PHẠM HẠNH CỦA NGƯỜI TU THIỀN
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời lượng: [1:02:28]
(00:01) Hôm nay, Thầy giảng thực hành thiền định về hơi thở, quý Phật tử cùng Thầy niệm hồng danh Đức Phật.
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (3 lần)
Hôm nay, Thầy dạy quý Phật tử thực hành Thiền định, không còn dạy lý thuyết suông, giải thích lòng vòng làm mất thì giờ vô ích. Đối với sự thực hành này, nếu quý Phật tử cố gắng một chút thì ngay tức khắc đã có kết quả nhất tâm dễ dàng.
Thay vì quý Phật tử phải chờ đợi cho đến khi nào Thầy ra thất, đó là một lý do chánh đáng mà Thầy đã vạch ra một đường lối hướng dẫn tuần tự tu tập có căn bản, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, để cho mọi người ai cũng thực hành được và cũng đạt được kết quả nhất tâm tốt đẹp như nhau. Quý Phật tử hãy lắng nghe cho kỹ và cần nên để ý những gì mà Thầy đã dạy hôm nay. Tu tập thiền định không nên vội vàng, luôn phải khắc ghi trong lòng mười điều tâm niệm quan trọng dưới đây:
(2:42) Ngoài sự tu tập thiền định quý Phật tử còn phải sống đúng giới hạnh của người tu thiền.
1- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức thì không thể nào đem thiền đạo hoặc kinh điển Phật ra thuyết giảng giữa đám tang, đám cưới, đám giỗ, ngày kỵ, hoặc trên xe, bên lộ, trên hè phố v.v và v.v.
2- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức thì không thể nào đem thiền đạo hoặc kinh điển Phật ra tranh luận hơn thua cao thấp.
3- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức thì không thể nào dùng thiền đạo hoặc kinh điển Phật ra bài bác những tôn giáo khác, hoặc những pháp môn tu hành khác.
4- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ có giọng cười hách dịch, phách lối, có giọng nói thô lỗ, tục tằn.
5- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ đem việc chánh trị ra bàn.
(04:32)
6- Một người tu thiền định có giới Đức đầy đủ không thể nào để danh lợi làm mờ mắt mình.
7- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không thể nào để sắc đẹp cám dỗ lôi cuốn.
8- Một người tu thiền định có Giới đức không bao giờ ăn phi thời hoặc ăn uống lặt vặt.
9- Một người tu thiền định có Giới đức không bao giờ ham ngủ, thích đi du hí du thực.
10- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói chuyện phi thời, nói chuyện tào lao, nói chuyện vô ích.
11- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ cười nói một lượt, hay trong lúc ăn nói chuyện.
12- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ đem chuyện người này nói chuyện người kia, để khiến cho mọi người bất hòa thù giận nhau.
13- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ thiếu hạnh nhẫn nhục, thiếu hạnh kham nhẫn.
(06:32)
14- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ thiếu lòng tha thứ, thiếu lòng từ, bi, hỉ, xả.
15- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức bao giờ cũng biết đủ, ít ham muốn.
16- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức sống một cuộc đời tùy thuận và an vui, bằng lòng mọi sự việc, mọi hoàn cảnh và mọi đối tượng.
17- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ giết hại chúng sanh, làm cho chúng sanh đau khổ.
18- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ thiếu giữ gìn vệ sinh nội thân và ngoại cảnh để cho cơ thể và nơi ở toát ra mùi hôi làm mọi người xung quanh khó chịu.
19- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức bao giờ cũng thấy những lỗi nhỏ của mình là quan trọng đối với đời tu hành của mình.
20- Một người tu hành thiền định có đầy đủ Giới đức thì từ bỏ sát sanh, tránh xa sự sát sanh vì sát sanh là làm đoản mạng chúng sanh, gây sự chết chóc đau thương kẻ sống cũng như người chết. Khi có sự vô tình làm chúng sanh đau khổ hoặc chết chóc thì tự thấy rất là xấu hổ, rất là đau lòng, lúc nào cũng gìn giữ tâm từ, lòng thương xót và nghĩ đến hạnh phúc của người khác, của các loài vật khác.
(09:02)
21- Một người tu hành thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ lấy của không cho, tránh xa sự lấy của không cho, chỉ nhận những vật đã cho, sống một đời sống trong sạch, không có tâm tham lam, trộm cướp, và còn phải biết mọi người làm ra miếng sống, hoặc của cải, tài sản phải đổi lấy bằng mồ hôi, nước mắt rất là vất vả, khổ sở, phải chịu cháy da, phỏng cát mới có được của cải, tài sản.
22- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ dùng tà hạnh, từ bỏ dâm dục hèn hạ, không để tâm bị sắc dục lôi cuốn, không để tâm ham muốn dâm dục, phải từ bỏ, phải tránh xa, phải tu phạm hạnh, và còn phải biết dâm dục là nguồn gốc của tái sanh luân hồi, tạo nên nhiều đời kiếp tiếp khổ đau.
23- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói láo, thường tránh xa sự nói láo, luôn nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật mà nói, nói lời chắc chắn đúng đắn, tin cậy, không lừa gạt, không phản phúc, nói lời hứa giữ gìn rất đúng, không bao giờ sai lời hứa đối với đời, cũng như đối với một ai.
(10:50)
24- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói lưỡi hai chiều, tránh xa sự nói hai chiều, nghe điều gì ở chỗ này không đi nói đến chỗ kia, để sanh chia rẽ những người này; nghe điều gì chỗ kia, không đi đến nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; thường sống hòa hợp trong mọi đoàn thể, thường nói những lời đưa đến hòa hợp, không nói lời tranh đua cao thấp.
25- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói lời độc ác, nói lời thô lỗ, nói lời tục tĩu, nguyền rủa, chửi mắng, thề thốt, chửi thề, thường nói những lời không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thanh tao, lời nói đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, ôn hòa, nhã nhặn.
26- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói lời phách lối, tránh xa những lời phách lối, nói lời khinh khi người, nói lời chê trách người, mạ nhục người, phỉ báng người, thường dùng lời chân thật khen tặng người, lúc nào cũng nói đúng thời, lời nói có đầy đủ ý nghĩ chân chánh, không nói cà rỡn, nói đùa, nói mỉa mai, nói móc họng, nói lời chua chát, thường nói những lời về chánh pháp, nói những lời về đức hạnh, nói những lời được mọi người giữ gìn, nói những lời hợp thời, thuận lý không nói đùa, nói giỡn, nói có mạch lạc, có hệ thống và có ích lợi cho mọi người.
(13:08)
27- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức mỗi ngày ăn một bữa, không ăn ban đêm, không ăn lặt vặt; từ bỏ không ăn ban đêm; từ bỏ không ăn phi thời; từ bỏ không đi xem hát, ca hát, nhạc kịch; từ bỏ không trang sức, vòng hoa, hương liệu, dầu thơm và các thứ thời trang; từ bỏ nằm giường cao rộng, đẹp, sang; từ bỏ không cất giữ tiền bạc, vàng bạc; từ bỏ không nhận người làm, người hầu, kẻ hạ hoặc nam hoặc nữ; từ bỏ các nghề Thầy thuốc, Thầy ký, Thầy thông, buôn bán, môi giới, hôn nhân; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, đo lường, tiền bạc; từ bỏ lo lót, hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ sát hại cấm túc, làm thương tổn, bức đoạt, cướp phá và trộm cướp.
28- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống theo các du hí như ca hát, nhạc kịch, ngâm vịnh, nhịp tay, nhịp chân, tụng chú, tụng niệm kinh giọng cao, giọng thấp, giọng trầm, đánh trống, gióng chuông, diễn các tuồng thần tiên, mãi võ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò, đấu cừu, đá gà, đá chim cun cút, đấu gậy, đấu quyền, đô vật, đánh giặc giã, dàn trận, thao dợt, diễn binh, lúc nào cũng từ bỏ những loại du hí như trên.
(15:20)
29- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống với nghề đánh bài, gian lận, và không theo các trò giải trí như cờ tướng, cờ tam hình, bát hình, cờ gánh, các trò chơi trên đất, nhảy cò cò, ô quyền, chơi quăng thẻ, chụp khăn, bắt mọi, đánh bài, cút bắt, chơi xúc xắc, chơi khăng, lấy tay làm viết, làm chó, làm mèo, đá banh, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, thổi kèn, chơi xe con, búp bế, cung tên, khiêng kiệu bằng tay, bắt chước, nhá nhại điệu bộ của người khác, chế giễu, méo miệng làm ma, lè lưỡi làm quỷ.
30- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống giường cao rộng lớn, ghế bành, ghế dài, ghế chạm trổ, cẩn ngọc, cẩn vàng, và các thứ gỗ quý, vải trải giường bằng len, vải trải giường, bàn, ghế, nhiều tấm, nhiều màu chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, nệm thêu hình các con thú, mền bằng bông, mền bằng lông thú, cả hai phía mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tất cả những loại dùng ở trên đều phải từ bỏ.
(17:17)
31- Một người tu thiền định có đầy đủ giới đức không bao giờ dùng đồ trang sức, mỹ phẩm, thân hình ẻo lả, thướt tha, kem đánh mặt, vòng hoa và phấn son, phấn mặt, sáp mặt, gậy cầm tay đầu rồng, đầu rắn, ống thuốc hút, ống trầu, dép thêu, khăn thêu, khăn đầu thêu, khăn tay thêu, phất trần, vải trắng có viền tua dài.
32- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nói chuyện vô ích, nói chuyện tầm phào, nói chuyện chánh trị, vua chúa, nói chuyện trộm cướp, nói chuyện về binh lính, nói chuyện về hãi hùng, nói chuyện chiến tranh, nói chuyện về ăn cắp, dâm dục, nói chuyện về vải mặc, giường nằm, vòng hoa, hương liệu, thuốc thang, bà con, xe cộ, làng xóm, thị tứ, thành phố, nói chuyện thế giới, nói chuyện đàn bà con gái, nói chuyện đàn ông, nói chuyện anh hùng, quân tử, tiểu nhân, nói chuyện bên lề đường, bên giếng nước, nói chuyện người chết, xe đụng, nói chuyện nạn tai thủy hỏa, nói chuyện tạp thoại, thần thoại, tiên thoại, Phật thoại, nói chuyện ma, chuyện quỷ, đồng cốt, bói khoa, nói chuyện đất sụp, núi lửa.
33- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống bàn luận, tranh chấp về luật pháp, về tà kiến, chánh kiến, về thiên thời, địa lợi, thiên văn, địa lý, bàn chuyện cổ kim, tranh hơn, tranh thua, tranh cao, tranh thấp, luận thiền, luận đạo, luận kinh, luận luật, v.v.
34- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ đứng ra làm môi giới, chánh trị, từ thiện, xã hội, môi giới trai gái, thanh niên, môi giới buôn bán làm ăn các thứ nghề, đưa tin tức qua lại, liên lạc chánh trị, thời sự.
(20:11)
35- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống lừa đảo, nói lời xiểm nịnh, a dua, gợi ý, gièm pha, lấy lợi, cầu lợi, cầu danh.
36- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ tự nuôi thân sống bằng những tà hạnh, quay tay, đoán quẻ, bói khoa, chiêm tinh, xem tướng, đoán mộng, xem ngày tốt xấu, xem tuổi cất nhà, cưới vợ, gả con, cúng tế, quỷ thần, cầu an, cầu siêu, trừ bệnh, trừ thần, trừ linh, ếm bùa, ếm chú, trị bệnh tà ma, lên đồng, lên cốt, hốt thuốc, chích thuốc, trâm cứu, rờ mó, đấm bóp trong thân người khác, ôm ẵm, hôn hít, vuốt ve, nựng nịu.
37- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ nuôi thân bằng tà nghiệp như làm nghề xem tướng, xem ngọc, vàng tốt xấu, xem nốt ruồi đàn bà, đàn ông, thiếu niên, thiếu nữ này tốt tướng, thiếu niên kia xấu tướng, tướng này làm quan, tướng kia làm tôi tớ, tướng này nghèo khổ, tướng kia giàu sang, tướng này làm thầy, tướng kia làm thợ, tuổi này sung sướng, tuổi kia khổ đau, coi soái trâu bò, dê, ngựa, chó, bò cái, bò đực.
(22:17)
38- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới hạnh không bao giờ làm chánh trị, quân sự, hoặc bàn vua này thắng, vua kia thua, nước này thắng, nước kia thua, nước này bại trận, nước kia thắng trận, tướng này đánh giặc giỏi, tướng kia đánh giặc dở.
39- Một người tu thiền định có đầy đủ Giới đức không bao giờ sống bằng những nghề xem đoán Nhật thực, Nguyệt thực, xem các tinh tú, sao chổi, sao băng, động đất, núi lửa, sấm sét rung động, báo điều thất mùa, tai nạn binh đao, hỏa tai, thủy lạ, năm thất mùa, năm trúng mùa, mưa nhiều, mưa ít, hạn nhiều, hạn ít, được mùa, mất mùa, viết văn, làm thơ, luận kinh, viết sách khiến cho người đời sau kiến chấp vào đó mà mất nhân giải thoát.
Trên đây là những đức hạnh của người tu thiền định, nếu ai không giữ gìn đúng những giới hạnh này mà tu thiền thì được xem như tu thiền tà đạo không phải Phật đạo.
Này quý Phật tử, tu thiền định không phải chỉ có biết tu thiền định mà thôi mà còn phải tu tập giới Đức, nếu không tu Giới đức thì không đúng con đường tu hành thiền định của Đạo Phật. Đạo Phật gọi tu giới là tu phạm hạnh. Ở đây Thầy gọi Đức hạnh của người tu thiền. Người tu thiền định của Đạo Phật không sợ lạc thiền tà vì luôn lấy giới luật của Phật làm nền tảng vững chắc cho sự tu thiền định của mình. Nhờ nền tảng Đạo đức Giới luật này quý Phật tử tu thiền định mới thấy được kết quả hữu hiệu, lợi ích, thiết thực làm chủ thân tâm rõ ràng, lìa xa tâm ái dục, tham lam, sân hận, cụ thể. Vì thế không sợ tu sai, tu lạc.
(25:00) Tóm Lại quý Phật tử cần phải nhớ kỹ Mười Điều Tâm Niệm dưới đây để tu tập rèn luyện Đức Hạnh của người tu thiền.
1- Phải đặt lòng tin nơi sự hướng dẫn của Thầy, phải tin tưởng rằng Thầy sẽ đưa quý Phật tử đến chỗ làm chủ sanh tử luân hồi.
2- Phải đầy đủ nhiệt tâm đối với con đường tu hành giải thoát.
3- Phải cố gắng tập trung tư tưởng đối với hơi thở từng giây từng phút, chú ý rất cẩn thận và rất thận trọng, không được để một giây, một phút lơ là.
4- Trong khi tu tập thiền hơi thở không được để tâm xao lãng dù chỉ một giây, phải tập tỉnh giác suốt thời công phu, thận trọng hết sức mình.
(26:19)
5- Khi gặp mọi hoàn cảnh khó khăn trên bước đường tu hành cũng như trong lúc công phu thực hành thiền định phải bền tâm, vững chí, kiên trì, bền lòng, chắc dạ, giữ vững lập trường, không để sự xuyên tạc bên ngoài đánh lạc hướng, quyết không bỏ sự tu hành giữa đường.
6- Phải ăn uống đúng giờ giấc, có tiết độ, không nên ăn uống lặt vặt phi thời và ăn đêm.
7- Tập ít giao du tiếp khách.
8- Tập sống độc cư cô đơn.
9- Tập ít muốn, thường biết đủ.
10- Tập kham nhẫn, nhẫn nhục xem mọi việc trên thế gian đều vô thường, tập an vui trong mọi hoàn cảnh, thường sống bằng lòng mọi sự việc đối với mọi người.
Ở đây quý Phật tử phải biết bước đầu tiên trên con đường tu tập thiền định, mọi người muốn tu thiền định phải trang bị cho mình một tín lực. Muốn trang bị cho mình một tín lực đầy đủ thì quý Phật tử hãy chờ đợi Thầy ra thất. Thầy sẽ đem lại cho quý Phật tử một tín lực rất đầy đủ. Nhờ đó quý Phật tử mới đủ sức kiên trì, bền bỉ, dẻo dai, chiến đấu từng tâm niệm của mình.
(28:11) Một lần nữa Thầy xin nhắc lại, ở đây quý Phật tử phải biết chỉ có khi nào Thầy ra thất cùng với quý Thầy mới đem lại cho quý Phật tử một niềm tin sâu đối với Phật pháp cũng như đối với con đường tu tập Thầy. Còn hiện giờ nói về tín lực của quý Phật tử thì còn xa lắm và khó lắm. Đây quý Phật tử mới chỉ có một lòng tin nho nhỏ mà thôi, dễ thì quý Phật tử tu chơi, khó thì chạy bỏ theo pháp môn khác. Chỉ khi nào Thầy ra thất cùng với quý Thầy mang lại cho quý Phật tử thấy tận tay, tận mắt kết quả công phu tu tập mà quý Thầy đã thành tựu, quý Phật tử sẽ nghe và sẽ thấy rõ ràng sức thành tựu giới luật, thiền định và trí tuệ.
Nhưng lúc bây giờ quý Phật tử đang chờ đợi Thầy ra thất thì thời gian này bỏ trống không quá uổng. Còn nếu tu không đúng cách thì luống uổng công phu. Vậy bây giờ không để mất thì giờ, quý Phật tử hãy theo lời dạy của thầy mà tu tập để có một căn bản vững chắc sau khi quý thầy ra thất sẽ mở khóa tu thiền, thì quý Phật tử sẽ được nhập viện tu tập, thì sự tu tập của quý Phật tử sẽ được dễ dàng và nhanh chóng.
(30:15) Bây giờ quý Phật tử cùng Thầy đi ngay vào thực hành, không nên lý thuyết dài dòng.
Bắt đầu ngay đây quý Phật tử mỗi vị phải có một chiếc đồng hồ báo thức, chiếc đồng hồ báo thức này là trang bị cho quý Phật tử một tinh thần tinh tấn siêng năng, nếu quý Phật tử không có đồng hồ báo thức thì dễ sanh ra tâm lười biếng, trễ nải giờ giấc, lâu ngày sẽ trở thành thói quen dễ dãi.
Bây giờ quý Phật tử chuẩn bị ngồi kiết già, nếu Phật tử nào chưa ngồi kiết già được thì lần lượt sẽ tập sau. Còn hiện giờ thì ngồi bán già.
Quý Phật tử đã ngồi xong chưa? Ở đây quý Phật tử nào chưa bao giờ tu tập thiền định thì bắt đầu chú ý theo Thầy. Lắng nghe kỹ lời dạy của Thầy. Còn những Phật tử nào đã có tu tập thiền rồi, dù bất cứ một pháp môn thiền nào thì hãy chờ đợi một lát nữa Thầy sẽ dạy sau.
Bây giờ quý Phật tử đã ngồi xong. Bắt đầu hít vô một hơi thở mạnh, và sâu đến khi nào không còn hít vô được nữa mới thôi, nương theo hơi thở này xương sống nâng lên thẳng đứng, giữ xương sống thẳng đứng này, ở tư thế này rồi từ từ thở ra cho hết. Khi thở ra hết vẫn giữ tư thế ngồi thẳng xương sống, nhìn phía trước mặt cách chỗ ngồi tám tấc, chú ý tại nơi hai lỗ mũi, biết rõ hơi thở hít vô, thở ra, cảm giác hơi thở và sự vận dụng hít vô, thở ra của mũi, cổ, ngực, và bụng.
(32:53) Bây giờ quý Phật tử còn nhớ lại hơi thở Thầy đã chọn, lực hơi thở và sức lực nhiếp tâm của Quý Phật tử, vậy quý Phật tử hãy lấy hơi thở đã chọn để tu tập ngay bây giờ.
Chú ý:
Hít vô, thở ra đếm “Một”. Đếm xong “Một” nghỉ nửa phút, nghỉ xong nửa phút bắt đầu chú ý.
Hít vô, thở ra, đếm “Một”.
Đếm xong “Một” nghỉ nửa phút.
Nghỉ xong nửa phút, bắt đầu hít vô, thở ra đếm “Một”.
Đếm xong “Một” nghỉ nửa phút, và cứ tiếp tục tu như vậy cho đến khi đúng ba mươi phút rồi xả nghỉ.
Suốt trong thời gian tu ba mươi phút, quý Phật tử luôn giữ tư thế ngồi kiết già, lưng thật thẳng, không nhúc nhích, không động đậy. Quý Phật tử cần nhớ kỹ chỗ này: Đếm “Một” mà thôi, không được đếm “Hai”, “Ba”, “Bốn”, “Năm”. Đây là Pháp môn tu một hơi thở cho người kém sức tập trung. Và bất cứ người nào, ai tu cũng được. Đây phải nói là trình độ tu thấp nhất của pháp môn hơi thở. Một Hơi Thở quý Phật tử phải hiểu cũng là trình độ cao nhất của Pháp môn. Nếu quý Phật tử tu hành kỹ lưỡng, thận trọng, cẩn thận, chú ý từng phút, từng giây, từng hơi thở quý Phật tử nhập định dễ dàng.
Ở đây quý Phật tử đừng khởi tâm xem thường Pháp môn tu Một Hơi Thở. Tuy thấy rất dễ dàng, mà nó cũng rất khó vô cùng. Tu Một Hơi Thở rất căn bản cho người tập luyện thiền định. Quý Phật tử ở đây cần phải nhớ kỹ: Tu phải đều đặn, giờ giấc phải giữ gìn nghiêm túc, đừng tu theo một nắng, hai sương, hoặc ham thì tu nhiều, lúc hết tham thì tu ít, tu như vậy khó thành tựu được đạo quả.
(36:33) Trong thời gian tu tập “một” hơi thở, quý Phật tử không được tự ý thay đổi cách tu, mà phải theo đúng lời dạy của Thầy. Nếu thay đổi tu sai hoặc tăng lên hai, ba hơi thở thì đó cũng là tu sai. Quý Phật tử phải biết chỉ tu một hơi thở mà thôi. Chuyên cần và duy nhất theo đúng kiểu cách Thầy hướng dẫn. Còn nếu tự ý ham tu nhiều hơn, làm sai lời dạy của Thầy thì kết quả sẽ không bao giờ có được. Tu lâu ngày sẽ bỏ cuộc thối tâm.
Sau ba tháng chuyên cần tu tập một hơi thở như vậy. Quý Phật tử sẽ đến trình Thầy và trình lại công phu tu hành, Thầy sẽ dạy tiếp.
Quý Phật tử là những người cư sĩ gia duyên rất nhiều, cuộc sống đang nặng trên vai vì thế quý Phật tử nên chọn hai thời buổi tối và buổi khuya. Chọn giờ nào yên tĩnh trong khu vực của mình ở rồi mới tập tu ba mươi phút.
(37:59) Sự tu hành cần thiết nhất là phải cố gắng giữ gìn một hơi thở có chất lượng, không cho một niệm vọng tưởng xen vào trong khi tu tập. Còn hoàn toàn trong khi giờ nghỉ, có vọng tưởng hay không vọng tưởng cũng không sao, đều tốt tất cả. Đừng lúc nào cũng kiềm chế tâm, không cho vọng tưởng khởi là một cách tu vô ý thức, sai lầm. Tu như vậy sẽ không đưa hành giả nhập định được. Chỉ đưa hành giả ở trong trạng thái lưng chừng.
Ở đây quý Phật tử cần phải hiểu rõ chỗ này hơn, sự tu hành của chúng ta không phải diệt vọng tưởng, diệt tác ý. Nếu diệt vọng tưởng, diệt tác ý quý vị sẽ trở thành như cây, như đá, như loài vật, không biết phân biệt dơ sạch, tốt xấu, không biết thiện ác nhân quả, không biết xấu hổ, không tàm quý. Không tác ý là không nhớ, sẽ trở thành con người đần độn, ngu si lẫn lộn, v.v.
Phải hiểu rõ: Ở đây chúng ta tu hành không phải đi tìm các lạc của xúc tưởng, hoặc một cõi giới thiên đàng, hay những thần thông, biến hóa tàng hình cùng biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người. Ở đây chúng ta chỉ ức chế vọng tưởng để nhập định, vì có ức chế vọng tưởng mới làm chủ được vọng tưởng.
Vì cuộc sống chúng ta bây giờ đang sống nhiều nhất trong tưởng. Nếu không ức chế làm chủ nó, nó sẽ sai bảo chúng ta chạy theo con đường ác gây nhiều tội lỗi. Nhờ có ức chế và làm chủ được vọng tưởng thì quý Phật tử mới làm chủ được thân và tâm của mình, bây giờ quý Phật tử sẽ không còn làm nô lệ vọng tưởng. Khi không còn nô lệ cho vọng tưởng thì tham, sân, si mạn, nghi của quý Phật tử không còn.
Ở đây Phật tử không cần quán bằng cách này bằng cách khác, mà do sự làm chủ nó nên nó đã triệt tiêu những tâm tham, sân, si, mạn, nghi; bây giờ quý Phật tử giải thoát hoàn toàn.
(41:31) Ở đây quý Phật tử cũng phải hiểu thêm: Đối với pháp môn của quý Phật tử đang tu hành không có diệt vọng tưởng vì vọng tưởng là tâm của quý Phật tử. Hiện giờ tâm thiện hay tâm ác đều là tâm của quý Phật tử. Chỉ có quý Phật tử sử dụng hơi thở để làm chủ nó, sai bảo nó, khiến nó không khởi niệm ác, chấm dứt niệm ác, xa lìa niệm ác vì thế quý Phật tử giải thoát sự đau khổ, sự phiền muộn, sự sân hận. v.v và v.v. Bây giờ tâm quý Phật tử được an vui, hạnh phúc, không còn một đối tượng nào làm chướng ngại, dù trước cái chết của quý Phật tử, quý Phật tử vẫn xem thường và tâm mình vẫn tự tại, an nhiên.
Bây giờ đến quý Phật tử đã có tu thiền:
Bắt đầu, quý Phật tử hãy ngồi kiết già, ngồi thẳng xương sống, mặt nhìn phía trước cách chỗ ngồi tám tấc, hai mắt nhìn chóp mũi, chú ý nơi hai lỗ mũi, chỗ hơi thở ra, vào.
Quý Phật tử chú ý hít vô một hơi thở mạnh và sâu, hít vô đến chừng nào không hít vô được nữa mới thôi, ngực phồng lên, bụng thóp vào, lưng thẳng đứng. Quý Phật tử hãy giữ nguyên tư thế lưng thẳng này rồi từ từ thở ra cho hết. Khi thở ra xong, quý Phật tử bắt đầu hít vô trở lại, hơi thở mạnh và nhanh hơn hơi thở bình thường một chút, nhưng đừng thở sâu như hơi thở ổn định cách ngồi lúc nãy, rồi quý Phật tử thở ra như hơi thở hít vô, hai hơi thở phải bằng nhau, đừng cho hai hơi thở có sự chênh lệch nhau nhiều. Nếu quý Phật tử nào đã được Thầy chọn cho hơi thở thì lấy ngay hơi thở đó tu tập, còn chưa được chọn hơi thở thì sau này Thầy sẽ chọn cho. (44:38)
Khi quý Phật tử thở ra xong đếm “một”.
Đếm “một” xong, quý Phật tử hít vô, thở ra đếm “hai”.
Đếm “hai” xong, quý Phật tử cẩn thận chú ý hơi thở thứ ba, bắt đầu hít vô, thở ra đếm “ba”
Đếm “ba” xong, chú ý hơi thở thứ tư. Bắt đầu hít vô, thở ra đếm “bốn”.
Và cứ như thế, hít vô, thở ra đếm đến một trăm hơi thở, rồi nghỉ mười phút.
Phật tử hãy chú ý: Một trăm hơi thở này hoàn toàn phải ức chế vọng tưởng, không để một niệm vọng tưởng xem vào, được như vậy mới gọi là một trăm hơi thở có chất lượng.
Sau khi hít thở một trăm hơi thở rồi nghỉ mười phút, quý Phật tử vẫn giữ nguyên tư thế ngồi, không được động thân, không được thay đổi vị trí trong thời gian nghỉ mười phút quý Phật tử không được kềm tâm, giữ tâm mà hãy thả lỏng tâm, có vọng tưởng cũng tốt, không vọng tưởng cũng tốt.
(46:05) Trừ khi bị hôn trầm, thì quý Phật tử đứng dậy đi kinh hành, khi đi kinh hành quý Phật tử chú ý bước đi thong thả, nếu hôn trầm nặng đi nhanh, nếu hôn trầm nặng hơn quý Phật tử chạy bộ lúp xúp, đến khi nào xuất mồ hôi mới nghỉ, rồi vào ngồi tu lại.
Ở đây điều cần thiết quý Phật tử phải nhớ kỹ. Khi thời gian nghỉ xả hơi để lấy sức lại, để nhiếp tâm tu lại trong thời công phu kế, nếu quý Phật tử cứ kềm giữ tâm không cho vọng tưởng khởi niệm là cách thức tu sai, vì tu như vậy thời công phu kế sẽ không đủ sức ức chế vọng tưởng, thì vọng tưởng thỉnh thoảng sẽ xen ra, xen vào. Tu như vậy sẽ trở thành định tưởng, không làm chủ được thân tâm, ngã của Phật tử ở trong sự tu tập định tưởng này càng lớn dần lên, và sự đau khổ phiền não lại nhiều hơn nữa. Lúc bấy giờ quý Phật tử bị nhiều kiến chấp như kiến chấp thế gian và kiến chấp Phật pháp. Ở đây quý Phật tử cũng phải hiểu thêm, ức chế vọng tưởng là để nhập định thì phải có giờ, có khắc, có nhập định, có sức định chứ không thể gọi suông là thiền định.
Ở đây quý Phật tử cũng phải hiểu rõ đây không phải là lối thiền tu kềm tâm diệt vọng tưởng bằng cách thực hành nhẹ nhàng trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi đều thiền, rồi cho trạng thái nhẹ nhàng, an lạc này không vọng tưởng, đi tới đi lui làm tất cả công việc mà không có sự khởi ý, cho đó là ở trong thường định thì đây là lối Tưởng định. Định này không bao giờ có, chỉ có tưởng của quý Phật tử mà thôi.
Nghỉ xong mười phút quý Phật tử tu trở lại một trăm hơi thở, thở ức chế hoàn toàn không vọng tưởng rồi xả nghỉ mười phút. Tu như vậy cho đúng ba mươi phút rồi mới xả nghỉ luôn. Mỗi ngày đêm quý Phật tử phải tùy thời gian của mình mà sắp xếp thời khóa tu tập và giữ gìn đúng giờ đúng khắc, không được trễ giờ trễ khắc. Sau thời gian tu tập ba tháng luôn lúc nào cũng giữ đúng hơi thở không thay đổi và giờ giấc không thay đổi. Quý Phật tử chú ý không được tự ý tăng hơi thở, hoặc thay đổi giờ giấc, chỉ giữ đúng lời dạy của Thầy, Thầy sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm, còn thay đổi là quý Phật tử tự chịu lấy.
(50:12) Nhớ kỹ mỗi thời công phu đều phải ức chế vọng tưởng được tốt, không được lơ là mất tỉnh giác, để một vọng tưởng xen vào trong hơi thở thì tu như vậy không tốt. Tu ba tháng đến gặp Thầy Thầy sẽ dạy tiếp.
Nếu còn có vọng tưởng xen vào trong hơi thở, thì phải về gặp Thầy để ổn định hơi thở lại, Chừng nào nhiếp tâm không vọng tưởng thì mới tu tập. Trong khi tu tập phải cố gắng hết sức tập trung, không phải tu lơ mơ, tu chơi, mà phải tu thật tình, dù khó thế nào quý Phật tử phải cố gắng, “đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Ở đây quý Phật tử phải hiểu khi nào ổn định được hơi thở thì quý Phật tử sẽ nhiếp tâm tu hành dễ dàng không còn có một niệm vọng tưởng, còn chưa ổn định được thì vọng tưởng sẽ ra vào thường xuyên.
Lúc bấy giờ Thầy đang nhập thất làm gương hạnh hướng dẫn quý Thầy nên không trực tiếp hướng dẫn quý Phật tử, đó là một điều kiện rất khó ổn định hơi thở. Vậy quý Phật tử cố gắng tập luyện cho đến khi không còn vọng tưởng xen vào, chừng đó tiếp tục tu ba tháng rồi mới trở về gặp Thầy thưa hỏi.
Chỗ này, quý Phật tử cũng nên để ý trước sự cố gắng hết sức tu trong 100 hơi thở mà không ức chế được vọng tưởng, vẫn còn một hoặc hai lần vọng tưởng rất vi tế xen vào mà quý Phật tử không còn cách nào khắc phục được thì quý Phật tử hãy trở về gặp Thầy, đừng tự ý thay đổi hơi thở hoặc giờ giấc.
Thầy xin nhắc lại: điều quan trọng và cần thiết nhất trên đường tu tập thiền định và rất căn bản là một hơi thở có chất lượng. Người tu một hơi thở cũng như người tu trăm hơi thở, nhập định sẽ giống như nhau, nếu người tu trăm hơi thở mà không có chất lượng thì không thể nhập định được, còn ngược lại người tu một hơi thở mà có chất lượng thì nhập định dễ dàng. Con đường tu hành giải thoát của Đạo Phật rất quan trọng ở chỗ thiền định, nếu không nhập định được thì chẳng bao giờ có Tuệ giải thoát, nếu không Tuệ giải thoát thì quý Phật tử không chấm dứt con đường sanh tử luân hồi và làm chủ thân tâm.
Bây giờ quý Phật tử thấy, mình tu tập một trăm hơi thở mà quý Phật tử vẫn còn vọng tưởng, thì hãy lùi lại tám mươi hơi thở;
Nếu tám mươi hơi thở mà còn có vọng tưởng thì quý Phật tử hãy lùi lại sáu mươi hơi thở.
Nếu tu sáu mươi hơi thở mà còn có vọng tưởng xen vào thì lui lại năm mươi hơi thở.
Nếu năm mươi hơi thở mà còn có vọng tưởng thì lui lại hai mươi hơi thở. Nhưng khi lui lại đến hai mươi hơi thở thì quý Phật tử phải nhớ kỹ nên xả nghỉ năm phút, rồi tiếp tục tu lại.
Nếu quý Phật tử tu hai mươi hơi thở mà còn có vọng tưởng thì lui lại mười hơi thở. Nhưng khi lui lại mười hơi thở thì quý Phật tử chỉ nghỉ một phút mà thôi.
Nếu tu mười hơi thở mà còn có vọng tưởng thì lui lại năm hơi thở.
Nếu tu năm hơi thở mà còn có vọng tưởng thì lui lại ba hơi thở.
Nếu ba hơi thở còn có vọng tưởng thì quý Phật tử lui lại hai hơi thở.
Nếu hai hơi thở còn có vọng tưởng thì lui lại một hơi thở giống như người mới tập thiền định.
Nếu quý Phật tử tu một hơi thở mà còn có vọng tưởng, thì phải hướng tâm nhắc chừng “vô”, tức là hít vô, “ra” tức là thở ra; hoặc nhắc chừng “chú ý” rồi hít vô, “chú ý” rồi thở ra. Hoặc nhắc chừng “tốt” hít vô, hoặc nhắc chừng “tốt” thở ra và cứ nhắc như vậy cho đến hết thời công phu thì vọng tưởng không xen vào được.
(55:29) Chỗ này quý Phật tử cũng cần nên chú ý: “nhắc chừng” ở đây không phải là vọng tưởng mà là hướng tâm chủ động, trong việc làm chủ ức chế vọng tưởng.
Vọng tưởng là những tư niệm vô tình hiện đến, còn hướng tâm là sự chủ ý.
Bởi vậy người đang nhập định hướng tâm về một việc gì thì thông suốt việc ấy. Một người tâm đã thanh tịnh không còn vọng tưởng họ đã hoàn toàn giải thoát, thì lúc bấy giờ họ thường hướng tâm đến mọi sự việc để giải quyết mọi vấn đề. Ở trong sự hướng tâm không có đam mê, không có sự dày vò đau khổ, không có vui mừng lạc thú, không có sân hận thù oán. Không có những ý niệm vô tích sự, không có những chuyện tào lao chẳng buồn, chẳng vui. Hướng tâm là một sự tập trung ý thức vào một vấn đề gì chứ không phải tâm đi lang thang từ ý niệm này đến ý niệm khác.
Hướng tâm là tâm hướng vào một vấn đề gì, còn vọng tưởng thì khởi hết niệm này đến niệm kia không có sự chủ tâm, thường là vô ý. Hiện giờ chúng ta còn là những tâm phàm phu thường có vọng tưởng, nhưng trong các vọng tưởng đó không phải toàn hết là vọng tưởng mà phải biết trong đó có sự hướng tâm, nhưng chúng ta chưa phân biệt được chỉ vì chúng ta chịu ảnh hưởng của những người tu thiền lý thuyết suông, và thiền tưởng rồi đem dạy lại cho chúng ta. Khi có một niệm trong đầu đều cho là vọng tưởng, những người này họ chưa bao giờ nhập định, nên họ chẳng biết sự hướng tâm, vì thế họ dạy thiền chẳng ai nhập định được.
(58:07) Ví dụ chúng ta ngồi lại hướng tâm về một việc gì đã qua mà còn đang dở dang trong hiện tại, đó là hướng tâm tìm mọi biện pháp để giải quyết dứt khoát việc đó khỏi hiện tại, thì không thể gọi đó là vọng tưởng. Chúng ta đang ý thức quan sát một vật gì, hoặc nghiên cứu một việc gì để thấu rõ việc đó, để hoàn thành công việc đó thì đó không phải là vọng tưởng, mà là sự hướng tâm.
Chúng ta phải phân biệt rõ ràng, những ý niệm, tư niệm vô tình hiện đến không có sự chủ ý của chúng ta đó là vọng tưởng. Những ý niệm, tư niệm vô tình hiện đến khiến chúng ta say mê tư duy rồi sanh tâm đam mê, ham thích những tư niệm ấy, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc buồn, hoặc không khổ, không vui, không buồn đó là vọng tưởng.
Những ý niệm, tư niệm trong quá khứ không còn dính đến hiện tại, mà hiện đến, đó là những ký ức, hồi tưởng lại thì đó là vọng tưởng. Những ý niệm, tư niệm hướng về tương lai, bằng những sự ước ao, mơ mộng, hi vọng như trúng vé số, thi đậu làm quan, làm vua thì đó là vọng tưởng.
(59:59) Để kết luận bài pháp hôm nay Thầy xin nhắc lại cùng quý Phật tử để quý vị hiểu cho rõ ràng. Chúng ta là những người tu tập theo Đạo Phật, mục đích của chúng ta là phải làm chủ thân và tâm này, là phải được tự tại trong sanh tử, là phải chấm dứt được con đường tái sanh luân hồi. Vậy ngay bây giờ chúng ta phải thấy chúng ta là những người đang tập làm chủ vọng tưởng, cho nên bằng mọi cách, bằng mọi giá chúng ta phải ức chế cho được vọng tưởng. Chứ không thể ngồi chờ cho vọng tưởng hết dần, giặc vọng tưởng không thể nào ngồi chờ mà có thể hết được. Chúng ta phải mạnh dạn đập thẳng vào đầu chúng bằng những đòn sấm sét, bằng những quả đấm thôi sơn, bằng những ý chí kiên cường, bằng những tấm lòng vững chắc, kiên trì, bằng những lòng quyết thắng dũng cảm gan dạ, xem sự chết đối với chúng ta hiện giờ như không có. Chúng ta phải có một tấm lòng sắt đá như vậy thì quý Phật tử mới hoàn thành công việc tu hành của mình, mới thấy được sự làm chủ sanh tử luân hồi trọn vẹn.
Bài Pháp hôm nay đến đây Thầy xin chấm dứt, chừng nào quý Phật tử ổn định hơi thở Thầy sẽ dạy tiếp cách thức ổn định giờ giấc và cách thức nhiếp tâm nhập định.
Bây giờ quý Phật tử cùng Thầy niệm hồi hướng.
“Nguyện đem công đức này
Hồi hướng cho tất cả,
Pháp giới và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo”
HẾT BĂNG