NHÂN DUYÊN PHẬT PHÁP – CHÚ TỈNH HỎI CHUYỆN THẦY
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Ngày giảng: 11/11/2012
(00:00) Chú Tỉnh: Con thưa Thầy, con cũng đã đọc hầu hết các cái sách của Thầy viết ra và cũng đã nghe gần như hầu hết các cái đĩa mà Thầy thuyết giảng về đạo Phật. Thì con hiểu rằng là Thầy đã nói tất cả những kinh nghiệm của mình rồi và Thầy đã nói những gì mà Thầy biết, Thầy nói những gì mà Thầy thấy trong cái quá trình Thầy tu chứng. Đó là một cái báu vật có thể nói rằng là vô cùng là quý giá để lại cho nhân loại, không phải riêng của những người theo đạo Phật mà của chung nhân loại trên toàn thế giới. Để có được cái báu vật đó thì Thầy đã phải trải qua một cái quá trình, một cái thời gian tu tập rất dài và đầy gian khổ. Thế mà đông đảo các cái Phật tử, họ mong muốn biết được tất cả những cái điều mà Thầy đã giảng một cách sâu sắc hơn, một cách rõ ràng hơn. Chính vì lẽ đó con cũng mạo muội như là thay mặt cho các cái Phật tử nêu một số cái nội dung, mong Thầy hoan hỷ mà Thầy chỉ cho chúng con được rõ.
Con xin phép được nêu cái nội dung thứ nhất là, theo như sách vở con đọc thì con được biết là Thầy đi tu từ năm 8 tuổi, lúc đó là Thầy còn rất nhỏ bé. Vậy thì cái điều gì, hay cái nhân duyên gì mà đã dẫn Thầy đến con đường của đạo Phật? Thì con mong Thầy hoan hỷ nói cho con được rõ.
Trưởng Lão: Cái câu hỏi mà thứ nhất con hỏi. Thầy xuất gia là do ông thân Thầy là một tu sĩ. Khi sanh Thầy ra là một đứa trẻ, con của một cư sĩ cho nên Thầy thấy đầu tròn áo vuông ông cha mặc, Thầy thích quá, đó là cái thứ nhất làm cho Thầy xuất gia theo thầy, theo ông thân mình tu hành, chớ không có gì khác hơn hết. Tại vì cái hình ảnh đó làm sao mà nó đập ở trong đầu Thầy, nó làm cho Thầy đam mê, nó thích thú, rồi cái hình ảnh cái đầu thì tròn, mà cái gương mặt thì đẹp đẽ, Thầy nói: “Tu hành vậy mới tu chứ”.
Nói chung là Thầy khi mà Thầy theo ông thân Thầy, Thầy mới hỏi ông: “Ba tu hành như vậy, ba sẽ làm gì?”.
“Tao làm Phật chứ làm gì?”.
"Mà nghe chữ Phật nó đánh thôi thúc ở trong lòng của con, làm cho con thấy quá thích, con sẽ tu làm Phật!”.
Do cái ý nghĩ mà làm Phật đó, nó cũng mang cái hình ảnh ông Phật ở trong đầu Thầy, cho nên sống chết Thầy quyết định là Thầy phải làm cho được. Thầy nhất định chết Thầy cũng làm Phật nữa, cho nên đối với chuyện hồng trần, vợ con này kia Thầy hết màng rồi. Đó là những cái hình ảnh mà làm cho Thầy bỏ cuộc đời, không có còn ham cuộc đời nữa, Thầy chỉ còn có quyết tu mà thôi.
(04:04) Chú Tỉnh: Dạ, thưa Thầy, Thầy nói rõ thêm về những cái địa điểm mà Thầy tu và những cái khó khăn trong cái quá trình Thầy tu trong những giai đoạn đó.
Trưởng Lão: Thì nói chung là Thầy đi tu cũng có nhiều cái khó khăn lắm, tuy rằng được tu với chùa nhà, được ông thân Thầy giúp đỡ, cho nên nó đỡ hơn biết bao nhiêu người, nhưng nó cũng khó khăn chứ không phải dễ. Tu thì phải ngồi thiền, phải tréo chân do đó nó phải chịu đau này kia đồ. Con biết hai cái chân mà mới học tréo, trời nó đau dữ lắm, vậy mà Thầy ráng Thầy ngồi từ một tiếng mà đến hai tiếng. Cái sức của mấy con ngồi không bằng Thầy đâu, Thầy ngồi kiết già đó. Cho nên Thầy nói: “Muốn làm Phật phải ngồi y như Phật chớ”.
Cho nên Thầy tập ngồi y như Phật, mà do đó mà Thầy thành tựu được cái sự ngồi, Thầy nghĩ rằng, nghĩ rằng: “Mình thành tựu được ngồi thì mình phải thành Phật”. Thầy nghĩ ở trong đầu, con nít mà, nó nghĩ trong đầu nó vậy. Cho nên nó quyết tâm nó làm, Thầy có cái ý chí ghê gớm lắm, Thầy không ngán, không bỏ một cái cuộc nào, hễ tu là tu mà không tu là thôi. Cho nên gặp cái khó khăn Thầy vượt qua một cách rất là dễ dàng, chứ không có khó khăn, đối với Thầy đó.
(05:48) Chú Tỉnh: Thưa Thầy là sau khi Thầy tu chứng đạo, thì Phật tử trong cả nước là người ta biết đến tiếng của Thầy và trong cái thời gian này thì Tu viện phát triển rất là mạnh. Thầy đang ở cái phía trước của Tu viện, nhưng mà sau đó thì chúng con lại được biết là Thầy lại không ở phía trước Tu viện, mà Thầy lại về phía sau Tu viện Thầy ở. Thì con cũng muốn hỏi Thầy lý do tại sao Thầy không ở phía trước mà Thầy ở phía sau hả Thầy?
Trưởng Lão: Nói chung về vấn đề mà chùa chiền, thì con hỏi sao thì Thầy nói thật, bởi vì làm một tu sĩ không có nói dối. Thì nói chung em nó, thì cũng nhìn ngó nhau chỗ cúng dường tiền. Mà lúc bấy giờ cái tiếng tăm của Thầy nó dữ lắm, cho nên họ đến họ cúng nườm nượp. Thành ra Thầy nói: “Cái chỗ này cúng dường tiền, chắc mình ở tu không được đâu”.
Nói với cô Út đó: “Cô lãnh đạo cái chùa này xong à?”.
Cô nói: “Thừa sức bốn cái chùa này cô làm cũng được mà, chứ không phải cần một cái đâu?”.
Thầy biết câu nói đó là như thế nào. Thôi! Thầy bỏ Thầy nói chú này nè: “Thôi, bây giờ chở Thầy xuống dưới nhà Minh Tâm đi, mình ở đây chắc không được đâu”.
Cho nên chú Mật Hạnh này mới chở Thầy đi xuống dưới. Nhưng sao tới Củ Chi Thầy quanh lại khiến cho con nhỏ này cực với Thầy.
Rồi ở đây Thầy trò mới tiến hành, đó vậy, kéo ngày giờ này qua giờ khác, ở sau cái chùa, chớ không có gì khác hết.
(07:46) Chú Tỉnh: Dạ con cảm ơn Thầy, Thầy cũng đã nói cho chúng con được hiểu những cái nguyên nhân hết. Con xin phép được nêu một cái nội dung nữa, con xin Thầy hoan hỷ và cho chúng con được rõ.
Như vậy là đương nhiên Tu viện Chơn Như hiện nay là hình thành hai cái khu vực riêng biệt. Một bên là do cô Út quản lý và một bên đây Thầy quản lý. Thế mà con cũng được biết là, cũng có lần là con trực tiếp con đến nơi, bên chỗ khu vực cô Út thì con thấy là cô ấy bày cả tượng A Di Đà, rồi thì tượng Quan Âm Phật Bà và một số những cái tượng Phật khác. Theo như gần đây thì con cũng biết rằng là cô ấy còn thảo văn bản, lấy danh nghĩa là Thầy gửi đi cho các Phật tử ở các nơi là để người ta cúng dường, để làm cái việc là xây dựng ở cái bên chỗ cô Út. Thế rồi thì sử dụng vào những cái việc khác nữa, thì con cũng mong muốn Thầy hoan hỷ Thầy cho chúng con được rõ là cái việc làm của cô Út như vậy thì có đúng không? Và cái mục đích cô làm như thế thì để làm gì?
Trưởng Lão: Nói chung cô làm với cái mục đích hơi sai, đức Phật Di Đà không có, mà cô làm đó là cô sai, cô bắt chước theo Tịnh Độ. Còn cái vấn đề của Thầy là cái vấn đề, cái gì sự thật là sự thật, cho nên cô chống lại cái chỗ đó. Bây giờ mới đem thầy Đại thừa, mới đem tượng Phật Di Đà, Quan Âm để mà nêu lên, làm cho cái chùa đó nó mất cái gốc, nó còn lại cái di tích mà thôi. Nhưng cái di tích mà tưởng tượng chứ còn không còn có cái gì hết, tưởng tượng mà thôi. Cho nên vì vậy đó, cô làm mất gốc cái tích của đức Phật Thích Ca nhưng mà cô không biết, đó là rất tội.
Bây giờ thì cái phước cô còn thì cô còn sờ sờ đó, chớ sau khi mà hết phước rồi cô trả cái quả đó, không bao giờ mà cùng. Bởi vì khi Thầy đưa, nêu cái đường chánh pháp làm cho con đường của đạo Phật Thích Ca sống dậy với mọi người, nhất là với dân tộc Việt Nam. Mà cô làm mất đi một giai đoạn, một thời gian đó, cô phải chịu lấy trách nhiệm, hậu quả đó. Nhưng mà Thầy, dù Thầy có muốn cứu cô, Thầy cứu cũng không được, cô phải chịu trả mà thôi. Còn mấy con cứ sống để nghe Thầy nói, rồi lắng nghe thấy những cái điều kiện mà cô trả quả.
Thương em, thì mặc dù có thương chứ không phải không thương, nhưng có cái điều kiện là cứu em mình làm cái chuyện phi Phật pháp thì phải chịu lấy hậu quả, không thể cứu được cái điều đó. Dù ai nữa gánh vác cũng không được.
(11:27) Bởi cái chuyện Phật pháp là cái chuyện phi con người, con người khó mà làm, trừ ra có duy nhất chỉ có ông Phật Thích Ca mới làm được. Rồi kế đó Thầy mới là người bắt chước, chớ mà Thầy cũng tự mình mà làm cũng đâu có được đâu. Chỉ bắt chước đức Phật Thích Ca, rồi ngồi giữ tâm bất động, cho tới cuối cùng nó bất động thật sự. Cho nên con đến đây con hỏi Thầy, Thầy thấy ở đây Thầy chỉ âm thầm, không nói về lịch sử của mình, bởi vì nó có cái sự dính liền cái dòng máu với nhau, nói ra thì nó xấu hổ chứ không làm gì.
Chú Tỉnh: Dạ. Con xin nêu một cái nội dung nữa, con được xin Thầy hoan hỷ Thầy cho chúng con được rõ. Cũng trở lại về vấn đề tu của Thầy, thì trước khi mà Thầy tu chứng, thì con cũng nghe nói rằng là cô Út là người rất có công lao và có thể nói rằng cái công lao đó rất to lớn đối với Thầy. Là cô đã nuôi dưỡng, chăm sóc Thầy và gia đình, cho nên là Thầy mới có đủ những cái điều kiện thuận lợi Thầy tu chứng đạo. Và Thầy có được cái sự vinh hạnh, có được sự tôn kính như ngày hôm nay là do cô Út. Vậy thì con cũng xin Thầy hoan hỷ cho con được rõ thì cái điều như thế có đúng không?
Trưởng Lão: Cái điều như thế thì phải nói thật là không đúng. Bởi vì cô Út đâu có theo Thầy lên Hòn Sơn mà nấu cơm cho Thầy ăn, Thầy chỉ ăn lá cây một mình, một bóng ở trên Hòn Sơn. Thì nói như vậy mình phi cái công mà ở trên Hòn Sơn, đó con thấy không? Đó là nói sai, chỉ nói chung chung, chỉ nói chung chung thôi, chứ còn thật ra cô không có công gì hết. Chỉ có Thầy về đây chưa có cái thất nào ở hết, Thầy mới về Thầy cất thất, cất này kia, làm cho cái khu rừng này nó mới sầm uất lên, chớ hồi đó chưa có cái gì hết.
(14:03) Chú Tỉnh: Con cảm ơn Thầy. Dạ thưa Thầy con nêu một cái nội dung nữa, cái nội dung này nó cũng, nó thể hiện một cái chung nhất về đạo Phật. Thì thưa Thầy là đạo Nguyên Thủy là cái đạo có thể nói là đạo gốc mà như thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngày xưa đã từng tu. Nhưng mà hiện nay cái đạo Phật Nguyên Thủy thì rất là nhỏ bé, thế và lực thì rất yếu, không những yếu mà lại còn nhỏ bé. Nhưng mà trong khi đó thì các cái trường phái cũng gọi là đạo Phật.
Ví dụ như là Đại thừa, thì gồm có các cái nhánh như là Thiền tông hay Nam tông, hay Bắc tông, Tịnh Độ tông, Mật tông.
Nhưng mà nó lại phát triển rất mạnh, rất là rộng lớn. Bản chất của nó thì không phải là gốc của đạo Phật, mà do từ phía Trung Quốc 1000 năm bắc thuộc người ta truyền sang. Thế thì theo quy luật về nhân quả đấy ạ, rồi cũng như về vấn đề khách quan xã hội mà chúng con cũng đã từng được học thì thấy rằng là: “Cái chính nghĩa bao giờ cũng thắng cái phi nghĩa và cái chánh, có nghĩa là cái chánh bao giờ thắng cái tà”. Thì với cái trí tuệ Tam Minh của mình thì con muốn Thầy hoan hỷ cho con được rõ, để đến bao giờ cái đạo Phật Nguyên Thủy mới trở thành cái đạo, mới bao trùm lên tất cả đất nước Việt Nam của mình.
Trưởng Lão: Bởi vì cái đạo Phật mà Đại thừa, nó phát triển được là nó nhờ cúng bái cầu siêu, cầu an. Mà nó đúng ảnh hưởng của dân tộc của mình là: “Uống nước nhớ nguồn, không có quên công ơn”, đó là đi đúng, đi đúng tinh thần của dân tộc.
Còn cái Nguyên Thủy nó lại bác, cho nên nó không phát triển được cái hướng đó, là do đó nó đi sai đi, thành ra nó phát triển không được, gọi là Nguyên Thủy mà rõ ràng nó mất gốc. Cho nên nếu mà Phật giáo mà nó đoàn kết lại, nó dẹp bỏ cái Đại thừa, vì Đại thừa của Trung Quốc chứ không phải là của Campuchia, của Nguyên Thủy. Cái nhân của Trung Quốc mà giờ nó dẹp, nó bỏ thì tự nó phát triển lên gốc, là cái gốc của Phật giáo. Mà cái gốc của Phật giáo là nó phải tu như thế nào, thế nào, nó phải chứng minh cho mọi người, người ta thấy ở trong đất nước mình thấy rằng, tu như vậy mới làm Phật thì chừng đó Phật giáo mới phát triển.
Mà rất khó, theo Thầy thấy muốn phát triển mà Phật giáo thì nó phải có một cái thời gian dài, chứ không phải là mới đây được. Trừ ra nó có một sự đảo lộn của tôn giáo nó mới được, còn không có sự đảo lộn của tôn giáo thì không thể được, nó phải có sự đảo lộn của tôn giáo. Từ cái Đại thừa nó đảo lộn cái Nguyên Thủy, rồi từ đó nó mới đảo lộn, nó làm cho người ta có cái trí tuệ, người ta mới quán xét, người ta mới thấy được cái chỗ sai chỗ đúng của nó, người ta mới sửa lại được bằng cách đó.
Thành thật con hỏi cái thời gian, Thầy nói chắc đời này mình chưa có. Đời mình chưa có nhưng mà có một ngày phải có, chứ không phải là không có, nhưng mà đời mình chưa.
(18:21) Chú Tỉnh: Như theo Thầy là chắc chắn là sẽ có ạ.
Trưởng Lão: Có, bởi vì cái Phật giáo là Phật giáo, nó sẽ sống mãi chứ không thể nào mà nó chết ngay được đâu, bởi vì nó là cái gốc, cái gốc không của nó mà. Là do đó mà khi mà một người nào mà tu, mà giữ được cái gốc không của nó rồi thì nó thay đổi hết Phật giáo. Bị vì bây giờ người nào cũng tu có cúng bái cầu siêu, cầu an theo cái tinh thần của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là theo tinh thần của Nguyên Thủy, thì cái gốc nó bị mất đi, cho nên nó không thay đổi được.
Mà Thầy tin rằng nó sẽ thay đổi, bởi vì Phật giáo là Phật giáo, không thể ai mà làm cho nó mất gốc được. Nó chỉ cần có một bậc tu chứng ra đời là ngay đó nó thay đổi liền tức khắc, nó bẻ gãy hết tất cả những tà giáo mà nó dựng lại chánh pháp. Bởi vì cái người tu chứng họ có đủ cái oai lực thần thông, họ có đủ cái sức lực, họ nói họ thuyết phục một cách rất dễ dàng. Còn mình bây giờ mình nói họ không nghe đâu.
Mặc dù là Thầy đã tu xong, Thầy đã quyết rồi, nhưng mà cái giai đoạn của Thầy coi như là tu nó qua rồi, chứ không phải là hiện tại bây giờ mà Thầy tu. Ngay bây giờ Thầy ngồi bảy, tám ngày, hoặc là Thầy thể hiện một cái gì mà người ta đang mong muốn, thì lúc bây giờ đó họ quỳ, họ lạy Thầy nói gì họ cũng nghe. Đó như vậy mới thuyết phục họ được, chứ còn không phải là không khó mà thuyết phục họ, tinh thần của dân tộc hiện giờ họ đang mê thần thông.
Mà lúc bây giờ mà Thầy tu chứng, hiện giờ mà Thầy tu chứng thì không ai nói Thầy tà giáo ngoại đạo được. Bởi vì Thầy thể hiện đủ cách cho họ xem mà không trái ý của giáo lý của đạo Phật. Còn khi không mà bây giờ mà Thầy ra, thầy thực hiện, Thầy làm trái ý của đạo Phật, Thầy cám dỗ thiên hạ, dùng pháp Phật cám dỗ, Thầy có tội, cho nên thầy không làm. Chờ cho nó có cái duyên cái người khác họ sẽ làm.
(21:15) Chú Tỉnh: Thưa Thầy con nêu một cái câu hỏi cuối cùng ạ.
Trưởng Lão: Rồi con hỏi.
Chú Tỉnh: Thì thưa Thầy là cũng như con mới bạch Thầy thì là một tu sĩ hay là một cư sĩ thì nói chung vẫn là một công dân của Việt Nam, mình phải yêu đất nước Việt Nam. Đất nước Việt Nam qua cái lịch sử mà dựng nước và giữ nước, mà dân tộc Việt Nam chúng ta là có 4000 năm lịch sử. Nhưng mà tất cả 4000 năm đó, thì ông cha mình đấu tranh với giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước rất là anh dũng. Vẫn bảo vệ toàn vẹn cái lãnh thổ cũng như bờ cõi của mình. Trong 4000 năm lịch sử đó thì có 1000 năm là đất nước ta bị quân phương bắc, tức là Trung Quốc họ đô hộ. Và 100 năm là do thực dân mới, thực dân cũ và thực dân mới. Thực dân cũ là thực dân Pháp, thực dân mới là đế quốc Mỹ nó đô hộ, nhưng mà chúng ta vẫn giữ được bờ cõi.
Nhưng mà rất đau lòng là gần đây thì bờ cõi của chúng ta, đất nước của chúng ta là bị ngoại bang, mà cụ thể là Trung Quốc hay Đài Loan là người ta chiếm đóng. Thưa thầy là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa là Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974, tức là trước khi giải phóng miền Nam một năm. Và những năm gần đây thì họ đã chiếm một số đảo trong cái quần đảo Trường Sa của mình. Dạ, thế thì với một cái tấm lòng yêu nước của mình thì con muốn hỏi Thầy, với cái trí tuệ Tam Minh của Thầy thì con muốn Thầy cho con được rõ là những phần lãnh thổ của mình bị chiếm đóng thì sau này mình có lấy lại được không? Và lấy lại thì lấy lại bằng cách nào? Và thời gian nào thì mình có thể lấy lại được? Thì con mới xin Thầy hoan hỷ cho con được rõ.
(23:27) Trưởng lão: Bây giờ Thầy xin nhắc lại một đoạn sử. Con thấy thời vua Quang Trung? Đúng thời thì ông ló mặt ra ông đuổi Tàu có năm ngày là chạy mất, chạy mất, chạy bỏ nước chúng ta. Đất nước của chúng ta là đất nước của người Việt Nam, không có một nước nào xâm chiếm hết. Sớm muộn rồi đất nước của chúng ta là đất nước của chúng ta, con cứ tin như vậy đi. Sẽ có những nhân tài ra đuổi Tàu chạy, coi như là trả biển của chúng ta lại hết, hòn đảo nào mà lấy nó sẽ chạy hết. Đất nước của anh hùng mà, thành ra nó phải chờ cái người anh hùng và nó bị cai trị nó trong bao lâu rồi nó sẽ đuổi giặc đi, nó sẽ có anh hùng đuổi giặc.
Đất nước chúng ta là đất nước anh hùng, là đất nước không phải thứ mà đầu hàng đâu, không có đâu. Con cứ tin vậy đi, rồi cái đời con con sẽ nhìn thấy được quê hương của chúng ta, cái nỗ lực của dân tộc chúng ta đuổi giặc một cách vẻ vang. Chứ không phải đuổi giặc một cách là, nào là hiệp thương, nào là này kia. Nó không cần cái thứ giấy tờ mà hiện giờ mà hiệp thương này kia, nó không cần đâu. Đánh là nó ùa ra, nó xua quân ra nó đánh tàu chạy chết, nó sẽ đánh.
Bởi vì Thầy thấy dân tộc của chúng ta là huân cái hình ảnh của vua Quang Trung, Thầy thấy quá là anh hùng. Tại vì nó chưa xuất hiện Quang Trung, chứ nó xuất hiện Quang Trung rồi biết. Nó sẽ có những anh hùng như vậy, con yên tâm đừng sợ, đừng gì hết. Chúng ta cứ ngồi yên tâm, mình là dân Việt Nam, sẽ có anh hùng đuổi giặc ra khỏi quê hương này, thì nó sẽ đuổi giặc ra khỏi quê hương. Nó chưa có anh hùng, nó chỉ lo cũng như mình chưa có anh hùng, mình chỉ ngồi mình lo quê hương của mình thế này, thế khác. Chứ khi có anh hùng rồi nó hô nó đánh một cái, mình ở đây phất cờ phụ.
Phật tử: Nhưng mà chừng nào đánh Thầy?
Trưởng Lão: Con hỏi chi? Chừng nào mà đất nước chúng ta nó tới giờ hưng thịnh rồi nó đánh. Tới giờ mà nó anh hùng nó ra đời nó đánh, có vậy chớ. Nó đúng giờ, đúng tháng nó sẽ đập ba cái thằng Trung Quốc, đập chết. Bởi vì lịch sử đã chứng tỏ rồi, mình tin vào lịch sử chứ không lẽ mình tin vào ai giờ?
(26:40) Chú Tỉnh: Con rất là cám ơn Thầy, cho con có một cái giây phút đã gặp gỡ mà được nêu một số cái nội dung mà Thầy đã hoan hỷ Thầy cho con được rõ. Nhưng mà con thấy rằng là trong những cái lúc mà Thầy rất là bận, rất là nhiều việc thế nhưng mà Thầy cũng đã tạo điều kiện cho con gặp Thầy. Thì có thể đây là những cái ân huệ không phải riêng cá nhân, mà thay mặt cho các cái Phật tử con vô cùng là cảm ơn Thầy.
Trưởng Lão: Đúng vậy.
Chú Tỉnh: Và Thầy cho phép con được đọc lại cái bài thơ mà con tặng Thầy là 2010. Tức là để thể hiện một cái sự tri ân của con với tri ân của các Phật tử đối với Thầy.
Trưởng Lão: Được rồi.
Chú Tỉnh: Bởi vì cũng không mấy khi mà được ngồi với Thầy như thế này, thế con xin phép Thầy là con đọc lại cái bài thơ đó. Mà con cũng ngẫm là cái bài thơ đó con làm nó rất là có hồn, rất có hồn. Tất cả cái việc mà con làm đó là bằng cái sự kính trọng đối với Thầy.
Thầy mãi là một tấm gương
Sáng trong không chút vấn vương bụi trần
Rất xa mà lại rất gần
Thầy là Phật sống hóa thân đời thường
Tấm lòng nhân ái yêu thương
Chúng sinh ở khắp bốn phương chân trời
Thầy mong cho mọi kiếp người
Chấm dứt đau khổ luân hồi tái sinh
Bao năm khuya sớm một mình
Thầy ngồi viết sách tận tình dạy ta
Xây nền đạo đức tinh hoa
Nhân bản nhân quả thật là ân sâu
Chơn Như tỏa sáng bấy lâu
Còn vang vọng mãi mai sau tiếng Thầy.
Chú Tỉnh: Con rất là cảm ơn Thầy.
Trưởng Lão: Thơ hay quá! Thơ con hay đầy đủ ý.
Chú Tỉnh: Con rất cảm ơn Thầy. Thưa Thầy là một lần nữa là con chúc Thầy mạnh khoẻ và mong muốn không chỉ của riêng con và của đại đa số Phật tử muốn Thầy tiếp tục ở lại.
Trưởng Lão: Thầy cám ơn mấy con.
Chú Tỉnh: Để Thầy dạy dỗ, dẫn dắt chúng con. Không những chúng con mà còn con cháu các thế hệ mai sau sống có đạo đức, sống không làm khổ mình, khổ người.
Trưởng Lão: Cái mục đích của Thầy là dẫn dắt từ trẻ em cho đến người lớn sống đạo đức. Chỉ có đạo đức là hơn hết, cái mục đích của Thầy là vậy đó con.
HẾT BĂNG