TU HÀNH KHÔNG KHÓ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật Tử
Ngày giảng: 25/08/2009
Thời lượng: [15:03]
Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/20090825-tu-hanh-khong-kho-phat-tu-tp-ho-chi-minh.mp3
(00:10) Phật tử: Tụi con ở thành phố, thì lâu quá rồi tụi con không có lên đây. Mà có cái dịp anh em cũng về cũng quê ở Trảng Bàng, thành ra về quê. Nhưng mà cái chương trình là phải tới thăm Thầy mới được. Thành ra tụi con rất là mừng mà được Thầy dành một chút thì giờ để mà tiếp tụi con như thế này là tụi con quý lắm.
Trưởng lão: Chớ làm cái gì mà Thầy bỏ được, Thầy Không nghe thôi chớ Thầy nghe rồi Thầy đến thăm. Mình cũng lớn tuổi với nhau hết rồi! Về gặp nhau là hạnh phúc lắm chớ sao.
Phật tử: Tụi con đây cũng là nghiên cứu Phật giáo nhiều lắm, đọc sách được nhiều lắm. Nhưng mà tu hành thì chưa được bao nhiêu, ăn chay thì tháng có bốn ngày, hai ngày thôi.
Trưởng lão: Thầy, là Thầy quý rồi ấy chứ!!
Phật tử: Phải ở đây mà tu hành như vậy, con thấy là rất là hay á, không hiểu sao. Nhưng còn nhờ ơn Thầy sao, mà Thầy có bí kíp gì mà tu hay he.
Trưởng lão: Nói chung nó cũng đơn giản, chứ không có khó gì. Thì mình chỉ dùng cái pháp như lý Thầy lấy cái ý của mình, mình tác ý mình đuổi. Những cái gì mà chướng ngại làm cho tâm mình dễ phiền não, giận hờn, lo lắng, sợ hãi đồ đó, thì mình dùng cái ý.
Thí dụ như giờ có người nào nói gì đó trái ý mình, mình hơi buồn, do đó mình nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là nhân quả đó, đừng có buồn”, thì cái tâm mình nó trở về bình thường. Thì cứ như vậy mãi cho đến khi mọi thứ chuyện xảy ra, nó thấy nó thản nhiên hết, thì như vậy là mình thành công, mình giải thoát rồi.
Nó đơn giản có gì đâu! Cái gì mà nó làm cho mình buồn phiền ở trong lòng của mình, dù là những người thân của mình đi nữa, nói cái lời nói nó làm cho mình buồn, mình nhắc: “Tâm bất động nghe, thanh thản, an lạc, vô sự. Đây là nhân quả, mình sanh ra, mình gặp nhau để mà trả mà, tại sao mày buồn?”. Mình nhắc mình vậy thôi, cái tâm mình nó bình thường trở lại. Nó có nhiêu vậy thôi, nó cứ bình thường, bình thường. Cứ hễ nó có chướng thì mình nhắc nó, có chướng mình nhắc nó cái nó bình thường và cứ như vậy, cho đến cuối cùng.
Thầy thấy rõ ràng, bây giờ nó hổng chướng, ai nói gì, nó thản nhiên hết rồi. Thì như vậy nó giải thoát rồi chứ sao? Nó bỏ hết được rồi! Hồi đó nó bỏ không được.
Phật tử: Kính thưa Thầy! Thầy nói về nghe mà thực hiện khó như vậy, sao mà cho được kết quả được.
Trưởng lão: Nó bền chí! Ở đây nó bền chí thôi.
Phật tử: À bền chí hả Thầy!
Trưởng lão: Nó bền chí, ngày nào mình cũng học hết. Chớ mình làm có một lần rồi, ba bốn lần mình cứ để cho mình buồn phiền ở trong lòng mình thì không được. Có cái sự gì mà nó làm chướng ngại buồn phiền thì mình nhớ tác ý: “Tâm bất động nghe, thanh thản an lạc vô sự nghe, đừng có để buồn phiền, đó là nhân quả mà! Nhân quả gặp nhau mới có sự việc như vậy chớ, sao lại buồn”. Mình nhắc mình thôi, chớ không nhắc ai hết, nhắc người ta, người ta chửi mình. Mình chỉ nhắc mình.
Phật tử: Kính thưa Thầy! Cái phương pháp mà như lý tác ý á, nó có ảnh hưởng với cái môi trường không? Tùy theo cái môi trường, môi trường sống á!
(03:01) Trưởng lão: Ờ! cái môi trường, sống cái môi trường nào nó cũng dùng nó để mà nó đem lại cái tâm nó, nhanh. Nó không có cần cái môi trường đâu. Cái môi trường nào nó cũng làm được hết, bởi vì nó là cái ý thức của chúng ta mà. Bây giờ mình sống trong hoàn cảnh nó ngặt nghèo, thì nó cũng dùng pháp tác ý nó đem lại bình thường.
Mà cái hoàn cảnh thuận tiện thì cái ý muốn, cái pháp như lý tác ý nó thuận tiện thì nó ít chướng ngại chớ gì? Thì mình dùng ít, có vậy thôi! Mà nó chướng ngại nhiều, thì mình lại dùng nhiều, tác ý nhiều.
Bởi vì đức Phật dạy: “Có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”. Lậu hoặc là cái sự buồn phiền đau khổ mình, chứ không phải là cái gì.
Cho nên vì vậy mà mình dịch cái danh từ “lậu hoặc” thì khó hiểu. Nhưng mình dịch cho nó thẳng cái danh từ đó, “Có như lý” tức là có ý thức của mình tác ý ra thì cái sự đau khổ nó sẽ không sanh ra, mà nó đã sanh ra thì nó bị diệt.
Nó làm mình đang bị đau khổ đó, nó bị diệt, Mình hằng ngày mình không có ai động đến mình thì mình vẫn nhắc nó: “Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự”, rồi mình ngồi im chơi. Rồi nó nghĩ cái gì nó nghĩ, những cái nghĩ của nó, nó không làm cho mình buồn phiền giận hờn thì nó nghĩ, nó nghĩ chớ đừng diệt nó. Chớ không phải bắt buộc cái ý thức của mình nó lặng lẽ. Bởi vì mình con người, chớ đâu phải gốc cây đâu mà không được suy nghĩ, nhưng mà nó suy nghĩ, nó đâu có buồn.
Thấy không? Bây giờ mình suy nghĩ cái này nó phải làm tốt cái này, đó là cái điều thiện mà. Cho nên trên cái pháp Tứ chánh cần đức Phật nói: “Ngăn ác, diệt ác mà sanh thiện, tăng trưởng thiện”. Tăng trưởng cái ý thức nghĩ tốt, chớ đừng có diệt nó. Mà chỉ diệt cái ý thức mà nghĩ nó làm cho mình buồn phiền, mình làm cho mình khổ thì ngăn diệt nó, để ngăn nó.
Đó là cách thức mình tu theo Phật pháp mà, thành ra nó giữ được tâm nó mà nó không diệt cái ý thức. Chứ còn mình theo cái kiểu mà diệt cái ý khởi ra, diệt theo cái pháp mà biết vọng liền buông đó cũng như Hòa Thượng dạy đó. Cứ buông vọng hết. Vọng thiện cũng buông, mà vọng ác cũng buông. Buông hết rồi, bây giờ mình, nó, coi như là nó trở thành cây đá mất rồi sao? Nó vô phân biệt.
Phải không? Mình buông hết cái ý của mình thì vô phân biệt. Thì vô phân biệt là bây giờ thí dụ như Hòa Thượng Phước Hậu á, Ngài cũng buông riết rồi, cho nên ngài nói:
“Kinh điển Phật truyền tám vạn tư
Tu hành không thiếu cũng không dư
Đến nay chừng đã như quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”
Chỉ nhớ có chữ như thôi. Cho nên Ngài qua sông rồi, Ngài đi luôn, Ngài không mặc quần áo. Chú thị giả: “Thầy! Thầy! Thầy, Thầy dừng lại Thầy mặc quần áo đồ đi chứ. Bây giờ Thầy lội sông rồi, bây giờ thầy ở truồng thầy đi, rồi người ta cười sao?”.
Đó là mình cứ giữ cái tâm như, đừng có phân biệt quần áo hay này kia. Nhưng mà không ngờ như vậy đâu phải. Con người của đạo Phật, con người trí tuệ chớ, đâu phải như người điên. Bây giờ Hòa Thượng đi như vậy đó, đi ra đường vậy đó, mà ở truồng đi, người ta nói ông điên chớ. Ai thấy ông ở truồng mà hổng điên! Phải không?
(05:50) Mình cứ nghĩ là tu vô phân biệt. Vậy đâu có được. Ông vô phân biệt của ông chớ. Tui, ông đi đường mà tui thấy ông lạ hơn ai thì tui nói ông điên chớ sao? Mà đạo Phật đâu có phép chúng ta sống cái kiểu mà bừa bãi vậy được.
Cho nên ở đây, mình tu đúng thì nó đúng, mà tu sai coi chừng nó lạc đó. Mà không ngờ cái ý thức mà chúng ta nó dừng lại thì nó lọt ở trong không. Cái không niệm mà, mà cái không đó nó đâu, đâu phải nó kéo dài cho mình có chút đâu. Ngày này qua ngày khác, thấy vậy, mười tám loại tưởng không đó. Nó vậy, mười tám loại tưởng. Bởi vì cái không đó nó thuộc về không tưởng rồi, chớ đâu phải. Ý thức nó dừng thì cái tưởng nó phải hiện ra.
Cái biết của mình đang biết ở trong cái tưởng, chớ đâu phải đang biết ở trong cái không đó là cái ý thức đâu. Bị ý thức nó nghỉ, nó dừng rồi, nó không còn quản lý nó được nữa. Cũng như mình chiêm bao thì cái ý thức đâu quản lý, tưởng nó chiêm bao. Thì lúc bây giờ cũng giống như mình đang chiêm bao, mà chiêm bao ở trong cái không đó thôi! Mình đâu có làm chủ được.
Cái mục đích của đạo Phật là dùng ý thức để làm chủ. Ý, như ý túc mà! Ý, như ý mình muốn mà. Bây giờ cái thân này đau lắm nè: “Thọ là vô thường, đi.” Chỉ cần ý thức tác ý như vậy, cái thọ nó đi mất, cái thân hổng đau. Đó làm chủ bệnh.
Còn bây giờ có người ta nói gì mình buồn phiền, thì mình nhắc: “Tâm bất động thanh thản an lạc vô sự, không giận ai hết, không buồn phiền ai hết”. Tức là làm chủ cái tâm, có phải không? Làm chủ đời sống mà! Còn kia làm chủ bệnh. Mà đời sống thanh thản, an lạc, vô sự thì già quắc thước, nó đâu có run rẩy, đâu có yếu đuối. Bởi vì mình có buồn phiền đâu, mà cái thân của mình nó theo ảnh hưởng của tinh thần mà. Cái người mà lo rầu, mà giận hờn, buồn phiền thì thân già nó sẽ yếu đuối. Nó ảnh hưởng tinh thần mình lắm. Phải không?
Mà bây giờ làm chủ bệnh nè, làm chủ già nè, khi già nó đâu có. Bị mình đâu có giận hờn, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi đâu mà cái thân già nó lại run rẫy, lại yếu đuối đâu? Thành ra làm chủ già, rồi làm chủ bệnh, bây giờ làm chủ chết. Làm chủ chết thì nhập vào Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, rồi muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống. Tại vì mình nhập vào cái định đó nó ngưng hơi thở, chớ hổng phải ngồi đây mình bịt mũi, bịt mồm, mình hổng thở. Có phải không?
Do cái sức thiền định của người ta. Thành ra người ta làm chủ bệnh là người ta do, làm chủ cái chết của người ta bằng cái sức thiền định. Chớ không phải là kêu nín thở.
Cho nên có người nghe, mình tịnh chỉ hơi thở, thôi tập mình nín. Nín lần một phút, hai phút, rồi mình ráng ba phút, bốn phút, nín riết. Cuối cùng mình nín, có làm được gì đâu?
Tại mình tập nín thở. Còn cái sức thiền định mình hoàn toàn vào cái định đó, nên cái định đó nó tịnh chỉ hơi thở. Nhưng mà thân tâm người ta, nó an ổn trong cái trạng thái của ngưng hơi thở, chớ hổng phải là vô đó mà tức tối.
Phật tử: Vậy đằng này cũng tuổi già hết rồi, cái đời nó ngắn quá. Cái đời ngắn, thành ra không biết tu làm sao cho nó được đây?
(08:43) Trưởng lão: Bây giờ, mình giữ cái tâm bất động thôi. Đức Phật dạy, dù bây giờ quý vị có tu có Tam Minh, có Thần thông, có Thiền định đi nữa nó cũng có ở trong bất động đó mà thôi. Nó cũng có vào niết bàn.
Bây giờ Thầy giữ, Thầy nhắc. Bây giờ nó tương ưng, nó mới sanh. Mình còn tham, sân, si thì mới tương ưng với những người tham si, mới sanh. Còn mình giữ tâm bất động, nó không tham sân si làm sao nó sanh? Tức là mình cũng vẫn ở trong Niết bàn. Thì bây giờ mình già rồi, hổng có phiền não, thì giữ tâm bất động. Ngày nào ai nói gì tui không chướng ngại, tui không lo lắng, tui giữ tâm tui bất động. Chừng chết tui cũng ở đó, tui cũng vào Niết bàn, chứ đâu cần gì tui phải tu nhiều.
Bởi vậy đức Phật dạy mười một cái tri kiến giải thoát, mà cái tri kiến mình nhìn tất cả mọi sự việc xảy ra đều nhân quả. Biết, thấy nó là nhân quả mà. Do đó tui giữ cái tâm bất động, tui hổng dao động trước, bởi vì nhân quả mà, tui hổng dao động. Cho nên tui cũng vào niết bàn như mấy ông vậy, có gì.
Cho nên quý vị là già, quý vị cứ giữ tâm bất động cho Thầy khi quý vị sống, tới chừng chết cũng vào Niết bàn, không đi tái sanh nữa. Tái sanh làm con họ cực lắm.
Phải không? Họ sanh ra họ bồng, đã ẵm, chứ mình có đi đứng gì được đâu. Trời đất ơi! Tới lúc đó bây giờ mới khổ. Mẹ khổ mà con khổ, chớ đâu có phải là nói mẹ khổ không đâu.
Ăn còn phải đút, chớ nó có lại nó ăn được đâu, nó có bưng chén cơm nó ăn đâu? Còn vệ sinh thì trời ơi! Nó nằm đó nó vệ sinh, chớ nó có đi đâu được? Cả một vấn đề khổ. Mẹ khổ mà con khổ. Còn không, mẹ không lo vệ sinh cho nó thì nó lăn lộn ở trên bẩn thỉu, chứ nó làm sao mà sạch được.
(10:17) Cho nên mình lớn khôn là công lao của cha mẹ mình rất lớn, của mẹ cực lắm. Chứ hổng phải không đâu. Mình nhớ được sanh làm một đứa trẻ, đã là ra khỏi bụng mẹ là khổ rồi. Phải không? Nằm trong bụng mẹ khổ rồi, bị nó bưng bít ở trong đó, nó co rút lợi mà hổng khổ được. Ra khỏi bụng mẹ là cả một vấn đề sống chết nữa rồi. Khổ rồi! Rồi lăn lóc ở trên đó, rồi vệ sinh, rồi ăn uống, ỉa đái gì, Trời đất ơi! Cả một vấn đề khổ.
Đó, mình nghĩ coi ai khỏi không? Không biết. Chúng ta bây giờ ai cũng phải qua cái giai đoạn đó hết rồi. Rồi bây giờ đó, lớn lên rồi lo cái sự sống chết, ăn uống này kia nọ, phải lo công ăn việc làm, cả một vấn đề khổ. Rồi có vợ có con, rồi vợ đâu phải về nó như cục bột đâu. Nó trái ý, nó cũng cãi mình, mình cũng khổ. Rồi nó đẻ con ra rồi mình cũng phải nuôi, chứ bây giờ bảo nó nuôi làm sao?
Đó, tất cả những cái này là một cái, một cái quá trình khổ. Luôn luôn nó khổ. Mình sanh con ra nói nó hết khổ sao? Hoàn toàn nó cũng khổ chứ? Rõ ràng là mình tạo cái thế khổ không hà. Đời này khổ, đời khác khổ.
Tại sao chúng ta đừng có lập gia đình thì nó chấm dứt khổ đi. Không! Này lập gia đình đẻ năm bảy đứa khổ, chứ đâu phải một đứa sao? Bây giờ quý Phật tử coi phải không? Bây giờ quý Phật tử có con có cháu của mình một dàn khổ, chứ đâu phải một mình mình khổ đâu.
Mà mình cứ tưởng nó là hạnh phúc, cho nên nó chạy theo. Chứ cỡ như Thầy bây giờ có một dàn con, chắc là Thầy cũng phải khổ với nó. Nhờ Thầy biết Phật pháp tu, cho nên cái dàn khổ này hổng còn. Phải không? Phải đúng không? Thầy hổng có cái dàn khổ, mà chỉ có Thầy.
Mà bây giờ Thầy lại làm chủ sanh, già, bệnh, chết Thầy rồi, đâu có còn khổ nữa. Muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào sống. Khỏe quá! Ai chửi cũng hổng biết giận, ai cho ăn uống gì Không chê, bởi vì ăn sống được. Đó, đó vậy là mình hết khổ rồi. Ráng cố gắng, mai mốt có rảnh đến đây xin Thầy, Thầy chỉ cho giữ tâm bất động.
Bây giờ ở đây lâu mình không thể được, thì ít ra mình đến, mình ít ra. Thầy cho một cái thất vô tập. Tập coi nó trật trúng, Thầy sửa. Sửa trúng rồi cái bắt đầu mình lại tăng.
Phật tử: Thầy, Thầy mệt rồi, Thầy cho tụi con về để cho Thầy nghỉ.
Trưởng lão: Thì đúng rồi!
Phật tử: Để tui hỏi, hỏi một cái là: Về cái như lý tác ý á Thầy! Thì con nhận thấy là từ sáng tới chiều mình tác ý hổng biết bao nhiêu lần. Thì như thế nào mà mình kiểm soát được cái tác ý của mình cho nó đúng hay là nó như thế nào vậy Thầy?
(12:51) Trưởng lão: Mình tự mình chế ra những câu tác ý, chớ không phải là bắt mình rập khuôn. Tùy theo cái tâm niệm của mình thì mình tự nghĩ ra câu tác ý đuổi cái thằng này đi. Thì mình nghĩ ra, chứ không phải là bắt tụi con phải câu tác ý: “Tâm bất động, thanh thản” đâu!
À! Bây giờ nghĩ ra, thí dụ như bây giờ nghĩ ra đến, mình nhớ thằng con này, thì mình nói: “Đây là ái kiết sử nè, nó sanh lên, nó đòi nợ cho mình nhớ đây”! Thì mình biết: “ Tao ở đây hổng có nghe, hổng có nhớ” thì con tự tác ý ra được hết. Cái câu tác ý mà. Cái câu cái nghĩa của cái ý của mình để làm cho cái niệm đau khổ, thương ghét của mình cho nó đi, để nó trở lại sự yên ổn cho mình. Có như vậy thôi.
Phật tử: Dạ. Thưa Thầy! Cái tác ý giả tỷ như bây giờ con muốn cầm cái này lên thì mình tác ý mình cầm. Thì như vậy là cái mà, yếu tố mà nó làm cho mình sanh ra cái ý mình muốn cầm cái này lên, thì mình muốn biết nó, làm sao kiểm soát nó đúng hay là nó sai?
Trưởng lão: Đúng á! Bây giờ thí dụ như con muốn biết, à bây giờ cái ý con muốn cầm cái này lên. Con bảo: “cái tay á”! Bây giờ con bảo tay mặt: “Tay mặt hãy cầm cái máy này lên”. Thì bắt đầu cái lệnh con truyền vậy đó, cái đó là con đang tập tỉnh thức. Để con tỉnh thức để một cái lệnh con sai nó.
Mà con hằng ngày, con bước đi con bảo chân mặt bước, thì cái chân mặt con bước, chân trái bước. Đó là con tập ý thức lực để điều khiển cái hành động thân của con. Nhưng mà không ngờ ý thức lực con tập nó trở thành một cái lực. Con ra lệnh mà con để cái chân đây, con đừng có bước đi. Con bảo: “Cái chân mặt, bước”. Nó tự động, nó tự nó đẩy lên, nó đưa tới à. Cái lực của nó mạnh lắm, cái lực của ý thức á! Chớ hổng phải là con bước.
Cho nên vì vậy mà có người khi tập Pháp Thân hành niệm á! Họ ra lệnh sao nó cứ đẩy, đẩy, đẩy, đẩy, nó đẩy cho mạnh nữa. À! Bây giờ cái ý thức lực, coi chừng mấy con bị tưởng lực. Chừng đó phải có Thầy, không có Thầy nó đẩy mấy con bay lên luôn. Cho nên cái lực của ý thức nó mạnh lắm con. Nó mạnh lắm! Coi vậy chớ, mình không sử dụng nó, chứ sử dụng nó, nó mạnh lắm con.
Thôi bây giờ thì mấy con sẽ về.
Phật tử: Cảm ơn Thầy! Hy vọng là có dịp nào đó lên thăm Thầy lâu lâu hơn nữa, Thầy nói nhiều hơn nữa đó. Dạ! Cám ơn Thầy.
Trưởng Lão: Được rồi, thôi Thầy về.
HẾT BĂNG