TỪ TRƯỜNG

Câu hỏi của Chơn Thành

Hỏi:Kính bạch Thầy! Do nhân gì, duyên gì mà các loài động vật nhất là loài động vật sống hoang dã rất thích sống gần các nhà tu hành theo đạo Phật? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp:Các loài động vật hoang dã rất thích sống gần những người tu hành như:

1-        Thứ nhất họ không giết hại các loài vật, dù là con vật hung dữ và nguy hiểm.

2-        Thứ hai hằng ngày họ thường ăn và để dành những thực phẩm đều mang cho chúng ăn.

3-        Thứ ba người tu hành thường không giết hại và ăn thịt chúng sanh, nên xung quanh họ tỏa ra một từ trường hiền lành khiến cho các loài vật không sợ hãi, nhất là những loài vật có khứu giác tinh vi bén nhậy, khi bắt gặp từ trường đó, chúng an tâm và khi tiến gần vị tu sĩ thì cảm giác chúng lại còn an tâm hơn nữa, do đó nên các loài thú hoang dã đến gần những người tu sĩ chân chánh, không còn sợ hãi, hầu như chúng cảm thấy gần gũi bên những người tu sĩ này như có một sự che chở cho bảo vệ chúng.

Nói đến từ trường tức là nói đến nghiệp lực nhân quả thiện ác do con người hành động theo ba chỗ thân, miệng, ý của họ tạo ra một khoảng không gian rộng hẹp nhất định theo sự huân tập nhiều ít của họ.

 Từ tâm lực thiện của người ấy phóng từ trường ra trong khoảng không gian đó, khi loài thú vật hoang dã đến gần hoặc đi vào khoảng không gian đó, khứu giác và trực giác của chúng giao cảm được từ trường thiện đó, nên chúng không cảm thấy sợ hãi, rất an tâm, vì thế chúng thường quấn quýt bên những người tu sĩ, có khi chúng bò lên hoặc đậu lên tay chân của những người tu hành ấy.

Chúng tôi xin nói thêm các loại từ trường để quý vị suy ngẫm. Lúc Hòa Thượng Huệ Hưng còn sống, ông nói với chúng tôi rằng: “Khi đến thăm Thượng Tọa Pháp Tri, nơi chỗ Thượng Tọa ở sao mà sát khí đằng đằng, cảm giác ớn lạnh người”.

Tại sao nơi chỗ Thượng Tọa ở lại sát khí đằng đằng?

Đó là một từ trường bất thiện mà Hòa Thượng Huệ Hưng cảm nhận được khi bước chân vào đó. Lúc bấy giờ chúng tôi không biết Thượng Tọa Pháp Tri là ai, nên hỏi Hòa Thượng, Hòa Thượng bảo: “Đó là một nhà sư Phật giáo thuộc hệ phái Nam Tông”.

Nơi đâu có giết hại và ăn thịt chúng sanh là nơi đó có từ trường ác.

Nơi đâu không giết hại và không ăn thịt chúng, nhưng nơi đó không có lòng từ bi thương xót chúng sanh thì nơi đó cũng không có từ trường thiện vì tâm người còn ác, không có lòng hiếu sinh, nên phóng xuất từ trường ác, chính vì tâm con người ở đó còn tham, sân, si, mạn, nghi ngút ngàn.

Nơi đâu có lòng từ bi thương xót muôn loài chúng sanh thì nơi đó có từ trường thiện.

Nơi đâu có đạo đức không làm khổ mình, khổ người thì nơi đó có từ trường thiện.

Nơi đâu ly dục ly ác pháp là nơi đó có từ trường thiện.

Ngược lại nơi đâu còn có tâm tham, sân, si, mạn, nghi là nơi đó có từ trường ác như chúng tôi đã nói ở trên.

Nơi đâu tu sĩ Phật giáo đời sống phạm hạnh không có, thường phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì nơi đó có từ trường ác.

Trên đây là những từ trường thiện ác trong cuộc sống hằng ngày của con người phóng ra theo hành động đạo đức nhân bản - nhân quả và không đạo đức.

Từ đó chúng ta suy ra mới thấy được môi trường sống trong không gian trên hành tinh này tốt hay xấu, ô nhiễm hay trong sạch đều do hành động thiện hay ác của loài người và loài động vật cùng ngàn cây nội cỏ. Từ những hành động thiện ác của loài người phóng ra thường mang đến cho loài người hạnh phúc hay khổ đau.

Nếu con người trên hành tinh này sống có đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, thì từ trường trong không gian này toàn thiện và như vậy môi trường sống của con người sẽ không bị ô nhiễm. Môi trường sống không ô nhiễm thì con người không có bệnh đau, thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy, v.v.. không bén mãng. Thiên tai, hỏa hoạn, động đất, hồng thủy và bệnh tật đều do con người sống trong ác pháp, với tâm tham, sân, si ngút ngàn.

Còn có những từ trường khác hơn những từ trường trên đây, đó là từ trường của các loại định, mỗi loại định đều có những từ trường khác nhau như:

 1/ Định Nhị Thiền khi khẩu hành tịnh chỉ thì ý thức ngưng hoạt động, ý thức ngưng hoạt động có nghĩa là sáu thức ngưng hoạt động, sáu thức như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Người nhập định này mắt không còn thấy sắc tướng, tai không còn nghe âm thanh dù âm thanh to lớn như tiếng trời sét cũng không nghe, v.v..

Khi khẩu hành tịnh chỉ, sáu thức ngưng hoạt động tức là khẩu hành định, sáu thức định, thì từ trong các định này phóng ra một loạt từ trường để bảo vệ khẩu hành và sáu thức của nó, đây là từ trường của định Nhị Thiền, mắt thường không thể thấy được, chỉ có khứu giác tinh vi hoặc trực giác mới nhận ra được.

Định Tam Thiền do ly 18 loại hỷ dục tưởng, lìa 18 loại hỷ dục tưởng này thì có một từ trường phóng ra để bảo vệ giấc ngủ an lành không có mộng mị.

Định Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở các hành trong thân ngưng hoạt động, để bảo vệ sự sống của thân tứ đại, từ trong thân hành tịnh chỉ này phóng ra một từ trường, từ trường ấy làm cho các cơ quan nội ngoại của cơ thể không bị hư hoại trong một khoảng thời gian dài, nhờ có từ trường đó mà cơ thể có thể phục hồi sự sống lại một cách dễ dàng.

Các từ trường trên đây chỉ là một luồng khí vô hình, nhưng nội lực mạnh yếu đều do hành động thiện ác nhiều ít của con người hoặc sức tịnh chỉ các hành trong thân tùy theo khẩu hành, thân hành và ý hành tạo ra định lực sâu cạn nhiều ít mà phân ra các loại định. Mỗi loại định đều có từ trường phóng ra để bảo vệ người đang nhập định.

Định Diệt Thọ Tưởng là một loại định diệt thọ ấm và tưởng ấm, muốn diệt thọ ấm và tưởng ấm thì phải tịnh chỉ ý hành, ý hành tịnh chỉ thì ý căn phải ngưng hoạt động, ý căn[1] ngưng hoạt động thì cơ thể hoàn toàn giống như người chết. Vì muốn bảo vệ cơ thể không bị hoại diệt nên Định Diệt Thọ Tưởng phải phóng ra một từ trường rất kinh khủng, lớp từ trường như một kính pha lê che phủ cơ thể người nhập định, ở xa thì trông thấy, nhưng đến gần thì không được, dù cho thời tiết mưa nắng cũng không xâm thực được, lửa không cháy, nước không làm ướt được, tất cả loài vật và người không bao giờ xâm chiếm đến gần được. Từ trường ấy tuy vô hình, trong suốt như pha lê, nhưng vững chắc hơn thành đồng vách sắt, không có một vật gì trên thế gian này làm hại được thân người nhập định này.



 3- Ý căn là bộ óc của con người, ý căn ngưng hoạt động là bộ óc con người ngưng làm việc. Tứ Thiền hơi thở tịnh chỉ tức là hơi thở dừng, nhưng bộ óc còn hoạt động, còn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì bộ óc hoàn toàn ngưng nghỉ.