ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO ĐỨC GIẢI THOÁT
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian:
(00:00) Trưởng lão: Phật pháp thì nó chỉ có cái tạng in Kinh của Phật, nó rất ít chứ nó không có nhiều. Bởi vì trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, trong cái thời đức Phật mà thuyết giảng dạy cho người tu đó, thì hầu như đức Phật không có viết kinh sách. Mà ai có cái điều kiện muốn tu, đến xin đức Phật thì đức Phật giảng ngay bài kinh đó, rồi về thực tập cái lời dạy đó thôi, chứ không có ghi chép. Cho nên cái kinh sách của đức Phật, sau này thì các Tổ kết tập lại thành kinh sách. Cho nên khi mà kết tập lại, đầu tiên đó kết tập lại không có viết nữa. Chỉ đọc lại cho tất cả chúng Tỳ kheo đó nghe rồi thôi. Do đó người ta nhớ, cái nhớ, cái không nhớ, chứ không phải là toàn bộ là nhớ hết đâu. Vì vậy mà sau này kết tập lần thứ hai thì nó mới viết thành kinh sách, cho nên người ta thêm rất nhiều. Rồi cái số mà các Tổ mà kiến giải viết ra thành cái tạng kinh sách đó thì Thầy nói cả đống kinh sách như rừng. Cho nên làm cho chúng ta không có biết đường đi đâu.
Vì vậy mà bây giờ chúng ta trở về những cái bài pháp mà đầu tiên của đức Phật thuyết, giảng cho các vị cư sĩ, cũng như các vị Tỳ kheo, Tăng và Ni trong cái thời đó đó, thì cái số Kinh đó rất ít. Nó chỉ có một cái số ít thôi chứ không nhiều. Do vì vậy mà chúng ta đọc những cái bài kinh đó, chúng ta mới thấy thực sự nó cô đọng lại. Cho chúng ta biết rằng có cái bộ Kinh, mà bộ kinh đó gọi là bộ "Kinh Pháp Cú". Những cái lời ngắn gọn, mà hầu hết là những lời ngắn gọn đó, là dạy cái đạo đức, cái nền đạo đức của đạo Phật.
Sau này thì quý vị sẽ đọc được cái "Kinh Lời Vàng", là cái bộ kinh Pháp Cú đó thì các vị sẽ thấy được đức Phật chỉ định cho chúng ta sống ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện.
Hàng ngày, chúng ta sống trong cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả, để chúng ta không làm khổ mình, khổ người thì đó mới chính là đạo Phật. Cái bộ Kinh Pháp Cú để nhắc nhở cho chúng ta sống được giải thoát. Gọi là giải thoát của đạo Phật, là không làm khổ mình, không làm khổ người, thì cái này mới là giải thoát. Chứ không phải giải thoát ở chỗ Thiền Định, hay hoặc là giải thoát ở chỗ này, chỗ nọ kia bằng cách ta cúng bái, tụng niệm hay ngồi thiền hay niệm chú. Tất cả những cái này là người sau họ đặt. Cho nên chúng ta tu hành mà không đúng cách, thì chúng ta vẫn thấy không giải thoát đâu.
(2:08) Vì vậy mà bây giờ đọc lại những cái kinh sách mà căn bản nhất của đức Phật đó là Kinh Pháp Cú. Do từ Pháp Cú đó mà chúng ta suy ra, chúng ta thấy là thiện pháp, là Đạo Đức Làm Người. Nếu một người được học xong rồi, mà áp dụng vào đời sống của mình là người đó có đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Người ta chửi mình không biết giận đâu. Mà không biết giận là giải thoát chứ gì?
Thấy một cái vật đó ham muốn, thì chúng ta ngăn chặn được cái tâm ham muốn "Ham muốn là đau khổ", chúng ta không ham muốn. Chúng ta làm, chúng ta siêng năng làm. Làm thì nó sẽ có, chứ không phải ham muốn với một cách không có mà lại ham muốn. Đó là những cái điều kiện của đạo Phật dạy chúng ta.
Do mà đức Phật chỉ định cho chúng ta biết rằng, tất cả mọi sự khổ đau và cũng hạnh phúc của con người chính là do tâm của người đó, chứ không ai hết. Bởi vì tâm làm thiện thì người đó sẽ được hưởng hạnh phúc, mà tâm làm ác thì người đó sẽ khổ đau, có vậy thôi. Cho nên chúng ta biết được như vậy là chúng ta triển khai những cái pháp của đức Phật. Cơ bản nhất của nó là về phần đạo đức nhân bản - nhân quả. Nhân quả tức là hành động thiện thì chúng ta hưởng được phước, mà hành động ác là chúng ta thọ lấy quả khổ.
Do dạy người ta biết được cái thiện cái ác, vì vậy người ta biết được. Vì vậy mà người ta sẽ không có làm điều ác, mà người ta sống thiện. Đó là những điều mà cư sĩ hỏi thì Thầy sẽ chỉ cho chúng ta biết nghiên cứu. Đừng có nghiên cứu cái Kinh sách mà cả rừng này, nó không có đem đến cho chúng ta lợi ích, mà nhiều khi nó làm cho chúng ta lạc lối đường nữa.
Cho nên ở đây chúng ta muốn đi vào đạo Phật là đi ngay với bộ Kinh, bộ kinh Pháp Cú. Thầy muốn ca ngợi bộ Kinh Pháp Cú là tại vì nó dễ hiểu, và nó ngắn gọn. Nó nằm ở trong nền đạo đức của con người.
(3:37) Như chiếc áo của các cư sĩ, thì hầu hết là chúng ta phải sống đạo đức, vì chúng ta một loài động vật. Là 1 loài động vật như muôn loài động vật khác, nhưng chúng ta hơn chúng là chúng ta có đạo đức. Nếu một, hai người đó đánh lộn, sân, giận dữ nhau, thì hai người này là một con thú vật, chứ không phải là con người. Vì con người không thể nào, không thể nào đánh lộn, không thể nào chửi lộn như vậy được. Nó có cái đạo đức, nó không làm khổ mình, khổ người, thì nó không thể nào là con thú vật.
Cho nên đạo đức của đạo Phật là đạo đức nhân bản, nó thoát ra khỏi cái bản chất của thú vật. Con người chúng ta hiện còn đang mang bản chất của loại thú vật. Vì vậy mà chúng ta không học đạo đức, chúng ta là con thú vật. Con thú vật nó có thể nó trở thành ác thú, nó có thể giết hại biết bao nhiêu loài thú khác. Con người độc lắm, cho nên nó là con ác thú. Cho nên đức Phật xác định, xác định con người rất khó. Khó là vì con người phải có năm cái điều thiện.
Hiện giờ chúng ta thấy con người rất đông chứ gì? Đâu có khó đâu. Người ta sanh con người rất nhiều chứ gì? Nhưng con người mà sống 5 điều thiện không có. Người mà không sát sanh, chúng ta thấy không có. Người mà không trộm cắp, chúng ta thấy không có - không tham lam đó. Người mà không nói vọng ngữ chúng ta thấy không có. Người mà không tà dâm, chúng ta thấy không có, phải không? Người mà không uống rượu, không say sưa nghiện ngập rất là ít, rất là hiếm. Vậy mà tìm được con người mà năm cái điều thiện này, mà là con người thật sự đó, thì chúng ta không thấy có ở trên hành tinh trong thế gian này, phải không? Rất khó tìm con người đó.
Cho nên đức Phật nói khó, con người khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển, có đúng không?
Bây giờ chúng ta thấy con người quá đông, nhưng mà ai sống được 5 điều thiện này? Không! Như vậy con người quá khó.
Vậy thì hôm nay chúng ta muốn làm con người thật sự là con người, để thoát ra cái bản chất loài động vật, thì chúng ta hãy sống 5 cái điều lành này. Vậy thì 5 cái điều lành này đó là với tiêu chuẩn để chúng ta xây dựng được cái Đạo Đức Làm Người. Từ 5 cái điều lành này, mà chúng ta sống đúng thì chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Từ 5 cái điều lành này chúng ta suy ra, chúng ta trở thành 1 cái bộ đạo đức, đạo đức nhân bản. Nhân bản tức là cái gốc làm người mà. Cho nên cái đạo đức này nó mới giúp chúng ta là con người thực sự con người. Không khéo con người chúng ta sẽ trở thành là con thú vật.
Hôm nay học đạo Phật thì chúng ta phải học đạo đức, chứ đâu phải nói Nho giáo mới có đạo đức. Đạo đức của Nho giáo là đạo đức phong kiến: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tam cang ngũ thường. Còn đạo đức của đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người, đạo đức nhân bản. Bất kỳ cái giai cấp nào trong xã hội đều thực hiện được cái giai cấp này, đều thực hiện được cái đạo đức này. Còn cái đạo đức của Nho giáo là chỉ thực hiện cho giai cấp của sĩ phu. Chứ còn con người bình dân chúng ta với không nổi, vì chúng ta không thể hiểu được. Còn trái lại, cái đạo đức của đạo Phật, mọi con người là cái người cùng đinh, người tôi tớ, người hèn mạt nhất trong thế gian này vẫn sống, vì sống lợi ích cho họ. Nếu họ không sống lợi ích cho bản thân họ thì họ trở thành một con thú vật.
(6:23) Cho nên cái đạo đức này là đạo đức của đạo Phật để giúp cho con người giải thoát, vì vậy mà đạo Phật gọi là đạo giải thoát. Mà giải thoát bằng cái gì? Bằng trí tuệ. Cho nên đức Phật nói: "Trí tuệ ở đâu thì đạo đức ở đó, đạo đức ở đâu là trí tuệ ở đó". Người có trí mà không có đạo đức, thì người đó không phải là người có trí. Một người có bằng Tiến sĩ, có học thức giỏi, có hiểu biết, kinh điển thông suốt, mà sống hoàn toàn không đạo đức là người đó không có trí tuệ. Người đó chỉ nhẩm lại, nhai lại đờm dãi, tích luỹ lại cái sự hiểu biết một cách rất cạn cợt của thế gian. Không có đạo đức, không có giải thoát cho mình.
Cho nên đạo Phật rất đơn giản, rất dễ dàng. Vì chúng ta sống đúng đạo đức là chúng ta sẽ giải thoát. Cho nên ở đây, Thầy nói có tu hành gì đâu? Như nãy giờ Thầy nói, bây giờ chúng ta bắt buộc mình phải tập trung trong hơi thở, phải đi kinh hành, phải tập trung cho biết đi, biết đứng. Làm cho chúng ta lại thêm những cái công việc làm. Thành ra chúng ta, thay vì chúng ta phải được nghỉ ngơi, phải được an ổn, phải được khoẻ khoắn. Bây giờ chúng ta lại tu tập thêm những cái pháp, làm chúng ta phải quá nhọc nhằn, phải không?
Chúng ta chỉ cần giữ tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự. Thấy nó thanh thản, an lạc, vô sự thì nó không chướng ngại pháp, nó không ác pháp, thì nó là đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Bây giờ có người khác chửi mình, bây giờ đó mình mới có đủ chuyện mình làm việc nè. Bây giờ người ta chửi mình, thì mình đừng có giận, thì như vậy mình không giận, thì tức là mình đạo đức chứ gì? Mình không chửi lại người, tức là mình đâu có làm ác pháp. Mà mình không làm cho mình giận thì tức là mình đâu có ác pháp. Còn người ta chửi mình, mà mình tức giận, tức là mình mang ác pháp. Thì rõ ràng là mình đang ở trong ác pháp.
(7:48) Do có sự tu tập của đạo Phật bằng cái trí tuệ. Vì trí tuệ hiểu biết, cho nên chúng ta không giận, phải không? Cho nên đạo đức ở đâu thì trí tuệ ở đó, mà trí tuệ ở đâu thì đạo đức phải ở đó. Người có trí tuệ sao lại có giận? Vậy thì quý vị bây giờ dù có đỗ bằng Tiến sĩ, có học thức giỏi, có thông tam tạng kinh điển mà cơn sân thì quý vị là người không trí tuệ. Còn Thầy là người không biết gì hết, ngu đần, Thầy không có cấp bằng gì hết. Nhưng mà người ta chửi Thầy, Thầy không giận, tức là Thầy người có trí tuệ. Bởi vậy đức Phật xác định trí tuệ ở đâu là đạo đức ở đó, đạo đức ở đâu là trí tuệ phải có ở đó. Đó là một cái cụ thể của đạo Phật. Vì vậy mà cuộc đời sống của người đó giải thoát hoàn toàn.
Cũng như bây giờ, giờ phút này chưa có nấu cơm, lát nữa Thầy đói. Mà Thầy vẫn thản nhiên không có lo lắng gì hết, thì tức là Thầy có trí tuệ. Còn bây giờ nó đói Thầy phải lo. Bây giờ phải tính lén đi ăn cắp bụi củ mì, hay nhổ khoai lang, hay bắt con gà của họ để về ăn, thì như vậy rõ ràng Thầy là cái người không có vô sự. Thầy là 1 cái người có ác pháp và Thầy là cái người trở thành tham lam, phải không? Từ trong ý Thầy chưa làm, nhưng mà Thầy làm người tham lam rồi. Như vậy là rõ ràng ác pháp trong đó mà. Mà Thầy bây giờ có bắt con gà ăn cho Thầy mập béo đi nữa, thì hay hoặc là nhổ bụi củ mì, hay lén lấy người ta một lít gạo về nấu mình ăn, thì cái người này có trí tuệ không? Không có trí tuệ.
Bây giờ Thầy nói đây là đơn giản. Bây giờ cái người đó, bây giờ họ ngồi đây, họ suy nghĩ nè: Mình phải mở nhà máy, kinh tế phải làm cái này, cái kia, tiền bạc… Như vậy là người đó có trí tuệ không? Đâu có trí tuệ đâu. Người đó còn tham đắm, cho nên đày ải họ phải khổ sở. Họ phải nghĩ nè bây giờ phải làm như thế này, thế này nè, để rồi mà thu lợi nè, bằng cách này nè. Đóng thuế Nhà nước như thế này, làm cái này phải lợi như thế này, bóc lột nhân công như thế này, phải trả lương ít như thế này… Để mà đem lại cái lợi tức cho nhiều cho mình này. Để mai mốt mình cất nhà lầu nhà đài, xe cộ nè. Tất cả những cái này để làm lợi ích cho mình nè. Thì như vậy là rõ ràng là người này tốt hay là xấu? Người này có trí tuệ không? Người ta tính: "Ông này tính thật hay thiệt, tính làm ăn thật kỹ thiệt, ông này trí tuệ thiệt!" Trí tuệ này là trí tuệ ngu si. Đưa mình đi vào chỗ chết, đưa mình vào chỗ cực khổ, chứ chưa phải là đưa mình vào cái chỗ giải thoát.
Cho nên ở đây, cái sự tu tập của đạo Phật: Trí tuệ đạo đức. Bây giờ cái khả năng của tôi nè, tôi là một người kinh doanh nè, tôi sẽ mở ra những cái nhà máy nè, một cái nhà hàng, một cái khu du lịch nè… Tôi sẽ lấy đồng tiền này nè, không phải vì cá nhân của tôi đâu. Mà tôi sẽ giải quyết cho bao nhiêu người thất nghiệp để vào cơ sở này làm nè. Để giúp cho họ không con, có cơm ăn áo mặc nè, xoá đói giảm nghèo nè. Tôi nghĩ là vì cái sự đau khổ của những người thất nghiệp. Tôi làm công việc này, tôi có khả năng, tôi làm được. Tôi có vốn, tôi làm việc này, không phải vì tôi làm giàu thêm tôi đâu. Cho nên những nhân viên mà vào đây tôi trả lương đủ sống, một triệu, hai triệu bạc để cho họ đủ sống, nuôi gia đình họ đầy đủ. Cho nên từ đó tôi cứ tự suy nghĩ như vậy, tôi là thiện pháp có trí tuệ nè. Tôi cũng làm ăn, nhưng mà tôi làm ăn không có vì cá nhân của tôi, mà tôi làm ăn vì sự đau khổ của mọi người khác. Cho nên cái trí tuệ này là cái trí tuệ của cái người có đạo đức.
(10:42) Đó, phải hiểu được cái trí tuệ. Con nhiều khi mình bỏ vốn ra mình lo làm ăn, làm giàu làm có, mình bóc lột công nhân. Coi mấy ông chủ, mấy ông giám đốc, thật sự ra rất nhiều những cái tai hại này. Thì chẳng khác nào như một cái người mà ngồi đây đói, mà đi tính đi bắt gà người ta, đi tính ăn trộm gạo hay trộm lúa người ta. Thì cái ông mà giám đốc này có thua gì không Cũng vậy thôi.
Cho nên cách thức khéo léo của họ thôi, như vậy những người này là những người không trí tuệ. Vì cá nhân của họ mà làm hại tất cả mọi người khác. Đó! Đó là một cái sai, cái không đúng.
Cho nên ở đây đạo Phật dạy chúng ta “Đạo đức ở đâu là trí tuệ ở đó”. Đạo đức thì không làm khổ người, không làm khổ mình, phải không? Cho nên đâu có làm khổ người, đâu có bóc lột nhân công. Cho nên nhân công vẫn đủ sống, có tiền lương sống, xóa đói được giảm nghèo. Tạo được công ăn việc làm cho họ thì như vậy rõ ràng là cái ông giám đốc này, ông chủ này rất là người tốt, người có đạo đức.
Đó, hôm nay vì cái chỗ cái căn bản của Phật pháp đó. Thì như vậy, quý cư sĩ hãy hướng về đạo Phật là phải hướng về đạo đức, đạo đức nhân bản - nhân quả, đó là cái điều duy nhất. Cần phải đọc những cuốn sách mà dạy về đạo đức. Như đầu tiên thì các cư sĩ hãy đọc những cuốn sách của đạo Phật: “Kinh Pháp Cú. Là của lời của Phật nói ngày xưa mà bây giờ người ta còn nhớ được những câu đó. Bởi vì nó vừa ngắn vừa gọn, nó là những bài kệ. Cái thứ hai là hãy đọc 10 điều lành của Phật, tức là Thập Thiện. Thập Thiện là 10 (cái) điều lành. Mà cái người nào giữ trọn được 10 điều lành gọi là người trời. Nghĩa là không có cái cõi Trời, cõi vô hình. Mà có con người ở thế gian này sống 10 điều lành, người đó là người trời. Còn cái người ở thế gian này mà sống 5 điều lành thì đó là con người, thực sự là con người. Dưới 5 điều này làm con thú vật, là một loại động vật, không thể mặt người mà loài thú, chứ không phải là con người thực sự.
Cho nên, chúng ta biết được trong kinh sách của Phật đã xác định được con người. Trời, con người Atula và ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Tất cả những cái sáu cái nẻo luân hồi này, là ngay cả cuộc sống của chúng ta đã phân được những giai cấp đó. Đã được những cái hay hoặc là thế này, mà ngay trong cõi chúng ta. Nhưng cõi trời chúng ta có được không? Chưa có người nào sống Thập Thiện hết. Cõi người chúng ta tìm còn chưa ra, huống hồ là cõi Trời, thật là khó vô cùng!
Hôm nay, đủ duyên đến đây được nghe Thầy giảng về đạo đức, phải không? Thầy đây nói đạo đức, nhưng mà chưa đi sâu vào chi tiết đạo đức. Sau này có được dịp đọc bộ sách "Đạo Đức Làm Người"… Đến đây Thầy xin, các con còn hỏi Thầy gì thêm nữa không? Chúng ta sẽ dừng lại đây.