20090215 - PHẬT TỬ HÀ NỘI - THÂN HÀNH NIỆM RÈN Ý THỨC LỰC

20090215 - PHẬT TỬ HÀ NỘI - THÂN HÀNH NIỆM RÈN Ý THỨC LỰC

PHẬT TỬ HÀ NỘI - THÂN HÀNH NIỆM RÈN Ý THỨC LỰC

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 15/2/2009

1- PHÁP THÂN HÀNH NIỆM LÀ CỔ XE KIÊN CỐ

(00:00) Trưởng lão: Bây giờ Thầy nói chuyện với mấy con thêm. Mấy con thấy cái pháp Thân Hành Niệm nó đơn giản nhưng nó cấu kết cả cái thân hành nội và cái thân hành ngoại của chúng ta hết. Nó liên hệ, nó cấu kết hết mà, thì mấy con thấy tay chân đưa ra hết. Không có cái nào trong thân của chúng ta mà thiếu chỗ nào được hết. Vì vậy mà khi mà cái thân hành nó đã liên tục với nhau hết, nó trở thành cái bánh xe kiên cố, mà trong kinh sách Phật gọi là cỗ xe kiên cố.

Mà khi cỗ xe kiên cố mấy con tập thuần thục rồi, thì lúc đầu mấy con còn tác ý, như Thầy tác ý đó, tác ý rồi cái hành động làm, các con nhớ chưa? Mà sau này, khi mà nó đã thuần thục rồi các con không tác ý, cứ để hành động nó đưa lên, đưa xuống nó chạy, nó lăn.

Mấy con tập chừng một giờ hoặc đến hai giờ, suốt cái thời gian mấy con tập mà thấy cơ thể nó khỏe khoắn, thấy cơ thể nó an ổn mà không bao giờ có một vọng tưởng. Mấy con nhớ kỹ, mấy con về tập rồi nó quen, nó quen.

Khi còn tác ý, mấy con tác ý rồi thì cái hành động nó mới làm. Mà khi không còn tác ý nữa, lúc bây giờ cho bánh xe chạy thì mấy con không cần tác ý. Mà khi mấy con chưa thuần thục, chưa có đủ cái lực, nghĩa là mấy con vừa tập như vậy mà còn thấy những cái vọng tưởng nó xen vào trong cái câu tác ý thì mấy con đừng bỏ câu tác ý.

Chừng nào mấy con tập suốt cái thời gian như mấy con tập một giờ, hai giờ mà không có một niệm hôn trầm nào xen, mà không có một cái vọng tưởng nào mà xen trong đầu của mấy con hết, đó là pháp Thân Hành Niệm đã cán nát chướng ngại pháp. Các con lưu ý điều này!

Còn khi mà nó còn, thì mấy con thấy, khi mà nó còn, mấy con ngồi lại có chút xíu là thấy nó buồn ngủ, thì nó còn là nó chưa cán chết đâu, thì mấy con cố gắng tập nữa, tác ý tập, tác ý tập, tác ý từng hành động tập.

Khi nào mà nó đã cán hết rồi thì mấy con cứ để bánh xe tự nhiên nó chạy, nó chạy để nó vào cái Định Bất Động của nó, cái tâm Vô Lậu. Thì lúc bấy giờ mấy con tập nhuần nhuyễn rồi thì mấy con ngồi lại, mấy con ngồi lại mấy con chỉ có tác ý một câu, chỉ có tác ý một câu thôi: “Tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự”

Phật Tử: Con mời Thầy!

Trưởng lão: Cám ơn con, con để đó.

“Tâm Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự”. Ngồi im lặng, tự nó bất động, mấy con bảo nó một giờ thì nó nghe một giờ. Bởi vì cái lệnh mấy con tác ý từng hành động của nó nó trở thành một cái ý thức lực. Nó đã tập quen đi thì nó sẽ trở thành một cái ý thức lực. Mà ý thức lực của mấy con thì mấy con tác ý bảo nó “Phải một giờ im lặng là phải thanh tịnh một giờ!”, tâm mấy con im lặng, không cần phải ức chế bằng phương pháp nào cả hết. Bằng cái phương pháp dẫn cái ý thức của chúng ta, dẫn cái tâm chúng ta vào sự thanh tịnh. Nó có phương pháp mấy con. Cho nên mấy con tập rất hay, Nhưng mà phải cố gắng tập!

2- TU ĐỪNG ĐỂ LỌT VÀO TƯỞNG

(02:35) Coi vậy đấy chứ nó có thể nó lười biếng lắm, tập rồi thời gian sau mấy con bỏ, chứ mấy con siêng năng thì mấy con sẽ có kết quả, mấy con. Khi mấy con tập được cái pháp đó xong rồi, thì mấy con thấy cái duyên mình cần phải tu tới nơi để làm chủ sự sống chết của mình thì hãy vào đây, chứ còn ở ngoài đó mấy con mà nếu thấy nó im lặng được rồi, mấy con đi vào trong cái chỗ im lặng, người ta rất sợ. Đầu tiên mấy con thấy ngồi lại thì có vọng tưởng, rồi hôn trầm, thùy miên, người ta không sợ mấy cái này đâu. Nhưng mà người ta sợ ngồi lại mà khi cái tâm nó hoàn toàn nó không vọng tưởng thì nó rớt trong tưởng là người ta rất sợ.

Cho nên khi đó mấy con chỉ được gần cái người thiện hữu tri thức để người ta biết mấy con rớt trong tưởng nào để người ta giúp đỡ mấy con diệt những cái tưởng đó. Bởi vì cái tưởng là do cái lưu xuất của những cái thần thông của cái tâm của chúng ta, cái tâm tưởng của chúng ta, nó lưu xuất ra những cái ánh sáng, những cái này kia. Cũng như mình ngồi tu im lặng vậy mà sao mình biết, sự việc xảy ra xung quanh mình biết. Cái chuyện gì xảy ra mình biết. Ngày mai này trước cổng mình sẽ có xe đụng, mình biết liền. Thì ngày mai quả nhiên, quả chăng sáng hôm sau có xe đụng trước cổng nhà mình. Tại sao tôi biết việc vậy? Thì mấy con sẽ bị các cái tưởng nó giao cảm rồi.

Cho nên lúc bấy giờ mấy con chưa đạt được cái tâm vô lậu hoàn toàn mà nó có những cái đó đều là ngay lúc đó mấy con gần thiện hữu tri thức, người ta bảo tác ý xả hết tất cả cái này, không chấp nhận những cái thần thông này đâu! Chứ không mấy con thấy mình tu có cái lực kỳ lạ rồi mình phát mừng lên, mừng lên là mấy con chạy theo dục rồi. Các con hiểu không? Một ý niệm: “Ờ, thấy bây giờ tôi thấy sao bữa nay mà tôi ngồi yên lặng như thế này!”, mà mấy con khởi cái niệm yên lặng là nó mất yên lặng rồi. Nó sai rồi mấy con.

Cho nên khi mà nó thấy được cái sự mà mấy con tu cái pháp này rồi, mấy con ngồi lại rồi mà mấy con tác ý bảo ba mươi phút, nó bất động thì mấy con mau mau vô trong này dùm Thầy. Đừng ở ngoài đó mà tu bất tử thì không được, nó lọt trong Tưởng rồi mấy con thành thầy pháp hết, thầy phù thủy thì Thầy cứu mấy con không được đâu. Lúc đó mấy con lên đồng nhập cốt bất tử, thôi, chuyện mình đi tu theo Thầy mà giờ lên đồng nhập cốt hết thì thôi, thôi không được mấy con.

Cho nên mấy con nhớ khi nào mà cái tâm nó yên lặng rồi thì mấy con phải gần thiện hữu tri thức để người ta phá sạch cái tưởng cho mấy con. Cái tưởng đó là những cái lực của thần thông. Mà ngoại đạo các vị phù thủy, các vị ngoại đạo mà không biết, người ta luyện cái tưởng, người ta có thần thông. Điều đó là người ta đã đi sai con đường của đạo Phật hết rồi!

Cho nên nhớ kỹ những cái điều mà Thầy dạy mấy con. Nó nguy hiểm là nó phí bỏ cuộc đời mình, mà nó lạc vào trong tưởng. Mấy con biết cái nghiệp mà chúng ta đã huân vào tưởng thì đời sau chúng ta sanh lên, sanh lên thì chúng ta không làm thầy phù thủy thì cũng làm thầy pháp, thầy bùa hoặc là đồng cốt thôi. Chứ không có làm cách nào khác nữa. Bởi vì cái nghiệp đó, cái nghiệp tưởng đó nó phải sinh lên nó…​, thời gian sau mình sinh lên, lớn lên cái nó bỗng dưng tự thân của mình sao nó làm cái chuyện đó. Rồi nó xưng rằng cứu nhân độ thế, rồi nó nói dữ tợn lắm. Mấy con nghe mấy ông thầy tưởng ông ấy nói “cứu nhân độ thế, cứu nhân độ thế” không à. Rồi ông ấy làm thầy thuốc, nào là chặt lá cây này kia, hốt hoặc là múc nước lã cho người ta uống. Thật sự ra cái phước nó có thì nó chỉ có một thời gian nó cứu người ta được, nhưng sau đó rồi coi như là nó không cứu ai được hết. Thì cái đó là cái nguy hiểm mấy con. Mình hãy cứu mình, mình làm chủ sinh tử đi, chứ đừng có chạy theo ba cái này thì nguy hiểm.

Hôm nay mấy con hiểu được cái pháp Thân Hành Niệm, Thầy đã đi rồi, mấy con thấy chưa? Nhớ về tập, cái Pháp rất quý!

3- THẦY DẠY TÁC Ý TRONG PHÁP THÂN HÀNH NIỆM

(5:58) Phật tử nữ: Dạ vâng. Thầy cho con xin hỏi trước, khi tác ý, con tác ý bằng lời hay con tác ý bằng tâm ạ?

Trưởng lão: À, Thầy tác ý cho mấy con nghe đó là tác ý bằng lời, còn mấy con tu, mấy con tác ý bằng tâm. Trong ý mình tác ý: "Dở gót lên!", thì mấy con nói trong ý thôi chứ mấy con la như vậy, nhà ở gần bên nói: "Nhỏ này tu điên, nó la kỳ!", con hiểu không? Mình thầm mình tác ý trong ý, trong ý mấy con. Tác ý trong ý mấy con.

Phật tử: Dạ!

Trưởng lão: Mình thầm mình tác ý trong ý. Đó là như vậy, đúng. Không, mấy con hỏi kỹ như vậy, để không mình la: "Dở chân lên, dở gót lên!". Ở gần chòm xóm nghe, "Trời đất ơi, sao nó la cái gì kỳ!" Các con hiểu không? Thôi bây giờ xong rồi, Thầy về mấy con. Thầy về, Thầy về…​ Ngày mai mấy con về mạnh giỏi, mấy con. Thầy chúc mấy con về ráng tu tập cho được kết quả. Có gì không con?

Phật tử nam: Dạ, kính bạch Thầy cho chúng con hỏi, sau khi mà chúng con tập đi Thân Hành Niệm hai mươi bước rồi, sau ba mươi phút tập thì chúng con có ngồi nghỉ không ạ?

Trưởng lão: Có ngồi nghỉ con, ngồi nghỉ thư giãn, ngồi nghỉ thư giãn chơi. Con ngồi không có tu gì hết, thư giãn. Rồi sau mười phút, mười lăm phút, mấy con tập trở lại. Nghe không, có như vậy thôi.

Phật tử nữ: Con thưa Thầy!

Trưởng lão: Rồi, cái gì con?

Phật tử nữ: Con xin hỏi về pháp danh của mình mà nó đảo ngược ấy Thầy. Con pháp danh là Hạnh Tâm nhưng vừa nãy Thầy nói thành Tâm Hạnh ạ, Thầy giải thích nó có giống nhau không hộ con ạ?

Trưởng lão: Tâm Hạnh hả con.

Phật tử nữ: Con là Hạnh Tâm ạ.

Trưởng lão: Hạnh Tâm! Tâm Hạnh - Hạnh Tâm coi như là đảo ngược để nó không trùng tên thôi, con hiểu không? Chứ cũng y cái nghĩa cũng vậy thôi. Thầy đảo ngược để cho nó đừng có trùng, con hiểu không?

Phật tử: …​

Trưởng lão: Thôi, bây giờ Thầy về. Có gì không con?

Phật tử: …​

Trưởng lão: Ừ. Được rồi, sau khi mà con về Hà Nội rồi đó, thì con cứ gửi thư cho Thầy. Còn cái vấn đề mà con tu tập thì Thầy dạy sao con tu tập vậy. Con đừng kiến giải ra con tu. Con đừng có sợ có vọng tưởng hay không vọng tưởng. Thầy bảo con cứ tập vậy cho nó thuần thục. Còn con bây giờ, con kiến giải con tu, nó không vọng tưởng. Nhiều khi con đi theo cái nhịp độ của con cho nó hết vọng tưởng hoặc là con tác ý liên tục thì nó…​, theo Thầy thấy qua cái đặc tướng của con, nó phải có một thời gian để cho mình nhiếp tâm nó.

4- TU ĐỪNG TỰ KIẾN GIẢI

(8:13) Cho nên vì vậy mà mình theo cái phương pháp của Thầy dạy, cứ tu đi, rồi sau khi nó có xảy ra gì đó thì con viết thư, Thầy sẽ trả lời giúp cho con. Con đừng kiến giải ra, Thầy dạy sao con cứ tu tập vậy. Chứ không khéo mấy con dễ kiến giải lắm. Sau khi mà Thầy đưa tay, đưa chân vậy đó, rồi bắt đầu mấy con chống đầu gối, không đưa tay ra như vậy mà chống đầu gối! Thật sự ra nó có nhiều cái sai mà tự mình kiến giải ra tu mấy con, mà không theo cái phương pháp của Thầy dạy.

Đây Thầy nói như thế này để mấy con thấy này. Khi mấy con không đưa tay ra mà mấy con chống ở trên đầu gối như vầy. Đó. Mấy con lấy cái tay sau này mà chống lên, chống lên để con đứng. Đó, mấy con đứng lên thì nó tự nhiên lắm, nhưng mấy con thấy nó thiếu một cái oai nghi. Cái tay của mình, thay vì đưa ra như vầy thì các con thấy hai cái chân co thôi. Cái tay hạ xuống, nó có một cái oai nghi hạ xuống thì nó có một cái hành động hạ xuống. Còn bây giờ con chống đầu gối, con đưa cái tay này chống đầu gối, đưa cái tay này chống đầu gối. Phải không? Nhưng mà khi mà con đứng dậy thì hai cái tay này nó xụi lơ, nó mất cái động tác, Mấy con thấy có phải không? Nó mất hết cái động tác của nó đi.

Nhưng mà chúng ta kiến giải, kiến giải để mà chúng ta chống gối hoặc có người chống nạnh như vầy để ngồi xuống. Coi chừng mấy con kiến giải những hành động như vậy. Thầy nói trước để không mấy con hay kiến giải lắm! Cho nên Thầy dạy sao cứ làm y. Rồi nó có cái gì thì cứ viết thư hỏi Thầy. Còn không, muốn nhanh, thì mấy con gọi điện thoại. Nhớ không?

Phật tử nam: Nhưng mà trong sách có ghi là, chỉ có đúng là "Tay trái chống gối trái, tay mặt chống gối mặt"…​?

Trưởng lão: À, cái này..

Phật tử nam: Cái này phải sửa lại hả Thầy?

Trưởng lão: Cái này là do cái cuốn sách này! Do cái cuốn sách này. Có người nào đã đọc theo cái kiểu của họ mà viết ra. Chứ thật sự ra thì Thầy không có viết cái này đâu!

Phật tử nam: Dạ. Thì bây giờ phải sửa lại hả Thầy?

Trưởng lão: Ờ con! Lẽ ra thì cái này là sai rồi! Chống gối này kia, chống nạnh là đã có một số người kiến giải.

Phật tử nam: Dạ!

Trưởng lão: Còn Thầy thì dạy đúng cách như vậy thôi chứ không có như vậy.

Phật tử nam: Thưa Thầy, cái này do người khác viết?

Trưởng lão: Có người khác viết con! Hầu hết là do người ta nghe băng của Thầy, rồi người ta tập tu, rồi người ta tự viết ra thành sách.

Phật tử nam: Con bạch Thầy, con lại có thắc mắc thế này. Thưa Thầy, sau khi mà đi Thân Hành Niệm ba mươi phút, thì chúng con ngồi giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự ba mươi phút. Sau đấy thưa Thầy, chúng con có nghỉ thêm không, hay là lại đi Thân Hành Niệm tiếp ba mươi phút?

Trưởng lão: Mấy con sẽ tiếp tục tu ba mươi phút Thân Hành Niệm nữa. Rồi trong ba tiếng đồng hồ mà con tu trong buổi từ bảy giờ đến mười giờ, thí dụ buổi tối đi, thì con sẽ tu ba mươi phút này, rồi nghỉ ba mươi phút, rồi tu ba mươi phút, rồi nghỉ ba mươi phút.

Như vậy con tu có một tiếng rưỡi trong một cái khóa, một cái thời gian tu trong một buổi thôi, là có một tiếng rưỡi tu pháp Thân Hành Niệm, mà được cái khoảng nghỉ, được một tiếng rưỡi nghỉ. Nghỉ xả thôi, ba mươi phút, rồi tập lại thì mấy con thấy nó không có mỏi mệt gì đâu. Phải không?

Nó có cái khoảng thời gian nghỉ con. Khoảng thời gian nghỉ là ba mươi phút, nghỉ bằng với cái sự tu. Cho nên con tu tập, mà con tu tập vậy đó, một cái thời tu là ba tiếng đồng hồ thì một tiếng rưỡi tu tập, mà một tiếng rưỡi nghỉ. Con hiểu không?

Phật tử nam: Dạ.

Trưởng lão: Để cho nó đồng đều với cái sự nghỉ ngơi của mình. Để cho nó đừng có tập trung. Mà khi đó, con thấy nhiều người tu tập vậy nó còn nặng đầu đó mấy con. Nó không được nghỉ là nó nặng đầu giữ lắm mấy con. Bởi vì mình phải tập trung từng cái hành động, mình tác ý nó phải luôn liên tục, nó phải chú ý trong từng cái hành động. Mà nó chú ý như vậy nó chưa quen, cái đầu mình chưa quen là nó nặng đầu. Thậm chí bị nhức đầu nữa mấy con. Nó không đơn giản, coi như vậy chứ nó không đơn giản đâu. Mới tập nó chưa quen coi chừng mà mấy con thấy, mà nó chưa có…​ nó còn nặng cái đầu mấy con là mấy con đừng có tu ba mươi phút, mấy con chỉ tu chừng năm, mười phút, rồi từ từ mấy con lên. Cơ thể mình nó thích nghi, nó quen. Nó quen thì mấy con mới tu ba mươi phút. Mà nếu mấy con được cái duyên mà mấy con tu ba mươi phút mà không có gì hết, thì đó là cái duyên mấy con tu tốt. Nó tùy theo cái đặc tướng của mấy con.

(11:49) Phật tử nam: Kính bạch Thầy, nếu mà chúng con mà tu một tiếng mà không thấy có vấn đề gì chúng con tu một tiếng hay sao ạ?

Trưởng lão: Một tiếng mà không có điều gì, đó là mấy con có cái duyên với pháp Thân Hành Niệm dữ lắm. Đó là cái duyên của mình đã có tập rồi đó con, có tập trong cái đời trước của con, có tu pháp Thân Hành Niệm, tức là có đi Chánh Niệm Tỉnh Giác, có đi trong cái pháp Thân Hành Niệm rồi đó. Có duyên tu rồi đó. Chứ không phải dễ đâu mấy con. Coi vậy chứ có duyên tu mới được. Chứ không có duyên, nó tu nó vật mấy con dữ lắm, nào nặng đầu, nhức đầu này, rồi tức ngực này, rồi nó mỏi chân, mỏi tay, đủ cách hết. Đó là cái duyên mình không có. Nhưng mà mình tập ít lại để cho mà mình tạo cái duyên. Cái nhân duyên là do con người tạo ra. Nó mới có duyên. Còn mình không tạo nó không có duyên. Mà mình tạo cái duyên tu, chứ không phải tạo cái duyên ác pháp. Cho nên mình không sợ đâu mấy con. Rồi, có gì không con? Cho nên mình không sợ đâu mấy con.

Phật tử nữ: Kính bạch Thầy, cho con xin hỏi: Con bạch Thầy, hôm qua Thầy bảo đặc tướng của con là đi ba vòng mười hai phút thì con có thể tu thêm pháp Thân Hành Niệm được hay không, hay là con chỉ nên ôm pháp tu này?

Trưởng lão: Cũng được thôi con. Nhưng mà con tập ít thôi, bởi vì con nên tập cái đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác trước nghe con. (PT: Dạ)

Rồi sau này đó, khi mà nó quen rồi, con tập vô con không bị nó chướng ngại trên thân con.

Phật tử nữ: Dạ. Còn Thân Hành Niệm thì con không nên tập?

Trưởng lão: Còn Thân Hành Niệm con chỉ tập chừng trong vòng chừng một đến hai phút cho làm quen với cái pháp đó thôi. (PT: Dạ) Còn mấy người mà Thầy đã chỉ cho họ tu cái pháp Thân Hành Niệm là Thầy biết cái đặc tướng của họ được. Còn con thì con nên tu pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác cái đã. (PT:Dạ vâng ạ) Rồi bắt đầu mới tu pháp Thân Hành Niệm. Nghĩa là Thầy đã chỉ định cho cái tên của mấy con, mà Thầy đặt thì nó phải hợp với cái pháp của mấy con. Mà mấy con tu đúng, thì do đó mấy con đừng vội. Thấy nó hay chứ mấy con đừng vội tu. Tu nó vật mình đó. Mà mấy con tu theo cái điều mà Thầy chỉ đạo, thí dụ Thầy bảo mấy con phải tu tập hơi thở, nhiếp tâm an trú hơi thở: "Hít vô tôi biết tôi hít vô. Thở ra tôi biết tôi thở ra!” thì mấy con cứ ôm hơi thở mấy con tu. Còn cái pháp đó hay để đó. Sau này tới đủ duyên rồi Thầy sẽ cho lệnh mấy con tu tới. Con hiểu không?

Chứ đừng có thấy hay rồi mấy con…​"Ờ, Thầy dạy mình tu pháp đó mà mình thấy pháp này hay, thôi mình ôm cái pháp này!". Đó là cái tham của mấy con rồi! Tham pháp! Hiểu chưa?

Thầy dạy làm sao thì mấy con tu, tu theo cái Pháp danh của mình. Rồi thì có tới nữa thì Thầy dạy nữa. Chứ đừng hỏi trước, hỏi trước đây là mấy con ngồi đó mà kiến giải ra, tum lum đủ thứ. Tới chừng đó Thầy sửa, chết Thầy! Đó, kiến giải trong cuốn sách đó, mà viết ra đó mấy con. Nguy hiểm vô cùng!

Phật tử nam: Vậy làm sao sau này tụi con đọc sách của Thầy, biết lời nào của Thầy dạy?

Trưởng lão: Thật sự ra có một số người cũng đệ tử của Thầy, viết ở trong đó nhiều lắm. Mà Thầy thì nói chung là Thầy không có duyệt lại nữa.

Phật tử nam: Dạ.

(14:16) Trưởng lão: Thầy không có thì giờ đâu mà duyệt! Con hiểu không?

Cho nên vì vậy mà họ đọc như vậy. Thầy nói bộ "Đường về xứ Phật" đó, cái Nhà Xuất Bản nói: "Cái bộ này nó có giá trị rất lớn về tôn giáo! Xin Thầy đọc lại, Thầy duyệt lại! Tụi con sẽ cho tái bản trở lại!". Nhà xuất bản Tôn Giáo mà cái ông biên tập, ổng nói: "Cái bộ sách nó có giá trị rất lớn mà xin Thầy đọc trở lại chứ tụi con không dám sửa gì trong này được hết!". Vậy mà Thầy không có thì giờ đó mấy con biết rồi! Nó là cái bộ sách rất quý! Nó nói thẳng, nói cái gì sai, cái gì đúng. Chính những cái người làm việc trong Ban Tôn Giáo người ta tùy thuận tất cả những cái hệ phái tôn giáo hết, người ta đâu có dám, thế mà người ta dám cho phép in sách Thầy ra và đồng thời người ta cũng thấy cái giá trị của nó như thế nào. Cho nên người ta khuyên Thầy. Mà Thầy còn không có thì giờ.

Mấy con biết những tập sách mỏng mỏng, Thầy viết ra rồi, thì bắt đầu đó, con biết không, Thầy gửi ra Hà Nội. Cái người ở ngoài Hà Nội họ đọc theo cái kiểu họ hiểu, cái họ thêm vô. Bởi vì họ in ra, họ thêm vô, họ photo ra thì Thầy có biết đâu, Thầy có kiểm lại đâu! Thì họ thêm theo cái kiểu tập photo của họ. Họ thấy bây giờ Thầy dạy đưa tay ra như vậy, họ thì chống (tay)! Mà bây giờ họ dạy mọi người họ nói như vậy rồi. Họ dạy từ hồi nào tới giờ không lẽ sai sao thì họ phải thêm vô chứ sao! Con hiểu chỗ đó không?

Phật tử nữ: Dạ. Con kính bạch Thầy, cho con xin hỏi là. Khi con đi năm bước thì bắt đầu con ngồi hay thế nào ạ.

Trưởng lão: Con đi năm bước rồi con ngồi lại, con hít thở. Hoặc là con đi mười bước, con ngồi lại hít thở. Để khi cái thời gian mà đi với ngồi nó đồng đều, thì mình thử cái đặc tướng của mình. Nhưng mà theo Thầy, Thầy khuyên từ khi mà mấy con đến đây, Thầy dạy mấy con năm hơi thở thì ngồi lại chứ chưa nói tới mười hơi thở. Còn ở trong sách thì nói mười hơi thở, thấy không? Đó là cái đặc tướng của người ta, phải không?

Cho nên Thầy dạy theo cái đặc tướng của mấy con. Cho nên vì vậy mà đi năm hơi thở. Mấy con khi mà vào đây được trực tiếp Thầy rồi, Thầy dạy rồi, thì Thầy dạy theo đặc tướng, Thầy không dạy theo sách đâu. Các con hiểu điều đó! Cho nên Thầy dạy mấy con về tu, tu rồi thì gửi thư hỏi Thầy. À, đừng có…​

Phật tử nữ: …​

5- PHẬT TỬ HỎI Ý NGHĨA PHÁP DANH

(16:25) Trưởng lão: Rồi, rồi, con ngồi đi. Con hỏi gì con? Con pháp danh gì?

Phật tử nữ: Dạ. Hạnh Nhẫn ạ.

Trưởng lão: Hạnh Nhẫn hả con? À, Hạnh Nhẫn thì mình phải tu một cái hạnh Nhẫn, là mình phải sáng suốt thì con phải tu pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác rồi. Con hiểu không? Nó tỉnh giác, nó mới sáng suốt, nó mới nhẫn được. Mà mình mù mờ ấy thì người ta chửi mình, mình tức giận liền, làm sao nhẫn, phải không con?

Cho nên cái tên của con, nó hợp với cái đặc tướng của con. Vì vậy mà con phải ôm cái pháp cho nó hợp tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác. Rồi Chánh Niệm Tỉnh Giác mà con tu được rồi. Tại vì cái cơ thể, cái đặc tướng của con nó chưa, cái cơ thể nó chưa có quen. Cho nên tập mới đầu mấy con phải tập đi kinh hành, sau đó cái sức tỉnh giác nó cao lên được rồi, nó quen với cái thân của con rồi, thì Thầy dạy con cái pháp Thân Hành Niệm. Chứ về con nghe cái pháp Thân Hành Niệm Thầy vừa dạy đó mấy con thấy nó hay quá, thôi về ôm tu thì nó vật con chết đó. Con hiểu không? Cho nên phải tu theo Thầy dạy chứ!

Phật tử nam: …​

Trưởng lão: Cái pháp danh con là gì?

Tâm Phước: Dạ. Con thưa Thầy, pháp danh con là Tâm Phước.

Trưởng lão: Tâm Phước hả con, là cái phước của tâm. Đúng rồi. Con thì ngay theo cái "phước" của con thì con ôm ngay cái pháp Thân Hành Niệm là con đầy đủ cái phước báu. Khỏi có cần đi qua cái Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nhớ ôm cái pháp đó.

Tâm Phước: Dạ.

Trưởng lão: Cái "Phước" mà! Đó là cái pháp nó cán nát tất cả, nó tạo thành một cái Phước vô lậu. Con hiểu không? Mà Tâm Phước thì con ôm lấy cái Tâm của con, mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý mà gom vô trong cái pháp Thân Hành Niệm thì nó là cái phước vô lậu mà, nó lớn lắm mấy con. Cho nên phải thực hiện cái "Tâm Phước" của con, hiểu không? Cái pháp danh của con là thực hiện cái pháp nó mới hợp với đặc tướng của con. Rồi, rồi con ráng con tu, khi nào có chuyện gì cứ gửi thư cho Thầy.

Phật tử nữ: …​

Trưởng lão: À, "Hạnh Từ", tức là con phải tu Tứ Vô Lượng Tâm: tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, Xả. Bởi vậy cho nên con phải thực hiện cái lòng Từ của con. Mà thực hiện lòng Từ thì ngay đầu tiên con phải áp dụng Đức Hiếu Sinh - cái giới thứ nhất của đạo Phật. Cho nên áp dụng ngay cái giới đó rồi thì con tu pháp nào cũng tốt hết. Con tu Chánh Niệm Tỉnh Giác cũng được, Thân Hành Niệm cũng được. Nhưng mà con phải giữ cái giới Đức Hiếu Sinh. Con tu, con gợi được cái lòng yêu thương của con, tâm Từ mà, con nhớ không?

Phật tử: Nhớ phải ăn trường chay. (Đại chúng cười)

Phật tử: Dạ, còn con là Hạnh Liên thì con phải tu pháp môn gì ạ?

Trưởng lão: Con là Hạnh Liên là cái Hạnh của hoa sen ở cái nơi động, ở cái nơi mà hôi thối mà vươn lên, không còn hôi.

Cho nên hoa sen, con thấy hoa sen ở nơi bùn lầy mà không hôi tanh mùi bùn. Mà không hôi tanh mùi bùn, thì ít ra con cũng phải có một cái sức hiểu biết, sáng suốt, bình tĩnh, nó mới vươn lên được. Con thấy hoa sen bao giờ có cái bông nó cũng từ dưới bùn mà nó vọt lên, phải không? Nó vọt thẳng, nó vươn lên, nó vươn ra chứ nó không thể nó chịu hôi mùi bùn. Thì con cũng vậy, cho nên dù là trong hoàn cảnh trói buộc, có những ngang trái nào, nhất định vươn lên chứ không có chịu đầu hàng trước cái hoàn cảnh. Con hiểu không?

Cái tên của con là phải vượt lên đó, vượt lên những cái khó khăn, những cái ác pháp. Mà vượt lên như vậy thì con mới tu được cái pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác, Thân Hành Niệm mới được! Mà con không vượt lên, bây giờ gia đình cản trở không có cho đi tu này kia thì tìm mọi cách để mà đi tu cho được! Thì đó gọi là vượt lên. Thầy biết rõ ràng cái hoàn cảnh con nó không thuận đâu. Phải không? Ráng cố gắng con!

Phật tử nữ: Tu Chánh Niệm Tỉnh Giác

Trưởng lão: Ừ. Rồi con sẽ tu Chánh Niệm Tỉnh Giác. Cho nó tỉnh chứ!

Phật tử nữ: Bạch Thầy, con là Diệu Phong, thì con nên tu pháp môn nào ạ?

(20:11) Trưởng lão: Diệu Phong hả con, tức là gió thoáng mát, thoải mái, dễ chịu gọi là Diệu Phong, Phong là Gió mà.

Cho nên con tu cái pháp nào mà thoải mái, dễ chịu nhất. Như vậy thật sự ra ngay cái giai đoạn này, nếu mà con tu tập cái pháp Thân Hành Niệm thì con không nên tu tập pháp đó. Bởi vì pháp đó nó gò bó, nó tác ý ghê gớm lắm! Bởi vì các con phải cấu kết nó trở thành một cái bánh xe. Các con bắt từ cái căm cho cái bánh xe Thân Hành Niệm. Cho nên nó có cái sự gò bó lắm. Nó không thể được. Còn con, tại vì cái tên của con, thì con đi thoải mái dễ chịu. Đi chắp tay sau đít vậy, đi chơi vòng vòng vậy thôi chứ không có tập trung. Con hiểu không? ( Đại chúng cười)

Tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác mà thư giãn chứ không phải Chánh Niệm Tỉnh Giác mà tập trung dưới bước chân. Còn mấy con đi mà mà con biết chân này bước, chân này bước, đó là mấy con tập trung, chú ý. Còn cái này, cái con mà đi Chánh Niệm Tỉnh Giác là đi thư giãn. Đi thoải mái, dễ chịu, nó xứng hợp với cái tên của con. Mà con tu như vậy là con không bị ức chế. Còn con tu như người ta là con bị ức chế đó, con bị nhức đầu đó, hiểu chưa? (Diệu Phong: Con cảm ơn Thầy)

Rồi sau đó sẽ tu được. Đi coi như mình thư giãn thôi. Minh ngồi lại, mình giữ cái tâm của mình nhiếp trong hơi thở hoặc điều gì đó, mình chơi thôi. Rồi mình đi thì mình giữ cái tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự. Cái đầu tiên của con, con đi để mà phá cái hôn trầm, thùy miên bằng cách thư giãn đó.

Còn người ta phá bằng cái pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác, tập trung dưới bước đi; bằng cái pháp Thân Hành Niệm, tập trung từng hành động, người ta phá.

Còn con phá cái hôn trầm thùy miên, cái buồn ngủ là con phá ngay, là con đi thư giãn. Đi như người vô sự vậy đó. Đây ra cổng chơi vậy, ai nói gì cũng thản nhiên. Đi nghe mát mẻ, thoải mái, dễ chịu. Đi như người vô sự, không có việc gì hết. (Đại chúng cười) Đó, cái tên của con, cái pháp danh của con, là con người con phải tập vậy. Mà thật ra con cứ đi đi, người ta sẽ nhìn thấy cô này vô sự thiệt chứ, đi thoải mái, không có gì gò bó hết.

Còn mấy cái người này đi sao cứ gò bó, cực khổ! Còn mấy con tu cái pháp Thân Hành Niệm của Thầy có phải gò bó không, cực lắm!

Con tập như vậy đi, rồi sau này khi mà con tu thấy thoải mái dễ chịu quá, tâm con bây giờ nó cũng hết vọng tưởng này kia, vậy con phải tu pháp nào, Thầy sẽ dạy tu tới. Phải không? Chứ bây giờ dạy mấy con kiến giải ra, mấy con tu bậy nữa. Mất công Thầy. Thôi, xong rồi phải không con? Còn gì nữa không con?

Phật tử nam: …​

(22:35) Trưởng lão: Bây giờ cha mẹ thì đồng ý cho con đi tu rồi nhưng mà có cái điều kiện là vợ con, có vợ con mà đi tu sao được! Thầy đâu có chấp nhận! Phải nuôi con cho lớn khôn, mười tám, mười chín tuổi, cho nó có công ăn việc làm rồi mới được, mới đi tu được mấy con.

Cho nên vì vậy mà cái pháp danh của con là Pháp Phước, có "Phước" nhưng mình phải sống đúng đạo đức làm người trong gia đình của mình với vợ con. Bây giờ tất cả những cái gì con làm, con dành dụm, dành dụm đừng có tiêu phung phí. Tất cả mọi cái gì con cũng đều nhẫn nhịn trong gia đình, đừng có rầy rà, đừng có tức giận, nhẹ nhàng đối với vợ con, tất cả. Không tát tai mấy đứa nhỏ đâu, nó làm gì thấy đó là nhân quả, mình nên thương yêu và tha thứ. Và đó là con tạo cái duyên, cái duyên để sau này con đi tu rất dễ. Hiểu không?

Sau đó thì con sắp xếp cho vợ con, cho nó hẳn hòi. Nhất là đứa con cho lớn chứ nó còn nhỏ quá thì không được. Con hiểu không? Lo cho đứa con. Năm, mười năm sau, Thầy đâu có chết đâu mà sợ! Các con cứ nghĩ rằng chắc năm sau là Thầy tịch rồi. Đâu có chuyện đó được! Thầy còn dạy cho mấy con tu chứng cơ mà. Đâu có lý nào mà dạy bây giờ bỏ giữa chừng, tới chừng đó, bởi vì hồi nãy Thầy có nói mấy con đó, khi đi tới cái trạng thái mà tâm không vọng, không hôn trầm rồi thì đấy là cái khó khăn nhất, mà bây giờ Thầy bỏ đi rồi ai dạy mấy con cái đoạn đường này? Vọng tưởng không sợ, không sợ hôn trầm, thùy miên, mà người ta sợ những cái trạng thái Tưởng. Các con biết, nó lọt vô cái đường ma. Thành ra bây giờ mà dạy mấy con vậy thì bây giờ mấy con về, mấy con tu hết vọng tưởng rồi, hết hôn trầm rồi, mà Thầy chết rồi bây giờ ai dẫn nữa đây! Phải không? Lại mả Thầy kêu được à! Đấy các con thấy chưa!

(24:25) Cho nên vì vậy, thì ít ra Thầy cũng phải đào tạo năm, mười người đã tu được như Thầy, đã làm chủ, có kinh nghiệm như vậy rồi. Thầy ra ra đi là có những người này. Thầy di chúc lại, các con hãy thay Thầy mà dạy những người đệ tử của Thầy khắp trong nước chứ không phải riêng có các con không. Biết bao nhiêu người theo Thầy. Ai cũng tha thiết theo sự giải thoát, có ai muốn cho mình không làm chủ sự sống chết. Có ai muốn cho cho mình sống trong cái đau khổ này đâu. Ai cũng muốn, nhưng mà hoàn cảnh chưa chưa thuận tiện cho nên người ta chưa tu tập được.

Như con, bây giờ hoàn cảnh như vậy sao bỏ mà vào đây tu được. Phải hoàn toàn sống đạo đức trong gia đình, nuôi dưỡng con mình lớn khôn, đối xử với vợ con phải hòa thuận. Bởi vì mình biết tu rồi thì mình không còn nhìn ngó một người nào khác hết, chỉ có vợ mình, con mình để lo cho nó thôi. Cho đến khi cuối cùng con vào đây, Thầy giúp đỡ, Thầy còn sống chứ chưa chết. Nếu mà con lo xong, mà hai chục năm…​ Giờ thí dụ con con mới sanh đi, mà bây giờ nuôi đứa con cho hai mươi tuổi, thì bắt đầu Thầy cũng ở đây hai mươi năm, Thầy giúp con. Con hiểu không?

Bởi vì Thầy đã hứa rồi mà, Thầy đâu có nỡ mà Thầy bỏ con. "Bây giờ tôi lo xong rồi, Thầy đi mất rồi, bây giờ tôi làm sao tôi biết ai đây tôi tu!". Phải không? Cho nên khi mà Thầy có ra đi đi nữa, Thầy dạy những người đệ tử của Thầy, họ tu được, họ phải ở lại để mà dạy cho những người mà Thầy đã dạy cho họ dở dang. Con hiểu không?

Đó thì khi mà những người nào tu chứng rồi thì họ sẽ thay Thầy. Ở đây nó có một cái Đội ngũ, kêu là Đội ngũ giảng viên dạy tu làm chủ Sinh - Già - Bệnh - Chết. Chứ không phải mình Thầy đâu, các con đừng tưởng có mình Thầy đâu. Sau này năm, ba năm thì Thầy có một đội ngũ đó. Chứ giờ muốn mở một cái trường dạy học thì phải có giáo viên chứ. Có trường ốc, có học trò rồi thì phải có giáo viên. Còn bây giờ Thầy có trường ốc rồi, có học trò rồi, giáo viên chưa có, mình Thầy chạy tới, chạy lui. Con thấy không, ở đây ngồi đây mà ở trong kia réo Thầy. Trời, bỏ cái lớp ở trong cũng không được mà ở đây dạy thì làm sao? Mỗi giờ mà nó có tới hai cái lớp như vậy làm sao? Bây giờ dồn lại ấy thì không có chỗ ngồi phải không? Mấy con thấy rõ ràng bằng chứng các Cư sĩ đó phải ngồi đằng trước hết. Thành đâu phải thành cái lớp học đâu, phải không? Phải là người học trò nào cũng phải bình đẳng, có cái ghế như vầy ngồi chứ. Tại sao người ngồi đất, người ngồi trên? Đâu có bình đẳng! Con hiểu không?

Mà ngay cả cái tổ chức như vậy Thầy thấy một mình Thầy rất là khó khăn. Thay vì có người dạy cho nên bây giờ Thầy đang dạy lớp này thì cái người mà thay Thầy để dạy cái lớp khác thì phải tiện không? Con thấy không?

Bây giờ cái số lượng người theo Thầy nó ít, chứ khoảng độ chừng từ mười năm, hai chục năm sau, mấy con biết số lượng người nó bao nhiêu không? Ai sống cuộc đời người ta cũng đau khổ hết, làm sao người ta không muốn đi tìm con đường thoát khổ! Các con hiểu không? Mà khi thoát khổ thì phải có cái chỗ học tập, có chỗ tu tập cho người ta chứ. Chứ không lẽ mình dạy mà không có trường lớp thì làm sao dạy! Dạy thì phải có bàn ghế chứ, mới dạy được, con hiểu chưa?

Cho nên con yên tâm, con làm đúng bổn phận của con thì dù như thế nào mà Thầy chưa đào tạo được, Thầy vẫn chờ con.

Phật tử nam: …​

Trưởng lão: Ừ. Con yên tâm đi, đừng có lo lắng, đừng có gì hết. Thầy không có chết! Thầy muốn "Chết". Chết! Mà Thầy muốn "Sống". Sống! Mà đâu có gì đâu mà sợ. Tới chừng nó sắp chết Thầy bảo "Đừng có chết! Học trò Thầy chưa có tu được!". Phải không? Thầy bảo cái thân này nó nghe lời, nó không chết đâu. Thầy còn nợ nó đấy mà, bỏ làm sao được!

Phật tử nam: …​

(27:46) Trưởng lão: À, vậy pháp danh con gì?

Phật tử nam: Pháp danh con là Pháp Nguyện

Trưởng lão: Pháp Nguyện hả con?

Phật tử nam: Dạ, Pháp Niệm.

Trưởng lão: À, Pháp Niệm hả con?

Phật tử nam: Dạ!

Trưởng lão: Như vậy "Pháp Niệm" tức là con sẽ, cái tên của con đó thì con sẽ "Niệm" trong hơi thở. Tức là con phải tập mười chín cái đề mục của hơi thở. Đó là "Niệm" về hơi thở. Người ta gọi Định Niệm Hơi Thở.

Để rồi đi vào cái Tứ Niệm Xứ mới được. Khi đó, con đi vào Định Niệm Hơi Thở rồi, khi mà tu tập thì con chỉ ở trên cái pháp Tứ Chánh Cần, ngăn ác, diệt ác bằng cái pháp, bằng cái pháp của Định Niệm Hơi Thở. Cho nên chữ "Niệm" thì đó là phải tu vào cái pháp của hơi thở mà thôi. Bắt đầu con tu cái đề mục thứ nhất "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Tại vì cái tên của con là cái đặc tướng của con nó với cái pháp này. Cho nên con về con ôm pháp đó, cái pháp rất tuyệt vời. Định Niệm Hơi Thở của Phật rất tuyệt vời! Nó có mười chín cái đề mục để mười chín điều tu tập, để mà thuần thục, để nó phá các ác pháp, nó ngăn và diệt tất cả các ác pháp.

Nhưng mấy con có những cái đặc tướng khác, cho nên mấy con ôm những cái pháp khác, mấy con cán nát tất cả chướng ngại pháp bằng cái pháp đặc tướng của mấy con.

Còn riêng con thì con phải sử dụng cái Định Niệm Hơi Thở. Con sẽ diệt sạch các ác pháp bằng cái Định Niệm Hơi Thở. Tức là nương vào cái tác ý của cái đề mục đó mà diệt với hơi thở. Cho nên cái pháp của con, cái tên của con nó hợp với cái pháp đó là hợp với đặc tướng. Còn nếu mà tu sai thì nó không có thành tựu được. Nó không hợp với mình. Nhớ!

Bởi vì nó sẵn sàng, nó có những cái tên mà Thầy đặt cho mấy con thì cái tên đó nó sẽ hợp với cái pháp mà mấy con sẽ tu tập. Chứ không phải dạy sai đặc trướng mấy con được. Mấy con tu tập đi rồi mấy con sẽ thấy Thầy dạy mấy con, mấy con sẽ tu dễ kết quả. Còn nếu mà mấy con tu sai pháp thì mấy con khó kết quả.

Cũng như bây giờ mấy con nghe hơi thở hay quá, đề mục hơi thở "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành…​", nhưng mà cứ hoài hoài, cứ "An tịnh" mà nó không an ổn! Còn con thì "An tịnh" một vài lần, tập vài lần thì cái thân của con nó an ổn được, tại vì cái duyên của con với cái pháp đó. Con hiểu chưa? Cho nên tu đúng pháp thì nó lợi ích lớn.

Rồi! Bây giờ có hỏi Thầy gì thêm không?

Phật tử nữ:…​

(30:15) Trưởng lão: À, Chánh Niệm Tỉnh Giác là…​ bây giờ con tập Chánh Niệm Tỉnh Giác là đi kinh hành chứ gì? Phải không? Sau đó thì con phải tập pháp Thân Hành Niệm rồi. Pháp Thân Hành Niệm là Thầy tập để cho các bạn con đều thấy được cái pháp đó thôi. Còn cái đặc tướng của con là bắt đầu con tu cái pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác trước cái đã, rồi sau đó sẽ tu tới con. Bởi vì dạy chung chung chứ lẽ ra dạy một người thôi, rồi người này học rồi đi ra, rồi dạy người khác thì không có lộn xộn mấy con. Dạy người này, người kia không biết mình tu pháp nào đây? Các con hiểu chưa? Ờ. "Nghe pháp nào Thầy nói cũng hay hết, trời đất ơi không biết cái pháp nào mà tôi tu!"

Phật tử nam: Bạch Thầy Pháp danh của con là Tâm Tịnh thì sao?

Trưởng lão: Tâm Tịnh tức là Sáu căn con phải thanh tịnh. "Thanh tịnh" là "Trong sạch" đó. Nhưng mà sáu căn nó thanh tịnh, trong sạch đó thì con phải tu như thế nào. Tức là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý con bằng cái pháp Độc Cư. Đó là cái đầu tiên của con đó.

Phật Tử: …​

Trưởng lão: Rồi. Không, con không được nói chuyện với ai đó! Con muốn cái tâm con thanh tịnh con đi ra ngoài con nói chuyện hoài làm sao thanh tịnh! Con phải hiểu điều đó! Cho nên khi mà ôm pháp tu thì con giữ, con giữ tức là không có nói chuyện với ai hết. Mà con ôm pháp con tu mà con nói chuyện thì cái pháp con tu không kết quả.

Bây giờ con tu, thí dụ như pháp Thân Hành Niệm con tu vẫn được, nhưng mà con phải giữ là trong cái ngày đó con phải thọ Bát Quan Trai hay hoặc là con giữ gìn trong một ngày đó là hoàn toàn không có tiếp duyên với ai hết con mới tu. Còn mấy quý vị này người ta còn nói chuyện được, người ta tu còn có kết quả. (Đại chúng cười) Riêng con thì không được.

Bởi vì cái tâm con, "Tâm Tịnh" mà. Con hiểu không? Con nói chuyện là nó động, cho nên con tu không có được. Cái tu không được là không kết quả. Còn con giữ im lặng, con đừng tiếp duyên ai hết. Con bây giờ con mới tu con tác ý cái hành động con nó mới liên tục được. Còn con tiếp duyên rồi, cứ đi, nó cứ sanh niệm đó. Mặc dù tác ý, cứ hành động này, tới hành động kia như bánh xe nó chạy, mà cứ niệm nó phóng ra. Thì cái kết quả con tu nó không có. Con hiểu không?

Tùy theo cái đặc tướng của con. Cho nên Thầy đặt cho con "Tâm Tịnh" thì tức là con phải giữ gìn cái hạnh Độc Cư. Con hiểu chưa?

(32:17) Đó mình phải giữ Độc Cư chứ! Mà sự thật ra nếu mấy con mà quyết tâm tu để được giải thoát thì mấy con vào đây là phải hạnh Độc Cư hết đó mấy con ạ! Chứ không phải được đi ra nói chuyện. Nói chuyện động làm sao, tâm phóng dật làm sao thành Phật được mấy con. Không nghe ông Phật nói: "Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật!". Mà con ngay từ đầu con đã được cái tên con như vậy là giúp cho con không phóng dật, từ đầu phải tập cái tâm không phóng dật, làm Phật sớm hơn người ta chứ sao! Có phải không?

Con ráng nỗ lực đi rồi con sẽ tu mà con giữ được cái hạnh đó thì cái kết quả của cái pháp tu của con…​ con tu Chánh Niệm nó cũng tốt, con tu pháp nào nó cũng tốt được, bởi vì cái hạnh Độc Cư là cái hạnh bảo vệ mắt, tai, mũi, miệng thân, ý của mình thanh tịnh. Con hiểu chưa?

Ráng nỗ lực tu đi. Bởi vì vô đây đệ tử của Thầy, Thầy dạy người nào cũng có hiệu quả hết. Đúng là mấy con nhớ cái tên của mình mà phải thực hiện cho cái pháp tu cho nó hợp với cái tên của mình, thì mấy con sẽ hiệu quả. Bởi vì cái tên của mấy con là nhắc mấy con hàng ngày đó. Mấy con làm sao quên cái tên mấy con! Có phải không?

Khi mà Thầy cho rồi, cái tên nó là một cái điều kiện nhắc nhở mấy con hàng ngày. "Bữa nay tôi nói chuyện quá trời thì cái "Tâm Tịnh" nó có không? À, nói chuyện nhiều chắc không được. Thầy cho mày cái tên "Tâm Tịnh" mà mày nói chuyện này, mày nói chuyện kia, mày kéo dài như vậy không được. Dừng lại! Nói chút ít thôi!". Thì con cũng bớt nói chuyện. Con hiểu chưa? Mà bớt nói chuyện là nó thanh tịnh, mấy con. Hiểu chưa? Hiểu chỗ mà Thầy dạy cái tên của mấy con là cái phương pháp để giúp cho mấy con được đi vào con đường tu tập để giải thoát.

Rồi. Con còn hỏi gì nữa con?

Phật Tử Nam: Kính bạch Thầy!…​Mình dùng cánh tay đuổi bệnh được không Thầy?

(33:57) Trưởng lão: Được chứ sao!

Phật Tử Nam: Nhưng mà con tu như vầy hai, ba bữa…​

Trưởng lão: Ôi, con tu hai, ba bữa thì thôi nó không có đuổi bệnh đâu. Rồi con đi ra nói chuyện tùm lum, đi chơi dạo thì thôi rồi rồi, cái này nó phóng dật tùm lum hết thì bệnh nó sao đỡ, nó thêm bệnh chứ ở đó! (PT: Dạ!) Cho nên con đuổi bệnh không có hết. Có phải không? Thôi, tập tới.

Phật Tử Nữ: Bạch Thầy! Bạch Thầy cho con hỏi là cái pháp danh của con là Hạnh Tâm, vừa nãy Thầy nói con là tu pháp Thân Hành Niệm…​

Trưởng lão: Con phải tu theo cái đặc tướng của con thôi, tu theo đặc tướng của con. Cho nên ở đây nó có những người có cái tên nó khác ra, nó khác, đọc nó khác nhưng mà cái nghĩa của nó đều là trùng hợp. Cho nên vì vậy cái pháp tu của mấy con nó giống nhau, nó không khác nhau. Cho nên mới nói "Sao người đó Hạnh Tâm mà người này Tâm Hạnh, thì như thế nào đây?" Hai người này đều là tu một pháp! Con hiểu chưa? Bây giờ mấy con còn hỏi thêm Thầy gì nữa không? Thôi Thầy về, thôi đi về. Có gì không con?

Phật Tử Nam: Con Bạch lên Thầy ạ!

Trưởng lão: Rồi mấy con xá thôi con. Mấy con ngồi đi.

6- PHẬT TỬ DÂNG LỜI TRI ÂN LÊN THẦY

(35:11) Phật Tử Nam: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính Bạch Thầy Bổn Sư Đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc!

Thật là một phước duyên quá lớn cho chúng con trong mấy ngày hôm nay đã được găp Thầy, lại được Thầy hết lòng chỉ dạy từng chút một. Mặc dù Thầy đang còn bận "trăm công ngàn việc", mà toàn là những việc cao cả, ích lợi cho đời. Thầy đem màn sáng bừng lên đêm tối, đã che phủ tâm trí chúng con bấy lâu nay. Thầy đã thắp lên trong tim chúng con ngọn lửa nhiệt tâm không thể dừng tắt. Thầy đã trao cho chúng con những thanh gươm quý báu để chống lại giặc sinh tử.

Kính bạch Thầy! Ân đức của Thầy không có gì so sánh nổi. Đâu có Lòng Bà Mẹ thương con nào bằng Lòng Thầy thương chúng con? Đâu có Đại Dương nào mênh mông bằng Biển Từ Bi Thầy ôm ấp lấy chúng con? Ân đức của Thầy là vô bờ bến!

Kính bạch Thầy! Chúng con biết rằng chỉ có thể báo đáp ơn của Thầy bằng sự tu tập hoàn thiện bản thân của chính chúng con. Chỉ có thể báo đáp ơn Thầy bằng đời sống ly dục ly ác pháp, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh của chúng con. Chỉ có thể báo đáp ơn Thầy bằng sự chiến đấu tận lực để làm chủ Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Để rồi phụ cùng Thầy dựng lại Chánh Phật Pháp, làm lợi ích cho chúng sinh muôn đời. Chúng con xin nguyện sẽ làm bằng được những việc này. Kính xin Thầy chứng minh cho chúng con! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trưởng lão: Thầy chứng minh cho mấy con! Mấy con cố gắng làm là mấy con đã không phụ ơn Thầy và mấy con mới xứng đáng là con của Thầy. Các con hiểu chưa? Mấy con cố gắng! Thầy nhận qua những cái lời mấy con, đã đọc lên những cái ý của mấy con trong mấy ngày nay mà được Thầy dạy bảo mấy con, mấy con nhận được những điều Thầy dạy, qua cái lời tác bạch hôm nay. Thầy rất là hoan hỷ! Mong cho mấy con từ đây về đến gia đình của mình gặp điều may mắn để thực hiện cái con đường giải thoát của mình, để cứu mình để giúp cho mọi người, để làm gương cho mọi người trên con đường giải thoát của mấy con.

Đến đây Thầy xin chấm dứt và Thầy cũng xin chào mấy con, Thầy về. Giờ mấy con nghỉ, rồi sáng ra mấy con còn về.

Phật Tử Nam: Chúng con xin cảm tạ ơn lớn của Thầy!

HẾT BĂNG