BÀ LA MÔN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy, ở miền Bắc chúng con có một số cư sĩ chuyên làm nghề thầy cúng, khi nhà nào có vận hạn xấu mời các cư sĩ đó đến tụng kinh, các cư sĩ đó bảo phải thổi xôi nấu chè để khi làm lễ phải thỉnh Phật. Thưa Thầy Phật cũng còn ăn chè xôi nữa là sao?

Đáp: Tất cả những người cư sĩ làm nghề tụng niệm đều là những vị Bà La Môn mang danh là Phật giáo cũa kinh sách phát triển. Sự thật Phật giáo theo kinh sách phát triển hiện nay là Bà La Môn mượn danh Phật giáo, còn Phật giáo chánh gốc thì không giống Phật giáo Bà La Môn chút nào. Phật giáo Bà La Môn tự đặt cho mìnhcái tên là Đại Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn chở được nhiều người, còn Phật giáo chính gốc thì mang một cái tên Tiểu Thừa có nghĩa là xe chở một người, vì vậy hiện giờ người ta gọi nó là Phật giáo của kinh sách phát triển, còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì các Bà La Môn dìm xuống gọi là Phật giáo Tiểu Thừa[1].

Khi Phật Giáo của kinh sách phát triển truyền sang đến Trung Hoa, thì một lần nữa nó được thay tên đổi họ do các vị đạo sĩ Tiên Đạo (Lão Giáo), lại biến Phật Giáo Nguyên Thủy chính gốc xuống hàng thứ ba và Phật Giáo phát triển Bà La Môn xuống hàng thứ nhì, còn Phật Giáo Tiên Đạo (Lão Giáo) đứng hàng thứ nhất gọi là Phật giáo Tối Thượng Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn nhất thiên hạ.

Cho nên,chúng ta phải hiểu Thiền Tông không gì khác hơn là Lão Giáo và trở thành Phật Giáo Tối Thượng Thừa (Trung Hoa), Bà La Môn trở thành Phật Giáo Đại Thừa(ẤnĐộ), còn Phật Giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì trở thành Phật Giáo Tiểu Thừa.

Các vị cư sĩ tụng niệm là những thầy Bà La Môn chứ không phải cư sĩ đệ tử Phật. Cư sĩ đệ tử của Phật không có tụng niệm, chỉ lo tu tập và trau dồi thân tâm để có một đời sống đạo đức, không làm khổ mình, khổ người, để đem lại cho mình, cho người một đời sống an lạc và hạnh phúc.

Hiện giờ các chùa tổ chức ban hộ niệm do cư sĩ tụng niệm đều là ảnh hưởng của Bà La Môn mà trong kinh phát triển dạy tụng niệm, cúng bái, tế lễ, cúng vong, cúng linh, cúng sao, giải hạn v.v.. Tất cả những sự mê tín đều do kinh sách phát triển tạo ra, tức là của Bà La Môn[2].

Có lần, Thầy đến dự một đám tang của người Trung Quốc, không thấy có ông Thầy chùa nào tụng kinh cả, chỉ có một người cư sĩ mặc áo dài kiểu nhà sư ngồi rung chuông tụng niệm. Như vậy Phật giáo Bà La Môn đã truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản. Nên hình thức cúng bái tụng niệm đều giống nhau.

Trong kinh Nguyên Thủy có nhắc đến sự cúng tế của đạo Bà La Môn. Mỗi lần đạo Bà La Môn cúng bái, tế lễ phải giết hằng trăm ngàn loại thú vật để cúng tế. Ở đây, các vị này đòi cúng chè xôi đó là quá ít.Cúng tế như vậy chỉ có đấng giáo chủ Bà La Môn về thọ dụng chứ đâu phải cúng Phật. Và đạo Phật đâu có thọ dụng thực phẩm thế gian. Kinh Phật dạy: “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn’’,chứng tỏ Phật dùng thiền để sống chứ không phải dùng thực phẩm để sống như chúng ta tưởng.



[1]Hòa Thượng Nhất Hạnh, trong quyển sách mới xuất bản, vào tháng 5 - 2001 “Sen Nở Trời Phương Ngoại” đã nói rằng “Phật giáo Đại Thừa xuất hiện sau thời kỳ Phật giáo Bộ Phái, và những người tự nhận là Đại Thừa cho tất cả các bộ phái khác Thượng Tọa Bộ, phái Nguyên Thủy, v.v.. cùng một loại Tiểu Thừa” (trang 6).

[2]HT Thanh Từ trong thời pháp tại quận Cam, vào tháng 11, năm 2000 đã nói kinh A Di Đà xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch (xem bài Tùy Duyên Nhi Bất Biến, trang 20 tập san Đất Lành Bộ mới, số 3&4, năm 2001)