- Cũng là một con người sống trong xã hội thì học trò cần phải biết nghĩa vụ của một công dân. Dù cho làm việc gì thì phải thông hiểu luật về vấn đề hay lãnh vực đó. Ví dụ khi đi bộ qua đường hay lái xe thì phải biết rõ luật giao thông. Khi chơi tại các khu vui chơi thì phải biết những qui định của các khu đó như cấm dẫm đạp lên cỏ, nên bỏ rác vào thùng rác, không xả rác bừa bãi. Ngoài phố thì cấm tiểu tiện bừa bãi, v.v..
- Tại các nơi công cộng phải biết kính lão đắc thọ, tôn trọng người lớn tuổi, nhường cho phụ nữ có thai và em nhỏ. Khi lên xuống xe buýt thì nhường hay đưa tay giúp đỡ người lớn tuổi và trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật.
- Trong bất cứ nơi nào cần sắp hàng theo thứ tự đến trước sau thì ta phải từ tốn xếp hàng không chen vô đứng trước người khác, không xô lấn. Ví dụ khi đi mua hàng tại siêu thị đến khi tính tiền, dù mình mua 1 vật, mình cũng phải xếp hàng theo thứ tự.
- Tránh ngồi ăn uống ngoài phố gây chiếm mất lòng lề đường dành cho người đi bộ, vì khi vậy người đi bộ phải đi ra ngoài đường dành cho xe chạy rất nguy hiểm đến tính mạng của họ.
- Tránh xả rác ngoài đường phố, nên bỏ rác vào túi rồi khi gặp thùng rác thì bỏ hoặc không có thì đem về nhà bỏ thùng rác nhà mình.
- Khi lái xe gặp bất cứ trường hợp nào mình sai hay người khác sai thì không nên cãi vã giữa đường, nói xin lỗi nhau ngay đễ tránh những phiền phức, nếu có tai nạn nặng thì gọi điện thoại cho cảnh sát giao thông đến xử lý.
- Khi gặp ai xin băng qua đường thì nhường họ trước, vì thà mất 5 giây nhường đường còn hơn mất 10 phút nếu chiếc xe đó cắn ngang đường đi. Trước khi đi ta hãy nhắc tâm “Đi chậm cũng tới, đi nhanh cũng tới, ta hãy nhường đường cho tất cả mọi người”.
- Không được chửi mắng khi thấy ai sai hay vi phạm luật giao thông. Mà nên thương họ vì biết đâu họ bị trễ việc làm nên họ bất cẩn, vội vã, hãy thông hiểu cho họ vì cũng có lúc ta cũng như vậy.
- Khi thấy đinh ốc giữa đường, nếu đường vắng có thể ngừng xe xuống lượm được thì ta nên ngừng, tránh gây tai nạn cho các xe khác.
- Hãy biết thương yêu, chia sẻ, giúp đỡnhững người làm việc nặng nhọc.
- Nếu có ai cần đi nhờ thì ta hãy cho họ quá giang một đoạn cùng đường đi.
- Tránh chơi các trò chơi đá banh, đá cầu, đánh cầu dọc đường phố.
- Không tham gia vào các nhóm ăn cắp trái cây vườn ăn trái nhà người khác.
- Tránh đi săn bắn các loài thú như dùng ná bắn chim, đặt bẫy chim, sóc, chuột, câu cá, mò ốc, bắt rắn, bắt các loại côn trùng như giun, dế, v.v.. Ta hãy trau dồi lòng thương của mình đến muôn vật, vì loài vật nào cũng có sự sống, cớ sao ta lại tạo niềm vui cho mình bằng sự khổ đau của loài vật khác, đó là đạo đức hiếu sinh.
- Không tham lam đồ đạc đánh rơi của người khác, hãy để lai chổ cũ hay đem đồ đó đến giao lại cho phường xã nơi mình ở.
Tóm lại, người học trò có đạo đức thì phải luôn quán xét mọi hành động, lời nói hay suy nghĩ của mình xem có làm khổ mình, khổ người hay khổ chúng sanh hay không? Hay là mình có làm vui mình, vui người hay vui các loài chúng sanh hay không? Có như vậy hàng ngày nhắc tâm những điều trên thì dần dần sẽ tập thành một thói quen tốt xứng đáng là người học trò có đạo đức.