TRẠNG THÁI HƠI THỞ TRONG BỐN THIỀN

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy giảng lại cho con hơi thở Sơ Thiền đến Tứ Thiền như thế nào?

Đáp: Sơ Thiền, hơi thở bình thường như chúng ta thở sống hằng ngày.

Nhị Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Sơ Thiền, do tầm tứ diệt, tạo nên một trạng thái an ổn thích tu (siêng năng), ưa ngồi.

Tam Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Nhị Thiền do ly hỷ tưởng, người đang ở trong trạng thái này cảm giác như hơi thở gần như không, thở hơi thở nhẹ nhàng tự động ra vô.

Tứ Thiền, hơi thở tịnh chỉ, hoàn toàn không thấy hơi thở ra vô.

Hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở của tâm ly dục ly ác pháp. Ai là người đã ly dục ly ác pháp thì mới nhận ra hơi thở này. Như chúng ta hiện giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp, tâm còn đầy dẫy sự tham ưu, còn phiền não, đau khổ và còn lo sợ, giận hờn, thù oán thì làm sao nhận ra được hơi thở của Sơ Thiền.

Nói hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở bình thường, là nói hơi thở giống như hơi thở bình thường chứ thực ra, nó không giống hơi thở bình thường, vì tâm chúng ta hiện giờ đâu có bình thường, lúc nào cũng lăng xăng loạn động, không nghĩ việc này thì lại nghĩ việc khác, cho nên trong kinh sách bảo tâm chúng ta, là tâm như con vượn, ý chúng ta là như con ngựa, như vậy chúng ta có hơi thở bình thường chăng? Tâm chưa bình thường thì làm sao hơi thở bình thường được.

Nhưng chúng ta phải lưu ý khi tâm chúng ta bình thường là lúc thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Lúc đó, là lúc hơi thở bình thường của tâm còn ham muốn và còn chướng ngại pháp (ác pháp) thì hơi thở có bình thường, nhưng bình thường của nó, mặc dù lúc đó tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp hết, nhưng nó không có dục và ác pháp khởi lên nên được xem hơi thở lúc đó là bình thường.

Đến hơi thở của Nhị Thiền, thì không có một hơi thở nào so sánh, khó mà giúp cho con nhận ra, chỉ khi nào nhập vào Nhị Thiền thì mới nhận ra và biết rõ ràng. Ở đây, Thầy chỉ trả lời hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở nhập Sơ Thiền. Hơi thở Sơ Thiền, đã không biết thì làm sao biết được hơi thở Nhị Thiền, không khéo nghe Thầy nói hơi thở chậm và nhẹ, rồi các con tưởng ra hơi thở chậm nhẹ, do đó tưởng thức sẽ hiện tướng hơi thở đó thì các con đã lọt vào định tưởng, một loại định rất nguy hiểm. Khi đã rơi vào định này thì khó mà thoát khỏi tưởng pháp. Hầu hết các thầy tu sai đều đã chết trong loại định tưởng này, và kinh sách phát triển để lại quá nhiều pháp hành về trạng thái tưởng pháp này.

Từ Nhị Thiền cho đến Tứ Thiền, khi nhận ra được hơi thở của nó, tức là nhận ra được trạng thái của Thiền định đó, cho nên ở đây, Thầy nói để cho chúng ta biết mức độ của hơi thở các loại Thiền định của Tứ Thánh Định, nhưng chúng ta đừng quan tâm đến nó, quan tâm đến, nó tức là chúng ta sẽ rơi vào tưởng thức.

Hiện giờ, con nên nương vào hơi thở để tập tỉnh thức mà cố gắng xả tâm ly tham đoạn diệt khổ ưu, chừng nào tu tập đến đó thì chúng ta sẽ biết, còn hiện giờ muốn biết nó thì là một tai hại xảy đến không tốt cho đường tu tập của con.

Tu tập về hơi thở thì nên tu tập 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy, chứ đừng tu hơi thở theo pháp môn Lục Diệu của Ngài Trí Khải, nó không phải của Phật giáo. Lục Diệu Pháp Môn là một loại Thiền tưởng của Trung Hoa và cũng đừng tu sổ tức quán, vì nó cũng là một loại Thiền ức chế tâm do các Tổ hệ phái phát triển chế ra.

Hơi thở rất khó tu, nếu tu không có người hướng dẫn sẽ sinh ra rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh. Cho nên, tu tập hơi thở phải dè dặt cẩn thận.

Tóm lại, hơi thở chỉ là một thân hành như các thân hành khác trong thân, tu hơi thở ra vô, cũng giống như tu cánh tay đưa ra vô vậy, chứ không có gì quan trọng lắm.