THẦY THĂM HÀ NỘI - KHAI THỊ NỀN ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử Hà Nội
Thời gian: 2010
Thời lượng: [01:14:04]
Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/2010-thay-tham-ha-noi-khai-thi-nen-dao-duc-phat-giao.mp3
(0:00) Phật tử 1: Con luôn ngưỡng mộ đức hạnh của đức Trưởng lão, hôm nay được tin đức Trưởng lão ra thăm miền Bắc; Ngài đã nhận lời đến nơi đây chúng con vô cùng hạnh phúc.
Hôm nay chúng con xin đức Trưởng lão ban tặng những lời huấn từ cho chúng con. Nhất là một số người vẫn còn chưa hiểu nhiều về con đường đạo đức của đức Phật, thì kính bạch đức Trưởng lão vì chúng con Ngài hãy giảng giải cho chúng con hiểu. Xin các vị chúng ta hãy kính đức Trưởng lão ba lễ.
Trưởng lão: Thôi xá thôi các con. Xá thôi!
Hôm nay Thầy về thăm Hà Nội, thăm quý Phật tử, mục đích là Thầy về thăm để xem coi chú Tuấn ở Hà Nội xin phép thành lập cái trung tâm an dưỡng từ thiện trên này. Nếu mà có giấy phép thì thầy sẽ vẽ cái đồ án để xây dựng cái trung tâm an dưỡng; Nơi đó là nơi để cho các cụ già về an dưỡng, nghỉ ngơi và đồng thời học đạo đức của đạo Phật.
Không những riêng các cụ già mà còn có những người trẻ tuổi, những em bé có thể đến nơi đó để được giáo dục, dạy dỗ đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người.
Nhưng hôm nay về làm việc thì cái giấy phép xin chưa xong, chưa được. Cho nên, phải đợi một thời gian nữa. Nếu ở Hà Nội mà xin không có giấy phép thì ở trong Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam, Thầy xin được cái giấy phép trung tâm an dưỡng, Thầy sẽ xin thành lập chi nhánh ở Hà Nội để mở mang lớp học đạo đức, giúp cho quý Phật tử ở Hà Nội có nơi học tập, rèn luyện và cái người đứng lớp để dạy chính là Thầy.
Thầy sẽ dạy đạo đức làm người, đạo đức nhân bản - nhân quả. Thầy nghĩ rằng cách đây hai ngàn năm trăm năm mươi năm, Đức Phật đã để lại cho chúng ta một cái chương trình giáo dục, đào tạo đạo đức cho mọi người, không những riêng cho người Ấn Độ, mà hôm nay chúng ta là người Việt Nam đã được thừa hưởng cái đạo đức đó. Và Thầy là một người Việt Nam theo dấu chân của đức Phật dựng lại cái tinh hoa đạo đức này cho loài người. Thầy không riêng cho những người Việt Nam mà cả cho những người trên hành tinh này.
(3:19) Bởi vì đức Phật có lời nói là chỉ có con người là sẽ học được cái đạo đức này, chỉ có con người! Cho nên đức Phật nói: “trên trời, dưới trời, con người là duy nhất làm chủ sanh - già - bệnh - chết”. Người nào làm chủ được sanh - già - bệnh - chết là người đó là người có đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người.
Ai cũng biết con người sinh ra đời có bốn cái nỗi khổ. Cuộc sống hàng ngày chúng ta vì cơm ăn, áo mặc, vì sự ham muốn, vì tham - sân - si mà chúng ta thường khổ đau; Mà chúng ta không biết cách nào để thoát ra được khổ đau; Dù là một cái người nghèo cùng đinh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cho đến một nhà vua giàu có, đầy đủ hoặc là một nhà kinh doanh tiền của như núi, như rừng nhưng vẫn khổ đau, không thoát ra khỏi bốn sự khổ đau này.
Thế mà đạo đức của đạo Phật lại giúp cho con người thoát ra sự khổ đau; Cái chương trình giáo dục, đào tạo đạo đức, chứ không phải là những phương pháp đơn sơ - cái chương trình học đạo đức có tám lớp, gọi là Bát Chánh Đạo và ba cấp học Giới - Định - Tuệ. Cho nên muốn theo đạo Phật thì chúng ta phải nhắm vào cái con đường học đạo đức là chính.
Vì thế, đức Phật có rất nhiều giới luật. Như quý Phật tử đã biết, không đến chùa thì thôi mà khi đã đến chùa thọ Tam Quy, Ngũ Giới, tức là có năm cái giới luật, năm cái đức hạnh làm người; Ấy mà hôm nay có nhiều người đã đi chùa, đã biết tụng kinh, niệm phật từ một năm, hai năm, ba năm cho đến mười năm rồi, mà giới thứ nhất - dạy không sát sanh, tức là dạy đức hiếu sinh lòng thương yêu sự sống - hôm nay nhìn lại quý Phật tử còn gắp thịt, cá bỏ vào miệng nhai nuốt được thì Thầy không hiểu đạo Phật đã dạy quý vị như thế nào.
Đến chùa lạy Phật, cúng bái, cầu an, cầu siêu, xin xăm, bói quẻ, lên đồng, nhập cốt, làm đủ thứ nhưng nhìn lại đạo đức thì mình lại không có, cho nên thường làm khổ mình, khổ người.
(06:05) Hôm nay đủ nhân duyên Thầy về đây kêu gọi tất cả Phật tử ở Hà Nội, những người biết Phật pháp và chưa biết Phật pháp, hãy cùng nắm chặt tay nhau, đoàn kết, thương yêu xây dựng cho mình, cho thế hệ con cháu của chúng ta sau này có những lớp học đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người để đem lại sự sống trên hành tinh này, trên quê hương này, một cõi cực lạc thiên đàng. Vì có ai làm khổ cho ai mà chính mình cũng không làm khổ mình thì đó là hạnh phúc vô lượng, vô cùng.
Thầy là người đứng lớp dạy, đã tám mươi tuổi rồi, vì thương chúng sanh mà đứng dạy cho các con học, thế mà các con không biết thương nhau, lại chia rẽ, lại nói xấu nhau, lại không đoàn kết. Các con có biết những điều đau lòng nhất mà Thầy nghe từ Hà Nội là sống không đoàn kết không? Tổ này nói xấu tổ kia, tổ kia nói xấu tổ nọ. Người này nói xấu người kia, người kia nói xấu người nọ. Làm như vậy có lợi ích gì, trong khi đức Phật dạy: “thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Người làm lỗi là do người làm ác thì người ấy phải chịu lấy hậu quả ác đó, hậu quả khổ đó; Có mắc mớ gì mình phải nói người? Người nào nói lỗi người khác là người đó thiếu đạo đức, không nhẫn nhục. Nhớ lời Phật dạy “thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người”.
(7:44) “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành - các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện”; Không nói lời nói, mà đã nói lời nói thì phải là lời nói ái ngữ, lời nói ôn tồn, nhã nhặn, thương yêu, lời nói an ủi mọi người. Đừng nói lời nói làm cho người ta tức giận, phiền não, đau khổ. Đức Phật dạy chúng ta lớp Chánh Ngữ là như vậy. Nếu chúng ta chưa học làm sao chúng ta biết? Cho nên vô tình chúng ta đã dùng những lời nói mà làm đau khổ cho nhau. Đạo đức nhân bản - nhân quả không chấp nhận những người có lời nói đó.
Cho nên hôm nay Thầy về đây mục đích là cố gắng xin phép được nhà nước chấp nhận cho mình mở ra trung tâm an dưỡng, trong đó có lớp học cho người già, người trẻ, tất cả mọi người đều học đạo đức. Không học đạo đức làm sao biết đạo đức mà sống? Cũng như không học chữ làm sao biết chữ mà đọc? Không học toán làm sao làm toán được, phải không? Chúng ta sinh ra chưa biết nói, nhờ cha mẹ hướng dẫn chúng ta biết nói. Chúng ta sinh ra chưa biết đi, nhờ cha mẹ hướng dẫn chúng ta biết đi. Chúng ta chưa biết đọc chữ, nhờ trường học, thầy cô giáo dạy chúng ta biết đọc chữ. Chúng ta chưa biết đạo đức, nhờ Thầy dạy đạo đức chúng ta mới biết đạo đức. Có ai sanh ra mà biết được đâu? Người nào toàn cũng là trong vô minh.
Cho nên hôm nay có duyên Thầy về đây dựng lại nền đạo đức của Phật giáo hai nghìn năm trăm năm mươi năm đã bị vùi lấp, thay thế bằng một giáo pháp mê tín, lạc hậu cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, đốt giấy tiền vàng mã, đốt nhang, đốt đèn, làm chúng ta sống trở về thế kỷ xa xưa trong thời cổ xưa, lạc hậu. Bây giờ chúng ta là những người có kiến thức, có học vấn, có cả trường đại học, thế mà chúng ta còn sống trong giai đoạn người cổ lỗ ngày xưa sao? Sống trong những bộ lạc hay sao? Chúng ta hôm nay đã thành người dân một nước, có độc lập hẳn hoi, có học thức hẳn hoi, tại sao chúng ta lại sống còn mê tín, mù quáng, dị đoan như vậy? Những điều đó chưa hẳn Phật đã dạy, tại sao chúng ta không suy tư, suy nghĩ?
(10:24) Đạo Phật là đạo như thật, nói việc thật, cho nên bài pháp đầu tiên đức Phật đã thuyết giảng đó là Bốn Chân Lý, tức là bốn sự thật:
1/ Khổ: Bây giờ Thầy hỏi quý vị, mọi người ngồi trước mặt Thầy có ai mà không tham - sân - si? Do tham - sân - si mà đau khổ, mà phiền não, giận hờn; Có không, có người nào không tham - sân - si không? Người nào cũng có tham - sân - si, như vậy đó là một sự thật, một chân lý.
2/ Trước mặt Thầy có ai là không có lòng ham muốn không? Nhìn lại mình coi mình có ham muốn không? Muốn ăn, muốn ngủ, đó là cái gần gũi nhất. Muốn tiền, muốn bạc, muốn danh, muốn lợi. Chắc chắn ai cũng muốn. Muốn cho mình nhà cao cửa rộng, muốn cho mình có đủ vật chất, muốn cho mình đầy đủ tiện nghi, muốn cho mình ăn ngon mặc đẹp. Ai cũng muốn. Vậy thì cái muốn đó có phải là sự thật không? Đó là một sự thật. Có người nào nói rằng tôi không muốn, không ham? Chắc chắn là không có! Do lòng ham muốn đó là nguyên nhân sanh ra tham - sân - si; Còn người nào không ham muốn là người đó không có tham - sân - si. Các con thấy đức Phật dạy thực tế. Cứ nhìn lại mình coi có đúng không? Đó là một sự thật, cho nên gọi đó là chân lý. Chân lý là một sự thật.
3/ (12:00) Bây giờ quý vị trước mặt Thầy ngồi lắng lặng xem coi chân lý thứ ba mà đức Phật gọi là Diệt Đế. Quý vị ngồi lại - mọi người chưa tu Phật pháp, chưa biết Phật pháp - ngồi lại lắng lặng nghe tâm mình thanh thản, một giây cho đến ba mươi giây, một phút, coi tâm mình có thanh thản không? Có niệm gì trong đầu mình không? Nó đang thanh thản! Và thân mình đang ngồi đây nó có an lạc không? Có an lạc! Có mỏi mệt, có đau nhức không? Không, nó an lạc! Vậy hiện giờ ngồi đây bất động nghe Thầy nói, nó đang vô sự, có đúng không? Thanh thản, an lạc, vô sự! Trong đó có tham - sân - si không? Trong đó có ham muốn không? Không! Đó là một chân lý thứ ba, một sự thật mà những người chưa tu Phật giáo đều nhận ra, đều giác ngộ được trạng thái đó, đều hiểu biết được trạng thái đó. Có! Nhưng chỉ có trong ba mươi giây, một phút mà không thể kéo dài hơn được. Ngồi yên một lúc, quý vị có nghe những niệm trong đầu quý vị nghĩ ra không? Làm sao chân lý đó mà chúng ta được thấm, được hộ trì, được bảo vệ nó thì chúng ta sẽ chứng đạt chân lý đó.
4/ Chúng ta nhận ra rồi, mà muốn được sống với nó, được luôn luôn ngồi hàng giờ, hàng ngày, hàng năm, hàng tháng mà không có niệm nào khởi ra nên là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, thì chúng ta phải học đạo đức, phải học tám lớp học, từ lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định; Phải trải qua tám lớp học. Tám lớp học đó phải được đầy đủ là tám năm.
Chúng ta thấy ngoài đời chúng ta học văn hoá, từ Tiểu học đến Trung học đến Đại học mười mấy năm, hai chục năm chúng ta mới tốt nghiệp, làm bác sĩ, làm luật sư, làm kiến trúc sư, làm nhà khoa học, phải trải qua bao nhiêu năm học để trở thành một người có nghề nghiệp sống. Còn ở đây chúng ta học đạo đức, chỉ có tám năm mà chúng ta làm chủ được bốn sự đau khổ sanh - già - bệnh - chết; Người ta chửi mình, mình không giận hờn mà thương người chửi mình. Gia đình mình xảy ra tai nạn đau khổ, cha mẹ mất, cha mẹ chết, con bệnh tật, chúng ta không dao động tâm chút nào. Chúng ta thấy như thật, đây là nhân quả phải trả, có gì mà phải dao động, mà phải nức nở, mà phải đau thương, mà phải sầu khổ? Vui lòng mà trả nhân quả thì lúc bấy giờ tâm chúng ta có an không? Nếu chúng ta không hiểu nó là nhân quả thì chúng ta đau khổ vô cùng. Có đúng không?
(15:14) Cho nên sự học hiểu của đạo Phật giúp chúng ta bất động tâm trước các hoàn cảnh rất là ngặt nghèo và đau khổ. Học Phật pháp như vậy có xứng đáng để chúng ta học không? Rồi chúng ta có thân bệnh. Trong những người ngồi trước mặt thầy, ai có thân mà không bệnh? Không bệnh này cũng bệnh khác, rồi đây sẽ về bệnh ngặt nghèo, nan y, không cứu chữa. Thế mà đạo Phật dạy chúng ta những phương pháp làm chủ bệnh đó mà không cần uống thuốc. Phương pháp đó quá đơn giản. Dùng hơi thở hoặc cánh tay mà đẩy lui được bệnh. Chúng ta dùng cơ mà đẩy chiếc xe đi thì chúng ta dùng tinh thần chúng ta đẩy bệnh đi khỏi thân. Vì hiện giờ có người không có bệnh trong thân, vậy thì bệnh là vô thường! Bây giờ không bệnh nhưng ngày mai sẽ bệnh, ngày mai không bệnh ngày mốt bệnh. Bữa nay bệnh, ngày mai sẽ hết bệnh. Như vậy, thật sự bệnh tật, bệnh đau là vô thường! Cho nên chúng ta biết rằng sự vô thường thì sẽ dẹp được, đẩy đi được, chứ đâu phải cố định, luôn luôn thân chúng ta bệnh đau mãi.
Nếu mà luôn luôn từ khi cha mẹ sanh ra cho đến giờ thân chúng ta cứ bệnh đau liên tục, ngày nào cũng vậy, thường hằng bệnh đau thì như vậy chúng ta không đẩy lui được. Còn này có lúc bệnh, có lúc không bệnh thì chúng ta đẩy lui được vì nó vô thường. Cho nên đức Phật dạy chúng ta phương pháp đẩy bệnh rất đơn giản. Ví dụ đầu chúng ta nhức, chúng ta bảo: “Thọ là vô thường! Cái đầu nhức này phải đi! An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô”.
“An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra”. Quý vị Phật tử nhìn thấy Thầy không? “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô.” Quý vị phật tử nhìn thấy Thầy không? - “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô.” - Thầy luôn luôn Thầy không lưu ý đến cái đầu đau của Thầy mà Thầy lưu ý tới cánh tay đưa ra và văng vẳng tiếng âm thanh tác ý của Thầy: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô.” Âm thanh đó làm cho Thầy tập trung trong cánh tay của Thầy để rồi một lúc sau nhìn lại, sự đau nhức trên đầu Thầy không còn nữa.
(17:56) Và như vậy có phải là pháp đẩy lui được bệnh không? Sao đơn giản như vậy mà tại sao chúng ta không tập luyện để cứu lấy chúng ta? Để rồi chúng ta phải tốn tiền thang thuốc để đi trị bệnh, nằm bệnh viện có cực khổ không? Quý Phật tử thấy có cực khổ không? Nằm bệnh viện phải có người đi theo nuôi mình, người bệnh thì nằm trên giường mà người nuôi thì nằm dưới đất. Các con có thấy khổ không? Mỗi lần đau nhức các con nhăn nhó, khổ sở; Thế mà phương pháp của Phật dạy tại sao chúng ta không bỏ ra thời gian tập luyện để đem lại sự bình an cho mình?
Rồi hiện giờ quý vị ngồi trước mặt Thầy có ai làm chủ được hơi thở chưa? Tức là muốn chết là chết, muốn sống là sống. Bây giờ bệnh đau làm cho chúng ta thở không được, các con thấy có nhiều người thở không được, người ta thọc cái ống vào lỗ mũi để thở bằng oxy không? Nếu rút vòi đó ra là chết tức khắc. Như vậy chúng ta sống bằng thở oxy như vậy sao? Cho nên người tu theo đạo Phật khi chúng ta còn muốn sống mà thở không được thì chúng ta bảo: “Hơi thở, thở được bình thường! Không được ngạt thở!" thì hơi thở sẽ thở lại bình thường. Và chúng ta muốn chết chúng ta bảo: “Hơi thở tịnh chỉ, ngưng!” thì lúc bấy giờ hơi thở chúng ta lần lượt ngưng theo. Tại sao chúng ta có đủ năng lực làm chủ hơi thở để làm chủ sự sống chết mà tại sao chúng ta không tập luyện?
(19:43) Trưởng lão: Đức Phật dạy: “Chỉ có con người là duy nhất làm chủ sanh - già - bệnh - chết.” Tại sao con người là duy nhất làm chủ được sanh - già - bệnh - chết? Con bò, con trâu, con chó có làm được điều này không? Làm sao chúng có trí tuệ như con người? Còn chúng ta có trí tuệ biết thiện, biết ác, biết nói lời nói đó người ta sẽ đau khổ, biết chửi người ta lời nói đó người ta tức giận. Tại sao biết như vậy mà chửi người ta, nói những lời làm cho người ta đau khổ? Người ta đau khổ mình sung sướng lắm sao con? Có phải không? Cho nên vì vậy mà muốn từ bắt đầu làm chủ mình thì không nên có lời nói ác, không nên có sự suy nghĩ ác, không nên có những hành động ác.
Hành động các con ác như thế nào các con biết không? Mua con cá ngoài chợ về cầm dao đập cái bốp trên đầu, nó giãy giụa, rồi các con làm thịt, làm thành thực phẩm vợ chồng, con cái ngồi lại ăn bữa cơm: “Cá bữa nay tươi ngon quá!” Chứ các con có thấy sự đau đớn của con cá giãy giụa trước khi thành thực phẩm cho các con ăn không? Các con có biết miếng thịt heo, miếng thịt bò là cả một sự đau khổ của một con vật, người ta đâm cổ, người ta đập đầu chúng rồi bán cho chúng ta từng kí lô thịt, để rồi về chúng ta làm thực phẩm. Sự đau đớn, sự giãy giụa, sự tham sống của loài vật! Nó có muốn chết không các con? Vừa rồi báo chí có đăng có hai người dẫn một con trâu để làm thịt. Khi con trâu không chịu đi, một người đánh, một người lôi, nắm dây lôi.
(21:41) Phật tử 1: Chắc con xin phép Thầy cho con mấy phút ạ. Xin mời các vị vào trong để Thầy tiếp tục ạ.
Trưởng lão: Các con vào trong này hết đi.
Phật tử 1: Xong chưa ạ? Xin các vị ổn định, trật tự. Các vị khẩn trương để tiếp tục nghe lời huấn từ của đức Trưởng lão.
Trưởng lão: Vì lợi ích rất lớn của Phật pháp như vậy, đem lại sự làm chủ sanh - già - bệnh - chết của chúng ta, thế sao chúng ta là con người mà chúng ta không học, không thi hành, không rèn luyện? Hai người dẫn con trâu đem đi làm thịt, con trâu biết mình sắp bị người ta làm thịt cho nên trên đường đi thì con trâu không chịu đi nữa, ghì trở lại, không bước đi nữa. Một người dùng cây đánh con trâu, một người dùng dây lôi con trâu đi, con trâu đứt dây, chém hai người này bị thương nặng và đồng thời những người công an người ta dùng súng bắn chết con trâu. Và hai người này đem đến nhà thương thì cũng chết. Đấy là sự tự vệ của con trâu, biết mình sẽ bị họ dẫn đi và đem vào lò sát sanh giết mình cho nên tự phản ứng chống lại. Đấy là tin của báo chí đăng rất rõ ràng. Như vậy chúng ta biết con trâu đâu có muốn chết. Chúng ta muốn bắt con trâu để giết nó, để làm thịt chúng ta ăn thì phản ứng của con trâu là vậy, trước khi chết mình giết chết được; Bước đường cùng cho nên phản ứng vậy.
(24:27) Chúng ta nỡ đành lòng nào! Một sự sống, một cọng cỏ, một cây rau trên hành tinh này, chúng ta ăn để sống thì chúng ta thấy rằng có sự chết của cây rau, cây cải. Chúng ta thấy rõ ràng! Không nhổ cây cải làm sao có cây cải chúng ta ăn? Chắc chúng ta cũng chưa bao giờ ăn thịt không mà sống, có rau cải, có lúa gạo. Nhưng mỗi lần mà chúng ta nuôi sống thì có sự chết, có sự chết!
Thầy ăn chay, không ăn thịt chúng sanh vì lòng thương yêu sự sống của loài động vật, nhưng lòng thương yêu sự sống của loài thảo mộc nữa Thầy cũng rất thương; Cho nên ăn vì sự sống của Thầy, vì sự tu tập để ra khỏi cái thân đầy đau khổ, cái thân huân vào biết bao đau khổ, chết chóc, không loài động vật thì loài thực vật. Ra khỏi cái thân này mình hạnh phúc vô cùng. Vì có sự sống này thì phải có sự chết kia, cho nên nói sanh diệt từng phút, chúng ta sống thì có sự chết! Cho nên chúng ta còn tha thiết gì mang cái thân mà có bao nhiêu sự sống phải cung cấp cho nó? Rồi một ngày nào đó chúng ta nằm xuống, thân chúng ta trở thành thực phẩm cho những loài vật khác ăn. Các con không tin thì nhìn con chuột chết, những con giòi lúc nhúc trong thân con chuột, có không các con? Đó là thực phẩm cho loài động vật. Rồi cái thân chúng ta tan hoại thành một đống phân, có phải không? Thành một đống đất hôi, lúc bây giờ nó là thực phẩm của những loài cây, thảo mộc; Chúng ăn vào đó để mà nuôi thành trái xoài, trái mít, từ đó chúng ta cho rằng trái xoài ngon, trái mít ngon chứ không ngờ là ăn một đống phân bất tịnh. Có đúng không các con?
Vậy mà chúng ta hàng ngày lại thích ăn! Sáng ăn, trưa ăn, chiều ăn, lại còn tối đi ăn đêm. Ăn toàn là đồ bất tịnh mà chúng ta đâu có hay. Vì thế mà thân chúng ta hằng bị đau đớn, bệnh tật này, bệnh tật khác. Có nhiều người ăn nhiều quá, bệnh càng nhiều. Đừng nghĩ rằng thân chúng ta mập là mạnh khoẻ. Vua chúa bao giờ cũng ăn cao lương, mỹ vị, ăn đồ độc, ăn cả óc khỉ! Cột con khỉ như thế này trong một cái lồng rồi dạt đầu nó ra xong lấy muỗng múc ăn óc để cho nó bổ, để cho nó sống lâu. Nhưng mà vua chúa có người nào sống lâu không các con? Có người nhà giàu nào mà sống lâu không? Nhưng họ ăn toàn là thứ độc dược.
Thầy nghe nói như thế này: Những con yến ở ngoài biển làm tổ để đẻ con, nó ói nước miếng ra để xây từng cái tổ. Chúng ta nói rằng yến rất bổ cho nên chúng ta lấy đi tổ yến, đến khi con chim yến đẻ con thì không có tổ, nó phải ói máu ra để làm tổ các con! Rồi chúng ta lại lấy cái tổ đó đi, nói tổ yến màu đỏ thì còn bổ hơn. Trời ơi! chúng ta bổ mà con chim yến không có chỗ đẻ con, phải ói thành máu mà chết các con. Các con có nghe lời Thầy nói không? Có đau xót không các con? Vậy chất bổ hôm nay mà chúng ta gọi là tổ yến mà chúng ta thường quý, mua là đắt, có nhiều người cúng dường cho Thầy. Thầy đâu nỡ lòng nào uống. Sao mà uống được hả các con? Các con thấy yến nó làm trong cái hộp. Thôi từ này về sau chúng ta đừng mua cái đó nữa các con. Đau khổ vô cùng. Là một con người chúng ta phải có tâm từ, lòng thương yêu của chúng ta đối với sự đau khổ của chúng sanh. Thậm chí cây cỏ chúng ta ăn mà chúng ta còn thương xót sự chết, sống của nó kia, huống hồ là loài động vật biết đau đớn, biết giãy giụa các con.
(28:44) Học đạo đức là phải học từ tâm thương yêu của chúng ta. Do sự thương yêu chân thật mà chúng ta tha thứ những lỗi lầm của người khác. Vì sự thương yêu của chúng ta mà tâm chúng ta không giận người nào hết. Khi chúng ta không giận hờn người nào hết thì chúng ta có giải thoát, có hạnh phúc không các con? Thật sự hạnh phúc lắm các con.
Đạo Phật là đạo từ bi, thế mà chúng ta theo đạo Phật mà không có lòng thương yêu thì đạo từ bi chỗ nào?
Cho nên chúng ta rất hãnh diện theo đạo Phật không dạy mê tín; Theo đạo Phật tự thắp đuốc lên mà đi, tự lực không tha lực, không nhờ đức Bồ Tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn, không nhờ Phật phù hộ, gia hộ chúng ta được bình an.
Mà chính chúng ta tự lực khiển nhân quả, đem đến chúng ta không còn bệnh khổ nữa. Các con có thấy nhân quả chuyển biến được không? Một trái cam chua, phải không các con? Muốn trái cam ngọt người ta bón phân voi, người ta bón loại phân làm cho trái cam ngọt hoặc là người ta lai cành, ghép cây biến dần cây cam chua trở thành cây cam ngọt. Đó là chuyển biến nhân quả các con. Có đúng không? Vậy thì chúng ta chuyển biến nhân quả được không? Được chứ. Người ta chửi mình, mình không chửi lại là mình chuyển nhân quả chứ gì! Hoàn cảnh mình gặp nhiều đau khổ mình bình thản, không lo, không buồn, không sợ, bình an trước những sự đau khổ thì đó là chuyển nhân quả chứ sao!
Còn chúng ta rên rỉ, than thở thì đó là chúng ta bị nhân quả, chúng ta không chuyển nhân quả. Đã cay đắng lại còn cay đắng hơn, như trái ớt làm sao chuyển được các con? Cho nên người ta dùng nhân quả để chuyển nhân quả; Dùng thiện mà chuyển ác. Cho nên chúng ta thấy chúng ta được giải thoát hết.
Do đó mà đạo Phật ra đời dạy chúng ta bốn sự thật của kiếp người để chúng ta thực hiện đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người, có đúng không các con? Hạnh phúc lắm! Cuộc sống chúng tôi là những con người bình thường cũng cha sanh mẹ đẻ mà không bao giờ làm khổ ai, không dùng lời nói nặng nhẹ ai, không nghĩ một điều ác hại người khác và đồng thời tôi cũng không làm khổ tôi. Tôi bệnh tật, tôi đẩy lui khỏi tốn tiền thang thuốc. Khi sắp chết, trước giờ phút lâm chung tôi ra đi tự tại bằng đạo lực của tôi. Ra lệnh chết là chết, sống là sống.
(31:30) Các con thấy đạo Phật có dạy chúng ta thần thông, có dạy chúng ta làm Phật, làm Thánh, làm Tiên không? Không! Không có dạy chúng ta trường sanh bất tử mà dạy chúng ta làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người. Thân chúng ta vô thường, bất tịnh, chết lúc nào chúng ta không cần thiết nhưng chúng ta muốn sống là phải sống, muốn chết là phải chết. Quyền sự sống trong tay chúng ta mà Phật đã để lại một giáo pháp vô giá, không có một giá trị gì ở trên thế gian này, vàng bạc châu báu đổi được phương pháp đạo đức này.
Dạy chúng ta biến giáo pháp thành một chương trình giáo dục, đào tạo gồm tám lớp, ba cấp học, như chương trình giáo dục văn hoá của nhà nước. Các con thấy rõ ràng chưa? Muốn trở thành ông bác sĩ, muốn trở thành ông kĩ sư, muốn trở thành ông luật sư, muốn trở thành một nhà bác học, một tiến sĩ đều phải qua trường lớp học, không có người nào không học mà có cấp bằng; Muốn tâm giải thoát, muốn chứng quả A La Hán thì phải đi vào con đường đào tạo của Phật giáo thì chúng ta mới chứng quả A La Hán.
A La Hán là một chứng chỉ hoàn toàn tâm vô lậu, không còn đau khổ, làm chủ bốn sự đau khổ sanh - già - bệnh - chết chứ không phải ông A La Hán mà có thần thông, phép tắc biến hoá tàng hình, ngồi đây mà đầu phóng hào quang sáng chói như …(không nghe rõ), không có điều đó! Không lẽ tu để giải thoát mà đầu lại phóng ánh sáng ra? Như vậy tu để làm cái đầu chúng ta trở thành bóng đèn sao các con? Mà nghe trong kinh Đại thừa nói rằng Phật thuyết pháp thì phóng hào quang xanh, hào quang đỏ, hào quang trắng. Như vậy rõ ràng cái đầu của Phật là cái bóng đèn chứ đâu còn phải là con người. Có đúng không các con? Đó là cái sai. Gợi người ta lòng ham muốn thần thông, phép tắc đó là ngoại đạo, không thật.
Đạo Phật nói đời sống con người là khổ, nước mắt chúng sanh nhiều như nước biển. Đó là nói nỗi khổ. các con là phụ nữ, các con biết nỗi khổ của người mẹ với một người vợ. Các con khổ lắm. Các con hiểu. Người đàn ông đâu phải không khổ các con. Khổ lắm chứ đâu phải nói rằng người đàn ông sung sướng gì đâu. Cho nên là con người là khổ. Nước mắt con người nhiều như nước biển. Vì thế muốn thoát ra cảnh khổ thì chúng ta phải đi trên con đường của đạo Phật thôi. Như Thầy hiện giờ già tám mươi tuổi, khỏe mạnh, không đau ốm. Có bệnh đau đuổi bệnh đi khỏi ngay tức khắc. Sống chết nắm trong tay của mình, muốn chết ngày nào chết, muốn sống ngày nào sống. Ai làm được? Người nào làm được là hạnh phúc, vàng bạc châu báu trên thế gian này đổi được không các con? Thầy đã đổi bằng máu và nước mắt của mình đấy các con, chứ không phải dễ đâu.
Nhưng mà Thầy là người tu không có thầy dạy. Suốt một cuộc đời đem thân mình, từ tám tuổi vào chùa tu, từng khổ hạnh ăn toàn rau để mà sống giống như con bò ăn cỏ, chỉ một lòng nỗ lực tu, không cần nuôi thân mình bằng chất bổ như mọi người đang tìm chất bổ này, chất bổ khác. Đến hôm nay Thầy làm chủ được thân, tâm mình là đổi bằng máu, nước mắt mình. Vì Thầy không có thầy, còn bây giờ các con có Thầy, thì các con không quá khổ như vậy đâu. Có những cái sai Thầy chỉ, Thầy sửa lại cho các con, làm cho các con tu dễ dàng.
(35:29) Ngày xưa Thầy làm sao có trường lớp, có thầy dạy để chúng ta đi vào con đường đạo đức này? Mò mẫm rồi tự tu. Còn ngày giờ này các con có Thầy đứng lớp dạy từ lớp thấp đến lớp cao, cũng như người mẹ nắm dắt tay đứa con tập cho nó đi, tập cho nó đứng. Các con thấy người mẹ không? Hôm nay chúng ta đi đứng được vững vàng như thế này, công ơn của người mẹ chúng ta nhiều lắm các con. Các con cứ nghĩ lại đi mà thương mẹ mình. Nhìn đứa con mình đang tập nó đi chập chững, mình sẽ thấy nỗi khổ của người mẹ. Có đúng không các con?
Thì hôm nay Thầy là một người cha, một người mẹ, nắm tay các con dẫn đi để làm chủ sự sống chết, sanh tử luân hồi này. Các con có thấy nỗi cực khổ của người mẹ, người cha này không? Nếu không cực khổ làm sao Thầy từ miền Nam mà đi ra miền Bắc như thế này và kêu gọi lòng thương yêu của các con; đoàn kết, đừng nói xấu nhau, đừng ly gián nhau, phải thương nhau! Chúng ta là những con người, là người Việt Nam, phải thương nhau. Trong chiến tranh, biết bao nhiêu tổ tiên chúng ta, biết bao nhiêu cha mẹ chúng ta, biết bao nhiêu anh em của chúng ta đã nằm xuống lòng đất để đổi lấy đất nước độc lập, tự chủ như ngày hôm nay. Chúng ta ra nghĩa trang mà nhìn thấy lớp lớp những cô, bác, anh, chị, em chúng ta đã nằm xuống dưới lòng đất. Máu đã đổ thấm cái mảnh đất này.
(37:10) Hôm nay Thầy về đây để dạy mấy con học đạo đức làm người, để chúng ta chan hoà tình thương trên mảnh đất quê hương; mảnh đất mà chúng ta đổi lấy biết bao nhiêu máu của anh, chị, em, cô, bác chúng ta. Cho nên Thầy kêu gọi các con phải thương nhau, tha thứ cho nhau, đừng vì một lý do gì mà chỉ trích người này, chỉ trích người kia.
Hôm nay các con về đây thành lập tổ thọ Bát Quan Trai, từ đó các con cố gắng; Nếu các con đang chia làm hai tổ để chúng ta sinh hoạt dễ dàng thì tổ nào có tài khoản tổ nấy để khi sinh hoạt tổ này không được xin tiền tổ kia, tổ kia không được xin tiền tổ nọ; Mỗi tổ chúng ta đều tự làm tốt các con!
Phật tử 1: Xin mời các cụ ạ. Các bạn trẻ có thể ra nhường chỗ cho các cụ già một chút ạ. Dạ vâng.
Phật tử 2: Cho các cụ già vào đi ạ.
Phật tử 1: Xin mọi người ổn định trật tự để đức Trưởng lão tiếp tục giảng dạy ạ. Các cụ khẩn trương ạ. Vâng, con xin mời đức Trưởng lão tiếp tục.
(39:14) Trưởng lão: Hôm nay Thầy kêu gọi mấy con đoàn kết với nhau, để chúng ta chia ra từng tổ nhỏ, mười người, mười lăm người một tổ, rồi mình sinh hoạt trong tổ đó để hướng dẫn cùng nhau tu tập, sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
Ví dụ như trung tâm an dưỡng ra đời thì Thầy cho ở Hà Nội này nhiều tổ. Tổ thứ nhất đến trung tâm này học trong tuần lễ đó; Thì các con cho những người nào được vào học trong cái tổ đó thì các con cho họ lên. Rồi tổ kia tới ngày khác, tổ khác tới ngày khác nữa; Hoặc là một tổ học trong một tuần lễ thì như vậy mình chia ra. Đông như thế này làm sao học được các con? Cho nên khi mà đứng lớp thì Thầy sẽ dạy từng tổ, do đó nếu chia ra được như vậy chứ còn không khéo rồi chúng ta chỉ nghe lỗ tai này qua lỗ tai kia rồi thôi. Các con biết học đạo đức không như học chữ. Bởi vì đầu óc chúng ta cần phải tư duy suy nghĩ, mà cần tư duy suy nghĩ thì các con phải cầm cây bút mà viết ra thành bài văn. Suy nghĩ lời nói đó như thế nào, ý nghĩ đó như thế nào.
Ở trong Thầy có một cụ già tám mươi tám tuổi, lớp học mở Chánh Kiến cụ ngồi làm bài như những học sinh. các con thấy người ta vẫn tha thiết tu hành, đến tuổi sắp chết người ta vẫn làm được. Thầy tin rằng nhìn trước mặt Thầy có các cụ tóc bạc, rồi các cụ cũng sẽ được học, được sự hướng dẫn của Thầy, được dạy cho các cụ sống tâm thanh thản, an lạc, vô sự, bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Đó là đem lại sự bình an cho tâm.
Nhất là chúng ta là những con cháu, cần phải cố gắng tìm mọi cách làm cho có nơi để các cụ được nghỉ ngơi và học tập. Không lẽ cha mẹ sanh chúng ta ra, nuôi chúng ta cực khổ, bây giờ buộc các cụ phải ôm cháu mà nuôi nữa sao, trông cháu hàng ngày nữa sao? Chúng ta làm sao báo hiếu, đền đáp công ơn sanh thành của cha mẹ? Phải để cho cha mẹ dành một thời gian còn lại quá ngắn ngủi để cho người học được đạo đức sống làm chủ sanh - già - bệnh - chết, trước khi người ra đi được tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Vừa rồi cô Liễu Sanh gặp Thầy. Trước khi gặp Thầy thì chiều tối hôm đó về ngủ rồi cô ngủ luôn. Một lúc nữa Thầy sẽ đến thăm gia đình cô. Cô là đệ tử của Thầy, Thầy đặt pháp danh là Liễu Sanh.
(41:58) Hôm nay Thầy đến đây gợi ý cho các con tổ chức cặn kẽ, kỹ lưỡng từng tổ thọ Bát Quan Trai. Tổ nào sinh hoạt tổ nấy. Những chi phí của các con sẽ đóng góp nhau lại thành một cái tổ để sau khi xin phép được những sách đạo đức, Thầy gửi về trao cho các con, tự tổ các con sẽ bỏ tiền ra in cuốn sách đạo đức rồi các con phát ra cho huynh đệ, cho bạn đồng tu mình, cho trong tổ mình. các con lãnh nhiệm vụ tự in ra những sách đạo đức. Thầy có công viết, các con có công in. Thầy có công xin phép, các con đem sách xin in ấn phẩm đàng hoàng, đúng pháp luật nhà nước để chúng ta học đạo đức. Do đó, Thầy mong rằng những điều này các con làm trước. Tổ này thương yêu tổ kia, tổ kia thương yêu tổ nọ. Mỗi tổ có tài khoản, có kinh tế riêng của tổ đó. Chúng ta dành dụm từng xu, từng cắc để chúng ta làm những việc cần thiết, lợi ích cho mình, cho người. các con nhớ tổ chức lại đàng hoàng.
Đừng có đứng tổ này mà nói xấu tổ kia, đừng có đứng tổ kia mà nói xấu tổ nọ. Đừng có đứng trong tổ này mà chỉ trích tổ khác, đừng có chỉ trích người này, đừng có chỉ trích người kia mà Thầy không trở về Hà Nội nữa. Một lần nữa Thầy nghe ngoài này mà các con không đoàn kết, chỉ trích, nói xấu nhau thì Thầy không về Hà Nội nữa. Thầy hứa với các con. Dù bây giờ Thầy tám mươi tuổi, Thầy có thể sống một trăm tuổi để dẫn dắt các con được trên con đường học đạo đức này. Nhưng các con không nghe lời Thầy, cãi Thầy, làm Thầy buồn bực vì các con của mình không tốt, sống tranh chấp, hơn thua danh lợi, thì Thầy sẽ bỏ ra đi, không cần ở lại đây làm gì. Thầy hứa với các con.
(43:59) Thầy là con người làm chủ được sự sống chết của mình thì muốn đi lúc nào thì đi. Các con còn thương nhau thì Thầy ở lại dạy đạo đức cho các con mà các con không thương nhau như trong một gia đình có ba đứa con mà rầy rà, lộn xộn, không thương nhau thì ông cha còn ở đó để làm gì nữa con? Bỏ đi cho rồi chứ làm gì, nói không biết nghe.
Hôm nay Thầy về đây nói cho các con biết. Nhiều người lợi dụng danh nghĩa Thầy làm những điều không tốt. Cho nên hôm nay Thầy có một bức thư Thầy viết để kêu gọi các con chuẩn bị cái tinh thần của bức thư này. Thầy xin đọc bức thư để các con nghe.
“Chơn Như, ngày 4 tháng 4 năm 2006,
Kính gửi quý Phật tử thân mến trong nước cũng như ở nước ngoài, kính thưa quý vị trung tâm an dưỡng từ thiện thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội đang chờ đợi giấy phép. Khi nào được cấp giấy phép xong thì Thầy sẽ thành lập Ban tài khoản của trung tâm, và chừng đó mới kêu gọi các hội từ thiện, gia đình Phật tử cùng tất cả quý Phật tử xa gần cùng góp công, góp của để có kinh tế cho trung tâm hoạt động. Còn bây giờ giấy phép chưa xong mà có người vận động quyên góp tiền bạc, công sức của Phật tử là không đúng tinh thần từ thiện. Xin quý Phật tử lưu ý!
Kính thưa quý Phật tử, quý vị cần phải đề cao cảnh giác mọi việc không tốt xảy ra, đợi chừng nào có thư của Thầy gửi đến thì quý Phật tử hãy giúp đỡ Thầy, còn không có thư thì thôi. Chúng sanh ít phước nên Thầy phải cố gắng ra công dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo nhưng gặp nhiều khó khăn và gian nan. Ước nguyện của thầy là trung tâm an dưỡng ra đời sớm chừng nào tốt chừng nấy để tám lớp học Bát Chánh Đạo thành hình. Đó là cơ sở dạy đạo đức cho mọi người đầu tiên trên hành tinh này. Cho nên ngay từ lúc bây giờ, quý Phật tử lưu ý đừng để bị người khác lợi dụng danh nghĩa của Thầy làm mất uy danh của trung tâm an dưỡng về sau.
Cuối cùng, Thầy thăm và chúc quý Phật tử mạnh khoẻ. Nhớ tu tập xả tâm tốt, sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Kính thư.”
Đó bức thư của Thầy kêu gọi các con.
(47:02) Để mấy con bị lừa đảo - người ta gọi danh nghĩa của Thầy làm từ thiện này, làm từ thiện kia: “Đây là trung tâm an dưỡng"- người ta gọi các con. các con nghe tưởng Thầy kêu gọi, các con thương Thầy, các con quyết giúp đỡ Thầy, các con cùng siết chặt bàn tay của Thầy và các con để xây dựng trung tâm an dưỡng nhưng không ngờ người ta bỏ túi người ta xài.
Mồ hôi, nước mắt của các con làm ra được đồng bạc quá vất vả thế mà vì lòng muốn dựng lại nền đạo đức, các con mới đem sức lực của mình cùng Thầy đóng góp để làm nên việc lớn, lợi ích cho mình hiện tại, cho con cháu mình về sau. Thế mà bị lợi dụng!
Cho nên ở đây đề cao cảnh giác mà Thầy chia các con thành những tổ, rồi sự sinh hoạt trong tổ các con thành lập một tài khoản các con gửi một người, hai người, ba người giữ gìn cái tiền bạc đó cho các con để rồi khi cần dùng in kinh sách, tổ của con hãnh diện được in cuốn sách đạo đức này trong khi đó Thầy cho ghi tên Tổ một, tổ hai, tổ thọ Bát Quan Trai nguyên thuỷ Hà Nội một, Hà Nội hai, Hà Nội ba, bốn, năm ngay tập sách mà các con được in. Tên của mọi người trong tổ được ghi vào những trang sách đó. Đó là các con góp công, góp mồ hôi, nước mắt giúp Thầy để tập sách được ra đời đến với mọi người học đạo đức.
Các con thấy Thầy giao cho tổ các con làm cái nhiệm vụ ấn tống kinh này, các con bỏ tiền ra, người một chút, các con in được dễ dàng. Ví dụ như sức các con in có một tập hai chục triệu thì các con sẽ bỏ ra hai chục triệu in một tập đó. Có phải không các con? Và bây giờ mười người, hai mươi người, Thầy thấy rằng một người hai chục triệu làm sao in nổi nhưng mười người, hai chục người, ba chục người thì các con làm được chứ, phải không? Một người một trăm, một triệu, một ngàn, người ít người nhiều cùng nhau, hợp nhau thì các con làm cuốn sách đạo đức được ra đời.
Các con thấy lòng thương yêu của Thầy muốn đem hết lại cho các con, nhưng phòng ngừa những người xấu người ta đang lợi dụng Thầy làm những việc không thiện. Rồi tội lỗi về ai? Tất cả những gì các con cúng dường cho Thầy, Thầy chấp nhận hết tội lỗi. Nghĩa là người nào mà Thầy giao tiền bạc cho họ làm mà họ làm sai quấy thì Thầy chịu tội với các con. Nhưng các con đã biết rằng khi các con cúng dường Thầy, Thầy là người giữ gìn giới luật không cất giữ tiền bạc nên giao lại cho người khác, và người khác phải làm theo sự chỉ đạo của Thầy để in các cuốn kinh, phải xây dựng trung tâm an dưỡng, phải chi cho trung tâm an dưỡng những điều cần thiết cho trung tâm an dưỡng, phải chi trả lương cho công nhân viên làm cho trung tâm an dưỡng.
(50:11) Đồng bạc của các con Thầy chỉ đạo đâu đó rành rẽ, không bao giờ hao hụt. Và nếu có sự lầm lạc, sai lạc của những người làm việc mà ăn xớt, ăn bớt Thầy xin chịu tội tất cả những điều đó với các con, Thầy xin chịu tội hết. Còn những người làm sai để nhân quả đền bù họ. Các con đừng nói người đó xấu các con. Vì mọi người tâm chúng ta vẫn còn tham - sân - si, tâm người kia vẫn còn tham - sân - si, làm sao đứng trên đống tiền, đống bạc mà làm sao không bị tiền bạc lôi cuốn? Có phải không các con?
Bây giờ các con có một tỷ bạc, nhưng tiền bạc năm, mười tỉ nó làm mờ mắt các con đi. Nếu các con có một tỷ bạc thì một triệu, hai triệu các con coi nó không nhằm nhò gì, các con không tham. Nhưng mà khi nó hơn cái sức đó rồi thì cái tâm tham của các con nó nổi lên. Cho nên nhiều người đi ở tù là vậy. Họ cũng giàu lắm rồi chứ. Nhưng mà số tiền họ nắm trong tay lại hơn cái sức của họ rồi nên làm cho họ mờ mắt các con. Cái tâm tham chúng ta không đáy. Cho nên chúng ta hãy luôn yêu thương người đó, đừng nói gì hết, những tội lỗi đó Thầy chịu. Các con biết đạo đức là vô giá, không có tiền bạc nào trả được, mà hôm nay họ đã ra công làm cho chúng ta có những cuốn sách đạo đức để đọc. Ơn ấy chưa đền, sao lại nỡ tâm nói họ xấu? Có phải không mấy con?
(51:45) Trưởng lão: Chúng ta không thấy người xấu mà hãy thấy người tốt. Chúng ta thấy lỗi mình, không nên thấy lỗi người, các con! Nhân quả họ làm, họ phải chịu. Chúng ta không sợ; Luật nhân quả công bằng. Dù họ là ông Trời luật nhân quả cũng phạt ông ta chứ đừng nói rằng ông Trời mà luật nhân quả tha. Không có ai mà luật nhân quả tha hết. Nó là một định luật, một pháp luật công bằng, không ai lo lót nó được! Không nói là tui tiền nhiều mà lo lót; Không đem một nải chuối cúng mà bảo được bình an! Chứ trong chùa các con thấy họ đem nải chuối họ cúng, họ cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát phù hộ cho họ bình an. Ăn có một nải chuối mà phù hộ bình an? Ăn có một nải chuối mà phù hộ cho họ trúng một triệu, hai triệu bạc? Có không các con? Đi vô bà Chúa Kho, bà Chúa Xứ cầu để mà mua số đề trúng. Có phải không? Cúng một con gà mà muốn cho mình trúng đề thì các con thấy nghĩa lý gì các con? Cho nên ở đây là đạo đức! Những ai làm sai đạo đức là chúng ta điểm mặt ngay liền. Chúng ta không sợ bà Chúa Kho, Chúa Xứ nào hết! Những người này ăn lo hối lộ, lừa đảo người khác, không ai mà chuyển hoá được nhân quả khi chúng ta làm ác! Trừ ra khi chúng ta làm ác thì chúng ta phải chuyển hoá làm thiện thì ác kia mới chuyển, hoạ kia mới hết, chứ không ai cứu chúng ta đâu. Cho nên đức Phật là một người tu chứng, đức Phật xác định rõ ràng: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi. Ta chỉ là người hướng đạo, không cứu các con được!” Thế mà bây giờ vô chùa cúng bái cầu Phật cứu khổ. Cứu làm sao?
(53:32) Các con có nhớ lời đức Phật dạy không? Cho nên ở đây chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thầy chỉ dạy các con tự thắp đuốc lên đi, không dạy các con cầu khẩn ai cả. Các con cầu nơi các con, phải tự tin nơi mình! Mình có đủ sức làm chủ như câu đức Phật đã nói: “Con người là duy nhất làm chủ sanh - già - bệnh - chết.” Lời nói khích lệ, lời nói sách tấn chúng ta tận cùng, làm cho chúng ta đủ niềm tin!
Nhiều khi các con không đủ niềm tin ở mình. Khi gặp tai hoạ, bệnh tật, các con rối, rồi chạy đến chùa đốt hương chỗ ông Phật này, đốt hương chỗ ông Phật kia cầu khẩn phù hộ cho được mạnh giỏi, có không? Rối! Rồi bây giờ tự lực không có nữa, chỉ nương tựa vào quỷ thần này thôi, có đúng không? Chúng ta phải bình tĩnh, tự tin nơi mình, mình sẽ cứu mình! Bình tĩnh, tâm thanh thản, an lạc, vô sự! Tất cả đều do nhân quả, chẳng sợ! Ngay khi tâm các con bình tĩnh thì nhân quả các con chuyển lần và tất cả tai hoạ đều qua rất nhẹ nhàng. Các con nhớ lời Thầy nói; Đó là chuyển nhân quả!
Còn bây giờ rối ren là nhân quả chồng lên nhân quả, tạo cho các con làm điều ác: cắt cổ gà, mua heo quay đến cúng ông thần này, ông thần kia để phù hộ cho tai qua, nạn khỏi; Lật đật chạy kiếm ông thầy bói này, ông thầy bói khác coi thử coi hôm nay thần trùng gì mà đến đây chết năm, bảy người liên tục. các con làm rối loạn! Rồi lại chạy vào trong chùa kia mua bùa chú yểm cha, yểm mẹ mình để cho đừng có lên bắt con, bắt cháu. Trời đất ơi! Cha mẹ mình mà yểm bắt nhốt trong hũ; Rồi dán bùa lại cho đừng ra. các con ở sao mà bất hiếu quá vậy? Có đúng không các con? Những việc làm như vậy là những việc làm sai, không đúng! Mình sợ con cháu mình chết mình bắt hồn cha mẹ mình nhét trong hũ dán lại rồi yểm bùa lại cho ở trong đó tới chết! các con làm chuyện đó có đúng không? Vậy mà các thầy bày điều đó cho các con làm.
Bán bùa - các con biết lá bùa bao nhiêu không? Lá bùa ếm, đây là bùa Ngũ Hành Sơn đây, dán ông Tề Thiên đặng cho núi đè chết. Nghe nói đè được ông Tề Thiên Đại Thánh mà bây giờ nhốt ông cha mình trong đó để không có trùng thì mừng quá chứ gì? Việc làm đó là bất thiện, bất hiếu.
(55:54) Cho nên ở đây nói thẳng, nói thật, không có để những người mê tín lừa đảo chúng ta, không có đồng cốt nào mà gạt chúng ta được, toàn là thứ tưởng; Cho nên phải tin rằng Phật pháp dạy chúng ta, ông Phật dạy chúng ta là đúng, là chân lý, là sự thật của cuộc đời, cho nên chúng ta phải học đạo đức. Đến đây Thầy xin chấm dứt.
Nhớ lời Thầy, tổ chức tổ thọ Bát Quan Trai, tổ nào sinh hoạt tổ nấy; Người trong tổ này không được ở tổ này rồi ngày mai, ngày mốt chạy lại tổ kia nói xấu tổ này. các con không được làm điều đó. Thầy nghe nói vậy là Thầy loại trừ những người đó ra khỏi tổ, không có cho tu theo Phật giáo Nguyên Thuỷ; Phật giáo không chấp nhận những người nói xấu như vậy.
Cho nên hôm nay nhớ kĩ, đoàn kết, thương yêu nhau thì ngày mai Thầy sẽ cố gắng, Thầy thành lập chi nhánh hoặc trung tâm an dưỡng, nơi mà giúp các con được gần gũi đi học tập. Như cô Liên Thanh và mấy cô lớn tuổi được vào cơ quan an dưỡng nghỉ ngơi, để ở nhà cho con cháu làm gì làm: “Tôi vô cơ quan an dưỡng nghỉ ngơi để Thầy dạy tôi học, tôi tu, tôi làm chủ sự sống chết. Mai mốt chết tôi tự tại ra đi; Chứ không khéo, ôm con, ôm cháu thì chắc chắn tôi chết là thương con cháu lắm, đọa địa ngục, tái sanh luân hồi biết chừng nào dứt”. Có phải không? Bởi vì ôm nó riết, rồi chết thì thương nó: “Trời ơi! bà sắp chết rồi, làm sao mà bà ẵm con nữa được!” Còn đứa cháu thì: “Bà ơi, bà! sống gần con chứ bà bỏ con mà đi, Bà ơi, bà đừng bỏ con!”.
Các con nghe mấy đứa cháu, mấy đứa con khi mà người mẹ, người bà sắp chết nó kêu không: “Bà ơi, bà đừng bỏ con!”, trong khi bà sắp sửa bà tắt thở rồi nhưng nó thương bà quá nó khóc. Làm sao cái người sắp chết mà người ta yên ổn được các con? Làm sao yên ổn được? Tình cảm của con người làm sao mà không sống dậy trong lúc bấy giờ; Không có thầy dạy bảo thì làm sao trong giờ phút đó các con bình tĩnh được. Cho nên Thầy dạy các con lúc bấy giờ thanh thản, an lạc, tất cả những sự khổ đau, những sự thương ghét là cái mối dây để chúng ta tiếp tục luân hồi làm con người, làm con vật. Đau khổ vô cùng!
Đến đây Thầy xin chấm dứt. Nhớ đoàn kết thương yêu nhau! Là con người phải biết thương nhau, biết tha thứ những lỗi lầm của nhau, không được trách cứ nhau: “Thấy lỗi mình, không thấy lỗi người!”. Thầy nhắc lại như vậy các con nhớ rằng đó là những hành động đạo đức của một người theo Phật giáo.
(58:28) Phật tử 1: Kính bạch đức Trưởng lão, hôm nay chúng con những cư sĩ miền Bắc có những người đã là đệ tử của Thầy, nhưng có những người vẫn chưa là đệ tử của Thầy, vô cùng hạnh phúc khi được về đây nghe Thầy chỉ dạy cho chúng con về đường lối của đạo Phật. Qua những lời huấn từ của đức Trưởng lão, chúng con hiểu rằng cuộc đời này có khổ chính bởi vì cuộc đời này thiếu đạo đức! Vì vậy mà sau khi nghe lời đức Trưởng lão huấn từ, chúng con hiểu sâu sắc rằng muốn được an vui, hạnh phúc thì phải tu tập, rèn luyện bằng được một nếp sống đạo đức. Nhờ có nếp sống đạo đức, con người mới không làm khổ lẫn nhau, con người mới đem lại sự an vui cho con người và cho muôn loài. Hôm nay, trước những lời huấn từ của đức Trưởng lão, chúng con sẽ nguyện tu tập để sống đúng với nếp sống đạo đức mà đức Trưởng lão vừa chỉ dạy cho chúng con.
Và cũng nhân ngày hôm nay, cũng có rất nhiều Phật tử sau khi được nghe đức Trưởng lão chỉ dạy đã phát tâm xin được quy y đức Trưởng lão, thì con xin kính trình đức Trưởng lão danh sách của những vị Phật tử đó. Và con kính bạch đức Trưởng lão, với lòng hân hoan được đón đức Trưởng lão ra miền Bắc, một số các quý Phật tử có tấm lòng muốn được cúng dường lên đức Trưởng lão. Con xin kính mong đức Trưởng lão từ bi, hoan hỉ chấp nhận ạ.
Trưởng lão: Thầy hoan hỉ tiếp nhận. Và các con xin quy y Thầy thì nên quy y tên tuổi và địa chỉ để Thầy về Thầy cho pháp danh và Thầy viết cho các con cái biện pháp rồi Thầy sẽ gửi về ngoài này thì các con là những đứa con của Thầy. Khi mà Thầy nhận các con làm đứa con của Thầy, Thầy có trách nhiệm phải dạy các con đạo đức. các con sẽ trở thành những đứa con ngoan của Thầy? các con nhớ chưa? Do đó thì các con ráng cố gắng, Thầy sẽ đến thăm Hà Nội và sẽ dạy các con nữa, Thầy không bỏ các con. Vì Thầy đã nhận các con là con của Thầy thì Thầy làm sao bỏ được các con. Cho nên các con cố gắng.
(01:00:53) Trưởng lão: Hôm nay Thầy còn giải quyết một khâu nữa. Đó là có một chú về đây ở nhà cô Trinh để nhờ cô Trinh nuôi ăn, nuôi học ở đó. Thầy xin nhắc rằng đức Phật ngày xưa dạy cho La Hầu La: “Một người nào mà nói dối là tất cả điều ác đều có thể làm được hết." Chú này có nói dối thì tất cả những điều ác chú sẽ làm được hết. Chú gạt gẫm người này, gạt gẫm người kia. Nếu mà chú là người thành thật, nói đúng thì cô Trinh hãy nuôi, giúp đỡ chú để chú ăn học. Còn nếu mà người này xảo trá thì xin mời chú ra khỏi nhà. Đừng nói rằng đó là đệ tử của Thầy rồi xảo trá, gian xảo. Đệ tử của Thầy không bao giờ xảo trá, gian xảo! Một người nào mà đến ở nhà của Phật tử mà nói rằng là đệ tử của Thầy thì hãy xem hành động của họ là người tốt hay người xấu. Nếu là người xấu, họ không phải là đệ tử của Thầy.
Hồi nãy Thầy đọc bức thư, có nhiều người lợi dụng danh Thầy mà làm tiền Phật tử bằng thế này, bằng thế khác. Những người lợi dụng là đệ tử của Thầy mà làm những điều xấu thì các con đừng tin họ là đệ tử của Thầy. Ví dụ như họ đến Tu viện Chơn Như, họ ở một, hai ngày, họ làm sao học hỏi giáo pháp của Thầy cho thấm được? Họ làm sao học đạo đức, trong tám lớp đạo đức họ làm sao trọn vẹn? Vì vậy mà họ cũng tự xưng mình là đệ tử của Thầy rồi lừa đảo Phật tử nói rằng đệ tử của Thầy.
Mấy con là đệ tử của Thầy, bây giờ họ cũng là đệ tử của Thầy, nếu nhỏ tuổi là em của các con, nhỏ tuổi nữa là con của các con, thế mà các con coi chừng đời này xảo trá lắm các con. Phải cảnh giác! Đừng để người ta lừa gạt mình mà người ta tội lỗi, mà mình bị lừa gạt thì mình chẳng phước báu gì. Làm từ thiện mà để bị lừa đảo thì có được phước báu gì? Mình thương người mà người ta có thương mình không? Cho nên phải đề cao cảnh giác. Cho nên hôm nay Thầy nhắc nếu hoạ chăng chú này là một người tốt, một người thật thì chúng ta hãy giúp.
Còn một người mà nói xạo, nói láo, không thật thì cảnh giác giùm Thầy: “Tôi biết chú không phải là đệ tử của Thầy, Thầy không bao giờ nói láo. Chú là đệ tử của Thầy sao chú nói láo?” Nói ngay liền, đừng sợ các con, nói thẳng. Thầy nhắc cô Trinh: “Con có lòng tốt, con thương người mà con nuôi dưỡng, giúp đỡ. Dù con không nuôi dưỡng mà cho ở trong nhà con mà con không lấy một đồng bạc cũng là tình thương của con rồi. Con phải cảnh giác. Người tốt họ tốt thì phải giữ gìn chứ đừng để cho họ làm gây nên tội lỗi.” Đó Thầy cảnh giác cho các con. Cho nên ở đây đệ tử của Thầy sau khi những cái lớp học đạo đức, một người thiếu đạo đức đến là chúng ta biết liền. Bởi vì mình học đạo đức mà. Người nào làm sai là chúng ta biết ngay liền.
(01:03:56) Cũng như bây giờ Thầy nói như thế này: Đứng trên giới luật của Phật - mười giới - là một vị tu sĩ mà phạm giới không phải là vị tu sĩ; các con căn cứ vào giới là các con biết, Quý thầy cũng đang mặc áo này, cũng cạo đầu như Thầy, cũng đắp y như sư Từ Quang mà giới luật không nghiêm chỉnh thì biết đó không phải là đệ tử của Phật. Chúng ta không nên cúng dường! Vì cúng dường như vậy nối giáo để hại đạo Phật, giới luật mất là đạo Phật mất. Người tu sĩ mà không giữ giới là đạo Phật mất. Nhớ những lời Thầy dạy nha các con!
Thầy sẽ viết những biệt phái này gửi đến các con. Hôm nay Thầy nhắc nhở cô Trinh; Cẩn thận các con! Đời chúng ta hiện giờ đang ác pháp thiếu đạo đức thì có những người lừa đảo trong thế gian này nhiều lắm. Cảnh giác là hơn, tổ, nhóm của chúng ta cảnh giác! Khi nhóm của chúng ta năm người, mười người mà có một người ở nhóm khác đến là chúng ta không cho vô tổ, nhóm. Người đó sẽ quậy cái tổ của chúng ta đó, các con nhớ kĩ! Chúng ta phải cảnh giác để giữ gìn cái tổ của mình để cùng nhau học tập, tu tập. Đừng vì lòng từ bi mà thiếu sáng suốt mà tai hại cho tổ, nhóm của mình.
Hiện giờ các con thấy mình hợp với bao nhiêu người, bao chị em, bao cô bác thì thành lập cái tổ cho mình rồi mình kiểm tra lại kĩ trong cái tổ của mình; Có tổ trưởng, tổ phó rồi một người thủ quỹ, ba người có trách nhiệm xây dựng cái tổ đàng hoàng để tổ chúng ta là một tế bào của trung tâm an dưỡng. Khi nào trung tâm an dưỡng được hoạt động thì các tổ đều là những tế bào của cái thân thể của trung tâm an dưỡng; Nó sẽ hoạt động đều đặn ở trong đó. Ngay bây giờ, các con, những người ngồi trước mặt của Thầy - nếu từ lâu chưa biết Thầy, hôm nay biết Thầy nói về đạo đức - các con thấy đúng thì hợp nhau làm tổ, các con không thấy đúng thì thôi. Chứ không được ép, các con hiểu chưa? Thấy lợi ích thì các con hợp nhau làm còn không thấy lợi ích thì không được làm. Nhưng cấm các con không được chỉ trích người khác, không được nói xấu người khác. Nếu các con nói xấu, chỉ trích người khác là các con không phải là đệ tử của Thầy. Nhớ lời kĩ thì Thầy sẽ còn đến Hà Nội để hướng dẫn các con tu hành làm chủ sự sống chết như Thầy đã nói, làm chủ bốn sự đau khổ sanh - già - bệnh - chết. Đến đây Thầy chấm dứt các con.
Phật tử 1: Kính bạch đức Trưởng lão, hôm nay chúng con vô vàn hạnh phúc được nghe những lời chỉ dạy của đức Trưởng lão. Thời gian của đức Trưởng lão thì cũng có hạn, trước khi đức Trưởng lão ra đi làm những công việc lợi ích cho tất cả chúng sinh, chúng con xin kính đức Trưởng lão ba lễ.
Trưởng lão: Mấy con xá Thầy thôi! Chật lắm. Mấy con chắp tay xá Thầy đủ rồi. Mấy con xá là đẹp lắm.
Các con đảnh lễ Thầy là biến Thầy trở thành Hoàng Đế; Thầy không có làm Hoàng Đế nên chỉ xá Thầy thôi.
Phật tử 2: Xin Thầy hãy trở lại để chỉ bảo cho chúng con, Thầy nhé!
(01:07:25) Trưởng lão: Thầy xin hứa với các con, sau khi các con giữ gìn tốt, Thầy ra ngoài này Thầy ở đây Thầy dạy một tuần lễ. Thầy sẽ đến thăm từng gia đình các con để Thầy an ủi từng con cháu của Thầy chứ! Khi nào có lớp học, Thầy mới ra ở được, Thầy mới đi thăm. Còn bây giờ Thầy đi công việc cho nên không có thời gian rảnh. Chứ có thời gian rảnh Thầy đến thăm từng gia đình các con.
Thôi bây giờ Thầy biết các con trong bụng muốn mời Thầy đến thăm gia đình; Nhưng mà làm sao có thì giờ các con? Chờ Thầy đến đây khai giảng cái lớp học đạo đức, lớp Chánh Kiến; chừng đó Thầy về thăm gia đình của các con hết luôn. Học trò của Thầy thì Thầy phải biết gia đình chứ, phải không các con? Thăm biết để dạy tất cả các con, các cháu của các con luôn; Chứ không phải dạy các con không đâu! Để cho nó có đạo đức hết mà! Đạo đức cần thiết lắm các con, mọi người đều học hết. Thầy hứa mà có duyên thì Thầy về Thầy dạy rồi Thầy ở lại một tuần, hai tuần. Những cái giờ dạy xong rồi thì Thầy về thăm gia đình của các con, thăm các cháu coi đi học giỏi hay là dở, khuyến khích cho nó học, phải không? Sách tấn cho nó học đạo đức, cho nó sống cho đúng thì dân tộc chúng ta sẽ hạnh phúc. Có một vị thầy vĩ đại biết thương hết!
Thôi bây giờ Thầy về các con.
Phật tử 1: Dạ, vâng! Chúng ta đứng dậy để chúng ta đảnh lễ và đưa tiễn Thầy ra xe ạ.
Trưởng lão: Thôi, chắp tay lên xá Thầy thôi.
Rồi, các con nhớ nha, ráng nha. Phải ráng tu tập đó.
HẾT BĂNG