ở trong cảnh giới Ngạ quỷ mà biết bố thí và biết san sẻ, không giận dữ, biết ngăn ngừa các ác pháp, biết không làm khổ mình, khổ người thì từ một Ngạ quỷ chết được sanh vào cõi Người. Đó là từ một thế giới siêu hình đến thế giới hữu hình do các nhà Phật giáo phát triển hiểu lầm dựng lên.

Nếu một Ngạ quỷ đang ở cõi Ngạ quỷ mà sống toàn thiện, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì đến khi chết họ được sanh vào cõi Trời.

Nếu một Ngạ quỷ đang sống trong cảnh giới Ngạ quỷ mà tính tình hung dữ, thường làm nhiều điều tội ác, sát hại chúng sanh để ăn thịt, ích kỷ bỏn sẻn không từ bỏ thì Ngạ quỷ đến khi chết được sanh vào cảnh giới Địa ngục, tức là thân tâm và cuộc sống của họ thường phải chịu nhiều khổ đau cũng giống như tội nhân ở thế gian chịu mọi cực hình khổ sở như: tù tội, giam cầm, gông cùm, tra tấn, đánh đập v.v..

Cõi Địa ngục là nơi Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ làm ác đang, sẽ và đã sanh về ở đó chịu đủ thứ mọi cực hình khổ đau, nói chung cõi Địa ngục là cõi tiếng kêu khóc không hề dứt. Đó là một thế giới vô hình mà các nhà học giả Phật giáo phát triển hiểu lầm dựng lên.

Sau khi sanh về ở cõi Địa ngục, ở đó con người tiếp tục thọ khổ và không từ bỏ việc làm ác. Và vì thế khi những người này chết họ được sanh làm loài vật. Như chúng ta đã thấy các loài vật đang sống quanh ta, đó là cõi Súc sanh. Cõi súc sanh là những loài động vật đang sống quanh ta trong thế giới hiện hữu này, chứ không có cõi nào khác nữa cả.

Đó là cái hiểu của các nhà học giả Phật giáo phát triển có sáu cảnh giới rõ ràng: Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục và Súc sanh mà con người phải tiếp tục trôi lăn trong sáu nẻo ở đó.

Tóm lại, theo đúng nghĩa của kinh sách Nguyên Thủy thì sáu cõi luân hồi tưởng này chỉ ở tại thế gian của chúng ta trên hành tinh này, không có ở nơi nào khác nữa. Tùy theo đặc tính, cách sống của mọi con người và những loài vật trên hành tinh này mà phân chia ra làm sáu nẻo luân hồi:

1/ Để chỉ cho cõi Trời, đó là những người đang sống trong cảnh tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, không làm khổ mình, khổ người và không làm điều ác, toàn làm điều thiện, muốn chi có nấy. Đó là những bậc chân tu, những bậc Đại Đức đang sống trầm lặng, sống với trí tuệ nhân quả, sống với tâm hồn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh.

2/ Để chỉ cho cõi Người có thiện, có ác, có dục, có ái, có thương, có ghét, v.v.. đó là những con người sống một đời sống bình thường nên có vui, có buồn, có bệnh tật, tai nạn, có phiền não khổ đau, có bất toại nguyện, có rầu lo sợ hãi, nhưng lại biết buông xả nhẹ nhàng nên vẫn thấy có hạnh phúc. Tuy cơm ăn áo mặc đầy đủ, không thiếu trước hụt sau, nhưng vì là đời sống con người nên không thể tránh khỏi luật nhân quả chi phối.

3/ Để chỉ cho cõi Atula, đó là chỉ cho những người bản chất nóng nảy sân hận, giận dữ chuyên đánh đấu đá với nhau.

Kinh Nguyên Thủy thường nhắc đến vua Atula đem quân đánh Trời Đế Thích, đó là chỉ cho những hạng người chuyên môn đi đánh cướp nước người mà lịch sử của loài người đã chứng minh điều đó cụ thể. Vì thế, chúng ta nên biết kẻ nào đem quân xâm chiếm nước người giết hại sanh linh là Atula.

4/ Để chỉ cho cõi Ngạ quỷ, đó là chỉ cho những người sống trong cảnh đói khổ thiếu trước hụt sau mọi mặt, muốn ăn không có mà ăn, muốn ăn mà ăn không được. Cho nên, kinh thường diễn tả một Ngạ quỷ bụng to như trống chầu mà cổ nhỏ như cây kim vì thế đói khát mà ăn uống chẳng được nên gọi là Ngạ quỷ.

5/ Để chỉ cho cảnh Địa ngục, đó là những người bệnh tật trầm kha kinh niên. Quanh năm suốt tháng đau nhức chỗ này chỗ kia, khổ sở vô cùng hoặc nằm trên giường bệnh suốt nhiều năm tháng, chết không chết, sống không sống, đại tiểu tiện một chỗ, chịu hôi chịu thối của chính bản thân mình v.v.. Thật là đầu đội chậu máu, đít ngồi bàn chông.

6/ Để chỉ cho cõi súc sanh có hai phần:

- Phần thứ nhất: là chỉ cho những con người mang hình dáng con người mà tâm địa súc sanh.

 - Phần thứ hai: là chỉ cho các loài vật hiện có mặt trên hành tinh này.

ĐẠO PHẬT CHỈ CÓ MỘT ĐẤNG GIÁO CHỦ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con có nghe nhiều, thấy nhiều kinh sách nói về Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Hội Long Hoa, v.v.. con không hiểu, kính xin Thầy giảng để chúng con hiểu.

Đáp:Phật A Di Đà là do các nhà Đại Thừa dựng lên để xây dựng thế giới siêu hình Cực Lạc Tây Phương tưởng, nhất là tưởng tượng và hy vọng “Cực Lạc” có nghĩa là rất vui, là nơi lý tưởng của các nhà Đại Thừa để sau khi chết họ sẽ về đó để hưởng hạnh phúc an lạc đời đời, kiếp kiếp.

Đức Phật Di Lặc cũng là một vị Thần trong kinh Vệ Đà mà các Tổ đã biến thành Giáo Chủ của Phật giáo trong thời vị lai.

Đức Phật Di Lặc là một đức Phật tưởng do các học giả dựng lên, hy vọng ngày mai xây dựng một Phật giáo mới. Nói đúng hơn là lấy đức Phật Di Lặc đem lại niềm tin kinh điển phát triển cho mỗi con người hơn.

Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách phát triển nói rất nhiều và kinh A hàm thuộc Hán tạng cũng có nói đến, đó là những bài kinh gạch nối của các Tổ sau này soạn viết đưa vào, đó là một thâm ý nham hiểm của các học giả Phật giáo phát triển, đưa đức Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật giáo lật đổ đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thay thế đức Phật Di Lặc làm Giáo Chủ Đạo Phật.

Hội Long Hoa, tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà Phật giáo phát triển lãnh đạo, để mở màn cho đức Phật Di Lặc lên nắm quyền Giáo Chủ Phật giáo toàn bộ thì lúc bây giờ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu (tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị quét sạch).

Trong kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến đức Phật Di Lặc và trong hàng Thánh Tăng đệ tử của đức Phật trong thời điểm đó cũng không có ai tên là Di Lặc. Cho nên đối với kinh sách Nguyên Thủy tên Di Lặc là một tên xa lạ. Vậy mà sắp sửa lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo, Xin quý vị Phật tử suy ngẫm.

Hội Long Hoa được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử Đức Giáo Chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu dựa vào và bị ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa, do đó tưởng ấm của con người này thể hiện qua “cơ bút” bằng cách lập lại cho biết ngày tận thế và hội Long Hoa sắp mở bày.

Riêng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này:

“Quá khứ không truy tìm

Vị lai không ước vọng

Chỉ có hiện tại thôi”.

Ba câu kệ trên đây xác chứng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận những chuyện quá khứ và vị lai, chỉ biết sống trong hiện tại, vì thế quá khứ vị lai không cần biết đến, chỉ sống và làm mọi việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.

Biết Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của các nhà Phật giáo phát triển, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, nếu tất cả tu sĩ Phật giáo Nam Tông đều rơi vào các pháp thiền tưởng và chịu ảnh hưởng kinh sách phát triển thì cuộc lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy đã bắt đầu, nhưng vì Phật giáo Nguyên Thủy còn có những người giữ gìn lời dạy của đức Phật nên Hội Long Hoa chưa triển khai được, vì thế các tổ chức Phật giáo kêu gọi sự hòa hợp bằng cách thống nhất các hệ phái Phật giáo.

Hiện nay các tổ chức Phật giáo thế giới đều công nhận Đại Thừa Phật giáo là một hệ phái của Phật giáo, đó là một bước thắng lợi thứ nhất của Phật giáo Đại Thừa. Chờ đến khi các sư Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo pháp phát triển, và các sư Nam Tông Nguyên Thủy lần lượt tu tập sai pháp của Phật, do tưởng giải các Ngài rơi vào giáo pháp phát triển mà không hay biết như thiền sư: Mahashi và A Chancha. Từ đó Phật giáo Nam Tông chỉ còn danh từ Nguyên Thủy, còn pháp môn tu tập là theo kinh sách phát triển. Do đó, suy ra hiệngiờ Phật giáo Nguyên Thủy gần như bị mất gốc, chỉ còn chờ một thời gian nữa cho chín mùi thì Hội Long Hoa ra đời thành lập một Phật giáo mới, Đức Giáo Chủ là đức Phật Di Lặc.

Đó là một thâm đồ sâu sắc của Bà La Môn giáo đã dựng lên đức Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc, mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ: Nam Tông lẫn Bắc Tông đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.

Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết, soạn ra rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết, lợi dụng Phật giáo kết tập kinh sách chưa thành văn bản, nên lúc bây giờ ai muốn thêm bớt sao cũng được và dễ dàng.

Cho nên, người nghiên cứu kinh sách Phật hiện giờ đều gặp phải khó khăn, vì những bài kinh này mâu thuẫn với những bài kinh khác, khiến cho chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả. Ở trường hợp này chỉ dối gạt người chưa tu chứng, không thể dối gạt người tu đã chứng.

Vì thế, chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho Phật tử và mọi người hiểu rõ.

Nếu bảo rằng quá khứ có bảy vị Phật thì khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi tu thì phải có đạo Phật. Cớ sao trong thời đó lại chỉ có Lục Sư ngoại đạo mà không thấy có cái tên Phật giáo?

Đến khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả giải thoát thành lập tôn giáo Phật giáo, nhờ thế chúng ta hiện giờ mới có đạo Phật, mới có bốn chân lý: khổ, tập, diệt, đạo.

Trong thời đức Phật đi tu không nghe nói đến bốn chân lý này như vậy mà bảo rằng có đạo Phật ở quá khứ là sai, do người sau đặt ra thêm vào để mưu đồ lật đổ đức Phật Thích Ca mâu Ni.

 Do thế mà thời tương lai có một người tên là Từ Thị hiệu là Di Lặc được suy tôn chức Giáo Chủ thay đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong tôn giáo mà cũng có những sự tranh giành vị trí lãnh đạo như các nhà vua phong kiến ở thế gian thường tranh giành ngai vàng.

Theo kinh sách phát triển đạo Phật có ba vị Giáo Chủ:

1/        Bảy vị Phật giáo Chủ ở quá khứ.

2/        Một vị Phật giáo Chủ ở hiện tại là: Thích Ca Mâu Ni.

3/        Một vị Phật giáo Chủ ở tương lai là: Đức Phật Di Lặc.

Sự phân chia đạo Phật có ba thời gian Giáo Chủ như vậy chẳng khác gì như các vua quan phong kiến như đã nói ở trên. Ông vua này xuống đến ông vua khác lên thay. Mỗi ông vua cai trị đều có cách khác nhau. Giáo Pháp phát triển cũng giống như vậy, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành Phật quá khứ và giáo pháp của Người cũng lỗi thời vì thế mới gọi nó là “Tiểu Thừa Ngoại Đạo”.

Chúng ta thử xét qua Thiền Đông Độ, từ Tổ này dạy như vậy đến Tổ khác dạy khác như: “Chẳng niệm thiện niệm ác, Vô tâm còn cách một lớp rào” còn pháp thực hành tu thì có: giữ ông chủ, chăn trâu, biết vọng liền buông, tham thoại đầu, tham công án v.v.. Chỉ có một pháp không vọng tưởng mà tu hành lại chế ra nhiều pháp, nhưng pháp nào cũng chỉ là pháp ức chế tâm, tập trung tâm, để không niệm khởi, chứ không có pháp gì khác.

Còn nếu bảo rằng giáo pháp cần phải phát triển cho phù hợp với mọi hoàn cảnh và sự tiến bộ của loài người thì đó là phỉ báng đức Phật xem như đức Phật không thông suốt thời vị lai nên đã di chúc: “Lấy giới luật và giáo pháp của mình làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc”. Nếu đức Phật di chúc như vậy và bây giờ các Tổ Phát triển kinh sách như vậy thì chúng ta còn tin Phật nữa hay không?

TU HÀNH NÊN TRÁNH PHÁP ỨC CHẾ

Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong đời sống của người cư sĩ, con nhận thấy phải tập dần cho bớt ăn bớt ngủ. Về ăn con nên giảm bữa ăn sáng trước hay bữa ăn tối trước, như thế nào tốt hơn?

Khi đã quen hai bữa mà không yếu sức khỏe thì có thể giảm xuống một bữa ngay tại đời sống cư sĩ không?

Con đang chuẩn bị để tăng dần “hành trang” thuận lợi cho giai đoạn sống ở tu viện. Kính xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Muốn sống một đời sống Phạm hạnh thì phải sống đúng như lời dạy đức Phật dạy, thì phải hết sức tránh sự ức chế thân tâm.

Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp xả tâm, nếu không khéo tu sai một chút xíu, hành lệch lạc thì sẽ bị ức chế tâm ngay liền. Hầu hết tu sĩ Phật giáo ngày nay tu sai lệch rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết.

Sự giảm thiểu bớt bữa ăn, bớt giờ ngủ, tức là con phải thay thế bằng những việc làm khác có mục đích ly tham đoạn ác pháp để giúp tâm thanh thản, an lạc.

Ví dụ: Hằng ngày, 9 giờ chúng ta đi ngủ lúc bây giờ chỉ cần thức thêm 5’, 10’ hoặc 30’. Trong lúc thức thêm thì chúng ta tu tập tỉnh thức và xả tâm trong khi đi kinh hành, vừa đi vừa tác ý nhắc tâm để xả tham, sân, si: “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành”. Mới đầu tập bớt ngủ thì chỉ cần thức thêm 5’ mà thôi rồi từ từ tăng dần lên 10’, tu tập cho thuần thục trong 10’, rồi mới tăng lên 15’ đến 30’. Đó là cách thức tập bớt ngủ, bớt ngủ tỉnh thức trong chánh niệm thì rất có lợi làm giảm bớt tâm tham, sân, si, giảm bớt tâm tham, sân, si là tâm thanh thản, an lạc, giải thoát.

Ăn cũng vậy, buổi sáng mọi người đều có ăn điểm tâm. Ta có thể bớt ăn buổi sáng, ăn trưa và chiều. Vì trưa cả gia đình đều hội họp hoặc buổi chiều.

Muốn cho gia đình đầm ấm yên vui và hạnh phúc thì bữa ăn là bữa sum họp cả gia đình, có như vậy mới tìm thấy tình thân thương trong huyết quản.

Tùy theo sự có mặt đầy đủ mọi người trong gia đình thì chúng ta không nên bỏ bữa ăn đó. Nhiều khi trưa ở sở không về được chỉ có buổi tối mới có buổi ăn sum họp.

Muốn có sự yên vui của mọi người thì bữa ăn tối hoặc trưa là buổi họp mặt đầy đủ nhất, ta không nên vì sự tu tập mà làm mất sự sum họp của gia đình.

Vậy ba bữa ăn trong ngày con nên khéo léo chọn lấy bữa ăn, tạo hoàn cảnh sum họp gia đình yên vui và hạnh phúc. Chỉ một hành động nhỏ như vậy mà không cân nhắc kỹ lưỡng, khiến cho bữa ăn trong gia đình buồn tẻ.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, đạo đức không làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui mình vui, đó là tu thiền định xả tâm.

Thiền định xả tâm còn có tên gọi là “Bất Động Tâm Định”. Bất Động Tâm Định là đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, là mục đích sống đời sống Phạm hạnh, là những oai nghi tế hạnh của những bậc Thánh Tăng, là mục tiêu của đạo Phật, cho nên người nhập Bất Động Tâm Định là người sống đầy đủ đức hạnh làm người “Không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai”.

Người có bất động tâm định không có nghĩa là tâm họ trơ trơ như đá; người có bất động tâm định là người sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với mọi người, với mọi hoàn cảnh, với mọi sự việc không làm chướng ngại mình, chướng ngại người; người có bất động tâm định là người sống trong trí tuệ nhân quả, ứng dụng nhân quả, chủ động điều khiển nhân quả, chuyển hóa nhân quả.

Tất cả những sự trau dồi thân tâm và tu tập thì phải tu tập từng bước một và phải sáng suốt trong khi tu tập, phải có nghị lực và bền chí, không nên tu tập vài ba hôm rồi nghỉ, mà phải tu tập liên tục có ý chí quyết liệt. Đừng nên lúc thích thì tu, lúc hết thích thì bỏ tu. Tu hành mà theo kiểu một nắng hai sương thì uổng công lắm các bạn ạ!

Đời người trên thế gian này phải vạch ra cho mình một hướng đi rõ ràng, một cuộc sống có đạo đức làm lợi ích cho mình cho người và nhất là phải đạt được mục đích của hướng đi đó.

ĂN CHAY LÀM CÂY CỎ BIẾT ĐAU

Câu hỏi của Diệu Hiền

Hỏi:Kính bạch Hoà Thượng! Con còn hai điều không biết rõ, xin Hoà Thượng chỉ dạy:

1- Có người bảo rằng: “Ăn chay để tránh sự sát sanh, đau khổ, vậy cây, cỏ đang sống mình bẻ ngang ăn, nó cũng biết đau đớn vậy? Con không biết phải trả lời sao cho đúng với đạo đức nhân quả.

2- Có một số người nói: “Trứng gà công nghiệp dùng cho ăn chay được, tại vì nó không có kết hợp trống mái?”.

Kính bạch Hoà Thượng! Những điều trên đây con chưa thấu hiểu. Ngưỡng mong Hoà Thượng dành chút thời gian quí báu để chỉ dạy cho con được rõ.

Con xin kính chúc cho Hoà Thượng và cô Út được nhiều sức khoẻ và ánh sáng chánh Phật pháp luôn lan tràn khắp hành tinh này.

Đáp:Nếu con trả lời ngắn gọn thì nên hỏi lại: “Các bạn có bệnh thần kinh không? Chỉ có những người bệnh thần kinh mới có cảm tưởng cây cỏ biết đau khổ. Khi biết chúng đau khổ, sao bạn lại nhẫn tâm ăn chúng?”.

1- Nói cỏ cây biết đau khổ là nói đúng, nhưng các bạn nhận ra sự đau khổ của nó bằng gì? Các bạn không chứng minh được cây cỏ đau khổ, chỉ nói trong tưởng thành các bạn nói sai. Khi muốn nói cây cỏ đau khổ thì phải nói có một sự chứng minh cụ thể các bạn ạ!

Khi ta bẻ ngọn, cắt cành, nhổ gốc, sao loài thực vật không kêu la, rên xiết, không giãy dụa phản ứng như loài động vật vậy?

Ý của các bạn trên đây là bạn sống trong tưởng tri, “tưởng cây cỏ biết đau khổ”. Chứ các bạn không chứng nghiệm được sự khổ đau của nó. Các bạn sống trong tưởng như những nhà thơ, nhà văn...

Vì nhân quả khổ đau của chính mình mà ta không nỡ nhẫn tâm sống trên tiếng kêu la rên xiết, giãy dụa khổ đau của loài động vật.

Thực vật tuy có đời sống, có sự đau khổ như loài động vật, nhưng không kêu la, không giãy dụa, không máu đổ v.v.. Vì thế, ta mới sống trong thực phẩm thực vật để không còn mắt thấy sự giãy dụa, máu đổ, thịt rơi; để không còn tai nghe tiếng kêu la, rên xiết của loài động vật trước khi tắt thở.

Các bạn có những lý luận này, là chính các bạn đã tự dối lòng mình, tự mâu thuẫn với sự sống của mình. Vì chính các bạn đang sống trong các loại thực phẩm động vật và thực vật mà các bạn có như thật biết chúng đau khổ đâu. Các bạn đâu có lòng thương yêu chúng, các bạn đang nhai nuốt chúng, đang nỡ nhẫn tâm chà đạp lên sự sống của chúng, các bạn chỉ nói lời ấy là để bác bỏ đạo đức hiếu sinh của người khác. “Mình sống không đạo đức hiếu sinh thì cũng muốn người khác sống không đạo đức như mình”. Ý các bạn hỏi câu này là chỉ cho những người ăn thực phẩm thực vật cũng giống như ăn những người ăn thực phẩm động vật. Vì cả hai đều có sự đau khổ như nhau; ý các bạn hỏi câu này không phải các bạn thương yêu sự sống của muôn loài. Bởi vì các bạn đang sống bằng xương máu của động vật và thực vật.

 Chúng tôi biết rất rõ tâm các bạn đều sợ đau khổ, sợ chết, đều ước mong có sự bình an, yên lành. Thế mà hằng ngày các bạn lại sống trong sự đau khổ của loài động vật, thực vật khác. Các bạn sống vui cười hạnh phúc trong sự khổ đau của động vật và thực vật. Các bạn có biết không?

Các bạn có biết sự đau khổ không? Các bạn chỉ nói được bằng miệng, “Cỏ cây cũng biết đau khổ”, chứ các bạn có biết chúng đau khổ như thế nào đâu?

Ví dụ: Nếu có ai đánh đập, đâm chém và làm thịt các bạn thì các bạn nghĩ sao? Chừng đó các bạn mới nếm được mùi vị đau khổ như thật; chừng đó các bạn mới có buồn khổ, căm tức và thù hận kẻ làm đau khổ mình... Nếu các bạn hỏi được câu này thì các bạn đừng ăn thực phẩm động vật và thực phẩm thực vật thì sự sống của các bạn sẽ ra sao, các bạn có biết không?

Có lẽ các bạn là cỏ cây nên đã cảm thông với cỏ cây mà nêu ra những ý kiến này. Nếu các bạn thật sự là cỏ, cây, đất, đá thì chúng tôi không có ý kiến gì với các bạn cả, vì các bạn nói đúng. Còn chúng tôi nói cỏ cây có sự đau khổ là có sự chứng minh cho các bạn thấy cụ thể.

Còn các bạn là cỏ cây, đất đá... thật thì làm sao các bạn có ý kiến, có cảm giác của loài động vật. Những loài động vật có ý kiến là loài người các bạn ạ! Mà loài người thì sống phải có đạo đức, có tình cảm, có lương tri, lương năng, có sự yêu thương nhau.

Các bạn là con người, sao gợi lên những ý tưởng không đúng sự thật “cây cỏ biết đau khổ”, cây cỏ biết đau khổ có bao giờ nói với các bạn chưa? Các bạn có thấy chúng đau khổ chưa? chúng biểu hiện sự đau khổ ấy như thế nào?

Các bạn giàu tưởng tượng, để bắt bí người khác không sống trong ảo tưởng như các bạn; để lôi kéo người khác vào sự khổ đau bằng chính những hành động ác của họ (nhân ác); để lôi kéo những người khác vào sự phá hoại sự sống trên hành tinh này, chứ nào bạn có thương yêu sự sống của muôn loài, bằng chứng bạn nói cỏ cây đều biết có sự đau khổ, nhưng bạn vẫn sống trên sự đau khổ không những loài động vật mà còn loài thực vật nữa.

Trên hành tinh này là hành tinh có môi trường sống, vì thế mọi vật luôn luôn phải biết bảo vệ sự sống của nhau, cỏ cây nuôi loài động vật, động vật phải biết bảo dưỡng cỏ cây thì môi trường sống càng ngày càng tốt đẹp hơn, do đó cỏ cây xanh tươi mát mẻ, loài động vật thương yêu nhau như anh em trong một nhà. Ngược lại, hiện giờ loài động vật đang tự hoại diệt sự sống của nhau trên hành tinh này.

Thực vật để lại hoa trái và lá nuôi loài động vật, loài động vật thì biết chăm sóc bón phân, tưới nước cho loài thực vật. Thì bông, trái, lá là món ăn của loài động vật và loài động vật ăn hoài không hết. Ngược lại, con người và loài vật lớp ăn lớp diệt khiến cho cây cỏ cằn cỗi khô chết, thậm chí người ta còn đốt rừng phá hoại sự sống của ngàn cây nội cỏ và còn ăn thịt lẫn nhau.

Ngàn cây nội cỏ là sự sống của loài động vật thế mà người ta còn huỷ diệt, huống là loài động vật thì làm sao mà không ăn thịt lẫn nhau. Con lớn ăn thịt con bé, con mạnh ăn hiếp con yếu. Đó là một hình ảnh bất công phi đạo đức trên môi trường sống này, trên hành tinh này, là một nỗi buồn đau của những người biết thương yêu sự sống của muôn loài.

Với những người này con nên trả lời đúng nhân quả:

Khi bạn biết nó đau đớn thì bạn đừng có ăn nó, còn chúng tôi chỉ biết loài động vật có sự đau đớn nên chúng tôi không ăn.

Bạn biết cây cỏ đau đớn mà bạn ăn nó, tức là bạn quá ác tâm, quá tàn nhẫn, mà người quá ác tâm, quá tàn nhẫn như vậy thì có khác chi là loài ác quỷ.

Còn chúng tôi biết cỏ cây có sự đau đớn, nên chúng tôi quyết chí tu hành để chỉ còn có một kiếp này nữa mà thôi. Vì có sự sống này là có sự khổ đau và chúng tôi không muốn thấy sự khổ đau nữa dù bất cứ loài động vật hay loài thực vật.

TRỨNG GÀ CÔNG NGHIỆP LÀ NHỮNG CHẤT BẤT TỊNH

Câu hỏi của Diệu Hiền

2- Trứng gà công nghiệp, người ăn chay có thể dùng được, vì không có sự đau khổ trong ấy: Nhưng ăn chay kiểu đó chỉ mới thực hiện được lòng thương yêu (lòng từ bi) chứ chưa thực hiện được sự thanh tịnh của thân, tâm.

Trong trứng gà, vịt có chất bất tịnh mùi tanh của nó.

Một người muốn nhập được thiền định làm chủ sự sống chết, mà thân tâm không thanh tịnh thì làm sao nhập định được?

Vốn trong thực phẩm động vật có nhiều chất độc và nhiều chất bất tịnh, vì thế người muốn tu tập để thân tâm thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn thì phải ăn uống rau quả là tốt nhất.

Trứng gà, vịt là một chất bất tịnh, nên khi ăn nó, chúng ta cần phải có sự tư duy kỹ. Nếu sống để ăn thì nên ăn. Còn ăn để sống, để tu, để ly dục ly ác pháp, để thân tâm thanh tịnh, để thân tâm nhập được thiền định thì không nên ăn.

Do sự tu tập giúp cho thân tâm thanh tịnh, thì chúng ta còn phải tránh ăn năm loại rau kích dục và có mùi tanh hôi như: Hành, hẹ, tỏi, nén và rau dấp cá, huống hồ là ăn trứng gà, vịt.

 Thăm và chúc con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt.

THẦN THÔNG

Câu hỏi của Pháp Huệ

Hỏi:Xin Thầy đọc “Á Châu Huyền Bí” và cho con biết về những Thần Thông ở đây có đúng hay là sai?

Đúng là như thế nào?

Sai là như thế nào?

Đáp:Sau khi đọc xong tập “Á Châu Huyền Bí” trong sách này phần đông là các Đại sư Yoga, họ là những người đam mê thần thông, nên rất chịu khó tu luyện để trở thành người siêu việt.

Riêng đối với bản thân của Thầy là một tu sĩ Phật giáo, tu tập chỉ có mục đích là tìm cầu sự giải thoát thân tâm, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, còn thần thông thì Thầy xem nó như trò ảo thuật khiến mọi người kính phục, chứ không ích lợi cho mọi người.

Một người tu sĩ Phật giáo chứng quả A La Hán, có đầy đủ năng lực thần thông và còn hơn các vị đạo sĩ Yoga nữa, nhưng họ không thị hiện. Trong tu luyện, họ cũng không tu luyện thần thông, họ chỉ biết tu lìa ác pháp và tâm ham muốn, cho nên thần thông họ cũng lìa. Khi tâm lìa ác pháp và lòng ham muốn, thì năng lực thần thông của tâm họ thật là siêu việt, họ muốn làm một việc gì đều theo như ý.

Do lìa lòng ham muốn nên họ xem thần thông là thứ trò lừa bịp thiên hạ.

Những việc làm của các đạo sĩ Yoga trong sách chỉ là những việc làm sơ đẳng thần thông của đạo Phật.

Người tu sĩ đạo Phật khi chứng quả A La Hán còn làm những việc phi phàm gấp trăm ngàn lần, nhưng họ chẳng háo danh như các Đạo sĩ Yoga.

Pháp Huệ hãy trở về với con người thật của mình, con người toàn thiện, con người sống trong đạo đức không làm khổ mình, khổ người, chứ đừng nghĩ tưởng đến thần thông vì thần thông không ích lợi cho bản thân Pháp Huệ. Thần thông sẽ dẫn dắt con người vào danh, nhưng danh cũng là ác pháp. Hãy tránh xa, vô tình cầu thần thông, tức là cầu danh. Còn danh là còn trôi lăn trong lục đạo.

“Á Châu Huyền Bí”chỉ là một cuốn sách không có giá trị cho con người, nó chỉ là một cuốn sách lý thuyết thần thông suông, không có phương pháp thực hành, nó chỉ là một cuốn sách ghi lại những hiện tượng phô trương tài ba thần thông của các Đạo sĩ Yoga, nó chẳng giúp ích gì cho con, chỉ gây vào lòng đam mê của con mà thôi, chứ chẳng bao giờ con thực hiện được.

Thăm và chúc Pháp Huệ mạnh khoẻ an vui.

DIỆT TRỪ BẢN NGÃ

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con có vài điều chưa hiểu, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ:

Con hiểu diệt trừ bản ngã là tầm quan trọng của việc tu. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, diệt trừ bản ngã là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản ngã thì không bao giờ có giải thoát.

Nói diệt ngã thì dễ mà hành diệt ngã thì khó, hành diệt ngã còn phải hành đúng pháp, đúng pháp như thế nào?

Đúng pháp là phải đúng Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh Đạo ra thì không có pháp nào tu tập diệt ngã được.

Các con nên lưu ý: đức Phật đã xác định trên Bát Chánh Đạo có những pháp môn tu tập rõ ràng và cụ thể. Đừng nên nghe ngoại đạo lừa đảo đưa những tà pháp không đúng chánh pháp như lời Phật dạy trong kinh sách Nguyên Thủy.

Đức Phật thường dạy chúng ta tu tập: “Thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”hoặc dạy về thân ngũ uẩn: “Sắc uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thọ uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tưởng uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hành uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thức uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”.Khi chúng ta thường tác ý quán như vậy thì bản ngã của chúng bị diệt.

Khi Bàhiya tha thiết cầu Phật dạy pháp trên đường Phật đang đi khất thực. Ba lần Phật từ chối, nhưng ba lần Ông cầu thỉnh với lòng tha thiết. Vì thế, đức Phật dạy ngay bài kinh diệt ngã trên đường đang đi xin ăn: “Này Bàhiya, Ông cần phải học như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng này Bàhiya, nếu Ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Do vậy, này Bàhiya. Ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.(Tiểu Bộ kinh tập 1 Trang 128).

Khi nhận ra sáu căn, sáu thức này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì ngay đó bản ngã đã được diệt và bản ngã đã được diệt thì sự giải thoát ở chỗ đó.

DIỆT TRỪ BẢN NGÃ LÀ CHỨNG ĐẠO

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Như vậy có phải người đã diệt sạch được bản ngã, là vị đó đã vượt qua được một giai đoạn dài trên con đường tu chứng của vị đó. Có phải không thưa Thầy?

Đáp:Diệt sạch được bản ngã là vị đó đã chứng đạo, đã tu xong, chứ không phải còn ở trên đường đang tu tập nữa.

ĐỜI KHỔ LÀ DO CHẤP NGÃ

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính xin Thầy giảng rộng cho chúng con được rõ tầm quan trọng của diệt trừ bản ngã.

Đáp:Do người ta chấp có cái ngã chân thật của mình, vì thế khi làm việc gì đều làm cho ngã, làm danh, làm lợi, làm hơn thua, ganh ghét, tị hiềm, hờn giận đều là vì cho cái ngã của mình v.v.. Nói chung về cuộc sống của con người, là một cuộc sống chấp ngã, sống cho ngã, làm cho ngã v.v.. Buồn vui, khổ đau hay phiền lụy đều do chấp ngã. Cho nên, cái ngã có tầm quan trọng trong cuộc sống của con người rất lớn không thể nghĩ lường.

Cho nên, sự diệt ngã có một tầm quan trọng rất lớn của một đời người tu sĩ theo Phật giáo. Nếu tu đúng chánh pháp của Phật thì mới diệt được ngã, bằng tu sai pháp thì vô lượng kiếp chẳng diệt được ngã mà còn nuôi lớn ngã thêm lên, bằng chứng các con nhận thấy tu sĩ và cư sĩ Phật giáo hiện giờ đang sống cho ngã, đang nuôi ngã, đang phục vụ cho ngã, đang làm tôi tớ cho ngã, họ là những người nô lệ cho ngã v.v.. Lời Thầy dạy như vậy các con xét có đúng không?

Mọi người trên hành tinh này đều khổ vì chấp ngã, ngã đã giết chết họ từng giây từng phút, nếu không có ác pháp thì thôi, mà có ác pháp tác động thì ngã hiện ra rõ ràng dưới mọi hình thức. Cho nên, đạo Phật còn gọi là đạo vô ngã, vì vậy người tu theo Phật giáo là phải diệt ngã hàng đầu. Mọi pháp tu tập đều nhắm vào chỗ diệt ngã xả tâm, ly dục lý ác pháp.

PHƯƠNG PHÁP DIỆT NGÃ

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi diệt ngã thì phải diệt bằng cách nào?

Đáp:Như chúng ta đã biết ngã có tầm quan trọng rất lớn như vậy thì diệt ngã không phải là một việc dễ làm. Vì thế, trước Phật và sau Phật không có pháp nào diệt ngã được, chỉ có Phật pháp mới diệt được ngã mà thôi. Ngoài giáo pháp của Phật ra thì không còn có giáo pháp nào diệt được ngã. Chúng tôi nói lời này là lời nói đúng, nói không sai, vì xét qua tất cả lịch sử văn minh của loài người không có phương pháp nào giúp con người thoát khổ, diệt ngã. Phải không các bạn?

Tại sao chúng ta nói trước Phật sau Phật không có pháp nào diệt được ngã?

Khi Đức Phật đi tu và tu tất cả các pháp của ngoại đạo trong thời đó, Ngài đã không tìm được pháp nào diệt được ngã, vì thế Ngài phải tự tìm ra một lối tu tập và cuối cùng Ngài diệt được ngã. Đó là “Bát Chánh Đạo”.Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất trên thế gian này diệt được ngã, vì nó là chương trình đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, sống không làm khổ mình, khổ người. Chính thế nó đã diệt được ngã ác pháp và nó tồn tại với ngã thiện pháp. Cho nên, các bạn đừng lầm tưởng diệt ngã để trở thành cây đá ngu ngơ thì đó là diệt ngã sai lầm lớn.

Tại sao chúng ta nói sau đức Phật không có pháp tu tập nào diệt được ngã?

Từ khi đức Phật nhập diệt đến nay ta chưa từng nghe thấy biết có một vị tu sĩ Phật giáo nào sống đúng Phạm hạnh như Phật, vì thế mà ta biết rằng: Sau đức Phật không có pháp diệt ngã, vì pháp Phật đã bị pha màu sắc của ngoại đạo.

Cho nên, người ta nói vô ngã thì không biết bao nhiêu là kinh sách đã nói và để lại cho đời, như rừng, như núi, nhưng tìm một cuốn kinh sách để tu tập diệt ngã thật sự thì rất là khó khăn vô vàn.

Muốn diệt được ngã như chúng tôi đã nói ở trên thì chỉ có “BÁT CHÁNH ĐẠO”,nhưng đừng tu theo Bát Chánh Đạo lai căng của Đại thừa thì muôn đời ngàn kiếp cũng khó diệt được ngã.

KẾT QUẢ DIỆT NGÃ NHƯ THẾ NÀO?

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi đã diệt được ngã thì kết quả ra sao? Con nhận thấy người tu thường vướng phải chỗ này, bằng chứnglà sau những cuộc thử thách của cô Út thì các vị đó phải ra đi do diệt trừ bản ngã chưa sạch có phải không thưa Thầy?

Đáp: Một người tu sĩ và cư sĩ khi diệt trừ được ngã thì tâm họ như đất dù ai có đổ các chất bẩn trên đất thì đất cũng không buồn phiền, và nếu ai có đổ vàng ngọc trên đất thì đất cũng chẳng mừng vui.

Người diệt được ngã là người sống trong trạng thái tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân là tâm bất động, tâm bất động là một trạng thái “Diệt Đế”,tức là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật.

Những người tu sĩ và cư sĩ bị cô Út thử thách bỏ ra đi là những người không diệt ngã vì họ là người tu sai pháp, không chịu xả tâm mà tu ức chế tâm vì tu cách đó là nuôi ngã.

Ý THỨC THANH TỊNH

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi tư duy quán xét thì phải sinh trí tuệ. Trí tuệ đó có phải thuộc về ý thức thanh tịnh không thưa Thầy?

Nếu là ý thức thanh tịnh thì cần phải lưu giữ và phát triển, như vậy thì ý nào phải dừng lại? Có phải là những ý niệm lăng xăng phóng dật không thưa Thầy?

Đáp: Sự tư duy quán xét không phải là trí tuệ, vì trí tuệ phải phát sanh từ thiền định, nhưng bây giờ các con chưa có thiền định, sao lại gọi ý thức là trí tuệ được?

Sự tư duy quán xét thì ý thức đó được gọi là tri kiến mà thôi, cho nên Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó”.Những tu sĩ và cư sĩ phạm giới phá giới là những tu sĩ và cư sĩ không có tri kiến Phật pháp, mà họ có tri kiến phàm phu tục tử, nên chỉ những tu sĩ và cư sĩ này chạy theo dục vọng vật chất thế gian.

Phật dạy tiếp: “Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.Cho nên, ý thức thanh tịnh là nhờ giới luật, ngoài giới luật ra thì không có pháp nào làm thanh tịnh ý thức. Vậy ý thức thanh tịnh là ý thức của giới luật. Những tu sĩ và cư sĩ này chạy theo dục lạc vật chất thế gian chùa to Phật lớn tiền nhiều là những tu sĩ và cư sĩ ý thức không thanh tịnh.

Ý Thức thanh tịnh cũng chưa được gọi là trí tuệ, ý thức thanh tịnh chỉ được gọi tri kiến giải thoát.

Ý THỨC CÓ MẤY LOẠI?

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:Kính xin Thầy giảng cho chúng con được rõ về ý thức có đến mấy loại? Và ý nào cần phải phát triển ý nào cần phải dừng? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp:Có hai loại ý thức:

1/ Ý thức thiện.

2/ Ý thức ác.

Ý thức thiện cần phải phát triển.

Ý thức ác cần phải ngăn diệt

Theo kinh Tứ Chánh Cần Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện”. Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”.

Nhờ biết được ý thức có hai loại nên Đức Phật mới dạy chúng ta tu tập luôn luôn phải ngăn và diệt ý thức ác, không được nuôi dưỡng và tăng trưởng nó, khi nó đến thì phải diệt tức khắc ngay liền, diệt sớm chừng nào tốt chừng nấy, vì càng diệt sớm thì tâm càng được giải thoát sớm, sớm phút nào tốt phút nấy. Bởi vì đạo Phật là đạo giải thoát mà để pháp ác trong tâm thì làm sao được gọi là tu theo đạo Phật. Đó chính là mục đích pháp hành của đạo Phật là vậy.

Pháp hành như vậy được đức Phật gọi là phương pháp tu tập thiền định (Định tư cụ). Vậy pháp tu tập thiền định của đạo Phật là pháp ngăn diệt ác pháp trong tâm. Khi nào không còn ác pháp trong tâm thì người ấy nhập định, chứ không giống như loại thiền định ức chế tâm của tà giáo ngoại đạo.

Ý thức thiện vô lậu của đạo Phật thì không ngoài tâm thanh thản, an lạc và vô sự, vì thế đức Phật bảo phải tăng trưởng và kéo dài ra cái ý thức này. Đó là một phương pháp tu tập giải thoát tuyệt vời mà không có một pháp thiền nào sánh kịp. Chính ý thức thanh thản, an lạc và vô sự là trạng thái sung mãn của Tứ Niệm Xứ; là trạng thái bất động của thân tâm không bị một ác pháp nào tác động vào được. Con đường tu hành theo Phật giáo chỉ cần chứng đạt được chân lí này cũng đủ mãn nguyện cho một đời tu tập của chúng ta không uổng. Hãy cố gắng lên các bạn ạ! Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Phật pháp không khó vì tu tập, mà khó vì lòng người chẳng muốn lìa tham, sân, si.

Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì?

Thở ra chẳng lại còn chi nữa.

Vạn pháp vô thường buông xuống đi!

Đời người là như vậy, có buông bỏ hay không buông bỏ, mọi vật đều buông bỏ chúng ta mà đi. Ngày mai khi xuôi tay vào lòng đất thì chúng ta mới thấy Phật pháp là chân thật, không lừa đảo ai hết. Phải không các bạn?

CÁC HÀNH CÓ ÁC VÀ THIỆN

Pháp Thoại

1/ Trong các hành có thiện và có ác, khi người khởi một ý niệm ác hoặc một hành động ác là đã gieo một từ trường ác trong không gian.

Trong không gian liên tục tiếp nhận những từ trường thiện và những từ trường ác. Do đó, khi có một cơn mưa hay một cơn bão lụt cũng là do nhân quả thiện ác của những từ trường đó tạo thành.

 2/ Thân là vô thường nên phải có bệnh đau, do có bệnh đau nên thân mới hoại diệt. Thân bệnh, đau và hoại, diệt đều do nhân quả thiện ác của mình tạo tác.

Bởi vậy chúng ta hằng ngày phải tu tập tỉnh giác chánh niệm. Tu tập chánh niệm tỉnh giác để làm gì?

Để tỉnh giác trên từng hành động thân, miệng, ý của chúng ta và như vậy ta đã làm chủ được đường đi của nhân quả; để tỉnh giác trên từng các pháp chung quanh ta và như vậy ta mới hàng phục được chúng; để tỉnh giác trên từng tâm niệm của ta và như vậy ta mới khắc phục được những nỗi ưu phiền trên tâm; để tỉnh giác trên từng thân hành của ta và như vậy ta mới khắc phục được những sự đau đớn bệnh tật trên thân ta. Nhờ có tỉnh giác như vậy thì ta mới làm chủ được các hành. Làm chủ được các hành là làm chủ được nhân quả thiện ác. Làm chủ được nhân quả thiện ác là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ được sanh, già, bệnh, chết là chấm dứt sự khổ đau của kiếp sinh ra làm người. Đó là mục đích của đạo Phật, chứ không phải kiến tánh thành Phật hay niệm Phật để cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương. Xin các bạn lưu ý: đạo Phật ra đời là đem lại cho mỗi con người có đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người, nhờ đó xây dựng cho đời đẹp đẽ hơn. Phải không các bạn?

TÂM SẮC DỤC

Pháp Thoại

1) Tâm sắc dục rất nguy hiểm, người tu nếu không xả được khi tâm sắc dục để nó khởi lên, người đó sẽ lồng lộn lên như con trâu điên khó kìm giữ, có thể lời nói và hành động bất nhã còn hơn người chưa tu.

Muốn xả tâm sắc dục, người tu phải thường quán thân bất tịnh, phải biết phòng hộ sáu căn, phải ly dục ly ác pháp và dùng câu tác ý diệt tâm sắc dục khi nó vừa móng khởi lên từ trong ý niệm.

2) Người tu phải xả tâm phân biệt trọng nam khinh nữ. Tuy 2 hình thế nam nữ khác nhau nhưng tâm thể thì tương đồng.

Tâm không hình tướng thì nào phân biệt được nam hay nữ?

Do đó, nếu người nữ quyết tâm tu giải thoát, nghiêm túc giữ gìn giới luật, biết phòng hộ 6 căn, phải ly dục ly ác pháp, không vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì sự chứng đắc cũng y như người nam vậy.

3) Phải xả tâm tỉnh thức, khi bất chợt có người hỏi thì phải nhạy bén đối đáp, không thể ngơ ngơ mất tỉnh thức được.

Phải luôn luôn quán tâm, khi tâm thanh thản biết tâm đang thanh thản, khi tâm khởi niệm biết tâm đang khởi niệm, thì dùng câu pháp hướng đánh bạt niệm khởi xuống rồi, buông niệm, buông luôn câu pháp hướng không được ôm giữ khư khư câu pháp hướng, có nghĩa là quán xét xả tâm trong trạng thái câu pháp hướng đó, chứ không phải niệm pháp hướng.

Xong rồi để tâm trở về trạng thái bình thường, thanh thản, an lạc và vô sự.

4) Người tu thiền phải thận trọng về âm thanh, khi ngồi thiền nghe tiếng chim hót hoặc những tiếng hay lạ khác mà đắm chìm trong âm thanh đó thì sẽ bị hư nhĩ căn, người tu thiền phải luôn luôn cảnh giác.

5) Người nữ tu phải xả tâm phân biệt nam nữ.

Khi tiếp xúc với người nam phải biết vượt qua những thường tình nữ tính, phải dũng mãnh tự xem mình là người nam như họ để không còn e thẹn không còn rụt rè, để tâm không bị dao động về những ý niệm, những cảm thọ về ái dục. Và nhất là không nhận sự giúp đỡ, thọ ân của họ. Vì thọ ân thì tâm dễ sanh ra ái dục.

Tiếp xúc với người nam hay nữ với một tâm hồn vô tư trong sáng. Do đó, không thể phạm giới, giữ trọn vẹn đức hạnh của một người chơn tu.

6) Dừng cái ý có nghĩa là ý khởi niệm gì thì không duyên theo ý niệm đó, nếu duyên theo ý niệm đó là hành động theo dục, nó sẽ đưa đến hại mình, hại người và hại cả hai.

Ví dụ: Thấy người làm sai một điều gì thì không được nói, không được nhắc nhở họ, chỉ có thể nói cho Thầy biết để sửa đổi họ mà thôi. Do đó, tâm không duyên theo cảnh mà khởi động. Tại vì mình còn đang tu tập nên dù có nhắc họ, nhưng họ cũng không nghe theo.

7) Sống trong Tu Viện mọi người phải giữ hạnh độc cư nên không được nói chuyện với nhau. Nói chuyện sẽ có nhiều bất lợi trong việc tu có hại cho mình và cho người, làm động mình, động người.

Thứ nhất, nói chuyện thì tâm duyên theo cảnh không nhiếp tâm trong thiền định xả tâm được. Không tỉnh giác trong lúc đang làm việc, lúc đang đi đứng. Vì vậy tâm thường phóng dật.

Thứ hai, nói chuyện dễ sanh kết bạn, kết phe nhóm, nói xấu người này người kia làm động trong chúng, rối loạn trong tu viện. Đó là điều không lợi ích, là sự tai hại cho mình, cho người.

Vì vậy, người tu hành phải giữ hạnh độc cư cho đúng, không được nói chuyện, chỉ nói những điều cần thiết mà thôi.

8) Người tu phải luôn diệt trừ tâm ngã mạn. Bản ngã càng nhỏ bé thì con đường tu càng tiến bộ.

Khi bản ngã khởi lên thấy mình hơn người thì phải tự quán xét mình và tác ý: “Mình hơn người này, nhưng còn nhiều người khác hơn mình, mình phải bỏ cái tâm ngã mạn đó đi”.Và khi thấy người hơn mình thì không sanh tâm ganh ghét đố kị. Đó cũng là một thứ ngã mạn.

Khi quán xét và tác ý như vậy thì người đó dần dần sẽ xả được tâm ngã mạn.

9) Người tu tập phải tự rèn cho mình có ý chí tự lập, việc gì mình cũng có thể làm được, không có tính ỷ lại vào người khác.

10) Khi gặp ác pháp đến người tu phải tự xét hỏi: “Ác pháp đến ta phải làm gì? Không lý ác pháp đến ta lại cột mình vào ác pháp, phải sống trong ác pháp hay sao? Phải biết xả, xả cho thật sạch, không còn một chút ác pháp nào dính mắc trong tâm ta được”.

11) Những người đạo cao chức trọng và những người kiến thức sâu rộng hoặc giàu có hơn người khác mà không xả tâm được thì bản ngã càng ngày càng to lớn theo đạo cao chức trọng, sự hiểu biết và sự giàu sang của họ, thì con đường tu của họ không đi đến đâu cả.

Người tu mà xả được bản ngã thì không thấy mình hơn người, không thấy mình đạo cao chức trọng, đi đến đâu gặp người tiếp đón ân cần nồng hậu thì không mừng, nếu gặp người tiếp đón lơ là thì cũng không buồn.

12) Hằng ngày ta phải tập ngăn ác diệt ác, khi ý khởi làm cái này muốn cái kia ta phải chủ động dùng pháp hướng để điều khiển cái ý, không để lệ thuộc theo ý.

Khi ta điều khiển ý được thuần thục đến lúc bệnh đau hoặc trước giờ lâm chung, ta giữ được tâm thanh thản, an vui. Nhờ đó tâm được an nhiên tự tại ra đi do sức tự lực điều khiển ý của mình, chứ không phải dùng tưởng lực.

13) Người tu khi làm một việc gì thì phải tùy thuận, bằng lòng theo ý của mọi người khác, không được tùy theo ý mình mà làm, phải tỉnh thức và tự lực trong việc làm, như vậy tu mới tiến bộ được.

14) Tâm dục do từ nơi ý khởi lên, vì vậy phải ngăn ác diệt ác thì sẽ không còn thấy ham thích, không còn muốn hơn thua tranh chấp.

Ngăn ác diệt ác thì tâm phát khởi sáng, nhận thức đúng những sự việc của mình của người mà không bao giờ lầm lạc.

15) Người tu cần phải có ý chí kiên nhẫn, chịu đựng khắc phục những khó khăn, để dũng mãnh vượt qua, quyết chí cố tiến lên, chứ không lùi bước trước một khó khăn, một trở ngại nào.

16) Hằng ngày chúng ta phải quan sát và chủ động điều khiển ý thức.

Khi gặp chuyện buồn ta biết đó là ác pháp, ta tác ý cho chuyện buồn rơi rụng xuống, tâm ta trở lại thanh thản, bình thường hoặc gặp chuyện mừng vui thì tâm ta vẫn bình thản không mừng, vì mừng vui hoặc buồn khổ quá độ sẽ khiến ta mất tự chủ, ảnh hưởng không tốt đến việc tu.

17) Người tu khi ăn một món ngon muốn ăn thêm nữa thì phải biết rằng: Đây là tâm tham vẫn còn nên tác ý chủ động điều khiển ý tham ấy dừng lại: “Bao nhiêu đó đủ rồi, không còn tham ăn nữa”.

Nếu thấy ăn ngon, vẫn ăn cho thỏa thích như người thế gian thì còn gì đạo hạnh của người tu.

Xả tâm sân giận cần có tình thương đi đôi thì xả tâm nhanh chóng và dễ dàng. Nếu thiếu tình thương trong đó mà thêm cái ghét thì rất khó xả. Có tập xả thì cũng xả tâm trong sự ức chế mà thôi.

Vì vậy, người tu tập hằng ngày nên rèn luyện cho mình có cái tâm thương tất cả mọi người, nên nhìn thấy cái tốt của mọi người mà thương. Trước sau không còn một người nào mình ghét thì sự tu tập xả tâm mới tốt được.

19) Khi mình làm được điều gì có lợi ích cho đời, cho người thì nên âm thầm im lặng không nói cho ai biết, có người hỏi cũng không nói. Nếu nói cho người biết là tâm danh còn, nó làm cho bản ngã càng thêm lớn, rất có hại cho người tu. Vì vậy, người tu hành cần nên cảnh giác trong lời nói của mình suy xét cho kỹ rồi mới nói.

20) Người tu luôn luôn quán xét tâm mình, nếu thấy có làm điều gì lỗi lầm thì tự răn mình sửa đổi không nên đổ lỗi cho người này người kia, là tu sai rồi. Phải nhìn thấy lỗi mình trước, chứ đừng nhìn thấy lỗi của người.

21) Khi gặp ác pháp thì ta phải tư duy quán xét cho tận nguồn gốc, ta có làm điều gì lỗi hay không? Khi đã nhận ra lỗi lầm thì xả cho thật sạch, không còn một chút buồn giận nào dính mắc trong tâm ta nữa.

Lúc đang buồn giận vì bị la rầy mà vào thất đọc sách hay nghe băng thì buồn giận sẽ lướt qua trong sự ức chế đè nén là đào lấp sự buồn giận chứ không phải là xả tâm.

Muốn xả tâm cho rốt ráo ta phải đào bứng cho tận gốc rễ sự buồn giận bằng cách tư duy quán xét nhận cho ra lỗi lầm là thiếu sự tùy thuận, rồi dùng câu tác ý mà xả cho sạch và diệt bản ngã bằng sự sám hối, nói lời xin lỗi.

22) Không dính mắc vào sự khen chê có nghĩa là khi có người khen mình, mình không khởi tâm vui mừng vì mừng vui thì bản ngã càng lớn là tâm danh còn. Và khi bị người chê, thì ta không buồn giận, nhưng phải quán xét ta có làm điều gì sai quấy hay không mà bị người chê. Nếu có sai quấy lỗi lầm thì tự răn, mình sửa đổi, còn nếu không có lỗi lầm thì an nhiên tự tại trước lời khen chê, phải tự tin nơi mình.

23) Khi nghe có người nói xấu mình một điều gì thì đừng vội tin, vì tin liền là mình mất tự chủ, mà phải suy xét cho kỹ nếu đúng thì ta tự răn mình và sám hối, sửa đổi. Còn nếu lời nói sai thì ta xả, không quan tâm tới nữa.

24) Trong sự giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, sự quán xét tư duy là quan trọng. Nếu thiếu quán xét thì công việc dễ bị lệch lạc, dễ bị hư hao thất bại. Vì vậy, người tu hành cần phải thường xuyên quán xét, quán xét tâm niệm, quán xét sự việc để tâm lúc nào cũng ở trong trạng thái tỉnh thức qua lời dạy của Thầy và những thử thách trên bước đường tu tập.

ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu tập như sau: “Hít vào tôi biết tôi hít vào, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Vừa nhắc thầm câu pháphướng trên đồng thời cũng vừa hít vô đến khi hơi thở dứt thì câu pháp hướng cũng vừa đủ. Câu pháp hướng đồng một lúc với hơi thở ra, vô tùy theo đặc tướng hơi thở của mỗi người dài hay ngắn mà chọn câu pháp hướng phù hợp, với chiều dài hơi thở, nếu câu pháp hướng dài quá mà hơi thở của mình ngắn quá thì phải kéo dài hơi thở thêm một chút nữa như vậy nó mất đi tính tự nhiên của hơi thở bình thường, con hiểu như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Người mới tu tập thì pháp hướng tâm đi liền với hành động hít thở ra vô, để dễ nhiếp tâm. Nhưng khi chuyên sâu vào hơi thở cho đúng theo phương pháp Định Niệm Hơi Thở thì pháp hướng tâm phải đi trước rồi hành động thở sẽ theo sau, cho nên trong bài kinh Thân Hành Niệm Đức Phật dạy về hơi thở “sẽ”hít vô “sẽ”thở ra. Chữ “sẽ”có nghĩa là tác ý trước khi hít thở.

Trong khi tu tập hơi thở thứ năm dứt, ta nín thở tác ý. Sau khi tác ý xong ta mới hít vô và thở ra. Đúng năm hơi thở lại tác ý một lần, cứ tu tập như thế cho đến hết giờ.

Về hơi thở các bạn nên lưu ý nó là thân hành nội, khi thở không đúng cách nó có thể gây rối loạn nội tạng của các bạn như: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết v.v..

Muốn tu tập hơi thở phải được một vị Thầy có kinh nghiệm tu chứng đạt chân lí dạy thì mời được phép tu tập, còn không thì các bạn nên tu tập tỉnh giác chánh niệm tức là đi kinh hành. Chánh niệm tỉnh giác đi kinh hành có bốn giai đoạn tỉnh thức xin hẹn lại các bạn khi nào tu tập chánh niệm tỉnh giác thì chúng tôi sẽ trực tiếp chỉ dạy cho. Còn về pháp môn hơi thở có 16 đề mục, mỗi đề mục của hơi thở là một pháp môn tu hành để đối trị thân tâm, khi bị các ác pháp tác động.

Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn diệt ác pháp rất tuyệt vời. Vậy các bạn hãy tu tập cẩn thận kỹ lưỡng từng đề mục, khi nào tu tập đề mục này có kết quả rồi mới tu tập tới đề mục khác.

Tu tập về Định Niệm Hơi Thở có lợi ích rất lớn trên đường ly dục ly ác pháp để đạt được cứu cánh.

ƯỚC NGUYỆN LOÀI VẬT NHỎ BÉ ĐƯỢC SINH LÀM NGƯỜI

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Mỗi buổi sáng con thường quét sân, dù có cẩn thận cách mấy cũng không thể tránh khỏi sự vô tình giẫm đạp lên loài chúng sanh nhỏ bé dưới đất, những lúc như vậy trong lòng con rất ray rứt, xót xa cho loài kiến, sanh ra làm loài thân phận thấp bé, mạng sống mong manh nhiều khi con không muốn quét mà chịu khó ngồi lượm từng chiếc lá như vậy mình giảm bớt sự chết chóc của loài kiến vì mỗi đợt chổi quét đi thì vô số sanh mạng nhỏ nhoi này đau đớn giãy dụa.

Làm sao để phá tâm trạng ray rứt này. Vì con hàng ngày phải quét sân dọn dẹp nhà cửa. Xin Thầy cho con một lời khuyên.

Đáp:Nếu tâm từ con đã thực hiện được là rất tốt. Vậy mỗi khi làm việc gì, chỗ nào có kiến và côn trùng nhiều thì con nên tránh bằng cách lượm lá chứ không nên quét, chỗ nào không có côn trùng thì con quét.

Tâm từ giúp con có nhiều tiến bộ trong sự tỉnh giác, nhờ sự tỉnh giác đó mà con ly dục ly ác pháp dễ dàng hơn. Muốn phá tâm ray rứt này khi làm việc con nên cẩn thận và kỹ lưỡng từng hành động đó cũng là cách tu tập tỉnh thức tốt nhất. Và cũng nhờ đó mà từng việc làm con đều rất cẩn thận kỹ lưỡng; và cũng nhờ đó mà tâm từ bi con phát triển mạnh; và cũng nhờ đó mà tâm tỉnh thức mỗi ngày một gia tăng, gia tăng đến khi tâm định tỉnh hoàn toàn.

ỨC CHẾ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong lúc tu Định Niệm Hơi Thở, dọc sóng mũi luôn có cảm giác và vùng trán căng như vậy là ức chế hơi thở phải không thưa Thầy? Làm sao khắc phục tình trạng này?

Đáp:Nếu có cảm giác tê tê nặng đầu, hay căng đầu là do tu tập sai pháp, do dùng hơi thở ức chế tâm, chứ không phải tu Định Niệm Hơi Thở. Vì Định Niệm Hơi Thở là phương pháp dẫn tâm chứ không tập trung ức chế tâm như các loại thiền khác để hết vọng tưởng. Con nên tu tập lại cho đúng cách, nhẹ nhàng dẫn tâm như ru con ngủ sẽ khắc phục được. Nếu vì đã tu tập pháp ức chế tâm quen, nên mỗi khi nhiếp tâm vào hơi thở là có cảm giác căng đầu thì con nên xả bỏ không tu tập về hơi thở nữa, mà tu thân hành ngoại như đi kinh hành tập tỉnh thức nơi bước đi, nếu chú ý bước đi mà bị căng đầu nữa thì con tu Tứ Niệm Xứ, tức là ngồi kiết già quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, thấy có chướng ngại gì trên đó thì tác ý xả bỏ, tác ý chừng nào chướng ngại pháp đó rời khỏi bốn chỗ đó mới thôi. Pháp tu tập này không có căng đầu, vì không có đối tượng để tập trung tâm. Tu tập như người vô sự, an nhàn, chỉ khi nào có chướng ngại pháp mới dùng tri kiến tác ý để giúp cho thân tâm thanh thản an lạc và vô sự.

TÁC Ý PHÁ CẢM THỌ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi thân có một cảm thọ đau xuất hiện, con hướng tâm đuổi nó đi, mỗi lần hướng tâm xong con để cho tâm nó lặng đi khoảng năm hoặc mười hơi thở con lại tác ý tiếp, hay con phải hướng tâm liên tục?

Đáp: Khi thân có cảm giác thọ đau thì nên tác ý liên tục để tâm ôm chặt pháp hơi thở mà quên đi thọ khổ. Trong Định Niệm Hơi Thở Đức Phật dạy: Khi thân bị thọ khổ thì nên hướng tâm nhắc “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”.Cứ nương theo hơi thở mà dẫn tâm như vậy thì sẽ không còn đau khổ nữa. Nhưng con phải thiện xảo dùng câu pháp hướng nhẹ nhàng, êm ái theo nhịp của hơi thở ra, vô như người mẹ ru con theo nhịp đung đưa của chiếc võng. Đó là người mới tu, còn người tu lâu thì trạng thái thân an tịnh một cách rất tuyệt vời, khiến cho các cảm thọ không tác động được vào thân. Dù các cảm thọ có đau đến đâu, nó cũng nhiếp phục được. Đó là một phương pháp làm chủ bệnh rất tuyệt hảo.

TỨ QUẢ VÀ TỨ THÁNH ĐỊNH CÓ GIỐNG NHAU KHÔNG?

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong Tứ Thánh Định và Tứ Quả của Sa Môn: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, có những điều nào giống và khác nhau? Có một vị Thầy giảng rằng trong Tứ Thánh Định tùy theo mức độ tâm thanh tịnh của hành giả đến đâu thì nhập vào những trạng thái định mức đó, còn đứng về phía Tứ Quả Sa Môn là căn cứ vào giá trị đạo đức của vị ấy sâu hay cạn. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Câu hỏi này có hai phần: 1/ Hỏi về bốn quả giống nhau và khác nhau. Bốn quả là bốn kết quả của bốn thiền, chứ không phải bốn quả khác bốn thiền khác. Vì bốn thiền tu tập, để có bốn kết quả. Nếu khác nhau thì cần gì để tu tập bốn thiền? Bốn thiền là pháp tu tập để giúp cho người tu tập ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp là đức Thánh hạnh của vị tu sĩ ấy. Nếu không tu bốn thiền này thì làm sao có bốn Thánh quả. Bốn thiền là bốn cấp bực Thánh hạnh của vị Sa Môn từ thấp đến cao. Nhà học giả giảng bốn quả khác bốn thiền là nhà học giả không hiểu bốn thiền và bốn quả. Trong kinh Sa Môn Quả, đức Phật không dùng những danh từ suông để chỉ bốn quả “Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán” mà xác định bốn trạng thái kết quả của bốn thiền rất rõ ràng và cụ thể. Những trạng thái tuyệt vời, chứ không có lý luận suông như các học giả.

Trong chân lý “Đạo Đế” có tám nẻo và nẻo cuối cùng là Chánh Định, nhưng Chánh Định Đức Phật đã xác định là bốn thiền. Bốn thiền được xem là phương pháp thiền độc đáo nhất của Phật giáo.

Khi chúng ta mới bước vào Thiền Thứ Nhất thì Đức Phật đã chẳng bảo: Ly dục ly ác bất thiện pháp mới nhập được Sơ Thiền.

Thưa các bạn! Một người chưa ly dục ly ác pháp có được nhập vào dòng Thánh hay chăng? Họ tu pháp gì có thể ly dục ly ác pháp? Bảo rằng căn cứ vào đạo đức của họ sâu cạn. Vậy đạo đức chỗ nào mà có ra đây? Pháp nào mà họ tu tập có đạo đức?

Sơ Thiền giúp chúng ta thấy được đạo đức của người tu hành. Đó là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp không phải là một đạo đức sao? Ly dục ly ác pháp là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Người mà không làm khổ mình, khổ người, không phải là người được vào dòng Thánh hay sao? Người mà được vào dòng Thánh thì không phải người chứng quả Tu Đà Hoàn sao?

Bốn thiền là bốn phương pháp nhập định, mỗi định có một kết quả của nó. Như Sơ Thiền kết quả của nó là ly dục ly ác pháp, người ly dục ly ác pháp là người được vào dòng Thánh.

Như vậy, quả Tu Đà Hoàn là do tu tập Sơ Thiền. Ngoài Sơ Thiền không có quả Tu Đà Hoàn; ngoài Nhị Thiền không có quả Tư Đà Hàm; ngoài Tam Thiền không có quả A Na Hàm; và ngoài Tứ Thiền và Tam Minh thì không có quả A La Hán.

Theo kiến giải của các học giả giải thích bốn quả là không đúng trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật giáo. Đó là ảnh hưởng kiến giải, tưởng giải của các nhà học giả Đại Thừa thuộc về tà thuyết ngoại đạo nhất là đ chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo pháp của Bà La Môn Ấn Độ; Lão Giáo và Nho Giáo của Trung Hoa.

HƠI NÓNG CHỖ NÀO THÌ TÁI SINH CHỖ ĐÓ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có nhiều sách viết rằng: Khi một người tắt hơi thở rồi, nếu sờ vào mình người đó mà hơi nóng dồn vào chỗ nào đó, tất cả chỗ khác đều lạnh hết, thì biết được rõ chỗ tái sanh của họ.

Ví dụ: Ở hai bàn chân nóng là sanh địa ngục, ở trái tim là người, ở mắt là trời, v.v.. Căn cứ vào đâu mà họ nói như vậy hay do tưởng tượng mà nói? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Cơ thể khi chết đều có sự hoại diệt của cơ thể, chỗ nào hoại diệt trước là chỗ đó lạnh trước, chỗ nào hoại diệt sau là chỗ đó lạnh sau. Sự hoại diệt đều do căn bệnh của cơ thể.

Trong thư con ghi những lời giải thích của các nhà học giả đều là sai, không có căn cứ lôgic khoa học, đó là tưởng giải của các giáo phái tà đạo.

 Đạo Phật xác định sáu nẻo luân hồi rất rõ ràng:

1/ Cõi Trời bằng một trạng thái tâm Thập thiện, còn tưởng thức dục.

2/ Cõi Người bằng trạng thái tâm năm giới còn ý thức dục.

3/ Cõi A Tu La bằng trạng thái tâm sân, thuộc về ý thức dục và tưởng dục.

4/ Cõi Ngạ Quỷ bằng trạng thái thân tâm đói khát, thuộc về ý thức dục và tưởng dục.

5/ Cõi Súc Sanh bằng trạng thái thân tâm ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, bẩn thỉu, ăn uống đồ bất tịnh, hôi thối, rượu chè say sưa quậy phá v.v.., thuộc về ý thức dục và tưởng dục.

6/ Cõi Địa Ngục bằng trạng thái thân tâm đau khổ, nhức nhối, phiền não, bất an, bất toại nguyện v.v.., thuộc về ý thức dục và tưởng dục.

Trong sáu trạng thái tâm này khi còn đang sống cũng như lúc sắp lâm chung đã xác định hướng đi rõ ràng của người này khi tiếp tục tái sanh.

 Đó là một điều xác định sáu nẻo luân hồi rất khoa học, thực tế và cụ thể của đạo Phật mà không có một tôn giáo nào xác định đúng được như vậy. Bởi vì, đạo Phật là một chân lí của loài người, nên nó là một sự thật, không hề có một chút sai lệch nào được. Chỉ vì các tôn giáo đều có thế giới siêu hình, họ cho có thế giới siêu hình nên hơi ấm ở chân là sanh vào cõi địa ngục, ở tim sanh làm người, ở mắt sanh lên cõi Trời v.v..

Họ căn cứ vào kinh sách phát triển là một loại kinh sách tưởng giải của các nhà học giả thiền tưởng, tưởng giải ra cho hơi nóng xuất ra ở hai bàn chân là địa ngục, ở tim là người, ở mắt là Trời v.v.. Vì những điều này họ không căn cứ và biết chắc được cõi Trời, cõi Địa Ngục ở đâu? Chỉ nói trong ảo tưởng mà thôi.

Kính thưa các bạn! Có bao giờ các bạn đi đến cõi Trời và cõi Địa ngục chưa? Dù cho các vị Thầy Tổ sơ khởi là những người viết ra kinh sách phát triển cũng chưa biết cõi Trời và cõi Địa ngục ở đâu?

Cô Ba Cháo Gà và Lâm Tử Kỳ du địa ngục, chỉ là một giấc mơ trong tưởng uẩn. Hình ảnh do nhà văn giàu tưởng tượng viết ra kinh Địa Tạng Kinh Thập Vương.

Các Phật tử đừng tin theo luận điệu mê tín lừa đảo người mà hầu hết kinh sách Đại Thừa, kinh nào cũng có. Không lừa gạt thế này thì lừa gạt thế khác, không dụ dỗ thế này thì dụ dỗ thế khác. Thường kinh sách này đưa chúng ta vào thế giới siêu hình mơ hồ, ảo tưởng.

Chúng ta nên căn cứ vào việc làm thiện hay ác của con người mà xác định được nẻo luân hồi của họ ở kiếp sau. Chứ không phải hơi ấm trên thân người. Dựa vào hơi ấm trên thân người đều sai.

KẾT QUẢ TU TẬP

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong khoảng thời gian ngồi thiền hay đi kinh hành, cảm giác thân và tâm như thế nào để đánh giá mình tu đúng pháp hay không?

Đáp:Mỗi đề mục hơi thở trong khi tu hay đi kinh hành trong khi hành thiền mà tâm thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc không phóng dật, phóng tâm là đúng, nhưng phải lưu ý không được tập trung ức chế tâm, còn có những trạng thái khác là sai.

Ngồi thiền mà có hỷ lạc nhiều là sai (xúc tưởng hỷ lạc).

Ngồi thiền mà thấy các sắc tưởng hiện ra là sai.

Ngồi thiền mà nghe thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng là sai. Nói chung 18 loại tưởng và còn vô số các loại tưởng khác nữa. Có trạng thái tưởng nào đến đều là sai.

Theo từng đề mục tác ý dẫn tâm vào trạng thái của đề mục ấy mà thấy kết quả rõ ràng là không sai.

Ví dụ: Đề mục thứ tư trong Định Niệm Hơi Thở “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Nếu khi ngồi hít thở dẫn tâm như vậy mà thấy có sự an tịnh thì đó là kết quả đúng, còn khi không dẫn mà có thì coi chừng đó là sai.

Chữ an tịnh thân hành ở đây có nghĩa là sự an ổn của thân không bị mỏi mệt, không bị đau nhức, không bị bệnh tật khổ đau. Vì thế dùng câu tác ý trên có nghĩa là làm chủ được bệnh.

Tu đúng khi nào dẫn tâm có kết quả theo pháp hướng, chứ không phải ngồi ức chế tâm. Ngồi xả tâm bằng pháp hướng là đúng. Ngồi làm thinh tập trung tâm vào pháp tịnh, pháp động đều là sai. Ngồi vừa hướng tâm, vừa tập trung tâm vào pháp động là đúng. Ngồi mà tập trung tâm vào bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp để tác ý đẩy lui các ác pháp trên bốn chỗ đó là đúng. Ngồi mà không làm theo mọi ý niệm là tu tập đúng pháp.

NHÌN ĐỜI BẰNG NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Một người học Phật phải nhìn cuộc đời như thế nào để không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian, nhưng cũng không bị người đời lên án là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm v.v..

Đáp:Một người học Phật phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, nên không tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm.

Người học Phật phải có tri kiến nhân quả, tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên, tri kiến Thập Thất kiết sử, tri kiến ngũ uẩn, tri kiến ngũ triền cái, tri kiến về các pháp bất tịnh, tri kiến các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tri kiến về lòng từ bi, hỷ, xả v.v..

Nếu có những tri kiến như vậy thì người này sẽ không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian. Muốn có những tri kiến này thì người học Phật nên nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, vì trong đó dạy rất đầy đủ và dễ hiểu. Không nên nghiên cứu kinh sách phát triển vì kinh sách này sẽ gieo vào đầu óc của các bạn một thế giới ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, phi đạo đức. Một khi các bạn đã chịu ảnh hưởng của nó thì các bạn giống như người nghiện thuốc phiện. Muốn bỏ mà rất khó bỏ.

Những người Cư sĩ Phật tử hiểu sao về Phật giáo có tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm không?

Về Phật giáo là phải có một tinh thần tích cực, tự lực trong sự tu tập các pháp môn; phải tích cực, tự lực chiến đấu với nội tâm của mình khi có ác pháp xâm chiếm để đem lại sự thanh bình cho tâm hồn; phải tích cực chiến đấu với ngoại pháp để đem lại cho mọi người một sự an ổn, một xã hội có trật tự.

Về Phật giáo có hai giới tu tập:

1/ Cư sĩ

2/ Tu sĩ

Cư sĩ thì phải tu theo pháp của người cư sĩ. Pháp của người cư sĩ tu tập là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có sự tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm… được. Nếu tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm là làm khổ mình, khổ người thì đâu có đúng chánh pháp. Có lẽ người cư sĩ Phật tử đã hiểu sai pháp Phật, không hiểu về pháp tu tập của người tu sĩ. Phần nhiều người cư sĩ Phật tử mới vào đạo đều được dạy tu tập Thọ Bát Quan Trai và được tham dự học tu vào lớp Chánh kiến đầu tiên của Phật giáo.

Người cư sĩ chỉ sống có một ngày Thọ Bát Quan Trai như người tu sĩ mà thôi. Một tháng chỉ sống có một hoặc hai ngày thì đâu thể nào gọi là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm được.

Phật dạy chúng ta biết ác pháp và thiện pháp, ác pháp thì nên tránh và diệt để đem lại cho mình cho người hạnh phúc an vui chứ đâu phải lãnh đạm, vô cảm.

Ví dụ: Trong bữa tiệc mọi người ép chúng ta uống rượu, chúng ta từ chối không tùy thuận theo các ác pháp này thì bảo rằng chúng ta lãnh đạm thì không đúng.

Chúng ta cương quyết làm được điều này là làm gương tốt đẹp cho người khác, để mọi người tránh thứ độc dược hại này.

Cho nên, đạo Phật không phải là đạo yếm thế, tiêu cực, lãnh đạm, vô cảm v.v.. Người hiểu đạo Phật yếm thế, lãnh đạm, vô cảm... là người hiểu sai đạo Phật.

Đạo Phật là đạo đức của loài người, nhờ đạo đức mới xây dựng thế gian này được an ổn và yên vui cho mọi người; nhờ đạo đức mà con người không làm khổ cho nhau. Vậy chúng ta là con người cần phải học đạo đức nhân bản – nhân quả. Nếu chúng ta không học đạo đức thì chúng ta tự làm khổ cho nhau và cuộc sống trên thế gian này trở thành địa ngục. Phải không các bạn? Bằng chứng hiện giờ chúng ta đã chứng kiến cảnh địa ngục: Chiến tranh, khủng bố, thiên tai hỏa hoạn, bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt v.v..

Ví dụ: Tình nghĩa vợ chồng là phải gần gũi nhau, chia sẻ nhau những nỗi buồn vui, thế mà xa lánh nhau, lạt lẽo, lãnh đạm tình chồng nghĩa vợ để gọi là tuyệt dục thì đức Phật đâu có dạy bao giờ. Mà đức Phật dạy không nên tà dâm, dâm dục phải tiết độ, vì tà dâm là làm hại gia đình mất hạnh phúc, dâm dục không tiết độ sẽ đem đến thân bệnh tật, mà thân bệnh tật, đau khổ thì sự an vui hạnh phúc gia đình mất.

Đạo Phật nói đời khổ là để vượt qua mọi sự đau khổ của cuộc đới, chứ không có nghĩa là trốn tránh khổ, nói cách khác cho đúng nghĩa của đạo Phật là làm cho đời hết khổ. Làm cho đời hết khổ là phải tích cực hết mình. Vì thế, mà đạo đức của đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

CĂN CỨ VÀO MƯỜI THÁNH HẠNH SADI

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Để đánh giá một người tu sĩ có phải là một bậc Thánh. Để cho cư sĩ thân cận học hỏi giáo pháp thì phải căn cứ vào những tiêu chuẩn như thế nào để đánh giá? Để khỏi uổng phí thời gian tu tập của mình, nếu vị tu sĩ này xuất gia không phải vì lý tưởng giác ngộ giải thoát.

Đáp:Đánh giá một người tu sĩ Phật giáo là phải đánh giá ở chỗ Thánh hạnh của vị tu sĩ ấy, nghĩa là vị tu sĩ không vi phạm giới luật.

Muốn đánh giá đúng một tu sĩ đạo Phật thì hãy đem một trăm hai mươi giới (120 giới) đức Thánh Tăng mà kê ra thì thấy rất rõ ràng. Phàm Tăng và Thánh Tăng không giống nhau. Cũng như chúng ta nhìn vào một đoàn dê và bò, bò thì ra bò mà dê thì ra dê, không thể lầm lẫn được.

Ngày xưa trong thời đức Phật còn tại thế, vua Ba Tư Nặc hỏi:

-       Bạch Thế Tôn! Chúng con thấy một đoàn khất sĩ đi qua, muốn biết người chứng quả A La Hán, thì chúng con phải làm sao?

Đức Phật trả lời:

-       Muốn biết ai là người chứng quả A La Hán thì nên ở gần người ấy nhận xét oainghi tế hạnh giới luật.

Đức Phật ngày xưa đã dạy như vậy, thì bây giờ chúng ta cứ theo đó mà nhận xét giới luật đức hạnh của tu sĩ thì biết ngay vị tu sĩ nào là ngoại đạo Bà La Môn và vị tu sĩ nào là Thánh Tăng đệ tử của Phật giáo. Xin quý Phật tử nên nhớ: “Giới luật còn là Phật giáo còn, Giới luật mất là Phật giáo mất”. Người tu sĩ Phật giáo sống đúng giới là Phật giáo còn, người tu sĩ Phật giáo phạm giới, phá giới bẻ vụn giới là Phật giáo mất. Thánh Tăng từ giới mà sinh ra. Giới luật sinh các bậc A La Hán, chứ không phải những tu sĩ có thần thông hoặc ngồi thiền 5,7 ngày, hoặc kiến tánh thành Phật hoặc trực vãng Tây Phương cõi Cực Lạc hay Thiên Đàng.

BẢN NGÃ

Câu hỏi của Minh Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một số người khi mới phát tâm tu, hoặc làm công quả ở chùa làm chức hướng dẫn cư sĩ và làm từthiện xã hội mấy năm đầu thì thấy khuôn mặt rất dễ thương, nhưng khoảng thời gian sau thì nhìn khuôn mặt thấy quậy beo, đụng việc người khác làm trái ý mình thì nổi sân đùng đùng. Có phải những người này làm phước mà còn cầu phước, không có phương pháp tu tập để kiểm soát bản ngã của mình? Khi thấy mình có công đôi chút, thì tỏ vẻ hơn người, nên khi ai làm trái ý họ, thì họ bực tức. Con hiểu như vậy có đúng không? Thưa Thầy.

Đáp:Phần đông người ta tu phước hữu lậu, nên làm có chút ít công đức thì bản ngã to ra, con hiểu như vậy rất đúng.

Người có phước hữu lậu thì bản ngã theo phước đó mà to lớn ra, không những riêng cư sĩ mà cả tu sĩ nữa. Cho nên, các vị tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, Ni hiện giờ hầu hết đều không tu tập đúng pháp ly dục ly ác pháp của Phật giáo Nguyên Thủy. Cứ theo lộ trình Bồ Tát đạo tu phước hữu lậu thì bản ngã sẽ to lớn vĩ đại. To lớn theo tiền bạc, chùa to, Phật lớn, danh cao, chức trọng v.v.. Vì thế các vị này dễ sân, dễ phiền não, đời sống của họ trong dục lạc của thế gian, ăn ngủ phi thời. Họ chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát chân thật của Phật giáo.

HIỂU SAI PHẬT PHÁP

Câu hỏi của Minh Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Chúng con xét thấy lâu nay, những người cư sĩ tu theo kinh sách phát triển, đa số họ không biết hiểu như thế nào? Khi chưa biết đạo thì còn đỡ, khi biết đạo rồi, lánh vợ, xa con, lánh con, xa chồng, để cho những người trong gia đình phải buồn khổ và thù ghét đạo Phật. Thưa Thầy theo cái hiểu cạn cợt của chúng con có phải họ hành sai pháp không?

Đáp:Họ không hành sai pháp, vì kinh sách phát triển và các Thầy ấy đã dạy chung chung như vậy, không phân biệt rõ ràng: pháp nào tu tập của người cư sĩ và pháp nào tu tập của người tu sĩ, cứ ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, lạy sám hối v.v.. Tu sĩ cũng tu như vậy và cư sĩ cũng tu như vậy. Cho nên, người cư sĩ tu hành cũng giống như người tu sĩ. Vì thế gia đình đảo lộn, tình nghĩa chồng vợ dường như lạt lẽo, bỏ bê con cái và nghề nghiệp như con đã nói ở trên. Thật là vô cùng tai hại.

Tu như vậy có bốn điều đáng trách:

1/ Thiếu đạo đức làm người, không tròn bổn phận, trách nhiệm đối với bản thân, vợ và con.

2/ Tu như vậy, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo (Cư sĩ mà tu pháp của tu sĩ là một điều rất sai).

3/ Tu như vậy chẳng đi đến đâu, mất thì giờ, uổng phí công sức, uổng phí một đời người.

4/ Tu như vậy, bản ngã của người cư sĩ càng ngày càng một to lớn hơn, do đó người cư sĩ không tìm thấy sự giải thoát chân thật chỉ sống giải thoát trong ảo tưởng. Cho nên, thích tranh luận hơn thua dựa theo lý giải giáo pháp phát triển tranh luận hơn thua.

5/ Tu như vậy, người cư sĩ chỉ đạt được miệng lưỡi nói pháp rất hay, nhưng kết quả làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi thì chẳng có gì.

Vì thế, hiện giờ người cư sĩ tu rất nhiều, đi chùa rất đông, nhưng nhìn lại toàn là số không. Tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn nguyên vẹn, chưa có một vị cư sĩ nào làm chủ được đời sống, làm chủ được sự già yếu, làm chủ được bệnh đau và làm chủ được sự chết (tự tại trong khi tử).

Để khắc phục tình trạng này, Thầy sẽ soạn thảo cho ra một bộ sách giáo trình tu tập riêng cho người cư sĩ đúng theo đường lối tu tập của Phật giáo Nguyên Thủy. Các con hãy chờ đợi “Bộ sách Đạo Đức Làm Người” ra đời xong thì “Giáo Trình Tu Tập Cho Người Cư Sĩ” sẽ xuất hiện. Đó là câu trả lời cho những câu hỏi của con.

LÀNG NGUYÊN THỦY

Hỏi:Kính thưa Thầy! Chúng con kính xin ý kiến của Thầy: Nếu muốn làm những ngôi làng Phật giáo Nguyên Thủy thì phải tổ chức như thế nào? Cộng đồng đó sinh sống ra sao? Sinh hoạt tu viện như thế nào? Thầy hãy cho chúng con xin một mô hình để sau này, nếu đủ duyên thì chính quyền cùng các cư sĩ chúng con sẽ thành lập.

Đáp:Đây là bản dự thảo Phương án thành lập mô hình của một làng Phật giáo Nguyên Thủy.

Các con nên đóng góp thêm những ý kiến với Thầy để chúng ta hoàn chỉnh được bản dự thảo mô hình này, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại nên hòn núi cao”.Thầy chỉ mới sơ thảo phác họa những nét đại cương, còn các con góp ý thêm do học thức chuyên môn và năng tài của mọi người, thì đó là chúng ta làm một cuộc chấn hưng Phật giáo đem lại lợi ích cho đất nước quê hương của chúng ta. Phải không hỡi các con?

Vì lợi ích của mọi người trên hành tinh này; vì đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người; vì Phật giáo phải được trường tồn và vì đạo đức dân tộc quê hương xứ sở của chúng ta, nên chúng ta phải góp mọi ý kiến để môhình “Làng Phật giáo Nguyên Thủy” được hoàn thành và sau đó chúng ta sẽ đệ trình lên nhà nước xin phép “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

THÂN HÀNH NIỆM

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy! Con kính xin được thưa hỏi:

Tối và khuya 2 giờ sáng, con thực hành “Thân Hành Niệm”. Con ngồi kiết già rất vững chắc, vậy mà có một lực đẩy cái thân của con nằm sát chiếu, và khi đó con tác ý rằng: “Cái thân phải ngồi dậy, thẳng cái lưng lên”, thì cái lực đó, nó đẩy tiếp, rất nhanh đến nỗi con không cự lại được, giống như là một bài thể dục và con thấy vui quá!Và con cứ để cho cái lực đẩy đó, nó đẩy cái thân con, con theo dõi nó, càng mỗi lúc càng mạnh, sau rồi con tác ý: “Cái thân phải đứng yên không được nhúc nhích” thì nó dừng lại, khi nó dừng lại, thì bắt đầu, cái đầu trọc của con xoay liên tục, huyệt bách hội hoạt động rất mạnh (Luân xa số 7) và con tác ý: “Cái đầu phải đứng lại không xoay nữa” thì nó hết xoay, khi con đứng lên đi kinh hành thì ôi thôi! Không thể đứng vững có một cái lực đẩy cái thân của con nhào té, hai cái chân của con nhẹ hẫng. Con phải cố gắng bám chặt hai bàn chân xuống nền thì mới đứng vững, và khi con tác ý: “bước” thì ôi thôi! Một tiếng bước là cái thân của con giống như là bay luôn, con không ám thị tác ý nữa, và đứng một chỗ tay vịn vào cửa sổ để làm điểm tựa, không thôi con sẽ bay ra khỏi thất, một cái lực khủng khiếp chưa bao giờ con cảm nhận như thế. Và khi con ngồi xuống ghế nó đẩy cái thân của con, con tác ý: “Thôi đừng có đẩy nữa” tác ý xong nó hết, khoảng một phút sau nó đẩy tiếp và giờ đây khi viết như thế này nó cũng đẩy con luôn. Thật kỳ lạ! Con để ý, lúc ăn cơm cũng thế, lúc con ngồi rửa chén, và đi toilet cũng thế! Con giữ cái tâm của mình thanh thản, chánh niệm thì nó hoạt động rất mạnh.

Con kính xin Thầy từ bi hoan hỷ giảng trạch cho con được hiểu cái lực đó, nó xuất phát từ nơi đâu và nó có lợi hay có hại cho con???

Khuya nay con dậy 2 giờ 30’ con tu chỉ có một tiếng thôi, không hề có một niệm xen vào và cái lực đẩy nó đến hỏi thăm con như thế đấy. Vì hồi hôm con thức đến gần một giờ sáng, con ngồi kiết già với hai câu tác ý: “Tâm như cục đất từ bỏ tham, sân, si”, “biết rõ toàn thân” rất là tuyệt vời! Tâm của con nó im lặng không cự nự!

Con không có buồn ngủ, không mệt nhọc, cơ thể của con nhẹ nhàng lắm. Mặc dùcon ngủ chỉ có hai tiếng trong một ngày. Con thấy trong con có một cái gì vui lắm…

 Con cảm nhận trái tim con thương yêu cuộc đời này quá…! Sự tu hành rất khó, gian nan vô cùng. Nên con rất thương kínhThầy, bởi vì con đường tu hành rất khó… mà Thầy đi qua được. Thầy thật vĩ đại và cao thượng biết bao…! Vì thế, con cũng sẽ nối gót của Thầy, quyết chí cũng sẽ đi qua được. Và cuộc đời của con cũng sẽ nói lên những gì Phật đã nói, những gì Thầy đã nói và sẽ làm những gì Phật đã làm và những gì Thầy đã làm. Con sẽ sống như Phật đã sống, như Thầy đã sống v.v..

Đôi dòng con kính dâng lên Thầy.

Con kính chúc Thầy luôn được mạnh khỏe.

Kính ghi

Con của Thầy

Nguyên Thanh.

GIẢI TRÌNH NHỮNG TRẠNG THÁI

Đáp:1/ Trong thân ngũ ấm có “sắc ấm, tưởng ấm và thức ấm”.

Lực của sắc ấm là lực ám thị của ý thức (Ý thức lực).

Lực của tưởng ấm là lực của ma ngũ ấm (Tưởng thức lực).

Lực của thức ấm là lực của 7 giác chi (Tâm thức lực).

Lực của tưởng và lực của tâm không có liên quan nhau.

Khi tu tập tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì lực của tưởng thường xuất hiện phá lực của ý thức làm cho chúng ta khó phân biệt.

Cho nên, các huyệt trên thân khai mở tức là dao động thì lực tưởng xuất hiện mà hầu hết ngoại đạo thường tu tập để khai mở những huyệt đạo này khiến cho năng lực này trở thành thần thông.

2/ Có chánh niệm, tức là ý thức thanh tịnh, chứ không phải tâm thanh tịnh.

Có đủ 7 năng lực giác chi thì thân tâm mới thanh tịnh hoàn toàn, nhưng phải biết do ý thức thanh tịnh thì mới có 7 năng lực giác chi xuất hiện. Có chánh niệm thì ý thức mới thanh tịnh, chưa có chánh niệm thì coi chừng có tưởng lực xuất hiện. Có tưởng lực xuất hiện thì cần phải dẹp. Một người tu khi chưa có Bảy Năng lực Giác Chi thì không làm sao nhập được Sơ Thiền. Chưa nhập được Sơ Thiền thì làm sao làm chủ thân tâm cho được. Phải không con?

Cho nên, hiện giờ con đang tu tập thì chỉ có ý thức thanh tịnh, chứ không có tâm thanh tịnh. Ý thức thanh tịnh lúc ban đầu là nhờ xả tâm ly dục ly ác pháp thô kế sau đó mới dùng pháp Thân Hành Niệm tu tập để thực hiện Tứ Thần Túc, Có Tứ Thần Túc mới nhập các định. Đó là đường đi của Phật giáo từ thấp đến cao, con nên lưu ý.

a/ Cái đầu con quay, tức là huyệt bách hội khai mở, lúc bây giờ ý thức con bất động vì bị ức chế bằng pháp Thân Hành Niệm. Ở đây con đã tu sai pháp Thân Hành Niệm, biến pháp môn Thân Hành Niệm trở thành pháp ức chế tâm. Con nên hiểu Pháp môn Thân Hành Niệm là pháp tu lệnh tác ý để sau này truyền lệnh thân tâm con làm theo. Đó là Pháp môn Tứ Như Ý Túc.

Ngoại đạo tu tập muốn cho ý thức thanh tịnh bằng cách dùng pháp ức chế, nên tạo cơ hội khai mở các huyệt đạo. Ngoại đạo không có ý thức thanh tịnh do ly dục ly ác pháp hoàn toàn, vì thế mà không có tâm thanh tịnh.

b/ Huyệt bách hội không có liên quan đến Bốn thiền và Tam Minh.

Huyệt bách hội có liên quan với ngũ thông của ngoại đạo.

Con đang nhận lầm ý thức và tâm thức. Khi nào con nhập Bốn thiền thì tâm thức con mới trỗi dậy, còn bây giờ con đang tu tập, toàn là dùng ý thức.

Cho nên, hiện giờ tu tập là tu tập ý thức thanh tịnh, ý thức chánh niệm, ý thức tỉnh giác, ý thức định tỉnh, chứ không phải ức chế ý thức. Chỗ này các con nên lưu ý: Pháp của Phật tu tập xả tâm, chứ không có ức chế tâm. Vì vậy, trong khi tu tập các con hãy coi chừng, tu sai là ức chế tâm đó, ức chế tâm thì tưởng lực xuất hiện. Cho nên, tu tập theo pháp của Phật thì tu tập một cách rất tự nhiên theo từng đặc tướng riêng của mình, không được chịu đựng, gồng mình, gò bó thân tâm bất cứ một sự việc gì đang xảy ra trên thân, thọ, tâm và pháp mà đức Phật gọi là đẩy lui các chướng ngại pháp. Chỉ trừ khi chúng ta tu hạnh nhẫn nhục, lúc ác pháp quá cực mạnh rất khó nhẫn thì Phật mới dạy: đưa lưỡi lên nóc họng và cắn chặt hai hàm răng để kham nhẫn cho bằng được lúc ấy ác pháp đang diễn biến tới tấp.

Những lực xuất hiện nơi thân tâm con hiện giờ chưa đủ 7 lực, thì nên coi chừng là lực của tưởng, mà lực của tưởng là lực của ma ngũ ấm.

Ta biết sử dụng lực ma chứ đừng để lực ma sử dụng ta.

Biết sử dụng lực ma để tạo thành lực Bảy Giác Chi. Vì lực Xả Giác Chi sẽ giúp cho ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nhờ đó tâm ta mới không phóng niệm và phóng dật, nhờ không phóng niệm, phóng dật nên tâm mới được định tỉnh. Tâm được định tỉnh thì Trạch Pháp Giác Chi mới xuất hiện. Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện, nhờ nó mà ta nhập được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nhờ nhập Tứ thiền ta mới đánh thức tâm thức, nhờ tâm thức hoạt động ta mới hướng tâm đến Tam Minh chứng quả A La Hán.

PHÁP THÂN HÀNH NIỆM

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy! Tại sao con phải thực hành, Thân Hành Niệm bằng phương pháp là đi nửa tiếng mà chỉ có 4 vòng hoặc 3 vòng thôi!

Bởi vì thở 5 hơi đi kinh hành 20 bước để có được sự định tỉnh trong mỗi thân hành rất khó. Bởi vì từ cảnh tịnh (thở 5 hơi) bước sang cảnh động (kinh hành 20 bước) để có sự định tỉnh rất khó, nó đòi hỏi hành giả phải tập trung ức chế một cách cao độ trong khi tu tập, vì thế con suy nghĩ phải tìm ra 1phương cách để trị lại vọng tưởng mà không bị ức chế, là khi thực hành mỗi vòng không được có niệm khởi. Và con thực hành mỗi vòng trong 7 phút và con theo dõi rất kỹ lưỡng miên mật trong mỗi vòng thì có kết quả niệm không khởi, nhưng nếu sơ suất, lơ đễnh một chút xíu là có niệm liền như khi nó được thuần rồi (Định Giác Chi xuất hiện). Ôi thôi! Thật là hay!… Đi rất thoải mái, con không phải tác ý, mà là cái tâm của nó tự điều khiển, nó tự tác ý hay lắm! Vui lắm Thầy ơi!

Nhưng bây giờ con chưa đủ nội lực để Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện trọn vẹn, còn rất yếu, vì chưa đủ lực. Con tư duy rằng: tu rất khó, để có được sự định tỉnh trong thân hành, nhất là khi xả thiền con nghĩ rằng: nếu con thiếu sự kỹ lưỡng, kín đáo, dè dặt, cẩn thận thì con sẽ không tu nổi, và phương châm của con mỗi ngày là phải: cẩn thận, dè dặt, kín đáo, kỹ lưỡng trong khi tu tập hoặc đối cảnh tiếp xúc với mọi người để khỏi phải làm khổ mình và khổ người.

Đôi dòng con thành kính gửi đến bậc Thầy tôn kính nhất, con kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh và mau bình phục để chúng con được thưa hỏi trong pháp tu của mình.

 Kính ghi

  Con của Thầy: Nguyên Thanh

10-7-2002.

TB: KÍNH BẠCH THẦY!

Con kính xin Thầy đọc kỹ lại bài viết thực hành của con và chỉ dạy cho con, những sai sót trong bài thực hành.

ĐỂ XÁC ĐỊNH SỰ TU TẬP CỦA CON

Đáp:Sự tu tập của con đã trình bày ở trên là tu tập rất đúng pháp Thân Hành Niệm. Nhưng các con cần lưu ý khi tu tập pháp Thân Hành Niệm thường hay có những trạng thái tưởng xuất hiện, nếu thấy nó xuất hiện thì phải dùng ý thức ngăn và diệt nó.

Và đây là Thầy khuyên chung các con cần phải tu tập pháp Thân Hành Niệm đúng như vậy, vì có tu tập đúng như vậy thì mới thấy được tâm định tỉnh trên thân hành. Tâm có định tỉnh trên “Thân Hành” thì Bảy Giác Chi mới xuất hiện trọn vẹn. Khi có đủ Bảy Giác Chi thì lo gì mà chẳng nhập được Bốn Thiền và Tam Minh; thì có lo gì không làm chủ được sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Nhưng các con nên nhớ! Còn phải chịu nhiều gian nan cực khổ và còn biết bao nhiêu sự thử thách đang chờ đón các con, nếu các con chỉ cần có một niệm thối chuyển thì bao nhiêu công phu tu tập của các con như dã tràng xe cát.

Hỡi các con! Sanh tử là một chiến trận cam go nhất của đời người, nếu không đủ nghị lực, kiên cường, gan dạ, bền chí dũng mãnh, cảm tử... Một là chết, hai là sống, nhưng sống phải chứng quả A La Hán. Đó là một sự quyết tử:

“Chẳng phải một phen xương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”

Như vậy các con mới biết giá trị quả vị A La Hán không có vật gì mà đem sánh được. Nó rất tuyệt vời các con ạ!

Hỡi các con! Hãy tu tập dũng mãnh, gan dạ, bền chí, kiên cường và bất khuất trước bất cứ một cảm thọ nào; trước bất cứ một chướng ngại pháp nào, các con đều phải vượt qua, vượt qua một cách anh dũng, đều phải giành cho được chiến thắng về mình. Chúc các con thành công tốt đẹp.

                                       Kính ghi

                                      Thầy của các con

DỪNG CÁI Ý

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy! Tập dừng cái ý có phải: đó là chánh niệm tỉnh giác không?

Con tư duy rằng: Nếu chánh niệm tỉnh giác không đủ lực thì rất khó có được sự tỉnh giác, đó là cơ bản để bước vào chánh định, như thế có đúng không thưa Thầy?

Kính bạch Thầy: Những điều con thưa hỏi, con kính xin Thầy viết cho con đôi dòng để sự thực hành của con được sung mãn.

Con đã có được sự định tỉnh trong khi tu tập pháp Thân Hành Niệm, dường như Trạch Pháp Giác Chi có xuất hiện nhưng còn rất yếu.

Ví dụ: Cánh tay của con nó đưa lên, là con phải tác ý đến 3 lần, mới thấy nó tự động đưa cánh tay lên, như vậy con mới biết con chưa đủ nội lực hay nội lực con còn yếu.

Kính bạch Thầy! Tập dừng cái ý có phải: đó là chánh niệm tỉnh giác không?

ĐỂ TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI CỦA CON: CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

Đáp:Pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là pháp môn tu tập “dừng cái ý” đúng như con đã tư duy. Muốn dừng ý mà không tỉnh giác trên thân hành thì không bao giờ dừng ý được. Thân hành thì có: thân hành nội và thân hành ngoại. Nếu hành giả tu tập mà cứ trên thân hành tập trung tâm thì sẽ bị ức chế, tâm bị ức chế thì sẽ rơi vào thiền tưởng và tu tập như vậy chẳng bao giờ có ly dục ly ác pháp, có nghĩa là chẳng bao giờ lìa hết tâm tham, sân, si. Vì thế, muốn tỉnh thức trên thân hành thì phải dùng ý thức điều khiển tâm (Như lý tác ý) cho tâm ly dục ly ác pháp lìa hết tham, sân, si. Tâm lìa hết tham, sân, si thì ý thức dừng, tu tập như vậy thì không bị ức chế tâm.

Vấn đề này cần phải lưu ý: Dừng ý thức không có nghĩa là dừng vọng tưởng. Dừng ý thức là phòng hộ sáu căn, do đó ý thức không phóng dật.

ĐỊNH TỈNH

Câu hỏi của Nguyên Thanh

 Hỏi:2/ Con tư duy rằng: Nếu chánh niệm tỉnh giác không đủ lực thì rất khó có được sự tỉnh giác, đó là cơ bản để bước vào chánh định, như thế có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Tâm chánh niệm tỉnh giác là cơ bản để bước vào“định tỉnh”của tâm, chứ không phải là “chánh định”“chánhđịnh”là Bốn Thiền, như đức Phật đã xác định: “Chánh Định là Bốn Thiền”.Muốn vào Bốn Thiền thì phải có Bảy Năng Lực Giác Chi. Có Bảy Giác Chi mới nhập được Bốn Thiền. Hành giả tu tập không có Bảy Năng Lực Giác Chi thì đừng mơ nhập Bốn Thiền và Tam Minh.

Con nên lưu ý những điều sau đây:

1- Có Chánh niệm tỉnh giác thì tâm mới ly dục ly ác pháp.

2- Có tâm ly dục ly ác pháp thì mới có định tỉnh.

3- Có định tỉnh thì tâm mới không phóng niệm, phóng dật.

4- Tâm không phóng niệm, phóng dật thì mới có Bảy Năng Lực Giác Chi.

5- Có Bảy Năng Lực Giác Chi thì mới nhập được Bốn Thiền.

6- Có Bốn Thiền thì mới có Tam Minh.

7- Có Tam Minh thì mới có chấm dứt tái sanh luân hồi.

Kính ghi

   Thầy của con

NGŨ ẤM MA

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính Bạch Thầy Tôn Kính! Con chiến đấu với “ngũ ấm ma” bằng pháp môn Thân Hành Niệm kết hợp rất thiện xảo với Tứ Niệm Xứ sáng, chiều, tối, khuya. Hôm nay con đã chiến thắng được nó với pháp hành Thân Hành Niệm, nó đánh con, bây giờ con đánh lại nó bằng phương pháp “như lý tác ý” khắc phục cho bằng được.

Khi con bắt chân lên ngồi kiết già, con tác ý: “cái đầu không được xoay” 3 lần, nó nằm im lặng, có nhúc nhích, lực rất yếu, con tác ý bằng lời nói luôn, không tác ý bằng tâm, hai con mắt của con mở to ra và cương quyết, quyết chí điều khiển nó cho bằng được.

Con tư duy rằng: con sẽ khắc phục được nó bằng pháp hành, Thân Hành Niệm, con ôm chặt pháp và điều khiển nó. Mới đầu khó khăn lắm, nhưng với sự quyết chí của con, cái lực đó nó giảm dần dần… Trước khi vào thực hành, con quỳ trước tấm ảnh của Đức Phật và của Thầy (trong thất của con, có treo hình Đức Phật và Thầy), con nguyện rằng, con sẽ khắc phục nó cho bằng được, bằng pháp hành: Thân Hành Niệm, phải điều khiển cái thân này cho được, phải làmchủ nó, từ thân cho đến tâm. Những tư tưởng và ý tưởng của mình, con ước nguyện như thế, và lúc đó nước mắt của con tuôn rơi ra... Bởi Đức Phật và Thầy làm được, tu được, làm chủ sanh tử được, thật là vĩ đại và cao thượng quá! Nguyên Thanh con quyết chí chiến đấu đến tận cùng, dù con có chết con cũng sẽ ôm pháp Thân Hành Niệm. Và thế là con vào tu với trái tim đầy nhiệt huyết nóng bỏng, cố gắng nỗ lực khắc phục “ma lực” đó bằng pháp hành “Thân Hành Niệm”.

Hồi con còn đi học, con tâm đắc nhất câu nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí sẽ thành công”.

Và thế là con ôm pháp Thân Hành Niệm với vũ khí sắc bén nhất là “như lý tác ý” để khắc phục nó bằng những câu tác ý sống động và sáng tạo của con. Cái thân của con nằm im, lực yếu dần, cái đầu trọc của con nó bớt xoay. Mỗi lần nó nhè nhẹ xoay hoặc lắc, con nhắc một câu: “thôi đừng có xoay hoặc lắc nữa, nằm im đi!” nó dễ thương lắm, nó nằm yên liền, con mừng và vui quá!

Khi con đi kinh hành, con tác ý “bước” trước khi tác ý “bước” con nhắc liền, “không được đẩy cái thân, đôi chân phải bám chặt nền nhà vững chắc lên” và thế là con bước. Ma lực đó có đẩy nhưng rất yếu, nhè nhẹ thôi.

Con đi Thân Hành Niệm rất thoải mái, và con cảm nhận vui ơi là vui! Vì con đã chiến thắng được nó bằng pháp hành Thân Hành Niệm. Với vũ khí sắc bén “như lý tác ý” và bây giờ đây con không sợ gì hết, tâm con vững mạnh, sau khi vượt qua được chướng ngại, con nhìn thấy trong con trưởngthành lên một chút xíu. Con không sợ một chướng ngại nào hết, bởi vì con có Thầy, có pháp hành của Phật, có những vũ khí sắc bén nhất đó là “như lý tác ý” của Phật của Thầy để lại…, cho nên Nguyên Thanh con, vững tin để tiến lên.

Nếu con khắc phục “ma lực ngũ ấm” bằng pháp môn Tứ Niệm Xứ đẩy lui chướng ngại pháp ra khỏi thân tâm. Con tư duyrằngkhắc phục bằng pháp môn Tứ Niệm Xứ nó dễ… cho nên con khắc phục nó bằng pháp môn: Thân Hành Niệm, vì con tu Thân Hành Niệm nó xuất hiện “ngũ ấm ma” thì bây giờ đây con sẽ sử dụng Thân Hành Niệm để khắc phục cho bằng được, bằng nghị lực, gan dạ, quyết chí của con để đẩy lui chướng ngại pháp ra khỏi thân tâm.

Và con thắc mắc rằng: tại sao lại do ngũ ấm ma tạo ra (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cái lực đó do ngũ ấm tạo thành nó có liên quan gì đến Thất Giác Chi không?

Và tại sao khi tâm thanh tịnh có chánh niệm thì nó mới xuất hiện, còn nếu cái tâm không thanh tịnh nó không xuất hiện???

Còn cái đầu trọc của con nó xoay, tức là huyệt bạch hội hoạt động khai mở, tâm thanh tịnh thì huyệt bách hội nó mới hoạt động.

Con kính xin Thầy cho con thưa hỏi là: Huyệt bách hội nó có liên quan gì đến Bốn Thiền, Tam Minh không?

Và con thắc mắc rằng: tại sao với tâm thanh tịnh thì cái “lực đẩy” đó mới có? Còn với cái tâm không định tỉnh thì ôi thôi, nó không bao giờ xuất hiện???

Có nghĩa là khi tâm con, không phóng tâm, không phóng dật “cái lực đẩy” nó mới xuất hiện, và huyệt bách hội hoạt động (cái thân thì nhẹ nhàng, cái đầu thì rỗng suốt) nhưng vì cái lực đẩy đó, nó mạnh quá cho nên làm chướng ngại trên thân và tâm, vì thế con mới dùng pháp hành “Thân Hành Niệm” để khắc phục nó, khắc phục nó cũng không phải dễ dàng. Với sự quyết chí con cũng làm được, nhắc nó bằng những câu tácý sáng tạo của mình. Thì nó yếu dần thôi và giờ đây thân và tâm của con yên ổn rồi, không còn bị lực đẩy đó làm chướng ngại, lực đẩy yếu dần.

Con kính gửi lên Thầy bài viết nhỏ bé của mình khi con vượt qua được những chướng ngại trên pháp hành của mình. Bằng trái tim đầy nhiệt huyết, cố gắng nhiệt tâm tinh cần, quyết chí và dũng mãnh.

Con thành kính dâng lên Thầy, người đã trao truyền cho con sự dũng mãnh tràn đầy nghị lực, kiên cường, gan dạ, bền lòng vững chí, khi gặp khó khăn lòng không lo sợ, tâm phải luôn định tỉnh, kham nhẫn…

Con thành kính tri ân.

   Kính ghi

    Con của Thầy: Nguyên Thanh

     Ngày 12 tháng 7 năm 2002.

NÊN PHÂN BIỆT BA LỰC

Đáp:Nên phân biệt ba lực trong thân ngũ ấm. Ba lực đó là:

1/ Ý thức lực (sắc ấm).

2/ Tưởng thức lực (tưởng ấm).

3/ Tâm thức lực (thức ấm).

Trong ba lực đối với đạo Phật chỉ được quyền sử dụng ý thức lực, tâm thức lực còn tưởng thức lực thì luôn luôn phải đề cao cảnh giác, để ngăn và diệt trừ nó, không cho nó phát triển, nếu nó phát triển sẽ đưa hành giả vào tà định. Vì lực của tưởng ấm là lực của ma ngũ ấm. Lực của ma ngũ ấm thì lấy dục mà tăng trưởng, tức là lấy lòng ham muốn của con người làm gốc mà phát triển. Vì thế, khi lực này phát triển thì tâm tham, sân, si càng gia tăng, ngã càng to lớn nhưng rất thiện xảo tinh vi lừa đảo trong lối lý luận bưng bít khiến ngay chính hành giả cũng lầm lạc. Lực này rất nguy hiểm trên đường tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp. Vì nó không xả tâm dục và ác pháp mà lại nuôi lớn ngã và lòng tham dục danh lợi to lớn.

Lực của thức ấm là lực của Bảy Giác Chi (lực của tâm).

Lực của tưởng và lực của tâm không có liên quan nhau.

Khi tu tập tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì lực của tưởng thường xuất hiện phá lực của tâm làm cho chúng ta khó phân biệt.

Cho nên, các huyệt trên thân khai mở tức là các huyệt dao động khi dao động thì lực tưởng xuất hiện. Ngoại đạo thường tu tập khai mở những huyệt đạo này để có thần thông. Có thần thông để lường gạt người làm danh, làm lợi trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Những người tu tập có thần thông tưởng không bao giờ giải thoát.

Có chánh niệm, tức là ý thức thanh tịnh chứ không phải tâm thanh tịnh.

Có đủ Bảy Năng Lực Giác Chi thì tâm mới thanh tịnh, nói cách khác tâm thanh tịnh thì mới có Bảy Năng Lực Giác Chi.

Ý thức thanh tịnh thì có chánh niệm, có chánh niệm thì coi chừng có tưởng lực xuất hiện, có tưởng lực xuất hiện là do tâm ly dục ly ác pháp chưa thật sạch.

Khi chưa có Bảy Năng Lực Giác Chi thì không làm gì con nhập được Sơ Thiền. Chưa nhập được Sơ Thiền không làm gì có thân, tâm được thanh tịnh; thân tâm chưa thanh tịnh thì làm sao nhập lưu được quả Tu Đà Hoàn.

Cho nên, hiện giờ đang tu tập thì chỉ có ý thức thanh tịnh chứ không có tâm thanh tịnh.

Cái đầu con quay là huyệt bách hội khai mở, tức là ý thức bị ức chế không vọng tưởng, chứ không phải ý thức thanh tịnh. Vì thế, con nên ngăn và diệt tưởng lực đó để con tu tập Thân Hành Niệm cho tâm thật định tỉnh trên thân hành thì Xả Giác Chi sẽ xuất hiện, Xả Giác Chi xuất hiện thì mới giúp con xả sạch tâm tham, sân, si... tức là trên pháp Thân Hành Niệm ly dục ly ác pháp để vào Bất Động Tâm Định. Bất động Tâm Định là một trạng thái tâm không phóng niệm và không phóng dật, như Đức Phật đã dạy: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Ngoại đạo tu tập dùng mọi pháp môn để ức chế ý thức, khiến cho ý thức không có vọng niệm. Không có vọng niệm ngỡ rằng cách thức tu tập như vậy làm cho ý thức thanh tịnh, nói cách khác là làm cho tâm thanh tịnh, nhưng nào ngờ khi ý thức bị ức chế, không hoạt động được, nhờ ý thức không hoạt động được, do đó tưởng thức hoạt động nên mới khai mở các huyệt đạo. Tu theo kinh sách phát triển thì không có tâm thanh tịnh, mà chỉ có tâm chạy theo dục lạc vật chất thế gian. Con cứ nên suy ngẫm lại xem (lời các học giả kinh sách phát triển) thì lời Thầy nói không sai. Chỉ khi nào ý thức ly dục ly ác pháp thì ý thức mới thanh tịnh.

Cho nên, tất cả các pháp môn Thiền: Thiền Đông Độ, Đại Thừa, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Minh Sát Tuệ, v.v.. đều là pháp môn ức chế tâm, do đó các vị thiền sư này tu sai pháp Phật nên đều nhập định tưởng, do nhập vào định tưởng nên không bao giờ có ý thức thanh tịnh, ý thức còn chưa thanh tịnh thì còn nói gì đến tâm thanh tịnh được. Do đó, các vị tu lâu năm thì danh lợi càng nhiều, nên đời sống các vị giống như những nhà giàu tỷ phú.

 Huyệt bách hội không có liên quan đến Bốn Thiền và Tam Minh. Huyệt bách hội có liên quan với ngũ thông của ngoại đạo, vì nó thuộc về thiền tưởng.

Con đang nhận lầm ý thức thanh tịnh và tâm thức thanh tịnh. Ý thức thanh tịnh chỉ là một sự khởi đầu cho 7 năng lực giải thoát của Phật giáo (Thất Giác Chi) xuất hiện để thực hiện tâm thanh tịnh.

Khi nào con nhập Thiền Thứ Tư thì tâm thức con mới trỗi dậy, còn bây giờ con đang dùng dụng cụ rốt ráo Thân Hành Niệm để tu tập ly dục ly ác pháp, đó là ý thức thanh tịnh.

Hiện giờ con tu tập là để cho ý thức chánh niệm, ý thức tỉnh giác, ý thức định tỉnh, ý thức thanh tịnh, chứ làm gì có tâm thanh tịnh ở chỗ này được.

Hiện giờ con đang dùng ý thức tu tập pháp Thân Hành Niệm để ý thức thanh tịnh, nhưng ý thức của con có xả ly rất nhiều vì thế mà nó có được một ít thanh tịnh, nhờ vậy mà con đã nhận thấy những lực xuất hiện của Bảy Giác Chi nhưng chưa đủ trọn vẹn, thì lúc này con nên coi chừng sẽ có lực tưởng và lực này nó thoát ra khỏi sự điều khiển của ý thức con, nếu con không cảnh giác nó sẽ dẫn con vào thế giới Ma. Khi tu tập thấy có xuất hiện một trạng thái vượt ra ngoài pháp ý thức dẫn tâm của con thì nên cảnh giác và tìm mọi cách ngăn và diệt nó thì sự tu tập của con mới có đi đúng hướng và đúng đường thì sự tiến bộ nhanh chóng, mà Thầy bảo rằng sử dụng lực Ma chuyển thành Bảy Giác Chi là vậy. Nếu theo lực đẩy này thì con bị Ma xỏ mũi. Thầy thường gọi nó là Ngũ Ấm Ma có nghĩa Ma lưu xuất từ thân ngũ uẩn của con.

Lưu ý: Nên Cảnh giác những loại Ma chướng này. Đối với những Ma chướng này. Ta phải biết sử dụng lực Ma, chứ đừng để lực Ma sử dụng ta. Vì ta có pháp “Như Lý Tác Ý”, tức là ta có phương pháp sử dụng lực của ý thức để đối trị lực của tưởng thức và nương vào lực của tưởng thức để dùng nó chiến đấu với ngoại pháp.

Biết sử dụng lực Ma để tạo thành lực Bảy Giác Chi. Vì trong Bảy Giác Chi có lực Xả Giác Chi, Xả Giác Chi sẽ giúp cho ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nhờ ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì ý thức thanh tịnh, ý thức thanh tịnh thì Trạch Pháp Giác Chi mới xuất hiện. Nhờ Trạch Pháp Giác Chi thì mới tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng hoàn toàn, do đó ta mới nhập được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Nhờ nhập được Tứ Thiền ta mới đánh thức tâm thức (thức uẩn). Nhờ tâm thức hoạt động ta mới hướng tâm để thực hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán vô lậu.

NHỮNG KINH NGHIỆM THƯ

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy! Con có cảm nhận rằng: những lá thư Thầy viết cho con, là bằng những kinh nghiệm, tu tập của chính Thầy, bằng những tháng năm khó nhọc nước mắt và máu đã rơi…

Vì thế, khi nhận được những lá thư này, trái tim con, trân quý và sung sướng, hạnh phúc… vì đã được Thầy tin tưởng và trao truyền.

Con xin ước nguyện sẽ nỗ lực nhiệt tâm tu tập theo như Thầy đã chỉ dạy cho con, để đền đáp công lao khó nhọc của Thầy, trái tim của con luôn tri ân trong muôn một.

Tâm hồn và trái tim của con thương kính Thầy nhiều lắm… bởi vì con đường tu hành rất gian nan khó khăn vô cùng, gặp chướng ngại rất nhiều… Vậy mà Thầy, đi qua được, Thầy làm chủ được sanh tử. Ôi! Thầy thật là vĩ đại và cao thượng quá! Và con cũng sẽ noi gương theo hạnh của Thầy, con cũng sẽ quyết chí đi qua cho bằng được, làm chủ bốn nỗi thống khổ này: sanh, lão, bệnh, tử và cuộc đời của con sẽ sống như Phật đã sống, như Thầy đã sống. Và con sẽ nói lên những gì Thầy đã nói, và con sẽ làm những gì Phật đã làm, những gì Thầy đã làm. Con thành kính gửi đến bậc Thầy tôn kính nhất của cuộc đời con.

Con kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh.

Kính thư

Con của Thầy,

Nguyên Thanh.

PHẬT PHÁP KHÔNG CÓ GÌ BÍ ẨN
KÍNH GỬI: NGUYÊN THANH

Đáp: Pháp của Phật không có gì là bí mật, bí truyền cả, mà là những phương pháp chỉ dạy cụ thể rõ ràng sờ sờ trước mắt, nhưng vì bản chất con người cẩu thả, thiếu cẩn thận, thiếu kỹ lưỡng, lười biếng v.v.. rồi tự mình kiến giải, tưởng giải chế ra pháp tu tập mới, theo kiểu tự hiểu biết trong danh từ chữ nghĩa hoặc được thừa truyền những nghĩa lý sai mà không qua kinh nghiệm tu hành thực tu, thực chứng của những bậc đã đạt đạo.

Đạo Phật lấy “THÂN HÀNH”mà tu tập, tu tập cho tâm được tỉnh thức, nhờ tâm tỉnh thức mà thấu suốt được lý nhân quả vô thường, do thấu suốt được lý nhân quả vô thường nên các pháp ác không tác động vào thân tâm được. Do các pháp ác không tác động vào thân tâm được nên tâm định tỉnh, tâm định tỉnh tức là tâm không phóng dật. Khi tâm không phóng dật là tâm giải thoát, tâm giải thoát là tâm có đủ Bảy Giác Chi. Bảy Giác Chi là bảy năng lực giúp chúng ta làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi.

Cho nên, pháp Phật đâu có gì là bí mật mà gọi là: “Giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự”.Pháp của Phật là pháp dạy trực tiếp lìa tâm tham, sân, si, mạn, nghi, cho nên gọi là: “Ngăn ác diệt ác pháp”,chứ có đâu đi tìm những pháp mơ hồ “Chân Không diệu hữu”,cảnh giới ảo tưởng “Tây Phương Cực Lạc”.

Thế mà chúng ta lại tu lòng vòng loanh quanh ức chế tâm, cuối cùng nhìn lại thì chẳng có ai giải thoát chỉ toàn là lý thuyết suông.

Chúng ta nên nhớ pháp của Phật là pháp xả tâm, ly dục, ly ác pháp chứ không phải pháp tập trung tâm để nhập định. Chánh định của Phật muốn nhập được là phải có Bảy Giác Chi. Bảy Giác Chi có được là nhờ ý thức ly dục ly ác pháp, tức là ý thức thanh tịnh.

Có hiểu rõ được như vậy thì sự tu tập của chúng ta không có hoài công, vô ích.

Kính ghi

Thầy của con.

BỊ NGOẠI ĐẠO KHIÊU KHÍCH

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính bạch Thầy! Con là Chơn Đức xin Thầy hoan hỷ chỉ dẫn cho con hiểu những điều dưới đây:

1/ Khi bị ngoại đạo khiêu khích bằng lời nói nhạo báng nói xấu xa hoặc bằng vũ lực, thì chúng con phải giải quyết xử trí như thế nào?

Đáp:Chúng ta nên noi theo gương hạnh của đức Phật ngày xưa, khi đứng trước ác pháp thì phải “Im lặng như Thánh”.

 Trước những lời khiêu khích, cũng như những lời nhạo báng nói xấu, cho đến họ dùng vũ lực để đánh chúng ta, thì chúng ta cứ nhẫn nhịn và chạy tránh là hay nhất.

Đức Phật thường răn nhắc chúng ta:

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Không ôm ấp niệm ấy

Hận thù sẽ tự nguôi”.

Lời dạy này trong kinh Pháp Cú, chúng ta nên áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì lời khen cũng như lời chê, lời khiêu khích, lời nhạo báng, nói xấu xa cho đến dùng vũ lực để đánh, chúng ta đều hóa giải được.

Một hôm, có một vị Bà La Môn đến chửi mắng Phật, Phật vẫn im lặng, người ấy chửi mắng đã, rồi bỏ ra về. Thấy thế ông A Nan hỏi Phật: “Sao Đức Thế Tôn không có lời nào?”

Đức Phật bảo:

“- Như người mang bánh đến cho ta, nhưng ta không nhận thì người ấy làm sao? Họ đem bỏ hay mang về?”

Ông A Nan nói:

“- Bạch Thế Tôn, họ mang về”.

Phật đáp:

“- Cũng vậy họ chửi ta mà ta không chửi lại và không hờn giận họ thì cũng giống như một người mang bánh cho ta mà ta không nhận thì họ phải mang về nhà”.

Cách thức im lặng như Thánh là chúng ta không nhận những lời mắng chửi nhạo báng trên, còn chúng ta mở lời nói trái, phân phải là chúng ta đã nhận những lời mắng chửi nhạo báng đó. Cũng giống như người ta mang bánh cho mình vậy, không nhận thì họ mang về. Lối nhẫn nhục trên đây thật là tuyệt vời, nhưng nếu chúng ta không rèn luyện tu tập đầy đủ sức định tỉnh thì cũng khó im lặng như Thánh.

Xưa, ông Phú Lâu Na xin Phật đi vào một xứ xa để độ họ tu tập thiện pháp, nhưng người dân ở đó rất là hung dữ. Phật hỏi ông:

-       Khi người ta chửi ông.

Ông đáp:

-       Người ta còn thương con.

Ví dụ: Khi người ta chửi con nói con là ngoại đạo thì con nên thương họ, vì họ nói như vậy chính họ là ngoại đạo. Chỉ có ngoại đạo mới tâm hung dữ chửi mắng người như vậy.

Phật hỏi:

-       Khi người ta đánh ông.

Ông Phú Lâu Na đáp:

-       Người ta còn thương con.

Phật hỏi:

-       Khi người ta giết ông.

Ông đáp:

-       Người ta thương con.

Pháp sai chứ người đâu có sai, pháp có pháp ngoại đạo, chứ người đâu có người ngoại đạo, chỉ vì người theo pháp sai mà không biết, cho nên chửi mắng người khác là ngoại đạo làm sai. Vì biết đâu vui kia mất nọ, vui nọ mất kia, người bỏ pháp tà tu lại đúng chánh pháp thì sao gọi họ là ngoại đạo được.

Cho nên, khi người ta mắng chửi mình thì mình chỉ nên im lặng như Thánh và nên thương họ vì họ là người đáng thương.

THANH MINH

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có những điều vu khống sai sự thật, có cần phải thanh minh làm sáng tỏ không?

Đáp:Có lúc cần thanh minh nhưng cũng có lúc không cần thanh minh.

Nếu chung quanh chúng ta toàn là những người ác thì chúng ta không nên thanh minh vì có thanh minh thì cũng không bao giờ có người chịu nghe, càng thanh minh thì càng thêm thù oán, “thanh minh oán hận càng sanh”.Lúc bấy giờ chúng ta cần phải im lặng như Thánh. Tại đất nước Phù Tang, có một nhà sư đến xin ở trong một ngôi chùa làng để tu hành. Sau năm tháng ở đây, có một cô gái mang thai đến khai rằng: “ông là tác giả đứa bé trong bụng cô”.

Nhà sư không buồn, không giận và cũng không minh oan mà chỉ trả lời bằng câu:

- “Thế à!”

Đến khi sanh con ra, cô gái này bế cháu bé giao cho ông. Ông nhận lãnh cháu bé cũng không buồn, không giận và cũng không minh oan và ông cũng dùng câu trả lời ngắn gọn.

- “Thế à!”

Trước sự im lặng nhẫn nại như Thánh cuối cùng cô này đến xin đứa con trở lại, vì xấu hổ, ăn năn, sám hối lỗi lầm của mình. Khi cô gái kia biết lỗi ăn năn sám hối, nhà sư vẫn vui vẻ trao trả lại đứa con cho cô và cũng chỉ trả lời ngắn gọn:

- “Thế à!”

Chúng ta cũng đều học Phật, nên ai không biết lời dạy này: “Oan ức không cần mình oan, minh oan oán hận dễ sanh”.

Trên đây là những gương hạnh im lặng như Thánh mà đức Phật đã từng dạy cho đệ tử của Người. Vậy chúng ta cũng nên noi gương những bậc Thánh Tăng này mà im lặng như Thánh thì tốt nhất.

KHI TU THEO PHẬT GIÁO CÓ CẦN THAM KHẢO THÊM SÁCH KHOA HỌC...

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy, khi tu hành theo Phật giáo, có cần phải kham khảo những sách khoa học, những kỹ thuật, nghe tin tức thời sự thời tiết qua hình thức phát thanh và truyền hình của nhà nước không?

Đáp:Người tu hành để cầu sự giải thoát thì đâu còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách khoa học, kỹ thuật, nghe tin tức thời sự thời tiết qua hình thức báo chí, phát thanh và truyền hình của nhà nước.

Sanh tử là việc lớn, còn nghiên cứu sách khoa học kỹ thuật, nghe tin tức thời sự, chỉ là một việc nhỏ. Sự tìm hiểu đó cũng chỉ để hiểu biết trong vòng thế tục, cũng để hiểu biết trong hạn hẹp của đầu óc con người chứ không thể nào vượt không gian và thời gian để hiểu biết thấu suốt sự vận hành của vũ trụ.

Sự hiểu của khoa học kỹ thuật, tin tức, thời tiết chẳng có gì ích lợi cho sự tu tập của một người muốn ra khỏi vòng tục lụy luân hồi sanh tử. Sự tu tập theo Phật giáo là một sự khám phá tìm hiểu để biết thâm sâu vào tâm linh của con người. Sự tìm hiểu biết ấy thì khoa học kỹ thuật chẳng có thể giúp họ hiểu biết được những gì thêm mà còn chướng ngại cho sự tu tập.

Người tu sĩ Phật giáo mà còn tìm hiểu theo dõi tin tức trong nước cũng như thế giới thì họ làm sao tu đến nơi đến chốn được. Đó là một phương tiện giúp cho tâm phóng dật dễ dàng.

Tu theo Phật giáo chúng ta không còn có thì giờ rảnh để nghiên cứu sách đời, theo dõi tin tức điện đài tivi v.v.. 24 giờ trên 24 giờ lúc nào cũng đang tu tập để quét cho sạch cái tâm nhiễm ô của mình.

Theo dõi tin tức, nghiên cứu sách khoa học để hiểu biết nói ra, khiến cho mọi người phục mình chơi, chứ tu hành có ra gì, chỉ phí công mang tiếng là tu theo Phật giáo.

TRỒNG RAU SẠCH

Câu hỏi của Chơn Đức

 

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong điều kiện tu tập ở nơi không có điều kiện đi khất thực, có được phép trồng rau sạch để tránh khỏi bị ô nhiễm có được không?

Đáp:Câu hỏi được đặt ra là mất Chánh Nghiệp của đạo Phật. Người tu sĩ Phật giáo chỉ còn duy nhất có một Chánh Nghiệp. Đó là nghề đi ăn xin. Vì có ăn xin mới tu tập diệt ngã, xả tâm ly dục ly ác pháp được, còn làm tất cả các nghề khác để sống là đi ngược lại với đạo Phật. Đi ngược lại với Phật giáo thì sự tu hành để cầu giải thoát chẳng bao giờ có giải thoát và còn làm mất thì giờ vô ích, uổng phí một đời tu hành chẳng ra gì.

Trồng lúa, rau, cải để ăn như các nông dân thì nên làm nông dân, chứ đi tu có tu đến đâu? Có giải thoát được chỗ nào?

Người tu sĩ đạo Phật phải là người du Tăng khất sĩ. Xưa đức Phật nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, không có ở một chỗ nhất định. Ở đây thất mùa đói khát thì đức Phật đi đến xứ khác, nơi đó được mùa, dễ xin ăn, chứ đâu như tu sĩ hiện giờ ở chết một chỗ.

Cái sai của trụ thế Tăng, là vì cuộc sống tạo ra bao thứ nghề sống.

Hiện giờ khắp nơi trên đất nước chúng ta, có chùa thì làm ruộng rẫy, nuôi lợn, gà, vịt, dê, bò để sinh sống như nông dân; có chùa chuyên cúng bái, tế lễ làm những chuyện mê tín để kiếm sống; có chùa lại buôn bán nhang đèn, kinh sách, tương chao v.v.. để sinh sống; có chùa chuyên đi thuyết giảng để sinh sống; có chùa làm những nghề thủ công đan, thêu, may mặc hoặc làm tương chao đem bán để sinh sống v.v..

Tất cả những việc làm này trong các chùa đều không đúng Chánh Nghiệp của Phật giáo, mọi nghề nghiệp làm để sinh sống đức Phật đã cấm không cho, chỉ còn duy nhất là ôm bát đi xin ăn từng nhà.

Nếu chỗ này không có điều kiện đi xin ăn được, thì hãy đến chỗ khác, chỗ nào tiện lợi cho việc tu hành dù cực khổ đói khát ta cũng chấp nhận ở đó tu tập.

Tu sĩ mà làm mọi nghề để sống thì không đúng là tu sĩ Phật giáo. Cho đến cái nghề đi xin, mà xin tiền thì cũng không đúng, chỉ có được quyền đi xin thực phẩm vào lúc buổi trưa từ 10 giờ đến 12 giờ.

TU SĨ GẶT LÚA GIÚP DÂN

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trường hợp của Thầy Chân Trí lao động gặt lúa giúp dân có đúng không?

Đáp:Thầy Chân Trí gặt lúa giúp dân, chỉ vì Thầy là người sống rảnh rỗi, không có pháp hành tu tập, nên ra làm công quả giúp cho dân. Làm như vậy cũng tốt nhưng cuộc đời tu của Thầy rất uổng phí. Một người chấp nhận tu hành theo đạo Phật là phải tu rốt ráo làm chủ cho được sanh tử mới thôi còn thì giờ rảnh rỗi đâu mà gặt lúa giúp dân.

Tu như Thầy Chân Trí mang tiếng đi tu, chứ thực chất tu chẳng đến đâu cả.

Người tu sĩ Phật giáo tu đến nỗi quên ăn, quên ngủ, tu đến nỗi tóc tai, râu ria móng tay, móng chân quên cắt tỉa.

Tu chỉ biết tu không còn biết tất cả những gì bên ngoài xảy ra, thì sự tu hành mới có kết quả, nếu không tu được như vậy thì nên ra đời, sống đời cư sĩ thì làm mọi nghề đều được cả, chỉ trừ sáu nghề Phật đã cấm, còn riêng tu sĩ thì không nên làm nghề nghiệp nào khác, chỉ có nghề duy nhất đi xin ăn và tu tập ngày đêm không rảnh rỗi.

Gặt lúa giúp dân là tốt, nhưng với người tu sĩ làm như vậy là sai. Người tu sĩ làm như vậy là phi Phạm hạnh, là phạm giới luật, là không xứng đáng làm đệ tử của Phật. Một đời đi tu là tìm cầu sự giải thoát, cớ sao lại đi gặt lúa làm nông dân thì còn nghĩa lý gì giải thoát. Làm như vậy không xứng đáng là tu sĩ Phật giáo.

CỨU TRỢ

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi gặp thiên tai bão lụt có nên tham gia không?

Đáp:Người tu sĩ là một người chấp nhận nghèo để xin ăn hằng ngày thì lấy đâu mà cứu độ thiên tai bão lụt cho đồng bào.

Khi tham gia vào công tác từ thiện này thì phải có tiền của, không có tiền của mà tham gia thì kêu gọi Phật tử, nhưng Phật tử là những người công dân trong một nước nên được nhà nước kêu gọi đóng góp để cứu trợ, thế mà ta lại kêu gọi họ đóng góp cứu trợ một lần nữa thì thật là đáng thương cho họ, họ phải đóng góp nhiều đoàn thể, như vậy chẳng khác nào chúng ta đã rút mồ hôi nước mắt của họ để làm từ thiện. Nếu chúng ta là người tu sĩ Phật giáo mà không khởi chút lòng thương họ, chỉ biết chuộng danh từ làm từ thiện thì chắc là chúng ta sẽ làm khổ người khác.

Việc làm từ thiện này là của người cư sĩ, họ là những người làm ra của, còn chúng ta là tu sĩ còn có gì cho ai. Vả lại những người đang bị cảnh thiên tai không phải là ngẩu nhiên mà do nhân quả của họ. Do làm ác mà phải gặt lấy những hậu quả này. Đứng trước cảnh ấy chúng ta không nỡ nhẫn tâm nhìn họ trong cảnh màn trời chiếu đất. Vì thế, chúng ta kêu gọi người một ít giúp họ vượt khó.

Ở đây, tùy theo mức độ và tinh thần cứu trợ của Phật tử Lá lành đùm lá rách”thì cứu trợ rất tốt, không có vi phạm gì cả.

ĐƯỢC PHÉP BÁN SẢN PHẨM THỪA KHÔNG?

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Những trường hợp nào được mua bán vật phẩm cụ thể như có sản phẩm thừa có được phép bán không?

Đáp:Một người tu sĩ làm sao có sản phẩm thừa hay sản xuất ra sản phẩm mà bán? Theo lời dạy của đức Phật: Chỉ trong một bữa ăn còn thừa ra ngoài thì nên bố thí không được để dành thực phẩm ăn uống cách đêm, vì để dành thực phẩm ăn uống cách đêm sẽ bị phạm giới tức là phạm tội Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề.

Người tu sĩ theo Phật giáo không được phép làm bất cứ một nghề nghiệp khác, ngoài nghề đi khất thực ra. Nghề đi khất thực về ăn ngày đó còn không được để lại thực phẩm qua đêm, vì để lại thực phẩm qua đêm thì không xứng đáng là đệ tử của Phật.

Ăn ngày đó chỉ biết ngày đó, không được phép để dành ngày khác, dẫu cho hạt muối còn không giữ lại được huống là những vật gì.

Câu hỏi của con là để hỏi cho những người mượn Phật giáo làm cuộc sống, lấy Phật giáo kinh doanh cho cuộc sống, giống như các thầy của một số hệ phái Phật giáo ngày nay,chứ người đệ tử của Phật là những người đã giải thoát khỏi tiền bạc, danh lợi và những vật chất thì có sản phẩm nào mà buôn bán. Đời sống chỉ còn ba y một bát, không có thừa một vật gì thì lấy đâu mà buôn bán.

Một người đã chấp nhận theo Phật giáo tu hành thì không được quyền cất giữ tiền bạc. Tiền bạc mà không được quyền cất giữ thì có vật gì thừa đâu mà bán?

Ăn xin còn không có đủ ăn, có đâu thừa mà bán.

Chấp nhận sự giải thoát trong đạo Phật là chấp nhận một cuộc sống thiểu dục tri túc tận cùng.

Cho nên, làm tu sĩ Đại Thừa thì dễ, chứ làm tu sĩ của Phật thì rất khó. Rất nghèo nhưng không khổ con ạ!. Tâm hồn luôn được thanh thản, an lạc và vô sự không bị mọi vật chất tiền bạc, danh lợi ràng buộc. Người nào có sống như vậy mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của đạo Phật.

Còn làm ra vật phẩm để buôn bán, để có tiền chi tiêu, để sống như một người sống thường tình cũng như bao nhiêu người khác trong thế gian này, thì chúng ta khó mà tìm thấy sự giải thoát của Phật giáo.

TRỒNG RAU LÚA SẠCH TRÁNH THUỐC SÂU RẦY

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trồng rau lúa để tránh khỏi bị ô nhiễm thuốc sâu rầy có được không?

Đáp:Đã sợ chết thì đừng nên đi tu, vì đi tu là chấp nhận sự xin ăn, mà đã đi xin ăn thì người ta cho cái gì về ăn cái nấy, để sống mà tu chứ không cho phép phải lựa chọn rau lúa không bị ô nhiễm bởi thuốc sâu rầy.

Ăn để sống, sống để tu hành chứ không phải lo những điều không thể lo được. Vì cả một đất nước nông dân sản xuất rau, cải, lúa, đậu v.v.. đều phải phòng ngừa sâu rầy bằng cách phun thuốc, và chăm bón phân hóa học thì còn tránh đâu cho khỏi. Đất đai của chúng ta đã bạc màu nếu không dùng phân hóa học thì rau, đậu lúa, khoai làm sao lên được.

Mọi người sống như thế nào thì ta nên sống như thế ấy. Mục đích tu hành là để thoát ra khỏi kiếp làm người mang đầy dẫy những sự khổ đau. Mục đích tu hành là để chấm dứt luân hồi sanh tử, để không còn tái sanh lại trong thế giới này nữa. Vì vậy, mà chúng ta phải tu hành là để cho tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải sợ hãi lo lắng như con hiện giờ là không đúng chánh pháp của Phật.

LỄ NGHI ĐỐI VỚI NGOẠI ĐẠO

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo như lời dạy của Thầy đạo Phật ngày nay đã bị tà sư ngoại đạo làm biến dạng: cụ thể là kinh sách phát triển. Vậy chúng con khi gặp gỡ và tiếp xúc thì phần lễ nghi phải như thế nào cho đúng oai nghi tế hạnh đối với các tu sĩ ngoại đạo này?

Đáp:Khi các con gặp các nhà sư của các hệ phái Phật giáo phát triển thì các con nên chắp tay lên trước ngực, cúi đầu chào họ chứ không được niệm: Mô Phậtnhư họ.

Về lễ độ lịch sự của người tu sĩ Phật giáo chân chánh luôn luôn phải có thái độ kính trọng người khác dù người đó là một hạng người nào trong xã hội, chúng ta cũng đều phải cung kính, tôn trọng như nhau không phân biệt giàu sang, quyền thế. Tu sĩ hay không tu sĩ, người ân cũng như người oán thù đều phải giữ lễ độ lúc gặp nhau phải chào hỏi chân tình, chứ không phải chào hỏi lấy lệ.

Người thế tục khi chào hỏi theo kiểu phương Tây đều đưa tay bắt và nói, chào anh, chào chị, chào cô, chào chú, chào bác, chào Thầy, chào em, chào các cháu v.v..

Người Đông phương theo tục lệ lễ nghĩa Nho Giáo thì khoanh tay trước ngực cúi đầu và nói: con kính chào bác ạ! Con kính chào Thầy ạ! Con kính chào mẹ! Con kính chào bố!...

Còn người lớn chào người nhỏ thì không có khoanh tay mà chỉ cúi đầu và nói, bố chào con! Mẹ chào con! Ông chào cháu! Anh chào em!...

Về Phật giáo thì có vẻ bình đẳng hơn nhiều khi chào hỏi. Người lớn tuổi cũng như người nhỏ tuổi chỉ chắp tay để trước ngực chào.

Theo Đại Thừa, khi chào như vậy thì nói: “A Di Đà Phật” hay Mô Phật”.

Đối với chúng ta là người Việt Nam nên dung thông tinh thần lễ độ của Phật giáo cho phù hợp với dân tộc tính, bằng cách chắp tay lên trước ngực có lễ độ, biểu tượng cung kính của Phật giáo tượng trưng hai bàn tay chắp lại là bông sen búp, tức là tỏ lòng trong sạch cung kính, tôn trọng chào người đối diện, khi chắp tay lên xong chúng ta cúi đầu chào và nói: Con kính chào bác! Con kính chào bố! Con kính chào mẹ! Em kính chào chị! Em kính chào anh! v.v.. đó là người nhỏ chào người lớn, ngược lại người lớn chào người nhỏ thì cũng chắp tay lên ngực cúi đầu chào và nói: Bác chào cháu! Bố chào con! Mẹ chào con! v.v..

Nếu là bạn bè thì nói; chào bạn! v.v.. đó là phần chào hỏi của người cư sĩ.

Còn phần chào hỏi của người tu sĩ, thì như thế nào? Một người đã xuất gia trở thành một tu sĩ khi về thăm nhà cách lễ độ xưng hô chào hỏi những người thân trong gia đình phải rõ ràng, để tránh khỏi người ta chê cười.

Khi xuất gia trở về thăm người thân trong gia đình phải chào hỏi như thế nào cho đúng cách?

Người xuất gia về thăm cha mẹ, khi gặp cha hay mẹ liền chắp tay lên trước ngực cúi đầu chào nói: Minh Quang xin chào bố! Hạnh Tâm xin chào mẹ!, tức là xưng pháp danh. Minh Quang hay Hạnh Tâm là pháp danh hay là pháp hiệu.

Người tu sĩ khi gặp nhau cách xưng hô nên dùng pháp danh hay pháp hiệu, chứ không được dùng tiếng xưng hô con, trò cháu, thầy, sư, bác, chú, anh, chị, cô, dì, v.v.. Vì đó là những tiếng xưng hô của những người chưa xuất gia, còn người xuất gia thì chỉ duy nhất dùng pháp danh và pháp hiệu để xưng hô như trên.

Lấy pháp danh xưng hô nghe ngọt ngào và thân thiện đúng tư cách của một tu sĩ Phật giáo.

Bây giờ chúng ta đi sâu vào cách lễ nghi chào hỏi cho đúng cách.

Đối với những người thân trong gia đình, khi gặp nhau chào hỏi bằng cách nào cho đúng?

1.        Nếu xưng “con”thì giống như người thế tục.

2.        Nếu xưng “thầy, sư” thì có vẻ như người trên.

3.        Nếu xưng “bác, chú”, thì có vẻ như thế tục.

4.        Nếu xưng “trò” thì có vẻ là học trò Nho giáo, không đúng cách của người xuất gia Phật giáo.

Đối với người lớn tuổi trong gia đình như cha mẹ, cô, bác, dì, cậu, anh, chị thì nên xưng pháp danh.

Ví dụ: Khi về thăm nhà gặp cha hay mẹ thì nên chắp tay trước ngực cúi đầu chào và nói: Minh Quang xin chào bố.

Hạnh Tâm xin chào mẹ.

Minh Quang xin chào bác, cô, dì v.v..

Đối với các em, các cháu còn nhỏ tuổi, còn trẻ thì nên xưng thầy, sư.

Thầy chào các cháu hay Sư chào các cháu.

Đối với Phật tử thì xưng thầy, sư.

Đối với những người xa lạ không phải là Phật tử người lớn tuổi cũng như người nhỏ tuổi đều xưng là: bần Tăng.

Ví dụ: Khi gặp một người phật tử, dù tuổi già hay tuổi nhỏ, ta cũng đều chắp tay trước ngực người lớn tuổi thì cúi đầu chào và nói: “Chào phật tử!”.Người nhỏ tuổi thì chỉ chắp tay mà không cúi đầu và nói “Chào phật tử!”.

Khi gặp một người không phải là Phật tử ta cũng chắp tay trước ngực, nếu là người lớn tuổi thì cúi đầu chào và nói: chào bác, chào chú, chào cô. Người nhỏ tuổi thì chắp tay nhưng không cúi đầu và nói: chào anh, chào chị v.v..

Đối với người khác tôn giáo thì ta cũng chắp tay chào người lớn tuổi thì cúi đầu chào còn người nhỏ tuổi thì không cúi đầu nhưng vẫn phải chắp tay trước ngực và nói: “Chào đạo hữu”.

CHÀO HỎI BẠN BÈ CÙNG CHUNG NHAU MỘT THẦY

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các tu sĩ đã học ở Chơn Như từ trước đến nay. Vậy có phân cấp quan hệ huynh đệ trước sau không? Khi gặp gỡ xưng hô như thế nào cho đúng?

Đáp:Các huynh đệ tu học ở Chơn Như chỉ có hai giai cấp:

Về cư sĩ:

1.    Tu chứng được gọi là Trưởng Lão, ví dụ Trưởng Lão Thiện Quang, dù tuổi còn trẻ nhưng cũng vẫn gọi là Trưởng Lão.

2.    Tu chưa chứng được gọi là cư sĩ Thiện Quang.

Về tu sĩ:

1-     Tu chứng được gọi là Trưởng Lão.

Ví dụ: Trưởng Lão Tịch Quang (dù vị tu sĩ còn trẻ nhưng vẫn gọi là Trưởng Lão).

2-     Tu chưa chứng được gọi là Thầy.

Ví dụ: Thầy Tịnh Quang.

Ở tu viện Chơn Như không có phân giai cấp, người đến trước, đến sau mà căn cứ ở chỗ giữ gìn giới luật nghiêm túc và tu chứng.

Về phần người tu chứng thì người nào lớn tuổi hơn, thì theo tuổi tác mà phân làm anh em trong một nhà, chứ không phải tu chứng trước là anh mà tu chứng sau là em.

Về phần người tu chưa chứng thì người nào tuổi lớn hơn là anh chứ không phải người đến trước là anh, người đến sau là em.

Ở tu viện Chơn Như lấy tuổi tác và công đức tu hành mà phân làm anh em. Nhất là người tu chứng thì mới có đủ khả năng chỉ dạy cho người tu chưa chứng. Dù họ tuổi nhỏ nhưng về kinh nghiệm thì họ là bậc đàn anh, bậc hướng dẫn tu tập: cho nên họ được gọi Trưởng Lão.

Đối với người tu chứng nên gọi một cách tôn kính và thân mật: “Thưa Thánh Giả Trưởng Lão Tịnh Quang”.

Đối với người tu chưa chứng nhưng giữ gìn giới luật nghiêm túc thì nên gọi một cách tôn kính và thân mật bằng “Thưa Hiền Giả Tịnh Quang”.

Đối với người tu chưa chứng mà giới luật không nghiêm chỉnh thì gọi “Thầy Tịnh Quang”.

Còn về phần tự xưng thì người tu chứng hay chưa chứng đều không được xưng hay gọi “tôi, trò, ta, tao, mày, nó, hắn, y…”mà nên tự xưng pháp danh “Tịnh Quang xin hỏi điều này” hay “Tịnh Quang xin chào”.

Muốn nói một điều gì thì không được xưng “tôi”mà nên nói “chúng tôi”

Còn muốn nói cá nhân mình thì xưng pháp danh Ví dụ: “Nguyên Thanh”xin thưa hỏi. “Nguyên Thanh”có những câu hỏi xin Thầy chỉ dạy cho “Nguyên Thanh”rõ.

KHI VÀO CHÙA NÊN LỄ VỊ PHẬT NÀO?

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong trường hợp đi khất thực hoặc lý do nào đó mà phải vào chùa thưa hỏi thì nghi lễ như thế nào? Nếu phải lễ Phật thì lễ những bàn nào?

Đáp:Trường hợp có dịp đi tham quan ghé thăm một chùa nào. Khi vào chùa thì xin gặp thầy trụ trì, khi gặp thầy trụ trì thì chấp tay chào. Nếu người lớn tuổi thì gọi: Kính chào Thượng Tọa! Nếu người nhỏ tuổi thì gọi: Kính chào Đại Đức. Khi chào hỏi xong thì xin vị trụ trì cho lễ Phật thì nên đến trước tượng Phật Thích Ca lễ lạy hoặc xá một xá rồi lui ra nhà khách nói chuyện, chứ không được lạy lễ các bàn thờ Phật khác. Con nên nhớ: chỉ có lễ đức Phật Thích Ca mà thôi, còn tất cả các tượng Phật khác, đều là tượng của các vị thần Bà La Môn. Chúng ta là tu sĩ Phật giáo không nên lễ lạy những vị thần đó.

Con hãy nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xác định: “Trên trời dưới trời, ta là người duy nhất”.

Trên cuộc đời này chỉ có con người là duy nhất, tự cứu mình ra khỏi mọi sự đau khổ này, chứ không có ai cứu chúng ta bằng chúng ta. Còn các vị thần ấy không cứu chúng ta được và cũng không giúp gì cho chúng ta được. Chúng ta phải tự lực nên không cầu tha lực, không cầu tha lực thì không lạy lễ những vị thần đó.

Chúng ta lạy lễ Đức Phật Thích Ca là vì chúng ta nhớ công ơn của Người đã để lại cho chúng ta một nền đạo đức nhân bản - nhân quả tuyệt vời và một giáo pháp tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà không có một tôn giáo nào có được. Công ơn ấy rất lớn, nên đến chùa lạy đức Phật Thích Ca mà thôi, một đức Phật duy nhất trên đời này.

XƯNG HÔ VỚI PHẬT TỬ

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính bạch Thầy! Đối với các cư sĩ Phật tử quan hệ xưng hô như thế nào cho đúng?

Đáp:Đối với những người cư sĩ Phật tử khi đến gặp chúng ta, nếu biết pháp danh thì gọi họ bằng pháp danh, còn nếu không biết pháp danh thì ta nên gọi họ bằng Phật tử.

Biết pháp danh của họ là Minh Đạo thì gọi họ Minh Đạo.

Ví dụ: “Minh Đạo”đến Thầy có điều gì không?

Còn không biết pháp danh thì gọi họ là Phật tử.

Ví dụ: “Phật tử”đến Thầy có việc gì không?

Đối với Phật tử thì nên xưng với họ là Thầy, dù chúng ta mới xuất gia cũng nên xưng với họ là Thầy.

Ví dụ: Phật tử giúp Thầy một tay.

Ví dụ: Thầy làm lễ quy y cho các cháu.

NHẬN SỰ CÚNG DƯỜNG PHẢI ƯỚC NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO?

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Gặp trường hợp các phật tử cúng dường nên nhận thứ gì và không nên nhận thứ gì? Đáp lễ ra sao?

Đáp:Khi Phật tử cúng dường tiền bạc thì không nên nhận chỉ có nhận những thực phẩm, nếu người Phật tử kỳ kèo cho mình nhận tiền thì nhận tiền nhưng phải nói lý do nhận tiền làm việc gì để sau này tránh khỏi sự tai tiếng không tốt.

Khi nhận của cúng dường thì đáp lễ là phải chắp tay lên trước ngực và ước nguyện cho Phật tử được tu hành như mình và được giải thoát như mình.

Nếu không tự soạn ra lời ước nguyện thì nên theo lời ước nguyện mà Thầy đã biên soạn trong tập nghi thức tụng niệm tại tu viện Chơn Như.

Tốt nhất, tự tâm mình nghĩ ra như thế nào rồi ước nguyện thư thế nấy, đừng vay mượn lời người khác mà thành ra thiếu chân thật, giống như con chim học nói.

XƯNG HÔ VỚI NHỮNG BẬC CAO NIÊN

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đối với những bậc cao niên dân dã thì tiếp đón xưng hô như thế nào cho đúng?

Đáp:Đối các bậc cao niên thì nên gọi bằng “cụ”nếu họ không phải là Phật tử, còn nếu họ là phật tử thì gọi là “cư sĩ”.

Xưng hô mình là Thầy.

Ví dụ: Thưa cụ, cụ đến thăm Thầy có việc gì?

Ví dụ: Hôm nay có duyên sự gì mà cư sĩ đến thăm chùa sớm quá vậy. Đó là những cách xưng hô, Thầy chỉ tóm lược để các bạn xưng hô cho đúng cách. Nếu xưng hô không đúng cách, người hiểu biết sẽ cười các bạn đấy, cho các bạn là những người kém văn hóa, đi tu mà không biết cách xưng giao tiếp với nhau thì rất là xấu hổ. Phải không các bạn?

Vấn đề xưng hô rất là quan trọng xin các bạn nên lưu ý học tập về những oai nghi tế hạnh này. Tuy nó không có gì lớn lao, nhưng con người lịch sự mà không biết cách xưng hô thì không còn lịch sự. Phải không các bạn?

CÁCH VẬN Y THƯỢNG

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy, cách vận y phục: trong những trường hợp nào khoác y thượng? Nghi thức nào mới vận y thượng? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ?

Đáp:Vận y thượng này vào những ngày làm lễ truyền cho Tam Quy, Ngũ giới cho Phật tử. Truyền cụ túc giới cho Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni. Khi ra khỏi thất đi khất thực. Khi tu tập ngồi thiền v.v..

Còn tất cả các ngày lễ khác, tiếp khách tụng niệm thì nên mặc chiếc áo tràng bình thường.

Khi mặc y thượng vào là tướng phước điền cho mọi người gieo duyên để đời sau họ có duyên gặp được Chánh pháp của Phật.

Đắp y thượng vào là hình ảnh của đức Phật nên khi đi, khi đứng, lúc ngồi hay nằm đều phải giữ gìn cẩn thận, nhẹ nhàng, khoan thai. Có như vậy mới không phỉ báng Phật pháp; không làm hư hoại tôn chỉ Phật giáo. Nếu các bạn không tu thì thôi: đừng làm hư hoại Phật giáo rất đau lòng.

CÁCH XƯNG HÔ VỚI NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa thầy! Quan hệ của người tu sĩ trong gia đình họ hàng về cách xưng hô như thế nào đúng?

Đáp:Quan hệ trong gia đình họ hàng cách xưng hô theo bình thường như thế nào thì xưng hô như thế nấy, không nên thay đổi, phải đúng theo phong tục nơi mình đang cư trú. Đối với tất cả cô, bác, chú, dì, cậu, mợ, anh chị em đều gọi đúng giai thứ của họ, nhưng riêng mình phải xưng hô với mọi người thì nên xưng là thầy.

Ví dụ: Thầy muốn nói với cháu Tâm điều này hoặc Thầy kể lại câu chuyện nhẫn nhục của đức Thế Tôn cho mẹ nghe hoặc mẹ hãy mua bố thí cho Thầy một ít giấy để viết.

Trên đây là những ví dụ xin quý bạn hãy đón đọc tập sách Văn Hóa Truyền Thống tập VI về oai nghi tế hạnh của người cư sĩ và tu sĩ Phật giáo, chỉ dạy rõ ràng mọi oai nghi tế hạnh của một con người sống có đạo đức nhân bản.

KHÔNG NÊN ĐẾN

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong những trường hợp hội làng tế thần ở đình làng nếu được mời thì có nên ra không?

Đáp:Không nên đến, vì nơi đó không phải chỗ cho người tu sĩ Phật giáo đến, thường cúng Thần kỳ an là họ giết chúng sanh để tế thần. Nên tìm cách từ chối tránh xa quỷ thần, nơi có tục lệ hủ lậu mê tín, lạc hậu, không đúng chỗ cho người tu sĩ Phật giáo đến dự. Người tu sĩ Phật giáo không tin một cách mù quáng, tin những gì bằng mắt thấy, tai nghe, ý thức phân biệt, hiểu biết rõ ràng, không có ảo tưởng xen vào, nhất là thế giới siêu hình thần, thánh, quỷ, ma thì lại còn không tin. Không tham dự vào những nơi tế lễ giết hại chúng sanh một cách ác độc dã man.

Cho nên, người tu sĩ Phật giáo không mê tín, không tin quỷ thần, biết rất rõ ràng không có thế giới siêu hình, vì thế giới siêu hình thật sự không có, cho nên không dự lễ cúng Thần, vì dự lễ cúng Thần là đồng lõa chấp nhận mê tín, đồng lõa chấp nhận giết hại chúng sanh. Đó là một điều phi đạo đức, phi nhân bản. Người tu sĩ Phật giáo cần nên tránh và còn phải tránh xa những nơi sát hại sanh linh như vậy. Đó là những nơi mà con người chân chánh không nên đến.

KHÔNG VÁI BÀN THỜ THÁNH

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trường hợp bất đắc dĩ phải ra thì phải xử trí như thế nào? Có vào vái bàn thờ Thánh không?

Đáp:Là một tu sĩ Phật giáo phải có trí tuệ là phải tìm mọi cách từ chối, nếu bất đắc dĩ từ chối không được thì đến cho có mặt, mọi người đến vái Thần linh, còn con thì nên tìm cách thối thoát, bằng thối thoát không được thì không được thắp hương vái Thần mà chỉ có mặt đứng nghiêm chỉnh thẳng người, mắt nhìn xuống chân một cách nghiêm trang, khi mọi người cúi và xá Thần xong lui ra thì mình cũng lui ra.

Thần là là một sự tưởng tượng của con người, chứ đâu có thật, nó là một ảo tưởng. Vậy mà lạy lễ xì sụp không trí tuệ thật đáng thương.

Nếu một vị Thần là một danh tướng đem lại sự bình an cho dân cho nước thì mọi người nhớ ơn, đến ngày Tết ngày kỵ thì đến nơi thờ phượng Người để tưởng nhớ công lao vì dân vì nước, thắp nén hương tâm đứng trước bàn thờ chắp tay tưởng niệm công ơn của Người và nghe đọc lại những trang sử oai hùng của vị anh hùng đất nước, để con cháu đời đời mãi mãi không quên.

TỤNG NIỆM MA CHAY

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Theo như phong tục ngoài đời, người chết họ thường hay mờinhà sư đi theo đám ma để độ, vậy trường hợp này đối với chúng con phải xử lý ra sao?

Đáp:Nếu các con ở thất một mình tu tập thì không nên làm những việc mê tín này, việc làm này gây mất uy tín cho một người chân tu, nhất là hình thức này tạo ra những sự mê tín khiến cho Phật giáo thành một tôn giáo mê tín. Và từ đó Phật giáo suy đồi. Phải hiểu tự cứu mình chưa xong còn mong cứu ai nữa?

Hình thức tụng niệm ma chay là hình thức của đạo Bà La Môn, chứ đạo Phật không chấp nhận. Đạo Phật cho đó là Tưởng tri chứ không phải Liễu tri. Đó cũng là một cách thức lừa đảo người khác.

Hiện giờ con lãnh làm trụ trì một ngôi chùa ở miền Bắc thì việc làm này con không thể tránh khỏi.

Con thực hiện cho dân làng vui lòng nhưng con phải có cách thức giáo dục họ. Chỉ cho họ biết việc làm như vậy là nhảm nhí không có ích lợi thiết thực, còn gây cho Phật giáo mất uy tín, biến Phật giáo thành tôn giáo mê tín. Con có biết không?

CÁCH XƯNG HÔ TIẾP XÚC VỚI NHÀ CHỨC TRÁCH

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa thầy! Khi gặp các nhà chức trách (chánh quyền) thì cách xưng hô tiếp xúc thế nào cho phù hợp?

Đáp: Đối với chánh quyền họ xem quý Thầy như một người công dân bình thường. Vì thế khi tiếp xúc với nhà chức trách, chúng ta nên chào hỏi họ bằng cách như người đời, nghĩa là chào hỏi họ bằng cách bắt tay và ngồi ngang nhau nói chuyện. Gọi anh, gọi chị và xưng hô là tôi, là bác, là chú là anh v.v..

GIỚI LUẬT PHẬT KHÔNG NÊN BỎ

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Về giới luật hiện nay có điều gì bổ sung hoặc có điều gì cũ cần bỏ đi không?

Đáp:Hiện giờ giới luật Phật chưa có những bậc tu chứng quả A La Hán biên soạn lại, thì không được bỏ và cũng không được thêm bớt.

Lúc này nên xem giới luật Phật là Phạm hạnh của người tu sĩ, đầy đủ không cần thêm mà cũng không bớt.

 Bởi mỗi giới đều mang theo một đức hạnh thực tế và cụ thể, giúp cho đời sống tu sĩ có đầy đủ oai nghi tế hạnh, xứng đáng là một vị Thánh Tăng.

CÁC LOẠI KINH SÁCH SỬ DỤNG SAO CHO ĐÚNG?

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các kinh sách phát triển hiện nay nên được sử dụng như thế nào? Có nên hủy hoàn toàn không?

Đáp:Kinh sách phát triển là kinh sách của ngoại đạo, bắt đầu của Bà La Môn bên Ấn Độ và khi truyền sang qua Trung Hoa thì chịu ảnh hưởng của Lão giáo nên sản sanh ra một loại thiền định theo kiểu Trung Hoa nên gọi là Thiền Đông Độ.

 Chúng ta không cần hủy kinh sách đó, mà để lại làm tài liệu lịch sử để biết rõ các Tổ sư tu hành theo Phật chưa đắc quả A La Hán mà vội đi truyền đạo đã bị đồng hóa với các tôn giáo khác hoặc để biết mưu đồ của các tôn giáo khác diệt Phật giáo.

Những loại kinh sách này gieo vào tư tưởng của mọi người gây mê tín lạc hậu, làm hao tốn tiền của mọi người rất nhiều.

Cho nên, trong gia đình có kinh này thì nên đem đốt sạch để sau này gây ảnh hưởng mê tín mù quáng tai hại cho con cháu, cho người đời sau sống phi đạo đức, sống tiêu cực, yếm thế, bi quan, mất sức tự lực, mất chánh tri kiến, chỉ còn biết cầu tha lực.

TỔ CHỨC CÁC BUỔI LỄ LỚN

Câu hỏi của Chơn Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nghi lễ cúng Phật ở Chơn Như trong các buổi đại lễ như ngày Phật Đản hoặc ngày Tết… phải tổ chức như thế nào khi có đông Phật tử?

Đáp:Theo đạo Phật chỉ có tu tập ngăn ác diệt ác pháp trong tâm của mình chứ không có cúng bái tế lễ nhưng vì một số hệ phái khác đã biến Phật giáo thành một tôn giáo tụng niệm nay đã thành thói quen, nên hiện giờ muốn bỏ nó cũng rất là khó. Vậy khi có Phật tử đông đảo thì con nên làm lễ thắp 3 cây hương trước bàn thờ Phật rồi theo nghi thức tụng niệm của Chơn Như mà Thầy đã biên soạn có đầy đủ ý nghĩa của Phật giáo, chứ hiện giờ con bỏ nghi thức tụng niệm thì rất khó.

Tụng niệm là hình thức tôn giáo gây mê tín cho mọi người rất dễ dàng. Đạo Phật là một đạo đức nhân bản – nhân quả nên đạo Phật không phải là tôn giáo. Cho nên, vấn đề tụng niệm được đức Phật dẹp bỏ. Các bạn hãy đọc lại bài kinh Sonadanda để biết đức Phật bài bác tụng niệm của Bà La Môn sát đất.

TỨ THẦN TÚC

Câu hỏi của Kiều Bách Nhẫn

Hỏi:Kính thưa cô Diệu Quang! Xin Cô giảng cho chúng con hiểu Tứ Thần Túc là gì?

Đáp:Kính thưa Bác! Theo Diệu Quang được Thầy dạy thì Tứ Thần Túc là bốn nội lực của tâm thanh tịnh đã đoạn trừ được tâm tham, san, si, nên sức nó mạnh như Thần của Phật giáo, dùng để làm chủ thân và tâm. Có nghĩa là người tu tập có bốn thần túc này mới đủ khả năng làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người như: sanh, già, bệnh, chết. Nếu một người tu hành theo Phật giáo mà không có bốn thần túc này thì chỉ uổng phi một đời tu hành mà thôi.

1/ Làm chủ được đời sống (sanh) tâm không còn tham, sân, si, giận, hờn, phiền não, lo rầu, ganh tị, thù oán v.v..

2/ Làm chủ cơ thể khi già yếu (già), khiến cho cơ thể già mà không yếu đuối, không lẫn lộn, không quên trước, quên sau, cơ thể quắc thước, khoẻ mạnh, cường tráng như một thanh niên.

3/ Làm chủ đau ốm (bệnh), có nghĩa là đẩy lui tất cả bệnh tật ra khỏi thân.

4/ Làm chủ khi chết (tử), có nghĩa là muốn chết hồi nào là chết ngay hồi ấy một cách tư tại.

Đạo Phật được gọi là đạo giải thoát. Đó có nghĩa là giải thoát bốn chỗ khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết như trên đã nói. Nếu tu tập không có Tứ Thần Túc thì không bao giờ làm chủ bốn sự khổ đau này được.

Tứ Thần Túc không phải là pháp môn tu tập mà là bốn thần lực do tu tập từ pháp môn Thân Hành Niệm mà có. Muốn tu tập pháp môn Thân Hành Niệm thì phải tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ; muốn tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ thì phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần. Trong pháp môn Tứ Chánh Cần có pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác; muốn tu tập pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác thì phải nhiếp tâm trong thân hành nội hay thân hành ngoại. Nhưng trước tiên chúng ta nên nhiếp tâm trong thân hành ngoại tức là đi kinh hành, đi kinh hành nhiều là tốt nhất, bởi vì đi kinh hành thì phá được tâm hôn trầm, thùy miên, vô ký ngoan không và hôn tịch v.v.. Nhưng đi kinh hành cần phải nhiếp tâm kỹ từng bước đi để tâm nhiếp phục cho được hành động bước đi.

Căn bản nhất là ở chỗ Chánh Niệm Tỉnh Giác. Từ Chánh Niệm Tỉnh Giác đạt được bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp sung mãn. Do bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp sung mãn mới có được Tứ Thần Túc. Chính bốn năng lực Thần Túc là phương pháp sử dụng làm chủ sanh tử luân hồi. Đó là pháp môn sau cùng của Phật giáo.

Con đường tu tập của Phật giáo chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi. Xin Bác nên lưu ý về sự tu tập. Khi tu tập có Tỉnh Giác Chánh Niệm thì sau nay mới có Tứ Thần Túc. Còn ngược lại không Tỉnh Giác Chánh Niệm thì không bao giờ có Tứ Thần Túc. Bởi vì Tứ Thần Túc bắt đầu phải có sức Tỉnh Giác, nhờ có Tỉnh Giác mới sống trong Chánh Niệm; nhờ có Chánh Niệm tâm mới đoạn trừ được tham, sân, si.

Cuối cùng Diệu Quang có lời thăm và chúc bác cùng cả gia quyến đều được mạnh khoẻ xả tâm tốt.

          Kính thư

          Diệu Quang

KINH DUY MA CẬT CÓ PHẢI PHẬT THUYẾT KHÔNG?

Câu hỏi của Tuệ Hạnh

Hỏi: Kính bạch Thầy! Trong lời tựa Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh pháp sư Từ Thông viết: “Kinh Duy Ma Cật là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại Thừa viên đốn là thứ giáo lý mãn tự. Giáo lí kinh Duy Ma Cật dạy cho mọi người về pháp môn giải thoát bất tư nghì. Hành giả thực hiện được là thành Phật như đức Phật Thích Ca và thập phương chư Phật đã thành”.

Điều mà con muốn hỏi Thầy: “Thật ra kinh Duy Ma Cật có phải là kinh Phật thuyết hay không? Nhờ Thầy chỉ dạy cho con pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn này”.

Đáp: Kinh Duy Ma Cật là kinh Đại Thừa ca ngợi một cư sĩ Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát đã thành Phật, có trí tuệ bất tư nghì không thể nghĩ bàn. Vì thế, không có ai lý luận hơn Ngài được.

Kinh so sánh trí tuệ Duy Ma Cật như trí tuệ Phật (Trí tuệ không nghĩ bàn). Vì thế, không có một vị đại đệ tử nào của Phật dám đến thăm ông, dù là đại trí tuệ đệ nhất như ông Xá Lợi Phất cũng còn sợ hãi, khiếp đảm khi nghe nói đến đi thăm bệnh Ông. Do trí tuệ Ông cao siêu như vậy nên đức Phật mới sai ông Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đến thăm. Chỉ có ngài Văn Thù Sư Lợi có đủ trí tuệ mới dám đến thăm bệnh và đối đáp với ông mới cân xứng.

Kinh Duy Ma Cật ra đời nhằm có ý đồ diệt Phật giáo để dựng lên một giáo pháp mới. Đó là giáo pháp bất nhị, còn gọi là giáo pháp bất tư nghì.

Kinh Duy Ma Cật dựng lên một người cư sĩ vĩ đại khiến cho tất cả đệ tử của đức Phật chỉ cần nghe đến tên Duy Ma Cật là đã rét run, cúi đầu, rụt cổ như rùa, đó là những đệ tử lớn của đức Phật như: ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên, ông Phú Lâu Na, ông Ca Chiên Diên v.v.. còn như vậy huống các đệ tử khác. Biết hàng đệ tử Thanh Văn của mình trí tuệ còn kém xa nên đức Phật của kinh Duy Ma Cật phải nhờ đến một vị Bồ Tát ảo tưởng của nhà văn Khưu Trường Xuân. Một nhà Văn Trung Hoa giàu trí tưởng tượng, tưởng ra những nhân vật tu theo Tiên đạo. Đó là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trong truyện “Phong Thần Diễn Nghĩa”.

Trong bộ truyện Phong Thần Diễn Nghĩa có hai vị tiên ông, đệ tử của vị tiên trưởng Nguơn Thủy Thiên Tôn. Đó là ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù. Trong truyện có ghi chú: hai vị tiên ông này sau tu theo Phật giáo được đắc quả thành Phật.

Đọc kinh Duy Ma Cật chúng ta rất buồn cười cho những ai không sáng suốt vội tin theo mà không cân nhắc. Người viết kinh Duy Ma Cật đã không khéo léo, nên kinh được dấu đầu, mà lại ló đuôi khiến cho người có trí một chút là đã tìm cái giả mạo của kinh.

Kinh Duy Ma Cật là một tập tiểu thuyết lý luận triết lý bất nhị, khéo mượn những nhân vật tiểu thuyết Trung Hoa lồng vào kinh để lôi cuốn hấp dẫn người đọc.

Cho nên, đọc xong kinh Duy Ma Cật người có sự nhận xét tinh vi một chút thì biết ngay kinh này không phải Phật thuyết, kinh này chỉ do các Tổ viết ra để diệt Phật giáo, nếu các bạn lưu ý sẽ nhận ra điều giả mạo và có ý đồ thâm độc này.

Đạo Phật ra đời đã làm đảo lộn tư tưởng của loài người bằng bốn sự thật: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Bốn chân lí độc đáo này đã có sẵn của loài người. Ngài chỉ cần khơi dậy khiến cho tất cả giáo lý của các tôn giáo và các triết lý của những nhà triết học hiện hành trên hành tinh này đã đổ vỡ, trở thành những ảo tưởng. Thế mà lại có một pháp môn bất nhị không hai này lại bảo rằng Phật thuyết, thì e rằng rất oan cho đức Phật. Đức Phật bao giờ nói chuyện giáo pháp không tưởng như vậy. Mới nghe mọi người tưởng là mới mẻ của kinh sách Đại Thừa được diễn tả trong kinh Duy Ma Cật, nhưng nào ngờ giáo pháp ấy cũ rích của Bà La Môn xưa kia. Trong khi kinh sách Nguyên Thủy còn ghi lại lời đức Phật đã dạy, Ngài đập sạch và quét 62 lập luận tà giáo ảo tưởng của Bà La Môn không còn ngoi đầu dậy được nữa.

Thế mà, kinh Duy Ma Cật lại bảo kinh này Phật thuyết như trên đã nói thì có ai mà tin không? Chỉ có những người không đủ trí quán xét thì mới tin như vậy.

Kinh đã không phải Phật thuyết thì pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn cùng không phải của Phật. Đó là một pháp tưởng của ngoại đạo.

Thưa các bạn! Đừng bao giờ đem pháp môn cao siêu mà gán cho Phật, vì pháp Phật không có cao siêu, chỉ là những pháp môn rất gần gũi với đời sống của con người, nên nó “...thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy...”.

Pháp môn không thể nghĩ bàn tức là pháp môn với ý thức không thể hiểu được là một pháp môn ảo tưởng; là một pháp môn nói vọng ngữ.

Pháp môn của Phật là pháp môn đem ra dạy cho người tu tập để mang lại lợi ích cho con người, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, còn pháp môn không thể nghĩ bàn thì làm sao hiểu được, mà đã không hiểu được thì làm sao tu tập được; mà đã không tu tập được thì làm sao có giải thoát được. Như vậy, pháp môn bất tư nghì là pháp môn lừa đảo con người. Còn nếu bảo rằng pháp môn này để dạy chư Phật và các bậc A La Hán thì chư Phật và các bậc A La Hán đâu cần phải tu pháp môn này, vì các Ngài đã chứng đạt chân lí giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi. Cho nên, các Ngài đối với pháp môn không nghĩ bàn này là một pháp môn hý luận cho vui chơi, chứ có lợi ích gì cho cuộc sống của loài người đâu. Vì các ngài biết đó là pháp môn vọng ngữ, lừa đảo con người chứ không thể lừa đảo các Ngài được. Phải không các bạn?

Nghe nói đến pháp môn khó nghĩ bàn là biết ngay pháp môn nói dối. Cho nên, khi nghe Bồ Tát Duy Ma Cật nói: “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh” thì biết ngay Bồ Tát Duy Ma Cật không hiểu Phật giáo, nên mới nói câu ấy. Người không hiểu Phật giáo mà lại nói kinh này của Phật thuyết là sai. Đạo Phật là đạo tự cứu mình chứ không ai cứu mình được. Vì thế, lời tuyên bố của kinh Duy Ma Cật chứng tỏ là Ông chẳng hiểu gì về đạo Phật chút nào cả. Đức Phật đã chẳng bảo: “Nếu ta nói một điều mà không ai hiểu là ta có nói láo. Vì vậy mà ở đây nói pháp môn không nghĩ bàn là nói láo. Có đúng không các bạn?

Vậy pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn nói láo, pháp môn này chỉ gạt người vô minh, chứ người nào chỉ cần có một chút hiểu biết cũng không thể lừa đảo họ được.

Pháp môn giải thoát khó nghĩ bàn là pháp môn lừa đảo như trên đã nói, chỉ có những người sống trong tưởng tri nên mới dễ tin pháp môn này.

Pháp môn này chỉ lý luận chơi cho vui chứ chưa có ai sống được, vì con người là có sự tư duy suy nghĩ, chứ con người không phải đất, đá, cỏ, cây v.v..

Như trên đã nói kinh Duy Ma Cật là kinh tưởng, vì thế trưởng giả Duy Ma Cật là người tưởng, chứ không phải là người có thật. Căn cứ vào lịch sử loài người thì cư sĩ Duy Ma Cật không có. Cho nên, tác giả kinh Duy Ma Cật khéo tưởng tượng ra nhân vật và pháp môn bất tư nghì.

Kính thưa các bạn! Những pháp môn đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy, như pháp môn Hơi Thở rõ ràng như vậy mà các bạn còn tu tập sai tới, sai lui, huống hồ là pháp môn khó nghĩ bàn của Duy Ma Cật thì biết đâu mà tu tập. Phải không các bạn?

Cho nên, kinh Duy Ma Cật là kinh vọng ngữ. Và tu tập pháp môn Bất Tư Nghì để làm gì? Để lý luận tranh đua hơn thiệt với thiên hạ ư! Đạo Phật không có mục đích đó. Xin các bạn lưu ý.

PHỤ BẢN: ĐƯỜNG XÂY DỰNG NHÂN CÁCH

Kỷ niệm sinh nhật Thầy 4/8/ Ất Dậu

Trong sự phát triển của xã hội loài người, các tôn giáo đã cùng với sự vận động của xã hội mà xuất hiện. Đó là sự phản ánh một cách tự nhiên quá trình nhận thức của loài người, đối với các hiện tượng khách quan đang tồn tại ngoài ý thức con người thông qua các tôn giáo mà họ đã tin.

Vì vậy, các tôn giáo chính là sản phẩm của loài người, lấy con người làm đối tượng nghiên cứu, để rồi quay trở lại tồn tại cùng con người.

Nhưng do các nghiên cứu đó có những xuất phát điểm khác nhau, mang tính mục đích khác nhau về con người và về thế giới, nên có quan điểm rất khác nhau.

Ví dụ: Đạo Hồi, đạo Do Thái, đạo Ki Tô giáo đều có chung một quan niệm cho rằng con người là do thiên chúa sinh ra. Vì vậy, con người còn phải có nghĩa vụ phụng sự cho Thiên Chúa, phụng sự đức tin với Chúa, người sáng tạo ra muôn loài trên thế gian này.

Đạo Phật cho rằng có thế giới này là do duyên hợp mà tồn tại, nếu duyên hết thế giới này sẽ tan. Nghĩa là thế giới này cũng chỉ là thế giới của nhân quả. Bản chất của thế giới chỉ là khổ, không, vô thường và vô ngã, qua đó cho thấy đạo Phật không công nhận có Thượng Đế, có Thiên Chúa, có Ngọc Hoàng v.v… nghĩa là đạo Phật không công nhận có thế giới thần linh mang tính siêu hình, nơi mà thần quyền có quyền ban phúc hoặc giáng họa cho thế giới con người.

Còn đối với con người xuất hiện trong cuộc sống từ nhân quả mà sinh ra, sống trong nhân quả chết lại trở về nhân quả.

Từ những nhận thức khác nhau về con người và về thế giới như vậy, mà mỗi tôn giáo có sự nghiệp giáo dục các tín đồ mang tính mục đích khác nhau.

Trong bài viết này chúng tôi không có tham vọng trình bày sự khác nhau trong sự nghiệp giáo dục của các tôn giáo. Mà chúng tôi chỉ muốn đề cập đến sự hiểu biết còn rất hạn chế của chúng tôi, về sự nghiệp giáo dục của đạo Phật, thông qua tiêu đề, đạo Phật, con đường xây dựng nhân cách để chia sẽ đến các bạn cùng tham cứu về một nền đạo đức mà đạo Phật đã mang tới cho loài người, mà chúng tôi đã cảm nhận được qua việc tu học và rèn luyện.

Muốn hiểu được mục đích giáo dục của đạo Phật đối với con người, chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm Nhân Cách. Vậy nhân cách là gì?

Nhân cách chính là tính người - là những hành vi ứng xử văn hóa của con người đối với môi trường sống của mình, mà thông qua đó có thể đánh giá được những giá trị đích thực của con người.

Vậy, như thế nào là người có nhân cách? Xin được dẫn lời của Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã nói: “Con người chỉ là một loài động vật như bao loài động vật khác. Nhưng con người chỉ được gọi là con người khi nào con người có đạo đức. Còn nếu con người không có đạo đức, con người còn ác độc hơn loài cầm thú”.

Từ nhận định trên giúp cho chúng ta hiểu rõ: con người có nhân cách phải là con người có đạo đức, hay phẩm chất đạo đức chính là phẩm cách của con người.

Đến đây chúng ta gặp phải một vấn đề rắc rối, bởi vì, đặt vấn đề chuẩn mực để định giá trị đạo đức là rất khó, cách đánh giá đạo đức rất khác nhau, nó phụ thuộc vào quan niệm sống của xã hội, nó thay đổi theo quan điểm giai cấp, thay đổi theo thể chế chính trị, thay đổi theo hoàn cảnh, tùy theo mỗi lúc mà vấn đề đạo đức lại có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau.

Ví dụ: người phụ nữ trong xã hội phong kiến mà chửa hoang, sẽ bị những dư luận xã hội đương thời lúc đó, lên án một cách mạnh mẽ và xử phạt một cách nghiêm khắc.

Cũng trong xã hội phong kiến, lại có người thông cảm đứng ra bênh vực và bảo vệ họ, như nhà thơ Hồ Xuân Hương đã viết:

“Không chồng mà chửa mới ngoan

Có chồng mà chửa thế gian thường tình”

Trên thực tế quan niệm đạo đức đã bị lạm dụng để phục vụ cho những mục đích khác nhau của loài người.

Trong cái mớ bòng bong rắc rối của những quan niệm đạo đức do con người đặt ra như thế, nó không mang tính nhân bản. Vì vậy cần phải có một cách nhìn khác, một cách đánh giá khác mang tính khách quan và mang tính chuẩn mực.

Rất may mắn đạo Phật đã giúp đỡ chúng tôi và cả các bạn nữa, nếu bạn đồng thuận với quan điểm này của đạo Phật, nó sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi những rắc rối này.

Quan điểm vì đạo đức của đạo Phật rất cụ thể, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ cả hai. Chỉ cần ngắn gọn như vậy nhưng vô cùng chính xác, và mang tính bao dung và hàm chứa tất cả.

Chỉ cần sống không làm khổ mình, không làm khổ người là chúng ta đã trở thành một người có đạo đức.

Vấn đề đạo đức mà đạo Phật đề cập tới tưởng chừng đơn giản dễ hiểu, nhưng thực hiện được thì không đơn giản một chút nào.

Muốn thực hiện được, nó đã đòi hỏi phải có một sự hiểu biết sâu sắc, có trí tuệ quán xét, để điều chỉnh các hành vi ứng xử của mình đối với môi trường sống sao cho có văn hóa.

Bởi vì đã từ lâu, con người đã quen sống một cách tùy tiện, buông thả để chạy theo những thói quen mang đầu óc tính toán, vị kỷ, vụ lợi, tay với người này để chấp nhận lấy người khác, thì cũng ở trong vòng lẩn quẩn chẳng hơn gì. Hoặc có người lén lút làm việc tà hạnh, vi phạm nhân luân, khi thân bại danh liệt cũng chẳng sung sướng mà còn chuốc họa.

Do con người sống trong cuộc đời có nhiều mê lầm quá, ít ai hiểu được chính dục vọng đã đẩy người ta vào lỗi lầm. Dục vọng làm con người điên đảo, vì những dục vọng con người lao vào tranh đấu và giành giật của nhau, tìm cách mưu mô hãm hại lẫn nhau. Cho nên, cuộc sống của con người đầy những tai ương, hoạn nạn.

Chỉ khi nào loài người có một nền văn minh khác, một nền văn minh tinh thần trong sáng, thánh thiện, mang tính đạo đức nhân bản, khi đó con người mới thoát ra khỏi khổ đau, và những giọt nước mắt đắng cay của chúng sinh không còn phải nhỏ xuống nữa.

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về nền đạo đức của đạo Phật.

Đức Phật sau khi chứng đạo, bằng tuệ Tam Minh Ngài hiểu thấu chúng sinh có những hạnh nghiệp thiện, ác khác nhau, nên thọ nhân quả báo khác nhau: người giàu sang, kẻ nghèo hèn, người tốt kẻ xấu, người khỏe mạnh, kẻ ốm yếu bệnh tật, người xinh đẹp, kẻ xấu xí, người sống lâu, kẻ chết yểu v.v.. tất cả đều do hạnh nghiệp của chúng sanh đã tạo ra mà nhận lãnh quả khổ vui.

Dù hạnh nghiệp khác nhau, chúng sanh vẫn không thể thoát ra khỏi cái khổ của vị ràng buộc vào vòng sanh tử luân hồi và bị trôi lăn trong vòng lục đạo. Nếu làm ác sẽ còn bị dễ rơi xuống những vực thẳm hay hang sâu của những kiếp sống, mà ở đó họ, luôn luôn bị săn đuổi bởi những đau khổ cùng cực, do nghiệp lực của cái ác mang lại.

Nếu trong kiếp sống hiện tại, họ được nhận một giáo pháp chân chính, từ một vị Thầy đã chứng đắc, và nếu khéo tu tập rèn luyện, họ có thể chuyển đổi nghiệp nhân quả và thậm chí còn có thể thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.

Chính vì vậy 50 năm trụ thế, đức Phật đã mang triển khai dạy cho mọi người giáo lý và các phương pháp thực hành từ những kinh nghiệm chứng đắc và sự hiểu biết sâu sắc của Ngài về một con đường thoát khổ, để mọi người qua đó tu tập rèn luyện sẽ trở thành người có đạo đức, nhờ sống có nền nếp đạo đức mà các thiện pháp được tăng trưởng, các ác pháp được ngăn chặn và tiêu diệt.

Đấy chính là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, không có đổ máu giúp con người thoát được đau khổ, là ý nghĩa thiết thực và lợi ích cụ thể mà đạo Phật mang tới cho mọi người.

Đạo đức của đạo Phật rất là cụ thể: không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ cả hai.

Nếu người nào tu theo đạo Phật, mà không trở thành người có đạo đức thì trong cuộc sống hằng ngày còn có những biểu hiện của sự tham lam theo những định kiến sai lầm của lòng đố kỵ, tị hiềm ganh ghét, sân hận từ đó dẫn tới những cuộc xung đột mang đau khổ cho mình và cho người.

Chính từ những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa, mang bản chất của sự tham lam và sân hận, mà con người đã sống không đạo đức, thiếu đi tính người.

Do vậy từ bao đời nay, vấn đề giáo dục đã được xã hội loài người rất chú trọng, bởi giáo dục là một qui luật phát triển của xã hội loài người, nhằm truyền trao kiến thức của lớp người trước cho lớp người sau, nhằm mong muốn thoát ra bản năng của loài cầm thú.

Giáo dục là một sự nghiệp mang đến cho con người những tri thức hiểu biết, để sử dụng nó vào mục đích khám phá và sáng tạo, nhằm phục vụ cuộc sống con người ngày một thỏa mãn hơn những nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội loài người.

Trong xã hội hiện tại ngày nay, do được hưởng một nền giáo dục đa dạng mang tính thực dụng mà con người không còn lạc hậu như trước, nhưng thực tế, liệu xã hội loài người đã hết khổ đau?

Sự thật chưa một phút giây nào trái đất được bình yên, ở nơi này, ở nơi kia không giây phút nào không có những giọt nước mắt đau khổ của chúng sanh phải nhỏ xuống.

Trên thực tế chúng ta nhận thấy: ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, đã đẩy nền kinh tế phát triển lên theo, nhằm tạo ra nhiều của cải vật chất để thỏa mãn ham muốn của con người.

Để có nền kinh tế phát triển, phải có đầy đủ nguyên liệu, nhiên liệu cung cấp cho sản xuất, do thế, ngày nay các nguồn tài nguyên được khai thác một cách bừa bãi, rừng bị chặt phá một cách vô ý thức, đã phá hủy môi trường sinh thái của loài người, làm cho nhiều loài động thực vật bị hủy diệt.

Nhiều nhà máy sản xuất ngày đêm, đã tuôn vào tầng khí quyển hàng triệu mét khối khí cac bon dẫn đến diệt tầng Ô zôn - lớp áo giáp bảo vệ trái đất bị phá thủng.

Nhiều loài động vật bị con người săn bắt, chế biến thành thực phẩm, bị con người khai thác một cách triệt để, khiến nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Vì thế, ngày nay các cuộc chiến tranh tương tàn, tương sát giết hại lẫn nhau không giảm đi, mà ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nhiều bệnh dịch quái lạ phát sinh, trong đó phải kể đến bệnh thế kỷ HIVđã cướp đi và sẽ cướp đi hàng chục triệu sinh mạng, mà ngày nay khoa học vẫn chưa tìm cách chữa trị được.

Thời tiết ngày nay cũng trái mùa, trái buổi, giữa mùa hè Châu Phi lại có tuyết rơi, giữa mùa đông Châu Âu có ngày nhiệt độ lên tới 40°, rồi động đất, núi lửa, hạn hán bão lụt, sóng thần, hỏa hạn cháy rừng xảy ra liên miên ở nơi này, nơi kia trên thế giới.

Tất cả những hiện tượng xảy ra, nhằm cảnh báo cho loài người biết vì cơn thịnh nộ của thiên nhiên theo qui luật nhân quả mà không có một kẻ làm ác nào tránh khỏi. Cho nên, tất cả mọi biến cố xảy ra trên hành tinh này đều không có một người nào chịu hàm oan. Tất cả cách xử phạt rất công bằng, công lý trong đạo luật này. Trong đạo luật này người cầm cán cân công lý chính lương tâm và hành động thiện ác của mỗi người.

Nếu con người không chịu dừng ngay các tội ác. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên theo qui luật nhân quả sẽ không tha thứ.

Nếu nền văn minh hiện đại ngày nay có khả năng chế ngự được các sức mạnh của nhân quả, của thiên nhiên không? Liệu con người ngày nay có khả năng ngăn chặn nổi được các cuộc chiến tranh đẫm máu, đang xảy ra ở nơi này nơi khác trên thế giới, và có thể chặn tay được những khủng bố cực đoan đang gieo rắc cái chết đến cho mọi người?

Tất cả những câu hỏi trên đã và đang là nỗi bức xúc trăn trở cho nhiều người có lương tri trên thế giới. Nhưng hỏi chỉ để mà hỏi, con người vẫn chưa làm sao tìm ra được một câu trả lời thỏa đáng, để thoát ra được khỏi những ràng buộc của các qui luật nghiệt ngã đang vây quanh chúng ta, để cuộc sống này được bình yên.

Chỉ đến khi nào loài người có suy nghĩ nghiêm túc, về những hiện tượng đang xảy ra chung quanh chúng ta trong mối quan hệ nhân quả tương hổ. Lúc đó, con người mới có một thái độ ứng xử có văn hóa với chính môi trường sống của chính mình, bằng một thái độ trân trọng, nâng niu và gìn giữ, lúc đó con người mới thoát ra những nỗi khổ đau do chính con người gây ra. Lúc đó con người mới thoát ra khỏi bản năng loài cầm thú. Hay nói cách khác con người sống được với nền đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình, không làm khổ người.

Nhưng điều này thật là khó chỉ vì chúng sanh vô minh điên đảo, tạo ra bao lỗi lầm gây ra bao tội ác, để chịu bao quả khổ, điều này lại càng khó, vì con người nếu không có nghị lực, và sự dũng cảm gan dạ để chiến thắng những thói quen, tật xấu đã gắn bó cuộc đời mình trong những hưởng lạc, họ sẽ là và đã là nô lệ cho những ham muốn thấp hèn, vì thế lương tâm bị suy đồi, nền đạo đức bị xuống cấp một cách nghiêm trọng, những tội lỗi nẩy sinh như cỏ dại mọc sau cơn mưa. Phật pháp gọi đó là thời kỳ mạt pháp, thực ra pháp không mạt, chỉ có lương tâm con người bị tha hóa mà thôi, vì muốn có danh có lợi, con người sẵn sàng phạm tội ác không tránh né.

Vì sao chúng tôi mở rộng vấn đề, bởi chúng tôi không muốn tách mối quan hệ của con người ra khỏi thế giới loài người. Vì thế giới của loài người là thế giới khổ đau đầy bất trắc, vui đó buồn đó, cười đó khóc đó, mấy ai được thanh thản, an lạc.

Gia đình là tế bào của xã hội, nhưng nhiều cặp vợ chồng nào được sống an vui hạnh phúc trọn vẹn đâu? Họ đều có sự vui, sự buồn, nghịch ý, trái lòng bất toại nguyện v.v.. nhưng vì cuộc sống là như vậy không có lối nào thóat ra hơn, nên đành phải cam lòng nhẫn chịu mà sống với nhau đến đầu bạc răng long. Hoặc ở người có tâm hồn nổi loạn thì tìm đến sự ly dị, chia của. Ngoài ra là phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, để sống trong đạo đức nhân bản - nhân quả. Nếu một ai chịu khó áp dụng vào tu tập, sẽ thấy lợi ích vô cùng, vì nó chuyển hóa được nhân quả.

Ví dụ trong cuộc đời gặp một đối tượng nào đó nổi nóng cãi cọ với mình. Lúc đó chúng ta có thể nhẫn nhịn mọi xô xát mà họ mang đến, không một lời phàn nàn oán trách, với ý thức đầy đủ của một người quyết tâm trả cho xong món nợ của tiền kiếp, và ta có thể bình tỉnh tìm lời khuyên giải họ. Thật kỳ lạ thay áp dụng lời dạy của Phật, chúng ta sẽ được an lạc và thanh thản tuyệt vời và ta hiểu ra chân lí.

Phật nói gặp khổ không buồn đó là giải thoát, vậy sự giải thoát đó là gì?

Đó là sự giải thoát ý thức khỏi sự trói buộc của ý thức, nếu trước đây chúng ta chấp chặt vào lời nói và việc làm của đối tượng, thì sự việc bỗng trở nên phức tạp hổn độn và lôi kéo chúng ta vào phiền não.

Bây giờ chúng ta nhìn sự việc bằng cái nhìn hiểu biết sâu sắc hơn, rộng mở hơn, yêu thương hơn, thì sự việc bỗng trở thành bình thường không đáng để lưu ý.

Bởi thế trước mỗi nghịch cảnh của cuộc đời, chúng ta không còn bị chìm đắm và nỗi oán hận, và tâm hồn chúng ta bỗng trở nên yên tỉnh và sáng suốt một cách lạ thường.

Trong chúng ta sẽ dâng lên một tình cảm với đối tượng của ta, vừa xót thương đồng thời, cũng vừa cảm ơn họ về những nghịch cảnh mà họ đã tạo ra cho chúng ta.

Xót thương là bởi họ đã tự làm khổ họ và đầu độc bầu không khí của môi trường sống bằng những chuyện không đâu.

Cảm ơn là họ đã tạo ra cho chúng ta một dịp để thử thách, và đó chúng ta rèn luyện và tu tập tâm hồn chúng ta thật tốt, học được chữ nhẫn và học cách yêu thương của Phật.

Khi biết nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, mọi sự việc bỗng trở nên đơn giản, rõ ràng và ta có nghị lực để chịu đựng.

Khi biết nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, thì con người không còn muốn làm ác, chỉ muốn tạo ra nhân lành thiện để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.

Khi biết nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả con người biết xa rời những ham muốn thấp hèn, để vươn lên một đời sống thánh thiện hơn.

Các bạn có biết giá trị đích thực của con người là gì? Đó là nhân cách của một người sống vì người khác, khi đó họ là người có hạnh phúc.

Nói đến hạnh phúc là nói đến niềm vui của một người biết sống vì người khác. Khi người nói đến người, là khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ về tất cả phương tiện thể chất tri thức xã hội và tâm đức.

Cho nên có một câu danh ngôn đã viết “Người ta nghiêng mình trước tài năng, song người ta chỉ bái phục trước lòng nhân”.

Vì thế, của cải danh lợi không tạo ra giá trị cho con người, nó chỉ tô điểm cho con người và thực ra có cái gì phù vân hơn là của cải và danh vị, mà suốt đời con người phải chạy đuổi theo nó một cách mệt mỏi.

Vì vậy, nếu ta muốn sống có hạnh phúc, ta hãy ban phát hạnh phúc cho con người xung quanh bằng những điều thiện tâm, và từ việc làm thiện tâm của ta, sẽ làm nở ra một nụ cười trên môi của một người khác.

Thưa các bạn! Chỉ khi nào chúng ta đã quá nếm trải mùi vị đắng cay, lúc đó chúng ta mới có ý thức đầy đủ để đánh giá đúng đắn hơn vì niềm hạnh phúc chân chính này, mà đến bây giờ nhiều người vẫn hiểu sai về hạnh phúc, mơ hồ như là một khái niệm của sự thụ hưởng vật chất.

Nếu bạn có được cặp mắt trí tuệ nhân quả của đạo Phật, trang bị cho cái nhìn sâu sắc, bạn sẽ thấy niềm hạnh phúc giả tạm của cuộc đời mà nhiều người đang ham hố, là không thực và đầy nguy hiểm. Nó là sự cám dỗ để lôi kéo con người vào những kiếp khổ trong tương lai vì nó được, hình thành từ những dục vọng thấp kém.

Bởi vì tất cả sẽ hư họai, chỉ có nghiệp lành hay dữ là đeo đuổi con người sau khi chết. Cho nên, khi đang còn sống mọi người chỉ biết lấy vật thực để nuôi thân. Ít ai biết lấy đạo đức để nuôi sống tâm hồn mình.

Bởi vì chúng ta đã bị nghiệp ác chi phối, cho nên chúng ta nhìn nhận các sự việc trên mặt hiện tượng đối đãi của đúng, sai, phải, trái trong thế giới nhị nguyên đó, chúng ta đã bị kẹt cứng ở bờ bên này hoặc bờ bên kia. Bị lạc trong thế giới ma quái của những khái niệm ấy, chúng ta đã đánh mất đi con tim của mình, đánh mất đi tiếng nói của tình thương yêu, mà chỉ có nó mới xóa đi lòng thù hận, mà chỉ có tình thương mới vượt qua, và siêu thoát mọi đúng, sai, phải, trái. Do thiếu tình thương mọi người đang quằn quại khổ đau mà không ai hay biết.

Chính vì vậy giới luật của đạo Phật là cái phao giúp chúng ta vượt qua biển khổ. Giới luật của đạo Phật chính là lẽ sống, là nền đạo đức mà mọi người cần học hỏi, để sống được với nếp sống đạo đức. Bởi đạo đức mới xác định được phẩm chất của con người.

Nhìn cách đối xử của con người với con người, chúng ta có thể xác định và biết được con người đó có đạo đức hay không. Nếu không có đạo đức chúng ta nên tìm cách tránh xa họ.

Đức cung kính và tôn trọng lẫn nhau, rất cần thiết cho mọi người chung sống. Đức cung kính và tôn trọng chỉ có con người mới có mà thôi, vì đấy là thái độ ứng xử có văn hóa của con người.

Nếu con người không biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau, cuộc sống này sẽ là địa ngục, sân hận đố kỵ, tỵ hiềm, ganh ghét, ngã mạn, cống cao, danh lợi, tật đố, bè phái, nói những lời chia rẽ, độc ác v.v.. thì người đó đã tu sai hoặc họ là trùng trong lông sư tử, người đó đang phá hoại đạo Phật.

Cho nên, nói đạo Phật là con đường tu dưỡng đạo đức, con đường của cái thiện, mà giới luật là hàng rào bảo vệ vững chắc không cho cái ác xâm chiếm.

Đức phật đã chỉ dạy rất rõ: “Giới luật ở đâu đức hạnh ở đó, đức hạnh ở đâu giới luật ở đó”.

Vì vậy chỉ cần nhìn và quan sát một hành giả tu theo đạo Phật, có giữ gìn giới luật nghiêm túc hay không, nếu người đó không tự biết thương mình để rèn luyện trong giới luật thì làm sao họ có được đạo đức để thương được người khác, họ sống chỉ làm khổ mình và làm khổ người khác mà thôi.

Cho nên giới luật là nền tảng, nếu không có giới luật, thì không có đức hạnh và trí tuệ, cũng không có sự giải thoát.

Giới luật trong đạo Phật không phải là một điều cấm, giới luật là những điều khuyên mọi người nên thực hành, mang tính tự giác cao, vì chính giới luật là thiện pháp giúp mọi người thoát khổ.

Trong cuộc sống mỗi con người chỉ là một cá thể sống chung, có nhiều cá thể khác cùng tồn tại. Và các quan hệ trong xã hội đó với nhau là nhân, là duyên của luật nhân quả. Vì vậy các quan hệ vợ chồng, con cái bố mẹ, anh em bạn bè Thầy trò v.v.. đều là mối duyên nợ của nhau từ nhiều đời, nhiều kiếp, kiếp này gặp được nhau, tìm đến nhau để trả món nợ ân oán với nhau, người có ân trả ân, người có oán đòi oán.

Trong môi trường xã hội cùng sống chung này, có những người gặp được may mắn. Có những người gặp phải bất hạnh đắng cay. Cuộc sống làm cho họ phải đau đớn, buồn tủi và uất hận, vì phải chịu đựng những khổ đau do cuộc đời mang lại đã dằn vặt họ, sai khiến họ.

Dù cùng sống chung trong một xã hội, mà cuộc sống của người này đã hoàn toàn xa lạ đối với người khác.

Lúc khổ đau dồn đến, nhiều người thường tấm tức oán trách trời đất sao nỡ bất công. Có lúc quá uất hận, họ muốn đập phá một cái gì đó cho hả giận, và cuối cùng đành đỗ lỗi, phải chăng đó là số mệnh?

Nhưng với người có duyên may được đạo Phật giác ngộ, thì sẽ sớm hiểu ra: tất cả khổ vui của cuộc đời này, đều do duyên nghiệp từ trước mang tới.

Vì vậy đức Phật thường dạy các đệ tử nếu con người đối xử với nhau hung dữ, đấu tranh chống nhau bằng miệng lưỡi, đánh đập nhau bằng sức lực,... thì cuộc sống sẽ tồi tệ, xấu xa và đen tối.

Khi mọi người biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau, thì gia đình và xã hội trở nên thuận hòa mọi người biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Một cuộc sống hạnh phúc chân thật xuất hiện và thế giới này sẽ thành Thiên đường. Còn ngược lại sẽ trở thành hỗn độn bất ổn và Địa ngục.

Làm người tại sao ta lại làm khổ mình, khổ người tạo ra cả một bầu trời ảm đạm, thê lương, u buồn và đau khổ cho con người?

Một con người mà tự làm khổ đau cho mình, chỉ có những kẻ thiếu đạo đức và trí tuệ mới làm như vậy!

Làm khổ mình, làm khổ người có hạnh phúc gì đâu, mà đó chỉ là hành động phi nhân tính, mang đau khổ cho nhau, không những trong kiếp này và mãi mãi trong muôn kiếp.

Vì vậy một nếp sống đạo đức là điều rất cần thiết cho mọi người cùng chung sống với nhau trên hành tinh này.

Và nền đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người là nền đạo đức nhân bản nhất, ai cũng đều nên học và thực hành.

Có những người không phải hoàn toàn là xấu, xấu tốt đều do ý thức biến hiện mà sinh ra.

Nếu ai đó không thể đấu tranh nổi với những ham muốn thấp hèn ở trong tâm đã để cho những tham vọng mù quáng lôi kéo người đó là người xấu.

Còn ai biết dùng lương tri tỉnh thức của mình, để tiêu diệt cái ác, người đó là người tốt.

Trên bình diện của cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác, nếu ai khéo tu sửa, người đó sẽ trở thành người có đạo đức.

Chúng ta nếu biết khéo tu dưỡng đạo đức thì từ người ác sẽ trở thành người hiền, từ người hiền sẽ trở thành bậc Thánh nhân.

Kính thưa các bạn! Vấn đề đạo đức của đạo Phật là một đề tài quá rộng lớn trong bài viết này chúng tôi chỉ dám mang ra mạn đàm cùng quý bạn những mảng hiểu biết còn rất hạn chế của chúng tôi về đề tài rộng lớn này.

Chúng tôi chỉ hy vọng với sự hiểu biết còn rất hạn chế, chúng tôi xin được đóng góp với quý bạn những kinh nghiệm, những hiểu biết còn quá ít ỏi của chúng tôi, để cùng nhau xây dựng đóng góp chung một sự hiểu biết vì nền đạo đức thật tuyệt vời của đạo Phật.

Mong rằng ai cũng tu dưỡng đạo đức thật tốt để biến cảnh thế gian này thành nơi Thiên đường, Cực lạc.

Xin được chân thành tri ân!

 Kính ghi

Minh Đạo

Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 2005

----&----

 

HẾT TẬP V

MỤC LỤC TẬP V

MỤC LỤC


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I (2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.chonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP V”

- Phật tử Hà Nội

-  Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

-  Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

-  Phật tử Bắc Ninh

-  Phật tử Quảng Ninh

-  Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

-  Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

-  Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

-  Phật tử Phú Yên

-  Phật tử Đà Nẵng

-  Phật tử Huế Thừa Thiên

-  Phật tử Ninh Thuận

-  Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

-  Phật tử Bình Phước

-  Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

-  Phật tử TP Hồ Chí Minh

-  Phật tử Đồng Nai

-  Phật tử Cần Thơ

-  Phật tử Đồng Tháp

-  Phật tử Châu Đốc, An Giang

-  Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

-  Phật tử Long An

-  Phật tử Tây Ninh

-  Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

-  Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

-  Phật tử Kiên Giang

-  Phật tử Cà Mau, Nam Căn

-  Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

-  Phật tử Phước Hải, Long Đất

-  Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

-  Phật tử Củ Chi, Gia Định

-  Phật tử Bình Dương

-  Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

-  Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

-  Phật tử Cẩm Giang

-  Phật tử Phước Hiệp

-  Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

-  Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP V

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY C PHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 6)

Đường Về Xứ Phật (tập 6)

BẬC THÁNH A LA HÁN

“Nếu không có đạo đức, con người chỉ là một con thú vật thông minh, hung ác, gian xảo, lừa đảo nhất trong các loài động vật”.

(Lời của Tu viện Chơn Như)

LỜI NÓI ĐẦU

Từ ngày có chương trình vấn đạo đến nay, những người có đủ duyên được đọc sách Đường Về Xứ Phật, lần lượt họ đều hiểu thông đường lối tu hành của đạo Phật, và cũng bắt đầu thấy được những điều sai trái trong Phật giáo rất nhiều hiện nay, nguyên do là những ảnh hưởng tập quán dân gian và các pháp môn của ngoại đạo trà trộn làm cho chánh pháp của Phật biến dạng, mang đầy tính chất mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v..

Phần đông số tín đồ Phật giáo đang lầm lạc quay cuồng trong các pháp môn của kinh sách phát triển và Thiền Tông Trung Hoa, cho đó là pháp môn của Phật giáo, nhưng nào ngờ chương trình vấn đạo đã và sẽ lần lượt làm sáng tỏ, pháp nào của Phật là của Phật, pháp nào của ngoại đạo là của ngoại đạo (Bà La Môn). Tà đạo không thể ẩn núp trong Phật giáo, chuyên làm việc lừa đảo và lường gạt tín đồ Phật giáo như vậy được. Đường Về Xứ Phật sẽ chỉ thẳng và vạch rõ giúp các bạn không còn hiểu lệch lạc và sai lầm nữa.

Đã gần hai mươi lăm thế kỷ nay con người đã bị giáo pháp này lừa gạt quá nhiều, đến giờ này mà mọi người còn đang sống trong giấc mơ của “Đại Thừa và Tối Thượng Thừa” là của Phật giáo ư!

Một giấc mơ tuyệt vời, đưa con người vào cõi mộng của thế giới siêu hình, “thường hằng, thường biết, thường nghe, thường thấy, bất biến, hạnh phúc, an lạc (thường, lạc, ngã, tịnh)”.

Đại Thừa đã xây dựng một cõi “Cực Lạc Tây Phương” để thỏa mãn mọi nhu cầu dục vọng của con người thế gian, muốn chi được nấy, do sự diễn tả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc quá đẹp đẽ như trong kinh Di Đà. Một cảnh giới lý tưởng, mà ai nghe đến cũng đều phải ham mê thích thú.

Vì thế, nên hiện giờ có nhiều người do tâm tham đắm cảnh giới Cực Lạc, sống đầy đủ và sung sướng muốn chi có nấy, nên xúm nhau niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh Tây Phương.

Vả lại, các Tổ thường ca ngợi pháp môn Tịnh Độ rất dễ tu, phù hợp với căn cơ con người thời đại hiện nay, nghe những lời đường mật cám dỗ này ai mà không ham thích. Phải không các bạn?

Vấn đạo sẽ lần lượt vạch mặt, vạch tên từng pháp môn của ngoại đạo, để cho tín đồ Phật giáo, thấy được bộ mặt thật thâm độc của họ đã và đang cố tình dìm và giết Phật giáo, nhất là đạo đức của đạo Phật. Hiện giờ người ta chẳng biết đạo đức của Phật giáo cụ thể như thế nào? Hỏi đến ai cũng chung chung chẳng rõ, dù bậc đó là những bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức v.v..

Kinh sách phát triển đã biến đạo đức của Phật giáo thành một thứ đạo đức “mê tín”, một thứ đạo đức thụ động, phi đạo đức, khiến cho Phật giáo không có đạo đức làm người, chỉ biết tu hành theo đạo Phật là làm việc từ thiện, cúng bái, cầu khẩn, van xin, ngồi thiền, nhập định, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, tụng kinh, tụng kệ, sám hối, v.v.. Với việc làm này, mục đích sẽ được giải thoát và cuối cùng thành Phật và ít nhất cũng được dự vào hàng Thánh nhân.

Hành động từ thiện của giáo phái phát triển là Tứ Nhiếp Pháp, dùng để khuyến dụ người theo đạo mình, hơn là làm việc từ thiện. Với những lời lừa đảo “Bố thí, cúng dường sẽ được phước báo vô lượng” như: cúng dường xây cất chùa, tháp, đúc chuông, đúc tượng và cúng dường trai tăng tứ sự v.v.. sẽ được phước báo vô lượng vô biên.

Trong khi đạo Phật ra đời nhằm đem lại cho loài người một đạo đức giải thoát, mang lại cho cá nhân mỗi người được hạnh phúc, an vui, thanh thản, bình đẳng, sống hoà hợp, biết tha thứ và thương yêu nhau, biết nhẫn nhục, tùy thuận, và đùm bọc lẫn nhau, chứ đâu có lường gạt người như thế.

Vấn đạo sẽ làm sáng tỏ lại pháp môn của đạo Phật và dựng lại nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người, mà từ hai mươi lăm thế kỷ nay không còn ai nhắc nhở và biết đến.

Vấn đạo sẽ giúp cho quý vị giữ gìn giới luật nghiêm túc, bằng cách hướng dẫn các pháp tu tập cụ thể, thiết thực để quý vị thực hành sống một đời sống đạo đức, đạo hạnh, có một cuộc sống không làm khổ mình, khổ người, an vui, thanh thản và vô sự.

Vấn đạo giúp cho quý vị suy nghĩ, lời nói và hành động luôn luôn buông xả, cởi mở, ôn tồn, nhã nhặn, từ tốn, êm dịu để mang lại cho mình một tâm hồn an vui, thanh thản, và mang lại cho người một tâm hồn khoan dung, thương yêu và đầy lòng tha thứ.

Vấn đạo giúp cho các bạn biết rõ cách thức ngăn ác pháp và diệt ác pháp, luôn sống trong thiện pháp, an trú thiện pháp, thường sống tu tập “Tứ Chánh Cần”.

Vấn đạo còn giúp ta biết cách tu tập “Tứ Niệm Xứ” rất cụ thể, rõ ràng, để khắc phục tâm tham ưu ở đời bằng pháp “hướng tâm như lý tác ý”.

Vấn đạo giúp ta rõ thấu cách thức tu tập rèn luyện đạo lực, để điều khiển nhập bốn định (Tứ Thánh Định), làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Vấn đạo còn giúp chúng ta biết rõ cách thức tập luyện pháp hướng tâm để biết cách thành tựu “Tứ Như Ý Túc và Tam Minh”.

Vì vấn đạo có lợi ích như vậy, chúng ta hãy đọc và nghiên cứu, cẩn thận, kỹ lưỡng từng danh từ, ngôn ngữ, để chúng ta hiểu rất rõ và nắm vững cách thức tu tập, không còn bị ai lừa đảo được, do đó tu hành mới đạt được như sở nguyện.

Giáo lý đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa thấu triệt và từ lâu đời (2542 năm) đã bị giáo lý ngoại đạo che khuất, bằng cách mạo danh là Phật thuyết.

Đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa có nhiệt tâm, thiếu lòng tin tưởng nơi Phật, Pháp, Tăng, vì thời nay Phật, Pháp, Tăng đều giả hiệu, khiến Thầy Tổ chúng ta tu mãi mà chẳng ra gì, đến khi chết phải chịu quá nhiều bệnh tật nghiệt ngã, khổ đau.

Đạo Phật khó, chỉ vì ta chưa biết đời sống con người khổ, khổ như thật, nên còn đắm mê những vật chất dục lạc thế gian, chưa chịu buông xả và dứt bỏ.

Đạo Phật sống khó, chỉ vì tâm chúng ta chưa nhàm chán các pháp dục lạc thế gian, mãi còn chìm đắm trong đó.

Đạo Phật khó, chỉ vì chúng ta bị lừa đảo bằng các pháp môn của Bà La Môn giả hiệu pháp môn của Phật, nên chúng ta tu sai pháp, lạc pháp, không có kết quả cụ thể, phần nhiều là lý thuyết suông.

Đạo Phật khó, chỉ vì chúng ta thiếu một thiện hữu tri thức có kinh nghiệm tu hành theo chánh pháp của Phật, biết rõ đường đi nước bước chơn thật, không còn sợ bị lầm đường, lạc lối.

Đạo Phật khó, chỉ vì từ lâu chúng ta hiểu qua giáo lý của đạo Phật, bằng kiến giải của các nhà học giả. Do đó, vấn đạo sẽ phơi bày các pháp hành cụ thể, thực tế để mọi người biết rõ, dứt bỏ những điều sai quấy bất thiện, biết xa lìa những sự cám dỗ vật chất thế gian, biết ngăn chặn những pháp ác trong tâm, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau đúng cách, biết tùy thuận, tha thứ những lỗi lầm của những người khác, biết nhẫn nhục đoàn kết và xả bỏ lòng hận thù riêng tư, biết làm vui lòng mình, vui lòng người.

Vì thế, đọc vấn đạo quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm, càng suy ngẫm thì quý vị mới càng thấm thía, có thấm thía quý vị mới tin sâu Phật pháp, có thấm thía quý vị mới thấy đạo Phật ra đời là vì loài người, vì sự khổ đau của con người, vì sự lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới siêu hình là có thật.

Lần lượt những tập “Đường Về Xứ Phật” sẽ đến với quý vị, tâm tình chia sẻ những nỗi u hoài, khắc khoải trên bước đường tu tập thiền định của đạo Phật với quý vị.

Và những tủi nhục, xấu hổ khi thấy những vị Tỳ Kheo (tu sĩ Phật giáo) ngang nhiên phạm giới luật, xem thường giới luật, và bẻ vụn giới luật trước mặt tín đồ mà chẳng hề có chút lòng hối hận, ăn năn. Những người không tôn giáo và những tín đồ các tôn giáo khác sẽ phê bình cười chê ra mặt, họ dùng những lời châm biếm, chế giễu của những người bình dân: “Thầy chùa ăn vụng cá kho, bà vãi bắt được đánh mo lên đầu” hay “Xoài cà lăm nhỏ trái mà chua, thầy tu mê gái bỏ chùa không ai coi”. Còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ dân gian và các thơ văn của các thi sĩ nổi tiếng nói về tu sĩ đạo Phật một cách châm biếm rất là đau lòng xót dạ mà chúng tôi không thể nêu ra đây hết được.

Không biết các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng và Ni trong cả nước khi phạm giới luật của Phật, quý vị có buồn lòng tự xấu hổ với những việc làm của mình hay không?

Vừa rồi, chúng tôi có đọc một tờ báo ở Hà Nội nói về vụ ăn cướp xe gắn máy là một tu sĩ Phật giáo. Nếu chúng ta không đọc báo chí thì thôi mà theo dõi báo chí thì thỉnh thoảng chúng ta đọc những tin tức về giới tu sĩ Phật giáo phạm pháp luật nhà nước, thật là đau lòng. Đến đây xin tạm dừng hẹn lại quý vị ở tập sau.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Tu Viện Chơn Như

Ngày 18-12-1998.

THƯ GỬI QUÝ BẠN

--o0o--

Kính gửi: Quý bạn Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ thân mến!

Kính thưa các bạn! Sau khi nhuận lại bộ sách Đường Về Xứ Phật tập 6 chúng tôi có bổ sung thêm câu hỏi của những tu sĩ và cư sĩ. Vì những câu hỏi này có một giá trị lợi ích thiết thực cho sự tu tập của các bạn. Chúng tôi sẵn sàng trả lời những câu hỏi của những ai có quyết tâm tìm đường thoát khổ của kiếp làm người theo đúng lộ trình của Phật giáo Nguyên Thuỷ.

Chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi của những ai có tâm huyết muốn xây dựng lại và làm sáng tỏ thêm nền giáo pháp chân chánh của Phật giáo Nguyên Thủy.

Chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi của những ai muốn học hỏi đạo đức làm người của đạo Phật, mà từ khi đức Phật nhập diệt đến nay nó đã bị chôn vùi trong lớp giáo pháp mê tín, trừu tượng, ảo giác tưởng giải của các nhà học giả kinh sách phát triển.

Chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi cho những ai đang thắc mắc về giáo lý Phật giáo dẫy đầy mâu thuẫn, dẫy đầy mê tín, dị đoan v.v..

Sau cùng chúng tôi gửi lời thân mến nhất thăm và chúc quý bạn mạnh khoẻ, an vui để tìm ra một lối đi chân chánh của Phật giáo, để thực hiện hoài bão ra khỏi sanh tử luân hồi của mình.

     Kính ghi

Tu Viện Chơn Như.

TU TẬP ĐỊNH VÔ LẬU CÓ BA VIỆC CẦN PHẢI LƯU Ý

 

LỜI PHẬT DẠY

“1- Phòng hộ sáu căn

2- Sanh y là căn bản của đau khổ

3- Giải thoát nhờ đoạn dứt sanh y”.

 

 

CHÚ GIẢI:

1- Phòng hộ sáu căn: Tức là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Phòng hộ sáu căn có nghĩa là giữ gìn tâm không phóng dật, giữ gìn tâm không phóng dật là một việc làm thiện xảo và rất khéo léo, nếu không thiện xảo và khéo léo thì tâm dễ phóng dật.

Phòng hộ sáu căn còn có nghĩa là sống độc cư mà đức Phật đã thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần và nhất là Ngài nhắc chúng ta phải sống độc cư như con tê ngưu một sừng.

Đúng vậy chỉ sống như con tê ngưu một sừng thì tâm mới không phóng dật. Tâm không phóng dật, tức là tâm bất động trướcác pháp và các cảm thọ, như vậy chúng ta đã đi nốt quãng đường của đạo Phật.

2-Sanh y là căn bản của sự đau khổ:Có nghĩa là những pháp chung quanh ta tạo thành một đời sống, chính vì đời sống chung đụng với mọi người, mọi vật và mọi loài chúng sanh mà chúng ta phải chịu nhiều khổ đau, phiền toái, v.v.. khi mà chúng ta không biết sử dụng trí tuệ nhân bản - nhân quả, cũng như không hiểu biết sống đạo đức làm người.

Sanh y là căn bản của sự đau khổ, đây là lời cảnh giác khuyên nhắc của đức Phật, chúng ta hãy đề cao cảnh tỉnh mọi sanh y đối với người cư sĩ, còn với một vị Tỳ Kheo thì sao? Xin các bạn vui lòng đọc tiếp thì sẽ rõ, có câu trả lời cho các bạn.

3- Giải thoát là nhờ đoạn dứt sanh:Đây là lời khuyên bảo chí tình của đức Phật, nếu muốn tìm tu sự giải thoát mà không đoạn dứt sanh y thì không bao giờ có giải thoát được.

Bởi vậy một vị Tỳ Kheo phải xả bỏ tất cả, sống đúng đời sống phạm hạnh “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, chỉ còn ba y một bát, một đời sống thiểu dục tri túc, tâm hồn trắngbạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không”. Chỉ có đời sống xuất gia mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của kiếp này.

TRÌ GIỚI LÀ LY DỤC

 

LỜI PHẬT DẠY

1- Nói trì giới, là để chỉ cho tâm ly dục, ly ác pháp.

2- Nói dục, là chỉ cho tâm bất tịnh, cấu uế, ô trược.

3- Nói lậu hoặc, là chỉ cho tâm đau khổ.

4- Nói tịnh chỉ các hành trong thân, là để chỉ sự làm chủ sống chết.

5- Nói Tam Minh, là chỉ cho tâm vô lậu.

6- Nói Niết Bàn, là chỉ cho tâm vô dục, tâm bất động giải thoát.

 

CHÚ GIẢI:

1- Nói trì giới:Là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp, có nghĩa là người tu sĩ và người cư sĩ sống đúng giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, biết sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, biết xấu hổ dù là phạm một giới luật nhỏ hoặc một điều ác nhỏ, người như vậy là người đã ly dục ly ác pháp, người đã ly dục ly ác pháp là người đã sống trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự, người đã sống được trong trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự là người tâm Bất Động trước các ác pháp và các cảm thọ, người có tâm Bất Động trước các ác pháp và các cảm thọ là người có đạo đức nhân bản, người có đạo đức nhân bản là người không làm khổ mình, khổ người. Người không làm khổ mình, khổ người là người giải thoát của đạo Phật. Cho nên, người giải thoát của đạo Phật là người có tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát tức là đức hạnh, tri kiến giải thoát và đức hạnh là giới luật của Phật. Cho nên, đức Phật dạy: “Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó”.

Tóm lại, người trì giới là người có trí tuệ và đức hạnh, người có trí tuệ và đức hạnh là người trì giới, người trì giới là người tu sĩ chân chánh của đạo Phật.

2- Nói dục:Có nghĩa là nói nguyên nhân sinh ra đau khổ, sự đau khổ trong thế gian này được đức Phật xem như là sự bẩn thỉu, ô trược, hôi thối, bất tịnh có nghĩa là chẳng trong sạch, bất tịnh còn có nghĩa là ác pháp, nhưng chúng ta đừng vội vơ đũa cả nắm cho là tất cả dục là ác pháp, là bất tịnh, là sai.

Mặc dù dục là nguyên nhân sanh ra muôn thứ đau khổ nhưng có loại dục không đau khổ, đó là dục không làm khổ mình, khổ người; dục làm lợi ích cho người, cho mình, dục làm chủ sanh, già, bệnh, chết thoát khổ của kiếp làm người; dục chấm dứt luân hồi sanh tử v.v.. Đó là những dục thiện mà người tu sĩ Phật giáo cần phải tăng trưởng.

Bởi vậy dục có thiện dục và có ác dục nên đức Phật dạy chúng ta diệt dục ác không diệt dục thiện. “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện” là nghĩa ấy vậy.

Diệt dục thiện lẫn dục ác thì chúng ta trở thành cây đá còn đâu gọi là đi tìm sự giải thoát. Phải không các bạn?

Có người nghe kinh Tứ Thánh Đế, đến Diệt Đế họ tưởng rằng diệt hết dục là giải thoát, là Niết Bàn, sự hiểu biết như vậy là sự hiểu biết nông cạn, là sai, là không hiểu Phật giáo.

Trong kinh Tứ Chánh Cần đức Phật đã xác định rõ ràng: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”như vậy chúng ta nên hiểu Kinh Tứ Diệu Đế dạy về Diệt Đế tức là diệt tâm ham muốn ác, chứ không có dạy diệt tâm ham muốn thiện, vì tâm ham muốn ác là tâm làm khổ mình, khổ người. Tâm làm khổ mình, khổ người là tâm không có đạo đức nhân bản, còn ngược lại tâm ham muốn thiện là tâm không làm khổ mình, khổ người, là tâm làm lợi ích cho mình cho người, là tâm giải thoát của đạo Phật, là tâm Niết Bàn, vì cuối cùng của con đường thiện pháp không làm khổ mình, khổ người thì tâm ham muốn thiện kia cũng không còn.

3- Nói lậu hoặc:Là chỉ cho tâm đau khổ, có nghĩa là bất cứ một việc gì làm đau khổ nào cho mình, cho người, cho chúng sanh thì đều gọi là lậu hoặc chứ không phải chỉ có khổ riêng cho mình mới gọi là lậu hoặc.

Ác pháp thường đến cho mình và cho nhiều người, không bao giờ đến đơn điệu cho một người, cho nên nói lậu hoặc, tức là nói một chùm nhân quả khổ đau, chứ không phải nghĩa rò rỉ của các chữ nghĩa Hán ngữ.

Lậu hoặc là chỉ cho thân tâm đau khổ nên nó được chia ra làm ba:

1-        Dục lậu.

2-        Hữu lậu

3-        Vô Minh lậu

Người tu hành theo Phật giáo diệt trừ được ba lậu hoặc này liền chứng đạo.

4- Nói tịnh chỉ các hành trong thân:là để chỉ cho sự làm chủ sống chết, tức là nói về năng lực của pháp Như Lý Tác Ý điều khiển chủ động bằng Tứ Như Ý Túc tức là Tứ Thần Túc. Tứ Thần Túc gồm có:

1-        Dục Như Ý Túc

2-        Tinh Tấn Như Ý Túc

3-        Định Như Ý Túc

4-        Tuệ Như Ý Túc

Do những thần lực này mà người tu sĩ Phật giáo mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

5- Nói Tam Minh:Là chỉ cho tâm vô lậu dứt hết nghiệp tái sanh luân hồi (Lậu Tận Minh), chứ không phải nói thần thông. Nói đến Lục Thông, Tam Minh theo như người ta nghĩ tưởng và ưa thích là nói đến thần thông. Đạo Phật không có dạy tu tập để có thần thông mà chỉ dạy đạo đức nhân bản nhân quả cho con người. Khi con người sống đúng đạo đức thì tâm thanh tịnh nghĩa là không còn tâm tham sân si nữa thì nơi tâm thanh tịnh ấy lưu xuất ra những thần lực trên. Những thần lực này có khả năng nhập các định và thực hiện Tam Minh. Với khả năng ấy mới làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Cho nên, Lục Thông, Tam Minh không phải thần thông làm trò ảo thuật cho người ta xem chơi như các nhà Yoga, mà Lục Thông Tam Minh là đạo lực có công năng làm chủ sự sống chết của con người.

Lục Thông có:

1-        Thiên Nhãn Thông

2-        Thiên Nhĩ Thông

3-        Tha Tâm Thông

4-        Túc Mạng Thông

5-        Thần Túc Thông

6-        Lậu Tận Thông.

Tam Minh gồm có:

1-        Túc Mạng Minh

2-        Thiên Nhãn Minh

3-        Lậu Tận Minh.

6- Nói Niết Bàn:Là chỉ cho tâm vô dục, tâm bất động giải thoát, tức là tâm đã lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp, tâm lìa xa lòng ham muốn và các ác pháp là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

CÁC NHÀ HỌC GIẢ DẠY NHẬP SƠ THIỀN

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Phương pháp nhập Sơ Thiền của nhà học giả dạy: “Muốn nhập Sơ Thiền, thì mười ác pháp đi lui, năm thiện pháp đi tới. Vậy mười ác pháp là gì?

1-        Mắt đắm sắc

2-        Tai đắm tiếng

3-        Mũi đắm hương

4-        Lưỡi đắm vị

5-        Thân đắm xúc

Cộng năm thứ ngăn che (tham, sân, si, mạn, nghi) kể trên là 10 pháp ác.

Năm pháp thiện là gì? Đó là:

1-        Tầm

2-        Tứ

3-        Hỷ

4-        Lạc

5-        Nhất tâm

Kính thưa Thầy, nhà học giả dạy như vậy có đúng không?

Đáp:Ở đây nhà học giả dạy theo kiểu tưởng giải, chứ không đúng ý của Phật dạy.

Ác pháp gồm chung có rất nhiều, nhưng giới cư sĩ Phật dạy chỉ có: Thập thiện và thập ác. Thập thiện và thập ác là các pháp căn bản gốc đạo đức của đạo Phật để chỉ cho luật nhân quả thiện ác, tạo ra do ba hành động thân, miệng, ý. Từ đó sanh ra vô lượng pháp ác và pháp thiện.

Nhà học giả, kể ra mười pháp ác cũng đúng, nhưng lại sai, vì lấy ngũ triền cái, cộng với pháp phòng hộ sáu căn, bỏ bớt một căn để thành năm pháp ác. Đó là sự nghĩ tưởng của nhà học giả, chấp nối sai lạc kinh sách của Phật.

Nhà học giả dạy tu hành ở giai đoạn này là giai đoạn ly dục, ly ác pháp, nó còn để không xảy ra bệnh tật thần kinh tưởng. Nếu là giai đoạn tu tập thiền định và Tam Minh thì không tránh khỏi tai họa lớn cho hành giả. Cho nên, nhà học giả kết hợp dạy như vậy, thì chỉ có giết người, chứ không phải dạy tu thiền định như vậy.

Phật dạy: “ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”, chứ không có dạy“ly 10 pháp ác, nhập Sơ Thiền”. Biết rằng trong 10 pháp ác có dục là tham muốn, nhưng không phải vì vậy mà gọi là ly dục. Dạy theo kiểu học giả thì người ta không biết đâu ly 10 pháp ác. Đọc đoạn kinh này ta thấy nhà học giả không có thực hành pháp tu, chỉ nghĩ tưởng ra nói suông mà thôi, chứ không thấy trách nhiệm lời nói của mình đối với đoàn hậu thế mai sau.

Kinh điển, đức Phật đã dạy rất rõ ràng: “Mắt đắm sắc, tai đắm âm thanh, mũi đắm mùi hương, lưỡi đắm vị, thân đắm xúc, ý đắm pháp”. Đó là pháp dạy phòng hộ sáu căn, tức là pháp giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý, không cho dính mắc sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Phật không có dạy đó là ác pháp, nhưng chúng ta phải hiểu khi mắt đắm sắc, tai nhiễm âm thanh, mũi thích mùi hương, lưỡi ưa thích vị, thân đắm xúc, ý chấp pháp. Từ chỗ đắm, nhiễm, ưa, thích, dính mắc, chấp kiến pháp đó, mới sanh ra có thương, ghét, giận, hờn, phiền não, đau, khổ v.v.. Các pháp thương ghét, giận, hờn, phiền não đau khổ, mới chính là ác pháp, chứ không phải mắt thấy sắc, tai nghe âm thinh, mũi ngửi mùi... là ác pháp.

Nhà học giả đã giảng dạy theo tưởng giải của mình, khiến cho mọi người lầm chấp, tưởng đó là lời Phật dạy thật, nên sự hiểu biết vô minh lại càng vô minh hơn, sự sai lệch càng sai lệch hơn.

Nhà học giả, dạy Sơ Thiền, không có pháp hành “Mười pháp ác đi lui, năm thiện pháp đi tới”. Nghĩa là làm cách nào tu tập, để mười ác pháp đi lui và năm thiện pháp đi tới? Ở đây nhà học giả chỉ có nói suông, không có cách thức hay pháp hành tu tập cụ thể rõ ràng.

Nói về pháp thiện và pháp ác, Đức Phật đã dạy rõ ràng: “Thập thiện và thập ác”, thì không có người Phật tử nào không biết, còn thiện ác của nhà học giả viết ra, khiến cho người Phật tử khó hiểu, lại thấy đạo Phật có thêm mười pháp ác lạ.

Như vậy, nhà học giả không dựa vào lời dạy của đức Phật, tự tưởng giải theo sự hiểu biết của mình giảng ra, khiến cho sự tu tập theo đạo Phật không còn đơn giản, rối rắm bởi nhiều danh từ, nghe thì rất kêu, nhưng làm mất ý nghĩa pháp hành, thành ra rỗng tuếch.

Dạy như vậy, đi từ cái sai này đến cái sai khác. Từ đó, kinh sách của các nhà học giả đã biến Phật giáo, thành một giáo phái ngôn luận, lý thuyết suông, khiến cho các thầy Tỳ Kheo tu hành theo kinh sách này chỉ nói được mà không làm được.

TIẾNG ỒN

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy, theo như nhà học giả dạy: “cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng ồn đi vào tai”, có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Không, nhà học giả đã hiểu sai những danh từ Phật dạy. Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền”, nhà học giả nghe chữ “ngôn ngữ”, rồi nghĩ tưởng ra là tiếng ồn, vì tiếng ồn thường làm động thiền định ức chế tâm, nên Ngài luận: “Cái chướng ngại của Sơ Thiền là tiếng động đi vào tai”.

Ngài không hiểu thiền của đạo Phật là thiền gì? Ngài cho Sơ Thiền ngại tiếng đọng cũng giống như Thiền Đông Độ và Thiền Đại Thừa sao?

Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, nên còn có rất nhiều tên như:

1-        Tịnh chỉ ngôn ngữ

2-        Ly dục, ly ác pháp

3-        Sống trầm lặng

4-        Sống độc cư

5-        Sống phạm hạnh

6-        Bất động tâm định

7-        Vô tướng tâm định

8-        Sơ Thiền

9-        Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm

10-    Giới luật thanh tịnh

11-    Tâm không phóng dật

12-    Tâm vô dục, vô ác pháp

Từ xưa đến giờ, các nhà học giả không có thực hành hoặc thực hành chưa đến nơi đến chốn, cho nên sự hiểu biết của các Ngài bằng tưởng tri, không phải bằng trí tuệ. Xét lại sự hiểu biết về Sơ Thiền của các Ngài, mà dạy như vậy thì kinh sách của các Ngài không còn có giá trị tu hành nữa.

Tịnh chỉ ngôn ngữ, tức là sống độc cư, sống trầm lặng, như đức Phật đã dạy 42 bài kệ sống độc cư và thường ca ngợi cuộc sống trầm lặng của vị khất sĩ.

Nhà học giả không có thực hành bốn thiền hữu sắc (Tứ Thánh định), nên đã hiểu sai lệch quá nặng, gần như không biết về bốn loại thiền này.

Nên ở đời, mọi người ít ai chịu mình ngu dốt, cái không biết cứ tưởng mình là biết, từ đó cái sai này dẫn đến cái sai khác. Nhà học giả cũng vậy, không biết về loại thiền Tứ Thánh Định này, dám viết ra sách dạy người tu thiền này, xem thiên hạ đều là bọn ngu dốt chẳng biết gì về Phật pháp cả.

Sơ Thiền không phải là một trạng thái thiền vắng lặng, không có tiếng ồn đi vào tai, Sơ Thiền chỉ là một trạng thái an lạc, thanh thản, có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc của tâm bất động. Nhà học giả chỉ luận theo danh từ trong kinh nên chẳng rõ trạng thái Sơ Thiền như thế nào? Thấy kinh dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền” nên tưởng nghĩ ra “Cái chướng ngại của sơ thiền là tiếng ồn đi vào tai”.

Tịnh chỉ ngôn ngữ, mà nhà học giả hiểu là tiếng ồn đi vào tai, làm chướng cho Sơ Thiền, thì rõ ràng nhà học giả chẳng biết gì về Sơ Thiền cả như trên chúng tôi đã nói, hiểu như vậy thật là hiểu sai ngàn vạn dặm. Nhà học giả xưa đã hiểu sai như vậy, nhà học giả ngày nay cứ theo lối mòn cũ mà giải thích, khiến cho người đời sau chẳng biết đâu mà tu hành.

Ý của Phật dạy ở đây “tịnh chỉ ngôn ngữ để nhập Sơ Thiền”, tức là phòng hộ sáu căn, phòng hộ sáu căn, tức là sống độc cư, chỉ có độc cư mới phòng hộ sáu căn trọn vẹn, nhờ có phòng hộ sáu căn trọn vẹn, tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật, tức là tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp, tức là tâm mới nhập Bất Động Tâm Định. Từ Bất Động Tâm Định mới nhập được Sơ Thiền.

Vào thiền thứ nhất mà nhà học giả hiểu sai, giảng sai thì làm sao giảng dạy Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh cho được, nên đời sau không ai nhập bốn thiền thuộc loại Tứ Thánh Định này. Kinh sách thì dạy rõ ràng mà người không tu lại giảng kinh sách, đó là buôn Phật bán pháp, bán chữ bán nghĩa mà ăn, làm một nghề bất lương, chứ không phải dạy người tu hành. Mình có tu được chưa mà dám dạy người tu như vậy?

TẦM TỨ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhà học giả cho chướng ngại của Nhị Thiền là tầm[1] tứ[2], cho như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Nhà học giả cho chướng ngại của Nhị Thiền là tầm tứ, cho như vậy là đúng, nhưng Ngài không biết cách tịnh chỉ tầm tứ. Tịnh chỉ tầm tứ đâu phải tịnh tọa ức chế tâm như tu tập thiền tỉnh thức theo hành động thân và hơi thở. Nếu tu tập theo kiểu đó thì chẳng khác nào như tu pháp sổ tức quán, niệm Phật, các phương pháp khác của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, thì đó là diệt tầm tứ ức chế tâm, đâu đúng Nhị Thiền của Phật đã dạy.

Nhị Thiền diệt tầm tứ bằng cách dùng pháp hướng tâm Tứ Thần Túc theo đường dây hơi thở, theo như phương pháp Đức Phật đã dạy: “Muốn nhập Nhị Thiền thì định niệm hơi thở khéo tác ý”.

Ở đây, nhà học giả không nói lên được pháp hành tu tập Nhị Thiền mà chỉ lờ và lướt qua một cách nhẹ nhàng, vốn là để tránh né, vì chẳng biết cách tu như thế nào?

Như chúng ta đã biết Sơ Thiền là thiền định, thiền định của tâm, chứ chưa phải là định của thân, nhưng nó chính là chánh thiền định của Phật giáo, đi từ chỗ xả tâm ly dục ly ác pháp mà vào. Vì thế, nhờ có thiền này nên tâm được an lạc, thanh thản và vô sự; nhờ có thiền này mà giới luật mới có thanh tịnh và nghiêm trì; nhờ có thiền này mà tâm mới an trú trong Phạm hạnh; nhờ có thiền này mà oai nghi tế hạnh của người tu sĩ mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật; nhờ có thiền này chúng ta mới thấy tâm hồn giải thoát thật sự. Vì thế, mới biết rằng Phật giáo không dối người, không lừa đảo người, nếu không có loại thiền định này (Tứ Thánh Định), thì Phật giáo vẫn là một tôn giáo dối trá, xảo quyệt, lừa đảo lường gạt người v.v.. làm chủ sanh, già, bệnh, chết.



[1] Tầm là tư duy suy nghĩ

[2] Tứ là tác ý

LY HỶ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có nhà học giả dạy: “Chướng ngại của Tam Thiền là hỷ”. Có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Đúng, nhưng nhà học giả không biết pháp hành và không biết hỷ là cái gì sanh ra hỷ, ở đây sự vui mừng của ý thức không còn nữa, vì sáu thức đã gom lại vào một tụ điểm, nơi hành giả đang an trú trong định, ở trạng thái này sáu thức không còn hoạt động, vì thế tưởng thức bắt đầu hoạt động. Nếu ai nhập Tam Thiền mà không hiểu chỗ này thì không nhập Tam Thiền được.

Nhà học giả giảng chỗ này không rõ ràng, vì không có kinh nghiệm nhập định nên nói loanh quanh: “Chướng ngại của Tam Thiền là hỷ”, mà không biết ly hỷ bằng cách nào? Và cũng không hiểu hỷ này thuộc về ý thức, hay tưởng thức, hay là tâm thức?

Vào thiền thứ hai và thiền thứ ba nhà học giả dựa vào những danh từ tịnh chỉ tầm tứ, tịnh chỉ hỷ mà dạy theo kiểu kiến giải của mình, nhưng chẳng biết tịnh chỉ tầm tứ như thế nào? Và loại tầm tứ nào tịnh chỉ? Tầm tứ nội hay tầm tứ ngoại? Và chẳng biết tịnh chỉ loại hỷ nào? Tịnh chỉ như thế nào? Và khi ý thức ngưng hoạt động thì hỷ này thuộc về uẩn nào? Uẩn nào sanh ra hỷ này? Những người không có thực hành Tứ Thánh Định thì không thể nào hiểu nổi những trạng thái này. Muốn thực hành Tứ Thánh Định thì phải có Định Như Ý Túc. Không có Định Như Ý Túc thì Tứ Thánh Định chỉ có đứng ngoài cổng nhìn vào, chứ không bao giờ nếm được mùi vị gì của Thiền định cả. Định Như Ý Túc từ giới luật sinh ra “Giới sinh định”, tức là giới sinh ra Định Như Ý Túc. Có Định Như Ý Túc mới nhập Tứ Thánh Định được. Cho nên, các bạn lưu ý ở chỗ này để tránh những thiền tưởng của ngoại đạo.

Tầm tứ: có tầm tứ thiện và có tầm tứ ác, có tầm tứ nội và có tầm tứ ngoại, còn hỷ thì có 18 loại hỷ. Vậy xả loại hỷ nào và bằng cách thức tịnh chỉ hỷ như thế nào? Ở đây, nhà học giả không nói ra được, tức là không biết, không biết thì đừng luận về Tứ Thánh Định, mà luận về Tứ Thánh Định thì chỉ có bậc A La Hán, người đã nhập xong bốn loại định này, mới không luận sai.

SỔ TỨC

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhà học giả dạy chướng ngại của Tứ Thiền là sổ tức có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Không đúng, nhà học giả đã hiểu sai danh từ Phật dạy, “tịnh chỉ hơi thở”, tịnh chỉ hơi thở không phải là sổ tức; sổ tức, tức là đếm hơi thở, còn nếu cho chướng ngại của Tứ Thiền là sổ tức thì không đúng. Sổ tức là một pháp môn ức chế tâm, diệt vọng tưởng, bằng cách đếm hơi thở, còn tịnh chỉ hơi thở là hơi thở ngưng nghỉ, không còn thở nữa, nếu chỉ còn thở một chút xíu hơi thở thì cũng chưa nhập Tứ Thiền.

Bởi vậy, Tứ Thiền là một loại thiền định, khi nhập định thân tâm thành một khối, nên nó còn có tên gọi là “Tâm định trên thân, thân định trên tâm”. Các pháp môn Thiền định trên thế gian này chỉ có thiền định này làm chủ sự sống chết và chính nó mà ngày xưa đức Phật đã đạt được đạo giải thoát, chứ không phải là một loại thiền tầm thường như các Tổ đã gán cho nó những danh từ “Phàm phu thiền, ngoại đạo thiền, Nhị Thừa Thiền”.

Ngưng đếm hơi thở là một việc làm rất dễ, mà Tứ Thiền chỉ có ngưng đếm hơi thở thì người tùy tức vẫn là nhập Tứ Thiền được sao?

Trạng thái của Tứ Thiền là một trạng thái thân tâm bất động nên nó còn có tên khác như trên đã nói: “tâm định trên thân, thân định trên tâm”. Người tu thiền thời nay không hiểu định của Tứ Thiền, nên tưởng rằng tâm không vọng tưởng, thân ngồi bất động là nhập định. Tâm thì không nhúc nhích mà thân thì không ngừng hơi thở, còn rung động thì làm sao gọi là nhập định trên tâm được? Vì thế hơi thở phải ngưng nghỉ, các hành trong thân phải ngưng nghỉ, thì mới gọi là nhập định. Các nhà học giả chỉ hiểu được tâm định ở chỗ ức chế tâm, chứ không hiểu ở chỗ xả tâm là tâm không tầm tứ, tâm không nhúc nhích, tức là tâm tịnh chỉ tầm tứ, “tịnh chỉ tầm tứ” là một tên khác của “Nhị Thiền”.Còn thân định thì các Ngài không hiểu, tưởng là ngồi kiết già lưng thẳng thân không rung động là định của thân.

Vậy người nào muốn thực hiện nhập được định Tứ Thiền thì phải tâm ly dục ly ác pháp, tức là giới luật phải thanh tịnh và pháp hướng tâm phải có hiệu quả, chứ không phải ngưng sổ tức mà nhập được Tứ Thiền.

Các nhà học giả không có tu hành làm sao biết được thân định trên tâm như thế nào? Thế mà các Ngài dám dựa theo chữ nghĩa mà giảng thì các Ngài giết người không cần gươm đao.

Đức Phật đã dạy rất rõ ràng, muốn nhập Bốn Thánh Định và Diệt Thọ Tưởng Định thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ, phải tịnh chỉ tầm tứ, phải tịnh chỉ 18 loại hỷ tưởng, phải tịnh chỉ hơi thở và phải tịnh chỉ thọ tưởng. Các bạn lưu ý những lời Phật dạy dưới đây:

“Tịnh chỉ tầm tứ là ngưng khẩu hành.

Tịnh chỉ hỷ là ngưng tưởng hành.

Tịnh chỉ hơi thở là ngưng thân hành.

Tịnh chỉ thọ tưởng là ngưng ý hành.

Tịnh chỉ ngôn hành là nhập Sơ Thiền.

Tịnh chỉ khẩu hành là nhập Nhị Thiền.

Tịnh chỉ tưởng hành là nhập Tam Thiền.

Tịnh chỉ thân hành là nhập Tứ Thiền.

Tịnh chỉ thọ hành và tưởng hành là nhập Diệt Tận Định còn gọi là nhập Diệt Thọ Tưởng Định”.

DỨT TIẾNG ỒN LÊN NHỊ THIỀN

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhà học giả dạy trong Sơ Thiền ta cần chấm dứt tiếng ồn để lên Nhị Thiền, như vậy có đúng không?

Đáp:Không, Phật dạy diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền hay tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền, chứ không có dạy trong Sơ Thiền chấm dứt tiếng ồn nhập Nhị Thiền. Nhà học giả lầm tưởng khẩu hành là ngôn ngữ và ngôn ngữ là khẩu hành. Ngôn ngữ là lời nói, khẩu hành không phải là lời nói mà hành động phát ra lời nói, hành động phát ra lời nói tức là tầm tứ.

Tịnh chỉ tầm tứ, tức là tịnh chỉ ý thức, ý thức không còn hoạt động giao lại cho tưởng thức hoạt động, do thế đức Phật dạy diệt tầm tứ định sanh hỷ lạc, hỷ lạc ở đây do tưởng uẩn lưu xuất, vì tưởng thức thay thế cho ý thức đang hoạt động, nên ta có cảm giác hỷ lạc.

Ví dụ: Một người đang ngủ thì mới có chiêm bao, còn người thức thì không bao giờ có chiêm bao. Chiêm bao là tưởng hoạt động.

Khi một người có vọng tưởng, tức là ý thức câu hữu với tưởng thức. Cho nên, thế giới hữu hình và thế giới siêu hình đều ở trong ta và đang hoạt động từng phút giây, vừa hoạt động kết hợp với nhau mà cũng có những sự hoạt động riêng lẽ như trong giấc mộng.

CHẤM DỨT TẦM TỨ LÊN TAM THIỀN

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong Nhị Thiền ta chấm dứt tầm tứ để lên Tam Thiền, có đúng như vậy không thưa Thầy?

Đáp:Không, đức Phật dạy diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền, chớ không có dạy dứt tầm tứ để lên Tam Thiền. Nếu dứt tầm tứ còn lấy cái gì để lên Tam Thiền, nhà học giả tưởng rằng ở trạng thái của Nhị Thiền chỉ cần lìa trạng thái hỷ là nhập Tam Thiền (ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền). Trong kinh Phật dạy rất rõ ràng: “xuất Nhị Thiền rồi mới nhập Tam Thiền”. Ly hỷ trú xả là một tên khác của Tam Thiền chớ không phải là pháp hành. Nếu nói ly hỷ là ly được hỷ liềnthì đâu cầngì phải tu tập. Ly hỷ là một danh từ để chỉ trạng thái tịnh chỉ tưởng thức, chứ không phải lìa sự vui mừng của cảm giác ý thức như nhà học giả hiểu.

Người có kinh nghiệm tu hành, nói ly hỷ là họ biết ngay phải tu tập những pháp môn nào mới ly được hỷ tưởng.

CHẤM DỨT HỶ LÊN TỨ THIỀN

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong Tam Thiền ta chấm dứt hỷ để lên Tứ Thiền, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Không, đức Phật dạy ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền, chứ không có dạy trong Tam Thiền chấm dứt hỷ lên Tứ Thiền.

Chấm dứt hỷ đức Phật không có dạy mà dạy ly hỷ trú xả nhập được Tam Thiền, đàng này hỷ chưa ly mà nhập trong Tam Thiền được sao? Nhà học giả này lầm lộn quá, không sợ phạm tội Ba dật đề, đọa địa ngụcsao? Dám giảng sai ý của Phật như vậy, làm mất giá trị pháp môn tu hành của Phật giáo.

Tóm lại, muốn nhập Tam Thiền người tu sĩ phải lìa xa các trạng thái (ly hỷ) tưởng, khi đã lìa xa các trạng thái tưởng thì chiêm bao không còn, có như vậy mới nhập được Tam Thiền.

Muốn nhập Tứ Thiền hành giả phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, tức là tịnh chỉ hơi thở, đó là con đường tu tập thiền định mà Phật đã dạy như vậy, còn nhà học giả dạy chấm dứt hỷ để lên Tứ Thiền, đó là thiền của các Tổ, chúng ta xin miễn bàn.

TRONG TỨ THIỀN NGƯNG SỔ TỨC ĐẠT KHÔNG ĐỊNH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong Tứ Thiền ta ngưng sổ tức để đạt tới Không Định, như vậy có đúng không thưa Thầy?.

Đáp:Không, đức Phật không có dạy trong Tứ Thiền ngưng sổ tức để đạt tới Không Định. Đức Phật dạy: “Muốn nhập Không Định thì phải dùng “Tưởng Không” mà tu tập”, như trong kinh Tiểu Không đức Phật đã dạy. Nhà học giả này giàu tưởng tượng tự đặt ra sự nối tiếp giữa bốn thiền hữu sắc và bốn định vô sắc, chứ ông ta đâu biết rằng bốn thiền hữu sắc và bốn thiền vô sắc tu hành khác nhau, không giống nhau chút nào. Thiền hữu sắc dùng ý thức mà tu, còn định vô sắc dùng tưởng thức mà tu. Cho nên, sự tu hành của hai loại thiền này cách biệt rất xa và cũng không phải là hai bậc thang của một cây thang.

Phật dạy nhập Tứ Thiền hơi thở tịnh chỉ, hơi thở đã tịnh chỉ thì còn đâu phải ngưng sổ tức, nhà học giả này đã tự đặt ra mà không thấy cái sai của mình. Từ xưa đến giờ, các Tổ đều nghĩ tưởng bốn thiền hữu sắc thấp hơn bốn định vô sắc. Vì có nhập được bốn thiền hữu sắc thì mới có thể nhập bốn định vô sắc, hiểu như vậy, tức là hiểu sai. Xưa, đức Phật chưa nhập bốn thiền hữu sắc mà đã được hướng dẫn nhập bốn định vô sắc và Ngài đã nhập được Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định.

Người muốn nhập định vô sắc thì không cần phải nhập định hữu sắc, vì trong kinh Tiểu Không Đức Phật đã dạy rõ ràng. Quý vị nên đọc lại bài kinh Tiểu Không, ở trong kinh Trung Bộ. Muốn nhập Không Vô Biên Xứ Định, Đức Phật đã dạy: “ý thức thanh tịnh không liên hệ ngũ căn thì nhập Không Vô Biên Xứ Định”, chứ không phải nhập Tứ Thiền rồi mới nhập Không Định như nhà học giả đã dạy ở trên.

Tóm lại, các nhà học giả phần đông chưa có tu tập nhập được từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền thì không làm sao giảng nổi Tứ Thánh Định. Nếu không có kinh nghiệm tu hành nhập được Tứ Thánh Định chân thật thì Tứ Thánh Định của đạo Phật chỉ còn là một bài kinh chữ nghĩa suông, nếu ai đem giảng nói, mà không có kinh nghiệm tu hành thì không có ích lợi gì cho ai cả mà còn hại cho người tu sau này. Nhiều nhà học giả tự đặt ra bằng trí tưởng tượng nên làm sai lệch ý nghĩa lời dạy của đức Phật, càng giảng Tứ Thánh Định lại càng thêm tối nghĩa, mù mờ không rõ, pháp hành không có.

MƯỜI HƠI THỞ ĐẾM KHƠNG LỘN LÀ Ý CÓ ĐỊNH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi: Kính thưa Thầy!Trong Kinh An Ban Thủ Ý dạy: Trong thời gian 10 hơi thở ấy mà đếm không lộn, là ý bắt đầu có định. Định nhỏ thì có thể kéo dài trong 3 ngày, định lớn 7 ngày, trong thời gian ấy không có một tưởng tạp loạn chen vào, hành giả ngồi yên như người chết, đó gọi là Sơ Thiền, thưa Thầy kinh dạy như vậy có đúng không?

Đáp: Không, đức Phật dạy ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, chứ không có dạy như trong kinh An Ban Thủ Ý. Dạy như trong kinh An Ban Thủ Ý thì đó là một loại thiền ức chế tâm bằng pháp môn sổ tức.

Chúng ta phải hiểu Sơ Thiền là loại thiền xả tâm có tầm có tứ, còn sổ tức là pháp môn ức chế tâm không tầm không tứ “ngồi yên như người chết” mà gọi là nhập Sơ Thiền thì kinh này dạy sai, không đúng như lời Phật dạy.

Đây là một bài học cho chúng ta thấy, các Tổ viết và soạn kinh sách như vậy, không đúng như lời Phật đã dạy. Như vậy chúng ta còn đủ lòng tin ở các Tổ nữa không? Kinh sách của các Ngài chúng ta còn đội trên đầu vai mang nữa hay không?

Sổ tức, tức là còn đếm hơi thở, đếm hơi thở là còn tác ý, hơi thở là đối tượng của tâm, tâm còn ở trong niệm hơi thở và còn tác ý ức chế tầm tứ thì làm sao gọi là định thứ nhất được? Vậy mà mười hơi thở đếm không lộn là có định, định này là định của các Tổ, chứ Phật thì không có định như vậy, và cũng không tu sổ tức như vậy được, đức Phật chỉ dạy nhập Sơ Thiền là tâm ly dục ly ác pháp thì tâm mới có thiền, chưa có định. Còn ngược lại nhà học giả xác định mười hơi thở là có định thì đó là một sự sai biệt giữa Tổ và Phật một trời một vực.

Tại sao chúng ta biết rõ như vậy?

Tại vì đức Phật dạy rất rõ ràng: Do “ly dục sanh hỷ lạc nhập Sơ Thiền”. Chỗ Sơ Thiền Phật không dạy: “định” sanh hỷ lạc, mãi cho đến khi nhập Nhị Thiền Phật mới nói: “Định sanh hỷ lạc”.

Đếm hơi thở và ly dục ly ác pháp là hai việc làm khác nhau, một đàng thì xả tâm để tâm được thanh tịnh giải thoát (dục và ác pháp); một đàng thì tu ức chế tâm, để tâm không có tầm tứ; một đàng tu thì còn tầm tứ thiện; một đàng tu thì diệt cả tầm tứ thiện và ác.

Do đó, chúng ta thấy rất rõ, đếm hơi thở không thể nào nhập Sơ Thiền được. Người tu theo đạo Phật phải sống một đời sống Phạm hạnh, nhờ có sống đời sống Phạm hạnh, tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm có ly dục ly ác pháp thì mới nhập được Sơ Thiền.

NHỜ THEO DÕI HƠI THỞ MÀ ĐƯỢC ĐỊNH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Tâm ý, sở dĩ định được là nhờ theo dõi hơi thở, cấu uế đã được tiêu diệt thì tâm ý dần dần trong sạch, đó gọi là Nhị Thiền. Thưa Thầy những lời dạy này có đúng trong kinh điển của đức Phật dạy hay không?

Đáp:Không, Phật dạy khi nhập Sơ Thiền thì tâm phải ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm giới luật nghiêm trì, tâm giới luật nghiêm trì là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì cấu uế lần lần tiêu diệt chỉ còn dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉtầm tứ thì liền nhập Nhị Thiền. Còn tâm chưa ly dục ly ác pháp là tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì tâm không có cách nào nhập được Sơ Thiền, tâm chưa nhập được Sơ Thiền thì giới luật chưa thanh tịnh, giới luật chưa thanh tịnh thì tâm chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh thì không thể theo dõi hơi thở mà nhập được Sơ Thiền, Sơ Thiền chưa nhập được thì mong gì nhập được Nhị Thiền, còn cấu uế của tâm là nhờ giới luật mới được tiêu trừ chứ không phải nhờ có định. Nhà học giả dạy nhập định theo kiểu tưởng giải của mình, không đúng như kinh Phật dạy.

Phật dạy nhập định Nhị Thiền không có ức chế tâm chỉ dùng tâm ly dục ly ác pháp tức là tâm thanh tịnh, tâm Sơ Thiền, tâm thanh tịnh ở đây có nghĩa là tâm không phóng dật, thanh thản và an lạc. Người muốn nhập Nhị Thiền phải ở trạng thái này nương theo định niệm hơi thở, dùng pháp hướng tâm như lý tác ý tịnh chỉ tầm tứ.

Phật không dạy tùy tức nhập Nhị Thiền và cũng không dạy nhờ định mà cấu uế được tiêu diệt. Kinh An Ban Thủ Ý dạy điều này để nhập Nhị Thiền là không đúng như kinh Phật dạy.

Đọc bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, ta thấy những lối lập luận về Tứ Thánh Định, pháp hành không đúng cách, những từ dùng để chỉ thiền định không đúng như lời Phật dạy trong kinh, định mà còn niệm thì làm sao định được, đếm và tùy đó là hai phương pháp ức chế tâm thì không thể là thiền định được.

Kinh này dạy: Bỏ pháp đếm hơi thở chú tâm vào chóp mũi gọi là chỉ, làm như chỗ tâm ý ở đầu chóp mũi đó là Tam Thiền. Cách thức dạy nhập Tam Thiền như thế này không giống như Phật dạy: “ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền”. Cách thức tu tập theo Phật dạy, dùng định niệm hơi thở khéo tác ý hướng tâm tịnh chỉ 18 loại hỷ tưởng, âm thanh và mộng vắng bóng.

Về Tứ Thiền kinh An Ban dạy: Niềm tin Tam Bảo vững chãi, bây giờ tất cả những gì u tối đều trở nên trong sáng, đó gọi là “Tứ Thiền”. Nếu dạy theo kinh An Ban, chỉ cần có niềm tin Tam Bảo vững chãi là nhập được Tứ Thiền, thì như vậy Tứ Thiền nhập quá dễ dàng. Tứ Thiền là một loại định bất động của thân không phải là một việc dễ làm, hơi thở ngưng nghỉ không phải là chuyện dễ. Phật không dạy như thế này mà dạy tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở, tức là không còn thở, không còn thở, tức là xả thọ, xả thọ mà trong kinh gọi là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.

Lạc, khổ thuộc về thọ, niệm thanh tịnh là đối tượng của tâm, còn có thọ và đối tượng của tâm là chưa nhập được Tứ Thiền. Cho nên, muốn nhập Tứ Thiền thì phải tu tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ hơi thở, tức là không còn đối tượng của tâm, nên thân định trên tâm và tâm định trên thân.

Nếu còn có đối tượng trong sáng của tâm là chưa phải nhập Tứ Thiền nên kinh An Ban dạy nhập định Tứ Thiền không đúng như theo lời Phật đã dạy trong kinh Nguyên Thủy.

GOM Ý THỨC NHẬP THIỀN THỨ MẤY

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Hành giả gom ý thức lại khiến cho nó không còn sanh vọng tưởng, như vậy là nhập thiền thứ mấy?

Đáp:Gom ý thức lại khiến nó không sanh vọng tưởng là nhập thiền định tưởng. Gom ý thức lại, tức là ức chế tâm, ức chế tâm tức là ức chế ý thức, ức chế ý thức được thì tưởng thức hưng phấn, tưởng thức hưng phấn thì sanh mười tám loại hỷ lạc tưởng, tùy theo ở mức độ hưng phấn cao thấp mà người tu sẽ bị căng thần kinh sanh ra bệnh điên khùng, nếu mức hưng phấn thấp thì sanh ra kiến giải tưởng giải, nói thiền, nói đạo lung tung.

Người tu thiền phải đề cao cảnh giác loại thiền ức chế tâm, nó rất nguy hiểm, nhất là những người có nhiệt tâm tích cực tu hành thì dễ bị hưng phấn, rối loạn thần kinh. Phần nhiều hiện giờ, người tu thiền dễ bị tu lạc vào thiền ức chế tâm, tại vì tất cả các pháp môn thiền đều dạy cách thức ức chế tâm ngoại trừ pháp môn của đức Phật là thiền xả tâm mà thôi.

Tuy vậy, thiền của Phật không ức chế tâm, nhưng chúng ta thực hành không đúng và không thiện xảo khéo léo xả tâm thì sẽ biến thành thiền ức chế tâm, nó cũng không kém tai hại như những thiền khác.

SÁU THỨC GOM LẠI SẼ NHẬP ĐỊNH GÌ?

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Gom sáu thức lại một chỗ, thưa Thầy sẽ nhập định gì?

Đáp:Gom sáu thức lại một chỗ và biết cách hướng tâm xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì sẽ nhập Tứ Thiền, tức là tịnh chỉ hơi thở.

Gom sáu thức lại một chỗ mà không biết cách xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì sẽ nhập định tưởng, vì sáu thức ngưng hoạt động nên tưởng thức hoạt động, tưởng thức hoạt động thì đó là nhập định tưởng, tức là ức chế ý thức hưng phấn tưởng thức.

Gom sáu thức cũng không phải là một việc dễ làm, gom được sáu thức mà còn phải biết cách xả, nếu không biết cách xả thì rất là nguy hiểm, cũng như ức chế chỗ này mà không biết hướng dẫn hưng phấn chỗ khác cho đúng, để tự nó hưng phấn thì sẽ trở thành điên khùng. Việc tu hành không phải dễ, một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn tu thiền định thì phải nghe theo và thực hành cho đúng 100 phần trăm, không được tự ý hành theo kiểu tưởng giải của mình. Xưa, đức Phật dạy như thế nào thì các vị Tỳ Kheo làm như thế nấy, còn những vị nào tu sai không đúng lời dạy của Phật thì phải chịu lấy hậu quả, kết quả chẳng ra gì mà phải gánh hậu quả bệnh tật về sau.

Phải cảnh giác sự gom sáu thức, nếu không có người hướng dẫn thì đừng nên tu tập, nó có lực để xả tâm nhanh chóng nhưng nó có hại làm hưng phấn tưởng thức quá cao, sanh ra bệnh điên khùng nguy hiểm đến tánh mạng.

GOM Ý THỨC BẰNG CÁCH NÀO?

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Gom ý thức bằng cách nào?

Đáp:Gom ý thức của các Thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ là bằng cách ức chế tâm do pháp môn Sổ tức, Tùy tức, Niệm Phật, Niệm chú, Tri vọng, Chăn trâu, Tham thoại đầu, Tham công án, v.v..

Tứ Thánh Định thiền của Phật giáo là thiền diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp (tâm không phóng dật), tức là thiền định không ức chế tâm.

Nói tóm lại, gom ý thức của Đại Thừa và Tối Thượng Thừa là ức chế tâm, còn gom ý thức của Phật Giáo Nguyên Thủy là xả tâm, tâm không phóng dật, tức là gom ý thức.

Xin quý vị cần đề cao cảnh giác các pháp môn thiền định khi muốn tu phải cẩn thận quán xét thiền nào xả tâm và thiền nào ức chế tâm.

GOM Ý THỨC DIỆT TẦM TỨ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Gom ý thức để diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền bằng cách nào?

Đáp:Gom ý thức diệt tầm tứ để nhập Nhị Thiền bằng cách nương hơi thở dùng pháp hướng tịnh chỉ tầm tứ, chứ không được dùng hơi thở ức chế tâm.

Ở đây, chúng ta phải hiểu chữ “gom ý thức”của thiền Phật giáo nghĩa là tâm không phóng dật, đừng hiểu gom ý thức bằng nghĩa ức chế tâm, gom ý thức bằng nghĩa ức chế tâm là sổ tức hoặc tùy tức, tọa thiền tập trung ý thức bằng hơi thở hoặc bằng câu niệm Phật, v.v.. Gom tâm ở đây cho đúng nghĩa của Phật dạy là tu tập “Tứ Chánh Cần”.

Tu tập Tứ Chánh Cần là ngăn ác pháp và diệt ác pháp, ngăn ác pháp và diệt ác pháp, tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp, tức là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật, tức là tâm hướng vào trong thân, nói cách khác là tâm định trên thân; tâm định trên thân, tức là “gom ý thức diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền”.

TƯỞNG THỨC

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Muốn nhập Tam Thiền phải gom sáu thức nào?

Đáp:Muốn nhập Tam Thiền phải gom tưởng thức, nếu trả lời một cách ngắn gọn như vậy thì quý vị rất khó hiểu.

Khi chúng ta nhập Nhị Thiền, tầm tứ diệt, ý thức ngưng hoạt động, nên bước sang qua Tam Thiền, tưởng thức hoạt động, thay thế cho ý thức. Vì vậy, muốn nhập được Tam Thiền phải “gom tưởng thức, tức là ly hỷ trú xả”.Tam Thiền không có gom sáu thức vì sáu thức đã được gom và thuần hóa ở Nhị Thiền.

Cho nên, muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa các trạng thái của tưởng thức, lìa các trạng thái của tưởng thức, tức là “Ly hỷ trú xả”, như trong kinh đã dạy.

NĂM THỨC

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Muốn nhập Tứ Thiền phải gom thức nào?

Đáp:Muốn nhập Tứ Thiền Phải gom năm thức: thọ thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, vị thức. Nếu trả lời như vậy, quý vị sẽ cho chúng tôi chẳng hiểu kinh sách Phật, vì trả lời như vậy trong kinh sách Phật không có dạy.

Ở đây chúng tôi tùy theo câu hỏi mà trả lời, nhưng rất đúng nghĩa của Phật đã dạy. Quý vị nhớ lại xem lúc nhập Sơ Thiền là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật, tức là sáu thức đã quay vào trong thân, không còn phóng ra ngoài, nên thân động dụng việc gì thì sáu thức đều biết rõ, biết rõ bên trong mà không biết bên ngoài, lúc này gọi là tâm định trên thân.

Đến Tứ Thiền sao lại còn gom năm thức? Gom năm thức, ở đây quý vị cần phải hiểu, năm thức còn hoạt động bên trong nên gom năm thức, tức là tịnh chỉ năm thức, tịnh chỉ năm thức là điều khiển năm thức ngưng hoạt động, điều khiển năm thức ngưng hoạt động, tức là tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ hơi thở tức là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Hay nói một cách khác là “thân hành tịnh chỉ”.Thân hành tịnh chỉ, tức là nhập Tứ Thiền hay nói cách khác là gom năm thức nhập Tứ Thiền.

NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?

Đáp:Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết đi về nhân quả. Trả lời như vậy, quý vị rất khó hiểu và cũng không hiểu được như thế nào là đúng?

Các tôn giáo khác, thường có câu hỏi: “Con người từ đâu sanh ra, chết đi về đâu?”. Có tôn giáo cho con người sanh từ đấng Tạo Hóa; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ khí Âm và khí Dương; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ Đại Ngã; lại có tôn giáo cho con người từ Bản Thể Vạn Hữu sanh ra; lại có tôn giáo cho con người sanh ra từ miệng Phạm Thiên, do đức Chúa Trời sinh ra v.v..

Tất cả những giả thuyết trên đúng hay sai chúng ta không có ý kiến, nhưng đứng trong tôn giáo Phật giáo, thì đức Phật đã xác định: “Con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, và chết trở về nhân quả”.Đó là lời xác quyết rất hùng hồn, chỉ vì Ngài đứng trên lập trường “duyên hợp”của các pháp. Trong thế gian này không có một vật thể nào độc lập riêng lẽ tự nó. Cho nên tất cả vạn vật sanh ra đều do các duyên hợp mà thành.

Các pháp sanh ra đều phải do có hành động, có hành động mới sanh ra được, nói một cách khác các duyên hợp lại, phải trực tiếp qua các hành động, nhưng mỗi hành động đều không có sự hiểu biết, sự hiểu biết có được là nhờ vào tri thức, nhưng tri thức hiểu biết chỉ biết trong giới hạn “hữu hạn”ngoài vô hạn thì tri thức không hiểu rõ, vì thế sự hiểu biết của tri thức còn trong vô minh. Hành động thiện và ác nó đều không biết, cho nên từ đó tri thức tạo tác những hành động thân, miệng, ý khiến cho mình khổ và người khác khổ. Nhưng hễ có hành động, tức là có nhân quả.

Phật dạy: “Vô minh sanh hành, hành sanh thức”. Vì vậy, con người từ hành động vô minh sanh ra, nói cách khác cho đúng câu trả lời trên: “Con người từ nhân quả sanh ra”.

NHÂN QUẢ LÀ GÌ?

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Nhân quả là cái gì? xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được biết.

Đáp:Nhân quả là chữ Hán, nhân: có nghĩa là hạt; quả: có nghĩa là trái, gồm chung hai chữ nhân quả lại nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được. Ví dụ: hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam; hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được, v.v.. Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy.

Ví dụ: Như hành động trộm cắp thì phải gặt lấy hậu quả của hành động trộm cắp là bị bắt ở tù, hoặc bị người mất của bắt được đánh đập, có khi họ giết chết.

Hậu quả của sự tham lam trộm cắp, không những ở trong kiếp hiện tại nghèo nàn, đói khổ mà còn kéo dài trong các kiếp vị lai nữa. Cho nên, nhân quả tham lam đem lại cho đời người một sự nghèo đói bất hạnh vô cùng, là con người chúng ta phải tránh gieo nhân quả trộm cắp, cướp giựt của người khác, do không tham lam trộm cướp của người khác thì đời sống của chúng ta sẽ được no cơm ấm áo, nếu càng gieo nhân quả tham lam trộm cắp thì đời sống của chúng ta sẽ đói khổ vô cùng và trong muôn kiếp.

Kẻ làm ác giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì hậu quả sẽ bị tai ương, bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn hoặc bị sự giết hại của kẻ khác, bằng cách này hoặc bằng cách khác v.v..

Hành động thiện thì hưởng được phước báo như: Cơm ăn áo mặc đầy đủ, cuộc sống gặp nhiều may mắn, trong nhà hòa thuận vui tươi, con cái hiếu hạnh biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, còn hành động ác thì thọ khổ như: bệnh tật, tai nạn, trong nhà thường rầy rà, bất hòa chẳng an, con cái cãi lời cha mẹ, đi chơi bỏ học hành, trộm cắp tiền của cha mẹ, thường làm gia đình khổ, người khác khổ.

Luật nhân quả rất công bằng và công lý không ai lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị.

Vì thế, người gieo nhân ác không thể cầu khẩn chư Phật, chư Bồ Tát và Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các bậc Thánh Vạn Năng cũng không cứu giúp cho mình được. Nên vấn đề cầu an, cầu siêu, cầu xin ban phước lành chẳng bao giờ có được, chỉ là một trò lừa bịp lường gạt người khác, chẳng có ích lợi gì mà còn hao tài tốn của vô lối chẳng ích lợi gì cho ai cả.

NHÂN QUẢ DO ĐÂU MÀ CÓ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Nhân quả do đâu mà xuất phát?

Đáp:Nhân quả do ba chỗ xuất phát trong bản thân của mỗi con người, đó là thân, miệng, ý.

Ba nơi này là ba nơi nhân quả thường hoạt động khiến cho con người chịu khổ đau cũng như hưởng hạnh phúc, an vui. Hành động nơi thân, hành động miệng và hành động ý đều xuất phát nhân quả thiện hay ác. Nếu xuất phát nhân quả thiện thì người ấy được an vui, thanh thản và hạnh phúc. Cuộc sống cơm ăn áo mặc, tiền của dư giả không thiếu hụt, ít tai nạn, ít bệnh tật, thường được mọi người yêu mến và kính trọng, cuộc sống đầy dẫy hạnh phúc an vui, dù bất kỳ ở nơi đâu cũng vậy. Ngược lại, ba nơi ấy xuất phát nhân quả ác, thì người ấy phải chịu nhiều tai ương hoạn nạn, bệnh tật khổ đau kéo đến bủa vây không người này đến người khác, trong nhà thường xảy rầy rà bất hòa, lúc nào cũng cơm chẳng lành canh chẳng ngon, khiến cho tâm hồn mọi người đều đau khổ, bất an v.v..

Thân, miệng, ý là ba nơi hoạt động của nhân quả tạo ác, tạo thiện làm mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sanh khổ cũng chính do ba chỗ này.

Vậy ai là người chủ đọng hoạt động tại nơi ba chỗ này?

Ba chỗ này không có người chủ động hoạt động, chỉ có “Vô minh và Minh” hoạt động mà thôi, nếu vô minh hoạt động nơi ba chỗ này tạo nhân quả ác, chuyển thành nghiệp lực thì con người và tất cả chúng sanh phải chịu khổ đau tận cùng và tiếp tục tái sanh luân hồi mãi mãi trong vòng nghiệp lực ấy, nghiệp lực ấy do từ hành động thân, miệng, ý đã tạo ra nhân quả hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình.

Thấu hiểu được lý duyên hợp của các pháp do vô minh mà định luật nhân quả sâu sắc này mới có luân hồi, nên đức Phật đã dạy chúng ta thấu suốt “Mười Hai Nhân Duyên” do “Vô minh”hợp lại thành một thế giới khổ đau mà con người và chúng sanh phải chịu lấy cái đau khổ này mãi mãi từ đời này sang đời khác vô cùng, vô tận.

Muốn thoát khổ của kiếp làm người và thân chúng sanh, đức Phật đã dạy cho chúng ta “Minh” để thấu suốt lý nhân quả và đập tan “Mười Hai Nhân Duyên” phá sạch thế giới đau khổ, giải phóng con người thoát khổ, chấm dứt luân hồi, làm chủ sanh tử.

Vì thế, người học Phật mà không có trí tuệ “Minh”,không phá vỡ Mười Hai Nhân Duyên thì chỉ là một học giả nghiên cứu giáo pháp của Phật để nói láo ăn tiền.

Muốn phá vỡ Mười Hai Nhân Duyên, người tu sĩ đạo Phật phải rèn luyện cái thấy của mình đối với các pháp bằng “đôi mắtnhân quả”và sống đúng đời sống“Phạm hạnh” như Phật thì Mười Hai Nhân Duyên sẽ tan rã, thế giới khổ không còn, người tu sĩ giải thoát hoàn toàn.

TỆ NẠN MÊ TÍN

Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ở nước ta (VN)hiện nay tệ nạn mê tín, dị đoan như cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao, giải hạn, lên đồng, nhập xác… đang là hiểm họa, tệ nạn xã hội là một gánh nặng của con người. Kính thưa Thầy, để đẩy lùi những tệ nạn này ra khỏi loài người và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng con cần phải làm những gì?

Đáp: Muốn đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan thì người cư sĩ đệ tử của đức Phật phải sáng suốt nhận định và thông suốt những gì mà đức Phật đã dạy, đừng quá vội tin vào những người khác, hễ nghe nói Phật thuyết là bất cứ cái gì cũng vội vàng tin ngay liền, tin như vậy là tin mù quáng dễ bị kẻ khác lừa đảo, đó là một bằng chứng thật sự hiện giờ các tệ nạn mê tín xảy ra chung quanh trong các ngôi chùa là do Phật tử quá tin theo các Thầy Tổ của mình, Thầy Tổ của mình đang chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo đã biến trở thành những người đang dối trá, mượn sắc áo của Phật giáo để kinh doanh tôn giáo làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ.

Bởi vậy, người tín đồ Phật giáo phải tin vào đạo đức nhân quả làm người, không làm khổ mình, khổ người, là một điều lợi ích rất lớn, hãy dẹp bỏ lòng tham vọng, ích kỷ nhỏ mọn của mình, những mơ ước thiếu thực tế, hãy tự lực sống đúng đạo đức nhân quả là đã thấy hạnh phúc ngay liền, dẹp bỏ những sự cầu cạnh tha lực nương tựa vào thần quyền, đó là những hy vọng mơ tưởng hão huyền, đừng tin và làm theo những điều phi đạo đức nhân quả mà trong thế giới siêu hình tưởng thường bày vẽ ra thì tệ nạn mê tín trong xã hội sẽ được đẩy lùi ngay tức khắc.

Giáo lý của đạo Phật có những tiêu chuẩn đã được xác định:

1-        Đạo đức nhân bản.

2-        Không có thế giới siêu hình.

3-        Người chết năm uẩn tan hoại tất cả chỉ còn lại nghiệp lực thiện ác (nhân quả) tiếp tục tái sanh.

4-        Pháp môn tu tập của đạo Phật duy nhất chỉ có GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.

5-        Ngoài giới, định, tuệ thì không phải giáo pháp của đức Phật nữa.

6-        Giới định tuệ là chỉ cho một tâm duy nhất của ba trạng thái kết hợp tạo thành một nguồn sống giải thoát chứ không phải ba pháp.

7-        Giới là đạo đức nhân bản - nhân quả.

8-        Định là tĩnh giác.

9-        Tuệ là sự hiểu biết.

Ba vấn đề này gom chung vào một tâm, nếu tâm có hiểu biết tĩnh giác trong đạo đức nhân bản - nhân quả thì tâm liền có giải thoát.

Đó là một vấn đề (giới, định, tuệ) duy nhất của đạo Phật giúp cho con người vượt qua khổ đau của kiếp làm người, ngoài vấn đề này thì không có giáo pháp nào của đức Phật dạy cầu tha lực cả. Nếu có giáo pháp cầu tha lực là giáo pháp của ngoại đạo, đó là một sự xác định nghiêm túc của đạo Phật.

Đạo Phật cấm kị nhất là thần thông và thế giới siêu hình, thần thông đạo Phật cho là huyễn hóa, thế giới siêu hình đạo Phật cho là thế giới ảo tưởng.

Thần thông và thế giới siêu hình là hai phương tiện dùng để lừa đảo gây sự mê tín dị đoan trong lòng người, khiến cho người ta đi vào tội lỗi. Bởi vậy những người hiểu biết cần phải triệt tiêu và quét sạch nó trên hành tinh này.

Người ta gán cho đạo Phật có nhiều pháp môn từ thấp đến cao để tùy theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà tu tập, đó là lối biện luận lừa đảo những người mạo danh Phật giáo.

Ngoài Bát Chánh Đạo để thực hiện giới, định, tuệ thì không còn pháp môn nào được gọi là của đạo Phật nữa, đừng đem những tà pháp mê tín dị đoan mà gán cho đạo Phật, đó là một việc làm tội lỗi đối với con người trên hành tinh này.

Khi quý vị đã rõ thấu giáo pháp của đức Phật là giới, định, tuệ thì bất cứ một ngôi chùa nào mà dạy khác pháp môn giới, định, tuệ thì quý vị không chấp nhận, không nghe theo, không cúng dường, không đến chùa đó nữa, không thọ nhận hoặc tu tập theo giáo pháp ngoại lai đó.

Từ khi đức Phật tịch, giáo đoàn Phật giáo bị phân hóa chia thành nhiều bộ phái do những vị tu sĩ lãnh đạo tham danh đắm lợi đã nỡ tâm giết Phật giáo chết, từ đó các Ngài đưa vào những giáo pháp của ngoại đạo để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Do đó, mới có những kinh sách dạy cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, cúng sao, giải hạn, lên đồng, nhập xác… làm đủ mọi điều  mê tín dị đoan, nó được xem là một hiểm họa rất lớn, một tệ nạn xã hội. Các chùa đang hành những nghề nghiệp này là đã tạo một gánh nặng cho xã hội loài người.

Muốn đẩy lùi những tệ nạn này, thì trong các chùa quý Thầy trụ trì phải đình chỉ ngay liền những nghề nghiệp lừa đảo, phi đạo đức này thì tệ nạn mê tín, dị đoan sẽ được chấm dứt. Đó là dứt trừ tận gốc phát sanh ra nó.

Muốn đẩy lùi tệ nạn này thì quý vị cư sĩ không nên tin và không làm theo những giáo pháp mê tín, phi đạo đức này, bằng cách không đến những ngôi chùa có hành nghề như vậy và cũng không cúng dường cho các vị Tăng ở đây. Có như vậy, mới có thể đẩy lùi và dẹp sạch những tà giáo phi nhân quả này thì loài người mới thoát khỏi gánh nặng khổ đau này.

CON NGƯỜI DO BA HÀNH ĐỘNG THÂN MIỆNG Ý SANH RA

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tại sao con người sanh ra là do ba nơi hành động thân, miệng, ý này?

Đáp:Con người sanh ra do ba hành động thân, miệng, ý, nếu trong ba hành động thân, miệng, ý này do “Vô minh” điều khiển, tác động thì thế giới đau khổ của một con người sẽ bắt đầu mở ra.

Nếu ba hành động thân, miệng, ý này do “Minh” điều khiển thì thế giới khổ đau của một con người sẽ bắt đầu chấm dứt.

Ba nơi này thường tạo ra nghiệp lực của con người theo hành động nhân quả. Như đức Phật đã dạy cho chúng ta biết, khi con người chết hoàn toàn không còn một vật gì thường hằng bất di, bất dịch, chỉ còn nghiệp lực thiện hay ác tiếp tục tái sanh mà thôi.

Ba nơi này sanh ra nghiệp lực, từ nghiệp lực này mãi mãi tiếp tục sanh tử luân hồi, cho nên gọi ba hành động này con người từ đó sanh ra là vậy.

VÔ MINH VÀ MINH

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi: Kính thưa Thầy!Vô minh là gì? Nó điều khiển nơi ba hành động thân, miệng, ý này mà thế giới đau khổ của một con người mở ra như thế nào?

Và minh là gì? Nó điều khiển ba nơi thân, miệng, ý thì thế giới khổ đau của một con người chấm dứt, xin Thầy vì chúng con mà chỉ dạy cho rõ ràng để chúng con tu tập?

Đáp: Vô minh là sự hiểu biết theo tâm ham muốn của mình (ái dục), vô minh là sự hiểu biết đối với các pháp không đúng như thật; hiểu biết một cách lệch lạc thiếu khoa học; hiểu biết theo chủ quan thiếu thực tế và cụ thể; hiểu biết trong các pháp đối đãi, hiểu biết trong hạn hẹp và hiểu biết bằng tưởng tượng v.v..

Nói chung cái hiểu biết bằng trí hữu hạn của con người là “vô minh”. Vì thế, biết bao nhiêu bài pháp của đức Phật đã vạch ra cho mọi người thấu hiểu rất rõ ràng, từ thế giới hữu hình đến thế giới siêu hình, toàn là thế giới duyên hợp không có một vật thể gì là thực thể thường hằng, bất biến. Phật dạy rất rõ, thế mà con người cứ hiểu biết mọi vật là thật có, thậm chí đến cái thế giới siêu hình cũng cho là có thật. Vì cho nó là thật, nên luôn luôn bị dính mắc chấp đắm, do sự dính mắc chấp đắm các pháp mà con người tạo biết bao nhiêu điều đau khổ cho nhau, biến cuộc sống con người trên hành tinh này thành địa ngục. Con người chỉ còn là những ác quỷ giết hại lẫn nhau, chà đạp lên nhau, gian xảo, mánh mung, lừa đảo, lừa gạt, lường lận, hại nhau mà chẳng có chút lòng thương xót, chỉ vì vật chất cho nó là thật có.

Trí tuệ vô minh rất tai hại, tức là sự hiểu biết không thấu suốt các pháp thế gian. Có người bảo rằng: “Phải học thông suốt Tam Tạng kinh điển của Phật là hết vô minh, sẽ được giải thoát hoàn toàn”. Nói như vậy, các ông có bằng tiến sĩ Phật học là giải thoát hoàn toàn hết sao? Bằng chứng các ông có bằng tiến sĩ Phật học còn dính mắc hơn ai, sống phạm giới, phá giới. Trong kinh đức Phật đã chẳng dạy: “Giới luật ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật làm cho trí tuệ thanh tịnh và trí tuệ làm cho giới luật thanh tịnh”.

Vậy mà, người ta cho rằng có bằng tiến sĩ Phật học là có trí tuệ. Trí tuệ “Minh” ở chỗ giới luật thanh tịnh, còn ngược lại trí tuệ tiến sĩ Phật học mà sống không đúng giới luật, phạm giới luật thì đó là trí tuệ “Vô minh”. Do trí tuệ vô minh học hỏi, những nhà học giả này chấp ngã bằng Trời hơn ai hết và dính mắc các pháp khó buông bỏ.

Bỏ biết bao nhiêu công lao năm tháng học hành, cuối cùng cũng chỉ học nói như một con chim, để lừa đảo người, buôn Phật, bán Pháp, làm cuộc sống trong danh lợi, ô nhục mà vô minh vẫn hoàn là vô minh.

Ví dụ: Cho thân này là ngã, hoặc cho tâm là ngã hoặc cho thân này là của ta hoặc cho tâm này là của ta hoặc cho các dục là hạnh phúc ưa mến, yêu thích nó; hoặc cho vũ trụ này có thế giới siêu hình, có linh hồn người chết hoặc cho có chư Bồ Tát, Thần, Thánh, ma quỷ v.v.. phò hộ và phá phách. Cho thế gian này là thường còn, cho có Đức Phật Di Đà và thế giới Cực Lạc Tây Phương, cho có Phật Tánh, Đại Ngã, Tiểu Ngã, Bản Thể Vạn Hữu, Bản Lai Diện Mục, cho có Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ nạn, cho có mười vua Diêm Vương, Ngưu Đầu, Mã Diện, quỷ Vô Thường, quỷ La Sát, quỷ Sứ v.v.. Những sự hiểu lầm lạc tưởng tri đó gọi là vô minh.

Thường con người vì hiểu lầm lạc, hiểu không đúng, nên hành động theo sự hiểu biết không đúng đó mà tạo ra biết bao nhiêu thứ đau khổ và lầm than cho đời mình, người khác và tất cả chúng sanh.

Vì vô minh (hiểu không đúng) tưởng sắc dục là khả ái, khả lạc là hạnh phúc nên ham mê say đắm, đắm đuối chạy theo quyết tìm cho được và hành động dục lạc đó cho thoả mãn. Do sự hiểu biết lầm lạc đó đi đến hành động thỏa mãn dục vọng nhưng nào ngờ chẳng thỏa mãn dục vọng đó được mà còn bị đắm nhiễm trở thành một nghiệp lực rất mạnh.

Chính những hành động vô minh tạo ra nghiệp lực thúc đẩy đi đến tái sanh luân hồi. Do nghiệp thiện, ác mới có tái sanh luân hồi, có tái sanh luân hồi mới có thức, do có thức mà mọi người vì vô minh lầm tưởng cho là thần thức, linh hồn. Gần đây vào thế kỷ thứ V, Thiền Tông phát triển cho thức này là Phật Tánh, nhưng họ khéo lý luận đánh lạc hướng những người còn vô minh, chứ không thể nào lừa đảo được những đệ tử của đức Phật.

Từ vô minh hiểu không đúng như thật, đã đưa con người từ lầm lạc này đến lầm lạc khác tạo ra thế giới đầy lòng tham muốn cái này, cái nọ để rồi gặt lấy hậu quả khổ đau vô vàn.

Cho nên, đức Phật dạy: vô minh sanh hành, hành sanh thức cho đến ưu bi sầu khổ, bịnh, chết đó là một thế giới duyên hợp tạo thành khổ đau, mà con người mấy ai đã biết.

Kẻ nào biết được, dứt hết nguồn mê, bỏ xuống tất cả, thì ngay liền đó là giải thoát. Phàm, Thánh chỉ có khác nhau là ở chỗ này mà thôi. “Phàm thì ôm đồm chẳng bỏ vật nào cả, Thánh thì buông xuống tất cả không lấy một vật gì”.

Trí tuệ “Vô Minh” thì ôm đồm, chẳng bỏ vật nào cả, vì thế người có trí tuệ Vô Minh thì phải chịu khổ đau vô vàn, ngược lại trí tuệ “Minh” thì buông xuống tất cả, không lấy một vật nào hết, vì thế người có trí tuệ Minh thì tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát.

Cho nên “Minh” là sự hiểu biết đúng như thật, không mang theo tâm ái dục, hiểu biết không lệch lạc, không chủ quan, đúng như pháp, có khoa học thực tế, cụ thể, rõ ràng, minh chứng và xác thực v.v..

Nhờ sự hiểu biết như vậy mà đã đập tan Mười Hai Nhân Duyên này khiến cho cuộc sống của loài người trên thế gian này được an vui, hạnh phúc.

Người có Minh thấy các pháp đúng như thật nên hành động thân, miệng, ý tạo nhân quả thiện, không làm theo tâm ham muốn ác pháp của mình nên cởi bỏ hoàn toàn sự khổ đau và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Người ngộ được 12 Nhân Duyên này là người phải có trí tuệ Minh, cởi bỏ 12 mắt xích sắt này được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau phiền toái. Nhờ trí tuệ Minh vén sạch ngũ triền cái, bứt bỏ thất kiết sử. Người đó gọi là bậc Duyên Giác hay còn gọi là Đôc Giác Phật.

Tóm lại, trí tuệ Vô Minh sẽ đem đến cho loài người khổ đau, tạo nên một thế giới đầy dẫy bất toại nguyện, còn trí tuệ Minh thì đem lại cho loài người một sự hạnh phúc, an vui vĩnh viễn.

TRÍ HỌC GIẢ

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy!Có người hiểu biết rất rõ đâu là Vô Minh, đâu là Minh và họ còn là những người đã từng học hỏi và thông suốt giáo lý của Phật, thế sao họ không vén sạch ngũ triền cái, bứt bỏ thất kiết sử, tâm họ luôn luôn vẫn còn tham danh đắm lợi, xin Thầy dạy cho chúng con rõ.

Đáp:Họ từ Vô minh lầm chấp hiểu Vô Minh giống như người dốt không có học thức, nên chạy theo học hỏi để thông suốt lời Phật dạy, khi đã thông suốt lời Phật dạy họ đã trở thành chiếc tủ đựng kinh sách, từ đó bản ngã của họ trở thành to lớn hơn, nên sự vô minh của họ, họ còn vô minh hơn. Có người cho rằng, trình độ học thức trên đại học, là những người có trí tuệ, đối với đạo Phật trình độ học thức này chỉ là một cái bao đựng gạo, chỉ toàn nhai lại bã mía của người khác, chứ không phải như trí tuệ của Phật đã dạy: “Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ nhất định có giới hạnh”.Đoạn kinh này đã được xác chứng một cách cụ thể trí tuệ của đạo Phật tương quan giữa sự hiểu biết và đức hạnh rất đặc thù của đạo Phật mà người đời không thể suy nghiệm ra được. Đó chính là trí tuệ giải thoát hay gọi là tri kiến giải thoát mà đức Phật thường tán thán trí tuệ này.

Cho nên sự học thức của thế gian, không phải là trí tuệ, mà là kiến thức vay mượn, vì thế, có người đỗ bằng tiến sĩ Phật học, tam tạng kinh điển thông suốt, nhưng đối với đạo Phật đó không phải là trí tuệ mà là kiến thức hữu lậu, càng học hiểu nhiều lậu hoặc càng sanh nhiều hơn.

Trí tuệ của đạo Phật được phát triển là ở chỗ biết “xả tâm ly dục ly ác pháp”chứ không phải chỗ học hỏi nhiều. Vì có xả tâm ly dục ly ác pháp thì giới luật mới thanh tịnh, giới luật có thanh tịnh thì đời sống mới có đạo đức, mà đời sống có đạo đức thì ngay đó là trí tuệ, chứ có học hỏi gì đâu?

Họ đâu biết rằng: Tại sao lại có Vô Minh? Có Vô Minh là vì có “lòng ham muốn”,do ham muốn mà Vô Minh có, nên đức Phật dạy “ly dục ly ác pháp”thì Vô Minh sạch, Vô Minh sạch thì gọi là Minh.

Đức Phật đâu có dạy bảo chúng ta học tập cho thông suốt tam tạng kinh điển hoặc có cấp bằng này, cấp bằng nọ mà gọi là Minh bao giờ? Xưa, ông Bàn Đặc tối tăm dốt nát học không thuộc bốn câu kệ, thế mà Đức Phật dạy ông tu hành chứng quả A La Hán tam tạng kinh điển đều thông suốt, thuyết giảng chẳng thua ai. Đó mới thấy trí tuệ của đạo Phật rất là đặc thù, người nào muốn có được trí tuệ như Phật thì hãy sống ly dục ly ác pháp.

Phật bảo lìa dục lìa ác pháp thì có Minh, người đời hiểu lầm lạc, tưởng là học hỏi cho nhiều có cấp bằng này cấp bằng kia, do đó từ lớp Vô Minh này chồng lên lớp Vô Minh khác như trên chúng tôi đã nói. Phần đông đó là các giảng sư của Phật giáo chúng ta hiện giờ.

Bởi muốn phá Vô Minh không phải lấy sự học hỏi hiểu biết mà phá được, chỉ có đoạn dứt “duyên sanh”tức là lìa dục, sanh còn là dục còn, sanh diệt là dục diệt, dục diệt thì Vô Minh diệt, Vô Minh diệt, tức là Minh sanh. Nên trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên Phật dạy: “Sanh diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Vô Minh diệt, Vô Minh diệt thì Minh sanh.

Do đó, Đức Phật ngày xưa dạy người tu cắt ái ly gia, xuất gia, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa là vậy. Vì vậy, người nào muốn tu theo Đạo Phật để được giải thoát thì phải dứt lìa “duyên sanh”.

Dứt duyên sanh, tức là ly gia, cắt ái để trở thành một vị Tỳ Kheo chân chánh. Người xưa dứt đời tìm đạo để cầu giải thoát, người nay dứt đời tìm đời qua hình ảnh một lớp áo cà sa của nhà tu để nuôi vợ, nuôi con, nuôi cha, nuôi mẹ, xây mồ mả ông, bà, dòng họ (hình ảnh một tu sĩ, vị Tỳ Kheo để dễ bề tìm danh tìm lợi, lừa đảo tín đồ rất dễ dàng).

Cho nên, theo đạo Phật cái học không phải là Minh, chỉ có sống đúng giới luật hằng ngày tu tập đúng các loại định:

1.        Định Sáng Suốt

2.        Định Vô Lậu

3.        Định Chánh Niệm Tĩnh Giác

4.        Định Niệm Hơi Thở

Nhờ tu các loại định này thực hiện trên Tứ Chánh Cần, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp, khiến cho tâm ly dục ly ác pháp, do đó giới luật không vi phạm, không bị bẻ vụn, trở thành thân tâm nghiêm trì giới luật.

Giới luật đã nghiêm túc thì thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, tức là thiền định, nên Phật dạy ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền, thân tâm có định thì trí tuệ triển khai, trí tuệ triển khai gọi là Minh.

Người tu theo Phật giáo ngày nay nghĩ tưởng phá Vô Minh bằng Minh, nên ngay từ lúc ban đầu theo Minh đi vào để phá Vô Minh bằng sự học thức hiểu thông tam tạng kinh điển của Phật, đó là một sự hiểu sai lầm rất lớn. Thay vì, phá Vô Minh lại chồng lên một lớp kiến chấp học thuật, vì thế bản ngã càng to lớn, chẳng chịu ly dục ly ác pháp, nên tâm không thanh tịnh, do tâm không thanh tịnh, nên không có định, không có định thì Minh chẳng bao giờ có, Minh chẳng có thì lấy gì phá Vô Minh, phá Vô Minh chẳng được nên chồng thêm một lớp Vô Minh nữa. Những người tu sĩ và cư sĩ này giống như một con chim học nói tiếng người, chẳng có ích lợi gì cho họ cả.

Theo sự học thức của họ, từ đó họ tu tập thiền định ức chế tâm nên sanh ra nhiều kiến giải, sản xuất ra nhiều pháp môn thiền định, nhưng toàn là thiền ức chế tâm hoặc sanh ra những pháp môn tha lực chuyên cúng bái, tụng niệm, cầu khẩn, tế lễ, v.v.. đưa Phật giáo đến chỗ mê tín, dị đoan, trừu tượng.

Từ chỗ hiểu lầm lạc dùng trí tuệ phàm phu hữu hạn học hỏi cho là Minh để phá Vô Minh. Phá Vô Minh chẳng được lại đưa Phật giáo dần dần đi đến tồi tệ hơn mà ngày nay Phật giáo đã biến thành Thần giáo, Hữu Ngã giáo, Huyền Bí giáo v.v..

HỶ LẠC CÓ XẢ BỎ HAY KHÔNG?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thân, thọ, tâm, pháp đều có khổ, lạc, bất khổ bất lạc thọ, ở thế gian đều phải xả bỏ, ngược lại hỷ lạc, khinh an khi tu tập thiền định sanh ra thì có cần phải giữ gìn và tăng trưởng hay phải xả bỏ như thế nào?

Nếu không được giữ gìn và tăng trưởng thì những hỷ lạc này sẽ thối thất, mất mát, hoặc hao mòn không thưa Thầy?

Đáp: Dục lạc thế gian là nguy hiểm, là tai họa, là khổ đau v.v.. nên tu theo Phật giáo cần phải xả ly, xa lìa những thứ dục lạc đó.

Do tu hành thiền định có lạc, có hỷ, hỷ lạc này tùy theo ở mỗi loại định xuất hiện, như hỷ lạc của Sơ Thiền do “ly dục” sanh ra. Hỷ lạc này không giống như hỷ lạc của dục lạc.

Hỷ lạc của Nhị Thiền do định sanh, hỷ lạc này cao hơn hỷ lạc do ly dục sanh ở Sơ Thiền, nhưng phải hiểu nó là do định ly dục sanh ra, nó không giống hỷ lạc do thiền định ức chế tâm như thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ, hỷ lạc của hai loại thiền này do dục tưởng sanh.

Khi tâm không còn ly dục thì hỷ lạc của Sơ Thiền liền mất, không còn ly dục, tức là tâm phóng dật chạy theo các đối tượng của nó: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Tâm còn ly dục ly ác pháp, tức là tâm còn an trú trong Sơ Thiền, tâm chạy theo dục lạc, tức là tâm xuất Sơ Thiền.

Khi tâm còn tịnh chỉ tầm tứ, tức là tâm an trú Nhị Thiền, tâm an trú Nhị Thiền có hỷ lạc do định sanh. Khi tâm hết hỷ lạc, tức là tâm không tịnh chỉ tầm tứ.

Do những điều ở trên ta muốn giữ gìn hỷ lạc không cho mất, nếu Sơ Thiền thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, còn Nhị Thiền thì phải giữ gìn cho tâm tịnh chỉ tầm tứ.

Hỷ lạc của Sơ Thiền và Nhị Thiền không có tăng trưởng thêm mà chỉ có một mức độ của nó mà thôi, dù có kéo dài trạng thái hai loại thiền này ra hai, ba ngày, thì sự hỷ lạc cũng chỉ như vậy, không tăng, cũng không giảm.

Tam Thiền thì xả sạch hỷ, Tứ Thiền thì xả lạc, xả khổ và xả luôn cả đối tượng của nó tức là tâm thanh tịnh, nên không có hỷ và lạc của tưởng và thọ nữa, mà là một trạng thái vắng lặng bất động.

Ở đây quý vị phải hiểu, hỷ lạc của những bậc Thánh Hiền do từ thiền định xả tâm ly dục ly ác pháp mà sanh ra. Vì thế, hỷ lạc này không phải thứ cảm giác an lạc vui mừng của tâm dục lạc thế gian. Quý vị nên lưu ý, bắt đầu vào Sơ Thiền do ly dục sanh hỷ lạc, nên hỷ lạc này không phải dục mà có, vì thế nó rất thanh tịnh, trong sạch không uế nhiễm. Đến định sanh hỷ lạc ở Nhị Thiền, hỷ lạc của định Nhị Thiền là loại hỷ lạc định ly dục, chứ không phải là các thứ hỷ lạc của các loại định tưởng của thiền Đại Thừa và Thiền Đông Độ, loại hỷ lạc đó là do dục tưởng sanh ra, nên có khi hiện lại có khi mất, vì thế mà con hỏi cần phải giữ gìn và tăng trưởng, như vậy con tu hành đã lạc vào tà thiền tà định, cho nên xin Thầy chỉ dạy cách thức giữ gìn và tăng trưởng hỷ lạc. Thứ hỷ lạc này là bệnh thiền sẽ đưa hành giả vào cảnh mộng “Phản Bổn hoàn nguyên; Phủ trùm vạn hữu; Thõng tay vào chợ; Tự tại vô ngại; Đói ăn, khát uống, mệt ngủ”.

Đó là một thứ bệnh thiền cần phải tránh xa. Hỷ lạc của loại thiền định này, gặp nó như là gặp loài quỷ La Sát. Khi tu thiền gặp nó, thì quý Thầy cần phải xả ngay hoặc dùng pháp hướng tâm đuổi đi, đừng để tâm theo nó, nó chẳng có lợi ích gì cho sự tu tập của quý Thầy mà còn có nhiều tai hại về sau.

TRƯỞNG DƯỠNG HỶ LẠC

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khi tu tập các định đã nhập được, sanh ra có trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ, vui mừng v.v.. thì trưởng dưỡng chúng như thế nào?

Đáp:Muốn trưởng dưỡng trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ thì phải tập luyện khéo léo giữ tâm yên lặng trong trạng thái định đó, thỉnh thoảng hướng tâm bằng sự ước muốn hơn là tác ý thô tháo.

Tại sao các con lại muốn trưởng dưỡng các trạng thái khinh an, hỷ lạc, lạc thọ đó? Trong khi đức Phật dạy bảo phải ly hỷ, xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Đối với đạo Phật chỉ cần tìm sự “làm chủ sanh, già, bệnh, chết”,chứ đâu có đi tìm hỷ lạc, thọ lạc, khinh an như các con vậy. Giữ gìn và trưởng dưỡng nó để làm gì? Bỏ dục lạc thế gian để đi tìm dục lạc trong thiền định sao? Nó có lợi ích gì cho đời người? Trạng thái hỷ lạc, khinh an nó có giải thoát cái gì cho con người đâu? Tại sao các con không đi tìm một “đạo lực”nào để làm chủ sự sống chết, luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của đời người thì đó có phải là lợi ích thiết thực không? Đi tìm chi cái hỷ lạc của thiền định không ra gì, ngồi như con cóc để thọ hưởng cái hỷ lạc đó, không lẽ tu hành rồi thành con cóc sao?

Tu hành có hỷ lạc cũng tốt, không hỷ lạc cũng tốt. Cớ sao có thì mừng, không có thì buồn, cho rằng tu không kết quả, chứ đâu biết rằng kết quả của sự tu là tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải chỗ hỷ lạc, khinh an, lạc thọ.

Ở đây, quý Thầy cần phải biết phân biệt, khi tu hành tâm có hỷ lạc thì loại hỷ lạc đó do ly dục sanh hay do ức chế tâm mà sanh ra. Quý vị phải tự suy xét, cuộc đời tu hành của mình có sống đúng giới luật chưa? Nếu sống không đúng giới luật thì hỷ lạc của quý vị sanh ra là do dục lạc tưởng, là do loại thiền định ức chế tâm.

Tu sĩ thời nay có ai là người sống đúng giới luật đâu? Chỉ chuyên lo tu thiền định, niệm Phật ức chế tâm sanh ra hỷ lạc, đó là thứ hỷ lạc của dục tưởng, do ức chế tâm chứ đâu phải hỷ lạc của ly dục.

Thiền định ức chế tâm sẽ đưa quý vị đi vào chỗ chết, chứ không phải đi vào chỗ giải thoát. Người tu hành cần phải biết tu cái gì có ích lợi cho mình cho người thì mới nên tu, tu mà không biết, chỉ nhắm vào ích kỷ cá nhân của mình. Tu hành mà ích kỷ như vậy thì có ích lợi gì cho mình cho người đâu, thì tu làm chi cho phí uổng cuộc đời.

Người tu hành, vì muốn thoát ra bốn sự khổ đau của kiếp làm người, chứ không phải đi tìm khinh an, hỷ lạc của dục tưởng mà trưởng dưỡng nó, nó có hay không là điều không quan trọng đối với người tu sĩ đạo Phật.

Người tu sĩ đạo Phật, khi tu hành phải nhắm vào mục đích như thế nào? phải biết làm sao? Bằng cách nào? Cho có một đạo lực như thế nào? Để làm chủ sự sống chết luân hồi, thì mới mãn nguyện. Không lẽ tu hành bỏ dục lạc thế gian, bỏ hết cả cuộc đời mình mà lại đi tìm dục lạc thiền định hay đi tìm thần thông để làm gì?

Thần thông thì để lừa đảo, lường gạt thiên hạ; hỷ lạc của thiền định thì để cám dỗ những người còn ích kỷ cá nhân ham mê dục lạc chỉ riêng cho mình.

TỨ CHÁNH CẦN

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin Thầy chỉ dạy Tứ Chánh Cần, các pháp ác chưa sanh không cho sanh, các pháp ác đã sanh phải đoạn diệt, các pháp thiện chưa sanh làm cho sanh, các pháp thiện đã sanh làm cho tăng trưởng.

Nếu dựa vào bài kinh này, qua ngôn ngữ nói trên mà không có người triển khai thành pháp hành, để hiểu biết cách thức tu tập theo con đường của đạo Phật, thì khó có ai tu tập được Tứ Chánh Cần.

Vậy con xin thưa hỏi Thầy, làm thế nào ngăn chặn và đoạn dứt các pháp ác và làm thế nào các pháp thiện chưa sanh lại sanh và tăng trưởng chúng?

Đáp:Nếu muốn tu tập Tứ Chánh Cần, chúng ta cần phải hiểu pháp thiện và pháp ác như thế nào cho đúng như trong kinh Phật đã dạy?

Pháp ác thì cũng vô lượng mà pháp thiện thì cũng có vô lượng, do số luợng quá nhiều, chúng ta làm sao biết đâu mà tu hành cho đúng pháp thiện và pháp ác?

Muốn biết pháp thiện và pháp ác thì chúng ta phải theo lời Phật dạy trong kinh Thập Thiện. Kinh này dạy rất rõ có 10 pháp thiện và 10 pháp ác. Lấy mười pháp thiện và mười pháp ác này áp dụng vào Tứ Chánh Cần thì mới đúng đường lối tu tập mà đức Phật đã hướng dẫn.

Áp dụng vào Tứ Chánh Cần, trước tiên chúng ta phải hiểu có bao nhiêu pháp thiện và có bao nhiêu pháp ác? Pháp thiện như thế nào? Và pháp ác như thế nào?

Có mười pháp thiện là :

1-        Không giết hại chúng sanh, không xúi bảo người giết hại, thấy người giết hại không vui theo, thường can ngăn người giết hại chúng sanh.

2-        Không gian tham trộm cắp lấy của không cho,… dù cây kim sợi chỉ, vật nhỏ mọn nhất nếu người không cho thì không bao giờ lấy.

3-        Không tà dâm, có nghĩa là chồng hay vợ không được gian dâm với người khác, vì gian dâm với người khác tạo ra cảnh bất an cho gia đình mình và gia đình người khác, khiến tan nát cả hai gia đình, đó là một ác pháp làm đau khổ mình và đau khổ người và khổ cho con cái của chúng ta.

4-        Không nói dối, có nghĩa là chuyện có nói có, chuyện không nói không, chứ không lừa đảo, lường gạt người khác bằng miệng lưỡi.

5-        Không nói lưỡi hai chiều nghĩa là không nói lật lọng, tức là không nói qua nói lại.

6-        Không nói lời thêu dệt nghĩa là đến chỗ này nói xấu chỗ kia, đến chỗ kia nói xấu chỗ này.

7-        Không nói lời hung ác nghĩa là không nói lời dữ tợn, không chửi rủa người khác, không nói lời chửi thề, không nói lời tục tĩu.

8-        Không ham muốn, nghĩa là không tham muốn những gì mình chưa có, dù mình đã có vật đó cũng không tham muốn.

9-        Không sân hận nghĩa là không tức giận, giận hờn ai hết.

10-    Không si mê nghĩa là không tham ăn, tham ngủ, không làm khổ mình, khổ người, tránh xa các pháp ác, lìa tất cả lòng tham muốn của mình, luôn luôn sống không làm khổ người khác và không làm khổ tất cả chúng sanh.

Ngược lại là 10 pháp ác, bây giờ chúng ta đã rõ 10 pháp thiện và 10 pháp ác, nếu ngăn chặn và đoạn diệt 10 pháp ác được thì ngay đó là sanh khởi và tăng trưởng 10 pháp thiện. Muốn được vậy, chúng ta phải ở trên pháp nào để tu tập cho có kết quả?

Như đức Phật đã dạy: Trên pháp Tứ Niệm Xứ chúng ta quán thân trên thân tu về hành tướng ngoại, tức là tu trong các hành động của thân (Thân Hành Niệm ngoại). Tu về Thân Hành Niệm ngoại, tức là tu “Chánh Niệm Tĩnh Giác Định”. Đó là một pháp môn ngăn các pháp ác tuyệt vời.

Nếu trên thân quán thân tu về hành tướng nội, thân hành niệm nội, tức là hơi thở. Nếu tu về hơi thở thì coi chừng chúng ta sẽ bị lầm lạc tu vào những pháp môn của các Tổ như: Sổ Tức Quán, Lục Diệu Pháp Môn v.v.. Đó là những pháp môn hơi thở tu ức chế tâm, còn tu về hơi thở của đạo Phật thì không phải là những pháp môn này. Trong kinh sách Nguyên Thủy gọi pháp môn hơi thở này là “Định Niệm Hơi Thở”, Định Niệm Hơi Thở cũng là một pháp môn ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời.

Hai loại thiền định này là pháp môn ngăn chặn mười pháp ác, nếu hành giả siêng năng, chuyên cần, tinh tấn tu tập thì các pháp ác không xen vào được trong tâm mình. Vì thế, tâm không phóng dật, luôn hướng vào trong thân và định vào thân, tâm hồn hành giả lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, cuộc sống trở thành trầm lặng, thánh thiện và độc cư.

Nếu các pháp ác đã sanh làm cho tâm hồn đau khổ, phiền toái, buồn lo, giận hờn v.v.. thì phải mau lo đoạn diệt. Vậy đoạn diệt các pháp ác bằng pháp môn nào?

Nếu muốn đoạn diệt các pháp ác thì phải tu pháp môn “Tứ Niệm Xứ”.Tu pháp môn Tứ Niệm Xứ là phải ở trên thân quán thân tu về nhân tướng, tức là tu về “Định Vô Lậu” quán xét thân, thọ, tâm và các pháp bằng “luật nhân quả”; bằng “Tam pháp ấn”vô thường, khổ, vô ngã, v.v..; bằng quán Thập Nhị Nhân Duyên; bằng quán Tứ Diệu Đế; bằng quán Thân Ngũ Uẩn không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta và bằng quán thân, thọ, tâm, pháp bất tịnh, hôi thúi, uế trược, bẩn thỉu v.v..

Nhờ có tu tập như vậy, các pháp ác mới đẩy lui được, mới đoạn dứt được, mới đem lại sự thanh bình cho tâm hồn, mới làm nên một cuộc cách mạng tư tưởng, mới chiến thắng được tâm mình, “Thắng trăm trận không bằng chiến thắng tâm mình”. Lời Phật dạy như vậy.

Khi ngăn chặn được các ác pháp thì tâm bây giờ lúc nào cũng ở trong thiện pháp, ở trong thiện pháp, tức là sanh trưởng thiện pháp. Nói cách khác là ngăn chặn ác pháp tức là sanh trưởng thiện pháp. Như kinh Thập Thiện dạy: Mười ác pháp không có mặt tức là mười thiện pháp có mặt.

Như vậy, ta chỉ cần ngăn chặn 10 điều ác, tức là ta đã sanh khởi 10 điều thiện, hay nói một cách khác nữa, ngăn chặn 10 điều ác là một tên khác của sự sanh khởi 10 điều thiện.

Đoạn dứt ác pháp, tức là tăng trưởng thiện pháp, nói một cách khác là tăng trưởng thiện pháp là tên khác của sự đoạn dứt ác pháp.

Tóm lại ngăn chặn ác pháp thì phải tu Định Niệm Hơi Thở và Định Chánh Niệm Tĩnh Giác.

Muốn đoạn dứt các ác pháp thì phải tu Định Vô Lậu. Có tu tập như vậy, thì “Đường Về Xứ Phật” mới xứng đáng là đạo lộ cho những người đệ tử của đức Phật bước đi. Dù có gian nan, có khó nhọc đến đâu, nhưng tương lai vẫn sáng chói huy hoàng. “Đường Về Xứ Phật” sẽ đưa đường dẫn lối cho quý vị đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn.

MỘT NGƯỜI MÙ DẪN MỘT ĐÁM NGƯỜI MÙ

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy!Người đang tu chưa chứng đắc được gì về pháp môn giới, định, tuệ mà vội lập đạo tràng để giảng đạo cho các người khác tu tập, thì số phận người giảng sư lẫn các hành giả sẽ đi về đâu trên đường tu tập? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Chẳng đi đến đâu cả, giống như một người mù dắt đường cho tất cả những người mù khác để ra khỏi rừng sâu, núi thẳm nhưng không ngờ mọi người đều sa hầm, lọt hố và chết chìm nhau cả đám.

Con người vì đắm mê danh, lợi, tu chưa tới đâu, mà vội đem ra dạy người là người “háo danh”, người tham danh mà Thầy thường gọi là“Tưởng giải”.

Kinh sách Đại Thừa dạy: “Một người vừa tu vừa dạy người khác tu là Bồ Tát độ chúng sanh”. Kinh sách này khuyến khích những vị Tỳ Kheo và những cư sĩ thọ Bồ Tát giới, thực hiện Bồ Tát Hạnh. Nghĩa là tu sĩ vừa tu vừa hành Bồ Tát đạo, tức là mình vừa tu vừa dạy người khác tu, còn cư sĩ vừa học tu lại vừa bố thí, cúng dường và làm việc từ thiện, cũng có khi dạy người khác tu hành như cư sĩ Tâm Minh và Đoàn Trung Còn. Thật là đau lòng cho Phật Pháp, người ta lấy sự học mà dạy đạo, chứ không phải lấy sự tu chứng mà dạy. Vì thế, Phật giáo đi dần về phía tà đạo, không có người tu chứng nữa. Kinh sách này dạy như vậy có đúng đường lối của đạo Phật hay không?

Không, đức Phật dạy người phải tu cho mình được giải thoát xong rồi mới dạy người khác tu. Trường hợp như ông Phú Lâu Na khi tu xong đến xin đức Phật đi độ chúng sanh, đức Phật trắc nghiệm thấy ông đủ khả năng độ chúng sanh, liền chấp nhận cho Ngài đi. Đó là sự cân nhắc rất kỹ của đức Phật khi người đệ tử ra đi làm lợi ích cho chúng sanh, nếu không trắc nghiệm và cân nhắc như vậy thì một vị Thầy, tu hành chưa xong mà vội ra hướng dẫn người tu hành thì đó là giết người và giết nhiều thế hệ con người vì mình chưa đủ đạo đức làm gương sáng và kinh nghiệm dạy đạo. Dạy người bằng miệng lưỡi nói được mà mình làm không được, tức là nói láo, hầu hết các giảng sư hiện giờ đều dạy người tu nói láo như vậy.

Bởi, kinh sách Đại Thừa đã truyền thừa cho đến nay, đối với tu sĩ Phật giáo tu hành chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, chỉ toàn là những hạng người chạy theo danh lợi, buôn Phật, bán Pháp làm chuyện tồi tệ, phi đạo đức chỉ cần dùng những danh từ “Tu Bồ Tát đạo, Hành Bồ Tát hạnh”là cao thượng, là bịt miệng tín đồ dễ dàng.

Ngoài đời, người ta muốn làm một việc gì, thì cũng phải học tới nơi tới chốn, mới làm nên việc đó. Ví dụ: Như muốn làm một bác sĩ thì phải học 7, 8 năm, sau khi tốt nghiệp ra trường y khoa mới chính thức là một vị thầy thuốc, chừng đó mới trị bệnh thiên hạ, nếu vừa học vừa làm bác sĩ trị bệnh, thì chắc chắn không trị bệnh nhân mà là giết bệnh nhân, cũng như các giảng sư Đại Thừa Phật giáo bây giờ là vậy, giống như con chim học nói tiếng người, nói mà chẳng biết gì cả. Chẳng tu mà dạy người tu, thì cũng giống như một người mù dắt bầy người mù đi.

CHỨNG ĐẮC MỘT ÍT DẠY NGƯỜI ĐƯỢC KHÔNG?

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy!Xin Thầy chỉ dạy, người đang tu mới chứng đắc được phần nào đó, mà vội lập đạo tràng để dạy người, thì hậu quả của người tu chưa xong này sẽ dẫn họ tới đâu? Và phần chứng đắc được, liệu có giữ gìn được trọn vẹn hay không?

Và những người học theo giáo pháp của người dạy này, liệu có đúng như lời Phật dạy chăng? Tương lai cả những người học tu này có ích lợi gì cho họ?

Đáp:Con đường tu tập theo đạo Phật khó khăn vô vàn, người tu chưa tới đâu hoặc chứng đắc một phần nào trong các pháp hành của đạo Phật mà vội đem ra dạy người, cũng ví như người học nghề thầy thuốc tay nghề chưa rành mà đi ra trị bệnh cho người khác thì chỉ có giết người hơn là cứu người. Cũng giống như người hướng đạo viên không thông đường xá, chỉ biết có một ít lại dẫn người vượt suối băng ngàn thì làm sao ra khỏi rừng sâu núi thẳm, chỉ còn chết chung nhau giữa rừng già mà thôi.

Bởi vậy, tu phải đến nơi đến chốn có đủ kinh nghiệm rồi mới hướng dẫn người khác tu. Ở đời người ta xem sự tu hành quá dễ dàng, cho nên đụng đâu dạy người ta tu đó, đó là dạy tu vào con đường chết, chứ không phải giải thoát.

Tu chưa đến nơi đến chốn, tức là tâm chưa giải thoát hoàn toàn, thì tâm ham muốn và ác pháp còn dẫy đầy mà vội ra làm Đạo sư thì danh lợi với sắc dục sẽ cám dỗ và lôi cuốn đi sâu vào các ác pháp thế gian khiến cho người này giới luật bị bẻ vụn, phạm giới, đức hạnh không có. Bây giờ tâm ly dục ly ác đã mất hết, chỉ còn lại tâm phóng dật chạy theo sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Do thế hình ảnh thì còn là người tu sĩ mà tâm thì phàm phu tục tử, sống bằng những danh từ lừa đảo tín đồ qua sự thuyết kinh giảng đạo từ bài kinh này đến bài kinh khác, pháp hành thì mù mờ loanh quanh không có rõ ràng, chỉ dùng một số ngôn ngữ xảo thuật cho thật kêu để phỉnh gạt người khác dễ dàng.

Những người theo những giảng sư này tu hành, chẳng đi đến đâu giống như con chó gặm xương, bỏ thì tiếc, nhai thì chẳng có gì lợi ích, phí cả cuộc đời, chẳng ích lợi gì cho mình cho người mà còn thêm tổn phước đức về tội vọng ngữ (nói láo ăn tiền).

Đối với đạo Phật, những hạng người không tu mà dạy đạo, chỉ đem ngôn thuyết lừa đảo thiên hạ để mua danh mua lợi, thì tội đọa địa ngục muôn kiếp, chứ làm gì có chứng đắc, nhìn thấy cuộc sống của họ phạm giới luật, phi đạo đức, tức là phi Phạm hạnh, chỉ có ba hoa ngoài đầu môi chót lưỡi. Nếu ai đi tìm cầu sự giải thoát của đạo Phật mà gặp các vị Đạo sư này thì chỉ còn có nước đi chung nhau xuống địa ngục A Tỳ tìm vua Diêm Vương, chứ không tìm giải thoát được.

Ở đây, quý vị đừng hiểu địa ngục A Tỳ là một cảnh giới siêu hình để hành phạt những linh hồn tội lỗi. Địa ngục A Tỳ ở đây có nghĩa là cuộc sống của con người tại thế gian này đang chịu đựng những sự khổ sở tận cùng.

Ví dụ: Bệnh bán thân, nằm, ăn, đại, tiểu tiện một chỗ; bệnh ung thư đau nhức khổ sở; bệnh cùi ngứa, đau nhức và chịu hôi thối; bệnh thần kinh la hét chẳng biết chi hết, vì thế người bị bệnh này bị nhốt như một con thú vật không khác hoặc chúng ta đi vào những bệnh viện thấy những bệnh nhân nằm la liệt đau khổ vô cùng. Đó là địa ngục tại trần gian chứ không phải là sự tưởng tượng địa ngục thế giới siêu hình của con người mà từ lâu người ta đã bị các tôn giáo lừa đảo. Chỉ riêng có đạo Phật chỉ thẳng là không có thế giới siêu hình, sau này Phật Giáo Đại Thừa và Thiền Đông Độ mới xây dựng thế giới siêu hình vĩ đại hơn tất cả các tôn giáo khác.

SỐNG KHÔNG PHẠM HẠNH

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy!Con xin Thầy dạy bảo, người đã tu xong mà sống phóng dật tâm buông lung, không giữ gìn phạm hạnh, không giữ gìn giới luật trọn vẹn, liệu những điều chứng đắc có còn giữ được không?

Đáp:Không, người tu xong đã chứng đắc thì không thể nào sống buông thả phóng dật theo tâm ham muốn, Phạm hạnh không có và giới luật không nghiêm chỉnh. Chẳng hề có một người tu đã chứng đạo nào, mà lại sống trái đạo bao giờ.

Chỉ có những người tu chưa xong, tâm còn phóng dật buông lung, nên không giữ gìn Phạm hạnh và giới luật được, những người này tu hành chưa chứng đắc gì cả, họ chỉ là những người lừa đảo người khác mà thôi. Kinh Phật dạy: Đó là những người“Đại vọng ngữ, Tăng thượng mạn”.

Những người tu chưa chứng đắc, cuộc sống thường phạm giới, Phạm hạnh không có, thường sống buông lung phóng dật, chạy theo danh lợi thế gian, chỉ mượn chiếc áo cà sa của đạo Phật để tạo cuộc đời mà thôi, thường dùng những danh từ của các Tổ “Tự tại vô ngại” để che đậy. Họ lừa đảo bằng những sự vay mượn kiến giải kinh nghiệm của người khác rồi cho đó là của mình.

Những người này là những con sâu làm rầu nồi canh, là những con bọ chét trong lông sư tử, là Ma Ba Tuần, là quỷ La Sát thể hiện làm suy tàn Phật giáo. Chúng đã đưa ra nhiều thuyết để diệt Phật giáo: nào là ngày tận thế sắp đến năm 2000 ; nào là Đức Phật Di Lặc ra đời; nào là Hội Long Hoa; nào là Đức Phật Thích Ca hết nhiệm kỳ v.v..

Đó là những điều lừa đảo, lường gạt người khác, khiến cho mọi người khiếp đảm và sợ hãi, không còn muốn làm việc. Bởi, bọn Ma Vương lộng hành, khi đạo Phật không có người tu chứng, chúng muốn nói như thế nào tùy ý, chẳng sợ ai biết được và có biết cũng chẳng có ai dám vạch mặt, vạch tên chúng, nên chúng tự do muốn nói Đông, nói Tây, nói sai, nói đúng chẳng ai dám cãi, dám bàn, dám phê bình v.v..

Để chứng minh cho quý vị thấy, một trong những nhà học giả tu hành chưa đến nơi đến chốn, như ở Miến Điện (Malaysia) và Thái Lan, họ đã dám cả gan đem kinh nghiệm tu chưa đến đâu, và sự tu hành đó chưa đúng như lời Phật đã dạy trong các kinh Nguyên Thủy, thế mà họ đã dám dạy cho người khác, thật là một tai hại rất lớn cho những tín đồ Phật giáo đang hướng về Phật pháp với một niềm tin sâu sắc không lay chuyển. Với sự tu hành đó, do đã lạc vào pháp tưởng, tưởng giải, họ đã dám truyền sang qua Tây Úc và các nước Tây Phương, ngay cả nước Việt Nam những bài kinh đó cũng được dịch sang Việt ngữ đã được đăng trên nguyệt san báo Giác Ngộ số 23 tháng 2 năm 1998 đề tựa “Samadhi, Quán Niệm Hơi Thở”.

Bốn Thánh Định của đạo Phật, khi chưa biết cách tu, chưa biết cách nhập và chưa nhập được, thì đừng nên tưởng giải ra theo kiểu tu thiền hơi thở ức chế tâm như các Tổ đã dạy, mà dạy người tu nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền như trong bài báo này, thì đừng mong có kết quả giải thoát, chỉ phí công tu vô ích, như đức Phật đã dạy: “Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ để mà biết phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứ chẳng có ích lợi gì”.

Biết bao nhiêu người đang tu theo đạo Phật, khi đọc bài này, họ làm sao biết được lời dạy trong đây đúng hay sai? Họ cứ tin tưởng vào các ông học giả này là hành giả đã tu chứng, nhập được Bốn Thánh Định. Nếu không có ai nhập được Bốn Thánh Định thì các ông này lừa đảo, nói dối, gạt người thì còn ai biết được để đính chính sự tu hành của các ông?

Vì không có ai tu chứng Bốn loại Thánh Định này, nên các ông dễ lừa đảo người khác, bằng chứng, báo Nguyệt San Giác Ngộ đã có những cây bút giáo pháp tên tuổi của các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa Phật Giáo Việt Nam, mà bài này vẫn qua mặt được các Ngài và đã được phép đăng trên báo, thì đủ biết Tứ Thánh Định này chưa có ai tu chứng cả.

Như chúng tôi thường nhắc nhở quý vị, thiền định của đạo Phật không giống bất cứ một loại thiền định nào của các tôn giáo trên hành tinh này. Nó không phải ngồi ức chế tâm bằng hơi thở hoặc bằng bất cứ một đề mục thiền nào, mà nó chỉ có mục đích phải xả tâm bằng cách sống đúng giới hạnh, không phạm phải một giới luật nhỏ nhặt nào, luôn luôn sống đúng Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng, thì mới gọi là xả tâm.

Khi tâm giữ gìn giới luật trọn vẹn, sống đúng Phạm hạnh, đầy đủ đức hạnh nhân bản nhân quả, thì giới luật mới thanh tịnh; giới luật có thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh; tâm mới thanh tịnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp; tâm có ly dục ly ác pháp thì tâm mới nhập Bất Động Tâm Định. Nhập Bất Động Tâm Định thì tâm mới có Tứ Thần Túc, nhờ có Tứ Thần Túc thì tâm mới nhập được Sơ Thiền, đó là Thiền Thứ Nhất mà trong kinh sách Phật đều dạy như vậy. Thế mà các nhà học giả lại dạy theo các Tổ Sư Thiền Đông Độ và Thiền Đại Thừa theo pháp môn Sổ Tức Quán và Tùy Tức để tìm định tướng của định, rồi tự đặt cho nó là Sơ định.

Nếu xét cho cùng thì hai lối dạy tu Bốn Thánh Định của đức Phật và nhà học giả Nam Tông, cách xa một trời một vực, không có chút nào giống nhau cả. Thế mà các nhà học giả này dạy nhập bốn Thánh Định như trong bài báo, thì xem các bậc tôn túc Hòa Thượng, Thượng Tọa khắp trên thế giới này toàn là những hạng người Phật tử vô minh, u tối chẳng hiểu một chút gì về Bốn Thánh Định của đạo Phật cả, trong khi kinh sách Phật còn ghi lại rõ ràng.

Đây là một đoạn kinh, trong kinh Trung Bộ, bài kinh “Ước Nguyện”đã xác chứng lời đức Phật dạy rất hùng hồn về cách thức nhập Bốn Thánh Định, như chúng tôi đã nói ở trên: “Này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện mong rằng, tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, Ta chứng Bốn Thiền thuộcTăng Thượng Tâm, hiện tại lạc trú”, Tỳ Kheo ấy phải thành tựu viên mãn Giới Luật”.

Vậy thành tựu viên mãn giới luật như thế nào? Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Các Tỳ Kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, sống đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.

Đức Phật còn nhắc nhở chúng ta phải thực hiện “Định Tư Cụ”tức là thực hiện ba loại định: Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, Định Niệm Hơi thở và Định Vô Lậu. “Tỳ Kheo ấy phải kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trụ xứ không tịch”.Những danh từ này do các nhà học giả dịch không có kinh nghiệm tu hành, nên khiến cho người nghiên cứu rất dễ hiểu lầm, như những danh từ “tịch tĩnh”, “thiền định”, “quán hạnh”, “trụ xứ không tịch”.

Sau khi nhập xong bốn thiền chúng tôi mới hiểu được những danh từ này. Khi người mới bắt đầu tu, tâm làm sao “tịch tĩnh”được, cho nên tịch tĩnh ở đây phải hiểu là tĩnh giác chứ không phải là lặng lẽ, tịch chiếu. Thường đức Phật dạy tu tập tĩnh giác theo hành động của thân nội hoặc ngoại để xả niệm ác hay nói cách khác là để giữ tâm trong chánh niệm, nên có tên gọi loại định này là “Chánh Niệm Tĩnh Giác Định”.

Vì thế, đức Phật dạy phải kiên trì nội tâm tịch tĩnh, tức là phải kiên trì tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, tu trong mọi hành động, tức là thân hành niệm, chứ không phải giữ tâm tịch tĩnh, khi tâm chưa có định thì làm sao giữ tâm tịch tĩnh được. Nếu tâm chưa có định mà giữ tâm tịch tĩnh tức là ức chế tâm, ức chế tâm tức là tu sai thiền của đạo Phật, thì dù có tu cho đến ngàn muôn kiếp cũng chẳng đi đến đâu, chẳng ích lợi gì cho mình và người khác.

Phật dạy: “Không gián đoạn thiền định”,khi người mới bắt đầu tu để nhập Sơ Thiền thì làm gì có thiền định mà không gián đoạn, nếu không có tu nhập được Bốn Thánh định này, trên những danh từ này mà hiểu thì không ai hiểu nổi và cũng không biết làm sao tu tập cách nào. Phần nhiều các nhà học giả rối đầu không dám giải thích những danh từ này, thường là tránh né hoặc giải thích không đúng, hoặc mượn ý nghĩa theo kinh Đại Thừa và Thiền Đông Độ mà giảng giải. Do đó thiền của Phật biến thành thiền của ngoại đạo, vì thế chẳng có ai tu chứng đạt chân lí làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi.

Không gián đoạn thiền định, tức là đức Phật muốn nhắc chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở, tức là nương hơi thở xả tâm không gián đoạn: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”.. .. .. “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi biết tôi thở ra”.. .. .. “Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra v.v..”.

Đức Phật dạy: “Thành tựu quán hạnh”.Muốn nhập Sơ Thiền thì phải thành tựu quán hạnh, tức là phải tu tập Định Vô Lậu, đó là một pháp môn diệt pháp ác tuyệt vời, mà thành tựu Định Vô Lậu, tức là đã lìa ác pháp đã lìa ác pháp là nhập Sơ Thiền.

Muốn nhập Sơ Thiền, Đức Phật dạy: “Thích sống tại các trụ xứ không tịch”, thích sống tại các trụ xứ không tịch, tức là sống độc cư hay nói cách khác là tịnh chỉ ngôn ngữ để nhập Sơ Thiền.

Ở đây, chúng ta phải thấy đường lối tu tập thiền định của đạo Phật rất rõ ràng. Ý chung của các bài kinh mà đức Phật đã dạy rất cụ thể:“Muốn nhập được Sơ Thiền phải sống cho đúng giới hạnh và còn tu tập bao nhiêu pháp môn khác nữa mới nhập được”,chứ không phải như các nhà sư Nam Tông đã tu và dạy người tu pháp môn hơi thở “sổ tức, tùy tức”để nhập Sơ Thiền, thì không đúng cách theo đường lối tu tập của đức Phật đã dạy trong các kinh Nguyên Thủy. Ngay cả pháp môn hơi thở, các sư cũng còn dạy không đúng như trong kinh, thì dạy nhập các định làm sao đúng được.

Xin quý vị đọc lại những đoạn văn mà các nhà sư Nam Tông dạy nhập bốn thiền trong nguyẹt san báo Giác Ngộ: Bài này được trích dịch từ một quyển cẩm nang tu thiền của Ngài Thiền sư U Acinna, người Miến Điện. (“Light of Wisdom”), W.A.V.E. Malaysia, 1996, cùng với một vài kinh nghiệm của người dịch, đã có duyên may được tu học với sư cô Dipanka- ra, đệ tử của Ngài U Acinna, trong năm 1997 tại Perth, Tây Úc.

Đây là nhà học giả Miến Điện dạy chúng ta nhập Bốn Thánh Định: “Bây giờ ta đem tâm vào hơi thở, hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu thiền sinh không thể chú tâm vào hơi thở sau vài buổi thiền, thì có thể tập đếm hơi thở. Việc này để giúp họ phát triển định lực. Thiền sinh đếm số sau mỗi hơi thở như sau: “thở vào.. .. thở ra .. .. một”, “thở vào.. ..thở ra .. .. hai”, “thở vào .. ..thở ra .. .. ba”, .. ..cho đến thở vào .. .. thở ra .. .. tám”. Có thể đếm từ năm đến mười rồi trở lại số một. Tuy nhiên thiền sinh nên đếm số tám rồi trở lại từ đầu. Số tám là để nhắc nhở chúng ta về conđường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo), mà chúng ta đang cố gắng để hành trì giác ngộ”. Lời dạy trên đây xin quý vị lưu ý trong kinh điển Nguyên Thủy, đức Phật có dạy như vậy hay không?

Những lời dạy trên đây là lời dạy của các Tổ Sư thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa (Sổ tức Quán). Còn Định Niệm Hơi thở Phật dạy khác: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, hoặc “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”. Phật dạy nương hơi thở để tâm tĩnh giác xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi đó là “Quán Ly tham”, Lìa tâm tham để tâm được thanh tịnh, tức là định của đạo Phật. Xin quý vị nên hiểu chữ “định”của Sơ Thiền ở đây, mặc dù chúng tôi cố gắng so sánh định của Phật, định của Tổ Sư Thiền Đông Độ và định của các nhà sư Nam Tông để quý vị rõ hơn, vì dùng danh từ “Định”rất dễ hiểu lầm nghĩa.

Đạo Phật dùng chữ “định”,để chỉ cho tâm “vô lậu”,tâm vô lậu là tâm đoạn diệt ngũ triền cái và thất kiết sử, cho nên đức Phật đặt rất nhiều tên pháp môn của mình có mang tên định như: Định Niệm Hơi thở, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, Định Vô Tướng Tâm, Định Bất Động Tâm v.v.. Các loại định này đều nhắm vào sự xả tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải ngồi tĩnh lặng như con cóc, để rồi sanh ra các trạng thái dục tưởng lầm chấp cho đó là định sanh hỷ lạc, như Thiền Đông Độ và thiền của các nhà sư Nam Tông.

Cho nên, chữ “định” của Phật ở đây có nghĩa là tĩnh thức xả tâm dục và ác pháp, tĩnh thức tâm không phóng dật; tĩnh thức tâm thanh thản; tĩnh thức tâm bất động trước các pháp và thọ; tĩnh thức thân tâm tịnh chỉ các hành; tĩnh thức tâm Tứ Như Ý Túc và tĩnh thức tâm trong Tam Minh.

Bây giờ quý vị nghe nhà học giả Nam Tông dạy tiếp cách thức ức chế tâm: “Các bạn cần phải cương quyết không để phóng tâm, tâm lang thang chỗ này chỗ kia trong khi đếm hơi thở. Chỉ chú tâm theo dõi hơi thở và đếm số, từ 1 đến 8 rồi trở lại 1.. .. Qua việc chỉ chútâm như thế, tâm sẽ trở nên an định hơn. Thông thường thì cần phải thực hành như thế trong một giờ để tâm được an định và vững chắc”.Qua lời dạy trên đây, quý vị thấy rất rõ, đó là lối hướng dẫn thiền ức chế tâm, không phải là thiền xả tâm ngũ triền cái: tham, sân, si, mạn, nghi như đức Phật đã dạy trong kinh.

Thiền của Phật, nếu quý vị lưu ý thì sẽ thấy rất rõ, lúc nào cũng tĩnh thức trong mọi hành động thân nội hay ngoại đều phải kèm theo pháp hướng tâm (Như lý tác ý) “Quán ly tham, quán ly sân, quán ly si, quán thân vô thường, quán thân vô ngã, quán tâm như đất v.v..”.

Trong kinh sách Phật không có dạy định tướng mà chỉ có nói đến: “Do ly dục sanh hỷ lạc hoặc định sanh hỷ lạc”.Ở đây nhà học giả dạy: “Đến đây tùy theo giới hạnh của từng cá nhân, định tướng sẽ hiện ra.Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có định tướng khác nhau. Dù đang nhắm mắt theo dõi hơi thở, dần dần thiền sinh sẽ thấy định tướng hiện ra, có khi như một làn chỉ trắng, một luồng ánh sáng trắng, một ngôi sao, một cụm mây hoặc một nhúm bông gòn. Nó có thể rất to, trùm cả khuôn mặt, hoặc như mặt trăng, mặt trời, hoặc một viên ngọc thạch, một viên ngọc trai. Nó hiện ra trong các hình sắc khác nhau là vì do tưởng uẩn (sana, perception) tạo ra”.

“Lúc ban đầu, định tướng có thể giống như có màu khói xám. Dần dần, nếu giữ tâm được an định vào hơi thở, hơi thở và màu khói xám trở thành đồng nhất với nhau, không khác biệt. Sau đó nếu tâm được an nhẹ và chỉ chú mục vào hơi thở, màu sắc đó trở thành trắng đục. Mặc dù là màu trắng, nhưng nếu bạn chỉ chú mục, hơi thở sẽ trở thành định tướng và định tướng chính là hơi thở. Nếu định tướng và hơi thở là một, không khác biệt, khi bạn chú mục vào hơi thở, thì bạn cũng chú mục vào định tướng, và khi bạn chú mục vào định tướng thì bạn cũng chú mục vào hơi thở. Và như thế bạn hành thiền tốt và nghiêm túc.. .. .. Khi định tướng có màu khói xám thì đó là sơ tướng (parikamma nimitta) trong trạng thái sơ định (parikamma samadhi). Nếu nó trở thành màu trắng như một nhúm bông gòn, đó là học tướng (uggaha nimitta). Đây là một trạng thái định khá cao...”.

Đọc qua cách thức hướng dẫn này, chúng ta nhận xét: nhà học giả ở đây có nhận thức ra “Giới hạnh”sanh định tướng, đó là đúng, nhưng nhà học giả lại chẳng biết định tướng của giới hạnh như thế nào? Cho nên, nhằm tưởng định tướng do tưởng uẩn lưu xuất, điều này rất sai. Định tướng do giới hạnh sanh ra là một trạng thái tâm không phóng dật, tâm thường tự động hướng vào nội thân, trong nội thân hoạt động điều gì thì tâm đều biết rất rõ mà chẳng biết sự động dụng bên ngoài, nó không hình tướng như màu khói trắng hoặc xám hoặc trắng như nhúm bông gòn hoặc như ngọc thạch v.v.. Còn định tướng của tưởng uẩn lưu xuất là những định tướng loại ma có hình tướng màu sắc khói xám hoặc trắng v.v.. do tu tập thiền ức chế tâm sanh ra. Nhà học giả này chỉ mới thấy được sắc tưởng của thiền ức chế tâm mà đã vội cho là định tướng của Bốn Thiền thì thật là vô minh vô cùng. Nó có sáu loại ma tưởng: Sắc tưởng, hương tưởng, thinh tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Vị Sư Nam Tông đã rơi vào ma sắc tưởng mà không biết.

Thảo nào, chúng ta cũng không nên trách các thiền sư Đông Độ, khi họ tu hành ức chế tâm “chẳng niệm thiện niệm ác”,nên gặp loại ma pháp tưởng, do đó họ tưởng họ đã tu chứng đạo, nên trí tuệ phát triển, “triệt ngộ”thấu suốt 1.700 công án thiền tông và tất cả kinh sách Đại Thừa đều hiểu rõ không có câu kinh nào mà họ chẳng hiểu. Nhưng không ngờ, đó lại là ma Pháp tưởng của tưởng uẩn, chứ không phải trí tuệ. Nhìn giới hạnh của các Ngài thì biết các Ngài đã bị ma Pháp tưởng không có khó khăn gì, vì các Ngài đang sống phạm giới luật.

Dường như tu sĩ từ đông, sang tây, từ nam, sang bắc tu hành đều gặp nhau trên một điểm này, điểm này tức là sáu loại ma tưởng, không một tu sĩ nào thoát ra khỏi nanh vuốt của sáu loại ma này. Cho nên, người ta tu hành tuy có thần thông tưởng và thiền định tưởng để mà có thần thông tưởng và thiền định tưởng, chứ chẳng ích lợi gì cho bản thân họ và ai cả. Họ chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Tu hành như vậy, làm sao nhập được Sơ Thiền, họ chỉ tưởng tượng ra Sơ Thiền mà dạy người như vậy, tức là phỉ báng Phật Pháp, thật là đau lòng cho Phật pháp ngày nay và tội cho chúng sanh thời này, tu theo Phật mà lại tu nhằm pháp ngoại đạo, cứ tưởng là mình tu đúng pháp Phật.

Thưa quý vị học giả, nếu quý vị đã tu chứng được thiền định và đạt được Tam Minh thì nên mở tu viện, thiền viện hoặc viết kinh sách dạy người tu hành, bằng không thì thôi, đừng vì danh lợi nhỏ mọn mà giết người như thế này. Tu chưa tới đâu mà dám dạy người tu như những lời dạy trên đây, quý vị xem cuộc sống và mạng người như cỏ rác. Ngay cả thiền xả tâm của Phật mà không hỏi kỹ thì tu hành cũng trở thành thiền ức chế tâm, cũng có thể xảy ra tai hại cho tánh mạng con người, huống là tu thiền ức chế tâm mà các vị đã dạy thì tai hại còn biết bao nhiêu.

Quý vị có nghe đức Phật đã dạy chăng? “Giới sanh định”.Ở đây một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại, chữ định của giới luật sanh ra là sự “tĩnh thức”luôn luôn hoạt động trong “tầm và tứ thiện”.Vì thế quý vị đừng hiểu lầm định của giới luật là tâm bất động không vọng tưởng, chẳng niệm thiện niệm ác; cũng đừng hiểu với nghĩa là tịch chiếu như Thiền Đông Độ. Đến đây lại sanh ra một danh từ khác nữa, quý vị có thể hiểu lầm, đó là Bất Động Tâm Định, Bất Động Tâm Định là một loại thiền định do giới luật sanh ra, Bất Động Tâm Định tức là tâm bất động trước các ác pháp, trước các cảm thọ, chứ không phải bất động là không vọng tưởng, không niệm thiện niệm ác, nói cho dễ hiểu bất động, tức là tĩnh thức trong niệm chơn chánh, niệm chơn chánh tức là niệm thiện. Niệm thiện tức là niệm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Cho nên, từ giới luật sống đúng Phạm hạnh, không phạm phải một giới nhỏ nhặt nào thì tâm sẽ ly dục ly ác pháp, tức là tâm sẽ nhập Sơ Thiền. Ở đây, cớ sao quý vị lại dạy nhập Sơ Thiền như vậy, “Định tướng có khói xám thì đó là Sơ tướng trong trạng thái Sơ định”.Quý vị có loạn thần kinh chưa? Sơ Thiền là do ly dục nhập Sơ Thiền, chứ đâu phải ngồi bất động chẳng niệm thiện niệm ác. Sơ Thiền là một trạng thái bình thường như mọi người nhưng tâm chỉ ly dục ly ác pháp nên ý thức vẫn còn (tầm tứ) thì làm gì có định tướng ảo tưởng được. Quý vị gạt người không biết thiền định chứ người đã nhập định thì quý vị không lừa đảo dối gạt được.

Quý vị ngồi thiền như con cóc, ngồi lâu tưởng ra khói xám rồi cho đó là định tướng Sơ Thiền, thì thiền như vậy có phải là thiền của Phật không? Hay là một thứ thiền tưởng mà quý vị đặt ra để ngồi trong mát ăn bát vàng, để lừa đảo người không biết?

Nói đến Tầm, Tứ quý vị lại hiểu ngoài kinh sách của đạo Phật, quý vị có đọc bài kinh Song Tầm và bài kinh An Trú Tầm chưa? Nếu đã đọc thì quý vị không thể giải thích năm chi thiền như thế này được, năm chi thiền đó là :

 “1- Tầm (Vitakka): Đem tâm hướng về định tướng.

2- Tứ (Vicara): Bám sát vào định tướng.

3- Hỷ (pity): Ưa thích định tướng.

4- Lạc (sukha): Cảm giác an lạc, sung sướng khi tiếp xúc với định tướng.

5- Nhất tâm (Ekaggata): Tập trung về một điểm (đó là định tướng)”.

Ở đây chúng tôi không có ý kiến, xin quý vị đọc lại hai bài kinh trên, trong kinh Trung Bộ thì quý vị sẽ rõ.

Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, dùng “ý thức tĩnh giác trong mọi hành động để xả những tâm niệm ác của mình”,không bao giờ dùng tưởng thức. Vì thế, phải lấy “Giới Luật tu tập, lập hạnh, sống đời sống Phạm hạnh có như vậy thì mới xả tâm được”.Ngoài giới luật ra thì không còn có pháp môn nào xả tâm hữu hiệu hơn nữa. Cho nên, giới luật là pháp môn đầu tiên của đạo Phật để đi vào lộ trình giải thoát “Chánh định”.

Người nào dạy tu tập thiền định Phật giáo mà không dạy giới luật thì người đó chưa hiểu thiền định của đạo Phật. Khi đọc bài Quán Niệm Hơi Thở trong Nguyệt san Giác Ngộ số 23, chúng tôi rất đau lòng vì bài thuyết pháp dạy tu Tứ Thánh Định là của một nhà sư Nam Tông Nguyên Thủy mà dạy như vậy thì chúng ta không nên trách các nhà sư Bắc Tông vì họ dạy theo kinh phát triển Đại Thừa.

Thảo nào, hiện giờ người ta tu theo Phật giáo mà chẳng có ai thực hiện Bốn Thánh Định và Tam Minh được, là vì không theo lời dạy của đức Phật. Người ta dùng tưởng tu tập thiền định và tu hành chưa tới đâu, chẳng làm chủ sanh tử luân hồi được, mà cũng lập đạo tràng dạy người tu. Bằng chứng qua bài viết này, chúng ta cũng biết Phật giáo hiện giờ không còn ai tu chứng, nên những người học giả này muốn dạy như thế nào tùy ý, dạy sao không ai dám cãi, dám bàn mà còn dám đăng trên báo, phổ biến khắp nơi, xem các bậc Tôn Túc, Trưởng Lão Hòa Thượng, Thượng Tọa ở Việt Nam và các nước trên thế giới là những người vô minh u tối không hiểu kinh sách và lời dạy của đức Phật.

Người nhập Sơ Thiền chưa có định, chỉ có ly dục ly ác pháp, tâm mới thanh tịnh. Vậy mà ở đây lại dạy Sơ Thiền có định tướng. Quỷ thần ơi! Định tướng gì lạ vậy?

Người nhập Sơ Thiền là người tu tập giới luật, mới vén lên được năm cái màn ngăn che, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi chứ không phải tu tập hơi thở mà phá được ngũ triền cái như trong bài Quán Niệm Hơi Thở này dạy.

Trong bài kinh Song Tầm Phật dạy: “diệt tầm ác giữ tầm thiện”tức là ly dục ly ác pháp; ly dục ly ác pháp, tức là nhập Sơ Thiền, chứ không như nhà học dạy: Tầm là đem tâm hướng về định tướng; Tứ là bám sát vào định tướng, dạy như vậy không đúng như lời Phật dạy.

Trong Sơ Thiền có “Tầm Tứ”,tầm không phải hướng về định tướng, mà là hướng về thiện pháp; Tứ không phải bám sát vào định tướng, mà Tứ là tác ý (như lý tác ý) để diệt ác pháp. Như trong bài kinh Xuất Tức Nhập Tức, Phật đã dạy về Định Niệm Hơi Thở, như lý tác ý rất rõ ràng: “Quán lytham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”.Đó là “Tứ” như lý tác ý để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tức là xả ngũ triền cái. Thiền định của Phật không phải dùng hơi thở ức chế tâm mà dùng hơi thở để xả tâm. Cho nên Phật dạy: “muốn nhập Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền thì Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý”.

Ở đây, nhà học giả Nam Tông dạy bốn thiền của Phật theo tưởng giải của mình, nên Phật Pháp trở thành tà giáo ngoại đạo, chính vì vậy đạo Phật dần dần biến dạng, thành tà giáo, pháp môn thành pháp môn của ngoại đạo.

Để so sánh Quán Niệm Hơi Thở của nhà sư Nam Tông và Định Niệm Hơi Thở của đức Phật giống nhau và khác nhau ở chỗ nào?

Nếu ai đã đọc bài kinh Xuất Tức Nhập Tức trong kinh Trung Bộ thì nhận thấy có 16 đề tài tu về Định Niệm Hơi Thở. Mười sáu đề tài đó là 16 câu pháp hướng để xả tâm ngũ triền cái và thất kiết sử, tức là khắc phục tham ưu hay nói cách khác là ly dục ly bất thiện pháp.

Cách thức tu tập, nương vào hơi thở để giữ tâm bằng cách tĩnh thức và xả tâm. Đồng thời một lượt mà đạt cả hai kết quả tĩnh thức và xả tâm, nhưng phải hiểu tĩnh thức là vấn đề phụ, còn xả tâm là vấn đề chánh. Cho nên, khi xả tâm hoàn toàn vô lậu thì tĩnh thức là xả tâm, tức là tâm nghe, hiểu, biết tất cả mà không dính mắc một pháp nào. Đó là mục đích giải thoát của đạo Phật.

Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm mới đủ sức lực để sử dụng pháp hướng dẫn thân tâm nhập vào các định (Định Như Ý Túc), cho nên nhập từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc, chỉ bằng pháp hướng tịnh chỉ các hành trong thân và tâm, chứ không dùng định tướng để nhập các định khác như nhà học giả Nam Tông đã dạy.

Theo lộ trình tu tập của đạo Phật, ngoài Định Niệm Hơi Thở, hành giả còn phải tu các định khác nữa như: Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, thì mới mong nhập được Sơ Thiền, chứ không phải chỉ có định Niệm Hơi Thở không mà thôi.

Ở đây, nhà học giả Nam Tông dạy Quán Niệm Hơi Thở bằng cách tùy tức, nếu tùy tức không nhiếp phục được vọng tưởng thì dùng pháp đếm hơi thở (sổ tức), khoảng độ một giờ thì định tướng xuất hiện, khi định tướng xuất hiện, họ sẽ ôm định tướng mà nhập các định khác (Từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền). Cách thức nhập Bốn Thánh Định của họ quá đơn giản, nhưng chắc chắn họ sẽ không làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Bằng chứng những vị sư này chưa làm chủ bệnh đau của mình và đời sống của họ thì mong gì làm chủ sự sống chết và luân hồi.

Tóm lại, Định Niệm Hơi Thở của Phật và Quán Niệm hơi thở của nhà Sư Nam Tông thì sự tu hành không giống nhau chút nào cả; một bên thì dùng hơi thở ức chế tâm để nhập định; một bên thì dùng hơi thở tĩnh thức để xả tâm.

Đến Thiền Thứ Hai nhà học giả dạy: “Thiền sinh cũng nên nhận thức rằng các thiền chi Tầm và Tứ trong tầng Thiền Thứ Nhất làm cho tầng thiền này không an định bằng tầng thiền thứ nhì”.

Qua lời dạy trên đây chúng ta thấy nhà học giả không hiểu sự an định của thiền thứ nhất và thiền thứ nhì. Sự an định của thiền thứ nhất là do “tầm tứ” tịnh chỉ tâm dục và ác pháp hay nói cách khác là tịnh chỉ ngôn ngữ, tức là ly dục ly bất thiện pháp. Vì thế, chúng ta phải hiểu sự an định của tầng thiền thứ nhất“lấy tâm động, tạo tâm bất động” còn sự an định của tầng thiền thứ nhì “lấy tâm bất động tạo định”,chứ không như nhà học giả dạy sự an định của thiền thứ nhì hơn thiền thứ nhất. Hai sự an định của hai loại thiền này không giống nhau, chỉ có hỷ lạc là thiền thứ nhì hơn thiền thứ nhất như đức Phật đã dạy trong bài kinh Sa Môn Quả.

Chỗ này muốn cho dễ hiểu hơn, chúng tôi cho một ví dụ thì quý vị sẽ hiểu rõ ràng: Ví như có một người luôn tìm mọi cách sống trong thiện pháp, sau một thời gian tâm họ hoàn toàn thiện và họ đang ở trong ngôi nhà thứ nhất, bây giờ họ muốn sang ngôi nhà thứ nhì, thì họ có mang theo ngôi nhà thứ nhất hay không? Họ có mang theo cái tâm toàn thiện của họ hay không? Bây giờ họ muốn sang ngôi nhà thứ ba, thì họ có mang theo ngôi nhà thứ hai không? Và đến ngôi nhà thứ ba họ có mang theo tâm thiện của họ hay không? Bây giờ họ lại muốn sang ngôi nhà thứ tư, họ có mang theo ngôi nhà thứ ba không? Khi đến ngôi nhà thứ tư họ có mang theo cái tâm thiện của họ không?

Nếu tâm không thanh tịnh thì không thể nào nhập được chánh định, tâm chưa thanh tịnh mà nhập định, tức là tà định, định ức chế tâm. Vì thế, người sống không đúng giới hạnh là người nhập tà định.

Đến thiền thứ nhì nhà học giả lúng túng không biết pháp hành. Đây, chúng ta nghe tiếp đoạn trên: “Vì thế, từ ước muốn rời bỏ hai thiền chi này và chỉ còn giữ thiền chi Hỷ, Lạc, Nhất tâm, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế thiền sinh có thể đạt vào tầng thiền thứ nhì”.

Đến thiền thứ nhì nhà học giả quên lời Phật dạy: “Xả Sơ Thiền mới nhập Nhị thiền”.Cái vô minh của nhà học giả đã để lộ chơn tướng u tối, cái không biết của mình quá rõ ràng:“tiếp tục đem tâm vào tợ tướng”,tức là giữ trạng thái định của Sơ thiền mà nhập Nhị Thiền, nhà học giả hiểu Sơ Thiền và Nhị Thiền là hai nấc thang.

Sơ Thiền và Nhị Thiền không phải là hai nấc thang của một cây thang mà hai loại thiền định tu tập không giống nhau. Sơ Thiền còn có những tên như: Bất Động Tâm Định, Vô Tướng Tâm Định. Cách tu tập của Sơ Thiền là “Ly”. Cách tu của Nhị Thiền là “Diệt”.Các nhà học giả không có kinh nghiệm tu hành nên bước vào tu thiền định thì chỉ có cách ức chế tâm “diệt ý thức, hưng phấn tuởng thức”.

Thiền thứ ba và thiền thứ tư nhà học giả cũng không biết pháp hành nên dạy cứ ôm tợ tướng của thiền dưới nhập thiền trên: “Sau đó thiền sinh nhận thức, rằng hỷ cũng không đem lại an định, nên ước muốn bỏ hỷ, chỉ còn giữ lại Lạc và Nhất tâm. Thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế thiền sinh có thể đạt vào tầng thiền thứ ba, vốn chỉ còn hai chi:Lạc và Nhất tâm. Sau khi vào được Tam Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục như trên”.

“Sau đó thiền sinh nhận thức rằng nếu cứ duy trì lạc thì lại là một hình thức tham thủ vào cảm giác vui sướng. Cho nên với ý định bỏ lạc, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế thiền sinh có thể đạt vào tầng thiền thứ tư”.

Trong kinh Ước Nguyện đức Phật dạy rất rõ: “Tùy theo ý, muốn ước nguyện một điều gì thì giới luật phải sống nghiêm trì, không phạm phải một lỗi nhỏ nhặt nào, thì nhập Bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức”.

Xưa, Thầy Khương Tăng Hội dạy nhập Bốn Thiền trong sách An Ban Thủ Ý theo kiểu học giả mà chúng tôi đã có lần trả lời cho cô Diệu Quang. Đồng thời lúc ấy chúng tôi cũng có nhận được một bức thư của cô Diệu Tịnh hỏi, trong đó nhà học giả lấy kết quả của Bốn Thiền như trong kinh Sa Môn Quả mà đức Phật đã dạy, làm bốn bài kệ dạy người tu nhập Bốn Thiền, giống như kiểu thiền sư Đông Độ v.v.. Xin quý vị đọc tiếp “Đường Về Xứ Phật” phần vấn đạo thì quý vị càng rõ hơn. Trên đây là một nhà học giả Nam Tông dạy nhập Bốn Thiền mà được dịch sang Việt ngữ, theo chúng tôi nghĩ không phải có một bài này mà có rất nhiều bài dạy nhập về Bốn Thánh Định này. Nhưng chắc chắn chưa có vị sư nào nhập được Bốn Thánh Định, chỉ nói dối lừa đảo người mà thôi.

Người xưa bảo rằng: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.Thế mà, các nhà học giả thời nay tu hành chưa đến nơi đến chốn, và tu không đúng như lời Phật dạy, tu chưa được giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, chưa thực hiện đầy đủ Tam Minh, giống như người chưa biết thì nên dựa cột mà nghe, có đâu lại dạy tu thiền điên khùng cho thiên hạ như vậy.

Dạy thiền như các nhà học giả này mà còn viết soạn ra kinh sách, thì kinh sách này sẽ chẳng ích lợi gì cho con người, mà còn làm cho con người phí hết cuộc đời và có thể những người này sẽ trở thành những người lừa đảo có kinh sách.

Thật ra bài Quán Niệm Hơi Thở này chúng tôi đã được đọc trong tập nguyệt san Giác Ngộ hơn cả năm nay, thấy những điều dạy sai trong pháp hành thiền của đức Phật, nhưng chúng tôi chẳng hề động đến, ai có duyên tu sao cũng được, đúng sai là do nhân quả gieo duyên tu của mọi người.

Nhưng rồi do một nhân duyên, đây cũng là duyên Phật pháp, khi đọc bản thảo Đường Về Xứ Phật trên máy tính về phần vấn đạo nhiều Phật tử gợi ý: Sao Thầy không chứng minh sự lừa đảo, lường gạt bằng những pháp môn kiến giải, tưởng giải của một số Sư, Thầy “háo danh, háo lợi”,để giúp đỡ biết bao nhiêu người tín đồ Phật giáo tránh khỏi sự lừa đảo, lường gạt này và làm sáng tỏ lại giáo pháp của đức Phật. Nếu Thầy không nói ra thì còn ai biết đâu mà nói, đã từ bao thế kỷ nay, biết bao nhiêu giáo pháp kiến giải, tưởng giải của một số tà sư ngoại đạo đã che phủ toàn bộ giáo pháp của đức Phật, khiến cho mọi người nghiên cứu và tu học giáo pháp của đức Phật không thể nào rõ được.

May thay kinh sách Nguyên Thủy của Phật còn đó, nhờ Thầy vạch rõ để giúp cho mọi người thấu hiểu, chứ hiện giờ họ xem những tu sĩ Phật giáo đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, nên họ chẳng còn biết lời dạy nào đúng sai của Phật. Vì vậy, họ mới dám dạy thiền tưởng qua tưởng giải, từ chỗ tu không đúng pháp của Phật.

CHỈ CẦN CÓ TÂM TÀM QUÝ LÀ TU CHỨNG ĐẠO

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiền sinh đang tu mà phạm nhiều lỗi lầm, phá hạnh độc cư, ăn ngủ phi thời v.v.. Nếu biết hối cải với tâm tàm quý. Biết xấu hổ về lỗi lầm của mình, biết sửa đổi tâm tánh thì trên đường tu tập có gì trở ngại và có thể đạt được cứu cánh hay không?

Đáp: Người tu hành có lỗi biết xấu hổ và sợ hãi (tàm quý) thì cố gắng sửa đổi tâm tánh và từ bỏ các ác pháp, hằng ngày luôn giữ gìn không cho tái phạm những lỗi lầm cũ, thì người này sẽ tu hành không có trở ngại gì và kết quả sẽ chứng đắc như những người khác.

Danh từ xấu hổ nghe thì rất dễ, nhưng mấy ai biết xấu hổ khi đã làm những điều sai quấy. Thường người ta làm sai quấy lỗi lầm, nhưng ít có người dám nhận sự sai quấy, lỗi lầm của mình, cứ mãi cố gắng che đậy và tự bào chữa cho mình là không sai quấy lỗi lầm. Luôn luôn lúc nào cũng dối quanh, dối quất, đổ lỗi cho kẻ khác.

Vì không đủ can đảm nhận lỗi những sự sai quấy của mình, cho nên hai chữ xấu hổ chỉ để nói cho vui chơi, chứ không áp dụng vào đời sống của ai được cả, nếu kẻ nào biết áp dụng xấu hổ vào sự lỗi lầm, sai quấy của mình, không sớm thì muộn người ấy sẽ trở thành những bậc Thánh Hiền.

Chỉ có hai chữ “xấu hổ” mà trên đời này ai là người đã thực hiện được xấu hổ để sửa sai những lỗi lầm của mình cũng như hai chữ “độc cư”, mấy ai đã làm được. Nếu trên đời này ai là người biết xấu hổ mà đừng che giấu, biết sửa sai những lỗi lầm của mình thì người đó là người đạo đức trọn vẹn, là người tốt nhất trong xã hội, là người ly dục ly ác pháp, là người dễ thành tựu Sơ Thiền của Phật. Cho nên, đức Phật đã dạy: “Ta có một pháp đưa con người đến cứu kính giải thoát, đó là pháp Tàm Quý”.

Trong Phật Pháp khi một người tu hành có làm những điều lỗi lầm mà biết xấu hổ sửa sai là tương lai người ấy sẽ chứng đạo, sẽ trở thành những bậc Thánh nhân.

Bậc Thánh nhân là những người biết xấu hổ, biết sửa sai; biết xấu hổ, biết sửa sai tức là biết độc cư; độc cư tức là sống trầm lặng, sống trầm lặng, tức là cuộc sống Thánh thiện; cuộc sống Thánh thiện là cuộc sống của những bậc Thánh nhân, cho nên người phàm phu tầm thường không thể nào sống độc cư nổi. Sống không nổi hạnh độc cư thì đừng hòng đi tìm con đường giải thoát của đạo Phật mà có được. Con đường ấy không thể để dành cho những kẻ còn tâm ham vui, ưa thích dục lạc thế gian; con đường ấy không thể để dành cho những kẻ tâm còn ràng rịt bởi những sợi dây tình cảm luyến ái; con đường ấy không thể để dành cho những kẻ thiếu đạo đức, thiếu đức hạnh.

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ TU SĨ ĐI XIN ĂN THÌ THẾ GIAN NÀY SẼ RA SAO?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy!Giả sử cả đất nước này đều là những người xuất gia tu hành theo đạo Phật ba y một bát đi xin ăn, thì ai là người trồng cây và sản xuất ra lương thực và thực phẩm. Vậy phải xin ăn ở đâu? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Câu hỏi của con chỉ là một giả thuyết, chứ không bao giờ có hiện thực. Giả sử nếu có thật đi nữa, thì điều này không khó con ạ! Từ các cấp lãnh đạo trong nước cho đến toàn dân đều tu hành theo đạo Phật hết thì con nên nhớ: “Đạo Phật là đạo trí tuệ”. Khi trường hợp ấy xảy ra, thì các nhà lãnh đạo trong nước sẽ chia tu sĩ thành hai dòng tu:

1- Dòng tiếp hiện

2- Dòng chuyên tu

Dòng tiếp hiện tổ chức giữ gìn trật tự, an ninh bờ cõi và sản xuất lương thực, thực phẩm, giúp đỡ cho dòng chuyên tu có thực phẩm sống hằng ngày, ngày một bữa để thực hiện chiều sâu của Phật pháp. Nếu những tu sĩ dòng chuyên tu, tu hành đã xong, thì rời khỏi dòng chuyên tu, để thay thế cho những tu sĩ dòng tiếp hiện, giữ chức vụ, vai trò thực hiện để tiếp tục giữ gìn an ninh, đất nước và sản xuất, lương thực, thực phẩm, v.v..

Vậy, lúc bấy giờ tu sĩ chuyên tu có chỗ, nơi đi khất thực và có tổ chức hẳn hòi, chứ có gì đâu mà sợ không có thực phẩm để sống tu hành.

Đó là một điều kiện được đặt ra giả thuyết, cho mọi người trên hành tinh này đều là tu sĩ Phật giáo hết, thì việc tổ chức hai dòng tu như vậy là hợp lý.

Dù con người có tu hay không tu, khi mà có người theo tôn giáo tu hành, thì sự tổ chức của tôn giáo phải có chia làm hai dòng tu, thì tôn giáo đó mới bảo đảm cho những người theo tu hành, còn nếu không có tổ chức như vậy thì tôn giáo ấy phát triển không vững vàng, có lúc thịnh, có lúc suy như tôn giáo Phật giáo hiện giờ. Sự tổ chức của Phật giáo hiện giờ thiếu chặt chẽ, phát triển theo anh hùng cá nhân, không phải phát triển theo tập thể. Một tôn giáo tổ chức phát triển theo tập thể có chiều sâu và có chiều rộng thì thế đứng vững vàng, còn phát triển theo anh hùng cá nhân, khi cá nhân ấy mất đi, hoặc làm một điều gì mất uy tín thì tôn giáo ấy sẽ bị suy vong và sụp đổ.

Cho nên, đứng về mặt tôn giáo, muốn tôn giáo đó hưng thịnh mãi mãi thì phải xây dựng nền kinh tế của tôn giáo đó vững vàng và mỗi tín đồ phải được trang bị học tập và trau dồi đức hạnh. Một nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, có được như vậy thì tôn giáo ấy mới sống mãi trường tồn với loài người.

Trên thế gian này nếu có một tôn giáo biết tổ chức được như vậy, thì loài người trên hành tinh này sẽ sống trong cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn thực tế, chứ không phải còn là một giấc mơ mà con người hằng mơ ước từ bao thế kỷ nay.

Đối với con người trên thế gian này nếu tất cả đều biết tu hành theo Phật giáo sống thiện, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì  phước báu vô lậu vô lượng nên cây cỏ thảo mộc tự ra hoa trái đầy đủ sung mãn nên có lo gì đến sự đi khất thực. Phải không con?

LỤC CĂN HƯ HOẠI

Hỏi:Kính thưa Thầy!Những người bị hư hoại lục căn, nhưng trí tuệ không bị hư hoại có ảnh hưởng gì trong việc tu tập theo Đạo Phật không?

Đáp:Xưa, thời Đức Phật còn tại thế, người đau bệnh cùi, cụt tay, cụt chân, đức Phật vẫn nhận họ làm đệ tử tu hành xuất gia và những vị này đã tu hành chứng quả A La Hán. Thời nay các Tổ biên soạn giới luật, người cụt tay, cụt chân, chột mắt, nói chung là lục căn bị hư hoại thì không được thọ đại giới như những người khác, chỉ có cho thọ giới Sa Di mà thôi.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, nếu ai có trí tuệ biết giữ gìn giới luật đức hạnh sống đúng đời sống Phạm hạnh như Phật, biết sửa những sự sai quấy lỗi lầm, biết xấu hổ khi phạm phải giới luật, biết ngăn ngừa các việc làm ác, biết ly dục ly ác pháp, biết xả tâm diệt ngã, thì dù cụt tay, cụt chân, chột mắt, đui mù, mẻ sứt, khuyết tật thì cũng vẫn tu chứng đạo không ảnh hưởng gì trong sự tu tập theo đạo Phật cả.

Đời sau, người ta cho những kẻ thiếu căn là những người phước mỏng không được thọ Đại Giới của Phật giáo, tức là không được có mặt trong hàng giáo phầm như: Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng v.v..

Trong thời đức Phật, người ta tu hành chỉ cần chứng đạo xong, thì người ấy được gọi là Trưởng Lão, còn người tu chưa chứng dù có tuổi đạo bao nhiêu cũng không được gọi là Trưởng Lão.

Đạo Phật không có giai cấp trong hàng giáo phẩm, chỉ có một giai cấp tu chứng Tam Minh mà thôi. Từ con người phàm phu, bình thường đến tu chứng gọi là Trưởng Lão.

Đạo Phật ra đời nhằm phá giai cấp của loài người trên hành tinh này, để đem lại sự bình đẳng cho mọi người như nhau không phân biệt nam, nữ. Thế mà bây giờ Đạo Phật lại có giai cấp trong hàng giáo phẩm để lãnh đạo Giáo Hội, chứ không phải tu hành chứng đắc mà chỉ có học thức và tu lâu năm thì lên chức Thượng Tọa, Hòa Thượng, nhưng lại có bà Thượng Tọa và bà Hòa Thượng thật là đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Có nhà thơ đã châm biếm tu sĩ Phật giáo “Tu lâu cũng thành sư cụ”. Không thành đạo quả mà lại thành sư cụ, thì thật là xấu hổ vô cùng.

Đức Phật đã nhìn thấy thân người do bốn đại hợp thành, nó giòn bở không bền chắc và bất tịnh, uế trược, hôi thối, chỉ tạm bợ sống 100 tuổi là cao. Đức Phật ví thân này như chiếc bè mượn nó để sang sông, dù thân người có chột mắt, cụt tay, cụt chân v.v.. vẫn mượn làm bè sang sông cũng tốt vậy, chỉ sợ người ấy không có trí tuệ thì không tu được, còn có trí tuệ là còn tu được.

SÁU CĂN QUAY VÀO TRONG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có lợi ích gì cho người tu tập, khi mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào trong thân?

- Mắt nhìn vào thân, mắt sẽ thấy những gì trong thân?

- Tai nghe vào thân, tai sẽ nghe những gì trong thân?

- Mũi quay vào trong thân, mũi sẽ ngửi những gì trong thân?

- Miệng quay vào trong thân, miệng sẽ nếm những gì trong thân?

- Xúc quay vào trong thân, xúc sẽ cảm nhận những gì trong thân?

- Ý quay vào trong thân, ý sẽ biết những gì trong thân?

Đáp:Khi mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào trong tụ điểm (điểm định) nơi thân của người ấy thì người ấy đã làm chủ sự sống chết, tức là tâm định trên thân, thân định trên tâm, người ấy đã nhập Định Tứ Thiền, đó là một loại Thánh Định, nên hơi thở tịnh chỉ hoàn toàn, các hành nơi thân ngưng hoạt động. Đây là giai đoạn định để thực hiện Tam Minh, một loại định mà trên thế gian này ít có người tu tập thực hiện được. Nó là một kết quả lợi ích rất lớn cho người tu sĩ đã thực hiện được nó. Người thực hiện sáu căn quay vào trong là người đã làm chủ được sự sống chết và chấm dứt luân hồi, đó là một hạnh phúc lớn nhất cho đời người, không có hạnh phúc nào hơn được.

Ở đây, sáu căn quay vào trong, có hai giai đoạn:

1- Sáu căn quay vào trong thân, lúc tâm không phóng dật, tức là tâm ly dục ly ác pháp, nhập Bất Động Tâm Định hay nhập Sơ Thiền, tức là tâm định trên thân.

2- Sáu căn quay vào trong thân, lúc sáu căn ngưng hoạt động, hơi thở tịnh chỉ, nhập Tứ Thiền, tức là Thân định trên tâm, tâm định trên thân.

Nếu sáu căn quay vào trong thân ở giai đoạn một, thì mắt nhìn vào thân, mắt sẽ thấy: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm.

Tai, mũi, miệng, thân và ý quay vào thân, thì nghe, ngửi, nếm, cảm nhận, biết: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm như trên.

Còn ở giai đoạn thứ hai, sáu căn quay vào thân thì sáu căn thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận và biết lặng lẽ không tịch.

NẰM THEO KIỂU KIẾT TƯỜNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nằm theo kiểu kiết tường giống như Đức Phật có lợi ích gì cho người tu tập? Làm thế nào và tu như thế nào để suốt thời gian ngủ không thay đổi tư thế này?

Đáp:Nằm kiết tường theo kiểu như đức Phật Niết Bàn, có lợi ích rất lớn:

1/        Ngủ không mê, thường tĩnh thức

2/        Ngủ không mộng

3/        Tĩnh thức dễ dàng trong giấc ngủ

4/        Ngủ ít, không mệt mỏi, lười biếng

5/        Nằm ngủ kín đáo có oai nghi tế hạnh, giống như con sư tử nằm, mà đức Phật thường tán thán ca ngợi cách nằm này.

Ngày xưa Phật không ngủ chỉ nằm kiết tường nghỉ ngơi khoảng 30 phút, rồi dậy đi kinh hành.

Người nằm kiết tường ngủ nhiều không đúng cách. Vì kiểu nằm kiết tường là cách nằm tĩnh thức, chứ không phải nằm ngủ như người thế gian. Nếu cố gắng tập luyện sẽ nằm suốt được từ 1 giờ đến 2 giờ rất dễ dàng. Ngồi kiết già 2, 3 giờ đồng hồ còn được huống là nằm kiết tường 2, 3 tiếng đồng hồ thì không có khó khăn gì.

Khi tập nằm kiết tường đừng lăn trở nằm theo kiểu khác, chỉ chịu khó tập nằm từ 30 phút lên 1 giờ rồi đến 2 giờ, 3 giờ thì sẽ đạt được như ý muốn.

Nằm kiết tường, tướng nằm rất kín đáo và khoan thai, không có cách nằm nào hơn được. Nằm ngửa, nằm sấp, nằm co đều là những tướng nằm rất xấu, giống như loài thú vật nằm.

Cho nên, tư cách nằm ngủ của con người phải đúng cách của nó, phần nhiều con người nằm ngủ không đúng cách thì chẳng khác nào như con thú nằm ngủ. Đạo Phật chỉ chọn được cách nằm của bậc Thánh Hiền. Nằm kiết tường, mà đức Phật gọi là dáng nằm của con sư tử.

Giả thiết, có một vị Thánh Hiền mà nằm co ngủ như một con chó, thì chúng ta có tin họ là Thánh Hiền không? Cũng như một vị Thánh Tăng mà nằm sấp ngủ như một con bò, thì chúng ta có thể tin họ là Thánh Tăng không?

Bởi, cách thức nằm ngủ rất quan trọng, thấy cách nằm biết được giá trị của con người đó, thuộc về hạng người nào. Vì thế, chúng ta hãy tập cách nằm kiết tường như đức Phật đã chọn và thực hiện suốt cuộc đời của mình trong tư thế nằm ngủ như một con sư tử chúa.

NHÂN TƯỚNG NỘI NGOẠI CỦA THỌ

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy thế nào là:

1- Nhân tướng nội của thọ?

2- Nhân tướng ngoại của thọ?

3- Nhân tướng hành của thọ?

Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và cách thức áp dụng vào Tứ Niệm Xứ.

Đáp:Nhân tướng nội của thọ là cảm thọ hành bên trong, hay nói cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc, khinh an và đau nhức bên trong của thân.

Nhân tướng ngoại của thọ là sự cảm thọ bên ngoài, hay nói một cách khác cho dễ hiểu là sự cảm nhận, cảm giác sự hoạt dụng hỷ lạc khinh an và đau nhức bên ngoài của thân.

Nhân tướng của hành thọ là sự tăng giảm hoạt dụng cảm nhận, cảm giác, khinh an, hỷ lạc, thanh thản, thoái mái, hoặc đau nhức, khó chịu và sự rung động trong nội ngoại của thân.

Muốn áp dụng sự tu tập nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ bằng Định Vô Lậu như trong kinh Phật đã dạy: “Tìm một nơi vắng vẻ, ngồi kiết già lưng thẳng, khởi niệm tư duy: Các hành cảm nhận và cảm giác hỷ lạc, khinh an và đau khổ là vô thường, cái gì vô thường là cái đó có khổ, nó không có thật và nó là vô ngã, nó không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta. Vì thế, tất cả cảm nhận và cảm giác của hành thọ nội ngoại không phải là một pháp có thật, ta đừng sợ hãi và lo lắng, đừng để tâm dao động trước các hành thọ, ta phải xem nó như một chiếc áo rách bỏ, một vật không có giá trị, một món đồ vô dụng”.

Muốn áp dụng pháp hướng tâm trên nhân tướng nội, ngoại, hành của thọ vào Tứ Niệm Xứ trong ba loại định: Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở và Định Vô Lậu bằng câu pháp hướng tâm như: “Các cảm thọ nội ngoại hành hỷ lạc, khinh an, đau khổ, nhức nhối, khó chịu hãy đi! Đi! Rời khỏi nơi đây”, hoặc: “Thọ là vô thường, khổ đau, vô ngã, không thật có, hãy đi! Rời khỏi nơi đây, không được ở đây, đi cho khỏi! Cút cho mất!” v.v..

NHIẾP PHỤC VÀ PHÁ THỌ

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Vậy phải tu như thế nào để khắc phục và phá thọ?

Đáp:Muốn nhiếp phục và phá thọ (xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh) thì phải tịnh chỉ hơi thở, trước khi muốn tịnh chỉ hơi thở thì phải tu tập tâm ly dục ly ác pháp, khi tâm đã ly dục ly ác pháp, thì tâm đã thanh tịnh mới dùng pháp hướng xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, tức là tịnh chỉ thân hành, nhờ đó sẽ nhiếp phục và phá thọ dễ dàng.

Nói như vậy, nghe thì rất dễ, nhưng phải biết, đó là một công trình tu tập vĩ đại, nếu không biết pháp hành thì khó mà nhiếp phục các thọ.

Một người có tâm tha thiết cầu đạo giải thoát mà không đủ niềm tin ở một vị Thầy có kinh nghiệm, thường có tính ngã mạn xem thường Thầy, không chịu nghe lời dạy bảo, tu hành theo ý của mình thì chẳng đời nào vị Thầy ấy sẽ đem hết kinh nghiệm dạy cho người học trò bướng bỉnh.

Một vị Thầy có kinh nghiệm dạy đạo, không bao giờ dạy bừa bãi, chọn người học trò có đức hạnh, có tình, có nghĩa mới dạy, còn những học trò thiếu đạo đức không tình, không nghĩa thì vị Thầy ấy chỉ dạy những điều tầm thường và không bao giờ đem những bí quyết dạy cho những người đệ tử này. Nếu có dạy cho những người đệ tử vong ân, bội nghĩa này, khi thành tựu họ sẽ hại lại vị Thầy và còn mang đến cho xã hội loài người một tai nạn rất lớn.

Chính vì tâm tham vọng của họ còn dẫy đầy, nếu họ có thần thông siêu việt thì loài người sẽ điêu đứng, cho nên vị Thầy có kinh nghiệm không bao giờ dạy cho những người đệ tử thiếu đạo đức, thiếu lòng tôn kính Thầy như Tứ Thánh Định và Tam Minh.

 Một vị Thầy có đức hạnh, có những bí quyết siêu việt, thì họ luôn luôn dạy đạo đức cho đám đệ tử trước tiên, nếu người học trò nào có đầy đủ đạo đức thì mới truyền dạy những bí quyết siêu việt, còn bằng không thì chẳng bao giờ hé môi.

Từ khi tu viện Chơn Như tiếp nhận đệ tử hơn cả trăm người nam có, nữ có, thế mà tìm một người có đức hạnh trọn vẹn lại không có, dạy đạo đức thì họ không nghe không thực hành, cứ mãi mê thiền định, trăm người như một. Đời đã thiếu đạo đức mà dạy đạo đức thì họ không học, chỉ đi tìm cái siêu việt của thiền định, nhưng đạo đức không có thì làm sao có được cái siêu việt của thiền định. Tâm con người còn tham vọng quá lớn làm sao theo đạo Phật tu hành cho được. Người ta đâu hiểu rằng đạo Phật ra đời là đem lại một nền đạo đức giải thoát cho con người, chứ không phải đem lại cái siêu việt thiền định cho họ. Vì thế, họ đi tìm cái siêu việt chẳng bao giờ có, khi họ là người không có đạo đức. Nhưng khi con người có đạo đức thì cái siêu việt thiền định của đạo Phật mới có, dù họ không muốn, nó vẫn có. Vì thế giáo pháp của Phật lấy đức hạnh làm đầu “Giới luật”.Giới tức là đức hạnh của đạo Phật, thế mà tu sĩ đạo Phật thời nay xem giới luật quá rẻ, nên đạo đức chẳng ra gì.

Con người thời nay tu hành chỉ đi tìm cái mơ mộng không thiết thực, còn cái tu hành có đạo đức, ích lợi và thiết thực cho đời sống của mình và đời sống của người khác thì họ chẳng thèm tu.

Con người nhờ có tu hành đạo đức nhân quả thì mới có những hành động sống giải thoát, không còn khổ đau nữa, chứ không phải đạt được những thiền định và những thần thông siêu việt hoặc cầu cạnh Thần, Thánh, chư Phật, Chư Bồ Tát để gia hộ cho họ hết khổ, đó là một điều mơ mộng không thiết thực, cụ thể. Cho nên, hiện giờ người tu hành không giải thoát là vì tu không đúng chánh pháp “Giới, Định, Tuệ”.

NHÂN TƯỚNG CỦA NỘI TÂM

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thế nào là nhân tướng nội của tâm? Ngoại của tâm? Hành của tâm?

Đáp:Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế. Nhân tướng ngoại của tâm là những niệm thô phù. Hành tướng của tâm là sự đối phó với các pháp trong hiện tại, câu hữu với tưởng về quá khứ và vị lai. Nếu trả lời đơn giản như vậy thì các con rất khó hiểu.

Nhân tướng nội của tâm là những niệm vi tế như thế nào?

Bây giờ, chúng ta giải thích từng chữ, nhân tướng nội của tâm là gì? Nhân tướng nội của tâm là những hình tướng của tâm khởi hiện bên trong thân.

Niệm vi tế là gì? Niệm vi tế là những niệm khởi lên trong đầu chúng ta, phản ảnh được tâm trạng của chúng ta trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thể hiện trong hai thời gian: quá khứ và vị lai. Mỗi niệm khởi lên mang theo tính chất thiện hoặc ác. Thiền Đông Độ gọi là niệm thiện niệm ác, kinh sách Đại Thừa gọi là vọng tưởng, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng nội của tâm, còn có một danh từ nữa gọi là Tầm. Nói cho dễ hiểu đó là những vọng tưởng sanh khởi liên tục trong tâm của chúng ta.

Nhân tướng ngoại của tâm là gì? Là những tướng trạng khởi lên trong đầu chúng ta đang giải quyết một vấn đề gì trong hiện tại. Kinh sách Đại Thừa gọi là vọng tưởng, Thiền Đông Độ gọi là niệm thiện niệm ác, kinh sách Nguyên Thủy gọi là nhân tướng ngoại của tâm hay còn gọi là tác ý hoặc gọi là Tứ.

Hành tướng của tâm là gì?

Hành tướng của tâm có hai sự hoạt động trong thân chúng ta:

1- Là sự tự sanh khởi của tưởng thức, không do ý thức tác ý.

2- Là sự tác ý, do ý thức chủ động điều khiển quán xét, tư duy, không do tưởng thức xen vào.

Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ, khi tu thiền thì không chấp nhận hai trường hợp trên đây, vì thế họ đi vào sự ức chế tâm để thực hiện các loại định tưởng. Ngược lại, thiền định của kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Ngăn và diệt niệm ác, sanh khởi và tăng trưởng niệm thiện và còn luyện tập pháp như lý tác ý để trở thành một đạo lực siêu việt làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi”.

Đức Phật đã biết dùng pháp hướng tâm “Như lý tác ý”rất là tuyệt vời, nhờ pháp đó mà Ngài mới làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp con người. Trên thế gian này Ngài là người duy nhất làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết qua bốn câu kệ của Ngài đã xác minh cụ thể:

“Thiên thượng thiên hạ,

Duy ngã độc tôn.

Nhất thiết thế gian,

Sanh, lão, bệnh, tử”.

Tóm lại, đức Phật đã biết dùng vọng tưởng và tác ý để xả tâm ly dục ly ác pháp, để thành tựu đạo giải thoát, để ra khỏi nhà sanh tử luân hồi, để đầy đủ Tam Minh trở thành người siêu việt và nhất là đức Phật đã trở thành một nhà đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người, phi giai cấp.

NGĂN ÁC DIỆT ÁC

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Phải tu như thế nào để phá cái tâm bất thiện và khắc phục được nó?

Đáp:Đừng để thất niệm thiện trong Định Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tĩnh Giác là đã phá cái tâm bất thiện, còn nếu muốn khắc phục tâm bất thiện thì nên tu Định Vô Lậu. Nói một cách dễ hiểu hơn, muốn phá cái tâm bất thiện thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, ngăn ác pháp, diệt ác pháp, sanh khởi thiện pháp và tăng trưởng thiện pháp. Đó là con đường tu tập thiền định của đạo Phật chân chánh, mà không giống bất cứ một loại thiền định nào của ngoại đạo trên thế gian này.

Con đường tu tập thiền định của đạo Phật không phải ngồi thiền ức chế vọng tưởng, cũng không phải giữ tâm không niệm thiện niệm ác; cũng không phải niệm Phật mà thành định; cũng không phải tham công án, tham thoại đầu mà có định; cũng không phải bắt ấn niệm chú mà thành định. Định là do tâm bất động trước các pháp, muốn có định tâm bất động trước các pháp thì chỉ có tu “Tứ Chánh Cần”,tức là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp. Muốn thực hiện Tứ Chánh Cần được trọn vẹn thì phải tu tập “Tứ Niệm Xứ”,muốn thực hiện Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời, thì suốt ngày đêm phải thực hiện ba loại định:

1-        Chánh Niệm Tĩnh Giác Định.

2-        Định Niệm Hơi Thở.

3-        Định Vô Lậu.

Ba loại định này sẽ thực hiện cộng chung với đời sống giới luật nghiêm túc và hạnh độc cư thì quý vị sẽ đạt được tâm bất động trước các ác pháp, tức là quý vị nhập “Bất Động Tâm Định”.

Bất động tâm định là một loại thiền định rất cần thiết và lợi ích cho cuộc sống con người trên hành tinh này, nó có một sức tĩnh thức tuyệt vời nhìn thấu suốt lý nhân quả trong các pháp, nên người nào đã thực hiện được, đều có một đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người. Nhưng muốn có một đạo đức như vậy thì cần phải trau dồi rèn luyện thân tâm trong giới luật và Tứ Chánh Cần, không phải trong một giờ, một ngày mà có được, mà phải có thời gian rất dài.

Tóm lại, Bất động tâm định là một pháp môn thiền định, kết quả của sự ngăn ác và diệt ác pháp rất tuyệt vời mà không có một pháp môn nào hơn được. Đó chính là mục đích của đạo Phật, là mục tiêu mà người tu sĩ đạo Phật cần phải nhắm đến.

NHÂN TƯỚNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thế nào là nhân tướng nội, nhân tướng ngoại và hành tướng của các pháp?

Phải tu như thế nào để khắc phục và phá các pháp bất thiện?

Đáp:Nhân tướng nội của các pháp là hình trạng và tính chất bên trong của các pháp. Trả lời như vậy khiến cho quý vị khó hiểu. Vậy nhân tướng là gì? Nội là gì? Ngoại là gì? Và các Pháp là gì?

Nhân tướng là hình tướng của nó, ví dụ: Cây có hình tướng của cây, cỏ có hình tướng của cỏ. Hình tướng của cây không thể nào giống hình tướng cỏ; hình tướng của cái nhà không thể nào giống hình tướng của cái bàn được.

Nội là bên trong; ngoại là bên ngoài. Ví dụ: Bên trong của một thân cây là giác và lõi; bên ngoài của thân cây là vỏ.

Các pháp nghĩa là tất cả vạn hữu trên thế gian này có hình tướng hoặc không hình tướng, nói cho dễ hiểu là vạn vật trong thế gian. Ví dụ: thân ta là một pháp, cái nhà là một pháp, bàn, ghế, tủ, giường, cây, cỏ, rừng, núi, sông, rạch v.v.. mỗi thứ là một pháp.

Mỗi pháp đều có hình tướng và tính chất riêng của nó. Ví dụ: cây có hình trụ thẳng đứng, cao, tính chất của nó cứng. Cỏ có hình tướng thấp, ngả nghiêng, tính chất nó mềm yếu v.v…

Nhân tướng nội của bên trong thân là: tim, gan, phèo, phổi, mật, lá lách v.v..

Nhân tướng ngoại của thân là: da, lông, tóc, móng tay, móng chân v.v..

Hành tướng của các pháp là sự rung động của các pháp.

Muốn khắc phục và phá các pháp bất thiện thì phải tu tập tâm bất động trước các pháp như Thầy đã dạy ở trên.

Tuy nhiên, Thầy đã dạy quý Thầy rất nhiều về pháp môn ngăn ác và diệt ác rất đầy đủ, nếu quý Thầy chỉ cần hiểu rõ sự ích lợi của nó thì các ác pháp không xâm chiếm vào tâm của quý vị được, ngay đó quý vị có một đời sống giải thoát hoàn toàn, đầy đủ hạnh phúc, an vui mà không tìm nơi đâu có được.

Nếu quý Thầy biết rằng, thiền định mà có được là do tâm bất động, chứ không phải do có thiền định rồi tâm mới bất động sau. Tâm bất động là nhờ giới luật chứ không phải nhờ thiền định.

Bởi, nhìn sự tu hành của quý Thầy mà biết được sự tu sai hay tu đúng, có kết quả hay không có kết quả, có giải thoát hay không có giải thoát. Chỉ vì pháp môn tu hành của Phật dạy rất rõ, phải tu tập đạo đức trước tiên, nhờ có đạo đức, thiền định mới không lầm lạc vào tà thiền, tà định.

Người tu thiền định, sống không đúng giới luật, không có đạo đức là người tu tà thiền, tà định, chẳng bao giờ có kết quả giải thoát, họ chỉ là những vị Thầy lừa đảo tín đồ bằng miệng lưỡi.

ĐẶC TƯỚNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thế nào là đặc tướng của thân, thọ, tâm, pháp? và pháp tu chứng như thế nào đối với thân, thọ, tâm, pháp?

Đáp:Đặc tướng là tướng riêng biệt của thân, thọ, tâm, pháp của mọi người.

Người tu theo đạo Phật phải tùy theo đặc tướng của mình, thì sự tu tập mới có kết quả nhanh chóng, không theo đặc tướng của mình tu tập thì kết quả khó thành tựu.

Đặc tướng còn gọi là khả năng riêng biệt của mọi người, không phải trời phú cho, mà do họ khéo huân tập trong nhiều kiếp.

Ví dụ: Một người nghe đức Phật thuyết pháp xong thì chứng quả Tu Đà Hoàn, có đầy đủ pháp nhãn, nhưng lại có người cũng nghe thuyết pháp xong mà tật nào vẫn còn tật nấy, không bỏ được.

Cuộc đời hành đạo của Thầy, Thầy đã đem chánh pháp của Phật ra nói khan cả cổ, chỉ có một pháp duy nhất là nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân quả để tâm ly dục ly ác pháp là đem lại sự giải thoát cho mình cho người. Một cuộc sống hạnh phúc vô cùng vô tận, thế mà mọi người ai cũng nghe và cũng thấy biết rõ ràng như vậy, nhưng bỏ ác pháp và ly dục thì chẳng ai bỏ được, cứ mãi ôm ấp trong lòng để mà khổ, mà đau, mà phiền não, mà tức giận v.v.. Nhiều khi Thầy tự đặt câu hỏi: “Tại sao vậy? Tại sao vậy???”.

Đấy cũng là đặc tướng của mỗi con người chúng ta biết làm sao hơn! Khi tu hành Thầy chỉ nhận ra ý này của Phật mà buông xả xuống hết chỉ trong vòng sáu tháng là thành tựu Tứ Thánh Định và Tam Minh một cách cụ thể và rõ ràng, thế mà chẳng ai tin.

Nếu một người không thành tựu được như vậy thì đời sống giới luật không bao giờ nghiêm túc và không bao giờ bất động tâm trước các pháp.

Người ta đánh giá trị của một tu sĩ ở đức hạnh, chứ không phải đánh giá trị ở thần thông và thiền định. Đức hạnh sanh thiền định và thần thông, chứ thiền định và thần thông không sanh đức hạnh, nói cách khác cho đúng như lời đức Phật đã dạy: “Giới sanh Định, Định sanh Tuệ”, chứ đâu có Tuệ sanh Định, Định sanh Giới.

Đặc tướng tốt hay xấu đều do nhân quả huân tập nhiều đời nhiều kiếp mà thành, chứ không phải huân tập trong một sớm một chiều mà có được. Cho nên, người có tài ba lỗi lạc là do sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp, cũng như người tu nhanh chậm. Nếu chúng ta nói rằng mình tu chậm thì bỏ cuộc tu, tức là không huân tu nữa thì như vậy đặc tướng của chúng ta sẽ xấu và cuộc đời sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau mãi mãi. Người ta tu nhanh là nhờ người ta tu nhiều kiếp rồi, còn mình tu chậm là do mình mới tu trong kiếp này mà thôi. Chính đó là đặc tướng của mỗi người. Vì thế càng tu chậm lại càng tu tập nhiều hơn; càng tu chậm lại càng tu tập kỹ hơn.

THỌ HÀNH

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong quá trình tu tập bị thọ hành quấy nhiễu thì dùng pháp gì để đoạn diệt nó? Có ai trong quá trình tu tập mà không bị thọ hành không?

Đáp:Gặp thọ hành phải giữ độc cư trọn vẹn, phải gan dạ đừng sợ hãi, phải đầy đủ nghị lực dũng cảm và dùng pháp hướng tâm để đẩy lui các cảm thọ đó, trong quá trình tu tập mọi người ai cũng gặp thọ hành nhưng tùy nghiệp nặng nhẹ mà thôi.

Thọ hành do tu tập sai mà thành bệnh, vì thế khi bị thọ hành thì chúng ta phải quán xét lại sự tu tập của mình xem coi tu sai chỗ nào, để rồi chỉnh lại.

Quý Thầy nên lưu ý, khi đức Phật đã dạy tu hành thì Ngài đã nhắc nhở chúng ta: “Pháp của ta, đến để mà thấy, không có thời gian”.Do lời dạy này khi tu tập bị thọ hành là chúng ta biết đã tu sai, phải mau mau sửa lại. Khi tu tập cảm giác thấy toàn thân thoải mái dễ chịu, cảm giác toàn tâm an lạc, thanh thản, vô sự thì đó là tu đúng còn ngược lại là tu sai.

Pháp Phật tu hành rất dễ nhận xét sai đúng, như pháp xả tâm, Tứ Chánh Cần ly dục ly ác pháp, khi tiếp duyên ra gặp đối tượng mà tâm sanh sân hận, tức giận, phiền não, dữ tợn thì đó là ức chế tâm không phải xả tâm, nếu có sự giảm bớt sân hận trong lòng là có ức chế và có xả tâm, nếu hoàn toàn gặp đối tượng mà tâm vẫn thản nhiên, thanh thản, an lạc, không có một chút phiền não nào thì đó là xả tâm sạch.

Người xả tâm sạch ác pháp là người giải thoát; là người đi trong đạo lộ của Phật; là người có chánh định, tâm hồn đang ở trong thiền thứ nhất; là người sẽ có đầy đủ Tam Minh, Lục Thông; là người đã làm chủ sanh tử luân hồi, chấm dứt sự tái sanh, làm chủ hoàn toàn cuộc sống. Đó là làm một cuộc cách mạng đòi lại quyền làm chủ sự sống chết của kiếp con người.

MỤC LIÊN THANH ĐỀ

 Câu hỏi của một cư sĩ miền Bắc

Hỏi:Kính thưa Thầy! Câu chuyện Mục Liên, Thanh Đề có phải là sự báo hiếu của Đạo Phật hay không? Báo hiếu như vậy có đúng hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Kinh Vu Lan Bồn là kinh sách phát triển của Đại Thừa, xây dựng đạo lý của mình trên hình thức cứu độ, kinh khéo léo dùng tập thể cứu độ để đánh lừa người khác, mạo nhận là Phật dạy để không ai truy tìm sự lừa đảo này được.

Như chúng ta đã biết, đức Phật đã từng dạy chúng ta: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”. Giáo pháp của Ngài được xây dựng trên nền tảng “Đạo đức nhân quả”,thì không có lý nào đức Phật lại dạy một điều phi đạo đức, phi nhân quả như vậy sao?

Chúng ta phải xem xét lại coi những loại kinh sách phát triển này, chứ đừng vội tin.

Đạo đức nhân quả là một thứ đạo đức được xây dựng trên sự công bằng, công lý và bình đẳng với một trí tuệ vô hạn, thấu suốt được mỗi hành động của con người làm thiện hay làm ác.

Vì xây dựng tôn giáo của mình trên một nền đạo đức công lý, công bằng và bình đẳng cho mọi người như vậy, nên trên đầu Ngài chẳng có ai là Thầy của mình, chẳng có ai cứu độ cho mình được, chỉ có sức tự lực và trí tuệ của mình mới cứu mình thoát ra cảnh đau khổ của kiếp làm người đang bị luân lưu trong vòng nhân quả luân hồi.

Ngài đã tự cứu mình bằng những giáo pháp mà Ngài tự tìm ra được. Giáo pháp đó là một thứ giáo pháp rất thực tế và cụ thể, mà mỗi pháp môn đều có cách thức tu tập trực tiếp đối trị lại từng tâm niệm ác và sự đau khổ của con người trong cuộc sống để vượt thoát ra khỏi.

Một giáo pháp không có hình ảnh, lý và sự mơ hồ, trừu tượng, không có sự cầu khẩn, van xin, cứu độ; không có sự cúng bái, tụng, niệm và chú thuật v.v..

Một giáo pháp không có thế giới siêu hình, không có linh hồn người chết. Không có đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế, không có đấng Tạo Hóa, không có thần linh và cũng không có ma, quỷ v.v..

Một giáo pháp chỉ dạy cho chúng ta, những gì cần dứt bỏ thì phải dứt bỏ, những gì cần tu tập thì phải tu tập, những gì cần trau dồi thì phải trau dồi và những gì cần thông hiểu thì phải thông hiểu.

Người nghiên cứu và có thực hành giáo pháp của đức Phật thì không thể nào bị người khác lừa đảo bằng những pháp tà giáo, ngoại đạo. Chỉ có những người chưa từng nghe đến giáo pháp của đức Phật thì dễ bị kẻ khác mạo nhận pháp môn tà giáo là của Phật.

Vì giáo pháp của đạo Phật không có một giáo pháp nào của ngoại đạo tương đồng được. Giáo pháp của Ngài là giáo pháp “xả, ly”,với một pháp hướng tâm “Như lý tác ý”tuyệt vời, với mục đích khiến cho tâm con người bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Giáo pháp của Ngài chỉ có tự lực cứu mình, còn giáo pháp của ngoại đạo thì nhờ đến tha lực cứu mình. Do thế, ta nhận ra giáo pháp của Phật một cách rất dễ dàng không có khó khăn, vì một bên là tự lực và một bên là tha lực.

Vì thế, câu chuyện Mục Kiền Liên và Bà Thanh Đề, ta thấy rõ đó là giáo pháp của Ngoại đạo đang lồng trong giáo pháp của đạo Phật, mượn danh đức Phật để lừa gạt tín đồ Phật giáo theo đạo của mình mà không nghi ngờ. Đó là cái khéo léo của Đại Thừa Giáo và Thiền Đông Độ.

Kinh sách Đại Thừa, người ta đọc rất hấp dẫn do sự diễn đạt qua hình thức cấu kết giống như tiểu thuyết và giàu sức tưởng tượng theo kiểu thiền Đông Độ.

Mục Liên đi theo Phật tu hành chứng quả giải thoát đắc Lục thông. Mẹ là Thanh Đề, trước kia sùng kính Phật pháp, cúng dường trai Tăng tứ sự đầy đủ, sau khi Mục Liên bỏ nhà đi tu, bà tức giận làm bánh nhân thịt chó để thử thách chúng Tăng, nên bị tội đọa địa ngục ngạ quỷ.

Mục Liên chứng đắc thần thông dùng thiên nhãn thấy mẹ mình đang đọa địa ngục ngạ quỷ, đói khát vô tận. Thương mẹ Ngài dùng thần thông xuống địa ngục thăm và mang theo một bát cơm cho mẹ. Thanh Đề đang đói khát thấy cơm bà đón nhận và bốc ăn liền, nhưng không thể ăn được, vì cơm đã cháy thành than.

Mục Liên thấy mẹ thọ lãnh quả khổ đói khát như vậy, muốn ăn mà ăn chẳng được, chẳng biết làm cách nào cứu mẹ được, nên Ngài trở về bạch với đức Phật và mong nhờ đức Phật chỉ giáo cứu mẹ mình.

Đức Phật bày vẽ: “Trong mùa an cư kiết hạ, chúng Tăng đang tu học thân, tâm thanh tịnh, ngày rằm tháng bảy là ngày giải hạ, nên cung thỉnh chư Tăng cúng dường trai phạn tứ sự, nhờ ơn công đức tu hành của các Ngài hợp lại thành một sức mạnh to lớn, với công đức nầy có thể mới cứu mẹ Ngài thoát cảnh địa ngục”.

Mục Liên vâng lệnh Phật làm y như lời dạy, mẹ Ngài thoát cảnh địa ngục.

Qua sự tích này đã biến ngày rằm tháng bảy trở thành một phong tục trong dân gian, ngày báo hiếu, ngày xá tội vong nhân v.v..

Câu chuyện Mục Liên Thanh Đề là một câu chuyện phi đạo đức trong Phật giáo Đại Thừa. Một câu chuyện được dựng lên trong thời đại phong kiến, lúc vua quan chuyên ăn lo hối lộ, mua quan bán chức, làm những điều bất công, không công bằng, công lý.

Đạo Phật Nguyên Thủy chủ trương tự độ không cầu tha lực độ mình. Cầu tha lực độ mình là giáo pháp của ngoại đạo, là của Phật giáo phát triển Đại Thừa như trên chúng tôi đã nói. Đó là một thứ giáo pháp phi đạo đức, phi nhân quả, không công bằng và công lý.

Đọc chuyện Mục Liên Thanh Đề chúng ta thấy đạo Phật tổ chức giống như chế độ phong kiến không khác chút nào. Ăn lo hối lộ với những danh từ rất cao thượng:“Độ chúng sanh”.

Cha mẹ làm tội ác bị nhà vua bắt giam cầm, tù tội, con thi cử làm quan, không cứu cha mẹ được vì tội quá nặng, nên phải nhờ những vị quan lớn khác bằng cách phải lo lót hối lộ, (Trai tăng cúng dường tứ sự). Nhờ có lo lót như vậy, bà Thanh Đề mới thoát cảnh tù tội A Tỳ Địa Ngục.

Đối với một tôn giáo lớn như Phật giáo Đại Thừa mà còn có hình thức ăn lo, hối lộ như vậy thì trên đời này còn có nghĩa lý gì là đạo đức công bằng và công lý; còn có nghĩa lý gì gọi là đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người; còn có nghĩa lý gì là mang danh là tôn giáo khi dạy tín đồ làm điều phi đạo đức như vậy.

Nếu trên thế gian này không có một đạo luật nhân quả thì loài người đừng nói đến hai chữ công bằng và công lý. Vì không bao giờ có công bằng và công lý khi mà không có luật nhân quả. Không có một đấng Vạn Năng hay một đấng Tạo Hóa hoặc một Đức Chúa Trời hoặc một Ngọc Hoàng Thượng Đế nào cầm cán cân công bằng và công lý cho loài người này được, chỉ có luật nhân quả mới giữ vai trò công bằng và công lý này mà thôi. Vì nhân quả là do hành động của mọi người tự làm tội hay vô tội đều chính nơi họ, cho nên luật nhân quả chính là con người tạo ra, để xử phạt hay ban thưởng chính lại họ, chứ không có một kẻ thứ hai nào khác thưởng phạt. Vì thế, nó rất công bằng và công lý, không ai lo lót và hối lộ nó được. Kẻ nào làm ác thì phải thọ lấy quả khổ, kẻ nào làm thiện thì hưởng được phước báo.

Sau khi tu hành chứng đạo, đức Phật dẫn tâm đến Lậu Tận Minh, Ngài đã thấy luật nhân quả rất rõ ràng, công bằng và công lý vô cùng, cũng vì luật nhân quả có công bằng công lý như vậy, nên con người phải chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi thọ biết bao nhiêu sự đau khổ từ kiếp này đến kiếp khác, đều do chính hành động nhân quả của họ.

Ở trên đời người ta có tiền, có thế lực, thì người ta có thể mua được tội lỗi, nhưng với luật nhân quả thì không thể mua tội được. Trải qua một thời gian dài từ chế độ bộ lạc mãi nô đến chế độ phong kiến đã chứng minh điều này “Đa kim ngân Phá luật lệ”.Và mãi sau này dù cho bất cứ một chế độ nào thì sự công bằng và công lý sẽ chẳng thực thi được trọn vẹn.

Dưới chế độ phong kiến, con cháu của vua quan có làm tội giết người, cướp của vẫn ung dung phe phẩy tự do mà không ai làm tội làm tình được, pháp luật đối với những hạng người này như bắt cóc bỏ dĩa.

Cho nên, Đại Thừa Giáo là một tôn giáo bị “thế tục phong kiến hóa” với sự lý luận vụng về để lộ chơn tướng thế tục: “Khi chư Tăng chấp nhận thọ dụng trai Tăng và tứ sự cúng dường thì hợp lại công đức tu hành của mình thành một công đức vô lượng, công đức đó sáng chói như ngọn đuốc trí tuệ khiến cho tâm bà Thanh Đề giác ngộ nên bà mới thoát khỏi địa ngục”. Đó là hình thức ăn lo tập thể của chế độ phong kiến mà Phật giáo Đại Thừa đã bị đồng hóa.

Đó là cách lý giải không chân thật của các nhà Đại Thừa khéo che đậy lừa đảo những tín đồ mê tín, vô minh, chứ không thể nào che đậy với những người đệ tử của Phật đã được trang bị đạo đức nhân quả. Vì giáo pháp của đức Phật dạy rõ ràng, cụ thể, người tu sĩ phải lấy đức hạnh (giới luật) làm đầu. Chỉ có đạo đức nhân quả thì mới có công bằng, công lý và từ bi đối với mọi người mọi loài chúng sanh. Và vì thế, không thể nào có sự gian xảo lừa đảo dối trá theo kiểu dạy của kinh sách Đại Thừa như trên.

Bài kinh Vu Lan Bồn chỉ gạt những người chưa hiểu giáo lý chân chánh và đạo đức nhân quả của đạo Phật. Bài kinh Vu Lan hôm nay đã trở thành một sự lừa đảo có sách vở và đã trở thành một truyền thống báo hiếu vô đạo đức trong lòng tín đồ Phật Giáo Việt Nam hơn cả nghìn năm mà không ai phát giác ra được.

Mùa Vu Lan! Mùa báo hiếu! Những danh từ này đã lặp đi lặp lại trong lòng người Phật tử hiếu hạnh Việt Nam, nhưng mấy ai đã biết sự hiếu hạnh này là phi hiếu hạnh, là sự bị lừa đảo. Hằng năm người Phật tử đã tốn biết bao nhiêu tiền của trong mùa Vu Lan! Mùa Báo hiếu! Một việc làm chẳng ích lợi gì cho những người thân thương quá cố của mình, chỉ có làm lợi ích cho các nhà sư Đại Thừa mà thôi.

Nếu mọi người ai cũng đều thông hiểu đạo đức nhân quả của đạo Phật thì những kinh sách phi đạo đức của Đại Thừa không thể lường gạt họ được như: Vu Lan Bồn kinh, Phẩm Phổ Môn trong bộ Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Di Đà kinh, Bát Dương kinh, Thủ Lăng Nghiêm kinh, Duy Ma Cật kinh vv... Đó là những loại kinh sách phi đạo đức, phi chân thật, phi Phật pháp, nó không triển khai tri kiến giải thoát và tri kiến đạo đức nhân quả, nó khiến cho trí tuệ con người u mê, vô minh, đen tối, liệt tuệ thường sống với sự hiểu biết mơ hồ, trừu tượng, mê tín của thế giới siêu hình tưởng, nó dạy người làm những việc thiếu đạo đức và thiếu chân thật, thường cúng tế, cầu cạnh, van xin, gia hộ, hộ trì v.v…

Với lòng đại từ, đại bi của chư Phật và chúng Thánh Tăng, theo như trong kinh Vu Lan Bồn đã dạy ông Mục Kiền Liên cứu mẹ. Giả thuyết, nếu làm được như vậy thì tất cả chúng Tăng và đức Phật tập trung công đức tu hành giải thoát của mình lại thành một công đức vô lượng vô biên như một ngọn đuốc khổng lồ cháy sáng rực, và hướng đến chúng sanh, khiến cho chúng sanh ngộ được đạo lý giải thoát để mọi người ly dục ly ác pháp thoát ra cảnh địa ngục tại tâm, thì đâu cần gì chúng sanh phải tu hành vất vả khổ nhọc, mà cũng vẫn được giải thoát như thường, cũng giống như chư Tăng hợp công đức tu hành của mình lại thành một trí tuệ lớn, khiến cho tâm bà Thanh Đề ngộ được đạo lý giải thoát, liền thoát ra cảnh địa ngục A Tỳ. Nếu chư Phật và chư Thánh Tăng làm được những điều này thì thế gian lại có thêm một tôn giáo phi đạo đức, thì chúng tôi là những Phật tử chân chánh sẽ không chấp nhận điều này.

Nếu chư Thánh Tăng trong thời đức Phật đã cứu độ cho bà Thanh Đề thoát cảnh địa ngục như vậy thì với tâm đại từ đại bi của Phật và chư Thánh Tăng không lẽ không làm điều này để độ chúng sanh thoát khổ sao? Có lý đâu vì một cá nhân nhỏ mọn như bà Thanh Đề mà chư Tăng còn độ được thay huống là với tất cả chúng sanh trên hành tinh này đang đau khổ mà Phật và chư Thánh Tăng đều biết rõ, mà làm ngơ sao? Hay phải đợi cúng dường tứ sự? Có cúng dường tứ sự mới cứu độ thì còn gì là Phật, là Thánh Tăng nữa, phải không các bạn?

Bởi vậy, kinh điển Đại Thừa diễn đạt giáo lý phi đạo đức một cách cụ thể rõ ràng, thế mà mọi người vì quá vô minh, u tối không thấy, nên bị lừa đảo, bị lường gạt một cách đau đớn.

Công đức tu hành của Phật vô lượng vô biên mà Ngài còn từ chối không cứu độ ai hết, Ngài chỉ là một hướng đạo viên mà thôi. Ngài đã rõ thấu đạo lý nhân quả tường tận, mà không ai hiểu đạo lý nhân quả hơn Ngài. Do hiểu đạo lý nhân quả tường tận, dù biết rằng mình có đủ thần lực, có vô lượng vô biên công đức, nhưng Ngài vẫn từ chối không cứu độ ai hết, vì cứu độ là một việc làm phi đạo đức, nên Ngài dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là một người chỉ đường mà thôi”.

Theo đạo lý nhân quả, ai làm ác thì phải chịu nhận lấy quả khổ, không ai cứu khổ cho kẻ làm ác được, chỉ có các nhà Đại Thừa mới có một đức Bồ Tát Quan Thế Âm dám làm điều phi đạo đức này (phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa) rồi đến chư Thánh Tăng và đức Phật trong kinh Vu Lan Bồn mới dám cả gan làm điều phi đạo đức, phi giáo lý của Phật để cứu bà Thanh Đề thoát cảnh địa ngục, bằng cách ăn lo tứ sự cúng dường.

Xưa, thời đức Phật còn tại thế, Ngài còn phải xin ăn để gieo duyên độ chúng sanh, nhờ có gieo duyên nhân quả thiện như vậy, Ngài mới đủ duyên để thuyết giáo pháp của mình, khiến cho chúng sanh ngộ được chân lý giải thoát rồi mới lần lần tu tập dứt bỏ và xả ly, mới thoát cảnh địa ngục trần gian đầy đau khổ của kiếp làm người.

Các nhà Đại Thừa xây dựng sự cứu độ một cách vô lý, thiếu công bằng và công lý, thế mà mọi người vẫn tin theo, làm theo với sự thiếu suy nghĩ. Đem công đức tu hành giải thoát của mình, hợp lại làm một ngọn đèn sáng, khiến cho người đang mê gặp ngọn đèn này, trí tuệ bừng sáng, thoát cảnh địa ngục (nếu được như vậy thì đâu cần gì phải tu). Đó là một thứ vọng ngữ của các nhà Đại Thừa, để lừa đảo những người tín đồ thiếu trí tuệ và cũng khiến cho những người có trí tuệ, hiểu biết nghi ngờ Phật giáo và xem thường đạo Phật, cho rằng Phật giáo là một tôn giáo mê tín, một tôn giáo không có đạo đức.

Nếu thật sự những loại kinh sách này là của Phật giáo thì Phật giáo không còn đất đứng trên hành tinh này nữa, một khi thời đại dân trí càng đi lên và khoa học càng tiến bộ, thì người ta càng rõ sự gian xảo này. Trên hành tinh này duy chỉ cần phải có một đạo đức nhân quả và đạo đức ấy phải được phát triển đúng mức để quân bình vật chất và tinh thần của con người được cân bằng, thì xã hội loài người mới có sự an vui, hạnh phúc. Do thế, các tôn giáo nào thiếu đạo đức, gây mê tín, tạo thế giới siêu hình trừu tượng, viển vông, dạy những điều phi đạo đức, thường lừa đảo tín đồ, thì phải bị khoa học chỉ mặt vạch tên và sẽ bị nhân loại đào thải khỏi cuộc sống của họ.

Bởi vậy, câu chuyện Mục Liên Thanh Đề là câu chuyên phi đạo đức, phi công lý, phi công bằng, phản lại đạo đức nhân quả của Phật giáo. Sự báo hiếu của đạo Phật như trong kinh sách Đại Thừa là không phải của đạo Phật, kinh sách này đã bị dân gian thế tục hóa Phật giáo theo thời đại phong kiến của nó.

Người tu sĩ đạo Phật muốn báo hiếu cha mẹ thì phải tu hành, sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ, sống thiểu dục tri túc, ăn ngủ độc cư đúng cách, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, tâm thường thanh thản, an lạc, ly dục ly ác pháp và nhập sâu Bốn Thánh Định thực hiện Tam Minh, làm chủ sự sống chết và luân hồi, thì mới báo hiếu trọn vẹn. Còn người tín đồ muốn báo hiếu thì phải giữ gìn năm giới nghiêm túc, thường khuyên cha mẹ giữ gìn làm điều thiện, đừng làm điều ác. Đó là sự báo hiếu chơn thật của Phật giáo

Thực hiện được những điều này qua đời sống gương hạnh cao quý, khiến cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp vì có nhân duyên nhân quả nên quy tựu gặp lại nhau để nhận lấy gương hạnh đạo đức giải thoát và giáo pháp của Phật hướng dẫn cho những người thân thương của mình từ vô lượng kiếp để thoát ra cảnh đời đầy đau khổ. Đó là báo hiếu cha mẹ, chớ không phải làm lễ trai Tăng cúng dường tứ sự để nhờ công đức của chư Tăng cứu độ cha mẹ là báo hiếu.

Báo hiếu kiểu đó là báo hiếu không thực tế, thua xa các nhà Nho giáo Đạo Khổng “Quạt nồng ấm lạnh”không làm cho cha mẹ buồn rầu, thường làm vui lòng cha mẹ.

Sống chửi cha, mắng mẹ, làm cho cha mẹ buồn khổ, đến khi chết rước chư Tăng cúng dường Tam Bảo để báo hiếu, thì thật là buồn cười, bày đặt chuyện báo hiếu như vậy không đạo nghĩa và thực tế, đó là lối lường gạt người tiền mất tật mang,chẳng làm ích lợi gì cho ai cả?

LÀM LỄ QUY Y CHO NGƯỜI CHẾT

 Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong kinh Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật đã xác định rõ ràng không có thế giới siêu hình, tức là không có linh hồn, thần thức,… sau khi chết. Vậy mà tại sao chúng con thấy quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ Phật giáo lại dựa đâu mà cho rằng có thế giới siêu hình? Bằng chứng quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ đứng ra bày vẽ tổ chức lo toan đám ma, cúng vong, tiễn linh, chẩn tế cô hồn giải oan bạt độ, thậm chí còn có rất nhiều quý Thầy ngang nhiên ngồi trên pháp tòa để thuyết pháp giảng đạo làm lễ quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những vong linh. Những việc làm của quý Thầy, quý Cô và quý cư sĩ đã đi ngược lại lời dạy chân thật của đức Phật và làm lệch lạc đường đi chân chánh của đạo Phật, khiến cho mọi người có hiểu biết sẽ nghi ngờ Phật giáo. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ và khiến cho mọi người không còn nghi ngờ Phật giáo nữa.

Đáp: Người ta không rõ mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là gì? Cho nên, mới dám làm những điều mê tín lừa đảo con cháu người đã chết. Quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho người đã chết là để lấy lòng Phật tử trong khi người Phật tử đang đau khổ vì mất mát những người thân thương, họ không còn sáng suốt nhận định, nên hễ quý Thầy bày vẽ làm điều gì thì cứ làm ngay liền để mãn nguyện lòng thương yêu của mình đối với những người thân.

Mục đích quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới là để sống và thực hiện một đời sống đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, sống trong thiện pháp, sống biết tha thứ và thương yêu mọi người, mọi loài, chứ không phải quy y Tam Bảo là để được làm đệ tử của Phật, để ở cõi Diêm Đình vua Diêm Vương nể mặt, quỷ sứ, ngục tốt Ngưu Đầu, Mã Diện không dám hành hạ. Hiểu như vậy là mê tín là sai không đúng chánh tri kiến của đạo Phật. Còn nếu bảo rằng quy y Tam Bảo là để gieo duyên với Phật pháp thì lại còn sai hơn nữa, khi cha mẹ còn sống không bằng lòng thọ Tam Quy Ngũ Giới đến khi chết con cháu nhờ Sư, Thầy làm lễ Quy Y Tam Bảo thì vấn đề này không phải tự tâm nguyện của ông bà mà là một sự ép buộc của con cháu, như vậy thử hỏi làm sao có sự gieo duyên cho được, khi mà tâm không thành, ý không muốn.

Các Sư Thầy ngang nhiên ngồi lên pháp tòa thuyết pháp giảng đạo hoặc làm lễ quy y Tam Bảo cho những vong linh này là một việc làm mê tín, vô minh không thông hiểu đạo Phật, làm một điều phi Phật giáo, vì Phật giáo là một tôn giáo tự lực cánh sinh, chứ không nhờ vào tha lực nào cả mà phải tự mình khi còn sống có một sự thành tâm ước muốn để trở thành một con người có đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người, để trở thành một con người sống toàn thiện và để trở thành một con người sống với một tâm hồn thanh thản, an lạc, bất động trước các pháp. Và có sự ước muốn như vậy thì quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới mới có giá trị và ý nghĩa đúng nghĩa chân chánh của đạo Phật. Còn ngược lại là không có ý nghĩa tự lực, trên con đường cầu đạo giải thoát thì không có một người nào đi thay thế cho ai được mà phải chính nơi người đó, vì thế quy y cho người đã chết là một việc làm sai, gây mê tín, dị đoan, lạc hậu trong đạo Phật, đó là một việc làm tội lỗi.

Đạo Phật không chấp nhận sự thường hằng của linh hồn, thế mà Sư, Thầy lên pháp tòa thuyết pháp, quy y Tam Bảo và truyền ngũ giới cho vong linh thì đó là một việc làm của ngoại đạo lừa đảo lòng hiếu hạnh và tình thương yêu của tín đồ Phật giáo đối với người quá cố. Việc làm này chẳng có ích lợi gì cho người chết mà còn khiến cho tín đồ hao tiền tốn bạc một cách si mê.

Khi cha mẹ hay những người thân thương qua đời, lòng thương yêu của chúng ta đối với những người này, chỉ có một cách duy nhất là làm ích lợi cho người chết, cũng như giúp cho họ gieo duyên với Phật pháp thì chỉ có việc ấn tống kinh sách dạy về đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người. Nhờ có kinh sách này mà người sống có lợi ích rất lớn thì người chết cũng có lợi ích rất lớn. Tại sao vậy?

Tại vì người chết nghiệp lực sẽ tiếp tục đi tái sanh luân hồi ngay liền sau khi chết và đã trở thành một người mới, có nghĩa là chết đây sanh kia cũng giống như cây đuốc, cây đuốc này vừa tắt thì cây đuốc kia cháy sáng ngay liền để giữ ánh sáng liên tục không bị gián đoạn. Luật nhân quả cũng vậy, thân này mất thì có thân khác ngay liền để giữ đạo luật nhân quả không bị gián đoạn.

Vì thế, kinh sách đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người được ấn tống và được phổ biến khắp cùng thì mọi người, ai cũng đều được đọc kinh sách này giúp cho họ có một đời sống đạo đức toàn thiện, một đời sống giải thoát an lạc. Đó là sự ấn tống kinh sách đạo đức nhân quả là gieo duyên quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới cho những người thân thương đã quá cố. Đó là sự báo hiếu rất lớn của chúng ta khi cha mẹ đã qua đời, những việc làm này đem đến lợi ích ngay liền là những người chung quanh chúng ta đang sống, họ trở thành những người sống có đạo đức làm người, biết mang lại sự không đau khổ cho nhau, đó là chân hạnh phúc của loài người thiết thực và cụ thể hơn.

NHỮNG KINH SÁCH MÊ TÍN

Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi: Kính thưa Thầy, đạo Phật chủ trương phải tự cứu mình, tức là phải dùng sức tự lực của bản thân để ly dục ly ác pháp, không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, giải thoát sanh tử khổ đau luân hồi của kiếp người. Vậy thì, tại sao lại có các loại kinh Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Pháp Hoa, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn… dạy toàn tha lực, tức là lo tụng niệm van xin chư Phật, chư vị Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Già Lam, chư vị thiên thần gia hộ cho tai qua nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ hoặc tiếp dẫn hương linh về cõi Cực Lạc Tây Phương của đức Phật A Di Đà. Như vậy có quá mâu thuẫn không thưa Thầy, xin Thầy vạch rõ chỗ đúng sai để chúng con được biết.

Đáp: Kinh sách Đại Thừa phát triển là kinh sách chịu ảnh hưởng của Bà La Môn giáo, nhất là chịu ảnh hưởng của kinh sách Vệ Đà thuộc về tư tưởng văn minh Ấn Độ, nhưng khi truyền sang qua các nước lân cận thì nó lại tiếp thu những sự mê tín và lạc hậu của dân tộc các nước khác, nên kinh sách Đại Thừa là một loại kinh sách tập hợp nhiều tư tưởng và những phong tục tập quán của con người, có thể gọi kinh sách này là kinh sách bị thế tục hóa có nghĩa là khi nó truyền vào một thời kỳ nào của xã hội thì nó bị đồng hóa với xã hội đó.

Ví dụ: Kinh sách này truyền vào gặp thời phong kiến thì nó bị đồng hóa với thời phong kiến. Với tư bản thì nó bị đồng hóa với tư bản; với khoa học thì nó bị đồng hóa với khoa học.

Kinh sách Đại Thừa không có một đường lối riêng biệt chỉ là một sự vay mượn, một chiếc áo chấp vá nhiều miếng vải, cho nên nó chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ nhai lại bã mía của kẻ khác nhưng muốn nuốt cho trôi bã mía đó, tức là nó khéo dùng những danh từ để làm cho người khác khó nhận ra, tưởng đó là một giáo lý mới mẻ, nhưng không ngờ những người hiểu biết đã thấy rõ nó đi giẫm lại lối mòn của người xưa.

Vì thế, những danh từ Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, Pháp Hoa, Viên Giác, Thủ Lăng Nghiêm, A Di Đà, Địa Tạng, Vu Lan Bồn, Bát Dương, Thập Vương, Lăng Già, Hoa Nghiêm... Tất cả những loại kinh sách này là tư tưởng của ngoài đạo chứ không phải của Phật giáo, mà đã không phải của Phật giáo thì làm sao chúng ta cho Phật giáo có mâu thuẫn với Phật giáo được.

Chúng ta chỉ cần biết kinh sách này không làm lợi ích cho con người, nó chỉ là một mánh khóe lừa đảo con người làm những điều phi đạo đức và rất tai hại cho con người.

TU NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG PHÁP?

Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy chúng con, hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng của mình, song chúng con chưa thấu triệt lắm, kính mong Thầy chỉ dạy cho chúng con để được thâm hành Phật Pháp, và giải thoát thân tâm.

Đáp: Muốn tu tập đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng như thế nào?

Chúng ta nên chia làm ba phần:

Đúng pháp

Đúng cách

Đúng căn cơ đặc tướng

¨ĐÚNG PHÁP

Sau khi nghiên cứu tường tận biết rõ pháp môn nào là của Phật, pháp môn nào không phải của Phật.

Ví dụ:

1/        Pháp môn của Phật là pháp xả tâm, chứ không phải là pháp môn ức chế tâm.

2/        Pháp môn của Phật là pháp môn vô ngã ác pháp, hữu ngã thiện pháp.

3/        Pháp môn của Phật là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

4/        Pháp môn của Phật là pháp môn toàn thiện.

5/        Pháp môn của Phật là một pháp môn đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

6/        Pháp môn của Phật là một pháp môn huấn luyện tâm, rèn luyện tâm, như lý tác ý.

7/        Pháp môn của Phật là một pháp môn dùng để dẫn tâm vào đạo đức làm người.

Nếu quý Phật tử biết rõ đúng pháp thì sẽ tu tập đúng pháp. Ngoài bảy sự hiểu biết trên đây là đúng về Phật pháp còn là sự hiểu sai, hiểu sai Phật pháp tức là tu sai, tu sai thì phí công vô ích mà còn tạo thêm gánh nặng cho Phật tử (tín đồ) cúng dường.

Cho nên, trước khi đi tu thì phải nghiên cứu cho tường tận lời dạy của đức Phật rồi mới tu.

¨ĐÚNG CÁCH

Tu tập đúng cách, tức là tu tập xả tâm, xả tâm đúng cách, tức là phải khéo léo thiện xảo, tu tập đúng cách là không bao giờ ức chế tâm.

Tu tập đúng cách là phải biết pháp nào tu trước pháp nào tu sau, ví dụ như pháp Tam Vô Lậu Học thì giới luật phải tu trước, sau khi tu giới luật xong nghĩa là sống đúng giới luật không có vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới tu tập thiền định, còn vi phạm giới luật dù là một giới rất nhỏ thì cũng còn phải tu giới luật trở lại, chứ không được tu thiền định chừng nào giới luật thanh tịnh thì mới bắt đầu tập tu Thiền định. Sau khi nhập xong Tứ Thiền thì mới bắt đầu tu trí tuệ, thiền định chưa xong mà vội tu trí tuệ là tu sai, tu như vậy trở thành tưởng tuệ chứ không phải là trí tuệ.

Cũng như tu tập Tứ Thánh Định thì phải tu tập Sơ Thiền trước tiên, sau khi Sơ Thiền được sung mãn thì mới tu tập Nhị Thiền, sau khi Nhị Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tam Thiền, sau khi Tam Thiền được sung mãn thì mới tu tập Tứ Thiền.

Nếu chúng ta tu tập không đúng cách thì cũng giống như con bò, chân trước chưa bước mà chân sau đã bước thì con bò không thể nào đi được. Cũng giống như vậy, người tu sĩ đạo Phật giới luật chưa nghiêm trì mà tu thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định được, thiền định của những người tu sĩ phạm giới là thiền định tưởng. Đó là những người tu không đúng cách.

¨TU ĐÚNG CĂN CƠ ĐẶC TƯỚNG

Nếu tu tập không đúng căn cơ của mình thì cũng giống như người nhạc sĩ lên dây đàn, căng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng.

Do đó, khi tu hành chúng ta phải biết căn cơ của mình. Vậy muốn biết căn cơ của mình thì phải biết như thế nào?

Căn cơ của chúng ta thể hiện qua nhân tướng và hành tướng. Vì thế, khi tu tập chúng ta nên tu tập theo nhân tướng và hành tướng tự nhiên của mình.

Ví dụ: Hành tướng ngoại tự nhiên của mình đi chậm, khi tu tập thì phải theo hành tướng đi chậm mà tu, không được đi nhanh, cũng không đi quá chậm. Khi hành tướng tự nhiên của mình đi nhanh thì tu tập không được đi chậm hoặc quá chậm hoặc quá nhanh, phải đi với tướng tự nhiên của mình.

Hành tướng nội tự nhiên của mình khi hơi thở chậm thì nên tu tập theo hơi thở chậm, hơi thở nhanh thì nên tu tập theo hơi thở nhanh, không nên hơi thở chậm mà khi tu tập thì lại thở nhanh cũng như hơi thở nhanh mà khi tu tập thì lại thở chậm, tu như vậy không tự nhiên. Không tự nhiên thì có sự ức chế mà có sự ức chế thì có chướng ngại pháp, có chướng ngại pháp thì không có giải thoát ngay liền, không có sự giải thoát ngay liền là tu sai pháp Phật, tu sai pháp Phật, tức là tu theo pháp môn của ngoại đạo.

Nhân tướng là hình dáng của cơ thể, có người có nhân tướng cao, nhưng cũng có người có nhân tướng thấp, người đẹp, người xấu, người trắng, người đen, người mập người ốm, người mặt dài, mặt ngắn, mặt vuông, mặt chữ điền, mặt bầu, mặt tròn... Tất cả mọi hình tướng khác nhau đều gọi là nhân tướng.

Người tu theo đạo Phật không nên vì nhân tướng mà tu tập. Ước mơ có một tướng đẹp như Phật, 32 tướng tốt tám mươi vẻ đẹp.

Ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp có còn đâu, khi đức Phật nhập Niết Bàn chỉ còn lại một nắm xương vụn bất tịnh thiêu chưa cháy hết.

Mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ chứ không phải tướng tốt. Dưới đôi mắt của Phật thì nhân tướng của con người chỉ là tứ đại duyên hợp, bất tịnh uế trược không có đáng cho chúng ta quan tâm, nhưng trong khi tu tập chúng ta biết sử dụng nó như sử dụng một con ngựa để đi đường xa vạn dặm. Vì thế, chúng ta phải biết cách khi thì dụ dỗ khi thì ra lệnh, chứ không bắt ép nó tu tập nhiều thì cũng không tốt mà tu tập ít thì cũng không có lợi, không được khổ hạnh ép xác, mà cũng không được lợi dưỡng phá giới luật.

Ngày ngày tu tập phải tùy theo đặc tướng của mình mà thực hiện cho đúng pháp thì có kết quả lợi ích rất lớn.

NHƯ LÝ TÁC Ý

 Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi: Kính thưa Thầy! Cho phép chúng con thưa hỏi về pháp hướng tâm như lý tác ý, con biết pháp trên có lợi ích rất lớn, hiệu quả tuyệt vời cho đường tu tập, đó là giúp cho trí tuệ nhạy bén nhanh chóng và giúp cho tâm tạo ra một năng lực siêu việt không thể nghĩ lường. Xưa, đức Phật đã thành đạo và ngày nay Thầy đã nhập được Tứ Thánh Định và Tam Minh cũng đều nhờ đến pháp này. Vì vậy, chúng con xin Thầy chỉ dạy cách thức hướng tâm và tu tập rèn luyện pháp này như thế nào để thành tựu quả giải thoát.

Đáp: Pháp như lý tác ý là pháp môn dẫn tâm vào đạo rất tuyệt vời, nhờ nó mà huấn luyện được tâm cũng như người huấn luyện voi, cọp, gấu, v.v.. làm xiếc. Người huấn luyện thú làm xiếc, nếu không nhờ đến những loại bánh đặc biệt và không thiện xảo thì khó mà huấn luyện những loài thú hoang dã. Pháp như lý tác ý cũng giống như những loại bánh kia vậy, nhưng cũng phải thiện xảo thì sự tu tập mới có hiệu quả.

Tâm của con người giống như một con thú vật rừng hoang dã. Muốn thuần phục nó để sai bảo làm việc tốt hơn theo ý muốn của mình thì phải biết cách dùng pháp như lý tác ý đúng lúc. Có lúc thì ngọt ngào, có lúc thì cứng rắn, có lúc thì vuốt ve, nhưng có lúc thì roi vọt.

Pháp như lý tác ý nghe thì đơn giản mà thực hành muốn có hiệu quả thì phải vô cùng khéo léo thiện xảo, nếu không khéo léo thiện xảo cũng chỉ hoài công mà thôi.

Ví dụ: Hằng ngày chúng ta thường hướng tâm: “tâm như cục đất không có tham sân si nữa”. Nhưng mỗi lần có việc đến, tâm tham, sân, si nổi lên là chúng ta phải ngăn chặn liền, đoạn dứt liền với một lòng cương quyết mạnh mẽ như sắt đá. Không thể để cho tâm tham sân si xâm chiếm tâm hồn mình. Sự cương quyết dũng cảm mạnh mẽ ngăn chặn như vậy, cũng giống như con thú trở chứng ương ngạnh thì phải roi vọt đánh trị khiến cho nó sợ thì mới có thể dễ sai nó được. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng dùng roi vọt đánh trị, mà cũng phải có lúc vuốt ve, an ủi, gần gũi, âu yếm, chăm sóc thương yêu.

Người tu hành biết cách tu tập, rèn luyện pháp này khéo léo và thiện xảo như trên đã dạy thì kết quả mau chóng làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi không còn khó khăn như người ta tưởng.

Trong sự tu tập thiền định mà không có pháp như lý tác ý thì không thể nhập định được. Không nhập được thiền định mà dạy người tu tập thiền định thì đó chỉ là thiền định miệng lưỡi mà thôi.

Bởi con đường tu theo Phật giáo mà không có pháp như lý tác ý thì không phải là con đường tu theo đạo Phật, mà là con đường tà giáo. Người tu theo đạo Phật được thành tựu giải thoát là nhờ ở pháp như lý tác ý, nếu không có pháp như lý tác ý thì không làm sao mà giải thoát được.

Vì thế, pháp như lý tác ý là một pháp môn nòng cốt của đạo Phật, “Ý DẪN ĐẦU, Ý LÀM CHỦ, Ý TẠO TÁC CÁC PHÁP”. Cho nên kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ không bao giờ có pháp môn này.

TRÙNG TRONG LÔNG SƯ TỬ

 Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đạo Phật duy nhất có một pháp môn đưa đến quả giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi, đó là pháp môn Giới, Định, Tuệ. Song hiện nay chúng con thấy phần lớn tu sĩ không tu về giới luật nên oai nghi tế hạnh không có, sống phạm giới quá nhiều, tức là họ không tu đúng pháp môn của đức Phật. Vậy chúng con xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ, những tu sĩ này tu hành như vậy có lợi ích gì cho Phật giáo, cho xã hội và cho bản thân họ, còn ngược lại thì tai hại như thế nào?

Đáp: Những giới luật của Phật là những hành động đạo đức làm Người, làm Thánh, chứ không phải giới luật của Phật là pháp luật thế gian. Ở đời người ta nghe nói đến giới luật là người ta liên tưởng đến pháp luật của một quốc gia. Không phải như vậy đâu, nếu chúng ta hiểu giới luật Phật như một pháp luật là chúng ta đã tự trói buộc mình, tức là ức chế tâm thì còn có nghĩa lý gì là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Vì tự lấy giới luật mà trói buộc mình là đã tự làm khổ mình thì không còn gọi là pháp tu giải thoát. Và như vậy thì giới luật làm sao gọi là pháp môn vô lậu được.

Phật dạy có ba pháp môn vô lậu, nếu ai tu tập thì sẽ được giải thoát ngay liền, ba pháp môn tu tập giải thoát đó là:

Giới giải thoát

Định giải thoát

Tuệ giải thoát

Giới luật được tu tập thì tâm được giải thoát, tâm được giải thoát thì không còn khổ đau, phiền não, sợ hãi, lo toan...

Định được tu tập thì thân được giải thoát, thân được giải thoát là làm chủ được thân bệnh tật.

Tuệ được tu tập thì không gian và thời gian không còn chia cắt và trải dài, vì thế mà chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Ba pháp môn này có lợi ích như vậy thế mà tu sĩ thời nay lại phạm giới, phá giới thì làm sao tâm được giải thoát.

Như lời đức Phật đã dạy: “Những tu sĩ phạm giới, phá giới là những tu sĩ không làm ích lợi cho Phật giáo mà còn diệt Phật giáo giống như trùng trong lông sư tử sẽ giết sư tử chết”.

Những tu sĩ phạm giới, phá giới là những loại ký sinh trùng trong xã hội, không ích lợi cho xã hội mà còn để cho xã hội mang một gánh nặng vì họ.

Hỡi các bạn tu sĩ và cư sĩ thân mến! Các bạn là những người tu sĩ và cư sĩ của Phật giáo, các bạn phải tu như thế nào cho xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Đừng vì danh, vì lợi mà quên đi bổn phận trách nhiệm của mình. Trách nhiệm của mình là phải thắp sáng ngọn đèn chánh pháp của Phật.

Hai mươi lăm thế kỷ nay tà giáo ngoại đã xen vào làm cho Phật giáo ô uế, đã làm cho Phật giáo mang đầy những tiếng tai không tốt. Hiện giờ chúng ta là những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo, không lẽ chúng ta tiếp tục nối giáo cho ngoại đạo diệt Phật giáo hay sao? Chúng ta phải làm cái gì?

Trước tiên, chúng ta phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, sống đúng phạm hạnh. Đời sống thiểu dục tri túc, ba y một bát; sống không chùa to Phật lớn, lấy gốc cây làm giường nằm. Đó là giai đoạn thứ nhất chấn chỉnh lại Phật giáo mà trách nhiệm và bổn phận là Tăng Ni và cư sĩ. Nếu Tăng Ni và cư sĩ không thực hiện những điều này thì chắc chắn Phật giáo sẽ đi vào trong bóng đêm đen tối.

Kế tiếp, chúng ta phải thực hiện thiền định, thực hiện thiền định như thế nào? Thực hiện thiền định là phải ly dục, ly ác pháp; phải diệt tầm tứ; phải ly hỷ tưởng; phải tịnh chỉ thân hành. Để chứng tỏ cho mọi người biết sức lực của thiền định làm chủ sự sống chết một cách cụ thể rõ ràng. Đó là giai đoạn thứ hai để chứng minh thiền định của đạo Phật siêu việt như vậy, không có một pháp thiền nào hơn được.

Cuối cùng, chúng ta thực hiện trí tuệ vô lậu để chấm dứt tái sanh luân hồi, không gian và thời gian không còn tác dụng lên chúng ta được nữa. Đó là giai đoạn thứ ba để minh chứng đạo Phật cụ thể, thiết thực lợi ích rất lớn cho loài người như vậy.

LÀM SAO PHÂN BIỆT ĐƯỢC TU SĨ GIẢ HAY THẬT TRONG PHẬT GIÁO

 Câu hỏi của phật tử Luân

Hỏi: Kính thưa Thầy, đời sống phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo như thế nào? Làm sao để biết được người nào là tu sĩ Phật giáo thật và người nào là tu sĩ Phật giáo giả để cho chúng con khỏi bị lừa bịp.

Đáp: Đời sống Phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo là đời sống đức hạnh của một bậc Thánh Tăng, vì thế chúng ta dễ nhận xét.

Một vị Thánh Tăng không phải ở chỗ y áo cà sa mà ở chỗ không phạm giới luật. Trong giới luật của một vị tu sĩ giải thoát thì sự ăn mặc không cần sang đẹp, nhưng phải ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ dù là chiếc y phấn tảo cũng phải được giặt sạch sẽ. Khi bước ra khỏi thất thì y áo phải được tề chỉnh nghiêm trang, mặc y không được để bày da hở thịt. Ngược lại, ăn mặc y áo sang đẹp cũng như ăn mặc rách rưới lang thang và không nghiêm trang tề chỉnh đều là tu sĩ giả, không phải là những bậc chân tu của Phật giáo.

Không được trang điểm dầu thơm chuỗi hạt, lấy gốc cây làm giường nằm, thường thọ trai ngồi xếp bằng dưới đất. Còn trang điểm làm đẹp bằng chuỗi hạt dầu thơm, còn nằm trên giường cao rộng lớn, mền êm nệm ấm, còn thích thọ thực trên mâm cao cỗ đầy, thì đây là tu sĩ giả, không phải Thánh hạnh như vậy.

Không được cất giữ tiền bạc châu báu, không được ở trong chùa to tháp lớn như cung đình điện ngọc. Còn cất giữ tiền bạc châu báu là tu sĩ giả, không phải Thánh hạnh.

Không được ăn uống phi thời, ngày một bữa đủ nuôi thân sống, ăn uống nhiều bữa là gánh nặng cho Phật tử, ăn uống nhiều bữa là tu sĩ giả, không phải là bậc Thánh Tăng.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Câu hỏi của Mỹ Linh (Tú)

Hỏi: Kính thưa Thầy, trong “Giáo Án... tập 3” Thầy nói: khi còn sống mọi hoạt động của con người đều “lưu lại” ở từ trường trong không gian, và chỉ người nào có tưởng thức mạnh mới giao cảm được với tần số của từ trường ấy mà “thấy và nghe được” những sự việc đã diễn ra của người chết. Như cô Khang bị rứt móng tay... Tóm lại, vậy là “có” linh hồn người chết, nhưng người thấy người không, chứ nói “không có” linh hồn, thì mọi người không ai chịu tin hết Thầy ạ! Rồi họ đưa ra việc cầu hồn, thấy ma...

Thưa Thầy: Hay là Phật nói không có linh hồn, vì nó có nhưng không thật; hay để con người không nhớ thương, không ỷ lại nương tựa tha lực?

Đáp: Không phải vậy, không phải vì lý do nhớ thương hay ỷ lại mà đức Phật nói không có thế giới siêu hình, mà thật sự hoàn toàn thế giới siêu hình không có. Trong vấn đề linh hồn người chết có hay không, điều này đã mang nặng một dấu ấn trong tâm của mọi người là có linh hồn người chết. Muốn xác định cho rõ ràng điều này, thì không có cách nào hay hơn bằng chính người ấy phải tự nhập Tứ Thánh Định, an trú trong ấy, rồi dùng Trạch Pháp Giác Chi hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh quan sát thế giới siêu hình, thì chừng đó mới xác quyết chắc chắn rằng: người chết không còn có linh hồn tồn tại hay là không có sự sống sau khi chết.

Ở đây, Thầy đã giải thích rất nhiều về vấn đề thế giới siêu hình, nhưng ai là người hiểu vấn đề này. Người tri âm khó gặp, tri kỉ khó tìm. Người nghe được tiếng đàn của Bá Nha, chỉ có Tử Kỳ mà thôi. Nhưng Tử Kỳ chết, Bá Nha đập nát chiếc đàn. Vì trên đời này còn có ai nghe được tiếng đàn của mình. Thầy cũng vậy, chỉ có người nào tu chứng quả A La Hán mới hiểu được tiếng nói của Thầy.

Thầy sẽ không phụ lòng những câu hỏi của các con, Thầy cố gắng trả lời cho các con hiểu.

Các con nên hiểu thế giới mà loài người đang sống là một thế giới sắc tướng, có sự sống, có vạn vật hiện hữu, thế mà đức Phật gọi nó là thế giới tưởng thì chúng ta có tin không?

Thế giới của chúng ta đang sống không phải do “tưởng uẩn làm ra” như thế giới siêu hình mà do các duyên hợp lập thành. Vì thế, không có một vật gì thường hằng, luôn tan hoại theo thời gian năm tháng. Thế mà chúng ta điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến chấp thủ mọi vật là có thật, là ta, là của ta v.v.. Thế giới hiện hữu là không có thật, vì thế mọi vật thường vô thường. Trên thế gian không có một vật gì là trường cửu vậy mà mọi người cho nó là có thật thì không phải đó là điên đảo sao? Do cho nó có thật, nên mọi người cố làm ra cho nhiều, cố làm ra cho nhiều nên làm ra nhiều điều ác. Do làm nhiều điều ác nên phải thọ chịu những quả khổ đau.

Với đôi mắt của Phật nhìn mọi vật trên thế gian này, như bong bóng nước, như hoa phù du sớm nở tối tàn, đó là một bằng chứng thật sự. Vì thế, đức Phật cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới của tưởng tri. Vậy mà có ai tin đâu.

Chúng ta lại một lần điên đảo nữa, cái hình bóng của thế giới hiện tượng hữu hình tưởng tri này lại cho là thế giới siêu hình.

Ví dụ: Một cuộn băng video thu những hình ảnh núi, sông, nhà cửa, người và vạn vật đang sinh hoạt nhảy múa. Với những hình ảnh này chúng ta cho đó thế giới siêu hình sao?

Những hình ảnh núi, sông, đất đá, cây cỏ, người và thú vật trong băng video hiện ra và hoạt động được là nhờ dòng điện, đầu máy và màn hình.

Còn thế giới siêu hình cũng vậy, nó được hiện ra và hoạt động là nhờ tưởng uẩn của chúng ta bắt gặp và lập thành, chứ nó không có thật.

Các con cũng nên biết và phân biệt tưởng cho rõ ràng. Tưởng có hai phần cụ thể:

1- Ý thức tưởng là chúng ta dùng ý thức mà tưởng tượng ra một vật mà vật đó không có ở trước mắt.

2- Tưởng thức tưởng là do năng lực hoạt động của tưởng uẩn khiến cho những hình ảnh của thế giới sắc tướng hiện hữu của loài người đang sống đã được lưu lại trong không gian trở thành linh động, khiến cho mọi người chưa đủ trí tuệ sáng suốt, đang sống trong điên đảo tâm, điên đảo kiến, điên đảo tưởng, điên đảo tình mới cho những hình ảnh ấy là có thật thế giới siêu hình thật. Vì thế mới có việc cầu cơ, cầu hồn, thấy ma, thấy quỉ v.v..

PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Phật giáo Đại Thừa có phải là Phật giáo chánh thống không?

Đáp:Phật giáo Đại Thừa không phải là Phật giáo chánh thống, mà là Phật giáo theo kiểu kiến giải giáo pháp của Bà La Môn. Hay nói cách khác Phật giáo Đại Thừa là đạo Bà La Môn lấy tên là Phật giáo Đại Thừa để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Cho nên, nghĩa lý toàn bộ kinh sách Đại Thừa là Giáo pháp của Bà La Môn chính gốc.

THIỀN ĐÔNG ĐỘ

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiền Đông Độ có phải là của Phật giáo hay không?

Đáp:Thiền Đông Độ không phải là của Phật giáo mà là của Lão giáo Trung Hoa (Tiên Đạo). Tư tưởng Lão Trang Trung Hoa phát triển, có những điểm tương đồng với tư tưởng kinh sách phát triển Đại Thừa giáo, Ấn Độ giáo. Vì thế, sau này Phật giáo Đại Thừa đồng hóa tư tưởng Lão giáo lấy tên là “Phật giáo Tối Thượng Thừa”hay còn gọi là Thiền Tông”.Chủ trương của Thiền Tông là kết hợp Lão Giáo và Đại Thừa, nên thường gọi là “Thiền Giáo đồng hành”.

Phật giáo Đại Thừa là Phật giáo Bắc truyền thuộc Bà La Môn Giáo và Ấn Độ Giáo kết hợp và phát triển theo tưởng giải tạo ra. Cho nên, những tư tưởng trong kinh sách Đại Thừa là tư tưởng của hai giáo phái này. Tư tưởng của hai giáo phái này mang tính chất trừu tượng, mơ hồ, ảo giác và đầy dẫy sự mê tín v.v.. Lấy thế giới siêu hình làm nơi an trú cuối cùng.

NIÊN LỊCH PHẬT GIÁO

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Phật lịch 2.546 năm và 2.626 năm. Vậy niên lịch nào đúng và niên lịch nào sai, xin Thầy dạy cho chúng con biết.

Đáp:Hiện giờ, tín đồ Phật giáo trong nước, cũng như ở khắp thế giới đều không biết rõ ngày tháng năm sanh của đức Phật, vì lịch sử của đức Phật không có ghi chép cụ thể. Hiện giờ tín đồ Phật giáo đều dùng Phật lịch 2.546 năm theo hệ Nam Tông, chứ ít ai dùng 2.626 năm theo hệ Bắc Tông.

Niên lịch Phật giáo Bắc Tông không đáng cho tín đồ Phật giáo tin tưởng, vì thế mà không dùng niên lịch Bắc truyền.

Mặc dù lịch sử chưa chứng minh được Phật lịch năm nào đúng, sai là vì không có sử liệu ghi chép lại chính xác. Cho nên, năm 2.546 và năm 2.626 đều không đúng. Nhưng hiện giờ chúng ta dựa vào những cuộc họp Phật giáo thế giới, chấp nhận lấy năm 2.546 làm niên lịch Phật giáo. Bây giờ phần đông tín đồ Phật giáo quen dùng niên lịch Phật giáo năm 2.546 năm là đúng hơn 2.626 năm.

THUYẾT PHÁP 45 NĂM VÀ 49 NĂM, NĂM NÀO ĐÚNG?

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Sai biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông về thời gian trụ thế và thuyết Pháp của đức Phật 45 năm theo Nam Tông 49 năm theo Bắc Tông. Thưa Thầy bên nào đúng?

Đáp: Căn cứ theo kinh sách Nguyên Thủy là loại kinh sách gốc của Phật thuyết nên 45 năm thuyết Pháp đúng hơn. Còn 49 năm theo Bắc Tông là sai. Vì kinh sách theo Bắc Tông do kiến giải của các Tổ viết ra, nên có sự bóp méo sự thật, vì thế 49 năm thuyết pháp không đúng. Bởi vì Bắc Tông cho bộ kinh Bát Nhã là quan trọng là đệ nhất trong các kinh nên nói rằng: Đức Phật thuyết pháp cho hàng Bồ Tát 20 năm mới xong bộ kinh này.

Vì thế 49 năm thuyết Pháp là không đúng theo lịch sử chân thật của Phật giáo.

Nếu chúng ta tính thời gian tu chứng và bắt đầu giảng đạo cho đến chết thì sẽ rõ thời gian.

KINH SÁCH NGUYÊN THỦY VÀ ĐẠI THỪA, KINH NÀO ĐÁNG TIN CẬY

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Những kinh sách nào đáng được tin cậy để tu được giải thoát xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Kinh sách Nguyên Thủy là kinh sách đáng được tin cậy nhất. Vì đó là lời dạy của đức Phật, tuy rằng trong các Tổ bên Nguyên Thủy cũng có thêm bớt rất nhiều, nhưng những lời dạy của Phật còn rõ ràng nguyên gốc hơn nhiều. Còn kinh sách Đại Thừa không đáng tin tưởng, vì các Tổ tự viết kiến giải theo tư tưởng của giáo lý Bà La Môn mà viết ra kinh Đại Thừa. Nên đường lối và cách thức tu tập đều quá sai, từ cúng bái, tụng niệm, chú thuật đều chịu ảnh hưởng của Bà La Môn. Cho đến pháp tu về thiền định cũng đều thuộc về thiền tưởng của ngoại đạo. Cho nên, Thầy Tổ sau này tu hành chẳng có kết quả giải thoát.

Vì thế, kinh sách Đại Thừa là những loại kinh sách không đáng tin cậy, nó là những loại kinh tưởng, kinh nói không đúng sự thật, kinh nói những điều mơ hồ trừu tượng, kinh dùng để tranh cãi hơn thua, chứ không phải kinh dùng để tu tập giải thoát làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người.

Cho nên, kinh sách Đại Thừa các bạn phải đề cao cảnh giác, nếu các bạn không cảnh giác thì cuộc sống tu hành của các bạn chẳng đi đến đâu, đời chẳng ra đời mà đạo chẳng ra đạo, rất uổng phí cho một kiếp làm người.

KINH SÁCH ĐẠI THỪA CÓ PHẢI LÀ CHÁNH PHÁP KHÔNG?

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Kinh Di Đà, Di Lạc, Địa Tạng, Pháp Hoa, Kim Cang, Lăng Nghiêm và mật chú, v.v.. có phải chánh pháp của Phật nói hay không?

Đáp:Tất cả mọi kinh sách đã kể ra và nêu tên ở trên, toàn là kinh sách chịu ảnh hưởng của giáo lý Bà La Môn. Từ pháp hành, cúng bái, tụng niệm cho đến pháp thiền đều có vẻ mơ hồ trừu tượng, mê tín. Trong các kinh này luôn luôn tạo cách dụ dỗ và hù dọa như: “Dù cho tạo tội như núi cả. Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”hoặc “Ai không tin kinh này đầu sẽ bị bể bảy miếng”.Và cuối cùng kinh nào cũng tự cho mình là đệ nhất pháp.

Đọc qua kinh sách này nếu người nào có trí thì nhận ngay ra liền kinh này không phải Phật thuyết, vì thế kinh này nó không phải là chánh pháp của Phật.

LUẬT TỨ PHẦN

 Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Những điều trong luật Tứ Phần có đầy đủ và đúng lời Phật dạy không?

Đáp:Luật Tứ Phần là do các Tổ biên soạn, dựa theo giới kinh có thêm bớt rất nhiều cho phù hợp với hoàn cảnh, phong tục của mỗi người, mỗi dân tộc trên bước đường hành hóa truyền đạo. Do sự tùy thuận vào mỗi nước, mỗi phong tục của dân tộc nên các Tổ đã làm lệch ý Phật qua bộ giới luật Tứ Phần.

Muốn rõ được điều này xin quý vị đọc giới đức Thánh Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni thì sẽ rõ.

Bộ giới luật này chưa được xem là đầy đủ, vì trong kinh Nikaya Đức Phật dạy nhiều bài kinh nói về thiện pháp, tức là giới mà trong Tứ Phần Luật không có. Sau này có điều kiện phải được chấn chỉnh để chỉ rõ cho mọi người biết Thánh hạnh của Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni.

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI

 Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có phải chánh pháp của Phật chăng? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp:Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới không phải là chánh pháp của Phật mà là của Bà La Môn có thâm ý muốn diệt Phật Giáo nên mới chế ra Bồ Tát Giới.

Mục đích của Bồ Tát Giới là bộ sách có hình thức tổ chức người cư sĩ thành một tổ chức để phục vụ cho Phật Giáo Đại Thừa.

Phần thứ nhất là khuyến dụ người cư sĩ thọ Bồ Tát Giới để góp công, góp của xây dựng đạo pháp của Bà La Môn, nhưng sự thật là phục vụ cho quý thầy Đại Thừa:

1/        Cúng bái tế lễ để cho Phật tử bỏ tiền ra đóng góp.

2/        Làm từ thiện cũng do Phật tử đóng góp.

3/        Xây cất chùa to Phật lớn cũng do Phật tử đóng góp.

4/        Cấm Phật tử không được tu theo Phật giáo Nguyên Thuỷ (Tiểu Thừa).

5/        Làm tất cả mọi công việc trong chùa chuyện lớn, chuyện nhỏ hoặc chuyện nặng nề khó khăn đều do Phật tử đóng góp công sức gọi là công quả.

Bồ Tát Giới là một bộ sách khuyến dụ Phật tử để lừa công sức và lừa của cải, tiền bạc của họ.

Bồ Tát Giới là một loại kinh sách với thâm ý diệt Phật giáo. Quý vị đọc cho kỹ lại bộ sách thì mới thấy rõ âm mưu thâm độc của Phật giáo phát triển Đại Thừa.

SỰ SAI BIỆT GIỮA PHẬT GIÁO VÀ BÀ LA MÔN

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sự sai biệt giữa Bà La Môn Giáo và Phật Giáo như thế nào?

Đáp: Sự khác biệt giữa Bà La Môn giáo và Phật giáo có rất nhiều sự sai khác mà ít người để ý đến như:

1- Phật giáo bình đẳng không chấp nhận giai cấp, nên giai cấp nào đến với Phật giáo đều được hướng dẫn tu tập như nhau và đều được chứng quả A La Hán không khác nhau. Trong xã hội Phật giáo không có giai cấp nào cả, chỉ toàn là những người giới luật nghiêm chỉnh gọi là Hiền Giả, đó là những bậc chưa chứng quả A La Hán; còn những bậc vô lậu chứng quả A La Hán gọi là Thánh Giả, còn gọi là Trưởng Lão.

Ông Ca Chiên Diên là người sanh ra trong giai cấp cùng đinh, được Phật tiếp độ tu tập chứng quả A La Hán. Đó là đã phá giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ. Cho giới nữ xuất gia chứng quả Thánh A La Hán, đó cũng là đập phá tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội Phật giáo lúc bấy giờ.

Bà La Môn chấp chặt bốn giai cấp trong xã hội, cho giai cấp mình là trên hết. Chấp nhận với tinh thần trọng nam khinh nữ của xã hội. Đó là sự khác biệt giữa Phật giáo và Bà La Môn Giáo.

2- Phật giáo không chấp nhận có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chẳng qua chỉ là hình bóng của thế giới hữu hình con người mà thôi.

Cái nhìn của Phật giáo thiết thực, cụ thể hơn, nên thế giới siêu hình là thế giới của tưởng tri, chứ không phải là thế giới của liễu tri.

Bà La Môn chấp nhận có thế giới siêu hình nên không giống đạo Phật ở chỗ này có vẻ mơ hồ. Đạo Phật phi thế giới siêu hình nên đạo Phật thực tế hơn.

3- Đạo Phật không chấp nhận tụng niệm, Bà La Môn chấp nhận tụng niệm. Đức Phật dạy: “Này Bà La Môn, một người tụng niệm chú thuật giỏi mà phạm giới còn tham lam, trộm cắp, còn vọng ngữ, tà dâm thì người ấy có xứng đáng là Bà La Môn không?”. Xin các bạn trả lời.

Một người không tụng niệm, không vi phạm giới luật không giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ thì người ấy là người có xứng đáng là Bà La Môn không? Do sự so sánh này giữa tụng niệm và không tụng niệm, giữa trì giới và không trì giới, mà chúng ta biết rất rõ đức Phật không chấp nhận tụng niệm. Thế mà đạo Phật bây giờ đi ngược lại đạo Phật ngày xưa. Đạo Phật ngày xưa có tiến bộ hơn đạo Phật bây giờ. Đạo Phật bây giờ lùi lại ở thế kỷ lạc hậu ngày xưa.

Như vậy, đạo Phật có sự sai khác với đạo Bà La Môn. Nhưng hiện nay các chùa mang danh là Phật giáo, mà thật sự là chùa Bà La Môn. Vì tứ thời tụng niệm ê a, tiếng chuông, tiếng mõ vang rền. Còn chùa Phật Giáo không tụng niệm, chỉ ngày đêm chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp, đó mới chính là sự công phu tu tập của Phật giáo. Đó là sự sai khác giữa Bà La Môn và Phật giáo.

4- Bà La Môn chấp nhận có tướng tốt mới thành một tu sĩ Bà La Môn, còn Phật Giáo thì không chấp nhận tướng tốt, nên đức Phật dạy: “Người có tướng tốt mà còn tham lam, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, còn ăn uống phi thời, còn cất giữ tiền bạc thì chưa thành một Bà La Môn”. Kinh sách Đại Thừa thường ca ngợi 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật, nhưng trong kinh Nguyên Thủy thì đức Phật không chấp nhận, bài bác tướng tốt của Bà La Môn. Như vậy các bạn nghĩ sao? Ba mươi hai tướng tốt 80 vẻ đẹp có phải là của Phật giáo không? Đó là sự khác biệt giữa Bà La Môn và Phật giáo…

5- Phật giáo không mê tín, Bà La Môn giáo mê tín. Kinh sách dạy mê tín như: Kinh Địa Tạng Vương, kinh Vu Lan Bồn, Kinh Di Đà. Kinh Bát Dương, kinh Viên Giác…

6- Phật giáo nương vào tự lực của mình, Bà La Môn giáo nương vào tha lực của thần quyền như: Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn, kinh Quy Ngươn, kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà…

7- Phật Giáo không khổ hạnh chỉ tu tập xả tâm, Bà La Môn khổ hạnh như: đứng một chân, ngồi kiết già nhiều giờ khiến cho thân mỏi mệt và đau nhức; ăn quá ít, mùa Đông nằm trong nước lạnh, làm cho thân chịu nhiều khổ đau... Phật giáo không làm khổ mình như vậy, những pháp môn của Phật giáo thường tu tập xả tâm, đẩy lui các chướng ngại pháp trong thân, thọ, tâm, pháp. Sống một đời sống thanh thản an lạc và vô sự. Đó là sự sai khác giữa Phật giáo và Bà La Môn giáo.

8- Thiền Phật giáo tu tập chế ngự và xả tâm, nên có bảy năng lực Giác Chi xuất hiện giúp cho hành giả nhập các định và thực hiện Tam Minh. Ngược lại, thiền Bà La Môn tu tập ức chế, không xả tâm, không ly dục ly ác pháp, nên rơi vào thiền định tưởng. Đó là sự sai khác giữa đạo Phật và Bà La Môn.

9- Bà La Môn Giáo chấp có đấng Giáo Chủ, Phật giáo chấp không có đấng Giáo Chủ. Người ta tôn xưng đức Phật lên làm đấng Giáo Chủ, nhưng Đức Phật chỉ xem mình là một Bà La Môn sống đúng phạm hạnh, chứ không phải như những Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, chuyên cúng tế, cầu siêu, cầu an v.v..

Xin quý vị nên đọc lại kinh Pháp Cú sẽ thấy đức Phật xác định Bà La Môn đúng và Bà La Môn sai, rồi suy ngẫm ra mới thấy đạo Phật được mọi người suy tôn thành đạo Phật, chứ không phải tự đức Phật thành lập ra đạo Phật như các tôn giáo khác.

Đức Phật khi tu xong, Ngài chỉ mong đem giáo pháp chân thiện mỹ của mình, làm lợi ích cho mọi người, khiến cho mọi người sống biết thương nhau, đem lại hạnh phúc cho nhau, không còn làm khổ mình, khổ người nữa, đấy là ước nguyện của Phật cũng đủ lắm rồi, chứ Ngài đâu có nghĩ rằng: Ngày nay Phật giáo là một tôn giáo thật sự như vậy. Một tôn giáo ngoài sự ước muốn của đức Phật.

Những điều chúng tôi nói trên đây là một sự thật. Các bạn hãy nghe lời dạy cuối cùng của đức Phật trước khi chết: “Sau khi Ta nhập diệt các thầy Tỳ Kheo hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy”. Lời dạy này rõ ràng đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một môn học về đạo đức nhân bản – nhân quả có phương pháp học tập và rèn luyện hẳn hoi. Như vậy, đạo Phật và đạo Bà La Môn không giống nhau, khác xa mọi mặt.

10- Bà La Môn với Phật giáo khác nhau một trời một vực. Bà La Môn xây dựng có Tiểu ngã và Đại ngã. Đại ngã là bản thể của vạn hữu ví như nước biển; tiểu ngã là thể tánh của mỗi sinh vật ví như giọt nước. Khi một chúng sanh chết thì thể tánh ấy giống như giọt nước rơi vào biển cả thì chỉ còn là một khối nước. Ngược lại, Phật giáo cho thế giới hữu sắc và vô sắc đều là thế giới tưởng, không có một vật gì thường hằng, vĩnh viễn, luôn luôn vô thường thay đổi từng sát na. Vạn vật sinh ra trong vũ trụ do các duyên hợp thành, nên khi tan hoại thì không còn một vật gì tồn tại. Thân tâm con người đã là không thật thì không còn có một vật gì, một thế giới vô hình ảo ảnh nào là chân thật cả. Vì thế, đạo Phật là Đạo vô ngã, chứ không hữu ngã. Mà cũng không phải vô ngã theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông. Vô ngã mà còn có Phật tánh, còn có cõi Niết Bàn, Cực Lạc Tây Phương, vô ngã mà còn có Ngọc Hoàng Thượng Đế, vô ngã thì không có Đại ngã và Tiểu ngã v.v.. Đó là những sự khác biệt giữa Phật giáo và Bà La môn.

THÂM Ý CỦA BÀ LA MÔN VỚI PHẬT GIÁO

 Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Thâm ý của Bà La Môn với Phật giáo như thế nào? Xin Thầy dạy rõ cho chúng con biết.

Đáp:Thâm ý của Bà La Môn đối với Phật giáo là muốn diệt Phật giáo bằng nhiều thủ đoạn:

1/        Chế Bồ Tát giới cấm cư sĩ và tu sĩ học, không được tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy (Tiểu Thừa).

2/        Dùng lý luận trí tuệ Bát Nhã đập phá chân lý của Phật giáo. “Vô khổ, tập, diệt, đạo”.

3/        Luồn lách đưa giáo lý của mình vào để thay thế giáo lý của Phật giáo.

Đưa đức Phật Di Lặc ra để thay thế đức Phật Thích Ca làm giáo chủ Phật giáo trong thời vị lai.

BÀ LA MÔN

Câu hỏi của Thượng Toạ Sắc Tứ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Bà La Môn trong kinh Pháp Cú mà đức Phật ca ngợi và Bà La Môn nào mà đức Phật chê, bài bác. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Bà La Môn được đức Phật khen ngợi là một Bà La Môn sống đúng giới luật và chánh pháp của Phật, còn sống không đúng giới luật và chánh pháp của Phật thì đức Phật chê, không chấp nhận. Vậy chúng ta hãy đọc lại những bài kinh Pháp Cú thì sẽ biết rõ ràng hơn:

“Với người thân, miệng, ý

Không làm các ác hạnh

Ba nghiệp được phòng hộ

Ta gọi Bà La Môn”

Thân, miệng, ý không làm các ác hạnh tức là sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường tu tập các pháp ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm, tức là phòng hộ ba nghiệp.

“Đoạn hết các kiết sử

Không còn gì lo sợ

Không đắm trước buộc ràng

Ta gọi Bà La Môn”

Đoạn hết các kiết sử, tức là dùng pháp ngăn ác diệt ác (Tứ Chánh Cần) đó là Bà La Môn tu đúng pháp được đức Phật chấp nhận. Không đắm trước buộc ràng, tức là hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý không cho dính mắc sáu trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

“Bỏ điều ưa, điều ghét

Thanh lương, không nhiễm ô

Hùng dũng thắng mọi cõi

Ta gọi Bà La Môn”

Thân tâm được trong sạch không cấu uế như vầng trăng sáng, tịnh lặng giữa đêm trường sâu thẳm và tất cả những hữu ái đều được đoạn trừ. Nếu người nào giữ thân tâm được như vậy là tu tập Tứ Niệm Xứ được viên mãn. Người ấy được đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn.

“Như trăng sạch không uế

Sáng trong và tịnh lặng

Hữu ái được đoạn tận

Ta gọi Bà La Môn”

Tóm lại, người được đức Phật gọi là Bà La Môn là phải sống đúng giới luật thường ngăn ác diệt ác pháp “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.Một Bà La Môn tu tập và sống như vậy chính là tu sĩ Phật giáo, còn ngược lại là một Bà La Môn của đạo Bà La Môn hay nói cách khác một tu sĩ Phật giáo sống phạm giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo danh lợi làm những điều mê tín lừa đảo tín đồ là Bà La Môn của Đạo Bà La Môn.

LỜI GIỚI THIỆU

Bước vào rừng kinh Pháp Cú chúng ta ngơ ngác như người lạc lối vào rừng sâu, không biết lối ra. Kinh Pháp Cú cũng vậy, khi bước vào rừng kinh Pháp Cú, chúng ta không biết kinh nào đúng, kinh nào sai. Đây các bạn hãy đọc một số kinh Pháp Cú mà hiện giờ đã được dịch ra Việt ngữ: Kinh Lời Vàng, Tìm Hiểu và Học Tập Kinh Pháp Cú, Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Tích Truyện Pháp Cú kinh v.v..

Trong số kinh Pháp Cú nhiều như vậy, có những bài kinh giống nhau, nhưng cũng có những bài kinh không giống. Vả lại các nhà chú giải các kinh Pháp Cú trên, chỉ ở trên ngôn ngữ giảng thuyết và soạn viết ra. Vì thế mà khó cho chúng ta tìm thấy cho mình một lối đi để có thể giải quyết được đời sống đau khổ cho mình.

Đọc kinh Pháp Cú hay thì thật là hay, nhưng hay trong ngôn từ, chứ không hay trong pháp hành, vì không có pháp hành cụ thể, chỉ vì kinh sách được biên dịch và chú giải do các học giả, chứ không phải hành giả. Vì thế, chúng tôi không biết phải hành như thế nào để có kết quả giải thoát những đau khổ về nội tâm của mình.

Lúc bấy giờ chúng tôi nghĩ rằng: Không lẽ kinh là lời Phật dạy mà chỉ có nói suông như ca dao, tục ngữ sao? Nếu lời Phật dạy chỉ là lời nói suông thì còn có nghĩa lý gì? Phải không hỡi các bạn?

Bao nhiêu dịch giả, giảng sư giảng dạy, chú thích và cả những mẩu chuyện pháp cú để xác chứng nghĩa lý của những câu kinh này. Ý muốn của những học giả là làm cho kinh Pháp Cú rõ ràng ý nghĩa hơn. Chính vì lẽ đó mà kinh Pháp Cú càng trở nên sai lệch ý Phật, tối nghĩa, mất pháp hành.

Khiến cho đọc giả đọc kinh Pháp Cú chỉ thấy lời nói như tục ngữ, ca dao, cách ngôn…

Sau khi tu hành xong chúng tôi đọc trở lại bộ kinh này do Phật tử ở Tu Viện Như Lai bên Mỹ gửi về, có nhã ý muốn chúng tôi làm sáng tỏ nghĩa của những lời dạy này.

Hơn một năm nay chúng tôi rất bận nhiều việc, nên không làm sáng tỏ kinh này được.

Nay đã đủ duyên, chúng tôi quyết định làm sống lại phương pháp tu tập Tứ Thánh Định trong kinh Pháp Cú.

423 câu kinh Pháp Cú này được Hoà Thượng Minh Châu dịch. Vì chúng tôi chọn lấy những câu kinh của Hòa Thượng Minh Châu, vì Hòa Thượng là người dịch giả không thêm, bớt, không sửa sai từ ngữ mà chỉ trung thực theo chữ nghĩa dịch lại rất sát với nguyên bản. Còn những bản kinh Pháp Cú khác thì chúng tôi xem đó là kinh phát triển thêm bớt rất nhiều.

Như Hoà Thượng Minh Châu đã nói: “423 bài kệ trong kinh này, tóm thâu tinh hoa giáo lý đức Phật”. Như vậy 423 bài kệ này có phải là những pháp hành và những kinh nghiệm của đức Phật trong giáo trình tu tập để đạt được đạo giải thoát.

Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng diễn đạt để quý bạn có một pháp hành cụ thể từ khi bắt đầu cho đến viên mãn.

Muốn được vậy thì chúng tôi xin quý bạn hãy buông xuống tất cả những kiến giải và kiến chấp của quý bạn, để quý bạn hoàn toàn có một tâm khách quan. Và vì thế, khi đọc xong “Những lời Phật dạy” thì quí bạn mới rõ thấu đường đi của đạo Phật từ A đến Z hay nói cách khác, từ căn bản đến Tam Minh.

Trong 423 bài kệ này chính là lời dạy của đức Phật như Hoà Thượng Minh Châu đã xác định: “Giá trị bất hủ của kinh Pháp Cú là ở chỗ này, và ta cảm thấy không còn có sự trung gian của các vị Tổ sư kết tập kinh điển”, nhưng theo chúng tôi nghĩ: Sự thêm bớt của người sau không thể nào tránh khỏi.

Riêng chúng tôi đọc kinh Pháp Cú thấy ngay được pháp hành và nền đạo đức nhân bản- nhân quả của đạo Phật.

Để làm sáng tỏ đạo đức của đạo Phật qua 423 bài kệ, và xác chứng cho mọi người biết rằng: Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản thật sự mà trong kinh Pháp Cú đã nói lên tất cả rõ ràng, cụ thể.

Cuối cùng, chúng tôi chỉ ước mong quí bạn hãy lắng nghe những lời chúng tôi diễn đạt với một tâm hồn vô tư trong sáng, thì sẽ có lợi ích rất lớn cho các bạn, còn nếu các bạn cố chấp, tự ái, mặc cảm… thì chẳng lợi ích gì cho các bạn mà khiến cho các bạn thêm căm tức.

Kính thưa các bạn! Chúng tôi chú giải kinh Pháp Cú là vì muốn đem lợi ích cho các bạn, chứ riêng chúng tôi thì phải hao tâm tổn sức. Chúng tôi mong ước mọi người, khi đọc những lời chú giải này, hiểu rõ cách thức tu tập và thực hành có kết quả ngay liền.

Kết quả giải thoát của mọi người ra khỏi ác pháp và tâm tham, sân, si, thì đó là một niềm vui chân thật của chúng tôi.

Kết quả giải thoát của mọi người là nói lên được giá trị của kinh Pháp Cú này. Và cũng nói lên được nền đạo đức nhân bản- nhân quả của kinh này.

Sau khi nghe lời dạy chân thật này của Phật, không gì hơn là mọi người phải nghiêm túc thực hành mang lại kết quả thực sự. Đó là đền đáp ơn Phật.

Lời dạy của đức Phật không phải là thứ bánh vẽ, chỉ có lời dạy của ngoại đạo mới mang đến cho chúng ta một hy vọng mà không bao giờ đạt được.

Kính ghi

Tu Viện Chơn Như

Tháng 5 năm 2002

LỜI TỰA GIỚI THIỆU KINH PHÁP CÚ CỦA HÒA THƯỢNG MINH CHÂU

Tôi dịch tập Dhammapada ra tiếng Việt để cúng dường Phật đản 2513 (1969). Quyển kinh Dhammapada thuộc tập Khud daka Nikaya (Tiểu bộ kinh) được xem như quyển Thánh kinh trong Phật giáo và trở thành một trong những tập sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong kinh sách Phật giáo. Không những 423 bài kệ trong kinh này tóm thâu tinh hoa giáo lý đức Phật, nhưng nhiều bài kệ đã trở thành những lời dạy chính đức Phật thân thuyết. Và đọc những bài kệ này, chúng ta cảm thấy như thân nghe chính lời Phật dạy từ hơn 2000 năm vang lại. Giá trị bất hủ của tập Dhammapada là ở chỗ này, và ta cảm thấy không còn sợ trung gian của các vị Tổ sư kết tập kinh điển.

Chúng tôi cho dịch theo thể kệ năm chữ một, để thật trung thành với nguyên văn, và quí vị sẽ thấy rõ sự cố gắng của chúng tôi, đã dịch hết sức sát với nguyên văn, và nhiều bài kệ có thể xem không thêm, không bớt, một chữ Pali chúng tôi cũng cố gắng tôn trọng đến mức tối đa. Vì đây là thể kệ chứ không phải là thể thơ nên không có thi hóa trong bản dịch của tôi.

Dịch tập Dhammapada này ra thể kệ, chúng tôi chỉ có một tâm nguyện mong sao những lời dạy này của đức Phật sẽ soi sáng dẫn đường cho mọi hành động, tâm tư, ngôn ngữ của chúng ta. Và ở trong một thời đại đầy máu lửa đau thương nước mắt, đầy những phân hóa, hỗn tạp, hận thù, láo khoét, những lời dạy này của đức Phật xoa dịu một phần nào cho tâm tư đã quá căng thẳng hay buồn nản của con người Việt Nam, làm con người Phật tử trở lại con người Phật tử.

Vạn Hạnh ngày Phật Đản 2513(1969)

Tỳ Kheo Thích Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh.

XÁC ĐỊNH CỦA ĐỨC PHẬT VỀ “Ý THỨC” CỦA CON NGƯỜI CÓ TẦM QUAN TRỌNG NHẤT TRONG ĐẠO PHẬT

 

LỜI PHẬT DẠY

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga. Phẩm Song Yếu).

 

CHÚ GIẢI:

Đức Phật nói đến tâm, tức là nói đến cái biết của con người, nhưng cái biết của con người có ba cái:

1/ Cái biết của ý thức (cái biết do sự phân biệt của sáu thức hằng ngày).

2/ Cái biết của tưởng thức (cái biết trong giấc mộng).

3/ Cái biết của tâm thức (cái biết của thức uẩn, cái biết siêu không gian và thời gian, cái biết để thực hiện Tam Minh vô lậu của bậc A La Hán).

Vậy chữ tâm trong kinh Pháp Cú ở đây là cái biết nào cho đúng với nghĩa của nó này?

Xin thưa các quý bạn, chữ tâm ở đoạn kinh này đã làm cho nhiều người đọc dễ hiểu sai ý Phật.

Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi thì chữ tâm mà nhà học giả dịch dùng ở đây, chúng ta phải hiểu nó là “ý thức phân biệt hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta”. Nó chính là tri kiến của mỗi người đang sử dụng hằng ngày.

Con đường tu tập của đạo Phật lấy ý thức phân biệt làm vũ khí tiến quân tấn công giặc tham, sân, si; giặc sinh tử luân hồi. Đó là ý của bài kinh này vậy.

Câu kinh thứ nhất trong kinh Pháp Cú đức Phật đã xác định cho chúng ta biết “Ý thức” của con người rất quan trọng trong vấn đề tu tập theo đường hướng của đạo Phật. Vì ý thức chủ động tạo tác mọi vấn đề trong cuộc sống tốt hoặc xấu đều do nó. Ngoài ý thức ra thì con người không có một vật gì để chủ động điều khiển thiện hay ác pháp được.

Do thấu suốt được lý này, nên bốn chân lý của đạo Phật mới ra đời để giải quyết mọi sự khổ đau của kiếp con người.

Cho nên, Chánh kiến và Chánh tư duy trong Đạo Đế là gì các bạn có biết không? Đó là ý thức các bạn ạ. Ý thức dẫn đầu trong giáo pháp của đức Phật một cách rõ ràng và cụ thể.

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác”

Hai câu này là một pháp hành rất cụ thể. Đó là pháp hướng tâm“Như lý tác ý”. Tức là “pháp dẫn tâm vào đạo”, nghĩa là khi biết tâm là ý thức dẫn đầu mọi pháp thì có đường đi để đạt được mục đích bất động tâm không còn khó khăn.

Hai câu kệ này đã xác định cho chúng ta biết chỉ có loài người mới có một phương tiện tối ưu như vậy. Nếu chúng ta biết sử dụng nó, thì nó sẽ giúp chúng ta thoát khổ của kiếp làm người, còn nếu chúng ta không biết sử dụng, để tự nó dẫn dắt chúng ta đi, thì chắc chắn cuộc đời sẽ đen tối và sự đau khổ triền miên bất tận.

Nếu biết được “tâm dẫn đầu mọi pháp” thì giờ này chúng ta đâu có đau khổ. Phải không hỡi các bạn?

Vì nó dẫn đầu, tức là nó làm chủ mọi pháp. Làm chủ mọi pháp, trong mọi pháp đó, phải có pháp sanh, già, bệnh, chết. Nhưng cớ sao con người lại không làm chủ những điều này?

Con người không làm chủ được những điều này, là vì con người không biết cách điều khiển “ý”,để nó làm chủ mọi pháp.

Cho nên, hiện giờ “các pháp dẫn đầu tâm”, chứ không phải“tâm dẫn đầu mọi pháp”. Phải không hỡi các bạn?

Các pháp dẫn đầu tâm, vì thế tâm thường phải chịu đau khổ.

Hôm nay đức Phật xác định: “Tâm dẫn đầu các pháp” chúng ta đã sáng mắt ra và đã hiểu rõ lời dạy này như ánh đuốc soi vào đêm tối. Lời dạy này như chúng tôi đã nói ở trên là một pháp hành cụ thể “dẫn tâm vào đạo, chứ đừng dẫn đạo vào tâm”.

Nhờ hiểu biết câu này, nên hằng ngày chúng ta dẫn tâm vào đạo: “tâm như đất, lìa tham, sân, si cho sạch; tham, sân, si là pháp khổ đau phải xa lìa, viễn ly”. Đó là câu trạch pháp đầu tiên để thực hiện dẫn tâm vào thiện pháp và dẫn tâm diệt trừ ác pháp “Tâm dẫn đầu mọi pháp”.

Lời chú giải này là một trong những kinh nghiệm tu hành của chúng tôi đã mang đến kết quả giải thoát một cách cụ thể rõ ràng. Chúng tôi chú giải câu kệ này, để các bạn hiểu những lời dạy của đức Phật không còn là thứ ngôn ngữ suông, mà từ lâu các bạn chỉ biết nó là một lời nói đúng và rất hay, chứ không ngờ nó là một phương pháp tu hành căn bản nhất của đạo Phật. Nếu lời chú giải này có lợi ích thật sự cho các bạn thì các bạn hãy thực hành, còn nếu không lợi ích thì xin các bạn ném bỏ nó, như ném bỏ một chiếc giày rách.

“Tâm dẫn đầu các pháp”, khi biết nó là pháp ác thì các bạn có nên để tâm của các bạn dẫn pháp ác đó vào thân tâm bạn không?

Nếu bạn là một người mất trí thì mới dùng tâm mình dẫn pháp ác vào tâm để mình chịu khổ đau. Phải không các bạn?

Muốn làm sáng tỏ pháp dẫn tâm, nên đức Phật đã răn nhắc chúng ta bằng những câu kệ kế tiếp sau:

“Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm”

Câu kệ đầu có nghĩa là “nói hay hành động” tức là dẫn tâm, còn câu kế“với tâm tư ô nhiễm” tức là ác pháp.

Hai câu kệ này có nghĩa là “dẫn tâm vào ác pháp”.

Dẫn tâm vào ác pháp thì sẽ như thế nào các bạn? Đức Phật xác định:

“Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo”

Bốn câu kệ này có nghĩa là: Nếu người nào dẫn tâm vào ác pháp thì sự đau khổ sẽ không bao giờ mất, nó luôn luôn như chiếc xe theo vật kéo, phước còn thì chưa thấy tai họa, đến khi phước hết thì họa khổ sẽ đến liền.

Tâm tư ô nhiễm, tức là tâm ác, tâm làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

“Tâm dẫn đầu các pháp” là một pháp môn rất cụ thể, giúp cho mọi người thoát khổ ngay liền. Nó là pháp môn vừa ngăn ác pháp mà cũng vừa diệt ác pháp rất tuyệt vời. Nếu ai biết áp dụng thực hành thì tâm hồn sẽ thanh thản, an lạc và vô sự, bất động trước các pháp ác và cảm thọ.

Chúng tôi xin nhắc lại toàn bộ bài kệ:

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo”.

Bài kệ này rút ra được bài pháp thực hành cụ thể như:

1- Pháp dẫn tâm “Như lý tác ý”.

2- Không nên dẫn tâm vào ác pháp.

3- Phải tĩnh thức trên mọi hành động của thân, tâm để tránh và dẫn tâm xa lìa các ác pháp.

Chỉ một bài kệ này đã giúp cho người theo đạo Phật thấy được tâm giải thoát bằng những hành động cụ thể dẫn tâm vào đạo.

Trong bài kệ này có một tích chuyện mà chúng tôi không chấp nhận, đó là câu chuyện của Trưỡng Lão Cakkhapãla, vì không thấy đường nên đi kinh hành làm chết côn trùng rất nhiều trong một đêm mưa gió loài côn trùng xuất hiện.

Thưa các bạn! Câu chuyện này thật là vô lý. Trưởng Lão Cakkhapãla là người đã chứng quả A La Hán, thế mà không sáng suốt nhận định được côn trùng xuất hiện được sau cơn mưa. Đó là cái sai thứ nhất.

Người chứng đạo vô lậu, lòng từ, ban rải khắp cùng, có đâu lại nỡ tâm đi kinh hành để vô tình giết hại chúng sanh. Đó là cái sai thứ hai.

“Tâm dẫn đầu các pháp” là một vị tu sĩ như Cakkhapãla không biết sao? Không dẫn tâm được sao?

Nếu dẫn tâm thì làm sao có vô tâm giết hại chúng sanh. Đó là cái sai thứ ba.

Nếu bảo rằng bài kinh ví dụ này là để đức Phật xác định câu kinh Pháp Cú này, khi vô tâm không tội. Theo chúng tôi nghĩ đạo Phật là đạo trí tuệ, đạo sáng suốt, đạo tĩnh thức, định tĩnh thì làm sao có vô tâm được. Phải không các bạn? Đó chỉ là Đại Thừa kiến giải theo kiểu học giả, chứ Phật nào có dạy như vậy đâu? Vì dạy như vậy trái với đạo tĩnh thức.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, mỗi hành động đều phải có sự tĩnh thức để luôn sống ở trong chánh kiến của đạo Phật thì làm sao có vô tâm? Người vô tâm, vô phân biệt là người của ngoại đạo. Trong đạo Phật Chánh kiến chưa đủ, mà còn phải Chánh tư duy.

Nếu Trưởng Lão Cakkhapãla sống trong Chánh kiến, Chánh tư duy thì làm gì lại đi kinh hành để vô tâm sát hại chúng sanh như vậy.

Cho nên, bảo rằng: Đức Phật đem ví dụ để xác định bài kệ vô tâm giết hại chúng sanh là không tội. Điều đó sai với chân lý của đạo Phật, như chúng tôi đã nói ở trên. Vì đạo Phật có Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo không cho phép chúng ta làm việc gì vô tâm cả. Vì vô tâm cũng phải đoạ địa ngục, cũng phải chịu nhiều khổ đau.

Vì vô tâm sát hại thì người lái xe đã gây ra tai nạn giao thông cũng là vô tâm, để rồi phải thọ lãnh sự khổ đau tù tội không phải riêng mình mà còn gây ra cả bao nhiêu người khác đau khổ nữa. Cho nên, bài kinh ví dụ này là sai.

Câu kinh Pháp Cú đã xác định nghĩa của đạo Phật rõ ràng:

“Tâm dẫn đầu các pháp”

Tâm dẫn đầu các pháp mà tâm không sáng suốt, tâm không tĩnh thức, tâm không định tĩnh thì tâm sẽ dẫn chúng ta vào đau khổ.

Nếu hành động vô tâm, tức là không chỉ huy các pháp thì các pháp sẽ dẫn đầu tâm, như vậy không thể gọi là “tâm dẫn đầu các pháp”.

Xét ra tích chuyện Pháp Cú là do người sau bịa đặt, làm sai ý nghĩa câu kinh. Xin quý bạn lưu ý đừng để kiến giải của học giả lừa đảo quí bạn, làm mất ý nghĩa pháp hành quí báu của đức Phật.

Mới vào đầu câu kệ của kinh Pháp Cú mà các Tổ đã lồng truyện tích làm sai ý pháp Phật, thật là đau lòng.

Chúng ta là đệ tử của Phật phải sáng suốt để bài trừ tà kiến trong Phật giáo.

Tóm lại, bài kệ này trong kinh Pháp Cú có một giá trị rất lớn về pháp hành trong chân lý Đạo Đế của đạo Phật, tức là nó thuộc về sáu nẻo trong Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn.

Đứng về thiền định thì nó thuộc về pháp hành của Tứ Chánh Cần “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng”. Còn đứng về giới luật thì nó là “hạnh ly dục ly ác pháp”.

Vì thế, biết áp dụng sáu câu kệ này vào cuộc sống hằng ngày thì con đường giải thoát của đạo Phật ở ngay trước mắt các bạn và quả A La Hán cũng ngay tại đó.

LỜI XÁC ĐỊNH THỨ HAI CỦA ĐỨC PHẬT

 

LỜI PHẬT DẠY

- 2 -

“ Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Xin nhắc lại bài kệ trên, tâm dẫn đầu các pháp ác thì tâm khổ não, sự khổ não đó theo ta cũng giống như xe theo con vật kéo. Nếu tâm không dẫn đầu ác pháp thì tâm không khổ. Do tâm dẫn đầu ác pháp nên tâm phải chịu khổ, sự khổ đau đó không thể nào tránh khỏi, vì thế nên đức Phật ví nó như xe theo con vật kéo.

Cho nên, người sống trong ác pháp mà bảo rằng có hạnh phúc, an vui thì không thể nào tin được vì quả khổ sẽ theo ta như xe theo con vật kéo. Đó lời xác định của đức Phật như vậy. Cho nên, một người còn ăn thịt chúng sanh, mà bảo rằng họ sống có hạnh phúc thì chúng ta làm sao tin được.

Qua bài kệ thứ nhất, chúng ta xét lại bài kinh Song Tầm, thì bài kệ thứ nhất, tức là tầm ác.

Tầm ác là gì?

Là sự suy tư về một ác pháp để biến ra lời nói hay hành động làm đau khổ mình, đau khổ người và chúng sanh.

Ví dụ: Hôm nay là ngày Tết mọi nhà đều giết loài vật để ăn Tết. Trước khi giết loài vật để ăn Tết thì chúng ta suy tư, phải giết con lợn, con gà, con vịt hay cá tôm, v.v..

Sự suy tư như vậy là tâm dẫn đầu ác pháp.

Khi sai bảo người nhà: “Con hãy ra bắt con gà giết thịt làm cỗ cúng ông bà”, lời nói này là lời nói ác pháp. Khi ấy, đứa con trai ra chuồng bắt con gà cột hai chân lại đem ra cắt cổ gà.

Hành động bắt gà, cột hai chân và hành động cắt cổ là hành động ác pháp. Cho nên, lời nói hay hành động ác pháp đều do tâm dẫn đầu trong ác pháp.

Sự suy nghĩ làm đau khổ và giết con gà chết là nhân ác. Nhân ác thì làm sao tránh khỏi quả khổ đau, vì thế đức Phật dạy:

“Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo”.

Ngược lại, bài kệ thứ hai cũng như vậy, nhưng bài kệ thứ hai lại tâm dẫn đầu vào thiện pháp, tức là sự tư duy thiện. Sự tư duy thiện sẽ biến ra lời nói và hành động thiện tức là tầm thiện như trong bài kinh Song Tầm mà Đức Phật đã dạy phương pháp thiền định “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.

Người mà tâm dẫn đầu mọi pháp thiện thì lời nói hay hành động đều thiện, tức lời nói và hành động không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh và như vậy đức Phật đã xác định:

“Hạnh phúc sẽ theo ta.

Như bóng không rời hình”.

Đọc bài kệ một và bài kệ hai chúng ta thấy rất rõ, một tâm của chúng mà có hai mặt: thiện và ác: mặt ác khổ đau sẽ đến với chúng ta mãi mãi; mặt thiện hạnh phúc và an vui cũng sẽ theo chúng ta mãi mãi.

Xét qua hai bài kệ này chúng ta thấy được phương pháp tu hành của Đạo Phật rất cụ thể.

Nếu một người muốn tìm đường thoát khổ của kiếp làm người thì bất cứ ở đâu, không cần phải vào chùa, lên non, núi, rừng… đều tu giải thoát được cả.

Biết tâm là phương pháp dẫn đầu mọi pháp, nên chúng ta sử dụng tâm dẫn vào sự ngăn chặn và diệt ác pháp, không cho dẫn tâm vào ác pháp. Nói một cách khác, là chúng ta điều khiển tâm xa lìa ác pháp và luôn luôn dẫn tâm vào thiện pháp.

Hằng ngày thường dẫn tâm xa lìa ác pháp và dẫn tâm vào thiện pháp như vậy, thì đó là cách thức tu tập của đạo Phật.

Hai bài kệ trên đây là một phương pháp thực hành sống ngăn ác diệt ác pháp và sanh thiện tăng trưởng thiện pháp bằng cách dẫn tâm theo ý muốn của chúng ta. Chắc chắn kết quả: “Hạnh phúc sẽ theo ta như bóng không rời hình”.

Trong kinh Pháp Cú có hai bài kệ này là pháp môn tu hành tuyệt vời, nếu ai có duyên gặp được pháp bảo này mà không tu tập để chịu một đời khổ đau thì người ấy là người ngu.

Đừng dẫn tâm vào ác pháp thì đâu phải khổ đau. Biết ác pháp mà dẫn tâm vào ác pháp thì chỉ có người vô minh ngu si mới làm điều này.

Biết ác pháp là khổ đau mà cứ dẫn tâm vào ác pháp thì người ấy chỉ là một con vật ngu si.

Ví dụ: Biết tâm tham, tâm sân là ác pháp là khổ đau mà cứ dẫn tâm vào chỗ đó là người ngu si như con thú vật.

Con người không thể là con vật. Biết giết hại ăn thịt chúng sanh là khổ não sẽ theo ta như xe theo vật kéo, thế mà cứ sống và giết hại và ăn thịt chúng sanh thì làm sao tránh khỏi khổ não.

Trên đời “khổ não”ai mà chẳng sợ, thế sao lại dẫn tâm vào ác pháp, để chịu lấy khổ não. Người ơi! Sao lại ngu quá vậy?

Thịt cá chúng sanh là những chất bất tịnh tanh hôi uế trược, có gì thanh tịnh trong sạch đâu? Mà lại thích ăn, cái ngon nơi miệng của quí vị là cái ảo giác. Ăn vào miệng có ngon hoài đâu? Nuốt qua khỏi cổ cái ngon còn đâu? Như vậy không phải là ảo giác sao?

Người có trí, có ý thức, có sự hiểu biết một chút về điều này thì chắc chắn sẽ dẫn tâm vào thiện pháp chứ không điên gì mà dẫn tâm vào ác pháp và như vậy người ấy đã thoát khổ.

Hai bài kệ trên đây chính đức Phật dạy chúng ta sống bắt đầu cho nền đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Để kết luận bài này chúng ta đọc lại cả hai bài kệ trên:

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta.

Như xe theo vật kéo.

      --o0o--

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình”.

Đọc xong bài kệ này chúng ta hãy lắng nghe dư âm đang cùng khắp trong không gian và thấu tận đáy tâm hồn của chúng ta với một trạng thái thanh thản, an lạc, hạnh phúc tuyệt vời trong môi trường sống của muôn loài, cũng từ đó lòng yêu thương sự sống của chúng ta phủ trùm trên hành tinh này như không khí.

TẦM ÁC VÀ TẦM THIỆN

 

LỜI PHẬT DẠY

- 3 -

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Ai ôm ấp niệm ấy

Hận thù không thể nguôi”.

- 4 -

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Không ôm ấp niệm ấy

Hận thù sẽ tự nguôi”

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Hai bài kệ đầu của kinh Pháp Cú, đức Phật đã xác định:“Tâm dẫn đầu mọi pháp”và kế đó là những câu trong bài kệ đó là chỉ cho chúng ta cái sườn tổng quát của phương pháp hành thiền của đạo Phật.

“Tâm chủ tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo”.

Đến bài kệ thứ 3 và thứ 4 thì đức Phật xác định cách thức tu tập đi vào chi tiết rất rõ ràng và cụ thể bằng phương pháp dẫn tâm:

Nếu dẫn tâm bằng ác pháp thì phải dẫn tâm như câu kệ 3 dạy.

Đây là lối dẫn tâm vào ác pháp:

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Ai ôm ấp niệm ấy

Hận thù không thể nguôi”.

Bốn câu kệ này là phương cách dẫn tâm vào ác pháp.

Đọc đến đây, chắc quý bạn thấy lối dẫn tâm của đạo Phật rất rõ ràng. Phải không các bạn?

Bốn câu kệ trên đó là lối dẫn tâm vào ác pháp để mà chịu khổ đau. Phải không hỡi các bạn?

Nếu là một người ngu si thường hay nghĩ người ta chửi mình, hại mình, ghét mình, thì đó là tự mình chuốc lấy khổ đau cho mình.

Nếu là một người ngu thường hay nghĩ người ta nói xấu mình, vu oan, làm khổ mình. Đó là tự mình dẫn tâm vào ác pháp, chuốc lấy khổ đau cho mình.

Đối với đạo Phật chỉ có người vô minh, ngu si như loài vật, mới dẫn tâm vào chỗ khổ đau như vậy, còn người có trí không thể sống như vậy được.

Bốn câu kệ này đã trở thành chi tiết của pháp dẫn tâm vào ác pháp. Nó là câu trạch pháp của“pháp như lý tác ý ác”.

Nếu đứng về pháp lậu hoặc thì nó là tầm ác, tầm ác tức là tà tư duy.

Trong Bát Chánh Đạo thì tà tư duy không được chấp nhận.

Thưa các bạn! Bốn câu kệ này được xếp loại:

1-        Pháp như lý tác ý ác.

2-        Song tầm thì nó là tầm ác.

3-        Bát Chánh Đạo nó là tà tư duy.

4-        Định Vô Lậu thì nó là Định Hữu Lậu.

Ngược lại bài kệ thứ tư:

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Không ôm ấp niệm ấy

Hận thù sẽ tự nguôi”.

Bài kệ thứ tư nếu ai thường tác ý như vậy thì thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự không bao giờ có phiền não, khổ đau, sợ hãi v.v..

Nếu gặp ác pháp mà ai cũng tư duy như câu kệ trên đây thì tâm hồn sẽ không bao giờ có khổ đau, phiền lụy, buồn khổ, v.v.. Phải không hỡi các bạn?

Người nào thường hay sống với Chánh tư duy như vậy thì chắc chắn cuộc đời của họ làm gì có khổ đau.

Đọc qua bốn bài kệ trong kinh Pháp Cú, chúng ta thấy rất rõ: Kinh Pháp Cú là một loại kinh dạy về đạo đức làm người, có pháp hành cụ thể, đưa dắt con người vào cuộc đời đầy tình thương yêu giữa mình và người; giữa người và mọi loài vật. Và ai cố gắng tu tập sẽ biến cảnh giới thế gian thành cảnh giới Niết Bàn một cách thực tế. Nếu một người muốn tìm tu giải thoát thì ngay khi bắt đầu vào bài kệ 1, 2 thì chúng ta cũng đã nhận ngay ra chỉ có con người mới có một phương tiện ý thức để phân biệt để tiến tu đến giải thoát hoàn toàn (Bài kệ 1 và 2).

Bài kệ ba và bốn là chi tiết của pháp tác ý để tiến sâu vào nội tâm giải thoát bằng Chánh tư duy hay bằng phương cách tác ý qua những câu kệ trạch pháp trên.

Nếu hằng ngày chúng ta sống với những câu kinh Pháp Cú này, thường xuyên như lý của nó mà người nào tác ý ra thì chúng tôi xin bảo đảm cùng các bạn: Người ấy là người giải thoát. Đó là con đường giải thoát của đạo Phật đang ở trong tầm tay của quý bạn. Các bạn đừng bỏ qua một pháp môn đức hạnh tuyệt vời, quý báu của loài người, rất uổng các bạn ạ!

LẤY ÂN BÁO OÁN

 

LỜI PHẬT DẠY

- 5 -

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không thể có

Từ bi diệt hận thù

Là định luật thiên thu”.

- 6 -

“Và người khác không biết

Chúng ta đây bị hại

Chỗ ấy, ai hiểu được

Tranh luận được lắng êm”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)
.

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ năm hai câu đầu là một tà tư duy giúp cho chúng ta hiểu rõ nghĩa lý sống của cuộc đời: Không thể lấy hận thù diệt hận thù được.

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không thể có”

Lời dạy này là một chân lý không thể ai thay đổi được. Bởi vì cuộc đời này không thể lấy hận thù diệt hận thù được. Mà chỉ có lòng thương yêu của chúng ta mới diệt được hận thù. Hai câu dưới đây mới thật sự là Chánh tư duy:

“Từ bi diệt hận thù

Là định luật thiên thu”

Sự tư duy này giúp cho chúng ta thấu rõ định luật bất di bất dịch của loài người, duy nhất chỉ có lòng thương yêu mới diệt được hận thù.

Khi chúng ta tư duy suy nghĩ như vậy, giúp cho chúng ta lớn mạnh trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả.

Một bài kệ trong kinh Pháp Cú là một viên gạch xây tòa lâu đài đạo đức nhân bản làm người. Mỗi một viên gạch Pháp Cú sẽ làm tăng trưởng tri kiến giải thoát trong ta, sẽ giúp đời sống của chúng ta gắn chặt vào nền đạo đức nhân bản - nhân quả.

Hỡi các bạn thân thương! Các bạn hãy tu tập, rèn luyện tâm mình theo kinh Pháp Cú, thì cuộc sống đạo đức của các bạn càng ngày càng thêm lớn mạnh. Và đời sống của các bạn tràn đầy sự an vui và hạnh phúc. Các bạn có tin chăng? Tin thì có lợi cho các bạn, bằng không tin thì thôi, chứ chúng tôi không có quyền cám dỗ và lôi cuốn các bạn. Chúng tôi chỉ nói một sự thật để may ra ai có hữu duyên gặp pháp bảo này sẽ giúp họ có một cuộc sống an lành thì chúng tôi cũng mãn nguyện lắm rồi.

Nhờ có pháp như thế mà sống giữa các ác pháp, tâm bất động. Vì chúng ta đã biết hận thù không thể diệt hận thù mà chỉ có lòng yêu thương mới được diệt hận thù.

Đến bài kệ thứ sáu:

“Và người khác không biết

Chúng ta đây bị hại”

Một người dùng tâm nhẫn nhục, khởi lòng thương yêu người hung dữ ức hiếp, chửi mắng, làm hại mình, thì người đời không hiểu cho rằng: chúng ta là kẻ hèn nhát, không dám ăn thua với kẻ kia. Và vì sự nhẫn nhịn như thế mà kẻ dữ hung ác kia sẽ lẫy lừng, ăn hiếp, lấn lướt chúng ta nữa. Và nếu chúng ta ăn thua đủ với kẻ hung dữ thì như vậy làm sao gọi: “Từ bi diệt hận thù”.Chính sự nhẫn nhục và lòng yêu thương đó mới gọi là “Từ Bi diệt hận thù”.

Xin thưa cùng các bạn! Những điều suy nghĩ trên đây rất đúng. Vì đã nhẫn nhịn mà còn khởi tâm thương yêu. Nhất là chúng ta còn biết chịu thua rồi chạy. Do đó, người ấy có hung ác đến bao nhiêu, họ cũng không thể hại ta được. Vì chúng ta biết nhẫn và biết thương yêu, thì hành động thân, miệng, ý của chúng ta không cho phép chúng ta làm cho người kia tức giận hơn nữa. Vì thế, cơn sân hận của họ sẽ được lắng êm.

Người ta hiểu lầm khi“lấy từ bi diệt hận thù”không có nghĩa là chịu thua, không có nghĩa là hèn nhát. Mà có nghĩa là biết sống, sống một đời sống đạo đức cao thượng tránh không làm khổ mình, khổ người. Đó mới xứng đáng là đệ tử của Phật, của người thọ trì kinh Pháp Cú.

Thời nay phần nhiều người ta đọc kinh Pháp Cú thấy nó rất hay, nhưng chẳng mấy ai biết sống như thế nào cho đúng nghĩa của nó. Vì thế, kinh Pháp Cú cũng chỉ giống như những cuốn kinh sách khác với một số ngôn ngữ răn nhắc làm điều thiện, chứ chưa ai biết thực hành như thế nào để sống một đời sống đạo đức và có thể đi xa hơn nữa là tu tập vô lậu hoàn toàn chứng quả A La Hán.

Nếu những ai có kinh nghiệm biết rõ thì kinh Pháp Cú có những pháp hành tu tập từ căn bản đến nhập các định và thực hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán.

Những bài kinh Pháp Cú đầu tiên này là dạy chúng ta tu tập ly dục ly ác pháp. Để sống một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, kế đến những bài kinh khác dạy chúng ta nhập định và thể hiện Tam Minh một cách cụ thể rõ ràng, xin các bạn vui lòng đọc tiếp những bài kinh sau này.

Từ xưa đến nay, không có người tu chứng nên không triển khai được kinh này thành một giáo trình tu tập của đạo Phật.

Kinh này dạy đạo đức rất cụ thể và thực tế. Bắt đầu học là có pháp thực hành ngay liền để tâm được giải thoát an vui và hạnh phúc.

Từ chỗ “Từ bi diệt hận thù”người ta đọc tới đây chỉ thấy nó là một lý thuyết suông của ngôn ngữ Phật giáo. Nhưng Sự thật không phải vậy: “Từ bi diệt hận thù”là pháp môn tu nhẫn nhục với tâm hồn buông xả. Muốn buông xả được thì phải khởi lòng thương yêu người hận thù mình. Khởi lòng yêu thương tức là tâm từ bi, chỉ có tâm từ bi mới nhẫn nhục mà không bị ức chế tâm. Từ bi là pháp môn chế ngự tâm, hàng phục tâm. Từ bi là pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm gồm có: từ, bi, hỷ, xả. Nếu muốn biết rõ tu tập pháp này thì hãy đọc “Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm”.

Tại sao lại phải thương yêu người hận thù với mình?

Tại vì người hận thù mình là người đang đau khổ nhất, người đang ở trong ác pháp. Biết người đang đau khổ mà ta lại làm cho họ đau khổ hơn thì ta đâu phải là con người. Phải không hỡi các bạn?

Chỉ là một con thú mới không biết điều này; mới tức giận kẻ chửi mình. Nếu oán ghét người chửi mình, từ đó hận thù chồng lên hận thù.

Bài kinh thứ 6, “Chỗ ấy ai hiểu được

Khi một người tu hạnh nhẫn nhục biết thương yêu và tha thứ cho kẻ khác, thì khó có người khác nhận ra được điều này. Người ta chỉ thấy người nhẫn nhục là người hèn nhát, dường như người ấy sẽ bị hại, bị người khác lấn lướt, nên kinh dạy: “Mà người khác không biết”cho người nhẫn nhục bị hại, bị chà đạp: “Chúng ta đây bị hại”.

Người có hạnh nhẫn nhục, có lòng thương yêu thì chuyện to trở thành nhỏ, chuyện nhỏ được lắng êm như không có chuyện gì xảy ra, nên kinh dạy:

“Chỗ ấy ai hiểu được

Tranh luận được lắng êm”

Tóm lại, bài kệ thứ 3 và thứ 5, là lời của đức Phật dạy về pháp ngăn ác pháp.

Bài kệ thứ 4 và thứ 6 là dạy về pháp diệt ác pháp. Ai biết rõ như vậy thì ác pháp không xâm chiếm tâm mình được.

Khi áp dụng vào pháp ngăn và pháp diệt ác pháp này, thì phải dùng pháp như lý tác ý, pháp quán vô lậu trong Chánh tư duy, còn diệt ác pháp thì phải dùng Định Vô Lậu tư duy quán xét để xả tâm khiến cho ác pháp bị diệt mất không còn tác dụng vào thân, tâm mình được nữa.

PHÒNG HỘ SÁU CĂN

 

LỜI PHẬT DẠY

- 7

“Ai sống theo dục lạc

Không nhiếp hộ các căn

Ăn uống thiếu tiết độ

Biếng nhác, chẳng tinh cần

Dễ bị ma nhiếp phục

Như gió lay cây yếu”.

- 8 -

“Ai sống quán bất tịnh

Khéo hộ trì các căn

Ăn uống có tiết độ

Có lòng tin, tinh cần

Ma không uy hiếp được

Như núi đá trước gió”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ bảy là pháp môn dạy giữ gìn sáu căn. Câu kệ đầu dạy: “Ai sống theo dục lạc”.Nghĩa là người tu theo đạo Phật thì không nên sống theo dục lạc. Vì dục lạc ở đời dễ cám dỗ con người đi vào đường sa đọa, đắm nhiễm ác pháp khiến cho đời người phải chịu nhiều thứ khổ đau. Cho nên, sống không theo dục lạc là sống không bị ác pháp chi phối. Sống không bị ác pháp chi phối, tức là sống ly dục ly ác pháp.

Sống không theo dục lạc là sống Đạo, sống thoát khổ; sống không theo dục lạc là sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người; sống không theo dục lạc là sống ly dục ly ác pháp; sống không theo dục lạc là sống đời Thánh hạnh; sống không theo dục lạc là sống tại thế gian mà thân tâm ở cảnh giới Niết Bàn.

Cho nên, ai sống theo dục lạc là sống trong ác pháp; sống trong đau khổ; sống theo dục lạc tưởng là hạnh phúc, nhưng chính thật là khổ đau; sống theo dục lạc là sống không ly dục ly ác pháp. Người ấy dù muốn tu tập thiền định thì chẳng bao giờ có thiền định; sống theo dục lạc là đời sống không bao giờ có đạo đức làm người đối với chính mình, đừng nói chi có đạo đức đến người khác.

Bài bảy câu 2, “Không nhiếp hộ sáu căn”.Câu kệ này Phật dạy: Người tu hành không nhiếp hộ sáu căn, để 6 căn rong ruổi theo sáu trần thì còn gì là ý nghĩa của ngườitu giải thoát.

Bởi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Do tiếp xúc sáu trần mới có dục (Năm dục trưởng dưỡng). Có dục thì dục mới đưa con người vào ác pháp, vào ác pháp thì mới chịu nhiều khổ đau.

Cho nên, trên bước đường tu tập theo đạo Phật thì sự nhiếp hộ 6 căn là vấn đề quan trọng và cũng là hàng đầu trong pháp môn tu tập của Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.

Nhiếp hộ sáu căn có nghĩa là giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, đừng để cho chúng chạy theo sáu trần. Chúng chạy theo sáu trần tức là tâm phóng dật.

Ví dụ: Các bạn tu hành mà thích trò chuyện, tiếp duyên thì đó là các bạn đã tu sai, tu như vậy khó ly dục ly ác pháp.

Trước khi bạn chưa tu, thì bạn nên nghiên cứu, học hiểu nghe băng, những điều cần thiết để thấu suốt đường tu của bạn. Còn nếu bạn bắt đầu tu mà còn nghe băng, đọc kinh sách… Đó là bạn không nhiếp hộ 6 căn thì bạn có tu bao lâu cũng chẳng đến đâu được.

Trước khi bạn tu tập thì bạn còn lao động làm việc này, việc nọ, nhưng khi đã tu tập, mà bạn còn lao động làm việc này, việc nọ, thì đó là bạn không phòng hộ sáu căn. Do đó, con đường tu của bạn chẳng ích lợi gì thiết thực cho bạn. Bạn có biết không?

Chỉ vì bạn không nhiếp hộ sáu căn, nên mới sinh ra việc làm này, việc làm khác.

Muốn nhiếp “các căn chỉ có phương pháp đôc cư là nhiếp hộ 6 căn đệ nhất”. Nó vừa phòng hộ, vừa nhiếp phục sáu căn của bạn quay vào trong thân.

Cho nên, con đường tu theo đạo Phật thì nhiếp hộ sáu căn là pháp môn cần thiết nhất giúp bạn ly dục ly ác pháp, nhập các loại định hữu sắc.

Khi nhiếp hộ sáu căn thì nhiếp phục sự ăn uống là điều tối ưu quan trọng. Ăn uống phải tiết độ, ăn uống không được ăn uống phi thời. Vì ăn uống không tiết độ và phi thời, thì đó là tâm bạn chạy theo dục lạc. Tâm chạy theo dục lạc là do thiếu sự phòng hộ và nhiếp phục các căn.

Ăn uống không tiết độ, ăn uống phi thời, thì dễ sanh ra biếng nhác, không tinh cần, thường thích sống trong dục.

Ba câu kệ của bài bảy:

“Không nhiếp hộ sáu căn

Ăn uống thiếu tiết độ

Biếng nhác, chẳng tinh cần”

Ba câu kệ này chỉ dạy cho người mới tu, nó là pháp chế ngự để phòng hộ nhiếp phục sáu căn, là để ăn uống có tiết độ, không được ăn uống phi thời và để siêng năng không được biếng nhác, đó là những điều cần thiết cho những người mới tu tập. Người mới tu tập mà không giữ gìn những đức hạnh này thì cuộc đời tu của mình thật là phí uổng. Chẳng bao giờ tìm được sự giải thoát chân thật.

Hai câu kệ cuối cùng của bài kệ thứ bảy, là để kết luận cho những người tu tập không đúng pháp hay để tâm phóng dật chạy theo dục lạc, không nhiếp hộ sáu căn, thường ăn uống không tiết độ, ăn uống phi thời, do đó tâm dễ sanh ra biếng nhác, chẳng siêng năng tập luyện, chỉ thích ăn, thích ngủ, thì lúc bấy giờ sáu trần dễ dính mắc và dễ bị cám dỗ, nên kinh dạy:

“Dễ bị ma nhiếp phục

Như gió lay cây yếu”

Ngược lại, bài kệ thứ bảy là bài kệ thứ tám dạy: Ai siêng năng tinh cần không sống theo dục lạc, thường giữ gìn sáu căn không cho dính mắc sáu trần. Ăn uống có tiết độ, không ăn uống phi thời và lúc nào cũng tinh tấn siêng năng làm đúng, tu đúng, sống đúng như lời dạy trong bài kệ thứ tám, thì không bị sáu trần cám dỗ. Không phá hạnh độc cư nên tâm không bị sáu trần lay động, do đó tâm không phóng dật, vững vàng như thạch bàn trước gió.

Tóm lại, bài kệ thứ bảy và thứ tám là phương pháp dạy: sống đúng Thánh hạnh của bậc chân tu. Nếu người tu sống ngược lại Thánh hạnh, thì không phải là đệ tử của Phật. Vì đang bị sáu trần vây hãm, sống như người thế tục.

Sau khi thực hành được giải thoát theo như hai bài kệ này. Chúng ta hãy đọc lại mà lắng nghe tâm hồn mình đang nghĩ gì, làm gì cho đúng với chánh pháp của Phật dạy?

“Ai sống theo dục lạc

Không nhiếp hộ sáu căn

Ăn uống thiếu tiết độ

Biếng nhác chẳng tinh cần

Dễ bị ma nhiếp phục

Như gió lay cây yếu”.

                --o0o--

“Ai sống quán bất tịnh

Khéo hộ trì các căn

Ăn uống có tiết độ

Có lòng tin, tinh cần

Ma không uy hiếp được

Như núi đá trước gió”.

CHỈ ĐỊNH MỘT THÁNH TĂNG

 

LỜI PHẬT DẠY

- 9 -

“Ai mặc áo cà sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo cà sa”.

- 10 -

“Ai rời bỏ uế trược

Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế, sống chân thật

Thật xứng áo cà sa”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga. Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Tám câu kệ trên đây để xác định một tu sĩ Phật giáo đúng hay là sai.

Những người tu sĩ chưa rời bỏ những danh, lợi trong cuộc đời, đời sống chưa ba y một bát, chưa thiểu dục tri túc, chưa lấy gốc cây làm giường nằm, chưa cắt bỏ ái kiết sử… thì người ấy chưa rời uế trược. Do đó, người ấy chưa xứng đáng mặc áo cà sa. Như vậy, những câu kinh Pháp Cú đã xác định một tu sĩ Phật giáo đúng tư cách của một tu sĩ rõ ràng. Vậy các bạn đừng bảo rằng: Đức Phật không xác định đệ tử của Ngài, để các bạn nhận định biết ai là Thánh Tăng, ai là giả Tăng.

“Ai mặc áo cà sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo cà sa”.

Lời xác định này, chúng ta nhìn lại tu sĩ Phật giáo hiện giờ có xứng đáng là người tu sĩ của Phật giáo chưa? Có xứng đáng mặc áo cà sa chưa?

Bài kệ thứ 10 đức Phật đã xác định đệ tử của Ngài phải sống đúng như thế này mới thật sự là đệ tử của Ngài:

“Ai rời bỏ uế trược

Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế, sống chân thật

Thật xứng áo cà sa”.

Người tu sĩ Phật giáo hiện giờ nhìn chung có ai rời bỏ uế trược đâu. Uế trược ở đây có nghĩa danh và lợi. Chưa bỏ danh lợi có nghĩa là chưa ba y một bát; chưa ba y một bát có nghĩa là chưa thiểu dục tri túc; chưa thiểu dục tri túc có nghĩa chưa là trắng bạch như vỏ ốc, tâm hồn chưa phóng khoáng như hư không. Danh lợi ở đây chỉ cho chúng ta thấy tu sĩ hiện giờ là phú Tăng, chùa to Phật lớn như cung đình, tiền bạc có hằng tỉ tỉ, vật chất sống đầy đủ hơn người thế gian.

Còn nói đến giới luật thì ít thấy Thầy nào nghiêm trì. Nghiêm trì được giới này thì phạm giới kia. Nghiêm trì được giới kia thì phạm giới này. Như vậy, làm sao xứng đáng là đệ tử của Phật, là Thánh Tăng được, chỉ là Ma Ba Tuần đội lốt Phật giáo.

Đọc bài kệ thứ chín và bài kệ thứ 10 thì chúng ta xác định vị Sư, Thầy nào là đệ tử của Phật và vị Sư, Thầy nào là đệ tử của Ma, chúng ta thấy không mấy khó khăn.

Đức Phật đã nói lên hai bài kệ này là để cho hàng cư sĩ biết rõ những tu sĩ giả danh Phật giáo, lừa đảo tín đồ, hành nghề mê tín…

Cũng như trong một bầy bò, có lộn một con dê chúng ta cũng dễ nhận thấy, cũng như một bầy dê có lộn một con bò chúng ta cũng dễ nhận ra.

Bởi vậy, người tu sĩ chân chánh của Phật đâu phải ở chỗ có thần thông, bay lên trời, biết chuyện quá khứ vị lai, ngồi thiền nhiều ngày, mà ở chỗ đức hạnh của bậc Thánh Tăng thì mới đúng. Thần thông, biết chuyện quá khứ vị lai, ngồi thiền nhiều ngày không làm nên một đệ tử của Phật. Xin các quý bạn lưu ý.

Chỉ có tám câu kệ này đã giúp cho quý Phật tử không lầm thầy mình là Thánh Tăng Phật giáo hay là thầy mình là một thầy Bà La Môn ngoại đạo.

SONG TẦM

 

LỜI PHẬT DẠY

- 11 -

“Phi chân, tưởng chân thật

Chân thật tưởng phi chân

Do tư duy tà vạy

Chân thật không thể thành”.

- 12 -

“Chân thật biết chân thật

Phi chân biết phi chân

Do tư duy chân chánh

Chân thật tự nhiên thành”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Xét trong 4 chân lý của đạo Phật: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Chân lý thứ nhất, “Khổ Đế”thì khó có ai lầm, nên ngoại đạo không lồng vào được.

Chân lý thứ hai, “Tâp Đế”thì khó có ai lầm, vì thế ngoại đạo không bác được.

Chân lý thứ ba, “Diệt Đế”thì ngoại đạo đã lồng vào những hình ảnh trừu tượng, ảo giác [1]để lừa đảo tín đồ.

Chân lý thứ tư, “Đạo Đế”thì được ngoại đạo và các nhà học giả nghiên cứu giáo pháp, kiến giải, tưởng giải và lồng giáo pháp của ngoại đạo vào đã làm lệch lạc “Đạo Đế”.

Vì thế cái phi chân, tưởng là chân thật, chân thật tưởng là phi chân. Do sự tư duy không đúng chánh pháp nên từ các Tổ xa xưa cho đến ngày nay chưa có ai chứng quả vô lậu giải thoát của bậc A La Hán.

Nếu chúng ta cứ theo đúng con đường Đạo Đế mà tu tập sống ngăn ác diệt ác pháp, thấy mọi pháp biết cái nào đúng, cái nào sai không bao giờ lầm lạc thì chẳng lo gì không chứng quả vô lậu A La Hán.

Hai bài kệ này đức Phật đã xác định phương cách tu tập rất cụ thể rõ ràng: Nếu một người Chánh Tư Duy, tức là luôn luôn sống trong tầm thiện (suy nghĩ thiện) và luôn luôn diệt tầm ác, ngăn diệt sự tư duy ác thì sự tư duy chân thật sẽ tự nhiên thành tựu đạo quả vô lậu A La Hán.

Pháp hành của hai bài kệ này, tức là đức Phật dạy chúng ta tu tập theo pháp hành Song Tầm.

¨Tầm ác bài kệ thứ 11

¨Tầm thiện bài kệ thứ 12

Đây thuộc về Chánh Tư Duy trong Bát Chánh Đạo.

Đọc lại hai bài kệ chúng ta sẽ thấy pháp hành ngay liền!

Do tư duy không chân chánh (Tà Tư Duy) đưa đến cho ta có cái nhìn tà kiến thường sống trong ác pháp (tà mạng).

¨Tầm ác:

“Phi chân, tưởng chân thật

Chân thật, tưởng phi chân

Chân thật không thể thành”.

Do tư duy chân chánh dạy ta:

¨Tầm thiện:

“Chân thật biết chân thật

Phi chân biết phi chân

Chân thật tự nhiên thành”.

Tuy rằng những câu kinh Pháp Cú đơn giản như vậy, nhưng nó là một bài pháp Song Tầm ngắn gọn dễ hiểu, dễ hành, dễ thấy kết quả ngay liền.



[1]Cực Lạc Tây Phương, Niết Bàn, chân tâm Phật tánh, bản lai diện mục, linh hồn, thầnthức…

 

THIỆN XẢO TRONG TU TẬP

 

LỜI PHẬT DẠY

- 13 -

“Như mái nhà vụng lợp

Mưa thấm dột dễ dàng

Cũng vậy tâm vụng tu

Tham dục dễ thâm nhập”.

- 14 -

“Như mái nhà khéo lợp

Mưa khó thấm dột vào

Cũng vậy tâm khéo tu

Tham dục không xâm nhập”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ 13 và bài kệ thứ 14 đức Phật khuyên nhắc chúng ta khi tu tập phải thiện xảo khéo léo, đừng chấp chặt những giáo điều khô chết mà phải linh động, khéo léo để ngăn ngừa ác pháp tham dục.

Một người tu tập không nhiệt tình, thường tu lấy có, không thiện xảo dẫn tâm, không chế ngự được tâm, không nhiếp phục được tâm và không an trú được tâm, thì cũng giống như người lợp mái nhà, làm nhà lấy có, vụng lợp nên mái nhà mưa thấm dột dễ dàng.

Ví dụ: Một người tu Định Niệm Hơi Thở dẫn tâm định trên hơi thở mà không khéo léo thiện xảo thì vọng tưởng hôn trầm, thùy miên, vô ký dễ xen vào, giống như mái nhà vụng lợp, mưa thấm dột dễ dàng. Còn người khéo tu, thiện xảo, nhiếp phục, an trú thì vọng tưởng, hôn trầm, thùy miên và vô ký khó xen vào.

Người tu tập không khéo léo, không thiện xảo, không nhiếp phục được tâm thì tu hành mất công vô ích.

Tám câu kệ này là một lời khuyên tu của đức Phật: Nếu muốn tu thì phải tu cho kỹ lưỡng từng hành động, từng hơi thở trong mỗi pháp, không được tu lấy có hình thức.

Mỗi lần đọc lại hai bài kệ này là chúng ta thấy lời nhắc nhở của đức Phật rất thấm thía cho sự tu tập của chúng ta.

“Như mái nhà vụng lợp

Mưa thấm dột dễ dàng

Cũng vậy tâm vụng tu

Tham dục dễ thâm nhập”.

--o0o--

“Như mái nhà khéo lợp

Mưa khó thấm dột vào

Cũng vậy tâm khéo tu

Tham dục không xâm nhập”.

 

NHÂN QUẢ 1

 

LỜI PHẬT DẠY

- 15 -

“Nay buồn, đời sau buồn

Kẻ ác, hai đời buồn

Buồn nản, tự hủy diệt

Thấy việc ác mình làm”.

- 16 -

“Nay vui, đời sau vui

Kẻ thiện, hai đời vui

An vui, quá an vui

Thấy việc thiện mình làm”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ 15 và thứ 16 đức Phật đã khéo phân biệt quả của pháp ác và pháp thiện.

Bài kệ này cũng là bài pháp Song Tầm. Nhưng bài này đức Phật xác định kết quả của Song Tầm.

Nếu đời nay tư duy ác, mang ác pháp vào tâm thì tâm hồn sẽ buồn khổ, buồn khổ không những một đời mà nhiều đời.

“Nay buồn, đời sau buồn

Kẻ ác, hai đời buồn”

Đời người vì vô minh không hiểu luật nhân quả, tưởng mình làm ác để đạt được mục đích danh và lợi cho thỏa mãn lòng dục, nào ngờ quả khổ đến và họ nghĩ rằng: nếu có khổ cũng chỉ khổ một lúc mà thôi. Nhưng không phải vậy, quả khổ không phải đến một lúc mà còn duy trì từ đời này sang đời khác. Vì thế, có người sinh ra gặp ngay liền quả khổ, khổ quá không chịu nổi, nên phải tự tử, nhưng tự tử lại là một việc làm ác, do đó ác chồng ác, khổ chồng khổ.

“Buồn nản tự hủy diệt

Thấy việc ác mình làm”

Bài kệ này chúng ta nhận xét rằng: Nếu cuộc đời khổ vui là tự mình làm lấy cho mình, chứ kịch tuồng nhân quả luôn luôn nó diễn biến theo trò ảo thuật của nó mà thôi. Nếu chúng ta biết dừng thì nó dừng, còn không biết dừng thì nó vẫn diễn biến mãi mãi không lúc nào dừng nghỉ. Vì thế, khổ vui chồng chất lên mãi.

Nhưng điều chắc chắn, nếu chúng ta không biết dừng và diệt ác pháp, luôn tạo tác và ở trong ác pháp thì đời này, đời sau và đời sau nữa mãi mãi sống trong cảnh buồn khổ, dù bất cứ ở nơi cảnh giới nào cũng chẳng bao giờ có sự an vui và hạnh phúc cả, khi mà đã ôm vào lòng những ác pháp.

Bài kệ thứ 15 này chính là lời của đức Phật đã xác định như vậy, mong quý bạn đừng bảo rằng đức Phật không nói lời này.

Lời cảnh tĩnh này khéo nhắc nhở chúng ta sống phải biết ngăn và diệt ác pháp, nếu các bạn không tin thì các bạn sẽ phải chịu khổ đời này sang đời khác, nếu các bạn tin thì các bạn sẽ trở thành người có đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì đời sống của bạn là Thiên Đàng, Cực Lạc.

 Chúng tôi có một người bạn dám bảo rằng: “Này bạn, làm sao bạn có thể xác định được lời này là đúng của Phật nói, hay là lời này là không phải đức Phật nói?”. Ví dụ như hai câu kệ này:

“Nay buồn đời sau buồn

Kẻ ác, hai đời buồn”

Bởi vì đạo Phật bắt nguồn từ thiện pháp nên bộ giới luật đức hạnh và pháp môn của Ngài luôn dạy tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện, cũng đủ để xác chứng những câu kệ trên là Phật nói. Vì thế, hai câu kệ này là đức Phật đã xác định, để chúng ta thấu rõ. Ai ôm ác pháp đời sẽ buồn khổ. Đời buồn khổ sẽ không phải một đời mà nhiều đời. Các bạn cần phải nhớ lời này.

Chúng tôi là đệ tử của Phật nói ra lời nào thì không dám nói sai lời Phật dạy, vì nói sai lời dạy của đức Phật là phỉ báng Phật, cho nên chúng tôi chỉ có lập lại đúng ý nghĩa của nó, xin các bạn hiểu cho.

Bởi vậy, có một số người tu chưa chứng dám lấy kinh Phật thuyết giảng lung tung làm sai lêch ý Phật, khiến cho Phật giáo mất gốc như kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông.

Nếu một người hiểu biết đạo Phật, lúc nào cũng ngăn ác diệt ác pháp, luôn sống trong thiện pháp thì tâm hồn luôn luôn thanh thản, an vui và vô sự. Sự an vui, thanh thản và vô sự ấy không những ở đời này, đời sau và đời sau nữa mãi mãi.

Với tâm hồn thanh thản, an vui và vô sự đó, dù thời gian nào, ở bất cứ nơi đâu, Địa Ngục, Thiên Đàng, Niết Bàn, Cực Lạc… tâm hồn cũng thanh thản, an vui và vô sự đó mãi mãi bất diệt. Như kinh Pháp Cú dạy:

“Nay vui đời sau vui

Kẻ thiện, hai đời vui”

Đó là lời xác chứng mạnh mẽ, hùng hồn, chân thật. Chỉ có sống trong thiện pháp là giải thoát, là hết khổ đau. Muốn được vậy thì ngày ngày chúng ta phải chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp không để tâm mình bị chướng ngại ác pháp. Đấy là mình sống cho mình, sống trong thiện pháp; đấy là mình tu theo đúng pháp Phật để ly tham đoạn ác pháp.

Hai bài kệ này đã xác định cho chúng ta thấy pháp môn Tứ Chánh Cần là tại nơi đây. Bài kệ thứ 15 cho chúng ta thấy quả của người không ngăn ác và diệt ác pháp, đời này buồn đời sau tiếp tục buồn. Bài kệ thứ 16 do ngăn ác, diệt ác pháp mà đời này vui, đời sau vui:

“Nay vui đời sau vui

Kẻ thiện, hai đời vui”

Hai bài kệ này là chỉ cho kết quả của Tứ Chánh Cần “ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện” là đem đến quả an vui. Nói tóm lại, đây là sự giải thoát của đạo Phật chân thật mà không có một pháp nào hơn được.

Phương pháp tu hành của đạo Phật rất đơn giản, cụ thể, thấm thía và hạnh phúc nhất đối với cuộc đời của người tu hành. Chúng ta hãy lắng tâm đọc lại hai bài kệ này:

“Nay buồn đời sau buồn

Kẻ ác, hai đời buồn

Buồn mãi tự hủy diệt

Thấy việc ác mình làm”.

           --o0o--

“Nay vui đời sau vui

Kẻ thiện, hai đời vui

An vui quá an vui

Thấy việc thiện mình làm”.

Khi đọc xong các bạn cứ suy ngẫm, càng suy ngẫm, các bạn mới thấm thía lời dạy chân thành thương yêu của đức Phật đối với chúng sanh. Lòng yêu thương ấy rộng lớn vô bờ bến không thể lấy gì so sánh được. Phải không hỡi các bạn?

Chỉ có sống thiện mới chính đem lại hạnh phúc chân thật cho mình, cho mọi người.

Chỉ có sống thiện mới chính mình ở bờ bên kia, còn những người sống ác thì làm sao đến bờ bên kia được, luôn luôn phải chịu ở bờ bên nay và mãi mãi chịu.

NHÂN QUẢ 2

 

LỜI PHẬT DẠY

- 17 -

“Nay than, đời sau than

Kẻ ác, hai đời than

Than van: “Mình làm ác”

Đọa cõi dữ, than hơn”.

- 18 -

“Nay sướng, đời sau sướng

Kẻ thiện, hai đời sướng

Sung sướng: “Mình làm thiện”

Sanh cõi lành, sướng hơn”.

 (Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ 17 và thứ 18 ý nghĩa của nó cũng như hai bài kệ trên nó cũng từ pháp môn Tứ Chánh Cần mà ra.

Xin các bạn hãy đọc lại bài kệ và lắng nghe tâm hồn của các bạn. Các bạn sẽ thấy thấm thía lời dạy đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

“Nay than, đời sau than

Kẻ ác, hai đời than

Than van: “Mình làm ác”

Đọa cõi dữ, than hơn”.

                                       --o0o--

“Nay sướng, đời sau sướng

Kẻ thiện hai đời sướng

Sung sướng: “Mình làm thiện”

Sanh cõi lành, sướng hơn”.

Trong cuộc sống hiện tại lúc nào các bạn cũng than thở: Vì thiếu hụt cơm ăn áo mặc; vì thiếu hụt tiền tài vật chất không đủ; vì thiếu hụt công danh không đạt v.v.. và v.v.. Đó là một sự than thở, thở than mà người đời thường đau khổ nhiều về việc đó. Sự than thở ấy trong hiện tại nhưng nhân quả của nó sẽ tiếp diễn trong tương lai hay từ đời này sang đời khác. Cho nên, đức Phật dạy: “Nay than, đời sau than”. Đúng vậy, ngay trong hiện tại không giải quyết được mọi sự khổ đau thì mong gì ngày mai được an vui hạnh phúc.

NGƯỜI HỌC NHIỀU KHÔNG BẰNG NGƯỜI TU TẬP

 

LỜI PHẬT DẠY

- 19 -

“Dầu tụng nhiều kinh điển

Không hành trì, phóng dật

Chẳng khác đếm bò người

Không hưởng Sa Môn hạnh”.

- 20 -

“Dầu tụng ít kinh điển

Nhưng y giáo phụng hành

Từ bỏ tham, sân, si

Giác tĩnh tâm giải thoát

Không chấp trước, hai đời

Tất hưởng Sa Môn hạnh”.

(Kinh Pháp Cú: I.Yamakavagga.
Phẩm Song Yếu)

 

CHÚ GIẢI:

Hai bài kệ thứ 19 và thứ 20 này: Nếu dù người nào có tụng nhiều kinh điển cũng chẳng có lợi ích gì, chỉ có tu hành từ bỏ tham, sân, si thì mới có lợi ích, mới có sự giải thoát.

 Theo con đường tu tập của Phật giáo thì không có tụng kinh ê a như các vị giáo sĩ Bà La Môn gọi là “tán tụng”. Chữ tụng ở đây có nghĩa là học kinh điển. Học nhiều kinh điển mà không tu tập ngăn ác diệt ác pháp, không ly dục ly ác pháp như trong bài kệ này nói: “không hành trì”thì chẳng có gì lợi ích.

Trong kinh Sonadanda Đức Phật đã bài bác tụng niệm một cách ráo riết. Trong giới luật đức Phật cấm ca hát. Tụng niệm là một hình thức ca hát.

Không ly dục ly ác pháp thì tâm sẽ phóng dật. Tâm phóng dật thì dù có hiểu rộng biết nhiều kinh điển của Phật cũng chẳng có lợi ích gì, chẳng thấy được sự giải thoát nào. Chẳng nếm được mùi vị giải thoát của Đạo.

Cho nên, người học nhiều kinh sách, có cấp bằng này, có cấp bằng kia mà không chịu hành trì ngăn ác diệt ác pháp, thì người ấy chỉ là người nói láo có sách vở.

Vì thế, bài kệ ví như người chăn bò chỉ biết đếm bò cho chủ.

“Chẳng khác đếm bò người

Không hưởng Sa Môn hạnh

Đúng vậy, lời dạy này rất đúng, chúng tôi đã từng gặp các quý Thầy, từng học trong các Phật học cao đẳng, từng học các trường đại học Phật giáo, đậu bằng tiến sĩ Phật học, nhưng tâm quý Thầy từng phóng dật, vì thế cuộc đời của quý Thầy chẳng biết được mùi vị giải thoát như thế nào. Mà chỉ loanh quanh trên chữ nghĩa kinh sách và đến khi chết trong bệnh tật, đau khổ một cách rất oan uổng một đời tu học Phật pháp.

Họ viết sách giảng kinh chỉ là kiến giải học giả. Người trước nói sao thì người sau kế thừa nói vậy, chứ chẳng dám sửa sai dù một chữ, một lời hay một ý, họ chỉ biết một chữ, “vâng vâng, dạ dạ”làm theo cách “cha truyền con nối”hay “Tổ Tổ truyền nhau”,chứ có tu hành đâu mà dám sửa sai ai.

Học để hiểu biết nghĩa lý thâm sâu của kinh sách cũng như học để hiểu biết pháp nào của Phật dạy, pháp nào của Tổ dạy, để tránh xa những pháp tà ngoại ấy, là sự học kinh sách như vậy mới có lợi ích. Còn học kinh sách chỉ hiểu chung chung cái nào cũng cho là của Phật dạy thì người học kinh sách như vậy là người vô minh, không biết sai đúng, giống như con chim học nói, chứ chẳng hiểu nghĩa; giống như con thú chỉ biết ăn mà không biết mùi vị.

Còn kinh sách đúng của Phật dạy, chỉ học hiểu cho nhiều mà không thực hành thì có ích lợi gì cho sự học đó đâu.

Học kinh sách để đi nói láo thì học kinh sách mất công sức mà còn thêm tội lỗi (tội vọng ngữ).

Mục đích kinh sách dạy cho đời là để tu tập, là để sống cho đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người, chứ không phải kinh sách Phật để chúng ta học hành thi lấy cấp bằng cao đẳng, đại học v.v..

Người ta xem kinh sách Phật như một môn học về Phật giáo, giống như các môn học khác ngoài đời. Theo thiển nghĩ của chúng tôi hiểu: Lời Phật dạy không phải là một môn triết lý học suông, mà là một đạo đức nhân bản sống động đem lại sự an vui, hạnh phúc cho mọi người. Vì vậy, học để sống đạo đức, chứ không phải học để hiểu biết suông; để đi tranh luận hơn thiệt với mọi người.

Chúng ta học ít nhưng học tới đâu áp dụng thực hành tới đó và sống cho đúng đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, thì mới thấy được sự lợi ích của lời dạy này:

“Dù tụng ít kinh điển

Nhưng y giáo phụng hành

Từ bỏ tham, sân, si

Giác tĩnh tâm giải thoát

Không chấp trước, hai đời

Tất hưởng Sa Môn hạnh”.

Bài kệ tuy đơn giản nhưng chúng ta càng đọc càng thấm thía cho cuộc đời tu hành. Nếu chúng ta không chịu đọc kỹ lại những lời dạy này, thì dù có tu cũng sẽ tu sai pháp, tu sai pháp là tại chúng ta không chịu hiểu kỹ, chứ không phải tại đức Phật dạy sai. Bài kệ này, đức Phật đã cảnh giác chúng ta trong hiện tại và những người về đời sau nữa, để tránh đi những loại kinh kiến giải, tưởng giải của các nhà học giả biên soạn viết xưa nay như: kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ.

Những bài kinh Pháp Cú này đã xác định cho chúng ta biết sự học và sự tu khác nhau chứ không giống nhau. Sự học chỉ giúp cho chúng ta hiểu biết để tu tập, chứ không phải sự học là chính, sự học chỉ là vấn đề phụ, sự tu mới là vấn đề chính.

Sa Môn hạnh, tức là Sa Môn quả. Sa Môn quả là kết quả của sự tu tập. Nó để dành riêng cho những người tu tập, chứ không dành cho người học nhiều, hiểu rộng. Người tu tập sẽ có kết quả thanh thản, an lạc và vô sự. Kết quả đó sẽ hiện thực rõ ràng qua hành động thân, miệng, ý tức là oai nghi tế hạnh trong cuộc sống hằng ngày của một vị tu sĩ, mà người ta gọi là Thánh hạnh.

KHÔNG PHÓNG DẬT

 

LỜI PHẬT DẠY

- 21 -

“Không phóng dật, bất tử

Phóng dật, phải tử sinh

Không phóng dật, không chết

Phóng dật, như chết rồi”.

- 22 -

“Biết rõ sự thật ấy

 Người trí không phóng dật

Hoan hỷ không phóng dật

An vui trong cõi Thánh”.

(Kinh Pháp Cú: II. Appamàdavagga.Phẩm Không Phóng Dật)

 

CHÚ GIẢI:

Muốn tâm không phóng dật, chỉ có pháp độc cư là đệ nhất. Nếu ai giữ gìn được pháp độc cư thì sớm muộn gì người ấy tâm cũng sẽ không phóng dật.

Bài kệ thứ 21, đức Phật đã xác định: Người không phóng dật là người bất tử, là người sống mãi muôn đời. Đức Phật cũng nói: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Cho nên, người thích hội họp, thích nói chuyện, thích tranh luận là người phóng dật; người hay làm thơ văn, viết thư thăm viếng gia đình, bạn bè…; người đọc kinh sách, nghe băng là người phóng dật. Người phóng dật là người tu tập không bao giờ có kết quả tốt, chỉ tu tập lấy có hình thức thường dậm chân tại chỗ.

Phóng dật có nghĩa là tâm hướng ra ngoài hay chạy theo các pháp trần.

Đức Phật dạy 42 bài kệ nói về tâm không phóng dật, giống như con tê ngưu một sừng. Con tê ngưu một sừng là một loài thú vật sống một mình. Khi lớn lên đến tuổi trưởng thành, thì loài vật này bỏ gia đình cha mẹ, anh em và chị em. Không giao kết bạn bè với ai cả chỉ sống một mình trong một khu vực riêng biệt. Vì thế, đức Phật dạy: “Người sống độc cư như con tê ngưu một sừng”.

Các pháp dạy tâm không phóng dật như: Định niệm hơi thở, Định sáng suốt, Định vô lậu, Định chánh niệm tĩnh giác, Tứ niệm xứ trên Tứ niệm xứ để khắc phục tham ưu và Thân hành niệm.

Trong bài kệ thứ 21 này, đức Phật đã xác định rõ ràng sự bất tử hay nói cách khác là sự ra khỏi sanh tử, chỉ duy nhất là làm sao phải đạt cho được kết quả là “tâm không phóng dật”.

Cho nên, dù tu muôn vạn pháp môn cũng chỉ thực hiện tâm không phóng dật. Nhưng chúng ta phải biết tâm không phóng dật là do xả ly dục và ác pháp, chứ không phải do ức chế tâm. Chỉ có xả ly tâm tham, sân, si mới có sự giải thoát chân thật.

“Không phóng dật bất tử”

Người không phóng dật là người thoát ra vòng sanh tử, nhưng tu tập tâm không phóng dật không phải là một việc dễ làm. Phải không các bạn?

“Phóng dật phải tử sanh”

Hiện giờ ai ai tâm cũng phóng dật, vì thế mà mọi người đều phải chịu trong qui luật sanh tử.

Thưa các bạn, nếu tâm các bạn còn phóng dật thì các bạn chưa được an ổn đâu. Tại sao vậy?

Vì bệnh tật và tử thần sẽ đến viếng thăm các bạn, bất cứ giờ nào khi chúng muốn. Nên đức Phật bảo: “Phóng dật như chết rồi”.

Các bạn hãy đọc bài kệ thứ 21 này mà suy ngẫm về sự tu tập của các bạn.

Hiện giờ tâm các bạn có còn phóng dật hay không? Nếu còn thì các bạn hãy tu tập cho đúng cách để tâm không phóng dật. “Không phóng dật bất tử. Đúng vậy, mục đích của chúng ta phải đạt được tâm không phóng dật, vì tâm không phóng dật là tâm bất tử mãi mãi thường hằng.

Tâm không phóng dật là có Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện. Do Bảy năng lực Giác Chi xuất hiện mà đức Phật dạy: “Tâm thuần tịnh, định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng”.

 Nếu tu tập mà tâm các bạn chưa thấy Bảy Giác Chi xuất hiện là do tâm của các bạn còn phóng dật, còn phóng dật là các bạn đã tu sai, tu không kỹ lưỡng hoặc các bạn tu tập đã lọt vào thiền Đại Thừa hay Thiền Đông Độ.

Nếu tâm bạn không phóng dật trong lúc tu tập, khi xả ra thì phóng dật. Đó là bạn tu tập ức chế bằng những pháp môn “Chẳng niệm thiện niệm ác” của Thiền Đông Độ. Do tu ức chế tâm như vậy nên Bảy Giác Chi không xuất hiện. Bảy Giác Chi không xuất hiện thì bạn không có đủ năng lực nhập các định, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Chúng ta nên trở lại câu kệ đầu trong phẩm “Song Yếu”.

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm làm chủ, tâm tạo tác”

Khi chúng ta biết được tâm dẫn đầu mọi pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Thì chúng ta phải biết áp dụng vào pháp tu Tứ Chánh Cần thì ngay liền có giải thoát. Ngày xưa khi chúng tôi đọc đến hai câu kệ này và nhớ đến pháp như lý tác ý của Phật dạy thì chúng tôi như bắt được của báu. Nhờ nó mà hôm nay chúng tôi mới được yên tâm ngồi viết sách đạo đức nhân bản - nhân quả để giúp cho mọi người sống thoát ra khổ ải của cuộc đời.

Và khi biết rằng: Tâm không phóng dật là bất tử, là không chết, biết rõ như thật điều này, thì chúng tôi đã cố gắng giữ gìn tâm mình bằng mọi cách, dùng mọi pháp, nhưng rất cảnh giác không được ức chế tâm, để xả tâm dục và ác pháp. Và cuối cùng tâm không phóng dật.

Chúng ta là những người tu theo đạo Phật, được xem là những người trí tuệ, những người trí tuệ xem sự phóng dật của tâm là một điều tối kị nhất trong đạo Phật. Muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà tâm còn phóng dật thì chẳng bao giờ làm chủ được.

Cho nên, giữ gìn tâm không phóng dật là một điều rất hoan hỷ cho cuộc đời tu hành của mình. Khi tâm thuần thục không phóng dật thì một trạng thái an lạc vô cùng hiện đến, đầu óc rỗng rang, khiến cho hành giả tưởng chừng mình đã được vào thế giới thần tiên.

Đúng vậy, nếu tâm ai không phóng dật, mới thấy sự an vui trong cõi Thánh.

Chỉ có tu tập giữ gìn tâm đừng cho phóng dật. Chỉ có tâm không phóng dật mà sao các bạn tu chẳng vào được?

Nếu với sự nhiệt tâm tinh cần tu tập của các bạn, thì chúng tôi tin chắc rằng: các bạn sẽ vào cõi Thánh dễ dàng như trở bàn tay. Bài kệ trong kinh Pháp Cú này đã xác định:

“Biết rõ sự thật ấy

Người trí không phóng dật”

Khi biết rõ sự thật ấy, người có trí quả quyết, nhất định bằng mọi cách, chúng ta phải giữ gìn tâm không phóng dật.

“Hoan hỷ không phóng dật

An vui trong cõi Thánh”

Như vậy, con đường tu tập giải thoát của đạo Phật đã xác định rõ ràng: “tâm không phóng dật”. Tâm không phóng dật là một điều hết sức quan trọng trong sự việc tu tập giải thoát sanh tử luân hồi. Được xem nó là đệ nhất pháp.

THIỀN ĐỊNH

 

LỜI PHẬT DẠY

- 23 -

“Người hằng tu thiền định

Thường kiên trì tinh tấn

Bậc trí hưởng Niết Bàn

Đạt an tịnh vô thượng”.

(Kinh Pháp Cú: II. Appamàdavagga. Phẩm Không Phóng Dật)

 

CHÚ GIẢI:

Bài kệ thứ 23 đức Phật khuyên mọi người phải hằng tu thiền định. Vậy thiền định ở đây là loại thiền định nào?

Bài kệ thứ 23 nằm trong phẩm không phóng dật. Như vậy rõ ràng tâm không phóng dật là thiền định, chứ không phải ngồi hít thở, hay niệm Phật nhất tâm, giữ tâm không niệm là thiền định.

Ở đây, đức Phật chỉ khuyên chúng ta hằng tu thiền định, nhưng vì trong đời sống của chúng ta có nhiều loại thiền định như: Thiền Yoga, thiền Xuất hồn, thiền Vô vi, thiền Công án, thiền Đại Thừa, thiền Tổ Sư, thiền Nguyên Thủy, thiền Tối Thượng Thừa, thiền Mật Tông, thiền Tịnh Độ Tông, v.v.. Với một số thiền định như thế này, thì chúng ta biết loại thiền định nào cho đúng, để tu tập tâm không phóng dật?

Do hiểu nghĩa tâm không phóng dật cạn cợt, nên phần đông người ta tu ức chế tâm không còn niệm thiện niệm ác.

Như kinh Pháp Bảo Đàn đã hiểu sai tâm không phóng dật là tâm không niệm thiện, niệm ác. Tâm không niệm thiện ác là một lối thiền ức chế tâm, đó là đường cùng của thiền định ngoại đạo tiến thoái lưỡng nan. Tu đến chỗ vô niệm thì người ta không còn chỗ tu nữa. Nhưng nhìn lại đời thì cũng chẳng ra đời, đạo cũng chẳng ra đạo.

Như trong kinh Bát Chánh Đạo, đức Phật đã chỉ rõ loại thiền định nào để chúng ta tu tập không sai, đó là Bốn Thiền hữu sắc. Trong Bát Chánh Đạo Bốn Thiền là Chánh Định. Trong Bốn Thiền thì Sơ Thiền là loại thiền định thứ nhất.

Loại thiền định thứ nhất chỉ có tu tập ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp chính là tâm không phóng dật.

Tóm lại, tu tập thiền định là tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp mà không dính mắc vào năm chi Sơ Thiền thì đó là nhập vào bất động tâm định. Trạng thái bất động tâm định là trạng thái Niết Bàn.

Đức Phật dạy: Người hằng tu thiền định, tức là hằng tu tập Sơ Thiền, tu tập Sơ Thiền chỉ có nhiếp phục tâm để tâm ly dục ly ác pháp, có ly dục ly ác pháp thì tâm mới không phóng dật, mà tâm không phóng dật là Niết Bàn tại thế gian trong cuộc sống này.

Bài kệ này rất quan trọng là chỗ xác định được “thiền định”.Nếu xác định đúng “Chánh định”thì sự tu tập mới có kết quả đúng. Kết quả đúng thì mới có những năng lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Còn nếu xác định sai “Tà thiền”thì tu tập chẳng có kết quả gì, thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được.

Khi tu tập loại thiền định của đạo Phật thì chúng ta thường hưởng được những trạng thái Niết Bàn an tịnh, vô thượng. Và lúc nào muốn an tịnh là tâm chúng ta sẽ an tịnh liền.

Nếu người nào hằng ngày tu tập thiền định, với tâm siêng năng bền chí, không thối chuyển thì lúc nào cũng nhập vào sự an tịnh, vô thượng ấy được. Trạng thái an tịnh, vô thượng ấy không có một vật gì trên thế gian này sánh bằng được.

“Thường kiên trì tinh tấn

Bậc trí hưởng Niết Bàn

Đạt an tịnh vô thượng”.

Chỉ có thiền định của đạo Phật mới có sự an tịnh vô thượng. Sự an tịnh vô thượng, nếu ai tu tập đúng pháp, muốn có lúc nào là có được ngay lúc nấy. Do vì tu tập xả tâm, nên tâm tự nhiên không phóng dật mà có.

NỖ LỰC TU TẬP TỨ NIỆM XỨ

 

LỜI PHẬT DẠY

- 24 -

“Nỗ lực, giữ chánh niệm

Tịnh hạnh, hành thận trọng

Tự điều sống theo pháp

Ai sống không phóng dật

Tiếng lành ngày tăng trưởng”.

- 25 -

“Nỗ lực, không phóng dật

Tự điều, khéo chế ngự

Bậc trí xây hòn đảo

Nước lụt khó ngập tràn”.

(Kinh Pháp Cú: II. Appamàdavagga. Phẩm Không Phóng Dật)

 

CHÚ GIẢI:

TỊNH HẠNH VÀ CHÁNH NIỆM

Bài kệ thứ 24 đức Phật đã xác định pháp hành để chúng ta tu tập tâm không phóng dật. Vậy pháp hành đó là gì?

1- Tịnh Hạnh

2- Chánh Niệm

¨Tịnh hạnh tức là giới luật.

¨Chánh niệm tức là Tứ Niệm Xứ.

Người tu sĩ hằng ngày phải nỗ lực tu tập Tứ Niệm Xứ và thận trọng giữ gìn giới luật đừng để vi phạm, tức là tự điều chế tâm trong sự sống thiện. Nếu tu tập đúng pháp như vậy, thì thân tâm sẽ không phóng dật. Bài kệ trên đây dạy chúng ta chọn pháp tu hành cho đúng chánh pháp.

Bài kệ thứ 25 đức Phật đã xác định: Nếu người nào nỗ lực tu tập 2 pháp trên, tự điều và khéo chế ngự tâm dục và ác pháp thì cũng ví như xây trường thành để bảo vệ chống giặc, thì giặc phiền não, giặc tham, sân, si sẽ không bao giờ xâm chiếm được.

Người trí, tức là người hiểu biết, thì cố gắng tu tập, sự cố gắng tu tập giống như người xây hòn đảo nên nước không thể lọt và tràn vào, khiến cho đời sống được an ổn yên vui.

Tâm không phóng dật là một điều quan trọng hết sức trong đạo Phật. Chính ngày xưa đức Phật thành đạo cũng nhờ tâm không phóng dật. Đời nay người tu hành không giữ gìn tâm, nên tâm thường phóng dật chạy theo sáu trần, vì thế mà chịu trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, khổ đau vô cùng vô tận.

Người trí là người khôn ngoan, sống theo đúng pháp (Tứ niệm xứ, và giới luật) thường tự điều chế tâm mình, không cho phóng dật, nên thường sống trong an ổn. Chỉ có những người ngu si, thiếu trí mới để tâm phóng dật. Bởi vì còn có tâm phóng dật là còn có khổ đau; còn có khổ đau là còn bị sự chi phối của luật nhân quả. Tâm không còn khổ đau, phiền lụy, là tâm đã chuyển hóa nhân quả. Tâm đã chuyển hóa nhân quả là tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật.

“Ai sống không phóng dật

Tiếng lành ngày tăng trưởng”

“Bậc trí xây hòn đảo

Nước lụt khó ngập tràn”

Đức Phật dạy: “Người ngu không trí tuệ, chuyên sống đời phóng dật, tự làm khổ mình, khổ người”.Đúng vậy, phóng dật như chết rồi chưa chôn; phóng dật là tự đem đau khổ vào cho mình. Người tự đem đau khổ vào mình, có phải là người ngu không hỡi các bạn?

Nhưng quán xét nhìn lại đời này, ai là người khôn, tâm không phóng dật?

Những hạng người này rất khó tìm thấy quá. Phải không hỡi các bạn?

Tìm một người tâm không phóng dật trong đời thật là hiếm, là không có.

Người trí là người có sự hiểu biết thì không bao giờ để tâm mình phóng dật, luôn luôn nỗ lực giữ gìn chánh niệm, tịnh hạnh. Mỗi hành động đều thận trọng, luôn tự điều chế tâm mình sống đúng giới hạnh và giáo pháp “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”.Đó mới thật sự là người trí.

“Người trí không phóng dật

Như giữ tài sản quí”

Đúng vậy, giữ tâm không phóng dật như giữ gìn tài sản của báu mà tài sản của báu này là vô giá.

“Chớ có buông lung phóng dật

Chớ say mê dục lạc”

Kẻ nào sống phóng dật buông lung, say mê dục lạc, kẻ ấy như người chết chưa chôn, chỉ là một cái thây ma hôi thối, bẩn thỉu, bất tịnh sống chỉ biết phục vụ cho sự hèn hạ nhất của kiếp làm người, đó là ăn, ngủ, đi cầu và dâm dục.

Khi tâm không tự chế. Để tự do chạy theo các pháp trần, tức là tâm phóng dật. Tâm phóng dật thì làm sao tránh khỏi sự cám dỗ của các pháp trần. Các pháp trần đủ đầy mọi dục lạc, cho nên người nào tâm buông lung phóng dật thì không thể tránh khỏi sự sa đọa, thường bị sự cám dỗ dục lạc thế gian lôi cuốn. Cho nên, người biết tự chế ngự tâm mình, thực hiện tâm ly dục ly ác pháp (thiền định). Có như vậy, chúng ta mới thấy được sự giải thoát an lạc chân thật của Phật Giáo.

Chúng ta hãy đọc lại bài kệ mà lắng nghe lời khuyên dạy chí tình, chí tâm của đức Phật đối với chúng sanh.

“Chớ buông lung phóng dật

Chớ mê say dục lạc

Người tự chế, thiền định

Mới hưởng đại an lạc”

Sự buông lung phóng dật chỉ có đem lại sự đau khổ cho con người mà thôi. Người đời mấy ai đã để ý đến điều này. Vì thế, mà họ phải chịu nhiều sự khổ đau, phiền lụy. Bởi vô minh nên họ thọ nhiều sự khổ đau, phiền lụy mà chẳng biết do đâu mà ra.

Thưa các bạn! Sự khổ đau, phiền não do từ tâm buông lung phóng dật. Ngoài tâm buông lung phóng dật ra thì không còn khổ đau nữa.

Muốn giải thoát khỏi sự sanh, già, bệnh, chết và luân hồi mà các bạn còn để tâm mình buông lung phóng dật, thì dù các bạn có tu ngàn muôn kiếp cũng chẳng bao giờ chấm dứt sanh tử luân hồi được.

Tâm còn buông lung phóng dật thì các bạn đừng vào chùa tu tập. Vì có vào chùa tu tập thì cũng chẳng có ích lợi gì cho các bạn cả, mà còn mất công sức và làm tổn hại cho Phật pháp, mang tiếng cho Thầy Tổ.

Nếu các bạn thấy mình sống độc cư trầm lặng chưa trọn vẹn được, thì xin các bạn đừng vào chùa tu tập. Vì vào chùa tu tập như vậy, làm mang tiếng tu hành không kết quả, để lại cho chùa những tiếng không tốt. Người ta sẽ cười vào mặt các bạn: Đi tu mà lòng tham, sân, si như người thế gian. Còn đến khi chết thì nằm liệt trên giường bệnh cũng giống như người thế tục. Đi tu không giải khổ được mà còn khổ đau hơn người đời… Người ta thấy các bạn tu hành như vậy, họ ngao ngán quá còn ai dám đi tu nữa. Phải không các bạn?

Những bài kệ trong phẩm không phóng dật, đã xác định được sự quan trọng con đường tu hành của các bạn. Nếu các bạn muốn giữ gìn được tâm mình không phóng dật thì các bạn hãy chấp hành nghiêm túc hạnh độc cư. Vì chỉ có hạnh độc cư mới phòng hộ giữ gìn sáu căn tuyệt vời, giúp sáu căn của các bạn không tiếp xúc với sáu trần, có như vậy thì tâm các bạn mới không phóng dật.

Đây là giai đoạn bắt đầu độc cư của sự tu tập tâm không phóng dật. Nếu các bạn không giữ trọn giai đoạn bắt đầu này thì không bao giờ tu tập viên mãn. Nếu giai đoạn đầu mà không thực hiện được, thì còn mong gì những giai đoạn kế tiếp, làm sao các bạn tu nổi được. Vì càng tu cao tâm phóng dật càng vi tế hơn.

Các bạn có nghe chăng? Lời di chúc năm xưa của đức Phật còn văng vẳng mãi bên tai của các bạn: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật. Muôn pháp lành đều nơi tâm không phóng dật mà ra”.

Chỉ có tâm không phóng dật là chứng đạo. Sao các bạn vội quên đi lời di chúc ấy!

Đời sống một tu sĩ chỉ nhờ sống vào mồ hôi nước mắt và công lao của người cư sĩ. Đời sống của chúng ta có còn làm ích lợi gì cho ai đâu? Một đời sống ăn bám mà còn để tâm phóng dật, chạy theo dục lạc, ăn ngủ phi thời, phạm giới, phá giới thì còn nghĩa lý gì các bạn ạ!? Thà không đi tu mà đã đi tu thì phải tu tập cho đến nơi đến chốn để không phụ lòng mọi người…

Các bạn phóng dật chùa to Phật lớn, tiện nghi vật chất đầy đủ bằng mồ hôi nước mắt của người khác thì có hãnh diện gì đâu các bạn? Đến khi chết các bạn có mang theo một vật gì đâu hay chỉ mang theo một món nợ vĩ đại.

Bài kệ thứ 28 này đức Phật đã xác định: “Nếu một người tu hành diệt tâm buông lung không chạy theo vật chất thế gian, sống đời sống độc cư trầm lặng với hạnh không phóng dật, là người trí tuệ tuyệt vời, là một bậc Thánh sống”.Ngược lại, người phàm phu không thể sống như những bậc Thánh được, nên tâm thường hữu sự, nay sanh ra việc này, mai sanh ra việc khác, càng sanh ra nhiều việc, tức là tâm phóng dật càng nhiều, tâm phóng dật càng nhiều thì lo âu và đau khổ càng nhiều.

Người tu sĩ Bà La Môn thường tu giả dối hay dùng những danh từ để che đậy tâm phóng dật bằng cách nói: “Làm Phật sự”.Làm phật sự là tâm phóng dật. Xưa, đức Phật đâu có dạy chúng ta xây chùa to Phật lớn; đâu có dạy chúng ta cúng bái tụng niệm; đâu có dạy chúng ta đi thập tự trảy hội cầu an, cầu siêu; đâu có dạy chúng ta làm những điều mê tín; đâu có dạy chúng ta cày cấy, làm vườn, buôn bán… mà chỉ dạy chúng ta đi xin ăn, sống độc cư, ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm; mà chỉ dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp trong tâm; mà dạy chúng ta diệt tâm buông lung, sống hạnh không phóng dật; chứ đâu có dạy chúng ta cầu an, cầu siêu, xin xăm, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu…; đâu có dạy chúng ta niẹm chú, vẽ bùa, tụng kinh, niệm Phật, lần chuỗi v.v..

Phật dạy chúng ta niệm Phật là dạy chúng ta sống như Phật, chứ đâu có dạy chúng ta kêu gọi tên Phật bao giờ.

Trong bài kệ này mục đích chính là dạy chúng ta phải sống đời sống giữ gìn hạnh không phóng dật cho trọn vẹn của một người tu sĩ đạo Phật. Có sống một đời sống tâm không phóng dật mới đúng nghĩa của đạo giải thoát.

Đời sống tâm không phóng dật là đời sống thanh cao, vì tâm không còn âu lo, sợ hãi dù bất cứ một điều gì.

Danh từ không phóng dật nói thì dễ, nhưng sống tâm không phóng dật là khó vô cùng. Vì thế, muốn tâm không phóng dật thì người tu sĩ đạo Phật phải tu hết sức mình, tu kỹ từng pháp một, tu cho có chất lượng chứ không phải tu lấy có hình thức: Ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, niệm chú v.v.. Có kết quả gì, chỉ là những hình thức tu hành lấy có, lấy danh để lừa đảo người khác, chứ không phải tu cho mình như vậy được.

Người tu hành phải luôn cảnh giác, tĩnh thức cao độ trong mỗi niệm thân hành, khẩu hành, ý hành, để diệt và xả những niệm ác, có tu tập như vậy cũng còn chưa đủ, mà còn phải phòng hộ sáu căn nghiêm ngặt như lính ngự lâm canh gác thành vua.

Cho nên, những câu kệ trong kinh Pháp Cú tuy ngắn gọn nhưng nó mang đầy đủ tính chất pháp hành, nếu chúng ta không nhận ra được những pháp hành trong những câu kệ cô đọng này, thì kinh Pháp Cú chỉ còn là câu ca dao, tục ngữ, cách ngôn hay theo như lời Hòa Thượng Minh Châu giới thiệu.

Chỉ có những người hiểu biết nhàm chán cuộc sống đời này, thì giữ gìn hạnh không phóng dật mới được. Ngược lại, tâm chưa nhàm chán cuộc đời, mà cố gắng tu tập và giữ hạnh, dù tu pháp môn nào, giữ hạnh gì thì tâm cũng phóng dật như thường.

Bài kệ thứ 29 đức Phật ví người tinh cần giữ gìn tâm không phóng dật thì chẳng khác nào như con tuấn mã (tuấn mã là con ngựa hay).

“Tinh cần giữa phóng dật

Tĩnh thức giữa quần mê

Người trí như tuấn mã

Bỏ sau con ngựa hèn”

Ở đây, có nghĩa là người giữ gìn tâm không phóng dật là người hơn tất cả mọi người.

Bài kệ 28 đức Phật dạy: Người không phóng dật là một bậc Thánh.

“Kẻ trí diệt buông lung

Với hạnh không phóng dật

Leo lầu cao trí tuệ

Bậc Thánh không lo âu”

Khi giữ gìn tâm không phóng dật được rồi, giống như người mù nhìn thấy được ánh sáng. Nhìn lại mọi người đang còn phóng dật, thì tâm bàng hoàng kinh hãi thốt ra lời: “Trời ơi! Con người sinh ra có mắt như mù”.Phóng dật để trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi mãi mãi, từng giây từng phút chịu khổ đau vô cùng vô tận.

“Nhìn quần sanh sợ hãi

Chẳng khác lên núi cao

Nhìn muôn vật dưới đất”

 Bài kệ thứ 30 đức Phật dạy: Người giữ gìn tâm không phóng dật như là vua Trời Đế Thích.

“Đế Thích nhờ tinh tấn

Thành chủ cõi chư Thiên

Không phóng dật được khen

Phóng dật bị khinh miệt”

Người phóng dật đức Phật ví như những người mù, những con ngựa hèn, những người bị khinh mệt, bị khinh rẻ v.v..

Để kết luận phẩm không phóng dật đức Phật đã khen ngợi và ca tụng người giữ hạnh không phóng dật bằng bài kệ thứ 31:

“Tỳ kheo sợ phóng dật

Ưa thích không phóng dật

Bước tới như lửa hừng

Thiêu kiết sử lớn nhỏ”

Người sợ phóng dật thường ưa thích không phóng dật thì như đám lửa cháy to, lửa không phóng dật cháy đến đâu thì thiêu rụi các kiết sử lớn nhỏ đến đó.

Bài kệ thứ 32:

“Tỳ kheo sợ phóng dật

Ưa thích không phóng dật

Nhất định gần Niết Bàn

Không còn bị đọa lạc”

Nhất định người ấy đến Niết Bàn không còn sợ bị đọa lạc. Đó là hai câu kệ xác định chắc chắn như vậy, xin các bạn hãy tin lời dạy của Phật mà cứu mình ra khỏi nhà sanh tử luân hồi, đừng để kiếp kiếp, đời đời trôi lăn trong ba nẻo sáu đường đầy khổ đau.

Đọc phẩm không phóng dật trong kinh Pháp Cú chúng ta thấy đức Phật thường ca ngợi hạnh không phóng dật. Như vậy, hạnh không phóng dật là quan trọng cho cuộc đời tu hành của chúng ta. Phải không các bạn?

Thế nhưng nhìn lại chúng ta quán xét tất cả tu sĩ Phật giáo hiện giờ với hạnh không phóng dật thì khó tìm thấy. Vì mọi tu sĩ Phật giáo hiện giờ đang chạy theo vật chất danh lợi thì làm sao mà tâm không phóng dật.

Phẩm tâm không phóng dật đã nói lên mục đích tu hành của đạo Phật, để xác định ai là người tu chứng đạo. Chứng đạo là chứng cái gì? Có phải là cái tâm không phóng dật không?

“Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.Đó là lời xác định quả quyết của Đức Phật để cho người sau không nghi ngờ chánh Phật pháp.

Đúng vậy, tâm không phóng dật là người chứng đạo, chứ đâu phải cần có thần thông, ngồi thiền nhiều, niệm Phật nhất tâm, giảng kinh, tụng đọc... hay học giáo lý có cấp bằng này, cấp bằng kia, là chứng đạo đâu.

THIỆN XẢO TU TẬP

 

LỜI PHẬT DẠY

- 33 -

“Tâm phàm hay dao động

Khó chế khó nhiếp phục

Kẻ trí khiến tâm chánh

Như thợ khéo nắn tên”.

(Kinh Pháp Cú: III. Cittavagga.
Phẩm Tâm)

 

CHÚ GIẢI:

Người tu hành theo Phật giáo ai cũng biết chế ngự tâm mình là một điều rất khó. Nhưng khó, không có nghĩa là không chế ngự được, không làm được. Muốn nhiếp phục và chế ngự được tâm thì phải tu tập những pháp môn nào?

1/ Muốn chế ngự tâm thì phải cố gắng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống đúng oai nghi tế hạnh của bậc Thánh Tăng. Lấy giới luật làm khuôn phép sống cho mình.

2/ Nhiếp phục tâm thì phải tu tập Bát Chánh Đạo. Bát Chánh đạo gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

Từ Chánh kiến đến Chánh Tinh Tấn thuộc về Giới luật tu tập giai đoạn một. Giới luật thì phải tu tập Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần gồm có bốn loại định:

1-        Chánh Niệm Tĩnh Giác

2-        Vô Lậu Định

3-        Sáng Suốt Định

4-        Định Niệm Hơi Thở gồm có 18 đề mục tu tập.

Chánh Niệm thuộc về giới, tu tập giai đoạn hai gồm có: Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm.

Chánh Định gồm có Bốn Thiền:

1-        Sơ Thiền

2-        Nhị Thiền

3-        Tam Thiền

4-        Tứ Thiền

Và cuối cùng, thực hiện Tam Minh gồm có: Tứ Như Ý Túc. Tứ Như Ý Túc gồm có:

1.        Dục Như Ý Túc

2.        Tinh Tấn Như Ý Túc

3.        Định Như ý Túc

4.        Tuệ Như Ý Túc

Tất cả các pháp trên đây, khi tu tập phải thiện xảo, linh động, khéo léo và trí tuệ sáng tạo trạch pháp tác ý cho có hiệu quả mà trong bài kệ dạy: “Như thợ khéo nắn tên”.

KHEN NGỢI ĐIỀU PHỤC TÂM

 

LỜI PHẬT DẠY

- 35 -

“Khó nắm giữ, dao động

Tâm phàm, dục chi phối

Lành thay, điều phục tâm

Tâm điều, hưởng an lạc”.

 (Kinh Pháp Cú: III. Cittavagga. Phẩm Tâm)

 

CHÚ GIẢI:

Tâm dễ dao động, nên dục lợi dụng chỗ ấy mà chi phối tâm, khiến cho tâm chạy theo ác pháp, tạo nhân chẳng lành, thọ lấy quả khổ đau từ đời này sang đời khác.

Người học Phật pháp biết mọi cách thiện xảo, chế ngự, điều phục, v.v.. tâm mình. Khiến cho tâm bất động, không còn rong ruổi chạy theo sáu trần. Do đó, dục không còn điều phục được tâm nữa, nên tâm được an lạc, thanh nhàn, yên tịnh. Người làm được như vậy thật là đáng khen, đáng ca ngợi, đáng khâm phục, đáng kính trọng và tôn quý.

NGƯỜI CHIẾN THẮNG

 

LỜI PHẬT DẠY

- 40 -

“Biết thân như đồ gốm

Hộ tâm như thành trì

Dẹp Ma với gươm trí

Hãy giữ gìn chiến thắng

Vượt ngoài mọi nhiễm ô”.

 (Kinh Pháp Cú: III. Cittavagga.
Phẩm Tâm)

 

CHÚ GIẢI:

Thân người như đồ gốm giòn bở, dễ bể, nay còn, mai mất, như hoa phù dung sớm nở tối tàn; như bóng câu cửa sổ, như bong bóng nước... Nếu làm người không nhận ra điều này mà cứ vui chơi trong dục lạc thì phí một kiếp người chẳng có nghĩa lý gì cả. Tuy thân người giòn bở như đồ gốm, nhưng được thân người đâu phải dễ. Vì thế, câu kệ trong kinh Pháp Cú nhắc nhở chúng ta: “Biết thân như đồ gốm”,thì phải lo tu hành, sớm vượt thoát ra khỏi kiếp làm người.

Muốn làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi thì phải giữ gìn sáu căn nghiêm mật giống như giữ thành trì, không cho các pháp trần bên ngoài xâm chiếm vào,“nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tức là giữ hạnh độc cư trọn vẹn. Sống đơn độc như con tê ngưu một sừng,“Hộ tâm như thành trì”.

Trong cuộc chiến đấu với giặc sanh tử, luôn luôn phải dùng trí tuệ quán xét từng tâm niệm, trong từng giây, từng phút thì mới mong chiến thắng các loại Ma chướng. Nếu không cảnh giác như vậy thì mặt trận này sẽ khó thắng mà còn thất bại ê chề: “Dẹp Ma với gươm trí”.

Trong mặt trận này, trí tuệ là vũ khí hàng đầu để chiến thắng giặc sanhtử, như các bạn đã biết: Chánh kiến và Chánh Tư Duy trong Bát Chánh Đạo. Không phải là trí tuệ hay sao? Đây là hai phương pháp đầu tiên tu tập của Bát Chánh Đạo. Nó là đội quân tiên phong khai sơn phá thạch để tiến vào trận đánh Tứ Niệm Xứ. Nếu không có nó thì khó mà giữ gìn phần chiến thắng về mình:“Hãy giữ gìn chiến thắng”.

Nhờ có trí tuệ Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thì chúng ta mới ly dục, ly ác pháp; mới diệt ngã, xả tâm. Có như vậy, tâm mới vượt ra khỏi mọi sự ô nhiễm của cuộc đời. Cuộc đời là một bãi rác ô nhiễm, bất tịnh, hôi thối.

THƯ HỎI ĐẠO

 Thư hỏi đạo của Minh Hoàng

Kính gửi các vị đạo hữu ở tu viện!

Trước tiên tôi vô cùng cảm ơn các vị đạo hữu đã làm trang web này phổ biến chánh pháp của đức Phật.

Không biết qua trang web này tôi có thể hỏi Thầy một số điều nghi vấn không ạ! Nếu có thể rất mong các đạo hữu gửi câu hỏi của tôi đến cho Thầy, vô cùng cảm ơn các bạn.

Thưa Thầy! Gần đây đại dịch cúm gà đang trở thành một mối đe dọa khủng khiếp cho toàn nhân loại, dự tính nó sẽ giết chết hằng triệu người. Vậy đây có phải là do nhân ác của loài người vẫn ăn thịt động vật không ạ, ngày nay nó quay lại tiêu diệt loài người chăng? Với đôi mắt nhân quả của Thầy, xin Thầy chỉ rõ làm thế nào có thể ngăn chặn đại dịch này, cứu giúp hằng triệu người trên thế giới. Con tin rằng nếu loài người nhận thức được về qui luật nhân quả ấy một cách khoa học, họ sẽ giảm rất nhiều các hành động ác của mình, trong đó có việc giết hại động vật. Vậy Thầy có thể bằng trí Tam Minh của mình, giúp đỡ các nhà khoa học, để họ chứng minh phần nào qui luật nhân quả không ạ! Hoặc là hiển thị thần thông giáo hóa, chỉ rõ cho loài người những tai hại, những hành động ác của mình. Vì thật ra chỉ có ít người tin vào luật nhân quả, đơn giản vì chưa có sự chứng minh xác đáng nào, họ không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sát sinh và bị giết hại. Hơn nữa những người biết đến bộ sách ĐVXP là rất ít, nhưng nếu định luật nhân quả được đăng trên một tạp chi khoa học thì sẽ rất nhiều người biết đến, phải chăng là sẽ có ích hơn không ạ!

Rất mong Thầy, bằng trí tuệ và pháp luật của một vị A La Hán, giúp mọi người hiểu rõ hơn ạ!

Kính mong các đạo hữu gửi câu hỏi này đến cho Thầy giùm tôi, vô cùng cảm ơn các bạn.

³³³

HỘ TRÌ CÁC CĂN

Kính gửi: Minh Hoàng

Thầy đã nhận được thư con, nhưng mãi đến hôm nay con và mọi người mới nhận được thư trả lời của Thầy. Thầy xin lỗi các con đã để cho các con chờ đợi, thật là một điều ngoài ý muốn của Thầy. Vì gần đâyThầy rất bận nhiều việc..., nhất là việc mở lớp đào tạo những người tu để làm chủ: sanh, già, bệnh, chết, nên phải hướng dẫn hành giả triển khai tri kiến giải thoát bằng Định Vô Lậu và còn phải kiểm tra cách thức tu tập nhiếp tâm và an trú tâm trong thân hành nội, ngoại tức là tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác Định. Cho nên, khi nhận được thư thưa hỏi và lời thiết tha kêu gọi Thầy cứu giúp mọi người của con, mà Thầy không trả lời được thật là phụ lòng, không những phụ lòng con mà còn phụ lòng nhiều người nữa. Nhưng quá bận việc Thầy không biết làm sao hơn, mong con cảm thông.

Kính thưa các bạn! Hiện tượng đại dịch cúm gia cầm là một hiện tượng trong nhiều hiện tượng của nhân quả đang xảy ra trên hành tinh này mà loài người là nói riêng, còn tất cả chúng sanh là nói chung. Vạn vật trên hành tinh này đã và đang trả những quả ác mà chính họ đã gieo nhân không thiện, cho nên họ đã được trừng trị theo qui luật công lý, công bằng của đạo luật này.

Kính thưa các bạn! Nhân quả là một đạo luật duyên hợp thành hoại của vạn vật trong vũ trụ. Vì thế, vạn vật có mặt trên hành tinh này là do các duyên hợp lại mà thành và khi vắng mặt cũng đều do các duyên tan rã mà hoại. Do duyên thành hoại nên nó rất rõ ràng, cụ thể chân thật, vì thế gọi nó là khoa học. Luật nhân quả không có một người nào đứng ra xử phạt, chỉ theo hành động thiện ác nhiều ít của mọi người mà lãnh quả khổ vui nhiều ít. Và cũng vì thế nó rất công bằng và công lý. Cho nên, nhân quả không có gì là mơ hồ, trừu tượng khó hiểu cả, nhưng vì con người không có đôi mắt chánh kiến về nhân quả nên không giải thích tường tận thâm sâu, bao la trùng điệp duyên sanh, duyên khởi, duyên diệt để giúp cho các bạn dễ hiểu đạo luật này mà thôi.

Tại sao luật nhân quả công bằng và khoa học?

Nhân quả công bằng là vì gieo nhân nào thì phải gặt lấy quả nấy, không thể gieo nhân này mà gặt lấy quả khác được. Phải không các bạn?

 Nó xác minh và chứng thực mọi sự việc xảy ra chung quanh vạn vật trong vũ trụ một cách cụ thể, rõ ràng nên rất khoa học.

NHÂN QUẢ THẢO MỘC

Muốn hiểu biết nhân quả như thật thì trước tiên chúng ta phải hiểu biết nhân quả thảo mộc. Vậy muốn hiểu biết nhân quả thảo mộc thì các bạn hãy hiểu nghĩa chữ nhân quả. Vậy nhân quả nghĩa là gì?

Theo chữ Hán, nhân có nghĩa là hạt; quả có nghĩa là trái, ghép chung hai từ này lại thành “nhân quả” có nghĩa là “hạt và trái”.

Ví dụ: Hạt ớt khi được gieo trồng lớn lên thành cây ớt, từ cây ớt ra bông kết trái cho quả ớt, nhưng quả ớt cay; hạt chanh khi được gieo trồng lên thành cây chanh, từ cây chanh ra bông kết trái cho quả chanh, nhưng quả chanh chua; hạt xoài, khi được gieo trồng, nẩy mầm lớn lên thành cây xoài. Từ cây xoài ra bông kết trái cho quả xoài, nhưng quả xoài ngọt.

Trên đây là nhân quả của loài thảo mộc theo duyên hợp trùng trùng tạo thành nhân quả, nhân nào thì quả nấy rất là thiết thực cụ thể, cho nên chỉ có những người không chịu hiểu mới cho rằng không có nhân quả.

Từ hạt cây đu đủ cho quả đu đủ, nhưng quả đu đủ ngọt. Cũng từ một hạt cây đu đủ cho nhiều quả đu đủ, nhưng một quả đu đủ có nhiều hạt, như vậy các bạn thấy nhân quả chưa? Một nhân không phải chỉ cho có một quả mà phải cho nhiều quả, nhưng một quả không thể có một nhân mà phải có nhiều nhân. Có đúng như vậy không các bạn?

Trên đây là nói về đặc tính nhân quả cay, đắng, ngọt, bùi của loài thảo mộc và còn xác định duyên sinh khởi trùng trùng của nhân quả. Cho nên, một nhân có nhiều quả, một quả có nhiều nhân. Lấy nhân quả thảo mộc để chứng minh cho nhân quả của con người. Lấy nhân quả thảo mộc làm một bằng chứng cụ thể để các bạn không còn có một lý do gì mà bảo rằng không có nhân quả.

Kính thưa các bạn! Con người cũng chỉ là một loài sinh vật sống trên hành tinh này như bao nhiêu loài khác, nên đều chịu chung số phận của qui luật nhân quả. Và trên hành tinh này cũng không có một loài vật nào thoát ra khỏi qui luật này.

Trên hành tinh này mọi vật gồm có từ cây cỏ thảo mộc cho đến những loài động vật đều có một sự sống bình đẳng như nhau. Có một sự sống bình đẳng như nhau thì phải theo qui luật nhân quả điều hành. Nhưng loài động vật trong đó có loài người vì vô minh không hiểu biết chạy theo lòng ham muốn tạo nhiều điều ác độc nên tự làm mất đi sự sống bình đẳng, vì thế mới có kẻ sang người hèn; mới có kẻ giàu người nghèo v.v.. Và do đó, mới có duyên sinh hợp của nhân quả vạn trạng thiên hình, và cũng vì vậy mà duyên tan hoại cũng thiên hình vạn trạng. Vì thế, vạn vật sinh diệt liên tục trùng trùng điệp điệp theo nhân ác, còn ngược lại theo nhân thiện vô lậu thì sinh diệt chấm dứt. Như đức Phật đã dạy: “Sinh diệt diệt rồi tịch diệt là vui”.

NHÂN QUẢ CON NGƯỜI

Nhân quả của con người không khác gì nhân quả của loài thảo mộc, cũng cụ thể, rõ ràng, xác thực. Nó trừu tượng, nhưng không mơ hồ, ảo tưởng, không thiếu chứng thực, không thiếu khoa học.

“NHÂN” của con ngườilà hành động thân, khẩu, ý. Hành động thân, khẩu, ý là nguyên nhân để sinh ra mọi điều thiện, ác.

“QUẢ” của con ngườilà kết quả, là thọ chịu, là nhận lấy những cảm nhận vui buồn, khổ đau, phiền não, bệnh tật, tai nạn, tật nguyền v.v..

 Như trên đã nói: Nhân quả của con người không khác gì nhân quả của loài thảo mộc. Vì con người là một sinh vật sống như các loài sinh vật khác trên hành tinh này nên đều bị chi phối theo luật nhân quả như nhau.

Một nhân có nhiều quả, một quả có nhiều nhân. Cho nên, một hành động ác thì phải chịu nhiều quả khổ, những quả khổ ấy diễn biến theo các thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.

Ví dụ: Các bạn mắng chưởi một người nào đó thì trong quá khứ các bạn đã tức giận hay thù oán người đó. Vì có tức giận hay thù oán các bạn mới chưởi mắng người khác được. Tức giận là QUẢ QUÁ KHỨ, nhưng đang chưởi người là NHÂN HIỆN TẠI. Khi người bị các bạn chưởi mắng lấy cây đánh các bạn; các bạn bị đánh đó là QUẢ VỊ LAI. Vì vậy, nhân quả luôn có mặt trong ba thời: quá khứ, vị lai và hiện tại, nó tiếp diễn trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh và trùng trùng duyên diệt. Đó là một nhân có nhiều quả và một quả có nhiều nhân. Vì thế, lý nhân quả duyên khởi, duyên sanh, duyên diệt rất cụ thể, rõ ràng mà không ai dám phủ nhận rằng không có nhân quả. Chỉ trừ những người sống ảo tưởng thần thánh hoá một đấng siêu hình tối cao có vạn năng sinh ra vạn vật thì mới không chấp nhận nhân quả. Bởi vì chấp nhận nhân quả thì làm sao có đấng tối cao ấy được. Phải không các bạn?

Nhân quả còn là một đạo luật rất công bằng, công lý trong môi trường sống trên hành tinh này như trên đã nói. Trên thế gian này không có một toà án nào xử phạt công bằng, công lý hơn được. Vì đạo luật nhân quả xử phạt theo thiện ác của mọi người, mọi loài sống trên hành tinh này.

Một hành động ác là một nhân, nhưng một nhân không thể có một quả. Các bạn nên xem xét lại nhân quả thảo mộc thì sẽ rõ. Một hạt đu đủ lên thành cây, khi cây cho trái không thể cho một trái mà cho nhiều trái. Phải không các bạn?

Một người ăn cắp khi bị bắt người ta không đánh một bạt tai mà đánh nhiều bạt tai và còn bị nhiều đấm, đá khác nữa. Đó là một nhân mà có nhiều quả.

Một quả mà có nhiều nhân như trái đu đủ. Các bạn có lưu ý quả đu đủ chưa? Trong quả đu đủ có nhiều hạt đấy các bạn ạ!

Xét nhân quả thảo mộc và con người thì không khác nhau. Vì nhân quả là một định luật chung cho vạn vật trên hành tinh này nên một nhân ăn cắp mà phải nhận lãnh nhiều quả bị đánh đập không sao kể hết và mỗi hành động bị đánh đập liền phóng xuất ra những từ trường ác ấy. Do những từ trường ác này tương ưng những ai có tâm trộm cắp như vậy thì hợp duyên làm con của những người này. Mỗi hành động bị đánh đập là một nhân, một nhân sẽ thành một con người gian tham trộm cắp. Xét theo luật nhân quả thì một người làm ác khi chết không phải sinh ra một người ác mà sinh ra nhiều người ác.

Một hành động giết hại và ăn thịt chúng sanh tức là một nhân ác. Một nhân ác thì phải trả nhiều quả khổ. Vì thế, quả giết hại và ăn thịt chúng sanh thì phải nhận lấy quả khổ đau bệnh tật, nhiều thứ bệnh tật, chứ không phải một thứ bệnh tật và còn tai nạn nữa, không phải một tai nạn mà nhiều tai nạn không thể tính hết được. Trong những quả khổ đau ấy lại có những nhân từ trường nghiệp ác để tiếp tục tái sinh ra những loài vật đã bị giết hại và ăn thịt. Cho nên, một người ăn thịt gà là nhân, nhưng nhân ăn thịt gà này không phải sinh làm một con gà mà sinh ra nhiều con gà; cũng như ăn cá tôm thì phải sinh làm cá tôm nhưng không phải một con cá tôm mà nhiều con cá tôm. Giết hại và ăn thịt chúng sanh bao nhiêu thì phải sinh ra bấy nhiêu và còn nhiều hơn nữa. Vì thế, trại nuôi gia súc và ao hồ nuôi cá tôm phát triển càng nhiều để đáp ứng nhu cầu ăn uống dục lạc của con người thì nghiệp ác của họ càng cao. Nghiệp ác của họ càng cao thì sự sinh khởi diệt nghiệp quả ác báo này lại càng cao hơn. Nhưng nghiệp quả ác báo này không thể dừng lại đây, vì nhân quả ác ngút trời của loài động vật, nhất là loài người. Vì thế, từ trường ác thải ra ngút trời làm nhân quả thời tiết vũ trụ chuyển động thành thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần, động đất, bão tố, chiến tranh, khủng bố, các loại bệnh nhất là dịch cúm gia cầm, chim muông, heo, dê, bò, ngựa v.v..

 Cho nên, dịch cúm gia cầm chỉ là một hiện tượng nhân quả duyên tan hoại của nhiều hiện tượng nhân quả duyên tan hoại đang xảy ra trên hành tinh này.

Nếu con người không biết chấm dứt những hành động cực ác giết hại và ăn thịt chúng sanh không có một chút lòng yêu thương thì thế gian này còn nhiều khổ đau nữa...

Với tấm lòng yêu thương sự sống của con người, trước cảnh đại dịch cúm gia cầm Minh Hoàng có ý muốn nhờ trí tuệ Tam minh của Thầy để soi sáng giúp các nhà khoa học chứng minh nhân quả bằng khoa học để mọi người không còn làm điều ác nữa; để mọi người thoát khỏi cảnh chết thương đau; để mọi người sống được bình an, hạnh phúc.

Với lòng yêu thương sự sống của con người, trước cái chết dịch cúm gia cầm Minh Hoàng không biết làm sao hơn, đành phải kêu gọi Thầy thị hiện thần thông giáo hóa, chỉ rõ cho loài người những tai hại của những hành động ác của mình. Minh Hoàng một con người với lòng hiếu sinh ấy thật đáng cho mọi người kính mến và yêu thương.

Thầy cảm thông được lòng yêu thương mọi người của Minh Hoàng. Thầy không dùng trí tuệ Tam Minh và thần thông giáo hoá, vì đó là ngoài vấn đề chủ trương đạo đức của Phật giáo, nên Thầy dùng tri kiến của một người đã vượt qua nhân quả. Thầy viết thư này gửi đến mọi người để những ai có đủ duyên được đọc, nhờ đó mới có đủ lòng tin nhân quả thì mới sống đúng đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh.

Trước thảm cảnh cái chết la liệt của con người đã xảy ra trên hành tinh này theo qui luật của nhân quả thiện ác. Thầy tha thiết kêu gọi mọi người hãy hướng về đức Phật, một ân nhân của loài người, Ngài đã để lại cho loài người một chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản – nhân quả, để giúp cho con người vượt lên nhân quả sống toàn thiện.

Đức Phật ra đời, sau khi tu hành chứng đạt chân lí, Ngài thấy qui luật nhân quả đang điều hành vũ trụ một cách trật tự, công bằng. Đó là một sự thật nhưng con người quá vô minh không thấy, không hiểu biết, nên lầm lạc đi trong vòng qui luật khổ đau này. Muốn con người thoát khổ, ra khỏi qui luật này, nên lời nói pháp đầu tiên của đức Phật, đã xác định chân lí Tứ Diệu Đế. Chân lí Tứ Diệu Đế là một sự thật chỉ thẳng kiếp làm người là khổ, là nguyên nhân sinh khổ, là trạng thái hết khổ, là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Đó là một bài pháp giúp cho mọi người hiểu biết về nhân quả. Có hiểu biết về nhân quả thì mới biết hành động nào thiện, hành động nào ác. Biết hành động nào thiện, hành động nào ác thì mới chuyển hóa được nhân quả. Chuyển hóa được nhân quả là vượt ra khỏi qui luật nhân quả tức là làm chủ nhân quả nghiệp báo. Tất cả những hành động này là một sự thật không có gì mơ hồ, ảo tưởng.

Kính thưa các bạn! Con người vì vô minh không thấy, không biết nguyên nhân sinh ra muôn vàn sự khổ đau chính là lòng ham muốn của các bạn. Do lòng ham muốn mà con người mới có những hành động thiện ác. Có những hành động thiện ác thì phải nhận lấy những quả khổ vui của những hành động đó. Đấy là vô minh không hiểu, không biết mà các bạn đi theo qui luật của nhân quả. Các bạn có biết không?

Biết rõ như vậy nên đức Phật dạy chúng ta: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Nhưng muốn không làm điều ác, luôn luôn làm điều thiện hoặc luôn luôn ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp thì phải tham dự tu học tám lớp “ĐẠO ĐẾ” tức là “BÁT CHÁNH ĐẠO” theo đúng chương trình giáo dục đào tạo ba cấp “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ” của Phật giáo. Khi tốt nghiệp xong ba cấp tu học ấy, các bạn sẽ trở thành một con người có đạo đức đầy đủ sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Và như vậy thế gian này trở thành Thiên đàng, Cực lạc, thì dịch cúm gia cầm và thiên tai, lũ lụt, sóng thần, động đất, hỏa hoạn, thủy tai làm sao còn nữa. Phải không các bạn?

Trong thư con hỏi: “Với đôi mắt nhân quả của Thầy, xin Thầy chỉ rõ làm thế nào có thể ngăn chặn đại dịch này, cứu giúp hằng triệu người trên thế giới. Con tin rằng nếu loài người nhận thức về qui luật nhân quả ấy một cách khoa học, họ sẽ giảm rất nhiều các hành động ác của mình”.

Muốn cứu giúp mọi người thoát khỏi làn sóng đại dịch cúm gia cầm và những thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần, bão tố v.v.. thì chỉ có mọi người phải thông hiểu nhân quả. Chính thông hiểu nhân quả, nên mọi người phải tự cứu mình bằng cách ngưng bàn tay ác độc giết hại chúng sanh, ngưng sự sống ác độc nhẫn tâm đối với sự sống của các loài vật khác và ngưng ăn thịt chúng sanh tức là phải sống theo sự hướng dẫn của ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ.

Thứ nhất là họ phải sống “Chánh tri kiến”. Vậysống Chánh tri kiến như thế nào? Sống Chánh tri kiến là phải thấy đúng mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, mọi đối tượng thường xảy ra đều thấy đúng là nhân quả thiện ác.

Thứ hai là phải sống “Chánh tư duy”. Vậy sống Chánh tư duy như thế nào? Sống Chánh tư duy tức là sống suy tư mọi hoàn cảnh, mọi sự việc, mọi đối tượng đều phải tư duy, suy nghĩ nó là nhân quả thiện ác.

Thứ ba là họ phải sống “Chánh ngữ”. Vậy sống Chánh ngữ như thế nào? Sống Chánh ngữ tức là sống dùng lời nói thiện không được nói lời nói ác, nói lời nói không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai.

Thứ tư là họ phải sống “Chánh nghiệp”. Vậy sống Chánh nghiệp như thế nào? Sống Chánh nghiệp tức là sống không làm sáu nghề nghiệp ác, thường dùng những hành động không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai.

Thứ năm là họ phải sống “Chánh mạng”. Vậy sống Chánh mạng như thế nào? Sống Chánh mạng tức là sống không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai. Sống không nuôi dưỡng thân mạng bằng máu thịt chúng sanh, bằng sự đau khổ của loài vật khác, của người khác.

Thứ sáu là họ phải sống “Chánh tinh tấn”. Vậy sống Chánh tinh tấn như thế nào? Sống Chánh tinh tấn tức là sống siêng năng tinh cần hằng ngày từng phút từng giây không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ cả hai tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

Thứ bảy là họ phải sống “Chánh niệm”. Vậy sống Chánh niệm như thế nào? Sống Chánh niệm tức là sống giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tất cả những chướng ngại pháp tác động vào thân tâm họ đều được đẩy lui bằng pháp Như lý tác ý trên Tứ Niệm Xứ

Thứ tám là họ phải sống “Chánh định”. Vậy sống Chánh định như thế nào? Sống Chánh định tức là sống bất động tâm trước các pháp ác và các cảm thọ.

Kính thưa các bạn! Với đôi mắt của người chứng đạt chân lí thì nhìn thấy nhân quả là thật, nó giống như xem chỉ trong lòng bàn tay của mình vậy. Còn các bạn với đôi mắt bị hạn chế không gian và thời gian nên không thể thấy rõ như vậy. Vì thế, Thầy phải dùng nhân quả thảo mộc để chỉ cho các bạn nhận thấy cụ thể rõ ràng nhân quả là một sự thật chứ không phải tưởng tượng. Tin hay không tin đó là quyền của các bạn, nhưng Thầy biết rằng các bạn đang bị luật nhân quả điều khiển, nói cách khác các bạn là những người nô lệ của nhân quả. Nếu các bạn không chịu cởi bỏ ách nô lệ thì muôn đời ngàn kiếp phải làm thân nô lệ cho nhân quả mãi mãi.

Cuối cùng Thầy có lời thăm con được mạnh khỏe an khương.

Kính thư

Thầy của con

HỘ TRÌ CÁC CĂN

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con để hộ trì các căn như đức Phật dạy: “Chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng”. Làm thế nào để khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không nắm giữ tướng chung, tướng riêng của nó?

Đáp: Sáu căn tức là: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình; sáu trần là: sắc (hình dáng), thanh, (âm thanh), hương (mùi thơm), vị (vị giác), xúc (cảm giác), pháp (mọi sự việc chung quanh ta).

Bây giờ chúng ta phải hiểu rõ tướng chung như thế nào? Và tướng riêng như thế nào?

Đối với sắc khi mắt vừa thấy một hình dáng toàn diện, đó là tướng chung, còn thấy rõ ràng từng đường nét của hình dáng là tướng riêng.

Ví dụ: Khi chúng ta vừa thoáng thấy một hình bóng cô gái, hình bóng vừa thoáng thấy đó là mắt thấy sắc tướng chung của cô gái. Nhưng đến khi lại gần thấy rõ gương mặt, mũi, miệng, tay chân, thân hình và cách trang sức của cô, đó là mắt thấy sắc tướng riêng.

Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy ông Anan phòng hộ sáu căn khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng chung và tướng riêng của nó.

Ông Anan hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con là những tu sĩ trẻ tuổi, khi gặp người nữ thì chúng con phải làm sao?”

Đức Phật đáp: “Không nên gặp”.

Câu hỏi của ông Anan trên đây có nghĩa là khi mắt thấy tướng chung của sắc thì làm sao cho mắt đừng dính sắc?

Đức Phật đáp: “Không nên gặp”. Có nghĩa là giữ gìn mắt đừng cho thấy tướng chung của nó, vì khi đã thấy thì xả bỏ ra rất khó khăn. Đó là cách phòng hộ thứ nhất của người tu sĩ đạo Phật, có nghĩa là ngừa bệnh hơn trị bệnh.

Vì vậy, người tu sĩ đạo Phật muốn phòng hộ sáu căn để khỏi tiếp xúc sáu trần thì khi đi, đứng, nằm, ngồi mắt phải nhìn xuống, không ngó qua, ngó lại, không liếc ngược liếc xuôi. Tai cũng vậy, cố lắng nghe mọi sự hoạt động trong thân, không được lắng nghe âm thanh bên ngoài.

Vì Thế, đức Phật dạy chúng ta tu tập thân hành niệm nội hay ngoại cũng nhằm mục đích phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình không cho dính mắc sáu trần.

Đi tôi biết tôi đang đi, thở tôi biết tôi đang thở hoặc làm việc gì thì tôi biết tôi đang làm việc đó. Đó là pháp phòng hộ sáu căn đệ nhất của đạo Phật mà các nhà học giả họ không hiểu nên thường dạy mọi người tu trong việc làm. Pháp phòng hộ mà thành pháp ức chế tâm thật là buồn cười cho những người mù dắt một đám người mù đi.

Ông Anan hỏi tiếp: “Bạch Thế Tôn! Lỡ chúng con gặp thì sự giữ gìn không cho mắt dính sắc thì chúng con phải làm như thế nào?”

Đức Phật đáp: “Đừng nói chuyện”.

Đây là cách phòng hộ thứ hai. Có nghĩa là thấy được tướng chung của đối tượng thì phải mau mau tránh xa. Đừng nói chuyện, có nghĩa là đừng sáp lại gần, sáp lại gần tức là thấy tướng riêng vì tướng riêng khó bỏ hơn tướng chung.

Trên đây là hai pháp ngăn ngừa. Người tu sĩ biết dùng pháp ngăn ngừa là tốt nhất trong sự tu tập phòng hộ sáu căn. Pháp ngăn ngừa thứ nhất như ông Anan đã hỏi đức Phật ở trên là không cho thấy tướng chung, không thấy tướng chung thì làm sao có dính mắc được.

Pháp thứ hai là pháp ngăn ngừa không cho thấy tướng riêng, mà đã không thấy tướng riêng thì làm sao dính mắc được.

Bây giờ chúng ta đọc lại câu hỏi: “Để hộ trì các căn”, đức Phật dạy: “chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng”.

Chúng tôi lấy câu chuyện ông Anan hỏi Phật để trả lời và giảng rộng cách thức hộ trì các căn mà đức Phật đã cô đọng qua lời nói ngắn gọn khiến cho chúng ta không biết đâu mà thực hành.

Tóm lại, sự phòng hộ, hộ trì các căn là tu chánh niệm tĩnh giác thân hành niệm thì tâm không dính mắc sáu trần. Đó là pháp môn ngăn ác pháp, ly dục tuyệt vời của đạo Phật, chúng ta nên nhớ lấy mà tu tập. Phần nhiều tu sĩ thời nay không tu tập phòng hộ, hộ trì các căn, vì thế tâm thường phóng dật chạy theo sáu trần, do đó mà tu mãi không thành tựu.

Về cách thức hộ trì sáu căn như câu chuyện ông Anan hỏi Phật thì quý Thầy cũng đã hiểu rồi. Nhưng câu hỏi của con ở đây nhắm vào chỗ tu tập khi sáu căn tiếp xúc sáu trần chứ không còn là phòng hộ, hộ trì nữa mà là đi sâu vào phương pháp hóa giải cho căn và trần không dính mắc. Muốn biết pháp hóa giải căn và trần không dính mắc thì chúng ta lắng nghe ông Anan hỏi Phật.

Ông Anan hỏi Phật: “Lỡ chúng con nói chuyện thì làm sao?”.

Đức Phật đáp: “Quán như em, như chị, như mẹ”.

Trong hội chúng này có vua Ba Tư Nặc tham dự nên nhà vua quỳ xuống hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con là hàng cư sĩ không thể quán như vậy được”.

Đức Phật đáp: “Quán bất tịnh”.

Qua hai câu trả lời trên đây chúng ta hiểu đức Phật đã dạy chúng ta tu tập pháp môn Định Vô Lậu. Đối với sắc tướng của nữ giới để không dính mắc tâm mình thì phải quán như em, như chị, như mẹ, và nếu còn dính mắc thì phải quán bất tịnh. Đối với các sắc pháp của vạn hữu thì ta phải quán vô thường, khổ, vô ngã; phải thấy sự nguy hiểm, sự tai hại, sự khổ đau của các sắc pháp; phải tưởng nhàm chán các sắc pháp. Có tưởng có quán như vậy thì tướng chung tướng riêng không dính mắc.

Tóm lại, khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không nắm giữ tướng chung tướng riêng của nó thì chúng ta nên tu Định Vô Lậu, tức là diệt các ác pháp và ly dục trong ta.

Cách thức tu tập như vậy gọi là phòng hộ, hộ trì các căn không nắm giữ tướng chung và tướng riêng của nó.

KINH DUY MA CẬT

Câu hỏi của Tuệ Hạnh, một Phật tử TPHCM

Hỏi:Kính thưa Thầy! Kinh Duy Ma Cật ca ngợi pháp môn Bất Tư Nghì giải thoát. Chẳng hay pháp môn đó cao thâm như thế nào mà người trí nghe thì phát tâm vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát nghe thì hân hoan tiếp nhận, còn hàng Thanh Văn nghe thì không hiểu rõ khóc rống lên “khóc cho vang động cả 3000 cõi đại thiên thế giới”? (trích ý mục 4 kinh Duy Ma Cật trang 153).

Đáp: Pháp mônBất Tư Nghì là một pháp môn tưởng của Đại Thừa, do các Tổ tu tập thiền sai pháp, lạc vào thiền tưởng, nên tuệ tưởng phát triển, từ đó các Tổ triển khai tưởng tuệ. Vì thế, các pháp tưởng được thành lập trong kinh sách Đại Thừa. Trong những pháp tưởng đó có pháp môn Bất Tư Nghì.

Khi đạt được tưởng giải này các Tổ thấy sự hiểu biết của mình hơn cả Phật, nên dùng các pháp tưởng ấy bài bác chánh pháp của đức Phật bằng cách lý luận siêu tưởng để diệt Phật giáo. Cho nên, Kinh Duy Ma Cật là một tác phẩm trong những tác phẩm của Đại Thừa, ra đời là nhằm mục đích thực hiện ý đồ thâm độc để diệt giáo lý của của Phật giáo. Đây các bạn lắng nghe ông Duy Ma Cật giới thiệu pháp môn Bất Tư Nghì:

1- Kinh Duy Ma Cật dạy:“Thiền giả không dính mắc Tam Giới và thân tâm vẫn sinh hoạt mới là ngồi thiền”.

Lời dạy này đúng là lời dạy không nghĩ bàn được, vì đó là tưởng giải ra bất tư nghì nên vô nghĩa khiến cho ý thức không suy nghĩ được (vô phân biệt). Có thể nói lời dạy này vô lý. Vậy Tam giới các bạn có hiểu biết nghĩa của nó là gì không?

Theo các nhà Đại Thừa hiểu Tam giới là ba cõi giới (cảnh giới). Sự hiểu như vậy là hiểu theo tưởng giải. Hiểu ba cõi giới là hiểu ba cõi ảo tưởng các bạn ạ!

Cho nên, kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy Tam giới nghĩa lý như thật không mơ hồ ảo tưởng: “Tam giới tức là ba trạng thái trong thân tâm của con người”. Ba trạng thái trong thân tâm của con người gồm có:

1-        Dục giới

2-        Sắc giới

3-        Vô sắc giới

-       Dục giới chỉ cho trạng thái ham muốn của con người.

-       Sắc giới chỉ trạng thái của cơ thể con người.

-       Vô sắc giới chỉ cho trạng thái tưởng của con người.

-       Ba cõi tức là ba trạng thái của một con người. Ba trạng thái trong một con người, nên con người thường luân chuyển sống trong ba trạng thái này, không lìa rời nhau, không xa nhau nửa bước, lúc thì ở trạng thái này, lúc thì ở trạng thái kia, cho nên kinh dạy: “Luân hồi trong ba cõi”.

Bởi kinh Duy Ma Cật dạy câu trên đây không bao giờ thực hành được. Không bao giờ thực hành được là vì một con người mà không ở trong Tam Giới thì ở đâu? Sinh ra làm người thì lúc nào cũng ở trong Tam Giới. Ở trong Tam Giới thường sinh hoạt mà nói rằng không dính mắc là không đúng. Chữ dính mắc của Duy Ma Cật dùng ở đây không đúng nghĩa. Tại sao vậy?

Chữ dính mắc phải được thay thế bằng chữ: “Ác pháp không tác động”. Vì thế, câu này phải được viết lại: “Thiền giả sống trong Tam Giới thân tâm vẫn sinh hoạt bình thường mà dục và ác pháp không tác động”. Cho nên, ba trạng thái này bảo rằng con người không dính mắc là không đúng nghĩa. Vì ba trạng thái này là ba trạng thái của một con người, chứ không phải ba trạng thái là ba cõi như các nhà Đại Thừa hiểu. Đức Phật đã xác định: “Không có cõi giới siêu hình thật mà các cõi giới siêu hình chỉ là cõi tưởng (tưởng tri chứ không phải liễu tri)”.

 Lời dạy trong kinh Duy Ma Cật nghĩa lý không rõ ràng, chứng tỏ ông Duy Ma Cật tưởng giải theo nghĩa lý của kinh sách Đại Thừa, chứ chẳng có gì mới mẻ cả. Đó là một loại thiền tưởng của ngoại đạo. Phật giáo Nguyên Thủy không có những loại thiền này. Cho nên, lời nói của ông Duy Ma Cật không có giá trị tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chỉ là lời nói suông mà thôi, dạy mà không có pháp hành:“Thiền giả không dính mắc Tam Giới và thân tâm vẫn sinh hoạt mới là ngồi thiền”.

2- Duy Ma Cật dạy:“Sinh hoạt trong bốn oai nghi như bình nhật mà không rời Diệt Tận Định”.

Kính thưa các bạn! Duy Ma Cật hiểu Diệt Tận Định như thế nào mà dám bảo: “Sinh hoạt trong bốn oai nghi như bình nhật mà không rời Diệt Tận Định”.

Cư sĩ Duy Ma Cật dám nói câu này chính là cư sĩ đã lộ sự vô minh của mình cho người khác biết, giống như người vạch lưng cho xem thẹo. Vậy Diệt Tận Định nghĩa là gì?

Diệt Tận Định là một loại thiền định bất động cả thân lẫn tâm. Vì thiền này diệt các cảm thọ và các tưởng như vậy thân ngồi bất động. Thân ngồi bất động thì làm sao sinh hoạt trong bốn oai nghi được. Phải không các bạn? Có lẽ ông Duy Ma Cật không hiểu thiền Diệt Thọ Tưởng Tận Định là gì? Nên đã nói theo kiểu tưởng giải của mình để gọi là pháp môn Bất Tư Nghì. Như vậy pháp môn Bất Tư Nghì chỉ là lời nói “xạo”, nói dối, nói như mình hay nhưng kỳ thực là lời nói xảo ngôn, nói lừa đảo lường gạt người.

Như vậy ở đời ai nói một việc gì vô lý là pháp môn Bất Tư Nghì hết sao!? Chỉ có những người vô minh mới ca ngợi những lý luận ảo tưởng đó. Người có minh thì không bao giờ chấp nhận. Cho nên, 62 luận thuyết của ngoại đạo Bà La Môn thời bấy giờ đức Phật không chấp nhận và đã bác sạch những lý luận đó. Những lý luận của Bà La Môn là những lý luận tưởng.

Những gì ông Duy Ma Cật đã dạy trong kinh Duy Ma chỉ là nhai lại bã mía của kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông chẳng có gì mới mẻ cả.

3- Duy Ma Cật dạy:Làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không sao lãng đạo pháp”. Lời dạy như vậy có đúng không thưa các bạn?

Lời dạy như vậy chỉ là những lời dạy cho những người bị bệnh tưởng, những kẻ đồng bóng, chứ những người bình thường thì không ai tin lời dạy này, vì làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không sao lãng đạo pháp thì chẳng có ai làm được. Lời dạy này không thể sống và tu tập được. Lời dạy này không thể sống và tu tập được là pháp môn Bất Tư Nghì ư! Vậy thì pháp môn Bất Tư Nghì của ông Duy Ma Cật để làm gì? Có ích lợi gì cho đời? Nói để tranh hơn thua cao thấp với những người khác ư!?: “Đây là pháp môn không thể nghì bàn không có pháp nào cao hơn được”. Pháp môn như vậy chỉ là lời nói lừa đảo người khác mà thôi. Ai cũng ca ngợi kinh Duy Ma Cật nhưng có ai tu tập được như kinh Duy Ma Cật dạy chưa? Kinh Duy Ma Cật là kinh vọng ngữ, kinh nói không đúng sư thật. Trong khi kinh sách Phật giáo dạy những gì đều đúng như thật nên giáo pháp của Phật được gọi là Chân lý. Cho nên, bài pháp đầu tiên của Đức Phật gọi là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế tức là bốn sự thật của loài người. Phật không lừa đảo con người, từ bỏ sự giàu sang danh lợi, còn Tổ chuyên lừa đảo người khác để cất chùa to Phật lớn làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người Phật tử.

Như các bạn đã biết Phật pháp là phải lìa tâm dâm dục, thế mà sống trong tâm dâm dục lại không lìa Phật pháp. Lời dạy như vậy các bạn cứ suy ngẫm có đúng không? Hay ông Duy Ma Cật là một người trí óc bất ổn. Phải không các bạn?

4- Duy Ma Cật dạy:“Tâm không cột vào trong cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền”. Câu này ông Duy Ma cật dạy đúng nghĩa theo Phật giáo Nguyên Thủy. Khi tâm không phóng dật thì tâm không cột vào trong và cũng không tản mạn ra ngoài như vậy câu này đâu phải là pháp môn Bất Tư Nghì. Vì lời dạy này còn nghĩ bàn được, phải không các bạn? Còn nghĩ bàn được thì đâu được gọi là pháp môn Bất Tư Nghì. Như vậy rõ ràng lời dạy của ông Duy Ma Cật không nhất quán, tự nó mâu thuẩn với nhau. Có đúng không các bạn?

Như vậy, bộ kinh Duy Ma Cật chỉ là một bộ kinh góp nhặt cát sạn của Đại Thừa mà bài bác vàng bạc châu báu của Phật giáo Nguyên Thủy thì làm sao bài bác được, chỉ có những người lọt vào tưởng tuệ nên mới chấp nhận những pháp môn ảo tưởng đó, chứ người có trí hiểu biết một chút thì không bao giờ chấp nhận. Xem bộ kinh Duy Ma Cật như một bộ môn tiểu luận lừa đảo.

Các bạn nên đọc lại lời dạy này: “Tâm không cột vào trong cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền”. Câu này mang đầy đủ ý nghĩa giải thoát của đức Phật, khi Ngài thành Chánh giác đã tuyên bố như sau: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.

5- Duy Ma Cật dạy:“Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín hoang đường mà tâm không lay động, không bị mê hoặc cám dỗ xiêu lòng vững tâm trong 37 phẩm trợ đạo…”

Câu này dạy đúng có ý nghĩa suy tư đầy đủ của tâm bất động thiền định như vậy câu này đâu phải là pháp môn bất tư nghì. Phải không các bạn. Câu này có ý nghĩa tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ.

6- Duy Ma Cật dạy:“Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn mới là ngồi thiền. Bản chất con người là phiền não, đó là chân lý thứ nhất (Khổ đế) mà đức Phật đã xác định. Đoạn trừ phiền não là chân lý thứ tư (Đạo đế),nếu không đoạn trừ phiền não thì làm sao có Niết Bàn. Còn Niết Bàn là chân lý thứ ba (Diệt đế). Cho nên câu: “Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn mới là ngồi thiền. Nếu ai đã học về bốn chân lý của Phật giáo thì đọc câu này các bạn sẽ có cảm nhận về ông Duy Ma Cật là người kiến giải chứ chưa có thực hành tu tập. Vì thế, ông chưa hiểu Niết Bàn của Phật giáo, ông chỉ hiểu Niết Bàn của ngoại đạo. Niết Bàn của ngoại đạo là một cảnh giới siêu hình.

Niết Bàn có nghĩa là không có phiền não không phiền não tức là Niết Bàn. Cho nên, câu nói của ông Duy Ma Cật dường như Niết Bàn và phiền não là hai. Ý của Ông nói cứ để phiền não bình thường, không cần đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn. Xin lập lại câu nói của Ông: “Không khởi tâm đoạn trừ phiền não mà vẫn có Niết Bàn. Vì thế, ông Duy Ma Cật cho Niết Bàn là một cảnh giới siêu hình ở đâu chứ không phải chỗ tâm không phiền não.

Hiểu như ông Niết Bàn là một cảnh giới của chư Phật, chứ không phải là một trạng thái của tâm con người.

Các bạn lắng nghe chân lí thứ ba của Phật giáo là một trạng thái tâm con người không còn tham, sân, si. Không còn tham, sân, si mới gọi là diệt đế. Diệt tức là diệt hết sự đau khổ phiền não.

Hiểu Phật giáo như ông Duy Ma Cật là hiểu Phật giáo theo nghĩa của Bà La Môn, hiểu theo nghĩa của thế giới siêu hình.

VÔ SỞ ĐẮC

Câu hỏi của Tuệ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trưởng giả Duy Ma Cật dạy Mục Kiền Liên: “Luận đến chỗ cứu kính của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào. Ví như ảo thuật sư làm ra người ảo, người ảo lại nói chuyện ảo. Phải xác lập ý thức kiên định như thế rồi mới thuyết pháp…; phải biết căn tánh chúng sanh lợi hay độn...; phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi Đại thừa”. Con thấy Duy Ma Cật lý luận lòng vòng cuối cùng cũng trở về lối thuyết pháp vô ngôn của Đại thừa cũng giống như chuyện đức Phật niêm hoa ngài Đại Ca Diếp vi tiếu trên Đại Linh Sơn, nối tiếp chánh pháp của Phật. Thầy có thể giảng giải cho hàng sơ học như chúng con hiểu phần nào về lối thuyết pháp không nói không nghe này được không Thầy?

Đáp: Lối thuyết pháp không lời có ai còn lạ gì Thiền Tông Trung Hoa:

 “Bất lập văn tự

 Giáo ngoại biệt truyền.

 Chỉ thẳng tâm người.

 Kiến tánh thành Phật”

Có ai còn lạ gì Lão Trang:

“Đạo khả đạo phi thường đạo.

Danh giả danh phi thường danh”. Phải không các bạn?

Duy Ma Cật là một nhà nghiên cứu tập họp những tư tưởng của Phật, Lão, Nho và Bà La Môn thành lập một giáo lý TốiThượng thừa. Cho nên, câu chuyện niêm hoa trên núi Linh Thứu, Tổ Ca Diếp mỉm cườilà khởi đầu cho những trang giả sử 33 vị Tổ Sư thiền Ấn Độ và Trung Hoa, với mục đích là quét sạch Phật giáo Nguyên thủy ra khỏi tư tưởng tín đồ. Vì thế, Bồ Đề Đạt Ma dạy: “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật”. Đó là ý đồ diệt Phật giáo đã hiện nguyên hình trong kinh Bất Tư Nghì mà nhân vật chính là ông Duy Ma Cật. Kinh sách Thiền Tông đều mang tư tưởng Lão Trang. Tư tưởng này xuất phát nơi đất nước Trung Hoa. Vì thế mới tưởng tri sinh ra 1700 công án trên giáo pháp thiền để thay thế kinh sách Nam Tông, chứ không phải kinh sách Bắc Tông, để chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật. Đó là lối dạy để diệt ý thức “vô phân biệt” làm cho ý thức tê liệt “Chẳng niệm thiện niệm ác”. Các thiền sư tưởng giải “Chẳng niệm thiện niệm ác” là thành Phật, là giải thoát nơi đó, là hết tham, sân, si, nhưng sự thật đó chỉ là một ảo tưởng Phật tánh. Đức Phật đâu có dạy kỳ lạ như vậy, đâu có dạy tu để làm Phật, đâu có dạy tu để nhập thiền định; đâu có dạy tu để có Tam Minh, lục thông; đâu có dạy tu ngồi thiền ba bốn tiếng đồng hồ; đâu có dạy tu để cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương; đâu có dạy tu tập để nhập vào cảnh giới Niết Bàn; đâu có dạy tu để lại nhục thân, xá lợi; đâu có dạy cúng bái tụng niệm cầu siêu, cầu an, cầu tài, cầu lợi, cầu cho biết ngày, biết giờ chết; đâu có dạy lạy lễ hồng danh sám hối để tiêu tai, giải nạn, để được phước báu nhân thiên và để ngồi thiền hết vọng tưởng. Chính giáo pháp của đức Phật chỉ dạy tu tập để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đó là mục đích chân chánh của đạo Phật giúp cho loài người thoát khổ, chứ không phải đạo Phật ra đời để hướng dẫn cho mọi người tu tập để thành Phật, để thành Thánh.

Thiền Tông và Đại Thừa đã hiểu sai mục đích của đạo Phật nên mới lừa đảo người khác bằng những lời nói “Vô sở đắc”, nếu có ai nói tu có chứng, có đắc là gạt ngang “chẳng có chứng đắc gì cả”. Cho nên, ông Duy Ma Cật chỉ lập lại những ý nghĩ tư tưởng vô phân biệt: “Luận đến chỗ cứu cánh của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết, người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào”.

Thiền tông đã truyền thừa bắt đầu tại nước Trung Hoa khởi xướng từ Bồ Đề Đạt Ma và phát triển rộ nở từ Lục Tổ Huệ Năng. Nhưng loại thiền này là thiền miệng, thiền la, thiền hét, thiền đánh, thiền thoi và luôn luôn vấn đáp công án nghe thật kêu, nhưng thực chất tu hành không có giải thoát, chỉ rơi vào thiền tưởng ngồi lim dim như thi ma người chết, họ cứ tưởng đó là “Phật tánh”.

 Biết bao nhiêu người bỏ công sức tu hành, cuối cùng cũng chẳng ra gì chỉ an trú trong một trạng thái tưởng không niệm. Cho nên thiền sư Thường Chiếu bảo:“Đó là bọn đại bịp”.

Trước khi tịch tổ Pháp Loa bệnh đau rên:

- Hừ! Hừ!!!

Thấy thế Huyền Quang hỏi:

- Sao Hòa Thượng rên?

- Gió thổi qua khe trúc

Tu hành không làm chủ bệnh nên khéo trả lời che đậy “Gió thổi qua khe trúc”, câu trả lời thật là tuyệt vời bưng bít.

Thiền tông đã truyền thừa được sáu đời tại Trung Hoa từ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng và từ đây Thiền Tông phát triển theo kiểu biến dạng thành Tịnh Độ Tông, vì tu thiền không kết quả. Do đó, Tổ ThiềnTông Tuệ Viễn thành lập Liên Trì Thư Xã sớ giải kinh Tịnh Độ. Đó là một hiện tượng báo động cho biết Thiền Tông tu hành chẳng đến đâu nên mới sinh ra pháp môn Tịnh Độ. Thiền tông phát triển đến thiền công án và tham thoại đầu là con đường thiền chấm dứt, không còn phương thế nào phát triển hơn nữa được.

Khi phát triển đến mức độ không còn phát triển được nữa thì lại sinh ra một hệ phái khác: Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông. Tất cả các hệ phái này đều là con đẻ của Thiền Tông. Cho nên, kinh sách ĐạiThừa là kinh sách phát triển theo kiến giải, tưởng giải của giáo pháp Bà La Môn Ấn Độ, của Thiền Tông Trung Hoa. Các Tổ Sư Thiền Tông Trung Hoa rất khôn khéo, vì biết chắc tín đồ không tin ở họ nên soạn kinh, viết sách đều gán cho Phật thuyết. Đó là có ý đồ lừa đảo Phật tử bằng cách dùng thuật ngữ “Thiền giáo đồng hành”, có nghĩa là lấy giáo tức là lời dạy của Phật làm niềm tin cho thiền. Khi Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa đã tuyên bố: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Chỉ thẳng tên người. Kiến tánh thành Phật”.

Vì thế, Bồ Đề Đạt Ma diện kiến vua Lương Võ Đế. Nhà vua hỏi: “- Ai đang ở trước mặt Ta”.

Bồ Đề Đạt Ma trả lời: “Không biết” nên bị vua Lương Võ Đế sai lính hầu đánh gãy răng, và thả Ông ra, cấm không cho truyền tà đạo (đạo không đúng đạo Phật), từ đó Bồ Đề Đạt Ma lên núi nhập thất, mai danh ẩn tích 9 năm. Người ta gọi ông là ông Bà La Môn ngồi nhìn vách đá chín năm.

“Diện bích cửu niệm

Đấng ngộ Bồ Đề.

Dữ Chân Bồ Tát

Tề thành chánh giác”.

Cho nên, kinh Duy Ma Cật chỉ là một lập luận Phật tánh củaThiền Tông Trung Hoa, chứ không có gì mới mẻ cả.

PHỤ LỤC 1: KHI NÓI, VIẾT PHẢI BÌNH TÂM SUY NGHĨ CHO KỸ

Bài viết của Diệu Quang

Hằng ngày, tôi thường mở hộp thư trên mạng để đọc thư các bạn bốn phương gửi về tu viện Chơn Như.

Hôm nay, tôi nhận được nhiều lá thư gửi vào hộp thư của chúng tôi nói về Thầy Thông Lạc.

Sau khi đọc những bài viết về Thầy Thông Lạc của bạn Ng. H.[1]trên trang thư viện Hoa Sen, tôi có đến trình và thưa hỏi Thầy Thông Lạc, có nên trả lời những bài viết này không?

Thầy Thông Lạc bảo: “Phải im lặng như Thánh, chúng ta tu tập theo Phật giáo là để cầu giải thoát, chứ không phải để tranh luận hơn thua, phải trái, đúng sai với ai cả. Nơi đâu có dựng lại chánh pháp của Phật, tu hành có giải thoát thì nơi đó chúng ta nên theo mà học hỏi và tu tập, còn nơi đâu có lý luận hơn thua thì nên tránh xa”.

Lời Thầy Thông Lạc khuyên như vậy, nhưng tâm chúng tôi tu hành chưa tới đâu nên nghĩ đến nhiều người khác, nghĩ đến bạn Ng. H. Khi họ đọc những bài viết của bạn Ng. H thì họ hiểu Phật giáo một cách lệch lạc (hiểu theo kiểu xưa nay của kinh sách phát triển). Nếu những bài viết của bạn Ng. H đưa lên trang thư viện Hoa Sen mà không được chỉnh đốn, làm sáng tỏ lại thì rất tội nghiệp cho bạn Ng. H, vì bạn ấy không thấy được cái sai; cái cố chấp của bạn, mà còn có một số bạn bè hùa theo, a dua với những lập luận nhai lại bã mía của bạn.

Những lập luận a dua nhai lại bã mía của bạn đã làm cho bạn không còn sáng suốt thấy sự vô minh của bạn nữa, do đó bạn sinh ngã mạn cho mình là am tường, thông suốt Phật pháp. Bằng chứng bạn ấy đã bỏ nhiều thì giờ để bình luận những lời tựa của bộ sách Đường Về Xứ Phật theo những kiến giải, tưởng giải của các vị Tổ sư. Trong khi đó, tâm bạn ấy sống chưa ly dục ly ác pháp ở giai đoạn của người cư sĩ giữ gìn 5 giới, thì còn nói chi đến tâm bạn ấy bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; thì còn nói chi đến bạn ấy nhập được Tứ Thánh Định. Cho nên, bạn ấy chưa thực hiện được Tam Minh; chưa làm chủ được sự sống chết; chưa chấm dứt được sự tái sanh luân hồi; chưa biết khi chết bạn ấy sẽ đi về đâu. Nhất là một điều dễ làm mà bạn ấy còn chưa biết, chưa làm được, đó là một ngày sống đúng Phạm hạnh như Phật, như chúng Thánh Tăng như ngày Thọ Bát Quan Trai đúng chánh pháp. Thế mà, những bài viết của bạn ấy đưa lên trang Thư Viện Hoa Sen để chứng tỏ cho mọi người trên thế giới biết bạn là người am tường, thông hiểu Phật Pháp, nhưng cái thông hiểu của bạn giống như con chim nói tiếng người, có nghĩa là bạn chưa làm được những gì bạn đã nói. Vậy mà bạn luận cái sai, cái đúng về sách Thầy Thông Lạc thì tôi e rằng bạn là người háo danh và nông nổi, bạn không biết lượng sức mình chẳng khác gì người mù rờ voi, người đứng dưới chân núi mà nói chuyện trên đỉnh núi.

 Nếu bạn muốn luận về sách Thầy Thông Lạc thì bạn phải sống đúng Phạm hạnh của Phật, tâm phải ly dục ly bất thiện pháp, lúc nào cũng ở trong trạng thái bất động tâm và phải nhập cho được Tứ Thánh Định và thực hiện Tam Minh thì chừng đó bạn mới đủ khả năng luận về bộ sách Đường Về Xứ Phật của Thầy Thông Lạc.

Bạn đâu biết rằng rất nhiều tín đồ Phật giáo hiện giờ đang chịu ảnh hưởng tinh thần bệnh hoạn mê tín, kiến chấp lý luận ảo tưởng và bệnh rối loạn thần kinh của Phật giáo phát triển; những người bệnh này nhiều lắm bạn ạ! Cho nên, những bậc tu hành chân chánh như Thầy Thông Lạc gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, để mọi người tự cứu lấy mình, chứ không còn có cách nào, hay người nào khác tháo gỡ cho họ thoát khỏi những bệnh hoạn này. Trong khi đó những bài viết của bạn đưa lên trên trang Thư Viện Hoa Sen luận về sách Thầy Thông Lạc thì cũng giống như những người đã bị nọc của loài rắn độc mà lại được tiếp thêm chất nọc độc nữa. Và từ đó về sau bệnh nọc độc kiến chấp ảo tưởng mê tín của kinh sách phát triển càng trầm trọng hơn và không thể nào còn có thuốc nào cứu trị được. Thật đáng thương vậy!

Những lối lý luận của bạn Ng. H là lối lý luận vay mượn của những nhà học giả Phật giáo xưa và nay, cứ dựa theo lối mòn đó, dò dẫm lại, chứ bạn Ng. H. không có sự nghiên cứu kỹ về kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy. Do đo, bạn ấy không có sự hiểu biết của riêng bạn, vì thế cái hiểu biết này của bạn về Phật giáo mà tôi bảo thụ động bước theo lối mòn của người khác. Những bài viết của bạn dễ đưa dắt những người chưa hiểu biết về Phật giáo vào thế giới mê tín ảo tưởng của kinh sách phát triển, trừu tượng của Thiền Đông Độ, nhất là những người không có thì giờ nghiên cứu kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy, vì thế họ dễ bị ảnh hưởng tà kiến của những loại kinh sách phát triển này.

Thưa các bạn! Nếu trong tất cả những bài viết của bạn Ng. H nói về bộ sách của Thầy Thông Lạc, các bạn hãy chọn một bài nào, một đoạn nào, dù bất cứ ở chỗ nào  trong những bài viết ấy đưa ra, thì tôi sẽ chỉ cái sai của bạn Ng. H cho các bạn xem, chỉ vì “mọi điểm của những bài viết” của bạn Ng. H không có điểm nào luận đúng, nói đúng về Phật giáo, về Thầy Thông Lạc cả, toàn là luận sai, vì bạn ấy quá xem thường kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy. Ở đây tôi không chọn bài nào, đoạn nào cả mà chỉ ngay bài đầu, đoạn đầu rất ngắn của bạn ấy để vạch ra cho các bạn xem bài viết của bạn ấy đã có rất nhiều cái sai với Phật giáo, vừa theo lịch sử, vừa theo giáo pháp, vừa theo giới luật. Không có bộ môn nào của Phật giáo mà bạn Ng. H luận đúng cả. Nếu chịu khó luận hết những bài viết của bạn Ng. H, thì sẽ cho thấy cái sai của bạn ấy vô số kể bên cạnh còn có tội phỉ báng kẻ chân tu.

1- Theo lập luận của bạn Ng. H cho Thầy Thông lạc viết không đúng lịch sử Phật giáo mà chỉ do suy đoán của riêng Thầy: “Điều trên ghi không đúng theo lịch sử Phật Giáo, hoặc là chỉ do suy đoán riêng của Thầy Thông Lạc”. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi và qua lời dạy của Thầy Thông Lạc, thì nên căn cứ vào tuổi thọ của ông A Nan để tìm ra Phật giáo Nguyên Thủy nguyên gốc tồn tại được bao nhiêu năm trên thế gian này.

Ai cũng biết ông A Nan đến với đạo Phật vào khoảng 20 tuổi [2](tuổi tỳ kheo) cho đến khi thị tịch là 120 tuổi. Ông là người đệ tử thị tịch cuối cùng của đức Phật. Ông A Nan còn sống là người đại diện cho Phật giáo Nguyên Thủy và cũng là người giữ gìn mạng mạch của Phật giáo chánh tông. Ông A Nan mất là Phật giáo chân chánh mất. Tại sao vậy?

Vì hiện tượng báo cho biết Phật giáo mất, mất trước khi ông A Nan tịch, là do tu sĩ Phật giáo bấy giờ hiểu sai lời Phật dạy, tu học theo kiến giải tà kiến của một số Thầy Tổ của họ.

Trong những năm cuối đời, chính ông A Nan đích thân chỉnh đốn lại những điều sai đó, mà các tu sĩ bấy giờ đều không nghe. Nên ông tự than phiền và cho rằng: “Chúng sanh đời sau không còn đủ duyên với chánh pháp của Phật”. Để chứng minh điều này, tôi xin ghi lại một đoạn sử về ông A Nan trong bộ Thập Đại Đệ Tử Sử Chuyện:

“Đến năm tôi già tròn đủ 120 tuổi, một hôm nọ trên đường đi nghe một thầy Tỳ Kheo tụng một bài kệ

“Nếu người sống trăm tuổi,

Không thấy thủy lão hạc

Chẳng bằng sống một ngày

Mà thấy được hạc ấy”

Ông A Nan nghe qua bài kệ tụng bị sai lầm một cách tệ hại, thật là râu ông nọ cắm cằm bà kia, Tôn giả bèn lập tức cải chính. Bài kệ phải tụng như thế này:

“Nếu người sống trăm tuổi

Không hiểu pháp sanh diệt

Chẳng  bằng sống một ngày

Mà được hiểu rõ ràng”

Tỳ kheo kia nghe ông Anan dạy xong, trở về thưa lại với sư phụ, chẳng dè sư phụ nổi sùng nói rằng:

- Ông đừng nghe ông A Nan nói bậy, năm nay ông A Nan đã già cả, lú lẩn rồi, Ta dạy ông không sai đâu.

Thầy tỳ kheo trở lại đem lời sư phụ nói lại với ông A Nan.

Tôn giả A Nan định đi tìm ông ta để hỏi:

- Tại sao lại nói những lời ngu si như vậy? Nhưng suy đi nghĩ lại, con người đã thốt ra lời ấy có nói chưa chắc đã chịu nghe, nên thôi.

Một vị Trưởng lão ôn hoà như ông A Nan thống lãnh giáo đoàn đương thời, nắm trong tay giáo quyền tối thượng, nhưng vẫn áp dụng lối xử sự nhún nhường”.

Qua câu chuyện trên chúng ta xác định Phật giáo tồn tại tính Nguyên Thủy chỉ có một trăm năm. Một trăm năm ấy tính theo tuổi thọ của Ông A Nan. Ông A Nan vào đạo lúc 20 tuổi, đến khi thị tịch 120 tuổi. Như vậy ông A Nan có 100 tuổi đạo và 20 tuổi đời lúc trẻ. Còn tính theo năm đức Phật tu chứng quả đến khi về nước là 10 năm nhưng mất hết 7 năm mới tu chứng. Khi tu chứng xong ba năm sau mới về nước. Như vậy tính theo năm tu chứng đạo của Đức Phật và ông A Nan thị tịch là 103 năm. Nhưng ít nhất ba năm sau cuối đời của ông A Nan thì tu sĩ đã tu sai lệch theo kiến giải Thầy Tổ của họ. Như vậy Thầy Thông Lạc nói: Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ có tồn tại 100 năm là đúng, vì Thầy có nghiên cứu và căn cứ vào sử sách hẳn hoi, chứ không phải Thầy suy đoán như bạn Ng. H nói. Các bạn có chấp nhận điều này không?

Đó là cái sai thứ nhất của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc.

2- Lại nữa, theo bạn Ng. H nói: “Phật giáo Nguyên Thủy giữ đúng theo hình thức tu hành thời Phật, vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, sau đó mới chia thành nhiều bộ phái mà Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ sau này tập hợp thành Nam Tông và Bắc Tông”.

Theo sự hiểu biết chung của mọi người, cũng như bạn Ng. H, Phật giáo vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, sau đó mới chia thành nhiều bộ phái mà Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ sau này tập hợp thành Nam Tông và Bắc Tông.

Thưa các bạn! Sự phân chia bộ phái không phải đợi đến vài trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, mà ngay khi đức Phật còn tại thế đã có sự phân chia thành hình hai bộ phái rõ rệt. Đó là:

1-        Một bộ phái do Đức Phật lãnh đạo.

2-        Một bộ phái do Đề Bà Đạt Đa lãnh đạo.

Nhờ sự lãnh đạo khéo léo của Đức Phật nên bộ phái Đề Bà Đạt Đa bị chìm, chứ không bị diệt mất, chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là phát triển ngay liền.

 Như vậy, bạn Ng. H hiểu biết sự phân chia Phật giáo thành bộ phái là theo lối mòn của các Tổ như trên đã nói, chứ không phải bạn ấy hiểu biết qua trí tuệ tu chứng.  Do đó, đây là điểm sai thứ hai của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc.

3- Lại nữa, theo bạn Ng. H nói: “Theo lịch sư, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết”.

Đoạn luận trên của bạn Ng. H. cho thấy cái hiểu của bạn ấy lờ mờ không biết Thầy Thông Lạc nói 100 năm Phật giáo trụ thế, hay 100 năm thuyết pháp, do đó Ng. H. đưa ra hai giả thuyết:

a.         Giả thuyết thứ nhất:Vẫn tồn tại vài trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, chứ không phải 100 năm.

b.        Giả thuyết thứ hai:Theo lịch sử, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết.

Qua lời luận trên các bạn thấy rõ bạn Ng. H rất vội vàng, đọc sách Đường Về Xứ Phật mà không hiểu gì về văn của Thầy Thông Lạc viết. Ở đây, Thầy Thông Lạc viết rất rõ ràng: “Đạo Phật chỉ có tồn tại được 100 năm” mà bạn ấy lại lý luận bảo: “Phật chỉ giảng pháp 49 năm, không phải 100 năm như TL viết”. Như vậy bạn Ng. H đã đồng hoá nghĩa của chữ “tồn tại”và chữ “giảng pháp”. Có lẽ bạn Ng. H. là người tu học theo kinh sách sách phát triển và bạn đã đạt được trí vô phân biệt!

Đến đây các bạn đều biết lời luận của bạn Ng. H là dựa theo lối mòn của các Tổ thuộc kinh sách phát triển, chứ bạn Ng. H không tự nghiên cứu Phật giáo như tôi đã nói, nên sự hiểu biết của bạn ấy không có gì mới mẻ, riêng biệt. Vậy mà cầm bút phê bình kết luận Thầy Thông Lạc viết sai, không đúng.

Thầy Thông Lạc viết một điều gì, điều  ấy có căn cứ rõ ràng, chứ không phải tự dự đoán riêng đặt ra, mà cũng không theo lối mòn của các Thầy Tổ học giả xưa và nay. Thầy viết theo trí tuệ do tu tập, chứ không phải viết theo trí tuệ kiến thức học giả phàm phu.

Ông A Nan là hiện thân giáo pháp của đức Phật, ông A Nan mất là giáo pháp Phật mất, ông A Nan còn là giáo pháp Phật còn.

Ai cũng biết khi ông A Nan còn sống mà không chỉnh được những cái sai trong Phật giáo bấy giờ, thì thử hỏi khi ông A Nan chết thì còn ai chỉnh những cái sai này được. Với khả năng ghi nhớ của ông A Nan được đức Phật cho là đệ tử đa văn đệ nhất, thế mà còn không thể cứu nguy Phật giáo được, nên ông đành thị tịch. Giờ đây chúng ta hãy đọc lại đoạn sử Phật giáo rất não lòng này:

“Tuy vậy một bậc Trưởng lão Thánh Tăng đã sống 120 tuổi đối với việc đời không còn chút lưu luyến, sau khi gặp chuyện trên lại còn chán ngán thế gian hơn. Tôn giả nghĩ: “cái cõi đời này thật hết ý kiến, đức Thế Tôn nhập diệt chưa bao lâu mà có người hiểu sai Phật pháp như vậy, sau này trong giáo đoàn lại có những điều tà kiến kể sao cho xiết. Ta vì Phật tụng lại giáo pháp mà mọi người chấp chặt vào kiến chấp tà kiến của họ không chịu theo đúng pháp mà tu hành. Ta còn ở lại đây làm gì? (Thập Đại Đệ Tử Sử Chuyện)

4- Thưa các bạn! Tôi chỉ dẫn vài đoạn luận ngắn trên đây để các bạn thấy rõ khả năng hiểu biết về Phật pháp của bạn Ng. H còn tùy thuộc, cần phải tu học nhiều hơn nữa để thực chứng tự trí tuệ thấy hiểu biết như thật, chứ không phải nhai lại bã mía của người xưa như vậy, chẳng có lợi ích gì cho bản thân, mà còn làm cho mọi người hiểu biết lệch lạc về Phật giáo, làm mất chánh pháp của Phật khiến người sau chẳng biết đường lối nào tu hành đến nơi đến chốn. Thật tội ấy không thể tha thứ được. Như các bạn đã thấy kinh sách phát triển không thiếu, nhiều như rừng, như biển, nhưng tìm một vị tu sĩ Phật giáo sống đúng Phạm hạnh giới luật thì không tìm thấy, huống là tìm một tu sĩ Phật giáo tâm ly dục ly bất thiện pháp và bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì làm sao tìm có. Phải không các bạn?

Một rừng kinh sách phát triển như vậy mà không tìm ra một bậc tu hành sống đúng Phạm hạnh giới luật thì làm gì tìm được một bậc nhập Tứ Thánh Định, thể hiện Tam Minh, làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi tái sanh được

Thưa các bạn! Rừng kinh sách phát triển vĩ đại như thế mà chỉ thấy những bộ giới cấm ít ỏi, lơ thơ, còn giới đức, giới hạnh, giới hành thì không có một bộ nào cả. Vậy lấy giới luật gì? Ở đâu? Mà bạn Ng. H dám đem giới luật ra đây nói: “Có hay không có, phạm hay không phạm”. Dựa vào mấy bộ giới cấm của các Tổ mà luận về giới luật thì tôi e bạn ấy không biết lượng sức mình. Khi bạn viết ra câu này chứng tỏ bạn là người không có nghiên cứu và học hỏi về giới luật: “Vì làm sao gọi là phạm giới khi không hay chưa có giới”.

Thưa các bạn! Các bạn có biết giới luật của Phật bắt nguồn từ đâu mà có?

Từ Phạm Thiên đấy các bạn ạ!

Thưa các bạn! Phật có trước Phạm Thiên hay Phạm Thiên có trước Phật?

Trong kinh sách Nguyên Thủy, Phật thường nhắc nhở các tỳ kheo nên sống một đời sống Phạm hạnh. Vậy Phạm hạnh là gì? Phạm hạnh là đức hạnh của Phạm Thiên. Đức hạnh của Phạm Thiên là giới đức, giới hạnh các bạn ạ!

Phạm Thiên có trước Phật, như vậy giới luật có trước Phật thì làm sao bạn Ng. H bảo rằng: “Vì làm sao gọi là phạm giới khi không hay chưa có giới!”.

Như vậy, bạn Nguyễn Hòa thật là đáng thương. Phải không các bạn? Khi nói, khi viết phải suy nghĩ kỹ. Đối với Phật giáo hiểu biết thì phải hiểu biết cho thật rành rẽ (chứng đạo), thì có lợi ích cho mình cho người, còn biết theo kiểu như những nhà học giả (chưa chứng), sự hiểu biết ấy như con dao hai lưỡi, biết mà im lặng như Thánh thì tốt; đã không biết mà tưởng là biết lại nói ra là một tai họa cho mình, cho người, cho Phật giáo. Các bạn có thấy điều này không?

Kinh pháp Cú dạy:

“Người ngu nghĩ mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Thật xứng gọi chí ngu”

Trường hợp bạn H. Tr và bạn Ng. H, và một số vị nữa đều là những người viết bài cho trang Thư Viện Hoa Sen. Trang Thư Viện Hoa Sen tiêu biểu tiếng nói chân chánh, đúng đắn của Phật giáo, vì thế các bạn không nên viết sai phạm như thế này. Viết sai phạm thì trang Thư Viện Hoa Sen sẽ mất uy tín đối với các độc giả khắp nơi trên thế giới. Tiếng nói của Phật giáo mà không chân thật, không đúng đắn, lệch lạc, nghiên cứu không thấu đáo là khinh thường độc giả, xem độc giả thiếu hiểu biết về Phật giáo, vì thế mới muốn nói xuôi, nói ngược như thế nào cũng được. Tôi nghĩ các bạn đã lầm, muốn nói một điều gì về Phật giáo, về Thầy Thông Lạc thì các bạn hãy tu chứng đầy đủ trí tuệ Tam Minh, chứ đừng đem chút học thức ra khoe khoang. Các bạn đừng tưởng rằng độc giả toàn là những người dễ tin; rồi đây sẽ có những độc giả sẽ vạch trần những cái sai trong những bài viết của các bạn, khi Thầy Thông Lạc ẩn bóng.

Như vậy, đay là cái sai của bạn Ng. H luận về Thầy Thông Lạc gây ảnh hưởng làm mất uy tín cho trang Thư Viện Hoa Sen nữa. Theo tôi nghĩ trang Thư Viện Hoa Sen là một thư viện Phật giáo chuyển tải những kinh sách Phật, những tiếng nói chân chánh của Phật giáo, chứ không phải là một tiệm sách hỗn tạp chưng bày nhiều thứ ô hợp.

4- Bạn Ng. H còn một lỗi về phẩm hạnh nữa. Thầy Thông Lạc là một người lớn tuổi (dù bài viết của bạn Ng. H vào năm 2002 hay 2003 thì Thầy Thông Lạc năm đó cũng đã 75 hay 76 tuổi), vậy mà bạn Ng. H viết trống không và viết tắt như vầy “TL”:  “Theo lịch sử, Phật chỉ giảng pháp trong 49 năm, không phải 100 năm (tại thế) như TL viết” (còn nhiều nơi khác nữa!).Cách thể hiện của bạn như vậy tôi cho là thiếu văn hóa lịch sự, kém đạo đức, không lễ độ. Có đúng như vậy không các bạn?

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có một truyền thống văn hoá kính trên, nhường dưới, sống có đạo đức lịch sự, lễ độ, cung kính, tôn ti, trật tự rất tuyệt vời. Vì thế, ngôn ngữ nước ta có đầy đủ những danh từ xưng hô phân biệt tôn ti trật tự mà trên thế giới không dân tộc nào có những danh từ xưng hô nhiều như vậy. Thế mà bạn Ng. H quên mình là dân tộc Việt Nam, quên nguồn gốc đạo đức của Tổ Tiên ông bà, vì thế không chút e dè coi Thầy TL như bạn bè đồng trang lứa, hay bậc trưởng thượng đối với hàng ti thuộc vậy (cho dù bạn Ng. H trên 70 tuổi đi nữa thì lại càng thủ lễ hơn để làm gương cho con cháu) trong khi Thầy Thông Lạc là một cụ già, còn ba năm nữa bằng tuổi Đức Phật nhập diệt. Đó là nói về tuổi tác của Thầy Thông Lạc đáng là cha, là ông của không ít người. Còn giả dụ cho bạn Ng. H hấp thụ văn hoá Âu Tây nên có lối xưng hô như thế thì tôi cũng cho bạn ấy sai nốt, vì chỉ khi nào bạn Ng. H thường giao dịch và thân thiết mới gọi người đó bằng tên trống không và hấp thụ như vậy là mất gốc.

Chắc nhiều bạn không biết rằng về phần đức độ và tu hành của Thầy Thông Lạc khó mà tìm thấy trong thế gian này: Đời sống giới luật rất nghiêm chỉnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt, thiền định nhập Tứ Thánh Định, làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sanh luân hồi, thể hiện Tam Minh, tâm thường bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, thường trú trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự. Người như vậy trên đời này dễ gì thấy, phải không các bạn?

Thưa các bạn! Có sống gần bên Thầy Thông Lạc mới nhận thấy được điều này. Thấy được điều này thực đáng cho chúng ta cung kính, tôn trọng! Có đáng cho chúng ta quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Người không các bạn? Như vậy, cách ứng xử của bạn Ng. H là rất đáng trách. Phải không các bạn?

Chỉ mới vào đầu một đoạn ngắn bài tiểu luận của bạn Ng. H mà đã có nhiều cái sai không đúng với Phật giáo. Nếu đem hết các bài của bạn Ng. H ra luận thì cái sai của bạn ấy còn biết bao nhiêu mà kể! Nhưng thôi, luận kể ít nhiều mà đi đến đâu! Chỉ mong chúng ta giúp cho nhau có được nhận thức đúng để tránh được cái đã sai. Và như vậy, xin hãy bình tâm mà học, bởi vì chỉ khi tu chứng quả A La Hán thì mới đủ sức bình luận được sách của Thầy Thông Lạc.

Thưa các bạn! Diệu Quang quá tất bật vì nhiều công việc, chỉ xin góp ý với bạn Ng. H trong một đoạn tiểu luận nhỏ để làm một hạt cát xây dựng lại mái nhà Phật giáo mà Thầy Thông Lạc ngày đêm miệt mài dựng lại những gì của đức Phật đã bị các Tổ ném bỏ. Mong bạn Ng. H thông hiểu cho. Nếu tôi có nói điều gì làm bạn không bằng lòng, xin bạn tha thứ và từ đây về sau xin được xem bạn và các bạn khác như là những người bạn thân. Bạn Ng. H đồng ý nhé!

Diệu Quang có lời thăm và chúc bạn dồi dào sức khoẻ.

Kính ghi

 Diệu Quang

  Tháng 5-2004

 



[1] Xin phép cư sĩ Nguyễn Hòa cho tôi được xem cư sĩ là một người bạn, để cùng nhau trao đổi những sự hiểu biết về Thầy Thông Lạc, những gì bạn chưa hiểu biết, tôi giúp bạn hiểu biết. Mong bạn vui lòng nhé!

[2] Có thuyết cho rằng tuổi ông A Nan bằng tuổi Phật, thuyết này không đúng, vì một ông già 80 tuổi phục vụ hầu hạ cho một ông già 80 (Phật) (Lúc sắp Niết bàn Phật đau lưng, ông A nan trải tăng già lê cho Phật nằm hoặc đi xuống suối lấy nước cho Phật uống).

PHỤ LỤC II PHÁP MÔN NGUYÊN THỦY CHƠN NHƯ THEO PHÀM SUY

Bài viết của Từ Quang

Pháp môn Nguyên Thuỷ Chơn Như lấy năm bộ kinh Nikaya làm giáo pháp tu học.  Đây là 5 bộ kinh theo chữ Pali và đã được H.T. Minh Châu dịch đầy đủ. Năm bộ kinh này, theo lịch sử kinh điển Phật giáo và ngày nay học giả Phật giáo khắp thế giới công nhận là những bộ kinh được kết tập, được ghi chép lại bằng văn tự Pali đầu tiên và có thể nói gồm toàn gần nguyên gốc những lời đức Phật giảng dạy chúng tỳ kheo và cư sĩ tại gia thời đức Phật còn tại thế.  Đó là:

1)- Trường Bộ Kinh

2)- Trung Bộ Kinh

3)- Tăng Bộ Kinh

4)- Tương Ưng Bộ Kinh

5)- Tiểu Bộ Kinh

Các bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ và Tăng Chi Bộ được kết tập vào kỳ kết tập thứ 3, vào thời vua A-Dục, khoảng 325 nămsau ngày đức Phật nhập Niết Bàn. Hai lần kết tập đầu (100 ngày sau khi đức Phật nhập diệt và 123 năm sau) đều chỉ được khẩu truyền kết tập theo lời dạy của đức Phật lúc còn tại thế: “Pháp của ta để hành, không phải để thờ” (Đường Xưa Mây Trắng, thiền sư Nhất Hạnh), vì lúc bấy giờ Bà-La-Môn giáo thường thờ cúng các bộ kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. (Theo Bình Anson thì mãi đến kỳ kết tập thứ 5 (20 năm trước Công Nguyên), tại Tích Lan, mới được viết thành văn kinh).  Lúc còn tại thế, Đức Phật không bao giờ khẳng định giáo pháp của Đức Phật không phải giáo pháp của Bà-La-Môn và Đức Phật rất khéo léo loại bỏ tất cả (mầm mống) những thái độ nào đem lại sự chống đối Đức Phật.  Thường ngày Phật tiếp xúc với các Bà-La-Môn gia chủ,  Giáo Trưởng, Đại Thần, Quốc Vương, và tất cả mọi người... thuyết giảng cho họ giáo pháp của Đức Phật để họ tự nhận thấy Giáo Pháp của đức Phật không có gì quá thâm sâu, quá trừu tượng mà trái lại, rất thực tế, dễ hiểu, lợi ích thiết thực trong cuộc sống, khả tu, khả chứng và họ tự ý qui thuận, xin làm đệ tử của Phật từ đó và trọn đời về sau.  Năm anh em Tôn Giả Kiều Trần Như, là những đệ tử tỳ kheo đầu tiên của đức Phật, cũng là những Bà-La-Môn, đồng tu đồng chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định như đức Phật trong cùng Giáo Pháp Bà-La-Môn của Ngài Ramaputta. Họ cũng noi gương đức Phật, khi tu chứng được định cao chót này của Ramaputta, vẫn không thấy trong giáo pháp này có con đường giải thoát làm chủ sanh tử luân hồi, nên đã theo chân đức Phật vào rừng cùng nhau học hỏi tự tìm đường tu để tiến tới cứu cánh giải thoát này. Nhưng chỉ một mình đức Phật tìm ra giáo pháp TỨ DIỆU ĐẾ bằng con đường THIỀN ĐỊNH HỮU SẮC: SƠ THIỀN, NHỊ THIỀN, TAM THIỀN, TỨ THIỀN và TAM MINH.Hoàn toàn khác biệt con đường ĐỊNH VÔ SẮC:Không Vô Biên Xứ Định, Thức Vô Biên Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định của các tôn giáo đương thời với đức Phật tức Bà-La-Môn Giáo với nhiều Bộ Phái.

Chính CON ĐƯỜNG đi đến kết quả và chính kết quả BẤT ĐỘNG TÂM,là ĐẠO PHẬT.  Chỉ duy nhất đạo Phật có kết quả này.  Những cái gì được thêm hay làm mất đi, thiếu đi con đường và kết quả này thì cái đó là PHI PHẬT GIÁO,không phải Phật giáo và thường trùng lặp với ngoại đạo. Dù những cái này có tự nhận là Phật giáo thì cũng không phải là Phật giáo do chính sự sai khác đó, nếu họ không đi cho hết con đường, thực hiện đầy đủ các kết quả mà duy nhất chỉ đạo Phật mới có, để mang bản chất Phật giáo, để là Phật giáo.

Trước thời Ngài Long Thọ, ý niệm về TÁNH KHÔNGđã được manh nha, đợi đến khi Ngài Long Thọ với Trung Quán Luận, ý niệm này mới hoàn chỉnh. Được sự tiếp tay trí tuệ của hàng hậu học có nguồn gốc hay chịu ảnh hưởng sâu đậm học thuyết Bà-La-Môn, như các ngài Thế Thân, Mã Minh,...  triển khai ý niệm Tánh Không hàm chứa trong những lời giảng dạy của đức Phật nhưng có những nội dung hoàn toàn khác hẳn.  Đi song hành với sự phát triển này là sự hình thành một hệ thống kinh sách, tạo nên Phật giáo phát triền với hình ảnh những vị Bồ Tát đã chứng đắc hoặc chưa chứng đắc Phật quả xông pha trong lục đạo hành Bồ Tát Đạo. 

Đến đầu thế kỷ 21 này, trong các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,... phổ thông quần chúng chỉ biết Phật giáo phát triển là hình ảnh tiêu biểu của Phật giáo, trong đó Thiền Tông được xem là pháp môn của những hàng có căn cơ cao; trong khi tại các nước Âu Mỹ người ta thường biết Phật giáo qua hình ảnh những nhà sư Tây Tạng với Mật Tông làm giáo lý nòng cốt. Chỉ có một số các nước như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan,... thì về hình thức còn giữ được một số nét sinh hoạt của thời xưa nhưng bên cạnh thì có những ngôi chùa quá to lớn, nguy nga tráng lệ không khác gì cung vàng điện ngọc của vua chúa, và về nội dung thì tu tập theo những kinh sách của các tổ, trong đó Tổ Mahashi là ưu thế; gần đây có Ngài Ajan Chaah- người Thái Lan, lập ra pháp thiền “Mặt Hồ Tĩnh Lặng”, dần dần có những ảnh hưởng một số nơi trên thế giới.

Việt Nam ngày nay, Ân Sư A-La-Hán Thích Thông Lạc không phải khởi xướng lên cái gì mới lạ mà Ân Sư chỉ dựng lại cái gì đích thật của Phật giáo đã bị xô ngã, làm sáng lại cái gì đã bị che phủ lu mờ bởi những lý thuyết lạc lầm trong tưởng thức do tu luyện đi lầm qua tưởng tuệ của các Tổ từ hơn hai ngàn năm nay mà các Tổ không hề tự mình hay biết. Căn cứ vào năm bộ kinh Nikaya nói trên, A-La-Hán Thích Thông Lạc đã tự mình học được những gì Phật đã dạy chúng tỳ kheo; sống theo lối đức Phật và chúng tỳ kheo ngày xưa đã sống; tu theo pháp môn đức Phật đã tu và dạy chúng tỳ kheo tu, rồi cuối cùng Ân Sư chứng được những gì đức Phật đã chứng, cũng như chúng tỳ kheo thời đức Phật đã chứng. Đó là: Tứ Thiền và Tam Minh, khi đã làm chủ được sự sống chết và biết chắc chắn mình đã làm chủ đúng như thế, tức là làm chủ tái sanh luân hồi; biết chắc mình đã thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu”; biết chắc “Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.

Đọc suốt bộ sách Đường Về Xứ Phật, nghe xong bộ băng của Ân Sư thuyết giảng, con xin mạo phạm bắt chước vua A-Xà-Thế (Ajatasattu) tán  thán đức Phật trong bài kinh Sa Môn Quả (kinh số 2, Samannaphala sutta, Trung Bộ Kinh), “Thật là vi diệu thay, thưa Ân Sư.  Thật là vi diệu thay, thưa Ân Sư!  Thưa Ân Sư, như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt thấy sắc.  Cũng vậy, Chánh Pháp đã được Ân Sư dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích”.

Chánh Pháp mà Ân Sư chỉ dạy cho chúng ta, chính là những gì được đức Phật trong 45 năm giảng dạy cho chúng tỳ kheo. Bao gồm Tứ Diệu Đế, 37 Phẩm Trợ Đạo và bằng đời sống đúng Giới Luật cần thiết để thực hiện cho bằng được Tứ Thiền và Tam Minh. Giáo Pháp của đức Phật giảng dạy ngày xưa, mà ngày nay Ân Sư giảng dạy lại, không cao siêu, không trừu tượng không tưởng, hoàn toàn khả tu khả chứng bằng con đường GIỚI-ĐỊNH-TUỆ;đầy đủ pháp hành rút ra từ Kinh Sách Nguyên Thuỷ, đúc kết cùng kinh nghiệm sống tu bằng máu và nước mắt của Ân Sư trong suốt 9 năm đằng đẵng, thừa chết thiếu sống. Ân Sư cả quyết nếu những ai tin vào Ân Sư, tu tập theo đúng những gì Ân Sư chỉ dạy, không pha trộn với các kiến chấp khác, không tưởng giải tu sai, thưa trình mọi biến chuyển tiến bộ, thì sẽ đúng như đức Phật đã xác định trong bài kinh Tứ Niệm Xứ, thời gian tối thiểu 7 ngày, tối đa 7 năm, sẽ chứng Đạo, tức nhập được Tứ Thiền, đắc được Tam Minh.

Mỗi lời giảng của Ân Sư đều khế hợp, đều căn cứ, đều xuất phát nguồn gốc từ những bài kinh trong 5 bộ kinh Nykaya, đặc biệt là Trung Bộ Kinh. Có thể kể tên vàibàitiêu biểu: Đại Kinh Tứ Niệm Xứ (Kinh số 22, Trường Bộ Kinh); Sa Môn Quả (Kinh số 2, Trường Bộ Kinh); Kinh Nhập Tức Xuất Tức (Kinh số 118, Trung Bộ Kinh, hay có tên Xuất Tức Nhập Tức Niệm); Kinh Song Tầm (Kinh số 19 , Trung Bộ Kinh); Kinh An Trú Tầm (Kinh số 20, Trung Bộ Kinh); Kinh Đại Kinh Saccaka (Kinh số 36, Trung Bộ Kinh)...

 Qua sự giảng dạy của Ân Sư mới thấy đức Phật đã chuẩn bị đầy đủ, đã chỉ dẫn rõ ràng mọi khía cạnh, mọi trạng huống con đường tu tập. Đức Phật đã dạy rõ ràng đến chi tiết, cách thức nào để phá trừ những biến chuyển trong khi tu không đúng, hay uốn nắn, hướng dẫn biến chuyển để đưa chúng vào quĩ đạo tu hành. Trong trí vô lậu giải thoát của Ân Sư, trong mắt nhìn thấu rõ căn cơ người đệ tử, Ân Sư, bằng nhiều phương tiện tâm linh và hiển thị, giúp cho người đệ tử vượt qua các ma chướng, thông hiểu pháp hành, tăng cường nghị lực tiêu trừ nghiệp quả sâu dày để tiến về chân Phật, bóng Thầy. Khi người đệ tử đã đặt trọn hết niềm tin vào Phật, vào Thầy thì đây là phần thưởng, thì đây là phước báo, thọ hưởng vô cùng, vô tận.

Trong suốt hơn 22 năm (từ năm 1980, 10 năm sau khi Ân Sư chứng đắc Thánh Quả theo pháp môn của đức Phật dạy trong kinh sách Nguyên Thuỷ, Ân Sư mới bắt đầu tiếp nhận các hàng phật tử về đây tu tập, nhưng thật ra Tu Viện đã được thành lập từ 1971, lúc Ân Sư từ Hòn Sơn, An Giang, trở về tiếp tục tu tập theo pháp môn Tri Vọng), nhiều lượt người đã về đây tu học. Trước khi bước qua cánh cổng, lòng họ hăng say, tâm đầy nhiệt huyết; nhưng khi sống trong Tu Viện, tâm họ như bị gáo nước lạnh làm tắt dần ngọn lửa mới nhen.  Gáo nước lạnh đây là giới luật Patimokkha, là hạnh sống độc cư, là đức nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng.  Họ chưa hề nghe tới, chưa hề chạm trán, đừng nói là họ đã từng nếm qua. Vì thế, họ phải giũ áo ra đi, đi vào con đường hợp với sự tầm cầu của họ, không phải là sự tầm cầu giải thoát khổ đau, làm chủ sanh tử, luân hồi.

Làm chủ sanh tử luân hồi là một con đường khó khăn vô cùng cho những người không dám buông bỏ - phải buông bỏ lớn lao nhất, buông bỏ sự an lành, buông bỏ sinh mạng sống mới mong đạt được kết quả lớn lao này. Kết quả tu học đi đôi với sự buông bỏ. Buông bỏ nhỏ kết quả nhỏ. Buông bỏ lớn kết quả lớn.  Buông bỏ tận cùng mới đi đến kết quả lớn lao khôn cùng tức Giải Thoát.

Như đức Phật dạy: “Đạo ta không có thời gian, đến để mà thấy”, vừa nhập tu là thấy giải thoát ngay. Tu nhiều, giải thoát nhiều; tu ít, giải thoát ít; không tu, không giải thoát. Tu mà không đi đôi với buông bỏ là không tu, tức không giải thoát. Thí dụ Giới ăn một Ngọ, không ăn phi thời mà giữ không được thì đâu có giải thoát cái ăn. Giới ba y một bát mà áo đầy rương, đầy sào thì làm sao giải thoát cái mặc, cái y áo. Giới độc cư mà hết nói chuyện với người này sang nói chuyện với người khác thì làm sao đắc tâm định tỉnh...

Giới là căn bản. Giới là pháp tu đầu tiên mà không tu được thì sao gọi là tu.  Nếu không tu Giới thì chẳng qua người này chỉ thay đổi hình thức của cái “ĐỜI”.Mọi hình tướng của đời đều có thì đó không phải là tu, chưa phải là tu.  Trước khi thành Đạo và suốt trong 45 năm sau, đức Phật giữ hạnh buông xả. Chúng tỳ kheo lúc đó những ai buông xả sạch thật sự, họ đều đắc Pháp, đắc Đạo. Những ai chưa buông xả sạch, chưa đắc Đạo. Lúc Phật tại thế là như vậy, sau khi đức Phật nhập diệt cũng không khác.  Buông xả là một “định luật”. Không có địnhluậtnày, không áp dụng định luật này thì không có “điều kiện cần thiết” để chứng đắc Tứ Thiền và Tam Minh.

Tứ Thiền là gì?  Tam Minh là gì?

Tứ Thiền và Tam Minh là thiền định và trí tuệ mà đức Phật bằng con đường tu riêng biệt do Ngài tự tìm thấy, do một mình Ngài sáng lập và thực chứng, không có trong bất kỳ tôn giáo nào khác, từ trước cũng như sau ngày Ngài thành đạo, và chỉ duy nhất con đường tu chứng Tứ Thiền và Tam Minh mới đưa hành giả vào đúng lộ trình giải thoát, làm chủ sanh tử luân hồi.  Chỉ có những ai tu hành bằng con đường trong đó đầy đủ 37 Phẩm Trợ Đạo mới đạt được sự giải thoát mà đức Phật giảng dạy, mới là đệ tử Phật, mới tu đúng đạo Phật. Không có 37 Phẩm Trợ Đạo này hay không đầy đủ 37Phẩm Trợ Đạo thì đó chưa phải đạo Phật hay không phải đạo Phật.

Trong Tu Viện Chơn Như, trước Tổ Đường Tuyết Sơn, có bảng bia đá ghi: 

SƠ THIỀN

1-        Nói trì giới là chỉ cho tâm ly dục ly ác pháp.

2-        Nói ly dục ly ác pháp là chỉ cho tâm       không phóng dật.

3-        Nói không phóng dật là chỉ cho tâm vô lậu.

4-        Nói vô lậu là chỉ cho tâm vô dục bất động.

5-        Nói vô dục bất động là chỉ cho tâm nhập “Sơ Thiền”.  

Xem thế đủ thấy chỉ mới ở mức Sơ Thiền, hành giả đã phải trải qua ít nhất 5 bước công phu tu tập khác nhau.  Mỗi bước công phu phải hoàn tất, phải an trú dễ dàng “không khó khăn, không mệt nhọc, không phí sức”. Mỗi bước công phu là một bước giải thoát. Không có Ân Sư, không gặp được thiện hữu tri thức (người có kinh nghiệm thực sự tu chứng), làm sao chúng ta biết đường, biết cách tu. Tất cả các từ ngữ “trì giới”; “ly dục ly ác pháp”; “không phóng dật”; “vô lậu”; “vô dục bất động” đều có trong nhiều bài kinh, nhưng đâu có ai chỉ dạy cho chúng ta cách tu phải như thế nào, phải thực hành tu tập làm sao để đạt trạng thái tâm sau cao hơn trước.

Mỗi giai đoạn tu tập, hay nói cách khác, kết quả của mỗi giai đoạn sống và tu đưa hành giả tới những nấc trạng thái tâm khác nhau. Sống đúng, tu đúng, hành giả thể nghiệm đúng đạo lộ tới Sơ Thiền Bất Động Tâm. Nếu không có vị thiện hữu tri thức hướng dẫn, người ta dễ hiểu lầm đã nhập Sơ Thiền khi ở những mức tâm chưa được bất động. 

Đoạn đường để đến từng thiền định một, từ Sơ Thiền tới Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh, đều gồm một chuỗi trạng thái tâm, kết quả từ sự tu tập mỗi pháp môn mà trong Kinh rất ít khi nói rõ ràng, thông thường chỉ ghi tên; dường như vào lúc đó khi nghe được danh từ này thì người ta đương nhiên hiểu phải tu như thế nào. 

Trải qua 25 thế kỷ, chỉ có người đã tu chứng như Ân Sư A-La-Hán Thích Thông Lạc mới thấu hiểu rõ ràng và chỉ có những ai đầy đủ phước duyên mới được Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ.  Hơn nữa, có mức thiền mà khi hành giả đạt được và ổn định rồi mới từ đó tu tập nhập nhiều mức thiền khác cao hơn kế tiếp. Chỉ có sự tu tập nhuần nhuyễn, an trú dễ dàng vào 18 đề mục trong Định Niệm Hơi Thở (Ân Sư nói đầy đủ là 22, trong khi Thiền sư Nhất Hạnh thu gọn lại chỉ còn 16) thì Thất Giác Chi (hay Thất Bồ Đề Phần) xuất hiện và hành giả sẽ dẫn tâm, đưa tâm vào Tứ Thiền, rồi Tam Minh. 

Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ cách tu từng đề mục một, hoặc xét xem người đệ tử có thể vượt qua đề mục nào, hoặc cho tập luyện trước đề mục cao hơn để tạo hộ trợ lực cho đề mục đang tu - “Thiện xảo như vậy, trí tuệ là như vậy” (Lời Ân Sư dạy).  Ân Sư khuyến khích đệ tử tự mình phải thiện xảo, phải trí tuệ mới tu tập Phật Pháp được. Phật Pháp cần có trí tuệ trong khi tu mới thành công. Thiếu trí tuệ, sự thành công chỉ là ước vọng.

Thí dụ đề mục thứ 17 của Định Niệm Hơi Thở “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”, là đề mục thích ứng với người có sự tỉnh giác cao, mức làm chủ ý thức mạnh mẽ, sắp hay đang có Thất Giác Chi, thế mà Ân Sư bảo người đệ tử bị hôn trầm, thuỳ miên nặng nề thay đổi đề mục đó để đưa nó vào pháp môn Kinh Hành Tỉnh Giác giúp phá hôn trầm: “Với tâm định tỉnh, tôi biết tôi đang đi kinh hành”, hay sử dụng nguyên văn vào đề mục thứ 1, thay thế hay bổ túc cho “Hít vô, tôi biết tôi hít vô; thở ra, tôi biết tôi thở ra” của Định Niệm Hơi Thở.

Không có Ân Sư chỉ dạy, làm sao chúng ta biết, làm sao chúng ta dám thay đổi, sử dụng đúng lúc, đúng thời khéo léo, thiện xảo như vậy.

Ân Sư chỉ dạy cho chúng tôi, những người mới học tu, bốn pháp Thiền Định căn bản: Kinh Hành Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu và Định Sáng Suốt (hay Tỉnh Giác với Tâm Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự nói vắn tắt là Tâm Vô Sự) và tập làm quen Thân Hành Niệm. Mỗi pháp có nhiều trình độ, cho nên Ân Sư theo căn cơ của đệ tử chỉ dạy cho người này mức pháp đúng với trình độ căn cơ của họ. Ân Sư chỉ dạy cặn kẽ từ lý thuyết đến thực hành từng pháp môn. Người đệ tử an trú được trình độ căn bản xong thì Ân Sư (khuyến khích) sách tấn tiến lên mức cao hơn.  Cứ như thế, người đệ tử trong thời gian đầu được vươn tới từ từ cho đúng trình độ của mình xong thì bắt đầu chậm lại để nhuần nhuyễn các pháp được học.

Những pháp môn trên có thể giải thích tóm tắt như sau:

KINH HÀNH TỈNH GIÁC ĐỊNHđược tu tập nhằm đạt mục đích tỉnh giác, phá hôn trầm.  Mọi tu sinh cần phải đánh giá sự tu tập định này tối quan trọng trong bước đầu tu tập. Ai không chịu đi kinh hành nhiều thì phá hôn trầm không được; những ai cứ chuyên ngồi thiền nhiều thì đến một giai đoạn nào đó đều bị hôn trầm đánh qụy, sinh ra giải đãi rồi tu chỉ có hình thức thôi. Ân Sư ân cần khuyên bảo mọi tu sinh ngay từ bước đầu phải đi kinh hành càng nhiều càng tốt, cho tới khi phá được hôn trầm mới nên ngồi tu Tứ Niệm Xứ để quét sạch tham ưu - giai đoạn tu rốt ráo để nhập bốn Thiền.

ĐỊNH NIỆM HƠI THỞnhằm mục đích điều khiển tâm, sử dụng tâm đạt được kết quả của từng đề mục trong tổng số 18 đề mục:

-       Đề mục số 1 tập tâm tỉnh thức trong hơi thở đồng lúc gom tâm về một điểm.

-       Đề mục số 2 tập luyện hơi thở cho có nội lực và để tâm nhận ra được hơi thở bình thường căn bản làm căn cứ cho hơi thở thiền định về sau.

-       Đề mục số 3 giải phóng tâm ra khỏi tụ điểm để nhận thức được các chướng pháp của thân.

-       . . .

Mỗi đề mục đều nhằm luyện tập tâm đạt một mục đích và tập cho tâm ngày càng có đầy đủ năng lực để đạt mục đích đó. Khi tâm có đầy đủ năng lực thì Thất Giác Chi sẽ xuất hiện để làm dụng cụ nhập các mức thiền định của Thánh Quả. Đó cũng chính là sự chuẩn bị trước cách thức đối trị với chướng ngại pháp khi chúng hiện ra trên bước đường tu tập.

ĐỊNH VÔ LẬUlàm cho tâm quán triệt các pháp thiện, pháp ác để buông xả, để tâm bất động, giải thoát tâm ra khỏi các lậu hoặc, chuẩn bị cho giai đoạn Tứ Niệm Xứ đối trị với các chướng ngại pháp trong thân, tâm.

ĐỊNH SÁNG SUỐTgiúp tâm được thư giãn, bớt căng thẳng quá sức chịu đựng của hệ thần kinh trong khi tu tập. Tu tập định này khiến cho tâm an trú vào trạng thái nhẹ nhàng của Sơ Thiền (không phải Sơ Thiền). Tu tập trạng thái tâm này phải cẩn thận để khỏi rơi vào trạng thái tâm của các định vô sắc, hoặc chỉ loanh quanh với trạng thái tỉnh giác. Đây là tiền thân của tâm tu tập Tứ Niệm Xứ. Không thành công an trú Định Sáng Suốt thì sẽ mất nhiều thì giờ và khó khăn hơn khi tu tập Tứ Niệm Xứ.

THÂN HÀNH NIỆMđược tu tập ở giai đoạn này chẳng qua chỉ là sự tập làm quen, dần dần sẽ trở thành thói quen sử dụng tâm và thân cho có sự phối hợp chặt chẽ mà Ân Sư thường dạy “trở nên một cỗ xe”; một cỗ xe thật tốt để sẵn sàng dùng trong giai đoạn tu rốt ráo của Tứ Niệm Xứ để Tâm định trên thân, thân định trên tâm.

Điều kiện duy nhất Ân Sư đòi hỏi nơi người đệ tử là phải biết nhận thức, suy luận để tu cho kỹ lưỡng, cùng với giữ gìn giới luật cho nghiêm, đừng vi phạm: Ăn một ngọ – ngủ, thức đúng giờ – độc cư, không tiếp duyên, không nói chuyện.

Ân Sư nhấn mạnh trong suốt thời gian vừa qua, những người về đây thì có một số giữ gìn giới hạnh đầy đủ lại tu tập không kỹ lưỡng; ngược lại, một số tu tập kỹ lưỡng lại không nghiêm trì giới luật. Vì thế, chưa có ai đạt được kết quả như Ân Sư mong chờ.

Theo thiển ý, mọi người đều đã bị kinh sách phát triển hướng dẫn sai lệch quá sâu dày. Mỗi khi nghĩ tới tu hành, trong trí họ hiện lên hình ảnh của người gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền. Tụng nhiều bộ kinh, niệm Phật hiệu hằng muôn ngàn biến, trì chú suốt ngày đêm, ngồi thiền giờ này qua giờ khác là chân chánh tu hành. Đặc biệt là tu thiền với nhiều pháp của các Tổ, những công án kỳ đặc làm mê hoặc ý thức, hay niệm chú với những thần thông xuất hiện, nên khi họ về đây, không thể nào dễ dàng bỏ được tập quán sâu dày đó. Họ bị choáng ngợp với các truyền thuyết chứng đắc của các Tổ, với những lý luận trừu tượng cao siêu của kinh sách luận giải nên thiếu niềm tin vào đường lối tu tập của Ân Sư. Bởi vậy, nếu các tu sinh trước khi về đây đã là tăng ni tu học các Tổ Sư Thiền, cũng như các cư sĩ đã nghiên cứu và thực hành theo các kinh sách này thì rất khó bỏ các kiến chấp họ đã huân tập, cho nên họ chỉ chuyên tâm ưa thích ngồi thiền và ngồi thật lâu, quên đi lời Ân Sư tha thiết thương yêu “Các con phải đi kinh hành! Đừng ngồi! Hãy mở cửa thất mà đi ra ngoài!”.

Ngoài ra còn một yếu tố khác là trong tay họ ít có người nào có đầy đủ kinh sách, băng giảng của Tu Viện lưu hành và thời gian nghiên cứu chưa được kỹ, chưa thấm nhuần, lãnh hội chưa thấu đáo. Cho nên, Tu Viện cần bổ khuyết càng sớm càng tốt một CẨM NANG TU HỌC CHÍNH THỨC hướng dẫn cho tu sinh tu tập các pháp môn ở giai đoạn đầu (mặc dù hiện có các tập Cẩm Nang của Nhóm Tu Học California (Mỹ), nhưng chưa được gọn, chưa có thứ lớp của một hệ thống chương trình). Một CẨM NANGmà bất kỳ ai, dù là tăng ni đã tu tập lâu năm bên ngoài, một khi đã về đây cũng phải tu tập những bước đầu của các pháp môn này, vì đây là các pháp môn chân chánh mà đức Phật đã chỉ dạy, đây là con đường đi tới Thánh Quả Alahán mà chỉ một mình Chân Như có mà thôi. Chính vì muốn các phật tử quay trở về tu học các pháp môn này mà Tu Viện Chơn Như được thành lập.

Tôi tin chắc trong số quí vị về đây sống tu trong thời gian ngắn hạn, có vị mãi khi trở về lại trú xứ vẫn chưa nắm vững các pháp môn tu của Tu Viện Chơn Như, vẫn nghi ngờ không biết mình thực hành đã đúng chưa vì cơ hội thưa hỏi quá ít; lại có người nghĩ chỉ cần đọc thông suốt các bộ sách lưu hành của Tu Viện là biết cách hành và hành đúng pháp, không cần phải thưa thỉnh. Nhiều khi cái hiểu này lại sai lầm vì là kiến giải cá nhân. Thí dụ cách đi kinh hành, cách thức xả tâm,... tuy trong sách đã giải thích nhiều nhưng từ lý thuyết qua thực hành vẫn có sai khác, cần nhanh chóng thưa thỉnh điều chỉnh; có khi ta lại không nhận ra được cái sai khác này. Đó là những vị may mắn có đủ sách, đủ thì giờ nghiên cứu; còn nhiều vị khác không có may mắn đó thì thật là khó khăn (vị nào ở trường hợp này, xin mời vào “thư viện” của Từ Quang ở địa chỉ http://nguyenthuychonnhu.com có hầu hết các kinh sách lưu hành của Tu Viện Chơn Như).

Tất cả các pháp môn Ân Sư dạy đều nhắm mục đích thực hiện cho bằng được “Tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản”. Mỗi pháp môn nhằm luyện tập thực hiện một hay nhiều trạng thái của tâm tối hậu trên, nên cần phải tu tập nhuần nhuyễn và tu tập phối hợp, không thể chọn tu tinh tấn một pháp môn mà lơ là các pháp môn khác. Tu như vậy khiến cho tâm bị “què quặt”, thiếu năng lực, lệch lạc, dễ đưa vào đường tà định của ngoại đạo. Những ai chỉ chuyên ưa ngồi thiền theo hướng các kinh sách phát triển do các Tổ biên soạn sẽ chẳng bao giờ nếm được mùi vị giải thoát của thánh quả Alahán; họ chỉ đi dần vào đường cùng của các định vô sắc, không định.

Khi tu tập ta sẽ dễ dàng thấy cái thiện xảo của từng pháp môn. Thí dụ tu tập Định Niệm Hơi Thở; “đề mục” nhằm tạo cho tâm có năng lực, “tác ý” làm giảm bớt sự căng thẳng thần kinh, chuyển đưa tâm từ đề mục qua hướng tâm. Hệ quả là tâm được nhu nhuyễn, dễ sử dụng, tâm không bị ức chế một hướng, khiến tâm luôn ở trạng thái tỉnh thức, không bị lạc vào tưởng thức. Càng tu tập nhuần nhuyễn nhiều pháp môn thì tâm càng được nhu nhuyễn, dễ sử dụng, các trạng thái của “Tăng Thượng Tâm” đó càng được sung mãn thì khiến cho bảy Giác Chi xuất hiện làm “lực đẩy” cho tâm nhập được các Thiền.

Nói tóm lại, Pháp Môn Chơn Như mà Ân Sư dạy cho chúng ta có nền tảng căn bản là GIỚI ĂN, NGỦ, ĐỘC CƯvà tu tập các thiền định: KINH HÀNH TỈNH GIÁC, ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, ĐỊNH VÔ LẬU, ĐỊNH SÁNG SUỐTvà cuối cùng là TỨ NIỆM XỨvà THÂN HÀNH NIỆM.Nếu chúng ta thông suốt, thực hành chuyên cần là chúng ta đã báo đáp công ơn của Phật, của Thầy.

Con đường đã có, cỗ bàn đã được sẵn.  Chúng ta chỉ cần quyết tâm đi, chỉ cần khéo léo ăn thì sẽ no; tức là đi phải đến đích, phải được an lạc, giải thoát.

Cầu mong tất cả mọi người đều thành công.

Chí thành đảnh lễ Ân Sư.

Từ Quang.

(Viết tại Tu Viện Chơn Như, ngày 11-2-2003)

----&----

 

HẾT TẬP VI

MỤC LỤC TẬP VI

MỤC LỤC

 


 GIỚI THIỆU SÁCH

1.  Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2.  Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3.  Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4.  Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5.  Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6.  Thiền căn bản.

7.  Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8.  Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9.  Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I(2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)

 


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   và http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VI”

 

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VI

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com

 


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 7)

Đường Về Xứ Phật (tập 7)

ĐỨC PHẬT THÍCH CA KHỔ HẠNH

Sáu năm khổ hạnh đức Phật Thích Ca Mâu Ni gần như sắp chết nhờ bát sữa dê sống lại. Ngài thấy rõ tất cả giáo pháp của ngoại đạo chỉ là lời nói suông. Vì thế,Ngài quyết định phải tự tìm ra sự thật của cuộc đời. Cuối cùng,Ngài đã thành tựu viên mãn.

LỜI NÓI ĐẦU

Đường Về Xứ Phật, từ tập một đến tập sáu, các bạn đã được đọc phần “Hỏi Đạo”. Càng đọc các bạn càng thấy rõ, đường lối tu tập của đạo Phật không giống như đường lối tu tập của ngoại đạo. Nhất là đối với các pháp môn trong kinh sách phát triển. Vì những pháp môn trong kinh sách này không lấy giới luật làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh của những tu sĩ và cư sĩ, nên kinh sách này đã làm mất chương trình giáo dục và đạo tạo những bậc tu chứng quả A La Hán.

Càng đọc, các bạn càng thấy rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn trong kinh sách phát triển, quyết tâm diệt sạch Phật giáo trên hành tinh này. Kinh sách phát triển này rất khéo léo, thay thế danh từ Bà La Môn Giáo bằng những danh từ rất kêu và rất nổi bật như: xe nhỏ, xe lớn, xe tối thượng, khiến cho tất cả tín đồ Phật giáo dễ lầm lạc, họ cứ ngỡ kinh sách đó là của Phật giáo chân chánh, là những lời đức Phật dạy. Nhất là kinh sách phát triển, khi bắt đầu vào bài kinh nào cũng đều dùng những danh từ để xác định do Phật thuyết rất hay, khiến mọi người dễ lầm lạc. Đó là những câu: “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, viên dữ Ký Đà...”. Câu này có nghĩa khi ông A Nan kết tập kinh Phật đọc trước 500 vị A La Hán như sau: “Một thời đức Phật ở tại nước Xá Vệ trong tịnh xá Ký Hoàn của ông Cấp Cô Độc và trong khu vườn của thái tử Kỳ Đà”. Khi nghe đọc câu này ai mà không tin rằng Phật thuyết. Và vì vậy, những kinh sách phát triển đó, các bạn dễ lầm tưởng là kinh sách của đức Phật thuyết.

Cho nên, tín đồ Phật giáo hiện giờ lầm lạc, tưởng kinh sách phát triển là kinh sách Phật giáo chân chánh, nhưng không ngờ là kinh sách Phật giáo Bà La Môn. Đó là kinh sách mê tín, trừu tượng, ảo giác của Bà La Môn đã lừa đảo được tín đồ Phật giáo một cách dễ dàng. Hơn hai ngàn năm trăm năm, tất cả tín đồ Phật giáo đều tin đó là kinh sách của đức Phật thật sự.

Vì thế, tín đồ đến chùa thường cúng bái, tụng niệm và tọa thiền, có người nghi ngờ, nhưng không biết hỏi ai, lại có một số người chịu khó nghiên cứu nên họ nhận xét Phật giáo hiện nay chỉ là một tôn giáo mê tín, lý luận nhiều, nhưng rỗng tuếch, huyền hoặc. Dường như Phật giáo dạy những đạo đức mê tín, lạc hậu v.v.. còn đạo đức thật sự (giới luật) thì bỏ qua, tu sĩ không còn ai tôn trọng gìn giữ và sống đúng giới hạnh.

Khi đức Phật còn tại thế, ông A Nan quỳ xin đức Phật cho giới nữ xuất gia. Để thành lập giáo đoàn Ni chúng, Ngài đã xác định và tuyên bố trước chúng Tỳ Kheo: “Nếu cho người nữ xuất gia tu tập thì đạo Ta chỉ trụ thế có năm trăm năm, thay vì phải trụ thế một ngàn năm”.

Đạo Phật là một tôn giáo rất bình đẳng, đối xử từ loài vật đến loài người với một lòng thương yêu bình đẳng. Dưới đôi mắt nhân quả của Ngài, được xem vạn vật là anh em chung nhau trong một nhà (Mọi vật đều từ trong nhân quả tức là từ môi trường sống sanh ra). Vì thế, Ngài xác định: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy này của đức Phật rất bình đẳng. Cớ sao lại tuyên bố: “Nếu cho giới nữ xuất gia thì đạo Ta chỉ còn truyền thừa năm trăm năm”. Không lẽ cho giới nữ xuất gia thì giới nữ làm hư hoại Phật giáo sao? Không đúng. Giới nữ cũng là một con người như người nam, họ cũng được quyền sống như người nam, cũng được quyền xuất gia tu hành như người nam; họ tu hành cũng chứng quả A La Hán như người nam; họ cũng đầy đủ trí tuệ không thua gì người nam; họ cũng nhập được Tứ Thánh Định; họ cũng đầy đủ Tam Minh Lục Thông. Cớ sao đức Phật lại chế ra “Bát Kỉnh Pháp” bắt họ phải quỳ đảnh lễ một nam tu sĩ mới xuất gia, thân tâm của vị này chưa có chút gì gọi là thanh tịnh, mà buộc một người tu sĩ nữ chứng quả A La Hán thân tâm đã thanh tịnh hoàn toàn phải đảnh lễ. Người nữ này có thể là một bậc Thầy của vị tu sĩ nam. Trong các trường đại học chúng ta phải chấp nhận những nữ giáo sư có tài, dạy rất hay đâu kém gì nam giáo sư. Trong phòng thí nghiệm khoa học có rất nhiều nữ bác học đang nghiên cứu và phục vụ cho nhân loại đâu thua gì nam giới.

Đạo Phật có một nền đạo đức rất bình đẳng, “Đạo đức không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ cả hai”. Thế sao đức Phật là người đã tu chứng đạt chân lý, sao lại có lời nói khinh miệt giới nữ như vậy. Lại còn chế Bát Kỉnh Giới để hạ giá trị người nữ tận cùng. Lời nói này là lời nói của các nhà phong kiến, của các tôn giáo chịu ảnh hưởng phong kiến “Trọng nam khinh nữ” chứ không phải đức Phật nói những lời này và chế Bát Kỉnh Giới. Như vậy Bát Kỉnh pháp ai chế ra đây…?

Đạo Phật ra đời là san bằng những giai cấp trong xã hội. Cho nên, trong đạo Ngài có đủ mọi từng lớp giai cấp tu tập, không phân biệt sang hay hèn, nam hay nữ đều được xem bình đẳng như nhau.

Thế mà Bà La Môn dám đặt điều nói Phật dạy: “Nếu cho người nữ xuất gia đạo Ta chỉ còn trụ thế năm trăm năm” và chế ra Bát Kỉnh Giới rồi cho là đức Phật chế, để Phật giáo cũng trọng nam khinh nữ như các tôn giáo khác, thật là đau lòng.

Thầy Tổ của chúng ta lầm, cứ tin theo kinh sách phát triển mà biến Phật giáo thành một tôn giáo có giai cấp; một tôn giáo trọng nam khinh nữ; một tôn giáo không xứng đáng cho con người ngưỡng mộ.

Năm trăm năm đầu ấy, khi đức Phật nhập diệt xong, các vị đại đệ tử của Người cũng lần lượt nhập diệt hết, chỉ còn lại một số rất ít tỳ kheo ẩn bóng tu hành chơn chánh. Họ tránh danh, tránh lợi, tránh chia phe, chia nhóm, tránh chống trái, kích bác nhau; tránh những tỳ kheo phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v.. Lúc nào cũng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và còn tu tập theo đúng giáo pháp của Phật dạy, sống đúng phạm hạnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt. Còn bao nhiêu vị tỳ kheo khác chạy theo danh, lợi, chia manh, chia múm thành lập 20 bộ phái. Nếu họ không vì danh lợi, chia ra bộ phái để làm gì? Phải không các bạn?

Hai mươi bộ phái chia ra để dễ bề tự do phá giới luật của Phật tận cùng. Giới luật các vị tỳ kheo không còn giữ gìn nghiêm túc như lúc đức Phật còn tại thế. Hiện giờ, chúng tỳ kheo không còn giữ gìn giới luật nghiêm túc nữa, nên được xem đạo Phật đã mất từ khi chia ra bộ phái.

Khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã xác định: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”. Lời di chúc này giúp cho chúng ta nhìn thấy tu sĩ hiện giờ phạm giới, phá giới là chúng ta biết ngay là Phật giáo đã mất, chỉ còn lại là đạo Bà La Môn, chuyên môn mang mõ chuông đi cúng tế cầu siêu, cầu an v.v..

Đặc biệt, thiền định của đạo Phật bắt buộc tu tập phải sống đúng giới luật và sống rất nghiêm túc, thì mới mong thực hiện nhập được các loại chánh định. Các loại thiền định đó là Tứ thánh định. Có nhập được Tứ thánh định thì mới triển khai được trí tuệ của Phật. Trí tuệ của Phật là trí tuệ tam minh.

Khi phá giới, phạm giới mà tu thiền định, thì thiền đó là tà thiền, thiền tưởng. Khi nhập thiền tưởng thì triển khai tưởng tuệ, chứ không bao giờ triển khai trí tuệ Phật được. Cho nên, những người nói thiền định mà phạm giới, phá giới là những người nói láo gạt người về thiền định.

Những loại thiền định và tưởng tuệ này chẳng có ích lợi cho hành giả, mà còn có hại trên đường tu tập, có nghĩa là tu hành chẳng đi đến đâu cả, uổng công mất thì giờ vô ích.

Đối với chúng tôi rất sẵn sàng trả lời cho các bạn, khi các bạn có nghi ngờ những điều gì không đúng của Phật giáo. Muốn biết đúng hay sai những giáo pháp của đạo Phật, thì các bạn cứ mạnh dạn hỏi thẳng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng trả lời thẳng thắn những gì không đúng của đạo Phật cho các bạn rõ. Những giáo pháp sai này là do ngoại đạo lồng vào kinh sách, rồi mạo danh là của Phật giáo.

Các bạn có thưa hỏi thì chúng tôi mới trả lời, bằng không thưa hỏi, thì chúng tôi tùy nhân duyên của Phật pháp, chứ không đá động đến pháp môn của ai cả, ai tu sao cũng được, tu được thì nhờ, tu không được thì chịu, chớ có ăn thua gì đến chúng tôi đâu. Cho nên đối với chúng tôi, chúng tôi không có ý kiến gì về các pháp môn Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông và những kiến giải của các nhà học giả.

Chúng tôi chỉ tùy duyên của các bạn thưa hỏi. Hỏi, tức là các bạn muốn tìm hiểu. Tìm hiểu để biết rõ đâu là pháp môn của Phật, đâu là pháp của ngoại đạo. Do tâm thành của các bạn, chúng tôi sẵn sàng vạch rõ để các bạn suy ngẫm những điều chúng tôi nói, chứ đừng vội tin ở chúng tôi.

Là một tu sĩ Phật giáo sống thật, tu thật, không cầu danh lợi, không cầu cơm ăn áo mặc, không cầu chùa to, tháp lớn, chỉ tìm cầu sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết nơi thân tâm của mình. Vì thế, chúng tôi nói thật, nói thẳng, nói mạnh.

Khi về họp ở Tỉnh Hội Phật Giáo Tây Ninh, ông Trưởng Ban Tỉnh Hội đề nghị chúng tôi biên soạn giáo án Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông và Thiền Tông.

Trong buổi họp hôm đó, chúng tôi đề nghị ý kiến và vạch rõ bốn Tông phái này không phải của Phật giáo mà của Bà La Môn Giáo:

1- Tịnh Độ Tông là pháp môn mê tín, lừa đảo giới tín đồ bình dân, biến tu sĩ thành những ông “thầy tụng”, thầy cúng tế làm những điều mê tín, phi đạo đức. Các vị thầy này phá giới luật Phật tận cùng, có một lối sống giống như người thế tục, có vợ con, làm tất cả các nghề nghiệp để sanh sống.

 2- Mật Tông là pháp môn tà thuật, huyễn hoặc lường gạt tín đồ nhẹ dạ, ham mê thần thông, biến ông thầy thành thầy phù thủy, thầy bùa, thầy pháp, thầy bói, đồng cốt v.v..

3- Pháp Hoa Tông là pháp môn phi đạo đức, ngồi không mà muốn làm giàu, làm ác mà muốn trốn tránh tội lỗi, biến ông thầy thành một vị Bà La Môn chuyên tế lễ, cúng bái, cầu khan van xin v.v.. Biến đạo Phật thành thần giáo. Biến tín đồ mất sức tự chủ, luôn luôn sống trong tha lực, tựa nương vào thần quyền, do thế mới sản xuất ra Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

4- Thiền Tông là pháp môn ngã chấp, lý luận có logic, dễ lừa đảo giới trí thức, biến Phật giáo vô ngã thành Phật giáo hữu ngã trừu tượng, mơ hồ, biến thiền sư thành giảng sư, luận sư ngôn ngữ vọng ngữ v.v..

Sau buổi họp đó các thầy trong Ban Tri Sự Tỉnh Hội báo cáo về Giáo Hội Trung Ương và thầy chúng tôi, tức là Hòa Thượng Thanh Từ. Chúng tôi biết rất rõ điều đó, nhưng chúng tôi không ngại, là vì chúng tôi xác định: “Những gì chúng tôi nói là sự thật, vì sự thật thì còn mọi người để suy ngẫm, chứ sự thật mà dối gạt được ai sao?”.

 Từ khi ra thất đến nay là 18 năm chúng tôi chẳng hề nói động ai hết, chỉ có so sánh thiền của kinh sách phát triển và Tứ thánh định của đạo Phật, cùng vạch trần những sự phá giới, phạm giới của Tăng Ni và cư sĩ Phật tử để cho thầy chúng tôi biết. Thầy chúng tôi là Hòa Thượng Thanh Từ.

Bản chất chúng tôi hay nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói không sợ mất lòng ai hết, chúng tôi không nói xấu, không bài bác ai, không chỉ trích pháp môn của người nào cả. Nhưng pháp môn nào mượn danh Phật giáo, làm điều mờ ám, lường gạt tín đồ, thì chúng tôi sẵn sàng vạch mặt pháp môn đó, khi có người hỏi đến chúng tôi, còn nếu không ai hỏi thì thôi.

Bốn tông phái này đã truyền thừa ở đất nước Việt Nam, một thời gian rất dài trên hai ngàn năm, nó đã trở thành một truyền thống mê tín lâu đời. Với thời gian dài đó, cũng đủ để xác chứng các giáo pháp này đã đem lại cho tín đồ Phật giáo lợi ích được những gì? Hay chỉ là đem lại sự mê tín, ngu si, lạc hậu cho một dân tộc. Chắc các bạn đã rõ hơn ai hết. Và chúng tôi xin lặp lại:

1-  Tịnh Độ Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ làm thầy cúng, thợ tụng.

2-  Mật Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ làm thầy bùa, thầy ngải, thầy phù thủy, thầy pháp, thầy bói, đồng, bóng v.v..

3-  Pháp Hoa Tông, làm mất sức tự chủ của tín đồ, ngày đêm chuyên tụng niệm cầu an, cầu siêu, đó là những việc làm những điều phi đạo đức nhân quả.

4-  Thiền Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ trở thành những nhà thuyết giảng tưởng (giảng sư), những nhà lý luận tưởng (luận sư), biến thiền sư thành người nói dối, chuyên môn tranh luận, cao thấp, hơn thua.

Nếu các bạn đừng hỏi chúng tôi điều gì, thì chẳng bao giờ chúng tôi nói ra cả, mặc dù chúng tôi rất muốn chấn hưng Phật giáo, làm cho tốt lại Phật giáo. Có nghĩa là giúp cho tu sĩ sống đúng đời sống phạm hạnh, giới luật nghiêm túc, để cho tín đồ và những người không tôn giáo không còn nghi ngờ Phật giáo nữa. Nhưng chúng tôi có nhận xét như sau:

1- Thấy nhân duyên chưa đủ.

2- Chúng sanh chưa đủ phước thọ hưởng giáo pháp chân chánh của đức Phật nên còn nhiều kiến chấp tà pháp ngoại đạo, chưa đủ trí thông minh buông xuống, cuộc sống còn đầy dẫy nhân quả thiện ác.

3- Chúng tôi chưa đủ duyên với chúng sanh, cần phải tạo duyên, nên phải mất rất nhiều thì giờ. Hiện giờ chúng tôi dạy một điều mà tu sĩ tu tập một ngã, (tu tập không đúng theo lời dạy của Phật, của chúng tôi, phần đông đều phạm giới và phá giới, sống không đúng đời sống phạm hạnh độc cư.

4- Chúng sanh hiện giờ, mang đầy ắp những kiến chấp của kinh sách phát triển, nên rất khó dạy, nhất là tu tập pháp môn ức chế tâm của kinh sách phát triển đã thành thói quen, nên rất khó bỏ.

Vấn đạo là nhân duyên, để làm sáng tỏ lại Phật giáo, và cũng là tạo duyên với chúng sanh. Trong những giờ phút chúng tôi chưa tịch thì các bạn còn hỏi tới, hỏi lui để tìm hiểu, một mai chúng tôi đã mất đi rồi, thì các bạn có muốn tìm hiểu Phật giáo, thì chẳng còn ai trả lời cho các bạn, dù họ có biết họ cũng chẳng dám nói thật, chỉ vì họ quá khiếp đảm, trước một thế lực đông đảo của giáo pháp pháp triển Bà La Môn.

Ngày xưa, chỉ có một mình đức Phật, Ngài dám đương đầu với lục sư ngoại đạo, ngày nay chỉ có kinh sách phát triển theo Bà La Môn mà chúng ta quá sợ hãi, rõ ràng chúng ta không bằng đức Phật, chúng ta nhát gan hơn đức Phật nhiều. Tuy trả lời vấn đạo nhưng có chỗ chúng tôi chưa vạch rõ ra hết, mong các bạn cảm thông. Chỉ vì chúng tôi trả lời theo sự thưa hỏi của các bạn quá nhiều, không thể nói hết một lúc được, nên cũng tùy câu hỏi của các bạn, chúng tôi sẽ vạch rõ hơn, để các bạn suy tư.

Đến tập thứ 10 thì chúng tôi xin tạm ngưng phần vấn đạo, để soạn thảo giáo trình đạo đức nhân quả, tức là đạo đức làm người của Phật giáo, để giúp cho tín đồ (cư sĩ và tu sĩ) tu tập rèn luyện sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Thể hiện một cuộc sống hạnh phúc, an lạc cho mình, cho người trên hành tinh này. Đến đây, chúng tôi xin các bạn cứ mạnh mẽ hỏi thẳng những điều mà các bạn đang thao thức về Phật giáo, chúng tôi sẵn sàng giúp các bạn, nếu sự trả lời của chúng tôi có điều gì không vui lòng, xin các bạn cảm thông cho. Bởi vì “lời thẳng mất lòng”.

  Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Tu Viện Chơn Như

(Ngày 11- 2- 1999).

ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Câu hỏi của Viên Hội

Hỏi:Kính thưa Thầy! Hiện nay con vẫn tiếp tục theo dõi hơi thở, an trú hơi thở vào phần dưới bụng, gom tâm và hơi thở ở một chỗ, thì hơi thở chậm lại và các tâm hành dừng hẳn, nếu tác ý muốn dừng hơi thở hoặc điều khiển hơi thở theo ý mình nhanh hay chậm tùy ý.

Nhưng con muốn cho hơi thở lắng sâu và dừng hẳn, tác ý như vậy thì hơi thở dừng, nhưng được một lúc hơi thở bị nén nên thở ra dồn dập, vậy con phải làm sao để hơi thở và tâm hành dừng hẳn. Mong Thầy chỉ dạy cho con để con nương đó mà tiến tu?

Đáp: Sự trình bày tu tập về hơi thở của con thì Thầy thấy con tu theo pháp môn tùy tức của Lục Diệu Pháp Môn, cha đẻ pháp môn này là Trí Khải Đại Sư. Con trụ tâm dưới bụng đó là cách trụ tâm của thiền Minh Sát Tuệ, cha đẻ ra pháp này là thiền sư Miến Điện Mahasi.

Công phu tu tập của con nương vào hơi thở tập tỉnh thức theo cách tùy tức (tâm yên lặng) để tác ý điều khiển hơi thở chậm nhẹ và dừng để đi vào trạng thái tĩnh lặng sâu hơn.

Ở đây, con là người tu không có thiện hữu tri thức hướng dẫn, tự tu tập nên tập hợp lại hai pháp của hai nhà học giả tưởng giải. Một là nhà học giả Trung Quốc (Trí Khải); hai là nhà học giả Miến Điện (Mahasi). Nếu con tiếp tục tu tập con sẽ là nạn nhân của những pháp môn này.

1/    Ức chế tâmđể tâm hành dừng hẳn vọng tưởng.

2/    Ức chế hơi thởđể thân hành dừng hẳn các cảm thọ.

3/    Để lắng sâu vào trạng thái tĩnh lặng để nhập định tưởng tức là Không vô biên xứ tưởng.

Muốn cho hơi thở và tâm hành dừng hẳn thì con hãy tu tập “Tứ Thánh Định” còn con tu theo Lục Diệu Pháp Môn và thiền Minh Sát Tuệ thì không bao giờ tịnh chỉ hơi thở được, tức là tịnh chỉ thân hành. Tịnh chỉ thân hành chỉ có Tứ thiền, ngoài Tứ thiền không có thiền nào tịnh chỉ đúng chánh định. Còn tịnh chỉ ý hành thì chỉ có Nhị thiền diệt tầm tứ mới đúng là chánh định, ngoài Nhị thiền mà tịnh chỉ ý hành là tà thiền tưởng định, thiền của kinh sách phát triển tập hợp giáo pháp tà kiến, tưởng kiến của ngoại đạo và những tư tưởng mê tín dị đoan dân gian.

Người tu thiền thời nay, cái sai thứ nhất là ức chế tâm để hết vọng tưởng. Nếu hết vọng tưởng có lợi ích gì cho quý vị đâu? Hết vọng tưởng có làm chủ sanh, già, bệnh, chết hay không? Hết vọng tưởng ngồi như con cóc để làm gì? Khi xả ra thì tâm tham, sân, si còn đủ, danh lợi không từ, ăn uống phi thời không bỏ, thấy nữ sắc còn đắm chìm say mê, thì tu như vậy có ích lợi gì? Có giải thoát cái gì?

Những loại thiền ức chế tâm, xưa Đức Phật đã tu tập và tìm trong các thiền ức chế tâm đó không có giải thoát, chỉ là một sự tu tập làm khổ thân tâm của mình (thành bệnh), Ngài phải từ bỏ. Và đã bao lần tập nín thở để đạt được giải thoát nhưng cuối cùng Ngài chẳng tìm được chỗ nín hơi thở có sự giải thoát. Bây giờ, quý Thầy lại bắt chước tu như vậy nữa hay sao?

Mục đích của con đi tu là tìm sự giải thoát làm chủ bốn sự đau khổ: Sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi hay đi tìm chỗ hơi thở để trụ tâm và dừng tâm hành?

Nếu đi tìm hơi thở dừng và tâm hành dừng thì Thầy không có kinh nghiệm. Nhưng muốn tu tập làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết thì nên trở về tu tập và sống đúng pháp môn của đức Phật đã dạy:

1-      Giới luật phải nghiêm túc.

2-      Tu tập Tứ Chánh Cần.

3-      Tu tập chánh niệm tỉnh giác (thân hành niệm ngoại).

4-      Định Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ.

5-      Định Niệm Hơi Thở (thân hành niệm nội).

Phải dẹp bỏ pháp môn Tùy Tức của Trí Khải Đại Sư và pháp môn Minh sát tuệ của Mahasi.

Bắt đầu tu tập các loại định xả tâm “ly dục ly ác pháp”, không được tu tập các pháp môn ức chế tâm và ức chế cơ.

Khi nào xả tâm sạch, ly dục, ly ác pháp, tâm không còn tham, sân, si phiền não nữa thì lúc bấy giờ tâm thanh thản, an lạc thường quay vào thân, không có phóng dật ra ngoài. Khi tâm không phóng dật ra ngoài bây giờ tâm mới có Tứ Thần Túc. Dùng Tứ Thần Túc và nương hơi thở khéo tác ý, nhưng phải nhớ không được ức chế tâm để hết vọng tưởng mà chỉ nhẹ nhàng khéo tác ý “tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị thiền”. Chỗ này ức chế hết vọng tưởng là sai, chỉ hướng tâm nhẹ nhàng để tự nhiên Định Thần Túc tầm tứ diệt. Khi Định Thần Túc tầm tứ diệt xong là tâm nhập Nhị Thiền. Một lần nữa chỗ này quý vị cần lưu ý: khi tâm có Tứ Thần Túc thì nên để tự nhiên Định Thần Túc điều khiển nhập định, chứ quý vị không được dụng công trong lúc Định Thần Túc điều khiển. Khi đã nhập Nhị Thiền thì không còn thấy hơi thở có nghĩa là hơi thở còn thở, chứ ở đây chưa phải tịnh chỉ hơi thở, nhưng tự nó thở chậm và nhẹ nhàng, ta không nên dụng cơ điều khiển nó. Nếu dụng cơ điều khiển cho chậm nhẹ là sai, đó là dùng cơ ức chế tâm thì tâm nhập vào một trạng thái không tưởng, từ “không tưởng” nơi đây Thiền tông cho “Vô tâm còn cách một lớp rào”; nơi đây tưởng thức hoạt động sinh ra 18 loại hỷ tưởng, giống như người trong giấc mộng. Sau khi thọ 18 loại hỷ tưởng thì vượt ra không tưởng nhập vào thức vô biên xứ tưởng mà các Tổ thiền tông cho thức vô biên xứ là cái biết phủ trùm vạn hữu (Phật tánh). Thiền Tông tu tập đến đây là hết biết đường tu tập nữa (Phản bổn hoàn nguyên).

Muốn nhập Tam Thiền ta phải nương vào hơi thở khéo tác ý nhẹ nhàng tịnh chỉ các trạng thái tưởng do Định Như Ý Túc điều khiển để tâm ly các trạng thái hỷ tưởng, có nghĩa là không còn một trạng thái hỷ tưởng nào cả. Nói tóm lại là phải ly sạch 18 loại tưởng cho thật sạch. Lúc bấy giờ mới nhập Tam Thiền dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Muốn nhập Tứ Thiền phải xuất khỏi trạng thái Tam Thiền nương vào hơi thở, khéo tác ý tịnh chỉ thọ, âm thanh và các hành trong thân, rồi sau đó mới hướng tâm tịnh chỉ hơi thở, tức là thân hành nội dừng hẳn, nhập Tứ Thiền.

Khi nhập Tứ Thiền xong là lúc bấy giờ tâm định trên thân, thân định trên tâm liền hướng tâm, tức là dẫn tâm đến Tam Minh. Khi Tam Minh đã viên mãn thì ta đã làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi, không còn tái sanh nữa.

 Tu thiền định ức chế tâm chỉ một thời gian tâm sẽ bộc phát tham, sân, si, mạn, nghi rất mạnh. Ức chế tâm dễ sanh chiêm bao.

 Ức chế thân dễ sanh rối loạn cơ thể, rối loạn thần kinh, có thể sanh nhiều bệnh tật khó trị.

 Ức chế tâm, lắng sâu vào các trạng thái tĩnh lặng, dễ rơi vào các trạng thái định tưởng (tà định).

Đó là những loại định rất nguy hiểm cho người tu không có thiện hữu tri thức hướng dẫn.

Về Định Niệm Hơi Thở, thì phải tu đúng như trong kinh Nguyên Thủy mà đức Phật đã dạy:“Định Niệm Hơi Thở không phải “Sổ Tức Quán” không phải “Lục Diệu Pháp Môn”. Không nên tu theo các pháp hơi thở do các Tổ biên soạn và ba hơi thở của thiền Yoga.

Pháp Định Niệm Hơi Thở của Phật là pháp xả tâm: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, đó là pháp môn hơi thở xả tâm, đừng lầm lạc, phải cảnh giác các pháp môn hơi thở của tà giáo ngoại đạo mà các Tổ đã bị ảnh hưởng quá nặng, do các Tổ bị ảnh hưởng giáo pháp của ngoại đạo, nên dần dần giáo pháp hơi thở của đức Phật bị che khuất bởi chiếc áo chắp vá kiến giải của ngoại đạo kinh sách phát triển, đến độ người ta không còn biết đến giáo pháp của đức Phật là gì nữa.

Nên lưu ý: “Tịnh chỉ hơi thở” là một điều quan trọng, vì hơi thở là mạng sống của chúng ta. Nếu hơi thở dừng thì mạng sống này không còn. Cho nên, con đường tu theo đạo Phật làm chủ được sự sống chết, tức là làm chủ được hơi thở. Dừng hoặc phục hồi được hơi thở là một sự điều khiển phải có một đạo lực do tâm ly dục, ly ác pháp; phải có một cuộc sống đúng giới hạnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, cũng không nên ăn uống, ngủ nghỉ phi thời; cũng không nên phá hạnh độc cư vì phá hạnh độc cư tâm sẽ phóng dật mà tâm phóng dật thì không bao giờ xả tâm sạch. Xả tâm không sạch thì ngũ dục lạc phát triển mạnh thì giới ăn, ngủ và độc cư sẽ vi phạm, và vi phạm thì con đường tu không bao giờ tới đích.

Vì thế, xưa đức Phật nhắm vào ngũ dục lạc dạy: “Thừa tự pháp, chứ không nên thừa tự thực phẩm”,tức là đức Phật muốn dạy chúng ta không nên tham ăn, tham uống. Cho nên, ăn uống phải đúng pháp thì sự tu hành mới làm chủ được hơi thở.

Muốn tịnh chỉ hơi thở mà còn ăn uống phi thời, tâm còn dục và ác pháp thì tịnh chỉ hơi thở sẽ đi vào cõi chết, nếu luyện tập tưởng (thở bằng lỗ chân lông, thở bằng rốn thì không chết) nhưng đó là những pháp không làm chủ được sự sống chết.

Vì tâm còn dục nên thích ăn, uống, ngủ, nghỉ, danh lợi, tiền tài, vật chất, sắc đẹp và ác pháp (tham, sân, si, mạn, nghi) thì hành động nội của cơ thể còn hoạt động rất mạnh nên lượng oxy đòi hỏi phải được đầy đủ. Con đã dùng pháp hướng tâm và điều khiển hơi thở để tịnh chỉ nó, nhưng hơi thở chỉ tịnh chỉ được một lúc mà không kéo dài ra và không dừng hẳn được, đó là chứng tỏ thân tâm con chưa thanh tịnh (chưa ly dục, ly ác pháp sạch), cơ thể còn hoạt động như cơ thể người phàm phu. Vì vậy, khi hơi thở bị nén, cơ thể muốn bảo toàn sự sống, nên phản ứng một cách rất tự nhiên, hơi thở ra vô dồn dập để đủ khí oxy trở lại.

Ở Quy Nhơn, có một bác sĩ tu hơi thở và tịnh chỉ hơi thở bằng cách cố nín thở để kéo dài thời gian ra và ông đã chết một cách đáng thương. Giải thoát đâu không thấy mà chết một cách oan uổng. May mắn con viết thư thưa hỏi, nếu không hỏi kịp thời:

1-    Cơ thể sanh bệnh, đứt mạch máu mao phế quản, khạc ra máu như Minh Tông.

2-    Chết một cách thê thảm như ông bác sĩ ở Quy Nhơn.

Trong kinh sách Nguyên Thủy gọi Bốn Thiền là “Tứ Thánh Định”, tức là thiền định của bậc Thánh. Chỉ có bốn thiền này mới tịnh chỉ được hơi thở nhưng phải sống và tu tập đúng theo đường lối Giới, Định, Tuệ, có nghĩa là:

1-        Sống như Thánh giới (Thánh giới uẩn tức là giới luật phạm hạnh đầy đủ).

2-        Tu tập rèn luyện pháp hướng tâm “Tứ Chánh Cần”, tức là ngăn ác và diệt ác pháp.

Các con chỉ biết ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà không thấy “Tứ Chánh Cần” “Định Tư Cụcủa đạo Phật để nhập các loại thiền và các loại định.

Muốn nhập định, tịnh chỉ tâm hành và thân hành mà không tu tập “Tứ Chánh Cần” thì không làm sao tịnh chỉ được hơi thở.

Muốn nhập định làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà không tu “Tứ Chánh Cần” thì không làm sao làm chủ được?

Ngoài pháp môn “Tứ Chánh Cần” mà tìm thiền định, thì thiền định đó là tà thiền, tà định của ngoại đạo, của kinh sách phát triển thì không thể làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Thân tâm chưa thanh tịnh mà muốn nhập định thì định đó là định giết người chưa chôn. Thiền định thời nay tu mãi biến thành pháp dưỡng sinh, ngừa bệnh chẳng có ích lợi gì mà còn phí sức vô ích.

Muốn tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì con hãy nghiên cứu lại kinh sách Nguyên Thủy, cách sống như thế nào? cách tu tập như thế nào?

Pháp nào tu trước, pháp nào tu sau. Khi thông suốt, chừng đó mới bắt đầu thực hành tu tập. Nhưng con nên lưu ý “Giới Luật” là pháp môn đầu tiên của “Tam Vô Lậu Học”, phải áp dụng sống cho đúng giới luật thì con đường tu của con mới được an ổn và đúng chánh pháp.

TƯỞNG ĐỊNH

Câu hỏi của Viên Hội

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một lần con chứng nghiệm một trạng thái toàn thân như mất hẳn, mình như hòa trong tất cả, lúc đó một tiếng thằn lằn bên vách tường kêu, con cảm thấy như tiếng thằn lằn này từ trong tim con kêu, chứ không phải bên ngoài nữa, tiếng thằn lằn và mình là một, như hòa nhập không hai. Trạng thái nàyrất an lạc mà con chưa bao giờ gặp, lúc đó con tác ý để duy trì trạng thái đó, thì hơi thở và tâm hành trở lại trạng thái cũ. Đây là trạng thái gì? và làm sao an trú trong trạng thái này, xin Thầy chỉ dạy giải thích chỉ cho con rõ về phương pháp chỉ và quán của hơi thở?

Đáp: Đây là trạng thái “Thức Vô Biên Xứ Định” một trạng thái định tưởng của bốn loại định Vô Sắc.

Vị Tổ sư viết và soạn thảo kinh Duy Ma Cật gọi đó là pháp môn “Bất Nhị”. Khiđã nhập vào trạng thái định bất nhị này thì mới có cảm nhận như vậy. Thiền Đông Độ do các vị Tổ sư thiền tu tập đều nhập vào được trạng thái định này nên có một cảm giác mình là vạn hữu, vạn hữu là mình, từ đó các Tổ dùng những danh từ rất kêu, gọi nó là “phản bổn hoàn nguyên, phủ trùm vạn hữu; pháp môn bất nhị; dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư; bản thể vạn hữu v.v..”,đó là những danh từ chỉ cho trạng thái “Thức Vô Biên Xứ tưởng” mà các Tổ đã lầm tưởng đó là Phật tánh. Vì là định tưởng nên có một trạng thái an lạc xuất hiện, đó là dục tưởng hỷ lạc.

Bây giờ vô tình con ức chế tâm hết vọng tưởng vượt qua Không Vô Biên Xứ. Con đã rơi vào Thức Vô Biên Xứ. Vì vô tình rơi vào nên con chẳng biết cách nhập vào. Con muốn nhập vào trạng thái đó con hãy nghiên cứu bài kinh Tiểu Không trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 291 thì con sẽ biết cách vào.

Bốn loại định vô sắc tưởng rất dễ tu, phần đông người tu thiền thời nay, đều rơi vào bốn loại định tưởng này mà hai loại định dễ rơi vào nhất đó là “Không Vô Biên Xứ Tưởng” “Thức Vô Biên Xứ Tưởng”.

Nhập vào các định này, các Tổ bị che khuất lối đi, tưởng mình đại ngộ hay triệt ngộ, từ đó xây dựng các thế giới Niết Bàn có bốn đức: “thường, lạc, ngã, tịnh” nhưng thật ra, đó là tưởng tri, chứ không phải liễu tri.

Con muốn rõ phương pháp chỉ quán về hơi thở nên đọc lại sách chỉ quán của ngài Trí Khải Đại Sư mà Thượng Tọa Trí Quang đã dịch ra Việt ngữ vào năm 1965 - 1967 (lâu quá Thầy không nhớ kỹ).

Xưa, Đức Thế Tôn nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ mà còn bỏ vì không ích lợi thiết thực cho đời sống con người, không giải thoát khổ đau của kiếp làm người, bây giờ con đi tìm lại nó để làm gì? Không lẽ con bỏ dục lạc thế gian mà lại đi tìm thứ dục lạc hư ảo hão huyền (rất an lạc) của loại định này sao?

Tu tập theo Phật giáo mục đích là làm chủ thân tâm trước những đau khổ sanh, già, bệnh, chết của kiếp người, chứ đâu phải đi tìm cái tưởng lạc đó có lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con đâu. Bỏ ô này, mắc ô khác, có nghĩa là bỏ dục này tìm dục khác mà lại là dục tưởng thì có ích gì cho cuộc đời vô thường, đau khổ của con.

Con không nhớ trong Tứ Thánh Định Phật dạy: nhập Sơ Thiền “ly dục lạc, ly dục khổ, ly dục bất lạc bất khổ”.

Kế tiếp vào Định Tam Thiền, đức Phật dạy: ly hỷ tưởng cho sạch, rồi sau đó mới xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, xả sạch không còn gì để xả thì mới nhập Tứ Thiền. Bây giờ con lại đi tìm sự an lạc của định Thức Vô Biên Xứ để sống với nó thì phỏng chừng có ích gì cho đời sống của con. Hãy dẹp bỏ mà đi về con đường của Phật. Nếu con có tâm tha thiết tìm cầu sự giải thoát quyết tâm nhiệt tình ly dục ly ác pháp bỏ sạch xuống, tâm chẳng còn tham, sân, si (ác pháp) thì con đường thiền định không còn khó khăn. Muốn tịnh chỉ tâm hành và thân hành thì dễ dàng như trở bàn tay, chỉ cần ra lệnh thì tịnh chỉ được ngay liền.

Nếu tâm ham muốn và ác pháp còn thì con đường thiền định tịnh chỉ tâm hành và thân hành là một điều vạn nan.

Chìa khóa mở cửa thiền định là giới luật, nếu ai biết dùng giới luật thì mở cửa thiền định dễ dàng, làm chủ sanh tử không còn khó khăn.

Cửa thiền định không thể mở cho kẻ phá giới đi vào. Vì thế, tu sĩ Phật giáo thời nay phạm giới, phá giới nên cánh cửa giải thoát của đạo Phật còn đóng chặt, chờ cho kẻ nào vượt qua cửa giới luật mới hé mở cho bước vào. Tu danh, tu lợi, tu chùa to, tháp lớn, tu cấp bằng, tu miệng, tu lưỡi, v.v.. thì cửa thiền định giải thoát của đạo Phật muôn đời vẫn đóng kín âm thầm và lặng lẽ, để chờ đón những người con Phật chân chánh, sống đúng phạm hạnh và giới luật nghiêm túc.

THIỀN XẢ TÂM

Câu hỏi của Liễu Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các pháp hành con tu như trong thư con đã gửi cho Thầy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Các pháp này con tu đều đúng cả, nhưng có một điều con nên quan tâm và lưu ý, nếu tập sai một chút xíu, tức là sai ly hào cũng trở thành thiền ức chế tâm thì rơi vào thiền của ngoại đạo không làm chủ sự sống chết và luân hồi, ngay cả tâm tham, sân, si cũng không hết.

Mục đích tu thiền của Phật là xả tâm, không có ức chế tâm. Con nên lưu ý những câu kết hợp “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly sân tôi biết tôi đang thở ra. Quán ly tham tôi biết tôi đang thở vô, quán ly sân tôi biết tôi đang thở vô”, “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành. Quán ly sân tôi biết tôi đi kinh hành”. Đó là cách thức tu thiền xả tâm.

Trong giờ phút nào tâm được yên lặng thì nhớ hướng tâm nhắc. Muốn biết chắc thiền định xả tâm này của Phật thì con nên đọc lại kinh Nguyên Thủy Trung Bộ Kinh, tập 3 trang 249 Phật dạy về Nhập Tức Xuất Tức, đầu tiên nhớ nhắc tâm:

1/        Vị ấy tập: “Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra”.

2/        Vị ấy tập: “Thở vô dài, vị ấy biết “tôi thở vô dài”. Hay thở ra dài, vị ấy biết “tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết “tôi thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, vị ấy biết “tôi thở ra ngắn”.

3/        Vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô” vị ấy tập: “Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra”.

4/        Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra”.

5/        Vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập: “Cảm giác hỷ thọ tôi sẽ thở ra”.

6/        Vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở vô” vị ấy tập: “Cảm giác lạc thọ tôi sẽ thở ra”.

7/        Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Cảm giác tâm hành tôi sẽ thở ra”.

8/        Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”.

9/        Vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập: “Cảm giác về tâm tôi sẽ thở ra”.

10/    Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm hân hoan tôi sẽ thở ra”.

11/    Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm định tỉnh tôi sẽ thở ra”.

12/    Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra”.

13/    Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở vô”.Vị ấy tập: “Quán vô thường tôi sẽ thở ra”.

14/    Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Quán ly tham tôi sẽ thở ra”.

15/    Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tâm tham tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Quán đoạn diệt tôi sẽ thở ra”.

16/    Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tâm sân tôi sẽ thở vô”. Vị ấy tập: “Quán từ bỏ tôi sẽ thở ra”.

Đọc qua đoạn kinh Nhập Tức Xuất Tức, chúng ta thấy rõ cách thức tu tập Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy xả tâm, chứ không có ức chế tâm, còn pháp Sổ Tức Quan và Lục Diệu Pháp Môn đều là pháp ức chế tâm.

Cho nên “Quán ly tham, quán đoạn diệt, quán ly sân v.v..”. Đó là các vấn đề chánh để xả tâm còn hơi thở là vấn đề phụ chỉ giúp cho tâm được tỉnh thức để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi cho rốt ráo.

Người tu Định Niệm Hơi Thở, phải biết chia ra nhiều giai đoạn tu tập, để làm cho Tứ Niệm Xứ được sung mãn.

Từ biết hơi thở vô, hơi thở ra, đến an tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra, đó là tập chánh niệm tỉnh giác để chế ngự tham ưu ở đời. Đấy là giai đoạn một “tỉnh giác là hàng đầu” trên thân quán thân, thân hành nội, tức là hơi thở ra, vô.

Từ cảm giác hỷ thọ đến “an tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”. Đó là trên thọ quán thọ để giúp cho sức tỉnh giác cao hơn luôn ở trong chánh niệm, khắc phục được thọ, mà khắc phục được thọ thì chế ngự được tâm tham ưu ở đời. Mà các cảm thọ, tức là hơi thở vô, hơi thở ra, tức là tu tập xả thọ (thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ). Đây là giai đoạn hai tu tập hơi thở xả tâm tham ưu khắc phục thọ.

Từ “cảm giác tâm tôi sẽ thở vô đến với tâm giải thoát tôi sẽ thở ra” đó là trên tâm quán tâm dùng sức tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Một người khéo tu tập hơi thở như vậy thì không thể thất niệm, không thể không có tỉnh giác. Đó là cách thức quán tâm trên tâm để xả tâm tham, sân, si (tham ưu). Đây là giai đoạn thứ ba của người tu thiền đạo Phật xả tâm. Từ “quán vô thường tôi sẽ thở vô đến quán từ bỏ tôi sẽ thở ra” đó là quán pháp trên các pháp để xả tâm xa lìa các pháp, chế ngự và khắc phục tham ưu ở đời. Do nhờ tu tập như vậy, mới đoạn trừ tham ưu với trí tuệ khéo nhìn sự vật (các pháp) với tâm xả ly. Đây là giai đoạn thứ tư tu về Định Niệm Hơi Thở xả ly tâm dục và ác pháp khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

Trong bốn loại định:

1/        Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, tu tập theo hành động của ngoại thân đều câu hữu với pháp hướng xả tâm, như lý tác ý. Để phá hôn trầm thùy miên vô ký.

2/        Định Niệm Hơi Thở, tu tập theo hành động nội của thân cũng đều câu hữu với pháp hướng xả tâm như lý tác ý.

3/        Định Vô Lậu, quán xét tư duy cho thấu triệt các pháp nội và ngoại, rồi dùng pháp hướng xả tâm như lý tác ý.

4/        Định Sáng Suốt, là một loại định vừa thư giãn, vừa xả tâm bằng pháp hướng thư giãn.

Đều là bốn pháp định xả tâm (ly dục ly ác pháp). Con nên nhớ kỹ “thiền của Phật là thiền xả tâm”. Đọc bài kinh Nhập Tức, Xuất Tức chắc con đã rõ, không phải chỉ có Thầy dạy thiền xả tâm mà chính đức Phật đã dạy như vậy. Thầy chỉ là người dạy lại lời của đức Phật mà thôi.

Còn các thiền của ngoại đạo đều dạy ức chế tâm, con hãy cố gắng tu cho đúng lời Phật dạy thì kết quả ngay liền có sự giải thoát cụ thể giải thoát không phải tu nhiều đời nhiều kiếp.

CẬN TỬ NGHIỆP

Câu hỏi của Liễu Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con đọc cuốn “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú, giáo sư Phật học trường Quốc học Huế nói về cận tử nghiệp của người bệnh sắp chết qua đời:

1/ Khi người bệnh tắt hơi thở cuối cùng là lúc các hành trong thân đang tan rã, đau đớn, nếu động vào thân như thay quần áo v.v.. làm cho người đó đau đớn hơn, nên sanh lòng sân hận, khiến cho nghiệp lực người đó chuyển từ từ sang ác, do đó sẽ bị đọa vào sáu nẻo luân hồi (mặc dù người đó là tỳ kheo vẫn bị đọa).

Đáp:Cuốn sách “Sống Và Chết” của dịch giả Thích Quang Phú dịch là cuốn tiểu luận cận tử nghiệp của kinh sách phát triển luận theo cận tử nghiệp của ngoại đạo (Bà La Môn) nên không đúng với ý nghĩa của đạo Phật. Kinh sách phát triển xây dựng cận tử nghiệp theo tưởng giải của tà giáo ngoại đạo, không đúng sự thật, chỉ có những người không biết thì tin, còn những người thông suốt kinh sách Nguyên Thủy thì không thể nào tin được.

Bài kinh Nhập Tứ Xuất Tức trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 249, đức Phật đã dạy và xác định rất rõ ràng: “hơi thở vô, ra còn là thân, thọ, tâm và pháp của chúng sanh còn, hơi thở ra, vô dừng là thân, thọ, tâm, pháp của chúng sanh dừng”. Người nhập Tứ Thiền hơi thở ngưng nghỉ mà thân, thọ, tâm, pháp không hoại diệt là nhờ sức thiền định. Người bình thường không nhập được Tứ Thiền khi hơi thở ra vô ngưng nghỉ thì thân, thọ, tâm, pháp của người ấy cũng ngưng nghỉ.

Như trong kinh Phật dạy: Hành đã diệt thì lấy gì thân còn hoạt động, tâm thức đã mất thì lấy gì còn biết đau, thọ đã diệt thì lấy gì mà đau, hơi thở tức là hành diệt, thọ diệt, tâm diệt thì thân lúc bấy giờ như cục đá, gốc cây còn biết gì đau nhức, giận hờn. Cho nên, kinh sách “Sống Và Chết” chỉ là tưởng giải của các nhà học giả kinh sách phát triển. Giáo sư Quang Phú là một nhà học giả giảng theo kinh sách như vậy, chứ Ngài cũng không biết đúng, sai. Ngài giống như một con chim học nói, xưa các Tổ nói sao thì bây giờ Ngài giảng lại như vậy.

Khi hơi thở dừng thì các hành trong thân đều dừng, các hành trong thân đều dừng thì thọ và tâm thức cũng dừng, mà thọ và tâm thức dừng thì còn biết đau biết nhức chỗ nào nữa đâu. Như vậy là một kiếp người đã hết rồi, không còn nữa. Cho nên, kinh Sống Và Chết là loại kinh mê tín, loại kinh lừa đảo người, lừa đảo tín đồ.

Cận tử nghiệp chỉ là sự tưởng tượng của Tịnh Độ Tông để hộ niệm cho người sắp lâm chung, để giúp cho người sắp chết bình tỉnh giữ được niệm Phật Di Đà, niệm Phật A Di Đà, đó là một thiện niệm tốt nhất của pháp môn này.

Gốc nghiệp là do hằng ngày chúng ta huân tập nhân ác hoặc thiện, tới giờ sắp chết muốn cho toàn thiện thì không thể được. Nếu hàng ngày huân điều thiện thì thói quen thiện sẽ thể hiện trước giờ lâm chung cận tử nghiệp thiện; nếu huân tập điều ác thì thói quen làm việc ác sẽ thể hiện trước giờ phút lâm chung cận tử nghiệp ác. Đó là một lẽ công bằng, công lý và rất hợp lý của đạo Thánh Hiền.

Kinh sách phát triển dạy không hợp lý, phi đạo đức Thánh Hiền, có ngụ ý gian xảo lường gạt mọi người.

Suốt đời sống làm điều ác gây biết bao tang tóc đau khổ cho người và muôn vật, đến khi sắp chết thì mới thỉnh các sư thầy và cư sĩ đến hộ niệm để cho người tỉnh táo niệm Phật theo mà quên đi những hành động ác, do quên đi những hành động ác mới tạo ra cảnh giới cận tử nghiệp thiện, từ đó thoát cảnh đọa sáu nẻo luân hồi để về Cực Lạc Tây Phương.

Kinh sách phát triển rất xảo trá dạy cho chúng ta tạo cảnh cận tử nghiệp một cách lừa đảo, gian xảo lường gạt người trần tục của chúng ta. Nếu có cõi Cực Lạc Tây Phương thật sự thì chắc gì kinh sách phát triển lừa đảo được đức Phật Di Đà.

Nếu theo giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà tu tập “Tứ Chánh Cần” ngăn ác, diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp, thì suốt đời chẳng làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, thì cận tử nghiệp phải là thiện, cần gì phải nhờ người khác hộ niệm. Còn làm ác, chuyên làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh thì dù có rước hàng trăm vạn tỳ kheo cho đến các vị Phật ở khắp mười phương đến để hộ niệm cho người sắp chết, thì người ấy vẫn đọa địa ngục như thường. Vì luật nhân quả rất công bằng và công lý.

Những kinh sách phát triển dạy phi chân lý, phi đạo đức như vậy, thế mà người ta nghe danh từ “xe lớn’’, thì ai cũng tưởng mình tu theo pháp xe lớn là “ngon” “vĩ đại” “cao thượng”, nào ngờ bị lừa đảo mà không biết.

Kinh sách phát triển là một loại kinh sách tưởng, kinh sách không đáng tin cậy, kinh sách nói mơ hồ trườn uốn như con lươn, nói hai mặt để khiến cho người ta không bắt bẻ được. “Kinh sách nói như vậy, chứ không phải nghĩa như vậy”.

Tin hay không tin là quyền của quý vị, nhưng ít ra quý vị đừng để kẻ khác lừa đảo mình, quý vị hãy suy nghĩ đi. Đạo Phật dạy người không nên lừa đảo, chân thật, tự lực cứu mình chẳng cần ai hộ niệm cho mình cả, chỉ có mình mới giải quyết sự đau khổ cho chính mình. Nên những bài pháp trong kinh Nguyên Thủy dạy tự mình sửa sai và khắc phục những điều ác để đem lại sự an vui cho mình, cho người trong hiện tại thì có lo gì ai hộ niệm để tạo cận tử nghiệp tốt cho mình. Quý vị còn nhớ lời Phật dạy hay không? “Hãy thắp đuốc lên mà đi Ta chỉ là người hướng đạo, chứ Ta không thể đi thay thế cho ai cả”. Vậy mà mọi người hộ niệm cho người khác thì có sai với lời dạy của Phật chăng? Câu trả lời này xin nhường lại quý vị trả lời!!!

TIẾP DẪN VỀ CỰC LẠC

Câu hỏi của Liễu Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trước lúc hấp hối và sau khi tắt thở, phải nhờ bạn đồng đạo (hay mời sư thầy) về tụng kinh niệm Phật để trợ duyên cho người bệnh đang hôn mê. Nhờ có tụng niệm âm thanh niệm Phật, tụng kinh khiến cho người bệnh tịnh tâm nhớ Phật, niệm Phật, nhờ đó sẽ dứt được nghiệp, được Phật đón về Tây Phương Cực Lạc (mặc dù người đó là đại ác).

Đáp:Kinh sách phát triển nhất là dạy về phần Tịnh Độ, có nhiều phần rất là vô lý và phi đạo đức hết sức:

1/ Lúc hấp hối (sắp chết) rước Sư, Thầy hay các đồng đạo về tụng, niệm để trợ duyên nhớ Phật, niệm Phật để sẽ được Phật rước hồn về cõi Cực Lạc Tây Phương, thật là phi lý vô cùng. Khi còn sống mạnh khỏe đến chùa lạy Phật, tụng kinh niệm chú mà nghiệp vẫn chưa tiêu được, huống là lúc bệnh tật sức yếu và nhất là lúc hấp hối thì còn sức đâu mà chiến thắng lại nghiệp ác. Nếu có cố gắng tỉnh thức để niệm Phật cũng không nổi, vì thân tứ đại sắp tan rã thì đau nhức tận cùng, còn sức chịu đựng sự đau khổ của thân và tâm. Lúc bây giờ còn sức đâu chịu nổi những cơn đau tận cùng của thân mệnh, tinh thần thì rối ren, phần đau đớn, phần sợ chết, phần thương con cháu thì làm sao còn bình tĩnh đâu mà niệm Phật.

2/ Nhân quả do mình tạo ra thành nghiệp, thì phải chính mình tu tập sửa đổi tâm tánh đi vào thiện pháp, thì nghiệp kia mới tiêu trừ. Chứ đâu có niệm Phật sám hối mà tiêu tội, tiêu nghiệp được. Nếu niệm Phật, sám hối, ngồi thiền mà tiêu tội tiêu nghiệp, thì đó là lối lừa đảo, lường gạt người của kinh phát triển Bà La Môn giáo, của những ông thầy kiến giải học giả lừa đảo người để ngồi mát ăn bát vàng.

3/ Người đại ác nhờ hộ niệm mà tiêu tội tiêu nghiệp được và được đức Phật Di Đà đón về Cực Lạc Tây Phương, thì ông Phật Di Đà chắc ông là người điên, sao dám rước người đại ác về nước mình để biến hoa sen làm tù ngục để nhốt họ trong đó rồi còn phải cho lính canh gác. Một đất nước thanh bình, có trật tự an ninh thì bây giờ biến đất nước có nhà tù có lính gác, làm cho cực khổ biết bao nhiêu người như vậy mà biết có cảm hóa giáo huấn được ai chăng hay chỉ là một ảo tưởng do con người dựng lên để an ủi tinh thần người còn sống trong khi quá đau khổ trước cảnh chia ly người sống kẻ chết

Đất nước nào không có trại giam, nhà tù là đất nước đó hạnh phúc nhất của toàn dân. Đất nước Phật Di Đà nghe nói hai chữ “Cực Lạc” có nghĩa là rất vui thế mà còn có kẻ bị nhốt trong hoa sen thì có vui gì, đó là hình thức một cái nhà tù ở cõi ấy.

Bên cõi Tây Phương Cực Lạc còn có nhà tù thì có gì là Cực Lạc nữa đâu? Phải không quý vị? Cuối cùng cảnh giới Cực Lạc đều do sự tưởng tượng của con người tạo ra nên giống như sự ước muốn chạy theo dục lạc thế gian. Phỏng chừng đức Phật Di Đà có tâm đại từ đại bi cứu độ tất cả chúng sanh mà rước những linh hồn người ác đức về cõi nước mình thì đức Phật Di Đà trở thành một tòa án thượng thẩm, hàng ngày chỉ chuyên lo xử án thì có đâu mà lo niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Còn nếu rước về Cực Lạc nhốt trong hoa sen dù hàng triệu vạn năm mà không có pháp tu xả tâm, chỉ có niệm Phật thì cũng chẳng hết tham, sân, si, nếu thả ra thì tánh nào tật nấy vẫn còn, thì đất nước Cực Lạc lại trở thành địa ngục chứ không còn được gọi là Cực Lạc nữa, nó chẳng khác nào như ở cõi thế gian của chúng ta vậy. Vì những tay đại gian ác ở thế gian có địa vị, có tiền của nhiều, lúc sắp chết rước nhiều thầy tỳ kheo và Phật tử đến hộ niệm thì chắc chắn phải được rước về Tây Phương. Và như vậy, cõi Tây Phương Cực Lạc là nơi dung chứa bọn nhà giàu ác đức, bọn tham quan vô lại và bọn đầu trộm đuôi cướp...

Từ cõi tưởng tri “Cực Lạc Tây Phương” của con người, để sau khi chết có một đời sống đầy đủ hơn ở thế gian, nhưng lại xài tiền giả và mặc quần áo giấy, hưởng đồ ăn thực phẩm ở thế gian, thì quý vị nghĩ như thế nào? Có phải là thế giới tưởng không?

Toàn bộ những loại tưởng mê tín này đều do kinh sách phát triển sản xuất để lừa đảo lường gạt người một cách đại gian ác, tín đồ Phật giáo hãy sáng suốt cảnh giác đừng để bị lừa đảo. Đây không phải là đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, vì kinh sách Nguyên Thủy đã chứng minh rõ ràng không có đời sống sau khi chết. Khi chết thì toàn thân ngũ uẩn đều tan rã, mất hết. Mười hai duyên không còn duyên nào cả, chỉ còn lại hành động thiện ác được gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực ấy tiếp tục tái sanh luân hồi.

Với trí hữu hạn của chúng ta hiện giờ, chỉ có thể biết được đó là một cuộc sống hiện tại trên hành tinh này, còn có sự sống ngoài hành tinh này thì chúng ta chưa khám phá ra được, nếu có khám phá ra được thì nó cũng chẳng phải là Cực Lạc hay Thiên Đàng. Còn trong kinh sách Phật dạy: Cực Lạc, Thiên Đàng, Địa Ngục, Niết Bàn cũng ở nơi đây, tại thế gian này không cần phải đi tìm nơi đâu cả. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống,

Bước tới thì trôi dạt

Chỉ có vượt qua”

Cho nên đức Phật nhấn mạnh: “Không đứng lại, không bước tới, chỉ có vượt qua”. Chừng nào chúng ta tu hành có được trí tuệ vô hạn thì thế giới nào chúng ta cũng thấy biết cả, thì đó là thế giới chân thật không bị tưởng thức lừa gạt.

Bây giờ chúng ta nghe theo kinh sách phát triển và tà giáo ngoại đạo thì đó là chúng ta đã bị lường gạt vào một thế giới tưởng tri như Phật đã dạy trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản.

KHI TẮT THỞ MÀ CÒN SÂN HẬN

Câu hỏi của Liễu Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Mẹ con mất ngày 19-04-1998 tại bệnh viện, con đã mang mẹ con về sau khi tắt thở, con ân hận nếu mẹ con sân lên mà bị rơi vào sáu nẻo luân hồi, con phải làm gì để mẹ con thoát khổ, xin Thầy từ bi giảng dạy cho con hiểu sai đúng chỗ nào?

Đáp:Như trong kinh “Nhập Tức Xuất Tức” Phật dạy: “Hơi thở là thân, là thọ, là tâm, là pháp”. Vậy khi hơi “tắt” tức là hơi thở “dừng”, dừng tức là hơi thở diệt, hơi thở diệt, tức thân diệt, thân diệt tức “chết”.

Hơi thở “tắt” tức hơi thở “diệt”, hơi thở diệt thì thân diệt, thân diệt thì tâm diệt, tâm diệt thì pháp diệt, pháp diệt thì thọ diệt.

Ở đây con lưu ý: Mẹ con đã tắt thở trong bệnh viện, con mang về nhà. Lúc bấy giờ mẹ con chết toàn bộ thân, thọ, tâm, pháp đều diệt, tâm đã diệt lấy cái gì mẹ con biết đau mà sanh tâm sân hận để đọa vào sáu nẻo luân hồi. Vả lại thọ cũng diệt thì lấy cái gì gọi là đau.

Như vậy, trong kinh phát triển dạy không đúng và còn vô lý không hợp khoa học, thiếu logic. Khiến người không rõ Phật pháp sanh tâm dao động và hối hận đau khổ đối với những người thân.

Con ước muốn mẹ con thoát khổ khi bà đã chết và đã tái sanh nơi khác rồi, hoặc làm chúng sanh hoặc làm người. Duy chỉ có điều thiết thực mà không bị kẻ khác lường gạt gây mê tín, lạc hậu, thì con nên xin ấn tống kinh “Thập Thiện, Đạo đức nhân quả, Đạo đức giải thoát, Đạo đức không làm khổ mình khổ người, Bài học ngàn vàng, Hành Thập Thiện Tứ Vô Lượng Tâm”.

Khi thỉnh những loại kinh trên 80 cuốn hoặc 100 cuốn thì con gửi cho bà con, anh em, chị em, bạn bè, thân hữu trong ngày làm tuần, ngày giỗ cha mẹ, và thành tâm hồi hướng cho cha mẹ hay những người thân yêu của mình đã quá cố. Trong kiếp tái sinh họ sẽ được đọc những loại kinh sách này thì tâm họ sẽ được khai ngộ thiện ác, sống một đời sống đạo đức nhân bản -nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì cuộc sống ấy tức là Niết Bàn tại thế.

Hành động ấn tống kinh như vậy là lòng hiếu thảo, không có sự hiếu thảo nào hơn được. Vừa giúp xã hội có đạo đức vừa tỏ được lòng hiếu thảo của một người con hiếu vừa chứng tỏ là một người đệ tử cư sĩ của Phật chân chánh, không gây hoang mang dao động mê tín cho kẻ khác.

Trong thế gian hiện giờ có biết bao pháp môn mê tín, dị đoan, phi đạo đức gây hoang mang dao động, sợ hãi cho mọi người. Vậy các con là đệ tử của Phật, phải sáng suốt đừng nghe theo tà giáo ngoại đạo tự làm khổ mình, khổ người.

Ý THỨC

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ, nhà khoa học cho rằng thân con người nhờ bộ não điều khiển hoạt động.

Một em bé lấy đồ chơi ra chơi rồi xếp trở lại, khoa học cho đó là bộ não điều khiển chứ em bé không biết gì?

Đáp:Não bộ của con người là ý căn, ý căn hoạt động sinh ý thức. Khoa học bảo rằng, bộ não điều khiển chứ em bé không biết là sai.

Bộ não (ý căn) hoạt động sinh ra ý thức, tức là em bé biết việc làm của em bé.

Ý thức, tức là sự hiểu biết của con người. Nhưng ý thức chỉ là cái biết của thân chứ không phải cái biết của tưởng, của tâm. Cái biết của tưởng là khi chúng ta nằm ngủ chiêm bao. Cái biết của tâm là khi chúng ta nhập định Tứ Thiền và thực hiện Tam Minh.

Ba cái “biết” này đều do bộ não hoạt động, khi thân hoạt động bình thường như mọi người thì một số tế bào não bộ làm việc còn các tế bào não bộ khác đều ngưng nghỉ. Khi chúng ta ngủ các tế bào não ý thức làm việc bình thường, nó ngưng nghỉ nhường lại cho các tế bào não tưởng hoạt động tạo thành giấc mộng. Trong giấc mộng chúng ta cũng nghe thấy biết, đó gọi là “tưởng thức”.

Khi chúng ta nhập định Tứ Thiền thì số tế bào não bộ tâm thức làm việc, thì lúc bây giờ các tế bào não ý thức và tưởng thức đều ngưng nghỉ, do đó chúng ta nhập định tịnh chỉ hơi thở mà không chết và thực hiện Tam Minh.

Ý căn, tức là não bộ, não bộ rất quan trọng cho cuộc sống con người, vì nó là bộ máy chỉ huy và điều khiển toàn thân tâm theo dục vọng. Ngược lại, người biết tu hành, biết sử dụng nó không theo dục vọng lại càng được lợi ích và quan trọng hơn nhiều, tức là làm chủ được sự sống chết và chấm dứt sự tái sanh luân hồi; giải phóng được sự khổ đau, chấm dứt mọi phiền toái và lợi ích nhất là có một cuộc sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

Tóm lại, người tu sĩ theo đạo Phật mà biết sử dụng bộ óc của mình, chủ động điều khiển hành động thân, miệng, ý, lúc nào cũng thể hiện trong thiện pháp thì tâm sẽ được thanh tịnh hoàn toàn ly dục, ly ác pháp. Nhờ đó mà nhập các loại định để đi đến chỗ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Ngược lại, không biết sử dụng bộ óc, để bộ óc tự động điều khiển theo tâm dục thì muôn vàn ác pháp và khổ đau đưa đến cho mình và cho mọi người.

TÂM LINH

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khoa học chưa tìm ra “tâm linh vi diệu” của con người, chỉ biết con người do bộ não điều khiển và còn biết một số tế bào não chưa làm việc. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, nếu khoa học nghiên cứu tìm cách đánh thức số tế bào não chưa hoạt động, để được hoạt động thì sẽ thấy được tâm linh vi diệu của con người hoạt động rất là siêu việt.

Nói tâm linh nhưng sự thật ra nó chẳng linh hiển gì cả, chỉ vì nó hoạt động ở trí vô hạn nên không còn không gian và thời gian chi phối, đó cũng là do tế bào não hoạt động, điều khiển tạo ra những năng lực siêu việt kỳ lạ.

Hiện giờ tế bào não hoạt động trong trí hữu hạn mà chúng ta gọi là ý thức. Ý thức là sự hiểu biết bị hạn chế trong không gian và thời gian, nên con người sống không nhìn hiểu biết rõ sự vật và các pháp thường lầm chấp, sống với tưởng tri, nên cho thế giới hữu hình và vô hình là thật có. Vì thế, mới đắm đuối dính mắc chạy theo cái bóng giả tạo này, cho mọi vật và mọi sự việc là đúng sai, phải trái, tốt xấu v.v.. rồi sanh ra ham thích dính mắc, giận hờn, thương ghét, đau khổ, phiền não... Cũng chỉ vì tưởng tri cái thế giới này có thật, trong con người có cái vĩnh hằng. Cái vĩnh hằng đó được gọi nhiều tên khác nhau: linh hồn, Phật tánh, Thể tánh, Bản thể vạn hữu, Nhất nguyên, Tánh không, Bát Nhã Ba La Mật, Chân không, Chân như, thần thức, thần hồn v.v.. Từ chỗ hiểu sai lầm đó mới sanh ra chấp ngã do chấp ngã nên làm việc gì cũng tích lũy cho ngã, thậm chí tu hành cũng tu cho ngã tức là tu để kiến tánh thành Phật, tu để trở về Nhất nguyên... Đó là một tư tưởng điên đảo mà đã truyền thừa từ khi con người có mặt trên hành tinh này và sự điên đảo tưởng tri này vẫn còn kế tiếp nhau mãi mãi.

MẠC NA THỨC VÀ A LẠI GIA THỨC

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Mạc na thức như người giữ kho. A lại da thức ví như cái kho chứa nhóm tất cả chủng tử thiện ác.

Khi người chết, thân, thọ, tâm, pháp đều hoại diệt chỉ còn Mạc na thức và A lạida thức đi đầu thai. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Đó là những danh từ trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A lại da thức và Mạc na thức), được xem là người giữ kho và cái kho tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Theo kinh Nguyên Thủy, nghiệp lực không có thức, tức là không có cái biết. Do sự vô minh tương ưng nghiệp tái sanh luân hồi, chứ không có cái thức đi tái sanh.

Các nhà duy thức học, chỉ tưởng ra mà thôi, nên tưởng ra người giữ kho và cái kho đi tái sanh (Mạc na thức và A lại da thức đi tái sanh).

Sự thật trong kinh Nguyên Thủy dạy không có thức nào đi tái sanh luân hồi, chỉ có nghiệp thiện, ác đi tái sanh mà thôi. Nghiệp thiện ác, tức là do hành động nhân quả thiện ác tạo thành nghiệp.

Kinh sách Phát triển đã lầm lạc vì bị thế tục hóa, nên biến linh hồn mê tín trong dân gian thành thần thức và khéo lý luận đặt tên là Mạc na thức và A lại da thức đi tái sanh luân hồi để xây dựng thế giới linh hồn người chết, để sanh ra cái nghề tụng niệm, nếu không có linh hồn thì các Thầy đều thất nghiệp.

Phật giáo nguyên thủy đã dạy: “Trong thân người gồm có 5 uẩn: 1 - sắc uẩn; 2 – thọ uẩn; 3 – tuởng uẩn; 4 – hành uẩn; 5- thức uẩn”.

SẮC UẨNcòn gọi là sắc ấm họat động gồm có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Gọi chung là SẮC THỨC.Khi một người sống bình thường suy nghĩ, nói nín hay họat động làm bất cứ một việc gì, nói bất cứ một điều nào hay suy nghĩ bất cứ một điều gì thì sắc thức họat động tức là nhóm sáu thức trong đó có ý thức họat động. Ý thức còn gọi là TRI THỨCTRI KIẾN.

TƯỞNG UẨNhọat động khi nào lục thức ngưng hoạt động. Lục thức ngưng hoạt động là lúc chúng ta đang nằm ngủ chiêm bao. Trong giấc chiêm bao chúng ta cũng nghe, thấy, biết, ngủi, cảm giác rõ ràng. Cái biết trong chiêm bao gọi là TƯỞNG THỨC. Như vậy, tuởng thức và ý thức là hai thức chỉ giống nhau là cái biết, nhưng cái biết này có thì cái biết kia dừng lại. Có đúng như vậy không quý vị?

THỨC UẨNhọat động chỉ khi nào sắc uẩn và tưởng uẩn ngưng họat động. Muốn sắc uẩn và tuởng uẩn ngưng họat động thì phải nhập định thứ tư. Nhập định thứ tư là phải tịnh chỉ hơi thở. Khi tịnh chỉ hơi thở thì thức uẩn hoạt động. Thức uẩn họat động tức là Tam Minh. Tam Minh gồm có: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận Minh. Tam Minh còn gọi là “TUỆ”.TuệTam Minhlà một cấp học thứ ba, cấp học cao nhất của Phật giáo. Phật giáo có ba cấp học gồm có: “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ”.Như vậy, Phật giáo không có Mạc na thức và A lại da thức. Có đúng như vậy không quí vị?

THỌ UẨNlà sự cảm thọ của ba thức, khi các thức họat động thì thọ uẩn có mặt.

HÀNH UẨNlà sự họat động của ba thức, khi ba thức họat động thì hành uẩn có mặt.

Cho nên, Mạc na thức và A lại da thức là tưởng tri của kinh sách phát triển tưởng ra, vốn để chia chẻ tâm thức con người ra nhiều mảnh. Đó là ý đồ làm lệch hướng của Phật giáo chân chánh, để biến tôn giáo Phật giáo thành một tôn giáo mê tín, đầy lý luận, đầy ảo giác tưởng tri.

TU SAI HAY ĐÚNG

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cứ theo lời Thầy dạy con tu như vậy, thời gian sau Thầy bảo rằng con tu sai, thì con cũng hơi buồn.

Đáp:Đúng lời Thầy dạy thì các con chỉ tu đúng được phân nửa, còn một phân nửa thì tu chưa đúng.

Thầy bảo các con ăn ngủ và độc cư cho nghiêm chỉnh thì các con lại không sống đúng. Ăn ngủ thì còn tạm được, độc cư thì không trọn, cứ phóng tâm hết chuyện này đến chuyện khác. Từ khi về tu viện đến giờ các con không sống độc cư, tự để tâm phóng dật hội họp nhau nói chuyện mà bảo rằng tu đúng, thì đúng chỗ nào?

Người mà không phòng hộ sáu căn, không chấp nhận sống độc cư thì dù có tu ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu được, chỉ hoài công vô ích mà thôi.

Dạy xả tâm ly dục, ly ác pháp, thì các con lại ngồi thiền nhiều để ức chế tâm. Như vậy có tu theo đúng lời Thầy dạy không?

Thiện hữu tri thức nhắc nhở cho mình tu tập, thì lại hờn giận, oán trách, nói xấu, khiến cho Thầy không muốn dạy ai cả.

Vậy có thể buồn Thầy hay buồn chính bản thân con, không hành đúng theo lời dạy của Thầy? Đáng trách nơi con hay là Thầy? Các con tu tập không thấy trách nhiệm và bổn phận của mình, khi về đây tu tập chính là mục đích phải đạt được là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; là làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.

Ý THỨC PHÂN BIỆT VÀ TỈNH GIÁC

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ý căn tức là não bộ cộng với thức điều khiển mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý sanh ra phân biệt mới có dục, do dục mới có tham, sân, si, phiền não.

Tỉnh giác là đang sống với thức hay là trí. Tỉnh giác trongmọi hành động, việc làm, có phải đó là ý thức hay tri thức.

Con chưa rõ cái nào là thức, cái nào là trí, kính mong Thầy chỉ dạy cho con hiểu?

Đáp: “Ý căn” tức là não bộ. Não bộ hoạt động tức là “ý thức”. Ý thức là một trong sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Thân tứ đại hoạt động nhờ sáu thức này nên gọi là “sắc thức”.

“Sáu căn” tiếp xúc “sáu trần” sanh ra “sáu thức”, sáu thức dính mắc sáu trần sanh ra dục, từ dục sanh ra các ác pháp (tham, sân, si), do nguyên nhân này tạo (tập họp) ra muôn thứ khổ.

Tỉnh giác tức là ý thức không bị tưởng xen vào, chứ không phải tỉnh giác sống với thức mà tỉnh giác là tỉnh táo trong các niệm, biết rõ ràng các niệm không bị ảnh hưởng những sự hiểu biết sai lầm ảo tưởng, hư tưởng của người khác; không bị những hiểu biết do ngũ dục lạc sai bảo, cám dỗ và lôi cuốn vào ác pháp.

Tỉnh giác trong mọi hành động và việc làm là ý thức đang sống trong hiện tại với các đối tượng và việc làm.

Tỉnh giác là ý thức không bị mê mờ trước các pháp và bị lung lạc trước các cảm thọ do dục. Tỉnh giác là trí thức tỉnh táo sáng suốt. Trí thức tỉnh táo sáng suốt chính là chánh niệm.

Chánh niệm tức là sự hiểu biết rõ niệm thiện niệm ác đó, biết rõ niệm thiện niệm ác đó là do trí thức.

Tỉnh có nghĩa là bình tỉnh, giác có nghĩa là đang quan sát, nó chỉ biết trong hành động đang làm và đang quán xét để phân loại hành động thiện hay ác. Cho nên, trí thức là sự hiểu biết đã thấu suốt niệm thiện ác, nên thường ở trong chánh niệm.

Tóm lại, trí không phải là thức, thức không phải là trí. Thức là sự hiểu biết, nhưng chưa có sự phân biệt, còn trí là sự hiểu biết có phân biệt thiện ác rõ ràng. Trí tức là chánh niệm, còn thức chỉ là tỉnh thức, tỉnh táo chứ chưa có trí tuệ Tam Minh. Nếu trí hiểu về Tứ thiền sinh là trí tuệ thuộc về Tam Minh, còn trí hiểu về giới luật là tri thức trí tuệ tri kiến giải thoát. Trí tuệ tri kiến giải thoát tức là tri kiến tỉnh thức thuộc về tri thức mà đức Phật đã xác định trí tuệ tri kiến như sau: “Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó; trí tuệ làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ. Ở đâu có trí tuệ thì ở đó có giới luật”. Như vậy trí tuệ của giới luật là tri kiến giải thoát. Phải không các con?

Ở đây nếu các con hiểu rõ tri thức là TRÍ TUỆ TRI KIẾN GIẢI THOÁT do từ giới luật sinh ra thì không còn hiểu lầm trí tuệ Tam Minh do định sinh ra như đức Phật đã dạy: ĐỊNH SINH TUỆ.

ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ CÂU HỮU VỚI PHÁP HƯỚNG TÂM

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con ngồi kiết già 30' tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng tâm: Ly tham, sân, si, vô ngã, vô thường, bất tịnh. Tu như vậy thời gian bao lâu hết tham, sân, si?

Thân bị bệnh đau kinh niên hướng tâm xả thọ có hết đau không?

Đáp:Tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu với pháp hướng xả tâm ly dục ly ác pháp, mà hỏi Thầy thời gian lâu mau thì các con nên tự hỏi mình tu hành con có quyết tâm xả, ly dục và ly ác pháp hay không. Còn thời gian tu tập lâu mau là do người tu tập có giữ gìn giới luật nghiêm túc hay không, chứ hỏi Thầy thì làm sao xác định đúng được. Các con mãi phạm giới ăn uống phi thời và phá giới hạnh độc cư thì làm sao xác định được thời gian.

Muốn tâm ly dục ly ác pháp nhanh chậm là còn tùy ở mức độ giữ gìn giới luật có nghiêm chỉnh hay không? Nếu có quyết tâm xả ly, từ bỏ dục và ác pháp thì giới luật là thước đo cho tu tập nhanh hay chậm và thời gian ngắn hay dài. Ngược lại, không có quyết tâm xả ly chỉ hướng tâm cũng giống như người niệm Phật tụng kinh cho hết thời công phu thì tu chẳng bao giờ xả ly được. Tu như vậy mất thì giờ vô ích, chẳng có kết quả gì, tâm nào tật nấy, không bao giờ thay đổi.

Khi có ý muốn tu tập xả tâm ly dục, ly ác pháp thì phải có quyết tâm xả bỏ. Ví dụ: Khi tâm khởi muốn ăn, thấy bụng đói mà chưa tới giờ ăn thì nhất định không ăn; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn ăn là không ly dục, không giữ giới. Tâm khởi muốn nghe băng hoặc lấy kinh sách ra đọc thì nhất định không nghe băng, không đọc kinh; đó là ly dục, đó là giữ giới, còn nghe băng và đọc kinh là không ly dục, không giữ giới v.v.. Khi bị người khác chửi mắng mạ nhục mình, mà mình tức giận là không ly ác pháp, là không giữ giới; còn không tức giận mà biết thương người chửi mắng mình là ly dục, ly ác pháp, là giữ giới.

Dùng pháp hướng tâm là để pháp hướng tâm nhắc nhở tâm mình ly thì mình phải ly, nếu mình không ly mà nhắc nhở thì cũng như nước đổ trên lá sen, tu như vậy uổng công mà thôi.

Pháp hướng tâm chỉ giúp ta thấm nhuần lý giải thoát để không chấp nhận dục và ác pháp. Đã không chấp nhận thì quyết định xa lìa. Do quyết định xa lìa thì tu rất nhanh, còn tu lừng khừng, không quả quyết xa lìa thì tu chẳng có kết quả gì.

Thân bệnh đau, muốn hướng tâm xả thọ cho hết đau thì người ấy thấu suốt lý nhân quả, không sợ chết, không sợ đau bệnh thì pháp hướng tâm hỗ trợ, tâm người ấy không dao động và cảm thọ sẽ chấm dứt không còn đau khổ.

Còn người ấy sợ chết, sợ đau, hở ra một chút là cảm thấy đau khổ vô cùng, thì pháp hướng tâm không có hiệu quả, thọ không đẩy lui được, đầu óc suy nghĩ lăng xăng, tâm khởi đi bác sĩ này, đi bác sĩ khác, uống thuốc này, uống thuốc khác. Thì người ấy bệnh đau còn mãi mãi khó mà hết được.

Dùng pháp hướng mà tâm dao động như vậy thì pháp hướng không kết quả. Người dùng pháp hướng là người phải có ý chí, phải có nghị lực mạnh mẽ. Khi hướng tâm thì giống như lấy đinh đóng cột, nhất định là tâm không dao động, quyết chiến quyết thắng, có như vậy mới đẩy lui được bệnh khổ. Có như vậy, mới thấy pháp như lý tác ý của đức Phật rất mầu nhiệm mà trên đời này không có một pháp môn nào hơn được, một phương thuốc hay hơn được. Pháp như lý tác ý của đức Phật là một thần dược, nếu ai biết cách sử dụng.

NGỒI THIỀN NHẬP ĐỊNH

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con được theo Thầy tu học nhiều năm, chỉ thấy Thầy làm việc nhiều để chúng rảnh rang tu học, Thầy thì chẳng thấy ngồi thiền nhập định ngày nào hết.

Vậy sao mà Thầy nhập định tháng này qua tháng khác được?

Đáp: Từ khi làm Phật sự giúp đỡ người tu, Thầy không có thời gian ngồi thiền nhập định một vài tháng, chỉ ngồi nhập định 1, 2 giờ khuya để dưỡng sức lo cho chúng.

Tháng 8 cuối năm 1991 Thầy vào thất với chúng tu tập, lúc bấy giờ Thầy mới có dịp nhập định được 7 ngày và đến 15 ngày để làm gương cho chúng và cũng không còn có thì giờ nhập định lâu hơn, vì phải ở ngoài để lo sự tu tập của chúng. Lỡ chúng tu sai, điên khùng Thầy chịu trách nhiệm nên không dám lơi lỏng.

Nhưng đó là nhập định chơi cho quý Thầy biết mà thôi, chứ nhập định không phải tập ngồi nhiều mà chỉ tập pháp hướng cho có hiệu quả để truyền lệnh nhập định, chứ không phải ngồi lim dim như con cóc từ giờ này đến giờ khác.

Người tu thiền định, muốn nhập định mà không tập luyện pháp hướng tâm, chỉ tập ngồi thiền cho nhiều thì sẽ nhập định con cóc, chứ không có nhập định nào được cả. Vì thiền định của Phật từ giới sinh ra định chứ không phải từ định sinh ra định.

Người muốn nhập các định thì tu tập pháp như lý tác ý (hướng tâm) mới điều khiển nhập được các định. Bởi vì, các loại định đều có sự tịnh chỉ các hành trong thân khác nhau như sau:

1- Sơ Thiền, tịnh chỉ ngôn ngữ.

2- Nhị Thiền, tịnh chỉ tầm tứ.

3- Tam Thiền, tịnh chỉ tưởng (hỷ).

4- Tứ Thiền, tịnh chỉ hơi thở.

Người tu tập pháp hướng tâm chỉ cần ra lệnh tịnh chỉ trạng thái nào hoặc hành tướng nào ở định đó, thì trạng thái, hay hành tướng ở định đó liền tịnh chỉ (ngưng), nhập vào định đó.

Đừng hiểu lầm là phải tập ngồi thiền cho nhiều, ngồi nhiều từ từ sẽ nhập định này rồi đến định khác, đó là người không hiểu thiền định. Thiền định không thể tu tập nhập theo kiểu đó được, tu tập theo kiểu đó chỉ rơi vào các loại tà định (tưởng định). Tu như vậy, chẳng ích lợi gì, không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được, mà ngược lại chỉ nuôi thiền miệng, thiền lưỡi, chỉ nhập thiền tuởng.

Điều quan trọng của sự tu tập thiền định là phải tu tập “xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp”, nhờ đó tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới chỉ tịnh chỉ được các hành thì mới nhập các định, nhất là nhập Tứ Thiền hơi thở phải tịnh chỉ. Do đó, an trú trong định 1, 2 ngày rất dễ dàng mà không thấy đau nhức, mỏi mệt gì cả.

Khi tập luyện pháp hướng có đạo lực thì hành giả muốn nhập định lúc nào cũng dễ dàng và nhập bao lâu cũng được tùy theo loại định.

Vì thế, đức Phật mới gọi đó là: “Định Như Ý Túc”. Cho nên khi tâm ly dục, ly ác pháp xong thì mới tu tập thiền định, còn tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà tu thiền định thì đó thiền cóc, thiền ngồi, thiền tưởng.

Cho nên, muốn tu tập nhập định cho đúng thiền của Phật giáo như trên đã nói thì phải tu tập giới luật và giữ gìn giới hạnh cho nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới nhập định được. Rất mong quý vị hiểu cho.

TIẾNG KÊU CỨU GIỮA BIỂN KHƠI

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi: Kínhthưa Thầy! Thầy dạy không có thế giới siêu hình. Sao có người vượt biển, chỉ còn thấy trời nước mênh mông không biết đường nào đi cả. Quá sợ hãi trước cái chết giữa biển khơi nên mọi người đều niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, nhờ Ngài cứu khổ và dẫn đường thế mà đã vượt qua tai nạn.

Những người này họ thuật lại khi ra giữa biển lúc ban đêm nhiều tiếng kêu cứu cho lên tàu, đợi đi với! Có người bệnh đi bệnh viện, bác sĩ cho uống thuốc không hết lại chỉ nghe lời dạy của mấy ông thầy cúng, địa lý dời mả đi chỗ khác thì hết bệnh.

Theo những điều trên đây con tự nghĩ, không có thế giới siêu hình đối với người đã tu chứng vì đã vượt qua cảnh giới tưởng, còn những người phàm phu còn sống trong tưởng thì phải có thế giới siêu hình, cho nên không thể trả lời đúng hay không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

Đáp: Tiếng kêu cứu giữa biển khơi, không phải là những linh hồn người vượt biên chết giữa biển mà tiếng kêu thanh tưởng trong tâm của mọi người đang quá sợ hãi, đang gặp tai nạn trên biển thì tưởng của họ phát ra tiếng kêu cứu, khiến cho sự khiếp đảm của họ lại càng khiếp đảm hơn.

Lúc bấy giờ, mọi người trước cái chết quá khiếp đảm, không còn biết nương tựa vào đâu, chơi vơi. Vì thế, mọi người trên tàu đặt hết trọng tâm nương tựa và an ủi tinh thần của mình, nhất là từ lâu đã được nghe về đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

Do đó, chẳng ai bảo ai mọi người đều tự động dồn hết lòng tin bám vào chiếc phao đức Quan Thế Âm, nên nó trở thành một sức lực rất mạnh to lớn (gọi là tín lực). Nhờ tín lực của mọi người dẫn đường thoát nạn, hoặc ghe tàu hư hỏng mà nước không tràn vào. Chúng ta không hiểu điều đó, nên cho rằng: có đức Quan Âm Bồ Tát gia hộ cứu nạn. Sự thật không phải vậy, mà là nhân quả của chúng ta chưa hết nên khiến trước cảnh quá khiếp đảm lòng tin của chúng ta tập họp trỗi dậy thành một tín lực dẫn dắt chúng ta thoát nạn mà thôi.

Chúng ta có biết bao nhiêu người vượt biên đã chết giữa biển khơi? Họ phần đông là Phật tử chắc làm sao họ cũng biết được Quan Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn do các kinh sách phát triển dựng lên và gieo rắc vào tư tưởng của họ. Trước những giờ phút sắp chết chắc họ sợ lắm, nên niệm Quan Thế Âm không dứt. Thế sao họ lại chết, tại sao Quan Thế Âm không cứu khổ họ mà lại cứu những người khác?

Kẻ sống thì nhờ niệm Quan Thế Âm cứu khổ, còn kẻ chết cũng niệm Quan Thế Âm sao lại không cứu khổ.

Người vượt biên mà thoát nạn là nhờ nghiệp thiện, chứ không phải nhờ ai cứu khổ. Vì cứu khổ như vậy là một việc làm phi đạo đức. Tạo nhân ác phải gặt lấy quả khổ tai nạn đi đến tử vong. Tạo nhân ác mà cố trốn tránh quả khổ là một việc làm vô đạo đức.

Ngoài biển khơi, tiếng kêu của loài cá heo, cá ông rền rĩ. Nếu người quá sợ hãi thì tiếng kêu ấy trở thành tiếng ma kêu quỷ khóc, chứ không phải linh hồn người chết oan kêu gọi.

Dời mồ mả mà hết bệnh, tức là nhân quả thiện của cả hai người:

1- Là người bệnh.

2- Của ông thầy.

Nhân duyên của nhân quả, do duyên dời mả hết bệnh thường trong Đông y có nói: “Phước chủ may thầy”, hay sách đông y có câu: Vận bĩ hoài sơn năng sát chúng”, “Thời lai bạch thủy cứu nhân gian”.

Ở đây, chúng ta phải hiểu không phải vì dời mả mà hết bệnh, mà do phước của người bệnh sắp hết nên gặp cái may của ông thầy cúng chỉ vạch mê tín mà hết bệnh. Ấy cũng là duyên nhân quả giữa ông thầy và người bệnh ở tiền kiếp.

Người tu theo đạo Phật phải tin sâu nhân quả. Vì con người sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết về nhân quả, thì mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống này đều do nhân quả. Nếu ta biết cứu mình thoát tai nạn bệnh tật, thì luôn sống trong mọi hành động thiện “không làm khổ mình, khổ người” thì không có bệnh tật tai nạn nào mà không qua được.

Tin nhân quả, thì thế giới siêu hình không có, thế giới siêu hình không có thì không có sự mê tín dị đoan và không ai lường gạt mình được.

Tin nhân quả, tai nạn, bệnh tật đến, tâm bất động không hề sợ hãi. Nhờ đó mà tai nạn, bệnh tật đều qua

Tin nhân quả, sẽ mang cho ta một tâm hồn giải thoát an lạc, thanh thản, yên vui, hạnh phúc của cuộc sống.

Tin nhân quả, sẽ không làm khổ mình, khổ người, mang lại hạnh phúc cho mình cho người, tạo thế gian này là cảnh Thiên đàng, Cực lạc. Ngược lại, người không tin nhân quả thì thiếu đạo lý, công bằng, thường sống trong cảnh thế giới siêu hình, cúng bái, cầu khẩn, van xin, mê tín dị đoan, lạc hậu, phi đạo đức, thường làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh địa ngục.

Tóm lại, tất cả những chuyện ma quái xảy ra, đều do năng lực tưởng tạo ra, chứ không có ma quái thật sự bên ngoài, mà chỉ có ma quái bên trong của mọi người do tưởng ấm của họ tạo ra. Vì thế, đức Phật gọi là: “ngũ ấm ma”. Trong ngũ ấm gồm có 5 loại ma:

1- Sắc ấm ma.

2- Thọ ấm ma.

3- Tưởng ấm ma.

4- Hành ấm ma.

5- Thức ấm ma.

¨Sắc ấm ma gồm có: Tất cả các bệnh nơi thân, tất cả các dục nơi tâm.

¨Thọ ấm ma gồm có các cảm thọ nơi sắc uẩn, nơi tưởng uẩn, nơi tâm uẩn.

¨Tưởng ấm ma gồm có 18 loại hỷ tưởng ma.

¨Hành ấm ma gồm có các hành nơi thân, nơi tưởng và nơi tâm.

¨Thức ấm ma gồm các ma của thức ấm.

Cho nên trong năm loại ma này thường tác động và tạo nhiều điều đau khổ những ai tìm đường tu hành cầu giải thoát. Đó là 5 loại ma ngũ ấm trong thân tâm của mỗi con người, chứ không có thế giới ma bên ngoài. Xin quý vị lưu ý.

Muốn biết thế giới linh hồn của con người có hay không, thì nên đọc Đường Về Xứ Phật tập 3 bộ mới thì sẽ rõ.

THỜI KHÓA TU

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Hiện nay, chỉ có buổi khuya con ngồi tu Định Niệm Hơi Thở 30' gom sáu thức và hơi thở vào tụ điểm, không thấy nặng đầu và mệt nữa. Nếu bỏ qua lâu ngày không tu gom tâm sẽ mất tụ điểm xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

Mỗi ngày buổi sáng và chiều ngồi 30' tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng tâm để xả tham, sân, si, mạn, nghi.

Pháp Tứ Chánh Cần con nhớ luôn luôn ngăn pháp ác diệt pháp ác trong tâm và kiểm soát tâm mình rất kỹ để xả và diệt ác pháp liền, con tu như vậy có được không?

Hiện giờ con muốn tu xả tâm cho rốt ráo như lời Thầy dạy, nhưng thời khóa phải tu như thế nào?

Đáp:Theo lời khuyên của Thầy tuổi con cũng già yếu, nay đau, mai ốm không chừng, từ trước con đã tu pháp ức chế tâm nên tâm không có xả tham, sân, si vì thế tới nay vẫn chưa viên mãn giải thoát.

Trải qua một thời gian dài tu tập pháp môn ức chế tâm, là một bài học kinh nghiệm sống, pháp nào tu có giải thoát, pháp nào tu không giải thoát, con đã biết tất cả mùi vị cay đắng ngọt bùi của các pháp môn của kinh sách phát triển và kinh sách các Tổ sư Thiền.

Bây giờ là lúc con trở về với pháp môn của Phật. Ngày đêm con chia làm bốn thời, mỗi thời tu tùy theo sức khỏe, thời gian còn lại của con thì phải tu tập cho hợp với đặc tướng. Thời công phu nào, con cũng câu hữu với pháp hướng xả tâm ly tham, đoạn diệt ác pháp. Luôn luôn phải giữ tâm sống một mình, không lý luận thuyết pháp cho ai hết mà phải lo cứu mình trước đã, sống luôn luôn để tâm hồn thanh thản, an lạc, trầm lặng độc cư. Tới giờ đi xin cơm để ăn, hết giờ ngồi chơi và tu tập xả tâm. Cứ tu như vậy, thời gian ngắn con sẽ thấy kết quả tâm sẽ không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm giải thoát hoàn toàn thanh tịnh, tức là tâm ly dục, ly ác pháp. Đến giờ phút lâm chung, con sẽ nhẹ nhàng và tự tại không còn đau khổ nữa.

Nếu pháp hướng có đạo lực, con chủ động điều khiển theo ý muốn của mình đi tái sanh, chứ không bị nghiệp lực dẫn đi. Nói như vậy, chứ tâm không phóng dật là không còn tái sanh, tâm không phóng dật là Niết Bàn, chứ không còn Niết Bàn nào khác nữa.

Điều quan trọng nhất là con nên xả tâm, còn tụ điểm gom tâm không có mất đâu mà con sợ. Chỉ cần con cố gắng tu tập, để có đạo lực của pháp hướng tâm, thì mọi sự làm chủ đời sống của con hoàn toàn chủ động. Tụ điểm không quan trọng đâu, có hay không có cũng không sao. Tụ điểm gom tâm chỉ là giai đoạn mới tu mà thôi, còn hiện giờ chỉ có xả tâm cho thật sạch là quan trọng. Vì chính xả sạch sẽ chứng đạt chân lí.

ĐỀ TÀI THIỀN QUÁN

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nay con tu Định Niệm Hơi Thở không được, xin Thầy cho con một đề tài thiền quán để tâm chuyên nhất cảnh mới mong thanh tịnh.

Đáp:Muốn xin đề tài thiền quán để tâm chuyên nhất cảnh, thì phải sống độc cư trọn vẹn, mới thực hiện được đề tài thiền quán này. Phải giữ gìn tâm không được phóng dật, sống đúng giới hạnh, đời sống thiểu dục tri túc, ít muốn, biết đủ thì mới tu tập đề tài thiền quán này. Từng phút, từng giây, hàng ngày ngăn ác, diệt ác, thì kết quả sẽ nhập được bốn thiền và thực hiện được Tam Minh không có khó khăn không có mệt nhọc, không có phí sức.

Muốn được vậy con nên tu tập xả tâm vô lượng có nghĩa là tất cả các niệm sinh khởi trong tâm cũng như các cảm thọ nơi thân thì con nên dùng tri kiến hiểu biết Chánh kiến và Định Niệm Hơi Thở xả sạch và đẩy lui các bệnh khổ. Đó là xả tâm rốt ráo. Khi xả tâm rốt ráo thì tâm sẽ được định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, dễ sai khiến thì lúc bây giờ, con sẽ thực hiện được Tứ Như Ý Túc và như vậy con làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi dễ như trở bàn tay.

ĐỪNG MẤT HY VỌNG

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy!Theo lời Thầy dạy, thân định trên tâm, tâm định trên thân tức là nhập Tứ Thiền. Như vậy cơ thể con bây giờ không làm được điều đó. Xem như đời sống của mình vô dụng.

Bây giờ con về thất, phát nguyện giữ gìn sống đúng giới luật, thà chết trên giới luật, không hề vi phạm và bẻ vụn giới luật.

Thỉnh thoảng con về thăm Thầy, và chúng huynh đệ. Nhờ Thầy ban bố cho những lời pháp bảo sách tấn để thời gian còn lại con cố gắng tu hành cho đến hơi thở cuối cùng.

Đáp:Giới luật nghiêm túc thà chết không vi phạm, đó là con đã thân định trên tâm, tâm định trên thân, tức là con đã nhập Tứ Thiền rồi. Sợ e giới luật không nghiêm chỉnh thì dù con có đủ sức ức chế tâm con cũng chẳng nhập được.

Con đừng bi quan, mà phải cố gắng tu xả tâm, chỉ một thời gian tâm con như cục đất thì Tứ Thiền nhập như trở bàn tay. Sợ e con xả tâm không được mà thôi. Phải bền chí cố gắng xả tâm, đó là chánh pháp thiền định của Phật. Con nên nhớ kỹ mà tu cho đúng. Không trễ đâu, đừng mất hy vọng, hằng ngày cố nhớ xả tâm! Chỉ có bền chí là thành công, chấm dứt một đời người đau khổ không còn tái sanh luân hồi nữa.

Xả tâm rất dễ con ạ! Chỉ ngồi chơi không làm gì hết, có niệm thì dùng câu tác ý mà xả; có thọ thì dùng định niệm hơi thở mà đẩy lui các cảm thọ. Như vậy, ngày nào cũng tu tập như vậy thì tâm con sẽ thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm con không phóng dật.

TỰ TẠI RA ĐI

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Sau này Thầy tự tại ra đi, cô Út Diệu Quang có tự tại hay không, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con rõ?

Đáp:Thầy luôn nhắc nhở cô Diệu Quang cố gắng tu tập để xả tâm, bởi vì cô cũng đang trên đường tu tập như các con. Theo Thầy thiết nghĩ: Trên đường tu tập muốn xả tâm cho thật rốt ráo thì các con phải thường dùng Định Vô Lậu, quán xét duyên nhân quả của mình. Ai nói xấu các con, các con không thù hận họ và ghét bỏ họ, ai làm các con đau khổ, các con xả bỏ tâm đau khổ để cứu mình không còn khổ đau. Dù họ đối xử với các con tàn nhẫn, nhưng các con vẫn đối xử tốt và thương yêu họ khi họ gặp tai nạn. Mặc họ đối xử với các con như thế nào cũng được, chê cũng được, khen cũng được, các con chẳng vui, cũng chẳng mừng chỉ lo tâm mình thanhthản và thương yêu mọi người. Các con làm việc và sống cho mọi người, nhưng các con cố giữ tâm mình luôn thanh thản, an lạc, không để bị đối cảnh chi phối khiến tâm các con đau khổ thế là đủ lắm rồi. Theo Thầy nghĩ, tâm Phật toàn thiện (sơ thiện, trung thiện, hậu thiện) thì tâm các con cố gắng tu tập như vậy mà thôi. Phật dạy thân tứ đại này giả hợp, do duyên đất, nước, gió, lửa mà thành không có gì của các con cả. Cho nên, sự tu tập làm chủ nó để tâm thấy được Phật giáo không dối người. Phải không con?

Theo Thầy nghĩ, mọi việc khổ đau của con người trên đời này, đều do hành động ác của họ là làm khổ mình, khổ người.

Vì thế, tu theo đạo Phật là tu tập hành động thân, miệng, ý thiện là tạo quả giải thoát cho kiếp người hiện tại và mai sau không còn khổ đau.

Tu tập gọi là làm chủ nhân quả, tức là làm chủ hành động thân, khẩu, ý của mình, đừng làm khổ mình, khổ người và làm khổ tất cả chúng sanh. Là làm chủ sanh, già, bệnh, chết của mình và cũng chấm dứt luân hồi.

Dục không có, ác pháp cũng không có thì cuộc sống là toàn thiện, là Thánh nhân.

Tâm sống như Thánh, thì xác thân tứ đại bất tịnh sống chết mặc nó, có lo gì mà ta chẳng có thân Thánh nhân sao? Tâm Thánh thì phải được sống trong thân Thánh. Vậy thân Thánh nhân đâu phải là thân tứ đại.

Hết duyên nhân quả, bỏ thân tứ đại này chắc chắn là sẽ có thân Thánh nhân. Vậy các con tu tập làm chủ thân tứ đại để làm gì khi các con còn phải xả nhiều nữa để trở thành tâm Thánh nhân thực sự.

Thân tứ đại có làm chủ nó rồi cũng phải bỏ, vì nó là thân duyên hợp, giòn bở không bền chắc.

Theo Thầy hiểu đạo Phật mục đích là phải làm chủ được tâm, đừng để cho nó sai khiến mình chạy theo dục lạc mà sanh tâm ác. Cho nên, giáo pháp của Phật dạy sơ thiện, trung thiện và hậu thiện là để điều khiển tâm quay về hành động thiện, tạo nhân thiện, sống thiện, hưởng quả thiện. Mà thiện thì không làm khổ mình, khổ người, thì đó là giải thoát khổ, đó là Niết Bàn.

Nếu các con muốn làm chủ điều này cũng không phải dễ, phải sống cho đúng giới luật, phải biết xả tâm, diệt ngã, phải biết xa lìa lòng ham muốn của mình, phải nhận cho được các pháp ác. Được như vậy, không muốn làm Thánh cũng phải làm Thánh, không muốn giải thoát cũng phải giải thoát. Bây giờ cô Diệu Quang cũng đang trên đường tu tập xả tâm, cô cũng rất cố gắng để xả các chướng ngại nơi tâm của mình và cố giữ gìn tâm bất động.

Mục đích giải thoát của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, đó là tâm Thánh thì cần tu cái gì nữa?

Giải thoát được tâm là giải thoát được tất cả, cần gì phải tu tập ngồi thiền nhập định cho mệt.

Làm chủ được tâm là làm chủ được tất cả, cho nên muốn nhập định nào thì nhập định rất dễ dàng, thì có gì phải tập thiền định cho uổng công.

Tóm lại, chỉ có ly dục, ly ác pháp là làm chủ tất cả, tức là tâm không phóng dật. Chúng ta nên nhớ lời Phật đã căn dặn chúng ta: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành đều nhờ đó mà ra”.

PHÁP HƯỚNG TÂM

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi:Kínhthưa Thầy! Pháp hướng tâm do tưởng thức hay do ý thức hay do tâm thanh tịnh mà có lực mạnh như vậy?

Như con vừa tác ý, sáu thức gom vào hơi thở là có một cái lực vô hình gom vào rất mạnh. Con tác ý nhĩ thức nghe vào trong, nghe sự yên lặng của tâm là ngay đó có một sức hút mạnh làm cho thân con rối loạn, các cơ ép cho tim mệt, chuyển động não đầu. Như vậy là do tưởng lực hay do cái gì mà nguy hiểm như thế, xin Thầy chỉ dạy cho con rõ để con dùng pháp hướng cho đúng cách, nếu không rõ mà tu pháp hướng thì rất là nguy hiểm cho tánh mạng.

Đáp: Đến giờ này con mới rõ được lực của pháp hướng siêu việt như vậy, nhưng con nên lưu ý:

1/ Dùng ý thức tu tập pháp hướng tâm để xả tâm ly dục, ly ác pháp thì không nguy hiểm cho người mới tu. Và người mới tu chỉ được dùng pháp hướng tâm ly dục, ly ác pháp mà thôi, chứ không được dùng tịnh chỉ, vì dùng tịnh chỉ sẽ rơi vào các trạng thái tưởng thì rất nguy hiểm.

2/ Ức chế tâm như các con tu tập dừng vọng tưởng mà dùng pháp hướng thì đó là tưởng lực của pháp hướng, chứ không phải ý lực của pháp hướng. Tưởng lực này rất nguy hiểm cho người tu tập, nó sẽ làm rối loạn cơ thể, có khi bị bệnh rối loạn chức năng của cơ thể, có khi rối loạn chức năng thần kinh sanh ra điên khùng. Rất nguy hiểm, cần nên đề phòng cảnh giác, người tu thiền định ức chế tâm như: Lục Diệu Pháp Môn, Sổ Tức Quan, Tùy tức, Chỉ tức, nhiếp tâm niệm Phật, Tri vọng, Tham công án, Tham thoại đầu v.v.. không được dùng pháp hướng tâm.

3/ Tâm thanh tịnh, tức là tâm hết tham, sân, si thì mới được dùng pháp hướng tâm nhập định vì lúc này tâm rất định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Cho nên, lúc này dùng pháp hướng để tu tập Bốn Định Hữu Sắc và Tam Minh, vì lúc này tâm có đủ Tứ Như Ý Túc thì sự tu tập không còn khó khăn, mệt nhọc.

Khi tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà sử dụng pháp hướng để gom tâm, để tịnh chỉ các hành trong thân là một sự việc rất nguy hiểm như trên Thầy đã nói.

Khi tâm chưa ly dục, ly ác pháp, thì chỉ được quyền sử dụng pháp hướng tâm ly dục, ly ác pháp mà thôi. Chừng nào tâm ly dục, ly ác pháp xong, thì mới được sử dụng pháp hướng tâm tịnh chỉ các hành trong thân thì mới không nguy hiểm.

Người tu tà thiền, tà định dùng pháp hướng tâm là nguy hiểm tính mạng, tốt hơn hết là dùng pháp hướng xả dục và ác pháp.

Dùng pháp hướng, thư giãn thân tâm, để trở về trạng thái bình thường, an lạc, vô sự và thanh thản thì tốt.

Chỉ khi nào tâm thanh tịnh hoàn toàn, không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, thì dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ tầm tứ, gom tâm, tịnh chỉ tưởng thức, tịnh chỉ hơi thở và tịnh chỉ âm thanh, tịnh chỉ thọ v.v..

Lưu ý: Khi tâm chưa hết tham, sân, si, mạn, nghi mà dùng pháp hướng tịnh chỉ là nguy hiểm cho tánh mạng, cần nên tránh. Pháp hướng tâm là một pháp rất mầu nhiệm, có một năng lực rất mạnh, như một sức hút của đá nam châm.

TRỌNG NAM KHINH NỮ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có người nói theo kinh phát triển, người nam có bảy báu kể từ khi mới sanh ra đời, còn người nữ thì không có báu nào? Do vậy mà người nam giới lúc nào cũng hơn hẳn phụ nữ trong bất kể lĩnh vực nào và trong bất kỳ người nam giới nào cũng có bảy báu đó. Thưa Thầy chỉ dạy cho con việc trên có đúng không?

Đáp: Không đúng, kinh sách phát triển là kinh sách tưởng triển khai pháp tưởng trong bối cảnh phong kiến “trọng nam khinh nữ”, mới cho người nam có bảy báu và người nữ không có báu nào, đây là sự bịa đặt của vua quan phong kiến.

Con người, nam cũng như nữ từ nhân quả sanh ra thì luật nhân quả công bằng, không thể nam ưu tiên hơn nữ được.

Người ta đã khôn khéo gieo vào đầu óc người nữ một sự thấp kém, từ đó người nữ cũng tự thấy mình thấp kém. Nhưng xét cho cùng, người nữ cũng thông minh đâu kém người nam. Người nữ cũng năng nổ làm việc cũng đâu thua kém người nam chỗ nào.

Về tu tập thì người nữ cũng tu tập chứng quả A La Hán, giải thoát hoàn toàn như người nam, có thua kém chỗ nào đâu?

Đạo Phật là đạo bình đẳng, dựa trên nền tảng đạo đức công bằng và công lý của đạo đức nhân quả, của xã hội loài người thì người nam và người nữ phải được hưởng quyền bình đẳng như nhau.

Từ những chế độ bộ lạc đến những chế độ phong kiến, đế quốc v.v.. phân chia bốn giai cấp, cho đến việc trọng nam khinh nữ của đất nước Ấn Độ bây giờ, đạo Phật ra đời xóa sạch bốn giai cấp trong xã hội đó và nâng cao sự bình đẳng nam, nữ. Vì thế, đức Phật chấp nhận cho giới nữ xuất gia và thành lập Giáo đoàn nữ do bà Di Ái làm trưởng đoàn.

Đọc trong Trưởng Lão Ni Kệ, chúng ta thấy những bậc Thánh Ni đâu có thua kém gì những bậc Thánh Tăng. Họ đều chứng quả A La Hán rất nhiều.

Cho nên, nam cũng như nữ, không thua kém nhau (nam nữ tu hành đều thành Phật như nhau cả).

Trong khi giới luật của kinh sách phát triển có bịa ra câu chuyện trọng nam khinh nữ rõ ràng như sau:

Khi bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, cùng với 500 người nữ dòng họ Xá Di đến xin Đức Phật cho xuất gia. Đức Phật không chấp nhận phải đợi ông A Nan đến xin mới cho và còn đặt ra “Bát Kỉnh Pháp”. Đó là một điều phỉ báng đạo Phật trọng nam, khinh nữ của kinh sách phát triển lồng vào để biến Phật giáo cũng giống như giáo pháp của Bà La Môn “trọng nam khinh nữ”.

Trong lúc hàng đệ tử của Phật xuất gia: Thánh Tăng và Thánh Ni không thua kém nhau, bên nào cũng có nhiều người tu hành xuất sắc và đều chứng quả A La Hán giải thoát như nhau.

Và cũng trong kinh giới phát triển, khi đức Phật cho người nữ xuất gia thì tuyên bố: “Nếu cho người nữ xuất gia thì Đạo Phật chỉ trụ thế có 500 năm, thay vì 1000 năm”. Đó là những điều do các Tổ bịa đặt nói sai không đúng sự thật, làm cho Phật giáo mất niềm tin và sự công bằng, bình đẳng đối với con người trên hành tinh này. Chúng tôi không tin lời này là Phật dạy. Vì chúng tôi biết đạo Phật ra đời là ban bằng bốn giai cấp trong nước Ấn Độ. Giai cấp cùng đinh nhất còn được đức Phật chấp nhận dạy cho tu hành thành chánh quả. Đó là ông Ca Chiên Diên.

Trong thời đại chúng ta, nếu xét kỹ thì kinh sách phát triển đã làm mất uy tín Phật giáo rất nhiều. Từ những lời dạy mê tín phi đạo đức đến những dự đoán về tương lai đều không đúng sự thật. Từ việc trọng nam khinh nữ rõ ràng cho nam giới có bảy báu, nữ không có, trong khi đức Phật dạy thân người nam cũng như người nữ đều bất tịnh, uế trược, hôi thối. Vậy mà có bảy báu là như thế nào? Vậy mà cho người tu thiền có xá lợi là như thế nào?

 Thời đức Phật nam nữ tu hành chứng đạo không thua kém nhau. Thời nay, Tăng sĩ tu hành cũng chẳng chứng đắc được những gì, thế mà bảo rằng, có bảy báu. Bảy báu chỗ nào? Toàn là Tăng sĩ phá giới phạm giới, hiện giờ đi tìm một vị Tăng sĩ giới luật nghiêm chỉnh rất khó.

Còn nữ hiện giờ tu hành cũng chẳng chứng đắc cũng như nam. Nam chạy theo danh lợi thì nữ cũng chạy theo danh lợi, nam cất chùa to tháp lớn, thì nữ cũng cất chùa to tháp lớn, nam được tấn phong Hòa Thượng, nữ cũng được tấn phong Sư Trưởng (tương đương với chức Hòa Thượng).

Nam nữ đều y như nhau, tại sao lại bảo nam có bảy báu? Mà nữ không có? Đó là một điều nói sai. Luật nhân quả là phải có luân hồi, có luân hồi thì phải có sanh tử, sanh tử thì phải có giống đực giống cái, có giống cái giống đực thì mới có sanh tử luân hồi, tức là có nhân quả.

Vì thế, đạo Phật ra đời dạy người làm chủ nhân quả, làm chủ nhân quả, tức là bình đẳng, công lý và công bằng. Có công lý, công bằng thì sao lại nam trọng nữ khinh?

Nghe tên kinh sách phát triển cũng đã biết rằng không bình đẳng (có đại thì phải có tiểu). Còn chỗ nào là bình đẳng được nữa. Phải không quý vị?

Chúng ta không trách kinh sách phát triển, mà chỉ biết kinh sách phát triển là một sản phẩm của thời đại phong kiến của giai cấp nam trọng nữ khinh, chứ không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo là một tôn giáo bình đẳng ra đời, đem lại nền đạo đức nhân bản- nhân quả cho loài người, đem lại sự bình đẳng nhân quyền của mọi con người trên hành tinh này, thì nam nữ phải được xem bình đẳng như nhau. Cho nên tất cả sự phân chia giai cấp trọng nam khinh nữ của nó đều ban bằng.

NÉN TÂM HƯƠNG

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy! Hôm quy y lễ thọ giới, trong đạo tràng có một vị bảo rằng thắp hương lên để cho trang nghiêm, song có một vị lại bảo trong băng Thầy giảng không thắp hương vỏ cây, như vậy con ở giữa không biết theo ai bây giờ, cuối cùng con phải bị lôi cuốn, để làm theo đa số tâm còn phàm phu (thắp hương) và như vậy con tùy thuận như thế có phạm vào đâu không? Xin Thầy chỉ giáo cho con, để sau này có pháp nào tương tự chúng con còn biết tùy thuận.

Đáp: Cây hương bằng vỏ cây đã ăn sâu vào lòng người trở thành phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc. Biết đó là sai là mê tín, là không thật, nhưng muốn bỏ nó không phải là một việc dễ làm. Cũng như chúng ta biết tham, sân, si là khổ, là ba thứ độc của con người, muốn dẹp bỏ nó không phải là việc dễ, nó còn hơn gấp trăm ngàn lần cây hương vỏ cây. Thế mà cây hương vỏ cây chúng ta bỏ còn chưa được thì tâm tham, sân, si bỏ nó đâu phải dễ sao?

Thế đã biết cái sai, cái bị kẻ khác lợi dụng lòng mê tín mà lường gạt chúng ta, vậy mà chúng ta không mạnh dạn quyết tâm dứt bỏ, huống là cái tâm tham, sân, si muôn đời trong thân chúng ta thì làm sao xả ly được.

Cây hương vỏ cây xả ly không được, nó ở bên ngoài chứ đâu có ở trong tâm. Bởi vậy tu theo đạo Phật ta mới thấy rõ được tâm con người yếu đuối, biết cái sai mà không dám bỏ, không dám sửa.

Cho nên Phật dạy: “Những gì cần dứt bỏ thì nên dứt bỏ”. Đâu phải thắp cây hương vỏ cây mà Phật chứng giám lòng của chúng ta, mà chính chúng ta đã về đây tụ họp với lòng thành chỉ ngồi lắng nghe lời Thầy giảng về Tam quy, ngũ giới cũng đủ là thắp nén hương lòng. Dù nơi đây, không phải là một ngôi chùa kiến trúc kiên cố, đồ sộ vĩ đại, tường cao Phật lớn; dù nơi đây chỉ là một chòi tranh vách lá nhưng tâm thành các con tụ họp về đây nghe lời giảng nói Tam quy, ngũ giới là các con đã tự mỗi người đã thắp nén hương lòng trang nghiêm trước Phật đài vô hình.

Đối trước tượng Phật, chúng ta giữ im lặng thân tâm hướng về tượng Phật đó là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên mười phương chư Phật.

Chúng ta giữ gìn giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ, không bẻ vụn giới, lấy giới phòng hộ sáu căn, sống đời thiểu dục tri túc, là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên chư Phật.

Hàng ngày ta sống trong đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người, và khổ chúng sanh thì đó là ta đã thắp lên nén hương lòng cúng dâng chư Phật.

Sống ngăn ác, diệt ác bằng pháp môn Tứ Chánh Cần, thường sanh khởi thiện pháp trong tâm, tăng trưởng thiện pháp, tâm hồn thanh thản, an lạc là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên chư Phật.

Sống trầm lặng, độc cư luôn luôn tu tập chánh niệm tỉnh giác, thường khắc phục tâm ly dục ly ác pháp, đó là ta đã thắp nén hương lòng cúng dâng lên mười phương chư Phật.

Sau này trong các buổi lễ, họp các con mạnh dạn dứt khoát làm đúng theo lời Phật dạy, đừng làm theo thói quen đã bị ảnh hưởng của ngoại đạo. Phải sửa lại tu tập cho đúng theo đạo Phật thì chẳng có lỗi, còn tu tập theo ngoại đạo là có lỗi với Phật giáo.

“Tùy thuận là tùy thuận thiện pháp, không thể tùy thuận ác pháp, không thể tùy thuận những điều sai trái, không thể tùy thuận những điều mê tín, lạc hậu, không thể tùy thuận theo pháp của ngoại đạo mà dìm mất Chánh Phật Pháp”.

Người tu sĩ đệ tử của Phật sống rất tùy thuận, nhưng lại rất cương quyết, mạnh mẽ, đập phá những cái sai. Ai có tu đúng, tu được thì nhờ, còn không tu được thì làm người cư sĩ, chứ mặc chiếc áo tu sĩ mà tu theo ngoại đạo, khiến mọi người nghi ngờ và khinh chê Phật giáo thì không được. Đừng để một số người đông đảo, làm hình tướng tu tập mà tu tập sai, không đúng lời Phật dạy. Những người tu tập phá giới phạm giới như vậy, thì chúng ta không chấp nhận, yêu cầu Giáo Hội Phật Giáo và Ban Tôn Giáo dùng mọi biện pháp bắt buộc những người này hoàn tục.

Đạo Phật còn có người tu thì phải có người tu xứng đáng, phải tu đúng giáo pháp của Phật, còn lấy số đông mà tu sai, làm sai, thì đừng nên có đạo Phật. Có mà chẳng ra gì thì chẳng nên có “đời chẳng giống đời, đạo chẳng giống đạo”, đạo Phật như vậy thì nên dẹp đi cho xong, đừng để lợi dụng đạo Phật lừa đảo người.

Đạo Phật không cần đông người, chỉ cần một người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống trong thiện pháp không làm khổ mình, khổ người, không lường gạt, không gây mê tín, không nói ba hoa, thì đạo Phật như vậy mới có lợi ích thiết thực cho con người.

Sau này cái gì các con đã học được, đúng chánh pháp của Phật thì phải thực hiện cho đúng. Chuyện cây hương vỏ cây bên ngoài thân tâm mà các con còn xả không được, thì làm sao xả tâm tham, sân, si được mà tu theo đạo Phật. Không xả tâm tham, sân, si mà tu theo đạo Phật thì rất uổng công.

Ngày xưa, đức Phật đã đập phá bốn giai cấp ở Ấn Độ và đem lại quyền bình đẳng nam nữ trong thời nước Ấn Độ xa xưa còn lạc hậu còn mê tín dị đoan rất nhiều, mà Ngài còn làm được huống là chúng ta bây giờ. Bây giờ dân trí có sự hiểu biết càng cao, khoa học tiến triển đã phục vụ loài người đầy đủ vật chất và tiện nghi cho đời sống.

Sự việc xẩy ra vừa rồi các con còn yếu kém, đôi mắt nhân quả chưa sâu, chưa vượt khỏi phong tục tập quán lạc hậu, còn mang đầy tính chất mê tín.

Những gì học được của Phật, ta hãy quyết tâm áp dụng làm cho bằng được, chính là ta đã tự cứu mình thoát khổ. Nên đức Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống

Đi tới thì trôi dạt

Chỉ có vượt qua”.

Chúng ta nên vượt qua những điều sai trái làm hao tốn tiền của một cách nhảm nhí như cây hương vỏ cây.

ĐẾM MỘT NGÀN HƠI THỞ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một bạn đồng tu bảo con hôm nay chị đếm đến 1000 hơi thở mà không có vọng tưởng? Con bảo chị không nên đếm nhiều thế? Nếu sức tỉnh thức cao thì nên tu 5', 10', 15', thì em nghĩ nó không mệt tâm. Con trả lời với chị bạn như vậy có được không thưa Thầy?

Đáp:Được, con khuyên như vậy rất tốt. Đếm nhiều hơi thở đến 1000 hơi thở mà không vọng tưởng, đó là tu pháp sổ tức quán, pháp môn này thuộc loại ức chế tâm.

Tu không xả tâm, thì không có giải thoát được. Dù tu tập đến 4, 5 ngàn hơi thở không vọng tưởng nhưng không ích lợi gì cho cuộc sống thực tại. Ngồi tu thì không vọng tưởng nhưng xả ra thì tâm phóng dật tứ tung, chạy Đông, chạy Tây.

Con khuyên đúng, nếu sức tỉnh thức cao thì tu 5, 10, 15 phút và hướng tâm xả ly dục và ác pháp (tham, sân, si) thì đó sẽ có giải thoát ngay liền.

Một ngàn hơi thở không thất niệm mà không hướng tâm xả ly đoạn diệt tham, sân, si, mạn, nghi thì rất phí uổng sự tu tập.

Con nên khuyên bạn con tu theo thiền của đạo Phật thì phải xả ly tâm tham, sân, si đừng ảnh hưởng thiền ức chế tâm của kinh sách phát triển và kinh sách thiền Đông Độ, tu hành suốt đời sẽ chẳng đi đến đâu. Đó là pháp môn tu hình tướng để lừa đảo người, chứ chẳng có ai tu tới đâu cả.

Tu tập pháp môn nào thì hãy nhìn kết quả của những người đã tu trước, nếu kết quả chẳng ra gì thì nên bỏ đi, đừng tu tập chẳng lợi ích gì.

VỌNG TƯỞNG XEN VÀO

 Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu Định Niệm Hơi Thở, cố gắng tu tập trong 5' không có vọng tưởng xen vào (thỉnh thoảng có lúc vọng tưởng cũng còn xen vào) sau 5' con đứng dậy đi kinh hành 5', rồi lại ngồi thở 5' và cứ tu như thế cho đến khi con xả nghỉ. Quá trình thời gian tu tập là 30'. Trong thời khóa con tu tập nếu có lác đác vọng tưởng xen vào thì con có nên giữ thời khóa này không? Con xin Thầy chỉ giáo?

Đáp:Tu Định Niệm Hơi Thở (hành động nội thân) và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác (hành động ngoại thân) mỗi loại định 5' tu thay phiên đến 30' xả nghỉ, nếu tu kỹ thì không còn thất niệm.

Khi tu như vậy quá sức, nếu cố gắng ráng tu thêm một lần để không bị vọng tưởng thì đó là ức chế tâm, thành tu sai, rơi vào thiền ngoại đạo.

Con nên lui lại tu chừng 4 hoặc 3 phút thay phiên hai loại định, lui lại chừng nào con thấy không thất niệm thì lấy tiêu chuẩn đó mà tu tập cho tỉnh thức.

Khi lui lại như vậy thì thời gian tu con cũng bớt lại thay vì 30' con tu chừng 20' xả nghỉ hoặc 15' mà thôi.

Thà tu ít, có chất lượng cao hướng tâm ly dục ly ác pháp nhiều là tốt nhất.

Mục đích chính là tu tập làm sao có sức tỉnh thức để xả tâm chứ không tìm sự yên lặng không vọng tưởng.

Chỗ hết vọng tưởng chỉ là một trạng thái tỉnh thức mà thôi chẳng phải thiền định gì cả. Do sự xả tâm mà ta tìm thấy kết quả giải thoát nơi tâm ta, một tâm hồn thanh thản, an lạc, không biết hờn giận, cố chấp ai cả, tâm rộng mở như đất trời. Chỗ đó mới là thiền định của đạo Phật, chứ không phải chỗ hết vọng tưởng. Chỗ hết vọng là không vô biên xứ tưởng. Con nên lưu ý đừng để lọt vào tưởng định đó, vì xưa kia đức Phật đã ném bỏ như một chiếc giày rách mà không hề tiếc rẻ.

Chỗ hết vọng tưởng chỉ là một trạng thái tỉnh thức mới đầu mà thôi chẳng phải thiền định con cần nên tránh, đừng để tu tập rơi vào đó.

CHỌN PHÁP DỄ TU

 Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu Chánh Niệm Tỉnh Giác 5' trong bữa ăn không thất niệm khó hơn tu 5' đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác. Như vậy con có nên chọn cách nào tu dễ hơn hợp với đặc tướng của con?

Đáp:Không nên chọn pháp dễ để tu, mà nên tập tu tỉnh giác trong tất cả các hành động, khó thì tu ít, dễ thì tu nhiều hơn, điều quan trọng dù dễ hay khó đều tùy theo sức lực của mình (đặc tướng) mà tu tập, chứ không được chọn pháp dễ để tu trước. Vì đức Phật đã dạy cho chúng ta con đường tu tập rất cụ thể, bắt đầu tu tập từ Giới, khi tu tập giới xong thì mới tu tập Định, khi nhập xong các Định, thì mới tu tập Tuệ.

Muốn tu tập giới luật thì có những pháp hành như: Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Vô Lượng Tâm. Muốn tu định thì có Tứ Thánh Định. Muốn tu tập Tuệ thì có Tứ Như Ý Túc, Tam Minh. Như vậy chúng ta phải theo lộ trình này tu tập, chứ không chọn pháp dễ mà tu trước. Vì không có pháp nào dễ mà cũng không có pháp nào khó. Người muốn tu tập theo Phật giáo thì phải tu tập từ lớp thấp rồi mới lên lớp cao. Bởi đạo Phật gồm có tám lớp học (Bát chánh đạo) được chia ra làm ba cấp, như vậy không thể nào chọn pháp dễ tu trước pháp khó tu sau. Còn tu tập tỉnh thức con cho rằng: Tu trong bữa cơm khó hơn đi kinh hành, điều này không đúng con ạ! tu tập tỉnh thức trong lúc đi kinh hành cũng giống như ăn cơm, nhưng vì ăn có nhiều động tác:

1-    Xớt cơm, xớt thực phẩm vào bát.

2-    Mút cơm và thực phẩm.

3-    Đưa cơm và thực phẩm vào miệng.

4-    Há miệng để nhận cơm và thực phẩm.

5-    Nhai cơm và thực phẩm.

6-    Nuốt cơm và thực phẩm.

Như vậy ăn có sáu hành động nên con cho là khó hơn đi kinh hành. Có phải vậy không con?

Theo Thầy thì không khó, nhưng con bảo khó thì chính cái khó là rèn luyện nghị lực, chịu khó giúp ta tiến tu tập mà không lùi bước. Nhưng phải lưu ý tu thời gian vừa với sức tỉnh thức của mình mà thôi, chứ không được tu quá sức.

Giống như dây đàn, căng thẳng quá thì đứt dây, chùng quá thì không thành tiếng, vừa là phát âm đúng. Tu hành cũng như vậy. Con nên nhớ kỹ lời dạy này tu tập cho đúng cách thì kết quả sẽ tốt đẹp.

XẢ TÂM

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu Định Vô Lậu 30' (con tu như Thầy đã hướng dẫn) thấy kết quả có nhiều tiến bộ, con tập xả tâm diệt ngã trong các hành động để đối trị. Tuy vậy con còn phải tiếp tục xả và diệt nhiều nữa để tu thân và tâm con trở nên thanh tịnh như lời Thầy đã dạy chúng con.

Đáp:Định Vô Lậu là chánh định trong đạo Phật, con chọn nó làm pháp môn tu hành cho con tức là con có duyên với nó. Người nào có duyên với pháp môn này tu tập xả tâm nhanh chóng, và kết quả giải thoát thực tế và cụ thể nhất, vì xả được là có giải thoát ngay liền. Định vô lậu được tu học trong hai lớp học đầu tiên trong Bát chánh đạo, đó là Chánh kiến và Chánh tư duy.

Con đã tìm thấy sự lợi ích của pháp môn này, tức là con đã có duyên với nó. Vậy con phải nỗ lực gắn bó tu tập xả tâm cho thật rốt ráo.

Khi xả sạch tâm rồi con mới thấy pháp môn này tuyệt vời. Cứu người thoát ra biển khổ; cứu người chấm dứt mầm tái sanh; cứu người vượt qua sanh, già, bệnh, chết, kiến tạo thế giới con người thành Thiên Đàng, Cực lạc, biến con người phàm phu thành Thánh nhân, thoát kiếp loài thú vật làm kiếp người.

Xả tâm là một loại thiền định độc đáo nhất của đạo Phật mà khắp trên thế gian này không có một tôn giáo nào có pháp môn này.

“Định Vô Lậu”là một pháp môn dùng ý thức tu tập xả tâm nên rất dễ tu, dễ xả tâm hơn các pháp khác. Có duyên với nó con nên tu tập nhiều hơn.

TÙY THUẬN

 Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong năm giới cấm của người cư sĩ có giới cấm sát sanh là đầu tiên. Con nghĩ giới này có thể 100% thực hiện được. Còn không ăn thịt chúng sanh thì con thấy thực hiện chưa trọn vẹn vì các cư sĩ có nhiều hoàn cảnh phải tùy thuận với mọi người trong gia đình như chồng hoặc vợ và con cái, v.v.. nên họ còn phải ăn vào những thứ bất tịnh này. Con xin Thầy từ bi chỉ giáo cho chị em chúng con có pháp đối trị?

Đáp:Đạo Phật còn gọi là đạo từ bi (đạo thương tất cả chúng sanh). Vì thế, giới thứ nhất của người cư sĩ không sát sanh, không sát sanh có hai phần:

1- Trực tiếp sát sanh

2- Gián tiếp sát sanh

Trực tiếp sát sanh là sự cầm dao, gậy, gộc hoặc tay, chân làm cho chúng sanh chết.

Gián tiếp sát sanh là xui bảo người khác đoản mạng chúng sanh hoặc ăn thịt chúng sanh.

Giới sát sanh các con là cư sĩ giữ được giai đoạn thứ nhất là không cầm dao giết chúng sinh (trực tiếp sát sanh).

Giai đoạn thứ hai (gián tiếp sát sanh) các con còn tùy thuận mọi người trong gia đình nên sự giữ gìn rất khó khăn.

Không khó đâu các con ạ! Khi chúng ta có quyết tâm làm Phật, thương yêu chúng sanh với cõi lòng yêu thương chân thật, thương chúng sanh như con của chúng ta thì chắc chắn chúng ta đâu nỡ ăn thịt chúng phải không hỡi các con?

Ở đây, Thầy xin nhắc lại chỉ có quyết tâm cứu mình ra khỏi biển khổ của kiếp làm người, thì việc ngưng trực tiếp hay gián tiếp sát sanh là cần thiết cho giai đoạn đầu tu tập ngăn ác diệt ác của đạo Phật, mà không làm được thì cũng ví như đứa bé muốn đọc sách vở, báo chí mà không học nguyên âm, phụ âm và ráp vần thì chẳng bao giờ đọc sách báo được.

Giới sát sanh là giai đoạn vỡ lòng cho người mới tu tập.

Muốn tùy thuận về giới sát này như Thầy đã dạy ở trên, chỉ có lòng thương yêu chân thật của mình đối với chúng sanh thì không khó.

Đến bữa ăn ta ngồi vào bàn ăn như mọi người nhưng ta rất khéo chọn thực phẩm để mà ăn, rau cải, nước tương là món ăn chính của ta, nhưng giả vờ mình vẫn ăn như mọi người, khéo léo đừng để mọi người chú ý. Nếu thấy mọi người chú ý ta vờ gắp thịt cá bỏ vào chén nhưng lại không ăn.

Xưa, Lục tổ Huệ Năng 15 năm sống với bọn người thợ săn, đến bữa ăn đều ăn chung với họ nhưng chỉ ăn rau và muối.

Mười lăm năm Ngài không phạm giới sát sanh mà bọn người thợ săn cũng chẳngbiết. Nếu chúng ta có quyết tâm thực hiện lòng từ bi để cứu mình ra khỏi biển khổ, thì trong hoàn cảnh nào ta cũng tùy thuận được mà không bị lôi cuốn vào pháp ác.

Trong kinh điển Phật dạy trước mọi cảnh, muốn tâm được giải thoát, thì phải “thiện xảo”.

Thiện xảo đối với các pháp ác để tâm được thanh thản an lạc.

Thiện xảo với các pháp thiện để tăng trưởng lòng thanh thản, an lạc.

Thiện xảo ly tâm dục và các ác pháp; thiện xảo nhập định; thiện xảo tỉnh thức; thiện xảo an trú trong định; thiện xảo xuất định v.v..

Tất cả mọi pháp tu tập của Phật đều dạy phải thiện xảo, có thiện xảo mới có kết quả tốt, mới có giải thoát thân tâm của mình.

Vấn đề không ăn thịt chúng sanh là một vấn đề thiện xảo đối với tất cả mọi người trong gia đình không khéo sẽ làm khổ mình, khổ người.

Trong sự tu tập không có pháp môn nào dễ, mà chỉ có người khéo léo thiện xảo thì vượt qua tai ách khổ đau bằng sự chuyển đổi nhân quả ác thành nhân quả thiện, nên Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống

Bước tới thì trôi dạt

Chỉ duy có vượt qua”

Vậy vượt qua chỉ là thiện xảo trên các pháp để chủ động ra ngoài mọi sự tác động của nhân quả đang làm khổ đau cho mình và cho tất cả chúng sanh.

HỘI HỌP

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy!Con thưa Thầy, có năm pháp cho người mới tu cần nên tránh, con thấy có pháp tránh hội họp? Nay con hiểu câu này là không hội họp khi không cần thiết, càng tránh bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu? Nếu họp nhóm ít người, một tháng họp nhau để giúp nhau tu học, còn họp đông đúc thì phải hết sức tránh. Có bác cho là phải nên họp đông thì mỗi người bổ sung ý kiến hay hơn. Con xin Thầy từ bi chỉ giáo cho chúng con.

Đáp:Đường lối tu hành theo đạo Phật lấy độc cư làm cuộc sống, nên thường ca ngợi và thích sống trầm lặng, cô đơn một mình. Vì sống chung đông người tâm dễ sanh phóng dật. Muốn thành tựu giải thoát của đạo Phật thì người tu sĩ phải phòng hộ sáu căn, mà pháp phòng hộ sáu căn đệ nhất là pháp độc cư. Nếu không độc cư thì dù có tu bao lâu cũng chẳng đi đến đâu có nghĩa là chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Sống độc cư như vậy để làm gì?

Sống như vậy để tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm không dính mắc sáu trần, tâm không dính mắc sáu trần là phòng hộ sáu căn.

“Hội họp, nói nhiều, thuyết giảng lung tung, ý kiến này ý kiến khác, tức là tâm đang dính mắc pháp trần, phần đông đều bị kiến giải như vậy thì làm sao tu tập tâm thanh tịnh được”.

Tu theo đạo Phật, người nói nhiều là người tu chưa tới đâu, chỉ là tưởng giải hay nhai lại bã mía của người xưa, chứ chẳng có hay ho gì cả, giống như con chim học nói tiếng người.

Những người nói nhiều là những người tu chưa tới đâu. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải ngậm miệng lại nên đức Phật dạy: “Muốn ly dục, ly ác pháp thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ”.

Tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà nói pháp lung tung thì làm sao ly dục, ly ác pháp được, cho nên Phật cấm hội họp. Hội họp chẳng có lợi mà còn xảy ra những điều hơn thua, tranh chấp, khiến tâm bất an, tu hành khó khăn.

Các nhóm hội họp là để tu tâm độc cư, chứ không phải để nói chuyện, góp ý này hay ý kia.

Hội họp để sách tấn nhau độc cư tu tập, chứ không phải để thuyết giảng nói pháp lung tung; chứ đâu phải để khoe khoang sự tu hành của mình mà để nương nhau nỗ lực độc cư tu tập, tục ngữ xưa nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Nhưng có bạn là phải im lặng như Thánh.

Có bạn, nghĩa là không phải để phá độc cư, làm ồn náo, làm náo loạn; có bạn không có nghĩa là tu theo Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, sự sinh hoạt trong các chùa hiện nay theo kiểu gia đình Phật tử.

Sự sinh hoạt của gia đình Phật tử là sự sinh hoạt bắt chước theo “hướng đạo” (sói già). Đó không phải là sinh hoạt tu tập theo đạo Phật mà là sinh hoạt theo kiểu học tập của hướng đạo sinh, lồng trong khung giáo lý của đạo Phật.

Sự sinh hoạt thọ Bát Quan Trai cũng như tu tập thiền định, phần đông tu tập chỉ là hình thức, đặt ra câu hỏi để góp ý này, ý kia, tạo những sự dính mắc kiến giải.

Sự tu tập như vậy, chẳng bao giờ đi đến đâu cả, càng tu thì càng sai, càng tạo cho tâm mình động thêm, càng tu thì tạo cho mình thêm nhiều kiến giải, tâm sanh phóng dật.

Giải thoát của đạo Phật là tâm phải quay vào trong không phóng dật, tâm hồn độc cư, thích sống trầm lặng ấy là tâm quay vào. Tâm quay vào, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp, tức là tâm thiền định.

Vì thế, người có thiền định là người sống trầm lặng không ba hoa thuyết giảng lung tung, thường sống với nội tâm không để ý bên ngoài.

Vậy các con là những người mới tu tập, đừng bắt chước theo sự tu tập của kinh sách phát triển và kinh sách các Tổ sư thiền, mà trong các chùa đang hướng dẫn, lối tu hành hình thức (thiền giáo đồng hành) vừa tu vừa giảng thuyết. Đó là lối tu tịnh chẳng tịnh mà động thì chẳng động. Lối tu này từ xưa đến giờ chưa có ai tu giải thoát được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Khi nhóm họp lại chỉ nên tuyên bố:

“Các bạn đạo, hôm nay chúng ta tập họp lại đây để tựa nương vào nhau tu tập sống đời sống như Phật, y như giới luật, như chư Hiền Thánh Tăng:

1/        Sống trầm lặng, độc cư, không được nói chuyện, phải im lặng như Thánh, phải nương theo pháp Thầy đã dạy mà tu tập.

2/        Giờ giấc phải nghiêm chỉnh, giờ ăn, giờ nghỉ, giờ tu tập, giờ thư giãn đều phải giữ gìn đúng đắn, không được làm sai.

3/        Sống ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời.

4/        Tự chọn một nơi yên tịnh để vừa tọa thiền, vừa hành thiền, vừa thư giãn và nghỉ ngơi cho riêng mình.

5/        Suốt ngày đêm tu tập đúng cách theo lời Thầy đã giảng dạy.

6/        Suốt ngày đêm tu tập phải thu lượm kết quả trong các pháp hành.

7/        Trong khi ăn uống phải giữ im lặng (không được nói chuyện).

8/        Trong lúc hội họp phải giữ im lặng như Thánh, ai có phận sự thì tuyên bố, nói, ai không thì thôi.

9/        Sống ngày đêm phải trụ tâm như Thánh, không có si mê ham ngủ nghỉ.

10/    Phải siêng năng đi kinh hành, không được lười biếng ngồi nhiều, đi kinh hành để đối trị hôn trầm thuỳ miên”.

Trên đây là 10 điều tu tập Thọ Bát Quan Trai theo tinh thần cuộc sống của đạo Phật trong thời đức Phật.

Xưa, 500 vị Tỳ Kheo đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên làm ồn náo, đức Phật đuổi ra khỏi tu viện.

Nên sự ồn ào, sinh hoạt, thuyết giảng hoặc góp ý kiến này, ý kiến kia làm náo động là không đúng cách tu tập của đạo Phật. Vì chúng ta hiện giờ chưa ai tu xong nên có nhiều ý kiến, tức là có nhiều kiến giải, có nhiều kiến giải, tức là đã đi lạc đường tu.

Trong những buổi họp mặt các nhóm thì các nhóm cần phải giữ im lặng như Thánh là tốt nhất, để tâm luôn lúc nào cũng quay vào trong, không phóng theo các pháp bên ngoài.

Tu tập “im lặng” như Thánh thì rất khó, nhưng sống “ồn náo” như thế gian thì rất dễ. Bởi khó mà tu được mới là Thánh, còn nếu dễ như pháp thế gian thì ai lại làm không được. Cho nên Thánh phàm chỉ ở nơi mình, giữ gìn đúng pháp là Thánh, không giữ gìn là phàm phu.

Nhóm họp như thế nào đúng theo đạo Phật? Nhóm họp im lặng như Thánh là đúng theo đạo Phật.

Nhóm họp như thế nào là sai, không đúng theo đạo Phật?

Nhóm họp ồn náo thuyết giảng lung tung, ý kiến này, ý kiến khác là nhóm họp theo ngoại đạo, là sai.

Điều nhớ kỹ, chúng ta chưa tu tới đâu mà có ý kiến là sai, phải lo tu cho mình. Những bạn đạo tu sai ta viết thư hỏi Thầy như trường hợp Liễu Tâm vậy, nhưng Liễu Tâm có ý kiến trước rồi mới hỏi Thầy sau thì quá muộn.

Người tổ nhóm chỉ được ghi nhận những sự tu sai, hoặc đúng để thưa hỏi lại Thầy, nhờ Thầy giúp ý bạn mình mà cũng chính mình được học thêm.

Đó là sự sinh hoạt của nhóm, khi các bạn trình sự tu tập, mình chỉ được ghi chép mà không có lời nào.

Nếu các con tổ chức Thọ Bát Quan Trai đúng như lời Thầy dạy thì sự tu tập tiến bộ rất lớn, có kết quả rất nhiều, tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Thọ Bát Quan Trai không được tụng niệm hoặc lạy hồng danh sám hối, những việc làm này thuộc về Tịnh Độ Tông.

DẪN TÂM VÀO ĐẠO

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Thưa Thầy, hiện nay việc Thầy bố thí cho chúng con, các cư sĩ mới, được nghe băng giáo án tu tập 60 cuốn Thầy soạn, đa số đều mong muốn được nghe để tổng quát nội dung của giáo án Thầy giảng như thế nào. Nhưng ngược lại thì có một số đạo hữu nói là lúc này chưa nên nghe hết bộ, mà chỉ nên nghe mấy băng nói về Tam quy Ngũ giới, Thập thiện, nghe nhiều không biết đường nào tu.

Thưa Thầy, trước hai quan điểm trên nên làm như thế nào để thống nhất làm một, con mong Thầy từ bi chỉ giáo cho chúng con.

Đáp:Trên hai quan điểm này đều có cái hay và cái dở của nó, hay dở là do người sử dụng quan điểm đó:

1/ Quan điểm thứ nhất, nghe hết 60 cuốn băng để nghiên cứu kỹ đường lối tu tập của mình có đúng giáo lý của đức Phật hay không? Về đường lối tu tập, tu pháp nào trước, pháp nào sau rồi đặt trọn niềm tin vào pháp mà tu tập không hề thay đổi đó là cái ưu của nó. Còn nghe hết 60 cuốn băng rồi lấy cái đó làm sự hiểu biết của mình để đi ra thuyết giảng lung tung, lúc nào cũng nói thiền nói định, nói giới nói luật, mà chẳng có một phút nào tu tập cả, đó là cái sai, cái khuyết điểm.

2/ Quan điểm thứ hai, nghe Tam quy Ngũ giới, Thập thiện là trang bị cho mình một sự tu tập chưa đủ, nên cuối cùng là tu mù. Tu mà không rõ đường đi, không biết pháp hành như người mù rờ voi. Tu như vậy có hại, chứ không có lợi, nhiều khi sanh ra bệnh tật khổ đau, làm khổ mình, khổ người.

Còn tu mù như ông Bàn Đặc thì phải được ở bên người thiện hữu tri thức, thì mới có lợi ích rất lớn, không bị kiến giải, không nhai lại bã mía của người khác. Muốn tu tập được như vậy thì phải sống một bên với thiện hữu tri thức, Người dạy cách thực hành không có dạy lý thuyết nên hành giả tu mau tiến bộ kết quả rõ ràng và cụ thể. Đó là cách thức dẫn tâm vào đạo. Ý này quan điểm thứ hai là ưu điểm. Ưu điểm này là người phải có đủ niềm tin với người thiện hữu tri thức, nếu thiếu niềm tin thì không thể thực hiện được.

Ngày xưa, ông Châu Lợi Bàn Đặc chỉ tin vào đức Phật nên đức Phật dạy như thế nào thì ông tu tập như thế nấy. Tu tập không làm sai lời dạy của đức Phật, và đức Phật cũng không dạy ông nhiều pháp, mà chỉ có dạy ông một pháp duy nhất, đó là “quét tâm” tức là tu tập Tứ Niệm Xứ có nghĩa trên thân, thọ, tâm và các pháp thường quán xét đẩy lui các chướng ngại pháp. Nhờ pháp quét tâm này, cuối cùng ông chứng quả A La Hán. Đó là quan điểm tu mù, học tới đâu tu tới đó, nhưng phải hiểu pháp này phải gần bên thiện hữu tri thức. Không có thiện hữu tri thức ở gần bên thì không được tu như vậy.

Phần đông thời nay, trước khi tu, đều là học giả nghiên cứu tất cả kinh sách phát triển và kinh sách thiền (sách thiền của các nhà học giả xưa và nay đều giẫm lại lối mòn của nhau) xưa kiến giải như vậy, nay cũng theo lối đó mà viết ra chẳng có kinh nghiệm gì cả, các Tổ nói sao thì nói lại cũng như vậy. Được xem đó là loại bánh in thuộc về bánh vẽ.

Tu mù có thiện hữu tri thức dễ kết quả và nhanh chóng hơn, không bị kiến giải của mình của người khác lừa đảo. Ngược lại không có thiện hữu tri thức, mà tu mù là một điều nguy hiểm. Nếu không có thiện hữu tri thức hướng dẫn, là một khuyết điểm lớn về đường tu tập theo Phật giáo.

Hai quan điểm này nên bổ sung cho nhau. Nếu ở xa thiện hữu tri thức thì nên nghiên cứu nghe, đọc các pháp môn tu hành cho kỹ rồi mới thực tập tu hành. Còn có thiện hữu tri thức thì không cần nghe gì cả. Ông ta dạy sao thì nên tu như vậy.

Nghe học hiểu biết để tu tập cho giải thoát ra khỏi kiếp đời đầy ô trược và khổ đau, chứ không phải nghe hoặc hiểu biết để làm thầy thiên hạ dạy đạo, mà trong khi đức hạnh, giới luật, những oai nghi tế hạnh và thiền định của mình chẳng ra gì.

Đừng bắt chước hạnh nguyện Bồ Tát vừa tu vừa dạy người tu đó là kiểu dẫn nhau đi xuống địa ngục, cả Bồ Tát lẫn chúng sanh.

Dù học hỏi nghiên cứu hiểu biết rộng rãi bao nhiêu cũng không bằng “dẫn tâm vào đạo”.

Dù ngu tối chẳng học thức, không nghiên cứu để hiểu biết rộng rãi, nhưng chỉ siêng năng chuyên cần “dẫn tâm vào đạo” thì tâm vẫn làm chủ sanh, già, bệnh, chết, hoàn toàn giải thoát, trở thành một bậc A La Hán chẳng thua kém ai.

Con hãy đến gặp Liễu Hoa nói: ít hôm Thầy trả lời xong sẽ gửi ra cho Liễu Hoa. Công việc Thầy rất nhiều không thể trả lời gấp cho các con được, Thầy không phụ lòng các con hỏi đâu, khi các con đã tin tưởng nơi Thầy thưa hỏi.

LÀM CHÙA, TÔ TƯỢNG, ĐÚC CHUÔNG

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người đời truyền thuyết cho nhau làm thiện có ba việc, làm chùa, tô tượng, đúc chuông, ba việc này làm được thì công đức thật là vô biên vô lượng. Thưa Thầy có đúng không?

Đáp:Đây không phải là truyền thuyết của người đời mà là kinh sách nhân quả của kinh sách phát triển do Thượng tọa Thiền Tâm đã dịch ra Việt ngữ. Ca ngợi ba việc làm có công đức và phước báo lớn, đó là làm chùa, tô tượng, đúc chuông. Làm chùa, tô tượng, đúc chuông là một lối lừa đảo lường gạt Phật tử nhẹ dạ dễ tin.

Lịch sử đã ghi lại những nhà vua làm chùa, tô tượng, đúc chuông mà chết một cách rất xót xa như nói về làm chùa, tô tượng, đúc chuông của vua Bình Sa Vương ở Ấn Độ và vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa.

 Ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Tịnh Xá Trúc Lâm không phải là của một nhà vua xây cất cúng dường cho đức Phật sao? Thế mà ông chết đói trong ngục, đó là vua Bình Sa Vương.

Vua Lương Võ Đế cất 72 kiểu chùa tô tượng, đúc chuông đầy đủ, thế mà ông bị giặc Hầu Nhân Bảo giết. Còn ở Việt Nam thì các vua Nhà Lý đã xây dựng bao nhiêu chùa, tạc bao nhiêu tượng, đúc bao nhiêu chuông, thế mà dòng tôn thất nhà Lý bị chôn sống. Thời nhà Trần là thời vàng son nhất của Phật giáo Việt Nam dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng xuất phát từ đó. Thế mà, nhà vua cuối cùng phải tự tử một cách đau thương và thê thảm. Như vậy kinh sách phát triển đã từng kêu gọi mọi người làm chùa, tô tượng, đúc chuông thì sẽ được công đức vô lượng vô biên. Đó là lối lừa đảo làm tiền Phật tử. Lịch sử từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đã chứng minh sự lừa đảo của những kinh sách phát triển quá rõ ràng.

Nên trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy: cúng dường bố thí cho đúng chánh pháp tức là cúng dường đúng đối tượng thì mới có lợi ích, còn bố thí cúng dường sai thì cũng giống như đem hạt giống tốt trồng trên đất xấu (đất cằn cỗi) thì hạt giống hư mà chẳng lợi ích gì, nhiều khi còn phi đạo đức tạo duyên cho kẻ khác làm ác.

Đức Phật còn dạy cúng dường tứ sự cho bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh, thiền định sâu mầu được nhiều công đức và phước báo nhưng không bằng giữ gìn năm giới.

Rõ ràng Phật đã dạy như vậy là không lừa đảo gạt người, chỉ có phước báo lớn là ta phải tự làm thiện, sống thiện, ăn ở thiện thì phước báo vô lượng vô biên, tức là tạo nhân quả tốt thì hưởng phước báo, chứ không phải xây chùa, tô tượng, đúc chuông là phước báo lớn, đó là ta bị những kẻ kinh doanh Phật giáo lừa gạt.

Ta cúng dường bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh là để duy trì Phật giáo mãi mãi trên thế gian này. Vì Phật giáo có duy trì thì có những hình ảnh bậc chân tu làm gương hạnh thiện pháp để ta noi theo sống và làm việc thiện, tạo nên một xã hội không có con người làm khổ cho nhau (giải thoát).

Đế Thiên, Đế Thích là một ngôi chùa được liệt vào một kỳ quan trong bảy kỳ quan thế giới. Hiện giờ, người ta thấy kiến trúc đẹp đẽ của nó, chứ người ta đâu có nghĩ rằng bao nhiêu tiền của và mồ hôi xương máu của toàn dân nước Cămpuchia đã đổ vào bằng một sự cưỡng bức, ép buộc của nhà vua độc tài sùng đạo.

Lẽ ra việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông như nhà vua và dân chúng nước Cămpuchia thì công đức sẽ vô lượng vô biên. Có đâu dân tộc này lại diệt chủng gần hết và nghèo nàn, lạc hậu, hung ác như thế này.

Thời gian đã qua cũng đủ xác chứng được những lời nói của Thầy về các pháp môn lừa đảo của các tông phái do kinh sách phát triển dựng ra. Cho nên, việc cúng dường cất chùa tô tượng đúc chuông có phước báo lớn là một việc lừa đảo, chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút là sẽ thấy rõ ràng. Tuy Thầy đã dẫn chứng những trang sử như vậy nhưng chắc gì quý vị đã tin, Hãy chờ đợi, nếu bây giờ quý vị còn kiến chấp chưa đủ điều kiện để tin lời Thầy đã nói thì ngày mai sẽ rõ.

YỂU TỬ ĐƯỢC TÁI SANH KHÔNG?

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kínhthưa Thầy! Người ta bảo em bé mới sanh hoặc còn tuổi trẻ mà chết thì có được đi đầu thai không thưa Thầy? Chết như vậy thường không đi đầu thai, sống vơ vẩn làm cô hồn các đảng, có đúng vậy không?

Có em bé mới sanh không may bị chết, người ta bảo em bé đó chưa bị bệnh đậu mùa chết được đầu thai làm người ngay có phải không thưa thầy?

Đáp: Như các con đã học và biết đạo Phật chủ trương không có linh hồn, mọi pháp đều do duyên hợp mà thành nên không có vật thường còn, bất biến.

Đạo Phật cũng không chủ trương có một Đấng Tạo Hóa sinh ra vạn vật, tất cả đều do duyên hợp tùy theo môi trường sống mà vạn vật tùy đó sanh ra.

Đạo Phật chủ trương theo nghiệp lực do duyên nhân quả tạo ra vạn hữu, tùy theo môi trường sống, cây cỏ vạn vật sinh nở.

Đạo Phật cũng không chủ trương đi tìm kiếm cái nguyên nhân ban đầu mà chỉ nhắm vào sự đau khổ hiện tại của con người giải quyết cho hết khổ mà thôi.

Đạo Phật chủ trương chết đây sanh kia tiếp tục luân hồi mãi mãi, vì thế ai tạo nhân yểu tử (sát hại chúng sanh nhiều) thì phải trả nợ yểu tử (chết còn tuổi trẻ) như kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 475 thuộc Trung Bộ kinh tập 3 dạy: “Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, hoặc bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục hoặc đi tái sanh loài người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng, này thanh niên Subha, tức là sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình”.

Theo luật nhân quả ai giết hại, đoản mạng chúng sanh, thì phải chịu yểu tử. Yểu tử có nhiều giai đoạn:

1/    Vừa ở bào thai đã bị trôi thai hoặc 1, 2, 3, 4, 5, 6 tháng bị chết trong bụng mẹ.

2/    Vừa sanh ra chết.

3/    Được một tuổi chết.

4/    Hai, ba, bốn, năm tuổi chết. Từ 1 tuổi đến 6 tuổi hoặc từ 10 tuổi đến 11, có khi đến 18 tuổi chết.

Chết vì bệnh đau, chết vì tai nạn giao thông, cọp ăn, chiến tranh, té sông, giếng, hồ, ao, chết vì tự tử, uống thuốc độc, thắt họng v.v..

Nói chung toàn bộ chết tuổi còn trẻ, đều gọi là chết yểu. Nhưng chết già hay chết yểu đều đi tái sanh luân hồi liền. Nếu đã tạo nhân yểu mạng thì tiếp tục chết mãi cho đến khi trả xong nghiệp yểu tử mới kéo dài tuổi thọ ra được, chứ không có nghĩa chết chưa bệnh đậu mùa là được đi tái sanh, còn có bệnh đậu mùa tức là từ 1, 2 tuổi trở lên chết không đi tái sanh, làm cô hồn các đảng hay những hồn ma chết oan uổng vất vưởng cây cao bóng mát. Đó là những quan niệm sai lầm không đúng luật nhân quả, luật nhân quả chết đây sanh kia không kẽ hở, nối tiếp nhau như ngọn đuốc này vừa tắt thì ngọn đuốc kia bắt đầu cháy ngay liền. Vì thế Phật giáo gọi là “Vô Thường”. Chết tức là sống, cho nên người đang sống, tức là người đang chết từng phút từng giây thế mà có ai biết. Đến khi thân này hoại diệt (chết) thì người ta cho rằng mất, chứ có mất đi đâu, chỉ có thay lốt nghiệp mới. Và vì thế, nên không có linh hồn oan vất vưởng.

NHÂN QUẢ XINH ĐẸP

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kínhthưa Thầy! Kiếp này dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo, nếu kiếp sau được làm người thì sẽ có thân xinh đẹp phải không thưa Thầy?

Đáp:Theo kinh nhân quả phát triển đã dạy: dâng hoa lên cúng dường Tam Bảo, kiếp sau sinh làm người sẽ được thân xinh đẹp. Điều này không thực tế, không đúng theo tinh thần từ bi của đạo Phật.

Cây hoa là một loài thảo mộc, đang có một sự sống, thế chúng ta trực tiếp cắt hoa hoặc gián tiếp mua hoa làm cho bông hoa mất sự sống, rồi đem lên dâng cúng dường Tam Bảo thì còn ý nghĩa gì khi cành hoa đẹp lại bị cắt lìa thân mẹ của nó. Rồi chúng ta nghĩ tưởng rằng, dâng cúng hoa như vậy thân sau sẽ đẹp xinh.

Luật nhân quả không cho phép làm điều ác đức này, vì ít hôm cành hoa sẽ rơi rụng, tàn úa, cành hoa sẽ hôi thối, rõ ràng là một sự chết của cành hoa, còn đâu là đẹp nữa. Ai đã làm cho cành hoa tàn úa và đem đến sự chết cho nó? Có phải là người dâng cúng hoa không? Hành động nhân quả như vậy là hành động ác mà hành động làm ác như vậy thì làm sao có thân sinh ra đẹp đẽ được?

Nếu người nào thường cắt hoa dâng cúng Phật thì thân sau phải xấu xí vì có hành động sát hại hoa làm cho hoa mau tàn héo úa (xấu xí).

Như trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy: Ở đây này thanh niên Subha có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy thành đạt như vậy, thành tựu như vậy sau khi thân hoại mạng chung, nếu không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, được sanh làm người thì thân sắc xấu xí, con đường ấy đưa đến xấu sắc, này thanh niên Subha tức là, phẫn nộ, sân hận, bất mãn”.

Đoạn kinh này được rút ra từ kinh Trung Bộ tập 3 bài kinh Tiểu Nghiệp phân biệt trang 477.

Bông hoa cắt chưng, làm đẹp cho con người, chứ không phải làm đẹp cho chư Phật. Khi nhìn cành hoa bị cắt nếu là chư Phật thì rất là đau lòng. Cỏ mà đức Phật còn không nỡ giẫm đạp huống là cắt hoa.

Loài người không ý thức được nhân quả nên lấy sự chết của loài hoa làm đẹp cho mình.

Là đệ tử của Phật, dù là cư sĩ hay tu sĩ, chúng ta hãy thực hiện lòng từ bi như đức Phật, biết thương xót sự sống của muôn loài.

Loài người lấy sự chết của chúng sanh làm sự sống cho mình, làm đẹp đẽ cho mình, thì bảo sao đời không khổ, trừ khi con người muốn thoát khổ thì hãy chấm dứt những hành động cực ác này. Nếu không chấm dứt, mãi mãi muôn đời thọ lấy tai ương, khổ nạn. Đó cũng chính là cái vô minh của con người từ muôn kiếp; đó cũng chính là thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài vạn vật.

Hành động cắt hoa dâng lên cúng dường Tam Bảo là hành động ác đức, chỉ có kinh sách phát triển ngoại đạo là dạy những điều phi đạo đức đó, khiến cho sự cắt hoa chưng cúng trở thành một phong tục quá tàn nhẫn và ác đức. Cho nên, hiện giờ mọi người đến chùa thường dâng hoa cúng Phật thật là đau lòng.

Chúng ta là những người tu theo Phật giáo thì phải lấy lòng thương yêu đối với sự sống của muôn loài trên hành tinh này. Vì có thương yêu sự sống của muôn loài thì mới chính thương yêu mình.

HỐI LỘ PHẬT

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Kiếp này mang tiền vào cúng Tam Bảo, cúng một đồng mong được mười đồng có phải không thưa Thầy? Đây có phải là hành động cúng dường Phật không? Đây có phải là tư tưởng bán buôn, hối lộ không thưa Thầy?

Đáp:Những hướng dẫn trên đây cúng dường Tam Bảo đều do kinh sách phát triển dạy, mà quý Thầy trong các chùa đều theo đó hướng dẫn quý Phật tử (tín đồ) cúng dường, chứ riêng quý Thầy không phải không biết giới luật của Phật đã ngăn cấm người cư sĩ không được cúng dường tiền bạc cho Phật và chúng Thánh Tăng, chỉ được quyền cúng dường thực phẩm mà thôi.

Thời đức Phật còn tại thế, Người sống đời phạm hạnh của một tu sĩ buông xả, nên Ngài đi khất thực (xin thực phẩm để sống) chứ không có xin tiền, bây giờ Ngài đã tịch rồi thì Phật tử lại đến chùa cúng dường Ngài tiền bạc, thì như vậy có đúng không? Lúc còn sống Ngài đã không nhận tiền bạc còn bây giờ Ngài đã chết lại nhận tiền bạc sao? Nếu những cư sĩ đem tiền cúng dường chư Phật, thì đó là hành động phỉ báng Phật, một hành động cúng dường như vậy không đúng chánh pháp, cúng dường sai pháp thì đức Phật có chứng minh lòng cúng dường như vậy của quý vị không?

Quý vị cúng sai, không đúng phạm hạnh của người tu sĩ thì Ngài làm sao nhận lòng cúng dường của quý vị được? Cúng dường như vậy làm cho Phật giáo suy đồi. Tội ấy về ai?

Cúng dường như vậy quý vị xem ông Phật như ông thần ăn hối lộ.

Cúng một đồng nhờ Tam Bảo gia hộ cho quý vị làm ăn được mười đồng. Người Phật tử cúng dường như vậy là xem Phật giáo chẳng ra gì. Nếu không quá đáng thì bảo rằng quý vị không phải đệ tử của Phật, vì đệ tử của Phật phải hiểu Phật. Chẳng qua quý vị là đệ tử của ngoại đạo, của kinh sách phát triển Bà La Môn, nên mới cúng dường Phật và chúng Tăng như vậy.

Đến với Phật giáo để làm gì? Để học cách hối lộ cho thần thánh. Ông Phật thời bây giờ giống như Thần trong miếu, ông quan ăn hối lộ. Làm quan ăn hối lộ dân chúng xem chẳng ra gì. Phật ăn hối lộ còn nghĩa lý gì là ông Phật nữa.

Cách thức cúng dường tiền bạc nhờ Tam Bảo gia hộ cho tai qua nạn khỏi, nhìn cảnh tượng này chúng tôi thật đau lòng cho Phật giáo ngày nay. Thế mà chùa nào hiện giờ cũng có thùng phước sương để nhận tiền cúng dường, chùa bây giờ giống như miễu bà Chúa Xứ, đền bà Chúa Kho. Nhìn hiện tượng này chúng tôi chẳng biết nóilàm sao bây giờ. Phật giáo hay là ngoại đạo? Mê tín dị đoan hay chánh tín chân chánh?

Tóm lại, đây là cách thức cúng dường không đúng chánh pháp của Phật mà đúng theo giáo pháp của ngoại đạo.

Nếu là người tín đồ chân chánh của đạo Phật khi cúng dường Tam Bảo thì nên cúng dường thực phẩm, để giúp cho các vị tu hành sống ngày một bữa ăn, để giữ gìn đúng phạm hạnh, không cất giấu tiền bạc.

Bởi vậy, cái sai của đạo Phật cũng chính quý Thầy, vì tham tiền dạy cho người tín đồ cúng dường sai pháp. Cúng dường sai và cũng chính các ông Thầy ham tiền, ham bạc nên làm thinh, để nhận tiền một cách phi giới luật. Các quý Thầy chỉ là kẻ phàm phu tục tử mang lớp áo tu sĩ, chất chứa tiền bạc, trở thành phú ông hơn là một người tu sĩ chân chánh tu hành.

Biết cúng dường tiền bạc Tam Bảo là sai, thì từ đây về sau quý Phật tử đừng làm sai nữa. Cúng dường sai pháp đã không được phước mà còn thêm tội với Tam Bảo mà còn tiếp tay cho ngoại đạo diệt Phật giáo nhanh chóng. Tội ấy về phía Phật tử phải gánh chịu.

CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cúng dường trai Tăng ý nghĩa như thế nào? Có được phước báo lớn không thưa Thầy?

Đáp:Cúng dường trai Tăng, tức là cúng dường thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho đời sống của những tu sĩ cắt ái ly gia. Có nghĩa là giúp đỡ cho người tu sĩ sống đời sống phạm hạnh để tu tập đến nơi đến chốn. Cúng dường trai Tăng như vậy rất tốt, có nhiều phước báo. Vì đã giúp cho những bậc đạo đức chân tu thể hiện gương hạnh giải thoát, thể hiện đức hạnh làm người, khiến cho mọi người có chỗ học và sống đức hạnh giải thoát.

Còn bây giờ trai Tăng cúng dường thì không đúng lời Phật dạy:

1/    Trai Tăng cúng dường cầu siêu cho người chết để được vãng sanh Cực Lạc.

2/    Trai Tăng cúng dường để được phước báo, làm ăn khá giả, giàu có.

3/    Trai Tăng cúng dường bỏ tiền vào phong bì để biến tu sĩ phạm giới.

4/    Trai Tăng cúng dường để nghe thuyết pháp lừa đảo.

Trong khi đức Phật dạy: “muốn ước nguyện cầu một điều gì thì cần phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước nguyện ấy sẽ thành tựu”.

Ước nguyện cầu mong Phật dạy là phải tự lực hành thiện pháp (theo luật nhân quả), còn cúng dường cầu nguyện để nhờ công đức tu hành của chư Tăng (nhờ tha lực) thì đạo Phật không chấp nhận.

Cho nên, đức Phật dạy cúng dường cho bậc chân tu thì có lợi ích lớn, là nhờ gương hạnh tu hành của Người, mà ta thực hiện được đời sống thiện, nên ước muốn ta đạt thành, không phải từ tha lực của bậc chân tu mà phải do tự lực làm thiện của chính chúng ta mà thành sở nguyện.

Đạo Phật rất khó, nếu chúng ta hiểu sai, biến đạo Phật thành ngoại đạo phi đạo đức, sống nhờ vào tha lực. Nếu ta hiểu đúng, luôn tự cứu mình, cứu người thì đó là đạo Phật chân chánh. Vì thế, trai Tăng cúng dường theo kinh sách phát triển thường cầu tha lực nên biến Phật giáo thành ngoại đạo, tà giáo.

Người Phật tử chân chánh luôn phải dùng sức tự lực, nêu cao đức hạnh tự lực làm sáng tỏ Phật pháp. Nếu chúng ta đi ngược lại, luôn cầu tha lực là ta thuộc về tín đồ ngoại đạo Bà La Môn.

Người Phật tử nên cảnh giác và nhớ lời dạy này, để duy trì mạng mạch của Phật pháp, và cứu mình, cứu người thoát khỏi mọi thủ đoạn âm mưu lừa đảo của tà giáo mê tín lạc hậu.

THÔNG MINH

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Kinh nhân quả dạy mang dầu, nến thắp sáng điện Phật (Tam Bảo) kiếp sau sanh ra làm người được thông minh, lời dạy ấy có đúng không? Xin Thầy dạy bảo.

Đáp:Người thông minh không phải do cúng dường đèn dầu, nến thắp sáng điện Phật mà người ấy phải chịu khó học tập những điều mình chưa biết. Hiện giờ chúng ta thấy có người học tối (lâu nhớ, lâu thuộc bài), có người nhớ lâu, học mau thuộc ta cho họ thông minh, sự thật tiền kiếp họ đã gieo nhân học tập nên thời nay ta nói họ thông minh, chứ họ đã học sẵn rồi.

Muốn thông minh ở kiếp sau thì kiếp này phải chăm học tập, theo luật nhân quả học tập là gieo nhân thông minh, chứ không phải cúng dường đèn đuốc mà thông minh; đó là lối lừa đảo không thực tế của kinh sách phát triển, chúng ta không nên tin như vậy, tin như vậy chỉ có người vô minh mới tin, chúng ta tin cái gì thì cái đó phải cụ thể và thực tế rõ ràng.

Đời nay, cố gắng chăm học tập đời sau thông minh, đó là lẽ đương nhiên không ai nói ta lừa đảo được.

Bây giờ ta u tối phải cố gắng học “có công mài sắt có ngày nên kim”. Còn những người thông minh kiếp trước họ đã học rồi, bây giờ nhớ trở lại, chứ không có thông minh gì cả. Đức Phật dạy: “cây ngả về hướng nào thì bóng ngả về hướng ấy”. Đúng vậy, khi ta làm một điều gì thì hậu quả của điều đó, sẽ đến với ta tốt hay xấu là do việc của ta làm ác hay thiện.

Còn đốt đèn đuốc làm sáng bàn thờ Phật mà được thông minh thì không đúng.

Chúng tôi xin nêu lên một điều để quý vị được rõ. Hàng ngày quý vị đều đốt cây hương vỏ cây tượng trưng cho năm cây hương giải thoát: “giới hương, định hương, tuệ hương, tri kiến hương và giải thoát tri kiến hương” nhưng quý vị có thấy tâm mình giải thoát chưa? Có hết tham, sân, si chưa?

Tượng trưng là một lẽ và giải thoát là một lẽ cho nên thắp đèn, đuốc, nến cho sáng thì có ai đốt đèn mà thông minh chưa?

Nếu đốt đèn mà siêng năng chăm học thì thông minh là lẽ đúng, nếu đốt đèn để sáng bàn thờ Phật, không học mà thông minh, đó là lối lừa đảo của kinh sách phát triển để các chùa khỏi tốn tiền mua dầu thắp bàn thờ Phật vì có mấy đứa học sinh tối dạ mua dầu đèn thắp sáng. Nhưng chúng cũng phải học chúi đầu chúi mũi mới có thuộc bài, chứ đâu có thắp đèn mà khỏi học bài bao giờ hay chư Phật học bài dùm cho. Đó là một lối lừa đảo gian xảo của kinh sách phát triển.

Kinh sách phát triển nói về nhân quả có rất nhiều điều vô lý thế mà người Phật tử vẫn tin, tin trong mù quáng vô minh. Tin mà không chịu suy nghĩ. Thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh, học một biết mười, điều này không bao giờ có. Nếu việc làm này có được thì thế gian này không còn người u tối, đần độn, dốt nát và ngu si. Phải không quý vị?

Chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì ai mà làm không được. Trong cuộc đời này có ai muốn mình không thông minh; có ai muốn minh u tối, dốt nát, ngu si, đần độn; có ai muốn mình thua kém mọi người. Phải không quý vị?

Nếu kết quả chỉ cần mua dầu thắp đèn sáng cúng dường chư Phật là thông minh sáng suốt thì chùa sẽ thắp đèn sáng ngày đêm quanh năm suốt tháng, nhưng hiện giờ đến chùa nơi điện thờ Phật chỉ có một ngọn đèn leo lét mờ mờ ảo ảo, như vậy chứng tỏ lời dạy này không có hiệu quả, chỉ là một trò lừa đảo.

TRÙNG TRONG LÔNG SƯ TỬ

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có người xuất gia tu hành nhưng không đủ duyên nên trở về hoàn tục, nhưng cạo tóc mặc đồ nhà tu nhận của cúng dường đàn na thí chủ, thưa Thầy người này có phạm tội gì chăng?

Có người đã xuất gia thọ giới cụ túcnhưng không chịu tu hành, cứ nay đây mai đó để thỏa mãn mộng giang hồ vẫn nhận sự cúng dường của đàn na thí chủ, người tu như vậy có sai phạm không?

Nếu cả đôi nam nữ tu sĩ này trở về hoàn tục, xây dựng cuộc sống tu tại giathì quá đẹp, tốt hơn là khoác chiếc áo nhà chùa.

Đáp:Trong một đại gia đình Phật giáo hiện giờ có bao nhiêu chuyện tồi tệ trong đạo mà thỉnh thoảng báo chí Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đã đăng tải, giáo chủ này, ông đạo kia v.v..

Còn lắm kẻ ở ngoài đời làm ăn vất vả, nên mượn chiếc áo nhà tu để thọ hưởng của đàn na thí chủ “ngồi trong mát ăn bát vàng” cho sướng thân. Nếu Nhà nước không cấm cất chùa, lập miếu thì những hạng người này sẽ cất chùa miếu nổi lên như lều quán.

Con người khôn ngoan xảo quyệt kinh khủng, lường gạt đủ mọi cách, dùng hình thức tượng cốt để làm tiền thiên hạ. Lợi dụng sự bệnh tật, tai nạn của con người bằng cách trị bệnh, châm cứu, thuốc nam, thuốc bắc, bùa chú, nhân điện, nước thảy, tàn hương, nước tiểu, khí công, hương công, gạo lứt muối mè, tiết thực, tuyệt thực, dưỡng sinh, v.v.. đó là một loại pháp môn tu hành biến dạng thành những phương thức để giữ gìn sức khỏe.

Phần đông những nơi trị bệnh đều có thờ Phật, Bồ Tát cùng các quỷ thần. Làm thuốc trị bệnh, châm cứu, bùa chú mà không lấy tiền, chỉ cần người bệnh nhân cúng bái Phật, Bồ Tát, quỷ thần nhờ các Ngài gia hộ hết bệnh. Làm phước không nhận tiền xem mạch hoặc thuốc thang, nhưng lại nhận tiền cúng Phật trong thùng phước sương.

Những phần tử này trong đạo Phật không biết bao nhiêu mà kể. Từ khi Thầy về làm trụ trì tu viện Chơn Như, khép chặt tu sĩ vào giới luật ăn, ngủ, đúng giờ không được ăn, ngủ phi thời, sống độc cư không được nói chuyện ồn náo.

Những người tu sĩ tu cơm, tu áo, tu tiền, tu bạc, tu ăn, tu ngủ chỉ đến đây vài ba hôm là bay sạch. Đến giờ này, chỉ còn một hai người tạm gọi là được, chứ chưa nghiêm túc trong giới luật Phật. Nếu Thầy lấy giới luật Phật khép chặt sống nghiêm chỉnh thì tu sĩ Phật giáo chẳng còn mấy người. Những người tu sĩ lừa đảo này sẽ không dám chui vào Phật giáo để lừa đảo mọi người.

Giới luật là cửa cổng chọn lựa tu sĩ Phật giáo đúng những người chân tu, những người quyết tâm tìm đường thoát khổ. Kinh sách phát triển dạy người tu sĩ phá giới luật nên những người tu sĩ này chỉ tu ăn, tu ngủ, tu danh, tu lợi nên dựa vào tôn giáo để buôn Phật (bán tượng cốt), buôn pháp (bán kinh sách) kinh doanh tôn giáo làm giàu vô đạo đức.

Chiếc lá chắn của kinh sách phát triển dạy phá giới, bẻ vụn giới làm tấm bình phong cho những người phi giới luật mới chui vào Phật giáo, mới kinh doanh buôn Phật bán pháp. Điều này chắc ai cũng rõ. Phải không quý vị?

Nếu không có kinh sách phát triển làm tấm bình phong che chắn thì những người bất lương không thể chui vào Phật giáo làm những điều tồi tệ.

Giới luật Phật không dung túng cho những người này, sáng họ vào cổng chùa, chiều họ đã bay mất vì giới luật quá nghiêm khắc.

Cho nên, những người này sống trong giới luật chẳng nổi, nên chẳng dám vào làm tu sĩ Phật giáo.

Ở chung quanh tu viện Chơn Như có một số người nghèo đói thất nghiệp hoặc làm ăn vất vả, cực nhọc nên muốn vào chùa tu cho sướng thân. Nào ngờ bước vào cổng chùa lúc sáng thì tối đã trốn mất, vì ngày ăn có một bữa cơm nên sống không nổi, vả lại sống không được nói chuyện ồn náo. Sống độc cư, sống một mình v.v.. Chỉ sống có bấy nhiêu đó, cũng đủ thử thách những người vào đạo Phật chứ chẳng cần thử thách gì cả.

Những người tu ăn, tu ngủ, tu tiền, tu bạc, tu danh, tu lợi v.v.. Cho nên, những người này vào chùa cơm ăn áo mặc đầy đủ, không tốn tiền, cơm ngày ba bữa, còn được đi học cha mẹ khỏi lo. Có những Thầy khôn ngoan lanh lợi khéo nịnh bợ Phật tử nên có tiền tiêu riêng, còn sắm cả xe gắn máy rất sang trọng. Nhất là quý Thầy giả dạng tu hành có hình thức giữ giới luật, lại còn dễ gạt Phật tử, làm tiền, sống trên nhung lụa một cách đầy đủ sung túc.

Cho nên, đức Phật đã xác định tất cả những hạng người này là trùng trong lông sư tử, sẽ giết Phật giáo chết. Đúng vậy, những tu sĩ phá giới luật Phật, đang đầy dẫy trong các chùa Phật giáo, đang làm hỏng hết giáo pháp và đạo đức của đạo Phật. Số tu sĩ trong các chùa mà con đã nêu trong câu hỏi, là loại trùng trong lông sư tử, đang được một số cư sĩ vô minh nuôi dưỡng, để phá hoại đạo Phật cho tận gốc rễ. Những tu sĩ này dùng những danh từ rất kêu khi họ lừa đảo Phật tử: “làm Phật sự”, “chấn hưng Phật pháp” v.v..

Các con đã hiểu giới luật Phật, vị tu sĩ nào giữ gìn đúng giới luật thì cúng dường còn giữ gìn không đúng giới luật thì nên cảnh giác, đừng tiếp tay với những tu sĩ ngoại đạo của kinh sách phát triển này mà giết Phật giáo.

Giết Phật giáo, tội ấy về ai? Về các con đấy, vì các con đã nuôi chúng. Vậy, các con phải tránh xa những loại trùng độc này.

CÚNG DƯỜNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Những Phật tử đã biết các tu sĩ tu hành không có đạo hạnh, phá giới luật, ăn uống phi thời, sống phóng dật, chạy theo dục lạc thế gian, mà cứcúng dường cho họ, thì cúng dường như vậy có phước báo gì không?

Hay tạo thêm nghiệp cho những tu sĩ ấy. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

Đáp: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí thế nào cho đúng chánh pháp?”.

Đức Phật đáp: “Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể, thì cá nhân hay tập thể đó phải thanh tịnh”.

Chữ “thanh tịnh” ở đây đức Phật dùng để chỉ cho những người hiền lành, có đạo đức, không gian xảo, không lừa đảo v.v.. Còn tập thể thì chỉ cho những tu sĩ (các vị Tỳ Kheo) nghiêm trì giới luật, có đạo hạnh thì mới cúng dường bố thí.

Đức Phật dạy tiếp: “Nếu cúng dường bố thí không đúng cách thì cũng giống như đem hạt giống tốt gieo trồng trên đất chai, khô cằn thì hạt giống sẽ bị hư thối”. Chữ “hư, thối” ở đây có nghĩa là không được phước mà còn tổn phước.

Biết một vị tu sĩ phá giới luật, phạm giới không có đạo hạnh, ăn uống phi thời, sống phóng dật, mà cứ cúng dường cho những tu sĩ này, để họ tiếp tục phá đạo Phật thì có tội rất lớn. Cũng như biết kẻ trộm cướp giết người mà che giấu, chứa nuôi trong nhà, thì đồng tội với kẻ trộm cướp giết người đó (tội rất nặng).

Nếu tất cả tín đồ Phật giáo ý thức biết điều này, tức là biết những tu sĩ phá giới, phạm giới luật Phật, thì chẳng ai cúng dường, bố thí, trai Tăng thì những người tu danh, tu lợi làm sao sống được, mà phá Phật giáo.

Biết họ tu sai, mà cứ luôn nuôi dưỡng họ. Họ bày ra những điều mê tín thì lại tin theo, làm theo khiến cho giáo pháp của Phật càng ngày càng sai lệch. Bây giờ nhìn lại giáo pháp của Phật không còn thực tế, cụ thể nữa, toàn là thứ giáo pháp trừu tượng, mơ hồ, mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v..

Cho nên, cúng dường không đúng đối tượng khiến cho Phật pháp suy đồi, tà pháp hưng thịnh, đạo đức con người chẳng còn. Tuy rằng, thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học cơ giới, điện tử, tin học đã phục vụ đời sống con người rất tiện nghi, nhưng lại khổ đau về tinh thần, khiếm khuyết về đạo đức quá lớn. Nên khắp trên thế giới, không lúc nào ngơi nghỉ, ngơi chiến tranh, không phút nào con người ngưng chà đạp lên con người.

Sự lầm lạc phục vụ cho tà giáo ngoại đạo của kinh sách phát triển, đã gây bao thế hệ trầm luân đau khổ. Mà đến giờ này, con người chưa thức tỉnh, luôn luôn nối giáo cho giặc cướp nước, cướp nhà.

Người Phật tử phải sáng suốt cúng dường, bố thí cho đúng chánh pháp. Đừng nghĩ rằng, ai làm tội nấy chịu, mà phải thấy mình có trọng trách với mình, với mọi người, với tôn giáo mình đang theo, nó tốt hay xấu đều do chính mình. Mình theo tôn giáo đó, mà không làm đúng lời dạy của tôn giáo đó, lại làm theo tôn giáo khác, tức là mình phỉ báng tôn giáo mình đang theo.

Tôn giáo đưa ra những giáo lý dạy con người sống thiện làm thiện, giúp con người có đạo đức, luôn sống trong những hành động thiện, chứ không có tôn giáo nào dạy làm những điều ác. Mà chính người theo tôn giáo lợi dụng tôn giáo, biến giáo pháp sai lệch theo ý đồ của mình, biến dần tôn giáo thành tà giáo, ác pháp, biến tôn giáo thành đế quốc, bắt con người làm nô lệ cho những kẻ độc tài.

Bởi vậy, tôn giáo ra đời cũng do con người, làm sai cũng do con người, làm đúng cũng do con người. Biết những tu sĩ phạm giới, phá giới sống không đúng phạm hạnh, sống phi đạo đức mà cứ cúng dường cho họ sống. Đó là sự cúng dường giúp cho những Ma vương phá đạo Phật, thì sự cúng dường ấy không có phước báo mà còn tiếp tay cho Ma vương phá Phật pháp. Tội phá Phật pháp là tội rất lớn với nhân loại, vì Phật pháp là đạo đức nhân bản của con người.

Cho nên, những hành động cúng dường không đúng chánh pháp, vì thế hiện giờ con người được xem như gần mất đi nền đạo đức nhân bản chân chánh của Phật giáo. Chỉ còn lại tà pháp vô đạo đức của Ma vương, nên người tu thời nay dở chết, dở sống mà “đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời”.

Quý Phật tử là đệ tử của Phật, phải chấm dứt ngay hành động cúng dường phi pháp, để Phật giáo còn có một chút hơi tàn, một chút ánh sáng mang lại cho loài người.

Nếu nói Phật tử tạo nghiệp cho quý thầy thì không đúng, vì quý thầy là Ma vương, mà đã Ma vương thì nó là ác pháp, lúc nào nó cũng muốn diệt chánh pháp của Phật. Chỉ có chúng ta lầm lạc Phật và Ma vương mà thôi. Nhưng quý Phật tử sẽ không lầm lạc Ma vương và Phật. Vì Phật thì giới luật nghiêm chỉnh, còn Ma vương thì phá giới.

Biết Ma vương mà lại cúng dường cho Ma vương, đó là đang sống trong nhà của Ma vương thì đừng than khổ, đừng kêu ca “Tại sao chúng ta sanh làm người? Rồi làm người lại làm khổ người quá vậy? Hỡi quý thầy tu theo kinh sách phát triển?”.

Theo Ma Vương không những làm khổ mình, khổ người mà còn làm khổ cho tất cả chúng sanh. Phật pháp càng ngày càng suy đồi, chánh pháp càng ngày càng biến mất, tà pháp càng ngày càng hưng thịnh. Thật là đau lòng phải không quý Phật tử?

Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo nơi nơi, đâu đâu cũng thấy, cũng có những hình ảnh chướng tai, gai mắt phạm giới, phá giới đầy dẫy, không đâu là không thấy trong các tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới hiện giờ.

HỦY HOẠI CƠ THỂ HOẶC MỘT PHẦN CƠ THỂ ĐỂ CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT CẦU VÔ THƯỢNG PHÁP

Câu hỏi của Mật Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong Thiền Tông có câu chuyện Huệ Khả chặt cánh tay dâng lên cúng dường Bồ Đề Đạt Ma để cầu pháp an tâm (Phật Tánh), như vậy đức Phật có dạy điều này không? Xin Thầy giải rõ cho chúng con được hiểu.

Gần đây có một số quý Thầy đốt, chặt một lóng ngón tay trỏ để cúng dường chư Phật.

Chặt đốt, ngón tay cúng dường chư Phật có ích lợi gì cho bản thân? Xin Thầy chỉ rõ cho chúng con được hiểu. Những người chặt,đốt ngón tay cúng dường chư Phật tu hành có chứng quả hay không?

Đáp: Hủy hoại cơ thể hoặc một phần cơ thể để cúng dường chư Phật, mà trong kinh sách phát triển đã có dạy, như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm tựa có những câu dạy:

“Lại thấy có Bồ Tát[1]

Bố thí cả vợ con

Thêm thịt cùng tay chân

Để cầu vô thượng đạo

--o0o--

“Lại thấy có Bồ Tát

Đầu mắt và thân thể

Đều ưa vui thí cho

Để cầu trí tuệ Phật"

Đọc qua đoạn kinh này chúng ta quán xét thấy kinh sách phát triển lừa đảo và lường gạt dạy tín đồ bằng cách bố thí cúng dường của cải, tài sản, vợ con cho đến thân mạng.

Thứ nhất, lừa gạt để cướp đoạt tiền bạc, châu báu ngọc ngà. Lấy đạo vô thượng, hay là Phật tánh để trao đổi bằng vàng bạc, ngọc ngà châu báu. Ở đây, có nghĩa là cúng dường chư Phật.

“Dùng các món nhân duyên

Mà cầu chứng Phật đạo”.

Muốn cầu chứng được đạo quả giải thoát thì nên trao đổi bằng:

“1- Vàng bạc, ngọc ngà, san hô, trân châu, ngọc như ý, ngọc xà cừ, mã não, kim cương và các trân bảo khác cùng tôi tớ, xe cộ, kiệu cáng làm bằng châu báu, vui vẻ đem cúng dường, đừng tiếc rẻ để cầu chứng đạo quả”.

Đọc đoạn kinh này chúng ta nhân xét đạo quả giải thoát của đạo Phật chẳng có giá trị gì, nó cũng như những vật tầm thường của thế gian này, vì thế đem vàng bạc ngọc ngà, châu báu trao đổi mua bán. Và như vậy đạo giải thoát của Phật giáo rất tầm thường. Phải không quý Phật tử?

Kinh sách phát triển dám đem đạo giải thoát của Phật giáo trao đổi với vàng bạc châu báu thế gian thì chúng ta không còn chỗ nào phê phán kinh sách này nữa. Một loại kinh phỉ báng Phật pháp ghê gớm. Vậy mà quý Phật tử làm ngơ mà hằng ngày còn tụng niệm trì chú thì chúng tôi không biết nói làm sao hết. Thật là xót xa đau lòng lắm quý vị?

Xin quý vị đọc đoạn hai của câu kinh dưới đây:

2- “Cúng dường cả vợ và con cho chư Phật, cho người khác để cầu chứng đạo quả giải thoát”. Đọc đoạn kinh này chúng tôi quá sợ hãi, khiếp đảm. Một người đi tìm cầu sự giải thoát của Phật giáo mà đem cả vợ con cúng dường chư Phật hay người khác thì thử hỏi người ấy đạo đức của con người ở đâu?

Vợ con là những người thân thương và gần gũi nhất của đời người, thế mà nỡ nhẫn tâm đem cúng dường cho chư Phật, cho người khác để cầu chứng đạo giải thoát thì đạo giải thoát ấy là đạo gì? Có phải đây là đạo giải thoát vô đạo đức không?

Kinh sách dạy đạo giải thoát phi đạo đức như vậy có xứng đáng cho chúng ta theo tu học không?

Làm chồng mà đem vợ con mình cúng dường chư Phật thì người chồng ấy là người chồng gì? Chư Phật nào dám nhận vợ con người khác. Dám nhận vợ con người khác thì chư Phật đó có xưng đáng làm chư Phật không? Như quý bạn đã biết giới luật cấm không cho tu sĩ nhận cúng đường tiền bạc, trâu bò, heo dê cái, phụ nữ và trẻ con. Cho nên, tiền bạc chư Phật còn không dám nhận huống là cúng dường trâu bò, heo dê cái và phụ nữ đàn bà con nít.

Thưa quý bạn, kinh dạy như vậy có đúng không? Một loại kinh phi đạo đức cần phải ném bỏ.

Xin quý vị đọc đoạn ba của câu kinh dưới đây:

3- "Đoạn thân mạng, tay chân, đầu mắt của thân thể cúng dường cầu đạo vô thượng”.

Đọc qua những đoạn kinh trên trong bộ kinh phát triển Diệu Pháp Liên Hoa, mà được mọi người từ thầy Tổ, cho đến ngày nay người ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, để luận và giảng về bộ kinh nổi tiếng nhất trong kinh sách phát triển: “Diệu pháp Liên Hoa kinh”. Một bộ kinh mà được các thầy Tổ và tất cả Phật tử xem là một vật quý báu nhất trong các kinh phát triển, thường ca ngợi và truyền tụng. Do bộ kinh này mà có nhiều người, đã thành lập đạo tràng lấy tên kinh làm tên chùa, tên đạo tràng của mình (Chùa Pháp Hoa, Đạo Tràng Pháp Hoa).

Một bộ kinh dạy người hủy hoại cơ thể để cầu đạo giải thoát.

Xưa tổ Huệ Khả đã hủy hoại một cánh tay dâng lên Tổ Bồ Đề Đạt Ma để cầu pháp giải thoát.

Sư Trừng Quán chặt ngón tay cúng dường chư Phật để cầu chứng Phật Tánh. Gần đây trong hàng huynh đệ của chúng tôi, khi vào tu viện Chân Không cũng có một sư đệ lúc bấy giờ thầy ấy chỉ là một chú Sa Di mà rất gan dạ, đốt một lóng ngón tay để cầu pháp (Thầy P.T). Khi chúng tôi vào tu viện thì vị thầy đó vẫn còn băng bó vết thương.

Gần đây chúng tôi co đọc một tờ báo Công An TP.Hồ Chí Minh năm thứ XXIIIBộ mới số 776 ngày 21 tháng 9 năm 1999 có đăng tin, tựa đề: “Sao lại tin những lời tà đạo?

“Tháng 6 năm 1999, qua nguồn tin quần chúng. Công An huyện Củ Chi phát hiện tại xã Tân Phú Trung có hai người một nam, một nữ tụ họp thêm một vài người dân đến nhà nghe giảng đạo. Đều là hai người này cùng bị mất một đốt ngón tay trỏ bên trái. Công An Củ Chi đã khám phá và ngăn chặn kịp thời nhóm tà đạo thuyết pháp những điều nhảm nhí, mê hoặc người nhẹ dạ cả tin, hủy hoại thân thể, bỏ vợ, bỏ chồng để đi tu v.v..”.

Bài báo viết tiếp: “Vào đạo phải chặt đứt ngón tay và làm công quả”. Đúng vậy, Phật giáo phát triển thường nhận những người làm công quả là những người chuẩn bị để cho xuất gia sau này. Những người này trong chùa gọi họ là tịnh nhân.

Nếu những tịnh nhân nào tự phát nguyện chặt ngón tay cúng dường chư Phật, để cầu pháp vô thượng thì những tịnh nhân ấy được xem là những pháp khí của kinh sách phát triển. Được thầy Tổ lưu ý giúp đỡ và đào tạo họ trở thành những bậc lãnh đạo Phật giáo phát triển. Trong giới tín đồ Phật giáo cho rằng: “Ít ra những người này cũng là những bậc đại thượng trí thức”.

Qua bài kinh tựa của bộ kinh Pháp Hoa tuy không ép người khác hủy hoại cơ thể, nhưng cũng có ý đề cao khuyến khích sự hủy hoại cơ thể để cầu pháp giải thoát Tối Thượng Thừa.

Những lời dạy trong kinh Pháp Hoa này, đi ngược lại lời dạy của đức Phật, trong toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy.

Đạo Phật chủ trương không làm khổ mình, khổ người, thế mà ở đây chặt, đốt ngón tay, hoặc chặt cánh tay dâng lên cúng dường, thì rõ ràng là đã tự làm khổ mình. Từ cha mẹ sanh ra không tật nguyền, bây giờ theo Phật giáo phát triển trở thành người tật nguyền, cụt tay, tàn tật. Vậy mà các thiền sư vô minh ca ngợi vị Tổ thứ hai Huệ Khả là bậc Đại Thừa pháp khí. Chỉ có một lời ca ngợi suông trong kinh sách phát triển mà đã biến vị Tổ thứ hai của Thiền Tông thành một người tàn tật, thật là ngu si chạy theo danh mà tự hại mình.

Trong kinh Phật Báo Ân của kinh sách phát triển có câu chuyện tiền thân Đức Phật: “Xưa có một nhà vua chạy giặc, gặp lúc đói khát ăn thịt con để sống”. Người mới đọc qua câu chuyện tiền thân này nghe rất hay. Nhưng suy nghĩ lại, chúng ta mới thấy bản chất của loài thú vật hiện lên rất rõ ràng. Người ăn thịt người, cũng chẳng khác nào loài thú vật ăn thịt nhau, thì làm sao gọi là đạo đức làm người được.

Kinh sách phát triển nói qua sự tưởng tượng của mình, một ngày cắt ba cân thịt ăn mà đứa con vẫn còn đi đứng được. Thì thử hỏi quý vị nghĩ sao? Người ta bị chừng một vết thương, mà còn nằm bệnh viện cả tuần lễ điều trị. Thế mà mỗi ngày cắt ba cân thịt mà còn đi được, thì kinh đó có vọng ngữ hay không? Có lừa đảo dối gạt người không?

Chúng ta nên đọc tiếp bài báo: “Chuyện tưởng như đùa, nhưng hoàn toàn có thật xảy ra ngay tại vùng ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh.

Chị N.T.N ở Tân Phú Trung, Củ Chi. Theo chồng về sống ở xã Tân Thới Nhì, Hốc Môn, cuộc sống gia đình rất hạnh phúc với bốn mặt con. Năm 1987, một lần đi chợ Hốc Môn thì N gặp bà Tân, trước đây là giáo viên dạy N học ở Tân Phú Trung. Bà Tân cho N biết, bà đang tu ở chùa Vạn Đức hay còn gọi là chùa Ba mẹ, ở thị trấn Hốc Môn. Từ đó N thường xuyên lui tới chùa để nghe thuyết pháp. Năm 1988, đứa con thứ năm chào đời được vài tháng thì N bỗng dưng bệnh tâm thần, bỏ chồng con vào chùa ở luôn không về nhà nữa. Một mình anh N.Đ.T chồng N phải gồng gánh nuôi năm đứa con thơ hết sức cực nhọc, nhất là bé mới sanh.

N đến làm công quả tại chùa, ban ngày làm mọi việc lặt vặt, tối nghe thuyết pháp. Ít lâu sau N được đưa lên chánh điện cầu nguyện để quên chồng con, vứt bỏ mọi vướng bận trần thế, ăn chay trường và sống kiếp tu hành. Nguyện xong N dùng dao chặt đứt một đốt ngón tay trỏ bên trái, rồi cầm tay đang chảy máu ròng chạy lên chánh điện hiến dâng một đốt ngón tay để tỏ sự thành kính và một lòng theo đạo. N được bà Thiện băng bó vết thương lại.

Nghe tin vợ chặt tay, anh T có mặt ngay chùa để hỏi rõ sự việc, thì được một phụ nữ trong chùa giải thích ngắn gọn “cúng dường”. Anh T kịch liệt phản đối vì việc làm kỳ cục và hết sức dã man này. Nhiều lần T đến chùa năn nỉ vợ, kể cả la lối, đòi kêu C.A bắt, nhưng N vẫn kiên quyết không về nhà.

Sau đó, bà Thiện đưa N về chùa ở An Phú Đông để sống chung với bà. N phải nhổ cỏ, chăm sóc vườn cây ăn trái của con gái bà Thiện. Có một lần N thèm mặn nên đã lỡ ăn một miếng bánh mì kẹp thịt, khi ăn xong N giựt mình, vì đã vi phạm lời nguyện. Để chuộc lỗi lầm này, N. dùng dao phay chặt thêm một đốt ngón tay út bên phải. Chính bà Thiện cũng băng bó vết thương cho N. C.A Hốc Môn phát hiện sự việc này, làm việc với N và không cho N ở chùa nữa. Tuy vậy, từ đó đến nay N cũng không sống chung với chồng con.

Đến năm 1998 N.V.V ngụ tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi bỗng dưng lại bị bệnh nhức đầu, thay vì đến bệnh viện thì V lại đi hết chùa này đến chùa khác ở Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai để trị bệnh, nhưng không có kết quả. Nghe đồn ở thị trấn Hốc Môn có chùa Vạn Đức trị bệnh rất hay nên V nhanh chân tìm đến nhờ giúp đỡ, hy vọng sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

V kể lại thuốc chữa bệnh của chùa là chén nước lạnh. Trị bệnh xong, V ở chùa làm công quả, từ Củ Chi đến Hốc Môn khá xa, sáng đi chiều về rất mệt, nhưng V quyết tâm vượt qua để được đóng góp chút ít công sức cho chùa.

Ngày 16- 2- 1999 (mùng một Tết), vì đến làm công quả như thường lệ thì được bà Tâm trụ trì chùa khuyên bảo: “Phải về nhà tu tâm, ăn hiền ở lành và chịu khó nghe kinh thuyết pháp của chùa”.

Lúc 11 giờ ngày 3- 3- 1999, sau khi đi cắt lúa về nhà V đứng trước tượng Phật Thích Ca được đặt tại nhà đọc lời nguyện sẽ đi tu, không sống chung với vợ con nữa. Liền sau đó V đã dùng dao chặt dứt hai đốt ngón tay trỏ bên trái, chặt xong V tự băng bó vết thương. Hiện V đang sống chung với mẹ ruột, bỏ vợ cùng hai đứa con thơ”.

Như trên, những bài kinh của kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã tác động rất mạnh vào lòng tin của con người. Họ dám chặt tay, đốt ngón tay hoặc chặt một lóng ngón tay cúng dường chư Phật để cầu pháp giải thoát.

Giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy toàn là sự đau khổ, một sự ngu dại làm khổ mình, làm khổ vợ con, làm khổ những người thân và còn làm công không cho người khác, bị lừa đảo mà không biết.

Đối với tà giáo ngoại đạo, nếu chúng ta không đủ trí sáng suốt, minh mẫn thì sẽ bị những lời đường mật lừa đảo trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa như câu kinh này:

“Đầu mắt và thân thể

Đều ưa vui thí cho

Để cầu trí tuệ Phật”.

Muốn đạt được trí tuệ giải thoát của đạo Phật, thì phải bố thí hay cúng dường thân thể hoặc một phần của thân thể, thì sẽ được trí tuệ giải thoát.

Do lời dạy này và những câu chuyện tiền thân đức Phật hay những chuyện cổ tích về đạo Phật như: Khi đức Phật còn là Bồ Tát tu hạnh bố thí, Ngài đã thí thân cho cọp ăn. Thí thân cho cha mẹ ăn, như Thái tử Tu Xà Đề. Lấy thân làm một ngàn ngọn đèn thắp sáng để cầu pháp, như Chuyển Luân Thánh Vương trong kinh Đại Phương Tiện Phật Báo ân. Chuyện cổ Phật giáo như Diệu Thiện còn gọi là nàng công chúa Ba, bố thí mắt, tay để làm thuốc cho cha gọi là báo hiếu của Phật giáo phát triển.

Nhưng gương bố thí thân mạng để cầu pháp, để báo hiếu, đối với knh sách phát triển thì rất là tốt đẹp và cao thượng, nhưng lại xa rời thực tế và vô đạo đức làm người của Phật giáo Nguyên Thủy. Nhất là giáo pháp phát triển không có đôi mắt nhân quả, nên thường tỏ ra những hành động một anh hùng cá nhân vô minh, vô đạo đức với mình (tự làm khổ mình vì người).

Đạo Phật không chấp nhận những điều này, chủ trương của đạo Phật là không làm khổ mình, khổ người. Thế mà tin theo lời dạy của kinh sách phát triển, đã tự chặt tay, khoét mắt, đốt tay để cúng dường cầu pháp giải thoát: Giải thoát đâu không thấy chỉ thấy một sự khổ đau của mình. Đó là tự gieo ác pháp cho mình và còn làm khổ cho những người thân thương của mình vợ con cha mẹ.

Ngày xưa, ông Vô Não nghe một vị Bà La Môn dạy: Chặt được một ngàn ngón tay người thì chứng được đạo giải thoát. Tin lời dạy này, ông đã trở thành một hung thần, một ác quỷ giết người không gớm tay. Chặt tay người, xỏ xâu thành chuỗi, chờ ngày giết cho đủ một ngàn người để chứng đạo. Đó là pháp môn ác đức làm khổ người, mạng sống con người trong kinh sách phát triển được xem như một chiếc áo, muốn ném bỏ lúc nào cũng được (chiếc thân huyễn mộng). Cái nhìn như vậy, tức là Phật giáo bị đồng hóa pháp môn ngoại đạo, nên làm khổ mình mà không biết còn gọi là cầu chứng trí tuệ giải thoát. Vậy trí tuệ giải thoát, sao ta lại ngu si để chuốc lấy sự đau khổ cho thân này, biến thân thể mình thành người tàn tật?

Trong thời gian tu hành tại tu viện Chân Không, chúng tôi cũng có một vài huynh đệ chặt hoặc đốt ngón tay để cúng dường cầu pháp. Nhưng đến nay đã 30 năm chúng tôi nhìn lại những huynh đệ đó đã không có sự giải thoát, mà lại cơ thể nay đau, mai ốm, mà lại đau ốm những bệnh tật nan y. Cuộc đời của họ vì tin giáo pháp của kinh sách phát triển và quyết tâm tìm đường giải thoát cho nên không tiếc thân mạng. Dám đốt ngón tay, dám chặt ngón tay như cô N.T.N và anh N.V.V v.v.. và còn rất nhiều người nữa, thật là có tâm cầu pháp giải thoát điên dại.

Những pháp môn gì mà đưa con người đến chỗ tật nguyền, cụt tay, cụt chân. Cha mẹ sanh ra không tật nguyền, đến giờ theo Phật giáo phát triển, người có quyết chí tu hành cầu giải thoát, thì giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy mình bị tàn tật. Thật là đau lòng!

Bởi tin theo lời Phật dạy như vậy, không ngờ đó là những lời của tà sư ngoại đạo, mạo nhận là lời Phật dạy để dễ bề lừa gạt người khác.

Những người không biết về kinh sách phát triển như các chú C.A thì cho đó tà giáo ngoại đạo, còn những người có nghiên cứu kinh sách Diệu Pháp Liên Hoa thì không thể lầm là tà giáo ngoại đạo. Họ biết rất rõ trong kinh sách phát triển dạy rất nhiều điều phi đạo đức, lừa đảo, lường gạt người; dạy những điều mê tín và hủy hoại một phần cơ thể, cúng dường chư Phật để cầu pháp tối Thượng Thừa.

Từ ngày có Phật giáo truyền vào đất nước chúng ta, sự mê tín dân gian không bớt mà lại còn thêm những sự mê tín khác nữa và những sự hy sinh vô nhân đạo đối với bản thân mình.

Vô nhân đạo đối với mình, là tự hủy hoại cơ thể mình, người vô đạo đức nhân quả là tự làm khổ mình. Xưa kia Tổ Huệ Khả chặt cánh tay, Sư Trừng Quán chặt ngón tay, gần đây có các Thầy như thầy P.T - P.D, v.v.. Và gần đây nhất là báo Công An đã đăng tin, có một số người ở chùa Vạn Đức Hốc Môn đã chặt ngón tay.

Hủy hoại cơ thể để được những gì hay đã tự làm khổ mình. Và sự tu tập như vậy đã đi ngược lại với đạo Phật. Đạo Phật chủ trương có mục đích hẳn hoi. Khi vào đạo là không làm khổ mình, khổ người, tức là giải thoát. Cớ sao đi tu lại làm khổ gia đình, vợ, con hay là chồng con, mà gọi là đi theo Phật? Đi theo Phật sao làm khổ mình, khổ người, mà lại chính làm khổ những người thân thương của mình, thì Phật nào chấp nhận cho quí vị tu hành như vậy.

Chỉ có kinh sách phát triển dạy người tu hành để được phước báo giải thoát, nhưng phước báo giải thoát đâu không thấy mà chỉ thấy sự đau khổ cho mình, cho những người thân thương của mình, như trong bài báo chúng ta đã đọc ở trên.

Hiện giờ trong đất nước chúng ta, thỉnh thoảng nghe báo chí đăng tin vị giáo chủ này đến vị giáo chủ kia dạy nhiều loại pháp mê hoặc và lừa đảo người khác, như giáo chủ xứ Sương Mù, giáo chủ Pháp Hoa, giáo chủ Long Hoa Hội, giáo chủ Chân Không, Sư bán Khoai, Sư bán Chiếu, Sư mỏ Cày v.v..

Xét lại các giáo phái này, chịu ảnh hưởng kinh sách phát triển mà sinh ra.

Các giáo phái tà đạo của kinh sách phát triển dạy tu hành một cách kỳ lạ khiến chặt, đốt một ngón tay hoặc một phần trong thân thể của mình để cúng dường chư Phật để cầu pháp giải thoát, thì kinh sách phát triển ca ngợi gọi những người dám cúng dường được như vậy gọi là PHÁP KHÍ ĐẠI THỪA.Những người này được xem là BẬC ĐẠI BỒ TÁT.

Vì những danh từ ca ngợi rất cám dỗ của kinh sách phát triển, nên khiến cho người ta dám chịu đau khổ, hy sinh thân mạng và bỏ cả vợ con hoặc chồng con. Họ làm như vậy, họ không thấy rằng họ là những người không có đạo đức, không có đạo đức với họ với những người thân, họ là những người vô minh, mù quáng đã tự làm khổ mình, khổ người. Người tu hành như vậy không thể gọi là người tu theo đạo Phật. Đạo Phật là đạo TỪ BI. Từ bi sao lại làm khổ thân mình và làm khổ những người thân của mình (cha mẹ, vợ con hay chồng con). Và như vậy gọi là cầu giải thoát thì xin thưa cùng quý vị giải thoát chỗ nào? Hay là giải chết? Xin quý vị trả lời.

Đọc qua các kinh sách phát triển, chúng ta thấy rất rõ ràng. Đây chỉ là một giáo pháp hỗn tạp, góp nhặt và lượm lặt những tưởng tri của loài người từ Đông sang Tây làm giáo pháp của mình. Tưởng là hòa đồng hay là tổng hợp giáo pháp của ngoại đạo như vậy là cao siêu, là cao thượng. Nhưng nào ngờ giáo pháp ấy là một thứ bã mía, giáo pháp ấy giống như chiếc áo vá nhiều thứ vải. Cho nên, kinh sách phát triển tự xưng giáo pháp mình có 84 ngàn pháp môn, tự xưng mình là TỐI THƯỢNG THỪA.

Khi đức Phật ra đời tu chứng và truyền đạo, Ngài đã căn dặn chúng ta: “Chớ có tin... chớ có tin... v.v.. Mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người, mà hãy tin những gì đừng làm khổ mình, khổ người”. Đây là lời cảnh giác của đức Phật xin quý vị lưu ý để tránh những tà giáo ngoại đạo đang ẩn núp trong Phật giáo với nhiều hình thức khác nhau khiến cho loài người vốn khổ đau lại càng khổ đau hơn.




[1] Bồ Tát là một người cư sĩ đang tu tập

MỜI ÔNG BÀ ĐÃ CHẾT VỀ ĂN TẾT

Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Hằng năm cứ đến ngày giỗ và sắp đến ngày Tết, người còn sống ra mồ mả mời ông bà, cha mẹ đã chết có từ 60, 70 năm nay, về ăn Tết với con cháu, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Câu hỏi này có hai cách trả lời để xác định:

1- Mê tín

2- Chánh tín

Câu hỏi này mê tín như thế nào?

Như trong các kinh phát triển dạy: “Người chết còn thần thức nên nghiệp dẫn thần thức đi luân hồi. Đó là hiện tượng thế giới siêu hình của tưởng tri”. Nếu còn có thần thức, tức là linh hồn đi luân hồi tái sanh thì đến ngày Tết, ngày giỗ ra mộ mời những người như ông bà, cha mẹ đã chết lâu rồi, về ăn Tết với con cháu, mà đã đi đầu thai rồi còn đâu về ăn Tết với con cháu, đó là sự mê tín của kinh sách phát triển. Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì con người do các duyên hợp lại màthành, nên không có linh hồn và thần thức. Trong kinh Ngũ Uẩn đã dạy: “Thân người gồm có 5 duyên: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi một người chết thì năm duyên này đều tan rã sạch, không còn sót một chút xíu nào cả. Cái còn lại đi tái sanh luân hồi là “Nghiệp”. Nghiệp là những hành động thiện, ác của con người hằng ngày huân tập mà thành. Vì thế, khi chết con người chẳng còn sót cái gì cả, thì làm sao về ăn Tết với con cháu được. Còn nghiệp là hành động thiện ác huân tập mà thành, thì nghiệp làm sao về ăn Tết với những người thân được. Vì thế, mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu là mê tín không đúng tính cách “Chánh Tín” của đạo Phật.

Kinh sách phát triển cho người chết còn có thần thức nên có cầu siêu: làm tuần 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giáp năm, ba năm v.v.. Đó là lối mê tín lạc hậu của kinh sách phát triển, trong khi Phật Giáo Nguyên Thủy xác định: không có thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chỉ là thế giới tưởng tri.

Mê tín dân gian cho rằng, người chết là đàn ông có 3 hồn 7 vía (tam hồn thất phách), đàn bà có 3 hồn 9 vía (tam hồn cửu phách).

Khi người chết chỉ còn một hồn một vía sống tại mồ mả, còn tất cả các hồn víakhác đều xuống dưới địa ngục âm ty để thọ tội, và tiếp tục đi tái sanh luân hồi. Do mê tín này, trở thành một tục lệ đến ngày giỗ, ngày Tết con cháu ra mộ mời ông bà cha mẹ đã quá cố lâu xa về ăn Tết với con cháu.

Từ mê tín của kinh sách phát triển đến mê tín của dân gian đều đi ngược lại đường lối của đạo Phật.

Mê tín của kinh sách phát triển là tạo ra nghề nghiệp tụng niệm, cầu siêu để kiếm miếng sống như các nghề nghiệp khác ngòai đời. Nhưng quý vị phải biết nghề tụng niệm cầu siêu là nghề lừa đảo lường gạt người, lấy hình thức báo hiếu cho những linh hồn ông bà, cha mẹ được siêu thoát về miền Cực Lạc Tây Phương.

Kinh sách phát triển là loại giáo pháp mê tín có sách vở, có bài bản nên khó ai thấy được. Vì thế, mọi người đều sa lưới bẫy của giáo pháp này.

Nghề này đã trở thành một nghề cắt họng thiên hạ, tụng một ngọ có giá cả hẳn hòi không có mặc cả được. Trên đây trả lời câu hỏi về tà tín. Còn câu hỏi này về “Chánh Tín” như thế nào?

Hằng năm nhớ lại ngày mất cha, mất mẹ, mất những người thân. Hoặc những ngày tư, ngày Tết cả gia đình cười đùa, vui chơi, thì họ lại nhớ đến công ơn của những người quá cố, nên đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương này, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của những người thân, con cháu tưởng chừng những người khuất mặt đang ở đâu đây, nên mới mời những người đó về vui chơi Tết với con cháu. Đó là lòng tưởng nhớ của những người còn sống, chứ người chết rồi, còn những gì mà về ăn Tết vui chơi với con cháu.

Khi làm một việc gì mà không biết, không rõ cứ theo phong tục thói quen xưa bày nay làm; hoặc tin theo các tôn giáo chỉ dạy, chẳng cần suy tư tìm hiểu gì cả thì sẽ mang ý nghĩa mê tín lạc hậu. Chính vì làm mà không thấu rõ là mê tín. Còn ngược lại, khi làm việc gì, thì phải hiểu rõ, biết rõ việc mình đang làm, không bị ảnh hưởng phong tục, tập quán, không bị tôn giáo lừa đảo, đầy đủ ý nghĩa đạo đức làm người thì việc ấy là “Chánh Tín”.

CẦU XIN PHÚC LỘC

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm, không bằng đi ngày rằm tháng giêng!”.

Chúng con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa do kinh sách phát triển dạy cầu phúc, cầu lợi như vậy để lừa đảo tín đồ Phật giáo, đem phúc lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát, ăn bát vàng hơn là phúc lợi cho tín đồ. Đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc ban lộc mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng, lúc nào cũng có phiền não sân hận, bất toại nguyện v.v.. thì có ích lợi gì? Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om xòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỷ, không hề giúp đỡ người bất hạnh thì dù có lạy Phật đến sói đầu, cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước ban lộc như vậy, không đúng đạo đức công bằng và công lý.

Cầu phúc cầu lợi không bằng sống đúng đao đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì cuộc sống sẽ có phước báo đầy đủ; đó chính là hành động đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với mọi người.

Cầu phúc cầu lợi là một việc làm mê tín trừu tượng, ảo mộng. Vì chẳng có ai ban phước ban lộc cho mình, mà chỉ có chínhmình làm được những hành động thiện thân, miệng, ý không làm khổ mình, khổ người đó sẽ là sự ban phước, ban lộc cho mình cụ thể, thiết thực và rõ ràng.

Đi chùa cầu phước, cầu lộc là việc làm thiếu trí tuệ. Nếu chúng ta làm ác, bỏn xẻn, ích kỷ, thì thử hỏi có ai dám đem phước lộc đến chúng ta chăng?

Phước lộc không phải tự dưng mà đến với chúng ta. Nó đến với chúng ta bằng tâm niệm tốt của chúng ta, do chúng ta biết thương người, biết giúp đỡ người trong cảnh bất hạnh tai ương, biết ban phúc ban lộc cho người gặp cảnh khó khăn.

Phước lộc đến với chúng ta phải đến với sự công bằng và công lý. Nếu ta làm xấu ác, chẳng giúp người trong cảnh khổ nạn thì khi chúng ta gặp khổ nạn chẳng có thần thánh hay ai giúp chúng ta được, và chẳng bao giờ có phước lộc đến với chúng ta. Nếu chúng ta có ban phước lộc cho người thì phước lộc mới đến với chúng ta. Cho nên, chẳng cần cầu khẩn ai ban phước lộc cho mình. Phước lộc đều do nơi mình. Thế nên đức Phật đứng trong góc độ đạo đức nhân bản - nhân quả mà dạy chúng ta tu hành thiện pháp. Đầu năm đi chùa, lễ bái, cầu phúc, xin lộc chẳng được phước lộc mà còn bị kẻ khác lừa đảo, lường gạt, tiền mất tật mang. Đầu năm đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc để rồi trở thành những tín đồ Phật Giáo mê tín dị đoan, lạc hậu, bị người đời cười chê là những Phật tử ngu si, mê muội.

Đầu năm đến chùa xin được đảnh lễ bậc chân tu giới đức, để học hỏi những đứchạnh của người thì đó là phước là lộc. Người chân tu hướng dẫn và chỉ dạy cho mình những hành động sống để được phúc lộc an vui thanh thản và hạnh phúc. Đầu năm đi chùa cầu phúc xin lộc như vậy mới là chân chánh vì ích lợi thiết thực cho mình, cho người, cho xã hội và cho đất nước quê hương.

Tóm lại, đi chùa lễ bái cầu phúc xin lộc là hành động mê tín dị đoan, thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, là ngu si mê mờ. Đi chùa lễ bái bậc chân tu, xin dạy đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người là chân chánh, không mê tín lạc hậu. Đó là người cư sĩ đệ tử Phật thông minh và trí tuệ, tìm học những điều phúc lộc chân chánh, cụ thể, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng...

KINH SÁCH PHÁT TRIỂN

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con có mấy quyển kinh như: Lương Hoàng Sám, kinh Phương Quảng, kinh Địa Tạng Vương, kinh Dược Sư, kinh Diệu Pháp Liên Hoa v.v.. Những quyển kinh này chùa nào cũng có lịch tụng niệm hằng năm theo khóa lễ. Vậy những quyển kinh này có phải là kinh của đức Phật hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Những kinh sách mà con đã hỏi không phải do Phật thuyết, mà do các Tổ soạn viết ra sau này, theo kiến giải của từng bộ phái. Mỗi bộ phái khi được thành lập và trọn quyền nắm giữ bộ phái của mình, thì các Tổ biên soạn viết kinh sách theo sự vay mượn của giáo pháp ngoại đạo. Trong lúc đức Phật còn tại thế thì Ngài đã rống lên tiếng rống con sư tử, đập sạch các hệ tư tưởng lường gạt người bằng sáu mươi hai lý luận, làm chấn động cả đất trời (toàn thế giới).

Sau khi đức Phật tịch, không ai còn nắm được giềng mối, và quyền lãnh đạo Tăng đoàn thì đã bị các Tổ sư ngoại đạo vì danh, vì lợi nên phân chia Phật giáo làm 20 bộ phái. Mỗi người chiếm lĩnh một nơi, rồi soạn viết kinh sách theo sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo. Vì thế, kinh sách phát triển mà con đã kể ở trên, không phải là kinh sách của Phật mà là kinh sách của Bà La Môn, bị ngoại đạo phân hóa.Kinh sách ngoại đạo phân hóa ngày nay không còn mang tánh chất Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ còn một số danh từ do đức Phật dạy mà thôi, nội dung toàn là của ngoại đạo.

Cho nên, từ khi Phật giáo chia ra làm nhiều bộ phái thì sự tu tập và đời sống đức hạnh của người tu sĩ không còn thấy nữa. Chỉ toàn là tu sĩ danh lợi, chạy theo thế giới siêu hình, cúng bái tụng niệm như trong các chùa, có lịch tụng niệm các kinh này hằng năm tháng để cầu an, cầu siêu cho tai qua, nạn khỏi... Đó là kinh sách của ngoại đạo phát triển đã dạy mê tín không đúng đạo đức nhân quả, dạy những điều phi đạo đức. Các con hãy giữ lại, để làm kỷ niệm một thời vàng son của loại kinh sách này. Nó đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ người tu hành đi trên lộ trình mê tín và kết quả chỉ uổng một đời tu mà thôi, chẳng có gì. Phật giáo chỉ còn là cái tên, thực chất chẳng có gì là của Phật giáo cả.

HÌNH ẢNH QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT

Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy, gia đình con có thờ hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát. Khi nghe Thầy giảng trong băng Bồ Tát Quan Thế Âm không có thật, mà chỉ là sự tưởng tượng của con người. Trước kia, con chưa được biết, nên được sư ở chùa cho về thờ gần hai năm nay. Bây giờ con rất áy náy trong lương tâm, điều này nên để thờ hay thay bằng tranh Phật khác? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp: Bồ Tát Quan Thế Âm là một vị Bồ Tát tưởng tượng của kinh sách phát triển, chứ không có một Bồ Tát trong lịch sử loài người. Cũng như Bồ Tát Di Lặc cũng chỉ là một Bồ Tát tưởng tượng. Khi thấy ai hay cười hề hề đều cho đó là Bồ Tát Di Lặc. Gần đây, có một số nhà học giả dạy người tu hành luôn luôn tập một nụ cười. Vì thế, có nhà học giả dạy: “Hít vô tôi mỉm miệng cười, thở ra tôi mỉm miệng cười”.

Cách thức cười như vậy, cũng giống như người Hoa kiều buôn bán ở Chợ Lớn, luôn lúc nào cũng cười hềhề, làm vui lòng khách hàng. Nhiều người tập vui cười ngoài mặt, nhưng bên trong thì tham, sân, si còn hơn những người không tu. Đạo Phật chỉ duy nhất có một đức Phật lịch sử trong loài người, đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã tự tìm ra một giáo pháp tu hành, để đi đến giải thoát, sự đau khổ của kiếp người.

Là đệ tử của đức Phật, các con nên thờ một vịPhật duy nhất, để tỏ lòng biết ơn, đó là thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Muốn thay đổi hình tượng thờphụng trong nhà thì hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát con nên đem gửi lại chùa, hoặc đem thiêu đốt.

Nên thỉnh hình ảnh đức Phật Thích Ca đang ngồi thiền tại cội bồ đề, bên dòng sông Ni Liên dưới ánh trăng đêm khuya, về thờ phượng thì mới đúng tư cách là tín đồ Phật giáo.

BA HỒN BẢY VÍA, BA HỒN CHÍN VÍA

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người chết mới tắt thở, có tục lệ, nếu đàn ông thì cho 7 hạt gạo nếp cộng 7 hạt muối trắng vào miệng, đàn bà thì 9. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ. Người nào tín đồ Phật giáo thì cho một quyển kinh kỳ cầu nhỏ bằng bao thuốc lá để vào túi áo cho người chết mang đi, để quỷ sứ biết là đệ tử của Phật, không tra khảo buộc tội.

Người nào được làm lễ quy y Tam Bảo thì được phát cho hai tờ điệp. Khi chết, một tờ đem thiêu đốt cháy thành tro than đem đi bỏ xuống giếng hoặc mang ra sông bỏ, 1 tờ xếp nhỏ để vào lòng bàn tay người chết mang đi. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Sau khi đọc lại những sách nói về phong tục dân gian trong ba miền Nam, Trung, Bắc ta thấy, dù lý luận kiểu nào, các tập tục đó cũng chỉ là mê tín mà thôi.

Đối với đạo Phật, thân tứ đại này khi rã tan thì đất, nước, gió, lửa phải trả về đất, nước, gió, lửa, có còn gì đâu mà phải bỏ gạo muối vào miệng để đem theo ăn uống như người còn sống. Thường tục lệ dân gian người ta cúng cô hồn, tức là những vong hồn người chết oan ức, chết tức tối, không đi đầu thai được, họ cúng bằng gạo và muối.

Do đó suy ra, chúng ta cũng nhận ra được người nam chết cho bảy hạt gạo và bảy hạt muối vào miệng,để nhờ đó mà linh hồn và phách vía không còn đói khát trong lúc chưa đi đầu thai. Từ chỗ tưởng tri, người ta suy tưởng thế giới siêu hình và cho rằng người chết là chết thân tứ đại, còn riêng linh hồn thì bất tử, bất biến, không thay đổi và không bao giờ chết.

Bảy hạt gạo và bảy hạt muối hay chín hạt gạo và chín hạt muối, đó là sự tưởng tri của tình cảm con người đối với người thân đã chết. Họ nghĩ rằng số gạo và muối như vậy, đủ dùng trong thời gian tiếp tục đi tái sanh mà không bị đói.

Người ta không hiểu rằng khi một người chết, bỏ cái xác thân cằn cỗi này thì tiếp tục ngay với cái xác thân mới trong bào thai, giống như ngọn đuốc này vừa tắt thì được mồi sang ngọn đuốc khác, cây đuốc cũ đã thành cát bụi không còn một vật gì lưu lại. Vì không còn một vật gì lưu lại nên chẳng có đi đâu và chẳng có thời gian chờ đợi xuống địa ngục hay lên Thiên đàng hoặc đi tái sanh.

Cây đuốc cũ và cây đuốc mới thì có khác nhau, nó có vô số hình tướng khác nhau nhưng lửa thì như nhau, dù lửa than và lửa ngọn, hoặc ngọn lửa lớn hoặc nhỏ, tánh lửa vẫn là một (tánh nóng, ấm) chứ không hai ba được.

Cây đuốc dụ cho thân nghiệp của con người, nó có nhiều hình thức khác nhau, như làm thân người, đàn ông, đàn bà, hoặc làm thân trâu, bò, heo, dê, cọp, chó, gà vịt, mèo chuột, cá tôm, chim, côn trùng, sâu bọ, rắn rít, ong bướm, v.v.. Tất cả đều là thân tứ đại, nhưng hình dáng không giống nhau, dù rất nhỏ như vi trùng cũng là thân tứ đại mà có, lớn như chim đại bàng bay che mát nửa bầu trời thì cũng là thân tứ đại.

Lửa dụ cho nghiệp của chúng sanh, nghiệp thì di chuyển linh động trong thiện và ác liên tục không có kẽ hở. Vậy nghiệp luôn luôn vận hành không gián đoạn phút giây nào cả.

Thân thì có tiếp nối thân này thân khác (thân người, thân chúng sanh), còn nghiệp thì liên tục dù thay đổi bao nhiêu thân, thì nghiệp liên tục mượn thân này, thân nọ mà hoạt động thành nhân quả thiện ác. Nghiệp thiện ác nối tiếp từ thân này thân khác và cứ mãi hoạt động như vậy nên đức Phật gọi là tái sanh luân hồi mãi mãi.

Tín ngưỡng mê tín, cho rằng con người có hồn và vía, đàn ông có 3 hồn 7 vía, đàn bà có 3 hồn 9 vía. Người ta tưởng tri, khi một người chết 3 hồn đi xuống địa ngục bị hành tội, khi mãn tội thì đi đầu thai; còn 7 vía đàn ông, và 9 vía đàn bà thì ở lại dương gian vất vơ, vất vưởng đói khát. Cho nên khi chết, người ta cho vào miệng hoặc 7 hạt nếp hoặc 9 hạt nếp để 7 vía hoặc 9 vía đó, có mà sống không có đói khát, hoặc lấy trong miệng mà tiêu phí.

Đó là sự mê tín, nhưng cũng nói lên được tình thân thương của người sống đối với người đã chết. Nhưng vì sự mê tín lạc hậu đó mới có những kẻ trộm hay quật mồ, cạy quan tài lấy vàng bạc, của báu đã được chôn theo người chết. Một việc làm mê tín lạc hậu cũng đã đưa đến nhiều điều tai hại, nhất là khi quật mồ người chết, mùi hôi thối của tử thi bay ra làm ô nhiễm một vùng.

Người chết là hết, không còn ăn uống và tiêu xài vàng bạc tiền của như lúc còn sống. Người chết chỉ còn nghiệp tiếp tục tái sanh luân hồi, tức là hành động thiện ác nối tiếp sự sống. Người chết là đang tiếp tục sống và người sống đang tiếp tục đi dần đến sự chết. Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta không còn mê tín lạc hậu, không còn làm hao tài tốn của một cách vô lý. Chết là hết một kiếp thân nhân quả, còn có gì đâu mà xài tiền bạc và mặc quần áo?

Vì mê tín người ta tưởng rằng người chết cũng như người đang sống ở trên dương gian (dương gian âm phủ đồng nhất lý). Hiểu như vậy là cái hiểu của tưởng tri (hiểu bằng tưởng) không đúng, không thực tế, là hiểu mơ hồ trừu tượng. Cái hiểu đó, đã khiến cho người ta hao tốn tiền của rất nhiều bằng cách mua giấy tiền vàngmã, rồi đem đốt. Thật là lãng phí, nhảm nhí, chẳng có linh hồn nào sử dụng quần áo giấy và tiền bạc giả đó, nó chẳng ích lợi cho người sống cũng như người chết.

Tóm lại, mê tín là sự ngu si dại dột của những con người còn lạc hậu trong những thời kỳ bộ lạc xa xưa, khi loài người còn ăn lông ở lỗ.

KINH CẦU KỲ VÀ ĐIỆP PHÁI

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người tín đồ Phật giáo nào hay đi chùa được cho một quyển kinh kỳ cầu nhỏ bằng bao thuốc lá để khi chết bỏ vào túi áo mang theo. Khi gặp quỷ sứ tra xét đưa cuốn kinh này ra, quỷ sứ biết đó là đệ tử của Phật không tra xét và không buộc tội. Người nào đến chùa được làm lễ quy y Tam Bảo thì được phát cho hai tờ điệp. Khi chết một tờ đem thiêu đốt cháy thành tro than đem bỏ xuống giếng hoặc mang ra sông bỏ, một tờ xếp nhỏ để vào lòng bàn tay người chết mang đi. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Điệp phái quy y Tam Bảo là do Phật giáo bị phân chia ra làm nhiều bộ phái, các Tổ muốn biết số người theo Phật giáo bao nhiêu nên lập ra điệp phái.

Khi truyền giáo từ Trung Quốc rồi sang Việt Nam, các Tổ của kinh sách phát triển biến tờ điệp phái thành loại giấy thông hành cho ngườichết. Khi xuống địa ngục, nhờ những tờ điệp phái này mà vua Diêm Vương cùng quỷ sứ giảm khinh tội trạng và sớm được đầu thai. Nếu ai không có giấy này thì không được giảm tội, và có thể ở tù chung thân không được đi đầu thai. Đây cũng là một sự lừa đảo, lường gạt của các nhà sư phát triển, lôi cuốn người khác theo tôn giáo mình. Cũng như trong thời Pháp thuộc, ở Việt Nam, người dân bản xứ nào được giấy tờ giặc Pháp cấp nhập quốc tịch Pháp, thì hưởng mọi quyền lợi và không bị bắt bớ tù tội. Cũng giống như vậy, người nào được làm lễ Quy Y Tam Bảo là được “nhập quốc tịch Thích Ca” và như vậy, quỷ sứ, vua Diêm Vương không hành phạt.

Thật là một điều bất công, phi đạo lý. Sống trên dương gian chuyên làm điều ác, chỉ cần có giấy điệp phái của các kinh sách phát triển, thay Phật cấp cho là khỏi bị tù tội! Còn những người khác không quy y Tam Bảo thì sao? Họ bị hành hạ và bỏ tù chung thân suốt đời, không cho đi đầu thai thì thật là bất công, không còn công lý chút nào cả như trên chúng tôi đã nói. Các kinh sách phát triển đã biến Phật giáo thành một tôn giáo mê tín, chuyên lừa đảo, lường gạt người khác, bằng những điều mê tín, lạc hậu, phi đạo đức. Trong khi đức Phật xác định kẻ nào giết hại chúng sanh, trộm cắp, tàdâm, vọng ngữ, uống rượu sẽ bị đọa địa ngục. Thế mà các kinh sách phát triển dạy ngược lại lời dạy của đức Phật, làm một điều gian xảo, lừa dối, chỉ cần có giấy chứng điệp là thoát tội địa ngục!

Các kinh sách phát triển lại còn dạy rằng: Khi trẻ con mới sanh đem vào chùa quy y Phật, sẽ không bị tà maquỷ quái bắt làm cho đau bệnh, hay hoặc trẻ mới sanh đem đến chùa quy y Phật sẽ được mạnh giỏi và không bị đau ốm, nhờ chư Phật phù hộ cho mạnh giỏi. Trên đây là những điều mê tín mà quý Thầy trong các chùa thường dạy tín đồ như vậy, đểthu hút tín đồ thường đến chùa cúngbái, để các Thầy ngồi không mà thọ hưởng. Chẳng tu hành gì cả, chỉ cần dạy bảo những điều mê tín đó, là ngồi mát, ăn bát vàng.

Gần đây, khoảng mười năm nay có xuất hiện một loại kinh nhỏ bằng gói thuốc hút có tên là kinh Kỳ Cầu, do một vị thầy Bà La Môn tưởng ra biên soạn. Trong kinh Kỳ Cầu đã dạy: “nếu có quỷ sứ hay vua Diêm Vương tra hỏi thì đưa kinh Kỳ Cầu ra, liền không bị tra hỏi và được đi tái sanh không sa địa ngục”. Kinh viết:

“Mạng chung số thác

Quỷ sứ hỏi câu

Đã có Kỳ Cầu

Diêm Vương tra hỏi

Đứng lại mà nói

Đã có Kỳ Cầu”

(trang 2, 3).

Đó là một loại kinh mê tín, phi đạo đức, một lối lừa đảo của những tà sư ngoại đạo. Nếu làm tội lỗi tức là làm ác, thì chỉ có làm việc thiện mới chuyển hóa được thoát cảnh khổ hay là cảnh địa ngục, chứ không phải có kinh Kỳ Cầu là tiêu tai thoát nạn. Thật là những tà giáo Đại Thừa bày ra nhiều điều phi đạo đức!

Kinh Kỳ Cầu là một loại kinh tà giáo ngoại đạo mượn danh Phật pháp, để lừa đảo tín đồ Phật giáo làm việc mê hoặc, đánh lạc hướng chân chánh của Phật giáo. Kinh Kỳ Cầu giống như giấy thông hành của giặc Pháp cấp cho những người dân bản xứ trong vùng chúng đã kiểm soát trong thời chiến tranh. Trong kinh này còn dạy: “Nếu ai có kinh này thì chư Phật mới biết mà cứu độ”.

“Chẳng có Kỳ Cầu

Phật mới biết đâu

Lâm chung cứu độ”

(trang 9)

Đúng là một loại kinh tà giáo, chỉ cần cuốn kinh,chứ không phải cần tấm lòng giải thoát. Trong khi ấy đức Phật dạy: “phải ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tức là Tịnh Độ hay là Cực Lạc”.

“Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý”

(Kinh Pháp Cú)

Tự tịnh kỳ ý, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tức là Tịnh Độ, hay Cực Lạc hiện tiền. Làm ác thì phải chịu tội, thọ khổ, thọ tai ương chứ không có ai cứu mình được. Phải dứt trừ làm các điều ác, thường làm các điều thiện thì vạn tội tiêu trừ, chứ đâu phải tụng kinh mà được vạn tội tiêu trừ. Kinh này còn nói láo:

“Tụng kinh Kỳ Cầu

Vạn tội tiêu trừ”

(trang 4)

Kinh này còn dạy: “Cần mang theo trong người đi đường đều có thần nhân ủng hộ, lúc sống cũng như khi chết (bỏ kinh vào ngực áo người chết)”.

“Kinh bỏ túi áo

Để mà hộ thân

Đi xa về gần

Tiên thần ủng hộ”

(trang 15)

“Đến ngày lâm chung

Con cháu có lòng

Bỏ vào trong ngực

Thiên trừ tống thực

Phật độ về Tây”

(trang 15)

Đấy là những lời nói lừa đảo, dối gạt người, khiến cho những người không hiểu mới tin tưởng.

Tóm lại, từ điệp phái biến thành bùa hộ mạng trị bệnh trẻ con, đến kinh Kỳ Cầu thành “giấy thông hành” đi đường, là một sự lừa đảo của giáo pháp phát triển, mà các chùa đang hướng dẫn Phật tử đi vào con đường mê tín lạc hậu. Đây là đường lối giáo dục tín đồ mê tín lạc hậu, để dễ bề móc tiền một cách công khai, mà pháp luật nhà nước không bắt tội cướp giựt tài sản công dân. Làm điều ác, tâm còn đầy đủ tham, sân, si nếu được về Tây Phương thì Tây Phương không còn là Cực lạc mà là địa ngục, vì những người này sẽ về đó trộm cắp lung tung.

Kinh này viết ra chỉ gạt người vô minh, người còn lạc hậu mê tín chứ làm sao gạt những người tu sĩ chân chánh đệ tử của Phật được. Tại sao vậy?

Vì toàn bộ đệ tử của Phật được dạy về đạo đức nhân quả, nên không có một giáo pháp mê tín nào lường gạt được. Chỉ có những người chưa học đạo đức nhân quả thì dễ bị kẻ khác lừa đảo. Là một tín đồ Phật giáo, chúng tôi rất đau lòng khi gặp những cuốn kinh này, mạo danh Phật giáo dạy dân gian làm những điều dối trá phi đạo đức.

Cuối cùng, các con hãy cảnh giác, tờ điệp phái là một giấy chứng thật các con đã quy y theo Phật, chứ không phải là bùa hộ mệnh và cũng không phải là giấy thông hành. Đó là cách thức lừa đảo của kinh sách phát triển.

Các con nên nhớ, tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng, tức là không cần phải giấy tờ chứng điệp gì hết. Nếu lòng của các con hướng về Phật, Pháp, Tăng để tìm đường thoát khổ cho cuộc đời của mình, thì khi thực hành, với tất cả tâm thành, các con sẽ thấy sự giải thoát thật sự. Đó là các con đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi.Đời sau, người ta muốn kiểm tra xem số tín đồ Phật giáo đã quy y được bao nhiêu người nên mới bày ra điệp phái để biết số lượng tín đồ.

TUẦN THẤT

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong nhà có người chết, trong chùa quý Thầy dạy làm tuần thất, cho đến 7 thất, tức là 49 ngày, thường tụng kinh Địa Tạng Vương. Vậy thưa Thầy, có lợi ích gì cho người chết và những người còn sống trong gia đình không thưa Thầy?

Đáp: Xưa, đức Phật đã không chấp nhận thế giới siêu hình thì làm gì có linh hồn người chết mà cầu siêu, làm tuần thất, tụng kinh Địa Tạng.

Kinh Địa Tạng Vương là một loại kinh mê tín của giáo pháp Bà La Môn, do các Tổ biên soạn ra, dựa theo sự mê tín của những người dân còn lạc hậu, tin rằng người chết có linh hồn, nên kinh này đặt ra Bồ Tát Địa Tạng xuống địa ngục giải cứu những linh hồn tội lỗi.

Họ bảo rằng, nếu ai tụng kinh này và cúng bái, tế lễ, sẽ được ngài Bồ Tát Địa Tạng cứu khổ, thoát khỏi vòng lao lý ở địa ngục. Khi người mới chết, linh hồn được quỷ sứ bắt về hành tội, do lúc ông bà ở trên dương thế làm điều ác đức, nên chết xuống địa ngục bị hành xử đủ mọi cực hình. Nếu khi trong nhà có người chết, phải đến nhờ quý thầy trong các chùa đến tụng kinh cầu siêu (thường là đem kinh Địa Tạng Vương ra tụng) để cầu ngài Địa Tạng cứu hộ thoát cảnh địa ngục. Mỗi thất, đều có cúng dâng lên hương hoa trà quả, cùng những thực phẩm bánh trái cơm canh, cúng chư Phật, và cầu ngài Địa Tạng xuống địa ngục giải cứu. Suốt trong 49 ngày, được cúng bái như vậy thì vong linh người chết sẽ khỏi tội, được đi tái sanh.

Cúng bái, tung niệm như vậy, tức là kinh sách phát triển dạy làm một điều phi đạo đức. Có chắc làm tuần và tụng kinh Địa Tạng trong 49 ngày mà tiêu tội được ư? Điều này lấy gì làm bằng chứng? Đây là một kiểu cách hối lộ và ăn lo. Có đúng như vậy không quý vị?

Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện dạy: “Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nếu có một người vì người bệnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một đức Phật, thời người chết đó, trừ được năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch” (Kinh Địa Tạng, trang 133). Lời trong kinh này là một lời dạy phi đạo đức, lừa đảo những người không hiểu, mê tín, lạc hậu.

Luật nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý, làm sao lại có Bồ Tát hoặc đức Phật nào dám giải cứu cho kẻ làm ác? Kẻ làm điều cực ác nên mới đọa vào địa ngục vô gián, thế mà chỉ cần có một người niệm giúp thì cũng thoát ra khỏi địa ngục vô gián, thì đó, có phải là lời lừa đảo người khác không? Thảo nào, có nhiều người đem công đức tụng kinh này hoặc làm đàn tràng thỉnh mời các sư về tụng niệm, để cầu cho người thân thương của mình thoát cảnh địa ngục và tất cả các nghiệp báo khác đều tiêu sạch.

Kinh sách phát triển dối gạt người bằng nhiều hình thức mê tín, khiến cho con người hao tài tốn của rất nhiều, về vấn đề cúng bái, tụng niệm, cầu an, cầu siêu mà chẳng có ích lợi gì thiết thực, cho người còn sống và người chết, (tiền mất tật mang).

Đây là một đoạn kinh lừa đảo dối gạt làm haotốn tiền của con người rất nhiều:

“Có thể vẽ, cho đến dùng vàng bạc, đồng sắt đúc nắn hình tượng Địa Tạng Bồ Tát đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thì chỗ người đó ở có 10 điều lợi ích.

Những gì là mười?

Một là đất cát tốt mầu.

Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi.

Ba là người chết được sanh lên cõi trời.

Bốn là những người còn sống hưởng sự lợi ích.

Năm là cầu chi cũng được toại ý cả.

Sáu là không có tai họa về nước và lửa.

Bảy là trừ sạch việc hư hao.

Tám là dứt hẳn các ác mộng.

Chín là khi ra lúc vào có thần hộ vệ.

Mười là thường gặp bậc thánh nhân” (Kinh Địa Tạng, trang 155).

Trên đây là những lời nói xảo trá, dối người. Làm gì có chuyện vẽ hình, đúc tượng Bồ Tát Địa Tạng, thờ cúng màđất ở đó lại tốt mầu. Đất xấu là đất xấu, chỉ có bón phân, đổ rác mục thì đất mới có mầu mỡ trở lại. Còn đất tốt là đất tốt, đất phù sa nên mới tốt chứ đâu phải thờ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng mà tốt được. Thật là kinh sáchgạt người, chỉ có người không hiểu mới tin kinh Địa Tạng mà thôi.

Từ cuốn kinh Địa Tạng, chúng ta suy ra tất cả những cuốn kinh khác của kinh sách phát triển, cũng đều là loại kinh xảo trá lừa đảo gây mê tín cho mọi người.

Đây là một đoạn kinh nói láo nhất, chúng tôi xin trích ra để quý vị nghiên cứu: “Chiêm lễ hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát và đọc tụng kinh bổn nguyện này tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng đạo Niết Bàn an vui, vì thế nên được ủng hộ một cách lớn lao như thế”. (trang 154, kinh Địa Tạng).

Muốn lìa biển khổ của cuộc đời để chứng đạo Niết Bàn, đâu phải là một việc dễ làm. Biết bao nhiêu người tu hành bỏ cả công sức vô cùng, vô tận mà chưa chắc đã đạt được. Xưa, đức Phật Thích Ca sáu năm khổ hạnh gần như muốn chết, sau đó nhờ 49 ngày tu tập Tứ Niệm Xứ miên mật, tâm không phóng dật mới chứng được Niết Bàn. Vậy mà trong kinh này dạy:“Chỉ cần chiêm lễ và tụng niệm kinh bổn nguyện thì tự nhiên giải thoát biển khổ thế gian chứng đạo Niết Bàn”. Thật là kinh đại vọng ngữ.Nếu được như trong kinh này dạy thì Bồ Tát Địa Tạng Vương là hiện thân cho sự phi công bằng và công lý, là hiện thân của Ma vương, ác quỷ, của ác pháp.

Tóm lại, Phật giáo chủ trương không có linh hồn, nên làm tuần thất là mê tín. Kinh Địa Tạng là kinh Bà La Môn, ngoại đạo dạy những điều phi đạo đức và lừa đảo. Nhìn vào cuốn kinh có hình Địa Tạng Vương cưỡi con sư tử lông xanh, hình ảnh một vị Phật mà cưỡi một con thú, hình ảnh ấy phản lại đạo đức từ bi, bình đẳng của đạo Phật. Một vị tu sĩ mà bắt con vật chở mình đi thì còn nghĩa lý gì là tu sĩ đạo Phật. Hình ảnh đó là bắt loài thú làm nô lệ, đó là hình ảnh giai cấp vua chúa.

Không có linh hồn thì cầu siêu cho ai, cầu như vậy có ích lợi gì?

Xin quý Phật tử cứ đọc kinh sách của Phật giáo Nguyên Thủy rồi suy ngẫm, đừng để mắc lừa kinh sách phát triển, những tà sư ngoại đạo hiện giờ nhiều lắm.

XÓC THẺ

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy! Đầu năm, nhất là trong những ngày Tết Nguyên Đán, chùa nào cũng có làm một bàn thờ phục vụ cho những người đến xóc thẻ. Trong một mâm đầy những tờ giấy đã được in và giải thích trong thẻ quẻ đó sẵn, theo số thứ tự ai xóc được thẻ số mấy thì đến nhận tờ giải số đó.

Ai xóc được thẻ nói tốt thì vui mừng phấn khởi, còn ai được thẻ nói xấu thì buồn phiền lo âu. Kính thưa Thầy, như vậy trong tờ xem số mệnh có lợi ích gì mà đầu năm người nào cũng xóc thẻ nhất là phụ nữ chúng con. Mong Thầy vì lợi ích giải thích cho chúng con được hiểu.

Đáp:Thường thường theo các chùa cổ ở miền Nam thì có hai nơi xóc thẻ. Một bên xóc thẻ gọi là xóc thẻ xăm Ông và một bên khác gọi là xóc thẻ xăm Bà.

Ông ở đây thường chỉ cho một danh tướng người Trung Hoa, đó là Quan Thánh Đế Quân tức Quan Công hay còn gọi là Quan Vân Trường, (một danh tướng thời Tam quốc bên Trung Quốc), người Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo v.v.. (những danh tướng Việt Nam).

Các Bà thường là những người Việt, Hoa, Chiêm Thành như: Bà Đen (Việt Nam) hay Lê Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Quan Âm (Trung Hoa), Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, (Chiêm Thành), Bà Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Bà Chúa Kho (Việt Nam) v.v..

Thường những nơi bàn thờ của các vị đó đều có ống xóc thẻ. Hằng năm đồng bào mê tín đến cúng bái nhang đèn hoa quả gà, vịt, heo quay, v.v.. với một số tiền rất lớn.

Chùa Phật Quang ở Bến Tre thu lợi rất lớn là nhờ thờ Quan Thánh Đế Quân. Chúng Tăng ở đó không có lo gì cả, ăn ở không chỉ cần giữ mấy ống xóc thẻ là dư sống.

Xóc thẻ là một hình thức bói toán qua tư tưởng mê tín, lạc hậu. Người ta cho rằng con người có số mệnh. Ai có số giàu là giàu, số nghèo là nghèo; số nghèo thì không làm sao làm giàu nổi. Do tin tưởng vào số mệnh nên có một số người tiêu cực, sanh ra lười biếng bê tha rượu chè bài bạc, cho số mình là vậy.

Cũng từ thuyết định mệnh, đã khiến cho một số người tiêu cực không làm việc, mà đã không làm việc thì nghèo lại càng nghèo hơn. Vì không làm việc nên thì giờ rảnh rỗi nhiều sanh ra bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp khiến cho gia đình tan nát, xã hội rối ren, mất trật tự an ninh. Bởi thuyết định mệnh ra đời, cũng là một tai hại rất lớn cho loài người.

Từ thuyết định mệnh mới sanh ra bói toán, chiêm tinh dịch số âm dương, xin xăm, xóc thẻ, xem ngày tốt xấu, v.v.. tạo biết bao nhiêu sự mê tín, dị đoan khiến cho mọi người tốn hao tiền bạc rất nhiều.

Nếu xóc thẻ tốt, chúng ta đi ăn trộm ăn cắp của người khác thì thử hỏi có bị ở tù không? Một việc làm ác là tự mình làm khổ cho mình, chứ thẻ nào nói là tốt?

Luật nhân quả, vốn công bằng và công lý, ai làm ác thì phải thọ khổ, ai làm thiện thì được hưởng phước, không thể ở chỗ tốt xấu của thẻ mà được. Nếu thẻ bảo xấu mà chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có xấu được. Người ta chửi mình mà mình không giận hờn, không chửi mắng lại họ thì có xấu đâu.

Trong các chùa quý thầy đều biết xóc thẻ đó là mê tín, nhưng quý Thầy cứ duy trì, vì duy trì có lợi rất lớn. Nếu một ngôi chùa, duy trì sự xóc thẻ xin xăm thì hằng năm kiếm cũng được 5,10 triệu đồng dễ dàng, nhất là những ngôi chùa ở nơi thắng cảnh hằng năm Phật tử trẩy hội 3 tháng mùa Xuân, nhà chùa kiếm hằng bao nhiêu tỷ bạc như Chùa Hương, Yên Tử.

Sự mê tín rất tai hại cho đồng bào và làm hao tốn tiền bạc của dân, của nước rất nhiều mà không có ích lợi gì.

TƯỢNG PHẬT QUÁ NHIỀU

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy! Chùa nào cũng có rất nhiều tượng Phật, phía trước là thờ Tam Thế chư Phật, Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, kế Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, cho đến đức Phật Thích Ca đản sanh, hai bên là ông thiện và ông ác.

Đối diện trước chánh điện là tượng hộ pháp, phía trước chánh điện là bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, cô hồn, các đảng và bộ xương đầu ông cọp.

Bên tả chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, năm vị vua Diêm Vương, Quan Âm Thị Kính, bên hữu thờ Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, hay Bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, kế đó là năm vị Vua Diêm Vương, tức là Thập Điện Diêm Vương, Phật Mẫu Chuẩn Đề 18 tay.

Thường bàn thờ Quan Thánh Đế Quân nhân dân thường mang gà luộc, hoặc thịt heo quay vào cúng.

Thờ cúng như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Một ngôi chùa đúng đắn của Phật giáo thì chỉ có thờ một đức Phật duy nhất. Đó là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vì Ngài là người đứng đầu tôn giáo Phật giáo, còn tất cả những vị Phật khác đang được thờ cúng trong chùa là do các Tổ tưởng tượng ra truyền bá đạo Phật. Nói cho đúng hơn Trên đường truyền bá các Tổ đã bị ảnh hưởng của ngoại đạo và đã lượm những đức Phật, thần thánh này của dân gian, lôi lên bàn thờ để làm vui lòng những người dân địa phương, nhờ thế mà họ mới cúng dường.

Các Tổ truyền đạo vì danh, vì lợi nên các Ngài tiếp nhận tất cả mọi sự mê tín dân gian và các tôn giáo khác. Thế là Phật giáo chân chánh trở thành Phật giáo hỗn tạp đa thần, đa pháp môn, bỏ mất nguồn gốc Phật giáo chân chánh. Còn Phật giáo chân chánh thì xả bỏ danh và lợi và bỏ tất cả, chỉ còn ba y một bát, đời sống xin ăn, bữa đói bữa no thật là vất vả. Các Tổ theo Phật giáo chân chánh không chịu nổi, cho nên các Ngài bẻ vụn giới để mà sống, phạm giới để hòa hợp với dân gian, với mọi sự mê tín, cúng bái, te lễ, cầu siêu, cầu an v.v.. (giết chúng sanh tế lễ) và các tôn giáo khác để dễ bề lừa đảo mọi người và lường gạt tín đồ.

Cho nên, sau khi đức Phật tịch, những người đệ tử tu chứng thì vào núi rừng ẩn bóng rồi tịch mất, còn lại những đệ tử tu hành chưa chứng thì tâm danh lợi tham đắm còn nhiều, nên phân làm nhiều bộ phái như chúng tôi đã nói ở trên. Chiếm lãnh một giáo đoàn rồi tự do phát triển mọi thủ thuật điêu ngoa, xảo trá, lừa đảo bằng lối lý luận theo kiểu 62 luận chấp của ngoại đạo để tạo danh, tạo lợi. Từ đó, kinh sách phát triển viết ra rất nhiều cuốn sách, cuốn sách nào cũng lý luận trên mây xanh mà tu hành chẳng ra gì; chỉ có xây dựng chùa to Phật lớn, những ngôi tháp vĩ đại. Tu sĩ ăn uống, ngủ nghỉ sống như một ông quan to, đi ra thì có tiền hô, hậu ủng xe cộ rầm rộ.

Tu sĩ hiện giờ thì giàu có hàng tỷ bạc, trong lúc dân chúng tín đồ quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; dành dụm đồng nào thì đem cúng chùa để được phước, để được siêu thoát, chỉ nuôi hy vọng như vậy mà bị kẻ khác lừa đảo một cách rất đáng thương.

“Cúng dường xây chùa, đúc chuông, tạc tượng Phật, xây tháp và cúng dường chư Tăng sẽ được phước báo vô lượng”.Nhờ lời phỉnh gạt này mà chùa nào chùa nấy đều xây dựng hàng tỷ bạc, biến cảnh tu hành thành nơi thắng cảnh du ngoạn của mọi người.

Trong chùa thờ Phật càng nhiều thì thu lợi càng to, mỗi tượng Phật cúng một đồng, 10 tượng cúng 10 đồng, 100 tượng cúng 100 đồng. Vì tư lợi như vậy, nên chùa nào cũng thờ Phật rất nhiều, đó là hình thức làm tiền. Người dân mê tín cứ nghĩ rằng, mình cúng và lạy nhiều tượng Phật là nhờ nhiều ông Phật phò hộ thì tai qua nạn khỏi dễ dàng hơn, cho nên thấy tượng nào cũng thắp hương, lễ bái. Còn cúng và lạy có một ông thì được sự phù hộ ít và có thể tai nạn đến. Lợi dụng sự mê tín mà các chùa để thật nhiều hình tượng, nhất là chùa có ống thẻ xin xăm xóc quẻ, cúng sao, giải hạn thì Phật tử lại cúng càng nhiều.

Nói một cách khác, chùa thờ nhiều tượng Phật là có mục đích tạo sự mê tín để lừa đảo, lường gạt tín đồ cúng bái nhiều. Nhưng chính sự thờ phượng này, quý Thầy trong các chùa cũng không hiểu đó là sự mê tín, sự lừa đảo mà chỉ biết xưa thầy Tổ bày, nay quý thầy chỉ biết làm theo “Tổ Tổ tương truyền”,chứ quý Thầy không ý thức rằng, việc làm của mình là mê tín, là lừa đảo tín đồ. Các Thầy cũng tin tưởng mê tín như các Phật tử khác; tin rằng có chư Phật, Bồ Tát gia hộ; tin rằng có linh hồn, có Phật tánh, có thế giới siêu hình, có thần Thánh Tiên Phật, chư Bồ Tát, ma, quỷ; tin rằng có cõi địa ngục, Thiên đàng, Cực lạc, Niết Bàn và các cõi Phật, có 10 phương chư Phật, có chư Bồ Tát vô lượng vô biên, v.v.. Tất cả mọi người không riêng gì tín đồ Phật giáo đang sống trong tưởng thức, còn quý Thầy là những người tu sĩ phải giữ gìn giới luật, nhưng lại không giữ gìn giới luật, vì thế nên sống trong tưởng thức như những người khác. Cho nên, hiện giờ họ chẳng biết giới luật là gì. Cứ dựa theo lời dạy của các Tổ rồi quý thầy truyền dạy lại sự mê tín cho nhau, cho tín đồ. Vì thế, quý Thầy không bị tội lừa đảo, lường gạt người khác, vì thầy Tổ dạy sao, thì cứ dạy lại cho người khác như vậy không dám thêm bớt một lời nào.

Thật đáng thương một người mù, dẫn đám người mù cùng đi, rồi mỗi người mù, trong đám người mù đó, lại dẫn đám người mù khác cùng đi, cứ như thế mà nhân lên mãi từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác đều đi sai đường lạc nẻo. Cuối cùng không có một người nào sáng mắt, toàn là mù, vì mù nên phải xóc thẻ làm thầy mù.

NẾU CON NGƯỜI KHÔNG ĂN THỊT CHÚNG SANH THÌ CHÚNG SANH SẼ TRÀN NGẬP TRÁI ĐẤT

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưaThầy, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trên trái đất này gà, vịt,bò, chó, ngựa, cá tôm, và tất cả loài động vật khác, sẽ sinh sôi nẩy nở chật đất, nhất là gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa thì nhà cửa đất đai ở đâu chứa cho hết?

 Đáp: Theo định luật nhân quả, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Khi người ta càng ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh lại càng sanh ra nhiều hơn nữa. Nếu người ta không ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh lại không sanh ra. Tại sao vậy?

Vì chúng sanh có sanh ra tức là có diệt mất. Cho nên, có sự tàn nhẫn sát hại và ăn thịt chúng sanh thì chúng sanh phải chịu mọi sự khổ đau sinh ra. Đó là nhân ác, là những hành động ác của mọi người. Chính những hành động ác đó tạo ra nghiệp quả khổ, và nghiệp quả khổ này chiêu cảm, tương ưng liền sanh ra tất cả loài chúng sanh để trả quả giết hại do mọi người tạo tác, bằng cách để cho chúng sanh khác, giết chúng ta ăn thịt trở lại.

Nếu chúng ta không giết hại và không ăn thịt chúng sanh, thì chúng sanh không sanh ra, đó là nhân quả thiện. Do nhân quả thiện nên không có chúng sanh sinh ra để ăn thịt lẫn nhau trở lại. Nếu con người không ăn thịt chúng sanh, thì trên quả đất sẽ không có chúng sanh hung dữ, độc hại, chỉ có chúng sanh hiền lành và số lượng sanh ra rất ít. Tại sao vậy?

 Khi con người không giết hại và ăn thịt chúng thì tâm của họ ít dục hơn; tâm dục ít hơn thì sự sanh sản ít hơn. Do đó, nếu con người không ăn thịt chúng sanh thì trái đất này, không bao giờ có tràn ngập chúng sanh. Bằng chứng, con người hiện giờ vì ăn thịt chúng sanh, nên tâm ác nhiều và tâm dục thì dẫy đầy, nên con người cũng sanh nhiều để thọ lấy quả khổ cùng nhau.

Con người ít dục, thì sự sanh sản cũng ít, sanh sản ít thì việc làm ác cũng ít, và chúng sanh sinh ra cũng ít. Với đôi mắt phàm phu của con người, chúng ta không nhìn thấu hết qua lốt nghiệp của mỗi chúng sanh. Ví dụ, một người đang cắt cổ một con gà, tiếng con gà kêu là dongười ấy nhẫn tâm vặn tréo hai cánh con gà, đạp dưới chân rồi tiếp tục cắt cổ, con gà giãy dụa với toàn sức lực của nó, nhưng không làm sao thoát khỏi bàn tay hung ác của con người.

Người giết con gà ấy, đâu có biết rằng, có thể mình đang cắt cổ mẹ mình.Khi còn sống bà thường giết gà cách này, để làm thực phẩm ngon cho các con ăn, bây giờ trả quả thì chính các con của bà, đã cắt cổ bà để làm thịt bà cho con chúng nó ăn, tức là cháu bà.

Luật nhân quả vay một mạng con gà chết, phải trả 10 mạng con gà ở kiếp hiện tại và còn tiếp tục mang kiếp con gà ở kiếp sau nữa và còn nhiều kiếp sau hơn nữa, tức là phải chịu cắt cổ nhổ lông và nhúng nước sôi 10 lần, 100 lần, 1000 lần. Ở trên đời này, chúng ta làm một điều ác thì phải trả quả 10 lần, 100 lần, 1000 lần, cho nên chúng sanh càng ăn thịt thì loài vật cũng sanh ra nhiều để trả quả. Phần nhiều những người ăn thịt chúng sanh là họ đang ăn thịt ông bà, cha mẹ, những người thân quyến thuộc của họ đang tái sanh làm kiếp súc sanh trả quả ăn thịt chúng sanh ngày xưa.

Đức Phật dạy: được làm thân người là đã vay một món nợ rất nặng. Một món nợ phải bằng trả mười, trả trăm”. Ví dụ, ta ăn một con cá mà phải tái sanh làm một trăm con cá, một trăm lần chết trên chảo dầu sôi nước bỏng, và bị cắt cổ nhổ lông vô số vô lượng lần, chừng nào trả hết quả của kiếp làm người, đã giết và ăn thịt chúng sanh thì mới được sinh làm người. Như vậy, thử hỏi trong một đời người, chúng ta đã giết và ăn thịt bao nhiêu chúng sanh? Số lượng cũng khó mà lường được, phải nói là quá nhiều, nhiều không thể đếm được. Như vậy, muốn làm người rất là khó, phải trả hết nợ máu xương này, rồi mới được đi tái sanh làm người trở lại.

SÁT NHÂN THÌ NHÂN OÁN, SÁT VẬT THÌ HÓA KIẾP LÀM CHÚNG SANH CỦA CHÚNG

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người ta bảo, sát nhân thì nhân oán, sát vật thì hóa kiếp nó làm chúng sanh. Vậy có đúng không, xin Thầy dạy cho chúng con biết.

Đáp: Sát nhân thì nhân oán, câu này chỉ đúng có một phần ba.

Giết người có 3 quả:

1-   Thân nhân của người chết sẽ thù oán.

2-   Giết người bị tù tội có khi bị tử hình.

3-   Đời sau sẽ bị người khác giết hại, hoặc ngay trong kiếp này cũng phải bị trả quả bị người khác giết.

“Sát vật là để hóa kiếp loài vật”.Câu nói này không đúng, đó chỉ là cách lý luận để che đậy tội ác của mình.

Là con người cũng như các loài động vật khác, khi sanh ra đều do nghiệp lực nhân quả, đều có một sự sống như nhau, đều có cảm giác đau khổ, vui sướng như nhau, và không có loài vật nào mà không sợ chết. Thế sao lại bảo giết chúng chết để hóa kiếp cho chúng? Chúng hóa kiếp làm loài vật gì?

Theo như sự tưởng hiểu của quý vị, giết chúng sanh chết, để chúng được hóa kiếp đi tái sanh luân hồi, để được sanh ra làm người, có phải vậy không? Vậy có người giết chúng ta, để chúng ta được hóa kiếp đi tái sanh làm chư Thiên, có phải sung sướng hơn không? Vậy tại sao “giết nhân, lại nhân oán” như vậy câu này có đúng không?

Khi chết, chúng ta cũng mong hóa kiếp để được làm chư Thiên. Muốn hóa kiếp sanh vào cõi thiện thì phải làm điều lành, cớ sao lại giết hại sanh mạng chúng sinh? Sát sanh hại mạng là kết thêm thù oán mà thôi.

Trên đây là những lý luận giết hại chúng sanh để ăn thịt, bằng cách dùng những danh từ lừa đảo chính họ vàngười khác, để thấymình không có làm ác giết hại chúng sanh.

Tại sao cướp mạng sống của chúng sanh gọi là hóa kiếp, mà cướp mạng sống con người thì thành thù oán? Đó là sự vô minh của loài người có trí khôn biện luận làm những điều ác đức. Con người sanh ra hơn các loài cầm thú khác là nhờ ở trí tuệ. Trí tuệ đó, nếu sử dụng trong ác pháp, thì nó trở thành một vũ khí giết tất cả chúng sanh và có thể hủy diệt cả loài người. Trí tuệ này dùng lý luận để che đậy tội ác, nếu không được học tập và rèn luyện đạo đức thì nó là một vũ khí độc hại và quả đất này sẽ bị nó hủy diệt.

Trong thế kỷ 21 này, nếu không xây dựng cho con người một nền đạo đức nhân bản kịp thời, để chặn đứng trí tuệ hung ác của loài người, thì hành tinh này sẽ bị hủy diệt, như các nhà tiên tri đã báo động “tận thế ”. Những trận thủy tai, động đất, không phải con người làm ra sao?

Tóm lại, câu “sát nhân thì nhân oán, sát vật thì để hóa kiếp chúng sanh của nó” là lối lý luận để che đậy tội ác của con người, để tự do tàn sát chúng sanh mà chẳng sợ tội lỗi gì cả.

LÀM KIẾP CON MÈO LÀ SẮP ĐẾN KIẾP CON NGƯỜI

Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người chết đi sau khi được hành tội dưới địa ngục rồi mới đi đầu thai, lần lượt sanh thành 12 loài động vật: Chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo. Khi sanh làm kiếp mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật thì mới sanh làm người. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

 Đáp:Đời người sanh ra với trí hữu hạn, thường sống trong tưởng thức nên sanh ra nhiều chuyện mê tín dị đoan:

1-   Chưa bao giờ có ai biết địa ngục ở đâu, thế mà mọi người vẫn cho là có địa ngục.

2-   Chưa bao giờ có ai biết linh hồn như thế nào, mà cho rằng chết linh hồn đi xuống địa ngục và đi đầu thai.

3-   Chưa bao giờ có ai biết chính xác: Con người chết sanh làm thú vật và thú vật sanh làm người.

4-   Có bao giờ ai biết chính xác: Con mèo chết sanh làm người chưa? Chỉ ước đoán loài vật nào được ăn trong chén, dĩa nên cho nó sẽ chết làm người.

Ví dụ: Có người nào sanh ra mà tự ăn trong bát đĩa chưa? Hay là ăn bốc hốt bằng tay bằng chân, bằng miệng? Muốn ăn trong bát đĩa cũng phải có sự tập luyện từng chút rồi mới cầm đĩa, muỗng được.

Bảo rằng, làm kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài cầm thú thì không đúng. Đây chỉ là sự tưởng tượng của những người sống trong tưởng, dựa theo cách thức ăn uống của con người rồi tưởng ra, chứ mèo rừng có chén đĩa đâu mà ăn? Không phải chúng ăn dưới đất, dưới cát sao?

Chính con người, tự đặt ra năm, tháng, ngày, giờ rồi dùng tên của những con thú vật mà gọi tên năm, tháng, ngày, giờ như: “năm Tý, tháng Tý, giờ Tý; năm Sửu, tháng Sửu, giờ Sửu rồi Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi”. Ai sanh năm nào đúng tên con vật đó liền gọi là tuổi đó.

Ví dụ: Năm nay là năm Tân Tỵ, cháu bé sanh vào năm này thì gọi cháu bé đó có tuổi Tỵ (tuổi Tỵ có nghĩa là tuổi con rắn).

Con người là con người, chứ không phải con người sanh ra để có tuổi con trâu, con chó, con ngựa, con heo, con mèo, con chuột v.v.. Trâu, chó, ngựa, heo, mèo, chuột là những loài động vật, chứ đâu phải con người, thế mà con người sanh ra lại có tuổi con thú vật như vậy.

 Con người là một loài động vật hơn muôn thú vật khác, cớ sao làm người mà còn lấy tuổi của con thú vật? Đó là một điều ngu si, mê muội của những người còn lạc hậu, trình độ khoa học chưa có, nên sống trong vô minh u tối, giàu tưởng tượng sống thụt lùi. Sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo ngày xưa đã bị đức Phật bài bác thẳng tay khiến cho toàn bộ thế giới rung chuyển. Những học thuyết trừu tượng, mơ hồ, mê tín, lạc hậu này, đã làm cho con người điêu đứng khổ sở. Từ cất nhà cửa, đến cưới hỏi, ma chay, thậm chí đào giếng, đào ao, sửa bếp cũng xem tuổi tác, ngày giờ, tốt xấu.

Ảnh hưởng những truyền thống mơ hồ, trừu tượng, lạc hậu, mê tín từ ngàn xưa truyền lại cho tới ngày nay, đã khiến cho bao nhiêu người khổ đau và bất hạnh. Người ta không biết rằng: mọi tai nạn và mọi sự khổ đau trên đời này đều do hành động nhân quả thiện hoặc ác mà ra, chứ đâu phải do tuổi tác tốt xấu mà thành tai nạn khổ ách. Cho nên, nếu một người cứ làm ác mà mỗi lần cất nhà xây cửa, hay làm tất cả mọi thứ, rồi đi coi tuổi tác, ngày giờ tốt xấu, liệu người ấy có qua khỏi tai nạn không?

Nếu một người đi ăn trộm, xem năm nay hợp với tuổi, được tuổi tốt và ngày xuất hành (đi ăn trộm) cũng tốt. Nếu tuổi ngày, tháng và năm đều tốt mà đi ăn trộm (làm điều ác) được trót lọt thì xã hội loài người chịu sao cho nổi bọn đầu trộm, đuôi cướp này. Phải không quý vị?

Nếu ngày giờ và tuổi tác, tốt xấu như kinh sách con (bói quẻ) nói thì con người sẽ làm ác, và thế gian này mấy ai sống lương thiện? Bởi vậy, kinh sách xem ngày giờ, tuổi tác, tốt xấu là những loại kinh sách phi đạo đức, cần phải diệt sạch đốt sạch. Chính những kinh sáchphi đạo đức này, đã đưa con người vào đường tội ác và lạc hậu, mê tín, sống trong ảo tưởng.

Lấy 12 con thú vật làm 12 con giáp rồi tính ra năm, tháng, ngày, giờ để chia thời gian làm ra lịch. Lúc đầu lịch sách rất có ích lợi này cho loài người. Những người làm ra âm lịch chia thời gian để biết mưa nắng, gió, bão giúp cho nhà nông biết thời vụ làm mùa. Đó làsự ích lợi phục vụ rất lớn cho loài người, lấy nông nghiệp làm nghề chánh cho sự sống.

Từ lịch sách có lợi ích, những kẻ xấu bụng dựa vào sách lịch này triển khai biến thành khoa bói toán, xem ngày tốt xấu để lừa đảo người khác, làm tiền một cách vô lương tâm, biến thành sự siêu hình vô đạo đức.

Đến giờ này, người ta còn tưởng tượng ra kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật, hết kiếp con mèo sẽ tái sanh làm người. Đó là một lý luận mơ hồ trừu tượng không có sự chứng minh cụ thể, vậy mà mọi người vẫn tin theo và có người thì bán tin bán nghi, chưa biết chắc đúng sai. Nếu chúng ta muốn trở thành những người có đạo đức, thì phải ăn ở như thế nào mà mọi người chấp nhận là người có đạo đức. Nếu chúng ta ăn ở đối xử với mọi người đầy tánh hung ác, đụng cái gì cũng chửi mắng người, rồi say sưa, rượu chè, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp thì làm sao chúng ta chấp nhận là người có đạo đức?

Cũng như chúng ta muốn làm một bậc Thánh nhân thì đâu phải chỉ có ăn hiền ở lành, mà còn phải có những Thánh hạnh cao thượng, chứ ăn ở như thú vật thì làm sao gọi là Thánh nhân được.

Không có con mèo nào ăn hiền ở lành cả. Bộ dáng thì dễ thương, nhưng bản chất hung ác, gặp chuột thì chụp ngay xé xác liền, gặp cá thịt thì ăn quên thôi, tâm còn hung ác thì sanh ra làm người sao được? Thế mà người ta tưởng tượng ra kiếp làm con mèo là sắp làm kiếp người!

Đức Phật dạy:được thân người khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển”. Như vậy, được thân người không phải dễ đâu. Thân người chỉ sống có thời gian quá ngắn, 100 tuổi là cùng, thế mà người ta tiêu phí thời gian một cách vô ích. Đức Phật dạy:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó,

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Theo luật nhân quả, bất cứ con thú vật nào muốn sanh làm người, đều phải sống trong thiện pháp, hoặc người nuôi chúng tạo môi trường cho chúng sống trong thiện pháp thì chúng sẽ sanh làm người sớm. Ví dụ: chúng ta nuôi một con mèo mà cứ cho ăn thịt cá thì đương nhiên hiện tại chúng ta được xem là thương chúng, nhưng chúng mãi mãi trôi lăn trong kiếp làm con mèo và những loài vật khác không bao giờ sanh làm người được. Đó là ta hại chúng, chứ không phải ta thươngchúng. Ta cho chúng ăn cơm, nước tương, đậu, dưa, chúng không thích ăn nhưng hết kiếp làm con mèo, chúng sanh làm người. Đó là thương chúng, khiến cho chúng sanh làm người hạnh phúc hơn làm loài chúng sanh. Luật nhân quả rất công bằng, đối xử với tất cả mọi người, mọi vật trên hành tinh này.

CHẾT GIỜ TỐT, GIỜ XẤU

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong gia đình nào có người chết, rất quan trọng là giờ phút lúc tắt thở. Họ đến nhờ ông Thầy cúng xem người chết lúc đó giờ tốt hay xấu, giờ trùng hay không trùng. Nếu ông Thầy nói chết được giờ tốt, không có trùng thì gia đình yên tâm, nếu ông Thầy bảo giờ xấu có trùng thì ông Thầy ấy cho bùa yểm để trong gia đình không có người chết nữa. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Không đúng đâu con ạ! Đó là những kinh sách mê tín, lạc hậu của người xưa, khi đời sống con người còn lạc hậu, dân trí chưa cao, kiến thức khoa học chưa có, tầm hiểu biết không nhìn rộng, thấy xa được. Con người thời ấy bản chất còn mang tính thú vật, chưa biết đạo đức là gì, chỉ còn đi lượm trái cây rừng hoặc đào rễ cây mà ăn.

Cho nên, những hiện tượng thiên nhiên, thời tiết họ không thể nào hiểu được, nên đành dùng tưởng tri để hiểu. Do tưởng tri để hiểu thì những cái không hiểu được, nên đã biến thành một ảo tưởng, một thế giới siêu hình. Từ tưởng tri thếgiới siêu hình, họ mới tìm cách đo đạc thời gian phân chia ngày, tháng, năm để hoàn thành lịch và dịch số chiêm tinh. Do chỗ không thấu rõ hiện tượng thiên nhiên vũ trụ, nên các nhà tôn giáo và triết gia sản xuất ra biết bao nhiêu loại kinh sách tưởng, để thuyết minh các hiện tượng siêu hình bằng hình thức thiên khải. Thiên khải tức là hiện tượng tưởng thức họat động. Cho nên, những hiện tượng siêu hình ngày nay đã biến thành một tai họa rất lớn cho con người trên thế giới; muốn phá bỏ nó, thật là điều nan giải. Nó đã in sâu vào tâm khảm và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những cái không đúng sự thật chỉ là tưởng mà thôi, những cái tai hại cho con người vô cùng to lớn từ đời trước đến đời sau; từ đời trước đến đời sau, những cái phi đạo đức đã đưa con người đến chỗ hung ác, gian xảo hơn loài cầm thú, dùng mọi cách lừa đảo, lường gạt.Báo Công An đã tường thuật không biết bao nhiêu là mánh khóe, cưỡng đoạt tài sản của kẻ khác, chỉ cần 100 ngàn hay 1 triệu đồng là xem mạng sống con người không ra gì.

Những kẻ đầu trộm, đuôi cướp này chỉ mua một cuốn sách tử vi xem ngày tốt xấu đi trộm cướp giết người lấy của, mà không bị ai bắt được thì cần gì phải đilao động khó nhọc mà chưa chắc đã có tiền như đi ăn trộm, ăn cướp. “Con ơi học lấy nghề cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”, đó là tục ngữ ca dao dân gian đã dạy như vậy.

Trên cuộc đời này, thứ nhất là danh; thứ hai là lợi. Các nhà triết học đua nhau dựng lên những triết thuyết này triết thuyết khác đủ mọi thứ mọi loại, phần nhiều đều nằm ở trong tưởng thức mà luận ra, không thực tế, mơ hồ, trừu tượng. Khi áp dụng vào đời sống con người, vốn đã khổ đau lại càng khổ đau hơn. Như thuyết hiện sinh, thuyết vô ngã của kinh sách phát triển, thuyết hữu ngã ảo tưởng của Thiền Đông Độ, thuyết hữu thần của các tôn giáo khác, thuyết âm dương của Trung Quốc, thuyết luân hồi tái sanh mê tín của kinh sách phát triển và các tôn giáo khác, v.v.. đều đưa con người quay cuồng trong các học thuyết đảo điên và điên đảo.

Thuyết âm dương của Trung Quốc mới có xem ngày giờ tốt xấu, coi cung mạng xung khắc, trong bát quái có các cung như: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Họ lý luận rằng con người, khi chết, cũng như lúc sanh ra phải ở trong một cung nhất định. Các nhà học giả thời nay đua nhau nghiên cứu triết thuyết trừu tượng này và đã tốn biết bao nhiêu tâm lực và giấy mực. Nhưng nó có đem lại lợi ích cụ thể thiết thực cho đời sống của loài người đâu, chỉ toàn là luận thuyết để mà cầu danh và lợi. Và chính nó càng làm thêm rắc rối cho tư tưởng con người, mất hết một cuộc sống an nhiên tự nhiên.

Những loại triết thuyết này đưa ra biến thành một cuộc nội chiến trong tâm của mọi người. Đó là những cuộc chiến tranh tư tưởng của con người giữa đời và đạo; giữa triết học này và triết học khác. Có những người cuồng tín, tin một cách mù quáng, biến mình thành những công cụ cho những tôn giáo và những triết thuyết này triết thuyết khác. Đó là những tín đồ hăng say, điên khùng xông vào cái chết và giết người như cỏ rác mà chẳng chút xót thương ai cả.

Năm tháng, ngày giờ, tốt xấu đó là một triết thuyết về luật âm dương, đưa con người đến chỗ mê tín nhảm nhí tận cùng, mỗi khi làm việc gì cũng xem ngày giờ tốt xấu và tuổi tác có hợp hay không hợp. Hiện giờ, ai cũng biết đó là việc mê tín, lạc hậu, phi đạo đức, vậy mà người ta không thể bỏ được tập quán, thói quen này, ngay cả những người có học thức, có kiến thức về khoa học mà vẫn còn bỏ không được.

Đạo đức nhân bản - nhân quả đã xác định: kẻ làm ác dù có xem ngày giờ tuổi tác, tốt xấu, cất nhà, dựng vợ gả, chồng cho con cái: hoặc xem giờ an táng hoặc xem tuổi tác người chết tránh cung trùng tang, liên táng; bằng mọi cách như mua bùa về yếm, cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật được tiêu trừ và hưởng được phước báo đầy nhà, thì chẳng bao giờ được. Nếu được thì đó là một điều vô đạo đức không công bằng và công lý.

Người ta sanh ra ở đời, phải chấp nhận luật nhân quả. Nếu ta làm điều thiện thì ngay đó tâm ta được an vui thanh thản. Đó là phước báo của mình làm ra, còn nếu mình làm ác mà cầu phước báo thì chẳng bao giờ có được, dù cho những bậc xem ngày giờ tốt xấu giỏi như Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh, Quỷ Cốc, cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Cho nên, Trương Lương phải ẩn bóng, Tiêu Hà bị chết, Khổng Minh thất bại trong việc chấn hưng nhà Hán.

Xét cho cùng, từ xưa cho đến nay có mấy ai xem ngày giờ tốt xấu mà làm nên sự nghiệp đâu. Làm nên sự nghiệp, đều do nhân quả thiện của mình. Người xưa nói: “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”, làm ác gặp khổ, làm lành gặp phước an vui thanh thản.

GIỜ HẠ HUYỆT

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi:Kính thưa Thầy, khi linh cửu đưa ra khỏi nhà, vào lúc hạ huyệt có phải xem giờ không thưa Thầy? Người mới chết có cần phải cúng cơm 49 ngày mới thôi không thưa Thầy?

Đáp:Theo sự mê tín lạc hậu của những người xưa thường sống trong tưởng thức, nên dễ bị ảnh hưởng của sách vở mê tín phi đạo đức của nền văn minh Trung Quốc. Cho nên, xem ngày giờ tốt xấu rồi mới được chôn cất để không ảnh hưởng xấu đến con cháu sau này.

Phật giáo truyền sang qua Trung Quốc, thấy dân chúng ở xứ này đang tin tưởng vào ngày giờ, năm, tháng, tuổi tác, tốt xấu của những người giàu tưởng tượng, nên cũng chế ra những loại sách vở mê tín để bói toán xem số mạng, vận nước tốt xấu. Những nhà thiên văn, địa lý dựa vào luật âm dương, tạo ra sách vở chiêm tinh bói toán dịch số như Châu Văn Vương sống trong tù bảy năm ở Vạn Lý Gia, soạn bộ dịch số, Quỷ Cốc Tử, Tôn Tử, Trương Lương, Khổng Minh, đều là những tay bói toán thần tình, biết trước những sự việc xảy ra. Thế mà Châu Văn Vương không tránh khỏi 7 năm tù mà còn ăn thịt con, Trương Lương vào núi ở ẩn, Khổng Minh tan mộng phục hưng nhà Hán.

Tất cả những sự thành bại trong đời người đều do nhân quả. Không có nhà chiêm tinh bói toán nào giải quyết được luật nhân quả. Không thể nào xem giờ tốt xấu, cất nhà, hạ huyệt, an táng mà tránh khỏi luật nhân quả.

Nếu là chiêm tinh gia, tiên tri mọi việc, sao quý vị không xem giờ tốt xấu để cãi lại luật nhân quả số phận của mình, để mình giàu sang và quyền cao quan tước trọng. Cớ sao lại đi ngồi ngoài hè đường phố hoặc mở phòng xem bói, chiêm tinh, tử vi. Hoặc ẩn náu trong chùa, mang hình thức tu sĩ Phật giáo làm những chuyện phi Phật, phi pháp, phi đạo đức, lừa đảo tín đồ Phật giáo bằng cách xem ngày giờ, tốt xấu như các nhà Nho lỗi thời. Đúng là không biết nghề nào làm ăn, mượn ba thứ sách mê tín, dị đoan để lừa gạt người nhẹ dạ.

Phần nhiều, những hạng người có học Nho như các thầy đồ nho, học hành, thi cử thất bại, và các ông thầy chùa, tu chẳng ra tu, mượn chiếc áo tỳ kheo làm những điều mê tín, lường gạt người bằng những trò bịp bợm xem ngày giờ tốt xấu, cung mạng, sao hạn để khiến người khác sợ hãi, bỏ tiền ra cúng bái tế lễ và còn nhận tiền tổ, tiền sư, đủ mọi thứ, để rồi những người mê tín “tiền mất tật mang”. Luật nhân quả, rất công bằng và rất cụ thể. Nếu ai làm điều ác, dù xem ngày giờ, tốt xấu cũng không tránh khỏi tai họa; nếu ai làm một việc lành, dù chẳng xem ngày giờ, tốt xấu, chẳng cúng sao hạn mà phước báo vẫn cứ đến.

Xưa, đức Phật dạy: “Nếu một người làm ác, như cục đá ném xuống hồ, dù cho tụng kinh niệm chú, cầu khẩn cho cục đá nổi lên thì nó chẳng bao giờ nổi. Nếu một người làm thiện, giống như những giọt dầu nổi trên mặt nước, dù không cần tụng kinh, niệm chú và cầu khẩn, giọt dầu vẫn nổi, không ai làm nó chìm được”.

Theo đạo Phật, chết là nên đem xác thiêu đốt, và chôn cất không cần phải xem ngày giờ, tốt xấu, vì thây người chết bất tịnh, uế trược, hôi thối để lâu sình ra, truyền nhiễm những bệnh tật khổ đau cho người còn sống.

Không có giờ ngày nào là tốt hay xấu. Tốt xấu là do hành động thiện ác của con người tạo ra để rồi thọ lấy tai nạn, bệnh tật, khổ đau, chứ không phải người chết nhằm giờ ngày xấu, hoặc hạ huyệt vào giờ ngày xấu mà con cháu những người thân trong gia đình xảy ra tai nạn bệnh tật. Đạo Phật không hề chủ trương sự mê tín như vậy. Đạo Phật xây dựng tôn giáo mình trên một nền đạo đức nhân bản – nhân quả rất khoa học và bình đẳng, phá vỡ những điều mê tín, mù mờ, dị đoan, tưởng tượng của những loại kinh sách phi khoa học, phi đạo đức v.v..

Đạo Phật chủ trương, ai làm ác thì phải gặt lấy quả khổ, chịu quả đau đớn, chứ không có kẻ này làm mà người khác chịu. Đạo Phật không có dạy rằng: cha giết người mà con bị tù tội, cha ăn trộm mà con bị chặt tay. Quý phật tử hãy tin nhân quả, và sống cho đúng nhân quả, đừng làm khổ mình, khổ người, thì cuộc đời sẽ được an vui và hạnh phúc, không bao giờ có tai nạn, bệnh tật nan y xảy đến. Chết muốn chôn giờ nào, ngày nào cũng đều tốt, vì ngày giờ là thời gian tự nhiên của vũ trụ, không bao giờ có tốt, có xấu. Nếu lúc nào chúng ta cũng làm điều thiện, làm điều lành, thì hà tất phải sợ những tai nạn bệnh tật khổ đau. Bệnh tật khổ đau là hành động thân, miệng, ý làm ác.

Xem ngày giờ, tốt xấu để chôn cất là những người lạc hậu, mê tín bị kẻ khác lừa đảo, tiền mất chẳng ích lợi gì. Hãy mạnh dạn, đừng sợ hãi, bất chấp mọi thử thách, mọi dư luận, lúc nào cũng làm lành, không làm khổ mình, khổ người, rồi mọi sự tốt đẹp sẽ đến với mình.

KHÔNG THẮP HƯƠNG KHI CÚNG GIỖ

 Câu hỏi của Liễu Nghĩa

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi nhà có đám giỗ kỵ, hoặc ngày tư, ngày Tết, cúng bái không thắp hương có được không thưa Thầy?

Đáp: Được, xưa đức Phật dạy nên thắp năm thứ tâm hương cúng Phật, năm thứ hương đó là:

1- Giới hương tức là đức hạnh làm người, không làm khổ mình, khổ người.

2- Định hương tức là đức hạnh làm Thánh nhân.

3- Tuệ hương tức là sự hiểu biết siêu việt phi thường của Tam Minh, khiến cho nguyên nhân tái sanh của con người không còn.

4- Giải thoát hương là về trí tuệ đức hạnh làm người, làm Thánh.

5- Giải thoát tri kiến hương là trí tuệ giải thoát mọi kiến chấp, mọi tà pháp, mọi ác pháp.

Người tu theo đạo Phật, không nên thắp những thứ hương vỏ cây. Trong ngày giỗ, ngày Tết nên thắp năm loại hương này cúng dâng lên chư Phật, ông bà, cha mẹ nhiều đời. Không những người thắp lên nén tâm hương này được nhiều phước báo, mà những người quá cố như ông bà, tổ tiên, cha mẹ đều được phước báo vô lượng ở kiếp sau.

Bởi thắp hương vỏ cây, chỉ tượng trưng lòng thành kính, có tánh cách mê tín lạc hậu. Ngầm trong hành động thắp hương này đã bị người khác lừa đảo, tiền mất mà ô nhiễm khói hương khó thở, chẳng đem lại sự ích lợi thiết thực cho mình, cho người khác mà còn dại dột đem tiền cho kẻ kinh doanh hương vỏ cây làm giàu.

Càng suy ngẫm, chúng ta càng thấy con người dễ bị kẻ khác lừa đảo bằng mọi hình thức mê tín. Họ kinh doanh, làm giàu trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, như nhóm xe ôm, xe lôi, xe buýt đô thị, đồn đại Đức Mẹ hiện hình trên đỉnh núi xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai là hàng ngàn người đổ về xem Đức Mẹ hiện hình. Rồi Phật sống ở An Giang, Thầy nước lạnh, uống vào bệnh gì cũng hết. Thấy rờ lá cây trị bệnh như thần, người không thấy đường năm mười năm, uống vào mắt sáng liền, v.v.. Biết bao nhiêu điều lừa đảo như vậy, để lường gạt hàng trăm, hàng vạn người bỏ công, bỏ của để làm giàu cho bọn xe thồ, xe ôm, xe lôi v.v..

Tại núi tỉnh Tây Ninh, có Bà Đen được vua Gia Long sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Hằng năm người ta trẩy hội Bà Đen rất đông, số tiền cúng nơi đây có thể hằng tỷ bạc. Trong chiến tranh người ta bảo rằng Bà Đen nay bà về chỗ này, mai bà về chỗ kia, để lôi cuốn những người mê tín về cúng bái. Đó cũng là hình thức kinh doanh thần thánh.

Ngày xưa, người ta không biết thắp hương, nhưng những người trong các tôn giáo có sáng kiến mới, chế ra cây hương làm bằng vỏ cây, dạy cho mọi người thắp hương cúng bái. Mỗi lần có thắp hương là linh hồn ông bà, thánh thần nghe mùi hương mà trở về chứng giám lòng thành của con cháu. Đó là cách thức dạy mê tín của các nhà tưởng tri, của các nhà sư kinh phát triển.

Sau này, các nhà kinh doanh lợi dụng lòng mê tín này biến thành một nghề nghiệp sống. Do đó, hàng năm người ta phải bỏ ra một số tiền hằng tỷ tỷ bạc, tiêu phí mua hương vỏ cây trong việc cúng bái tế lễ. Họ bảo, nếu chúng ta cúng bái mà không thắp hương, thì sự cúng bái lạnh lẽo không trang nghiêm bằng thắp những cây hương, khói hương quyện vào nhau, trông rất ấm cúng và đẹp đẽ, tưởng chừng như những linh hồn người chết nương theo khói hương, mà trở về vui vầy sum họp với con cháu.

Đó là sự tưởng của người giàu tưởng tượng. Ngày nay, cây hương bằng vỏ cây đã trở thành một truyền thống, một thói quen rất khó bỏ. Nếu ngày giỗ, ngày Tết mà không thắp hương thì phải thật là người có óc khoa học, có trí hiểu biết thấu suốt thế giới siêu hình không có, thì mới có can đảm vượt qua sự mê tín cố hữu ấy.

Đức Phật dạy: “Đứng lại thì chìm xuống”, nghĩa là mình cứ theo phong tục thắp hương trong những ngày giỗ, ngày tư, ngày Tết và những lễ cúng bái là mình đang đứng mà đang đứng lại là đang chìm xuống, đang chìm xuống, tức là ngu si, mê muội, dại dột, tiền mất mà chẳng có ý nghĩa gì và lợi ích gì về cuộc sống.

 Còn “Tiến tới thì trôi dạt” có nghĩa là chống hẳn lại sự mê tín, không chấp nhận nó thì chúng ta sẽ bị chống đối nguyền rủa của người khác. Họ nói rằng, chúng ta ngang tàng, vô thần, v.v.. không có ân nghĩa, không biết có tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ, v.v.. là những người ở dưới đất nẻ chui lên.

Chỉ có vượt qua. Vượt qua cái gì? Nghĩa là không chấp nhận mê tín, không làm theo mê tín, nhưng không chống mê tín, mà chuyển mê tín thành chánh tín.

Cho nên, ai mê tín mặc họ, chúng ta chỉ biết giải quyết cho chúng ta mà thôi, giải quyết tâm mình, đừng sống trong mê tín, giải quyết tâm mình, đừng chướng ngại với người mê tín.

Cho nên, thắp hương hay không thắp hương trong ngày giỗ là do ở tâm con. Ví dụ: nhà có giỗ kỵ, mọi người thắp hương cúng bái, con không nên cấm họ, nhưng đến khi con cúng bái, con không thắp hương, chỉ đứng trước bàn thờ, con thầm tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà và đem sự sống của con không làm khổ mình, khổ người dâng lên. Nhớ lại ngày nào ông bà, cha mẹ lìa khỏi cuộc đời, để lại trong tâm con một ký ức, một niềm thương nhớ. Hôm nay con còn chỉ biết dâng lên nén tâm hương với lòng đầy đạo đức làm người của con, không làm ô nhục tổ tông, không làm mang tiếngtai cho dòng họ. Những hành động sống hằng ngày đó, đến ngày giỗ ông bà, tổ tiên và cha mẹ con thắp trước bàn thờ. Đó là con thắp cây hương đạo đức làm người cúng dâng tổ tiên, ông bà, cha mẹ chứ không thắp những cây hương bột vỏ cây, mà thắp hương lòng của con đối với tổ tông, không có gì xấu hổ cả con ạ!Nếu con làm đúng như vậy (không thắp hương vỏ cây) vào ngày giỗ vẫn ấm cúng và trang nghiêm vô cùng. Con thắp cây hương lòng, không phải mất tiền, tiền ấy để dành dụm để làm việc từ thiện, giúp người bất hạnh trong xã hội còn tốt hơn.

SÁU NẺO LUÂN HỒI

 Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin Thầy giảng cho con hiểu đúng nghĩa của “Sáu nẻo luân hồi: Trời, Người, Atula, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục”.

Đáp: Sáu nẻo luân hồi theo kiến giải của các nhà học giả thì có sáu cõi, để linh hồn người chết tiếp tục tái sanh, tùy theo việc làm thiện ác của người đó.

Ví dụ: Ở cõi Trời, nếu chư Thiên sanh lòng dục, tạo ác pháp, chờ hết duyên chư Thiên sanh xuống làm người. Nếu ở cõi làm người mà làm thiện, ít ham muốn dục, thì sanh trở lại cõi Trời.

Nếu ở cõi làm người, sanh tâm làm ác, thường giận dữ, thích đánh đá, thì khi lìa bỏ thân người, linh hồn tái sanh vào cõi Atula. Loài Atula ở đó hung dữ vô cùng, chuyên môn đi đánh lộn, hoặc đi đánh cướp nước người khác.

Nếu sanh vào cõi Atula làm thiện ít giận hờn, không đánh đá ai hết, đến khi chết thì sẽ sanh làm người trở lại. Nếu Atula này làm thiện, ít dục, không giận dữ, không đánh đập, không làm khổ mình, khổ người, thì đến khi chết sẽ sanh vào cõi trời. Nếu đã sanh ở cõi Atula mà giận dữ, ích kỷ, bỏn xẻn không dám bố thí thì khi bỏ thân Atula sẽ sanh vào ngạ quỷ.

Con người sanh vào cảnh giới ngạ quỷ thường đói khổ, muốn ăn mà không có ăn, muốn uống mà không có uống, quần áo rách rưới, lang thang, nghèo khổ. Nếu cõi ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ thì được sanh trở lại cõi Atula. Nếu ở cõi ngạ quỷ mà biết bố thí, san sẻ, không giận dữ, làm thiện, ít làm khổ mình, khổ người khác thì sanh làm con người.

Nếu ở cõi ngạ quỷ, làm toàn thiện không làm khổ mình, khổ người thì được sanh ngay lên cõi Trời. Nếu ở cõi ngạ quỷ mà tâm ác không trừ, lòng ích kỷ, bỏn xẻn, không bố thí thì đọa xuống địa ngục, chịu đủ thứ cực hành khổ sở.

Cõi địa ngục là nơi con người sanh vào đó chịu đủ thứ mọi cực hình. Nói chung cõi địa ngục là cõi tiếng kêu khóc không hề dứt. Sau khi sanh ở cõi địa ngục, con người ở đó mới tiếp tục sanh làm loài vật. Như chúng ta đã thấy các loài vật đang sống quanh ta, đó là cõi súc sanh.

Trên đây là cái hiểu của các nhà học giả của kinh sách phát triển, có sáu cảnh giới rõ ràng trời, người, Atula, ngạ quỷ, địa ngục và súc sanh, con người phải tiếp tục trôi lăn mãi mãi ở đó.

Thật ra, sáu nẻo luân hồi là cảnh ở trần gian của chúng ta trên hành tinh này, không có ở nơi nào khác nữa. Tùy theo đặc tính, cách sống, cuộc sống của mọi con người và loài vật trên hành tinh này mà phân chia làm sáu nẻo luân hồi.

Thứ nhất là cõi Trời, là chỉ cho những người đang sống đúng trong mười điều lành, tâm hồn của họ thường thanh thản, an lạc và vô sự, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện, muốn chi có nấy. Đó là những bậc chân tu, thạc đức đang sống trầm lặng, sống với trí tuệ nhân quả, sống với tâm hồn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh.

Thứ hai là cõi Người, Người là những người đang sống đúng năm điều lành không hề phạm phải, còn những người sống không đúng năm điều lành này là cõi khác chứ không phải cõi người.

Thứ ba là cõi Atula, Atula là những người hay sân hận, giận dữ, chuyên môn đi đánh lộn, không biết nhường nhịn và nhẫn nhục ai cả, chỉ biết la hét đánh đập với nhau.

Thứ tư là cõi Ngạ quỷ, Ngạ quỷ là những người nghèo đói, khổ sở không có cơm ăn, áo mặc.

Thứ năm là cõi Súc sanh, Súc sanh gồm có con người và các loài thú vật. Vì những người này hình người mà bản chất sống như loài thú vật, họ chẳng hề sống có một chút đạo đức làm người nào cả. Cho nên, dưới đôi mắt của đức Phật những người này họ là súc sanh (động vật).

Thứ sáu là cõi Địa ngục, Địa ngục là những người đang bệnh đau, đang khổ sở rên la trên giường bệnh, chúng ta hãy đến nơi các bệnh viện nơi đó là Địa ngục.

Tóm lại, sáu cõi luân hồi không phải ở đâu xa mà chính cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này, hiện ra đầy đủ sáu cõi.

Sáu cõi này, được xác định thực tế và cụ thể, rất khoa học, không có mơ hồ trừu tượng, mà ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng. Chỉ có những người tu theo kinh sách phát triển sống trong tưởng tri, trong mơ mộng, mới xây dựng sáu nẻo luân hồi ảo tưởng, ngoài cuộc sống của con người.

ĐỨC PHẬT DI LẶC

 Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ, đức Phật Di Lặc có thật hay không?

 Đáp: Đức Phật Di Lặc không có, đó chỉ là một đức Phật tưởng tượng của các kinh sách phát triển Bà La Môn. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn Giáo để cho Phật tử hiểu rõ. Nếu bảo rằng quá khứ đã có bảy vị Phật thì khi đức Phật Thích Ca đi tu phải có đạo Phật, tại sao lại chỉ có lục sư ngoại đạo mà không có cái tên là Phật giáo? Thật ra, mãi đến khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả. Nhờ mọi người hiểu biết cung kính và tôn trọng đức Phật nên dựng ra tôn giáo Phật giáo, bấy giờ chúng ta mới có tôn giáo mang tên là Phật giáo. Thế mà kinh sách phát triển dám bảo quá khứ có bảy vị Phật, rồi gán cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, thì rất oan cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong kinh Tương Ưng đức Phật nói: “Nếu Ta nói một điều gì mà chúng sanh hiểu bằng tưởng thì Ta có nói láo trong Ta”.

Rồivề vị lai các kinh sách phát triển sản xuất ra một người có tên là Từ Thị, hiệu là Di Lặc muốn tranh chức giáo chủ với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giống như các nhà vua phong kiến ở thế gian, tranh ngai vàng. Thật là danh lợi ghê quá.

Theo như kinh sách phát triển, đạo Phật có chín vị giáo chủ:

Bảy vị Phật làm giáo chủ ở quá khứ như:

1-        Tỳ Bà Thi (Vipassĩ.)

2-        Thi Khí (Sikhĩ).

3-        Tỳ Xá Bà (Vessabhũ)

4-        Câu Lâu Tôn (Kakusandha)

5-        Câu Na Hàm (Konãgamana)

6-        Ca Diếp (Kassapa)

7-        Cổ Phật Nhiên Đăng.

Một vị Phật, giáo chủ ở hiện tại tức là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Một vị Phật, giáo chủ ở vị lai tức là đức Phật Di Lặc).

Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách phát triển nói đến rất nhiều. Đó là một thâm ý nham hiểm của các kinh sách phát triển, thành lập đức Phật Di Lặc để làm một cuộc cách mạng Phật giáo, lật đổ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế bằng vị giáo chủ mới là Phật Di Lặc.

Hội Long Hoa tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà thuộc kinh sách phát triển lãnh đạo. Khi đức Phật Di Lặc lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo, thì toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu, tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị đốt sạch.

Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến đức Phật Di Lặc và các bậc Thánh Tăng đệ tử của đức Phật không có ai tên là Di Lặc. Đối với kinh sách Nguyên Thủy, tên Di lặc là một tên xa lạ, vậy mà bây giờ sắp lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo! Xin quý vị Phật tử suy ngẫm để khỏi lầm lạc.

Hội Long Hoa được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử đức giáo chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu, dựa vào gốc kinh sách phát triển và tưởng ấm của con người thể hiện qua “cơ bút” cho biết ngày tận thế và Hội Long Hoa sắp mở bày.

Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này. Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại”. Quá khứ và vị lai không cần biết đến, chỉ làm một việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.

Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của những kinh sách phát triển, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng vì thế lực Phật giáo Nguyên Thủy còn mạnh, cho nên họ không thể làm gì được. Hiện nay, cả Phật giáo thế giới đều chấp nhận kinh sách phát triển là giáo pháp của Phật giáo. Đó là một bước thắng lợi thứ nhất của kinh sách này. Đến khi các sư Nam Tông, tức là các sư Phật giáo Nguyên Thủy, dần dần chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển và lần lượt các sư Nam Tông sẽ tu tập theo giáo pháp của kinh sách phát triển[1] thì giáo pháp Nguyên Thủy sẽ bị đốn tận gốc. Lúc bấy giờ, người ta bảo rằng Hội Long Hoa ra đời thành lập Phật giáo mới và đức giáo chủ là đức Phật Di Lặc.

Đó là một thâm ý sâu sắc của kinh sách phát triển dựng lên đức Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc, mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ, Nam Tông lẫn Bắc Tông đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn Giáo ngày xưa.

Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết soạn ra, rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết. Lợi dụng lúc Phật giáo kết tập kinh sách nhiều lần chưa thành văn bản, người ta đã tùy tiện, thêm bớt thật dễ dàng. Cho nên, người nghiên cứu kinh sách Phật giáo hiện nay gặp phải khó khăn là có nhiều bài kinh mâu thuẫn nhau, khiến chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả không phải Phật thuyết.



[1]Ngày nay các sư miến Điện bắt đầu dạy thiền (Nguyên Thủy) giống như thiền Đông độ. Sau một thời gian dạy (Tứ Niệm Xứ) quán thân, thọ, bây giờ các sư dạy quán tâm giống như thiền sư Trung Hoa.

TU HÀNH TRÁNH PHÁP ỨC CHẾ TÂM

 Câu hỏi của Từ Tuệ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong đời sống của người cư sĩ con nhận thấy mình phải tập bớt ăn bớt ngủ. Về ăn, con nên giảm bữa ăn sáng trước hay bỏ bữa ăn tối trước, như thế nào tốt hơn? Khi đã quen hai bữa mà không yếu sức khỏe, thì có thể giảm xuống một bữa ngay tại đời sống cư sĩ không? Con đang chuẩn bị để tăng dần “hành trang” thuận lợi cho giai đoạn sống ở tu viện. Kính xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Muốn sống một đời sống phạm hạnh thì hãy sống đúng lời dạy của đức Phật, nhưng muốn sống đúng lời dạy của đức Phật thì phải hết sức tránh sự ức chế thân tâm. Giáo pháp của đức Phật là giáo pháp xả tâm, nếu không khéo tu sai lệch sẽ bị ức chế tâm. Phần đông, tu sĩ hiện giờ tu sai lệch rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết.Sự giảm thiểu bớt ăn, bớt ngủ, tức là phải thay thế bằng một việc làm khác!

Ví dụ: hàng ngày lúc 9 giờ ta đi ngủ, bây giờ ta chỉ cần thức thêm 5 phút, 10 phút. Trong khi thức thêm thì ta nên tập tỉnh thức và xả tâm, trong khi đi kinh hành, vừa đi vừa nhắc xả tâm “Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành”. Mới đầu chỉ tập thức thêm 5 phút, rồi tăng dần lên 15 phút, cho tới 30 phút. Đó là cách thức tập bớt ngủ.

Ăn cũng vậy, mỗi sáng, mọi người đều có điểm tâm. Ta có thể bớt bữa sáng, ăn buổi trưa và chiều. Bữa ăn trưa hoặc chiều cả gia đình có thể ăn cùng một lúc. Muốn cho gia đình đầm ấm yên vui và hạnh phúc, thì buổi ăn là buổi tập họp gia đình, cố gắng sắp xếp để mọi người đều hiện diện trong bữa cơm, ta không nên vì sự tu tập mà làm mất sự sum họp gia đình. Vậy, trong 3 bữa ăn, con nên khéo léo để tạo hoàn cảnh sum họp gia đình yên vui và hạnh phúc. Chỉ một hành động nhỏ như vậy mà không cân nhắc kỹ, khiến bữa ăn trong gia đình buồn tẻ.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, không làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh tu tập cho mình mà luôn luôn làm cho mọi người vui, tức là tu thiền định xả tâm.

LỜI NÓI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM

 Câu hỏi của Mỹ Linh (Tú)

Hỏi:Kính bạch Thầy,

Kính thưa cô Út Diệu Quang!

Lâu nay, con thấy rõ tâm mình hay dính mắc, giận hờn, hay tranh luận, hay nghĩ đúng sai, phải trái, hay tham dự, tham kiến, còn ham ăn, ham ngủ và bản chất ngang bướng. Nên tâm con rất bất an, thường làm khổ mình. Khi chưa giải quyết được tâm mình, thì con hay phản ứng ra làm khổ người, vì vậy con ráng luyện cho tâm “bằng lòng” hơn để vượt qua mọi sự.

Thời gian qua, con có cố gắng nghe lời Thầy tu tập Định niệm hơi thở kết hợp Định vô lậu. Lúc kinh hành và trong sinh hoạt hàng ngày, con tập tỉnh giác kết hợp Định vô lậu. Con thấy thích đi kinh hành, không lười biếng như trước (con chỉ đi thời khuya và tối). Thường suy tư các pháp không thật.

Như lời Thầy dạy, câu ám thị của con cũng có ba nội dung: hơi thở + tỉnh giác + xả tâm. Lúc rảnh con suy tư để tìm cách khắc phục mình và theo lời cô Út dạy là “tìm câu ám thị phù hợp với trạng thái tâm mới có kết quả và tu tập phải gắn liền ý thức + trí tuệ + buông xả”.

Nhờ có cô Út bên cạnh, theo dõi kèm cặp, con thấy rõ tâm mình hơn. Nhờ có oai lực của cô Út con nghiêm chỉnh, ít nói hơn. Mỗi thái độ, ánh mắt, nét mặt của cô Út lúc nào cũng mang tính cách giáo dục; nhắc con tỉnh giác hơn trong lời nói, hành động; lúc nào nên nói, nên làm hay không. Con cũng xin thành tâm sám hối với Thầy, với cô Út là con còn lén nói chuyện, con phải cố gắng nỗ lực tự giác tu đúng hạnh độc cư hơn nữa.

Mục tiêu của con là: “Giữ tâm bất động trước các pháp”, “Giữ tâm bình thản an vui, bằng lòng mọi nhân quả”, “Đồ bất tịnh đổ nhiều chừng nào, đất càng tươi tốt, và trái thiện pháp sẽ nhiều chừng nấy”.

Giờ tu, con thường tập trung diệt sạch tâm tham, sân, si như Thầy đã dặn. Trong tâm tham con thấy từng bệnh tham ăn, tham ngủ, tham nói, tham ái (dù nó chưa khởi); trong tâm sân có khi nó khởi sự phiền chướng, bực tức, bất toại nguyện. Con ám thị câu đầu “Quán ly tham” sau đó con trị tiếp “Ly tham ăn tôi biết...” tương tự con trị các tâm kia như vậy được không thưa Thầy? Đặc biệt tâm si, con cũng nhắc bình thường, nhưng ngày nào bị buồn ngủ thì con tập trung trị nó suốt giờ “Thân phải thẳng và tỉnh thức!”, rồi vừa kết hợp hơi thở cộng với diệt tâm si:

“Với tâm tỉnh thức tôi hít vô... tôi thở ra” “Từ bỏ ham ngủ tôi hít vô. Từ bỏ ham ngủ...”.

Buồn ngủ nhiều con nói liên tục từng hơi thở suốt 30'. Lúc cần nói mạnh con nói mạnh, con không bị thua cuộc, không tê chân, xả ra tâm phấn chấn hết buồn ngủ luôn.

Buồn ngủ nhiều nữa con đi suốt giờ với hơi thở và niệm diệt tâm si (lý do buồn ngủ là vì mấy ngày bị lạnh run, thức giấc thiếu giờ ngủ, nên đến giờ tu con không tỉnh).

Thời gian qua tu tập, con tập “bằng lòng”, tập “nhìn bằng nhân quả”. Con chỉ quay lại tâm con tháo gỡ những sợ sệt, phiền toái bất toại nguyện. Con vẫn biết là con chưa nhạy bén tạo nhân tốt làm vui lòng người. Do đó con vẫn an vui bằng lòng mọi nhân quả, mà con không bị thối chuyển như những lúc trước; tâm con không giận hờn, không có ý bỏ cuộc; không miên man trong những suy tư của ác pháp như lúc trước nữa. Con thấy “cái ta” trước lằn roi, trước sự rầy la, nhục mạ được vơi đi rất nhiều (nhờ thấm dần lời Thầy dạy con: thân này không phải của ta, thân này do duyên hợp ngũ uẩn), con chỉ nhắm vào những lỗi còn tồn tại, để cố gắng và cố gắng hơn. Đến giờ tu con thấy tâm con không bị rạo rực như trước nữa, không bị buồn chán nữa.

Ba, bốn năm trôi qua con chưa làm gì cho Thầy và cô Út vui lòng cả. Con càng thấm thía với tâm từ bi vô lượng của Thầy và cô Út, con càng thấm thía với sự khó nhọc nuôi cơm cho chúng con mà không biết mỏi mệt (dù Út nói Út bỏ, nhưng thật ra Út quan tâm, để ý hơn bao giờ hết, vì nếu con vô tình tái phạm là Út đã lêntiếng liền). Con xin thành tâm sám hối với Thầy và cô Út, những mong Thầy và cô Út tha thứ cho con. Khi tâm con tạm ổn định, bên cạnh mục tiêu “giữ tâm bình thản trước các pháp”, con cố gắng nhắc tâm con “nhất cử nhất động đều vì mục đích vui lòng Thầy và vui lòng cô Út”, con sẽ cố gắng suốt ngày trong pháp hành không còn kẽ hở. Vì đúng như lời Thầy đã dạy: lúc nào có chánh niệm là như được miễn dịch vậy, các pháp không xâm nhập vào tâm (cả lúc làm cỏ, chẻ củi con nói: “Hít vô tôi biết tôi chẻ củi – tôi nhắc cái tâm luôn an vui mạnh khỏe không đau lưng” nó cũng nghe và kết quả như vậy). Tương tự trường hợp khác cũng thế; nhờ có chánh niệm, tâm con như quay vào trung tâm điểm của vòng tròn là hơi thở, các pháp xoay vòng vòng trên vòng tròn ấy mà không dính vào tâm. Có khi sự việc diễn biến, con thấy rõ tâm bình thản, tự nhiên và thấy các pháp vô thường sanh diệt. Nếu lúc nào cũng được như vậy thì chắc con mừng lắm. Hồi đó, chuyện lớn chuyện nhỏ dù của con hay của ai con cũng động tâm cả. Khi thấy được cái hạnh phúc an lạc trong tâm, thấy được tâm nhẹ nhàng không dày vò đau khổ, thấy rõ được lợi ích của sự xả tâm, con càng thấy rõ công ơn Thầy, công ơn cô Út càng cao. Nhưng đây chỉ là bước đầu con mới cảm nhận được, con sẽ cố gắng và cố gắng hơn nữa, để từ cái triền miên đau khổ - đến cái đau khổ ngắn ngày dần dần - đến cái 5', 10' mới hết đau khổ - đến cái không dính sự đau khổ. Con ráng phấn đấu để được thấm nhuần mà không còn phải dụng công.

Qua đặc tướng của con, con cúi xin Thầy và cô Út chỉ dạy thêm cho con, để con nỗ lực “mãi mãi không làm khổ mình, khổ người”.

Kính bạch Thầy, qua cách thực hành pháp hướng – như lý tác ý mà cô Út dạy, con cũng có tập và áp dụng phá những cái thọ nhỏ nhỏ của thân như đau chân, đau bụng, tưởng phải uống thuốc, mà không phải uống. Concó kể con ra lệnh đuổi nó ít đau. Con hy vọng mọi cảm thọ của tâm con cũng dần dần quét sạch.

Kính bạch Thầy cho con thưa hỏi...

Nhưng lúc này Thầy đang bệnh, con kính xin Thầy bớt làm việc, tạm ngưng giảng dạy chúng con, để Thầy điều trị liên tục cho hết hẳn. Cô Út cũng yếu nhiều hơn trước, con kính xin Út cho con được tiếp Út một vài công việc, con cố gắng thực hành theo ý Út chỉ dạy. Qua đócon được thực hành diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

 Vài dòng con kính trình Thầy và cô Út. Con xin dừng bút.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đáp: Hơn sáu trang giấy, con trình bày sự tu tập của con, không sai sót lời dạy nào của Thầy, chỉ còn có bền chí tu tập và cố gắng khắc phục tâm con thì sự giải thoát đến với con rất cụ thể và rõ ràng từng giờ, từng phút, từng giây. Nếu lời nói của con đi đôi với sự tu tập hàng ngày, siêng năng không biếng trễ, lập hạnh ăn, ngủ, độccư và lập đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng “tâm như đất” thì chẳng bao lâu nữa con sẽ hạnh phúc nhất vì đã làm chủ thân tâm của mình, tâm hồn lúc nào cũng sống thanh thản, an lạc trước mọi hoàn cảnh. Vì vậy, lời nói thì phải đi đôi với việc làm, đó cũng chính là hành động sống, không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.

TÂM THANH TỊNH

 Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kínhthưa Thầy, hôm trước Thầy dạy: trạng thái tâm“định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản là trạng thái của Tứ Thiền?”.Trạng thái này con thấy một phần chỉ về Định niệm hơi thở và Định chánh niệm tỉnh giác (tâm định tỉnh), còn phần lớn là nặng về phần đức hạnh, tức là Định vô lậu, có phải vậy không thưa Thầy? Nếu như vậy là ngay từ bây giờ chúng con phải luyện rèn đức hạnh vô lậucho nhuần nhuyễn theo hơi thở chứ không phải tu hơi thở tới Tứ Thiền mới có trạng thái này? Phải không thưa Thầy?

Đáp: Đến bây giờ con mới hiểu được ý này là phải chịu mất bốn năm trời, nếu không hiểu được ý này, chắc chắn con còn phải mất thời gian nhiều hơn nữa, mà còn lạc vào thiền của ngoại đạo. Đã không giải thoát mà còn có thể đưa đến“khẩu đầu thiền” tức là thiền tưởng, như Diệu Thiện.

Người tu thiền tâm đạt được định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản, thì người ấy luôn sống trầm lặng, ít nói và không nói cho ai biết mình tu tập như thế nào.

Tâm người ấy thường quay vào trong nên không tham dự chuyện thiên hạ bên ngoài, nên thường sống một mình, nhưng lại hòa hợp với mọi người, ai làm sao cũng được, biết tùy thuận và bằng lòng. Đó là tâm không phóng dật.

Bốn Thánh Định đều do Định vô lậu mà nhập được, ngoài Định vô lậu không có định nào nhập được. Định niệm hơi thở và Định chánh niệm tỉnh giác chỉ là tu tập tỉnh thức để tâm thường ở trong chánh niệm để ngăn chặn và diệt tà niệm và ác pháp, tức là ly dục, ly ác pháp.

Câu hỏi một, đến nay con mới hiểu đúng, từ lâu hiểu sai tu tập sai thành mất thì giờ rất nhiều.

ĐÃ HỌC GIỚI LUẬT MÀ CÒN PHẠM

 Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy!Con nghe nói người học giới luật mà còn phạm là có tội? Còn người đã được về đây tu học với Thầy, gặp được minh sư và chánh pháp mà còn ra đi; có người tiếp tục tu pháp Giới, Định, Tuệ có người kèm theo vô vi, có người kèm thêm Yoga. Vậy họ có tội gì không? Và nhân ấy dẫn họ đến quả báo gì trong hiện tại và tương lai? Con kính mong Thầy từ bi giảng giải cho chúng con được rõ.

Đáp: Người học giới luật mà phạm giới luật, hiện tại họ là trùng trong lông sư tử sẽ diệt Phật giáo chết. Tuy họ cố gắng che đậy, nhưng cuối cùng họ cũng để lộ tẩy làm cho người khác rõ và không còn tin tưởng. Phạm giới luật tùy theo tội chủng của giới luật, người này phải đọa vào cảnh khổ, nhiều kiếp phải làm thân chúng sanh.

Tu theo Giới, Định, Tuệ của Phật mà còn kèm theo các pháp môn của ngoại đạo:

1-        Sự tu hành của họ sẽ chẳng tới đâu, họ đã làm mất chủng tử giải thoát, dù tu ngàn kiếp cũng thành ma thiền.

2-        Tu Giới, Định, Tuệ của Phật mà còn kèm theo pháp môn của ngoại đạo là tu hành không chân chính, khiến Phật giáo mang tiếng xấu. Người tu như vậy là phỉ báng Phật pháp, làm cho người khác mất niềm tin, tội ấy sẽ đọa địa ngục (luôn sanh trong cảnh đói khổ). Muôn kiếp khó làm người thiện (mất chánh pháp).

3-        Tu như vậy, trong hiện kiếp đều gặt lấy quả bất trí, người khác khinh chê.

4-        Tu như vậy, tu mãi không kết quả khiến cho người khác thấy rõ khinh chê trong hiện tại, và kiếp sau sanh làm người u tối, mê muội.

5-        Tu như vậy, con người ương ương gàn gàn, sống bất an và hoàn cảnh bất an trong hiện tại và muôn kiếp.

ĂN CỦA ĐÀN NA THÍ CHỦ MÀ KHÔNG TU

 Câu hỏi của Mỹ Linh (Tú)

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con nghe nói trong đời tu mà cứ thọ nhận ngày càng nhiều của thầy Tổ, của đàn na thí chủ, mà không tu được, kiếp sau làm thân trâu, ngựa trả nợ. Vì vậy, trong quá trình tu tập, hễ tâm bất an là nó hay luận theo như vậy rồi bỏ cuộc, về tự làm tự tu, rồi kết quả sự tu sẽ đi đến đâu? Làm sao thắng được tư tưởng này? Con kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp: Câu nói “ăn của đàn na thí chủ mà tu không giải thoát thì phải mắc nợ người. Sau này phải làm thân trâu, ngựa hoặc tôi tớ, lính gác, v.v.. để trả nợ” nhằm mục đích khiến cho chúng ta sợ mà ráng tu hành, chứ không phải có thật như vậy.

Nếu chúng ta không gieo nhân cúng dường cho những bậc tu hành, thì ngày nay làm gì chúng ta có người cúng dường ăn để sống tu hành. Nhân thì phải có quả. Thấy quả biết được nhân. Quả của chúng ta đang được ăn ngồi không tu hành, thì biết nhân đời trước chúng ta đã có cúng dường cho người tu. Chúng ta tu có kết quả hay không kết quả là do chúng ta có duyên với chánh pháp hay không, chứ không phải ở chỗ thọ của đàn na thí chủ hay thầy Tổ. Hai nhân quả này khác nhau.

Đứng trên góc độ nhân quả mà nói, ngày nay ta ngồi không, thọ dụng của đàn na thí chủ và thầy Tổ để tu hành, thì trước kia ta đã từng cúng dường thầy Tổ và các bậc tu hành. Cũng trên góc độ nhân quả ta tu chứng hay không tu chứng, là do duyên tiền kiếp có gieo với chánh pháp hay tà pháp mà thôi. Trong lịch sử tu hành của Phật và các vị tỳ kheo thánh tăng không có ai tự làm, tự tu mà có kết quả giải thoát được, chỉ là một thứ đạo yểm ly cuộc sống. Tự làm, tự tu kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Muốn thắng tư tưởng này cần phải hiểu rõ nhân quả.

Đạo Phật là đạo xả tâm, vì xả tâm nên đời sống chỉ còn có ba y một bát, sống đời thiểu dục tri túc, đi xin cơm ăn từng ngày để tạo duyên dạy người tu học sau này. Cho nên đức Phật dạy: “Hóa độ hữu duyên”. Có nghĩa là tạo duyên mới để dạy người tu tập như các con đang tu tập vậy. Như bây giờ các con đang xin cơm đàn thí chủ ăn để tu tập, đó là đang gieo duyên vói đàn na thí chủ, chứ không phải nợ đàn na thí chủ.

Bây giờ con đã hiểu như thế nào là: “thọ nhận ngày càng nhiều của thầy tổ, của đàn na thí chủ, mà không tu được, kiếp sau làm thân trâu, ngựa trả nợ”,không phải vậy con ạ! Nỗ lực tu tập hằng ngày để ly dục ly ác pháp là một việc làm đầy đủ những công đức vô lượng vô biên thì làm sao nợ đàn na thí chủ được. Công đức hằng ngày các con tu tập để xả tâm tham, sân, si là công đức không thể lấy vật gì so sánh được. Và như vậy làm sao mang nợ đàn na thí chủ. Phải không các con?

THÂN KIẾN LÀ GÌ?

 Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thân kiến là gì? Có phải là những kiến chấp về thân, coi trọng cái thân không? Có phải nó làm cho mình giảm nghị lực để chiến thắng mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh về thời tiết bệnh hoạn? Rồi nó luận tu pháp này dễ hơn, khỏe hơn (Vô vi, Yoga) để mình xa dần pháp môn chân chánh của đạo Phật? Nếu con muốn phá được thân kiến phải tu tập những gì để có sức tự chủ? Con cúi xin Thầy giúp con thoát khỏi hoặc ngăn ngừa những sai lầm!

Đáp: Con hiểu về thân kiến rất đúng. Trên đời, người ta khổ vì chấp thân là của ta, gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp việc khó khăn, gặp khí hậu thời tiết, bệnh tật khó khăn là ta đi tìm cách tránh né cho khỏe thân hơn, tức là chấp ngã.

Tu hành là phải xả tâm; diệt ngã, ly dục, ly ác pháp quá khó khăn, khiến cho thân tâm phải mệt nhọc từng phút, từng giây, để chiến đấu làm chủ đời sống của mình. Vì tu hành quá vất vả, nhiều người nản chí và thối tâm chạy theo tu các pháp môn Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông, Vô vi, Yoga v.v.. Đó là do bệnh chấp ngã, xem ngã trọng, sợ ngã mệt nhọc, để tu các pháp khác an ổn, hỷ lạc hơn, ngồi thiền nhiều khỏe hơn.

Tất cả những lý luận này là lý luận chấp ngã, nuôi ngã, dưỡng ngã. Người chấp ngã, nuôi ngã là đi ngược lại đường lối tu tập của đạo Phật, thì dù có tu muôn kiếp cũng khó giải thoát được. Tu như vậy thì tu để làm gì, tốt hơn sống ngoài đời có đạo đức nhân bản - nhân quả còn khỏe hơn là chạy đi tìm dục lạc trong thiền định. Nếu nói để trị bệnh, thì làm sao thiền định trị bệnh được. Bệnh gốc do nhân quả, muốn trị thì phải trị bằng nhân quả, sao lại trị bệnh bằng thiền tưởng? Thiền tưởng chỉ làm cho chúng ta cảmthấy nhẹ nhàng, thoải mái và phục hồi những rối loạn chức năng của cơ thể, chứ không thể chữa hết nghiệp nhân quả bệnh khổ.

Muốn phá được thân kiến thì chỉ có các pháp thiền định của đạo Phật:

1- Định Niệm Hơi Thở.

2- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

3- Định Vô Lậu.

4- Định Sáng Suốt.

Hàng ngày phải chuyên cần tu tập pháp hướng tâm, “tâm như cục đất lìa tham, sân, si hết” thì thân kiến mới dứt.

XEM NGÀY TỐT XẤU

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các cư sĩ tại gia khi làm nhà, đào móng, xây tường hoặc làm chuồng heo, chuồng bò, làm cổng, ngõ, đào giếng, v.v.. đều phải xem ngày tốt xấu. Khi cất nhà xong thì gia chủ phải lập đàn Đại Bi năm ngày đêm trì chú cầu nguyện cho gia chủ được may mắn phát tài phát lộc, thưa Thầy xem ngày giờ tốt xấu như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.

Trong kinh Bát Dương dạy: Ngày nào cũng tốt, tháng nào, năm nào, giờ nào cũng tốt, nếu ai nói ngày, tháng, năm, giờ tốt xấu là phản lại thiên thần địa lý. Tuy trong kinh dạy như vậy nhưng nếu khi làm nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc, v.v.. tùy trường hợp xem ngày tốt xấu lại mang kinh Bát Dương ra tụng. Thưa Thầy như thế là như thế nào?

Đáp:Xem ngày tốt xấu là sự mê tín của Trung Quốc nên có những bộ sách mà trong các chùa dùng để xem ngày tháng tốt xấu như Ngọc Hạp, Thông Thư, Trần Tử, Văn Công, Thọ Mai v.v.. Những loại sách lịch này không phải của Phật giáo mà của nền văn minh Trung Quốc sản xuất ra dưới các triều đại phong kiến. Từ âm dương bát quái, dịch số, đến tứ thời, ngũ hành, thập nhị bát tú v.v.. Do đó các nhà tri thức lập thành theo vận khí âm dương, để xem ngày giờ tốt xấu đoán vận mạng cho con người.

Đối với đạo Phật thì kinh sách này không đúng với tinh thần của Phật giáo. Đôi mắt của Phật giáo nhìn các pháp thế gian đều là do duyên hợp tạo thành, diễn biến theo luật nhân quả nên không thể nào đoán vận mạng được. Vì đạo Phật cho rằng: vận mạng của con người di động theo diễn biến hành động thiện ác của con người. Nên làm sao biết chắc được đúng mà tiên đoán.

Ví dụ: có người muốn cất nhà đến xem tuổi năm nay có cất nhà được không? Ông thầy xem tuổi bảo: năm nay tuổi tốt, cất nhà khỏi kim lâu, địa sát, thọ tử, được tứ tấn tài, đại kiết; kế đó xem tháng tốt, ngày tốt. Đến ngày giờ làm lễ khởi công. Cất xong nhà, thỉnh quý sư thầy đến tụng kinh cầu an. Nhưng người gia chủ này làm nghề buôn bán đồ lậu thuế, nhà nước phát giác ra bắt bỏ tù và niêm phong tất cả nhàcửa của cải, tài sản v.v..

Như vậy cất nhà coi tuổi tốt, ngày, tháng tốt được tấn tài tấn lộc, đại kiết, mà sao lại không tấn tài tấn lộc, đại kiết mà phải đi ở tù của cải bị Nhà nước tịch thu? Xét như vậy xem ngày tốt xấu có đúng không? Hay do hành động làm điều ác? Nếu người này không buôn bán đồ lậu thuế thì làm sao có sự việc ở tù, của cải bị tịch thu. Gieo nhân nào thì phải gặt quả nấy, chứ không phải do cất nhà, tuổi tác, ngày giờ tốt xấu mà tốt được. Tốt xấu là do hành động thiện ác của mình. Vì vậy trong kinh Bát Dương dạy: “Ngày tháng năm nào cũng tốt, tốt xấu là do hành động thiện ác của mình”. Kinh Bát Dương là một loại kinh phát triển thuộc Bà La Môn Giáo, đập phá sự mê tín xem ngày tốt xấu của văn minh Trung Quốc, nhưng lại bày vẽ cúng bái tụng niệm theo sự mê tín của tôn giáo này. Cất nhà, cưới hỏi, chết, bốc mộ, làm chuồng nuôi gia súc đều đem kinh Bát Dương ra tụng để cầu tài, cầu lợi, thì sự mê tín lại còn dị đoan lạc hậu hơn cũng không thua gì xem ngày giờ tốt xấu.

Xem ngày tốt xấu người ta dựa theo luật âm dương, tính toán ra ngày tốt xấu thì còn có chút ít khoa học thực tế hơn, còn kinh Bát Dương thì không có khoa học chút nào cả, chỉ dựa vào chư Phật cứu độ, gia hộ tai qua nạn khỏi thì thật là lạc hậu dị đoan. Nếu giết người, cướp của, đi buôn đồ lậu thuế bị bắt ở tù, đem kinh Bát Dương ra tụng, thì dù cho tụng ngàn biến cũng chẳng tiêu tai giải nạn nổi. Đó là sự lừa đảo của các loại kinh sách phát triển, với những người chưa có trình độ kiến thức sâu rộng mới tin và nghe theo.

Từ sự mê tín xem ngày tốt xấu, đến sự mê tín cúng bái của kinh sách phát triển, tất cả đều là lừa đảo người, để làm tiền một cách trắng trợn mà không ai bắt tội được. Quý Phật tử cần nên sáng suốt, đừng để bị lừa gạt bởi những kẻ vô lương tâm làm nghề bất chính. Phải mạnh dạn thực hiện đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người, tức là sống thiện, làm thiện, ăn ở thiện thì mọi phước báo và sự an vui sẽ đến với quý vị.

ĐỘ SIÊU THOÁT

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một số tu sĩ ăn mặn, cứ mỗi tuần ăn khoảng 2, 3 con gà do Phật tử mang đến cúng dường. Thấy chuyện lạ như vậy, con hỏi người Phật tử, người ấy nói: “Vị tu sĩ ăn thịt gà như vậy sẽ trì chú và độ cho con vật ấy được siêu thoát. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Theo như trong các chùa Tịnh Độ dạy, mỗi khi muốn giết con vật gì thì gọi là quy y cho con vật ấy, trong nhà có đám tiệc giết gà vịt thì người cầm dao cắt cổ gà vịt đều đọc bài chú Vãng Sanh ba lần rồi mới cắt cổ con gà. Với ý nghĩa khi con gà bị chết sẽ được siêu thoát về cõi Cực Lạc sung sướng hơn là làm con gà, con vịt. Trong câu hỏi của con cũng có ý như vậy. Ăn thịt gà chỉ cần trì chú là con gà được siêu thoát. Đó là một lối lừa đảo lường gạt người bằng những hành động cực ác. Ăn thịt loài vật mà trì chú để nó được siêu thoát! Đó là một việc làm mơ hồ không bao giờ có thật.

Chú vãng sanh trong kinh phát triển dạy: “Nam Mô a rị đa bà dạ, đa tha đà đa dạ, đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ...”. Người chết đọc chú này linh hồn sẽ được vãng sanh về Cực Lạc. Khi giết gà, vịt, heo, dê, bò, ngựa v.v.. cũng đều đọc thần chú này, thì mọi vật bị giết đều được sanh về Cực Lạc hết.

Trong bài kinh Ước Nguyện, Phật dạy:“Nếu muốn ước nguyện một điều gì có lợi ích cho người và chúng sanh thì mình phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, không gián đoạn thiền định, phải có đạo hạnh đầy đủ, thích sống trầm lặng tại các trụ xứ không tịch thì sự ước nguyện mới được viên mãn”.

Ngay cả giới luật đầu tiên trong bộ giới luật thuộc loại giới đứt đầu (Ba la di). Có nghĩa người phạm giới này, không còn duyên tu tập để được giải thoát. Đó là giới sát sanh. Trong giới sát sanh Phật dạy:“Không được giết hại chúng sanh, xui bảo người giết hại, thấy người giết hại vui theo”. Vị sư này ăn thịt chúng sanh, tức là gián tiếp sát sanh, có nghĩa là xui bảo người khác giết hại cho mình ăn thịt. Người Phật tử đem thực phẩm động vật cúng dường cho tu sĩ, là có năm điều phi công đức, không có phước báo mà còn mang tội đọa địa ngục (khổ). Còn vị Sư ăn thịt chúng sanh phạm vào tội sát sanh thì trở thành ác quỷ, ma vương không phải là đệ tử của Phật. Vị này dù có tu một ngàn kiếp vẫn thành ác quỷ. Người đệ tử của Phật, trong mỗimiếng ăn phải trải tâm từ bi khắp cùng, ăn không thấy, không nghe, không nghi.

Thấy thịt chúng sanh mà ăn được đó là loài quỷ dữ, chứ không phải là người tu sĩ đạo Phật. Loài ác quỷ thường đội lốt tu sĩ đạo Phật lừa đảo tín đồ, ăn thịt chúng sanh như loài cọp dữ. Thế mà gọi là độ siêu thoát chúngsanh, thì thật là lừa đảo những Phật tử chưa thông suốt đường lối của đạo Phật.

Trong suốt cuộc đời tu hành của Thầy, Thầy chỉ thấy có một mình Hòa Thượng Minh Châu dám nói thẳng:“kinh sách phát triển là giáo pháp của Bà La Môn đang tìm mọi cách diệt Phật giáo”, còn khắp trong nước chưa thấy có một vị Thầy nào dám nói thẳng, hầu như toàn bộ đều tiếp tay với Bà La Môn để diệt Phật giáo cho sạch. Bởi vậy, thấy đời sống của tu sĩ hiện giờ là biết Phật giáo còn hay mất. Phật giáo mất thì không còn người tu chứng, chỉ còn chứng miệng và lưỡi mà thôi.

Quý Phật tử muốn biết một vị tỳ kheo đệ tử của Phật thì hãy xem giới luật của Phật, kẻ nào vi phạm giới luật, bẻ vụn giới luật kẻ đó là ma vương đội lốt tỳ kheo đệ tử của Phật để lừa gạt quý Phật tử. Hãy đề cao cảnh giác, tránh xa những kẻ phạm giới, phá giới. Cúng dường những ma vương này chẳng được phước mà còn làm suy đồi Phật giáo. Đừng nghĩ rằng cúng dường cho 100 người ác bằng cúng dường cho một người thiện, điều này quý vị đã bị kinh sách phát triển lừa đảo. Làm sao 100 người ác bằng một người thiện được, ác và thiện là hai con đường song song làm sao gặp nhau được, mà đã không gặp nhau thì không thể nào so sánh được.

Ăn thịt chúng sanh mà còn gọi là chú nguyện cho chúng sanh siêu độ, cũng như lời của các tổ Thiền Tông nói: “Phóng sanh sa địa ngục, sát sanh được lên Thiên Đàng”. Đây là lời nói của ác quỷ chứ không phải lời nói của người tu sĩ đạo từ bi. Trong kinh sách phát triển lại dạy: “Nói như vậy chứ đừng hiểu nghĩa như vậy”. Đó là lý luận trườn uốn như con lươn. Có đúng như vậy không quý vị?

ĂN MẶN NÓI NGAY, ĂN CHAY NÓI DỐI

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy, có tu sĩ đã thụ giới đến hàng Thanh Văn mà còn đứng trước Tam Bảo tuyên bố với Phật tử: “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối”. Thưa Thầy, như thế các Phật tử biết được người ăn chay đều đả phá, nhất là những người ăn một bữa, thì họ nói là xưa kia, đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu khổ hạnh đã thành Phật đâu, nhờ có tiên nữ dâng sữa tươi Ngài mới tỉnh ra. Rồi sau đó phải ăn đầy đủ ngày một bữa, rồi mới tu hành đạt được chân lí. Ngài uống sữa vẫn là ăn mặn. Xin Thầy giảng và nói rõ cho con hiểu?

Đáp: Người xưa đã chẳng nói: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành nó méo tứ tung”. Câu nói:“Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối” đó là lối lý luận của những người đội lốt tu sĩ Phật giáo phạm vào giới luật, dùng miệng lưỡi chống chế lỗi lầm để đánh lạc hướng Phật tử và tự tại ăn thịt chúng sanh mà chẳng chút lòng thương yêu. Đó là những Ma vương đội lốt tu sĩ Phật giáo để phá hoại đạo Phật, những hạng người này là trùng trong lông sư tử.

Không biết người ta hiểu như thế nào là ăn mặn và như thế nào là ăn chay. Ăn mặn có nghĩa là ăn thịt chúng sanh, không có lòng thương xót chúng sanh, coi mạng sống chúng sanh rất rẻ. Chà đạp, đánh đập, giết hại mà chẳng thấy sự đau khổ của chúng sanh.

Dù kẻ đó ăn rau cải, tương dưa nói chung là thực phẩm thực vật, nhưng không có tâm từ bi thương xót chúng sanh, thì kẻ đó đối với Phật giáo là kẻ ăn mặn, kẻ đó đang sống trong ác pháp (tạo nhân ác, quả khổ cho chính họ), kẻ ăn chay đó là con bò ăn cỏ.

Còn kẻ nào ăn uống thực phẩm gì cũng được, miễn là trong thực phẩm đó không có sự giết hại, không có sự đau khổ của chúng sanh thì đó là ăn chay. Mục đích của đạo Phật là từ bi, cho nên trong sự sống phải luôn luôn thị hiện lòng từ bi, thương xót tất cả muôn loài chúng sanh. Nếu có sự chết và khổ đau của chúng sanh thì không bao giờ ăn. Do đó mới gọi đạo Phật, đạo Phật chính là đạo “Từ Bi”.

Sữa là một thực phẩm trong thân động vật, do từ cây cỏ, rau cải, đậu đi vào thân động vật và chế biến thành, trong đó không có sự chết của chúng sanh. Vì thế người tu sĩ Phật giáo được dùng, như đức Phật ngày xưa đã thọ dụng sữa dê. Như vậy, đâu có lỗi gì với đạo Phật. Vì đức Phật đâu có dạy chúng ta ăn chay như Bà La Môn. Bà La Môn dạy chúng ta ăn chay như con bò ăn cỏ. Đức Phật dạy chúng ta ăn không thấy, không nghe, không nghi có nghĩa là ăn không thấy, không nghe và không nghi trong thực phẩm có sự chết chóc và sự đau khổ của chúng sanh. Trong “Bát Chánh Đạo”, Chánh Mạng là một điều quan trọng thứ nhất, vì nuôi Chánh Mạng bằng sự đau khổ và chết chóc của chúng sanh thì Chánh Mạng thành tà mạng. Và người nuôi tà mạng thì tu hành không thành Phật mà thành quỷ dữ. Vì thế, đừng lấy việc uống sữa dê của đức Phật ngày xưa mà cho đó là thực phẩm mặn, để rồi lấy cớ ăn thịt chúng sanh cho thỏa thích, thỏa mãn.

Còn ngược lại ăn chay, ăn toàn rau cải mà tâm không có từ bi thương xót muôn loài chúng sanh thì giống như con bò ăn cỏ. Còn cho sữa là thực phẩm mặn là người đó không hiểu đạo Phật và cũng không hiểu mục đích của đạo Phật thì tu hành dễ sai lạc vào tà pháp.

Như ở trên chúng tôi đã nói, trong Bát Chánh Đạo có “Chánh Mạng”, Chánh Mạng tức là nuôi mạng sống chân chánh.Muốn nuôi mạng sống chân chánh thì không nên nuôi nó bằng sự đau khổ của chúng sanh (như ăn thịt chúng sanh, gọi là ăn mặn).

Đối với Chánh Mạng, nếu giết hại chúng sanh làm thực phẩm để nuôi sống thân mạng thì đó là nuôi tà mạng, nếu tham lam trộm cắp, lấy của không cho về nuôi thân mạng, dù là ăn chay (thực phẩm thực vật rau cải) thì vẫn là nuôi tà mạng; nếu làm nghề cúng bái, tụng niệm, xem xăm, bói quẻ, coi ngày giờ tốt xấu, làm thầy địa lý, thầy pháp, thầy bùa, thầy thuốc châm cứu, v.v.. để trao đổi cuộc sống, đó là nuôi tà mạng; nếu đi khất thực tiền bạc, của báu để nuôi mạng sống đó là nuôi tà mạng; nếu buôn bán làm ruộng rẫy, trồng cây trái vườn tược để nuôi sống đều là nuôi tà mạng.

Tất cả mọi nghề nghiệp trên đây để nuôi mạng sống, đều không đúng đường lối tu tập của đạo Phật. Cho nên nuôi mạng sống như vậy, thì dù tu ngàn kiếp cũng không thành tựu đạo giải thoát.

Xưa, đức Phật vào rừng tọa thiền, loài khỉ vượn hái trái cây dâng cúng dường. Phật không thọ dụng khi thấy trong chùm trái cây chín có nhiều kiến, vì thọ dụng loài kiến sẽ bị động làm chúng đau khổ, nên đức Phật dù đang đói nhưng không ăn.

Loài vượn thấy đức Phật không ăn nên đến quan sát lại chùm trái cây thấy kiến. Chúng đã hiểu ý Phật, nên đi hái trái cây khác không có kiến bu, lúc bấy giờ dâng lên đức Phật nhận và thọ dụng. Qua chùm trái cây như vậy ta thấy rõ, khi thọ dụng thực phẩm (tức là nuôi mạng sống) đức Phật hết sức cẩn thận. Chùm trái cây là thực phẩm chay hay mặn? Tại sao Đức Phật lại không ăn? Và tại sao lại ăn? Chắc quý vị ai cũng đều rõ, đức Phật không ăn dù đó là món ăn chay, nhưng trong đó có sự đau khổ của chúng sanh. Đức Phật thọ dụng thực phẩm, trong đó không có sự đau khổ của chúng sanh. Sữa lấy ra từ loài động vật nhưng trong đó không có sự đau khổ của chúng sanh nên Phật thọ dụng. Trái cây lấy ra từ loài thực vật,nhưng có sự đau khổ của chúng sanh nên Ngài không ăn.

Câu nói “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối” đó là những tà sư ngoại đạo mang lốt tu sĩ Phật giáo, quyết tâm diệt Phật giáo trên hành tinh này, nên họ mới dùng lời nói này, họ là trùng trong lông sư tử, quý Phật tử là đệ tử của Phật phải cảnh giác những tà sư ngoại đạo này, đừng để họ diệt Phật giáo. Nếu Phật giáo bị diệt thì loài người sẽ bị thiệt thòi, mất đi nền đạo đức nhân bản - nhân quả. Một nền đạo đức tự sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.

ĐI DÉP DA, MẶC ÁO LÔNG THÚ

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Tu sĩ đi dép da hoặc mặc áo lông thú và áo da thú nữa. Có Phật tử hỏi: “Sao Thầy lại mặc áo da thú? Thầy không thương chúng sanh à!”. Vị tu sĩ ấy trả lời: “Cái áo da này là cái áo da đã thuộc rồi, còn đâu linh hồn con thú nữa mà phải thương xót, áo này là áo “xịn” của tôi khoảng sáu “vé” đấy”. Thưa Thầy, đây là áo ngoại nhập.

Đáp: Giới luật Phật đã cấm không cho các vị tỳ kheo mang giầy dép hoặc mặc áo quần bằng da thú vật. Vị sư này không học giới luật, nên phạm giới mà không biết, lại có ý còn khoe mình ăn mặc đồ đẹp tốt.

Một chùm trái cây có kiến mà đức Phật còn không ăn, sợ làm động chúng sanh đau khổ, huống là mang dép da, mặc áo lông thú thì còn ý nghĩa gì là đạo từ bi nữa. Bởi vậy thời đại chúng ta, những ma vương, quỷ quái mang hình lốt Phật, ăn nói càn bướng, xem thường người Phật tử (tín đồ) không biết giáo pháp và giới luật là gì, nên lý luận che đậy những hành động ác pháp. Mang dép dadưới chân là không thương xót loài chúng sanh đã bị kẻ ác đức lột da làm giầy dép. Nếu giả sử vị tu sĩ ấy bị kẻ khác lột da đem thuộc, làm giầy làm dép thì vị tu sĩ có đau khổ không? Nhìn thấy da chúng sanh làm giầy dép, áo mặc, người tu sĩ Phật giáo phải đau lòng xót dạ như chính mảnh da của mình đang bị làm giầy dép, áo vậy.

Thực hiện lòng thương yêu chúng ta đối với chúng sanh để làm gì? Thực hiện lòng thương yêu của chúng sanh là để đối trị lòng tham, sân, si và các ác pháp, để cứu mình ra biển khổ của cuộc đời. Mục đích là như vậy, nên đời sống người tu sĩ phải thực hiện lòng từ bi, để không làm khổ mình, khổ chúng sanh, biến cảnh thế gian thành Niết Bàn. Có đâu như loài quỷ dữ, đi dép da, mặc áo da thú, ăn thịt chúng sanh như cọp, beo, ác thú. Thì thử hỏi còn gì là Phật pháp? Xưa, đức Phật thấy đống xương người còn nhớ công ơn cha mẹ mình nhiều đời, nhiều kiếp. Còn bây giờ chúng ta thấy da chúng sanh làm dép, làm áo mà không nghĩ đến sự đau khổ của chúng sanh, trước khi chết đã bị người lột da xẻ thịt. Thì thử hỏi cái đau khổ nào hơn là cái đau này? Vậy mà trả lời “Còn đâu linh hồn con thú nữa mà phải thương xót” thì đúng là tà sư ngoại đạo, chẳng có lòng thương xót. Chính những tu sĩ này đã giết Phật giáo. Nếu tín đồ Phật giáo, muốn duy trì và bảo vệ Phật giáo thì phải tránh xa những tà sư ngoại đạo này. Họ là ma vương, quỷ dữ trong nhà Phật, sẽ lừa đảo quý Phật tử bằng cách buôn Phật bán pháp đấy.

SINH NHẬT THẦY TRỤ TRÌ

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có Thầy trụ trì của một ngôi chùa nào đó, vị ấy cao tuổi nhất, năm nào cũng làm sinh nhật thật to, 100 mâm cỗ hoặc 200 mâm cỗ. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Có những chùa khác lại bày ra giỗ Tổ, lạy Tổ và còn bày ra cách lễ bái khác, nói là: Phật tử cứ tụng kinh niệm Phật mãi họ cũng chán nên phải thay đổi các nghi thức lễ để Phật tử đỡ chán, thưa Thầy có đúng không?

Đáp: Đạo Phật chủ trương đi xin ăn (khất thực) để xả bỏ tất cả mọi thứ danh, lợi, sắc đẹp, ăn và ngủ và còn xả tất cả mọi thứ phong tục tập quán. Đọc suốt một tạng kinh Nikaya chưa từng có bài kinh nào nói về làm lễ sinh nhật Phật và kỵ giỗ mẹ Phật, ta cũng chưa từng nghe Phật dạy cúng bái, tế lễ bao giờ. Người khất sĩ đi xin ăn, ngày nào ăn trọn ngày nấy, không có để dành tích trữ một vật gì cả, thì lấy gì làm sinh nhật 100 mâm cỗ? Thời mạt pháp, những tu sĩ mạo danh đệ tử Phật để lừa đảo tín đồ, giống như hàng vua chúa phong kiến sinh nhật làm 100, 200 mâm cỗ thật là phí của đàn na thí chủ.

Tu hành theo Phật giáo mà làm như cuộc sống thế gian, ăn mãi thành chán phải thay đổi thức ăn; niệm Phật,tụng kinh mãi chán, phải thay đổi cách thức nghi lễ để đỡ chán. Thật là những lý luận phàm phu tục tử, Phật pháp mà như vậy thì còn thể thống gì. Đối với những tu sĩ trùng trong lông sư tử này, Phật tử hãy đề cao cảnh giác, đừng tiếp tay vớima vương mà phá Phật pháp. Đừng nối giáo cho giặc vào cướp nước ta.

Phật pháp thịnh hay suy là do tín đồ, càng nuôi dưỡng (cúng dường) tà sư ngoại đạo thì Phật pháp sẽ bị chúng diệt mất. Không cúng dường cho chúng để chúng không sống được thì Phật pháp mới hưng thịnh, bậc chân tu mới xuất hiện. Tín đồ Phật giáo hãy cảnh giác và cảnh giác hơn nữa thì mới mong cứu lấy đạo Phật.

CÚNG DƯỜNG BỐ THÍ ĐÚNG CHÁNH PHÁP

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhân dân trong nước ở các vùng bị thiên tai, dịch họa, Đảng và Nhà nước kêu gọi nhân dân ủng hộ, cứu trợ thì rất là khó khăn ít người hưởng ứng, còn nói đến cúng dường trai Tăng thì họ giành nhau để cúng. Thưa Thầy như vậy có đúng không?

Đáp: Hầu hết tín đồ Phật tử bị tà sư ngoại đạo lừa đảo, lường gạt bằng cách kêu gọi tín đồ nên cúng dường trai Tăng sẽ được nhiều phước báo, để cha mẹ được siêu sanh Tịnh Độ. Trên đời mọi người ai cũng mong được phước báo, hạnh phúc an vui, nên khi nghe quý Thầy dạy:“Cúng dường trai Tăng sẽ được phước báo lớn, cha mẹ chết được vãng sanh Cực Lạc, thì ai mà không cúng dường, không trai tăng”. Nhưng Phật tử đã lầm lạc, vì đụng ông Thầy nào cũng đầu tròn áo vuông, đắp áo cà sa, tay lần chuỗi là cúng dường trai Tăng tứ sự. Thật sự Phật tử đã cúng dường cho những ma vương, vì những người này không phải là kẻ tu hành, mà là những người kinh doanh tôn giáo buôn thần, bán Thánh.

Khi vua Ba Tư Nặc hỏi: “Kính bạch Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí như thế nào đúng chánh pháp để được phước báo lớn?”.

Đức Phật đáp:Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể phải thanh tịnh thì mới có lợi ích phước báo lớn”. Cá nhân thanh tịnh, tức là cá nhân phải cóđạo đức, là một tu sĩ Phật giáo thì giới luật phải được nghiêm chỉnh, không vi phạm, không bẻ vụn giới luật. Tập thể thanh tịnh, tức là phải sống hòa hợp, phải giới luật nghiêm chỉnh. Cúng dường trai Tăng như thế mới có phước báo lớn, còn cá nhân (tu sĩ) và tập thể (Tăng đoàn) không thanh tịnh, không đoàn kết, không đạo đức, sống phá giới và phạm giới thì cúng dường trai Tăng không được phước báo mà còn tạo thêm tội là vì tiếp tay cho ma vương phá hoại Phật giáo. Cho nên quý Phật tử cảnh giác, đừng nghe nói cúng dường trai Tăng là có phước báo, là được vãng sanh, mà không lưu ý đến đạo đức của các vị Thầy đó.

Cúng dường trai Tăng không đúng đối tượng, đã không được phước mà còn mang thêm tội lỗi. Chi bằng làm việc nghĩa, từ thiện giúp người bất hạnh khi gặp thủy tai, hỏa hoạn, còn được phước báo hơn nhiều và còn thực hiện được tình người, tình yêu nhân loại, tình yêu Tổ quốc quê hương. Làm những việc nghĩa, công tác từ thiện còn được phước báo gấp trăm ngàn lần đem cúng dường trai Tăng cho các Thầy tà giáo ngoại đạo, tu hành bằng hình thức, buôn Phật bán pháp, tạo danh, tạo lợi để sống một đời “Đế vương”. Trong khi quý Phật tử làm ra đồng bạc rất khó để nuôi những người ngồi trong mát ăn bát vàng.

Quý Phật tử nên đề cao cảnh giác! Cúng dường là nên cúng dường cho những bậc chân tu giới đức, còn không thì quý vị dành ra một ít tiền và thực phẩm giúp những người bất hạnh trong xã hội thì còn được phước báo lớn. Đó là hành động thiện của nhân quả, nó sẽ chuyển quả khổ bất hạnh của quý vị và từ đó cuộc sống của quý vị sẽ được an vui hạnh phúc, làm ăn càng ngày càng hưng thịnh, cơm ăn, áo mặc không thiếu, không có gặp thủy tai hỏa hoạn hoặc tai nạn hiểm nghèo.

Ở đời, người ta rất khôn khéo, mượn chiếc áo tu sĩ để được học hành tới nơi tới chốn, tạo danh tạo lợi dễ dàng hơn ở người đời nhiều. Khi đỗ bằng tiến sĩ, được tấn phong Thượng Tọa, Hòa Thượng trong hàng giáo phẩm thì quý Phật tử tưởng họ là bậc chân tu ư! Họ chỉ cần viết, soạn 5, 10 cuốn kinh sách bằng tưởng giải, là nổi danh lớn và có thể lường gạt Phật tử dễ dàng bằng mọi cách. Cho nên, cúng dường trai Tăng cho các vị ấy thì quý Phật tử tranh nhau mà cúng, còn đi làm việc từ thiện do Nhà nước kêu gọi hết sức thì quý vị làm ngơ không đếm xỉa đến cảnh màn trời chiếu đất của bao nhiêu người bất hạnh.

Những việc làm này quý vị có thấy sai không, quý vị đừng lầm tưởng Hòa Thượng, Thượng Tọa là Phật.Phật dạy cúng dường cho người thanh tịnh chứ không phải cúng dường cho người có chức tước. Một chú Sa Di mới 8 tuổi mà đã là bậc Trưởng Lão, vì đã tu tập thanh tịnh. Còn một vị tỳ kheo 80 tuổimà giới luật không thanh tịnh, dù thông suốt Tam tạng kinh điển vẫn không được gọi là Trưởng Lão.Còn thời chúng ta, tu sĩ giới luật tu hành chẳng ra gì, chỉ có cấp bằng tiến sĩ Phật học, là Thượng Tọa, Hòa Thượng, chùa to tháp lớn, Phật tử cúng dường tiền bạc cả khối, giàu hơn triệu phú, tỷ phú. Phật tử thì ganh nhau cúng dường. Thật là thời đại khoa học nhưng đạo đức đang xuống dốc.

LÊN ĐỒNG NHẬP CỐT

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một vị Tỳ Kheo đã thọ giới cụ túc, vị này là đại diện Phật giáo, là bậc Thầy của tín đồ. Thế mà ra làm lễ trình đồng (tức là lên đồng nhập cốt) và bà vợ của ông ta là quan thầy sai đồng. Thưa Thầy như vậy có đúng không?

Đáp: Một vị tỳ kheo đã thọ cụ túc giới mà còn làm rất nhiều điều sai trái, thọ giới tỳ kheo và đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo, mà có bà vợ tại gia là một điều sai rất lớn. Đạo Phật dạy: “Cắt ái ly gia” thế mà đi tu, thọ cụ túc giới mà còn có vợ con là điều không thể chấp nhận được.

Ở miền Nam, tại tỉnh Thầy ở có nhiều vị làm đến chức vụ Chánh trị sự Tỉnh Hội Phật giáo, Trưởng Ban Đại Diện Phật giáo của huyện và trong hàng giáo phẩm tấn phong Thượng Tọa, Hòa Thượng có vợ con hẳn hòi, sống trong chùa như một gia đình thế tục.

Tín đồ ở đó gọi: bà Thượng Tọa, bà Hòa Thượng v.v.. Thật là đau lòng cho Phật giáo hiện tại. Những ma vương đội lốt tu sĩ Phật giáo làm điều sai trái, diệt sạch Phật giáo làm cho Phật giáo không còn uy tín, không còn lòng tin với ai hết. Còn tu sĩ hiện giờ lên đồng nhập cốt là thường, họ làm tất cả mọi nghề, nhất là nghề trị bệnh (gọi là Tuệ Tĩnh Đường). Họ trị bệnh bằng Nhân điện, Khí công, Hương công, Dưỡng sinh, gạo lứt muối mè, tiết thực, tuyệt thực, uống nước tiểu, châm cứu, bùa chú, thuốc thang, bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu, xem thiên văn, địa lý.Tất cả những nghề nghiệp này đều không đúng tính cách của người tu sĩ Phật giáo.

Trong kinh Phật dạy không được hành các nghề ngoại trừ nghề đi khất thực mà thôi. Vậy mà tu sĩ bây giờ làm mọi nghề, nhất là những nghề mê tín lại càng không chấp nhận được. Đây, các con hãy đọc một đoạn kinh Phạm Võng để rõ thấu một vị tỳ kheo đệ tử Phật phải sống và làm như thế nào cho đúng, còn những vị tỳ kheo làm không đúng, tức là những ma vương, quỷ quái đội lốt đệ tử Phật để diệt Phật giáo và lường gạt tín đồ. Các con hãy đọc bài kinh này, để thấu rõ mà cảnh giác bọn tà sư ngoại đạo đang đầy rẫy trong Phật giáo:

1-        “Sa Môn Gotama (tức là đức Phật) dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời (ăn uống lặt vặt)”.

2-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không đi xem múa hát nhạc, diễn kịch”.

3-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa hương liệu, dầu thoa và các thời trang”.

4-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không dùng giường cao rộng lớn (tủ bàn ghế sang đẹp)”.

5-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận vàng bạc của báu (tiền bạc, vàng, ngọc ngà, những vật quý báu và vô giá)”.

6-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận hạt giống (không trồng trọt vườn tược ruộng rẫy)”.

7-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận thịt sống hoặc thịt chín (thực phẩm động vật)”.

8-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận đàn bà, con gái (không nhận giới phụ nữ trong khu vực tu hành)”.

9-        “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai (không nhận người công quả nam hoặc nữ)”.

10-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận cừu và dê (chăn nuôi dê cừu lấy sữa và da)”.

11-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận gia cầm và heo (không nuôi gia súc)”.

12-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận voi bò, ngựa và ngựa cái (phương tiện giao thông đi lại ngày xưa)”.

13-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận ruộng vườn, đất đai (bất động sản)”.

14-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận phái người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới (giao dịch móc nối)”.

15-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nhận buôn bán (nghề thương mại)”.

16-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường”.

17-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ hối lộ, gian lận, gian trá, lừa đảo”.

18-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá”.

19-    ‘‘Sa Môn Gotama, từ bỏ không cất chứa các vật món ăn, đồ uống, vải, xe cộ, đồ nằm, hương liệu, mỹ vị”.

20-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ các loại du hý thế gian như múa hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, tụng chú. Đánh trống, diễn các tuồng thần tiên, múa võ, đấu voi, đua ngựa, đấu trâu, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đá gà, đá chim cút, đấu gậy, đấu quyền, đô vật, đánh giặc giã, dàn trận, thao dượt, diễu binh”.

21-    ‘‘Sa Môn Gotama, từ bỏ đánh bài, các loại giải trí như cờ tám hình vuông, cờ mười hình vuông, cờ trên không, trò chơi trên đất, chỉ bước vào những ô có quyền bước, trò chơi găng thẻ rồi chụp nhưng không sụp đống thẻ, chơi súc sắc, chơi khăn, lấy tay làm viết, chơi banh, chơi thổi kèn bằng lá cây, chơi xem con, chơi đoán chữ viết trên không, trên lưng, chơi đoán tư tưởng, chơi bắt chước điệu bộ làm hề”.

22-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không nói những câu chuyện vô ích tầm thường”.

23-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ những cuộc biện luận tranh chấp”.

24-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ không lừa đảo và xiểm nịnh”.

25-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ tránh xem những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, hiện tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, dùng miệng phun hột cải vào lửa, tế vỏ lúa, tấm gạo, thục tô, dầm, tế máu, khoa xem tướng chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu tài ban phước, khoa cầu ma quỷ, khoa dùng bùa chú, khoa bắt rắn, bò cạp, thuốc độc, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng thú cầm nói chuyện”.

26-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ tránh xa các tà nghiệp nuôi sống tà mạng, bằng những nghề xem ngày tốt xấu để rước dâu quy rể, lựa ngày giờ tốt xấu để hòa giải, để chia rẽ, đòi nợ, mượn tiền, tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người may mắn, dùng bùa chú khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú phá thai, làm cúng liễm, khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người bỏ tay xuống, lỗ tai điếc, hỏi gương, hỏi đồng cốt, hỏi thiên thần, địa thần...”.

27-    “Sa Môn Gotama, từ bỏ tránh xa những nghề nghiệp trị bệnh tai, mắt, mũi, miệng, trị cho xổ, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bệnh con nít, cho uống thuốc bằng các loại rễ cây”.

Với bài kinh Phạm võng trên thì đức Phật không chấp nhận làm những nghề nghiệp không chân chánh, không đúng chánh hạnh của đạo Phật huống là một vị tu sĩ thọ cụ túc giới mà còn lên đồng nhập cốt thì còn nghĩa lý gì là đệ tử của Phật nữa. Quý Phật tử hãy đề cao cảnh giác! Đó là những đệ tử tà đạo Bà La Môn, mượn danh đệ tử Phật để làm những điều sai phạm giới luật đức hạnh của những người tu sĩ đạo Phật.

ĂN THỊT CHÚNG SANH

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Do giới luật nào, định luật nào và pháp môn nào mà các chùa từ Thường Tín đến Hà Nam, Phủ Lý, Nam Định, đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tu sĩ Phật giáo toàn là ăn mặn, còn Hà Nội có một số chùa chỉ ăn chay một tháng có mấy ngày. Thưa Thầy, hay là ngày nay Phật giáo đã đổi mới?

Đáp: Không phải do định luật nào, pháp môn nào và giới luật nào dạy tu sĩ ăn thịt chúng sanh, mà chính tà giáo ngoại đạo đã có ý thâm độc quyết diệt Phật giáo trên hành tinh này. Thế nên, kinh sách phát triển triển khai giáo pháp của ngoại đạo lồng trong khuôn giáo pháp của đạo Phật để dìm mất chánh pháp của đạo Phật, tức là diệt sạch nền đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật. Có nghĩa là dạy tu sĩ phá giới, phạm giới qua những nhân vật Tế Điên Tăng Hòa Thượng. Và những lý luận của Thiền Tông: “Đói ăn khát uống, mệt ngủ, tự tại vô ngại”.

Kinh sách phát triển sản xuất ra rất nhiều hệ phái, nhưng ở Việt Nam còn duy trì được ba tông phái lớn, đó là:

1- Thiền Tông.

2- Mật Tông.

3- Tịnh Độ Tông.

Các nhà sư mà con hỏi ăn thịt chúng sanh, đó là các nhà sư Tịnh Độ Tông phá giới luật Phật tận cùng, không có giới nào mà không vi phạm. Họ có những hành vi phi đạo đức, phi giới luật, họ là tu sĩ Bà La Môn Giáo mang nhãn hiệu Phật giáo, không những ở miền Bắc mà cả ở miền Nam cũng vậy. Nếu quý vị Phật tử thông suốt được Phật giáo thì số tu sĩ hiện giờ không còn là tu sĩ Phật giáo mà toàn là tu sĩ ngoại đạo, họ là những người tu ăn, tu ngủ, tu danh, tu lợi, tu cấp bằng, tu chùa to tháp lớn, chứ không phải tu giải thoát.

Đứng trong giới luật Phật xin miễn bàn về những tu sĩ này. Họ mượn danh Phật giáo để lừa gạt tín đồ, chứ họ chẳng có tu hành gì cả. Lối thuyết giảng là lối lừa bịp của họ, chứ Phật pháp không phải như vậy. Phật dạy xả tâm thì họ dạy ức chế tâm. Phật dạy giới luật thì họ dạy phá giới luật. Ở đây, Thầy nói quý Phật tử hiểu, ai làm gì mặc kệhọ, nhưng các Phật tử đừng nên đến với những ma vương. Phật tử đến là giúp họ diệt Phật giáo thì nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật sẽ không còn nữa thì loài người trên hành tinh này sẽ chịu thiệt thòi rất lớn thì tội đó thuộc về ai, quý Phật tử có biết không?

TỤNG KINH GIỎI, THÔNG GIÁO LÝ

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một vị thầy nói: “Tôi tuy chưa ăn chay trường, nhưng tôi tụng kinh giỏi và thông thạo giáo lý, tâm tôi lúc nào cũng nghĩ đến Phật là tôi mãn nguyện”. Kính thưa Thầy, tụng kinh nhiều, thông giáo lý đại Thừa mà sống và ăn, uống, ngủ, nghỉ phi thời, không giống như Phật, có thông giáo lý và tụng kinh nhiều thì cũng như chửi Phật, mắng Phật chứ đâu cónghĩa lý gì phải không thưa Thầy?

Đáp: Đúng vậy, thời mạt pháp bọn tà sư ngoại đạo chỉ biết tụng đọc và thông suốt Tam tạng kinh điển mà chẳng thực hành tu tập, chỉ khéo lý luận bằng mồm mép, thậm chí ăn, uống, ngủ, nghỉ còn không thanh tịnh “Tôi tuy chưa ăn chay trường nhưng tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách”. Tụngkinh giỏi, thông thạo kinh sách để làm gì, khi sống chẳng có từ tâm, ăn thịt chúng sanh mà chẳng biết thương yêu, chẳng biết sự đau khổ của chúng sanh?

Tụng kinh giỏi, thông thạo Tam tạng kinh điển để làm gì mà sống phạm giới phi đạo đức như vậy thì có nghĩa lý gì là một tu sĩ đệ tử Phật.

Tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách để làm gì, để lừa đảo gạt người bằng ba tấc lưỡi (vọng ngữ, nói thiền, nói đạo, thuyết giảng kinh sách) mà mình sống chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo?

Tụng kinh giỏi, đó là thầy tụng hay là thợ tụng, chứ không phải là người tu theo đạo Phật, là đệ tử Phật chỉ biết ngăn ác diệt ác pháp, sống đời sống phạm hạnh; tìm sự bất động nơi tâm của mình; ngày đi xin ăn một bữa ăn, không ăn uống phi thời như kẻ phàm phu tục tử. Trên đây là kẻ hành nghề tụng kinh để kiếm ăn sinh sống.

Quý Phật tử hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Bà La Môn trong bốn đức tánh này, có thể bỏ qua một đức tánh nào, chỉ có ba đức tánh thôi, mà vẫn có thể gọi là Bà La Môn và có thể khi nói: “Tôi là Bà La Môn”, lời nói ấy là lời nói chân chánh, không phải là lời nói dối”.

- Tôn giả Gotama, có thể được Tôn giả Gotama, trong bốn đức này, chúng tôi có thể bỏ, phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ đà... Thật vậy, phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ đà làm được gì? Khi một bà La Môn có đức hạnh, đức độ cao dày, đầy đủ giới hạnh cao dày, vị ấy là người học rộng sáng suốt, là người đệ nhất hay đệ nhị trong những người cầm muỗng. Những đức tính này, những vị Bà La Môn phải đầy đủ mới được gọi là Bà La Môn và để có thể khi nói: “Tôi là Bà La Môn”, lời nói ấy là chân chánh, không phải là lời nói dối”.

Đọc đoạn kinh trên đây, quý vị nghĩ sao? Có cần tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách chăng?

Đức Phật đã không chấp nhận tụng kinh giỏi, thông thạo kinh sách phát triển của ngoại đạo. Đức Phật chỉ cần những đệ tử của Người phải giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh, nên Người dạy: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời”.

Thông thạo giáo lý, đó là thầy thuyết giảng, thầy nói pháp (pháp sư, giảng sư), chứ không phải là người tu sĩ đệ tử của đức Phật. Họ là những người buôn Phật bán pháp để tìm miếng sống, cho nên không giới luật nào mà họ không vi phạm.

Bởi vậy, người Phật tử phải đề cao cảnh giác, họ là trùng trong lông sư tử, họ là những người giết Phật giáo cũng như trùng trong lông sư tử sẽ giết sư tử chết. Phật giáo ngày nay mất là vì những tà sư ngoại đạo này.

TÂM DANH VÀ BỎN XẺN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cái tâm của Phật tử lúc phấn khởi lên trước đám đông người: “Tôi xin đăng ký cúng dường vào sổ công đức”, nhưng một tuần sau lại trả lời: “Tôi chỉ cúng ít thôi”. Thưa thầy, có phải là tâm chúng sanh hoảng loạn không? Lúc vầy lúc khác.

Đáp:Không phải là tâm hoảng loạn mà tâm háo danh và tâm bỏn xẻn. Vì Phật pháp, vì lợi ích chung cho mọi người mà phát tâm cúng dường cũng như làm việc từ thiện, không ai bắt buộc mình cúng dường nhiều hay ít mà tùy nơi lòng thành và lòng hảo tâm.

Những Phật tử làm như vậy là có đúng chánh pháp không? Tâm danh và tâm bỏn xẻn chen lẫn nhau trong một việc làm như vậy để cho mọi người nhận được tâm mình thiếu thành thật, đang bốc đồng trong danh chứ không phải thực lòng cúng dường, thực lòng thương người làm từ thiện. Rồi sau đó lại cúng dường ít, và làm từ thiện ít thôi, trong khi mình rất khá giả, giàu có, đó là thể hiện tâm bỏn xẻn, để mọi người đều nhận biết, đó là cái danh “hão”.

Đạo Phật dạy thật tình, thật tâm. Cái gì đúng nghĩa, đúng chánh pháp thì cúng dường bao nhiêu không tiếc. Trong thời đức Phật, có hai vợ chồng nhà kia rất nghèo. Hai người chỉ có một bộ y áo. Khi chồng đi ra ngoài thì mặc bộ y áo đó, còn vợ thì ở trong nhà đóng cửa lại vì không có y áo che thân. Khi vợ đi ra ngoài mặc y áo đó đi, thì chồng cũng đóng cửa ở trong nhà.

Thế mà khi nghe đức Phật đến trụ tại vùng này, thì hai vợ chồng bàn nhau đem bộ y áo đó cúng dường cho Phật. Cuối cùng họ phải dùng lá cây che thân và dâng bộ y áo cúng dường Phật. Đây là do tâm thành cúng dường Phật mặc dù rất nghèo. Cúng dường không có nghĩa là cầu danh.

Trên một chiếc xe buýt, người ăn mày tàn tật đi xin từ đầu xe đến cuối xe chẳng ai cho một xu, thấy thế chúng tôi bảo người Phật tử ngồi gần bên hãy bố thí cho người ăn mày quá tội nghiệp này. Khi người Phật tử cho tiền thì mọi người xúm nhau cho tiền. Đó là sự bố thí xu hướng chạy theo “danh” từ thiện, biết “thương người”. Kỳ thực họ chẳng thương ai hết. Làm việc từ thiện, cũng như cúng dường, không ai bắt buộc ai, mà phải tự tâm mình thấy việc làm mình cần thiết, vì lợi ích mọi người; vì Phật pháp được trường tồn; vì nỗi bất hạnh của mọi người trong xã hội, đang cần sự cứu giúp. Còn đối với Phật giáo, đang cần sự duy trì thì sẵn sàng cúng dường, không danh, không bỏn xẻn, đúng lúc, đúng thời điểm, nhưng không bị lừa đảo.

THỜ PHỤNG, ĐI LỄ, CÚNG CHÙA

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có Phật tử nói: “Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn”. Thưa Thầy như vậy có đúng không?

Đáp: Không phải nhờ thờ phụng, đi lễ, cúng chùa nhiều mà nhà giàu có, con cháu làm quan to, chức lớn mà chính là nhân quả. Giàu có là nhờ không tham lam trộm cắp, biết san sẻ bố thí cho người bất hạnh, biết giúp đỡ người khốn cùng trong cảnh hoạn nạn v.v..

Làm quan là nhờ không sát hại chúng sanh, giúp người thế cô, yếu sức, an ủi chia sẻ nỗi khổ đau của mọi người và giúp người nghèo khó học tập đến nơi đến chốn.

Dân chúng Campuchia cất một ngôi chùa vĩ đại Đế Thiên, Đế Thích (một trong những kỳ quan thế giới) nhưng nước Campuchia có giàu có hơn ai đâu, vẫn lạc hậu nghèo nàn và hung dữ. Nếu nói: “Nhà tôi giàu có là nhờ thờ phụng đến nơi đến chốn, đi lễ cúng chùa nhiều, các con tôi làm toàn chức to, ông lớn”thì nước Campuchia giàu có nhất thế giới. Phải không quý vị?

Người Phật tử chưa hiểu luật nhân quả nên tưởng mình thờ phụng và đi lễ chùa nhiều là giàu có làm quan. Nhưng không ngờ, đó là một hành động mê tín lạc hậu. Một hành động làm sai đạo đức làm người, bị kinh sách phát triển lừa gạt mà không biết.

Sự thờ phụng đúng cách như thờ tổ tiên, ông bà và nếu có đạo Phật thì nên thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Thờ nhiều tức là thờ đa thần mê tín. Thờ ông bà tổ tiên là nhớ nguồn gốc của mình. Thờ Phật Thích Ca Mâu Ni là nhớ ơn người chỉ dạy con đường giải thoát không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, tạo nên gia đình hạnh phúc, xã hội yên vui và có trật tự.

Thờ đức Thánh Khổng Tử là nhớ ơn người dạy đạo đức, tam cương, ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Mỗi sự thờ cúng của chúng ta, đều có ý nghĩa sâu xa và tình cảm sâu sắc của tình người.

Thờ Thần Tài, Chúa Tiên, Chúa Xứ, Bồ Tát, Tứ Đại Thiên Vương, thờ rồng, thờ hổ thì đó là mê tín, thờ cô hồn các đảng cũng là mê tín, thờ cúng đa thần mà không ý nghĩa đạo đức là mê tín.

Thờ cúng cho đúng cách là người chánh kiến, thờ cúng không đúng cách là người tà kiến. Đi chùa, lễ bái cúng dường Phật, cúng dường chư Tăng đúng cách là người chánh kiến; đi chùa, lễ bái, cúng dường không đúng cách là người tà kiến mê tín. Người tu sĩ đệ tử Phật phải sáng suốt và đừng để những tà sư ngoại đạo của kinh sách phát triển lừa đảo, kinh sách đó dựng lên những giáo lý mang đầy những tư tưởng mê tín tà kiến vào đạo Phật chẳng lợi mình, lợi người mà còn tạo nên một truyền thống mê tín cho dân tộc nước này, nước khác và đời này sang đời khác, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Những điều đó đã chứng minh cho chúng ta thấy những tư tưởng kinh sách phát triển không tốt đẹp cho các thế hệ từ 25 thế kỷ đến như ngày nay.

HỌC TRÒ BẠC NGHĨA

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có tu sĩ thọ cụ túc giới, phạm lỗi phá giới, Thầy bổn sư cảnh cáo răn dạy, vị tu sĩ ấy bỏ chùa ra đi, nhận chùa khác, lấy của đàn na thí chủ mua sắm xe cộ bị Phật tử ở địa phương đó đánh đuổi ra khỏi chùa, nhưng nói với người khác là Phật tử rất thương mến ông ta. Thưa Thầy có phải đó là hành động lừa dối mọi người không?

Đáp:Thời nay, tu sĩ chẳng nghe lời dạy của Thầy bổn sư, khi bị cảnh cáo, bị đuổi vì phạm giới luật thanh quy trong tu viện. Ra đi đến chùa khác thường nói xấu thầy Tổ bằng cách này cách khác, đặt chuyện thêm bớt, đó là đệ tử thời nay trả ơn Thầy bổn sư của mình bằng cách đó. Những hạng người này rất nhiều, họ chẳng có tình, có nghĩa gì hết, sống ngoài đầu môi chót lưỡi, nói tốt mình, lừa đảo người khác để tìm miếng ăn bất chính.

Ngoài đời họ chẳng làm nên việc gì cả, chỉ tìm cách lừa đảo ăn bám vào người khác, họ là những ký sinh trùng, mượn chiếc áo Phật giáo để tìm miếng sống hàng ngày, mượn chiếc áo Phật giáo để mua danh mua lợi chứ chẳng có tu hành gì cả. Ngoài miệng thì nói kinh nói pháp mà trong tâm chứa danh, chứa lợi, bọn tu sĩ này trong thời nào cũng có, đuổi chúng từ chùa này đi chùa khác, sống chụm ba, chụm bảy lập phe, lập nhóm chẳng có chút gì gọi là người tu sĩ. Phật tử hãy đề cao cảnh giác những tu sĩ nói xấu thầy Tổ là tu sĩ giả, thiếu đạo đức, thiếu tình nghĩa. Những người này sống để mà phá đạo, diệt đạo. Do những người này mà Phật giáo suy đồi, do những người này mà Phật giáo bị người đời chê bai.

Những điều con hỏi trên đây là sự thật. Có rất nhiều tu sĩ như vậy đang lũng đoạn Phật giáo. Số tu sĩ này đông vô số kể, trình độ học thức khá cao, nhưng giới luật và đức hạnh chẳng có chút nào, tâm thế gian dục lạc đầy dẫy, họ đang làm giàu trên xương máu của tín đồ bằng những lý luận láo toét. Họ là những gánh nặng cho tín đồ. Thật là đau lòng khi thấy đang phạm giới, phá giới, đang diệt Phật giáo mà không một chút lòng hối hận.

TU SĨ LÀM CON NUÔI, EM NUÔI

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có tu sĩ ở chùa nhà quê, sau khi đi học lớp dự thính tại chùa Quán Sứ, hết khóa học không chịu về quê, ở nhờ nhà một vị cư sĩ và nhận hai người này làm cha mẹ nuôi. Một người xuất gia bỏ cả gia đình, cha mẹ đi tu, thế mà nhận người khác làm cha mẹ nuôi, anh nuôi, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Thời đại khoa học ngày nay mới thấy rõ người ta lợi dụng chiếc áo tu sĩ để đi học hành, tạo công danh mà khỏi tốn tiền bạc của cha mẹ. Đó là những hạng người lừa đảo tín đồ, chứ không phải là những người tu hành thực sự. Đúng nghĩa của đạo Phật, đi tu là phải tìm đường giải thoát cứu mình ra khỏi biển khổ trầm luân của cuộc đời, chứ không phải tìm danh tìm lợi. Cho nên, bỏ hết cuộc đời, sống không gia đình, không nhà cửa có đâu lại tìm người làm cha nuôi, mẹ nuôi, anh nuôi, chị nuôi, kết tình kết nghĩa thì sợi dây ái kiết sử làm sao bứt được?

Một tu sĩ nhận cha nuôi, mẹ nuôi, anh chị em nuôi là một điều không đúng trong đạo Phật. Đó là hạng người tu hành dối trá, lừa đảo Phật tử. Quý Phật tử hãy lưu ý những người tu hành như vậy. Họ là người giả tu, là những người chạy theo danh lợi, bằng cách lường gạt Phật tử, hãy tránh xa, họ là bọn ma vương đội lốt tu sĩ Phật giáo, phá giới luật khiến cho mọi người khinh chê Phật giáo. Phật giáo mất uy tín là vì những giới tu sĩ này.

Quý Phật tử hãy tránh xa, tránh xa họ như tránh xa bệnh truyền nhiễm.

TỘI TỬ HÌNH

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một vị Đại đức quan hệ với một phụ nữ đã bị Giáo Hội cách chức vì phạm giới “tứ khí” giống như ngoài đời là “tội tử hình”. Sau thời gian được Giáo Hội (tăng đoàn) bầu làm thường vụ. Thưa Thầy như vậy là như thế nào? Đối với đạo Phật như vậy có nghiêm chỉnh không?

Đáp: Theo giới luật, một vị tỳ kheo quan hệ với phụ nữ là tội rất nặng, thuộc về tội Ba la di (tội tử hình). Vị tỳ kheo phạm giới này thì không còn thành tỳ kheo nữa, mà phải trở về với thế tục làm ăn sinh sống như một người cư sĩ, vì thân tâm người này bất tịnh.

Nếu một người cư sĩ bình thường quan hệ với phụ nữ là lẽ tự nhiên, còn một vị tu sĩ đã học Phật pháp, nhất là thọ giới Ba la di. Đức của giới này là đức Thánh thanh tịnh nên các đệ tử của Phật gọi là Thánh Tăng. Vị tu sĩ gọi là “Đại Đức”, đức lớn thế mà còn quan hệ với phụ nữ thì còn gì là đức Thánh, Thánh Tăng? Dù vị tu sĩ có sám hối ăn năn sửa mình thì đức Thánh thanh tịnh này đối với mọi người ai còn tin vị tu sĩ này nữa.

Trong giới luật Phật, có giới phạm xin sám hối ăn năn là hết tội, còn có bốn giới Tứ Khí ăn năn sám hối không hết tội, vì uy tín đã mất hết rồi. Một vị tu sĩ phạm giới này khó mà ai tin mình tu hành giải thoát được. Đức Thánh thanh tịnh đã mất rồi còn đâu mà tìm lại được.

Kinh Duy Ma Cật và Thiền Đông Độ bảo rằng, người nào phạm giới này mà biết ăn năn sám hối, chừa bỏ không tái phạm thì tu hành vẫn đến nơi đến chốn. Sự thật những người mà phạm giới này thì không bao giờ giải thoát được. Cho nên, các Ngài luận:“Tánh tội vốn không do tâm tạo, Tâm đã diệt rồi tội sạch không”.Đó là lối lý luận của các Tổ.

Ai cũng biết tâm tạo ra tội, nhưng tâm bị ô nhiễm làm sao tiêu diệt tội được?Diệt được tâm là cả công trình vĩ đại của kiếp làm người đâu phải dễ. Giới luật ngăn chặn như vậy (tội đứt đầu) mà tu sĩ còn quan hệ với phụ nữ thì còn gì là thầy tu? Có phải họ diệt tâm không? Hay là chạy theo tâm ô nhiễm thế tục?

“Tâm đã diệt rồi tội sạch không”,nói thì dễ mà làm thì rất khó. Giới luật cũng là một pháp môn làm cho tâm ô nhiễm được diệt sạch, thế mà lại phạm giới thì còn gì gọi là tâm đã diệt sạch?

Cho nên, theo giới luật thì vị tu sĩ này còn mặt mũi nào mà mặc chiếc áo nhà tu, còn mặt mũi nào mà làm chức vụ trong Thường Vụ trong Giáo Hội?Giáo Hội nhận tu sĩ này trong Giáo Hội, tức đã công khaichấp nhận phi giới luật của Phật thì còn gì là Giáo Hội?Giáo Hội không thi hành giới luật nghiêm chỉnh, dung chứa những tu sĩ phạm giới đó, dù người đó có khả năng làm việc, có bằng tiến sĩ Phật học thì những người tu sĩ này không thể làm tốt cho Giáo Hội được, mà phải xem đó là những trùng trong lông sư tử. Nếu Giáo Hội dung chứa những loại trùng trong lông sư tử này thì Giáo Hội đó là Giáo Hội vô tình sẽ phá diệt Phật giáo tận cùng. Quý Phật tử hãy xem đó là Giáo Hội của ngoại đạo, của Bà La Môn, chứ không phải là Giáo Hội của Phật Giáo.

Giáo Hội như vậy là nối giáo ngoại đạo diệt Phật Giáo, nên mới dung chứa những người phạm giới, phá giới như vậy. Còn Giáo Hội chân chánh vì Phật giáo, vì tín đồ Phật giáo, thì phải là một Giáo Hội thanh tịnh, giới luật nghiêm túc. Một vị tỳ kheo phải đầy đủ giới đức, trang nghiêm, thanh tịnh, mới xứng đáng là một tu sĩ chân chính của Phật giáo. Và chỉ có những tu sĩ như thế mới xứng đáng giữ chức vụ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà thôi.

THUÊ DU CÔN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một vị tu sĩ phạm giới luật, Phật tử mang đơn thưa trình với Giáo Hội, vị tu sĩ này thuê du côn theo dõi hoặc đón đánh Phật tử. Như vậy là như thế nào thưa Thầy?

Đáp: Thời mạt pháp, tu sĩ thuê du côn theo dõi và đánh người thì đâu còn là tu sĩ nữa. Họ là kẻ hung dữ ác đức đang đội lốt tu sĩ Phật giáo. Nhìn giới tu sĩ Phật giáo hiện giờ thật khó cho chúng ta biết ai là bậc chân tu.

Xưa, đức Phật dạy vua Ba Tư Nặc: ‘‘Muốn nhận ra bậc chân tu (A La Hán) đệ tử Phật thì phải sống ở gần một ngày, hai ngày, ba ngày, một tuần hoặc một tháng một năm thì sẽ thấu rõ’’. Ở đây, chúng ta không cần ở gần, mà đã thấy rõ hành vi của những tu sĩ này, chứng tỏ họ là những tu sĩ ngoại đạo có những hành vi phi phạm hạnh, không phải đệ tử của Phật. Là Phật tử, quý vị nên tránh xa không nên gần gũi những tà sư ngoại đạo này, họ là những người không đáng cho chúng ta kính trọng và tôn kính làm Thầy.

Quý Phật tử cần nên lưu ý và lưu ý hơn nữa, vì trong thời đại này tà sư ngoại đạođang trà trộn với tu sĩ Phật giáo, cho nên phải sáng suốt, đừng để bị chúng lừa đảo và đừng nghe theo bọn này, làm những điều mê tín dị đoan và lạc hậu, tiền mất tật mang và chẳng ích lợi gì cho mình cho người.

NGỒI MÁT ĂN BÁT VÀNG

Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy, những tu sĩ không giữ gìn giới luật và trai giới, cứ thọ lạm của đàn na thí chủ không chịu tu hành. Có phải là hành động cưỡi ngựa xem hoa không thưa thầy?

Đáp: Thời nay, tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm túc và trai giới thanh tịnh thì quá hiếm, còn những người tu sĩ lạm dụng của tiền đàn na thí chủ, ăn không ngồi rồi thì chẳng thiếu gì. Chỉ biết lo cho thân mình sung sướng, ngồi mát ăn bát vàng thì những tu sĩ này tính không hết. Đời sống khó khăn, làm nên cuộc sống rất vất vả, cho nên có một số người lợi dụng Phật giáo chui rúc vào để tìm lối sống, vì vừa có danh, vừa có lợi. Những hạng tu sĩ này đâu phải đi tìm đường giải thoát, mà đi tìm cơm ăn áo mặc và danh lợi.

Lợi dụng giới luật Phật giáo không nghiêm chỉnh nên dễ dàng chui vào. Nếu giới luật Phật giáo nghiêm chỉnh thì những người này không thể chui vào được, vì không thể kiếm ăn làm giàu và danh lợi được. Người tu sĩ chân chánh của Phật giáo buông xả sạch, đời sống thiểu dụctri túc tối đa thì làm sao có chùa to tháp lớn y áo nhiều. Ăn ngày một bữa, chẳng ăn uống phi thời thì làm sao bọn đầu cơ tôn giáo núp áo cà sa được. Sống không gia đình, không nhà cửa, nay đây mai đó (du Tăng) đâu phải như bọn buôn Phật bán pháp (trụ thế Tăng) xây dựng chùa to, tháp lớn như cung vàng, điện ngọc làm hao tốn của đàn na thí chủ biết bao nhiêu mà kể.

Đạo Phật ra đời vốn để giúp người tu hành giải thoát khỏi kiếp sống làm thân chúng sanh rất là khổ đau, chứ đâu phải để bọn người vô lương tâm lấy đó làm cuộc sống. Vì thế, đạo Phật hiện giờ mất hết ý nghĩa giải thoát của nó, thật là đau lòng.

Quý Phật tử hãy đề cao cảnh giác những người buôn Phật bán pháp này, những điều quý Phật tử thấy mà thưa hỏi về các tu sĩ này để thấu rõ. Họ là những người gian xảo mà không khôn ngoan nên để lộ cho Phật tử thấy. Còn có một số quý vị khác rất gian mà còn ngoan nên Phật tử khó thấy, họ làm như là bậc chân tu thực sự, họ có những thần thông, hoặc kiến giải lý luận khiến cho mọi người khó mà xét được đâu chánh, đâu tà.

Cho nên Phật dạy:“Này các Kalama! Đừng tin lời ta nói mà hãy thực hiện lời ta dạy, khi nào có sự thanh thản an vui thật sự thì hãy tin”. Lời nhắn nhủ của Phật như vậy, ta hãy đề cao cảnh giác những tà sư ngoại đạo đang đội lốt tu sĩ Phật giáo lừa đảo tín đồ, họ chẳng phải là người tu giải thoát, dạy những điều không đúng của đạo Phật.

Quý Phật tử cần cảnh giác và tránh xa, đừng giúp cho những ma vương phá Phật pháp mà cùng thọ tội chung với chúng.

BỌN ĂN MÀY ĐỘI LỐT TU SĨ PHẬT GIÁO

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sáng ngày 21 tháng 10 năm Mậu Dần, có một Sư cô cùng đi đường với con, cô ấy cứ chìa bình bát vào người con, cô ta không nói năng gì, trong bình bát có tiền và chiếc củ đậu, con nói: “Con không có tiền, nếu muốn dùng bữa, con xin mời về nhà để dùng bữa trưa”. Sư cô hỏi con pháp danh, con ngắm nhìn Sư cô ấy, đầu đội mũ len nâu, tóc dấu bên trong mũ. Con nói để con sửa lại cái mũ cho cô ấy, cô ấy biết đã bại lộ nên nói khoác: “Phật Tổ cho cô để tóc hai tháng nay, hiện giờ là thời mạt kiếp, cô là Phật giáng trần đi hành khất để gieo duyên với chúng sanh. Con hỏi: “Cô gieo duyên với chúng sanh sao cô lại nhận tiền?” Sư cô trả lời: “Phật giáng trần đi cứu độ thế phải xin tiền, chỉ có con đường này mới làm phước báo cho họ, chứ ngồi một chỗ tu làm sao độ được. Vì thế Phật tổ cho phá giới”. Con hỏi: “Phá giới như thế nào?”.

Cô đáp: “Vì thấy dân chúng bị nhiều tai nạn nên tôi phải đi xin tiền (khất cái) để tạo phước cho dân chúng. Năm 2000 người mới biết ta là ai”. Cô còn nói thêm: “Cô để tóc sau này Phật tổ cho cô làm diễn viên”, cô ngâm thơ rồi chuyển sang hát giọng quan họ Bắc Ninh. Thưa Thầy loại người này là loại người như thế nào?

Đáp:Những hạng người này con gặp là những hạng người gian manh, lừa đảo, nói quàng xiên bậy bạ, những hạng người này là những ăn mày tay chân không tật nguyền. Ở đâu, xứnào cũng có những người giả dạng tu sĩ đi xin tiền, đô la. Chỉ vì Giáo Hội Phật Giáo kém tổ chức, cho nên những người này mạo danh lường gạt tín đồ Phật giáo. Các nước Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Tích Lan,v.v.. thuộc về Nam Tông Phật giáo, họ có tổ chức hẳn hòi về sự khất thực. Nếu một vị Tăng đến một trụ xứ nào mà không khai báo với Phật tử, dù đi khất thực suốt ngày cũng chẳng có một hạt cơm, chứ đừng nói chi là tiền.

Tu sĩ Nam Tông khi đến một địa điểm mới, vị trụ trì ở vùng đó đến khai báo với Phật tử cúng dường thêm cho một vị Tăng mới đến. Do khai báo, trưa hôm sau vị Tăng đó đi khất thực mới có khẩu phần ăn, còn ôm bình bát đi xin bậy bạ thì không bao giờ có ai cho. Phật tử nước người ta như vậy, còn Phật tử Việt Nam chịu ảnh hưởng phát triển nên bố thí cúng dường không trí tuệ. Hễ thấy ai ăn xin hoặc thấy sư, thầy đi khất thực thì bố thí và cúng dường mà còn gọi là bố thí và cúng dường Ba La Mật, có nghĩa là cho và cúng đường mà không biết mình cho và cúng dường. Cúng dường với trí tuệ Bát Nhã như vậy nên một số người lừa đảo lợi dụng chiếc y áo của Phật giáo mà làm cho Phật giáo hư hoại và suy đồi. Vậy tội ấy về ai? Có phải về Giáo Hội chăng? Giáo Hội cần phải thấy bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Phật giáo và tín đồ.

Ở các xứ Phật giáo Nam Tông, bọn ăn mày mạo danh tu sĩ Phật giáo không thể lường gạt ai được hết, còn ở Việt Nam những người mà con gặp không phải là ít. Họ lường gạt Phật tử bằng mọi cách. Đó là lỗi của Giáo Hội thiếu tổ chức. Lỗi của Phật tử là không học giới luật và đạo đức của Phật giáo.

Hiện giờ Giáo Hội Phật Giáo cấm tu sĩ không cho khất thực, để nhờ cảnh sát truy bắt những kẻ gian manh giả tu sĩ Phật giáo đi xin ăn. Nhưng bắt tội họ là tội gì? Tội đi xin ư? Luật pháp Nhà nước không có luật bắt tội người đi xin, thì cảnh sát làm sao bắt họ được, cũng không có pháp luật bắt buộc họ không được quyền mặc áo tu sĩ Phật giáo được. Đó là quyền của họ, nên cuối cùng vẫn có tu sĩ đi xin đô la, tiền bạc mà Giáo Hội cũng chẳng làm gì được họ. Chỉ vì Giáo Hội theo kinh sách phát triển dạy Phật tử cúng dường, bố thí theo kiểu Ba la mật của ngoại đạo, nên từ đó vô tình Phật tử đã nuôi dưỡng tà sư ngoại đạo làm cho Phật giáo suy đồi, khiến cho tu sĩ Phật giáo trở thành bọn người ăn xin khất cái.

Muốn cho Phật giáo càng ngày càng thêm tốt đẹp, thì lấy giới luật khép tu sĩ vào khuôn khổ, tổ chức cư sĩ cúng dường đúng cách, không được cúng dường bừa bãi theo kiểu Ba La Mật của kinh sách phát triển.

Hiện giờ chỉ có Giáo Hội mới có đủ tư cách tổ chức lại Phật giáo, lấy giới luật làm hàng rào ngăn chặn bọn đầu cơ buôn Phật, bán pháp. Lấy giới luật làm tiêu chuẩn đạo đức của người tu sĩ thì bọn tìm cơm ăn áo mặc, danh và lợi thì chẳng dám bén mảng bước vào cửa đạo Phật.

Dạy cho người Phật tử thông suốtgiới luật, nếu thầy nào vi phạm làm sai giới luật, cư sĩ được quyền chỉnh đốn và tố cáo cho Giáo Hội biết. Cũng như kẻ gian manh mượn áo tỳ kheo đi khất thực tiền bạc, hoặc làm điều xảo trá nguy hại đến thanh danh Phật giáo, thì người Phật tử có quyền chỉnh đốn chỉ vạch cho họ biết, đừng giả danh tu sĩ Phật giáo làm điều lừa đảo và sẽ gọi Công an bắt họ. Có như vậy, mới chỉnh đốn lại Phật giáo tốt đẹp. Việc làm này là trách nhiệm của Giáo Hội và bổn phận của mỗi người cư sĩ Phật tử, phải làm ngay từ bây giờ.

Phật giáo tốt hay xấu là do người cư sĩ phải thông suốt giáo lý, giới luật và đức hạnh của đạo Phật, chứ đừng cấm không cho người Phật tử đọc và hiểu biết về giới luật của một vị tỳ kheo như kinh sách phát triền. Do có sự hiểu biết như vậy thì mới ngăn chặn được những tà sư ngoại đạo và những người đi tìm cơm ăn áo mặc, núp bóng và mượn danh nghĩa Phật giáo làm danh, làm lợi riêng cho cuộc sống cá nhân của mình.

Trách nhiệm và bổn phận của người đệ tử Phật, thì cần phải chỉnh đốn lại Phật giáo cho tốt đẹp, cho đúng nghĩa của Phật giáo. Đừng nghe theo kinh sách phát triển và Bồ Tát Giới cấm các Phật tử không được nói sai, nói lỗi của các vị tỳ kheo, ai nói sai, nói lỗi của các vị tỳ kheo sẽ bị đọa địa ngục.

Kinh sách này dạy như vậy, là cốt để cho Phật giáo suy đồi, đó cũng là mục đích phá và diệt Phật giáo tận gốc, đồng thời để bảo vệ uy tín và duy trì những thầy tu phá giới, phạm giới, tức là duy trì những tu sĩ Bà La Môn theo kinh sách phát triển.

Vậy quý Phật tử hãy cảnh giác đừng sợ hãi, chỉ vạch thẳng những vị tỳ kheo làm sai để xây dựng lại Phật giáo cho tốt. Và những kẻ gian manh đội lốt tu sĩ Phật giáo, như Sư cô mà con đã gặp trên xe, hãy báo cho Công an làm việc với họ. Có như vậy, họ mới không làm điều xảo trá, nguy hại đến thanh danh Phật giáo. Người Phật tử có quyền chỉnh đốn, chỉ vạch cho họ biết đừng giả danh tu sĩ Phật giáo làm điều lừa đảo. Chúng ta sẽ gọi Công an bắt họ. Có như vậy họ mới sợ và không còn lợi dụng Phật giáo nữa. Các con đừng có sợ tội nghiệp cho những người lừa đảo gian ác này mà hãy thương cho đạo Phật. Những người này ra đường gặp những người Phật tử chân chánh của đạo Phật, thì hãy lột mặt giả của họ xuống.

Nếu quý Phật tử thẳng tay khi thấy một vị tỳ kheo Tăng hay Ni làm sai không đúng tư cách giới luật của Phật giáo, thì thẳng tay mà trừng trị. Có như vậy Phật giáo mới tốt đẹp. Còn nếu theo kinh sách phát triển và Bồ Tát Giới thì ngàn đời Phật giáo sẽ chìm đắm và mất dần, biến Phật tử thành những tín đồ mê tín, lạc hậu, ngu si.

Quý Phật tử hãy mạnh dạn, cứ thẳng tay vạch mặt, có tội thì chúng tôi xin chịu thay cho. Quý vị làm điều tốt, điều phải cho Phật giáo thì quý vị có tội gì? Ai bắt tội? Theo luật nhân quả quý Phật tử đừng sợ gì, đừng nhân nhượng những người gian manh xảo trá lường lận này đang làm hại Phật giáo khắp nơi.

GIẢI HẠN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy, ở khu vực con có một gia đình, không hiểu đi xem ở đâu có ông thầy bảo: tháng năm bị một cái hạn, phải nằm bệnh viện thập tử nhất sinh. Đến tháng 11 cũng bị sao hạn như vậy nữa. Gia đình này sợ quá mời thầy ấy đến cúng sao giải hạn. Thưa Thầy như thế có giải hạn được không?

Cũng ở khu vực con, có gia đình đó nghe được như vậy rất ân hận là vì bố chị ta ốm nặng phải nằm bệnh viện, mẹ chị không chịu mời thầy cúng sao giải hạn, nên bố chị phải nằm bệnh viện khổ sở. Xin Thầy vui lòng giảitỏa cho chúng con những điều thắc mắc trên đây, chúng con xin được tri ân công đức.

Đáp: Như con đã biết: luật nhân quả, ai làm ác thì phải thọ lấy quả khổ, ai làm thiện thì sẽ hưởng phước báo. Không thể có Thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát hoặc sao hạn nào cứu khổ hoặc giải hạn cho các con được.

Như trong sách ngoại đạo dạy người nào gặp sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch v.v.. Vào tháng giêng, tháng ba, tháng bảy, tháng chín, tháng năm, tháng mười một thì sẽ gặp tai nạn hoặc bệnh tật thập tử nhất sinh.

Loại kinh sách này là loại kinh sách phi đạo đức, dạy người làm điều mê tín lạc hậu. Làm sao cúng bái, sao hạn mà giải hạn tai ách được? Nếu giải hạn tai ách được thì thế gian này còn gì là công bằng công lý? Kẻ làm ác cứ việc cầu cúng nhiều thì tiêu tai giải hạn không còn khổ đau nữa, và họ tha hồ làm ác, giết hại người vô tội được sao?Một người bị bệnh tật khổ đau hoặc tai nạn, đâu phải ngẫu nhiên mà có, chính do hành động bất thiện làm khổ kẻ khác, loài vật khác mà phải trả quả. Do hành động làm ác của mình, thời tiết nhân duyên đủ thì phải thọ quả khổ, chứ đâu phải có ai làm cho họ khổ mà phải cầu cạnh kẻ khác giải hạn, giải khổ cho. Những loại kinh sách mê tín do những kẻ gian xảo viết ra, lừa đảo kẻ khác để làm tiền một cách bất chính. Người hiểu luật nhân quả thì những ông thầy cúng sao giải hạn không lừa đảo được. Ngược lại, không hiểu luật nhân quả dễ bị kẻ khác lừa đảo bằng nhiều hình thức mê tín khác nhau.

Quý Phật tử là đệ tử của Phật phải sáng suốt, đừng để những tà sư ngoại đạo đội lốt tu sĩ Phật giáo làm mất uy tín Phật giáo, hãy chỉ thẳng cho mọi người biết không ai giải hạn tiêu tai, tiêu nạn mà chính tự mình giải nó, nghĩa là mình đừng làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh khác thì chẳng có tai nạn gì xảy ra thì cần gì phải giải hạn.

Quý Phật tử hãy tu tập tâm bất động trước các pháp, tâm bất động trước các pháp thì không ai lừa đảo quý vị được và quý vị sẽ không còn bị ảnh hưởng mê tín của những tà sư ngoại đạo bịa ra sao hạn.

Muốn tiêu tai giải hạn thì quý Phật tử hãy nghe đức Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”. Nếu người nào nghe lời Phật dạy như vậy mà sống thì người ấy sẽ tiêu tai giải hạn tất cả, cuộc sống không còn đau khổ nữa.

BÀ LA MÔN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy, ở miền Bắc chúng con có một số cư sĩ chuyên làm nghề thầy cúng, khi nhà nào có vận hạn xấu mời các cư sĩ đó đến tụng kinh, các cư sĩ đó bảo phải thổi xôi nấu chè để khi làm lễ phải thỉnh Phật. Thưa Thầy Phật cũng còn ăn chè xôi nữa là sao?

Đáp: Tất cả những người cư sĩ làm nghề tụng niệm đều là những vị Bà La Môn mang danh là Phật giáo cũa kinh sách phát triển. Sự thật Phật giáo theo kinh sách phát triển hiện nay là Bà La Môn mượn danh Phật giáo, còn Phật giáo chánh gốc thì không giống Phật giáo Bà La Môn chút nào. Phật giáo Bà La Môn tự đặt cho mìnhcái tên là Đại Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn chở được nhiều người, còn Phật giáo chính gốc thì mang một cái tên Tiểu Thừa có nghĩa là xe chở một người, vì vậy hiện giờ người ta gọi nó là Phật giáo của kinh sách phát triển, còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì các Bà La Môn dìm xuống gọi là Phật giáo Tiểu Thừa[1].

Khi Phật Giáo của kinh sách phát triển truyền sang đến Trung Hoa, thì một lần nữa nó được thay tên đổi họ do các vị đạo sĩ Tiên Đạo (Lão Giáo), lại biến Phật Giáo Nguyên Thủy chính gốc xuống hàng thứ ba và Phật Giáo phát triển Bà La Môn xuống hàng thứ nhì, còn Phật Giáo Tiên Đạo (Lão Giáo) đứng hàng thứ nhất gọi là Phật giáo Tối Thượng Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn nhất thiên hạ.

Cho nên,chúng ta phải hiểu Thiền Tông không gì khác hơn là Lão Giáo và trở thành Phật Giáo Tối Thượng Thừa (Trung Hoa), Bà La Môn trở thành Phật Giáo Đại Thừa(ẤnĐộ), còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì trở thành Phật Giáo Tiểu Thừa.

Các vị cư sĩ tụng niệm là những thầy Bà La Môn chứ không phải cư sĩ đệ tử Phật. Cư sĩ đệ tử của Phật không có tụng niệm, chỉ lo tu tập và trau dồi thân tâm để có một đời sống đạo đức, không làm khổ mình, khổ người, để đem lại cho mình, cho người một đời sống an lạc và hạnh phúc.

Hiện giờ các chùa tổ chức ban hộ niệm do cư sĩ tụng niệm đều là ảnh hưởng của Bà La Môn mà trong kinh phát triển dạy tụng niệm, cúng bái, tế lễ, cúng vong, cúng linh, cúng sao, giải hạn v.v.. Tất cả những sự mê tín đều do kinh sách phát triển tạo ra, tức là của Bà La Môn[2].

Có lần, Thầy đến dự một đám tang của người Trung Quốc, không thấy có ông Thầy chùa nào tụng kinh cả, chỉ có một người cư sĩ mặc áo dài kiểu nhà sư ngồi rung chuông tụng niệm. Như vậy Phật giáo Bà La Môn đã truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản. Nên hình thức cúng bái tụng niệm đều giống nhau.

Trong kinh Nguyên Thủy có nhắc đến sự cúng tế của đạo Bà La Môn. Mỗi lần đạo Bà La Môn cúng bái, tế lễ phải giết hằng trăm ngàn loại thú vật để cúng tế. Ở đây, các vị này đòi cúng chè xôi đó là quá ít.Cúng tế như vậy chỉ có đấng giáo chủ Bà La Môn về thọ dụng chứ đâu phải cúng Phật. Và đạo Phật đâu có thọ dụng thực phẩm thế gian. Kinh Phật dạy: “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn’’,chứng tỏ Phật dùng thiền để sống chứ không phải dùng thực phẩm để sống như chúng ta tưởng.



[1]Hòa Thượng Nhất Hạnh, trong quyển sách mới xuất bản, vào tháng 5 - 2001 “Sen Nở Trời Phương Ngoại” đã nói rằng “Phật giáo Đại Thừa xuất hiện sau thời kỳ Phật giáo Bộ Phái, và những người tự nhận là Đại Thừa cho tất cả các bộ phái khác Thượng Tọa Bộ, phái Nguyên Thủy, v.v.. cùng một loại Tiểu Thừa” (trang 6).

[2]HT Thanh Từ trong thời pháp tại quận Cam, vào tháng 11, năm 2000 đã nói kinh A Di Đà xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch (xem bài Tùy Duyên Nhi Bất Biến, trang 20 tập san Đất Lành Bộ mới, số 3&4, năm 2001)

CÚNG KEM

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một gia đình bệnh nhân ốm nặng nằm lâu ngày, trên giường bệnh, mời các cư sĩ đến làm lễ cúng bái, các cư sĩ bày thêm phần mua hoa quả, bánh, kẹo để cúng tế kem (kem tức là cái miệng của bệnh nhân lúc còn trẻ vì hoàn cảnh gia đình nghèo túng, không có tiền mua thức ăn đầy đủ nên thường nói dối là đã ăn rồi, ngày nay lúc sắp chết phải cúng kem là vậy).

Kính thưa Thầy, đây có phải là hình thức mê tín dị đoan không?

Đáp: Đúng vậy, đây là những trò mê tín dị đoan của một số thầy phù thủy Bà La Môn.

Người ta đâu nghĩ rằng: thân tứ đại này là thân vô thường, liên tục thay đổi không lúc nào ngừng nghỉ. Do sự thay đổi mà thân nay bệnh, mai đau, chứ đâu phải do quỷ thần bắt hoặc giáng họa làm cho bệnh tật khổ đau, mà cúng bái làm gì?

Thân tứ đại là thân từ nhân quả sinh ra, nên khi có thân này, khó có ai tránh khỏi bệnh tật khổ đau hoặc tai nạn v.v.. đâu. Vì nhân đời trước chẳng thiện, thì đời nay phải chịu khổ đau.Đó là nhân quả trả vay, vay trả chứ đâu có ai quở trách gây cho ta đau khổ.

Những thầy phù thủy Bà La Môn lợi dụng sự sợ hãi và không hiểu biết được nhân quả nên bày ra cúng tế, tụng niệm, cầu khẩn, van xin. Đó là những người lừa đảo để kiếm tiền sống bằng cách vô lương tâm. Quý Phật tử là đệ tử của Phật hãy cảnh giác đừng để những thầy cúng lường gạt, đừng nghe theo. Sống chết, bệnh tật, tai nạn đều do nhân quả, mình đã gieo nhân nào thì phải gặt quảnấy, chứđừng có sợ hãi, đừng cầu cạnh, không ai phò hộ quý vị được bằng chính quý vị. Cố gắng đừng làm khổ mình, khổ người khác thì bệnh tật tai nạn sẽ lần lần chuyển sạch, chừng đó quý vị làm chủ sự sống.

Những việc làm mê tín dị đoan này đạo Phật không bao giờ dạy, chỉ có kinh sách phát triển Bà La Môn giáo mới có mà thôi. Các Phật tử cần phải đề cao cảnh giác, đừng để họ lợi dụng.

LÀM LỄ NHẬP NHÀ MỚI

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có gia đình mới cất nhà mới, ăn khánh thành một số bạn đạo hữu đến tụng kinh làm lễ về nhà mới. Người chủ nhà lại mời thêm một ông thầy cúng, ông đến bảo mua một con ngựa bằng giấy thật to. Khi tụng kinh cầu nguyện xong, lấy 38 đồng tiền chinh để cắt giải rồi ông thầy ấy cưỡi ngựa giấy phi quanh nhà.

Thưa Thầy, gia chủ này không phải là không hiểu đạo pháp, thường đi đây đi đó để hoằng dương Phật pháp, thế mà làm những việc như vậy có gọi là cuồng tín không thưa Thầy. Hay tại vì lòng tham muốn giàu sang, phúc lộc hơn nữa mà làm việc không đúng chánh pháp?

Đáp: Khi cất được ngôi nhà mới, ăn tân gia, mời bạn bè thân hữu đến ăn mừng thì đúng, nhưng bày ra tụng niệm thì không đúng. Tại sao vậy? Tại vì đó là mê tín dị đoan. Trong Kinh Bát Dương (thuộc kinh sách phát triển) có dạy điều mê tín này. Dùng 38 đồng tiền chinh và một con ngựa giấy cưỡi phi quanh nhà đó là kinh sách của ngoại đạo dạy những điều mê tín lạc hậu.

Vì lòng tin không đúng của con người nên bị kẻ khác lừa gạt bằng những hình thức tà kiến. Tại sao chúng ta theo đạo Phật mà không biết cái nào là chánh kiến, cái nào là tà kiến, để lầm lạc biến Phật giáo thành tà kiến, biến Phật giáo thành một thứ Phật Giáo mê tín dị đoan lạc hậu?

Từ đây về sau quý Phật tử là đệ tử của Phật niềm tin chánh kiến phải sâu, không để kẻ khác lừa đảo và thẳng tay chỉ mặt. Những sự mê tín dị đoan chẳng đem lại ích lợi gì cho mình và cho cả gia đình mình. Phải nói đây là một trò bịp bợm, gạt người bằng những hình thức mê tín di đoan một cách xảo thuật. Chỉ có những người không hiểu, tham danh, tham lợi mới đi thỉnh bọn tà sư ngoại đạo làm điều chẳng ích lợi gì như trẻ con cưỡi ngựa chuối.

TRIỆU LINH TIẾP LINH

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Lúc lâm chung, theo chúng con nghĩ, vong linh vẫn còn trong nhà, khi mời thầy cúng đến làm lễ phải triệu vong tiếp vong rồi mới tụng kinh. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Theo đạo Phật khi một người chết, tức là thân tứ đại tan rã, mà thân tứ đại tan rã thì thân ngũ uẩn cũng không còn sót một thứ gì, nghĩa là tất cả đều hoại diệt sạch, không có vong linh và thần thức nào còn, chỉ còn lại hành động thiện ác, tức là “nghiệp lực” và nghiệp lực tiếp tục tái sanh luân hồi.

Cho nên, đối với đạo Phật không có triệu linh và tiếp linh, vì có linh hồn đâu mà triệu và tiếp. Cái không có người ta tưởng ra cho có, thì đó là mù quáng vô minh không hiểu biết. Người Phật tử không nên nghe theo lời dạy vô minh này.

Tất cả thế giới hữu hình có con người và vạn vật cỏ cây, đất đá núi sông, dưới đôi mắt của đức Phật chỉ là những cảnh huyễn giả, những cảnh tưởng tri không có thật. Cảnh hữu hình còn như vậy thì cái thế giới vô hình làm sao có thật được mà cầu mà cúng, mà triệu linh, tiếp linh. Phải không quý vị?

Nếu thế gian này có thật thì phải có một vật hằng còn. Nhưng dòng lịch sử của loài người chưa chứng minh có một vật gì hằng còn, tất cả đều hoại diệt theo thời gian năm tháng.

Cho nên, những việc làm của các nhà phát triển kinh sách Bà La Môn là việc làm mê tín dị đoan, lừa đảo con người. Vậy chúng ta là những Phật tử đệ tử của Phật, mà lại đi nghe và làm theo những lời dạy không đúng sự thật, thì chúng ta có xứng đáng là đệ tử của Phật nữa không? Người tín đồ của Phật giáo không nên nghe và làm theo những việc mê tín dị đoan, ngu si để bị người khác lừa đảo thì quá dại dột.

NGHE PHÁP KHÔNG ĐƯỢC TRANG ĐIỂM

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xưa người cư sĩ đến nghe đức Phật thuyết giảng pháp đều cởi bỏ đồ trang sức, có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Đúng vậy, khi đức Phật còn tại thế mọi người đến nghe pháp, nhất là giới phụ nữ, đều cởi bỏ đồ trang sức rồi mới vào được nghe Phật thuyết pháp. Bà Visakha khi đến nghe Phật thuyết pháp, bà quên cởi bỏ xâu chuỗi ngọc ở nhà, khi vừa đến Tịnh Xá bà mới nhớ ra và cởi bỏ ở hốc cây. Sau khi về bà quên lấy, khi ấy ông A Nan gặp và đem về trao cho Phật. Phật bảo hãy đem trả lại cho bà và bà cúng luôn xâu chuỗi ngọc cho Phật.

Thế mới biết hồi Phật còn tại thế, người cư sĩ đi nghe thuyết pháp cũng không được trang điểm. Còn thời nay thì không được như vậy. Tỳ kheo Tăng và Ni còn sửa sang làm đẹp, ăn mặc bằng vải loại tối ưu, xấu không thèm mặc. So sánh trong thời đức Phật, thì Tăng Ni hiện giờ còn thua cư sĩ thời đó. Cho nên, Thập Giới Sa Di Phật cấm không cho trang điểm, ăn mặc vải thô xấu, không nằm giường cao rộng lớn.

Thế mà những giới luật cơ bản này Tăng Ni đều vi phạm hết. Ngày nay, tu sĩ trở thành phú Tăng, chứ không còn là bần Tăng, xả bỏ thế tục.

Người cư sĩ trong thời đức Phật đi nghe Pháp không được trang điểm. Còn thời nay, người phụ nữ đi nghe pháp không những trang điểm mà còn ăn mặc hở hang, bày da hở thịt thật là đau lòng. Vậy mà đi nghe pháp giải thoát mà làm gì? Đi xem, nghe ca, nhạc, kịch thì còn thú vị hơn nhiều.

LINH HỒN BÁO MỘNG

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong thời gian từ lúc mới chết đến bốn mươi chín ngày, người trong nhà thường haynằm mộng thấy người chết về. Vậy có phải linh hồn người chết về báo mộng hay không?

Đáp:Trong nhà có người mới chết, không những 49 ngày mà còn nói rằng, có thể đến khi mãn tang 2 năm, vẫn còn nằm mộng thấy người chết. Đó không phải linh hồn về báo mộng, mà chính tưởng ấm của người thân trong gia đình nằm mộng biến hiện ra hình ảnh người chết. Vì tình cảm thương nhớ người mất, nên tưởng ấm xuất hiện giấc mộng để khiến cho người thân thỏa tình nhớ thương, chứ không có linh hồn nào cả.

Giấc mộng do tưởng thức hoạt động mà thành, nó thể hiện tình cảm, tâm lý và sự ước ao của người sống đối với người chết. Người thân thương nhớ người quá cố thì nằm mơ thấy người chết về.

Ước mong nằm mộng thấy thành tựu điều ao ước như: trúng vé số. Giao cảm nằm mộng thấy sự việc hoặc tai nạn xảy đến đều có đúng như thật. Đó là tưởng giao cảm, biến thành mộng báo trước (trực giác qua mộng), trực giác qua thân (máy mắt, hồi hộp tim đập), trực giác qua tâm (tâm lo lắng nghĩ ngợi, bứt rứt).

Nói về mộng, thì quý Phật tử đừng nghĩ rằng có linh hồn người chết. Mà hãy biết đó là tưởng thức tự tạo ra bối cảnh theo tâm lý, tình cảm của con người rồi nó tự hiện, chủ khách đều là nó cả.

Trong thân ngũ uẩn nó là tưởng uẩn, còn gọi về thức thì nó gọi là tưởng thức; còn gọi về dục thì nó gọi là tưởng dục; còn gọi về vô minh nó được gọi là vô minh tưởng; còn gọi về trí tuệ thì nó gọi là tưởng tuệ; còn gọi về tri kiến thì nó gọi là tưởng kiến; còn gọi về tri thì nó gọi là tưởng tri; còn gọi về năng lực thì nó là tưởng lực.

Cho nên, tưởng uẩn nó có rất nhiều tên khác nhau, khi nó ở phận sự nào thì nó có một cái tên rất xứng hợp. Vì thế, sự hoạt động của nó cũng không lường.

Tóm lại, linh hồn không có, chỉ có tưởng thức biến hiện ra, khiến cho mọi người chưa có trí vô hạn lầm chấp “có sự sống sau khi chết”.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI CHẾT

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong nhà có người chết mọi người đều làm điều thiện, cố hồi hướng cho người chết để được siêu thoát. Thưa Thầy người chết có được siêu thoát không?

Đáp: Theo luật nhân quả ai làm thiện sẽ hưởng được phước, chứ không thể người khác làm thiện mà mình được hưởng phước. Được phước như vậy là không công bằng, vì công bằng thì phải tự người đó làm điều thiện thì người đó hưởng. Nên đức Phật dạy: Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta không đi thay cho các con được”.

Lời dạy như vậy, tức là đứng trên đạo lý công bằng của nhân quả. Mọi người muốn thoát khổ thì phải tự mình làm điều thiện, chứ không ai làm điều thiện giúp cho mình được. Như vậy các Phật tử đã biết. Nếu mình làm điều ác thì tâm mình phải chịu khổ,còn người khác làm điều thiện mà tâm mình hết khổ sao được. Chỉ có tự mình làm điều thiện thì tâm mình mới hết khổ.

Cho nên, có làm điều thiện để hồi hướng cho người chết thì người chết vẫn thọ khổ, mà người sống làm điều thiện thì người sống hưởng, còn người chết thì không hưởng gì cả.

Đức Phật dạy trên con đường giải thoát ấy phải độc bộ, độc trình, không ai đi thế cho ai được. Cũng như cha mẹ đau bệnh, đứa con có thương cha mẹ cách gì cũng không đau thế cho cha mẹ được. Ngược lại, cha mẹ cũng vậy dù thương con cách mấy cũng không thay thế sự đau khổ của con được. Đó là định luật công bằng của nhân quả, mà không ai có thể chuyển hóa nghiệp của kẻ khác được.

Chỉ có mình làm thiện và ước muốn cho những người thân còn sống hay đã chết, để họ đủ duyên làm thiện, sống thiện, thì sự ước muốn đó, có thể thực hiện được, dù là người kia đã chết nhiều năm.

CHÚC THỌ

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính bạch Thầy! Khi cha mẹ đến tuổi 80, 90 gọi là thượng thọ, ngày ấy con cháu đến chúc thọ và in kinh sách thiện biếu, làm như thế có được không thưa Thầy?

Đáp: Được! Khi cha mẹ hưởng thọ từ 80 đến 90 hoặc 100 tuổi con cháu làm lễ chúc thọ, ngày ấy ấn tống kinh sách đạo đức nhân bản - nhân quả giúp cho mọi người làm thiện, không làm khổ mình, khổ người, đó là điều tốt nhất, đúng với chánh pháp của Phật nhất.

Mọi người được đọc kinh sách của đạo Phật họ sẽ làm điều lành, điều lành ấy mang đến cho mọi người sự bình an, yên vui. Chính nhờ đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật được phổ biến, khiến cho mọi người an vui và hạnh phúc. Chúc thọ như vậy đã tạo phước lành cho cha mẹ già lớn tuổi được phước báo ít bệnh tật khổ đau, chết còn biết ngày giờ chết vì thiện nghiệp.

Ngày ấy, gia đình ấn tống kinh sách đạo đức làm người, khiến cho mọi gia đình được an vui và hạnh phúc. Ngoài xã hội có trật tự và an lạc. Việc làm này đem đến hạnh phúc chung cho mọi nhà và xã hội. Đó cũng là tạo một truyền thống tốt đẹp cho quê hương xứ sở: “Chúc thọ làm thiện nghiệp, tạo đạo đức cho mọi người”.

SỐNG CHẲNG CHO ĂN, CHẾT LÀM VĂN TẾ RUỒI

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Lúc cha mẹ còn sống không phụng dưỡng, đến khi cha mẹ chết làm ma chay thật to để lấy tiếng ở đời thì có nghĩa lý gì. Thưa Thầy phải không?

Đáp: Lúc cha mẹ còn sống phải lo phụng dưỡng, để đền đáp ơn sinh thành dưỡng dục. Lúc cha mẹ chết chỉ làm ma chay đơn giản, giữ gìn sự im lặng trong những ngày mất mẹ, mất cha, nhớ đến công lao mẹ cha lo làm ăn nuôi con lớn khôn nên người hữu dụng cho xã hội. Công ơn ấy rất lớn không thể lấy gì sánh được.

Cha mẹ chết mà làm ma chay linh đình là báo hiếu hình thức, làm như thế là để che mắt thế gian. Đạo Phật dạy chúng ta làm những điều chân thật; sống thích trầm lặng đơn giản (thiểu dục tri túc); chết an táng đơn giản rồi đem thiêu đốt, không cần quan quách sang trọng, không cần nhạc lễ, cúng bái tụng niệm, chỉ cần giữ vệ sinh chung đừng để ô nhiễm môi trường sống. Vì thân tứ đại do đất, nước, gió, lửa hợp thành, chết thì đất, nước, gió, lửa trở về đất, nước, gió, lửa, có vật gì quí báu đâu mà để 5, 7 ngày, để lâu càng làm mất vệ sinh gây môi trường sống ô nhiễm, khiến mình khổ, người khác khổ.

Đức Phật nhìn thân tứ đại là một pháp vô thường, bất tịnh, không có gì đáng quý và lưu giữ, nên khi chết đem thiêu đốt bỏ. Đức Phật và các đệ tử của Ngài khi chết đều đem thiêu đốt bỏ. Trong khi ấy các nhà Phật giáo phát triển theo giáo pháp phong tục Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản khi chết tìm mọi cách để lại nhục thân. Đó là một hình thức quý trọng thân, luôn luôn lúc nào cũng muốn giữ lại bằng mọi cách (ướp xác).

Có lần về thăm miền Bắc chúng tôi có đến thăm nhục thân của Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, đó là hai bộ xác khô, do định tưởng hoặc do khéo ướp xác bằng một loại thuốc, uống vào trước khi chết.

 Phật giáo Tây Tạng muốn giữ xác thân phải móc bỏ ruột gan rồi mới ướp xác chết bằng thuốc. Trung Quốc và Việt Nam thì lại ướp xác bằng chất thuốc đặc biệt hơn, trước khi chết chỉ cần uống thuốc vào là xác thân không hôi thối như trên đã nói.

Gần đây, Trung Quốc và Việt Nam khai quật một số mồ mả cổ và đã nhận được rất nhiều nhục thân, toàn là cung nữ, quan chức vua chúa, như trong báo Nguyệt San Giác ngộ số 35 “Di ấn Phật giáo trong nền văn hóa mộ táng cổ ở Nhật”. Bài báo viết: “Năm 1963-1965 vô tình các nhà khảo cổ đã khai quật được xác ướp của vua Lê Dục Tông từ thời Lê Trịnh, xác còn nguyên như vua còn đang an tịnh giấc nồng”.

“Huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội vô tình nhà máy thuốc lá đào được hai cái xác của hai vũ nữ đời nhà Lê. Xác ướp của bà Phan Thị Nguyên Chân vợ thượng thư trụ quốc Đặng Đình, tướng thời Lê Trịnh ở Phủ Lý, Hà Nam vào năm 1968”.

 “Tại Xóm Củi quận 8 thành phố Hồ Chí Minh đã khai quật lăng mộ Bà Nguyễn thị..., thi thể còn nguyên vẹn, thậm chí còn rất đẹp, cơ bắp còn co duỗi được. Các nhà y học đã cấy vào cơ thể bà nhiều lít nước thuốc dẫn dần hết dưới da thịt như chúng ta tưởng ở bệnh viện vậy”.

Gần đây như xác ướp Bác Hồ vẫn giữ nguyên vẹn như nằm ngủ. Chúng tôi đi đến đám tang vị bí thư tỉnh Tây Ninh, xác được tẩn liệm trong một quan tài bằng kính từ khi chết đến giờ phút đi an táng, xác vẫn như người ngủ không thấy hôi thối sình chương, chảy nước vàng như các đám tang của dân sự.

Qua những nhục thân của quan vua và các thiền sư để lại, thì chúng tôi có một xác định rõ ràng:

Nếu một vị thiền sư muốn giữ xác thân của mình mà không cần phải ướp thuốc thì thiền sư ấy phải nhập Diệt Thọ Tưởng Định. Từ trường của diệt thọ tưởng định bảo vệ thân xác không có một vật gì xâm thực phá hoại cơ thể được nên xương cốt và da thịt luôn luôn tươi nhuận như người còn đang sống (chứ không phải như bộ xương khô Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường).

Báo chí có đăng tin bên Đài Loan, người ta đã khai quật mộ của một vị sư được an táng trong một cái lu và cơ thể còn nguyên vẹn, không phải như bộ xương khô của nhục thân của Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường ở Việt Nam.

Qua báo chí, tin tức, đài, chúng tôi có nhận được nhiều tin tức về nhục thân. Đến khi xem các bộ nhục thân nàychúng tôi chẳng thấy có từ trường thiền định nào chung quanh nhục thân ấy. Do đó, chúng tôi xác định những nhục thân này được để lại có nhiều cách ướp xác, hoặc để khô giữ không cho nước gió xâm thực thì cơ thể vẫn còn nguyên vẹn.

Tóm lại, đức Phật nhìn cơ thể con người là một hợp duyên không có thật, bất tịnh và uế trược, nên chết là thiêu đốt không có giữ lại, không coi nó là một vật quí báu. Vì thế, khi chết đức Phật và các đệ tử của Ngài đều thiêu đốt, không có vị nào để lại nhục thân. Huyền thoại Ngài Ca Diếp ôm y bát vào núi Kê Túc nhập diệt thọ tưởng định để chờ đức Phật Di Lặc ra đời trao y bát cho. Đó là một câu chuyện bịa đặt của các Tổ sau này. Đức Phật nhìn các pháp trong thế gian này là vô thường nên Ngài đâu có cần gì mà trao y bát, chỉ có di chúc:“Nên lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy mà tu hành”.

Đời người khổ vì luôn chấp mọi thứ: chấp thân, chấp tâm, chấp pháp, chấp hình thức, để mà chịu khổ với những lầm chấp đó. “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Đó cũng là một lầm chấp về hình thức của kinh sách phát triển.

Từ những sự việc đó, Phật giáo do kinh sách phát triển triển khai thêu dệt ca ngợi những nhục thân và xá lợi, do tu tập thiền định mới có. Còn người không tu tập thì chẳng bao giờ có. Đó là các nhà Bà La Môn phát triển kinh sách lấy vải thưa che mắt mọi người. Nhưng không ngờ ngày nay, có những đoàn khoa học khảo cổ về sử học đã lật tẩy sự lừa đảo này. Những ngôi cổ mộ đã được khai quật để nghiên cứu, xác chứng kinh sách phát triển và kinh sách thiền tông không còn là một chứng tích thiền định mà là một sự lừa đảo, gian xảo.

Cho nên, có những bài táng tụng ma chay do các Tổ biên soạn ra để hành nghề mê tín lừa đảo người, như ngày nay chúng ta đã thấy khắp nơi. Sự lừa đảo này chỉ gạt những người không hiểu, chứ những người đã am hiểu Phật giáo chân chánh thì không thể gạt họ được. Hầu hết lối tụng niệm ma chay của kinh sách phát triển, đều là lối lừa đảo che mắt thế gian. Chứ chẳng có ích lợi gì mà còn làm cho người sống hao tổn tiền của và vất vả trong những ngày ma chay, cúng tế.Cầu siêu mà chẳng có linh hồn thì lấy cái gì mà siêu? Thấu rõ được như vậy mới thấyPhật giáo phát triển là một giáo pháp vay mượn của mọi tôn giáo và phong tục mê tín của con người, để thỏa mãn sự không hiểu của những người đang sống trong tưởng tri.

CHIẾM ĐOẠT CHÙA

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ở miền Bắc có một vị tu sĩ xuất gia từ thuở ấu thơ. Sau khi bổn sư qua phần, để lại một ngôi chùa cho vị tu sĩ này, vị tu sĩ này khép mình trong khuôn khổ giới luật, qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ vị này không bao giờ bỏ chùa suốt 50 năm liên tục. Đến năm 1990, mắt lòa chân chậm vì lo tu hành nên không giao du với ai, thân cô thế yếu. Do đó, có một số cư sĩ nam và cư sĩ nữ đưa một vị sư khác đến cướp chùa của vị này.

Vì thân cô, thế yếu vị này đành phải giao chùa, nhưng quá buồn khổ chẳng biết than thở cùng ai, nên thắt cổ tự tử, may có người hay được cứu thoát. Thưa Thầyđạo Phật ngày nay làm như vậy có đúng không?

Đáp:Tu sĩ đạo Phật ngày nay là tu danh, tu lợi, tu chùa to tháp lớn, tu ăn tu ngủ, tu xe cộ, tu quần áo, tu cấp bằng v.v.. Vì thế, cướp chùa người khác là chuyện thường, không những ở ngoài Bắc mà cả trong Nam cũng có.

Khi có chức vụ trong Giáo Hội, tức là có quyền hành, chùa nào có kinh tế dễ dàng, và nơi thị tứ thuận tiện giao thông là giúp sư thầy tìm cách đuổi vị trụ trì ấy đi. Nếu là thân cô thế yếu thì bị đuổi đi như thường, còn chỗ nào có thế lực thì không dám.Đó là hình ảnh tu sĩ Phật giáo phát triển hiện giờ là vậy. Họ không phải là những người tu giải thoát, mà là những người mượn chiếc áo tôn giáo làm ăn lớn.

Đối với Phật giáo phát triển chuyện đó là chuyện thường. Một vị thầy bổn sư chết, đám đệ tử tranh nhau chùa và tranh Phật tử. Biết bao nhiêu cảnh đau lòng đã xảy ra trong các chùa Phật giáo mà chúng ta không thể kể hết được.

Nhưng chúng ta phải biết đạo Phật chân chính đã mất, mất đi giới luật đạo đức, thì đạo Phật phát triển vô giới luật, làm những điều sai trái biết bao nhiêu là cảnh đau lòng, lại còn chuyện mê tín, lừa đảo, cướp giật tranh giành lẫn nhau trong các chùa. Nhìn Phật giáo thời nay qua chiếc áo tu sĩ, trông bệ vệ nghiêm trang mà bên trong thì chẳng có nghĩa gì là người tu cả, thật đau lòng. Phải không quý vị?

THẦY TỤNG

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các cư sĩ tại gia ngày nay học hỏi kinh sách phát triển dạy về táng tụng, cúng bái làm Bồ Tát hạnh. Các vị ấy tự xem mình tài giỏi hơn ai hết, hơn cả các thầy ở trong chùa nữa. Thưa Thầy như vậy có đúng không?

Đáp: Kinh sách phát triển chế ra Bồ Tát giới để cho hàng cư sĩ thọ giới Bồ Tát, làm việc từ thiện, giúp mọi người cúng bái tế lễ. Đó là một hình thức của Bà La Môn giáo ngày xưa. Bà La Môn giáo chia làm ba giai đoạn:

1-        Bà La Môn giáo thiếu niên, thì phải học tập thông suốt kinh điển cúng bái tế lễ, đây là giai đoạn học tập (giống như các Thầy ứng phú của kinh sách phát triển).

2-        Bà La Môn giáo trung niên, chuyên cúng bái tế lễ, sống ăn mặc như người thế tục giống như cư sĩ bây giờ, gọi là Phạm chí. Đây là giai đoạn làm từ thiện (Bồ Tát Hạnh).

3-        Bà La Môn Giáo tuổi già, bỏ nhà cửa gia đình thân quyến xuất gia đi tu nhưng đầu không có cạo. Đây là giai đoạn tu hành của Bà La Môn giáo.

Người cư sĩ tụng niệm, cúng tế, làm Bồ Tát Hạnh chính là Bà La Môn tụng niệm. Cho nên hình thức tổ chức của kinh sách phát triển là của Bà La Môn giáo. Người cư sĩ hành nghề cúng tế tụng niệm là một Bà La Môn. Họ không phải là một người tu mà là một người bình thường như thế tục, chỉ hơn người khác là có đọc kinh sách Vệ Đà và các nghi thức cúng tế. Thọ giới Bồ Tát rồi tự xưng mình là Bồ Tát (giới Bồ Tát cũng tự họ đặt ra) nên bản chất ngã mạn tự kiêu của họ rất lớn. Những người này chúng ta không nên trách, vì họ là những cư sĩ Bà La Môn (khất thực).

Đáng trách là trách quý vị tỳ kheo đầu cạo, mặc pháp y mà đi làm chuyện mê tín gạt người khác, chứ còn các vị cư sĩ Bà La Môn này họ hành nghề của họ, chứ không nên trách họ làm gì.

TỨ CHÚNG

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong giới luật của Phật nếu đệ tử của Phật giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và khép mình trong giới luật triệt để thì được xếp vào bốn hàng tứ chúng (cư sĩ nam, cư sĩ nữ, tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni) như vậy có bằng phẩm Bát Bộ Thiên Long không?

Đáp:Bốn chúng đệ tử của Phật là Tăng, Ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ đều phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh mới gọi là đệ tử Phật, còn Tăng, Ni và cư sĩ mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì gọi là đệ tử của Bà La Môn giáo, tức là Phật giáo phát triển.

Bốn chúng đệ tử Phật không thể gọi là Bát Bộ Thiên Long được.

Bát Bộ Thiên Long gồm có:

1-        Thiên Chúng gồm sáu cõi trời dục giới, bốn trời tứ thiền sắc giới, bốn trời vô sắc giới.

2-        Long Chúng (rồng) gồm có tám vị Long Vương.

3-        Dạ Xoa là những quỷ thần.

4-        Càn Thát Bà là thần âm nhạc ở cõi trời Đế Thích.

5-        A Tu La là thần quả báo (thích đánh nhau).

6-        Ca Lâu La (Thần kim xí điểu)

7-        Khẩn Na La là giống thần đầu người thường ca hát ở cõi trời Đế Thích.

8-        Ma Hầu La Già là thần mãng xà (thần rắn).

Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật đã xác định Bát Bộ Thiên Long là tưởng tri, chớ không phải liễu tri. Vậy Bát Bộ chẳng phải là thế giới trời, người, quỷ, thần mà do tín ngưỡng Ấn Độ đã xây dựng từ xưa trước khi có đạo Phật.

“CHẾT” LÀ MỘT SỰ NỐI TIẾP CỦA LUẬT NHÂN QUẢ VÔ THƯỜNG

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Bên kia cõi chết, tử thần đã cướp đi người bạn đời của con, hiện nay đời sống bỗng trở thành vô vị, cuộc đời đầy tẻ nhạt, chán chường, hạnh phúc đã mất đi không bao giờ trở lại. Người ấy đã đi xa đi mất, số phận duyên nợ chỉ có thế thôi. Nhưng có lúc con cầu mong cho họ được bình an, nhưng con lại thấy có cái gì không ổn đối với họ.

Thân tứ đại này do đất, nước, gió, lửa hợp lại rồi tan đi, đó là số phận phải không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ cho con biết.

Đáp: Không có sự sống sau khi chết mà chỉ có sự nối tiếp của luật nhân quả.Với trí hữu hạn của con người, không thể hiểu thấu được sự tiếp nối của định luật nhân quả luân hồi, nên thấy có sanh và có tử. Sự thực sanh tử là một diễn biến của luật nhân quả, xác định sự vô thường của các pháp trong thế gian này.

Các pháp trong thế gian này đều chịu luật vô thường, sanh diệt của nhân quả. Vì thế, không có pháp nào trong thế gian này ra khỏi sự chi phối của luật nhân quả, nên các pháp thường sanh diệt theo chu kỳ tuần tự của định luật và mỗi pháp phải chịu sự biến dịch.

Người bạn đời của con gặp nhau trong duyên nhân quả để trả vay, vay trả. Khi vay trả xong thì phải theo định luật nhân quả tiếp tục trả vay sự việc khác.Con không thấu hiểu điều đó, nên tạo thêm nhân quả thương nhớ, ràng rịt và trói buộc, không phải trói buộc với nhân quả của người đã mất mà trói buộc với nhân quả tương ưng.

Lòng thương nhớ của con sẽ gặp nhân quả tương ưng với lòng thương nhớ đó để mà trả vay, vay trả. Còn nhân quả kia (người bạn đời của con) thì đã trả vay xong thì không còn tương ưng với con nữa.

Cho nên, con quá không hiểu và điên đảo đã thương nhớ một nhân quả, để rồi phải gặt lấy một nhân quả khác đang trói buộc (kiết sử) để kiếp sống đời đời chẳng bao giờ thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi. Con muốn tu hành giải thoát thì hãy đoạn dứt sợi dây ái kiết sử này. Sợi dây ái kiết sử này là con đường tiếp tục sanh tử luân hồi đầy đau khổ mãi mãi.

Tình cảm của con người là một sợi dây rất khó bứt, nếu không thấu suốt được luật nhân quả thì không bao giờ đoạn sạch được “ái kiết sử”. Người tu theođạo Phật thấy ái kiết sử như là thấy một con rắn độc, nó từng đem đến nọc độc khổ đau cho loài người. Con là một con người đang bị nọc độc của ái kiết sử.

Một người vợ khóc chồng, một người chồng thương vợ là ái kiết sử; một ngườimẹ thương con, một người con thương mẹ là ái kiết sử. Nói chung tất cả các tình cảm thương yêu nhau là ái kiết sử. Người nào đã bi lụy vì tình cảm yêu thương ấy, trong đạo Phật gọi là đã bị nọc độc rắn nhân quả cắn. Kẻ nào đoạn dứt được nọc độc này là kẻ đó làm chủ rắn độc nhân quả. Nếu không làm chủ được nhân quả thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ bị nọc độc rắn nhân quả làm cho ta sống trong cảnh khổ đau triền miên, bất tận, không những trong một đời mà nhiều đời nhiều kiếp.

Con cần phải thấu suốt luật nhân quả để không còn buồn khổ vô ích. Trong luật nhân quả, khi một người mất đi thì chỉ còn nghiệp lực của nhân quả tiếp tục tái sanh luân hồi, và người bạn đời của con đâu còn cái gì gọi là người bạn của con nữa. Thế nên, sự thương nhớ của con chỉ là nhớ lại một hình bóng ảo tưởng của con trong ký ức mà thôi.

Cũng như hiện giờ trong kiếp sống này con có bao giờ nghĩ đến thương người bạn đời trong kiếp quá khứ của mình chăng? Chắc điều đó, không bao giờ có phải không con? Cũng nhưngười bạn đời của con đã chết thì trong kiếp khác, họ đâu có còn nhân quả để mà nhớ đến con nữa. Trong họ chỉ biết kiếp hiện tại của họ mà thôi. Cũng như con bây giờ cũng vậy, chỉ có không thông hiểu điên dại đi khóc nhân quả.

Nhân quả có nghĩa lý gì đâu? Nó chỉ là những hành động của con rắn độc ái kiết sử, nó đã làm khổ loài người trên hành tinh này, khiến cho nước mắt của con người còn nhiều hơn nước biển.

Trên hành tinh này, duy nhất chỉ có đạo Phật mới dạy con người về lý nhân quả, không có một giáo phái nào mà dạy chúng ta làm chủ như vậy được. Con đủ phước duyên tu tập, hãy dứt sạch ái kiết sử đó đi, đừng thương vay khóc mướn nhân quả, chẳng có ích gì mà tự con đã làm khổ lấy mình.

ĂN THỊT CHÚNG SANH VÌ SỨC KHỎE

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong 5 giới của người cư sĩ có:

1- Sát sanh.

2- Trộm cắp.

3- Tà dâm.

4- Vọng ngữ.

5- Uống rượu.

Năm giới này con cố gắng giữ gìn đừng cho sai phạm nhưng giới không sát sanh thì con có giữ nhưng chưa trọn vẹn, vì còn ăn thịt chúng sanh (con chỉ giữ được 10 ngày trong một tháng). Vì sức khỏe con còn ăn thịt để sống, chứ không có cảm giác ngon lành gì cả. Nếu sức khỏe con tương đối tốt thì con cố gắng ăn chay trường luôn để giảm bớt sự sai phạm giới luật của Phật.

Đáp: Giới luật và giáo pháp của Phật chế ra là để mưu cầu sự an vui hạnh phúc cho con người, chứ không phải chế ra để gò bó khắc khổ, để người bắt con người phải sống khổ hạnh ăn uống thiếu chất làm cho tuổi thọ kém dần sanh ra nhiều bệnh tật và mau đi vào cõi chết.

Giới luật của Phật không phải là một giáo pháp khô khan, khi một người chấp hành đúng, sống đúng và giữ gìnnghiêm túcthì chết dần mòn trong sự hao hụt và thiếu dinh dưỡng, hiểu như vậy là hiểu sai. Đạo Phật vốn không phải đạo khổ hạnh ép xác mà là đạo giải thoát, nên ai tu gặp chướng ngại pháp hoặc cảm thấy khó chịu khổ đau là tu sai.

Trí vô hạn của một bậc tu chứng như Phật thì không thể nào không thấu suốt được. Khi chế giới luật, Ngài đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chấp nhận khổ hạnh và không chấp nhận lợi dưỡng. Cho nên, giới luật của Ngài chế ra là đi vào trung đạo. Ngài biết rất rõ: ăn ngày một bữa không phải là khổ hạnh là ăn uống thiếu chất bổ, khiến cơ thể sanh ra bệnh tật. Khi cơ thể sinh ra bệnh tật, tức cơ thể khổ đau, cơ thể khổ đau thì mất sức, thiếu dinh dưỡng, đó là khổ hạnh.

Ngược lại, ăn ngày một bữa và không ăn thịt chúng sanh, tránh tội sát sanh, gây nợ máu (gây nghiệp máu) làm đau khổ và đoản mạng chúng sanh. Chính vì ăn thịt chúng sanh mà chúng ta tiếp tục mãi nhân quả đau khổ (thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, tai nạn v.v..). Đó là luật nhân quả đang vay trả của những người thiếu tâm từ bi, còn nỡ tâm ăn thịt chúng sanh, không thấy sự đau khổ trước khi chết và tiếng kêu la gào thét trong đau khổ cùng sự ham muốn sống của loài chúng sanh.

Người tu theo đạo Phật phải thể hiện tâm từ bi rộng lớn với muôn loài và với bản thân mình. Mình không muốn khổ thì há lại làm khổ kẻ khác loài vật khác sao.

“Ăn để sống” không có nghĩa là ăn thịt chúng sanh, “Ăn thịt chúng sanh” nghĩa là ăn để đau khổ chết.

ÔNG TÁO

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng việc làm ác và thiện của gia chủ. Như vậy có không, xin Thầy chỉ dạy? Có người còn bảo năm nào mà không mua mũ cho ông Táo, thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm, và Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa và người làm ác sẽ chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia áo mão của ông Táo giống như mũ hia áo mão của một vị quan phong kiến. Ông Táo không có thật mà chỉ là một tưởng tri của loài người để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác.

Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo, để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không có gieo tai họa. Câu chuyện biến dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câuchuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, đạo đức (hối lộ mũ hia giày, quần áo, cá chép, cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).

Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chứ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông” bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời.

Phật giáo phát triển cũng chịu ảnh hưởng, nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư thiên về chầu trời, “Dân gian thì đưa Táo Quân, Phật giáo thì đưa chư thiên về trời”.

Qua câu chuyện ông Táo đã chỉ cho chúng ta thấy được Phật giáo phát triển có trí tuệ hay không trí tuệ, điều này chắc ai cũng rõ. Câu chuyện mê tín dân gian mà Phật giáo phát triển lại biến thành Phật giáo mê tín. Bởi vậy Phật giáo phát triển có đáng cho chúng ta đủ niềm tin chăng? Phật giáo phát triển đi đến đâu cũng viên dung và viên thông, lấy tất cả các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của dân gian làm giáo pháp của mình. Hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn Phật giáo phát triển đi đến đâu đều gieo rắc mê tín đến đó.

Cho nên, giáo pháp Phật giáo phát triển là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác chỉ cần thay danh từ là biến thànhgiáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo Quân thì Phật giáo phát triển biến danh từ Táo Quân thành danh từ chư Thiên.

Nếu các nhà nghiên cứu Phật giáo phát triển xét kỹ, đừng kẹt trong danh từ thì thấy rất rõ giáo pháp đó là bã mía của các tôn giáo khác. Đó là đứng về nội dung, còn đứng về hình thức thì giáo pháp phát triển không có gì đặc biệt chỉ giống như chiếc áo nhiều mảnh vải kết lại mà thành.

Cho nên, câu chuyện Táo Quân là câu chuyện tưởng tượng, chứ không có thật Táo Quân, chỉ có người không thông hiểu mới tin rằng có thật. Cúng lễ Táo Quân ngày 23 là phong tục mê tín dân gian.

MỜI NGƯỜI CHẾT VỀ ĂN TẾT

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Như Thầy đã dạy cho chúng con biết, người chết khi tắt thở là tiếp tục tái sanh luân hồi (chết đây sanh kia), tức là chết là bắt đầu cho sự sống. Hàng năm cứ đến ngày giỗ và đến ngày Tết lại ra mồ mả ông bà cha mẹ đã chết hàng 50 năm mời về ăn Tết với con cháu. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Đây cũng là một tục lệ mê tín dân gian, nhưng nói lên được tình nghĩa của con người (người sống đối với người chết). Bởi vì người ta không rõ người chết là mất hết, tan rã sạch chỉ còn lại những hành động nhân quả nghiệp thiện ác tiếp tục tương ưng với nhân quả thiện ác mà tái sanh luân hồi (có thân mới).

Người ta tưởng rằng, người chết là xác thân chết, còn linh hồn, tức là tâm bất diệt mãi luôn luôn sống dưới mồ “Sống cái nhà,thác cái mồ”. Người chết linh hồn sống dưới mồ.

Ngôi mồ chỉ là một đống đất chẳng có ai ở trong đó cả. Di tích đời người cuối cùng là ngôi mộ, là một nắm đất hôi thối tàn tạ và khô cằn mà người sống dành cho người chết để gửi nắm xương tàn bất tịnh.

“Sống cái nhà thác cái mồ”, câu tục ngữ này nói lên tình nghĩa người nhớ ơn người, nhất là tinh thần dân tộc Việt Nam: “Chim có tổ người có tông”. Đạo thờ phụng ông bà Tổ tiên cũng từ tình cảm con người mà ra. Vì thế đến ngày tư, ngày Tết, ngày giỗ, những người còn sống nhớ công ơn ông bà Tổ tiên, cha mẹ, đến mộ mời những người thân ấy về ăn Tết, như lúc họ còn đang sống với con cháu cho vui.

Tin tưởng như thế cũng chẳng có hại gì cho ai, miễn là không có gây phiền hà cho người khác, và toàn gia đình họp mặt vui vẻ, nhắc lại công hạnh, phước đức của ông bà, cha mẹ lúc còn sống, để con cháu nghe mà bắt chước.

Còn nếu tin rằng, có linh hồn ông bà, cha mẹ đã chết về ăn Tết với con cháu thì điều đó không đúng, điều đó là một điều mê tín cần phải bỏ. Là Phật tử các con phải sáng suốt, cái gì đáng tin, là cái đó phải đúng sự thật, phải thấy bằng mắt, phải hiểu bằng ý thức, đừng để tưởng thức xen vào mơ hồ, trừu tượng. Cái gì không đúng sự thật, mơ hồ, trừu tượng, thì nhất định không tin, cái gì có lợi ích cho mình, cho người, không trừu tượng, mơ hồ thì mình tin, còn không lợi ích cho mình, cho người thì không tin.

NHỮNG LỜI TÂM HUYẾT CỦA TRƯỞNG LÃO THÍCH THÔNG LẠC

Thời gian trôi qua quá nhanh, mới đó mà đã hai tháng rồi, giống như một giấc mộng. Nhìn lại sự tu tập của các con Thầy rất lo lắng, vì tu tập như vậy làm sao chứng đạt chân lí được. Phải không các con?

Muốn chứng đạt chân lý là phải tu tập xả tất cả chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm và pháp, chứ đâu tu tập ức chế ý thức để cầu không niệm.

Tu tập Tứ Niệm Xứ mà cứ như tu tập Tứ Chánh Cần, tu như vậy làm sao đi đến chỗ chứng đạo được! Chỗ này các con hãy lắng nghe và tìm hiểu nghĩa lý thực hành cho rõ ràng từng pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, rồi từng giai đoạn tu tập của các pháp môn này.

Cùng một pháp môn nhưng giai đoạn đầu tu tập khác; giai đoạn sau tu tập khác huống là hai pháp môn khác nhau trong hai lớp khác nhau của Bát Chánh Đạo như: lớp Chánh Tinh Tấn và lớp Chánh Niệm. Lớp Chánh Tinh Tấn là phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, còn lớp Chánh Niệm là phải tu tập Tứ Niệm Xứ. Vì thế cần phải hiểu rõ nghĩa như sau:

1- Tu tập Tứ Chánh Cần là “ngăn”“diệt” các ác pháp để luôn luôn “sinh” thiện tăng trưởng thiện pháp. Các con nên lưu ý những danh từ: “NGĂN”“DIỆT”; “SANH”“TĂNG TRƯỞNG”. Vậy ngăn và diệt; sanh và tăng trưởng là nghĩa như thế nào? Còn tu tập như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con có nhớ không?

“Ngăn”nghĩa là ngăn ngừa, ngăn chặn, ngăn cản không cho vào.

“Diệt”nghĩa là làm cho tiêu mất, làm cho chết, làm cho tiêu diệt, làm cho không còn, không tồn tại.

“Sinh”nghĩa là sinh ra, làm ra cho nhiều, sản xuất.

“Tăng trưởng”nghĩa là làm cho lớn, cho nhiều, cho mạnh.

2- Tu tập Tứ Niệm Xứ là trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu; trên thọ quán thọ...; trên tâm quán tâm...; trên pháp quán pháp để nhiếp phục tham ưu. Các con nên lưu ý những danh từ: “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU”.Vậy quán, nhiếp phục, tham ưu nghĩa là gì? Và cách thức tu tập “QUÁN, NHIẾP PHỤC, THAM ƯU”như thế nào? Thầy đã dạy các con rồi. Các con còn nhớ không?

“Quán”nghĩa là quan sát bằng mắt; bằng sự cảm nhận.

“Nhiếp phục”nghĩa là thu phục làm cho phục tùng; làm cho đầu hàng; làm cho không còn chướng ngại pháp và ác pháp nữa; làm cho không còn phá phách; làm cho không còn đau khổ; làm cho không còn phiền não; làm cho không còn giận hờn tham, sân, si, mạn, nghi nữa.

“Tham ưu” nghĩa là tham muốn và phiền não, nghĩa chung là những chướng ngại pháp.

Có hiểu nghĩa rõ ràng như vậy, các con mới tu tập đúng pháp thì sự chứng đạt chân lí mới nhanh chóng và dễ dàng. Các con đang hiểu sai pháp nên tu hành không đúng. Tu Tứ Niệm Xứ mà cứ tu tập Tứ Chánh Cần như trên đã nói, chỉ còn năm tháng nữa mà tu sai làm sao chứng đạo. Hãy mau mau sửa lại sự tu tập cho đúng, kẻo phí thời giờ vô ích.

Tu tập như vậy làm sao chánh pháp của Phật thường còn? Tu mà không chịu khó quan sát xem xét những giới luật mình đang thọ và giữ gìn (Mười Giới Đức Thánh Sa Di), có vi phạm giới nào không? Giới luật là đời sống phạm hạnh của người tu, là pháp ly dục ly ác pháp, thế mà các con không giữ gìn cho trọn vẹn, luôn luôn vi phạm giới luật, để trở thành người phá giới, nhất là giới hạnh độc cư. Giới hạnh độc cư là giới phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Các con không giữ gìn nó thì làm sao tâm ly dục ly ác pháp cho được; tu mà không giới luật thì không xả tâm chỉ biết ức chế tâm và còn để tâm rong ruổi chạy theo dục lạc ở đời; theo tình cảm của cuộc sống người này với người kia; theo các ác pháp dùng lời nói li gián, để chia rẻ, để ganh ghét, để thù hận với nhau, thì còn nghĩa lý gì là tu hành nữa. Phải không các con?

Tu mà nói chuyện người này đúng, người kia sai; tu mà còn so bì hơn thua với nhau từng chút, từng ly; tu mà đi rình ngó người này tu như thế này, người kia tu như thế kia, thì làm sao chứng đạo được các con? Nhìn thấy sự tu tập của các con mà Thầy rất buồn lòng. Buồn là nghĩ đến nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người làm sao có người dựng lại được, khi các con tu tập như vậy. Tâm Thầy lại còn xót xa hơn, khi nghĩ đến hạnh phúc của loài người trên hành tinh này quá mỏng manh, nhất là loài người không bao giờ có được hạnh phúc ấy. Hiện giờ các con là những người đại diện cho mọi người mà hiểu lầm và tu hành sai pháp như vậy. Rồi đây làm sao có người thay thế Thầy dựng lại Chánh pháp của Phật? Thầy đã già rồi, đừng ỷ lại vào Thầy. Phật sống đến 80 tuổi. Ông A Nan sống 120 tuổi, nhưng có người còn bảo Ông A Nan già lú lẫn...

 Ôi! Chúng sanh ít phước, làm sao thọ hưởng được nền đạo đức ấy. Các con là những người đại diện cho muôn người, vạn triệu người trên hành tinh này như trên đã nói mà tu tập như vậy thì còn hy vọng gì nữa các con! Thầy sẽ ra đi vĩnh viễn và mãi mãi các con sẽ mất Thầy.

Còn năm tháng nữa, chứng nào tật nấy làm sao các con bỏ được tâm bỉ thử đây! Làm sao sống được đạo đức làm người sống không làm khổ mình, khổ người. Tu hành mà các con luôn thấy lỗi người không thấy lỗi mình thì đạo đức gì đây! Nhìn các con tu hành lòng Thầy đau xót như ai cắt ruột.

Các con có biết không? Còn năm tháng nữa, tu như vậy làm sao chứng đạo được các con?

 Một lần nữa, nếu không có người chứng đạo, Thầy sẽ ra đi! Và đi! Đi mãi!!! Nếu còn duyên Thầy sẽ ẩn bóng viết xong bộ sách “ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI”,rồi vĩnh biệt các con. Các con ở lại mà sống với cuộc đời đầy ác pháp, đầy nước mắt và đau khổ. Chừng đó các con có nhớ Thầy, thì hãy nhớ giới luật và Tứ Niệm Xứ. Giới luật và pháp môn Tứ Niệm Xứ là thầy của các con; là ngọn đuốc soi đường cho các con đi; là chỗ nương tựa vững chắc cho đời tu hành của các con. Các con nhớ kỹ lời dạy này, đừng bao giờ quên hỡi các con?

Thấy pháp hành các con áp dụng còn nhiều chỗ chưa hiểu rõ ràng, do đó khi thực hành vào pháp xả tâm trên Tứ Niệm Xứ thì lại ức chế tâm, tu như vậy không đúng theo lời Thầy dạy. Do không hiểu đúng lời Thầy dạy nên các con tu hành thấy khó khăn và vất vả, thật đáng thương. Biết làm sao bây giờ đây, sự hiểu biết của các con có giới hạn, nên lời nói và sự cố gắng của Thầy để diễn đạt cho các con hiểu, nhưng sự hiểu của các con còn hạn cuộc trong không gian và thời gian của ý thức. Vì thế, các con chỉ hiểu ở mức độ đó, không thể nào hiểu hơn được nữa, nên cũng đành chịu thôi vậy.

Ở đây, chỗ các con đã hiểu sai về Phật pháp, nhất là về sự chứng đạo của Phật giáo. Cho nên, hiện giờ quý sư, quý thầy, quý ni và quý cư sĩ đang tu theo Phật giáo đều nghĩ rằng: “chứng đạo là chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại ghê gớm lắm”. Hiểu như vậy là hiểu sai Phật giáo. Phật giáo là nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, mà mọi người lại hiểu Phật giáo là một tôn giáo thần quyền, là một loại thiền định siêu đẳng, là một thế giới ngoài thế giới của loài người, nên kinh sách phát triển Bắc tông cũng như kinh sách Nam tông đều hướng dẫn tu tập ức chế tâm và còn nghĩ rằng: con người cần phải nhờ vào oai lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ và còn phải tu tập nhiều đời nhiều kiếp. Nhất là còn phải tạo nhiều phước báu hữu lậu như: bố thí, cúng dường xây dựng chùa, tháp, đúc chuông, tạc tượng Phật và làm từ thiện v.v.. Nhưng thật sự không phải vậy. Kinh sách Phật giáo Nguyên thủy đức Phật đã khẳng định trong bài chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Sau buổi thuyết pháp đó, năm anh em Kiều Trần Như đều chứng pháp nhãn thanh tịnh và chẳng bao lâu đều chứng quả A La Hán. “Nghe xong bài thuyết pháp này và một bài thứ hai có đầu đề “Anttalakkhana sutta”, bàn về thuyết vô ngã (không có cái Ta), năm vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được giác ngộ và không bao lâu trở thành A La Hán”(Lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni do HT Minh Châu biên soạn trang 29).

Đọc đoạn kinh này xong chúng ta biết rằng Phật giáo không phải là pháp môn khó tu tập như thiền Yoga và thiền Tông Trung Hoa. Đối với Phật giáo chỉ cần hiểu đúng và sống đúng là chứng quả A La Hán.

Danh từ chứng đạo đã khiến cho mọi người hiểu nó qua trí tưởng tượng nhiều hơn, nên chứng đạo là chứng cái gì cao siêu và phi thường vượt ngoài tầm tay con người. Vì thế, người ta thấy nó quá khó khăn vô cùng. Tư tưởng thấy quá khó khăn cũng là một điều cản trở rất lớn trên bước đường tu tập chứng đạo.

Như đoạn kinh trên đã nói: năm anh em Kiều Trần Như nghe xong pháp và chứng quả A La Hán đâu có khó khăn gì! Vì thế, chúng ta nên xét kỹ lại các pháp đang tu tập, nhất là pháp môn Tứ Niệm Xứ thì sự chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con?

Nhưng vì mọi người đã hiểu lầm lạc. Họ đâu biết rằng: “Chứng đạo chỉ là sống với một tâm không bị dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu tác động. Cho nên, chứng đạo không có chứng một cái gì cao siêu, huyền bí và vĩ đại cả, chỉ là một cái tâm bình thường như mọi người, nhưng không có chướng ngại pháp nào làm cho tâm người ấy bị dao động”.

Chứng đạo không có nghĩa là chứng thần thông, phép lực cao cường, hô phong, hoán võ, tàng hình, biến hóa, đằng vân, độn thổ, biết chuyện quá khứ, vị lai của mọi người v.v.. mà chứng đạo chỉ là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

Chứng đạo chỉ là sống với tâm thanh thản, an lạc và vô sự, lúc nào cũng như lúc nào không bị kèm chế, không bị bắt buộc phải tu tập như thế này, phải làm như thế kia. Trong sự chứng đạo chỉ có một điều quan trọng nhất, đó là phải sống đúng giới luật như trong bộ sách Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống tập I đã dạy. Chúng ta phải quyết tâm buông xả đời sống nhân quả đang hiện có trong thân tâm của chúng ta.

Mục đích tu hành của chúng ta là làm chủ bốn nỗi đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh và chết, nhưng muốn làm chủ sanh, già, bệnh và chết thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng: Cái gì làm cho chúng ta bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Muốn biết rõ được điều này chúng ta hãy vào kinh Trung Bộ tập I, tạng kinh Việt Nam, trang 364, đọc Kinh Thánh Cầu mà đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu. Chư Tỳ kheo, và thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tìm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết lại tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sanh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng bạc là bị sanh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh.

Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị già? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị già; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị già; dê và cừu là bị già; gà và heo là bị già; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái làbị già; vàng bạc là bị già. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị già, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị già lại tầm cầu cái bị già.

Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị bệnh? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị bệnh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị bệnh; dê và cừu là bị bệnh; gà và heo là bị bệnh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị bệnh; vàng bạc là bị bệnh. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị bệnh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh.

 Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị chết? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị chết; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị chết; dê và cừu là bị chết;gà và heo là bị chết; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị chết; vàng bạc là bị chết. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị chết, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị chết lại tầm cầu cái bị chết.

 Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị sầu? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị sầu; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sầu; dê và cừu là bị sầu; gà và heo là bị sầu; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sầu; vàng bạc là bị sầu. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị sầu, và người ấy lại nắmgiữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sầu lại tầm cầu cái bị sầu.

 Và này các Tỳ kheo, cái gì theo các Người gọi là bị ô nhiễm? Này các Tỳ kheo, vợ con là bị ô nhiễm; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị ô nhiễm; dê và cừu là bị ô nhiễm; gà và heo là bị ô nhiễm; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị ô nhiễm; vàng bạc là bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, những chấp thủ ấy bị ô nhiễm, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu”.

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy rất rõ ràng cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết, đó là sanh y, tức là những vật chất, những người thân. Những vật chất và những người thân xung quanh chúng ta gọi chung là các pháp mà chúng ta lầm tưởng những pháp đó đang phục vụ đời sống của mình và mang lại hạnh phúc, nhưng khi những vật chất đó càng nhiều hơn thì sự khổ đau cũng nhiều hơn. Những vật chất đó càng nhiều thì chính chúng ta là những người nô lệ cho những vật chất đó, đang bị chúng sai bảo và dẫn dắt chúng ta vào cảnh giới ưu bi, sầu khổ, bệnh, chết như trong kinh Thánh Cầu đã dạy ở trên và kinh Thập Nhị Nhân Duyên đã dạy dưới đây: “Có duyên sanh thì ắt phải có duyên ưu bi, sầu khổ và bệnh, chết”,và như vậy hai bài kinh đã dạy không sai khác.

Muốn thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này chúng ta hãy đọc tiếp kinh Thánh Cầu để được đức Phật chỉ đường: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Thánh cầu”.

Sau khi đọc đoạn kinh trên đây, các con có biết cách thức tu tập xả ly và từ bỏ cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu và bị ô nhiễm chưa? Nếu không biết cách thức tu tập xả ly từ bỏ sanh, già, bệnh, chết... thì các con sẽ lầm lạc vào chỗ tu tập ức chế thân tâm, có thể dẫn đến chỗ rối loạn thần kinh như trên Thầy đã dạy.

Các con phải biết, tu hành theo Phật giáo là một sự sống bình thường, chứ lý đâu lại diệt hết ý thức phân biệt vọng niệm thiện pháp của mình. Cho nên, có vọng tưởng hay không vọng tưởng đều là ý thức bình thường của mỗi con người, nhưng người tu hành sống đời đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì không chấp nhận những vọng tưởng có tính bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Vì thế, khi có các vọng tưởng đó thì dùng đúng pháp của Phật đã dạy để xả ly, để từ bỏ, để đoạn diệt, không nên để nó lưu lại trong tâm dù một phút, một giây, phải đuổi đi một cách quyết liệt, một cách dũng cảm, một cách gan dạ; phải đầy đủ nghị lực chiến đấu với những vọng tưởng và các cảm thọ đó. Tất cả những vọng tưởng đó là ác pháp, là cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết. Cho nên, chúng ta đều phải ngăn và diệt cho tận gốc cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết này. Tu hành chỉ có làm một việc như vậy thôi, chứ có tu tập gì nhiều đâu!

Còn những vọng tưởng không sanh, không già, không bệnh, không chết thì để nó tự nhiên, có gì mà phải ngăn diệt nó. Nó là ý thức của chúng ta, nó đâu phải là chướng ngại pháp. Vậy mà các con hễ thấy niệm là diệt, là tìm mọi cách ức chế cho đừng có niệm như Pháp Bảo Đàn Kinh dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”. Như kinh Di Đà dạy: “...Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật...”. Như kinh Kim Cang dạy: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” Đó là phương pháp tu hành của Đại Thừa và Thiền tông ức chế ý thức tối đa khiến cho người tu hành rơi vào thiền tưởng. Do rơi vào thiền tưởng mới tưởng con người có Phật tánh; mới tưởng có thế giới Cực Lạc, Thiên Đường; do rơi vào thiền tưởng nên không biết đường đi đến cứu cánh, giải thoát hoàn toàn. Vì thế, họ phải tự an ủi cuộc đời tu hành của mình bằng cách phải tu tập nhiều đời, nhiều kiếp.

Các con hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Thế nên, các Tỳ kheo không nên phóng dật. Ta chính nhờ không buông lung (phóng dật) mà thành Chánh Giác, vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung (phóng dật) mà có được. Tất cả vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của đức Như Lai”. (Kinh Du Hành trang 207 Trường A Hàm tập I thuộc tạng kinh Việt Nam).

Các con có nghe rõ lời dạy này chưa? Lời đức Phật dạy quá rõ ràng: tâm không phóng dật tức là tâm không buông lung, hai chữ buông lung xác định nghĩa rất cụ thể: tâm không buông lung là tâm không chạy theo dục lạc và các pháp thế gian, chứ không phải tâm không niệm. Các con nên phân biệt cho rõ: Tâm không buông lung có nghĩa là ý thức không khởi niệm ham muốn cái này cái kia, còn tâm không niệm có nghĩa là ý thức không khởi niệm vọng tưởng. Ý thức không khởi niệm là pháp môn của ngoại đạo, còn Phật giáo ý thức không phóng dật, không buông lung chạy theo pháp trần, nhưng các niệm thiện vẫn còn. Vì thế đức Phật dạy: “Vô lượng điều lành đều nhờ không buông lung mà có được”. Cho nên, tâm không phóng dật, nhưng các pháp lành từ nơi tâm không phóng dật mà sanh ra. Đọc câu kinh này chúng ta thấy người tu hành có hết vọng tưởng không?

Tại sao tu hành chúng ta lại hiểu là phải diệt hết vọng tưởng? Diệt hết vọng tưởng để trở thành cây, đá thì còn ý nghĩa gì là sự giải thoát?

Tu là để làm chủ những sự đau khổ, để hết đau khổ, chứ đâu phải tu là làm cho chúng ta trở thành người ngu ngu, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như người mất hồn, đi thì gầm gầm không dám ngó nhìn ai, nói nói, cười cười một mình.

Tu là đem lại cho chúng ta một tâm hồn hân hoan vui vẻ, đoan trang, chánh trực, không liếc xéo, liếc ngang, không nói xấu, nói lỗi người khác, không li gián người này với người kia.

Tu là đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, thoải mái, chứ đâu phải đi cúi đầu, khom lưng, bước thấp bước cao.

Tu là tỉnh giác, nhưng tỉnh giác đâu có nghĩa là chỉ có biết cảm nhận bước đi và hơi thở ra, hơi thở vào mà thôi. Tỉnh giác là tỉnh thức luôn luôn sáng suốt nhận xét tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh chúng ta một cách đúng với chánh pháp. Nếu các con hiểu đúng nghĩa như vậy thì sự tu tập đâu có sai pháp và chứng đạo đâu có khó khăn mệt nhọc gì.

Cho nên, nói tu tập là nói theo tôn giáo, nhưng nói theo tôn giáo thì người ta lại hiểu tu tập là ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bắt ấn, cầu siêu, cầu an, lạy lễ hồng danh Phật để sám hối cho tiêu tai, giải tội v.v.. Tu tập nói theo đời sống bình thường của con người là sửa sai những điều làm khổ mình, khổ người; sửa sai những hành động làm ác; sửa sai những điều bị ô nhiễm nghiện ngập; sửa sai những lời nói ác, lời nói dối, lời nói li gián khiến cho mọi người mất đoàn kết bất hòa; sửa sai những ý nghĩ ác, những ý nghĩ làm hại người.

Vì sửa sai để trở thành con người tốt, con người có đạo đức. Cho nên, tu theo Phật giáo chỉ có sửa sai tâm tính của mình, vì thế đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” hoặc “Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” hoặc “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Những lời dạy trên đây của đức Phật là những lời dạy để sửa sai những thói hư tật xấu của mình; để mình trở thành người tốt; người có đạo đức; người không còn thói hư tật xấu nữa; người sống luôn luôn không làm khổ mình, khổ người.

Người chứng đạo rồi cũng giống như người bình thường nhưng lại phi thường vì sanh, già, bệnh và chết không sai khiến thân tâm họ được, còn người chưa chứng đạo thì bị sanh, già, bệnh và chết tác động vào thân tâm khiến cho thân tâm bất an thường bệnh tật, phiền não, khổ đau, sợ hãi, lo lắng, thương ghét, giận hờn v.v..

Một lần nữa người chứng đạo và người bình thường chỉ khác nhau là ở chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Người sống bình thường chỉ cần biết đâu là con đường thiện và đâu là con đường ác và không sống theo con đường ác, chỉ sống theo con đường thiện. Người biết sống được như vậy là người chứng đạo. Cho nên, chứng đạo đâu có khó khăn gì. Phải không các con?

Tu đâu có nghĩa là làm thay đổi thân tâm khác thường; tu là ngăn và diệt những hành động làm khổ mình, khổ người.

Sau hai tháng tu hành xả tâm trên Tứ Niệm Xứ, trên gương mặt của quý sư, quý thầy, quý cô và quý cư sĩ nam, nữ sao không hân hoan, sao không thoải mái, dễ chịu, trông có vẻ khắc khổ lắm vậy.

Cho nên, các con cần phải xác định cho rõ ràng: Tu chứng là chứng cái gì?

Như trên đã nói, đâu phải tu hết vọng tưởng là chứng đạo như Thiền Tông dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền. Tu hết vọng tưởng để làm gì các con? Nó không có giải thoát bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết được, hết niệm để chạy theo dục tưởng hỷ lạc.

Đâu phải tỉnh giác là chứng đạo? Tỉnh giác chỉ là giai đoạn đầu mới tu tập tỉnh thức để phá tâm si mê, mờ mịt, vì vô minh, vì hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không.

Đâu phải tu có thần thông là chứng đạo? Thần thông chỉ là một trò ảo thuật của tưởng thức để lừa đảo những người nhẹ dạ dễ tin.

Tu đâu phải ngồi thiền nhiều là chứng đạo? Ngồi thiền nhiều nhập định tưởng. Định tưởng là một loại thiền định vô sắc do tưởng uẩn tạo ra. Tu mà nhập vào thiền tưởng để làm gì? Có ích lợi gì cho mình, cho người. Xưa đức Phật nhập vào các định tưởng: Không Vô Biên Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, khi tu xong Ngài ném bỏ như ném bỏ chiếc giày rách. Có đúng như vậy không các con?

Chứng đạo là chứng ở trạng thái tâm định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Khi ý thức muốn sai bảo thân tâm làm một việc gì thì thân tâm làm theo đúng như ý.

Chứng đạo là chứng một đạo lực có Bốn Thần Túc để thực hiện Tam Minh, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.

Cho nên, trước khi chưa chứng đạo, những người muốn tu tập chứng đạo phải biết rõ trên đường đi đến chứng đạo. Và còn phải biết rõ sự chứng đạo lợi ích cho mình cho người như thế nào? Nếu chưa hiểu biết rõ sự lợi ích như trên đã nói thì đừng nên tu tập, vì có tu tập cũng chẳng lợi ích gì cho ai cả, còn phí sức, phí tiền của vô ích.

Đường đi đến chứng đạo là con đường Tứ Niệm Xứ. Nếu không trên pháp môn Tứ Niệm Xứ tu tập thì không bao giờ chứng đạo, nhưng trên Tứ Niệm Xứ tu tập thì phải tỉnh giác, nếu thiếu tỉnh giác thì không tu tập được. Vậy tỉnh giác như thế nào?

Khi tâm ham muốn một điều gì thì biết ngay tâm ham muốn điều đó, đó là tâm tỉnh giác. Khi biết tâm tỉnh giác được như vậy thì ý thức bảo: “Tâm không được ham muốn, ham muốn đó là ác pháp, là pháp khổ đau”. Ý thức lệnh bảo như vậy thì tâm chấm dứt ham muốn.

 Khi tâm đang sân giận, ý thức bảo: “Tâm phải chấm dứt ngay sân giận, sân giận là pháp ác, là pháp đau khổ”, khi tác ý như vậy là tâm không còn sân giận.

 Khi thân già yếu, ý thức bảo: “Thân vô thường, nhưng không được yếu đuối run rẩy phải quắc thước”, khi tác ý như vậy thì thân lần lần không còn yếu đuối và run rẩy, luôn luôn quắc thước.

Khi thân bị bệnh, ý thức bảo: “Thân phải mạnh khỏe, tất cả bệnh tật đều phải lui ra khỏi thân”. Lệnh của ý thức như vậy thì bệnh lần lần lui ra sạch.

 Khi thân sắp chết, thở không được thì ý thức bảo: “Thân phải thở lại bình thường, không được chết”. Ý thức lệnh như vậy thì thân mạnh khoẻ và thở lại bình thường.

 Khi thân đang mạnh khoẻ bình thường mà muốn chết, muốn bỏ thân này thì ý thức ra lệnh: “Hơi thở phải tịnh chỉ, từ bỏ thân tứ đại này”. Lệnh như vậy thì hơi thở lần lần ngưng hoạt động, tâm nhập vào chỗ bất động Tứ Thiền Thiên và xuất Tứ Thiền Thiên nhập vào trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự của Niết Bàn. Lúc bấy giờ tứ đại tan rã.

Trên đây là năng lực của những người tu chứng đạo, ý thức của họ hoàn toàn chủ động điều khiển sự sống chết của cơ thể họ. Cho nên, người tu chứng đạo làm chủ sự sống chết, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Do làm chủ sự sống chết tự tại như vậy, nên mọi người ai cũng quyết tâm tu cho bằng được, nhưng lại tu sai, rơi vào chỗ ức chế tâm.

Theo Phật giáo tu chứng đạo không có khó khăn, nhưng vì không hiểu biết rõ ràng pháp tu hành nên trở thành khó khăn như trên đã nói.

Tu khó sao đức Phật tu tập chỉ có 49 ngày chứng đạo? Tu khó sao Thầy tu có sáu tháng rưỡi chứng đạo? Tu khó sao năm anh em Kiều Trần Như nghe bài pháp Tứ Diệu Đế và bài pháp vô ngã liền chứng pháp nhãn thanh tịnh và tu tập không bao lâu chứng quả A La Hán.

Phật pháp đâu phải khó tu, chỉ vì chúng ta nhận lầm pháp hành nên tu sai. Cho nên, muốn tu tập theo Phật giáo thì những gì cần thông hiểu phải thông hiểu cho rõ ràng (giác ngộ) về các pháp hành và nhận ra cho được trạng thái chân lý, đó là điều cần thiết mà mọi người tu hành nên lưu ý. Vì thế, đức Phật dạy: “Nên thân cận thiện hữu tri thức”. Nhờ có thân cận thiện hữu tri thức chúng ta mới hiểu rõ các pháp hành và chân lý. Khi hiểu rõ các pháp hành là chúng ta biết cách thức sống để hộ trì chân lý. Sống để hộ trì chân lý thì đâu có cái gì để tu. Không có cái gì để tu thì có cái gì khó. Phải không các con?

Nói tu tập là nói theo tôn giáo, chứ Phật giáo nói tu tập là nói sống không làm khổ mình, khổ người. Sống không làm khổ mình, khổ người là hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý. Người nào biết sống hộ trì và giữ gìn bảo vệ chân lý là không hiểu sai Phật pháp. Còn ngược lại tu khác, sống khác là không hiểu Phật pháp, nên tu tập gần chết mà không chứng đạo. Người hiểu đúng chỉ cần sống biết xả các chướng ngại pháp là chứng đạo.

Trong thời đức Phật còn tại thế, khi người ta nghe Phật thuyết pháp xong là chứng pháp nhãn thanh tịnh. Chứng pháp nhãn thanh tịnh rồi từ đó họ biết cách sống, luôn luôn xả những chướng ngại pháp để giữ gìn và bảo vệ chân lý, nhờ đó chẳng bao lâu họ chứng đạo.

Dưới đây Thầy sẽ trích dẫn ra những đoạn kinh Phật thuyết mà người nghe xong liền chứng các quả A La Hán.

PHỤ LỤC 1: ĐỨC PHẬT THÍCH CA VỀ THĂM GIA ĐÌNH

Thân phụ đức Phật, vua Suddhodana (Tịnh Phạn) bây giờ đã già yếu, nghe tin đức Phật đã thành đạo và đang thuyết pháp ở thành Rajagaha (Vương Xá). Vua rất nóng lòng được gặp lại con. Vua liền phái sứ giả Rajagaha (Vương Xá), thỉnh cầu đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình. Nhưng các sứ giả của Vua đến Vương Xá, được nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia làm Tỳ kheo và chứng quả A La Hán. Vị sứ giả thứ 10 là Kaludàyi, vốn là người bạn thân của đức Phật, lúc Ngài còn là Thái tử. Ông này đến Vương Xá, nghe Phật thuyết pháp cũng xin xuất gia và không bao lâuchứng quả A La Hán như chín vị sứ giả trước. Kaludàyi không quên chuyển tới đức Phật lời phụ vương mời đức Phật về thăm gia đình. Đức Phật nhận lời, lên đường cùng với đông đảo đệ tử”.(Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 35 do HT Minh Châu biên soạn).

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy rất rõ ràng chỉ cần nghe Phật thuyết giảng xong là các vị quan trong triều vua liền bỏ xuống hết danh, lợi, cha mẹ, gia đình, vợ con, của cải, tài sản, quan chức v.v.. để được theo Phật xin xuất gia. Chứng tỏ giáo pháp của Phật rất thực tế về đời sống con người, nói về khổ và nguyên nhân sinh ra khổ của kiếp người, đó là một sự thật không còn ai phủ nhận được, đúng là 100/100, nên khi nghe Phật thuyết pháp xong thì các quan liền buông xuống hết, theo Phật tu hành và chẳng bao lâu đều chứng quả A La Hán.

Trên đây là các quan chứ không phải là tu sĩ Bà La Môn đã có tu. Vậy khi nghe pháp và chứng đạo chỉ có một thời gian rất ngắn. Như vậy pháp Phật tu hành đâu có khó khăn gì. Phải không các con?

Chỉ một bài kinh này cũng đủ xác định: Chứng đạo đâu phải khó khăn và thời gian chứng đạo đâu có lâu dài. Có đúng như vậy không các con?

PHỤ LỤC II: ĐỨC PHẬT VÀ PHỤ VƯƠNG SUDDHODANA

 “Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua Tịnh Phạn, quần thần và dân chúng đón tiếp long trọng. Được nghe đức Phật thuyết pháp. Vua chứng ngay Sơ quả (Tu Đà Hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai (Tư Đà Hàm), còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả. Lần thứ ba đức Phật giảng kinh Dhammapala Jataka cho vua cha và vua cha chứng Thánh quả thứ ba (A Na Hàm). Sách kể rằng: sau này trên giường bệnh vua cha được đức Phật về thăm và giảng pháp, Lần nghe pháp cuối cùng này, vua chứng quả A La Hán. Và sau bảy ngày tận hưởng lạc thú giải thoát, vua qua đờivào năm đức Phật tròn 40 tuổi”. (Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 36 do HT Minh Châu biên soạn).

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta thấy một người già như vua Tịnh Phạn khi nghe Phật thuyết pháp xong sống biết buông xả ly dục ly ác pháp liền chứng Sơ Quả; khi nghe bài pháp thứ hai liền chứng Nhị Quả; khi nghe bài pháp thứ ba liền chứng Tam Quả và lần nghe pháp cuối cũng đức Vua liền chứng quả A La Hán và nhập Niết Bàn. Như vậy Phật pháp đâu phải khó tu. Tu khó là do các con chịu ảnh hưởng của Đại thừa và Thiền Tông, cứ lo tu tập ức chế ý thức cho hết vọng tưởng, nên tu khó và tu mãi chẳng đi đến đâu.

Thấy người xưa buông xả quá dễ dàng, còn ngày nay Thầy khô cổ giảng dạy sách tấn khích lệ các con buông xả:

“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì?

Thở ra chẳng lại còn chi nữa.

Vạn sự vô thường buông xuống đi!”

Các con không dám buông xả nên từ năm này đến năm khác tu cứ giậm chân tại chỗ. Nhất là các con lại hiều sai sự chứng đạo của Phật, nên có gắng ức chế tâm cho hết vọng tưởng như trên đã nói. Thành ra tu tập cho tới bây giờ mà chưa có người nào chứng quả A La Hán. Quả A La Hán, tu tập đâu có khó khăn như các đoạn kinh trên đã dạy. Thầy sẽ chứng minh thêm một phụ bản nữa để các con thấy sự chứng đạo của đạo Phật không có khó khăn.

PHỤ LỤC III: ĐỨC PHẬT VÀ RAHULA (LA HẦU LA)

 “Rahula (Hán dịch La Hầu La) là người con trai độc nhất của đức Phật, khi đức Phật còn là Thái tử. Lần đầu tiên đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình, sau ngày thành đạo, Rahula lên 7 tuổi, được mẹ và dì Gotami trực tiếp nuôi dưỡng, săn sóc. Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng Rahula được chấp nhận vào tăng đoàn, và được đức Phật giao cho ngài Xá Lợi Phất trực tiếp dạy dỗ.

Một trong những bài kinh nổi tiếng, đức Phật đích thân giảng cho La Hầu La sau khi La Hầu La xuất gia, là kinh Ambalatthika Rahulovada sutta, trong đó đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tánh trung thực, của sự phản tỉnh để trừ diệt mọi ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, bất chánh.

Nhờ luyện tập pháp tu định niệm hơi thở, theo lời chỉ dẫn của đức Phật, và sau khi nghe giảng kinh Cula Rahulovada, Ngài La hầu La chứng quả A La Hán. Ngài qua đời trước Phật và Xá Lợi Phất. Trong “Trưởng Lão Tăng Kệ”, sau khi Ngài chứng quả A La Hán, Ngài có bài kệ như sau:

Nhờ ta được đầy đủ

Hai đức tính tốt đẹp

Được bạn có trí gọi

La Hầu La may mắn

Ta là con đức Phật

Ta lại được pháp nhãn

Các lậu hoặc đoạn tận

Không còn có tái sanh

Ba minh ta đạt được

Thấy được giới bất tử”

Đối với La Hầu La qua đoạn kinh trên chúng ta thấy La Hầu La có nghe pháp, có tu tập, rồi có chứng đạo, nhưng chứng đạo cũng không có khó khăn, thời gian cũng không lâu.

Như vậy, trong thời đức Phật người nào được nghe Phật thuyết pháp rồi quyết tâm từ bỏ ly dục ly ác pháp và cuối cùng người nào cũng chứng quả A La Hán hết, chỉ có những người nghe pháp rồi bỏ qua không chấp nhận và không thiết tha xả bỏ tham, sân, si, mạn, nghi thì không bao giờ chứng đạo được.

Muốn tu chứng đạo mà đời không dám bỏ thì tu làm sao chứng được. Trong bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống tập II Phật dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không nhà cửa, không gia đình”. Đây là những giới luật đầu tiên cho người mới xuất gia theo Phật giáo. Người mới xuất gia là người phải buông xả sạch đời sống thế gian. Cho nên, những người nghe pháp xong liền xin Phật xuất gia thì không bao lâu họ sẽ chứng quả A la Hán, chính là do họ buông xả sạch đời sống thế tục.

Mười vị sứ giả của vua Tịnh Phạn sai đến mời Phật về thăm cố đô, nhưng khi gặp Phật nghe pháp liền xin xuất gia theo Phật tu hành không cần đến danh lợi, tiền của, vật chất, gia đình, vợ con, quan cao chức lớn. Có xả tâm như vậy mới có chứng quả A La Hán một cách dễ dàng và chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi.

Để kết luận những lời tâm huyết này Thầy xin nhắc các con, hãy nên lưu ý pháp tu Tứ Niệm Xứ “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu; trên thọ quán thọ...; trên tâm quán tâm...; trên pháp quán pháp để nhiếp phục tham ưu”. Bài kinh dạy như vậy nhưng rất nhiều người hiểu sai thành thử chia pháp môn Tứ Niệm Xứ thành ra bốn pháp tu tập. Cho nên có trường thiền chuyên tu QUÁN THÂN; có trường thiền chuyên tu QUÁN THỌ; có trường thiền chuyên tu QUÁN TÂM; có trường thiện chuyên tu QUÁN PHÁP. Đây là một cái sai của các nhà học giả tu hành chưa tới nơi mà dám chia pháp môn Tứ Niệm Xứ, rồi đem dạy người tu tập thật là tội nghiệp.

Pháp môn Tứ Niệm Xứ là pháp môn xả mọi chướng ngại trên thân tâm, cho nên nó mới được gọi là nhiếp phục tham ưu. Nhưng khi quán thân là đã có quán tâm, quán thọ và quán pháp.

Khi ngồi tu Tứ Niệm Xứ là không tu gì cả, chỉ ngồi chơi như người vô sự. Người vô sự thì tâm họ ở đâu? Đã vô sự thì ý thức quán thân nó, chứ nó ở đâu?

Quán thân không có nghĩa là nó đang tư duy suy nghĩ, quán ở đây có nghĩa là nó tỉnh giác cảm nhận toàn thân tức là nó đang quan sát thân. Cho nên, thân nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; tâm nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; thọ nó có chướng ngại gì thì nó liền biết; pháp có chướng ngại gì thì nó liền biết. Nhờ biết đó mà nó dùng pháp như lý tác ý đuổi đi các chướng ngại ra khỏi bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Khi các chướng ngại ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp thì ý thức lúc biết thân, lúc biết thọ, lúc biết tâm, lúc biết pháp. Khi nó đang quán như vậy thì các con đừng tác ý khởi niệm, nếu khởi niệm là tâm các con đang phóng dật. Mục đích tu tập của TỨ NIỆM XỨ là tâm không phóng dật. Chỉ khi nào trên thân, thọ, tâm và pháp có chướng ngại pháp thì mới tác ý xả, còn không chướng ngại thì không tác ý. Các con đừng hiểu lầm xả từng niệm trong tâm, đó là các con tu sai pháp.

Các con nên lưu ý cách thức QUÁN TỨ NIỆM XỨ, nếu không lưu ý các con sẽ quán sai thành ra quán ức chế tâm, chứ không phải quán Tứ Niệm Xứ.

Pháp môn này đức Phật tu tập 49 ngày đêm là chứng đạo. Thầy sáu tháng rưỡi chứng đạo. Ông Châu Lợi Bàn Đặc cũng do tu tập pháp môn này mà chứng đạo. Vì thế, trước khi nhập Niết Bàn đức Phật đã di chúc lại cho người đời sau: “Hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm Thầy, đừng lấy ai làm thầy; làm ngọn đuốc soi đường, làm chỗ nương tựa vững chắc”.

Còn năm tháng nữa chúc các con chứng quả A La Hán để không phụ lòng Thầy mong đợi.

Thân thương chào các con

             Kính ghi,

Thầy của các con

----&----

 

HẾT TẬP VII

MỤC LỤC TẬP VII

MỤC LỤC

 


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I(2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net  http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VII”

 

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VII

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

   Email: chonnhu2@gmail.com


S lượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY C PHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 8)

Đường Về Xứ Phật (tập 8)

GIỚI ĐỊNH TUỆ

Giới, Định, Tuệ là môn học đạo đức của loài người. Nền đạo đức nhân bản – nhân quả ấy, chính là nếp sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu người nào sống được như vậy thì cõi thế gian này là cảnh Thiên Đàng Cực Lạc trong tầm tay.

LỜI NÓI ĐẦU

Sau khi đọc xong tập bốn, tập năm tập sáu và tập bảy “Đường Về Xứ Phật”[1], quý vị đã thấy rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn Giáo, có thâm ý từ xưa quyết tâm diệt Phật giáo trên hành tinh này, nên đã khéo léo lồng giáo pháp của mình vào kinh sách của đạo Phật để rồi biến Bà La Môn Giáo trở thành Phật giáo phát triển, bằng những bài kinh gạch nối trong các bộ kinh A Hàm, nhất là bộ kinh Tăng Nhất A Hàm, để biến giáo lý chân chánh của đạo Phật thành giáo lý ngoại đạo.

Hiện giờ, giáo pháp phát triển đã được ăn sâu và ngự trị trong lòng tín đồ Phật giáo, nó trở thành một truyền thống ăn sâu vào tư tưởng của con người, theo kiểu cha truyền con nối (tổ tổ truyền nhau), một truyền thống đã trở thành một tạp khí,[2] thói quen mê tín, lạc hậu của con người, khó bỏ được ngay liền. Hiện giờ, thói quen mê tín và lạc hậu ấy đã ăn sâu vào tâm hồn của mọi tín đồ Phật giáo, khiến cho người ta rất khó bỏ và có muốn bỏ đi cũng rất sợ tội đọa địa ngục, vì trong kinh sách phát triển đã hù dọa người ta như vầy: “Nếu Phật tử nào có tâm quan niệm trái bỏ kinh luật phát triển thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả các giới của Thanh Văn, Nhị Thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật tử này phạm khinh cấu tội”, đó là những lời hăm dọa trong Bồ Tát giới “Phạm Võng” đã in thành sách do Hòa Thượng Trí Tịnh đã lược giảng, câu kinh trên ở trang 144. Đây là những bằng chứng rất cụ thể đã in thành kinh sách giấy trắng mực đen thì không còn ai muốn bao che sự gian ác của kinh sách phát triển được.

Cuối cùng, Bà La Môn Giáo quét sạch kinh sách Phật giáo chân chánh với chiêu bài “đức Phật Di Lặc là Giáo chủ Phật giáo thời vị lai”. Như thế, người ta thay đổi Giáo chủ của một tôn giáo như thay đổi một nhà vua trong thời phong kiến mà tất cả tín đồ Phật giáo, không hề hay biết, mà vẫn còn ủng hộ đấng Giáo chủ này, thật là Bà La Môn giáo rất khéo léo trong việc thay thế đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đức Phật Di Lạc.

Chúng ta cũng thấy rất rõ ràng, trước khi muốn lật đổ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người ta đã lần lượt thay thế giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng những giáo lý của Bà La Môn[3] và còn chế ra giới luật Bồ Tát giới cấm tín đồ Phật giáo không được tu học theo giáo pháp nguyên gốc của Phật dạy. Vì sợ mọi người tu học theo giáo pháp này, thì giáo pháp phát triển sẽ bị lộ tẩy những điều sai.

Kinh sách phát triển đã biến Phật giáo thành ba tông phái lớn ở khắp thế giới:

1- Thần giáo (Tịnh độ tông)

2- Huyền bí giáo (Mật tông)

3- Hữu ngã giáo (Thiền tông)

Với mục đích thâm độc đưa ra ba tông phái như ba mũi tên độc nhắm bắn vào một mục tiêu là “tín đồ Phật giáo”. Cho nên, toàn thể tín đồ Phật giáo, không thể có một người nào thoát khỏi ba mũi tên độc này, nếu không bị mũi tên này thì lại dính mũi tên kia. Bằng chứng, tất cả tín đồ Phật giáo hiện giờ, không tu Tịnh độ thì lại tu Thiền tông, không tu Thiền tông thì lại tu Mật tông. Ba tông phái này, chiếm trọn tín đồ Phật giáo. Còn Phật giáo chính gốc Nguyên Thủy thì chẳng còn ai tu nữa, mặc dù họ biết giáo lý Nguyên Thủy của đức Phật rất rõ ràng, nhưng họ chẳng quý trọng mà lại còn có vẻ xem thường, vì giáo lý đó mang tên rất thấp kém “Tiểu thừa, Nhị thừa, Phàm phu thiền, Ngoại đạo thiền”.

Những tín đồ bình dân ít học và phụ nữ thì lại rơi vào Tịnh độ mê tín, cúng bái, cầu khẩn, tụng kinh, niệm Phật, xin xăm, bói quẻ, cầu siêu, cầu an, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, làm ma chay, cúng vong, tiển linh, làm tuần, mở cửa mả v.v..

Những tín đồ ham mê thần thông, những sự huyền bí linh hiển thì lại rơi vào Mật tông, chuyên bắt ấn, niệm chú, luyện bùa, trị bệnh tà ma, quỷ quái, đàng Dưới, đàng Bố, bà Thủy, Long Vương v.v..

Những tín đồ ham mê thiền định có tính cách thiết thực, cụ thể và khoa học hơn, nên họ thoát ra khỏi sự mê tín, dị đoan, lạc hậu của Tịnh độ tông và thần thông huyền bí, bùa chú của Mật tông Tây Tạng thì họ lại rơi vào Thiền tông, bằng cách tọa thiền thọ hưởng các trạng thái của dục tưởng, trừu tượng, không thực tế mà các vị thiền sư Đông Độ và các vị thiền sư Nam Tông hiện giờ đang say mê tu tập.

 Các thiền sư Nam Tông mặc dù họ đang học tu theo giáo pháp Nguyên Thủy, nhưng lại tu sai lời Phật dạy, lấy hơi thở hoặc dùng cơ bụng (phình xẹp) hoặc tập trung chú ý quá sức vào các hành động ngoại thân như đi, đứng, nằm, ngồi, mặc y, mang bát, ăn, uống, v.v.. ức chế tâm, để quá độ làm cho sáu thức ngưng hoạt động, để rồi tưởng thức hoạt động, khiến cho thân tâm sanh cảm giác “xúc tưởng hỷ lạc”. Các sư lầm tưởng đó là trạng thái hỷ lạc của thiền định, nên cố giữ và ôm chặt các trạng thái hỷ lạc tưởng thức, gặp trạng thái này các sư đều bị chết chìm trong pháp định tưởng này.

Lối tu như vậy, các sư Nam Tông do không có thiện hữu tri thức, có kinh nghiệm nhập Bốn Thánh Định và Tam Minh hướng dẫn, nên lạc vào thiền tưởng giống như Thiền Đông Độ. Chứng minh cụ thể như thiền sư Nam Tông A Chaan - Chah trả lời những câu hỏi đạo, ngôn ngữ Ngài giống như thiền sư Đông Độ.

Thiền tông xây dựng một giáo lý tưởng tượng tuyệt đối “Bản thể vạn hữu” còn gọi là “Phật tánh” với những lý luận khéo léo, khiến cho các nhà khoa học lầm tưởng đó là khoa học tâm linh. Nhưng đó chỉ là những mánh khóe lừa đảo giới trí thức và các nhà khoa học. Vì thế, sự tu hành của họ, cũng chẳng đi đến đâu cả, có nghĩa là họ chưa làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người.

Giới đức của một bậc thánh tăng, các vị thiền sư này, sống chưa đủ đức hạnh thánh và đôi khi họ cũng còn có những hành động phàm phu tục tử như những người khác.

Tại sao chúng ta biết như vậy?

Xét giới luật của đức Phật dạy, về đạo đức làm người và làm thánh thì họ có những hành động đều phạm giới luật, mà lại phạm vào những giới luật, làm người, làm thánh tăng.

Ví dụ: như giới cấm một vị tu sĩ, không ăn uống phi thời, thế mà các vị đều ăn uống phi thời.

Nếu phân tích giới này ra, chúng ta thấy rất rõ:

1- Loài thú vật không có đạo đức, nên ăn uống phi thời, ăn uống không có giờ giấc, ăn uống lặt vặt, lúc nào có cũng ăn được?

2- Con người có đạo đức hơn, không ăn uống lặt vặt phi thời, ăn uống có giờ giấc, có bữa ăn hẳn hòi, ngày ba bữa hoặc hai bữa ăn. Ăn uống có tiết độ hẳn hoi. Còn những người ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, lúc nào cũng ăn uống được là loài cầm thú, vô đạo đức về ăn uống, không phải là con người.

3- Vị tỳ kheo tăng và vị tỳ kheo ni là thánh tăng và thánh ni thì ăn uống ngày một bữa vào giờ trưa (ngọ). Nếu ăn uống phi thời như người phàm phu, như loài cầm thú, tức là còn tham ăn, tham uống, còn sợ thân này thiếu chất bổ dưỡng, còn thích ăn ngon, thích ăn theo ý của mình thì không thể gọi những người này là thánh tăng và thánh ni được, dù họ có thần thông phép tắc, tàng hình, kêu mây, gọi gió, v.v.. hoặc ngồi thiền năm bảy ngày, triển khai những thứ thần thông tưởng, để lừa đảo người nhẹ dạ thì chính họ là những ác quỷ, chứ không phải là con người và súc sanh nữa.

Dù họ là nhà học giả có trình độ kiến thức thông suốt tam tạng kinh điển, có bằng tiến sĩ Phật học mà sống phạm giới, phá giới bẻ vụn giới của Phật, họ sống không đúng đạo đức làm thánh tăng, thánh ni thì không được xem họ là những người nhập lưu vào dòng thánh của đạo Phật, họ chỉ là những người còn đứng ngoài cổng chùa.

Đơn giản chỉ có một giới luật như vậy mà chúng ta đã nhận ra thánh, phàm, súc sanh và ác quỷ, còn biết bao nhiêu giới luật dạy về những đức thánh mà quý vị tỳ kheo tăng và tỳ kheo ni đã vi phạm rất nhiều thì làm sao gọi là nhập lưu vào dòng thánh của đạo Phật được.

Bà La Môn giáo xếp loại Phật giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là Nhị Thừa, là ngoại đạo, còn ba tông phái Thiền, Tịnh, Mật được gọi là Đại Thừa [4], Tối Thượng Thừa và còn mạo nhận là giáo lý chơn chánh của đạo Phật, để dễ bề lừa đảo và đưa tín đồ Phật giáo vào con đường mê tín, lạc hậu, phi đạo đức v.v..

Hiện giờ quý vị đã thấu rõ, đâu là giáo pháp của đức Phật, đâu là không phải, nhưng chắc gì quý vị đã tin chúng tôi. Cho nên, những gì chúng tôi nói, quý vị cứ suy ngẫm, đừng vội tin, đúng thì tin, không đúng thì thôi, miễn sao quý vị tu hành được giải thoát là chúng tôi hoan hỷ vui mừng.

Trong thế gian này, ai là người đã tu theo đạo Phật, sống đúng giới hạnh, đạt được chân lí cứu cánh, nhập Bốn Thánh Định, thực hiện Tam Minh [5]. Nếu quan sát nhìn chung khắp trên thế giới, chưa có một người nào thực hiện được thì làm sao dạy tu tập theo đường lối của đạo Phật cho đúng được, hầu hết đều dạy tu hành sai theo kiến giải, tưởng giải của mình, đó là cách thức tu mò, chứ không đúng như lời của đức Phật đã dạy trong các kinh, vì không có kinh nghiệm tu hành, đúng như pháp và tu đến nơi, đến chốn.

Cho nên thầy trò truyền nhau, mà chẳng có người nào tu đến đâu cả, chỉ dậm chân tại chỗ, rồi lý luận nào là Bồ Tát còn tạp khí; nào là tùy duyên tiêu cựu nghiệp; nào là thấy các pháp như mộng như huyễn (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng như huyễn v.v..), nào là thấy sáu trần như hoa đốm giữa hư không, v.v.. đó là những danh từ lý thuyết suông mà thôi, chẳng có pháp hành, nên khó thực hiện được giải thoát.

Tất cả những tập “Đường Về Xứ Phật” được đến tay quý vị và sẽ chia ra làm ba nhóm Phật tử:

1- Nhóm thứ nhất, cho chúng tôi còn mang bản ngã, tự cho mình là trên hết không còn ai tu hơn mình, theo như kinh sách phát triển dạy: “Người còn thấy mình tu chứng quả A La Hán [6]là chưa chứng quả A La Hán; người mà hay chống đối các pháp môn khác là người chưa chứng đắc; người còn thấy cái sai cái đúng, chưa vô phân biệt là người chưa chứng đắc”.

2- Nhóm thứ hai, là nhóm trung lập, ý của nhóm này khuyên chúng tôi, không nên nói thẳng quá, đừng nói cái sai của người khác mà hãy nói cái gì mình đã tu và thực hành được, đừng động đến kẻ khác, chỉ dạy những gì mình biết, còn sai đúng mặc kệ họ.

3- Nhóm thứ ba, nhóm này chấp nhận và nhận xét những lời chúng tôi nói là đúng. Những cái sai không hợp lý trong kinh sách phát triển rất nhiều: những điều mê tín, những điều phi đạo đức và những lý luận lừa đảo lường gạt tín đồ, không thể kể hết được, cái lợi ích của kinh sách phát triển giúp cho mọi người thì ít, mà tai hại cho người đời thì rất nhiều, nhưng khéo che đậy bưng bít khiến mọi người khó thấy được. Cho nên, có nhiều người lầm tưởng giáo pháp kinh sách phát triển làm lợi ích cho xã hội. Nhưng sự thật không phải vậy, đó chỉ là những bức màn “Tứ Nhiếp Pháp[7]” khéo che đậy, những thủ đoạn gian xảo, lừa đảo của giáo pháp này là để quyến rũ mọi người theo tôn giáo của mình đông đảo, biến thành một lực lượng phục vụ và quên mình lăn xả, dám hy sinh cho những sự mê tín lạc hậu này. Còn làm việc từ thiện của Đại Thừa giáo có sự tích cực, đó chỉ là một hành động thế tục hóa theo trào lưu xã hội mà thôi.

Con người biết lợi dụng giáo pháp này, cũng dễ làm giàu không mấy khó khăn. Bằng chứng quý thầy hiện giờ là những phú tăng “Triệu phú, tỷ phú”, chứ không còn là bần tăng đi xin ăn như thời đức Phật.

Khi được đọc những gì chúng tôi đã nói và nói thẳng, thì những người chịu ảnh hưởng kiến chấp và ngoan cố của giáo pháp của kinh sách phát triển sẽ dùng những lý luận bưng bít che đậy mà giáo pháp này đã vạch sẵn từ lâu, để phản ứng lại và giãy giụa trong những giờ phút hấp hối của nó, khi người ta phát giác.

Dù cho các nhà kinh sách phát triển có luận như thế nào? Có khéo che đậy như thế nào? Thì sự thật vẫn là sự thật, như Hòa Thượng Minh Châu đã nói: “Chơn lý vẫn là chơn lý” dù ai có nói gì thì chơn lý cũng vẫn phải là chơn lý; cái sai vẫn là cái sai, khi đã không đúng, dù muốn đúng, cũng không thể đúng được. Vì đúng, phải có sự chứng minh cụ thể làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết. Phần đông, các thiền sư trong giai đoạn hiện giờ, thuyết giảng lung tung, nói đông, nói tây mà chẳng biết cách nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Nếu bảo rằng, vô ngã như trong kinh sách phát triển đã dạy, thì đức Phật đâu không tự xưng: “Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”; nếu bảo rằng, vô ngã như trong kinh sách phát triển thì đức Phật không tự xưng như trên:

“Trên trời dưới trời.

Khắp trong thế gian.

Con người duy nhất.

Vượt qua:

sanh, già, bệnh, chết”.

Còn nếu bảo rằng, còn thấy cái sai cái đúng thì chưa chứng đắc, thì tại sao đức Phật lại bài bác sáu mươi hai luận thuyết của ngoại đạo, là những tôn giáo đồng thời và trước đạo Phật. Ngài là giáo chủ của đạo Phật, là người chứng quả A La Hán mà Ngài lại bài bác như vậy thì Ngài là người “hữu ngã [8]” sao? Tại sao Ngài lại tuyên bố đạo Phật là “đạo Vô Ngã”? Có mâu thuẫn chăng?

Chúng tôi xin trả lời để quý vị không còn thắc mắc hữu ngã và vô ngã.

Đạo Phật chủ trương lấy thiện, diệt ác, lấy đạo đức nhân quả làm cuộc sống của mình không làm khổ mình. khổ người. Từ chỗ này, chúng ta suy ra để thấy đạo Phật không mâu thuẫn “Vô ngã ác pháp, chứ không phải vô ngã thiện pháp”. Nếu chúng ta tu hành vô ngã cả thiện pháp và lẫn ác pháp thì hóa ra chúng ta là cây, là đá; cây, đá là một loại vô tri, vô giác, đó là cái vô ngã của kinh sách phát triển, chứ đạo Phật không có vô ngã như kiểu đó.

Vả lại, đức Phật dạy chúng ta quán Tứ Niệm Xứ: “Vô thường, khổ, không, vô ngã”.Chữ vô ngã ở đây, chỉ cho chúng ta thấu rõ thân, thọ, tâm, và pháp không có ngã, tức là trong bốn chỗ này, không có cái gì là ta, của ta. Các nhà học giả đã lầm chỗ pháp hành để ly dục, ly ác pháp, nhập Sơ Thiền cho là “đạo Phật vô ngã”.

Nếu chúng ta tu hành để trở thành cây, đá thì chúng ta tu để làm gì?

Cái vô ngã đó, chỉ là một lý luận suông danh từ chữ nghĩa, chứ đã là con người thì không thể tu tập, đạt kết quả vô ngã như vậy được, đó là một triết thuyết của tưởng thức, như bao nhiêu triết thuyết khác mà các nhà triết học, đã đưa ra như: Triết học hiện sinh của Krishnamurti, Triết học vô sản của Karl Marx v.v..

Còn bảo rằng, ai làm sai, mặc kệ họ, không nên nói ai hết, thì mới gọi là người tu chứng. Những Phật tử trung lập này, họ hiểu rằng, khi tu hành chứng đạo là không được quyền phê phán, bài bác cái sai, cái tai hại lừa đảo, gian xảo, lường gạt mọi người, bằng những thủ đoạn gian ác, không lường trước được, bằng chứng giáo pháp phát triển đã dạy người bao nhiêu thứ mê tín, lạc hậu, phi đạo đức, làm hao tốn tiền của, mồ hôi, nước mắt của tín đồ quá nhiều mà chẳng ích lợi gì cho họ.

Thưa quý vị, chúng tôi tu chứng là để thấy được cái sai, cái đúng của mình để sửa đổi làm cho tốt, cho thiện hơn và thấy được cái sai của Phật giáo là một tôn giáo mà chúng tôi đang theo tu, để chúng tôi chỉnh đốn lại, gạt bỏ những cái sai để làm ích lợi cho mọi người đang và sẽ tu theo đạo Phật, chứ không phải tu chứng, để làm thinh như cây đá, Phật giáo sai đúng như thế nào cũng chẳng dám nói ra. Tu chứng như vậy là tu chứng cái gì? Trong lúc tín đồ Phật giáo đặt trọn niềm tin ở quý thầy tu hành chứng đắc để làm gương sáng đạo đức và dạy họ tu hành thiền định, để tiến bước trên đường giải thoát của đạo Phật.

Tu hành chứng đắc, tức là người đã biết đường lối đi đến nơi, đến chốn, thế mà thấy mọi người tu sai, không biết đường lối đi mà lại làm thinh, không chỉ lối cho kẻ khác đi, thì người tu hành đó có tốt bụng không? Có tâm từ bi không? Có thương người lạc lối đang đi sai đường, gặp nhiều hiểm nguy trong rừng thẳm, âm u chăng?

Trước mắt chúng ta đang thấy rõ ràng, tất cả tín đồ Phật giáo hiện giờ, chẳng tiếc công, tiếc của, sẵn sàng bỏ công, bỏ sức, bỏ của để xây dựng một Phật giáo chân chánh và cao quý, nhưng không ngờ lại lầm lạc xây dựng một Phật giáo mê tín, lạc hậu, lừa đảo, phi đạo đức v.v.. Người đã tu chứng đắc thấy biết đúng sai, rõ ràng mà nỡ đành lòng nào nhìn ngó những tín đồ Phật giáo như vậy sao?

Xưa, đức Phật đã từng bài bác cái sai của Lục Sư ngoại đạo, của Bà La Môn giáo khiến cho mọi người mới thấu rõ đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp. Còn bây giờ, chúng tôi muốn chỉnh đốn lại những điều không đúng của đạo Phật, cái gì của đạo Phật là phải của đạo Phật, không phải là phải loại trừ ra khỏi đạo Phật thì quý vị bảo rằng chúng tôi bài bác, tự xem mình là trên hết, tức là còn mang bản ngã, còn mang bản ngã, tức là chưa chứng. Ở đây, chúng tôi không hiểu quý vị muốn nói chứng đắc là chứng đắc cái gì. Riêng chúng tôi, chẳng thấy có chứng đắc gì cả.

Trên đường tu hành theo đạo Phật, chúng tôi chỉ thấy mình luôn luôn sửa sai những hành động thân, miệng, ý để từ những hành động sai đó, không còn làm khổ mình, khổ người nữa, có được những hành động như vậy, thì chúng tôi thấy tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm chúng tôi như “cục đất”. Chùa to, Phật lớn không cám dỗ chúng tôi được; danh lợi, ăn ngủ, sắc dục không lôi cuốn được chúng tôi, còn bảo rằng, chúng tôi chưa vô ngã thì chúng tôi vẫn thấy mình còn nguyên vẹn, có mất mát chỗ nào đâu mà gọi là vô ngã.

Chúng tôi nói những điều sai trái không đúng của Phật Pháp trong kinh sách phát triển, là vì giáo pháp này, đã từng lừa đảo, lường gạt thầy tổ của chúng tôi nhiều đời, nhiều kiếp, bỏ biết bao nhiêu công lao mồ hôi, nước mắt của các Ngài, để rồi các Ngài gặt hái được những gì “giải thoát” hay lại phải chết trong đau khổ.

Chúng tôi nói là vì ích lợi cho những người trong hiện tại, đang bị lừa gạt và sẽ phí uổng một đời tu hành của họ, chẳng đi đến đâu cả.

Chúng tôi nói là vì những thế hệ con người mai sau và để con cháu của chúng ta, tránh khỏi những cạm bẫy, ác nghiệt của kinh sách phát triển.

Nó không dạy chúng ta đạo đức làm người, đạo đức làm thánh nhân mà dạy chúng ta những điều phi đạo đức, những pháp môn mơ hồ, huyền bí, cao siêu để làm Phật, Thánh, Tiên v.v.. Trong khi chúng ta đang cần có một đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người, thì Phật giáo Nguyên Thủy đã có đầy đủ những pháp môn dạy về đạo đức, như vậy thì kinh sách phát triển đã dìm mất đi và biến nó trở thành một thứ đạo đức nhân quả mê tín, tạo ra cảnh địa ngục hù dọa tín đồ, để lường gạt tín đồ, bằng cách cúng bái, cầu xin v.v..

Mục đích của đạo Phật ra đời là nhằm giải quyết bốn sự khổ của kiếp làm người, tức là giải quyết giúp tâm bất động, trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải đi tìm một “Phật tánh cao siêu tuyệt vời”. Vì thế, pháp môn của đạo Phật là pháp môn toàn thiện, mà pháp môn toàn thiện là pháp môn dạy đạo đức không làm khổ mình, khổ người, tức là đạo đức nhân quả. Quý vị đừng lầm đạo đức nhân quả của đạo Phật là đạo đức mê tín của kinh sách phát triển. Kinh sách phát triển đã từng xây dựng đạo đức nhân quả mê tín để lừa đảo và lường gạt những tín đồ nhẹ dạ mê tín, lạc hậu, u mê, v.v.. để biến thành một nghề “thầy tụng và phù thủy”.

Người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy đã thực hiện được đạo đức nhân quả, là người đã ly dục, ly ác pháp; người đã ly dục, ly ác pháp là người nhập Sơ thiền; người đã nhập được Sơ thiền là người nhập được bất động tâm định; người đã nhập được bất động tâm định là người đã sống trọn vẹn đạo đức nhân quả, tức là sống toàn thiện. Chính nơi đây, chúng ta đã đạt được mục đích của đạo Phật “Ly dục, ly ác pháp”. Đó là kinh sách Nguyên Thủy đã từng dạy như vậy, còn kinh sách phát triển lại dạy khác hơn “Kiến tánh thành Phật”, chỉ thấy tánh, mới thành Phật, còn không thấy tánh thì chưa thành Phật.

Tu theo đạo Phật, qua sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi, chẳng phải tu để làm Phật mà để được thoát ra khỏi bốn sự đau khổ của kiếp làm người. Khi chúng tôi tu đến đây, chúng tôi biết rõ tâm mình bất động trước các pháp, dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn thấy tâm mình an vui và thanh thản, vì đã sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người, như thế chúng tôi cũng hạnh phúc lắm rồi, chúng tôi không dám đòi hỏi, những cái cao siêu, huyền bí hơn, làm Phật, Thánh, Tiên v.v.. Và cũng không dám mơ thần thông, phép tắc, tàng hình, biến hóa, kêu mây, gọi gió, biết chuyện quá khứ, vị lai v.v..

Còn hiện giờ, ai muốn nghĩ về chúng tôi như thế nào cũng được, khen chúng tôi không mừng, chê chúng tôi không buồn vì biết khen chê đó là ác pháp, là pháp làm khổ mình, khổ người.

Chúng tôi đã sanh ra làm người, mà làm người như thế nào có ích cho mình, cho người thì chúng tôi làm, còn những điều gì lừa đảo, lường gạt và làm hại người khác thì chúng tôi không làm, dù có chết chúng tôi cũng vẫn không làm. Không làm không phải chúng tôi sợ quý vị chê cười, mạt sát mạ nhục, chỉ trích v.v.. Còn chúng tôi làm, không phải vì những lời khen của quý vị hoặc vì danh, vì lợi do sự cúng dường của quý vị. Chúng tôi làm, vì con người cần phải có một đạo đức công lý, công bằng và bình đẳng, cho nên trước chông gai khó nhọc, gian khổ, nhọc nhằn, dù cho có cay đắng dường nào, có vất vả đến đâu, có nguy hiểm tánh mạng như thế nào, thì chúng tôi cũng chẳng sờn lòng, vì sống và làm đúng đạo đức và lẽ phải.

Còn những người chưa hiểu chúng tôi, chê trách chúng tôi, nói xấu chúng tôi, chúng tôi chẳng bao giờ hờn giận họ, vì họ chưa hiểu việc làm của chúng tôi, mặc họ nói gì cũng được, dù họ có thù oán chúng tôi, đạp bằng địa cái mảnh đất Trảng Bàng hoặc đốt sạch cái rừng Trảng Bàng này thì chúng tôi cũng chẳng hề phiền trách họ, vì họ đã hiểu lầm việc tu hành và việc làm của chúng tôi mà thôi.

Điều mơ ước của chúng tôi là làm sao đem đạo đức nhân quả đến từng mọi người để mọi người không còn làm khổ mình, khổ người nữa, thì đó là niềm vui và sung sướng nhất của chúng tôi.

Chúng tôi mong rằng, ngày nào mọi người trên hành tinh này, luôn luôn sống đối xử với nhau bằng đạo đức nhân bản - nhân quả với lòng thương yêu và biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm, không còn hành động vì mình mà làm khổ mình, khổ người, để mọi người được an vui, hạnh phúc và không bao giờ còn thấy con người còn mang bản chất loài cầm thú hung ác. Nếu được như ước vọng của chúng tôi thì cuộc sống con người trên hành tinh này là đang sống nơi cõi Cực Lạc, Thiên Đường và sự ước mơ của con người đã thành sự thật, không còn là một giấc mộng.

Sau cùng, mong rằng chúng tôi có nói những lời nói sơ sót nào, không vừa ý và bất toại nguyện của quý vị, thì xin quý vị vui lòng tha thứ và chỉ dạy cho những chỗ sai lầm ấy, để kỳ tái bản sau, những tập sách này sẽ được hoàn chỉnh hơn và hẹn gặp lại quý vị ở những tập sau.

     Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc.

(Ngày 25 - 8 - 1999).



[1] Đường Về Xứ Phật là tên của một bộ sách nhiều tập để chỉ cho cách thức tu tập đi đến chỗ làm chủ sanh, già, bệnh, chết của đạo Phật.

[2] - Tập khí là những hành động thân và tâm đã lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một việc gì, trở thành những thói quen mà không thể bỏ được trong một sớm một chiều.

[3] - Bà La Môn giáo là một tôn giáo lớn nhất của Ấn Độ lúc bây giờ trước Phật giáo.

[4] - Đại Thừa là Phật giáo phát triển bị thế tục hóa và bị các tôn giáo khác đồng hóa.

[5] - Tam Minh là ba trí tuệ siêu việt của Đạo Phật: 1- Túc mạng minh; 2- Thiên nhãn minh; 3- Lậu tận minh

[6] - A La Hán là quả vị của người tu sĩ đạo Phật đã chứng đạt Bốn Thánh Định và Tam Minh, làm chủ sanh, già bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử.

[7] - Tứ Nhiếp Pháp là bốn pháp môn của kinh sách phát triển dùng để khuyến dụ và lôi cuốn những người khác theo tôn giáo của mình.

[8] -Hữu ngã là ta, cái ta, cái bản ngã của ta.

NGƯỜI MỚI VÀO TU CÓ HAI MƯƠI PHÁP CẦN TU TẬP

1-        Trong mọi thời gian, không bỏ sót một phút giây nào cả, đều phải nhắc tâm: “Tâm như cục đất phải ly dục ly ác pháp, không giận hờn thương ghét ai hết, phải thanh thản, an lạc và vô sự; phải bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ”.

2-        Một ngày đêm phải tu tập ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng hoặc bất cứ một tư thế ngồi nào trong bốn thời, miễn sao cách thức ngồi phải thoải mái dễ chịu v.v.. Người mới tu mỗi thời năm phút dần dần tăng lên 30 phút. Và tất cả các thời gian khác trong ngày đêm đều có thể chia ra trong nhiều tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi nào cũng được, miễntư thế ấy phải tĩnh giác, thoải mái dễ chịu để nhiếp tâm và an trú tâm.

3-        Người mới bắt đầu tu tập hơi thở, mỗi ngày tập bốn lần, mỗi lần mười hơi thở, hai mắt tập nhìn chóp mũi, chú ý nơi nhân trung cạnh chân mũi, chỗ hơi thở đi ngang ra vào. (Nếu có căng đầu thì dừng lại không được tu tập tiếp phải thưa hỏi kỹ lại pháp tu).

4-        Tập thở hơi thở bình thường, mười hơi thở rồi nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, tiếp tục tu năm phút xả nghỉ, lần lượt tăng dần lên đúng ba mươi phút.

5-        Tập đi kinh hành mười bước đếm đúng mười bước thì lại hướng tâm: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”. Chỗ này phải lưu ý: đừng chú tâm vào hai nơi, một là hơi thở và hai là bước đi. Ở đây chỉ chú tâm vào bước đi thì mới đúng nghĩa là đi kinh hành. Chú ý tâm trên bước đi tức là cảm nhận bước đi. Tu tập trên pháp môn Tứ Niệm Xứ Phật dạy: Đi kinh hành là thân hành niệm ngoại còn gọi là Chánh niệm tỉnh giác định. Hơi thở là thân hành niệm nội còn gọi là Định niệm hơi thở. Các Tổ không rõ Định niệm hơi thở nên gọi Định niệm hơi thở là quán niệm hơi thở (Sổ tức quan). Khi đã tập được mười hơi thở không có một tạp niệm xen vào thì lại tiếp tục đứng dậy đi kinh hành đếm hai mươi bước đi kế tiếp. Trước khi đi thì phải hướng tâm “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”. Hướng tâm xong rồi bước đi từ bước thứ nhất cho đến bước hai mươi, cứ mười bước lại hướng tâm một lần nữa, khi đếm hai mươi bước thì lại tiếp tục hướng tâm. Hướng tâm xong, thì lại tiếp đếm bước hai mươi mốt cho đến ba mươi, cứ đếm như vậy cho đến 100 bước. Nếu đếm như vậy thấy không tiện thì nên đếm từ một đến mười rồi đếm trở lại một đến mười. Nếu có tạp niệm xen vào thì nên lui lại 50 bước, 50 bước còn có tạp niệm xen vào thì lui lại 10 bước xả nghỉ. Xả nghỉ năm phút rồi đi kinh hành lại.

6-        Quán xét thực phẩm bất tịnh để tâm không còn ưa thích ăn uống ngon béo ngọt bùi.

7-        Quán xét đời sống con người khổ để xa lìa tâm tham đắm vật chất thế gian.

8-        Quán xét thân vô thường sự sống chết như chỉ mành treo chuông để tinh tấn tu tập diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp.

9-        Quán xét bệnh là khổ để siêng năng tinh tấn tu hành, tập làm chủ bệnh.

10-    Quán xét tâm tham, sân, si, mạn, nghi là ác pháp, là nguy hiểm, là đau khổ. Để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

11-    Quán xét thân bất tịnh để phá tâm sắc dục không ham thích phụ nữ.

12-    Quán xét tâm vô thường để không bị lầm chấp tâm là linh hồn, là Phật Tánh, là Bản thể vạn hữu.

13-    Quán xét thọ vô thường để tâm bất động khi gặp thọ khổ chẳng hề sợ hãi.

14-    Quán xét các pháp vô thường để tâm không tham đắm và dính mắc, không sinh ra năm dục trưởng dưỡng.

15-    Quán tâm từ để không làm đau khổ chúng sanh, để tâm không sân hận.

16-    Quán tâm bi để không làm thương tổn chúng sanh.

17-    Quán tâm hỷ để tha thứ lỗi lầm của kẻ khác và không thù oán ai hết.

18-    Quán tâm xả để tâm thanh thản an lạc vô sự và bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.

19-    Khi mọi hoàn cảnh bất an hoặc tai nạn, bệnh tật thì quán xét nhân quả.

20-    Mỗi ngày ít nhất phải nhắc tâm một lần, tức là như lýtác ý: “chỉ trong đời này ta phải tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết”.

NGƯỜI MỚI TU CÓ NĂM PHÁP CẦN NÊN TRÁNH

 

LỜI PHẬT DẠY

1/ Tránh tranh luận

2/ Tránh chỉ trích

3/ Tránh phạm giới

4/ Tránh lý luận

5/ Tránh hội họp

 

 

CHÚ GIẢI:

Đức Phật dạy: “Tránh tranh luận”.Tranh luận hơn thua là một điều tai hại nhất trong đời tu hành, vì còn tranh luận là còn bản ngã to lớn. Muốn hơn người mới tranh luận, tranh luận hơn thua thì mệt thân, mệt trí dễ sinh tâm tức giận ăn không ngon ngủ không yên. Vì thế đức Phật ngăn cấm đệ tử của mình không được “Tranh luận”.Lời tranh luận không phải là lời nói oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người tu sĩ Phật giáo có lớp học về ái ngữ. Lớp ái ngữ dạy: Người có ái ngữ là người không có tranh luận hơn thua với bất cứ một người nào. Người tranh luận hơn thua là người không có ái ngữ đó là một điều xác quyết chắc chắn. Người tu sĩ Phật giáo thấy ai nói hơn thì mình chịu thua, nhịn thua, không tranh luận với họ.

Hành động không tranh luận hơn thua với nhau là hành động đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Vì thế người đệ tử của Phật phải vâng theo lời dạy của Người sống không tranh luận hơn thua bất cứ một người nào trong xã hội.

--o0o--

Đức Phật dạy:“ Tránh chỉ trích”.Người tu theo Phật giáo không được chỉ trích nói cái xấu của người, luôn luôn thấy lỗi mình, không thấy lỗi người.

Người tu theo Phật giáo thường thể hiện lòng thương yêu (tâm từ) thì làm sao chỉ trích nói xấu người khác được. Cho nên đức Phật cấm: “Không được chỉ trích nói xấu người khác”,khi tu hành chưa xong. Người ta làm ác nói xấu, chỉ trích kẻ khác là họ đã gieo nhân quả xấu ác thì họ phải gặt lấy những quả không tốt, quả phiền não, lo toan, sợ hãi và những quả khổ đau bất tận v.v..

Những quả khổ đau ấy có liên quan gì với chúng ta đâu mà chúng ta chỉ trích nói họ làm gì. Chúng ta hãy thản nhiên im lặng như thánh có lợi ích hơn không?

Chúng ta là những đệ tử của Phật nên ghi khắc những lời dạy này trong tâm, đừng bao giờ quên:“Tránh chỉ trích”người khác, dù bất cứ một người nào.

--o0o--

Đức Phật dạy: “Tránh phạm giới”.Giới luật của Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Vì thế, giới luật của Phật có một tầm quan trọng rất lớn và lợi ích cho loài người trên hành tinh này sống được yên vui, bình an, khoẻ mạnh nói chung và lợi ích rất lớn cho các hàng đệ tử của Phật, vì nó có công năng chuyển đổi nhân quả ác thành nhân quả thiện; chuyển đổi đau khổ thành yên vui; chuyển đổi tâm tham, sân, si thành tâm vô tham, vô sân, vô si nói riêng, vì giới luật của Phật là một phương pháp xả tâm ly dục ly ác pháp rất tuyệt vời. Nó chính là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Cho nên nó là một đạo đức cao thượng tuyệt vời; nó không dành riêng cho những đệ tử của Phật mà cho tất cả loài người trên hành tinh này.

Người tu theo Phật giáo phải cố gắng tối đa tránh phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới dù là những giới nhỏ nhặt, nhưng phải cẩn thận giữ gìn nghiêm chỉnh, đừng nên xem thường mà con đường tu tập trở thành vô ích. Đừng nghĩ rằng giới luật của Phật chỉ dàng riêng cho những vị đệ tử tu sĩ của Phật. Không đâu quý vị ạ! Giới luật dành cho tất cả mọi người dù là tu sĩ hay cư sĩ đều phải nhớ lời Phật đã dạy bảo: “Tránh phạm giới”.

Người đệ tử Phật mà sống phạm giới phá giới thì còn mặt mũi nào, còn danh dự gì mà tự xưng mình dòng họ “THÍCH CA”,mình còn xứng đáng gì mà cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa. Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa của những kẻ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà dám mạo danh là Thích tử thì thật là trùng trong lông sư tử, tự những người này làm tỏ rõ bộ mặt giả dối, ví như một bầy dê chỉ có một con bò thì bầy dê đâu tự xưng mình là bầy bò được, dê là dê, bò là bò, dê không giống bò, bò không giống dê. Và lại đức Phật đã xác định: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.Cho nên tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì Phật giáo đã mất rồi, hiện giờ Phật giáo còn gì nữa. Phải không quý Phật tử?

Là những đệ tử của Phật chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của Người:“Tránh phạm giới”.

--o0o--

Đức Phật dạy: “Tránh lý luận”.Lý luận là một cố tật của những người vô minh cố che dấu những lỗi lầm, những tật xấu thói hư, những sự ngu dốt của mình.

Người đệ tử của Phật phải vâng theo lời dạy của người TRÁNH LÝ LUẬN, ví lý luận để che đậy một sự thật là một tật xấu. Cho nên lý luận có hai mặt:

1- Lý luận để soi sáng cho một sự thật sai hay đúng, để dựng lại nền đạo đức nhân bản, mang lại sự yên vui cho loài người. Đó là sự lý luận đáng tán dương, ca ngợi, bái phục.

2- Lý luận để che đậy một hành động sai lầm, một hành động tội lỗi v.v..; lý luận để biểu dương một triết học ảo tưởng, một giáo điều sai lầm, một giáo pháp mê tín, hư ảo, nó sẽ đưa đến những hậu quả đau khổ cho loài người từ thế hệ này đến thế hệ khác; lý luận để bao che cho một lịch sử huyền thoại là một việc làm sai lệch với chánh sử, đó là một hành động tội lỗi với bao thế hệ của người sau.

Ở đây đức Phật khéo nhắc nhở những người đệ tử của mình nên cố tránh lý luận. Người không hay lý luận mới xứng đáng là đệ tử của Phật, người không lý luận là người im lặng như Thánh, chính là những hàng đệ tử thánh Tăng, thánh Ni và thánh Cư sĩ của đức Phật là như vậy.

--o0o--

Đức Phật dạy: “Tránh hội họp”.Hội họp là một điều bất lợi trong việc tu hành, vì tụ họp hay sinh ra chia phe nhóm; vì hội họp sinh ra nhiều chuyện khiến cho cảnh sống tu hành bất an; vì hội họp tâm sinh phóng dật.

Đức Phật đã khẳng định: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.Cho nên hội họp là đi ngược lại con đường tu tập của Phật giáo; hội họp là nuôi dưỡng tâm phóng dật. Người tu tập theo Phật giáo mà thích hội họp thì đừng nên tu theo Phật giáo vì có tu theo Phật giáo cũng chỉ phí công sức mà thôi. Trong tu viện thấy những ai hội họp nói chuyện là biết ngay những người ấy tu hành sai đường lối của đạo Phật.

Tu viện rất thương xót và lo lắng cho đường lối tu tập của Phật giáo, nếu tu sĩ thích hội họp mà tu tập như thế này thì không bao giờ có người chứng đạt được chân lí. Và không bao giờ có người chứng đạt được chân lí thì con đường Bát Chánh Đạo sẽ bị mai một và bị chôn vùi một lần nữa, như vậy không biết chừng nào sẽ dựng lại được nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo cho loài người.

Đức Phật vì lòng thương xót chúng ta đã khuyên nhắc và răn cấm: “Tránh hội họp”.Thế chúng ta không nghe lời khuyên dạy này thì còn nghe ai hỡi quý vị?

Trên đường tu tập để đến mục đích giải thoát, đức Phật vì lòng thương xót chúng ta đã khuyên răn, nhắc nhở và còn ngăn cấm, có năm điều cần nên tránh. Nếu chúng ta không nghe lời dạy này thì con đường tu tập của chúng ta sẽ không đi đến đâu cả, uổng công, mất thì giờ, vô ích.

NGƯỜI MỚI TU CÓ SÁU ĐỨC CHÁNH HẠNH CẦN PHẢI TU TẬP

 

LỜI PHẬT DẠY

1/ Ăn ngày một bữa.

2/ Ngủ đúng giờ.

3/ Độc cư, sống trầm lặng, ít nói.

4/ Nhẫn nhục thấy nhân quả, xả tâm.

5/ Tùy thuận không bị lôi cuốn.

6/ Bằng lòng, vui vẻ và hân hoan.

 

CHÚ GIẢI:

Sáu điều Đức Phật đã dạy trên đây là những hạnh Thánh, chứ người phàm phu không thể sống như vậy được.

1/ Ăn, ngày một bữa là Thánh hạnh.

2/ Ngủ, đúng giờ là Thánh hạnh.

3/ Độc cư, là Thánh hạnh.

4/ Nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh.

5/ Tùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh.

6/ Bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh.

“Ăn ngày một bữa là Thánh hạnh”. Vậy ăn ngày một bữa là Thánh hạnh như thế nào?

Ăn ngày một bữa là ăn vừa đủ để sống, để tu tập, để ly dục ly ác pháp, để xa lìa ăn ngon, ăn bổ, để từ bỏ lòng tham ăn chạy theo dục lạc thế gian, để giữ gìn giới luật nghiêm chặt v.v..

Ăn ngày một bữa có nhiều thời gian rảnh rang nghỉ ngơi không bận lo an uống, vì ăn uống nhiều bữa rất cực nhọc phải nấu nướng, phải nhai nuốt, phải rửa bát chén đũa nĩa v.v..

Ăn ngày một bữa cơ thể ít hoạt động được nghỉ ngơi nhiều, vì thế mà cơ thể ít bệnh tật.

Ăn ngày một bữa cơ thể ít hôn trầm thùy miên vô ký, ít vọng tưởng, giảm bớt sắc dục, thân tâm thường tỉnh thức, siêng năng ít lười biếng.

Cho nên ăn ngày một bữa chỉ có những bậc thánh Tăng, thánh Ni và thánh Cư sĩ mới sống được với thánh hạnh này còn những người thế gian không bao giờ sống được, họ luôn luôn chạy theo dục lạc về ăn uống.

Ăn ngày một bữa là giới thứ chín của người mới xuất gia (Sa Di) vậy mà các vị tỳ kheo tăng Đại Đức, Thượng Toạ, Hoà Thượng không sống đúng giới luật này thì còn mặt mũi nào nhìn những cư sĩ họ đang thọ Bát Quan Trai. Có đúng như vậy không quý vị?

Cho nên ăn ngày một bữa lợi ích rất lớn cho người tu tập theo Phật giáo, vì đó là một phương pháp sống ly tham. Vậy tất các đệ tử của Phật hãy lấy lời dạy này làm thước đo giới luật của giai đoạn đầu. Người nào ăn uống phi thời ngày hai bữa, ba bữa ăn là tu sĩ Bà La Môn, là ngoại đạo. Cho nên vấn đề ăn uống là dễ xác định tu sĩ nào của Phật giáo và tu sĩ nào của ngoại đạo. Có đúng như trên đã nói không quý vị?

--o0o--

“Ngủ, đúng giờ là Thánh hạnh”. Vậy ngủ đúng giờ là Thánh hạnh như thế nào?

Người ngủ đúng giờ là không ngủ sai giờ, giờ nào ngủ là đi ngủ, giờ nào thức là thức. Lúc nào cũng giữ đúng như vậy không ngủ phi thời, vì ngủ phi thời là người biếng nhác, người lười biếng, người không siêng năng.

Ngủ là một tướng trạng si mê, người si mê không phải là người không hiểu biết mà hiểu biết lệch lạc không đúng như thật.

Ví du: Thấy cái bánh hay một ly sữa thơm ngon, béo bổ, nhưng đó là cái thấy sai sự thật, thấy theo tham dục của ăn uống. Nếu thấy cái bánh hay ly sữa đúng là phải thấy cái bánh và ly sữa là món ăn thức uống bất tịnh.

Hầu hết mọi người đều si mê nên thấy sai sự thật. Ví dụ: Thân ngũ uẩn của chúng là thân vô thường thế mà mọi người lại thấy thân này là thường hằng nhưng cuối cùng không có người nào sống lâu được chỉ cao lắm là sống 120 tuổi là chết.

Thấy thân vô thường không thể duy trì sống lâu được nên người ta nghĩ ngay trong thân này còn có một vật thường hằng, đó là cái biết, cho cái biết là tâm nên các tôn giáo gọi tâm là linh hồn, Phật giáo Đại thừa gọi là Thần thức, Thiền Tông gọi là Phật tánh, Bà la môn gọi là Tiểu ngã v.v.. Đó là những si mê của con người chỉ sống trong tưởng mà thôi.

Người còn ham ăn, ham ngủ là người còn si mê. Người còn si mê là người thấy và hiểu biết không đúng như thật nên thường chịu nhiều sự khổ đau do sự hiểu sai.

Ví dụ: Như có người mắng chửi chúng ta. Chúng ta liền tức giận, chính tức giận là vì chúng ta đã hiểu sai, hiểu không đúng như thật. Nếu hiểu đúng sự thật thì phải hiểu nhân quả. Hiểu nhân quả như thế nào?

Hiểu nhân quả là hiểu người kia đang thọ quả khổ tức là đang giận dữ nên mới chửi người khác được, do chửi người khác được nên gieo nhân ác. Như vậy người kia đang đau khổ và đang làm điều ác. Khi hiểu biết như vậy chúng ta khởi tâm thương yêu hay ghét họ? Chắc chắn là chúng ta thương yêu họ. Chúng ta thương yêu họ là thiện hay ác? Là thiện cho nên chúng ta không tức giận, không chửi mắng lại họ. Vì thế chúng ta đã chuyển được nhân quả. Vì vậy chúng ta sống đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.

Cho nên những bậc Thánh không ngủ phi thời, ngủ đúng giờ. Một ngày đêm chỉ nằm nghỉ 30 phút không cần ngủ nhiều như người thế gian vì thế sự hiểu biết của như thật, do tri kiến hiểu biết như thật nên tâm họ ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Họ sống bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Họ là người đã đạt được chân lí cứu kính, luôn sống trong thanh thản an lạc và vô sự.

--o0o--

 “Độc cư, là Thánh hạnh”. VậyĐộc cư là Thánh hạnh như thế nào?

Độc cư là phương pháp phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, vì có sống độc cư nên năm dục trưởng dưỡng không sanh khởi được. Do năm dục trưởng dưỡng không sanh khởi được nên tâm ly tham, ly sân và ly si. Do ly tham, ly sân và ly si nên tâm trở nên bất động. Do tâm trở nên bất động chúng ta mới chứng đạt chân lý tức là sống trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Đấy quý vị thấy chỉ có một pháp độc cư mà chúng ta tu chứng đạo, dù tu có muôn ngàn vạn pháp mà không sống độc cư thì cũng hoài công vô ích.

Bí quyết thành công của thiền định là pháp độc cư. Đức Phật thường nhắc người sống độc cư như con tê ngưu một sừng.

Độc cư khó lắm các bạn ạ! Ăn ngày một bữa không khó, ngủ ngày 4 tiếng đồng hồ không khó, nhưng độc cư mọi người đều không thể sống nổi. Con đường tu hành theo Phật giáo mà không sống độc cư thì không bao giờ tu tới nơi tới chốn được. Vì có độc cư mới sống cho riêng  mình; mới chiêm nghiệm được tâm mình còn tham, sân, si hay hết đã tham, sân, si. Vì có chiêm nghiệm được tâm mình mới ngăn được ác pháp và diệt được ác pháp; vì có chiêm nghiệm được tâm mình mới thấy được tâm mình thanh thản an lạc và vô sự.

Bởi vậy độc cư rất quan trọng cho con đường tu tập theo Phật giáo. Sống độc cư chỉ có những bậc Thánh thoát ly thế tục, nếu không thoát ly thế tục thì không bao giờ gọi là tu sĩ Phật giáo được. Vì thế người tu sĩ được gọi là tu sĩ Phật giáo thì phải cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa sống không gia đình không nhà cửa, sống một mình như con tê ngưu một sừng, sống phải độc cư, độc bộ, độc hành.

Như trên đã nói, không sống độc cư thì con đường tu theo Phật giáo chỉ hoài công vô ích mà thôi. Bởi vậy, độc cư rất quan trọng quý vị ạ! Phải hết mình cố gắng sống độc cư cho trọn vẹn mới xứng đáng mình là đệ tử của đức Phật.

--o0o--

 “Nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh”. Vậy nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh như thế nào?

Ai cũng biết khi sân giận mà nhẫn được là một việc làm rất khó làm. Phải không quý vị? Nhẫn khó lắm! Phải tu tập rèn luyện tâm mình như đất, như nước, nhờ tâm như đất như nước mình mới nhẫn được. Muốn tâm như đất như nước thì hằng ngày phải tu tập pháp như lý tác ý. Pháp như lý tác ý như thế nào?

Pháp như lý tác ý là pháp tự kỷ ám thị. Ví dụ: “Tâm như cục đất, tâm phải như nước, tâm phải lìa xa, từ bỏ tâm tham, sân, si, vì tâm tham, sân, si là ác pháp là pháp đau khổ”.

Trạng thái tâm nhẫn được là một việc làm thiện rất lớn, trạng thái tâm nhẫn đó tương ưng với cõi trời Đâu Xuất vì thế nó mới được gọi nhẫn nhục là Thánh hạnh.

Ở đây nhẫn nhục là do xả tâm chứ không phải nhẫn nhục do ức chế tâm chịu đựng như người thế gian. Nhẫn nhục xả tâm là do tu tập pháp như lý tác ý và tri kiến hiểu biết các pháp như thật. Nhờ có hiểu biết các pháp như thật nên tâm sân bị triệt tiêu bởi tri kiến của mình. Nếu tri kiến không được học tập để hiểu các pháp như thật thì việc xả tâm chỉ là ức chế và chịu đựng mà thôi.

Cho nên muốn nhẫn nhục thì phải tu học lớp Chánh kiến để cái thấy và hiểu biết không còn lệch lạc, sai trái rơi vào tà kiến. Vì không có Chánh kiến nên con người không xả được tâm, vì thế tâm sinh giận hờn buồn phiền khổ đau.

--o0o--

 “Tùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh”. Vậytùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh như thế nào?

Tùy Thuận có nghĩa là làm theo ý muốn của người khác tức là không chống lại, không cãi cọ, không hơn thua, không lý luận kích bác, không bài xích, luôn làm theo, thuận theo, nhưng làm theo, thuận theo coi chừng sẽ bị a dua, nịnh bợ. Cho nên tùy thuận làm theo thuận theo mà không bị lôi cuốn vào ác pháp thì mới được gọi là Thánh hạnh.

Tùy thuận có nghĩa là làm vui lòng mình, lòng người mới gọi là Thánh hạnh, còn tùy thuận mà chỉ có làm vui lòng người mà mình rất bực bội thì sự tùy thuận đó không được gọi là Thánh hạnh. Tùy thuận mà bị lôi cuốn vào ác pháp. Ví dụ: Như có người mời chúng ta uống rượu hoặc hút thuốc lá thì chúng ta tùy thuận làm vui lòng họ, do đó chúng ta uống rượu hay hút thuốc lá. Đó là chúng ta tùy thuận mà bị lôi cuốn vào ác pháp. Hành động tùy thuận như vậy không phải là Thánh hạnh. Đó là tùy thuận ngu si trong vô minh, sẽ mang đến cho chúng ta nhiều khổ đau vì bị nghiện rượu và thuốc lá. Rượu và thuốc lá là hai chất độc có thể mang đến cho chúng ta những bệnh tật khó trị.

Cho nên đức Phật dạy: Tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào ác pháp thì mới được gọi là Thánh hạnh”. Trong cuộc sống hằng ngày biết bao nhiêu điều thường xảy ra, nếu chúng ta không tùy thuận thì chúng ta chống lại, nhưng chống lại thì sinh ra bao điều làm đau khổ cho mình, cho người và cho cả hai. Và vì vậy cuộc đời của chúng ta chẳng được an ổn, lúc nào cũng phải đấu tranh vì vật chất và đấu tranh vì tinh thần.

Người đời sống không biết tùy thuận nên chi họ phải thọ khổ bất tận, chỉ có người tu sĩ Phật giáo mới biết tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào ác pháp, vì thế họ hoàn toàn sống với tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự.

--o0o--

 “Bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh”. Vậy bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh như thế nào?

Người ở đời ít ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, vì thế họ thọ lấy muôn vàn sự khổ đau. Phải không quý vị?

Ví dụ: Hoàn cảnh gia đình mình nghèo ngày bữa cơm bữa cháo, nhưng bằng lòng với hoàn cảnh sống ấy nên tâm mọi người đều được hân hoan và vui vẻ, còn ngược lại thì than thân trách phận của mình sầu khổ.

Bằng lòng còn có nghĩa là vui lòng với mọi hoàn cảnh, với mọi sự việc, với mọi người, với mọi loài thú vật và cỏ cây đất đá, thời tiết nắng mưa gió bão v.v..

Bằng lòng còn có nghĩa là xả bỏ lòng ham muốn, lòng sân hận, xả bỏ các ác pháp, các cảm thọ khổ đau không hề nao núng trong lòng một chút nào cả.

Người tu theo Phật giáo phải thực hiện Thánh hạnh bằng lòng, vì có thực hiện Thánh hạnh này mới thấy con đường giải thoát của Phật giáo là một sự thật. Nếu ai sống được một phút “BẰNG LÒNG”là được an vui một phút, nếu được 2 phút 3 phút hay một giờ, 2 giờ hoặc 1 ngày, 2 ngày hoặc 1 tháng, 2 tháng hoặc 1 năm, 2 năm và mãi mãi thì sẽ được an vui mãi mãi. Đấy là con đường giải thoát của Phật giáo như thật là vậy.

Chỉ có Thánh hạnh bằng lòng như vậy mà được giải thoát cả một đời người tại sao chúng ta không làm được?

Không phải khó đâu quý vị ạ! Chỉ cần quý vị thấy và hiểu biết các pháp vô thường, các pháp không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta là quý vị sẽ sống bằng lòng, vui vẻ, hân hoan. Tất cả ác pháp tham, sân, si trong tâm của quý vị đều buông xả sạch hết.

CÓ NĂM PHÁP TU TẬP LY DỤC, LY BẤT THIỆN PHÁP

 

LỜI PHẬT DẠY

1- “Y cứ tướng nào tác ý tướng đó liên hệ đến thiện, phải khác tướng ác bất thiện, thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú an tịnh nhất tâm định tỉnh”.

2- “Nhờ quán xét sự nguy hiểm của các tầm ác, bất thiện liên hệ đến dục thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

3- “Nhờ không nhớ niệm ác của kẻ khác, không tác ý niệm ác nên tâm ly dục ly, ác pháp, nội tâm định tỉnh, an trú, an tịnh, nhất tâm”.

            4- “Nhờ tác ý các hành tướng tầm thiện, các tầm ác bất thiện liên hệ đến dục được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm, an trú, an tịnh”.

5- “Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm, các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục, đều được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm, an trú, an tịnh”.

 

 

 

 

 

 

CHÚ GIẢI:

1 –“Ycứ tướng nào, tác ý tướng đó, liên hệ đến thiện, phải khác tướng ác, bất thiện thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.

Như lời đức Phật đã dạy trên đây: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay Sơ Thiền thì phải y nơi “pháp thiện” như lý tác ý. Y nơi pháp thiện là như thế nào?

Y nơi pháp thiện, tức là trạch pháp giác chi, trạch pháp giác chi, tức là chọn lựa một câu pháp hướng tâm, cho phù hợp với đặc tướng của mình, để hằng ngày dùng câu đó như lý tác ý (tự kỷ ám thị).

Câu một này, đức Phật dạy, chúng ta chọn lựa câu pháp hướng thiện, không được dùng câu pháp hướng ác.

Ví dụ: Như trạch pháp câu này: “Tâm phải ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền đi” hoặc “Tâm như cục đất không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa” v.v..

Đây là phương pháp thứ nhất, dạy về cách thức chọn lựa pháp hướng tâm, để nhâp Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

Xưa, đức Phật khi tu các pháp môn của ngoại đạo, thân tàn ma dại, đứng dậy không nổi, nhờ bát sữa dê, Ngài đã hồi tỉnh, nhớ lại lộ trình Tứ Thánh Định và khi phục hồi cơ thể khoẻ mạnh trở lại, Ngài thực hiện con đường này, bằng câu pháp hướng đầu tiên là: ‘Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Ngài đã thành đạo là nhờ pháp môn ly dục ly ác pháp này tâm không phóng dật.

--o0o--

2- “Nhờ quán xét sự nguy hiểm của các tầm ác, bất thiện liên hệ đến dục thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền, nên phải quán xét sự nguy hại của tầm ác, sự nguy hại của tầm ác là gì?

Sự nguy hại của tầm ác, tức là một niệm khởi lên trong tâm của mình, khiến cho tâm mình bất an, bất toại nguyện, phiền não, khổ đau, lo lắng, sợ hãi, giận hờn, phiền muộn, thương nhớ, hối tiếc, hối hận, lo sợ, lo lắng, bất an v.v..

Khi có một tầm ác khởi lên như vậy, tức là ác pháp tăng trưởng thì mau mau dùng “Định Vô Lậu” quán xét xả tâm, lìa cho thật sạch tầm ác. Nhờ có quán xét xả ly tâm ác thì mới diệt được ác pháp, tâm mới trở lại thanh thản, an lạc và vô sự.

Đây là phương pháp thứ hai, dạy về quán xét trên thân, thọ, tâm, pháp tu tập diệt các pháp ác để ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

--o0o--

3- “Nhờ không nhớ niệm ác của kẻ khác, không tác ý niệm ác, nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, an trú, an tịnh, nhất tâm”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền thì đừng nhớ đến niệm ác của kẻ khác, nếu tâm có nhớ đến niệm ác của kẻ khác thì phải trở về phương pháp thứ hai, quán xét niệm ác đó trong nhân quả để diệt nó. Theo phương pháp này, nên thường tu “Định Sáng Suốt”giữ tâm thanh thản để không nhớ đến niệm ác, của người khác. Tốt nhất là nên tránh tác ý niệm ác của kẻ khác. Phương pháp này có hai cách:

1- Không nên nhớ đến niệm ác[1] của người khác.

2- Không nên tác ý niệm ác[2] của người khác.

Có tu tập như vậy thì tâm mới diệt ngã xả tham, sân, si, mạn, nghi. Đây là phương pháp thứ ba, để ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

--o0o--

4- Nhờ tác ý các tướng tầm thiện, các tầm ác bất thiện liên hệ đến dục được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm an trú, án tịnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền thì phải thường tác ý các hành tướng tầm thiện. Các hành tướng tầm thiện là gì?

Các hành tướng tầm thiện là thân hành niệm nội và ngoại. Thân hành niệm nội và ngoại là gì? Thân hành niệm nội là hơi thở. Thân hành niệm ngoại là: đi, đứng, nằm, ngồi, mang bát, mặc y, ăn cơm, uống nước, làm tất cả mọi công việc v.v..

Luôn tác ý về hơi thở, tức là tác ý hành tướng tầm thiện, cũng như luôn tác ý tất cả oai nghi tế hạnh đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc, tức là tác ý hành tướng tầm thiện ngoại. Nhờ thường xuyên tác ý về hơi thở và mọi hành động trong thân, nên các tầm ác liên hệ với dục được đoạn trừ. Đây là phương pháp thứ tư, để tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

--o0o--

 

5- “Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục đều được đoạn trừ, nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm an trú an tịnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền, khi gặp các ác pháp tấn công dữ dội thì phải cố gắng nhẫn nhục. Ở đây, đức Phật chỉ cách phải cắn chặt răng và dán chặt lưỡi lên nóc họng, nghĩa là cố gắng nén tâm hết sức kham nhẫn chịu đựng để vượt qua cơn thử thách của ác pháp. Những hành động nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng là dùng sức tận lực chịu đựng của mình, để chiến đấu với nghiệp lực tham, sân, mạn, nghi của các ác pháp v.v.. Nếu không tận lực dùng như vậy thì cơn tức giận sân hận sẽ thể hiện qua hành động, sắc mặt và lời nói của chúng ta, khiến cho chúng ta không còn bình tỉnh.

Nếu chúng ta cứ để tâm chạy theo tham, sân, si thì rất dễ dàng, bằng đi ngược lại, nó là một việc làm hết sức gian khổ, cần phải có đầy đủ nghị lực, gan dạ và chịu đựng những cơn thử thách kinh hồn đó thì chúng ta mới vượt qua cơn sóng gió bão bùng của nội tâm mình.

Bởi“Thắng trăm trận không bằng tự thắng mình, thắng mình mới là chiến côngoanh liệt”.Cuộc đời tu hành của chúng ta là một cuộc chiến đấu không ngừng, trường kỳ gian khổ, chứ không phải tụng kinh, niệm chú, ngồi thiền mà chiến thắng được mặt trận, giặc nội tâm của mình. Hình ảnh nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóchọng, không phải là một chiến trận kinh khủng sao?

Đó là phương pháp thứ năm đức Phật dạy để ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, là phương pháp ức chế tâm mình để chịu đựng một cách anh dũng.

Đây là một phương pháp ít khi dùng, vì cuộc đời tu sĩ của đạo Phật là sống trầm lặng một mình, nên ít khixảy ra các ác pháp, nhưng thiếu sự phòng hộ sáu căn và do sự tiếp duyên bên ngoài thì cũng có thể sẽ xảy ra dữ dội.



[1] - Nhớ đến niệm ác, có nghĩa là một niệm ác tự trong tâm khởi ra ngoài ý muốn của chúng ta.

[2]- Tác ý niệm ác, nghĩa là chúng ta tự khởi niệm ra, có ý muốn khởi ra.

CÓ BẢY PHÁP KHIẾN CHO PHẬT PHÁP HƯNG THỊNH

 

LỜI PHẬT DẠY

1- “Thích giản dị

2- Ưa yên lặng

3- Ít ngủ nghỉ

4- Không kết bè bạn

5- Không tự khoe khoang

6- Không kết bạn với người xấu

7- Thích ở một mình”.

 

CHÚ GIẢI:

1- THÍCH GIẢN DỊ

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, thích sống giản dị là sẽ làm cho Phật Pháp hưng thịnh, vì đời sống giản dị là đời sống thiểu dục tri túc, đời sống giản dị là đời sống không ham thích, ít dục, rất phù hợp với pháp tu hành của đức Phật là ly dục ly ác pháp. Đời sống giản dị của một vị tu sĩ đệ tử Phật, nhìn vào, người ta mến phục và cảm tình ngay liền, đời sống giản dị là một đạo hạnh của người tu sĩ giải thoát.

Bởi người tu sĩ có đạo hạnh là làm cho tôn giáo đó hưng thịnh, chứ không phải có thần thông, phép tắc, học giỏi, tụng kinh hay, ngồi thiền tốt, thuyết giảng thao thao bất tận v.v..

--o0o--

2-ƯA YÊN LẶNG

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, ưa sống yên lặng là làm cho Phật Pháp hưng thịnh, sự yên lặng là nói lên được tâm hồn giải thoát của người tu theo đạo Phật; sự yên lặng là nói lên được đức hạnh thánh thiện của bậc chân tu, sống với nội tâm của mình; sự yên lặng còn là một pháp môn độc cư tuyệt vời. Nếu cuộc đời tu hành theo đạo Phật mà không sống độc cư thì chẳng bao giờ tìm được sự giải thoát, vì pháp “Độc cưlà bí quyết thành tựu thiền định. Nếu người tu sĩ sống chẳng độc cư thì chẳng bao giờ nhập định được. Độc cư là phương pháp đệ nhất tâm không phóng dật, nhờ phòng hộ sáu căn.

--o0o--

3-ÍT NGỦ NGHỈ

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật, thường tu tập tỉnh thức, không ưa ngủ nghỉ, vì ưa ngủ nghỉ sẽ làm cho PhậtPháp suy đồi; vìưa ngủ nghỉ, tâm sanh lười biếng, tâm sanh lười biếng là tâm u mê; tâm u mêthìkhông thể sống đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thường hay phạm giới. Một vị tỳ theo phạm giới là làm cho Phật pháp không hưng thịnh, mà còn khiến cho người đời khinh chê Phật giáo.

Không ưa thích ngủ nghỉ thì cần phải đi kinh hành nhiều, người tu sĩ đệ tử của đức Phật, không đi kinh hành hoặc đi kinh hành ít là người tu sĩ lười biếng, là người tu sĩ ham ngủ. Kinh hành là một pháp môn tỉnh thức, tối cần thiết, để phá sạch tâm ưa thích ngủ nghỉ, nhờ người siêng đi kinh hành nhiều, nên đường tu hành mau chóng kết quả. Phật pháp hưng thịnh là do những tỳ kheo ít ưa ngủ nghỉ, thườngsiêng năng kinh hành. Vì thế kinh hành rất có lợi cho sự nghiệp tu tập dễ chứng đạt chân lí, nó là một phương pháp phá tâm si mê và lười biếng hiệu quả nhất.

Người nào không thích đi kinh hành là người không tinh tấn. Người không tinh tấn dù có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng đi đến đâu. Phàm phu chỉ là phàm phu chứ không bao trở thành hiền nhân thánh đức được. Rất uổng phí cho một đời tu hành chỉ vì không thấy pháp đi kinh hành quan trọng và lợi ích đến bực nào.

--o0o--

4-KHÔNG KẾT BÈ BẠN

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, sống không kết bè bạn là làm hưng thịnh Phật pháp. Sống kết bè bạn là làm mất thì giờ tu tập, vì có bè bạn thì phải có chuyện trò, chuyện trò không ích lợi mà còn sanh ra nhiều chuyện lôi thôi, đôi khi, còn xảy ra nhiều việc cãi cọ, tranh tụng, hơn thua, gây gổ, thù oán, tị hiềm, khiến cho cuộc sống tu hành bất an.

Kết bè bạn sẽ chia ra phe nhóm, từ phe nhóm này, đến phe nhóm khác, do đó mới tạo ra cảnh bất hòa, từ đó, cuộc sống của chư Tăng không còn lục hòa. Cuộc sống không lục hòa thì sự tu hành chẳng đến đâu và cũng vì vậy, mà Phật pháp không hưng thịnh.

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành được giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì sống không nên kết giao bè bạn, kết giao bè bạn thì sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ uổng phí một đời người. Đừng nghe nguời ta nói: “Đi tu có bạn”.Trong đạo Phật tu hành rất cấm kị sự kết bạn, vì sự kết bạn:

1- Làm mất thì giờ tu tập.

2- Ái kiết sử, không đoạn dứt được.

3- Thường xảy ra chuyệnrầy rà đôi chối, tranh chấp.

4- Sốngkhông hòa hợp, Tăng đoàn thường bị phân hóa chia rẽ, thiếu đoàn kết. Phật giáo suy thoái.

Cho nên Phật dạy: “Không kết bè bạn” là con đường tu tập phải độc cư, độc bộ, độc hành mới có thể đi đến nơi đến chốn được.

Bè bạn có lợi nhưng cũng có hại; lợi là nương nhau sách tấn tu hành; hại là tập họp nhau nói chuyện, lập phe lập đảng, nói xấu ly gián nhau.

Phật giáo ngày nay chia ra nhiều bộ phái khác nhau cũng chính vì không sống đúng giới luật, do không sống đúng giới luật nên danh lợi đã lôi cuốn họ chia manh xẻ mún đạo Phật ra nhiều bộ phái khác nhau, để mặc tình triển khai tưởng giải 84 ngàn pháp môn, mỗi người đứng một góc trời tự xưng mình là Giáo chủ của bộ phái đó.

Giới luật Phật là chỗ quy tụ những bậc tu hành chân chánh, còn mất giới luật là chỗ quy tụ những bậc tu danh, tu lợi, tu chùa to, Phật lớn, tu ăn, tu ngủ v.v..

Tóm lại muốn tìm cầu sự giải thoát chân thật trong Phật giáo thì phải tin theo lời Phật dạy: “KHÔNG KẾT BÈ BẠN”

--o0o--

5- KHÔNG TỰ KHOE KHOANG

Người tu sĩ đệ tử của đức Phật sống không thích khoe khoang, không cầu danh, cầu lợi thì Phật pháp mới hưng thịnh, bằng ngược lại thì Phật pháp suy đồi, thường là những tu sĩ tu hành chưa tới nơi tới chốn nên muốn làm danh, làm lợi, thường nhai lại những “Bã mía” của người xưa để thựchiện “Bồ Tát Đạo”hành “Bồ Tát hạnh”,đó là để lừa bịp thiên hạ,những vị Bồ Tát này cũng ví như một người mù dẫn một bầy mù đi và sẽ bị sa hầm, lọt hố chết chìm nhau cả đám. Khoe khoang chính là mục đích cầu danh, cầu lợi, người tu sĩ đệ tử của đức Phật mà còn khoe khoang thì tu hành chẳng bao giờ giải thoát. Xưa đức Phật dạy: “Có danh có lợi thì nên ẩn bóng”.Thế mà thời nay trên bước đường tu hành theo đạo Phật người tu sĩ chưa có danh thì muốn tạo danh như: học tập có cấp bằng này cấp bằng kia như cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ, giảng sư, chưa có lợi thì tìm làm quen cho có nhiều Phật tử để có sự cúng dường hoặc soạn viết những kinh sách lý luận sai lệch giáo pháp của đức Phậtvì không có kinh nghiệm tu hành nên chỉ có tưởng giải theo kiểu vay muợn. Những loại kinh sách danh lợi này đã hằng giết chết hằng bao thế hệ con người từ xưa đến ngày nay.

Tóm lại TỰ KHOE KHOANGlà một tai hại trên đường tu tập để tìm cầu sự giải thoát. Vì khoe khoang là nuôi dưỡng tính ngã mạn, càng khoe khoang ngã mạn càng to. Ngã mạn càng to thì càng chịu nhiều khổ đau. Ngã mạn càng to thì không bao giờ sống có đạo đức, luôn làm khổ mình khổ người.

Cho nên người tu hành theo Phật giáo, cần phải tránh xa tính tự khoe khoang. Nếu một người hay khoe khoang chúng ta hãy lắng nghe họ nói chuyện chỉ một vài câu chuyện ngắn gọn mà họ tự đề cao họ như thế nầy như thế khác hoặc khoe khoang về sự học. Đấy là một con người mang đầy tính ngã mạn. Những hạng người đó chúng ta không nên chơi thân với họ, phải tránh xa.           

--o0o--

6- KHÔNG KẾT BẠN VỚI NGƯỜI XẤU

Người tu sĩ và người cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì như trên đã dạy, khôngnên kết bạn bè dù là bạn tốt còn không kết bạn, huống là bạn xấu, nhưng chỉ vì muốn dựng lại con đường của đạo Phật, làm cho nó hưng thịnh thì phải sống “Độc bộ, độc hành, độc cư”,nếu không sống như vậy, thì chẳng bao giờ tu đến đích.

Ở đây đức Phật dạy, không nên kết bạn bè xấu, kết bạn bè xấu là một tai hại cho bước đường tu tập của mình. Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật nếu kết bạn bè xấu, sẽ làm cho Phật pháp suy thoái. Vì bạn bè xấu, sẽ lôi cuốn vào chỗ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới và đi đến chỗ phi oai nghi tế hạnh, thường sống phi đạo hạnh và đạo đức của bậc thánh tăng. Đó là những điều sẽ xảy đến, khiến cho Phật pháp không hưng thịnh.

Những người bạn xấu như thế nào?

Những bạn xấu là những người phạm giới như trên đã nói, thích vui chơi, thích ngủ nghỉ, thích nói chuyện, thích tranh luận, thích nghe ca hát và ca hát, thích trang điểm làm dáng làm đẹp, thích vật chất quần áo, giày dép, xe cộ, máy móc, chùa cao, Phật lớn, phong cảnh đẹp v.v..

Người tu sĩ chân chánh thì nên tránh xa những người bạn xấu ấy, vì kết bạn với những người ấy, thì Phật pháp không hưng thịnh. Những người bạn ấy, sẽ lôi cuốn chúng ta vào đường danh, nẻo lợi.

--o0o--

7-THÍCH SỐNG MỘT MÌNH

Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của đức Phật, muốn tu hành giải thoát và Phật pháp hưng thịnh thì phải sống một mình. Vả lại, sống một mình là pháp môn phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tốt nhất; nó là pháp lắng nghe lại thân tâm mình để biết thân tâm mình đang nói gì và đang làm gì nhờ đó chúng ta mới xả tâm ly dục ly ác pháp rốt ráo; nó là bí quyết nhập các loại định, nếu không sống một mình thì dù có tu nghìn kiếp cũng chẳng nhập định được. Người tu sĩ sống độc cư một mình là làm hưng thịnh cho Phật pháp. Tại sao vậy?

Tại vì người ấy sống một mình, tâm mới ly dục, ly ác pháp trọn vẹn, tâm có ly dục, ly ác pháp trọn vẹn thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm định trên thân, tâm định trên thân là tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm, nhờ có nhập Bất Động Tâm thì mới có đủ Tứ Thần Túc, nhờ Định Như Ý Túc mới nhập Sơ Thiền, Sơ Thiền là một thứ thiền giải thoát của đạo Phật rất rõ ràng và cụ thể. Người tu hành nhập được Sơ Thiền thì giới luật phải sốngnghiêm túc, không hề vi phạm, dù một giớiluật nhỏ nhặt nào. Giới luật không hề vi phạm thì đức hạnh của người này đã đầy đủ. Nhờ sống đức hạnh đầy đủ, làm người, làm thánh thì làm sao Phật giáo không hưng thịnh. Vì thế, đức Phật dạy: “Thích sống một mình là Phật giáo hưng thịnh”,lời nói này không dối người, lời nói này là lời nói chân thật.

Người an vui thích sống một mình là người đã giải thoát rồi, người giải thoát là người sống một mình. Sống một mình khó lắm quý vị ạ! Có sống một mình mới biết khó, chứ không phải như lời nói suông đâu. Có sống rồi mới biết, quý vị ạ!

CÓ BẢY PHÁP GIÚP TA LY DỤC, LY ÁC PHÁP

 

LỜI PHẬT DẠY

1- Có lòng tin.

2- Biết xấu hổ với những điều sơ suất.

3- Tự thẹn với những việc làm ác.

4- Học rộng hiểu nhiều.

5- Nỗ lực dứt ác, tu thiện.

6- Những điều đã học, phải ghi nhớ mãi không quên.

7- Tu về trí tuệ.

 

 

CHÚ GIẢI:

1- CÓ LÒNG TIN

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm và Sơ Thiền thì trước tiên, chúng ta phải đặt trọn lòng tin sâu xa nơi đức Phật và giáo pháp của Ngài. Ngài đã dạy như thế nào giải thoát là thật sự có giải thoát, có làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Lòng tin ấy, sẽ giúp chúng ta tiến bước mà không bao giờ chùn bước, dù trên bước đường tu tập, có nhiều gian nan thử thách chúng ta cũng khôngnản lòng và thốichuyển. Đó là pháp môn thứ nhất, để chúng ta ly dục, ly ác pháp.

Nếu thiếu lòng tin thì con đường đạo Phật, chúng ta không thể đi đến nơi, đến chốn được, vì nó là con đường tự lực chứ không tha lực, cho nên lòng tin được đứng hàng đầu trong các pháp tu tập, nhưng muốn có lòng tin bền bỉ thì sự tu tập phải có kết quả, nếu không kết quả thì tu sĩ và cư sĩ Phật giáo, sẽ biến thái giống như các tu sĩ Bà La Môn giáo (cúng bái, tụng niệm, ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn v.v..) và làm những việc mê tín khác.

Người tu sĩ và cư sĩ, tu không kết quả, sẽ mất lòng tin, nên dễ bị thế tục hóa, khiến cho Phật pháp, càng ngày, càng suy thoái và Phật giáo mất gốc.

--o0o--

2-BIẾT XẤU HỔ VỚI NHỮNG ĐIỀU SƠ SUẤT

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp, để nhập Bất Động Tâm Định và Sơ Thiền thì phải biết xấu hổ với những điều làm sơ suất tạo ra cảnh khổ mình, khổ người.

Làm người, ai mà không có những việc làm sơ suất, nhưng có những kẻ làm sơ suất lại không biết xấu hổ sửasai nhữnglỗi lầm của mình, mà còn vỗ ngực xưng tên.

Ví dụ: Như các vị tỳ kheo phạm giới, phá giới, ăn uống phi thời, sống trong nhung lụa sang giàu, chùa to, Phật lớn, tu hành chưa tới đâu, thuyết giảng lung tung, lừa đảo lường gạt nhiều người, bằng cách cầu siêu, cầu an làm những điều mê tín, v.v.. Thậm chí, có những vị tỳ kheo có cả vợ con, thế mà không biết xấu hổ, không chừa bỏ, sửa sai thì thử hỏi, Phật pháp còn gì và tu hành như vậy, thì làm sao ly dục, ly ác pháp được. Đây là phương pháp thứ hai, mà đức Phật đã dạy chúng ta ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền.

--o0o--

3-TỰ THẸN VỚI NHỮNG VIỆC LÀM ÁC

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm Định và Sơ Thiền thì phải tự thẹn với những việc làm ác.

Ví dụ: Có người bị người khác chửi mắng, mạ nhục tâm sanh tức giận, lúc bấy giờ người ấy rất khổ đau, trạng thái khổ đau đó là ác pháp, tức là vì pháp ác bên ngoài tác động, chúng takhông đủ sứckham nhẫn nên pháp ác trong tâm ta phát khởi, nếu một người tu theo đạo Phật, thì phải tự thẹn với lòng mình và tự trách mình. Tại sao mình lại ngu si để những pháp ác sanh khởi làm khổ mình? Tại sao mình lại điên đảo quá độ, để cho tâm duyên theo nhân quả ác của người khác dẫn mình vào bước đường khổ đau?

Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm Định và Sơ Thiền mà bị pháp ác tác động, không ly ác pháp trong tâm thì làm sao nhập Bất Động và Sơ Thiền được, do đó đức Phật dạy: “Phải tự thẹn với lòng mình”vì mình quá yếu hèn không ngăn được ác pháp trong tâm, để chịu khổ đau, đó là dại dột của một con người quángu si, không sáng suốt.

Người biết tự thẹn là người biết cố gắng khắc phục mình, biết sửa lỗi mình, biết chiến đấu lại tâm mình v.v..

Người không biết tự thẹn là người không biết xấu hổ với mình, không biết cố gắng khắc phục tâm mình, không biết sửa lỗi mình và cũng không biết chiến đấu lại tâm ác của mình, để rồi phải chịu suốt một đời khổ đau và tiếp tục trong muôn đờikhổ đau. Đây là phương pháp thứ ba, đức Phật dạy chúng ta biết tự thẹnkhi làm việc ác để tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền.

--o0o--

4- HỌC RỘNG HIỂU NHIỀU

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền thì phải học rộng hiểu nhiều. Học rộng hiểu nhiều nghĩa là gì? Học rộng hiểu nhiều, nghĩa là phải hiểu rõ đường lối tu hành chân thật của đạo Phật, nếu không học rộng hiểu nhiều về đạo Phật thì dễ bị người khác lừa đảo bằng những giáo pháp của ngoại đạo như hiện giờ, tu sĩ và cư sĩ đệ tử của Phật mà lại tu tập theo những pháp môn mê tín, ảo tưởng, hư cấu ảo giác không chịu học rộng; không chịu hiểu nhiều về kinh sách Nguyên Thủy, nên nghe theo kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ. Họ lầm tưởng đó là kinh sách của Phật giáo chơn thật, nhưng không ngờ đó là kinh sách giả mạo. Chỉ vì trước khi tu hành, quý vị không chịu học rộng, hiểu nhiều về kinh sách chơn thật của đạo Phật.

Ở đây đức Phật dạy muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm và nhập Sơ Thiền mà không học rộng, hiểu nhiều về giáo pháp của Ngài thì sẽ tu sai lạc, mà đã tu sai lạc thì không làm sao ly dục, ly ác phápđược, không ly dục, lyác pháp thì không bao giờ nhập chánh định được, chỉ có nhập vào những tà định mà thôi. Đây là pháp thứ tư, học rộng, hiểu nhiều về giáo pháp của Ngài, để không bị ai lừa đảo và lường gạt được mình rơi vào giáo pháp ngoại đạo, của thiền tưởng.

--o0o--

5-NỖ LỰC DỨT ÁC TU THIỆN

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền thì phải nỗ lực dứt ác, tu thiện. Trong kinh Tứ Chánh Cần dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Đó là một phương pháp nỗ lực dứt ác tu thiện.

Hầu hết mọi người tu theo đạo Phật, đều không nhận ra ác pháp và thiện pháp như thế nào, nên dễ tu lầm lạc, do lầm lạc nên tu mãi không có kết quả. Trong đạo Phật, pháp nào có lậu hoặc là pháp ác, vì có lậu hoặc là có đau khổ, có đau khổ là ác pháp.

Ví dụ: Tu tập tọa thiền hai chân ngồi kiết già bị tê, đau nhức, khổ sở, nóng rát, v.v.. đó là pháp ác. Nhớ thương, những người thân làm cho tâmhồn đau khổ, đócũng là pháp ác. Người có phước hữu lậu, sanh ra trong gia đình giàu sang, quyền cao chức lớn, có danh giá trong xã hội, nhưng đó là phước hữu lậu, cho nên trong sự giàu sang, quyền cao, chức lớn vẫn có những sự khổ đau, có những sự khổ đau, tức là có ác pháp.

Đối với đạo Phật thì không cầu phước hữu lậu, phước hữu lậu là phước danh và lợi mà danh lợi là ác pháp, vì thế người tu theo đạo Phật phải xa lìa danh lợi, xa lìa danh lợi là ly dục, ly ác pháp, ly dục, ly ác pháp là phước vô lậu, phước vô lậu là giải thoát. Vì thế người tu sĩ đạo Phật, chọn lấy phước vô lậu, từ khước hữulậu, từ khước phước hữu lậu là từ khước chùa to, Phật lớn, tiền bạc danh lợi. Xin nhắc lại một lần nữa, đức Phật dạy: “có danh có lợi thì nên ẩn bóng”,đó mới chính là đệ tử của đức Phật.

Người có phước hữu lậu, giàu sang quyền tước mà không từ bỏ, xa lìa, tức là không ngăn ác, diệt ác pháp thì không thể nào ly dục, ly ác pháp được. Người ta phải hiểu rằng, phước hữu lậu là phước báo còn trong đau khổ, cho nên người có phước báu này thì lại càng đau khổ nhiều, quý vị không tinlời chúng tôi nói thì quý vị hãyđọc báo chí sẽ thấy các vị Tổng Thống, nhất là Tổng Thống nước Mỹ “Kennedy” và gần đây những người giàu có hằng tỷ tỷ bạc như: Minh Phụng, Trần Đàm, v.v.. họ đang khổ hơn chúng ta nhiều.

Thưa quý vị, đấy là phước hữu lậu, Hòa Thượng Thanh Từ, Thầy của chúng tôi, đã thực hiện Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh, Ngài có đầy đủ phước báo hữu lậu, không có một vị Hòa Thượng nào sánh kịp, nhưng cơ thể Ngài không lúc nào mà không uống thuốc và không giờ nào mà Ngài được nghỉ ngơi. Ngài đã tuyên bố với Tăng, Ni và Phật tử, Ngài nợ Tăng, Ni và Phật tử. Đó là phước hữu lậu, trong cái danh, cái lợi thì phải có cái không giải thoát, cái không giải thoát tức là ác pháp.

Đức Phật dạy: “lậu là khổ đau, vô lậu là hết khổ đau”. Do đó, chúng ta suy ra lậu là ác pháp. Vậy người tu sĩ đệ tử của đức Phật, phải ngăn ác diệt ác, thì còn có cầu mong tạo phước báo hữu lậu nữa hay không? Tu hành theo đạo Phật, mà cố tạo phước báo cho nhiều thì con đường tu để đi đến giải thoát được hay không? Đó là một câu hỏi để mọi người dễ nhận ra sư thật của kiếp làm người.

Người có phước báo hữu lậu thì không bao giờ tu giải thoát được. Tại sao vậy? Tại vì phước báo hữu lậu là ác phápmà đạoPhật chủ trương ngăn ác, diệt ác pháp thì mới có ly dục, ly ác pháp, có ly dục, ly ác pháp thì mới có giải thoát, có giải thoát thì mới gọi là vô lậu, cho nên phước báo của đạo Phật gọi là phước vô lậu, phước báo vô lậu là phước báo không còn đau khổ. Phước báo hữu lậu là phước báo còn đau khổ là phước báo của kinh sách phát triển của các tôn giáo khác.

Phước báo hữu lậu và phước báo vô lậu là hai phước báo không thể đi chung nhau một đường. Người chấp nhận phước hữu lậu thì không thể có phước vô lậu được, người chấp nhận phước báo vô lậu thì không thể chấp nhận phước hữu lậu được, vì chấpnhận phước hữu lậu thì vô lậu không có.

Phước hữu lậu và phước vô lậu chúng ta ví nó như mặt trời và mặt trăng, cái này có thì cái kia không, cái này không thì cái kia có cũng như đêm và ngày, ngày có thì không thể là đêm được, mà đêm có thì không thể là ngày được. Phước hữu lậu và phước vô lậu cũng vậy.

Cho nên, các nhà học giả do chỗ nghiên cứu, chứ không phải chỗ tu hành đã hiểu sai lệch về Phật giáo, vì vậy các Ngài hướng dẫn người tu làm những điều lành như: Trai tăng, cúng dường, cất chùa, xây tháp, đúc chuông và làm những việc từ thiện khác nữa, v.v.. đó là tạo phước hữu lậu, vì thế cuộc sống của họ không giải thoát, chỉ sống trong cảnh giàu sang danh lợi như người giàu sang thế gian.

Bởi người ta không hiểu được phước vô lậu và phước hữu lậu như thế nào, nên đã đưa con người vào con đường khổ chỉ được lời khen suông của thiên hạ mà thôi, nhưng lại biến những người làm từ thiện trở thành những chủ nợ của những người khác mà cho vay, “vay một trả mười”. Ngược lại, Phật giáo không làm từ thiện, mà chỉ sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả, tự không làm khổ mình, khổ người, nên khi thấy ai khổ là thấy nhân quả của họ, chứ không phải ta làm khổ họ, mà chính họ đã tự làm khổ họ, chúng ta có duyên gặp họ trong cảnh khổ, đó là duyên nhân quả của chúng ta và với họ, nên mới có sự gặp gỡ như thế này thì chúng ta giúp đỡ và an ủi họ, tùy ở nhân quả của họ, chứ chúng ta không làm từ thiện như kinh sách phát triển dạy, vì chúng ta không làm sao cho họ hết khổ được, tại họ tạo ra nhân ác thì họ phải gánh chịu lấy quả khổ.

Chúng ta không làm từ thiện theo kiểu kinh sách phát triển dạy “làm thiện để mong cầu được lên Thiên đàng, Cực lạc và để được giàu sang phú quý, làm vua, làm quan v.v..”. Chúng ta chỉ biết làm theo đạo đức nhân bản – nhân quả làm người mà đức Phật đã dạy:Không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai”.

Người không hiểu Phật pháp tuyên dương “phước huệ song tu”,đó là một sự sai lạc rất lớn trong đạo Phật. Có phước hữu lậu thì làm sao tu huệ được, huệ là giới luật là đức hạnh của con người và của những bậc thánh tăng. Nói đến giới luật đức hạnh những bậc thánh tăng, thì chỉ còn ba y một bát đi xin ăn hằng ngày thì làm sao gọi là phước hữu lậu được.Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật đã xác định rõ ràng:“Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì trí tuệ ở đó; trí tuệ làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ”.

Người có phước hữu lậu thì không bao giờ có trí tuệ; người có phước hữu lậu thì không bao giờ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh; người có phước hữu lậu thì không bao giờ được gọi là thánh tăng, thánh ni, thánh cư sĩ, nghĩa là không chứng quả giảithoát, vì chẳng baogiờ họ ly dục, ly ác pháp, chẳng ly dục, ly ác pháp thì chẳng bao giờ ngăn ác, diệt ác pháp, do đó họ tu hành chỉ uổng phí một đời mà thôi. Họ đã bị phước hữu lậu xỏ mũi dắt đi. Đây là pháp thứ năm, giúp chúng ta ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm và Sơ Thiền như đức Phật đã nhắc nhở “Phải hết sức mình nỗ lực, dứt ác tu thiện”,chứ không thể tu lơ là được, mà phải nhiệt tâm, năng nổ từng giây, từng phút thì mới có thể ly dục, ly ác pháp. Quý vị nên nhớ kỹ những lời dạy này, những lời dạy này là những lời tâm huyết của đức Phật vì thương tưởng chúng sanh, vì sự khổ đau của chúng sanh mà Ngài nhắc nhở. Đừng dựa vào phước hữu lậu của kinh sách phát triển mà trở thành những chủ nợ của kẻ khác, để rồi đời đời phải trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi vĩnh cửu.

--o0o--

6- NHỮNG ĐIỀU ĐÃ HỌC CẦN GHI NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm và Sơ Thiền thì những điều đã học phải ghi nhớ mãi không quên. Vậy, ghi nhớ mãi không quên những pháp môn gì?

Những pháp môn phải ghi nhớ mãi trong tâm không quên đó là:

1-        Có năm pháp tu tập ly dục, ly ác pháp.

2-        Có bảy pháp khiến cho Phật pháp hưng thịnh.

3-        Có bảy pháp giúp ta ly dục, ly ác pháp.

4-        Có bảy pháp hằng ngày cần tu.

5-        Có sáu pháp cần phải giữ gìn.

6-        Oai nghi của người tu sĩ.

7-        Người mới vào đạo cần nên tu tập.

8-        Người mới tu có năm pháp cần nên tránh.

9-        Người mới tu có ba đức chánh hạnh cần phải thực hiện [1].

Trên đây là những pháp môn đã học, cần phải ghi nhớ mãi không quên để thực hiện con đường giải thoát của đạo Phật.

--o0o--

7- TU VỀ TRÍ TUỆ

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm và Sơ Thiền thì phải tu về trí tuệ. Vậy tu về trí tuệ là tu như thế nào?

Trong kinh SONADANDAđã dạy:“Tôn giả Gotama, không thể được. Tôn giả Gotama, trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh, nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ, nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời. Tôn giả Gotama, cũng như lấy bàn tay rửa bàn tay, lấy bàn chân rửa bàn chân cũng vậy”.Ở đoạn kinh này đã xác định cho chúng ta thấy tu về trí tuệ tức là phải tu về giới luật. Giới luật là đức hạnh của tu sĩ và cư sĩ, nếu ta không tu về giới luật thì chúng ta không có trí tuệ. Cho nên lời dạy “Tu về trí tuệ”,tức là tu tập về giới luật, tu về giới luật tức là sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị thánh tăng, sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị thánh tăng là trí tuệ giải thoát của đạo Phật. Như vậy đức Phật mới nhắc nhở chúng ta nhớ đừng quên phải chăm lo tu về trí tuệ.

Tu về trí tuệ không phải là ở chỗ học hỏi cho thông suốt tam tạngthánh điển hay có nhiều cấp bằng Tiến sĩ mà chỉ là người biết sống và giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, luôn luôn lúc nào cũng thấy sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt. Chính người tu sĩ và cư sĩ biết giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, đó là người trí tuệ, người trí tuệ là người biết sống đời sống ly dục, ly ác pháp, sống đời sống ly dục ly ác pháp tức là đã nhập Bất Động Tâm. Ngược lại, người có cấp bằng cao và thông suốt tam tạng thánh điển mà sống phạm giới, phá giới thìngười ấy không được gọi là người có trí tuệ, theo Phật giáo thì người ấy là người vô minh, người không hiểu biết chánh kiến.

Người nhập Sơ Thiền là người sống đúng phạm hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật, người ấy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật, người ấy sống ba ymột bát, ngày một bữa đi xin ăn, cuộc sống trầm lặng độc cư một mìnhnhư nước hồ mùa thu, người ấy là người phạm hạnh, bậc Trưởng Lão, Thánh Tăng; người ấy là người đức hạnh thánh thiện vì đã ly dục ly ác pháp, người ấy xứng đáng là thầy của chúng ta, vì đức Phật đã xác định:“Giới luật là thầy của các vị tỳ kheo”. Vì thế người nào sống đúnggiới luật là thầy của chúng ta dù người đó chỉ là một vịSa Di, một cư sĩ, còn ngược lại dù vị đó là một vị tỳ kheo Thượng Tọa, Hòa Thượng có hạ lạp cao, có học thức rộng, thông suốt tam tạng kinh điển mà giới luật không nghiêm chỉnh thì không phải là thầy của chúng ta.

Như trên đã nói tu về trí tuệ, tức là tu về giới luật, tu về giới luật tức là tu về thiền định, như vậy tu về thiền định tức là tu về trí tuệ, chứkhông phải thiền định chăn trâu, kiến tánh thành Phật, đốn ngộ tiệm tu, hay là tham công án, tham thoại đầu, phình xẹp Minh Sát hoặc luyện bùa, niệm chú, tụng kinh, niệm Lục Tự Di Đà v.v.. mà có thiền định.

Từ giới hạnh là trí tuệ, từ trí tuệ là giới hạnh, đó là giai đoạn tu tập trí tuệ thứ nhất về giới luật của đạo Phật mà tất cả các vị tu sĩ Phật giáo, không phân biệt tỳ kheo tăng, ni và cư sĩ, tất cả đều phải lấy giới luật làm thầy, vì giới luật là trí tuệ của người tu sĩ Phật giáo.

Khi tu tập ở giai đoạn thứ hai trí tuệ là thiền định, thiền định là trí tuệ, từ trí tuệ là thiền định, thiền định là trí tuệ đó là giai đoạn tu tập trí tuệ thứ hai về giới, định, tuệ của đạoPhật. Trong kinh SONADANDAđức Phật đã dạy: “...Vị ấy chứng và trú Sơ Thiền… chứng và trúđệ Nhị Thiền… đệ Tam Thiền… chứng và trú đệ Tứ Thiền… Này Bà La Môn như vậy là trí tuệ”.(Trường Bộ kinh tập I trang 223).

Ở đây chúng ta thấy đức Phật đã xác định rõ ràng: “giới luật là trí tuệ, là thiền định; thiền định là giới luật, là trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới luật, có thiền định; người có giới luật nhất định có trí tuệ, có thiền định; người có thiền định nhất định có giới luật và có trí tuệ”.Đạo Phật tu tập như vậy, nên đức Phật mới nhắc nhở chúng ta, nhớ đừng quên, phải lo tu về trí tuệ. Người nhập Sơ thiền là người sống đúng phạm hạnh của một vị tỳ kheo đệ tử của đức Phật, người ấy không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật.

Tu về trí tuệ, tức là tu về giới luật, tu về giới luật, tức là tu về thiền định, như vậy tu về thiền định, tức là tu về trí tuệ, chứ không phải là thứ thiền định Chăn trâu, Kiến tánh thành Phật, Đốn ngộ tiệm tu, haylà Tham công án, Thoại đầu hoặc luyện bùa, niệm chú, tụngkinh, niệm Lục Tự Di Đà, v.v.. mà có thiền định.

Từ đó, chúng ta suy ra, lời dạy trên đây của đức Phật, chúng ta biết mình phải tu trí tuệ, tức là tu giới luật và Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định là trí tuệ của đạo Phật, nếu người khôngnhập được TứThánh Định thì không thể gọi là trí tuệ về thiền định.

Chúng ta học được những điều rất hay về trí tuệ của đạo Phật. Mới vào đạo, chúng ta học trí tuệ về giới luật. Sau khi trí tuệ về giới luật thành tựu, ta làm chủ được tâm ta, tức là ta đã ly dục, ly ác pháp, ta đã ly dục, ly ác pháp là tâm ta bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Khi tâm ta ly dục, ly ác pháp là tâm ta đã thanh tịnh, từ đây, ta tiếp tục tu tập trí tuệ về thiền định. Sau khi trí tuệ về thiền định thành tựu, ta làm chủ được thân ta, tức là ta làm chủ được già, bịnh, chết do ta tịnh chỉ các hành trong thân.

Khi ta thành tựu trí tuệ thiền định xong, ta tiếp tục tu tập trí tuệ về Tam Minh. Sau khi trí tuệ Tam Minh thành tựu, chúng ta chấm dứt nguyên nhân tái sanh luân hồi, tức là ta chỉ còn có một đời sống này mà thôi.

Trong kinh Sonadanda dạy: “Tâm hướng đến tri kiến... Này Bà La Môn như vậy là trí tuệ”(Trường Bộ kinh tập I trang 223). Đoạn kinh này đức Phật dạy: Tam Minh là trí tuệ, trí tuệ là Tam Minh, người có trí tuệ, tức là có Tam Minh, người có Tam Minh, tức là có trí tuệ”.Đây là trí tuệ vô lậu, người có trí tuệ này, là người đã đi suốt quảng đường của đạo Phật“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa” (Trường Bộ kinh tập I, trong kinh Sa Môn Quả trang 155).

Đây là ba giai đoạn tu tập trí tuệ của đạo Phật, bằng lộ trình “Giới, Định, Tuệ”,ngoài lộ trình này, không bao giờ còn có một lộ trình nào khác nữa, để tìm tu có trí tuệ giải thoát.



[1] Chín pháp trên đây, trong tập tám không ghi đủ xin đọc lại những tập sách “Những Lời Gốc Phật Dạy”.

QUAN ÂM THỊ KÍNH

Câu hỏi của một cư sĩ miền Bắc

Hỏi: Kính thưa Thầy! Câu chuyện Quan Âm Thị Kính, tuy rằng câu chuyện dân gian, nhưng làm ảnh hưởng đến đạo Phật ít nhiều không tốt. Xin Thầy cho biết sự nhẫn nhục của Quan Âm Thị Kính có phải là đạo Phật đã dạy như vậy hay không?

Tu hạnh nhẫn nhục như vậy để thành Bồ Tát, rồi thành Phật. Một Bồ Tát, một đức Phật tu như vậy có trí tuệ, có đạo đức hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Câu chuyện Quan Âm Thị Kính tuy là câu chuyện dân gian nhưng ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo. Từ lâu, những tu sĩ và tín đồ Phật giáo rất hãnh diện với sự nhẫn nhục của vị tu sĩ này, qua lăng kính của kinh sách phát triển. Khi hoàn tất đức hạnh nhẫn nhục này, cho đến lúc bỏ thân xác, Thị Kính thành Bồ Tát Quan Âm.

Thị Kính là một người phụ nữ Việt Nam, có chồng và chồng ly dị vì sự hiểu lầm “sát phu”. Ngài buồn choduyên nghiệp thân phận của mình và nhân tình thế thái, nên giả trai đi tu.

Khi vào chùa, xuống tóc xuất gia tu hành, Ngài được lòng với một tín nữ Thị Mầu. Thị Mầu gian dâm với người khác có thai, khai đổ trút cho Ngài là tác giả, Ngài nhẫn nhục làm thinh trước sự đánh đập chửi rủa, phỉ báng, mạ nhục của làng xã và mọi người. Vị trụ trì không cho Ngài ở trong chùa, Ngài phải ra cất một cái chòi nhỏ ở ngoài cửa Tam quan chùa. Khi Thị Mầu sanh và đem con đến giao cho Ngài nuôi, Ngài phải nhẫn nhục ôm con Thị Mầu nuôi nấng từ sơ sinh cho đến lớn khôn, chịu biết bao nhiêu cay đắng nhọc nhằn và sự chửi rủa củanhững người khác, nhưng Ngài vẫn kiên gan, nhẫn nhục, chẳng hề than thở cùng ai với một lời nào cả, là một phụ nữ, Ngài chăm nom cháu bé rất là chu đáo.

Đến khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, người ta mới phát giác ra. Ngài là nữ nhi cải nam trang.

Qua sự nhẫn nhục vĩ đại này, mọi người tôn xưng Ngài là Bồ Tát Quan Âm hay là Phật Bà Quan Âm.

Câu chuyện dân gian này, cũng giống như một câu chuyện trong kinh sách phát triển, có nêu ra câu chuyện nhẫn nhục ba la mật như sau: “Có một ông lão đến xin vị Hòa Thượng trụ trì đang cai quản trong một ngôi chùa có khoảng trên năm trăm (500) Tăng chúng tu học.

Vị Hòa Thượng này được xem là một vị đã chứng quả A La Hán, Ngài chấp nhận cho ông lão vào ở tu học. Sau một thời gian tu tập, Ngài muốn thử chúng Tăng và ông lão, ai là người tu hành đã đạt được hạnh nhẫn nhục ba la mật.

Nửa đêm, chúng Tăng đều yên giấc, Ngài lén lấy một cái chén ngọc quý nhất trong chùa và đập bể.

Sáng hôm sau, Ngài họp chúng Tăng lại, hỏi từng người một và cố ý hỏi ông lão người mới vào tu sau cùng. Tất cả năm trăm chúng Tăng được hỏi đều bảo rằng: “Chúng con không có đập bể”.

Hòa Thượng quay lại hỏi ông lão mới vào xin tu tập: “Ông có đập bể chén ngọc trong chùa không?”

Ông lão làm thinh không đáp, Hòa Thượng lại bảo: “Chắc Ông đập bể chén ngọc quý của chùa phải không?”. Ông vẫn làm thinh không đáp.

Mọi người đều nhìn ông nghi ngờ, ông lão vẫn một mực làm thinh và mặt nhìn xuống.

Hôm đó, có tất cả năm trăm Tăng chúng và các cư sĩ ở quanh vùng đến dự họp, mọi người đều cho rằng, chính ông lão đã đập bể.

Trước bao nhiêu đôi mắt nhìn ông và lộ vẻ khi dễ, ngụ ý trách ông đập bể mà không can đảm dám nhận chịu, thật là hèn nhát, ông lão đã nhận ra và biết rất rõ sự khinh bỉ này, nhưng ông vẫn một mực điềm tĩnh làm thinh.

Vị Hoà Thượng tức giận la hét và chỉ tay điểm mặt ông: “Ông đã đập bể chén ngọc quý của chùa, mà không dám thú tội là một người hèn hạ, một người đáng khinh bỉ, ông có biết haykhông?”

Ông lão vẫn làm thinh như không có chuyện gì xảy ra cả. Hòa Thượng càng tức giận hơn, Ngài bảo: “Từ đây tôi phạt ông phải lên rừng đốn củi và xay lúa nấu cơm cho năm trăm Tăng chúng ăn”.

 Ông lão vẫn an nhiên, vui vẻ chấp nhận và thui thủi một mình, chấp hành công việc nặng nhọc này, mà không hề có một tiếng kêu ca than oán. Suốt mười mấy năm trời lao tác nặng nhọc, ông chẳng hề mở miệng than trách một điều gì cả. Cuối cùng, ngày viên tịch sắp đến, ông báo trước chúng Tăng biết: “Đức Phật Di Đà sẽ đem tòa sen đến rước linh hồn ông về Cực lạc”.

Sau khi ông lão tịch, bây giờ vị Hòa Thượng trụ trì mới báo cho chúng Tăng biết chính Hòa Thượng là người đã đập chén ngọc quý đó để thử thách chúng Tăng, xem ai là người đã tu hạnh nhẫn nhục ba la mật có kết quả”.

Câu chuyện hàm oan này, cũng giống như câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Ông lão chịu hàm oan đã thành Phật trong kinh sách phát triển. Thì câu chuyện Quan Âm Thị Kính cũng từ hạnh nhẫn nhục trong kinh sách đó được triển khai ra, để nhằm dựng lên một đức hạnh nhẫn nhục cao quý tuyệt vời mà khó có người thực hiện được, chứ trong dân gian, làm gì có người bịa chuyện ra như vậy được, chỉ có các nhà sư của kinh sách phát triển bịa chuyệnnhẫn nhục ba la mật này, nói lên sự tuyệt vời, cao cả của Phật giáo phát triển mà thôi.

Xét qua hai câu chuyện, nhẫn nhục ba la mật trên của kinh sách phát triển (nhẫn nhục ba la mật) thì không đúngđường lối tu hành đạo đức của đạo Phật.

Như quý vị đã biết, đạo Phật xây dựng tôn giáo của mình, trên một nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả. Đạo đức nhân quả là một thứ đạo đức nhân bản, tự không làm khổ mình, khổ người. Thế mà hai câu chuyện trên, lại sử dụng một thứ đạo đức anh hùng phi đạo đức, anh hùng làm khổ mình, khổ người. Đối với đạo Phật không chấp nhận đạo đức quân tử này, quân tử một cá nhân mà làm khổ biết bao nhiêu người, đạo đức này xem thì thiện, nhưng toàn là ác pháp, khiến cho bao nhiêu người tạo tội lỗi.

Trong Luận Bảo Vương Tam muội, các nhà kinh sách phát triển rất ưng ý câu này: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch nhân quả chưa xả”. Các nhà kinh sách phát triển không hiểu luật nhân quả, họ hiểu luật nhân quả như luật định mệnh (số mệnh, định mệnh), vì thế, nên khi bị oan ức một điều gì, họ nghĩ ngay kiếp trước họ đã tạo nhân oan ức cho ai, nên hiện giờ, phải trả quả oan ức đó, nếu minh oan, nói rõ ra cho mọi người biết thì nhân quả kiếp trước không trả được “vì biện bạch nhân quả chưa xả”.

Luật nhân quả không phải là định luật số mệnh, luật nhân quả di chuyểnliên tục,luôn luôn thay đổi theo hành động nhân quả thiện ác của nó, quả của luật nhân quả, trong quá khứ, không cố định, nó cũng luôn luôn chuyển biến, theo hành động nhân quả trong hiện tại.

Ví dụ: Ta đi đường thấy một gói bạc của ai làm rớt, ta lượm đem đến trụ sở Công An nhờ họ tìm người chủ trả lại, nhưng giữa đường chưa đến trụ sở Công An, người ta đã thấy mình mang gói bạc, họ xúm lại bắt trói mình và dẫn đến Công An. Nếu các nhà kinh sách phát triển thì làm thinh để xả nhân quả, xả nhân quả kiểu đó, tức là tạo nhân quả ác thêm cho những người khác, nghĩa là làm khổ mình, khổngười, rõ ràng ở trong ác pháp mà không biết. Người tu theo pháp môn của kinh sách phát triển không có trí tuệ giải thoát, hay gọi là tri kiến giải thoát, còn gọi là trí tuệ nhân quả, do không biết nên tu hạnh nhẫn nhục ba la mật như vậy, đã không giải thoát mà còn mở cửa địa ngục cho mình, cho người bước vào. Thay vì quý vị tu theo đạo giải thoát, nhưng lại tu theo đạo anh hùng phi đạo đức. Đó là một câu trong kinh sách luận phát triển, chứngminh rất cụ thể, một loại kinh phi đạo đức, phi nhân quả.

Hai câu chuyện trên, Quan Âm Thị Kính và Ông lão tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, lại làm khổ mình, khổ người, tu như vậy, có đúng là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật hay không?

Không, tu như vậy, hoàn toàn không đúng đường lối tu hành của đạo Phật. Đạo Phật dạy: “Ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp”. Tu nhẫn nhục ba la mật là đi ngược lại giáo pháp của đạo Phật “Ngăn thiện, diệt thiện pháp, sanh ác, tăng trưởng ác pháp”. Lời chúng tôi nói, quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm tư duy, rồi quý vị sẽ thấy rõ lời nói của chúng tôi không sai.

Đạo Phật còn gọi là đạo trí tuệ, vậy hành động nhẫn nhục ba la mật đó, có trí tuệ hay không?

Thưa quý vị: Không! Hạnh nhẫn nhục của đạo Phật là nhẫn nhục trong trí tuệ nhân quả, chứ không phải nhẫn nhục vô nhân quả, vô đạo đức như nhẫn nhục của kinh sách phát triển, nhẫn nhục một cách tiêu cực, yếm thế, nhẫn nhục để tự làm khổ mình, khổ người thì có ích lợi gì cho mình chongười đâu? Chỉ được tiếng khen suông “quân tử” hay là “anh hùng cá nhân”.

 Đối với đạo Phật, không chấp nhận những hạng người quân tử và anh hùng cá nhân như vậy. Vì những người quân tử và anh hùng cá nhân này, đã tự làm khổ mình, khổ người khác và còn tạo duyên nhân ác cho kẻ khác. Người đời không hiểu, ca ngợi, khen tặng, tưởng đó là những hành động cao thượng, chứ không ngờ, đó là những hành động vô đạo đức, phi đạo đức nhân bản làm người.

Nhẫn nhục để được thành Bồ Tát, thành Phật mà tạo duyên cho kẻ khác làm ác, tạo sự đau khổ cho người khác,cho mình, thế gọi là tâm từ bi, nhẫn nhục ba la mật, như vậy có đúng không?

Không! Không! Một ngàn lần không, đạo Phật không có dạy những hành động phi đạo đức như vậy.

Làng, xã vì không biết trắng đen như thế nào, nên mới mắng chửi, mạ nhục và đánh đập Thị Kính, Thị Kính ngậm miệng chẳng hề than oán một lời, mặc cho kẻ khác mắng chửi mạ nhục, mặc cho họ đánh đập lằn ngang lằn dọc, Ngài vẫn một mực làm thinh một cách gan dạ và anh hùng, sự nhẫn nhục đó đã làm cho bao nhiêu người tức giận, tạo ra vô số hành động ác. Sự nhẫn nhục như vậy, theođạo Phật có đúng không? Như chúng tôi đã trả lời ở trên, không bao giờ đúng được.

Để xác quyết một lần nữa, chúng tôi đã nói, đạo Phật không chấp nhận, những điều nhẫn nhục này, vì nhẫn nhục như vậy là tiêu cực, yếm thế, vô trí tuệ đã hại mình, hại người.

Khi giặc Hầu Nhân Bảo, bao vây vào công thành, vua Lương Võ Đế nghĩ mình đã từng có công với đạo Phật, ông đã cho xây bảy mươi hai cảnh chùa và độ biết bao nhiêu Tăng chúng tu hành, do tin ở những công đức này mà kinh sách phát triển đã dạy ai làm những công đức như vậy, sẽ đượcphước báo vô lượng và người nào tu hạnh nhẫn nhục ba la mật sẽ có công đức rất lớn, có chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, nên vua và các quan tụng kinh, niệm Phật cúng bái, cầu khẩn, thì chắc chắn chư Phật và chư Bồ Tát cùng với những công đức tu hành của chúng Tăng hợp lại thành một sức mạnh vô lượng và sẽ đẩy lùi giặc.

Lòng tin mê muội, mờ ám của vua quan nhà Lương, đã bị kinh sách phát triển lừa đảo mà không biết, cứ tintheo lời dạy trong kinh sách phát triển, chư Phật và chưBồ Tát sẽ đuổi giặc, nên không lo chiến đấu. Vua và các quan cứ lo gõ mõ, tụng kinh cầu chư Phật gia hộ, cho giặc lui quân. Không ngờ thành vỡ giặc bắt vua quan nhà Lương giết sạch.

Vua quan nhà Lương đã bị Phật giáo phát triển lường gạt dạy: “nếu ai cúng dường trai Tăng, cất chùa, xây tháp độ chúng Tăng tu học thì công đức ấy vô lượng, không thể nghĩ bàn, nhờ công đức đó, có thể chuyển nghiệp giải thoát khỏi cảnh khổ đau và luôn luôn sẽ được Tam Bảo gia hộ, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, giặc giã bệnh khổ đều chấm dứt”.

Lúc bị vây thành, sao chư Phật và công đức của chúng Tăng không hợp lại để cứu vua Lương Võ Đế thoát cảnh giặc bắt giết (như đã cứu bà Thanh Đề trong địa ngục A Tỳ vậy)?

Thời đức Phật còn tại thế, vua Bình Sa Vương là một vị vua cư sĩ rất sùng tín đạo Phật nhất, ông đã cất tịnh xá Trúc Lâm cúng dường cho đức Phật và chư Thánh Tăng. Hằng năm, ba tháng an cư, kiết hạ ông đã cúng dường trai phạn đầy đủ Phật và một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ kheo. Công đức cúng đường ấy đâu phải nhỏ, thế sao ông bị A- Xà Thế cướp ngôi, cầm tù và bỏ đói cho đến chết. Phật và chư Thánh Tăng lúc bấy giờ là những bậc tu chứng đạo mà còn cứu không được, huống là bây giờ đức Phật và chư Thánh Tăng đều nhập diệt hết.

Bởi vì luật nhân quả rất công bằng và công lý, nếu ai làm ác thì phải thọ tội không có một đức Phật, một đức thánh tăng nào giải cứu họ được, trừ ra, chỉ có chính kẻ làm ác đó, phải tự cứu mình, bằng những hành động thiện, thì mới thoát khổ.

Vua Bình Sa Vương đã tạo nhân quả ác trong quá khứ thì hiện giờ, ông phải thọ quả khổ, bị giặc cướp nước và giết chết, không thể lấy sự cúng dường (hối lộ) của ông mà đức Phật và chư thánh tăng cứu ông được.

Đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên nền tảng của luật nhận quả, nên không cứu độ ai hết. Cho nên, đức Phật chỉ có dạy cho mọi người, phải nhìn thấu suốt lý và luật của nhân quả, để tránh làm những điều ác, thường làm những điều thiện, chính là để không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là để vượt thoát ra cảnh khổ của chínhmình; vượt thoát ra cảnh khổ của chínhmình là đã thông suốt lý duyên hợp của nhân quả; thông suốt lý duyên hợp của nhân quả, tức là quét sạch màn vô minh, quét sạch màn vô minh, tức là tri kiến giải thoát. Người có tri kiến giải thoát là người thoát khổ trong kiếp sống làm người, tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Muốn được vậy, hành giả phải tu tập giới, định, tuệ. Tu tập giới, định, tuệ thì phải tự lực mình, chứ không nhờ tha lực ai được cả.

Xét lại trường hợp vua Bình Sa Vương và vua Lương Võ Đế, ta thấy rõ đạo Phật là một tôn giáo rất công bằng và công lý, không vì người kháccúng dường mình, dù cúng dường của cải, chất như núi như non mà cứu khổ họ hoặc giải nguy cho họ. Họ làm ác, làm khổ người khác thì họ phải chịu thọ tội khổ bằng những hành vi của chính họ đã làm.

Xưa, dòng họ Thích Ca đã làm điều ác phải thọ lấy sự tru di của vua Lưu Ly Vương, đức Phật và chư thánh tăng đều biết và thấu suốt lý nhân quả, nhưng đức Phật và thánh chúng không giải cứu, chỉ có ông Mục Kiền Liên, ông không thể làm ngơ được, nên dùng thần thông cứu dòng họThích Ca, nhưng hoài công vô ích, chỉ còn một bát máu mà thôi.

Đấy là luật nhân quả rất công bằng và công lý dù là dòng họ của đức Phật, đức Phật cũng không cứu được. Bởi thế, kẻ nào tin theo giáo lý phát triển là đã tự giết mình như vua Lương Võ Đế, là phi đạo đức như Quan Âm Thị Kính và Mục Liên Thanh Đề. Đó là những hành động đi ngược lại đạo đức nhân bản và giáo lý của đạo Phật.

Cho nên, câu chuyện Quan Âm Thị Kính và Mục Liên Thanh Đề là những câu chuyện bịa đặt của các nhà phát triển để lừa đảo tín đồ, tạo cảnh mê tín báo hiếu và anh hùng nhẫn nhục ba la mật phi đạo đức, để họ thọ dụng của mồ hôi, nước mắt của đàn na thí chủ mà không ai biết.

Vì thế, ngày lễ Vu Lan là ngày Phật tử phải hao tốn tiền của rất nhiều, chỉ vì lòng báo hiếu, nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, nhưng báo hiếu theo kiểu của kinh sách phát triển đã dạy thì việc làm đó là một thiếu hiểu biết, mê tín, dị đoan, lạc hậu, phi đạo đức, nên không ích lợi thiết thực cụ thể cho mình và cho những người thân quá vãng. Hiện giờ tục lệ này, đã trởthành một truyền thống của dân tộc Việt Nam rất là khó bỏ.

Chuyện vua Lương Võ Đế và các quan đặt trọn niềm tin, ở sự cứu độ của Phật và chư Hiền Thánh Tăng trong kinh sách phát triển, nên chết một cách oan uổng, thật là đáng thương và cũng đáng chê trách, thật là tin tưởng một cách mù quáng, thiếu hiểu biết. Trên đời này, không có sự gia hộ và cứu độ của ai cả, nếu những ai tin rằng, có sự cứu độ và gia hộ, đó là bị lừa đảo.

Người tu theo đạo Phật màkhông hiểu đạo Phật, không rõ đạo đức củađạo Phật, thì làm sao tu hành theo đạo Phật cho đúng được? Nếu hiểu không đúng đạo Phật thì đi tu uổng cả cuộc đời mà chẳng ích lợi cho mình và cho người khác.

Hầu hết các nhà nghiên cứu Phật giáo, chỉ dựa theo ngôn thuyết kinh điển phát triển mà giảng thuyết ra, thường dùng những từ lý luận, mơ hồ, trừu tượng, viễn vông mà không chịu nghiên cứu đạo đức của đạo Phật. Một đạo đức rất thực tế và cụ thể, giúp cho loài người thoát khổ.

Thế mà hiện giờ, có người nào thử hỏi các nhà Phật học phát triển: “Đạo đức của đạo Phật là gì?”. Thì họđều ngớ ngẩn, ngẩn ngơ chẳng biết đâu mà trả lời. Chỉ vì Đại Thừa Giáo đã dạy cho họ những điều mê tín, phi đạo đức, vìthế không bao giờ giáo lý phát triển có đạo đức để dạy.

Giáo lý này chỉ còn biết hù dọa mọi người, bằng sự mê tín cảnh giới “Địa ngục”. Khi một người làm ác, chết đọa xuống địa ngục bị hành hạ mọi thứ cực hình, giống như trong những câu chuyện Hồi Dương Nhân Quả, của văn học Trung Quốc đã từng ghi chép thành sách, do các nhà văn giàu tưởng tượng. Trong kinh sách phát triển, có những loại kinh mê tín như: Hồi Dương Nhân Quả, Kinh Nhân Quả Luân Hồi, Những Gương Nhân Quả Luân Hồi v.v..

Thường, người ta chỉ nghĩ tưởng và hiểu biết đạo Phật là một tôn giáocó những pháp môn cao siêu huyền diệu hơn các tôn giáo khác trên hành tinh này. Ngay cả thiền sư Vạn Hạnh một vị Cao Tăng Việt Nam mà còn chẳng biết đạo đức của đạo Phật như thế nào, nên Ngài phải lấy ba tôn giáo lớn hiện có mặt tại Trung Quốc và Việt Nam như: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo hợp lại: “Vạn Hạnh dung tam tế”.

1- Nói về đạo đức làm người, Ngài lấy đạo đức Khổng giáo (Nho Giáo) làm chuẩn, mốc thứ nhất.

2- Nói về sự thoát ly, yếm thế trần gian, thế tục, để được sống tự tạithung dung, ích kỷ cá nhân, Ngài lấy Lão giáo (Tiên Đạo) làm chuẩn, mốc thứ hai.

3- Nói về cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới siêu thoát huyền diệu, Phật Tánh, Chơn Như, Ngài lấy Phật giáo làm chuẩn, mốc thứ ba. Đó là lối dung hợp, lấy đạo đức của các tôn giáo khác, làm đạo đức cho tôn giáo của mình. Chính vì giáo lý phát triển đã che khuất và làm mất đạo đức của đạo Phật, nên chính Thiền Sư Vạn Hạnh Ngài cũng không biết đạo đức làm người của đạo Phật là gì?

Trong cuốn Thiền Lâm Bảo Huấn của các Thiền Sư Trung Hoa,thường khuyên dạy chúng Tăng đạo đức làm người, bằng đạo đức của Nho giáo. Kinh sách Thiền Tông và kinh sách phát triển không thấy có dạy đạo đức làm người.

Người ta đâu biết rằng, Phật giáo có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho con người tuyệt vời. Phật giáo ra đời, vì kiếp sống của con người quá khổ đau, sanh, già, bệnh, chết. Sanh là một nỗi khổ đau nhất của con người, nếu không có một đạo đức giúp cho con người thì con người sẽ tự làm khổ cho nhau, muôn đời muôn kiếp, không bao giờ dứt.

Vì giải quyết sự khổ đau của con người, nên Phật giáo phải xây dựng tôn giáo của mình, trên một nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người. Giúp cho mọi người đến với đạo Phật là đến với sự giải tỏa khổ đau của kiếp làm người, ngay khi không làm khổ mình, khổ người là có sự giải thoát liền, không phải có thời gian. Vì thế đức Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy”.

Đứng trên nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả vô giai cấp này, nên việc xử lý rất bình đẳng và công bằng, dù cho một nhà vua có quyền uy thế lực, nhưng khi làm tội ác, tức là làm khổ người thì phải trả quả khổ đó, không thể dùng quyền uy thế lực mà tránh khỏi được, cũng như một nhà giàu có nhất trần gian này mà đã làm tội ác, tức là làm khổ người khác, khổ tất cả chúng sanh thì chẳng chạy trốn đâu khỏi, đều phải thọ lấy quả khổ, dù tiền của có đem hối lộ, lo lót bao nhiêu cho các bậc Vạn Năng, Thần, Thánh, Tiên, chư Phật, chư Bồ Tát cũng chẳng giải cứu được ai.

Đó là một nền đạo đức công bằng và công lý nhất trên thế gian này, người cầm cán cân công lý này, không sợ sai sót một ly hào nào cả. Ai làm ác thì phải chịu khổ thọ tai ương, bệnh tật v.v.., ai làm lành thì hưởng được phước báo, phiền não tật bệnh tiêu trừ, tai qua, nạn khỏi v.v.. mà chẳng cần cầu khẩn ai cứu giúp cả.

Chuyện nhẫn nhục của Quan Âm Thị Kính và ông lão tu hành, đều là sự nhẫn nhục thiếu trí tuệ nhân quả, tự làm khổ mình và còn tạo nhân duyên bất thiện cho những người khác làm ác, đó là phản lại giáo lý và đạo đức của đạo Phật.

Kẻ làm ác như Thị Mầu thì lại phây phây không có khổ đau chút nào. Như vậy trái với luật nhân quả quá rõ ràng. Luật nhân quả bao giờ cũng đi đôi với trí tuệ (tri kiến giải thoát), kinh sách phát triển dạy người tu nhẫn nhục như vậy, tức là dạy người tu như cây đá, chẳng có tri kiến giải thoát chút nào.

Nếu Thị Kính là người tu theo đạo Phật có đầy đủ đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người, thì sự kiện không xảy ra, Ngài dùng trí tuệ nhân quả giải quyết để không làm khổ mình, khổ người khác, Ngài không khổ và mọi người cũng không khổ, chỉ có kẻ làm ác như Thị Mầu là phải thọ lãnhquả khổ. Có như vậy, mới đúng nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả.

Ông lão tu hành kia cũng vậy, không có trí tuệ nhân quả, nên dùng hạnh nhẫn nhục ba la mật, làm thinh, không thốt ra lời nói để vạch trần tội ác, của kẻ ác tâm vu khống người khác.

Thị Kính và ông lão vẫn giữ một mực làm thinh, có nghĩa là không chấp nhận mà chấp nhận hành động như vậy, đã khiến cho mọi người tức giận (ác pháp) chửi mắng, mạ nhục, xỉ vả, đánh đập (ác pháp) và mình đang chịu đựng sự mạ nhục và sự hành hạ đau khổ cả thân và tâm (ác pháp).

Mặc dù chúng ta cho rằng nhân đời trước thì đời nay ta phải trả và chịu đựng sự trả quả đó. Nếu ta lý luận và tư duy nhân quả như vậy là không đúng, luật nhân quả không phải là luật định mệnh, luật nhân quả được chuyển hoá, bằng trí tuệ để không làm khổ mình, khổ người. Vì thế đạo Phật lấy tiêu chuẩn thiện của luật nhân quả để giải thoát đời sống con người, bằng trí tuệ, do đó đạo Phật còn gọi là đạo “TRÍ TUỆ”.

Muốn thoát ra cảnh khổ của cuộc đời thì hành giả phải nhìn đời, bằng đôi mắt nhân quả và giải quyết,bằng trí tuệ nhânquả thì cuộc đời này, mới trở thành Thiên đàng, Cực lạc.

Nếu chúng ta sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người thì Thiên đàng và Cực lạc đâu cần phải tìm nơi đâu xa và có cần gì phải tu tập cho phí sức. Vì Cực lạc, Thiên đàng không có thật, mà cỡ có thật thì cũng chẳng có ích lợi gì cho con người? Cõi Cực lạc, Thiên đàng chỉ là một cõi ảo mộng tưởng tượng mà thôi. Cực lạc, Thiên đàng chỉ có với những người có trí tuệ nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Người nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và giải quyết mọi sự việc với trí tuệ nhân quả thì chỉ dùng một lời nói rất tầm thường không quân tử, không anh hùng gì cả, chỉ cần biết không làm khổ mình, khổ người là đủ, như Thị Kính chỉ cần nói: “Tôi là phụ nữ”, thì ngay đó đã chuyển được nhân quả khổ cho mình và không tạo duyên nhân quả ác cho người. Ngài muốn làm người quân tử, người anh hùng nên tu hạnh nhẫn nhục ba la mật. Vì thế, Ngài phải chịu khổ suốt mười mấy năm trời và cũng tạo duyên cho mọi người làmác. Đốivới đạo Phật, những hạnh nhẫn nhục này là phi đạo đức nhân quả.

Ông lão tu hành kia cũng vậy, chỉ một lời nói tầm thường mà đã chuyển được nhân quả khổ của mình và không tạo duyên cho mọi người làm ác: “Bạch Hòa Thượng, xin Hoà Thượng xét kỹ, đừng để oan ức cho kẻ khác và đừng tạo nhân ác cho mình”. Câu nói tuy đơn giản, nhưng lại nhắc khéo nhân quả cho Hòa Thượng. Nếu là một người sống có đạo đức nhân quả thì Hòa Thượng sẽ giật mình trước lời nói của ông lão.

Luật nhân quả sẽ không tha một kẻ nào, dù người đó tu đã thành Phật và chứng quả A La Hán như vị Hòa Thượng đó mà dùng pháp ác để thử thách đệ tử thì vẫn phải thọ quả. Làm những điều ác, bằng cách gọi là “thõng tay vào chợ, tự tại vô ngại” như Thiền Đông Độ, rượu thịt bê bối như Tế Điên Hoà Thượng cũng vẫn phải bị trừng trị do luật nhân quả. Đừng nghĩ rằng, tôi đã tu xong thì làm gì cũng không có tội, hiểu như vậy là không hiểu đạo đức nhân quả; hiểu như vậy là không hiểu đạo Phật, vì những người tu sĩ đạo Phật đều có oai nghi tế hạnh, tức là Sa Môn hạnh của người tu sĩ hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn, đó là kết quả giải thoát của những người quyết tâm đi tìm chân lí mà Phật dạy những hành động sống đúng phạm hạnh gọi là Sa Môn Quả tức là kết quả của những người tu theo Phật giáo.

Người tu xong, luôn luôn sống bằng trí tuệ nhân quả, thể hiện một gương hạnh đạo đức, không làm khổmình, khổ người,khổ cả hai, do đó đức Phật gọi trí tuệ. Trí tuệ đó được gọi là tri kiến giải thoát.

Xét qua câu chuyện Quan Âm Thị Kính và ông lão tu hành là những người thiếu trí tuệ đạo đức nhân quả, tức là không có trí tuệ tri kiến giải thoát cho mình cho người, như vậy, hạnh nhẫn nhục ba la mật đó là phi đạo đức, là không phải của đạo Phật dạy, chỉ là một đạo đức quân tử Nho giáo, một anh hùng cá nhân mà thôi. Những đạo đức đó, thường làm khổ mình, khổ người, nhưng lại được những người thiếu hiểu biết ca ngợi tán thán.

Đạo Phật là một tôn giáo không nêu cao gương anh hùng cá nhân, mà chỉ biết giữ gìn đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người. Quan Âm Thị Kính và ông lão tu hành đã chứng tỏ mình là anh hùng nhẫn nhục ba la mật, anh hùng cá nhân làm khổ mình, khổ người. Đã làm khổ mình, khổ người thì làm sao gọi là giải thoát được.

Đạo Phật chỉ biết dùng trí tuệ nhân bản - nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai để được giải thoát khổ đau của kiếp sống làm người. Như vậy, chúng ta đã biết luật nhân quả là có sự chuyển hoá và thay đổi rõ ràng, từ nhân thiện chuyển hóa được quả ác ngay liền chứ không phải đợi có thời gian. Người có trí tuệ nhân quả thì chuyển hoá được luật nhân quả, hay nói một cách khác là làm chủ nhân quả hoặc nói một cách khác nữa là làm chủ sanh, già, bệnh, chết, tức là giải thoát mọi sự đau khổ của kiếp người.

Ví dụ: Chúng ta bệnh nhức đầu là do thiếu trí tuệ, tạo ra nguyên nhân bệnh nhức đầu như: đi mưa, đi nắng không đội nón, mũ, dù, v.v.. hoặc tắm khi mồ hôi đang ra. Đó là những nguyên nhân để sanh ra bệnh cảm nhức đầu.

Nếu chúng ta có trí tuệ, khi đi ngoài đường gặp mưa thì che dù, mặc áo mưa hoặc đi nắng thì che ô, đội nón, mồ hôi đang ra thì không nên tắm, biết phòng ngừa và ngăn chặn như vậy thì làm sao bị bệnh cảm nhứcđầu, đó là trí tuệ biếtphòng ngừa không gieo nhân bệnh tật đaukhổ thì làm sao có quả bệnh tật khổ đau.

Ví dụ: Ta bị bệnh ruột thừa đau như sắp chết mà cứ bảo rằng: “đó là nhân quả đời trước, ta đã gieo, thôi đành nhẫn chịu đau để trả quả”. Nếu thiếu hiểu biết nhân quả mà luận theo lý nhân quả của của kinh sách phát triển là để trả quả như thế này, thì chúng ta sẽ là người vô trí tuệ, dại dột, vô minh thì phải đành chịu đau khổ và mạng vong. Nếu ta là người có trí tuệ, ta biết nhân quả là chuyển hóađược, do đó ta đi đến bệnh viện mổ ruột thừa là chúng ta sẽ hết đau nhức và bệnh lành, không bị tử vong oan uổng. Đó là trí tuệ chuyển hoá nhân quả, do biết như vậy, nên chúng ta không có khổ đau, tức là giải thoát.

Bởi sự giải thoát của đạo Phật, rất đơn giản, chứ không như người ta dựa theo kinh sách phát triển và thiền Đông Độ, nghĩ rằng sự giải thoát của đạo Phật rất là cao siêu, huyền bí, cần phải có một sức thiền định sâu mầu và một trí tuệ siêu việt.

Nếu Thị Kính chỉ cần biết sự giải thoát của đạo Phật trong đời sống hằng ngày, không có gì cao siêu, huyền bí, rất gần gũi sự sống của con người, đơngiản, cụthể, thiết thực v.v.. Như lời chúng tôithường nhắc nhở: “Sống là tu, tu là sống”. Ai hiểu biết đạo Phật được như vậy là giải thoát ngay liền.

Thị Kính hiểu đạo Phật qua lăng kính giáo pháp của kinh sách phát triển, nên tu hạnh nhẫn nhục ba la mật, để rồi chịu một hàm oan cho đến ngày cuối cùng của đời mình.

Ngài được mọi người tán thán ca ngợi và tôn xưng Ngài là Phật Bà Quan Âm, tức là tán thán một anh hùng cá nhân, chứ không phải tán thán ca ngợi một người có đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổmình, khổ người.

Khi Ngài chết rồi thì sự ca ngợi tán thán đó, đối với Ngài không còn có nghĩa lý gì cả. Cũng ví như một người đã chết, khen họ cũng không mừng, chê họ cũng không buồn, chửi họ cũng không giận, dù tôn xưng họ là gì, họ cũng chẳng ham và cũng chẳng biết. Thị Kính có thành Phật hay không thành Phật là do ở chỗ tu hành giải thoát hay không giải thoát, nhưng Thị Kính đã tự làm khổ mình và còn làm khổ người khác, đối với đạo Phật Thị Kính là người chưa giải thoát, tu hạnhnhẫn nhục đó chưa xứng đáng làm Phật, đi sai con đường đạo đức của đạo Phật.

Đạo Phật giải thoát trong đạo đức, chứ không phải giải thoát ngoài đạo đức, Thị Kính tu hành nhẫn nhục ba la mật là phi đạo đức làm khổ mình, khổ người, đó là giải thoát ngoài đạo đức. Giải thoát ngoài đạo đức là phi đạo đức.

Người hiểu đạo Phật là phải hiểu đạo đức nhân bản - nhân quả tự sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì mới được gọi là hiểu đạo Phật, còn hiểu khác là ngoại đạo là Bà La Môn.

Tóm lại, sự nhẫn nhục Ba La Mật của Quan Âm Thị Kính là không phải đạo đức của đạo Phật. Nhẫn nhục như Quan Âm Thị Kính là nhẫn nhục của Bà La Môn, của Nho giáo, của Thiên Chúa giáo v.v.. Nó không phải nhẫn nhục của đạo Phật và cũng không phải là trí tuệ của đạo Phật. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Trí tuệ ở đâu là đạo đức ở đó, đạo đức ở đâu là trí tuệ ở đó, trí tuệ làm thanh tịnh đạo đức, đạo đức làm thanh tịnh trí tuệ, người có trí tuệ, nhất định có đạo đức, người có đạo đức, nhất định có trí tuệ”. (Kinh SONADANDA trong Trường Bộ kinh tập I trang 167).

Đạo Phật chỉ có tu tập giới luật đức hạnh mà đi vào thiền định chứ không phải chỗ ức chế tâm chẳng niệm thiện, niệm ác mà chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Và như vậy Phật giáo đâu phải là khó tu tập. Phải không quý vị?

Đạo Phật chẳng có chi nhiều chỉ có thiện và ác. Ác là quả chúng sanh; Thiện là quả A La Hán. Vậy A La Hán đâu có gì siêu việt; đâu có gì thần thông; đâu có gì khác mọi người, Tuy vậy con người khó làm được, khó sống được.

Quả A La Hán sờ sờ trước mắt mọi người, luôn luôn ở trong tầm tay của mọi người. Vậy mà mọi người cứ nghĩ tưởng quả A La Hán xa vời vợi, siêu việt chỉ có thánh thần mới đạt được, còn những kẻ phàm phu thì khó mà vói tới. Nhưng không ngờ ai ai cũng có thể chứng đạt được chân lí ấy. Vì đây là thiện vô lậu và đây là ác hữu lậu rõ như ban ngày thì có ai mà không biết không thấy. Phải không quý vị?

Cho nên quả A La Hán đâu có khó khăn gì chỉ cần có quyết tâm, nhiệt tâm với đầy đủ nghị lực, kiên cường, gan dạ liều sống chết chiến thắng giặc sinh tử, làm chủ thân tâm, ra khỏi qui luật sinh, già, bệnh, chết của nhân quả, vượt thoát mọi sự chi phối của không gian và thời gian, nỗ lực tiến lên ra ngoài vòng kiềm tỏa của vũ trụ. Muốn được vậy quý vị phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, thân tâm phải được tẩy sạch bằng đức hạnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Quý vị có nhớ không?

Nếu giới luật quý vị còn vi phạm thì quả vị A La Hán đối với quý vị còn xa lắm, xa biệt mù.

ĐỜI SỐNG PHẠM HẠNH

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Cho phép chúng con thưa hỏi sự tu tập về các pháp hành.

1- Không gian tham trộm cắp, dù vật lớn đến vật nhỏ như cây kim sợ chỉ.

2- Không nói dối, nói lời mất chính xác, mất sự thật.

3- Không trồng trọt, làm ăn kinh tế, buôn bán v.v..

4- Không làm khổ mình, khổ người, luôn nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng nhưng phải sáng suốt trong trí tuệ nhân quả.

5- Không ăn ngủ phi thời, sống thiểu dục tri túc (ít muốn biết đủ), thực hiện đời sống thập thiện, xin ăn một bữa vào ngọ trai.

Kính thưa Thầy, con lúc nào cũng muốn sống nghiêm minh về phạm hạnh của một vị tu sĩ như vậy, các pháp con kể trên, có đủ để sống và tu tập đúng phạm hạnh hay không? Còn thiếu những gì cần bổ sung thêm xin Thầy từ mẫn chỉ giáo cho con rõ?

Đáp: Những pháp con đã kể trên còn thiếu, chưa đủ để sống đúng đời sống phạm hạnh của một tu sĩ Phật giáo:

1-        Phòng hộ sáu căn, bằng giới luật.

2-        Ngăn ác pháp, bằng Thánh Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

3-        Diệt ác, bằng Vô Lậu Thánh Định.

4-        Sanh khởi thiện pháp, bằng Định Sáng Suốt.

5-        Tăng trưởng thiện pháp, bằng Hiện Tại An Lạc Trú Định, tức là Định Niệm Hơi Thở.

6-        Sống trầm lặng độc cư.

7-        Không kết bè bạn

8-        Thíchsống giản dị.

9-        Tránhtranh luận.

10-    Tránhchỉ trích.

11-    Tránh hội họp.

12-    Tránh khoe khoang.

Thêm vào mười hai điều trên đây thì mới đủ cho một đời sống phạm hạnh của một tu sĩ chuyên tu của đạo Phật. Có sống đúng phạm hạnh như vậy, mới mong nhập được Bốn Thánh Định và thực hiện Tam Minh.

Trên bước đường tu theo đạo Phật, nếu ai sống không đúng phạm hạnh như trên đã dạy thì chẳng bao giờ nhập đúng chánh định và cũng chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử.

Tất cả những điều trên đây, đều lấy giới luật Phật làm căn cứ địa, cho bước đường thực hiện những điều đã dạy trên, sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

Bởi giới luật là một pháp môn sống đạo đức nhân bản – nhân quả, bảo đảm tu tập cho bước đường tiến về xứ Phật được an lành và không lạc nẻo tà giáo ngoại đạo. Sự tu tập sẽ được giải thoát hoàn toàn đến nơi đến chốn mà không bao giờ gặp chướng ngại pháp gây khó khăn cho bước đường đi đến quả vị giải thoát hoàn toàn.

TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi con tùy thuận và nhẫn nhục, con đã không làm vừa lòng quý cô và quý thầy chung quanh, đây là điều ngoài ý muốn của con, con không có biện pháp giải quyết tốt đẹp hơn nên con phải vì quý thầy, quý cô mà xa lánh để không làm khổ mình, khổ người, như vậy có được không thưa Thầy?

Đáp: Cũng được, nhưng đó là con tu tránh cảnh, tu trong cảnh tiêu cực, yếm thế, vì thấy đời quá khổ, thấy mọi người sống không phù hợp với mình, thấy mọi người mọi ý, nên cố tránh né bên này, tránh né bên kia, để mong tìm được sự an ổn, đó là chạy theo tâm ham muốn cảnh yên thân của mình, chứ không phải tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng như vậy. Xưa, đức Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống

Tiến tới thì trôi dạt

Chỉ có vượt qua”

Con thuộc về loại người đứng lại giống như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thất chí tu Tiên:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn xôn xao”

Đó là cách thức của người tránh cảnh, trốn đời, chứ chưa phải là người tu theo đạo Phật.

Đạo Phật không phải là đạo yếm thế, bỏ đời, tránh xa mọi người. Xưa, đức Phật dạy: “phiền não tức là bồ đề”,lấy đối tượng để tu tập nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng hay “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.

Khi con đã tu tập pháp tùy thuận, nhẫn nhục và bằng lòng thì làm sao mà quý thầy và quý cô không vừa lòng? Chỉ vì con không tu tập xả tâm trong pháp môn nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, mà chỉ tu ức chếtâm mình hoặc nén tâm chịu đựng, khi chịu đựng quá mức, không còn sức chịu đựng được nổi, bấy giờ tâm con như chiếc lò xo hết sức nén, nên nó bung ra, do đó mới làm phiền lòng quý thầy, quý cô và chính tâm con cũng phiền não, giống như người thế tục, chứ có tu hành pháp môn gì của Phật giáo đâu.

Vậy pháp môn nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng của con ở đâu? Saocon không tumà vội tìm cách xa các đối tượng, tức là quý thầy, quý cô và những người khác nữa. Con cứ suy ngẫm lại đi, khi con xa họ, con lấy cái gì để tu xả tâm con, họ là đối tượng giúp con tu hành giải thoát, nếu không có đối tượng mà tu hành thì dù con có tu ngàn kiếp cũng chẳng tu đến đâu cả.

Đạo Phật không phải là đạo Lão, không yếm thế, tiêu cực, không vào trong rừng núi ẩn tu, luôn luôn sống gần làng xóm, thị tứ để xin ăn, thường lấy sự khen chê của người thế tục mà tu tập và rèn luyện tâm mình, trừ ra những lúc cần phải nhập các định sâu hơn thì mới vào rừng núi, u vắng nhập thất, không có tịch cốc luyện thuốc trường sanh bất tử như Tiên đạo.

Nếu bảo rằng, tâm còn yếu thì phải tìm những nơi yên tịnh, thanh vắng để tu tập cho tâm được định tỉnh, rồi mới dám ra đương đầu với các pháp thế gian. Sự tư duy như vậy, đối với đạo Phật là không đúng pháp tu của Phật. Vì đức Phật đã dạy: “Ngăn ác, diệt ác pháp”.Ngăn ác, diệt ác pháp mà trốn trong núi thẳm, rừng sâu thì làm sao có ác pháp, mà không có ác pháp thì lấy cái gì là ngăn ác, diệt ác pháp.

Đạo Phật vốn xả tâm, diệt ngã ly dục, ly ác pháp, cho nên lấy cuộc sống giao tiếp hằng ngày với mọi người, để vượt lên trên sự sống khổ đau, ấy là giải thoát.

Có quý thầy, quý cô, có bạn bè thân hữu, ta mới tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, tức là ta diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp trong tâm ta.

Đương nhiên, muốn tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì đức Phật đã trang bị cho chúng ta, bằng trí tuệ nhân quả, bằng sự tỉnh thức cao độ, bằng một nhiệt tâm nồng cháy, quyết liệt, để diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp. Nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là pháp môn đối trị tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình. Nếu tu hành mà không đem hết sức lực của mình ra tu tập thì cũng khó chiến thắng tâm ham muốn và các ác pháp đang vây quanh mình.

Tu hành mà tránh né thì cũng giống như mấy ông Tiên, chỉ biết lợi ích cho cá nhân mình:

“Một mai, một cuốc một cần câu

Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn xôn xao?

Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

Ý thưa hỏi của con ở trên, đó là tâm con chỉ thích tránh né cho an thân, tu như vậy, không thể giải thoát mà chỉ trốn đời, tránh tâm mình mà thôi con a! Chẳng có ích lợi cho con mà con tu như vậy, cũng chẳng có giải thoát, tốn công và uổng phí một đời người đi tu.

Tu như vậy là tu theo Lão Trang, chứ không phải tu theo đạo Phật. Tu theo đạo Phật, phải sống trong thế gian cùng với mọi người, nhưng luônluôn khắc phục tâm mình, ly tham, đoạn ác, chẳng biết việc người, chỉ biết việc mình để sửa sai những lỗi lầm và những việc làm ác của mình. Vì thế nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là lập đức hạnh xử thế; ăn, ngủ, độc cư là lập đức hạnh xuất thế, sống chánh nghiệp của các bậc thánh tăng và thánh ni.

Đứng trước nghịch cảnh và các cảm thọ mà tâm bất động, tâm như cục đất, đó là tâm như Trời Đất; đứng trước các pháp cám dỗ mà tâm chẳngdao động, tâm thanh tịnh, bất nhiễm ô là lập đứchạnh lìa xacác pháp thế gian, để chuyển hóa tâm phàm phu của mình, thành tâm Hiền Thánh, nhờ đó tâm mới trở thành tâm của những bậc thánh tăng và thánh ni, thánh cư sĩ.

Bởi vậy, người tu sĩ đạo Phật phải lập đức, lập hạnh của mình trên trí tuệ nhân quả, tức là trí tuệ giới luật, quyết chiến đấu, chiến thắng tâm dục vọng và ác pháp để đòi lại quyền làm chủ sanh, già, bịnh, chết. Nhất định, phải trường kỳ đấu tranh quét sạch quỷ Vô Thường, không để cho quỷ vô thường cám dỗ và sai khiến, biến chúng ta thành những tên nô lệ muôn đời muôn kiếp.

Chính những điều con đã hỏi Thầy trên đây là con đã đầu hàng giặc vô thường, con đã trở thành tay sai của chúng, vì thế trên bước đường tu tập của con và con tu như vậy, sẽ hoàicông vô ích, nếu tu như vậy, con chỉ là một tên lính đánh thuê cho giặc vô thường.

Nếu mọi người đang sống trên hành tinh này, ai cũng đều biết rất rõ rằng, mình đang bị quỷ vô thường, ma danh, ma lợi, ma ăn, ma ngủ, ma sắc dục đang cám dỗ và sai khiến mọi người, mọi người như những tên nô lệ trungthành của nó.

 Cho nên mọi người phảitheo pháp môn của đức Phật, để chiến đấu tận cùng với chúng, bằng những chiến thuật ăn, ngủ, độc cư và bằng những chiến lược nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng với những vũ khí Trí Tuệ Nhân Quả, Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Vô Lậu và Tứ Thánh Định, Tam Minh v.v..

Nhờ nhiệt tâm tận lực chiến đấu, chúng ta mới chiến thắng giặc vô thường và giành được quyền làm chủ sự sống, chết để chấm dứt luân hồi.

Trong cuộc chiến tranh nội tâm, nếu chúng ta tránh né các đối tượng, tức là chúng ta đã đầu hàng giặc, do thiếu hiểu biết, chúng ta tưởng nghĩ một cách sai lệch, gọi là không làm khổ mình, khổ người, chứ kỳ thực, chúng ta là kẻ đầu hàng giặc. Giặc vô thường sẽ không để cho chúng ta yên ổn với mặt trận sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta đầu hàng giặc thì cuộc chiến tranh này, chẳng bao giờ chấm dứt, và cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi trôi lăn trong ba nẻo, sáu đường đầy đau khổ. Nếu con không nghe lời Thầy mà cố tránh né, để tìm sự an vui theo sự ưa thích yênổn một mình thì cuộc đời tu hành của con, chỉ uổng công mà thôi,tu chẳng ích lợi gì cho ai cả, mà làm cho người đời khinh chê Phật pháp, thì tội ấy ai phải chịu đây?

QUẢ BÁO GÌ KHI TÂM VÀ LỜI NÓI KHÔNG ĐI ĐÔI?

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi tâm và lời nói trái nhau. Người ta thường nói lời rất hay ho tốt đẹp, mà tâm thì tư lợi. Vậy quả báo như thế nào, cúi xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ?

Đáp: Lời hay tiếng đẹp có nhiều nghĩa: ở đây, con đã nêu ra rất rõ, lời nói hay ho tốt đẹp mà tâm thì tư lợi, vậy quả báo như thế nào?

Lịch sử đã chứng minh, quả báo của những vị quan nịnh thần, dùng lời hay tiếng tốt ca ngợi một vị hôn quân để được quyền, được lợi v.v..

Khi đã được nắm toàn quyền trong tay thì tư lợi kiếm rất dễ dàng như: Tần Cối, Quách Hoè, Vưu Hồn, Bí Trọng, Trầm Khiêm v.v.. Trước khi chết, phải trả bao nhiêu sự khổ đau và đời đời mang tiếng là nịnh thần lưu danh sử sách.

Ở đời, những hạng người này, cũng lắm, luôn dùng lời hay tiếng đẹp,để lừađảo, lường gạt người khác, để đem phần tư lợi cho mình, quả báo sẽ đến với những hạng người này:

1- Mất lòng tin đối với những người khác.

2- Lần lượt mọi người đều nhận rõ bộ mặt lừa đảo, dối trá, gian xảo. v.v.. như kinh sách phát triển và thiền Đông Độ lần lần người ta cũng sẽ vạch mặt thật của chúng.

3- Khiến ai ai cũng tránh xa những hạng người này.

4- Những hạng người này, dễ sanh bệnh mắt, tai, mũi, họng.

5- Kiếp sau làm người câm, ngọng, điếc, đui, mù v.v..

6- Những hạng người này, thuộc về hạng ác trí thức.

Nói đến lời hay tiếng tốt là nói đến kinh sách phát triển, lời nói rất hay, tiếng nói rất đẹp, ý rất cao siêu nhưng đã lừa đảo biết bao nhiêu thế hệ con người và làm những việc phi đạo đức, phi thiện pháp, phi Phật giáo, hữu ngã, gây mê tín, phản khoa học v.v.. Nhân quả của nó, khitrình độ dân trí, khoa học tiến triển cao độ thì người ta sẽ lột sạch mặt nạcủa nó,giáo lýphát triển này sẽ bị cáo chung, vì chẳng đem lợi ích, thiết thực, cụ thể cho loài người mà chỉ toàn là thứ ảo tưởng.

Đất nước Việt Nam có ba vị sư đã vạch tẩy bộ mặt lừa đảo của nó:

1- Người thứ nhất là Thiền Sư Thường Chiếu sống cách đây khoảng trên 700 năm. Ngài bảo: “Thiền Đông Độ và kinh sách phát triển là những lời đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo”.

2- Người thứ hai là Hòa Thượng Minh Châu, Ngài đang sống trong thế kỷ thứ 20 của chúng ta. Khi dịch kinh Nguyên Thủy Nikaya, Ngài bảo:“...Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của nhân loại, đã bị tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Các ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, các bập bẹ của những kẻ mới tập tễnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch...”.

3- Người thứ ba là chúng tôi trong đầu thiên niên kỷ thứ ba, chúng tôi thấy biết rất rõ kinh sách phát triển và thiền Đông Độ mạo danh Phật giáo chứ không phải của Phật giáo.

Hiện giờ người ta còn theo nó, vì chưa thấu suốt rõ ràng, nên còn tin nó là lời của đức Phật dạy, nếu rõ nó không phải là lời của đức Phật dạy thì người ta đã bỏ nó từ lâu.

Nếu đạo Phật dạy giáo lý của mình như kinh sách phát triển thì đạo Phật chẳng có gì mới mẻ, chỉ nhai lại bã mía của lục sư ngoại đạo và những sự mê tín của mỗi dân tộc trên bước đường truyền bá mà thôi. Nói cách khác, đạo Phật ra đời theo như kinh sách phát triển thì cũng lập lại triết lý chơn lý của các tôn giáo khác, hiện đã có mặt trước khi đức Phật ra đời. Và như vậy, đạo Phật ra đời, có giải quyết được gì đau khổ của loài người, trên hành tinh này đâu? Nếu theo lối mòn của các tôn giáo khác thì cũng chỉ an ủi tinh thần cho những người nhẹ dạ còn lạc hậu, vô minh, chưa thông suốt đạo lý và đường đi của nhân quả, nên đã tin theo mà thôi. Còn những người có trí tuệ, hiểu biết về đạo đức nhân quả và các pháp do duyên hợp tạo thành, thì trí tuệ đó không làm sao họ chịu chấp nhận giáo lý phát triển đó là của Phật giáo được, họ không thể để giáo lý này lừa đảo họ, nhưng số người hiểu biết này thì lại quá ít. Thỉnh thoảng có người hiểu biết nóira sự thật thì bị bóp chết ngay, vì thế chẳng còn ai dám nói thẳng, chỉ so sánh giữa kinh Nguyên Thủy Pali Nam Tông và kinh A Hàm trong Hán Tạng Bắc Tông như Hòa Thượng Minh Châu đã làm, chứ không dám nói sai đúng, nhưng ngầm trong đó chúng ta cũng biết được Hòa Thượng muốn nói gì.

Con người hiện giờ, hiểu biết ở trí tuệ hữu hạn, nên dễ bị các tôn giáo lừa đảo bằng thế giới siêu hình, chỉ ngoại trừ Phật giáo Nguyên Thủy thì không chấp nhận thế giới siêu hình. Vì thế, chính không chấp nhận thế giới siêu hình, nên mới được gọi là Phật giáo. Nếu Phật giáo chấp nhận có thế giới siêu hình thì đạo Phật không giải khổ cho con người mà còn tạothêm một lớp khổ nữa cho loài người thì đạo Phật cũng giống như kinh sách phát triển mà thôi.

Khi nghiên cứu một tôn giáo nào, chúng ta hãy nghiên cứu những giáo lý của họ có ích lợi, thiết thực hay chỉ là một sự an ủi tinh thần, bằng ảo tưởng, để lừa đảo con người và làm những điều phi đạo đức, thì nhất định, chúng ta không ngu si theo tôn giáo đó. Là con người, chúng ta phải sáng suốt nhận định:“Con người sanh ra tôn giáo, chứ không phải tôn giáo sanh ra con người”.

Phật giáo bị thế tục hóa, bị các tôn giáo và khoa học hóa, chúng tôi chỉ mong rằng cái gì của Phật giáo là trả về cho Phật giáo. Phật giáo là sự thật là của loài người, chúng tôi không chấp nhận lấy Phật giáo nịnh bợ khoa học để chứng minh cho rằng Phật giáo là khoa học. Theo chúng tôi nghĩ: khoa học là khoa học, Phật giáo là Phật giáo, Phật giáo không phải là khoa học mà khoa học cũng không phải là Phật giáo. Cho nên khoa học có sự thật của khoa học, có sự ích lợi cho con người của khoa học; nhưng Phật giáo cũng có sự thật của Phật giáo đối với con người, có sự ích lợi thiết thực cho con người của Phật giáo.

Khoa học chứng minh, phân tích mọi vật thể, bằng những dụng cụ khoa học, để cho con người hiểu biết rõràng, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác v.v..

Phật giáo chứng minh và phân tích mọi vật thể và tinh thần, bằng trí tuệ hiểu biết cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác, v.v.. theo sự triển khai từ trí tuệ hữu hạn đến trí tuệ vô hạn, để thấu rõ vạn pháptrong vũ trụ mà không cần đến dụng cụ khoa học nào cả.

Chúng ta hãy nghe Hòa Thượng Minh Châu, một nhà học giả, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Phật Học, tại viện Đại Học Phật Giáo NaLanDa Ấn Độ, khi trở về nước Ngài dịch tạng kinh Pali (Nguyên Thủy), kinh Trung Bộ tập hai, được xuất bản năm 1974, lời giới thiệu, Ngài mạnh dạn vạch trần bộ mặt kinh sách phát triển mà chúng tôi đã trích ra ở trên.

Đúng vậy, Hòa Thượng MinhChâu đã xác định, nếu ánh sáng rực rỡ của chân lý của đạo Phật bừng lên sẽ quét sạch những tà thuyết ngoại đạo Ma Vương, nhưng hiện giờ ánh sáng chân lý của đạo Phật đã bị bọn Ma Vương khéo léo dìm mất và cố tình tiêu diệt Phật giáo trên hành tinh này. Nhưng chúng làm sao được, khi chân lý của đạo Phật còn truyền lại cho loài ngườivà có người đã cố tâm quyết giữgìn thì chân lý ấy sẽ không mất, chỉ có những người không hiểu Phật giáo và những người lợi dụng giáo pháp phát triển, để mua danh, mua lợi dùng giáo lý buôn Phật, bán Pháp làm giàu trên mồ hôi, nước mắt tín đồ Phật giáo thì họ cố gắng duy trì.

Chơn lý của Phật giáo, chỉ còn chờ đợi thời tiết nhân duyên đủ là sẽ bừng sáng huy hoàng, chừng đó cái sai, cái đúng của Phật giáo sẽ đượcphơi bày trước mọi con người. Bấy giờ, lần lượt chúng ta sẽ vạch trần bộ mặt phi đạo đức, phi giáo lý của đạo Phật trong những kinh sách phát triển để mọi người suy ngẫm.

Thời đại chúng ta, đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt đã có những ngườithực hiện con đường của đạo Phật và đã có kết quả cụ thể. Kết quả này, chính là thắp sáng lại chơn lý của đạo Phật.

Trước năm 1952, những tu sĩ Phật giáo Việt Nam chúng ta chỉ biết được một số kinh sách phát triển căn bản như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Di Đà, Kinh Quy Nguyên, Bát Nhã Tâm Kinh v.v.. Sau này, cácphong trào chấn hưng Phật giáo chúng ta mới thỉnh được bộ Đại TạngKinh bằngchữ Hán. Trong Hán Tạng hết sức phong phú, nhưng ít người nghiên cứu các kinh A Hàm, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Dị Giáo. Tuy có biết các bộ kinh A Hàm nhưng không dám học, vì thầy tổ cấm không cho học, không cho tu giáo lý đó, phải nương theo“tứ y” của kinh sách phát triển,“cần phải y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh”. Ý nghĩa của câu kinh này, là phải theo nghĩa lý của Kinh Đại Thừa mà tu học, không được theo nghĩa lý của kinh khác như: Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác v.v.. tu học.

Những lời trên đây là những lời của Hòa Thượng Minh Châu đã nhắc lại lúc đang tu học tại Việt Nam, trong các chùa Đại Thừa không được học Kinh A Hàm, nói chung là không được học Kinh Tiểu Thừa.

Sự giáo dục của thầy tổ như vậy, khiến cho tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ không hiểu giáo lý của đạo Phật mà lại thông hiểu giáo lý phát triển thuộc Bà La Môn giáo.

Thầy Tổ của chúng ta mang tiếng là tu sĩ Phật giáo, nhưng lúc bây giờ, chỉ có cái tên là Phật giáo màthôi, còn đời sống và các pháp môn tu hành đều là của Bà La Môn, của ngoại đạo thật làđau lòng. Hầuhết thầy tổ của chúng ta, lúc bấy giờ đều có vợ con, lấy chùa làm gia đình,lấy sự tụng niệm làm nghề để sống.

Hòa Thượng Minh Châu du học Ấn Độ tốt nghiệp bằng tiến sĩ Phật học, trở về nước, Ngài quyết tâm dịch Tạng Kinh Nguyên Thủy tiếng Pali để chấn hưng lại Phật giáo, làm sáng tỏ những gì của đạo Phật và dẹp bỏ những gì không phải của Phật giáo. Nhưng Ngài bị một sức ép quá mạnh của thầy tổ kinh sách phát triển.

Ngài đem kinh Trung Bộ trong Tạng Kinh Pali ra so sánh với kinh Trung A Hàm trong Hán Tạng, cái giống nhau và cái không giống nhau để cho mọi người tự suy ngẫm các Tổ ngày xưa đã dám làm những việc thêm bớt như vậy trong những lời dạy của đức Phật. Ngài không dám nói đúng hoặc sai, vì Ngài là một học giả, Ngài đành ôm dạ mà chỉ tâm nguyện, ước vọng là dịch xong Tạng Kinh Nguyên Thủy Pali, ước vọng ấy, Ngài đã viên mãn. Ngài tin rằng, Tạng Kinh Pali được dịch sang tiếng Việt Nam, chắc chắn sẽ có người Việt Nam thắp sáng lại ngọn đèn Phật pháp.

Niềm tin ấy không còn là một giấc mơ, mà là một hiện thực. Một hành giả người Việt Nam sẽ thắp sánglại đạoPhật,mặc dù con đường chấn hưng lại Phật giáo còn nhiều cam go và thử thách, nhưng quyết định phải thành công.

Nhìn gương thầy tổ của chúng ta, nói một điều mà làm một ngả, nhưng đó là chuyện Phật pháp, họ chỉ làm theo kinh sách phát triển mà còn phải chịu quả báo khổ đau như vậy, huống hồ là chúng ta lời nói thì nghe ngon ngọt mà tâm địa hơn là ác thúthì quả báo làm sao tránh khỏi và còn phải đọa biết bao nhiêu lần khổ đau trong vô số kiếp.

Đừng bảo rằng, chẳng có nhân quả, trong thế gian này, nếu không có đạo luật nhân quả thì không có một luật pháp nào có công bằng và công lý hơn được. Nếu không có nhân quả thì thế gian này trở thành một Địa Ngục hắc ám, vậy quý vị phải giữ gìn lời nói và lương tâm, nhất quán trong thiện pháp, sai thì quý vị không thoát khỏi tai ương, bệnh tật, nạn ách, khổ đau v.v..

SỐNG HÒA HỢP

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong cuộc sống hằng ngày chị em ăn ở với nhau, bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nàocon cũngtùy hỷ trước mọi người, mọi việc làm, không bắt bẻ chê bai gì hết, ai làm sao cũng được.

Đối với con khi ai cho vật gì, dù vật nhỏ mọn nhất, nhưng con thấy được sự thanh tịnh ở vật đó thì con thành kính nhận một cách trân trọng với tấm lòng thành, còn ngược lại dù là châu báu, ngọc ngà mà không có sự thanh tịnh thì con nhất quyết không nhận, dù có mang lỗi sống không hòa đồng, nhưng con cũng vui lòng chấp nhận. Cúi xin Thầy từ bi lân mẫn chỉ dạy cho con rõ như vậy có đúng không?

Đáp: Sống từ hai người trở lên gọi là tập thể, mỗi tập thể đều phải có một kỷ luật, kỷ luật đó gọi là thanh quy hay là nội quy. Thanh quy và nội quy là để giúp cho mọi người trong tập thể đó, phải chấp hành nghiêm chỉnh thì mọi người mới có một cuộc sống hòa hợp, để cùng chung sống với nhau, để cùng nhau xây dựng một mụcđích cao thượng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người.

Xưa, đức Phật đã chế ra sáu pháp hòa hợp (lục hòa):

1-        Thân hòa đồng trụ

2-        Khẩu hòa vô tranh

3-        Ý hòa đồng duyệt

4-        Kiến hoà đồng giải

5-        Giới hòa đồng tu

6-        Lợi hòa đồng quân

Giới thứ nhất là thân hòa đồng trụ và giới thứ sáu là lợi hòa đồng quân, hai giới này để chỉ cho sự sống bình đẳng, buông xả cá nhân để thể hiện đức hạnh bằng lòng giúp mọi người ly dục, ly ác pháp.

Giới thứ hai là khẩu hòa vô tranh và giới thứ ba là ý hòa đồng duyệt, hai giới này chỉ cho sự thể hiện lòng từ, đức hạnh nhẫn nhục để tâm hồn được thanh thản, vô sự, tức là ly dục, ly ác pháp.

Giới thứ tư là kiến hòa đồng giải và giới thứ năm là giới hòa đồng tu, hai giới này chỉ cho sự thể hiện lòng bi, đức hạnh tùy thuận để thân tâm được an lạc, tức là ly dục, ly ác pháp.

Lấy ba đức ba hạnh để sống, sống làm người có đạo đức thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú. Vì thế đạo Phật gọi tu tức sống, nhưng sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người là tu. Tu không có nghĩa là tụng kinh, niệm Phật, cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ hoặc làm ăn giàu có.

Theo sự nhận hiểu của con qua những danh từ nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng theo tâm của con, chứ không phải theo tâm của người khác. Ở đây, con dùng danh từ thanh tịnh và không thanh tịnh không đúng con ạ!

Đối với con, khi người ta đem cho con một vật gì, người chủ vật đó chưa có sự giận hờn phiền toái với con, thì con cho vật đó là thanh tịnh, còn nếu có sự giận hờn phiền não, thì vật đó, con cho là không thanh tịnh. Con hiểu như vậy thì con chưa biết cách tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Ở đây, không nên dùng vật thanh tịnh hay không thanh tịnh, mà con hãy lấy đối tượng nghịch cảnh, bất toại nguyện để thực hiện hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, thìmới gọi là tu, còn tu như con, không thể gọi là tu hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Tu như con chính là tránh né đối tượng nghịch cảnh trái lòng. Theo đạo Phật thì không chấp nhận những điều này, vì tu như vậy, không bao giờ có giải thoát, tu như vậy là tìm sự an ổn, tiêu cực, nén tâm, yếm thế.

Theo đúng hạnh của một tu sĩ đạo Phật thì chấp nhận sự đi xin ăn, nhưng không được nhận thực phẩm dư thừa để dành, ngày nào xin ăn ngày nấy, đó là lối sống buông xả và xả sạch, ăn còn không được để dành ngày mai, ăn chỉ biết ngày nay, không lo ngày mai, như vậy mới gọi là người buông xả sạch.

Ngày nay, người tu sĩ Phật giáo thường hay tự túc sống, do đó đời sốngphạm hạnh của một vị tỳ kheo tăng không còn đúng phạm hạnh nữa và vì vậy, thánh hạnh của một vị tăng không còn có. Do đời sống không đúng cách đạo đức thánh hạnh nên đường tu tập của các vị tỳ kheo tăng và tỳ theo ni chẳng đi đến đâu cả.

Xả ngũ dục lạc, tức là xả sắc, danh, lợi, thực, thùy mà còn xả không được, huống là tu cái gì? Hiện giờ, người ta tu hành chỉ là hình thức, còn mục đích giải thoát thì họ không tu tập, gặp các đối tượng để thực hiện đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì tránhné, trốnchạy chẳng dám vượt qua sự đau khổ của cuộc đời mình. Con không có sự quyết tâm tu hành giải thoát, làm chủ sự sống chết và luân hồi, chỉ thấy đời đau khổ mà vào chùa tránh né để tìm sự an ổn.

Do cuộc sống như vậy, nên mới có cất am, thất riêng tu hành. Tu hành mà cất am thất riêng, để sống tự do thoái mái, thì sự tu hành đó chẳng đi đến đâu cả. Sự tự do thoái mái đó, đưa người tu sĩ chạy theo sở thích và tâm ham muốn của mình, như vậy thì làm sao gọi là ly dục, ly ác pháp.

Sở thích của mình là gì? Là tâm dục. Mà đã có tâm dục thì con đường tu hành của đạo Phật làm sao tu đúng được?

Trong đời sống đi xin ăn của đức Phật, đâu phải lúc nào ai cũng tôn kính Ngài. Trong cuộc đời đi xin ăn, Ngài gặp rất nhiều người, họ đã có nhiều lời lẽ thất kính, thô lỗ thế mà Ngài vẫn thản nhiên, như vậy mới gọi là tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Đoạn đầu trong câu hỏi, con có nêu ra cách sống tùy thuận, đó là lý lẽ qua ngôn ngữ của con, chứ thực ra conkhông có sống tùy thuận với ai cả. Cho nên trong lục hòa có kiến hoà đồng giải, nghĩa là tùy thuận mọi ý kiến củangười khác, đểkhông làm khổ mình, khổ người, đó cũng là một điều tu tập ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm mình.

Còn đoạn thứ hai câu hỏi của con Thầy đã chỉ dạy ở trên, đó là nghĩa thứ nhất, nhưng nó còn một nghĩa nữa là thanh tịnh và không thanh tịnh, có nghĩa là vật trộm cắp hay không trộm cắp phải không con?

Nếu con biết vật đó là trộm cắp (không thanh tịnh) đem đến cho con thì con phải khéo léo từ chối đừng để mất lòng, hoặc làm người ta buồn; còn nếu vật đó không phải là trộm cắp (thanh tịnh) người ta đem đến cho con, nhưng lòng con còn đang hờn giận, nên từ chối, đó là con không biết cách tu tùy thuận, xả tâm, diệt ngã để làm khổ mình, khổ người, mà còn mang tiếng là sống không hòa đồng.

Cuộc sống tu hành là một cuộc sống tập thể, sống trong tập thể, nhưng giữ gìn đức hạnh trầm lặng và độc cư mới chính là tu. Do đó, chúng ta có những đối tượng để tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, nhờ thế chúng ta mới diệt được ngã, xả được tâm, ly được dục và ác pháp, liền ngay đó nhập được Bất Động Tâm và nhập Sơ Thiền, làm chủ đượccuộcsống, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Người mới tu nếu không sống chung trong tập thể mà chỉ sống ở riêng, độc cư một mình để tu tập, người ấy sẽ không bao giờ ly dục, ly ác pháp được và cũng không thành tựu được chánh định, chánh tuệ, họ sẽ rơi vào tà thiền, tà định và tưởng giải, vì tâm họ còn đầy dẫy dục lạc thế gian, đầy dẫy sự đau khổ trong tâm tư của một con người thế tục. Tu như vậy, chỉ là ức chế tâm, chịu đựng làm khổ mình và khổ người, chẳng ích lợi gì cho ai cả.

Sống không hòa đồng, hòa hợp là không phải nếp sống của người tu sĩ đạo Phật, cho nên kinh dạy tăng là phải sống hòa hợp như nước với sữa,tăng mà sống không hòa hợp là tu sĩ ngoại đạo.

Người tu sĩ đạo Phật có những pháp môn để tu hòa hợp như:

1- Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả.

2- Sống trong đạo đức làm người thường không làm khổ, mình khổ người.

3- Biết nhẫn nhục bằng trí tuệ nhân quả.

4-Sống tùy thuận, nhưng khéo léo an trú thiện pháp, không bị lôi cuốn vào ác pháp.

5- Bằng lòng tất cả mọi pháp, dù ác hay thiện nhưng xa lìa ác pháp.

Vậy từ đây về sau, con nên sáng suốt đừng để tâm chướng ngại, tạo nên cuộc sống không hòa đồng, hòa hợp. Có được như vậy, mới gọi là tuhạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, chứ đừng lợi dụng danh từ nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng mà tự làm khổ mình, khổ người.

Con nên nhớ, những chị em đang cùng tu đều còn là phàm phu tất cả, nên mọi người ai cũng có cái đúng, cái sai, hãy lấy cái đúng của người mà sửa lại lỗi mình, còn cái sai của người khác thì nên tha thứ họ, đừng cố chấp lấy đó mà tạo cảnh khổ đau cho tâm mình. Đạo Phật là đạo từ bi mà chúng ta không biết tha thứ cho nhau thì làm sao chúng ta xứng đáng là người đệ tử của đức Phật được.

Tha thứ không có nghĩa là tha thứ riêng cho người lầm lỗi, mà chính chúng ta còn tha thứ những điều sai quấy mà chúng ta đã lầm lỗi. Tại sao vậy?

Vì chúng ta sống không hòa hợp như nước với sữa, nên đã sống trái với đạo đức của đạo Phật, tức là chúng ta sống trái với mọi người, trái với lương tâm đạo đức nhân quả của mình.

Sống hòa hợp là sống không chống trái, sống biết tha thứ, sống biết thương yêu nhau, sống chia sẻ với nhau những nổi khổ đau của kiếp sống làm người, phải không hỡi quý vị?

Sống như vậy, mới có nghĩa là sống đạo đức, sống nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng; sống như vậy, mới xứng đáng gọi là tu theo đạo Phật, tu theo đạo giải thoát.

Sống chia rẽ, sống một mình, sống không nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, sống chỉ biết có mình, sống không biết tha thứ, sống như vậy là sống theo kiểu thế gian phàm phu, tục tử, không phải lối sống của người tu sĩ đạo Phật.

THỜI KHÓA TU TẬP

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thời khóa tu tập hằng ngày của con xin Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho, để con tu tập được kết quả tốt.

Buổi khuya:

3,15’ con thức dậy

3,30’ con bắt đầu tu tập

1- Định Niệm Hơi Thở, con bắt đầu thở đều 5 hơi thở mỗi hơi thở 3”, thở xong con đi kinh hành suốt 30’ rồi tiếp tục ngồi lại ổn định 15’ thư giãn. Sau khi thư giãn xong rồi bắt đầu thởlại 15’ cứ một khoảng thời gian là 5 hơi thở và tiếp tục tu như vậy đến 5’, đây là giai đoạn thứ nhất trong buổi sáng.

2- Con tiếp tục tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định 5’ vừa đi kinh hành vừa câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm, tránh vô tình làm đau khổ chúng sanh, cứ 5’ này tu xong con lại tiếp tục tu 5’ khác cho đúng 30’ rồi con xả nghỉ. Đây là giai đoạn thứ hai tu tập trong buổi sáng.

3- Con xả nghỉ 30’ ngồi thư giãn con nhắc tâm: “Tâm phải thư giãn nghỉ ngơi, vô sự thanh thản, an lạc không được nghĩ lung tung, thân và các cơ buông thõng xuống, tự nhiên, không được gồng, gò bó, hai chân phải buông thõng ra, thoái mái, dễ chịu”.

 Trong thời gian thư giãn câu pháp hướng con thường nhắc, nhất là: “cảm giác toàn thân an lạc, tôi biết tôi đang thư giãn và cảm giác toàn tâm an tịnh tôi biết tôi đang thư giãn”. Đó là hai câu con ưng ý nhất lúc ngồi nghỉ thư giãn và có kết quả nhất. Đây là giai đoạn thứ ba, con tu tập buổi sáng.

4- Nếu tâm con không được tỉnh táo còn buồn ngủ, thiếu sáng suốt thì con lại đi kinh hành và tu Chánh Niệm Tỉnh GiácĐịnh câu hữu với Định Vô Lậu, thường nhắc tâm buông xả hết không có gì là của ta, là ta, các pháp trên thế gian này là vô thường, vô ngã, vì vô thường vô ngã là khổ đau và tất cả các pháp đều trở về không, không còn có một chút xíu nào cả của ta.

Nếu con còn thấy buồn ngủ, không được tỉnh táo thì con dụng ba cách để đuổi hôn trầm, thùy miên:

- Chạy lúp xúp tại chỗ.

- Đi tắm.

- Tập hít đất 10 lần đến 20 lần.

Đây là giai đoạn thứ tư mà conđã tu tập vào buổi sáng.

5- Sau khi được tỉnh thức hoàn toàn, con tiếp tục tu tập ở tư thế ngồi kiết già, lưng thẳng, tâm gom chặt vàohơi thở, không có niệm khác xen vào, tức là tâmđược an ổn trong hơi thở thì con dùng pháp hướng tâm bằng câu: “tâm phải bất động trước các pháp thế gian, phải giống như tâm Phật, buông xả hết, không được buồn, vui, yêu, ghét, sợ hãi, lo lắng v.v.. Tất cả các pháp trên thế gian này, chẳng có gì là ta, của ta, nếu còn thấy là ta, của ta là ta còn ngu si, vô minh, điên đảo, là tự trói buộc chặt mình vào những sợi dây sanh tử và luân hồi v.v..”.

Kế tiếp con lại quán xét Tứ Vô Lượng Tâm, tư duy tìm cái tốt của người khác và tìm cái xấu của con, để tăng trưởng lòng thương yêu mọi người và dẹp bỏ những thói hư tật xấu của mình.

Con luôn luôn tu tập nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và cố gắng hàng phục tâm mình trong quả khổ ác để chuyển nghiệp báo ác nghiệt trong con cho được nhẹ nhàng, thoái mái và tâm hồn con được thanh thản, an lạc.

Con thường hay sợ rắn, nên thời gian tu tập Định Vô Lậu con thường như lý tác ý nhắc tâm: “Tâm đừng sợ rắn nữa, rắn không cắn người, rắn rất hiền lành, rắn rất đáng yêu thương, ta là người thiện tu theo pháp Phật, ta không làm ác, không hại rắn và cácloài vật khác và ta tin rằng: không bao giờ có loài ác thú và rắn độc nào cắn hay giết hại ta, ta hãy bình tĩnh và không bao giờ sợ hãi nữa’’. Đây là giai đoạn tu tập thứ năm của con buổi sáng.

6- Con nhắc tâm như vậy vài lần rồi xả nghỉ, thư giãn nhưng con sợ rơi vào vô ký nên thỉnh thoảng nhắc tâm thanh thản, vô sự các cơ buông thõng xuống hết, tâm phải thoải mái dễ chịu và an lạc. Đây là giai đoạn thứ sáu của con tu tập thời khóa vào buổi sáng.

7- Khi xả xong nghỉ 30’ con tiếp tục tu 5 hơi thở như chu kỳ trước đúng 30’. Đây là giai đoạn thứ 7 của thời tu buổi sáng.

Buổi sáng:

Từ 5’ đến 1giờ 30’

8- Đến đây là 5 giờ sáng, con lao tác quét sân và thỉnh thoảng con nhắc tâm: “Tôi quét sân tôi biết tôi đang quét sân”. Đây là giai đoạn tu tập thứ 8 của con buổi sáng.

Sau khi lao tác xong, con tiếp tục tu lại giai đoạn một, bắt đầu từ:

Từ 7 - 8,30’ cho đến 10 giờ.

Từ 10 - 12 giờ thọ thực, đang ăn cơm con cũng nhắc tâm tỉnh thức trong khi đang ăn cơm: “Tôi ăn cơm, tôi biết tôi đang ăn cơm”.

Từ 12, 30’ - 1, 30’ tịnh chỉ.

Buổi chiều:

Từ 2 - 3,30’ chấp tác, lao động và tu tập như trên đến 5 giờ.

Buổi tối:

Từ 7 - 8,30’ con tu tập như các buổi ở trên, đến 9 giờ tịnh chỉ (đi ngủ).

Kính thưa Thầy, trong thời gian tu tập cũng như ngoài thời gian tu tập của con, đôi khi con còn bị thất niệm quá nhiều, có lúc con đi, con vẫn biết con đang đi, nhưng mắt nhìn quanh và ý xoay chỗ khác, hoặc con chìm trong lúc làm việc và say sưa quên mất chánh niệm 1’ có khi đến 3’. Và rất thường xảy ra, con không biết cách thức làm sao hàng phục cho tâm luôn luôn tỉnh thức đừng thất niệm, xin Thầy chỉ dạy cho con, con quyết tâm tu tập đến nơi đến chốn.

Có lúc con mệt không còn giữ được sức tỉnh, tâm tán loạn dẫn đến sự bất an, nếu con không ra ngoài làm việc thì thức tỉnh cao hơn và tâm conrất an ổn tưởng chừng như không có điều gì lay chuyển tâm con được.

Sau mỗi thời gian tu tập, con đều hồi hướng cầu siêu cho mọi linh hồn người đã chết được siêu thăng Tịnh Độ và cầu an cho mọi người trên hành tinh được tai qua, nạn khỏi, bịnh tật, tiêu trừ và phát nguyện độ tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo.

 Cúi xin Thầy theo thời khóa trên đây con tu tập có đúng hay sai xin Thầy mở lượng từ bi chỉnh lại để con tiếp tục tu tập có kết quả làm chủ sự sống chết và luân hồi.

Đáp: Con thành lập thời khóa chưa rõ ràng, giờ giấc tu tập chưa cụ thể, tuy các pháp môn có thực hiện đúng như lời trong kinh Nguyên Thủy Phật đã dạy, nhưng tu quá sức, vì còn phải sống hòa hợp với mọi người. Chính vì con quá nôn nóng tu mau giải thoát, khi nghiệp lực của con như một khối đá ngàn ký lô mà sức con chỉ có nâng được một ký lô mà muốn mau thì làm sao được. Tu tập con phải biết đặc tướng của con, tức là phải biết sức lực của mình, tu vừa với sức của con thì có kết quả ngay liền, con nên nhớ lời Phật dạy: “Pháp của Ta không có thời gian, tu là có kết quả liền”.

Thầy sẽ thành lập một thời khóa cơ bản để con nương theo đó và tùylượng sức của con mà thay đổi cho phù hợp, để sự tu hành thu ngắn thời gian không phí mất vô ích. Dưới đây là thời khóa tu tập chung chung con cần phải sửa đổi sao cho tu tập tốt.

THỜI KHOÁ TU TẬP

¨SÁNG: 7:00 – 7:30

Thở đều 5 hơi thở, hơi thở phải bình thường, trong tư thế ngồi kiết già lưng thẳng, tâm chú ý hơi thở rất kỹ, theo dõi từng hơi thở một không để mất hơi thở, tức là thất niệm, xong 5 hơi thở đứng dậy đi kinh hành, đếm mỗi bước đi từ 1 đến 20 bước, giữ tâm biết từng bước đi kinh hành rất rõ ràng.

Trước khi thở đều 5 hơi thở, phải như lý tác ý hướng tâm nhắc, “Tâm phải chú ý rất kỹ từng hơi thở một, không được xao lãng’’hoặc“Tâm phải bám chặt hơi thở, không được lơi lỏng”.Con nên nhớ kỹ trong thời gian chỉ tu 5 hơi thở mà thôi, không tu nhiều hơn, khi mới bắt đầu tu tập lần đầu tiên. Sau khi nhiếp tâm trong 5 hơi thở xong thì đứng dậy đi kinh hành.

Trước khi đi kinh hành cũngphải như lý tác ý hướng tâm: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành’’,trong 20 bước, con nên hường tâm bốn lần, mỗi lần 5 bước.

Liên tục thay đổi hai tư thế ngồi kiết già và đi kinh hành, hơi thở và bước đi tu tập đúng 30’, tức là đúng 7,30’ xả nghỉ.

¨TỪ: 7h30 – 8h30

Sau khi tu tập 30’ xong, liền xả nghỉ thư giãn, ngồi chơi trong tư thế thường, nhưng lại thường thỉnh thoảng nhắc tâm:“Tâm phải thư giãn, nghỉ ngơi, vô sự thanh thản và an lạc, tâm không được nghĩ ngợi lung tung, thân và các cơ buông thõng xuống, tự nhiên không được gồng hay gò bó, hai chân phải buông thõng ra, tự nhiên thoái mái, dễ chịu’’.

Nhắc xong câu pháp hướng này thì thân tâm phải buông thõng nhẹ nhàng và tự nhiên. Kế tiếp thỉnh thoảng, con nên nhắc câu này nữa:“Cảm giác toàn thân an lạc tôi biết tôi đang thư giãn”, hoặc câu “Cảm giác toàn tâm an lạc, tôi biết tôi đang thư giãn”.

Sau khi thư giãn nghỉ ngơi đúng 30’ con lại tiếp tục tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

¨TƯ: 8:00 – 8:30

Đi kinh hành tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm. Vừa đi vừa chú ý bước chân vừa nhắc:“Tôi đi kinh hành tôi biết tôi phải giữ gìn tránh không cho dậm đạp lên chúng sanh”rồi đếm bước đi từ 1 cho đến 20 bước, đúng 20 bước dừng lại, ngồi nghỉ xả hơi 2’. Khi xả nghỉ 2’ xong, liền đứng lên tiếp tục đi kinh hành trở lại và nhắc tâm: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đang đi kinh hành”hoặc“Tôi đi kinh hành tôi biết tôi giữ gìn không dậm đạp lên chúng sanh’’, hướng tâm như vậy, rồi tiếp tục đếm bước đi từ 1 cho đến 20 bước rồi xả nghỉ, khi ngồi nghỉ đúng 2’ rồi lại tiếp tục đi kinh hành như trên và cứ thế, vừa đi vừa nghỉ cho đến đúng 30’ mới xả nghỉ.

¨TỪ: 8:30 – 9:00

Khi xả nghỉ, ngồi chơi hoặc nhổ cỏ hoặc may vá. Tâm có vọng tưởng hay không vọng tưởng cũng tốt, đừng nên lúcnào cũng ức chế tâm không cho vọng tưởng xen vào là không tốt phải để tâm tự nhiên của nó, đừng bắt ép nó thái quá, muốn mau mà thành chậm. Nhớ không được tập trung quá nhiều mà sanh ra mỏi mệt lười biếng, hôn trầm, buồn ngủ, thân lờ đờ uể oải, tâm thẫn thờ, khó chịu. Đó là tu quá sức thành ra tu sai.

Tu vừa với sức mình là tu đúng pháp, tu tốt. Tu ít quá, thừa sức làm mất thì giờ phí uổng; tu nhiều quá thì căng thẳng thân tâm, sanh ra bệnh tật không tốt.

Ví như người lên dây đờn, chùng thì không thành tiếng, căng quá thẳng thì đứt dây, chỉ có lên dây vừa là phát âm tiếng tốt đúng nhịp. Cho nên thời gian xả nghỉ phải để tự nhiên như người chưa bao giờ tu.

¨TỪ: 9:00 – 9:30

Sau khi xả nghỉ tâm được tỉnh thức hoàn toàn mới nên tiếp tục tu tập Định Vô Lậu, ngồi kiết già, lưng thẳng dùng pháp hướng tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh:“Tâm phải bất động trước các pháp thế gian, phải giống như tâm Phật, phải buông xả hết không được buồn, vui, yêu, ghét, giận, hờn, thù, oán, ham muốn và sợ hãi v.v.. Tất cả các pháp trên thế gian này chẳng có gì là ta, của ta, nếu ta còn thấy là ta, là của ta, là ta còn vô minh, điên đảo, ngu si, là ta đã tự buộc chặt ta vào những sợi dây sanh tử luân hồi và khổ đau muôn kiếp”.

Kế tiếp quán xét Tứ Vô Lượng Tâm, tìm cái tốt của mọi người và quan sát các tật xấu, thói hư của mình để cố gắng khắc phục sửa chữa. Sau khi quán xong, kế tiếp ta dùng pháp hướng nhắc tâm như lý tác ý:“Tất cả mọi người ai ai cũng đều là những người tốt, không có ai là người xấu cả, họ thường giúp ta mọi mặt, lúc nghịch duyên cũng có lúc thuận duyên, để ta tùy theo các pháp mà lập đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và nhờ đó tâm ta mới được giải thoát ra khỏi biển đời đầy cay đắng, khắc nghiệt và đau khổ này. Ta luôn luôn phải nhớ ơn của mọi người, ơn nghĩa ấy rất sâu dầy, nhờ có các duyên thuận, nghịch của họ ta mới thấy tâm hồn mình thanh thản, an lạc và vô sự. Cho nên ta không có cớ gì oán giận, thù ghét họ. Đời ta được giải thoát như thế này thì ta hãy xem họ là ân nhân tốt nhất trong đời sống tu hành của ta”.

Kế tiếp, con phải tu tập nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả và tư duy, suy nghĩ cách thức nào, để hàng phục những hành động thân, miệng, ý ác của mình để hằng ngày chuyển hóa những hành động ác, để trở thành những hành động thiện. Và nhờ biết chuyển hóa như vậy, nên chuyển hóa được nghiệp báo khổ đau, bệnh tật, tai nạn và chuyển hóa cả nghiệp báo luân hồi sanh tử được nhẹ nhàng và thoái mái.

Nếu tâm ta thường hay sợ ma, sợ bóng đêm, sợ rắn, chuột, đỉa và các loài vật khác nữa, thì trong thời gian tu tập Định Vô Lậu ta nên quan sát các loài vật đều hiền lành không có loài vật nào hung ác, chúng cắn ta chỉ vì bảo vệ sự sống của chúng mà thôi, khi bị tấn công hoặc bị dậm đạp lên chúng, chúng đau đớn mà phản ứng bảo tồn sự sống nên mới cắn chúng ta. Tùy theo nhân quả và nghiệp báo của chúng, nên chúng mới có những hình dạng và màu sắc hoa đốm khiến cho chúng ta thấy có loài vật không sợ nhưng có loài lại thấy rất sợ hãi. Muốn không sợ hãi, ta nên dùng pháp hướng như lý tác ý: “Tâm đừng nên sợ rắn, rắn không cắn hại người hiền đâu,ta là người hiền tu theo đạo Phật, ta không làm ác, làm hại, làm khổ đau chúng sanh, thì quyết chắc không bao giờ có ác thú và rắn độc hại ta được, ta hãy bình tĩnh và không bao giờ sợ nữa”.

Nếu tâm thường sợ ma và bóng đêm thì ta nên nhắc: “Đức Phật đã dạy thế giới siêu hình không có, tức là không có linh hồn người chết, mà đã không có linh hồn người chết thì ma là cái gì? Ta quyết định không sợ ma, vậy không có ma, ma chỉ là một bóng dáng tưởng tượng của người còn mê tín lạc hậu mà thôi. Từ đây, tâm ta không được sợ ma nữa, phải dạn dĩ, can đảm và chẳng hề sợ gì cả’’.

Kế tiếp, ta tu tập dùng pháp hướng như lý tác ý để diệt ngã, xả tâm chấp ngã: “Thực phẩm là món ăn bất tịnh, uế trược, ta phải chừa tánh ưa thích ăn ngon”,và ta tác ý câu khác nữa:“Thân, thọ, tâm và các pháp này đều là do duyên hợp, không có cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nên từ đây về sau, ta không được chấp ngã, coi trọng ngã, yêu quí ngã, lo lắng cho ngã”.

Ngã là một trong nhiều duyên của nhân quả của các pháp hợp lại, thành thân ngũ uẩn, nó tiếp xúc các trần, tạo thành một thế giới khổ đau, trong đó chẳng có gì là của ta, là ngã của ta hết, ta phải thông suốt hiểu biết đó là một khối đau khổ hay gọi là thế giới khổ đau đang mở ra, biết rõ như vậy, ta phải xa lìa nó, từ bỏ nó, viễn ly nó.

¨TỪ: 9:30 – 10:00

Tu Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng như lý tác ý về vô lậu. Trước tiên, ta phải ngồi kiết già, lưng thẳng, sau khi thân tâm đã an ổn, rồi dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Sáu thức phải bám chặt vào tụ điểm, biết hơi thở ra, vô cho rõ ràng”.Hướng tâm xong, rồi hít một hơi thở dài chậm chậm để gom tâm, kế tiếp thở hơi thở bình thường, khoảng độ 5 hơi thở, rồi lại hướng tâm một lần: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở”,khi hướng tâm lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa. Sau khi thở 5 hơi thở xong, thấy thân tâm an lạc thì theo pháp hướng tâm như lý tác ý nhắc tâm: “Quán ly tham tôi biết tôi đang hít vô, quán ly tham, tôi biết tôi đang thở ra’’,tiếp tục lại thở 5 hơi thở nữa, rồi lại hướng tâm nhắc:“Quán ly sân tôi biết tôi đang hít vô, quán ly sân tôi biết tôi đang thở ra’’.Hướng tâm xong câu này, ta lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa, rồi lại hướng tâm nhắc: “Quán từ bỏ tâm si tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm si tôi biết tôi thở ra’’,kế tiếp lại thở 5 hơi thở nữa, rồi lại hướng tâm nhắc như trước: “Quán từ bỏ ngã mạn tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ ngã mạn tôi biết tôi thở ra’’,lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa, rồi lại hướng tâm như lý tác ý nhắc tâm như trên: “Quán từ bỏ tâm nghi tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm nghi tôi biết tôi thở ra”, tiếp tục ta lại thở 5 hơi thở nữa, rồi lại cũng nhắc tâm như: “Quán từ bỏ ái kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán tử bỏ ái kiết sử tôi biết tôi thở ra”,rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa, rồi hướng tâm như trên: “Quán từ bỏ sân kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ sân kiết sử tôi biết tôi thở ra’’,rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm nhắc như trên: “Quán từ bỏ thân kiến kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ thân kiến kiết sử tôi biết tôi thở ra’’, rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm: “Quán từ bỏ nghi kiết sử tôi biết tôi hít vô, Quán từ bỏ nghi kiết sử tôi biết tôi thở ra’’,rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm như trên: “Quán từ bỏ mạn kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ mạn kiết sử tôi biết tôi thở ra’’ rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và cũng hướng tâm như trên:“Quán từ bỏ hữu tham kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ hữu tham kiết sử tôi biết tôi thở ra’’ rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm như trên:Quán từ bỏ vô minh kiết sử tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ vô minh kiết sử tôi biết tôi thở ra’’,rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm như trên: “Thân này không phải là ta, tôi biết tôi hít vô, thân này không phải là ta, tôi biết tôi thở ra’’, rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và nhắc tâm như trên: “Thân này không phải của ta, tôi biết tôi hít vô, thân này không phải của ta, tôi biết tôi thở ra’’, rồi lại tiếp tục thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm như trên:“Thân này không phải là tự ngã của ta, tôi biết tôi hít vô, thân này không phải là tự ngã của ta, tôi biết tôi thở ra”.

Sau khi dùng pháp hướng về thân xong, thì chúng ta lại tiếp tục dùng pháp hướng như lý tác ý về thọ, khi hướng tâm về thọ xong, ta dùngpháp hướng về tâm,khi dùng pháp hướng về tâm xong, ta dùng pháp hướng về các pháp, nhưng có điều ta nên nhớ: lúc nào ta cũng phải nương theo hơi thở khéo tác ý như vậy, thì sự lợi ích và kết quả rất lớn cho hành giả.

Khi tu Định Niệm Hơi Thở và câu hữu pháp hướng vô lậu về thân, thọ, tâm, pháp như trên đã xong, ta lại tiếp tục tu tập Định Niệm Hơi Thở và câu hữu pháp hướng vô lậu thân, thọ, tâm, pháp như sau: “Thân này bất tịnh tôi biết tôi hít vô, thân này bất tịnh tôi biết tôi thở ra’’, rồi lại thở 5 hơi thở và hướng tâm như trên:“Thân này vô thường tôi biết tôi hít vô, thân này vô thường tôi biết tôi thở ra’’, rồi lại tiếp tục tu tập 5 hơi thở nữa và lại hướng tâm như trên:Có thân là khổ, tôi biết tôi hít vô, có thân là khổ, tôi biết tôi thở ra’’,rồi lại tiếp tục tu tập thở 5 hơi thở nữa và hướng tâm như trên: “Thân này vô ngã, tôi biết tôi hít vô, thân này vô ngã, tôi biết tôi thở ra’’.

Sau khi tu tập Định Niệm Hơi Thở và câu hữu pháp hướng vô lậu về thân xong, chúng ta lại tiếp tục tu tập như trên, nhưng thay vào thân bằng thọ, tâm và pháp. Trong thời gian tutập, chúng tađều phải nương theo hơi thở và khéo léo, thiện xảo như lý tác ý như vậy thì chúng ta sẽ thấy kết quả thân tâm an lạc vô cùng.

Cuối cùng nên nhớ kỹ, cứ cách 5 hơi thở thì phải hướng tâm nhắc một lần:“Cảm giác toàn thân an lạc, tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân an lạc tôi biết, tôi thở ra’’, rồi lại tiếp tục tu 5 hơi thở nữa và hướng tâm:“Cảm giác toàn tâm an tịnh tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm an tịnh tôi biết tôi thở ra’’,rồi lại thở tiếp 5 hơi thở nữa và hướng tâm nhắc:“Tâm như cục đất tôi biết tôi hít vô, tâm như cục đất tôi biết tôi thở ra’’.

¨TỪ: 10:00 – 12:00(thọ thực)

¨TỪ: 12:00 – 2:00(tịnh chỉ)

--o0o--

BUỔI CHIỀU:

Từ 2h00 – 2h30 (Định Niệm Hơi Thở tu tập theo thời khóa như lúc 7,00 - 7,30).

Từ 2h30 – 3h00 (xả nghỉ thư giãn tu tập đúng như lúc 7,30 - 8,00).

Từ 3h00 – 3h30 (đi kinh hành tu tập đúng như lúc 8h00 – 8h30).

Từ 3:30 – 4:00 (xả nghỉ ngồi chơi và tu tập đúng như lúc 8:30 – 9:00).

Từ 4:00 – 4:30 (Định Vô Lậu tu tập như lúc 9:00 – 9:30).

Từ 4:30 – 5:00 (Định Niệm Hơi Thở câu hữu pháp hướng Vô Lậu, tu tập như thời gian lúc 9:30 – 10:00).

Từ 5:00 – 6:00 (lao tác quét dọn).

Từ 6:00 – 7:00 nghỉ ngơi.

--o0o--

BUỔI TỐI:

Từ 7:00 – 7:30

Từ 7:30 – 8:00

Từ 8:00 – 8:30

Từ 8:30 – 9:00

Từ 9:00 – 9:30

Từ 9:30 – 10:00

Tu tập như buổi sáng.

Từ 10:00 – 2:00 ( tịnh chỉ).

--o0o--

BUỔI KHUYA:

Từ 2:00 - 2:30

Từ 2:30 – 3:00

Từ 3,00 – 3:30

Từ 3:30 – 4:00

Từ 4:00 – 4:30

Từ 4:30 – 5:00

Tu tập như buổi chiều.

Từ 5:00 – 7:00 (lao tác).

Tuy thời khoá tu tập đã thành lập xong, nhưng giờ giấc còn phải tùy ở mọi hoàn cảnh và đặc tướng của mọi người, cần phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và cơ thể để sự tu hành có kết quả tốt, đến đây thời gian tu tập trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ được chia ra là hết.

Xin quý vị lưu ý: về Định Niệm Hơi Thở, nếu quý vị đã từng tu tập về hơi thở do sự hướng dẫn sai, bị gom tâm ức chế quá nhiều để ngăn vọng tưởng, gây căng thẳng thần kinh, nặng mặt, nhức đầu, thì không nên tu tập về hơi thở nữa, chỉ nên tu tập thân hành niệm ngoại và cố gắng xả tâm “ly dục, ly ác pháp”.

THẤT NIỆM

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ngoài thời tu tập ra, con còn bị thất niệm nhiều, vậy con phải tu như thế nào? Và cách thức nhiếp tâm như thế nào, để vọng tưởng không xen vào được? Và muốn kéo thời gian dài ra từ một giờ, đến hai ba giờ, con phải tu tập như thế nào, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?

Đáp: Con nên tu tập làm chủ trong thời khóa tu tập mà thôi, đừngđể thấtniệm trong giờ tu, còn ngoài giờ tu,con hãy trả tâm con về trạng thái bình thường của nó đừng bắt ép nó nhiều quá, mất tự nhiên.

Trong thời khóa tu tập mà còn thất niệm, như vậy do con tu không đúng cách, theo các điều kiện như sau:

1-        Tu tập quá sức của mình.

2-        Ham tu nhiều, mà tu không đúng cách, ví dụ: người mới tu nên đi kinh hành nhiều mà lại ngồi nhiều thì không đúng.

3-        Lười biếng không đi kinh hành.

4-        Chưa tập luyện ổn định hơi thở bình thường.

5-        Chưa tập hơi thở gom tâm.

6-        Thay vì tu 5 hơi thở lại tu 10 hơi thở.

7-        Không phòng hộ sáu căn, thường để tâm phóng dật.

8-        Sống không đúng giới luật của Phật.

9-        Không sống độc cư trọn vẹn, còn thích vui.

10-    Nên trực tiếp với thiện hữu tri thức hướng dẫn.

Mười điều trên đây cần phải lưu ý trong khi tu tập Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác là phải hết sức nhiệt tâm, nếu thiếu nhiệt tâm thì tu tập vẫn bị thất niệm. Bị thất niệm, tức là thiếu nhiệt tâm và tu tập quá sức của mình.

HỒI HƯỚNG

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Hết mỗi giờ tu con hồi hướng cầu siêu, cầu an và phát nguyện như vậy có đúng không thưa Thầy? Trong kinh sách Đại Thừa dạy, mỗi khi ăn cơm xong cũng như ngồi tu thiền hoặc niệm Phật, tụng kinh v.v.. đến khi xả ra đều hồi hướngcho tất cả chúng sanh được sanh về Tịnh Độ, chúng con đã từng quen hồi hướng như vậy có đúng không xin Thầy chỉ bảo cho chúng con được rõ?

Đáp: Tâm con còn phàm phu, tham, sân, si, mạn, nghi, còn ngăn che, thương, ghét, giận, hờn, phiền não, v.v.. còn rất nhiều sự đau khổ, gặp duyên còn chướng ngại, chính hiện giờ, con đang chung sống với chị em, thế mà con còn không tùy thuận được để mọi người vui vẻ với nhau. Tâm conchưa thanh tịnh, chưa trong sạch, còn ô nhiễm quá nhiều, vậy conhồi hướng cầu siêu, cầu an cho người khác, với tâm như vậy thì phỏng có ích lợi gì được cho ai? Hay chỉ là một hình thức suông. Sự hồi hướng như vậy chẳng ích lợi gì cho con mà cũng chẳng ích lợi gì cho người khác, chỉ nói lên sự không thành thật, sự dối trá của con mà thôi.

Con đang tu tập, tâm con chưa thanh tịnh mà con muốn hồi hướng cho người khác thì hồi hướng tâm nào? Tâm xấu hay tâm tốt, tâm tốt thì con chưa có, còn đang tu tập, còn tâm xấu thì không lẽ hồi hướng cho họ sao?

Tâm con chưa thanh tịnh, còn quá nhiều khổ đau mà hồi hướng cho người thì hóa ra con hồi hướng sự bất tịnh, uế nhiễm, sự khổ đau cho người khác, như vậy có đúng không?

Người tu sĩ đạo Phật làm thật, nói thật, nghĩ thật, cớ đâu lại làm giả, nói giả, nghĩ giả. Con đừng nghe theo kinh sách phát triển, những gì kinh sách phát triển đều dạy chúng ta làm những hình thức từ bi, bác ái bên ngoài, đó là làm giả, nghĩ giả, nói giả để lừa đảo, lường gạt người thiếu hiểu biết, nên lầm tưởng làm như vậy là trải tâm từ bi vô lượng, vô biênthương xót khắp cùng chúng sanh, để tỏ ramình là Bồ Tát thừa[1]độ[2] nhiều người, đó là một điều đi ngược lại và phỉ nhổ vào Phật giáo Nguyên Thủy. Ý đồ của kinh sách phát triển là dìm Phật giáo Nguyên Thủy xuống cho là ngoại đạo Tiểu Thừa (xe nhỏ) ích kỉ, nhỏ hẹp chỉ chở một mình, không độ ai hết, không làm từ thiện, không thương xót ai cả, không dạy người tu hành chỉ lo tu cho mình.

Chủ trương của Phật giáo Nguyên Thủy là khi tu xong mới độ người, còn chưa tu xong thì không dám độ ai. Vì độ như vậy là tự giết mình mà còn giết người khác, bằng chứng hiển nhiên hiện giờ, các nhà kinh sách phát triển đã giết mình mà còn giết nhiều người khác nữa, không những giết một đời người mà còn giết nhiều thế hệ con người.

Bởi sự lừa đảo của kinh sách phát triển tự dối mình, dối người bằng những ngôn ngữ lặp đi lặp lại của lời người xưa, để rồi chịu chết trong sựđau khổ từ kiếp này sang kiếp khác, không có làm chủ được sanh, già, bệnh, chết.

Sự hồi hướng của kinh sách phát triển dạy là sự dối trá, để kết thúc câu trả lời này, con hãy đọc lại bài kinh Ước Nguyện của Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ:“Khi nào chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì sẽ hồi hướng cho mình, cũng như cho người khác sẽ có kết quả tốt đẹp”. Đó chính là hồi hướng tâm thanh tịnh tốt của chúng ta đến mọi người, còn giới luật chưa nghiêm chỉnh thì xin đừng hồi hướng cho ai hết.

Mười bảy điều ước nguyện trong kinh Sa Môn Quả thuộc Trường Bộ kinh nên sống đúng giới luật đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì ước nguyện cho mình cho người đều có hiệu quả.



[1] - Bồ Tát thừa là xe lớn có nghĩa là chở nhiều người, hướng dẫn mọi người tu tập.

   

[2] - Độ là chở, là dạy cho biết cách tu hành, là giúp đỡ mọi mặt (từ thiện).

TIÊU CỰC

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy, con muốn giữ hạnh đi khất thực ngày một bữa, nhưng thân con bệnh thấp khớp, tâm con còn yếu chưa xả ly ghét bỏ được thân này, vì vậy con cần phải có thời gian nhàn rỗi thư giãn, tu tập sức tỉnh thức, gạn lọc lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm cho tốt và pháp hướng phải có hiệu quả, ngược lại ra ngoài lao động nhiều, mệt mỏi tu tập rất khó, sức tỉnh thức mất dần, pháp hướng tâm không được hiệu quả.

Con thích tu hơn, dù miếng ăn có cực đơn điệu mà tâm thanh thản hơn là ăn ngon, mà bị bất an, khó tu.

Kính tthưa Thầy, những ý kiến trên đây là của con có đúng không? Xin Thầy mở lòng từ bi chỉ dạy chỗ sai quấy để con sớm diệt trừ, phát huy cái tốt, cái cần cho sự tu tập ở ngày nay cũng như ngày mai, con xin thành kính tri ân.

Đáp: Hạnh đi xin ăn là đức hạnh cao quý và giải thoát nhất của vị tu sĩ đạo Phật, là Chánh Nghiệp của bậc thánh tăng, chứ không phải những loại người đi xin ăn thường tình (xin tiền), nó có nhiều ý nghĩa trong đường tu tập giải thoát của đạo Phật. Nhờ đức hạnh đi xin này mà kết quả xả tâm ly dục, ly ác pháp rất dễ dàng, cụ thể và rõ ràng, đi xin ăn ngày một bữa, không xin tiền xin bạc, chỉ xin thực phẩm vừa đủ ăn trong một bữa, đó là thánh hạnh của bậc chơn tu Phật giáo, chứ người thường tình thế gian không thể sống như vậy được. Hạnh đi xin ăn có nhiều ý nghĩa của cuộc sống giải thoát như:

1-        Giải thoát được thân, tâm không bận tâm lo đời sống ăn uống hằng ngày như: nấu, nướng, trồng, trỉa, gặt, hái v.v..

2-        Gieo duyên lành với chúng sanh, hay nói cách khác là tạo mối liên hệ để dẫn dắt chúng sanh tu hành giải thoát sau này, gọi là hóa duyên độ chúng sanh.

3-        Diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

4-        Lập hạnh nhẫn nhục.

5-        Lập hạnh tùy thuận.

6-        Lập hạnh xả vật chất.

7-        Lập hạnh giải thoát tâm phóng khoáng như hư không.

8-        Lập hạnh phòng hộ sáu căn.

9-        Lập hạnh thiểu dục tri túc.

10-    Cuộc sống trầm lặng và đơn giản giữa mọi người.

Đó là 10 điều lợi ích của đức hạnh đi khất thực, nó vừa trực tiếp với các đối tượng nhưng lại ngầm bên trong tâm gián tiếp lập đức hạnh thánh tăng của một người tu sĩ đạo Phật, có một đời sống, bằng nhữnghành động sống, thật sự đạo hạnh của người tu sĩ chân chánh.

Theo như mọi người tu thiền định hiện giờ, họ tự nghĩ: phải sống nhập thất suốt ngày này qua ngày khác, không làm việc gì cả, chỉ có chuyên ròng tu tập mà thôi. Với ý nghĩ này, không đúng với tinh thần buông xả của đạo Phật. Tại sao vậy? Tại vì ở trong thất tu tập như vậy, tức là ức chế tâm, trái ngược lại đạo Phật là đạo xả tâm (ly dục, ly ác pháp), nên hạnh đi khất thực là một hành động tu trực tiếp đối với các pháp để xả tâm của mình, trừ trường hợp lúc nhập định mà thôi.

Thời đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo phải đi khất thực vào buổi sáng trước giờ ngọ, ngay cả nhữngngười già yếu cũng phải đi xin ăn, chính như đức Phật đã già tám mươi tuổi mà vẫn còn đi xin ăn hằng ngày như những vị tỳ theo khác.

Đi khất thực vào buổi sáng có tu tập được gì không? Có mất thời gian tu tập không?

Lấy thời gian buổi sáng đi khất thực là phải nói rằng: chính buổi sáng là thời gian tu tập nhiều nhất, nhất làgiao tiếp với các pháp, người tu sĩ nhờ có các đối tượng để tu tập xả tâm như:

1-        Đi khất thực, khi ra khỏi tu viện các thầy tỳ kheo cần phải phòng hộ sáu căn, mắt nhìn xuống, tai nghe sự hoạt động trong thân, ý phải giữ gìn chánh niệm trong hành động bước đi, đó là ngăn ác pháp (Tứ Chánh Cần), khi tâm có khởi niệm gì, đều phải quán vô lậu quét sạch, tức là diệt ác pháp.

2-        Giữ tâm trong chánh niệm tỉnh giác, (thân hành niệm nội ngoại), hơi thở hoặc bước đi.

3-        Trải tâm từ trên bước đi, tránh dậm đạp chúng sanh (Tứ Vô Lượng Tâm từ, bi, hỷ, xả).

Trong một ngày, một đêm tu tậpcó ba thời tu trong cảnh tịnh (chiều, tối, khuya) còn thời gian buổi sáng tu trong cảnh động phòng hộ và xả tâm trong các đối tượng. Chiều, tối, khuya tu rất dễ, chỉ có buổi sáng tu rất khó. Ba thời tu “tỉnh thức”, một thời tu “chánh niệm”. Nhờ có chánh niệm mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

Bởi vậy, cố tránh ngoại cảnh để tu, tức là trốn tâm mình, trốn tâm mình khó mà thực hiện được chánh niệm, chánh niệm không thực hiệnđược thì tâm không bao giờ xả, mà tâm không xảđược thìlàmsao ly dục, ly ác pháp được, mà không ly dục, ly ác pháp được thì làm sao nhập được Bất Động Tâm và nhập được Sơ Thiền, nhập Bất Động Tâm chẳng được thì làm sao nhập Sơ Thiền được. Nhập Bất Động Tâm chẳng được thì dù có tu ngàn kiếp cũng chẳng làm chủ được sanh tử luân hồi.

Hiện giờ, trong đất nước chúng ta, không thể thực hiện hạnh đi khất thực được, vì những bậc thầy tổ đã chịu nhiều ảnh hưởng giáo lý kinh sách phát triển Bà La Môn, nên đã bỏ hạnh đi khất thực từ lâu. Tu như các thầy theo kinh sách phát triển, giới luật không nghiêm chỉnh, đức hạnh không có, ai mà cúng dường. Do đó, chỉ còn cách đi tụng niệm, cúng bái làm ma chay, làm những điều mê tín để mà sống. Vì thế, trong chùa phải tự tổ chức nấu ăn như người thế tục và ăn ngày ba bữa, do ăn uống nhiều quá, nên phải tổ chức lao động cày cấy, trồng trọt như tổ Bách Trượng đã dạy: “nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực, có nghĩa là mộtngày không làm là một ngày không ăn”,đó là những chùa ở nông thôn, còn những chùa ở thành thị không có cày cấy trồng trọt được, nên phải tổ chức lễ lộc cúng bái làm những điều mê tín dị đoan để lừa đảo tín đồ nhẹ dạ, lạc hậu, phần nhiềulà phái nữ, lấy nghềcúng bái, tụng niệm hoặc đi thuyết giảng lung tung mà mình tu hành chẳng được những gì, chỉ toàn vọng ngữ hoặc đi hành hương chùa này, chùa khác để kiếm lời trong mỗi chuyến đi, để làm sự sống. Sự sống của tu sĩ Phật giáo hiện giờ là một sự trao đổi, bằng cách buôn Phật, bán pháp và khéo lừa đảo, bằng sự mê tín không chơn chánh, phi đạo đức.

Thời đại hiện giờ, nếu muốn giữ được Chánh Nghiệp của Phật giáo thì phải khéo léo tổ chức, nhờ các cư sĩ có nhiệt tâm với Phật giáo, để trợ duyên trong giai đoạn đầu cúng dường sớt bát, giải quyết về đời sống của tu sĩ để họ còn giữ gìn hạnh đi xin ăn, chính nhờ đó, mới thực hiện được đời sống giải thoát, có thực hiện được như vậy thì tâm họ mới ly dục, ly ác pháp, còn ngược lại, không giữ được hạnh đi xin thì lần lượt sẽ phạm và phá các giới luật, vì vậy, phạm hạnh của người tu sĩ không còn nữa.

Đồng thời vừa đi xin ăn, cũng vừa phải tổ chức cho tu sĩ mỗi ngày có năm mười phút lao tác nhẹ như quét dọn vệ sinh chung quanh thất hoặc giảng đường, để họ vừa tu trong hành động lao tác và cũng để cho chung đụng với các đối tượng bên ngoài, đó là thực hiện các pháp phòng hộ tâm, tức là cách thức sống trầm lặng độc cư, nhẫn nhục, tùy thuận và buông xả v.v.. Nhờ có những buổi lao tác này, tu sĩ mới thực hiện chánh niệm, xả tâm ly dục, ly ác pháp, chính vì những lối tu như vậy, người tu sĩ mới thấy được sự giải thoát của đạo Phật trong cuộc sống rất cụ thể và rõ ràng. Nếu không có những buổi lao tác vệ sinh chung như vậy và không có các đối tượng để tu tập chánh niệm xả tâm, mà cứ an nhiên ở trong thất tu tập thiền định thì bị ức chế tâm. Và vì vậy, dù có tu tập suốt ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng nhập được thiền định gì cả. Nếu cứ ở trong thất mà tu tập thiền định, để được nhất tâm bất loạn, thì đó là những loại thiền ức chế tâm, chứ không phải thiền xả tâm và tu như vậy thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, chỉ đó là hình thức tu thiền để lừa đảo người khác mà thôi, chứ chẳng có ích lợi gì, phải nói rõ hơn, đó là một trò lừa bịp, bằng thần thông tưởng.

Mục đích và đường lối tu tập của đạo Phật là diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, cho nên những pháp tu tập đều nhắm vào ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp khiến cho tâm được an vui và thanh thản hoàn toàn, đó là tâm thanh tịnh, tâm giải thoát, tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi che mờ nữa và không còn có thất kiết sử trói buộc, nó là tâm bất động của đạo giải thoát, chính đó mới là thiền định của đạo Phật.

Nếu con không hiểu được vậy, mà cứ ở trong thất tu tập tỉnh thức trong cảnh tịnh, thì tỉnh thức kia, chỉ là tỉnh thức tưởng sẽ rơi vào trạng thái tĩnh lặng tưởng, thì không thể nào giải thoát tâm con được, mà còn có thể đưa con đến con đường tà thiền tà định, như các thầy tổ của chúng ta đã bị lạc đường theo giáo pháp kinh sách phát triển từ xưa đến nay.

Con phải tỉnh thức ngay trong các đối tượng, thường sống chánh niệm, để tâm con ly xả, từ bỏ và viễn ly các ác pháp. Có như vậy, sự tu tập của con mới thực tế và cụ thể giải thoát, đừng lầm lạc vào giáo pháp phát triển, vì giáo pháp của kinh sách phát triển chỉ dạy cách thức tu tập không có pháp hành, thường lý luận suông bằng những danh từ, có khi rất trừu tượng, mơ hồ, viễn vông thiếu thực tế, phi đạo đức, khiến cho người tu tưởng mình đã giải thoát theo ngôn ngữ, nhưng nào ngờ, giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy bỏ công lao tu tập đến khi gặp việc gì thì tâm nào cũng còn tật nấy. Rốt cuộc chỉ bị kinh sách phát triển lừa đảo bằng miệng lưỡi với những danh từ triết lý suông.

Lao tác của người tu hành là lao tác trong tu tập, chứ không phải lao tác làm ra của cải (kinh tế), cho nên lao tác mà không có mệt nhọc và không có lo lắng, còn lao tác mệt nhọc và lao tác lo lắng là lao tác làm ra cơm gạo để sống (lao tác kinh tế), nên sự lao tác đó phải có sự tư duy, suy nghĩ kỹ lưỡng, do sự lao tác như vậy, nên tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự.

Lao tác để tu tập, chính là nhờ vào sự lao tác hoạt động của thân thể, để nương vào hành động đó mà tâm được tỉnh thức nên thường nhớ hướng tâm như lý tác ý, ly dục ly ác pháp, lao tác như vậy, gọi là lao tác tu tập để xả tâm; lao tác như vậy là để thư giãn tinh thần; lao tác như vậy là để sống độc cư, trầm lặng; lao tác như vậy là để phòng hộ sáu căn; lao tác như vậy là để tu tập Tứ Vô Lượng Tâm; lao tác như vậy là để tu tập tịnh chỉ ngôn ngữ; lao tác như vậy là để rèn luyện đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Người tu hành theo đạo Phật, phải hiểu lý của đạo cho rõ ràng, biếtmục đíchcủa đạo phải cụ thể, không được mơ hồ trừu tượng và còn phải biết cách tu tập cho đúng, phải nương theo mọi cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra, phải biết giữ gìn tâm, phòng hộ tâm, mà còn phải biết tu đức hạnh tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng trước các đối tượng, mọi hoàn cảnh và mọi sự việc đều phòng giữ tâm, xả tâm, diệt tâm, viễn ly và từ khước các ác pháp v.v..

Tu mà còn thích cảnh này, cảnhkia, sống phải như thế này, sống phải như thế kia, ăn như thế này, ăn như thế kia v.v.. Thích cảnh tịnh, sợ cảnh động, thích nhập thất ở không, thích ngồi nhiều, thích khổ hạnh, thích giản dị, thích tự do và tự tại theo ý muốn của mình v.v.. Đó là cách tu theo lòng ham muốn của mình, tu như vậy là tu tránh né cảnh và các pháp, không bao giờ có sự giải thoát.

Tu là buông xả sự ưa thích, hammuốn trước cảnh, trước pháp, trước mọi cảnh mọi pháp nào, tâm chúng ta phải đều buông xả cho được, đó chính là tu tập thiền định của đạo Phật, còn không tu hành đúng như vậy là tu tập tà thiền ngoại đạo.

Con phải nhớ lấy cảnh động và dùng pháp hướng tâm như lý tác ý, đểgiúp tâm con xa lìa ác pháp và lòng ham muốn,nhờ đó tâm được tịnh, đó là giải thoát ngay liền; đó cũng chính là thiền định chơn chánh của đạo Phật, đừng nên tránh né trốn cảnh mà tu, đừng nên lý luận“tâm còn yếu”,để rồi tránh cảnh thì tu ngàn kiếp cũng chẳng ra gì!

Đừng nghĩ rằng, tâm con còn yếu không dám đương đầu với nghịch cảnh, tu như vậy không đúng cách của đạo Phật là hèn nhát con ạ! Tu là phải nhiệt tâm, gan dạ, kiên trì, phải đầy đủ nghị lực quyết chiến, quyết thắng, phải đem hết sức lực của mình ra chiến đấu đến tận cùng, để tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự, chỉ những người có nhiệt tâm, nhiệt huyết muốn ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ thì việc tu tập này không còn khó khăn nữa.

Con nên nhớ, người tu sĩ đạo Phật là một dũng tướng như Triệu Tử Long ở trận Đương Dương Trường Bản, có như vậy mới chiến thắng được nội tâm.

NHÂN DUYÊN

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con là người có đầy đủ nhân duyên để thọhưởng phápmầu của chư Phật mà Thầy đã triển khai và ban cho chúng con, nhưng con cũng chưa đủ phước để được ở gần bên Thầy trực tiếp chỉ dạy, con chỉ ước mơ một ngày nào đó được nhập chúng ở tu viện.

Đáp: Hãy cố gắng nỗ lực tu tập con ạ! Dù ở đâu có nhiệt tâm tu hành, quyết xả cho được tâm ham muốn của mình và các ác pháp thì ở đó cũng có sự giải thoát liền, đến khi tâm xả được thì cũng có ngày đủ duyên sẽ được tu tập thiền định dưới sự hướng dẫn của Thầy để tiến sâu vào định, còn nếu chưa xả tâm mà tu hành bên Thầy thì kỷ luật quá khắt khe, e rằng con không thể vượt qua được, rồi đây con sẽ lỡ dở đường tu hành, bỏ cuộc giữa đường thì rất uổng phí một đời.

Giai đoạn đầu là giai đoạn tu tập ly dục ly ác pháp, giai đoạn này tu tập không nguy hiểm, chỉ cần có các đối tượng để xả tâm, tức là tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, cũng như bây giờ chưa có duyên được ở gần bên Thầy thì hãy tập sống đúng giới luật, tức là sống đức hạnh làm người và làm Thánh, kế đó hằng ngày con hãy chuyên cần tu tập Tứ Chánh Cần thì sẽ ly dục, ly ác pháp được, khily đượcdục và ác pháp thì chừng đó sẽ được gần Thầy.

TÁNH GIÁC

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh, Phật Tánh tức là tánh giác, tánh giác ấy ban đầu diệu dụng sáng suốt, không có vật gì sánh bằng, như do niệm minh, tánh sáng suốt đó, trở thành điên đảo vô minh mà theo nghiệp báo luân hồi. Vậy con không hiểu lý do gì mà sự sáng suốt đó không còn hạn chế mà lại trở thành vô minh, xin Thầy dạy rõ cho chúng con hiểu ý sâu mầu này?

Đáp: Kinh Thủ Lăng Nghiêm là kinh sách phát triển, do người sau viết ra mạo nhận là Phật thuyết, nên lối lý luận thiếu chân thật, không logic, thường mâu thuẫn v.v..

Kinh này chỉ dạy cho chúng ta thấy Phật tánh. Phật tánh là tánh biết thường hằng sáng suốt từ vô thủy cho đến nay. Tất cả chúng sanh từ loài côn trùng, cầm thú cho đến loài người đều có Phật tánh, nhưng Phật tánh là tánh biết sáng suốt sao thường chịu nhiều khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác, Phật tánh là tánh biết sáng suốt mà còn chịu nhiều khổ đau như vậy, thà là chịu tối tăm không sáng suốt như loài cầm thú thì còn hơn có tánh Giác mà lại si mê để chịu mọi sự khổ đau, thì mới thật là buồn cười cho loại kinh sách dùng xảo ngôn lừa đảo người, nhưng xét lại kinh sách phát triển này cho cùng chúng ta thấy có rất nhiều cái sai trong kinh này chứ không riêng về Phật tánh.

1- Tánh nghe, tánh thấy, tánh biết, những tánh này thường hằng bất biến, thường nghe, thường thấy, thường biết, đó là cái sai thứ nhất. Khi một người đang ngủ, cũng như một bệnh nhân đang gây mê để giải phẫu thì tánh nghe, tánh thấy, tánh biết có còn nghe, thấy, biết nữa hay không? Hay nó đã ngủ, đã mê không còn biết như thân tứ đại của nó vậy?

2- Phật Tánh này đã có từ vô thủy diệu dụng sáng suốt không gì bằng, đó là cái sai thứ hai. Tại sao sáng suốt (tánh giác) mà bây giờ lại mê lầm để đến nỗi sanh làm chúng sanh, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu biết bao nhiêu trong sự khổ đau sanh, già, bệnh, chết từ kiếp này đến kiếp khác. Đã nói là tánh giác thì có cần gì đến đức Phật Thích Ca giảng dạy kinh Thủ Lăng Nghiêm này, nó cũng vẫn phải biết tánh thấy, tánh nghe, tánh biết của nó, vì nó là tánh giác. Cớ sao phải đợi đến đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm thì chúng sanh mới biết, thì như vậy, làm sao gọi là tánh giác có từ vô thủy cho đến nay. Vả lại, tất cả chúng sanh đều có tánh giác nhưng sao tánh giác lại ngu si quá vậy, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, tạo biết bao nhiêu nhân ác, để rồi thọ biết bao nhiêu quả khổ, từ đời này, sang đời khác, thế mà các nhà kinh sách phát triển gọi là tánh giác có từ muôn đời ngàn kiếp, như vậy cái tánh giác này (Phật Tánh) có còn giác tánh hay không?

Kinh Thủ Lăng Nghiệm dạy: “Cái thể bản lai thanh tịnh bồ đề Niết Bàn thì như hiện nay, cái tính bản minh thức tỉnh của ông (A Nan) sinh ra cái duyên mà lại bị bỏ rơi. Do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy, nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo”.

Đọc đoạn kinh này, ta thấy hết sức vô lý và mâu thuẫn, dù cho lời này là Phật Thích Ca Mâu Ni nói, chúng ta cũng không chấp nhận mà tin được, huống là Tổ nói. Người ta cứ nghĩ rằng, cái gì của Phật, Tổ, Tiên, Thánh nói ra là đúng cả.

Đâu phải vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta: “Cái gì Ta nói cũng đừng nên tin mà hãy suy ngẫm cho kỹ, cái đó có mang đến sự an vui chân thật cho mình cho người hay không rồi mới tin’’. Đó không phải đức Phật đã xác quyết lòng tin của chúng ta, phải được ở nơi trí tuệ sáng suốt của mình, khi hành động của chúng ta tiếp xúc với các pháp mà kết quả đúng với đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì mới chấp nhận, còn ngược lại thì không chấp nhận.

Người tu sĩ đạo Phật nhờ tri kiến giải thoát, tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác, chứ không phải tri kiến giải thoát là tánh giác như trong kinh sách phát triển đã dạy.

Tri kiến cái gì ở đây để được giải thoát? Và giải thoát cái gì? Tri kiếngiải thoát có hai cách:

 1- Thứ nhất là“Tri kiến” duyên “sanh”, sanh tức là các pháp, tri kiến tức là biết rõ, nghĩa là biết rõ các pháp “Vô thường, khổ, không, vô ngã”, biết rõ các pháp như vậy, đồng thời dùng sứctỉnh thức để không bị lôi cuốn, chìm đắm, dính mắc trong các pháp. Do đó mới gọi là vô lậu, giải thoát, mới gọi là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

2- Thứ hai là tri kiến “luật nhân quả thiện ác” để ngăn ác, diệt ác pháp, khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp, do ngăn ác, diệt ác pháp, khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp, nên tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền; tâm ly dục, ly ác pháp, nhập Sơ Thiền là tâm đã thanh tịnh, tức là tâm không phóng dật; tâm không phóng dật, tức là tâm nhập bất động tâm định; tâm nhập bất động tâm định là tâm vô lậu, người mà tâm vô lậu là người có tri kiến giải thoát hoàn toàn.

Cho nên tri kiến giải thoát của đạo Phật là chánh niệm tỉnh thức trong bất động tâm định, do sự tu tập tỉnh thức và huân tập pháp như lý tác ý, để khắc phục tâm tham ưu mà có, chứ không phải là tánh giác như trong kinh sách phát triển dạy.

Trong kinh sách phát triển dạy Tánh giác đã có sẵn từ vô thủy mà bây giờ lại mê lầm vô minh, u mê tạo nhiều nhân ác, thọ nhiều sự khổ đau, chịu tái sanh luân hồi muôn kiếp, thì có vôlý hay không? Quý vị hãy suy ngẫm về kinh này có đángtin thì quý vị tin, còn bằng không thì quý vị đem đốt sạch, đừng để những loại kinh này chẳng ích lợi gì.

Ví dụ: Có một người đã thi đỗ tiến sĩ và ông, cũng không bị một loại bệnh thần kinh nào, nhưng bỗng dưng bây giờ ông ta lại quên hết giống như một người chưa từng đi học, việc này như vậy có thể xảy ra hay không? Chắc hẳn không bao giờ có, phải không quý vị

Như chúng tôi đã từng tu tập và học hỏi giáo pháp của đức Phật. Ngài đã dạy: từ vô minh sanh hành, hành sanh thức và tiếp tục sanh khởi các duyên, do các duyên hành thức tạo ra các pháp, từ các pháp sanh, diệt, vô thường đưa đến những sự đau khổ, ưu bi, phiền não, sanh, già, bệnh, chết và tiếp tục tái sanh luân hồi.

Muốn chấm dứt sự khổ đau của kiếp làm người thì phải đoạn diệt vô minh mà vô minh được đoạn diệt, tứclà phải có “minh”, minh ở đây, tức là trí tuệ tri kiến giải thoát, trí tuệ tri kiến giải thoát là một sự tu tập mà có, chứ không phải tánh giác có sẵn.

Ngược lại, trong kinh sách phát triển cho tánh giác là có sẵn, tánhgiác đã cósẵn mà còn lại đi tìm tánh giác thì có vô lý hay không?

Một nhà bác học, đã học và thông suốt mọi điều, bây giờ ông ta còn cắp sách đến học những điều ông đã thông suốt đó, thì đó có phải là một việc làm vô ích và vô lý hay không? Xin quý vị vui lòng suy ngẫm, đừng vội nghe chúng tôi nói mà tin.

Kinh Thập Nhị Nhân Duyên dạy rất rõ ràng: “con người sinh ra từ vô minh, nên lầm chấp dính mắc các pháp, tạo ra một thế giới đau khổ (mười hai nhân duyên hợp lại thành thế giới đau khổ)”, chứ không có một Phật Tánh, một Tánh Giác, một Bản Lai Diện Mục nào ngu si đến mức độ không tưởng tượng được, nhằm chỗ bất tịnh, ô trược, bẩn thỉu, hôi thúi mà lại chui vào để tái sanh luân hồi. Như vậy, kinh sách phát triển gọi tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, Tánh Giác từ vô thủy thì chúng ta có tin được không?

Đạo Phật rất thực tế không xây dựng thế giới siêu hình, con người chết là mất hết không có Linh Hồn, Thần Thức; không có Bản Lai Diện Mục, Phật Tánh nào cả, chỉ còn lại những hành động nhân quả thiện ác đã huân tập nhiều năm, tháng, nên đãtrở thành nghiệp lực, nghiệplực ấylà vô minh hoàn toàn, cho nên mọi người sanh ra trên trái đất này, ngay cả đức Phật cũng đều là vô minh.

Xưa, đức Phật đã làm khổ mình, khổ những người thân của mình, một bằng chứng hiển nhiên, khi Ngài bỏ ngai vàng, cha già, vợ trẻ, con thơ đã khiến cho những người này khổ đau vô cùng, sáu năm khổ hạnh không phải là Ngài đã tự làm khổ mình sao?

Từ vô minh sanh khởi các hành, các hành mới sanh ra thức, chứ không phải có cái thức này từ đâu mà đến đây được, cũng không phải nó có sẵn. Trong kinh A Hàm đức Phật đã dạy: “Nếu còn một chút xíu thức như đất trong móng tay Ta thì con người không giải thoát và đạo Ta không ra đời”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã lừa đảo mọi người, Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe, những tánh này là thường, lạc, ngã, tịnh, nó luôn luôn có trí tuệ diệu dụng, hằng giác, sáng suốt vô hạn, thế mà lại chui vào cái bao hôi thúi. Thiền Sư Triệu Châu trả lời cho một thiền tăng hỏi đạo: “Biết mà cố phạm”. Xưa, đức Phật cho những luậnthuyết này là những loại luận thuyết trườn uốn như con lươn.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy câu này thật là vô lý:“do các chúng sanh bỏ rơi cái bản minh ấy, nên tuy cả ngày sống trong tánh bản minh mà không tự giác’’. Xin hỏi cái tánh bản minh của chúng sanh với chúng sanh là một hay là hai? Nếu bảo rằng một thì làm sao gọi là bỏ rơi? Nếu bảo rằng là hai, tức là có cái minh và cái vô minh, nhưng cái minh đã có từ vô thủy thì làm sao cái vô minh lại xen vào được. Đó là một điều hết sức vô lý của kinh sách sách phát triển.

Theo đạo Phật, cái vô minh đã có sẵn từ vô thủy vì nó là nghiệp lực, do sự tu tập của chúng ta đúng chánh pháp mới lần lần vén sạch màn vô minh, tức là đập phá và diệt sạch nghiệp lực, nên gọi là minh.

Trong Thập Nhị Nhân Duyên, chúng ta không thấy đức Phật dạy có duyên minh bao giờ. Minh mà có được là do sự tu tập, vì vậy Tánh giác không thể có từ vô thủy được.

Vô minh và minh như đêm và ngày, cái này có thì cái kia không, cái này không thì cái kia có. Do đó nói có sẵn là không đúng, cũng như người có học thì mới biết chữ, không học thì không biết.

Trong câu kinh Thủ Lăng Nghiêm này cũng cho chúng ta thấy chúng sanh và Phật Tánh là hai, chứ không phải một, do Phật Tánh mê nên mới thành chúng sanh, nhưng Phật Tánh sao lại mê được? Đó là một sự mâu thuẫn rõ ràng. Kinh này dạy Phật Tánh hằng giác, hằng sáng suốt từ vô thủy, lẽ đâu lại mê muội mà thành chúng sanh?

Kinh sách phát triển còn dạy: “mê là chúng sanh, giác là Phật”, câu này đã xác định rất rõ ràng “chúng sanh tánh có trước Phật Tánh”, vì chúng sanh mê muội nên phải tu tập lần lần giác ngộ thành Phật, cho nên Phật có sau chúng sanh. Câu kinh này đúng theo lời dạy của đức Phật đã dạy, còn kinh sách phát triển lập luận không nhất quán. Vì vậy, xét ra chúng ta không thể hoàn toàn tin vào kinh sách phát triển là Phật thuyết.

Vả lại, chúng ta chưa từng chứng kiến một vị Tổ tu theo kinh sách phát triển mà thành tựu sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết chỉ có những câu chuyện huyền thoại tự tại sanh tử trong kinh sách phát triển mà thôi.

Đức Phật đã từng dạy:“Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Từ chúng sanh tu tập thành Phật, chứkhông phải Phật đã có sẵn trong chúng sanh, nếu Phật đã có sẵn trong chúng sanh thì chúng sanh đâu cần gì phải tu; nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì vị Phật đó quá vô minh, sao gọi là tánh giác được? Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh thì Thầy Tổ và chúng ta hôm nay đâu cần gì ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, niệm Phật, tụng kinh, bái sám v.v.. Nếu vị Phật đó đã có sẵn trong chúng sanh, thì chắc thế gian này không có con người sanh ra đời, vì kinh Phật đã dạy: “cảnh giới Ta Bà khổ! Ta Bà khổ!

Tánh giác này hay là Phật Tánh thì không bao giờ có trong đạo Phật, đó chỉ là một sự tưởng tượng của các nhà kinh sách phát triển, khi họ tu tập lạc vào tưởng định, phát triển tưởng tuệ, nên tưởng giải ra Phật Tánh Tánh Giác, Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết v.v..

 Từ đó mới có những loại kinh sách tưởng, trước đức Phật ra đời cũng đã có những loại kinh sách này, nhưng không giúp ích gì cho loài người và còn làm cho người ta khổ thêm, đức Phật ra đời, bài bác sáu mươi hai luận thuyết của ngoạiđạo và đập phá tan tành thế giới siêu hình, để giúp cho con người thoát ra khỏi tà đạo bàng môn lừa đảo này.

HÔN TRẦM

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con bị hôn trầm nặng phải dùng pháp gì đối trị?

Đáp: Bị hôn trầm có nhiều nguyên nhân xảy ra:

1-        Lao động nhiều mệt mỏi, sanh ra hôn trầm (thân mệt).

2-        Tu tập quá nhiều (tâm mệt) sanh ra hôn trầm.

3-        Tu tập quá ít, sanh ra lười biếng nên bị hôn trầm.

4-        Sống độc cư cô đơn, sanh ra hôn trầm.

5-        Uống thuốc chỉ thống, sanh ra hôn trầm.

6-        Khi thân bị bệnh sanh ra hôn trầm.

7-        Bị ma chướng hôn trầm.

Muốn phá hôn trầm tùy theo mỗi thứ bệnh mà phá:

1- Lao động nhiều, thân mệt mỏi sanh ra hôn trầm, do đó người tu tập không nên lao động quá sức, lao động quá nhiều. Phải lao động vừa với sức của mình, chúng ta nên biết, sự tu tập là một sự lao động rất lớn bằng trí mà còn phải lao động cơ thể quá nhiều thì không thể nào không bị hôn trầm, nên nhớ, lao động để tu, chứ không phải để lao động hết công việc.

2- Tu tập là một sự lao động về tinh thần nên tu tập nhiều, tinh thần sanh ra mỏi mệt, do đó mới có hôn trầm. Hôn trầm do tu tập sanh ra thì nên dựng lại thời khóa tu tập cho hợp với sức của mình thì sẽ hết hôn trầm và càng tu càng thấy thích thú hơn.

3- Tu ít sinh ra lười biếng, nên tu đúng theo thời khóa thì hết hôn trầm. Vì tu ít, dư nhiều thì giờ rảnh rỗi, ở không sanh ra lười biếng, nên bị hôn trầm tấn công.

4- Người mới sống độc cư, cô đơn không nên ngồi nhiều, đừng nên ở không, phải lao động vừa sức, nhẹ nhàng, thì hết hôn trầm.

5- Uống thuốc chỉ thống sanh buồn ngủ, nên đi ngủ và thuốc tan hết là hết hôn trầm.

6- Thân bệnh sanh ra hôn trầm, nên tịnh dưỡng trị bệnh, tu ít lại, xả nghỉ, thì hôn trầm sẽ hết.

7- Bị ma chướng hôn trầm thì đi kinh hành, dùng pháp hướng và đem hết nghị lực chiến đấu, bằng cách liên tục động thân, hoặc rửa mặt, đi tắm hoặc làm tất cả những hành động khác, mục đích là giữ đúng giờ không đi ngủ trước. Còn một cách nữa là trèo lên bồ đoàn ngồi kiết già lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, tập trung tâm tại nhân trung, biết hơi thở ra, vô tại đó, đồng thời hít vô chậm chậm cho hết sức hít vô, rồi lại thở ra, cũng chậm chậm cho hết sức thở ra, tiếp tục thở như vậy, cho đúng 10 hơi thở thì sẽ hết hôn trầm, nếu không hết, còn có một phương cách cuối cùng là thở hơi thở phát ra tiếng kêu, nghĩa là thở mạnh có âm thanh, thở đến khi nào không còn bị hôn trầm thì mới thôi.

NHÀ TU HÀNH CÓ LÀM LỢI ÍCH GÌ CHO XÃ HỘI

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có một nhà giáo hỏi: “Các bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, thợ may, thợ mộc, thợ dệt, thợ hồ, v.v.. họ đang làm lợi ích cho xã hội, còn các nhà tu hành ở chùa, tụng kinh, gõ mõ, thân thể ngày một mập béo. Vậy họ làm lợi ích gì cho xã hội?”. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Đừng nhìn ở góc độ hạn hẹp của những tu sĩ Phật giáo phát triển hiện giờ mà đánh giá trị đạo Phật, thì rất là oan uổng.

Những tu sĩ hiện giờ đang sống trong các chùa là những tu sĩ bị thế tục hóa hoặc bị Bà La Môn hóa, họ dùng những danh từ rất kêu “Phật Giáo phát triển”,chuyên sống làm nghề cúng bái, tụng niệm thuyết giảng và làm những việc mê tín, kêu gọi Phật tử đóng góp xây cất chùa tháp hằng tỷ tỷ bạc và còn kêu gọi Phật tử đóng góp tiền của thực phẩm để tạo danh làm việc từ thiện cứu trợ xã hội, nhưng chính bản thân của những tu sĩ này cũng chưa bỏ ra một xu cứu trợ ai hết,làm từ thiện miệngnhưng họ cũng sống và tiêu phí tiền từ thiện của người khác.

Nếu theo đúng nghĩa của một tu sĩ Phật giáo thì không nên làm những việc này, vì chính bản thân của họ là kẻ đi ăn xin của Phật tử, thì tiền đâu mà cất chùa to, xây tháp, đúc chuông, tượng Phật lớn và tiền đâu cứu trợ đồng bào bất hạnh. Nếu quý thầy có cơ sở làm kinh tế thì quý Thầy cứu trợ là phải, nhưng nếu quý Thầy có cơ sở làm kinh tế thì quý thầy không phải là tu sĩ đạo Phật, vì Chánh Nghiệp củađạo Phật là hạnh đi xin ăn để ly dục, ly ác pháp, tức là từ bỏ và xa lìa danh, lợi và các ác pháp thế gian. Người tu sĩ Phật giáo chân chánh luôn luôn chỉ biết lấy một cuộc sống đạo đức Hiền Thánh làm gương hạnh đạo đức để cho mọi người noi theo, nhờ thế mọi người mới có đạo đức, nhờ sống có đạo đức, họ mới thấy được tâm hồn thanh thản, an vui và mới xứng đáng làm người không làm khổ mình, khổ người.

Nhờ có noi gương theo Thánh hạnh đạo đức của những bậc chân tu, con người không còn làm khổ cho nhau, họ luôn luôn xây dựng tạo nên một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, có một đời sống tâm hồn caothượng, biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Đạo đức của đạo Phật không phải là một thứ đạo đức miệng, cũng không phải là một thứ đạo đức anh hùng cá nhân gọi là đạo đức quân tử, mà từ xưa đến giờ quý vị đã từng gặp những loại đạo đức này trong kinh sách Khổng giáo. Đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người, đó mới thật sự đạo đức của Phật giáo, đạo đức của mọi người. Hầu hết quý vị chưa bao giờ biết đến thứ đạo đức này, nhưng quý vị đã từng sống với nó chút ít vì lương tâm của con người. Tại vì quý vị chưa biết rõ nó, nên chưa sống trọn vẹn mà thôi.

Đạo Phật hiện giờ là đạo Phật của Bà La Môn Giáo, đạo Phật bị thế tục hóa, chứ không phải là đạo Phật chơn chánh Nguyên Thủy, nên nó chuyên làm việc mê tín, cúng bái, tán tụng, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú, yếm bùa, trừ tà ma, tạo thần thông trị bệnh, lừa đảo người, bằng nhiều hình thức khác nhau, nên thỉnh thoảng công an phát giác ra được truy tố tội ác của những vị sư thầy này.

Họ chỉ biết lừa đảo, gợi lòng tham của người Phật tử, bằng nhữngdanh từ phước báo như: tụng kinh, niệm Phật, trìchú được phước báo thông minh; bố thí cúng dường được phước báo giàu sang, hạnh phúc v.v.. Đó là những danh từ lừa đảo lường gạt của giáo pháp này, để gợi lòng tham được thông minh, tham được bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi và được giàu sang. Do gợi đúng lòng tham này, người Phật tử mới cúng dường nhiều tiền của vàng bạc châu báu để xây chùa to Phật lớn, nhờ đó quý Thầy mới làm danh, làm giàu với thiên hạ, ai trông thấy cũng phải kính nể.

Sự thật trong kinh Đức Phật đã dạy:“Người cư sĩ bố thí, cúng dường sẽ được phước báo, nhưng không bằng giữ giới luật phước báo sẽ nhiều hơn”. Lại có một bài kinh khác đức Phật dạy:“Cúng dường bố thí, phải đúng chánh pháp, không đúng chánh pháp, như đem hạt giống tốt gieo trên đất cằn cỗi khô xấu”.Rõ ràng, ở đây ý của đức Phật muốn dạy chúng ta nên giữ gìn đạo đức giới luật sẽ được phước báo nhiều hơn là bố thí cúng dường đúng pháp. Bố thí cúng dường đúng pháp chỉ có phước báo nhỏ, phước báo nhỏ đó là phước báo hữu lậu, tức là trong phước báo vẫn có sự đau khổ, chứ không phải là phướcbáo lớn, phước báo vô lậu,phước báo vô lậu là do biết giữ gìnđạo đức giới luật, tức là không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức nhân bản của con người chung sống trong một xã hội, đem lại cho đời sống của mỗi con người, một sự an vui, hạnh phúc, hòa hợp, đoàn kết, không còn người này chà đạp lên người kia, xâu xé nhau vì miếng cơm manh áo. Đó là phước vô lậu như chúng tôi đã nói ở trên, phước vô lậu là phước báo không có sự khổ đau. Người tu sĩ đạo Phật chỉ cần làm gương đạo đức như vậy, tức là thực hiện phước vô lậu, thực hiện phước vô lậu là làm lợi ích cho xã hội rất lớn, thì thử hỏi bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, v.v.. có làm lợi ích bằng những tu sĩ này hay không?

Còn cúng dường, bố thí không đúng chánh pháp như: cúng đường xây chùa to đức Phật lớn hoặc đúc chuông thì chẳng có phước báo nào cả, mà còn phi công đức là khác nữa. Lần lượt chúng tôi sẽ lật ngược lại những trang sử thời Nhà Lý và Nhà Trần ở nước Việt Nam của chúng ta.Thời Nhà Lý và Nhà Trần, Phật giáo rất hưng thịnh, vua quan là tu sĩ Phật giáo, nên xây dựng rất nhiều chùa to Phật lớn và đúc chuông đồng vĩ đại làm hao tốn tiền của dân chúng biết bao, thế mà Nhà Lý và Nhà Trần đượcnhững phước báo gì? Hay làmộtsự khổ đau tranh quyền tranh lợi, giết hại lẫn nhau và cuối cùng, cũng chỉ làm vua mấy triều đại mà thôi và những dòng họ này, cũng bị diệt mất. Vậy mà bảo rằng, cúng dường, bố thí xây chùa to Phật lớn, đúc chuông, tạc tượng là được phước báo vô lượng, thì đây không phải là sự lừa đảo hay sao?

Bây giờ chúng ta hãy nhìn xem những trang sử Phật giáo Trung Quốc, trong thời nhà Đường Phật giáo rất hưng thịnh, Đường Huyền Trang đi thỉnh kinh Đông Độ, chùa to Phật lớn được nhà vua xây cất rất nhiều và độ biết bao nhiêu Tăng chúng tu hành, nhưng phước báo của nhà Đường đâu không thấy, chỉ thấy Võ Tắc Thiêndiệt nhà Đường lập nhà Châu và cuối cùng Đường Minh Hoàng thấy Phật giáo không có lợi ích mà hại dân hại nước, làm ô uế cửa Phật, những người trốn sưu lậu thuế, làm những điều mê tín, dị đoan, lừa đảo dân gian, bằng đủ mọi hình thức và các thủ đoạn gian ác, nên Đường Minh Hoàng bắt chư Tăng hoàn tục, các chùa to đều xung vào công ủy làm kho đụn.

Bởi người tu sĩ của Phật giáo lấy giới luật đức hạnh không làm khổ mình, khổ người mà làm gương sốngcho mọingười soi, muốn giữ gìn đức hạnh được như vậy, phải xả bỏ hết vật chất thế gian, chỉ còn ba y một bát, sống không gia đình, không nhà cửa, chứ có đâu như tu sĩ bây giờ, lại xây cất chùa to, Phật lớn như cung vàng điện ngọc của vua chúa, của chánh phủ. Biến chỗ tu hành thành chỗ du lịch tham quan của mọi người. Đó chỉ có những tu sĩ của Bà La Môn sống và làm như vậy, họ luôn làm hại dân hại nước, bằng cách buôn Phật bán Pháp. Nhìn những tu sĩ này, quý vị mới đặt ra những câu hỏi trên: “Một kỹ sư, một nhà bác học, một bác sĩ, một nhà giáo, một bác nông phu, một chị thợ may, một anh thợ hồ v.v..”.Với những việc làm của họ, đều có lợi ích cho xã hội về vật chất, nhưng cái lợi ích đó không bằng một vị tu sĩ có đạođức, sống không làm khổ mình, khổ người, luôn luôn làm gương đạo đức cho mọi người, thì sự lợi ích rất lớn cho xã hội về tinh thần. Và nhờ đó, con người sẽ không còn chà đạp và dày xéo lên nhau nữa vì miếng cơm manh áo. Họ luôn luôn thể hiện lòng thương yêu, san sẻ và tha thứ cho nhau. Nhờ đó, gia đình có hạnh phúc, xã hội có trật tự, đất nước phồn vinh thịnh trị, thế giới hòa bình không còn chiến tranh,cuộc sống người người no ấm, an vui, thanh thản.

Quý vị đừng nghĩ rằng kỹ sư, bác sĩ nhà giáo, v.v.. đều đang làm lợi ích cho xã hội. Sự thật không phải vậy, như quý vị đã nghĩ, phần nhiều họ đang làm lợi ích cho cá nhân bản thân và gia đình của họ, nhưng vì nghề nghiệp của họ, có tương quan và tương liên tốt trong cuộc sống chung của xã hội, chứ thực ra, họ chẳng có tâm làm lợi ích cho xã hội. Nếu thực ra, một bác sĩ làm lợi ích cho xã hội thì không bao giờ nhận tiền và quà biếu của bệnh nhân, chỉ nhận tiền lương hằng tháng của mình mà thôi, còn nếu bệnh nhân không quà biếu và tiền bạc thì sự chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ đối với họ chẳng ra gì. Cho nên hiện giờ, bệnh nhân rất than phiền về các ông, bà bác sĩ. Người nghèo thật là bất hạnh khi đi bệnh viện. Ngày xưa, người ta gọi bệnh viện là nhà thương, còn bây giờ không gọi nhà thương nữa, vì nơi đó người ta thương tiền thương quà biếu, chứ không thương bệnh nhân nghèo.

Đối với lương tâm nghề nghiệp của một bác sĩ không cho phép làm ngơ, mặc kệ trước sự chết, sống hoặc đau đớn nhức nhối của bệnh nhân, như vậy mới làm lợi ích cho xã hội.

Một nhà giáo cũng vậy, không quà biếu thì học sinh giỏi cũng thành dở; có quà biếu thì học sinh dở cũng thành giỏi. Hiện giờ, đất nước chúng ta đang xây dựng kinh tế nên mọi nghề nghiệp đều nhắm vào cá nhân, chứ không phải nhắm vào xã hội.

Nhìn vào cuộc sống của con người đều phải có sự tương quan, tương liên với nhau để mà sống. Nếu bảo rằng bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, v.v.. làm lợi ích cho xã hội thì không đúng. Người làm nghề này, kẻ làm nghề kia để trao đổi cùng nhau trong cuộc sống, chứ chẳng ai làm lợi ích cho ai cả. Họ làm ra được những gì là đem đến danh lợi cho họ, chứ chẳng đemđến danh lợi cho ai hết. Nhiều khi chúng ta lợi dụng nghề nghiệp bắt chẹt hoặc cắt cổ thiên hạ để làm giàu trên xương máu của người khác.

Nghề bác sĩ và nghề thầy giáo là hai cái nghề được mọi người trong xã hội xem là cao quý nhất mà họ còn làm như vậy thì thử hỏi, các nghề khác, họ phải làm còn hơn nữa, nhất là nghề thương mại, thì làm sao gọi các nghề làm ích lợi cho xã hội được? Cho nên các tu sĩ Phật giáo phát triển hiện giờ họ cũng lấy cái nghề làm “tôn giáo”để làm ích lợi cho bản thâncá nhân của họ, cũng như các nghề khác trong xã hội vậy. Chính vì những sự việc này, mà chúng ta biết đạo đức trong xã hội đang xuống dốc tận cùng. Bởi vậy, đạo đức là trên hết, nếu có đạo đức thì xã hội mới có ích lợi thật sự, chứ không phải kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, thợ mộc, thợ hồ, v.v.. làm lợi ích cho xã hội được.

Các tôn giáo cũng vậy, chỉ là một cái nghề làm tôn giáo để sống như mọi nghề khác, nếu người làm tôn giáo không có đạo đức thì cũng chẳng lợi ích gì cho xã hội mà còn thêm lừa đảo lường gạt người khác. Người làm tôn giáo có đạo đức là làm gương tốt cho mọi người soi, có đạo đức thì không có lừa đảo, đó là người làm lợi ích cho xã hội, các nghề khác cũng vậy, nếu người hành nghề nào mà có đạo đức là làm lợi ích cho xã hội.

Nếu nói về nghề nghiệp trong cuộc sống của loài người, thì mỗi người đều có một nghề riêng, làm ra vật chất và để trao đổi với nhau, để sống, chứ không phải làm lợi ích cho xã hội, người hiểu các nghề nghiệp sản xuất ra vật chất là làm lợi ích cho xã hội thì không đúng. Cho nên, hiện giờ nghề làm tôn giáo cũng chỉ là mộtnghề như bao nhiêu nghề nghiệp khác mà thôi.

Người có nghề nghiệp làm ra vật chất là người không ăn bám xã hội, người không ăn bám xã hội mà cho rằng họ làm lợi ích cho xã hội thì cũng không đúng. Chỉ có những người sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người là những người làm lợi ích cho xã hội, còn hoàn toàn ngoài ra mọi người dù có nghề nghiệp lương thiện, họ còn chẳng làm lợi ích cho họ huống là làm lợi ích cho ai.

Tại sao vậy? Tại vì họ còn làm khổ họ và khổ người khác. Lời nói của chúng tôi ở đây xin quý vị suy ngẫm, đừng vội tin.

Trong thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai, đạo đức phong kiến của Nho giáo và đạo đức của các tôn giáo khác, đã đem lại sự lợi ích cho con người, nhưng nó chỉ giải quyết cho những người trong giai cấp thượng lưu quan, vua (giai cấp sĩ phu) và Bà La Môn giáo, còn giai cấp bình dân thì những đạo đức này không phổ cập, chỉ có thứ đạo đức mê tín của các tà giáo ngoại đạo mà hiện giờ chúng ta vẫn còn thấy những tập tục truyền thống lâu đời trong dân gian. Hiện giờ, biết những loại đạo đức này sai, không lợi ích nhưng rất khó bỏ.

Đạo đức Nho giáo là một thứ đạo đức của giai cấp lãnh đạo, “tề gia, trị nước, bìnhthiên hạ”;đạo đức Nho giáo còn gọi là đạo đức quân tử (đạo đức anh hùng cá nhân).

Trên hành tinh này, đã có thật sự một nền đạo đức nhân bản, không làm khổ mình, khổ người, nhưng đã bị dìm mất, cho nên tất cả mọi người đều đứng trong góc độ của các tôn giáo, cũng như trong các góc độ nghề nghiệp cuộc sống ở đời, phần nhiềungười ta chỉ có hình thức đạo đức miệng, đạo đức danh, đạo đức lợi (vì danh lợi mà làm đạo đức).

Ai là người làm lợi ích thật sự cho xã hội và ai là người làm lợi ích thật sự cho cá nhân của mình?

Thưa quý vị, theo chúng tôi hiểu, hiện giờ trên trái đất này, chỉ có một ít người làm lợi ích cho xã hội, còn hầu hết chưa có ai và cũng chưa có ai làm lợi ích cho cá nhân của mình. Tại sao vậy? Tại vì mọi người còn đang làm khổ mình, khổ người. Và đã còn đang làm khổ mình, khổ người thì thử hỏi những việc làm đó, có lợi ích gì cho ai, chỉ là đua nhau theo một trò danh lợi hão mà thôi. Chúng tôi nói, quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm kỹ có thật như vậy không, rồi mới tin.

Một kỹ sư nếu không vì cuộc sống của ông ta thì chắc gì chiếc cầu ông làm, ông ta làm không phải vì sự đi lại của mọi người quá khó khăn nhọc nhằn khi qua sông. Khi lãnh làm một chiếc cầu, ông kỹ sư cầu cống vẫn đòi hỏi giá cả sòng phẳng và đôi khi còn đòi hỏi giá cao hơn nữa, thì như vậy, có phải ông làm lợi ích cho xã hội không?

Một người nông dân, không phải vì cuộc sống của người khác mà ông ta lo cấy cày, gặt hái quanh năm suốt tháng, vất vả chân lấm tay bùn màchính vì cuộc sống của ông ta.

Một bác sĩ, khi con bệnh sắp chết đến nơi vì thiếu máu, nhưng nếu không có tiền thì bác sĩ cũng vẫn làm ngơ trước cái chết như chỉ mành treo chuông.

Một bệnh nhân trước khi đi mổ mà không biếu cho người làm công đẩy xe năm ngàn, mười ngàn đồng thì chiếc xe không bao giờ được đẩy đi nhẹ nhàng, êm ái và người đẩy xe lại còn làm xe động mạnh hơn. Cho nên, một người bệnh nhân vào nằm trong bệnh viện mà không có tiền bạc, gặp bệnh ngặt nghèo thì chỉ có chờ chếtmà thôi. Đó có phải bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, nhà nông, lao công, v.v.. làm lợiíchcho xã hội hay lợi ích cho họ? Xin quý vị suy ngẫm.

Nếu không có quà cáp cho bác sĩ, lao công thì bệnh nhân phải chịu thiệt thòi nhiều mặt, tức là không được chăm sóc kỹ lưỡng, đó là họ làm lợi ích cho xã hội phải chăng?

Một nhà giáo khi một học sinh nghèo học giỏi siêng năng nhưng cũng đành bỏ học, nhà giáo cũng không thể giải quyết được, đó là làm lợi ích xã hội ư?

Đừng lấy những danh từ nghề nghiệp cao quý và cao thượng như:bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo mà cho rằng họ làm lợi ích cho xã hội, thật sự mọi vật, mọi thứ trên đời này chỉ có “tiền”là duy nhất, đó là thứ đạo đức nhất của con người hiện giờ và cũng phi đạo đức.

Đứng về mặt Phật giáo, quý Thầy làm lợi ích xã hội cũng phải có tiền, nhưng tiền móc túi kẻ khác, chứ quý Thầy chẳng bỏ ra một đồng xu, một giọt mồ hôi, nước mắt nào cả. Chỉ có những kẻ mơ ước phước báo hão huyền của kinh sách phát triển nên bị người khác lừa đảo bằng những danhtừ rất kêu, cúng dường bố thí, làm từ thiện v.v..

Phước báo không phải từ chỗ cầu khẩn, cúng bái, tế lễ, cúng dường xây chùa tháp, đúc chuông, đúc tượng Phật v.v.. Phước báo cũng không phải từ chỗ bố thí, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền v.v.. Phước báo chỉ đến với con người, khi con người sống đúng giới luật đức hạnh làm người không làm khổ mình, khổ người. Điều này, đức Phật đã xác định trong bài kinh Ước Nguyện rõ ràng cụ thể, phước báo từ đạo đức mà đến với mọi người; đạo đức thì không tham lam trộm cắp của người, không lường gạt kẻ khác bằng mọi thủ đoạn, không làm giàu sang trên xương máu, mồhôi, nước mắt của người khác, không lừa đảo làm tiền bằng sự mê tín bói khoa, xem ngày tốt xấu, cúng sao, giải hạn, xin xăm, cầu siêu, cầu an, v.v.. làm tiền bạc một cách phi đạo đức và vô nhân đạo.

Bố thí là đem lòng thương yêu của mình đến với những người bất hạnh, an ủi và xoa dịu vết thương đau của họ, đó cũng chỉ là một góc độ làm người mà thôi, việc làm bố thí như vậy thì phước báo sẽ đến với mình, mình sẽ được lòng thương của mọi người, gặp lúc nạn tai, mọi người sẽ an ủi vàgiúp đỡ lại mình, chứ không phải bố thí đem tiền bạc cho người là sẽ có phước báo lớn giàu sang, muốn gìđược nấy thìnhư vậy Minh Phụng không có ở tù và mang án tử hình. Minh Phụng đã làm việc từ thiện bố thí biết bao nhiêu là tiền của cho những kẻ bất hạnh trong xã hội, thế mà phước đâu không thấy, vẫn phải chịu khổ tù tội và còn mất mạng.

Xả trừ tâm ác và lìa cả sự ăn thịt chúng sanh thì tuổi thọ được kéo dài, đó là đạo đức không làm khổ mình, khổ chúng sanh, chứ không phải phóng sanh để được phước báo tuổi thọ lâu dài và ít bệnh tật khổ đau.

Xả trừ tâm sân hận hoặc sợ hãi và tánh hung dữ chửi mắng người, thì ít tai nạn khổ đau, chứ không phải ănchay, niệm Phật, bố thí thuốc thang cho kẻ khác là ít tai nạn hiểm nghèo.

Con người sống trong xã hội này, dù có tôn giáo hay không tôn giáo, nếu thiếu đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người thì không có ai làm lợi ích cho xã hội cả, còn bảo họ làm lợi ích xã hội đó chỉ là những danh từ suông, ngoài đầu môi chót lưỡi mà thôi.

Làm lợi ích cho xã hội chỉ khi nào con người có đạo đức. Đừng đứng ởgóc độ nghề nghiệp này chỉ trích góc độ nghề nghiệp khác là sai, tu sĩ của cáctôn giáo cũng làlàm một nghề sống như các nghề khác, nói đến nghề, thì nghề nào mà xã hội còn cần thì nó còn có người hành nghề đó, chỉ khi nào xã hội không cần nó nữa thì người ta không hành nghề đó.

Ví dụ: Người ta còn mê tín thì có người hành nghề mê tín, người ta không còn mê tín thì người ta dẹp nghề mê tín; người ta cần xây nhà tốt đẹp, thì có người làm nghề thợ mộc, thợ hồ; người ta không cần làm nhà, xây nhà tốt đẹp thì thợ mộc, thợ hồ không có.

Tôn giáo cũng vậy, người ta còn cần tôn giáo thì có người làm nghề tôn giáo. Nghề tốt hay xấu đều do con người có đạo đức hay không có đạo đức; nghề làm lợi ích cho xã hội hay không lợi ích cho xã hội cũng đều do con người có đạo đức hay không có đạo đức mà thôi.

Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một nền đạo đức nhân bản của loài người trên hành tinh này, để quân bình vật chất và tinh thần đời sống của con người. Người ta khônghiểu, nên xây dựng nó trở thành một tôn giáo, nhưng tại sao trên đầu Phật giáo lại không có một đấng giáo chủ toàn năng như các tôn giáo khác?

Chính đức Phật ngày xưa khi tu chứng đạo, Ngài quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp chân chánh mà Ngài đã tìm ra được, Ngài tôn xưng nó là Thầy của mình và sau này di chúc lại cho các đệ tử:“Hãy lấy giới luật của Ta làm Thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc tu hành, giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất”.

Thưa quý vị! Giới luật là gì? Giới luật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là giải thoát không còn khổ đau nữa. Xét như vậy, chúng ta thấy đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một nền đạo đức của con người.

Do không hiểu đạo Phật, nên người ta đã biến nó trở thành một tôn giáo, rồi từ đó, biến tôn giáo trở thành nghề nghiệp sống như: nghề tụng niệm, cúng bái, nghề thuyết giảng, nghề viết kinh sách, nghề ảo thuật (thần thông), nghề làm bùa yểm tà ma, trị bệnh, nghề bói khoa, nghề thầy thuốc, nghề dưỡng sinh, nghề ngồithiền ngừa bệnh và trị bệnh v.v..

Tại sao chúng tôi dám nói như vậy? Chúng tôi dám nói như vậy, là vì chúng tôi đã từng sống trong tôn giáo,cho nên biếttôn giáo cũng chỉ là một cái nghề, tốt hay xấu là do người sử dụng cái nghề đó.

Ví dụ: Một ông bác sĩ đứng trước các con bệnh, ông đều tận tâm chữa trị dù người nghèo cũng như người giàu thì đó là một ông bác sĩ tốt, biết thương người (lương y như từ mẫu), có đạo đức, đó là người làm lợi ích xã hội, còn ngược lại, người giàu có quyền thế thì ông chăm sóc tận tụy, còn người nghèo thì ông trị bệnh sơ sài qua loa, sống chết ông chẳng cần thì bác sĩ đó, không thể nào gọi là người tốt, có đạo đức, làm lợi ích cho xã hội, cái nghề của ông ta tốt và cao quý nhưng việc làm của ông ta khôngtốt, tức là không lợi ích cho xã hội.

Một vị tu sĩ Phật giáo cũng vậy, nếu ông ta giữ gìn giới luật nghiêm túc, sống đầy đủ đức hạnh, không làm khổ mình, khổ người, tức là sống đời sống ly dục, ly ác pháp, ông là một vị chân tu thật sự, làm gương hạnh đạo đức cho mọi người noi theo, không hề lừa đảo, dối trá, xảo quyệt lường gạt mọi người bằng nhiều hình thức mê tín, dị đoan hay thuyết giảng những điều mình chưa làm được, v.v.. thì ông là người tốt, làm lợi ích cho xã hội,khiến cho mọi người không vì miếng cơm, manh áo mà chà đạp giày xéo lên nhau và cũngkhiếncho mọi người không còn hao tốn tiền bạc, của cải, tài sản vì cái thế giới siêu hình mê tín, lạc hậu và những luận thuyết suông v.v..

Ngược lại, một vị tu sĩ Phật giáo mà sống không đúng giới luật đức hạnh, không ly dục, ly ác pháp, bày đặt vẽ ra thế giới siêu hình, dùng tưởng thức, tạo ra nhiều hình thức linh thiêng, huyền bí kỳ lạ, khiến trí hữu hạn của con người không thể hiểu và suy luận, chứng minh được, nên tin rằng, có thế giới siêu hình thật sự. Lợi dụng lòng tin này, bày ra nhiều thứ mê tín dị đoan để lừa đảo, lường gạt người khác, bằng cách dùng bùachú, nước lã, tàn hương trị bệnh, tụng kinh cầu siêu, cầu an, xin xăm, bói quẻ, lên đồng nhập xác, cầu cơ, xem ngày tốt xấu, cúng sao giải hạn, cúng dường xây chùa, đúc tượng, đúc chuông để cầu được phước báo giàu sang phú quý, bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi hoặc tạo ra nhiều phương cách tập luyện gọi là thiền này, định kia, cũng như tưởng tượng ra, trạng thái này, trạng thái kia, gọi là Bản Thể Vạn Hữu, Phật Tánh, Chơn Như, Đại Ngã, Tiểu Ngã, Thiên Đàng, Địa Ngục, CựcLạc Tây Phương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, v.v.. khiến cho con người càng điên đảo lại càng điên đảo hơn vớinhững hình ảnhtrừu tượng, siêu hình này và cũng từ đó, con người bỏ phí biết bao nhiêu công sức và tiền bạc, nhưng khi hiểu lại, mình chỉ là một người ngu bị lừa đảo mà không biết.

Chúng tôi nói đến đây, quý vị đừng tin chúng tôi mà hãy suy ngẫm và để ý những người đang theo các tôn giáo tu hành, họ sẽ đạt được những gì và đạo đức của họ có hơn quý vị hay không?

Mình chưa có đạo đức thì không nên nói đạo đức với ai cả, vì nói đạo đức, tức là đạo đức miệng, nếu người có đạo đức, dù có kẻ khác chửi mắng mình thì mình đâu có giận hờn, vì có giận hờn như vậy là người không có đạo đức, không có đạo đức với mình, tức là mình làm khổ mình. Cho nên Đức Phật dạy:“làm khổ mình, khổ người là người không có đạo đức”. Đó là chưa nói đến khi chúng ta không ngăn một điều làm ác của mình, như tức giận mắng chửi, nói nặng nhẹ người khác, khi mình có quyền thế và tiền của; mắng chửi nói nặng nhẹ người khác là không có đạo đức. Có đạo đức sao lại mắng chửi nói nặng nhẹ người khác được?

Làm lợi ích cho xã hội, không phải đem tiền của cho họ, mà chính đừng làm khổ mình, khổ người thì mớiđem lại lợiích thiết thực cho xã hội. Dù chúng ta có mang đến cho họ sự giàu sang đầy đủ mà cứ làm khổ họ thì sự giàu sang đó cũng chẳng có lợi ích gì cho họ.

Bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, v.v.. làm lợi ích cho xã hội mà la, hét, mắng, rủa, chửi vợ con, kẻ ăn người ở trong nhà, sân hận với kẻ khác trong xóm làng, tức tối với tâm mình, ăn ngủ không yên, còn có những hành động như vậy thì làm sao gọi là làm lợi ích cho xã hội.

Người làm những nghề bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo là làm những nghề cao quý nhưng không giận hờn và không làm đau khổ cho ai thì mới thật sự là làm lợi ích cho xã hội, còn ngược lại, mà còn giận hờn, tham tiền bạc, làm việc không hết lương tâm, làm đau khổ người khác, thì đó không làm lợi ích cho xã hội, mà chỉ vì làm lợi ích cho mình, nô lệ cho tiền bạc và vật chất v.v..

Cho nên trong tôn giáo cũng vậy, các nhà tu ở chùa tụng kinh, gõ mõ làm điều mê tín lường gạt tín đồ, ngồi mát ăn bát vàng, thân thể ngày càng mập béo, đó là chỉ gạt được nhữngngười vô minh, tham đắm ảo huyền, cầu phước báo một cách phi đạo đức v.v..

ĐẠO PHẬT YẾM THẾ

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Người ta cho đạo Phật là yếm thế, an phận, thủ thường, thấy ai làm việc ác thì làm ngơ, vậy xin Thầy chỉ dạy?

Đáp: Người ta bảo Phật giáo yếm thế là sai, hiện giờ và xưa kia Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đã và đang xây dựng những ngôi chùa đẹp đẽ, nó trở thành những kỳ quan của thế giới như chùa Đế Thiên Đế Thích. Phật giáo phát triển luôn luôn đã và đang tiếp tục làm việc từ thiện cứu trợ đồng bào bất hạnh, thiên tai hỏa hoạn, bão lụt v.v.. như vậy gọi là yếm thế hay sao?

Không có người tu sĩ Phật giáo nào bỏ đời trốn trong núi rừng, sống tiêu dao một mình thì mới gọi là yếm thế?

Không lẽ, thấy những người mới học Phật mới vào chùa tu hành chưa xong, còn đang ẩn bóng tu hành mà cho Phật giáo là yếm thế thì lại còn sai quá.

Muốn làm một bác sĩ để đem lại lợi ích cho đời thì phải học, trong lúc đang học có làm bác sĩ được haykhông? Trong lúcđang học mà ra trị bệnh thì chỉ giết bệnh nhân hơn là cứu người.

 Người tu sĩ Phật giáo cũng vậy, khi đang tu chưa xong mà ra giảng đạo dạy người tu hành,“làm Bồ Tát Đạo, hành Bồ Tát Hạnh theo kiểu Đại Thừa” là giết người, không phải giết một người mà giết nhiều người; không phải giết một đời người mà giết nhiều đời người; không phải giết một thế hệ mà giết nhiều thế hệ của con người v.v..

Hiện giờ, người ta đang giếtngười bằng gươm lưỡi, miệng đao đó là giới tu sĩ Phật giáo phát triển, tu hành chưa đến nơi, đến chốn chỉ nhai lại đờm dãi của người xưa chẳng biết đúng sai, thuyết giảng lung tung, giới luật đạo đức thì sống chẳng ra gì, chỉ dùng ba tấc lưỡi lừa đảo những người khác, bằng cách lý luận hoặc bằng mọi hình thức mê tín, dị đoan, v.v.. nhưng luôn luôn tự vỗ ngực xưng tên mình là người tu hạnh Bồ Tát vừa tu vừa độ người như chiếc xe lớn (Đại Thừa), chỉ có Bồ Tát Đạo mới có đạihùng, đại lực, đại từ bi, mới có tâm nguyện độ chúng sanh rộng lớn như vậy. Cứ như kinh sách phát triển dạy thì họ đâu phải là kẻ yếm thế mà là đang nhập thế chứ. Đó là những tusĩ Phật giáo phát triển đang nhập thế, nhập thế để chạy theo danh lợi, vì vậy họ phải mập béo, cường tráng để vào đời độ chúng sanh.

Hiện giờ quý vị chưa biết rõ mặtthật của những tu sĩ Phật giáo như thế nào, thì làm sao dám bảo là Phật giáo yếm thế? Khi đức Phật nhập diệt, độ khoảng trăm năm sau, các bậc Thánh Tăng đều nhập diệt cả, chỉ còn lại những tu sĩ danh lợi chia phe nhóm (20 bộ phái) để tạo quyền thế, chiếm giữ danh lợi riêng tư, nên soạn viết kinh sách theo kiến giải riêng của mình, thường chạy theo dục lạc thế gian, nên phải đẻ ra Bồ Tát Đạo, hànhBồ Tát Hạnh, làm tấm bình phong để che mắt mọi người, khiến không ai biết mình chạy theo dục lạc, những tu sĩ này thường dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, nghĩa là pháp Phật không lìa pháp thế gian, như vậy đâu thể gọi rằng đạo Phật yếm thế.

Phật giáo ra đời vì sự khổ đau của con người, ra đời để dẫn dắt mọi người thoát ra mọi sự khổ đau của kiếp làm người thì sao gọi là bỏ đời yếm thế? Phật giáo ra đời đem lại cho loài người một nền đạo đức nhân bảnkhông làm khổ mình, khổ người thì sao gọi là Phật giáo yếm thế?

Những bậc chơn tu của Phật giáo, đang âm thầm triển khai đạo đức nhân bản - nhân quả để loài người không còn tự làm khổ đau cho nhau nữa, để biến cảnh thế gian này thành cảnh Thiên Đàng, Cực Lạc và Niết Bàn trong cuộc sống này, như vậy sao lại gọi là đạo Phật yếm thế được?

Xin quý vị đừng nhìn vào một số tu sĩ tiêu cực của Phật giáo phát triển, dùng những thủ đoạn mê tín, gian xảo, lừa đảo người, để ngồi mát ăn bát vàng, mà cho Phật giáo là yếm thế thì rất tội cho Phật giáo.

Một tôn giáo như Phật giáo luônluôn lúc nào cũng chỉ dùng sức tự lực để không làm khổ mình, khổ người thì không thể nào yếm thế cho được.

Chỉ có những tu sĩ Phật giáo phát triển thì cầu tha lực, luôn luôn dựa vào Tam Bảo, chư Phật, chư Bồ Tát, gia hộ cứu khổ, cứu nạn, v.v.. thì đó gọi là yếm thế thì chúng tôi cũng còn miễn cưỡng chấp nhận, chứ nói Phật giáo yếm thế thì chúng tôi không đồng ý.

Xưa, đức Phật đã dạy:“Thắng trăm trận không bằng thắng tâm mình, thắng tâm mình mới là chiến công oanh liệt”. Người chiến thắng tâm mình đâu phải làngười yếm thế, phải từng chung sống với mọi người mà không làm khổ mình, khổ người thì mới là người chiến thắng tâm mình, đạo Phật như vậy có giống như nhà thơ yếm thế Nguyễn Bỉnh Khiêm chăng?

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dù ai vui thú nào.

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn người đến chốn xôn xao”.

Tinh thần đạo Phật thì không phải là tinh thần yếm thế như vậy, nên thường xông pha vào thế tục, lấy các đối tượng của thế gian mà tu tập tâm mình “ly dục, ly ác pháp”. Nếu bảo rằng, Phật giáo yếm thế vào nơi thanh vắng để cho yên thân của mình, tức là tránh cảnh thì làm sao gọi là ly dục, ly ác pháp.

Vả lại, giới luật của đức Phật dạy đạo đức làm người rất rõ ràng và cụ thể. Những hành động đạo đức gần gũi và thiết thực cho đời sống của con người thì làm sao yếm thế mà dạy đạo đức này cho con người như vậy được? Một đạo đức từng dạy mọi người sống “không làm khổ mình, khổ người”,thì làm sao gọi là yếm thế?

Xin quý vị cứ suy ngẫm, đừng vội vàng cho đạo Phật là yếm thế thì đó là một sự suy tư chưa chín chắn còn nông cạn. Chúng tôi xác quyết đạo Phật không bao giờ yếm thế. Người nào tu theo đạo Phật không đi khất thực, cứ ngồi ỳ trong thất (nhập thất), hoặc ở trong rừng sâu núi thẳm không theo hạnh Phật ngày xưa là người tu sai đạo Phật, là người yếm thế, chứ không phải đạo Phật yếm thế.

LỤC CĂN

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính thưa Thầy! Những nguyên nhân gì làm cho lục căn dễ bị hư hoại, muốn lục căn không hư hoại thì người tu sĩ đạo Phật phải tu như thế nào?

Đáp: Lục căn là những phần tiếp xúc với sáu trần của thân tứ đại, thân tứ đại do đất nước gió lửa hợp thành, thì lục căn cũng do đất nước gió lửa hợp thành; thân tứ đại hoại diệt thì lục căn cũng hoại diệt, lục căn hoại diệt trước là vì nó mỏng manh, yếu mềm v.v..

Người nhập Diệt Thọ Tưởng Định thân tứ đại không bị hoại diệt thì lụccăn cũng không hoại diệt. Muốn lục cănkhông hoại diệt thì người tu sĩ phải nhập Diệt Thọ Tưởng Định, vì chỉ có loại định này mới có một từ trường bảo vệ thân tứ đại cứng chắc như đồng sắt nên không bị hư hoại.

Muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì người tu sĩ phải có đạo lực điều khiển ý hành tịnh chỉ, tức là ý căn[1] ngưng hoạt động.

Muốn ý hành tịnh chỉ, người tu sĩ phải ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm. Muốn ly dục ly ác pháp, diệt ngã xã tâm người tu sĩ phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt,chơn chánh lãnh thọ và học tập các giới học.

Muốn sống đầy đủ giới hạnh, giới bổn thì người tu sĩ phải dùng pháp như lý tác ý, muốn pháp như lý tác ý có hiệu quả thì người tu sĩ phải sống thân tâm không phóng dật. Muốn thân tâm không phóng dật thì người tu sĩ phải sống độc cư, sống độc cư thì tâm phải thích sống trầm lặng; tâm ưathích sống trầm lặng, đó làbướcđầu khởi sự tâm vào thiền. Nếu tâm chưa ưa thích sống trầm lặng thì phải tập sống trầm lặng, bằng cách thọ Bát Quan Trai Giới, như đức Phật đã dạy trong các bộ kinh, bắt đầu chỉ giữ gìn một ngày đêm sống độc cư trầm lặng, ăn ngày một bữa giống như đời sống của đức Phật ngày xưa, nếu một ngày ăn một bữa, sống thấy ưa thích độc cư thì tăng lên hai ngày rồi ba ngày, bốn ngày, năm ngày, v.v.. cho đến khi tâm không phóng dật, tức là tâm định trên thân.

Khi tâm đã định được trên thân thì hành giả chỉ còn ra lệnh, tịnh chỉ các hành trong thân thì nhập các loại định, một cách dễ dàng, dù là DiệtThọ Tưởng Định cũng không còn khó khăn nữa.



[1]-ý căn là bộ óc của con người

HỶ LẠC DO DỤC SANH CÓ PHẢI LÀ HỶ LẠC DO 18 LOẠI TƯỞNG KHÔNG?

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi tu ly dục ly ác pháp thì hỷ lạc sanh, vậy hỷ lạc này có ở trong 18 loại hỷ tưởng không? Nếu nó ở trong 18 loại hỷ tưởng thì tại sao không cho nó sanh mà để nósanh rồi khi tu đếnTam thiền lại phải diệt nó? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Loại hỷ tưởng do ly dục sanh không phải loại hỷ tưởng trong 18 loại hỷ tưởng. Vì 18 loại hỷ tưởng này là do dục tưởng, còn hỷ lạc do ly dục, ly ác pháp sanh thì không còn dục. Vì thế mà gọi là hỷ lạc do ly dục sanh, còn 18 loại hỷ tưởng này sanh ra được là do sự tu tập theo giáo pháp phát triển nên ức chế tâm, ý thức dục bị ngưng hoạt động, ý thức dục không hoạt động được nên tưởng thức dục sanh hỷ lạc. Cho nên, trạng thái an lạc mà còn dục tưởng thì không có giảithoát được. Ở đây, chúng ta phải lưu ý, dù là hỷ lạc của ý thức dục, hỷ lạc của tưởng thức dục và đều phải xả hết (xả hỷ, xả lạc), duy chỉ có hỷ lạc của ly dục thì không xả, vì đó là tâm thanh tịnh của chúng ta (không còn dục), nó là một trạng thái Niết Bàn, nên khi nhập sâu vào định thì nó cũng không mất.

Khi bước qua giai đoạn tu Tứ Thánh Định, đức Phật đã tự gạn lọc chỗ này rất nhiều lần:

1- Hỷ lạc do dục sanh

2- Hỷ lạc do tưởng sanh

3- Hỷ lạc do ly dục sanh

Khi có hỷ lạc thì đức Phật rất sợ vì còn hỷ lạc là còn đau khổ nên đức Phật lặp đi lặp lại chỗ này nhiều lần để xác định:“hỷ lạc do ly dục, chứ không phải do dục”,vì thế hỷ lạc này phải là nguồn giải thoát của người tu sĩ hay nói một cách khác là kết quả trạng thái giải thoát do sự tu tập đúng pháp.

Cho nên nhập Tam Thiền là ly hỷ, hỷ này thuộc về hỷ dục tưởng thức, do tưởng dục sanh. Chúng ta cũng nên nhớ, khi nhập Nhị Thiền tầm tứ bị diệt nên định sanh hỷ lạc, do tầm tứ diệt nên ý thức dục ngưng, vì thế, trạng thái hỷ lạc của Nhị Thiền là do tưởng dục sanh, không phải do ly dục sanh nên đến Tam Thiền thì Đức Phật dạy xả hỷ tưởng này, cho nên ly hỷ, trú xả, tức là lìa 18 loại hỷ tưởng, còn trạng thái Sơ Thiền do ly dục, sanh hỷ lạc nên không có dục và dục tưởng, vì thế hỷ lạc trong Sơ Thiền không có xả mà chỉ xả hỷ lạc của Nhị Thiền mà thôi. Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền là một tâm hồn thanh thản, an lạc và vôsự của tâm ly dục, ly ác pháp.

Vì thế, hỷ lạc của Sơ Thiền là loại hỷ lạc của người giải thoát dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, ba lậuhoặc này, không còntác dụng được tâm của người nhập Sơ Thiền, còn Nhị Thiền do ức chế ý thức, ý thức ngưng hoạt động, tưởng thức thay thế hoạt động, nên sanh ra hỷ lạc, cũng giống như người ngủ mới có chiêm bao.

Tóm lại, hỷ lạc do ly dục sanh không giống mười tám loại hỷ tưởng này, hành giả nên lưu ý, đây là những thứ thiền định của đạo Phật rất đặc biệt mà không có một pháp môn nào của ngoại đạo mà có được.

Bởi thế đức Phật dạy:“Được thân người là khó mà gặp được Phật pháp còn khó hơn”,thế mà có người gặp được pháp chân chánh của đức Phật lại còn thờ ơ, thì quá uổng cho kiếp đời của họ. Một mai mất thân rồi thì trăm muôn ngàn kiếp còn có gặp được chánh pháp hay không?

CÁC PHÁP KHÔNG PHẢI CỦA TA

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo như trong kinh dạy, chúng con biết: thân, thọ, tâm, pháp cũng không phải của chúng ta, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ýcũng không phải củachúng ta. Như vậy, thân này còn có ý nghĩa gì?

Đáp:Trong kinh đức Phật dạy: Thân này không phải của ta, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phải của ta, lục căn, lục trần cũng không phải của ta, cho nên nghiệp ác hay thiện cũng không phải của ta. Chỉ vì không hiểu rõ (vô minh) ta mới lầm chấp là của ta, do sự lầm chấp này, chúng ta mới bảo vệ nó tạo ra nhiều điều ác, khiến cho chúng ta phải thọ chịu khổ từ kiếp này đến kiếp khác không hề dứt, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

Nhờ giáo pháp của đức Phật dạy, chúng ta mới hiểu rõ các pháp trong thế gian là do các duyên hợp màthành, chứ không có một vật gì thường hằng vĩnh cửu, đức Phật nói: “Nếu còn có một vật gì thường hằng như một chút xíu đất trong móng tay Ta thì con người không thoát khổ và đạo Ta cũng không xuất hiện ở đời”.

Hiện giờ, chúng ta đã ngộ được lý duyên khởi ấy, nhưng tu cho thân, thọ, tâm, pháp, lục căn, lục trần, lục thức thật sự không phải là ta, của ta, thì phải tu hết sức và còn phải siêng năng, chuyên cần, tinh cần, tinh tấnvà với một nhiệt tâmtha thiết tìm cầu sự giải thoát. Nếu không nỗ lực tu hành thì tất cả những thứ này chúng ta đều cho là thật có, là ta và của ta.

Khi muốn phá thân kiết sử này, ta phải sống một đời sống giới hạnh đầy đủ, phải độc cư trọn vẹn suốt 3 năm đến 5 năm, chứ không phải nói suông được với các pháp này. Hằng ngày phải tu cho đúng pháp, đúng cách, đúng căn cơ đặc tướng, nếu tu không đúng pháp, đúng cách, đúng đặc tướng căn cơ thì sẽ hoài công vô ích. Tất cả các pháp ấy vẫn bị dính mắc, đều là của ta, là ta. Nói thì rất dễ, nhưng bỏ cái ta và của ta rất là khó.

Tu cho đúng pháp của đức Phật dạy thì nghiệp quả của thân không còn ý nghĩa gì cả, vì chuyển nghiệp quả khổ thành nghiẹp quả phước báo, nên thảnh thơi, an lạc và vô sự, còn tu sai thì muôn đời nghìn kiếp nghiệp thân cứ tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và phải chịu thọ khổ vô lượng kiếp.

Nói các pháp không phải là ta, của ta thì dễ, nhưng tu tập để đến chỗ không còn là ta, của ta thì không phải dễ như trên đã nói. Chỗ này cái ta,của ta cần nên lưu ý: đây chỉ là một triết thuyết lý luận chơi, chứ không thể thực hiện đượccái không tacủa ta được. Người ta gán nhận cho đạo Phật là đạo vô ngã, nhưng thực ra chúng ta nghiên cứu kỹ lại đạo Phật thì đạo Phật là đạo “hữu ngã thiện pháp”“vô ngã ác pháp”.Do vậy đức Phật đã xác định có hai lộ trình:“Có hai đường đi, một là đường ác, hai là đường thiện, người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui”. (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 498). Đã đi trên con đường thiện thì làm sao gọi là vô ngã được? Thì làm sao gọi là không ta, không của ta được?

Do những điều trên đây, mà chúng ta suy ngẫm và tư duy biết rất rõ các pháp của đức Phật thực hiện được, còn tất cả các pháp của kinh sách phát triển và Thiền Đông Độ chỉ là những lý thuyết suông như: “Phật Tánh, vô ngã, vô sở đắc, ngã pháp đều không”, đó là những điều không thể thực hiện được.

QUẢ BÁO CÓ HAY KHÔNG?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Kẻ tham nhũng làm điều phi đạo lý trong xã hội ngày một béo tốt nhiều tiền lắm của, kẻ ăn cắp ngày một giàu lên. Vậyhọ đang tạo nghiệp ác,đến bao giờ họ phải trả nghiệp ác này, ít ra thì cũng phải trả trong đời hiện tại này để mọi người thấy được. Còn họ trả nghiệp ác này trong tương lai thì trừu tượng quá vậy? Xin Thầy dạy cho chúng con rõ.

Đáp: Phước đời trước họ khéo tạo nên đời nay họ mới sanh vào chỗ làm dễ ra tiền. Thế mà, vì lòng tham không đáy nên họ đã làm tiền phi đạo lý như: tham nhũng, trộm cắp, hối lộ v.v.. Tuy hiện tại, chúng ta chưa thấy quả báo của họ, là vì phước báo của họ còn dư thừa chưa hết, nhưng khi phước báo ấy đã cạn hết thì thiên tai hỏa hoạn đến thì họ chỉ còn sống trong màn trời chiếu đất, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Các con đừng nghĩ rằng, nhân quả trừu tượng, nhân quả là một định luật đạo đức công bằng và công lý mà trong thế gian này không có một định luật nào công bằng và công lý hơn nó được.

Nếu họ biết dừng ngay những điều làm ra tiền phi đạo lý của họ thì bây giờ họ cũng phải trả quả trong hiện tại, huống là họ chẳng biết dừng những việc làm ác đó thì họ sẽ phải trả quả ngay trong kiếp này, để cho mọi người chứng kiến biết rõ luậtnhân quả công minh khi phước họ đãcạn hết chứ không phải ở kiếp sau. Bằng chứng các con có đọc báo Công An thành phố Hồ Chí Minh nhiều kẻ làm giàu phi đạo lý sẽ bị tù tội, tử hình, tài sản và nhà cửa đều bị tịch thu như: Minh Phụng, Trần Đàm v.v..

Nhân quả không trừu tượng như các con đã hiểu, những phước báo của kẻ tạo ra những điều phi đạo lý chưa hết, nên họ còn hưởng thêm một vài ngày, nếu phước báo kia vừa hết thì quả báo khổ đau sẽ đến với họ liền.

“Phước bất trùng lai họa vô đơn chí”,người xưa đã nói như vậy, tức là họ đã có kinh nghiệm trong cuộc sống nên đã nhận ra được luật nhân quả rõ ràng và cụ thể “vay một trả mười”.

Nhân quả không những phải trả ở tương lai trong kiếp khác mà còn phải trả ngay trong kiếp hiện tại. Chỉ khi nào người tạo quả ác đã hết phước thì họ phải trả ngay liền, còn quả ở vị lai thì nó đã trở thành nghiệp lực, để tiếp tục tương ưng với nhân quả của người khác mà tái sanh vào môi trường sống xấu hơn, nếu họ làm ác nhiều hoặc tốt hơn nếu họ làm thiện nhiều.

Trước mặt chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ làm ác mà chẳng thấy quả khổ của họ, nên mọi người đâm ra nghi ngờ luật nhân quả. Họ đâu biết rằng, luật nhân quả rất công bằng và công lý, ai làm thiện thì hưởng phước, còn ai làm ác thì thọ chịu quả khổ, không có một ai tránh khỏi, chỉ có phước thừa của họ chưa hết, nên họ làm ác vẫn còn thấy được an vui, nhưng sự an vui chưa thật sự là an vui. Nếu chúng ta nhìn kỹ cái vui của họ là tiếng khóc, cái hãnh diện của họ là những ưu tư da diết trong lòng, chứ chưa phải là hạnh phúc đâu.

Trong thế gian này, duy nhất chỉ có một đạo luật nhân quả là công bằng và công lý, đó là một đạo luật do từ những hành động thiện ác của con người tạo ra để phân xử lấy họ, chứ không có ai hoặc một đấng sáng tạo nào đặt ra cả. Từ hành động thiện ác của loài người, mà con người phải chịu quả khổ vui chính hành động của họ, chứ không phải quả khổ vui tự nhiên mà có hay có ai xét xử phạt tội ban phước cho chúng ta.

Phật dạy: “Các pháp trong thế gian là do duyên hợp mà thành, nhưng sự thành hoại đều do hành động nhân quả mà có”. Nhân quả có lúc hiện rất rõ, lại có lúc thấy như không có nhân quả, nhưng chúng ta phải biết nhân quả lúc nào cũng đang chi phối loàingười theo mỗihành động của con người. Và vì vậy, con người mới thấy có khổ, có vui, có giận hờn, thương ghét, có buồn phiền đau khổ, có oan ức, có hận thù v.v..

Có lúc thấy như không có nhân quả, do đó người ta đã lầm và mất lòng tin nhân quả, nhưng nhân quả lúc nào cũng có mặt trong tất cả mọi con người, nên không có người nào trốn tránh khỏi luật này được, dù kẻ đó, có nhiều tiền, nhiều bạc, có quyền cao, chức trọng cũng không thoát khỏi luật này phân xử, do đó nó rất công bằng và công lý, mặc dù chúng ta thấy có kẻ kia làm ác mà vẫn không thấy quả khổ đến với họ, đó là vì phước của kẻ kia chưa hết, như chúng tôi đã nói ở trên, nên quả khổ đau của họ chưa đến mà thôi.

TỐT ĐẠO ĐẸP ĐỜI

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ở một cơ quan xuất nhập khẩu, đã nhập về những chất độc hại chung ngoài kế hoạch bán lấy tiền chia nhau. Có một cư sĩ cũng làm trong cơ quan đó được chia tiền và đã từ chối không nhận, nhận thì phạm pháp luật, không nhận thì bị mọi người ghen ghét thù oán rất khổ tâm. Vậy nên giải quyết như thế nào, để tốt đạo đẹp đời và cuộc sốngcủa mình cũng được an vui, thanh thản.

Đáp:Đồng tiền làm ra bằng sự gian trá, xảo quyệt, lừa đảo người khác, bằng những thủ đoạn gian lận, nếu đồng tiền đó đem cúng dường chư Phật, chư Thánh Tăng đã không được phước báo mà còn lại thêm nhiều tội và những tội đó rất nặng, vì đồng tiền làm ra bằng ác hạnh. Nếu chư Phật và chư Thánh Tăng thọ dụng xây chùa, xây tháp hoặc đúc tượng, đúc chuông và làm những Phật sự khác thì những Phật sự đó sẽ là tà sự. Đồng tiền ấy sẽ biến tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thành đảng phái tà giáo hơn là tôn giáo chân chánh, vì tôn giáo phải lấy đạo đức làm đầu. Nếu tôn giáo nào dùng đồng tiền thiếu đạo đức để sử dụng làm lợi ích cho đạo thì tôn giáo đó sẽ sắp sửa đến ngày tận diệt và những di tích làm ra bằng đồng tiền đó để lại cho đời sau là một sự nguyền rủa, khinh bỉ.

Đồng tiền thiếu đạo đức mà đem làm việc từ thiện xã hội thì việc từ thiện kia chỉ là một tấm bình phong che đậy cho những người làm ác, khiến cho họ càng làm ác hơn nữa. Họ làm từ thiện với đồng tiền đó thì chẳng có từ thiện chút nào cả, những kẻ nào thọ dùng đồng tiền ác hại này cũng sẽ gặp tai nạn khổ ách, như những kẻ làm ra đồng tiền ác đức kia.

Cùng làm trong một cơ quan xuất nhập khẩu mà đã có sự gian xảo như vậy, dù chúng ta không nhận đồng tiền ác đức đó nhưng chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng xấu đối với pháp luật tuy ta không có tội.

Điều trước mắt là trong cơ quan đó, có nhiều người họ đã nhận lấy số tiền chia nhau bất chánh đó và sẽ tiếp tục làm những điều không tốt, nhưng chúng ta lại ở trong tập thể đó, không nhận tức là tạo đối lập với họ thì họ không thể nào để cho chúng ta yên được, bằng mọi cách họ sẽ loại trừ. Đó là một điều nguy hiểm và tác hại rất lớn, nếu chúng ta không sáng suốt chắc chắn tai hoạ sẽ đến.

Cho nên, khi nhận tiền bất chánh đó là một sự dại dột, sẽ tự giết mình và sẽ tự mang hoạ đến cho mình. Điều giải quyết tốt nhất, muốn an thân thì nên nhận tiền chứ đừng làm người anh hùng rơm, nhận tiền nhưng đem làm việc từ thiện xã hội giúp kẻ bất hạnh. Nếu cơ quan này làm những điều phạm pháp có hại cho dân cho nước thì ta nên khéo léo tố cáo để chặn đứng bọn ác quỷ đội lốt người, làm giàu bằng sự đau khổ của kẻ khác.

Muốn cho tốt đạo đẹp đời thì không nên làm chung với những người ác đó. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ta hãy chọn bạn lành, việc lành, người lành cùng làm và cùng sống chung nhau thì sẽ tốt đạo đẹp đời, tâm hồn sẽ được thanh thản, an lạc.

TU THIỀN NHƯ THẾ NÀO KHÔNG DẬM CHÂN TẠI CHỔ?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Người tu thiền như thế nào là có tiến bộ, không tiến bộ và giậmchân tại chỗ? Phải khắc phục tu như thế nào để có tiến bộ không bị giậmchân tại chỗ?

Đáp: Người tu thiền, ngồi nhiều hoặc dùng pháp ức chế tâm để dừng vọng tưởng (tâm không niệm thiện, niệm ác) thì sẽ giậm chân tại chỗ, không có lối tiến tới được nữa. Người tu thiền xả tâm, tâm như đất, xả ít tiến bộ ít, xả nhiều tiến bộ nhiều, xả hết tức là ly dục ly ác pháp, tâm như đất trời thì tu xong việc.

Tu xong việc tâm thường quay vào trong thân, không chạy theo các pháp trần, không dính mắc các pháp ác, tức là tâm không phóng dật theo các pháp bên ngoài, như vậy là tâm đã định vào thân, tâm định vào thân là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ là tâm giải thoát hay là tâm Diệt Đế, tâm Diệt Đế, tức là tâm Niết Bàn, tâm Niết Bàn là tâm đoạn dứt lòng ham muốn và các ác pháp, như vậy tức là tâm nhập vô tướng tâm định.

Muốn xả tâm cho được rốt ráo thì phải sống độc cư, không nên tiếp duyên bên ngoài với ai hết, không làm một việc gì cả, thường quan sát thấy tâm niệm khởi phá độc cư thì phải mau mau xả liền không được duy trì, không được nghe theo các niệm phá hạnh độc cư. Trong lúc độc cư, nếu có tất cả mọi niệm khởi lên dù đúng, sai, phải, trái, những niệm đó đều làm mất hạnh độc cư thì phải mau xả xuống, không nên khởi niệm, khởi niệm tức là phóng tâm, phóng tâm tức là theoniệm, theo niệm tức là phóng dật cho nên phá độc cư, tức là tâm phóng dật.

Quý vị nên lưu ý, độc cư không được đọc kinh sách, không được làm mọi công việc, không được nói chuyện dù chuyện đạo chuyện đời, không được nghe băng nhạc, băng thuyết giảng, v.v.. mà duy nhất chỉ có một việc làm là quán xét thân tâm mình để xả các niệm, tâm ham muốn và các ác pháp, do đó thì mới giữ gìn hạnh độc cư trọn vẹn. Có giữ gìn hạnh độc cư trọn vẹn như vậy thì sự tu hành mới có tiến bộ, bằng ngược lại thì giậm chân tại chỗ. Người tu thiền xả tâm mà giữ được hạnh độc cư thì xả tâm rất dễ dàng, còn giữ hạnh độc cư không được thì xả tâm không được nên tu thiền không tiến bộ, nói đúng hơn là không có kết quả giải thoát.

Tóm lại, người tu thiền ức chế tâm là thường giậm chân tại chỗ, không tiến bộ, giống như các vị tổ sư Thiền Tông tu mãi chỉ có lý luận nói nhiều, ngược lại tu thiền xả tâm thì có tiến bộ rất cụ thể, tiến bộ trong từng phút, từng giây, từng giờ, từng ngày, chúng ta nhận thấy tâm thanh thản an lạc và vô sự rất rõ ràng.

Muốn tu hành không giậmchân tại chỗ thì phải giữ gìn hạnh độc cư, nếu giữ gìn hạnh độc cư chẳng được thì tu hành chỉ uổng phí một đời tu mà chẳng ích lợi gì cho mình cho người.

VỌNG TƯỞNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ý thức có phải là tâm không? Vọng tưởng có phải tâm tán loạn vọng động không? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Ý thức là một thức trong sáu thức của thân tứ đại: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nếu gọi ý thức là tâm thì không đúng. Chúng ta nên đặt thành vấn đề, nếu gọi ý thức là tâm thì nhãn thức cũng có thể gọi là tâm, như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức cũng gọi là tâm. Nếu sáu thức đều là tâm thì tâm là sáu thức và như vậy có cần gì phải gọi sáu thức này để làm chi. Cũng như tưởng thức, tự nó nghe, thấy, nếm, ngửi, cảm xúc và phân biệt mà không cần sáu căn, còn sắc thức của thân tứ đại thì cần đến sáu căn, muốn nghe thì phải có nhĩ căn và nhĩ thức, muốn thấy phải có nhãn căn và nhãn thức,chứ không như tưởng thức được. Do đó ý thức không phải là tâm thức, tâm thức là cái biết để thực hiện Tam Minh, chứ không phải như tưởng thức và sắc thức. Bởi khi đức Phật sắp chứng đạo hoàn toàn Ngài dẫn tâm đến Tam Minh, đó là Ngàidẫn tâm thức, chứ không códẫn sắc thức và tưởng thức. Như vậy, lúc bấy giờ đức Phật đã dùng tâm thức, chứ không phải dùng ý thức và tưởng thức.

Nếu nói tâm thức là vọng tưởng thì không đúng, còn nếu bảo sắc thức và tưởng thức là vọng tưởng thì cũng không đúng. Người ta đã lầm, khi thấy niệm lăng xăng trong đầu (loạn tưởng) cho đó là tâm thức, ý thức, tưởng thức thì sai tất cả.

Những niệm sanh khởi trong tâm của chúng ta là nghiệp nhân quả, do chúng ta huân tập lâu ngày đã thành thói quen (tạp khí), nên thường lăng xăng trong đầu của chúng ta, chỗ này có rất nhiều người đã hiểu lầm lạc, vì thế nên khi tu hành cứ lo ức chế tâm cho hết vọng tưởng, ngồi thiền nhiếp tâm trong hơi thở, trong câu niệm Phật, trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi v.v.. Vì hiểu sai nên tu sai, muốn tâm không phóng dật, tức là không có vọng tưởng thì phải biết gốc của vọng tưởng từ đâu mà có nó, nó có từ nhân quả thiện ác, cho nên đức Phật dạy:“Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”,ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp tức là tu tập như vậy sẽ không có vọng tưởng, không cóvọng tưởng, tức là tâm không phóng dật.

Muốn khắc phục được vọng tưởng thì không nên ức chế tướng vọng tưởng trong tâm ta, mà phải dùng pháp Tứ Chánh Cần xả ly tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử thì vọng tưởng sẽ hết, tức là tâm không phóng dật; tâm không phóng dật là tâm định trên thân hay nói cách khác là tâm đã ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Định. Sau khi Bất Động Tâm thì tâm có đủ Tứ Thần Túc, nhờ Tứ Thần Túc mới nhập Sơ Thiền. Từ đó về sau chúng ta nhập các định như: Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền như trở bàn tay, không mấy khó khăn và mệt nhọc.

TÂM THỨC CÒN HAY HOẠI DIỆT KHI NGƯỜI ĐÃ CHẾT

 Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi xác thân hoại diệt thì tâm thức thường hằng bất biến hay đã hoại diệt hoàn toàn theo thân xác của nó?

Đáp: Đức Phật đã dạy:“nếu thức còn một chút xíu như đất trong móng tay Ta thì con người trong thế gian này không thể thoát khổ và Đạo Ta cũng không xuất hiệnra đời”.

Đây là lời dạy chân thật, nếu còn một chút xíu thức, tức là còn một vật thường hằng, mà đã còn một vật thường hằng thì con người không thể thoát khổ. Do quán xét thấu suốt lý các pháp duyên hợp, nên đức Phật xác định, không có một vật gì thường hằng bất biến, dù là vật có hình sắc hay vô hình trong thế gian này. Và vì vậy, đạo Phật không chấp nhận thế giới siêu hình, thế giới siêu hình chỉ là một thế giới tưởng của con người còn sống, nhưng đến khi chết thì thế giới này cũng tan biến theo mây khói mà thôi.

Kinh sách phát triển xây dựng thế giới siêu hình có một vật vĩnh hằng (Chơn Tâm, Phật Tánh, Bản Lai Diện Mục v.v..) là giáo phái xây dựng thế giới ảo tưởng. Hiện giờ, khoa học cũng đã xác định, mọi vật đều do nhiều nguyên tố kết hợp lại, chứ không có một vật gì độc lập riêng rẽ, cho nên thế giới thường hằng không có thật, đó chỉ là sự lừa đảo, lường gạt đối với những người còn lạc hậu, chưa có kiến thức về khoa học, những người đang tu theo Phật giáo phát triển và Thiền Đông Độ mà thôi.

Ngày nào khoa học tiến triển sâu xa hơn và trình độ kiến thức của con người được nâng cao sự hiểu biết thì ngày đó tất cả các giáo phái trên hành tinh này đã, đang và sẽ xây dựng thế giới siêu hình thường hằng, bất biến thì sẽ bị loại trừ ra khỏi đời sống của loài người. Chỉ vì hiện giờ khoa học chưa đủ sức chứng minh thế giới vĩnh hằng có hay là không, vì do tưởng uẩn tạo nhiều trò ảo thuật (siêu hình) khiến cho khoa học không thể chứng minh được, đành bó tay, nhưng đối với những người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy không rơi vào thiền tưởng và những người đã nhập được Sơ Thiền đến Tứ Thiền và Tam Minh thì không thể lừa đảo họ được, vì chính bản thân họ đã thấy được thế giới siêu hình đó từ đâu sanh ra.

CÚNG DƯỜNG TIỀN CÓ PHƯỚC BÁO KHÔNG?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Kính thưa Thầy! Có một sĩ quan quân đội hỏi con, vào chùa lễ Phật, một người cúng dường 1000đ và một người cúng dường 100.000đ thì người nào có phước đức hơn?

Đáp: Trong giới luật Phật, cấm các tu sĩ không được cất giữ tiền bạc. Người cất giữ tiền bạc thì bị tội xả đọa (Ni tát kỳ ba dật đề).

Phật tử vào chùa lạy Phật, cúng tiền bạc dù một đồng cho đến hằng tỷđồng đãkhông có phước báo mà còn phi công đức như:

1-        Khiến cho chư tăng ham mê tiền bạc mà quên giữ gìn Thánh hạnh của mình, đó là phi công đức thứ nhất.

2-        Có tiền khiến cho chư tăng sa ngã chạy theo dục lạc thế gian, sống hưởng thụ, không giữ gìn giới luật, khiến cho người đời khinh chê Phật pháp và cũng vì vậy, khiến cho Phật pháp suy đồi, đó là phi công đức thứ hai.

3-        Có tiền, khiến chư tăng chạy theo danh lợi, quên hạnh thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn, đó là phi công đức thứ ba.

4-        Có tiền, khiến cho chư Tăng xây dựng chùa to Phật lớn, làm cho dính mắc vật chất, tâm không xả ly dục và ác pháp, đó là điều phi công đức thứ tư.

5-        Có tiền cúng dường của đàn na, thí chủ đem về nuôi giòng họ anh em con cháu và xây mồ mả tổ tiên, cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ ở, đó là điều phi công đức thứ năm.

6-        Cúng dường tiền bạc cho bọn đầu trộm đuôi cướp gian xảo lợi dụngchiếc áo cà sa đi xin (khất thực) tiền bạc bấtchánh, đó là điều phi công đức thứ sáu.

Do sáu điều phi công đức trên đây, người Phật tử cúng dường tiền bạc đã không được phước báo mà lại còn thêm sáu tội rất nặng, đó là tội diệt Phật pháp.

Xưa, đức Phật và chư Thánh Tăng đi khất thực tứ sự vừa đủ cho cuộc sống tu hành và thực phẩm, ngày ăn một bữa, không để dành và cũng không có xin tiền bạc. Ngày nay, gặptu sĩ đi xin tiền bạc thì đó là những tu sĩ giả mạo, chứ không phải là người tu chơn chánh.

Người Phật tử nào cúng dường tiền bạc là người Phật tử đã bị kinh sách phát triển và Thiền Tông lừa đảo lường gạt “phước báo” để lấy tiền làm giàu riêng cho cá nhân, ngồi mát hưởng bát vàng.

Do sự cúng dường tiền bạc của Phật tử thiếu trách nhiệm và bổn phận đối với Phật giáo, nên có một số người lợi dụng kẽ hở đó chui vào Phật giáo, kinh doanh buôn Phật bán Pháp lẫn trong chiếc áo cà sa làm việc tồi tệ, khiến cho người đời không kính trọng Phật giáo.

Tóm lại, cúng dường chư Phật và chư thánh tăng, dù một đồng hay một tỷ đồng thì cũng không được phước báo một chút gì cả mà lại còn thêm tội. Phải nói người cúng một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng, vì cúng dường nhiều, khiến cho chư Tăng dễ sa ngã chạy theo vật chất, quên đường tu hành nên phải tội nhiều hơn. Khi cúng dường tiền bạc thì nên giao cho một người cư sĩ nguyện trọn đời mình lo cho đời sống chư Tăng thì được phước, vì đó là cúng dường đúng chánh pháp.

ĐẠI HỘI LONG HOA

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi: Hiện nay ở miền Bắc nước ta, có một số người nghe theo tuyên truyền Đại Hội Long Hoa. Họ cho rằng thời kỳ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết hạn ở thế gian. Đến năm hai ngàn là thời kỳ của đức Phật Di Lặc ra đời thay thế cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Kính thưa Thầy như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì hiểu như thế nào để không lạc vào con đường tà giáo, ngoại đạo và giúp cho mọi người ra khỏi con đường mê mờ này?

Có một số người tu theo đạo Phật nhiều năm mà đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời vì phải đi chùa này chùanọ, làmcông quả để tạo công đức này, công đức kia, bỏ cả việc làm ăn. Kính thưa Thầy, những người tu như vậy sẽ có lợi ích gì cho đời sống của họ và xã hội?

Đáp:Phần đông, các tu sĩ Phật giáo hiện giờ đều là đệ tử của đức Phật Di Lặc, họ tu theo giáo pháp phát triển, tức là giáo pháp của đức Phật Di Lặc, chứ đâu còn là giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những tu sĩ này gọi giáo pháp đó là giáo pháp Thanh Văn, Nhị Thừa, Duyên Giác, ngoại đạo. Họ đã bỏ giáo pháp này từ lâu, chứ đâu có đợi đến ngày Đại Hội Long Hoa, đức Phật Di Lặc ra đời rồi mới truyền giáo pháp này.

Họ tu theo giáo pháp phát triển của đức Phật Di Lặc từ khi chúng tỳ kheo chia ra làm hai bộ phái: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Trước khi chia ra bộ phái, họ đã triển khai kinh sách phát triển vạch ra một đường lối tu mới, vì thế người ta không còn tu theo giáo pháp của đức Phật Thích Ca, chứ đâu phải đợi tới năm hai ngàn.

Chính lúc mới tám tuổi, khi xuất gia học đạo, chúng tôi cũng đều tu học theo giáo pháp của đức Phật Di Lặc, nỗ lực tu hành hơn 30 năm trời, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, nên đành phải bỏ pháp môn đó, trở lại tu pháp môn Duyên Giác, Thanh Văn, Nhị Thừa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng tôi mới thấy pháp xả tâm và giới luật của Thanh Văn thật là hữu hiệu, nhờ đó, trước tiên chúng tôi nhận được mình là một tu sĩ có đời sống đạo hạnh và thân tâm thường thanh thản, an lạc, vô sự tức là chúng tôi đã nếm được mùi vị giải thoát thật sự của đạo Phật, chừng ấy chúng tôi mới nhận thấy rõ đạo là đạo, đời là đời, không thể đạo đời lẫn lộn như pháp môn phát triển của đức Phật Di Lặc. Cách thức sống của các tu sĩ hiện giờ, đạo đời lẫn lộn khiến cho mọi người không biết đâu là đời sống đạo đúng và đâu là đời sống đạo không đúng. Cách thức sống của các tu sĩ Phật giáo hiện giờ cũng chạy theo vật chất thế gian, như người đời nên khó phân biệt, chỉ có phân biệt được là chiếc áo tu sĩ mà thôi.

Nếu muốn không lầm lạc vào tà giáo ngoại đạo thì quý vị nên lấy giới luật Phật quán xét giới tu sĩ, người tu sĩ nào sống đúng giới luật, có đầy đủ phạm hạnh là người sống và tu đúng pháp chơn chánh của đạo Phật, còn người tu sĩ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống chạy theo vật chất dục lạc thế gian là tu theo pháp phát triển và Thiền Đông Độ.

Người tu sĩ Phật giáo lấy giới luật làm Thầy như đức Phật Thích Ca đã di chúc:“Sau khi Ta nhập diệt, các Thầy tỳ kheo hãy lấy giới luật của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc. Giới luật Ta còn là đạo Ta còn, giới luật Ta mất là đạo Ta mất”.

Dựa theo lời di chúc này, các vị tỳ kheo nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới là đệ tử của ngoại đạo, tà giáo. Quý Phật tử không nên tu hành theo những vị tu sĩ này, vì có tu hành theo họ thì cũng chẳng tu đến đâu, đời chẳng ra đời và đạo cũng chẳng ra đạo. Nếu có tu cũng chỉ trở thành là một ông thầy danh, lợi mà thôi.

Nhờ cân nhắc về đức hạnh giới luật mà quý Phật tử tìm được một bậc Thầy chơn chánh và thoát khỏi những sự lừa đảo của những tà sư ngoại đạo, tu lầm lạc vào con đường mê mờ, u tối, loanh quanh trong các định tưởng.

Tóm lại, đạo Phật do đức Giáo Chủ Di Lặc hướng dẫn phần nhiều tu sĩ xem thường giới luật, nên đều phạm giới. Chính hình ảnh đức Phật Di Lặc là hình ảnh mất oai nghi tế hạnh của một tu sĩ chân chánh, mặc áo hở bụngngực một cách thô lỗkhông đúng đức hạnh của bậc thánh tăng.

Người tu sĩ phạm giới là người không có đức hạnh làm một vị thánh tăng, nên chúng ta dễ nhận xét con đường nào là con đường tu hành của Bà La Môn giáo và con đường nào là con đường tu hành theo Phật giáo.

Trong thời đức Phật còn tại thế, vấn đề làm công quả thì gần như không có. Vì là một Du Tăng Khất Sĩ sống rày đây mai đó, không ở chỗ nào quá lâu, nên vấn đề công quả không cần thiết. Mỗi tu sĩ đến giờ đi khất thực để sống ngày một bữa, nên dồntất cả các thời gian rảnh rang vào tu tập và rèn luyện pháp hướng tâm.

Cho nên, một số người hiện giờ làm công quả từ chùa này, đến chùa khác để tìm cầu sự giải thoát thì chắc chắn không bao giờ có được, chỉ uổng cho một đời tu hành bị người khác lừa đảo, làm công không cho họ mà họ không tốn tiền.

Làm công quả để được phước báo, điều này chúng ta dễ bị lừa. Bởi phước báo của đạo Phật là do chính mình ngăn ác, diệt ác pháp, hoặc ly dục, ly ác pháp thì phước báo sẽ đến với mình ngay liền tức khắc, còn làm công quả thì thân thể mệt nhọc, tâmsanh ra buồn ngủ; cơ thể mệt nhọc, tâm sanh buồn ngủ là trạng tháimất tỉnh thức, mất tỉnh thức, tức là vô minh mà vô minh thì làm sao có phước báo được.

Người làm công quả thì không bao giờ tu hành được, nếu suốt đời làm công quả thì chỉ là một người làm công cho kẻ khác, chẳng ích lợi gì cho mình, chỉ là một người ngu mà thôi.

Khi bước vào đạo Phật còn chiếc áo của người cư sĩ, nghĩa là chưa thọ Giới luật thì lúc bây giờ chúng ta làm được những gì để giúp cho chư Tăng yên tâm tu hành, đó là gieo nhân tu hành cho chúng ta ở ngày mai, chứ không phải làm công quả để cầu phước báo đó là sai.

THÂN THƯỜNG BỊ BỆNH

Câu hỏi của một Phật tử ở Mỹ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Thân thường bị bệnh là nghiệp gì? Phải làm sao thân không bệnh?

Đáp:Đã sinh làm người, làm loài động vật là đã mang thân nghiệp. Thân nghiệp tức là thân nhân quả. Thân nhân quả tùy theo nhân quả thiện ác mà thọ chịu quả khổ đau phiền não, giận hờn thương ghét v.v.. nặng nhẹ hoặc thọ hưởng sự phước báo yên vui, an ổn, ít bệnh tật, ít tai nạn v.v.. chứ không ai mang thân nhân quả nghiệp báo mà không đau khổ, mà không có an vui bao giờ.

Thân thường bị bệnh là do nghiệp sát sanh tức là nguyên nhân giết hại và ăn thịt chúng sanh. Người có thân thường hay bị bệnh từ lúc mới sinh ra cho đến già sắp bỏ thân này là do kiếp trước giết hại và ăn thịt chúng sanh quá nhiều nên phải chịu trả quả báo thọ thân bệnh khổ đau liên miên như vậy.

Muốn thoát ra thân bệnh tật khổ đau và những tai nạn thì phải thọ Tam Quy Ngũ Giới. Thọ Tam Quy Ngũ Giới là phải giữ gìn đúng những lời Phật dạy thì mới có kết quả thân không còn bệnh tật và tai nạn nữa. Vậy Thọ Tam Quy Ngũ giới là gì? Và thọ bằng cách nào?

Thọ Tam Quy tức là nương theo Phật, Pháp, Tăng. Nương theo Phật là phải sống như Phật; nương theo Pháp là phải sống đúng theo lời dạy của Phật; nương theo Tăng là phải thân cận thiện hữu tri thức thường thưa hỏi và sống theo gương hạnh hòa hợp của những vị Tăng để hằng ngày sống trọn vẹn đạo đức nhân bản – nhân quả tự không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là Quy Y Tam Bảo, con nên ghi nhớ.

Thọ ngũ giới là gì?

Thọ ngũ giới là chấp nhận sống năm đức hạnh nhân bản - nhân quả tự không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Năm giới đức hạnh đó là:

1-        Giới thứ nhất không giết hại và ăn thịt chúng sanh, đó là đức hiếu sinh tức là lòng thương yêu sự sống trên hành tinh này vậy.

2-        Giới thứ hai không tham lam trộm cắp, cướp giựt, không lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đó là đức buông xả, đức thiểu dục tri túc tức là xả ly lòng không tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, từ bỏ lấy của không cho.

3-        Giới thứ ba không tà dâm tức là đức chung thủy. Đức chung thủy là lòng thương yêu một vợ một chồng, không lang chạ với người khác. Đức chung thủy tạo nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc chồng thương vợ, vợ thương chồng với một lòng thương yêu chân thật, một tình nghĩa keo sơn gắn bó. Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách. Đây là một đạo đức gia đình mà mọi người trên thế gian này cần phải học và sống cho đúng để không làm khổ những người thân thương đầu áp tay gối của mình.

4-        Giới thứ tư không nói dối tức là đức thành thật. Đức thành thật là một đức hạnh tạo cho mình có đầy đủ lòng tin đối với mọi người. Vì thế chuyện thấy nói thấy, chuyện không thấy nói không thấy; chuyện có nghe nói có nghe, chuyện không nghe, nói chuyện không nghe, chứ thấy nói không thấy, chứ nghe nói không nghe là nói dối. Người không có đức hạnh thành thật thường đem chuyện của người này nói cho người khác nghe hoặc đem chuyện người khác nói cho người này nghe hoặc nói thêu dệt, nói lật lọng đều là những người thiếu đức thành thật và đức tôn trọng mình tôn trọng người.

5-        Giới thứ năm không uống rượu, uống cà phê, không hút thuốc lá thuốc lào, thuốc phiện v.v.. đó là đức minh mẫn. Đức minh mẫn là một đức hạnh sáng suốt. Đức minh mẫn sáng suốt là tự biết mình, làm chủ mình mình không để mình nghiện ngập rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, thuốc phiện v.v.. Vì những loại xa xỉ này đem tai hại và khổ đau cho bản thân mình và gia đình mình như cha, mẹ, vợ, con.

Trong năm đức này người có thân bệnh cần phải giữ gìn cho trọn vẹn đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong năm giới này thì ước nguyện thân bệnh tật sẽ được chuyển hóa và tiêu trừ. Khi giữ gìn năm giới trọn vẹn thì phải tu tập các pháp Thân Hành Niệm, Định Niệm Hơi Thở bằng cách dùng cánh tay đưa ra đưa vào và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” tác ý xong liền đưa tay ra vô năm lần rồi tiếp tục tác ý như câu trên. Tu tập như vậy đúng 30’ xả nghỉ 30’ rồi lại tiếp tu tập lại nữa chừng nào hết bệnh mới thôi.

Nếu người có duyên với hơi thở thì nên tu tập theo hơi thở và tác ý câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”.  Nương theo hơi thở mà tu tập như vậy một thời gian thì bệnh sẽ được đẩy lui. Trước khi tu tập hơi thở như vậy thì nên tác ý câu: “Thọ là vô thường cái bệnh nhức đầu (bệnh gì thì nên nói rõ tên bệnh ấy) này phải chấm dứt, phải rời khỏi thân ta”.

Đó là một phương pháp chuyển nghiệp nhân quả tuyệt vời, nến con tin tưởng thì hãy tu tập theo đúng lời dạy trên đây thì kết quả sẽ được như ước nguyện.

Đạo Phật tu tập không những làm chủ bệnh tật mà còn làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người, đó là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

TUỔI GIÀ HAY CAU CÓ LA RẦY

Câu hỏi của một phật tử ở Mỹ

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cho phép con được hỏi: Mẹ con từ nhỏ cho đến lớn tính tình hiền hòa không có tính cau có khó chịu nhưng đến nay tuổi đã già yếu người sinh tật cau có bực dọc thường la hét chưởi mắng con cháu, nhất là hay quên. Như vậy mẹ con tạo nghiệp gì mà phải thọ khổ như vậy. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con hiểu. Chúng con thành kính biết ơn Thầy.

Đáp:Cứ theo nhân quả hiện tại mà suy ra nhân quả quá khứ và vị lai. Đó là nhìn quả hiện tại mà biết nhân quá khứ. Ví dụ: Một người có thân thường bị bệnh đau uống thuốc mãi không hết, đó là nhân quá khứ giết hại và ăn thịt chúng sanh. Còn nhìn nhân hiện tại mà biết quả vi lai. Ví dụ: Một người tham lam ăn trộm cắp của ngưới khác là vị lai sẽ bị bắt, bị đánh và bị tu tội giam cầm. Còn ở đây câu hỏi của con chỉ hỏi về nhân quả hiện tại của mẹ con, lấy cuộc sống hiện tại của mẹ con ăn lành ở hiền trong tuổi trẻ mà nay sao trở về già lại sinh ra ác pháp, sống trong ác pháp thay vì nhân quả trong tuổi trẻ ăn hiền ở lành thì quả về già phải ăn hiền ở lành hơn, cớ sao nhân quả đi ngược lại, chỉ trong một kiếp người nhân ăn hiền ở lành trong thời tuổi trẻ mà quả mang đến cho tuổi già thì không được an vui hạnh phúc.

Con đứng ở nhân quả hiện tại mà suy luận về nhân quả hiện tại thì phải suy luận như thế này: “Nhân quả trong thời tuổi trẻ của mẹ con ăn hiền ở lành nên hạnh phúc gia đình rất rõ ràng. Ba của con và anh chị em của con đều được sống trong vòng tay người mẹ ăn hiền ở lành. Đó là nhân và quả của thời tuổi trẻ mẹ của con. Nhân lành quả lành trong tuổi trẻ mà các con đều nhận thấy rõ ở người mẹ. Có đúng như vậy không các con?

Đến khi mẹ con tuổi già sức yếu không còn làm việc bảo bọc gia đình như xưa nữa, vì các con đều lớn hết đứa nào cũng có công ăn việc làm, bà chỉ còn có công việc ngồi không trông nom nhà cửa cho các con cái đi làm nên từ đó tâm tính bà thay đổi. Tâm tính bà thay đổi đó là nhân; bà cau có hay tức giận la hét hay chửi mắng con cháu là quả của mẹ con không biết tu sửa theo thiện pháp. Và các con cháu sống trong nhà thấy mẹ và bà như vậy nên lấy làm rất khổ tâm, đó là quả của con và các cháu của chung của gia đình. Đó là nhân hiện tại và quả cũng hiện tại. Có đúng như vậy không các con?”.

Cho nên nhân quả cũng theo qui luật vô thường của các pháp do đó nhân quả cũng trùng trùng vô thường thay đổi, không bao giờ cố định đứng yên một chỗ, nên ai làm thiện thì hưởng phước báo ngay liền mà ai làm ác thì cũng phải thọ chịu quả khổ đau ngay liền trong cuộc sống hiện tại chứ không phải đợi ở kiếp sau hay ngày mai. Nhân quả ở kiếp sau chỉ là một nền móng mà thôi. Nền móng thiện hay là ác để người tạo nhân quả thiện ác sẽ chịu quả khổ đau hay hạnh phúc mà thôi.

NHÂN QUẢ CÓ TRÙNG HỢP KHÔNG?

 Câu hỏi của một phật tử ở Mỹ

Hỏi:Kính thưa Thầy cho con được hỏi: “Trong cuộc sống có những sự trùng hợp khó tin và không thể giải thích được, khi đó một cách tự nhiên người ta bắt đầu nghĩ đến khía cạnh NHÂN QUẢhay bí ẩn của số phận.

Liệu có thể giải thích những chuyện trùng hợp kỳ lạ của nhân quả hay đây là trò chơi của sự ngẫu nhiên và khoa học có những lý thuyết về những vấn đề này?

Thưa Thầy, có phải hai người này từ một nhân sinh ra hay không?

Đáp:Muốn trả lời câu hỏi này xin quý vị hãy đọc lại câu chuyện đã xảy ra ở thánh phố Monza: “Ngày 28/7/1900, Vua Italy Umberto I ăn tối trong nhà hàng ở thành phố Monza. Người ta được biết chủ của nhà hàng này cũng có tên Umberto, sinh ra cùng ngày với nhà vua, trong cùng một thành phố, vợ của họ có cùng một tên, đám cưới cũng diễn ra trong cùng một ngày, còn nhà hàng khai trương đúng vào ngày nhà vua lên ngai vàng.

Nhà vua và người dân thường này rất vui vẻ nhân cuộc gặp gỡ kỳ lạ này và thống nhất sang ngày hôm sau sẽ đến sân vận động. Nhưng đến buổi sáng, chủ nhà hàng Umberto đột ngột qua đời, nhà vua tỏ lòng tiếc thương và chỉ vài giờ sau ông bị một kẻ vô chánh phủ bắn chết. Số phận của họ chỉ không giống nhau ở điểm hai người chết ở những nơi khác nhau”.

Sau khi đọc xong câu chuyện này quý vị thấy đây là một sự trùng hợp kỳ lạ mà trên đời này cũng rất hiếm thấy, nhưng đó là một sự thật phải có. Có ở đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà có ở đây là một sự tương ưng theo qui luật nhân quả.

Câu chuyện này chỉ đứng trong nhân quả mới có thể giải thích được. Khoa học dù có nghiên cứu đến đâu cũng không thể nào giải thích được.

Theo luật nhân quả thì hai người này từ một nhân sinh ra nhưng hai người có sự sai khác trong phước báu hữu lậu. Một người có phước báo hữu lậu làm vua nên tiền bạc giàu có, uy quyền đầy đủ, có nhiều kẻ hầu người hạ và binh lính. Còn một người có phước báo hữu lậu nhưng chỉ làm ông chủ nhà hàng giàu sang, nhưng không có uy quyền, không có lính hầu người hạ như nhà vua. Do phước báo hữu lậu có sai khác nên ông chủ nhà hàng chết không cùng giờ và chết được an ổn, trong êm ái hơn, còn nhà vua bị bắn chết, chết trong hỗn loạn, trong thương đau ghê rợn, máu đổ thịt rơi.

Xét qua nhân quả phước báu hữu lậu của hai người mà chúng ta xác định đây là một nhân sinh ra một quả hai người. Đó là nhân TÂM NGHUYỆNSỞ THÍCHbố thí giúp đỡ người nghèo bất hạnh của hai người trong tiền kiếp giống nhau như hai giọt nước cho nên mới có sự trùng hợp như vậy, nhưng lại có sự sai khác nhau trong giờ khắc chết. Chết trong an ổn và chết không an ổn. Đó là khi tiếp xúc bố thí với mọi người thì người này trực tiếp mang vật phẩm tăng tận tay cho người nghèo; còn người kia thì sai người khác trao tặng. Chỉ có những hành động sai khác ấy mà nhân quả cũng không giống nhau trọn vẹn.

Mọi vật lớn nhỏ trong vũ trụ bao la đều theo qui luật nhân quả không một vật nào thoát ra khỏi qui luật này chỉ trừ những người tu theo Phật giáo chứng đạt chân lí thì mới thoát ra khỏi qui luật này.

Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một sự tương ưng theo qui luật của nhân quả, cho nên không có lý giải theo khoa học được. Muốn hiểu vấn đề trùng hợp này thì chỉ có ở trên góc độ nhân quả trả lời và giải thích những sự việc này mới rõ ràng và cụ thể.

BORISKA – CẬU BÉ SAO HỎA

Câu hỏi của Kim Quang

Hỏi:Kính thưa Thầycho con được hỏi:

 

Hình mang tính minh họa. (Pravda)

1.    Theo bài báo này thì chuyện tái sanh của một người từ hành tinh khác tương ưng với Cha Mẹ trên trái đất vẫn có khả năng phải không thưa Thầy?

2.    Tại sao đứa bé có khả năng nói nhưng chuyện về các hành tinh khác trong vũ trụ và sự thật là trên sao Hỏa có sự sống không hay chỉ là một hành tinh chết thưa Thầy ?

3.    Những lời tiên tri của em bé về tương lai năm 2009 và 2013 có thể tin được điều này không?

4.    Ý thức về các hành động xấu mà em bé biết rõ hậu quả của các hành động đó do đâu mà có vì em là một người chưa hề biết gì về đạo đức nhân bản - nhân quả?

5.    Những vầng hào quang sáng xung quanh của một người có liên quan đến từ trường thiện và từ trướng ác hay không?

Kính xin Thầy khai thị cho chúng con được sáng tỏ. Nếu những câu hỏi của chúng con chỉ vì tò mò mà không có lợi ích thì xin Thầy tha lỗi cho chúng con.

Chúng con xin thành kính cảm ơn Thầy

Đáp:Muốn trả lời những câu hỏi này của con và để mọi người cùng hiểu cho rõ ràng và cụ thể thì xin quý vị vui lòng đọc lại câu chuyện “Boriska – cậu bé từ sao Hỏa”.

Câu chuyện cậu bé từ sao Hỏa đã làm dư luận thế giới xôn xao. Chính vì thế mà chúng tôi có được những câu hỏi về cậu bé từ sao Hỏa, nếu không trả lời là phụ lòng mong đợi của mọi người. Và trả lời là vạch rõ cho mọi người biết tưởng uẩn trong mọi con người thật là kinh khủng, nó tạo ra thế giới siêu hình cũng giỏi, lý luận triết lý rất tuyệt vời, tạo ra thần thông phóng hào quang biết chuyện quá khứ, tiên tri chuyện tương lai thì ai cũng phải tin. Cho nên quý vị hãy đọc thật kỹ câu chuyện về “Boriska - cậu bé từ sao Hỏa” để nghe những câu trả lời của chúng tôi:

“Boriska sẵn sàng nói với các vị khách về những nền văn minh ngoài trái đất; về sự tồn tại của các chủng tộc loài người cổ, có chiều cao đến 3m, về khí hậu tương lai và những thay đổi toàn cầu...

Ngày 11/1/1996, một bé trai khác thường đã ra đời tại thành phố nhỏ Volzhsky, vùng Volgograd của Nga. Bà Nadezhda Kipriyanovich hạ sinh cậu bé vào một buổi sáng đẹp trời. “Tất cả diễnra một cách nhanh chóng và tôi không cảm thấy đau đớn gì cả. Khi các nữ hộ sinh cho tôi xem đứa bé, nó nhìn tôi với ánh mắt của một người lớn. Là bác sĩ khoa Nhi, tôi biết rằng trẻ sơ sinh không thể tập trung ánh nhìn như thế. Nhưng đứa con của tôi nhìn tôi với cặp mắt nâu mở to. Ngoài điều đó ra, nó là một đứa bé bình thường như bao đứa bé khác”, bà nhớ lại.

Khi hai mẹ con từ bệnh viện phụ sản về, bà bắt đầu chú ý đến những điều kỳ lạ ở cậu con. Đứa bé được đặt tên là Boris, hiếm khi khóc và hầu như không bị bệnh. Nó lớn lên như bao đứa trẻ khác, nhưng bắt đầu nói tròn câu khi mới được 8 tháng tuổi. Khi chơi trò xếp hình, Boris làm rất hoàn chỉnh vơi độ chính xác rất cao. “Tôi có một cảm giác kỳ lạ là chúng tôi như những người khách lạ với nó, trong khi nó đang cố gắng hình thành mối quan hệ tiếp xúc với mọi người”, bà mẹ nói.

Khi Boris hay Boriska, như cha mẹ cậu gọi một cách trìu mến, lên hai tuổi cậu bắt đầu vẽ tranh, đầu tiên là những bức vẽ trừu tượng trộn lẫn giữa màu xanh và màu tím. Xem xét các bức vẽ này, một số nhà tâm lý nói rằng cậu bé có thể tìm cách vẽ hào quang của những người mà cậu thấy xung quanh. Khi chưa tròn 3 tuổi, Boris bắt đầu nói chuyện với cha mẹ về vũ trụ.

Bà Nadezhda cho biết: “Nó có thể gọi tên tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời và các vệ tinh của chúng. Nó cho tôi biết tên và số lượng ngân hà. Đầu tiên, tôi tỏ ra sợ hãi và nghĩ rằng con mìnhbị thần kinh và quyết định kiểm tra xem các tên này có thật không. Tìm xem trong vài quyển sách thiên văn, tôi bị sốc khi phát hiện ra cậu con trai chưa đầy 3 tuổi của mình biết rất nhiều về môn khoa học này”.

Tiếng đồn về nhà thiên văn học tí hon lan nhanh khắp thành phố. Boris bỗng dưng trở thành người nổi tiếng. Nhiều người hiếu kỳ tìm đến và muốn biết vì sao cậu lại biết nhiều điều đến vậy. Boriska sẵn sàng nói với các vị khách về những nền văn minh ngoài trái đất; về sự tồn tại của các chủng tộc loài người cổ, có chiều cao đến 3m, về khí hậu tương lai và những thay đổi toàn cầu. Mọi người lắng nghe cậu bé nói với sự thích thú nhưng phần đông không tin tưởng mấy vào những câu chuyện này.

Cha mẹ Boriska quyết định làm lễ rửa tội cho con trai của mình. Qua những diễn biến trên, họ nghĩ rằng có một cái gì đó không ổn nơi Boriska.

Sau đó, Boriska bắt đầu nói với mọi người về tội lỗi của họ. Cậu nói với một chàng trai gặp trên đường rằng anh ta nên từ bỏ ma tuý, nói với một ông chồng không nên lừa dối vợ... Những lời tiên tri này thường cảnh báo mọi người về các rắc rối và tai họa sắp đến.

Nadezhda để ý rằng con trai của bà thường cảm thấy khó chịu về một thảm họa nghiêm trọng sắp đến. “Khi chiếc tàu ngầm Kursk sắp chìm, Boriska tỏ vẻ rất đau đớn. Nó cũng cảm thấy đau khổ trong cuộc khủng hoảng con tin ở Beslan và không chịu đi học trong những ngày diễn ra tấn thảm kịch này”, bà nhớ lại.

Khi được hỏi cảm giác về những ngày xảy ra thảm kịch ở Beslan, Boriska cho biết cậu như bị đốt nóng từ bên trong. “Giống như có một ngọn lửa đang cháy ở bên trong tôi. Tôi biết rằng câu chuyện ở Beslan sẽ có một kết cục khủng khiếp”.

Boriska hoàn toàn lạc quan về tương lai của nước Nga. “Tình hình trong nước dần được cải thiện. Tuy nhiên, hành tinh trái đất sẽ trải qua hai năm nguy hiểm là 2009 và 2013. Những thảm họa này có liên quan đến nước” - cậu bé tiên đoán.

Gần đây, Boriska đã khiến các nhà khoa học Nga quan tâm. Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu sóng vô tuyến và từ tính của trái đất, Viện hàn lâm khoa học Nga, đã chụp ảnh quầng sáng phát ra mạnh mẽ một cách bất thường của cậu bé. Giáo sư Vladislav Lugovenko cho biết: “Cậu ta có ảnh phổ màu da cam - điều này cho thấy cậu là một người vui vẻ, rất thông minh. Có một lý thuyết, theo đó não của người có hai loại trí nhớ cơ bản: trí nhớ hoạt động và trí nhớ biệt lập. Một trong những khả năng đáng chú ý nhất của não người là lưu trữ thông tin về trải nghiệm, cảm xúc và những tư duy cả trong lẫn ngoài, từ không gian thông tin của vũ trụ.

Có một số cá nhân đặc biệt có thể thu thông tin từ khu vực này. Theo quan điểm của tôi, mỗi người được kết nối với không gian bằng những phương tiện kênh năng lượng”.

Theo Lugovenko, người ta có thể đo được năng lực ngoại cảm của con người với sự giúp đỡ của các thiết bị đặc biệt. Các nhà khoa học hiện đại trên khắp thế giới đã thực hiện các công trình nghiên cứu trong nỗ lực giải mã bí ẩn của những đứa trẻ phi thường. “Boriska là một trong những đứa trẻ phi thường đó. Dường như chúng có một sứ mệnh quan trọng nhằm thay đổi hành tinh chúng ta. Một số có chuỗi xoắn ốc ADN rất tốt, giúp chúng có hệ miễn dịch mạnh một cách đáng kinh ngạc, có thể đánh bại cả bệnh AIDS. Tôi đã gặp những trẻem như vậy ở Trung Quốc, Ấn Độ. Tôi chắc rằng chúng sẽ thay đổi tương lai của nền văn minh chúng ta”, ông nói.

Trong khi các cơ quan không gian hàng đầu thế giới đang cố gắng tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hoả, cậu bé Boriska, 9 tuổi đã kể với cha mẹ và bạn bè của cậu mọi thứ về nền văn minh trên đó.

Một nhà báo Nga gần đây đã trò chuyện với Boriska về kiến thức và trải nghiệm đặc biệt của cậu:

- Xin chào Boriska, cậu thực sự đã từng sống trên sao Hoả như mọi người đồn đại?

- Vâng, đó là sự thực. Tôi còn nhớ thời điểm khi tôi đã 14 hay 15 tuổi, những người sao Hoả lúc đó đang tiến hành chiến tranh cho nên tôi phải tham gia trong các cuộc đột kích từ trên không cùng các bạn tôi. Chúng tôi có thể du hành trong không gian bằng cách bay trong con tàu hình tròn. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát cuộc sống trên trái đất từ con tàu hình tam giác. Tàu không gian của người sao Hoả rất phức tạp. Chúng có nhiều lớp và có thể bay khắpnơi trong vũ trụ.

- Hiện nay có sự sống trên sao Hoả không?

- Có. Nhưng nhiều năm qua hành tinh đã mất khí quyển vì thảm họa toàn cầu. Tuy nhiên, người sao Hoả vẫn sống dưới mặt đất. Họ thở bằng khí carbonic.

- Những người sao Hoả trông thế nào?

- Họ rất cao, cao hơn 7m. Họ sở hữu những năng lực lạ thường.

Bà Nadezhda Kipriyanovich cho biết: “Khi chúng tôi đưa cậu bé ra trước nhiều nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia UFO, thiên văn, sử học, họ đồng ý rằng cậu bé không thể bịa ra những chuyện như vậy. Những thuật ngữ khoa học và ngoại ngữ mà Boriska nói thường được các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này sử dụng”.

Các bác sĩ về y học cổ truyền thừa nhận năng lực phi thường của cậu bé, mặc dù họ không tin cậu từng sống trên sao Hoả từ kiếp trước”.

Quí vị đã đọc xong câu chuyện trên đây Thầy xin giảng trạch: “Tại đất nước Nga là nơi thường hay xuất hiện những con người “TƯỞNG TRI”.Những con người tưởng tri thường hay tiên tri những sự việc xảy ra ở tương lai. Vì thế họ không theo qui luật của nhân quả, nên những lời tiên tri của họ không đúng sự thật về tương lai. Vì nhân quả chuyển biến thay đổi liên tục không ngừng, làm sao họ nói đúng được. Bởi vì con người hôm nay làm ác, nhưng ngày mai họ sẽ làm thiện và vì thế mà nhân quả phải được chuyển hóa như cây cam chua muốn cho trái ngọt, người ta chuyển đổi bằng cách bón phân hoặc lai ghép cành khiến cho cây cam chua trở thành cây cam ngọt.

Các nhà tiên tri không hiểu nhân quả, không biết các pháp trên hành tinh này là do duyên hợp tạo thành, là sự vô thường thay đổi từng phút giây, nên những lời tiên tri của họ chỉ đúng một phần nhỏ mọi sự việc xảy ra trên hành tinh này.

Do hiểu nhân quả, do biết các pháp duyên hợp vô thường nên chúng ta không tin những lời tiên tri của các thầy phù thủy sống trong ảo tưởng.

Cho nên ai cũng biết nhân quả luôn theo qui luật vô thường của các pháp thường thay đổi biến chuyển không đứng yên một chỗ, một vị trí cố định nào cả. Vì thế quý vị làm sao tiên tri đúng được mọi sự việc xảy ra trong tương lai trên hành tinh này hay hành tinh khác nói riêng hay nói chung là trong vũ trụ bao la này. Từ Đông sang Tây thỉnh thoảng có một vài người bị thần kinh tưởng hoạt động nên không tự chủ phát ngôn tiên tri bừa bãi mọi sự việc xảy ra trên hành tinh sống của con người trong tương lai như thế này như thế khác, khiến cho mọi người không hiểu nhân quả và các pháp vô thường nên lo lắng ăn không ngon ngủ không yên thật là tội nghiệp.

Câu bé Boriska là một nhà TƯỞNG TRInói chuyện không đúng trên sao Hỏa. Đây chúng ta hãy nghe nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận. Trịnh Xuân Thuận là giáo sư Đại học Virginia Hoa kỳ ngành vật lý thiên thể (Astrophysique) nói: “Khi tôi vừa mới đến Mỹ, công cuộc khám phá Thái dương hệ bằng các con tàu vũ trụ đang bộc phát nhộn nhịp. Tôi còn nhớ sự ngạc nhiên sững sờ trước những hình ảnh đầu tiên của sao Hỏa được truyền về trái đất bởi con tàu Mariner, trên màn hình lớp học của chúng tôi. Những hình ảnh về sa mạc cằn cỗi ở sao Hỏa cho nhân loại biết rằng không có đời sống tinh thần ở đó. Những kênh đào mà các nhà thiên văn ở thế kỷ 19 lầm tưởng đã nhìn thấy chỉ là ảo ảnh được tạo nên bởi những bão cát”.

Vậy mà cậu bé Boriska đã trả lời những câu hỏi của phóng viên nhà báo bằng trong tưởng tri của mình như sau: “Một nhà báo Nga gần đây đã trò chuyện với Boriska về kiến thức và trải nghiệm đặc biệt của cậu:

- Xin chào Boriska, cậu thực sự đã từng sống trên sao Hoả như mọi người đồn đại?

Vâng, đó là sự thực. Tôi còn nhớ thời điểm khi tôi đã 14 hay 15 tuổi, những người sao Hoả lúc đó đang tiến hành chiến tranh cho nên tôi phải tham gia trong các cuộc đột kích từ trên không cùng các bạn tôi. Chúng tôi có thể du hành trong không gian bằng cách bay trong con tàu hình tròn. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát cuộc sống trên trái đất từ con tàu hình tam giác. Tàu không gian của người sao Hoả rất phức tạp. Chúng có nhiều lớp và có thể bay khắp nơi trong vũ trụ”.

Cậu bé Boriska trả lời phóng viên giống như những bài báo nói về đĩa bay thám hiểm Địa cầu trong những năm về trước. Như vậy cậu bé đã lập lại những gì của con người đã nghiên cứu, nhưng cậu đã sống trong ảo tưởng nên thêm thắt sao Hỏa có chiến tranh.

 Trên hành tinh chúng ta đang sống có nhiều hiện tượng xảy ra như các sự việc xuất hiện những đĩa bay mà các nhà khoa học và các nhà hiểu biết chưa xác định rõ đĩa bay xuất phát từ hành tinh nào nên đều tưởng nghĩ, trong tưởng tri cho rằng đĩa bay là do người từ sao Hỏa đến hành tinh chúng ta thám hiểm. Lúc bây giờ các nhà khoa học chưa thám  hiểm sao Hỏa được nên đều nghĩ tưởng sao Hoả là một hành tinh sống như quả Địa cầu của chúng ta đang ở. Cậu bé này chỉ là một thầy phù thủy trong kiếp trước thường sống trong tưởng uẩn do tu luyện các pháp môn như: như Mật tông vẽ bùa, bắt ấn, niệm chú, hoặc tập luyện các loại thiền định ức chế tâm, nên lọt vào những trạng thái của thiền định tưởng. Vì thế thường phát ngôn theo tưởng uẩn dẫn dắt nói mà ý thức không chủ động, không điều khiển tưởng thức, không làm chủ được lời nói. Nói như người lên đồng nhập cốt.

Theo quy luật của nhân quả hiện tại thì những lời nói mơ hồ không chính xác của cậu khiến mọi người không đủ lòng tin nên mới có những câu hỏi về cậu bé.

 Trong những lời nói của cậu có điều đúng nhưng cũng có điều không đúng. Vì thế chúng ta biết chắc kiếp trước của cậu là một thầy phù thủy, là một chiêm tinh gia. Đây, chúng ta hãy nghe tiếp cậu trả lời:

Phóng viên hỏi:

“- Hiện nay có sự sống trên sao Hoả không?

- Có. Nhưng nhiều năm qua hành tinh đã mất khí quyển vì thảm họa toàn cầu. Tuy nhiên, người sao Hoả vẫn sống dưới mặt đất. Họ thở bằng khí carbonic.

- Những người sao Hoả trông thế nào?

- Họ rất cao, cao hơn 7 m. Họ sở hữu những năng lực lạ thường.

Bà Nadezhda Kipriyanovich cho biết: “Khi chúng tôi đưa cậu bé ra trước nhiều nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia UFO, thiên văn, sử học, họ đồng ý rằng cậu bé không thể bịa ra những chuyện như vậy. Những thuật ngữ khoa học và ngoại ngữ mà Boriska nói thường được các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này sử dụng’’. Các bác sĩ về y học cổ truyền thừa nhận năng lực phi thường của cậu bé, mặc dù họ không tin cậu từng sống trên sao Hoả từ kiếp trước”.

Những câu trả lời của câu bé Boriska nói về người sao Hỏa ở dưới lòng đất sống như chồn, thở bằng khí carbonic và cao 7m. Điều đó là nói trong tưởng của cậu nên không đúng sự thật. Trong khi giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã xác định sao Hỏa không có đời sống tinh thần. Như vậy không có người sao Hỏa. Không có người sao Hỏa thì làm sao có chiến tranh trên sao Hỏa? Cậu bé nói trong tưởng, đã được ghi nhận những hình ảnh chiến tranh trong cõi thế gian của loài người.

Một người có Tam Minh trong vũ trụ này có những hành tinh nào xảy ra điều gì mà họ không biết. Cho nên, cậu chỉ nói trong tưởng mà thôi.

Mọi người trên hành tinh này cũng đang sống trong tưởng tri. Họ tưởng cảnh giới Thiên đàng có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có Nam Tào, Bắc Đẩu, có thiên binh, thiên tướng. Đó là cõi Trời được cai trị cũng giống như các nhà vua phong kiến cai trị cõi thế gian vậy. Cõi trời mà như vậy sao gọi là cõi Trời được? Con người thật là điên đảo sống trong ảo tưởng.

Đã không có con người trên sao Hỏa thì làm sao có sự tương ưng với cha mẹ trên hành tinh này mà sinh ra cậu bé Boriska. Cậu bé Boriska chỉ là một con người trên hành này có công phu tu tập Mật tông hoặc Thiền tông nên đã rơi vào trạng thái tưởng. Vì thế khi sinh cậu ra đời là có những hiện tượng thần đồng tiên tri tưởng khiến mọi người xôn xao làm động cả thế giới, nhưng cậu bé tưởng này nói không đúng hoàn toàn vì nhân quả không ai nói về tương lai đúng cả. Cậu bé Boriska tự nói theo tưởng của cậu là tự cậu đã làm mất uy danh của cậu. Cho nên ở đời ai muốn nói ra một điều gì thì phải nói đúng sự thật, đừng nói sai sự thật, đừng nói trong tưởng tức là đừng tiên tri một việc gì khi việc ấy chưa xảy ra. Đây chúng ta hãy lắng nghe cậu bé Boriska nói về tên các hành tinh trong hệ mặt trời và các vệ tinh của chúng:“Bà Nadezhda cho biết: “Nó có thể gọi tên tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời và các vệ tinh của chúng. Nó cho tôi biết tên và số lượng ngân hà. Đầu tiên, tôi tỏ ra sợ hãi và nghĩ rằng con mình bị thần kinh và quyết định kiểm tra xem các tên này có thật không. Tìm xem trong vài quyển sách thiên văn, tôi bị sốc khi phát hiện ra cậu con trai chưa đầy 3 tuổi của mình biết rất nhiều về môn khoa học này”.

Đọc xong đoạn này chúng tôi biết ngay tiền thân cậu bé Boriska là một giáo sư dạy về môn thiên văn học trên hành tinh này. Vì chỉ có trên hành tinh này con người mới đặt tên cho các hành tinh trong hệ mặt trời chứ làm gì người Hoả tinh mà biết tên các hành tinh của chúng ta đặt. Phải không quý vị? Nếu có người sao Hỏa thật sự thì họ phải đặt tên khác cho các hành tinh trong hệ mặt Trời này thì làm sao lại có tên giống như chúng ta đã đặt. Ví dụ: Chúng ta gọi mặt Trời, mặt Trăng, sao Chổi, sao Mai, sao Hôm, sao Vua, sao Bắc Đẩu, sao Cày, Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh thì người Hỏa tinh phải đặt tên khác sao lại dùng tên của chúng ta, như vậy cậu bé này không phải là người Hỏa tinh mà là người trên hành tinh của chúng ta chết đi tương ưng tái sinh làm con của bà Nadezhda.

Vả lại nếu có người sao Hoả thì thổ nhưỡng khí hậu thời tiết nóng lạnh, mưa, nắng, gió bão đâu giống như trên hành của chúng ta, vì thế con người trên sao Hỏa tính tình phải sai khác không giống như con người trên hành tinh của chúng ta thì làm sao mà tương ưng với con người trên trái đất mà sinh họ ra được.

Ví dụ: Trên một dải đất hình cong chữ S đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam người dân ở miền Bắc tính tình giọng nói không giống người dân miền Nam và miền Trung. Ngược lại cũng vậy tính tình giọng nói của người dân mỗi miền đều khác nhau, còn xa hơn mỗi nước đều khác nhau từ màu da sắc tướng, từ tiếng nói, tính tình đều có sai khác, nhưng họ là loài người cùng sống chung nhau trên một hành tinh loài người mà còn sai khác như vậy huống là người ở hành tinh khác. Cho nên chúng ta biết chắc sự sống trên hành tinh này còn sai khác huống là ở hành tinh khác thì sự sai khác còn gấp mấy trăm ngàn lần. Và như vậy làm sao có tương ưng với sự sống trên quả Địa cầu của chúng ta được. Phải không quý vị?

Môi trường sống ở đâu thì phải phù hợp với sự sống ở đó, cho nên sự tương ưng là phải tương ưng giống nhau thì mới hòa hợp được nhau.

Người ở hành tinh khác không thể tương ưng tái sinh vào hành tinh chúng ta được, vì ở đâu có sự sống riêng ở đấy. Chỉ khi nào có hai hành tinh có sự sống giống nhau thì mới tương ưng tái sinh. Vì thế nhân quả cũng theo môi trường sống mà hoạt động thành, trụ, hoại, không theo qui luật các pháp vô thường sinh diệt.

NGƯỜI SAO HỎA CÓ TƯƠNG ƯNG VỚI NGƯỜI THẾ GIAN KHÔNG?

Hỏi:Theo bài báo này thì chuyện tái sanh của một người từ hành tinh khác tương ưng với Cha Mẹ trên trái đất vẫn có khả năng phải không thưa Thầy?

Đáp:Không, không thể tương ưng được Thầy đã trả lời theo bài báo trên thì chuyện tái sinh của một người từ hành tinh khác tương ưng với cha mẹ trên trái Đất thì không có khả năng tái sinh được. Vì hành tinh khác không thể tương ưng với hành tinh chúng ta được. Ở đâu có môi trường sống riêng ở đó.

SAO HỎA CÓ SỰ SỐNG KHÔNG?

Hỏi:Sự thật là trên sao Hỏa có sự sống không hay chỉ là một hành tinh chết thưa Thầy?

Đáp:Thầy đã trả lời câu hỏi này của con qua lời xác định của Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận “Sao Hỏa là một hành tinh chưa có người sao Hỏa sống ở đó”.

TÊN CÁC HÀNH TINH

Hỏi:Tại sao đứa bé lại có khả năng nói tên các hành tinh khác trong vũ trụ?

Đáp:Ở trên Thầy đã trả lời câu hỏi của con: Cậu bé Boriska chỉ là hậu thân của một giáo sư trên hành tinh này dạy môn thiên văn học.

CHỚ NÊN TIN

Hỏi:Những lời tiên tri của em bé về tương lai năm 2009 và 2013 có thế tin được không?

Đáp: Những lời tiên tri của cậu bé Boriska về tương lai năm 2009 và 2013 đừng nên tin mà hãy tin vào nhân quả.

THA TÂM THÔNG

Hỏi:Ý thức về các hành động xấu mà em bé biết rõ hậu quả của các hành động đó do đâu mà có vì em là một người chưa biết gì về đạo đức nhân bản - nhân quả ?

Đáp: Những điều câu bé biết về người khác nói ra đúng nhân quả là do tưởng uẩn của cậu lưu xuất giao cảm như:“Sau đó, Boriska bắt đầu nói với mọi người về tội lỗi của họ. Cậu nói với một chàng trai gặp trên đường rằng anh ta nên từ bỏ ma tuý, nói với một ông chồng không nên lừa dối vợ... Những lời tiên tri này thường cảnh báo mọi người về các rắc rối và tai họa sắp đến”.

Tưởng cậu rất mạnh thường báo động vào thân cậu: “Nadezhda để ý rằng con trai của bà thường cảm thấy khó chịu về một thảm họa nghiêm trọng sắp đến. “Khi chiếc tàu ngầm Kursk sắp chìm, Boriska tỏ vẻ rất đau đớn. Nó cũng cảm thấy đau khổ trong cuộc khủng hoảng con tin ở Beslan và không chịu đi học trong những ngày diễn ra tấn thảm kịch này”, bà nhớ lại.

Khi được hỏi cảm giác về những ngày xảy ra thảm kịch ở Beslan, Boriska cho biết cậu như bị đốt nóng từ bên trong. “Giống như có một ngọn lửa đang cháy ở bên trong tôi. Tôi biết rằng câu chuyện ở Beslan sẽ có một kết cục khủng khiếp”.Con người bình thường của chúng ta cũng có sự cảm nhận nhưng yếu hơn cậu bé này. Khi có điều gì hoặc tai nạn sắp xảy ra thì mắt giựt, tâm hồi hợp, cảm nhận nóng ruột hoặc chiêm bao. Tất cả những sự việc đó xảy ra đều do tưởng uẩn báo động tác dụng vào thân và tâm của chúng ta, không có gì lạ cả.

HÀO QUANG

Hỏi:Những vầng hào quang sáng xung quanh của một người có liên quan đến từ trường thiện và từ trường ác hay không?

Đáp:Cậu bé này tự xưng mình là người sao Hỏa mà lại phóng xuất hào quang như chư Phật Đại Thừa: “Gần đây, Boriska đã khiến các nhà khoa học Nga quan tâm. Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu sóng vô tuyến và từ tính của trái đất, Viện hàn lâm khoa học Nga đã chụp ảnh quầng sáng phát ra mạnh mẽ một cách bất thường của cậu bé”.Một người phóng xuất được hào quang là người ấy phải có tu tập thiền định. Đọc câu chuyện cậu bé Boriska chúng ta nhận xét cậu dùng toàn thần thông tưởng: từ sự tiên tri, sự giao cảm và nói về nhân quả của người khác đến phóng hào quang toàn là tưởng uẩn, chứng tỏ cậu bé này chỉ là tiền thân một Thầy phù thủy có khả năng luyện tập huân tu nên cậu nhớ lại trong đời này. Tất cả những việc làm của cậu không gây đau khổ cho người khác thì có liên quan đến từ trường thiện còn nếu những lời nói của câu gây hoang mang giao động xôn xao dư luận thế giới thì hào quang của cậu liên quan đến từ trường ác, và cậu cũng phải trả quả ấy.

LUÂN HỒI

Câu hỏi của HCD

Hỏi:Cái gì luân hồi hay tái sinh?

Đáp:Trả lời ngắn gọn theo thuyết nhà Phật “NGHIỆP ĐI TÁI SANH LUÂN HỒI”,nhưng trả lời như vậy quý vị khó hiểu và sẽ hỏi nghiệp là cái gì? Có phải nghiệp là linh hồn, thần thức của người chết hay không?

Chúng tôi là những người tu theo Phật giáo thì phải trả lời đúng nghĩa của Phật giáo. Đức Phật dạy: “Con người thừa tự nghiệp”. Vậy nghiệp là gì?

Nghiệp tiếng phạn là Karma có nghĩa là những việc làm hằng ngày của một con người do thân, miệng, ý tạo tác thiện hay ác. Từ hành động tạo tác thiện ác đó mà con người cảm thụ được hạnh phúc an vui hay phiền não đau khổ. Sự cảm thụ được hạnh phúc an vui hay phiền não đau khổ, đó gọi là Nghiệp nhân. Nghiệp nhân được huân tập hằng ngày, nghĩa là mỗi ngày được tăng thêm sự phiền não đau khổ hay hạnh phúc an vui. Sự phiền não đau khổ hay hạnh phúc an vui được tăng lên thì gọi là Nghiệp lực. Nghiệp lực có một sức hút rất mạnh. Ví dụ: Khi vừa nghe người khác mạt sát nói xấu mình tức thì nghiệp sân của mình phát khởi rất nhanh. Sự phát khởi rất nhanh của tâm sân gọi là nghiệp lực còn gọi là sức hút của nghiệp sân. Sức hút của nghiệp sân gọi là từ trường, nó cũng giống như từ trường của nam châm. Có sức hút của từ trường nam châm thì phải có cục nam châm và thanh sắt. Có sức hút của nghiệp thì phải có sáu dục và sáu trần. Sáu dục gồm có:

1-        Nhãn thức dục

2-        Nhĩ thức dục

3-        Tỷ thức dục

4-        Thiệt thức dục

5-        Thân thức dục

6-        Ý thức dục

Sáu trần gồm có:

1-        Sắc trần

2-        Thinh trần

3-        Hương trần

4-        Vị trần

5-        Xúc trần

6-        Pháp trần

Sáu dục tiếp xúc sáu trần tăng trưởng tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Do tăng trưởng tâm tham, sân, si, mạn, nghi sinh mà ra nghiệp lực. Nghiệp lực còn gọi là sức hút của nghiệp hay gọi là sức từ trường của nghiệp.

Sức hút từ trường của nghiệp tương ưng với tâm tham, sân, si, mạn, nghi của người, của loài động vật khác mà sinh ra nên gọi tắt là nghiệp đi luân hồi.

Vì không rõ chỗ này nên kinh sách phát triển và kinh sách của các tôn giáo khác cùng mọi người còn trong trí hữu hạn nên dựng lên một linh hồn, một thần thức đi tái sinh luân hồi, chứ không ngờ rằng trong thân ngũ uẩn không có linh hồn, không có thần thức. Khi người chết là năm uẩn tan rã sạch không còn một uẩn nào cả, chỉ còn nghiệp lực thiện ác mà thôi. Đây là câu trả lời đúng theo nghĩa của Phật giáo“NGHIỆP ĐI LUÂN HỒI”.Nhưng mấy ai đã chịu hiểu nghĩa cho rõ ràng và ai là người giải thích cho mọi người hiểu?

Chúng tôi cố gắng dùng ngôn ngữ thông thường hiện có để giải thích cho mọi người hiểu. Mong sao sự giải thích của chúng tôi giúp quý vị tiếp thu được phần nào thì đó là phần danh dự và điều ước vọng của chúng tôi. Vì ngôn ngữ để giải thích chỗ này không đủ xin quý vị cảm thông cho.

Cũng trong câu hỏi này qua sự giải thích của một người nào đó khiến cho quý vị hiểu lầm nên lại có một câu hỏi kế tiếp. Vậy chúng tôi xin mạo muội trả lời để quý vị hiểu thêm về quy luật của nhân quả.

CÁI GÌ CHỊU HẬU QUẢ THIỆN ÁC NẾU KHÔNG CÓ LINH HỒN

 Câu hỏi của HCD

Hỏi:Kính thưa Thầy! Từ trường nghiệp ác đi tái sinh chịu hậu quả, chứ người làm ác đâu có đi tái sinh mà chịu hậu quả. Ví dụ: Một người đi ăn trộm làm giàu sung sướng mà kẻ vô can mà bị ở tù. Vậy đâu là đạo đức nhân quả? Xin Thầy giải thích cho chúng con được hiểu. Thành thật biết ơn Thầy (Câu hỏi này chúng con dựa vào sự nghi ngờ của anh HCĐ mà dâng lên thưahỏi, xin Thầy từ bi thứ lỗi cho).

Đáp:Ở câu hỏi trên đã được giải đáp nghiệp đi tái sinh luận hồi, quý vị đã hiểu biết rõ nghiệp là cái gì rồi. Còn câu hỏi dưới đây có nghĩa là người làm ác mà kẻ khác thọ quả khổ, giống như kẻ ăn mắm người khát nước. Xin quý vị hãy lắng nghe cho kỹ câu trả lời về nhân quả mà từ xưa đến nay người ta hiểu nhân quả hời hợt quá nông cạn. Trước tiên chúng tôi xin nhắc lại nghĩa của nhân quả. Vậy nhân quả nghĩa là gì?

Nếu nói theo nghĩa của thảo mộc nhân là cái hạt, còn quả là cái trái; nói theo nghĩa của loài người thì nhân là việc làm; quả là kết quả, là hậu quả. Giải nghĩa như vậy có đúng không quý vị?

Một việc làm ác thì hậu quả sẽ chịu lấy quả khổ đau.

Ví dụ 1:

- Một người ăn trộm lấy của cải tài sản của người khác thì kết quả sẽ bị người ta bắt đánh đập và tù tội. Tương lai người ấy cũng bị trộm cắp tài sản. Đó là nhân quả hiện tại và tương lai ông A làm ông A chịu.

- Một người ăn trộm lấy của cải tài sản của người khác khiến cho người mất của cải tài sản khổ đau. Từ trường nghiệp tham lấy của cải tài sản và từ trường nghiệp bị mất của cải tài sản hợp chung lại thành một từ trường tương ưng với người có tâm tham lam và sợ mất của cải hợp duyên sinh ra một người khác để chịu quả báo đau khổ bị người khác lấy của cải tài sản. Đó là nhân quả hiện tại ông A làm mà ông B chịu quả khổ đau.

Ví dụ 2: Một người bắt gà làm thịt, khi hành động cắt cổ gà, con gà đau đớn giãygiụa kêu la, nhưng không thoát khỏi bàn tay hung ác của con người, cuối cùng con gà chết để trở thành thực phẩm cho con người.

Hành động cắt cổ con gà là nhân ác; còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là quả khổ.

Hành động cắt cổ con gà là nhân ác là nghiệp ác. Nghiệp ác ấy tương ưng sinh ra con gà để trả quả báo cắt cổ. Đó là nghiệp ông A làm mà ông B chịu.

Còn con gà bị giết đau đớn giãy giụa kêu la là nghiệp quả khổ. Nghiệp quả khổ tương ưng vào bản thân người cắt cổ gà nên phải chịu quả bệnh tật nơi thân đau nhức nơi cổ họng. Đó là nghiệp ông A làm ông A chịu trong hiện kiếp. Nếu ông A cứ giết gà thì nghiệp quả ác tương ưng vào cận tử nghiệp, khi bỏ thân này ông A phải tái sinh nhiều gà vịt heo dê v.v.. để trả quả giết hại. Trong khi đó ông A vẫn còn sống nhưng những hành động ác của ông vẫn tiếp tục đi tái sinh luân hồi làm thân gà vịt heo dê bò ngựa để trả nghiệp ác.

Quý vị có thấy nhân quả thảo mộc không? Mặc dù cây cam mẹ còn sống nhưng những cây cam con vẫn đâm cành ra bông trái.

Cho nên mọi vật trên thế gian này đều sinh ra từ nhân quả, có vật gì được sinh ra mà ở ngoài nhân quả không?

Mọi vật sinh ra đều do duyên hợp tạo thành, mà đã duyên hợp tạo thành thì không thể nào ra khỏi quy luật sinh diệt của nhân quả.

Vì thế nhân quả trùng trùng duyên khởi, trùng trùng duyên sanh, trùng trùng duyên diệt. Do đó mọi vật đều phải theo quy luật: thành, trụ, hoại, không của nhân quả. Không có một vật gì thường hằng vĩnh viễn trên hành tinh này.

Cho nên nhân quả thiện ác là một bi hài kịch đang diễn xuất theo qui luật vận hành sinh diệt của vũ trụ, vì không hiểu chúng ta lầm chấp cái ta nên bị luân hồi mãi mãi.

NHIẾP TÂM KHÔNG VỌNG TƯỞNG

Câu hỏi của HN

Hỏi:Hiện nay con đang có một vướng mắc trong tu tập. Đấy là những lúc con ngồi thiền và cảm thấy an lạc, nhưng nhiều lúc lại có vọng tưởng nổi lên trong đầu và không thấy an lạc nữa. Con không biết làm cách nào để dẹp bỏ những vọng tưởng đó. Mong các Thầy và các đạo hữu chỉ dạy. Con xin cám ơn!

Đáp:Khi ngồi thiền vắng vọng tưởng con có cảm nhận sự an lạc, đó là con đã rơi vào thiền tưởng. Sự an lạc ấy gọi là xúc tưởng hỷ lạc.

Còn khi nào ngồi thiền có vọng tưởng thì an lạc không có. Như vậy con đã tu tập thiền định gì mà không nhiếp và an trú tâm được?

Muốn nhiếp được tâm và an trú thì giới luật phải sống nghiêm chỉnh và còn phải tu tập Định Vô lậu, nhờ có sống đúng giới luật và tu tập Định Vô Lậu thì tâm con sẽ ly dục ly ác pháp, nhờ có ly dục ly ác pháp thì vọng tưởng sẽ không còn.

Tu tập đúng pháp khi ngồi thiền thì nhiếp tâm và an trú tâm một cách dễ dàng, chứ không phải tu tập như con lúc không niệm khởi, lúc có niệm khởi mà không biết làm sao?

Một người tu tập thiền của Phật giáo khi nào có Định Như Ý Túc thì mới nhập được các thiền định còn chưa có Định Như Ý Túc thì nói tu tập thiền định là nói đến định tưởng. Định tưởng là một loại thiền định của ngoại đạo nên không có phương pháp dẫn tâm nhập định mà chỉ ức chế tâm cho hết vọng tưởng bằng những phương pháp tập trung tâm như sổ tức, tùy tức, niệm Phật, tham công án, tham thoại đầu, phòng xẹp Minh Sát Tuệ v.v.. Tu tập những pháp này bị căng mặt, nhức đầu, bị rối loạn thân kinh, tẩu hỏa nhập ma, con người tâm ý ngơ ngơ ngác ngác không còn bình thường, luôn sống đặc dị, điên thì chưa điên mà tỉnh thì không tỉnh.

Khi tu tập thiền định thì các con nên chọn một vị Thầy giới luật sống nghiêm túc và đã nhập các Thánh định, thực hiện Tam Minh xong, còn những Thầy giới luật sống chưa nghiêm túc và đã chưa nhập các Thánh định, chưa thực hiện Tam Minh xong mà tu thiền định với họ thì rất nguy hiểm đến sinh mạng của các con. Cần phải lưu ý và cảnh giác.

NGHIỆP

Câu hỏi của HN

Hỏi:1- Nghiệp là cái gì?

Nếu nghiệp là kết quả của hành động, không phải là một chủ thể thì làm sao nó lại tái sinh luân hồi được?

Đáp:Nghiệp là do các hành động vô minh của các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống tạo thành, nên các hành duyên hợp và các duyên tan trong môi trường nó là chủ thể tạo tác ra nghiệp, nhưng các hành duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống là pháp vô thường, còn nghiệp là những từ trường do những hành động thiện ác của các duyên hợp và các duyên tan trong môi trường sống tương ưng với những hành động vô minh thiện ác của môi trường sống mà tiếp tục tái sanh luân hồi nên gọi là duyên hợp.

Thân tâm con người là hành một duyên hợp và cũng là một hành duyên tan của môi trường sống, cho nên nó là các pháp vô thường. Nó là các pháp vô thường nên không đi tái sanh luân hồi, mà do các hành động thiện ác của nó phóng xuất ra những từ trường nghiệp thiện ác mà kinh sách Phật gọi tắt là nghiệp. Nghiệp ấy tương ưng với mọi người nên mới có tái sinh luân hồi, chứ không phải tâm con người đi tái sanh, vì tâm con người là pháp vô thường như trên đã nói. Pháp vô thường không thể đi tái sinh được.

NGHIỆP LÀNH CỦA PHẬT

Câu hỏi của HN

Hỏi:2- Nếu còn nghiệp thì còn tái sanh thì nghiệp lành của đức Phật vẫn đang phủ khắp thế giới này, sao nói Người đã thoát khỏi luân hồi sinh tử?

Đáp:Nghiệp lành của Phật là vô nghiệp (vô lậu), nên đức Phật đã thoát ra khỏi luân hồi tái sinh.

Nghiệp chia làm 3 loại:

1-        Nghiệp ác hữu lậu

2-        Nhiệp thiện hữu lậu

3-        Nghiệp thiện vô lậu.

Người ở đời thường sống tạo tác ra hai nghiệp một là thiện hai là nghiệp ác. Những nghiệp này đều là hữu lậu. Riêng đời sống đệ tử của đức Phật thường ngăn ác diệt ác, và diệt thiện pháp hữu lậu để luôn luôn sống trong thiện pháp vô lậu, vì thế từ trường vô lậu không tương ưng với từ trường hữu lậu của môi trường sống thế gian nên chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên từ trường vô lậu của Phật đang phủ trùm khắp thế giới, nhưng nó không tái sinh luân hồi, vì không tương ưng.

NGHIỆP LÀM SAO CHUI VÀO BÀO THAI

Câu hỏi của HN

Hỏi:3-Một đứa bé khi mới thành hình, đâu đã làm được gì, đâu đã tạo nghiệp, sao nói nó bị nghiệp dẫn, thế cái nghiệp đó ở đâu ra, làm sao chui vào bào thai được?

Đáp:Một đứa bé khi mới hình thành thì đó là hình thành thân ngũ uẩn của đứa bé trong bào thai. Hình thành thân ngũ uẩn của đứa bé trong bào thai là nghiệp (thân nghiệp). Thân nghiệp này đứa bé co tay duỗi chân làm theo các hành động vô minh khi cơ thể lớn dần trong bào thai nên chật chội khó chịu, vì khó chịu nên co tay duỗi chân khiến cho bà mẹ bị đau. Những hành động đó gọi là nghiệp thọ khổ (khổ mẹ, khổ con). Cho nên bảo rằng đứa bé mới thành hình đâu làm được gì, đâu đã tạo nghiệp, sao nói nó bị nghiệp dẫn?

Hành động co tay duỗi chân của bào thai không phải là nghiệp sao?

Thân của đứa bé là nghiệp, còn bảo cái nghiệp đó ở đâu, thì cũng giống như một ông già lẫn lộn, đang ở trong nhà mà hỏi nhà bác đâu?

Nghiệp không có chui vào bào thai mà nghiệp tương ưng với nghiệp cha mẹ của cái bào thai. Nghiệp tương ưng với cha mẹ của cái bào thai nên mới có bào thai. Vì tương ưng nên mới duyên hợp mà thành bào thai.

Ở đây không có vật gì chui vào bào thai cả mà chỉ có tương ưng duyên hợp mà thành nghiệp mới (đứa bé).

Kính thưa quý Phật tử! Chúng tôi cố gắng diễn đạt để quý vị hiểu một chút về sự tương ưng duyên hợp của nhân quả trong môi trường sống trên hành tinh này. Xin quý Phật tử hãy đọc ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ thì rõ.

Thăm và chúc quý Phật tử vui mạnh nhớ xả cho thật tốt.

Kính thư

Thầy của quý Phật tử

SÁU THÁNG NGỒI KIẾT GIÀ KHÔNG ĂN UỐNG

Câu hỏi của Kim Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Xin cho phép chúng con được hỏi: “Có một thanh thiếu niên 16 tuổi người Ấn Độ ngồi thiền 6 tháng không ăn uống đã làm chấn động cả thế giới. Hiện giờ mọi người muốn biết loaị thiền mà cậu bé đang nhập đó là loại thiền gì? Và thiền đó có phải là của Phật giáo hay không? Ngưỡng mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ. Chúng con xin gửi cho Thầy một bản thông tin được rải đi khắp nơi trên thế giới như sau:

CHUYỆN LẠ VỀ MỘT CHÚ BÉ Ở NEPAL

“Nepal: Một thiếu niên ngồi thiền trong 6 tháng không ăn uống.

 Ram Bahadur Bamjan, tên cậu thiếu niên 16 tuổi, người Nepal, đã ngồi thiền định theo kiểu kiết già trong khu rừng Bara thuộc quận Katmandu trong 6 tháng mà theo lời đồn là không ăn uống gì cả và được nhiều người gọi là Phật, cuối cùng đã nói: “Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trên đường thành Phật”.

 Hiện hàng ngày có hàng trăm người từ nhiều nơi trên thế giới đã đến khu rừng nói trên - cách thủ đô Katmandu 300 cây số và cách xa lộ 8 cây số đường bộ gồ ghề - để tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ này với một câu hỏi giống nhau: Làm sao một người có thể không ăn uống trong 6 tháng mà vẫn bình thường?

Các viên chức địa phương Katmandu đã yêu cầu các nhà khoa học của Viện Khoa học Hoàng gia Nepal và các nhà nghiên cứu Phật giáo điều tra về hiện tượng này, nhưng cho đến nay chưa có kết luận nào được đưa ra.

Những chi tiết về cuộc đời tu của cậu thiếu niên 16 tuổi này có thể kể: Xuất gia từ năm 11 tuổi, được tu tập ở nhiều nơi từ Nepal đến Ấn Độ, và sau 5 tháng trở về quê nhà, cậu thiếu niên này đã ngồi kiết già thiền định trong rừng, không ăn uống gì cả trong 6 tháng qua. Theo người anh của Ram Bahadur Bamjan, nhiều nhân chứng cho biết là sau vài ngày thiền định, hào quang đã phát sáng trên trán và tay của Ram Bahadur Bamjan, nhưng những gì mà một số phóng viên thấy là cậu ngồi thiền định bình thường theo kiểu kiết già và chiếc áo nâu sòng đã trở nên bẩn thỉu.

Những học giả Phật giáo (Buddhist gurus) cho biết là họ có thể xác định cậu thiếu niên này có thật sự thiền định sâu không, nhưng gia đình của Ram Bahadur Bamjan và dân làng tuyên bố không để ai đụng vào cậu, vì tu sĩ trẻ này cần ngồi thiền trong 6 năm. Về phía mình, Chính phủ Nepal tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra, nhưng cho đến nay chưa thấy bắt tay vào việc và cũng không có biện pháp gia tăng an ninh nào cho hiện tượng kỳ lạ này.

Tuy các nhà khoa học và các học giả Phật giáo không được dân làng và gia đình cho phépđụng chạm vào thể xác của Ram Bahadur Bamjan trong lúc cậu đang thiền định, nhưng các nhà khoa học đang tìm cách nghiên cứu tu sĩ này từ một khoảng cách xa mà không nhất thiết phải đụng vào cơ thể của cậu.

Theo những nhân chứng có mặt tại chỗ, trong thời gian 6 tháng thiền định vừa qua, Ram Bahadur Bamjan chỉ bị can thiệp có một lần (kéo dài trong vài phút) và cậu nói: “Tôi đang thiền định sâu (deep meditation) vì sự bình an của nhân thế. Vì vậy, đừng gọi tôi là Phật. Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trên đường thành Phật. Vì thế, xin vui lòng để yên cho tôi thiền định trong 6 năm”!

Đáp:Kính thưa quý Phật tử! Tin tức này Thầy đã được đọc trên báo chí, nhưng Thầy không thấy có gì là lạ lùng, mà chỉ đáng thương cho cậu bé ấy mà thôi, chỉ uổng phí cuộc đời tu tập thiền định của cậu mà chẳng có lợi ích gì cho bản thân và người khác. Nhất là hiện giờ làm hại mọi người phải tốn hao tiền bạc và bỏ công sức kéo đến chiêm ngưỡng “Theo phóng viên đài địa phương thì mỗi ngày có khoảng 10 ngàn người kéo đến chiêm ngưỡng”.Như vậy số tiền chi cho xe cộ và công sức của 10 ngàn người trong một ngày sẽ hao tốn biết là bao nhiêu xin quý Phật tử tính thử.

Đây cũng là một hiện tượng mê tín thần thông. Những hiện tượng này thường xảy ra khắp nơi trên thế giới, nay ở nước này, mai ở nước khác “Chuyện lạ có thật”.Phần nhiều những chuyện lạ có thật này không thể giải thích bằng ý thức được. Vì thế có một số người nhẹ dạ cả tin mà không tự quán chiếu, soi xét thấy biết những hiện tượng xảy ra rõ ràng có phải như thật không? Đừng để tưởng thức đánh lừa; đừng để tâm tham đắm, mê mệt thần thông mà làm mờ mắt, mờ tri kiến; đừng để tâm vì tin vào thần quyền linh thiêng mù quáng, mà bị những người khác lợi dụng tưởng lừa dối, lường gạt. Hiện tượng của chú bé ngồi thiền không ăn uống là một hiện tượng lường gạt của những loại thiền định không đúng của Phật giáo.

Thiền định không ăn uống 6 tháng, một năm hay nhiều hơn nữa, đó cũng chỉ là một loại thiền ức chế tâm. Khi tu thiền ức chế tâm đều lọt vào trạng thái không tưởng, từ không tưởng lưu xuất ra nhiều trạng thái tưởng trong đó có trạng thái không đói khát, không muốn ăn uống, cho nên mọi người thấy không ăn uống mà sống thì cho đó là một trạng thái kỳ lạ. Kỳ lạ đối với ý thức của con người, chứ không kỳ lạ đối với người có trí tuệ Tam Minh. Ý thức con người không thể hiểu những trạng thái kỳ lạ tưởng đó, cho nên nó dễ thu hút những người có tính hiếu kỳ; có tính ham mê thần thông; có tính mù quáng tin có thế giới siêu hình, có thần thánh, có ma quỷ, có linh hồn người chết v.v.. Vì thế làm hao tiền tốn của, phí công sức của mọi người rất lớn.

Trên đời này những hiện tượng kỳ lạ, những loaị thần thông mà ý thức chúng ta không thể hiểu và suy lường được như trên đã nói, đó là do tưởng uẩn của chúng ta hoạt động. Tưởng uẩn hoạt động là do ý thức chúng ta ngưng hoạt động. Ý thức ngưng hoạt động xảy ra có hai trường hợp:

1-   Do tai nạn xảy ra khiến thần kinh tưởng hoạt động.

2-   Do tu tập Khí công, Nhân diện, Yoga và các loại thiền ức chế ý thức v.v..

Một loại thiền ngồi sáu, bảy tháng hay một, hai ba, bốn năm không ăn uống là một loại thiền tưởng như trên đã nói. Thiền của ngoại đạo. Thiền để biểu diễn những trò lạ mắt; những trò kỳ đặc để thu hút và lôi cuốn mọi người, như cậu bé Ram Bahadur Bamjan này chẳng hạn.

Thiền Tưởng gồm rất nhiều loại: Thiền Đại Thừa, Thiền Đông Độ, Thiền Công Án, Thiền Tham thoại Đầu, Thiền Tối Thượng Thừa, Thiền Yoga, Thiền Xuất Hồn, Thiền Vô Vi, Thiền Lục Diệu Pháp Môn, Thiền Quán Sổ Tức, Thiền Minh Sát Tuệ, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Pháp Hoa Tông v.v..

Thiền Tưởng mà xưa kia đức Phật đã nhập Không Vô Biên Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Khi nhập xong đức Phật cảm nhận không có giải thoát nơi thân tâm của mình thì Ngài liền ném bỏ như ném bỏ một chiếc giày rách không hề tiếc công khó nhọc của mình. Còn bây giờ chúng ta lại đi lượm mót những thứ thiền đồ bỏ này sao?

Cậu bé bị lừa đảo bởi thiền tưởng, một loại thiền mạo danh thiền của Phật giáo, nhưng sự thật không phải vậy. Cậu bé đã lầm nên mới bảo với mọi người:“Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trên đường thành Phật”. Cậu có biết con đường thành Phật là con đường nào không? Mà dám khẳng định như vậy? Phật không thể tu thiền không ăn uống như cậu đâu? Thiền của Phật là ly dục ly ác pháp, chứ không phải nhập định tưởng không ăn uống như cậu đã nhập định 6 tháng nay.

Bốn mươi chín ngày tu tập dưới cội bồ đề để chứng đạo, đức Phật có ngồi thiền không ăn uống như cậu không? Đức Phật đã bỏ thiền không ăn uống. Cậu có biết không? Đức Phật ném nó như ném như ném một chiếc áo rách không còn mặc được nữa. Muốn biết rõ đức Phật tu tập như thế nào thì cậu nên nhờ một vị có Tam Minh sẽ xác định cho cậu biết. Nếu cậu không tìm được một người có Tam Minh thì cậu nên đọc lại Đại Kinh Saccaka: “Và này Aggivessana, sau khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại. Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái do ly dục sanh hỷ lạc, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại như không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại như không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại như không chi phối tâm Ta. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại như không chi phối tâm Ta”.(Kinh Trung Bộ tập I trang 540 Tạng kinh Việt Nam). Cậu có nghe lời dạy này không? Đức Phật nhập bốn Thiền đâu có dạy không ăn uống bao giờ. Như vậy cậu đã tu sai mà muốn thành Phật thì làm sao thành Phật được phải không cậu?

Cho nên đức Phật dạy: “Tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, nhập thiền định không có khó nhăn, không có mệt nhọc”.Vậy nhập định như cậu sao mà khó khăn, mệt nhọc quá vậy, 6 tháng không ăn uống mà chưa thành Phật, nếu cậu không biết thì cậu nên đọc tiếp đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn kinh thuộc Trường Bộ tập I trang 665 Tạng kinh Việt Nam: “Rồi Thế Tôn nhập Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền”.

Như vậy trong 49 ngày tu tập dưới cội bồ đề đức Phật chỉ chuyên tu tập ly dục ly bất thiện pháp trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Và cuối cùng Ngài chứng đạo. Còn bây giờ cậu có ly dục ly ác pháp không? Mà cậu dám bảo rằng cậu đang đi trên đường thành Phật?

 Kính thưa quý Phật tử! Chúng ta không còn lạ gì với các hệ phái Phật giáo hiện giờ khắp nơi trên thế giới mọi người đang tu tập thiền tưởng, nhất là khi đọc kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ đều gán cho đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Cho nên pháp môn ngồi thiền không ăn 6 tháng cũng là pháp môn của Phật. Thật là oan cho Phật, thiền không có lợi ích cho mình cho người như vậy mà vẫn gán cho Phật giáo. Thế mà các nhà Phật học không lên tiếng đính chính hay các Ngài cũng chưa hiểu cho đó là thiền Phật giáo? Hiện giờ các nhà học giả Phật giáo họ đều thông suốt giáo lý Nguyên Thuỷ nhất là các nước tôn thờ Phật giáo, lấy Phật giáo làm quốc giáo như: Cam pu chia, Thái Lan, miến Điện, Tích lan v.v..

Kính thưa các bạn! Đọc hết toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy do Phật dạy. Các bạn có thấy bài kinh nào đức Phật dạy ngồi thiền nhập định không ăn uống không?

Trước những hiện tượng kỳ lạ thường xảy ra mà ý thức con người không giải thích được. Thầy đều hiểu biết rất rõ ràng, nhưng bàn luận chuyện thiên hạ để làm gì? Ai tu thế nào thì duyên của họ như thế nấy. Ở đây, tại sao lại có bài viết về cậu bé Nebal này?

Đầu tiên chúng tôi đọc báo biết được tin tức này, kế đó được người mang đến tu viện gửi cho chúng tôi một tờ bích chương cũng nói về chú bé này và cuối cùng trên trang Web của chúng tôi lại cũng được một thông tin này nữa.

Ba thông tin này chúng tôi biết chắc quý Phật tử đang chờ đợi sự trả lời của chúng tôi, nếu chúng tôi làm thinh tức là chúng tôi đã chấp nhận thiền định của cậu bé này là của Phật giáo. Vì thế chúng tôi xin trả lời ngắn gọn để quý Phật tử hiểu biết tường tận rõ ràng đâu là thiền của Phật và đâu không phải là thiền của Phật. Bài viết trả lời ngắn gọn của chúng tôi là để những hiện tượng kỳ lạ xảy ra khắp nơi trên thế giới không còn làm cho quý Phật tử ngạc nhiên nữa.

Ngày 15 tháng 01 năm 2006

PHỤ BẢN I: LỜI CẢM NGHĨ CỦA TU SINH LỚP CHÁNH KIẾN - Lời giới thiệu

Lời giới thiệu

Trong lời cảm nghĩ của Mỹ Linh đã nói lên sự tiếp thu những bài học của các con đã học qua lớp Chánh tri kiến, chứng tỏ các con đã thông suốt tri kiến giải thoát, chỉ còn siêng năng áp dụng vào đời sống hằng ngày thì thân tâm của các con sẽ có một trạng thái bình an với tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Đó chính là chỗ các con chứng đạo chứ không phải chứng đạo bằng cách ngồi thiền bảy, tám ngày hay một, hai, ba tháng hay xuất hồn đi vào cảnh giới Cực Lạc, Thiên Đàng. Chứng đạo kiểu này là chứng đạo trong tưởng uẩn, trong mơ mộng, chứng đạo như vậy có ích lợi gì các con? Toàn là ảo tưởng, mơ mộng mà từ xưa đến nay con người đã xây dựng như vậy, thật là điên đảo, tốn biết bao nhiêu là công lao tu tập nhưng được lợi ích những gì, chỉ làm khổ mình mà không biết.

Các con hãy đọc lại bài cảm nghĩ của Mỹ Linh và theo đó sống thì chắc chắn các con tìm thấy sự giải thoát ngay liền. Mỹ Linh đã viết bài này thì sức tri kiến quán xét của Mỹ Linh đã thâm nhập lý nhân quả thì Mỹ linh đâu cần phải tu tập nhiều nữa, chỉ ngồi chơi mà đuổi giặc sinh tử, thì chứng đạo ngay đây chứ đâu còn xa.

Ở đây chỉ cần thâm nhập lý nhân quả là đã chứng đạo rồi. Nếu Mỹ Linh chưa thâm nhập nhân quả thì ác pháp còn tác động vào thân tâm. Vậy Mỹ Linh hãy cố gắng áp dụng tri kiến nhân quả hằng ngày vào từng tâm niệm của mình và các chướng ngại pháp đang tác động thì sẽ xả sạch, nhờ có xả sạch tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Thật đáng thương, đến giờ này các con còn có người lúng túng không biết mình phải tu pháp nào và thời khóa tu như thế nào? Vậy các con hãy đọc kỹ lại bài này để rút ra một bài tu học xả tâm không có thời khóa rất thực tế và cụ thể. Pháp tu tập này rất cụ thể và thật tuyệt vời cho con đường tu tập giải thoát của các con.

Bài pháp này có cái nhìn đúng như lời Phật dạy, thấy lỗi mình không thấy lỗi người, thấy cái hay của người không thấy cái dỡ của người, thấy cái tốt không thấy cái xấu của người thật là pháp vi diệu. Nếu trong lớp Chánh kiến của tu viện Chơn Như này ai cũng đều tu học có cái nhìn nhân quả như vậy thì sự chứng đạo đâu có còn khó khăn.

Mỹ Linh viết bài này mà sống đúng như bài viết của con thì chứng đạt chân li không bao lâu nữa và đối với sự tu tập không còn khó khăn, chỉ cần cố gắng độc cư trọn vẹn để tâm thanh tịnh hoàn toàn. Hãy cố gắng lên các con ạ! Đường đi sắp đến nơi rồi.

Hãy đọc kỹ lại bài này mà áp dụng vào sự tu tập của các con thì kết quả lợi ích lớn, đừng tu tập lòng vòng mà mất thì giờ vô ích, phải ngay đây mà xả tâm cho rốt ráo. Xả tâm cho rốt ráo là chứng đạo ngay liền.

Bài cảm nghĩ này là một bài pháp xả tâm tuyệt vời đúng như lời Phật dạy, Thầy dạy. Vậy các con hãy cố gắng lên để chứng đạt chân lí, để thay Thầy đứng lớp dạy mọi người thực hành sống đời đạo đức nhân bản – nhân quả để đem lại hạnh phúc an vui cho mọi người.

Kính ghi

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

LỜI CẢM NGHĨ CỦA TU SINH LỚP CHÁNH KIẾN

Kính bạch Thầy – Vị Minh Sư của chúng con.

Kính thưa đại chúng!

Đã trải qua hơn 25 thế kỷ dài đằng đẳng, hôm nay lớp đào tạo bậc A La Hán đã thành hình. Là một tu sinh của lớp, con kính ghi đôi dòng cảm nghĩ.

Vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Ất Dậu (2-11-2005) lớp đào tạo A La Hán đầu tiên được ra đời trên hành tinh này của chúng ta nói chung, và trên đất nước Việt Nam thân thương nói riêng. Cơ sở lớp học được đặt tại tu viện Chơn Như thuộc ấp Gia lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Với trên 60 tu sinh nam nữ đầy lòng nhiệt huyết để tìm cầu sự giải thoát đang tu học dưới sự hướng dẫn và theo dõi trực tiếp của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, qua chương trình giáo dục đào tạo của các lớp Bát Chánh Đạo. Và trước tiên là lớp Chánh Kiến đã và đang hoạt động hơn hai tháng nay.

Theo con được biết, trước cái nhìn thấu suốt của vị Minh Sư - Trưởng lão Thích Thông Lạc, sau khi đắc đạo có đủ Tam Minh, Người dùng Thiên nhãn minh hướng về cuộc đời tu hành của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để đối chiếu với sự chứng nghiệm của Người, thì thấy kết quả của Người không sai khác.

- Đức Phật đã tu và giữ gìn đúng giới luật, thì Người cũng tu và giữ gìn đúng giới luật.

- Đức Phật đã tu chứng đạt bốn thiền, làm chủ sự sống chết, thì Người cũng tu chứng đạt bốn thiền, làm chủ sự sống chết.

- Đức Phật có Tam Minh, thì Người cũng có Tam Minh.

Sau khi chứng đạt chân lí, Người nhìn thấy chúng sanh sống không có đạo đức nhân bản – nhân quả nên thường làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Vì thế, Người bỏ ý định ra đi tự tại vào năm 1980. Người dẹp sạch cái nhà sàn làm nơi chất củi đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi ấy (Đây là lời của anh Trưởng công an ấp Gia Lâm kể lại cho con nghe).

Qua 25 năm nương vào làn sóng giáo pháp của Phật giáo Đại Thừa để dìu dắt “CHÚNG SANH NAN ĐỘ”này. Người luôn là ngọn hải đăng soi sáng về gương hạnh đạo đức và giới luật, Người luôn thẳng thắn chỉ dạy cặn kẻ chỗ tu sai lạc vào thiền tưởng, thiền ức chế tâm. Khi ấy, Người nói rất mạnh như tình một người mẹ quá thương con, thấy những đứa con mình sắp lao xe xuống hố thẳm tưởng giải, sắp ngã nhào xuống vực sâu của ngũ ấm ma, Người mẹ ấy thét lên: “Hãy dừng lại! Dừng lại các con ơi!”. Thế rồi một sự thật quá phủ phàng, bao khổ đau, bao gian nan đã giày xéo lên tắm thân gầy guộc của Người. Và còn tệ hơn nữa là bao lời sỉ nhục, mạt sát, mạ lị của những người đại diện cho giáo pháp phát triển. Chẳng khác nào như giáo pháp của Bà La Môn đã từng lời sỉ nhục, mạt sát, mạ lị và còn hại Phật trong thời xưa vậy.

Chúng ta thử suy nghĩ một điều là, nếu đức Phật không có tuệ Tam Minh thì Phật đâu có nói: “TRONG NƯỚC CÓ TRÙNG”.Mà nếu Thầy Chơn Như không có tuệ Tam Minh thì đâu có trả lời với quý phật tử rằng: “KHÔNG CÓ NGÀY TẬN THẾ CỦA NĂM 2000”hay KHÔNG CÓ HỘI LONG VÂN, LONG HOA GÌ HẾT – MÀ CŨNG KHÔNG CÓ PHẬT DI LẶC RA ĐỜI VÀO NĂM 2000!”(Sau ngày ra thất năm 1980 các phật tử gần xa thường về hỏi thăm Thầy về đề tài ấy). Những lời nói xác định của Phật, của Thầy rất nhẹ nhàng mà mang tính chất giá trị của thời đại rất cao được con người và khoa học đều công nhận.

Chỉ đơn cử vài câu trả lời trên, thì con thấy rằng: Đức Phật và Thầy đã nhìn thấu suốt tâm can của những người Bà La Môn và tâm tất cả chúng sanh như nhìn nét chỉ trong lòng bàn tay vậy. Và đồng thời các Ngài thấy rất rõ những người có tâm xấu ấy như con thiêu thân bay vào lửa nhân quả.

Song với lòng từ bi vô bờ bến và hạnh nguyện của các Ngài rất vĩ đại, tâm bất động của các Ngài vô cùng kiên cố. Có vậy mới xứng đáng là bậc siêu nhân, có vậy mới được mọi người mến mộ và sùng kính muôn đời. Đặc biệt là giáo pháp của các Ngài luôn luôn ban bố một cách bình đẳng đến muôn người, không phận biệt có tôn giáo hay không tôn giáo, không phân biệt người thương kẻ ghét nào cả.

Ngày xưa đức Phật đã thiết lập nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người. Đây là một giáo lý cốt lõi trong đạo Phật, nhưng nó đã bị lớp tư tưởng mê tín, dị đoan bao bọc, phủ dầy hơn 2500 năm nay. Do vậy con người luôn sống trong thù hận, ác trược đầy khổ đau. Chính vì thế, Minh Sư Thích Thông Lạc không quản công nhọc nhằn, không chùn bước trước khó khăn. Người xây dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả ấy, hầu mang lại một hướng đi đúng để nguồn hạnh phúc của loài người trên hành tinh này không bị mai một. Từ nền tảng đạo đức ấy, con người sẽ luôn phát huy tính thiện của mình và giúp cho muôn người muôn loài vật khác không còn khổ đau nữa. Và cũng nhờ nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả ấy, con người sẽ được tiến xa hơn trên pháp môn “TAM VÔ LẬU HỌC: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ”,để từng bước luyện rèn làm chủ được bốn sự khổ: sinh, già, bệnh, chết như đức Phật và như Thầy đã làm được. Đây là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật và cũng là mục đích yêu cầu của lớp đào tạo A La Hán hôm nay vậy.

Ngay từ nội dung của lớp Chánh Kiến, Thầy đã khơi sáng tầm nhìn của chúng con giúp chúng con không còn sống trong ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng nữa; không còn yếu đuối mê tín cầu tha lực nữa. Nếu muốn thân không bệnh đau, tâm không phiền toái bất toại nguyện và muốn thành công trên mọi lãnh vực mà chỉ cầu xin và xem ngày giờ tốt thì kết quả ấy có được là người chỉ giải quyết phần ngọn mà thôi, không bền vững. Bởi vì sự cầu xin và xem ngày tốt kia là chúng ta đã tránh né cái quả xấu mà ta đã tạo. Đến một lúc nào đó nghiệm lại sẽ thấy bệnh đau vẫn đầy dẫy, phiền não lo rầu cũng không hết mà như chồng chất thêm, cả sự thất bại ê chề từ việc này đến việc khác cũng kéo theo bao khổ não suốt cuộc đời tới chết. Do thiếu đạo đức mà mọi người quen nói thiếu đức.

Qua lời dạy của Thầy chúng con được biết: muốn có cuộc sống an vui, hạnh phúc thật sự bền lâu của thân và tâm, cả sự thành công trên mọi lãnh vực thì điều tiên quyết là nên có niềm tin sâu về nhân quả. Từ đó con người sẽ sáng suốt hơn, chủ động hơn về sự thành bại, tốt xấu đều do chính mình có khả năng làm nên tất cả. Tất nhiên là ai ai cũng muốn đạt nhiều kết quả tốt đẹp về sức khỏe về tinh thần, về công danh. Thì ta hãy tạo nhiều nhân tốt như không làm cho người và vật bị tổn thương, bị chết chóc; không làm cho người và vật bị đau khổ; không tranh giành phá hoại người khác. Sự thành công trên đường đời hay đường đạo sẽ đạt được bền lâu là do mọi người biết tự lực giải quyết ngay “PHẦN GỐC ĐẠO ĐỨC”. Nên ông bà xưa thường nói: “CÓ ĐỨC KHÔNG SỨC MÀ ĂN”là vậy. Và phần đạo đức gốc ấy là nền đạo đức nhân bản - nhân quả của muôn người.

Sự thật nhờ có Thầy chúng con mới rõ hơn: đạo đức nhân bản - nhân quả là những đạo đức gốc, đạo đức căn bản nhất của con người. Nó có một con đường đi rõ rệt và xuất phát từ ba nơi thân, khẩu, ý của con người đồng thời nó được diễn biến như sau.

Ý hành gồm có ba hành động ác gốc:

1-        Tham tức là lòng tham muốn

2-        Sân tức là lòng sân hận

3-        Si tức là tâm mê mờ không hiểu đúng thường mê tín dị đoan.

Miệng gồm có bốn hành động ác gốc:

1-        Nói dối, nói lời không thật.

2-        Nói thêu dệt, nói phóng đại, nói thêm bớt.

3-        Nói lật lọng; nói trớ qua trớ lại, chối quanh co.

4-        Nói lời hung dữ; lời chửi mắng, lời hăm dọa.

Thân gồm có ba hành động ác gốc:

1-        Giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh.

2-        Trộm cắp, cướp giựt của người.

3-        Dâm dục.

Nếu không có sự giảng giải của Thầy chúng con chỉ hiểu nhân quả một cách đại khái và chung chung như: “QUẢ BÁO NHÃN TIỀN”, “Ở HIỀN GẶP LÀNH”hay “GIEO GIÓ GẶT BÃO”. Hoặc có khi cũng biết rằng “NHÂN NÀO QUẢ NẤY”mà con chỉ biết một nhân cho ra một quả mà thôi. Ví dụ: Đánh người, người đánh lại, rồi hết; hay “cười người hôm trước hôm sau người cười”. Song hôm nay, được Thầy mở rộng tầm nhìn của chúng con, hướng chánh kiến của chúng con được thấu hiểu tường tận hơn: Từ nhân quả của loài thảo mộc mà liên hệ đến nhân quả của loài người đều giống như thế. Điều này khiến cho chúng con có một niềm tin tuyệt đối với cái nhìn của một vị Minh Sư đạt đạo. Và với niềm tin tuyệt đối này, nhiều tu sinh nỗ lực tu tập đến nơi đến chốn và sẽ cùng Thầy nhìn rõ mồn một nhân quả của chúng sanh bằng tuệ Tam Minh như vậy.

Lạ quá! Hay quá! Thầy cung cấp cho chúng con nhiều kiến thức mới học qua lớp này. Như “MỘT NHÂN QUẢ RA NHIỀU QUẢ”. Nếu đối với loài thảo mộc, cây trái thì dễ nhận biết rồi. Thế mà Thầy tuyên bố: “MỘT NGƯỜI SINH RA NHIỀU NGƯỜI”.Bởi vì hành động thiện ác của con người tạo thành nhiều từ trường, phóng xuất vào không gian, kết hợp với những niềm vui hay nổi khổ mới tạo ra những con người mới và con vật mới. Không phải con người chết đi mới tạo con người mới con vật mới. Và cái cận tử nghiệp mới là cái nghiệp tạo con người sau cùng. Do vậy mà người biết tu luôn luôn bằng lòng mọi nhân quả đã tạo, đồng thời sẵn sàng tăng trưởng nhân thiện mới, cho đến toàn thiện, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự thì cận tử nghiệp lại là một trạng thái Niết Bàn – không còn tương ưng với tâm chúng sanh nên chấm dứt đường sanh tử luân hồi.

Chỉ mới đề tài nhân quả (con tóm lược) mà Thầy đã tỉ mỉ dẫn dắt cho chúng con đi từ nền tảng đạo đức gốc NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ.Luôn ý tứ, dè dặt để tăng trưởng từng niệm thiện của thân khẩu ý thì lại được trở thành một nền móng cho mọi sự thành công ở đời cũng như trong đạo. Thật là thiết thực vô cùng! Và rồi Thầy luôn nhắc nhở: “Hãy dùng Chánh kiến để nhìn mọi sự việc, mọi đối tượng, mọi hiện tượng bằng tri kiến nhân quả để giải tỏa tâm mình”thì lại còn là một điều bổ ích hơn nữa. Nhờ vậy mà tâm luôn an vui bằng lòng mọi nhân quả cũ đồng thời tạo nhân tốt (tăng trưởng thiện) để có quả tốt trong tương lai.

Trong lớp học này có nhiều trình độ khác nhau về Phật học cũng như về kiến thức phổ thông. Song hầu hết ai ai cũng tiếp thu tốt những lời dạy ân cần cặn kẻ mà dễ hiểu của Thầy ban bố cho. Chỉ còn duy nhất nỗ lực thực hành thì đường về xứ Phật sẽ được thu ngắn lại, không còn mờ mịt xa xăm nữa.

Nhờ Chánh Kiến mà các “TÂM VIÊN” cũng được dây xích quấn vô cổ và “Ý MÔcũng như có được dây cương với người điều khiển kinh nghiệm. Khi người ấy vung chiếc roi “TRI KIẾN NHÂN QUẢ”lên thì lập tức tâm ý kia ngoan ngoãn bình thản hơn, bất động hơn trước các ác pháp và các cảm thọ.

Ví dụ thỉnh thoảng có người rên rỉ về tâm chướng của họ, có khi sách động con, xúi dục con tham gia những điều không tốt. Nhớ lời Thầy con luôn dùng đôi mắt tri kiến nhân quả thì tâm con được giải tỏa ngay, không bị lôi cuốn rồi con cứ khuyên họ nên trình rõ và nhờ Thầy giải quyết cho. Thật ra, Thầy đã dạy cho phương pháp để xả tâm bằng “NHÌN MỌI SỰ NHÂN QUẢ”thế mà không nỗ lực thực hành, để phá hạnh độc cư, làm động mọi người thì chùm nhân quả kia ảnh hưởng; cả lớp bị đuổi hết, mọi người khóc ròng và xin sám hối với Thầy mấy ngày liền. Đây cũng là một sự kiện đáng ghi vào lịch sử của lớp học này. Có vậy con mới thấy rõ hơn việc tu tập trước tiên là Thầy dạy xả tâm: PHẢI LUÔN LUÔN NHẪN NHỤC – TÙY THUẬN – BẰNG LÒNGở mức độ cao. Và đó là hạnh độc cư vậy. Muốn trở thành Thánh Nhân thì trước tiên phải gạn cho hết, xả cho hết các tâm ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm, chấp ta, ngã mạn... để cùng nương với nhau mà tiến tu.

Những lời sám hối với Thầy hôm nay cũng là lời cam kết, lời hứa quyết tâm lo tu tập đúng, không phá hạnh độc cư nữa. Từ nay nếu tâm không xả được niệm gì thì chúng con sẽ cố gắng tùy đối tượng của tâm mà dùng tri kiến về “NHÂN QUẢ” hay về “CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG”thân vô thường hay thân bất tịnh hoặc tùy đối tượng của tâm mà “QUÁN THÂN BẤT TỊNH” hay “QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH”.Luôn luôn nhớ và thực hành “THÂN LÀ VÔ NGÃ – KHÔNG PHẢI LÀ TA, KHÔNG PHẢI CỦA TA, KHÔNG PHẢI BẢN NGÃ CỦA TA”thì sẽ giải tỏa được mọi vấn đề của tâm. Đặc biệt là áp dụng “TỨ BẤT HOẠI TỊNH”, con tác ý: “CON NGUYỆN TÂM CON NHƯ PHẬT – CON NGUYỆN TÂM CON NHƯ TÂM THẦY”thì các niệm linh tinh tâm hẹp hòi thấp hèn kia không ngự trị được nữa, nó sẽ cút mất.

Thực tế chúng con còn khóc nhiều quá tức là chưa thâm nhập “CÁC PHÁP LÀ VÔ THƯỜNG”.Mới ghi nhận lý thuyết thôi. Song dù sao Thầy cũng đã trang bị cho nhiều chiếc áo giáp lắm rồi, mỗi phương cách quán là một chiếc áo giáp để xông pha nơi trận mạc. Chúng con sẽ cố gắng, phòng hộ hơn, không để bị thương tích nữa.

Một lần làm Thầy buồn là chắc chúng con sẽ bị tổn phước, tổn thọ lắm đây! Vì với tất cả tình thương bao la vô tận Thầy không quản công khó nhọc; vừa giảng dạy, vừa xem bài, vừa kiểm tra – trả lời các câu hỏi khi tu sinh trình sự tu; vừa tiếp khách và giảng pháp riêng khi cần thiết; lại vừa viết sách – in ấn – pho to v.v.. Thật con không ngờ nỗi, mỗi ngày Thầy ăn (ngọ) một bữa, chỉ có vài muỗng cơm mà làm việc trên 24/24, cứ hết ngày này sang ngày khác như vậy! Điều này rõ ràng và Thầy sống và làm việc bằng một lực thanh tịnh phi thường. Các anh của con lên hay nhận xét: “Ủa! Thầy đã gần 80 rồi mà tiếng nói của Thầy sao rõ ràng và khỏe quá”. Chúng con cố gắng tu tập đúng để noi gương thân giáo của Thầy như vậy.

Bên cạnh những chiếc áo giáp kia, Thầy luôn rèn luyện chúng con nhiều thao tác để chiến đấu với thân bệnh, tâm bệnh. Với những chiến thuật chiến lược rất chặt chẽ, kiên cố. Thầy căn dặn kỹ lưỡng để biết sử dụng đội hình, đội ngũ sao cho phù hợp với chiến trận ấy. Lúc nào tu tập “CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - NHIẾP TÂM AN TRÚ TÂM”Lúc nào tu tập “THÂN HÀNH NIỆM”mà còn phải áp dụng “ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ”, cũng như pháp “NHƯ LÝ TÁC Ý”.Luôn luôn là đội quân tiên phong đi đầu trong các trận. Và lúc nào mới tu tập “TỨ NIỆM XỨ”. Phải nói rằng chưa thấy lớp học nào phức tạp đủ mọi trình độ như lớp đào tạo tâm vô lậu này. Từ tuổi tác đến hình tướng, đặc tướng trình độ đều rất chênh lệnh. Thế mà Thầy nhẹ nhàng, linh động rất chính xác khi áp dụng từ thời khóa đến phương pháp tu tập phù hợp cho từng người, từng người một.

Bên cạnh những tên giặc lợi hại như hôn trầm, thùy miên; ái kiết sử, tâm tình cảm, dục thèm ăn v.v.. Thầy luôn luôn nhắc nhở phải cảnh giác với những đòn tâm lý chiến. Khi tâm họ chướng họ thường phá hạnh độc cư đến với mọi người rỉ tai, rù rì làm cho người khác cũng bận tâm, rộn ràng mất đoàn kết. Những lúc như vậy là đã phản lại lời dạy cao quý của Thầy tức phải coi chừng bị nhân quả cuốn trôi đi! Thật là một vị Thầy bao quản lớp quá chặt chẽ, không bỏ rơi một phật tử nào. Thầy không thu vào một lệ phí nào và cũng không màng chút danh lợi gì cả. Thầy chỉ mong sao các tu sinh làm chủ được bốn sự đau khổ sinh, già, bệnh, chết của mình. Thầy chỉ đến lớp với chiếc áo dài nâu và một đôi dép mũ thường. Thật là một vị Thầy giản dị nhưng lại thanh thoát làm sao! Hình ảnh này có còn mãi chăng? Nếu không cấp tốc giữ hạnh độc cư để tâm quây vô áp dụng mọi sự tu tập cho đúng để xả tâm cho được thì làm sao có được năm nén hương tâm kịp dâng lên bậc Thầy đáng tôn kính? Chắc hẳn là tu sinh của lớp học này ai ai cũng biết rõ năm nén hương ấy là: Giới hương - Định hương - Tuệ hương – Giải thoát hương – Tri Kiến giải thoát hương. Con hằng mong sao từng người, từng người một của lớp học đều năng nổ dâng lên Thầy những sự tu tập đúng và thật đủ chất lượng.

Có ai biết được, trong khi cả lớp được yên ổn hoc tập như thế này thì cô Út của chúng ta lại hy sinh gánh vác mọi việc lớn, nhỏ trong ngoài tu viện. Lúc nào cô cũng tất bật chạy ngược xuôi, hết chạy xe lại chạy bộ, hết bưng cơm nước cho khách, lại khuân vác cửa ra cho thợ; hết đi chợ nấu ăn, lại lăng xăng may vá; hết chạy lo giấy tờ ngoài xã, lại lo mua sắm quà Tết cho người nghèo; hết kiểm tra đôn đốc thợ, lại khéo léo đảo mắt quán xuyến các tu sinh. Ai đau bệnh, hoặc thiếu sách kinh cũng mau tìm kiếm cô Út. Điện thoại reo! Cũng chờ cô Út, chờ cô Út. Ôi! Công việc trăm bề cứ vây quanh và chờ đợi cô Út. Dù Thầy đã sắp xếp tổ chức việc ăn uống gọn nhẹ rồi với mục đích giúp cô Út được rảnh tay, rảnh trí hơn. Đã có ai giơ tay lên: Cho con phụ với Út chưa? Hay là những yêu cầu, yêu sách? Tại sao cô Út lại quá cực khổ như vậy? Là vì cô Út rất thương kính Thầy. Cô luôn tạo mọi phương tiện để bảo vệ Thầy và giải quyết mọi sự để giúp Thầy rảnh tay dạy cho lớp học thành công. Do đó, con sẽ hết sức cố gắng không vì một lý do gì mà để cô Út khổ thêm. Nhất là cố gắng về sự tu tập phải xả tâm thật sự không làm khổ mình, không làm khổ người nữa. Bằng mọi cách bằng mọi giá phải nỗ lực giữ đúng ba hạnh ăn, ngủ, độc cư cho bằng được. Có như vậy mới không phụ công ơn như Trời như biển của Thầy và cô Út. Sở dĩ lớp học được yên ổn học hành hơn hai tháng nay là nhờ sự giúp đỡ, bao bọc của Chính quyền địa phương. Là những người đã và đang tạo điều kiện cho Tu Viện Chơn Như khai sinh những người tu chân chánh, đầy đủ giới luật; những vị A La Hán tương lai. Những người này sẽ duy trì mạng mạch của Phật pháp, đồng thời xây dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả; đem lại nguồn an vui không làm khổ mình không làm khổ người cho đến nhân loại. Với việc làm của Chính quyền địa phương thật là giá trị biết bao!

Song song với sự bao bọc của Chính quyền địa phương thì nhóm phật tử Thành Phố Hồ Chí Minh – đại diện có cô Liên Châu đã hết sức quan tâm đến đời sống của lớp học này. Mọi người được đầy đủ cơm nước và những vật dụng cần thiết để yên tâm tu học. Bên cạnh những vật chất thiết thực ấy, cô còn đại điện cho nhóm phật tử nói lên lời khuyên nhủ, lời động viên các tu sinh của Tu Viện. Những lời chân tình ấy như đã gởi trọn tình thương kính và niềm tin tuyệt đối gửi đến với quý tu sĩ và cư sĩ chân tu tại đạo tràng Chơn Như này. Thật là một điều hy hữu và thắm thiết vô cùng.

Việc làm của Thầy, của cô Út, của Chính quyền địa phương và của quý Phật tử, thật là cao cả, không thể nói lên bằng lời mà hết được. Một lần nữa con xin thay mặt tất cả các tu sinh của Tu Viện Chơn Như thành kính tri ơn Thầy, tri ơn cô Út; cùng kính gửi đến Chính quyền các cấp ở địa phương cũng như quý phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh lời kính chúc sức khỏe ân cần, lời trân trọng biết ơn sâu sắc và lời quyết tâm cố gắng của toàn thể tu sinh trên lĩnh vực tu tập làm chủ sự sống chết của mình.

Nhân dịp năm mới chúng con xin thành kính chúc Thầy và cô Út pháp thể khinh an để dìu dắt chúng con đến bờ giải thoát.

Hôm nay con cũng xin thành kính chúc toàn thể tu sinh của Tu Viện một năm mới tinh tấn tu hành kết quả viên mãn. Và cuối cùng con xin thành kính chúc Chính quyền các cấp địa phương và quý Phật tử thân yêu một năm mới dồi dào sức khỏe và thành công tốt đẹp trên mọi lãnh vực.

Con xin kính bút.

Tu sinh Mỹ Linh

PHỤ BẢN II: ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

 Tu sinh Kim Quang

LỜI GIỚI THIỆU

Trước đây khi chưa biết Phật pháp cuộc đời của con không có định hướng, sống trong ác pháp mà không biết, chỉ biết sống theo như mọi người khác trong xã hội, chạy theo các đòi hỏi của bản thân để đảm bảo có cuộc sống tốt đẹp. Do đó thuờng xuyên tích lũy kiến thức thế gian từ trường lớp, xã hội, bạn bè, sách báo,… để gom lại xây dựng cho mình một thế giới hoàn hảo dưới con mắt của mình. Thế giới đó phần nhiều là tưởng, dục vọng và phán xét mọi chuyện theo con mắt đúng sai, chứ không hề có khái niệm như thế nào là thiện ác, không bao giờ làm việc gì mà suy nghĩ rằng hành động và lời nói này có làm đau khổ mình, khổ người hay khổ mọi loài chúng sanh khác hay không? Vì sao vậy?

Trong suốt 30 năm đầu của cuộc đời, con không bao giờ có ý thức về tìm hiểu đạo đức. Ở trường lớp, ở gia đình, ở bạn bè và ở người thân con cũng không được nghe nhắc tới. Sau đó con bắt đầu tò mò muốn tìm hiểu những đạo lý của người xưa trong đối nhân xử thế từ Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh tử, Tôn Tử. Còn Phật giáo là một tôn giáo nên dưới con mắt của con thì cũng chỉ là dạy con người làm điều lành, tránh xa điều dữ và dạy con người cầu nguyện hay xin xỏ những gì mình muốn. Do đó con không bao giờ có ý đi tìm sách Phật mà đọc.

Vậy mà sau khi sang Mỹ do tò mò muốn biết thiền là gì, cơ duyên với Phật pháp đã đến với con. Người bạn dẫn con vào thiền viện giải thích cho con sơ qua cách ngồi thiền và cách thở, rồi đưa cho con khoảng gần 10 quyển sách về Phật giáo và thiền.

Từ khi đọc sách về Phật giáo con mới tìm ra được những câu trả lời cho những thắc mắc của con từ bao lâu và làm cho con sáng tỏ mọi thứ như luật vô thường của vạn vật, vô ngã, sự bất toại nguyện của cuộc đời, mọi đau khổ của cuộc đời này là do lòng tham, lòng sân, lòng si mê, lòng kiêu mạn và lòng nghi ngờ của con người. Và muốn chấm dứt mọi đau khổ thì chỉ có cách diệt sạch lòng tham, sân, si, mạn và nghi đó.

Chỉ cần đọc đến đây thôi là lòng con đã nhẹ nhõm, như tìm thấy một mảnh đất mới của cuộc đời. Càng đọc con càng nhận ra đức Phật là một con người thật chỉ dạy và phân tích rõ những ác pháp xung quanh chúng ta và chỉ cách diệt trừ chúng thôi chứ đâu có dạy cầu xin gì đâu. Chỉ cần bỏ các ác pháp xuống thì thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Con nhạn ra rằng đạo Phật rất thưc tế, sát với cuộc sống của con người, không trừu tượng và không mơ hồ. Đem lại hạnh phúc thật sự cho con người trên hành tinh này.

Sau này có duyên đọc được sách của Thầy Thông Lạc thì càng hiểu rõ thêm về đạo Phật. Ví dụ như đạo Phật dạy cái gì, cái gì không phải của Phật giáo và những lời Phật dạy sống và tu tập như thế nào để giúp cho chính mình giải thoát khỏi các ác pháp.

Và càng nghiên cứu nhiều, cộng với áp dụng các lời Phật dạy vào cuộc sống thì con cảm thấy có hiệu quả là tâm giảm bớt tham, sân, si, mạn và nghi. Càng học nhiều thì con mới nhận thức được toàn bộ giáo lý của đạo Phật chỉ nhắm vào hai chữ “đạo đức”, đó là đạo đức nhân bản nhân quả của con người.

 Kính ghi

Kim Quang

³³³


LỜI BẠT

Để hiểu rõ đạo đức là gì ta hãy bắt đầu tìm hiểu Đạo là gì? và Đức là gì? Theo con nghĩ “ĐẠO”là con đường đúng, là kim chỉ nam, là lẽ phải. Còn “ĐỨC”là điều tốt lành. Đạo đức là con đường dẫn tới những điều tốt lành.

Vậy trong cuộc sống của ta đạo đức tồn tại nơi đâu? Chỉ có con người có sự hiểu biết, có suy tư, biết phân biệt thiện ác và hiểu rõ ý nghĩa của đạo đức. Vậy thì đạo đức chỉ áp dụng cho con người. Môi trường hoạt động của con người ở đâu thì ở nơi đó cần phải có đạo đức. Nghĩa là trong mọi lãnh vực trong cuộc sống và trong mọi ngành nghề, không bỏ sót nơi nào.

Nói đến hai chữ “ĐẠO ĐỨC”thì ai cũng biết nhưng hiểu rõ tiêu chuẩn của đạo đức dựa trên cơ sở nào thì ít ai biết. Đức Phật đã xác định tiêu chuẩn của đạo đức dựa trên các điều kiện sau:

- Không làm khổ mình.

- Không làm khổ người.

- Không làm khổ chúng sanh.

Chỉ có con người và các loài động vật thì thuộc hệ phát triển bậc cao nên có được những cảm xúc như vui mừng, đau, buồn, giận dữ, hài lòng, lo lắng… Ví dụ biết đau đớn thì gương mặt nhăn nhó, miệng la, rên, kêu; khi vui mừng thì khuôn mặt của con người cười, con chó thì quẩy đuôi, khi giận dữ thì gương mặt đỏ lên, hai mắt to ra, ánh mắt rất sắc bén và nóng như 2 ngọn lửa, còn con vật thì nhe răng ra, khuôn mặt nghiêm lại như đang chuẩn bị tư thế chiến đấu…

 Cái chữ “khổ” ở đây là ý chỉ khi thân tâm của người hoặc con vật bị đau, buồn, giận dữ, bực tức, bất toại nguyện, không hài lòng, bức rức, khó chịu, lo lắng, sợ hãi…

Đạo đức này đức Phật gọi là đạo đức nhân bản nhân quả là nền đạo đức dành cho con người. Giúp cho con người dựa theo những tiêu chuẩn trên mà đối nhân xử thế với nhau, với mọi loài vật khác và với mọi loài có sự sống trên hành tinh này.

Cụ thể hơn khi áp dụng đạo đức vào thực tiễn, chúng ta hãy xem vài khía cạnh gần gủi nhất xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta như:

- Đạo đức với chính mình, với người.

- Đạo đức Cha Mẹ và con cái.

- Đạo đức vợ chồng.

- Đạo đức học trò.

- Đạo đức của con người ngoài đường phố.

- Đạo đức của con người ở nơi làm việc.

- Đạo đức của con người với con vật - Đạo đức hiếu sinh.

- Đạo đức của con người với các loài thảo mộc.

- Đạo đức của con người với mội trường sinh thái v.v..

Qua việc áp dụng những lời của Phật và Thầy dạy vào cuộc sống va chạm của con hằng ngày, con xin thuật lại những gì con hiểu trong việc áp dụng những lời Phật và Thầy dạy.

Những gì được viết sau đây không phải là những lời khuyên hay kim chỉ nam cho mọi người. Do đó nó không phải là lời dạy đạo đức. Mà đây là sự trình bày cách xả tâm dưới những hiểu biết của con. Về cách viết văn theo đúng dàn bài logic thì chắc con không làm được và con biết con không có khiếu viết văn. Con viết theo những nhận thức của con về các pháp xung quanh; là những gì con cố gắng áp dụng vào đời sống để xả tâm.

Kính xin Thầy chỉ dạy cho con rõ thêm những gì còn sai sót và thiếu chưa đủ, để con thấy rõ và áp dụng xả tâm cho đúng những lời Phật và Thầy dạy.

Kính ghi

Kim Quang

ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

Là những hành động, lời nói và ý nghĩ không làm khổ mình. Vậy không làm khổ mình là như thế nào?

Đó là không mang ác pháp vào thân tâm để thọ phải những quả xấu như bệnh tật đau nhức từ trong ra ngoài, bị phẩu thuật mổ xẻ, tai nạn, tù tội, bị mất của cải tài sản, thân bị tật nguyền khiếm khuyết, mất uy tín, mất lòng tin của người khác, bị người khác tránh né, bị khinh bỉ, chê bai, không thương xót, sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi, ưu sầu, buồn rầu, phiền muộn, gặp mọi việc bất toại nguyện, luôn gặp trắc trở trong cuộc sống, bị tai nạn, bị đánh đập, bị trộm cướp, bị ăn hiếp, hay bị lừa gạt v.v.. Những hành động, lời nói và ý nghĩ thể hiện qua các tiêu chuẩn đạo đức như:

ĐẠO ĐỨC MÔI TRƯỜNG SỐNG

Không khạc nhổ lung tung (nên khạc nhổ vào khăn giấy rồi tìm thùng rác bỏ), không xả rác, không vứt rác bừa bãi (vứt rác vào thùng rác công cộng), không làm ô nhiễm môi trường, không ném rác hay xác động vật chết xuống ao, hồ, sông giếng (nên đào hố chôn dưới đất), không tiểu tiện bừa bãi, không chôn xác động vật gần nơi ở hoặc gần nơi thanh tịnh như nơi thuyết pháp, không hút thuốc lá, không đốt đồ đạc bừa bãi làm khói bay vào nhà mình, nhà người khác gây thêm bệnh cho mình và cho người v.v..

Đạo đức môi trường giúp ta biết tôn trọng sự sống của mọi người trên hành tinh này trong đó có chính mình.

Người không có đạo đức môi trường thì không biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Vì họ không nghĩ đến cái hại do từ những hành động thiếu văn hoá trên dẫn đến bệnh tật, nhiễm trùng, ô nhiễm môi trường, sông ngòi, ao hồ gây đủ loại bệnh tật về đường hô hấp, tiêu hóa v.v..

Có một lần con thấy một nhà gần đường cái đốt rác, khói bay là là bao trùm cả một khu vực và trong đó có con đường, sau khi con trở về bằng con đường đó thì con thấy một tai nạn đã xảy ra chỗ đó.

Từ đó con mới rút ra bài học là trước khi làm việc gì thì phải coi việc này có hại mình, hại người hay hại chúng sanh không. Nếu không biết suy tư như vậy thì hậu quả để lại sẽ không lường được như ví dụ trên.

ĐẠO ĐỨC VỆ SINH

Là vệ sinh cá nhân thường xuyên, ăn mặc gọn gàng tươm tất, ăn uống có vệ sinh, quét dọn sạch khu mình ở và xung quanh, dọn dẹp mọi thứ trong nhà, trên bàn ngăn nắp sạch sẽ. Quần áo dơ thì để riêng hoặc giặt ngay không để bừa bãi trong phòng bốc mùi hôi thối.

Có giữ gìn đạo đức sạch sẽ thì mới xứng đáng là con người vì chỉ có con người mới ý thức được sự sạch sẽ của bản thân. Có như vậy thì người khác mới tôn trọng, giao du và tiếp cận với mình, vì nếu không có đạo đức sạch sẽ là ta không biết tôn trọng ta thì làm sao ta tôn trọng người khác được.

Người có đạo đức vệ sinh là người làm việc ngăn nắp, có trước có sau, biết sắp xếp mọi việc, không cẩu thả, làm việc nào ra việc đó.

Người có đạo đức vệ sinh thì thân không nhiễm bệnh, tâm được an lành. Sức khỏe tốt, tinh thần luôn phấn khởi vui tươi, thì làm việc gì cũng dễ thành công hơn.

Người không có đạo đức vệ sinh thì người đó không khác gì loài thú, vì loài thú không ý thức được sự dơ dáy của mình. Do đó dễ bị thân bệnh và bị người khác tránh xa. Vì có tính tình cẩu thả như vậy cho nên họ sẽ không làm được chuyện gì cả, chỉ làm qua loa đại khái mọi chuyện cho có hình thức rồi cũng bỏ dỡ giữa đường. Chính vì tánh cẩu thả đó mà không được người khác tín nhiệm và giao cho công việc hay trọng trách.

Người có ý thức được đạo đức sạch sẽ thì khi đi đến đâu, nơi đó cũng biến thành ngăn nắp và sạch sẽ. Khi đi làm việc thấy trong phòng ăn bừa bãi thì tự ý dẹp gọn, không cần phải ai nhắc và người đó không cần biết ai bày ra. Khi đi cửa hàng mua đồ thấy đồ đạc rơi từ kệ trưng bày xuống thì lượm lên. Khi dùng giấy lau xe không vứt ra ngoài đường mà đem bỏ vào thùng rác. Khi cần khạc nhổ thì khạc nhổ vào trong phòng rửa mặt hay khăn giấy gói lại đem bỏ vào trong thùng rác. Sáng thức dậy thì xếp ngăn nắp chăn gối, trên bàn học tập thì luôn luôn gọn gàng, sạch sẽ.

Do vậy ta hãy luôn luôn nhắc tâm luôn luôn giữ gìn đạo đức vệ sinh này, có như vậy thì tâm trạng người đó luôn luôn khỏe khoắn, yêu đời và lạc quan.

ĐẠO ĐỨC CẦN KIỆM

Là đạo đức biết quí trọng mồ hôi nước mắt, công sức lao động của mình và của mọi người như tiết kiệm điện, nước, không xài hoang phí bất cứ vật gì khi thấy không cần thiết, không mua sắm thức ăn, đồ uống, quần áo, vật dụng dư thừa rồi sau đó không dùng thì vứt bỏ, hay là bỏ vào tủ hay kho chất chứa, hoặc không xin ai bất cứ vật gì mà thấy là không cần thiết.

Đạo đức cần kiệm là đạo đức biết nghĩ đến mồ hôi và công sức của người làm ra hay mua vật đó. Do đó con sẽ biết tôn trọng sức lao động của họ và biết gìn giữ, biết tiết kiệm và không lãng phí.

Còn nếu người tu mà nghĩ rằng cứ xài thoải mái, và mình cứ tu đàng hoàng thì đã trả ơn cho đàng na thí chủ rồi. Nghĩ như vậy thì người tu chưa có đạo đức tiết kiệm này. Nghĩa là chưa có biết quý trọng sức lạo động của mọi người, chưa có biết thương yêu mọi người phải vất vả tìm ra từng đồng, từng cắc kiếm miếng cơm bát cháo hằng ngày.

Có lao động cực khổ con mới thấy thương mọi người trong cuộc sống này quá, khổ vì miếng cơm manh áo. Khi con thấy ai có việc làm thì con rất mừng cho họ vì họ sẽ có cơm ăn, áo mặc, vì con biết tìm việc làm không phải dễ.

Càng sống trong đất nước giàu mạnh như nước Mỹ con càng thấy con người làm nô lệ cho vật chất, mọi người xem thường sức khỏe của mình và cố gắng đi làm kiếm tiền càng nhiều càng tốt, do đó trung bình họ đi làm 10-16 tiếng mỗi ngày, và có người làm cả cuối tuần không ngày nào nghỉ. Chính vì làm nhiều như vậy cho nên họ coi trọng đồng tiền, kể cả bà con, bạn bè dù cho có vay nợ nhau hay là xích mích không sòng phẳng tiền bạc chỉ vài trăm đô, họ cũng thưa kiện nhau và đem nhau ra toà xử. Thật là xấu hổ cho con người. Vì càng làm ra nhiều tiền và chạy theo các vật chất thế gian, cho nên họ rất thích mua sắm, mua hết cái này đến cái khác, có khi cái áo chỉ mặc qua một lần rồi vứt bỏ. Những thứ bên này vứt bỏ thì vẫn còn xài được mà còn tốt nữa chứ. Đó là những hành vi không có đạo đức tiết kiệm. Vì trên thế giới này có hàng triệu người đang nghèo đói mà không có cái ăn, chổ ở. Còn ở Mỹ thì con người sống dư thừa, phung phí. Ngay cả ăn uống cũng vậy, số lượng người Mỹ béo phì cũng chiếm khoảng 50%, có người cả 200-300 kg, mà vẫn thích ăn, suốt ngày ăn uống không biết ngừng. Do đó họ bị đủ các chứng bệnh như cao máu, tiểu đường, ung thư, thận, gan, đau khớp v.v..

Người không có đạo đức tiết kiệm thì chỉ làm khổ mình thôi, và sẽ làm khổ người khác.

Còn người biết tôn trọng đạo đức tiết kiệm thì sẽ biết tôn trọng mình, tôn trọng người, biết suy tư quán xét mọi chuyện trước sau coi có hại mình và hại người hay không.

ĐẠO ĐỨC NHẪN NHỤC

Là đạo đức yên lặng đem lại yên vui cho mình và cho người vì không phải gây thêm nhân cho ác pháp khởi lên khi hiểu rõ nhân quả. Hiểu rõ nhân quả thì tâm bất động, vì mọi pháp đến với ta đều là những trò chơi của nhân quả thôi. Có như vậy thì bao nhiêu sóng thần, gió bão cũng sẽ tan hết.

Khi thím con thường hay hỏi đố những câu về việc tu hành của con, con nghĩ rằng những câu này sẽ đưa đến tranh luận, con thấy nên im lặng là tốt nhất. Chính vì vậy mà không có sự tranh cãi bàn luận, mất hoà khí trong gia đình.

Dù cho bất kỳ ai nói gì về Thầy, về pháp hành tu, về tu viện, về cô Út, con không muốn tranh luận với họ, con nghĩ mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ. Còn phần con con có niềm tin con đường của con chọn, nên con cứ đi, miễn sao không làm phiền, ảnh hưởng đến ai cả là được rồi. Do đó con được yên tâm, không bị phá rối bởi các hiểu biết của người đời lôi cuốn và con giữ một mình được thanh thản an lạc và vô sự.

Ở nhà con cũng không nói là mọi người cúng bái, đốt nhang là sai. Vì con biết con chưa đủ đạo lực để nói cho mọi người nghe theo. Vậy thì hãy vui vẻ im lặng, hãy tôn trọng những gì mọi người làm, không có ý kiến, hành động, lời nói chống đối gây mâu thuẫn là được rồi. Có như vậy thì trong gia đình mới hoà thuận vui vẻ.

Con chỉ nghĩ là không tranh luận, không chống đối gì cả, tôn trọng việc làm của mọi người thì sẽ tránh gây các nhân ác xảy ra cho mình, cho người và cho cả hai. Im lặng như thánh và dùng thân giáo thôi.

Người có đạo đức nhẫn nhục khác với người im lặng ức chế tâm. Người im lặng ức chế tâm thì đến một lúc nào đó cũng tuôn trào ra thôi và sóng to gió lớn thường sẽ biến thành bão, bao nhiêu uất ức dồn nén bao lâu sẽ tuôn trào như thác đổ. Do đó nhẫn nhục mà không ức chế thì mới gọi là đạo đức. Như lời Phật dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, bước tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”.

Do đó muốn hiểu rõ đạo đức nhẫn nhục thì ta phải hiểu rõ nhân quả và phải có lòng thương yêu mình và thương người. Vì khi ta im lặng là ta đã không tạo duyên xuất hiện ác pháp cho ta và cho người. Và sự im lặng đó sẽ làm cho không khí không còn sôi động, mà từ từ lắng dịu xuống trở nên hòa bình. Có tư duy quán xét và thấy mọi việc xảy ra đúng như vậy thì lòng tin của con càng thêm vững vào giá trị của đạo đức nhẫn nhục. Con nhớ Đức Phật đã dạy: “Hãy nhẫn một việc khó nhẫn, hãy làm một việc khó làm”.

ĐẠO ĐỨC TÔN TRỌNG

Là đạo đức biết tôn trọng gồm rất nhiều hành động, chúng ta cần phải lưu ý:

- Luôn tôn trọng mọi người, không phân biệt già hay trẻ con, giàu hay nghèo, có học thức hay không học thức, có chức quyền hay không chức quyền, nam hay nữ, nông thôn hay thành thị, không phân biệt dân tộc, màu da, trong nước hay ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, có bệnh tật hay không bệnh tật v.v..

- Tôn trọng những nơi trang nghiêm của các tôn giáo, tôn trọng nơi thuyết pháp, tôn trọng những nơi thanh tịnh.

- Tôn trọng nhà của người khác, tôn trọng tài sản của người, “Nhập gia thì tùy tục”.

- Tôn trọng lời nói, ý nghĩ, hành động, yêu cầu và ý kiến của mọi người (từ chối hay chấp thuận).

- Tôn trọng cuộc sống môi trường sống của tất cả các loài động thực vật.

Đó là những pháp hướng tâm để nhắc tâm con thường xuyên trong mọi cảnh, mọi nơi khi con thấy tâm con không hài lòng về ai hay nơi nào v.v..

Có biết sống đúng đạo đức tôn trọng thì ta sẽ xả được cái bản ngã, thấy được lợi ích của sự bình đẳng, vui vẻ với mọi người và mọi vật. Tâm sẽ không còn sân giận ai, không phiền não bất cứ chuyện bất toại nguyện nào, không trách cứ, chê bai, phê bình, nhận xét, phân tích, hay đánh giá ai đúng ai sai hết.

Còn ngược lại sống không có đạo đức tôn trọng thì làm gì có ai tôn trọng mình, ai thấy mình cũng tránh né, không thân cận và xua đuổi. Người không có đạo đức tôn trọng thì làm sao ở gần được các bậc tiền bối và các thiện hữu tri thức để mà học tập.

Trong nhà con có các cháu, con vẫn thường tôn trọng việc làm của các cháu, không bắt các cháu làm theo ý của mình và nếu không nghe lời thì mắng. Con chỉ dùng lời nói giải thích cái tai hại của những việc làm sai, để các cháu thấy. Nói một lần không nghe thì con cố gắng nói nhiều lần, chứ không bao giờ lớn tiếng. Và con luôn luôn nhắc tâm mình biết tôn trọng mọi người kể cả các em bé. Không ngờ chỉ như vậy thôi mà con thấy các cháu rất thương nhớ con khi đi xa, còn ở nhà thì thích chơi với con hơn.

Người sống có đạo đức tôn trọng thì tâm rất thoải mái, không bao giờ nghĩ sai, bình luận, phân tích về bất cứ người nào. Vì dù cho ai có làm việc gì, nói gì thì người có đạo đức tôn trọng luôn tôn trọng việc làm, lời nói đó. Không bình luận, tranh cãi gì cả. Vui vẽ sống trong thuận hòa, lấy việc của người làm việc của mình.

Ngược lại khi con người không có đạo đức tôn trọng thì khi bất kỳ ai nói, hành động việc gì thì người đó sẽ phân tích, bình luận, nhận xét, tìm ra những cái xấu của nhau, và chỉ sống trong kiến chấp của mình không biết tôn trọng ai cả.

Đúng hay sai, thành hay bại, được hay mất đó cũng chỉ là chuyện thường thôi. Đừng quan trọng hóa mọi việc thì tâm sẽ thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu ta sống không mong cầu điều gì thì có làm sai thì ta làm lại, có bại thì lấy đó làm bài học mà sửa sai, có mất thì tìm cái khác thay vào chứ có gì đâu mà buồn phiền mà lo lắng. Con chỉ nghĩ mọi việc con người đều làm được cho nên không vội vàng không hấp tấp, vạn pháp là vô thường mà. Cứ thanh thản trong hiện tại là vui vẻ nhất.

ĐẠO ĐỨC TÙY THUẬN

Là sự làm theo ý kiến, lời nói, yêu cầu và hành động của người khác luôn luôn trong mọi hoàn cảnh và với mọi người.

Người có đạo đức tùy thuận thì đi đến đâu sẽ thích nghi ở đó, không bao giờ bắt người khác phải tùy thuận theo những cái thích của mình. Ví dụ đến tu viện thì phải tùy thuận theo những qui định của tu viện, khi có khoá học thì phải biết nghe lời Thầy dạy. Những chướng ngại trong tâm thì phải xả ngay, không tự suy luận theo ý kiến của mình, không than vãn, trách móc ai hết, không chạy theo tâm dục của mình mà thêm bớt cái này cái kia.

Để thân tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự, con thấy không nên làm khổ mình vì những cái thích hay cái muốn của mình. Con nghĩ mình phải điều tâm thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi điều kiện thời tiết khí hậu, mọi lời nói, từ bỏ mọi chấp kiến từ xưa tới nay đã huân tập vào.

Khi lái xe, con thấy nếu người đi bộ muốn băng sang đường (bất cứ chổ nào) hoặc xe từ chổ đường nhỏ ra đường lớn, hoặc ngược lại con đều dừng xe lại và quẩy tay kêu họ cứ tự nhiên băng ngang hay đi trước. Có tùy thuận vào mọi người thì con cảm thấy mọi người vui vẻ và mình cũng vui nữa. Vì lúc đó con biết được mọi người đang muốn gì và đang lo lắng gì. Trong trường hợp trên con nghĩ là những người muốn xin qua đường đang lo lắng không biết khi đi ngang qua đường có chuyện gì xảy ra không, tâm trạng của họ đang sợ sệt và lo lắng. Cho nên khi con dừng xe lại vẫy tay kêu họ đi qua đường đi thì họ sẽ yên tâm hơn, giải toả được bao lo lắng cho họ, nghĩa là đem lại sự yên vui cho người.

Có sống trong đạo đức tùy thuận thì con thấy phải xả bỏ mọi chấp kiến, kiến thức, suy tưởng cá nhân. Có như vậy thì đạo đức tùy thuận mới trọn vẹn. Còn không thì chỉ là sự chiều lòng theo bằng hình thức bên ngoài mà bên trong thì không tùy thuận.

Có xả cái ngã thì ác pháp sẽ không còn tác động được nữa, vì ta có mong cầu đạt được cái gì cho ngã đâu, nếu không mong cầu thì có sân giận ai làm gì. Nếu đã không có ngã thì mong cầu, sân giận cho ai.

Đạo đức tùy thuận là đạo đức xả ngã tuyệt vời, luôn thấy thanh thản tại nội tâm, lấy việc của người khác làm việc của mình, chứ không bắt buộc ai phải theo mình cả. Có tùy thuận và tôn trọng thì mọi việc sẽ yên ổn thuận buồm xuôi gió.

Người sống không biết tùy thuận thì chỉ làm khổ mình vì những kiến chấp của mình, làm mất hạnh phúc riêng tư như trong gia đình thì vợ chồng ly dị nhau vì không biết sống tùy thuận nhau.

Người không có đạo đức tùy thuận thì bản ngã cao, không coi ai ra gì, không biết lắng nghe ai cả cho nên không học hỏi được điều hay lẽ phải, thất bại thì nhiều mà thành công thì ít. Bằng chứng là cuộc đời của con nếm đủ mùi thất bại vì không biết nghe lời khuyên của người lớn, tham danh lợi cho nên làm ăn cái gì cũng thất bại. Thêm nữa người thân thì không còn khuyên những điều tốt nữa vì họ biết con đâu có nghe họ đâu.

Biết rõ cái xấu và tai hại của bản ngã, con quyết sống sửa sai những lỗi lầm của mình và sống có đạo đức tùy thuận. Con thấy sự tùy thuận giải toả mọi chướng ngại trong cuộc sống rất nhiều, bao nhiêu ác pháp đổ xuống làm cho cuộc đời con thuận buồm xuôi gió hơn.

Khi ai nói một lời nào, yêu cầu con làm việc gì con thấy tâm con lúc đầu ưa phân tích đúng sai, nhưng sau đó con tác ý nhắc tâm “Tâm phải tùy thuận vào lời nói, ý kiến việc làm của mọi người, hãy lấy việc người làm việc của mình, người vui thì mình sẽ vui”. Có nhắc tâm vài lần như vậy thì dần dần quen và khi nghe ai nói điều gì thì con tùy thuận ngay, không còn phân tích nữa vì con thấy lợi ích của đạo đức tùy thuận làm cho mọi người vui vẻ, làm vừa lòng mọi người, không gây cho mọi người những rắc rối, lo âu, bận tâm thêm nữa.

ĐẠO ĐỨC ÔN TỒN, TỪ TỐN

Là đạo đức có những hành động hay lời nói ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng, không hấp tấp. Luôn luôn biết quán xét mọi vấn đề kỹ lưỡng, nói năng phải có đầu có đuôi, có ý tứ và không làm khổ mình, khổ người và không khổ chúng sanh.

Oai nghi của người có đạo đức ôn tồn và từ tốn rất khoan thai không hấp tấp, vội vã mà chậm rãi, từ tốn trong mọi công việc và lời nói.

Trước khi hành động việc gì hay nói gì thì phải tư duy chín chắn xem có hại mình, hại người hay hại chúng sanh hay không, lời nói có phải là ái ngữ hay không? Có minh bạch hay không. Rồi từ từ nói ra hay hành động.

Do đó khi làm việc gì thì phải làm cho đến nơi đến chốn, tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo, không hấp tấp, kiên trì, cẩn thận quan sát học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, học hỏi những ý kiến của mọi người, nên biết lắng nghe, không nên nói bừa bãi thiếu suy nghĩ sâu.

Người có đạo đức từ tốn thì sẽ thành công trong cuộc đời.

Sau khi Thầy dạy cho chúng con về phương pháp tu chánh niệm tỉnh giác, từng phút một, con có suy nghĩ về đạo đức này và con sẽ cố gắng trau dồi đạo đức từ tốn này để tu hành có chất lượng hơn, chứ không sơ sài, qua loa như từ xưa tới nay mà không có kết quả. Cám ơn những bài dạy của Thầy.

Người có đạo đức ôn tồn và từ tốn chỉ nói lời ái ngữ, đẹp lòng người nghe, làm giảm bớt sự lo lắng, bất an cho người, đem lại niềm vui và khích lệ, hàn gắn mọi rạn nứt quan hệ giữa người và người, không gây chia rẽ bất cứ ai. Do đó người có đạo đức ôn tồn và từ tốn luôn được mọi người yêu mến. Họ có thể sống hòa hợp giữa các người ly gián nhau mà không đứng về bên nào cả và dùng thân giáo để giáo huấn họ.

Người có đạo đức từ tốn thì trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, xoay người đều chậm rãi khoan thai, không hấp tấp và vội vã.

Khi ăn thì chậm rãi nhai nuốt từng miếng một, không ăn uống liên tục, nuốt nhanh như người tham ăn. Nhờ nhai kỹ và nuốt từng miếng một mà ta có thể kiểm soát tâm tham của mình trong khi ăn.

Khi cười thì cũng chỉ cười bằng khuôn mặt, không cười to, không cười sặc sụa.

Khi nhìn vật gì thì từ từ nhìn lướt qua chứ không nhìn chằm chằm vào bất kỳ ai hay vật gì. Vì có sự nhìn chằm chằm vào vật gì hay ai thì đã có tính dục thể hiện tâm tham trong đó rồi.

Khi đi thì từ từ, không vội vàng, bước chân đều đều không nhanh không chậm. Tránh dẫm đạp lên các loài vật, lên cỏ cây.

Trước khi ngồi thì nhìn trên ghế có vật hay loài vật nào không, ghế có chắc không rồi ngồi.

Trước khi nằm thì cũng xem xét trên giường có loài vật hay vật gì không, kẻo nằm lên mà không hay biết.

Khi đứng thì phải đứng thẳng, không đạp lên bất cứ vật gì, không chân cao chân thấp, hai chân phải ngang nhau.

Khi cần quay lại phía sau thì ta phải xoay cả người lại chứ không phải chỉ xoay cổ thôi.

Oai nghi tế hạnh của một người ngoài đời cần phải chú ý những điều trên thì mới đúng là sống đúng như một người có đạo đức.

Do đó đạo đức từ tốn giúp cho con người nhìn lại bản thân, soi xét lại từng hành động cử chỉ oai nghi của mình, để thể hiện ra đúng như người có đạo đức, toát ra sự khoan thai điềm đạm và trang nhã.

Còn ngược lại người không có đạo đức từ tốn thì hấp tấp, vội vã, nói chuyện hay hành động thì không suy nghĩ trước do đó nói những lời mất lòng người nghe, làm việc thì thất bại, dẫn đến chán nản bỏ bê giữa đường, làm mất lòng tin của người khác.

Để có đạo đức ôn tồn ta phải tập suy nghĩ trước khi nói và hành động, không bao giờ vội vã luôn nhắc tâm “Thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự không hấp tấp vội vã”.

ĐẠO ĐỨC BIẾT ƠN

Là sự biết ơn với những người giúp đỡ mình trưởng thành, giúp mình hiểu biết, giúp đỡ mình trên mọi phương diện trong cuộc sống từ việc nhỏ tới việc lớn.

Đạo đức biết ơn thể hiện qua câu cám ơn, cái mỉm cười, cái gật đầu, cái chấp 2 tay xá, sự tặng quà và sự thăm viếng nhau.

Đạo đức biết ơn giúp cho con người tăng đạo đức nhân bản, luôn biết giúp đỡ, phục vụ mọi người, không kể công lao, sẵn sàng làm việc tốt hy sinh cả bản thân, mong rằng đem lại niềm vui cho mọi người và mọi loài vật.

Trong thưc tế đời sống hằng ngày chúng ta đã từng kinh nghiệm qua bản thân rất nhiều từ nhỏ cho tới lớn, ví dụ như:

- Nhớ ơn Thầy, Cô giáo dạy ở các trường. Đối với con thì không thể nào quên được những công ơn của những người tạo duyên cho con biết được Phật pháp, và công chỉ bảo dạy dỗ của Thầy, Cô Út.

- Biết ơn sự chăm sóc và khám bệnh của các y tá, Bác sĩ.

- Biết ơn công nuôi dạy của Cha Mẹ, và những lời chỉ dạy của từng người trong gia đình, bà con, bạn bè.

Chúng ta hãy biết ơn tất cả mọi người giúp đỡ ta trong cuộc sống hằng ngày. Đừng xem những công việc bình thường đó không ảnh hưởng đến sự trôi chảy, thuận buồm xuôi gió của cuộc sống của chúng ta. Hãy cám ơn mọi người để mọi người biết giá trị việc làm của mình.

Biết ơn anh tài xế xe buýt, anh lái xe ôm, xe xích lô, anh bán vé, các chị bán đồ ăn ngoài chợ, các người quét rác, đổ rác, anh đưa thơ, anh tính tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại v.v..

Con có một anh bạn luôn oán trách một bác làm ăn chung với anh ta. Bác đó đã dạy cho anh ta nghề sửa máy, khuyên và động viên anh ta học xong đại học, cho cổ phần tiệm sửa máy cho anh ta 50%. Đối xử với anh ta như con, luôn luôn chỉ những khuyết điểm của anh ta cho anh ta thấy để sửa sai. Vậy mà khi làm ăn chung thì tiền bạc không sòng phẳng thì anh ta giận bác và thường nói xấu sau lưng bác. Con chỉ biết khuyên rằng anh ta nên bỏ những ý nghĩ xấu đó đi và hãy sống tôn trọng và biết ơn bác như một người cha. Nhưng anh ta thì không chịu nghe và con thấy điều đó làm cho anh ta khổ quá và thật tội nghiệp cho anh ta.

Sự biết ơn là nghệ thuật nhạy cảm đối với những hành động thiện chí của mọi người. Từ một việc nhỏ cho tới việc lớn, ví dụ khi mình đang nói chuyện với bạn bè thì các em trong nhà hay cháu làm nước, mang bánh ra mời, lúc đó mình phải nói lời cảm ơn, với cái nhìn mỉm cười, nói một câu khen tặng để động viên các em hoặc cháu trong tương lai.

Đôi khi có trường hợp thật khó cho những người không biết cách tỏ lòng biết ơn, nhưng nếu ta thật lòng, muốn thể hiện tấm lòng biết ơn thì dù cho có ngại ngùng, câu văn không trôi chảy vẫn làm cho người nghe hiểu được và vui mừng.

Người có đạo đức biết ơn luôn thấy mọi điều thiện từ mọi người, nghĩa là mọi người dù có nói, hành động như thế nào thì ta biết rằng mọi người đều muốn tốt cho ta. Dù đó là một lời nói trái ý, một câu la mắng, một lời ngăn cản.

Người không có đạo đức biết ơn thì khó gặp được mọi người giúp đỡ, và nếu có thì chỉ có một lần thôi. Vì khi được người khác giúp đỡ mà ta không tỏ thái độ biết ơn thì người ta sẽ ngại tiếp xúc với ta. Và khi có thái độ không biết ơn thì sẽ làm nhụt chí của những người có thiện tâm. Vì thái độ biết ơn là cách để động viên những người có thiện tâm.

Do đó chúng ta đừng quên nói lời nói biết ơn, một lời cảm tạ, một vật tặng nhỏ, một cái mỉm cười, cái nhìn tri ân v.v.. đều là những kích tố cho đạo đức nhân bản của con người trên hành tinh này, và từ những sự biết ơn này mà bao cuộc sống của những người khác sẽ tốt hơn.

ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH

Là đạo đức biết thương yêu mình, thương người và vật, không muốn làm cho ai phải đau khổ cả, và thấy rất là thương xót khi có ai đó đang sống trong đau khổ. Để có được như vậy con tự tư duy trong cuộc sống hằng ngày con phải làm gì để thể hiện đạo đức hiếu sinh đó qua những điều đức Phật dạy và Thầy dạy, chẳng hạn như:

- Không giết hại mình, hại người và hại chúng sanh.

- Không ỷ mạnh hiếp yếu như giết các loài côn trùng sâu bọ, kiến, mối, ốc sên, gián, dế, cào cào, châu chấu, chuột, giun, loăng quăng, muỗi, v.v..

- Không phí phạm sức khỏe của mình vào những công việc quá sức, không ham làm việc chạy theo các cám dỗ của danh và lợi.

- Không bóc lột sức lao động của người khác.

- Không đối xử dùng gậy, cây, dây roi đánh đập người và vật. Không dùng dao, búa, kiếm, mã tấu chém người. Không dùng súng, ná bắn người và vật. Không dùng điện châm chết các loài vật như cá, heo, bò, trâu, v.v..

- Không làm nghề chài lưới, câu cá, tôm v.v..

- Không săn bắn các loài động vật.

- Không ăn thịt động vật, không uống những thứ có sự đau khổ của chúng sanh trong đó như sữa bò, sữa dê, rượu rắn, rượu tắc kè, cao hổ, v.v..

- Không nấu rượu, bán rượu hay các chất gây say và tích trữ chúng.

- Không dùng các loại đồ vật được làm từ thân thể của các loài động vật như dây nịt da cá sấu, đeo răng heo, răng cọp, áo da, áo lông, quần da, nón lông, nón da, giày da, dép da, bóp da, túi da, khăn choàng lông thú, v.v..

- Không dùng các thân thể động vật làm đồ trang trí trong nhà như sừng nai, lông hổ, lông báo, răng voi, v.v..

- Không dùng sức lao động của các loài động vật để kéo xe, như bò, trâu kéo cày, cưỡi ngựa, cưỡi lừa, cưỡi lạc đà.

- Không mua vui trên sự đau khổ của các loài động vật như đi xem vườn thú, xem xiếc, xem biểu diễn cá heo, xem đua ngựa, đua chó, v.v..

- Không nuôi các loài động vật để lấy các bộ phận bên trong như mật gấu.

- Không kinh doanh động vật như nuôi cá, tôm, rắn, cá sấu, ba ba, thỏ, gà, bò, trâu, các loại chim, v.v..

- Không mở các khu vui chơi bằng cá, câu tôm, bắt rắn.

- Không buôn bán kinh doanh các món thịt chín được nấu từ các loài động vật.

- Không buôn bán kinh doanh người như phụ nữ, trẻ em, thanh niên, v.v..

- Không làm các dụng cụ săn bắn, bắt cá, tôm (như sản xuất súng, đạn, dao, lưỡi câu, lưới bắt cá, rọ bắt cá tôm) làm bẫy bắt thú.

- Không làm nghề trung gian buôn bán người và động vật.

- Không làm nghề chuyên chở, vận tải kinh doanh buôn bán người và động vật.

- Không mở các lò giết làm thịt chúng sanh.

- Không mở các điểm thu mua thịt chúng sanh.

- Không làm các nghề huấn luyện chúng sanh như huấn luyện các con vật làm xiếc (nghề này thường xuyên dùng dây roi đánh đập chúng sanh).

- Không làm các nghề hát cải lương, hát vọng cổ gợi lên thất tình lục dục của con người làm cho con người đã khổ lại càng khổ thêm và sống trong ảo tưởng bi quan về cuộc sống.

- Không nói lời nói và có ý nghĩ đồng tình hoặc xúi giục người khác tự tử, hại người hay hại chúng sanh.

- Không tham gia học võ, dưỡng sinh, múa kiếm, múa côn, múa đao. Vì các môn này làm cho tâm tánh hay giận tức, nóng lên rồi ỷ có học võ rồi đánh người, đánh vật.

Biết được những điều trên là ác thì chúng ta không nên có ý nghĩ hay nói lời nói với người khác về việc đồng tình, khuyến khích, xúi giục hay mừng rỡ vui mừng với những việc làm ác.

Biết được những điều trên là ác nên con không làm nữa, nghĩa là các ác pháp đã làm thì chấm dứt, còn chưa có thì diệt luôn không cho xuất hiện nữa. Nghĩa là khi con bỏ một ác pháp xuống thì thiện pháp xuất hiện, nhưng con vẫn thấy chưa đủ cho nên con muốn thiện pháp phải toàn vẹn. Mà cái toàn vẹn thiện mỹ thì con thấy chỉ có Tứ Vô Lượng Tâm cho nên con đọc sách Tứ vô lượng tâm của Thầy viết và con nhận ra rằng trong đó toàn là pháp hành chỉ dạy con cách thức tu tập để làm cho tâm từ, bi, hỷ, xả xuất hiện. Đầu tiên con tự viết lại theo đặc tướng của con và sau đó mỗi ngày cố gắng tư duy về Tứ vô lượng tâm theo dàn bài có sẵn. Bài Tứ Vô Lượng Tâm con tính là chèn thêm vào chổ này để thấy được muốn có đạo đức hiếu sinh thì phải trau dồi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, nhưng vì bài dài quá cho nên con làm thành một bài riêng với tên là “Quán Tứ Vô Lượng Tâm”. Sau khi tu tập một thời gian con đã nhận ra sự công hiệu của Tứ vô lượng tâm là luôn luôn biết yêu thương mọi người và mọi loài vật, dù là người đó có hại mình đi chăng nữa.

Có sống đúng đạo đức hiếu sinh thì con luôn thấy hài hòa giữa muôn vật, luôn luôn muốn đem hạnh phúc đến cho mình, cho người và mọi loài; luôn thông cảm nỗi khổ của chúng sanh; biết thương xót chúng sanh đang sống trong ác pháp; từ đó những lời nói và hành động của con không còn muốn làm cho ai khổ cả, lúc đó thì làm sao mà có thể giận dữ với ai được và oán trách ai cả.

Cách áp dụng vào tu tập: Được Thầy chỉ dạy phương pháp như lý tác ý, con hằng ngày nhắc tâm những câu xả ly ác pháp qua thập thiện, bảy kiết sử, ngũ triền cái và các ác pháp có trong con. Tại sao con dùng phương pháp như lý tác ý. Như con đã nói tâm con toàn là ác, do huân tập 30 năm nay ngoài đời không biết đâu là thiện đâu là ác, do đó con tự nhắc tâm mình để nhớ mà ly dục ly ác pháp. Có một lần con đọc sách nói về kinh doanh thì người viết sách cũng có kể ra phương pháp tự kỷ ám thị để nhắc tâm những thói quen tốt. Con tin phương pháp nhắc tâm sẽ có hiệu quả cho nên con tu tập nhắc tâm mỗi ngày và đến khi đã thấm nhuần và hiểu rõ các ác pháp con thấy tâm nhạy bén với các ác pháp và xã ly nó. Con nhớ đức Phật đã dạy rằng: “Với như lý tác ý ác pháp chưa sanh được diệt tận, đã sanh thì được diệt trừ, còn thiện pháp chưa sanh thì sanh, đã sanh thì tăng trưởng”.

Và con thấy trong tâm con muốn có từ, bi, hỷ, xả thì chỉ có cách là dùng phương pháp như lý tác ý thôi.

Mỗi sáng con đi bộ ngoài công viên và chỉ nhìn xuống đất nhắc tâm “Thân Phật đi kinh hành tránh dẫm đạp chúng sanh, thân con đi kinh hành giống thân Phật, mắt phải nhìn xuống đất để tránh giẫm đạp chúng sanh và các loài thảo mộc” và khi đi thì con tránh đạp kiến, giun, các loài côn trùng và cỏ. Sau 1-3 tháng tu tập con thấy tâm con bắt đầu có lòng yêu thương chúng sanh. Cơ thể rất nhạy bén khi đi ngoài đường, nếu nghi ngờ dưới đất có chúng sanh thì chân tự động tránh bước sang chỗ khác hoặc nhảy sang chỗ khác, khi gặp cỏ cũng không bước lên cỏ mà tránh sang chỗ khác, phản xạ rất tự nhiên.

Ngoài ra từ những hành động cầm nắm bất cứ vật gì, ngồi, nằm, đứng con đều nhắc tâm thì sau 1 thời gian tâm rất cảnh giác gây hại đến các loài vật ở khắp mọi nơi.

Hơn nữa khi con bắt đầu đi công viên, nếu con thấy các con giun bò ra giữa đường đi, con nghĩ sẽ có người đạp làm giun chết, con ngồi xuống lấy lá khô bỏ giun lên và đưa vào bãi cỏ bỏ xuống, có bao nhiêu giun trên đường đi con ngồi xuống và làm như vậy. Lúc đầu cái tâm chưa quen có cảm giác sợ người ta nhìn mình, nói mình điên, rồi sau đó có cảm giác sợ phải gặp giun hay bất cứ con vật nào giữa đường (vì cái tâm không muốn ngồi xuống cứu các loài côn trùng). Con tự nhắc ta đang trau dồi tâm từ bi thì phải mạnh dạn làm những công việc này, thân này đâu phải của ta đâu mà ta sợ người ta chê cười, họ nói gì mặc kệ, phải cứu các bạn giun này trước.

Từ những hành động như vậy cộng với thường xuyên quán xét, nhắc tâm về từ, bi, hỷ, xả mà cái tâm bắt đầu thấm nhuần biết yêu thương mọi người, biết thương xót mọi người đang sống trong ác pháp, bị tai nạn, bị tù tội, bị tật nguyền, bị bệnh hay bị gặp những điều không may mắn.

Sau đó con thấy lời nói, ngôn ngữ con dùng hằng ngày cũng thay đổi, biết nói lời nói yêu thương mọi người xung quanh và chúng sanh hơn, không muốn nói một lời nào làm hại đến chúng sanh.

Giống như con có duyên với pháp từ, bi, hỷ, xả cho nên con thấy luôn luôn giải thoát khi áp dụng các phương pháp này vào cuộc sống, giảm bớt được tâm sân giận hận thù, ác ý v.v.. Con nghĩ con sẽ cố gắng trau dồi thêm nữa vì đức Phật dạy phải luôn tăng trưởng thiện pháp. 

Sau khi học được vài lớp chánh kiến đến bài nhân quả con người, con nghiệm lại những hành động ác của con trong quá khứ như bẻ cổ bồ câu làm thịt ăn. Sau này khi đi làm cho một công ty thì con có tâm tham, báo giá mua cao hơn để lấy bớt tiền mua nguyên vật liệu. Cho nên một lần khi con cầm tiền của công ty đi đổi ngoại tệ, con bị cướp cầm dao bổ vào đầu mấy cái chảy máu và cướp tiền (đúng là một quả có nhiều nhân). Sau đó con nhìn lại những hành động của mình phải có làm sai cái gì mới bị nhân quả như vậy. Từ một chuyện bẻ cổ con bồ câu cho đến hôm nay bị người khác đập đầu, chảy máu và sau đó con còn bị nhiều vật năng rơi vào đầu làm cho thần kinh mắt bị chấn thương khiến mắt thấy hai ảnh. Còn chuyện tham lam tiền thì sau này con cũng bị mất cắp tiền, hay bị lường gạt. Nhưng vì con tư duy theo nhân quả, có làm chuyện ác thì phải chấp nhận lãnh quả báo ác cho nên con không giận những người hại con, và sau này khi biết tứ vô lượng tâm thì con còn thương họ nữa. Thầy dạy một nhân ác thì có nhiều quả, cho nên con nghĩ vì một nhân giết hại bồ câu mà bao nhiêu bồ câu được sanh ra. Con nghĩ chắc là đúng như vậy vì sau này khi đi làm nghề lái xe buýt, trong sân bãi đậu xe có vài chục con bồ câu, không hiểu sao con có ý cho chúng ăn mỗi ngày. Con nghĩ phải có nhân duyên với nhau thì ngày nay ta mới gặp chúng, lúc đó con chỉ nhớ tới hành động giết bồ câu của con. Chỉ một lần phạm tội sát sanh như vậy mà trong đời phải chịu tai hoạ thật khủng khiếp, sống chết sao mà dễ thế như một sợi mành.

Con còn nhớ khi con còn đi làm, các anh bạn thường mua dê về giết chiêu đãi con, sau này con nghĩ lại chính mình bây giờ mặc dầu đã ăn chay, nhưng vẫn phải nghe tới các câu chuyện ăn lẩu dê, con nghĩ chắc là cũng do nhân quả của con mà ngày nay con phải nghe những câu chuyện đáng thương đó, biết đâu những con dê đó chính do mình tạo ra. Rồi một nhân đó tạo ra nhiều quả, khiến nhiều người trong gia đình ăn, lúc đó trong quả này lại có nhân sanh ra biết bao con dê đáng thương. Đúng là nhân quả trùng trùng, thật ghê sợ.

Thấy rõ được những hành động ác của mình thì con càng cố gắng trau dồi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả nhiều hơn, để chuyển hoá từng ý nghĩ, việc làm và lời nói luôn luôn thiện.

Mong rằng mọi người khác cũng thấy được rõ nhân quả như những gì con thấy, và biết cách áp dụng các phương pháp hành thực tế trên vào cuộc sống của mỗi người. Khi đó mọi người sẽ thấy được hạnh phúc chân thật của cuộc đời.

ĐẠO ĐỨC BUÔNG XẢ LY THAM

Là những hành động không lấy cắp bất cứ vật gì của người khác từ vật nhỏ như đầu mũi kim cho đến vật lớn, tài sản của cải. Không chỉ có tài sản vật chất mà kể cả những sáng kiến của người khác ta cũng không được ăn cắp như ý kiến kinh doanh, ý kiến sáng tạo phát minh, ý kiến ứng dụng khoa học vào đời sống xã hội và những thành tựu khoa học, sức lao động của người khác v.v..

Chính vì lòng tham không đáy và không biết quí trọng sức lao động làm ra của cải vật chất của người khác cho nên ta có những hành động và suy nghĩ vô đạo đức như vậy. Và cũng chính vì lòng tham đó mà chỉ biết có bản thân thôi, không nghĩ đến lợi ích chung, không nghĩ đến lâu dài, không nghĩ đến tình cảm giữa người và người và coi thường những hành động sai phạm nhỏ nhặt.

Người có đạo đức buông xả luôn luôn tỉnh giác trong từng ý nghĩ, hành động và lời nói của mình trong cuộc sống lao động hằng ngày ở nhà, ở nơi làm việc và ngoài phố. Không được khởi tâm ý chạy theo những cám dỗ vật chất bên ngoài.

- Khi ở nhà thì không tham bất cứ vật gì của anh chị em và người thân trong gia đình. Đừng nghĩ là vì trong gia đình nên ta có thể lấy đồ đạc của nhau xài mà không thưa hỏi. Trước khi lấy bất cứ vật gì xài hoặc ăn uống mà không phải do chính bàn tay ta làm ra hoặc mua về thì ta nên hỏi xin phép, khi được phép thì lúc đó mới lấy. Ví dụ từ cây viết, quyển tập, trò chơi, cái bánh, trái chuối, cây kem, bịch chè v.v.. Biết được nhà hàng xóm có trồng cây ăn trái, dây trầu bà, hoa hồng đẹp to hoặc bất cứ cây kiểng nào thì ta không nên hái bứt khi chưa xin phép.

- Khi ở nơi làm việc cũng vậy, ta không nên lấy đồ của văn phòng mà dùng vào việc riêng cho mình như cái kẹp giấy, cây bút, tờ giấy trắng, sử dụng máy photocopy copy những giấy tờ dùng cho cá nhân, sử dụng máy điện thoại của công ty nói chuyện việc riêng. Khi đi làm thì không nên tới trễ, về sớm, trong khi làm việc không nên đọc báo, mang sách vào đọc hoặc học bài, đó là những hành động ăn cắp thời gian làm việc của công ty. Ta phải thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm của mình, biết xin lỗi khi sai phạm. Muốn lấy bất cứ vật gì dùng cho cá nhân thì nên xin hỏi cấp trên, khi có sự cho phép thì lúc đó mới được xài đồ của công ty cho cá nhân.

- Nếu mình là chủ thì không được ăn cắp sức lao động của người khác, cố ý tính toán sai tiền lương. Phải sòng phẳng trên mọi phương diện, thật thà và có đạo đức.

- Không nên lợi dụng chức quyền, địa vị hoặc vai trò của mình trong công ty mà có ý tham lấy cắp tài sản công ty đem ra ngoài bán, hoặc khi mua nguyên vật liệu cho sản xuất thì báo giá cao hơn giá mình mua cho công ty để ăn chênh lệch bỏ túi riêng. Hoặc khi biết công ty có những quỹ ngoại giao, giao dịch tiếp đãi khách thì ta không nên lợi dụng điều kiện này dẫn người nhà, bạn bè đi nhà hàng ăn nhậu rồi dùng phiếu thanh toán tiền đó về công ty thanh toán.

- Trong đời sống chúng ta thấy các công trình xây dựng ngoài phố như mở rộng đường, xây dựng đường mới, cầu mới, những công trình đó xài được vài tháng hoặc vài năm là xuống cấp, nứt nẻ. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư không làm đúng kỷ thuật, giảm bớt lượng xi măng, sắt thép, gạch để bỏ túi riêng.

- Khi đi đăng ký số xe thì ai cũng phải bỏ tiền ra mua số chứ không phải theo thứ tự trước sau. Đó là những hành động lợi dụng công việc để đẻ ra cách kiếm tiền, ăn cắp thêm tiền của người dân bỏ vào túi riêng của các nhân viên.

- Trong tu viện khi thấy thất của mình chưa có chổi, cốc, ly, muổng, đũa, bóng đèn, v.v.. còn cốc bên cạnh không có ai ở mà có những thứ đó thì chạy qua đó lấy về, đó cũng là hành động ăn cắp tinh vi.

- Khi đi nhận những đồ cứu trợ, phần mình mình lấy, không được thấy có cái gì dư nhiều rồi tham mà lấy thêm. Ví dụ, phần mình chỉ có 1 ổ bánh mì, nhưng trên bàn còn dư nhiều thì mình cũng không tự ý lấy thêm. Muốn lấy thêm thì phải thưa hỏi người quản lý chứ không được tự tiện.

- Trong cuộc sống hàng ngày tiếp xúc nói chuyện với bạn bè trong công ty, ta sẽ nghe được những sáng kiến, dự tính ứng dụng công nghệ mới, nếu là đồng nghiệp tốt thì cùng hợp sức làm, còn ngược lại là đồng nghiệp ác thì tìm cách hãm hại nhau dành kết quả nghiên cứu mang tên mình.

- Các công ty một số nước thường hay nhái mẫu mã của các công ty lớn làm hàng giả tung ra thị trường.

- Để chạy đua kinh tế, quân sự, chính trị giữa các nước trên thế giới, nhiều nước huấn luyện điệp viên để cài vào các nước khác để ăn cắp những công trình khoa học, những tài liệu bí mật quốc gia và những kế hoạch phát triển kinh tế trong mọi lãnh vực.

- Đối với vấn đề kinh doanh buôn bán, đóng thuế là nghĩa vụ của người chủ, nhưng đại đa số ai cũng muốn trốn thuế. Thuế nhà nước thu được được dùng vào các mục đích xã hội xây dựng trường học, thư viện, khu văn hoá, đường phố, công viên, cầu cống, v.v.. Chúng ta phải thấy rõ lợi ích của những việc làm như vậy thì ta hãy tự nhắc nhở mình đóng thuế là đang xây dựng đất nước. Chứ đừng nghĩ rằng nhà nước muốn cướp tiền của ta. Việc ta trốn thuế đó mới là hành động ăn cắp tiền của nhà nước vì trước khi ta đăng ký kinh doanh ta đã biết rõ nghĩa vụ của mình là phải đóng thuế.

- Không phải chỉ có công ty kinh doanh là đóng thuế, tai các nước tư bản mỗi cá nhân đều phải đóng thuế sau mỗi năm làm việc. Số tiền đóng thuế không phải ít khoảng 15%-35% tùy theo mức thu nhập. Nhưng ngược lại khi số tiền kiếm được trong vòng 1 năm không đủ sống (dưới mức qui định tối thiểu) thì nhà nước không bắt buộc đóng thuế mà nhà nước còn cho thêm. Số tiền đóng thuế được dùng làm gì thì nhà nước sẽ liệt kê rõ ra cho mọi người thấy chẳng hạn như giúp đỡ những gia đình nghèo, cho tiền trợ cấp người già, người mất việc, cho thuốc men, khám bệnh và chữa bệnh miễn phí, người mẹ có con còn nhỏ, phân phát thức ăn và thức uống cho trẻ em và người già trên 60 tuổi hàng ngày, sửa nhà cho các gia đình có thu nhập thấp, xây nhà ở cho những người có thu nhập thấp, v.v.. Biết bao nhiêu những điều lợi ích khi ta đóng thuế. Có như vậy thì đất nước mới giàu mạnh, người dân biết yêu thương nhau, do đó ta thấy người Mỹ họ quí trọng từng sinh mạng một, và có rất nhiều hội từ thiện lớn có tiếng khắp thế giới. Chúng ta nên ý thức việc làm có giá trị này và hãy tự nguyện đóng thuế, cùng nhau mỗi người góp 1 phần sức vào cùng xây dựng đất nước thêm giàu mạnh. Đừng vì cá nhân ích kỷ mà trốn thuế, khai gian thuế, tìm cách lèo lách gian lận. Bao nhiêu người cá nhân hay công ty sau một thời gian trốn thuế rồi cuối cùng cũng bị sở thuế tìm ra và bị phạt, hơn nữa thì bị tịch thu tài sản hoặc ở tù.

- Và cũng vậy ta không nên có những ý nghĩ hay lời nói với người khác về nhưng việc làm ác trên như khuyến khích, đồng tình, xúi giục, vui vẻ khi thấy người khác làm ác.

Ngươi sống có đạo đức buông xả luôn thấy được những hành động phi đạo đức tham lam trộm cắp này và tránh xa, không vì một lợi ích cho bản thân mà hại nhiều người khác. Vì có tâm ý tham lam trôm cắp mà con người thường gặp phải những tình cảnh mất trộm, bị ăn cắp, bị móc túi, bị giựt đồ, bị ngồi tù, bị tố tụng, bị kiện tụng tranh chấp, bị đánh đập, bị chém, giết, bị bắn, bị thương tật, tai nạn, bị người đời xua đuổi, bị bạn bè xa lánh, ít bạn, chỉ làm bạn với người xấu v.v..

Kẻ có tâm ý tham lam thì luôn luôn sợ sệt, sống chui rúc trong bóng đêm, ban ngày không dám lò mặt ra, chỉ dám hành sự vào ban đêm.

Người sống có đạo đức buông xả luôn biết quí trọng tài sản của mọi người, vui mừng những gì người khác có và đạt được, không khởi ý tham vì biết được vạn vật là vô thường, không có gì trường tồn mãi và không có cái gì của ta cả. Sự dính mắc vào tài sản vật chất sẽ làm cho tâm lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, thất vọng và giận dữ. Càng có vật chất nhiều thì ngủ không ngon, luôn sợ mất trộm, đi xa không yên tâm, không tin tưởng ai để giao phó, và suốt đời làm nô lệ cho những thứ vật chất đó.

Hôm nay con nhận lương, trong tờ phiếu tiền con thấy số tiền nhiều hơn bình thường, trong tâm con có ý nghĩ là chắc là công ty nghĩ sao đó mà trả lương cao hơn, chứ không phải là họ làm sai đâu. Vậy thì ta cứ ra nhà băng rút tiền ra xài thôi, chứ không cần báo lại cho cấp trên đâu. Nhưng khi con quán nhân quả về việc trên thì con thấy đó là cái tâm tham, biết là công ty trả tiền dư mà ta không báo thì đó là ta tham, ăn cắp tiền của công ty. Biết được hành động ăn cắp là không tốt thì chắc chắn tâm sẽ xôn xao, khó chịu, lo lắng, bất an và cái quả của tâm tham lam ăn cắp là bị mất của cải, tiền bạc, bị đánh đập ăn cắp cướp giật, và là nhân ác cho bao nhiêu chúng sanh được sanh ra v.v.. Và tại sao ta phải tham như vậy vì khi ai biết được lòng tham của ta thì thật quá xấu hổ trước mặt mọi người, rồi bị đuổi ra công ty luôn. Mặt khác nếu số tiền này mà công ty không trả sai cho con thì có thể dùng vào nhiều mục đích có ích lợi cho nhiều người, và biết đâu đủ để mướn thêm người, tạo thêm việc làm cho mọi người. Vậy thì tại sao ta lại tham cơ chứ. Do đó con quyết định chiều nay gặp xếp để trình bày việc này chứ không được gian lận im miệng bỏ qua trường hợp này. Con nhắc tâm “tiền bạc là con rắn độc và đôi giày rách, tâm tham phải cút đi khỏi cái tâm này”. Và con thấy cái tâm trở về thanh thản, an lạc và vô sự. (Cám ơn Thầy đã dạy cho chúng con về lớp chánh kiến). 

Chỉ có bậc tu hành theo đạo Phật biết buông xả mọi thứ thế gian là có cuộc sống phóng khoáng nhất, tâm không lo lắng, không sợ hãi bị mất trộm, tâm luôn biết đủ và vui lòng với cuộc sống như vậy.

ĐẠO ĐỨC THANH TỊNH

Đó là những hành động, lời nói và ý nghĩ không phạm vào các tà hạnh, tà dâm hay dâm dục.

Người không có đạo đức thanh tịnh thì lúc nào cũng nghĩ đến cái thân của mình, làm sao cho nó đẹp và được người khác phái chú ý.

Vì vô minh nên con người chấp vào cái thân này là của mình, là của ta hay là tự ngã của ta cho nên suốt cuộc đời lo, chăm sóc, trang sức cho nó, phục vụ và chiều chuộng nó, nuôi nó bằng đủ loại chất bổ, dinh dưỡng, ăn uống thái quá chạy theo các dục ăn, ngủ và dâm dục. Chính vì vậy mà mỗi mỗi chuyện trên đời ngày nay đều có dính dáng nội dung ăn, ngủ, dâm dục, danh và lợi.

Do nhiễm phải quá nhiều nguồn thông tin về những hoạt động này mà con người ngày nay ngoài cái ăn, ngủ, tiền bạc thì ai cũng xem dâm dục là một phần không thể thiếu được của cuộc sống. Có nhiều bài báo nói về lợi ích của nó nữa chứ.

Trong dâm dục thì cũng có chánh hạnh và tà hạnh. Đối với vợ chồng thì điều đó xem như chánh hạnh, còn ngoài ra khác là tà hạnh như:

-       Chồng hay vợ có ngoại tình với người khác giới.

-       Tự thủ dâm một mình.

Tâm dâm dục thường thể hiện qua vài dạng sau:

-       Khi thấy bất kỳ người khác giới nào thì muốn chiếm đoạt họ.

-       Thường xuyên nói về cái đẹp và tiêu chuẩn của người khác phái.

-       Thường nói chuyện về các tà hạnh, dâm dục.

-       Thường nói chuyện về người khác giới.

-       Thích tập trung thân cận nói chuyện với người khác giới.

-       Thích ưa nhìn người khác giới ngoài đường phố rồi khen chê, lấy đó làm đề tài nói chuyện.

-       Trong các chuyện vui cười, kịch hát, cải lương, phim ảnh, truyện cũng lấy nội dung dâm dục làm trò cười.

-       Xem phim ảnh khêu gợi dâm dục.

-       Đọc truyện, báo chí hoặc những tập san về dâm dục càng ngày càng phổ biến khắp nơi.

-       Lên internet tìm hiểu về dâm dục qua quảng cáo, phim ảnh, đọc truyện, tham gia những câu lạc bộ của người thích dâm dục, v.v..

-       Thích nhìn soi kiếng khuôn mặt, thân hình của mình.

Sự bất tịnh, hôi hám của thân như vậy mà con người cứ mò vào. Họ cho là họ rất thơm vì được gội tắm bằng những loại xà bông hay mỹ phẩm đắt tiền. Khi ra đường thì nam cũng như nữ xịt dầu thơm hay trang sức xanh đỏ vàng lên để quyến rũ nhau và tự xem mình rất là thơm, là đẹp. Nếu thơm thì đâu cần tắm làm gì, nếu thơm thì đâu cần xịt dầu thơm làm gì. Tất cả chỉ là những cái giả tạo như những ông hề làm xiếc. Những hành động đó đã là có tính dâm dục trong đó rồi.

Từ trong gia đình đến ngoài xã hội ở đâu cũng đem những đề tài nam nữ ra nói chuyện. Con thấy ai cũng than khổ sau khi có gia đình nhưng vẫn cứ thích nói chuyện về chuyện tìm người yêu, tìm chồng, tìm vợ, hoặc giới thiệu cô này, anh nọ cho nhau. Cái thân thì hôi thúi, toàn đồ giả tạo, là thân vô thường không phải của mình mà vẫn cứ tìm cách thoả mãn tâm dục chiều chuộng nó, thấy nó đẹp, thấy nó khỏe. Cứ nghĩ khi mình lấy vợ mình sẽ làm cái gì để có hạnh phúc, sẽ lo cho nhau như thế nào, sẽ sanh bao nhiêu con, sẽ dạy dỗ con như thế nào, và mong ước con mình trở thành ai. Tất cả toàn là ảo tưởng.

Với đạo đức không thanh tịnh thì con người mất rất nhiều thời gian cho nó, lãng phí sức lực, tiền bạc, làm cho tâm u tối, vì chỉ biết sống trong các ý nghĩ về tà hạnh, làm nô lệ cho tâm tham dâm dục, giống như các loài thú.

Con nhớ khi con chưa biết Phật pháp, tâm con luôn sống không thanh tịnh, hằng ngày chải chuốt, xức dầu thơm, thích mặc quần áo đẹp, thích nói chuyện với người khác phái, luôn luôn ngó nhìn nhận xét bất cứ người khác phái nào. Nếu có dịp làm quen ai thì làm quen ngay không cần biết người đó gia đình có đàng hoàng không, có học thức văn hóa hay không, cái con quan tâm là làm sao chiếm được họ, và bằng mọi cách từ dùng tiền bạc, lời nói lừa đảo, vật chất dụ dỗ người ta. Rồi từ từ có một lần con quen cả những người đã có gia đình và con cái. Nghĩ lại thật là xấu hỗ với những hành động không đạo đức của mình. Sau một thời gian ăn chơi quá độ con mới cảm thấy sức lực yếu dần không còn như cách đó năm năm. Con mới biết sự nguy hại của những hành động dâm dục của mình.   

Thấy rõ những tác hại của những hành vi không đạo đức trên con luôn luôn phòng hộ mình bằng cách tránh những duyên đưa đến sự sanh khởi dâm dục như:

-       Không nói chuyện với người khác phái.

-       Khi thấy những người khác phái tụ tập nói chuyện thì tránh xa.

-       Không hỏi người khác về chuyện bạn trai, bạn gái, về chồng, về vợ của họ. Không đi ăn đám cưới, tiệc tùng, nhậu nhẹt, hay tới các chỗ đông người.

-       Tránh mọi duyên tiếp xúc với người khác phái.

-       Khi ra đường nhìn thấy người khác giới thì quán xương trắng, quán bất tịnh hôi thúi, quán cái thân vô thường và vô ngã.

-       Không coi phim ảnh, sách báo, có những hình ảnh khêu dâm và các truyện cười.

-       Tránh soi kiếng thường xuyên.

-       Từ bỏ dùng các loại mỹ phẩm.

-       Từ bỏ đeo nữ trang, đồ trang sức.

-       Từ bỏ tâm ham thích đi mua sắm, đi cửa hàng, siêu thị.

-       Biết đủ với quần áo và các vật dụng khác. Không mua sắm thêm.

-       Quyết từ bỏ ăn những rau làm sanh khởi sự dâm dục trong cơ thể (phần này con chưa làm được vì mẹ nấu cơm chay cho con ăn thì có gì ăn đó, đôi khi mẹ vẫn bỏ tỏi, hành, hẹ, rau diếp cá, nhưng con sẽ không tự ý lấy những rau này ăn).

-       Quán cái thân của con là bất tịnh hôi thui, là vô thường thay đổi (từ từ sẽ mất sinh khí, sinh lực phục vụ cho sự dâm dục, hoặc quán bộ phận sinh dục là vô thường, là bất tịnh, bất lực...).

Khi con nghe băng Thầy giảng về người chứng đạo không còn xuất tinh nữa và con tin là như vậy. Vì thực tế trên thân của con con cảm thấy dần dần sự xuất tinh thưa dần, có lúc con nghĩ là không còn nữa, nhưng vẫn chưa hết hẳn vì con biết tâm con chưa ly dục hết. Thật là hạnh phúc khi chiến thắng được tâm tham dục này. Đối với người đời thì họ sợ không còn khả năng xuất tinh, nhưng con nghĩ đối với người tu theo đạo Phật thì đó là một bằng chứng cụ thể về tâm ly dục, ly ác pháp của bản thân người đó.

Tâm dâm dục cũng rất tinh vi lắm. Mỗi người đều tự hào trên thân thể có chi tiết nào đó đẹp, cho nên khi có người khác phái nhìn mình thì ý liền xuất hiện “Chắc là họ để ý đến bộ phận đẹp này của mình”, đó là tâm dâm dục đó, ta phải quán ngay là bộ phận đó cũng vô thường thay đổi, khi chết thì cũng trở thành hôi thúi và dùng câu tác ý đuổi ngay.

Một phần nào nhờ con cạo đầu, lòi mấy cái thẹo xấu ra ngoài, ăn chay 1 ngày một bữa mà thân thể ốm hơn, mắt hốc hác. Cho nên ít được ai chú ý và dễ dàng tránh các duyên tham dục nỗi lên.

Khi ngồi trong cốc tu, các hình ảnh người yêu cũ cứ lai vãng hết người này đến người khác, thật là xấu hổ khi bị tâm dâm dục nó lảng vảng hoài. Con phải quán sự bất tịnh của thân họ, quán nhân quả, quán ái kiết sử, quán xương trắng và quán cái thân vô thường để đuổi cho bằng được cái tâm tham sắc dục này.

Rồi khi ngủ con cũng thấy tâm sắc dục xuất hiện, đôi khi nó còn thấy mình đang làm tình với người khác phái. Do đó trước khi ngủ con phải nhắc cái tâm “Tâm phải luôn tỉnh thức để ly dục, ly ác pháp, ly tưởng và ly các chiêm bao” để con tỉnh thức mà đuổi cái tưởng dâm dục đó trong khi ngủ luôn. Còn nếu không được thì khi con thức dậy, con quán xét cái giấc mơ dâm dục đó và dùng tác ý đuổi đi. Con siêng năng đuổi nó thường xuyên cho nên con nhận thấy từ từ cái niệm dâm dục hay tưởng dâm dục đó càng thưa dần.

Ngày nay con được học Phật và biết con đường dâm dục là con đường của sanh tử luân hồi, vậy thì ngu dại gì mà dính vào, làm khổ mình, khổ người và khổ bao nhiêu thế hệ kế tiếp nhau. Con nghĩ ai cũng sợ đến già không người chăm sóc. Vậy mục đích của người đời vì ích kỷ cá nhân mà sanh con, để sau này con cái lo cho khi về già có phải chăng? Nếu con cái không lo cho thì sao? Lúc đó mắng chửi con hay sao?

Con thấy rằng khi biết được Phật pháp thì đâu có sợ sanh, già, bệnh và chết nữa (mặc dù chưa làm chủ sanh già bệnh chết). Nếu không sợ thì cần gì ai lo khi về già đâu, mọi ràng buộc chỉ là những sợi dây ái kiết sử kéo ta luân hồi hoài thôi. Một mình sống độc cư, độc bộ và độc hành là khỏe nhất (phần này con chưa làm được, con chỉ có cảm giác là thích như vậy thôi và đang chuẩn bị đến giai đoạn đó). Có sống được như vậy thì thân tâm luôn luôn thanh tịnh, thanh thản, an lạc và vô sự.

ĐẠO ĐỨC CHÂN THẬT

Là đạo đức không nói dối gạt người, luôn nói lời chân thật, không nói lật lọng, thêu dệt, thêm bớt, phóng đại, không nói sai sự thật, không nói đùa, không nói dối dù là điều đó không làm hại ai.

Vì lòng tham, vì lợi ích cho cá nhân hay cho người khác, vì mưu mô, tính toán có âm mưu trước, vì che đậy những việc làm ác của mình, vì muốn gạt người khác, vì muốn hại ai, vì cái bản ngã kiêu mạn, mà con người có những lời nói thiếu đạo đức chân thật.          

Người có đạo đức chân thật luôn luôn kiên cường, không sợ một hiểm nguy nào, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách, vì đã hiểu thành bại của mọi sự việc cũng là do những trò chơi nhân quả mà thôi. Người có đạo đức chân thật luôn nói những lời nói thật chân lý, không xu nịnh ai, ai sai thì nói sai, ai đúng thì nói đúng.

Người đời vì huân tập quen cái tánh nói dối cho nên họ sợ nghe sự thật, họ nói rằng sự thật là quá phủ phàng, đau lòng, nhưng đối với người có đạo đức chân thật thì sự thật không thể không nói, có nói như vậy mới làm thức tỉnh mọi người, mới gọi là thương người, còn nói dối là lường gạt người, là có âm mưu gian dối trong tính toán và không có tình thương chân thật.

Cũng vì cái ăn, cái mặc, danh lợi và sắc dục mà con người tự huỷ báng mình, chà đạp danh dự mình mà nói lời không thật thà. Từ đó khiến cho người khác mất hết niềm tin vào mình, xem rẻ lời nói của mình, và họ sẽ đánh giá mình là người không có thể chơi thân được như rác bị vứt đi, đó là do tự mình hại mình.

Trong cuộc sống con có vài nhận xét sau:

-       Người nói nhiều, thích tụ tập nói chuyện là những người thích nói dối.

-       Những người buôn bán kinh doanh thì luôn luôn nói dối.

-       Những người bói toán, coi ngày, bói quẻ, coi tử vi, tướng số, v.v .. là những người nói dối, lường gạt người.

-       Những người làm nghề kế toán thì không tránh khai gian trốn thuế cho nên không có đạo đức chân thật.

-       Những người hay nói chuyện cười, chuyện vui cũng là nhữngngười không có đạo đức chân thật.

Người có đạo đức chân thật thì phải biết sợ từng lỗi nhỏ nhặt trong cuộc sống, không nên để phạm vào bất cứ sai phạm nào, phải biết xấu hổ, ăn năn sám hối thì ta sẽ sống đúng đạo đức chân thật.

Người có đạo đức chân thật không bao giờ nói dối kể cả những lời nói dối không hại ai. Nhưng đâu ai ngờ rằng nó hại mình đó, vì từ việc nhỏ huân tập như vậy thì đến lúc nào đó ta sẽ nói dối mà không biết.

Nói dối là tiêu chuẩn cao để đánh giá đạo đức của con người, nếu không có đạo đức chân thật này thì con người sẽ phạm tất cả các đạo đức khác.

Có một thời gian con thích nghiên cứu tử vi, coi tướng, xem tay, coi phong thủy. Sau khi biết được chút ít thì bắt đầu nói năng tùm lum, gặp ai cũng nói cuộc đời của họ. Chỉ biết nhai lại từ những quyển sách mê tín bán đầy đường đó, mà con không biết mình đang làm cái nghề lường gạt người. Sau này con nghĩ lại lúc đó sao con ngu thế và làm cho mọi người sống trong điên đảo, làm hại cuộc đời của họ mà không biết. Nghĩ lại thật là xấu hổ và ăn năn.

Nhờ vào Phật pháp mà con hiểu được những cái mê tín trên là xảo trá và lường gạt. Nó lường gạt người nói và người nghe luôn. Con luôn nhớ lời Phật dạy “Nếu các người thấy có sự tưởng trong lời nói của Ta thì có sự nói dối trong Ta”. Lời dạy này của đức Phật đánh thức con biết rằng tất cả những điều mê tín trên là ảo tưởng, không căn cứ, không cơ sở, ngoài sự hiểu biết của con người, do đó nó là sự lừa đảo. Vậy mà bây giờ tại các chùa các vị tăng ni vẫn chưa hiểu được câu nói của đức Phật và biết chắc là các môn mê tín trên là không phải của đức Phật dạy, vậy thì phải bỏ xuống ngay chứ còn giữ đó làm gì mà gạt người, hại người, rồi hại mình luôn.

Chỉ có con đường của đạo Phật vạch rõ ra cho con thấy phải nhìn mọi vật với con mắt chánh kiến, có chánh tư duy, có sự hiểu rõ bằng ý thức thì con sẽ sống có đạo đức chân thật. Chân thật với mình và chân thật với mọi người.

Từng hành động, lời nói và ý nghĩ hằng ngày con luôn quán xét xem có sự dối trá của con hay không, cương quyết nói những lời chân thật, con không sợ gì cả. Con có lòng tin vào Phật vào lời dạy của Phật và vào Thầy, do đó con rất vững tâm. Vì đức Phật có nói “Người nói dối thì không bỏ qua một ác pháp nào”. Con không muốn sống trong ác pháp do đó con phải bằng mọi cách giữ cho được đạo đức chân thật này và biết sợ từng lỗi nhỏ nhặt.

ĐẠO ĐỨC MINH MẪN SÁNG SUỐT

Là đạo đức biết tôn trọng mình, tôn trọng người bằng cách không đem các chất có hại vào cơ thể khiến cho cơ thể suy nhược, làm cho đầu óc không còn sáng suốt, mất đi sự minh mẫn nhận định các sự việc bằng ý thức như người bình thường. Đó là các thói quen uống bia, uống các loại rượu, ăn uống các thực phẩm có men say như cơm rượu, hút thuốc, hút xì ke ma túy, uống các loại thuốc ngủ, uống các loại thuốc giúp bớt đau có chất mócphin trong đó, uống cà phê, uống trà, kể cả dùng dầu xanh và các chất kích thích, v.v..

Người không có đạo đức minh mẫn thường hay la lối, nói năng không ý tứ, không suy nghĩ, không biết tôn trọng người khác, hay nóng giận mang tính hung bạo dễ dàng gây sự và rất liều mạng, chân đi đứng loạng choạng, tay thì múa may lung tung, đầu thì lắc qua lắc lại, thân thể thì như cọng bún.

Các chất độc trên ảnh hưởng đến não bộ rất nhiều làm cho trí não kém đi, mất trí nhớ dần dần, tánh hung bạo tăng dần vì không còn biết kềm chế cơn sân giận của mình, dễ dàng bị lôi cuốn vào các dục lạc thế gian, luôn thích những cảm giác êm ái, mềm mại, thích nghe những lời dịu ngọt êm tai cho nên rất dễ bị dụ dỗ. Họ không còn phân biệt được thiện và ác, tà hay chánh nữa.

Việc chung đụng tiếp xúc với mọi tầng lớp xã hội hằng ngày, con người khó tránh bị những phong tục, tập quán của xã hội huân tập vào. Ví dụ như tại Việt Nam, mỗi chiều sau những giờ làm việc mệt nhọc đại đa số đàn ông đều kéo nhau tụm lại thành từng nhóm rủ nhau vào các quán bia, rượu. Có đủ mọi quán rượu bia cho mọi tầng lớp người trong xã hội từ người đạp xích lô, công nhân viên thường, các trưởng phó phòng, giám đốc hay khách nước ngoài. Có tiền là sẽ có đủ rượu bia cho những người đó. Do đó mà tai nạn nhiều là do uống rượu bia. Cãi vã, đánh lộn, chửi mắng, đâm chém nhau cũng do từ rượu bia. Hạnh phúc gia đình tan nát vợ chồng ly dị, con mất cha hoặc mẹ cũng do rượu bia. Cha mẹ mất con cái cũng do hút xì ke chích ma túy. Rồi con cái cần tiền hút sách cho nên về nhà ăn cắp tiền của cha me, đi ăn cướp giựt đồ, ăn trộm, chém mướn, giết thuê. Ôi thật là thảm thương cho những con người không có đạo đức minh mẫn.

Những người thích uống rượu bia không thể nào không tránh được giết hại chúng sanh, vì khi uống rượu bia thì phải có cái gì để làm mồi, mà mồi đây là thịt các loài chúng sanh, họ săn lùng đủ mọi loài vật trên thế gian này từ con côn trùng gián, dế, bò cạp, rắn, ba ba cho đến các loài vật quý hiếm, và họ còn tự hào khoe khoang là đã ăn các loài vật đó rồi. Thật là tội nghiệp cho những người bị vô minh che lấp không có tình thương chúng sanh một chút nào cả. Vậy thì hỏi tại sao mà không bị bệnh này, bệnh kia.

Do đó, những người này rất khó thuyết phục họ về đạo đức, vì muốn sống có đạo đức thì phải đi ngược lại những gì họ đang làm. Chỉ có khi họ được biết họ đang bị bệnh gần chết sống không bao lâu nữa thì họ mới chịu từ bỏ những thói quen xấu đó, nhưng lúc đó thì đã trễ rồi vì lúc đó các bộ phận cơ thể bên trong người họ gần như bị hủy hoại do các chất có hại trên như gan thì cháy hết, phổi nám rỗ nhiều chấm đen, thận thì yếu hư không lọc được các chất bẩn nữa, mật thì hư, huyết áp thì quá cao trung bình là 14-18, tiểu đường cao, v.v..

Ngày nay với cách sống như vậy đã ăn thâm vào đầu óc lớp trẻ là phải biết uống bia rượu khi ra đời. Vì sao? Vì chỉ qua ly bia hay ly rượu người ta mới bắt đầu bàn chuyện làm ăn, giao kèo, mánh mung, nhờ cậy, biếu tặng, hối lộ. Họ chỉ nghĩ đến danh và lợi chứ họ có nghĩ đến cái hại của các chất kích thích đó đâu. Có người thì vì miếng ăn hằng ngày mà đi làm cái nghề uống rượu thay thế cho giám đốc.  

Có phải chăng đời quá khổ và buồn tẻ mà con người tìm đến những cảm giác hưng phấn khác, họ cũng biết hút thuốc, uống rượu bia là có hại nhưng nếu không dùng các chất kích thích như vậy thì họ có cảm giác như thấy trống trải, tẻ nhạt. Đó là những thứ dễ dàng kiếm được khi cần đến mà không cần phí sức, còn danh, lợi, sắc thì phải mất thời gian và công sức nên khó hơn. Do đó đại đa số con người ít ai tránh được sự cám dỗ của các loại chất kích thích này.

Ai ai cũng biết rõ cái hại của rượu, bia, thuốc lá. Con mong sao đến lúc nào đó nhà nước ta cũng thấy điều này mà quyết định đóng cửa những nhà mày sản xuất thuốc lá, rượu, bia và cấm kinh doanh các sản phẩm trên. 

Người có đạo đức minh mẫn sẽ không bao giờ đụng đến các chất có hại trên, không quyến rũ hay cám dỗ người khác sử dụng nó và phải nên khuyên răn người khác từ bỏ những chất kích thích này.

Để tránh rơi phạm vào đạo đức thiếu minh mẫn ngoài việc thấy những tác hại của chúng, chúng ta còn nên tránh các duyên đưa dẫn đến dùng các chất kích thích này. Ví dụ như tránh xa những người dùng và buôn bán các chất kích thích này, không tàng trữ, buôn bán các chất kích thích, tránh ở gần những khu buôn bán các chất kích thích, tránh tham gia vào các tiệc tùng chiêu đãi như đám cưới, đám dỗ, sinh nhật, đám ma, ăn tân gia, v.v.., tránh tụ họp bạn bè, không cho tặng kính biếu rượu, thuốc lá, bia cho mọi người.

Người có đạo đức minh mẫn nên dùng thời gian rãnh rỗi của mình quán chiếu những hành động lời nói, suy nghĩ hằng ngày của mình để thấy rõ thiện ác, giữ tâm luôn sống trong thiện pháp, nghĩa là luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì lúc đó đâu có cảm thấy buồn chán và tẻ nhạt.

Con nhớ lại lúc xưa kia cuộc sống của con không rời khỏi chai rượu, hằng ngày con đều uống rượu, mỗi tối khi ăn cơm là có ly rượu bên cạnh, trong nhà lúc nào cũng có rượu bia để khi bạn bè đến thì có cái để vui với bạn bè. Con lấy rượu làm niềm vui, để giải buồn, để khoe khoang mình không thua kém ai, để giải sầu, để chữa bệnh cảm, bệnh ho, bệnh ho đàm và đau nhức. Con còn lý luận cứ nghĩ rượu là nước thì uống dễ dàng không còn khó nữa và khuyên mọi người như vậy. Rồi dần dần con thấy trí nhớ không còn minh mẫn nữa, dễ sân giận với mọi người, nói năng không ý tứ, nói những lời nói hung dữ thô bạo, không có tính người gì cả như một người không có giáo dục, không phân biệt được việc đúng sai, phải trái nữa, tay run run khi cầm đũa ăn mà không sao kềm được, bản ngã càng ngày càng cao, không còn biết tôn trọng ý kiến của ai hết, chỉ nhìn thấy cái sai của người khác, luôn phê bình, chê bai ý kiến của người khác. Nghĩ lại thì thật đáng thương cho con lúc đó.

Rồi từ từ con nhận ra sức khoẻ kém dần đi, khả năng uống rượu không còn như cách đó 5 năm nữa, và thấy rõ hơn những tác hại của rượu bia khi nghe nói nhiều người uống rượu bia mà bị tai nạn xe, gan cháy và chết sớm. Con lúc đó mới cảm thấy được sự vô thường của vạn vật, nhưng chưa có khái niệm cụ thể mà mới chỉ biết sơ sơ khái quát thôi.

Còn bây giờ từ khi biết được đạo đức minh mẫn thì con thấy rất hạnh phúc, con không còn cần phải lo mua rượu, sắm rượu nữa, mà coi nó như thuốc độc, không bao giờ nghĩ là mua những thứ độc đó đem tặng cho bà con, bạn bè nữa, không đi dự các tiệc tùng, tụ họp cùng bạn bè ăn uống nữa. Sức khỏe thì càng ngày càng hồi phục lại, tay không còn run, chân không còn yếu và lưng không còn đau nữa. Vì không còn uống rượu cho nên bạn bè, bà con cũng không mời đi chơi cho nên tránh được những nơi đông người tụ tập do đó tránh được các duyên xấu.

Ước mong sao cho tất cả mọi người nhận thức được tai hại khi tiếp xúc với các chất độc trên, và ta hãy luôn nhắc tâm “Rượu, bia, thuốc lá, v.v.. là thuốc độc giết người, tâm ham muốn các chất độc này là ác phải lui đi”.

ĐẠO ĐỨC TỰ NHIÊN

Là những hành động sống giản dị, không trang điểm phấn son, sức dầu thơm, không ăn mặc chạy theo thời trang, không ăn mặc màu mè, không nhuộm tóc vàng, đỏ, nâu, không uốn tóc, ủi tóc thẳng, không mang đồ trang sức từ đồng hồ, cây viết, dây chuỗi, nhẫn, đeo bông, không mang guốc hoặc giày, dép cao, v.v..

Người có đạo đức tự nhiên là người sống giản dị không cầu kỳ, không bao giờ phải nghĩ chăm lo tô điểm, săn sóc, bận tâm cho cái thân hôi thối này.

Người có đạo đức tự nhiên hiểu rằng thân này là vô thường, là thay đổi, là bất tịnh, là vô ngã không phải của họ, không phải là họ và không phải là tự ngã của họ. Cho nên không để mất thời gian làm chi cho nó.

Cuộc sống đơn giản, giản dị làm cho thân tâm luôn nhẹ nhàng thanh thản. Ai sống với đạo đức tự nhiên thì sẽ có được sự thanh tịnh này. Không cần để ý đến lời khen chê và danh lợi cũng không cần.

Người không có đạo đức tự nhiên là người có tính dâm dục và có tính ham muốn sắc dục. Luôn luôn muốn mọi người để ý tới mình, thích người khác khen. Thích gần và giao du với người khác phái.

Tâm dục là tâm của sanh tử luân hồi, là tâm đau khổ.

Con làm nghề lái xe cho những người già và bệnh tật, cho nên có lần con chở những người già yếu phải đi bằng gậy. Vậy mà có khi mỗi tuần họ vẫn đi tiệm uốn tóc, chăm sóc tóc 1 lần. Con nghĩ là thân thể họ đã không còn gì nữa để trang điểm, bây giờ chỉ còn lại bộ tóc là có thể chăm lo cho nó đẹp thôi, cho nên họ tận dụng đến giây phút cuối cùng của cuộc đời làm đẹp được gì cho thân thể họ thì họ làm. Đúng là tâm dục của con người biến con người trở nên con rối trên sân khấu mà không biết.

Người có tâm dục thì bản ngã cao lắm, họ ít để ý đến người xung quanh, chỉ biết họ thôi, họ sức dầu thơm thì rất nặng mùi, làm người khác nghẹt cả mũi, trang điểm thì loè loẹt như con công, thân già như khúc gỗ khô nhăn nheo mà vẫn thích đeo đủ loại trang sức với đủ màu sắc. Con nghĩ rằng chắc họ muốn khi chết họ cũng đẹp như tiên, cho nên bên Mỹ họ có tiết mục trang điểm cho xác chết. Những người này khi ai đụng đến họ trái ý phật lòng thì họ nghĩ là bị xúc phạm và rất hay giận dữ và nóng tính.

Người có tính dâm dục hay khen chê người khác qua hình sắc bên ngoài, đánh giá con người chỉ qua bề ngoài thôi.

Tiếp xúc nhiều với nhiều người là môi trường dễ bị ảnh hưởng tâm sắc dục và ưa thích nhân xét người khác, xem phim, đọc báo phụ nữ nhiều cũng là các nguồn làm khêu gợi tâm sắc dục của con người. Do đó con rất tránh những nguồn kích thích đó. Quyết từ bỏ tâm ham trang điểm, lo cho cái thân này, và con cạo tóc ngắn để không cần phải lo cho nó. Vì khi có tóc thì phải soi kiếng, chải đầu. Khi soi kiếng thì bắt đầu nhìn những bộ phận khác trong cơ thể, xem chổ nào cần sửa lại cho chỉnh tề hơn. Do đó chiếc gương soi cũng là thêm một duyên làm cho tâm dục phát khởi.

Nhiều khi con nghĩ thật là tội nghiệp cho những người bị mê say trong dục vọng, có một chút rãnh thời gian nào thì lo cho cái thân hôi thúi này, nhất là mỗi lần mà họ được ai mời đi tiệc. Toàn là những thứ giả đắp vá chổ này chổ kia mà họ không thấy. Đôi khi con nghĩ nếu họ hỏi con họ có đẹp không thì con nghĩ là cái đồ trang sức đẹp chứ thân họ thì có gì đâu mà đẹp, thì biết trả lời sao đây, chắc là im lặng thôi.

Đạo đức tự nhiên giúp cho con cởi bỏ mọi ràng buộc vật chất, thấy rõ tất cả chúng là đồ giả, và con mới hiểu câu Phật nói “Do vô minh nên con người mới có những hành động điên cuồng này”.

Dù cho chúng ta có ăn mặc, sửa soạn trang điểm như thế nào đi chăng nữa, cũng không qua được mắt của người có trí, hiểu biết cái thân này là hôi thúi, bất tịnh như thế nào. Rồi cuối ngày người đó cũng rữa mặt, quét hết các lớp sơn xuống, lòi ra lớp da nhăn, mụt nhọt, giống như màn kịch cuối ngày đã tàn thì rửa mặt thôi. Rồi sáng ngày mai họ lại bắt đầu đóng một vai mới, lại bắt đầu trang điểm, mặc quần áo đủ màu để chuẩn bị ra sân khấu đóng tuồng.

Nếu ai hiểu rõ điều này thì hãy bỏ dẹp xuống những trò hề đó đi, sống tự nhiên. Cha mẹ sanh ra ta có khuôn mặt như thế nào thay kệ, ta hãy tập học và sống đúng đạo đức, luôn nghĩ, nói và làm điều thiện thì tâm ta luôn vui vẻ và hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó là chân thật, còn cái hạnh phúc bằng trang điểm là giả, không thật và chỉ làm trò cười cho người khác thôi.

ĐẠO ĐỨC TRẦM LẶNG

Là đạo đức thích sống ở nơi yên lặng, yên vắng, tôn trọng sự yên lặng và đem lại sự yên lặng cho mọi người.

Người có đạo đức trầm lặng này thường thích sống một mình, sống một mình là sống cho mình, có thời gian nhìn lại tâm mình, phân tích từng tâm niệm, thấy được những nhược điểm mà sửa sai. Nhược điểm ở đây được nhắc tới là ác pháp chứ không phải là sai là đúng. Vì nếu ta nhìn sự việc dưới con mắt đúng sai, thì ta rất dễ và coi chừng đang chạy theo dục vọng mà không biết.

Có sống một mình thì luôn muốn tìm hiểu những cái hay của đời và thích thân cận các bậc trí thức giải thoát, giúp ta khai mở, hiểu rõ những chân lý của cuộc đời.

Có sống đúng đạo đức trầm lặng thì tâm luôn quán xét những hành động hằng ngày xảy ra với mình và xả bỏ những ác pháp, đem lại sự thanh thản an vui và vô sự cho thân tâm.

Người không thích sống trầm lặng thì luôn bị đời sống vật chất, tiền bạc, của cải, ăn, uống, sắc, danh và lợi lôi cuốn chạy theo hết ngày này qua ngày khác cho tới hơi thở cuối cùng.

Họ chỉ là những người đóng tuồng trên sân khấu, hết kịch bản này đến kịch bản khác. Họ bị nhân quả xỏ mũi dẫn đi mà không biết, đang làm nô lệ cho nhân quả sai sử mà không biết. Rồi bao nhiêu ác pháp xuất hiện, trùng trùng sanh khởi liên tục. Rồi hằng giây hằng phút họ tạo thêm bao nhiêu nghiệp mà không biết, trừ những phút ngủ nghỉ mà thôi. Thật là đáng thương cho những người như vậy!

Về phần con, muốn có được đời sống trầm lặng thì con suy tư quán xét và từ bỏ các duyên ác như không xem TV, không nghe radio, không xem phim ảnh, xem báo chí, đọc truyện, đọc sách các giáo phái khác, không đi mua sắm, tránh các duyên tiếp xúc với bạn bè như không đi chơi viếng thăm ai cả, không gọi điện thoại hẹn hò ra ngoài, rất sợ người khác kiếm mình hoặc họ gọi điện thoại cho mình vì con thấy rằng các đề tài nói chuyện toàn là những vấn đề hạ liệt không à. Và con chỉ thích ở nhà một mình, khi đó dù cho ai có gọi điện thoại đến thì cũng không muốn nghe, trừ những lúc xả nghĩ.

Bởi vì đó là các nguồn kích dục, cám dỗ tâm tham, sân, si của con người. Người mà thích coi TV là người dễ bị ô nhiễm, cám dỗ bởi đủ loại quảng cáo, tranh ảnh, tuyên truyền, làm cho tâm dục chạy theo những cái đó, khởi tâm tham sân si lên mà không biết.

Biết được những nguy hiểm này mà ngày xưa đức Phật đã đề ra giới cấm xem, nghe ca hát hay tự hát. Do đó cuộc sống sẽ trở nên trầm lặng, không bị ai quấy rầy.

Có sống như vậy và thấy lợi ích của đạo đức trầm lặng thì con cũng tôn trọng sự trầm lặng và đời sống của người khác. Sống trong xã hội thì con có ý thức không làm phiền hàng xóm. Còn trong tu viện con nhớ lại lúc sau này con về tu tập không giữ đúng hạnh độc cư, thích nói chuyện với mọi người. Con xin sám hối với Thầy về chuyện này và hứa rằng sau này sẽ không còn tái phạm nữa.

Con nghĩ người có đạo đức trầm lặng thì không thể nào sống tại trung tâm thành phố được vì trong thành phố quá là ồn ào, có nhà bật xem phim cả ngày, có nhà thì nghe nhạc, có nhà thì hát karaoke, có nhà thì là nơi sản xuất, có nhà thì tiếng trẻ con đùa vui, có nhà thì bán buôn ồn ào người ra vô, cộng với những người bán rong rao bán cả ngày, tiếng xe máy chạy ra vô qua lại cộng vời tiếng còi của xe nữa, v.v.. Do đó những người sống tại thành phố và các khu đông dân cư sẽ không có đạo đức trầm lặng. Tâm họ luôn luôn phóng dật suy nghĩ hết cái này đến cái khác và chạy theo những suy nghĩ đó, không lúc nào nằm yên một chỗ.

Có bao giờ con người nghĩ là tại sao tâm luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn muốn làm một cái gì, còn bình thường không muốn làm cái gì thì tâm có yên không? Và tại sao cái tâm nó thích động thế? Nguyên nhân do cái gì?

Tất cả đều do cái dục, lòng ham muốn của con người. Nếu diệt trừ được dục thì chắc chắn tâm sẽ yên lặng thôi các bạn à. Đó là sự thanh thản, an lạc và vô sự mà mọi người đều hướng tới, nhưng có ai đạt được đâu vì không ai chỉ dạy cho.

Nhưng mọi người không ngờ cách đây hơn 2500 năm đức Phật đã nói lên điều này qua bài Tứ Diệu Đế là bốn chân lý của loài người. Vậy mà suốt từ đó đến nay không ai biết triển khai nó vào cuộc sống, thật là tiếc cho con người.

Người có Đạo đức trầm lặng là người sẽ không làm khổ mình và không làm khổ người. Vậy ta hãy cố gắng đạt được như vậy để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.

ĐẠO ĐỨC BIẾT ĐỦ

Là đạo đức biết đủ với y áo, đồ dùng cá nhân, nơi ở và những phương tiện thuận lợi cho cuộc sống.

Luôn chấp nhận những đồ dùng tối thiểu nhất, không đòi hỏi những cái mới, không chạy theo sự cám dỗ của vật chất thế gian ngày nay. Khi đồ cũ chưa hư thì không cần đổi cái mới làm gì. Ví dụ như có cái quần mặc đã 5 năm mà chưa rách thì ta cứ mặc tiếp, chứ không phải thấy phai màu thì đi mua sắm cái khác là sai.

 Người không có đạo đức biết đủ thì luôn đòi hỏi thêm, thích xài lãng phí, chạy theo những nhu cầu của thời đại, sắm sửa hết cái này đến cái khác, thấy người khác có thì cũng muốn mua cho mình. Ví dụ thấy người khác có chiếc xe dream, mà mình đã có xe Honda 50 thì cũng muốn đổi xe.

Sống trong xã hội con người không tránh được bị cám dỗ bởi các vật chất, cho nên rất dễ bị dính mắc và chạy theo. Có càng nhiều vật chất thì người đó càng phải lo lắng nghĩ ngợi về nó và làm nô lệ cho nó, lúc nó hư thì phải lo tìm cách sửa, có ai nói xấu chê bai thì buồn giận, tức lên nói qua nói lại đả kích nhau. Bởi vậy càng nhiều vật chất thì tâm càng bị dính mắc vào.

Người có đạo đức biết đủ thì không sợ người đời chê bai rằng mình bảo thủ, cố chấp hay quê mùa. Và họ còn biết thương mọi người khác vì họ đang làm nô lệ cho vật chất mà không biết. Do đó họ luôn luôn vui vẻ, tự tại, ung dung, không bị cuốn hút vào dòng nam châm dục lạc thế gian.

Đối với người tu hành thì đạo đức biết đủ là đạo đức thiểu dục tri túc ba y một bát, sống không nhà cửa, nay đây mai đó, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, không còn bận tâm về cái gì cả. Khi đi đâu họ chỉ quảy một túi vải gọn nhỏ bên trong đã có đầy đủ y áo và tứ sự.

Ngoài ra trong vấn đề ăn uống cũng vậy, người có đạo đức biết đủ không chạy theo dục ăn, không ăn uống phi thời. Vì ăn uống phi thời là đem bệnh hoạn đến cho mình.

Vì vạn pháp thế gian là vô thường, là hoại diệt thì đâu có gì của ta đâu mà mua sắm chi cho nhiều, để rồi phải khổ cực làm lụng kiếm tiền chi trả cho nó, có nó rồi thì lại phải nhức đầu bảo vệ nó, sợ nó bị người khác đánh cắp mất, v.v.. khác gì là tự mình làm khổ mình.

Đời sống của người biết đủ rất là giản dị, khi cần đi đâu thì xếp gọn vào một túi là xong, Khi đi xa không cần phải lo cho những thứ còn lại trong nhà, vì có mất thì cũng không ảnh hưởng gì. Và khi đi xa thì đi đâu cũng được, ở bao lâu cũng được.

Người có đạo đức biết đủ là người rất phóng khoáng, không tham lam mà ngược lại ai xin gì, muốn gì mà mình có dư thì mình cho luôn, không cần cất giữ nhiều làm gì.

Khi có ai cho tặng bất cứ vật gì thì chỉ cảm thấy đó là gánh nặng và muốn đem cho người khác thôi. Ví dụ khi có người cho con trái cam, lon nước ngọt ngoài giờ ăn thì con chỉ muốn đem cho ai đó, chứ không muốn để dành đến bửa ăn cho ngày hôm sau gì cả.

Tóm lại, người sống có đạo đức biết đủ là người biết tôn trọng mình, làm cho thân tâm luôn luôn thanh thản và không lo lắng gì cả. Còn người không biết đủ thì chỉ tự mình làm khổ mình, bị dính mắc, bị vật chất nó trói buộc vào, đi đâu cũng nghĩ và lo lắng về nó, tâm không thể thanh thản an lạc và vô sự được.

ĐẠO ĐỨC TỪ TÂM

Là đạo đức biết thương yêu mình và mọi người. Vì cuộc sống của con người hay bất kỳ loài nào trên hành tinh này đều khổ, vậy ta hãy làm được bất cứ việc gì để giúp cho mọi người bớt khổ.

Ví dụ khi thấy người khác đẩy một chiếc xe nặng chậm chạp thì ta hãy giúp một tay. Khi thấy ai đang làm gì thì ta cứ hỏi cho phép ta giúp một tay dù cho người đó là ai đi chăng nữa không phân biệt người giàu nghèo, ai cũng cần sự giúp đỡ.

Một lời khuyên cũng là sự giúp đỡ cho người khác biết mà tránh những điều xấu xảy ra.

Ta hãy thông cảm cho cuộc sống khổ cực của mọi người trên hành tinh này, do đó nếu ta có dư cái gì thì ta hãy san sẻ với mọi người.

Không chỉ con người không mà với con vật cũng vậy. Khi biết hằng ngày mọi con vật đều đi kiếm ăn, nếu ta có rảnh thời gian một chút, mua thức ăn và cho chúng thì vui biết mấy.

Thấy ai cần việc làm mà ta có việc làm thì ta hãy thuê họ, đó là thương người.

Thấy ai đi xin ăn thì ta hãy cho thức ăn.

Thấy ai không có quần áo mặc thì ta hãy cho.

Thấy ai không có nhà ở thì ta hãy xây cho họ nhà ở (nhà tình thương).

Thấy ai cần thuốc thang thì ta hãy mua thuốc cho họ.

Biết trước được những công việc nào nặng nhọc thì ta hãy giúp đỡ một phần nào để cho công việc của họ nhẹ hơn.

Nếu ta biết được điều gì có lợi cho mình, cho người thì ta hãy chia sẽ với mọi người khi biết người khác đang cần.

Hãy làm nhẹ những gánh nặng của mọi người trong xã hội, trong bất cứ công việc gì, hoàn cảnh nào.

Giúp mọi người thích nghi với các hoàn cảnh mới.

Thông cảm những sai sót của mọi người.

Thông cảm những éo le của gia đình ảnh hưởng đến công việc, v.v..

Tóm lại, thương yêu người và các loài vật là biết đặt mình vào hoàn cảnh của người và của vật để thông cảm, chia sẽ, giúp đỡ, khuyên nhủ và động viên vượt qua mọi khó khăn. Giúp cho mọi người nhẹ bớt những gánh nặng trong cuộc sống.

Người có đạo đức tâm từ sẽ không bao giờ có ý nghĩ hại ai, không muốn làm cho ai khổ cả, không nói lời nói làm phật lòng trái ý ai cả và không muốn mang gánh nặng đến cho ai cả.

Người sống trọn vẹn với giàu lòng từ thì đã tạo cho mình nền đạo đức không biết sân giận ai bao giờ.

Dù cho ai đối xử với mình như thế nào đi chăng nữa thì ta nghĩ rằng họ đáng thương, muốn tốt, muốn đem lại điều tốt cho ta, do đó làm sao mà mình có thể giận họ được kia chứ.

Còn ngược lại, đứng trước mọi hoàn cảnh mà tâm ta trơ trơ ra không hiểu được tâm tư lo lắng bồn chồn của mọi người thì ta chưa có đạo đức tâm từ. Như khi đạp một con giun dưới đất mà tâm không dao động thì tâm ta chưa có đạo đức tâm từ.

Người không có ý giúp đỡ, chia sẻ thông cảm, hay động viên người khác vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thì những người này cần phải học thêm về đạo đức tâm từ. Có khi vì họ chưa biết khổ là gì, chưa có sự va chạm trong cuộc sống hoặc vì quá ích kỷ cho nên không để ý tới người khác, không cần biết người khác đang nghĩ gì.

  Tình thương yêu thật sự của người có đạo đức tâm từ là bỏ qua cái nhìn nhận xét con người qua hình dáng bên ngoài, đặc tướng, thái độ và oai nghi. Ngày xưa khi con nhìn một người ăn mặc lôi thôi, quần áo dơ dáy, con suy tư là người này có thể là người nghèo, có thể làm nghề ăn trộm, vậy ta hãy nhớ mặt người này để phòng ngừa. Nhưng sau này khi con thấy một người như vậy con nghĩ lại thương cho những người như vậy, nếu mình nghĩ xấu về họ thì thật tội nghiệp oan ức cho họ, vì họ nghèo không có tiền mua quần áo mới, hoặc vì họ bị sanh ra trong một gia đình không có giáo dục cho nên họ phải chịu nhiều sóng gió trong cuộc đời, hoặc là ta phải thương người đó vì bị người đời hắt hủi chê bai và tránh xa. Do đó con nghĩ dù cho người đó có ăn trộm nhà mình, hay làm điều gì ác với mình thì con vẫn thương họ, và sẵn sàng cho họ những gì họ muốn, chứ không sân giận, thù hận hoặc báo cảnh sát để làm cho cuộc đời của họ đã khổ lại càng khổ hơn.

Con thấy con chỉ cần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ một chút về mọi người là tâm con tràn đầy tình thương, biết yêu thương mọi loài trên thế gian này. Dẹp bỏ được mọi ác ý, thành kiến và tưởng kiến sai lầm nhận định về người khác và trong khoảng giây phút thay đổi cách suy nghĩ như vậy biến con từ một người không có đạo đức tâm từ thành một người có đạo đức tâm từ.

ĐẠO ĐỨC BI TÂM

Là đạo đức biết thương xót mọi người đang sống trong đau khổ và các ác pháp. Đó là lòng thương xót chân thật muốn làm giảm hoặc cứu vớt những người bất hạnh trong cuộc đời này.

Đạo đức tâm bi còn dạy cho ta lòng tha thứ cho mọi người, không vì bất cứ nguyên nhân gì mà giận mọi người. Tha thứ và thương xót phải luôn đi đôi với nhau thì đạo đức tâm bi sẽ trọn vẹn.

Ví dụ như lòng thương xót của ta phủ trùm muôn việc và muôn vật như sau:

-       Khi thấy người nghèo đói thì ta giúp.           

-       Khi thấy người bệnh thì ta cho thuốc uống, dẫn đi bác sĩ, v.v..

-       Khi thấy người đang đau buồn, than khóc thì ta nói chuyện khuyên răn.

-       Khi thấy ai đó bị tai nạn thì ta đến an ủi.

-       Khi thấy trẻ em khóc thì ta đến dỗ.

-       Khi thấy ai đó bị mất tiền, bị cướp của, bị ăn trộm và những người đang làm nghề ăn trộm, ăn cướp ta cũng thương xót họ.

Khi thấy:

-       Chúng sanh và ai đó bị giết hại hay biết ai đó làm nghề sát sanh, giết người.

-       Ai đó làm nghề tà hạnh và biết những ai đang sống tà hạnh.

-       Ai nói dối hoặc bị người khác lừa gạt

-       Ai nói lời nói thêu dệt hoặc đang bị người khác dùng lời nói thêu dệt.

-       Ai nói lời nói 2 chiều, hoặc bị ai đó dùng lời nói 2 chiều đối xử.

-       Ai đang nghiện ngập trong rượu chè, hoặc làm nghề buôn bán rượu và các chất kích thích.

-       Ai đang hành các nghề thuộc tà nghiệp và những nghề cung cấp, trung gian các thiết bị, hay nguyên vật liệu phục vụ cho tà nghiệp.

-       Ai đó đang sân giận, bị người khác giận, đang ghen tuông hay bị người khác ghen tuông, đang cống cao ngã mạn, đang nghi ngờ hay bị người khác nghi ngờ.

-       Ai đó đang bị thất kiết sử, ngũ triền cái chi phối.

-       Ai đó đang sống bị cám dỗ bởi các dục trong đời như ăn, uống, sắc, danh và lợi.

-       Những người bất hạnh trên thế gian bị tai họa do thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần hay núi lửa, chìm tàu, v.v..

Nhiều lắm con không kể hết được vì con càng biết nhiều về ác pháp thì khi con biết ai đang bị ác pháp chinh phục thì con đều nói câu “Thật là tội nghiệp cho họ đang sống trong ác pháp mà không biết”

Người không có đạo đức tâm bi thì khi thấy ai đó đang khổ hay sống trong ác pháp thì không biết thương, không động tâm mà còn làm cho người ta khổ thêm hoặc mang ác pháp đó vào cho mình.

Cái lòng thương xót thì có nhưng con nghĩ phải tùy duyên mình với chúng sanh mà giúp đỡ chứ không phải vì muốn có cái phước hữu lậu này mà cố gắng làm ra tiền để rồi đi tìm người bất hạnh giúp đỡ thì sai. Nếu như vậy thì khác nào bị nhân quả xỏ mũi dắt đi.

Qua cái định nghĩa của đạo đức tâm bi này thì con nghĩ mọi loài vật (động hay thực vật) trên thế gian này đều khổ. Do đó, đúng như lời đức Phật dạy trong Tứ diệu đế về khổ đế. Và con nghĩ chỉ khi nào con tu hành xong thì con mới dùng đạo đức nhân bản nhân quả để giúp họ thoát khổ thôi, còn vật chất thế gian thì không giúp cho những người khổ trên mà ngược lại còn hại họ. Đó là dùng đạo đế của đạo Phật cứu người ra khỏi biển khổ này, chứ không còn con đường nào khác nữa.

Người không có đạo đức tâm bi là những người đang sống trong ác pháp, lấy ác pháp làm niềm vui và vui mừng khi người khác đang đau khổ.

Con nhớ lúc con còn thanh niên thì tâm con là như vậy, nghĩa là con không bao giờ có khái niệm về đạo đức tâm bi. Con tìm niềm vui qua sự đau khổ của người khác thôi, chọc ghẹo, mỉa mai, nói xấu người khác đến khi họ khóc thì con mới thôi và con vui sướng khi thấy người khác đang buồn rầu hay khóc. Nghĩ lại thì đó là những hành động, lời nói vô đạo đức, không có một chút gì tình người trong đó, thật là xấu hổ. Nhân quả thì quá công bằng cho nên sau này con gặp lại những người thích chỉ trích, chọc ghẹo, nói mỉa mai và nói oan ức làm cho con tức lại. Nhưng lúc này thì con đã hiểu biết nhân quả trong đạo Phật cho nên tâm con bất động, thản nhiên và cười thôi, cho nên tâm con không bị bận tâm vì những lời nói đó.

Bởi vậy người có đạo đức tâm bi thì đem hạnh phúc đến cho mình và mọi người. Còn người không có đạo đức tâm bi thì tự mình làm khổ mình, làm khổ người, bị người đời xa lánh và nếu có thì chỉ toàn bạn ác thôi.

ĐẠO ĐỨC VUI VẺ

Đạo đức vui vẻ thể hiện qua cái cười của miệng, của ánh mắt, của khuôn mặt, lời nói và hành động.

Là đạo đức biết vui mừng trước sự vui mừng, sự thành công, sự đạt được, sự toại nguyện của mình và của người trước bất kỳ việc lớn nhỏ nào. Ví dụ, khi thấy các em bé được cho kẹo vui vẻ thì ta cũng vui theo, khi thấy đồng nghiệp được thăng tiến thì ta cũng mừng và chúc mừng với họ. Khi nghe tin bạn bè thi đậu thì ta hãy vui vẽ cùng bạn đó, khi thấy ai nghèo mà có việc làm thì ta vui mừng cho họ, v.v.. Trong tu viện khi ta thấy ai đó tu được, có oai nghi tế hạnh, sống luôn luôn giữ giới phòng hộ các căn thì ta phải vui mừng khi có bạn đồng tu như vậy.

Đạo đức vui vẻ là đạo đức biết vui mừng trước sự an bình của vạn vật. Nhìn thấy cây cối xanh tươi có sự sống thì ta cũng vui mừng. Nhìn thấy nhà nhà có đủ cơm ăn, trong xóm không có trộm cướp thì ta cũng vui mừng.

Là đạo đức biết vui vẻ trước mọi thất bại. Khi biết vạn pháp đều bị chi phối bởi nhân quả thì dù có thất bại thì ta cũng vui vẻ chấp nhận, lấy mọi thất bại làm bài học cho mình, không than vãn hay trách cứ ai hết. Chỉ nhận lỗi mình là chưa đủ khả năng, chưa thấu suốt, chưa quan sát đầy đủ, chưa nghiên cứu sâu, v.v..

Là đạo đức biết vui vẻ trước những chướng ngại trong tâm, trước những ác pháp đang tấn công. Khi có người chửi mình thì phải vui vẻ quán nhân quả để thấy rằng mình và người đó có nhân quả với nhau, hôm nay họ trách cứ mình là có nguyên nhân, ta hãy yên lặng chiều theo ý họ để làm cho họ vui vẻ không giận ta nữa, v.v..

Khuôn mặt của người có đạo đức vui vẻ luôn luôn nở những nụ cười với mọi người, không oán hận ai cả. Không than vãn trước các việc khó khăn hay không muốn xảy ra.

Người có đạo đức vui vẻ luôn hòa đồng với mọi người, không bao giờ có ý nghĩ ai là kẻ thù cả. Nếu ai đó xích mích bất hoà nhau thì người này sẽ dùng lời nói khuyên can để giúp cho họ trở nên hòa thuận nhau.

Người có đạo đức vui vẻ biết vui vẻ trước những việc làm thiện của người khác, dùng lời nói hay hành động sách tấn người khác làm thiện và ủng hộ họ, chứ không phải ganh tỵ, hẹp hòi, ganh đua hay nói xấu v.v..

Người không có đạo đức vui vẻ thì dễ giận hờn, tính tình ích kỷ chỉ biết có mình, dễ ghen tuông với sự thành công, cái tốt của người khác. Từ đó họ có những suy tính hại người, rồi dẫn đến hại mình mà không biết. Thật là đáng thương cho những người đó.

Tóm lại người có đạo đức vui vẻ thì chỉ mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người xung quanh. Luôn nhìn đời dưới con mắt nhân quả, sống ly dục ly ác pháp mang lại sự an vui cho thân tâm.

ĐẠO ĐỨC CỦA ÁNH MẮT

Cái nhìn của ánh mắt cũng thể hiện một phần nào tâm trạng của con người, do đó đạo đức của ánh mắt đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày. Có người nhìn thẳng, có người nhìn nghiêng, có người liếc ngang, liếc dọc, có người nhìn với một con mắt, có người nhìn với mắt hi hí, có người thì nhắm mắt lại, có khi mắt mở to, có khi ánh mắt chăm chăm nhìn, có khi con mắt đỏ ngầu v.v..

Cái nhìn của ánh mắt thể hiện đủ mọi tình cảm và tâm trạng. Có ánh mắt đầy lòng yêu thương trìu mến, có ánh mắt tức giận, có ánh mắt buồn, có ánh mắt vui vẻ, có ánh mắt đầy nhiệt huyết, can đảm, có ánh mắt thiếu sự cương quyết và nhục chí, có ánh mắt ngay thẳng, cương trực, có ánh mắt gian dối, có ánh mắt sắc như mũi kiếm, có ánh mắt tham lam, có ánh mắt dâm dục, có ánh mắt láu cá, có ánh mắt sáng thông minh, có ánh mắt ngu si đần đồn, có ánh mắt kiêu ngạo, có ánh mắt nghi ngờ người khác, có ánh mắt của người bệnh, có ánh mắt của người hoảng hốt sợ hãi, có ánh mắt không có thần như người chết, v.v..

Vậy người như thế nào gọi là người có đạo đức qua ánh mắt? Người ta có câu con mắt là cửa sổ tâm hồn. Vậy khi tâm như thế nào thì được thể hiện qua con mắt hết. Nhưng người có đạo đức là người không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh thì tâm tư của người đó thanh thản, an lạc và vô sự. Tự trong bản thân người đó luôn tràn đầy giàu lòng yêu thương tất cả mọi loài chúng sanh và không bao giờ oán hận ai cả, không còn có chấp vào bản ngã nữa thì làm gì còn tham muốn, sân giận mà chỉ có thanh thản an vui nhìn đời với con mắt nhân quả. Ai làm gì, nói gì thì cũng nhẫn nhục, tùy thuận, và bằng lòng. Ai đang đau khổ thì tâm tư họ tràn đầy lòng yêu thương và thương xót người đó, ai đạt được gì thì tâm họ cũng vui mừng không một chút ghen tị. Bản thân họ đã thản nhiên xả bỏ mọi thứ trên thế gian này, không dính mắc vào một vật gì cả. Cái tâm có như vậy thì ánh mắt của họ cũng sẽ thanh thản, thản nhiên như vậy không một chút lo lắng, sợ hãi, gian tham, hối tiếc, trách cứ, giận hờn và ngu muội.

Còn ngược lại thì ánh mắt của người không có đạo đức sẽ hoang mang, lo sợ, tính toán, gian tham, gian dối, không thành thật, giận hờn và u tối. Chính vì vậy mà làm cho cuộc sống của con người lúc lên lúc xuống, vì tâm họ luôn dao động trước mọi cảnh và bị các cảnh ngoài cuốn hút.

Ví dụ: Khi có ai đó nói xấu chê bai công việc của mình thì mình trừng trừng nhìn người đó như muốn nuốt trôi, rồi từ từ mắt đỏ ngầu lên, giận hờn phát ra tiếng qua tiếng lại.

Do đó, khi tiếp duyên với môi trường đối với người không có đạo đức nhân bản nhân quả thì tâm của họ luôn luôn động làm cho thần sắc và ánh mắt thay đổi theo từng tâm trạng.

Chính vì vậy mà chỉ cần qua ánh mắt thôi mà người ta có thể suy đoán một phần tâm tư của mình, dẫn đến bao nhiêu chuyện xảy ra không hay ảnh hưởng đến người xung quanh.

Như khi có ánh mắt nghi ngờ cũng làm cho người ta dễ sân giận hay tủi thân. Khi có ánh mắt kiêu ngạo làm cho người khác ghen tị và tức tối, khi có ánh mắt gian tham thì người ta càng dè dặt, tránh tiếp giao với mình, khi có ánh mắt dâm dục thì làm cho người ta sợ hãi và phòng hộ xa lánh. Khi có ánh mắt gian dối thì người ta không tin tưởng, v.v..

Đạo đức qua ánh mắt này con chỉ mới phát hiện ra ngày hôm qua khi con thấy mẹ con nhìn một người da đen đi ngang qua nhà. Cô gái đó ăn mặc không được tươm tất lắm. Vì đại đa số người da đen không được giáo dục trọn vẹn cho nên đa số sống bằng nghề không lương thiện như trộm cướp, bán ma túy, giết người, hiếp dâm. Do đó, mẹ con luôn luôn sợ những người da đen gần nhà. Khi mẹ nhìn thấy cô da đen đó con để ý con mắt của mẹ liếc nhìn chằm chằm nghi ngờ như muốn nhớ kỹ khuôn mặt này, và coi rõ hành động của cô ta có gì nghi ngờ không?

Thật là tội nghiệp cho những người da đen đó, chỉ vì cái bề ngoài da đen, quần áo không tươm tất mà bị nghi ngờ như vậy. Thật là tội nghiệp cho những người bị nghi ngờ oan ức như vậy. Đối với con, con biết như vậy và con thấy thương cho họ vì phải chịu cái quả hiện tại bị xã hội hất hủi.

Con tự nhủ thầm dù cho họ có muốn lấy cái gì ở nhà hay của con thì con cũng sẽ cho họ chứ không có ghét đâu. Khi thấy người da đen bất cứ nơi nào con vẫn chào nói đối xử như người bình thường, tôn trọng họ, và sẵn sàng giúp đỡ gì khi họ cần. Và con cũng thương Mẹ vì đang sống với cái tâm nghi ngờ như vậy làm cho lúc nào cũng sợ hãi.   

Con thấy rằng trong mọi hoàn cảnh xấu nếu ta biết dùng tình thương thì sẽ xoá đi mọi chướng ngại trong tâm, thì qua đó ánh mắt của ta cũng sẽ thể hiện một cái nhìn trìu mến biết thương yêu hay thương xót mọi người.

Biết rõ được đạo đức qua ánh mắt chúng ta hãy tập sống theo đúng các đạo đức phía trên đã trình bày thì tâm ta sẽ thanh thản, an lạc và vô sự thì lúc đó ánh mắt của chúng ta sẽ thể hiện đầy đủ là một người có đạo đức nhân bản nhân quả trọn vẹn.

ĐẠO ĐỨC CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ

Là cách đối xử của con cái qua hành động, lời nói, và ý nghĩ đối với cha mẹ.

1- VỀ Ý NGHĨ:

- Con cái phải luôn biết ơn công sinh thành dưỡng dạy của cha mẹ cho mình từ nhỏ tới lớn.

- Phải biết rõ là những hành động hay những lời nói của cha mẹ là những lời dạy muốn con cái được tốt đẹp hơn, chứ không phải vì bị đánh đập la mắng là ghét bỏ.

- Phải biết lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ khi bị bệnh hoạn, tai nạn.

- Phải biết phụng dưỡng cho cha mẹ khi họ về già.

- Phải biết tôn trọng những việc làm, lời nói và suy nghĩ của cha mẹ.

- Không được chống đối lại những gì cha mẹ đang làm và cảm thấy hạnh phúc khi làm những việc đó kể cả tín ngưỡng của cha mẹ.

- Không được sân giận, hằn học với cha mẹ.

- Không được có ý nghi ngờ cha mẹ.

- Không được có những ý nghĩ ác về cha mẹ.

2- VỀ HÀNH ĐỘNG:

- Không bao giờ được dùng gậy, cây, tay chân hay bất cứ vật gì đả thương cha mẹ.

- Không được ăn cắp tiền hay của cải của cha mẹ.

- Dìu dắt chăm sóc cho cha mẹ khi họ đi, đứng, nằm, ngồi khó khăn.

- Cố gắng học hành để không phụ lòng nuôi dưỡng của cha mẹ.

- Phải biết làm những việc nặng nhọc trong gia đình thay thế cho cha mẹ.

- Tránh làm những việc gì mà làm cho cha mẹ thêm lo lắng.

3- VỀ LỜI NÓI:

- Không được nói dối cha mẹ.

- Không được nói lời nói thêu dệt về cha mẹ.

- Không được nói 2 lưỡi về cha mẹ.

- Không được cãi cọ, la mắng, nói những lời nói hung dữ, nạt nộ, chê bai, hỗn láo và chỉ trích cha mẹ.

- Luôn nói những lời nói trìu mến lo lắng cho cha mẹ.

- Biết khuyên răn cha mẹ tránh xa điều ác và làm những điều thiện.

Chỉ nên nói những điều tốt lành, không nói những chuyện làm cho cha mẹ thêm lo lắng, mất ăn và mất ngủ.

ĐẠO ĐỨC CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI

1- Luôn làm gương tốt cho con cái, không cho con cái thấy những điều xấu, vì con cái rất dễ bắt chước:

-       Nếu cha mẹ muốn con cái không sát sanh, sống có tình thương đồng loại, không ăn cắp, không tà hạnh, không nói dối thì cha mẹ phải làm gương trước. Khi cha mẹ ăn chay và giải thích ý nghĩa của hạnh ăn chay cho con cái thì con cái sẽ làm theo. Cha mẹ không nên dạy bảo con cái bằng những lời nói dụ dỗ không thật như hứa lèo “Con ăn cơm đi rồi một lát mẹ chở đi chơi”. Đứa bé cả tin ăn cơm, nhưng sau khi ăn cơm xong thì không thấy mẹ chở đi chơi. Chính vì cha mẹ không giữ lời hứa với con cái thì con cái sau này sẽ bắt chước tính nói dối đó.

-       Cha mẹ nên dạy dỗ cho con cái về tính thật thà, không tham trong cuộc sống, như khi đi mua đồ, người bán hàng trả tiền dư lại thì phải nói cho con biết là phải trả lại cho người bán hàng, vì họ phải bán buôn cực khổ cả ngày kiếm từng đồng mua gạo ăn. Hay là khi đi ngoài đường thấy bất cứ vật nào rơi thì không nên lượm, mà hãy đễ đó cho người mất quay lại tìm. Hoặc khi đi đường thấy ai rớt đồ thì kêu chủ nhân lại để lấy. Khi con cái cần cây bút hay vật gì đi học thì cha mẹ không nên nói là để cha hay mẹ lấy trong sở làm về cho con cái dùng, vì như vậy con cái sẽ học tính ăn cắp.

-       Cha mẹ nên dạy con tính chia sẻ ngọt bùi trong cuộc sống. Khi thấy bạn của con đến nhà chơi thì cha mẹ nói với con lấy kẹo bánh trong tủ lạnh ra cho bạn ăn, hoặc lấy đồ chơi của mình ra cho bạn chơi. Khi thấy người xin ăn thì nói với con cầm chiếc bánh, ly nước ra cho người xin ăn hay là cầm tiền ra cho.

-       Khi cha mẹ giận dữ, nóng nảy, cãi cọ nhau sẽ làm ảnh hưởng đến tính tình con cái, làm mất đi tính thuận hòa của con cái. Do đó, cha mẹ nên không cho con cái thấy những cảnh không hay đó.

-       Tập cho con cái ăn uống đúng giờ, không ăn uống linh tinh, chậm rãi, không ăn hàng ngoài đường phố mà phải mua về nhà. Để tập cho em bé những oai nghi trong ăn uống, v.v..

-       Cha mẹ đôi khi làm sai việc gì thì cũng nên biết xin lỗi con cái.

2- Phải hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái.

-       Theo dõi việc học hành và những trò chơi mà con cái thích. Giải thích những trò chơi nào nên chơi, trò nào không. Ví dụ: những trò chơi bắn nhau sẽ làm nhiễm tính hung bạo của con cái. Xem TV nhiều cũng hại, giải thích cho con cái biết chương trình nào tốt chương trình nào xấu. Và phải biết phân bố thời gian hợp lý giữa học và chơi.

-       Nên nói chuyện thường xuyên với con cái về mọi chuyện giúp cho con cái ý thức được đạo đức trong gia đình, ngoài xã hội, giữa người và người, người và vật, người và cỏ cây thiên nhiên môi trường.

-       Nên dành thời gian lắng nghe ý kiến con cái để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con, chứ đừng ép buộc theo ý của mình. Như con cái thích học kỹ sư mà phải bắt buộc học bác sĩ thì sẽ làm đỗ vỡ sự mong muốn của con cái. Rồi sau này con cái không thi đậu vào trường y thì con cái đổ lỗi cho cha mẹ.

-       Chú ý cách ăn mặc của con cái. Tránh con cái bắt chước những phần tử, bạn bè xấu mà ăn mặc, chải chuốt như con két đủ màu sắc. Giải thích những tai hại khi con cái tiếp xúc với bạn bè xấu.

-       Luôn kích thích con cái tham gia vào các hoạt động trường, các việc làm từ thiện, giúp đỡ để tạo cho các con môi trường tự lập, học hỏi thêm ngoài đời.

3- Cha mẹ luôn biết tôn trọng những suy nghĩ của con cái.

-       Cùng con cái bàn luận về những sở thích, cái thấy, cái hiểu của con cái và lèo lái con cái vào con đường đúng.

-       Cha mẹ không nên có kiểu dạy con cái bằng hình phạt hay áp đặt mọi điều theo phong kiến như con cái phải nghe lời cha mẹ.

-       Đối xử với con cái như người bạn, để giúp con cái cởi mở trong quan hệ gia đình, thẳng thắng trung trực, cùng nhau góp ý, xây dựng gia đình thêm đoàn kết và yêu thương hơn.

-       Cha mẹ phải luôn biết chấp nhận những lỗi lầm của con cái và tha thứ cho chúng, khuyên dạy những điều tốt sau những lần sai phạm đó bằng lời nói ái ngữ dịu dàng của người cha, người mẹ.

-       Cha mẹ nên xem con cái và đối xử với con cái như một nhân vật quan trọng.

ĐẠO ĐỨC VỢ CHỒNG

Là sự đối xử nhau giữa chồng và vợ qua các hành động, lời nói và ý nghĩa:

-       Chồng và vợ phải bình đẳng nhau, không ai có quyền ra lệnh cho ai cả. Sống trên quan điểm biết lắng tai nghe nhau và tôn trọng ý kiến của mỗi người.

-       Ngoài gia đình ra, trong công việc hay ngoài xã hội, chồng hay vợ phải tôn trọng ý kiến riêng tư của mỗi người, không can thiệp vào việc riêng.

-       Tài sản trong nhà là của chung, khi mua sắm là có sự đồng ý của 2 người cho nên không nên nghĩ cái này chồng mua, cái kia vợ mua.

-       Tiền bạc cũng là của chung, không nên suy nghĩ chồng làm nhiều hơn vợ hay ngược lại. Mọi vấn đề chi tiêu đều phải có sự đồng ý trước của chồng và vợ.

-       Vợ chồng phải biết thay phiên nhau chăm sóc con cái, như đưa đón con đi học khi có ai rảnh.

-       Công việc tại nhà chồng vợ nên bình đẳng phụ nhau làm, đừng nghĩ việc nội trợ là của phụ nữ, không phải của chồng, do đó khi cần thiết ví dụ như vợ bệnh hay bận người chồng cũng phải ý thức xuống bếp nấu ăn, rửa chén và giặt đồ.

-       Không nên phân biệt gia đình bên vợ, gia đình bên chồng. Khi cần thiết giúp đỡ cho gia đình nào thì vợ chồng bàn bạc trước, không lén lút âm thầm giúp đỡ gia đình mình bằng tiền bạc chung của vợ chồng để tránh xích mích nghi ngờ rồi đâm ra nói xấu nhau, từ việc nhỏ rồi xé ra to.

-       Vợ và chồng đều phải tôn trọng bạn bè của nhau.

-       Vợ hay chồng không nên có các tà hạnh bên ngoài với người khác phái để tránh đổ vỡ gia đình, đem lại sự đau khổ cho con cái khi mất cha hoặc mẹ.

-       Chồng hay vợ không nên ăn chơi trác táng, nhậu nhẹt với bạn bè thường xuyên bên ngoài mà quên đi trách nhiệm của mình trong gia đình.

-       Chồng hay vợ thường xuyên kiểm tra dạy dỗ con cái, theo dõi việc học và chơi của con cái. Dành thời gian ra nói chuyện và dẫn con cái ra ngoài chơi.

-       Chồng hay vợ không nên vì bất kỳ một lý do nào mà nói dối nhau, không thật thà, dấu diếm chuyện gì đó riêng tư. Dù chuyện lớn hay nhỏ nên cùng nhau bàn bạc.

-       Vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau, tùy thuận ý kiến nhau và tôn trọng quyết định của nhau. Không vì một cái sai nhỏ nào mà mất đi các đạo đức nhẫn, nhục, tùy thuận và bằng lòng. Ví dụ có lúc chồng hay vợ muốn ra ngoài đi chơi một mình với bạn bè thì vợ hay chồng phải biết tôn trọng ý kiến này chứ không phải khi ra đường là phải luôn có vợ có chồng.

-       Không nên nghi kỵ nhau mà phải thưa hỏi nhau để cùng làm sáng tỏ mọi việc, tránh để lại trong tâm mọi nghi hoặc, mà làm khổ mình và làm khổ người.

-       Có những lúc chồng hay vợ cần sống cho bản thân thì chồng hay vợ phải hiểu điều đó, do đó nếu có khả năng thì trong nhà mỗi người nên có một phòng riêng.

-       Đạo làm vợ từ xưa tới nay người vợ bao giờ cũng thức dậy sớm trong gia đình cho nên người vợ nên giữ gìn hạnh này.

-       Nếu vợ hay chồng giữ tiền thì phải biết có trách nhiệm giữ gìn cẩn thận để tránh trộm cướp, hoặc tránh mọi ý nghĩ tham lam tài sản khi mình đứng tên hoặc đang cất giữ tiền.

-       Dù cho có chuyện gì bực bội, ấm ức thì cũng nên nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, dịu dàng với nhau để tránh cãi cọ, xô xát, lớn tiếng làm ảnh hưởng đến con cái và gia đình, hàng xóm.

-       Tôn trọng tín ngưỡng của nhau.

-       Mọi ý nghĩa hành động hay lời nói của vợ chồng đều dựa trên đạo đức bình đẳng, tùy thuận và tôn trọng nhau, để tránh sự áp đạt, ép buộc, ức chế, chịu đựng trong gia đình nhằm đem lại hạnh phúc cho nhau. Bằng không thì với cái tính ngã mạn cao của con người mà vợ hay chồng khinh chê người kia cái này cái nọ làm cho sứt mẻ tình cảm, mới sống với nhau một tháng mà đã muốn ly dị, hoặc có con rồi mà vẫn muốn ly dị chạy theo những cái thích của riêng mình, không còn có bổn phận với việc mình làm nữa.

ĐẠO ĐỨC HỌC TRÒ

Dù là người học trò ở bất cứ nơi nào ở trường, ở nhà hay ở ngoài xã hội đạo đức học trò luôn luôn tồn tại để giúp cho người học trò sống đúng đạo đức của một con người. Đạo đức học trò rất quan trọng vì nó góp phần xây dựng những nền tảng đạo đức của xã hội. Có ý thức dạy giỗ đạo đức cho học trò từ khi bắt đầu đi học thì xã hội đó sẽ có một cuộc sống bình yên, người và người sống có đạo đức với nhau, thì con số tội phạm trong xã hội sẽ giảm. Vậy ta hãy xem xét các khía cạnh trên qua từng đạo đức của người học trò.

1- TÔN TRỌNG TRƯỜNG HỌC

-       Đó là tôn trọng mọi nội qui trong trường học và trong lớp.

-       Phải biết giữ gìn tài sản bàn ghế và mọi vật trong khuôn viên trường, không chạy nhảy trên bàn ghế, hoặc ném bàn ghế ra cửa sổ xuống lầu.

-       Có ý thức giữ gìn vệ sinh làm sạch sẽ trường và lớp. Vứt rác vào thùng rác, khạc nhổ vào những nơi qui định trong nhà vệ sinh, quét sạch sân trường hay lớp, lau chùi bảng sạch, không tự ý đốt rác, xã rác bừa bãi, v.v..

-       Tham gia vào các đoàn thể tu sửa trường như sơn, quét vôi, lót gạch, trồng cây.

2- TÔN TRỌNG THẦY CÔ

-       Mỗi thầy cô giáo sẽ có những qui định riêng thêm, cho nên học trò phải biết tôn trọng và lắng nghe lời dạy của các thầy cô.

-       Làm tốt các bài học trong lớp và về nhà.

-       Lau bảng sạch trước khi thầy cô đến lớp.

-       Chào thầy cô khi gặp bất cứ nơi nào.

-       Lắng nghe lời thầy cô dạy, không nói chuyện trong lúc thầy cô đang giảng bài.

-       Không tự ý ra ngoài lớp khi chưa có sự đồng ý của thầy hay cô.

-       Không tự ý đổi chổ ngồi.

-       Cùng giúp thầy cô hoàn thành tốt những gì nhà trường giao.

3- TÔN TRỌNG BẠN BÈ

-       Không đánh, ăn hiếp nhau trong lớp học cũng như ngoài trường.

-       Không ghen tỵ bất cứ điều gì đối với bạn mình. Ví dụ như thành tích học tập, hình dáng bên ngoài, cách ăn mặc, nhiều bạn hơn, v.v..

-       Không tham lam ăn cắp đồ đạc của nhau.

-       Không lừa dối nhau, nói xấu nhau, chê bai nhau, chỉ trích nhau, nạt nộ, quát mắng, chửi thề, v.v..

-       Không nghi ngờ nhau.

-       Không khinh thường nhau mà phải giúp đỡ nhau. Khi mình học giỏi thì phải biết chỉ dạy cho các bạn kém hơn, chứ đừng vì thế mà khinh chê bạn mình.

-       Biết giúp đỡ giải thích những thắc mắc, những điều khó hiểu.

-       Biết dùng lời nói ôn hoà, nhã nhặn dịu dàng với nhau để làm cho tình bạn thêm gắn bó hơn và đừng dùng những lời nói chia rẽ nhau.

-       Nên biết cách xưng hô tên với nhau, chứ đừng gọi nhau là tao với mày thì không giống học trò mà giống các người ngoài đường.

-       Tùy thuận vào nhau trong mọi ý kiến việc làm và lời nói khi làm việc hay sinh hoạt chung.

THẦY CÔ GIÁO ĐỐI XỬ VỚI HỌC TRÒ

-       Không dùng bất cứ vật gì hay hình thức gì xử phạt và đánh học trò.

-       Không được chửi mắng học trò là đồ hư, mất nết, con hoang, v.v..

-       Không được đến lớp trễ và ra về sớm.

-       Không nên có tình ý với bất cứ học trò nào.

-       Phải biết xin lỗi học trò khi làm điều gì sai như đến lớp trễ, không trả bài đúng hẹn, v.v..

-       Dù cho học trò phạm lỗi gì cũng không được giận dữ quát mắng học trò, mà ngược lại nên dùng lời nói ái ngữ hỏi thăm tại sao học trò không chịu làm bài hay học bài.

-       Biết khen thưởng đúng để động viên, sách tấn các em học tiến bộ hơn.

ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI HỌC TRÒ NÓI RIÊNG VÀ CỦA CON NGƯỜI NÓI CHUNG NGOÀI XÃ HỘI

-       Cũng là một con người sống trong xã hội thì học trò cần phải biết nghĩa vụ của một công dân. Dù cho làm việc gì thì phải thông hiểu luật về vấn đề hay lãnh vực đó. Ví dụ khi đi bộ qua đường hay lái xe thì phải biết rõ luật giao thông. Khi chơi tại các khu vui chơi thì phải biết những qui định của các khu đó như cấm dẫm đạp lên cỏ, nên bỏ rác vào thùng rác, không xả rác bừa bãi. Ngoài phố thì cấm tiểu tiện bừa bãi, v.v..

-       Tại các nơi công cộng phải biết kính lão đắc thọ, tôn trọng người lớn tuổi, nhường cho phụ nữ có thai và em nhỏ. Khi lên xuống xe buýt thì nhường hay đưa tay giúp đỡ người lớn tuổi và trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật.

-       Trong bất cứ nơi nào cần sắp hàng theo thứ tự đến trước sau thì ta phải từ tốn xếp hàng không chen vô đứng trước người khác, không xô lấn. Ví dụ khi đi mua hàng tại siêu thị đến khi tính tiền, dù mình mua 1 vật, mình cũng phải xếp hàng theo thứ tự.

-       Tránh ngồi ăn uống ngoài phố gây chiếm mất lòng lề đường dành cho người đi bộ, vì khi vậy người đi bộ phải đi ra ngoài đường dành cho xe chạy rất nguy hiểm đến tính mạng của họ.

-       Tránh xả rác ngoài đường phố, nên bỏ rác vào túi rồi khi gặp thùng rác thì bỏ hoặc không có thì đem về nhà bỏ thùng rác nhà mình.

-       Khi lái xe gặp bất cứ trường hợp nào mình sai hay người khác sai thì không nên cãi vã giữa đường, nói xin lỗi nhau ngay đễ tránh những phiền phức, nếu có tai nạn nặng thì gọi điện thoại cho cảnh sát giao thông đến xử lý.

-       Khi gặp ai xin băng qua đường thì nhường họ trước, vì thà mất 5 giây nhường đường còn hơn mất 10 phút nếu chiếc xe đó cắn ngang đường đi. Trước khi đi ta hãy nhắc tâm “Đi chậm cũng tới, đi nhanh cũng tới, ta hãy nhường đường cho tất cả mọi người”.

-       Không được chửi mắng khi thấy ai sai hay vi phạm luật giao thông. Mà nên thương họ vì biết đâu họ bị trễ việc làm nên họ bất cẩn, vội vã, hãy thông hiểu cho họ vì cũng có lúc ta cũng như vậy.

-       Khi thấy đinh ốc giữa đường, nếu đường vắng có thể ngừng xe xuống lượm được thì ta nên ngừng, tránh gây tai nạn cho các xe khác.

-       Hãy biết thương yêu, chia sẻ, giúp đỡnhững người làm việc nặng nhọc.

-       Nếu có ai cần đi nhờ thì ta hãy cho họ quá giang một đoạn cùng đường đi.

-       Tránh chơi các trò chơi đá banh, đá cầu, đánh cầu dọc đường phố.

-       Không tham gia vào các nhóm ăn cắp trái cây vườn ăn trái nhà người khác.

-       Tránh đi săn bắn các loài thú như dùng ná bắn chim, đặt bẫy chim, sóc, chuột, câu cá, mò ốc, bắt rắn, bắt các loại côn trùng như giun, dế, v.v.. Ta hãy trau dồi lòng thương của mình đến muôn vật, vì loài vật nào cũng có sự sống, cớ sao ta lại tạo niềm vui cho mình bằng sự khổ đau của loài vật khác, đó là đạo đức hiếu sinh.

-       Không tham lam đồ đạc đánh rơi của người khác, hãy để lai chổ cũ hay đem đồ đó đến giao lại cho phường xã nơi mình ở.

Tóm lại, người học trò có đạo đức thì phải luôn quán xét mọi hành động, lời nói hay suy nghĩ của mình xem có làm khổ mình, khổ người hay khổ chúng sanh hay không? Hay là mình có làm vui mình, vui người hay vui các loài chúng sanh hay không? Có như vậy hàng ngày nhắc tâm những điều trên thì dần dần sẽ tập thành một thói quen tốt xứng đáng là người học trò có đạo đức.

ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI NƠI LÀM VIỆC

Là phải biết tuân theo, chấp hành theo những quy định của nơi là việc, phải biết hoàn thành trách nhiệm của xếp giao, biết cách đối xử với đồng nghiệp.

1- ĐỐI VỚI NƠI LÀM VIỆC

-       Phải biết tìm hiểu những qui định của nơi làm việc công ty, phân xưởng, nhà máy sản xuất, phòng làm việc, kho, bãi, cảng, bến tàu, v.v.. Có như vậy thì ta sẽ tránh phạm phải những sai lầm dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng trong lao động.

-       Phải biết vệ sinh xung quanh nơi làm việc, trên bàn ngăn nắp mọi giấy tờ.

-       Không gian tham lấy cắp bất cứ vật gì của công ty hoặc nơi làm việc kể cả cây kẹp giấy hoặc tờ giấy.

-       Không được ăn cắp giờ làm việc đến muộn về sớm. Không tụm 3 tụm 5 lại ngồi nói chuyện trong giờ làm việc.

-       Không được ăn cắp sức lao động của người khác, cướp công, ăn cắp ý kiến hay làm ý kiến của mình.

-       Phải có ý thức chung bảo vệ tài sản của công ty, không được nghĩ rằng đồ chung thì dùng xong vứt lung tung, không dẹp gọn lại chổ cũ. Ra vào phải khoá cửa và giao chìa khóa lại cho bảo vệ khi cần thiết.

-       Trong khi làm việc không nên làm việc riêng như không được dùng điện thoại, máy copy, máy fax, máy tính tại nơi làm việc cho mục đích cá nhân.

-       Không nên tự ý đi ra ngoài mà không nói lại cho cấp trên biết mình đi đâu.

2- ĐỐI VỚI CẤP TRÊN

-       Tìm hiểu rõ và cụ thể những gì cần phải làm để hoàn thành tốt công việc được giao, không hấp tấp, không tìm hiểu mọi việc trước khi làm là một điều cấm kỵ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng và mất thời gian quý báu của mình của người khác và của nơi làm việc.

-       Không nên nhận nhiều việc quá sức và khả năng của mình, roi mang cả về nhà làm luôn, không có thời gian chăm sóc cho người trong gia đình.

-       Luôn luôn báo cáo mọi việc được giao cho cấp trên biết để họ theo dõi được tiến triển công việc, không phải lo lắng nhiều và đóng góp ý kiến kịp thời nhằm giúp chúng ta vượt qua những trở ngại mà ta chưa biết.

-       Không nên phân bì việc của mình và việc của cấp trên như mình thì làm nhiều còn cấp trên thì ngồi không xơi nước. Ta phải biết từ từ làm từng việc cho tốt, không chạy theo số lượng mà chất lượng không có.

3- ĐỐI VỚI ĐỒNG NGHIỆP

-       Học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp.

-       Biết lắng tai nghe những lời góp ý vì ai cũng muốn mình làm tốt cho nên họ mới cho lời khuyên.

-       Tôn trọng những việc làm, ý kiến, lời nói của đồng sự.

-       Khi cần giúp đỡ hãy giúp đỡ tận tình xem đó là việc của mình.

-       Không vì chức quyền danh vọng, tiền bạc mà chà đạp, nói xấu nhau trong nơi làm việc hay trước mặt cấp trên hay người khác.

-       Mọi vấn đề xảy ra giữa nhân viên với nhau thì nên dùng lời nói ái ngữ giải quyết, nếu không được thì thoả thuận cùng nhau hỏi ý kiến của người thứ ba và người tốt nhất là cấp trên của mình.

Người có đạo đức trong nơi làm việc là những người không gian tham tài sản không thuộc mình, tránh nói xấu, chê bai, chỉ trích bất kỳ ai, tránh than vãn về bất cứ việc gì, không mưu mô tính toán tranh dành danh lợi. Biết vừa đủ trong công việc, sức khỏe, tiền bạc để không làm khổ mình. Biết tôn trọng nơi làm việc và tôn trọng tất cả mọi người.

Người không có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ không tồn tại lâu tại nơi làm việc, trước sau gì thì cũng bị đuổi việc hay là tự mình xin nghỉ. Đồng nghiệp chê trách, cấp trên thì kỷ luật. Lúc đó còn mặt mũi nào mà ở lại công ty cơ chứ.

Mỗi người nhân viên phải tự rèn luyện những đạo đức đối xử với chính mình và đối xử với người cho được trọn vẹn thì trong công việc sẽ làm tốt mọi việc, trên dưới được thuận hoà.

ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI VỚI LOÀI THẢO MỘC

Với sự tư duy rằng môi trường sống đầu tiên có cây cỏ trước, sau đó từng thế hệ kế tiếp nhau được hình thành qua đủ dạng của các loài cây, rồi đến các loài vật, và cuối cùng khi có đủ mọi duyên thì con người xuất hiện. Con thấy rằng các loài thảo mộc là anh chị của chúng ta. Hiện nay con người đều phải sống dựa vào các loài rau, trái cây, khí oxy và các chất khoáng thiên nhiên. Nếu không có các anh chị đi trước thì làm sao có con người hiện nay được.

Với suy tư như vậy con biết quý trọng sự có mặt của thảo mộc trên hành tinh này. Vì vậy để sống đúng là con người có đạo đức với thảo mộc thì chúng ta phải biết bảo vệ chúng bằng cách:

-       Không chặt phá bừa bãi.

-       Tránh để xảy ra các nạn cháy rừng.

-       Tránh giẫm đạp trên cây cỏ.

-       Không nhổ lá cây, ta cứ nghĩ rằng lá cây cũng giống như lông tay của ta, khi nhổ lông tay thì ta biết đau, vậy thì khi nhổ lá cây thì cây cũng biết đau vậy, nhưng vì cây không nói được cho nên ta không hiểu cảm giác đau đó của cây.

-       Nếu biết có cây nào khô héo thì ta nên tưới cho chúng miếng nước, hoặc bón phân cho chúng.

-       Đừng vì cái thích của mình mà khi nhổ cây này, trồng cây khác. Chỉ vì cây này không có hoa hay cho ra hoa nhỏ, xấu, mà ta không có một chút tình thương nào nhổ cây đó lên, bỏ thùng rác và trồng cây mới vào.

-       Như Thầy dạy hành động của người tu sĩ trong tu viện khi cần phải nhổ cỏ làm đường đi thì dùng cây nạy cỏ lên chứ đừng nhổ lên mà làm cho cỏ bị đứt rễ đau lắm, và khi nhổ chổ này thì nên đem đến chổ khác trồng lại. Thật đúng là một tình thương cao cả. Cám ơn Thầy đã dạy cho con những bài học đáng quí này.

Hành động đạo đức với các loài cây là những hành động không làm cho cỏ cây đau khổ như đối với con người biết nâng niu, chăm sóc, bảo vệ khỏi các bệnh hoạn và tai nạn. Con luôn nhớ những bài học này và cảm thấy rất hạnh phúc khi làm được những điều kỳ diệu này. Con nghĩ đạo đức này cũng là một phần nhỏ thuộc đạo đức hiếu sinh mà con người không nên bỏ qua, nhằm làm tăng trưởng thiện pháp trong tâm mình, không còn bị một chướng ngại nào và biết rằng mình không bao giờ có ý hại ai vì kể cả các loài cỏ cây mà con không có ý hại thì làm sao con dám hại ai bao giờ.

ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG SỐNG

Môi trường đây được hiểu là nước, đất, không khí. Hiện nay con người chúng ta đang sống trong môi trường ô nhiễm nước uống và không khí. Nguyên nhân do là con người vì chạy theo vật chất nhiều quá mà các nhà máy sản xuất xuất hiện hàng loạt khắp nơi trên thế giới, các nhà máy này là nguồn gốc thải các chất độc vào đất, vào sông, vào không khí, làm cho nhiệt độ của hành tinh của trái đất thay đổi, dẫn đến bao nhiêu thứ khác ảnh hưởng theo sau.

1- Do đó, mỗi đất nước cần phải xem xét lại và đưa ra những tiêu chuẩn cho phép đối với các chất thải, hoặc phải xử lý các chất đó và tái sử dụng cho mục đích khác.

-       Mỗi đất nước trên hành tinh này phải ý thức thấy được tác hại của các chất độc làm ô nhiễm môi trường và thẳng tay áp dụng các hệ tiêu chuẩn môi trường vào việc kiểm soát các nhà máy, các nơi sản xuất, các trại chăn nuôi, các lò đốt, v.v..

-       Trồng nhiều cây xanh hơn trong thành phố.

-       Có công viên cây xanh trong thành phố để giúp cho môi trường bớt ô nhiễm.

-       Nghiên cứu và áp dụng các chất nhiên liệu mới không thải độc tố cho tất cả các loại xe hay các phương tiện khác. Ví dụ như hiện nay khoa học đang nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm xe chạy bằng khí hydro và ethnol được chiết xuất ra từ cỏ.

-       Lọc và xử lý các chất thải ra tại các cửa cống của thành phố trước khi đổ vào kênh, sông, hồ hay biển.

-       Phải có nhà máy đủ công suất xử lý rác bẩn và nơi chưa rác tránh xa khu dân ở.

-       Phải tổ chức có xe hút bụi trong thành phố.

2- Người dân phải ý thức vào việc bảo vệ môi trường như:

-       Các cơ sở sản xuất nhỏ phải áp dụng kỷ thuật mới xử lý chất thải trong sản xuất, đừng vì đồng tiền mà làm mất đạo đức đối với môi trường.

-       Tránh bỏ rác vào kênh, sông, hồ làm ứ đọng gây ô nhiễm nguồn nước.

-       Có ý thức và cẩn thận khi dùng những vật dễ cháy để tránh cháy nhà, cháy rừng, v.v..

-       Khắp nơi mỗi nhà nên trang bị bình chữa cháy.

Biết tôn trọng môi trường là biết tôn trọng mình và tôn trọng sự sống của mọi loài trên hành tinh này. Rất mừng là trên thế giới tại các nước tiên tiến có nhiều trung tâm nghiên cứu tìm ra phương pháp và các hóa chất mới để xử lý môi trường.

Nhưng điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải có ý thức đạo đức môi trường, thì hành tinh này sẽ tồn tại mãi mãi.

KẾT LUẬN

Để sống có đạo đức thì con người chúng ta phải trang bị những đạo đức này cho chúng ta từ nhà trường. Biết cách áp dụng chúng vào thực tế để đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho các loài động vật, cho các loài thảo mộc và cho môi trường mà chúng ta đang sống.

Khi nghiên cứu qua các đạo đức này chúng ta thấy chúng ta đang sống trong một khối thống nhất, không thể tách rời ra được. Mỗi người, mỗi vật đều tương tác và ảnh hưởng tới nhau. Vậy chúng ta hãy vì lợi ích chung của sự sống hạnh phúc trên hành tinh này. Học tập rõ đạo đức nhân bản - nhân quả và biết cách áp dụng chúng vào thực tế, mang lại hiệu quả ngay để có ích cho mình, cho người và cho muôn loài có sự sống trên hành tinh này.

Đây là những nền đạo đức thực tế không mơ hồ mà ai cũng có thể học được.

Cái nhìn, cái hiểu của con qua những lời dạy của Phật và của Thầy về đạo đức chỉ thu ngắn được bấy nhiêu, con hy vọng sẽ còn được học hỏi nhiều hơn từ các bạn đồng tu khác để rút ra những bài học quí báu giúp cho con trở nên con người toàn vẹn hơn biết áp dụng đạo đức nhân bản nhân quả vào cuộc sống hằng ngày, xả tâm ly dục ly ác pháp đem lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho muôn loài khác trên hành tinh này.

Nhờ có làm bài viết này mà con nhìn kỹ lại thân tâm con, tự kiểm điểm lại mình còn thiếu sót điều gì chưa làm, và cần làm. Thật là ích lợi khi viết những bài này.

GIỚI LUẬT

 


Ai sống trong giới luật

An trú không phóng dật

Đoạn tận cùng sống chết

Sẽ chấm dứt khổ đau

--o0o--

Giới như người mắt sáng

Tránh khỏi lối hiểm nghèo

Bậc có trí trong đời

Dùng giới xa ác pháp

                           (Lời Phật Dạy)

----&----

 

HẾT TẬP VIII

 

MỤC LỤC TẬP VIII

MỤC LỤC


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12. Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13. Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14. Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15. Định niệm hơi thở.

16. Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17. Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18. Nghi thức thọ trai.

19. Những lời tâm huyết...

20. Mười hai cửa vào đạo (2009).

21. Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22. Lòng yêu thương (2009).

23. Linh hồn không có (2010 quý I).

24. Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26. Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27. Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28. Linh hồn không có – tái bản lần I(2010 quý IV).

29. Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30. Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31. Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32. Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VIII”

 

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP VIII

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

      Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Sốxuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2011

Đường Về Xứ Phật (tập 9)

Đường Về Xứ Phật (tập 9)

BẬC A LA HÁN

Bậc A La Hán ra đời như cánh chim trời, tung bay khắp mọi nơi khiến cho vũ trụ rung chuyển, những tư tưởng mê tín, dị đoan, lạc hậu của loài người bị đảo lộn, không còn đứng vững, rơi rụng như những chiếc lá vàng mùa thu.

LỜI NÓI ĐẦU

Hơn một năm, tám tập Đường Về Xứ Phật được ra mắt quý vị, đến nay tập 9 ra đời để góp thêm những phần còn thiếu sót của bước đường tiến tu về xứ Phật. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đã được giảng dạy trên hai phần ba, làm sáng tỏ đường lối tu tập của đạo Phật rất cụ thể và rõ ràng, không còn có chỗ nào khiến cho quý vị khó hiểu.

Chúng tôi giảng tới đâu thì pháp hành kèm theo tới đó, nếu ai chịu khó tu tập và lập hạnh sống đúng giới luật của Phật, thì chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ tìm thấy sự giải thoát ngay liền. Sự giải thoát ngay liền đó là một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Cònnếu quý vị không phải là những người đi tìm sự giải thoát nơi tâm hồn của quý vị, thì khi đã đọc sách của chúng tôi, (chúng tôi tin chắc rằng) quý vị cũng tự hổ thẹn với mình vì đã đọc và hiểu những lời dạy đạo đức của Phật mà không sửa mình lại còn làm người vô đạo đức với mình, với người, tức là làm khổ mình khổ người, và như vậy quý vị sẽ cảm thấy mình chẳng khác nào như loài cầm thú, nếu quý vị cứ tiếp tục mãi làm khổ mình khổ người như vậy thì quý vị còn tệ hơn loài cầm thú nữa, đó chỉ là những loài ác quỷ (hiểu biết mà còn làm khổ mình khổ người là loài quỷ dữ, chứ không phải là loài người nữa). Phải không quý vị?

Tập 9 này chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời tất cả những câu hỏi của quý vị, từ lâu quý vị còn đang ôm ấp trong lòng chưa giải nghi được.

Chúng tôi cố gắng trả lời và làm sáng tỏ lại đạo Phật, nhất là đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo để mọi người có đủ duyên may gặp được chánh pháp dạy về đạo đức nhân bản - nhân quả làm người của đạo Phật. Nhờ đó quý vị thực hiện một đời sống đạo đức cao thượng, một đạo đức đẹp đẽ tuyệt vời. Người sống đúng với đạo đức ấy, thật xứng đáng làm người giữa loài người.

Tập 9, chúng tôi giảng về Thất Giác Chi để mọi người biết cách thực hành sống đúng bảy pháp môn giải thoát của đạo Phật. Mỗi pháp môn thực hành đều có sự giải thoát ngay liền, nên nó được mang tên là Giác Chi chứ không phải đợi tu hết bảy pháp Giác Chi mới có sự giải thoát, nhưng mỗi Giác Chi được tu tập là có sự giải thoát thân tâm của quý vị ngay liền tại Giác Chi đó.

Trong Bảy Giác Chi nó gồm đủ “giới, định, tuệ”, nếu một vị tu sĩ mà không giữ gìn giới luật nghiêm túc thì không thể nào tu tập Bảy Giác Chi được, cũng như không sống đời sống phạm hạnh, không phòng hộ sáu căn, không thiểu dục tri túc, không ba y một bát, không đi xin từng miếng, từng nhà, không xả bỏ của cải tài sản vật chất, không đoạn lìa những tình cảm người thân quyến thuộc, không lấy gốc cây làm giường nằm mà sống trong chùa to Phật lớn, vì chùa to Phật lớn, giường cao rộng, mền nệm êm ấm, sống trong nhung lụa sang giàu thì không thể nào tu theo Bảy Giác Chi được, vì ngay cuộc sống đó là không “Giác Chi[1]” thì còn tu tập cái gì là Giác Chi được nữa.

Tập 9 này chúng tôi cố gắng vạch rõ sự hiểu lầm của quý vị, từ lâu quý vị đã cho rằng một bậc Thánh phải có những điều kiện như sau:

1/ Một vị Thánh A La Hán phải có thần thông biến hóa, tàng hình, phóng hào quang, ngồi xếp bằng bay trên hư không như chim v.v..

2/ Một vị Thánh A La Hán phải biết chuyện quá khứ vị lai của mình, của người khác.

3/ Một vị Thánh A La Hán phải thông suốt tam tạng kinh điển và còn phải thông hiểu cả vũ trụ, cái gì cũng phải hiểu biết hết.

4/ Một vị Thánh A La Hán luôn luôn chịu khổ thay cho mọi người, thậm chí còn phải hy sinh tánh mạng để cho người khác sống.

5/ Một vị Thánh A La Hán chết phải biết ngày biết giờ, sanh ra phải nhớ nhiều đời nhiều kiếp của mình.

6/ Một vị Thánh A La Hán chết phải để lại nhiều xá lợi, hoặc để lại bộ xương khô (nhục thân).

Đó là những tư tưởng hiểu lầm lạc về một bậc Thánh A La Hán của đạo Phật. Một bậc Thánh của đạo Phật là những người sống đúng phạm hạnh có nghĩa là một đời sống được gọi là Thánh Tăng thì phải ly dục ly ác pháp, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó chính là bậc Thánh Tăng của đạo Phật.

Bậc Thánh Tăng là những người sống không phạm giới, bẻ vụn giới, thấy những lỗi nhỏ nhặt rất sợ hãi, luôn luôn sống đời sống giới luật nghiêm túc, còn sáu loại Thánh A La Hán ở trên mà quý vị tưởng tượng ra, đó là sáu loại Thánh “dỏm”, Thánh lừa đảo thiên hạ, tạo nhân ác cho mình, Thánh vô minh làm khổ mình, khổ người mà không thấy, chỉ thích chạy theo danh lợi hão của cuộc sống tạm bợ trong thế gian loài người.

Còn một vị Thánh Tăng của đạo Phật thì sống thật cho mình cho người, chẳng bao giờ làm khổ mình khổ người có nghĩa là chẳng bao giờ hờn giận tức tối ai hết dù ai có khó dễ, mắng chửi mình, mạt sát mình thậm tệ nhưng mình vẫn an nhiên tự tại vui vẻ và chẳng hề có một lời nặng nhẹ nói xấu ai hết, trước mặt và sau lưng đều đối xử như vậy. Một vị Thánh của đạo Phật luôn luôn sống có ích lợi cho mình, cho người, sống biết hòa mình với mọi người, không làm khổ mình, khổ người bằng những đức hạnh: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, ăn, ngủ không phi thời và sống độc cư một đời sống trầm lặng, nhưng tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát, an vui và trước mọi cảnh vui cũng như mọi cảnh buồn đều thanh thản, an nhiên không hề dao động tâm.

Suốt mười bảy, mười tám năm trời tu viện Chơn Như mở cửa đón những người có tâm huyết muốn thắp lại ngọn đèn chánh pháp của Phật giáo và làm gương sáng cho hàng tín đồ, nhưng đến nay tu viện vẫn hy vọng có những bậc ấy. Vì vậy, Tu viện cố gắng hết mình để đào tạo những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni ấy để chấn chỉnh Phật giáo lại,nhưng đến giờ này tuy chưa tìm thấy được một ai nhưng tu viện vẫn hy vọng và tin rằng sẽ có những người xứng đáng là đệ tử của đức Phật xuất hiện và nối tiếp mạng mạch của Phật giáo.

Đúng vậy, đến nay năm 2006 chúng tôi đã tìm thấy những bậc ấy xuất hiện qua lớp đào tạo những bậc chứng đạt chân lý. Khi nhuận lại tập 9 chúng tôi báo tin mừng này đến quý vị để quý vị biết rằng Phật giáo đâu phải là một pháp khó tu tập như từ lâu người ta đã tưởng: Phật pháp phải tu nhiều đời nhiều kiếp, trong khi đức Phật xác định sự tu tập của Phật giáo chỉ trong 7 ngày, 7 tháng, 7 năm.

Sự tu tập của đạo Phật chỉ có hai lộ trình “thiện và ác”, kinh sách Phật đã dạy rõ ràng và cụ thể như vậy, từ cách thức thực hành pháp đến cách thức thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Càng tu tập càng thấy sự giải thoát rõ ràng, càng tu tập đời sống càng an vui hạnh phúc đầy đủ. Thế tại sao người ta lại tu theo không nổi?

Tu theo đạo Phật thì chỉ phải chọn lấy con đường thiện mà đi, cớ sao các vị tu sĩ của đạo Phật lại đi trên con đường ác, trong khi chúng tôi đã giảng dạy cố hết sức mình, mong cho mọi người hiểu rõ sự lợi ích của con đường thiện và sự tai hại của con đường ác, thế mà có hàng trăm người về tu viện tu hành, họ tu như thế nào? Họ hành như thế nào? Có người đã từng sống bảy tám năm trời tại tu viện, thế mà họ vẫn đi theo con đường ác, con đường khổ đau cho mình, cho người, có sung sướng gì đâu mà họ lại bước theo con đường ấy!

Bởi lòng người còn tham dục quá rẫy đầy, còn ôm chặt các ác pháp trong tâm, vì thế mà giáo pháp phát triển lợi dụng lòng tham dục ấy nên phát triển những giáo pháp lừa đảo, mê tín, trừu tượng, ảo giác, phi đạo đức, nhưng mang đầy tính chất tham dục trong đó khiến người tu sĩ đúng sở thích tham dục một cách dễ dàng của họ mà không bị tín đồ chỉ trích.

Mọi người ai cũng biết giáo pháp phát triển không phải là giáo pháp của đạo Phật nhưng vì nó gợi đúng lòng tham dục của thiên hạ, nên mọi người chạy theo nó, tu tập theo nó. Kinh sách phát triển ai cũng biết là thần thánh hoá, mê tín phi đạo đức nhưng không ai bỏ được, nó cũng giống như mọi người đều biết thuốc lá và rượu là có hại cho cơ thể, nhưng thuốc lá và rượu kích thích đúng lòng tham dục của họ, vì thế họ có bị bệnh lao phổi hoặc nằm đường, ngủ bụi, ngủ bờ làm khổ vợ con dòng họ thì họ cũng không bỏ được. Người tu theo đạo Phật thời nay cũng vậy, họ đều rõ con đường ác là con đường khổ đau, con đường thiện là con đường hạnh phúc, thế mà họ vẫn bám theo mãi con đường ác và chẳng bao giờ muốn bỏ.

Đạo Phật dạy con người thoát khổ bằng đạo lộ thiện, nhưng bản chất con người không muốn thoát khổ nên không muốn đi trên lộ trình thiện, vì thế mà phải đành chịu khổ đau muôn đời muôn kiếp chẳng bao giờ dứt.

Suốt mười bảy, mười tám năm trời không lúc nào mà Thầy không nhắc nhở quý thầy và các con: “đây là con đường thiện và đây là con đường ác, con đường thiện đưa đến hạnh phúc an vui không làm khổ mình, khổ người và đây là con đường ác đưa đến sự khổ đau, sự phiền toái, sự bất toại nguyện, sự ưu bi sầu khổ thường làm khổ mình khổ người và khổ tất cả muôn loài chúng sanh”.

Con đường chánh pháp của đạo Phật là con đường thiện, con đường lợi ích thiết thực cho loài người là như vậy, nhưng mấy ai đã nghe và đã chấp nhận, còn con đường tà pháp, ác kiến, cúng tế, cầu an, cầu siêu, tụng kinh, niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền, lên đồng, nhập xác v.v.. toàn là những pháp mê tín, phi đạo đức thì được mọi người tin theo, làm theo, thực hành theo một cách dễ dàng, nhưng hoàn toàn chỉ là những sự hy vọng hão huyền chứ chẳng có ích lợi thiết thực cho cuộc sống con người chút nào cả. Còn pháp chân chánh đem lại sự lợi ích thiết thực cho họ thì dường như họ nghe rất thích nhưng sống và thực hành thì họ thực hành không vô. Bởi vậy, tà pháp và ác pháp thì dễ thực hành, dễ làm còn chánh pháp và thiện pháp tuy vậy rất khó thực hành và khó làm.

Ví dụ: Mình chửi người ta hoặc người ta chửi mình thì chuyện đó ai làm cũng được, nhưng chuyện khó làm là người ta chửi mình mà mình không chửi lại, mình không chửi lại màcòn vui vẻ không hờn tức giận thì chuyện đó còn khó làm hơn nữa. Vì thế giá trị của người tu theo Phật giáo là ở chỗ này.

Chuyện tụng kinh niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền, niệm Phật, lạy sám hối, tập luyện Yoga, khí công v.v.. thì rất dễ dàng ai ai cũng có thể làm được, nhưng ngồi mà quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp trong thân ngũ uẩn để đẩy lui các chướng ngại pháp ra khỏi bốn chỗ này, để đem lại cho thân tâm một sự giải thoát thật sự, một tâm hồn an vui, thanh thản, một thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, một trạng thái Niết Bàn vĩnh viễn cho những ai biết sống với pháp chân chánh Tứ Niệm Xứ này thì như lời đức Phật đã từng tuyên bố: “nội trong bảy ngày, còn chậm là bảy tháng, còn tệ hơn nữa là bảy năm sẽ chứng đạo hoàn toàn”.

Pháp chân chánh là tu tập như vậy, thế mà có người tu đã bảy năm qua bản chất như thế nào thì còn nguyên như thế nấy không có thay đổi chút nào cả, có nghĩa là trong tâm tham, sân, si, mạn, nghi và ác pháp vẫn còn nguyên không đổi thay chút nào, thậm chí chúng tôi quan sát xét thấy có phần tham, sân, si, mạn, nghi còn nhiều hơn vì chính tu sai do ức chế tâm dồn nén chịu đựng, đến khi chịu đựng không nổi bao nhiêu ác pháp đổ ra lai láng, vì thế mà nó còn nhiều hơn.

Trong thời đại khoa học ngày càng tiến tới triển khai một đời sống con người thực tế và cụ thể, những gì mơ hồ trừu tượng lừa đảo con người từ xưa đến nay của các tôn giáo sẽ được phơi bày trước ánh sáng của khoa học và kỹ nghệ hiện đại, lúc bấy giờ các tôn giáo sẽ không còn đất đứng trên hành tinh này nữa, nhất là giáo pháp phát triển 62 lập luận của Bà La Môn lại càng rõ nét của sự gian xảo lừa đảo v.v.., còn nếu Phật giáo Nguyên Thủy không làm sáng tỏ trong giai đoạn này thì cũng sẽ bị chung số phận như kinh sách phát triển.

Nếu Phật giáo Nguyên Thủy mất đi, là mất đi một nền đạo đức tuyệt vời của loài người và vì thế không còn có một nền đạo đức nào để cho tinh thần mọi người quân bình với vật chất của khoa học.

Hiện giờ phải mở ngay một lớp học và tu tập để đào tạo con người sống có đạo đức nhân bản - nhân quả. Nhất là trong giai đoạn này phải có người sống có đạo đức để làm gương sáng cho mọi người trong xã hội soi, là một điều cần thiết không thể thiếu được.

 Về Phật giáo có một số người lầm tưởng khi vào chùa đi tu là phải ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật sám hối nhiều, lúc chết để lại nhục thân hay xá lợi, được trực vãng Tây phương. Đó là một quan niệm đắc thiền, chứng đạo như vậy là sai lệch, là không đúng đường lối tu tập của Phật giáo. Nhiều khi họ còn hiểu sai lạc hơn nữa, cho rằng: Người đi tu theo Phật chứng đạo là phải có thần thông, là phải biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người; là phải biết biến hóa tàng hình làm mưa, làm gió; là phải biết đi trên hư không như chim bay, đi trên nước không chìm v.v..

 Những thần thông trên đây là những trò huyễn hóa lừa đảo người, chứ những thần thông đó làm lợi ích gì cho con người đâu, nó còn mê hoặc cho những tâm hồn non yếu tham đắm những chuyện mơ hồ, ảo giác, huyễn hóa, do sự tham đắm này mà bỏ cả đạo đức làm người, quên đi bổn phận, làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ và làm con cái trong gia đình v.v..

Nói về tôn giáo thì không tôn giáo nào là không muốn thực hiện thần thông, vì thần thông dễ lừa đảo lôi cuốn người theo tôn giáo mình, chỉ có một tôn giáo không chấp nhận thần thông, đó là Phật giáo. Phật giáo không dùng thần thông quyến rũ người, nhưng Phật giáo không cần và không tu tập thần thông mà lại có đầy đủ thần thông hơn các tôn giáo khác.

Nho giáo lấy đạo đức tam cang ngũ thường[2] dạy người, nhất là lấy lễ làm hạnh đối xử nhau trong cuộc sống, Nho giáo không dùng tưởng thức tập luyện thần thông hoặc tạo ra những điều mê tín, dị đoan để lường gạt, lừa đảo người làm tiền bất chánh, tuy chấp nhận thần thông, nhưng người theo Nho giáo không bao giờ có thần thông vì giáo pháp của Nho giáo chỉ dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không tu luyện tưởng lực.

Phật giáo là một tôn giáo tu tập rèn luyện đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, do đạo đức nhân bản này, nên đạo Phật không chấp nhận thế giới siêu hình và thần thông, vì có thế giới siêu hình và thần thông là sẽ sinh ra nhiều điều mê tín, dị đoan. Những điều mê tín, dị đoan là những điều lừa đảo, lường gạt người, đó là những điều phi đạo đức mà Phật giáo không chấp nhận.

Người nào tu theo đạo Phật mà hướng về thần thông và thế giới siêu hình là những người đi ngược lại Phật giáo, phản bội Phật giáo, làm ô uế Phật giáo, làm mất thanh danh Phật giáo, làm mất nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người thì người đó phải tự xấu hổ, phải tự cảm thấy mình đã làm một tội ác tày trời.

Hơn hai ngàn năm trăm năm bởi những tham vọng của con người, Phật giáo đã chia ra làm nhiều bộ phái, từ đó nền đạo đức của Phật giáo đã bị dìm mất. Con người trên hành tinh này càng ngày càng đông hơn và càng đông hơn thì nhu cầu của sự sống đòi hỏi phải gia tăng lên, vì thế con người phải trực diện khắc phục thiên nhiên để đem lại sự sống cho nhau, nhưng vì không có đạo đức nên con người phải giày xéo lên nhau vì tâm tham dục; vì miếng cơm manh áo, tranh giành mạnh thắng yếu thua, gian xảo thì no đủ, giàu sang, còn thật thà thì đói khổ, nghèo cùng.

May mắn thay trong cuộc sống của loài người còn có một đạo luật nhân quả tuy thưởng phạt vô hình nhưng rất công minh, chánh trực, ai làm ác thì phải lãnh đủ bản án thọ bao nhiêu tội khổ, ai làm thiện thì hưởng được phước báo, hạnh phúc, an vui.

Từ tập 1 đến tập 9 Đường Về Xứ Phật đã chỉ cho quý vị rõ nền đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật rất cần thiết và lợi ích rất lớn cho cuộc sống của loài người trên hành tinh này. Vì thế, tăng ni cũng như quý vị nam nữ cư sĩ phật tử hãy mạnh dạn dẹp bỏ bài trừ những thần thông bùa chú, thế giới siêu hình và những sự mê tín dị đoan mà kinh sách phát triển bày vẽ đủ mánh khóe gian xảo để lừa đảo con người.

Nếu quý vị cứ theo kinh sách phát triển mà thực hiện những điều thần thông bùa chú và những sự mê tín dị đoan thì làm sao nền đạo đức nhân bản của Phật giáo sống lại được, nếu nó không sống lại được thì loài người trên hành tinh này còn khổ biết bao!

Hôm này chúng ta không nên để lỡ mất một cơ hội dựng lại nền đạo đức này, mong sao mọi người đoàn kết với nhau để làm một việc làm lợi ích lớn, có đầy đủ ý nghĩa lịch sử đạo đức của loài người.

Kinh ghi
           Trưởng lão Thích Thông Lạc



[1]Giác Chi là Bồ Đề, là giải thoát

[2]-Tam cang tức là quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang.

 Ngũ thường tức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín

KINH VIÊN GIÁC

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi: Kính bạch Thầy! Sau khi đọc kinh Viên Giác thấy có một đoạn kinh nghi ngờ, con xin ghi chép ra đây để Thầy dạy cho chúng con hiểu “- Này thiện nam! Đây là 25 pháp tu của Bồ Tát. Vậy các Bồ Tát phải y theo đây mà tu hành.

Nếu các Bồ Tát hiện tại và chúng sanh đời sau, muốn y theo 25 pháp môn này mà tu hành, thì phải giữ giới thanh tịnh, tâm suy nghĩ vắng lặng và phải trải qua 21 ngày thành tâm sám hối, rồi viết 25 pháp môn này vào mỗi miếng giấy, niêm lại kỹ, để trên bàn thờ Phật và chí tâm cầu khẩn, rồi tùy tay hành giả rút một miếng giấy, khi mở ra xem thì hành giả sẽ biết trình độ của mình tu pháp Đốn hay Tiệm. Song nếu hành giả một niệm nghi ngờ, thì chẳng thành tựu”.

Kính thưa Thầy, con thấy trong kinh dạy làm như vậy chẳng khác nào như bói toán,làm một việc cầu may. Đây có phải kinh Viên Giác dạy làm một việc mê tín không thưa Thầy? Thấy kinh dạy như vậy tâm chúng con sinh ra nghi ngờ, mong Thầy giải nghi cho chúng con.

Đáp:Đến với câu hỏi này thì đã có một cư sĩ ở miền Bắc nhận ra kinh này là đã dạy điều mê tín, kinh mà dạy điều mê tín là tà kinh chứ không thể gọi là chân kinh.

 Kinh Viên Giác không phải kinh sách Phật thuyết, do các Tổ thuyết, nhưng các Tổ khôn khéo gán cho Phật thuyết để dễ lừa đảo tín đồ Phật giáo. Tín đồ Phật giáo cũng dễ tin tưởng tất cả kinh đều do Phật thuyết, vì kinh sách phát triển tập kinh nào cũng bắt đầu bằng câu: “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, kỳ thọ Cấp Cô độc viên dữ...”,chỉ nội câu này cũng đủ lừa đảo người khác rồi.

Kinh sách phát triển nào cũng có hai phần:

1.        Dụ dỗ

2.        Hăm dọa.

Đầu kinh thì dụ dỗ như kinh Pháp Hoa dạy:

“Dù cho tạo tội hơn núi cả

Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy dòng”

Cuối kinh thì hăm dọa: “Ai chê kinh Pháp Hoa và làm não loạn người nói pháp thì đầu sẽ bể làm bảy mảnh như quả A lê”.

Kinh sách phát triển lần lượt quý vị đọc kỹ lại sẽ thấy rõ sự dụ dỗ, hù dọa, trừu tượng, lừa đảo, lường gạt, mê tín, phi đạo đức v.v..

Kinh Viên Giác là một loại kinh sách của các Tổ đã mượn ý Chân Không của Ngài Long Thọ rồi dùng danh từ Viên Giác để che mắt tín đồ.

Những điều con hỏi là đúng sự thật, kinh này dạy bói khoa là một điều mê tín. Những kinh sách phát triển mê tín lừa đảo này không đáng cho người phật tử tin cậy. Từ lâu quý vị đã lầm lạc không hiểu, hôm nay đã hiểu thì quý vị từ bỏ, xa lìa nó như từ bỏ xa lìa một bệnh truyền nhiễm.

ĐỨC PHẬT TU TẬP PHÁP MÔN NÀO TRONG 49 NGÀY CHỨNG ĐẠO?

Câu hỏi của Diệu Quang

Hỏi:Kính thưa Thầy! Sáu năm khổ hạnh, đức Phật tu tập theo pháp môn của ngoại đạo thì không nói, chỉ nói đến 49 ngày tu tập mà đức Phật đã chứng đạo. Vậy đức Phật tu pháp môn gì? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Đức Phật cắt ái xuất gia tu hành trong thời kỳ Bà La Môn Giáo chia làm sáu bộ phái, lấy kinh Vệ Đà làm tiêu chuẩn pháp môn tu tập, nhưng theo tưởng giải riêng biệt của sáu vị Đại sư mà người đương thời gọi là Lục sư, nhưng sáu bộ phái này được xem là một giai cấp Bà La Môn lãnh đạo tinh thần quần chúng lúc bấy giờ.

Sáu năm tu khổ hạnh, đức Phật đã thực hành tất cả những pháp môn khổ hạnh của sáu phái này, nhưng kết quả chẳng tìm thấy sự giải thoát, thậm chí như đức Phật đã nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định mà vẫn không tìm thấy sự giải thoát, nên đức Phật ném bỏ các pháp môn này như ném bó những chiếc giày rách, thế mà đời sau này các Tổ dám cả gan đem bốn loại thiền tưởng vô sắc này ghép vào pháp môn của Phật để lừa đảo tín đồ, sau này có dịp chúng tôi sẽ nói rõ về bốn loại thiền vô sắc này để quý vị thấy rõ dã tâm của các vị sư Bà La Môn lồng giáo pháp của mình vào giáo pháp của đức Phật để đánh lừa phật tử. Vì thế, sau này đức Phật gọi các pháp môn của sáu vị Sư này là ngoại đạo, nên trong kinh Nguyên Thủy thường có danh từ: “Lục sư ngoại đạo”, là để chỉ cho pháp tu hành không giải thoát.

Vậy đức Phật đã tu pháp môn nào chứng đạo? Trong khi các pháp môn của ngoại đạo đức Phật đã thực hành không có một pháp môn nào mà Ngài không tu tập.

Như vậy, được xem đức Phật đã không còn pháp môn tu tập. Vậy chúng ta trở lại bài kinh Đại Saccaka trong kinh Trung Bộ tập 1. Sau khi đức Phật khổ hạnh tận cùng bằng sự ức chế thân để thoát khổ, nhưng cuối cùng vì tiết thực ăn quá ít cơ thể kiệt quệ đến nỗi không đứng dậy được, lúc bấy giờ Ngài hồi tưởng lại lúc còn bé, khi theo vua cha đến làm lễ hạ điền: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, Trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích Ca) đang cày ruộng và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây (jambu) diêm phù đề (hồng táo), Ta ly dục ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ”. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?”. Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”. Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly pháp bất thiện?” Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly pháp bất thiện”.

Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại”. Rồi này Aggivessana, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại thì lúc bấy giờ, này Aggivessana, năm vị Tỳ kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa Môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết”. Này Aggivessana, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: “Sa Môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc”.

Và này Agivessana, sau khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Diệt tầm tứ chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ nội tĩnh nhất tâm. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Xả lạc xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc xả niệm thanh tịnh. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy. Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh, Ta nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và nhiều thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta cótên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấpnhư thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”. Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Agivessana, đó là Minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy, này Agivessana lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bìnhtĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh là ác hạnh về thân và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ ác thú đọa xứ địa ngục. Còn những chúng sanh làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú cõi Trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Này Agivessana, đó là Minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy này Agivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.

Với tâm định tĩnh thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng vững chắc, bìnhtĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự diệt khổ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”, nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Agivessana, đó là Minh thứ ba mà Ta chứng được trong đêm canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy, này Agivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Trên đây là một đoạn kinh xác định rõ ràng pháp môn mà đức Phật đã tu tập chứng đạo trong 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, thế mà thầy Tổ không dạy chúng ta tu học pháp môn này mà lại dạy chúng ta ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám, niệm chú, kiến tánh thành Phật v.v.. như vậy có trái với pháp môn của Phật chăng? Nếu đức Phật tu tập một pháp môn đã được chứng đạo mà lại dạy chúng ta tu những pháp khác không phải là pháp chứng đạo của Phật, chắc chắn nếu điều này khi đức Phật còn tại thế Ngài không dạy chúng ta như vậy. Vậy ai đã làm điều này xin quý vị suy ngẫm?

Bởi đức Phật đã rõ tâm danh lợi của người sau, nên trước khi vào Niết Bàn Ngàidi chúc: “Này các tỳ kheo, hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc”. Lời di chúc này còn đó, nhưng đệ tử của Người đã đi theo vết chân danh lợi của các Tổ mà chôn vùi giáo pháp chân chánh của Ngài dưới lớp tà giáo mê tín, phi đạo đức, trừu tượng, mơ hồ, lừa đảo, dụ dỗ, dối gạt, hù dọa tín đồ.

Bây giờ quý vị đã rõ 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề đức Phật đã tu tập Tứ Thánh Định. Trong suốt 49 ngày đêm đức Phật đã tinh cần năng nổ tu tập Sơ Thiền, nghĩa là 49 ngày đêm ấy Ngài giữ gìn tâm mình không cho phóng dật, nên Ngài thường nhắc đi nhắc lại câu nói này với chúng tỳ kheo: “Do Ta nhiệt tâm tinh cần sống không phóng dật mà chứng được như vậy”(kinh Trung Bộ), và lời di chúc saucùng của Ngài trước khi nhắm mắt lìa đời: “Này các Thầy tỳ kheo, chớ có phóng dật. Ta chính nhờ không phóng dật mà thành Chánh Giác, vô lượng điều lành đều nhờ không phóng dật mà có được.

Tất cả vạn vật đều vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.(kinh Trường A Hàm).

Cho nên trong 49 ngày đêm tinh cần tu tập tâm không phóng dật Ngài đã thành Chánh Giác. Tâm không phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm nhập Bất Động, từ bất động liền nhập Sơ Thiền.

Như vậy trong suốt 49 ngày đêm đức Phật chuyên cần, năng nổ, tu tậpđẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, nhờ có tu tập như vậy nên tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm có đủ năng lực nhập các loại định khác và dẫn tâm đến Tam Minh một cách dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Vì thế ngày thứ 49 và đêm đó Ngài đã hoàn tất Tam Minh chứng quả giải thoát hoàn toàn.

Bây giờ, quý vị đã rõ pháp môn nào đức Phật tu tập đã thành Chánh Giác, vậy quý vị hãy cố gắng tu tập không còn sợ sai lạc pháp, Ngài đã tu được thì chúng ta cũng tu được như Ngài, chứ đâu thua gì Ngài. Hãy cố gắng lên quý vị chớ có chểnh mảng, mất thân rồi khó kiếm được thân sau.

CÁC PHÁP ĐỀU KHÔNG

Câu hỏi của Cháu Dũng (ngày 20/4/2000)

Hỏi:Kính bạch Thầy! Trong sách Thầy thường hay nói là người muốn tu hành giải thoát thì phải thực hiện không làm khổ mình khổ người, cắt ái ly gia, ly dục ly ác pháp, hướng thiện tăng trưởng thiện, diệt ác ly ác pháp, xả tâm v.v.. còn sách của Thầy Thanh Từ, thì coi“Bát Nhã Tâm Kinh” là cứu cánh, tức là lấy cái nhìn mọi sự đều “không” để tu. Theo con hiểu thì hai pháp đều có thể hổ trợ cho nhau. Từ cái nhìn mọi sự đều không hướng ta tới không làm khổ mình khổ người, ly dục ly ác pháp cũng đâu có mâu thuẫn gì? Vậy con thấy trong sách của Thầy có nói là kinh sách phát triển hay thiền định Trung Hoa là xuyên tạc giáo lý của Phật, mong Thầy giải thích cho con hiểu.

Đáp:Kinh sách Nguyên Thủy của đức Phật và Kinh sách phát triển tưởng giải về lý thì giống nhau, nhưng Kinh sách phát triển không có pháp hành, không có lối sống đúng giới luật; thường sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới luật Phật và sống trong ô nhiễm dục lạc thế gian, nhưng khéo lý luận che đậy bằng cách thấy mọi pháp đều “Không”, đó là sự lừa đảo bằng ngôn ngữ để che mắt tín đồ Phật giáo. Thấy các pháp đều không sao quý thầy lại không sống không? Vì thế các thầy theo kinh sách phát triển sống ô nhiễm chạy theo dục lạc, nên có chùa to Phật lớn, vật chất đầy đủ, ăn uống phi thời, mặc y áo sang đẹp, đắt tiền giống như nhà giàu. Đi ra thì như vua chúa tiền hô, hậu ủng, Phật tử đông đảo kẻ trước người sau, thế mà nhìn mọi pháp đều “không”.Như vậy cháu có tin là không chăng? Nói “không”mà lại “có”và còn chạy theo cái có thì chúng ta có tin lời nói của họ không? Từ chỗ không có một chiếc xe đạp, khi làm trụ trì một thời gian thì cả xe hơi họ cũng có.

Còn Kinh sách Nguyên Thủy dạy các vị tu sĩ phải sống đúng phạm hạnh, không có chùa to Phật lớn, đời sống chỉ có ba y một bát, ăn ngày một bữa, mặc y áo thô xấu, mà còn phải luôn luôn cảnh giác phòng hộ sáu căn bằng Giới luật để giữ gìn đức hạnh của một bậc thánh Tăng. Đối với tu sĩ Nguyên Thủy, như vậy chưa được gọi là ly dụcly ác pháp mà còn phải thựchành ngày đêm liên tục: “Ngăn ác, diệt ác pháp” để khắc phục tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình bằng các pháp định như: Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Sáng Suốt, Định Vô Lậu v.v..

Có sống không ô nhiễm, có thực hiện các pháp định như vậy, thì mới có thể ly dục ly ác pháp, mới không làm khổ mình khổ người.

Nếu một người quyết tâm tu hành để cầu giải thoát mà cứ nhìn các pháp đến đều thấy nó là “không”,thì đó là một lối tu tập ức chế tâm, một lối tu tập chịu đựng, không phải là giải thoát. Nếu bảo rằng các pháp đều khôngthì chúng ta thử lấy cây đánh vào thân ta thì ta có cảm giác đau không? Nếu không đau là không, còn có đau là có, còn có đau mà nói không đau là nói không thật, hoặc nói đau mặc kệ nó, đó là người không trí sáng suốt, người không hiểu biết, người chai lỳ, v.v.. Bởi vậy Tổ Sư Tử thấy hiểu biết cái gì cũng không mà phải chịu chết oan mạng, cũng do “Không”của Bát Nhã Ba La Mật mà ra nông nỗi này (Ngũ uẩn giai không).

Kinh sách phát triển thường xuyên tạc giáo pháp của đạo Phật và gọi giáo pháp của Phật là Tiểu Thừa, Thanh Văn, ngoại đạo, cấm không chotín đồ Phật giáo tu tập, còn gọi những người tu theo giáo lý Nguyên Thủy của Phật là “tiêu nha bại chủng, chồi khô mộng lép”.

Tứ Diệu Đế là bốn chân lý của đạo Phật bất di bất dịch, không ai thay đổi được chân lý ấy, thế mà kinh sách phát triển dạy: “Vô khổ, tập, diệt, đạo”.Tu mà chỉ biết các pháp cả thiện lẫn ác đều “không”là trở thành cây, đá.

Đạo Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện”.Thiện là pháp không làm khổ mình khổ người, pháp không làm khổ mình khổ người là pháp giải thoát, là đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, còn nếu thấy các pháp thiện cũng là “không”thì trở thành cây, đá, tu mà thành cây, đá thì tu làm gì?

Bởi vậy, từ khi có sự hý luận của Ngài Long Thọ “Trung Quán Luận”là một tai hại rất lớn cho tín đồ Phật giáo từ thế hệ này đến thế hệ khác chỉ toàn là ăn thứ bánh vẽ cho nên không một vị tu sĩ nào đạt được giải thoát, đến khi chết không có vị nào mà không đau khổ cả, họ đều lăn lộntrăn trở trên giường bệnh một cách khổ đau không thua gì người thế tục.

THẾ GIỚI SIÊU HÌNH

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Trong một cuốn sách thấy biên soạn từ Chơn Như, xong không biết có phải Thầy viết hay các đệ tử của Thầy có nói rằng: “Có một đứa bé chăn trâu đột nhiên ngã lăn ra ruộng kêu nóng rẫy rụa đau đớn. Sau đó tỉnh lại trên quần áo có nhiều vết cháy và nó nói rằng bị rơi vào một tòa thành lửa, người viết cuốn sách có giải thích,đó là dư báo hỏa ngục từ kiếp trước. Sau đó nhiều cuốn sách của Thầy lại viết là không có địa ngục thiên đàng, thế giới siêu hình chỉ là tưởng thức. Vậy có gì mâu thuẫn giữa hai cuốn sách này?

Đáp:Cháu đã được đọc một cuốn sách của thầy Chân Quang viết“Luận Về Nhân Quả”. Trong cuốn sách này thầy Chân Quang nhờ Thầy đề tựa giới thiệu, chứ Thầy không có viết cuốn sách này. Cuốn sách này được Thầy góp ý với Thầy Chân Quang “Viết về Nhân Quả mà dùng tưởng thì sai”nhưng Thầy Chơn Quang nghe hay không nghe đó là quyền của Thầy, cho nên mới có câu chuyện hoang tưởng chú bé mục đồng cảm giác lửa cháy rồi người ta huyềnthoại thêm thắt, tạo thành cõi ĐịaNgục để lừa bịp mọi người như vậy, chứ kỳ thực không có cõi Địa Ngục, đó là một loại hoang tưởng của tưởng tri tạo ra, nhưng những người không hiểu biết thì tin theo, còn ngược lại đối với những người hiểu biết thì đó là câu chuyện đời xưa của trẻ con.

Thầy Chân Quang là một học giả, còn Thầy là một hành giả. Sau khi nhập Tứ Thiền xong Thầy hướng tâm đến Tam Minh, nhưng quan sát tìm thế giới siêu hình thì không thấy có cảnh giới nào cả, mà chỉ thấy toàn là cảnh giới tưởng do tưởng uẩn của con người tạo ra. Muốn vào cảnh giới siêu hình tưởng thì phải ra khỏi Bốn Thiền, nương theo hơi thở dừng ý thức, khi ý thức dừng thì tưởng thức hoạt động, lúc bấy giờ chúng ta đang ở trong thế giới siêu hình tưởng giống như người đang nằm chiêm bao. Cho nên giấc mộng cũng là một thế giới siêu hình trong tưởng tạo ra.

Hầu như các kinh sách của học giả đều viết theo tưởng pháp do tưởng uẩn tạo ra. Vì thế kinh sách nào của các Ngài biên soạn đều dựng lên thế giới siêu hình. Cho nên chúng ta không nên trách thầy Chân Quang

KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI NIẾT BÀN, TU RỒI VỀ ĐÂU?

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Người tu giải thoát trong kiếp này thì về đâu thưa Thầy? Vì Thầy nói là không có cả cảnh giới Niết bàn, vậy nơi đó gọi là gì?

Đáp:Thầy đã xác định không có cảnh giới Niết Bàn mà có trạng thái Niết Bàn, trạng thái Niết Bàn như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Diệu Đế, nó được gọi là “Diệt Đế”. “Diệt Đế”là một trạng thái lìa xa và đoạn dứt tâm ái dục và các ác pháp. Khi người tu hành xong thì lúc nào họ cũng ở trong trạng thái đó, như đức Phật thường dạy ở trong trạng thái đó là nhập vào Bất Động Tâm Định. Nhập vào Bất Động Tâm Định là nhập vào Niết Bàn. Niết Bàn là một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự của thân tâm, dù cho bất cứ các cảm thọ hay các ác pháp nào đến cũng không làm cho họ dao động tâm được.

Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật xác định Niết Bàn:“Này Bà La Môn, khi vị ấy cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân đoạn tận không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận không có dư tàn. Như vậy này Bà La Môn Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí giác hiểu”. (Tăng Chi tập 1 trang 285).

Như vậy Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm không còn tham, sân, si nữa phải không quý vị?

Cho nên Niết Bàn là một trạng thái của tâm mình, khi người tu chứng có về đâu? Ngay chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chỗ về. Chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là Niết Bàn, chứ đâu có cảnh giới Niết Bàn để về. Khi tu xong tâm không còn tham, sân, si nữa, thì chỗ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi chính là Niết Bàn, chứ không còn chỗ nào khác gọi là Niết Bàn như trên đã nói. Còn có chỗ nào khác gọi là Niết Bàn thì chỗ ấy là cõi tưởng, cõi không có thật.

Niết Bàn cũng như một bàn tay có mặt và trái, trái là tham, sân, si, mạn nghi; mặt là không tham, sân, si, mạn, nghi. Vậy trái và mặt của một bàn tay có phải là một bàn tay hay là hai bàn tay? Chỉ có một bàn tay mà thôi, nhưng mặt trái của bàn tay thì không giống mặt phải của bàn tay. Mặt trái là sự khổ đau, mặt phải là sự hết khổ đau. Do đó chúng ta suy ra Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm mình không còn tham, sân, si, mạn nghi nữa.

Niết Bàn là một danh từ để chỉ cho một trạng thái của tâm, chứ không phải Niết Bàn là một cảnh giới theo kiểu củacác nhà học giả dựa theo kinh sách phát triển giàu tưởng tượng bịa đặt ra để lừa đảo con người.

Vì thế người tu chứng đạo khi bỏ thân tứ đại này thì không có về cõi Niết Bàn mà họ đang ở trong Niết Bàn, vì ngay khi còn sống họ tu chứng thì luôn luôn sống trong trạng thái Niết Bàn của tâm họ, mà ở trên Thầy đã dạy: “Bất Động Tâm Định”.

Nếu chúng ta không gọi nó là Niết bàn mà gọi nó là “TÂM KHÔNG THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI”hay gọi cách khác nữa là “TÂM THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰhay gọi khác nữa là “DIỆT ĐẾ” như trong kinh TỨ DIỆU ĐẾ hay gọi là “ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CẢ HAI”thì có gì là khác đâu.

NGƯỜI TU HÀNH CHƯA GIẢI THOÁT HOÀN TOÀN CÓ BỊ VÔ MINH CHE MỜ VÀ CÒN TIẾP TỤC TÁI SANH KHÔNG?

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Người tu chưa giải thoát hoàn toàn, lỡ giữa đường tu chết đi, người ấy có bị tái sanh không? Họ có bị vô minh che lấpkhông? Họ có biết mình là ai ở kiếp trước tu những gì không?

Đáp:Người tu hành đúng chánh pháp của Phật là phải sống đúng giới luật, sống đúng giới luật tức là sống trong thiện pháp, sống trong thiện pháp thì tâm tham, sân, si của họ giảm bớt rất nhiều, do sống trong thiện pháp nên họ thường tạo nghiệp thiện, nghiệp thiện thì không còn tái sanh làm người và như vậy Thầy đã trả lời câu hỏi thứ nhất của con, nhưng ở đây con nên nhớ: Pháp thiện có hữu lậu và vô lậu. Thiện hữu lậu vẫn còn tiếp tục đi tái sinh luân hồi, chỉ có thiện vô lậu mới chấm dứt tái sinh. Đó là điều chắc chắn mà không ai phủ nhận được.

Người sống trong thiện pháp còn bị vô minh che lấp hay không? Không, tại sao vậy?

Vì đối với đạo Phật người có tri kiến giải thoát ở đâu là đạo đức ở đó, đạo đức ở đâu là tri kiến giải thoát ở đó. Vậy đạo đức là gì? Đạo đức là giới luật, là thiệnpháp, làpháp không làm khổ mình, khổ người. Người không làm khổ mình khổ người là không bị vô minh che lấp và như vậy khi chết bỏ thân này họ đều biết kiếp trước của mình là ai? Ở làng nào, tỉnh nào, nước nào? Tên họ của kiếp trước là gì? Cha mẹ là ai? Làm nghề nghiệp gì? Tu pháp môn gì? Sống như thế nào ? Và chết như thế nào? Như vậy Thầy đã trả lời câu hỏi thứ hai của con.

Những người tu hành không đúng pháp của Phật nghĩa là họ không tu “Giới, định, tuệ”tức là không tu đức hạnh thiện pháp đạo đức mà tu luyện theo tà giáo ngoại đạo thì phải tái sanh luân hồi và bị vô minh che lấp. Trước khi chết họ thường phải thọ lấy bệnh tật khổ đau như người thế tục và mê man không tỉnh táo nên bị nghiệp lực tương ưng với môi trường ác bất tịnh táisanh nên không còn biết gì cả (mê muội).

NGƯỜI ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Người kiếp này khổ đau nghèo khó xét theo luật nhân quả là kiếp trước họ làm nhiều điều không tốt, làm ác, nói chung là thường làm khổ mình khổ người hoặc kiếp này làm nhiều điều ác không tốt khiến mình khổ người khác khổ và kiếp sau sẽ thọ quả khổ, xong cả hai kiếp quá khứ và vị lai cũng không biết mình là ai cả, cũng như con hiện giờ đây, con đâu có biết kiếp trước mình là ai? Ở đâu vậy? Vì thế họ đâu có sợ làm điều ác, vì kiếp sau họ đâu biết họ là là ai để mà đau, mà khổ, mà hốitiếc, mà ân hận v.v.. Vậy định luật nhân quả có hạn chế không? Mong Thầy giải thích cho con hiểu.

Đáp:Định luật nhân quả như cháu đã hiểu đó là luật nhân quả của kinh sách phát triển, chứ không phải là đạo đức nhân quả. Đạo đức nhân bản - nhân quả tức làđạo đức gốc của con người.Ví dụ một lời nói làm cho người khác buồn khổ là mình thiếu đạo đức nhân bản. Cho nên đạo đức nhân bản - nhân quả rất thực tế, không mơ hồ, trừu tượng như nhân quả của kinh sách phát triển, nhân kiếp trước thọ quả kiếp này, nhân kiếp này thọ quả kiếp sau, đó là một hình thức mơ hồ, trừu tượng, không logic, kẻ gieo nhân và người gặt quả không chủ thể, khiến cho người ta không đủ lòng tin. Kinh sách phát triển thường dạy nhân quả trừu tượng để lừa đảo con người và đã biến luật nhân quả trở thành luật định mệnh hay gọi là số mệnh.

Luật nhân quả của đạo Phật không phải là luật số mệnh, vì luật số mệnh có nghĩa là có sự cố định không thay đổi được. Nếu có luật nhân quả cố định nào như vậy thì đạo Phật sẽ không xuất hiện trên đời này vì không giải quyết mọi sự khổ đau của loài người và tất cả chúng sanh.

Đối với đạo Phật thì luật nhân quả là những hành động sống hằng ngày trong môi trường duyên hợp duyên tan của các pháp vô thường, thường thay đổi di dịch, biến động liên tục theo các hành của nó. Nếu hành động ác thì sự đau khổ tăng lên nhiều, nếu hành động thiện thì sự khổ đau giảm xuống và giảmxuống dần rồi đi đến hết khổ đau mà đạo Phật gọi là giải thoát hay là Niết Bàn, ngược lại hành động càng ác thì sự khổ đau càng tăng dần đi đến khổ đau tận cùng mà đức Phật gọi là Địa ngục.

Vì rõ thấu môi trường sống của luật nhân quả vô thường như vậy, nên đạo Phật ra đời, ra đời xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả để mọi người cùng sống không làm khổ mình khổ người bằng cách ngăn ác diệt ác pháp trong tâm, sống thiện tăng trưởng thiện pháp.

Nhân quả của kiếp trước tạo nên một môi trường sống cho hiện tại chứ nó không còn nhân quả nối tiếp với hiện tại nữa. Nhân quả quá khứ ví như đám ruộng. Đám ruộng bạc mầu chai xấu không mầu mỡ là nhân quả quá khứ ác, còn đám ruộng mầu mỡ đất phù sa là nhân quả quá khứ thiện.

 Nhân quả hiện tại ví như hạt giống tốt, ngọt, ngon, béo v.v.. mà được gieo trồng trên mảnh đất xấu, không mầu mỡ (nhân quả quá khứ ác) thì sự chăm sóc rất vất vả và cực nhọc mới có quả tốt để hưởng. Thiện chuyển ác thành phước báo.

Nhân quả hiện tại ví như hạt giống xấu, chua, cay, đắng v.v.. mà được gieo trồng trên mảnh đất xấu “nhân quả quá khứ ác”,thì sự chăm sóc phải gian nan cực nhọc, nhưng lại hưởng quả chua, cay, đắng và còn cay đắng hơn, đó là quả Địa Ngục. Ác cộng ác thành Địa Ngục.

Mảnh đất tốt mầu mỡ (nhân quả quá khứ thiện) được gieo hạt giống tốt ngọt ngon (nhân quả hiện tại thiện) thì thọ hưởng quả an vui, phước báo, hạnh phúc, an lạc v.v..

Mảnh đất tốt mầu mỡ (nhân quả quá khứ thiện) nhưng lại được gieo trồng hạt giống chua, cay, đắng (nhân quả hiện tại ác) thì cũng phải gặt lấy sự khổ đau, mặc dù nhân quả quá khứ tốt thiện, nhưng cũng không mang lại cho chúng ta hạnh phúc, an vui được, bởi vì nhân quả quá khứ không còn là nhân quả nữa, nó chỉ còn là một môi trường sống của muôn loài vạn vật đang sống chung nhau mà thôi, chỉ có nhân quả hiện tại mới đáng cho chúng ta lưu ý, khổ, vui, hạnh phúc hay không hạnh phúc đều do nhân quả hiện tại mà có. Do quy luật chuyển đổi được nhân quả này, đạo Phật ra đời dạy chúng ta ngăn ác pháp diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện là để chúng ta thoát khổ, chứ không có nghĩa dạy chúng ta đi tìm một cảnh giới NiếtBàn ở đâu xa mà cũng không có nghĩa đi tìm nhân quả quá khứ để biết mình kiếp trước là ai? Làm gì? Sống ở đâu? Tỉnh nào, huyện nào, xã nào và nước nào? Tìm như vậy có ích lợi gì?

Phỏng chừng khi biết quả quá khứ như vậy thì có lợi ích những gì cho chúng ta trong hiện giờ chăng? Đó là là một lối hý luận của kinh sách phát triển để biến đạo đức nhân quả thành một triết thuyết nhân quả suông chuyên tranh luận hơn thua.

Suy ra sự khổ đau của con người là ở nhân quả hiện kiếp chứ nhân quả quá khứ và vị lai không có nghĩa lý gì cả đối với một người sống thiện, hành thiện trong hiện tại. Sống thiện, hành thiện trong hiện tại là có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, còn ngược lại cho rằng chẳng biết mình ở quá khứ và vị lai là ai để chịu đau khổ, ân hận, hối tiếc về sau, thì hiện tại cứ làm ác đâu sợ vì kiếp sau có biết ai đâu để mà đau, mà khổ, mà tiếc, mà ân hận v.v.. Nghĩ như vậy thì cứ làm rồi kết quả hiện tại sẽ thấy. Ví dụ: cứ đi ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm lấy vợ người thì sẽ thấy quả khổ của nó ngay liền, bị người bắt đánh đập và tù tội có khi mang án tử hình, v.v.. Đó là quả hiện tại chứ đừng bảo sẽ trả quả ở tương lai ai trả mặc kệ họ.

Sự tư duy như vậy là không hiểu nhân quả của đạo Phật. Đức Phật dạy:

“Quá khứ không truy tìm

Vị lai không ước vọng

Chỉ có pháp hiện tại”

Ba câu kệ trên đây đức Phật khéo nhắc nhở chúng ta, nhân quả quá khứ và vị lai đừng truy tìm, vì có truy tìm thì cũng chẳngcó ích lợi gì, chỉ có nhân quả hiện tại là đáng kể cho đời sống của chúng ta, vui buồn, khổ đau phiền não đều do nhân quả hiện tại.

Con người sống chỉ có khổ hay vui trong kiếp hiện tại mà thôi, trong hiện tại mà làm ác, sống ác, tức là làm khổ mình khổ người, khổ tất cả chúng sanh, điều này không thể chạy trốn đâu khỏi sự đau khổ, luật nhân quả rất công bằng và công lý, không tha thứ và vị tình ai cả trong hiện tại, ngược lại trong hiện tại làm thiện, sống thiện tức là không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh, điều này dù muốn dù không người này vẫn phải hưởng phước báo an vui, hạnh phúc trong hiện tại.

Luật nhân quả xử phạt công minh trong hiện kiếp, là do hành động ác thiện của mình mà mình thọ hưởng quả khổ vui trong hiện kiếp, còn nhân quả quá khứ và vị lai thì chỉ còn là một nền tảng cho nhân quả hiện kiếp do nhân quả mới đâm chồi nảy lộc.

Nhân quả thiện ác trong hiện kiếp trả chưa xong còn tồn động dư thừa, khi người ấy chết thì sự thọ khổ vui cũng tan biến thành một môi trường sống, nếu làm ác thì môi trường sống ấy trở thành một hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, khi nhân quả sanh ra trong một đời sống cơ cực, ba chìm bảy nổi, vất vả vô cùng, còn ngược lại làm thiện, sống thiện thì môi trường sống kế tiếp khi nhân quả sanh ra không thiếu trước hụt sau, đời sống không cơ cực, không ba chìm bảy nổi, lúc nào cũng gặp may mắn, tiền của dư thừa, có khi nhân quả vừa sanh ra trong môi trường (hoàn cảnh) thì có kẻ hầu người hạ, được học hành đến nơi đến chốn và còn được học đạo đức làm người sống toàn thiện.

Luật nhân quả không tha thứ giảm tội cho những kẻ vô tình làm ác. Vô tình làm ác thì cũng phải trả vay sự khổ đau như kẻ hữu ý, vì thế đức Phật nói vì vô minh mà chúng sanh tự làm khổ, vô minh tức là vô tình, vô ý chứ không có nghĩa là ngu si tối tăm như mọi người hiểu.

Vô minh không phải là không biết mà biết sai sự thật, biết không chánh kiến biết sai sự thật, không chánh kiến tức là vô tình làm ác. Do vô tình hiểu biết không chân chánh tức là không có chánh kiến như trên đã nói. Vì thế con người mới làm ác. Làm ác nên cuối cùng phải chịu lấy muôn ngàn sự khổ đau trong kiếp hiện tại.

Người không biết nhân quả không sợ nhân quả mà cứ làm ác thì cũng chịu đủ mọi sự khổ đau trong hiện kiếp.

Sau này có dịp được đọc sách Đạo Đức Làm Người thì cháu sẽ hiểu nhiều hơn về môn đạo đức này.

CÓ THÂN NGƯỜI MỚI ĐỦ ĐIỀU KIỆN TU HÀNH THOÁT KHỔ

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Trong sách của Thầy có nói: “Người đánh mất thân này đến muôn ngàn kiếp sau cũng khó mà được làm người, ví như con rùa mù tìm bộng cây ngoài biển”,theo con hiểu đó là sau lúc chết đi, đến kiếp sau họ đâu còn biết họ là ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ, chứ không phải họ chết rồi bị đi đầu thai làm các con vật khác, phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:Sự hiểu biết của cháu là sự hiểu biết chấp đoạn, cái nghiệp ác kia tiếp tục đi tái sanh luân hồi, cái nghiệp đó do ai làm ra? Có phải chính trong cuộc sống của chúng ta đã tạo ra nó không? Khi con người còn sống thường huân tập ác và thiện do lòng ham muốn tạo ra. Khi người chết chẳng còn một vật gì cả nghĩa là không có thần thức, Phật tánh hoặc linh hồn, tất cả đều hoại diệt theo thân xác của họ, nhưng cái còn lại là gì?

Hành động thiện ác của chúng ta còn lại, nó trở thành một cái lực rất mạnh, nên kinh gọi nó là nghiệp lực. Nghiệp lực cũng giống như đứa con của chúng ta sanh ra, tạo ra, rồi đứa con nghiệp lực của chúng ta lại sanh ra cháu nghiệp lực của chúng ta, cháu nghiệp lực của chúng ta lại sanh ra chít nghiệp lực của chúng ta và cứ thế mãi mãi sanh ra trong vô lượng kiếp. Và mỗi nghiệp lực sanh ra như vậy đều do chúng ta mà có, thế mà chúng ta vô trách nhiệm với những nghiệp lực này sao? Khi mà những nghiệp lực này mang đầy đau khổ lúc nó thọ lấy thân người hoặc thân chúng sanh và mãi mãi muôn đời muôn kiếp thì chúng ta là người cha (thân ngũ uẩn) sanh nó ra, cớ sao chúng ta không thấy trách nhiệm mình sao?

Trong thư con hỏi: “Sau lúc chết đi, đến kiếp sau, họ đâu còn biết họ là ai nữa, đó là cái nghiệp khổ của họ, chứ không phải là họ chết đi bị đầu thai làm các con vật, phải không thưa Thầy?”.

Ví dụ: Như cháu có một đứa con, cháu có muốn cho đứa con ngoan tốt, hiền lành có hiếu thảo, chăm học, không ham chơi hay muốn có một đứa con không ngoan tốt, hung dữ, bất hiếu, không chăm học, thích chơi đùa không?

Nếu cháu có một đứa con ngoan tốt hiền lành, có hiếu thì cháu có sung sướng không? Chắc hẳn là sung sướng phải không cháu? Bằng ngược lại cháu có một đứa con không ngoan tốt, tánh tình hung ác, bất hiếu thường thích chơi, không thích học thì cháu có khổ không? Chắc hẳn là khổ rồi phải không cháu? Và như vậy, dù biết hay không biết về nghiệp của cháu ở quá khứ hay vị lai, cháu cũng đều phải có trách nhiệm trong hành động thiện, ác của cháu đối với nghiệp. Vả lại, trong hiện kiếp của cháu, sự khổ vui của đời cháu đều do chính hành động nghiệp thiện ác của cháu, nhưng trong thư cháu bảo: “Cũng không biết kiếp trước mình là ai cả, cũng như con, giờ đây con đâu biết kiếp trước mình là ai? Ở đâu? Do vậy họ đâu có sợ làm điều ác, vì kiếp sau họ đâu biết họ là ai để mà đau, mà tiếc, mà ân hận v.v..”.

Như Thầy đã dạy: Dù con có biết hay không biết kiếp đã qua và kiếp vị lai của con là ai? Nhưng trong hiện tại con làm điều ác thì con không thể tránh khỏi mọi sự khổ đau. Vì thế con phải có trách nhiệm bổn phận về đời sống hiện tại của con, nhất là con phải thấy và hiểu biết trách nhiệm và bổn phận của con trong cuộc sống hiện tại là con không nên làm khổ con, không nên làm khổ người khác bằng những hành động ác thân miệng ý của con, vì những hành động ác ấy trong hiện tại đã khiến cho đời sống hiện kiếp của con phải gặp nhiều sự bất hạnh, khổ đau, bất toại nguyện và cay đắng, v.v.. Con có biết không? Cho nên con còn phải hiểu biết về luật nhân quả đang chi phối những hành động nghiệp thiện ác của con ở tương lai sau này, vì những hành động thiện ác của con trong hiện kiếp mà vị lai bao nhiêu chúng sanh do nghiệp thiện ác ấy sanh ra phải chịu khổ đau, vui buồn, bất an bất toại nguyện, v.v.. Đó là trách nhiệm đạo đức làm người con ạ! Con không thể thờ ơ để cho hành động thiện ác của con đi tái sanh mặc khổ vui kệ nó. Bởi vậy đức Phật dạy: “chúng sanh là những người thừa kế của nghiệp, nghiệp là cha đẻ ra chúng sanh”,thừa kế của nghiệp tức là nghiệp sanh ra chúng ta ra.

Nếu chúng ta có đôi mắt nhìn xuyên thủng qua lớp áo thân nghiệp của chúng sanh thì chúng ta sẽ thấy tất cả chúng sanh đều do nghiệp lực của chúng ta sanh ra, chừng đó chúng ta có nỡ lòng nào ăn thịt chúng sanh không? Vì cầm dao cắt cổ gà đập đầu cá là cầm dao cắt cổ cha mẹ mình, là đập đầu con cháu mình, thì thử hỏi con người có tình cảm, biết khổ đau biết thương khóc, biết nức nở khi mất cha mất mẹ thì làm sao chúng ta có những hành động ác ấy được. Còn ăn thịt chúng sanh là như ăn thịt cha mẹ, con cháu của mình chứ đâu phải ai xa lạ, chỉ có loài thú vật mới không có sự hiểu biết, mới ăn thịt cha mẹ con cháu như vậy, nhưng con người thì chúng ta sao nỡ có những hành động ác độc ấy được, là con người thì không thể sống như con thú vật được, vì con người sống có đạo đức làm người, sống có tình cảm, sống có trí tuệ hiểu biết thì không thể nào sống man rợ hung ác như loài cầm thú được.

Ví dụ: Để cháu thấy nghiệp lực một người bình thường không có sân, đến khi gặp việc trái ý, nghịch lòng, người ấy tức giận giống như một con thú dữ, đó gọi là nghiệp lực của sân.

Chúng ta giết hại chúng sanh để ăn thịt lâu ngày thành thói quen ăn thịt, thói quen ăn thịt tức là nghiệp lực nên khi ăn uống không có thịt chúng sanh thì ăn uống không ngon, do đó nghiệp thích ăn thịt chúng sanh vẫn còn nên tương ưng với thịt chúng sanh mà tái sanh làm chúng sanh, một nghiệp lực như vậy có thể sanh ra làm trăm muôn con vật để rồi tiếp tục sanh tử theo nghiệp của nó, vay trả trả vay, còn những nghiệp lực thiện cũng tiếp tục tái sanh làm người, một nghiệp lực thiện có thể sanh ra nhiều người tùy theo môi trường sống của hành tinh, tức là môi trường nhân quả trên quả địa cầu này.

Mặc dù họ không biết họ là ai trong kiếp kế, nhưng nghiệp lực thiện ác của họ luôn luôn tiếp tục tái sanh luân hồi làm mọi thân chúng sanh khi cuộc sống hiện tại họ đã giết hại chúng sanh như thế nào thì họ phải vay trả như thế nấy. Làm thân chúng sanh chỉ biết khổ đau mà không biết cách thoát khổ, nghĩa là làm thân chúng sanh không biết thiện ác, chúng làm theo bản năng tự nhiên của chúng để bảo vệ sự sống, vì thế chúng phải chịu khổ vô vàn trong vô lượng ngàn muôn kiếp.

ĐƯỢC THÂN NGƯỜI KHÓ

Hỏi:Kính bạch Thầy! Người đánh mất thân này đến muôn ngàn kiếp sau cũng khó mà được làm người, ví như con rùa mù tìm bọng cây ngoài biển, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

Đáp:Đức Phật dạy: “được thân người là khó”,khó có nghĩa là khó được thân người, chứ không phải là không được thân người, khi hành động thiện ác của con đã trải qua một thời gian trả nghiệp của nó thì nghiệp ấy lại được sanh làm người.

Một người làm ác luôn luôn làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì nghiệp ác ấy chẳng bao giờ trở lại làm người, cho nên đức Phật ví dụ bọng cây và con rùa mù giữa biển, có nghĩa là nghiệp ác không bao giờ trở lại làm thân người nữa được, phải thời gian lâu lắm trả cho hết nghiệp ác đã làm, khi trả hết nghiệp ác đã làm thì nghiệp còn lại tương ưng với loài người thì mới sanh ra làm người. Ở đây con nên hiểu mang lốt nghiệp chúng sanh là mang lốt nghiệp trả nợ máu xương mà con người đã từng gieo rắc, đến chừng trả hết nghiệp ác của mình đã gây ra, thì mới tương ưng với nghiệp làm người tức là mới đủ duyên sanh làm người.

Vấn đề tái sanh luân hồi và nghiệp thiện ác không phải là vấn đề để cho người còn trí hữu hạn hiểu biết, càng luận về nhân quả luân hồi càng bị tưởng tri lừa đảo thành ra hiểu sai mất, vấn đề này phải là người có trí vô hạn không bị ngăn cách bởi không gian và thời gian mới thấu suốt, không bị tưởng tri đánh lừa.

Vấn đề này là vấn đề không ích lợi nên đức Phật gọi là hý luận. Trong lúc con người còn bản năng loài cầm thú hung dữ, chà đạp lên nhau vì miếng cơm manh áo và vật chất, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, cuộc sống con người không còn có đạo đức khiến cho loài người quá khổ đau vì phải bon chen trong cuộc sống.

Vấn đề Phật giáo là vấn đề lợi ích cho cuộc sống của con người, đó là đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người, chứ không phải ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh, niệm Phật hay để tìm hiểu nhân quả ba đời mà khiến cho con người hết khổ. Ngồi thiền, niệm chú, niệm Phật, tụng kinh sám hối hay tìm hiểu nhân quả ba đời đó là những điều dễ bị tưởng lừa đảo dối gạt người.

Đạo Phật có mặt trên đất nước Việt Nam hơn 2000 năm, chùa cất khắp nơi đâu đâu cũng có, mà dân tộc Việt Nam có hết khổ chưa? Chùa càng nhiều càng tạo ra nhiều việc mê tín, lừa đảo, tiền mất tật mang. Hiện giờ chùa tháp xây cất hàng tỷ, tỷ bạc, chùa nào cũng đẹp đẽ khang trang như cung vàng điện ngọc, tiền bạc của tín đồ đổ vào như nước mà có ích lợi gì? Đời khổ vẫn còn khổ như vậy và còn khổ hơn. Đạo đức con người càng ngày càng xuống dốc, ngồi thiền, niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, sám hối, v.v.. có giải quyết được những gì lợi ích cho xã hội đâu, hay là một sự tránh né của những người tiêu cực hoặc của những người mượn sự vô minh của người khác làm giàu trên mồ hôi nước mắt bằng danh nghĩa tôn giáo.

Trong lúc nhân dân Việt Nam nói riêng và con người trên hành tinh này nói chung đang cần có một nền đạo đức để con người đối xử với con người đừng làm khổ cho nhau.

Bởi vậy cháu hỏi những điều này là những điều lừa bịp của các tôn giáo nói về con người bằng cách này hay bằng cách khác chứ không bao giờ nói đúng về con người cả.

Được thân người khó, là khó ở năm tiêu chuẩn làm người, chứ không phải khó ở thân người. Thân người cũng giống như thân của loài động vật. Động vật sinh ra trùng trùng thì con người cũng sinh ra trùng trùng. Như vậy thân người như thân động vật thì không khó, nhưng thân người khó là khó ở chỗ năm đức hạnh.

CON NGƯỜI NGÀY MỘT ĐÔNG HƠN

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Hiện nay trên thế giới, dân số ngày một đông hơn mà điều ác càng ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn tức là càng có nhiều điều ác hơn trước, vậy mà loài người càng lúc càng đông hơn. Vậy có trái với luật nhân quả hay không?

Thưa Thầy, vì nhiều người làm ác thì không được làm người càng nhiều sau khi chết mà sao dân số càng đông lên là sao vậy?

Thưa Thầy, theo luật nhân quả thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng, mong Thầy giải thích cho con hiểu?

Đáp:Theo kinh sách của đức Phật đã dạy và xác định luật nhân quả rõ ràng: “Chư Thiên giảm thì con người tăng”,có nghĩa là thiện pháp giảm ác pháp tăng. Câu hỏi của cháu trong thư ở trên: “Theo luật nhân quả như con hiểu thì người phải ít đi mà súc vật phải nhiều mới đúng”,con hiểu luật nhân quả tái sinh như vậy không đúng, con hiểu như vậy là hiểu theo linh hồn đi tái sinh chứ không phải theo nghiệp thiện ác đi tái sanh. Con nên hiểu con người cũng chỉ là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, nhưng nó được xem là một loài động vật cao cấp hơn các loài động vật khác mà thôi, người ta ví loài người là một loài động vật ác độc nhất trong các loài động vật trên hành tinh này, nó có thể diệt tất cả các loài động vật trên hành tinh này, nhưng môi trường sống nhân quả sẽ không cho phép nó. Vì thế nó càng ác độc thì nó lại càng sanh sôi này nở nhiều hơn để làm gì để nó tự giết nó và tự nó nó sẽ diệt toàn bộ loài người trên hành tinh này, nếu không có một nền đạo đức nhân bản – nhân quả để giúp nó thoát ra khỏi bản chất của loài động vật thì nó tự diệt chủng lấy nó.

Tất cả các loài vật khác sanh ra với bản chất hiền lành tự nhiên của chúng, chúng chẳng có sự tư duy và biết thiện, ác, phải trái,  v.v.. như con người, chúng chỉ biết sống và bảo vệ sự sống, nên có lúc chúng ta thấy chúng rất hung dữ, cái hung dữ của chúng là bản năng tự vệ chứ không phải cái hung dữ như con người.

Trong môi trường sống thì có bốn loại sinh:

1-        Thấp sanh

2-        Noãn sanh

3-        Thai sanh

4-        Hóa sanh

Thấp sanh là những vật sanh ra nơi ẩm ướt như cỏ cây và những loài vi sinh vật, những loài vật này sanh trước tiên (thuộc về ác nghiệp).

Noãn sanh là những loài sanh trứng như loài chim, loài bò sát, là những loài vật này được sanh ra sau các loại thấp sanh (thuộc về ác nghiệp).

Thai sanh là những loài vật sanh con, những loài vật này được sanh ra sau loài sanh trứng (thuộc về ác nghiệp).

Hóa sanh là những từ trường thiện được sanh ra do hành động làm thiện của con người, nó luôn luôn có sự hiện diện trong môi trường sống của chúng ta. Nếu con người làm ác nhiều thì từ trường thiện sẽ giảm đi và con người làm thiện nhiều thì từ trường thiện tăng lên, từ trường thiện tăng lên thì con người và tất cả loài vật trên hành tinh này đều sống an vui, hạnh phúc, không bệnh tật, không tai nạn và không khổ đau, môi trường sống sẽ không bị ô nhiễm, sức khỏe của con người và loài vật được bảo đảm an toàn, lúc bấy giờ bệnh viện chỉ còn là một cổ tàng viện để con người đến tham quan vui chơi chứ không có bệnh nhân.

Với đôi mắt của đức Phật nhìn suốt qua lốt nghiệp của mọi chúng sanh nên chỉ thấy nó toàn là ác nghiệp chứ không phải có người và loài vật, tức là từ con người cho đến những loài vật khác nhỏ nhít như loài côn trùng sâu bọ đều là con người đang trả vay của một đạo luật nhân quả rất công bằng và công lý, khi vô tình hay hữu ý họ đã làm những điều ác, mà giờ này họ phải làm thân chúng sanh để trả quả, trả chừng nào hết thì họ mới được tái sanh làm người, khi làm người họ không biết thiện ác nên chạy theo tâm ham muốn sanh ra nhiều ác pháp làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh tạo thành nghiệp ác hay nói cho rõ hơn là từ trường ác, từ trường ác ấy tiếp tục sanh làm các loài vật để thọ lấy những sự khổ đau mà không có phương pháp nào giải cứu được, ngoại trừ chỉ có loài người nhờ có trí tuệ phân biệt được thiện ác, nên đức Phật, Ngài để lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống của con người thoát khổ, chấm dứt sự trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và mãi mãi ở trong từ trường thiện vĩnh viễn.

 Vì thế đức Phật dạy: “Chư Thiên tăng thì con người giảm, chư thiên giảm thì con người tăng”có nghĩa là từ trường thiện tăng thì từ trường ác giảm, từ trường ác tăng thì từ trường thiện giảm. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn nhân quả thiện tăng thì nhân quả ác giảm, nhân quả ác tăng thì nhân quả thiện giảm. Bằng chứng con người sanh nhiều và làm ác nhiều thì nhân quả ác tăng, nhân quả thiện giảm, nhân quả ác tăng nhân quả thiện giảm thì con người trên hành tinh này khổ nhiều từ thiên tai dịch họa đến những sự gian xảo lừa đảo giết hại nhau và những bệnh tật đủ mọi thứ cho đến những bệnh thời đại không thuốc trị.

Bức thư của cháu so sánh ở trên con người và con vật thì không đúng luật nhân quả. So sánh luật nhân quả là so sánh thiện và ác, cho nên trong sáu nẻo luân hồi của đạo Phật là sáu trạng thái của tâm:

1-        Trời là trạng thái tâm sống trong 10 điều lành gọi là thập thiện.

2-        Người là trạng thái tâm sống trong năm điều lành gọi là ngũ giới.

3-        A tu la là trạng thái nóng giận, la hét, chửi mắng, đấm ngực, cào mặt.

4-        Ngạ quỷ là trạng thái đang bị đói mà không có thực phẩm ăn.

5-        Súc sanh là trạng thái ti tiện nhỏ mọn, ích kỷ.

6-        Địa ngục là trạng thái đau khổ như đang đau nhức do bệnh tật, do bị đánh đập.

Trong sáu nẻo này theo nhân quả được chia ra làm hai phần: thiện và ác.

1-        Trời là cõi thập thiện có 33 cõi Trời tức là có 33 từ trường thiện, hay là 33 cấp thiện của Trời.

2-        Người là cõi ngũ giới, Cõi ngũ giới có năm đức:

a-        Đức hiếu sinh

b-        Đức từ bỏ lấy của không cho

c-        Đức chung thủy

d-       Đức thành thật

e-        Đức Minh mẫn

Người giữ gìn và sống năm giới trọn vẹn mới thật sự là ở cõi người, còn không giữ gìn trọn vẹn như vậy thì không được gọi là cõi người mà là mang hình người nhưng ở trong các cõi giới khác như: A tu la, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Người và các loài động vật đang ở trạng thái này đều được gọi là ở cõi ác, cõi khổ đau.

Người làm ác phải thọ chịu những quả khổ. Những người đó được gọi là A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục; A tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục là những cấp bực khổ của con người, và sự khổ tận cùng là địa ngục.

Trên đây là sự phân chia nhân quả để chúng ta khái niệm hình dung một mô hình nhân quả thiện ác của trời, người, A tu la, ngạ quỷ và súc sanh, đó là một trạng thái thật sự, chứ không phải chúng ta tưởng tượng ra cảnh giới của sáu cõi luân hồi vừa siêu hình vừa hữu hình. Cho nên kinh sách giàu tưởng tượng nói ra như vậy là kinh sách lại còn sai biệt mù.

Như trong thư cháu nói: “Theo luật nhân quả người phải ít đi mà súc vật nhiều mới đúng”. Có lẽ cháu đã hiểu câu: “ Được thân người là khó”nên mới suy luận nhân quả như vậy.

Ý của đức Phật ở đây so sánh trong các loài động vật thì loài người nhờ có bộ óc thông minh hơn các loài vật khác, nhờ đó loài người mới vượt thoát ra bốn sự đau khổ và chấm dứt luân hồi, còn các loài động vật khác thì không thể vượt thoát được, khi một người mất thân khó tìm lại được thân chứ không phải đức Phật nói con người ít đi, giảm đi hoặc con người không sanh ra nữa.

Điều này không phải cách đây 2500 năm trong thời đức Phật còn tại thế, loài động vật trên hành tinh này gồm chung cả loài người thì số lượng loài vật và người so sánh với hiện giờ thì chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần triệu. Còn hiện giờ loài động vật mà người ta ăn thịt vừa săn bắt những loài động vật hoang dã và vừa những loài động vật nuôi, một ngày loài người đã giết bao nhiêu loài vật trên hành tinh này, để cung cấp làm thực phẩm nhu cầu hằng ngày cho con người như vậy số lượng đâu phải ít, chỉ có loài vật hoang dã thì giảm và có loài động vật bị loài người diệt chủng.

Loài người càng sanh ra nhiều mà sống trong ác pháp thì đó là một nỗi lo âu của những người trí, vì nó sẽ diệt các loài động vật khác mà còn tự diệt nó bằng trí óc thông minh của nó, bằng chứng hiện giờ “Kế hoạch hóa gia đình”là một hiện tượng con người giết con người.

Cháu phải hiểu nhân quả tái sinh chứ không phải linh hồn tái sinh. Vì thế một người còn sống mà đã tạo ra nhân quả thì nhân quả tiếp đi tái sinh những con người và những con vật khác, những người ấy vẫn còn sống và tiếp tục những hành động nhân quả thiện ác khác rồi những hành động này tương ưng tiếp tục tái sinh cho đến khi những hành động cận tử nghiệp của người ấy đi tái sinh, khi người ấy chết. Cho nên nhân quả trùng trùng duyên sanh và cũng trùng trùng duyên diệt. Đó là lời đức Phật đã dạy: “Nhân quả trùng trùng sinh khởi”.

Cháu hãy nhìn cây đu đủ kia, trong một quả đu đủ có nhiều hạt mỗi hạt lên một cây đu đủ; mỗi cây đu đủ cho nhiều trái; mỗi trái có nhiều hạt; mỗi hạt lên một cây, nhưng cây đu đủ mẹ vẫn còn sống. So sánh nhân quả của cây đu đủ và nhân quả của con người thì có khác chi đâu. Vì mọi vật trên thế gian này được sinh ra đều do nhân quả, sống trong nhân quả và chết cũng đi về nhân quả trừ những người tu chứng, họ đã ra ngoài qui luật nhân quả không còn bị chi phối.

Chúc cháu vui mạnh và sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người.

Kính thư.

Tái bút: Sách của Thầy viết là triển khai lại lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Người đã dạy không có thế giới siêu hình, Thiên Đàng, Địa Ngục, những cảnh giới siêu hình toàn là cảnh giới tưởng tri. Sách của Thầy Chơn Quang viết nói có thế giới siêu hình là do ảnh hưởng của kinh sách phát triển Bà La Môn và các tôn giáo khác nhất là không đúng theo ý Phật dạy trong kinh Nikaya (Nguyên Thủy).

Người tu giải thoát không có đi về đâu vì không có cõi Niết Bàn để đi. Niết Bàn chẳng qua là một danh từ để chỉ cho chân lí thứ ba (Diệt đế). Diệt đế là một trạng thái tâm hết tham sân, si tức là một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp v.v..

Cho nên một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp là cảnh giới của người giải thoát ở đó. Đó là một từ trường, không còn có cảnh giới nào khác nữa.

Khi tâm ly dục ly ác pháp thì không còn nghiệp nên không có tái sanh luân hồi.

Khi người còn sống tâm ly dục ly ác pháp thì giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Người giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào là ly dục, ly ác pháp hoàn toàn, là người có tri kiến giải thoát. Tri kiến giải thoát là “Minh”chứ không còn “Vô minh”nữa. Trong Minh gồm có giới luật và tri kiến giải thoát, nên Phật dạy: “Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Tri kiến làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh tri kiến”.Như vậy chỗ Niết Bàn đâu phải chỗ hết niệm, vì hết niệm làm sao có tri kiến, có giới luật?

Tóm lại, Niết Bàn không phải là một cõi giới siêu hình, nó chỉ là chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm tho.

Chơn Như ngày 19-5-2000

KHỈ VƯỢN CÓ PHẢI LÀ THỦY TỔ CỦA LOÀI NGƯỜI KHÔNG?

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính thưa Thầy! Từ trước tới nay khoa học đều khẳng định rằng con người là do khỉ vượn sinh ra tức là thủy tổ của loài người, đó là thuyết tiến hóa. Vậy đạo Phật Nguyên Thủy và theo trí vô hạn của Thầy thì nguồn gốc loài người và rộng hơn là nguồn gốc vũ trụ là thế nào?

Đáp:Con khỉ không phải là Thủy Tổ của loài người như các nhà khoa học đã khẳng định, con khỉ chỉ là con khỉ, một loài động vật như các loài động vật khác.

Theo đạo Phật con khỉ chỉ là một loài động vật cao cấp gần giống như con người. Nếu lấy con người làm tiêu chuẩn thì con khỉ chỉ là con khỉ mà thôi, chứ không thể tiến hoá làm con người được, chỉ có nghiệp lực của con khỉ, khi con khỉ chết nó sẽ tiếp tục luân hồi tái sanh làm người.

Từ con người “Cổ Sơ” sống đơn giản, dựa vào thiên nhiên. Mức sống của thiên nhiên thì có hạn, còn con người sanh sản thì vô hạn nên con người buộc phải tiến hoá dần để bảo vệ sự sống còn của mình duy trì cho đến ngày nay, do đó con người trở thành văn minh phát triển theo chiều hướng khoa học hiện đại hóa, để sản xuất ra vật chất phục vụ cho đời sống con người như hiện nay.

Loài khỉ sống thanh tịnh trong sạch hơn các loài động vật khác, nhờ hành động sống tự nhiên theo nghiệp nhân quả thiện tạo thành nghiệp lực thiện. Khi con khỉ chết, nghiệp lực thiện chiêu cảm môi trường thiện luân hồi tái sanh thành con người. Đừng hiểu rằng con người chết là sẽ tiếp tục sanh làm con người nữa, hiểu như vậy là không đúng luật nhân quả. đức Phật dạy: “được thân người là khó, khó như conrùa mù tìm bọng cây giữa biển khơi”.Chỗ này có dịp Thầy sẽ giảng dạy để hiểu biết rõ ràng hơn.

Trí hữu hạn của con người không cho phép các nhà khoa học hiểu hơn, cho nên các Ngài dùng sự so sánh những hành động và sự cơ cấu cơ thể của loài khỉ vượn giống như những hành động và cơ cấu của cơ thể của loài người cổ xưa “tiền sử” mà cho rằng thủy tổ của loài người là khỉ vượn. Đó là cái hiểu chưa tới của các nhà khoa học.

Muốn gây tạo giống con người thì phải có môi trường thích hợp với con người. Chính các duyên của con người, chứ chưa có các duyên của con người thì không thể nào gây tạo giống con người được, cho nên thuyết tiến hóa từ con vật thành con người thì mơ hồ, trừu tượng không chính xác. Bởi phần sắc uẩn của con người đầy đủ hơn loài động vật, nhất là sự cấu tạo bộ óc của con người về tế bào não, phần sử dụng về tinh thần tưởng uẩn và thức uẩn thì loài khỉ vượn không thể có được.

Còn nữa, cái chưa tới của các nhà khoa học, đó là: Trí tuệ của loài khỉ vượn và trí tuệ của những người tiền sử đều sống dựa trên thiên nhiên, loài khỉ vượn trí tuệ không sáng tạo và phát minh những cái gọi là văn minh và sáng tạo của loài khỉ vượn được. Cho nên khỉ vượn ngàn đời chỉ là khỉ vượn, còn người tiền sử đời sống cũng giống như loài khỉ vượn nhưng lại biết phát minh và sáng tạo nên để lại cho chúng ta sau này một kho tàng văn minh vĩ đại từ ngôn ngữ, toán học, y học, sử học, đạo đức học, đến khoa học, v.v.. Chúng ta chỉ là những người thừa kế và dựa theo cơ sở đó mà phát triển khoa học hiện đại, nếu không có văn minh của người tiền sử để lại liệu chúng ta có thể có một nền văn minh khoa học hiện đại và kỹ nghệ hóa như ngày hôm nay chăng?

Cho nên loài khỉ vượn không có trí tuệ thông minh như con người, nó thường sống theo bản năng tự nhiên, thường bắt chước loài người hơn là sáng tạo phát minh như con người.

Thủy tổ của loài người rất thông minh, khi con người có mặt trên hành tinh này, nếu loài người không có sự thông minh thì nó đã bị diệt chủng ngay từ lúc ban đầu. Tại sao vậy?

Vì cấu trúc cơ cấu cơ thể của loài người, tuy có giống như loài khỉ vượn, nhưng hoàn toàn không giống hẳn, có những chỗ còn sai khác, vì thế con người không thể dùng sức mạnh để bảo vệ sự sống như loài mãnh thú, cũng không thể trốn chạy chuyền nhảy nhanh nhẹ như loài khỉ vượn hươu nai được.

Loài người bảo vệ sự sống bằng trí tuệ thông minh của mình, nên thường phát minh và sáng tạo đều do bộ óc, đó là điều cần thiết của loài người mà các loài động vật khác không thể có được, cho nên loài khỉ vượn là thủy tổ của loài người là mơ hồ trừu tượng, chỉ có qua sự so sánh những bộ xương của người tiền sử và những bộ xương của loài khỉ vượn giống nhau rồi các nhà khoa học đã suy ra và tuyên bố. Những chứng minh khoa học đó chưa đủ để xác chứng thuỷ tổ của loài người là khỉ vượn.

Luật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó, chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được, có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó, luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được mà với trí tuệ vô hạn của đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.

Các pháp vô thường luôn luôn theo sát những hành động nhân quả của muôn loài, vì thế, các pháp liên tục thay đổi tạo thành một nghiệp lực, nghiệp lực đó tiếp tục tiến hóa tái sanh làm loài vật cao cấp như loài Trời, Người, mà nghiệp lực đó thoái hóa thì phải tái sanh làm loài động vật hạ cấp, đó là một đạo luật công bằng và công lý đối với tất cả các loài động vật trên hành tinh này nó không áp dụng riêng cho con người mà cho tất cả, vì muôn loài vật do môi trường sống vô minh duyên hợp sinh ra, do đó từ con vật lớn, nhỏ cho đến loài người đều vô minh lầm chấp, nhưng loài người nhờ trí tuệ thông minh thường tìm tòi sáng tạo và phát minh nên đã thấy sự vô minh của mình, khi đã thấy sự vô minh của mình thì đó là minh, mà đã có minh thì con người làm chủ được môi trường sống của mình, làm chủ môi trường sống của mình tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ sanh, già, bệnh, chết là làm chủ nhân quả. Làm chủ nhân quả là làm chủ mọi sự đau khổ và chấm dứt tái sanh luân hồi. Chấm dứt tái sanh luân hồi tức là giải thoát ra khỏi thân nghiệp.

NGUỒN GỐC VŨ TRỤ

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Kính bạch Thầy! Nguồn gốc vũ trụ như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Nguồn gốc vũ trụ chỉ là một môi trường sống hoặc chết đối với trí hữu hạn của chúng ta, nếu muốn tìm hiểu biết rõ hơn nữa thì trí hữu hạn không cho phép chúng ta hiểu, còn trí vô hạn của chúng ta chưa có mà chúng ta muốn hiểu thì chúng ta sẽ hiểu bằng tưởng tri, mà hiểu bằng tưởng tri thì sai sự thật, cho nên bây giờ chúng ta nên tìm hiểu cái gì có lợi ích thiết thực cho chúng ta và mọi người thì không phí thì giờ quý báu, thì giờ đó chúng ta làm những việc ích lợi khác còn có ý nghĩa hơn.

Cho nên ngày xưa có những ai hỏi Phật những điều không ích lợi, những hý luận ảo tưởng mơ hồ thì đức Phật làm thinh, không trả lời. Còn ở đây Thầy cố gắng giải thích để mọi người hiểu một cách đại khái về nguồn gốc của vũ trụ. Dù chúng ta có biết rõ về nguồn gốc của vũ trụ thì cũng chẳng có ích lợi gì cho cuộc sống mà hằng ngày chúng ta thọ chịu biết bao nhiêu là sự khổ đau. Bấy giờ cháu hãy lắng nghe cho kỹ nguồn gốc của vũ trụ:

Chỗ nào có môi trường sống là nơi đó có cỏ cây và loài động vật xuất hiện, còn chỗ nào không có môi trường thì nơi đó là môi trường chết. Chết ở đây nghĩa là chưa có muôn loài vật sống, chứ riêng hành tinh ấy vẫn sống vì nó đang hoạt động, đang đi trên quỹ đạo của nó, cho nên nói nó chết là không đúng.

Những phi thuyền thám hiểm cung trăng và được các nhà khoa học nghiên cứu cho biết mặt trăng là hành tinh chết. Điều này không đúng, vì mặt trăng đang đi quanh trái đất. Nó đang hoạt động như vậy sao bảo là nó chết. Mặt trăng đang vận hành như vậy thì nó sẽ tạo duyên hợp cho các duyên hiện có thành những duyên mới, những duyên mới hợp với những duyên cũ tạo thành những duyên mới khác nữa. Khi duyên hợp trùng trùng như vậy thì một ngày kia mưa gió sẽ thuận hoà và cỏ cây sẽ xuất hiện. Cỏ cây sẽ xuất hiện, thì lần lượt loài động vật xuất hiện. Loài động vật xuất hiện thì loài người trên cung trăng sẽ xuất hiện. Như vậy một vài triệu năm nữa cung trăng cũng có môi trường sống như trái đất của chúng ta.

Nói đến môi trường thì không thể nào nói đến môi trường đơn điệu được. Tại sao vậy?

Vì khi có cái này thì phải có cái kia, vì thế đức Phật dạy: “Thế giới là do các duyên hợp”, có duyên hợp mới có thế giới. Có thế giới mới có vũ trụ, nhưng ở đây ai tạo ra duyên hợp?

Chính các hành đấy. Không có hành thì không có duyên hợp, không có duyên hợp thì không có thế giới, không có vũ trụ. Đến đây chúng ta bảo rằng các hành là nguồn gốc của vũ trụ thì chưa đúng. Vì các hành phải có sự điều khiển của ai đó. Vậy ai đó điều khiển các hành?

Xin thưa, không có ai điều khiển các hành, vì các hành thường hoạt động theo sự vô minh của mình, nên Phật dạy: “Vô minh”.Như vậy vô minh là nguồn gốc của vũ trụ ư? Không đúng đâu!

 Nguồn gốc của vũ trụ là 12 nhân duyên, chứ không thể một nhân duyên mà thành nguồn gốc của vũ trụ được. 12 nhân duyên gồm có:

1-        Duyên Vô minh

2-        Duyên Hành

3-        Duyên Thức

4-        Duyên Danh sắc

5-        Duyên Lục nhập

6-        Duyên Xúc

7-        Duyên Thọ

8-        Duyên Ái

9-        Duyên Hữu

10-    Duyên Thủ

11-    Duyên Sanh

12-     Duyên Ưu bi, sầu khổ, bệnh tử

Đó là nguồn gốc vũ trụ hiện bày một thế giới quan đầy khổ đau của loài người mà đức Phật đã xác định rõ ràng.

Bài pháp 12 nhân duyên là đức Phật đã chỉ rõ cho mọi người biết nguồn gốc vũ trụ. Nếu 12 nhân duyên này không có thì vũ trụ này không có. Vũ trụ này không có thì con người và vạn vật không có. Con người và vạn vật có thì vũ trụ này có. Con người và vạn vật có đều do 12 nhân duyên. Vì thế gốc vũ trụ là 12 nhân duyên như trên đã xác định.

NGƯỜI HOÀN HẢO

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi:Đến nay con gặp được Phật pháp chân chánh của Thầy, con rất mừng như người chết đuối giữa dòng nước vớ được cọc. Khi gặp được Phật pháp chân chánh là con đã có gia đình vợ dại, con thơ. Để sống đúng lời dạy của Thầy “không làm khổ mình khổ ngưòi” thì con phải nuôi dạy cháu đến trưởng thành, sau đó mới có thể đi tu được, đó là cái thiệt thòi của con.

Con biết có nhiều người đã quy y Tam Bảo từ lâu, xong cả đời họ chẳng có một ngày sống mà giữ gìn một giới trong năm giới cấm dành cho người cư sĩ. Con thì không muốn vậy, con muốn rằng một khi đã quy y Tam Bảo thì phải thực hiện Tam Quy Ngũ Giới nghiêm chỉnh, thì phải sống đúng một cuộc sống của người cư sĩ đệ tử chân chánh của đức Phật, còn nếu vì bất cứ một lý do gì mà thấy không làm được thì thôi chứ không nên sống nửa đời nửa đạo như Thầy đã nói, vì điều đó cũng làm khổ mình khổ người, vì sẽ làm vợ con hoang mang buồn khổ, cuộc sống gia đình nghi kỵ lẫn nhau, hiểu lầm nhau, đó là điều con không muốn. Chính vì vậy mà đến nay con vẫn chưa quy y.

Đáp:Tu theo đạo Phật đâu cần phải quy y, xưa có một Bà La Môn khi nghe đức Phật sống một đời sống phạm hạnh giải thoát như vậy, ông liền bắt chước sống theo, đến khi gặp Phật ông chẳng biết Phật là ai. Lúc bấy giờ đức Phật lấy làm lạ sao lại có một Bà La Môn sống y như mình, nên đức Phật hỏi:

-       “Thầy của Hiền Giả là ai?

Vị Bà La Môn trả lời:

-       Thưa Hiền Giả, Thầy của tôi là đức Phật Gotama.

Đức Phật hỏi tiếp:

-       Có bao giờ Hiền Giả đến gặp đức Phật Gotama chăng?

Vị Bà La Môn trả lời:

-       Thưa Hiền Giả, chưa bao giờ tôi gặp Thầy tôi cả, vì Thầy tôi ở tận nước Xá Vệ tại tịnh xá Kỳ Hoàn.

Đức Phật hỏi tiếp:

-       Phỏng chừng hiện giờ gặp đức Phật Gotama Hiền Giả có nhận ra chăng?

Vị Bà La Môn đáp:

-       Thưa Hiền Giả, làm sao tôi có thể nhận ra được Ngài?

Thấy thế đức Phật rất thương tâmNgài bảo rằng:

-       Chính ta là đức Phật Gotama đây”.

Trên đây là một mẩu chuyện để thấy người tu theo đạo Phật đâu cần phải quy y Tam Bảo mà chỉ sống đạođức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổngười tức là sống đúng phạm hạnh Tam Bảo, là quy y Tam Bảo rồi. Bởi vậy thời nay có hằng vạn người quy y Tam Bảo, nhưng sống làm khổ mình khổ người thì quy y Tam Bảo có nghĩa lý gì mà còn làm thêm tội cho Phật pháp. Vì thế đức Phật bảo rằng: “Chỉ có những người đệ tử của Ta mới giết đạo Ta chết”.

Tu theo đạo Phật không có nghĩa là phải vào chùa hay phải vào rừng sâu núi thẳm để xa lánh thế tục, ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật hoặc lạy hồng danh sám hối cho tiêu tai giải nghiệp, hoặc được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ.

Tu theo đạo Phật là phải tu tập đúng  như lời đức Phật đã dạy: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành”,có nghĩa là người muốn tu tập theo đạo Phật thì phải tập sống làm một con người hoàn hảo tức là không còn mang bản chất của loài cầm thú nữa.

Một con người hoàn hảo là một con người có đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh. Vì thế trong cuộc sống hằng ngày đối với ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, con cái, bà con quyến thuộc, bạn bè thân hữu, chòm xóm láng giềng, v.v.. luôn luôn phải đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và còn phải biết tha thứ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, nhờ đó mới không làm khổ mình khổ người.

Những hành động sống này chính là tu theo đạo Phật, đạo giải thoát thật sự ngay liền một bằng chứng cụ thể, đó là giải thoát đời sống con người, khiến cho con người có một đạo đức nhân bản – nhân quả cao thượng tuyệt vời. Đây là giai đoạn tu tập giải thoát thứ nhất mà người cư sĩ và tu sĩ đạo Phật nào muốn cầu giải thoát thì cũng đều phải tu tập cho viên mãn, nếu giai đoạn này tu tập chưa xong mà muốn tìm cầu sự giải thoát cao hơn như ngồi thiền nhập định tịnh chỉ hơi thở thì đó chỉ là một sự mơ mộng viển vông mà thôi.

Khi nào trong cuộc sống đã giữ gìn được đạo đức nhân bản – nhân quả tự sống không làm khổ mình khổ người thì mới xin bước vào tu hành ở giai đoạn hai. Nếu trong cuộc sống còn làm khổ mình, khổ người thì đừng nên tu tập thêm bước thứ hai, và cũng đừng xin tu Tứ Niệm Xứ, vì Tứ Niệm Xứ là ở giai đoạn tu tập Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo, nên nó là giai đoạn thứ hai. Nếu ham tu tập ở giai đoạn hai thì thiếu căn bản, nên kết quả chẳng có gì. Vì thế tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi. Khả năng không đủ mà tu tập vượt lớp như vậy, đôi khi sẽ bị ức chế, khiến cho thân tâm thành bệnh, có khi rối loạn thần kinh hoặc tẩu hỏa nhập ma, điên khùng.

NẺO VỀ ĐẠO ĐỨC

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi: Kính thưa Thầy! “Ngăn ác diệt ác pháp”xong lại phải “không làm khổ mình, khổ người”, trước đây con thấy nó là mâu thuẫn nhau, từ lá thư của Thầy chỉ bảo cho con, con sáng tỏ được nhiều, con hiểu rằng muốn thực hiện được điều đó còn đòi hỏi sự khéo léo phải không thưa Thầy?

Mình thấy cái ác, cái làm khổ mình, khổ người, cái vô lý thì phải chống lại nó, xong phải làm sao cho người ác hiểu ra mà không được dùng lời nói hành động làm họ đau đớn phải không thưa Thầy?

Trong mọi cuốn sách của Thầy, cuốn nào con cũng thấy Thầy nhắc đi nhắc lại “không làm khổ mình, khổ người”đến nay con hiểu rằng đó là cứu cánh, nếu thực hiện đúng thì cuộc sống của chúng ta dễ chịu biết bao và đó là Niết Bàn tại thế, có phải không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, ngăn ác diệt ác pháp tức là không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức cao thượng tuyệt vời. Vì thế, không những phải khéo léo mà còn phải thiện xảo trong mọi hành động từ lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ và sự tư duy suy nghĩ, phải khéo léo thiện xảo tỉnh thức hoàn toàn.

Đúng vậy, thấy cái ác, cái làm khổ mình, khổ người, cái vô lý, cái phi đạo đức thì mình phải chống lại để đem lại sự an vui hạnh phúc cho nhiều người bằng một sự công bằng và công lý, chứ không phải chỉ có đem lại sự an vui hạnh phúc cho một cá nhân của mình.

Vì chống lại sự bất công, sự vô lý, sự phi đạo đức, thì phải có sự va chạm, sự va chạm ấy chúng ta phải khéo léo thiện xảo khiến cho sự va chạm ấy trở thành mát lạnh, vì thế mọi người mới được an vui.

Cũng như Thầy viết kinh sách nói thẳng nói thật, vì biết những lời nói này sẽ mang lại ích lợi lớn cho nhiều người và chỉ va chạm với một số ít người đang bị danh lợi làm mờ mắt, nhưng cũng là tiếng cảnh tỉnh cho họ và sẽ có lợi ích cho họ sau này.

Ngăn ác diệt ác là một việc làm rất tế nhị, thiện xảo, khéo léo, cho nên nó nêu rõ hành động của chúng ta khi gặp đối tượng có cả hai vế một lượt: “không làm khổ mình, khổ người”.Nếu một vế thì chúng ta rất dễ làm, còn hai vế là một điều rất khó, nếu chúng ta không thiện xảo khéo léo thì không thể nào thực hiện được đạo đức nhân bản này. Cho nên đức Phật dạy: “Thiện xảo nhập vào thiện pháp, thiện xảo an trú sống trong thiện pháp”.Phần nhiều thiện xảo là cố tránh né va chạm, cho nên lấy nhẫn nhục làm đầu cuộc đấu tranh tư tưởng, kế đó mới tùy thuận nhưng tùy thuận không bị lôi cuốn là một thiện xảo tuyệt vời giúp cho mình vui người khác vui, vì thế mới được gọi là bằng lòng cả hai mình và người.

Đúng vậy, con đã hiểu không làm khổ mình, khổ người là một cảnh giới Niết bàn, là Thiên đàng tại thế gian chứ đâu còn tìm kiếm nơi đâu.

Sự tu hành theo đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đây thôi: “Không làm khổ mình, khổ người”. Nhưng nó là một trường kỳ chiến đấu với nội tâm chứ không phải tu một ngày một bữa là xong. Sự chiến đấu này phải có đầy đủ nghị lực kiên cường, bền chí gan dạ phi thường và còn phải có trí tuệ sáng suốt, khéo léo và thiện xảo trong mọi hành động đối xử với các pháp thì mới không làm khổ mình, khổ người, bởi chính nó là nền đạo đức nhân bản của đạo Phật.

Vài hàng cháu rõ thăm và chúc cháu thành tựu đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người trong mọi hoàn cảnh để đem lại cho mình cho người một hạnh phúc chân thật.

Kính ghi

QUY Y TAM BẢO

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Hiện nay có một số cư sĩ mong muốn thiết tha được Thầy chấp nhận cho thọ Tam Quy và Ngũ Giới, số danh sách này hiện nay con đang giữ. Với nguyện vọng tha thiết như vậy thì có được Thầy cho phép không ạ! Con xin thưa Thầy hãy giúp đỡ?

Nếu đủ duyên thì có 2, 3 cư sĩ ước ao được về tu viện, bái kiến đảnh lễ dưới chân đức Từ Phụ thì con sẽ gửi danh sách cho các cư sĩ mang vào, bằng không thì con sẽ gửi qua đường bưu điện, xin Thầy vui lòng cho con biết.

Đáp:Con nên gửi danh sách họ, tên, tuổi và địa chỉ của các cư sĩ để Thầy làm lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới cho. Nếu quý cư sĩ không vào được thì nên chọn ngày đầu tháng hoặc ngày rằm, tập trung lại một điểm nơi có thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Trước hình ảnh đức Phật tất cả các cư sĩ đồng quỳ xuống chắp tay cầu xin chư Phật chứng minh theo lời nguyện dưới đây: “Hôm nay chúng con nguyện đời đời thọ Tam Quy Ngũ Giới theo vết chân của đức Phật mãi mãi muôn đời để cầu được giải thoát sanh tử luân hồi”.

Nguyện xong đảnh lễ đức Phật ba lạy, rồi ngồi xuống mở băng nghe Thầy truyền Thọ Tam Quy Ngũ Giới. Sau khi Thọ Tam Quy Ngũ Giới xong. Các cư sĩ quỳ xuống tác bạch lời tri ân Phật và tri ân Thầy. Sau khi tác bạch xong Liễu Tâm thay mặt Thầy trao pháp quy y cho mọi người.

TRUNG TÂM AN DƯỠNG CHƠN LẠC

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! ngoài Bắc hiện nay có một số các cháu cư sĩ như cháu Tuấn có ước nguyện khi nào Trung Tâm An Dưỡng có đủ duyên được ra đời để giúp người nghèo thì các cháu này cả gia đình tình nguyện về nơi đây được đóng góp sức nhỏ bé của mình dù bất cứ làm việc gì? Miễn sao là làm theo lời Thầy chỉ dạy là các cháu vui mừng lắm. Ngoài ra, còn có các cô cư sĩ cũng có ước nguyện như gia đình cháu Tuấn, con xin kính bạch lên Thầy về những ước nguyện của chúng con, ngưỡng mong Thầy tạo đủ duyên lành cho chúng con để thể hiện được ước nguyện.

Đáp: Hiện giờ Trung Tâm chưa thành lập, nhưng cơ sở kinh tế của Trung Tâm được cư sĩ Hoàng Tâm (Chơn Tâm) thực hiện, nếu các công ty hoạt động thì trung tâm mới thành hình, chừng đó Thầy sẽ gọi các cháu. Điều cần thiết, hiện giờ các cháu phải ráng tu tập và rèn luyện thân tâm, đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mọi hoàn cảnh và mọi đối tượng, nhưng không được để ác pháp lôi cuốn.

Trung Tâm An Dưỡng là nơi để cho mọi người từ già đến trẻ được nghỉ ngơi và học tập đạo đức làm người sống không làm khổ mình khổ người. Một đạo đức làm người mà mọi người đang sống trên hành tinh này đều cần phải được trau dồi, học tập và rèn luyện để thực hiện một cuộc sống mang đầy đủ ý nghĩa làm người xứng đáng là con người của Phật giáo đầy đủ trí tuệ và lòng yêu thương tha thứ mọi lỗi lầm của những người khác.

ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Vừa qua con có nghe một số câu hỏi, khiến cho tâm con bất an, vì con còn si mê, nên việc ấy con có suy tư để tự mình phân tích và trả lời cho tâm mình? Có chỗ con thông hiểu và có chỗ con chưa thông hiểu, nay con xin mạnh dạn hỏi thẳng vào những chỗ con chưa hiểu thấu đáo, để từ đây con không còn u tối và cả những vị đặt ra câu hỏi cũng đã được thông suốt.

Đáp: Để trả lời câu hỏi thứ nhất:

Với trí hữu hạn người ta không thể thấy loài gia súc là những người thân thương của mình, vì ái kiết sử chưa đoạn, nên khi bỏ thân người, tình cảm thương yêu con cháu vẫn còn, do cuộc sống tạo tội ác ăn thịt chúng sanh, thành nghiệp nên những người thân của chúng ta phải tái sanh làm thân gia súc, để được gần gũi con cháu.

Cô Diệu Quang nuôi mèo chó, không bao giờ đánh đập chúng, quý trọng hơn thân mình, có thể liều chết cứu mèo chó, cô đối xử với chúng là đối xử theo luật nhân quả của ái kiết sử để đoạn dứt nhân quả tiền kiếp bằng cách lấy thiện chuyển nghiệp chứ không phải nuôi để tạo nghiệp mới.

Nếu một người nuôi gia súc bằng cách đi mua hoặc xin về nuôi là tạo nhân quả mới, còn từ đâu loài súc vật đến nhà mình, đó là duyên nhân quả kiếp trước phải trả.

Cô Diệu Quang trả nợ nhân quả, nhưng trả bằng cách nào mà người trả và người vay đều trong thiện pháp có nghĩa là không làm khổ mình khổ người nữa, tức là không gieo nhân quả mới của kiếp tới.

Loài chó mèo là loài thú ăn thịt sống, chúng thường săn đuổi bắt các loài vật khác ăn thịt. Ở đây cô Diệu Quang cho chúng ăn cá bể:

1.        Thứ nhất cho chúng ăn chay chúng thèm thịt nên ăn rất ít và hay tạo tác bắt loài vật khác ăn thịt, làm nên tội tự sát sanh.

2.        Thứ hai cho chúng ăn cá bể là mục đích giúp cho chúng đừng tự sát sanh vì nghiệp tự sát sanh là tội rất nặng, nhưng loài chó mèo đã tạo nghiệp ác nhiều đời nên nay đã thành thói quen như vậy. Tạo cho chúng gián tiếp sát sanh tội nhẹ hơn là để tự chúng đi săn bắt và giết các loài vật khác.

3.        Thứ ba thấy chúng ăn chay chưa quen nên ăn ít quá thân gầy ốm. Ví dụ như mình nuôi cha mẹ mà cha mẹ ăn chay không được thân gầy ốm thì mình phải làm sao? Để cho cha mẹ ăn được và ít tội lỗi tự sát sanh hơn. Do suy nghĩ đó cô không ngại người ta chỉ trích cô, cô cứ nghĩ khen chê là bề mặt của danh ở đời, không thực chất của đạo, còn bây giờ cô đang trả nghiệp nhân quả. Loài mèo chó từ đâu đến chứ cô không thích nuôi chúng, nhưng chúng đến cô phải nuôi tạn tình như nuôi cha mẹ mình vậy. Cô nghĩ rằng loài gia súc là cha mẹ nhiều đời của mình có duyên mà gặp lại trong đời nay là do lòng thương yêu chưa dứt thì phải hết lòng cung phụng dù ai có nói gì cô sẵn sàng chấp nhận, miễn là làm tròn bổn phận đạo đức làm người. Việc làm này ai hiểu được, trừ những người có đôi mắt nhân quả hoặc có Tam Minh thì mới rõ.

Loài chó mèo là loài ăn thịt sống, chúng thường săn đuổi bắt các loài vật khác ăn thịt. Nếu không cho chúng ăn cá bể thì chúng sẽ bắt những con vật khác hiền lành vô tội để ăn thịt thì phạm vào tọi tự sát sanh, tội rất nặng như Thầy đã nói ở trên, còn nếu cho chúng ăn cá bể ôi thúi, thì chúng ít tạo tội tự sát sanh, vậy mà chúng còn bắt giết những con vật khác vô tội như: rắn, rắn mối, cóc, nhái, cào cào, chuột và gà, vịt của người khác, tuy chúng không ăn, vì được cô Út nuôi chúng no đủ, vậy mà bản chất sát sanh hung ác, chúng thường giết chết những loài vật hiền lành này, nhờ ăn cá bể nên chúng ít đi săn lùng.

Nhờ cho ăn cá bể mà chó mèo ở đây ít tạo tội ác tự sát sanh, đó là việc làm của cô Diệu Quang giúp những người thân của mình hay nói cách khác là giúp cho loài chúng sanh có duyên với cô sớm thoát khỏi thân mèo chó.

Vì nợ nhân quả đời trước nên đời này chó mèo vây quanh cô Út để đòi nợ. Khi cô trả nợ xong, mèo chó cũng sẽ chết hết. Để rồi các con xem hiện giờ tất cả mèo đã chết hết rồi, chỉ còn mấy con chó mà thôi, nhưng rồi đây khi cô Út hết nợ nó cũng sẽ ra đi vĩnh viễn.

Người không hiểu biết còn ở trí hữu hạn cho cô Út mua cá bể cho chó ăn là làm tội ác, đó là không thấy được nhân quả nên kết tội kẻ khác, kết tội kẻ khác tức là tạo tội cho mình, vì luật nhân quả rất công bằng xử phạt ngay liền không thể tránh khỏi, khi mình kết án người là chướng ngại pháp đến với tâm mình khiến cho mình bất an, cho nên đức Phật dạy: “đừng biết chuyện người mà hãy biết chuyện mình”.

Ví dụ: Quý phật tử nuôi cha mẹ, cha mẹ ăn chay không được thì quý phật tử nghĩ sao? Phải cho cha mẹ ăn thứ gì? Trong lúc cha mẹ thèm thịt và cá?

Việc làm của cô Út có hai việc lợi ích:

1/ Làm giảm bớt tội lỗi cho loài chúng sanh.

2/ Để thử thách những người tu có theo đúng lời Phật dạy hay không “Biết chuyện mình đừng nên biết chuyện người”,thế mà các cô tu hành luôn biết chuyện người, tu như vậy có đúng lời Phật dạy hay không? Nếu thuận duyên thì đâu thấy được tâm người tu, nhờ có nghịch duyên này mới rõ được các cô không xả mà ức chế tâm, luôn biết chuyện người, thấy phải, thấy trái, thấy tốt, thấy xấu, thấy thiện, thấy ác của người khác mà sao không thấy phải, trái, tốt, xấu, thiện, ác, trắng, đen của mình. Khi mình đem việc của người khác nói ra mình là người tốt lắm sao? Nhất là người tu hành mở miệng nói xấu người ân của mình, người giúp đỡ mình từ miếng cơm manh áo, từ pháp tu hành, từ lời nhắc nhở, khuyên răn đến những lời la rầy chạm tự ái để mình được giải thoát.

Không lẽ người đi tu cầu giải thoát mà vì những lời la rầy, chạm tự ái, để mình xả tâm mà ôm ấp trong lòng sanh ra thù hận nói xấu, thù hận nói xấu để được những gì? Hay để tạo thêm nhân quả ác cho mình, trong khi cô Diệu Quang la rầy, chạm tự ái để mong mình xả tâm sống đúng đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là thắp sáng ngọn đèn Phật giáo.

Biết chuyện mình tức là biết lỗi mình để không làm lỗi nữa; biết chuyện mình tức là biết chướng ngại pháp trong tâm mình để mình đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm thì tâm mình được an vui thanh thản, không phải là giải thoát hạnh phúc sao? Biết chuyện mình có lợi ích lớn như vậy thế mà các cô tu hành luôn luôn cứ biết chuyện người mà chẳng hề biết chuyện mình. Biết chuyện người có lợi ích cho mình những gì đâu mà còn làm hại cho con đường tu của mình là không xả tâm được.

Do nhờ chuyện nuôi mèo chó mà cô biết được tâm của mọi người tu không xả, nên cô càng đập mạnh hơn nữa, nhất là các cô đã xuất gia, tu theo kiểu ức chế tâm, không chịu xả, cứ thích ngồi trong thất rồi đi nói chuyện phiếm và kiếm chuyện nói xấu người này người kia trong khi cô hết sức giúp đỡ cho các cô về đời sống và tu tập, thế mà các cô trả ơn bằng những lời chỉ trích nói xấu, không hiểu việc làm của cô như thế nào. Tâm mình còn xấu ác nên thấy việc người đều xấu ác, tâm mình hết xấu ác nên thấy việc người không xấu ác, đó là ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

Đập mạnh của cô Út có nghĩa là giúp cho các cô xả tâm diệt ngã để hoàn thành được đạo giải thoát, tâm bất động, còn nếu không xả tâm thì rời khỏi tu viện, đừng lấy sự tu hành mà lường gạt người khác ngồi mát ăn bát vàng, lợi dụng mồ hôi nước mắt và sức lao động của người khác làm ra cơm ăn áo mặc đem cúng dường, để rồi tu chẳng ra gì mà mang hình thức tu sĩ để ăn không ngồi rồi cho khoẻ thân.

Năm năm trời tu tập ngồi trong thất không làm động móng tay, Minh Tông đã bị cô Út đập cho một trận liền rơi xuống vực thẳm, thế mới biết tâm như đất chưa? Mục đích của đạo Phật là tâm bất động, cho nên người Phật tử dễ nhận ra người tu chơn và người tu giả.

Chính vì các cô nói xấu cô Diệu Quang mà con đường tu chẳng ra gì, còn mang nghiệp quả rất nặng, bằng chứng cháu Liễu Ngọc đã nghe lời các cô nặng nhẹ nói xấu cô Út mà thọ quả điên khùng, hiện giờ lại còn bị phỏng nặng, rồi đây các cô đã, đang, sẽ thọ những quả khi mà cô Diệu Quang chịu muôn vàn sự cực khổ mọi mặt và nhiều tiếng tai không tốt, nhưng cô quyết chí để thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, làm lợi ích cho người đời sau.

NGƯỜI CƯ SĨ ĂN PHI THỜI

Câu hỏi của Liễu Tâm

Đáp:Các cô ăn phi thời, vì các cô còn là cư sĩ chưa thọ đại giới. Theo cô Diệu Quang: “Chiếc áo cư sĩ tập tu đạo đức làm người chưa xong, tâm còn sân hận ầm ầm, lòng còn ham muốn đủ thứ, lúc nào cũng sanh tâm ganh tỵ hơn thua và còn tệ hơn nữa là tâm hay thù vặt tìm kẽ hở của người khác mà nói xấu”.

Ăn cơm ngọ ngày một bữa là hàng xuất gia chứ không phải cư sĩ tại gia, cho nên các cô nói cô Diệu Quang và các cô phụ nhà bếp sao ăn phi thời, điều phê phán này sai, phải chi cô Diệu Quang và các cô phụ nhà bếp đã xuất gia mà còn ăn phi thời là không đúng, rõ ràng các cô xuất gia mà so bì như vậy là các cô không hiểu giới luật của Phật chỉ vì bị cô Diệu Quang đập mà thù ghét đặt ra nói xấu mà thôi.

Tâm ô uế hôi thúi bẩn thỉu như một đống rác thành phố mà vội xuất gia tu hành với chiếc áo cà sa và cái đầu trọc để làm hình thức lừa đảo thiên hạ mà còn bảo rằng ăn ngọ, ngày một bữa và ăn lén lút hoặc thấy người khác ăn lại sanh tâm thèm khát, đó là lừa gạt người khác thà là làm cư sĩ ăn phi thời không có tội lỗi.

Thời nay tu sĩ nói ngày ăn một bữa chứ kỳ thực là ba bữa, sáng ăn bánh mì uống sữa hoặc ăn phở, mì gói, chiều ăn trái cây, uống bột ngũ cốc. Đối với những tu sĩ này cô Út đập phá rất mạnh, tu được thì tu cho đúng, còn tu không được thì nên đi về đời mà sống như mọi người đừng có mượn chiếc áo đạo mà tạo cuộc đời. Tu không chịu xả tâm tham, sân, si, hễ ai làm theo ý của mình thì ưa thích, ai làm trái ý mình thì ghét cay ghét đắng, tu như vậy thế mà muốn mọi người, kẻ hầu người hạ bưng cơm dâng nước cho mình.

Đối với Phật giáo người tu sĩ phải giữ 10 giới nghiêm chỉnh thì sự tu tập mới có kết quả, còn người cư sĩ thì năm giới phải sống trọn vẹn, không hề trái phạm một lỗi nào thì đạo đức làm người mới không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Đó là những tiêu chuẩn mà cư sĩ theo năm giới và tu sĩ theo mười giới. Vì thế chúng ta đừng đứng góc này mà phê phán góc kia thì không đúng cách. Phê phán giới không đúng cách, người ta biết mình chưa thông hiểu giới luật mà nói giới luật, đó làm trò cười cho mọi người.

ĐỨC PHẬT KHÔNG CÓ DẠY PHÁP MÔN ĐẬP PHÁ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Đáp:Trong kinh Nguyên Thủy có bài kinh “Khu Rừng”đức Phật dạy: “Chỗ nào có cơm ăn áo mặc, nhà ở đầy đủ tiện nghi sống một đời sống sung sướng mà tu hành tâm tham, sân, si, và các ác pháp khác không từ bỏ được, không xa lìa được thì nên bỏ đi dù có mời thỉnh ở cũng không ở lại”.

“Chỗ nào không có cơm ăn áo mặc nhà ở đầy đủ tiện nghi và không có đời sống sung sướng mà tu hành ly tham, sân, si và đoạn diệt các ác pháp thì dù ở đó có đói khát, có khổ sở, có đánh đập, có chửi mắng, có đuổi đi, có bỏ đói thì nhất định cũng không đi”.

Chúng ta học theo đạo Phật ai cũng biết “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.Và trong mọi thời gian lúc nào cũng cảnh giác đẩy lui các chướng ngại pháp, đó là những pháp tu hành của đạo Phật, cho nên, chỗ không có cơm ăn áo mặc thì đó không phải là chướng ngại pháp sao? Mà chướng ngại pháp thì không phải là ác pháp sao?

Nếu biết diệt ác pháp, đẩy lui chướng ngại pháp thì tâm có an vui, thanh thản không?

Câu kế đức Phật dạy: “Dù có chửi mắng đuổi đi”câu này có phải là ác pháp không?

Nếu người không có kinh nghiệm tu hành thì sẽ hiểu bài kinh Khu Rừng là một bài kinh yếm thế tránh né ác pháp. Theo đạo Phật tu hành mà tránh né ác pháp tức là ức chế tâm chứ không phải xả tâm, ức chế tâm thì tu hành không bao giờ có giải thoát.

Đọc bài kinh Khu Rừng này, rõ ràng đức Phật không có dạy chúng ta tu hành đi tìm cảnh thuận theo ý muốn của mình mà hãy tìm nghịch cảnh để xả chướng ngại pháp trong tâm.

Cô Diệu Quang tạo cảnh chướng ngại pháp trong tâm giúp cho quý vị tu hành xả tâm chướng ngại để được giải thoát thì quý vị bảo rằng trong kinh sách Phật không có dạy như cô Diệu Quang.

May mắn thay! Trong kinh Nguyên Thủy còn có những bài kinh như: kinh Song Tầm, kinh An Trú Tầm, kinh Khu Rừng, kinh Tứ Chánh Cần, kinh Pháp Cú và Thời Khóa Tu Tập Trong thời Đức Phật, đủ để xác chứng, nếu không có những lời đức Phật dạy này thì chắc chắn quý vị bảo cô Diệu Quang dạy không đúng.

Chính ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy: “Chớ có tin những lời Ta nói... mà hãy tin những gì Ta dạy tu tập có kết quả lợi ích cho mình, cho người”.Lời dạy này chúng ta nghiệm thấy rất rõ khi cô Út Diệu Quang đập phá mà chúng ta xả được tâm, tâm như đất thì đó không phải là lợi ích lớn cho chúng ta sao? Chỗ tu hành có lợi ích thiết thực như vậy, cho nên đức Phật bảo: “đuổi cũng không đi”.

Nếu quý vị đã nghe lời cô Út Diệu Quang dạy từ lúc đầu thì bây giờ quý vị đã giải thoát từ lâu, tâm quý vị bất động như đất, chỉ vì quý vị không tin người thiện hữu tri thức của mình, người thân cận, người luôn tạo ra nghịch cảnh để cho quý vị xả tâm, mong cho quý vị tu hành sớm giải thoát, cô hết sức tận lực giúp đỡ cơm ăn áo mặc và còn chọc tức quý vị để quý vị xả tâm mà không hề sợ quý vị thù ghét, tai tiếng, nói xấu của quý vị, miễn sao quý vị tu hành tâm bất động như đất là thắp sáng lại ngọn đèn chánh pháp của Phật, đó là điều mơ ước của cô Diệu Quang, cô quyết tâm lấy thân tâm mình lót đường cho quý vị đi, để thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, cô không hề mơ ước danh và lợi, chỉ làm sao mà giúp cho mọi người xả tâm ác pháp để đi đến giải thoát hoàn toàn, dù cho ai có khen hay chê cô cũng chẳng màng, ngược lại quý vị không hiểu tâm ý tốt của cô nên sanh ra hờn giận căm ghét và còn đặt ra nhiều điều nói xấu người bạn thân cận tốt nhất của mình, vì vậy đến giờ này quý vị còn phải chịu lận đận trên đường tu tập và mang đầy một tâm trạng hoang mang về sự tu hành của mình.

Ở đời, người ta ai cũng thích những lời ngon ngọt, nịnh hót, a dua, còn những lời thẳng thừng nghịch ý trái lòng thì ai cũng không ưa, nhưng người tu theo đạo Phật với mục đích là phải đạt được tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, do đó gặp chướng ngại pháp như gió mùa hè khiến cho tâm hồn mát mẻ vô cùng, trái lại quý vị tu theo đạo Phật mà gặp chướng ngại pháp thì tâm quý vị như lửa cháy mà đổ thêm dầu khiến cho lòng quý vị sôi sục căm tức nên mới có những điều nói xấu theo tưởng tượng đặt ra. Những điều này được đặt ra chứng tỏ quý vị không có xả tâm mà chính quý vị đã mở cửa địa ngục cho mình bước vào, còn ngược lại quý vị thấy cô Diệu Quang có thù oán ghét quý vị không? Mặc dù cô biết rất rõ mọi người nói xấu cô như thế nào, nhưng khi quý vị trở lại tu viện thì cô Diệu Quang vẫn tiếp tục dạy bảo và phân tich tỉ mỉ cách thức xả tâm để cho quý vị tu cho bằng được, để tìm thấy sự giải thoát nơi thân tâm của quý vị, một người như cô Diệu Quang không biết thù giận ai cả mà chỉ biết giúp cho người tu bằng được sự giải thoát.

Quý vị có nhớ không? Nếu không có duyên Liễu Tâm hỏi những câu này thì muôn đời quý vị mãi còn ôm ấp sự nghi ngờ đối với cô Diệu Quang. Có hỏi Thầy mới nói ra, còn không hỏi thì chẳng bao giờ các con được nghe những điều này, những lời đức Phật đã dạy từ ngàn xưa mà cô Diệu Quang đã dạy lại các con.

Trong thời khóa biểu ngày xưa của đức Phật, Ngài dạy chúng ta tu tập đẩy lui các chướng ngại pháp, nếu quý vị tránh né trốn chạy các chướng ngại pháp thì quý vị lấy pháp gì chướng ngại ở đâu mà tu tập đẩy lui? Cho nên, niệm Phật, ngồi thiền tụng kinh, bái sám, niệm chú, luyện tập Yoga, v.v.. làm sao đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm được, đó là quý vị đã bị kinh sách phát triển lừa đảo, ảnh hưởng tu tập những điều sai này đã thành thói quen nhiều đời, từ các Tổ ngày xưa cho đến các Thầy của chúng ta ngày nay, rồi đến các bạn bè thân hữu của chúng ta cùng với những cư sĩ hằng ngày đến chùa cúng dường tứ sự cho tu sĩ, họ đều nỗ lực tu hành hết sức, nhưng kết quả thời gian mấy chục năm nay đối với chúng ta, còn Thầy Tổ của chúng ta biết bao nhiêu người tu hành có cả trăm năm, ngàn năm mà chẳng có người nào làm chủ được sự sống chết, hình thức tu hành thì có nhưng kết quả thì không.

Vậy, hiện giờ ai là người tu tập theo Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông mà tâm đã hết tham, sân, si tức là tâm bất động làm chủ được tâm mình? ai là người tu tập theo ba tông phái này làm chủ được bệnh hay phải đi bác sĩ, bệnh viện trị bệnh? ai là người tu tập theo ba tông phái này làm chủ được sự chết hay phải chịu chết trong sự bất lực đối với nó?

Bởi ảnh hưởng của ba tông phái này, nên nói đến tu là người ta nghĩ ngay đến nhập thất, tránh duyên, tìm cảnh tịnh để luyện bùa, ngồi thiền, nhập định, hoặc luyện tập Yoga, v.v.. Sự thật tu luyện theo kiểu này tức là ức chế tâm và thân, tự làm khổ mình nhiều hơn.

Ví dụ: Ngồi thiền hai chân đau, tê, nóng mà phải cố gắng cắn răng chịu đau cho hết giờ, thật là tự mình làm khổ mình, tu là phải có giải thoát ngay liền như đức Phật đã dạy: “Pháp thiết thực, cụ thể, hiện tại không có thời gian”,còn bây giờ Tổ dạy tu sao mà khổ quá vậy? Đời đã khổ vì sanh, già, bệnh, chết thế mà đi tu là làm cho mình lại bệnh khổ hơn, nhưng thói quen tu tập này đã thành nghiệp nên rất khó bỏ. Từ đó người ta tu tập nói xả tâm chứ kỳ thật mọi người đang tu tập ức chế tâm. Do sự tu sai này, chúng ta kiểm điểm lại tất cả huynh đệ của chúng ta, hiện giờ có người tu trên bốn năm chục năm có người được Giáo hội Phật giáo tấn phong làm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Viện Chủ, Viện Trưởng, Trụ Trì v.v.. nhưng nhìn lại Thầy nào cũng bệnh đau, sống bằng thuốc, bằng gạo lức muối mè, ngồi thiền thì hai ba tiếng đồng hồ, lần chuỗi niệm Phật suốt ngày đêm lúc nào tay cũng không rời xâu chuỗi thế mà không tịnh chỉ được hơi thở thì làm sao làm chủ sự sống chết được. Nói chung tín đồ Phật giáo hiện giờ gồm chung tăng, ni và cư sĩ nam nữ đang tu theo giáo pháp kinh sách phát triển hướng dẫn, nếu không tỉnh giác sớm trở về con đường giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật thì phí cả một cuộc đời tu hành của mình chẳng đi về đâu, đến đâu cả.

Cô Diệu Quang đã hết sức tạn tình tạo mọi phương tiện để giúp cho quý vị tu tập đúng như lời đức Phật đã dạy: “Đẩy lui các chướng ngại pháp”, “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành”, “Biết chuyện mình đừng nên biết chuyện người”, “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua v.v..”.

Quý vị hãy bỏ những lối tu theo kiểu kinh sách phát triển dạy, thì ngay đó quý vị tìm thấy sự giải thoát liền, tâm quý vị thanh thản, an lạc và vô sự.

Bây giờ quý vị đã rõ đức Phật dạy đẩy lui các “chướng ngại pháp”và phương tiện cô Diệu Quang tạo “chướng ngại pháp”để cho quý vị đẩy lui thì có khác gì đức Phật dạy đâu, nếu không tạo chướng ngại pháp như vậy thì quý vị tu tập sẽ bị ức chế tâm theo kiểu kinh sách phát triển và như vậy tu suốt đời quý vị chẳng tìm được sự giải thoát.

Thời gian quá dài gần bảy tám năm trời quý cô đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái trên nên không nhìn thấy sự tu tập sai của mình, tới giờ này quý cô chẳng biết tu cái gì, tâm quý cô dao động và bất an, theo quý cô nghĩ đi tu là xuất gia cạo tóc mặc áo cà sa ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh, sám hối, ức chế tâm không vọng tưởng, chừng nào hết vọng tưởng là xong, nghĩ như vậy là sai, tu như vậy không có giải thoát mà còn sanh bệnh, cho nên quý cô và quý thầy tu sai mà thành bệnh.

Cô Diệu Quang tạo các chướng ngại pháp như Thầy đã nói ở trên để các cô tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng làm tấm gương sáng cho quý phật tử soi nhưng các cô không biết lấy đó làm đối tượng tu tập tâm mình để được giải thoát, ngược lại lấy đó làm oán hận sanh ra đặt điều nói xấu nào là mua cá cho chó mèo ăn, nào là gây chướng ngại làm động, Phật không có dạy như vậy, nào là các cô ăn phi thời, nào là lấy bột sắn của phật tử cúng dường cho chó uống, v.v..  Khi nói như vậy phật tử không hiểu tin theo và căm ghét cô Diệu Quang chứ phật tử đâu biết rằng khi những con chó bị đau cô mới lấy một ít bột sắn làm thuốc trị bệnh cho chúng, những việc làm của cô Diệu Quang đều thể hiện một lòng yêu thương bình đẳng, từ con người đến con vật, cô làm với tánh cách tự nhiên ước nguyện đời trước của mình, không có tính toán danh lợi, khen chê nên không làm bề mặt khéo che khéo đậy phật tử. Vì thế cô không ghét, không thù, không oán ai hết, mặc dù mọi người đang oán ghét dùng những lời lẽ thêm bớt nói xấu, làm mất uy tín cô, quý cô còn lại khiến cháu Ngọc giả điên dùng những lời lẽ của các cô để sỉ mạ cô Diệu Quang một cách thậm tệ, nhưng cô vẫn thản nhiên, chính sự thản nhiên này mà cháu Ngọc thành điên thật, khiến cả gia đình và mẹ của cháu phải khổ sở vô cùng, gần như hạt giống Phật đã bị ung thúi nếu mẹ cháu Ngọc đời trước không gieo duyên sâu dày thì hôm nay chắc không còn tu hành gì cả.

Hoàn cảnh đưa cô Diệu Quang vào vị trí hướng dẫn quý cô tu tập chứ cô chẳng cầu, cũng chẳng mong điều này.

Luật nhân quả hết sức công bằng và công lý, quý cô và quý thầy tu hành không vì sự nghiệp giải thoát mà vì tự ái, bản ngã của mình quyết hạ nhục cô Diệu Quang là một thiện hữu tri thức thân cận giúp đỡ mình từ cơm ăn áo mặc đến những pháp tu hành xả tâm để được giải thoát ra khỏi nhà sanh tử, ơn không có mà oán lại chất đầy vì thế, nên phải trả một giá quá đắt, lận đận trên đường tu và mất hướng tu giải thoát.

Người tu theo đạo Phật hiện giờ đang chịu ảnh hưởng và thường dính mắc kiến chấp của ngoại đạo, nhất là tu thiền ức chế tâm mong cho hết vọng tưởng nên đã thành một thói quen khó bỏ.

 Cho nên việc thưa hỏi của các con là một điều rất cần thiết để hiểu đúng giáo pháp của đức Phật nhờ có thưa hỏi các con mới biết giáo pháp đúng sai để tu tập mới có kết quả, nếu không thưa hỏi thì những điều quý cô cũng như quý thầy đã có cái nhìn lệch lạc đưa ra những điều nghi vấn và còn tưởng ra những điều không đúng chánh pháp, bóp méo sự thật giáo pháp của đức Phật như cô Diệu Tịnh đã nói: Kinh sách Nguyên Thủy đức Phật không có dạy đập phá bản ngã. Nhưng trong kinh Nguyên Thủy đức Phật chẳng những dạy đập phá bản ngã mà còn dạy phải diệt bản ngã nữa. Đó là lối đưa ra lý luận nuôi bản ngã của các cô mà chính những điều này đã làm lệch hướng của đạo Phật khiến tâm mọi người dao động nghi ngờ giáo pháp mà cô Diệu Quang đã dạy là sai không đúng lời Phật dạy, cũng như Thầy Chơn Đức đặt ra câu nghi vấn khiến cho mọi người dao động: “Coi chừng Thầy Thông Lạc lấy đệ tử làm thí nghiệm pháp môn của mình”.

Này các con! Xưa đức Phật đã dạy: “Xuất gia sống không nhà cửa, không gia đình, chỉ còn ba y một bát”.Lời dạy này có phải của Thầy hay của đức Phật? Nếu ai thấy được đời sống như vậy là giải thoát thì nên theo đạo Phật tu hành, còn thấy bỏ nhà cửa, xa vợ con không được thì có ai ép buộc đâu, mà đi tu rồi lại cảnh giác bằng lời nói phi Phật giáo như vậy! Lời dạy này đức Phật dạy chứ không phải Thầy dạy. Thầy dạy những gì mà đức Phật đã dạy, Thầy đâu có bảo họ bỏ gia đình, vợ con, nhà cửa, của cải, tài sản đi tu, mà Thầy bảo phải sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, phải giải quyết mọi mặt cho hết bổn phận đạo đức làm người thì mới đủ duyên tu theo đạo Phật, chứ đừng vào chùa ngồi tu mà nhớ vợ con, tiếc của cải, tài sản thì không đúng. Lời Phật dạy rõ ràng như vậy mà Thầy Chơn Đức bảo “phải coi chừng pháp môn của Thầy thí nghiệm đệ tử”,làm như thầy mới chế ra một thứ thuốc để thí nghiệm bệnh nhân, cũng giống như cô Diệu Tịnh nói: “Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy không có đập phá ngã”mà Thầy đã nói ở trên: - Vậy câu: “Diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp” là ai đã dạy lời này? Không phải ở trong kinh Nguyên Thủy sao? Cô Diệu Quang đập ngã là còn ít, đức Phật dạy diệt ngã mới là nhiều.

Đã đi tu theo đạo Phật mục đích là phải đập phá diệt ngã và xả bỏ tất cả mọi thứ trói buộc là chính, đức Phật đã dạy như vậy và còn nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, thế mà quý Thầy và quý cô đặt ra nghi vấn để làm cho mọi người thối tâm, nếu Liễu Tâm không thưa hỏi thì Thầy không bao giờ đem sự việc này ra dạy bảo, mặc dù Thầy biết rất rõ những điều quý cô nói về cô Diệu Quang. Thầy nghĩ rằng nếu con người không đủ phước thì dù có muốn giúp cho họ tu hành giải thoát thì cũng chẳng bao giờ được, mọi pháp trên thế gian này đều do duyên, duyên của mọi người đã gieo trong tà pháp thì dù có muốn lôi họ vào chánh pháp cũng phải chịu nhọc nhằn và vô cùng khó khăn. Vì lợi ích cho loài người và thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, nên Thầy và cô Diệu Quang phải đem hết sức ra làm việc để mong sao ngày nào đó tuy đốm lửa nhỏ nhưng sẽ toả sáng ngày một rộng hơn.

Nếu có điều gì nghi ngờ thắc mắc thì các con nên thưa hỏi, hỏi để không còn nghi ngờ, hỏi để thấu rõ con đường mình đang đi có đúng hay sai, hỏi để tránh khỏi những sự lừa đảo của những người đã vì tự ái mặc cảm với tâm ích kỷ nhỏ mọn và vì danh, vì lợi mà bẻ cong giáo pháp của đức Phật. Hỏi để biết mà tránh sự lừa đảo của các tôn giáo, vì chính những người đang lãnh đạo tôn giáo đó họ vẫn bị tôn giáo của họ lừa đảo như thường, mà chẳng bao giờ họ biết.

Chính Thầy trả lời những câu hỏi của các con là đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề thuộc về tôn giáo, nhất là đạo Phật. Bộ sách Đường Về Xứ Phật có một sự lợi ích rất lớn cho các con nói riêng và lợi ích cho mọi người nói chung. Các con đừng sợ Thầy mệt nhọc mà sợ đời sau không ai dám trả lời như Thầy thì lấy gì các con hiểu để tránh những cạm bẫy của những kẻ manh tâm gian ác dùng lý luận giết Phật giáo như Ngài Long Thọ, Ngài Thế Thân, Ngài Vô Trước, v.v.. Hiện giờ còn biết bao nhiêu người khác nữa, tu theo đạo Phật mà không chịu diệt ngã xả tâm, đạo thì muốn tu mà đời không chịu bỏ rồi sanh ra những lý luận giết Phật giáo như các Tổ, nhất là Tổ Long Thọ đã làm và bây giờ cũng có một số người vô tình lý luận bóp méo sự thật để diệt Phật giáo.

Đạo Phật ra đời vốn không ép buộc cũng không cám dỗ ai theo đạo mình, chỉ có những người nào ý thức được đời là khổ và biết khổ như thật thì xả bỏ hết các pháp thế gian để tìm đường giải thoát thì mới mong thấy được sự giải thoát. Người nào tu hành chẳng biết buông xả tâm mình, thì đời chẳng ra đời mà đạo chẳng ra đạo, vì thế làm gì thấy được sự giải thoát của đạo Phật. Sự giải thoát của đạo Phật rất đơn giản, chỉ cần ngăn ác diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện pháp là có giải thoát ngay liền.

Ai biết ngăn ác pháp, ai biết diệt ác pháp thì người ấy là Phật tại thế gian, chứ đâu phải Phật ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh bái sám, v.v..

Quý cô và quý thầy tu hành chẳng ngăn ác pháp, chẳng diệt ác pháp mà tu theo đạo Phật thì chỉ phí công mà thôi, lại còn mang nợ của đàn na thí chủ, sống trong địa ngục của miệng lưỡi mà không hay biết, thật là đáng thương.

NGÀY SINH NHẬT

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đã từ lâu con ước mong biết được ngày sinh nhật của Thầy? Ngày đó là ngày ghi khắc để chúng con xin nỗ lực tu hành, lấy công đức dâng lên xin tâm thành cung kính cúng dàng Thầy cũng như ngày Đản sanh của đức Phật Thích Ca Mưu Ni vậy. Con cúi xin Thầy từ bi hoan hỷ đáp ứng lòng mong cầu của chúng con ạ thưa Thầy.

Đáp:Ngày sinh của Thầy 17/9/1928 dương lịch, tức là ngày mùng 4/8 - năm Mậu Thìn âm lịch. Các con đã biết được ngày sanh của Thầy thì nên nhớ, không nên làm lễ sinh nhật của Thầy rờm rà và hao tốn tiền bạc, các con nên lấy ngày sinh nhật của Thầy mà:

1-        Thứ nhất lấy ngày ấy làm ngày tu tập rèn luyện thân tâm của các con “ngăn ác diệt ác pháp”sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người, đó là mừng ngày sanh nhật của Thầy.

2-        Thứ hai lấy ngày đó làm ngày an ủi những người bất hạnh trong xã hội, khi Thầy còn sống cũng như Thầy đã chết các con nên dành ra một ít quà bánh, thuốc thang, sữa, đường, v.v.. giúp cho những người bất hạnh. Đó là cách thiết thực nhất - Thầy mong.

THỌ BÁT QUAN TRAI LÀ GIEO DUYÊN PHẬT PHÁP Ở NGÀY MAI

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Chúng con xin hứa khả trước bậc Thầy tôn kính là: “chúng con xin cố gắng nỗ lực hơn nữa, rèn luyện và khắc kỷ tinh tấn nhiều hơn nữa, để làm tròn những lời dạy bảo răn nhắc của Thầy về đức hạnh làm người cho tròn và ước nguyện con còn muốn đi xa hơn nữa. Đó là theo bước chân của Phật và của Thầy đã đi qua, cô Út Diệu Quang đang đi tới. Con còn phải tu tập xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi và các kiết sử cho rốt ráo hơn nữa, nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là chặng đường con mới đặt chân lên, con tự thấy con còn yếu ớt quá, không hiểu rồi đây, kiếp đời này con có làm được như ý nguyện lớn lao này không? Tuổi đời cũng đã cao, gia duyên con còn nặng quá! Sức khỏe vô thường không biết nó sẽ chi phối lâu mau, như lời dạy của Thầy: “Các con hiện giờ như chiếc xe cũ... lại đổ dốc...”. Ôi! Chắc đôi mắt “thông suốt đường đi lối về của nhân quả” mà Thầy của chúng con nay đã nhìn thấy. Chúng con đang chơi vơi ở đáy sông đáy biển mà không hay biết gì cả. Chúng con chỉ còn một cách là tự cứu mình như lời dạy của Thầy.  Con xin ghi khắc và cố gắng xả tâm diệt ngã để cho mau chóng “tâm như cục đất...”.

Kính thưa Thầy, lá thư con dâng lên trình Thầy vào đúng ngày 15/4/2000 âm lịch gọi là ngày Đản Sinh Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng con nguyện ngày hôm nay là ngày thọ tám giới. Chúng con cố gắng sức nỗ lực tinh tấn hơn các ngày khác để lấy công đức tu hành nhỏ bé này dâng lên cúng dàng Phật Tổ và đức Từ Phụ để tỏ lòng biết ơn sâu dầy đến bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã tìm ra, và tìm lại con đường Chánh Pháp mà bấy lâu nay đã dần tắt ngấm.

Đáp:Đức Phật đã hiểu rõ hoàn cảnh của người cư sĩ không thể nào xuất gia tu hành ngay liền được, nên Ngài đã chỉ dạy cho cư sĩ trong mỗi tháng nên tu tập một hoặc hai ngày “Thọ Bát Quan Trai”,tức là tập sống đúng như Phật và chúng Thánh Tăng, trong ngày ấy giữ gìn tám giới thanh tịnh và ôm pháp tu tập, tức là không lìa pháp nghĩa là ngày ấy lấy pháp ngăn ác diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện pháp, vì thế ngày ấy phải sống trầm lặng độc cư không được nói chuyện tào lao, nói chuyện Phật pháp, nghe băng, luận đạo v.v.. Ngày ấy được xem là ngày làm Phật, làm Thánh Tăng, làm Thánh Ni, làm bậc Hiền Thánh trong đạo Phật; ngày ấy được xem như là một ngày quan trọng nhất của đời người, vì ngày ấy là ngày giải thoát sanh tử và chấm dứt luân hồi muôn đời muôn kiếp.

Cho nên các con hãy xem ngày thọ Bát Quan Trai là một ngày cao thượng và cao đẹp nhất của đời sống làm người của các con. Một ngày sống toàn thiện cho chính bản thân các con, cho mọi người và mọi loài chúng sanh.

Các con có trân trọng và tôn quý ngày ấy thì các con không vi phạm những lỗi lầm nhỏ nhặt, những lỗi lầm thường xảy ra trong ngày ấy là: nói chuyện, nghe băng pháp, lo ăn uống, hỏi những điều thắc mắc chưa rõ, lý luận, tranh cãi, cho cái này đúng cái kia sai, v.v.. Tất cả những sự việc này phải dẹp qua một bên. Ngày ấy các con đến đây để làm Thánh thì phải im lặng như Thánh, phải sống đơn giản như Thánh, phải ăn uống như Thánh, phải ngủ nghỉ như Thánh, phải tôn trọng những người bạn Hiền Thánh của mình, những người đồng một chí hướng với mình.

Nếu các con thực hiện đúng được như vậy và trước giờ xả Bát Quan Trai, các con kiểm điểm lại từ sáng đến chiều các con tu tập có lầm lỗi một điều gì chăng? Có vi phạm một lỗi lầm nào không? Nếu hoàn toàn không có thì ngày ấy chính là ngày các con đã hưởng trọn một ngày thanh thản, an lạc và vô sự, ngày ấy là ngày giải thoát hoàn toàn không còn ác pháp, ngày ấy là ngày các con đã tập làm chủ nhân quả nghiệp báo, ngày ấy là ngày thanh bình nhất trong tâm hồn của các con.

Nếu cuộc đời của các con chưa đủ duyên tu hành trong kiếp này thì ngày thọ Bát Quan Trai là ngày mà các con tạo nghiệp Thánh thiện để kiếp sau nối tiếp duyên tu hành cho đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn, chấm dứt luân hồi.

Cho nên, ngày thọ Bát Quan Trai các con hãy tu tập cho đúng pháp, trong cuộc sống hiện tại của các con, các con sẽ là người có đức hạnh không làm khổ mình, khổ người, luôn biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, tạo cảnh sống cho mình cho người một mùa xuân an lạc, một mùa xuân vĩnh cửu.

Nếu ngược lại các con còn thấy mình có lầm lỗi thì hãy rút ra những kinh nghiệm của lần tu tập này, để kỳ thọ Bát Quan Trai tới sẽ không còn phạm phải nữa.

HÃY TIẾT KIỆM

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sắp tới đây cháu Tuấn lại có dịp về tu viện đảnh lễ Thầy và cô Diệu Quang, con xin gởi thêm 10 hộp giấy loại 70 Bãi Bằng về để Thầy soạn giáo án, con mong rằng công việc nặng nhọc này, giá mà Thầy giao cho một cư sĩ nào đó thì chúng con mừng lắm, nếu không có ai đỡ Thầy để Thầy làm hết từ A đến Z thì chúng con lo lắng lắm, sức khỏe của Thầy chóng suy yếu thì chúng con và chúng sanh bị thiếu phước thiếu duyên nhiều quá, ngày nào Thầy còn tại thế thì ngày ấy còn ánh sáng của Đạo, và ngược lại sẽ bị khổ đau, đen tối vô minh.

Đáp: Các con gửi giấy về nhiều thì Thầy đỡ xin phật tử, nhưng các con đều lớn tuổi cả rồi không có làm ra tiền, chỉ còn tiền dành dụm chút ít để tiêu xài trong lúc tuổi già yếu, đừng mua giấy gửi vào trong này nữa nếu không có giấy photo thầy sẽ xin phật tử còn đang làm ra tiền, các con có chút ít nên góp với nhau để khi Thầy gửi bản gốc ra các con sẽ photo cho mỗi người một bản nhờ đó các con được nghe lời Thầy nhắc nhở sách tấn tu hành.

Thầy cố gắng phục hồi sức khỏe của mình để trả lời hết những câu hỏi và những nghi vấn của các con, để làm sáng tỏ và lợi ích cho loài người trên hành tinh này, để đem lại một nền đạo đức nhân bản giúp cho con người không còn làm khổ mình khổ người nữa, và làm sáng tỏ lại Phật giáo chừng ấy Thầy ra đi là vừa đủ.

Vài hàng các con rõ chúc các con tu hành xả tâm tốt, sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người.

Kính ghi

NHÓM TU HỌC NGUYÊN THỦY HOA KỲ

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Kính bạch Thầy! Chúng con, một nhóm phật tử miền Nam California, bấy lâu nay đọc sách và nghe băng giảng của Thầy, rất mến mộ Thầy, nên tự đặt cho mình một nhóm gọi là Nhóm Tu Học Chơn Như để phân biệt với nhóm Nụ Hồng, Khóm Hồng (tu theo Thầy Nhất Hạnh), và nhóm Tam Hòa (tu theo Hòa Thượng Thanh Từ). Chúng con làm như vậy không biết có được không? Kính xin Thầy và cô Út Diệu Quang từ bi chỉ dạy, hoặc cho một cái tên khác để chúng con cùng nhau sách tấn trên đường tu hành.

Đáp: Câu hỏi thứ nhất: Các con nên đọc kỹ lại nhiều lần những câu trả lời của Thầy dưới đây để suy ngẫm, nếu có lợi ích cho các con và cho những người khác thật sự thì các con nên tin và làm theo, còn bằng không thì thôi xem như là những lời nói suông của Thầy.

Trong các bạn đạo cùng tu một pháp môn theo giáo lý Nguyên Thủy của đạo Phật, thì các con nên lấy tên: “Nhóm Tu Học Nguyên Thủy”, nhưng vì ở Mỹ nên các con thêm vào hai chữ nữa để xác định nhóm tu học của các con rõ ràng, nó trùng tên với các nhóm tu học nguyên thủy khác: “Nhóm Tu Học Nguyên Thủy Hoa Kỳ” vì đây là những lời dạy của đức Phật mà các con đồng tu để sửa thân tâm của mình trong thiện pháp, Thầy cũng do những lời dạy này mà tu tập đi đến giải thoát.

THỈNH KINH

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Kính bạch Thầy! Tháng 7/2000 chúng con sẽ họp mặt để cùng nhau ôn lại những điều đã thu thập nơi pháp môn của Thầy. Thỉnh thoảng chúng con cũng có chuyện trò với nhau qua điện thoại, trao đổi về một số hiện tượng tu học, làm phước mà bấy lâu nay chúng con cứ nghĩ là đúng, là phải. Giờ đây đem ra soi rọi với lời giảng của Thầy, chúng con thấy rất rõ đâu là tu thật, đâu là tu giả. Chúng con rất mong ước được Thầy và cô Út cho chúng con quyển Đường Về Xứ Phật tập 7, Đạo Đức Nhân Quả, Những Lời Phật Dạy, v.v.. Ở đây chúng con mong mỏi đọc sách của Thầy như hạn hán trông mưa. Sách của Thầy chúng con đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc hoài không chán. Chúng con đọc sách của Thầy thay vì đi tụng kinh. Mỗi khi rảnh rỗi chúng con chỉ cần dở ra đọc vài trang mà chúng con ưa thích là cảm thấy tâm hồn thanh thản an vui.

Đáp: Tập 7 Thầy nhuận lại chưa xong, khi nào nhuận xong Thầy sẽ gửi đến cho các con. Thầy đang nhuận lại từ tập 1 đến tập 10, vì trước kia Thầy không có nghĩ soạn và viết kinh sách, mà chỉ nghĩ thuyết giảng dạy người tu tập mà thôi.

Người viết kinh sách là có ý danh lợi trong đó, xưa đức Phật không viết kinh sách là lý do này, danh, lợi có một sức cám dỗ rất mạnh, người tu chưa tới đâu hãy coi chừng, kinh sách của những người này sẽ trở lại giết họ và giết người không phải giết một người mà giết nhiều người, không phải những chỉ giết nhiều người mà còn giết nhiều thế hệ.

Thầy không có ý định viết sách, nhưng suốt 17, 18 năm trời hướng dẫn người tu hành, chỉ có ba giới đức của bậc Thánh Tăng mà không có một tu sĩ nào sống đúng, thấy cơ thể vô thường của Thầy sắp đến giờ phút tan rã mà đường lối tu tập chưa có ai rõ, nên suốt ba mùa hạ an cư Thầy giảng giáo án đường lối tu tập của đạo Phật, nhưng khi giảng xong, Thầy nhận một bản in vi tính của cháu Trúc gởi đến, khi đọc lại Thầy cảm thấy cần phải nhuận lại, nhất là những câu hỏi đạo, chứ không thể nào kinh sách mà viết cẩu thả như thế này được, nào là chưa hết ý; nào là lỗi văn phạm, chính tả, nào là lập đi lập một ý, v.v.. cho nên phải biên tập lại thì cuốn sách mới có giá trị, do đó việc làm không thể nhanh chóng được, phải đọc đi đọc lại nhiều lần thế mà vẫn còn sót, có nhiều chỗ chưa diễn tả hết ý khiến cho người đọc khó hiểu. Ở đây Thầy cố gắng tránh lý luận, nhưng không tránh hết được.

Trong năm nay Thầy cố gắng nhuận cho xong 10 tập Đường Về Xứ Phật và sang năm sẽ cho in bộ sách “Đạo Đức Không Làm Khổ Mình, Khổ Người”, bộ sách “Giới Đức Làm Thánh” và bộ sách “Những Lời Phật Dạy”.

Mỗi bộ sách được in ra là Thầy sẽ tìm cách gửi đến cho con, nhưng con hãy ráng tu tập để được tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, để được tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì đó là các con không phụ lòng Thầy.

Thầy cảm thông và thương yêu các con vô cùng, khi đọc thư con có những đoạn: “Ở đây chúng con mong mỏi đọc sách của Thầy như hạn hán trông mưa. Sách của Thầy chúng con đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc hoài không chán. Mỗi khi rảnh rỗi chúng con chỉ cần dở ra đọc vài trang mà chúng con ưa thích là cảm thấy tâm hồn thanh thản, an vui”.

Thầy viết sách là đem lại sự lợi ích cho con người, nếu quả thực có lợi ích thì làm sao Thầy không đem hết tâm lực của mình ra viết, viết để các con đọc, đọc để các con có sự an vui, thanh thản, đọc để các con sống không làm khổ mình, khổ người và thế gian này đã biến thành cảnh giới Thiên đàng, Cực lạc thì đó là niềm vui hân hoan của Thầy.

Đọc sách Thầy mà gia đình các con được an vui, hạnh phúc, mọi người trong gia đình đối xử nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng và không làm khổ mình, khổ người thì đó là sự cúng dàng cao quý nhất và biết ơn Thầy mà không có sự cúng dàng nào cao quý và biết ơn nào hơn được.

Mặc dù năm nay Thầy trên bảy mươi tuổi, sức khỏe tuy yếu, nhưng Thầy cố gắng phục hồi và an dưỡng để viết xong bộ sách đạo đức nhân bản – nhân quả, ngõ hầu giúp cho con người trên hành tinh này sống không còn làm khổ cho nhau.

XÁ LỢI CÓ PHẢI DO TU THIỀN KHÔNG?

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Kính bạch Thầy! Sau đây chúng con có một vài thắc mắc, cúi xin Thầy và cô Út từ bi xót thương và chỉ dạy cho chúng con dứt những điều nghi và an tâm tu tập:

1/ Xá Lợi có nhất thiết là kết quả tất yếu của người tu thiền hay không? Có một cư sĩ là cựu sĩ quan VNCHxuất gia, tu hành được vài năm (chưa hẳn là tu thiền hoàn toàn), tên là Thầy Minh Đạt, khi chết thiêu xác thì người ta bảo Thầy ấy có xá lợi rất đẹp.

Đệ tử của HT Tuyên Hóa chụp nhiều ảnh cho thấy HT có quá nhiều xá lợi, từ những cục to nhỏ, đến các mảnh xương dẹp hình răng cưa thật to. Chúng con có cảm tưởng là người ta cố tình thiêu chưa hết hoàn toàn nên mới có nhiều mảnh xương như vậy. Chúng con nhớ đã đọc hay nghe các Thầy ngày xưa dạy rằng: “xá lợi là kết tinh của người đồng ấu xuất gia. Nó là tinh, là tủy của người tu hành chân chánh”. Xin Thầy từ bi chỉ dạy.

Đáp:Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật không bao giờ ca ngợi tán thán xá lợi hay là để lại nhục thân hoặc cho rằng do công đức tu hành thiền như thế này, như thế kia mới có xá lợi hay nhập định để lại nhục thân, chỉ có dạy ông A Nan, khi đức Phật tịch lấy những mảnh xương vụn đốt cháy còn sót (Xá lợi)[1] lại xây tháp mà thờ: “Này A Nan, khi trà tỳ xong, nhặt lấynhững mảnh xương vụn dựng tháp treo phan, tại ngã tư đường, để những người đi ngang qua trông thấy tháp Phật mà tưởng nhớ đức Như Lai đã dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, ngõ hầu sống được phước lợi, thác được sanh Thiên”.

Lời dạy trên đây là cách thức để chúng ta nhớ ơn Phật, nhớ đến ơn Phật là phải thực hiện những lời Ngài dạy để có lợi ích trong cuộc sống hiện tại, nhưng đến khi chết cũng được sanh vào cõi thiện hưởng được sự an vui.

Xá lợi là một danh từ cung kính tôn trọng nắm xương tàn của đức Phật, chứ không có nghĩa lý gì về sự tu tập thiền định kết tinh lại thành.

Các Tổ sau này đã tự vẽ ra lừa đảo lường gạt tín đồ: “Xá lợi là kết tinh của người đồng ấu xuất gia, nó là tinh, là tủy của người tu hành chân chánh, của những người nhập được thiền định”.Lời dạy này rất sai vì đức Phật đâu phải là đồng ấu xuất gia mà khi trà tỳ xá lợi quá nhiều đem chia cho tám nước, còn bảo rằng do tu thiền kết tinh lại thành xá lợi, thì lại còn sai hơn nữa, có nhiều người không tu thiền, thiêu xác vẫn có xá lợi.

Đức Phật đã chẳng bảo: “Thân người là những chất bất tịnh do bốn đại: đất, nước gió, lửa hòa hợp mà thành”,thì có cái gì gọi là kết tinh, kết tủy để thành xá lợi, dù có kết tinh kết tủy như thế nào thì nó cũng chỉ là vật vô thường, bất tịnh có gì cho chúng ta quý trọng. Vậy mà các Tổ dựng lên do “Công phu tu hành kết tinh mà có”theo kiểu tưởng của thiền Tiên đạo luyện tinh, khí, thần. Đạo Phật không có loại thiền lừa đảo đó, vì xá lợi là những vật vô thường bất tịnh đó chẳng có ích lợi gì cho con người trên hành tinh này.

Đạo Phật vốn quý trọng ở chỗ đạo đức không làm khổ mình, khổ người (giải thoát) chứ không phải quý trọng chỗ thân trường thọ bất tử hoặc tu luyện như thế nào, đến khi chết để lại nhục thân không hoại diệt, như bộ xương khô hoặc để lại xá lợi rất nhiều thì như vậy mới gọi là người đắc thiền, đắc đạo. Đức Phật không có tuyên bố điều này. Thiền đạo này không lợi ích thiết thực cho con người mà chỉ là một trò lừa đảo để làm tiền thiên hạ với những ai quá tin mù quáng.

Người ở đời thấy ai tu hành có thần thông pháp thuật hoặc để lại nhục thân hoặc để lại nhiều xá lợi là cho chứng đạo, chứng thiền, thiền đạo đó là những thứ thiền không đúng của đạo Phật, thiền đạo của đạo Phật sống không làm khổ mình, khổ người, tâm hồn luôn luôn bất động trước các pháp và các cảm thọ, nên thường ở trong trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự mà đức Phật gọi là nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là một trạng thái Diệt Đế trong Tứ Diệu Đế tức là Niết Bàn, đến khi đức Phật diệt độ Ngài xuất Tứ Thiền và nhập vào trạng thái bất động tâm này. Đây là một trạng thái khi sống tu hành xong cũng như lúc chết đức Phật đều an trú trong đó, một trạng thái thực tế và cụ thể không mơ hồ chút nào, cho nên Tứ Diệu Đế gọi là bốn chân lý của đạo Phật thật là xứng đáng chân lý của loài người, một chân lý mà lúc sống cũng như chết người ta đều cũng tìm được hạnh phúc ở nơi đó và nơi đó là nơi toàn là mùa Xuân vĩnh cửu an lạc, yên vui.

Những bộ xương khô và xá lợi dù có để lại hay không có để lại thì nó cũng chỉ là một di tích lịch sử của những ai đã làm lợi ích cho nhân loại, nhìn thấy những di tích này hay không thấy con người vẫn mãi biết ơn và luôn luôn tỏ lòng cung kính, tôn trọng, còn những bộ xương khô và xá lợi của những ai làm hại nhân loại để lại bao nhiêu kinh sách dạy con người những điều mê tín, phi đạo đức, lừa đảo lường gạt từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác, thì chúng ta xem như là những thứ bất tịnh, không xứng đáng cho chúng ta cung kính và tôn trọng.

Cho nên người tu theo đạo Phật là tu theo đạo trí tuệ, đạo trí tuệ thì phải luôn luôn sống trong chánh kiến chứ không bao giờ sống trong tà kiến. Như đức Phật đã xác định “Trí Tuệ ở đâu là giới luật (đức hạnh) ở đó, đức hạnh ở đâu là trí tuệ ở đó. Đức hạnh làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh đức hạnh”.Còn những bộ xương khô và xá lợi là những điều lừa đảo và lường gạt người bằng cách thêu dệt cho rằng những thứ bất tịnh này là kết tinh của sự chứng thiền, chứng đạo do tu hành chân chánh mới có, đó là một điều điên đảo lừa đảo mà trong kinh sách Phật không có dạy như trên chúng tôi đã nói.

 Có một số người tu theo hạnh Bồ Tát thường cầu chư Phật gia hộ cho thế giới hòa bình và chúng sanh hết khổ. Những hành trì này chúng sanh có hết khổ đâu và thế giới có hòa bình chưa? Hay chỉ là một trò hà hơi rờ vuốt hết bệnh tức khắc nhưng rồi bệnh thiên ha vẫn trở lại như thường? Biết bao nhiêu ông thầy thuốc, thầy thuốc Nam, thầy thuốc Bắc, thầy thuốc Tây, thầy rờ, thầy vuốt, thầy nước lạnh, thầy nhịn ăn, thầy gạo lứt muối mè, thầy dùng khí công trị bệnh, thầy dùng nhân điện v.v.. nhưng có bao giờ thế gian hết người bệnh không? Bồ Tát Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn chúng sanh, mà hiện giờ chúng sanh có hết khổ nạn bệnh tật hay không? Từ xưa đến giờ cái trò lừa đảo lường gạt người quá nhiều đủ mọi loại mánh khóe gian xảo bằng mọi hình thức tôn giáo, bằng các loại tưởng uẩn của con người. Chỉ vì chúng ta u mê không chịu sống trong đạo đức nhân bản – nhân quả làm người không làm khổ mình khổ người mà đức Phật đã dạy: “Trí tuệ ở đâu thì đức hạnh ở đó”. Chúng ta không sống trong đức hạnh làm người mà cứ chạy theo và dựa lưng vào những sự mê tín thế giới siêu hình, thần thánh gia hộ ông thầy này bà cốt nọ thì có bao giờ hết khổ đâu.

Những điều như trên đã nói là những điều không đức hạnh thì chúng ta không nên tin, luật nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý luôn luôn áp dụng cho loài người trên hành tinh này. Tai nạn bệnh tật khổ đau của loài người là do con người làm ra thì con người phải chịu lấy quả khổ do chính mình, chứ có Bồ Tát nào chịu thế cho ai được đâu và cũng không bao giờ cầu khẩn được cho ai cả, chỉ có con người sống đừng làm khổ mình, khổ người thì bệnh tật tai nạn kia sẽ chấm dứt, cho nên có những người làm việc mê tín gọi là độ chúng sanh, còn dùng những danh từ rất kêu “cứu thế độ dân”lừa bịp thiên hạ, làm như mình là Thánh Thần quá thương yêu chúng sanh “Bồ Tát bệnh vì chúng sanh bệnh”,mới nghe thì tưởng là có lòng thương yêu chúng sanh đệ nhất không còn ai hơn, nhưng không ngờ đó là một sự lừa đảo đệ nhất.

Đến khi chết những hàng đệ tử khôn khéo này lại còn dùng những mảnh xương vụn bất tịnh để lừa cướp tiền của thiên hạ giữa ban ngày mà pháp luật không kết tội được. Khi còn sống các Thầy Tổ này dạy toàn là những pháp mê tín phi đạo đức, phi Phật giáo, đến khi chết thì học trò tiếp nối lừa đảo người làm giàu trên mồ hôi nước mắt của tín đồ.

Đạo Phật nhìn các sắc pháp của thế gian là vô thường thì có sự kết tinh nào cũng đều là vô thường,“Hữu sắc là hữu hoại”.Nên xá lợi đối với đạo Phật không có nghĩa lý gì cả, nó cũng chỉ là những vật bất tịnh tầm thường như những vật khác trong thế gian này.

Những mảnh xương bẩn thỉu đó cho dù có kết tinh thành kim cương, ngọc bích thì đối với người tu theo đạo Phật lại càng tránh xa và cũng không cần tu những loại thiền định có sự kết tinh những vật quý giá như vậy, dù vật quý giá hoặc không quý giá thì đối với đạo Phật nó cũng là pháp vô thường.

Những mảnh xương vụn đó chỉ nói lên được lòng cung kính, tôn trọng biết ơn của chúng ta đối với những người quá cố làm lợi ích cho loài người, chứ nó không phải là kết quả tất yếu của người tu thiền định.

Xá lợi là một hiện tượng rất bình thường, vì thân người có những đặc tướng khác nhau; có người trong thân có nhiều chất vôi, khi chết đem thiêu xương cháy không hết nên còn lại rất nhiều, chứ không phải do tu mà có; có người trong thân ít chất vôi khi chết đem thiêu xương thịt cháy hết.

Pháp môn của đạo Phật không có luyện tinh khí thần như ngoại đạo, mà chỉ có sống một đời sống ngăn ác diệt, ác pháp để cho cuộc sống của mình được giải thoát mà không làm khổ mình, khổ người, nhờ thế cuộc sống của mọi người ai ai cũng có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Còn thiền định của đạo Phật thì không có tu tập rèn luyện cơ thể bằng cách này bằng cách khác như thiền Yoga mà chỉ có dùng pháp hướng tịnh chỉ các hành trong thân để nhập các định làm chủ sự sống chết.

Mục đích của đạo Phật rất rõ ràng là làm chủ sanh, già, bênh, chết chứ không có lừa đảo lường gạt người bằng những việc kỳ lạ tưởng tri như: “Nào là xá lợi kết tinh do sự tu hành chân chánh; nào là để lại nhục thân do nhập thiền định”. Trong khi chưa biết thiền định là như thế nào? Nhập định phải làm sao? Trước khi nhập định phải tu tập cái gì? Chứ đâu phải ngồi khoanh chân kiết già rồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng, tức là không còn niệm thiện niệm ác mà cho đó là thiền định thì thật là vô minh, thật là thiếu hiểu biết, vì tu thiền định như vậy cho nên phải tưởng tri xá lợi và nhục thân khô đét như con khỉ khô là kết tinh của thiền định. Thiền định của các Tổ là một loại thiền định tưởng, có nghĩa là các Tổ tưởng ra cho nó là thiền định chứ kỳ thực nó không phải là thiền định. Bởi vậy thiền định mà không có người tu hành chứng được thì người sau tưởng ra mà tu tập thành ra tu thiền tà, thiền ngoại đạo, may là kinh sách Nguyên Thủy của đức Phật còn ghi lại rõ ràng chứ nếu không thì biết đâu mà tu. Con người trên hành tinh này làm sao biết thiền biết định như thế nào, cho nên những điều lừa đảo lường gạt vô tình hay hữu ý của các Tổ, thì làm sao chúng ta biết được, vì thế chúng ta phải tin theo và rất quý trọng thường có dịp bỏ tiền ra đi chiêm bái xá lợi một cách mù quáng.

Đối với thiền định của đạo Phật như nhập Diệt Thọ Tưởng Định, nhập Diệt Thọ Tưởng Định là tất cả các hành trong thân đều ngưng nghỉ toàn bộ như khẩu hành, thân hành, ý hành, cho nên thân và tâm bất động toàn bộ vì sức định này diệt các hành uẩn không còn rung động một chút xíu nào cả, nên từ trong định lực của thiền định này lưu xuất ra một từ trường để bảo vệ nhục thân không bị ảnh hưởng thời tiết nắng, mưa, gió, bão, nóng, lạnh xâm thực và còn giữ gìn nhục thân tươi nhuận như người còn sống, chứ không phải khô đét như khỉ khô, từ trường đó nó còn bảo vệ không cho loài thú vật xâm chiếm và phá hoại nhục thân. Một từ trường bảo vệ nhục thân như vậy mà đức Phật còn cho là huyễn hóa lừa đảo người, nên khi đức Phật tịch thì thiêu đốt bỏ, nhưng vì lòng kính trọng của mọi người đối với đức Phật nên những mảnh xương vụn ấy được đệ tử của Ngài chia cho tám nước về xây tháp để tưởng nhớ công ơn của Người đã có công giáo hóa đạo đức giải thoát cho loài người, còn dân chúng trong tám nước này đều xin tro thiêu nhục thân Phật đem về xây tháp để tưởng nhớ công ơn, kinh Du Hành trong Trường A Hàm tập I trang 233: “Bấy giờ ông Hương Tánh lấy một cái bình và dùng bát đá, chia đều xá lợi làm tám phần bằng nhau. Lúc đó người trong thôn Tất Bát cũng đến xin mọi người một phần tro còn lại để dựng tháp cúng đường”.

Các Tổ khéo léo dùng thuốc ướp xác trước khi chết bằng cách uống vào người rồi ngồi kiết già lúc bây giờ thuốc ngấm dần vào cơ thể diệt sự sống của cơ thể và cơ thể nhờ đó không bị hôi thối, từ từ khô dần giống như khỉ khô. Bên Tây Tạng người ta ướp xác bằng cách mổ bỏ ruột gan, còn Việt Nam và Trung Hoa thì ướp xác đặc biệt hơn.

Trong Thời Nam Bắc Triều Phân Ranh, Chúa Trịnh Giang có một người cung nữ chết rồi ướp xác chôn. Gần đây các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật những ngôi mộ cổ và xác nàng cung nữ vẫn còn nguyên vẹn tươi tốt như người ngủ.

Giả thiết Trung Hoa và Việt Nam có một loại thiền tu tập để ướp xác thật sự như bộ xương khô của Lục Tổ Huệ Năng, Vũ Khắc Minh và Vũ Khác Trường thì loại thiền này có ích lợi gì cho loài người, khi pháp môn của các vị này dạy chúng tôi chẳng thấy có đạo đức gì cả như vậy có lợi ích gì cho đời sống của loài người đâu. Nếu so sánh Pháp môn thiền định của Lục Tổ Huệ Năng và đạo đức của Khổng Phu Tử thì đạo đức của Khổng Phu Tử làm lợi ích cho loài người hơn nhiều.

Đạo đức của đạo Phật dạy cho chúng ta ngăn ác diệt ác pháp để đem lại sự ích lợi cho cuộc sống của mình và của mọi người. Vì thế người tín đồ của đạo Phật, phải sống thường áp dụng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng và Chánh Tinh Tấn, nhờ biết áp dụng đúng cách nên đệ tử của đức Phật sống không làm khổ mình khổ người đem lại một trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự cho cuộc sống chung nhau trên hành tinh này, biến cuộc sống trở thành Niết bàn, Cực lạc, còn đến khi chết thì cũng giống như bao nhiêu thân xác của người khác, vì thân xác của người nào cũng đều là bất tịnh, cũng do tứ đại hòa hợp tạo thành, còn có cái gì quý giá ở đây, sống mà không thiện, chết thì còn có cái gì quý? Để lại làm gì những mảnh xương ô nhiễm môi trường, khi chết đem thiêu xác đem chôn vào lòng đất cho kín để giữ gìn môi trường trong sạch là điều tốt nhất cho những người còn sống.

Chúng ta hãy dẹp cái trò lừa đảo để lại nhục thân và xá lợi là tu chứng Thiền chứng Thánh, đó là vọng ngữ, là nói láo. Đạo Phật không chấp nhận những điều mê tín, lừa đảo này.

Tóm lại, chúng ta nên đọc một đoạn kinh Du Hành trong Trường A Hàm tập 1 trang 240 để biết rõ trong lúc trà tỳ đức Phật có nhiều xá lợi như vậy là nhờ dập tắt lửa để lấy những mảnh xương vụn cháy chưa hết để chia nhau xây tháp, chứ không phải do kết tinh tu thiền: “Dân chúng Mạt La bảo nhau: “Ngọn lửa cháy mạnh quá khó dập tắt e cháy tiêu hết xá lợi! Chúng ta phải lấy nước ở đâu để tưới? Lúc đó có một vị Thần Ta La đang hầu một bên, dùng thần lực làm tắt ngọn lửa”. Đoạn kinh trên xác minh xá lợi của đức Phật không phải do kết tinh của thiền định.

Đến đây chúng tôi xin nhường lại những ý kiến chân chánh của quý Phật tử và quý vị tư duy như thế nào, đừng để kẻ khác lừa đảo chúng ta nữa.



[1] Xá lợi là những mảnh xương thiêu cháy không hết còn sót lại, người đời sau vì kính trọng những mảnh xương của Phật nên gọi là xá lợi cho có vẻ tôn trọng và cung kính, chứ nó là một chất bẩn thỉu uế trược, bất tịnh của thân tứ đại.

CÚNG DƯỜNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi: Kính bạch Thầy! Từ khi đọc bài của Thầy dạy rằng: “cúng dường một đồng cho các thầy tu phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, dùng miệng lưỡi lý luận mơ hồ trừu tượng gây mê tín và thần thông, bùa chú lừa đảo người còn nhẹ tội hơn là một người cúng dường một tỷ đồng”. Nhất là nhớ đến đạo đức nhân quả thì chị Nghiêm không dám cúng dường hàng tháng cho các tu viện nữa. Trước đó anh chị có hứa hằng tháng bảo trợ cho các tăng ni Tây Tạng tu học. Bây giờ chị ấy ngưng vì sợ tạo thêm tội. Anh em chúng con có người cho rằng: “các tu sĩ Tây Tạng đâu có lỗi gì. Họ chẳng may tu phải một pháp môn không phải của đức Phật. HT Thanh Từ bảo rằng cúng dường cho người tu là gieo duyên, cho họ mắc nợ mình để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ, nhắc nhở mình tu hành. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con.

Đáp: Những người dùng tôn giáo và tà pháp dạy những điều mê tín, phi đạo đức, tạo ra những điều kỳ lạ quyến rũ những người nhẹ dạ để đem tiền bạc hoặc thực phẩm cúng dường cho những người đó ăn không ngồi rồi mà chẳng làm ích lợi gì cho ai cả. Khi đã học xong họ lại còn đem những sở học tà giáo ngoại đạo ra phổ biến rộng khắp dạy mọi người làm những điều mơ hồ, trừu tượng không chân chánh “Tiềnmất tật mang”,không có nghĩa lý và đạo đức gì cho cuộc sống làm người.

Chúng ta đã biết pháp của họ là những pháp mê tín, trừu tượng, ảo giác, lừa đảo lường gạt thiên hạ mà cứ đem tiền bạc cúng dường cho những người đó ăn thì chúng ta tự xét lại mình có phải mình là người khờ dại hay là người thông minh? Cúng dường như vậy có được phước báo gì? Đức Phật dạy: “cúng dường không đúng chánh pháp như đem hạt giống tốt gieo trên đất chai xấu, chẳng có phước báo mà còn tổn phước”. Tại sao vậy? Vì giúp người làm ác.

Cúng dường gieo duyên như Hòa Thượng Thanh Từ bảo là cúng dường đúng chánh pháp, nhờ cúng dường đúng chánh pháp mà chúng ta gặp được chánh pháp, còn cúng dường cho tà pháp thì đời đời sẽ gặp tà pháp, mà gặp tà pháp thì làm sao chúng ta sống có đạo đức làm người làm Thánh và làm sao tu hành được giải thoát sanh tử luân hồi thì kiếp kiếp đời đời chúng ta sẽ thọ khổ vô lượng vô biên biết chừng nào cho chấm dứt.

Vả lại, cúng dường cho những người tu theo tà pháp mê tín phi đạo đức, là nối giáo cho kẻ khác diệt nền đạo đức của Phật giáo. Bằng chứng là quý phật tử từ xưa đến giờ đã bị kinh sách phát triển dẫn dắtmà quý vị không biết nên cúng dường, do đó chúng duy trì và phát triển, nên diệt sạch Phật giáo, khiến cho loài người 25 thế kỷ nay đã đánh mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả làm người tuyệt vời. Bây giờ khắp trên thế giới con người sống bất an thường xâu xé chà đạp lên nhau vì cuộc sống, cho nên chiến tranh thế giới không lúc nào yên, lần lượt con người sẽ thoái hóa trở thành những loài thú dữ và còn tệ hơn là trở thành ác quỷ. Bởi vậy cúng đường không đúng chánh pháp tức là cúng dường cho tà pháp, cúng dường tà pháp là quý vị có tội, tội là vì xã hội con người không có đạo đức nên cuộc sống bất an, cuộc sống bất an thì quý vị cũng đang sống trong cảnh bất an đó.

Quý vị cứ suy ngẫm lại xem, từ lâu con người không theo tôn giáo này thì lại theo tôn giáo khác, không theo triết học này thì cũng theo triết lý khác, các tôn giáo dạy người cầu khẩn cúng tế cầu cho quốc thái dân an, thế giới hoà bình bằng cách này hoặc bằng cách khác, nhưng chúng ta có thấy quốc thái dân an bao giờ chưa? Có thấy thế giới hòa bình không chiến tranh chưa? Hay phải muốn quốc thái dân an thì phải bằng sức lực của con người và thế giới muốn có hòa bình thì cũng phải bằng sức lực của con người chứ không có một đấng siêu hình nào của các tôn giáo mà đem lại sự hòa bình cho loài người được. Do đó, bằng những hình thức cầu khẩn, cúng tế lạy cầu hoặc tam bộ nhất bái để cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới thì đó là một kiểulừa đảo lường gạt thiên hạ. Vậy mà chúng ta đem tiền của cúng dường cho những hạng người này là làm một việc làm phi đạo đức, nghĩa là không có phước báo mà còn có tội đối với loài người, nhờ chúng ta cúng dường mà những người lừa đảo mới tiếp tục sống lừa đảo, còn nếu chúng ta không cúng dường thì chúng không thể sống lừa đảo được buộc chúng phải sống lương thiện làm bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra để mà sống như chúng ta vậy.

Ví dụ: Mọi người đều biết pháp môn của kinh sách phát triển là pháp môn lừa đảo thì không ai còn cúng dường thì mấy ông thầy của kinh sách phát triển không còn nói láo được nữa và nhờ đó các ông sống trở lại đời sống lương thiện đời sống không làm khổ mình, khổ người.

Đức Phật dạy: “Cúng dường đúng chánh pháp, là cúng dường cho cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh”. Cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh như thế nào?

Cá nhân thanh tịnh và tập thể thanh tịnh là cá nhân và tập thể phải sống đúng giới luật. Người sống đúng giới luật có nói láo không? Quý phật tử hãy nhìn lại quý thầy của kinh sách phát triển và các Thiền Sư Trung Hoa có sống đúng giới luật chưa? Có nhập định làm chủ sự sống chết được chưa? Có hết tham sân, si chưa? Nếu chưa sống đúng giới luật, chưa làm chủ sự sống chết, chưa hết tham, sân, si thì quý Thầy đó thuyết giảng dạy người khác tu là nói sai, có đúng không? Mình tu chưa được mà dạy người khác tu là những người đó có xạo không? Mà người xạo, người nói láo thì có nên cúng dường không?

Vì thế cúng dường cho người lừa đảo, người nói láo là mình có tội thêm và tội rất lớn, do thế cúng dường một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng là vậy.

Hòa Thượng Thanh Từ bảo rằng: “Cúng dường cho những người tu chân chánh là gieo duyên, cho họ mắc nợ mình để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ, nhắc nhở mình tu hành”. Lời dạy này của Hòa Thượng rất đúng, đúng là đúng với chánh Pháp của đức Phật, vì pháp của đức Phật là đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, còn như chúng ta đã biết Thiền, Mật, Tịnh là tà pháp ngoại đạo thường dạy người mê tín, phi đạo đức, phi nhân quả và có những điều dạy rất mơ hồ, trừu tượng chỉ hiểu bằng tưởng tri. Nếu chúng ta thường đem tứ sự cúng dường cho những bậc thầy này để họ mắc nợ chúng ta, để kiếp sau còn gặp nhau để họ dạy dỗ nhắc nhở mình tu hành những điều mê tín, phi đạo đức, thì chúng ta có nên cúng dường gieo duyên với những người này hay không? Gieo duyên với họ đã tốn tiền của và công sức, nhưng cuối cùng được những gì? Hãy nhìn các bậc Thầy Tổ của chúng ta họ giải thoát được những gì hay chỉ lừa đảo chúng ta mà thôi.

Tóm lại, quý phật tử phải sáng suốt trong lúc cúng dường hay bố thí, phải chọn cho đúng đối tượng, bậc tu hành giới luật phải nghiêm túc và người được bố thí thật sự phải trong cảnh khổ.

MUỐN NHẬP ĐỊNH THÌ PHẢI SIÊNG NĂNG LỄ PHẬT

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Kính bạch Thầy! Thầy Chơn Quang bảo rằng ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước, phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn. Chúng con nhớ lời Thầy dạy: “ly dục ly bất thiện pháp, diệt ngã xả tâm quét sạch ngũ triền cái và dứt bỏ thất kiết sử thì tâm được thanh tịnh và tâm nhập Vô Tướng Tâm Định (Bất động Tâm Định)”.

Chúng con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu thì thấy vọng tưởng thưa dần. Như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Có người bảo rằng: “Ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước, nên phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn”. Lời dạy này chúng ta thấy rất mơ hồ, chỉ tưởng giải theo chữ nghĩa của câu kinh: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”, đây là một câu kinh của kinh sách phát triển do tưởng tri của các Tổ viết ra để lừa đảo con người, để dựng lên tánh không mà Thiền Tông đã lấy đó làm Phật tánh. Kinh sách phát triển đã là sai, mà người lấy câu kinh này tưởng ra thì lại còn sai hơn là chỗ vọng tưởng và phước báo.

Chữ phước ở đây là phước vô lậu hay phước hữu lậu, không xác định rõ. Nếu bảo rằng có phước hữu lậu thì nhập định dễ dàng, nếu vậy thì những nhà giàu có, vua, quan v.v.. đều là những người nhập định dễ dàng. Vậy họ có hết vọng tưởng không và có nhập định dễ dàng không? Lý này không thể có được. Còn nếu bảo rằng phước vô lậu do siêng năng lễ Phật mà có thì điều này là vọng ngữ sống trong tưởng tri mà nói ra. Đức Phật dạy phước vô lậu là do “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện” sanh thiện tăng trưởng thiện không phải là phước vô lậu sao? Đức Phật đâu có dạy lễ Phật mà có phước vô lậu, cho nên đức Phật dạy rõ ràng không có mơ hồ, trừu tượng như nhà học giả này. Còn bảo rằng lễ Phật sau một thời gian nhập định dễ dàng thì các người tu theo Tịnh Độ Tông là những nguời siêng năng lễ Phật nhất thế gian mà họ có hết vọng tưởng và nhập định được đâu.

Ở đây chúng ta nên phân biệt phước hữu lậu và phước vô lậu tu như thế nào để có được hai loại phước này?

Người biết cúng dường bố thí đúng chánh pháp, tức là đem của cải tài sản bố thí cho người bất hạnh trong xã hội, nhưng những người này không có tham lam, trôm cắp, cướp của, giết người thì mới có phước hữu lậu, còn ngược lại thì chẳng được phước gì cả, nhiều khi còn phải thọ khổ, cho nên có nhiều người làm từ thiện mà trong nhà không thiện chút nào.

Đem cơm, thực phẩm, y áo, giường nằm và thuốc thang dâng lên cúng dường cho những bậc chân tu giới luật đức hạnh thanh tịnh, thiền định sâu mầu thì được phước hữu lậu bằng ngược lại phi công đức nghĩa là cúng dường cho những người phá giới phạm giới thì không được phước mà còn có tội thêm.

Chúng tôi chưa từng thấy trong Kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy siêng năng lễ Phật sẽ nhập định dễ dàng bao giờ. Bởi vậy người sau thường hay dựng lên những sự tưởng tượng trong khi mình chưa thực hiện được những điều mình dựng lên mà dám dạy người, may mà sự lễ Phật không có tai hại chứ còn nhiều thứ khác rất tai hại như thiền Đông Độ và thiền Minh Sát Tuệ ức chế tâm nhất là tham công án, khiến cho hành giả tu căng mặt, tức ngực, căng thần kinh, đau đầu, v.v..

Người dạy nhập thiền định kiểu này là người chưa bao giờ biết thiền định, chỉ dựa theo kinh sách phát triển dạy ức chế tâm, khi nào tâm hết vọng tưởng là nhập định, dạy kiểu này là dạy thiền điên, đức Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền, tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền, ly hỷ tưởng nhập Tam Thiền, tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, hoặc ly dục ly ác pháp hoặc tâm không phóng dật nhập Sơ Thiền”, chứ đức Phật đâu có dạy hết vọng tưởng là nhập định.

Đây là một loại thiền định mới của những nhà học giả đẻ ra trong thế kỷ thứ 21.

Lễ Phật để chư Phật gia hộ cho hết vọng tưởng, nhập định dễ dàng mà đời sống ăn uống phi thời chạy theo danh lợi tham tiền, tham bạc, tham xe cộ chùa to Phật lớn, v.v.. thì dù có lễ mòn đầu gối cũng chẳng hết vọng tưởng. Còn các con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu để ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm... Thấy vọng tưởng thưa dần là tu đúng cách.

Mục đích ở đây tu hành là để tâm thanh tịnh (không tham, sân, si) chứ không phải diệt vọng tưởng mà vọng tưởng thưa dần là triệu chứng tâm ít phóng dật.

RÈN LUYỆN NGHỊ LỰC, BỀN CHÍ, KIÊN NHẪN

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Chúng con theo thời khóa tu tập mà Thầy chỉ dạy trong ĐVXP VIII, nhưng thay vì thức dậy từ 2 giờ sáng, chúng con thức dậy lúc ba giờ, có khi làm biếng dậy lúc 3h30, hoặc 4 giờ (thật xấu hổ, ham ngủ mà đòi tu thiền và mong được giải thoát!). Thay vì ngồi kiết già thở 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành, chúng con làm biếng (trong lòng thì nghĩ rằng 5 hơi thở quá dễ, đứng lên ngồi xuống hoài mỏi giò quá) tụi con ngồi thở vài chục hơi mới đứng dậy kinh hành. Chúng con tu tập như thế có được không?

Đáp:Hành giả tu hành phải theo đặc tướng của mình, cho nên thời khóa của người này thì không nên áp dụng cho người kia. Vì thế đức Phật dạy khi tu hành phải thiện xảo, phải khéo léo trong sự tu tập cũng giống như người lên dây đàn, căng dây quá thì không đúng âm, chùng quá thì không thành âm, chỉ có căng dây vừa thì phát âm đúng. Người mới tu tập thì phải tu tập thọ Bát Quan Trai tức là tập sống như Phật để ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp là để tập tâm không phóng dật, tập tâm không phóng dật có nhiều cách:

1/        Tập sống đúng tám giới (Thầy có gửi băng cho các con tu tập thọ Bát Quan Trai Giới hãy nghe theo đó mà tu cho đúng).

2/        Sống đơn giản.

3/        Sống một mình.

4/        Tập tỉnh thức đi hoặc ngồi.

5/        Tập xả chướng ngại pháp.

6/        Tập phá hôn trầm.

Dựa theo thời khóa tu tập trong tập 8 Đường Về Xứ Phật con nên sửa lại cho phù hợp với đặc tướng của mình.

Con không hiểu mục đích tu 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành một vòng, đó là sự rèn luyện nghị lực, bền chí, kiên cường và sự tinh cần. Nếu người tu mà không có nghị lực, không có bền chí, không có kiên cường và không có tinh cần thì khó mà thành tựu con đường giải thoát của đạo Phật. Nó không phải dùng để ức chế vọng tưởng mà để phá tâm lười biếng. Nếu không tu tập 5 hơi thở cho quen như vậy thì sau này gặp hôn trầm thùy miên rất khó phá, còn tu tập 5 hơi thở đi kinh hành một vòng đã thành thói quen thì hôn trầm thùy miên đến dẹp rất dễ dàng. Đây là pháp hành để phá tâm si mê của các con, giúp các con tỉnh thức.

Đối với tâm tham, sân người ta không sợ, mà chỉ sợ tâm si, trạng thái của tâm si là hôn trầm, thùy miên.

Ăn, ngủ, độc cư, ăn ngày một bữa người ta có thể ăn được, nhưng ngủ không phải dễ, mọi người đều bỏ cuộc tu hành do không phá được hôn trầm thùy miên, còn nói đến độc cư thì chưa có ai làm được. Phá được tâm si để có tâm tỉnh thức đâu phải dễ, có tâm tỉnh thức mới sống độc cư được, còn tâm chưa tỉnh thức mà nói sống độc cư là người nói không thật.

Tỉnh thức trên hành động thân hoặc trên hành động hơi thở thì không khó chứ tỉnh thức trên các chướng ngại pháp thì khó khăn vô cùng, nếu không tập 5 hơi thở rồi đi kinh hành thì khó có tỉnh thức, cho nên phương pháp tu năm hơi thở đi kinh hành một vòng là một pháp môn rèn luyện nghị lực, bền chí, kiên cường và sự tinh cần đệ nhất.

Nghị lực giúp chúng ta vượt qua và diệt ác pháp trong tâm; tinh cần giúp chúng ta ngăn các ác pháp, bền chí, kiên cường giúp chúng ta gặp khó không lui.

Ví dụ: Khi một cơn sân nổi lên dữ dội, nếu không có nghị lực chúng ta không thể nào dập tắt cơn sân được tức là diệt ác pháp, còn nếu không có chịu khó tinh cần thì ác pháp sẽ xâm chiếm tâm ta và như vậy chúng ta phải chịu khổ đau, cho nên tinh cần là pháp ngăn ác pháp và nghị lực là pháp diệt ác pháp đệ nhất như trên Thầy đã dạy.

Tóm lại 5 hơi thở đi kinh hành 1 vòng là một pháp môn căn bản sơ khởi cho người mới tu để rèn luyện thân tâm có một sức lực bền bỉ dẻo dai để tiến tu trên đường đạo mà không sợ chùng bước trước mọi sự khó khăn, gian khổ, v.v..

TƯỞNG TỨC

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi: Kính bạch Thầy! Có lúc hơi thở sao quá nhẹ, tưởng chừng như nó không có tựa vào đâu cả, có lúc con lại cảm thấy làm biếng không muốn thở nữa, mặc dù biết ngưng thở là mình sẽ chết. Nhưng không biết tại sao con lại thích muốn ngưng thở. Xin Thầy chỉ dạy cho.

Đáp:“Hơi thở quá nhẹ tưởng chừng như không tựa vào đâu cả”,đó là con đã rơi vào trạng thái “tưởng tức”,hãy xả bỏ ngay liền, đứng dậy đi kinh hành vì tu như vậy là tu lạc đường. Hằng ngày cố gắng mà xem xét bốn chỗ “thân, thọ, tâm, pháp” (Tứ Niệm Xứ) có chướng ngại pháp hay không? Nếu không thì tâm con sẽ thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm con nó rất tự nhiên định vào thân con mà không bị ức chế tập trung, nó định như thế nào?

Khi nó không phóng dật theo các pháp trần bên ngoài. Vậy nó đang biết cái gì? Nó đang biết hơi thở bình thường và hơi thở đó rất bình thường không có một chút gì thay đổi, vì nó không bị ức chế. Nếu hơi thở có thay đổi là do con gom tâm tập trung trong hơi thở, do gom tâm tập trung vào hơi thở nên con rơi vào tưởng tức, thành ra tu sai, các con tu tập nên lưu ý điều này.

Khi nào tâm không phóng dật là lúc bấy giờ tâm định trên hơi thở. Tâm định trên hơi thở tức là tâm không những chỉ biết hơi thở mà còn cảm nhận được toàn thân giống như đề mục Định Niệm Hơi Thở dạy: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”.Đó là tâm định trên thân. Tâm định trên thân tức là tâm đang quán thân như trong kinh Tứ Niệm Xứ đã dạy: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”. Khi tâm đang quán thân thì tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là chứng đạt chân lý. Vì thế đức Phật đã tuyên bố: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Người tu hành đến đây là xong mong quý vị lưu ý.

CHƯA ĐỦ DUYÊN XUẤT GIA

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi: Kính bạch Thầy! Hoàn cảnh của con (Thạch) thật khó khăn, con muốn về VN tu tập, nhưng ai cũng can gián, cho rằng chưa chắc người ta để yên cho con tu. Bây giờ thì con hết mơ xuất gia ở TV Trúc Lâm, mặc dù con đã được HT Thanh Từ hứa khả. Con muốn tu theo pháp môn của Thầy, nhưng thức dậy lúc 2 giờ sáng thì con làm chưa được. Với lại, như lời Thầy dạy, chưa xả tâm, chưa ly dục ly ác pháp mà đòi giải thoát luân hồi sanh tử là điều khó thực hiện. Con hiện không có bị gia duyên ràng buộc, liệu con tu theo Thầy và cô Út có được không? Hay là như một số người khuyên con, “ráng gieo duyên để kiếp sau tu sớm hơn thì được, bây giờ tu rốt ráo chưa được đâu”. Xin Thầy từ bi chỉ dạy. Từ khi trở qua Mỹ, 3 tháng nay con tu tập theo pháp môn của Thầy. Nhưng không có ai nuôi cơm, không có chùa để ở. Chùa còn phải tìm cách thu hút Phật tử đến cúng dường, và tu hành không đúng pháp Phật. Cuối cùng con đành phải đi dạy học lại mà trong lòng rất tiếc những ngày tháng được thong dong, an lạc tu tập xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp. Con đã nhận lời dạy ban đêm (kể từ ngày 19/6/2000), nên ban ngày và buổi công phu khuya con còn giữ được. Con nhớ lời Thầy dạy là: “người cư sĩ cũng có thể tu hành như người tu sĩ xuất gia”. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con định hè năm 2001 thì con về tu viện Chơn Như tu học một tháng. Từ nay đến đó con sẽ cố gắng chuẩn bị thân tâm để có theo kịp các huynh đệ bên nhà.

Đáp: Về vấn đề tu hành của con, con là người Việt Nam nên trở về quê cha, đất tổ để tu hành, làm sáng tỏ lại Phật Giáo Việt Nam, làm rạng rỡ Tổ Tiên nòi giống dân tộc Việt Nam, như những bậc chân tu Việt Nam dám ăn dám nói thẳng sự thật mà các con đã biết.

Ở đây con nên tự xét lòng con có quyết tìm tu giải thoát hay không? Nếu có thật lòng quyết tìm tu giải thoát và quyết tâm dựng lại một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người của Phật giáo có lợi ích rất lớn cho loài người trên hành tinh này mà nó đã bị dìm mất từ lâu. Khi có quyết tâm như vậy thì ngăn sông cách núi không phải là một việc khó mà khó là ở chỗ lòng con chưa quyết tâm. Thầy chấp nhận những người quyết tìm tu giải thoát cho mình và làm lợi ích cho người, cho Phật giáo thì dù cho hoàn cảnh có khó khăn nào, có đến đâu Thầy cũng tìm mọi cách giúp cho người đó tu hành đến nơi đến chốn.

Đức Phật đã dạy: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển, nhưng gặp được chánh pháp còn khó hơn”. Lời dạy này con cứ suy ngẫm sẽ thấy rất đúng. Mất thân rồi khó tìm được thân con ạ! Gặp pháp tu hành giải thoát cũng không phải dễ, nhưng con nên nhớ đạo đức nhân bản của đạo Phật không cho phép chúng ta làm khổ mình, khổ người nhất là những người thân thương của mình vì đó là duyên nghiệp nhân quả phải trả mà phải trả trong thiện pháp, trong đạo đức làm người, chứ không được làm khổ nhau trong ác pháp, làm khổ nhau trong ác pháp thì trả vay không bao giờ hết. Cho nên chúng ta đi tu không có quyền làm khổ người, nhất là những người thân thương của mình trong gia đình.

Từ khi có đạo Phật xuất hiện trên đời này, đạo đức nhân bản làm người có mặt, thì sự cắt ái ly gia là một điều quan trọng, nhưng cắt ái ly gia như thế nào mà không làm khổ mình khổ người thì mới được đức Phật chấp nhận. Nó thuộc về ái kiết sử.

Trong thất kiết sử, ái kiết sử là khó đoạn dứt nhất, dứt ngang thì nghiệp nhân quả không tròn. Khi vào chùa tu sống độc cư một mình thì mới thấy nghiệp nhân quả ái kiết sử là khó dứt, trốn nó thì dễ, dứt nó thì khó, chỉ có làm hết bổn phận đạo đức nhân quả thì ái kiết sử đoạn lìa. Nhưng không phải vì cớ đó mà chúng ta không có đường tu, chính vì lý do đó mà đức Phật dạy chúng ta thọ Bát Quan Trai Giới và hằng ngày trong chiếc áo của người cư sĩ áp dụng đạo đức không làm khổ mình, khổ người, nếu chúng ta thành tựu đạo đức không làm khổ mình khổ người thì chúng ta đã ly dục ly ác pháp và vì vậy mà ái kiết sử đã bị đoạn dứt.

Người ly dục, ly ác pháp là người có đầy đủ phước vô lậu nên khi tâm họ khởi muốn xuất gia tu hành thì mọi người thân thương trong gia đình đều hoan hỷ và tán thán ca ngợi hạnh xuất gia của họ, họ ra đi với lòng hân hoan của mọi người tiễn đưa một bậc Thánh nhân mà người trong gia đình ai cũng nhận thấy qua hành động đạo đức của người này đã từng sống với mọi người.

Với chiếc áo người cư sĩ, tu xả tâm không có gì khó đâu. Các đối tượng là chướng ngại pháp, nó đến với chúng ta đó là điều kiện để chúng ta diệt ngã xả tâm đẩy lui các chướng ngại pháp, như đức Phật đã dạy tu tập Định Vô Lậu, còn bình thường tâm không có ác pháp thì chúng ta nên nhớ rèn luyện pháp hướng tâm để cho tâm có một đạo lực, đạo lực ấy sẽ giúp chúng ta nhập các định sau này còn hiện giờ nó là pháp dẫn tâm chúng ta thường sống thanh thản, an lạc và vô sự.

Hiện giờ con đang sống bên Mỹ, đừng đến các chùa tu hành không đúng pháp đâu sẽ làm con mất thì giờ vô ích. Mỗi tháng con nên chọn một hoặc hai ngày thọ Bát Quan Trai tức là tập sống như đức Phật, ăn ngày một bữa, không nghe ca hát, không nằm giường cao rộng lớn, không trang điểm, sống độc cư trầm lặng một mình, những hành động sống này là tập hạnh giải thoát.

Thời gian tu tập con thấy thích sống như vậy tức là trong một đời này con sẽ tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, còn con không thấy thích thì kiếp này tu chưa xong.

Trong những ngày thọ Bát Quan Trai sống trầm lặng độc cư mà tâm con không phóng dật, tâm thường tự nhiên định trên hơi thở thì con hãy trở về Việt Nam lập tức gặp Thầy để Thầy trực tiếp hướng dẫn nhập các định và Tam Minh.

Trong hoàn cảnh nào mà người quyết tâm tu hành tìm sự giải thoát thì hoàn cảnh nào tu hành cũng tốt, có thì giờ rảnh lúc nào thì chúng ta tu ngay lúc ấy dù là một phút cũng đừng phí bỏ rất uổng.

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”.

Các con đều đã lớn tuổi hết rồi, năm tháng còn lại quá ít, phải tinh cần ly dục, ly ác pháp, thường đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm và đừng quên rèn luyện “pháp như lý tác ý”. Một lần nữa Thầy xin nhắc lại: các con đừng quên, thường nhắc tâm: “Tâm như cục đất phải lìa tham,sân, si cho thật sạch”. Đó là những điều cần thiết mà các con phải hằng tu tập rèn luyện từng phút từng giây, tự thắp đuốc lên mà đi thì ngay đó là Niết bàn của các con, các con đừng tìm đâu xa, đừng nghe lời lừa đảo của kẻ khác mà hãy tin tưởng, xưa kia đức Phật đã thành tựu cũng do pháp này, ngày nay trong sáu tháng Thầy cũng thành tựu nơi pháp ấy.

Từ lâu các con đã tu theo thiền theo kinh sách phát triển nó đã trở thành thói quen hãy cố mà bỏ xuống, tu tập lại 5 hơi thở đi kinh hành một vòng, nếu sức các con khỏe thì nên tu nhiều một chút, còn sức khỏe các con kém thì nên tu ít lại một chút, tu như thế nào mà cảm giác toàn thân tâm được thanh thản, an lạc chứ không phải tu mà làm khổ thân tâm của mình quá mệt nhọc thì đó là tu sai, tu mà còn làm khổ mình thì không đúng. Ví dụ: ngồi thiền hai chân đau quá mà cứ ráng ngồi chịu đau đó là tu sai.

Các con nên nhớ pháp của đức Phật không tu thì thôi mà đã chấp nhận tu là có thanh thản, an lạc, vô sự, nhẹ nhàng giải thoát ngay liền trong đời sống hiện tại, đó là một sự xác chứng cụ thể của đạo Phật “Pháp của Ta thiết thực không có thời gian đến để mà thấy…”.

Sau cùng Thầy có lời thăm và chúc cả gia đình của các con được an vui mạnh khoẻ, chúc các con tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

TẬP II (BỘ MỚI)

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Con vừa nhận được tập 2 Đường Về Xứ Phật của Thầy nhuận lại và có bổ sung, con thắc mắc tại sao tập 2 này lại khác tập hai cũ. Như vậy học giả sẽ nghĩ gì về bộ sách này?

Đáp:Tập 2 Đường Về Xứ Phật vừa nhuận xong là nhuận lại trong tập 1 cũ, vì tập 1 cũ nhuận lại cho rõ ràng, dễ hiểu và có bổ sung thêm được đầy đủ hơn thì gần 1000 trang giấy, do đó Thầy chia ra làm ba tập, thay vì tập 2 đã được nhuận xong là tập A2 và kế nữa là tập A3 rồi mới đến tập 2 cũ.

Tập 2 và 3 cũ phần nhiều thuộc về giới luật, sau này tập 2 và 3 cũ sẽ được nhuận lại và đưa qua hệ thống giới luật thuộc về bộ Giới Đức Làm Thánh và bộ Giới Đức Làm Người.

Những tập Đường Về Xứ Phật cũ tập 1, 2, 3 được ra đời là dựa theo băng giảng giáo án đường lối tu tập của Phật giáo, nên khi nhuận lại Thầy phải chỉnh đốn bộ sách cho được hoàn chỉnh rõ ràng và cụ thể để đời sau khi có người nghiên cứu không còn gặp những khó khăn nữa. Cho nên tập 2 này không giống tập 2 cũ là vì lý do trên. Nhờ con khéo nhắc, Thầy đã cáo lỗi trong tập 2 mới.

CÕI TRỜI

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Trong tập 2 mới này ở trang 294, khi đức Phật chứng đạo Ngài quan sát thấy nghiệp lực của mẹ sanh lên cõi Trời và đến cõi Trời đó để dạy mẹ tu hành. Như vậy học giả sẽ nghĩ có sự mâu thuẫn ở đoạn sau Thầy giải thích không có cõi Trời và chư Thiên. Xin Thầy hoan hỷ giải cho con những thắc mắc này.

Đáp:Một lần nữa Thầy xác định và quả quyết thế giới siêu hình không có, mà chỉ có thế giới siêu hình tưởng. Đức Phật thể hiện vào thế giới tưởng để độ mẹ. Thế giới tưởng của đức Phật chứ không phải thế giới tưởng của mẹ Ngài. Bởi vì đức Phật đã xác định 33 cõi trời là 33 cõi tưởng, mà cõi tưởng thì không ngoài con người còn sống mà có. Và như vậy cõi Trời tưởng của đức Phật chứ không có cõi Trời tưởng của mẹ Ngài vì mẹ Ngài đã chết thì thế giới tưởng của mẹ Ngài cũng không còn, mẹ Ngài chỉ còn là một trạng thái nghiệp thiện, trạng thái nghiệp thiện đó không tái sanh làm người được, chờ khi nào trạng thái nghiệp thiện đó hết duyên thì mới tái sanh làm người, trạng thái nghiệp thiện đó là một từ trường, nói một cách khác dễ hiểu hơn là một luồng khí, đây cũng chỉ là những ví dụ cho dễ hiểu chứ kỳ thật trí hữu hạn của chúng ta mà hiểu trạng thái của nghiệp thì chỉ có tưởng tri[1] chứ không phải liễu tri[2].

Một người còn sống thì có ba thế giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Sắc giới là cảnh hiện hữu của chúng ta đang sống, vô sắc giới là cảnh mộng trong giấc chiêm bao của chúng ta. Trong cõi sắc giới có dục giới, cũng như trong cõi vô sắc giới thì cũng có dục giới. Khi một người chết cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều đoạn diệt, chỉ còn nghiệp lực tương ưng nơi đâu thì tái sanh về đó. Vì thế, mà bảo rằng không có thế giới siêu hình khách quan mà chỉ có thế giới siêu hình chủ quan.

Đọc kinh sách Phật, phần nhiều người ta cảm thấy như đức Phật mâu thuẫn, lúc thì đức Phật nói có cõi Trời, lúc thì nói cõi Trời là cõi tưởng.

Đức Phật không mâu thuẫn, khi nói đến cõi Trời là Ngài nói đến cõi tưởng tức là cõi tưởng của Ngài, chứ chúng ta đừng hiểu có cõi tưởng bên ngoài Ngài.

Trong bài kinh Giáo Giới Nandaka dạy: “-Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Trước đây thưa Tôn giả, chúng con đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ rằng: “Sáu thức thân này là vô thường”.

“- Lành thay, lành thay, chư hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn nhưchơn, với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, chư Hiền tỷ, một ngọn đèn dầu được đốt cháy: dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịusự biến hoại; ánh sáng là vô thường chịu sự biến hoại. Chư Hiền tỷ, nếu có ai nói rằng: “Ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc là vô thường, chịu sự biến hoại; ngọn lửa là vô thường, chịu sự biến hoại nhưng ánh sáng ấy là thường còn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”; chư Hiền tỷ nói như vậy là có nói chơn chánh hay không?

- Thưa không vậy, Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả ngọn đèn dầu này được đốt cháy; dầu là vô thường, chịu sự biến hoại; bấc cũng là vô thường chịu sự biến hoại; ngọn lửa cũng vô thường chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến ánh sáng cũng là vô thường chịu sự biến hoại!”.

Cũng trong bài kinh này còn cho thêm một ví dụ khác nữa: “Lành thay, lànhthay, các Hiền tỷ! Chính phải là như vậy, là cái nhìn như chơn với chánh trí tuệ của vị Thánh đệ tử. Ví như, này các Hiền tỷ, có một cây to lớn đứng thẳng, có lõi cây cây vô thường chịu sự biến hoại, có rễ vô thường chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường chịu sự biến hoại, với cành lá vô thường chịu sự biến hoại, với bóng cây vô thường chịu sự biến hoại. Nếu có người nói như sau: “Có cây lớn đứng thẳng, có lõi cây này, với rễ vô thường, chịu sự biến hoại, với thân cây vô thường chịu sự biến hoại, với cành cây lá vô thường, chịu sự biến hoại, nhưng bóng mát của cây ấy là thườngcòn, thường trú, thường hằng, không chịu sự biến hoại”, này các Hiền tỷ, người ấy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Tôn giả. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả, cây to lớn đứng thẳng có lõi cây này, có rễ vô thường, chịu sự biến hoại, có thân cây vô thường chịu sự biến hoại, có cành lá vô thường chịu sự biến hoại. Còn nói gì đến bóng mát, cũng là vô thường chịu sự biến hoại!”.

Cho nên, thế giới siêu hình là thế giới tưởng, thế giới tưởng là thế giới bóng dáng của thế giới hiện hữu mà chúng ta đang sống. Vì thế khi chúng ta còn sống là thế giới ấy còn, chúng ta mất là thế giới ấy mất.

Hai đoạn kinh trên đức Phật đã xác định rõ ràng thế giới siêu hình không có, nhưng khi nghe Thầy nói đức Phật lên cõi Trời Đâu Xuất để dạy mẹ tu hành thì các con tưởng là có cõi Trời thật.

Không đâu, trong không gian chúng ta có 33 từ trường thiện (33 cõi Trời) muốn tương ưng với từ trường nào đó thì đức Phật nhập vào trạng thái từ trường đó ở tâm mình thì bắt gặp ngay liền từ trường thiện đó. Từ trường thiện đó không phải linh hồn của người chết. Xin đừng hiểu sai lệch, vì không có ngôn ngữ nên chúng tôi không thể giải thích mà chỉ tạm dùng danh từ “TỪ TRƯỜNG”chứ chưa được đúng lắm.

Thêm một lần nữa để chúng ta hiểu cho rõ, trong khoảng không gian trên hành tinh của chúng ta là một môi trường sống, có nhiều từ trường thiện và ác. Những từ trường ác theo nghiệp ác hợp thành thế giới khổ đau (sắc giới, dục giới và vô sắc giới), còn từ trường thiện theo nghiệp thiện nên không hợp thành thế giới được vì là một từ trường đơn điệu.

Muốn thành một cõi giới thì phải có một sự hợp thành, không có một sự hợp thành thì không có cõi giới.

Ví dụ: Một cái nhà không thể lấy một cây cột hoặc một tấm tôn mà cho là cái nhà được, cũng như một cái xe không thể lấy một cây căm hay một cái đùm xe mà bảo rằng là xe được.

Thế giới chúng ta đang sống mà đức Phật đã xác định là thế giới duyên hợp, do 12 nhân duyên hợp lại mà tạo thành thế giới này. Vì thế, một từ trường đơn điệu không thể tạo thành một thế giới được.

Sau này con có dịp đọc đạo đức nhân quả thì con sẽ rõ thế giới siêu hình cụ thể hơn.



[1]Tưởng tri là sự hiểu biết không cụ thể, phần nhiều tưởng tượng ra bằng những hình ảnh trừu tượng nên nó không thật có.

[2] Liễu tri là sự hiểu biết một sự vật cụ thể có thật, không có tưởng tượng. Phần nhiều người trên thế gian này sống trong tưởng tri ít ai sống trong liễu tri, vì thế mọi người lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là có thật nên đời đời chịu nhiều khổ đau.

HOÀI VỌNG

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Việc này con cũng như Thầy hoài vọng vào Thầy Minh Tông, Mật Hạnh và Thiện Thuận vì đã vào được Tam Thiền, nhưng nay nghe ra quý Thầy đã là số không, vậy chờ ai nữa cho mau hỡi Thầy? Con lo quá! Không lẽ Thầy dạy cách hành rõ như vậy mà thời này không còn ai tu chứng để cùng Thầy tạo chỗ đứng cho chánh pháp càng sâu rộng ra sao?

Mỗi lần nhìn thấy một bậc gọi là Tỳ Kheo, Hòa Thượng mà cung cách sống không hạnh không đức con cảm thấy xót xa. Vì nghĩ rằng những người và vô số người theo họ, kính phục họ phải bất hạnh biết dường nào! Cũng như con từ khi quy Y Tam Bảo, trải qua 20 năm, con cũng đã lầm đường lạc nẻo, lang thang từ vị Thầy này đến vị Thầy kia những tưởng là chánh pháp đây rồi, dừng chân được rồi. Nhưng sau đó học, đọc những bài pháp, những kinh, không phải cái “gì” sâu thẳm, nhiệm mầu mà con tìm. Con luôn nghĩ còn có cái pháp nào đó sẽ chỉ cho con thấu suốt và làm chủ được cái tâm, chứ không phải nói chung chung và lập luận, triết lý nghe nhức cả đầu mà không có mùi vị giải thoát gì cả của những và vô số bài thuyết pháp mà con đã nghe.

Đáp:Từ ngày mở tu viện để tiếp độ người tu hành, cho đến nay nhìn lại chưa có người nào làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi, đó là một nỗi tư duy khắc khoải trong lòng của Thầy. Phật giáo ra đời chỉ sống có 100 năm và sau đó chúng tỳ kheo chạy theo dục lạc danh lợi, sanh ra kiến chấp rồi phân hóa giáo đoàn thành nhiều bộ phái, lợi dụng điều này Bà La Môn giáo biến Phật giáo chân chánh thành tà giáo ngoại đạo.

 Thầy là người chịu khổ đau nhất trong cuộc đời tu hành của mình, là nạn nhân của các tà giáo ngoại đạo này, nỗi lòng khắc khoải của Thầy từ khi tu hành xong cố hết mình tìm mọi cách để đào tạo những người tu hành được như Thầy, ngõ hầu thắp sáng lại Phật giáo khiến cho người người đều được lợi ích trong cuộc sống trên hành tinh này. Khi đọc bức thư của con, Thầy cảm thông được nỗi lo lắng ưu tư của con như chia sẻ nỗi lòng của Thầy. Nếu Phật giáo không được chấn hưng trở lại thì những người buôn Phật bán pháp có cơ hội phát triển và nhiều thủ đoạn lừa đảo lường gạt tín đồ Phật giáo, trong khi tín đồ Phật giáo làm sao biết được đâu là chánh pháp và đâu là tà pháp.

Nếu Phật giáo chấn hưng được thì người ta phân biệt Phật giáo và ngoại đạo rất dễ dàng:

1-        Phật giáo đời sống ly dục ly ác pháp.

2-        Ngoại đạo đời sống không ly dục ly ác pháp.

Cho nên kinh sách phát triển triển khai phi giới luật nên dễ phát triển theo sự sống trong dục lạc, nên tu sĩ ưa thích hơn còn Nguyên Thủy sống khó phát triển vì theo hướng giới luật ly dục ly ác pháp.

Minh Tông, Mật Hạnh, Thiện Thuận v.v.. tuy có công tu tập, nhưng đời chưa bỏ hẳn được, chưa đoạn dứt lòng ham muốn, chưa ly dục ly ác pháp trọn vẹn, vì thế làm sao nhập sâu vào thiền định và thực hiện Tam Minh được, Thầy rất tiếc cho họ, số phận của họ chỉ là những người còn nặng nghiệp nhân quả chưa chuyển được, dù muốn cho họ cao hơn nhưng họ phải tự lực xả bỏ đời thường tình thế gian thì mới tiếp nhận một cuộc sống cao thượng được. Thầy cũng đành chịu thôi, nhìn số phận nghiệp báo của những người đệ tử của mình mà lòng bồi hồi thương tiếc cho những tâm hồn lạc lõng đang hướng về ngõ cụt của cuộc đời và xót xa cho loài người trên hành tinh này còn kém phước nên Phật giáo không có người đủ tài đức đảm đương việc lợi ích lớn, nhưng dù sao, tuy có chậm, Thầy là người đã thực hiện được chánh pháp của đức Phật thì những lời Thầy dạy sẽ có những bậc vĩ đại tiếp nối, nhưng tuyên bố trước là đem tai hại cho những người này, vì tà giáo quá lớnnó sẽ diệt mất những mầm non của Phật giáo.

Các con mỗi người khi nhận ra chánh pháp của đức Phật thì các con hãy ráng mà cứu mình, hãy tự thắp đuốc lên mà đi, không ai đi thế con đường ấy cho các con được.

Chánh pháp là như thế, hãy tin vào mình mà đừng tin vào người khác, hãy thắp đuốc lên mà đi cho mình và chính mình làm sáng tỏ lại Phật giáo, đừng hy vọng vào người khác mà hãy hy vọng vào chính mình các con ạ!

NGUYỆN ƯỚC

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nhiều khi con cảm thấy tại sao con ít nói, tại sao con thích ngồi một mình trầm lặng, tại sao con thích chỗ vắng lặng của cảnh thiên nhiên mà không thích chỗ ồn náo, có kiến trúc cực kỳ văn minh, sang trọng. Và tại sao con thích đơn giản, không cầu kỳ hình thức ngày nào cũng như ngày này, không ngày nào mà không thấy buồn khổ của mình và của tất cả chúng sanh, kể cả ngày Xuân (Tết).

Thưa Thầy hiện giờ tâm con là như thế, con thấy biết Tứ Diệu Đế rất rõ, nhưng con chưa đủ duyên để thực hành thành công Đạo, Diệt. Thầy bảo rằng con yếu đuối không thể thực hiện đạo giải thoát bằng giai đoạn 2. Theo con nghĩ tại con chưa đủ duyên hay duyên chưa tới. Vì nếu tới thì rất dễ như trở bàn tay.

Con xin Thầy quán xét, con kiếp nào mới thực hiện được nguyện ước xuất gia tu hành chấm dứt sanh tử luân hồi ưu bi khổ não. Con cũng xin Thầy quán xét Nhựt có bước vào Chánh pháp của Phật được không?

Đáp:Đạo Phật tu không khó, ai có thân người đều có thể tu chứng được, chứ không như lý luận của kinh sách phát triển: “Tu phải trải qua nhiều kiếp”,nhưng người tu phải có quyết tâm xả bỏ cuộc sống tầm thường, ích kỉ, hèn hạ, nhỏ mọn v.v.. thì mới tiếp nhận được cuộc sống thanh khiết và cao thượng.

Con đủ duyên vì gặp được chánh pháp của Phật, nhưng duyên chưa tới là vì Thầy chưa có một Cấp Cô Độc cúng dường cơ sở cho chúng tỳ kheo tu tập để sống đúng Thánh hạnh.

Ví dụ: Chương trình học và học sinh đã có sẵn, nhưng trường ốc chưa có, đó là duyên chưa tới, nhiều người hiểu sự tu quá đơn giản họ luận: “Tu thì ở đâu lại tu không được, tu ở tâm chứ đâu phải là chỗ ở”.Đạo Phật không chủ trương như vậy, mà chủ trương sống thành thói quen, cho nên có môi trường tốt thì con người sẽ sống thành thói quen tốt, môi trường xấu con người sẽ sống thành thói quen xấu, đó là một bằng chứng cụ thể hiển nhiên, cho nên đức Phật lấy giới đức làm đầu của sự sống “sống là tu, tu là sống chứ không phải sống khác, tu khác”.

Chỗ Thầy đang ở là cơ sở của Đại Thừa và Thiền Đông Độ, không phải là cơ sở chúng Thánh tăng ở, trong cơ sở này Thầy đã chuyển hóa rất nhiều, loại trừ những cúng bái tụng niệm, mê tín chỉ còn chưa tổ chức cách thức về ăn uống cho trọn vẹn, ăn uống ở đây còn giống Đại Thừa (nấu ăn) mà hạnh về ăn uống của đạo Phật rất là quan trọng vì nó là nuôi chánh mạng cho các tu sĩ, nếu không tổ chức khâu này thì đương nhiên sống theo kiểu Đại Thừa là nuôi tà mạng, mà nuôi tà mạng thì tu sĩ không bao giờ ly dục ly ác pháp được, nếu không ly dục ly ác pháp thì tu sĩ không bao giờ nhập chánh định được.

Vì thế con có duyên với Chánh Pháp mà duyên tu chưa tới, nếu có cơ sở sống đúng phạm hạnh Thầy hướng dẫn tu tập, đừng tu sai lời dạy của Thầy thì quyết định trong một đời này con sẽ thực hiện được nguyện ước xuất gia tu hành, chấm dứt sanh tử luân hồi. Cháu Nhựt cũng vậy, chỉ trong một đời này mà thôi. Con và cháu Nhựt đều có đủ duyên với chánh pháp nên đã gặp Thầy và có lòng tin những gì Thầy dạy, nhưng duyên chưa tới nên cháu Nhựt và con vẫn còn trôi lăn trong việc kinh doanh.

Tám năm trời Thầy giao cho Chơn Tâm lo liệu cơ sở tu hành ở Phước Hải, nhưng gặp nhiều trắc trở khó khăn cho đến nay chưa xong. Âu đó cũng là duyên chưa đủ, phước chúng sanh còn mỏng, nên Thầy bảo con còn yếu chưa tu được ở giai đoạn 2 là lý do này để con yên tâm tu tập xả tâm trong các đối tượng giao tiếp của gia đình và xã hội.

Vài hàng con rõ, Thầy có lời thăm chúc cả gia đình con được mạnh khoẻ an vui sống đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người

Kính thư

XIN THỈNH KINH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy cho con Đường Về Xứ Phật tập 4, 5, 7, 9, 10.

Đáp:Tập 4, 5, 7, 9, 10 khi nào nhuận xong Thầy sẽ gửi đến con. Hiện giờ Thầy đang nhuận lại tập 3, tập 7 và sắp cho in tập 9.

Muốn cho bộ sách có một giá trị về các pháp hành của Phật giáo cụ thể và thiết thực thì sự nhuận lại là một điều hết sức quan trọng không thể thiếu được. Trước kia Thầy nghĩ rằng chỉ cần giảng dạy sao cho người nghe hiểu và tu tập được mà thôi, nhưng sau khi đã viết thành sách, nếu không cẩn thận chỉ dùng sai “từ” là đã giết người không những một thế hệ mà nhiều thế hệ. Tuy tuổi già sức yếu Thầy làm việc 22 trên 24 giờ, trừ ra lúc nào quá mệt thì phải nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe để rồi tiếp tục làm việc nữa vì Thầy cảm thấy bổn phận và trách nhiệm của mình quá lớn đối với mọi người và tiền đồ của Phật giáo.

Sách chưa thể cho ra đời mà lại muốn cho ra đời thì phải làm hết bổn phận và sức lực của mình. Không thể xem đời sống của con người như cỏ rác được, khi cầm cây bút viết nhất là viết sách về đạo đức thì phải thấy trách nhiệm, những gì mình đã tu được thì mới dám nói, còn tu chưa được mà nói ra là giết người.

Viết một cuốn sách là trải lòng thương yêu chân thật của mình trên đó đối với mọi người. Nếu một người viết sách vì mọi nhu cầu khác thì ở đây Thầy xin không dám bàn. Đối với Thầy viết sách là đem lòng yêu thương đến với mọi người, muốn cho mọi người đều cũng thương yêu nhau, đừng làm khổ cho nhau.

TU SAO LÂU QUÁ

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Cô Út tu thời còn đức Phật, đến nay vẫn chưa xong, sao lâu thưa Thầy?

Đáp: Không những riêng cô Út mà còn biết bao nhiêu người khác chưa xong. Số đệ tử của đức Phật rất đông kể cả cư sĩ và tu sĩ, chỉ riêng tu sĩ là 1250 vị tỳ kheo còn cư sĩ thì vô số kể mà thành tựu thì chẳng có là bao nhiêu.

Thời gian 2544 năm mà được thân người trở lại là một sự may mắn nhất và còn nhớ lại chánh pháp của đức Phật là một điều hy hữu.

Biết bao nhiêu người trước kia đã từng theo tu học với đức Phật mà hiện giờ là hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng, ni và vô số cư sĩ học giả từng biên soạn viết kinh sách thế mà chẳng nhớ đúng được chánh pháp của đức Phật trong khi kinh sách Nguyên Thủy họ nghiên cứu rất kỹ, còn cô Út thì không học kinh sách một chữ nào mà tu tập và thực hành đúng chánh pháp, còn Thầy thì phải lặn hụp trong giáo pháp của kinh sách phát triển trên 30 năm rồi mới trở về đúng chánh pháp của Phật.

Nếu đời nay cô chỉ biết giúp người tu mà không lo cứu mình thì cũng còn trôi lăn biết bao nhiêu đời nữa mới xong.

CHẤN HƯNG PHẬT PHÁP

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xưa đức Phật thường quan sát chúng sanh nào đủ duyên để độ, nay sao Thầy không làm thế để cho chánh pháp của Phật được chấn hưng nhanh? Còn như quý vị đệ tử của Thầy như thầy Minh Tông từng sống gần bên Thầy 3 năm, đáng lẽ phải biết Thầy nhiều và tin Thầy hơn. Sao lại còn cho Thầy bịa lý “tịnh chỉ hơi thở”.

Đáp:Khi tu xong, Thầy đã quan sát chúng sanh thấy không có duyên, nên xin Hòa Thượng nhập diệt, Hòa Thượng không chấp nhận yêu cầu Thầy ở lại giúp Hoà Thượng, cho nên Thầy ở lại chỉ có trợ giúp cho Hoà Thượng để lôi họ về với chánh pháp của đức Phật, nhưng duyên chúng sanh quá mỏng đối với chánh pháp nên khó tạo cho họ có niềm tin, còn bây giờ là Thầy tạo duyên mới để chúng sanh biết được chánh pháp của đức Phật.

Từ 8, 9 năm nay Thầy nhận người vào tu là nhận theo cách miễn cưỡng, chứ Thầy đã biết rằng họ không tu được vì họ mang đầy những kiến chấp và những thói quen tu tập sai nhiều đời, chỉ riêng có Mật Hạnh kiến chấp và tu sai pháp thì không có nhưng nghiệp đời còn nặng. Mật Hạnh giống như Tỳ Kheo Citta trong thời đức Phật ba lần hoàn tục và cuối cùng chứng quả A La Hán.

May mà Thầy dạy những gì trong kinh sách của Phật đều có dạy, chứ nếu Thầy dạy ngoài kinh sách theo kinh nghiệm bản thân tu tập của mình thì chắc chắn không bao giờ ai tin Thầy, dạy đúng trong kinh như vậy mà Minh Tông còn nói Thầy bịa. Khi tu hành có được chút ít kiến giải, có những thần thông tưởng rồi tự cho mình là hơn Thầy, con người thời nay là vậy. Họ tu hành không lấy sự giải thoát thân tâm, mà lấy thần thông và kiến giải cho là cứu cánh. Đó là cách thức đi ngược lại với Phật giáo, đi ngược lại với Thầy để rồi sau này sẽ có những sự hối tiếc.

Minh Tông có trình độ học thức trên đại học, ham tu, tu theo Mật Tông, Tịnh Độ Tông, có nghiên cứu kinh sách Phật nhưng không nắm được yếu chỉ của đạo Phật vì bị ảnh hưởng kinh sách phát triển.

Khi gần Thầy còn mang bản ngã rất lớn cho mình có học cao nên không nghe lời Thầy dạy xả tâm cứ tu ức chế tâm cho hết vọng tưởng nghe nói tịnh chỉ âm thanh và tịnh chỉ hơi thở thì cứ dùng pháp hướng tâm để tịnh chỉ âm thanh và hơi thở cho đạt được. Do tu sai ức chế tâm nên rơi vào tưởng pháp, đưa ra nhiều tưởng giải, Thầy dùng lý chánh pháp của đức Phật bác sạch những tư tưởng của Minh Tông, không ngờ Minh Tông quá cố chấp những tưởng giải của mình nên mới nói Thầy bịa đặt “tịnh chỉ hơi thở và không chấp nhận hạnh độc cư”, thách thức với Thầy trong thời gian ngắn Minh Tông sẽ chứng đạo bằng một lộ trình khác và thực hiện thần thông cho Thầy xem, nào ngờ con đường khác của Minh Tông dẫn Minh Tông đi đến thổ huyết một cách kinh khủng.

Khi bị ra huyết như vậy phải đi bác sĩ trị bệnh một thời gian khá lâu. Do không tin Phật pháp có lời phỉ báng chánh pháp của Phật, nên phải trả một quả nữa, sau khi được con bảo lãnh ra nước ngoài thì lại té thang lầu gần như muốn chết. Thật đáng thương!

Bởi Phật pháp là một chân lý của loài người, khi tu hành chưa chứng đạo, thì đừng nên ăn nói một cách bừa bãi làm lệnh lạc nghĩa lý của Phật thì phải chịu quả báo trong hiện kiếp, không thể nào tránh khỏi. Trên đây là một cụ thể rõ ràng qua gương nói sai nghĩa lý Phật pháp mà thọ quả báo như vậy. Xin quý vị lưu ý cảnh giác, khi tu hành chưa tới nơi, tới chốn thì nên im lặng như Thánh.

DÙNG THẦN THÔNG ĐỘ CHÚNG SANH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Thầy không dùng thần thông để độ Minh Tông và Mật Hạnh, để uổng phí công lao tu hành mà không đến đích, để giúp Thầy chấn hưng Phật pháp.

Đáp:Có chứ, Thầy đã thể hiện thần thông giáo hóa vào mùa hạ năm 1995, ngồi suốt 15 ngày đêm không ăn uống, tịnh chỉ hơi thở hoàn toàn và cuối năm 1999, sau khi làm việc quá sức bệnh phổi Thầy tái phát, vi trùng phổi đề kháng thuốc nên uống và chích thuốc không thuyên giảm, bác sĩ và phật tử khuyên Thầy nên đi nằm bệnh viện, mỗi lần ho đều khạc ra máu. Thầy xác định với phật tử: “Đã là một người tu thì không chấp nhận nằm bệnh viện phải làm chủ bệnh tật như thế nào để mọi người trực tiếp nhìn thấy sự làm chủ đó qua Phật pháp mầu nhiệm”. Thầy vào thất và xin cô Út mỗi bữa ăn ngọ cho Thầy thêm một ly nước cam tươi, nếu không có thì cho Thầy một ly sữa, suốt 15 ngày Thầy dùng tâm lực của mình để hồi phục cơ thể, lúc bây giờ Minh Tông cũng đã chứng kiến điều này.

Về thần thông có ba loại:

1-        Thần thông giáo hóa

2-        Thần thông ký thuyết.

3-        Thần thông biến hóa.

Những thần thông mà Thầy vừa thể hiện ở trên là thần thông giáo hóa, vì thần thông này có lợi ích rất lớn cho người tu tập như con đã thấy:

1-        Để chứng minh Thầy nhập mười lăm ngày thử không ăn uống hơi thở hoàn toàn tịnh chỉ mà không chết, đó là sự lợi ích làm chủ được sự sống chết.

2-        Bệnh lao phổi vi trùng đề kháng thuốc thì bác sĩ cũng phải chết, huống chi là một người như Thầy, thế mà dùng tâm lực trị bệnh chỉ có 15 ngày mà cơ thể từ 35 ký tăng lên 44 ký và chỉ trong 12 tiếng đồng hồ không còn khạc ra máu nữa.

Đức Phật đã không chấp nhận hai loại thần thông, đó là thần thông ký thuyết và thần thông biến hóa. Hai loại thần thông này là thần thông huyễn hóa lừa đảo người chỉ làm trò hý luận cho người giải trí, do đó Thầy chẳng bao giờ dùng nó để lừa đảo ai cả mặc dù Thầy đủ khả năng sử dụng, nhưng không thể sử dụng hai loại thần thông này để gieo vào lòng đệ tử của mình sự ham muốn.

Người tu hành theo đạo Phật chỉ có lòng ham muốn duy nhất là ham muốn làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp làm người: sanh, già, bệnh, chết.

Khi Minh Tông đến xin Thầy tu thì Minh Tông đã trèo lên tảng đá rất cao trước tổ đường để biểu diễn thiền định của mình, thấy bản ngã của Minh Tông quá lộ liễu, và khi được vào tu hành thì nhắm vào thần thông chứ không phải đi tìm sự thoát khổ, nên Thầy đã thử thách cho ngồi trên vết thương rướm máu hơn sáu tháng trời, thế mà bản ngã cũng chưa từ bỏ. Người như Minh Tông mà dùng thần thông biến hóa độ thì Minh Tông sẽ trở thành một lãnh chúa làm bá chủ hoàn cầu, đã không chấn hưng Phật pháp mà còn tai hại cho những người trên hành tinh này.

Minh Tông là một con người có đầu óc chính trị hơn là một nhà tu hành, nhưng biết chuyển hóa thì cũng trở thành người tu hành tốt.

Đạo Phật là đạo không ức chế tâm, nên tâm còn hướng ra ngoài là đi ngược lại đạo Phật, nhờ có những người tu không nghe lời dạy của Thầy như một số quý Thầy mà làm sáng tỏ thêm đường lối và giáo pháp của đức Phật. Họ chỉ là đá trải đường cho người sau đi mà thôi.

THIỀN YOGA CŨNG TỊNH CHỈ HƠI THỞ ĐƯỢC

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Các tu sĩ ngoại đạo Yoga sao họ chưa ly dục ly ác pháp mà tịnh chỉ được hơi thở, vì Thầy dạy tịnh chỉ được hơi thở khi tâm xả sạch dục và ác pháp?

Đáp:Các tu sĩ Yoga tịnh chỉ được hơi thở là do tu tập tưởng định, tưởng định sẽ thở bằng lỗ chân lông, bằng rốn, bằng tai, bằng mắt, v.v.. do sự luyện tập bằng tưởng thì đâu cần ly dục ly ác pháp.

Mục đích của đạo Phật là ly dục ly ác pháp để làm chủ cuộc sống bất động tâm trước các pháp và các cảm thọ để tâm hồn được giải thoát thanh thản, an lạc, còn mục đích của thiền Yoga là luyện thần thông tịnh chỉ hơi thở chôn trong đất dìm trong nước đi trên lửa đỏ, mặc chiếc áo mỏng đi dưới trời không độ, để khiến cho người ta thán phục và kính nể, nhờ đó mới lập nhiều thiền đường Yoga khắp trên thế giới, để bành trướng giáo phái Yoga, nhưng các con xét kỹ nó đem lại sự lợi ích gì thiết thực cho con người hay là để trị bệnh, bệnh là do gốc nghiệp ác mà muốn hết bệnh thì chỉ có ly dục ly ác pháp thì bệnh sẽ hết, chứ đâu phải do luyện tập Yoga mà hết bệnh, hết bệnh của Yoga là hết bệnh tưởng chứ bệnh của nghiệp ác không làm sao hết được.

Tất cả những phương pháp ngừa bệnh và trị bệnh trên thế gian này đều là những phương pháp trị ngoài ngọn, chứ không phải trị ở gốc, mà trị bệnh ở ngọn là sự lừa đảo, lường gạt người “tiền mất tật mang”.Chúng ta cứ quan sát xem có đúng không? Biết bao nhiêu phương pháp ngừa bệnh và trị bệnh mà con người có hết bệnh chưa?

Chúng ta nên phân biệt cho rõ ràng, thiền Yoga tịnh chỉ được hơi thở là do “tưởng lực”khéo tu tập tưởng, thiền của Phật tịnh chỉ được hơi thở là do “tâm lực”khéo ly dục ly ác pháp.

TÂM LỰC PHÁP HƯỚNG

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Pháp hướng tâm có lần Thầy bảo, khi nào tâm thanh tịnh hướng tâm mới có kết quả, nhưng chúng con sơ cơ tâm còn quá nhiều tạp loạn, làm sao chúng con dùng pháp hướng tâm có hiệu quả được?

Đáp:Pháp hướng tâm hiệu quả có cao có thấp như:

1-        Trình độ cao tức là tâm đã ly dục ly ác pháp thì hướng tâm diệt tầm tứ, ly hỷ tưởng và tịnh chỉ hơi thở làm chủ sự sống chết thực hiện Tam Minh và chấm dứt luân hồi.

2-        Trình độ thấp là tâm chưa ly dục ly ác pháp thì pháp hướng tâm sẽ giúp chúng ta có nội lực tỉnh thức trước các pháp ác.

Pháp hướng tâm đối với người mới tu cũng như người tu lâu đều có hiệu quả nhưng hiệu quả trong giai đoạn tu của nó, như hiệu quả ở giai đoạn ly thì không hiệu quả ở giai đoạn chỉ, ở giai đoạn chỉ thì không hiệu quả ở giai đoạn diệt, v.v..

Người mới tu ở giai đoạn ly dục ly ác pháp mà muốn pháp hướng có hiệu quả ở giai đoạn chỉ thì không thể nào được, cũng như ở giai đoạn chỉ mà muốn pháp hướng có hiệu quả ở giai đoạn diệt thì không thể được. Chừng nào tu tập viên mãn ở giai đoạn này, làm sung mãn ở giai đoạn kia thì mới thấy hiệu quả pháp hướng tâm cụ thể, rõ ràng.

CÁCH TU ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ VÀ ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ rõ cách tu Định Niệm Hơi Thở và Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Đáp:Cách tu Định Niệm Hơi Thở có 19 giai đoạn tu tập:

1/        Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.

2/        Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài.

3/        Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn, thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn.

4/        Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra.

5/        An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.

6/        Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra

7/        An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.

8/        Quán thân vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thân vô thường tôi biết tôi thở ra.

9/        Quán thọ vô thường tôi biết tôi hít vô, quán thọ vô thường tôi biết tôi thở ra.

10/    Quán tâm vô thường tôi biết tôi hít vô, quán tâm vô thường tôi biết tôi thở ra.

11/    Quán các pháp vô thường tôi biết tôi hít vô, quán các pháp vô thường tôi biết tôi thở ra.

12/    Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.

13/    Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.

14/    Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra.

15/    Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi thở ra.

16/    Quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra.

17/    Quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm sân tôi biết tôi thở ra.

18/    Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.

19/    Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra

Đây là 19 giai đoạn khái niệm tu tập về Định Niệm Hơi Thở, còn nếu tu tập cho trọn vẹn là phải 40 giai đoạn.

Hiện giờ con nên tu tập giai đoạn thứ nhất của Định Niệm Hơi Thở trong 1 tháng, khiến cho tâm nhu nhuyễn thuần thục quen dần với hơi thở và với phương pháp này. Vì từ xưa đến nay người ta tu tập hơi thở bằng cách quán niệm hơi thở nên thường ức chế tâm để cho hết vọng tưởng.

Bắt đầu tu con ngồi kiết già hoặc bán già, lưng thẳng, hai bàn tay để chồng nhau lên trên hai bàn chân, hai ngón tay cái đụng đầu vào nhau, khi thân ngồi yên lặng con cảm giác toàn thân được yên ổn, con như lý tác ý: “Ý thức phải tập trung biết hơi thở ra biết hơi thở vô”.Hai mắt con bắt đầu tập trung nhìn chóp mũi, con vừa hít vô vừa nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô”, sau khi hít vô xong, con vừa thở ra vừa nhắc tâm: “Thở ra tôi biết tôi thở ra”. Một hơi thở đầu con nhắc tâm như vậy và 4 hơi thở kế tiếp con không nhắc, vẫn để tâm tự nhiên biết hơi thở ra và hơi thở vô, xong 5 hơi thở con đứng vậy đi kinh hành, trước khi đi kinh hành con nhắc tâm: “Đi kinh hành ý thức phải biết đi kinh hành”, bắt đầu đi kinh hành con chú ý bước chân đi và đi rất tự nhiên, đi theo thói quen đi hằng ngày của mình, không nên đi chậm quá mà cũng không nên đi nhanh quá, đi như người vô sự, trong khi đi con thầm đếm mỗi bước đi là một số 1, 2, 3, 4, cho đến 20 bước, mỗi 5 bước là con hướng tâm một lần: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, đúng 20 bước thì con ngồi trở lại, y như lúc ban đầu con ngồi tu hơi thở.

Con nên lưu ý: “giai đoạn tu tập này mục đích là tập luyện sự tỉnh thức, sự tinh cần và nghị lực chứ không phải tu tập cho hết vọng tưởng”.

Sau khi tu tập 1 tháng cho thuần thục Thầy sẽ dạy tiếp giai đoạn 2, còn nếu bây giờ Thầy dạy hết 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở này thì con chỉ học để hiểu chứ tu hành bị rối rấm như cuộn tơ. Vì thế, Thầy bảo rằng: nếu có cơ sở sống đúng phạm hạnh Thầy trực tiếp dạy các con tu tập, chứ viết ra thành sách các con hiểu để mà hiểu còn tu tập thì không phải dễ.

Về hơi thở phải tu tập từng đề mục cho thuần thục, khi thuần thục đề mục này xong thì mới tu tập đề mục khác, chứ không phải tu một lần luôn cả 19 đề mục và tu tập như vậy là tu sai pháp.

Định Niệm Hơi Thở là pháp môn có lợi ích rất lớn trong vấn đề tu tập xả tâm trên Tứ Niệm Xứ để hộ trì và bảo vệ chân lý. Nếu không có Định Niệm Hơi Thở thì không thể nào tu tập Tứ Niệm Xứ được và cũng không thể nào tu tập pháp xả Tứ Vô Lượng Tâm được.

Bởi vậy Định Niệm rất cần thiết và hộ trợ trên bước đường về xứ Phật. Xin quý vị hãy tu tập kỹ lưỡng, đừng coi thường loại thiền định này.

QUÁN VÀ BIẾT

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”,xin Thầy chỉ cách hành chữ “Quán”và nghĩa chữ “Quán”trong câu này. Còn chữ “Biết”là biết hơi thở đang hít vô hay biết ly tham mà tâm đang ly tham hay đã ly tham.

Con trạch pháp hướng tâm có phải mình đang vướng mắc hoặc hướng tâm để thấu lý rõ lý mới dùng ?

Ví dụ: “Tham”con đang ham muốn cái xe hơi đẹp đắt tiền thì con phải quán lý vô thường, xảy ra nhiều cái khổ khác, như cọ quẹt trộm mất, v.v.. quán triệt rồi tâm con ly ham muốn cái xe đó đi. Và phải nhắc hoài để nó ly! Thưa Thầy có phải vậy không? Và như vậy biết “tâm ly tham”hay “ hành động hít vô”?

Đáp:Trong câu hỏi của con: “xin Thầy chỉ cách hành chữ quán và nghĩa của chữ quán”.

Quán có nghĩa là quan sát, xem xét, tư duy, suy nghĩ về một pháp gì, một việc gì, một điều gì, v.v..

Cách hành chữ quán như câu “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, câu này có ba nghĩa và có ba kết quả trong một hành động tu:

1-        Nhắc nhở tôi quan sát xem xét tâm tôi có khởi lên tham muốn cái gì không? Nếu có thì tôi phải tỉnh thức quán xét tâm tham muốn đó “để xa lìa” như tôi đang tỉnh thức biết hơi thở vô ra vậy.

2-        Nếu không có niệm khởi tâm tham muốn thì nó giúp tôi tỉnh thức trên tâm tôi, tôi biết rõ tâm tôi “không có tham muốn” tức là tôi biết rõ tâm tôi đang ở trong trạng thái “thanh thản, an lạc và vô sự” như tôi đang tỉnh thửc biết hơi thở ra vô rõ ràng vậy.

3-        Nếu tâm tôi không có niệm khởi tham muốn thì câu pháp hướng trên sẽ thấm nhuần “lý ly tham” và sau này trở thành một “nội lực không tham muốn” nó sẽ giúp tôi đoạn diệt lòng tham muốn.

Chữ “Quán” ở đây có nghĩa là quan sát xem xét, còn chữ “Biết” có nghĩa là hiểu biết một cách rõ ràng.

Ba kết quả trên đây giúp chúng ta tin tưởng vào pháp môn như lý tác ý của đức Phật bất lay chuyển để hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm rèn luyện tu tập xa lìa tâm tham muốn của mình cũng như giống mình biết hơi thở vô, hơi thở ra vậy.

Câu “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, đó là con đã hiểu được nghĩa thứ nhất của nó “đang vướng mắc”.

Biết “tâm bị tham” là chánh còn hành động hít vô và thở ra là phụ, có nghĩa là nương vào hơi thở vô và ra để biết tâm tham của mình dễ dàng hơn mà xa lìa nó, như đức Phật đã dạy: “Muốn ly dục ly ác pháp thì Định niệm hơi thở vô hơi thở ra phải khéo tác ý”.

Ở đây có nghĩa là biết hơi thở để lìa tâm tham, sân, si chứ không phải biết hơi thở để mà biết hơi thở thì không có ích lợi gì. Dùng hơi thở để xả tâm tham, sân, si là có ích lợi, vì tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm giải thoát. Còn ngược lại dùng hơi thở để nhiếp tâm ức chế tâm không niệm khởi, đó là tu sai, tu không đúng pháp của Phật dạy. Cách thức tu tập này là diệt ý thức khiến cho người tu hành trở thành cây đá.

LY CÁC LOẠI HỶ TƯỞNG

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy cho con nghe qua về cách tu tập để ly các loại hỷ tưởng.

Đáp:Muốn ly các loại hỷ tưởng, khi hành giả diệt tầm, tứ, ý thức ngưng hoạt động, tưởng thức xuất hiện hoạt động thì có những trạng thái hỷ lạc do dục tưởng sanh ra. Lúc bấy giờ hành giả muốn lìa xa các trạng thái hỷ tưởng này thì phải xuất Nhị Thiền, nương vào hơi thở vô hơi thở ra và thỉnh thoảng phải như lý tác ý những câu này: “18 loại hỷ tưởng này phải lìa xa không được ở trong thân tâm này”hoặc “Thân tâm phải ly hỷ tưởng cho thật sạch”.Tu tập như vậy cho đến khi nào các trạng thái hỷ không còn là lúc bấy giờ chúng ta xả niệm hơi thở diệt tầm tứ mà không thấy có trạng thái hỷ là chúng ta đã nhập Tam Thiền, còn có trạng thái hỷ là nhập Nhị Thiền, cho nên trong kinh dạy: “Ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền”.  Thầy xin nhắc lại một lần nữa, còn xả niệm hơi thở diệt tầm tứ mà có hỷ lạc là nhập Nhị Thiền.

Khi nào dạy về Thiền căn bản 2 thì Thầy sẽ giảng rõ, còn bây giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp được mà giảng cho nhiều thì mọi người biết để mà biết chứ chẳng có ích gì, đôi khi còn làm hại người khác giúp cho họ chỉ biết nói thiền nói đạo miệng để lừa đảo thiên hạ như mình đã nhập được thiền định sâu mầu.

Dạy tu tập thiền định mà dạy sai dù là một ly, nhưng vẫn đưa hành giả vào chỗ bệnh tật, chứ không vào chỗ giải thoát, vì thế xin quý vị lưu ý cảnh giác.

XẢ LẠC, XẢ KHỔ, XẢ NIỆM THANH TỊNH NÀO?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy hoan hỷ cho con nghe qua cách tu xả lạc, xả khổ xả niệm thanh tịnh. Lạc nào? Khổ nào? Và niệm thanh tịnh nào? Đã là thanh tịnh sao lại phải xả?

Đáp:Muốn xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì phải trú vào hơi thở dùng pháp hướng tâm tịnh chỉ thân hành thì xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh sẽ đạt được kết quả như ý muốn, nhưng trước khi xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì tịnh chỉ thân hành không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, bằng ngược lại chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn mà xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh thì chẳng bao giờ xả được.

Khi tu tập nhập vào tâm bất động thì tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Tâm định tỉnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng là tâm có đủ bảy năng lực Giác Chi. Tâm có đủ bảy năng lực Giác Chi là tâm có đủ Tứ Thần Túc. Khi có đủ Tứ Thần Túc thì xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh rất dễ dàng không có khó khăn không có mệt nhọc.

Xả lạc nào? Xả khổ nào? Và xả niệm thanh tịnh nào?

Lạc, khổ và thanh tịnh là ba trạng thái của thọ, tức là cảm thọ:

1-        Thọ lạc.

2-        Thọ khổ.

3-        Thọ bất lạc bất khổ tức là niệm thanh tịnh.

Trong phần cảm thọ có hai:

1-        Cảm thọ thuộc về thân.

2-        Cảm thọ thuộc về tâm.

Lạc và khổ thuộc cảm thọ về thân, còn hỷ và niệm thanh tịnh thuộc cảm thọ về tâm. Như vậy ly hỷ, xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh là xả cảm thọ về thân và tâm; xả cảm thọ về thân và tâm là tịnh chỉ các hành trong thân và tâm.

Cho nên người nhập Tứ Thiền toàn thân tâm bất động, thân tâm không còn rung động một chút xíu nào thì hơi thở phải tịnh chỉ.

Trong câu hỏi: Lạc nào? Khổ nào? Thanh tịnh nào? Sao thanh tịnh mà lại phải xả?

Lạc, khổ và niệm thanh tịnh có hai phần:

1- Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do tâm tham dục sanh ra.

2- Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do tâm ly dục sanh ra.

Lạc, khổ và niệm thanh tịnh do dục hoặc do ly dục sanh ra đều phải xả sạch thì mới nhập vào định Tứ Thiền được, còn có trạng thái thanh tịnh thì không nhập vào Tứ Thiền được, dù là thanh tịnh do ly dục sanh.

Như vậy đến đây con đã hiểu xả lạc, xả khổ và xả niệm thanh tịnh nào rồi. Đức Phật không chấp nhận 3 thọ:

1/ Thọ lạc.

2/ Thọ khổ.

3/ Thọ bất lạc bất khổ.

Thọ là gì? Thọ là các cảm thọ nơi thân tâm. Thọ là một pháp vô thường như các pháp khác; thọ là pháp khổ, là pháp vô ngã. Người tu theo Phật giáo đứng trước các cảm thọ tâm không hề dao động: Thọ lạc không tham đắm, thọ khổ không sợ hãi, thọ bất khổ bất lạc không quan tâm. Vì thế đứng trước các khổ tâm không hề lay động một mảy may nào. Tâm không hề lay động một mảy may nào tức là xả lạc, xả khổ.

Tại sao lại xả niệm thanh tịnh? Niệm thanh tịnh vẫn còn là một pháp vô thường, khổ, vô ngã. Pháp vô thường, khổ, vô ngã là ác pháp cho nên đức Phật bảo: “Dù Ta nhập các định do ly dục có hỷ lạc, nhưng hỷ lạc không chi phối tâm Ta”.Không chi phối tâm Ta là đức Phật bất động tâm, không dính mắc vào thọ lạc do ly dục sinh, đó là đức Phật xả thọ lạc. Xả lạc thọ giai đoạn đầu là không dính mắc, không thích thú, không chấp trước, không mong đợi, v.v..

Khi tâm định tĩnh nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì xả thọ là tâm đình chỉ các hành trong thân khiến cho thân an lành không còn một chút cảm thọ nào xảy ra. Khi hơi thở ngưng thì các hành trong thân đều ngưng thì cảm nhận trạng thái thanh tịnh của tâm cũng không còn. Đó là phương cách xả niệm thanh tịnh ở giai đoạn Tứ thiền. Ngoài Tứ thiền thì không có thiền nào xả niệm thanh tịnh.

Cho nên xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh là chỉ có ở trạng thái Tứ thiền. Người nhập Tứ thiền là người đã xả các cảm thọ và xả luôn tâm niệm thanh tịnh. Đó là phương pháp tu tập làm chủ sự sống chết.

Tu theo Phật giáo mà không tu tập Tứ Thánh Định thì không thể nào làm chủ sự sống chết được. Trên thế gian này chỉ có pháp môn Tứ Thánh Định mới tịnh chỉ được hơi thở.

LY HỶ TRÚ XẢ CÓ PHẢI LÀ PHÁP HƯỚNG TÂM KHÔNG?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! ly hỷ trú xả có phải là pháp hướng tâm không? Xin Thầy chỉ dạy lại ý này.

Đáp: Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, ly hỷ trú xả là những danh từ chỉ cho chúng ta muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa 18 loại hỷ tưởng, mà muốn lìa xa 18 loại hỷ tưởng thì phải trú trong pháp xả, pháp xả gồm có có hai phần:

1-        Định Niệm Hơi Thở.

2-        Pháp hướng tâm như lý tác ý.

Khi muốn ly các loại hỷ tưởng thì phải trú tâm vào hơi thở và khéo tác ý xả nó, do đó đức Phật gọi tắt: “Ly hỷ trú xả”,có nghĩa là muốn ly trạng thái hỷ thì phải trú ở trong hơi thở ra, hơi thở vô thì sẽ ly trạng thái hỷ rất dễ dàng, không mấy khó khăn và không có mệt nhọc.

Khi tu tập vừa thấy hay cảm nhận một trạng thái tưởng nào thì mau mau xả pháp môn đang tu tập không được tiếp tục tu tập nữa. Khi xả pháp môn xong thì nên tiếp tục dùng pháp tác ý. Tác ý ngay trạng thái tưởng đó bảo nó phải diệt ngay liền và nương vào tâm thanh thản, an lạc và vô sự và thỉnh thoảng tác ý trạng thái tưởng đó phải dừng lại, cơ thể và tâm phải bình thường. Tác ý đến chừng nào trạng thái tưởng đó không còn nữa mới thôi.

Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, nó là ngôn ngữ để chúng ta nói cho người khác thông hiểu cách thức lìa xa trạng thái hỷ tưởng. Còn pháp như lý tác ý là phải tác ý đúng trạng thái tưởng đó, đúng tên của nó, chứ không thể nói chung chung được “Ly hỷ” là danh từ chỉ chung thì tâm biết trạng thái hỷ gì mà ly.

Ví dụ: Sắc tưởng hiện ra khiến chúng ta thấy ánh sáng như hào quang hoặc thinh tưởng hiện ra tai tiếng nói của các Tổ hay chư Thiên nói pháp hay tiếng tụng kinh niệm Phật thì phải tác ý đúng tên đúng của nó như:: “Ánh sáng hào quang này là sắc tưởng hãy đi đi, Ta không chấp nhận ngươi”hoặc “Tiếng nói của Tổ hay chư Thiên là thinh tưởng, là Ma hãy đi đi Ta không chấp nhận ngươi”.

NGHIỆP TÁI SANH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Con nghĩ khi chúng sanh luân hồi là do nghiệp lực, nghiệp lực như luồng khí, luồng từ trường sẽ thu hút những gì có chung nhân duyên nhân quả với nó để hợp lại tạo nên một kiếp chúng sanh mới? Bởi vì ngay cả con người chết rồi là tan hoại hết thì chỉ còn có nghiệp đi luân hồi. Vậy nghiệp là thế phải không thưa Thầy ?

Đáp:Đúng như vậy, con đã hiểu đúng nghiệp lực đi tái sanh luân hồi là như vậy.

Khi một người còn sống hằng ngày thân, miệng, ý thường hay hoạt động tạo ra nghiệp lực, nghiệp lực có thiện và có ác. Hành động ác thì làm khổ mình khổ người tạo ra nghiệp khổ chẳng lợi mình lợi người mang đến sự khổ đau cho nhau, tạo cuộc sống chung như Địa Ngục, còn hành động thiện thì không làm khổ mình khổ người tạo ra nghiệp thiện lợi mình lợi người mang đến hạnh phúc cho mọi người tạo cuộc sống chung an vui, thanh thản như cảnh giới Thiên Đàng.

Khi con người chết rồi tất cả toàn thân ngũ uẩn đều trả về môi trường sống của nó chẳng còn một vật gì là của ta dù chỉ còn lại một chút xíu nhỏ như đầu mũi kim cũng không còn, nhà cao cửa rộng con bầy cháu đàn cũng chẳng còn gì, vàng bạc châu báu ngọc ngà cũng vô nghĩa, chỉ còn lại nghiệp ác, thiện mà thôi.

Nghiệp ác, thiện là gì?

Nghiệp ác, thiện như con đã hiểu ở trên, nó là luồng khí như bao nhiêu luồng khí khác trong môi trường sống này, khi luồng khí nghiệp lực đó tương ưng với các luồng khí khác đủ duyên hợp lại thành một con người mới. Nói một cách khác cho dễ hiểu là mỗi hành động của chúng ta làm, nói và suy tư đều có một từ trường, từ trường đó thiện hay ác là do hành động thân, miệng, ý ác hay thiện mà thôi.

Từ trường toàn thiện thì không có duyên để hợp nên không tái sanh chỉ hưởng quả phước thiện ở từ trường đó chờ hết quả phước đó mới tái sanh làm người trở lại. Còn từ trường thiện nhiều ác ít thì sẽ hợp duyên với những từ trường thiện ác khác trong môi trường sống và từ đó tiếp tục tái sanh làm chúng sanh mới trong hoàn cảnh thiện và phước báo đầy đủ[1] chứ không có linh hồn đi tái sanh. Từ trường ác cũng vậy sẽ hợp duyên với những từ trường ác khác trong môi trường sống và tiếp tục tái sanh trong hoàn cảnh khốn khổ đủ mọi điều khổ hoặc sanh làm những loài vật nhỏ bé ti tiện như côn trùng, sâu, bọ v.v.. sống nơi ẩm ướt dơ bẩn, thời gian sống quá ngắn ngủi, tuổi thọ không được dài lâu.



[1]Từ trường thiện không còn có duyên để hợp nên không tạo ra thế giới, còn từ trường ác thì có các duyên để hợp mới tạo ra thành thế giới gồm có: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do dục giới, sắc giới và vô sắc giới nên mới tạo ra thế giới khổ đau.

THỨC TRONG 12 NHÂN DUYÊN VÀ THỨC NÀO LÀ LINH HỒN

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy “Thức” trong 12 nhân duyên và “thức” nào mà người vô minh cho là linh hồn? Họ dựa vào gì?

Đáp: Trong 12 nhân duyên có 3 thức:

1-        Thức là thức uẩn.

2-        Danh là tưởng uẩn còn gọi là tưởng thức (cái thức trong giấc mộng).

3-        Sắc là sắc uẩn còn gọi là sắc thức, sắc thức gồm có sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Người đời vô minh không rõ cho tưởng thức là linh hồn dựa vào những hiện tượng phi không gian và thời gian của tưởng thức tạo ra sắc tưởng như ánh sáng, lửa hay những hình bóng mờ mờ ảo ảo, v.v.. thanh tưởng như âm thanh tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng rên, v.v.. hương tưởng như mùi thơm, mùi thối, v.v.. vị tưởng như mùi vị ngon ngọt, cay, đắng xuất phát từ trong miệng của mình, v.v.. xúc tưởng như cảm giác mát mẻ, nóng nực, khinh an, hỷ lạc, v.v.. pháp tưởng như sự hiểu biết về các pháp tưởng v.v.. như Tổ Long Thọ tưởng ra trí tuệ Bát Nhã Chân Không, Phật Tánh v.v.. hoặc nói chuyện quá khứ vị lai của người chết hoặc người đang sống rất đúng. Do những hiện tượng này, nên tưởng tri của loài người dựng ra có thế giới siêu hình và cho tưởng thức là những con người vô sắc (linh hồn) sống trong thế giới đó.

Trong 12 nhân duyên thì duyên “danh sắc” là một duyên mà chiếm hai thức, đó là sắc thức và tưởng thức. Do sự tu tập nhập Tứ Thánh Định, tịnh chỉ các thức, mới biết rõ 12 nhân duyên có ba thức chứ không có nhiều thức như các nhà Duy Thức phát triển chia chẻ đặt ra làm cho người sau khó hiểu.

Các nhà kinh sách phát triển cho ý thức không niệm thiện niệm ác là Phật Tánh, đó là một điều lầm lạc, và quá sai do lạc vào tưởng tuệ tạo ra Tánh Thấy, Tánh Biết, Tánh Nghe... Xin quý vị cứ suy ngẫm kỹ, nếu xét đúng thì tin chúng tôi, còn nếu thấy chúng tôi nói sai thì đừng tin.

Chúng tôi nói ở đây không phải tự nói mà không thấy, chúng tôi thấy biết rất rõ mới nói và nói ra không phải chỉ có một mình chúng tôi nói mà đức Phật đã nói cách đây 2550 năm, Vì vậy những điều chúng tôi nói là lập lại của đức Phật qua sự chứng thật của mình.

Vì vậy quý vị tin là có lợi ích cho quý vị, còn không tin thì thôi và quý vị sẽ bị người khác lừa đảo “Tiền mất tật mang và phí công vô ích”.

Tóm lại thân người có 3 thức, không có linh hồn. Khi người chết đều tan hoại tất cả không còn một vật gì tồn tại chỉ còn nghiệp thiện ác do trong lúc sống gây tạo ra do lòng ham muốn.

MINH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Sách Đường Về Xứ Phật tập VI, Thầy có giải nghĩa “Minh” có từ giới luật, và có đoạn ông Bàn Đặc tối tăm dốt nát, sau khi được Phật dạy tu hành, chứng quả A La Hán thông suốt tam tạng kinh điển, như vậy thời Phật tại thế có kinh điển sao? Và sao Thầy lại bảo quý Thầy đọc các bộ kinh Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển để khi có ai hỏi để biết trả lời. Theo con nghĩ Thầy nên quán xét và độ họ tu nhanh giải thoát xong là cái gì là không biết ? Con thắc mắc xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Nói về “Minh”thì các nhà kinh sách phát triển hiểu“Minh” có nghĩa là sự hiểu biết một cách rộng rãi bao la mà không cần học cho nên câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc là một câu chuyện bịa đặt của các nhà phát triển.

Ông Châu Lợi Bàn Đặc trong kinh Nguyên Thủy là người tối tăm học bốn câu kệ mãi mà không thuộc, khi chứng quả A La Hán, ông thể hiện thần thông biến ra vô số ông Bàn Đặc ngồi khắp trong rừng, còn kinh sách phát triển nói: khi ông chứng quả A La Hán, liền thông suốt Tam Tạng kinh điển lên đàn thuyết giảng. Trong kinh Nguyên Thủy chúng ta còn tin vì khi ông Châu Lợi Bàn Đặc chứng quả A La Hán thị hiện thần thông còn kinh sách phát triển chúng ta không tin là vì thời đức Phật chưa có Tam Tạng kinh điển thì lấy gì gọi là thông suốt.

Người ta hiểu lầm ý nghĩa “trí tuệ”của đạo Phật, tưởng khi tu chứng đạo là thông suốt cả tam thiên đại thiên thế giới, cái gì cũng hiểu tất cả, điều đó là sai. Đức Phật đã xác định: “Nếu bảo rằng Ta hiểu biết tất cả là có nói láo trong Ta”(lời dạy này trong kinh Tăng Chi). Khi tu chứng là có sự hiểu biết không làm khổ mình khổ người; là có sự hiểu biết đạo đức nhân bản làm người. Sự hiểu biết đó có mục đích giải quyết sự đau khổ của con người chứ không phải là sự thông suốt vũ trụ cái gì cũng biết. Nếu tu chứng mà biết như vậy có ích lợi gì hay biết như vậy để đi ra tranh luận hơn thua cao thấp với mọi người?

Đức Phật nói: “Trí tuệ đâu là giới luật đó, giới luật đâu là trí tuệ đó” (kinh Trường Bộ),  giới luật tức là đức hạnh, vậy chỗ nào có đức hạnh chỗ đó có trí tuệ, đức hạnh và trí tuệ được gắn liền với nhau. Trí tuệ thông suốt Tam tạng kinh điển chưa hẳn là trí tuệ đức hạnh. Kinh điển phát triển phần nhiều có những bài kinh dạy mê tín trừu tượng mơ hồ và phi đạo đức v.v… Như vậy người thông suốt Tam Tạng kinh điển chưa hẳn là người có “Minh”.Minh của đạo Phật có nghĩa là sự hiểu biết không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Ở đây Thầy khuyên đệ tử đọc kinh sách Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển là để:

1-        Thấu rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn Giáo đã, đang và hiện tại diệt Phật giáo bằng những danh từ chấn hưng đạo Phật.

2-        Biết rõ pháp môn nào của Phật giáo và pháp môn nào không phải của đạo Phật.

3-        Khi có người chất vấn nếu không đọc hai loại kinh sách này thì biết đâu mà trả lời cho đúng. Vì Minh của đạo Phật không có nghĩa là trí tuệ hiểu biết sự tào lao (tam tạng kinh điển của Bà La Môn), minh của đạo Phật là trí tuệ hiểu biết để làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi. Thầy xin nhắc lại một lần nữa, khi đức Phật tu chứng Ngài nói: “Nếu Ta nói Ta hiểu biết tất cả trong thế gian này là có nói láo trong Ta”

Kinh sách phát triển dựa vào lời nói của đức Phật: “Ta dạy cho các tỳ kheo như nắm lá cây trong lòng bàn tay và Ta tu chứng như rừng lá cây”,nghe câu nói này, những người không hiểu biết về Phật giáo nên nghĩ tưởng rằng: đức Phật tu chứng đạo là biết tất cả mọi việc trong tam thiên đại thiên thế giới cái gì cũng biết. Do sự hiểu sai này nên mới bịa ra câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc u tối, nhưng khi tu chứng quả A La Hán thì thông suốt Tam Tạng kinh điển, đó là một điều nói saicủa kinh sách phát triển. Nói không đúng sự thật mà không khéo léo để ló đuôi nên người đời sau thấy rõ. Phật còn tại thế đâu có kinh sách. Vậy mà tu chứng là thông suốt tam tạng kinh điển thì thật là nói láo không sách vở.

Trong sách Đường Về Xứ Phật Thầy nêu câu chuyện ông Châu Lợi Bàn Đặc để gợi ý cho phật tử hỏi, do đó mới có nhân duyên vạch trần sự lừa đảo thêm bớt của kinh sách phát triển để mọi người rõ hơn.

PHƯƠNG CÁCH NHẬP NHỊ THIỀN

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy giảng trạch rõ: - Khi ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền - Muốn nhập Nhị Thiền phải ra khỏi Sơ Thiền chừng đó điều tâm như thế nào? Nếu như lý tác ý “tịnh chỉ tầm tứ” có được không? Vì lúc đó tâm không còn thanh tịnh hoàn toàn (vì xả Sơ Thiền).

Đáp:Bởi Sơ Thiền con chưa nhập được, nên mới có câu hỏi này. Tại sao?

Tại vì tâm chưa ly dục ly ác pháp nên con không biết được trạng thái này, khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm con lúc nào cũng thanh tịnh vì nó không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, lúc tiếp duyên cũng như lúc không tiếp duyên với mọi người nó đều thanh tịnh.

Cho nên trước khi nhập Sơ Thiền thì con ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định là một trạng thái Tứ Niệm Xứ sung mãn, trạng thái này có đủ 7 năng lực của Thất Giác Chi. Do 7 năng lực của Thất Giác Chi con mới nhập vào trạng thái của Sơ Thiền là trạng thái tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp. Nói nhập Sơ Thiền là nói tâm thanh tịnh, khi tâm đã thanh tịnh thì làm sao ra khỏi sự thanh tịnh đó? Nói ra khỏi Sơ Thiền để nhập Nhị Thiền tức là muốn nói tâm ra khỏi 5 chi thiền của Sơ thiền là: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm. Khi ra khỏi 5 chi thiền này thì nương vào hơi thở và ở trên hơi thở để dùng pháp hướng tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền, chứ trạng thái tâm đã ly dục ly ác pháp thì không thể nào trở lui lại với đời sống dục lạc thế gian nữa, chỉ có những người hết muốn tu thì mới trở lui lại chạy theo dục lạc thế gian để hưởng thụ, còn người quyết tâm tu giải thoát thì luôn luôn lúc nào cũng ở trong trạng thái ly dục này.

Ví dụ: Một sinh viên đang học năm thứ nhất trên đại học y khoa, có nghĩa là phải tốt nghiệp lớp 12 cấp phổ thông, hay nói cách khác cho dễ hiểu là anh phải rời khỏi lớp 12 rồi mới lên đại học, học năm thứ nhất mới được. Ở đây không có nghĩa là người sinh viên này trở lại một cậu bé chưa cắp sách đến trường lần nào (chưa biết chữ) mà bước vào năm thứ nhất của Đại học y khoa. Còn nếu anh sinh viên đại học mà cứ ở lại lớp 12 và học bài vở lớp 12 thì không thể nào là sinh viện đại học y khoa được.

Ra khỏi 5 chi của Sơ Thiền là ý nghĩa này chứ không phải rời khỏi tâm thanh tịnh.

Sơ Thiền ví như cái nhà của chúng ta đang ở, lìa khỏi cái nhà để trồng đám ngô, đám ngô ví như Nhị Thiền, nhưng trồng ngô xong thì chúng ta trở về nhà nghỉ, nhưng khi chúng ta muốn trồng lúa, đám lúa ví như Tam Thiền, thì chúng ta phải rời khỏi nhà và đám ngô, khi trồng lúa xong chúng ta trở về nhà, v.v…

Còn nếu mình ở trong nhà (Sơ Thiền) mà trồng ngô thì không thể trồng được vì nhà để ở chứ không thể trồng ngô, trồng lúa được, cũng như trong đám ngô thì không thể trồng lúa vào được, trồng như vậy chẳng có kết quả.

Cho nên xả Sơ Thiền không có nghĩa là một người có học thức mà xả bỏ cái học thức của mình. Xả Sơ Thiền có nghĩa là rời lớp học thấp lên lớp học cao hơn.

Khi muốn nhập Nhị Thiền thì phải ra khỏi Sơ Thiền bằng cách nương vào hơi thở, tâm ở trên đường dây hơi thở này thường như lý tác ý: “Tầm tứ phải tịnh chỉ nhập Nhị Thiền”, cứ thỉnh thoảng hướng tâm một lần, chừng nào tâm nhập Nhị Thiền mới thôi vì lúc đó hơi thở cũng mất tiêu, tầm tứ cũng không còn, tầm tứ không còn thì không còn hướng tâm được.

Tầm tứ thuộc về ý thức, nếu tầm tứ dừng thì ý thức dừng. Ý thức là một thức trong sáu thức, nên ý thức dừng thì năm thức kia đều dừng theo hết. Nhóm sáu thức gồm có:

1-        Nhãn thức

2-        Nhĩ thức

3-        Tỷ thức

4-        Thiệt thức

5-        Thân thức

6-        Ý thức

Khi nhập Nhị Thiền tai không nghe tiếng, mắt không thấy sắc, mũi không ngửi mùi hương thơm hay thối, lưỡi không nếm vị, thân không xúc chạm tức là sáu căn ngưng hoạt động thì mới nhập được Nhị Thiền.

HÀNH CÁC PHÁP THIỆN CÓ PHẢI LÀ TU TẬP CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC VÀ ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ KHÔNG?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy con cách hành và qua ví dụ để con rõ về hai loại định: “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở”. Chánh niệm có phải là các pháp thiện không?

Đáp:Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là niệm chân chánh. Niệm chân chánh tức là niệm thiện, cho nên Chánh Niệm Tỉnh Giác tức là tâm niệm niệm hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày trong trong sức tỉnh thức để các niệm ác không xen vào được. Cho nên nó là các pháp thiện, nếu có một niệm ác xen vào thì không thể gọi đây là chánh niệm được.

Trong Bát Chánh Đạo có tám nẻo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Chánh Niệm là một nẻo thiện trong tám nẻo thiện, pháp hành của đạo Phật là như vậy.

Chánh Niệm trên Tứ Niệm Xứ mà Tứ Niệm Xứ thì có bốn chỗ để tu tập thiện pháp, trên bốn chỗ đó luôn luôn khắc phục ác pháp không cho ác pháp xâm chiếm vào, vì thế, người thường sống trong Chánh Niệm là người sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người hay nói một cách khác là người tu thiền Tứ Niệm Xứ.

Chánh Niệm như con đã hỏi có phải là các thiện pháp không?

Đúng vậy Chánh Niệm là niệm các pháp thiện như:

1-        Không tham.

2-        Không sân.

3-        Không si.

4-        Không làm đau khổ chúng sanh.

5-        Không trộm cắp, cướp giât, móc túi, lấy của không cho.

6-        Không tà dâm.

7-        Không nói vọng ngữ.

8-        Không nói lời hung dữ.

9-        Không nói thêu dệt

10-    Không nói lưỡi hai chiều.

Niệm các niệm thiện không có nghĩa đọc thầm 10 niệm thiện như niệm chú, đọc kinh, mà chính phải sống trọn vẹn và giữ gìn thân, thọ, tâm, pháp của mình trong 10 điều lành trên đây. Có như vậy mới được gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở là hai pháp môn thiện để tu tập ngăn các ác và diệt các ác pháp.

Ví dụ: Con đi kinh hành, trước khi bước đi con hướng tâm nhắc: “Tâm như đất từ bỏ tham, sân, si tôi biết tôi đi kinh hành”, cứ thỉnh thoảng con vừa đi vừa nhắc câu pháp hướng này.

Ví dụ: Con đang nấu cơm, trước khi nấu cơm con hướng tâm nhắc: “Tâm như cục đất từ bỏ xa lìa lòng tham, sân, si tôi biết tôi đang nấu cơm”.Và trong thời gian còn đang nấu cơm thì con cứ thỉnh thoảng lại nhắc tâm câu pháp hướng trên cho đến khi nấu cơm xong.

Mục đích ở đây là nương vào hành động làm việc hoặc hơi thở để được tỉnh thức không quên Chánh Niệm tức là pháp hướng nhắc tâm, chứ không phải tỉnh thức trong hành động làm hay đi hay thở mà nhờ nhắc tâm “đi, hơi thở và làm việc là đểtỉnh thức trên Chánh Niệm từ bỏ tâm tham, sân, si, mạn, nghi”.

Cho nên pháp hành của đức Phật thật là rõ ràng và cụ thể mỗi hành động tu tập đều mang đến một ý nghĩa thiện, một kết quả an lạc, yên vui, các pháp hành của đức Phật sẽ mang đến cho chúng ta một điều gì đó rất giải thoát thực tế cho đời sống của con người. Nhờ vậy con người tu tập tức là sẽ sống không làm khổ mình khổ người. Đấy là sự thanh thản, an lạc và vô sự của loài người. Làm người ai ai cũng nên chọn cho mình một sự sống như vậy để đem lại sự an vui cho mình cho người và cho muôn loài vạn vật trên hành tinh này.

PHÁP HƯỚNG TÂM NGẮN GỌN CÓ KẾT QUẢ NHANH HƠN

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cho con khi tu Định Niệm Hơi Thở dùng pháp hướng tâm như lý tác ý nhắc nhiều câu pháp hướng và mỗi câu pháp hướng thì dài như: “Thân ngồi ngay thẳng không được nhúc nhích xê dịch, không được cảm giác nóng lạnh, đầu không được nhức... cái tâm không được sanh vọng tưởng... tai không được nghe âm thanh... cái mũi... cái miệng... Như vậy phải nhắc liên tục suốt buổi tu hay thỉnh thoảng cách 5 hơi thở? Và hướng tâm như vậy có hiệu quả không?

Đáp:Trạch câu pháp hướng như thế nào “ngắn gọn đầy đủ ý nghĩa và chỉ thẳng mục đích của nó giải quyết tâm trạng đang vướng mắc cần phải xả ly, từ bỏ”trong pháp đang tu hành. Trạch câu pháp hướng như vậy là một lệnh truyền thì sẽ có hiệu quả, còn nếu câu pháp hướng tâm dài quá sẽ mất ý nghĩa truyền lệch mạnh mẽ, do đó sẽ không có hiệu quả.

Khi hướng tâm thì phải thỉnh thoảng 5, 10 hơi thở là lúc ngồi tu định Niệm Hơi Thở hoặc 5, 10 bước đi lúc đi kinh hành mới nhắc tâm một lần chứ không được nhắc liền miệng như tụng kinh, niệm chú thì tu tập như vậy là sai không đúng cách, không đúng cách sẽ không có hiệu quả tốt và tu tập như vậy sẽ phí công.

Nên lưu ý: Ở đây tu tập không dùng câu pháp hướng tâm để ức chế tâm khiến cho tâm không còn niệm khởi; ở đây dùng câu pháp hướng để xả tâm ly tham đoạn diệt ác pháp, để thực hiện tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; để giữ gìn chân lý thanh thản, an lạc và vô sự, chứ không dùng ý thức để trở thành gốc cây, cục đá.

KHI NÀO MỚI BẮT ĐẦU HƯỚNG TÂM

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính Bạch Thầy! Khi nào mới bắt đầu hướng tâm?

Đáp: Trước khi đi kinh hành phải huớng tâm rồi mới bước đi và đi được 10 bước lại hướng tâm một lần nữa và cứ tiếp tục 10 bước là hướng tâm một câu. Hướng tâm như vậy có nghĩa là nhắc tâm đừng quên xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp, chứ pháp hướng tâm chưa có hiệu quả gì chỉ giúp cho chúng ta nhớ được lòng ham muốn và ác pháp để xả, đó là hiệu quả đầu tiên của pháp hướng tâm.

Ngồi tu Định Niệm Hơi Thở, sau khi tréo chân ngồi xếp bằng, lưng thẳng và toàn thân cảm giác được an ổn, bất động thì mới bắt đầu hướng tâm, sau khi hướng tâm xong, tâm chú ý vào hơi thở thì bắt đầu hít vô và thở ra, đúng 5 hơi thở hoặc 10 hơi thở rồi dừng lại tác ý hướng tâm một lần nữa như câu trên, tu tập cho đến khi xả Định Niệm Hơi Thở mới thôi.

Tóm lại, cách thức dùng pháp hướng tâm trước khi đi kinh hành rồi từ đó về sau cứ mỗi 5 bước hoặc 10 bước là hướng tâm một lần, Định Niệm Hơi Thở cũng vậy, tu tập như vậy phải siêng năng chuyên cần hằng ngày, đừng tu theo kiểu một nắng hai sương thì không có kết quả.

Pháp hướng tâm là một phương pháp dẫn tâm vào đạo. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:

“Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm làm chủ tâm tạo tác...”

Pháp hướng tâm là một pháp môn rất đặc biệt, người nào siêng năng tu tập thì có đủ khả năng điều khiển làm chủ thân tâm một cách cụ thể rõ ràng. Vì thế đức Phật nói:

“Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”

Chỉ có “Tác ý một tướng khác của tướng kia thì tướng kia sẽ bị diệt sạch”,đó là lời dạy của Phật để chúng ta theo pháp môn này tập luyện mới có đủ nội lực ngăn và diệt các ác pháp và các cảm thọ rất tuyệt vời. Kính mong quý vị đặt trọn lòng tin áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ thấy kết quả ngay liền “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy...”,đúng như lời đức Phật đã xác định.

Pháp Phật rất đơn giản và tu hành dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc như người ta tưởng, vì nó là thiện pháp, là đạo đức của mỗi con người nên con người chỉ cần có nhiệt tâm sống như lời Phật dạy là đã chứng đạt chân lý. Chỉ có những người không chịu hiểu nên tu sai, nhất là không nhận ra pháp thiện pháp, không chấp nhận sống đời đạo đức làm người thì không thể chứng đạt chân lý được. Vì chân lý là một sự thật của loài người mà ai cũng có nơi thân tâm, nó không riêng của một người nào cả.

TU ĐỊNH VÔ LẬU TRÊN BỐN CHỔ THÂN, THỌ, TÂM PHÁP NHƯ THẾ NÀO?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Khi tu Định Vô Lậu, phải dùng tâm tư duy, quán xét bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Xin Thầy dạy rõ hơn về cách hành.

Đáp:Muốn tu tập Định Vô Lậu, ở đây Thầy chỉ thẳng không giải thích lòng vòng. Bắt đầu vào tu, con ngồi kiết già hoặc ngồi bán già lưng thẳng hoặc ngồi trên ghế thường hoặc đi kinh hành hoặc làm mọi việc. Tuy đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm mọi việc con nên để ý bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp của con, nếu trên bốn chỗ này có xảy ra chướng ngại pháp thì con nên quán xét chướng ngại pháp đó rồi dùng pháp hướng đẩy lui ra khỏi bốn chỗ này, khi chướng ngại pháp đã được đẩy lui ra khỏi thân tâm thì ngay đó thân tâm con được giải thoát. Thân tâm con được giải thoát tức là vô lậu, vô lậu tức là thân tâm con thanh thản, an lạc và vô sự.

Tu Định Vô Lậu tức là quán xét như thế nào để cho tâm ham muốn và các ác pháp lìa xa khỏi thân tâm của con khiến cho thân tâm con không còn phiền não đau khổ nữa.

Cách tu hành dễ nhất của nó như Thầy đã dạy ở trên.

Ví dụ: Ngồi quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp giống như người lính gác bốn cửa thành như sau:

1-        Thấy thân yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

2-        Thấy tâm yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

3-        Thấy thọ yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

4-        Thấy pháp yên lặng, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên để thân tâm tự nhiên, đừng đả động đến nó.

Cảm giác trên bốn chỗ này thấy rất rõ như vậy thì cứ để tự nhiên cho nó, có nghĩa là để cho nó tự nhiên thanh thản, an lạc và vô sự, đó là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật tức là tâm vô lậu.

Khi tu tập quán Tứ Niệm Xứ còn thấy thân tâm cảm nhận chướng ngại pháp:

1-        Trên thân, thọ có pháp ác đến, nghĩa là con có cảm giác như: đau, nhức, ngứa, mỏi mệt, tê, nóng, rát trên thân v.v.. thì con nên quán xét mà đẩy lui nó ra khỏi thân con. Vậy đẩy lui bằng cách nào? Khi con ngồi kiết già chân bị tê, đau nhức hay nóng con muốn đẩy lui chướng ngại pháp đó thì con hãy đứng dậy đi kinh hành tức khắc đau tê nhức được đẩy lui, tức là con trở về trạng thái thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

2-        Trên tâm thọ có ác pháp đến, nghĩa là trong tâm con có một niệm khởi, niệm khởi ấy đem đến cho con một sự phiền não, một sự lo lắng, một sự buồn khổ, v.v.. cho đến một niệm tào lao chẳng ích lợi gì tuy nó không làm cho tâm con buồn khổ, phiền não, nhưng nó cũng làm cho tâm con mất thanh thản, an lạc và vô sự, vì vậy con cần phải đẩy lui tất cả để tâm con trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự thì mới đúng cách thức tu tập. Ở đây con phải hiểu có nghĩa là con tu tập đẩy lui như thế nào mà tâm con tự nhiên không phóng dật. Tâm con tự nhiên không phóng dật là con đã đi hết hai phần ba đường của Đạo giải thoát.

3-        Trên Pháp thọ có ác pháp đến, có nghĩa là con đang sống một mình và đang quan sát thân, thọ, tâm, và pháp của con thì có một người bạn đến nói chuyện, thì con phải hiểu đó là ác pháp đến với con, khiến con mất đi trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, nếu con thích nói chuyện với người bạn đó hoặc con tùy thuận nói chuyện để khỏi mất lòng bạn bè, thì trong cuộc đời tu hành của con không mạnh dạn quyết tâm đẩy lui các chướng ngại pháp đó thì dù con có tu ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng bao giờ giải thoát được, vì đó là duyên để tâm con phóng dật, mà tâm còn phóng dật thì chẳng bao giờ hết lậu hoặc, tâm không hết lậu hoặc thì làm sao tâm hết tham, sân, si được, tâm không hết tham, sân, si thì làm sao có thiền định được.

4-        Thọ thân, thọ tâm, thọ pháp như thân thọ tâm pháp ở trên đã dạy đều có ác pháp đến xâm chiếm vào thân tâm con thì con cũng quán xét đẩy lui để tâm con luôn luôn sống trong thanh thản, an lạc và vô sự.

Tóm lại, chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp mà đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó, để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp là con đã thành tựu viện mãn sự tu hành của con. Chừng đó con đã chứng đạt chân lý, có nghĩa là lúc nào con cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được. Đến đây con đường tu tập của con đã hoàn thành, “Sanh đã tận phạm hạnh đã thành, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

VÉN MÀN NGŨ TRIỀN CÁI, BỨT SẠCH THẤT KIẾT SỬ

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Sau khi quán xét thông suốt rồi dùng pháp hướng tâm quét sạch lậu hoặc. Xin Thầy dạy cho cách vén màn ngũ triền cái, bứt sạch thất kiết sử.

Đáp:Ngồi quan sát thân, thọ, tâm, pháp của con và đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó là cách thức con đã vén màn ngũ triền cái và bứt sạch thất kiết sử. Nhưng con phải biết rõ, phải nhận thấy tâm nào là tâm tham triền cái và tâm nào là tâm tham kiết sử, phải phân biệt cho rõ ràng. Các con đã học lớp Chánh kiến chưa? Trong lớp Chánh kiến có bài học về ngũ triền cái và Thập thất kiết sử. Khi học xong lớp Chánh kiến thì không có một niệm ngũ triền cái hoặc một niệm thất kiết sử nào qua mặt con được. Vì có học nên con thông suốt tất cả ngũ triền cái và thập thất kiết sử đều là ác pháp, nên không bao giờ con lầm nó. Không bao giờ lầm nó, do đó con không chấp nhận cho nó tái diễn tới lui nên ngăn và diệt tận gốc. Khi biết rõ nó thì nhất định không làm theo nó, không làm theo nó tức là ly nó. Và không làm theo nó mãi thì nó bị diệt mất không còn tới lui nữa.

Diệt ngũ triền cái và thập thất kiết sử chỉ có tri kiến giải thoát mà“tri kiến giải thoát ở đâu thì giới luật ở đó”.Cho nên giới luật càng sống nghiêm túc thì tri kiến giải thoát càng thông suốt: “Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.

Như vậy xả tâm ly dục ly ác pháp bằng tri kiến giải thoát, chứ không phải xả tâm bằng nhiếp tâm trong hơi thở ra hơi thở vô, bằng đi kinh hành, bằng niệm Phật niệm chú, tụng kinh, bằng tham công án thoại đầu, v.v..

Muốn tu tập theo Phật giáo quý vị hãy lưu ý những lời dạy trên đây: “Xả tâm bằng Chánh tri kiến để chứng đạt chân lý tâm thanh thản an lạc và vô sự, chứ không phải xả tâm bằng chế ngự vọng tưởng chẳng niệm thiện niệm ác để kiến tánhthành Phật hoặc để được nhất tâm, nhờ đó để được Phật rước về cõi Cực Lạc Tây phương”.

CÁCH THỨC TU HÀNH THẤT GIÁC CHI

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cách tu Khinh An Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi và cho ví dụ để con được rõ hơn.

Đáp:Muốn tu tập Thất Giác Chi thì con phải hiểu nghĩa Thất Giác Chi cho rõ ràng rồi mới tu tập. Trong Tứ Niệm Xứ đức Phật có dạy trên pháp quán pháp: “Lại nữa này các tỳ kheo, tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy Giác Chi. Này các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi? Này các tỳ kheo ở đây tỳ kheo có Niệm Giác Chi, tuệ tri[1]: “Nội tâm tôi có niệm giác chi”; hay nội tâm tôi không có niệm giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có niệm giác chi”. Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy”.Đoạn kinh này trong bài kinh Tứ Niệm Xứ trong kinh Trung Bộ thuộc tạng kinh Pali thuộc Nikaya trang 146. Đoạn kinh này nếu một người không có kinh nghiệm tu hành thì khó giảng giải nổi.

Bây giờ chúng ta trở lại bài kinh Thất Giác Chi, từ lâu chưa có ai hỏi Thầy về Thất Giác Chi, đến nay mới có một nhân duyên tốt, con hỏi Thầy cách thức tu tập nó.

Thất Giác Chi có nghĩa là bảy chi phần giác ngộ giải thoát hay là bảy pháp dùng trí tuệ hiểu biết tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi. Thất Giác Chi còn gọi là Thất Bồ Đề Phần. Thất Bồ Đề Phần thuộc về Hán tạng Tiểu Thừa kinh A Hàm.

Thất có nghĩa là bảy.

Bồ Đề có nghĩa là giải thoát.

Phần có nghĩa là chi phần, mỗi phần, mỗi pháp môn trong một chùm bảy pháp có sự liên hệ mật thiết với nhau trong sự tu tập đi đến giải thoát hoàn toàn, mà mỗi phần tu tập đều có sự giải thoát của mỗi phần, nên gọi là Bồ đề phần hay là Giác chi.

Chi phần đầu tiên của Thất Giác Chi là Niệm Giác Chi. Vậy niệm giác chi có nghĩa là gì?

1- Niệm Giác Chi có nghĩa là niệm giải thoát, niệm giải thoát có nghĩa là Chánh Niệm như Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo tức là Tứ Niệm Xứ, nên đoạn kinh Thất Giác Chi trên đã có trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Nhưng chúng ta nên biết Chánh Niệm tức là niệm thiện. Muốn tu tập niệm thiện thì bắt đầu tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần. Mục đích của Tứ Chánh Cần là chấp nhận niệm thiện loại trừ niệm ác. Cho nên toàn bộ chúng tỳ kheo đệ tử của đức Phật đều phải tu Tứ Chánh Cần, rồi sau đó tùy theo căn cơ mỗi người, có người còn tiếp tu Tứ Chánh Cần; có người tu Tứ Niệm Xư; có người tu Tứ Như Ý Túc; có người tu Tứ Vô Lượng Tâm v.v.. đều nhắm vào ngăn ác diệt ác pháp để tâm ly dục ly ác pháp: “Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Niệm Xứ. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ kheo này. Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Chánh Cần. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ Kheo này. Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Như Ý Túc. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ kheo này. Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có nhữngvị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Năm Căn. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ kheo này. Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Năm Lực. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ kheo này. Này các tỳ kheo, trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bảy Giác Chi. Các bậc tỳ kheo như vậy, này các tỳ kheo, có mặt trong chúng tỳ kheo này. Này các tỳ kheo,trong chúng tỳ kheo này, có những vị tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Thánh Đạo Tám Ngành..”.(Đoạn kinh trên đây trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 253 thuộc tạng Pali Nguyên Thủy).

Mặc dù trong chúng tỳ kheo, có người tu pháp này kẻ tu pháp khác nhưng chúng ta nên lưu ý 37 phẩm trợ đạo của đạo Phật không ra ngoài Đạo Đế và mục đích của các pháp môn này không ngoài sự ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp để ly dục ly ác pháp, cho nên pháp môn tuy nhiều tên nhưng tùy theo sở thích của mọi người hợp với pháp môn nào thì tu pháp môn nấy với đặc tướng của mình chứ không phải mỗi pháp môn có sự riêng biệt nhau, khác nhau, các pháp môn có sự hỗ tương cho nhau, như tu pháp này thì nó làm cho sung mãn pháp khác như kinh dạy: “Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho xung mãn, khiến cho Bốn Niệm Xứ được viên mãn, Bốn Niệm Xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho Bảy Giác Chi được viên mãn. Bảy Giác Chi được tu tập, làm chosung mãn, khiến cho minh giải thoát (vijjavimutti) được viên mãn”.(Trung Bộ tập 3 trang 255).

 Những lời dạy trên đây chúng ta nhận xét: tu tập Niệm Giác Chi tức là tu tập Tứ Chánh Cần, bởi vì, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp tức là có giải thoát ngay liền, chỉ có người ở trong ác pháp thì mới không có giải thoát, còn sống trong thiện pháp thì muôn người, vạn người đều có sự giải thoát như nhau cả không có người nào là không có giải thoát. Cho nên Niệm Giác Chi là một tên khác của Chánh Niệm, Chánh Niệm tức là Tứ Niệm Xứ mà Tứ Chánh Cần là pháp môn tu tập trên Tứ Niệm Xứ, vì thế nói đến Chánh Niệm, là nói đến Tứ Chánh Cần, Chánh tinh Tấn, Tấn lực, Tấn căn đều là Niệm Giác Chi cả. Muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý, Định Niệm Hơi Thở tức là pháp môn Nhập Tức Xuất Tức Niệm, pháp môn Nhập tức Xuất Tức Niệm là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp rất hiệu quả, cho nên người tu tập Nhập Tức Xuất Tức Niệm, làm cho sung mãn khiến cho Bốn Niệm Xứ được viên mãn, khi Bốn Niệm Xứ được viên mãn tức là Bảy Giác Chi sung mãn, Bảy Giác Chi sung mãn khiến cho minh giải thoát được viên mãn. Do đoạn kinh trên đức Phật dạy, chúng ta suy ra: Tu tập Niệm Giác Chi tức là tu tập Tứ Niệm Xứ, tu tập Tứ Niệm Xứ tức là tu tập Chánh Niệm, tu tập Chánh Niệm tức là trên Bốn Niệm Xứ tu tập Tứ Chánh Cần, trên Bốn Niệm Xứ tu Tập Tứ Chánh Cần tức là tu tập Chánh Tinh Tấn, tu tập Chánh Tinh Tấn tức là tu tập gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng, tu tập Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng tức là tu tập Thân Hành Niệm, tu tập Thân Hành Niệm tức là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập Định Niệm Hơi Thở và đi kinh hành, tu tập Định Niệm Hơi Thở và đi kinh hành tức là tu tập Tứ Niệm Xứ, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, tỳ kheo an trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê[2] của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các tỳ kheo, trong khi ấy Niệm Giác Chi được bắt đầu khởi lên với tỳ kheo”. Vậy Niệm Giác Chi là gì?

Như trên chúng tôi đã định nghĩa Niệm Giác Chi là niệm thiện, niệm thiện tức là niệm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi. Niệm không tham, sân, si, mạn, nghi là niệm tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Niệm tâm thanh thản, an lạc và vô sự là Niệm Giác Chi hay là Niệm Bồ Đề.

Ở trong Niệm Giác Chi này chúng ta suy tư, tư duy, thẩm sát các pháp thì chúng ta thấy rõ pháp ác và pháp thiện rất cụ thể rõ ràng không còn bị vô minh che đậy khiến chúng ta không lầm chấp ác pháp là thiện pháp. Khi suy tư, tư duy, thẩm sát các pháp tức đó là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi là gì?

 2- Trạch Pháp Giác Chi có nghĩa là chọn lựa pháp giải thoát, chọn lựa pháp giải thoát tức là chọn lựa pháp thiện. Trong kinh Trung Bộ tập 3 bài kinh Đại Kinh Bốn Mươi (trang 260), đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, trong khi trú chánhniệm như vậy, tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên với vị tỳ kheo”.Ở đây có nghĩa là chọn lựa pháp thiện là lúc tâm chúng ta đang ở trong trạng thái chánh niệm, chánh niệm tức là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, từ trạng thái tâm này chúng ta chọn lựa pháp thiện cũng như dùng câu pháp hướng tâm một cách dễ dàng không sợ bị sự lừa đảo của tâm mình. Chọn lựa pháp thiện có hai cách:

a- Chọn lựa pháp thiện loại trừ pháp ác tức là tu tập Định Vô Lậu, mà trong kinh dạy: “Với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên”. Khi Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên tức là chúng ta biết rất rõ pháp nào thiện và pháp nào ác rất cụ thể, và chúng ta không còn lầm lạc nên diệt trừ các ác pháp và lòng ham muốn của mình rất dễ dàng, tức là đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.

Người muốn tu Trạch Pháp Giác Chi thì giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm tỉnh giác, ở tâm tỉnh giác đó mà Trạch Pháp Giác chi thì rất hiệu quả, có nghĩa là ngăn ác và diệt ác pháp rất dễ dàng và dùng pháp hướng tâm điều khiển không mấy khó khăn. Cho nên kinh dạy: “Trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi được tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn”,có nghĩa là chúng ta thường tu tập chọn lựa pháp nào thiện và pháp nào ác để loại trừ và thường hướng tâm đuổi ác pháp đi thì tâm của chúng ta thanh thản, an lạc, và vô sự, nhờ tâm thanh thản an lạc và vô sự chúng ta cảm thấy sự giải thoát an lạc rất rõ ràng và cụ thể, do đó tự động chúng thích tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì tu tập Trạch Pháp Giác Chi có lợi ích thật sự cho cuộc sống của chúng ta mà trong kinh dạy: “Này các tỳ kheo, trong khi tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với tỳ kheo ấy”.Sự tinh tấn không có thụ động tức là tự động siêng năng có nghĩa là ham thích, thích thú tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì cảm thấy có một kết quả giải thoát an lạc rõ ràng trong thân và tâm của mình.

b- Chọn lựa câu pháp thiện dùng làm pháp hướng tâm cho đúng đối tượng pháp môn của mình đang tu. Ví dụ: đang tu định Sơ Thiền mà dùng câu pháp hướng tâm “diệt âm thanh hay tịnh chỉ tầm tứ”là không đúng, mà phải dùng câu pháp hướng tâm “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.Sự lựa chọn như vậy gọi là Trạch Pháp Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi là sự chọn lựa một câu pháp để tâm mình huân tập sự giải thoát như ý muốn của mình trong ý nghĩa của câu ấy.

Vì cảm thấy sự giải thoát an lạc thật sự nên chúng ta thích thú siêng năng tu tập, sự thích thú siêng năng tu tập đó là Tinh Tấn Giác Chi. Vậy Tinh Tấn Giác Chi là gì?

3- Tinh Tấn Giác Chi có nghĩa là siêng năng tu tập Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi. Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi như trên đã dạy là chọn lựa niệm thiện, niệm thiện tức là niệm bồ đề, niệm bồ đề tức là niệm giải thoát, cho nên siêng năng tu tập niệm giải thoát tức là Tinh Tấn Giác Chi. Người siêng năng tu tập Tinh Tấn Giác Chi tức là người sống trong thiện pháp tức là người ly dục ly ác pháp, người ly dục ly ác pháp do ly dục sanh hỷ lạc, vì thế trong kinh dạy: Trong khi ấy tỳ kheo tu tập Tinh Tấn Giác Chiđi đến viên mãn. Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các tỳ kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi tỳ kheo tinh tấn tinh cần, trong khi ấy Hỷ Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ kheo”. Bây giờ tâm chúng ta có hỷ, hỷ giải thoát là hỷ không liên hệ với vật chất tức là hỷ do ly dục ly ác pháp như trên chúng tôi đã giảng trạch, như vậy hỷ do ly dục ly ác pháp là Hỷ Giác Chi. Vậy Hỷ Giác Chi là gì?

4- Hỷ Giác Chi có nghĩa là sự vui trong giải thoát, sự vui trong giải thoát là như thế nào? Ví dụ: Có một người chửi mình mà mình không giận người đó, thấy người tức giận quá khổ, mình không ghét họ mà lại tọi nghiệp cho họ, thương họ thì lúc bấy giờ nội tâm chúng ta có một niềm vui thanh thản nhẹ nhàng, niềm vui ấy gọi là Hỷ Giác Chi. Muốn tu tập Hỷ Giác Chi thì chúng ta hãy nhập vào trạng thái tâm ly dục ly ác pháp, hay nói cách khác dễ hiểu hơn là nhập vào Bất Động Tâm Định tức là chúng ta tu tập Hỷ Giác Chi. Hỷ Giác Chi thuộc về tâm. Khi tâm mới có Hỷ Giác Chi và được làm cho sung mãn thì Khinh An Giác Chi phát khởi, như trong kinh đã dạy: “Trong khi Hỷ Giác Chi được tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các tỳ kheo, trong khi tỳ kheo với ý hoan hỷ được thân Khinh An, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, Khinh An Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ kheo”. Như vậy Khinh An Giác Chi là gì?

5- Khinh An Giác Chi có nghĩa là một trạng thái an lạc giải thoát của thân, bởi vì Khinh An Giác Chi thuộc về thân. Khi một người nhập Bất Động Tâm do ly dục sanh hỷ và lạc, hỷ và lạc do Bất Động Tâm sanh ra là Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi, muốn tu tập Khinh An Giác Chi thì chỉ có nhập vào Bất Động Tâm Định, cho nên nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi tức là nói Định Bất Động Tâm, mà nói ly dục ly ác pháp cũng là nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi, nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi là nói kết quả của Bất Động Tâm, kết quả của Bất Động Tâm là kết quả của Tứ Niệm Xứ, kết quả của Tứ Niệm Xứ là kết quả của Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi và Tinh Tấn Giác Chi, vì thế trong kinh dạy: “Và Bốn NiệmXứ, này các tỳ kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Này các tỳ kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, tỳ kheo an trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê[3] của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các tỳ kheo, trong khi ấy Niệm Giác Chi được bắt đầu khởi lên với tỳ kheo”.Niệm không hôn mê tức là sự tỉnh thức một cách tự nhiên, sự tỉnh thức một cách tự nhiên chính là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là Bất Động Tâm Định, Bất Động Tâm Định là tâm ly dục ly ác pháp, do đó lúc nào chúng ta cũng sống trong tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là Niệm Giác Chi hiện tiền, Niệm Giác Chi hiện tiền là Trạch Pháp Giác Chi hiện tiền, Trạch Pháp Giác Chi hiện tiền là Tinh Tấn Giác Chi hiện tiền, Tinh Tấn Giác Chi hiện tiền là Hỷ Giác Chi hiện tiền, Hỷ Giác Chi hiện tiền là Khinh An Giác Chi hiện tiền, Khinh An Giác Chi hiện tiền là Định Giác Chi hiện tiền, nên kinh dạy: “Trong khi ấy Khinh An Giác Chi được tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy, Khinh An Giác Chi được tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các tỳ kheo, trong khi tỳ kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy Định Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ kheo”. Vậy Định Giác Chi là gì?

6- Định Giác Chi gồm có Bốn Thánh Định, Bốn Thánh Định là: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Khi tâm nhập được bốn loại thiền định này là nhờ pháp hướng tâm có hiệu quả tịnh chỉ các hành trong thân, nên thân tâm đều định vào nhau tức là Tâm định trên thân, thân định trên tâm, tâm định trên thân thân định trên tâm là một nội lực của tâm rất lớn và vi diệu, khiến cho tâm nhu nhuyễn, định tĩnh, dễ sử dụng. Lúc bấy giờ hành giả điều khiển tâm mình bằng pháp hướng Xả Giác Chi. Vậy Xả Giác Chi là gì?

7- Xả Giác Chi có hai cách:

a- Xả Giác Chi thứ nhất, chúng ta không cần nhập định Tứ Thiền mà chỉ với tâm định tĩnh chúng ta nhìn các pháp với ý niệm xả ly, không một pháp nào còn dính mắc trong thân tâm của chúng ta nữa. Toàn cả vật chất thế gian này chúng ta đã buông bỏ xuống sạch, như trong kinh dạy: “Trong khi Định Giác Chi được tỳ kheo tu tập. Trong khi Định Giác Chi được tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy Xả Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ kheo”. Đây là trong giai đoạn chúng ta sống bình thường trong tâm định tĩnh, nhu nhuyễn như lúc chuẩn bị nhập Tứ Thiền, nhưng không nhập Tứ Thiền mà ở trạng thái đó, thực hiện Xả Giác Chi.

b- Xả Giác Chi thứ hai tức là hướng tâm đến Tam Minh. Lúc bấy giờ chúng ta chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh có nghĩa là tịnh chỉ hơi thở hoàn toàn. Khi nhập định này tâm chúng ta định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản vì thế chúng ta hướng tâm đến Tam Minh một cách dễ dàng, không có mệt nhọc không có khó khăn, như trong kinh dạy:“Với tâm thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tôi dẫn tâm hướng đến lậu tận trí. Tôi biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là khổ diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là các lậu hoặc được diệt trừ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến các lậu hoặc được diệt trừ”.

 Đoạn kinh trên đây dạy chúng ta xả lậu hoặc bằng Xả Giác Chi một cách cụ thể và rõ ràng, như trong kinh đã dạy: “Trong khi ấy Xả Giác Chi được tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy Xả Giác Chi được tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn”.Khi Xả Giác Chi được sung mãn thì tâm vị ấy biết mình đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt sanh tử luân hồi một cách rõ ràng, như lời đức Phật đã dạy: “Tôi nhờ biết như vậy thấy như vậy, tâm của tôi thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữulậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, tôi khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”, Tôi biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Đến đây sự tu hành Bảy Giác Chi của chúng ta đã hoàn thành xong.



[1]-Tuệ tri có nghĩa là “tôi biết rõ”

[2] - Niệm không hôn mê có nghĩa là tâm tỉnh thức hoàn toàn lúc nào cũng tự nhiên biết hơi thở ra, vô mà không cần phải gom tâm ức chế, nói cách khác là tâm không phóng dật.

[3]- Niệm không hôn mê có nghĩa là tâm tỉnh thức hoàn toàn lúc nào cũng tự nhiên biết hơi thở ra, vô mà không cần phải gom tâm ức chế, nói cách khác là tâm không phóng dật.

DÙNG MỘT HAY NHIỀU CÂU PHÁP HƯỚNG TRONG MỘT THỜI TU

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Sách ĐVXP IItrang 145 (cũ). Hỏi xin các pháp hướng tu về Định Vô Lậu thì trong sách rất nhiều câu:

- Tâm phải ly dục ly ác pháp.

- Tâm phải đoạn diệt lòng ham muốn và sân si.

- Tâm phải gom vô hơi thở.

- Tâm phải tịnh chỉ tầm tứ hoàn toàn.

- Tâm phải tỉnh thức hoàn toàn, thân ngủ tâm không được ngủ.

Con thấy nhiều câu quá. Vậy ta nên dùng một câu suốt giờ tu hay dùng nhieu câu trong thời gian tu đó?

Đáp:Thầy cho nhiều câu pháp hướng tâm như vậy là để cho các con lựa chọn câu nào cho xứng hợp với đặc tướng của mình, hoặc đang tu ở pháp môn nào, giai đoạn nào thì nên chọn câu pháp hướng tâm ở giai đoạn đó, pháp môn đó cho phù hợp với sự vô lậu của pháp môn giai đoạn đó.

Điều quan trọng là khi dùng pháp hướng tâm là dùng một câu pháp hướng có hiệu quả hơn là nhiều câu hướng một lượt.

Ví dụ: Tháng thứ nhất, người mới bắt đầu tu Định Niệm Hơi Thở thì câu pháp hướng đầu tiên của nó là: “Ý Thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô rõ ràng”,và khi hơi thở thở đều tâm chú ý vào hơi thở thì thỉnh thoảng lại nhắc một câu pháp hướng khác như: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.

Sau hơn một tháng tu tập, hơi thở đã thuần thục, thời gian có tăng lên từ 1 phút đến 30 phút thì những câu pháp hướng cũng được thay đổi hoàn toàn chỉ còn giữ câu pháp hướng đầu tiên của Định Niệm Hơi Thở và không còn sử dụng những câu pháp hướng cũ.

Ví dụ: Tháng thứ hai, khi ngồi kiết già lưng thẳng xong thân tâm cảm giác được yên ổn thì dùng pháp hướng tâm: “Ý thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô một cách rõ ràng”,khi tâm đã chú ý hơi thở ra vô đều đều thì con thỉnh thoảng khoảng 5 hoặc 10 hơi thở lại hướng tâm một lần: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hoặc“Cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ ba con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu: “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”hoặc “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ tư con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”.hoặc“An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ năm con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm hân hoan tôi biết tôi hít vô, với tâm hân hoan tôi biết tôi thở ra”,hoặc “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ sáu khi tâm con cảm thấy có sức định tỉnh con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ bảy khi tâm có sức định tỉnh pháp hướng tâm có hiệu quả hơn thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”,hoặc “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”, hoặc “Quán ly si tôi biết tôi hít vô quán ly si tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ tám khi con cảm thấy tâm mình đã ly tham, sân, si, mạn, nghi thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ chín khi con cảm thấy tâm con không phóng dật tâm thường định trên hơi thở một cách tự nhiên thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định”.

Tháng thứ mười nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Bất Động Tâm Định thì con ở trong trạng thái Bất Động Tâm Định đó con nương vào hơi thở ra và hơi thở vô liền thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.

Tháng thứ mười một nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Sơ Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Sơ Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ tầm, tứ nhập Nhị Thiền”.

Tháng thứ mười hai, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Nhị Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Nhị Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly 18 loại hỷ tưởng nhập Tam Thiền”.

Tháng thứ mười ba, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Tam Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Tam Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”.

Đây là những pháp hướng tâm để tu tập về Định Niệm Hơi Thở còn tu tất cả các loại định khác lần lượt Thầy sẽ dạy các con trạch pháp và dùng pháp hướng tâm cho đúng cách, trước kia Thầy chỉ kê ra cho các con biết về pháp hướng tâm chứ chưa soạn thảo một giáo trình tu tập cho các con. Tại sao Thầy không biên soạn giáo trình tu tập cho các con trước?

Tại vì, giáo pháp của kinh sách phát triển đã dìm mất giáo pháp của đức Phật, nên lúc này cần làm rõ để cho mọi người thấy đâu là chánh pháp của đức Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo, cho nên sự hỏi đạo của Phật tử hiện giờ là một điều cần thiết hơn là tu tập. Sau khi hỏi đạo thấu rõ chánh pháp và tà pháp thì giáo trình tu tập sẽ được ra đời, thì sự tu tập của các con không còn khó khăn nữa, nghĩa là các con được Thầy hướng dẫn từng bước tu tập, còn bây giờ các con hỏi thì Thầy chỉ dạy lõm bõm mà thôi.

Sau này các con sẽ có một giáo trình tu học theo đúng chương trình giáo dục đào tạo những bậc tu chứng của Bát Chánh Đạo.

HƯỚNG TÂM NHƯ THẾ NÀO CÓ HIỆU QUẢ?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin pháp hướng tâm tu Định Vô Lậu, mà dùng câu pháp hướng tâm: “Tâm phải gom vô, tâm phải tỉnh thức hoàn toàn, Tâm phải diệt tầm tứ hoàn toàn v.v…”. Như vậy pháp hướng tâm có tác dụng không?

Đáp:Tất cả các pháp môn của đức Phật tu tập đều có một mục đích nhắm vào tâm vô lậu, mà pháp môn tu tập để tâm được tỉnh thức là pháp môn căn bản nhất, có tỉnh thức mới có xả được tâm, mới ly tham đoạn các ác pháp, do đó tâm mới vô lậu. Có tỉnh thức mới quán xét các niệm hoặc các ác pháp đến để thấu suốt nó thì mới ly tham đoạn diệt được, như bài pháp tu Định Niệm Hơi Thở ở trên. Bắt đầu gom tâm, tỉnh thức từng hơi thở rồi ly tham, ly ác pháp, ly tham ly ác pháp được rồi mới diệt tầm tứ, diệt tâm tứ được rồi mới ly các loại hỷ tưởng, ly các loại hỷ tưởng được rồi mới tịnh chỉ hơi thở, tịnh chỉ hơi thở được rồi mới diệt tận lậu hoặc bằng Lậu Tận Minh.

Biết dùng pháp hướng đúng cách, đúng thời, đúng pháp, đúng giai đoạn tu tập của nó, thì có tác dụng và có lợi ích rất lớn cho hành giả đang tu tập.

THÙY MIÊN HAY TÙY MIÊN

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Danh từ thùy miên là nghĩ ngợi liên tục hết cái này tới cái kia, hay còn có nghĩa là ngủ say thưa Thầy?

Đáp:Từ thùy miên có nghĩa là ngủ, buồn ngủ, ngủ miên man liên tục không hay biết gì cả, đó là một trạng thái si mê, lười biếng của những người vô minh.

Thùy có nghĩa là ngủ, buồn ngủ; miên có nghĩa là triền miên, miên man, liên tục.

Thùy miên không có nghĩa là nghĩ ngợi chỉ có danh từ tùy miên thì mới có sự nghĩ ngợi liên miên:

Tùy có nghĩa là theo, bám sát, không rời ra.

Miên có nghĩa là triền miên, miên man, liên tục.

Ví dụ: Sân tùy miên có nghĩa là cơn giận không nguôi; tham tùy miên có nghĩa là lòng ham muốn không bỏ được, ham muốn hoài hoài, ham muốn liên tục; si tùy miên có nghĩa ngu si ham ăn, ăn no mà còn ráng ăn, ham ngủ trời sáng trắng mà chưa chịu dậy, ham chơi mà quên học hành, v.v.. Đó là nghĩa của thuỳ miên và tùy miên con nên nhớ kỹ đừng để hiểu sai và hiểu sai thì tu tập không kết quả.

Cho nên thùy miên và tùy miên hai nghĩa khác nhau hai trạng thái khác nhau không giống nhau chút nào. Người tu hành phải nhận xét cho rõ ràng đừng để nhầm lẫn nghĩa. Đến đây con đã hiểu xong còn chỗ nào nghi ngờ nữa không?

HẠNH ĐỘC CƯ

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy! Tu hạnh sống độc cư có ba giai đoạn:

1-        Sống hạn chế nói chuyện (ít nói chuyện).

2-        Sống riêng làm việc riêng.

3-        Sống riêng không làm việc.

Thưa Thầy, sống trong ba giai đoạn độc cư ý nghĩa như thế nào?

Đáp:Người muốn thực hiện thiền định nhập được vào các định mà không sống độc cư thì chẳng bao giờ nhập được định cả dù họ ngồi năm bảy ngày tâm không vọng tưởng cũng chẳng nhập được thiền định.

Bởi vì độc cư là bí quyết nhập các loại định. Tại sao vậy?

Người sống độc cư không cần ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng tưởng mà chỉ cần sống đúng trong ba giai đoạn độc cư này thì nhập các loại Thánh Định một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn cho đến thực hiện Tam Minh như: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh cũng dễ dàng như vậy.

Sống độc cư không phải dễ nên phải chia ra làm ba giai đoạn:

1-        Giai đoạn thứ nhất: Tập ít nói chuyện tức là chuyện gì đáng nói thì nói không đáng thì không được nói, nhất là không được nói chuyện phiếm. Ở đây chúng ta nên hiểu tập ít nói chuyện có nghĩa là tập dần dần đi đến chỗ hoàn toàn không nói chuyện với ai hết để thực hiện nội tâm ly dục ly ác pháp, nếu còn nói chuyện thì tâm còn phóng dật, tâm còn phóng dật là tâm chưa ly dục ly ác pháp mà tâm chưa ly dục ly ác pháp thì làm sao nhập được định. Nếu một thời gian tập ít nói chuyện mà tâm hồn chúng ta thích sống yên lặng một mình không muốn tiếp duyên ra ngoài thì bước qua giai đoạn độc cư thứ hai.

2-        Giai đoạn thứ hai: Sống riêng làm việc riêng, trong giai đoạn này chúng ta còn đọc kinh sách và nghe băng dạy về hạnh độc cư và pháp môn tu tập ly dục ly ác pháp. Sau thời gian suy tầm nghiên cứu thông suốt đường lối và cách thức tu tập của đạo Phật thì chúng ta bước vào giai đoạn thứ ba của hạnh độc cư.

3-        Giai đoạn thứ ba: Sống riêng không làm việc, sống riêng không làm việc có nghĩa là không đọc kinh sách, không nghe băng, không làm việc gì cả, nhưng lúc bấy giờ làm việc rất nhiều, suốt trong 24 tiếng đồng hồ ngày đêm liên tục quan sát thân, thọ, tâm và pháp của mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó. Cho nên nói không làm việc chứ làm việc nhiều nhất, làm việc mà không biết mỏi mệt.

Nhờ sống độc cư và tu tập như vậy thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm đã nhập Bất Động Tâm, tâm nhập Bất Động là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ là tâm thanh tịnh.

Người đã có tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp thì nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh một cách dễ dàng bằng với pháp hướng tâm như lý tác ý.

Người tu sĩ Phật giáo mà không hiểu ý nghĩa và không sống đúng hạnh độc cư thì đi tu theo đạo Phật chỉ là hình thức, chỉ uổng một đời tu hành mà chẳng có ích lợi cho mình, cho người gì cả.

SỐNG THƠ THẨN MỘT MÌNH

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Trong phần một của hạnh độc cư, tập sống thơ thẩn một mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, xin Thầy chỉ rõ. Nó có giống trạng thái sống riêng và không làm việc?

Đáp:Độc cư ở giai đoạn I, trong suốt ngày đêm chúng ta chia thời gian ra làm bốn thời sáng chiều, tối, khuya, mỗi thời chúng ta dành riêng ra 30 phút tập sống thơ thẩn một mình, quan sát thân, thọ, tâm và pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.

Đến giai đoạn IIđộc cư thì thời gian sống thơ thẩn một mình được tăng lên 60 phút hoặc hơn nữa.

Đến giai đoạn IIIthì hoàn toàn sống suốt 24 tiếng đồng hồ thơ thẩn một mình, mục đích sống như vậy là để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm như trên Thầy đã dạy.

Tóm lại sống thơ thẩn một mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm là sống riêng không làm việc bên ngoài mà cũng không làm việc bên trong chỉ duy nhất có một việc làm là việc đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm mà thôi. Cho nên ở giai đoạn một nó chỉ mới tu tập với thời gian ngắn 30 phút“sống riêng và không làm việc”.

THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! Thầy bảo không có Bồ Tát mà chỉ do kinh sách phát triển đặt ra, sao bài tu hạnh “bằng lòng”Thầy dẫn chứng Thường Bất Khinh Bồ Tát? Thật hay là huyền thoại?

Đáp:Bồ tát chỉ là một danh từ chỉ cho những người tu hành chưa xong, bồ tát độ chúng sanh, cứu khổ chúng sanh là một sản phẩm của kinh sách phát triển, vì tu chưa chứng mà độ người làm sao độ được cũng giống như một người mù dẫn một đoàn người mù đi thì sự nguy hiểm trước mắt rõ ràng. Cho nên Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thế Chí, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù, v.v.. là không có thật, đó là huyền thoại, còn Thường Bất Khinh Bồ Tát là một con người tu chưa chứng, ông còn đang tu hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng nên gặp ai ông cũng tôn trọng và cung kính ông không dám khinh rẻ ai hết do đó người ta mới đặt cho ông cái tên là Thường Bất Khinh Bồ Tát, người ta đâu ngờ rằng ông đang thực hiện tâm ly dục ly ác pháp để đạt được cứu kính của đạo Phật vì thế Thầy mới dẫn chứng vị bồ tát này làm gương cho chúng ta bắt chước tu hạnh “bằng lòng”.

Danh từ bồ tát cũng giống như danh từ hành giả có nghĩa là người đang tu, ngược lại kinh sách phát triển ca ngợi một vị Bồ Tát không đúng sự thật mà còn đưa vị Bồ Tát đến những việc làm phi đạo đức không công bằng và công lý của xã hội loài người như Bồ Tát Quan Thế Âm.

Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật có nói đến Bồ Tát, nhưng Bồ Tát chỉ là một người tu chưa chứng: “Này các tỳ kheo, khi Ta còn là Bồ Tát chưa chứng ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác...”.

Đức Phật nói đến Bồ Tát không có nghĩa là nói đến Bồ Tát Quan Thế Âm, Địa Tạng, v.v.. mà nói đến người đang tu chưa chứng đạo, đó là nghĩa của kinh sách Nguyên Thủy, còn nghĩa của kinh sách phát triển, Bồ Tát là những người tu đã chứng đạo vì thương tưởng chúng sanh mà chưa chịu thành Phật, luôn luôn làm Bồ Tát để độ chúng sanh, chừng nào chúng sanh thành Phật hết thì các vị này mới thành Phật. Thật là pháp khí đệ nhất trên thế gian này, chỉ có kinh sách phát triển mới sản sanh ra những loại tưởng tri, ảo giác, lừa đảo này đối với những người còn vô minh như thế.

Bồ tát là một danh từ để chỉ cho những người tu hành chưa xong, háo danh muốn làm thầy thiên hạ. Đó là một người mù muốn dẫn dắt một số người mù cùng đi thì sự khổ đau không thể nào tránh khỏi.

Thăm và chúc cả gia đình con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt để sống một đời sống thanh thản, an lạc và vô sự.

Kính ghi

THỜI KHÓA TU TẬP CHO NGƯỜI CƯ SĨ

Câu hỏi của một phật tử Miền Bắc

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy hướng dẫn và chỉ rõ thời khóa tu tập cho cư sĩ tại gia, nhất là những cư sĩ bận việc buôn bán, chỉ rảnh vào buổi tối, ngưỡng mong Thầy hết lòng chỉ dẫn cho, con xin thành kính tri ân.

Đáp:Vào mỗi tối Phật tử được rảnh rang, nên chọn ngay buổi tối tu tập, phải tu tập liên tục. Khi đã chọn buổi tối, đừng bỏ qua một buổi tối nào cả thì sẽ có kết quả giải thoát ngay liền, đó là làm chủ được sự sống của mình, do tâm biết buông xả các ác pháp. Nhất là tu tập được như vậy thì Phật tử sẽ sống trong mọi oai nghi đạo đức nhân bản – nhân quả cao thượng không làm khổ mình khổ người. Nếu không tu thì thôi mà đã tu thì phải cố gắng tu tập hết sức mình để trước báo ân đức của Phật, sau báo ân của cha mẹ, của Thầy và của Tổ Tiên Ông Bà, v.v..

Trước khi tọa thiền tu Định Niệm Hơi Thở, con nên đến trước bàn thờ Phật, ngồi xếp bằng ngay ngắn, chắp tay trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, con thầm ước nguyện trong lòng: “Hôm nay con nguyện ước, mong rằng thân, miệng, ý của con không làm điều ác, xin đức Phật chứng minh”. Sau khi ước nguyện xong, con quan sát, xem xét từ sáng đến tối xem coi thân, miệng, ý của con có làm khổ mình khổ người không? Tức là có làm điều gì không phải, khiến cho mình hay người khác buồn, giận, phiền não, v.v.. Nếu từ sáng đến tối không có một việc gì làm khổ mình khổ người, thì con biết rất rõ trong thân tâm của mình hơn ai hết. Khi thấy biết rõ như vậy con thầm nói trong lòng: “Đây là một ngày tốt lành, đẹp đẽ, thanh thản, an lạc và vô sự nhất của đời con, con xin đức Phật chứng minh cho”. Bằng ngược lại có những việc làm khổ mình, khổ người con thầm nói trong lòng: “Đây là một ngày xấu nhất trong đời con. Con xin sám hối với chư Phật và nguyện ước khắc phục tâm con ngăn ác diệt ác pháp sẽ không làm khổ mình khổ người nữa, ngưỡng mong đức Phật từ bi chứng giám cho con”.Khi ước nguyện như vậy xong, con tiếp tục ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng, hai bàn tay đặt vào lòng hai bàn chân tu tập Định Niệm Hơi Thở như Thầy đã dạy trong sách Đường Về Xứ Phật ở trên.

Bắt đầu tu tập con nên cố gắng ngồi từ 5’ rồi từ từ tăng dần lên 30’. Khi tu tập được 30’ con đừng tăng lên nữa. Lúc bấy giờ con tu đề mục khác. Ví dụ: Con tu tập Định Niệm Hơi Thở với đề mục thứ nhất xong, con bắt đầu tu tập đề mục thứ hai, nếu đề mục thứ hai tu tập xong, con nên tu tập đề mục kế và tu tập như vậy cho đến khi các đề mục trong Định Niệm Hơi Thở tu tập xong hết mới chuyển qua pháp khác.

Thầy gửi cho con tập sách Cẩm Nang II để con tham khảo thêm về pháp môn tu tập.

Thăm và chúc con dồi dào sức khỏe, tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

BỐN LOẠI THỨC ĂN

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con những điều sau đây:

Trong nẻo thứ năm của Đạo Đế là Chánh Mạng. Thầy mới giảng tóm tắt về bốn loại thức ăn:

1-        Đoàn thực loại thô hay loại tế.

2-        Xúc thực.

3-        Tư niệm thực.

4-        Thức thực.

Chúng con xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cụ thể và những chi tiết bốn loại thức ăn này. Để chúng con theo đó mà hành trì.

Đáp:Theo Phật giáo để thực hiện Chánh Mạng thì có bốn cách nuôi thân mạng:

1-        Đoàn thực còn gọi là đoạn thực, đoạn thực có nghĩa là cách ăn, chia ra từng đoạn, từng miếng, từng phần thường dùng tay, đũa, nĩa, dao, muỗng v.v.. Cách thức ăn uống này thường dùng mũi, lưỡi, làm thể để ăn các món ăn.

2-        Xúc thực còn gọi là lạc thực, lạc thực có nghĩa là cách ăn bằng sự cảm xúc vui buồn.

Ví dụ: Trong khi vui mừng, thấy mình no, hoặc khi buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, tức giận, cũng cảm thấy mình no; trong khi xem hát, nghe nhạc hoặc xem bóng đá cả ngày chẳng thấy đói. Như vậy lấy chỗ tâm mình cảm xúc mà làm thể ăn.

3-        Tư thực còn gọi là niệm thực. Tư có nghĩa là tư duy, suy nghĩ; thực có nghĩa là ăn. Tư thực có nghĩa là cách thức ăn bằng ý nghĩ suy tư, đó là cách thức ăn bằng ý thức tư duy.

Ví dụ: Một người đang đói, họ nghĩ đến bữa cơm, canh, thực phẩm thơm ngon, sự tư duy nghĩ về ăn uống như vậy là tư thực. Lâu ngày không ăn phở khởi tâm muốn ăn phở nên suy tư về tô phở, đó là tư thực. Trong thời Tam Quốc khi Tào Tháo xua quân đi đánh giặc, ngang qua một sa mạc quân lính khát nước, Tào Tháo bảo: “Phía trước có một rừng me và trái me rất nhiều, chúng ta hãy tiến quân đến đó ăn me sẽ đỡ khát nước”.Quân sĩ nghe đến me nên nước miếng tiết ra nhiều khiến cho quân lính không còn thấy khát nước nữa nên quân lính Tào Tháo vượt khỏi sa mạc, đó là nhờ tư thực.

4-        Thức thực là cách thức ăn bằng ý thức, khi ý thức khởi ham thích cái này cái nọ cái kia, đó là thức thực.

Ví dụ 1: Ý thức khởi thèm muốn ăn bánh trung thu, thèm muốn ăn tức là thức thực.

Ví dụ 2: Ý thức khởi ham muốn một chiếc xe hơi, ham muốn chiếc xe hơi tức là thức thực. Khi chúng ta khởi tâm ham muốn một điều gì, một vật gì, một món ăn gì, ngay đó là chúng ta đang thức thực.

Đối với đạo Phật được xem bốn sự ăn uống này là ác pháp, là bất tịnh, là khổ đau, là trói buộc. Người tu hành theo Phật giáo cần phải quán xét nhàm chán trên bốn sự ăn uống này. Người đời không biết tu tập nên chạy theo bốn sự ăn uống này, nên suốt đời thọ lấy biết bao nhiêu điều khổ đau, từ đời này sang đời khác.

Người tu sĩ đạo Phật cần phải cảnh giác, cần phải tu tập, cần phải quán xét và cần phải sanh tâm nhàm chán trong bốn sự ăn uống này.

Tóm lại, bốn sự ăn uống này là bất tịnh uế trược, là ô nhiễm, là hôi thối bẩn thỉu. Người tu hành theo Phật giáo cần phải từ bỏ, cần phải xa lìa. Ai cũng biết: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”.Quý vị nên nhớ kỹ: Đừng để những loại ăn uống này làm ô nhiễm thân tâm chúng ta. Phải không quý vị?

MỘT TRUYỀN THỐNG ĐẸP “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN, ĂN QUẢ NHỚ NGƯỜI TRỒNG CÂY”

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, làm nên sự nghiệp nhớ ơn người Thầy có công dạy bảo. Đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhà nào cũng lập một bàn thờ để thờ Phật, Tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Ngày giỗ ngày Tết con cháu dù công tác ở nơi đâu cũng trở về quê xum hợp với gia đình và tưởng nhớ đến công ơn sinh thành như trời như biển của tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

Nhưng cũng những ngày giỗ Tết này thường bày ra ăn uống cỗ bàn linh đình, rượu chè say sưa, gà lợn thường phải giết để cúng tế, gây tốn kém về kinh tế, gieo nhân ác với loài chúng sanh, v.v..

Để phát huy tuyền thống tốt đẹp lâu đời đối với chư Phật, tổ tiên, ông bà và cha mẹ, để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục như trời biển đó, ngày Tết, ngày giỗ nên tổ chức như thế nào cho đúng ý nghĩa đạo đức nhân quả làm người, không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Ngày giỗ, ngày Tết là những ngày truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”,nhưng hiện nay người ta lạm dụng ngày tốt đẹp ấy đã biến thành ngày tụ tập để ăn chơi nhậu nhẹt, vì ăn chơi nhậu nhẹt nên phải sát hại chúng sanh làm cỗ linh đình, biến dần ngày ấy thành ngày tội lỗi, biết bao nhiêu sanh linh phải chết cho ngày ấy.

Vì sự sống, sự vui chơi của loài người, nhưng loài người là một loài động vật thông minh nhất sao lại nỡ tâm sống và vui chơi trên sự đau khổ của muôn loài vật khác.

Đặt ngược lại vấn đề, trên thế gian này có một loài động vật khác có uy quyền và thông minh hơn loài người nữa, loài động vật ấy, chúng biết nuôi loài người và các loài động vật khác, cứ hằng năm ngày Giỗ và ngày Tết hoặc tất cả những ngày lễ lớn, chúng đều bắt loài người và những loài vật khác ra giết và làm cỗ linh đình, ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích thì lúc bấy giờ loài người sẽ nghĩ như thế nào đối với loài động vật đó?

Chắc chúng ta sẽ nguyền rủa loài động vật ấy là ác quỷ, là quỷ Sa Tăng, là quỷ La Sát, là loài ác thú chứ không phải loài người nữa, v.v.. Có phải vậy không quý vị?

Đến ngày giỗ, ngày Tết và những ngày lễ lớn trong năm, so sánh loài người chúng ta hiện nay cũng vậy, chẳng khác nào như loài ác thú, loài quỷ dữ, chẳng biết thương xót muôn loài vật khác, nhẫn tâm sống trên xương máu đau khổ của chúng. Làm tội ác như vậy chẳng biết thương xót, còn sinh tâm thích thú vui cười khi cầm dao giết hại những loài vật hiền lành rất đáng thương, nhất là những loài chó, mèo, những con vật trung thành và rất thương yêu chúng ta như những đứa con thân thương, thế mà chúng ta nỡ nhẫn tâm giết chúng để ăn thịt, cũng giống như chúng ta ăn thịt những đứa con thương yêu của mình sinh ra.

Nói về con chó là nói về con vật trung thành dù chúng ta có đánh đập xua đuổi chúng như thế nào, nhưng khi gặp chủ thì chúng vẫn vẫy đuôi mừng chủ. Vậy mà con người vẫn ăn thịt chúng được.

Trong khi các loài vật khác giẫy giụa, kêu la, gào thét, rên xiết, quằn quại trên bàn tay đẫm máu của loài người thì lúc bấy giờ chúng ta chè chén vui chơi thỏa thích, mà vô tình không nghĩ đến nỗi đau thương ấy.

Chúng ta đâu biết rằng luật nhân quả sẽ không tha thứ cho một ai, nếu kẻ đó chuyên làm ác giết hại và đem thịt, da, xương, máu của chúng sanh ra bán lấy tiền hoặc nấu nướng chiên xào, hầm, kho luộc, v.v.. thành thực phẩm, chi dụng cho cuộc sống hằng ngày của mình, hoặc ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích trong lúc đó cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ có nhiều sự kiện xảy ra tai nạn bệnh tật khổ đau không chỉ có thân mình mà cả chùm nhân quả như cha, mẹ, vợ, con.

Ví dụ: Trong những ngày Tết, ngày giỗ, ngày lễ lớn v.v.. khi ăn uống nhậu nhẹt thường xảy ra sự rầy rà to tiếng chửi mắng đánh đập với nhau, có khi xảy ra án mạng kẻ nằm nhà thương người đi ở tù, đó là nhân quả xảy ra trong sự kiện hiện tại.

Ngày Tết, ngày giỗ là ngày truyền thống đạo đức ân nghĩa để tỏ lòng biết ơn sâu xa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhưng người ta không hiểu ý nghĩa của nó, nên đã lạm dụng ngày đó ăn chơi theo dục vọng tầm thường của kẻ phàm phu tục tử, biến dần thành những ngày tội lỗi sát hại sanh linh, chỉ để thỏa thích cho lòng ham muốn theo dục lạc vui chơi trần tục “ăn nhậu” say sưa mất hết tư cách đạo đức làm người, tự chúng ta đã biến dần chúng ta trở thành những con thú vật mà không hay biết, mất hết lương tri, chẳng biết xấu hổ và còn hung ác như loài thú dữ. Lúc bấy giờ chúng ta đâu còn biết nghĩa lý gì đạo đức hiếu sinh, sống trước cảnh tàn ác, tàn nhẫn, nhẫn tâm giết hại và ăn thịt các loài vật như vậy, không có một chút lòng yêu thương thì đâu còn gọi là người biết ân biết nghĩa đối với những con người có đạo lý làm người.

Ngày đạo đức tốt đẹp ấy là ngày truyền thống văn hoá tốt đẹp của một dân tộc mà giết hại và ăn thịt chúng sanh như vậy thì không thể gọi là ngày “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”của dân tộc Việt Nam, ngày ấy chỉ còn là ngày tụ họp dòng họ anh, em, chị, em, cùng chòm xóm láng giềng ăn uống chè chén vui chơi say sưa một cách hạ liệt, để rồi la hét chửi mắng, đánh đập nhau, xâu xé như loài ác thú.

Ngày tốt đẹp ấy không còn là ngày con cháu tụ họp về để nhớ cội nguồn của dòng họ Tổ tiên, ông bà đã làm vẻ vang lịch sử quê hương tổ quốc của dân tộc Việt Nam nữa.

Ngày tốt đẹp ấy không còn là ngày đạo đức nhân bản - nhân quả làm người biết thương yêu muôn loài sống trên hành tinh này, biết thương yêu và tha thứ cho nhau những lỗi lầm. Ngày ấy, bấy giờ trở thành ngày sát hại sanh linh biết bao nhiêu loài vật hiền lành và vô tội phải chịu chết cho ngày ấy; ngày ấy đã biến thành ngày độc ác nhất trong năm của con người, ngày ấy là ngày tội lỗi nhất của con người; ngày ấy là ngày con người đã tạo nghiệp tái sanh luân hồi làm thân loài vật mãi mãi trong muôn kiếp.

Ngày tốt đẹp ấy là ngày tụ họp con cháu lại để nhắc nhở con cháu chớ nên làm điều ác, mất đạo đức; chớ nên làm những điều tội lỗi, những điều mất danh giá, làm cho Tổ tiên ông bà, cha mẹ phải xấu hổ dưới tuyền đài, làm cho những người còn sống khó nhìn mặt mọi người.

Vì thế ngày ấy là ngày giết hại sanh linh, làm cỗ bàn linh đình, xúm lại ăn uống chè chén say sưa giống như loài thú vật chỉ còn biết tụ họp để ăn nhậu, thì còn nghĩa lý gì là ngày truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”của dân tộc Việt Nam.

Từ một ngày mang đầy tính chất đạo đức ân nghĩa tốt đẹp của một truyền thống văn hóa dân tộc anh hùng, ngược lại ngày nay nó đã biến dần mất hết ý nghĩa cao đẹp ấy.

Nếu chúng ta không kịp thời sửa sai lại thì con cháu của chúng ta sẽ chạy theo quá đà dục lạc thường tình thế tục“tham ăn thích uống” thì ngày ấy chỉ còn là ngày “ăn chơi”,nhậu nhẹt, say sưa, la lối, chửi mắng như người điên thật là tội lỗi. Ngày ấy không còn là ngày mang đầy đủ ý nghĩa văn hoá cao thượng và đẹp đẽ của một dân tộc Việt Nam nữa.

Đứng trên nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không làm khổ mình khổ người mà chỉnh đốn lại ngày ấy để mang đầy đủ ý nghĩa văn hóa cao thượng và cao đẹp của nó, xứng đáng là ngày truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”:

1-        Ngày ấy bác, chú, cô, dì, cha, mẹ, anh, chị, em, con cháu phải tụ họp về đầy đủ nơi nhà thờ Tổ tiên, ông bà, không được vắng mặt dù có đi làm việc và ở đâu xa cũng phải trở về họp mặt cho đầy đủ, để nói lên được tình sâu nghĩa nặng, đạo đức cao đẹp ân nghĩa làm người, “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.

2-        Ngày ấy không được giết hại sanh linh, vì ngày ấy là ngày ân nghĩa, không thể đem sự đau khổ chết chóc của muôn loài vạn vật ra làm ân làm nghĩa đối với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta được; ngày ấy chỉ là ngày họp mặt của dòng họ, để nói lên con cháu của dòng họ này là những người hiền lành sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sanh. Nếu ngày ấy giết hại sanh linh làm cỗ linh đình thì còn nghĩa lý gì gọi là làm ân, làm nghĩa của những con người có đạo đức nhân bản – nhân quả biết thương mình, thương người và thương muôn loài vạn vật. Ngày ấy xương thịt của chúng sanh nằm trên cỗ bàn la liệt như một bãi chiến trường thì mất hết ý nghĩa, ân nghĩa cao đẹp của những ngày ấy đối với Tổ tiên. Vì thế, tuyệt nhiên ngày ấy không được đổ máu dù một giọt máu rất nhỏ. Tại sao vậy?

Tại vì, ngày ấy Tổ tiên, ông bà của chúng ta đã đi tái sanh làm muôn loài vạn vật, tuy là Tổ tiên, ông bà của chúng ta nhưng đã mang lốt chúng sanh làm loài vật thì chúng ta đâu còn biết được. Xưa lúc đức Phật còn tại thế, Ngài đi xin đến một nhà nọ, có một con chó chạy ra sủa Ngài, Ngài liền nói chuyện với con chó: “Này con chó kia, nhà ngươi có biết trước kia nhà ngươi là ai không? Con chó không còn sủa nữa đứng lắng tai nghe, Đức Phật nói tiếp:“Trước kia nhà ngươi là chủ nhân của ngôi nhà này, khi chết nhà ngươi không kịp trối trăng cho các con cháu biết nhà ngươi đã có dấu một số vàng trong nhà, vì thế sau khi chết nghiệp tiếc của cải của nhà ngươi mà phải chịu tái sanh làm thân chó để giữ gìn của cải đó”. Từ khi nghe đức Phật nói như vậy con chó bỏ ăn và chẳng bao lâu con chó chết. Do câu chuyện này chúng ta suy ra: “Nghiệp sát sanh của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta làm sao tránh khỏi tái sanh làm thân loài vật, từ loài gia súc nuôi trong nhà như: gà, vịt, heo, dê, ngựa, bò, mèo, chó v.v.. cho đến các loài cá, tôm, rùa, trạnh v.v.. coi chừng đều là Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta tái sanh, do lòng thương yêu con cháu không muốn xa lìa hoặc do nghiệp sát sanh mà phải chịu làm thân thú vật”. Xưa đức Phật còn tại thế, Ngài đã thuật lại cho chúng ta nghe một câu chuyện: “Có hai vợ chồng nhà kia, người chồng bệnh chết, nhưng vì quá thương cô vợ trẻ, do nghiệp thương ấy người chồng tái sanh làm con dòi ở trong lỗ mũi vợ, khiến cho cô vợ trẻ này đau nhức trong lỗ mũi rất khó chịu, một hôm cô đến nhờ một vị thầy thuốc trị dùm lỗ mũi, vị thầy thuốc dùng kẹp bắt ra một con dòi, cô vợ trẻ trông thấy con dòi quá sợ và từ đó chứng bệnh đau lỗ mũi không còn nữa”.Đối với con mắt hữu hạn của chúng ta đâu nhìn qua được lốt nghiệp, vì lòng yêu thương con cháu, vì trả nợ miệng bà con xóm làng nên giết hại sanh linh làm cỗ bàn linh đình nên ngày nay làm thân súc vật để con cháu giết lại làm cỗ đãi người, đó là luật nhân quả trả vay vay trả muôn đời muôn kiếp vô cùng tận không bao giờ dứt, nếu chúng ta không sáng suốt đình chỉ ngay bàn tay đẫm máu thì chúng ta cũng không thoát khỏi nợ máu này, đừng lạm dụng ngày nhớ ân Tổ tiên ông bà cha mẹ rồi lại giết hại Tổ tiên ông bà cha mẹ của mình thì còn nghĩa lý gì đạo lý làm người? Ngày nhớ ơn lại trở thành ngày phi ơn.

Đối với đạo Phật, ngày giỗ, ngày Tết và tất cả những ngày lễ lớn trong năm nên tổ chức đúng ý nghĩa đạo đức làm người tức là phải tổ chức đúng theo đường lối đạo đức nhân bản - nhân quả trong Bát Chánh Đạo:

1/        Chánh Kiến

2/        Chánh Tư Duy

3/        Chánh Ngữ

4/        Chánh Nghiệp

5/        Chánh Mạng

6/        Chánh Tinh Tấn

7/        Chánh Niệm

8/        Chánh Định

Những ngày giỗ, ngày Tết và tất cả những ngày lễ lớn trong năm thì nên tổ chức đúng theo năm nẻo trong Bát Chánh Đạo. Vậy tổ chức theo Chánh Kiến như thế nào?

Tổ chức những ngày ấy đúng chánh kiến theo đạo Phật như:

1-        Thứ nhất không nên giết hại chúng sanh làm cỗ linh đình.

2-        Thứ hai không được tế lễ, cúng kiến lễ bái cầu siêu cầu an theo kiểu mê tín, dị đoan, tin có linh hồn người chết về ăn uống, phù hộ con cháu.

3-        Thứ ba không nên lạm dụng ngày đó tụ họp ăn uống nhậu nhẹt say sưa la hét, chửi mắng, đánh lộn, v.v..

4-        Thứ tư không được dùng ngày đó làm cỗ linh đình trả nợ miệng làng xóm.

Muốn tổ chức những ngày ấy đúng chánh kiến đạo đức ân tình nghĩa nặng của những người đệ tử Phật thì phải.

·    Thứ nhất trên bàn thờ tổ tiên phải được quét dọn sạch sẽ không chưng hoa chỉ có quả, đèn hương phải trang nghiêm.

·    Thứ hai mọi người về tụ họp đều phải mua sắm những thực phẩm thực vật hoặc bánh trái cây, v.v.. tránh mua sắm thực phẩm động vật và bông hoa.

5-        Thứ năm tránh mọi sự lo lắng, nhọc nhằn cho người giữ gìn nhà thờ Tổ tiên, bằng cách khi mọi người về họp mặt trong những ngày ấy đều phải mua và mang về theo nhiều hoặc ít trái cây thực phẩm để tỏ lòng biết ân qua hiện vật của ít lòng thành còn người nào nghèo quá thì cũng nên về cho đông đủ để nói lên ý nghĩa cao đẹp của sự biết ơn sâu dày như trời biển của tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà không cần phải mua sắm vật gì.

6-        Thứ sáu, ngày ấy trong dòng họ phải có một người hiểu biết lịch sử và gia phả của dòng họ, đứng lên nhắc lại công ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ để cho con cháu biết và khích lệ sách tấn con cháu sống đúng đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người và không làm khổ muôn loài vật khác. Con cháu phải nhớ học tập tốt có đức, có tài, làm việc siêng năng cần mẫn thanh liêm, luôn luôn làm sáng tỏ danh đức dòng họ Tổ Tiên, không được làm ô nhục, làm xấu ô danh dòng họ, phải làm cho danh thơm, tiếng tốt.

7-        Thứ bảy, ngày ấy bác chú, cô dì, anh chị em, con cháu nội ngoại gần xa đều về đông đủ để biết được nhau không còn xa lạ, ông bà biết con cháu, con cháu biết ông bà, ngày ấy là ngày để dòng họ biết nhau, gần nhau, giúp đỡ nhau.

Tóm lại, ngày ấy nếu biết tổ chức đúng ý nghĩa theo đạo đức nhân bản làm người thì mới xứng đáng với câu: “Uống nước nhớ nguồn ăn quả nhớ người trồng cây”.

CÓ BA HẠNG NGƯỜI TU TẬP GIỚI, ĐỊNH, TUỆ

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Có ba hạng người tu hành giới, định, tuệ:

1-        Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối.

2-        Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong ánh sáng, tu tập trong ánh sáng.

3-        Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận theo ánh sáng tự nhiên. Sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên. Tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên.

Trong ba hạng người này, loại người nào tu đúng, sống đúng theo giáo lý của đức Phật và có thể tiến tới chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn?

Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu rõ và theo đó hành trì.

Đáp:Trong ba hạng người này:

1/ Hạng người thứ nhất ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối. Đó là những hạng người làm việc mờ ám, gian lận, lừa đảo, lường gạt người khác, không xứng đáng là người tu sĩ Phật giáo.

Người ưa thích bóng tối, sống trong bóng tối, tu tập trong bóng tối là những người trộm cắp, cướp giựt, là những loài thú vật đi ăn đêm, là những người gian xảo lừa đảo, v.v..

Người tu sĩ đạo Phật không chấp nhận những điều này, phải ăn thật, nói thật, làm thật.

Vả lại tu hành là giải thoát cho mình chứ đâu phải giải thoát cho ai, tu hành đâu có cầu danh, cầu lợi, cầu khen ngợi, ca tụng v.v.. mà chỉ vì sự sống chết bệnh khổ và tái sanh luân hồi.

Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà lại tu giả, tu dối, tu không thật?

Tại sao chúng ta đã bỏ cuộc đời đi tu mà còn ham vui thích nói chuyện, nói chuyện có ích lợi gì? Vừa làm cho mình tu không được mà cũng vừa làm hại người khác chẳng an tu hành.

Tại sao chúng đã bỏ cuộc đời đi tu, không tu đúng lời dạy của Thầy, nỡ tâm phá hạnh độc cư của mình bằng mọi cách, để rồi cuộc đời tu hành của mình chẳng ra gì? Đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, lại hằng ngày thọ dụng của đàn na thí chủ mà chẳng biết xấu hổ.

Những người tu hành trong bóng tối là những người lười biếng, dụng bóng tối để thỏa thích lòng tham ngủ, còn tham ăn, tham ngủ là người còn mang bản năng thú vật, sống chỉ biết tranh đấu cho cái ăn, cái ngủ thì không còn nghĩa lý gì cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của người tu sĩ Phật giáo.

Đừng luận rằng đức Phật ngày xưa đâu có dầu đèn thắp, nên bây giờ mình tập sống trong bóng tối. Luận như vậy là sai, xưa đức Phật, đến chỗ nào sống không đèn đuốc thì vẫn sống tu không đèn đuốc như bình thường, nhưng đến nơi có đèn đuốc thì đức Phật cũng sống tu trong ánh sáng đèn đuốc, chứ không có đèn đuốc đòi cho có đèn đuốc hoặc có đèn đuốc lại tắt tối thui để tránh sự dòm ngó của người khác trong khi mình lén ngủ.

Trong tu viện sự tu tập có thời khóa rõ ràng, giờ tu, giờ nghỉ, người sử dụng bóng tối tu tập là có gian ý lười biếng để đánh lừa người khác.

2/ Hạng người thứ hai ưa thích ánh sáng, sống trong áng sáng, tu tập trong áng sáng. Đó là những người dùng ánh sáng làm bình phong che mắt mọi người, dùng ánh sáng để chứng tỏ mình là người tốt, người siêng năng tu tập, người làm thiện chứ thật ra cũng là cách thức lừa đảo lường gạt người khác. Đối với người tu sĩ đạo Phật còn một chút xíu tâm lừa đảo, gian lận thì tâm niệm đó còn mang đầy ác pháp, làm sao tu hành cầu giải thoát được. Phật dạy: “Các pháp ác chớ làm, nên làm các pháp thiện”. Tâm còn gian xảo dùng ánh sáng để che đậy sự xấu, sự lười biếng, để lường gạt kẻ khác.

Ví dụ: Một nhà giàu có muốn làm giàu hơn trong sự bất chánh họ dùng mánh khóe từ thiện để qua mắt Nhà nước và mọi người. Một ông thầy thuốc Nam bốc thuốc từ thiện, nhưng lại muốn làm tiền bằng cách khôn khéo lợi dụng lòng tin Phật của bệnh nhân nên đặt một tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và một thùng phước sương trong phòng mạch. Nhờ đó ông thầy lang tuy không nhận tiền thuốc mà vẫn làm giàu còn được tiếng làm phước thiện. Thường trong các chùa trước điện Phật, đặt một cái tủ nhỏ, gọi là thùng phước sương, thùng phước sương là một hình thức lừa đảo tín đồ mê tín, đó cũng là một nguồn lợi đáng kể trong nhà chùa. Đó là lấy ánh sáng che mắt thiên hạ để lừa đảo dễ dàng. Người tu hành gian xảo dùng ánh sáng che mắt mọi người, cứ cho đèn cháy sáng rồi mặc tình mà ngủ. Họ đâu biết rằng tu hành là tu cho họ chứ đâu phải tu cho người khác, thế mà họ cũng lừa đảo người khác. Người tu theo đạo Phật tu như vậy để làm gì? Có ích lợi gì? Nên trở về sống đời sống cư sĩ với đạo đức nhân bản - nhân quả làm người còn tốt hơn.

Những năm tháng trong tu viện chúng tôi đã chứng kiến mọi sự lừa đảo của tu sĩ giả dối, người dùng bóng tối ngủ thẳng chân, kẻ dùng ánh sáng ngáy khò khò. Những điều này đã khiến cho chúng tôi rất thương tâm cho những người còn tham đắm, si mê trong ăn ngủ mà muốn tu theo đạo Phật thì làm sao được.

3/ Hạng người thứ ba tùy thuận bóng tối tự nhiên, tùy thuận ánh sáng tự nhiên, sống trong bóng tối tự nhiên, sống trong ánh sáng tự nhiên, tu tập theo bóng tối tự nhiên, tu tập theo ánh sáng tự nhiên. Đây là những hạng người biết sống đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tùy thuận đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng, biết tu tập đúng nghĩa bóng tối và ánh sáng.

Tùy thuận bóng tối tự nhiên như thế nào?

Khi bóng đêm đến, trời tối chúng ta nên sống trong tự nhiên với bóng đêm mà không đòi hỏi phải có đèn đuốc ánh sáng. Nếu chúng ta đòi hỏi hoặc chuẩn bị đèn đuốc hoặc đèn sáp, đèn cầy, đó là sự không tùy thuận trong bóng đêm, khiến cho tâm bất an phải lo lắng, nên tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự.

 Tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự đó là chướng ngại pháp trong tâm, chướng ngại pháp trong tâm tức là ác pháp, nếu tâm gặp ác pháp phải mau mau quán xét đẩy lui hoặc diệt cho thật sạch và luôn lúc nào cũng giữ gìn tâm bất động trước các chướng ngại pháp, đó mới chính biết tùy thuận bóng tối tự nhiên.

Thời nay người tu hành chẳng biết tùy thuận bóng tối tự nhiên nên chẳng làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?

Trong khi chúng ta sống trong ánh sáng ban ngày mà ước muốn có ánh sáng trăng ban đêm, cũng như chúng ta đang sống trong ánh sáng đèn dầu mà đòi hỏi phải có ánh sáng đèn điện, v.v.. Những sự ước muốn này là sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên.

Ví dụ: chúng ta đang ngồi dưới ánh sáng đèn điện bỗng nhiên bị cúp điện, tất cả mọi vật đều trở thành bóng đen, do đó tâm ta rất khó chịu, phải đi tìm đèn đuốc thắp lên, đó là sự sống không tùy thuận, không bằng lòng, không tu tập ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng có như thế nào thì chúng ta sống tùy thuận, sống tu tập theo ánh sáng đó đã có, ánh sáng không có thì chúng ta sống tùy thuận và tu tập theo ánh sáng không có. Người biết tùy thuận sống và tu tập như vậy là người biết ngăn ác diệt ác pháp, còn ngược lại sống không biết tùy thuận và tu tập như vậy thì dù có nói ngăn ác diệt ác pháp một triệu lần thì cũng chỉ là lời nói suông mà thôi chẳng có ích lợi gì cho mình cho người và tu hành như vậy chỉ hoài công vô ích, uổng một cuộc đời bỏ công tu tập.

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên như thế nào?

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là sống theo bóng tối như thế nào thì chúng ta sống theo bóng tối như thế nấy, không than trách, không phiền toái là hôm nay trời tối quá hoặc trời sáng quá. Tối hay sáng không có nghĩa làm bận tâm cho người tu sĩ. Người tu sĩ sống theo bóng tối tự nhiên là luôn luôn giữ gìn tâm, cảnh giác tâm trong mọi thời gian để phòng hộ bảo vệ tâm lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là sống theo bóng tối tự nhiên.

Sống, tùy thuận và tu tập theo bóng tối tự nhiên là người biết ngăn ác diệt ác pháp không cho tâm bị chướng ngại pháp vì thế bóng tối như thế nào họ sống như thế nấy, sống một cách an vui nhẹ nhàng thanh thản an lạc của một tâm hồn vô sự.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên như thế nào?

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là không lưu ý đến thời gian và không gian, có nghĩa là không để ý đến trời sáng, chiều, tối, khuya luôn luôn ôm pháp tu tập không để kẽ hở khoảng trống nào cả, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn, luôn giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên là sống dưới mọi ánh sáng như: tối không ánh, sáng, sáng mờ mờ, sáng tỏ, sáng trắng, sáng nhạt, v.v.. đều tự nhiên sống dưới ánh sáng đó, không bất toại nguyện, không than thở, không buồn phiền, không trách cứ, không lo ngại tâm luôn thanh thản, an lạc và vô sự trước mọi thứ ánh sáng.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không làm khổ mình, khổ người, sống không dối trá, lừa đảo, lường gạt người khác, trước mặt cũng như sau lưng không bao giờ nói xấu, nói lén ai cả.

Sống, tùy thuận và tu tập theo ánh sáng tự nhiên tức là sống không giết hại sanh linh, sống không làm khổ chúng sanh, sống không ăn thịt chúng sanh, sống với tâm từ bi thương yêu muôn loài vạn vật, thậm chí đến ngàn cây nội cỏ tâm hồn vẫn luôn biết thương yêu như con của mình.

SỰ TU TẬP KHỔ ĐẾ, DIỆT ĐẾ TRONG TỨ NIỆM XỨ

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Thế nào là Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh Đế, tu tập trong Tứ Niệm Xứ, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú.

Đáp:Muốn tu tập Khổ, Tập, Diệt, Đạo Thánh Đế trên Tứ Niệm Xứ thì bắt đầu sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú tại bốn chỗ: “Thân, thọ, tâm, pháp”:

1/ Thứ nhất chúng ta bắt đầu quan sát và xem xét nơi “Thân”Tứ Niệm Xứ coi có các chướng ngại pháp trên đó hay không? Nếu có (sanh khởi) tức là “Khổ, Tập Thánh Đế” đang tạo tác trên thân khiến cho thân bất an, thì chúng ta nên dùng Định Vô Lậu quét sạch (xả ly) “khổ, tập”trên đó xong rồi thì chúng ta dùng câu pháp hướng tâm để tạo cho tâm có một nội lực sung mãn để Tập Đế không còn tập họp (diệt trừ) trên thân Tứ Niệm Xứ được và cuối cùng thân Tứ Niệm Xứ của chúng ta được an lạc và vô sự “Diệt Đế”(an trú). Đây là sự tu tập Khổ, Tập, DiệtThánh Đếtừ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú trên thân Tứ Niệm Xứ.

2/ Thứ hai kế tiếp chúng ta cũng quan sát và xem xét (sanh khởi) “Thọ”Tứ Niệm Xứ của chúng ta và cũng tu tập như thân Tứ Niệm Xứ vậy. Đây là sự tu tập Khổ, Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú.

3/ Thứ ba, sau khi tu tập Thọ Niệm Xứ xong chúng ta tiếp tục quan sát xem xét “Tâm”Tứ Niệm Xứ và cũng tu tập như Thân Niệm Xứ ở trên vậy. Đây là sự tu tập Khổ Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi xả ly diệt trừ và an trú.

4/ Thứ tư, sau khi tu tập “Tâm” Niệm Xứ xong chúng ta tiếp tục tu tập “Pháp”Niệm Xứ. Pháp Niệm Xứ chia ra làm hai loại:

1-        Pháp Niệm Xứ ngoại.

2-        Pháp Niệm Xứ nội.

Pháp Niệm Xứ ngoại gồm có hai phần:

a- Pháp Niệm Xứ ngoại thế gian.

b- Pháp Niệm Xứ ngoại xuất thế gian.

Pháp Niệm Xứ nội gồm có hai phần:

a- Pháp Niệm Xứ nội Thế gian.

b- Pháp Niệm Xứ nội xuất thế gian.

Dù chia chẻ các pháp ra như vậy, nhưng chúng ta phải hiểu các pháp thế gian dù nội hay ngoại đều là ác pháp cả, còn ngược lại pháp xuất thế gian dù nội hay ngoại đều là thiện pháp cả. Vì thế đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp”đó là pháp thế gian, “sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” đó là pháp xuất thế gian.

Sau khi chia ra và phân biệt rõ pháp nội và ngoại, thế gian và xuất thế gian, từ trên pháp chúng ta tu tập như thân Tứ Niệm Xứ vậy. Đây là sự tu tập Khổ, Tập, Diệt Thánh Đế từ sanh khởi, xả ly, diệt trừ và an trú.

TỪ TRƯỜNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Do nhân gì, duyên gì mà các loài động vật nhất là loài động vật sống hoang dã rất thích sống gần các nhà tu hành theo đạo Phật? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Các loài động vật hoang dã rất thích sống gần những người tu hành như:

1-        Thứ nhất họ không giết hại các loài vật, dù là con vật hung dữ và nguy hiểm.

2-        Thứ hai hằng ngày họ thường ăn và để dành những thực phẩm đều mang cho chúng ăn.

3-        Thứ ba người tu hành thường không giết hại và ăn thịt chúng sanh, nên xung quanh họ tỏa ra một từ trường hiền lành khiến cho các loài vật không sợ hãi, nhất là những loài vật có khứu giác tinh vi bén nhậy, khi bắt gặp từ trường đó, chúng an tâm và khi tiến gần vị tu sĩ thì cảm giác chúng lại còn an tâm hơn nữa, do đó nên các loài thú hoang dã đến gần những người tu sĩ chân chánh, không còn sợ hãi, hầu như chúng cảm thấy gần gũi bên những người tu sĩ này như có một sự che chở cho bảo vệ chúng.

Nói đến từ trường tức là nói đến nghiệp lực nhân quả thiện ác do con người hành động theo ba chỗ thân, miệng, ý của họ tạo ra một khoảng không gian rộng hẹp nhất định theo sự huân tập nhiều ít của họ.

 Từ tâm lực thiện của người ấy phóng từ trường ra trong khoảng không gian đó, khi loài thú vật hoang dã đến gần hoặc đi vào khoảng không gian đó, khứu giác và trực giác của chúng giao cảm được từ trường thiện đó, nên chúng không cảm thấy sợ hãi, rất an tâm, vì thế chúng thường quấn quýt bên những người tu sĩ, có khi chúng bò lên hoặc đậu lên tay chân của những người tu hành ấy.

Chúng tôi xin nói thêm các loại từ trường để quý vị suy ngẫm. Lúc Hòa Thượng Huệ Hưng còn sống, ông nói với chúng tôi rằng: “Khi đến thăm Thượng Tọa Pháp Tri, nơi chỗ Thượng Tọa ở sao mà sát khí đằng đằng, cảm giác ớn lạnh người”.

Tại sao nơi chỗ Thượng Tọa ở lại sát khí đằng đằng?

Đó là một từ trường bất thiện mà Hòa Thượng Huệ Hưng cảm nhận được khi bước chân vào đó. Lúc bấy giờ chúng tôi không biết Thượng Tọa Pháp Tri là ai, nên hỏi Hòa Thượng, Hòa Thượng bảo: “Đó là một nhà sư Phật giáo thuộc hệ phái Nam Tông”.

Nơi đâu có giết hại và ăn thịt chúng sanh là nơi đó có từ trường ác.

Nơi đâu không giết hại và không ăn thịt chúng, nhưng nơi đó không có lòng từ bi thương xót chúng sanh thì nơi đó cũng không có từ trường thiện vì tâm người còn ác, không có lòng hiếu sinh, nên phóng xuất từ trường ác, chính vì tâm con người ở đó còn tham, sân, si, mạn, nghi ngút ngàn.

Nơi đâu có lòng từ bi thương xót muôn loài chúng sanh thì nơi đó có từ trường thiện.

Nơi đâu có đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì nơi đó có từ trường thiện.

Nơi đâu ly dục ly ác pháp là nơi đó có từ trường thiện.

Ngược lại nơi đâu còn có tâm tham, sân, si, mạn, nghi là nơi đó có từ trường ác như chúng tôi đã nói ở trên.

Nơi đâu tu sĩ Phật giáo đời sống phạm hạnh không có, thường phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì nơi đó có từ trường ác.

Trên đây là những từ trường thiện ác trong cuộc sống hằng ngày của con người phóng ra theo hành động đạo đức nhân bản - nhân quả và không đạo đức.

Từ đó chúng ta suy ra mới thấy được môi trường sống trong không gian trên hành tinh này tốt hay xấu, ô nhiễm hay trong sạch đều do hành động thiện hay ác của loài người và loài động vật cùng ngàn cây nội cỏ. Từ những hành động thiện ác của loài người phóng ra thường mang đến cho loài người hạnh phúc hay khổ đau.

Nếu con người trên hành tinh này sống có đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, thì từ trường trong không gian này toàn thiện và như vậy môi trường sống của con người sẽ không bị ô nhiễm. Môi trường sống không ô nhiễm thì con người không có bệnh đau, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy, v.v.. không bén mãng. Thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy và bệnh tật đều do con người sống trong ác pháp, với tâm tham, sân, si ngút ngàn.

Còn có những từ trường khác hơn những từ trường trên đây, đó là từ trường của các loại định, mỗi loại định đều có những từ trường khác nhau như:

 1/ Định Nhị Thiền khi khẩu hành tịnh chỉ thì ý thức ngưng hoạt động, ý thức ngưng hoạt động có nghĩa là sáu thức ngưng hoạt động, sáu thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Người nhập định này mắt không còn thấy sắc tướng, tai không còn nghe âm thanh dù âm thanh to lớn như tiếng trời sét cũng không nghe, v.v..

Khi khẩu hành tịnh chỉ, sáu thức ngưng hoạt động tức là khẩu hành định, sáu thức định, thì từ trong các định này phóng ra một loạt từ trường để bảo vệ khẩu hành và sáu thức của nó, đây là từ trường của định Nhị Thiền, mắt thường không thể thấy được, chỉ có khứu giác tinh vi hoặc trực giác mới nhận ra được.

Định Tam Thiền do ly 18 loại hỷ dục tưởng, lìa 18 loại hỷ dục tưởng này thì có một từ trường phóng ra để bảo vệ giấc ngủ an lành không có mộng mị.

Định Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở các hành trong thân ngưng hoạt động, để bảo vệ sự sống của thân tứ đại, từ trong thân hành tịnh chỉ này phóng ra một từ trường, từ trường ấy làm cho các cơ quan nội ngoại của cơ thể không bị hư hoại trong một khoảng thời gian dài, nhờ có từ trường đó mà cơ thể có thể phục hồi sự sống lại một cách dễ dàng.

Các từ trường trên đây chỉ là một luồng khí vô hình, nhưng nội lực mạnh yếu đều do hành động thiện ác nhiều ít của con người hoặc sức tịnh chỉ các hành trong thân tùy theo khẩu hành, thân hành và ý hành tạo ra định lực sâu cạn nhiều ít mà phân ra các loại định. Mỗi loại định đều có từ trường phóng ra để bảo vệ người đang nhập định.

Định Diệt Thọ Tưởng là một loại định diệt thọ ấm và tưởng ấm, muốn diệt thọ ấm và tưởng ấm thì phải tịnh chỉ ý hành, ý hành tịnh chỉ thì ý căn phải ngưng hoạt động, ý căn[1] ngưng hoạt động thì cơ thể hoàn toàn giống như người chết. Vì muốn bảo vệ cơ thể không bị hoại diệt nên Định Diệt Thọ Tưởng phải phóng ra một từ trường rất kinh khủng, lớp từ trường như một kính pha lê che phủ cơ thể người nhập định, ở xa thì trông thấy, nhưng đến gần thì không được, dù cho thời tiết mưa nắng cũng không xâm thực được, lửa không cháy, nước không làm ướt được, tất cả loài vật và người không bao giờ xâm chiếm đến gần được. Từ trường ấy tuy vô hình, trong suốt như pha lê, nhưng vững chắc hơn thành đồng vách sắt, không có một vật gì trên thế gian này làm hại được thân người nhập định này.



 3- Ý căn là bộ óc của con người, ý căn ngưng hoạt động là bộ óc con người ngưng làm việc. Tứ Thiền hơi thở tịnh chỉ tức là hơi thở dừng, nhưng bộ óc còn hoạt động, còn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì bộ óc hoàn toàn ngưng nghỉ.

CÚNG DƯỜNG VÀ NHẬN ĐỒ CÚNG DƯỜNG NHƯ THẾ NÀO ĐÚNG PHÁP?

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Quý vị cư sĩ phật tử cúng dường cho chư Tăng như thế nào là đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp?

Chư Tăng khi nhận đồ cúng dường như thế nào đúng pháp và như thế nào là không đúng pháp? Phải làm gì khi thọ nhận sự cúng dường? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Người cư sĩ Phật tử cúng dường đúng chánh pháp là phải chọn một vị tăng giới đức nghiêm chỉnh, phải đầy đủ oai nghi tế hạnh, phải có một đời sống phạm hạnh, phải thiểu dục tri túc giống như Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa thì sự cúng dường ấy mới đúng là chánh pháp.

Chọn được một vị tu sĩ như vậy thì phải thành tâm dâng lên cúng dường với một tấm lòng cung kính ngưỡng mộ, mặc dù của ít lòng nhiều, không phải đòi hỏi ở những món ăn cao lương mỹ vị mới có lòng thành, mà chỉ là những món ăn đơn giản như cơm muối, củ khoai và tương chao rau đậu luộc, v.v..

Người cư sĩ phật tử cúng dường không đúng chánh pháp là cúng dường cho những vị tăng phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống không đúng oai nghi tế hạnh.

Cúng dường cho những vị tăng này là nối giáo cho ngoại đạo diệt Phật giáo. Bởi đức Phật dạy: “Giới luật Ta còn là Đạo Ta còn, giới luật Ta mất là Đạo Ta mất”,câu nói này có nghĩa là tu sĩ còn giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh thì đạo Phật còn, tu sĩ không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì đạo Phật mất.

Lời dạy năm xưa của đức Phật đến giờ này nó còn nguyên giá trị rất lớn, giúp cho chúng ta quan sát đạo Phật còn hay mất.

Theo lời dạy này, đạo Phật không còn nữa. Từ khi đức Phật và chúng Thánh Tăng đã viên tịch hết thì không còn ai giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nữa, nên đạo Phật đã mai một từ đó.

 Hiện giờ, quý vị cư sĩ phật tử muốn cúng dường đúng chánh pháp thì phải chọn những vị tăng xứng đáng, giới luật nghiêm trì không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới cúng dường, còn ngược lại thì quý vị không nên cúng dường cho những vị tăng phạm giới, phá giới, vì cúng dường như vậy là gián tiếp quý vị diệt Phật giáo, “Phật giáo còn là giới luật còn, Phật giáo mất là giới luật mất”.Các vị tăng phạm giới, phá giới là những vị Tăng đang diệt Phật giáo, đang giết chết Phật giáo. Quý vị cư sĩ hãy cảnh giác những vị tăng này, họ là những Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật giáo để diệt Phật giáo.

Còn quý vị tăng tu hành chân chánh khi nhận sự cúng dường đúng chánh pháp thì không được nhận tiền, bạc, vàng, châu báu, y áo vải hàng tốt đẹp mà phải bằng vải hàng thô xấu, cách thức ăn mặc của một vị tăng chân chánh thì không được ăn mặc sang đẹp, vì ăn mặc sang đẹp là chưa nhàm chán thế gian, chưa nhàm chán thế là lòng tham muốn còn đầy đủ tham muốn. Tâm tham muốn còn đầy đủ là người thế gian chứ không phải là người tu, tâm chưa phải là người tu thì không nên nhận sự cúng dường, nhận sự cúng dường như vậy thì không đúng chánh pháp.

Cho nên những tu sĩ ăn mặc sang đẹp, ở trong chùa to Phật lớn, xe cộ đủ loại, tiền bạc cất giữ mà nhận của cúng dường thì không đúng chánh pháp.

Một vị tăng phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, đời sống phải ba y một bát, thiểu dục tri túc, luôn luôn sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, mới xứng đang nhận của cúng dường. Nhận sự cúng dường như vậy mới đúng chánh pháp.

Một vị tăng chân chánh khi xứng đáng nhận đồ cúng dường là phải tu tập những pháp môn rất nghiêm chỉnh như sau:

1/        Thứ nhất phải sống một đời sống phạm hạnh thì mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

2/        Thứ hai là phải sống một đời sống giới luật nghiêm chỉnh, thấy các lỗi nhỏ nhặt sợ hãi, mới xứng đáng thọ nhận của cúng dường bằng ngược lại thì mang nợ đàn na thí chủ.

3/        Thứ ba là phải nhập cho được Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định tương đương với Sơ Thiền. Người nhập được Bất Động Tâm là người ly dục ly ác pháp, người ấy mới xứng đáng nhận của cúng dường, nếu tâm chưa ly dục ly ác pháp thì chưa xứng đáng nhận của cúng dường.

4/        Thứ tư là phải siêng năng chuyên cần tu tập Tứ Chánh Cần tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, nếu một vị tăng mà không tu pháp môn này thì không xứng đáng nhận của cúng dường.

5/        Thứ năm là phải siêng năng tu tập Tứ Niệm Xứ để đẩy lui các chướng ngại pháp tức là khắc phục tâm tham ưu của mình thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

6/        Thứ sáu là phải siêng năng tu tập Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

7/        Thứ bảy là phải siêng năng phòng hộ giữ gìn các căn không cho dính mắc các trần tức là tu tập ngũ căn thì mới xứng đáng thọ nhận sự cúng dường.

NỖI ĐAU VỀ THỂ XÁC

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có bà ngoại năm nay ngoài 70 tuổi đang bị bệnh ung thư, sự sống không còn bao lâu nữa, tuy ở xa nhưng con có cảm tưởng hiện giờ ngoại đang chịu nỗi đau về thể xác (sự hoành hành của bệnh) và nỗi đau về tinh thần (lo sợ cái chết). Con là trong những đứa cháu được ngoại yêu quí. Trong tình cảm này con rất muốn làm một việc gì đó thiết thực giúp cho ngoại. Thầy có thể chỉ dạy cho con được không?

Đáp:Trước tiên con nên về gặp bà ngoại con và an ủi người, để cho người đừng dao động tâm khi cơn bệnh hoành hành và khuyên ngoại con: “Đây là nhân quả của bà ngoại do tiền kiếp ngoại có biết không?”.

“Nhân là hạt, quả là trái. Khi vô tình hay hữu ý mình đã gieo hạt giống xấu (hành động ác) thì ngay trong hiện tại mình phải gặt lấy tai họa hay bệnh tật khổ đau. Ngoại bệnh đau cũng vậy, đời trước hay trong kiếp này vì thươngchồng,thương con vô tình ngoại đã gieo một hạt giống xấu bây giờ ngoại phải chịu bệnh một mình như vậy. Ngoại đừng buồn khổ nghe ngoại? Ngoại không buồn khổ là ngoại sẽ hết bệnh mau”.

Ví dụ 1: Ngay trong đời sống hiện tại mình lái xe không cẩn thận, lạng lách, vượt qua mặt, chạy ẩu sang lề khác, phạm vào luật lệ giao thông, đó là nhân. Nên tai nạn xảy ra làm cụt tay gãy chân, có khi mất mạng, đó là quả.

Ví dụ 2: Ngay trong đời sống hiện tại mình không giữ vệ sinh chung, quăng rác bẩn thừa thải khắp nơi; hoặc ăn uống không vệ sinh, đụng đâu ăn đó, không biết dơ sạch, đó là nhân. Khi bị bệnh đau phải tốn tiền đi bác sĩ, đến bệnh viện có khi bị chết, đó là quả.

Ví dụ 3: Ăn thịt chúng sanh, đụng con gì ăn con vật nấy, không biết trong thịt chúng sanh có nhiều chất độc tố, đó là nhân. Đến khi bị bệnh đau, gặp những bệnh nan y khó trị, phải chịu khổ sở đau nhức, lăn lộn trên giường bệnh, đó là quả.

Ví dụ 4: Ỷ quyền thế, la lối chửi mắng người, xem mọi người dưới quyền như tôi tớ người làm công không ra gì, đó là nhân. Khi bị bệnh đau hoặc tai nạn xảy ra cho mình hay những người thân trong gia đình, đó là quả.

Cho nên nhân quả thường đi song song với nhau, hễ có nhân là có quả. Vừa mở miệng nói xấu người khác, đó là nhân, thì ngay đó bị người khác xem thường mình, cho mình là người xấu ác, đó là quả.

Nhưng muốn chuyển nhân quả ấy thì phải làm sao?

Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân, trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.

Khi nhân quả đến muốn chuyển hóa nhân quả thì phải sống đúng tám giới luật của Phật tức là Thọ Bát Quan Trai. Tám giới luật của Phật là chín đức hạnh làm người. Chín đức hạnh làm người là chín pháp thiện. Nhờ sống đúng chánh pháp thiện mà chuyển tất cả quả khổ. Vậy, con hãy lắng nghe Đức Phật dạy mà hướng dẫn cho ngoại con: “Này các tỳ kheo muốn ước nguyện một điều gì, điều đó được viên mãn thì giới luật phải nghiêm chỉnh”.

Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh. Chín đức hạnh gồm có:

1/        Đức hiếu sinh (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài).

2/        Đức buông xả (Không gian tham trộm cắp cướp giựt, móc túi, lấy của không cho).

3/        Đức chung thủy (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác).

4/        Đức thành thật (Không nói dối).

5/        Đức sáng suốt (Không uống rượu).

6/        Đức tự nhiên (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm).

7/        Đức trầm lặng độc cư (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú).

8/        Đức thanh bần (Không nằm giường cao rộng lớn).

9/        Đức ly dục (Không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa).

Sau khi sống đúng 9 giới luật (Bát Quan Trai) tức là những đức hạnh làm người thì con hướng dẫn Ngoại con dùng hai cánh tay đưa ra, đưa vào và tác ý.

Trước khi đưa tay ra thì bảo: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra”. Khi đưa tay ra xong thì tác ý tiếp: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Khi đưa tay ra thì dùng tưởng nghĩ như bệnh theo tay mà đi ra. Cứ nhiếp tâm an trú vào cánh tay đẩy lui bệnh tật như vậy thì bệnh sẽ hết, nhưng khi đưa tay vô thì dùng tưởng thân không bệnh đi vô.

Đây không phải là phương pháp trị bệnh mà đây là phương pháp chuyển nghiệp. Do chuyển nghiệp nên phải sống đúng giới luật.

Phương pháp chuyển bệnh này mà trong kinh Tứ Niệm Xứ gọi là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu”.

Nếu Ngoại con tin tưởng nơi Phật pháp là pháp mầu nhiệm cứu Ngoại con thoát bệnh khổ thì Ngoại con nên yên tâm ôm pháp chuyển bệnh thì không bao lâu Ngoại con sẽ hết bệnh khổ.

Không biết con có nhận được một bức thư của Thầy gởi cho ngoại con không? Nếu được bức thư ấy mà ngoại con nương vào đó giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự cho đến khi bỏ thân tứ đại thì chấm dứt tái sanh luân hồi.

NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Khuya 2 giờ con thức dậy ra sau hè tu tập thì con chó (ban quản lý nuôi canh giữ ký túc xá) thường chạy theo con. Trong suốt thời gian con tu tập nó nằm im một xó vừa bị run, vừa lạnh, vừa bị muỗi đốt trông rất tội nghiệp. Con đuổi nó đi, nhưng nó vẫn nằm ì, ngày thường con đâu có cho nó ăn gì, chẳng hiểu sao nó lại mến con. Có khi nào con và nó có nhân duyên tiền kiếp với nhau? Nghe người ta nói loài chó mèo rất có linh tính. Điều đó có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Tất cả những loài vật và mọi người đang sống chung quanh ta, đều có duyên nhân quả thuận hay nghịch với nhau.

Những loài vật nhỏ như kiến trùng muỗi, mồng, rắn, rết đang sống chung quanh con đều có duyên nhân quả với con cả, chứ không riêng con chó này. Nếu con giết chúng là con tạo nhân ác. Một con muỗi đến thăm con là đòi nợ máu của con, vô tình con chẳng biết đập chết nó là con đã không trả nợ máu cho nó xong mà lại còn mang thêm nghiệp sát sanh giết muỗi.

Khi một con kiến cắn, một con muỗi, một con mồng, một con rết hoặc con rắn cắn đều có nợ nhân quả với nhau cả. Ta hãy vui vẻ đừng giết chúng, vì có giết chúng thì quả đau khổ của chúng ta cũng không hết liền được mà lại tạo thêm nhân ác là giết chúng. Vì thế, khi bị chúng cắn đau đớn thì con nên nghĩ ngay rằng con đang trả nợ nhân quả. Do hiểu biết đang trả nợ nhân quả thì con liền dừng tay không làm thêm một tội ác (giết chúng sanh).

Bố thí một ít máu cho con muỗi, con có chết gì đâu mà lại giết chúng để mãi mãi nợ nhân quả ác từ kiếp này đến kiếp khác không bao giờ dứt.

Một con chó theo quấn quít bên con đều có nhân quả. Đời trước nó là một người thân của con, hiện giờ ở lớp nghiệp chó, con không biết nó là ai, nhưng khi con có đôi mắt Tam Minh vượt qua nghiệp thì con biết nó là ai ở kiếp trước của con. Nó có thể là cha, là mẹ, là anh chị em, là cô bác, là những người thân chứ không có ai xa lạ đâu con ạ!

Vì hiểu biết nhân quả cho nên mọi người, mọi vật chung quanh ta đều là những người thân của chúng ta, do đó ta đừng đánh đập chúng mà hãy thương yêu và tha thứ khi chúng đã lỡ lầm xúc phạm đến ta hoặc làm cho ta khổ đau hoặc chúng đói khát ăn lén thực phẩm của ta thì ta nên tha thứ đừng giết hại chúng, đừng làm chúng đau khổ mà hãy thương xót chúng như thương thân ta vậy con ạ!

Vì nghiệp nhân quả mà con muỗi đốt ta để hút máu nuôi sống thân, chúng có biết gì đâu, chỉ theo qui luật nhân quả đói là phải ăn, mà ăn thì phải làm ác cũng giống như chúng ta vậy. Phải không con?

Ở đời mọi người sống cũng vậy, vì không rõ nhân quả nên mọi người vì cuộc sống của mình mà chà đạp lên sự sống của loài vật khác, người khác.

Vì cuộc sống của ta nên ta trở thành kẻ ác, gian tham, giết hại lẫn nhau.

Vì cuộc sống mà con người mất bản tính thiện chỉ còn tính ác hay hung dữ của loài ác thú.

Vì cuộc sống của mỗi dân tộc, của mỗi nước mà thế giới chẳng hòa bình, nước lớn mạnh ăn hiếp nước nhỏ yếu.

Vì cuộc sống của ta mà ta hãy thương yêu mọi cuộc sống của người khác và loài vật khác. Có như vậy mới chính vì cuộc sống của ta.

Con chó vì nhân quả ái kiết sử đời trước chưa tan, nên nó vẫn theo sát và nằm gần bên con, dù cho trời lạnh, muỗi đốt mà không hề rời con. Lòng yêu thương nó, con đuổi nó vào nhưng nó vẫn không nỡ rời lìa bỏ con vào nhà. Xem thế đủ biết luật nhân quả ái kiết sử quả là ghê gớm thật. Có đúng như vậy không con?

Thương thì ai cũng thương, nhưng bản chất hung dữ và giận hờn, oán ghét thì ai cũng còn, chứ không bao giờ bỏ được, phải không con?

Chúng ta được sanh làm người đều do nhân quả nên lúc nào cũng bị chi phối bởi luật nhân quả. Buồn rầu, đau khổ, bệnh tật tai nan, thương yêu, giận hờn, v.v.. đều do nhân quả cả.

Chúng ta sống trong vòng tay nhân quả mà không biết chuyển đổi nhân quả thì không thể nào thoát khỏi vòng tay nhân quả.

Không gian và thời gian là những mảnh lưới thiên la, địa võng của nhân quả, nên không có một vật nào thoát ra khỏi sự chi phối của nó.

Muốn thoát ra khỏi qui luật của nhân quả thì chỉ có sống thiện. Sống thiện có 10 điều, chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

1-        Không giết hại và ăn thịt chúng sanh.

2-        Không gian tham trộm cắp, lấy của không cho.

3-        Không nên tà dâm với người khác làm hại gia đình người, gia đình mình.

Chưa lập gia đình phải giữ gìn cho trong sạch đừng nên trao thân gởi phận cho người khác, khi chưa thành hôn. Chúng ta là con người, chứ không phải là con thú vật. Hành dâm dục là phải có đạo lý, chứ đâu phải đụng đâu hành dâm đó. Nếu không lấy đạo lý mà giữ gìn đức hạnh thì khổ đau và hối hận không thể tránh khỏi trong cuộc đời đầy dẫy những ác pháp.

4-        Không nên nói lời hung dữ, nạt nộ, chửi mắng người.

5-        Không nên nói xấu người.

6-        Không nên nói vu khống người.

7-        Không nên nói dối, nói không đúng sự thật.

8-        Không tham lam, ham muốn.

9-        Không sân giận.

10-    Không si mê.

Trên đây là 10 điều thiện để chuyển hóa nhân quả, khiến cho nhân quả xấu trở thành nhân quả tốt. Con hãy đọc sách Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm mà Thầy đã cho ấn tống thì rõ.

PHÓNG SANH

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ở Châu Đốc người ta thường lợi dụng dịp vía bà Chúa Xứ, vía Quán Âm rằm lớn bắt chim nhốt vào lồng bán cho khách hành hương phóng sanh đó có ý nghĩa gì không? Thế nào là phóng sanh đúng chánh pháp?

Đáp:Phóng sanh đúng chánh pháp là phóng sanh theo luật nhân quả, là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng. Đúng thời, đúng đối tượng như thế nào?

Đúng thời và đúng đối tượng là thời gian vô tình chúng ta gặp một con vật đang bị lưới, bị câu thì ngay đó chúng ta xin mua con vật đó để phóng sanh. Đó là đúng giờ giấc và đối tượng nhân quả ta và con vật. Nếu xem xét trong nhân quả thì ta và con vật có nhân duyên với nhau đã khéo gieo nhân quả trong tiền kiếp, nên kiếp này gặp nhau trong hoạn nạn.

Ta phóng sanh như vậy là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng, còn ra chợ mua chim cá phóng sanh là khiến cho người bắt chim cá giam nhốt lại trong chậu trong lồng để chờ chúng ta đến mua phóng sanh cho có giá. Phóng sanh như vậy là chúng ta mang tội đồng lõa với kẻ bắt chim cá. Có nghĩa chúng ta phóng sanh là trở lại thành tội sát sanh. (Vì đi bắt chim cá nhốt là đã vô tình giẫm đạp một số con vật chết; và khi nhốt thì có thể chúng bị thương, bị đói, bị xa đàn, lẻ bầy…, lòng dạ chúng cũng thương nhớ, âu sầu, sợ hãi… và chết; hoặc có khi người khác thích ăn loại chim cá ấy đến mua thì chúng bị giết hết).

Kinh sách phát triển dạy phóng sanh nhưng không giải thích rõ ràng, vì thế người phóng sanh không được phước báo ngược lại trong nhà có nhiều tai nạn, bệnh tật cho người này hoặc người khác. Làm phước mà không thấy phước, mà chỉ thấy tai họa, thật là tội nghiệp.

Nếu từ đây có ai phóng sanh thì con khuyên họ, phóng sanh cho đúng chánh pháp, cho đúng luật nhân quả, chứ không khéo phóng sanh mà cuối cùng lại mang họa vào thân.

Loài chim cá bị lưới rập chài câu đều là do nhân quả đời trước, mà đời nay phải làm thân chim cá để bị người đời chài câu lưới rập lại.

Cho nên người làm nghề chài lưới cá tôm sau này thành thân cá tôm cho người khác chài lưới lại, đó là nhân quả.

Người săn bắn lưới rập chim thú, sau này trở thành chim thú cho người khác săn bắn và lưới rập trở lại.

Qui luật nhân quả xoay vần không ai có thể thoát lưới rập của nó được.

Loài người và loài vật được sanh ra đều do qui luật của nó. Cho nên không ai trốn khỏi luật nhân quả. Nhân nào thì quả nấy, có vay thì phải có trả. Đối với luật nhân quả mà không đủ trí tuệ thì làm một điều thiện nhưng trở lại là làm một điều ác như đi ra chợ mua chim cá phóng sanh. Mới nghe thì rất thiện, nhưng lại là ác pháp vì không trí tuệ, thiếu sự hiểu biết vô tình khiến người làm ác lại làm thêm, nên làm thiện mà lại làm tội ác đồng lõa.

Cũng như bố thí cho người ăn mày nghèo, không ngờ chúng ta lại bị người không nghèo lừa đảo. Họ không nghèo giả vờ nghèo, họ không tàn tật giả vờ tàn tật ngửa tay xin tiền. Ta vô tình bị lừa đảo tiền mất mà không phước lại còn bị kẻ lừa đảo cười chê cho mình là ngu. Cho nên có một hôm Vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật:

- Chúng con là người cư sĩ bố thí, cúng dường, phóng sanh đúng chánh pháp như thế nào xin Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật bảo:

- Này Đại Vương muốn cúng dường, bố thí, phóng sanh cho đúng chánh pháp. Khi cúng dường phải chọn những người tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh mà cúng dường thì mới được phước báo. Còn cúng dường cho những tu sĩ phạm giới, phá giới thì không được phước mà còn thêm tội nối giáo cho các tu sĩ phạm giới diệt Phật giáo.

Tội ấy muôn đời sẽ không còn gặp chánh pháp của Đức Phật và đời sau sanh làm người, làm vật đều gặp nhiều tai nạn, bệnh tật nan y khổ đau vô cùng, vô tận.

-Này Đại Vương muốn bố thí thì phải chọn một người nghèo mà ăn ở hiền lành, hiếu hạnh đối với cha mẹ, không tham lam, trộm cướp, không giựt của người, không lấy của không cho. Bố thí cho những người ấy thì được phước báo vô lượng, bản thân ít bệnh tật, ít tai nạn gia đình luôn luôn mọi người đều được bình an, yên vui và hạnh phúc tràn trề. Còn bố thí cho những người ác tham lam, lấy của không cho, trộm cắp, cướp giựt thì không được phước báo mà còn tai họa sẽ đến, hay gặp bệnh tật khó trị.

Sư cô Trí Hải chuyển dịch Anh ngữ sang Việt ngữ những kinh sách có giá trị được mọi người biết đến, nhưng khi đi làm từ thiện, đem tài vật đi bố thí cho những người nghèo, bất hạnh, nhưng bị tai nạn giao thông làm Sư cô chết một cách đột ngột thê thảm và đau xót. Bố thí mà không được phước mà mang họa vào thân.

Nhân quả do những người tham lam giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh hay ăn thịt chúng sanh hoặc bắt chim cá bán cho người phóng sanh. Vì thế mới lâm vào cảnh màn trời chiếu đất nghèo khổ, bất hạnh. Họ là những người không thiện, thế mà mình không trí tuệ mang của cải tài sản đến cho họ, nên mình phải lãnh nhân quả của họ. Vì thế tai nạn mới về mình.

Cho nên Đức Phật dạy bố thí phải chọn lấy những người hiền lành mà bố thí thì mới được phước báo.

Muốn phóng sanh thì phải chọn đúng nhân quả mà phóng sanh, chứ không phải đi tìm nhân quả của loài chúng sanh đang trả vay nợ nhân quả mà phóng sanh thì sai, không đúng chánh pháp. Phóng sanh như vậy là lãnh nhân quả của chúng. Cho nên người phóng sanh không được phước mà lại gặp tai nạn, đó là lãnh nhân quả của chúng.

Kinh sách phát triển dạy phóng sanh hay bố thí thì người phóng sanh, bố thí không biết mình phóng sanh, bố thí và người nhận bố thí và vật được phóng sanh cũng không biết. Theo kinh sách phát triển phóng sanh và bố thí như vậy mới là bố thí và phóng sanh đúng chánh pháp. Lời dạy này là lời dạy phóng sanh bố thí không trí tuệ, dạy như vậy đi phóng sanh và bố thí để trở thành cây đá. Bố thí mà không biết mình bố thí, phóng sanh mà không biết mình phóng sanh thật là vô lý, người được bố thí mà không biết mình được bố thí. Thật là ngu ngơ. Bố thí, phóng sanh như vậy, là kẻ ngu dại si mê.

Đối với Đạo Phật phóng sanh hay bố thí đều bằng trí tuệ nhân quả. Soi sáng tận gốc của nhân quả mới bố thí, cúng dường và phóng sanh.

NHÂN QUẢ PHẢI TRẢ

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Ở kế nhà con có bà lão tuổi cao, sức yếu thế mà ngày nào cũng phải đi bán vé số lo cho hai cháu đi học. Thằng con trai cầu tự của bà cũng chính là cha của hai đứa bé, suốt ngày ăn chơi, rượu chè, cờ bạc về nhà kiếm chuyện đập phá đồ đạc. Đòi tiền bà như là món nợ tiền kiếp. Lúc ở nhà con thường qua lại nói chuyện với bà. Bà mến con lắm. Nhìn tình cảnh của bà mà con động lòng thương. Con muốn nói lời nào đó an ủi bà, giúp bà vui vẻ trả nghiệp, vượt qua đau khổ mà suy nghĩ mãi không ra. Thầy có thể giúp con không?

Đáp: Bà lão này nợ đứa con trai và hai đứa cháu trong đời trước, đời này chúng sinh ra để đòi nợ, cho nên bà không bỏ được mà phải vất vả bán vé số nuôi hai cháu, nhưng còn phải đưa tiền cho cậu con trai đi nhậu, nếu không có tiền đưa nó thì đập nhà phá cửa. Thật là tội nghiệp cho bà, nhưng luật nhân quả ai gieo thì phải gánh chịu, dù chúng ta có thương giúp đỡ nhưng nghiệp nhân quả bà đâu trốn khỏi.

Con thương bà nên khuyên bà đừng buồn rầu, đừng than thân trách phận mà hãy vui lòng trả món nợ tiền kiếp.

Vui vẻ chấp nhận khi con trai về xin tiền bà hãy vui lòng mà vét sạch tiền cho nói với tâm không buồn rầu, không trách mắng.

Đối với luật nhân quả muốn chuyển hóa thì phải vui vẻ và giữ gìn tâm bất động, xem như không có việc gì xảy ra. Khi nhân quả đến, đến với sự khắc nghiệt cay đắng đến mức độ nào, dù cho có chết ta cũng giữ gìn tâm bất động, chẳng sợ hãi, chẳng khiếp đảm thì ngay lúc ấy ta đã chuyển hóa nhân quả. Nếu chỉ có một chút xíu sự buồn phiền, than trách trong lòng, là ta bị nhân quả chuyển hóa tức khắc; là ta đang tạo thêm nhân quả.

Con muốn giúp bà thì nên khuyên bà vui vẻ sẵn sàng tha thứ cậu con trai, thì mới chuyển đổi cậu con trai sẽ trở thành người tốt, lo làm ăn nuôi dưỡng hai cháu và phụng dưỡng bà.

Nhân quả chỉ có sống thiện, làm thiện thì mới chuyển đổi được, còn sống ác làm ác thì không bao giờ chuyển đổi được nhân quả mà còn gia tăng thêm.

CẦU CƠ

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Hằng năm sắp đến kỳ thi thì có những học sinh, sinh viên không lo học bài mà chỉ rủ nhau đi cầu cơ để hỏi vong hồn xem đề ra câu gì rồi học tủ câu đó. Chẳng may, ma, quỷ, Thần, Thánh yếu năng lực chỉ sai câu, làm hại nhiều HS, SV thi rớt chán nản, có người còn rơi vào tình trạng tuyệt vọng đến bất cần sống.

Thưa Thầy, cầu cơ là như thế nào? Có thực vong hồn về không? Tại sao nó nói nhiều chuyện đúng thực tế làm cho nhiều người phải khâm phục mà tin theo?

Đáp:Trong thân con người gồm có 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Năm sắc uẩn là phần hữu hình của bốn uẩn kia thường hoạt động trên thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Trong thân tứ đại gồm có sáu căn, sáu thức và thường tiếp xúc với sáu trần bên ngoài.

- Sáu căn gồm có:

1-        Nhãn căn

2-        Nhĩ căn

3-        Tỷ căn

4-        Thiệt căn

5-        Thân căn

6-        Ý căn

- Sáu thức gồm có:

1-        Nhãn thức

2-        Nhĩ thức

3-        Tỷ thức

4-        Thiệt thức

5-        Thân thức

6-        Ý Thức

- Sáu trần gồm có:

1-        Sắc trần

2-        Thinh trần

3-        Hương trần

4-        Vị trần

5-        Xúc trần

6-        Pháp trần

Sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra sáu thức, tạo thành một sự sống của muôn loài muôn vật; một thế giới quan của Phật giáo hiện bày; một thế giới khổ đau đến với cuộc sống của con người và cả loài vật; một thế giới duyên hợp tưởng tri khiến cho con người sống điên đảo lầm chấp là có thật, nên tạo ra biết bao nhiêu điều ác làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Thế mà, còn chưa đủ lại tưởng tri thế giới siêu hình có linh hồn người chết, ma, quỉ, Thần, Thánh, v.v.. chính những hình ảnh ấy mà tưởng uẩn mới dựa vào đó mà hoạt động thành ra mới có người lên đồng, kẻ nhập cốt; mới có kẻ cầu cơ; mới có người cúng bái cầu siêu, cầu an, coi sao, bói quẻ, v.v..

Tưởng uẩn là phần vô hình của thân ngũ uẩn, nhưng nó hoạt động theo sự tiếp nhận của các từ trường sắc uẩn còn lưu lại trong không gian.

Tưởng uẩn cũng có những năng lực như sắc uẩn và còn hơn nữa. Cho nên có những điều sắc uẩn không làm được mà tưởng uẩn làm được. Vì những năng lực hoạt động kỳ lạ phi thời gian và không gian ngắn hạn của tưởng uẩn, nên tri kiến, kiến thức của con người không thể nào hiểu được. Do đó họ cho những năng lực ấy là thế giới siêu hình, là có sự sống sau khi con người chết. Do không hiểu nên người ta mới tin tưởng cầu siêu, cầu an, cầu cơ, v.v.. Do cầu siêu, cầu an, cầu cơ, v.v.. mà gần đây người ta thành lập ra một tôn giáo siêu hình tưởng. Nói chung tất cả các tôn giáo không chứng minh giáo lý được như khoa học là tôn giáo tưởng, tôn giáo mê tín.

Cầu cơ là một hình thức cầu linh hồn người chết giáng cơ bút cho biết những điều mình ước muốn trong tương lai.

Cầu cơ là một loại mê tín tri thức, chứ không phải loại mê tín bình dân. Cầu cơ là một phương pháp tập hợp tín lực vào một đối tượng ảo tưởng để nội lực tín lực của những người có mặt trong lễ cầu cơ thực hiện những ước muốn. Nhất là những người trực tiếp cầu nguyện. Nếu những người đặt trọn lòng tin vào cơ bút thì tưởng uẩn sẽ hoạt động mạnh và rõ ràng. Còn không đủ tín lực thì tưởng uẩn không hoạt động, cơ bút không về hay nói cách khác là cầu cơ không được.

Cầu cơ chẳng qua là một việc làm đánh thức năng lực của tưởng uẩn hoạt động. Năng lực tưởng uẩn hoạt động đúng thì người cầu cơ phải thân tâm thanh tịnh, nếu thân tâm không thanh tịnh thì cầu cơ không linh tức là không đúng, vì thế những học sinh cầu cơ thi rớt là vậy. Cho nên trước khi cầu cơ thì thân phải tắm rửa sạch sẽ, còn tâm thì phải giữ gìn trai giới nghiêm chỉnh, nhờ có sự thanh tịnh như vậy nên tưởng uẩn giao cảm nhận ra từ trường đúng như thật. Còn thân tâm không thanh tịnh thì tưởng uẩn không nhận ra đúng, nên tín lực tạo thành ảo tưởng, vì thế mọi việc cơ báo đều sai.

Cầu cơ cũng giống như lên đồng, nhập cốt qua một hình thức khác nhưng cũng chỉ có một tưởng uẩn hoạt động mường tưởng nhưlinh hồn người chết về nhập vào, thay vì nhập vào người thì gọi là lên đồng, lên cốt, nhập vào cơ thì gọi là cơ bút.

Cho nên cơ bút chỉ là tưởng uẩn của con người hoạt động, chứ không có linh hồn người chết hay Tiên, Phật, Thần Thánh, quỉ, ma nhập vào.

Những điều kỳ lạ xảy ra chung quanh thế giới của con người cũng chỉ nơi thân tâm con người lưu xuất, ngoài thế giới con người đang sống thì không bao giờ có thế giới vô hình nào khác.

Bởi, mỗi con người đều có năm uẩn mà phần sắc uẩn chỉ có một, còn phần không hình sắc tới bốn uẩn như:

1-        Tưởng uẩn (vô hình)

2-        Thức uẩn (vô hình)

3-        Thọ uẩn (vô hình)

4-        Hành uẩn (vô hình)

Cho nên kẻ nào tin có Thiên Đàng, Cực Lạc, có linh hồn người chết, có Phật tánh, có thần thức, có ma, quỷ là mê tín, là thiếu óc khoa học, là thiếu đạo đức nhân bản - nhân quả, là những người còn lạc hậu.

Cầu cơ là một loại mê tín tri thức như trên đã nói, do những nhà tri thức mê tín, trong đó có học sinh, sinh viên và một số người có trình độ học thức cao, nhưng vẫn không thoát ra khỏi sự mê tín này, ngay cả những nhà khoa học vẫn sống trong mê tín, vì những trạng thái mê tín khoa học chưa giải thích được. Gần đây, có một số nhà khoa học dựa vào đạo học Đông phương giải thích theo khoa học vật lý.

Cuốn sách “Đạo Của Khoa Học” được dịch từ sách “The Tao of Physies” của tác giả Frityof Capra do nhà khoa học, giáo sư Nguyễn Tường Bách biên dịch. Tập sách dựa trên ngôn ngữ khoa Đạo Học Đông Phương, nhất là tư tưởng của Lão, Trang và Thiền Tông Trung Hoa để minh chứng một số vật lý siêu hình.

Dù cho các nhà khoa học có cố gắng làm sáng tỏ mọi vấn đề trừu tượng, nhưng vì vấn đề tri kiến của các nhà khoa học vẫn còn bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Vì thế không thể vượt qua hàng rào không gian và thời gian mà minh chứng được rõ ràng.

Cầu cơ là một sự đánh thức tưởng uẩn hoạt động để nó giao cảm với những từ trường mọi sự việc đã, sẽ xảy ra bằng tín lực của con người.

Còn đúng sai là do thân tâm của những người cầu cơ có thanh tịnh hay không thanh tịnh như trên đã nói.

Linh hồn con người không bao giờ có. Người chết chỉ còn lưu lại những âm thinh, sắc tướng khi còn sống trong không gian bằng những từ trường.

MA ĐÈ

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cách đây khá lâu con bị tình trạng ma đè hay bóng đè (theo cách gọi dân gian). Toàn thân con bị tê cứng, con không điều phục được gì, ngoại trừ hơi thở, lúc đó vô tình con nhớ đến pháp môn Định Niệm Hơi Thở của Thầy bèn tác ý “hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.

Chỉ trong hai hơi thở con đã phục hồi trạng thái thân thể bình thường không cầnxoa bóp chỗ tê như những người khác đã từng bị ma đè.

Điều này được lý giải như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp:Ma đè là một trạng thái tưởng, khi ngủ nửa tỉnh nửa mê, tình trạng này sắc uẩn chưa ngưng nghĩ thần kinh trọn vẹn, còn tưởng uẩn mới bắt đầu hoạt động nên cũng chưa hoạt động trọn vẹn, khiến thân con bị cứng không động đậy được, miệng chỉ ú ớ, chứ không kêu la được như người ngủ mớ. Người bị ma đè cố gắng vùng vẫy cho đến khi tỉnh hẳn thì trạng thái ma đè biến mất.

Một người ngủ say thì không bị ma đè; một người ngủ trong chiêm bao cũng không bị ma đè, chỉ có người ngủ nửa tỉnh nửa mê, trạng thái ấy trong thiền định của Phật Giáo gọi là hôn tịch. Nhóm hôn tịch gồm có: hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không, chiêm bao, v.v.. đó là một nhóm trạng thái si mê, do tưởng uẩn hoạt động. Tưởng uẩn hoạt động điều khiển thần kinh chưa trọn vẹn, nên lúc bấy giờ có một số thần kinh không hoạt động. Một số thần kinh không hoạt động, nên người ngủ nửa tỉnh nửa mê mới có cảm giác thân bị đè nặng và không động đậy được.

Ở đây, không có ma đè mà có một số thần kinh nghỉ ngơi chưa hoạt động trở lại bình thường trong khi còn đang ngủ nên cảm thấy thân cứng đơ.

QUY Y TAM BẢO

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Đối với người chưa từng biết Phật pháp là gì, nhưng đời sống của họ rất thiện. Vậy, họ có cần phải quy y Tam Bảo gieo duyên chủng tử Phật pháp hay không thưa Thầy?

Đáp:Tuy rằng sống trong thiện Pháp, nhưng đó là những thói quen thiện pháp theo truyền thống hay gen thiện của ông bà, cha mẹ. Những truyền thống và những gen thiện pháp ấy chưa đủ để hiểu biết về thiện pháp nhân bản - nhân quả của đạo đức làm người. Vì thế, dù có sống trong thiện pháp của truyền thống ông cha, nhưng chưa trọn vẹn nên vô tình chúng ta vẫn còn làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, cho nên chúng ta phải quy y Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo có nghĩa là nương tựa và học hỏi những thiện pháp mà chúng ta chưa hiểu biết. Những thiện pháp của Tam Bảo là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

- Thứ nhất là học hỏi về Phật Bảo. Học hỏi về Phật Bảo là học đạo đức làm Phật. Đạo đức không tham, sân, si.

- Thứ hai là học hỏi về Pháp Bảo. Học hỏi về Pháp Bảo là học đạo đức ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.

- Thứ ba là học hỏi về giới luật của một vị Tăng (Tăng Bảo). Học hỏi về giới luật của một vị Tăng là đạo đức làm Thánh vô lậu. Vậy đạo đức làm Thánh vô lậu như thế nào?

Đạo đức làm Thánh vô lậu là những hành động sống hằng ngày của một vị Tăng. Vậy, các con muốn hiểu rõ nghĩa này thì phải hiểu nghĩa của các cụm từ như: vô lậu, Tăng. Vậy vô lậu và Tăng nghĩa là gì?

Vô lậu nghĩa là không còn tham, sân, si; không còn phiền não, tức giận; không còn tham danh, chức tước, quyền cao; không còn đắm lợi chùa to, Phật lớn, tiền bạc nhiều v.v..

Tăng là một người tu sĩ cạo bỏ râu tóc, mặc y áo thô xấu, sống chỉ có một bộ đồ: y thượng, y trung và y hạ. Một chiếc bát bằng đất nung, để xin cơm, ăn uống cũng trong chiếc bát ấy. Sống không gia đình không nhà cửa, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, đó là hạnh tri túc thiểu dục, không có chùa to Phật lớn.

Tăng là một người tu sĩ sống đúng 10 Thánh hạnh:

1-        Thánh đức hiếu sinh, sống thương yêu chúng sanh như con. Không làm chúng đau khổ, không giết hại chúng, không ăn thịt chúng, luôn luôn an ủi, xoa dịu những vết thương đau của chúng.

2-        Thánh đức buông xả, sống không lấy của người khi họ chưa cho, tức là không tham lam, trộm cắp, cướp giựt, móc túi lấy của người khác.

3-        Thánh đức thanh tịnh, sống không dâm dục, xa lìa dâm dục, từ bỏ dâm dục, đoạn diệt dâm dục, vì dâm dục là con đường sanh tử luân hồi, đầy dẫy mọi sự đau khổ.

4-        Thánh đức chân thật, sống không nói dối, xa lìa nói dối, từ bỏ nói dối, đoạn diệt nói dối. Vì người nói dối không có việc ác nào mà họ không làm. Người nói dối sẽ làm mất lòng tin đối với mọi người khác.

5-        Thánh đức minh mẫn, sống không uống rượu, dù bất cứ loại rượu nào cũng không uống, vì uống rượu đầu óc u tối không sáng suốt minh mẫn, không biết xấu hổ, nằm đường ngủ bụi không biết vệ sinh dơ sạch. Người uống rượu càng lúc càng ngu si, cơ thể thường sinh bệnh tật, lời nói của người uống rượu không có giá trị, ít ai tin cậy.

6-        Thánh đức tự nhiên, sống không tranh điểm, làm đẹp, làm sang, không đeo vòng vàng, chuỗi ngọc, tràng hoa, không thoa dầu thơm, v.v..

7-        Thánh đức trầm lặng độc cư, không tụng niệm cúng tế, không ca hát, không nghe ca hát, không hội họp nói chuyện, sống độc cư, độc bộ, độc hành.

8-        Thánh đức thanh bần, lấy gốc cây làm giường nằm, từ bỏ nằm giường cao rộng lớn, lấy chòi tranh vách lá làm nhà ở, từ bỏ ở chùa to, Phật lớn, v.v..

9-        Thánh đức ly dục, sống từ bỏ ăn uống phi thời, không ăn uống phi thời là ly dục ăn. Ly dục ăn mà không khắc phục được, thì không xứng đáng là một vị Thánh Tăng trong Đạo Phật. Một vị Thánh Tăng còn ăn phi thời, ngày hai ba bữa là chưa ly dục ăn. Chưa ly dục ăn là chưa phải một vị Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật. Xin quý phật tử hãy cảnh giác, họ chỉ là Ma Ba Tuần trong Phật giáo, họ là những người diệt Phật giáo.

10-    Thánh đức ly tham, sống từ bỏ cất giữ tiền bạc, xa lìa cất giữ tiền bạc, còn cất giữ tiền bạc không phải là một vị Thánh Tăng. Vì tiền bạc sẽ sai khiến con người. Một vị Thánh Tăng không còn nô lệ cho tiền bạc của cải tài sản, sống thiểu dục tri túc ba y một bát ngày đi xin ăn, tối ngồi thiền xả tâm.

Trên đây là những Thánh hạnh tiêu chuẩn của một vị Thánh Tăng, khi các con muốn quy y Tăng Bảo thì hãy chọn những vị nào sống đúng 10 Thánh hạnh này thì mới xứng đáng là Thầy của các con. Còn nếu vị Thầy nào sống không đúng 10 tiêu chuẩn này thì các con đừng chọn họ quy y Tam Bảo. Họ không xứng đáng làm Thầy của các con đâu.

Nếu không quy y Tam Bảo thì không bao giờ thông hiểu và biết cách tu sửa những lỗi lầm sống không đúng đạo đức nhân bản – nhân quả thì cuộc đời rất là đau khổ. Phải không các con?

TRI KIẾN VÀ BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI TU THEO CHÁNH PHÁP NGUYÊN THỦY

Bài viết của Nguyên Thanh

Khi chúng ta đến với chánh pháp Nguyên Thủy, chúng ta có những ước nguyện, có những tâm nguyện tu tập để chấm dứt mọi sự khổ đau của kiếp người, để gieo duyên với chánh pháp Nguyên Thủy. Chúng ta có hữu duyên từ nhiều tiền kiếp xa xưa nên ngày hôm nay mới được gặp gỡ hội tựu về đây cùng chung sống bên nhau tu tập. Chúng ta sống một ngày làm Phật; một ngày làm Thánh A La Hán; một ngày được sống trong thiện pháp; sống trong những từ trường thương yêu của chư Phật, của Thầy, của Út. Tâm của chúng ta luôn hân hoan, khinh an, thanh thản, an lạc và vô sự trong những ngày tháng đó. Vì vậy, ta cố gắng khắc phục những nhược điểm của chính mình; cố gắng tu tập để có được những kết quả tốt; cố gắng tu tập để có những giây phút thanh thản và vô sự; những giây phút một mình ở trong thất, đối diện với chính mình; đối diện với những tư tưởng của chính ta. Đó là những giờ phút chiến đấu oanh liệt nhất. Khi chúng ta bước chân vào tu viện tu tập, khi chúng ta đến với chánh pháp Nguyên Thủy.

Đến với tu viện chúng ta tập sống một mình, sống cho mình, tu cho mình. Chúng ta tập sống một ngày làm Phật, một ngày làm Thánh A La Hán. Nên mọi cái khó khăn của chính ta được khắc phục, chế ngự, từ cái ăn uống, đến cái ngủ nghỉ, cái chỗ ở, cái nói chuyện, đều được ta khắc phục một cách dễ dàng không khó khăn chi. Bởi vì ta đang hướng đến làm Phật, làm Thánh A La Hán, để giải thoát làm chủ sanh tử. Cho nên ta không muốn đòi hỏi một cái gì hết. Ta tập sống, đời sống thiểu dục tri túc, như thời Đức Phật thuở xưa. Mỗi ngày ta ôm bình bát đi xin cơm về ăn, cho gì ăn nấy, không đòi hỏi cầu kỳ, ta ngủ cũng vậy, đúng thời khóa tu tập giờ giấc nghiêm chỉnh, ta không nói chuyện nhiều. Chỉ nói những điều cần thiết và thưa hỏi pháp khi gặp khó khăn. Tại sao chúng ta phải sống như vậy? Thưa các bạn! Vì ta đang tập sống, ta đang hướng đến như Phật, như Thánh A La Hán. Chúng ta đang tập sống theo truyền thống quá khứ của chư Phật để lại.

Đức Phật dạy rằng: “Này các tỳ kheo, nghề sinh sống hèn hạ nhất là nghề khất thực (đi xin). Đây là một lời nguyền rủa trong đời, này các tỳ kheo khi nói ông là kẻ khất thực (xin ăn) với cái bát trên bàn tay, ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống. Này các tỳ kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị nào sống vì lý tưởng, mục đích. Duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống mà với ý nghĩ, ta bị chìm đắm trong sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi khổ, ưu não, bị chìm đắm trong đau khổ, bị quanh vây bởi đau khổ. Rất có thể sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra[1]”.

Như vậy, Đức Phật đã dạy cho chúng ta thấy rằng: Khi ta ôm bình bát đi xin cơm về ăn là để xả tâm ly dục, ly ác pháp. Khi ta đi đến một trú xứ nào đó hoặc ta đi đến khu nhà bếp để thọ nhận thức ăn là để xả tâm; xả những cái ham muốn ăn ngon; xả cái ham muốn ăn cầu kỳ; xả cái ham muốn ăn đòi hỏi, cũng như đòi hỏi “cho tôi một tuần thêm đĩa rau hoặc một tuần đĩa khoai; cho tôi cơm mềm; cho tôi cơm trắng; cho tôi thêm cái này; cho tôi thêm cái khác, v.v…”.

Chúng ta ăn uống là để ly dục, chứ không phải ăn uống để đắm nhiễm, cho nên đi khất thực, cho gì ăn nấy, không nên đòi hỏi, thêm cái này, thêm cái khác; chê cái này, chê cái khác. Nếu như vậy, chúng ta chưa xả được cái tâm của mình, ta chưa khắc phục được nội tâm của mình, vì ở khu vực nhà bếp cô Út Diệu Quang đã sắp xếp soạn sẵn cho mỗi người một khẩu phần khất thực quá đầy đủ, chỉ còn đem về thất thọ nhận mà thôi. Nếu ở nhà, hay ở chùa hoặc ở một trú xứ nào đó, ta có thể sống đòi hỏi, chạy theo tâm dục của chính mình, muốn ăn uống thêm cái này, thêm cái khác bao nhiêu cũng được. Nhưng khi ta bước chân vào tu viện tu tập, chúng ta hãy tập sống một ngày làm Phật, làm Thánh A La Hán thì chúng ta phải cố gắng khắc phục, chế ngự tâm của mình, để được sống trọn vẹn trong một ngày đó, trong những tháng đó. Vì ta đang hướng tâm đến quả thánh giải thoát, nên ta phải sống đúng thiện pháp. Thực hành mục đích Sa Môn hạnh trong ngày đó, trong những tháng đó. Vì thế, ta không đòi hỏi một điều gì hết. Út cho gì ăn nấy, ta không khen, chê một điều gì. Bởi vì, mục đích ta đến tu viện Chơn Như tu tập là để làm Phật, làm Thánh ALaHán, làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi. Cho nên, ta phải khắc phục, chế ngự tâm dục của mình. Để buông xả xuống hết, không đòi hỏi mong cầu một điều chi. Vì ăn uống là để được khỏe mạnh tu tập, để được no bụng mà tu, chứ có phải ta đến tu viện để du lịch hay nghỉ mát? Ta đến tu viện là để giải thoát, không còn bị trói buộc trong ăn uống, ngủ nghỉ, chứ không phải đi bổ dưỡng.

Ngày xưa Đức Phật, A La Hán Thích Ca Mâu Ni đang trên đường tu tập, có bao giờ Ngài gọi điện về xin vua Sudd- Hodana (vua Tịnh Phạn) hoặc xin bà con, bạn bè cho thêm cái này, thêm cái khác? Có bao giờ Ngài đi xin ăn mà xin thêm của đàn na tín thí cho tôi thêm đĩa rau, cho tôi thêm đĩa khoai, cho tôi cơm mềm, cơm trắng, cơm gạo lứt, v.v..? Và Ngài đi xin ăn, thí chủ cho gì Ngài đều hoan hỷ nhận đem về dùng, Ngài không có đòi hỏi và tất cả chúng tỳ kheo thời đức Phật đều như thế cả.

Chúng ta hãy noi gương hạnh của Trưởng Lão Thông Lạc đi khất thực, cho gì ăn nấy không đòi hỏi, mặc dù Trưởng Lão tuổi tác khá cao, 78 tuổi rồi, Trưởng Lão làm việc suốt ngày trên computer, dạy chúng tu tập, làm việc không ngừng nghỉ, viết sách, đóng sách, dán sách, quét lá mỗi buổi sáng, v.v… Trưởng Lão có bao giờ đòi hỏi Út cho Thầy thêm cái này, cái khác, đi xin cơm về ăn, có gì ăn nấy, ăn xong rửa khay bát như mọi người. Không có một vị thị giả nào. Có hôm ăn rau luộc không có nước tương, Người bỏ một chút muối và lấy nước canh hoà tan để chấm rau ăn. Trưởng Lão sống rất tùy thuận, Người là ngọn đuốc soi sáng của tu viện Chơn Như. Chúng ta đến tu viện tu tập là để giải thoát trong cái ăn uống, ngủ nghỉ, nói chuyện, chứ không phải để trói buộc; trong cái thèm ăn uống; trong cái thèm ngủ nghỉ; trong cái thèm nói chuyện.

 Nhớ thuở xưa, đức Phật và chúng tỳ kheo thường ngủ nghỉ trong những ngôi điện thờ Capala, Gotamaka, điện thờ Sattambaka, Baluputta, Sarandada, những gốc cây, những ngôi nhà trống. Còn chúng ta bây giờ quá sung sướng và đầy đủ tiện nghi được Thầy và cô Út cho mỗi người một cái thất, điện nước quá đầy đủ. Cái thất bằng liếp tre tầm vông của mỗi chúng ta là cái cội bồ đề. Vậy mà đôi khi ta còn bỏ cái cội bồ đề này để tìm cầu một cái cội bồ đề khác, đầy đủ tiện nghi hơn. Ta chạy theo tâm dục đòi hỏi của chính ta, chứ ta không ly dục. Nếu ta muốn ly dục thì ta đâu chối bỏ cái cội bồ đề (cái thất bằng liếp tre tầm vông) mà tìm cầu cái cội bồ đề khác (ngôi nhà gạch). Những diễn biến xảy ra chung quanh ta là môi trường tốt để cho ta xả tâm, khắc phục và chế ngự tâm mình, khi có ác pháp xảy đến. Chúng ta sống chết dưới cội bồ đề này. Nếu nó mục nát và hư hỏng Thầy và Út sẽ cho ta cái cội bồ đề khác. Chúng ta hãy tập sống để buông xả, chứ không phải bị trói buộc.

Chúng ta hãy noi gương hạnh của Đức Trưởng Lão Thông Lạc, cội bồ đề của Trưởng Lão là cái thất bằng liếp tre tầm vông đã cũ kỹ, bên trong có một tảng đá, mà hằng ngày, hằng đêm Trưởng Lão tọa Thiền nghỉ ngơi, để phục hồi sức khỏe. Không chiếu, gối, mền, chỉ có 3 y một bát, đơn sơ đi đâu cũng gọn gàng. Còn cô Út Diệu Quang thì chỗ nào cũng là cội bồ đề, Út ngủ nghỉ khi ở nhà bếp, khi ở nhà kho, v.v… miễn là ngủ nghỉ qua đêm, khuya dậy sớm vừa tu tập, vừa nấu cơm, cô Út rất nhọc nhằn. Trên đôi vai gầy yếu đó, đã chu toàn mọi việc cho chúng ta yên tâm tu tập mỗi ngày. Thế mà chúng ta có ai nghĩ đến điều này chưa?

Đôi khi chúng ta phải tư duy rằng: Cô Út Diệu Quang phải thức dậy từ lúc 2 giờ sáng để lo cơm nước, tuổi tác của Út cũng khá cao rồi (68 tuổi) thân gầy ốm, buổi khuya thức dậy nấu cơm, hộ thất nuôi chúng tu tập. Cái khó khăn, cái vất vả khổ cực của Út chúng ta cần phải tư duy thật sâu sắc để xả cái tâm đòi hỏi ăn ngon dở, đòi hỏi các món này, các món khác. Chỉ có cái ăn uống ngủ nghỉ, cái nói chuyện chúng ta chưa làm chủ được, chưa thực hành thuần thục thì cái quả A La Hán kia làm sao tu chứng được? Phải không các bạn? Chúng ta chỉ tu chứng những trạng thái tưởng điên đảo mà thôi.

Nếu bạn đến tu viện Chơn Như tu tập mà chưa sống trọn vẹn những thiện pháp này như: Ba hạnh ăn, ngủ, độc cư; ba đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì dù bạn có ở nơi đâu, có ở một trú xứ nào đó, thì cũng rất khó mà tu tập. Vì ở nơi đây là môi trường rất thuận lợi cho việc tu nhập thất miên mật và giữ hạnh độc cư trọn vẹn, mà bạn chưa tu tập nổi thì làm sao đến một trú xứ nào đó mà tu tập được. Rất khó khăn vô cùng, bạn cứ suy nghĩ và nghiệm lại xem có đúng không: Xét về hạnh ăn vừa ra khỏi cổng chùa là đã bắt đầu ăn theo ý thích của mình rồi. Nào là gạo lứt, nào là phải đủ chất này, chất kia, nào là uống thuốc này, thuốc nọ, v.v.. Cứ chạy theo cái ý của mình mãi thì làm sao rèn luyện nội lực được? Còn xét về ba đức thì ra đi khỏi chùa là giải quyết sự việc nhiều hơn giải quyết cái tâm. Hơn nữa đã xa thiện tri thức thì ai là người thử thách và kiểm chứng tâm bạn? Do đó, có rất nhiều hành động sai lầm mà cứ chấp chặt, cứ thực hành mãi, rồi dậm chân tại chỗ cũng không hay biết.

Ở tu viện Chơn Như còn có Thầy và cô Út, có nội quy kỷ luật mà bạn còn vi phạm nội quy thì làm sao đến một trú xứ nào đó mà tu tập nổi. Bao nhiêu ác pháp quanh vây đánh vào, làm sao chống trả nổi. Rất dễ đầu hàng, sự tu tập chỉ còn dậm chân tại chỗ không tiến lên được. Cho nên hơn bao giờ hết, chúng ta phải cố gắng nỗ lực trau dồi rèn luyện mỗi ngày. Sống và giữ đúng phạm hạnh, chấp hành nội quy kỷ luật của Tu viện, thực hành thiện pháp, hạnh ăn, hạnh ngủ, hạnh độc cư, ba đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì mới hy vọng được giải thoát sẽ làm chủ sanh tử, chứng Thánh quả A La Hán.

Chúng tôi xin ghi lại những lời dạy của Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) về BỐN THÁNH CHÚNGtrong kinh Trường Bộ tập II trang 588, 590.

Ngài Sariputta là bậc đại trí tuệ, trưởng tử của Như Lai, đã tu chứng Thánh quả A La Hán. Ngài dạy:

1. Này các hiền giả, ở đây vị tỳ kheo tự bằng lòng với bất cứ loại y nào, tán thán sự bằng lòng với bất cứ loại y nào, không cố gắng tìm cầu y một cách không xứng đáng, không có phiền não (tham, sân, si) nếu không được y. Nhưng khi được y, vị này không nhiễm trước, không say mê, không có phạm tội, vị này dùng y thấy các nguy hiểm và biết rõ sự giải thoát, vì tự bằng lòng với bất cứ loại y nào, vịấy không khen mình chê người. Ở đây vị này khéo léo, tinh cần tỉnh giác chánh niệm. Này các hiền giả, vị tỳ kheo ấy được gọi là một vị đã trung thành với Thánh chúng, theo truyền thống quá khứ.

2. Này các hiền giả, ở đây vị tỳ kheo tự bằng lòng với bất cứ món ănkhất thực nào, không cố gắng tìm cầu món ăn khất thực một cách không xứng đáng, không có phiền não (tham, sân, si) nếu không được món ăn khất thực. Nhưng khi được món ăn khất thực vị này không nhiễm trước, không say mê, không có phạm tội, vị này dùng các món ăn khất thực, thấy các nguy hiểm và biết rõ sự giải thoát. Vì tự bằng lòng với bất cứ món ăn khất thực nào, vị này không khen mình, chê người. Ở đây vị này, khéo léo, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm. Này các hiền giả, vị tỳ kheo ấy được gọi là một vị đã trung thành với Thánh chúng theo truyền thống quá khứ.

3. Này các hiền giả, ở đây vị tỳ kheo tự bằng lòng với bất cứ phòng xá nào, tán thán sự bằng lòng với bất cứ phòng xá nào không cố gắng tìm cầu phòng xá một cách không xứng đáng không có phiền não (tham, sân, si) nếu không được phòng xá hoặc trú xứ. Nhưng khi được phòng xá vị này không nhiễm trước, không say mê, không có phạm tội. Vị ấy dùng cácphòng xá thấy các nguy hiểm và biết rõ sự giải thoát vì tự bằng lòng với bất cứ phòng xá nào, vị này không khen mình chê người. Ở đây vị này khéo léo, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm. Này các hiền giả, vị tỳ kheo ấy được gọi là một vị đã trung thành với Thánh chúng theo truyền thống quá khứ.

4. Này các hiền giả, vị tỳ kheo ưa thích đoạn trừ, hoan hỷ đoạn trừ, ưa thích tu tập, hoan hỷ tu tập. Nên không khen mình chê người. Ở đây vị tỳ kheo này khéo léo tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm. Này các hiền giả, vị ấy được gọi là một vị đã trung thành với Thánh chúng theo truyền thống quá khứ”.

Qua những lời dạy chúng tỳ kheo trên đây của Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) chúng ta thấy thấm thía vô cùng. Những lời dạy này, chính như Người đang nhắc nhở chúng ta. Vì hiện giờ chúng ta xét lại thấy mình quá lỗi lầm với Thầy và cô Út Diệu Quang, không xứng đáng là những người tu sĩ, cư sĩ tu tập theo Phật giáo Nguyên Thủy, nếu căn cứ theo lời giáo giới của Ngài Sariputta.

Thưa các bạn! Những lời chúng tôi nói trên đây, có những điều chi không hợp thì xin quý bạn vui lòng tha thứ cho. Chúng tôi nói ra đây để chúng ta biết những sự sai lầm của mình; để cố gắng khắc phục những sai lầm ấy; để trở thành những Thánh tu sĩ và Thánh cư sĩ xứng đáng là đệ tử của Phật, đệ tử của Thầy; để không hổ thẹn với lòng mình; để không mang nợ của đàn na thí chủ. Phải không các bạn?

Thân mến kính chào các bạn. Chúc các bạn thành công trên đường tu tập.

Tu viện Chơn Như

Ngày 20- 8- 2003



[1]Người khất thực đại tạng kinh Việt Nam Tương Ưng Kinh tập IIItrang 171, 172, 173

 

3 NĂM VÀ 5 NĂM, NĂM NÀO ĐỨC PHẬT CHẾ GIỚI LUẬT

Một số câu hỏi của Nguyên Thanh

Sau khi đọc “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha) (Tác giả là một vị Thiền Sư nổi tiếng của Làng Hồng ở bên kia đại dương) con có vài nghi vấn và thắc mắc. Con thành kính xin được thưa hỏi lên Thầy.

Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo giới bổn của các Tổ biên soạn Ba La Mộc Xoa Đề thì sau 13 năm từ khi chứng đạo Đức Phật mới chế giới. Còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu thì cho biết sau năm năm từ ngày thành đạo thì Đức Phật mới chế giới. Vậy ở đây thời gian chế giới của Đức Phật có sai khác, chúng con không biết thời gian nào đúng, thời gian nào sai. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu.

Đáp: Khi biên soạn giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề các Tổ dựa vào những truyền thuyết, chứ không có căn cứ vào lịch sử, vì trong thời Đức Phật lịch sử không có ghi lại rõ ràng cụ thể, nên mạnh ai cứ dựa vào chỗ nào theo kiến tưởng giải của mình cho là đúng, rồi cứ thế biên soạn. Các Tổ cho rằng 13 năm sau khi Đức Phật thành đạo, còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cho rằng 5 năm sau khi Phật thành đạo mới chế giới. Bộ giới luật này không biết căn cứ vào truyền thuyết nào, bộ sử nào mà dám xác định thời gian như vậy. Chúng tôi xin nhường lại cho những nhà sử học xác định.

Theo chúng tôi nghĩ khi muốn biên soạn nói một điều gì về lịch sử của một bậc vĩ nhân thế giới như Đức Phật thì không nên ghi một cách bừa bãi như vậy cần phải căn cứ vào kinh sách nào, lịch sử nào?

Cho nên thời gian 13 năm chế giới của các Tổ và thời gian 5 năm của bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu còn là một nghi vấn chưa xác định thời gian cụ thể về chính sử và chính kinh. Vì vậy thời gian 13 năm và 5 năm chế giới luật là một giả thuyết chúng ta chớ nên tin.

Theo kinh sách Nguyên Thủy thì hai giả thuyết thời gian chế giới của các Tổ và bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu là sai sự thật.

Chúng tôi thiết nghĩ, mặc dù lịch sử không có ghi thời gian Phật chế giới luật năm nào, ngày nào, nhưng chúng tôi căn cứ vào những kinh sách Nguyên Thủy do Phật Thuyết thì Đức Phật không có chế giới luật mà giới luật đã có sẵn trước khi Đức Phật thành đạo, xin các bạn đọc lại kinh Trường Bộ tập 1 bài kinh Sonadanda thuộc Tạng Kinh Việt Nam.

Trong bài kinh ấy Bà La Môn Sonadanda có nêu ra 5 điều kiện của một Bà La Môn:

1-        Đẹp trai, tướng tốt (32 tướng tốt 80 vẻ đẹp).

2-        Bảy đời liên tục là Bà La Môn.

3-        Chú thuật, tụng niệm và thông suốt ba bộ kinh Vệ Đà.

4-        Tri kiến.

5-        Giới luật.

Trong năm điều kiện này Đức Phật chỉ chấp nhận giới luật và tri kiến còn ba điều kia Đức Phật không chấp nhận bằng một lý luận sắc bén bẻ gãy những luận thuyết khiến cho Bà La Môn Sonadanda phải chấp nhận. Trong bài kinh ấy Đức Phật kết luận một câu rất tuyệt vời:“Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.

Bài kinh này đã xác định giới luật có trước Đức Phật vì đạo Bà La Môn có trước Đạo Phật.

Đọc bài kinh này chúng ta nhận xét các Tổ và những người sau này không lo tu tập, không chịu khó nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy mà cứ dựa theo kinh sách và giới luật phát triển của Đại Thừa, đó là những kinh sách chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, cho nên thời gian chế giới của đức Phật trong các bộ sách này là sai sự thật.

Trong kinh sách Nguyên Thủy thường hay nhắc đến Phạm hạnh. Như đoạn kinh dạy:“Sanh đã tận Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

Phạm hạnh là giới luật, xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh Kandaraka trong tập II kinh Trung Bộ, tạng kinh Việt Nam: “Ở đây này Pussa lại có người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Người ấy không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, không làm khổ người không chuyên tâm làm khổ người, hay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ tự ngã trú vào Phạm thể. Này Pessa, bốn hạng người này, hạng người nào được tâm ông thích nhất?”.

Như trong đoạn kinh này dạy: “Người không làm khổ mình, khổ người là người trú vào Phạm thể”. Vậy Phạm thể là gì? Phạm thể là đức hạnh của Phạm Thiên. Cho nên đức hạnh của Phạm thiên là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Đức hạnh không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là giới luật. Do căn cứ vào những bài kinh Sonandanda và kinh Kandaraka chúng ta quyết chắc giới luật đã có trước Đức Phật. Đức Phật không có chế giới mà chỉ loại trừ những giới luật phi đức hạnh của Bà La Môn. Vì giới luật là đạo đức của con người, là hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai như trên đã nói. Người nào có những hành động làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là người phạm giới, phá giới. Vả lại giới luật là thiện pháp. Người sống trong thiện pháp là người không phạm giới, người sống trong ác pháp là người phạm giới.

Hạnh Phạm Thiên dạy sống ly dục ly ác pháp mà chúng ta sống không ly dục ly ác pháp là sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới làm cho Phật Giáo suy đồi, dìm mất đạo đức nhân bản - nhân quả, tội ấy rất nặng.

Ví dụ: Lấy của không cho, nói láo dâm dục, giết hại và ăn thịt chúng sanh, ăn uống phi thời, ở trong chùa to Phật lớn, đó là sống trong ác pháp. Mà đã sống trong ác pháp là phạm giới.

Ăn uống phi thời ngày ăn hai ba bữa, là phạm giới, vì không làm ra của cải tài sản ăn nhiều quá phí phạm mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ. Đó là phạm giới không ly dục.

Ở chùa to Phật lớn là phạm giới không thanh bần, không xứng hạnh tu hành giải thoát của người tu sĩ Phật Giáo “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”.

Cho nên giới luật là Phạm hạnh, người nào sống không đúng Phạm hạnh là phạm giới.

Giới luật là đạo đức, người nào sống không đúng đạo đức là phạm giới.

Giới luật đâu cần phải chế. Chế giới luật là bắt buộc người đó là những tổ chức của các phe đảng phái và các tôn giáo khác chứ đạo Phật đâu có bắt buộc ai phải tu theo đạo mình. Vì đạo Phật là đạo đức của loài người. Ai muốn sống có đạo đức thì theo nó. Theo nó thì cuộc đời sẽ không còn khổ đau và được tiếng thơm là người có đạo đức; còn ai không theo đạo Phật, không muốn sống đạo đức làm người thì phải chịu khổ mãi mãi và trở thành người vô đạo đức.

Vì sự giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời, người ta mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của đức Phật.

Cho nên một vị ngoại đạo đến xin Phật tu hành thì Phật chấp nhận, nhưng phải sống biệt trú 4 tháng đúng Phạm hạnh thì đức Phật mới cho xuất gia làm Tăng theo Phật, còn sống không đúng giới luật thì xin về, chứ đức Phật không có bắt buộc người nào sống đúng giới luật như Phật. Nhờ đó chúng ta quyết chắc Phật không có chế giới luật cấm các tu sĩ mà chính các tu sĩ phải tự nguyện sống đời sống giới luật.

Còn bây giờ Tổ chế ra giới luật cấm ngăn, thế mà tu sĩ phạm giới, phá giới tan nát. Hình thức một ngôi chùa xây cất đồ sộ vĩ đại tốn hao hằng tỷ bạc. Đó là sự tu tập trái ngược của Phật giáo, chứng tỏ tu sĩ Phật giáo đang sống theo dục lạc thế gian, phạm giới, phá giới làm cho Phật giáo suy đồi và nền đạo đức của Phật giáo cũng không còn.

Tóm lại, 5 năm và 13 năm bảo rằng Phật chế giới luật là sai. Phật không có chế giới, vì giới luật đã có sẵn trong đời sống Phạm Thiên và Bà La Môn.

BỎ NHỮNG GIỚI NHỎ NHẶT

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong tập sách “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha), có đoạn nói là trước khi nhập diệt Đức Phật dạy: “Này A Nan, khi ta nhập Niết Bàn thì những giới nhỏ nhặt nào không cần thiết và không quan trọng mấy có thể được bỏ bớt đi, để sự hành trì giới luật luôn luôn mang tính thích ứng, nhưng đến nay đã hơn 2500 năm mà lời dạy của Đức Bổn Sư vẫn chưa thực hiện”.

Thưa Thầy những giới nào là giới nhỏ nhặt? Những giới nào là giới không thích ứng? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Giới luật là đức hạnh, là thiện pháp thì có giới luật nào là nhỏ nhặt; thì có giới luật nào là không thích ứng với thời đại. Dù bất cứ thời đại nào cũng phải cần đến đạo đức; có đạo đức thì cuộc sống của con người mới có an vui hạnh phúc; có đạo đức thì xã hội mới có trật tự, đất nước mới phồn vinh thịnh trị; có đạo đức thì thế giới mới có hòa bình thật sự. Có thời đại nào con người không cần đạo đức đâu? Đạo đức như cơm ăn áo mặc hằng ngày của con người, sống không đạo đức như con người thiếu thực phẩm, vậy con người có sống được không các bạn? Con người sống không đạo đức là con thú vật các bạn ạ! Chỉ có những người không biết giới luật là đạo đức, là thiện pháp thì mới dám cho nó là những giới nhỏ nhặt và không thích ứng với thời đại nên bỏ nó.

Thưa các bạn! Các bạn có thấy đạo đức nhân bản – nhân quả nào mà không thích hợp với thời đại không? Nhưng đã bảo là đạo đức nhân bản - nhân quả thì làm sao không thích hợp với mọi thời đại được? Các bạn có hiểu không? Đạo đức nhân bản - nhân quả, chứ không phải những đạo đức phục vụ phong kiến phi nhân bản như đạo đức Khổng Mạnh, như các giáo điều phi nhân bản của ngoại đạo tà giáo nên mới không thích ứng với thời đại đang đi lên.

Phạm hạnh là đức hạnh sống ly dục ly ác pháp, là đức hạnh nhân bản - nhân quả, là giới luật của Phật giáo. Tất cả những hành động sống Phạm hạnh là giới luât. Vậy bỏ những giới luật nhỏ nhặt cho thích ứng với thời đại thì chúng tôi xin hỏi các bạn và các bạn hãy thành thật trả lời:

- Ăn uống phi thời là giới nhỏ nhặt phải không?

- Ngủ trên giường cao rộng lớn, sống trong chùa to Phật lớn là giới nhỏ nhặt phải không?

- Không ca hát không nghe ca hát tức là tụng kinh niệm Phật là giới nhỏ nhặt phải không?

- Cất giữ tiền bạc là giới nhỏ nhặt phải không?

- Ăn mặc chải chuốt, y áo đắt tiền là giới nhỏ nhặt phải không?

Tất cả những giới nhỏ nhặt này quý thầy muốn bỏ giới nào để được thích nghi với thời đại?

Bỏ những giới nhỏ nhặt này để ăn uống ngày ba bữa, để ăn uống phi thời mà không Phật tử nào dám nói. Có đúng như vậy không?

Bỏ những giới nhỏ nhặt này để ở trong chùa to Phật lớn; để tụng niệm ca hát ê a, để xem tivi, xem phim ảnh cho thích ứng với thời đại mà phật tử không ai dám nói. Có đúng như vậy không?

Những giới nhỏ nhặt này là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Tu sĩ không còn giữ gìn những giới luật này là tu sĩ sa đọa.

Người tu sĩ Phật giáo còn ăn phi thời ba bữa hay ăn uống lặt vặt thì có ly dục ly ác pháp không các bạn? Các bạn cứ trả lời đi!

Người tu sĩ Phật giáo nằm giường cao rộng lớn, sống trong chùa to Phật lớn có ly tham không các bạn?

Người tu sĩ Phật giáo còn tụng niệm ê a là còn ca hát, còn xem ti vi thì có sống trầm lặng độc cư không các bạn? Những người tu sĩ như vậy có ly tham ly dục không các bạn?

Xét như trên đây thì giới nào là giới nhỏ nhặt, giới nào là giới khong thích ứng với thời đại?

Thưa các bạn! Nếu các bạn muốn thích ứng với thời đại thì các bạn hãy trả chiếc áo cà sa lại cho chùa, rồi về đời mà sống thích ứng với mọi người thì có ai nói các bạn đâu? Các bạn đừng mượn chiếc áo đạo làm cuộc đời thì tội nghiệp cho Phật giáo lắm các bạn? Tộicho những người tu hành nghiêm chỉnh giới luật “Một con sâu làm rầu nồi canh”.

Các bạn có bao giờ nghe những danh từ trong nhà Phật dạy không?

Người muốn tu theo đạo Phật thì “phải sống ly dục ly ác pháp”. Vậy các bạn muốn cho thích ứng với thời đại thì sự tu hành của các bạn có ly dục ly ác pháp được không?

Thưa các bạn! Nếu các bạn không hiểu giới luật thì các bạn hãy làm thinh, chú ýmà nghe đừng có bắt chước các Tổ chế giới luật, rồi nay thêm giới này, mai bớt giới kia. Việc làm sai không dám chịu rồi gán cho Phật, và bảo rằng Phật chế giới luật năm này, năm khác, rồi bỏ những giới luật nhỏ nhặt, giới này giới kia, rất tội cho đức Phật, vốn Người không làm mà phải chịu. Nếu không có những kinh sách Nguyên Thủy còn lại thì lấy đâu minh oan cho Đức Phật?

Phật giáo là một chân lý đạo đức của loài người thì không bao giờ còn có ai dám thêm bớt vào được. Vì chân lý của con người thì muôn đời không còn sai một li hào nào, dù thời đại khoa học có tiến bộ đến đâu thì chân lý của con người vẫn là chân lý của con người thì làm sao là lỗi thời, là không thích ứng. Vậy mà, các bạn cả gan dám thêm bớt. Xưa kia các Tổ dám thêm vào kinh Niết Bàn một đoạn như sau: “Này A Nan, khi ta nhập Niết Bàn thì những giới nhỏ nhặt nào không cần thiết và không quan trọng thì có thể được bỏ bớt đi”. Ngày nay các bạn lại dám thêm vào một đoạn nữa: “Để sự hành trì giới luật luôn luôn mang tính thích ứng, nhưng nay đã hơn 2500 năm mà lời dạy của đức Bổn Sư vẫn chưa thực hiện được”. Thêm vào kinh Niết Bàn câu này nữa thì có chỗ dựa để chế ra bộ giới luật mới, đó là dùng băng keo dán miệng thiên hạ để không còn ai bắt bẻ các bạn được. Đó là lời dạy của đức Phật, các bạn chỉ làm theo, chứ đâu phải của các bạn tự làm. Thầy Tổ khéo lắm, nhưng không bịt mắt người tu chứng được.

Thích ứng với mọi thời đại Phật giáo hiện giờ lại có thêm một bộ luật mới, “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha).

Nếu một người làm được thì các hệ phái khác cũng sẽ làm được. Do đó, giới luật sẽ phát triển đồng hướng kinh sáchphát triển.

Thưa các pháp hữu! Các bạn hãy xem xét lại trình độ tu tập của những người biên soạn chế ra bộ giới luật tân tu này. Họ đã làm chủ được những gì nơi thân và tâm của họ chưa?!

Thứ nhất, đời sống giới luật của họ có nghiêm chỉnh không? Nếu giới luật của họ nghiêm chỉnh thì họ chế giới ra thì chúng ta chấp nhận. Nếu giới luật của họ sống không nghiêm chỉnh thì bộ giới luật biên soạn của họ sẽ không đủ cho chúng ta có niềm tin.

Về thiền định họ có nhập được Tứ Thánh Định chưa? Nếu họ chưa nhập được Tứ Thánh Định mà biên soạn bộ giới luật này thì chúng ta biết chắc chắn rằng họ chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để biên soạn bộ giới luật Phật giáo.

Về sự tu tập của họ, họ đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết được chưa? Nếu chưa làm chủ được mà biên sọan bộ giới luật thì chúng ta biết chắc rằng họ biên soạn giới luật là để phạm giới luật mà không ai dám phê bình.

Họ có thực hiện được Tam Minh chưa? Họ có sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người chưa? Nếu họ chưa thực hiện được Tam Minh, chưa sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì bộ giới luật của họ không đủ cho chúng ta tin tưởng.

Kính thưa các bạn! Các bạn chưa sống đúng giới luật, chưa làm chủ sanh già bệnh chết, chưa nhập Bốn Thánh Định, chưa thực hiện Tam Minh. Mà các bạn muốn bỏ giới luật cũ, để chế giới luật mới thì chúng tôi e rằng việc làm của các bạn quá nông nổi.

Ví dụ: Bạn đang sống phạm giới mà chế giới là bạn sẽ phá giới, diệt giới chớ đâu phải bạn chế giới. Có đúng như vậy không các bạn?

Các bạn chưa sống được như Phật mà các bạn chế giới là các bạn đã đi xa đạo Phậtvà có thể các bạn đang diệt Phật giáo, các bạn có biết không?

Các bạn có thấy gương của thầy Tổ chưa? Do tưởng giải mà viết kinh sách phát triển là các Tổ đã diệt Phật giáo ngay từ lúc viết rồi. Vì thế mà từ đó đến nay các bạn có thấyai tu chứng quả A La Hán chưa? Nếu các bạn bảo rằng có người tu chứng thì chúng tôi xin hỏi các bạn trả lời cho:

Tu chứng quả A La Hán sao kết tập kinh sách còn sô bồ, sô bộn như thế này?

Đạo đế là chân lý, là chương trình giáo dục đào tạo của những bậc thánh A La Hán thế mà chứng quả A La Hán lại không phân ra được các cấp, các lớp tu học và không biên soạn ra được giáo trình tu học thì chứng quả A La Hán chỗ nào? Xin các bạn chỉ cho!

Tuy các Tổ kiến giải dựa vào kinh Phật viết ra giới luật, nhưng chưa có ai dám bỏ những giới luật nhỏ nhặt nào, vì các Tổ cũng tự xét mình tu hành chưa tới đâu, chứng chưa bằng Phật nên không dám bỏ. Chỉ nêu ra như vậy để khi lỡ có phạm giới thì không ai chê cười vì đó là giới nhỏ nhặt.

Hiện giờ chúng ta được đọc bộ giới mới, nhưng nếu bộ giới này đừng bỏ giới nào hết thì rất hay, những giới mới thêm vào, nhưng nó không mới vì những giới cũ đã có đủ. Nếu các bạn là người tu chứng bằng Phật thì bộ giới luật này có giá trị rất lớn cho tăng ni và cư sĩ. Còn nếu các bạn chưa chứng như Phậtmàbiên soạn bộ giới luật này thì chưa đủ khiến cho mọi người tin tưởng và vì vậy bộ giới luật này không có giá trị.

Giới luật là đức hạnh thì không có giới luật nào nhỏ nhặt. Có giới luật nhỏ nhặt là do các bạn không hiểu giới luật. Các bạn hiểu giới luật của Phật như là pháp luật của quốc gia, hiểu như vậy là các bạn đã hiểu sai; hiểu như vậy thì giới luật Phật không phải là pháp môn vô lậu.

Ví dụ: Giới sát sanh và giới không nằm giường cao rộng lớn, nếu hiểu về đức hạnh thì hai giới này bằng nhau. Sát sanh là đức hiếu sinh, không nằm giường cao rộng lớn là đức thanh bần. Đức thanh bần và đức hiếu sinh bằng nhau. Còn hiểu hai giới này là pháp luật thì giới sát sanh là giới trọng, còn giới nằm giường cao rộng lớn là giới khinh.

Ví dụ: Giới vọng ngữ là đức thành thật, giới ăn uống phi thời là đức ly tham. Vậy đức ly tham và đức thành thật bằng nhau cho nên đức hạnh thì bằng nhau không có đức hạnh này cao, đức hạnh kia thấp. Mà cả hai đều bằng nhau vì là đức hạnh. Chỉ có giới cấm là có giới trọng giới khinh, giới vọng ngữ là giới trọng, còn giới ăn uống phi thời là giới khinh.

Đối với Đạo Phật không có giới nhỏ nhặt mà là nền đạo đức nhân quả - nhân bản. Các Tổ không hiểu giới luật của Phật chính là đạo đức, nên mới phân loại theo pháp luật mà kê tội, nên mới có những giới nhỏ nhặt (giới khinh).

Như trên đã nói giới luật là đức hạnh nên không có giới nào là không thích ứng với thời đại, dù thời đại khoa học kỹ nghệ tiến bộ đến đâu thì đức hạnh nhân bản - nhân quả không bao giờ lỗi thời. Chỉ có những người không hiểu giới luật nên cho nó không thích ứng.

ĐỪNG LỢI DỤNG LINH ĐỘNG, SỐNG ĐỘNG ĐỂ SỬA ĐỔI GIÁO PHÁP VÀ GIỚI LUẬT PHẬT

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Bức thư ngỏ trong tập sách Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) có câu dạy. “Đạo Bụt phải được duy trì như một thực tại sống động. Như một thân cây các cành khô phải được cắt đi để cho những nụ mới được xuất hiện. Những nụ mới này là những giáo lý và những phương pháp thực tập có thể đáp ứng được những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới. Những phát triển kỹ thuật, tin tức báo chí và tốc độ của đời sống, nó đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống những người xuất gia”.

Kính thưa Thầy! Những lời dạy trên đây có đúng với giới luật và giáo pháp của Đức Phật không thưa Thầy?

Đáp: Giáo lý của Đạo Phật là một chân lý của loài người: khổ, tập, diệt, đạo. Đã là chân lý của con người thì không còn có chỗ nào sai. Nếu còn có chỗ sai thì không gọi là chân lý. Giáo lý của các tôn giáo khác còn có chỗ sai nên không được gọi là chân lý mà chỉ gọi là triết lý, giáo điều. Triết lý, giáo điều còn nhiều chỗ sai nên các tông đồ của các tôn giáo khác thường hay chỉnh sửa giáo lý cho thích hợp với thời đại. Còn giáo lý của đạo Phật là chân lý của con người nên nó không còn sai. Nhất là chân lý ấy do con người ở trên hành tinh này tu chứng nói ra, chứ không phải chân lý ấy từ cõi nào. Cho nên không ai được quyền sửa, nếu người nào muốn sửa thì người ấy hãy tu chứng như Phật, còn tu chưa chứng thì đừng có sửa chân lý. Các bạn có biết không? Chỉ có những người điên mới dám cầm bút sửa chân lý, chứ người không loạn thần kinh thì chẳng bao giờ dám sửa.

Những người không hiểu giáo lý của Phật giáo là chân lý nên mới cho giáo lý ấy như một thân cây, các cành khô phải được cắt đi để cho những nụ mới xuất hiện. Người nào hiểu như vậy là hiểu Phật giáo là một triết lý, chứ không phải hiểu là chân lý.

Những nụ mới xuất hiện đó là giáo lý của các hệ phái phát triển. Các bạn có biết không?

Nó có thể đáp ứng được nhu yếu của thời đại và văn hóa mới, nên tăng ni sống phi phạm hạnh, phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống trong chùa to Phật lớn như cung đình điện ngọc. Do đó, tăng ni lo xây chùa to Phật lớn, và chùa to Phật lớn hiện giờ mọc khắp nơi. Đời sống của các tăng ni vật chất dục lạc đầy đủ, ăn ngủ phi thời. Một người tu sĩ sống như người thế tục thì Phật giáo còn gì là Thánh đức thưa các bạn? Do tu hành như vậy nên bây giờ khó tìm cho ra một người chân tu, một người tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết hoặc nói cách khác là bao giờ mới tìm thấy một người chứng quả A La Hán.

Do cắt tỉa mãi Phật giáo chân chánh bây giờ thành Phật giáo phát triển và Thiền Tông. Giới luật hiện giờ tu sĩ không còn biết đến, nếu ai hỏi đến giới đức, giới hạnh, giới hành thì ngơ ngẩn chẳng biết đâu mà trả lời.

Cắt tỉa mãi Phật giáo hiện giờ thành Thần giáo, một tôn giáo mê tín, một tôn giáo tha lực, mất hết tự lực.

Cắt tỉa mãi Phật giáo thành một tôn giáo dục lạc, chứ đâu còn là một tôn giáo ly dục ly ác pháp nữa. Có đúng như vậy không các bạn?

KHẾ LÝ, KHẾ CƠ

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong lời ngỏ của Tập sách Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) vừa có tính cách khế lý, khế cơ, vừa có tính cách thực tiễn. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp:Muốn đưa một giáo pháp mới vào Đạo Phật thì các Tổ hay dùng những từ khế lý, khế cơ để che đậy mắt mọi người.

Các Thầy Tổ bao giờ cũng muốn mình hơn Phật, nên dùng những danh từ rất kêu để sửa kinh sách Phật: khế lý khế cơ, thích ứng, thích nghi với thời đại, duy trì như một thực tại sống động, đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới, vv..

Các Thầy Tổ dùng những lời này chứng tỏ các Thầy tổ không hiểu Phật giáo.

Xin thưa cùng các bạn! Giáo lý Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người nên khi mọi người mới bắt đầu vào tu thì đức Phật dạy: “Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” (“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” hoặc “ngăn ác diệt ác pháp sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”). Tu tập như vậy có cái gì không khế lý khế cơ với thời đại? Tu tập như vậy có cái gì không thích ứng, thích nghi với thời đại? Tu như vậy có cái gì không đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới? Các bạn cứ tự hỏi lại xem giáo pháp của Phật dạy như vậy có cái gì không khế lý khế cơ,không đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới chỗ nào?

Dạy niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, bắt ấn, niệm hồng danh chư Phật lạy sám hối, tụng kinh cầu siêu, cầu an, v.v.. như vậy là khế lý khế cơ đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới hay sao? Dạy đạo như vậy là dạy mê tín, phi đạo đức nhân bản – nhân quả, phi Phạm hạnh. Các bạn có biết không?

Các bạn muốn sửa giáo lý của đức Phật, thì nhìn lại các bạn có tu tập được như Phật chưa? Giới luật còn sống chưa đúng, chưa thanh tịnh, ăn uống ngủ nghỉ còn phi thời, sống còn ở trong chùa to Phật lớn. Phạm hạnh của mọt người tu sĩ và cư sĩ như vậy sao? Phạm hạnh sống chẳng ra gì mà muốn chỉnh lại kinh sách Phật là một việc làm chẳng biết lượng sức mình.

Kính thưa các bạn! Chừng nào các bạn tu theo Phật Giáo sống như Phật, làm như Phật, chứng đạo như Phật thì lúc bấy giờ các bạn sẽ không còn có ý nghĩ sửa kinh, sửa giới luật Phật nữa.

Các bạn như con cóc, mà muốn làm ông Trời thì làm sao được các bạn? Các bạn như con nhái mà muốn làm bằng con bò thì làm sao được. Phải không các bạn?

Xin thưa cùng các bạn, các bạn chưa hiểu Phật giáo thì các bạn đừng đụng đến nó, mà hãy lo tu tập đi để cứu mình ra khỏi sự khổ đau của kiếp người, đừng mơ mộng sửa kinh sách Phật là các bạn đã tự giết mình, giết Phật giáo, giết hằng bao thế hệ, các bạn có biết không?

NHỮNG GIỚI KHÔNG THÍCH HỢP ĐƯỢC THAY BẰNG NHỮNG GIỚI KHÁC

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha), có những giới cũ không còn thích hợp với hiện tại được thay thế bằng những giới có công năng bảo hộ cho sự thực tập và giá trị đích thực của người xuất gia trong thời đại mới. Như những giới có liên hệ tới sự sử dụng xe hơi, máy vi tính, máy truyền hình, điện thọai cầm tay, trò chơi điện tử, điện thư, và mạng lưới internet v.v..

Kính thưa Thầy! Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha)đặt ra những giới này có mới không hay chỉ là những danh từ mới? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Thực ra, Giới Bổn Khất Sĩ TânTu là bộ sách pháp luật, chứ chưa phải là giới luật của Phật. Những giới luật trong Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu được đặt ra gọi là mới, chứ thực ra trong giới luật của Phật đã có đầy đủ, nhưng các bạn biên soạn ra bộ giới luật này không chịu khó nghiên cứu giới luật Phật nên không hiểu giới đức, giới hạnh, giới hành trong giáo lý Phật. Vì thế tưởng nó mới chứ thực ra những giới luật này không mới. Có lẽ các bạn tưởng rằng thời đại khoa học phát minh ra nhiều máy móc tối tân mà trong thời Đức Phật chưa có, nên Đức Phật không có chế giới luật đó chớ gì? Không đâu các bạn ạ! Các bạn đã lầm! Những giới luật và giáo pháp của Phật chính là nền đạo đức, nên nó đã vượt không gian và thời gian. Vì thế, thời đại khoa học có phát triển đến đâu thì vẫn đi sau giới luật và giáo pháp của Phật. Bởi vì thời đại khoa học luôn luôn đi sau giới luật và giáo pháp của Phật, đó là một bằng chứng rõ ràng, nên giới luật và giáo pháp của Phật luôn thích ứng với mọi thời đại, không bao giờ lỗi thời.

Ví dụ: Giới không nằm giường cao rộng lớn là các bạn phải hiểu nó là giới cấm không cho tu sĩ ở chùa to, cốc lớn, sang đẹp. Có đúng như vậy không các bạn? Chúng ta nên suy ra giường cao rộng lớn là phải được đặt trong ngôi nhà to lớn, nếu giường to rộng lớn mà đặt trong nhà nhỏ thì làm sao đặt được. Phải không các bạn?

Sau này các bạn hãy đọc bộ sách Văn Hóa Truyền Thống Thánh Hạnh thì giới luật Phật không thiếu một giới nào trong thời hiện đại này. Cho nên sự chế giới mới của các bạn là thừa, vì trong giới cũ đã có đầy đủ, nhưng các bạn không hiểu nên tưởng là không có. Còn bỏ những giới nhỏ nhặt là vì các bạn chưa hiểu đức giới, hạnh giới, hành giới. Bỏ những giới nhỏ nhặt là bỏ những hành động đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh là một việc làm sai lầm các bạn ạ!

Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, tỳ kheo phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”. Ở đây, đức Phật nhắc nhở chúng ta: “Thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt”. Vậy theo lời dạy này thì chúng ta bỏ những giới nhỏ nhặt nào? Có những giới nhỏ nhặt nào bỏ được. Phải không các bạn?

Khi tu hành chưa chứng đạo thì các bạn đừng làm một việc ngoài sự hiểu biết của các bạn. Ngoài sự hiểu biết của các bạn thì việc làm ấy không bao giờ đúng chánh pháp, nó làm hại bạn, làm hại Phật Giáo, làm hại mọi người, nó có tính cách giết Phật Giáo. Chứ không phải chấn hưng Phật Giáo đâu các bạn.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỚI BỔN TÂN TU

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Các bạn đồng tu cho rằng: “Sự công bố Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha)sẽ ảnh hưởng không những đối với Phật giáo mà cũng sẽ ảnh hướng tới các tôn giáo khác và đây không phải chỉ là một sự kiện thuộc giới tâm linh và tôn giáo, nó còn là một sự kiện văn hóa”.

Vậy bộ giới luật này có tầm quan trọng đến như thế nào?

Xin Thầy dạy rõ cho chúng con được hiểu.

Đáp:Các bạn chỉ ca ngợi bộ Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu của mình như vậy chứ sự thật ra nó cũng giống như những bộ giới cấm Ba La Đề Mộc Xoa của các Tổ. Với bộ giới luật này nó chỉ là pháp luật của một quốc gia như trên đã nói, chứ chẳng có gì đặc biệt trong giới luật cả. Nó không nói lên được giới đức, giới hạnh, giới hành mà nó chỉ là những giới cấm. Giới cấm là những giới luật không đúng tinh thần tự lực của Phật giáo. Giới cấm (bị bắt buộc) làm mất sự tự nguyện, tự giác của người tu sĩ Phật giáo.

Xưa Đức Phật trước khi nhận một người mới vào tu học thì cho họ sống biệt trú 4 tháng, nếu trong bốn tháng biệt trú mà người ấy thấy khả năng của mình sống đầy đủ giới luật thì mới xin làm đệ tử của Phật bằng không sống nổi thì xin về, chứ không ép buộc người nào cả.

Do điều kiện này mà chúng tôi xác định giới luật Phật không có giới cấm, chỉ có giới đức, giới hạnh, giới hành. Vì thế giới cấm là do các tổ làm ra. Bây giờ các bạn không hiểu nên lại chế ra giới cấm tân tu một lần nữa, đó là một việc làm giẫm lại lối mòn của các Tổ, khiến cho tu sĩ Phật giáo đã phá giới, phạm giới lại còn phá giới và phạm giới hơn nữa.

Cho nên bộ giới luật này không có giá trị, nó cũng giống như những bộ giới Ba La Mộc Xoa Đề của các Tổ mà thôi.

NHỮNG THẦY PHẠM GIỚI LÀM SAO THAY ĐỔI VÀ SỬA ĐỔI GIỚI LUẬT ĐƯỢC

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi viết bộ Giới Luật Khát Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha), sợ có người hỏi nên các bạn đã rào đón câu này: “Có người hỏi: Quý vị là ai mà dám tu chỉnh giới của Bụt? Câu trả lời: chúng ta đều là con của Đức Thế Tôn và chúng ta là sự tiếp nối của Người”.

Thưa Thầy câu trả lời này đúng hay sai? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con được hiểu.

Đáp: Phần đông những tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thường hay có ý chỉnh giới luật để sự vi phạm giới luật không ai phát giác ra được, cho nên câu trả lời này cũng nhằm ý ấy để che đậy những sự phạm giới, phá giới. Câu nói: “chúng ta là con của Đức Thế Tôn và là sự tiếp  nối của Người” là chúng ta có quyền sửa những gì của Phật. Phải không các bạn?

Ta là con của đức Phật, là sự tiếp nối của Người, nhưng ta có làm được như Người chưa? Chưa làm được như Người mà dám sửa những lời dạy của Người thì có ai tin các bạn không? Các bạn có sống đầy đủ giới hạnh như Người chưa? Tu hành có chứng đạo được như Người chưa? Chưa được như Người thì chưa đủ khả năng chỉnh lại những gì mà Người đã dạy. Các bạn có biết không?

GIÁO ĐOÀN XUẤT GIA CÒN LÀ ĐẠO BỤT CÒN

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Có người bảo: “Đạo Bụt sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn xuất gia chưa bao giờ từng dứt đoạn”. Lời nói này có đúng không thưa Thầy?

Đáp:“Giáo đoàn xuất gia còn là Đạo Bụt còn”, lời nói này là nhắm vào lực lượng đông người, chứ đông người mà phạm giới, phá giới, còn tu hành là tu danh, tu lợi thì đông người có ích gì cho mình, cho Đạo Phật. Đông người như vậy là làm hại Phật giáo thêm. Dù tu sĩ có hàng vạn người theo tu mà giới luật vi phạm thì Phật giáo được xem là đã mất. Xưa đức Phật sắp nhập Niết Bàn Ngài đã di chúc: “Nếu giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất”.

Lời phát biểu trên đây là lời của một đảng phái chứ không phải là lời của Phật giáo nữa, cho nên các bạn phát biểu mà không suynghĩ chín chắn: “Đạo Phật sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn xuất gia chưa từng bao giờ dứt đoạn”.

Đúng vậy, lời nói này là các bạn xem Phật giáo giống như một đoàn thể, một đảng phái, chứ không phải là tôn giáo Phật giáo nữa. Phật giáo lấy giới luật làm nền tảng tu học cho mình, cho người, nên đức Phật dạy: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”. Vì thế Phật giáo không phải là đảng phái mà cũng không phải là tôn giáo, vì nó là đạo đức của con người nên gọi nó là đạo đức nhân bản. Các Tổ sau này không hiểu giới luật và giáo pháp của Phật là đạo đức nhân bản - nhân quả nên mới suy tôn nó thành tôn giáo Phật giáo.

Những người tu sĩ Phật giáo hiện giờ có cái nhìn giới luật và giáo pháp của Phật như luật đảng luật đoàn của một nhà chánh trị hơn là một nhà đạo đức, một nhà chơn tu.

CỨ 25 NĂM GIỚI LUẬT PHẢI ĐƯỢC SỬA ĐỔI

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Trong tập sách “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha) Tác giả cho rằng: Cứ 25 năm thì giới luật lại được tu chỉnh một lần.

Lời dạy này có đúng không thưa Thầy? Xin thầy dạy rõ cho chúng con được hiểu.

Đáp:Giới luật là một đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, vậy mà phải 25 năm thay đổi một lần, như vậy giới luật của Phật là pháp luật chứ đâu còn là giới luật nữa. Phải không các bạn? Có lẽ các bạn hiểu giới luật là pháp luật của nhà nước, nên phải 25 năm Quốc Hội họp lại để sửa đổi.

Giới luật Phật là một pháp môn tu học để tâm được vô lậu nên gọi là “giới vô lậu”. Vậy là các bạn biến giới luật Phật thành pháp luật, để bắt buộc tu sĩ phải thi hành theo pháp luật, nếu tu sĩ nào vi phạm pháp luật thì bỏ tù hoặc tử hình hoặc phạt tiền, v.v.. Giới luật khi vi phạm bị phạt tội như quỳ hương phát lồ sám hối hoặc tẩn xuất như vậy sao gọi là giới vô lậu được. Như vậy Đức Phật đề ra Tam Vô Lậu học để làm gì? Các bạn trả lời đi?

Phật giáo là trường huấn luyện đao đức con người, chứ Phật giáo không phải đảng phái nên bắt ép người khác phải thi hành luật đảng.

Nếu Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu này ra đời thì hàng đệ tử của Phật không bao giờ tu chứng quả vô lậu và Phật giáo sẽ trở thành một đảng phái Phật giáo chứ không còn là đạo Phật đạo đức nữa. Và từ đó về sau có nhiều đảng phái ra đời tranh quyền cố vị danh lợi, chứ không còn là một tôn giáo để tu tập đi đến chỗ rốt ráo giải thoát hoàn toàn.

Hiện giờ có rất nhiều sách Phật giáo ra đời. Nhưng chúng tôi xin cảnh giác các bạn:

- Khi tập sách nào được xuất bản ra đời thì hãy nhìn tác giả tu hành tới đâu, giới luật sống có nghiêm chỉnh chưa?

- Thiền định có nhập được Tứ Thánh Định chưa?

- Có thực hiện được Tam Minh chưa?

- Có làm chủ được bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết chưa?

Nếu biết rõ tác giả đã hội đủ bốn điều kiện trên thì cuốn sách ấy có giá trị rất lớn cho con đường tu tập của các bạn sau này. Còn về phía tác giả nếu trả lời chưa được những câu hỏi trên đây mà đã viết kinh sách thì kinh sách ấy không có giá trị, chỉ là những kinh sách kiến giải, tưởng giải lừa đảo mọi người mà thôi.

Vậy, các bạn hãy cảnh giác đừng để những nhà học giả lừa đảo làm phí sức, phí công, phí của tiền mà tu hành chẳng tới đâu, chỉ uổng một đời.

THAY ĐỔI GIỚI LUẬT CÓ LÀM ẢNH HƯỞNG TỚI PHẬT GIÁO KHÔNG?

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Nếu giới luật đã tu theo thời gian, theo mỗi truyền thống của thời đại, của mỗi nền văn hóa thế giới thì hiện có còn bảo đảm chất lượng cho hàng đệ tử của Phật hay không? Tại sao giới luật lại “tân tu”? Điều này có đi ngược lại luật nhân quả hay không?

Con xin Thầy giảng dạy cho chúng con được thấu hiểu.

Đáp:Đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện, tự lực, nên bộ giới cấm là sai. Đạo Phật lấy thiện pháp làm vũ khí tiến thẳng vào cứu cánh, nên cuộc sống lấy giới luật làm căn cứ địa. Vì và toàn bộ giáo lý của Phật là giới đức, giới hạnh, giới hành.

Bộ giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề các Tổ cũng dựa vào kinh Phật biên soạn ra thành bộ giới cấm. Các Tổ không hiểu biết giới luật Phật là pháp môn tu tập tâm vô lậu nên biến nó thành pháp luật. Cho nên chỗ sai của các Tổ là chỗ “cấm” làm mất hết ý nghĩa của đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện. Đạo Phật không khuyến dụ, không bắt buộc người khác, tự mọi người ý thức đời là khổ đau nên tự nguyện sống theo Đạo Phật để thoát mọi sự đau khổ.

Bộ giới luật Ba La Mộc Xoa Đề của các Tổ do cấm mà lỗi thời không thích ứng với thời đại là vậy, bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cũng là một bộ giới cấm, nhưng chỉ có thay đổi những danh từ theo thời đại cho thích ứng người nghe, chứ chẳng có gì mới mẻ cả.

Như trên đã nói: nó chỉ sai là đi ngược lại với tông chỉ của đạo Phật là tự giác, tự nguyện, chứ không phải cấm, bắt buộc. Bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cũng vậy, nó cũng giẫm lại lối mòn của các Tổ. Giới luật không có gì đi ngược lại với qui luật nhân quả. Giới cấm có đó, nhưng người tuân thủ giới cấm thì không có, cho nên tu sĩ Phật giáo hiện giờ sống phá giới, phạm giới không còn xem giới luật ra gì. Bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu bỏ những giới mà tu sĩ thường vi phạm để được thích ứng với thời đại mà không bị phạm giới. Đó là cái khéo léo của bộ giới luật này để tu sĩ chạy theo dục lạc dễ dàng hơn.

Nhìn những bộ giới cấm của các Thầy Tổ mà đau lòng cho Phật Giáo, nó đã làm mất hết ý nghĩa tự giác, tự nguyện sống đời đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.

PHẠM HẠNH CÓ CHẤP NHẬN CHÙA TO, PHẬT LỚN KHÔNG?

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy! Sau khi con được đọc tập sách mỏng “LỜI DẠY CỦA THẦY”(tác giả là một vị Thiền Sư nổi tiếng). Trong đó có một đoạn nói rằng: “Tôi tu hành chỉ lo hướng dẫn tăng, ni biết rõ đường lối tu, chớ không đặt nặng chùa to Phật lớn, song bây giờ tôi lại có chùa to Phật lớn. Đây dường như là điều mâu thuẫn. Vì tôi lo cho tăng ni mà tăng ni ngày càng đông nên chùa phải to, chùa nhỏ làm sao dung chứa hết? Chùa to thì Phật cũng phải to theo. Đó là điều tự nhiên. Không gượng ép gì hết”.

Đọc đến đoạn này. Con xin Thầy giảng cho con được hiểu hơn về điều này “Chùa to Phật lớn”. Vì con thấy ở tu viện Chơn Như tăng ni cũng rất đông mà đâu có thấy chùa to Phật lớn, con chỉ thấy mái nhà tranh, vách liếp thoáng mát, mỗi người được nhận một cái thất riêng biệt để lo tu tập. Vì thế con kính xin Thầy giảng dạy cho con thấu hiểu để mỗi ngày tri kiến của con được sắc bén, và sâu sắc hơn nữa.

Đáp:Đối với câu hỏi này, Thầy không có ý kiến gì cả, vì câu hỏi của con đã có câu trả lời rồi.

Thầy chỉ mong sao các bậc Tôn Túc khi tịch được tự tại trong sanh tử, đừng nằm liệt giường liệt chiếu. Một hình ảnh của một người tu hành theo Phật Giáo không bao giờ mong gặp.

Khi các bậc Tôn Túc tịch mong sao các huynh đệ đều đoàn kết là đẹp nhất.

Chùa to Phật lớn là hình ảnh danh lợi. Cho nên khiến lòng người dễ sa ngã bị phân hóa nội bộ.

Chùa to Phật lớn là hình ảnh danh lợi. Người tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh thì không thể nào chấp nhận, không thể nào sống trong đó được.

Trong giới luật Sa Di có giới luật tu sĩ không được nằm giường cao rộng lớn, tức là đức Phật dạy tu sĩ không nên ở trong chùa to Phật lớn. Tại sao có nghĩa này?

Chúng ta lấy giới này suy ra thì biết ngay liền. Giường cao rộng lớn là phải được đặt trong trong chùa to, cốc lớn, nếu am tranh, cốc nhỏ làm sao đặt giường cao rộng lớn được. Phải không các bạn? Cho nên giớikhông nằm giường cao rộng lớn là giới không được ở trong chùa to Phật lớn. Như vậy các bạn ở trong chùa to Phật lớn là các bạn vượt quá giới luật Phật. Giới luật là đức hạnh của người tu sĩ. Người tu sĩ phải sống có đức hạnh thanh bần mới đúng là Thánh Tăng, còn sống trong chùa to Phật lớn thì Thánh hạnh thanh bần đâu còn nữa. Phải không các bạn?

Giới luật và giáo pháp của Phật không cho phép người tu sĩ sống trong đó. Vì giới luật và giáo pháp của Phật dạy ly dục ly ác pháp, mà sống trong đó là làm sao ly dục ly ác pháp được.

Không ly dục ly ác pháp thì tu pháp nào cũng là tu theo ngoại đạo. Tu mà không ly dục ly ác pháp là tu tập có ích lợi gì. Tu mà không sống đời Phạm hạnh là không xứng đáng người tu sĩ Phật giáo.

----&----

 

HẾT TẬP IX

 

 

MỤC LỤC TẬP IX

MỤC LỤC

 


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13.  Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14.  Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15.  Định niệm hơi thở.

16.  Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17.  Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18.  Nghi thức thọ trai.

19.  Những lời tâm huyết...

20.  Mười hai cửa vào đạo (2009).

21.  Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22.  Lòng yêu thương (2009).

23.  Linh hồn không có (2010 quý I).

24.  Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25.  Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26.  Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27.  Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28.  Linh hồn không có – tái bản lần I(2010 quý IV).

29.  Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30.  Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31.  Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32.  Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP IX”

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu

 


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP IX

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

Email: chonnhu2@gmail.com


S lượng in: 2.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Số xuất bản: 1171-2010/CXB/110-248/TG

Đường Về Xứ Phật (tập 10)

Đường Về Xứ Phật (tập 10)

BẬC A LA HÁN

Bậc A La Hán xuất hiện trong đời với gương hạnh giới luật để chấn chỉnh lại Phật giáo, dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả giúp con người sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh bằng chương trình giáo dục đào tạo tám lớp học (Bát Chánh Đạo) và ba cấp (Giới, Định, Tuệ).

LỜI NÓI ĐẦU

Kính gửi: Quý bạn thanh niên tăng, ni tuổi trẻ thân mến.

Kính thưa các bạn! Hôm nay chúng tôi cùng các bạn trao đổi tâm tư và nguyện vọng đối với Phật giáo và tín đồ.

Các bạn đã từng học trong kinh sách Nguyên Thủy Nikaya thuộc tạng kinh Pali và kinh sách phát triển Hán tạng do các Tổ kiến giải biên soạn dịch ra và được kết tập trong Hán tạng. Gần đây quý bạn có dịp được đọc bộ sách Đường Về Xứ Phật của chúng tôi biên soạn, khiến cho các bạn suy tư hoang mang dao động.

Từ lâu quý bạn đã tin vào kinh sách phát triển và kinh sách thiền Đông Độ, hôm nay bộ sách này đã làm xáo trộn tư tưởng của các bạn. Hiện giờ quý bạn sẽ không biết tin vào ai, không biếtai đúng, ai sai!

Kính thưa các bạn! Các bạn hãy bình tĩnh và suy tư cho đúng đắn đừng chủ quan mà hãy khách quan phán xét: Như đức Phật đã dạy: “Lấy Giới luật làm Thầy” Thầy ở đây, quý bạn đừng hiểu theo nghĩa ông Thầy, ông Tổ, mà phải hiểu theo nghĩa là người dẫn đường chỉ lối cho chúng ta đi không lạc bước vào nơi nguy hiểm, có hiểu được như vậy các bạn mới xác định được chúng tôi sai hay các Tổ sai. Các bạn đừng nghĩ rằng cái gì của Thầy Tổ biên soạn và viết ra là đúng hết, đúng sao đức Phật lại bảo chúng ta đừng tin gì của Thầy Tổ, đừng tin gì của kinh tạng ...., đúngsao Thầy Tổ tu hành không giải thoát mà chết trong đau khổ như vậy.

Bởi vì một giới luật của Phật là một hành động đạo đức làm Người làm Thánh, hành động đạo đức làm Người làm Thánh là hành động thiện. Cho nên chúng ta giữ gìn được một giới luật của Phật là chúng ta đã tăng trưởng lên một điều thiện, tăng trưởng thêm một điều thiện là làm giảm bớt đi một điều ác, giảm bớt đi một điều ác là giảm bớt một sự khổ đau của mình của người, giảm bớt sự khổ đau của mình của người là giải thoát phải không hỡi các bạn?

Như vậy giới luật của Phật là một vị Thầy của chúng ta, là người dẫn đường cho chúng ta đi trên lộ trình giải thoát, như vậy giới luật có xứng đáng là Thầy của chúng ta không hỡi các bạn?

Vì lợi ích cho con người như vậy, nên đức Phật mới di chúc: “Lấy giới luật Talàm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc”Lời di chúc này chắc các bạn không quên.

Đi tu, cuộc đời xuân trẻ và tương lai của các bạn bỏ xuống hết để vào chùa tu học, mong sao tìm cầu được sự giải thoát chân thật của cuộc đời mình, vô tình các bạn đã gặp Thầy, Tổ là những người đang sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới tức là đã lìa xa người Thầy dẫn đường mình đi thì làm sao mình đi đúng đường hỡi các bạn?

Khi còn trẻ tuổi mới vào chùa tu học, chúng tôi cũng chẳng khác gì như các bạn bây giờ, Thầy Tổ sống như thế nào, chúng tôi sống như thế nấy và dạy sao chúng tôi tu học như vậy, đâu có biết pháp nào sai, pháp nào đúng, luôn luôn đặt Thầy Tổ trên đầu, trên cổ, những lời Thầy Tổ dạy là vàng, là ngọc, là châu báu. Nếu chúng tôi không đủ may mắn thì cuộc đời tu hành của chúng tôi cũng chỉ hoài công vô ích và trở thành một ông Thầy cúng, một giảng sư, một người lừa đảo có sách vở mà thôi.

Những người Thầy giới luật không nghiêm túc hướng dẫn các bạn tu hành, các bạn có giữ gìn giới luật nghiêm túc được không? Hay lại phải sống theo như Thầy Tổ của mình, phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới v.v... các bạn không thể làm ngược lại được vì các bạn là đệ tử của họ, có nghĩa là các bạn cũng phải sống chạy theo dục lạc: ăn ngủ phi thời, phải ở trong chùa to Phật lớn, sống như những người giàu sang quyền quý. Cuộc sống như vậy còn nghĩa lý gì của giới luật, của phạm hạnh người tăng sĩ. Thiểu dục tri túc, ba y một bát, lấy gốc cây làm giường nằm, còn đâu nữa. Phải không hỡi các bạn?

Thầy Tổ của chúng ta hiện giờ nhiều người có bằng tiến sĩ Phật học được đào tạo tại các trường Đại Học Phật giáohữu danh như: Miến Điện, Ấn Độ,Nhật Bản, Đài Loan v.v.. nhưng xét qua giới luật Phật thì Thầy, Tổ của chúng ta đã không lấy giới luật làm Thầy mà lấy sự học, lấy bằng cấp làm Thầy. Có đúng như vậy không các bạn?

Như vậy đối với Phật giáo hiện giờai là người tu đúng? Nếu đem giới luật ra so sánh thì những ai giữ gìn giới luật nghiêm túc, tâm ly dục ly ác pháp, nhập Tứ Thánh Định, tịnh chỉ được hơi thở làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi và thực hiện được trí tuệ Tam Minh thì những người đó tu đúng, còn những ai – mặc dù là thầy tổ ở đời nào đi nữa mà chỉ có học để nói chứ khônglàm đượcthì là tu sai! Phải không?

Bây giờ chúng tôi và các bạn tiếp tục phán xét lần thứ hai: Thầy Tổ của chúng ta tu hành bằng cách ngày đêm tứ thời công phu tụng kinh, niệm Phật lần chuỗi, cúng bái, tế lễ, cầu siêu, cầu an, cầu cho thế giới hòa bình,nhân sanh an lạc v.v ....nhưng các bạn phán xét sự tu hành này có lợi ích thiết thực cho Thầy Tổ và cho những người trên hành tinh này có hoà bình có an lạc hay không? Các bạn cứ nghiệm xét lại xem những lời chúng tôi nói có đúng không hỡi các bạn?

Mọi người có an lạc không? Có tiêu tai thoát nạn không? Thế giới có hòa bình chăng?

 Chắc các bạn đã thấy rõ sự miệt mài ngày đêm tứ thời tụng niệm không biếng trễ,  nhưng nào có lợi ích gì? Có thu được kết quả gì? Không có! Như vậy ta đã sai vì theo những thầy sai – hướng cho ta tu sai không hướng được cho ta “chỗ nương tựa tu hành” – thầy tu – “giới luật đức Phật”.

Từ khi được gia nhập vào làng Phật giáo thì quý bạn thấy những pháp hành này có thực tế không? Hay chỉ là một trò diễn, nay chùa này tổ chức tụng kinh Dược Sư cầu siêu cho các vong linh, mai chùa kia tổ chức tụng kinh Pháp Hoa cầu an cho bá tánh, cầu hòa bình cho thế giới để phật tử cúng dường tiền và thực phẩm, nhưng cuối cùng tiền ấy được bỏ vào túi của các Thầy Trụ trì tiêu tự do.

Kính gửi: Quý bạn thanh niên tăng, ni tuổi trẻ thân mến.

Kính thưa quý bạn! Suốt 10 tập Đường Về Xứ Phật hơn 3000 trang giấy, các bạn đã được đọc và có cảm tưởng những gì về bộ sách này chăng?

Các bạn có tư duy suy nghĩ và hiểu nỗi lòng của tác giả đã viết lên những trang sách này không?

Các bạn có biết chăng những trang sách này tác giả đã viết lên với tâm huyết và nguyện vọng làm sáng tỏ lại chân lý Phật giáo. Các bạn có biết chăng? Những trang sách này tác giả đã viết lên với lòng thương yêu chân thành vì tín đồ Phật giáo trên hành tinh này đã, đang và sẽ hướng về Phật giáo với một lòng tha thiết cầu sự giải thoát nơi pháp mầu của đức Thế Tôn. Lòng tha thiết ấy đã thể hiện tâm nguyện của người cư sĩ qua những bức tâm thư gửi về tu viện bằng những ước nguyện chân thành tha thiết khẩn cầu cho chúng tôi trụ thế lâu dài để dìu dắt họ thoát khỏi những phong ba bão táp của kiếp sống làm người .

Ôi ! Đời người nước mắt nhiều hơn nước biển, ở thế gian này không ai là không khóc một lần !!! Vì thế mà tiếng kêu tha thiết tận đáy lòng của những người con Phật, vì thời đại này mà tìm thấy một con người bằng xương bằng thịt cũng cha sanh, mẹ đẻ như mọi người khác, thế mà người ấy sống trọn vẹn đầy đủ giới luật đức hạnh làm người của Phật giáo, Vả lại người ấy còn có đủ năng lực thiền định làm chủ sinh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi. Người làm được như vậy trên đời này quá hiếm, khó tìm thấy được. Phải không các bạn?

Kính thưa các bạn!  Phật giáo ra đời dạy người tu tập có đạo đức nhân bản làm người không làm khổ mình khổ người, lấy thiện pháp làm cuộc sống, luôn luôn ngăn ngừa và tận diệt các ác pháp để đem lại cho mình và cho mọi người sự an lạc, hạnh phúc, nên lúc nào cũng không còn làm khổ cho nhau nữa. Đấy là Phật giáo các bạn ạ!

Một tôn giáo như Phật giáo dạy người có lối sống cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời, cớ sao các bạn lại lạm dụng nó, lại lấy nó làm danh làm lợi cho riêng cá nhân mình!.

Một tôn giáo dạy người tu tập làm chủ sự sống chết, chấm dứt sự luân tái sanh, hoàn toàn đưa dắt con người đến đỉnh cao của kiếp làm người không còn bị nô lệ nhân quả, cớ sao ta lại nỡ tâm lợi dụng nó để lừa đảo tín đồ Phật giáo mạo danh tu hành đểhọc tập lấy cấp bằng này bằng nọ bằng tiền của mồ hôi nước mắt của phật tử, thay vì cha mẹ của các bạn phải có bổn phận trách nhiệm lo cho các bạn học tập, các bạn có thấy bất công không? Các bạn có thấy việc làm của các bạn là thiếu đạo đức không? Các bạn có thấy việc làm của các bạn là nguy hại cho Phật giáo biết là dường nào không?

Đạo Phật ra đời vốn để cho người ta tu tập làm người có đạo đức không làm khổ mình khổ người, chứ không phải ra đời để cho các bạn mượn nó học tập để làm danh, làm lợi, để nói lường gạt người. Các bạn có biết không?

Kính thưa các bạn! Các bạn đã có bằng tiến sĩ Phật học, các bạn thuyết giảng Phật pháp quá hay, nhưng nhìn lại đời sống của các bạn có hay ho chỗ nào đâu? Khi mà các bạn sống phạm giới, phá giới,  bẻ vụn giới, sống không đúng phạm hạnh của một người tu sĩ, một bậc Thánh Tăng và Thánh Ni, các bạn có tự hổ thẹn chăng?Hay là các bạn hiu hiu tự đắc cho rằng mình có bằng tiến sĩ, có học thức cao.

Kính thưa các bạn! Bằng tiến sĩ chỉ là một sự trang bị vừa đủ kiến thức chuyên môn cho các bạn hiểu về kinh điển Phật giáo qua những danh từ tưởng giải của các Tổ, chứ nó chẳng có ích lợi gì cho bản thân của quý bạn cả, cho nên nó chưa đúng nghĩa chân thật của Phật giáo, thì lấy đâu căn cứ cho rằng các bạn thuyết giảng là đúng nghĩa Phật dạy.

Bằng tiến sĩ Phật học chỉ là một mảnh giấy chứng nhận cho các bạn nói láo có sách vở mà thôi, chứ các bạn nhìn lại cuộc đời tu hành của các bạn, các bạn đã làm chủ được những gì cho cuộc sống bản thân của các bạn sanh, già, bệnh, chết và luân hồi chưa?.

Bằng tiến sĩ Phật học không giúp cho các bạn sự giải thoát chân thật của đạo Phật mà đưa đẩy các bạn vào hố sâu tội lỗi vì các bạn nói được mà không làm được đó là một tội rất lớn, tội lừa đảo. Các bạn có biết không?

Kính thưa các bạn! Tại sao các bạn bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ cả sản nghiệp cuộc đời của các bạn để đi tu, đi tu hay là đi tìm cơm ăn, áo mặc, bằng cấp, nếu các bạn tu hành theo Phật giáo mà không tìm được sự giải thoát làm chủ sanh, tử, luân hồi mà chỉ có cơm ăn áo mặc và bằng cấp chùa to Phật lớn, xe cộ .v.v.....thì không xứng đáng uộc đời người tu sĩ, các bạn ạ ! Đừng lợi dụng Phật giáo mà sống như vậy thì không tốt các bạn! Các bạn đã hại mình và hại Phật giáo rồi. Ngoài đời còn biết bao nhiêu nghề nghiệp làm để sống thanh cao và đẹp đẽ. Làm chi cái nghề giảng sư nói láo, cái nghề tụng niệm cúng bái cầu siêu, cầu an v.v... mê tín lừa đảo. Cầu cúng như vậy làm sao có siêu được? Làm sao có an được? Thuyết giảng chỉ là nói suông, làm sao có giải thoát được? Còn bảo rằng các bạn có tứ thời công phu, ngồi thiền hoặc niệm Phật, lần chuỗi niệm chú, bắt ấn, thì các bạn hãy nhìn lại xem Thầy Tổ của chúng ta công phu như vậy và bây giờ đến các bạn cũng tu tập như vậy có làm chủ sự sống chết được chưa?

Khi luật nhân quả đã chi phối đời sống của các bạn từng thời gian và từng không gian thì các bạn sẽ tránh đâu cho khỏi những tai ương họa khổ, vì sự cầu an, cầu siêu..... của các bạn là một sự lừa đảo. Mà các bạn hành nghề đó là các bạn đã tự biết đó là nghề lừa đảo, nghề như vậy không tốt đâu các bạn ạ!

Các bạn có cấp bằng tiến sĩ Phật học, đó là giấy chứng nhận hành nghề giảng sư. Các bạn có tin rằng nghề giảng sư là nghề cao quý không? Không cao quý đâu các bạn, nó là nghề nói láo đó các bạn như chúng tôi đã nói ở trên, các bạn có tin chúng tôi nói không? Các bạn cứ suy ngẫm lại xem. Dạy người khác phải tu tập như thế này, như thế kia thì hết tham, sân, si, nhưng giảng sư có hết tham, sân, si chưa? Nếu chưa hết tham, sân, si thì đó có phải là nói láo không? Hay lấy câu trong kinh sách phát triển để che đậy sự nói láo của mình “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ”.Chúng tôi có một người bạn già, ông chuyên làm nghề thuyết giảng là Ủy Viên Hoằng Pháp Tỉnh Hội Phật giáo, ông thuyết giảng rất hay, nhưng bây giờ ổng ra sao các bạn có biết không? Ổng bị bán thân rồi các bạn ạ! Ăn ỉa đái có một chỗ, tiếng nói thì ngọng nghịu... thật là muôn vàn sự khổ đau để đền tội nói láo các bạn, lấy những gương đó chúng tôi xin các bạn hãy cảnh giác.

Kính thưa các bạn! Khi vào chùa tu thì phải tu như thế nào để được giải thoát thân tâm mình, trước là đền ơn chư Phật, và ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, sau cùng ơn đàn na thí chủ. Nếu không tu được như vậy thì các bạn là trùng trong lông sư tử sẽ giết sư tử chết, nói một cách cho rõ hơn, nếu các bạn sống không đúng giới luật phạm hạnh thì các bạn là những người đã giết Phật giáo, “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”.

Kính thưa các bạn! Theo chúng tôi thiết nghĩ, đạo Phật thà có ít người tu mà mỗi người tu là một vị A La Hán, sống đầy đủ những đức Thánh, làm gương sáng cho tín đồ hơn là số lượng quá đông mà tu lợi, tu lộc thì tai hại cho cả đời lẫn đạo.

Kính thưa các bạn! Nếu thấy mình tu không nổi thì nên trả chiếc áo lại cho nhà chùa chứ đừng sống phá giới, phạm giới và bẻ vụn giới như: cất giữ tiền bạc, ăn ngủ phi thời, ở chùa to Phật lớn v.v....như vậy là không tốt cho các bạn, vì đó là các bạn đã tạo thêm tội lỗi cho mình và chính những hành động này các bạn đã giết chết Phật giáo.

Các bạn hãy lượng sức mình, đừng nên tạo tội lỗi mà luật nhân quả sẽ không dung tha một ai cả. Các bạn hãy nhìn xem các bậc tôn túc Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết phải chịu khổ đau muôn vàn, nên lấy đó làm gương, đừng nghĩ rằng làm phước làm thiện mà chuyển được quả khổ. Làm phước làm thiện của quý thầy, quý sư cô là tiền của mồ hôi nước mắt của người khác chứ quý thầy và quý cô không có bỏ ra một xu, một hào nào cả mà vẫn được danh từ thiện. Làm thiện như quý thầy và quý sư cô chỉ một thời gian ngắn để cầu danh nổi tiếng là nhà từ thiện. Các bạn có thấy sư cô Trí Hải không? Đi làm từ thiện mà chết trong tai nạn giao thông thật kinh khủng.  

Kính thưa các bạn!Nghề duy nhất của người tu sĩ đạo Phật là nghề đi xin ăn, đi xin ăn chỉ duy nhất ngày có một bữa, không xin tiền, không cất giữ vàng bạc châu báu, không để dành thực phẩm qua đêm, xin ngày nào ăn ngày nấy, đó là một nghề đi xin ăn thanh cao, không phải vì ăn mà vì sự giải thoát ra khỏi sự tham ưu của cuộc đời; không phải vì ăn mà vì sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết; không phải vì ăn mà vì gieo duyên độ chúng sanh; không phải đi xin ăn như những kẻ phàm phu tục tử. Chỉ biết cơm ăn và tiền bạc v.v… Người đi xin ăn thì lấy tiền đâu mà làm từ thiện. Vây mà tu sĩ đi làm từ thiện có đúng không thưa các bạn? Ngày xưa đức Phật có làm từ thiện theo kiểu này không?

Bây giờ các bạn đi tu mà không hành nghề chân chánh của bậc Thánh Tăng và Thánh Ni mà lại hành nghềthế tục:

1/ Các bạn học nghề đông y để hành nghề cứu dân độ thế, đó là nghề làm Bồ Tát.

2/ Các bạn học nghề Ứng Phú đạo tràng để cúng bái tụng niệm cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn xem ngày giờ tốt xấu, cũng là nghề làm Bồ Tát.

3/ Nghề làm tương chao, nghề làm nhang, nghề đương đát, nghề trồng trọt cây trái rau cải, nghề nông v.v... đó cũng là nghề làm Bồ Tát.

4/ Nghề dạy học, nghề y tá, nghề bác sĩ, nghề bán thực phẩm chay v.v... đó cũng là nghề làm Bồ Tát.

5/ Nghề giảng sư, nghề làm trụ trì v.v... cũng là nghề làm Bồ Tát.

Kính thưa các bạn! Hôm nay các bạn đi tu theo đạo Phật mà các bạn không học cái nghề giải thoát của Phật mà lại đi học cái nghề làm ra tiền, làm ra của cải tài sản thì ở ngoài đời người ta không làm những nghề này sao?

Vì sự sống theo danh và lợi nên dù nghề có ác, có gian xảo người ta vẫn làm, còn các bạn là tu sĩ tìm tu để được giải thoát, chứ đâu phải người đời mà phải đi học những nghề thế tục như vậy sao?

Các bạn hành những nghề nghiệp này thì con đường tu của các bạn sẽ đi về đâu? Hành nghề để lo cơm ăn áo mặc thì còn có nghĩa lý gì của cuộc đời tu hành của các bạn Với mục đich tìm tu giải thoát và mục đích ấy không còn nữa phải không hỡi các bạn? Như vậy các bạn đã đi lạc hướng rồi, từ đây các bạn chỉ còn làm nô lệ cho ăn, ngủ, danh và lợi, cuộc đời của các bạn mượn chiếc áo đạo tạo cuộc sống đời đâu còn gì ý nghĩa của sự giải thoát chân chánh đạo Phật.

Các hành nghề như vậy các bạn đã phạm giới, các bạn có biết không? Các bạn hãy đọc lại giới kinh Phạm Võng thì sẽ rõ. Như vậy sẽ là trùng trong lông sư tử đấy.

Kính thưa các bạn! Sự tu hành của các bạn chỉ còn là chiếc áo cà sa và cái đầu cạo trọc chứ đâu còn ý nghĩa gì giải thoát, miệng nói giải thoát mà tâm không giải thoát chút nào, miệng nói thiền định mà chẳng biết thiền định như thế nào? Cho nên Ngài Thường Chiếu bảo: “Một con chó sủa thì một bày chó sủa theo. Thật là buồn cười cho cuộc đời tu hành của các bạn. Tu như các bạn sẽ đi về đâu? Rủ nhau các bạn đang đi xuống địa ngục, vì tội lừa đảo.

Kính thưa các bạn! Các bạn tuổi còn trẻ, là những mầm non của Phật giáo, tương lai của các bạn còn dài và sáng chói huy hoàng, nếu các bạn tu hành theo đúng pháp môn “Giới, Định, Tuệ” con đường chân chánh của đạo Phật thì mọi người ai ai cũng kính trọng và tôn quý các bạn. Và chính bản thân của các bạn, các bạn cũng tìm thấy được cứu cánh giải thoát nơi thân tâm và cuộc sống của các bạn một cách rõ ràng và cụ thể, các bạn có một cảm giác hạnh phúc vô cùng. Và hơn thế nữa các bạn còn có một năng lực mầu nhiệm làm chủ được sự sống chết rõ ràng bằng pháp như lý tác ý và còn hơn thế nữa các bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh, âm thanh của thời quá khứ xa xưa còn lưu lại trong không gian.

Một điều quan trọng nhất là các bạn làm sáng tỏ lại nền đạo đức của Phật giáo, sống không làm khổ mình khổ người, đó là đời sống phạm hạnh của các bạn, các bạn nên nhớ kỹ phạm hạnh là hành động sống hằng ngày của các bạn, hành động ấy là gương hạnh đạo đức để mọi người soi, hành động ấy là gương hạnh buông xả, nhờ đó tâm các bạn ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Tâm các bạn tự nhiên không phóng dật là các bạn đã thành Chánh giác, đã chứng đạt chân lý. Lúc sắp vào Niết bàn đức Phật đã bảo với chúng ta: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật” Nếu muốn tâm không phóng dật thì các bạn phải nghiêm trì giới luật, luôn sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt.Và hằng ngày trên Tứ Niệm Xứ các bạn tu tập Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện Pháp. Chúng tôi bảo đảm với các bạn, các bạn sẽ đủ khả năng làm chủ sự sống chết của các bạn ngay trong đời sống này.

Phật pháp không có chi nhiều chỉ có bấy nhiêu đây, nhưng phải với nhiệt tâm, nhiệt huyết, dũng mãnh, can đảm, bền chí, siêng năng, kiên cường v.v.....thì đạo giải thoát không còn khó khăn nữa.

Đến đây xin dừng bút, thân ái chào các bạn, chúc các bạn vượt qua những khó khăn - bóng ma vương đang phủ trùm vạn pháp trên con đường tu tập Phật giáo này.

Kính ghi

Trưởng lão Thích Thông Lạc

(Ngày 2 thàng 3 năm 2001)

PHẢI NHÌN ĐỜI BẰNG NHÂN QUẢ

Chơn Như ngày 1 tháng11 năm 2000

Kính gửi: Chị Mai

Muốn không làm khổ mình, khổ người, trước tiên chị phải tu tập những đức hạnh: Nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Vậy nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng như thế nào?

Khi nào chị gặp ác pháp, khiến tâm chị bất an, tức giận thì chị nên dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Cái tâm sao ngu si lại tự tạo cho mình khổ, họ làm ác là họ tự chịu cớ sao ta lại tức giận làm khổ ta” hoặc “Cái tâm không được tức giận, tức giận là khổ đau, là ác pháp” Chị nên lập đi lập lại nhiều lần như vậy thì tâm chị sẽ hết ngay. Khi tác ý câu trên xong chị nương vào hơi thở và tác ý: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra” Chi cứ tu tập như vậy trong năm phút rồi xả nghỉ thì tâm chị hết sân liền.

Thường cuộc sống của chúng ta có nhiều ác pháp xảy đến khiến tâm chúng ta bất an, điều duy nhất muốn cho tâm được an thì chúng ta phải tập nhìn đời bằng tri kiến nhân quả, chị nên tu tập bằng tri kiến nhân quả, em bảo đảm với chị 100/100  là chị sẽ tìm sự giải thoát ngay liền.

Khi thọ Bát Quan Trai chị nên đem theo hai bộ đồ thường và một chiếc áo tràng theo kiểu cư sĩ.

Tu Viện hết thất chị nên nói với sư cô chỉ đến ở tạm nhà khách thưa hỏi và tu tập vài hôm rồi về.

Thăm và chúc chị vui, mạnh tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

Diệu Quang

LÀM LỢI ÍCH CHO MÌNH CHO NGƯỜI

Chơn Như, ngày 1- 11- 2000

Thân gửi: Cháu Mai

1/ Cháu nên đọc: “Giới Đức Làm Người và Đạo Đức Không Làm Khổ Mình Khổ Người”, rồi theo đó áp dụng vào đời sống hằng ngày.

2/ Muốn tu tập xả tâm thì hằng ngày cháu nên dùng câu pháp hướng thường nhắc tâm: “Tâm như đất không có tham, sân, si nữa, tham sân si là khổ đau”.

3/ Ngồi thiền không bắt buộc phải ngồi kiết già, thiền là ở chỗ tâm không tham, sân, si chứ không phải chỗ ngồi.

4/ Sống không làm khổ mình khổ người là xuất gia, chứ không phải cạo tóc, mặc áo ca sa mới là xuất gia; không làm khổ mình khổ người là làm lợi ích cho mình, cho mọi người.

5/ Thầy không biết bói khoa. Vì thoát khổ và lợi ích cho mình cho người mà mình tin theo đạo Phật, chứ không phải biết chuyện tiền kiếp của mình vững mới niềm tin ở đạo. Biết chuyện tiền kiếp của mình chẳng ích lợi gì cho mình cho người, vì đó là việc đã qua.

6/ Chuyện hiến xác cho khoa học là một việc làm tốt, có ích lợi cho đời.

Thăm và chúc cháu mạnh khỏe, vui tươi, tu tập tốt.

Kính thư

Thầy của các con

BẤT DỘNG TÂM ĐỊNH

Chơn Như, ngày 3 tháng 11 năm 2000

Kính gửi: Tâm Kiên

Mục đích tu hành của đạo Phật là tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải ở chỗ ngồi, ngồi bán già hay kiết già đều tốt con ạ! Ngồi như thế nào mà thân tâm con được an ổn giải thoát là tốt nhất.

Tâm Kiên, con không ngồi kiết già được thì ngồi bán già, ngồi bán già cũng tốt như ngồi kiết già vậy, miễn sao thân tâm con được thoải mái, an lạc, thanh thản và vô sự.

Lúc này các con tập tỉnh thức xả tâm thôi chưa vội tập Định Niệm Hơi Thở.

Pháp của Phật là một pháp bảo, nó giúp chúng ta thoát mọi sự khổ đau, Tâm Kiên trong những ngày trị bệnh và giải phẫu con đã chứng nghiệm được pháp Phật “Tâm không dao động trước sự sống chết và đau nhức”. Vậy các con đừng quên lúc nào cũng nhớ nhắc tâm để tâm có nội lực, nhờ tâm có nội lực các con mới vượt qua mọi hoàn cảnh, mọi sự việc và mọi đối tượng khiến tâm các con bất toại nguyện, phiền não và khổ đau v.v....

Thầy đã nhận được 200 đô con gửi cúng dường, cô Diệu Quang đã đem số tiền đó in tập 9 Đường Về Xứ Phật Thầy vừa nhuận xong.

Cháu Từ Tâm Anh giỏi lắm vừa đi làm vừa đi học, Thầy sẽ dạy cháu cách thức Tu là sống, sống là tu”.

Con đi làm, làm hết giờ, không ăn cắp giờ trong thời gian làm việc và làm hết bổn phận trong việc làm, đó là tu con ạ! Nhưng con nên nhớ, trước khi đi làm con nên nhắc tâm: “Tâm phải siêng năng làm hết giờ, hết bổn phận”.

Đi học, con ráng học giỏi để có khả năng làm việc tốt, giúp mình giúp người đó là tu con ạ! Nhưng con cũng nên nhớ trước khi đi học con nhắc tâm: “Đầu óc tâm trí phải sáng suốt học giỏi ghi nhớ đừng quên”.

Trước khi đi chơi con nên nhớ nhắc tâm: “Tâm phải biết tha thứ và thương yêu mọi người, mọi loài vật, dù ai có làm khổ mình nhưng mình không được làm khổ ai”. Nhờ có hướng tâm như vậy khi có ai đó làm con bất toại nguyện, con liền nhớ tha thứ và thương yêu thì tâm con hết phiền não, con nhớ tu tập nó sẽ giúp con vui tươi hạnh phúc và sống một đời sống đạo đức.

Thăm và chúc các con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

Thầy của các con

XẢ TÂM

Cầu Tre, ngày 20 – 10 – 2000

Kính gửi Thầy:

Kính thưa Thầy, con thật có lỗi với Thầy nhiều lắm...... Mười năm về trước Thầy có viết trao cho con mấy câu thơ dạy dỗ:

“Buông xuống đi! Buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì?

Thở ra chẳng lại còn chi nữa

Vạn sự vô thường buông xuống đi!”

T.L.

Đến bây giờ con mới nhận ra nó là một pháp bảo quý vô giá mà Thầy đã ban cho con, thế mà lúc ấy con ngu si không nhận ra cứ chạy theo vọng của mình, đi tìm những pháp cao siêu.

Tỉnh ngộ lại thiền của Phật chỉ có buông xuống hết các pháp thế gian là nhập định, chứ không phải ngồi thiền tu tập định là có định, mà định là do ly dục ly ác pháp.

Nay con xin sám hối ngưỡng mong Thầy từ bi hứa khả để tâm con hướng về Chánh Phật Pháp.

Kính chúc Thầy sống lâu muôn tuổi để dìu dắt chúng con trên đường giải thoát.

Kính thư

Con của Thầy

Nguyễn thị Minh Hương

CHUYỂN NHÂN QUẢ QUÁ KHỨ TRONG KIẾP HIỆN TẠI

Chơn Như, ngày 25 tháng 12 năm 2000

Thân gửi: Cháu Hương

Trong kiếp này cháu gặp nhiều điều không may mắn, cuộc sống hiện tại có nhiều điều bất an, đó là do kiếp trước cháu gieo duyên chẳng lành mà tạo thành quả cho đời nay, do đó khi sanh ra làm người cháu phải gặp nhiều hoàn cảnh và những đối tượng không như ý, để trả quả khiến cho cháu cuộc đời lỡ dở và nhiều khổ đau.

Sống trong hoàn cảnh này, nếu cháu biết giải tỏa thì cháu thoát ra khỏi cảnh khổ đau. Vậy giải tỏa như thế nào?

Giải tỏa có nhiều cách như:

Cháu nên hiểu và chấp nhận mình là một người đang thiếu nợ, mà đã chấp nhận mình là một người thiếu nợ thì phải chấp nhận trả nợ, chấp nhận trả nợ thì phải vui lòng mà trả nợ, có vui lòng trả nợ thì nợ mới dứt, còn nếu cháu không vui mà trả nợ thì làm sao nợ dứt được phải không cháu? Trả nợ mà không vui tức là vừa trả mà cũng vừa vay, cháu có nhận ra điều này không? Đã tự làm mình khổ mà nợ cũng không dứt đó là một bằng chứng cụ thể cho kiếp làm người nếu ai không hiểu Phật Pháp đều phải đi dẫm lại lối mòn khổ đau này của nhau.

Nợ nhân quả mà cứ vay trả, trả vay như vậy thì đời này sang đời khác trả nợ cũng chưa xong, hiện giờ cháu đang sống buồn khổ là cháu đang trả nợ mà trả như vậy thì làm sao cháu trả cho xong, tại sao vậy?

Vì nợ này không phải nợ tiền bạc của cải tài sản, mà nợ buồn khổ, cho nên cháu còn buồn khổ là còn nợ, chừng nào cháu hết buồn khổ là cháu hết vay nợ.

Tuy cháu đã hiểu được nhân quả như vậy, thì lòng cháu như gió đã dừng, nhưng sóng chưa dừng cháu ạ!

Muốn cho sóng dừng thì cháu nên dẫn tâm cháu vào chỗ không có sóng thì cháu nên nhắc tâm:

a- Buồn khổ là ác pháp hãy rời khỏi tâm ta.

b- Lúc nào tâm cũng phải thanh thản an lạc vui vẻ không được buồn khổ.

c- Dù bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải an vui không được buồn khổ, buồn khổ làm cho đời úa tàn khô héo.

d- Tâm như đất không nên buồn khổ, buồn khổ là nợ của nhân quả.

e- Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!

Buồn khổ làm chi có ích gì?

Thở ra chẳng lại còn chi nữa

Vạn sự vô thường buông xuống đi.

Chúc cháu thành công trong việc rèn luyện tâm mình được an vui hạnh phúc.

Kính thư

Thầy của các cháu

BỒ ĐOÀN

Câu hỏi của Trương Kim Tiên

Hỏi: Kính bạch Thầy, theo ý Thầy ngồi thiền có cần gối không?  Và tại sao?

Đáp[1]: Ngồi thiền không cần gối, vì ngồi thiền cần gối là tạo thành một thói quen, khi thành thói quen lúc ngồi không có gối là sẽ ngồi không được. Tu thiền mục đích để cầu giải thoát chứ không phải tập thành một thói quen khác. Vốn con người dễ bị nhiễm ô và thành thói quen, khi đã thành thói quen thì rất khó bỏ, thế mà chúng ta lại vướng thêm một cái gối (bồ đoàn), đi đâu cũng phải mang theo thật là phiền phức.

Người ngồi thiền cần gối là một việc làm không giải thoát, đó là chạy theo sự êm ấm của dục lạc thân tâm của mình. Nó không ích lợi và còn làm cho chúng ta khó chịu khi ngồi thiền không có Bồ đoàn.

Nếu chúng ta tập ngồi không gối, thân mới đầu ngồi hơi khó chịu một chút, nhưng lần lần cơ thể được uốn nắn theo tư thế ngồi rất tự nhiên, trông giản dị và thẳng góc với mặt bằng của đất. Đi đâu cũng không vướng bận phải mang vác gối theo, đến chỗ nào ngồi thiền cũng rất tiện.

Trông các thiền sư Đông Độ đi đâu cũng phải mang theo tọa cụ bồ đoàn thật là phiền phức.

Xưa đức Phật, đời sống chỉ có ba y một bát, đi đến đâu đều lấy gốc cây làm giường nằm, ngồi thiền thì không có bồ đoàn (gối) kê tay, kê mông, chỉ có chiếc y rách cũ dùng để nằm hoặc ngồi.

Là một du tăng khất sĩ nay đây mai đó, mang thêm tọa cụ bồ đoàn là một vật làm vướng bận không đúng hạnh buông xả giải thoát của một tu sĩ Phật giáo.

Thiền Tông nói không dính mắc, tâm như như tự tại vô ngại, nhưng một việc nhỏ như bồ đoàn tọa cụ mà không xả được thì lời nói và việc làm không nhất quán?

Hôm nay con hỏi về gối ngồi thiền thì con nên hiểu “thiền là giải thoát mà thêm gối là không giải thoát con ạ!”. Đi tìm con đường giải thoát mà không buông bỏ sạch thì không thể giải thoát được, dù là một vật nhỏ như một chiếc gối.




[1]Ngày 25/12/2000

CÂY BỒ ĐỀ

Câu hỏi của Kim Tiên

Hỏi:Kính thưa Thầy, Tại sao đức Phật chọn ngồi thiền dưới cội cây? Và tại sao lại chọn cây bồ đề?

Đáp:Đời sống của đức Phật là một du tăng khất sĩ, sống không nhà cửa, không gia đình thì phải lấy gốc cây làm giường nằm, làm chỗ ngồi thiền, còn cội cây thì làm nhà ở, đậy nắng che mưa

Hiện giờ mọi người ai cũng gọi cây đó là cây bồ đề, nhưng trước khi đức Phật chưa thành đạo thì cây đó được gọi là cây đa, cây đa ở Ấn Độ lá có đuôi dài hơn cây đa của chúng ta, Từ khi đức Phật ngồi dưới cây đa đó tu hành thành chánh giác, vì thế nó mới có tên là cây bồ đề.

Ví du: Như đức Phật ngồi dưới cội một cây xoài tu hành chứng quả, người ta sẽ gọi cây xoài là cây bồ đề có được không?

Đức Phật không phải chọn cây bồ đề mà chọn cây có lá mát mẻ, không phải để ngồi thiền mà để tu tập thiền định, bởi vì thiền định không phải ngồi mà ở chỗ tâm “ly dục ly ác pháp”

Thiền định thời nay người ta đã lầm nên chấp ngồi, vì chấp ngồi nên tạo ra gối, để ngồi cho êm, do đó người thời nay tu thiền ngồi nhiều, ngồi nhiều thành cóc chứ không thể giải thoát.

Các nhà học giả xưa và nay không hiểu cho đức Phật chọn cây bồ đề để ngồi thiền tu hành đó là sai.

Tu thiền định là do tu tập tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải do ngồi dưới cội cây bồ đề mà giải thoát, cho nên sống dưới cội cây nào tu tập cũng thành đạo chứ không riêng gì cây bồ đề, vì thế chỗ tu là ở tâm chứ không phải ở cây, cây nào ngồi tu cũng được không riêng bất cứ một cây nào.

Tóm lại cây bồ đề chỉ là một cây đa như cây đa nước ta (VN). Từ khi đức Phật chứng đạo nó mới có tên là cây bồ đề như trên Thầy đã nói.

Chúng ta đừng hiểu lầm chỉ có ngồi dưới cây bồ đề mới tu chứng đạo, hiểu như vậy là sai. Khi tu chứng đạo cây nào ngồi cũng tu chứng được cả.

 

SÁNG SỚM NGỒi THIỀN TRƯỚC HAY ĐI KINH HÀNH TRƯỚC

Câu hỏi của Kim Tiên

Hỏi: Kính bạch Thầy, buổi sáng sớm khi con vừa thức dậy, giữ chánh niệm trong mọi sự sinh hoạt, sau đó con nên đi hành thiền trước hay ngồi thiền trước

Đáp: Khi nào con thấy tâm tỉnh táo không có buồn ngủ, không có hôn trầm, thùy miên, không có lười biếng thì ngồi thiền trước tiên tốt nhất, còn khi nào thấy buồn ngủ, hôn trầm, thùy miên, lười biếng thì đi hành thiền trước tiên tốt nhất.

Đức Phật dạy đừng cố chấp vào thời khóa, phải khéo léo linh động tu tập theo đặc tướng của thân tâm mình từng pháp môn, chứ không phải nhất định giờ nào tu pháp môn nấy. Mục đích tu tập ở đây vốn tu tập bất cứ các loại thiền định nào và thiền hành nào cũng đều nhắm vào chỗ tâm ly dục ly ác pháp chứ không phải chỗ ngồi, chỗ đi, chỗ thiền hành hoặc chỗ mọi hành động của thân.

Tóm lại tu hành theo đạo Phật là chỗ tu tập như thế nào để tâm không phóng dật, nhưng tâm không phóng dật không phải là chỗ ức chế tâm, các con nên nhớ kỹ chỗ này, chỗ tâm không phóng dật là cốt tủy thiền định của đạo Phật. Ngồi trước hay ngồi sau không quan trọng, nhưng dù sao người mới tu cũng nên giữ giờ giấc nghiêm chỉnh là tốt nhất.

ĐI NHIỄU QUANH BA VÒNG

Câu hỏi của Kim Tiên

Hỏi:Kính thưa Thầy, theo kinh sách kể lại đệ tử củađức Phật thường đi nhiễu quanh ba vòng trước khi vào chỗ ngồi, có phải là đi thiền hành ba vòng không? Lợi ích của việc đó là gì?

Đáp:Đi nhiễu quanh ba vòng là để tỏ lòng cung kính, chứ không phải đi hành thiền, đó là một phong tục đạo đức tốt đẹp của người Ấn Độ. Muốn tỏ lòng cung kính và tôn trọng ai thì họ phải đi nhiễu quanh ba vòng. Ở đất nước Việt Nam không có phong tục văn hóa như vậy, ở đây chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa khi gặp nhau đều chắp tay lên trước ngực chào hỏi, chứ không có đi nhiễu quanh ba vòng..

ĂN NGÀY MỘT BỮA

Câu hỏi của Kim Tiên

Hỏi:Kính thưa Thầy, vì có bệnh tiểu đường gần 20 năm, bác sĩ khuyên con ăn ngày sáu bữa để lượng đường trong máu không cao, nhưng 20 năm qua vẫn không tiến bộ. Nghe lời Thầy dạy, con ăn ngày một bữa và tiết kiệm năng lực tối đa bằng cách: nói chỉ khi cần, tập chánh niệm trong việc làm hằng ngày, tập không phê phán, không diễn tả bằng sự cảm hứng mà cố giữ tâm thanh thản. Trong mấy tháng vừa qua có kết quả như sau:

1/ Lượng đường trong máu được quân bình.

2/ Lưỡi của con trước kia bị đen (20 năm) nay những vết đen không còn.

3/ Bệnh phù thũng cũng không còn.

Mặc dù con tin tưởng tuyệt đối vào việc con có thể ăn ngày một bữa, qua kết quả tốt như kể trên, nhưng người thân con vô cùng lo âu và khuyên con ăn trở lại như cũ, Vậy con phải làm gì cho họ có được an tâm?

Đáp:Ăn ngày một bữa là một đức hạnh của bậc Thánh Tăng, là pháp môn vô lậu ly tham đoạn ác pháp của đạo Phật, là một sự sống giải thoát cụ thể rõ ràng trên lộ trình hướng về đất Phật.

Ăn ngày một bữa vừa đủ để nuôi sống cho những ai là những người vô sự chuyên về tu tập thiền định xả tâm diệt ác pháp.

Đạo Phật là đạo giải thoát nên ngày ăn một bữa là giải thoát, giải thoát có nghĩa là không bận rộn phiền toái về ăn uống, nhưng đối với người làm việc ít, lao động nhẹ, còn những người làm việc nhiều, lao động nặng mà muốn ăn ngày một bữa thì phải chọn một bữa ăn chính còn hai bữa ăn kia chỉ uống sữa hoặc nước trái cây mà thôi giống như các nhà sư Nam Tông.

Đối với đạo Phật là tìm sự giải thoát ngay trong đời sống nên ăn uống có nghĩa là phải đơn giản nhất và tiện lợi nhất như thế nào để được sống với tâm hồn thanh thản, an lạc, bởi vì chủ trương của đạo Phật là ăn để sống chứ không sống để ăn.

Ăn ngày một bữa cũng là một phương pháp nghỉ ngơi và giảm bớt sự lao động trong cơ thể, để cơ thể dồn năng lực đề kháng vào bệnh tật khi cơ thể có bệnh.

Con nhờ ăn ngày một bữa, đó là giảm bớt sự lao động trong cơ thể của con và còn biết tiết kiệm năng lực không để tiêu hao bằng cách:

-    Không nói chuyện những điều không cần thiết, cắt giảm việc tắm gội giặt giũ, tránh đi mua sắm đồ đạc, tránh đám đông, tránh đàm luận, tránh tranh cãi.

-    Tránh không suy nghĩ những điều không cần thiết dù trong một giây phút hiện tại.

-    Tránh đổi tâm đang bình thản ra tâm giận hờn, phiền não v.v...

-    Cố gắng lúc nào có thời gian rảnh cũng giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

-    Cố gắng giữ gìn tâm đừng để tâm buồn lo, sợ hãi.

-    Thường tập sống trầm lặng độc cư ngày ít nhất cũng phải 30’, để sống cho mình.

-    Thường đi kinh hành không nên chú ý nơi đâu cả mà chỉ để tâm hồn tự nhiên như người vô sự

Đức Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa ăn ngày một bữa, Phật đã sống đến tám mươi tuổi, ông Anan đã sống đến 120 tuổi.

Con còn lao động nhiều, nhưng không phải vì lý do đó mà vì đạo đức không làm khổ mình khổ người, vì thế Thầy khuyên con nên ăn ngày một bữa như các sư Nam Tông.

Chính đạo đức làm người là trên hết, mình an vui mà mọi người cũng đều được an vui thì đó là hạnh phúc là giải thoát con ạ!

THIỀN MINH SÁT TUỆ

Hỏi:Kính thưa Thầy, trước kia con có tập tu với thầy Nhất Hạnh, và sau đó có tập tu Tiểu Thừa Tứ Niệm Xứ do các sư Miến Điện chỉ dạy. Đề mục chính là theo dõi phồng xẹp ở bụng. Con vừa mới hơi quen, thì nay con đổi sang theo hơi thở gió ra vào ở nhân trung. Con có thể giữ theo phồng xẹp được không?

Đáp:Được, nhưng con phải biết áp dụng cho đúng phương pháp hơi thở của đức Phật, phồng xẹp là sự hoạt động của cơ bụng do sự hít thở. Sự tập trung vào cơ bụng là ức chế tâm chứ có nghĩa là xả tâm. Con nên lưu ý Thiền Minh Sát Tuệ đức Phật không có dạy, nếu theo dõi hơi thở và chỉ có biết cơ bụng phồng xẹp thì đó là ức chế tâm, con nên tránh nó sẽ đưa con vào thiền tưởng, một loại thiền không có lợi ích gì cho thân tâm. Nếu có tu tập con nên luôn luôn phải dùng pháp dẫn tâm vào chỗ ly tham đoạn ác pháp, có như vậy con mới khắc phục được tâm tham ưu của mình, mới thấy được tâm hồn thanh thản, an lạc của con, còn nếu chỉ thấy có sự phồng xẹp tĩnh lặng và các trạng thái của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tưởng xuất hiện thì đó là con đã tu sai rồi, phải mau mau trở về với hơi thở, nương vào hơi thở mà tu tập 19 đề mục hơi thở như Phật dạy.

Phồng xẹp là một phương pháp của thiền Minh Sát do các sư Nam Tông Miến Điện tưởng giải ra pháp môn này dùng để ức chế tâm triển khai tưởng tuệ mà các sư gọi là Minh Sát.

Khi dùng nó con phải thiện xảo và khéo léo luôn luôn phải dùng pháp như lý tác ý theo động tác phồng xẹp thì mới có hiệu quả xả tâm.

ĐI KINH HÀNH

Hỏi:Kính thưa Thầy, về đi hành thiền, các sư Miến Diện dạy theo dõi bốn động tác của một bước, chuyển, dơ, đưa và đạp, nên đi thật chậm, nếu đi mau thì niệm: “bước, bước”. Tâm luôn để ý vào bàn chân. Xin Thầy chỉ rõ cho con cách đi thiền hành. Con có dự định về Việt Nam để tập theo Thầy vài tuần cho quen rồi trở về Mỹ thực tập, xin Thầy cho con biết có thuận tiện cho thiền viện của Thầy không?

Đáp:Con đừng bắt chước đi kinh hành theo các nhà sư Miến Điện, trong kinh điển của Phật không có dạy đi kinh hành giống như một người bệnh đi không nổi. Đi như vậy có nghĩa là ức chế tâm quá mạnh buộc tâm phải gom vào từng động tác của bước chân đi.

Đạo Phật lấy tự nhiên mà tu tập, cho nên đức Phật dạy lấy đặc tướng mà tu. Vì mỗi người đều có đặc tướng riêng biệt nhau, người có tướng lùn đi chậm, nhưng lại có người lùn mà đi nhanh; người có tướng cao đi nhanh nhưng lại có người cao mà đi chậm. Do thế, chúng ta tùy theo đặc tướng tự nhiên đi chậm hay đi nhanh mà đi kinh hành theo tự nhiên đặc tướng riêng của mình thì mới tìm thấy sự giải thoát ngay liền, còn nếu chúng ta bắt buộc đi chậm quá mất tự nhiên tức là không giải thoát mà ngay từ bắt đầu tu là đã không giải thoát thì làm gì có giải thoát sau này

Vậy con hãy đi tự nhiên theo đặc tướng của mình chậm thì đi chậm, nhanh thì đi nhanh, đi  đúng đặc tướng của mình là đã tìm thấy sự giải thoát ngay liền, nghĩa là không có bị gò bó bắt buộc.

Đi tự nhiên cứ theo pháp kinh hành tu tập đúng. Tu tập đúng từng bước đi con đã tìm thấy sự thanh thản, an lạc của tâm hồn con.

Con hãy về VN rồi đến tu viện tu tập, không có gì trở ngại cho tu viện, sau khi tu tập nắm vững căn bản đường lối cách thức, rồi con hãy trở về Mỹ tập luyện mới đúng cách xả tâm chứ không khéo con tu ức chế tâm mà không biết thì rất có hại về sau, vì con đường tu còn dài.

ĂN SAU GIỜ NGỌ

Hỏi: Kính thưa Thầy, về ăn đôi khi con không có điều kiện ăn trước 12 giờ trưa. Con có thể ăn trễ một chút được không?

Đáp:Được, ngày ăn một bữa dù con ăn giờ nào cũng được chứ không phải đợi đến 12 giờ trưa, vì tại Mỹ 12 giờ trưa thì ở VN và các nước khác thì không phải là 12 giờ trưa, đôi khi là 12 giờ khuya nữa là khác, khắp trên thế giới múi giờ không giống nhau được, là vì trái đất phải theo quỹ đạo đi vòng quanh mặt trời, cho nên không căn cứ vào giờ giấc mà phải căn cứ vào sự tiện lợi cho mình và cho người khác trong giờ ăn uống. Do đó đức Phật chọn vào giờ trưa là vì buổi trưa nhà nào cũng có nấu cơm để ăn, trong khi đi xin ăn về có trễ lắm thì cũng 12 giờ trưa, còn ngoài giờ trưa tức là buổi sáng và buổi chiều thì đi xin ăn là một điều bất tiện cho người khác, nên đức Phật cấm tu sĩ không ăn chiều và sáng là lý do này.

Như Thầy đã dạy: “ăn ngày một bữa là Thánh hạnh, phàm phu khó mà sống được, vì tâm tham dục của họ còn nhiều, nhất là về ăn uống.

Nếu ai ngày ăn một bữa, dù bữa ăn đó trong giờ nào cũng được, miễn là đừng ăn phi thời, ăn lặt vặt nhiều bữa thì người đó sống trong Thánh hạnh.

Như vậy vào giờ nào con ăn cũng tốt, nhưng phải ăn một bữa vào ban ngày vì ban đêm mà ăn uống thì vất vả nhiều hơn phải không con?

Con có duyên với Thánh hạnh của Phật nên ăn ngày một bữa mà hết bệnh, đó là lấy Thánh hạnh của Phật chuyển hóa nhân quả của con và nếu trên bước đường hướng về đất Phật chắc chắn con sẽ đạt được ý nguyện. Nhưng phải tu tập đúng chánh pháp của Phật.

NĂM HƠI THỞ ĐI KINH HÀNH HAI MƯƠI BƯỚC

Câu hỏi của Kim Tiên

Hỏi:Kính thưa Thầy, về thiền, lúc đầu chuyển từ ngồi lâu sang 5 hơi thở đi hành thiền rất khó khăn, nhưng qua lời giảng rất hợp lý của Thầy, con thay đổi. Lúc chuyển từ ngồi đứng dậy con cũng cố gắng giữ chánh niệm thì chẳng khác chi thiền. Con có được sự lợi ích là tập được tánh rõ ràng kiên nhẫn và không chỉ thiền lúc ngồi mà lúc thân thể cử động nữa.

Kính thưa Thầy, pháp môn này rèn luyện nghị lực giúp cho tâm tánh kiên nhẫn và tỉnh thức rất tuyệt vời nhưng sao con không thấy trong các kinh sách dạy? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Trong kinh sách của Phật không có dạy điều này, nhưng qua kinh nghiệm tu hành của Thầy, khi bị hôn trầm, thùy miên quá nặng, Thầy không biết cách nào khác hơn là cứ năm hơi thở rồi lại đứng dậy đi kinh hành một vòng 20 bước rồi ngồi xuống thở năm hơi thở rồi lại đứng dậy đi kinh hành nữa và cứ như thế cho đến khi hôn trầm, thùy miên không còn nữa mới xả nghỉ.

Kết quả sự tu tập này đã giúp Thầy rất tỉnh giác nhờ thế mà Thầy xả tâm ly dục ly ác pháp rất dễ dàng.

Nhờ tập luyện pháp môn này Thầy thấy tự mình có một sức kiên nhẫn, bền chí và gan dạ đã từng vượt qua từng tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi của mình, dám chiến đấu tận cùng với mặt trận nội tâm mà không hề chùng bước trước những sự khó khăn gian khổ.

Bởi vậy người nào lười biếng thì không thể nào thực hiện pháp này nổi, tuy pháp môn đơn giản nhưng người nào tu tập cũng rất sợ hãi nó.

Thăm và chúc con mạnh khỏe an vui tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

Thầy của các con

VIỆC SOẠN THẢO GIÁO ÁN

Câu hỏi của Minh Trí

Đáp[1]:Muốn soạn thảo “Giáo Án Tu Tập Cho Người cư sĩ”, thì con nên dựa vào 10 tập Đường Về Xứ Phật, hai tập giới đức làm người hành thập thiện, Thọ Bát Quan Trai, Đạo Đức Nhân Quả, kinh Pháp Cú và tám tiêu chuẩn mà Đức Phật đã nêu ra trong kinh Tăng Chi tập 4 trang 22 để dạy người cư sĩ tu tập:

1- Đầy đủ tháo vát.

2- Đầy đủ phòng hộ.

3- Làm bạn với thiện.

4- Sống thăng bằng điều hòa.

5- Đầy đủ lòng tin.

6- Đầy đủ giới.

7- Đầy đủ bố thí

8- Đầy đủ trí tuệ.

Trong kinh Tăng Chi tập 4 trang 23 đức Phật đã giảng dạy cho chúng ta hiểu ý nghĩa của tám tiêu chuẩn này tuy rất giản lược nhưng phải suy rộng ra biên soạn thành một giáo trình tu tập cho người cư sĩ rất có ích lợi và thiết thực.

Kế đó con nên dựa theo Mười Người Hưởng Dục có mặt hiện hữu ở đời này, trong kinh Tăng Chi tập 4 trang 477 phẩm Nam Cư Sĩ và kinh Kandaraka trang 9 Trung Bộ Kinh tập II.

Con cũng nên dựa vào bộ sách Đường Về Xứ Phật và băng giảng của Thầy. Bộ sách Đường Về Xứ Phật và băng giảng của Thầy đều nhắm vào sự tu tập của người cư sĩ, đó là đạo đức làm người, không có một người cư sĩ nào bỏ qua được, nếu họ có tâm muốn tìm sự hạnh phúc, an vui chân thật cho mình, cho người, cho cả gia đình, cho cả đất nước, cho mọi người trên thế gian này.

Đạo đức ly dục ly ác pháp không làm khổ mình khổ người còn là một nền tảng vững chắc cho thiền định, nếu những ai muốn tu thiền định chân chánh mà không xây dựng cho mình một nền mống đạo đức làm người thì khó mà nhập định.

“Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì nền hòa bình cho thế giới”,đó là một bộ sách đạo đức làm người mà Thầy đang biên soạn.

“Giáo án tu tập cho người cư sĩ vì sự trường tồn của Chánh Phật Pháp”,đó là một bộ sách nói rõ những điều sai trái và sự cúng dường không đúng chánh pháp trong Phật giáo của người cư sĩ hiện nay.

Nếu các con có thể dựa vào bộ sách Đường Về Xứ Phật, Thầy đã nêu rõ những sự sai trái của kinh sách phát triển và những phong tục tập quán mê tín dân gian đang bị đồng hóa trong Phật giáo thì các con biên soạn thành một bộ sách giúp cho đời, cho những ai đang hướng về đạo Phật không còn lầm đường, lạc lối tức là không bị tà giáo ngoại đạo lừa đảo.

Ba bộ sách mà các con đã nêu trên là những bộ sách có giá trị rất lớn không những cho tín đồ Phật giáo mà cho loài người trên hành tinh này.

Vậy ngay bấy giờ chúng ta thành lập một ban biên soạn và phân công cho mỗi người phải biên soạn ở phần nào của bộ sách.

Theo Thầy thiết nghĩ chỉ có một tập thể mới làm nên việc lợi ích lớn này cho loài người, một người dù có tài năng cũng không đủ sức làm.

Ba bộ sách này được ra đời thì các con có đủ phương pháp tu tập của người cư sĩ tại gia. Vì lợi ích như vậy Thầy sẽ chịu trách nhiệm cố vấn khi có điều gì chưa rõ thông Thầy sẽ góp ý.

Thăm và chúc các con mạnh khỏe, an vui và tu tập xả tâm tốt.

Kính thư

Thầy của các con




[1]Chơn Như ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

MỘT HOÀI BÃO

Chơn Như, ngày 8 tháng 1 năm 2000

Kính gửi: Hòa Thượng Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni Thích Thiện Siêu.

Kính thưa Hòa Thượng! Từ lâu chúng con có một hoài bão là mong muốn tăng, ni và cư sĩ có một nơi để thực hiện tu tập Giới, Định, Tuệ theo con đường Nguyên Thủy của Phật Giáo.

Nhưng ước muốn ấy với Hòa Thượng Thanh Từ thì không bao giờ có được, vì Hòa Thượng hướng về Thiền Tông Trung Hoa.

Với Hòa Thượng Minh Châu thì cũng không có được vì Hòa Thượng hướng về sự học.

Với Hòa Thượng Huệ Hưng thì Hòa Thượng xúc tiến công việc nhưng giữa đường lại viên tịch.

Với Hòa Thượng Thiện Châu thì Hòa Thượng cũng vừa viên tịch, chưa kịp làm gì cả

Bây giờ chỉ còn lại có một mình Hòa Thượng, với quyền hành và uy tín của Hòa Thượng, chúng con tin chắc Hòa Thượng sẽ làm được việc lớn này.

Kính thưa Hòa Thượng! Nếu tăng ni tuổi trẻ có học, không có tu cũng giống như người có tài thiếu đức, đó là một tai hại rất lớn cho Phật giáo. Và như vậy Phật giáo có chiều rộng không có chiều sâu, cũng giống như xây nhà nền móng không vững, chắc chắn sự trường tồn của Phật giáo ekhó được vừng bền. Nếu Phật giáo có còn thì cũng chỉ còn là một hình thức danh và lợi mà thôi.

Kính thưa Hòa Thượng! Phật pháp là một nền đạo đức nhân bản rất lợi ích thiết thực cho loài người, nếu chúng ta để nó mất đi là một thiệt thòi rất lớn cho con người trên hành tinh này.

Vậy chúng con ngưỡng mong Hòa Thượng từ bi mở rộng lòng lân mẫn thương xót tăng, ni và cư sĩ xin phép Giáo hội và Nhà nước để thành lập một tu viện chuyên tu đúng ý nghĩa Giới, Định, Tuệ giáo pháp của đức Phật, bất cứ nơi đâu trên quê hương đất nước này để đào tạo tăng, ni tuổi trẻ thực học, thực tu, thực chứng, ngõ hầu thắp sáng lại ngọn đèn chánh pháp của Phật.

Kính thưa Hòa Thượng! Chúng con có soạn thảo một bộ sách Đường Về Xứ Phật 10 tập, một bộ sách Giới Đức Làm Người 2 tập và một bộ sách Giới Đức Làm Thánh 2 tập. Chúng con biết rằng thì giờ của Hòa Thượng rất quý báu nên chúng con chỉ gửi đến Hòa Thượng 2 tập đầu của bộ Đường Về Xứ Phật và hai tập Giới Đức Làm Người. Mong Hòa Thượng đọc để cảm thông với lòng chân thành của chúng con đối với Phật giáo.

Từ lâu chúng con ước muốn có ngày diện kiến với Hòa Thượng, nhưng mãi cho tới nay chưa có đủ duyên, xin Hòa Thượng hoan hỷ tha thứ cho.

Sau cùng chúng con thành tâm có lời thăm và chúc Hòa Thượng mạnh khỏe để dìu dắt tăng ni trên đường tu học.

Kính thư

Thích Thông Lạc

 

 

TU TẬP CHUYÊN MỘT PHÁP LÀ BỊ ỨC CHẾ TÂM

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Trong kinh “Kẻ Lọc Vàng” (Tăng Chi I trang 465) Đức Phật dạy: “Tỳ kheo siêng tu tâm thượng tâm cần phải tác ý ba tướng : tướng định, tướng tinh cần và tướng xả”

1- Tướng định, tướng tinh cần và tướng xả là gì?

2- Tại sao cũng trong kinh, khi một chiều tác ý tướng định thì tâm sẽ bị thụ động, một chiều tác ý tướng tinh cần thì tâm sẽ bị trạo cử, một chiều tác ý tướng xả thì tâm sẽ không có chân chánh định tĩnh để đoạn diệt lậu hoặc, do đó chỉ thỉnh thoảng tác ý ba tướng trên mà thôi?

Đáp[1]:Tướng định là tâm bất động thân bất động.

Tướng tinh cần là sự siêng năng cần mẫn, tinh tấn ngăn ác diệt ác pháp sinh thiện tăng trưởng thiện pháp (thân hành niệm).

Tướng xả là tư duy quán xét để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm (Định Vô Lậu).

Nếu hằng ngày chuyên tu riêng một tướng trong ba tướng này thì không có kết quả giải thoát. Tại sao vậy ?

Nếu chuyên về tọa thiền, giữ thân tâm bất động thì sẽ rơi vào tướng thụ động tiêu cực. Ý đức Phật muốn nói hành giả tu hành khi tâm vô niệm, vô trụ, vô chứng thì trở thành gốc cây, cục đá (ức chế tâm trong một pháp)

Nếu chuyên tu về tướng Tinh Cần ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện thì sẽ rơi vào trạo cử, ý đức Phật muốn nói nếu chuyên tu chỉ có pháp Tứ Chánh cần thì thân tâm mệt nhọc sanh ra bần thần, hôn trầm, lười biếng, buồn phiền, bất an v.v......

Nếu chuyên tu về tướng xả tức là dùng pháp như lý tác ý tác ý liên tục giống như niệm Phật thì tâm không định tĩnh.

Chỉ cho một ví dụ thì mới nhận rõ được cách thức tu hành trong ba tướng này: Hiện giờ chúng ta đang tu Định Niệm Hơi Thở. Tu Định Niệm Hơi Thở như thế nào?

Bắt đầu tu Định Niệm Hơi Thở thì tìm nơi vắng vẻ yên lặng, ngồi kiết già lưng thẳng, tập trung tâm chú ý vào hơi thở tại nhân trung “Tôi thở tôi biết tôi đang thở” thỉnh thoảng rồi lại nhắc một lần như vậy, nếu tâm đã đi vào định tĩnh thì không cần phải hướng tâm câu pháp hướng: “Tôi thở tôi biết tôi đang thở” nữa mà phải hướng tâm một câu khác: “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở vô” “Quán ly tham tôi biết tôi đang thở ra”.....khi đang tu như vậy có một niệm khởi vào thì chúng ta đem niệm đó ra tư duy mổ xẻ quán xét cuối cùng chúng ta thấu rõ nó thuộc về lậu hoặc nào, khi thấu rõ thì chúng ta đã đẩy lui nó ra khỏi tâm, lúc bấy giờ tâm trở lại định tĩnh và tiếp tục tu tập trở lại. Như vậy cách thức tu Định Niệm Hơi Thở trên đây chúng ta thấy rất rõ là chúng ta không chuyên tu một tướng nào cả, chỉ thỉnh thoảng tu tướng này, thỉnh thoảng tu tướng kia. Do đó trong một thời tu chúng ta đã tu ba tướng rõ ràng như:

1- Nương vào hơi thở là tu tướng định.

2- Dùng pháp hướng tâm như lý tác ý là tu tướng xả.

3- Quán xét đẩy lui chướng ngại pháp là tu tướng tinh cần.




[1]Chơn Nhưngày 31 tháng 5 năm 2000

GIỚI BẤT TỬ

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Trong kinh “Anuruddha” (Tăng Chi 1, trang 515) Ngài Sàriputta có nhắc Ngài Anuruddha không nên kiêu mạn, trạo cử, hối quá mà hãy chú tâm vào “giới bất tử”. Vậy giới bất tử là gì? Làm sao để chú tâm?

Đáp:Giới bất tử là bất động tâm định, là tâm định trên thân, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.v.v...

Muốn chú tâm vào đó thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm nghiêm trì giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.

Tóm lại muốn chú tâm vào giới bất tử thì phải tu và sống đúng Bát Chánh Đạo. Giới bất tử là Bát Chánh Đạo.

KHÔNG ĐỊNH, VÔ TƯỚNG ĐỊNH, VÔ NGUYỆN ĐỊNH

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, trong kinh Tăng Chi tập I đức Phật dạy về  “Định” để thắng trí, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, sân, si, phẫn nộ, hận....phóng dật thì cần phải tu tập ba pháp.

1- Không Định tức là định ức chế tâm.

 2- Vô Tướng Định (xả năm chi của Sơ Thiền và không có ba tướng lậu hoặc).

3- Vô Nguyện Định (trạng thái không có ước nguyện một điều gì)

Không Định, Vô Tướng Định và Vô Nguyện Định là gì?

Đáp:Không Định tức là Không Vô Biên Xứ Định, một trong bốn loại định của tưởng. Người mới tu tập phải tập định tưởng ức chế tâm này cho bớt vọng niệm để tâm được tỉnh thức rồi mới tu tập các pháp môn khác.

Vô Tướng Định, còn gọi là Bất Động Tâm Định, một loại thiền định không có ba tướng lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Vô Tướng Tâm Định là một trạng thái tâm ly dục ly ác pháp nhưng không có năm chi tướng của Sơ Thiền : Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Vô Tướng Tâm Định tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Vô Nguyện Định là một trạng thái im lặng như Thánh, an trú như Thánh, bất động như Thánh.

CÓ BA DUYÊN

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, theo “Đại Kinh Phương Quảng” Trung Bộ Kinh tập 1 trang 650 dạy: “Có ba duyên để chứng nhập Vô Tướng Tâm Giải Thoát:

1- Không tác ý nhất thiết tướng.

2- Tác ý Vô Tướng Giới.

3- Một sự sửa soạn trước.”

Kính thưa Thầy:

1- Vô Tướng Tâm Giải Thoát có phải là Sơ Thiền không?

2- Thế nào là không tác ý nhất thiết tướng?

3- Thế nào là một sự sửa soạn trước? Một sự sửa soạn trước có phải là Thất Giác Chi không?

Đáp:Vô Tướng Tâm Giải Thoát không phải là Sơ Thiền, vì Sơ Thiền còn có năm chi tướng thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Vì Sơ thiền còn ở trong trạng thái cõi trời Sơ Thiền (Sơ Thiền Thiên)

Vô tướng tâm giải thoát là Vô Tướng Tâm Định, là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, đó là mục đích cứu cánh của Phật giáo

Không tác ý nhất thiết tướng có nghĩa là không sử dụng pháp hướng tâm, tức là không khởi một niệm nào trong đầu, im lặng như Thánh. Đó là tướng bất động của vô tướng tâm định.

Không tác ý nhất thiết tướng có nghĩa là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ

Một sự sửa soạn trước tức là tu tập Bát Chánh Đạo. Tu tập Bát Chánh Đạo là tu tập theo chương trình giáo dục đào tạo có tám lớp (Bát Chánh Đạo) ba cấp (Giới, Định, Tuệ).

Trước tiên phải tu học lớp Chánh kiến rồi đến lớp Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp v.v...

Một sự sửa soạn trước tức là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi có nghĩa là chọn pháp mà tu tập. Trong Phật giáo chọn pháp để tu tập thì chỉ có chọn chương trình giáo dục Bát Chánh Đạo tu tập thì đúng nhất. Trong đạo Phật không có pháp môn nào đúng ngoài Bát Chánh Đạo, chỉ có Bát Chánh Đạo mới chính là con đường tu học của Phật giáo chân chánh còn ngoài ra tất cả các pháp khác đều của ngoại đạo. Cho nên đức Phật dạy: “Một sự sửa soạn trước”tức là chọn lấy pháp cho đúng của Phật, cho nên Bát Chánh Đạo là pháp chân chánh của Phật, vì nó là một sự thật trong bốn sự thật đức Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc uyển khai ngộ cho năm anh em Kiều Trần Như.

Một sự sửa soạn trước là sự chuẩn bị cho con đường tu tập của mình tức là nghiên cứu kỹ lưỡng.

TỨ NHIẾP PHÁP

Hỏi:Kính thưa Thầy, trong kinh “Nhiếp Pháp” Tăng Chi 1 trang 610, có dạy Bốn Nhiếp Pháp:

1- Bố thí

2- Ai ngữ

3- Lợi hành

4- Đồng sự.

Vậy Bốn Nhiếp Pháp này khác với Tứ Nhiếp Pháp của Đại Thừa như thế nào?

Đáp:Bốn nhiếp pháp của kinh Nguyên Thủy và bốn nhiếp pháp của kinh Đại Thừa danh từ thì giống nhau, nhưng nghĩa lý thì khác nhau.

Kinh Nguyên Thủy lấy bốn nhiếp pháp làm bốn hành động đạo đức để đối xử với nhau trên thuận dưới hòa đem lại cho nhau một cuộc sống thân thương bình đẳng, ai cũng như ai không phân biệt người tu hay không tu. Vậy chúng ta hãy đọc lại bài kệ đã dạy trong kinh Tăng Chi tập 1 trang 610:

“Này các tỳ kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn ?

“Bố thí và ái ngữ,

Lợi hành và đồng sự

Này các vị tỳ kheo,

Đây là bốn nhiếp pháp”.

“Bố thí và ái ngữ,

Lợi hành và đồng sự,

Đối với những pháp này,

Ở đời đối xử nhau,

Chỗ này và chỗ kia,

Như vậy thật tương xứng,

Và bốn nhiếp pháp này,

Như đinh đầu trục xe,

Nếu thiếu nhiếp pháp này,

Thời cả mẹ lẫn cha,

Không được các người con

Tôn trọng và cung kính,

Do vậy bậc Hiền trí,

Đồng đẳng nhìn nhiếp pháp,

Nhờ vậy họ đạt được,

Sự cao lớn tán thán.”

Bài kệ trên đây dạy chúng ta dùng bốn nhiếp pháp để tạo thành một cuộc sống an vui có đầy đủ đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người thật là bốn nhiếp pháp tuyệt vời mà mọi người sống trên hành tinh cần phải học và trau dồi bốn đức hạnh này.

Đây chúng ta hãy nghe ý nghĩa bốn nhiếp pháp của Đại Thừa:

Bốn pháp để thu phục chúng sanh:

1- Bố thí nhiếp

2- Ai ngữ nhiếp

3- Lợi hành nhiếp

4- Đồng sự nhiếp

I-            Bố thí nhiếp: nếu có chúng sanh nào thích của thì bố thí của, thích pháp thì bố thí pháp, khiến họ vì thế mà sanh tâm thân ái theo ta thụ đạo.

II-         Ai ngữ nhiếp: Có nghĩa là tùy theo căn tánh của chúng sanh mà dùng lời lẽ tốt lành để mỹ dụ, khiến họ nhân đó mà sanh tâm thân ái mà theo ta thụ đạo.

III-     Lợi hành nhiếp: Tức là khởi thiện hành về thân, khẩu, ý làm lợi ích cho chúng sanh, khiến họ do đó mà sanh tâm thân ái rồi theo ta thụ đạo

IV-      Đồng sự nhiếp; Có nghĩa là nhờ pháp nhãn mà thấy được căn tánh của chúng sanh tùy theo sự ưa thích của họ mà phân hìnhthị hiện, cùng làm việc với họ, để được lợi ích cho họ nhờ đó sanh tâm thân ái theo ta thụ đạo.”

Đoạn kinh trên đây được trích dẫn trong Từ Điển Phật Học Hán Việt.

Như vậy Tứ Nhiếp Pháp của Đại Thừa là pháp môn dùng để cám dỗ lôi cuốn mọi người ta vào Phật Giáo Đại Thừa. Một tôn giáo sử dụng bốn pháp nhiếp phục để cám dỗ mọi người theo tôn giáo mình là một tà giáo chứ không phải chánh giáo.

Đồng thời cũng là pháp môn Tứ nhiếp pháp, nhưng Tứ nhiếp pháp của Nguyên Thủy là bốn pháp dạy đạo đức làm người cư xử với nhau như nước với sữa, còn Tứ Nhiếp Pháp của Đại Thừa là pháp dụ dỗ người, pháp dụ dỗ người là phi pháp phi đạo đức cần phải nên cảnh giác đề phòng và tránh xa.

ĐA CHỦNG, NHẤT CHỦNG

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:kính thưa Thầy, theo kinh Potaliya Trung Bộ tập 2 trang 62 dạy: “Sau khi từ bỏ loại xả thuộc loại đa chủng, y cứ đa chủng, đối với loại xả thuộc loại nhất chủng, y cứ nhất chủng, ở đây mọi chấp thủ đối với thế vật được đoạn trừ hoàn toàn”.

Thế nào là xả thuộc đa chủng, xả thuộc nhất chủng?

Đáp:Trước khi muốn xả đa chủng hay là nhất chủng thì chúng ta phải hiểu rõ đa chủng nghĩa là gì? Và nhất chủng nghĩa là gì?

Đa chủng là lòng tham muốn mọi thứ thấy cái gì cũng tham muốn còn gọi là dục chủng tử

Nhất chủng chỉ cho lòng dục của con người, nguồn gốc sanh ra muôn vạn thứ ham muốn.

Trong kinh Potaliya đức Phật dạy: “Thập thất kiết sử, ngũ triền cái là đa chủng, lòng dục của con người là nhất chủng”

Đức Phật ví dụ: chim kên kên, chim diều hâu là nhất chủng, miếng thịt là đa chủng, người cầm bó đuốc là nhất chủng, cây đuốc là đa chủng, hố than là đa chủng, người kia là nhất chủng v.v......

Muốn xả đa chủng thì phải y cứ vào đa chủng mà xả, ví dụ: Mắt thấy sắc thì y cứ nơi sắc mà xả, nghĩa là đừng cho mắt dính sắc.

Muốn xả nhất chủng thì phải y cứ vào nhất chủng mà xả, ví dụ: Mắt thấy sắc thì phải y cứ nơi mắt mà phòng hộ mắt.

Dục dù nhất chủng hay đa chủng cũng đều là khổ đau, là tai họa, vì thế cần phải đoạn trừ, viễn ly, từ bỏ, xa lánh v.v......thì mới mong thoát khổ, thì mới mong làm chủ và ra khỏi nhà sanh tử.

TỨ THIỀN VẪN CÒN TRIỀN PHƯỢC

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính thưa Thầy, trong kinh Panlacanda Tăng Chi IV trang 213 có đoạn chứng và trú Thiền Thứ Tư vẫn còn triền phược đó là sắc tưởng. Vậy sắc tưởng đã bị diệt sao ở đây vẫn còn?

Đáp:Con nên lưu ý: Sơ Thiền tuy ly dục ly ác pháp tâm luôn bất động trước các pháp và các cảm thọ nhưng vẫn còn năm chi thiền Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm nên còn tưởng, nhất là tầm tứ vì vậy trong kinh Tăng Chi còn gọi là triền phược, triền phược ở đây là gốc lậu hoặc còn chưa diệt Sơ thiền chỉ ly chứ chưa có diệt nên kinh gọi còn triền phược là rất đúng. Trạng thái Sơ thiền là một trạng thái của Trời Sơ Thiền (Sơ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Nhị Thiền mới diệt tầm tứ, diệt tầm tứ chỉ mới ngưng được ý thức nói riêng nói chung là mới ngưng sáu thức, vì thế tưởng thức còn nên kinh nói nhập Nhị Thiền còn triền phược là đúng. Bởi vì thân nghiệp còn và trạng thái Nhị Thiền là trạng thái của Trời Nhị Thiền (Nhị Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tam Thiền thì mới ly hỷ tưởng chứ chưa có diệt tưởng và lạc tưởng cũng còn chưa ly nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Trạng thái Tam Thiền là trạng thái của Trời Tam Thiền (Tam Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược

Đến Tứ Thiền xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh, xả lạc tưởng, khổ tưởng và thanh tịnh tưởng. Ở đây chỉ xả tưởng chứ chưa diệt tưởng vì thế nên kinh gọi còn triền phược là đúng. Vì trạng thái Tứ Thiền là trạng thái của Trời Tứ Thiền (Tứ Thiền Thiên), còn cõi Trời tức là còn triền phược.

Khi nhập xong Tứ Thiền chúng ta mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết chứ chưa chấm dứt được tái sanh luân hồi vì nguyên nhân tái sanh luân hồi còn nên Tứ Thiền vẫn còn triền phược.

Tại Tứ Thiền có hai ngả:

1- Đi về hướng Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định thì lúc ấy tưởng thức mới diệt được, nhưng đến đây lại rơi vào chỗ không còn pháp (phi pháp môn), người tu nhập định này cũng giống như cục đá, nói cách khác tu về hướng này thân ngũ uẩn trở thành đá. Kinh Tăng Chi dạy: “Chứng đạt và an trú Diệt thọ Tưởng Định. Sau khi thấy với trí tuệ các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn”. (trang 217)

2- Ngả đi về Tam Minh, khi Lậu Tận Minh đạt được thì lậu hoặc đã được diệt sạch, ngả này chứng và trú vào Niết bàn tức là nhập vào Vô Tướng Tâm Định. Ngả tu tập này không biến thân ngũ uẩn thành đá và sống đúng ý nghĩa làm lợi ích cho chúng sanh dù còn một tấc hơi.

Đi ngã Tứ Không đến Diệt Thọ Tưởng Định, ngã này không làm lợi ích cho chúng sanh vì thế các nhà Đại Thừa gọi ngã này tu tập tiêu nha bại chủng, chồi khô, mộng lép v.v....

Tóm lại, trên đường tu hành để đến nơi đến chốn giải thoát thì phải chọn một Minh Sư đã đi nốt quãng đường này thì mới đủ kinh nghiệm hướng dẫn.

CHÁNH PHÁP CÒN PHẢI BỎ HUỐNG LÀ PHI PHÁP

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính thưa Thầy, ý nghĩa câu: “Chánh pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp” Kinh dụ con rắn Trung Bộ 1 trang 307 Xin Thầy giảng cho chúng con được rõ.

Đáp: Đúng như vậy “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Ví dụ: Hiện giờ chúng ta dùng 37 phẩm trợ đạo mà tu tập sau khi tu xong rồi thì chúng ta còn tu nữa không? Vậy 37 phẩm trợ đạo khi người tu xong thì không còn giá trị gì cả.

Nhờ 37 phẩm trợ đạo chúng ta xả ly và xa lìa các pháp thế gian, nhưng khi từ bỏ xa lìa các pháp thế gian rồi thì 37 phẩm trợ đạo cũng không còn dùng được nữa. Bởi vì 37 phẩm trợ đạo tuy là chánh pháp nhưng nó chỉ dùng để trừ diệt ác pháp, sau khi diệt trừ ác pháp xong thì nó không còn dùng vào việc gì được nữa, do đó mới có lời dạy: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”.

SỢ HÃI TRONG CÁC LỖI NHỎ NHẶT

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong kinh Phật thường nhắc nhở các Tỳ Kheo “phải thật sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt”. Có phải ý Phật muốn nói đến 100 giới chúng học không?

Đáp: Không riêng 100 giới chúng học mà còn tất cả các ác pháp. Đối với đạo Phật một lời nói, một hành động, một ý nghĩ làm khổ mình, khổ người là những lỗi nhõ nhặt. Lời nói không ái ngữ và những hành động thô tháo, thiếu tỉnh giác là phạm vào các lỗi nhỏ nhặt. Phạm vào các lỗi nhỏ nhặt thì con đường tu tập theo Phật giáo rất khó chứng đạt chân lý.

MỘT TRĂM GIỚI CHÚNG HỌC

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, con hiểu pháp môn tu tập giới (chúng học) dưới 2 khía cạnh:

1- Huân tập trưởng dưỡng những hành vi đạo đức làm người.

2- Giải thoát khỏi tập quán (nghiệp) thú vật.

Thưa Thầy con hiểu như vậy đã đúng và đầy đủ chưa?

Đáp:Con hiểu được 2 phần, còn phần thứ ba con chưa hiểu.

Phần thứ nhất là phần tu học giới luật và sống đúng với giới luật tức là thực hiện đạo đức làm người.

Phần thứ hai vi tế hơn đó là thói quen ác pháp, phần này rất khó diệt trừ phần này là phần thiền định. Phần thiền định là phần ly dục ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định và nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền.

Phần thứ ba là phần thực hiện Tam Minh tức là ba minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.

HỦY BỎ NHỮNG HỌC GIỚI NHỎ NHẶT

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, Phật dạy: “Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”. Đọc hai tập “Giới Đức Làm Người” của Thầy, dù với những giới nếu phạm thì “tội nhẹ”, con cũng không thấy giới nào “nhỏ nhặt và chi tiết”. Vậy thế nào là “những học giới nhỏ nhặt chi tiết” ?

Đáp: Lời dạy này là của các Tổ sau này đặt ra và xen vào kinh Phật để mạo nhận Phật dạy bỏ các giới nhỏ nhặt, để các vị có phạm giới phá giới thì bảo đó là những giới nhỏ nhặt vì thế tín đồ không phê phán được. Ý đồ của các Tổ là dẹp bỏ giới luật của Phật, nhưng không dẹp được nên phải tổ chức theo kiểu vết dầu loang để lần lượt phá sạch giới luật của Phật. Bằng chứng hiện giờ các con đi tìm một vị tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh là khó thấy.

Giới luật Phật giúp cho con người sống có đạo đức, thì còn có giới nào nhỏ nhặt không hợp thời? Giới luật là Thánh hạnh thì còn có giới luật nào mà lại bỏ được?

Trong khi đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của mình: “Này các tỳ kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”. Trong đoạn kinh này cho chúng ta thấy người tu sĩ lấy giới luật làm sự sống của mình, nhất là câu; “thấy sự nguy hiểm trong các giới( lỗi) nhỏ nhặt”. Vậy giới nhỏ nhặt nào phải bỏ và giới nhỏ nhặt nào nguy hiểm trong đời sống tu hành.

Ở đây đức Phật có mâu thuẫn trong những lời dạy của mình chăng?

Đúng là các Tổ thêm vào để đánh lạc hướng: “Này Ananda, nếu chúng tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”.

Giới luật giúp cho tâm chúng ta ly dục ly ác pháp, nhờ giới luật tâm không phóng dật, tâm không phóng dật tức là thiền định chứ không phải thiền định theo kiểu ngồi không vọng tưởng

Giới luật giúp ta nhập các định và thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn, như vậy thì có giới luật nào nhỏ nhặt mà bỏ được.

Thời nay người ta tu thiền và Tịnh độ mà giới luật thì dẹp qua một bên, vì thế tu từ đời này sang đời khác mà chẳng ra gì, chỉ có hình thức tu chứ có giải thoát được gì đâu. Các Tổ còn dựng lên câu chuyện Ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na tranh chấp về việc bỏ các giới nhỏ nhặt để hạ bệ các vị đại đệ tử A La Hán của đức Phật rằng chứng quả A La Hán vẫn chưa có giải thoát, vì tư tưởng bất đồng, đó là một mưu đồ diệt Phật giáo sâu sắc nhất của các giáo sĩ  Bà La Môn.

Câu chuyện xảy ra sau khi đám tang đức Phật xong, ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na bất đồng ý kiến về việc bỏ những giới nhỏ nhặt, ông Ca Diếp nhất định không bỏ giới nhỏ nhặt nào cả vì ông A Nan không hỏi Phật kỹ giới nào bỏ giới nào lấy.

Ông Phú Lâu Na chấp nhận bỏ tất cả các giới nhỏ nhặt, hai người tranh cãi nhau.

Câu chuyện trên đây thật là vô lý:

1/ Hai vị A La Hán này đều do Giới luật mà thành quả A La Hán (Giới luật là mẹ sinh ra các vị A La Hán).

2/ Những vị A La Hán lậu hoặc đã diệt sạch thì không có lý do bất đồng ý kiến.

3/ Các vị A La Hán đều có đầy đủ Tam Minh sao không vào Niết bàn hỏi Phật bỏ giới nào lấy giới nào.

Câu chuyện trên đã được bịa đặt để phá giới luật của Phật và để hạ bệ các vị đệ tử của Phật. Thật là một âm mưu sâu độc.

Tóm lại tất cả giới luật của Phật dù lớn hay nhỏ, dù khinh hay trọng, dù hợp thời hay không hợp thời đều không được bỏ một giới luật nào cả. Tại sao vậy?

Như ở trên đã nói giới luật là đức hạnh làm người làm Thánh, cho nên không có giới luật nhỏ nhặt lỗi thời, chỉ có những người phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới mới thấy nó lỗi thời.

Vì giới luật là người Thầy dẫn đường đưa lối cho chúng ta đi đúng lộ trình giải thoát của đạo Phật, ngoài giới luật ra không có một vị Thầy nào xứng đáng dẫn đường đưa lối cho chúng ta đến đích cứu cánh giải thoát như Phật được.

Vả lại “giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Thời đại này được xem như Phật pháp đã mất, chỉ vì các thầy tỳ kheo đã phạm giới, phá giới và bẻ vụn giới thì Phật pháp làm sao còn. Phải không quý vị?.

NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÁ GIỚI CỦA CÁC NHÀ ĐẠI THỪA

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, để lý giải cho sự thay đổi về giới, những câu chuyện như:

1- Có vị tỳ kheo đi khất thực bị xỉu vì đói, sau đó Phật cho phép tỳ kheo có thể ăn nhẹ, uống sữa buổi sáng để có sức trước khi đi khất thực.

2- Vị tỳ kheo bị cọp đuổi, vì sợ phạm giới leo cây, bị cọp giết. Sau đó Phật chế lại giới cho leo cây khi hữu sự.

3- Có một quốc độ nam ngồi tiểu bị chế nhạo là nữ, các tỳ kheo về bạch Phật và được dạy thì “đứng tiểu vậy”. Phải chăng đây là những câu chuyện bịa đặt để biện hộ cho việc thay đổi giới luật, cho hợp hoàn cảnh không gian và thời gian.....?

Đáp: Ba câu chuyện trên do các Tổ đặt ra nhằm mục đích phá giới luật, chôn vùi nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo.

1- Câu chuyện thứ nhất một vị tỳ kheo đi khất thực xỉu vì ăn cơm ngọ, do ăn cơm ngọ không đủ sức khỏe. Nếu tại tu viện chưa có ai ăn cơm ngọ thì nghe câu chuyện này ai cũng tin rằng đúng, nhưng vì ở đây ăn cơm ngọ lao tác mà vẫn thấy bình thường không có ai mệt nhọc, không có ai ngất xỉu nên mới biết câu chuyện này là câu chuyện bịa đặt ra để chạy theo ăn uống giống như người thế gian. Các Tổ vì còn tham ăn mới đặt ra câu chuyện này.

Trong kinh Nguyên Thủy dạy: “Thừa tự Pháp chứ không thừa tự thực phẩm”. Có hai vị tỳ kheo ở xa đến để gặp Phật, đến nơi thì đã quá giờ thọ trai, một vị thì nhất định không ăn, còn một vị thì ăn thừa những đồ ăn thừa còn lại, khi gặp Phật, Phật chê trách vị tỳ kheo còn tham ăn và ca ngợi tán thán vị tỳ kheo giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, chính nhờ giữ gìn giới luật nghiêm túc mà vị tỳ kheo này đã ly dục ly ác pháp và chứng quả A La Hán, còn vị tỳ kheo kia còn tham ăn, tu hành không ly dục ly ác pháp nên sự tu hành không biết bao giờ mới xong.

Vả lại giới không ăn phi thời là một Thánh hạnh của một bậc Thánh tăng, người ăn uống phi thời mà muốn làm Thánh tăng sao được. Thấy cách sống mà biết Thánh hay phàm.

Bởi giới luật của Phật là đạo đức làm người, làm Thánh. Ai sống đúng giới luật của Phật là Thánh, là Hiền.

Vì tâm còn phàm phu tục tử tham ăn đặt điều ra nói Phật dạy bỏ những giới nhỏ nhặt không hợp thời để chạy theo dục lạc thế gian, những vị Tổ này không đáng cho ta đầu đội vai mang.

2- Câu chuyện thứ hai vị tỳ kheo bị cọp đuổi trèo lên cây để phá giới Phật cấm tỳ kheo không được trèo cây. Giới luật này chúng ta phải hiểu, đức Phật cấm trèo cây tức là dùng tay chân ôm cây trèo lên giống như một con thú (loài khỉ vượn) Giới luật Phật muốn dạy con người thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú vì thế mới cấm đệ tử của mình trèo cây không riêng cho tu sĩ mà ngay cả cư sĩ vì 100 giới chúng học là 100 giới đức làm người. Vì thế, một con người không thể là một con thú vật được. Theo như đức Phật dạy những giới luật này để tránh hành động vô tình biến mình thành loài thú vật.

Muốn trèo cây hoặc lên từng gác, lầu đều phải dùng thang, ghế để biến hành động trèo cây lên lầu xuống lầu mà không phạm giới, không trở thành loài thú vật.

Muốn hái trái xoài, trái mít thì đừng ôm cây trèo lên, mà hãy bắc ghế, thang:

1-                Thứ nhất là không nguy hiểm.

2-                Thứ hai là trèo cây mà không giống như loài thú vật.

Giới này chế ra có hai mục đích giáo dục đạo đức làm người, khiến cho người ta không xảy ra tai nạn vì tai nạn xảy ra sẽ làm khổ mình khổ người và thoát ra khỏi hành động còn mang bản chất của loài thú vật.

Các Tổ không hiểu những giới luật này là đức hạnh làm người để thoát ra bản chất của loài động vật, các Ngài cho nó là những giới nhỏ nhặt, xem thường nên đặt ra câu chuyện cọp đuổi bắt vị tỳ kheo túng thế phải trèo cây và nhờ đó đức Phật chế lại cho phép tỳ kheo trèo cây. Câu chuyện này hết sức vô lý, vì giới luật là đức hạnh làm người, làm Thánh thì có giới nào là nhỏ nhặt. Giới luật nào cũng đáng cho chúng ta phải học và sống đúng để không làm khổ mình, khổ người; để ly dục ly ác pháp; để tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự; để nhập thiền định; để làm chủ sự sống chết và luân hồi. Giới luật là vô giá như vậy, thế mà các Tổ không hiểu nên lúc nào cũng muốn tìm cách bỏ ra để được tự do phóng dật theo dục lạc thế gian. Thật đáng thương thay!

Tóm lại những câu chuyện trên đây là một sự bịa đặt ra của các Tổ, ngõ hầu để diệt nền đạo đức nhân bản của Phật giáo.

3- Câu chuyện thứ ba, có một quốc độ nam ngồi tiểu bị chế nhạo là nữ nên Phật chế giới lại cho đứng tiểu.

Đặt ra câu chuyện này thứ nhất là các Tổ không hiểu Giới luật là đức hạnh làm người làm Thánh, giới luật là thiện pháp để diệt ác pháp, chuyển quả khổ thành phước báo an vui, giới luật là thiền định để có đủ năng lực làm chủ được sự sống chết và luân hồi.

Thứ hai là các Tổ xem thường đức Phật như một người tầm thường, chế giới luật mà cứ sửa đi sửa lại như vậy làm sao gọi Phật được? Phật là người có trí tuệ thì không thể nào chế giới luật giống như người thế gian, đặt ra pháp luật mà cứ sửa tới sửa lui mãi.

Thật là vô lý hết sức một người làm Giáo chủ của đạo Phật. Đạo Phật là đạo trí tuệ thì vị Giáo chủ phải đầy đủ trí tuệ, cớ sao các Tổ đặt ra những câu chuyện như vậy để hại đức Phật biến đức Phật trở thành người vô minh, không trí tuệ và các người Tổ là người minh, người sáng suốt biết bỏ những giới luật nhỏ nhặt không hợp thời để biến đạo Phật hợp thời đại.

Bởi các Tổ muốn cho đạo Phật hợp thời đại, vì thế đạo Phật bị thế tục hóa do đó người tu sĩ Phật giáo tu mãi thành người giàu có, thành người có quyền uy thế lực.

Muốn cho hợp thời vì thế tu sĩ đều phạm giới, phá giới, con đường chân chánh tu tập của Phật giáo đã trở thành con đường tà giáo ngoại đạo, giới luật đã được ném ra khỏi cổng chùa, người tu sĩ chỉ còn danh và lợi, sự giải thoát khó mà tìm thấy được ở đời này.

TƯỞNG ÁNH SÁNG

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, thế nào là dùng tưởng ánh sáng để đối trị hôn trầm thùy miên?

Đáp:Tưởng là một năng lực siêu hình có một sức mạnh vĩ đại, nhưng tưởng thì phải tưởng đúng sự thật là có lợi ích rất lớn, tưởng không đúng sự thật sẽ là một tai hại cho mình cho người.

Ví dụ: Ánh sáng là có thật nên tưởng ánh sáng là tưởng thật. Linh hồn là không thật có nên tưởng linh hồn là tưởng không thật. Thân người khi chết để lâu ngày sẽ sình hôi thối là thật có nhưng hiện giờ không có thân người chết sình hôi thối, nhưng ngồi quán tưởng thân người sình hôi thối là tưởng thật.

Cho nên quán tưởng ánh sáng để phá hôn trầm thùy miên là quán tưởng đúng thật. Đợi có hôn trầm thùy miên mà quán tưởng ánh sáng thì quá muộn.

Như chúng ta ai cũng biết tướng trạng của si là hôn trầm thùy miên, nếu không phá được hôn trầm thùy miên thì không bao giờ có tỉnh giác mà không tỉnh giác thì không bao giờ có chánh niệm. Chúng ta hãy đọc lại đoạn kinh Tăng Chi tập 4 trang 44 : “Khi chánh niệm tỉnh giác không có, này các tỳ kheo, với người không có chánh niệm, tỉnh giác thì tàm quý đi đến hủy diệt. Khi tàm quý không có, này các tỳ kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến hủy diệt, Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với người thiếu tri kiến như thật không có, nhàm chán ly tham đi đến hủy diệt. Khi nhàm chán ly tham không có, với người thiếu nhàm chán ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.... Này các tỳ kheo, khi chánh niệm tỉnh giác có mặt, với người đầy đủ chánh niệm tỉnh giác.....giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ”.

Đọc trong đoạn kinh này chúng ta thấy sự phá hôn trầm thùy miên là một điều quan trọng hết sức trong vấn đề tu tập để đi đến giải thoát của đạo Phật.

Không phải đợi có hôn trầm, thùy miên mới dùng quán tưởng ánh sáng. Chúng ta nên biết rằng trong ta đang có sẵn các tướng tham, sân, si, nếu hằng ngày không dùng quán tưởng ánh sáng mà tu tập khi thùy miên hôn trầm đến thì không thể nào đương đầu với chúng nổi.

Pháp quán tưởng ánh sáng là pháp phòng ngừa, pháp thủ chứ không phải pháp công phá, cho nên nó không thể dùng công phá thùy miên, hôn trầm được .

Xưa đức Phật dạy công phá hôn trầm thùy miên bằng cách đi kinh hành, ngày nay Thầy dạy phá hôn trầm thùy miên bằng cách kết hợp đi kinh hành và ngồi thở năm hơi rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước. Cứ tu tập như vậy sẽ đẩy lui hôn trầm thùy miên .

THIẾU KINH NGHIỆM TU HÀNH THÌ KHÔNG HIỂU NGHĨA KINH

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, hiện có nhiều học giả nên cũng có nhiều sự giải thích khác nhau, đôi khi trái ngược, về các khái niệm:

1- Về ba uẩn: Tưởng, hành và thức, kính mong Thầy giải thích và cho ví dụ để con hiểu rõ hơn.

2- Tại sao trong kinh “Đáng Được Ăn” Tương Ưng III, trang 161 dạy:

 Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc.

Thứcchỉ là sự rõ biết các vị chua đắng ngọt cay...?

3- Thế nào là Tầm? Thế nào là Tứ? Xin Thầy cho ví dụ.

Đáp:Trong Thân ngũ uẩn có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Trong câu hỏi của con chỉ hỏi tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, mà không có hỏi sắc uẩn và thọ uẩn.

Người ta không nhận ra trong thân ngũ uẩn có ba cái thức làm việc, ba cái thức đó có tên là:

1/ Sắc thức, gồm có sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, hoạt động và cảm nhận tức là hành uẩn và thọ uẩn, lúc con người đang tỉnh thức và làm việc qua sắc uẩn.

2/ Tưởng thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua tưởng uẩn trong giấc ngủ (chiêm bao).

3/ Thức thức hay còn gọi là tâm thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua thức uẩn. Muốn cho tâm thức hoạt động và cảm nhận thì phải nhập xong bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, trong khi nhập xong Tứ Thiền thì sắc thức và tưởng thức đã ngưng nghỉ nhường chỗ cho tâm thức hoạt động, vì thế lúc bấy giờ Tam Minh chúng ta mới thực hiện được. Nếu sắc thức và tưởng thức chưa ngưng nghỉ thì tâm thức không bao giờ hoạt động được và vì vậy sự tu hành của ngoại đạo chưa bao giờ thực hiện được Tam minh.

Còn hành uẩn và thọ uẩn là những sự hoạt động và cảm nhận của ba thức này mà thôi.

Trên đây là nhiệm vụ của năm uẩn hoạt động trong thân ngũ uẩn, tức là sự hoạt động của một con người có tu tập theo đường lối của đạo Phật nhập bốn thiền và thực hiện Tam Minh.

Còn người chưa tu tập bốn thiền và Tam Minh thì tâm thức của họ đang nghỉ ngơi chưa hoạt động.

TẦM TỨ

Câu hỏi của Nhật Lý

Đọc trong Kinh Song Tầm đức Phật đã xác định nghĩa của Tầm là sự suy tư (tầm thiện và tầm ác tức là suy tư thiện và ác).

Đọc trong Kinh An Trú Tầm, Đức Phật đã xác định nghĩa của Tứ là sự tác ý (tác ý một tướng khác của một tướng kia).

NHỚ ĐẾN LÀ TƯỞNG THỨC

Câu hỏi của Nhật Lý

Đọc lại bài Kinh Đáng Được Ăn: “Này các Tỳ kheo, những Sa Môn hay Bà la môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uần hay nhớ đến một trong những thủ uẩn”. Như vậy bài kinh này đức Phật đã dạy chúng ta về quán tưởng để tu tập năm thủ uẩn để thấy rõ năm thủ uẩn vô thường, khổ, vô ngã mà không tham đắm và không dính mắc.

Ở đây con hỏi: Tưởng biết rõ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...và thức rõ biết vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng v.v...như vậy có đúng không?

Như đoạn kinh trên Thầy đã trích ra để xác minh đức Phật dạy chúng ta đang quán tưởng, nghĩa là chúng ta đang dùng tưởng thức để tư duy.

Nếu có một vật trước mắt dùng để quan sát thì đó là ý thức quan sát, còn ở đây đức Phật dạy nhớ lại quá khứ, vậy nhớ lại quá khứ một sắc tướng, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, cảm giác lạc, khổ, bất lạc, bất khổ v.v..... đó không phải là tưởng thức quán sát sao? Tưởng thức quán sát câu hữu với nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.

Bởi mầu sắc chúng ta nhận được xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam v.v...đều do tưởng của chúng ta đặt ra để ý thức chúng ta tiếp nhận xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam v.v...

Ví dụ: mầu đỏ là do tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ rối từ đó ý thức chúng ta nhận thấy màu đỏ, nếu trước kia tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ là mầu xanh thì bấy giờ ý thức của chúng ta cũng cho nó màu xanh. Do đó đức Phật dạy: Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc”.Đúng vậy chỉ có tưởng mới nhận ra mầu sắc. Hôm nay tất cả những mầu sắc đều do tưởng nhận rõ các mầu sắc.

 “Và này các tỳ kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết bằng tưởng câu hữu với vị thức đắng, cay, ngọt, mặn v.v.........”.

Bởi, bài kinh này đức Phật dạy quán về thân ngũ uẩn ở quá khứ, chứ không phải quán thân ngũ uẩn ở hiện tại nên phải dùng tưởng câu hữu với lục thức thì mới đúng nghĩa của bài kinh. Ở đây do dịch giả dịch không đúng nghĩa vì dịch giả không phải là hành giả hoặc về sau những nhà học giả kết tập kinh sách thiếu kinh nghiệm tu hành nên dùng chữ không chính xác. Khiến cho người đời sau đọc khó hiểu, chỉ có những bậc có kinh nghiệm trên đường tu tập mới xác định được nghĩa lý này.

Cho nên mầu sắc do tưởng nhận ra đức Phật đã xác định rất đúng và thức nhận biết ra mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, chua chát, mặn, lạt v.v... thì không còn chỗ nào là sai cả.

CHÚ TÂM

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, trước đây nhờ chú niệm khá liên tục nên:

1- Khi theo dõi hơi thở, con thường thấy nhỏ, nhẹ ngắn dần, có lúc dường như mất hẳn.

2-Khi kinh hành thấy rõ sự “nặng nhẹ” của bước chân. Các thiền sư Nam Tông khuyên cứ tiếp tục chú tâm hơn nữa vào hơi thở và bước chân, vì “hơi thở vi tế là tâm vi tế”. Nhưng vì sợ đó là kết quả của sự ức chế tâm nên con không tiếp tục hành trì mà chỉ chú ý xả tâm bằng pháp “Tứ Chánh Cần” theo Thầy chỉ dạy. Tuy vậy hiện nay sự theo dõi, trụ tâm vào hơi thở và bước đi của con không liên tục như trước nữa, Như vậy có phải niệm căn và tấn căn của con không được phát triển đồng đều?

Đáp:Trước khi con chưa biết pháp tu hành xả tâm nên theo phương pháp tu hành ức chế tâm, vì pháp ức chế tâm dễ tu tập hơn pháp xả tâm, tại sao vậy? Tại vì chỉ tu tập có một đối tượng duy nhất để cột tâm vào đó ví dụ: như hơi thở hoặc đi kinh hành, nhờ đối tượng đó mà tâm bị ức chế nên vọng tưởng không sanh từ đó con cảm giác hơi thở bắt đầu nhỏ nhẹ và đôi khi không còn cảm thấy hơi thở ra vô nữa, đó là một trạng thái của xúc tưởng xuất hiện mà con tưởng đó là niệm căn được liên tục và tấn căn được tinh cần, nếu trên đà này tiến tu thì con sẽ không khỏi giống như các sư Nam Tông ôm các định tướng tưởng mà chẳng giải quyết được sanh, già, bệnh, chết, chỉ tu để có tu mà thôi, chứ con đường phía trước còn mờ mịt, vì các sư Nam Tông đã tu tập qua rồi những trạng thái này mà chẳng thấy làm chủ tâm tham, sân, si, được rõ ràng các sư còn tham ăn thích ngủ tức là ăn uống phi thời và còn tham danh, đắm lợi, tiền bạc xe cộ, chùa to Phật lớn, không sống được trong từ tâm còn ăn thịt chúng sanh, cơ thể mập khỏe chứng tỏ các sư còn có nhiều tâm dục.

Nếu con không ở trên Tứ Niệm Xứ tu tập xả tâm, đẩy lui các chướng ngại trên thân, thọ, tâm, pháp để khắc phục tham ưu   trên đó thì dù con có tu niệm căn, có liên tục tu tập tấn căn, dù con có tinh cần một triệu năm thì nó cũng không giải quyết được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, vì lối tu tập này đã đi sai hướng  giải thoát rồi.

Pháp xả tâm chỉ có trên Tứ niệm Xứ thỉnh thoảng tu tập định, thỉnh thoảng tu tập quán và thỉnh thoảng tu tập xả, đừng nên chuyên ròng một thứ nào cả, như trong kinh đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thì có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chân chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bẻ vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc”.

Các sư Nam Tông chuyên ròng tu tập định, vì thế các Sư bị ức chế tâm, nên sự tu hành của các sư chẳng đi đến đâu cả.

Do lời Phật dạy trên đây chúng ta nên khéo léo và thiện xảo tu tập trong ba tướng này.

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, trước đây con có hành trì pháp môn NIỆM PHẬT nhưng khi biết đó là pháp ức chế tâm, con đã từ bỏ. Tuy nhiên con vẫn còn có một số thắc mắc về pháp môn này:

1- Trong kinh Thập Thượng (Trường Bộ II, trang 663) Ngài Sariputa có dạy: Sáu pháp cần phải tu tập trong đó có pháp thường niệm Phật (tùy niệm Phật).

2- Trong các kinh Tăng Chi- phần 1 pháp, phần 3 pháp v.v... đã ghi rõ niệm Phật đưa đến “nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn”. Vị Thánh đệ tử niệm Phật được “tịnh tín, hân hoan, đoạn tận phiền não”. Vậy pháp môn Niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy với pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông khác nhau như thế nào?

3- Một vị Thượng Tọa ở Học Viện Phật Học TP HCM có giảng: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn, khi chết được vãng sanh cực lạc Tây Phương, là vị A Na Hàm hay Trung Gian Bát Niết Bàn. Vì thế ở cảnh giới này vị ấy tu tiếp Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo để thể nhập Niết Bàn”.

4- Một vị Thượng Tọa viết trong Thanh quy “Niệm Phật là chánh niệm” ?

Kính thưa Thầy các luận giải này đúng sai như thế nào?

Đáp:Pháp môn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy và pháp môn niệm Phật trong kinh Tịnh Độ không giống nhau, vì pháp môn Tịnh Độ ức chế tâm (dùng câu niệm Phật tập trung tâm không loạn tưởng để được nhất tâm) ngược lại phápmôn niệm Phật trong kinh Nguyên Thủy là tâm tâm niệm niệm qua hạnh sống của đức Phật để tâm ly dục ly ác pháp, chứ không có niệm danh hiệu Phật như trong kinh Tịnh Độ.

Kinh Nguyên Thủy dạy: không những niệm Phật mà còn niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới. Thầy đã giảng trong kinh Tứ Bất Hoại Tịnh, vậy các con hãy đọc lại sẽ rõ nghĩa và cách thức tu tập.

Một vị Thượng Tọa ở Phật Học Viện TP HCM dạy: “Người niệm Phật được nhất tâm bất loạn khi chết được vãng sanh về cực lạc Tây phương”. Vị thượng tọa này chỉ giảng theo trong kinh Tịnh độ, chứ riêng bản thân vị thượng tọa cũng chẳng biết có được vãng sanh hay không?

Theo thiển nghĩ của Thầy, một nước Cực Lạc ở Tây phương là một nước thanh bình và rất vui, người dân ở đó tính tình phải hiền hậu không còn tham, sân, si, trái lại người thế gian niệm Phật được nhất tâm mà tính tình hung ác vẫn còn tâm tham, sân, si ngút ngàn, nếu được Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc thì nước Cực Lạc có còn Cực Lạc và thanh bình nữa không?

Các con cứ suy ngẫm, đừng để mình bị lừa đảo, đừng sống trong tưởng các con ạ! Phải sống trong thực tế, đừng mơ mộng ảo huyền, toàn thứ bánh vẽ, thật sự không ích lợi gì cho kiếp sống hiện tại của con người các con ạ!

Người giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, tâm thường ly dục ly ác pháp thì mới được nhập lưu (vào dòng Thánh), nghĩa là tâm người đó lìa được tâm tham, sân, si chứ chưa có đoạn được, nếu tâm được như vậy mới được dự vào dòng Thánh còn không được vậy mà gọi là đắc quả  A Na Hàm thì không đúng. Pháp môn tu tập ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà chứng quả A Na Hàm thì thật là sống trong mơ, trong mộng.

Niệm Phật là Chánh niệm là một điều sai, niệm Phật chỉ mới tập tỉnh giác trong câu niệm Phật.

Tại sao quý vị lại không phân biệt được chánh niệm và tỉnh giác.

Chánh niệm là niệm thiện, còn tà niệm là niệm ác. Mười điều thiện là chánh niệm, mười điều ác là tà niệm.

Tỉnh giác là tỉnh thức, nhờ có thân hành niệm tâm tỉnh giác nơi hành động nội và ngoại của thân.

Tâm chú ý hành động niệm câu danh hiệu Phật là tâm tu tỉnh thức chứ chưa có chánh niệm, vì câu niệm Phật chẳng thiện chẳng ác thì không thể được gọi là chánh niệm vì chánh niệm của nó phải có đối tượng là tà niệm.

Ở đây chữ nghĩa còn hiểu sai thì thực hành làm sao đúng được. Do hiểu sai Thầy Tổ của chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành chẳng đi về đâu cả, thật uổng phí một đời người, có công tu hành, giống như dã tràng xe cát biển Đông.

Các con muốn tu theo đạo Phật thì phải nghiên cứu cho rõ ràng đừng vội vàng tin, hãy cân nhắc thận trọng như đức Phật đã dạy: “ Chớ có tin.... chớ có tin ...mà hãy tin những gì có lợi ích cho mình cho người”.

TẠO CẬN TỬ NGHIỆP THIỆN LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG DỐI TRÁ

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính thưa Thầy, đối với người già, nhất là người sắp chết, pháp môn niệm Phật dễ học tập và hành trì với ba tư lương: “TÍN, HẠNH, NGUYỆN” Một pháp sư giảng: người niệm Phật lại được trợ niệm, có thể giúp cho CẬN TỬ NGHIỆP có được sanh thú tốt hơn, ví như dù con bò yếu (niệm thiện) nhưng được đứng gần cửa chuồng sẽ được ra trước (?). Vậy nếu không dùng Pháp niệm Phật thì đối với người già, người sắp chết chúng ta giúp đỡ cho họ như thế nào để có ý nghĩa tích cực nhất?

Đáp: Cái mà gọi là “CẬN TỬ NGHIỆP” đây cũng là một trò lừa đảo của Tịnh Độ Tông, một việc làm hết sức phi đạo đức, che mắt thiên hạ. Một đời làm ác, chỉ đợi giờ phút cuối cùng dùng câu niệm Phật để tạo cận tử nghiệp tốt, để được tái sanh cảnh giới thiện ( Cực Lạc), tạo cận tử nghiệp thiện như vậy có đúng không?

Trong thời đức Phật còn tại thế, có một người tên là Vô Não, tu hành theo tà pháp của ngoại đạo. Ngoại đạo dạy ông giết người cắt lóng tay xâu làm chuỗi đúng 1000 lóng tay sẽ chứng đạo. Nghe lời dạy ấy ông giết 999 người và còn người cuối cùng ông dự định giết đó là mẹ ông.

Biết được tâm niệm bất hiếu tội lỗi này đức Phật đến đó giải cứu mẹ ông và khiến ông thức tỉnh.

Từ đó ông năng nổ tu hành theo giáo pháp của đức Phật, ông thường ngăn ác và diệt ác trong tâm ông. Một hôm ông đi khất thực người ta biết được ông là người tàn ác thường hay giết người nên người ta đã không cho cơm ăn mà còn lấy đá ném và gậy gộc đánh ông u đầu chảy máu, ông nhẫn nhục chạy đi và không thù oán kẻ đánh mình, ông nghĩ quán như lời Phật dạy: “nhân quả” Do sự quán xét này ông đã cứu mình thoát khổ và chẳng bao lâu ông chứng đạo quả A La Hán.

Sự chứng đạo giải thoát này không phải nhờ ai hộ niệm cho ông mà phải chính ông năng nổ chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp với một tâm nhiệt huyết nồng nàn.

Con đường tu hành giải thoát của đạo Phật không thể có sự hộ niệm được mà phải chính bản thân của người đó tinh tấn siêng năng tu tập vì thế đức Phật dạy: “Chẳng phải tôi, cũng chẳng phải người nào khác có thể đi con đường ấy cho anh. Chính anh, anh phải đi cho anh”.

Như vậy rõ ràng khi còn sống mạnh khỏe không tu tập đến khi chết còn gì tu tập cho kịp nữa. Suốt một đời tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp hết sức năng nổ còn sợ chưa làm xong, huống là sắp chết đến nơi rồi thì hộ niệm còn sức đâu đủ bình tĩnh, còn sức đâu đủ gan dạ chịu đựng những cơn nghiệp khổ đau tận cùng lúc sắp lâm chung như ai xé ruột xé gan. Hộ niệm chỉ là một hình thức suông mà các nhà phát triển tưởng giải ra để lừa đảo mọi người làm sai lệch ý nghĩa tự lực của đạo Phật.

Một đời làm ác chỉ một phút giây tỉnh giác quay đầu trở lại là giải thoát “Tu nhất kiếp ngộ nhất thời”. Lời này dạy không đúng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày tu tập hết sức mới chứng được đạo quả.

Hiểu biết Phật pháp cho đúng nghĩa cũng không phải dễ huống là tu tập còn khó gấp trăm ngàn lần, vì phải trải qua một thời gian dài sống và tu tập uốn nắn tâm mình cho đến khi thuần thục đâu phải là một việc dễ làm, một sớm một chiều làm xong được.

Bởi vậy chúng ta tu tập thì hãy tu tập cho đúng lời dạy của đức Phật chứ đừng nghe theo những lời dạy của các Tổ, do đó đức Phật cảnh giác chúng ta: “Đừng tin Thầy Tổ....đừng tin kinh sách v.v...và đừng tin v.v.......”.

Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy hộ niệm, chỉ dạy cho người còn đang sống mạnh khỏe, còn người đau bệnh đức Phật đã xác định: “người có bệnh tu tập rất khó”. Đó là một điều khó tu trong năm điều khó. Trong kinh Bồ Đề Vương Tử thuộc kinh Trung Bộ: “Có năm điều khó tu tập:

1-    Không có lòng tin

2-    Bệnh tật.

3-    Gian trá, không thật

4-    Không tinh tấn bỏ các ác pháp.

5-    Không có trí tuệ về sự sanh diệt.”

Trong đời sống hằng ngày, nếu muốn  tu theo đạo Phật, có năm điều khó này khiến không tinh cần còn không giải thoát huống là giờ phút sắp chết, còn gì nữa đâu hộ niệm.

Hộ niệm là một sự cầu tha lực, ngược lại con đường tu hành của đạo Phật là phải tự lực, hộ niệm là một phương pháp tạo cận tử nghiệp thiện, đó là một sự dối trá. Dối trá là một điều vi phạm trong năm điều khó tu của đạo Phật.

Tóm lại, muốn hộ niệm cho người sắp chết, tốt nhất khi họ còn mạnh khỏe khuyên họ nên sống trong thiện pháp, nhờ sống trong thiện pháp, huân thành nghiệp thiện đến khi chết nghiệp thiện tiếp tục tái sanh được sanh vào cõi thiện, đó là một việc làm chắc chắn còn hộ niệm bất cứ một việc làm gì đều là giả dối cả.

Hộ niệm mang bản chất giả dối, chúng ta là những người tu theo đạo Phật không bao giờ chấp nhận sự giả dối đó. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận bố thí pháp để giúp cho mọi người biết chánh pháp, biết đạo đức làm người để họ sống đúng một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người.

Sống không làm khổ mình khổ người thì hạnh phúc biết bao! Đến khi chết bất cứ sanh vào cõi nào chúng ta cũng đều không làm khổ mình khổ người, thì nơi đó là Thiên đàng, Cực lạc. Vì vậy chúng ta không cầu vãng sanh, không cần hộ niệm chúng ta vẫn được giải thoát. Con nên suy ngẫm lời Thầy dạy có đúng thì tin bằng không đúng thì đừng tin.

VONG LINH

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, Kinh Tăng Chi, phẩm “Nghiệp Các Công Đức” trang 680, Phật dạy cho Ngài Cấp Cô Độc: “Vị Thánh đệ tử với tài sản... thu hoạch đúng pháp...tổ chức năm loại lễ hiến cúng...hiến cúng cho các vong linh quá khứ...” để đạt được đi đến hưởng thọ đúng phương xứ. Con phải hiểu và hành theo ý kinh này như thế nào cho đúng?

Đáp:Con có đọc bài kinh Pháp Môn Căn Bản chưa? Ba mươi ba cõi trời là ba mươi ba cõi tưởng.

Con có đọc bài kinh Thập Nhị Nhân Duyên chưa? Khi mười hai duyên tan rã thì không còn một duyên nào cả. Vậy thì linh hồn ở chỗ nào mà có?

Ở đoạn kinh này con phải hiểu nghĩa cho chính xác:

1/ Nghĩa thứ nhất của nó sai là do người biên soạn viết ra hoặc người dịch không hiểu ý Phật nên dịch là vong linh.

2/ Nghĩa thứ hai là kinh sách Phật không bao giờ dạy có mâu thuẫn nhau.

3/ Nghĩa thứ ba trong bài kinh Tăng Chi Phật dạy đạo đức làm người, nên phải dành ra một số tiền đã thu hoạch được để sửa sang mồ mả và nơi thờ tự để tưởng nhớ công ơn Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ, đó là lời dạy của Phật về đạo đức làm người tỏ lòng biết ơn của những người quá cố.

Đừng có hiểu theo nghĩa của ngoại đạo “vong linh” mà phải hiểu theo nghĩa nhân quả “Cây có cội nước có nguồn” mới đúng nghĩa đạo đức làm người.

Vì thế thờ cúng Tổ Tiên không có nghĩa là thờ cúng những vong linh người chết.

KHÁI NIỆM VỀ GIỚI

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, thế nào là giới cấm, giới kinh, giới hành, giới hạnh, giới đức....? Còn những khái niệm nào về giới của đạo Phật mà chúng con cần phải biết thêm?

Đáp:Giới cấm tức là pháp luật, là thanh qui, là nội qui, là những điều lệ mà tu sĩ không được vi phạm.

Giới kinh là những lời dạy của đức Phật được kết tập thành kinh sách dạy về các pháp thiện, người tu sĩ cần phải học và tu tập hằng ngày không được biếng trễ.

Giới hành là những pháp môn tu tập rèn luyện thân tâm để thân tâm được thuần hóa trong thiện pháp như: Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác v.v.......

Giới hạnh là những hành động thân, miệng, ý được rèn luyện, được tu tập không còn làm khổ mình khổ người.

Giới đức là những đạo đức làm người làm Thánh được học tập và được áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Ngoài những giới trên đây đạo Phật còn có nhiều giới như: giới bổn, giới luật, giới bất tử, ngũ giới, lục giới, bát giới, thập giới v.v.........

Nói giới luật tức là nói đến đạo đức, nói đạo đức là nói đến những hành động vượt thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú; nói đạo đức là nói đến những hành động cao thượng đẹp đẽ tuyệt vời của con người đối xử nhau trong cuộc sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả muôn loài vạn vật trên hành tinh này.

NĂM GIỚI LÀ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC SINH LÀM NGƯỜI

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị giảng sư nói: “Chỉ cần giữ gìn năm giới thì kiếp sau được làm người, 10 giới được làm thân chư thiên? Đúng hay sai, xin Thầy giảng cho chúng con được rõ.

Đáp: Đó là một tiêu chuẩn làm người, đức Phật đã xác định rất rõ ràng, vì thế khi quy y Tam Bảo thọ năm giới, người cư sĩ cần phải sống đúng năm giới, nhưng mấy ai đã giữ gìn năm giới trọn vẹn, một tiêu chuẩn có năm điểm để được đậu làm thân người, nhưng nhìn những người xung quanh ta, tuy đã thọ năm giới nhưng mấy ai đã giữ được trọn vẹn, mặc dù có người đã thọ năm giới rất lâu có thể từ năm năm hay mười năm. Thế mà giờ này còn có người vi phạm.

Trong năm giới này gồm có :

1-                Sát sanh.

2-                Trộm cắp.

3-                Tà dâm.

4-                Vọng ngữ.

5-                Uống rượu

Trong năm giới này giới trộm cắp, tà dâm và uống rượu là dễ giữ gìn, còn giới sát sanh và giới vọng ngữ là khó giữ, nói khó không có nghĩa là giữ không được.

Người tu sĩ hiện nay năm giới này còn giữ không trọn huống là người cư sĩ. Bởi vậy “được thân người khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển Đông”. Nói khó được thân người tức là nói giữ gìn năm giới rất khó.

Khi mất thân rồi phải trải qua vô lượng kiếp mới làm được người, thế mà mọi người có thân chẳng mấy ai quý trọng. Mỗi phút thời gian trôi qua làm sao chúng ta cứu được thân. Nhờ có thân tu tập mới mong giải thoát luân hồi sanh tử, không có thân lấy gì tu tập giải thoát được. Phải không quý vị?

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,

Tấc vàng tìm được không gì khó,

Tấc bóng thời gian khó hỏi han”

Năm giới này là năm hành động đạo đức làm người.

1- Giới thứ nhất không sát sanh, giới này xác định quý vị có được thân người hay không? Nếu quý vị phạm giới này thì không bao giờ quý vị được làm thân người nữa.

2- Giới này dạy: không vì sự sống của ta, mà ta nỡ sống trên sự giết hại và làm đau khổ của muôn loài vật khác, trong sự đau khổ đó có con người. Giới này là một hành động đạo đức hiếu sinh, chỉ có con người mới thực hiện lòng thương yêu ấy; chỉ có con người mới tu tập rèn luyện đạo đức này. Còn tất cả loài thú vật trên hành tinh này không thể hiểu biết và tu tập rèn luyện đạo đức này được. Con người nhờ có tri kiến hiểu biết thiện và ác, còn con thú thì không phân biệt được thiện ác. Do biết phân biệt nên đức Phật mới dạy cho con người sống đạo đức hiếu sinh, vì có thương chúng sanh mới có thương mình, có thương mình không nên làm khổ chúng sanh, làm khổ chúng sanh tức là làm khổ mình, tại sao vậy? Vì luật nhân quả, khi làm khổ chúng sanh tức là huân sự khổ đau vào mình. Cho nên người nào ăn thịt và giết hại chúng sanh thì người ấy đã huân sự bệnh tật, tai nạn vào mình và những người thân của mình.

‘Tích thiện gieo nhân ta thắp sáng bầu trời.

Đem lợi ích cho muôn loài là niềm vui hạnh phúc.”

Giới thứ nhất của Phật dạy chúng ta biết tạo nhân quả không sát hại và ăn thịt chúng sanh để không vay nợ xương máu và thân mạng chúng sanh, nhờ đó mới được thân người, nếu giết hại và ăn thịt chúng sanh là phải trả nợ máu xương và thân mạng tức là phải làm thân chúng sanh để cho người khác giết hại và ăn thịt lại.

Điểm cao nhất của giới này là để được làm thân người, đó là đạo đức làm người thứ nhất của người cư sĩ.

Đạo đức này đã không giết hại và ăn thịt chúng sanh mà còn thương yêu tất cả chúng sanh như con mình. Muốn được làm thân người thì quý vị phải nhớ kỹ lời dạy này; phải nhớ kỹ giữ gìn đạo đức này, đạo đức hiếu sinh, đạo đức này chỉ có con người mới có, nếu không giữ gìn được đạo đức này thì chớ mong có được thân người ở kiếp mai sau. Do đức hạnh này mà đức Phật dạy: “thân người khó được”.

Chỉ trong giới này cũng đủ xác định kiếp sau của quý vị còn có được thân người hay không? Nếu quý vị giết hại và ăn thịt chúng sanh thì chắc chắn kiếp sau quý vị không được làm thân người. Luật nhân quả rất công bằng, vì thế kiếp sau quý vị phải làm thân chúng sanh để trả vay nợ máu xương như chúng tôi đã nói ở trên thì quý vị làm sao có thân người được.

Còn bốn giới kia để xác định đời sống của quý vị khi có thân người được hạnh phúc sang giàu hay khổ đau nghèo cùng, có tình nghĩa hay bạc tình, có thông minh hay u tối như:

Giới thứ hai là giới cấm trộm cướp, giới này xác định làm được thân người có giàu sang hay nghèo khổ đói rét, nếu kiếp này quý vị tham lam trộm cắp của người. Của cải trộm cắp ấy không những trong kiếp này, của cải tài sản của quý vị như để ngoài sân, nó sẽ bị tiêu tan dễ dàng như: lửa cháy, nước trôi, Nhà nước sung công, con cái trong nhà phá tán v.v… Trong kiếp này và kiếp sau quý vị trở thành người nghèo cùng khốn khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo khổ đến mức không có nhà ở, phải ở hè phố ngủ đường ngủ bụi v.v... đó là luật nhân quả rất công bằng xử phạt kẻ tham lam trộm cắp cướp giật của người khác.

Nhìn qua giới luật này, xét thấy trong cuộc sống của quý vị thì biết ngay quý vị nghèo khổ hay là giàu sang đều do nhân lấy của không cho (tham lam trộm cắp) hay bố thí.

Giới thứ ba là giới Tà dâm, giới này xác định được quý bạn là người có đạo nghĩa hay không đạo nghĩa. Đức Phật dạy giới này là cấm dâm dục không chân chánh, dâm dục chân chánh là tình nghĩa đạo lý con người, còn dâm dục không chân chánh, nay lấy người này, mai ở với người khác chẳng khác nào là một con thú vật không đạo nghĩa, không chung thủy.

Giới luật này chỉ rõ đạo nghĩa làm người. Làm người phải có tình, có nghĩa, có lòng chung thủy thương yêu nhau mới gọi là con người. Vì hạnh phúc của chúng ta và mọi người thì chúng ta đâu có quyền làm khổ mình, khổ người bằng cách lang chạ như loài thú vật.

Con người khác hơn con thú ở giới luật này, nếu con người không giữ gìn giới luật này thì kiếp sau khó làm người, hiện tại họ là một con người nhưng tâm tánh họ có khác gì con thú, sống không tình, không nghĩa, sống không có lòng trung trinh tiết hạnh, sống không chung thủy với nhau.

Giới luật này xác định được tình nghĩa đạo đức cao đẹp của con người với con người, nếu không có giới luật này thì đạo đức tình nghĩa của con người không có, và như vậy con người chỉ là một con thú vật mà thôi.

Giới thứ tư là giới vọng ngữ, tức là giới cấm nói dối, giới cấm không nói thất hứa, thất hẹn v.v....giới luật này xác định được uy tín của con người trong cuộc sống đối với những người khác, giới luật này nói lên sự uy tín của con người đối với con người trong xã hội như trên đã nói, người ở đời ai phạm vào giới luật là tự làm mất uy tín. Con người phải có uy tín, con người không uy tín là không xứng đáng làm người.

Một con thú vật mang đầy đủ tánh hung ác giết hại lẫn nhau, cướp giật ngang tàng, sống lang chạ không chung thủy, nhưng rất thành thật không dối trá.

Giới luật này nếu con người phạm vào thì còn thua loài thú vật thì làm sao xứng đáng làm người được.

Người nói láo, thất hứa, thất hẹn là những người xã hội không ai dám gần. Giới không nói dối là một giới luật rất khó giữ gìn, làm người chúng ta thường hay phạm vào giới này, vì thế chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác khi nói chuyện bất cứ người nào.

Giới thứ năm là giới uống rượu, Kẻ say sưa rượu chè là người mê mờ, không sáng suốt. Người uống rượu thường tự tạo tri kiến của mình ngày càng u tối và đần độn. Người nào hay uống rượu là người ấy tự làm khổ mình, tự giết mình, uống rượu như uống thuốc độc vào mình. Vì thế chỉ có những người không sáng suốt và mê mờ mới nuốt độc dược vào thân mà không biết.

Rượu là một chất độc kích thích và tác động thần kinh khiến cho người uống rượu giống như người điên, không còn trí tuệ thông minh, nên người say rượu thường ăn nói bừa bãi, ăn nói khiếm nhã thiếu lịch sự, văn hóa, ăn nói thô lỗ cộc cằn v.v...

Người uống rượu say sưa tánh tình hung ác không khác nào như một ác quỷ, án mạng thường xảy ra phần lớn là do những người say  rượu.

Tóm lại trong năm điểm này, nếu chúng ta chỉ cần thiếu một điểm thì chúng ta cũng không thể làm người được, vì đó là năm tiêu chuẩn được làm người mà đức Phật đã dạy cho mọi người để xác định muốn được thân người thì phải sống đúng năm giới luật này một cách cụ thể, rõ ràng mà không có người nào phản đối.

NGƯỜI ĐẮC ĐẠO KHÔNG CẦN GIỮ GIỚI LUẬT

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính bạch Thầy, có sự khác biệt nào giữa việc uống rượu của Tế Điên Tăng và việc tự sát bằng dao của Ngài Channa trong kinh Tương Ưng tập 4 trang 99 ? Có vị nói, đối với người đã đắc đạo, thân có thể phạm giới nhưng tâm không bao giờ phạm, từ đó đánh đồng hai hành động nêu trên?

Đáp:Những lý luận của các nhà học giả “Người chứng đạo không cần giữ giới luật” điều đó là sai cả.

Tế Điên Tăng là một nhân vật Đại Thừa thể hiện sự phá giới phi đạo đức của đạo Phật, là một vị tăng đại diện cho giáo pháp Đại Thừa nên hành động Tế Điên Tăng thiếu oai nghi tế hạnh nghiêm trang của một tu sĩ chân chánh,. Tế Điên Tăng chỉ lòe thần thông tưởng lừa đảo người, mà đức Phật đã cho những thần thông đó là huyễn hóa không đáng cho chúng ta ca ngợi.

Tế Điên Tăng là một tu sĩ thiếu đức hạnh của một bậc Thánh Tăng thì không đáng cho chúng ta cung kính, chỉ có những người ham mê thần thông thì mới cung kính còn những tu sĩ đệ tử của đức Phật chân chánh tu hành giải thoát thì xem đó là những kẻ tà đạo bàng môn, không phải là những tu sĩ Phật giáo.

Đức Phật so sánh mũi dao của tỳ kheo Channa và Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở không có khác nhau.

Đọc qua bài kinh này chúng ta mới thấy rõ thâm ý của đức Phật dám đem thiền định so sánh với mũi dao thì thật là tuyệt vời, vì đức Phật muốn bài bác thần thông một cách quyết liệt, vì thần thông chẳng đem đến ích lợi cho con người thiết thực. Mặc dù Tứ Thiền là một loại thiền định tuyệt vời và mầu nhiệm làm chủ được sự sống chết có nghĩa là người nhập được thiền định này muốn chết, muốn sống không còn khó khăn chút nào cả.

Tự tại trong sanh tử như thế mà Ngài dám đem mũi dao của Tỳ kheo Channa mà so sánh thì Thầy xin tán thán đức Phật đúng là một bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn.

Sự so sánh này hay tuyệt, thần thông và Tứ Thánh Định được đức Phật xem như đồ bỏ, như một chiếc dép hư không còn dùng được nữa.

TỤ ĐIỂM

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính thưa Thầy, khi chúng con ngồi thiền:

1- Xác định tụ điểm ở chỗ nào? Giữ nó như thế nào trong thời gian ngồi?

2- Mở mắt hay nhắm mắt, có lợi hại gì? Khi nhắm mắt con dễ gom 6 căn dể niệm hơi thở hơn, vậy con có nên tiếp tục nhắm mắt?

3- Tay để bình thường hay bắt buộc bàn tay phải để trên bàn tay trái, ngón cái chạm nhau?

4- Theo sự hướng dẫn của cô Út, mỗi ngày con chỉ ngồi rất ít (khoảng 45 phút). Chủ yếu lo hướng tâm xả tâm. thưa Thầy chúng con có nên tăng thời lượng lên không?

Đáp:Khi ngồi thiền các con cần nên lưu ý những điểm sau đây:

 Trong câu hỏi một có hai câu:

1- Xác định tụ điểm. Khi ngồi thiền tu Định niệm hơi thở thì nên đặt tụ điểm tại nhân trung tức là nơi hơi thở ra vào, giữa nhân trung cạnh mũi. Tu Định niệm hơi thở đặt tụ điểm tại nhân trung là chính xác và cụ thể thực tế nhất không bị tưởng, đặt trên chóp mũi cũng được, nhưng không bằng đặt tại nhân trung, vì nơi đó trụ tâm không sanh ảnh hưởng rối loạn thần kinh. Còn bất cứ đặt tụ điểm nơi đâu để trụ tâm đều không tốt, tại sao vậy?

Vì đặt bất cứ nơi đâu trên thân mà tu hơi thở thì dễ rơi vào định tưởng, định tưởng là một loại định rất nguy hiểm. Vì vậy người tu thiền cần phải quan tâm và cảnh giác để bước đường tu tập không là bước đường cùng.

1- Thời gian thích nghi tu tập tụ điểm. Tu tập và giữ gìn tụ điểm, muốn tu và tạo tụ điểm phải dùng một hơi thở vô và ra chậm và nhẹ nghĩa là hít vô chậm chậm và thở ra cũng chậm chậm, trước khi thở hơi thở này, chúng ta dùng pháp hướng để dẫn tâm vào tụ điểm: “Hai mắt phải nhìn xuống tụ điểm, tâm phải tập trung vào đó”. Sau khi hướng tâm xong thì hai mắt phải nhìn xuống nhân trung và tâm phải tập trung chú ý biết tại nơi đó, mắt và tâm đều tập trung nơi đó, chúng ta bắt đầu hít vô chậm chậm nương theo hơi thở vô, gom tâm tại nhân trung và khi thở ra cũng gom như vậy, nếu đủ sức thì chúng ta tu tập liên tục 5 hơi thở chậm rồi thở lại hơi thở bình thường, còn không đủ sức thì chỉ thở một hơi thở chậm mà thôi, rồi thở lại 10 hoặc 20 hơi thở bình thường. Khi thở lại hơi thở bình thường thấy tâm bám chặt vào tụ điểm thì không cần thở lại hơi thở chậm, chỉ khi nào tâm chưa bám chặt vào tụ điểm, có nghĩa là tâm còn vọng tưởng thì mới hướng tâm và thở lại một hơi thở chậm nhẹ như lúc ban đầu. Đó là cách giữ gìn tâm bám chặt vào tụ điểm để tâm không còn khởi niệm. Nếu ai biết dùng hơi thở chậm gom tâm, người ấy ức chế tâm hết vọng tưởng dễ dàng, nhưng đây không phải thiền định, đây chỉ là sự tập trung tâm để giúp tâm tỉnh thức chứ không phải đi vào tĩnh lặng để rồi rơi vào định tưởng. Xin quý vị lưu ý.

2- Mở mắt hay nhắm mắt trong khi tu tập còn tùy vào hai trường hợp:

a- Khi loạn tưởng thì nên nhắm mắt.

b- Khi bị hôn trầm thùy miên thì nên mở mắt.

Mở mắt to sanh loạn tưởng, nhắm mắt lại sanh hôn trầm, vì thế người tu hành nên tập tu không mở mắt không nhắm mắt mà chỉ cần mắt nhìn xuống, khi mắt nhìn xuống thì mắt chỉ mở một phần ba, mắt chỉ mở một phần ba là vừa đủ thu nhiếp tâm và không bị hôn trầm thùy miên và loạn tưởng.

Khi mới bắt đầu tu tập, nhắm mắt tu dễ gom tâm nhưng tu lâu thì không tốt, vì dễ bị ma tưởng quấy nhiễu.

Con không nên tiếp tục tu tập nhắm mắt mà phải tu đúng cách ngay từ lúc ban đầu. Người tu thiền không được nhắm mắt, không được mở mắt, khi ngồi thiền chỉ có nhìn xuống, từ chỗ ngồi đến điểm mắt nhìn cách khoảng một thước hoặc tám tấc, không được xa hơn cũng không được gần quá, vì xa hơn thì đầu phải ngước lên và như vậy thì mắt phải mở to, còn gần quá thì đầu phải cúi xuống, đầu cúi xuống mà ngồi thiền thì trông tướng rất xấu đễ bị hôn trầm thùy miên vô ký và tưởng lạc.

3- Tu thiền theo Phật giáo, hai bàn tay không bắt ấn, chỉ có người tu theo Mật Tông hai bàn tay luôn luôn lúc nào cũng bắt ấn, khi ngồi thiền hai bàn tay để tự nhiên trên hai đầu gối như tượng Phật Nguyên Thủy hoặc hai bàn tay để chồng lên nhau một cách tự nhiên chứ không bắt buộc hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Chúng ta tu theo Phật thì phải sống và tu tập như Phật, đừng bắt chước theo kinh điển phát triển, bởi vì thiền của Phật là chỗ tâm không còn tham, sân, si chứ không phải chỗ ngồi, ngồi như thế nào thoải mái dễ chịu thì ngồi, còn ngồi mà khổ đau thì không nên ngồi, vì chúng ta theo Phật là tìm sự giải thoát không còn khổ đau. Đức Phật đã xác định: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy....”. Và như vậy trong khi tu tập có sự khổ đau xảy ra tức là chúng ta đã tu sai hoặc tu theo pháp môn của ngoại đạo, vì tu tập có khổ đau như vậy là ức chế thân tâm, là tự làm cho mình khổ, là thiếu đạo đức với mình, là pháp khổ hạnh của ngoại đạo ngày xưa thiếu chút nữa đức Phật đã làm vật hy sinh cho những pháp môn này.

Tóm lại con nên ngồi xếp bằng kiết già hoặc bán già cũng đều tốt như nhau cả hoặc ngồi bất cứ một tư thế nào mà thân tâm con an lạc thì con ngồi, mục đích tu tập là lo xả tâm ly dục ly ác, đẩy lui tất cả chướng ngại pháp trên tứ niệm xứ của con, để tâm con không phóng dật tức là tâm thanh tịnh, tâm không phóng dật là tâm định chứ không phải ngồi mà có định, ngồi chỉ là một phương tiện giúp cho tâm dễ gom, và tâm gom được thì tâm mới tỉnh giác, mới thấy được chướng ngại pháp. Ngồi chỉ là một phương tiện nhỏ mà thôi. Còn hai bàn tay thì không cần thiết phải như thế này, thế kia....

4- Cô Diệu Quang dạy rất đúng, ngồi ít mà xả tâm nhiều tức là không bị ức chế, còn lấy sự ngồi nhiều làm mốc tu tập coi chừng sẽ tu lạc hướng vào định tưởng. Chủ yếu lúc nào, giờ nào phút nào, giây nào cũng lo xả tâm, xả tâm tốt thì tăng giờ lên, còn xả tâm chưa tốt, tăng giờ lên cũng chẳng có ích lợi gì, Nên nhớ lúc nào cũng giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, và lúc nào cũng phòng hộ sáu căn, không bao giờ để có kẽ hở cho tâm lang thang chạy theo các pháp trần bên ngoài, ngồi hay không ngồi, đâu còn có nghĩa lý gì nữa, tu tập trong bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi.

THÂN HÀNH LÀ GÌ

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, về quán niệm hơi thở:

1- “An tịnh thân hành tôi biết thở vô/ ra”. Thân hành ở đây là gì? Có phải là hơi thở hay thân thể, hoạt động thân nói chung?

2- Hỷ thọ khác lạc thọ như thế nào?

3- Quán vô thường, quán ly tham, tôi sẽ thở vô/ra....?: Khi quán cần phải có thời gian suy xét, thẩm sát..., sao lại có thể thực hiện được trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước mỗi hơi thở? Khi quán vô thường con phải trải qua nhiều lần thở ra thở vô, Vậy có đúng không bạch Thầy?

4- Niệm hơi thở khi không có tác ý, chỉ đơn thuần biết thở vô ra khác với tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn như thế nào? Ngoài một bên là xả tâm, một bên là ức chế tâm thì Định Niệm Hơi Thở của Phật có khác với Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh của Lục Diệu Pháp Môn như thế nào?

Đáp:1. Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật thường dạy: “Thật hy hữu thay chư Hiền giả ! Thân hành niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, thì có quả lớn, có công đức lớn”. Ở đây con hỏi thân hành là gì?

Thân hành là sự hoạt động của thân. Sự hoạt động của thân có hai phần:

a. Thân hành ngoại .

b.  Thân hành nội .

Thân hành ngoại là sự đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín hoặc làm tất cả mọi công việc dù lớn, dù nhỏ, dù nhẹ, dù nặng v.v.....đều được gọi là thân hành niệm ngoại.

Thân hành niệm nội là sự hoạt động trong nội thân như : tế bào, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết v.v.....

Về phần thân hành niệm nội trong thân thì chúng ta chỉ có điều khiển được hơi thở tức là về phần hô hấp còn tất cả những sự hoạt động khác thì chúng ta không thể điều hành được. Nếu chúng ta điều hành được hơi thở thì chúng ta sẽ điều hành được tất cả sự hoạt động trong nội thân, do đó điều khiển được hơi thở tức là điều khiển được sự sống chết. Các nhà Yoga tu tập hơi thở để đạt được sự làm chủ sống chết là do luyện tập hơi thở, họ luyện tập hơi thở chia làm ba loại hơi thở:

a. Hơi thở vô.

b.  Hơi thở ra.

c. Hơi thở nín.

Sự luyện tập hơi thở này đưa đến kết quả làm chủ được hơi thở tức là làm chủ được sự sống chết, nhưng không chấm dứt được luân hồi, vì tu sĩ Yoga chưa thực hiện được lậu tận minh nên nguyên nhân tái sanh luân hồi còn chưa đoạn diệt, Vì pháp môn tu bằng tưởng tức (hơi thở tưởng) nên khi làm chủ được hơi thở các tu sĩ Yoga tưởng mình hòa nhập vào đấng tối cao. Sự tu tập này rất khó cho nên chỉ có một số quá ít người đạt được ở mức độ cao. Phần nhiều tu tập để ngừa bệnh trị bệnh theo phương pháp dưỡng sinh. Nhưng dùng phương pháp yoga ngừa bệnh và trị bệnh thì chỉ ngừa và trị ở ngọn chứ không trị ở gốc của bệnh tật được.

Đạo Phật cũng dùng hơi thở nhưng không luyện tập hơi thở như Yoga, chỉ nương vào hơi thở tự nhiên để tỉnh thức trong mọi pháp, nhờ có tỉnh thức nên xả tâm ly dục ly ác pháp dễ dàng.

 Đạo Phật không dụng riêng hơi thở tu tập như các nhà Yoga, mà còn sử dụng mọi hoạt động của thân. Đức Phật xem hơi thở là một hành động như tất cả các hành động khác của thân.

Mục đích của đạo Phật là bất động tâm, cho nên sự tỉnh thức trong chánh niệm là một điều quan trọng trong việc tu tập xả tâm. Và khi tâm đã xả sạch tức là tâm ly tham và đoạn các ác pháp thì lúc bấy giờ tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm có đủ năng lực điều khiển các hoạt động trong thân, thậm chí như điều khiển cả bộ óc làm việc theo ý muốn của mình, chứ không phải chỉ có điều khiển hơi thở mà thôi.

Còn phương pháp của Yoga luyện tập khổ công về hơi thở và còn dùng tưởng để mở các luân xa trong thân tứ đại bất tịnh, đó là một việc tu tập không giống Phật giáo chút nào.

Đức Phật dạy chỉ nương vào thân hành niệm để tu tập xả tâm ly tham đoạn ác pháp, chứ không phải đi tìm thiền định trong hơi thở hoặc bất cứ một hành động nào khác trong thân, nhưng chúng ta nên biết sự lợi ích của thân hành niệm là giúp chúng ta xả tâm tốt nhất, ngoài thân hành niệm ra chúng ta khó có pháp nào giúp cho chúng ta xả tâm tốt. Hơi thở là một thân hành niệm trong muôn ngàn thân hành niệm của thân, chứ không lấy hơi thở làm điều quan trọng cho sự tu tập thiền định.

Thiền định của Phật giáo là chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi. Chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là mục đích của đạo Phật.

       - 2. Hỷ thọ và lạc tho thì hỷ thọ thuộc về tâm; lạc thọ thuộc về thân. Thân ngồi, hay nằm, hay đi, hay đứng đều cảm thấy an lạc, đó gọi là lạc thọ, còn tâm cảm thấy thanh thản, an ổn, vô sự không phóng dật, đó là hỷ thọ.

Tóm lại hỷ lạc là chỉ cho trạng thái thân và tâm thanh thản, an lạc, vô sự, tâm lúc nào tâm cũng không phóng dật đó chính là trạng thái của tâm thanh tịnh đang hiện tiền trong cuộc sống không lúc nào mất thì người đó đang nhập Bất Động Tâm. Tâm đang ở trạng thái Bất Động, muốn nhập Sơ Thiền rất dễ dàng.

Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền là do ly dục sanh nên khi nhập Sơ thiền thì có năm chi thiền hiện ra: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Năm chi thiền này là một trạng thái Sơ Thiền Thiên.

Người nào nhập được Sơ Thiền là được sinh vào cảnh giới Sơ Thiền Thiên khi bỏ xác thân này.

3.  Quán, tác ý và hướng tâm: Quán vô thường, quán ly tham ở Định Niệm Hơi Thở không có nghĩa là quán xét, tư duy, suy nghĩ, nó có nghĩa là hướng tâm.

Câu quán vô thường và quán ly tham tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra là pháp như lý tác ý để giúp tâm huân thành. một thói quen thấy các pháp vô thường, hoặc thấy các pháp liền lìa tâm tham đắm. Pháp như lý tác ý để giúp tâm có một năng lực vô thường, ly tham, ly sân, ly si, ly mạn ly nghi v.v.....

Nếu không có kinh nghiệm tu hành thì Định Niệm Hơi Thở chỉ là một lý giải suông không thể tu tập được.

Người không có kinh nghiệm tu hành không hiểu, nên Định Niệm Hơi Thở gọi là quán niệm, ấy thật là sai lệch, vì thế Định Niệm Hơi Thở của đạo Phật đã biến thành Quán Niệm Hơi Thở của ngoại đạo.

Bài kinh Xuất Tức Nhập Tức trong kinh Trung Bộ đã dạy quá rõ ràng, thế mà người tu hiện giờ không có ai tu đúng, chỉ tưởng giải bằng cách này, bằng cách khác, thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế người tu hiện giờ tu không có kết quả.

Tóm lại quán vô thường, quán ly tham là pháp dẫn tâm vào đạo chứ không phải pháp quán như con hiểu một cách sai lạc.

4.  Niệm Hơi Thở không tác ý chỉ đơn thuần biết thở vô, ra thì không khác pháp tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn, pháp Tùy Tức trong Lục Diệu pháp môn là pháp ức chế tâm mà Tổ Trí Khải Đại Sư đã chế ra để người sau tu hành thiền định.

Lục Diệu pháp môn là một pháp do tưởng tri chế tác, chứ không phải do kinh nghiệm tu hành theo đúng lộ trình của Phật giáo, mặc dù nó có quán, hoàn, tịnh nhưng vì nó dùng pháp sổ, tùy, chỉ để ức chế tâm trước khi quán, hoàn, tịnh, vì vậy nó rơi vào tưởng pháp, sanh ra tưởng tuệ, đó là một sự khác biệt giữa pháp môn thiền của Phật và Tổ. Theo Lục Diệu pháp môn chỉ (ức chế vọng tưởng) trước, còn quán (tư duy quan sát) sau, theo Phật giáo vừa tỉnh giác vừa xả, tỉnh giác đâu thì xả tâm đó, hai pháp này không lìa nhau “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Hít vô ra là tỉnh giác còn ly tham xả ác pháp là chánh niệm chứ không phải quán như Lục Diệu Pháp Môn.

Cho nên quán, hoàn, tịnh của Lục Diệu Pháp Môn là pháp tưởng thức quán, chứ không phải ý thức quán.

Phật dùng ý thức để tu, còn Tổ dùng tưởng thức để tu, do đó Phật làm chủ sanh, già, bệnh, chết là thật, vì đó là liễu tri, còn Tổ làm chủ sanh, già, bệnh chết là không thật, vì  đó tưởng tri.

KHẮC PHỤC TÂM VÔ KÝ

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi quét sân hoặc đi kinh hành, con có nhắc tâm chia tuần tự 3 loại định tu tập. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, kết hợp hành động của Thân hoặc bước chân, Định Vô Lậu? Con tu như vậy có đúng không? Dù có nhắc tâm, nhưng khi thực hiện thường bị quên do tạp niệm vô ký, Vậy con phải khắc phục như thế nào?

Đáp:Tu tập xả tâm theo đạo Phật là phải kết hợp bốn loại định:

1/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác (định ngăn ác pháp).

2/ Định Niệm Hơi Thở (định ngăn ác pháp).

3/ Định Vô Lậu (định diệt ác pháp).

4/ Định Sáng  Suốt (định thư giãn, trạng thái chân lý).

Trong một thời tu tập trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp của chúng ta, thường có những hiện tượng sanh ra trên đó, Khi mỗi ác pháp sanh ra một trên bốn chỗ này thường tạo ra chướng ngại khiến cho bốn chỗ này bất an. Muốn cho bốn chỗ này được an ổn thanh thản, an lạc và vô sự  thì phải tùy theo các pháp đã tu học trên đây áp dụng để diệt những ác pháp để đem lại sự bình an cho thân , thọ, tâm và pháp. Nếu không có ác pháp sanh ra trên bốn chỗ này thì chúng ta dùng pháp tác ý ngăn ác pháp, nhưng khi chúng ta sử dụng công sức nhiều để tu tập không phù hợp với đặc tướng của mình nên thường bị hôn trầm, thùy miên và vô ký. Đó là thời gian tu tập chưa phù hợp với đặc tướng của mình. Biết như vậy con phải tu ít trở lại để tu tập có chất lượng tỉnh thức cao, không còn bị rơi vào vô ký nữa.

Xét qua sự trình bày tu tập những loại định của con thì con tu tập không sai, chỉ sai là tu hơi nhiều quá sức tỉnh thức của mình. Muốn không bị rơi vào vô ký thay vì con tu 1 giờ thì con nên tu lại 30’, thay vì con tu 30’ thì con tu lại 15’. Chừng nào con thấy sự tỉnh thức của mình trong suốt thời gian tu tập mà không có một chút nào vô ký thì con nên tăng thời gian lên. Nhưng khi tăng thì con chỉ tăng lên từ 5’ chứ đừng có tăng nhiều quá mà sức tỉnh thức không đủ thì con sẽ bị rơi vào vô ký nữa.

Vô ký là thiếu sự tỉnh thức, vì thế mà pháp môn của đức Phật dạy chúng ta tu tập tỉnh thức bằng THÂN HÀNH NIỆM là một pháp môn tuyệt vời, nếu chúng ta biết cách tu đúng đặc tướng thì chúng ta có sự tỉnh thức ngay liền, phá sạch hôn trầm, thùy miên, vô ký.

Tóm lại nếu tu tập đúng cách của Thân Hành Niệm thì phá tâm si ám rất dễ dàng. Hôn trầm, vô ký, thùy miên là những trạng thái của tâm si, cho nên tâm tỉnh thức có thì tâm si ám bị triệt tiêu, tâm si ám bị triệt tiêu thì chánh niệm mới hiện tiền, có chánh niệm thì ác pháp không xen vào được, ác pháp không xen vào được thì tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, mà tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự thì đó là giải thoát của Phật giáo.

PHÁP MÔN CỦA PHẬT LÀ PHÁP MÔN CÂU HỮU

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi nào cần kết hợp các định với nhau, khi nào chỉ tu tập một loại định mà thôi?

Đáp:Theo như lời đức Phật đã dạy: “Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thì có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động.

“Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử.

“Tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ Kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chân chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.

“Nhưng nếu tỳ kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định,, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bẻ vụn, chân chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc”.

Trên đây Đức Phật dạy câu hữu ba pháp môn trong một thời tu:

1/ Tỉnh thức (Thân Hành Niệm Nội và Ngoại, tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở).

2/ Tứ Chánh Cần.

3/ Định Vô Lậu.

Lời dạy này chúng ta ghi nhớ: Phật pháp không thể tu riêng một pháp môn nào. Khi tu hành phải biết kết hợp chặt chẽ pháp này với pháp kia, lúc thì định tỉnh, lúc thì quán tư duy vô lậu, lúc thì ngăn diệt mạnh mẽ. Có tu tập đúng như vậy tâm mới nhu nhuyến dễ sử dụng.

NIỆM THIỆN

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, khi quét sân, kinh hành các niệm thiện khởi lên như: nhớ lại một câu Phật ngôn chưa hiểu, về cách thức tu tập Thầy dạy....., con nên gạt ra ngay để tiếp tục theo hành động thân hay nên suy xét thêm về những niệm thuộc về thiện này?

Đáp:Đức Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Như vậy khi tu tập trong một thời, con đều luôn tu cả ba pháp môn trong đó có Tứ Chánh Cần và vì vậy khi một câu Phật ngôn khởi lên trong con thì con phải tư duy nghĩa lý của câu Phật ngôn này để thấu suốt lý như thật của nó, nhờ vậy mà tri kiến của con càng ngày càng phát triển, đó là con triển khai trí tuệ tri kiến giải thoát tức là con thỉnh thoảng tác ý tướng xả như lời Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi.

Đây cũng là sự tăng trưởng thiện pháp trong Tứ Chánh Cần, người tu sĩ cần phải siêng năng và cần mẫn tu tập. Đạo Phật có được sự giải thoát là nhờ vào trí tuệ tri kiến này, nếu con không chịu triển khai tu tập như thế này thì làm sao có trí tuệ tri kiến được.

Muốn có trí tuệ tri kiến giải thoát, người mới tu thì phải bắt đầu học hiểu đạo đức nhân quả, Tứ Diệu Đế, Thân Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên ....nói chung là phải nghiên cứu tạng kinh Pali cho thông suốt.

Vì thế mỗi khi có một niệm khởi về Phật pháp thì con nên tư duy quán xét cho rõ tận nguồn gốc đừng nên gạt bỏ ngang, vì bỏ qua một điều kiện triển khai trí tuệ thì thật quá uổng.

Tóm lại, sự tu tập theo Phật giáo không giống sự tu tập của ngoại đạo, ngoại đạo tu tập hay chuyên nhất một pháp trong một thời tu còn Phật Giáo thì không chuyên nhất vào pháp môn nào cả trong một thời tu.

Phật giáo chuyên xả tâm vào định, ngoại đạo chuyên ức chế tâm vào định, cho nên Phật giáo và ngoại đạo không giống nhau là ở  chỗ xả tâm và ức chế tâm.

Phật giáo đi từ xả vào định bằng tri kiến giải thoát nên lấy đạo đức làm gốc (giới luật) còn ngoại đạo đi từ định đến xả (quán, hoàn, tịnh) bằng tưởng tuệ, nên phá giới luật.

Do đó Phật giáo lấy tri kiến giải thoát quán xét xả tâm nên rất thực tế cụ thể, tâm hồn giải thoát thật sự, còn ngoại đạo lấy tưởng tuệ nên mơ hồ trừu tượng ảo giác, không có giải thoát.

Trên đây là những điều các con nên lưu ý và để tránh xa những sự sai lạc nó không tốt cho con đường tu tập này.

LẠT MA TÂY TẠNG CÓ PHẢI LÀ PHẬT GIÁO KHÔNG

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, tại sao các vị A La Hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng? Trong một số phim sách mà con được xem, ở Tây Tạng vẫn có một vài tu viện mà giới luật và sự tu tập cũng rất nghiêm túc. Kết quả là họ cũng có một số vị chủ động được cái chết và sự tái sanh, chứng tỏ sức tỉnh thức của họ cũng rất mạnh mẽ và phải chăng họ cũng làm chủ được sanh tử? Mật Tông phần lớn là bùa chú mê tín, tuy nhiên với cái nhìn của đạo Phật đánh giá các vị Lạt Ma này như thế nào?

Đáp:Cái nhìn của Phật giáo đối với các nhà sư Tây Tạng là cái nhìn huyễn hóa của những nhà ảo thuật chứ không đem lại sự lợi ích thiết thực cho đại đa số con người trên hành tinh này, tại sao vậy?

Vì những người thực hiện được như các nhà sư Tây Tạng thì quá hiếm, hằng tỷ tỷ người trên hành tinh này mà chỉ được một hai người. Cho nên những pháp này chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, chỉ tạo thêm sự đau khổ cho họ vì lòng tham muốn những điều này (thần thông ký thuyết và huyễn hóa).

Giáo pháp này không xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản, vì nền đạo đức nhân bản sẽ đem lại lợi ích chung cho con người trên hành tinh này, hơn là những bùa chú thuật tạo ra những trò huyễn ảo tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp.

Biết tiền kiếp như các nhà sư Tây Tạng có ích lợi gì cho ai, ngay cả bản thân của họ hay chỉ là một trò lừa đảo người để phổ cập giáo pháp Mật Tông khắp toàn cầu

Đạo Phật không làm điều đó, vì đức Phật và các vị A La Hán đệ tử của Ngài có thừa khả năng, làm việc đó, mà không cần đến bùa chú thuật như các nhà sư Tây Tạng.

Đạo Phật lấy đạo đức nhân bản nhân quả xây dựng cho con người có một đời sống Thánh thiện, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, chứ không mơ mộng theo lối mòn của các tôn giáo khác xây dựng một cảnh giới hư ảo dù bất cứ nơi đâu.

Đạo Phật sống thực tế, tu tập trong thực tế, không sống trong hư ảo, tu tập trong hư ảo, chấp nhận những gì có ích lợi cho mình cho người, không chấp nhận những gì có hại cho mình cho người, không chấp nhận những trò hư ảo huyễn giả hý luận.

Những trò huyễn ảo của các nhà sư Tây Tạng để khoe khoang sự tái sanh luân hồi, biết tiền kiếp của mình khiến cho thiên hạ phục lăn, nhưng các con xét thấy có ích lợi gì không ?

Vì không ích lợi cho nên Thầy trò đức Phật không thấy có ai làm điều này. Trong kinh sách nói về tiền thân đức Phật là người sau bịa đặt chứ đức Phật đã dạy: “Nếu Ta nói một điều mà người khác không thấy, không nghe, không biết thì có nói láo trong Ta”. Lời dạy này chứng tỏ đức Phật không bao giờ nói về tiền kiếp của mình. Nói về tiền kiếp tức là dùng thần thông ký thuyết, mà thần thông ký thuyết là một trò huyễn ảo, mà đạo Phật không bao giờ chấp nhận, mà không chấp nhận tức là có nghĩa lý gian xảo lừa đảo trong đó.

Các vị Lạt Ma đứng trong góc độ năng lực làm chủ sự sống chết thì có, nhưng đứng trong góc độ lìa tham đoạn ác pháp thì chưa, vì vậy còn thực hiện những trò ảo thuật lừa đảo không ích lợi thiết thực cho con người.

Có người bảo rằng nhờ thực hiện những thần thông này là tạo duyên để độ chúng sanh. Điều này sai, bởi vì thực hiện thần thông là tạo cho tâm người ta  không hướng đến chánh đạo, vì chánh đạo là phải gợi tâm người hướng về chánh đạo, chứ đã gợi người ta về tà đạo làm sao lôi người ta về chánh đạo được.

Cũng như hệ phái Phật giáo lấy sự mê tín của dân gian gợi ý cho người ta theo đạo mình, từ đó người ta theo kinh sách phát triển là theo sự mê tín chứ không còn biết kinh sách phát triển có đúng của Phật giáo hay không? 

Người ta tu theo Mật Tông Tây Tạng là người ta ham thích thần thông chứ người ta đâu biết đạo lý làm người là như thế nào để mọi người sống được an vui giải thoát.

Người ta tu theo đạo Phật vì đạo đức của đạo Phật là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả làm người thường đem lại lợi ích cho mình cho người nên không còn làm khổ đau cho nhau nữa, chứ không phải người ta tu theo đạo Phật để được chư Phật gia hộ tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ; người ta tu theo đạo Phật không phải để ngồi thiền thấy tánh thành Phật, hay được vãng sanh về cõi Cực Lạc, Niết Bàn v.v...

Từ ban đầu tu sai thì cuối cùng vẫn là tu sai và khi đã tu sai thì rất là khó sửa.

Những tôn giáo muốn đem lại lợi ích cho loài người thì không có pháp môn nào tuyệt vời bằng pháp môn dạy đạo đức làm người. Làm người không nên làm khổ mình, khổ người, đó là thiện pháp mà thiện pháp tới đâu thì ác pháp sẽ bị triệt tiêu đến đó. Có được như vậy con người mới tìm được chân hạnh phúc, và như vậy mới thật sự ích lợi cho loài người. Còn tất cả các phương pháp khác dù là phương pháp dưỡng sinh Yoga dạy người để trị bệnh thì đó chỉ là trị về nhánh lá của bệnh chứ không phải trị tại gốc bệnh, gốc sanh muôn thứ bệnh khổ là ác pháp, muốn trị muôn thứ bệnh khổ mà cứ trị bằng thuốc thang và phương pháp dưỡng sinh thì không thể trị tận gốc bệnh được, vì thế trị giảm được bệnh này thì sanh ra bệnh khác.

Theo Phật giáo muốn trị bệnh khổ tận gốc của con người thì phải sống có đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình khổ người thì cơ thể phải vận động được đều hòa, tâm hồn phải sống an lạc, thanh thản và vô sự. Và tất cả các chướng ngại pháp không tác động đến thân tâm, nếu có đến họ đều có đủ khả năng đẩy lui và diệt trừ tận gốc bệnh. Do sống trong thiện pháp nên người tu sĩ đạo Phật có được một tâm hồn thanh tịnh. Tâm hồn thanh tịnh là một tâm hồn trong sạch. Một tâm hồn trong sạch thì lại có một năng lực mầu nhiệm nó hoàn toàn làm chủ được mọi bệnh tật khổ đau và sự sống chết.

Đạo Phật làm chủ được sự sống chết là nhờ năng lực của tâm thanh tịnh, chứ không phải nhờ vào năng lực bùa chú thuật của Mật Tông.

Mật Tông sống có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nhưng không vì giữ những giới luật ly dục ly ác pháp, mà Mật Tông giữ gìn giới luật là để luyện bùa luyện chú tạo một năng lực siêu việt, nhờ năng lực đó mới thu hút người theo đạo mình tu để có danh to. Và vì thế các Ngài thể hiện thần thông  trị bệnh và nói biết chuyện quá khứ trong một kiếp hoặc hai ba kiếp.

Trong câu hỏi của con: “Tại sao các vị A La Hán không tái sanh để tùy duyên hóa độ chúng sanh như các Lạt Ma Tây Tạng?”. Đức Phật đã dạy: “Một vị A La Hán xuất hiện ở trên đời là một việc khó, khó như hoa ưu đàm cả ngàn năm mới trổ hoa một lần” .

Vả lại khi một vị A La Hán xuất hiện ở đời là phải vào đúng thời kỳ của nó, có nghĩa một vị A La Hán ra đời là quân bình trật tự đạo đức của loài người, lúc xã hội loài người đang đi vào một sự thay đổi lớn, nếu không quân bình kịp thời thì sự thay đổi ấy sẽ đưa con người vào trong đêm đen tối.

Một bậc A la Hán xuất hiện ở đời là làm chấn động và rung chuyển cả trời đất cũng như khi đức Phật xuất hiện ra đời dựng lại những gì mà lục sư ngoại đạo thời đó đã ném bỏ và bác sạch sáu mươi hai luận thuyết của kinh Vệ Đà mà người thời bấy giờ được xem bộ Thánh kinh này là một triết thuyết tuyệt vời, là một bộ chân lý văn minh của loài người, thế mà đạo Phật ra đời không chấp nhận nó.

Và như thế không thể so sánh một vị Lạt Ma với một vị A La Hán được. Vị Lạt Ma dùng thần thông huyễn hóa mà lừa đảo người gọi là độ chúng sanh, chứ chẳng có ích lợi thiết thực gì cho con người, còn một vị A La Hán xuất hiện ở đời là đem lại sự lợi ích lớn cho loài người tức là mang lại cho con người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả mà mọi người sống chung nhau nhưng không làm khổ mình khổ người.

Các con có tin điều này không? Các con cứ nhìn các vị Lạt Ma thì thấy rõ lời Thầy dạy. Lẽ ra các ông có thần thông thì phải có đạo đức. Sao các ông không đem lại cho con người một nền đạo đức? Quảng bá một nền đạo đức. Nền đạo đức của các ông là gì? Các ông chỉ gây tạo sự ham mê ngu muội của con người bằng những thần thông tái sanh luân hồi qua những quảng cáo phim ảnh sách báo.

Những sự thể hiện tái sanh luân hồi của các ông như vậy có ích lợi gì cho ai? Chỉ tạo ra một trò hiếu kỳ của con người, trong khi con người đang cần có một nền đạo đức để sống với nhau mà không làm tổn thương cho nhau, biết thương yêu nhau, biết tha thứ những lỗi lầm của nhau. Còn các ông ăn không ngồi rồi để tu tập thần thông tưởng, như vậy phải tiêu phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mọi người nuôi dưỡng các ông.

Con nên đọc lại bài kinh Channa đức Phật đã dám so sánh mũi dao của tỳ kheo Channa và sự tịnh chỉ hơi thở của Tứ Thiền thì sự làm chủ sống chết là một trò huyễn hóa làm mê mệt những con người còn sống trong giấc mơ.

Nếu đứng trong góc độ của Phật giáo thì các ông Lạt Ma là những người phù thủy.

Sự quảng cáo phim ảnh, báo chí và sách vở, không đủ chứng minh lòng tham danh đắm lợi của các vị phù thủy Lạt Ma  này sao?

Trong cuốc sống trên thế gian này con người đang cần đạo đức, chứ không phải cần thần thông xin quý vị hiểu cho. Đạo đức - món ăn tinh thần, loài người đang cần thiết như người đói cần thực phẩm. Xin các vị Lạt Ma hãy cho chúng tôi những món ăn tinh thần này chứ thần thông của các ông chỉ là một trò ảo thuật mà thôi.

“NGỮ” VÀ “NGHĨA” CHÚNG CON PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị giảng sư thuyết: “Trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp” thì Lục Tổ triển khai “Không niệm thiện niệm ác”, Chỉ khác nhau về ngôn ngữ, cách diễn đạt mà ý tưởng không khác, phải “y nghĩa bất y ngữ” Vậy thưa Thầy “ngữ” và “nghĩa” ở đây chúng con phải hiểu như thế nào cho đúng?

Đáp:“Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Câu nói này đúng với người tu chứng, còn người tu chưa chứng mà dùng câu nói này là người phi pháp.

Câu nói của Lục Tổ Huệ Năng: “Chẳng niệm thiện niệm ác” là nói với người tu chứng, còn những người tu chưa chứng mà dùng câu này để tu thì tu ức chế tâm, tu sai đường,

Người tu chưa chứng thì nên ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, còn ném cả thiện và ác thì e rằng họ sẽ trở thành cây đá mất và họ đã quên rằng họ là người đang tu mà bỏ luôn chánh pháp thì họ lấy cái gì để tu, nếu bỏ luôn chánh pháp thì cũng giống như người muốn sang sông mà bỏ luôn chiếc bè thì làm sao họ qua bờ bên kia được.

Chánh pháp là một đối tượng của phi pháp, nếu phi pháp không còn thì chánh pháp dùng vào đâu? Dù muốn để chánh pháp cũng phải bỏ. Nếu phi pháp có thì chánh pháp là đối thủ của nó, còn phi pháp không thì chánh pháp là sự sống của con người, chứ cần gì phải bỏ phải lấy. Câu nói này là câu nói thừa của những người tu chưa giải thoát; “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”. Ngược lại câu nói này của đức Phật khuyên nhắc chúng ta tránh xa những phi pháp.

Còn câu: “Chẳng niệm thiện niệm ác” của Lục Tổ Huệ Năng là câu công án, mục đích của nó là nhằm khai ngộ Phật Tánh, có nghĩa là câu này giúp cho hành giả nhận ra Ý THỨC không niệm chứ không phải để tu người sau không hiểu lấy câu này làm chỗ tu,  nên tu sai, tu vào chỗ ức chế tâm, rơi vào thiền tưởng chứ nghĩa của nó không giống câu: “Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp”.

Ở đây con hỏi “Ngữ” và “Nghĩa” ngữ là lời nói; nghĩa là nghĩa lý của lời nói.

Một lời nói có nhiều nghĩa, trong Nho Giáo dạy: “Nhất tự lục nghĩa” một chữ có sáu nghĩa. Vậy con hiểu nghĩa nào mà dám bảo: “Y nghĩa bất y ngữ”. Cho nên con đã hiểu sai nghĩa của hai câu này khi áp dụng vào đời sống tu hành. Hai câu này là hai câu hý luận chứ không thực tế cho sự tu hành của các con.

HỶ CỦA SƠ THIỀN GẤP 16 LẦN HỶ VẬT CHẤT

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị nói rằng Hỷ của Sơ Thiền gấp 16 lần hỷ mạnh nhất thuộc vật chất (nhục dục) đúng không thưa Thầy?

Đáp: Quý vị có ly dục ly ác pháp chưa ? Mà dám khẳng định gấp 16 lần.

Thật là xảo trá, trạng thái hỷ do ly dục ly bất thiện pháp làm sao so sánh với hỷ dục lạc và ác pháp được.

Hỷ ly dục và hỷ dục là hai con đường cách biệt song song nhau làm sao gặp chỗ nào mà so sánh được. Hỷ ly dục có mặt, thì hỷ dục phải không có mặt, hai cái này cũng giống như đêm với ngày, đêm có thì ngày phải không, ngược lại cũng như vậy.

Người dạy điều này là người sống trong tưởng tượng, trong mơ, không biết bốn Thánh Định là gì, nhất là Sơ Thiền một loại thiền thuộc về giới luật đạo đức nhân bản của Phật giáo.

Người tu học theo Phật giáo cần phải hiểu cho rõ ràng hỷ lạc do ly dục sinh và hỷ lạc do dục sinh, hai trạng thái hỷ này không có giống nhau. Cho nên lòng vui mừng khi cha con chồng vợ gặp nhau trong sự trùng phùng, còn hỷ lạc do ly dục sinh cũng giống như một người thích sống một mình không muốn tiếp duyên với mọi người. Vui thích sống một mình là hỷ do ly dục sinh. Xin quý vị nên lưu ý điều này để không lầm lạc.

CHỈ CẦN ĐẮC SƠ THIỀN VÀ ĐOẠN TRỪ 5 HẠ PHẦN KIẾT SỬ

Câu hỏi của Nhật Lý

Hỏi:Kính thưa Thầy, con được biết có số vị sư Nguyên Thủy quan niệm chỉ cần đắc Sơ Thiền và đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử để khi thân hoại mạng chung từ cảnh giới tương đương thể nhập Niết Bàn, như trong kinh Bát Thành, Trung Bộ tập 2, kinh Damasa Gia chủ Tăng Chi. Dựa vào kinh mà tu như vậy có đúng không thưa Thầy? Kết quả ra sao.

Đáp:Trong bài kinh này đức Phật đưa ra một ví dụ: lỡ trong kiếp này tu chưa được hoàn thành viên mãn của con đường giải thoát mà nhân quả đã đến thình lình thì phải đành chịu, nhưng nếu tu tập đạt được Sơ Thiền và đoạn được năm hạ phần kiết sử thì không còn tái sanh làm người nữa, nghĩa là sắc uẩn đã bị hoại diệt chỉ còn bốn uẩn kia trong trạng thái của Sơ Thiền Thiên và trạng thái đoạn năm hạ phần kiết sử, ở đó sẽ lần lượt quét sạch lậu hoặc và vào Niết bàn.

Trên đây là một ví dụ bất đắc dĩ trong kinh, chứ không phải người tu ước ao như vậy. Bởi con đường tu của đạo Phật rất khó là ở giai đoạn Sơ Thiền, vì Sơ Thiền chỉ rõ sự sống của một bậc Thánh ở đây, cho nên từ phàm phu chuyển lên một bậc Thánh không phải là một việc dễ làm, dễ sống, vì thế tu sĩ thời nay không riêng gì tu sĩ Đại Thừa mà cả tu sĩ Nguyên Thủy đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới.

Sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mong gì ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền và đoạn năm hạ phần kiết sử được như các sư ước mong.

Các quan niệm của một số sư Nguyên Thủy như vậy là không đúng với tinh thần giải thoát của đạo Phật. Mong cầu như vậy có nghĩa là các sư cảm thấy con đường thiền định của Phật giáo quá khó khăn, nhưng không ngờ cái khó là chỗ Sơ Thiền (giới) còn đoạn đường thứ hai (Định, tuệ) thì không còn khó khăn gì cả.

Bỏ hết cuộc đời đi tu mà không có ý chí quyết tâm tìm cầu sự giải thoát trong một đời này thì chẳng phí uổng một đời lắm sao.

Phật Pháp chỉ khó ở giai đoạn đầu giới luật còn giai đoạn thiền định và Tam Minh thì không có khó khăn, không có mệt nhọc, thế mà đạt được ở giai đoạn đầu tức là nhập được Sơ Thiền và đoạn được năm hạ phần kiết sử mà không vào Nhị Thiền Tam Thiền Tứ Thiền sao? Khi nhập được Sơ Thiền thì Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền không còn khó khăn, nhập những loại định này như lấy đồ trong túi, vì năng lực của tâm ly dục ly ác pháp rất là mầu nhiệm, nếu nó không mầu nhiệm được thì không thể nào ly dục ly ác pháp được. Do mầu nhiệm mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết, mới chấm dứt tái sanh luân hồi.

Dựa vào kinh mà tu như vậy là không hiểu kinh và không hiểu kinh thì làm sao tu hành đúng được, kết quả là một số không.

Những người tu như vậy là không có ý chí, không có tự giác, không hiểu rõ Phật pháp và nhất là pháp hành.

Ở ngoài đời làm việc gì gặp khó khăn thì chùn bước, trước gian nan thì ngã lòng, người như thế thì không làm việc lớn được huống là đi tu còn gặp nhiều khó khăn gấp trăm ngàn lần hơn nữa.

Xưa đức Phật nguyện: “Nếu không chứng đạo thề nát xương không rời khỏi cội bồ đề”. Do ý chí ngút ngàn tâm bất động trước các ác pháp, Ngài chứng đạo, để lại cho loài người bốn chân lý tuyệt vời.

BÀ CHÚA BA

Câu hỏi của Liễu Giác

Hỏi:Kính bạch Thầy, câu chuyện Công Chúa Ba (chùa Hương Tích) có thật hay là chuyện huyền thoại để răn đời, mà từ xưa tới nay mỗi năm vào đầu xuân không biết bao nhiêu người đổ về chùa tham quan vãng cảnh. Điều này theo con nghĩ: vãng cảnh đẹp thiên nhiên là đúng, nhưng ngoài ra đa số lại đi chùa cầu xin tài lộc, cầu tự.....là do lòng tin của mọi người đối với Bà Chúa Ba qua đức nhẫn nhục và lòng hiếu hạnh. Vua cha đã làm nhiều điều ác độc, nhưng nhờ cô con gái thứ ba tu thành chánh quả dùng tay mắt của mình làm thuốc chữa trị bệnh cho cha, làm như vậy có trái luật nhân quả thiện ác không thưa Thầy?

Đáp[1]:Câu chuyện Bà Chúa Ba là câu chuyện truyền thuyết huyền thoại, chứ không phải chuyện thật, câu chuyện này cũng giống như câu chuyện Quan Âm Thị Kính vậy. Những nhân vật trong truyện là những nhân vật tiểu thuyết giả tưởng của một tác giả xưa chịu ảnh hưởng Nho Giáo và Phật Giáo Đại Thừa. Câu chuyện này là câu chuyện tội lỗi phi đạo đức là chuyện giả tạo chỉ để lừa đảo trong Phật giáo mà từ lâu chưa có ai vén bức màn đen tối này lên, nên mọi người đều lầm tưởng Bà Chúa Ba tu hành đã thành Phật.

Trang Vương là một nhà vua vào thời Đông Chu liệt quốc bên Trung Hoa tương đương ở Việt Nam vào thời Hùng Vương vì xét qua lịch sử khi Trưng Vương nổi dậy chống quân xâm lăng vào thời nhà Đông Hán, như vậy câu chuyện này xảy ra trong lúc nước ta còn trong giai đoạn bộ lạc.

Vua Trang Vương có ba người con gái, hai đứa con lớn đã lập gia thất, chỉ còn đứa con gái Út thứ ba là Diệu Thiện chưa lập gia đình, vì thế nhà vua rất thương cô gái Út, nên khi nghe Diệu Thiện muốn đi tu là ông tìm mọi cách ngăn cản. Trước khi Bà Chúa Ba đi tu, nhà vua rất sùng kính Phật giáo, ông rất hiền lành, sống có đạo đức, lấy chánh pháp trị dân, thương dân như con một. Sau khi nàng Công Chúa Ba đi tu, nhà vua trở thành độc ác, ông nghĩ rằng: Các tăng trong chùa quyến rũ con gái ông, khiến ông khổ đau vì thương nhớ con, ông căm tức ra lệnh cho quân lính vây chùa giết tăng và đốt chùa.

 Do hành động ác độc này, và sự buồn rầu nhớ thương con nên ông mang bệnh và căn bệnh rất nặng không có thuốc thang nào chữa trị được, đành phải chờ chết, trong lúc đó có một vị tăng xuất hiện xin trị bệnh cho vua. Sau khi xem xét bệnh tình vị tăng kê toa, nhưng còn thiếu hai vị thuốc là mắt và tay của con người được đem nấu chung với các vị thuốc khác thì trị bệnh mới hết, nhưng mắt tay phải là của con nhà vua thì mới hiệu nghiệm, còn của người khác thì không hiệu nghiệm.

Hai đứa con gái đầu đã có chồng con nên không dám hy sinh mắt tay để làm thuốc cho cha vì thế nhà vua không còn hy vọng sống chút nào, chỉ còn chờ ngày chết mà thôi.

Tại động Hương Tích nàng công chúa Ba được sứ thần đến xin mắt và tay để về làm thuốc cho vua cha. Khi nghe cha bệnh nặng và xin mắt tay, nàng bèn khoét mắt chặt tay giao cho sứ thần mang về làm thuốc trị bệnh, lúc bấy giờ nàng đã thành Phật, nên mắt tay đều lành lặn trở lại như xưa.

Câu chuyện trên đây là câu chuyện cấu kết nhân vật giả tưởng, mới nghe qua thì tưởng là đạo đức nhưng sự thật câu chuyện này là phi đạo đức nhân quả và rất nhiều điều tội lỗi.

1- Nàng Công Chúa Ba chịu ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo phát triển nên bỏ cha đi tu, khiến cho vua cha buồn khổ thương nhớ, đó là tội thứ nhất, làm khổ cha già là người sanh thành dưỡng nuôi lớn khôn, công lao trời biển đó, thế mà nỡ tâm, đành bỏ cha già đi tu thật là vô đạo đức bất hiếu thứ nhất.

2- Nàng Công Chúa Ba tự ý đi tu thực bất hiếu khiến cho vua cha căm tức đốt chùa giết tăng tạo tội ác tày trời, đó là hành động tội lỗi vô đạo đức thứ hai, nếu Công Chúa Ba không bỏ đi tu thì người cha đâu có làm nên tội lỗi tày trời như vậy.

3- Chặt tay khoét mắt mình, đó là làm khổ mình tức là vô đạo đức với mình, tội vô đạo đức thứ ba.

4- Dùng thần thông lừa đảo người (mắt tay lành lặn như xưa) để mọi người tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ đó là háo danh, là tội lỗi phi đạo đức thứ tư, không phải là người tu hành chân chánh của đạo Phật.

Tóm lại, Bà chúa Ba được thờ tại chùa Hương Tích với một lịch sử tội lỗi và phi đạo đức như vậy thì có xứng đáng gì cho chúng ta thờ phụng và tỏ lòng tôn kính không? Đó chỉ là một sự mê tín trong dân gian mà tác giả dựa vào tư tưởng thần thông ngoại đạo vẽ rắn thêm chân, vì thế câu chuyện này vô đạo lý nhân quả của Phật giáo. Từ đây về sau con người sẽ lần lượt xác định rõ bộ mặt thật của kinh sách phát triển để mọi người không còn bị lường gạt nữa.

Đối với Phật giáo Nguyên Thủy thì không chấp nhận những câu chuyện huyền thoại phi đạo đức như trên, đi ngược lại với đạo đức của đạo Phật.



[1]Chơn Như, ngày 6 tháng 1 năm 2001

 

NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ THIỆN ÁC THÌ CUỘC SỐNG MỚI CÓ HẠNH PHÚC, AN VUI

Câu hỏi của Liễu Giác

Hỏi: Kính bạch Thầy, y lời Thầy dạy, nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác, thì ngày nay ở đời thấy biết bao nhiêu sự bất công như: có kẻ chủ mưu dao đâm gậy đánh người và hay quậy phá mất đoàn kết, chỉ vì mưu đồ tham lam lấn chiếm mọi mặt nhưng lại được quan trên che chở, còn những người hiền đức đang bị o ép đủ đường”. Xin Thầy từ bi giảng dạy cho chúng con sự nhẫn nhục với những hạng người này, như thế nào để khỏi ảnh hưởng về đường tu tập của chúng con ạ.

Đáp:Trong sự tu tập theo Phật giáo với đôi mắt nhân quả nhìn đời thì các con phải nhớ ghi khắc trong lòng ba điều kiện này:

1- Khi tâm còn yếu tức là sức tỉnh thức chưa đủ và pháp hướng tâm chưa có lực thì đương đầu đối với những người thiếu đạo đức như du đãng côn đồ, thì chúng ta nên tránh xa họ, đừng làm quen thân với những người này, vì đương đầu với họ xả tâm rất khó khăn, nhiều khi bị ức chế tâm thành ra tự mình làm khổ sở cho mình vô cùng vô tận. Vì thế đức Phật dạy: “Sống với thiện”, sống với thiện tức là sống với những người có đạo đức, những người có đạo đức là những người lành, ngược lại là những người ác.

2- Khi tâm chúng ta có phần xả nhiều có nghĩa là tâm tỉnh thức đầy đủ và pháp hướng tâm có hiệu quả tức là tâm có đạo lực, thì lúc bấy giờ chúng ta lấy những người ác làm đối tượng để tu tâm nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng thì kết quả giải thoát ngay liền, tức là tu tập tâm bất động trước các ác pháp, nếu tâm thật sự bất động thì đó là chúng ta đã nhập Bất Động Tâm Định. Bất động tâm định là một loại thiền định giải thoát tâm hoàn toàn sống trong trạng thái Niết bàn của chư Phật mười phương. Tâm trạng người thế gian không bao giờ sống và vào đó được. Tại sao vậy? Vì tâm người thế gian còn vọng động, ham thích.

3- Khi đương đầu với ác pháp gặp các quan ăn no của hối lộ che chở cho những kẻ làm ác hại dân hại nước thì tìm mọi cách tố cáo những kẻ này cho các cấp có quyền thế lo cho dân cho nước để trừng trị tội lỗi họ, chứ không được bỏ qua vì đây là làm lợi ích cho mọi người, cho xã hội, cho dân, cho nước.

Do biết tu tập đúng như ba phương tiện ở trên thì không có ảnh hưởng vào đường tu tập của các con, mà còn có nhiều lợi ích rất lớn cho đời sống cho đạo của mình của người.

CÓ THỜ CÓ THIÊNG, CÓ KIÊNG, CÓ LÀNH

Câu hỏi của Liễu Giác

Hỏi:Kính bạch Thầy, người đời thường nói: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành, vì thế ở đâu cũng phải thờ cúng thần linh, thổ công (đất có Thổ Công, sông có Hà Bá). Vậy thờ cúng như thế nào cho đúng chánh pháp?

Có người bị bệnh ung thư gan; có người bị bại liệt; có người bị tóc kết rồng phượng trên đầu, người đời cho đó là Thần Thánh phạt phải ra hàng đầu bốn phủ, có nghĩa là phải lên đồng, nhưng những bệnh nhân này đã làm theo, kết quả thực tế những bệnh nhân này đều chết hết, như vậy tiền mất tật mang như lời Thầy đã dạy.

Sau khi những thân nhân của các bệnh nhân này đã chết mà họ còn không tỉnh ngộ, họ còn u mê, vì thế, mỗi năm cứ đến ngày giỗ, họ làm cỗ bàn linh đình giết hại bao nhiêu sinh vật, đốt rất nhiều đồ mã cho người quá cố. Như vậy có lợi gì có hại gì? Xin Thầy giảng rõ cho chúng con hiểu hiện giờ và mai sau con cháu của chúng con không còn lầm đường lạc nẻo mê tín lạc hậu như vậy nữa.

Con thành tâm sám hối Phật, sám hối Thầy và cô Diệu Quang từ bi thương xót xá tội cho chúng con đã thưa hỏi quá nhiều, tuy biết rằng tuổi già sức yếu của Thầy, nhưng chúng con hiểu ngoài Thầy ra không có vị Thầy nào giảng dạy cho chúng con được thân tâm an lạc và giải thoát như Thầy.

Kính thư

Thay mặt một số chị em

Con: Liễu Giác

Đáp:“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, câu tục ngữ của người xưa đã dạy như vậy, câu này nó đã trải qua biết bao đời người, người ta rút ra được cái kinh nghiệm thiêng và lànhđó, nhưng người xưa đâu biết cái thiêng và cái lành đó ở đâu mà ra.

Cái linh thiêng đó không phải ở chỗ thờ phụng tức là không phải ở chỗ tượng cốt, hình ảnh, bình vôi, ông táo, gốc đa, thổ công, thành hoàng, thổ địa, hà bá, thủy long, ông địa, thần tài v.v....mà ở chỗ tâm của con người.

Hằng ngày chúng ta thường đến thắp hương lạy lễ dù là gốc cây, cục đá, gò mối lâu ngày tâm chúng ta truyền cảm năng tín lực tưởng vào đó biến gốc cây, cục đá, gò mối linh thiêng, ai đi ngang qua không tỏ lòng cung kính, khạc nhổ, tiêu, tiểu nơi đó sẽ bị nhức đầu, bệnh đau v.v.... có khi rối loạn thần kinh giống như người điên.

Vậy cái thiêng của gốc cây, gò mối, cục đá có phải tự nó thiêng đâu, nó thiêng là nhờ tín tâm của chúng ta mà Đức Phật đã nói rằng: đó là năng lực tưởng của con người.

Cho nên thế giới siêu hình có là do năng lực của tưởng chúng ta tạo thành, vì thế nó không thật có chỉ là tưởng tri tạo ra mà thôi.

Chúng ta chớ nên tạo ra cái thế giới siêu hình đó nó không ích lợi cho chúng ta còn là một tai họa, một gánh nặng cho chúng ta.

Nhà thiền học Suzuki nói: “Nếu chúng ta làm sống cái thế giới siêu hình là chúng ta đem đến tai họa cho con người”. Đúng vậy, từ bao đời cái thiêng ấy đã khiến cho người ta tốn biết bao nhiêu tiền của về sự cúng bái tế lễ cho cái thế giới ảo này. Cái thế giới này chẳng giúp gì cho chúng ta được, cuối cùng tiền mất tật mang, bởi vì luật nhân quả do mình tạo ra thì mình phải chịu lấy, không có một ai chịu thay hay phù hộ cho mình được. Nếu có ai chịu thay cho mình hay phù hộ cho mình thì đó là một việc làm không công bằng, vô đạo đức.

Người ta đâu ngờ rằng, những tai qua nạn khỏi của con người là nhờ hành động thiện của họ đã chuyển hóa sự đau khổ nạn tai, chứ không phải do cái thiêng của gốc cây, cục đá, gò mối mà chuyển họa thành phước được.

Bởi cái thiêng đó do tâm của các con tạo ra, nó là một năng lực của tưởng thức  các con, chứ nó không thật có, nếu các con không tin tưởng, không thắp hương, không cúng tế không lạy lễ...thì cái thiêng đó không còn thiêng nữa. Các con cứ suy ngẫm có đúng như lời Thầy đã nói không? Nếu đúng thì các con tin, còn không đúng thì đừng tin.

Có kiêng là có lành, người ta nói: “Mùng năm, mười bốn, hai mươi ba. Đi chơi cũng lỗ lựa là đi buôn”. Trong sách xem ngày giờ tốt xấu cho ba ngày ấy trong tháng là ba ngày “tam sát”,  người đi đường xa hay khởi công làm ăn một việc gì hoặc thưa kiện... mà chọn trong ba ngày ấy thì trăm ngàn lần đều thất bại, từ đó đã ghi nhận vào tâm mọi người một ấn tượng xấu cho những ngày ấy và vì thế mọi sự tai họa xảy ra trong đời người đều xảy ra đúng vào những ngày ấy, vì vậy người ta rất kiêng cữ vào những ngày xấu đó.

Người Tây phương kiêng cữ ngày 13 trong mỗi tháng, ngày đó họ ít đi đâu cũng như chúng ta kiêng ngày lẻ, đi đường vào những ngày lẻ dễ xảy ra tai nạn, nên thường chọn vào ngày chẵn mà đi, làm ăn cũng như đi đường xa vậy, người ta đều chọn ngày chẵn.

Như chúng tôi đã nói ở trên do lòng tin của chúng ta mà năng lực tưởng tạo ra thế giới siêu hình biến thành một thế giới tai họa cho loài người. Từ nơi tâm của chúng ta tạo ra thế giới siêu hình thì cũng từ nơi tâm của chúng ta đã tạo ra nhân quả thiện ác, do đó nhân quả thiện ác cũng theo từng tâm niệm và lòng tin đó của chúng ta mà thực hiện luật nhân quả thưởng phạt rất công minh, do thế con người lại không hiểu, nên cho đó là có chư  Phật, chư Bồ Tát, Bát Bộ Thiên Long cùng chư Thần, chư Thánh hoặc Tam Bảo gia hộ, nói chung là người của thế giới siêu hình cứu khổ, cứu nạn chúng ta, nhưng chúng ta đâu có ngờ rằng thế giới siêu hình không có gia hộ cho ai cả, mà chỉ có luật nhân quả đang chuyển họa thành phước, đang chuyển phước thành họa, chúng ta lầm tưởng những người thế giới siêu hình cứu giúp chúng ta.

Ngày giờ, thời tiết không có tốt hay xấu, ngày nào, giờ nào cũng như ngày nào, giờ nào, ngày nấy, giờ nấy cũng như ngày nấy giờ nấy, mà chỉ do lòng tin của con người đã biến thành ngày giờ tốt xấu.

Vì lòng tin, tức là tâm linh của con người đã tạo thành ngày giờ tốt xấu ấy, từ đó chúng ta gây ảnh hưởng cho nhau để rồi có ngày, có giờ phải kiêng cữ trong tháng trong năm, đúng là chúng ta đã tự tạo ra cho mình nhiều thứ khổ, đi đâu hoặc làm cái gì đều phải xem ngày giờ tốt xấu thật là phiền phức, sự phiền phức này do ai tạo ra cho chúng ta, đó là sự vô minh tức là sự không hiểu biết, hiểu biết không rõ do đó lòng tin tạo ra thêm những sự rắc rối phiền phức này.

Do lòng tin ngày tốt ngày xấu tự nơi tâm chúng ta thì luật nhân quả cũng tự nơi tâm chúng ta mà thi hành, nên luật nhân quả từng theo tâm niệm và lòng tin của chúng ta ban phát hành luật, vì thế có kiêng là có lành.

Những người hay kiêng cữ tin vào ngày giờ tốt xấu khi nhân quả đến, thường đến trong những ngày xấu giờ xấu là tại sao vậy?

Luật nhân quả theo lòng tin của người đó mà trả quả như trên chúng tôi đã nói, và lúc bấy giờ người trả nhân quả thì không còn nhớ đến ngày giờ tốt xấu nữa và cũng không làm chủ được ngày giờ tốt xấu đó .

Ví dụ: Một người trộm cắp giết người sau bao ngày trốn tránh công an nhưng hôm đó nhằm ngày 14 anh ta lại ngủ quên công an bao vây mà không hay nên anh bị bắt, khi anh bị bắt thì anh nghĩ: “Ngày 14 là ngày xấu”. Do lòng tin của anh ngày 14 là ngày xấu thì luật nhân quả nó rõ thấu tâm niệm anh như vậy nên quả bị bắt thì phải nhằm ngày đó. Do đo, chúng ta mới thấy rõ lòng tin tốt ra tốt lòng tin xấu ra xấu, nhưng chúng ta phải hiểu hành động chúng ta xấu thì làm sao chúng ta tin nó tốt được, vì nó là lương tâm của chúng ta.

Ví dụ: Hôm qua chúng ta chửi mắng và đánh người khiến cho họ khổ đau, thế mà, chúng ta tin mình làm tốt được hay sao? Làm tốt sao lại chửi mắng đánh người, vu khống người, làm khổ người?

Cũng như hôm qua chúng ta bị người khác chửi mắng và đánh nhưng chúng ta nhẫn nhục không chửi mắng, không đánh lại người, không tức giận, không phiền não, khiến cho người này không giận dữ và bớt khổ đau. Những hành động như vậy chúng ta có tin mình tốt được không? Những hành động này chúng ta biết rất rõ không làm khổ mình khổ người là những hành động tốt, biết rất rõ là những hành động tốt thì chúng ta có lòng tin không? Chắc hẳn là tin rồi phải không?

Cho nên lòng tin của chúng ta là mọi sự quyết định cho cuộc sống vui hay buồn, khổ đau hay an lạc.

Trong giáo lý của nhà Phật, lòng tin là trên hết, nhưng tin phải tin đúng chánh pháp, tin đúng chánh pháp tức là tin vào thiện pháp, có tin vào thiện pháp thì mới có cuộc sống trong thiện, có cuộc sống thiện thì mới có cuộc sống an vui, thanh thản, an lạc và vô sự.

Lòng tin ấy khi được đặt vào tà pháp, tức là tin có thế giới siêu hình, tin có ngày giờ tốt xấu, tin có bản thể vạn hữu, tin có thần thông phép tắc, tin có bùa chú linh thiêng, tin có cõi Cực Lạc Tây Phương, tin có Thiên Đàng, Địa ngục v.v...... lòng tin như vậy sẽ đưa chúng ta đến muôn ngàn sự khổ đau bởi chính lòng tin ấy thúc đẩy chúng ta đi vào ác pháp, hành động ác pháp, do đó mới tiền mất tật mang, khổ đau lại còn khổ đau hơn, như vậy niềm tin đó không phải là niềm tin đúng chánh pháp.

Như chúng ta đã biết, lòng tin tạo nên tâm lực con người. Vì thế, khi ở đâu có lòng tin có ma thì ở đó có ma, lòng tin có quỷ thì ở đó có quỷ, lòng tin có thần thì ở đó có thần....quỷ, ma, thần có được là do lòng tin của chúng ta, ngoài lòng tin thì không có ma, quỷ, thần và như vậy lòng tin đã thị hiện ma, quỷ, thần chứ không phải có ma, quỷ, thần thật, từ lòng tin sanh ra ma, quỷ, thần ngoài lòng tin thì không có ma, quỷ, thần, như trên Thầy đã nói. Cho nên thiêng hay không thiêng đều do lòng tin của con người mà có.

THỜ CÚNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP

Câu hỏi của Liễu Giác

Hỏi:Thờ cúng như thế nào cho đúng chánh pháp?

Đáp:Thờ cúng đúng chánh pháp là thờ cúng đúng đạo nghĩa làm người. Vậy thờ cúng đúng đạo nghĩa làm người là thờ cúng như thế nào?

Thờ cúng đúng đạo nghĩa làm người tức là hành động cung kính tôn trọng tỏ lòng nhớ tưởng biết ơn của những người đã khuất bóng.

Ví dụ 1: Thờ cúng Tổ, Tiên, ông, bà, cha, mẹ là một hành động đạo nghĩa để tỏ lòng cung kính, tôn trọng nhớ tưởng đến ân đức, công lao khó nhọc của những người này đã gây dựng một gia đình êm ấm, một dòng họ tốt đẹp, một xã hội đoàn kết, một đất nước phồn vinh thịnh trị, đó là thờ cúng đúng chánh pháp, còn nếu như thờ cúng Tổ, Tiên, Ông, Bà, Cha, Mẹ là để linh hồn của những người đã khuất bóng này về hưởng của dâng cúng hay về để phù hộ cho con cháu mạnh khỏe bình an thì đó là thờ cúng không đúng chánh pháp. Đó là thờ cúng theo mê tín, lạc hậu.

Ví dụ 2: Thờ cúng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là để tưởng nhớ công lao của Người vì loài người Ngài đã tìm ra chân lý giúp con người thoát bốn sự đau khổ của kiếp làm người, đó là thờ cúng đúng chánh pháp, còn ngược lại thờ cúng Ngài để Ngài phù hộ cho tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ thì đó là thờ cúng không đúng chánh pháp, thờ cúng như vậy là thờ cúng mê tín, lạc hậu, đó là thờ cúng theo kiểu Phật giáo phát triển biến chùa- nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ trở thành nơi hành hương mê tín.

Thờ cúng đúng chánh pháp là phải thờ cúng những nhân vật có thật, là những con người được sanh ra và lớn lên trên hành tinh này làm lợi ích cho gia đình, xã hội, tổ quốc và loài người.

Thờ cúng đúng chánh pháp không được thờ cúng những nhân vật huyền thoại, những nhân vật tiểu thuyết, những nhân vật bịa đặt ra như: Phật Di Lặc, Phật Di Đà, Quan Thế Âm, Thế Chí, Tề Thiên Đại Thánh, Sa Tăng, Bát Giới, Nhiên Đăng Cổ Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, Phật Tỳ Bà Thi v.v......,Tất cả những nhân vật Phật và các vị Bồ Tát này là những nhân vật huyền thoại tiểu thuyết thờ cúng những nhân vật này là thờ cúng mê tín, những nhân vật này thờ cúng có thiêng cũng chỉ do tâm của chúng ta mà có thiêng chứ riêng các vị này chẳng có thiêng gì cả vì nó là những nhân vật không có thật.

Thần Sông, Thần Núi, Thổ Công, Thổ Địa, Thần Hoàng, Bổn Cảnh, Thủy Long, Long Vương, Hà Bá, Diêm Vương, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu v.v.....đều là những nhân vật giả tưởng không có thật, nếu thờ cúng những vị này là thờ cúng mê tín, lạc hậu, là thờ cúng không đúng chánh pháp.

Sự thờ cúng mê tín là thờ cúng không đúng chánh pháp, thờ cúng làm hao tài tốn của mà không có ích lợi gì cho mình, cho mọi người, cho xã hội v.v......và không nói lên được ý nghĩa cao đẹp của lòng biết ơn sâu xa của chúng ta phải không các con? Thờ cúng như vậy là vô minh,  là ngu si bị người khác lừa đảo làm tiền mà không biết tức là tiền mất tật mang.

Thờ cúng đúng chánh pháp là các con nên nhớ kỹ: “Bệnh tật tai nạn là do hành động thiếu đạo đức làm khổ mình khổ người của chúng ta tạo ra, nếu muốn cho bệnh tật tai nạn không xảy ra thì luôn luôn phải sống đúng đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, chứ không phải thờ cúng mê tín cầu khấn van xin với Thánh Thần, chư Phật, chư Bồ Tát mà tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ. được”

Thờ cúng đúng chánh pháp là thờ cúng trong tinh thần đạo lý, đạo nghĩa, ân đức và lòng hiếu sinh làm người. Thì không được giết hại sinh linh làm cỗ bàn linh đình, ngày ấy chỉ nên cúng tế trái cây thực phẩm thực vật, tránh những sự khổ đau của sinh linh, máu đổ, thịt rơi của loài động vật, tránh cúng bông hoa, có như vậy thì ơn nghĩa của chúng ta đối với những người quá cố mới tròn đầy nghĩa tình đạo lý làm người.

Ngày ấy, nếu chúng ta cúng tế bằng sự giết hại sinh linh làm cỗ bàn linh đình, tiếng kêu la đau đớn của loài vật trong tuyệt vọng trước những lưỡi dao sắc bén của những con người ác độc, những sự giãy giụa run rẩy của loài vật để mong thoát chết nào có được đâu, đôi mắt chúng long lanh nhìn vào những con người như tha thiết cầu xin tha cho mạng sống, nhưng con người như vô tình nào để ý đến. Trước khi chết, đôi mắt long lanh căm hờn khi mũi dao đâm vào cổ họng chúng, nhưng lòng thương đau của chúng ta nào có hay biết gì? Chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích phải không?

Đạo đức ân nghĩa không thể lấy sự giết hại, lấy sự chết chóc và lấy sự đau khổ của sinh linh, nói lên được ân nghĩa sao?

Đạo đức ân nghĩa thì phải lấy sự an vui, hạnh phúc của muôn loài dâng lên cúng tế những bậc tiên Hiền Thánh đức, Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta thì mới có ý nghĩa tỏ hết lòng tri ân chân thành. Đó là sự thờ cúng đúng chánh pháp các con nên ghi nhớ và cố gắng nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng thực hành cho đúng chánh pháp của Phật để mang đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của người đệ tử Phật phải không?

Đến đây Thầy xin dừng bút thăm và chúc các con vui mạnh tu tập xả tâm tốt và sống một đời sống đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người.

Kính thư

HŨ HÀI CỐT LÀ CON TIN TRONG CHÙA

Câu hỏi của Liễu Thanh

Hỏi[1]: Kính bạch Thầy, con người ai rồi cũng phải chất. Khi chết ở từng vùng họ được thân nhân đưa:

1- Hỏa táng

2- Địa táng

3- Thủy táng

4- Điểu táng

Hiện nay, một số người giàu có tiền muốn báo hiếu cho thân nhân của mình đến các chùa có diện tích đất rộng bỏ tiền ra mua một đám đất để xây một cái mồ rồi đưa xác thân nhân về chôn cất ở đó hoặc gửi tro vào tháp hài cốt trong chùa. Nhà chùa gặp cơ may này làm giàu, tính giá ít nhất là từ 5.000.000 đ cho đến 10.000.000 đ và có thể còn hơn nữa, nhờ đó nhà chùa mới làm lễ cầu siêu độ cho vong...

Các người này họ rất vinh dự được đưa thân nhân về chùa “nằm trong đất chùa, được nghe kinh, được theo Phật v.v....”.

Kính thưa Thầy, với việc làm này người chôn trong đất chùa có lợi ích gì? Người con báo hiếu đưa xác hay hài cốt người thân về chùa có lợi ích gì? Quý thầy trong chùa nhận hài cốt và an táng trong đất chùa có lợi ích gì?

Chúng con xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Theo phong tục mê tín của dân tộc Việt Nam xuất phát từ trong các chùa cho rằng người chết được chôn trong đất chùa hoặc gửi nắm tro tàn trong tháp hài cốt hằng ngày linh hồn sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc, Thiên Đàng....Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh khiến cho người ta không còn sáng suốt, nên nghe quý thầy, quý cô trong chùa bảo sao làm vậy chứ không có tư duy, suy nghĩ chín chắn, vì thế sự tin tưởng thiếu thực tế, mơ hồ, không trí tuệ của một số phật tử đã làm giàu cho các chùa và biến các chùa trở thành nhà mồ, trở thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ nữa.

Ở thành phố đất hẹp người đông, vì thế chùa muốn kinh doanh làm tiền phật tử bằng sự lừa đảo mê tín như chúng tôi đã nói ở trên. Chùa nào hiện giờ cũng xây tháp hài cốt, khi có thân nhân chết, người ta đem thiêu xác gửi vào chùa và khi gửi nắm tro tàn như vậy thì phải tốn bao nhiêu tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất nhiều hằng năm. Nếu thân nhân không cúng dường tiền thì hũ hài cốt ấy sẽ bị dẹp vào chỗ khuất lấp, còn ai cúng dường tiền nhiều thì hũ hài cốt sẽ được để trên chỗ sang trọng trong tháp.

Trong chùa các Thầy thường bảo nhau: Tháp hài cốt là núi tiền, là những mẫu ruộng mầu mỡ xài hoài không hết.

Đúng vậy, nhà chùa hiện giờ lấy hài cốt của những thân nhân phật tử làm con tin để làm tiền một cách phi nhân nghĩa, phi đạo đức.

Ví dụ: Nhà chùa muốn làm một việc gì thì nhắm vào những phật tử có gửi hài cốt hoặc chôn những thân nhân trong đất chùa, họ kêu gọi đóng góp làm từ thiện hoặc xây cất chùa và bất cứ một việc gì trong chùa v.v... đều kêu gọi.

Nghe kinh được siêu thoát về Cực lạc, Thiên đàng đâu không thấy mà chỉ thấy những người còn sống phải gánh một gánh nặng của tôn giáo mê tín.

Cho nên chùa nào có đất rộng làm nghĩa địa hoặc xây tháp hài cốt là chùa đó giàu to, giàu không mất sức lao động chút nào cả. Chúng ta thấy tệ nạn lừa đảo phật tử hiện giờ trong các chùa rất lộ liễu

Bây giờ Thầy sẽ hỏi quý phật tử, quý vị cứ vui lòng nói thẳng có sao nói vậy đừng tự dối mình:

_ Hiện giờ quý phật tử thường đến chùa không những nghe thuyết pháp mà còn ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, lạy hồng danh sám hối v.v.....thế mà quý vị có thấy ai đã được lên Thiên Đàng, Cực Lạc chưa? Có thấy hết khổ chưa? Có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết chưa? Có thấy sự giải thoát chưa? Quý vị cứ thành thật trả lời xem.

Trong lúc quý vị còn sống mà còn chưa biết được Cực Lạc, Thiên Đàng ở đâu? Có hay không có? Huống là người chết, họ còn nghe thấy được những gì. Nếu quả chăng nghe kinh được sanh về Cực Lạc Thiên Đàng thì người ta tu làm gì cho cực khổ phải không quý vị? Đó là những mánh khóe lừa đảo của kinh sách phát triển chúng ta nên cảnh giác.

Với tinh thần tình cảm đạo nghĩa của cuộc sống dân tộc Việt Nam “Sống cái nhà, thác cái mồ”, người sống dù nghèo hay giàu đều phải có một ngôi nhà, dù là nhà tranh vách lá, chòi, lều ....... cho đến nhà lầu, vila, biệt thự ......cũng vẫn là một cái nhà mà thôi.

Vì đạo nghĩa làm người nên khi chết còn lại nắm xương hoặc nắm tro tàn người ta xây một ngôi mộ nho nhỏ đủ để vùi lấp nắm xương và nắm tro trong lòng đất mẹ quê hương, để đánh dấu ghi khắc một kỷ niệm thăng trầm của một đời người.

Ngôi mộ là nơi để ghi nhớ lại cho con cháu, cho người sau một ân nghĩa khó quên, chứ người chết còn gì nữa, chết là mất đi một kiếp người.

Ngôi mộ là nơi để cho con cháu tập hợp nhắc lại những thành tích của Tổ tiên ông bà cha mẹ.

Ngôi mộ là nơi để cho con cháu đừng quên nắm xương tàn của những người thân thương.

Mỗi năm chỉ có một lần về thăm mồ mả tổ tiên ông bà cha mẹ là chúng tôi cảm thấy có một điều gì thương nhớ bùi ngùi trong tâm hồn của chúng tôi.

Bởi vậy, đối với người Việt Nam có một tình nghĩa sâu sắc khó quên, những nấm mồ của Tổ tiên ông bà cha mẹ còn đó là tình cảm con người không bao giờ phai nhòa.

Có những dân tộc khi chết đi, họ đem thiêu đốt và lấy tro đem đổ xuống biển, bảo rằng đem tro đổ xuống biển cho mát mẻ, khi thiêu xác sao không bảo rằng nóng? Việc an táng này có lợi nhưng có hại. Lợi là con cháu khỏi quét mả (tảo mộ), hại là lòng người ân nghĩa dễ quên, con cháu sau này không còn chỗ để nhớ tưởng Tổ tiên ông bà cha mẹ vì đã ném tro xuống biển làm ô nhiễm môi trường sống.

Như chúng ta đã biết trên hành tinh này con người có nhiều kiểu an táng tùy theo bản năng, tình cảm và lâu rồi nó trở thành dòng văn hoá mai táng của mỗi dân tộc. Hiện nay được chia ra làm bốn cách an táng:

1- Địa táng.

2- Hỏa táng.

3- Thủy táng.

4- Điểu táng

Những dân tộc có tình cảm sâu xa như dân tộc Việt Nam, Trung Hoa thì địa táng xây mồ mả giữ gìn nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương của mình.

Những dân tộc ít tình cảm hơn như dân tộc Cam - pu - chia thì hỏa táng lấy tro đựng trong một cái ghè để dưới gốc cây lâm vồ cây lâm vồ giống như cây đa ở nước chúng ta. Người Campuchia để tro hài cốt của ông bà cha mẹ như vậy rất thiếu vệ sinh gây ra môi trường ô nhiễm khiến cho con người dễ bịnh đau.

Những dân tộc ít tình cảm hơn nữa như dân tộc Tây Tạng thì họ điểu táng, khi người chết họ đem vào rừng cắt ra từng miếng thịt nhỏ quăng ném khắp nơi để cho loài chim bay đến ăn thịt.

 Cách thức điểu táng gây ra môi trường ô nhiễm ghê gớm mùi tanh, hôi, thối bốc ra khắp cả một vùng rừng núi khiến cho không ai dám đến nơi đó.

Tục lệ điểu táng là một việc làm thiếu vệ sinh gây ô nhiễm khiến mọi người dễ sanh bệnh tật khổ đau.

Thủy táng là những người dân sống trên sông nước, họ không có địa táng, hỏa táng hoặc điểu táng, khi có người chết họ an táng bằng cách neo vào quan tài một tảng đá to dùng thuyền chở ra giữa dòng sông họ dứt dây quan tài từ từ chìm xuống đáy sông. Lại có một số người sống ven biển như dân tộc Đại Hàn, người chết đem thiêu xác rồi lấy tro đổ xuống biển đó cũng là loại thủy táng, thủy táng bằng tro.

Loại thủy táng nào cũng thiếu vệ sinh gây ra môi trường ô nhiễm cho cuộc sống của con người.

Trong bốn loại an táng thì loại địa táng là tình cảm thiêng liêng nhất của loài người vì không thấy thi thể của người thân của mình bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Vả lại địa táng còn lưu lại dấu tích sau cùng để con cháu tưởng nhớ khó quên Tổ tiên dòng giống, duy trì và truyền thống một nền đạo đức ân nghĩa sâu dày .

Địa táng là một sự giữ gìn vệ sinh môi trường sống rất tốt, nhưng nó không được trọn vẹn vệ sinh bằng hỏa táng cộng địa táng, nhưng hỏa táng tình cảm thiêng liêng của con người, không cho phép chúng ta và chúng ta không thể không đau lòng được trước cảnh thiêu xác người thân.

Nếu hỏa táng đem tro hài cốt người thân vào chùa, điều này:

1- Mê tín (nghe kinh và siêu thoát).

2- Thiếu vệ sinh môi trường vì nắm tro tàn vẫn còn bốc mùi hôi khét khó chịu và để khơi khơi trên bàn thờ tỏa ra mùi uế trược bất tịnh ghê gớm.

3- Tốn hao tiền bạc phải cúng tế trong nhà chùa, nhà chùa lợi dụng tro hài cốt kêu gọi đóng góp mọi thứ khi chùa cần xây dựng, làm từ thiện, hoặc tổ chức cúng tế, lễ lộc v.v......

4- Nắm tro tàn hài cốt của người thân là con tin của nhà chùa để họ làm tiền phật tử, nếu Phật tử nào không có tiền cúng chùa thì tro hài cốt ấy được đẩy lui vào hốc tháp, có khi bị dẹp bỏ, nếu con cháu không cúng dường tiền cho chùa.

5- Nấm mồ trong đất chùa cũng vậy, cũng chỉ là con tin để chùa làm tiền mà thôi. Vì thế chùa có mả mồ nhiều có tháp tro hài cốt to thì chùa ấy giàu quý phật tử có thấy điều này không?

Quý vị có thân nhân được chôn trong đất chùa, quý vị đừng lấy làm vinh hạnh, nhà chùa họ kinh doanh lừa đảo quý Phật tử đó, bán đất chôn thì quá đắt (tấc đất tấc vàng) chứ họ chẳng cho quý vị đồng nào cả, họ cắt cổ quý vị tới chết chưa thôi mà còn cắt cổ con cháu của quý vị nữa, được đem tro hài cốt vào chùa thì phải có một số tiền mặt và từ đó về sau nhà chùa ăn không tiêu, tiểu tiện không thông thì họ đều kêu quý phật tử đó.

Quý vị đừng tưởng rằng: thân nhân được chôn trong đất chùa hoặc nắm tro tàn hài cốt được đặt vào ngôi tháp xinh đẹp của chùa là linh hồn được nghe kinh, được siêu thoát về cõi Cực Lạc, Thiên Đàng, Niết Bàn v.v...không chắc đâu quý vị ạ !

Điều này các con đã bị lừa đảo lọt vào mê tín. Một đời tu hành của chúng tôi hết sức giới luật nghiêm túc, thực hiện pháp ly dục ly bất thiện pháp không lúc nào nghỉ ngơi, thế mà chúng tôi đi tìm cái Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn...... cũng chẳng thấy ở đâu mà có, chỉ có là ở chỗ trạng thái tâm bất động trước các pháp lúc chúng tôi còn đang sống, còn người chết rồi thì còn chi nữa nghe kinh, siêu thoát. Chết rồi chỉ còn nghiệp lực tái sanh luân hồi vào thân nghiệp khác còn chi nữa, nắm xương tàn trong lòng đất và nắm tro tàn trong tháp còn có nghĩa lý gì trong cuộc sống này nữa, thôi hết rồi nếu lúc sống không tu đến khi chết rồi còn gì nghe kinh siêu thoát được.

Chúng tôi xin góp ý với quý phật tử, chúng ta là dân Việt Nam với tinh thần đạo đức ân nghĩa sâu dày và tình cảm khó quên  với truyền thống “cây có cội nước có nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”

Dân tộc Việt Nam có cái nhìn sự sống và chết không khác “sống cái nhà, thác cái mồ”. Với tinh thần truyền thống đạo lý này cụ Nguyễn Du nói:

“Tiết thanh minh trong lúc tháng ba,

Chị em ta rủ nhau đi tảo mộ”.

Đó là một tục lệ truyền thống tốt đẹp của con người hằng năm đến ngày này mọi người đều về thăm và quét dọn sạch sẽ mồ mả của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ..... đó là một hành động tình nghĩa đạo đức làm người, làm người không thể không có được đạo nghĩa này, nếu không có đạo nghĩa này thì không xứng đáng làm người, nhưng chúng ta đã thiêu xác cha mẹ đã gửi vô tháp nhà chùa, muốn vào thăm thì quý vị cũng phải có lễ lộc cúng bái ......chứ không lẽ đi không xem sao được. Và thăm như vậy thì đâu còn có nghĩa là đi tảo mộ.

Đi vào chùa thăm tro hài cốt của cha mẹ không còn ý nghĩa như đi tảo mộ ngày xưa nữa, nó chỉ có nghĩa là đi cúng Phật lễ bái mà thôi.

Ngày tảo mộ là ngày con cháu tụ họp về đông đủ, nói lên tinh thần đạo đức ân nghĩa, khiến cho dòng họ không còn xa lạ, con cháu gần gũi với nhau hơn, do đó gia tộc có một tinh thần đoàn kết chặt chẽ.

Ngày nay đất hẹp người đông, nên người ta thiêu xác lấy tro bỏ vào hũ, đem gửi vào chùa làm mất ý nghĩa truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và biến nhà chùa thành nhà mồ, không còn ý nghĩa nhà chùa là nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ.

Theo chúng tôi thiết nghĩ nhà chùa là nơi thanh tịnh trang nghiêm để tu hành chứ không phải nghĩa địa nhà mồ mà người tín đồ có thể đem sự bất tịnh vào đó làm cho ô uế môi trường sống chung chỗ tu hành.

Thành phố hiện giờ có rất nhiều chùa, mỗi chùa đều có nơi để tro hài cốt người chết mùi hôi của chất tro này bốc lên và lan rộng khắp cùng trong thành phố làm cho bầu không khí ở đây rất ô nhiễm, khiến cho người dân thành phố dễ bệnh hơn dân chúng ở nông thôn. Ở thành phố chỉ có nhà chùa thì được lợi mà dân thành phố thì chịu thiệt thòi.

Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, một nhà chùa nên tổ chức một nghĩa địa cách xa thành phố do phật tử tại chùa hùn nhau mua một khu đất rồi tất cả thân nhân của các phật tử chùa đó chết đều được đem về chôn cất, nhưng nhà chùa không được bán  không được lấy tiền dù ít dù nhiều của một người nào cả, vì đó là khu đất chung của phật tử, của chùa đó, cũng giống như bênđạo Công giáo, nơi nhà thờ nào họ cũng tổ chức một nghĩa địa tất cả những tín đồ chết đều được đem vào đó chôn cất một tập thể mồ mả của tín đồ Thiên Chúa.

Nhà chùa chúng ta cũng nên tổ chức như vậy nhưng không được bán lấy tiền như trên chúng tôi đã nói, bán lấy tiến làm mất ý nghĩa đạo lý của tôn giáo. Các nhà chùa ở miền Bắc đã làm sai không đúng tinh thần đạo đức làm người, đến người chết, chúng ta không dành cho họ một tấc đất để gửi nắm xương tàn hay sao? Vậy mà các chùa sao nỡ nhẫn tâm làm tiền người chết - cha mẹ hay người thân của phật tử sao đành?

 Để xác định điều này người chôn trong đất chùa cũng như gửi tro hài cốt vào tháp trong chùa thì chẳng có ích lợi gì về mặt tôn giáo, mà còn có hại là con cháu phải tốn tiền bạc đủ mọi thứ, nếu nhà chùa kêu đóng góp, thì chắc quý vị phật tử không thể nào từ chối được.

Theo Phật giáo Nguyên Thủy sống không tu tập ngăn ác diệt ác pháp đến khi chết chôn trong đất chùa cũng như chôn trong các nghĩa địa khác. Chôn và gửi tro hài cốt trong đất chùa là làm con tin cho nhà chùa.

Người con hiếu chôn hay gửi tro hài cốt cha mẹ vào chùa để được theo Phật nghe kinh, siêu thoát là điều mê tín.

Nhà chùa nhận chôn và tro hài cốt vào đất chùa là một lợi ích rất lớn, đó là kinh doanh hài cốt con người đễ làm giàu bất chánh, đây là cái sai thứ nhất.

 Nhà chùa đã biến nơi tu hành thành nơi nhà mồ nghĩa địa, nơi thực hiện sự mê tín của dân gian, đây là cái sai thứ hai.

Tóm lại vì lợi ích vệ sinh trong môi trường sống chung và đạo nghĩa làm người trong tinh thần dân tộc Việt Nam “sống cái nhà thác cái mồ” thì mỗi nhà chùa đều có một nghĩa địa riêng cách xa nơi sinh hoạt tu học của tăng ni và cư sĩ.

Nơi đó tất cả tín đồ Phật giáo khi chết đều được an táng, mỗi tín đồ không phải tốn hao một đồng một xu nào cả. Đó là thể hiện tình người tương thân tương ái, giúp nhau trong lúc hữu sự.



[1] Chơn Như ngày 8 tháng 1 năm 2001

NHỮNG TRÒ MÊ TÍN LỪA ĐẢO TRONG CÁC CHÙA

Câu hỏi của Liễu Thanh

Hỏi: Trung tâm thành phố Hà Nội có một ngôi chùa, ở phố Bà Triệu, tại đây đã thực hiện di dân hai lần, tổng chi phí lên tới vài chục tỷ đồng, để cho nhà chùa được rộng rãi khang trang và riêng biệt

Quý sư ni ở đây hành đạo bằng pháp tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn... và đặc biệt vào khóa lễ đầu năm có làm một chiếc thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở vong linh người chết về Tây phương, Niết Bàn.....

Vậy những việc làm trên của các sư ni có đem lại lợi ích gì cho Phật pháp, cho các sư ni và cho chúng sanh không ạ? Con xin Thầy từ bi dạy bảo cho chúng con được rõ, đâu là việc làm đúng chánh pháp, đâu là việc làm sai không đúng chánh pháp để cho những người hiện thời và con cháu mai sau không còn lầm lạc.....

Đáp:Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền bát nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây phương, Niết Bàn v.v....đó là những việc làm mê tín lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng để các sư cô ghi tên họ được đưa về Tây Phương Cực Lạc, đó là một việc làm mê tín lạc hậu nhất trong các kinh sách phát triển mà các sư cô thực hiện.

Những việc làm này là những việc phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo, thấy những việc làm này người có trí hiểu biết sẽ đánh giá Phật giáo là một loại tôn giáo mê tín, lừa đảo, tín đồ, do đó việc làm này  không có lợi mà còn có hại cho Phật giáo rất lớn.

Những việc làm này nó không có lợi ích cho con người khiến cho con người tiền mất tật mang chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà thôi.

Bằng chứng như trong thư đã nêu, các ni sư chỉ hành một cái nghề mê tín này mà nhà chùa có hằng tỷ bạc dám bỏ tiền ra di dân để nhà chùa được rộng rãi khang trang hơn. Cho nên không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các chùa.

Nghề mê tín là nghề bói khoa, chiêm tinh, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả v.v....

Nghề mê tín là nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã và nghề dán kho đụn, quần áo, mũ nón v.v......đó là nghề lừa đảo lường gạt tín đồ Phật giaó. Kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ đức Phật dạy, duy chỉ có kinh sách phát triển mới có dạy điều này mà thôi

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật phải có trí tuệ, phải xác nhận thấy biết những điều mê tín không lợi ích cho mình cho người, những điều phi lý mất công bằng, vô đạo đức thì nhất định không làm theo, hoàn toàn không để cho người khác lợi dụng mình, lừa đảo mình. Có như vậy mới làm sáng tỏ lại Phật giáo, mới đem lại nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình khổ người.

Nếu phật tử không sáng suốt vô tình làm theo những lời dạy mê tín của giáo pháp kinh sách phát triển thì đó là quý vị đã tiếp tay với kinh sách phát triển diệt Phật giáo và như vậy quý vị sẽ tự đánh mất nền đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật, nền đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật mất đi là quý vị không còn có đường lối tu hành giải thoát, và như vậy quý vị đã tự làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Tóm lại, quý vị cư sĩ phải đề cao cảnh giác và thường nên tránh xa những giáo pháp trừu tượng, mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, bùa chú, thần thông, dù bất cứ những loại thần thông nào, chúng là những pháp môn lừa đảo chứ không có ích lợi gì cho ai cả, quý vị nên nhớ kỹ đừng để mắc lừa, tốn hao tiền bạc, công sức tu tập mà chẳng giải thoát gì, chỉ phí uổng công khó cho một đời tu mà thôi.

TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC

Câu hỏi của Liễu Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, tại sao các chùa, các đền, các đình làng và các tôn giáo khác ở mỗi miền đất nước trên quả địa cầu này đều phát triển theo đời sống khoa học và vật chất lên cao so với các thế kỷ trước ....số lượng nơi thờ cúng mọc lên quá nhiều, số tín đồ cũng đông đúc tăng lên....sự cầu xin khấn lạy trời đất quỷ thần hằng năm cũng vô kể.... theo thế gian nói là “thịnh”.... Ấy thế mà tại sao không xoay chuyển nổi sự vận hành của thiên nhiên như: bão lụt, hạn hán, sâu bọ phá mùa màng, chuột bọ phá phách, thời tiết thất thường nóng lạnh không có nhà khoa học nào điều chỉnh được... bệnh tật - bệnh “nan y” ngày càng phát triển. Các nước khoa học tân tiến hiện đại phát triển cấy được Gen, nên người còn sống bèn mổ ra lấy lục phủ ngũ tạng thay thế cho người bệnh..v.v

Kính thưa Thầy, vì nguyên nhân gì mà trái đất này chịu nghiệt ngã trong cuộc sống của loài người đến như thế này ạ? Những việc làm trên của các nhà khoa học hay sự cầu khấn của các tín đồ tôn giáo có tác dụng hay không có tác dụng mà kết quả thảm khốc cho loài người trên hành tinh này vậy? Sao sự cầu khấn của mọi tín đồ các tôn giáo và khoa học hiện đại trên hành tinh này không khắc phục được những thiên tai và bệnh tật để cho loài người được bình an, thịnh vượng.

Đáp:Trong câu hỏi này có hai phần rõ rệt:

1- Vật chất khoa học.

2- Tâm linh Tôn giáo.

   Khoa học (vật chất) có một bước tiến triển khá xa để phục vụ đời sống con người, nhưng khoa học không chịu nhận thức đạo đức nhân bản - nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý. Vì thế, khi phát minh ra một vật dụng gì để phục vụ con người, lại quên đi hành động thiếu đạo đức nhân bản - nhân quả. Do đó khi áp dụng khoa học vào sản xuất thành phẩm để nâng cao đời sống của con người thì thải ra không biết bao nhiêu là chất độc làm cho môi trường sống chung của con người bị ô nhiễm, do môi trường sống chung bị ô nhiễm nên thời tiết không ôn hòa, khí hậu bất thường, thường xảy ra thiên tai bão lụt liên miên và đủ mọi loại bệnh tật.

Khoa học mà không có đạo đức là khoa học giết người, giết người một cách kinh khủng, vì khoa học làm đảo lộn môi trường sống, làm đảo lộn tâm lý con người (tham ít đến tham nhiều), biến con người thành ác thú. Do thế, khoa học không có đạo đức là một tai họa rất lớn cho loài người. Điều này đã chứng minh và xác định trải qua những thế kỷ gần đây, khi khoa học phát triển đã diệt con người bằng mọi cách từ bệnh tật tai nạn giao thông đến súng đạn bom, bom vi trùng, thuốc khai hoang, bom hạt nhân nguyên tử v.v.....bom nguyên tử đã diệt con người trong hai thành phố ở Nhật Bản một cách quá kinh khiếp, và tai họa đến giờ này mà dân Nhật Bản phải gánh chịu chưa dứt hậu quả của khoa học.

Xưa ông bà chúng ta di chuyển bằng đi bộ, cưỡi voi, cưỡi ngựa, xe bò, xe ngựa, xe trâu, vì thế tai nạn giao thông không xảy ra và con người không mất mạng một cách vô lý, nhưng thời đại ngày nay khoa học phát minh xe cộ chạy bằng cơ giới, tốc độ càng nhanh thì tai nạn giao thông càng tăng do thế chúng ta nên biết, những sáng tạo khoa học của loài người để phục vụ cho con người thì con người phải kèm theo trách nhiệm bổn phận đạo đức thì sự sáng tạo của khoa học là một điều lợi ích rất lớn cho loài người.

Bằng ngược lại, nếu con người thiếu đạo đức chỉ lo sáng tạo khoa học thì con người đã tự mình tự tử mà không hề hay biết.

Tóm lại, khoa học là một sự phát minh phục vụ đời sống vật chất của con người rất thực tế, nhưng về tinh thần đạo đức nhân bản - nhân quả làm người là những hành động trách nhiệm bổn phận đạo đức lương năng và lương tri của con người nó còn thực tế hơn và lợi ích hơn khoa học rất nhiều. Nếu khoa học không có mà con người có đạo đức thì cuộc sống cũng được an lành, hạnh phúc hơn nhiều, tuy nhiên vật chất không nhiều và đời sống thiếu tiện nghi, nhưng lại yên ổn và an vui.

Có khoa học mà không có đạo đức thì tai họa sẽ xảy ra cho con người vô cùng vô tận, bằng chứng lũ lụt, thiên tai, động đất, những bệnh tật thời đại nan y v.v....Có đạo đức mà không có khoa học thì con người vẫn sống an nhiên tự tại không có khổ đau, như chúng tôi đã nói ở trên, còn nếu có khoa học mà có cả đạo đức nhân bản - nhân quả nữa thì đời sống con người hạnh phúc biết bao!

Về tôn giáo thì trên hành tinh này có biết bao nhiêu tôn giáo, hằng ngày sự cầu khấn của tín đồ trên hành tinh này không lúc nào không cầu khấn, và tốn hao cho sự cầu khẩn này cũng nhiều công và của. Thế mà, tai nạn vẫn đổ lên đầu con người, như vậy tôn giáo chỉ chẳng qua là lừa đảo con người mà thôi. Bởi vì theo luật nhân quả không có một tôn giáo nào cứu khổ con người được, chính hành động đạo đức của con người mới cứu khổ cho con người được.

Tôn giáo nào ra đời, chỉ dạy cho con người có đạo đức nhân bản - nhân quả là tôn giáo không lừa đảo, là đem lại lợi ích thiết thực cho con người, còn ngược lại dạy cầu khấn ban phước, có Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, Địa Ngục v.v....đó là một sự chỉ dạy phi đạo đức, dối gạt, lừa đảo, thiếu thực tế, phản khoa học, không rõ ràng, không logic.

Những điều hỏi trên là những sự nghi ngờ chánh đáng về khoa học, về tôn giáo. Chính khoa học thiếu đạo đức nên đưa con người đến khổ đau. Hầu hết tôn giáo chỉ khéo lừa đảo tín đồ chứ không có thiết thực cụ thể chút nào cả.

Cho nên tôn giáo và khoa học hiện giờ mới nhìn vào thì dường như mang đến hạnh phúc cho người, nhưng thật sự là đem tai họa đến cho con người nhiều hơn.

Như chúng tôi đã nói ở trên, tôn giáo mà không có đạo đức là tà giáo, tà giáo sẽ lừa đảo con người bằng mọi cách, mọi thủ đoạn.

 Khoa học mà không có đạo đức sẽ làm ô nhiễm môi trường sống, và vì thế vừa phục vụ và cũng vừa giết hại loài người bằng mọi cách mà pháp luật không bắt tội được.

Cho nên làm một việc gì điều phải có đạo đức, đạo đức là hàng đầu của cuộc sống của loài người, nếu thiếu đạo đức thì con người phải chịu khổ đau muôn vàn.

ĐẤT CÓ THẦN LINH, SÔNG CÓ HÀ BÁ

Câu hỏi của Liễu Thanh

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong dân gian và các chùa từ xưa đến nay họ vẫn nói câu: “Đất có thần linh, sông có hà bá” và nhà nhà ai ai cũng có một bát hương thờ những vị thần đó.

Từ xưa đến nay người trước truyền cho người sau gây một ấn tượng sâu sắc vào tâm hồn của mọi người về thần linh của thế giới siêu hình. Những vị thần này có đủ quyền hành trong tay làm thịnh làm suy nếu ai không thờ cúng họ, thờ cúng thì phải có rượu thịt....hàng đầu....Vậy con xin Thầy dạy bảo: “Việc hiểu của dân gian trong thiên hạ như vậy có đúng không? Có ông Thần linh đó hay không? Hiện giờ mỗi người phải làm gì với tục lệ này để đúng với ý nghĩa chánh pháp mà không lạc vào mê tín dị đoan.

Còn các chùa miền Bắc có tục lệ thờ đủ thứ Phật như: Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Quan Am, Phật Dược Sư, Phật Đại Thế Chí, Phật Văn Thù Sư Lợi, Phật Phổ Hiền[1]v.v....còn bên mặt thì thờ Đức Ông Quan Thánh Đế Quân và bên trái thì thờ Bà Chúa Tiên, Chúa Sứ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, phía sau thờ Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng tức là ông giám trai, phía trước thờ ông Thiện ông Ác và Hộ Pháp.

Thường trong chùa đều cúng dâng hoa quả, nhưng đặc biệt cúng Đức Ông là phải rượu thịt. Vậy việc thờ phụng trên có đúng chánh pháp không? Và mỗi khi đến chùa chúng con phải cúng dàng như thế nào cho đúng chánh pháp? Xin Thầy từ bi dạy bảo cho chúng con được rõ.

Đáp:“Đất có Thần Linh, sông có Hà Bá”, đó là câu tục ngữ mê tín của dân gian đã được truyền tụng từ xưa đến nay.

Người xưa trí hiểu biết còn thấp kém, sống trong các bộ lạc. Đứng trước thời tiết nắng, mưa, gio, bão,núi, sông, đất đai, rừng rú, ao hồ, thú vật v.v.....quá khiếp đảm, thấy con người quá nhỏ nhoi, cho nên người xưa đặt: đất thì có thổ thần, núi thì có thần núi, tiền bạc thì có thần tài, mưa thi có thần mưa, gió thì có thần gió, cây thì có mộc thần, lửa thì có hỏa thần, sông thì có Hà Bá, giếng thì có Bà Thủy Long, sấm chớp thì gọi là thần sấm, thần sét v.v.... Tất cả những vị thần trên đây đều do trí tưởng tượng dựng lên, chứ những vị thần này không bao giờ có, chỉ vì thế giới siêu hình cũng không có.

Muốn cho đúng ý nghĩa và đạo đức làm người thì đối với đất chúng ta không nên bỏ hoang mà phải ra công sản xuất làm ra nhiều thực phẩm thì không phụ lòng của đất đó là biết ơn đất, còn người nào bỏ đất hoang không trồng trỉa chăm nom không lo sản xuất ra thực phẩm đó là những người phụ ơn đất, còn thờ cúng đất như một ông thần linh bằng thịt, heo, bò, gà, vịt, cá, tôm v.v... đó là mê tín, lạc hậu, ngu si, chỉ là người không có trí hiểu biết chân chánh, hiểu biết như thật.

Bởi vì, không bao giờ có ông thần đất cả mà chỉ có đất giúp cho con người sản xuất ra thực phẩm để nuôi sống đúng theo đạo đức nhân bản - nhân quả. Ca dao Việt Nam có câu kêu gọi chúng ta đừng quên ơn nghĩa đất:

    “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang.

Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”

Ý nghĩa câu ca dao này đã nói lên lòng yêu quý và tôn trọng đất đai đúng với tinh thần đạo đức nhân bản - nhân quả làm người của dân tộc Việt Nam thời xưa chứ không phải mê tín thờ thần đất (Thổ thần), thần sông (Hà Bá) như những người dân còn lạc hậu trong vùng rừng núi xa xôi của thời xa xưa.

Người biết ơn đất thì không bao giờ bỏ ruộng đất hoang, đất là sự sống, là vàng là bạc của con người, đất thương người như người mẹ hiền, đất không phụ lòng người, nhưng người phụ ơn đất.

Người thờ cúng bái lạy đất, xem đất như thần linh, đó là phụ ơn đất, đó là đã biến đất thành một người vô đạo đức.

Sông và nước, nước từ trên nguồn đổ xuống chảy khoét thành sông, sông là đường đi của nước để ra biển, nước từ biển bốc hơi thành mây, mây gặp lạnh thành nước, nước rơi xuống nguồn, từ trên nguồn nước đổ theo sông ra biển, đó là sự tuần hoàn của nước, chứ nào đâu có Thủy thần (Hà Bá)? Người ta cúng tế Hà Bá là vì sóng nước mênh mông gào thét ầm ì ghê rợn khiến cho người ta quá sợ hãi vì mạng sống con người ở trên sóng nước như sợi chỉ mành treo chuông dễ dàng chết trong chớp mắt. Vì thế, người ta tưởng ra một vị thần ở trong nước (Hà Bá) có thể phù hộ hay giết hại những người nào ngang tàng, không cúng tế bái lạy khi ở trên sông nước.

Sông là lộ trình của nước để nước đi ra biển, chứ sông nước không có thần linh gì cả, sông nước có thần linh là do tâm tưởng của con người tạo ra.

Sông nước là môi trường sống của loài thủy tộc, nếu không có sông nước thì loài thủy tộc không thể sống được.

Trong chùa thờ cúng nhiều tượng Phật là thờ cúng không đúng chánh pháp. Trên thế gian này duy nhất chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật là một vị Phật có lịch sử chân thật của loài người còn tất cả các vị Phật khác đều là Phật giả tưởng của người sau đặt ra, đó là những nhân vật truyền thuyết, nhân vật tiểu thuyết không có thật .

Thờ những tượng Phật không có lịch sử chân thật là thờ cúng mê tín, thờ cúng trong vô minh. Thờ cúng trong mê tín vô minh là thờ cúng không đúng chánh pháp, thờ cúng không đúng chánh pháp là thờ cúng theo kiểu ngoại đạo.

Các con là đệ tử của Phật các con phải thờ cúng đúng chánh pháp, thờ cúng đúng chánh pháp là thờ cúng trong tinh thần đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, nghĩa là thờ cúng trong sự tôn kính và biết ơn chứ không phải thờ cúng theo kiểu mê tín cầu khấn phù hộ.

Thăm và chúc con vui, mạnh, tu tập xả tâm tốt .

Kính thư



[1]Tín đồ xem các vị Bồ Tát này đã thành Phật

TÂM NGUYỆN CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy, vừa rồi chúng con được đọc hai cuốn sách của 2 cư sĩ một ở miền Nam, một ở Mỹ soạn ghi thu lược lời dạy của Thầy qua tám tập sách Thầy biên soạn “Đường Về Xứ Phật”:

1- Cẩm Nang Tu Phật.

2- Tâm Nguyện.

Thật là hữu phước nên hai vị cư sĩ này đã nói lên những suy nghĩ của tất cả mọi chúng sanh đối với bộ pháp quý vô giá này, và sự ngưỡng mộ khả kính của chúng con đối với bậc Thầy tôn kính vô tận của chúng con trong thế kỷ thứ 20 và 21 và mãi mãi mai sau còn mãi sự ngưỡng mộ này như ánh sáng hào quang tỏa sáng huy hoàng như ngày nào đó cách đây 2544 năm thời đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện để Ngài chỉ dạy cho chúng sanh biết con đường đến với chánh pháp, Ngài bài bác các pháp môn của ngoại đạo “mê tín chẳng ích lợi cho con người”. Nay con hình dung lại với ngày xưa, và ngày nay là thời kỳ của Bộ sách “Đường Về Xứ Phật” do Thầy đã tìm lại từ sự công phu tu hành nghiêm trì giới luật, nay Thầy đã làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sanh luân hồi....Vì lợi ích cho loài người Thầy cũng đang thực hiện một trách nhiệm, một trách nhiệm vĩ đại, Thầy dựng lại một giáo án ngày xưa cho người sau đi không bị lầm đường lạc lối. Chúng con nhận thấy Thầy đã làm một việc làm mà trên thế gian hành tinh này không có một ai làm được. Nếu chúng con suy nghĩ không sai thì Thầy làm một việc làm ngày hôm nay là một việc làm “kinh động” “vĩ đại” hơn bất kỳ một việc làm nào của trái đất này, có kém là kém sau năm tháng trải dài của thời gian sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy? Chúng con nguyện cùng sự phát triển ngày hôm nay mãi mãi chúng con đi theo con đường chánh pháp của Thầy chỉ dạy, nhất định một ngày nào đó chánh pháp phải có mặt trên hành tinh này do sự lãnh đạo của một nhà vua nước đó...

Kính thưa Thầy, con tu tập lúc này có nhiều tiến bộ so với năm ngoái, nhưng chưa như “Đất” được ạ?

Đáp[1]:Tu tập tâm chưa như “đất” thì các con hãy tiếp tục tu tập nữa, tuy tâm chưa như đất nhưng không còn là loại đất chai thô xấu nữa, đất tâm con có chiều tốt hơn xưa con ạ! Phải tiếp tục cố gắng lên các con, phải siêng năng nhổ cỏ, bón phân, tưới nước hằng ngày để cho cây giải thoát sẽ sanh chồi nảy tược, sẽ đâm hoa kết quả.

Siêng năng nhổ cỏ như thế nào?

Siêng năng nhổ cỏ là ngăn ác diệt ác pháp các con ạ.

Chăm sóc bón phân như thế nào?

Chăm sóc bón phân là tu tập tỉnh thức trong mọi hành động thân, miệng, ý của mình luôn luôn “nhớ, nhắc” đừng quên pháp hướng tâm.

Chăm nom tưới nước như thế nào?

Chăm nom tưới nước là tu tập Tứ Niệm Xứ tức là trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp không được để ác pháp xen vào nghĩa là thường xuyên đẩy lui chướng ngại pháp trên bốn chỗ đó.

Tóm lại muốn tâm như đất thì phải siêng năng nhổ cỏ, chăm sóc bón phân, chăm lo tưới nước hằng ngày, hằng phút hằng giây thì hoa giải thoát sẽ rộ nở. Hoa giải thoát sẽ rộ nở, đó là con đã chứng đạt chân lý. Bởi vì chân lý đang ở trước mặt con đó con có thấy không?

Các pháp hết chỉ còn thiện là chân lý của Phật giáo.



[1]Chơn Nhưngày 9 tháng 1 năm 2000

 

KẾT QUẢ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy, Tâm con an lạc vô sự và thanh thản từng thời gian, con dùng pháp hướng thì có hiệu quả rõ ràng, giải tỏa tâm đau khổ ngay liền không còn nặng trĩu như xưa lúc chưa tu, con không còn mất ngủ vì đau khổ nữa....

Còn liên tục từng phút từng giây thì con chưa làm được liên tục vì sức tỉnh thức con chưa cao.

Đáp:Con đường tu tập của đạo Phật khi bắt đầu tu là phải thấy được kết quả ngay liền, cái kết quả đó là một bằng chứng xác định cụ thể cho con đường tu tập theo Phật giáo là đạt được mục đích thật sự.

Cái kết quả giải thoát khi bắt đầu tu tập mà đã thấy được là niềm tin bất thối chuyển của hành giả, như vậy con đã thấy được sự giải thoát thật sự trong tâm hồn con như con đã trình ở trên.

Như các con đã biết, con người khổ là vì tâm tham, sân, si, mạn, nghi cùng thất kiết sử. Những pháp môn mà đức Phật dạy chúng ta tu tập trực tiếp nhằm ngăn chặn và diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử. là một pháp môn thực tế để giúp cho chúng ta thoát khổ, các con nên suy nghĩ có đúng không?

Tụng kinh, sám hối, niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, ngồi thiền, niệm chú, bắt ấn, xuất hồn, luyện tinh khí thần v.v....những pháp môn này có trực tiếp diệt tâm tham, sân, si không? Kết quả giải thoát có được không?

Nếu được sao các Thầy Tổ còn tâm tham, sân, si quá vậy? Nếu được sao các Thầy Tổ không làm chủ sanh, già, bệnh, chết? Nếu được sao các Thầy Tổ còn phạm giới, phá giới ăn ngủ phi thời quá vậy? Thầy Tổ sống không đúng đức hạnh của các bậc Thánh Tăng, Thánh Ni đến khi chết các Ngài thọ biết bao nhiêu là sự đau khổ.

Còn pháp môn của Phật mà các con đang tu là pháp môn trực tiếp đánh thẳng và dẹp sạch sự đau khổ của các con. Các con có thấy không?

Hiện giờ sự tu tập của con chưa liên tục từng phút, từng giây, các con đừng lo, cứ siêng năng tu tập xả cho hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi tức là các chướng ngại pháp trong tâm, xả hết chướng ngại pháp trong tâm thì lo gì sức tỉnh thức của con không cao.

Sự tu tập theo Phật giáo, chỗ xả tâm là chính, chứ không phải chỗ tỉnh thức là chính. Người tu tập thời nay lấy sự tỉnh thức làm chính nên lạc vào thiền tưởng, chỗ tỉnh thức chỉ giúp cho xả tâm, chứ tỉnh thức không có giải thoát. Nếu xả hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì tỉnh thức rất cao. Tỉnh thức càng cao thì tâm tham, sân, si, mạn nghi càng giảm. Do đó sự tu tập xả tâm là quan trọng đệ nhất. Vậy các con hãy lưu ý lời dạy này. Đó là lời dạy chân thật của đức Phật, vì lòng thương yêu nên Ngài chuyển pháp luân dậy chúng ta tu tập cũng được giải thoát như Ngài.

Hôm nay thọ hưởng được chánh pháp giải thoát của Ngài chúng ta thầm biết ơn sâu xa không bao giờ quên. Nguyện đời đời tu tập theo Ngài, dù cho sông cạn núi mòn nhưng lòng chúng ta không bao giờ đổi thay, quyết định tu hành cho đến khi làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi chỉ trong đời này.

CẢM ĐỘI ƠN THẦY, ƠN PHẬT

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy, sau thời gian tu tập pháp hướng tâm, con thấy rất hiệu quả, con ngăn được nhiều ác pháp, con xả được nhiều tâm ham muốn, con chẳng còn thích ăn thích mặc, thích chơi du cảnh, mà con đã thấy được tất cả là vô thường, không vĩnh viễn nên con nhàm chán.....Vừa rồi con gặp những điều bất an suốt sáu tháng trời.....Nếu con không được may mắn gặp pháp của Thầy dạy thì có lẽ con bị ngã gục trước các pháp thế gian...

May thay con đủ duyên gặp được chánh pháp của Thầy chỉ dạy, con liên tục quán xét các duyên và thấu rõ nó là vô thường không có gì là của ta cả, buông xuống hết đi..... đời chẳng có gì? Tiền bạc vật chất là khổ, khổ lắm. Nên vì thế mà con đã giải quyết biết bao nhiêu sự rắc rối và phiền toái đối với nhân quả của con......Con có trình bày việc này sau buổi thọ Bát Quan trai ở Tứ Kỳ, con đưa pháp nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng vào ứng dụng, quả nhiên hiệu quả rõ rệt....xả tham và lòng ham muốn đi thì mọi việc cũng sẽ giải tỏa...... Con có khóc, vì con cảm động trước lòng từ bi thương xót của Thầy đã ban rải ra miền Bắc mà con đã được lãnh nhận và thọ trì ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày giúp con tiến bộ nhiều, an lạc vô sự thanh thản vô cùng......

Đáp:Đức Phật đã dạy: “Pháp hiện tại không có thời gian đến để mà thấy.....”, pháp Phật là một pháp môn thực tế và cụ thể như vậy, thế mà từ xưa đến nay tín đồ Phật giáo lại tu pháp môn của ngoại đạo như: niệm Phật cầu vãng sanh, niệm chú, tụng kinh, ngồi thiền, cầu siêu, cầu an, sám hối v.v...... Cái sai này không phải do tín đồ mà do người hướng dẫn.  Người hướng dẫn thiếu sáng suốt không nhận định được pháp nào của Phật và pháp nào của ngoại đạo, chính cái sai là vì người hướng dẫn thiếu thực hành hoặc thực hành chưa tới nơi tới chốn.

Cái sai này đã biến Phật giáo thành  một tôn giáo lừa đảo tín đồ và khiến cho mọi người nghi ngờ, nhưng hôm nay các con đã thực hiện đúng như lời dạy của Phật, vì thế các con đã tìm thấy một kết quả giải thoát rõ ràng rất thực tế.

Nhờ có pháp môn này đã giúp cho các con trở thành người có đạo đức, trước tiên là đạo đức với các con, sau đó là đạo đức với người khác tức là không làm khổ mình khổ người.

Qua thời gian tu tập các con đã tự xác chứng được con đường tu theo đạo Phật là giải khổ và mang đến cho các con một hạnh phúc an vui chân thật, một gia đình êm ấm....

Mục đích của đạo Phật tuy nhiên các con chưa hoàn toàn đạt được, nhưng đã nói lên hướng đi của các con rất đúng, không còn sợ lạc nẻo sai đường.

VÀO DÒNG THÁNH

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính bạch Thầy, Hiện giờ tâm con còn chướng ngại pháp mà con chưa đẩy lui được; như con đã trình Thầy ở khoảng giữa thư..... Con xin sám hối Thầy từ bi xá lỗi cho con. Con xin cố gắng hơn nữa để khắc kỷ với con trong việc giành giựt thời gian lãng phí để con tăng thêm sức tỉnh thức và để ngăn ác diệt ác không cho nó diễn ra trong tâm con nữa.... Con xin tri ân lời dạy răn nhắc của Thầy dành cho con? Nhất là đoạn cuối thư. Thầy sách tấn cho con, con xin nỗ lực hơn nữa: “Con hãy tự thắp đuốc lên mà đi.... Tự lực cứu mình.....đừng để trôi lăn trong lục đạo luân hồi...khổ đau muôn kiếp....”. Đó là Thầy thức tỉnh cho con trong bối cảnh gia duyên quá ràng buộc con? Con cần phải thu xếp cho khéo, con cần phải xả ly và nhẫn nhục nhiều hơn nữa, để sao cho tâm như đất mà con được Thầy nhắc nhở cho con...

Kính thưa Thầy, nếu con cố gắng hơn nữa, nhiều hơn nữa, tinh tấn hơn nữa.... thì kiếp này con có đủ duyên để du nhập vào dòng tứ quả không ạ thưa Thầy? Nếu được dự vào dòng Thánh sơ quả dự lưu là con cảm thấy mãn nguyện lắm rồi...đó là ước nguyện của con trong kiếp này.....

Con xin Thầy hướng dẫn cho con tu hành. Thời gian vừa qua bốn năm con có gì sơ sót! Có gì chậm lụt, con xin Thầy dang tay cứu vớt cho con lên bờ giải thoát, kẻo con bị chết đuối thật là uổng phí một kiếp người. Con xin Thầy từ bi xá những lỗi lầm cho con.....về những việc tu hành còn chậm lụt, chưa mạnh dạn xả bỏ ràng buộc gia duyên và thói hư tật xấu của con ....

Đáp:Cuộc đời tu hành không thể tu một sáng một chiều là tu xong được mà phải có thời gian rèn luyện tu tập sửa sai những thói hư tật xấu, vì vậy đức Phật đã dạy: “Tứ Chánh Cần” có nghĩa là hằng ngày, hằng phút, hằng giây phải siêng năng cần mẫn “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Chỉ có sự siêng năng cần mẫn tu tập này mới chứng đạt mục đích giải thoát của đạo Phật. Mục đích giải thoát của đạo Phật là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Sự tu tập này mau chậm là do sự siêng năng cần mẫn chứ không phải cầu mong sự giải thoát có được. Người tu hành chỉ biết siêng năng cần mẫn, ngay sự siêng năng cần mẫn tu tập ngăn ác diệt ác pháp là có một tâm hồn thanh thản, an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Sự giải thoát như vậy các con còn cầu mong điều gì hơn nữa. Khi sự giải thoát này ở tâm các con hoàn toàn sung mãn thì lúc bấy giờ thiền định nào các con cũng nhập được, Tam Minh nào các con cũng thông suốt và sự sống chết nào các con cũng sẽ làm chủ dễ dàng, không có mệt nhọc, không có khó khăn, không có phí sức . Đó là lời đức Phật đã dạy, các con ghi nhớ đừng quên.

Nếu hằng ngày các con chuyên tâm và tinh tấn ngăn ác diệt ác pháp nơi tâm các con thì không những nhập vào dòng Thánh, mà đã trở thành một bậc Thánh trong đời này, ngay khi con còn mang lốt thân người. Con có tin điều này không?

Nếu các con tin thì sớm muộn gì các con cũng sẽ làm Thánh, nếu không tin thì cũng chẳng sao cả, chỉ khổ đau như bao nhiêu người khác mà thôi.

Đời chẳng có gì là của ta, là ta, là bản ngã của ta, chỉ là một vòng lẩn quẩn của nhân quả cũng như “nước đi ra biển lại mưa về nguồn”, nếu không chấm dứt được nhân quả thì “nước non hội ngộ cùng luôn”, do thế đời đời kiếp kiếp khó mà thoát khổ phải không hỡi các con?

Con đừng nghĩ mình chậm lụt mà nên nghĩ mình có siêng năng cần mẫn ngăn ác diệt ác pháp hay không? Đó là điều quan trọng các con cần ghi nhớ.

Tu hành theo đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đó con ạ!  mà kết quả vĩ đại biến con trở thành một vị Thánh, một siêu nhân, các con có tin điều này hay không?

Một vị Thánh, một siêu nhân không phải ở chỗ thần thông biến hóa tàng hình, ngồi thiền tịnh chỉ hơi thở mà ở chỗ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi tức là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Đó là một vị Thánh của đạo Phật, đó là mục đích của đạo Phật.

Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi, bất động trước các cảm thọ thì ai là người trực tiếp biết được điều này? có phải chính các con không? Như vậy Thánh phàm chỉ có các con mới biết các con hơn ai hết.

Nếu một người tu hành đem thần thông để lừa đảo mọi người như: ngồi thiền, tịnh chỉ hơi thở, chôn trong đất, dìm trong nước không chết, đi trên lửa hồng, bay trên hư không, biểu diễn cho mọi người xem thì cái giá trị của vị Thánh Tăng Thánh Ni trong đạo Phật không còn nữa. Những người này chỉ là những nhà ảo thuật đi bán thuốc dạo theo hè phố. Họ không phải là Thánh nhân, họ là những người khoe danh như các đạo sĩ yoga, như tăng sĩ Lạt ma đã từng trình diễn các nước trên thế giới, nhất là ở các nước Tây phương.

Thánh làm trò giải trí cho thiên hạ xem như xem hát thì còn gì là Thánh nữa. Phải không hỡi các con?

Có nhiều người đến xin Thầy tu hành, nhưng họ không tìm sự giải thoát, không tìm đạo đức làm người làm Thánh mà đi tìm thiền định có thần thông.

Thầy bảo: Ở đây Thầy không có pháp môn dạy thần thông  chỉ có pháp môn dạy đạo đức. Muốn tu học thần thông thì hãy đi qua Tây Tạng và Hy Mã Lạp Sơn mà cầu thần thông. Còn ở đây không có thiền định và thần thông chỉ có dạy về giới luật đức hạnh làm người, làm Thánh.

 Nếu ở đây có thần thông là do từ đạo đức làm người làm Thánh. Ngoài giới luật làm người làm Thánh mà có thần thông thì đó là ma vương, ác quỷ. Người không có đạo đức làm người làm Thánh thì không bao giờ có thiền định và thần thông chân chánh. Nếu có đó chỉ là năng lực của tưởng mà thôi.

Trong thời đức Phật còn tại thế có một vị Tỳ Kheo đến nói với đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu Ngài không thể hiện thần thông cho con xem thì con không thể ở đây tu phạm hạnh với Ngài.”

Đức Phật bảo:“Ta có bảo ngươi theo Ta tu học là Ta thể hiện thần thông cho ngươi xem chưa?”

Vị tỳ kheo ấy đáp: “Thưa Đức Thế Tôn, không ạ!”

Đức Phật đáp: “Nhà ngươi theo Ta tu hành là vì sự nghiệp giải thoát tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ của nhà ngươi, chứ không phải vì thiền định và thần thông, thiền định tịnh chỉ hơi thở có khác gì mũi dao đâm vào ngực, thần thông có khác gì một trò ảo thuật huyễn hóa lừa đảo thiên hạ. Nhà ngươi cóthấy được thì ở tu bằng ước ao thần thông thì tự đi Ta không ép buộc”.

Câu chuyện trên đây làm sáng tỏ mục đích tu hành của chúng ta. Sự tu hành của đạo Phật thực tế và cụ thể không dùng những thứ huyễn hoặc để lừa đảo người chỉ duy nhất là tìm sự thánh thiện trong ta, để thấy được bốn chân lý của kiếp làm người: “Khổ, tập, diệt, đạo”.

Từ khi tu xong Thầy có đủ năng lực thần thông, nhưng không bao giờ Thầy thể hiện cho một ai xem mặc dù họ tìm đủ mọi cách để Thầy thể hiện thần thông, có nhiều khi Thầy phải tạo ra sự chẳng biết tâm niệm của họ để đánh lừa họ rời khỏi Thầy, vì tâm ham muốn thần thông không thể đi chung đường của đạo Phật được. Mục đích của đạo Phật ra đời là giải khổ cho con người, đem lại nền đạo đức cho con người sống không làm khổ mình khổ người và khổ muôn loài chúng sanh, chứ không phải ra đời dạy con người thần thông.

Lấy thần thông quyến rũ người theo đạo mình là ngoại đạo, cũng như kinh sách phát triển lấy sự mê tín cám dỗ người theo đạo Phật, tưởng là dắt người vào đạo Phật, nhưng không ngờ lại biến đạo Phật thành đạo mê tín.

“Phật pháp không lìa thế gian pháp” lời dạy này đúng nhưng người thực hiện lời dạy này sai. Vì thế, tu sĩ Phật giáo hiện giờ bị thế tục hóa là do câu nói này. Một lời nói có lợi khi hiểu đúng nghĩa, còn khi hiểu sai nghĩa của nó, là một tai hại rất lớn dù trong đạo, cũng như ở ngoài đời.

Cho nên câu “Phật pháp không lìa thế gian pháp” Có nghĩa là người tu sĩ Phật giáo cũng sống chung đụng với người như thế gian, chứ không phải bỏ đời vào chùa tu hành bằng cách tụng kinh, niệm Phật, lạy hồng danh sám hối hoặc ngồi thiền v.v…Tu như vậy là yếm thế tiêu cực. Người tu sĩ Phật giáo bất cứ ở nơi đâu, sống chung với mọi người, nhưng lúc nào cũng biết ngăn ác diệt ác pháp để tâm được thanh thản an lạc và vô sự. Đó mới là người tu tập theo Phật giáo.

LÒNG THA THIẾT CẦU XIN THẦY ĐỪNG BỎ CÁC CON

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy, thưa cô Diệu Quang, chúng con cũng như tất cả chúng sanh muôn người như một khi đã được đọc sách của Thầy biết rõ chánh pháp của Phật, chúng con đều thầm ước nguyện rằng như bác cư sĩ H.N.H tác giả cuốn sách Tâm Nguyện có chỗ Bác ấy viết: Chúng con mong Thầy ở lại mãi mãi với chúng con để chúng con có bè sang sông giải thoát, kẻo không thì sẽ chìm cả đám, vì lông cánh chúng con còn yếu quá, Vả lại chúng con gặp được pháp của Thầy quá muộn màng......Chúng con xin Thầy ở lại để dìu đắt chúng con cho đến ngày giải thoát......

Thầy ơi! Chúng con còn đang chơi vơi giữa hai dòng nước: Một là dòng nước thế gian và một là một dòng nước Pháp, hai tay còn nắm cả hai dòng nước thì làm sao lên bờ được, có phải thế không thưa Thầy?

Vậy chọn lấy một dòng nước pháp, đó là bến bờ “vô ngã, vô lậu” và “minh” phải chia tay với dòng nước khổ đau, sanh ra muôn vàn thứ đau khổ và muôn kiếp luân hồi......Phải mạnh dạn lên như con cá nhảy ra ngoài vũ môn thì mới thực hiện được ước mơ làm chủ sanh tử luân hồi khổ đau có phải thế không thưa Thầy ạ?

Trước lúc ra đi vào giai đoạn II con xin lấy gia đình làm nơi xả và ứng dụng các pháp hướng để cho tâm được như đất và sửa những tính tình xấu xa đen tối của mình cho thanh tịnh thì con sẽ xin về Thầy gần cô để Thầy và cô hướng dẫn cho con đi về bến bờ giải thoát. Con xin phép hạ bút.

Đáp:Tiếng kêu gọi tha thiết từ trong tận đáy lòng của các con mong muốn Thầy trụ thế lâu dài để dẫn dắt các con đi đến tận cùng bờ giải thoát.

Các con có biết chăng? Thân nhân quả là thân đau khổ, là ổ bệnh tật, con người mang thân này như mang gông cùm có gì là hạnh phúc, đi đâu mang theo cái thân này như mang cả núi thái sơn.

Người phàm phu xem thân là quý trọng luôn luôn trau dồi làm cho thân đẹp đẽ, ăn uống bồi bổ nuôi dưỡng thân, khiến thân mập mạnh khỏe, do thân mập mạnh khỏe sanh ra nhiều dục, do nhiều dục mà tạo ra nhiều ác pháp, do nhiều ác pháp nên con người phải chịu muôn vàn khổ đau, cho nên nguyên nhân là vì quá quý trọng thân nên đã tạo cho tâm hồn khổ đau. Mỗi lần có bệnh đau là sợ thân chết, do sợ thân chết nên tâm buồn bã, lo lắng, khổ đau.

Khi tu xong Thầy cảm thấy bỏ thân này sớm chừng nào tốt chừng nấy. Năm 1980, Thầy về thăm Hòa Thượng Thanh Từ được Hòa Thượng Thanh Từ trắc nghiệm bằng công án thiền tông:

-  Ba cân gai là gì?

-  Bạch Thầy: Lá cây run trước gió.

Hòa Thượng Thanh Từ gật đầu. Lúc bấy giờ Thầy quỳ xuống xin Hòa Thượng cho Thầy nhập Niết Bàn.

Hôm nay các con được đọc bộ sách ĐVXP, thấy rõ đường đi và cách thức tu tập của Phật giáo và những cái sai của kinh sách phát triển và thiền Tông là nhờ ơn đức của Hòa Thượng, Người đã giữ Thầy ở lại để giúp Người chấn hưng Thiền Tông Việt Nam, trước lòng tha thiết của Hòa Thượng Thầy ở lại, nhưng 20 mươi năm chịu nhiều cay đắng và khổ đau vì các pháp bên ngoài và thân tứ đại vô thường, nếu không có nội lực vững vàng thì Thầy đã bị ngã gục trước các ác pháp cay nghiệt.

Đối với các con hiện giờ được gặp pháp môn chân chánh của Phật giáo và tu tập có lợi ích thiết thực như ngày hôm nay là công ơn của Hòa Thượng rất sâu dày.

Đối với các con hiện giờ có được học và sống trong đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình khổ người thường mang đến hạnh phúc, an vui cho mình cho người thì công ơn của Hòa Thượng không thể nào quên được. Tại sao vậy?

Khi Thầy tu xong Hòa Thượng khuyên Thầy nên đọc lại toàn bộ kinh sách Đại Thừa, Thiền Tông, kinh sách Nguyên Thủy và lịch sử Phật Giáo.

Suốt hơn hai năm trời, dùng trí tuệ ly dục ly ác pháp quan sát toàn bộ kinh sách của Phật giáo hiện giờ như núi, như rừng. Thầy đã phát giác ra được tất cả những điều sai trái, mê tín, dị đoan, phi đạo đức và mâu thuẫn trong kinh sách, nhất là kinh sách phát triển thì sự sai trái lừa đảo lường gạt tín đồ lại nhiều hơn, biến thành một truyền thống phong tục, mê tín từ những người tri thức đến những người bình dân ít học.

Nhờ đó hôm nay các con mới biết được sự thật của Phật giáo, nếu không có Hòa Thượng sách tấn Thầy trên bước đường tu tập thì làm gì có ngày nay Thầy dám nói ra sự thật, dám nói ra sự thật là nhờ lời dạy của Hòa Thượng: “Phật pháp còn là còn người tu chứng”. Tóm lại, công ơn của Hòa thượng đối với các con rất sâu dày:

1- Khuyên Thầy ráng tu tập để cho Phật giáo được trường tồn, cũng giống như hiện giờ Thầy khuyên các con: “ráng tu hành vì lợi ích cho mình cho mọi người trên hành tinh này và cho tất cả chúng sanh.

2- Khuyên Thầy ở lại giúp HT chấn hưng Thiền Tông Việt Nam.

3- Khuyên Thầy đọc lại kinh sách để xây dựng Thiền Tông Việt Nam theo đúng đường lối Phật giáo.

Sau khi bộ sách Đạo Đức Làm Người được ra đời, đến với các con thì Thầy xin trả chiếc thân cát bụi này cho cát bụi, chừng ấy các con đã có người thay thế Thầy để dìu dắt các con trên đường giải thoát mà không còn sợ sai lệch. Hiện giờ Thầy biết lúc nào đi lúc nào ở, các con hãy yên tâm, Thầy không bỏ các con giữa đường đâu.

Khi Thầy mất đi là thầy đã thoát ra khỏi cái thân thường đau khổ này như thoát ra khỏi ngục tù, như vậy các con phải vui phải mừng mới đúng, mới thương Thầy còn các con khóc các con buồn là không thương Thầy phải không? Vì mang chiếc thân này khổ lắm các con ạ! Rời khỏi nó là một sự an vui vô cùng vô tận. Vì thế, các con nên vui đừng buồn, buồn là ác pháp các con ạ! Như vậy các con buồn là không xứng đáng là con của Thầy, phải thanh thản an lạc xem như không có việc gì xảy ra. Bởi vì các con phải hiểu luật nhân quả tuần hoàn, “Nước đi ra biển lại mưa về nguồn”.

Vài hàng thăm và chúc các con vui mạnh tu tập xả tâm tốt

Kính thư

TRẦN NHÂN TÔN

Câu hỏi của Đô Thuý Mùi

Hỏi:Kính bạch Thầy, con xin đê đầu đảnh lễ Hòa Thượng ba lạy, cúi mong Hòa Thượng từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho con được ân triêm công đức.

Do nhiệt tâm cầu pháp có chút duyên lành từ nhiều kiếp. Nguyên do như thế con đã đón nhận bốn quyển sách ĐVXP và 2 quyển CNTP của HT giảng dạy, từ một người bạn đưa cho con.

Lúc đầu con thấy tâm trạng bàng hoàng như người chới với giữa dòng sông pháp. Thật vậy, cũng bởi nghiệp ác gây tạo từ nhiều kiếp trước, cho nên quả báo kiếp này sinh ra đời gặp 20 điều khó trong kinh Tứ Thập Nhị Chương: “Được làm người khó, làm đàn ông khó, gặp Phật khó, gặp chánh pháp khó, gặp minh sư khó....v.v...”

Phàm phu thức ám, nghiệp tập sâu dày (vô minh) ngăn che. Pháp Phật thì nhiều không lường khó thấy, chân giả lẫn lộn, chẳng biết đâu là cây tùng, đâu là cỏ dại.

Từ năm 1996 đến nay con hằng tu theo pháp môn tu thiền, tu tập tại gia dưới sự chỉ giáo của HT Thích Thanh Từ, tại tu viện Trúc Lâm (Đà lạt).

Qua nghiên cứu hai pháp môn của hai Hòa Thượng, theo thiển nghĩ riêng con, con thấy có nhiều điểm tương đồng, có chăng chỉ khác trên danh từ và pháp hành mà thôi.

Bởi HT Thanh Từ là đệ tử của HT Thiện Hoa, mà trong những quyển ĐVXP của HT lại hay dùng những câu pháp của HT Thiện Hoa áp dụng giảng dạy, cho nên một điều an ủi tự bảo với con rằng: “Tuy chưa gần nhưng cũng chẳng phải xa lạc...”

Pháp môn tu thiền HT Thanh Từ khơi nguồn từ đời nhà Trần (vua Trần Nhân Tôn). Quyển Thánh Đăng Lục nói về 5 vị vua thời Trần.

Vua Trần Nhân Tôn viên tịch, trà tỳ thu xá lợi loại to bằng hạt ngô được 500 viên loại nhỏ thì vô kể

Lúc lâm bệnh Ngài nói: “Trong người bốc nóng, mồ hôi ướt đẫm, chỉ có cái khố mẹ sanh chưa hề ướt”

Ngài hỏi Bảo Sái: “Bây giờ là mấy giờ? Giờ Tý là giờ Ta đi”.

Như thế Ngài đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết chưa?

Nhắc lại mười điều Phật dạy: “chớ nên tin.....?” Con bâng khuâng ??? Xong có một điều là Ngài đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc vợ con thê thiếp, dứt áo ra đi lên núi Yên Tử xuất gia tu Phật. Điều đó chắc chắn có thật. Qua đấy Ngài đã làm chủ được cuộc sống (sanh y)

 Đáp[1]:Câu hỏi này có ba ý:

1-Xá lợi của Trần Nhân Tôn.

2-Biết giờ chết.

3-Bỏ cung vàng điện ngọc, thê thiếp, vợ đẹp con xinh..v.v..

Để trả lời câu thứ nhất về Xá Lợi Thầy đã trả lời trong tập 9 ĐVXP rất kỹ, đó là lối lừa bịp của Thiền Đông Độ (để lại nhục thân, xá lợi) Phật tử nên đọc lại thì sẽ rõ sự lừa đảo này.

Thầy có một người cháu con của một người anh ruột, cháu năm nay mới 19 tuồi ở thành phố Hồ Chí Minh, cháu không biết tu hành là gì cả, bị nghiện thuốc phiện mà chết, đem thiêu xác thì những mảnh xương vụn không cháy hết còn quá nhiều. Như vậy xá lợi đâu có nghĩa lý gì cho đường tu tập, nó chỉ là những mảnh xương vụn bất tịnh không có giá trị gì cả, chứ không phải chỉ có người tu thiền mới còn những xương này. Xá Lợi không phải là những hạt kim cương đâu con ạ!

Để trả lời câu thứ hai về sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết của vua Trần Nhân Tôn.

Chúng ta đọc sử về tôn giáo ( Thiền phái Trúc Lâm) của Trần Nhân Tôn, chúng ta không tìm thấy ở Trần Nhân Tôn có một sự tu chứng thiền định làm chủ sanh, già, bệnh, chết thật sự như Phật. Sự chứng thiền của Ngài là chứng ngộ các công án thiền chứ không phải chứng thiền định làm chủ sự sống chết như thiền định của đức Phật ngày xưa. Nếu quý vị nghiên cứu không lầm thì thiền phái Trúc Lâm là một mô hình rập khuôn theo Thiền Tông Trung Hoa, từ thơ văn đến công án không có gì là mới lạ, chỉ có pha trộn nghi thức tụng niệm sám hối giống như Tịnh Độ Tông nhưng Việt hóa nghi thức ấy.

Ngài biết giờ chết chứ không làm chủ giờ chết. Một nhà Nho họ không tu thiền định gì cả, nhưng họ chỉ sống đúng đức hạnh của Nho Giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đến khi chết họ vẫn biết ngày giờ vì họ sống trong thiện pháp. Một nông dân sống cần cù làm ăn lương thiện không tham lam trộm cắp của ai thường sẵn lòng giúp đỡ những người bất hạnh khác trong xã hội, đến khi sắp chết ông đi thăm mọi người từ giã bà con quyến thuộc rồi về nhà đêm đó ông ngủ và chết luôn.

Nhà Nho và ông nông dân biết ngày giờ chết của mình là vì họ sống trong thiện pháp tâm hồn thanh thản nên trực giác báo động cho ông biết cái chết của mình.

Ông ngoại của Thầy là một ông đồ nho, trong cơn bệnh ngặt nghèo ông xem sách âm dương ngày giờ xung khắc hay hòa hợp và xác định tháng, ngày và giờ chết của ông cho những người thân biết. Đến khi chết ông đã xác định đúng, như vậy không sai một tí nào cả. Đây là biết giờ chết chứ không phải làm chủ giờ chết. Cho nên Trần Nhân Tôn biết giờ chết qua trực giác tưởng của mình mà thôi chứ không làm chủ sự chết, bên Tịnh Độ Ngài Từ Vân cầu nguyện, trong sám Từ Vân:

“Cầu cho tôi chết biết ngày

Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh,

 Cầu cho bệnh khổ khỏi mình,

In như thiền định họ Bàng thuở xưa”

Các Nhà Tịnh Độ chỉ cầu cho mình khi chết biết ngày, biết giờ là họ quá mãn nguyện, nhưng họ không biết cách sống như thế nào để đạt được ước nguyện ấy. Vì thế đôi khi các nhà tu Tịnh Độ cũng có người chết biết được ngày giờ chết của mình, nhưng cũng có người cũng chẳng biết được gì cả, cũng mờ mịt như đi trong đêm tối.

Một nhà Nho, một nông dân không ước nguyện, không cầu mong mà họ chỉ sống đúng đạo đức làm người đến khi chết họ cũng biết được ngày giờ chết của họ.

Trần Nhân Tôn trước khi chết biết được giờ có gì là lạ đâu. Biết giờ chết đâu có nghĩa là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

Vì thế, chúng ta Thấy Ngài không có sử dụng thiền định làm chủ sanh, tử trước giờ phút lâm chung như đức Phật.

Để trả lời về sự bỏ ngai vàng thê thiếp của Trần Nhân Tôn. Đúng là Trần Nhân Tôn là một vị xuất gia “cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa, sống không gia đình, nhưng có nhà cửa”, nhưng Ngài không phải là du tăng khất sĩ, không ba y một bát, không lấy gốc cây làm giường nằm, tâm hồn chưa phóng khoáng như hư không, chưa trắng bạch như vỏ ốc,vì còn lấy đỉnh Yên Tử làm đài quan sát để bảo vệ Tổ quốc. Như vậy vua Trần Nhân Tôn là một nhà đại chánh trị biết lấy núi Yên Tử làm quan sát đài để giữ gìn biên cương lãnh thổ, biết lấy tôn giáo làm tinh thần chiến đấu của toàn dân toàn quân, để bảo vệ Tổ quốc quê hương bằng chứng ba lần quân Nguyên xua quân đánh nước ta là ba lần chiến bại.

Vua Trần Nhân Tôn là một nhà đại chánh trị chứ không phải là một nhà đại tôn giáo, biết lấy mình sử dụng tôn giáo đúng cách để giải quyết nội bộ gia đình và đoàn kết toàn dân trong tinh thần Thiền Tông Phật giáo để chiến đấu với giặc mạnh (quân Nguyên) để bảo vệ Tổ quốc quê hương. Vì thế sự ly gia cắt ái xuất gia tu hành của Ngài khác hơn đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài biết lấy tôn giáo lãnh đạo đất nước, đem lại hòa bình cho quê hương, Ngài là một anh quân sáng suốt của dân tộc Việt Nam, biết hy sinh sự hưởng thụ cá nhân của mình để lo cho dân cho nước.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ, đi tìm sự giải thoát bốn sự đau khổ của con người, Ngài sống đời khổ hạnh lấy gốc cây làm giường nằm, thiểu dục tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như võ ốc, phóng khoáng như hư không, không còn lo việc nước việc nhà, là một du tăng khất sĩ rày đây mai đó, vì thế không có chùa To Phật lớn, đi xin ăn từng nhà, từng bữa. Ngài là ân nhân của nhân loại, của con người trên hành tinh này, Ngài không phải của riêng của một nước nào, vì Ngài để cho loài người lại bốn chân lý của loài người, trong bốn chân lý ấy có một chân lý là chương trình giáo dục đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người để xây dựng hành tinh sống này trở thành Thiên Đàng, Cực Lạc.

Vua Trần Nhân Tôn thì khác dám bỏ ngai vàng điện ngọc thê thiếp để thành một vị tu sĩ Phật giáo là vì gia đình và Tổ quốc, là vì toàn dân Việt Nam phải thoát ra khỏi ách thống trị của ngoại bang. Ngài hy sinh cá nhân hưởng thụ trong cung vàng điện ngọc để bảo vệ được gia đình và tổ quốc vậy các nhà sử học hãy nghiên cứu kỹ có đúng vậy không? Chúng tôi là những người tu sĩ Phật giáo thấy sao nói vậy đứng trong tôn giáo Phật giáo mà nhìn ra phán xét cái sai cái đúng của Phật giáo chứ chúng tôi chẳng phải là nhà sử học, nên không dám phán xét ai cả, chúng tôi nói thẳng là vì Phật giáo phải được chấn chỉnh lại cho đúng để tránh khỏi mọi người nghi ngờ Phật giáo thế này thế khác mà tu hành chẳng ra gì.

Vua Trần Nhân Tôn là một nhà chánh trị đại tài như chúng tôi đã nói ở trên, biết lấy mình làm tôn giáo để đoàn kết tinh thần toàn dân bảo vệ quê hương Tổ quốc trước giặc ngoại xâm, mạnh như vũ bão. Vì thế, khi Nhà Trần bị diệt thì phái thiền Trúc Lâm cũng suy vi và bị diệt theo, chỉ có một thời vang bóng “Trúc Lâm Tam Tổ”.

Xưa Đức Phật dạy mười điều: “chớ có tin........”, Bây giờ cư sĩ đã rõ được nguyên nhân bỏ cung vàng điện ngọc... của vua Trần Nhân Tôn cũng như Trần Cảnh (Trần Thái Tôn) vì trong gia đình bất an mà đi tu chứ không phải tìm đường thoát khổ như đức Phật.

Tam Tổ Trúc Lâm chưa có một vị nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết như Phật chỉ sống trong tưởng tri Thiền Tông“Trong người bốc nóng, mồ hôi ướt đẫm, chỉ có cái khố mẹ sanh chưa hề ướt” Đó là một công án của Thiền Tông giống như câu nói của Lục Tổ Huệ Năng: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền của Thượng Tọa Huệ Minh”

 



[1] Chơn Như ngày 21 tháng 1 năm 2001

THIỀN ỨC CHẾ TÂM

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kinh bạch Thầy, theo thiển nghĩ của con: “Đi xa từ gần, lên cao từ thấp, muốn dễ phải khó” Phải chăng HT Thích Thanh Từ đã bỏ qua chân lý này, nên Ngài đã áp dụng pháp môn tu thiền dùng pháp hành ngồi cô lập tứ chi dẹp vọng (ức chế tâm) Ngài cho là thù thắng. Nhưng qua trắc nghiệm con thấy đúng là bế tắc.

Ngồi một ngày 3 thời, mỗi thời hai tiếng cô lập thân tâm, dẹp vọng, chân thì đau mà vọng chẳng dẹp được, nó còn mống lên, như thế có phải tự mình làm khổ mình không?

Đáp:Đúng vậy ngồi thiền như vậy là ức chế cả thân tâm tự mình làm khổ mình. Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp” để được giải thoát, thế mà ngồi đau chân khổ sở mà không chấp nhận nó là ác pháp sao?

Tu không giải thoát đã tự làm khổ mình thêm mà cứ tu, đó có phải là vô minh không? Tu không tìm thấy sự giải thoát ngay liền thì không đúng với đường lối đạo Phật. Xưa đức Phật dạy: “Pháp Ta không có thời gian, tu tập sẽ có kết quả ngay liền”. Vậy mà ngồi thiền đau chân như ai bẻ giò bẻ cẳng thì làm sao có kết quả ngay liền được? Đó là tu sai pháp Phật rồi, tự làm khổ mình mà không biết. Như vậy là chúng ta đã tu theo pháp môn của ngoại đạo.

Tu theo đạo Phật dù ít dù nhiều ta cũng tìm thấy sự giải thoát ngay liền, cho nên đức Phật nêu lên mười điều kiện: “Chớ có tin....chớ có tin...., chỉ tin vào pháp thiện, pháp tu tập không đau khổ.

Vậy mà mọi người tu trong đau khổ mà vẫn tin là pháp giải thoát thật là buồn cười cho những người vô minh mà cứ tưởng mình là minh.

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kính bạch Thầy, sự thật bản thân con thấy thế, mặc dù nhưng thử thách tâm mình cũng có kết quả chút xíu là, những thói hư tật xấu có giảm thiểu, từ đó cũng thấy được tường tận lẽ thật của một kiếp người ở trong muôn một.

Chắc hẳn cũng do luật nhân quả chi phối. Sự nhiệt tâm tu hành thật sự cầu giải thoát, nên nhân duyên đã đưa con đến với Đ VXP của HT chỉ dạy về pháp môn tu Tứ Thánh Định, đi đến Tam Minh, con bừng tỉnh và nói: “À có pháp hành đây rồi” như làm lại từ đầu, xong với con chỉ như nhắc lại cho rõ hơn và phải sắp xếp cái gì cần làm trước mà thôi.

Dẫu sao thì nó cũng dấy lên trong con biết bao nhiêu là chướng ngại pháp trong tâm.

Chính vì lẽ đó hôm nay con mạo muội hỏi; xin HT từ bi hoan hỷ chỉ dạy và cũng là sách tấn cho con ngày một tinh tiến.

Kính bạch Hòa Thượng!

Kinh Tứ Thập Nhị Chương do cư sĩ Thiền Chỉu dịch, kinh này có phải Phật thuyết không?

Đáp:Kinh Tứ Thập Nhị Chương không phải Phật thuyết mà các tổ soạn viết theo kiến giải của mình trong kinh sách Nguyên Thủy A Hàm. Cho nên kinh này có sự thêm bớt rất nhiều có những bài kinh làm sai ý Phật. Quý phật tử hãy dè dặt cẩn thận đừng vội quá tin vào những loại kinh sách này, mà cần phải đề cao cảnh giác, kinh dạy thì có lý nhưng thực hành không có kết quả mà còn làm mất thì giờ vô ích của quý vị.

BẬC PHI HÀNH BIẾN HÓA

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, Chương I từ thân xuất gia tu hành bốn chân đế, chứng A La Hán, là bậc phi hành biến hóa (biến hóa tự tại) sống lâu vô cùng, ở đâu thì chuyển động cả đất trời ở đấy, như vậy có đúng không?

Đáp:Đoạn kinh này xác định bậc A La Hán như vậy là rất đúng, vì khả năng tu chứng của bậc A La Hán là một siêu nhân không thể lấy trí hữu hạn mà hiểu thấu năng lực siêu việt ấy được.

Vậy mà các Tổ dám dựng lên câu chuyện ông Ca Diếp và Ông Phú Lâu Na tranh chấp về sự việc bỏ những giới nhỏ nhặt để hạ bệ các bậc A La Hán đại đệ tử của đức Phật.

Đối với bậc A La Hán về việc bỏ những giới nhỏ nhặt mà ông A Nan quên hỏi Phật là bỏ những giới luật nào thì quá dễ. Chỉ cần hai vị A La Hán này nhập vào Niết Bàn hỏi Phật thì rõ ràng, có đâu mà lại tranh chấp hơn thiệt để mang tiếng là bậc A La Hán tư tưởng vẫn bất đồng nhau. Theo chúng tôi thiết nghĩ về vấn đề bỏ những giới nhỏ nhặt, điều đó không khó đối với ông Ca Diếp và ông Phú Lâu Na, chỉ có người sau không hiểu mới có câu chuyện vô lý này.

Như chúng ta đã biết từ giới luật mà sanh ra chư Phật và A La Hán, ngoài giới luật ra thì không có Phật và A La Hán. Vậy mà giới luật nào lại bỏ được. Giới luật là hành động đạo đức của chư Phật và A La Hán dù là giới luật nhỏ nhặt nhất nó cũng là hành động đạo đức làm người làm Thánh. Chỉ có những người không hiểu giới luật mới xem thường giới luật, để chạy theo dục vọng thế gian mới bày trò bỏ những giới nhỏ nhặt không hợp thời để tự tung, tự tác phá giới phạm giới bẻ vụn giới mà không ai dám chỉ trích chê trách phê phán họ.

Người muốn tu chứng quả A La Hán thì phải sống đúng giới luật tức là phạm hạnh của một vị Thánh Tăng, ngoài phạm hạnh của một vị Thánh Tăng ra thì không thể nào chứng quả A La Hán được.

Tóm lại bậc A La Hán là bậc siêu nhân như trong kinh đã dạy điều đó là đúng sự thật, chứ không phải như các Tổ hiểu theo trí hữu hạn, bậc A La Hán còn tranh chấp, chỉ có Phật mới là hết tranh chấp.

Bậc A La Hán là bậc vô lậu hoàn toàn họ thường sống trong tâm bất động, không có một ác pháp nào làm động tâm họ được. Họ là người ra khỏi tam giới, không còn bị qui luật nhân quả chi phối.

PHẬT VÀ A LA HÁN

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch HT, trong sách HT giảng: “Phật và A La Hán chứng quả như nhau (không có cao thấp) Thế sao về danh từ không chung là một lại còn tách bạch ra hai?

Đáp:Phật và A La Hán đều chứng quả như nhau, nhưng Phật là người sáng lập ra đạo Phật nên gọi được là Phật, còn A La Hán là những người tu chứng giải thoát như Phật nhưng phải theo giáo pháp của đức Phật, vì thế nên không được gọi là Phật, chỉ được gọi là A La Hán mà thôi.

Vì nếu gọi tất cả A La Hán là Phật thì cũng không sao, nhưng lòng người muốn phân biệt danh từ A La Hán và Phật như vậy là vì họ muốn tỏ lòng tôn kính đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn, là vì đức Phật là người đã dầy công tu tập mới sáng lập ra đạo Phật và để lại cho loài người một giáo pháp đạo đức tuyệt vời, công ơn ấy rất lớn.

Phật và A La Hán khác nhau là ở những chỗ mà chúng tôi đã nêu ở trên, vì thế danh từ gọi Phật và A La Hán phải khác nhau. Cho nên Phật có thể gọi mình A La Hán, nhưng A La Hán không thể gọi mình là Phật được.

Đạo Phật duy nhất chỉ có đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng giáo chủ, ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra thì không có một đấng giáo chủ nào khác cả, nếu có một đấng giáo chủ nào khác là do con người sau bịa đặt ra. Vì thế trước và sau Phật Thích Ca Mâu Ni thì không có một vị Phật, giáo chủ nào cả.

Những vị Phật độc giác là phải tự mình tìm lấy pháp tu hành không theo một giáo pháp nào cả nhưng tu chứng giải thoát như Phật Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là phải làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì mới được gọi là Độc Giác Phật.

NGŨ NHÃN CÒN QUÁ ÍT

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Vả lại tu Tứ Thánh Định – chứng Tam Minh là quả vị A La Hán. Sao chỉ nói có Thiên Nhãn Minh mà không nói ngũ nhãn như trong kinh Kim Cang (Nhục nhãn, tuệ nhãn.......Phật nhãn?”

Đáp: Phật tử nên phân tích rõ những danh từ dùng trong kinh sách Phật, nói thiên nhãn mà không nói minh tức là chỉ có thiên nhãn mà thôi, nhưng nói thiên nhãn minh thì có nghĩa khác. Trong Thiên nhãn minh là một trí tuệ siêu không gian và thời gian nên nó đầy đủ cả ngũ nhãn và còn nhiều hơn nữa mà kinh Kim Cang chỉ có nêu lên ngũ nhãn thật là quá ít. Ngũ nhãn gồm có:

1-    Nhục nhãn

2-    Thiên nhãn

3-    Tuệ nhãn

4-    Pháp nhãn

5-    Phật nhãn

Trong Thiên Nhãn Minh gồm có: giới nhãn, định nhãn, tuệ nhãn, nhân quả nhãn, vô lậu nhãn, nhục nhãn, thiên nhãn, Phật nhãn tức là A La Hán nhãn, túc mạng minh nhãn, Thánh đức nhãn, đại thần lực nhãn, đại uy lực nhãn, đại minh lực nhãn, lậu tận minh nhãn v.v.....

BỐ THÍ

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:  Từ bố thí cho một người hiền bằng bố thí cho 100 người ác. đến thết (cúng dường) 1000 ức vị Tam Thế Chư Phật không bằng thết một vị: Vô niệm, vô trụ và vô chứng. Như vậy, như thế nào xin HT chỉ dạy cho chúng con được rõ?

Đáp:  Đúng là kinh phát triển dạy bố thí phi đạo đức chứ kinh sách Nguyên thủy không có dạy như vậy.

Quý phật tử hãy suy nghĩ lời dạy này có đúng đạo lý không? Bố thí cho một trăm người ác phước báo bằng bố thí cho một người thiện.

Kinh sách phát triển dám lấy một người thiện mà so với một trăm người ác. theo thiển ý của chúng tôi dù lấy một ngàn, một vạn, một triệu, mười triệu hay trăm triệu, vạn  triệu cho đến vô lượng người ác cũng không thể so sánh với một người thiện vì thiện và ác là hai đường song song không thể gặp nhau trên một điểm nào cả, thì làm sao so sánh được, hễ có cái thiện thì không có cái ác, có cái ác thì không có cái thiện. Thế sao các nhà Phật giáo phát triển lại dùng thiện ác mà so sánh như vậy, đây là các nhà Đại Thừa tưởng giải để lừa đảo người không biết, chứ người biết thì kinh sách phát triển sẽ bị lật tẩy ra khỏi môi trường tôn giáo Phật giáo

Đã bảo rằng Tam Thế Chư Phật, có nghĩa là ba đời chư Phật, Ba đời chư Phật là những người tu hành đã thành Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, những người này đã giải thoát hoàn toàn, thế mà một ngàn ức vị Phật như vậy không bằng một vị vô niệm, vô trụ, vô chứng.

Vậy chúng ta tìm hiểu một vị vô niệm vô trụ vô chứng như thế nào mà các nhà Phật giáo phát triển ca ngợi tán thán như vậy.

Vô niệm như thế nào? Vô niệm là không có niệm thiện niệm ác trong đầu (Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền), công án Thiền Tông.

Vô trụ như thế nào? Vô trụ là tâm không trụ bất cứ một nơi nào cả (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm), kinh Kim Cang

Vô chứng là gì? Vô chứng là không thấy mình chứng đắc, còn thấy mình chứng đắc là chưa chứng đắc (Vô sở đắc), kinh Kim Cang.

Theo các nghĩa trên đây chúng ta xác định một người tu theo Đại Thừa và Thiền Tông khi thành tựu họ hoàn toàn vô niệm, vô trụ, vô chứng một người được cúng dường xứng đáng hơn 1000 ức vị Phật trong ba đời. Như vậy vị vô niệm vô trụ vô chứng là một vị Phật tối thượng phước báo hơn gấp 1000 lần Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni sống còn niệm, còn trụ, còn tu chứng. Tại sao chúng ta biết như vậy?

Tại vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” như vậy  chứng tỏ đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn niệm thiện, không như Thiền Tông chẳng niệm thiện niệm ác.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn dạy chúng ta tăng trưởng thiện pháp tức là còn trụ trong thiện pháp để tăng trưởng nó lớn lên, do đó chúng ta biết đức Phật Thích Ca còn Trụ trong thiện pháp vì lợi ích cho chúng sanh. Còn chúng ta trụ trong thiện pháp là để không làm khổ mình khổ người.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự xưng mình tu chứng: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật” hay khi chứng đạo đức Phật đã nói lên bài kệ nầy:

“Thiên thượng thiện hạ

Duy ngã độc tôn,

Nhất thiết thế gian,

Sanh, lão, bệnh, tử”

Đối với kinh sách Đại Thừa và thiền Đông Độ thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người chưa vô niệm, vô trụ, vô chứng tức là người chưa chứng đạo. Người chưa chứng đạo mà làm Giáo Chủ sáng lập ra Phật giáo còn người vô niệm, vô trụ, vô chứng lại không phải là giáo chủ. Vậy Phật giáo Đại Thừa và Thiền Tông là Phật giáo gì?

Dù không đối tượng ác pháp nhưng thiện pháp vẫn còn mãi mãi, vì thiện pháp là nền tảng đạo đức làm người, là nền móng giải thoát của đạo Phật, cho nên người tu sĩ đạo Phật nào cũng đều phải trụ vào đó để không làm khổ mình khổ người tức là tu giải thoát, tức là làm lợi ích cho chúng sanh.

KINH KIM CANG

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kính bạch Thầy, kinh Kim Cang có phải Phật thuyết không ?

Câu do chấp bốn tướng nên sinh ra nhiều kì sự: Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, hay câu :phàm cái gì hữu tướng đều hư hoại.

Đáp:Kinh Kim Cang không phải Phật Thuyết, do các Tổ sau này biên soạn ra, kinh này xuất xứ trong thời Ngài Long Thọ....

Các nhà tưởng giải biên soạn ra kinh Kim Cang thường lý luận chia chẻ thân ngũ uẩn đưa ra nhiều danh từ như: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, nhưng kỳ thực bốn tướng này cũng chỉ là một tướng của thân ngũ uẩn, nên cuối cùng kết luận bằng một câu kinh: “Phàm cái gì hữu tướng đều hư hoại”. Đó là một lối hý luận lòng vòng quanh co mà không có lối thoát, tức là không có pháp hành. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xác định thân ngũ uẩn cụ thể rõ ràng và dễ hiểu: “Con người do năm uẩn hợp lại mà thành, nên vô thường không có thật thể, chết là hết không còn có một vật gì lưu lại”.

Trong kinh sách Nguyên Thủy đức Phật xác định rất rõ ràng về các tướng như: nhân tướng, đặc tướng, hành tướng của thân ngũ uẩn, với sự chia ra các tướng này là để giúp cho người tu sĩ áp dụng các pháp hành trên ba tướng này để đi đến sự giải thoát hoàn toàn, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người chứ không như lý luận suông như trong kinh Kim Cang Bát Nhã bằng cách chơi chữ. Nêu lên bốn tướng của thân ngũ uẩn để chứng tỏ mình là nhà phân tích hay, nhưng lại là thứ “dỏm”.

Đọc suốt bộ kinh Kim Cang ta không thấy có một pháp hành nào cả chỉ toàn là hý luận lý thuyết suông. Cho nên nói được nhưng chưa có ai làm được như trong kinh này. Kinh này từ xưa đến nay đã cho chúng ta ăn toàn thứ bánh vẽ. Chúng tôi nói nhưng quý vị đừng vội tin mà hãy suy ngẫm, chúng tôi nói là tỉnh thức quý vị mà thôi, chúng tôi nói là gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, tin hay không tin là quyền của quý vị.

Kinh sách phát triển bày vẽ lý luận phân tích chia chẻ ra cho nhiều để làm rối loạn đường tu hành của tín đồ Phật giáo.

BÁT NHÃ TÂM KINH

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, Kinh Bát Nhã: Quán Tự Tại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã Ba La Mật, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách hoặc đối cảnh vô tâm....

Tất cả những câu pháp đó có đồng nhất với câu pháp hướng tâm như lý tác ý trong ĐVXP - HT dạy: “Tâm như cục đất” không ?

Đáp:Không, pháp hướng tâm “Tâm như cục đất” là một phương pháp tự kỷ ám thị để rèn luyện nội tâm của mình, chứ không phải một lời suông như trong Tâm Kinh Bát Nhã “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Câu kinh này là câu kinh nhật tụng hằng ngày trong các chùa không có ngày nào mà tu sĩ Phật giáo không tụng niệm câu kinh này, thế mà những người tụng niệm câu kinh này có bao giờ hết khổ ách chưa ? Từ các Tổ xa xưa cho đến các Thầy hiện giờ không ngày nào là không tụng niệm, thế mà ngũ uẩn có không đâu, nó đang hành hạ các Tổ và các Thầy đủ thứ tai họa, như vậy kinh chỉ nói chứ không có hành được là vì nó không có pháp hành. Còn pháp hướng tâm tự kỷ ám thị là một pháp môn thực hành nó đã mang đến kết quả chúng ta thấy rõ ràng, khi chúng ta giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh.

Vì thế hai pháp môn này không có giống nhau chút nào cả, một pháp môn nói được mà không hành được, nó là một triết học tánh không, (hý luận của Long Thọ) còn một pháp nói được làm được, nó là một nền đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, nó không phải là triết học, mà là đạo đức học. Nó là một môn học, đưa ra những hành động sống hằng ngày để con người áp dụng vào đời sống mà không trái với qui luật tự nhiên của bản chất con người. Cho nên càng áp dụng vào đời sống thì càng thích thú hơn nhiều vì nó mang lại hạnh phúc và sự an vui cho cá nhân và tập thể.

Nói đến đạo đức là nói đến sự sống an lành của mỗi con người, vì thế nó phải là một pháp môn cụ thể thực tế, không lý luận quanh co, không tưởng giải ra những điều  trừu tượng ảo giác không thật.

Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Hành thâm như thế nào? Chiếu kiến như thế nào? Tụng niệm hay là quán xét? Tụng niệm thì các chùa đã từng tụng niệm hằng ngày, còn quán chiếu thì người ta đã quán chiếu quá nhiều, nhưng ai là người đã độ được khổ ách? Người ta đã thực hiện nằm lòng những câu kinh này, nhưng tìm thấy sự giải thoát trong tâm thì chưa có ai cả. Tại sao vậy?

Vì nó là một triết học, một lý luận suông của những nhà học giả, không có kinh nghiệm tu hành.

VÔ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, không có ngã, không có ta và không có cái của ta, nếu quán chiếu được như thế thì mới có luận: vô khổ, tập, diệt, đạo.

Đáp:Đúng, là cái hý luận của các nhà học giả của kinh sách phát triển, vì không có cái ngã, không có cái ta và không có cái của ta nên mới có chỗ đập phá chân lý của Phật giáo là “vô khổ, tập, diệt, đạo”, nên mới có chỗ cấm tín đồ Phật giáo nếu ai tu theo Thanh Văn Nhị Thừa thì sẽ bị khinh cấu tội. Bởi vì con người không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta nên chân lý khổ, tập, diệt, đế làm sao có được. Không có cái ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì con người là gốc cây là cục đá, cho nên chân lý khổ, tập, diệt, đế của đạo Phật là chân lý của con người chứ không phải chân lý của cục đá, gốc cây, Khổ, tập, diệt, đạo đế là chân lý của con người có cái ngã, có cái ta, có cái của ta. Con người tu hành trở thành cục đá gốc cây mới sản xuất ra trí tuệ Bát Nhã Tâm Kinh, để trong các chùa hằng ngày tụng niệm “Vô khổ, tập, diệt, đạo” để diệt mất cái chân lý này đi, diệt mất cái chân lý này để làm gì? Diệt mất cái chân lý này là diệt mất Phật giáo.

Sau khi đức Phật tịch thì Phật giáo ngay trên quê hương của Người đã bị quét ra khỏi và cũng không còn dấu vết gì của Phật giáo ở trên đất nước này.

Bây giờ chúng ta trở về thăm quê hương xứ Phật những nơi di tích này mới được trùng tu, trùng tu để thu tiền khách tham quan vãng cảnh, chứ đâu có ý nghĩa làm cho Phật giáo sống, sống với đất nước Ấn Độ nữa. Một cái gì cao quý và đẹp đẽ nhất của nước Ấn độ đã bị lòng ganh tỵ nhỏ hẹp của các tôn giáo ích kỷ tại quê hương này đã diệt mất rồi, còn đâu nữa. Có còn cũng chỉ là hình thức kinh doanh tôn giáo mà thôi.

Đúng như con đã nói: “Không có ngã, không có ta, không có cái của ta, nếu quán chiếu như thế thì mới có luận vô khổ, tập, diệt, đạo”, vậy không cócái ngã, cái ta, cái của ta thì lấy cái gì quán chiếu, nếu có cái quán chiếu được thì phải có ngã, có ta, có cái của ta, ngoài ra ba cái này, thì không có cái quán chiếu. Vì thế cái quán chiếu này là cái ảo giác trừu tượng, không phải của con người. Không phải của con người thì cái này không phải của Phật giáo. Vì Phật giáo lấy con người làm nơi tu hành giải thoát cho con người, ngoài con người ra thì không có cái gì để tu hành cả, vì con người khổ nên đạo Phật ra đời giải quyết sự đau khổ cho con người, mà con người thì phải có cái ngã, cái ta, cái của ta, nhưng cái ngã, cái ta, cái của ta đều thiện thì có làm khổ mình khổ người đâu mà chúng ta lại dẹp bỏ nó, chúng ta chỉ dẹp cái ngã, cái ta, cái của ta trong ác pháp, vì cái ngã, cái ta, cái của ta trong các ác pháp là cái thường làm khổ mình khổ người, nên đức Phật dạy: “ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” thì chân lý khổ, tập, diệt, đế mới thật là chân lý của loài người.

Bởi vậy lý Bát Nhã chỉ áp dụng vào thế giới tưởng của Long Thọ chứ không thể áp dụng cho loài người được. Vì nó là một ảo giác chân không diệu hữu.

SỰ MÂU THUẪN TRONG KINH SÁCH ĐẠI THỪA

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kinh bạch Thầy, trên bình diện: Hữu sắc và vô sắc. Về hữu sắc thực tế trong nhân loại hiện nay không còn con đường nào khác là phải xây dựng cho mỗi người có một nền đạo đức nhân bản và nhân quả. Trên cơ sở bốn đế (khổ, tập, diệt, đạo). Vậy pháp hành là Tứ Chánh Cần ly dục ly ác pháp. Thật là tuyệt vời.

Bởi lẽ thế gian hiện nay, đã hầu hết làm mất đi nền đạo đức nhân bản này.  Thế mới có chuyện mua bán chức quyền, tranh giành tổng thống, làm từ thiện, bớt xén cả của những người khuyết tật, cả những người hoạn nạn do thiên tai..v.v..

Tất cả vì dục vọng mà họ đã làm mất đi bản chất làm người để đi vào thú tính, xét cho cùng ngay những con thú họ cũng không bằng. Vì bản chất loài thú, nó ăn no rồi thì thôi, nằm ngủ, nhưng con người hiện nay no vẫn chưa đủ mà còn phè phỡn tìm kiếm thật nhiều, để rồi vào tù còn giở trò sám hối.

Thật là đau lòng cho những vị Thánh Minh muốn cứu đời.......... Trước thực tại này.

Bốn câu kệ trong kinh Kim Cang

“Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai...”

Liễu nghĩa được bốn câu này thì làm gì có kinh Phổ Môn, kinh Địa Tạng, kinh Di Đà, chuyện Bà Thanh Đề, (kinh Vu Lan Bồn) là một sự lừa dối phi đạo đức và phi nhân quả, mà HT đã phải dằn giọng kêu lên. Một tiếng sét cho những ai còn mê muội....

Đáp: Tại sao kinh Kim Cang nằm trong hệ thống kinh sách phát triển mà lại mâu thuẫn đập phá lại kinh sách phát triển, bởi vậy chúng ta mới thấy hệ thống kinh sách phát triển không nhất quán. Cuốn kinh nào cũng tự ca ngợi nó là đệ nhất hơn các cuốn kinh khác, kinh Kim Cang ca ngợi kinh Kim Cang là đệ nhất, kinh Pháp Hoa cũng ca ngợi kinh Pháp Hoa là đệ nhất, kinh Lăng Già, kinh Viên giác, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng vậy. Vì thế câu:

“Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai”

Bốn câu kệ này nó thể hiện qua trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật tánh không cho một hành tinh chết trong vũ trụ này, chứ không phải áp dụng cho hành tinh sống của chúng ta, vì vậy nó là chân lý của Long Thọ sản xuất, nó đang áp dụng trên cung trăng, mặt trời và trên những hành tinh chết khác, còn ở địa cầu thì nó là chân lý ảo tưởng, vì địa cầu là môi trường sống nên mọi vật ở đây không thể là cục đá gốc cây được (không có ngã, không có ta, không có cái của ta).

Nếu bảo rằng lấy bốn câu kệ này làm pháp tu quán chiếu thì không đúng, vì bốn câu kệ này không phải là pháp hành, nó chỉ là một lý luận suông của Bát Nhã phát triển mâu thuẫn lại chính bản thân của sự phát triển, tức là mâu thuẫn lại Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Còn nếu lấy câu:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc, như điển 

Ưng tác như thị quán.

Nếu dùng câu này tác ý tu tập để chúng ta trở thành cây đá trong môi trường chết thì có thể được, chứ pháp môn này không có mang tánh chất ly tham đoạn ác pháp để được giải thoát như kinh sách Nguyên Thủy.

Do biết các pháp hữu vi như giấc mộng, như huyễn ảo, như sương mù, như điện chớp, thì nó trở thành là pháp môn tránh né, pháp môn tránh né là pháp môn ức chế tâm, pháp môn ức chế tâm thì không bao giờ ly dục ly ác pháp được, không ly dục ly ác pháp thì không bao giờ có giải thoát.

VÌ VÔ MINH TA SỐNG VIỄN LY

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, “Vì vô minh ta sống viễn ly” Theo  ý hiểu cạn cợt của con. Con suy xét trên bình diện sự và lý.

_ Về sự Ta vẫn sống hội nhập cùng mọi người, ăn ở sinh hoạt trong đời thường.

-    Về lý Ta dũng cảm bỏ đi tất cả ( ly dục ly ác pháp), phải có tâm kiên cố và dứt khoát, để chiến thắng nó.

Sen nở trong bùn mà không có mùi bùn. Có chúng sanh mới có Phật và ngược lại.

Trong Tập Đế HT dạy: “chúng sanh vì si mê nên khổ vì tưởng. Tưởng là không có thật nên không chấp. Ví dụ như bị mất trộm, bị đánh, bị chửi, rủa là đồ trâu chó.. v.v...

Phải đối cảnh với thực tế này. Lập tức con nghĩ ngay đến nhân quả. Chẳng phải kiếp này mà còn từ kiếp trước ta đã tạo nên những nghiệp này, thì bây giờ có dịp phải trả vay là đúng “hoạn nạn là giải thoát”.

Họ chửi ta là đồ trâu chó....là họ nhắc lại cho ta, kiếp trước ta là những con vật ấy rồi. Hiểu như vậy tức là ta “chánh niệm tỉnh giác”?

Đáp:Đúng vậy, Đời sống con người khổ vì lòng ham muốn và các ác pháp, nhưng lại khổ vì tưởng, lầm cho những cái không có, cho là có thật, nên khổ cũng không phải ít. Ví dụ: Thế giới siêu hình không có, người ta tưởng cho nó có, vì thế người ta phải khổ với nó rất nhiều.

Quán xét về nhân quả đây là một góc độ tu tập của Định Vô lậu. Định Vô Lậu là trí tuệ tri kiến giải thoát, người thường hay quán xét thì trí tuệ tri kiến giải thoát phát triển khiến cho ba lậu hoặc không tác động vào tâm được.

Định Vô Lậu là một loại định triển khai trí tuệ tri kiến giải thoát vô lậu như chúng tôi đã nói ở trên, nó có nhiều góc độ để quán xét như:  

1-                Quán xét về nhân quả như cư sĩ đã quán xét ở trên.

2-                Quán xét về lý duyên khởi.

3-                Quán xét về Tứ Niệm Xứ.

4-                Quán xét về Tứ Vô Lượng Tâm

5-                Quán xét Tứ Bất Hoại Tịnh.

6-                Quán xét Tứ Chánh Cần.

7-                Quán xét Thất Giác Chi.

8-                Quán xét Tứ Thánh Định.

9-                Quán xét Tứ Như Ý Túc.

10-           Quán xét Tam Minh.

Nhờ tư duy quán xét nhân quả chúng ta mới thấu rõ nhân quả thảo mộc; mới thấu rõ đường đi nhân quả của con người; mới thấu rõ thân vô thường, khổ, không, vô ngã; mới thấu rõ thân ngũ uẩn; mới thấu rõ ngũ triền cái; mới thấu rõ thập thất kiết sử ; mới thấu rõ Tứ vô lượng tâm v.v…..

Nhờ có thấu rõ nên không có ác pháp nào tác động vào thân tâm chúng ta được, vì thế mà lậu hoặc không còn, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản an lạc và vô sự. Một sự giải thoát ngay liền.

SÁT SANH MÀ KHÔNG TỘI

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:  Kính bạch Thầy, giết những con vật phá hại, hoặc kẻ ác....(chuột bọ sâu kiến.....) HT dạy là không tội ? Con đặt nghi vấn.

1-                Nếu nặng, do lợi ích cho riêng mình (lòng ích kỷ, đố kị.....

2-                Nếu nhẹ, bản thân mình làm nhưngmang lại lợi ích cho nhiều người. Thêm vào đó mình chưa ly dục ly ác pháp. Một nhân quả rất công lý và công bằng, thì tránh sao khỏi không bị chi phối ? Khởi niệm giết là chịu nhân một hành động rồi. Nhân quả vậy mà.

Đáp:Trong Giới luật của Phật có hai nghĩa:

1-Là đức hạnh

2-Là pháp luật nghiêm cấm.

Đứng trên giới luật của Phật mà nói thì giới luật là pháp luật nhân quả. Pháp luật nhân quả luôn luôn áp dụng cho muôn loài vạn vật trên hành tinh này rất bình đẳng không có một pháp luật nào bình đẳng hơn được.

Khi nói đến nhân quả là phải nói đến môi trường sống, hễ nói môi trường sống thì phải nói đến một đạo luật công bằng và công lý.

Chuột, bọ, sâu, rầy, kiến...là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác, trong đó có con người, chúng cũng có một sự sống như bao nhiêu sự sống khác, chúng cũng biết đau khổ, biết sợ chết.....

Vì thế vô cớ mà chúng ta xâm phạm đến đời sống của chúng và còn tìm chúng giết hại thì dù là một con kiến, con trùng, con dế v.v.......vẫn bị kết tội nặng cũng như giết một mạng người, đó là pháp luật nhân quả định tội, có định tội như vậy mới là một đạo luật công bằng, ngược lại chúng xâm chiếm vào đời sống của chúng ta phá hại mùa màng do công lao của chúng ta làm ra bằng mồ hôi nước mắt, vì thế chúng ta có quyền bảo vệ sự sống của chúng ta bằng cách phải diệt trừ kẻ ác để tự vệ không những riêng cho chúng ta mà còn bao nhiêu loài vật khác nữa, luật nhân quả phải công bằng trên vấn đề này. Vì loài sâu bọ chuột đang phá hoại mùa màng và đang giết người và giết các loài vật khác, chúng ta và các loài vật khác sẽ bị chết đói.

Đứng trên công lý những loài sâu bọ côn trùng chuột v.v....có tội trộm cướp và cố sát loài người và loài vật khác, tội ấy là tội tử hình, như vậy chúng ta giết các loài sâu bọ chuột để tự vệ bảo toàn sự sống của mình và các loài vật khác thì bất cứ một pháp luật nào chúng ta cũng đều là người vô tội.

Ví dụ: Một nước đang bị ngoại xâm, toàn dân nước ấy đứng lên chống ngoại xâm giết giặc tức là giết người mà không có tội, còn kẻ cướp nước kia mới là kẻ có tội. Tại sao vậy?

Vì môi trường sống chung thì phải được bảo vệ để cho mọi loài động vật trên hành tinh này, được sống bình đẳng và an ổn. Vì thế phải diệt trừ những loài vật phá hoại môi trường sống. Luật nhân quả sẽ công bằng trị tội nếu ai phá hoại môi trường sống sẽ tự chuốc hậu quả. Loài côn trùng, sâu, bọ, chuột  v.v...cũng vậy. Do chúng tạo nhân chẳng lành thì chúng phải trả quả, là chúng ta diệt chúng, đó là luật nhân quả rất công minh.

Đối với kẻ có tội trộm cướp giết hại sự sống của loài người thì pháp luật thế gian cũng đều kết án tử hình huống là luật nhân quả, do đó ta giết côn trùng phá hại mùa màng của ta là không có tội .

NGÃ VÀ VÔ NGÃ

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, câu tác ý: (Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành) Con hỏi: Đã phá bản ngã thì là gì có tôi và của tôi. Vậy thay bằng chữ thân đi kinh hành có khác nhau không?

Đáp: Dù có thay danh từ nào thì nghĩa của nó cũng chỉ là “tôi”. Người ta đã chịu ảnh hưởng của Thiền Tông và kinh sách phát triển quá sâu cho là con người tu theo đạo Phật thì phải không có ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì người ấy mới giải thoát, cho nên thường tránh những danh từ xưng hô cái tôi, cái ta mà xưng hô là trò, là con v.v... là có ý dẹp ngã, đó là một việc làm sai. Theo đạo Phật sự cung kính trước mặt cũng như sau lưng thì đó là đạo đức chân thật lợi ích cho mình cho người, còn trước mặt xưng hô là trò,là con mà sau lưng thì khác thì cái đó là giả dối chứ không phải diệt ngã xả tâm.

Chúng tôi hiểu theo đức Phật dạy: “Vô thường, khổ, vô ngã”, đây là tam pháp ấn để xác định một sự thật về thế giới hiện tượng này, do chúng ta không hiểu ý này nên lo đập phá cái ngã của mình. Bởi vì người ta thường lầm chấp cho thế giới này là thường hằng, không khổ, là hạnh phúc, vì sự lầm chấp dính mắc này nên đức Phật dạy cho chúng ta hiểu để không dính mắc, chứ đức Phật không bảo chúng ta tu hành để trở thành cây đá (vô ngã, không ta, không cái của ta).

Đức Phật dạy: “diệt ngã” là xả lòng ham muốn của mình, chứ không phải diệt cái ngã, xả lòng ham muốn của mình là diệt đế, diệt đế là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật, chứ không phải diệt ngã như người ta hiểu.

Vô thường, khổ thì ai cũng rõ, nhưng vô ngã thì người hiểu như thế này, kẻ hiểu như thế kia. Có người lại hiểu rằng: Vô ngã là Niết bàn, hiểu như vậy có nghĩa là trong Niết bàn không có ngã. Vậy không có ngã thì ai là người biết Niết bàn? Không người biết Niết bàn sao đức Phật lại biết mà dạy cho chúng ta Diệt đế. Trong Diệt đế theo chúng tôi hiểu thì phải có ngã, vì Diệt đế là mục đích giải thoát của con người cho nên nó là một chân lý của loài người không ai chối cãi được. Một sự giải thoát chân thật không ai phủ nhận được vì nó có người biết Niết bàn, có người biết tự Niết bàn trong tâm của mình thì không thể nào là vô ngã được.

Đức Phật dạy: “Pháp không có thời gian đến để mà thấy” Vậy khi tu theo đạo Phật chúng ta thấy sự giải thoát rõ ràng, vậy không thể nào vô ngã được.

Ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, vậy cái gì ngăn và diệt ác pháp, cái gì sanh thiện tăng trưởng thiện?

Thưa quý vị! Cái gì không giải thoát, cái gì giải thoát? Ac pháp là không giải thoát, thiện pháp là giải thoát. Như vậy người tu có cần gì diệt ngã, cái ngã chỉ cần biết sống trong thiện pháp là Niết bàn rồi.

Đạo Phật ra đời vốn vì con người khổ chứ không phải vì cái ngã của con người. Đạo Phật biết lấy cái ngã ác của con người tu sửa trở lại để trở thành cái ngã thiện, nhờ thế con người sống toàn thiện, đó là Niết bàn, chứ không phải vô ngã là Niết bàn như kinh sách phát triển dạy.

Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã lầm, nên đã ca ngợi những người vô niệm, vô trụ, vô chứng là tối thượng, vô niệm, vô trụ, vô chứng là vô ngã mà vô ngã là gốc cây cục đá rồi. Nếu còn có cái biết thì không thể nào gọi là vô ngã được.

Con người tu để vô ngã thì không bao giờ tu vô ngã được, cũng như con người bảo rằng không tài sản thì không thể nào có người không tài sản được.

Vì thế, hữu ngã thiện pháp mới thật sự là vô ngã. Có của cải tài sản mà không dính mắc của cải tài sản mới thật sự là không tài sản, nhờ đó mà tâm dược an vui, hạnh phúc. Cho nên hữu ngã thiện mới không làm khổ mình, khổ người, gọi là giải thoát. Tu hành theo đạo Phật để hiểu biết rõ thiện và ác, lúc nào cũng ngăn và diệt ác pháp thì thì mục đích của Phật giáo nơi đó là đã chứng đạo.

LỤC ĐỘ BA LA MẬT

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong pháp hành, nếu ngồi kiết già thẳng lưng thời gian 30’, có thực hiện được sáu ba la mật không? (giới, định, tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, bố thí)

Nếu đi kinh hành nhiều, vô tình dẫm đạp lên những con vật nhỏ xíu, có phạm vào giới sát không? (nó nhiều lắm rất khó tránh).

 Đáp:Ngồi kiết già lưng thẳng giữ tâm không niệm thiện niệm ác thì đó là tu sáu ba la mật rồi, bởi vì sáu ba la mật kể ra cho nhiều, nghe cho vui chứ chính bản chất của nó là không (người cho mà không biết mình cho và người nhận không biết mình nhận thì đó mới là bố thí Ba La Mật), Những điều này là những điều hý luận, toàn là thứ bánh vẽ.

Cho nên từ xưa đến giờ không có ai tu sáu độ ba la mật được cả, chỉ lừa đảo người mà thôi.

Đi kinh hành sợ dẫm đạp lên chúng sanh, chính sự sợ dẫm đạp lên chúng sanh mới là đi kinh hành, còn không sợ dẫm đạp lên chúng sanh mà đi kinh hành thì không có nghĩa là đi kinh hành nữa.

Vô tình sát hại chúng sanh vẫn có tội, do có tội nên đi kinh hành rất cẩn thận, như vậy mới thật sự kinh hành tỉnh thức, mới có nghĩa là tu tập kinh hành.

Nhờ sợ dẫm đạp lên chúng sanh mà đi kinh hành đúng đắn, đi kinh hành đúng đắn là tỉnh thức.

TỨ THIỀN CÓ GIỐNG VÔ TÂM KHÔNG

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kính bạch Thầy, tu đến Tứ Thiền: xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh. Có giống vô tâm không?

 Đáp: Không, trong trạng thái Tứ Thiền chúng ta có một tâm lực siêuviệt dùng để thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh, không phải vô tâm như Thiền Đông Độ.

Tứ Thiền làmột loại định của thân, vì thế khi nhập Tứ Thiền thì thân bất động, hơi thở tịnh chỉ, hơi thở tịnh chỉ thì các hành trong thân đều ngưng nghỉ.

Vô tâm là một loại thiền định của Đại Thừa và Thiền Đông Độ, vì thế thân nó không định tức là thân còn hoạt động (còn thở ra, vô), Thân không định thì không thể nào thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh được. Nếu không thực hiện được Tứ Như Ý Túc và Tam Minh thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

ĐỨC PHẬT ĐÃ THÀNH PHẬT TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP CÓ ĐÚNG KHÔNG?

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi: Kính bạch Thầy, trong nhiều kinh nói: Đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp, vì thương chúng sanh thị hiện vào làm con vua Tịnh Phạn ở cõi Sa Bà để hóa độ chúng sanh.

Theo như HT giảng trong ĐVXP, chính niệm tỉnh giác ở giai đoạn bốn “khi bỏ thân này (chết) đi đầu thai vào trong thai mẹ, ở trong thai mẹ, ra khỏi thai mẹ và lớn lên đều biết”

Đã như thế thì có nhớ biết được tiền kiếp không? Như vậy sao lúc đầu Phật còn tu sai?

Hay do Phật phương tiện để hóa độ chúng sanh cho nên lúc quyền lúc thật là như thế?

 Đáp:Nhiều kinh nói về đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật từ vô lượng kiếp, nhưng đó là những kinh sách phát triển, do tưởng của người sau bịa đặt ra. Sự thật luôn có sức mạnh của nó, và lịch sử đã chứng minh điều này. Đức Phật sanh ra cũng có cha mẹ lớn lên có vợ con cũng giống như bao nhiêu người khác trên hành tinh này. Vì ngao ngán đời người sanh ra để thọ khổ, nên Ngài từ giã cung vàng điện ngọc cha già, vợ trẻ, con thơ để đi tìm đường thoát khổ. Sau bao năm tu hành không đúng chánh pháp, tưởng chừng như Ngài sắp chết, bỏ xác giữa rừng già. Phước của chúng sanh trên hành tinh này còn nên cuối cùng Ngài đã tìm ra một lối đi giải thoát, mà thời ấy không có tôn giáo nào có được giáo pháp chân lý ấy.

Sau 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, Ngài chứng quả giải thoát, từ đó mới bắt đầu có đạo Phật. Đạo Phật một nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người, mà con người đã có sẵn nhưng có mấy ai biết đến. Bài pháp đầu tiên TỨ DIỆU ĐẾ đã làm sáng tỏ những gì con đã từng có mà không biết, nhưng sau này kinh sách phát triển bịa đặt ra và bóp méo làm sai lệch lịch sử của một con người toàn thiện như Ngài, một ân nhân của loài người.

Sau khi chứng quả chánh giác Ngài đã thấu suốt đường đi, nên trong kinh Ngài dạy: “có bốn giai đoạn tỉnh thức:

1- Tỉnh thức khi chết vào thai mẹ.

2- Tỉnh thức khi ở trong bụng mẹ.

3- Tỉnh thức khi xuất thai.

4- Tỉnh thức trong khi còn bé

Bốn sự tỉnh thức này là những pháp môn tu tập để làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người.

Kinh sách viết sai sự thật là những kinh sách không đáng tin cậy, vì thế, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Có 10 điều chớ có tin.....”.

Đức Phật đã nhắc chúng ta như vậy thế mà những kinh sách nói không đúng sự thật thì chúng ta lại tin được sao?

Chúng tôi nghĩ đức Phật thường dạy thẳng thực hành vào pháp môn của Ngài hơn là dùng phương tiện, vì dùng phương tiện người tu hành dễ bị lệch lạc vào ngoại đạo. Đức Phật là người thẳng thắn, không giả dối, nên không dụng quyền, người sau không hiểu nên đã dùng nhiều phương tiện vì thế, khiến cho đạo Phật ngày nay mới ra nông nỗi này, mới trở thành một tôn giáo thần quyền.

BẤT ƯNG TRỤ SẮC SANH TÂM CÓ GIỐNG BẤT ĐỘNG TÂM ĐỊNH KHÔNG ?

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:Kính bạch Thầy, kinh Kim Cương dạy: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Vậy có giống Định Bất Động Tâm hay Định Vô Tướng hay phòng hộ: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần không?

Vậy thì vô tâm, nhưng liễu liễu thường tri (rõ ràng thường biết có giống tác ý câu: “tâm như cục đất không?

Tâm như đất, có sợ rơi vào vô ký không?

 Đáp:Kinh Kim Cang thuộc về hệ thống Bát Nhã, Bát Nhã là không. Câu kinh trên đây diễn tả vị trí chân không diệu hữu của triết học tánh không, thì không thể nào là bất động tâm định, bất động tâm định do ly dục ly ác pháp hay nói một cách khác hơn bất động tâm định là tâm không phóng đật, nên Đức Phật dạy: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Bất động tâm định là một quá trình tu tập bằng một cuộc sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả trong khi giữ gìn giới luật, mà còn tu tập các pháp hành như: Tứ Bất Hoại Tịnh, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ.....để làm cho thanh tịnh giới luật, nhờ giới luật thanh tịnh tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Các nhà kinh sách phát triển chỉ biết lý luận bằng ngôn ngữ hay tuyệt nhưng cuộc sống của các Ngài rất phàm phu (sống phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới), nhưng lại khéo dùng những danh từ để che mắt tín đồ: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đây là những danh từ suông chứ sự sống của con người không thể thực hiện được như vậy, cho nên kinh sách thuộc hệ thống Bát Nhã này từ xưa cho đến nay đã lưu hành hơn hai nghìn năm mà có mấy ai đã tu tập đạt được.

Vô tâm nhưng liễu liễu thường tri nghĩa của nó cũng giống như chân không diệu hữu, chỉ nói được chứ không sống với cái đó được là tại vì nó là cái bánh vẽ, còn câu tác ý tâm như cục đất là câu pháp huấn luyện tâm để tâm huân thành thói quen như đất chứ không phải tâm là cục đất thật. Vì thế, tâm làm sao rơi vào vô ký được.

Nghe hướng tâm như đất là người ta sợ tâm thành đất thật sự, đất là đất tâm là tâm có nghĩa là tâm không làm khổ mình khổ người nữa tức là tâm không còn mang bản chất hoang dã của loài cầm thú nữa, chứ không phải tâm như cục đất vô tri vô giác (vô ký) như con hiểu.

Tâm như cục đất, có nghĩa là tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Tâm như mọi người đang sống nhưng không có tham, sân, si, mạn, nghi.

PHÁP THÂN

Câu hỏi của Diệu Minh

Hỏi:  Kính bạch Thầy, ở CNTP HT giảng về hành Thập Thiện:

- Thân hữu sắc (thân do duyên hợp giả có).

- Tâm là vô sắc (không có hình) Vậy gọi là pháp thân có được không?

Có giống như trong nước biển có muối, không một mà cũng chẳng phải hai hay trong nước có bọt nước. Vậy câu: “Sắc tức là không, không tức là sắc”. Câu này có hợp không?

Đáp:Không, pháp thân là một trạng thái vô dục của tâm chứ không phải tâm, vì tâm là một uẩn trong ngũ uẩn, khi sắc uẩn hoại diệt thì toàn cả ngũ uẩn đều hoại diệt, ngũ uẩn hoại diệt thì tâm đâu còn.

Trong năm uẩn chỉ có sắc uẩn là hữu sắc còn bốn uẩn kia là vô sắc, cho nên không thể lấy một uẩn vô sắc mà gọi là pháp thân được. Vì lấy tâm uẩn cho là pháp thân thì thọ uẩn, hành uẩn và tưởng uẩn cũng cho là pháp thân được sao?

Trong thân nhân quả (thân ngũ uẩn) của chúng ta chỉ thuần có một vị khổ không có vị giải thoát, nếu chúng ta không tu tập đúng chánh pháp thì không bao giờ có vị giải thoát.

Trong luật nhân quả có vị giải thoát và không giải thoát, thiện và ác, thiện là giải thoát, ác là khổ đau. Cho nên đem thân ngũ uẩn ví như nước biển, cũng như nước và bọt nước thì e rằng không đúng vì thân ngũ uẩn là một hợp chất của các duyên chứ không thật có thì làm sao nước và bọt nước được,

Vì thế câu kinh: “sắc tức là không, không tức là sắc” thì không đúng ý nghĩa của Phật giáo, cho nên đức Phật dạy: “Nếu còn có một chút xíu gì trong thân ngũ uẩn này thường hằng thì Đạo Phật không ra đời”. Tại sao vậy?

 Tại vì không giải thoát khổ cho loài người.

Vài lời thăm và chúc con thân tâm an lạc, kiên cố tu hành đến ngày viên mãn.

LÀM CHỦ CÁI Ý

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Kính thưa cô Diệu Quang, chúng con có những thắc mắc các vấn đề sau, xin cô mở lòng từ mẫn mà chỉ dạy:

1-                Khi chưa tỏ ngộ chánh pháp, quá trình tu tập làm chủ cái ý như thế nào khi gặp nghịch cảnh đến?

2-                Mỗi ngày Cô làm gì trong suốt 24 tiếng?

 Đáp[1]:Khi chưa tỏ ngộ chánh pháp, câu này có hai nghĩa:

1-     Khi mình chưa hiểu biết pháp tu của Phật (Nguyên Thủy)

3-    Khi mình chưa ngộ được Phật tánh (thấy Tánh của Thiền Tông).

Ở đây Út sẽ trả lời nghĩa thứ nhất theo Phật giáo Nguyên Thủy, còn theo thiền Tông vì Út không biết.

Khi chưa tỏ ngộ chánh pháp, thì không thể gọi là quá trình tu tập được gì có biết cái gì đâu mà tu tập cho nên lúc bấy giờ gặp ác pháp đến thì mình chỉ biết tức tối, buồn, giận, khóc, la v.v.....rồi tự mình hát lên những bài hát nho nhỏ, sau đó lần lần tâm hồn mình thấy an vui trở lại. Thời gian đó có thể suốt trong 24 tiếng Út đều tự hát lên nho nhỏ để tự giải khuây lòng mình khi gặp nghịch cảnh. Khi nào tâm an vui trở lại là Út hết hát.



[1]Chơn Nhưngày 20 tháng 1 năm 2001

 

KHI TỎ NGỘ CHÁNH PHÁP CÔ LÀM GÌ TRONG 24 TIẾNG

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Khi tỏ ngộ chánh pháp, năng khiếu trỗi dậy, lúc nghịch cảnh đến Cô làm chủ cái ý có khác lúc chưa tỏ ngộ như thế nào? Mỗi ngày Cô làm gì trong suốt 24 tiếng?

 Đáp: Khi đã hiểu được Phật pháp, lúc gặp nghịch cảnh thì có khác hơn nhiều:

1-                Tỉnh thức ngay đối tượng (mới đầu còn chậm lắm), nhưng sau khi có được tỉnh thức thì lại nhanh hơn.

2-                Khi có sự tỉnh thức muốn làm chủ được ý thì phải chủ động điều khiển tâm, là phải ý thức xem cái ý của mình nó khởi lên ham muốn cái gì ác hay là thiện, vui hay là buồn, khi nhận định xong thì dùng câu như lý tác ý để đánh bạt nó xuống. Ví dụ: ý nôn nóng muốn khởi đi tu để không mất thời gian, vì sự vô thường không chờ đợi ai .

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han

Lúc bấy giờ các Chú phải thấy được bổn phận và trách nhiệm đạo đức làm người của mình thì các chú phải khởi niệm : “Bổn phận đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người. Trong lúc con mình còn nhỏ, vợ thì yếu đuối biết có đủ sức nuôi con dạy con cho đến lớn khôn nên người hữu dụng cho xã hội không? Nếu Ta bỏ đi tu như vậy, ta là người thiếu đạo đức không làm tròn bổn phận làm người, phỏng chừng ta vào chùa có ngồi được yên tu tập được không? Hay duyên nhân quả này phá hạnh độc cư. Hiện giờ đạo đức nhân quả chưa cho phép ta xuất gia thì ta hãy tu tại gia đình, lo xả tâm dục và ác pháp còn chưa xong huống hồ vô chùa làm gì cho khổ vợ con, chừng nào con cái lớn khôn ta hãy vào chùa tu hành Tứ Thánh Định, không muộn màng gì ?” Đó là khởi niệm quán xét cân nhắc để dừng lại sự nông nổi và tất cả những nghịch cảnh xảy ra đều phải khởi niệm quán xét thì mới làm chủ được cái ý.

Khi các chú gặp nghịch cảnh thì các chú phải xem lại lỗi tại ai, nếu biết mình lỗi thì tâm sẽ xả ngay liền, còn người khác lỗi thì mình phải mở lòng tha thứ, còn nếu mình không tha thứ được thì phải quán nhân quả: “Ai gieo nhân ác thì phải gặt lấy quả khổ, ai gieo nhân thiện thì phải hưởng phước báo, ta dại gì mà gieo nhân ác để phải thọ quả khổ, họ chửi mạ nhục ta là họ gieo nhân ác họ làm sao tránh khỏi quả người khác sẽ chửi và mạ nhục họ lại, ta là người đang trả quả của tiền kiếp, vậy ta không nên buồn mà hãy vui để trả quả cho xong, nếu ta buồn giận là ta trả không hết nghiệp mà ta còn nuôi dưỡng ác pháp trong ta, như vậy ta là người ngu si, ôm khổ vào lòng mà không biết”.

Họ chửi và mạ nhục ta là họ nhắc nhở ta chỉ có một phần nhỏ còn ta làm nhiều điều khác ác độc hơn nhiều.

Nếu ta dùng trí quán xét nhân quả  không đẩy lui được chướng ngại pháp trong tâm ta thì ta nên khởi ý làm việc không để cho ý rảnh rang, nhờ thế ý tránh được sự đau khổ, phiền não.

Khi hiểu được Phật pháp suốt trong 24 tiếng, lúc  nào cũng tỉnh thức, nên khi tâm khởi lên niệm thiện vui thì Út biết rõ và liền tác ý: “Tâm không được vui lắm phải thanh thản, bình thường”, còn có những niệm xấu ác khiến tâm buồn phiền khổ đau thì Út hát lên những câu hát để đẩy lui hay nói cách khác là quên đi sự ưu phiền đó, còn đẩy lui không được thì Út dùng câu trấn tĩnh để an thân phận mình: “Thân phận mình là người giúp cho Thầy ai khen chê nói xấu gì mặc, mình là người phụ giúp thì phải lo hết bổn phận thôi chớ có buồn phiền, khổ tâm làm gì cho mệt”

Luôn luôn lúc nào Út cũng sẵn sàng tác ý tất cả việc gì xảy đến thì phải đánh bạt, đẩy lui nó ra liền để tạo cho mình một cảnh sống an vui thật thụ.

CÓ CHUYỂN BIẾN GÌ KHI TỎ NGỘ

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Khi tỏ ngộ Chánh pháp, Cô có chuyển biến gì trong tâm hồn mình?

Đáp:Út tu theo pháp xả tâm của đức Phật “ngăn ác diệt ác pháp” chứ không có tu theo thiền Đông Độ, nên không có sự chuyển biến gì trong tâm, khi xả tâm được tức đẩy lui các chướng ngại pháp là có sự an vui, thanh thản và vô sự trong tâm của mình mà thôi.

Do nhận ra được trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự giải thoát của tâm mình, nên Út nói: “Ai có duyên đi trước thì mình cũng từ từ theo sau, miễn là đi đúng con đường.

CÁCH THỨC XẢ TÂM

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Cô dạy học trò cách thức xả tâm bằng cách nào?

Đáp:Khi thì la hét tạo ra chướng ngại pháp để cho các em và các cô lấy đó làm đối tượng xả tâm; khi thì nhỏ nhẹ khuyên bảo chỉ vạch từng lỗi nhỏ nhặt để các cô và các em biết lỗi mà xả tâm; khi thì làm thinh không nói ai hết nhưng đều để mắt xem xét mọi hành vi cử động của các cô và các em để kịp thời ngăn chặn những điều sai trái không đúng pháp tu hành.

Ví dụ 1: Đang nấu cơm mà để cơm khét thì đó là thiếu ý tứ, cẩn thận, tức là thiếu tỉnh giác thì Út dạy phải tu tập tỉnh thức ngay trong hành động đang làm không có nghĩa chỉ biết đang làm mà còn có nghĩa là phải chú ý cẩn thận sự việc đang làm không cho hư hại thất bại.

Ví dụ 2 : Khi bắt gặp quý cô và các em nói chuyện thì Út dạy: Người tu mà nói chuyện là tâm mình không được yên lành vì nói chuyện là tâm duyên theo ngoại cảnh (phóng dật), khi nói chuyện thì làm sao biết được tâm nghĩ gì để quán xét, nhờ có quán xét mới xả được tâm .

Sống độc cư yên lặng một mình thì mới thấy được tâm mình nói gì, muốn gì, nhờ thế các cô và các em mới có đối tượng để quán xét xả tâm.

Ví dụ 3 : Khi các cô và các em bị la rầy thì tâm họ sân lên hoặc mặt họ dàu dàu buồn bã thì Út khuyên nên nhẫn nhục, nhẫn nhục tức là ngăn ác pháp trong tâm mình, nhưng ngăn chặn ác pháp mà không xả là bị ức chế tâm vì thế ta nên quán xét sự việc bị la rầy là do mình có lỗi hay người khác có lỗi nếu biết mình có lỗi là mình đã xả tâm ngay liền còn nếu lỗi của người khác đó là nhân quả đời trước hoặc cô Út thử thách mình giúp mình tu tập xả tâm. Khi tư duy như vậy thì tâm liền xả ngay không còn giận hờn phiền não nữa.

CÁC ĐỐI TƯỢNG

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Hằng ngày đối tượng thường xảy đến với chúng con:

Vu oan, nói xấu chê mình.

1. Phải xả tâm gì?

2. Tác ý thế nào để xả không còn trong tâm

Đáp:Phải xả tâm sân.

Muốn xả tâm sân bình thường hằng ngày phải dùng câu tác ý; “Tham, sân, si là ác pháp, làm cho ta khổ đau, tâm phải xa lìa, phải từ bỏ, phải đoạn trừ”.

Khi đang sân hận thì ta nên uống một ly nước, ngồi trên ghế trong tư thế nào cũng được và cố gắng phòng hộ mắt, tai bằng cách tập trung tâm vào hơi thở và hướng tâm; “tai phải nghe hơi thở ra, vô cho rõ ràng, không được nghe bên ngoài”, khi hướng tâm xong thì đếm hơi thở 1, 2, 3, 4, 5 rồi nhắc lại câu pháp hướng, cứ tập tu như vậy khi nào tâm tập trung vào được hơi thở thì mới thôi hướng vì lúc bấy giờ tâm đã nhẫn được rồi

Sau khi nhẫn được, mọi sự đều được trở lại bình thường thì lúc bấy giờ ta quán xét để sự việc vừa xảy ra thấu suốt, đó là ta đã quét sạch sự sân hận trong ta.

XẢ TÂM TRẠO HỐI

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Mình phạm lỗi bị người chỉ trích, mắng chửi không tiếc lời, có người góp ý nhẹ nhàng để sửa đổi.

1-                Xả tâm gì?

2-                Tác ý thế nào để xả?

Đáp:Mình làm lỗi bị người khác mắng chửi mạ nhục thì nên xả tâm trạo hối. Muốn xả tâm trạo hối thì phải quán xét tư duy sự lỗi lầm của mình.

1-                Khi quán xét sự lỗi lầm đó ta rút ra những kinh nghiệm không để sau này còn phạm lỗi nữa.

2-                Ta tư duy sự lỗi lầm này đáng để cho người khác chỉ trích mắng chửi thậm tệ, để lấy đó răn nhắc mình, người chỉ trích mắng chửi ta là người ơn giúp ta nhớ mãi không quên để sửa lại những lỗi lầm của mình.

3-                Hằng ngày hướng tâm: “Ta phải sống, sống đúng đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người”.

XẢ NGÃ CHẤP

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Người khen mình, tán dương chuyện tốt có thật.

1- Trước pháp này xả tâm gì?

2-  Tác ý thế nào để không dính mắc trong tâm?

Đáp:Khi được khen tặng ta nên xả tâm chấp ngã.

Muốn xả tâm chấp ngã hằng ngày trong những giờ tu Định Niệm Hơi Thở hoặc đi kinh hành tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định ta nên hướng tâm: “Thân ngũ uẩn này không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta. Khi thân ngũ uẩn này chết rồi còn cái gì là ta nữa, khen chê mừng vui đâu còn có nghĩa lý gì với một người đã chết”.

LÀM SAO ĐOÁN ĐƯỢC Ý ĐỐI TƯỢNG

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Làm thế nào Cô đoán trong ý đối tượng mà đập phá, thiện xảo, chỉ bảo, sách tấn, động viên họ?

Đáp: Cứ xem cử chỉ và hành động thì đoán được trong ý của đối tượng.

Người thích nói chuyện là người nhiều chuyện, người tâm hay phóng dật; người hay làm dáng là người thích khen, người thích khen là người chấp ngã; người có tiếng nói to là người hay sân, người hay sân là người chấp ngã; người có tiếng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn là người hay ức chế tâm chịu đựng, người hay ức chế tâm chịu đựng là người hay hờn mát khó xả tâm..v.v.....

Đối với người nhiều chuyện thì nghiêm cấm, sống độc cư, không được giao du với bất cứ người nào.....

Đối với người thích khen thì đập phá la hét.

Đối với người hay sân thì dùng lời khuyên nhỏ nhẹ như lời mẹ hiền dạy bảo con.

Đối với người hay ức chế tâm thì dạy thường tu quán tư duy để giúp họ có tri kiến giải thoát, không cho tu pháp ức chế tâm như Định Niệm Hơi Thở.

TẤT CẢ MỌI ĐỐI TƯỢNG

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Đối tượng nào cô âm thầm theo dõi mọi hành động để dễ uốn nắn?

Đáp: Tất cả mọi đối tượng, đối tượng nào cũng phải âm thầm theo dõi mọi hành động cử chỉ để sửa lại những chỗ tu sai lệch.

NHÂN QUẢ THÂN, KHẨU, Ý

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Ý( nhân và quả) THÂN và KHẨU (nhân và quả)

Đáp:Ý khởi niệm là nhân.

Ý thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ là quả.

Thân hành là nhân.

Thân thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ là quả.

Khẩu hành là nhân.

Khẩu thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ là quả.

Người tu theo Phật giáo là phải tu tập tỉnh thức hằng ngày trong mỗi hành động Thân, khẩu, ý phải toàn thiện tức là sống đúng đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người, có như vậy mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của Phật giáo, thì lúc bấy giờ mới tìm thấy được tâm thanh tịnh, vô tham, sân, si của chính mình.

Một người tu theo Phật giáo mà không rõ đường đi lối về của nhân quả ở đâu thì khó mà làm chủ sanh, già, bệnh, chết tức là khó giải thoát làm chủ sự đau khổ của kiếp người.

TỈNH THỨC

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Kính xin Cô góp ý chỉ dạy để chúng con có chút kinh nghiệm tu tập trong cảnh động qua thân, khẩu, ý hằng ngày để ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện.....để tùy thuận, bằng lòng, nhẫn nhục với nhau, đoàn kết lại từng bước cùng nhau xâydựng lại ngôi nhà Phật giáoNguyên Thủy mà thầy Bổn Sư chúng ta đã khổ công tu luyện để truyền lại cho nhân loại mai sau.

Đáp:Kinh nghiệm bản thân của Út là hằng ngày phải tập tỉnh thức ngay trên mỗi hành động thân, khẩu, ý của mình.

Các chú nên biết thân, khẩu, ý là đường đi của nhân quả, do đó ta tu tập tỉnh thức ngay trên đó là ta đã ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, tức là ta sống không làm khổ mình khổ người, sống không làm khổ mình khổ người là sống đoàn kết.

Muốn được vậy chỉ có ngăn ác diệt ác mà thôi. Muốn ngăn ác diệt ác thì chỉ có tu tập tỉnh thức trên những hành động thân, khẩu, y như trên Út đã nói

Vậy hằng ngày chúng ta cố gắng tu tập tỉnh thức nhưng phải cảnh giác không khéo chúng ta rơi vào ức chế tâm, đã không tỉnh thức mà lại còn vô minh hơn.

CHÁNH NIỆM TRONG VIỆC LÀM

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Chúng con cố gắng tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác trong mọi lúc đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc v.v... Nhưng lúc nói, lúc viết, lúc tư duy quan sát một việc gì thì tức khắc chánh niệm mất ngay. Vậy có phải nói, viết, tư duy lúc này tạm thời không có chánh niệm có đúng không? Điều này xin Cô dạy bảo thật rõ.

Đáp: Các chú nên chú ý những danh từ: “Chánh Niệm Tỉnh Giác”, Út xin giải nghĩa của những từ này - Về pháp hành: Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo là lớp thứ bảy. Chánh Niệm có nghĩa là niệm thiện, niệm thiện là niệm không khổ, là niệm không có tham ưu, không có phiền não.Câu hỏi trên các chú đã lầm chánh niệm là hành động suông là sai. Luôn luôn lúc nào hành thân, miệng, ý đều mang theo tính chất của nó có thiện hay ác, chứ không có hành động suông không được. Vì thế, tỉnh thức ở chỗ thiện, ác, chứ không phải tỉnh thức ở hành động suông, tỉnh thức ở hành động suông thì còn có nghĩa lý gì cho con đường tu tập giải thoát của đạo Phật.

Cho nên lúc nói, lúc viết, lúc tư duy quan sát mọi việc làm thì ta tỉnh thức lời nói thiện, viết điều thiện, tư duy quán xét việc làm thiện thì đó là ta đã chánh niệm tỉnh thức chứ không phải có chánh niệm tỉnh thức ở chỗ đang nói, đang viết, đang làm mọi việc như các chú nói. Vì có siêng năng tu tập trong khi nói, trong khi viết và trong mọi việc làm thì ta ngăn ác diệt ác trong khi nói, trong khi viết và trong khi mọi việc làm đều dễ dàng, do đó tâm hồn ta được giải thoát hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây....

Các chú nhớ kỹ tu tập lại cho đúng, tu tập lại cho khéo không sẽ lạc vào thiền tà của ngoại đạo thì rất uổng công vô ích.

XẢ THÂN THỌ

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Thân có bệnh: bị cảm, bị thương, bỉ đau nhức trong xương trong thịt.

1-                Lúc này xả tâm gì?

2-                Tác ý để xả.

Đáp:Thân có bệnh, bị cảm hoặc bị thương thì phải xả thân thọ.

Xả thân thọ bằng pháp hướng tâm. Ví dụ: Ta bị cảm nhức đầu, ta liền ra lệnh: “Đừng có nhức đầu nữa hãy bình thường trở lại”. Khi hướng tâm xong ta đừng nghĩ đến nhức đầu nữa thì lúc bấy giờ phải tập trung vào hơi thở, nếu không có khả năng tập trung tâm vào hơi thở thì tìm một công việc gì làm, làm trong say mê thì nhức đầu sẽ hết liền, còn nếu tập trung tâm vào cái đau thì sẽ cảm thấy đau dữ dội. Đây là người mới tu tập pháp hướng tâm, còn người tu tập lâu về  pháp hướng tâm thì sẽ có năng lực, chỉ cần hướng tâm là trạng thái thọ khổ sẽ lần lượt biến mất mà tâm khỏi tập trung vào đâu cả.

Tất cả những bệnh tật khác của thân đều phải trạch pháp đúng bệnh trạng thì sẽ hướng tâm đúng bệnh của nó thì nó chóng lành, không còn đau nữa.

CHỮA TRỊ BỆNH BẰNG TÂM LỰC

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Cô chữa trị bệnh bằng cách nào? Có dùng thuốc để trị hay không?

Đáp: Khi có bệnh Út thường hay dùng pháp hướng tâm trị bệnh hơn là uống thuốc.

Trị bệnh bằng tâm lực thì không nên uống thuốc vì uống thuốc sẽ không hiệu nghiệm.

Trị bệnh bằng thuốc, khi trị bệnh này hết thì sanh ra bệnh khác còn trị bệnh bằng tâm lực thì phải sống đúng đời sống đạo đức nhân quả làm người, sống đúng đời sống nhân quả làm người thì thân tâm ít bệnh tật nhưng có bệnh dùng tâm lực trị rất nhanh.

Vì thế người tu theo đạo Phật là làm chủ được bệnh tật, làm chủ được bệnh tật là nhờ nội lực tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp.

Các chú nhớ kỹ tu tập để tự cứu mình, nếu không tự cứu mình thì không còn ai cứu mình, phải cố gắng lên các chú ạ?

XẢ TÂM THỌ

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi: Tâm bệnh: khi gia đình hoặc thân bằng quyến thuộc gặp phải tai nạn buồn khổ, chết chóc, nhớ thương, mất của tài sản, trước những biến cố này ta xả tâm gì? Tác ý để xả?

Đáp:   Thuộc về tâm bệnh ta nên xả tâm thọ.

Pháp hướng tâm để xả tâm thọ : “Thọ là vô thường là vô ngã ta không nên dao động tâm trước các cảm thọ của tâm”.

Những câu pháp hướng dùng để xả tâm thọ:

“Tâm thương nhớ buồn phiền là ác pháp phải chấm dứt ngay liền”.

“Tai nạn khổ đau là do nhân quả ác Ta chẳng hề sợ hãi và dao động tâm, phải vui vẻ, thanh thản và an lạc để trả cho xong món nợ nhân quả”.

“Sự chết chóc là định luật hoại diệt của nhân quả không ai tránh khỏi, sao ta lại buồn thương đau khổ, buồn thương đau khổ  là điều sai, là vô minh là ngu si”.

“Tài sản vật chất do ta làm ra chứ không phải vật chất tài sản làm ra ta. Vậy tài sản vật chất có mất mà ta buồn khổ là không đúng, là ngu si, là vô minh, ta hãy bình thường, an lạc và vô sự xem như không có”.

NGUYÊN THỦY II

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Xin Cô đặt cho chúng con một tên của nhóm Phật tử Phan Rang?

Đáp: Nhóm phật tử Phan Rang nên lấy tên là “Nguyên Thủy II”.

Út có lời thăm và chúc cho các chú mạnh khỏe đoàn kết tu tập xả tâm tốt để sống một đời sống đạo đức làm người trọn vẹn hạnh phúc.

Kính thư

Thích Nữ Diệu Quang

NIỆM VÀ HÀNH CÁC PHÁP NHƯ THẾ NÀO ?

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, vì Phật pháp lúc này, Thầy ra đi chúng con e rằng: Giới luật của đức Phật người ta còn bẻ vụn ra, còn Đường Về Xứ Phật của Thầy, người ta phá đi, để đi con đường khác Thầy ạ! Do đó ước nguyện của chúng con, muốn Thầy vì Phật Pháp trường tồn, vì dìu dắt chúng sanh, một thời gian nữa Thầy hãy ra đi Thầy nhé!

Thưa Thầy con nghĩ rất nhiều, con không thể viết ra được, con không có văn hay, chữ tốt, lỗi chính tả của con cũng có, con mong Thầy cảm thông cho con. Sau đây con mong Thầy giải thích cho con hiểu một số câu hỏi:

1/ Niệm và hành các pháp này như thế nào?

Kính thưa Thầy, ở miến Bắc các cư sĩ thường đọc và tụng kinh sách của Đại Thừa nhiều, nên đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Đến nay chúng con có phước duyên gặp được chánh pháp của Phật, chúng con mong Thầy giảng rõ cách niệm, cách hành trì và phân biệt những câu dưới đây để mọi người hiểu được rõ ràng để khi tu tập cho có kết quả.

A/ Cách niệm thân, thọ, tâm và pháp như thế nào?

B/ Cách quán thân, thọ, tâm, pháp như thế nào?

C/ Cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới như thế nào ?

Ở miền Bắc nói đến niệm là mọi người cứ đọc: “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật” v.v..... Còn niệm Pháp thì cứ nghĩ tưởng là tụng kinh, họ đâu biết kinh là lời Phật dạy các pháp thiện hoặc ác để mọi người tu tập tránh điều ác làm điều lành để mọi người không còn làm khổ cho nhau, đó là giải thoát, chứ đâu có nghĩ kinh sách để mà tụng gọi là niệm Pháp. Từ lâu trên thế gian này chúng con có bao giờ được nghe giảng về các pháp này đâu. Vì vậy chúng con ngưỡng mong Thầy từ bi thương xót chúng con nói rõ như Thầy đã giảng “Thất Giác Chi” trong tập 9 Đường Về Xứ Phật.

Đáp[1]:Niệm theo lời đức Phật dạy thì không phải là miệng đọc thầm hoặc đọc to tiếng một danh hiệu Phật hoặc một câu kinh, câu kệ, câu thần chú v.v.......

Niệm có nghĩa là tâm tâm niệm niệm một việc gì - một gương hạnh đạo đức cao thượng, một pháp môn tuyệt vời để sống đúng, làm đúng, tu tập đúng, không hề làm sai, hành sai, sống sai v.v.... Chúng ta nên thấy:

A/ Cách niệm thân, thọ, tâm, pháp là luôn luôn quan sát để ý trên bốn chỗ này tức là thân, thọ, tâm và pháp, hễ khi thấy có chướng ngại pháp nào trên đó thì phải tìm mọi cách đẩy lui chúng ra khỏi bốn chỗ này, nhờ tu tập như vậy mà tâm được giải thoát nên gọi là tu tập Tứ Niệm Xứ hay gọi là cách niệm thân, thọ, tâm, pháp và vì vậy còn gọi là niệm bốn niệm xứ.

B/ Quán thân, thọ tâm và pháp là cách tư duy, suy nghĩ về thân, thọ, tâm và pháp. Ví dụ:

- Quán về thân tức là tư duy suy nghĩ về sự vô thường, sự bất tịnh, sự đau khổ của thân. Thân không phải là ngã, là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thân là do nhân quả tạo thành, thân là do tứ đại hòa hợp, thân là ổ bệnh tật, là tai họa, khổ ách v.v....

- Quán về thọ, thọ cũng vô thường, cũng khổ đau, thọ không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thọ là do nhân quả mà có, thọ là thọ chứ không có người chịu thọ khổ đau như phần đông người ta tưởng “Có người chịu thọ khổ đau”.

- Quán về tâm, tâm vô thường, vô ngã, tâm là khổ đau, tâm không phải là ta, của ta, không phải là bản ngã của ta, tâm là do duyên ngũ uẩn tạo thành, tâm là chủ chốt của hành động nhân quả thiện và ác, tâm ham muốn là khổ, tâm không ham muốn là giải thoát, tâm ác là khổ, tâm thiện là giải thoát.

- Quán về pháp, các pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã, các pháp không phải là ta, của ta, bản ngã của ta v.v....

Về phương pháp niệm Phật, Pháp, Tăng và Giới thì ta nên đọc lại Tứ Bất Hoại Tịnh mà Thầy đã giảng dạy trong bộ sách Đường Về Xứ Phật.

Trong kinh Nguyên Thủy đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy niệm Phật có nghĩa là Phật sống như thế nào thì chúng ta sống như thế nấy thì gọi là niệm Phật. Niệm pháp có nghĩa là pháp dạy như thế nào thì chúng ta sống đúng như pháp đã dạy thì đó là niệm Pháp. Niệm Tăng có nghĩa là chúng tăng sống hòa hợp như thế nào thì chúng ta sống hòa hợp như thế nấy thì đó là niệm Tăng.

Niệm Giới có nghĩa là giới luật dạy như thế nào thì chúng ta phải sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì đó là niệm giới.

Chỉ tu tập theo đúng lời dạy trên đây thì có sự giải thoát ngay liền, còn niệm Phật theo kiểuPhật giáo phát triển, cứ đọc tụng danh hiệu Phật tức là chửi Phật còn có tội chứ chẳng có ích lợi gì cả.

Ví dụ: Như có ai cứ gọi tên mình mãi mình có buồn giận không?

Chẳng hạn người ta gọi tên con: “Tâm Thanh ơi! Tâm Thanh ơi! Như vậy con thấy sao? Gọi tên con mà con giúp gì được cho họ khi mà luật nhân quả đã công bằng và công lý xử phạt công minh.



[1] Chơn Như, ngày 8 thàng 2 năm 2001

 

THỌ BÁT QUAN TRAI

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, thọ Bát Quan Trai như thế nào cho đúng?

Bên Đại Thừa trong một tháng thọ Bát Quan Trai chọn lấy hai ngày, ngày 15 và ngày 30, ngày ấy đem kinh Phạm Võng đến chùa để nghe thuyết giảng và giữ giới .

Bây giờ chúng con được nghe Thầy dạy thọ Bát Quan Trai chúng con cũng chọn lấy 2 ngày ấy, nhưng ngày đó gia đình có việc bận rộn, chúng con có thể thọ vào ngày khác được không ?

Đáp:Thọ Bát Quan Trai tức là người cư sĩ phải sống đúng trong một ngày như Phật (tập làm Phật trong một ngày) không hề vi phạm tám giới, sống trầm lặng độc cư một mình, không nói chuyện tào lao, không làm ồn náo, không nghe thuyết giảng, không ăn uống phi thời, không ca hát và nghe ca hát, không trang điểm làm dáng làm đẹp, giữ tâm từ bi thương xót chúng sanh, không khởi tâm dâm dục, không nói lời không đúng sự thật, không uống rượu và những thứ nghiện ngập, không tham lam trộm cắp.

Suốt trong 12 tiếng chuyên tâm tu tập thường hằng đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, và pháp. Tu như vậy mới gọi là Thọ Bát Quan Trai. Còn tu tập Thọ Bát Quan Trai theo kiểu Đại Thừa thì tụng kinh niệm Phật nghe pháp ngồi thiền đó là lối giải trí tôn giáo chứ tu tập như vậy không có lợi ích gì cả.

Trong một tháng ta chọn một ngày nào rảnh thì tu tập Thọ Bát Quan Trai để thu kết quả tốt, chứ không riêng gì ngày 15 và ngày 30, là cư sĩ gia duyên có rất nhiều việc không thể bỏ quên trọng trách và bổn phận của mình đối với những người thân thương trong gia đình? Như vậy đâu phải đợi ngày 15 và ngày 30 mới Thọ Bát Quan Trai mà ngày nào cũng tốt miễn là được rảnh công việc. Ngày cố định (ngày 15 và ngày 30) tổ chức như vậy là tạo thành ngày hội thói quen để vui chơi giải trí tôn giáo.

Mặc dù trong kinh sách Nguyên Thủy có dạy ngày 15 và ngày 30 Thọ Bát Quan Trai có nghĩa là chia đều trong tháng cách 15 ngày một kỳ Thọ Bát, nhưng đó là sự chia đều  để dễ tu, chứ không phải làtrong một ngày tu theo Phật.

Theo Thầy thiết nghĩ ngày nào rảnh rang là ngày đó dễ tu nhất, vì đây là pháp tu xả tâm chứ không phải ức chế tâm, chúng ta cứ suy ngẫm có đúng không ?

CÁCH XƯNG HÔ

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, trong ngày Thọ Bát Quan Trai chúng con xưng hô như thế nào cho đúng?

Chúng con thường xưng hô như thế này:

-    “Các cô và con – Các đạo hữu và tôi” ?

Chúng con mong Thầy từ bi lân mẫn dạy bảo để chúng con biết cách xưng hô với nhau cho đúng là người đệ tử của Phật, là người dân Việt Nam mà không bị đồng hóa với dân tộc khác.

Đáp:Chúng ta nên xưng hô với nhau: Người nhỏ tuổi nên gọi người lớn tuổi hơn bằng cụ, cô, bác, anh, chị như tiếng xưng hô ngoài đời, nhưng phải thêm vào pháp danh, ví dụ: Thưa cụ Minh Tâm con muốn hỏi một điều...; thưa cô Liễu Tâm cháu muốn nhờ cô giúp cho...; thưa bác Tâm Như......; thưa anh Từ Quang...; thưa chị Liễu Hạnh v.v...

Người lớn tuổi xưng hô với người nhỏ tuổi hơn bằng cách gọi pháp danh, ví dụ: Minh Tâm, bác nhờ cháu giúp điều này; Minh Trí, em giúp chị điều này; Liễu Châu cô muốn nói chuyện với cháu; Liễu Ngọc, em lấy cho chị cái rổ; Từ Hạnh cháu giúp bác cắm lọ hoa; Từ Đức giúp cô mời cụ Tâm Quang v.v… Nếu lịch sự hơn một chút thì chúng ta thêm vào vị trí cháu, em … đứng trước pháp danh.

Ví dụ: Cháu Diệu Thiện, em Từ Hạnh...

Về việc xưng hô chúng ta đừng dùng những danh từ hán ngữ như: “hiền tỷ, hiền muội, hiền huynh, đạo hữu, đạo huynh, sư tỷ, sư muội, sư huynh, sư bá, sư thúc v.v...”

Xưng hô như vậy (rất là Trung Hoa) nghe không phải là người Việt Nam, phải không?

Người Việt Nam xưng hô bằng ngôn ngữ Việt Nam và những ngôn ngữ ấy rất thân mật và cao đẹp, ngôn ngữ và âm thanh ấy diễn đạt được đạo đức tình thương thấm thía từ người này cảm thông đến người kia như chia xẻ ngọt bùi cay đắng của kiếp làm người và cũng nói lên được sự cảm thông nhau trên đường tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp là pháp khó khăn vô cùng vô tận. Ngôn ngữ xưng hô của dân tộc Việt Nam không thể thua một ngôn ngữ nước nào trên hành tinh này, nó nói lên đúng ý nghĩa tinh thần tình cảm của dân tộc Việt Nam, nhờ thế chúng ta không bị đồng hóa với một dân tộc nào khác phải không?

Dân tộc Việt Nam không thiếu ngôn ngữ xưng hô, thế mà trong tôn giáo lại dùng những ngôn ngữ ngoại lai xưng hô với nhau, mà lại còn hãnh diện, thật là đau lòng, người Việt mà không biết dùng tiếng Việt xưng hô với nhau thì có nỗi buồn và xấu hổ nào hơn phải không?

NGƯỜI CƯ SĨ CÓ NHẬP ĐƯỢC SƠ THIỀN KHÔNG ?

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, Người cư sĩ có nhập được Sơ Thiền không ?

Chúng con là những cư sĩ tại gia, cũng ăn trường chay, có người cũng ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời và đang tu tập ly dục ly ác pháp, nhưng bổn phận và trách nhiệm làm người nội trợ gia đình nên chúng con phải đi mua các loại thịt cá mà người bán đã làm sẵn, chúng con chỉ có cắt thái xào nấu cho gia đình ăn, đó là chúng con tùy thuận gia đình, nhưng với tâm chúng con thì không dính mắc có nghĩa là chúng con không còn ưa thích ăn thịt cá nữa. Với việc làm này chúng con tu tập có nhập được Sơ Thiền hay không? Và có tội lỗi gì không? Xin Thầy vui lòng chỉ dạy cho chúng con được rõ để chúng con tu tập cho có kết quả, chúng con xin biết ơn Thầy.

Đáp:Người cư sĩ vẫn nhập được Sơ Thiền, nhưng phải siêng năng tu tập Thọ Bát Quan Trai giữ gìn rất đúng phạm hạnh không hề vi phạm tám giới mà đã thọ thì chuyển hóa được nghiệp gián tiếp sát sanh.

Thầy sẽ cố gắng làm nội trong năm này bộ sách Đạo Đức Làm Người ra đời giúp cho tất cả gia đình của các con không còn ưa thích thực phẩm động vật, các con sẽ không còn thấy sự sống chết khổ đau của chúng sanh dưới bàn tay của các con nữa. Hiện giờ tuy rằng các con không tự tay giết hại chúng nhưng còn có người ăn thì còn có người giết hại. Càng suy ngẫm chúng ta lại càng thương tâm trước giờ chết chúng sanh phải chịu nhiều sự khổ đau phải không hỡi các con ?

Người tu theo đạo Phật không nỡ nhẫn tâm nhìn sự đau khổ và chết chóc trước cảnh thảm thương đó .

Người tu theo đạo Phật không nỡ nhẫn tâm bỏ thịt cá vào miệng nhai nuốt. Nhai nuốt làm sao được mỗi miếng thịt cá là mỗi sự khổ đau giẫy giụa kêu la trên dao dưới thớt. Thật là đau xót vô cùng.

TỤNG KINH ĂN TÂN GIA VÀ ĐẦY THÁNG CHO CHÁU BÉ

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, bên Tịnh Độ và kinh sách Đại Thừa dạy; “Nếu người nào về nhà mới (ăn tân gia) lập bàn thờ và có con cháu đầy tháng thì mời các cư sĩ đến nhà tụng kinh cầu nguyện cho mát mẻ, làm như vậy có lợi ích gì không ? Kính thưa Thầy, xin Thầy dạy bảo cho chúng con được rõ.

Đáp:Làm lễ “ăn tân gia” có nghĩa là khoe nhà mới với bạn bè thân hữu, làm lễ đầy tháng cho con tức là mừng đứa bé chào đời vừa tròn đầy một tháng (mẹ tròn con vuông).

Đối với Phật giáo Nguyên Thủy những việc làm này như tụng kinh cầu nguyện là một việc làm ngược lại với Phật giáo. Vì Phật giáo không thể cầu nguyện cho một sự khổ đau đang bắt đầu như vậy được.

Một ngôi nhà mới được kiến tạo xây dựng là một sự cực khổ bằng sức lao động trí tuệ và tay chân, mồ hôi và nước mắt của người gia chủ.

Một đứa bé chào đời vừa tròn một tháng là báo động cho biết một kiếp người phải chịu khổ đau bắt đầu từ đây.

Đôi mắt nhân quả của Phật giáo nhìn ngôi nhà mới và đứa bé đầy tháng là một sự khổ đau tiếp nối của một chuỗi dài nhân  quả tiếp theo.

Thọ Bát Quan Trai là một sự tu tập buông xả để học những đức hạnh của bậc Thánh Tăng.

Thọ Bát Quan Trai là để tu tập tâm ly dục ly ác pháp trong một ngày để được tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Thọ Bát Quan Trai là một ngày để tu tập giúp cho tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không.

Thọ Bát Quan Trai là một ngày tập sống như Phật, là một ngày hạnh phúc nhất trần gian.

Thọ Bát Quan trai không phải là một ngày mừng tân gia, mừng cháu bé đầy tháng mà là một ngày hết sức quan trọng cho một đời người.

Vì gieo một hạt giống Thọ Bát Quan Trai đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì ngày mai nó sẽ trổ hoa quả giải thoát mà chính người gieo phải được thọ hưởng, nếu hiểu sai đặt không đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì hoa giải thoát kia không bao giờ nở và người gieo chỉ uổng phí công lao mà thôi.

Tóm lại đừng lấy ngày Thọ Bát Quan Trai mà cầu phúc mừng ngày về nhà mới hoặc mừng cháu bé ra đời đầy tháng là sai. Ngày thọ Bát Quan Trai là ngày mà chính mọi người phải tự gieo hạt giống này chứ không ai gieo cho mình được. Các con nên nhớ lời Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không thể đi thay cho các con được con đường ấy, Ta chỉ là một người chỉ đường mà thôi”.

NGƯỜI CHẾT RỒI CÒN ĐAU ĐỚN NỮA KHÔNG ?

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, Người chết rồi còn đau đớn nữa không?

Trong quyển “Sống Và Chết” con đã được đọc, trong đó nói rằng: “Người chết từ lúc tắt thở phải được để yên không được đụng vào người chết từ 8 đến 12 giờ, nếu đụng vào người ta đau đớn lắm nhưng người ta không nói ra được nữa”. Có phải thế không thưa Thầy ?

Đáp:Trong sách ”Sống và Chết” này người ta dựa vào đâu mà dám bảo rằng người đã tắt thở từ 8 giờ đến 12 giờ mà còn cảm giác đau đớn. Trong bệnh viện về khoa giải phẩu bác sĩ gây mê cho bệnh nhân thế mà khi mổ bệnh nhân còn không thấy đau đớn huống là một người đã chết, toàn bộ thần kinh không còn hoạt động nữa thì làm sao người ta còn có cảm giác đau đớn được? Thật ra người viết cuốn sách này sống toàn trong tưởng, vậy mà các con tin được sao ?

Một sự chết của một người là một sự vô thường của một giai đoạn nhân quả trả vay vay trả và tiếp tục những thân khác nữa để nối tiếp ngọn đuốc nhân quả mãi mãi.

Chết là toàn bộ thân ngũ uẩn tan rã không còn một uẩn nào cả thì cái gì còn cảm giác biết đau ? Sách này nói đi ngược lại lờiđức Phật dạy. Năm xưa đức Phật dạy rằng: “nếu người chết còn lại một chút xíu thức dù như đất trong móng tay Ta thì Đạo Ta cũng không ra đời” Lời nói này rất chân thật đức Phật dám lấy tôn giáo của mình ra xác chứng rằng không có linh hồn, thần thức như kinh sách ngoại đạo thường tuyên bố. Không có thần thức, linh hồn thì cái gì còn biết đau, thật ra những người viết kinh sách không có kinh nghiệm tu hành cứ theo lối mòn của người xưa mà lập lại y khuôn, khiến cho con người lầm lạc lại còn lầm lạc hơn, khiến cho con người bị lừa đảo lại còn bị lừa đảo hơn, cho nên mọi người tiền mất tật mang là phải.

Bởi vậy đức Phật dạy chúng ta 10 điều chớ có tin, và chỉ dạy cho chúng ta tin khi nào điều đó đem lại lợi ích cho mình cho người.

Thân tứ đại này là cát bụi, chết thì trả về cát bụi. Cái cảm thọ đau đớn kia của thân tứ đại này đã tan rã theo nó còn đâu đau đớn nữa mà còn bảo rằng người chết còn đau đớn. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, không biết mà viết kinh sách như vậy là lừa đảo người thật đáng hổ thẹn. Thật đáng chê trách.

NGƯỜI CHẾT ĐEM THIÊU CẢM THẤY NÓNG LẮM

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy, có người bảo rằng nhà có người chết đem thiêu xác, khi đi gọi hồn, tức là đồng hay cốt về nói là chết nóng lắm, do đó mọi người và chúng con cũng thấy sợ thiêu Thầy ạ !

Đáp:Với đân tộc Việt Nam tình cảm rất sâu sắc khi thấy người thân của mình chết được đem thiêu đốt, thì có một cảm giác như chính bản thân của mình đang bị nóng lắm phải không? Người chết rồi như một khúc cây đã bị chặt lìa thì còn gì là nóng là đau nữa.

Những người đồng, cốt, những nhà ngoại cảm là những người sống trong tưởng uẩn nên tưởng thường thể hiện cảm giác thấy nóng mà nói ra, nó là một ảo giác nóng chứ không thật có nóng.

Người tu theo đạo Phật không nên tin thế giới tưởng, vì thế giới tưởng là một thế giới không thật có, là một thế giới ảo giác do năng lực của tưởng giao cảm những sự kiện xảy ra của thế giới hữu hình. Bởi vì mọi sự kiện xảy ra của thế giới hữu hình âm thanh và hình ảnh còn lưu lại trong không gian và thời gian đó.

Khi năng lực của tưởng bắt gặp âm thanh sắc tướng đó, sự bắt gặp này giống như chúng ta nằm mộng nên những nhà ngoại cảm cũng như  những người lên đồng, nhập cốt thấy như mình đang sống và sinh hoạt trong thế giới những người đã chết, chính lúc bấy giờ nhà ngoại cảm cũng như đồng cốt không còn biết mình là ai đang sống giữa hai cảnh giới thực và ảo, giống như người chết mượn phần xác của người sống để nói lại tình trạng của mình cách đây 5 năm hay 10 năm.

Bởi thế con người không đủ khả năng thiền định như Phật nên mới cho rằng có thế giới của con người sau khi chết.

Các loại thiền định của các Tổ và kinh sách phát triển không vượt qua thế giới ảo tưởng này nên mới thấy có Phật Tánh, bản thể vạn hữu, cho nên chúng ta không nên trách con người bình thường làm sao thấu rõ trong cái thế giới hữu hình. Khi có  thế giới hữu hình thì phải có cái bóng dáng của nó mà con người không đủ trí sáng suốt nên mới cho cái thế giới bóng dáng đó là thế giới của người sau khi chết.

Ví dụ: Một cây cổ thụ kia đang đứng sừng sững giữa trời thì cái bóng của cây kia luôn luôn cũng sừng sững không lìa nó, khi cây bị chặt phá không còn nữa thì bóng kia cũng không còn, nhưng âm thanh, sắc tướng của cây kia còn lưu lại mãi trong không gian và thời gian của nó.

Cho nên người chết rồi còn gì biết đau, biết nóng, chỉ là một sự tưởng của người sống mà thôi.

BA NĂM CẢI TÁNG

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi: Kính thưa Thầy, ngoài Bắc có tục lệ, người chết chôn ba năm lại đào lên bốc xương đem chôn nơi khác thật là mất vệ sinh làm ô nhiễm môi trường sống và chật đất, chúng con mong Thầy dạy bảo để chúng con và mọi người thấu hiểu sự thật cái nào đúng cái nào sai để chúng con và mọi người sửa lại cho tốt đẹp  và phù hợp hơn.

Đáp:Việc ba năm cải táng là một việc làm vừa hao tốn tiền của, vừa làm mất vệ sinh môi trường sống chung.

Ngoài Bắc đã thành một tục lệ, tục lệ này xuất phát từ đâu? Từ những ông thầy địa lý.

Trong lúc Đinh Bộ Lĩnh còn là một chú bé chăn trâu, có một thầy địa lý bên Trung Hoa sang Việt Nam đi tìm hàm rồng để cải táng nắm xương tàn của người cha vào huyệt đế vương để con cháu sau này làm nên danh phận. Khi tìm được huyệt đế vương dưới đáy hồ, ông bèn đến nhờ Đinh Bộ Lĩnh đem gói xương này bỏ xuống đáy hồ nơi có các gộp đá. Đinh Bộ Lĩnh nhận làm việc này, nhưng ông về cải táng mộ cha mình lấy nắm xương của cha bỏ vào những gộp đá trong đáy hồ, còn nắm xương cha của ông thầy địa lý kia được ném vào chỗ khác, nhờ đó sau này Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua nước ta.

Nếu chúng tôi xác định không lầm thì tục lệ ba năm cải táng là do các ông thầy địa lý bịa đặt ra để lừa đảo mọi người, làm tiền một cách bất chánh. Cải táng là để chôn vào huyệt đế vương, con cháu sau này làm ăn phát đạt sang giàu, làm quan hoặc làm vua, nhưng mãi sau này thành một tục lệ khó bỏ. Người miền Bắc bị phong tục này nên ba năm phải cải táng, nếu không cải táng thì thấy như mình còn thiếu sót một việc gì và bị mọi người lên án là bất hiếu. Cũng như bây giờ nhà nào có người chết mà không rước thầy chùa tụng kinh thì coi như thiếu sót một việc gì và cũng bị mọi người lên án là bất hiếu, vì thế người ta quá sợ hãi những dư luận, cho nên ít ai dám đi trên dư luận để đả phá đi những phong tục mê tín lạc hậu.

Hiện giờ người ta không dám đả phá những phong tục mê tín lạc hậu, mà lại còn ca ngợi tán thán cho đó là văn hóa dân tộc thật là đáng trách.

Người ta đâu biết rằng sự giàu nghèo và làm quan, vua chúa đều do nhân quả.

Nếu không gieo nhân làm vua, làm quan thì không bao giờ làm vua, làm quan được, nếu không gieo nhân giàu có thì không bao giờ giàu có được. Tất cả đều do nhân quả thiện ác mà có những điều trên chứ không phải đi tìm huyệt đế vương là con cháu làm vua làm quan; chứ không phải đi tìm huyệt giàu sang mà con cháu sẽ giàu sang, những điều này là những điều mê tín lạc hậu, còn những loại sách địa lý là những loại sách phi đạo đức, muốn ăn không ngồi chơi mà làm giàu, muốn không đánh giặc mà làm vua, muốn không học tập mà làm quan thì thật là một điều bất công.

Đứng trên đạo đức làm người ba năm cải táng là một việc làm vô đạo đức:

1- Điều vô đạo đức thứ nhất: ông cha đã chết đi được chôn cất yên mồ ấm mả, bây giờ con cháu xúm lại móc lên, phải chi móc lên mà được sống lại thì cũng nên, móc lên để làm đám ma một lần nữa, giết hại sanh linh, tạo thêm tội ác không những cho những người còn sống mà người đã chết cũng thêm tội, chỉ có ăn uống nhậu nhẹt say sưa chứ chẳng có ích lợi gì.

2- Điều vô đạo đức thứ hai là điều bất hiếu với người đã chết rồi, ba năm để nấm mồ đất lạnh, đó là tội thứ nhất. Nấm xương tàn cuối cùng cũng chẳng yên đó là tội bất hiếu thứ hai. Giết hại sanh linh làm đám gây tạo tội cho người chết đó là tội bất hiếu thứ ba.

3- Điều vô đạo đức thứ ba là làm mất vệ sinh, gây nên môi trường sống ô nhiễm, khiến cho những người còn sống phải chịu những bệnh tật khổ đau tức là thiếu đạo đức làm người làm khổ mình khổ người. Môi trường sống của chúng ta hôm nay tràn đầy sự ô nhiễm do vô tình mà chúng ta đã thải ra trong không gian biết bao nhiêu những loại khí độc, để rồi chúng ta phải thọ chịu lấy những hậu quả của những chất khí độc đó.

Tóm lại, khi trong nhà có người chết thì chúng ta nên chôn cất một lần, xây mồ mả cho yên ấm ngay liền, đó là một việc làm tốt đẹp nhất, trong sạch nhất và đạo đức nhất của con người. “Sống cái nhà thác cái mồ” Thầy tin rằng mọi người khi hiểu được sự lợi ích này thì những phong tục tập quán kia sẽ được dẹp bỏ và phật tử các con là những người tiên phong đi trước để xứng đáng là những người con của Phật, sống đầy đủ đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, luôn luôn phá dẹp những phong tục mê tín lạc hậu khiến cho mọi người không hao tiền tốn của một cách vô lý, khiến cho mọi người không bị những kẻ lừa đảo để rồi  “tiền mất tật mang”, khiến cho mọi người không còn bị các tôn giáo lừa đảo bằng sự cúng bái tụng, niệm, ngồi thiền, thần thông, bùa chú v.v....làm những việc phi đạo đức.

ĐÀN CẮT GIẢI OAN KẾT

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính thưa Thầy, đàn cắt giải oan kết là gì ?

Thưa Thầy, ở các chùa miền Bắc thường hay lập ra đàn cắt giải oan kết cho gia tiên tiền tổ rất là tốn kém.

Cuối tháng 11 âm lịch năm nay, có một gia đình lập một đàn cắt giải oan kết cho các cụ, gồm có cỗ mặn, cỗ chay tụng kinh lễ bái ba ngày đêm tốn hao trên 30 triệu đồng, còn như nhà nghèo không có tiền chắc các cụ phải chịu oan kết mãi phải thế không thưa Thầy ?

Theo thiển nghĩ của con thấy là quá lãng phí và tốn kém rất nhiều mà không có ích lợi gì, nếu cả đời con nằm mơ cũng chưa bao giờ có số tiền đó. Con cúi mong Thầy dạy rõ cho mọi người khỏi bị lừa gạt bởi những sự mê tín này, giúp cho mọi người sau này đỡ tốn kém và không mắc nợ vào thân.

Đáp:Trước khi muốn hiểu điều này thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Đàn cắt giải oan kết là gì?

Đàn có nghĩa là lập đàn tràng nói rõ hơn để dễ hiểu là tổ chức một cuộc tế lễ cúng bái với một hình tức mê tín.

Cắt giải oan kết có nghĩa là làm cho đoạn dứt những điều oan ức của những người đã chết.

Những người chết tức, chết tối, chết oan, chết không đi đầu thai được, như những người tự tử, những người lính chết trận, những người chết bị tai nạn giao thông, chết bị cướp đâm, giặc giết v.v...

Vua Đường Lý Thế Dân đánh Đông dẹp Bắc, chinh Nam, phạt Tây. Sau khi bình định được quê hương xứ sở thì những người chết oan vì chiến tranh vô số kể, vì thế vua Đường Lý Thế Dân cho người qua Thiên Trúc thỉnh kinh về lập đàn kỳ siêu giải oan kết.

Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta có làm gì oan kết với ai, có chết đường, chết sá, chết tức, chết tối đâu mà phải lập đàn cắt giải oan kết.

Kinh sách phát triển bày ra nhiều điều mê tín lừa đảo người làm hao tốn tiền của phật tử mà chẳng có ích lợi thiết thực gì.

Luật nhân quả rất công bằng, trên đời này không có ai chết oan ức, nếu mọi người lái xe cẩn thận đúng luật lệ giao thông thì làm sao có tai nạn chết người thình lình, làm sao có sự chết tức chết tối.

Nếu con người không có lòng tham lam không vì quyền lợi thì làm sao có chiến tranh, không có chiến tranh thì làm sao có người chết.

Bởi con người chết vì chiến tranh, chết vì thiên tai hỏa hoạn, chết vì giặc cướp, chết vì buồn khổ thất tình, thất vọng hoặc tức giận tự tử, chết vì tai nạn giao thông đều do nhân quả tự mình làm ra rồi tự mình phải gánh chịu hậu quả đó chứ không phải ngẫu nhiên mà chết.

Đối với luật nhân quả thì không có ai là người chết oan cả. Người chết thế này, kẻ chết thế khác đều do nhân quả. Người chết yểu không có nghĩa là chết oan. Người đó vô ý tứ dậm đạp lên chúng sanh khiến vô số loài côn trùng và loài kiến bị chết. Người ấy đã vô tình gieo nhân ác nên gặp người lái xe thiếu cẩn thận cũng vô tình gây tai nạn chết người, khiến cho người kia chết không toàn thây, đó cũng là trả quả, như vậy đâu có phải là chết oan.

Một đứa bé chơi bóng, chạy đuổi theo quả bóng ra đường bị xe cán chết, chết như vậy đâu có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả.

Một người phụ nữ mang thai do sự nông nổi không làm chủ được mình nên sợ tai tiếng, do đó phá thai, thai nhi bị chết và chết như vậy không có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả.

Tất cả những sự sống chết khổ đau của con người đều nằm trong môi trường nhân quả cả, không một ai thoát ra khỏi định luật của nhân quả vì nhân quả chính là mình làm ra nhân, đến khi hái quả thì quả xử phạt lại chính mình, do đó làm sao có sự oan kết được.

Vì thế lập đàn cắt giải oan kết là một việc lừa đảo của kinh sách phát triển mà người phật tử cần phải suy tư chín chắn đừng để kẻ khác lừa gạt mình, hao tài tốn của vô ích.

Là đệ tử của Phật các con đừng tin theo những tà sư ngoại đạo này mà hãy dẹp bỏ những điều phi đạo đức, không phải là của Phật dạy.

NGƯỜI TU SĨ PHÁ GIỚI

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Đi tu có được học giới luật không? Nếu đã được học giới luật, sao không giữ gìn giới luật mà để vi phạm?

Người tu sĩ sao lại ăn uống phi thời, ngày ăn ba bốn bữa như vậy có đúng là tu sĩ không?

Người tu sĩ sao lại ăn thịt chúng sanh? Lòng từ bi của họ ở đâu? Sao lại theo đạo từ bi mà không có từ bi chút nào?

Người tu sĩ sao không có oai nghi tế hạnh, đi đứng nằm ngồi nói năng không đúng cách, họ chẳng khác gì người cư sĩ tại gia, tại sao vậy ? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Theo Phật giáo Nguyên Thủy trước khi muốn trở thành một tu sĩ của Phật giáo, người cư sĩ cũng như người tu sĩ ngoại đạo phải bốn tháng được sống và học tập giới luật, nếu bốn tháng cảm thấy sống thích thú với đời sống phạm hạnh tức là không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả thì đức Phật mới chấp nhận trở thành người tu sĩ của Phật giáo, Bởi vì giới luật là đạo hạnh của người tu sĩ . Đối với người tu sĩ Phật giáo thì không thể thiếu được đạo hạnh, nếu thiếu giới luật đạo hạnh thì người tu sĩ ấy là người tu sĩ ngoại đạo không phải tu sĩ của Phật giáo. Đức Phật đã xác định điều này: “Giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất”, như vậy một tu sĩ sống không đúng giới luật là không phải tu sĩ của Phật giáo.

Như vậy các tu sĩ Phật giáo hiện giờ dù Bắc Tông hay Nam Tông; Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay tất cả Tông nào khác..... đều sống không đúng giới luật thì đó không phải là tu sĩ của ngoại đạo sao? Các phật tử hãy suy ngẫm lời đức Phật đã dạy trên đây để chúng ta nhận xét tu sĩ nào là tu sĩ Phật giáo và tu sĩ nào là tu sĩ ngoại đạo, không còn khó khăn nữa phải không quý phật tử?

Bốn tháng thử thách giới luật của một người mới vào tu, không phải là bốn tháng học và sống đúng giới luật sao?

Những hành động sai phạm giới mà con đã nêu ở trên, đó là những tu sĩ của kinh sách phát triển, những tu sĩ này có xứng đáng làm thầy của cư sĩ các con không?

Họ là những tu sĩ thiếu đạo đức làm người thì nói gì đến đạo đức làm Thánh, họ là những tu sĩ không xứng đáng làm gương hạnh tốt cho người cư sĩ, họ không xứng đáng là tu sĩ để các con cúng dường, đảnh lễ, cung kính và tôn trọng.

QUÁN ĂN THỊT NHƯ ĂN RAU

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:kính thưa Thầy, Dựa vào đâu mà các sư thầy nói: “Quán ăn thịt như ăn rau”. Có một số quý thầy và một số thượng tọa nói với các phật tử: “Đi đâu họ làm cỗ mặn ta cứ quán ăn thịt như ăn rau là để hòa chúng”.

Con đọc sách Bảo Đàn Kinh nói về Lục Tổ Huệ Năng, trong thời gian ẩn dật cùng phường săn trong rừng, hằng ngày Ngài hái rau rừng bỏ vào một góc của nồi thịt, khi ăn Ngài chỉ ăn rau mà thôi, do đó khi đi đâu con đều tùy thuận mọi người làm vui lòng họ con cũng gắp cũng ăn cứ miếng rau, miếng măng, còn miếng thịt miếng cá thì con không gắp, không ăn.

Nhìn miếng thịt miếng cá con quán tưởng như thịt của cha mẹ mình, vì cha mẹ mình đã chết đi được tái sinh làm những con thú vật này, bây giờ người ta giết chết làm cỗ bàn thì nỡ lòng nào chúng ta ăn thịt được.

Còn hòa chúng như các thầy ăn thịt có đúng không? Hay làm vui lòng như chúng con là đúng? Kính xin Thầy dạy bảo cho chúng con được rõ.

Đáp:Những người tu sĩ này lòng từ bi thương xót chúng sanh không có nên tâm còn tham ăn thịt chúng sanh vì thế dựa vào tưởng tri để luận ra câu nói này chứ trong kinh sách không có dạy, câu nói này do các Tổ sư Nam Tông đặt ra để thỏa mãn dục vọng hung ác ăn thịt chúng sanh như quỷ La Sát chuyên ăn thịt người.

Người tu theo đạo Phật mà không hiểu bổn phận trách nhiệm đạo đức làm người làm Thánh thì lấy pháp gì mà giáo hóa chúng sanh, ngoài đạo đức làm người làm Thánh thì còn pháp gì mà dạy chúng sanh tu hành giải thoát. Cho nên người ta bỏ giới luật đạo đức lấy Thiền, Mật, Tịnh dạy người tu tập cho nên không thành Phật giải thoát mà thành những loại vi trùng truyền nhiễm bệnh phá giới : “quán ăn thịt như ăn rau” Đã đi tu mà còn thèm thịt cá cho nên quán thịt thành rau để mà ăn làm như cây rau không còn ai trồng nữa.

Lại thêm dùng miệng lưỡi lừa đảo người gọi là hòa chúng. Một tu sĩ hòa chúng để trở thành những người phàm phu tục tử, như vậy đi tu để làm gì? Đi tu để làm Thánh, làm Phật chứ không lẽ đi tu rồi lại giống như người thế tục, giống như người thế tục thì đi tu để làm gì? Không lẽ đi tu chỉ có chiếc áo cà sa và cái đầu cạo trọc hay sao ?

Phật phải độ chúng sanh để được giải thoát làm Phật, còn quý thầy hiện giờ là Phật, vì hòa hợp với chúng sanh nên bị chúng sanh đồng hóa không giải thoát mà thành chúng sanh và còn tệ hơn nữa thành ký sinh trùng, làm gánh nặng cho xã hội. Vậy mà không biết xấu hổ lại còn nói: “Quán thịt thành rau để hòa hợp chúng”.

Người tu sĩ đạo Phật lấy gương hạnh đạo đức mà giáo hóa chúng sanh, cớ sao lại tùy thuận với chúng sanh để phạm giới phá giới và bẻ vụn giới thì lấy gương đạo đức ở đâu mà giáo hóa như chúng tôi đã nói ở trên, hay chỉ lấy những lời hý luận lừa đảo người.

Phật giáo suy thoái là do những tu sĩ vô đạo đức này mới có những câu nói: “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối”

Vì Phật giáo suy đồi nên mới có những hạng tu sĩ như vậy. Những hạng tu sĩ này sống được là do những phật tử mê tín, lạc hậu, thiếu trí tuệ kém thông minhhọ đã dựa vào nhau để cung tồn tại. Vì thế mới tin: “Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dối hay quán tưởng ăn thịt thành rau để hòa hợp chúng”

NHỮNG TU SĨ PHẠM GIỚI LÀ NHỮNG TU SĨ NGOẠI ĐẠO ĐANG DIỆT PHẬT GIÁO

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy, đệ tử của Phật sao lại nói dối?

Chùa ngoài Bắc, các thầy lập đàn quy y cho cư sĩ, bảo chúng con đi chợ mua thức ăn thì nên mua con cá to đỡ tội hơn nhiều con cá bé. Có thầy còn lại nói: “Ăn mặn nói ngay ăn chay nói dối” Theo như con một người cư sĩ còn không nói huống là một tu sĩ nói ra như vậy còn thể thống gì là tu sĩ. Một người tu sĩ mà ăn nói như vậy là phá giới phạm giới là loại quỷ vương đội lốt nhà tu để diệt Phật giáo chứ những hạng người này có tu hành gì đâu.

Nghe chúng con ăn trường chay các Thầy khuyên: “Các con còn công việc nhà nên mỗi tháng chỉ ăn mấy ngày thôi”

Kính thưa Thầy, chúng con ăn trường chay mấy năm nay rồi, cơ thể hơi gầy đi một chút, nhưng công việc gia đình chúng con làm tất cả và không thấy ảnh hưởng xấu gì cho đời sống của chúng con.

Chị Liễu Hương ăn trường chay mà còn ăn ngày một bữa , chị rất khỏe, làm mọi công việc. Chúng con mong Thầy dạy rõ về ăn chay và ăn mặn có lợi và có hại như thế nào để mọi người thấu rõ.

Đáp:Những lý luận của các tà sư ngoại đạo luôn luôn luận để phá giới luật của Phật đó là một ý đồ diệt Phật giáo trên hành tinh này, các cư sĩ đệ tử của Phật phải tránh xa những ác tri thức này, họ không phải là những người tốt với đạo Phật.

Họ biến ông Phật thành ông thần, họ biến chùa Phật thành cảnh du ngoạn cho khách hành hương, Phật và chùa không còn là cảnh tu hành nữa.

Họ chỉ còn biết ăn uống, xe cộ, tiền bạc danh lợi, chùa to, Phật lớn v.v....chứ sự giải thoát không còn nữa.

Phật giáo đến hồi đen tối mới sản xuất ra những người tu sĩ này, mượn chiếc áo cà sa ngồi mát ăn bát vàng, các phật tử nên đề cao cảnh giác đừng để mắc lừa những vị thầy này. Họ là Ma Ba Tuần trong đạo Phật, họ đang tìm cách diệt Phật giáo để cho họ được tự do chạy theo dục lạc thế gian. Quý phật tử cần nên đề cao cảnh giác những người tu sĩ này.

ĐẠO PHẬT CÓ CÒN TRỞ LẠI NHƯ NGÀY XƯA NỮA KHÔNG ?

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi: Kính bạch Thầy, đến bao giờ các vị sư là bậc Thánh Tăng?

Đến bao giờ đạo Phật trên hành tinh này mới trở về đúng nghĩa như thời kỳ đức Phật còn tại thế?

Đến bao giờ các vị sư mới giữ gìn đúng giới luật?

Đáp:Tùy theo phước báo của chúng sanh trên hành tinh này mà các bậc Thánh Tăng xuất hiện ra đời để quét sạch những tà sư ngoại đạo mạo danh là Phật giáo, chừng đó tất cả tu sĩ Phật giáo mới là những bậc Thánh Tăng.

Khi nào tu sĩ sống đúng giới hạnh thì Phật giáo trên hành tinh này mới trở về đúng nghĩa đạo giải thoát như thời kỳ đức Phật còn tại thế.

Khi nào tất cả phật tử thông suốt đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình khổ người của Phật giáo thì các vị sư mới giữ gìn đúng giới luật.

Khi nào sự mê tín trong các chùa không còn nữa thì các vị sư mới giữ gìn đúng giới luật.

Khi nào tất cả phật tử không cúng dường trai Tăng cho những vị Tăng phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì các vị sư mới giữ gìn đúng giới luật.

Khi nào chương trình giáo dục đào tạo tám lớp học Bát Chánh Đạo được mở mang khắp nơi để phật tử và tăng ni tham dự những lớp học này thì các vị sư mới giữ gìn đúng giới luật.

TỰ TỬ

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi: Kính bạch Hòa Thượng! Nếu như có một người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, muốn tự mình hoặc nhờ người giúp đỡ chấm dứt cuộc sống của mình để không khổ mình và phiền khổ mọi người, Vậy người này có phạm tội tự sát không? Có phải là trốn nghiệp không? Và nếu có người giúp đỡ có bị tội không?

Đáp[1]:Người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác, cũng như tội làm khổ mình còn nặng tội hơn tội làm khổ người. Vì chính mình, mình còn làm khổ cho mình thì có ai mà mình từ bỏ. Tội tự giết mình còn mang thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Người giúp cho người tự tử là người có tội tòng phạm giết người.

 Người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, nên tự mình hoặc nhờ người khác để chấm dứt cuộc đời. Đối với luật nhân quả thì người đó tránh né trốn tội và như vậy tội còn nặng hơn.

Luật nhân quả rất công bằng khimột người làm ác thì phải trả quả khổ. Già, ốm, bệnh hoạn sống dở chết dở là đang trả những quả mà trước kia mình đã gieo nhân ác. Sao bây giờ vội tự sát để tránh quả khổ này ư? Nếu tránh được quả khổ thì làm sao còn có luật công lý và công bằng được? Đừng nghĩ rằng chết là hết khổ, chết là một sự tiếp nối trong đau khổ hơn. Nếu tự sát chết cho hết khổ, điều này không bao giờ có được. Luật nhân quả không phải lấy cái chết là hết tội được, đối với luật pháp thế gian chết là hết tội, nhưng với luật pháp của nhân quả thì chết sẽ tiếp tục trả quả khổ kế tiếp và tội còn nặng hơn. Tại sao vậy?

Tại vì khi tự sát, mình mắc tội giết người và còn thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Cho nên kẻ tự sát là kẻ trốn nghiệp, những người tự sát như vậy là những người hèn nhát trước cái khổ mà trốn tránh, không dám nhìn thẳng cái khổ, không dám lấy cái khổ làm niềm vui cho mình, không dám lấy cái khổ để trả nghiệp, không biết chuyển khổ làm vui, chuyển họa làm phước, xưa đức Phật dạy:

“Đứng lại thì chìm xuống

Tiến tới thì trôi dạt

Chỉ có vượt qua”.

Kẻ gặp khổ mà đứng lại là kẻ hèn nhát chỉ biết kêu khóc, rên la, than thân, trách phận, oán trời trách người, làm như vậy có lợi ích gì? Hoặc vào chùa cúng bái, tế lễ, cầu xin thì cũng chẳng bao giờ giải quyết được gì? Hoặc trốn bỏ đi tu vào chùa thì những người này có tìm sự giải thoát chỗ nào được, đó là hạng người tránh né.

Kẻ gặp khổ cầm dao tự sát, hay uống thuốc độc hoặc thắt cổ, nhảy sông trầm mình tự tử, đó là những người trôi dạt, những người hèn nhát, những người này bị nhân quả xỏ mũi, những người này nô lệ cho nhân quả, những người này vô đạo đức thiếu ý chí làm người.

Người ta cứ nghĩ rằng khi chết là hết khổ, sự thật không phải thế, khổ là do nhân quả, ăn ở chẳng lành khiến cho bao nhiêu người khác khổ, vì thế mà phải thọ quả khổ để đền trả những điều mình đã làm ác và như vậy không phải là đạo lý. Tại sao làm cho kẻ khác khổ bây giờ lại trốn tránh? Một đời dám ăn thịt chúng sanh, biết bao nhiêu xương máu và sự đau khổ của loài vật khác đã đem vào cuộc sống của mình mà bây giờ không dám nhìn thẳng sự khổ ấy? Không dám vui nhận sự khổ ấy? Cớ sao lại phải tự tử. Tự tử đâu có nghĩa là thoát khổ mà còn phải thọ khổ gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy ?

Vì tự tử tội ác chồng lên tội ác, các phật tử đừng nghĩ rằng mình tự giết mình là vô tội. Đối với luật nhân quả không có thời gian và không gian, nó chỉ biết có thiện và ác mà thôi, vì không có không gian nên nó trừng phạt quý vị chịu khổ đau trong nhiều thân và nhiều kiếp; vì không có thời gian nên sự thưởng phạt của nó liên tục không gián đoạn, nên quý vị bỏ thân này thì lại tiếp tục thân kia để chịu khổ đau và cái khổ đau này lại chồng lên cái khổ đau khác nữa.

Người tự tử đối với luật nhân quả được xem là tội giết người, phải xử phạt tội như xử phạt kẻ cố sát, còn thêm một tội nữa là tội trốn pháp luật (luật định của nhân quả).

Người giúp đỡ cho người tự tử cũng là có tội tòng phạm giết người. Một lời nói khiến cho người ta chết là tội giết người. Rầy mắng con cái khiến con cái tự tử là tội giết người. Vợ chồng rầy rà cãi vã khiến chồng hoặc vợ tự tử đều là tội giết người.

Tóm lại, người tử tự là người trốn luật nhân quả, là con người không thể nào trốn luật nhân quả được, dù trốn bất cứ nơi đâu cũng không thể thoát khỏi, trốn luật nhân quả càng trốn luật nhân quả là bị luật nhân quả chi phối nặng thêm tức là thọ khổ nhiều hơn nữa, chỉ có điều duy nhất là tâm bất động trước luật nhân quả là đã chuyển được nhân quả.

Hỡi các phật tử! Tất cả những sự đau khổ tận cùng của sinh mạng con người, nếu ai không dao động tâm, thì thân tâm người ấy sẽ mát lạnh, chính người ấy đã chuyển được nhân quả của người ấy, người ấy thoát khổ.

Bởi vậy người tự tử là người ngu si tự mình làm khổ thêm cho mình, tạo thêm tội ác cho mình, Đức Phật dạy: “thọ là vô thường” có gì mà chúng ta phải sợ, vì thọ có khi có, có khi không, có gì mà chúng ta lo sợ, mà tự tử phải không quý vị.



[1]Chơn Nhưngày 1 tháng 2 năm 2001

 

MẤT TRÍ

Câu hỏi của Tâm Thanh

Hỏi:Kính bạch HT! Nếu như có một người mất trí phạm tội giết người thì đối với pháp luật thế gian họ không có bị tội vì không có chủ ý, nhưng đối với luật nhân quả họ có bị tội báo gì không bạch HT ?

Đáp:Người mất trí là người đã bị luật nhân quả xử phạt tội rất nặng, nặng hơn tội giết người. Đối với luật nhân quả tử hình xem như tội còn nhẹ. Sống mà chịu khổ đau đủ mọi điều thì đó gọi là địa ngục. Địa ngục là tội nặng nhất của luật nhân quả.

Người mất trí chỉ là một sự hình phạt nặng của luật nhân quả để người này thi hành bản án tử hình và làm khổ cho những người khác, để cho những người khác trả quả, chứ riêng bản thân kẻ mất trí thì không còn khổ đau gì cả.

Lấy luật thế gian mà so sánh với luật nhân quả thì không thể được, luật thế  gian tội tử hình là nặng nhất, ngược lại luật nhân quả không có tội tử hình mà chỉ có tội địa ngục là nặng nhất.

Đối với luật nhân quả con người chỉ là một chuỗi dài nhân quả khổ vui mà thôi, chứ không có sự sống chết, sự sống chết chỉ là một sự vô thường thay đổi nối tiếp sự khổ vui nhiều hay ít hơn .

TIỀN THÂN

Câu hỏi của Diệu Hiền

Hỏi:  Kính bạch HT trong sách có nói về Tô Đông Pha tiền kiếp trước là một thiền sư nổi tiếng. Vậy điều đó đúng hay sai? Và tại sao một thiền sư không tiến thân ở kiếp sau là một tu sĩ giải thoát mà phải lui lại làm một cư sĩ có vợ con ?

Đáp:Từ một thiền sư tu hành chứng đạo thân tâm thanh tịnh làm chủ sự sống chết, chấm dứt luân hồi. Thế mà, lại có hậu kiếp, như vậy Thiền Tôn có đúng là con đường của đạo Phật không? Khi một người tâm đã hết tham sân, si, mạn, nghi thì làm sao còn tương ưng với ai mà tái sinh luân hồi được. Phải không con?

 Hậu kiếp là một cư sĩ có thê thiếp, như Tô Đông Pha thì còn nghĩa lý gì của đạo giải thoát? Từ nước đục trở thành nước trong là khó chứ không phải dễ, từ nước trong trở thành nước đục là dễ chứ đâu phải khó. Cho nên Thiền Đông Độ tu hành không giải thoát nên có những câu chuyện ngược đời mà người trí không thể chấp nhận được. Bởi vậy người ta phá giới luật của Phật, người ta sống không có đạo đức, sống không có đạo đức thì lấy cái gì dạy người khác tu, do đó mới có những cư sĩ có vợ con tâm còn dâm dục ăn uống phi thời mà dạy đạo giải thoát thì giải thoát chỗ nào?

Chỉ có kinh sách phát triển mới có cư sĩ Duy Ma Cật v.v... Thiền Tông mới có cư sĩ Tô Đông Pha v.v.....

Người ta đâu biết rằng giới luật đạo đức của đạo Phật là pháp môn tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Vì thế người nào sống phạm giới, phá giới mà nói tu giải thoát là nói vọng ngữ, là lừa đảo người khác.

Có bao giờ chúng ta nghe Phật Thích Ca thành Phật mà còn trở lại làm chúng sanh nữa không? Trước khi chết Ngài nói: “Ta chỉ còn một kiếp làm người này nữa thôi”. Nghĩa là Ngài tu thành Phật rồi thì không bao giờ tái sanh làm người nữa. Vì từ nước đục Ngài lóng được nước trong, cho nên nước đã trong thì không bao giờ Ngài để nước đục trở lại, vì đạo Phật là đạo trí tuệ.

Câu chuyện tiền thân đức Phật là câu chuyện ngụ ngôn, câu chuyện người sau bịa đặt để ca ngợi đức Phật dùng Bồ Tát hạnh hành Bồ Tát đạo theo kiểu kinh sách phát triển.

Chỉ còn có một kiếp này mà thôi cho nên đức Phật di chúc: “các con tự thắp đuốc lên mà đi”“hãy lấy Giới luật và giáo pháp của Ta làm Thầy”.

Thiền Đông độ và kinh sách phát triển dùng danh từ hóa độ chúng sanh để lừa đảo tín đồ, khi làm Phật, khi làm chúng sanh, vì thế câu chuyện Tô Đông Pha là câu chuyện tưởng của các học giả bịa đặt ra để chứng tỏ Bồ Tát Hạnh hành Bồ Tát đạo.

Câu chuyện Quan Công - Hạng Võ; câu chuyện Tần Cối - Nhạc Phi; Câu chuyện Phật Ấn - Tô Đông Pha là những câu chuyện nhân quả luân hồi theo kiểu Trung Hoa chứ Phật giáo không có nhân quả tưởng như vậy.

Những câu chuyện này đã minh xác cho quý vị biết kết quả tu hành của Thiền Tông, xin mọi người lưu ý và cảnh giác lưỡi lừa của các thiền sư ngoại đạo.

PHỤ BẢN 1 NGƯỜI CHIẾN THẮNG (PHẦN II)

Bài viết của Mật Hạnh

Khi ở Hòn Sơn về Thầy tôi tự giam mình trong thất (nhập thất), không kết bè, kết bạn, không chơi thân với ai và ngay cả những người trong gia đình như cô Út và bà Nội, Thầy cũng chẳng nói chuyện phiếm, chuyện tào lao.

Thầy ở trong thất vừa làm việc vừa tu tập, nhưng tôi không biết Thầy đã tu tập pháp môn gì, tôi chỉ thấy khi thì Thầy đi, lúc thì Thầy ngồi, khi làm việc, lúc ngồi chơi. Thầy làm việc rất chăm chỉ, kỹ lưỡng cẩn thận, Thầy chế tạo ra một chiếc máy tiện cán dao rất tiện lợi cho cô Út khỏi phải bỏ tiền ra mua cán, Thầy còn chế ra một chiếc máy ép dầu thực vật như hạt điều, đậu phộng, mè để tiết kiệm được kinh tế sống của gia đình.

Thầy làm vườn cũng giỏi mà cấy lúa cũng hay. Thầy làm bằng công sức của mình chứ không dùng sức trâu, bò, vì Thầy là một tu sĩ, rất yêu thương các loài vật. Dường như Thầy vui sống một mình hơn là sống với mọi người, vì tôi biết Thầy không có bạn bè trai cũng như gái và Ba tôi cũng nói lại suốt 10 năm trong thất không có một người bạn nào đến thăm Thầy cả.

Sau này Thầy thuật lại cho tôi nghe những sự tu hành của Thầy, nhờ đó khi nhập thất tôi mới biết cách tu xả tâm. Đến khi tôi xả tâm gần hết dục thì tâm tôi thường quay vô, không khởi niệm, không phóng dật ra ngoài. Tôi thấy tâm tôi quá yên tịnh gần như nó không còn muốn gì hết, thậm chí ăn ngủ nó cũng không tham. Lúc bấy giờ tôi mới lo sợ và suy nghĩ: Từ lúc bé cho đến bây giờ tôi có biết mùi đời là gì, nếu hết dục thì làm sao biết đời được. Thế là tôi xin Thầy ra đời và tự hứa sau khi biết đời xong tôi sẽ trở lại tu tập.

Xin trở lại vấn đề, vì tôi đã nói về mình nhiều quá mà tu hành thì chưa ra gì xin các bạn vui lòng thứ cho.

Thầy tôi nói sau khi tu tập thiền Đông Độ không có kết quả Thầy bỏ pháp môn ấy và trở về tu tập theo kinh sách Nguyên Thủy như các bạn đã biết về Người Chiến Thắng tập I do Thầy Thông Huyễn viết.

Khi viết đến đây tôi bỗng nhớ lại là chưa xin phép viết về hồi ký tu tập của Thầy mà ghi vào đây Thầy không bằng lòng là mình có tội.

Khi trình bày xin phép ghi lại Người Chiến Thắng phần hai thì Thầy bảo: “Căn cơ chúng sanh thấp kém. Vả lại tâm tham còn nhiều đời chưa muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm. Cho nên, ôm một pháp tu tập là chỉ có ức chế tâm thành bệnh hoặc thành Ma chứ không bao giờ thành A La Hán được”.

Người tu tập thời nay không biết cách xả tâm mà hễ đi, đứng, ngồi, nằm đều tập trung ức chế thân tâm cho không vọng tưởng khởi. Cách thức tu tập ấy họ đã luôn luôn chịu ảnh hưởng của Thiền Tông: “Chẳng niệm thiện niệm ác” và Tịnh Độ Tông “Thất nhật nhứt tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”,và Đại thừa: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Nếu Người Chiến Thắng phần hai ra đời sớm họ không biết đặc tướng của họ là tâm đã hết phóng dật chưa, vội bắt chước Thầy tu tập một pháp thì chỉ phí bỏ cuộc tu hành như sư Hiệp, sư Vinh, sư Bửu Quán, thầy Chơn Thông, thầy Chơn Huệ, thầy Từ Minh, thầy Thiện Thiền, cư sĩ Minh Tông, v.v...

Vả lại hình ảnh chưa sưu tập đầy đủ mà viết Người Chiến Thắng phần hai thì tập sách thiếu xác minh giá trị chân thật của nó.

Biết ý Thầy chưa bằng lòng nên tôi có lời khuyên các bạn nên theo bài kinh Bát Thành mà chọn lấy cho mình một pháp độc nhất tu hành xả tâm. Trước kia Mật Hạnh là tu sĩ còn bây giờ là cư sĩ. Trước kia tu tập xả tâm trong thất, còn bây giờ ngày nào cũng xả tâm theo các pháp và các đối tượng, do đó cuộc đời của Mật Hạnh vẫn an ổn, yên vui không bận bịu gì việc trần thế. Chừng nào đủ duyên Mật Hạnh khoác chiếc y phấn tảo sẽ nguyện lấy đời mình làm sáng tỏ chân lý Phật pháp trong gương Thánh hạnh để đền đáp công ơn muôn một của Thầy.

PHỤ BẢN 2 HÃY TRỞ VỀ NƯƠNG TỰA VỚI CHÍNH MÌNH

Bài viết của Nguyên Thanh

Thưa các bạn thân mến!

Chúng tôi xin gửi đến các bạn những lời Phật dạy trong quyển kinh Dhammapada thuộc tập Khud daka Nikaya (Tiểu Bộ Kinh) Pháp Cú XII: Attavagga: Phẩm Tự Ngã (159)

“Dạy người như thế nào ?

Hãy dạy mình như vậy

Khéo điều, mới điều người

Khó thay tự điều phục”.

Đọc bài kệ trên đây đã nói lên ý nghĩa rất sâu sắc cho chúng ta hiểu rằng: Đạo Phật là một tôn giáo xả tâm diệt ngã. Khi chúng ta đến với Đạo Phật mục đích là để ly dục, ly ác pháp. Cái mục đích của chúng ta khi tìm đến với Đạo Phật, khi tìm về tu viện Chơn Như là như vậy. Cho nên chúng ta tu tập ăn ngày một bữa, ngủ một ngày bốn tiếng, không còn khó khăn chi và im lặng giữ hạnh độc cư là muốn xả tâm diệt ngã. Chúng ta tìm đến tu viện Chơn Như là để giải thoát không còn bị vướng mắc và trói buộc ngay trong kiếp hiện tại đầy những niềm đau và nỗi khổ này.

 Chúng ta được giải thoát trong cái ăn uống; trong cái ngủ nghỉ; trong cái nói chuyện. Vì thế mới gọi là Đạo xả tâm diệt ngã. Còn những tôn giáo khác ăn uống ngủ nghỉ nói chuyện phi thời thì không gọi là Đạo xả tâm diệt ngã được. Mà là một tôn giáo đã bị phân hoá hỗn hợp quá nhiều kiến giải, vô minh kiến trong thế giới tưởng tri của các nhà học giả xưa và nay.

Thưa các bạn! Những nhà học giả xưa và nay từ tu sĩ đến cư sĩ đều dạy người tu tập bằng những kiến tưởng giải. Chứ họ không có kinh nghiệm chứng đắc gì của sự tu tập. Họ nói và giảng pháp như những người hát xiệc Sơn Đông nhai lại những ý tưởng tượng, ảo ảnh, mơ hồ nên thiếu giá trị chân thật và chính xác thường đưa dắt con người vào thế giới ảo tưởng theo sự tìm tòi suy tưởng nghĩ của chính họ bằng những danh lợi trong Đạo. Cả hai tay đều ưa muốn nắm hết, Đạo thì muốn thêm đời không muốn bỏ nên chi mọi khổ ách được đổ lên đầu lên cổ của đàn na thí chủ. Và mỗi người trong chúng ta cũng vậy đều hiểu biết rằng: Sự tu tập rất khó khăn vô cùng chiến đấu với nội tâm ái dục lừng lẫy của chính mình đâu phải chuyện đơn giản ai muốn tu là được. Tu rất khó! Nói thì ai nói cũng được nhưng để thực hành rất khó không phải chuyện dễ đâu chúng ta chưa xả ly được tham, sân, si, mạn, nghi thì dạy ai nổi? Bản thân chưa ly dục nổi tự dạy mình chưa nổi chưa xong. Ta nói với chính ta, chúng ta tự tác ý nhắc nhở cái tâm cứng đầu khó trị của ta, cái núi tâm đầy rác bẩn hỗn hợp gai độc mà cái thằng tôi trong ta này, nó còn chưa muốn chịu nghe lời thì chúng ta đâu có dám dạy ai được. Phải không hỡi các bạn?

Nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm trong sự tu tập hoặc chưa chứng Thánh quả A La Hán thì nên im lặng như Thánh. Còn ai đã tu xong rồi đã có kinh nghiệm trong sự tu tậpdạy người khác tu tập là rất tốt.  Trưởng Lão dạy người tu không có lỗi lầm gì cả. Vì Trưởng Lão đã tu chứng Thánh quả A La Hán, làm chủ sanh, già, bệnh, chết nên Trưởng Lão rất xứng đáng làm bậc Đạo Sư của chúng ta.

Còn mỗi chúng ta hễ mà nhúc nhích, khinh suất là cũng bị lỗi lầm của cái tâm vô minh kiến tưởng đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi. Chúng ta vẫn còn đầy ắp phiền não của cái tâm: tham lam, giận hờn, mê muội. Sơ suất một chút thôi, thiếu tỉnh giác chánh niệm là cục tham, cục sân khởi lên rồi. Hở chút là si mê, là kiêu mạn, là nghi ngờ. Ta vẫn còn tham muốn ăn uống phi thời, muốn ăn thêm cái này, thêm cái khác, bổ dưỡng thêm cái này, bổ dưỡng thêm cái khác, v.v… Ta vẫn còn tham muốn ngủ nghỉ thêm giờ giấc, ngủ đến 2, 3 giờ chưa muốn ngồi dậy, còn nằm rũ rượi thẳng cẳng trên giường, trườn qua uốn lại biếng nhác, gục lên gục xuống trông thật tội nghiệp! Và trong tham, sân, si thì cái cục si là đáng sợ nhất, khó đối trị nhất (chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm này với những ngày tháng chiến đấu tận cùng với thùy miên rất khó khăn vô cùng, phải bền chí, gan dạ mới chiến thắng được nó).

Những người nào còn ham muốn ưa ngủ nhiều thì nghiệp nhân quả còn vướng mắc trói buộc rất nặng và tâm ái dục của họ phát triển rất mạnh, họ xả tâm còn rất chậm, ý thức lực còn rất yếu. Vì cục si đã làm chướng ngại, tham không đáng sợ, sân không đáng sợ, chỉ duy nhất sợ cục si này mà thôi. Nên Đức Phật dạy: “Si là đại ác”. Chúng ta nhập Tứ Thiền mới xả ly được cái tâm si mê ngu muội này. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng bền chí gan dạ tu tập để buông xả lần lần mỗi ngày một ít cái tâm si mê ưa ngủ nghỉ lười biếng này. Chúng ta hãy tu tập theo thời khoá đã quy định, phải nghiêm chỉnh giờ giấc và phải đi kinh hành thật nhiều mới đối trị lại nổi cục si này. Xin các bạn lưu ý cho. Nên Đức Phật dạy rằng:

“Người ưa ngủ tham ăn

Lăn lóc nằm qua lại

Chẳng khác heo no bụng

Tục sanh mãi luân hồi”.

(Kinh Nikaya Pháp Cú:XXIII, Nagavagga: Phẩm Voi (325).

Chúng ta vẫn còn ham muốn nói chuyện tào lao, ưa bàn luận chuyện thiên hạ. Nhất là ưa nhòm ngó, xét nét, phê bình hoặc chỉ trích, góp ý và ưa nói những lỗi lầm của người khác. Thì làm sao dạy người như thế nào, hãy dạy mình như vậy được, phải không hỡi các bạn? Nên Đức Phật dạy

“Thấy lỗi người thì dễ

Thấy lỗi mình mới khó

Lỗi người ta phanh tìm

Như  tìm trấu trong gạo

Còn lỗi mình thì dấu

Như thợ săn dấu mình.”

(Kinh Nikaya Pháp Cú XVIII: Malavagga: Phẩm Cấu Uế (252)

vvv

“Chớ nói lời thô ác.

Nói ác, bị nói lại.

Khổ thay lời thù hận.

Hình phạt tất đến thân.

(Kinh Nikaya Pháp Cú: X: Dandavagga: Phẩm Đao Trượng (133).

vvv

“Không nên nhìn lỗi người

Người làm hay không làm

Nên tự nhìn thân ta.

Có làm hay không làm”.

(Kinh Nikaya, Pháp Cú IV: Pupphavagga: Phẩm Hoa (50).

Cho nên chúng ta hãy cố gắng siêng năng nhiệt tâm tinh cần, rèn luyện mỗi ngày cho chính ta trước đã. Hãy sửa bỏ những thói quen tật xấu, mài giũa cục đá nghiệp to lớn đồ sộ vĩ đại này mà đã từ bao nhiêu ngàn kiếp chúng ta đã huân tập tích trữ của tham dục và ác pháp cho nó hao mòn dần dần, cùng với sự tu tập quyết tâm bền chí gan dạ của mỗi người. Đó là ước nguyện hoài bão và mục đích của chúng ta. Khi tìm đến với chánh pháp Nguyên Thuỷ. Khi tìm về tu viện Chơn Như xin tu tập là như vậy. Xin các bạn lưu ý điều này.

Khi chúng ta đến tu viện Chơn Như tu tập thì mỗi người phải tự điều phục mình; tự mình nương tựa chính mình; tự mình làm hải đảo cho tâm mình được nhiếp phục an trú để gội rửa lọc sạch rác rưởi bên trong nội tâm của chính ta; chúng ta gội rửa những chất liệu nỗi đau niềm giận trong ta của cái tâm ái dục lẫy lừng đang phát khởi đang ngủ ngầm bên trong đầy những tham, sân, si đang vây quanh đánh vào. Mỗi một ngày chúng ta im lặng không muốn nói chuyện nhiều là để đối diện với chính ta, đối diện với bộ mặt thật gian xảo bên trong của chính ta. Đó là những giờ phút chiến đấu tận cùng oanh liệt và gay cấn nhất của mặt trận nội tâm bên trong của mỗi người.

Và sẽ không có một ai hi sinh làm Bồ Tát cho ai cả. Nếu có một người nào đó tự cho mình hy sinh để được làm Bồ Tát, thì xin thưa đó là những kẻ điên đảo tưởng, v.v ..…. Vì sao vậy ? Bởi vì nếu chúng ta làm Bồ Tát thì sẽ đi ngược luật nhân quả. Đi ngược lại luật nhân quả là phi đạo đức, làm đảo lộn trật tự sự công bằng công lý của vũ trụ. Chúng ta hiện giờ còn đang trên đường tu tập, còn đang sống trong nhân quả. Và mỗi giây phút nếu chúng ta thiếu tỉnh giác chánh niệm thì sẽ bị luật nhân quả chi phối ngay trong giây phút đó liền, chúng ta vẫn chưa làm chủ được nhân quả thì chớ có phát tâm hạnh nguyện làm Bồ Tát hạnh. Chỉ có những kẻ vô minh điên đảo mới phát tâm làm Bồ Tát hạnh. Vì thế các vị Bồ Tát bị dòng nước danh lợi cuốn trôi đạo nghiệp giải thoát, nên đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, chỉ có hình thức tu sĩ và cư sĩ làm ô danh Phật Giáo.

Đối với Phật Giáo chỉ có những bậc Thánh A La Hán mới có đủ năng lực dạy và độ người. Còn tất cả chúng ta đều đang bị chi phối sống và chết trong luật nhân quả. Vì thế chúng ta hãy cố gắng tu tập chuyển hoá nhân quả của thân, khẩu, ý mà do chính ta đã tạo ra. Cho nên hễ mà nhúc nhích thì hãy coi chừng luật nhân quả, nó sẽ xử phạt rất công minh chính trực. Đó là cán cân công lý rất tuyệt vời, xin các bạn lưu ý điều này.

Văn hóa Phật Giáo Nguyên Thuỷ là một giáo lý thực lực có trí tuệ của nền đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh; là chân lý lẽ phải của nhân loại; là Đạo xả tâm diệt ngã; là văn hoá có phẩm chất đạo đức trí tuệ rất bình dị, gần gũi thân thương, gắn liền với cuộc sống của mỗi con người. Nên mỗi lời nói của chúng ta đều phải có Chánh tri kiến của đức từ tâm, của đức bi tâm, của đức hỷ tâm và của đức xả tâm, nghĩa là bốn đức này gồm trong các hạnh: nhẫn nhục, tuỳ thuận và bằng lòng. Nếu chúng ta có Chánh tri kiến, có Chánh tư duy mỗi ngày thì khi gặp nghịch cảnh, chướng duyên ta sẽ diệt ngã xả tâm rất nhanh chóng. Chúng ta thường quay về thủ hộ sáu căn của mình; quay về nương tựa pháp Thân Hành Niệm của mình; quay về nương tựa pháp hướng tâm như lý tác ý của chính mình. Đó là ý nghĩa của bài kệ trên rất thâm túy vô cùng sâu sắc; đó là những gia bảo tinh hoa quý giá mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho tất cả chúng sanh -  những bài kinh Pháp Cú ngắn gọn thâm sâu vi diệu.

Những bài kệ này chính là những lời dạy của Đức Phật tự thân thuyết. Cho nên khi đọc những bài kệ này chúng ta cảm như thân nghe chính lời Phật dạy từ hơn 2000 ngàn năm vẫn còn vang lại với giá trị bất hủ của tập kinh Dhammapada là ở chỗ này. Nhờ ở chỗ này mà ta cảm thấy không có sự trung gian của các vị Tổ Sư kết tập kinh điển. Chúng tôi hân hạnh xin gửi gắm đến quý bạn.

Thưa các bạn thân mến!  Trên  bước đường tu tập của chúng ta chỉ có Đức Phật và các bậc Thánh A La Hán mới có đủ năng lực trí tuệ Tam Minh làm vị Thầy của Trời, Người mới giảng dạy pháp và luật cho chúng ta. Còn ngoài ra sẽ không còn có một người nào xứng đáng dạy pháp và luật này cả. Vì sao vậy?

Bởi vì các bậc Thánh A La Hán tâm  các Ngài đã vô lậu hoàn toàn, đã ly dục ly ác pháp, không còn đắm nhiễm trong sắc, danh, lợi, thực, thuỳ nên các Ngài rất xứng đáng là nguồn năng lượng thương yêu của chúng sanh, nguồn năng lượng tình thương yêu đó rất cao quý biết bao, rộng lớn mênh mông hơn biển cả đại dương không thể đem một vật gì vô giá trên cuộc đời này để mà so sánh được. Nên mỗi lời giảng dạy của Bậc Thánh A La Hán rất có giá trị cho chúng ta.

Chúng ta là những người con đã có gieo trồng thiện duyên từ nhiều ngàn kiếp xa xưa nên ngày hôm nay mới đủ duyên gặp lúc Bát Chánh Đạo Nguyên Thuỷ hồi sinh. Do hội đủ nhân duyên mới được hội tựu về đây cùng chung sống bên nhau tu tập trong nguồn năng lượng thương yêu của Trưởng Lão Thích Thông Lạc trên quê hương yêu dấu của miền nhiệt đới xứ sở Tây Ninh miền Nam Việt Nam này. Vì vậy chúng ta hãy đặt trọn vẹn niềm tin yêu son sắt thủy chung nơi những lời giảng dạy nhiệt tình tha thiết thương yêu của Ngài. Nên cố gắng tu tập xả tâm diệt ngã. Đó là cốt lõi cơ bản phạm hạnh của tu sĩ và cư sĩ; đó cũng là mục đích Sa Môn quả của hàng tăng, ni và cư sĩ chuyên tu khi tìm về tu viện Chơn Như tu tập.

Chúng tôi nhớ lại hồi còn học ở Trường ĐHKHXH - CCPHHĐ, thường hay lập luận các bản kinh dài của Hoà Thượng Minh Châu dịch trong Đại Tạng Kinh Việt Nam, thuộc Trường Bộ Kinh tập I, phẩm kinh  Lohicca. Đức Phật  bậc đại A La Hán Thích Ca Mâu Ni đã giảng dạy cho Bà La Môn Lohicca về ý nghĩa của các vị Đạo Sư.

Đức Phật dạy rằng: “Này Lohicca, ở đời có ba vị Đạo Sư đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích Đạo Sư như vậy. Sự chỉ trích của vị này chân chánh, hợp pháp, không lỗi lầm. Thế nào là ba?”.

“Này Lohicca. Ở đời có một vị Đạo Sư không chứng mục đích của Sa Môn Quả mà mọi người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến không chứng được mục đích Sa Môn Quả ấy. Vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!”. Những đệ tử này không chịu nghe lời dạy của các vị ấy, không lóng tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết, và sống trái ngược với giáo pháp của vị Bổn Sư. Đạo Sư như vậy cần phải được khiển trách: “Đại đức không chứng mục đích Sa Môn Quả mà Đại đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến không chứng được mục đích Sa Môn Quả ấy (tức là không chứng được  quả Thánh A La Hán) mà Đại đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người, như thế này là hạnh phúc cho các người”. Những người đệ tử này không nghe lời dạy của Đại đức, không để tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết và sống trái ngược giáo pháp của vị Bổn Sư”. Cũng giống như người tán tỉnh cô gái muốn xa lánh mình, hay ôm hôn cô gái muốn né mặt mình. Như Lai nói rằng: “Cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp, vì có ai làm giúp cho ai được?”

“Này Lohicca, như vậy là hạng Đạo Sư thứ I đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích vị Đạo Sư như vậy là sự chỉ trích này chân chánh, hợp pháp, không lỗi lầm”.

Thưa các bạn! Các bạn có biết Sa Môn quả là gì không?

Sa Môn quả là kết quả tu tập của một tu sĩ Phật Giáo. Các bậc ấy đã thành tựu viên mãn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh (giới luật), đầy đủ thần lực, chuyển hóa nhân quả (Thiền định), làm chủ sinh tử, chấm dứt luân hồi (Trí tuệ). Khởi sự tu tập từ giới luật, Thiền định đến Tam Minh. Nói cho dễ hiểu là một người đã tu chứng quả Thánh A La Hán tâm hoàn toàn vô lậu.

Trong đoạn kinh trên đây đã xác định cho chúng ta thấy rằng: Các vị giảng sư của Phật Giáo hiện giờ cũng giống như vị Đạo Sư thứ nhất này tu hành chưa tới đâu mà đi thuyết giảng dạy người tu.

Dạy về giới luật giảng thì rất hay nhưng sống không đúng giới luật, chánh hạnh không có. Cả Thầy lẫn học trò đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, chẳng có giới luật nào mà không vi phạm. Thưa các bạn! Lời chúng tôi nói quý bạn thấy có đúng không?

Dạy về Thiền định, thuyết giảng cũng rất hay, nhưng chẳng có ông giảng sư nào nhập định được và cũng không biết nhập định bằng cách nào, chỉ biết ngồi lim dim ức chế thân tâm không có vọng tưởng giống như “cóc”, từ một giờ, hai giờ cho đến một ngày, hai ngày, v.v… Rồi tuyên bố, quảng cáo khắp nơi rằng: mình đã nhập định, kiến tánh thành Phật, v.v…

Dạy về trí tuệ Tam Minh thuyết giảng thì rất hay: Nào là Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh, nói đủ loại thần thông, nhưng xét ra cái trước mắt của các ông là những bài kinh mà các ông đang thuyết giảng. Chính các ông nói minh mà các ông chẳng có minh chút nào cả. Các ông giống như những người mù rờ voi. Những bài kinh mà các ông đang thuyết không phải của Phật thuyết mà các ông không biết thì các ông có minh chỗ nào đâu. Có đúng như vậy không các bạn?.

Lời dạy của Đức Phật trên đây là chỉ thẳng cho chúng ta biết rằng những vị giảng sư trong Phật Giáo hiện giờ chưa có người nào xứng đáng là bậc Đạo Sư của chúng ta. Tại sao vậy?

Tại vì các ông giảng sư tham danh làm Thầy thiên hạ, tham lợi phật tử cúng dường tiền nhiều, giống như những chàng thanh niên mê gái vậy. Cho nên đức Phật dạy: “Cũng giống như người tán tỉnh cô gái muốn xa lánh mình, hay ôm hôn cô gái muốn né mặt mình. Như Lai nói rằng: “Cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp, vì có ai làm giúp cho ai được?” Qua lời dạy này chỉ rõ những hạng Đạo sư thứ nhất là những người tham danh.

Theo Phật giáo chân chánh thì các vị giảng sư trong Phật Giáo hiện giờ đều đáng bị chỉ trích: Tu chưa tới nơi mà đi ra làm Thầy dạy Đạo để lừa đảo mọi người “Ngồi trong mát ăn bát vàng”. Thật là đáng chê trách như đoạn kinh này xác định: “Này Lohicca, như vậy là hạng Đạo Sư thứ I đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích vị Đạo Sư như vậy là sự chỉ trích này chân chánh, hợp pháp, không lỗi lầm”.

Hạng Đạo Sư thứ hai là hạng người ngu si không lo quét tâm mình cho sạch những rác bẩn tham, sân, si lại đi hốt quét rác tâm người, như lời Phật dạy trong đoạn kinh này: -“Lại nữa, này Lohicca, ở đời có một vị Đạo Sư không chứng mục đích của Sa Môn Quả mà mọi người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa, hướng đến không chứng được mục đích Sa Môn quả ấy. Vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!” Những đệ tử này không chịu nghe lời dạy của các vị ấy, không lóng tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết, nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị Bổn Sư. Đạo Sư như vậy cần phải được khiển trách: “Đại Đức không chứng mục đích Sa Môn quả mà Đại Đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa hướng đến không chứng được mục đích sa môn quả ấy, (tức là không chứng được quả Thánh A La Hán) Đại Đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!” Những đệ tử này không nghe lời dạy của Đại Đức, không lóng tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị Bổn Sư.  Cũng giống như người bỏ ruộng dưa của mình mà nghĩ đến việc nhổ cỏ cho ruộng dưa của người khác. Như Lai nói rằng: “Cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp, vì có ai làm giúp cho ai được?”

“Này Lohicca, như vậy là hạng Đạo Sư thứ II đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích Đạo Sư như vậy là sự chỉ trích này chân chánh, hợp pháp, không sai lầm”.

Một tu sĩ Phật Giáo tu hành chưa chứng Đạo mà đi thuyết giảng cũng giống như các ông giảng sư của Phật Giáo hiện giờ mà Đức Phật xem họ như những người nông dân ngu si làm cỏ ruộng dưa cho người khác còn ruộng mình thì để cỏ mọc đầy, vì lý do này mà họ được đặt vào vị trí Đạo Sư thứ II đáng bị chỉ trích vì cái ngu của mình. Cho nên những hàng Bồ Tát tu chưa chứng đạo mà ra độ người được Đức Phật cho là những hạng người ngu si.

Đọc đoạn kinh này, các bậc tôn túc hòa thượng, thượng tọa, đại đức tăng, ni và các phật tử bốn phương có nhận thấy lời dạy này đúng không?

Thưa các bậc tôn túc! Các vị phải tự xét mình, có thấy mình thuyết giảng kinh sách Phật là giống như những người ngu si đi nhổ cỏ ruộng dưa cho người khác không? Trong khi ruộng dưa của mình cỏ mọc đầy mà không nhổ. Như vậy các vị có thấy cái dở của mình không?

Khi tu xong Đức Trưởng Lão Thông Lạc nhìn lại Thầy Tổ, bạn bè của mình đang say mê danh lợi trong tôn giáo trôi lăn theo dòng nước đục khổ đau của nhân quả, đành chịu ngu si một đời đi nhổ cỏ ruộng dưa cho người thì Trưởng Lão rất thương tâm, nhưng không biết làm sao giúp cho họ thức tỉnh trở về con đường chân chánh của Phật Giáo Nguyên Thủy. Vì thế Trưởng Lão cho ra đời bộ sách Đường Về Xứ Phật chỉ thẳng đánh mạnh như tiếng sét làm sáng rõ cái đúng, cái sai, khiến cho các bậc tôn túc thức tỉnh giấc mộng Đại Thừa và Thiền Tông.

Đây là những hạng Đạo Sư thứ II, do sự ngu si đáng bị chỉ trích mà đoạn kinh này dạy rất rõ: “Này Lohicca, như vậy là hạng Đạo Sư thứ II đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích Đạo Sư như vậy là sự chỉ trích này chân chánh, hợp pháp, không sai lầm.”

Thưa các bạn! Những đoạn kinh này đã giúp cho các bạn nhận xét vị Đạo Sư của mình có xứng đáng là Đạo Sư hay không?

Trong kinh sách Đại Thừathường kêu gọi mọi người nên tu tập theo Bồ Tát hạnh vừa độ mình vừa độ người. Đó là những nguyện vọng cao quý của Bồ Tát hạnh. Kinh sách dạy làm Bồ Tát hạnh được gọi là kinh Đại Thừa. Vấn đề này trong Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng: Bồ Tát không biết chữ mà đi dạy người khác học chữ thì việc làm này các bạn cứ xét xem có kết quả hay không? Từ xưa đến nay đã chứng minh rằng: việc làm của Bồ Tát Đại Thừa là việc làm không ích lợi, chỉ là một việc lừa đảo người mà thôi.

·                    “Lại nữa, này Lohicca. Ở đời có một vị Đạo Sư không chứng mục đích của Sa Môn Quả mà mọi người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa, hướng đến không chứng được mục đích Sa Môn quả ấy. Vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!” Những đệ tử này không chịu nghe lời dạy của các vị ấy, không lóng tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết, nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị Bổn Sư.  Đạo Sư như vậy cần phải được khiển trách: “Đại Đức không chứng mục đích Sa Môn quả mà Đại Đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa hướng đến không chứng được mục đích Sa Môn quả ấy, (tức là không chứng được quả Thánh A La Hán) Đại Đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!” Những đệ tử này không nghe lời dạy của Đại Đức, không lóng tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị Bổn Sư. Cũng giống như người cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác buộc mình. Như Lai nói rằng: “Cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp, vì có ai giúp cho ai được?”

 

Vị Đạo Sư thứ ba mà Đức Phật nêu trong đoạn kinh này thì chúng tôi thấy một số các Thầy Đại Thừa rất giống. Vì vừa cắt bỏ sợi dây ái kiết sử gia đình sự nghiệp thế gian, thì lại trói mình vào một sợi dây mới. Một sợi dây danh lợi trong tôn giáo, vì thế Đức Phật dạy:“Như Lai nói rằng: “Cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp, vì có ai giúp cho ai được?”.

Trên đây là ba hạng Đạo Sư mà quý phật tử nên lưu ý: “Đừng nên chọn những vị Đạo Sư này họ chẳng xứng là Thầy của quý vị”. Cho nên Bà La Môn Lohicca hỏi đức Phật:“Thưa Ngài Tôn Giả Gotama, ở đời có vị Đạo Sư nào không đáng bị chỉ trích?”

“Đức Phật dạy: Này Lohicca ở đời có vị Đạo Sư không đáng bị chỉ trích.”

“Thưa Ngài Tôn Giả Gotama ở đời, thế nào là Đạo Sư không đáng bị chỉ trích?”

“Đức Phật dạy: Này Lohicca! Ở đời Đức Như Lai xuất hiện là Bậc A La Hán Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn…” (Như kinh sa môn quả số 40- 74, với những thay đổi cần thiết).

“Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh, do hân hoan nên hoan hỷ sanh, do tâm hoan hỷ nên thân được khinh an, do thân được khinh an nên lạc thọ sanh, do lạc thọ sanh tâm được định tỉnh, do tâm định tỉnh vị tỳ kheo ly dục ly ác pháp chứng và trú Thiền thứ I một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ .”

“Này Lohicca, lại nữa tỳ kheo diệt tầm và tứ chứng và trú Thiền thứ II một trạng thái hỷ lạc do định sanh không tầm không tứ nội tĩnh nhất tâm… Trú thiền thứ III... chứng và trú Thiền thứ IV…” ( Như kinh Sa Môn quả số 74- 84 với những thay đổi cần thiết).

“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh,  không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dể sử dụng vững chắc, bình thản như vậy. Vị tỳ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí Tam Minh, vị ấy biết như thật “đây là khổ…” và sẽ không có đời sống nào khác nữa” (Như kinh Sa Môn quả số 79- 98).

“Này Lohicca đệ tử của vị Đạo Sư nào chứng được quả vị thù thắng đặc biệt ấy (tức là chứng quả Thánh A La Hán). Này Lohicca vị Đạo Sư như vậy không đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích một Đạo Sư như vậy, là sự chỉ trích ấy sẽ không xác thật, không chân chánh không hợp pháp và có lỗi lầm.” (Đại Tạng Kinh Việt Nam thuộc Trường Bộ Kinh tập I: Phẩm kinh Lohicca trang 383- 393).

Qua những lời dạy của Đức Phật trên đây đã chứng minh một cách rõ nét cụ thể cho chúng ta thấy rằng: Khi tìm đến với Đạo Phật thì chúng ta hãy nên chọn cho riêng mình một vị Thầy Phạm hạnh có đầy đủ oainghi chánh hạnh, có đức độ và giới luật phải nghiêm chỉnh để cho chúng ta có thể được nương tựa, làm tàn cây bóng mát cội bồ đề vững chắc về tinh thần và có thể thưa hỏi tu học giáo lý qua những lời giảng dạy của vị Đạo Sư ấy. Chính những lối sống sinh hoạt hằng ngày được thể hiện qua hành động và ngôn ngữ của vị Thầy đó là gương hạnh phản chiếu mẫu mực cho chúng ta soi sáng nội tâm của mình, mỗi ngày chúng ta được xoa diệu bao nỗi khổ niềm đau của tâm hồn trong cuộc đời khổ đau này. Khi gặp nghịch cảnh và chướng ngại trên con đường tu tập. Vì vậy để chọn cho riêng mình một vị Thầy có phạm hạnh, giới luật nghiêm chỉnh, giữ gìn hạnh ăn, hạnh ngủ, hạnh độc cư, độc trú rất là khó khăn vô cùng, rất quý hiếm, rất ít có trên cuộc đời này- đó là Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc. Đôi khi chúng ta còn bị lệ thuộc vào luật nhân quả của mỗi người gieo trồng thiện duyên từ nhiều ngàn kiếp xa xưa để lại. Một vị Thầy đã thông suốt và biết rõ như thật về bốn nỗi khổ đau của kiếp người (Khổ, Tập, Diệt, Đạo). Một vị Thầy đã nhập Tứ Thánh Định có Tam Minh thấu suốt mọi ngõ ngách tâm tham, sân, si, mạn, nghi của chúng sanh. Thì đó là một vị Đạo Sư rất xứng đáng cho chúng ta tôn trọng kính lễ là chỗ nương tựa vững chắc an lành hạnh phúc trong tâm hồn và trái tim của mọi loài.

Thưa các bạn! Chúng tôi luôn muốn nói đến Bậc Thầy, một bậc Thầy giới luật nghiêm chỉnh, sống biết nhẫn nhục, tùy thuận và vui lòng trong mọi hoàn cảnh dù nghịch hay thuận. Đó là Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc người Việt Nam. Ngài đã trình bày phương pháp dẫn tâm vào Đạo. Với phương pháp như lý tác ý rất chân thực cụ thể, dễ hiểu qua những bài giảng trải rộng tất cả nhiệt huyết con tim thương yêu chúng sanh trên những trang sách dạy đạo đức làm người.

Thưa các bạn! Sự thật viết rất khó, nhưng viết lên chân lý còn khó hơn nhiều và những chân lý vĩ đại thường là đơn giản nhất. Với ngòi bút thực chứng sáng nghĩa của Chơn Như đã giúp cho người hậu học am tường đâu là chân lý lẽ phải của nền đạo đức nhân bản nhân quả, đâu là Ma đạo, đâu là Chánh đạo. Thật vinh hạnh cho đất nước Việt Nam có Bậc Thánh Nhân chứng đạo Bồ Đề. Nên Đức Phật dạy:

“Vui thay, Phật ra đời.

Vui thay, Pháp được giảng.

Vui thay, Tăng hoà hợp.

Vui thay, Chúng đồng tu !”

Và được sinh ra làm người là một điều khó, thế mà được sinh làm người mà còn gặp được bậc Thánh nhân thì phước duyên đời trước đã gieo trồng nhiều thiện pháp với chánh pháp. Nên kinh Pháp Cú dạy:

“Khó gặp Bậc Thánh Nhân

Không phải đâu cũng có

Chỗ nào Bậc Trí sanh.

Gia đình tất an lạc”.

(Kinh Nikaya Pháp Cú: XIV Buddhavagga: Phẩm Phật Đà (193- 194).

Thưa các bạn! Mỗi người trong chúng ta rất có thiện duyên khi đã gặp Trưởng Lão; khi đã được gần gũi thân thương bên Người; khi đã được lắng nghe chân diệu pháp của Người. Đó là đại phước duyên của mỗi chúng ta khi tìm về tu viện Chơn Như tu tập. Cho nên hơn bao giờ hết, chúng ta hãy cố gắng tu tập xả tâm diệt ngã mỗi ngày và giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh không vi phạm lỗi nhỏ nhặt nào giữ gìn ba đức ba hạnh cho được trọn vẹn. Để đền đáp công ơn sâu dầy hiếu hạnh với cha mẹ, ân đức cao dày của Trưởng Lão Thông Lạc đã tận tuỵ giảng dạy pháp và luật cho chúng ta.

Nói đến công ơn của Trưởng Lão thì chúng ta phải nhớ đến công ơn của cô Út Diệu Quang cũng đã tận tụy sớm khuya khổ cực gánh vác mọi gian lao trên đôi vai gầy yếu của mình, lo lắng chu toàn từng bữa cơm độ ngọ phòng hộ thất cho chúng ta yên tâm tu tập mỗi ngày. Đó là những ơn đức ân tình rất cao quý, rất sâu nặng thắm đậm tình nghĩa tha thiết son sắt thủy chung của Cha Mẹ, của Thầy, của Út, mà chỉ có sự tu tập chúng ta mới đền đáp trong muôn một. Phải không các bạn? Nên đức Phật dạy rằng :

“Vui thay, hiếu kính Mẹ

Vui thay, hiếu kính Cha

Vui thay, kính Sa Môn

Vui thay, kính Hiền Thánh!”

(Kinh Nikaya Pháp Cú: XXIII:  Nagavagga: Phẩm Voi (332) .

Thưa các bạn thân mến!  Chúng tôi thiết nghĩ rằng: Khi chúng ta tu tập chưa xong thì nên im lặng như Thánh, đừng có thuyết giảng pháp và luật cho một ai cả. Vì nếu chúng ta có giảng dạy hay tuyệt đến đâu chăng nữa, có hấp dẫn nổi tiếng như những kĩ xảo điện ảnh dựng lên những Thiên đường lộng lẫy nguy nga tráng lệ hay tuyệt đẹp!… Thì nó cũng vẫn còn nằm trong danh lợi của tâm tham, sân, si còn lỗi lầm rất vi tế đang tiềm ẩn bên trong nội tâm với bản ngã to lớn đồ sộ vĩ đại của mỗi người. Ngẫm nghĩ trêncuộc đời này, ai ai cũng ưa thích ham muốn làm thầy thiên hạ,những hạng người nào mà như vậy khi có được chút ít quyền lực trong tay thì ôi thôi! Lại luôn độc tài, chiếm hữu và hiếp đáp, lấn lướt áp đặt người khác. Đời và Đạo chẳng khác gì mấy.

Khi tu tập mà có được một chút ít kết quả nho nhỏ, kha khá và có thêm quyền lực thì ôi thôi, chao ơi! Ta muốn thổi phồng lên như những quả bong bóng vậy. Và rồi ta bắt đầu khoác lác vọng ngữ, cũng muốn thuyết giảng cho người khác được nghe, bằng những kiến giải, bằng những danh từ đội lốt mang râu nghe rất hợp lý bùi tai: “Bồ Tát hạnh, Bồ Tát khổ vì chúng sanh khổ”. Đó là tâm lý chung của những hạng người thích muốn làm Thầy thiên hạ là vậy.

Vì thế ta luôn ham thích và muốn nói thật nhiều để nhắc nhở người chị, người em, người anh, v.v… đừng có nói chuyện nhiều; đừng có cười đùa nhiều; đừng có ham ngủ nhiều; đừng có ham ăn hốt uống nhiều. Hãy xả cái tâm sân hận đi!Hãy buông xả cái tâm ganh ghét đi! Hãy xả bỏ cái tâm tham lam đi! Hãy khước từ cái tâm kiêu mạn đi! Hãy xả đi buông xuống cái tâm nghi ngờ đi! Đừng nên hở một chút là nghi ngờ; hở một chút là sân hận, v.v… chúng ta luôn ham thích khi nói điều đó. Chúng ta nói hay lắm, tưởng chừng ta đã làm được; tưởng chừng ta đã gội rửa sạch tham, sân, si, mạn, nghi của chính ta; tưởng chừng ta đã gỡ hết giống gai độc của ngũ triền cái đang ở bên trong nội tâm của chính ta. Nhưng sự thật chúng ta vẫn chưa làm được, chưa tu tập nổi, còn vướng mắc và bị trói buộc như những con cá mắc cạn trên bờ phải chết dở, sống dở…..

Cho nên vô minh triết luận suông nửa chừng không tới đích nên ta sẽ phải dậm chân nơi cổ mộ luân hồi đắm luỵ. Bởi vì chủ nhân của nó không có thừa tự Đạo Chánh, nên phải dùng gương giới tuệ nội soi sẽ giúp cho chúng ta nhận rõ đâu là phải trái của cuộc đời... Thì tốt nhất nên im lặng như Thánh mà lo tu chomình trước đã, chứ thuyết giảng có lợi ích gì cho mình đâu. Phải không hỡi các bạn?

Khi tu chưa xong, nếu chúng ta thuyết giảng là phạm giới luật. Giới thứ tư cấm nói dối (Nói dối, nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lật lọng). Giới này là đức Thánh chân thật nên đức Phật dạy chỉ có người tu chứng Thánh quả A La Hán mới đi làm giảng sư vì lòng thương tưởng đến chúng sanh, không đắm nhiễm trong danh lợi. Còn người chưa tu chứng mà thuyết giảng ưa làm Thầy thiên hạ sẽ có ngày đọa địa ngục với cảm thọ hành xác thân đau nhức nhối vì đã chết chìm trong danh lợi, nên quả báo phải lãnh đủ.

Chúng ta hãy xem các vị hoà thượng, thường toạ trong các chùa thuộc hệ phát triển thì sẽ rõ! Dạy người mà không có kinh nghiệm của sự tu chứng thì chẳng khác nào nói dối, khoác lác, vọng ngữ trong thế giới tưởng tri, để moi tiền của người khác, đó là mang di chứng của căn bệnh: “Vô minh kiến, lừa đảo bằng miệng lưỡi, đắm nhiễm trong thế giới cuồng tưởng Marketing tôn giáo của tẩu hoả nhập ma trong danh lợi”. Chứ nào phải là độ chúng sanh, độ kiểu đó là giết chết chúng sanh. Và đạo đức nhân bản nhân quả sẽ xửphạt rất công minh, chính trực, dù cho khôn khéo cao siêu cũng không trốn thoát. Xin các bạn lưu ý cho. Nên Đức Phật dạy:

 

“Không phải vì nói nhiều

Mới xứng danh bậc trí

An ổn không oán sợ

Thật đáng gọi bậc trí”.

                                  vvv

 “Không phải nói lưu loát

Không phải sắc mặt đẹp

Thành được người lương thiện.

Nếu danh tham, dối trá.”

(Kinh Nikaya Pháp Cú: XIX Dhammatthavagga: Phẩm Pháp trụ(258-262)

Thưa các bạn! Chỉ có những bậc Thầy đã tu chứng đủ Thánh quả A La Hán mới triển khai nổi vì các Ngài có đầy kinh nghiệm trong sự tu tập, và vì vậy mới xứng đáng làm giảng sư. Còn những người phá giới, phạm giới mà đi thuyết giảng thì giảng làm sao đúng được vì đã phạm giới mà dù có thuyết giảng đúng vẫn được xem là vọng ngữ. Họ giảng, họ  nói theo kiểu nhai lại bã mía của người xưa theo chữ nghĩa kiến giải tưởng thành hoá ra nói sai pháp biến Chánh Pháp của Phật thành ra tà pháp của ngoại đạo.

Hiện bây giờ những nhà học giả xưa và nay từ tu sĩ đến cư sĩ là những giảng sư có trình độ tri thức chuyên môn có bằng cấp cao giáo sư, tiến sĩ đều dạy người tu tập đi vào con đường bế tắc ngõ cụt của đạo Phật, thành thử mọi người không biết được đâu là con đường chân lý lẽ phải của nền đạođức nhân bản nhân quả, mà không còn biếtđâu làpháp hành chính tông Nguyên Thuỷ của đạo Phật chỉ cứ đi theo lối mòn - lối cũ dẫm lại những luận điệu kiến giải của các vị Tổ Sư truyền thừa lại mà thôi, làm cho biết bao nhiêu thế hệ trẻ úa tàn héo hắt xác xơ ê chề khốn đốn vì lỡ đời, lỡ đạo, lỡ hiếu hạnh với song đường vì tu sai đường lạc lối; làm suy yếu tiêu mòn phá sản nội lực trí tuệ của bao thế hệ tu theo Phật Giáo Đại Thừa phát triển; làm  tiêu hao tài sản của đàn na thí chủ kháng kiệt tận cùng gia sản của mỗi người dân Việt. Vì tin tưởng vào tà ma ngoại đạo mê tín Thần Thánh đang mỗi ngày phát triển rất mạnh, đang len lỏi vào trong tâm hồn của mỗi người dân. Từ giới bình dân cho đến giới trí thức cũng bị ảnh hưởng rất sâu đậm. Rốt cuộc vẫn chìm nổi trong bể khổ luân hồi quằn quại đau thương tan nát. Vì đâu? Phải chăng đã lỡ tu sai đường lạc lối bế tắc ngõ cụt do không đủ phước duyên gặp được bậc Thầy chơn chánh. Đó là nỗi đau lòng nhất của Phật Giáo ngày nay.

“Giới luật còn là Đạo Phật còn”.Đây là lời tiên tri của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về sự hồi sinh Đạo Phật mà Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đương đại đang làm sống lại giới luật cuối thế kỷ 20 này.

“Giới luật mất là Đạo Phật mất”.Là lời di chúc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về sự cáo chung tà pháp, mê tín Thần Thánh đang ẩn núp trong ngôi nhà Phật Giáo.

Cho nên hơn bao giờ hết, khi mỗi chúng ta tìm đến với chánh pháp Nguyên Thuỷ, chúng ta hãy sống có chánh tri kiến suy tư mỗi ngày trên con đường tu tập của mình; chúng ta hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình; tự mình nương tựa mình. Đó chính là ôm phao mà ta sẽ vượt thoát qua những giông tố biển cả của cuộc đời đầy những niềm đau và nỗi khổ này. Vì thế Đức Phật mới dạy rằng:

 

       “Tự mình nương tựa mình

        Tựa điểm nào hơn nữa

Nhờ khéo điều phục mình

Được điểm tựa khó được”.

vvv

“Tự mình làm điều ác

Tự mình sanh nhiễm ô

Tự mình không làm ác

Tự mình thanh tịnh mình.

Thanh tịnh không thanh tịnh

Đều do tự chính mình

Ai thanh tịnh cho ai?”.

(Kinh Nikaya Pháp Cú XII: Attavagga: Phẩm Tự Ngã (160- 165).

Thưa các bạn thân mến! Khi lưu dấu nhữngdòng chữ này, trái tim chúng tôi xin chia sẻ tất cả nỗi niềm trên trang giấy đến với các quý bạn vì chúng tôi cũng đang trên đường tu tập cũng gặp rất nhiều thử thách chướng ngại trên đường tu nên tâm hồn rất thấm đậm cảm thông cho những nỗi khổ và niềm đau của mỗi chúng ta. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng nỗ lực tu tập chiến đấu đến tận cùng với bọn giặc sanh tử tham, sân, si, mạn, nghi này. Phải không hỡi các bạn? Nên Đức Phật  mới nhắn nhủ  đến với chúng ta:

“Dầu tại bãi chiến trường

Thắng ngàn ngàn quân địch

Không bằng tự thắng mình

Thật chiến thắng tối thượng”.

           vvv

“Tự thắng vẻ vang hơn

Hơn chiến thắng người khác

Kẻ khéo điều phục mình

Thường sống tự chế ngự.”

(Kinh Nikaya Pháp Cú: VIII: Sahassavagga: Phẩm Ngàn (103-104).

Chúng tôi cũng rất có thiện duyên là được đi tu từ nhỏ (12 tuổi) mười bốn năm trời lưu lạc lang thang vô định trong kiếp luân hồi nơi đất khách quê người. Vì tu sai đường lạc lối nên bây giờ đây chúng tôi đã được sớm trở về trong vòng tay thương yêu của Thầy, của Út và đã được hồi sinh Bát Thánh Đạo Nguyên Thủy; được gần gũi thân thương bên bậc Thầy; một người Thầy vĩ đại; một Trưởng Lão thương kính nhất của mọi người nên tâm hồn và trái tim con rất đầm thắm an lành và hạnh phúc.

Thưa các bạn! Chúng tôi xin kết luận lời tâm sự này bằng sự thành kính tri ân:

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammasambuddhassa.

Trái tim con thành tâm kính lễ

Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Một bậc Thầy cao thượng

                Một đấng Giới thanh nghiêm.

Thưa các bạn thân mến! Khi cầm bút viết lên những lời Phật dạy trong tập kinh Dhammapada Sutta Khuddaka Nikaya- Sutta Pitaka. Trái tim chúng tôi chỉ có một tâm nguyện mong sao những lời dạy này của đức Phật sẽ được soi sáng dẫn đường cho mọi hành động, tâm tư, ngôn ngữ của chúng ta, và ở trong một thế giới đương đại văn minh tiến bộ với nền khoa học kĩ thuật hiện đại mà vẫn còn những cuộc chiến tranh đầy máu lửa, đau thương nước mắt. Đầy những phân hoá hỗn tạp, hận thù, gian xảo. Những lời dạy này của đức Phật sẽ xoa dịu một phần thương đau cho những tâm tư đã quá căng thẳng hay buồn nản của con người Việt Nam. Làm người phật tử Việt Nam, phải đúng ý nghĩa của người phật tử là:

“Không làm những điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý thường thanh thản

Chính lời chư  Phật dạy”.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn thành công trong ước nguyện.

PHỤ BẢN 3: NHÂN QUẢ

Câu hỏi của Tuệ Hạnh

Hỏi: Nếu con biết có người phạm lỗi mà con không làm sáng tỏ vấn đề, để phạm nhân cứ ung  dung tạo tội, như thế con có mang tội đồng loã không? Và quả báo của con phải chịu như thế nào?

Nếu con làm sáng tỏ vấn đề thì có bị oán tằng hội khổ không?

Theo con nghĩ nếu đúng với đạo đức nhân bản – nhân quả thì nên làm sáng tỏ vấn đề phạm nhân phải nhận lấy hậu quả ngay trong hiện tại, may ra còn chút hồi tâm hướng thiện, khỏi phải bị quả báo khổ nhiều đời nhiều kiếp, như vậy là mình giúp họ, chứ đâu phải hại họ. Phải không Thầy?

Đây là những dòng suy tư của con lúc rất bình thản và lòng từ bi, chứ không phải với tâm oán hận, Thầy có tin con không?

Đáp: Để trả lời câu hỏi này là chỉ cho người hỏi biết rõ mình đang chánh tư duy hay tà tư duy; đang có ác ý hay thiện ý, không khéo con dễ bị tâm dối gạt, tưởng minh làm tốt, nhưng sự thật đó là đang trả thù kẻ khác.

Cho nên, trên bước đường tu tập cầu giải thoát như lời đức Phật khuyên dạy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”.

Sự suy tư của con coi chừng bị tâm con lừa đảo. Trong cuộc đời tu hành, khi tu tập chưa đến nơi đến chốn thì không nên thấy lỗi ai hết. Thấy lỗi người khác mình đã sai. Ai làm sai nhân quả họ phải trả không sớm thì muộn không thể nào tránh khỏi. Vậy con đừng nên bận tâm lỗi của người khác mà hằng ngày nên tìm xem lại lõi mình để cố khắc phục không còn lỗi nữa.

Tóm lại, những điều con đã nói ở trên là nên tránh, không nên làm những điều đó. Hãy để tâm thanh thản an lạc và vô sự. Đừng để các ác pháp bên ngoài tác động tâm mình con ạ! Đó cũng chỉ là tâm phóng dật mà thôi. Tâm còn phóng dật thì con đường đạo còn xa lắm con ạ!

Tu tập xả tâm là tu tập xả nhưng tâm chướng ngại pháp đó, chứ không phải xả tâm nào. Con nên ghi nhớ lời dạy này.

PHỤ BẢN 4: HÃY ĐẾN ĐỂ TỰ MÌNH CHỨNG BIẾT

Bài viết của Tu sinh Chơn Như

Tôi là một người tu theo Tịnh Độ Tông, chưa bao giờ biết thiền là gì cả. Nhưng trong tâm lúc nào cũng nghĩ, muốn làm chủ sinh tử thì chỉ có thiền định. Do đo, những lúc làm lễ kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật, tôi hay suy tư: Tại sao lại phải tốn nhiều công sức và tiền của như vậy mà tự mình không gắng tu để được như Phật.

Thời gian thấm thoát trôi qua, lúc nào tôi cũng lắng nghe tìm cho mình một vị thầy tu hành chân chánh.

Lần đầu tiên tôi mang khăn gói đến học thiền với thiền sư Làng Mai (thầy Nhất Hạnh trong dịp Ngài về Việt Nam tại chùa Hoằng Pháp). Một tuần lễ trôi qua rất nhanh, sau khoá tu đấy chúng tôi thấy rất an lạc, nhưng về chùa rồi thì đâu cũng vào đấy.

Xét lại cách dạy của thiền sư Làng Mai và sách tôi đọc được của thầy tu viện Chơn Như, làm cho tôi có một sự tò mò ghê gớm. Ngài dạy rất thẳng thắn, nhất là câu nói: “Tự mình làm chủ bệnh tật; tự mình làm chủ sinh tử. Người tu sẽ không cần đi bác sĩ, tự bản thân mình chữa trị. Tôi tự biết đây chính là một vị thầy của mình”

Thế là nhân duyên đã đến, tôi chỉ mang trọn vẹn một túi vải lên đường, trên đường đi rất là hồi hộp, không biết thầy có nhân hay không?

Vào đến cổng tu viện, liền gặp cô Ut. Sau đó thầy ra nhà khách và chấp nhận cho ở lại, tôi vui mừng không biết tả cách nào cho hết. Với linh tính, tôi biết đây là vị thầy mà có lẽ nhiều đời nhiều kiếp đã gặp, cho nên cảm thấy rất gần gũi và quý mến.

Thầy cho bộ sách Văn hoá truyền thống thánh hạnh cấp I và cấp II.

Tôi nghĩ thầy trao cho mình bộ sách này, chắc hẳn sẽ có pháp tu cho mình. Các bạn có biết không? Đọc sách trong đó thầy nói: Người về tu viện rất đông, nhưng rớt cũng nhiều lắm, chỉ vì phá không nổi hôn trầm, nên tôi rất sợ, vì ở chùa ăn ngủ tự do quen rồi. Nhưng cũng rất may có phương pháp tỉnh thức. Đi 20 bước, ngồi hít thở 5 hơi thở. Thế là tôi thực hành ngay để đối trị hôn trầm. Hằng ngày đến đêm tôi luôn theo dõi, hễ thấy hôn trầm là tìm cách đối trị ngay, do đó tôi thấy cũng không khó lắm, hay là nhờ năng lực của thầy, vì tôi rất tin ở thầy. Thầy dạy sao tôi thực hành y như vậy, có những việc thầy dạy tôi cũng bán tin, bán nghi, nhưng sau đó nó cũng đến rất thực tế. Với kinh nghiệm tu, tôi thấy không khó lắm! Các bạn đặt niềm tin nơi thầy cho vững chắc và xả tâm cho thật tốt, thì chẳng cần ngồi ức chế tâm cho mệt. Nói vậy không phải không ngồi tập kiết già mà chúng ta hãy tập ngồi ít cũng được, nhưng có chánh niệm vững chắc, không phải tập ngồi lâu cho khổ thân. Chỉ cần chúng ta tu tập có chánh niệm thì sự an lạc nó sẽ đến ngay khi chúng ta đang đi hay làm việc. Khi có sự an lạc, các bạn bắt chân lên ngồi kiết già mà chẳng còn thấy đau nhức gì cả, mà rất là an lạc và thảnh thơi. Bạn muốn ngồi bao lâu cũng được, muốn ngồi thoải mái trong tư thế nào cũng được, đi kinh hành cũng được. Sự an lạc và thanh thản nó vẫn theo bạn đến một lúc nào đó nó sẽ biến mất. Nhưng có một điều khi có trạng thái an lạc, bạn đi kinh hành rất là nhẹ nhàng, thoải mái, mọi việc xung quanh chẳng có một năng lực nào làm cho chúng ta quan tâm bằng sự an lạc đó.

Cho nên kinh dạy: “Người có hỷ nên thân được khinh an”. Khi thân được nhẹ nhàng an lạc thì toàn bộ thân tâm có một cảm giác lạc thọ một cách kỳ lạ mà không thể nói ra được, chỉ có những người nào tu tập đến trạng thái này mới cảm nhận được, như uống nước nóng lạnh tự biết không thể người ngoài cuộc biết được. Trong kinh đã xác định rõ ràng: “Với thân khinh an, người ấy có cảm giác lạc thọ”. Trong trạng thái lạc thọ này hành giả mới xác định được tâm định tỉnh. Với tâm định tỉnh này sẽ nhập thiền định không có khó khăn, không có mệt nhọc.

Do đó, thầy viện trưởng tu viện Chơn Như nói chứng quả A la Hán là chuyện bình thường thôi. Có gì đâu mà các bạn nói: “Người mà nói mình tu chứng là ma nói”. Người thế gian họ bỏ công lao sức lực để làm ra của cải vật chất thì họ bảo họ giàu có, chẳng lẽ cũng ma nói sao!

Người xuất gia chân chính bỏ hết gia tài lớn, gia tài nhỏ, bỏ bà con thân bằng quyến thuộc, không nhà cửa, không gia đình, chỉ ba y một bát khất thực sống qua ngày để nuôi thân tứ đại, tâm không còn danh lợi, tham, sân, si đều dứt sạch, làm chủ chuyện sống chết là chuyện bình thường thôi.

Trong kinh cũng xác định: “Ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền”. Chẳng lẽ một người tu chứng rồi, không được nói là mình tu chứng sao?

                             Kính ghi

                             Diệu Đức

PHỤ BẢN 5: LÒNG YÊU THƯƠNG

Kính gửi: Diệu Hảo

Thầy đã nhận được thư con, nhưng bao nhiêu công việc tới tấp phải giải quyết, mãi đến nay mới trả lời thư con, khiến con chờ đợi…

Khi đọc thư con, con thực sự là một đứa con đáng thương. Cả cuộc đời con là một diễn biến của nhân quả. Đức Phật nói không sai: “Đời là khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.

Trong cuộc đời này chỉ có một con đường duy nhất, đó là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người mới làm chủ nhân quả; mới chấm dứt mọi sự khổ đau.Con đường đó là con đường làm thay đổi nhân quả. Muốn thay đổi nhân quả thì con phải bất động tâm trước các ác pháp. Muốn bất động tâm trước các ác pháp thì con phải rèn luyện và tu tập lòng tha thứ, yêu thương mọi người và mọi vật trên hành tinh này, dù người ác hay người thiện. Muốn có lòng tha thứ và yêu thương mọi người, mọi vật trên hành tinh này thì con phải thường tu tập Chánh Tư Duy:  Đây là nhân quả của đời trước khiến ta mới gặp người này để trả nợ tiền kiếp. Vậy trả nợ tiền kiếp sao ta lại buồn. Trả nợ hết là hết nợ, hết nợ là hết khổ. Phải không con? Vậy hết nợ là hết khổ sao ta lại buồn? Nhờ có người này mà ta đã trả nợ tiền kiếp, vậy ta phải biết ơn người này mặc dù người này có đối xử với ta như thế nào, ta hãy tha thứ và biết ơn họ. Con hãy lắng nghe câu chuyện ông Phú Lâu Na… Một hôm ông Phú Lâu Na đến một biên cương hành pháp, đức Phật dạy:

- Nơi ấy người ta hung dữ lắm sẽ làm khổ ông.

- Họ còn thương con, chỉ làm khổ con nhưng chưa giết con.

- Họ sẽ giết ông.

- Họ còn thương con, vì con mang thân này là mang ổ bệnh tật, tai nạn, ngày nay chưa có gì ngày mai sẽ có. Nên có thân này là có khổ nên họ giết con là họ thương con.”

Câu chuyện trên đây rút ra một bài học đạo đức làm người rất tuyệt vời, còn có ác pháp nào tác động vào thân tâm con được, khi con biết áp dụng lòng tha thứ và thương yêu đấy đúng thời. Phải không con?

Trên cuộc đời này, kẻ vong ân, bội nghĩa nhiều lắm con ạ! Đừng tin ai hết, chính mình mà mình còn chưa tin huống là tin những người khác. Nhưng phải mở rộng lòng tha thứ và thương yêu họ. Vì họ là những người mờ mịt trong đêm tối vô minh nhân quả, họ đang thiếu đạo đức trầm trọng.

“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng

Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.

Tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc đời này, con hãy nhìn nó bằng nhân quả thiện ác chứ đừng nhìn nó bằng đôi mắt đúng sai, phải trái thì mọi sự khổ đau sẽ được chấm dứt. Con luôn hãy nhớ lời dạy này, nó là bùa hộ mệnh của con.

Còn một lời dạy nữa con hãy ghi nhớ: “ Tất cả các pháp đều vô thường, một khi ta chết rồi chẳng còn gì là ta, là của ta nữa, dù ta có yêu thương tận cùng sự yêu thương hay hận thù, sự hận thù tận cùng sự hận thì nó có nghĩa lý gì nữa đâu”. Thôi hết rồi! Phải không con?

“Buông xuống đi! Hãy buống xuống đi!

Chớ giữ làm chi có ích gì,

Thở ra chẳng lại làm chi nữa!

Các pháp vô thường buông xuống đi!”

Thăm và chúc con vui mạnh, vượt qua những điều đã, đang và sẽ đau khổ trong kiếp làm người.

Kính ghi

Thầy của con

Chơn Như, ngày 20 tháng 6 năm2006

MỤC LỤC TẬP X

MỤC LỤC


GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đường về xứ Phật (Mười tập, bộ mới - 2011).

2. Những lời gốc Phật dạy (4 tập, bộ mới - 2011).

3. Văn hóa Phật giáo truyền thống (2 tập, bộ mới - 2011).

4. Đạo đức làm người (Tập I, II...).

5. Cẩm nang tu Phật (Hai tập).

6. Thiền căn bản.

7. Hành thập thiện & Tứ vô lượng tâm.

8. Những chặng đường tu học của người cư sĩ.

9. Thời khóa tu tập trong thời đức Phật.

10.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh (Tập I, II, III).

11.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham (Tập I...).

12.  Giáo án rèn nhân cách lớp Ngũ Giới: Đạo Đức Gia Đình (Tập I...).

13.  Mười Đức Thánh Sa Di (Tập I, II).

14.  Giới đức Thánh Tăng, Thánh Ni.

15.  Định niệm hơi thở.

16.  Phật giáo có đường lối riêng biệt.

17.  Pháp môn niệm Phật tứ bất hoại tịnh

18.  Nghi thức thọ trai.

19.  Những lời tâm huyết...

20.  Mười hai cửa vào đạo (2009).

21.  Tạo duyên giáo hóa chúng sinh (mới 2009).

22.  Lòng yêu thương (2009).

23.  Linh hồn không có (2010 quý I).

24.  Muốn chứng đạo phải tu pháp môn nào? (2010)

25.  Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (2010).

26.  Giới đức làm người – 2 tập (bộ mới - 2010).

27.  Lịch sử chùa Am (bộ mới - 2010).

28.  Linh hồn không có – tái bản lần I(2010 quý IV).

29.  Sống một mình như con Tê Ngưu (2010)

30.  Thanh qui Tu viện Chơn Như (2010)

31.  Lòng yêu thương – tập 2 (2011 quý I)

32.  Sống mười điều lành (2011)


Trang mạng toàn cầu của các phật tử có đăng tải sách của Trưởng lão Thích Thông Lạc:

http://www.tuvienchonnhu.net   http://www.chonlac.org

Ước mong mọi người sẽ cùng nhau sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.


PHẬT TỬ XIN ẤN TỐNG KINH

“ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP X”

- Phật tử Hà Nội

- Phật tử Thái Nguyên, Bắc Giang

- Phật tử Hải Phòng, Hải Dương

- Phật tử Bắc Ninh

- Phật tử Quảng Ninh

- Phật tử Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình

- Phật tử Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

- Phật tử Đồng Hới, Quảng Bình

- Phật tử Phú Yên

- Phật tử Đà Nẵng

- Phật tử Huế Thừa Thiên

- Phật tử Ninh Thuận

- Phật tử Nha Trang, Khánh Hòa

- Phật tử Bình Phước

- Phật tử Lâm Đồng, Đà Lạt

- Phật tử TP Hồ Chí Minh

- Phật tử Đồng Nai

- Phật tử Cần Thơ

- Phật tử Đồng Tháp

- Phật tử Châu Đốc, An Giang

- Phật tử Cái Bè, Cai Lậy

- Phật tử Long An

- Phật tử Tây Ninh

- Phật tử Tiền Giang, Mỹ Tho, Bến Tre

- Phật tử Sóc Trăng, Bạc Liêu

- Phật tử Kiên Giang

- Phật tử Cà Mau, Nam Căn

- Phật tử Bà Rịa - Vũng Tàu

- Phật tử Phước Hải, Long Đất

- Phật tử Hóc Môn, Bà Điểm

- Phật tử Củ Chi, Gia Định

- Phật tử Bình Dương

- Phật tử Gò Dầu, Bến Cầu

- Phật tử Tra Vỏ, Giang Tân

- Phật tử Cẩm Giang

- Phật tử Phước Hiệp

- Phật tử Gia Bình, Bàu Tre

- Phật tử Bình Lái, Lái Thiêu

 


ĐƯỜNG VỀ XỨ PHẬT - TẬP X

Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

Phường Yên Hòa – Q.Cầu Giấy - Hà Nội

ĐT: (04) 37822845 - Fax: (04) 37822841

Chịu trách nhiệm xuất bản:

Nguyễn Công Oánh

Biên tập: Trần Xuân Lý

Bìa & Trình bày: Ngọc Phúc

Sửa bản in: Ngọc Phúc

Đối tác liên kết:

TU VIỆN CHƠN NHƯ

Điệnthoại: 066.3892911 - 0988094445

Email: chonnhu2@gmail.com


Slượng in: 1.000 bản, khổ: 13 x 20,5 cm

In tại CTY CPHN IN KHUYN HC PHÍA NAM
(Tp.HCM. ĐT: 38164415)

Số xuất bản: 282-2011/CXB/05-40/TG

In xong và nộp lưu chiểu Quý III năm 2011