Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 14/02/2009
Thời lượng: [00:40:05]
Trưởng lão: Khi mà Thầy đến đây, Thầy nghe cháu Trang nói mấy con đến đây chờ Thầy ở trong cái nhà khách. Thôi, Thầy nói: "Thôi, tụi nó chờ để nó lên nó mỏi mòn nó tội nghiệp. Thôi, để Thầy đến Thầy thăm, đến thăm". Mấy con vô trong này hết con, vô trong này ngồi ghế đi con.
Phật tử: Kính bạch Thầy, Thầy cho phép con thay mặt cả đoàn, con có đôi lời tác bạch lên Thầy.
Trưởng lão: Rồi con.
Phật tử: Dạ, kính thưa Thầy. Trước khi tác bạch, thì con xin phép Thầy cho phép con được thu âm được không ạ?
Trưởng lão: Được chứ con, không có sao đâu con.
Phật tử: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Bổn Sư đức Trưởng lão Thích Thông Lạc.
(00:45) Con pháp danh là Thích Chân Thành, xin được thay mặt cả đoàn có đôi lời tác bạch lên Thầy. Kính thưa Thầy! Đoàn Phật tử của chúng con đa số từ Hà Nội, hôm nay đầy đủ duyên lành được vào thăm Tu viện Chơn Như và được gặp Thầy, chúng con thật vui mừng quá đỗi! Xin, tâm tư của chúng con là kính xin Thầy hoan hỉ cho phép chúng con được cúng dường đảnh lễ Thầy ba lễ ạ!
Trưởng lão: Thôi, mấy con xá thôi con, chật lắm! Để khi nào mấy con vô trong kia có cái chỗ rộng đó mấy con, rồi mấy con sẽ đảnh lễ Thầy.
Còn bây giờ chật quá, bàn ghế không, bây giờ đi ra đảnh lễ Thầy không được đâu. Thôi, xá Thầy là quý quá rồi con, phải không? Rồi con cứ tiếp tục đi con. Xá Thầy thôi.
Phật tử: Kính thưa Thầy! Giữa thế gian khổ đau này chúng con thật sự may mắn khi có được thân người, chúng con thật sự may mắn khi được gặp chánh pháp, chúng con thật sự may mắn khi được gặp bậc Chân sư đã chứng đắc đạo quả Vô Lậu của Phật giáo, thật là một phước duyên quá lớn!
Kính thưa Thầy! Nhiều người trong đoàn chúng con đã xin quy y với Thầy và đã được Thầy ban cho pháp danh. Theo lời Thầy dạy và cũng là tâm nguyện thiết tha của chúng con rằng, muốn tu tập có kết quả tốt thì phải thường thân cận thưa hỏi bậc Minh sư!
Hôm nay, chúng con rất vui mừng được về đây đảnh lễ Thầy, kính xin Thầy từ bi hoan hỷ bố thí cho chúng con Pháp bảo. Chúng con sẽ khắc ghi và nương theo đó để tu tập, sửa đổi bản thân mình, để quyết sống đúng theo thiện pháp.
Kính thưa Thầy! Con cũng xin được báo cáo với Thầy, là một số Phật tử Hà Nội chúng con sau khi được quy y với Thầy, cũng đã xin phép gia đình bác Hải và nhờ cô Liễu Tâm giúp đỡ để lập thành một nhóm tập tu Bát Quan Trai tại nhà bác Hải ở Tứ Kỳ, vào hai ngày Chủ Nhật mỗi tháng, bởi chúng con còn đang công tác nên khó tu tập cùng các bác vào ngày rằm và mùng một. Vậy chúng con cũng kính xin Thầy chỉ dạy thêm cho chúng con những điều cần thiết.
(2:40) Kính thưa Thầy! Mỗi người chúng con có thể có những đặc tướng, đặc tính khác nhau, và chúng con cũng có những tâm tư, thắc mắc khác nhau. Nên mỗi người chúng con xin phép được trình lên Thầy một tờ thư để thưa hỏi riêng cho mỗi người. Kính mong Thầy từ bi xem xét cho chúng con!
Dạ, thưa Thầy, đây là những thắc mắc của chúng con.
Dạ, kính thưa Thầy! Trong đoàn chúng con vào đây hôm nay có những người xin được quy y với Thầy, hôm nay cũng phát tâm, xin được Thầy cho quy y và ban pháp danh, thì chúng con có ghi thành danh sách, con xin gửi lên Thầy.
Trưởng lão: Cái danh sách…
(3:24) Phật tử: Kính thưa Thầy! Cô Liễu Tâm có nhờ chúng con chuyển đến Thầy một bao thư và 500 cuốn sách kinh “Những Chặng Đường Tu Tập Của Người Cư Sĩ” ạ, con xin trình lên Thầy.
Ngoài ra, còn có bạn Phật tử tên là Liên Hương ở Ngọc Hà, Hà Nội biết chúng con vào đây cũng nhờ chuyển một bức thư đến Thầy. Chúng con xin Thầy xá lỗi nếu có điều chi chúng con không phải ạ.
Kính thưa Thầy! Ngoài mục đích chính của chúng con vào đây là mong muốn được đảnh lễ Thầy và cầu xin Pháp bảo, thì theo lời dạy của cô Liễu Tâm, con cũng xin Thầy cho phép con được nghiên cứu lấy mẫu của ngôi thất trong khu vực chuyên tu để chúng con về áp dụng vào việc xây dựng khu thất tại chùa Chi Đông, Gia Lâm, Hà Nội.
Cuối cùng chúng con có một chút tịnh tài mong được cúng dường lên Thầy, lên Tu viện. Kính mong Thầy từ bi thọ nhận cho chúng con, để chúng con được đóng góp một chút công đức của mình vào việc hộ trì chánh pháp, con cảm tạ ơn Thầy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Trưởng lão: Thầy sẽ hoan hỷ chấp nhận cái sự cúng dường của mấy con. Nhưng Thầy xin gửi lại cái số tiền này mấy con, để mấy con lo ở ngoài chùa Chi Đông, mấy con cất dần năm, ba cái thất, phụ nhau để xây dựng ở ngoải con. Ở trong này thì có một số Phật tử đã giúp đỡ Thầy xây dựng.
Mấy con vô đây là thấy những cái thất, cái này là cái khu nhà khách mấy con, còn cái khu mà chuyên tu thì ở bên nữ, ở bên này. Còn những khu khác nữa, nhiều khu lắm. Mấy con sẽ có dịp, mấy con sẽ đi tham quan, mấy con thấy để mấy con về ngoài Bắc mấy con biết cách xây dựng. Khu nam ra khu nam, khu nữ ra khu nữ, mà khu nhà khách ra nhà khách. Cũng như mấy con ở vãng lai một, hai bữa thì mấy con ở trong cái khu này.
Thôi bây giờ thì con cứ trình bày thêm có điều gì con cần nói thêm?
Phật tử: Dạ, kính thưa Thầy, thì khi vào đây là mong muốn Thầy bố thí cho chúng con Pháp bảo. Thì chúng con toàn là những người mới biết đến chánh pháp, thì kính mong Thầy là Thầy khai sáng cho chúng con, chỉ cho chúng con bước đường từ đầu tu tập ra làm sao ạ, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con.
Trưởng lão: Phải tùy pháp nữa mấy con, tu tùy pháp. Cái pháp căn bản nhất, rồi còn phải tùy theo cái đặc tướng của mấy con nữa, chứ không phải tu chung chung được. Có người phải tập cái đi kinh hành nhiều, nhưng mà có người tập ngồi nhiều, tùy theo người ta hôn trầm, thùy miên ít hay là nhiều. Từ đó Thầy phải xem xét, phải coi từng người, rồi mới giúp đỡ cho mình tu đúng pháp, chứ còn không khéo mình tu sai pháp. Tu đặc tướng của mình nó không đúng, cái mình tu hoài nó không kết quả mấy con.
(5:55) Cho nên cái khó là cái chỗ mà kiểm nghiệm được cái đặc tướng người ta phải ôm cái pháp nào cho nó hợp với người ta thì người ta sẽ tu được. Thầy mong rằng mấy con sẽ được cái sự kiểm của Thầy, để giúp đỡ cho mấy con, mấy con tu có kết quả rất tốt.
Vì kết quả, bởi vì Phật dạy: "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy". Tức là mình không tu, mà tu thì có giải thoát ngay liền, chứ không phải là tu phải có thời gian, các con hiểu không? Đến thì mình sẽ thấy được cái sự lợi ích, mà sự lợi ích đó chính là thành quả. Mà mình tu sai đặc tướng của mình, tu hoài nó không kết quả hoặc là mình tu trật pháp nữa.
Thí dụ như Thầy dạy một cái pháp, mà bảo mình tu chừng, ngồi chừng một phút à. Mình ngồi lại thẳng lưng một phút, rồi nhiếp tâm ở trong cái đề mục của hơi thở nào đó. Thì mình ngồi một phút cái mình thấy nó an an cái mình ngồi luôn hai, ba phút thì không được. Người ta dạy mình một phút thì phải tu một phút, người ta dạy hai phút thì mình tu hai phút, chứ không có phải ngồi nhiều.
Mà mình ngồi nhiều thì coi chừng nguy hiểm. Người ta sẽ thấy cái đặc tướng của mình ngồi nhiều là mình bị khụm lưng hoặc là mình bị khòm, bị cúi. Bởi vì khi mà mình nhiếp tâm, mình an trú, thì nó khòm xuống, nó rút xuống. Để cho nó an trú đó, thì do đó nó đã sai pháp rồi, sai pháp nó lọt vô tưởng mấy con.
Cho nên khi mà mấy con về đây, nhớ khi mà Thầy dạy á, thì cái pháp nào thì mấy con sẽ, sẽ tu tập. Mà thời gian nó quy định cái giờ nào nó ra giờ nấy, như vậy mới hợp với đặc tướng của mấy con, thì mấy con tu mới kết quả.
Bởi vì được thân người là khó mấy con, mà được chánh pháp của Phật nó không phải dễ đâu, nó rất khó! Mà phải được thân cận thiện hữu tri thức để người ta kiểm nghiệm cái đặc tướng và người ta trao cho mình từng pháp.
Còn mấy con hiện giờ, mấy con tu đó, là mấy con thọ Bát Quan Trai, là tu chung chung để biết cách thức làm quen với pháp Phật thôi. Cho nên vì vậy mà cái điều kiện mà đang ở trong gia đình, nó đủ thứ duyên, hết chuyện này đến chuyện khác do đó mà nếu mấy con không làm quen với chánh pháp thì coi như là mấy con không có những cái ngày Thọ Bát Quan Trai.
(7:53) Thọ Bát Quan Trai có nghĩa là giữ tám giới và đồng thời thì mình tu bốn cái pháp trong cái ngày Thọ Bát Quan Trai hay hoặc hai ngày. Đó là tập làm quen với pháp Phật thôi chứ chưa phải là đi sâu cái chỗ nào được hết.
Nhưng mà có cái điều lợi ích khi mình tập thọ Bát Quan Trai á, thì mình biết áp dụng được từng cái hoàn cảnh, từng cái sự việc xảy ra trong gia đình của mình, thì mình thấy được cái nhân quả. Cho nên vì vậy đó mình xả được cái tâm của mình. Mình thấy nó là ác pháp, cho nên mình cố gắng mình tác ý để cho cái tâm mình nó trở về bình thường. Nhưng nó cũng không khéo thì mình lại ức chế nó.
Thí dụ như bây giờ người ta chửi mắng mình, mình tức giận quá. Mình nói,: "Sân là ác pháp, tâm không có được sân nữa". Nhưng mà sự thật cái tâm mình nó giảm đi cái sân, nhưng mà mình bị ức chế, mình chịu đựng đó! Thành ra nó chưa phải đúng pháp, chưa phải đúng pháp.
Cho nên muốn tu tập thì có vị Thầy người ta sẽ hướng dẫn mình từng bước, từng bước một. Từng cái đi kinh hành của mấy con, người ta cũng phải xem xét coi mấy con đi như vậy đúng hay sai, đi như vậy có thể nhiếp tâm và an trú định tỉnh chưa? Hay hoặc đi mà đi cho có lấy có, đi theo kiểu lười biếng thì cũng không được.
Người ta sẽ xem xét hết mấy con, để giúp cho mấy con tu tập cho đạt được kết quả. Thí dụ như ở trong cái số này thì mấy con thấy có người già, nhưng cũng có các con cũng còn trẻ mà lại có tâm huyết đi tu là tại vì mình đã nhận ra được đời khổ mấy con.
(9:17) Đức Phật đã đưa ra bốn cái chân lý để chỉ cho chúng ta là bốn cái sự thật: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là con người ai cũng khổ, cứ người nào sinh ra, hoàn toàn là chúng ta khổ, đó là cái chân lý thật sự. Mà nói đến cái nguyên nhân sinh ra đau khổ thì lòng ham muốn, thì chắc chúng ta ai cũng có ham muốn hết, chứ có ai mà không ham muốn?
Thì đó là cái chân lý mà, cái sự thật rồi. Không thể nào chúng ta nói: "Tôi không có ham muốn", kKhông, hoàn toàn không có! Hễ con người là có lòng ham muốn, mấy con sẽ thấy rất rõ.
(9:48) Mà một cái trạng thái mà đức Phật gọi là chân lý, đó là trạng thái giải thoát gọi là Niết Bàn. Cái danh từ gọi là Niết Bàn, chứ nó không phải là có cõi giới Niết Bàn. Là một cái trạng thái tâm của chúng ta Niết Bàn, tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Thanh thản, chúng ta thấy tâm bây giờ chúng ta không khởi niệm nào thì nó là thanh thản. Thân mình ngồi đây an ổn, không có đau nhức, không có tê, không có khổ sở trên thân của mình, không có cảm thọ gì hết thì đó là an lạc chứ sao! Ngồi đây yên lặng như thế này thì bất động chứ sao! Các con thấy rõ ràng phải không?
Như vậy rõ ràng là cái chân lý của đạo Phật giải thoát, cái Niết Bàn giải thoát là ngay mọi người đều có, chứ đâu phải cần chúng ta tu tập, để một thời gian sau đó, chúng ta mới vào cảnh giới nào gọi là Niết Bàn?
Mà Niết Bàn ngay trong tâm của chúng ta đã có sẵn, nó là cái sự thật mà! Bốn cái chân lý của đạo Phật là sự thật. Mà Đạo Đế là một cái sự thật, là cái chương trình giáo dục đào tạo cho cái người tu chứng được cái tâm đó, cái tâm vô lậu đó, cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự đó. Cái gì cũng là sự thật không à.
Bây giờ chúng ta chưa tu, chúng ta cũng nhận ra được. Mà cái Đạo Đế là tám cái lớp tu học, từ Chánh Kiến cho đến Chánh Định là chúng ta hoàn tất được con đường tu tập của chúng ta, phải trải qua tám cái lớp tu học này. Nó là chương trình giáo dục đào tạo. Không có nghĩa là chúng ta tự tu tự chứng mà nó phải giáo dục đào tạo.
Cho nên Thầy mới nói mấy con phải thân cận thiện hữu tri thức. Mình muốn học tập mà không có ông Thầy dạy thì ai dạy mình, các con hiểu không? Bây giờ mấy con muốn biết chữ phải có ông Thầy dạy mình mới biết chữ chứ, biết đọc chứ. Còn nếu mà không có ông Thầy dạy thì làm sao mình biết đọc, biết viết được?
Thì cái tu tập này nó cũng phải như vậy, nó phải có một cái người tu chứng, người ta hướng dẫn cho mình. Thì mình sẽ tu, mình làm chủ được bốn sự đau khổ: sinh, già, bệnh, chết của mình.
Đạo Phật dạy chúng ta không có một cái thế giới ảo tưởng, mà dạy chúng ta chứng được cái trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, tức là tâm vô lậu, tức là chứng vô lậu. Mà chữ "vô lậu" có nghĩa là không còn đau khổ, mà không còn đau khổ đó là chữ vô lậu, có nghĩa là A La Hán.
Cho nên chứng quả A La Hán là chứng cái tâm vô lậu thôi, chứ có gì đâu! Đâu có khó gì đâu, bởi vì ai cũng có, nhưng mà có pháp thì chúng ta mới giữ được cái tâm vô lậu đó, có phải không mấy con? Còn nếu không pháp, bây giờ chúng ta chỉ có chút xíu à.
Ngồi im lặng chúng ta thấy thanh thản có chút, chừng một phút, hai phút là nó đã có niệm khác rồi. Mà kéo dài từ năm, ba phút, mười phút thì cái thân chúng ta cứ cục cựa, nó không có chịu ngồi yên được. Bởi vì nó ngồi lâu quá nó mỏi, nó không chịu nổi, cho nên nó phải rung động thôi. Thì nó không bất động được, thì như vậy chưa phải đúng. Cho nên vì vậy mà chúng ta có phương pháp.
(12:29) Thì trong cái phương pháp thì mấy con đọc về mười chín cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, thì mấy con thấy đó là cái phương pháp ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện. Nhờ mười chín cái đề mục này mà chúng ta tu Tứ Chánh Cần. Nếu không có phương pháp của Định Niệm Hơi Thở thì chúng ta không làm sao mà ngăn ác, diệt ác được.!
Mấy con thấy Phật dạy chúng ta đâu có thứ lớp hết chứ! Nhưng mà muốn tu hơi thở đâu phải dễ, mấy con tự mấy con hít thở: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô. Thở ra, tôi biết tôi thở ra", mấy con dùng hơi thở ức chế ý thức của mấy con thì mấy con đã sai.
Mà mấy con dùng hơi thở mấy con tu, mà hơi thở mấy con chưa có quen thì nó sẽ bị tức ngực, nó rối loạn hô hấp. Có nhiều người tu hơi thở bị rối loạn hô hấp, bởi vậy không dám tu hơi thở.
Cho nên khi mà người ta, người ta đến cái ông vị Thầy đó, người ta hướng dẫn Định Niệm Hơi Thở, thì người ta dạy mình, thử nhiếp, thử nhiếp trong năm hơi thở.
Rồi xem coi năm hơi thở, mình thở hơi thở bình thường, nhiếp vậy coi có như thế nào? Không có thế nào, cái tăng cho mình lên mười hơi thở. Thấy từ mười hơi thở đến hai mươi hơi thở, hay ba mươi hơi thở thấy không có bị tức ngực thì người ta thấy đây là được. Nhưng mà người ta còn xét lại, khi mà nhiếp trong hơi thở rồi, người ta thấy cái đầu có nặng không?
Người ta hỏi cái người tu mà, để người ta dò cái đặc tướng để người ta đặt cho mình đúng cái pháp tu. Thì khi mà người ta dò đúng rồi, người ta hướng dẫn mình thì tu không sao. Nó an ổn, nó nhiếp tâm và an trú mà khi mình nhiếp tâm, an trú được thì chúng ta sẽ đẩy lui bệnh. Nhiếp tâm, an trú được thì chúng ta sẽ đẩy tất cả những tâm tham, sân, si của chúng ta được.
Các con thấy thí dụ như, vào cái đề mục đầu tiên của đạo Phật dạy chúng ta: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô. Thở ra, tôi biết tôi thở ra", rồi "Hít vô dài, tôi biết tôi hít vô dài. Thở ra dài, tôi biết tôi thở ra dài". Khi mà nhiếp tâm và an trú được ở trong hơi thở đó, đầu tiên mà chúng ta nhiếp được, thì với cái bài tác ý, bây giờ chúng ta làm quen hơi thở, thấy nó không tức ngực rồi. Thấy nó không khô cổ rồi, thì chúng ta biết mình tu hơi thở được. Do đó chúng ta tiếp tục.
(14:30) Do đó chúng ta tiếp tục cái đề mục: "An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô. An tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra". Rồi mình hít vô thở ra năm hơi thở, rồi mình lại tác ý. Vì vậy mà đâu có phải vì hơi thở mà ý thức chúng ta dừng, bởi vì mình còn tác ý mà mấy con, tác ý là ý thức còn làm việc mà. Con hiểu không?
Còn bây giờ cái ý thức của chúng ta ngồi yên lặng thế này, hít vô thở ra, hít vô thở ra, mà có một cái vọng tưởng tự nó khởi ra trong hơi thở chúng ta đang hít, đó là chúng ta bị vọng tưởng. Chúng ta đâu có làm chủ cái ý thức cho nên ý thức nó khởi ra.
Mà bây giờ chúng ta cố gắng tập trung trong hơi thở, cứ biết hít vô thở ra như thế này năm, mười phút mà hoàn toàn không có một cái niệm gì khởi ra, đó là chúng ta bị ức chế tâm.
Còn Thầy bây giờ ý thức Thầy đâu có diệt được, Thầy đâu có diệt, Thầy cho nó làm việc. Cho nên Thầy bảo: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô. Thở ra, tôi biết tôi thở ra", rồi hít vô thở ra năm hơi thở, rồi Thầy tác ý. Thầy cho nó làm việc mà. Mà Thầy điều khiển cái ý thức Thầy làm việc, chứ không để tự động nó làm việc. Các con thấy Thầy làm chủ ý thức mà. "Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp", câu Kinh Pháp Cú đức Phật đã dạy mà!
Chúng ta nhờ cái ý thức mà chúng ta tác ý như vậy, nó mới trở thành cái ý thức lực. Mà ý thức lực sau này mấy con thấy khi mà ở trên Tứ Niệm Xứ rồi, cái tâm mấy con hoàn toàn nó vô lậu rồi, thì cái ý thức lực cùng với chúng ta tác ý, mà đến khi mà chúng ta thành tựu được cái tâm bất động rồi thì nó trở thành Tứ Thần Túc, chứ chúng ta có luyện cái gì đâu? Tại chúng ta tác ý, tác ý quá nhiều.
Bởi vì bây giờ mấy con tu ba mươi phút phải không? Mà cứ một lần năm hơi thở: "Hít vô, tôi biết tôi hít vô. Thở ra, tôi biết tôi thở ra", rồi hít vô thở ra, hít vô thở ra năm hơi thở, rồi tác ý nữa. Và ngày ngày mấy con tu vậy, mà sáu tháng mấy con tu, mấy con tác ý bao nhiêu không? Mấy con tác ý của mấy con bao nhiêu?
Mà sáu tháng mấy con tu tập như vậy, mà bao nhiêu cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở mấy con tu tập như vậy. Khi mà cái tâm con bất động thì cái lực của ý thức tác ý, nó trở thành Tứ Thần Túc, lực ý thức mấy con.
(16:30) Cho nên mấy con bảo, thí dụ như thân của mấy con đau nhức chỗ nào "Thọ là vô thường, thân này không đau nhức!" Mấy con tác ý một cái là nó không đau nhức.
Bởi vì khi mấy con tác ý, thì khi mà tác ý xong rồi thì mấy con sẽ ở đâu? Mấy con sẽ ở chỗ bất động tâm. Chứ mấy con không ở chỗ đau, cho nên cái đau nó sẽ bị mất.
Còn mấy con tác ý, mà mấy con chưa có nhiếp được vào chỗ bất động tâm, cho nên mấy con tác ý bảo: "Bệnh đi!", nhưng mà cái tâm của mấy con ở chỗ bệnh, chứ nó không có ở chỗ bất động, các con hiểu chưa? Còn mình tu bất động rồi, cho nên mình tác ý thì nó sẽ vào chỗ bất động.
Thầy đem cái ví dụ để cho mấy con thấy dễ thấy. Cũng như bây giờ Thầy tiếp với mấy con, thì cái ý thức của Thầy nó hoạt động, nó sẽ làm việc giống như mấy con. Nhưng khi mấy con về hết còn mình Thầy, thì cái tâm Thầy nó trở về bất động chứ nó không nghĩ một cái điều gì Thầy đã nói. Cho nên Thầy gọi là: "Diệu dụng".
Diệu dụng từ cái tâm bất động nó phóng ra, nó làm việc với mấy con. Nó gợi, mấy con hỏi gì nó trả lời cái đó hết, gọi là diệu dụng. Khi xong rồi thì nó trở về trạng thái bất động đó, còn mấy con thì không được. Khi mà, mấy con khi nghe Thầy nói rồi, bây giờ mấy con ngồi, về thất ngồi một mình á, thì cái gì nó cũng nhớ ra hết. Nó không có yên được, các con hiểu không? Cho nên mấy con phóng dật.
Còn Thầy thì diệu dụng, phải không? Thầy nói chuyện với mấy con là diệu dụng. Còn mấy con hỏi Thầy thì nó là phóng dật, chứ không phải diệu dụng. Bởi vì mấy con đâu có ở trong cái chỗ bất động, mà mấy con ở chỗ động. Chỗ hữu lậu chứ không phải chỗ vô lậu, còn Thầy đang ở chỗ vô lậu.
(18:08) Cho nên mấy con thấy tu rất hay mấy con! Tại sao nó khi nói chuyện động như thế này, mà khi mấy con ra hết rồi thì tự nhiên nó quay về chỗ bất động? Là tại vì Thầy đã tu tập nó, từng sống ở đó, cho nên khi tất cả mọi cái đều trở về im lặng thì nó trở về chỗ bất động của nó, nó không bao giờ bị động. Bây giờ mấy con tu cũng vậy thôi. Chính chỗ đó là chỗ mà đức Phật gọi là: "Chứng tâm vô lậu".
Còn hiện giờ là mấy con ở trong tâm hữu lậu, cho nên nó có niệm này niệm kia. Rồi cảm thọ, đau nhức, ngồi lâu kiết già hay là hoặc bán già ngồi lâu thì tê chân, mỏi chân, toàn là lậu hoặc không. Thân lậu, rồi tâm lậu.
Còn Thầy thì ngồi nó im re, nó không có, ngồi suốt một giờ, hai giờ, không thấy đau tê nhức chỗ nào hết. Mấy con thử ngồi kiết già đi. Mấy con cao lắm là mấy con ngồi một giờ, hai giờ là thấy nó cóng giò mấy con rồi, có phải không? Mấy con hiểu, chứ nó đâu phải dễ đâu!
Nhưng mà Thầy ngồi, Thầy bảo, Thầy chỉ: "An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra" hay hoặc là: "An tịnh thân hành, tôi biết tâm tôi bất động. Thầy chỉ nhắc nó vậy thôi, Thầy ngồi im lặng. Toàn bộ một giờ, hai giờ thân Thầy an lạc, an tịnh mấy con, không nhức. Tại vì cái lệnh của ý thức của Thầy nó có.
Các con nghe trong Tứ Thần Túc nó có cái Dục Như Ý Túc không? Như ý mình muốn mà, mình muốn cái gì là thân tâm mình nó làm theo ý muốn cái đó. Rồi Định Như Ý Túc là mình muốn nhập định nào nó sẽ nhập. Muốn nhập Không Vô Biên Xứ là nó nhập vô Không Vô Biên Xứ. Muốn nhập Sơ Thiền là nó nhập Sơ Thiền, mà Nhị Thiền nó nhập Nhị Thiền. Nhưng sau khi mấy con sẽ ở trên Tứ Niệm Xứ, mấy con đạt được cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
(19:54) Cái miếng đất, cái miếng đất mà giải thoát là mấy con phải ở chỗ đó, mấy con mới nhập các Định. Mà chưa có, mấy con tu Thiền Định là hoài công vô ích, bởi vì tâm của con bây giờ nó đang hữu lậu. Chừng nào tâm của mấy con nó vô lậu, thì mấy con sẽ ở trên cái chỗ tâm bất động.
Mà chỉ có Tứ Niệm Xứ mới được ở trên đó, cái pháp Tứ Niệm Xứ nó ở trên đó. Tứ Chánh Cần chưa ở được, mà Tứ Niệm Xứ mới ở trên đó. Cho nên nếu mà khi không mấy con thấy cái pháp Tứ Niệm Xứ hay quá, mấy con nghe người ta dạy Tứ Niệm Xứ. Giới luật chưa nghiêm thứ nhất. Hai là tâm mấy con chưa ngăn ác, diệt ác pháp thô, mà mấy con vô Tứ Niệm Xứ là tu hoàn toàn hoài công.
Bởi vì Tứ Niệm Xứ nó là cái lớp Chánh Niệm. Trong Bát Chánh Đạo, nó là Chánh Niệm rồi mới tới Chánh Định. Cái lớp thứ tám nó là Chánh Định. Mấy con đọc Bát Chánh Đạo mấy con biết. Còn cái Chánh Tinh Tấn đó là Tứ Chánh Cần mấy con. Còn tất cả những cái từ Chánh Kiến cho đến Chánh Mạng đó, nó là cái pháp học giới luật, nó triển khai cái tri kiến để chúng ta hiểu.
Cho nên cái lớp Chánh Kiến, làm cho mấy con thấy được cái đúng không có sai gọi là Chánh Kiến. Mọi vật xảy ra mấy con thấy đúng, không có thấy sai. Mà muốn thấy đúng thì phải học cái lớp đó để triển khai, cũng như cái lớp học mà, triển khai cái ý thức của chúng ta phải hiểu.
Thì hiểu đầu tiên mấy con phải học về cái giới, năm giới luật của Phật. Tức là thọ Tam Quy thì phải thọ Ngũ Giới chứ gì mấy con? Cái căn bản đầu tiên mấy con bước vào đạo Phật thì thọ Phật, Pháp, Tăng rồi, thì phải thọ năm giới. Chứ không có khi nào mà thọ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng rồi mà mấy con không thọ Ngũ Giới thì không được! Nó phải đi một loạt, nó thọ Tam Quy thì phải thọ Ngũ Giới.
Mà khi Ngũ Giới đó là căn bản của đức nhân bản của con người rồi. Mà mấy con sống không đúng năm cái đức này thì chưa phải là một người đệ tử của Phật. Mặc dù bây giờ mấy con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nhưng mấy con không sống đúng năm giới này thì tức là mấy con chưa phải là đệ tử của Phật. Vì đệ tử của Phật phải sống những cái đức hạnh.
Cái Đức Hiếu Sinh, cái giới sát sanh thì nó là cái Đức Hiếu Sinh mấy con, cái lòng thương yêu. Mà không tập, không học hiểu thì cái lòng thương yêu làm sao có? Mấy con nói có thương yêu? Có thật! Nhưng mà mấy con biết cái thương yêu nó nhiều cấp độ.
(22:07) Đây Thầy nói ví dụ, chẳng hạn mấy con thấy, như một cái nhà này đang cháy nè, có một đứa bé ở trong cái nhà này nó kêu khóc nè. Mọi người, người ta thương, người ta chạy đến, người ta kêu cứu, người ta la làng đó, mà không dám xông vô.
Đó là cũng thương chứ mấy con, mà không dám xông vô. Lại có một người khác, người ta dám đạp cái nhà, người ta xông vô lửa, người ta ôm đứa bé, người ta chạy ra, thì cái người đó phải thương hơn mấy con chứ?
Mấy con đứng ngoài mấy con la làng đâu bằng cái người, người ta xông vô để người ta cứu đứa bé. Cho nên cái Đức Hiếu Sinh thì mấy con có, nhưng mà hiếu sinh không dũng cảm. Còn cái người mà người ta xông vô đó là dũng cảm. Như vậy thì mấy con phải biết rằng cái học về Đức Hiếu Sinh, nó nhiều góc độ lắm.
Khi mấy con lái xe hoặc là mấy con đi ở trên đường, mà mấy con có Đức Cẩn Thận. Mà Đức Cẩn Thận Hiếu Sinh vì thương mình, thương người cho nên tai nạn giao thông không xảy ra, đó là Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, các con thấy không? Mà bây giờ nếu mà con cẩn thận mấy con đi, thì mấy con nhìn dưới chân mấy con, thì mấy con không đạp những con kiến, con trùng dưới chân chết.
Đó là Đức Hiếu Sinh Từ Bi, lòng thương yêu của chúng ta thực hiện trên cái thương yêu của chúng sanh. Đó, mấy con thấy rõ ràng, mà lại nó tránh. Mấy con đi mà mấy con cẩn thận nhìn dưới chân thì nó trở thành một sức tỉnh giác. Tỉnh giác thì mấy con sẽ không đá những cục đá dưới chân, không đạp những cái gai, cái miếng miểng chai dưới chân, thì nó đâu có làm đau khổ mấy con.
Các con thấy cái Đức Hiếu Sinh nó nhiều góc độ lắm! Mà nhiều như vậy, tại sao chúng ta không học? Chứ đâu phải nói hiếu sinh là lòng thương yêu là nói thương yêu thôi. Mình thương yêu cha mẹ hay hoặc là con cái của mình, mình thương yêu, đó là có thương yêu chứ, nhưng mà thương yêu ích kỷ, thương yêu cá nhân, cái lòng thương yêu không rộng!
Cho nên ở đây, người ta từ cái chỗ chúng ta có cái tình thương yêu, nhưng mà tình thương yêu của chúng ta nó biến thành tình thương yêu rộng lớn, không làm khổ mình, khổ người mới đúng là đạo Phật mấy con.
Bởi đạo Phật nó rất hay, nó cho hai vế liền tức khắc. Nếu mà mình nói ra một lời nói có người khác khổ là mình người thiếu đạo đức, cho nên không làm khổ người. Mà mình nói một lời nói mà vừa làm khổ mình vừa làm khổ người thì thiếu đạo đức cả hai vế, làm khổ mình, khổ người.
Mà mình nói ra một lời nói hay ai nói ra một lời nói làm cho mình tức giận, mà mình sinh ra tức giận thì tự mình làm khổ mình. Người khác người ta nói người ta không tức giận mà mình lại khổ thì tức là mình cũng tự làm khổ mình, tức là mình cũng thiếu đạo đức.
Cho nên người ta nói mình mà làm sao mình không giận, người ta chửi mình mà làm sao mình không giận, tức là mình thương mình. Còn mình để mình tức giận thì người đó chưa hẳn thương họ. Bởi vì giận là phải khổ mấy con. Các con hiểu chưa?
(24:42) Cho nên đạo Phật mới dạy chúng ta từ cái tri kiến giải thoát mấy con. Cho nên nói năm cái lớp đầu tiên của nó, nó dạy chúng ta có cái sự hiểu biết. Cho đến khi mà đến cái lớp Chánh Mạng, nuôi cái thân mạng chúng ta bằng cái chân chính phải nuôi như thế nào mấy con?
Nuôi từng cái hành động sống, nuôi từng cái hành động, từng cái lời nói, nuôi từng cái cử chỉ. Khởi nghĩ đến cái sự sống bình đẳng của chúng sinh, không bao giờ đem cái sự sống của chúng sanh mà trở thành thực phẩm để nuôi sống chúng ta. Cái Chánh Mạng của chúng ta rất là vĩ đại! Cho nên học được những cái lớp này xong, bằng cái tri kiến hiểu biết tức là bằng cái đức giới của Phật rồi.
Mà nội cái giới luật của Phật, Thầy nói ly dục, ly ác pháp mấy con, ai chửi không giận đâu. Toàn bộ cái đời sống của mấy con rất là hạnh phúc! Còn bây giờ mấy con học giới cấm, bắt buộc mấy con học phải giữ gìn không sát sinh nè, không trộm cắp nè, không vọng ngữ nè, không tà dâm nè, không uống rượu nè, bắt buộc mấy con, nhưng mà rốt cục mấy con phạm hết.
Còn ở đây người ta dạy về cái đức hạnh đó, nó lợi ích như thế nào, thế nào cho một cái người mà giữ được cái đức hạnh đó. Thấy hay quá! Và hàng ngày bị, hàng ngày người ta đưa vào những cái bài học nó làm cho đầu óc chúng ta thấm nhuần. Và mỗi lần mà chúng ta học, thì khi mà đi về đó, thì chúng ta, Thầy dạy chúng ta phải áp dụng vào đời sống hàng ngày.
(26:01) Thí dụ như dạy Đức Hiếu Sinh Cẩn Thận, thì do đó: "Phải đi cẩn thận nha!" Ông thầy ông thấy mà đi ra, mà vội vàng, mà đẩy xe đi ra hoặc lật đật đi thì ông ghi hết mấy đứa học trò này hết. Sau đó, cái buổi học sau đó họ gọi lên: "Bữa đó con đi như vậy là con không, thiếu đức, con phải tập".
Và hàng ngày đến học trong năm tháng, sáu tháng học cái lớp Đức Hiếu Sinh rồi, thì những người học trò này đều là cẩn thận hết. Đi cẩn thận kỹ lưỡng, mà nó trở thành cái thói quen rồi mấy con. Sáu tháng đã tập luyện từng cái hành động. Mà cái người học trò nào sơ sót không áp dụng thì bị ông Thầy ghi vô để mà khuyên dạy, để mà khích lệ cho người học trò mình cố gắng thực hiện. Cho nên trở thành cái thói quen đạo đức. Đạo đức nó là trở thành thói quen chứ.
Nhưng mà ông thầy, mà ông thầy dạy cẩn thận mà ông thầy đi vụt chạt là học trò nó phê ông liền tức khắc. Cho nên phải lấy cái gương hạnh của ông thầy mà làm gương hạnh cho học trò, mới dạy học trò.
Cho nên Thầy cố gắng, Thầy đào tạo cho một số người tu chứng mấy con, tu chứng tức là thân giáo. Họ thân giáo không những là Thiền Định, mà thân giáo cả đạo đức nữa. Họ dạy, đứng lớp dạy mấy con, về cái đức nào thì họ là người phải thực hiện cái đức nấy, hành động của họ sống cái đức nấy.
Rồi đến cái Thiền Định, họ làm chủ được sự sống chết. Thì hoàn toàn mấy con phải chứng kiến được cái sự làm chủ của họ chứ! Cho nên cái hành động đó, là gọi là thân giáo.
Còn cái lời nói của họ, họ nói đâu họ làm được thì đó là thuyết giáo. Các con hiểu chưa? Mà cái người mà đứng lớp dạy mà thân giáo, thuyết giáo thì nó lợi ích cho cái người học viên rất lớn mấy con, nó đem lại rất lớn cho mấy con. Còn bây giờ mấy con đến đó, người ta nói lung tung mà người ta không làm được gì hết, thì coi như người ta hướng dẫn đạo đức chưa được, chứ huống hồ là nói Thiền Định.
Hôm nay mấy con có duyên, về đây gặp Thầy thì Thầy sẽ sau cái thời gian, mấy con ở đây được bao lâu mấy con? Mấy con tính ở đây bao lâu?
(27:55) Phật tử: Kính thưa Thầy, chúng con ở đây được đến ba rưỡi sáng ngày thứ hai ạ!
Trưởng lão: Vậy hả con? Vậy thì, trong cái số mấy con thì Thầy sẽ dành ra cái thời gian để kiểm tra mấy con hết. Rồi coi cái đặc tướng như thế nào Thầy sẽ dạy cho mấy con cái pháp. Rồi mấy con à, bây giờ cái pháp đó phải tu sao sao sao, rồi mấy con phải tu.
Người thì đem Thầy cho tu cái thời gian dài, ví dụ như năm phút, người thì cho tu một phút thôi, thì mấy con cứ y như lời Thầy dạy chứ đừng, người này Thầy dạy năm phút, mà con tu ít quá con cũng thua người ta. Con sẽ tu năm phút chứ con, thì như vậy không được. Mấy con tu cái kiểu đó không chất lượng đâu, các con hiểu không?
Thầy dạy một phút là tu một phút, mà Thầy dạy người khác năm phút là người đó tu năm phút, chứ đừng có so bì, biểu hơn. Một ngày nào đó mấy con cũng giải thoát như họ hết. Chứ đừng có nghĩ là: "Sao tui dở quá vậy?" thì đừng có nghĩ dở. Ở đây không có giỏi dở, mà chỉ có tu đúng, tu có giải thoát thôi. Mấy con nhớ kỹ cái điều này, Thầy dạy là phải có kết quả.
Bởi vì Thầy dạy đây là đem lại cái lợi ích thiết thực! Cho nên phải xem xét mấy con, giúp đỡ cho mấy con biết cách rồi mới cho con. Mấy con mà còn ở lại đây, thì Thầy không biết với cái số lượng như thế này thì cái thất biết có đủ không? Sợ không đủ. Hai, ba người mà ở một thất thì nó động lắm mấy con!
Nhưng mà bây giờ làm sao bây giờ đây? Lượng thất nó không đủ, thì không biết ở bên kia, mấy cái thất bên kia nó đã có chưa? Lẽ ra thì cái khu ở trong kia nó ba chục cái thất, ba bốn chục cái thất nhưng mà nó chưa có rồi. Thành ra làm sao mà cho mấy con vô ở?
(29:19) Mà nam thì ở riêng, mà nữ ở riêng, mỗi người cái thất vậy đó. Để mình tập thử mà, mình tập thử, mình sống thử một mình. Mấy đứa mà sợ ma, vô ở một mình nó sợ ma thì Thầy sẽ: "Ở đây không có ma đâu mà sợ"… (Không nghe rõ)
Tập, mình tập sống. Thầy nói người nào mà nói: "Con sống một mình con sợ quá!" Thầy đưa ra đồng mả ở kia cà, ở ngoài đồng mả, Thầy có cái đồng mả ở kia cho nó sợ, trực tiếp ra cái chỗ sợ luôn thì nó lại hết sợ luôn, có phải không? Đó là cách thức để mà hàng phục cái tâm sợ hãi.
Còn mấy con không sợ, vô ở cái thất, được cái thất này, thất kia ở gần nhau thì không sợ, thì mấy con sẽ tập được. Chứ mà sợ thì mấy con cứ lo lắng. Ở đây mình có cửa cổng đàng hoàng không có ai vô phá mình hết đâu mà sợ, mấy con hiểu chưa?
Cho nên bây giờ thì Thầy không biết là, về vấn đề cô Trang ở đây với mấy cô ở đây không biết sắp xếp cho mấy con nghỉ như thế nào? Cách thức thế nào? Mà Thầy thấy đông như thế này, phải chi đi chừng bốn, năm người thì chắc dễ lắm rồi. Này mấy con đi một đoàn, nhưng mà đi vậy nó vui mấy con.
Nhưng mà sự thật ra nó có cái sự học tập, nhưng mà tiếc vì Thầy làm chưa xong. Chứ nếu mà Thầy xong cỡ chừng khoảng độ chừng một trăm, hai trăm cái thất thì mấy con đi hai trăm, một trăm Thầy đã có chỗ ở hết rồi. Bây giờ đang xây dựng, đang làm chưa rồi. Chứ rồi thì mấy con sẽ thấy, vô đây mấy con, Thầy dạy mấy con tu rồi, thì mấy con sẽ về, mấy con nhớ mai mốt ráng vô nữa.
Bởi vì tu thấy kết quả mấy con, tu thấy giải thoát, thấy an ổn mà. Thành ra cái gì mà mình làm được thì mình thích, mình ham mấy con, còn cái gì mình làm không được là mình chán. Đó! Nhưng mà ở đây Thầy dạy mấy con là sẽ kết quả, sẽ kết quả.
Và đồng thời mấy con quyết tâm một chút. Mấy con chưa có bận bịu gia đình, chưa có gia đình gì hết thì mấy con sắp xếp ổn, lần sau mấy con vô ở lâu được. Còn mấy con mà bận bịu gia đình này kia, rồi vợ con hay hoặc là chồng con rồi, thì mấy con phải sắp xếp. Chứ còn mấy con vô đây ở không được. Ở ngoài kia đó không ai lo gia đình hết thì không được. Đã mình có gia đình rồi, thì cái nghiệp của mình đã có, thì mình phải tạo cho nó làm sao cho ổn định.
(31:24) Thầy nhắc lại, như gia đình của cái ông Visaka trong thời đức Phật. Khi mà hiểu được pháp Phật rồi, thì ông Visaka ông nói với vợ: "Bây giờ đó, em hãy đến, em tu trước, anh và con ở lại chờ đợi. Khi mà em tu xong thì anh và con sẽ đến theo Phật tu". Bởi vì chỉ có con đường này là con đường giải thoát chấm dứt đau khổ của cuộc đời người, chứ không còn con đường nào khác hơn hết.
Cho nên ông Visaka ông đề nghị với bà vợ, thì bà DiDaMa bà khăn gói, bà lên đường bà theo Phật để tu. Đến khi bà tu chứng đạo rồi, thì ông Visaka ông đến ông cật vấn. Ông cật vấn, ông hỏi xong rồi, ông đem những cái điều mà bà Visaka trả lời ông, hỏi lại Phật. Phật nói, đức Phật nói: "Ta cũng chỉ trả lời như bà Visaka thôi chứ không hơn".
Thì như vậy là bà Visaka đã chứng quả A La Hán rồi đó. Thì lúc bây giờ ông nói, ông đến ông gặp bà Visaka, ông nói: "Bà đã tu xong rồi, bà được giải thoát, thì bây giờ cha con tụi tui sẽ theo Phật, gia đình này, nhà cửa này sẽ giao lại cho bà con", không có tiếc nữa mấy con.
Đó, thì Thầy nói có gia đình, thì mấy con sắp xếp. Cuộc đời không thể, mấy con nghĩ là các con mà, dù là chồng con có thương cách gì đi nữa mà mình đau, họ có đau thế cho mình được không? Chồng mình thương mình có đau thế cho mình được không? Mình chết, chồng mình có chết thế cho mình được không? Không! Ai đau, ai chết thì phải chịu thôi chứ, chỉ thương yêu là mình chăm sóc cái người bệnh đó thôi, chứ mình đau thế không được mấy con.
Cho nên cái mục đích của đạo Phật tự mình cứu mình về cái vấn đề này, chứ không có một người nào. Bây giờ một đứa con mình rất thương nó, mà nó đau, thì người mẹ nếu mà đau được giùm cho đứa con mình thì người mẹ dám hy sinh đau cho nó đó. Nhưng mà làm sao được mấy con? Chỉ nhìn nó mà thôi, chỉ lo thang thuốc cho nó thôi! Chứ còn không cách nào mà đau thế cho nó được.
Nó chết, người mẹ rất là đứt ruột, nhưng mà không thể chết thế cho con mình được. Cỡ chết thế được người mẹ cũng chết thế mấy con. Nhưng mà làm sao được? Cái vấn đề nhân quả đó, cái vấn đề nghiệp đó, không thể người nào thay thế cho người nào được.
(33:27) Mà nếu biết rõ không ai thay thế cho ai được, thì chúng ta chỉ còn có nước phải tu, phải tu. Tu để cứu mình mà, cứu mình trong cái khổ này mà! Tại sao chúng ta biết cái đời chúng ta có bốn cái khổ: sanh, già, bệnh, chết mà tại sao chúng ta không tu để mà chúng ta làm chủ được những cái đau khổ này?
Chính đạo Phật ra đời vì loài người chứ không phải xây dựng cái thế giới siêu hình. Để chúng ta sống mà làm chủ được bốn sự đau khổ, tức là xây dựng cái thế giới con người được hạnh phúc, không còn đau khổ. Đó là mục đích của đạo Phật mấy con. Cho nên những cái gì mà nói thế giới Thiên Đàng, Cực Lạc này kia đều là do ảo tưởng, không thật.
Ông Phật đã đưa ra những cái chân lý là sự thật của cuộc đời này, để giúp con người làm chủ bốn sự đau khổ này. Thì mục đích, mấy con đọc lại lịch sử của đức Phật, mấy con thấy rất rõ chứ gì? Đức Phật đi tu là nhằm bốn sự đau khổ, ra bốn cửa thành thấy bốn sự đau khổ. Bây giờ có bỏ hết đi tu là mục đích để giải quyết cái khổ, chứ đâu phải đi tu tìm cái Thiên Đàng nào đâu mà về, các con hiểu không? Đâu phải đi tìm cái chỗ sung sướng nào đâu?
Cho nên cuối cùng thì đức Phật làm chủ, rồi mới truyền cho cái bài pháp đầu tiên. Mà bài pháp nói đầu tiên đó là đưa ra pháp Tứ Diệu Đế, bốn cái chân lý, bốn cái sự thật của kiếp người, mấy con thấy cụ thể, rất là rõ ràng.
Thật sự, chỉ ở trên hành tinh của chúng ta có đức Phật duy nhất là đem lại hạnh phúc cho loài người trên hành tinh. Không có một cái tôn giáo nào mà đem cái sự thật này được, mà chỉ có đạo Phật mấy con. Không có một ông Giáo chủ nào mà như đức Phật đem cái sự thật này, chỉ dạy cho con người thấy rất rõ.
Các con thấy bao nhiêu tôn giáo trên hành tinh này, chỉ cầu khẩn, chỉ dùng cái tư tưởng tin tưởng của chúng ta để an ủi cái tinh thần, cái sự đau khổ của chúng ta mà thôi. Chứ không có cách nào mà chúng ta tự cứu lấy như đạo Phật.
(35:13) Còn đạo Phật dạy chúng ta từng pháp để cứu mình, từng cách thức để đẩy lui tất cả bệnh ở trên thân của mình, từng cách thức để hàng phục cái tâm mình không còn tham, sân, si, giận hờn. Quá tuyệt vời! Các con thấy cái bài pháp rất tuyệt!
Tâm mấy con đang sân, thì đức Phật dạy mình, bây giờ cái tâm sân này: "Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô. Quán ly sân, tôi biết tôi thở ra", hít vô thở ra năm hơi thở rồi tác ý lần nữa. Mấy con sẽ xả ra, mấy con không còn hít thở nữa, mấy con ngồi không thấy sân.
Còn nếu mấy con muốn chuẩn bị cho nó đừng sân, thì mấy con sẽ tác ý nó không sân: "Quán từ bỏ tâm sân, tôi biết tôi hít vô. Quán từ bỏ tâm sân, tôi biết…". Mấy con tập một tháng, sau đó người ta chửi mấy con không sân.
Cái nội lực mấy con đã có, mấy con từ bỏ, mấy con quyết định là mấy con sẽ không để cho cái tâm mình sân nữa, và mấy con tập luyện như vậy trong một tháng. Bây giờ mấy con nghiệm lại coi, ai nói oan, nói ức, nói tức, nói tối, chửi mắng gì, con thấy thản nhiên vô cùng. Tại sao? Cái nội lực con có qua cái pháp đã tu đó.
Còn mấy con không tu tập, thì bây giờ người ta chửi mấy con phải giận thôi! Người ta nói trái ý, mấy con phải chướng ngại, không làm sao mấy con tránh khỏi điều đó. Đó, mấy con thấy Phật pháp nó hay vậy đó. Mà chỉ có người tu mới có được cái chỗ này.
Thầy chỉ nói để khích lệ, sách tấn cho mấy con để mấy con nỗ lực, chứ còn Thầy chắc tu giùm cho mấy con không được. Cũng như ông Phật ông nói như thế nào mấy con biết không? "Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là người hướng đạo, chứ ta không đi thay cho mấy con được".
Thầy cũng bây giờ, như nãy giờ Thầy nói là sách tấn, khích lệ mấy con, thương yêu mấy con, giúp cho mấy con. Rồi bây giờ tự lực mấy con cứu lấy mình, chứ Thầy không thể cứu mấy con được.
Cái sự đau khổ, cũng như Thầy nói bây giờ Thầy có thương đi nữa, mấy con đau, Thầy không đau thế được, các con hiểu chưa? Thầy thương hơn, cũng như thương hơn là cha, hơn mẹ, thương con mình mà, Thầy thương mấy con lắm! Nhưng mà mấy con đau quằn quại, Thầy không đau thế được.Bởi vì đó là cái nghiệp của mấy con, đâu phải làm sao mà Thầy thế được, chính mấy con phải tự cứu lấy mình.
Mà đức Phật nói một câu nói rất hay: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi", câu nói rất hay mấy con. Bây giờ cũng vậy, Thầy cũng chỉ mong mấy con tự bước đi mấy con.
Lòng thương yêu của Thầy là nãy giờ là đem hết sức mình ra nói cho mấy con hiểu. Là thương yêu mấy con như là một đứa con của Thầy, Thầy mới dạy tận tình. Và đồng thời Thầy chịu khó, Thầy kiểm tra lại từng chút cho mấy con, để sau khi mấy con trở về Hà Nội mấy con biết cách tu để cứu mình, các con hiểu chưa?
(37:37) Đó, thôi bây giờ mấy con chuẩn bị để lo chỗ ở cho nó đàng hoàng. Chứ không khéo ngồi nghe Thầy đây rồi tới chừng đó lấy chiếu trải đại, ngủ đại. Cũng được, nhưng mà phải, ở đây Thầy nói thật sự ra, mình là những con người vệ sinh đàng hoàng. Một cái thất vậy nó đều có phòng vệ sinh đàng hoàng trong đó hết mấy con. Ở đây Thầy làm sạch sẽ lắm mấy con!
Bởi vì, có vệ sinh sức khỏe mình mới có, mà không vệ sinh thì tức là sức khỏe mình một thời gian mình chịu không nổi, mình sẽ bịnh con. Bởi vì mình đang tập luyện, mình phí cái năng lượng của mình rất nhiều, cái năng lực của mình nó tiêu hao rất nhiều. Thì lúc bấy giờ, mà trong cái phòng mình ở không vệ sinh thì mình phải bị ảnh hưởng rất to tát, và bệnh tật nó sẽ đến.
Và đồng thời mấy con đến đây ăn ngày một bữa, chứ không phải ăn phi thời được. Thì cái đó là một cái tai hại để cho mấy con thấy là nó sạch sẽ, nó vệ sinh thì sức khỏe của mấy con mới bảo đảm. Chứ còn không khéo thì mấy con đang bị theo cái giới luật của Phật, rồi nó thay đổi cái đời sống bình thường của các con ở ngoài đời, mà vô đây thì nó có sự thay đổi khác, thì cơ thể mấy con có chịu đựng nổi không?
Cho nên bây giờ thì mấy con mới đến lần đầu thôi. Sáng mà đứa nào có đói thì xin một gói mì mà ăn hay hoặc là xin một ít sữa, ở đây nhà bếp người ta sẽ giúp đỡ cho mấy con chứ không ép đâu. Nhưng mà vào đây mấy con tập quen ăn ngày một bữa được rồi, mấy con vô đây tu Thầy thấy khỏe rồi. Thầy không lo điều đó nữa, ăn ngày một bữa thôi. Chết cũng theo Phật, làm gì cũng giống như Phật mấy con. Phải không?
Thầy sẽ đọc những bức thư này, rồi Thầy sẽ trả lời mấy con, coi mấy con hỏi vụ gì đây? Thầy còn nặng nợ mấy con đây.
(39:23) Rồi còn cái số tiền này Thầy gửi lại mấy con, về ngoài gửi cho cô Bích lo mấy con.
Rồi, rồi được rồi, để rồi Thầy sẽ trả lời. Bây giờ Thầy về mấy con, mấy con đặng lo chỗ ngủ chứ! Rồi.
Phật tử: Chúng con kính đội ơn Thầy.
Trưởng lão: Rồi, rồi mấy con. Thầy đứng dậy Thầy chào mấy con. Ờ, Thầy về mấy con, mấy con sắp xếp chỗ ngủ con. Nếu mà không có thì mấy con trải ở trong này, xếp mấy cái này ghế lại, trải ngủ đỡ cũng được mấy con!
HẾT BĂNG