Bước vào rừng kinh Pháp Cú chúng ta ngơ ngác như người lạc lối vào rừng sâu, không biết lối ra. Kinh Pháp Cú cũng vậy, khi bước vào rừng kinh Pháp Cú, chúng ta không biết kinh nào đúng, kinh nào sai. Đây các bạn hãy đọc một số kinh Pháp Cú mà hiện giờ đã được dịch ra Việt ngữ: Kinh Lời Vàng, Tìm Hiểu và Học Tập Kinh Pháp Cú, Kinh Pháp Cú Thí Dụ, Tích Truyện Pháp Cú kinh v.v..
Trong số kinh Pháp Cú nhiều như vậy, có những bài kinh giống nhau, nhưng cũng có những bài kinh không giống. Vả lại các nhà chú giải các kinh Pháp Cú trên, chỉ ở trên ngôn ngữ giảng thuyết và soạn viết ra. Vì thế mà khó cho chúng ta tìm thấy cho mình một lối đi để có thể giải quyết được đời sống đau khổ cho mình.
Đọc kinh Pháp Cú hay thì thật là hay, nhưng hay trong ngôn từ, chứ không hay trong pháp hành, vì không có pháp hành cụ thể, chỉ vì kinh sách được biên dịch và chú giải do các học giả, chứ không phải hành giả. Vì thế, chúng tôi không biết phải hành như thế nào để có kết quả giải thoát những đau khổ về nội tâm của mình.
Lúc bấy giờ chúng tôi nghĩ rằng: Không lẽ kinh là lời Phật dạy mà chỉ có nói suông như ca dao, tục ngữ sao? Nếu lời Phật dạy chỉ là lời nói suông thì còn có nghĩa lý gì? Phải không hỡi các bạn?
Bao nhiêu dịch giả, giảng sư giảng dạy, chú thích và cả những mẩu chuyện pháp cú để xác chứng nghĩa lý của những câu kinh này. Ý muốn của những học giả là làm cho kinh Pháp Cú rõ ràng ý nghĩa hơn. Chính vì lẽ đó mà kinh Pháp Cú càng trở nên sai lệch ý Phật, tối nghĩa, mất pháp hành.
Khiến cho đọc giả đọc kinh Pháp Cú chỉ thấy lời nói như tục ngữ, ca dao, cách ngôn…
Sau khi tu hành xong chúng tôi đọc trở lại bộ kinh này do Phật tử ở Tu Viện Như Lai bên Mỹ gửi về, có nhã ý muốn chúng tôi làm sáng tỏ nghĩa của những lời dạy này.
Hơn một năm nay chúng tôi rất bận nhiều việc, nên không làm sáng tỏ kinh này được.
Nay đã đủ duyên, chúng tôi quyết định làm sống lại phương pháp tu tập Tứ Thánh Định trong kinh Pháp Cú.
423 câu kinh Pháp Cú này được Hoà Thượng Minh Châu dịch. Vì chúng tôi chọn lấy những câu kinh của Hòa Thượng Minh Châu, vì Hòa Thượng là người dịch giả không thêm, bớt, không sửa sai từ ngữ mà chỉ trung thực theo chữ nghĩa dịch lại rất sát với nguyên bản. Còn những bản kinh Pháp Cú khác thì chúng tôi xem đó là kinh phát triển thêm bớt rất nhiều.
Như Hoà Thượng Minh Châu đã nói: “423 bài kệ trong kinh này, tóm thâu tinh hoa giáo lý đức Phật”. Như vậy 423 bài kệ này có phải là những pháp hành và những kinh nghiệm của đức Phật trong giáo trình tu tập để đạt được đạo giải thoát.
Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng diễn đạt để quý bạn có một pháp hành cụ thể từ khi bắt đầu cho đến viên mãn.
Muốn được vậy thì chúng tôi xin quý bạn hãy buông xuống tất cả những kiến giải và kiến chấp của quý bạn, để quý bạn hoàn toàn có một tâm khách quan. Và vì thế, khi đọc xong “Những lời Phật dạy” thì quí bạn mới rõ thấu đường đi của đạo Phật từ A đến Z hay nói cách khác, từ căn bản đến Tam Minh.
Trong 423 bài kệ này chính là lời dạy của đức Phật như Hoà Thượng Minh Châu đã xác định: “Giá trị bất hủ của kinh Pháp Cú là ở chỗ này, và ta cảm thấy không còn có sự trung gian của các vị Tổ sư kết tập kinh điển”, nhưng theo chúng tôi nghĩ: Sự thêm bớt của người sau không thể nào tránh khỏi.
Riêng chúng tôi đọc kinh Pháp Cú thấy ngay được pháp hành và nền đạo đức nhân bản- nhân quả của đạo Phật.
Để làm sáng tỏ đạo đức của đạo Phật qua 423 bài kệ, và xác chứng cho mọi người biết rằng: Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản thật sự mà trong kinh Pháp Cú đã nói lên tất cả rõ ràng, cụ thể.
Cuối cùng, chúng tôi chỉ ước mong quí bạn hãy lắng nghe những lời chúng tôi diễn đạt với một tâm hồn vô tư trong sáng, thì sẽ có lợi ích rất lớn cho các bạn, còn nếu các bạn cố chấp, tự ái, mặc cảm… thì chẳng lợi ích gì cho các bạn mà khiến cho các bạn thêm căm tức.
Kính thưa các bạn! Chúng tôi chú giải kinh Pháp Cú là vì muốn đem lợi ích cho các bạn, chứ riêng chúng tôi thì phải hao tâm tổn sức. Chúng tôi mong ước mọi người, khi đọc những lời chú giải này, hiểu rõ cách thức tu tập và thực hành có kết quả ngay liền.
Kết quả giải thoát của mọi người ra khỏi ác pháp và tâm tham, sân, si, thì đó là một niềm vui chân thật của chúng tôi.
Kết quả giải thoát của mọi người là nói lên được giá trị của kinh Pháp Cú này. Và cũng nói lên được nền đạo đức nhân bản- nhân quả của kinh này.
Sau khi nghe lời dạy chân thật này của Phật, không gì hơn là mọi người phải nghiêm túc thực hành mang lại kết quả thực sự. Đó là đền đáp ơn Phật.
Lời dạy của đức Phật không phải là thứ bánh vẽ, chỉ có lời dạy của ngoại đạo mới mang đến cho chúng ta một hy vọng mà không bao giờ đạt được.
Kính ghi
Tu Viện Chơn Như
Tháng 5 năm 2002