2009 - PHẬT TỬ ĐÀ LẠT - QUY NHƠN 01 - TU ĐÚNG CĂN CƠ ĐẶC TƯỚNG

2009 - PHẬT TỬ ĐÀ LẠT - QUY NHƠN 01 - TU ĐÚNG CĂN CƠ ĐẶC TƯỚNG

PHẬT TỬ ĐÀ LẠT - QUY NHƠN THAM VẤN 01 - TU ĐÚNG CĂN CƠ ĐẶC TƯỚNG

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 2009

Thời lượng: [44:15]

Tên cũ: 20090000-Đà Lạt-Quy Nhơn Tham vấn 1-Thầy dạy THN

Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/2009-phat-tu-da-lat-quy-nhon-tham-van-01-tu-dung-can-co-dac-tuong.mp3

1- TU THÂN HÀNH NIỆM THEO ĐẶC TƯỚNG

(00:01) Trưởng lão: Thầy xin nhắc lại cho mấy con nghe. Khi tu tập, mấy con tu tập vừa với sức của mình. Thầy định 30 phút, tức là mấy con đi pháp Thân Hành Niệm, tức là các con tập pháp Thân Hành Niệm 30 phút thôi, nhưng tùy theo khả năng, tùy theo sức của mình. Mình mới tập, mình tập chừng mười phút thôi rồi mình nghỉ, nghỉ khoảng độ 5 phút hoặc 10 phút, để cho nó bằng cái thời gian mà mình tu tập, rồi mình tu tập trở lại. Mình cứ siêng năng mình tập như vậy, để giúp cho mình tập pháp Thân Hành Niệm đó là cái mục đích để phá hôn trầm thùy miên, cái lười biếng của mình, cái tâm dục của mình.

(00:36) Mà khi mà mình phá được cái hôn trầm, thùy miên của mình thì mình sẽ tiến tới thành tu tập rất tỉnh thức và dễ dàng tu tập. Cho nên nhớ kỹ đừng tu tập quá sức, mình tu tập một ngày, hai ngày cho đến năm ngày hoặc một tuần lễ thì mình tăng lên. Cái sức của mình sẽ thành một thói quen. Cho nên mình tăng lên, mình rất dễ dàng.

Còn nếu mình mới tập mà mình tập nhiều quá, thì thứ nhất là nó căng đầu. Bởi vì mình tác ý từng hành động của mình, thì mình phải tập trung, tập trung trong hành động. Cho nên cái ý của mình không có khởi một cái niệm gì khác, hơn là cái hành động của nó. Do mình tập luyện như vậy, mà nếu mình thấy nặng đầu thì mình lui trở lại. Nếu căng đầu thì mình lui trở lại, đừng nên tập đúng cái thời gian 30 phút mà lui lại còn 20 phút.

Mà nếu còn thấy nặng đầu thì mình lại lui lại nữa, cứ mình lui lại cho đến khi mình tu tập mình thấy không có chướng ngại gì trong thân tâm của mình hết, thì đó là vừa với sức của mình. Rồi mình tập 5 - 10 ngày, sau khi đó mình mới thấy mình tăng lên thì cơ thể của mình sẽ quen đi, nó quen đi với cái pháp. Do đó mà mình tu tập nó không bị nặng đầu, không bị tức ngực.

Vậy mình phải tập luyện cho tuỳ theo, tùy theo cái khả năng của mình mà mình tập luyện, chứ đừng có vội vàng tu tập, nó không phải lâu nhưng mà tập đúng, tập đúng với cái đặc tướng của mình, tập đúng với cái khả năng của mình.

(02:08) Cho nên nhiều khi mình nhiệt tâm, mình thức đêm, thức khuya nhiều quá, mình ức chế mình nhiều quá, thì cũng không tốt. Mình tu tập nhiều quá cũng không tốt, bởi vì mình ức chế cái thân tâm của mình nhiều thì nó lại sai, sai pháp. Mặc dù cái pháp tu đúng, nhưng vì ức chế nên nó cũng sai pháp. Cho nên chúng ta tu làm sao cho đúng cái đặc tướng.

Cho nên đầu tiên, thì Thầy đến Thầy kiểm tra lại coi cái phương pháp tu tập mình thực hành có đúng như cái pháp của mình đã tu tập chưa. Nếu mà đúng với cái pháp mà tu tập rồi, thì mình bắt đầu mình tu tập với cái sức của mình, với khả năng của mình, thì lần lượt mình sẽ tăng dần lên, thì kết quả rất là hiệu quả, rất là tốt.

Cho nên trong cái sự tu tập, mấy con lưu ý trong cái phần này, chứ nếu không, mình ham quá, mình tu nhiều quá cũng không tốt, mà mình tu ít quá cũng không tốt. Mình tu theo sự kiểm tra của Thầy, cứ Thầy cho tăng là mình tăng, chưa cho tăng thì mấy con đừng vội tăng.

Thí dụ tập trong một tuần lễ, thì Thầy đến Thầy kiểm tra lại coi sự tu tập như thế nào. Và Thầy hỏi sự tu tập đó sẽ kết quả làm sao, mấy con sẽ trình bày lại. Và đồng thời, Thầy sẽ cho tăng lên, mà chưa được thì Thầy sẽ bảo mấy con tu tập trở lại, sửa lại cho đúng, thì cái kết quả của mấy con sẽ càng ngày càng tốt hơn.

(03:37) Trưởng lão: Hôm nay Thầy về đây là kiểm tra lại sự tu tập của mấy con đã trong cái thời gian một đêm, một ngày mấy con đã nhập thất ở đây. Thứ nhất trong cái hoàn cảnh sống ở đây, mỗi người một cái thất riêng biệt mà mấy con có cảm nhận như thế nào, trình bày cho Thầy nghe. Bây giờ, những người mà nhập thất ở đây thì sẽ trình bày, lần lượt trình bày cho Thầy nghe. Đồng thời trong khi đó, thì có Riêm cũng đã nhập thất tu tập ở đây, thì sẽ nhờ bác sĩ Thông sẽ thông dịch cho nó hiểu.

Bây giờ Thầy sẽ nhờ bác sĩ Thông thông dịch cho Riêm nó sẽ hiểu, con. Rồi nó sẽ trình bày lại trong một đêm nhập thất ở đây, rồi giữa âm thanh của đồng quê, nó cảm nhận như thế nào? Và tâm nó có thấy thích thú ở trong cái hoàn cảnh tu tập như vậy không? Con sẽ trình bày lại cho nó hiểu biết, để nó trình bày lại cho con và con dịch lại cho Thầy nghe. Trình bày lại con, bảo nó tu đêm hồi hôm này nó tập cái pháp Thân Hành Niệm như thế nào? Và nó tập lại cho Thầy xem, coi thử coi nó tập thuần thục chưa, coi nó tập có đúng chưa? (Con tập đi con). Rồi bây giờ con tu tập như thế nào? Thôi được rồi con, dừng lại con. Con sẽ hỏi nó cách thức, nó ngồi như vậy có thấy khó chịu không? Hỏi Riêm thử coi, nó ngồi như vậy có khó chịu không?

Bác sĩ Thông: Riêm, nó nói là nó càng tập nó càng thấy nó cho nó cảm thấy nó dễ chịu. Mới đầu thì chưa, do bụng nó bự quá, nó ngồi không được.

Trưởng lão: Đúng rồi!

Bác sĩ Thông: Còn nó ngồi như vậy, nó đang tập để nó cho nó thấy thoải mái, để nó ngồi xuống thoải mái.

(05:57) Trưởng lão: Tập ngồi như vậy là cũng được rồi, nhưng mà Thầy thấy khi đó, suốt cái thời gian nó phải thở năm, mà nó thở năm hơi thở vậy, hai cái chân nó ngồi như vậy, nó có mỏi không, nó có thấy khó chịu không?

Bác sĩ Thông: Nó hỏi có thể dùng cách khác mà ngoài cái Thân Hành Niệm? Còn nó ngồi, tại vì cái bụng của nó to quá.

Trưởng lão: Đúng rồi, tại vì Thầy thấy nó ngồi có mấy cái ngón chân hà, thành ra nó hơi nhút nhít, nó hơi run đó, nó phải qua một thời gian cho đến năm hơi thở lận, hít vô thở ra. Nó kéo dài quá, nó ngồi lâu quá, nó động, nó bất an đó. Thành ra Thầy thấy nếu mà điều kiện đó không cần, nó chỉ cần đứng, nó thở cũng được, không cần ngồi. Thầy thấy nó ngồi tội quá.

Bác sĩ Thông: Nó bảo nó ngồi xuống và nó đứng lên.

Trưởng lão: Vậy cũng được, ngồi xuống, đứng lên, rồi bắt đầu thở đi, chứ đừng ngồi thở. Thở năm lần, nhưng mà đứng lên thở. Mình kết hợp với hơi thở mà mình đứng. Còn cái ngồi xuống, mình ngồi dậy, rồi mình đứng lên, rồi mình đưa tay, rồi mình đứng lên để cho cái động tác đó nó liên tục, mà nó không bị run cái thân của nó. Còn nó ngồi mà nó hít thở lâu quá, nó run cái thân nó, thì nó bất an.

Bác sĩ Thông: Nó nói liên tục là không có gì, là bình thường.

(07:12) Trưởng lão: Rồi, được rồi đó con. Bắt đầu bây giờ nói về kết quả, sau khi thấy mà mình có hơi buồn ngủ, mình đứng dậy, mình tập, nó thấy xóa được cái buồn ngủ đó không? Nó có phá được cái buồn ngủ, cái hôn trầm không? Thì khi mà thấy, thí dụ như buổi khuya mình thức dậy, mình thấy còn lừ đừ thì mình tập, ngay đó mình thấy nó tỉnh không? Thì hỏi nó coi tập như vậy đó có tỉnh không, cho nó biết.

Bác sĩ Thông: không nghe rõ

Trưởng lão: Theo Thầy thấy nếu mà, mình vừa ngủ dậy, mình thức dậy đó, nó còn lừ đừ, nó chưa có thật tỉnh, thì mình khoan ôm cái pháp Thân Hành Niệm đã, mà mình nên đi kinh hành. Mình đi bình thường. Thí dụ như mình đi một vòng cái nhà này, mình đi một vòng thì mình thấy nó tỉnh táo được rồi, bắt đầu mình ôm ngay cái pháp Thân Hành Niệm, mình tập, thì nó sẽ phá cái hôn trầm thùy miên mình rất dễ dàng.

Bác sĩ Thông: Xin giới thiệu các bạn, anh đây tên là pháp danh Minh Đức, mới vô hôm qua hôm kia, anh tên là Minh Đức.

2- TU TẬP VỪA SỨC MÌNH

(08:36) Trưởng lão: Và đồng thời, Thầy nhắc nhở chung cho các con hết. Là khi tu tập, mình tu tập vừa sức, mình tu tập mình phải chia ra. Bắt đầu đó, mình đi pháp Thân Hành Niệm khoảng độ, mới tu tập, thì mấy con đừng tu tập nhiều. Nếu cái sức của mấy con được 30 phút thì tu tập 30 phút. Mà không được thì mấy con tu 10 phút, 10 phút thì mấy con còn lại cái thời gian đó, mấy con ngồi lại thì mấy con sợ nó buồn ngủ. Sợ nó buồn ngủ thì mấy con đi kinh hành, đi bình thường, đi thư giãn thôi. Mình động thân, mình đi, là do đó nó không buồn ngủ. Chứ nếu mình ngồi lại thì sợ nó buồn ngủ, nhất là buổi tối, và buổi khuya, lúc mà mình sắp tới cái giờ đi ngủ rồi đó, dễ ngủ lắm. Cho nên mình phải cảnh giác từng giờ đó.

Mục đích của mình: ngủ, chứ phải không ngủ, nhưng mà ngủ có giờ giấc chứ không phải được ngủ phi thời. Thí dụ như bây giờ, 9 giờ rưỡi rồi, sắp sửa tới 10 giờ rồi, thì khoảng nửa tiếng này nó dễ buồn ngủ. Mà nó dễ buồn ngủ thì mình nên tập đi kinh hành. Thì khi đi pháp Thân Hành Niệm đó mà thấy nó tập trung nó căng đầu mình quá, cho nên mình xả ra, mình đi bình thường. Mình đi bình thường để cho mình thư giãn, nó không căng đầu. Chứ nếu không, mình cứ tập liên tục như vậy đó thì nó bị nặng đầu đó, thì nó không tốt.

(09:55) Trưởng lão: Cho nên mình phải khéo léo, thiện xảo trên cái phương pháp tu. Mà trong cái giờ phút đó, mà giờ đó là cái giờ dễ ngủ, cho nên mình không ngồi. Mình không ngồi mà mình đi thư giãn bình thường. Đồng thời mình thấy thư giãn bình thường, mình thấy cái đầu nó không có căng gì hết, thì mình tập trung tu cái pháp Thân Hành Niệm lại lần nữa. Cứ như vậy để cho đến hết giờ, đến giờ ngủ mình đi ngủ. Khuya mình thức dậy hai giờ hoặc ba giờ mình thức dậy, trong khi mình còn lừ đừ, thì mình đi kinh hành một vòng cho nó thoải mái, rồi bắt đầu mình vô mình tập cái pháp Thân Hành Niệm.

Mà khi mình tập pháp Thân Hành Niệm thì mình tập đúng cái khả năng của mình, đừng có để cho nó nặng đầu, đừng để cho nó nhức đầu. Thì lúc bây giờ đó, thì mình lại xả ra mình thư giãn. Mình sợ trong cái giờ khuya mình ngồi lại một lúc thì sợ nó buồn ngủ, cho nên vì vậy mình tiếp tục mình đi thư giãn, mình đi kinh hành, mình đi thư giãn. Cứ như vậy, chừng nào mình thấy mình rất tỉnh, thì bắt đầu mình ngồi lại mình nghỉ. Mình ngồi lại, mình nghỉ, cũng thư giãn. Nghĩa là, tâm mình khởi vọng tưởng, nó khởi gì cũng được hết, nhưng mà với mỗi niệm đó thì mình đều có tác ý thôi. Mình tác ý, mình đuổi "Ở đây tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đừng có khởi niệm gì hết". Chứ mình không dùng một đối tượng nào hết để mình ức chế, cái tâm mình giữ nó bình thường. Đồng thời, mình cứ để tâm tự nhiên, bình thường đó. Nó có niệm, không niệm cũng được, nhưng mà điều kiện là không được hôn trầm, thùy miên. Cái mục đích mình là trong những cái giờ tu tập đó là không được để cho trạng thái hôn trầm thùy miên xen vào, ngồi mà gục tới gục lui, thì không nên ngồi mà nên đi.

(11:30) Cho nên vì vậy mà mình nên tránh cái ngồi, đừng ngồi nhiều. Ở đây, chúng ta đừng tập ngồi, mà ngồi nhiều rất là tai hại. Thứ nhất là ngồi nó rớt trong trạng thái không, mà mình không biết, nhưng mà thân mình cứ gục gặc hoài, thành ra đó là sai pháp. Ngồi nhiều thì nó sẽ bị thụng lưng, nó nghiêng, nó ngả, nó cúi, nó khòm. Tất cả những cái này là bệnh thiền. Cái bệnh ngồi thiền, nó sai, cho nên chúng ta hầu hết là chúng ta đi nhiều là tốt nhất.

Trong những người mà mới tu tập những giai đoạn tu tập đầu, thì ráng cố gắng tập siêng năng đi kinh hành, thì trong khi đi kinh hành đó thì có pháp Thân Hành Niệm. Thay thế với nhau, vừa đi kinh hành thư giãn mà vừa ôm pháp Thân Hành Niệm. Và đồng thời nó quen được pháp Thân Hành Niệm thì chúng ta có thể đi suốt ba tiếng đồng hồ trong một buổi. Và nếu mà đi suốt ba tiếng đồng hồ trong một buổi thì cái tâm của chúng ta sẽ không còn hôn trầm thùy miên và cái tâm chúng ta nó sẽ không còn vọng tưởng. Ngồi lại chúng ta chỉ cần tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự" thì nó rất tỉnh táo, nó rất sáng suốt, cho nên không có một niệm nào xen vào và hôn trầm thùy miên sẽ không bén mảng vào được trong khi đó.

(12:42) Còn khi mà tu cái pháp Thân Hành Niệm nó chưa có nhuần nhuyễn, nó chưa có thành một cỗ xe để mà nó chạy, cho nên nó không thể chạy suốt ba tiếng đồng hồ nổi. Cho nên chúng ta chỉ tập từ mười phút, rồi lên ba mươi phút, rồi một giờ, rồi lần lượt tăng lên một giờ rưỡi, rồi hai giờ, rồi tới ba giờ. Mà ba giờ trong một buổi, mà buổi nào chúng ta cũng tập ba giờ thì chúng ta ngồi lại thì chúng ta sẽ thấy cái hiệu nghiệm của pháp Thân Hành Niệm, là nó sẽ không còn thấy hôn trầm thùy miên và tất cả các niệm sẽ khởi lăng xăng trong đầu của chúng ta sẽ không còn có nữa, mà nó chỉ còn một tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Dùng pháp Thân Hành Niệm mà chúng ta cán nát tất cả hết các chướng ngại pháp để chúng ta đạt được tâm vô lậu, đó là cách thức tu tập. Phải nhớ kỹ như vậy thì mới được.

(13:30) Trưởng lão: Bây giờ hôm nay mấy con được nghe, được về nghe Thầy dạy về cái hành, từng cái thực hành, từng bước đi, để chúng ta đạt được cái tâm vô lậu của chúng ta, để chúng ta đạt được cái tâm không vọng tưởng, để đạt được cái tâm không còn mê mờ bị hôn trầm thùy miên. Đó là mục đích chính của con đường tu tập của chúng ta mà chúng ta thành tựu được đạo giải thoát.

Cho nên nó rất quan trọng, chúng ta đừng tu tập các pháp khác mà hãy tu cái pháp này, vì nó sẽ đưa đến nơi đến chốn cho chúng ta, để tạo cho chúng ta có một tâm giải thoát hoàn toàn. Nó vô lậu, tức là nó không còn đau khổ nữa, nó không còn phiền não đau khổ trong thân và tâm của chúng ta nữa, đó mới gọi là Vô Lậu.

Cố gắng tu tập, cố gắng tu tập! Vì được thân người là khó, mà có thân người được gặp Chánh pháp mà không tu tập thì phí uổng một đời. Chỉ có Phật pháp mới giải thoát, chỉ có Phật pháp mới làm chủ sanh, già, bệnh, chết mới chấm dứt tái sanh luân hồi. Còn không có Phật pháp thì chúng ta mãi mãi tiếp tục tái sanh luân hồi, không biết bao giờ dứt được.

(14:39) Cho nên hãy buông xuống hết, sắp xếp chuyện gia đình cho ổn để chúng ta chỉ còn có một thời gian để mà tu tập mà thôi, nhưng không lâu. Chúng ta tu tập xong rồi thì chúng ta sẽ hướng dẫn mọi người, chúng ta sẽ làm gì tâm chúng ta cũng không động. Còn trái lại khi chúng ta tu chưa xong thì hở chút nào thì chúng ta cũng bị ác pháp và dục lôi cuốn chúng ta hết.

Thì mấy con hãy cố gắng, cố gắng mà thực tập. Được gần Thầy, cái gì sai thì Thầy hướng dẫn kỹ, cái gì không đúng thì tập luyện lại, đừng có mặc cảm, sao mình tu tập hoài mà không được. Cố gắng bền chí sẽ tập làm chủ được, không có khó khăn. không có khó khăn! Và đồng thời hôm nay, Thầy nói, ở đây các quý Phật tử, cũng có nhiều người lớn tuổi lắm rồi, cái thời gian không còn lâu đâu, phải cố gắng, cố gắng hết mình tu tập. Phải cố gắng hết mình tu tập!

Quý Phật tử thấy như Riêm ở bên Mỹ mà qua đây cũng tha thiết tu tập mới đến đây. Chứ còn không tha thiết thì làm sao đến đây, các con thấy không? Mà công chuyện rất nhiều. Có hai cô Mỹ cũng đến đây, nhưng công việc rất nhiều thì làm sao về đây ở tu. Riêm, nó bỏ nó dành thời gian về đây một ngày đêm để tập luyện đó là hết sức mấy con. Người ta ở xa, còn mình ở tại Việt Nam mà có Thầy trực tiếp dùng ngôn ngữ Việt Nam để dạy trực tiếp cho mấy con. Còn Riêm, Thầy nói nó đâu có biết gì đâu? Phải thông dịch qua, nó mới hiểu rất là tội nghiệp.

Cho nên mấy con cố gắng mấy con, mình là người Việt Nam, mình có duyên phước có một người Việt Nam tu làm chủ được sự sống chết như thế này, để hướng dẫn mấy con, mà mấy con không nỗ lực thì mấy con quá dở, mấy con quá dở. Ráng cố gắng mấy con. "Đời có gì đâu? Chết không mang theo một thứ gì cả hết. Bỏ xuống hết! Để chúng ta nỗ lực thực hiện cho bằng được." Chứ không khéo, các con biết, có một số người đã từng nghe Thầy thuyết giảng mà hôm nay họ chết đi rồi, còn đâu mà tu, mấy con biết không? Cho nên phải cố gắng mấy con!

(16:46) Được nghe Thầy thì phải ráng cố gắng. Cố gắng nhưng phải tập đúng, rồi phải thưa hỏi, tập rồi thưa hỏi mấy con. Mấy con tập rồi mấy con thưa hỏi, thấy như vậy nó có hiện tượng gì? Thì mấy con trình lại cho Thầy chứ đừng có làm thinh, tập rồi thưa hỏi. Mấy con thấy bữa nay, mấy con tập như vậy, nó có kết quả gì, nó chưa có kết quả gì, nó càng có xảy ra cái gì thì mấy con cứ trình, Thầy sẽ sẵn sàng giúp đỡ cho mấy con hết. Để dẫn dắt cho mấy con như một đứa bé mới biết đi chập chững thì nó phải nhờ bà mẹ đưa hai cánh tay mà dẫn nó đi. Mấy con hiện giờ tu tập cũng là như một đứa bé mới biết bước đi. Các con có hiểu chưa?

(17:28) Cho nên vì vậy mà hở có cái gì thì mấy con phải hỏi Thầy để mà Thầy biết, Thầy nâng cho mấy con bước đi cho nó vững vàng. Chừng nào mấy con đi vững rồi, Thầy mới buông tay ra cho mấy con đi. Chứ không khéo, mấy con cứ ngỡ tưởng mình đi đúng, nhưng không ngờ mấy con lại sai.

3- SIÊNG NĂNG ĐI KINH HÀNH PHÁ HÔN TRẦM

(17:45) Trưởng lão: Biết bao nhiêu người đã tu sai mà Thầy đã kiểm tra lại và Thầy thấy quá sai. Ngồi mà gục tới, gục lui như thế này mà không biết, thì mấy con đó là quá sai. Như mấy con biết Thầy Như Hải về đây. Đầu tiên, Thầy mở Tu viện đây chỉ có bốn người về đây tu tập thì thầy Như Hải là một người về đây tu tập, nhưng mà tu sai, cho nên vì vậy mà cuối cùng thầy không được gì hết, mà cứ ngồi gục tới gục lui như thế này. Mà Thầy bảo rằng “Đừng có ngồi nên đi kinh hành” dùm, nhưng mà thầy không nghe, sao lại thích ngồi quá. Thích ngồi tức là lười biếng đó mấy con. Bản chất con người lười biếng, nó lòi ra chỗ thích ngồi. Cho nên hãy siêng năng mà đi kinh hành, mà chính đi kinh hành mới bảo đảm cho cái sự phá hôn trầm, thùy miên, lười biếng.

Càng cố gắng đi kinh hành càng bao nhiêu, Thầy biết, Thầy biết cái nỗi khổ của mấy con là phải thức khuya dậy sớm, mà phải đi như vậy đó, nó khổ vô cùng. Thầy thông cảm, Thầy cảm thông được cái sự khổ cực đó. Nhưng Thầy biết mấy con chiến thắng được. Còn mấy con ngồi thì Thầy rất lo. Mấy con sẽ lọt vô trong tưởng, mấy con sẽ ngồi sai pháp, mấy con sẽ đi vào con đường không giải thoát được. Nhưng mấy con thích ngồi, Thầy biết mấy con thích ngồi lắm. Hãy bỏ xuống, đừng ngồi, ngồi chỉ một chút xíu là mấy con đứng dậy đi liền, tức là ngồi nghỉ.

(19:10) Cho nên hai cái pháp, một Thân Hành Niệm, hai là đi kinh hành tỉnh giác. Mấy con nhớ kỹ. Đi trên kinh hành tỉnh giác tức là đi thư giãn, đi xã nghỉ chứ không phải tu tập. Mà pháp Thân Hành Niệm mới là pháp tu tập, nó vừa có pháp tác ý, mà nó vừa ở trên thân hành của nó, từng hành động trên thân của nó, để nó cấu kết toàn bộ trên những thân hành của nó, trở thành một cái bánh xe kiên cố để nó chạy. Đó là cái pháp rất tuyệt vời. Nó cấu kết được tất cả những thân hành nội hơi thở, hành động tay, hành động chân của nó để trở thành một cỗ xe kiên cố. Mà mấy con tu tập được nó chạy suốt ba tiếng đồng hồ, hoặc chạy suốt mười hai tiếng đồng hồ là nó trở thành tâm mấy con trở thành căn cứ kiên cố (căn cứ kiên cố). Không có hôn trầm thùy miên, không có vọng tưởng nào mà đánh vô cái tâm của mấy con được nữa. Các con nhớ cái pháp Thân Hành Niệm là như vậy.

(20:12) Cho nên phải cố gắng tu tập mấy con, nhưng phải tu đúng cách như Thầy đã dạy, phải biết thư giãn, đi kinh hành thư giãn, phải biết ngồi một chút xíu rồi đứng dậy đi kinh hành. Tập pháp Thân Hành Niệm cứ như vậy mấy con sẽ tu tập có kết quả. Mấy con thấy như mấy con hôm nay từ ở xa mấy con về đây tu tập, được sống gần bên Thầy được mấy ngày, về tập cho đúng, trình bày cho đúng, để sau khi mấy con về trụ xứ của mình, mình tập luyện nó không sai. Các con có hiểu không?

(20:45) Trưởng lão: Cũng như Riêm, nó về đây, nó tu tập, Thầy hướng dẫn kỹ lưỡng, hẳn hòi. Nhờ bác Thông dịch cho nó hiểu biết, sau khi nó đúng rồi, thì bắt đầu nó về xứ nó, thì bắt đầu nó tập, nó không sai. Trong khi ở xa đó, nó còn có thể gọi Thầy, Thầy nhắc nhở thôi, chứ Thầy đâu có thấy cách thức nó tập luyện. Cũng như hồi nãy, nó ngồi như vậy, Thầy thấy quá khổ, nó không thoải mái. Các con thấy ngồi mà mấy ngón chân nó chống như vầy thì làm sao nó thoải mái được, mà không thoải mái là sai pháp, ngồi phải có sự an ổn của thân tâm, đi phải có sự an ổn của thân tâm thì mới đúng pháp.

Bởi vì pháp Phật, Phật nói: "Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy". Đến để mà thấy sự giải thoát, mà mình làm cho mình khổ quá thì nó có giải thoát cái chỗ nào được. Cho nên Thầy thấy cái chỗ nó ngồi là Thầy đã thấy bây giờ làm sao, giải quyết sao? Bởi vì cái đặc tướng của nó, nó ngồi như mình không được, tại vì cái bụng nó lớn. Các con có hiểu không? Vì vậy phải tìm cách thức như thế nào để cho nó cấu kết tất cả những hành động của nó, mà nó không bị cái cảm nhận nó khó khăn. Có như vậy nó mới tu được. Bởi vì cái pháp Phật, một hành động mà mình hành động là có sự giải thoát nơi thân tâm của mình, tức là phải thoải mái, chứ không thể có chướng ngại.

(22:05) Cũng như bây giờ các con tu tập, mà các con tập trung trong hành động của mấy con, tác ý như thế này mà nó nhức đầu, mà nó nặng đầu thì đó là mấy con tu sai pháp rồi, tu không đúng rồi, bởi vì mình tu tới, mình bị nhức đầu. Mặc dù cái pháp tu đúng, nhưng mà mình tập trung, mình tu nhiều quá sức của mình, nó nhức đầu là mình đã sai, nó không giải thoát. Các con hiểu chưa? Pháp Phật mà Phật nói "Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy", thấy thoải mái dễ chịu, mà không thoải mái dễ chịu là dừng lại, không tập như vậy. Các con có hiểu điều mà Thầy nhắc nhở không? Đó là điều Thầy đã nhắc nhở, hãy cố gắng. Thì Bác sĩ Thông dịch cho Riêm nó biết.

Bác sĩ Thông: Bác sĩ Thông nói với Riêm về Thân Hành Niệm.

(22:54) Trưởng lão: Bây giờ con lên con tập thử đi con, con tập thử pháp Thân Hành Niệm cho Thầy coi có đúng không. Con tập đi.

Rồi, được rồi con. Tập như vậy được rồi. Được rồi, con cứ tập dần dần như vậy cho nó thuần thục, cho nó cấu kết được cái thân hành của con. Kết hợp nó liên tục rồi, bắt đầu mình tập dần dần rồi mình sẽ tăng thời gian lên. Suốt một buổi, mà con đi suốt một buổi ba tiếng đồng hồ, từ bảy giờ sáng cho đến mười giờ, rồi chiều từ hai giờ cho đến năm chiều, rồi tối từ bảy giờ cho đến mười giờ, khuya thức dậy hai giờ cho đến năm giờ, con tu hoàn toàn một cái pháp đó, mà cho nó chạy luôn cả như vậy thì cái lợi ích nó rất lớn. Hãy tập cho tới khi mà nó suốt ba tiếng đồng hồ, cái bánh xe Thân Hành Niệm mà nó chạy liên tục như vậy. Mà các con thấy không mỏi, không mệt, không nặng đầu, không gì hết là kết quả nó rất lớn. Phải cố gắng tập, ba tiếng đồng hồ không nhiều đâu, mà ba tiếng đồng hồ được thì mấy con sẽ tập mười hai tiếng đồng hồ, nó vẫn chạy như thường.

(24:06) Mà nó càng tập mà nó lại càng khỏe khoắn đó mấy con, nó càng không mỏi chân. Nó kỳ lạ, nó thoải mái, nó dễ chịu. Hễ tập mà nó đã quen rồi, nó đã thuần thục rồi, nó thấy nó thoải mái, dễ chịu, nó thấy an lạc một cách kỳ lạ, dỡ chân lên nghe nó nhẹ nhàng. Chứ không phải như mình mới tập, mình dỡ cái chân lên mình nghe còn nặng nề. Còn cái kia làm như nó có cái sức đẩy của nó, nó nhẹ lắm, nó phơi phới, phơi phới.

Đưa chân tới, đẩy chân lui để hạ xuống, nó nhẹ nhàng một cách thoải mái và đồng thời nó có cái trạng thái thấy cái thân như nó nhẹ bổng lên và cái tinh thần của mình, cái tâm của mình nó thơi thới, nó hoan hỷ, nó vui vẻ, nó làm cho mình cảm thấy có sự an lạc cả thân tâm. Mấy con tu tập mà tới khi mấy con liên tục chạy suốt ba tiếng đồng hồ, mấy con cảm nhận được cái trạng thái khinh an, hỷ lạc của cái pháp môn đó. Nó giúp cho thân tâm của mấy con nhẹ nhàng lắm.

Còn bây giờ thì mấy con nhọc nhằn. Nhọc nhằn là vì mấy con tập từng cái hành động, rồi nhiều khi nó có quên, nó có nhớ nữa, cho nên nó còn nhọc nhằn. Sau khi nó đã thuần thục, nó quen rồi thì cái tác ý của mình đâu thì hành động đó, nó liên tục. Nó trở thành một cái bánh xe rồi, thì nó nhẹ nhàng, nó thoải mái. Cũng như cái xe có trớn rồi thì nó chạy nhẹ lắm, nó không còn có trục trặc gì nữa cả. Phải ráng cố gắng tập mấy con.

4- TU SỬA LẠI CHO ĐÚNG PHÁP

(25:29) Trưởng lão: Rồi bây giờ tới ai tập? Tới con, con lên tập. Phải tập chứ, phải thực hành để quen mà về tập chứ con.

Phật tử nam: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần). Nam mô Bổn Sư Thầy (3 lần). Dạ Nam mô pháp tu.

Trưởng lão: Tập đi con.

Phật tử nam: Dạ, con cảm ơn. Con tập cho Thầy coi, con xin bắt đầu.

Đưa tay trái ra sau lưng, đưa tay phải ra sau lưng, để tay phải lên tay trái.

Chân trái bước, nhón gót lên, dở chân lên, đưa tới trước, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 1.

Chân phải bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 2.

Chân trái bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 3.

Chân phải bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 4.

Chân trái bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 5.

Chân phải bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 6.

Chân trái bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 7.

Chân phải bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 8.

Chân trái bước, nhón gót lên, dỡ chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, bỏ gót xuống - 9.

Dạ ở đây là bước thứ 10 mà Thầy vừa mới thay đổi. Con đi hơi khác một chút xíu ở bước chân thứ 10.

Trưởng lão: Ừ.

Phật tử nam: Chân phải bước, nhón gót lên, dỡ chân lên.

Phật tử khác: Dỡ chân lệnh đi, dỡ chân lên.

Phật tử nam: Dạ, dạ.

Phật tử khác: Nói bỏ chân xuống.

Phật tử nam: Dạ không, đưa tới trước.

Trưởng lão: Kéo chân lại.

Phật tử nam: Kéo chân lại, bỏ chân xuống, hạ chân xuống. Đây là Thầy mới chỉ nên cái này là cái mới.

Trưởng lão: Còn lọng cọng đó, chưa quen.

Phật tử nam: Hạ chân xuống, đứng lại, đứng. Xoay ra phía sau, xoay. Đây là cái ý của con không biết có đúng không, thưa Thầy?

Trưởng lão: Ừ.

Phật tử nam: Đây là cái ý của con.

Xoay ra phía sau, xoay. Từ trái sang phải, chân phải xoay trước, chân trái xoay sau, khi xoay cả thân mình cùng xoay. Chân phải xoay, chân trái xoay. Chân phải xoay, chân trái xoay.

Đưa tay phải thẳng tới trước ngang vai, đưa tay trái thẳng tới trước ngang vai. Ngồi chùng xuống

Đưa tay phải ra sau lưng, chống xuống, đưa tay trái ra sau lưng, chống xuống. Ngồi xuống.

Duỗi chân phải ra phía trước, duỗi chân trái ra phía trước.

Lấy tay phải nắm chân trái kéo vô để trên đùi chân phải, thả tay phải ra. Lấy tay trái nắm chân phải kéo vô để vô trên đùi chân trái, thả tay trái ra.

Lấy tay trái để ngửa ra, để nằm trên chỗ sát vô hai gót chân hay nằm ở trong giữa lòng bàn chân đó. Lấy tay phải để ngửa ra, để nằm chồng lên tay trái.

Thẳng lưng. Hít vô, thở ra - 1, hít vô, thở ra – 2, hít vô, thở ra - 3; hít vô, thở ra - 4; hít vô, thở ra - 5.

Đưa tay phải ra phía sau lưng chống xuống, đưa tay trái ra phía sau lưng chống xuống.

Duỗi chân phải ra phía trước, duỗi chân trái ra phía trước.

Kéo chân trái về, kéo chân phải về.

Ngồi chổm dậy.

Đưa tay phải thẳng phía trước ngang vai, đưa tay trái ra thẳng phía trước ngang vai.

Đứng dậy. Co tay trái ra phía sau lưng.

Như thế này hết rồi, con đi lại từ đầu đó, thưa Thầy. Dạ, có đúng không thưa Thầy?

Trưởng lão: Thầy biết rồi, giờ con hạ tay xuống đi.

Phật tử nam: Dạ, con thả tay xuống. Con cám ơn Thầy.

Trưởng lão: Được rồi, nhưng mà có điều kiện, con tác ý. Thí dụ như Thầy hướng dẫn cho mấy con, là Thầy tác ý cho mấy con nghe. Còn mấy con tác ý là trong đầu của mấy con đó. Cái hành động của mấy con làm đó là cái ý của mấy con hướng đến cái hành động đó thì mấy con làm, đó gọi là tác ý. Chứ con đọc như vậy, riết rồi, con đọc nó quen rồi, con niệm cái câu, chứ không phải là tác ý, con hiểu chưa? Đó là cái sai đó, con nhớ chưa?

Rồi còn cái nữa là con thêm xoay qua, xoay lại; xoay tới, xoay lui đó. Con thêm, thành ra cái cỗ xe con nó thừa nhiều cái, nó không có chạy liên tục được. Con thấy không? Nó làm cho khó. Người ta đi đúng cái hành động của nó thôi, có ngồi, có thở của nó, rồi người ta trở về với vị trí cũ, bắt đầu cái chu kỳ thứ hai của nó, tức là để tay ra sau lưng thôi.

(32:08) Như con thấy bác sĩ Thông, như Minh Đức đã tập cho mấy con thấy đó, thì đó là chu kỳ của nó tới đó thôi, đừng có thêm. Con thêm xoay qua, xoay lại. Khi mà con đi pháp Thân Hành Niệm, con muốn đi như vậy đó, thì có cái vòng rộng. Cái vòng rộng cũng như xung quanh cái hành lang của cái thiền đường này. Mình đi như vậy thì đâu cần phải là xoay mặt tới, xoay mặt lui đâu, con hiểu không? Còn con xoay mặt tới, xoay mặt lui, con làm cái xe con phải de tới, de lui, nó cực khổ. Cái xe này chạy, nó phải de đó.

Phật tử nam: Thưa Thầy tại vì ở trong phòng đó Thầy, con phải làm cho nó xoay vậy.

Trưởng lão: Không có được, con phải đi ở ngoài cái hành lang của cái phòng của con. Con đi vòng vòng đó, thì như vậy con cho cái xe nó chạy liên tục vậy đó. Kiểu của con cứ de tới, de lui, xe con nó xịch tới xịch lui như vậy nó không có liên tục được. Con hiểu không?

Phật tử: Dạ.

(33:01) Trưởng lão: Cho nên con hãy bỏ những hành động mà nó de đó, bỏ đi, mà lấy cái hành động nó chạy, chạy đều đều, nó cua, nó chạy như thế nào thì nó cũng chạy đều ở trong cái hành động của nó thì nó hay. Bởi vì mình tập cái pháp Thân Hành Niệm này, là coi như nó chạy, chứ nó không có còn mà de. Còn con phải dừng lại, rồi de lui, tới, lui, thành ra cái xe của con nó chạy cái kiểu này chắc nó chạy không tới, de tới de lui.

Bây giờ cái nhà của mình nó chật, thì con sẽ đi vòng vòng trong cái nhà của mình thôi, còn không thì con đi ngoài hành lang rộng hơn một chút. Con phải tập cho nó trở thành cỗ xe kiên cố, cái hành động này nó kế tiếp cái hành động kia. Mục đích để nó phá hôn trầm thùy miên, con hiểu không?

Còn bây giờ mình thêm ra những cái khác, nó thành ra nó làm cho mình nó không thành cái cỗ xe mà nó dừng lại, nó đứng lại. Con có hiểu không? Nó không có được chạy trơn tru. Nhớ chưa? Nhớ đừng tác ý to, để ngầm trong đầu nó hướng, nó hướng tâm, nó tác ý, nó hướng cái hành động đó. Thí dụ như hướng hành động đưa tay thì trong ngầm, nó hướng đưa tay thì nó đưa tay, nó hướng tay trái, tay phải thì nó đưa thôi. Chứ không, con đừng tác ý, con tác ý thời gian sau nó quen rồi, bắt đầu nó niệm. Nó niệm rồi sau đó nó thành cái tưởng niệm nữa.

Con bây giờ con không ngồi im lặng như vầy, mà nó bảo đưa tay, đưa chân, đưa tay trái, đưa tay phải. Nó nói nhiều tung ở trong đó mà con không có đưa tay ra gì hết, mà nó cứ nói ở trong đó. Nó quen thành ra vô niệm, nó niệm. Nó niệm cái thân hành của con, chứ nó không phải là nó hành động mà nó thành thói quen. Cho nên niệm nguy hiểm lắm đó con. Vì vậy khi mà Thầy dạy, Thầy nói ra lời nói để cho mấy con nghe thôi. Sau đó khi tập, mấy con đừng có niệm nó nữa, mà mấy con chỉ, cái tâm mấy con hướng tới hành động đó, cái tay cái chân bước thì nó sẽ đưa cho mấy con hành động đó là mấy con sẽ đúng.

Phật tử nam: Dạ, thưa Thầy. Con xin phép Thầy, con chưa hiểu rành nên con cảm ơn Thầy đã chỉ dạy hôm nay. Dạ, thưa Thầy, tác ý như vậy là mình không khỏi tác ý hả Thưa Thầy? Chỉ đưa tay, đưa chân thôi, hay là co tay, co chân vậy thôi.

Trưởng lão: Nó có cái ý nó trước con, nó có cái hành động nó đi, rồi trong đầu nó có cái ý đó, đưa tay đưa chân khỏi cần tác ý ra hành động, thành ra mình niệm mất. Cũng như con nói ra, có âm thanh ra như vậy đó là niệm. Con hiểu không? Niệm ra hành động, nhớ kỹ để tập cho đúng mấy con.

(35:25) Rồi con tập, con đi vòng vòng đó, đừng có dừng lại, quay mặt quay trái gì đó, bỏ cái đó luôn, bỏ những cái hành động đó luôn. Bởi vì cái hành động đó không có rõ, con, rồi bắt đầu con nói lia lịa như vậy, con quay một cái vù, vô tình nó không có rõ cái hành động đó. Còn cái này có hành động nào nó cụ thể, rõ ràng. Con hiểu không? Thành ra nó có những cái nào sai, Thầy sửa lại, mấy con tập lại thì mấy con sẽ đúng. Cho nên Thầy bảo mấy con phải tập cho Thầy xem coi. Nếu không, mấy con kiến giải ra, mấy con theo của mình, mấy con tập trật đi. Rồi chừng đó, nó sai đi rồi, nó không tới đâu, mà nó lại mất thì giờ của mấy con.

(36:06) Trưởng lão: Thôi bây giờ tới con. Được rồi nhưng mà con nhớ, khi mà con ngồi dậy đó thì con đưa tay ra, đừng chống đầu gối con. Con đưa tay ra trước, con đứng dậy nó có cái thế, rồi con hạ tay xuống. Hạ tay xuống, nó có cái hành động. Chứ không, con chống đầu gối, con đứng dậy, cái tay nó xụi lơ, nó mất đi của hành động của nó. Con hiểu không? Con chỉ cần sửa như vậy là đúng rồi đó, tập như vậy đó là tốt rồi mấy con.

Mấy con nhớ rằng, khi nào mấy con tập luyện mà mấy con sống ba hạnh - ăn, ngủ không phi thời và độc cư được, thì khi mấy con về đây, mấy con ở, mà sống đúng như vậy đó thì Thầy sẽ rút cho mấy con sống gần với Thầy. Tại sao? Mấy con sống gần Thầy để làm gì? Đặng Thầy đi Thầy coi mấy con trong cái buổi mấy con tu tập, coi mấy con sai chỗ nào? Mấy con thức tập hay là không thức tập, để Thầy nhắc nhở, để rồi mấy con sẽ tập. Mấy con sẽ phá sạch hôn trầm, phá sạch hết cái vọng tưởng của mấy con. Mấy con ngồi lại, tâm bất động, để cái thời gian mấy con sẽ chứng đạo dễ dàng. Còn không có Thầy đó, không có ai canh gác ở trong buổi tối thì mấy con dễ dãi với mình, không tự giác, thấy nó lừ đừ, thấy nó lười biếng thì mấy con sẽ không cố gắng.

(37:24) Nhưng mà khi mấy con thấy bóng dáng của Thầy đi tới, đi lui trong một hai giờ khuya, thấy Thầy đi tới đi lui như vậy, mấy con mới cố gắng, mấy con mới khắc phục những cái nghiệp của mình. Cho nên mấy con sẽ tu tập càng tốt hơn, mau hơn.

Cho nên quý cô, quý thầy mà được Thầy đưa ra bên đó, coi như ban đêm thì Thầy chia ra cho cháu Trang phải đi gác dùm quý cô để giúp đỡ vì tu quá cực khổ. Mà nếu mà để mà tự giác thì không nổi, thì do đó không thành công được, không thành tựu được cái sự tu tập. Cho nên nó chịu khó, nó đi gác ở bên nữ dùm Thầy. Còn ở bên nam thì Thầy chăm nom thì Thầy gác, Thầy coi có người nào mà ngồi gục tới gục lui, Thầy đến, Thầy đập cho tỉnh dậy, và Thầy bảo phải đi kinh hành, không được ngồi. Thầy cứ nhắc nhở như vậy thì cuối cùng thì quý thầy có nhiều tiến bộ đó mấy con. Chứ không nhắc nhở, khi ngồi mà nó lọt vào trong tưởng rồi, thì cứ gục tới gục lui mà không biết, mà cứ tưởng là mình tỉnh thôi.

(38:27) Cho nên vì vậy mà, sự nhắc nhở giúp đỡ của Thầy cần thiết cho cái sự tu tập của mấy con. Nhưng mấy con phải về, mấy con lập hạnh cho đúng, là mấy con ăn ngày một bữa. Mấy con ăn hai, ba bữa thì không được ở gần bên Thầy đâu. Mấy con ngủ, mấy con phải tập cái ngủ, mấy con siêng năng mấy con đi kinh hành, thì Thầy sẽ rút mấy con qua bên đó để hướng dẫn mấy con đi kinh hành, để phá cho hết cái buồn ngủ. Và độc cư thì mấy con đừng nói chuyện ai hết. Khi gần bên Thầy thì không tiếp duyên nói chuyện với một người nào hết, dù là những người cùng ở gần bên mình đồng tu, nhưng vẫn không nói chuyện người nào hết. Ai đến thất mình thì đóng cửa lại, không tiếp ai hết. Và cứ như vậy thì Thầy sẽ hướng dẫn, thời gian sau, mấy con sẽ chứng đạt được cái tâm Vô Lậu, làm chủ được cái sống chết của mình.

Đó là cách thức của Thầy sẽ hướng dẫn. Và Thầy nghĩ rằng trong cái sự bỏ hết những điều kiện, mấy con về đây được nghe Thầy thuyết giảng, rồi nỗ lực tu tập như vậy, thì đó là mấy con có cái duyên lớn lắm rồi, thì phải cố gắng. Cố gắng để Thầy hướng dẫn tới nơi, tới chốn, chứ không khéo phí bỏ, uổng. Mấy con từ xa xôi đến đây, chứ đâu phải gần đâu, đâu phải từ Trảng Bàng mấy con vô đây đâu, mà mấy con ở xa mấy con đến đây. Mấy con tu, thì phải ráng mấy con, ráng đừng phí bỏ. Thầy sẽ sẵn sàng giúp cho mấy con (sẵn sàng giúp mấy con), nhớ kỹ.

Cho nên về đây là Thầy kiểm tra coi cái hành động tu tập của mấy con. Mấy con thấy có cần thì mấy con phải đến, mấy con trình cho Thầy xem. Những cái gì sai thì Thầy sửa. Rồi ngày mai, ngày mốt, mấy con trình lại cho Thầy, Thầy xem có gì còn sai nữa thì Thầy sửa, đến chừng hoàn toàn mấy con đúng. Bằng chứng mấy con thấy, khi mấy con tập sai, Thầy nhắc. Khi lại tập sai thì Thầy nhắc, chứ không để cho mấy con sai, biết không. Do đó, khi mấy con sẽ trở thành quen rồi thì mấy con tu tập tốt được.

(40:19) Trưởng lão: Rồi bây giờ còn ai muốn đi tập pháp Thân Hành Niệm nữa không? Rồi, con lên, đặng tập có gì sai Thầy sửa cho mấy con. Đừng có ngại, mình là người tu tập mà có trật thì mình sửa, có gì đâu mà lo. Cứ tập.

Chầm chậm đó con. Nhẹ nhàng, chầm chậm. Con tập chậm chậm lại thì con sẽ tốt thôi. Nhớ tập chầm chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển thì nó sẽ tốt được thôi. Nhớ tập chậm chậm. Từng hành động, tập chầm chậm. Nhớ, mỗi tập là phải từng cái hành động. Hành động này rồi, chầm chậm, từ từ.

Mấy con thấy từ từ để cho cái sự tập trung, cái ý thức của mình nó theo dõi từng hành động đưa ra. Giở gót lên thì từ từ mình giở lên; giở chân lên thì mình từ từ mình giở chân lên, để cho cái sức tập trung của mình nó theo dõi cái hành động đó, Chứ mình làm lẹ quá, nó theo không kịp. Mấy con hiểu chưa?

Cho nên nhớ kỹ những lời Thầy dạy, mấy con tập trở lại rất là kỹ, rồi mấy con trình bày lại cho Thầy. Cái gì sai, Thầy chỉnh đốn lại để cho mấy con tập cho nó đúng pháp Thân Hành Niệm. Vì pháp Thân Hành Niệm là pháp rất tuyệt vời của Phật pháp. Nó giúp cho chúng ta làm chủ được sự sống chết mà mấy con. Cho nên phải tập cho đúng cách, chứ đừng có tập sai.

(41:59) Thầy hướng dẫn cho mấy con tất cả những hành động nào sai Thầy sửa, thì mấy con hãy cố gắng khắc phục sửa. Rồi đây cái ngồi của mấy con nữa. Nếu mấy con ngồi nghiêng như vầy thì mấy con cố gắng. Vậy chứ quen rồi khi mấy con ngồi nghiêng, mà mấy con thấy ngồi thẳng, chứ không thấy mình nghiêng đâu. Cho nên khi mà Thầy sửa, mấy con nhớ, sửa mà ngay, thì mấy con cứ ngỡ mình ngồi nghiêng bên đây, chứ sự thật ra là nó thẳng đó, bởi vì nó quen rồi.

Cho nên vì vậy mà Thầy sửa. Khi nào mà mấy con ngồi mà thấy nó nghiêng bên đây, đó là mấy con ngồi thẳng. Còn mấy con ngồi mà nghiêng bên đây như vậy là mấy con thấy thẳng, chứ sự thật ra lại là nghiêng. Còn có người ngồi nghẻo cổ như vầy mà họ tưởng đâu cổ họ ngay, chứ sự thật ra nó nghẻo, nó quen rồi. Cho nên khi mà sửa cần cổ như vậy, một thời gian sau buông ra thì nó cũng nghẻo trở lại. Cái đó là cái tật, là thói quen rồi, rất là khó sửa chứ không phải dễ đâu. Nhưng mà tự mình, mình cố gắng khắc phục thì mình sẽ sửa lại được. Nhớ những điều đó mấy con.

(43:00) Thôi bây giờ mấy con về tập trở lại, rồi bữa nào Thầy sẽ kiểm tra lại. Mỗi buổi sáng, Thầy chịu khó Thầy đến, Thầy kiểm tra mấy con, nếu mấy con còn ở đây. Còn mấy con về thì Thầy dạy cho mấy con nhớ kỹ để cho mấy con tập, tập cho được. Nếu không thì mấy con về, mấy con tập theo kiểu mà mấy con nghĩ ra cách thức của mấy con rồi tập thì nó trật hết.

Để cho nó tập sao để cho nó vừa trọn vẹn tất cả hành động của chúng ta trở thành một cái bánh xe kiên cố, một cỗ xe kiên cố của nó thì mới được. Cái gì sai, cái gì thêm bớt ở trong đó, Thầy nói bỏ là bỏ những cái đó ra. Còn hễ thiếu thì Thầy thêm vào cho nó đầy đủ để mấy con tu tập. Ráng tập cho được, mấy con! Mấy con nhớ về tập luyện thì rồi mỗi buổi sáng Thầy đến, Thầy kiểm tra cho mấy con. Thầy chịu khó, Thầy đến kiểm tra để cho mấy con tập cho đúng pháp. Còn bây giờ mấy con còn lên nữa hay không, hay là chúng ta về nghỉ? Thôi bây giờ về nghỉ đi mấy con, rồi ngày mai, nếu mà mấy con còn ở đây thì Thầy sẽ đến Thầy kiểm tra nữa. Rồi, bây giờ Thầy đứng dậy Thầy chào mấy con. Mấy con hãy cố gắng tập. Chừng nào mấy con trở thành một cỗ xe kiên cố, chạy nó liên tục thì Thầy rất mừng. Thầy xin chào mấy con.

HẾT BĂNG