RÈN Ý THỨC LỰC - ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời lượng: [45:29]
(0:03) Trưởng lão: Cái lực đẩy cái chân con xuống, nó hút xuống, đó con hiểu không? Cái lực đó là cái từ trường. Cái lực đó, mà vì cái sự tập luyện của con, tập luyện cái tỉnh thức của con, thì cái lực đấy gọi là lực tỉnh thức. Còn bây giờ cái tâm con tham, sân, si thì cái lực đó, thì nó tham, sân, si. Còn cái lực này nó không có tham, sân, si. Con hiểu không?
Vì cái lực này nó không có tham, sân, si nó mới đối trị cái lực của tham, sân, si. Cái lực này nó càng lớn, thì cái lực tham, sân, si nó càng nhỏ. Nó không tác động được mình, làm cho mình làm chủ lại nó. Cho nên cái lực mà tỉnh thức này, nó càng lớn, thì nó làm chủ được cái hơi thở của nó, cho nên nó tịnh chỉ dễ dàng.
Còn mình chưa có cái lực này, thì nó không có ngừng được hơi thở. Cái lực tham, sân, si nó làm chủ. Cho nên nó bắt thở. Thở mà, nếu nó không bắt thở, thì mình nín thở mình chết. Có vậy thôi. Đó là cái lực của nhân quả. Con hiểu không? Cái lực của cái nghiệp nhân quả. Còn bây giờ mình tu tập là cái lực của mình, từ chỗ không có mà bây giờ nó có thành cái lực.
Nhưng mà cái lực thì nó vô hình, nhưng mà nó có sức rất mạnh. Bằng chứng khi các con tu Thân Hành Niệm, các con thấy lực nó hiện ra, nó mới rõ được. Nhưng mà nó nằm, bây giờ chúng ta chưa có điều khiển được toàn diện cái lực này, cho nên nó muốn đẩy, nó muốn lui, nó muốn làm như thế nào đó, cũng như Nguyên Thanh nó bắt nằm xuống vầy, nó cũng phải nằm xuống, nó bắt nằm ngửa, cũng phải nằm ngửa, nó đẩy sao cũng phải chịu. Nó đẩy bay ra cửa thất cũng phải chịu.
Thì các con thấy cái lực đó, mình chưa có làm chủ cho nên nó làm vậy. Mà bây giờ mình tập luyện, để mình làm chủ. Cho nên con thấy mỗi hành động của con, con ra lệnh, rồi con làm những hành động theo cái lệnh của con, để con làm chủ cái lực đó, chứ có gì. Còn con không làm chủ, con không ra lệnh, vậy bây giờ con muốn làm chủ cái lực này, con phải nỗ lực con tu cái này, để con mới làm chủ được cái lực của nó.
Con biết nó có rồi đó. Nhưng mà con phải làm sao làm chủ, con điều khiển nó. Cho nên vì vậy mà cái lực nó hiện ra quá thì con bảo "Dừng!". Nó nghe lời con nó dừng, thì đó là con làm chủ nó.
Phật tử: Mà con ra lệnh nó chưa dừng.
(01:55) Trưởng lão: Mà nó chưa dừng là chưa chịu nghe, tức là cái lực nó mạnh hơn cái sức mình bảo. Cái ý thức của lực của mình yếu hơn. Cho nên mình bảo nhiều lần, thì cái lực của mình nó mới dừng được. Nó dừng được tức là mình phải nhiều lần.
Còn nếu mà mình có cái lực mình mạnh hơn, thì khi mà nó hiện ra như vậy đó, mình bảo “Dừng”, cái nó dừng liền, thì đó là nó biết nghe lời mình, là tức là cái lực nó yếu hơn cái ý thức của mình rồi. Chứ mà nó mạnh hơn, nó chưa chịu dừng đâu, nó còn đẩy mình nữa.
Phật tử: Thầy nói là Thầy sẽ ẩn bóng, thì con cũng lo là mai mốt tu tập thì có gì không biết, không có Thầy chỉ dạy cho con. Cho nên tụi con xin phép là từ nay cho đến Thầy ẩn bóng, thì hàng tuần hoặc vào đầu buổi đó, thì Thầy đến đây, Thầy giảng pháp cho tụi con. Như vậy có được không thưa Thầy?
(02:49) Trưởng lão: Được chứ. Bây giờ mấy con tu là bữa nào mấy con cứ gặp Thầy, thì Thầy cũng đến hết. Cứ 7 giờ đó mấy con. Đến đây Thầy thường thường, sáng ở trong phòng làm việc, Thầy đi ra. Khi mà Thầy buổi sáng Thầy đi quét đó, Thầy nhìn có ai ngồi đó, thì lúc 7 giờ, thì Thầy cũng lại trở ra Thầy nhìn coi có người nào không. Nếu mà có người nào, Thầy biết rằng đang tu tập gặp cái gì khó khăn rồi. Thôi bây giờ mình phải đến, mình gỡ rối đi, không để nó không rối lên, nó chết.
Cho nên buổi sáng nào, thì Thầy cũng nhìn chừng mấy con hết, chứ không phải không. Do vì vậy mà có nhiều buổi sáng, thì Thầy thấy không có ai nhưng mà có nhiều buổi sáng thì có người. Do vì vậy mà mấy con biết là, lúc này là lúc mà mấy con tu tập thì cần gặp Thầy, chứ không gặp Thầy, thì mấy con biết đâu mà tu tập.
Có nhiều cách thiện xảo, để cho nó hợp với cái đặc tướng của mình đó, mình mới tu nó có kết quả. Chứ cách thức tu mà thiện xảo như thế nào để cho mình được an trú ở trong mỗi cái pháp tác ý của mình đó, câu mà tác ý của mình nó có ý nghĩ của nó, là mình phải an trú được cái ý nghĩ của cái trạch pháp đó, cái câu pháp đó.
Thí dụ như "An tịnh thân hành", mà bây giờ con cứ nhắc mà sao nó không an, thì tức là biết là mình tu trật, phải không ? Còn mình nhắc, mà sao lại mình an trú được, tức là mình có cái cách thức thiện xảo nào đó mà nó an được. Chứ không phải nhắc cứ nhắc cuối cùng kệ nó, còn nó an không an kệ nó, thì cứ như vậy tu làm cái gì đây, nó phải an được cho được.
(4:13) Mỗi một cái đề mục, một cái sự việc tu, một cách thức tu, mà khi nó không an, nó không an trú được trong cái đề mục đó, thí dụ như con đi kinh hành, mà giờ cái tâm của con nó không an trú ở trong bước đi, mà cứ đi một lúc yên, rồi một lúc nó lại khởi nghĩ nhớ cái này kia, hoặc là nó hơi buồn ngủ. Thì tất cả những cái đó, nó làm cho tâm của mình nó không an.
Mà như vậy thì bây giờ mình làm sao cho an? Các con nghe nói đạo Phật là đạo trí tuệ, nó không phải là cái giáo điều bắt buộc người ta phải làm theo đúng như vậy như vậy, mà phải thiện xảo cho hợp với cái đặc tướng của mình. Cho nên đạo Phật là đạo trí tuệ mấy con. Thầy dạy như vậy, nhưng mà tùy ở chỗ trí tuệ của mấy con, mấy con phải sáng tạo làm sao cho nó an trú được cái điều kiện mấy con cần thiết, mấy con phải làm, thì đó là cái đúng.
Chứ mấy con không chịu sáng tạo, thì Thầy cứ sáng tạo, chắc Thầy sáng không nổi. Bởi vì mỗi người phải có một cái trí tuệ để dẫn dắt mình trên con đường đi, chứ nếu mình mà không có trí tuệ, thì mình đâu có dẫn dắt. Cho nên có năm cái điều kiện, mà đạo Phật xác định một người mà tu theo đạo Phật đó, có năm điều kiện mà có thể tu chứng. Mà cái người mà không trí tuệ thì không, cho dù có tu gì cũng không chứng hết. Trí tuệ thì nó phải sáng.
Khi con, thí dụ khi Thầy dạy con cái đề mục thí dụ "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Coi vậy chứ, tuy rằng cái đề mục như vậy, nhưng mà sao con tu như thế nào để an trú ở trong cái đề mục đó cho được, chứ không phải là nói để mà nói. Mấy con hiểu như vậy.
Mà bây giờ mình tu mình không an trú được, thì mình cũng chưa tìm ra được cái lối nào để mà an trú, thì mình đến mình hỏi Thầy, rồi Thầy mới gợi ý, gợi ý rồi mình mới về mình tập thử. Không được rồi mình mới tìm mọi cách này hoặc cách kia, theo cái ý mà Thầy gợi ra đó, thì mình tìm qua, tìm lại thôi cái nó lọt vô được, coi như vậy là mình đã an trú được.
(6:02) Phật tử: Tui con ở xa Thầy, về bển thì cũng nghe lại mấy cái này để tu, thì xin Thầy gợi ýdùm con cái đường tu mới sẽ vấp váp vào cái điểm nào. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho tụi con. Với lại cái việc Thầy ẩn bóng, thì khi tụi con ở đây tu đó, rồi Thầy ẩn bóng là Thầy ở đây hay là Thầy đi đâu?
Vì con tới con dự trù là con sẽ ở tại đây sáu tháng, tối đa cái thời gian con được ở đó, thì trong sáu tháng đó, con nghe nói là Thầy tháng nữa Thầy đi. Rồi còn 5 tháng còn lại đó con ở đây, khi mà con gặp vấn đề gì trục trặc đó, thì con làm sao để gặp Thầy, không ấy thì Thầy cho con theo Thầy?
(7:02) Trưởng lão: Bây giờ Thầy nói để cho mấy con biết về cái phần mà ẩn bóng. Ẩn bóng có nghĩa là cái hoàn cảnh, nó đang có cái sự khó khăn. Có khó khăn là gì?
Cái kinh sách của Thầy dó, được phép nó phổ biến rộng ra, thì những cái người mà nó không có giữ gìn giới luật, như chẳng hạn là như quý thầy hay hoặc là các tu sĩ không giữ gìn giới luật, họ đang sống ở trong một cái tư thế không có thể bỏ được đó, buộc lòng họ phải giữ gìn những cái thế của họ, thì họ phải tìm cách họ làm khó khăn Thầy.
Do vì vậy cho nên vì vậy mà Thầy muốn ẩn bóng đó, là vì để cho nó không có cái chuyện mà xảy ra giữa cái hệ phái này hay hệ phái khác, mà nó tranh chấp nhau. Nó làm cho chúng ta có cái đoàn kết ở trong Phật giáo, mà để chỉnh đốn lại cho nó tốt Phật giáo lại thôi. Cho nên vì vậy mình tránh một chút xíu, và do đó mới ẩn bóng. Chứ còn hiện giờ mà Thầy ẩn bóng, đó là một điều rất là thiệt thòi cho cái sự tu tập của mấy con.
(08:12) Nhưng mà nói ẩn bóng, có nghĩa là ẩn bóng để đối với những người mà không có tu mà họ đến họ xin đó, để rồi nó làm mất thì giờ Thầy rất nhiều. Và ẩn bóng cũng là một cái điều kiện để hạn chế bớt cái, có một số người đến mà để mà tìm hiểu Thầy thôi chứ không phải là quyết tâm tu.
Chẳng hạn là bây giờ đọc cái bộ sách, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ở Hà Nội người ta, khi mà người ta cho phép in cái bộ sách của Thầy, thì người ta có giới thiệu qua cái tác phẩm và giới thiệu qua cái tiểu sử của tác phẩm. Cho nên mọi người thì người ta từ lâu tới giờ người ta không biết, nhưng bây giờ người ta biết, không biết là cái người đó, họ mập, họ béo, họ ốm, họ lùn, họ sao cái ông đó, không biết sao mà ổng nói hay quá.
Cho nên người ta muốn đến người ta thăm Thầy để mà người ta chiêm ngưỡng thôi, nó cũng làm Thầy mất thì giờ nữa. Khi mà người ta không biết, khi người ta biết đó, thì hàng ngày người ta đến tấp nập. Tấp nập làm như Thầy là, cũng như ông Thánh mà họ đến họ chiêm ngưỡng vậy đó. Cho nên Thầy thấy cái điều đó là cái điều bất lợi cho Thầy. Nhưng khi mà người ta đến mà mình không tiếp, thì nó coi nó cũng không được, mà tiếp thì nó không có thì giờ.
(9:27) Cái tuổi đời của Thầy thì nó cũng, cái thân mà nhân quả vô thường này thì nó không lâu rồi, không thể kéo dài nữa. Do đó thì còn lại cái thời gian nó cũng không lâu. Cho nên Thầy còn phải soạn thảo một cái bộ sách, cái bộ sách Đạo Đức nhân quả làm người đó. Thì do đó cái quan trọng nhất là được đưa ra cái nền Đạo Đức của Phật giáo cho nó cụ thể rõ ràng. Đó là cái ước nguyện của Thầy phải làm.
Cho nên Thầy sống những ngày từ nay mà về sau đó, cho đến khi mà làm xong được cái nhiệm vụ này, thì nó đòi hỏi Thầy phải làm việc rất nhiều. Mà nếu mà để mà Thầy tiếp khách nhiều, thì nó mất thời giờ. Cho nên cô Út dự định là bàn với Thầy, thôi bây giờ chỉ có nước là Thầy ẩn bóng thôi.
Nghĩa là hoặc Thầy ở đây hoặc là ở chỗ nào đó, cũng phải có những cái điều kiện, phương tiện để mà Thầy in những cái cuốn sách, hoặc là in những cái bộ sách Đạo Đức cho nó kịp thời. Hoặc là Thầy có chỗ yên tĩnh để mà Thầy viết, không có tiếp khách nữa. Đó là cái phần để mà tránh duyên, chứ không phải là ẩn bóng thật sự. Con hiểu chưa? Tránh duyên.
(10:38) Bây giờ mấy con là những người quyết tâm tu để cho mình được giải thoát, thì cái quan trọng không phải là cái chỗ mà viết sách không của Thầy, không phải là viết đạo đức không, mà cái quan trọng hàng đầu của Thầy ấy, là đào tạo một người chứng quả A La Hán.
Nhưng mà mấy con có cái tâm tha thiết và quyết định để mà tu giải thoát, như con chẳng hạn, Kim Chi như con bên đó, con về bên đây tu, con bỏ hết cả sự nghiệp của mình quyết tâm để tìm một cái chân giá trị của sự giải thoát của mình. Và cũng là một cái điều mà quan trọng nhất là Phật giáo hôm nay để nói lên được tiếng nói rằng có người tu chứng, chứ không phải là không có người tu chứng. Và chính cái đường lối của Thầy là phải có người tu như vậy được.
(11:22) Nghĩa là bây giờ mấy con nhập định được, mấy con thực hiện Tam Minh được là mấy con đã có tiếng nói rồi. Chứ còn mấy con mà sống, bây giờ mấy con sống giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh đi, không vi phạm đi nữa, mấy con cũng không nói được đâu. Bởi vì cái đó là cái giới luật, thì người ta không có được, người ta không tin lắm đâu.
Nhưng mà mấy con phải sống vừa đức hạnh giới luật, mà lại vừa có đủ cái sức định lực của mình, mình thực hiện được Tam Minh, như một bậc A La Hán, như vậy thì người ta mới tin rằng mình chứng quả A La Hán.
Còn hôm nay, tại sao mà Thầy không thực hiện những cái năng lực, mà người ta gọi là thần thông? Tại sao Thầy không thực hiện được? Thầy nghĩ rằng Thầy thực hiện như vậy, thì bao nhiêu người họ tập trung vào đây để tu tập thần thông, chứ không có phải đi vào con đường giải thoát.
Cái mục đích Thầy thực hiện cho họ biết làm chủ bệnh. Cho nên những cái trận bệnh mà các con nghe Thầy bệnh đó, mà Thầy thực hiện bằng cái pháp tác ý, mà Thầy không có bệnh đau gì hết, để chứng minh rằng Thầy làm chủ được bệnh. Mà cái bệnh mà làm chủ được, thì chắc chắn sẽ làm chủ được cái gì chớ ? Các con hiểu chỗ đó không?
Cho nên vì vậy đó, chỉ cần cái giờ phút mà Thầy ra đi, thì tức là Thầy làm chủ được cái chết. Nhưng mà Thầy đã ra đi rồi, thì khi mà Thầy chết, Thầy ra đi rồi thì mấy con đâu có làm sao réo Thầy lại. Nhưng mà Thầy làm chủ bệnh đó, Thầy mạnh khỏe như thường, thì mấy con thấy cụ thể, thực chất hơn.
Còn bây giờ mà Thầy thể hiện một chút chút gì mà thần thông, thì cái tâm mà tham đắm thần thông, thì người ta sẽ đến học tập Thầy nhiều, nhưng mà cái lợi thì không có lợi, nó không có lợi. Lại nhắm vào cái mục đích sai lệch của đạo rồi, nó không đúng. Cho nên Thầy không muốn làm cái điều đó. Thậm chí như Thầy biết, mỗi câu hỏi của họ hỏi ra, Thầy biết họ muốn biết Thầy có thần thông ở chỗ đó hay không? Thầy biết liền, nhưng mà Thầy giả vờ không biết.
(12:50) Nghĩa là người mà tìm thần thông đến với Thầy, thì không bao giờ mà gặp Thầy. Mà cái người mà tìm đến cái sự giải thoát, làm chủ được cái sự đau khổ của kiếp người của mình, sanh, già, bệnh, chết, thì vô đây Thầy dạy mấy con sẽ đẩy lui được những chướng ngại, những cái thân bệnh của mấy con, để mấy con thấy cái hiệu quả đó. Rồi nó tuy ít, nhưng mà nó có cái kết quả.
(13:10) Lần lượt rồi mấy con sẽ đi tới, thì cái lực của nó càng ngày nó càng đầy đủ trọn vẹn hơn. Để rồi mấy con sẽ nhiếp phục được, và từng đó thì các con sẽ thấy, mình làm chủ được bệnh. Mà mình làm chủ được bệnh đó, thì cái năng lực làm chủ được bệnh nó có đủ bảy cái Giác Chi, cái năng lực nó sẽ hiện đủ ra. Chứ còn mới đây nó chỉ phần nhỏ nó thôi, cho nên nó chưa có đủ.
Sau khi nó đủ rồi, thì mấy con đủ sức làm chủ sinh, già, bệnh, chết và thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng. Nhưng mà cái giai đoạn này là giai đoạn khó, bởi vì cái tưởng thức lực đó, với cái ý thức lực, nó gần như là nó hai cái nó song song.
Như mấy con thấy trường hợp mà xảy ra, như một số người tu ở đây đó, thì nó xảy ra như vậy. Mà nếu mà không có Thầy trực tiếp bên, không có phá được, thì đó là một cái điểm rất là tai hại. Họ sẽ đưa đi đến vào cái bệnh Thiền, chứ không phải là tốt lành gì. Cho nên do đó cần thiết có mặt Thầy.
(14:12) Cũng như bây giờ mấy con không thiện xảo được, có mặt Thầy, Thầy giúp đỡ mấy con thiện xảo được. Đó. Thì vì vậy mà tới cái tập mà, người tu sĩ và cư sĩ cần cần biết những gì đó, thì tới tập vừa rồi là tập 5, tới tập 6 thì nó có thêm những cái kinh nghiệm thiện xảo. Ở trong đó có một cái số huynh đệ của mấy con, người ta cũng có cái thiện xảo.
Bởi vì khi mà Thầy giảng cách thức mà thiện xảo, với cái bản thân của Thầy, kinh nghiệm của Thầy, nhưng từ đó người ta rút tỉa qua bản thân của người ta, qua cái trí tuệ người ta phải sáng tạo ra. Thì cái thiện xảo đó, làm cho người ta được an trú được.
Cho nên vừa rồi thì có chú Nam ở ngoài Hà Nội vào đây tu đó, chú còn trẻ. Chú cũng là một cái nhà khoa học của đất nước mình. Nhưng mà chú còn trẻ tuổi mà chú ham tu. Chú vào đây thì chú cũng có trí tuệ. Khi mà Thầy dạy rồi, khi mà tu mà không an trú được, chú tư duy, chú suy nghĩ, rồi chú rút tỉa từng chút, từng chút của cái hành động tu tập của mình đó. Chú nghĩ ra cách này, nghĩ ra cách khác.
Khi nghĩ ra như vậy đó, thì chú đến, chú trình cho Thầy: “Con nghĩ như vậy, con an trú, thấy cái tâm của con nó an ổn nó dễ, như vậy có đúng hay là không? Nó có bị tưởng hay là không?” Bởi vì khi mình nghĩ ra một điều đó, mình chưa biết chắc là cái đó là tưởng hay là không tưởng. Chỉ có một người Thầy, người ta biết người ta xác định được, cái điều đó là do ý thức của mình hay là do tưởng của mình. Bởi vì cái tưởng và cái ý thức nó dễ lầm lắm.
(15:47) Cho nên thí dụ như Thầy nói, cái đề mục tu tập như cái "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô" đó, "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", không khéo các con sẽ nương vào cái hơi thở, thì các con sẽ thấy cái hơi thở chạy từ, hít vô, các con cảm như hơi thở nó chạy từ ở trên đầu nó đi xuống tới chân, rồi từ chân nó chạy ra khỏi lỗ mũi mình nó ra. Và cái hơi thở nó chạy ra, chạy vô, thì các con cảm nhận không khéo thì nó sẽ, một chút xíu nó sẽ thành tưởng đó con. Nó không dễ đâu.
Cho nên khi đó, thì chẳng hạn là bây giờ, thí dụ như con nói: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra". Thì cái cảm giác mà toàn thân đó, thì nó rất khó, nhưng mà các con sẽ tác ý ra một câu khéo, thiện xảo hơn một chút, thì nó sẽ dễ, cái cảm giác của mình nó dễ nhận hơn.
Thí dụ như bây giờ sửa lại câu đó một chút, để cho mình, cái đặc tướng của mình nó dễ nhận hơn, thì mình sửa lại cái câu đó một chút xíu: "Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra".
Rồi khi mình hít vô, cái thân mình nó rung động, nó rung động từ ở trên đầu của mình, ở trên mũi của mình nó rung động, các cơ nó rung động, rồi nó đi dần dần nó xuống tới chân, nó đi nhanh lắm. Nhưng mà cái rung động của nó, có cái rung động của cái thân.
Cho nên cái thân mình nó rung động thì mình cảm giác theo cái cái rung động của nó, thì cái câu tác ý mà “cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”, thì mình cảm giác theo cái thân hành là cái rung động của cái thân, thì khi mình hít vô nó có rung động, thì khỏi bị cái tưởng của hơi thở nó đi từ trên xuống dưới. Các con hiểu chỗ này. Đó là cái khéo léo.
(17:20) Còn mình nhắc nó "Cảm giác toàn thân" đó, thì bởi vì nó không có cái thân hành, thành ra mình quên cái động của cái thân hành, cho nên mình có cái tưởng nó theo đó. Nó chỉ mình tác ý, nó thay đổi cái câu tác ý một chút xíu thôi, thì mình thiện xảo rồi. Do đó thì mình đi tới nó dễ dàng. Phải không các con?
Đây là Thầy nhắc những cái thiện xảo, chứ đừng có cố chấp rằng Phật dạy mình cái câu "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", rồi mình cứ cố chấp ở trong cái chỗ cảm giác toàn thân đó.
Nhưng mà các con nhớ, khi mà qua cái Thân Hành Niệm, thì cái câu mà "Cảm giác toàn thân", thì khi mà khi tu Định Niệm Hơi Thở mà trong Thân Hành Niệm, thì đức Phật lại nhắc: "Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra", chứ không phải ông Phật không nhắc.
Bởi vì cái thiện xảo thì ông Phật đã dạy mình thiện xảo, nhưng mình đọc sai cái bài, chỗ này là “cảm giác toàn thân”, mà chỗ này sao “cảm giác thân hành”? Đó thì rõ ràng là cái thân hành nó dễ cảm nhận hơn là cái cảm giác toàn thân. Con hiểu chỗ cái thiện xảo không? Cho nên Thầy thấy ông Phật thiện xảo ổng cũng có dạy mình chớ, nhưng mà tại ổng chết rồi, ổng không nói ra cho mình biết.
Cho nên mình thấy sao cái bài này lại nói vậy, bài này lại nói vậy? Nhưng mà mình so sánh là đây là cách thức thiện xảo. Cũng như cái tâm vậy đó thôi. “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô”, “cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm tôi biết tôi thở ra”. Thì tại sao lại có cái bài trong Thân Hành Niệm, thì đức Phật nói "Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết…”.
(18:51) Cho nên Thầy mới biết thân hành là cái chỗ mà động tĩnh của nó. Phải không ? Cái động của nó là nó có khởi niệm, mà không động thì nó không khởi niệm gì. Cho nên nó thuộc về “cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô”. Tức là cảm giác cái gì? Cảm giác cái động cái tĩnh. Qua cái đề mục này mà mình thiện xảo, mình biết.
Mà bây giờ mình nhắc câu mà "Cảm giác toàn tâm", thì mình cảm giác không nổi. Mình phải “cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô. Cảm giác tâm hành…“. Cái hành đó là cái động của nó. Cho nên mình biết cái động của nó, nó có niệm hay không niệm. Con hiểu chỗ này…!?
Cho nên đức Phật đã trang bị cho mình đủ, nhưng cái thiện xảo ổng cũng có sự thiện xảo thật cho mình. Nhưng mà cái người mà không hiểu, không tu, thì mới thấy "À, cái bài kinh này khác, bài này khác". Không phải khác đâu, nó giống nhau, nhưng mà cái này là thiện xảo, nó chỉ một chứ không hai đâu.
Đó thì, mấy con còn có thể mấy con sửa sao mà nó hợp với mình, để khi mà mình nhắc đến cái mình nhận ra được. Đó là cách thức thiện xảo đó con.
Phật tử : Tu khó quá Thầy ơi, không có Thầy con tu không được…(. . .)xin Thầy trụ thế xin dẫn dắt tụi con
Phật tử: Con cũng muốn xin hỏi Thầy đó là, về thầy Chơn Thành đó, bây giờ thầy Chơn Thành ở đâu, ví dụ như Thầy không có ở đây, thì tụi con có thể hỏi Thầy Chơn Thành không? Thầy Chân Thành có dạy tụi con được không?
(20:00) Trưởng lão: À, bây giờ thì thầy, nói chung là thầy bây giờ đó thì thầy chưa có dạy. Thầy nói để thầy tu cho xong đã. Thầy thì giữ độc cư trọn vẹn lắm, thầy không nói chuyện với ai đâu. Thầy mong rằng thầy chỉ cố gắng thầy chỉ tu, thầy nhập các định, thầy thực hiện được Tam Minh xong rồi, thì thầy sẽ phụ giúp với Thầy.
Thì khi mà không có Thầy, thì có thầy Chơn Thành trợ giúp cũng được, không có sao. Nhưng mà hiện giờ thì có Thầy thì thôi, thầy không giúp đâu, thầy quyết định thầy cố gắng thầy tu.
Cho nên bữa Từ Quang mà đồng hồ nó reo, mà Từ Quang không có thức dậy, nó quên đó, nó vô ký đến độ mà chuông reo, đồng hồ reo vậy mà nó quên, thì Chơn Thành nó nghĩ rằng đi đến kêu Từ Quang, nhưng nó không được, mình phải độc cư, chớ còn mình kêu thì không được. Nó vẫn còn phóng tâm đó, nó cũng nghĩ đến người bạn gần bên mình, nó cũng tính này kia.
Nhưng khoảng độ chừng 30 phút, 1 giờ sau đó, thì ở bên kia thầy Phước Thắng, thầy qua thầy kêu, kêu dùm cho Từ Quang. Bởi vì, coi vậy chứ nó không dễ đâu mấy con, nó cái đó nó bị lọt vào ở trong cái quên là cái vô ký. Trong khi mình ngủ mình say quá, nó mới quên. Tiếng chuông rất lớn mà không nghe, chứ không phải nghe đâu. Nhưng mà từ đó mình sẽ cảnh giác, mình nhắc trước khi ngủ, mình nhắc phải đúng giờ, phải nói tỉnh dậy đó.
(21:27) Thì do đó thì mấy con yên tâm đi, sẽ có nhiều người giúp đỡ chứ không phải không đâu. Trong cái số lượng, mà số người, mà còn lại đây đó, thì họ quyết tâm tu, họ cũng có những cái kinh nghiệm tu. Nhưng mà hiện giờ thì những người đó đang tu, cũng như mấy con đang tu vậy đó, chứ không có gì đâu. Mấy con cứ ráng đi.
Rồi Thầy nghĩ rằng khi nào mà Thầy ẩn bóng hoặc là Thầy thật sự mà Thầy vắng mặt ở đây, thì cũng có người mà hướng dẫn mấy con, chỉ mấy con đừng có rời đây thôi. Còn Thầy ẩn bóng thì coi như là, là một cái đời sống mà du tăng nay ở đây, mai ở khác. Người ta không có biết cái di tích của Thầy, lưu dấu của Thầy ở đâu.
Còn bây giờ Thầy đi mà bốn năm người nó lật đổ bể hết. Đi tới đâu mà đông người thì mình phải lo, bởi vì nhiều người nó phải lo chứ, còn mình Thầy thì đến chỗ nào, Thầy ở chỗ nào khỏi cần giấy tờ gì hết, không có lo. Còn bây giờ đi mà ba bốn người đi theo Thầy, thì coi như là bị lộ tung tích hết […]
(22:26) Thầy về Thầy thỉnh nguyện với Hòa thượng mà. Thầy nói nếu mà Hòa thượng tịch, mà không có người nào mà còn theo Thầy, thì nhất định là Thầy sẽ đi với Hòa thượng, chứ Thầy tin rằng ở trong cái thế gian này không có người nào đi với Hòa thượng được. Nếu Hòa thượng chết chỉ có Thầy đi được thôi chứ không có người nào đi đâu.
Nếu Hòa thượng đi tới đâu, Thầy đi tới đó. Nghĩa là trong cái cõi chết, chỉ có Thầy là người tự tại được đi như vậy thôi, chứ còn không có người nào đi, mà không có người theo Thầy. Còn bây giờ có người theo Thầy, mà Thầy đi với Hòa thượng như vậy, tức là Thầy sẽ bỏ mấy con.
Nói chung là Thầy ở đây Thầy cũng khuyến khích, thầy Chơn Thành thì cũng lớn tuổi rồi, nhưng mà cũng hết sức cố gắng tu. Nhưng dù sao thì thầy cũng có một cái nghiệp, kêu là cũng còn một cái tạp khí, cũng khó xả chứ không phải để. Nhưng mà cố gắng là thầy, cố gắng khắc phục cho thầy xả lần, thì nó mới vào dễ.
(23:24) Chứ cũng không phải là… nó cũng còn có cái rất khó, chứ không phải dễ, mà không đơn giản, mà chính Thầy, Thầy biết cái chỗ đó. Nhưng mà Thầy khéo léo nhắc, nhắc để cho xả cho được cái chỗ đó, rồi thì nó mới đi vào mới mau, chứ còn nếu mà xả chưa được nó cũng không vào nữa.
Thầy có một cái, là nó chỉ phóng tâm như thế này này. Là bởi vì thầy tu, giờ giấc thầy nghiêm chỉnh, rồi độc cư nghiêm chỉnh, nghĩa là không nói chuyện với ai hết, từ ba năm nay, suốt ba năm nay tu tập rất tốt, hoàn toàn. Nhưng mỗi người mà thất nào mà dậy sớm, bởi vì mình giữ giờ giấc nghiêm chỉnh đó, ai dậy sớm, dậy trễ đều biết. Do đó cái tâm mình nó phóng ở chỗ đó.
(23:58) Thầy nói họ tu kệ họ, đừng có để ý. Ai tu được, không được, đừng để ý, Thầy nhắc vậy thôi, nhưng mà cái tâm nó cứ phóng vậy. Đó người ta, chuông reo người ta không dậy, mình cũng biết. Rồi cái gì nó cũng phóng ra nó biết, Thầy nói, làm sao cho cái tâm nó quay vô vậy, đừng có để cho nó phóng ra. Thầy chỉ bấy nhiêu đó thôi.
Đó, người nào đi nói chuyện sao, thầy ngồi đó, thầy ở thất thầy, mà ở ngoài nói chuyện thầy biết hết. Xa thầy cũng biết nữa, bao xa cũng biết nữa. Thí dụ như ai nói chuyện chỗ nào, chỗ nào, thầy biết, thầy ngồi trong thất thầy mà cứ làm như cái tâm nó thanh tịnh rồi, bắt đầu nó cứ hướng ra vậy à. Thành ra cứ lôi cho nó vô, đừng có hướng ra nữa, chừng nào mà nó quay vô, nó không phóng dật nữa, thì lúc bấy giờ thầy dễ lắm con, nó thành tựu rồi, thầy chỉ còn có cái nhược điểm đó thôi.
Thầy nói bây giờ cái tâm nó trống vắng, nó sắp sửa thanh tịnh, nó thanh tịnh rồi, cho nên cái người nào sai, thì nó làm cho mình thấy hết. Mà thấy hết đó, thì là mình bị động tâm. Thế cho nên nó chỉ có chút đó thôi. Vì vậy mà Thầy khéo nhắc lắm. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, nghĩa là đừng có để ý ai nữa hết, nghĩa là đừng có để…nói con ráng con không có để ý, mà tại sao nó kỳ vậy, con cũng không có biết nữa.
Nó ngồi đó mà hỏi ai làm cái gì đâu, cái thất nào mà bật đèn lên nó cũng biết, mà không bật đèn lên nó cũng biết, nó biết người này ngủ không chịu tu, như vậy là người này tu không tới đâu, nó biết hết. Mà thậm chí như bên nữ, ở bên đó mà người nào mà tu như thế nào, có bữa tu hứng lắm tới 1, 2 giờ, còn có bữa thì ngủ suốt đêm, nó cũng biết nữa. Người nào rồi sao nó cũng biết.
(25:31) Cho nên thầy trình bày, Thầy nói đây cũng là cái chướng của con, cái chướng duyên, cho nên vì vậy mà con phải giữ gìn cái này, phải im lặng như vầy, phải nỗ lực. Tức là cái lỗ tai, cái con mắt, phải luôn luôn phòng hộ, cái này lôi nó trở vào, tác ý lôi nó vô. Thì hôm rày Thầy nhắc nhở.
Phật tử: …(. . .) bởi vậy con nghe con biết chớ con không dám ngủ.
(25:47) Trưởng lão: Bởi vì có người, người ta biết mình ngủ các thứ hết à. Hỏi sau này thầy Chơn Thành thầy biết hết à. Cho nên mấy con, Thầy không có ở ngoài đó, nhưng mà thầy Chơn Thành trình cho Thầy biết ông nào ngủ, ông nào thức biết hết à, ông nào tu kiểu nào cũng biết, hứng là tu dữ tợn, mà không thì ngủ, mà chừng đó ngủ luôn, không bật đèn, thức dậy, Thầy cũng biết hết à.
Cho nên nói vậy chứ nói thật sự ra thì cái người mà người ta tu suốt 3 năm nay, cái tâm người ta thanh tịnh lắm. Cho nên cái sự động dụng của mấy con sai đúng người ta biết hết à. Mà thầy thì bị chướng cái đó, mà thầy đi vô chưa được đó thôi, chứ còn nếu mà thầy đừng có phóng nữa thì chắc chắn là… Coi như đó cũng là một cái giai đoạn của ma đấy con à.
Nghĩa là tâm nó thanh tịnh rồi con, bắt đầu nó đón nhận hết mọi cái. Cho nên Thầy bắt đầu Thầy dạy về cách thức phòng hộ sáu căn, chứ mấy con thì Thầy chưa có dạy điều đấy. Thầy dạy cái điều phòng hộ sáu căn đó, phòng hộ mắt, tai, con mắt với lỗ tai của mình đó.
Để luôn luôn là lúc nào có mắt có tai chứ nó không thèm thấy ra ngoài nữa, mà nó chỉ thấy trong hơi thở của mình, nó thấy ở trên bước đi của mình. Con lưu ý cái này. Cũng tập khó mà con.
(26:59) Phật tử: Con kính bạch Thầy, con muốn hỏi Thầy ở đây, khi mà con thức dậy, thì con tìm một cái phương pháp để mà cho tâm con nó đừng đi ra ngoài, thì bằng cách đó là con nhìn cái trái tim của con. Rồi cái con nhìn cho đến mức độ mà con biết được cái sự chuyển động của trái tim như thế nào.
Thì một hôm trái tim của con ở trong lồng ngực, thường thường thì con nghĩ nó chỉ đập, đập theo nhịp nhịp nhịp nhẹ nhẹ nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng mà có một hôm đó, con nhìn một lúc thì con thấy như là trái tim con nó có một mình nó độc lập vậy đó. Và nó đập cái giống như là thà thầm cái nó giựt một cái đó Thầy, cứ thà thầm, thà thầm, thà thầm, nó đập vậy đó Thầy.
Cái con thấy trái tim làm việc rất là cực khổ, rất là mệt mỏi. Rồi cái con nhìn qua cái phổi, rồi con nhìn con thấy tới cái bao tử rồi cái ruột, cái gan vậy đó, thì cái tâm con nó không có đi ra ngoài. Nó không đi ra ngoài thì như vậy có được không, hay là như vậy là tưởng hả Thầy?
(28:18) Trưởng lão: Ừm, như vậy là con an trú theo cái tưởng. Nhưng mà khi mà con, khi mà nó dùng cái tưởng đó nó an trú rồi, thì con, khi mà thấy cái tâm mình nó an trú được thì con hướng nó vào cái pháp tu, chứ đừng có để nó ở trong các pháp tưởng đó nữa. Con hiểu không ?
Cái pháp, thí dụ như bây giờ con định là con sắp sửa con dậy để mà con tu cái Định Niệm Hơi Thở, cái đề mục nào đó, phải không ? Thì bây giờ con an trú bằng cách là con nhìn trái tim, rồi con nhìn toàn bộ trong nội tạng của con, sau khi nó an trú được ở trong những cái phần đó, nó bằng qua cái tưởng của con. Phải không !? Con nghe cũng bằng cái tưởng của con rất là rõ ràng cụ thể đó. Bây giờ thấy nó an trú được rồi thì con tác ý "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Thì lúc bấy giờ nó, cái chỗ nó an trú thay vì nó an trú trong cái nhịp tim của con, thì giờ bắt đầu nó an trú trong cái hơi thở của con, thì cái hơi thở của con là cái pháp. Con hiểu chưa?
(29:09) Thì lúc bấy giờ thì con an trú vô đó, thì bắt đầu con muốn dẫn dắt khi mà an, đầu tiên thì con ngồi con an trú theo trong cái tưởng của con, ở trong cái cơ thể, cái tim con, rồi từ phổi con, thấy nó an trú được rồi, thì bắt đầu con dẫn nó qua cái pháp, cái pháp tức là Định Niệm Hơi Thở. Thì khi mà con thấy nó an trú được trong cái hơi thở rồi, thì bây giờ con tu tới cái đề mục nào của cái hơi thở.
Thí dụ như đề mục thứ 6 là "An tịnh tâm hành", thì bắt đầu con nhắc "An tịnh tâm hành".Còn nếu mà con tu tới cái đề mục thứ 17, là “với tâm giải thoát, với tâm định tĩnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tĩnh tôi biết tôi thở ra”, thì con lại tác ý câu đó để cho nó an trú trong hơi thở mà, nó làm cho cái tâm con càng lúc càng định tĩnh lên. Nó tỉnh, tỉnh lần lần lần lần, thấy nó định tĩnh rất cụ thể, rõ ràng.
Con cứ nhắc, bởi vì mình an trú rồi thì mình nhắc nó hiệu quả lắm, nó càng đi tới, đi tới nữa. Cứ thỉnh thoảng con nhắc. Đó là con trở về pháp, nhưng mà con biết thiện xảo cái tưởng đó.
Phật tử: Con cũng dùng cái đó, con cũng làm như vậy đó. Thì sao có một hôm là con nghe toàn thân con nó có cái tiếng giống như là tiếng máu mà nó chảy ở trong thân đó Thầy. Cái con thấy vậy cái con ngưng, con nói không biết cái này có tưởng không?
Cái con ngưng, con không có nghe vậy nữa. Cái con nói giờ con để ý tới một cái ngón tay thôi hay là một cái chấm tay thôi, thì rõ ràng con nghe máu nó chảy ở trong cái mạch máu của con, nó chảy rất là …, khi mà cái tâm mà thật là thanh tịnh rồi đó, thì con cảm nhận được cái đó. Cái con nói thôi giờ con không có muốn nghe vậy nữa.
Bây giờ con muốn nghe bên này này, chớ không muốn nghe bên tay trái nữa mà muốn nghe bên tay mặt, thì cái bên tay trái nó ngưng nó không nghe nữa, mà nó nghe qua bên tay mặt. Rồi cái con nói như vầy, vậy thôi bây giờ con cũng không muốn nghe bên mặt nữa, bây giờ con muốn nghe dưới chân, thì nó lại cho con nghe ở dưới chân. Con nói không biết cái này có tưởng không, để con về con thưa với Thầy?
(31:22) Trưởng lão: Cái này là cái phần của tưởng, nó nghe nó giao cảm được. Chứ còn ý thức của mình thì nó không nghe đâu, nhưng mà cái tưởng nó nghe. Khi mà cái ý thức nó thanh thịnh rồi, thì cái tưởng nó hoạt động. Nó hoạt động thì con dùng cái tác ý của cái pháp tác ý, con tác ý bảo nó nghe tay này thì nó nghe tai này, bảo nó nghe chân thì nó nghe chân, bảo nó nghe đầu thì nó nghe máu chảy trên đầu, bảo đầu nó nghe đó. Nhưng mà đó là con tu về tưởng.
Nhưng mà mình biết sử dụng cái lực tưởng của nó để trở thành cái lực của ý thức ấy, thì mình cứ ôm pháp, mình tác ý cho nó ôm chặt pháp thôi, để cho cái pháp nó giúp cho mình để tạo thành một cái lực. Cái lực của nó trở thành cái lực của ý thức. Nhưng mà con tu đến chỗ này, thì coi như là, mình từ mà, con có nghe cái bài mà Thầy nói là "Lấy cái lực ma mà chuyển thành lực của ý thức của mình” không?
Tức là mình sử dụng cái lực đó, để mà trở thành cái lực của mình. Cho nên vì vây mà mình biết nó rồi mình dùng cái lực đó đó, mình đưa nó trở vào cái pháp. Như hồi nãy Thầy nói đưa vào cái pháp cho nó an trú được trong cái pháp đi. Lấy cái lực tưởng, đưa nó vào an trú. An trú rồi bắt đầu đó mình luyện cái lực của ý thức. Thì cái lực tưởng nó lần lượt nó tập trung, nó đưa qua cái lực của ý thức hết.
(32:25) Cho nên cái lực của tưởng mà đưa qua cái lực của ý thức của mình, sau này cái ý thức của mình muốn cái gì đó mình điều khiển, thì nó làm việc cho mình, nó làm được. Cũng như bây giờ, cái tai bên đây con nghe bên đây, bảo nghe bên đây nó nghe bên đây, bảo nghe chân nó nghe chân. Thật ra thì cái lực cũng mạnh lắm chứ không ít đâu.
Nhưng mà bây giờ cái lực đó đó, thì do mình biết sử dụng nó qua đây. Bởi vì mình bảo nó nghe ở trong thân mình đó, thì như vậy là rõ ràng nó nghe những cái động trong thân, động dụng của mạch máu của mình. Tất cả những cái này, thì nó quá là vi tế rồi, nó quá vi tế. Nhưng mà mình chuyển nó ra, để nó thành một cái lực, để mình sai nó đi đúng cái kiểu, chứ nó không nghe điên, nghe khùng, nó để nghe cái đó làm cái gì. Con hiểu không?
Để cho nó bảo, bây giờ thí dụ như con bảo nó phải là ngủ, thức cho đúng giờ, phải không, nó có lợi ích cho mình. Bảo nó tỉnh thức, bảo nó diệt tầm tứ, bảo nó phải không có chiêm bao, bảo nó phải tỉnh thức hoàn toàn, không có buồn ngủ, thì mình bảo những cái lực đó mình chuyển, mình ra lệnh cho cái thân, tâm của mình, nó làm theo, thì nó lợi ích biết bao nhiêu, để cho mình làm chủ được cái thân, tâm của mình.
(33:31) Phật tử: Con kính bạch Thầy cái vụ mà buồn ngủ đó Thầy, là thời con ở bên đây, con trở về bên Mỹ đó, thì con nói bây giờ thức trắng đêm, đêm nay là thức trắng đêm, thì mình thức trắng đêm, ngày hôm sau cũng tỉnh rồi thức ba đêm liền được. Rồi sau đó thì ngủ rồi thức bình thường, muốn ngủ thì ngủ, muốn thức thì thức thì nó bình thường.
Rồi thình lình vậy đó Thầy, có một cái chuyện gì đó xảy ra, giống như là con đi tới một cái tu viện con ở, thì có cái giờ giấc của Tu viện, rồi bắt đầu tự nhiên nó bắt con ngủ, nó bắt con là phải, giống như phải ngủ hơn như là cái giờ mà bình thường con ở nhà con tập được. Sau khi mà thay đổi cái điều kiện, thì con làm không được. Rồi cái nó lại trở lại, được, rồi không được, được rồi lại không được, sao nó cứ làm hoài vậy đó Thầy?
(34:29) Trưởng lão: Tức là con chưa có đủ lực của ý thức để mà điều khiển. Chứ mình điều khiển thí dụ như bây giờ đó, khi mà ở Tu viện này giờ giấc như vậy, con về nhà mình cái hoàn cảnh nó không có được giữ như giờ giấc ở trong Tu viện. Bắt đầu mình thay đổi theo hoàn cảnh nhà, thì nó phải nghe, mà đến Tu viện nó phải nghe, nó làm đúng ở đâu nó ra đó hết. Mình điều khiển nó lúc nào cũng được.
Thí dụ như bây giờ, ở Tu viện là phải từ 10 giờ đến 2 giờ mới thức dậy, thì con về nhà con, thì cái hoàn cảnh mà từ 10 giờ đến 2 giờ này thức dậy như vậy, thì cái hoàn cảnh ở trong gia đình của mình nó không thể mà ngủ như vậy được, thì nó phải sai khác. Thì mình bảo làm sao nó phải nghe như vậy hết, thì tức là mình chủ động mình điều khiển được cái ngủ của mình rồi.
(35:12) Còn con thì nó điều khiển theo cái tưởng của nó. Cho nên lúc ở đây thì nó vậy, mà khi mà có thay đổi cái điều kiện, cái hoàn cảnh của nó,thì bắt đầu nó theo cái hoàn cảnh kia được rồi, thì cái này nó lại khác xa, nó không có theo điều kiện cái này được. Thì như vậy là con chưa làm chủ nó được, mà nó đang ở trong cái chủ động của cái tưởng của con, cái cách thức của nó ở trong tưởng.
Phật tử: Bây giờ con phải làm sao để mà cho nó được trọn vẹn Thầy ? Tại vì con cảm nhận như là con biết cách để mà con phá cái ngủ.
Trưởng lão: Đúng rồi, bây giờ thì con phải tu cho tới cái đề mục thứ 17 rồi đó, nó mới phá trọn vẹn. Bởi vì cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, cái đề mục "Với tâm định tĩnh" đó, nó sẽ phá con hoàn toàn, nó không có còn cái sức mê nữa, nó còn một chút. Cho nên nó là cái đề mục thứ 17 ở trong 18 cái đề mục, nó là cái đề mục thứ 17.
Sau đó nó mới, “với tâm giải thoát hoàn toàn”, nó là cái đề mục cuối cùng đó con. Mình chỉ còn có một chút xíu. Bởi vì nó chỉ còn sơ sót một chút, mình sẽ nhận được cái niệm si của mình nó còn một chút. Thì bởi vì, bắt đầu bây giờ đó thì con sẽ luôn luôn con tu tập, thì con dùng cái đề mục đó, con ngồi.
(36:07) Mặc dù là nó rất tỉnh, chứ không phải không tỉnh, nhưng mà con nhắc để nó vun thêm cái sức tỉnh ngầm bên trong của con, hoàn toàn để cho nó hoàn toàn nó rất tỉnh, mà từ đó con mới thấy cái chủ động của con trong cái ngủ, mà không còn bị một chút nào đó, nó mê. Đó, con chỉ còn chút xíu thôi, nhưng mà cũng phải tu tập cái này nhiều đó, cái đề mục đó.
Bởi vì đức Phật đã trang bị cho mình sẵn sàng những cái đề mục đó hết rồi, chớ đâu phải.. Thí dụ các con bây giờ hãy còn mê quá, mà các con dùng cái câu tác ý đó, thì không được đâu, nó đến mòn mỏi, rồi nó còn một ít, nó mới dùng đến nó, tới cái đề mục thứ 17 mới dùng nó chớ đâu phải.
Thì kèm theo là cái phương pháp Thân Hành Niệm đó, con lập tuần tự, con tập kỹ từng hành động của mình cho nó cụ thể rõ ràng, để cho cái ý thức của mình nó đi trước cái hành động của nó. Thì do đó nó sẽ tỉnh tất cả mọi cái, cái này nó hộ trợ cái kia, cái kia nó hộ trợ cho cái phương pháp tu của mình rất nhiều.
(36:59) Đó cho nên mình tu tập đều đặn, đều đặn để rồi mình giữ gìn trên cái Thân Hành Niệm, mình tu trên Thân Hành Niệm để khắc phục tham ưu đó, để mình đẩy lui các chướng ngại pháp đó.
Cái thời gian mà mình ngồi nó nhẹ nhàng, mà mình đẩy lui được chướng ngại pháp hết trên thân của mình, nó không còn cái chướng ngại gì nữa. Mà được kéo dài 12 tiếng đồng hồ, thì coi như mình hoàn tất được con đường tu của mình.
Mà nếu mà được 24 tiếng đồng hồ thì càng tốt nữa. Nghĩa là 24 tiếng đồng hồ, 1 ngày, 1 đêm thôi không có nhiều, thì các con thấy đó nó sẽ không có cái chướng ngại nào mà xảy ra trên thân. 24 tiếng đồng hồ mà không ngứa, không đau, không nhức, không niệm, ở trong đầu mình không niệm gì, hoàn toàn nó im phăng phắc, mà nó an lạc, nó “an tịnh thân hành, an tịnh tâm hành” đó. Hai cái trạng thái này nó hiện ra rất rõ ràng, mà nó kéo dài suốt 24 tiếng.
(37:51) Nói chung là đức Phật đã xác định nó 12 tiếng đồng hồ. Tức là Nhất Dạ Hiền, có một đêm đó, thì cái bài Nhất Dạ Hiền, nếu mà cho 24 tiếng đồng hồ, nếu mà một đêm 12 tiếng đồng hồ được thì 24 tiếng đồng hồ cũng dễ dàng lắm. Tức là một đêm mà thân tâm nó an lạc như vậy đó, nó không có một chút xíu gì mà bị, một chút xíu gì bị chướng ngại trong đó đó, thì coi như là mình đẩy lui chướng ngại pháp hết rồi.
Vì vậy mà nếu mà thân tâm được như vậy, là con hoàn tất con đường đi rồi. Chỉ có 12 tiếng đồng hồ thôi, đó Nhất Dạ Hiền đó. Nhưng mà làm sao mà 12 tiếng đồng hồ mà nó không xảy ra trên thân mình một cái cảm giác gì !? Nghĩa là luôn luôn an lạc, và tâm mình nó không có tạo, nó không khởi một cái phóng dật, phóng niệm gì, mà suốt 12 tiếng đồng hồ là hoàn tất đó con.
Cái điều đó là điều đã được xác định ở trong kinh rất rõ rồi, nhưng mà mình làm chưa được thôi. Mình thí dụ bây giờ 1 giờ, 2 giờ hay 3 giờ mình có thể an trú được, nhưng mà kéo dài nữa mình không an trú được. Cho nên vì vậy mà các con tu tập, các con nối riết cái thời gian lại, cho nó an trú được 12 tiếng đồng hồ, thì nó có chuyện với mấy con.
(38:57) Đó thì bây giờ thì nó có những cái phương pháp, con thấy những cái chỗ nào mà mình còn phải tu tập nhiều, thì mình phải tu tập nhiều cái phần đó. Còn cái chỗ nào mà mình thấy cái đó là mình đã làm được rồi, thì mình bớt cái đó đi, mình không có tu tập cái đó nữa, mà mình tu tập những cái mà cần thiết cho mình đang còn thiếu.
Đó thí dụ bây giờ con thấy sức định tĩnh con còn thiếu, cái sức phòng hộ của con nó còn thiếu, thì mình phải phòng hộ. Như Minh Thành đó, sức phòng hộ còn thiếu, phải tu về sức phòng hộ. Còn con cái sức mà tỉnh thức còn thiếu, thì phải tu cái sức tỉnh thức. Bởi vì mình có tỉnh thức, chứ không phải không có, nhưng còn một ít, chưa tốt.
Cho nên vì vậy mà qua cái phần trình bày của con, thì Thầy khuyên con nên tu cái đề mục mà "Với tâm định tỉnh". Để nhắc cho nó định tỉnh hoàn toàn, rồi nó sẽ đẩy lui. Rồi từ đó mình cũng tu những cái pháp như Thân Hành Niệm hoặc Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu của nó. Lần lượt mình thấy được rồi, bắt đầu mình kết hợp ở trên Tứ Niệm Xứ hoàn toàn, thì đương nhiên là mình thành tựu, nó tỉnh thức luôn.
Phật tử: Con có, giống như là khi mà con đi mà con để cái đèn thật là mờ đó, chỉ mà đủ để mà con bước đi thôi đó, thì con thấy nó dễ định tỉnh hơn là bật đèn sáng, lúc mà 2 giờ sáng, thức dậy bật đèn thiệt sáng đó, thì Thầy thấy vậy có được không?
(40:21) Trưởng lão: Được chứ con, tùy theo con. Khi nào mình an trú được, tâm mình định tỉnh mà an trú được, thì có lúc con cần đèn tỏ, thì con phải cần đèn tỏ, có lúc mờ thì con tạo cái hoàn cảnh, cái môi trường sống của mình cho nó phù hợp, để cho mình an trú cho được. Đó cũng là cách thức thiện xảo đó con.
Cho nên thí dụ như bây giờ trong cái nhà mình nó hơi chật, thì mình đi ra ngoài cũng là cách thức thiện xảo đó. Cũng đi kinh hành, mà trong cái chật này thì nó làm cho mình khó an trú. Mình đi rộng ra ngoài nó an trú dễ, thì mấy con phải thiện xảo hết. Từ cái hành động, mỗi cái mà nó không an trú được, là các con có quyền thay đổi cái vị trí.
Thay vì mình đi ở trong cái vòng hẹp này mình thấy an trú được, mà đi cái vòng rộng hoài, sao thấy cái tâm dễ phóng dật quá, thì mình vô cái vòng hẹp. Phải làm sao cho an trú được, làm sao mà có kết quả ngay liền trong khi mình ôm pháp mình tu, là có kết quả. Mà cái danh từ mà gọi là an trú, cái danh từ an trú, nghĩa là mình an trú được ở trong cái pháp. Mình an trú trong cái pháp đó.
Phật tử: An trú ở đây có nghĩa là tâm thì mình không có phóng, mình không có phóng tâm, mà mình cảm thấy thanh thản, an lạc, nhẹ nhàng, cơ thể mình càng lúc càng nhẹ nhàng?
(41:32) Trưởng lão: Càng nhẹ nhàng, đúng vậy đó con. Mà không bị ức chế.
Phật tử: Mà không có ức chế.
Trưởng lão: Đó, cái đó là đúng đó, an trú. Thành ra mấy con cứ tu mà mấy con an trú được, thì đúng pháp. Mà an trú không được thì sửa tới sửa lui, sửa chừng nào cho được. Dùng cả cái trí tuệ mình tư duy, suy nghĩ lớn lắm đó con. Cũng như làm cái bài toán mà đáp số đó, an trú được là đáp số được. Mà an trú chưa được thì chưa đáp số được cái bài toán đó.
Cho nên, tuy là cái pháp dạy mấy con tu tập, nhưng mà khi tu mà các con an trú không được, thì mình phải tư duy suy nghĩ, phải làm bằng cách nào đấy an trú cho được. Cũng từ trong cái hơi thở đó, các con có thể thay đổi ngắn, dài, chậm, nhẹ gì, tất cả, nhưng mà không được làm rối loạn cơ thể.
(42:12) Hễ rối loạn cơ thể, các con thử xem, năm, mười hơi thở, mà nghe nó mệt hoặc nghe có gì nó căng, thì nó trật, như vậy là không được, mình quá. An trú kiểu này không được, thành bệnh, không được, cho nên mình thay đổi lại.
Cho nên người ta, trong khi dạy rồi, mấy con tập luyện trong một ngày, hai ngày, mấy con rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm mấy con. Chứ không phải là dạy đâu mấy con, cũng như là cuội dạy đâu làm theo đó, dạy đâu làm theo đó, làm riết rồi không có người nào đạt được gì, không an trú được. Mà cứ tập hoài tháng này qua tháng khác, thì nó, trời ơi tu như vậy mất thời giờ rất nhiều, mà nó không phát được cái trí tuệ của con thêm tí nào hết, cho nên nó không sáng suốt, nó không có sáng suốt
Còn cái này người ta, khi mà dạy rồi, các con về, bắt đầu dạy đi kinh hành. Mà đi kinh hành mình thấy an trú được, thì mình ôm cái pháp mình đi. Còn nó không an trú được, thì mình có quyền thay đổi để mà an trú được chứ. Nhưng mà mình vẫn đi kinh hành, chứ đâu phải là mình ngồi hoặc là mình làm cái chuyện khác đâu. Cho nên vẫn đi kinh hành mà vẫn an trú được con.
Nhưng mà thiện xảo cách nào, mà đi kinh hành để an trú được !? Đó bây giờ thí dụ như Thầy nói các con này, thí dụ như Thầy nói là cái đề mục đầu tiên "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Bây giờ con tác ý rồi, bắt đầu con hít thở một hơi thở nè, phải không ?
(43:29) Rồi còn, Thầy dặn các con 5 hơi thở chứ gì, rồi mới tác ý một lần. Nhưng năm hơi thở đó vẫn còn có niệm khởi, ta chưa an trú được trong năm hơi thở này trọn vẹn. Tức là nó còn phóng niệm ra. Thôi bây giờ khéo léo mình thiện xảo, mình bớt lại còn bốn hơi thở đi coi coi. Bốn hơi thở, bốn hơi thở một lần. Lần thứ nhất, lần thứ hai thấy an trú được, lần thứ ba cái nó đè nó lộn tới năm hơi thở. Như vậy là không được,nó chưa an trú được.
Bắt đầu bây giờ mình lui trở lại một hơi thở, còn ba hơi thở coi. Ba hơi thở, nhưng làm một hơi cái nó cũng tới năm hơi thở, nó nhớ lại. Như vậy là cũng chưa được. Do đó thì mình làm lui lại nhiều lần cho tới một hơi thở coi thử coi làm sao. Cứ một hơi thở ta tác ý một lần, hơi thở tác ý một lần, phải không?
(44:11) Bây giờ khi hít vô, nhắc "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". À bây giờ mình phải làm cho kỹ cái hơi thở nghe. Hít vô, rồi thở ra, phải không, bây giờ ta nhắc lại phải không, ta nhắc cho kỹ đó. Mình tự mình độc thoại với mình, mình nhắc nhở mình, tức cái hơi thở một lần một hơi thở. Gọi là tu từng hơi thở mấy con.
Nghĩa là năm hơi thở mình thấy an trú không được, bắt đầu tui thay đổi cách thức này để mà tôi an trú cho được. Do đó bây giờ tôi an trú, tôi cứ mỗi lần tôi nhắc nó một câu rồi, thì tôi hít vô, tôi thở ra, tôi xem xét hơi thở. À như vậy là mình an trú được một hơi thở, phải không?
(44:46) Bắt đầu bây giờ đó mình nhắc nó lại nữa, ta nhắc cho kỹ đó nghe không, mày làm năm hơi thở thì mày làm không đúng đâu nha. Cho nên vì vậy ta nhắc lại lần nữa, cái nó làm hơi thở được nữa. Rồi cuối cùng đó mình thấy mình ngồi 30 phút mà có một hơi thở mà mình tu rất là tốt. Phải an trú được hơi thở mấy con.
Tôi nhắc nó hoài, mà tôi mỗi lần tôi nhắc nó vậy, mà nó làm rất kỹ chứ. Như vậy là tôi thấy tôi nhắc nó, cứ mỗi hơi thở tôi nhắc nó một lần, chứ mà nó an trú tốt, phải không? Như vậy cuối cùng mấy con thấy, mình thành công được rồi. Vậy thì bây giờ đó, tôi tập một thời gian sau đó cái tôi năm hơi thở cái tôi được. Có gì đâu, phải không?
Bây giờ tôi trở lại năm hơi thở tôi thấy an trú quá, không có gì hết. Hễ tôi nhắc: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra”, bắt đầu cái hơi thở tôi, cái hơi thở bắt đầu nó thông suốt. Mới đầu con nhắc cứ từng hơi thở như vậy đó. Sau đó rồi con nhắc cái con thở, tự cái hơi thở nó thông suốt lắm mấy con, nó thông suốt hết. Cho nên nó an trú.
HẾT BĂNG