20081007 - NHỮNG GÌ CẦN TU TẬP 01 - TỔ CHỨC VÀ PHÂN BIỆT PHÁP TU

20081007 - NHỮNG GÌ CẦN TU TẬP 01 - TỔ CHỨC VÀ PHÂN BIỆT PHÁP TU

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 07/10/2008

Thời lượng: [47:39]

Tên cũ: 20081007-Những gì cần tu tập 01-Nm-Vấn đề tổ chức

https://thuvienchonnhu.net/audios/20081007-nhung-gi-can-tu-tap-01-to-chuc-va-phan-biet-phap-tu-.mp3

1- THẦY NHẮC NHỞ VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI THÔNG SUỐT VÀ ĐỀ CỬ NGƯỜI LÀM GIÁM LUẬT.

(00:01) Trưởng lão: Thầy chào mấy con!

Phật tử: Chúng con xin kính chào Thầy!

Trưởng lão: Mấy con ngồi xuống hết đi. Hôm nay cái lớp mình nghiêm chỉnh lắm, được đó! Thầy thấy nay tiến bộ nhiều.

(00:11) Bây giờ về cái vấn đề mà tổ chức đó mấy con, vấn đề mà tổ chức cái lớp, cái ban của mình, mấy con cố gắng khắc phục. Những người mà lớn tuổi mà mình thấy cái đức hạnh, nó đủ cái sức mà bình tĩnh, điềm đạm thì mình cho họ làm giám luật mấy con, bầu mấy người đó ra làm giám luật. Và các con cũng sẵn sàng mình hy sinh mình, mấy con chịu khó mấy con, mình lớn tuổi rồi nhiều khi mình nói với khuyên. Còn mấy cái người mà nhỏ tuổi mà làm giám luật thì mình nói, thì cô bác mình lớn tuổi mình tự ái, rồi mình thấy cũng khổ tâm lắm. Tốt hơn là để cho cái người lớn tuổi người ta sẽ đứng ra làm giám luật, người ta nói nó đỡ mấy con.

Do đó trong cái danh sách của mấy con thì mấy con đề cử ra, mọi người chúng ta đều tập luyện để rồi chúng ta thành một con người vừa thuyết giáo mà vừa thân giáo. Chứ không phải nói: "Tôi tu giải thoát là tôi vô thất tôi ngồi tôi tu giải thoát". Không phải điều đó đâu mấy con! Tất cả một cái vấn đề.

Bởi vì các con thấy khi mà đức Phật nói rất rõ ràng: "Những gì cần thông suốt là phải thông suốt, những gì cần tu tập thì phải tu tập". Chứ không phải bây giờ mấy con nói, nghĩ rằng: "Bây giờ tôi vô thất tôi tu". Không phải đâu! Từ lâu tới giờ có bao nhiêu người đã vào thất tu mà có được những gì mấy con?

Các con thấy trước khi mà vào thất tu để xả tâm, thì đức Phật đã viết cái thời khóa biểu rất là rõ ràng: "Phòng hộ, sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt, phải sống trong oai nghi chánh hạnh". Các con thấy những cái lời đức Phật dạy nó rõ ràng. Mà giờ oai nghi chánh hạnh mình không có, mình vô thất mình ngồi mình tu làm sao cho cái tâm của mình nó xả được mấy con? Nó không có dễ đâu!

Mà trong khi đó mình vô tu mình chỉ nghĩ rằng mình thông suốt, chứ sự thật ra mình chưa thông suốt những cái điều kiện cần thiết. Nếu mà Thầy không soạn cái bộ Đạo Đức Giới, thì ai biết cái đức giới là cái chỗ nào. Ví dụ như bây giờ mấy con đọc, học về cái giới cấm không nên sát sanh, thì mấy con đâu có nghĩ rằng đó là cái Đức Hiếu Sinh đâu, nếu mà Thầy không triển khai, các con hiểu không?

(02:23) Cho nên bây giờ mình học được cái đạo đức, mình học được những cái điều kiện cần thiết để trang bị cho mình có cái tri kiến đạo đức, mà tri kiến đạo đức là tri kiến giới luật chứ gì. Cho nên giới là phải đi hàng đầu, nó giúp cho chúng ta. Mà trong khi đó mình không giúp đỡ lẫn nhau thì làm sao mình tu tập được mấy con? Mình phải biết giúp đỡ lẫn nhau, để rồi lần lượt rồi Thầy sẽ về Thầy sẽ dạy từ cái pháp tu tập căn bản để đi vào.

Các con thấy biết hơi thở, đức Phật dạy chúng ta tu hơi thở là dạy chúng ta hít vô, thở ra biết hít vô, thở ra thôi. Tại sao đưa ra hàng loạt cái đề mục như vậy? Hàng loạt cái bài pháp như vậy? Có cái ý nghĩ gì chứ, có cái điều kiện cần thiết gì mới đưa ra những cái điều kiện đó, chứ ai lại không biết hơi thở hít vô, thở ra đâu? Nhưng mà làm sao nhiếp phục được và an trú được.

Cái điều quan trọng hôm nay thì thật sự ra như mấy con biết là phải nhiếp tâm trong hơi thở và phải an trú được trong hơi thở, điều kiện cần thiết. Bởi vì cái thân chúng ta sẽ có những cái bệnh, bữa nay thì mạnh, chứ ngày mai nó đến nó sẽ làm chúng ta khổ!

Đó, các con thấy chưa? Cho nên vì vậy mà chúng ta phải tập nhiếp tâm, an trú. Mà khi an trú được thì chúng ta đẩy lui bệnh được, để chúng ta không còn sợ, không còn lo lắng về cái cơ thể bệnh nữa. Chúng ta mới an tâm để mà học hỏi những điều cần thiết để cho cái tri kiến chúng ta hiểu biết nó mới xả sạch.

Vừa rồi thì cái lớp học của mấy con, Thầy đi ra Thầy nghe, tuy rằng đi ở ngoài xa nhưng mà cái sinh hoạt như vậy Thầy cũng rất vui mấy con. Được học tập, được triển khai cái tri kiến của mình, dù ít dù nhiều mấy con ngồi lắng nghe nó cũng tiếp thu được vào ở trong cái kiến thức của mình, mình hiểu biết càng lúc càng rõ ràng hơn, đó là cái sự học tập đó mấy con.

Đừng có nói rằng: "Tôi già rồi, thôi tôi không học tập, tôi chỉ biết tu thôi". Mà đức Phật nói: "Những gì thông suốt cần thông suốt". Mình thông suốt rồi mình mới tu, mình thông suốt cái tri kiến giải thoát để cho cái tâm mình nó xả. Rồi mình tu tập là mình tu tập từng cái tâm niệm của mình nó còn những cái tạp khí rồi mình xả dần. Như vậy mà người ta còn dạy mình cách thức nhiếp trong cánh tay, nhiếp trong bước đi, nhiếp trong hơi thở, để cho mình nhiếp cho được, chứ nó không phải dễ!

(04:44) Rồi đây lần lượt cái lớp học của các con, sau một giờ học tập rồi thì có một cái giờ Thầy đến Thầy kiểm tra từng người một. Cũng như bữa nay Thầy kiểm tra 3 người, ngày mai Thầy kiểm tra 3 người, thì trong cái lớp học này bao nhiêu người thì Thầy chịu khó một ngày, một buổi Thầy đến chừng 30 phút, hay bao nhiêu đó Thầy sẽ kiểm tra mấy con. Như vậy nó cụ thể để hướng dẫn cho mấy con đi dần vào cái sự tu tập.

Cho nên hôm nay chúng ta tổ chức cho xong cái Nam cư sĩ đoàn của chúng ta. Hôm nay Thầy đến lớp Thầy thấy đủ mặt mấy con hết là Thầy mừng lắm! Các con cố gắng mấy con, phải cố gắng ráng tu mấy con! Có Thầy, Thầy sẽ dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn. Không lẽ mấy con bỏ cuộc đời, bỏ cả gia đình vợ con, bỏ tất cả hết mà về đây tu. Mà tu để rồi đi ra, đi vô, tu để chơi hay sao?

Chuẩn bị nếu chúng ta có đủ duyên chúng ta sẽ xuất gia, chúng ta thành lập một cái Tăng đoàn thứ hai để chúng ta tiến bước ở trên con đường đi sâu hơn. Mà nếu chiếc áo cư sĩ chúng ta thực hiện được, thì chúng ta cũng giải thoát được chứ sao, không có gì phải lo đâu! Nhưng mà cái hoàn cảnh của chúng ta hiện giờ, cái gia đình còn những sự việc nó chưa xong, chúng ta chưa có dứt áo mà chúng ta xuất gia.

Cho nên quý Thầy mà xuất gia rồi là Thầy cấm bặc. Vô trong này mà xuất gia rồi thì không được đi ra ngoài. Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà, ra khỏi gia đình, mà giờ còn trở về gia đình, còn sống trong gia đình, có nhiều người xuất gia mà còn ở trong gia đình thì còn nghĩa lý gì nữa mấy con?

(06:22) Cho nên khi còn cư sĩ thì mấy con về thăm gia đình này kia đều được hết, nhưng mà khi xuất gia rồi thì phải nói rõ cho gia đình biết: "Con bây giờ xuất gia rồi là con có một đời sống khác, một cái nơi khác, con ở trong một cái tập thể, trong cái chùa, hay hoặc là trong cái Tu viện, chứ con không còn được quyền ở trong cái nhà này nữa". Đó là cái người xuất gia rồi, nó khác rồi. Ăn mặc như vậy mà mình sống, sinh hoạt chung ở trong một cái gia đình, rồi cha mẹ, rồi anh em, rồi con cháu, rồi dâu rể, rồi đủ thứ tùm lum như vậy thì không được. Mặc dù là ở trong gia đình mình có dành cho mình một cái phòng riêng. Cho nên có nhiều người xuất gia mà ở trong gia đình mình tu. Trời đất! Mình có phỉ báng phật pháp không đây? Cho nên Thầy nói đừng có làm cái này tội lắm mấy con, tội lắm!

Đi xuất gia rồi là bỏ gia đình, ly gia cắt ái mà, lìa cái gia đình của mình rồi cắt tất cả những cái tình yêu thương của mình, nó không còn gì mới gọi là xuất gia. Cho nên khi mà xuất gia thì mình chuẩn bị đâu đó nó rõ ràng, nó cụ thể, nó không còn bị vướng mắc một cái điều gì hết, thì xuất gia. Còn không thì mấy con còn giải quyết những điều kiện cần thiết, thì mấy con cứ từ từ mấy con giải quyết, mặt chiếc áo cư sĩ mấy con giải quyết hết mấy con. Rồi mấy con tu tập, mấy con học tập nhuần nhuyễn. Thầy cũng dạy từng pháp để cho mấy con tu tập không thua gì người xuất gia hết nên mấy con đừng có sợ. Cho nên nỗ lực tu, thật tu mấy con!

Cho nên hôm nay ở trong Cư sĩ đoàn của mấy con, hôm nay Thầy nhìn thấy đủ mặt như thế này thì tổ chức cho nó đầy đủ 5 người đi mấy con. Con đề cử người nào? Người làm giám luật là người nào đâu con? Ừm! Con chỉ cho Thầy.

(07:57) Phật tử 1: Con kính thưa Thầy! Kính thưa toàn thể quý tu sinh! Theo con về giám luật là bác Minh Tuệ với chú Minh Thiện, trong hai người.

Trưởng lão: Ừm! Bác Minh Tuệ đâu con?

Phật tử Minh Tuệ: Dạ, con đây!

Trưởng lão: Con thấy cũng lớn tuổi rồi đó. Rồi, rồi được rồi, con ngồi xuống! Các con thấy Minh Tuệ hết rồi phải không? Vậy thì Minh Tuệ sẽ làm giám luật. Con giữ gìn được không con? Ráng cố gắng con! Vừa mình hướng dẫn, mình nhắc người mà mình nỗ lực, nhờ đó mà mình nỗ lực mình giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh.

Phật tử Minh Tuệ: Dạ bạch Thầy! Suốt hai mươi mấy năm qua con theo Thầy, sức tu tập của con cũng chưa xong. Trong cái hoàn cảnh hiện tại thì con nghĩ rằng khi con trở lại Tu viện lần này con cố gắng học hỏi.

Dạ! Hôm trước thì con cũng có viết thư trình Thầy là con xin Thầy cho con xuất gia, nhưng mà cái nghĩ rằng để tu thành bậc giải thoát, hay là cái gì cao nữa thì con không dám nghĩ tới. Mà con chỉ nghĩ đến một điều là con xuất gia để thọ trì giới luật, đó là cái trước mắt con phải nghĩ đến và con sẽ cố gắng thực hiện chỗ đó.

Hôm nay chú trưởng đoàn cũng đề cử, thì con cũng không biết nói sao. Nếu mà trước đức Thầy nếu mà được tập thể tín nhiệm thì con cũng xin ráng hết sức mình.

Trưởng lão: Được, hay lắm rồi con, Thầy cảm ơn con!

Rồi, đồng thời Thầy sẽ gửi cho con cái bộ sách dạy về giới luật: "Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống tập 1, tập 2". Và kế đó Thầy sẽ đưa cho con những cái bộ sách: "Những Oai Nghi Tế Hạnh" để con nghiên cứu, rồi từ đó con sẽ nắm được rõ ràng cái giới luật. Vừa là tu cho mình mà cũng vừa giúp huynh đệ, mình nhắc nhở. Hãy làm cái điều này đi con! Thầy thấy mấy con nỗ lực làm như vậy là cách thức hay lắm mấy con, tốt lắm mấy con! Rồi, con ngồi xuống đi con!

(10:15) Đó! Rồi bắt đầu bây giờ Thầy thấy ở trong cái người về giám luật và cái giảng viên đoàn, là hai con rất cực. Còn cái người trưởng đoàn với phó đoàn thì mình coi tổng quát chung. Và có cái gì thì mình nhắc cho cái người giám luật và cái người mà giảng viên đoàn, để cho người ta nắm biết được ở trong cái tập thể của mình có những cái sơ sót người ta khéo người ta nhắc nhở.

Mấy con có gửi cho Thầy mấy cái bức thơ, Thầy sẽ gửi trả lời lại cho mấy con trong những cái bức thơ đó mấy con, sự tu tập. Trí Minh, Từ Phước đâu con, Chánh Trí không có đây, Chánh Trí chắc đi về thành phố rồi.

Phật tử 1: Dạ thưa Thầy cho con nộp thơ.

Trưởng lão: Rồi, mấy con còn hỏi Thầy gì về vấn đề tu tập nữa không con? Muốn hỏi thì cứ đưa thơ lên đây rồi Thầy sẽ trả lời. Coi có cái nào tu được, cái nào không rồi Thầy chỉnh lại cho.

2- PHÂN BIỆT PHÁP TU DÀNH CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI TRẺ

(11:23) Trưởng lão: Hôm nay thì về đây Thầy sẽ dạy cho mấy con tu tập. Cái người mà còn trẻ tuổi thì mấy con phải đi vào từng cái hơi thở, từng cái cánh tay đưa ra. Còn cái người lớn tuổi rồi, thời gian nó không chờ đợi mấy con, cho nên mấy con phải tu ngắn hơn, ít hơn trong cái tâm. Các con sẽ học cái lớp đạo đức để nó bồi dưỡng cho cái tri kiến của mình để nó hiểu biết, để nó trở thành cái tri kiến giải thoát, tri kiến đạo đức.

Thì chừng nào khi mà cái lớp học mà Đạo Đức Hiếu Sinh hết, thì chúng ta khép cửa luôn, không học nữa. Nó đủ rồi! Cái Đức Hiếu Sinh nó đủ, cái tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả mà. Hễ có lòng thương yêu thì nó có hỷ với có xả rồi, mà mình học đủ là nó xả rồi. Cho nên vì vậy mình không cần học nhiều. Thay vì mấy con phải học hết 5 cái đức của Ngũ giới, thì nó mới trọn vẹn cái đạo đức nhân bản. Mình học để mà mình xả tâm để đi vào cái chỗ mà làm chủ sanh, già, bệnh, chết, thì mình học cái Đức Hiếu Sinh là nó đủ cách xả của nó rồi.

Cho nên khi đó mình vào thì khi mà mình học đủ rồi thì mình chỉ còn có giữ cái tâm bất động của mình, tức là cái tâm vô lậu, để cho mình kéo dài được cái trạng thái vô lậu, để cho mình đủ cái lực để cho mình làm chủ sự sống chết. Rồi mình nhập Tứ Thánh Định, thực hiện Tam minh. Có vậy thôi!

(12:42) Còn mấy con còn trẻ tuổi thì mấy con phải học đủ bài bản. Bởi vì còn trẻ mà, đâu có muốn như mấy ông già được. Cho nên Thầy sẽ dạy cho mấy con phải học đủ 19 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Mấy con sẽ thấy đặc biệt, 19 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở rất là đặc biệt của đạo Phật tu. Sau khi học được 19 cái đề mục đó rồi, thì mấy con mới chuyển qua xả tâm. Thì nó cũng không bao lâu, nó cũng chứng đạo, nhưng mà phải học cái này, phải tu tập cái này cho thuần thục.

Một cái đề mục mấy con phải tu tập 1 tháng, mà 19 cái đề mục, tức là nó phải hơn một năm mấy. Nhưng khi mà trong một buổi như vậy Thầy không bắt mấy con tu hết đâu. Mấy con bắt đầu mấy con tu 30 phút, rồi cao lắm thì mấy con chỉ nhiếp trong hơi thở 1 giờ thôi, chứ không có trên 1 giờ. Cũng như mấy con nhớ rằng tu cái pháp Thân Hành Niệm, thì mấy con tu 30 phút cho đến 1 giờ thôi chứ không có tu hơn, đừng có tu cao hơn nữa. Tu cao hơn nữa nó bị tưởng đó mấy con.

Nó bị tưởng thì mình phải mất công mình xả tưởng chứ không có gì. Nhưng mà xả tưởng cũng như xả vọng tưởng, hay hoặc là xả cảm thọ nó cũng cực chứ đâu phải không. Bởi vì tưởng nó xuất hiện thì phải xả. Cho nên vì vậy mình vừa đủ thôi, để cho mình đủ để cho mình đi tiến tới cái chỗ mình đi vào cái tâm bất động, cái tâm vô lậu của mình, là cái chân lý để cho mình giải thoát thôi, chứ mình đâu có mục đích đi tìm thần thông làm chi, cho nên mình không cần cái thứ đó! Nhưng mà vừa đủ để cho mình phá được hôn trầm, thùy miên, để cho mình tỉnh, để cho mình đi vào cái chỗ bất động mà bị không mờ mịt. Đó! Nó như vậy, nó đủ rồi, phải không?

(14:36) Cho nên vì vậy mà hôm nay Thầy dạy mấy con, thì cái người trẻ tuổi thì coi như là…​ Cái tập mà 19 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, Thầy đã nhuận lại rồi, mà không biết là mấy con có được chưa? Chắc chưa! Còn cái kia thì có lẽ là ngày mai này Thầy sẽ phát cho mấy con để đọc nghiên cứu. Thầy dạy rất kỹ ở trong đó mà! Mỗi một cái đề mục rất kỹ mà, không có dạy lơ mơ đâu.

Rồi tập luyện hẳn hòi hoàn toàn, rồi Thầy kiểm tra coi cách thức nhiếp tâm trong từng cái đề mục hơi thở đó như thế nào, đã đúng hay sai. Rồi nó bị rối loạn hay là không rối loạn. Người nào có duyên với hơi thở thì Thầy sẽ dạy nhiếp ở trong hơi thở, mà người nào không có duyên hơi thở thì Thầy sẽ dạy nhiếp ở trong cách tay. Nó có cái phương pháp chứ đâu phải để mấy con kẹt ở trong hơi thở đâu. Tức ngực rồi mà cứ nó bắt nhiếp ở trong hơi thở hoài thì đâu có được, phải không? Cho nên Thầy sẽ dạy nhiếp trong cánh tay.

Cánh tay cũng như là cái hơi thở đưa ra, đưa vô vậy chứ có gì đâu, nó cũng nhiếp được để mà mình tập. Thay vì 19 cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, thì nó là 19 cái đề mục của cánh tay đưa ra, đưa vô. Nó chỉ có cánh tay đưa ra, đưa vô thôi, cũng như cái hơi thở thôi, chứ không có gì. Còn cái câu tác ý thì giống y.

Ví dụ như: “Quán ly tham tôi biết tôi đưa cánh tay ra, quán ly tham tôi đưa cách tay vô”, ví dụ như vậy. Thì cái kia thì mình chỉ có hơi thở thôi: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra". Thì cũng y như vậy thôi chứ có gì đâu?

Mấy con thấy nó có khác không? Nhưng mà cái kia là hơi thở hít vô, thở ra. Còn cái nọ là cánh tay đưa vô, đưa ra. Các con thấy có khác đâu? Nhưng người mà vận dụng được hơi thở thì nó có cái Nội lực. Còn cái này là nó Ngoại lực. Đó, mấy con thấy!

Cái nội lực là nó làm cho tim gan, phèo phổi của mấy con nó vận động theo cái hơi thở. Còn cái này ngoại lực thì nó không vận động được ở trong tim, gan, phèo phổi, nhưng nó tạo thành một cái lực ở bên ngoài, nhưng nó đẩy lui được bệnh. Cho nên vì vậy mà nó cũng đẩy lui được bệnh, nó làm cho thân của mấy con không khổ.

Còn cái kia nó đẩy lui được bệnh nhưng mà cái người mà tu hơi thở thì nó khỏe khoắn lắm mấy con. Bởi vì nó vận dụng được cái hơi thở của nó, nó khoẻ lắm! Nó tăng thêm cái sức khỏe, cái năng lượng của nó mấy con. Còn mình dùng cái cánh tay thì mình tăng thêm cái lực bên ngoài, để cái lực bên ngoài đẩy hết tất cả những cái khổ ở trong thân thôi, chứ nó không tăng cái nội lực của mình.

Cho nên cái người mà có duyên hơi thở là có phước lắm đó! Còn cái người mà không duyên hơi thở thì mình cũng có cách thức để mình đẩy lui bệnh chứ mình đâu có sợ đâu. Thân này là thân giả, chứ đâu phải thân thật, thân của nhân quả mà! Chết hay bệnh là của nó, nó mang đi đâu thì nó mang, chứ mình đâu có cần, mình chỉ cần tu chứng thôi. Mượn nó mình tu để cho mình chấm dứt tái sanh luân hồi, khi bỏ thân này thì mình không có thân nữa. Thì đó là cái con đường tu tập của mình.

(17:22) Cho nên hôm nay thì các con nhớ Thầy nhắc lại, về cái "tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự", thì cái câu tác ý mấy con đã biết rồi. Còn cách thức ngồi mà tu mà tác ý thì mấy con cũng biết rồi phải không?

À! Bây giờ mấy con tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Mấy con ngồi kiết già hẳn hòi hoàn toàn, mặc áo đàng hoàng mà. Bởi vì pháp của Phật mình có cái lòng tin mà, chứ đâu phải mà mình ngồi mình tu mà mình không có coi trọng cái pháp của Phật đâu. Chính mấy con mặc chiếc áo tràng vô mấy con ngồi thiền, là cái tướng rất là phước điền, cái tướng rất tốt. Và mấy con mặc chiếc áo ngắn như chú thì coi như là cái ông lực sĩ nào ở đâu đó chứ không phải là cái người tu theo đạo Phật mấy con. Phải không?

Phật tử 2: Dạ bạch Thầy! Thầy cho con cái áo tràng.

Trưởng lão: Ừm, rồi! Mai mốt mà mặc tu, chứ không phải là về thất mà mặc cái áo đó tu, không có được đâu. Con mà mặc cái áo đó tu hoài thì cũng như lực sĩ thôi chứ còn không có gì hơn đâu, không có tâm vô lậu được đâu.

Cho nên ở đây thật sự ra Thầy trang bị cho mấy con đủ những cái oai nghi chánh hạnh đó mấy con. Cái đó là cái oai nghi chánh hạnh của đạo Phật, nó cần thiết lắm. Cho nên chúng ta không tu thì thôi, mà đã tu thì mình tin tưởng vào cái pháp Phật sẽ đem mình giải thoát khỏi cái thân này. Cho nên dù nực nội, dù gì nữa thì cũng ăn mặc hoàn toàn không sợ hãi.

Các con biết cái xứ Ấn Độ mà đức Phật vấn cái y vấn, cũng như mà quý sư đây, mà cái nước đó là cái nước đâu phải Liên Xô đâu, phải không? Vậy mà ông Phật vẫn vấn mấy con. Không có ăn mặc để hở tay, hở chân như các sư Nam Tông đâu. Còn các sư Nam Tông các con biết vấn để lòi cánh tay ra cho mát mẻ. Rồi nhiều khi mặc cái áo cái y trung của họ có hai cái miếng vải, cánh tay lòi ra hết, thậm chí như ngực cũng lòi ra nữa. Đó, mấy con thấy!

Thực sự ra họ chạy theo dục, cái đó là cái dục đó mấy con, chứ đâu phải gì. Còn bây giờ nóng thì tôi chỉ lo tôi nhiếp tâm tôi bất động thôi, vì vậy mà cái tâm bất động rồi thì đâu còn nóng nữa mấy con, phải không? Đó là cái cách thức, cái phương pháp của Phật mà! Mà cái oai nghi chánh hạnh của người ta nó hẳn hòi hoàn toàn, nó rất là đẹp đẽ, đó là cái hình ảnh của đức Phật.

Mà chúng ta thấy có bao giờ ông Phật ông ở trần ông ngồi tu đâu bao giờ. Các con thấy không? Có bao giờ mà ông ở trần ông ngồi tu bao giờ đâu? Bao giờ cũng y áo đoàng hoàng. Đó! Cho nên vì vậy mà chúng ta phải noi theo gương hạnh của Phật mà tu tập.

(19:44) Do đó thì mấy con nó rất đơn giản. Khi nào mấy con nhiếp tâm mà không được. Ví dụ như từ 1 phút cho đến 5 phút, mấy con sẽ thử mấy con làm. Thầy nói bây giờ cái căn bản nhất là từ 1 phút đến 5 phút mấy con sẽ tác ý: "Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Rồi mấy con cứ để mấy con nhìn cái đầu của mấy con, tức là nhìn cái ý thức của mình thôi, để coi thử coi có niệm không, có niệm thì mình tác ý mà không niệm thì thôi. Mà nó kéo dài từ 1 phút không niệm rồi đến 5 phút không niệm là Thầy biết mấy con đã nhận ra được cái tâm bất động đó rồi. Còn mấy con chưa nhận được thì nó hay có niệm, niệm xẹt ra. Vì vậy mà Thầy chỉ dạy cho mấy con cách thức nhiếp tâm.

Người nào mà ngồi khoảng độ khoảng 1 phút cho đến 5 phút mà không có niệm, thì mấy con sẽ tiến tới mấy con sẽ tu. Bởi vì mấy con nhận ra được rồi, mấy con sẽ tu, thì từ đó mấy con xả dần dần, mấy con siêng năng mấy con tập tu thì cái tâm bất động của mấy con, tức là cái trạng thái vô lậu của mấy con nó sẽ kéo dài ra.

Đồng thời thì mấy con khép chặt ở trong cái khuôn khổ tu tập thì nó ít có duyên. Chứ không khéo mấy con sẽ phóng tâm phóng dật đi ra tiếp duyên nhiều, thì mấy con sẽ khó mà hàng phục được những cái niệm ở trong đầu của mấy con phóng ra. Và nó cũng sẽ không tăng được cái thời gian dài ra, nó chỉ cao lắm 30 phút chứ nó tăng lên không nổi. Tại vì mình tiếp duyên đó mấy con, nó sẽ không nổi. Do đó mình nỗ lực mình tu, thì vì vậy mà mình phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.

Như trong cái thời khóa biểu của đức Phật, thì mấy con sẽ thấy rằng mình giữ gìn cho nghiêm chỉnh đi, rồi mình sẽ tập cái pháp này đi rồi mình cũng sẽ thấy cái thời gian nó tăng dần lên, rồi từ đó mấy con kéo dần dần. Mà mỗi lần nó bất động, nó thanh thản thì mấy con thấy hạnh phúc lắm, mấy con an trú lắm. Nó rất là hạnh phúc!

Cho nên cuối cùng thì mấy con kéo dài được cái thời gian dài từ 1 ngày, 2 ngày, thì nó đã có những cái năng lực của Bảy Giác Chi nó xuất hiện. Tuy rằng nó chưa đủ, nhưng mà nó xuất hiện cũng 4, 5 cái năng lực của giác chi rồi.

Nhất là cái Định Giác Chi, khi mà nhiếp tâm chừng từ 1 phút đến 5 phút là cái Định Giác Chi nó xuất hiện rồi cho nên mấy con mới nhiếp được. Chứ còn không khéo mấy con nhiếp không được đâu, nó cứ vọng tưởng ra. Mà nó xuất hiện rồi thì nó mới bất động được cái khoảng thời gian 5 phút. Mà nó xuất hiện được 5 phút rồi thì 6 phút, 10 phút vẫn không khó khăn. Đó, các con thấy! Mình cứ tiến tới dần dần dần, nó xuất hiện nó kéo dài ra. Cái đó là cái Định Giác Chi.

Rồi cái khinh an. Hễ có Định Giác Chi thì có khinh an nó đến. Khinh An Giác Chi nó đến rồi thì Hỷ Giác Chi nó đến mấy con. Nó cứ lần lượt theo cái đà của nó mà nó xuất hiện đủ những cái giác chi. Mà mình hễ mình tăng cái thời gian lên dài dài thì các giác chi khác nó xuất hiện ra. Nó xuất hiện cho đến cuối cùng cái giác chi cuối cùng của nó, là nó đủ bảy cái giác chi của nó là Tứ Thần Túc mình có rồi. Từ đó mình dùng cái Định Như Ý Túc đó để mình thực hiện cái sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết của mình rồi, mình dễ dàng rồi, không còn khó!

(22:38) Cho nên nó có một pháp tu thôi. Mấy con lớn tuổi rồi mấy con hãy tu một pháp này, đừng tu nhiều pháp mấy con, nó sẽ lộn xộn. Đừng có ham nghĩ rằng mình phải tu hơi thở này kia, mấy con đừng ham! Nó cũng ở trong hơi thở chứ không ở đâu hết. Tại sao vậy?

Mấy con ngồi đây mấy con nhắc: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ngồi im lặng thì mấy con nhìn coi có hơi thở không? Nó có hơi thở mấy con! Biết nó thở ra, thở vô. Mà mình không tu hơi thở, cho nên nó không nhiếp tâm trong hơi thở đâu, mà nó biết hơi thở. Nó biết hơi thở mà nó biết sự im lặng, mà nó tỉnh táo nó nhìn coi có cái niệm gì tác động vào thân tâm nó không. Không có thì đó là đúng của nó rồi, đúng bài bản của nó rồi, nó hiện cái tâm vô lậu rồi đó. Cái cứu cánh của chúng ta là ở chỗ đó đó mấy con.

Mấy con nhận được rồi thì mấy con cố gắng mấy con tu tập cái này, Thầy nói là mấy con sẽ đạt được kết quả giải thoát. Không bao lâu đâu mấy con! Nỗ lực, mấy con khép mình trong khuôn khổ kỹ lưỡng hẳn hòi thì trong vòng 6 tháng đến 1 năm thì mấy con sẽ thấy. Mặc dù mấy con chưa chứng chứ mấy con sẽ thấy được cái khoảng thời gian từ 1 giờ đến 2 giờ mấy con thấy rõ tâm vô lậu. Rất là tuyệt vời mấy con, nó rất là tuyệt vời!

Thầy nói rằng trong 1 ngày, 2 ngày, mấy con có thể mấy con tu trong 1 năm. Suốt 1 năm mà chuyên cần đừng có đi ra, đi vô thì trong 1 năm mấy con sẽ thấy thấy 1 ngày, 1 đêm mấy con sẽ kéo dài được cái khoảng thời gian bất động tâm của mấy con. Nó không lâu đâu mấy con! Mà trong 1 ngày 1 đêm mấy con được thì 7 ngày 7 đêm rất dễ dàng, không còn khó nữa!

Lúc bấy giờ là nó muốn tu rồi, chứ nó không muốn chơi ở ngoài nữa đâu, cái tâm mà nó được vậy rồi nó quay vô, nó không thích ra ngoài nữa đâu. Nó thấy sự an lạc của nó. Bởi vì cái dục lạc ở ngoài thế gian, các con ăn cái miếng ăn nó có thấy ngon miệng phải không? Thì cái này, cái vô lậu này nó cũng có cái lạc của vô lậu chứ đâu phải không có, nó rất là hạnh phúc! Nhưng mà nó không phải tạo cho mình cái thấy dục. Nó không có dục mấy con! Nó làm cho thân tâm nó không đau nhức, không mỏi mệt, nó an lạc một cách kỳ lạ thôi. Nó là một cái lạc của cái vô lậu, chứ không phải là cái lạc của dục lậu. Còn cái kia nó làm cho mình có sự thích thú, còn cái này nó không. Nó cả một cái không gian, cả một cái thân tâm của nó, sao mà nó an ổn vô cùng, nó không có gì làm động nó được hết. Đó! Nó là cái hỷ lạc của cái tâm vô lậu.

(25:11) Thầy thì không có ngôn từ đủ để mà diễn tả cái đó mấy con. Nhưng mà khi lọt trong đó rồi mấy con mới thấy thiệt là nó không phải theo cái kiểu dục lạc của thế gian thiệt. Ăn một miếng ngon thì thấy nó ngon, thì nó lạc chứ gì, mà nuốt hết vô khỏi cổ rồi thì nó hết. Còn cái này hoài hoài. Lạ lùng, nó không có mất! Đó là cái lạc của vô lậu. Còn cái kia nó có, nó đến rồi nó mất, đến rồi nó mất. Mà mình tìm hoài thì hễ càng tìm thì càng khổ. Còn cái này không tìm, mà nó hiện ra thì hoàn toàn nó không mất, nó vô lậu.

Cho nên Thầy diễn tả qua cái mà mình nhận xét của mình, mình nói, chứ thiệt ra thì ngôn từ nó khó nói quá. Bởi vì cái tâm vô lậu từ hồi nào đến giờ chưa có ai vô lậu. Cho nên những cái ngôn từ mà dùng về cái vô lậu đó, trạng thái đó mà nói ra thì hầu hết là nó chưa có danh từ. Mà chưa có danh từ thì bây giờ mình diễn tả mình nói, thì người ta mường tượng chứ có ai biết nó ra làm sao. Chứ phải chi có người này, người kia thì mình nói ra cái từ đó thì người ta nhận ra dễ, phải không mấy con hiểu không? Cho nên chúng ta cũng khó có cái từ. Nhưng mà Thầy nói mấy con khéo léo, mấy con cố gắng mấy con nhận ra. Nhưng mà tu rồi thì tới chừng đó mấy con: "À, như vậy là đúng!". Cho nên ráng cố gắng mấy con.

Còn về cái hơi thở thì Thầy sẽ dạy cho mấy con, nhất là tuổi trẻ mấy con. Cái tuổi của mấy con mà từ 40 tuổi mà trở lên thì mấy con hãy tu cái pháp Xả tâm này đi. Còn từ 39 tuổi mà trở xuống thì phải theo Thầy mà tu hơi thở. Bây giờ ai mà còn nhỏ tuổi 39 trở lại thì Thầy sẽ dạy hơi thở cho mấy con. Còn hễ mà 40 tuổi trở lên thì thôi, lo tu cái này đi, nó không có kịp đâu mấy con.

Coi vậy chứ giữ cái tâm bất động này nó cũng khó lắm chứ không phải dễ đâu. Còn cái kia để rèn luyện cho mấy con biết được cái con đường của hơi thở, biết được cái hành động của Thân hành ngoại của mấy con là cánh tay đưa ra, đưa vô, để cho mấy con nhuần nhuyễn ở trên 19 cái đề mục mà Phật đã ghi chép để cho chúng ta tu học trong cái lúc tuổi trẻ.

Cho nên Thầy thấy đúng là ông Phật dạy La Hầu La đó mấy con. La Hầu La là cái đứa con trai của ông, mà nó đi theo ông hồi 8 tuổi. Có phải không? Khi mà ông về thì bắt đầu nó chạy theo. Bà mẹ sai nó: "Con hãy xin gia tài của ông cha đi". Nó chạy theo nó xin gia tài của ông cha, thì ông cho nó cái bình bát. Thôi tiêu đời nhỏ này rồi! Ôm cái bình bát là tiêu rồi. Thì bắt đầu bà vợ bả lo rồi. Tưởng là xin cái ngai vàng, ai dè ông cho cái kiểu này thôi chết, đi tu luôn. Thì ông Phật ông giao La Hầu La cho ông Xá Lợi Phất, phải không? Ông Xá Lợi Phất mới dạy cho La Hầu La về cái hơi thở đó mấy con.

(27:52) Đó! Cho nên về cái hơi thở đó, mà cái tuổi trẻ phải là học ở trong cái hơi thở đó mấy con. Cho nên Thầy dạy đúng theo cái trương trình của đạo Phật. Cái người lớn tuổi thì vô đó Thầy dạy như đã nói.

Như các quan mà đến với đức Phật, bắt đầu khi mà ngộ được cái thân này vô thường, các pháp đều vô thường, không có gì là của mình hết, tất cả trên đời này không có gì hết. Các quan xin xuất gia liền thì đức Phật dạy tu ở trong cái chỗ Tứ Chánh Cần: "Ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện" liền mấy con. Rồi bắt đầu rèn luyện ở trong cái giới luật thêm để cho cái tri kiến hiểu biết về cái giới luật đức hạnh thôi. Do đó năm cái đức hạnh này, năm cái giới này rèn luyện cho các quan.

Sau khi bỏ hết, quan chức gì bỏ hết theo Phật, thì Phật không có dạy về hơi thở chút nào hết. Dạy mấy ông già này hoàn toàn là dạy, cứ: "Ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện" thôi. Có phải Thầy dạy đúng theo cái chương trình không? Cho nên trong cái thời gian có 1 tuần lễ, 2 tuần, hay 1 tháng thì các quan này chứng đạo hết. Bởi vì già rồi người ta đâu còn gì? Còn tuổi trẻ nó còn sung sức mấy con. Lấy cái sức đó mà để luyện tập Định Niệm Hơi Thở, chứ không khéo nó ngồi riết là nó sanh dục nó chết, các con hiểu chưa?

Già cái sức khỏe người ta kém. Cho nên mình cũng phải biết những cái đặc tướng. Mà Thầy cũng dò theo cái kinh nghiệm của đức Phật ngày xưa đã dạy cho đệ tử của Người. Mà thật mình phải theo Phật, chứ mình không có thể nào mà mình ngoài ông Phật. Bởi vì cái đầu óc của ông Phật rất là vĩ đại lắm mấy con, vĩ đại lắm!

Về vấn đề dạy đạo, về đề mà đặc tướng của con người thì đức Phật tuyệt vời! Cái tâm lý rất là tâm lý, hiểu biết từng con người, cho nên dạy đâu nó ra đó. Cho nên sau khi mà Thầy tu rồi Thầy nói: "Sao ông Phật ổng đầy đủ quá như thế này, mình đâu có còn cực khổ cái kiểu này. Đâu có cực! Cứ theo ông Phật mà dạy thôi, chứ đâu có thêm thắt cái gì đâu". Cho nên Thầy cứ dựa theo những lời Phật dạy, mình dựa theo những cái bài kinh của Phật dạy mà Thầy dạy các con thôi.

(29:43) Đó, thậm chí như trong khu rừng Sừng Bò ba vị tôn giả ở sống với nhau. Mà sống với nhau như thế nào mấy con biết không? Lấy ý của người ta sống với mình, chứ không có lấy ý của mình mấy con. Đó! Cho nên khi mà ba cái vị này trình bày với đức Phật nghe: "Chúng con sống ở trong cái khu rừng này có ba huynh đệ với nhau. Thì chúng con được sống hòa hợp như nước với sữa là bằng cách, cái ý của người đó như vậy là chúng con sống theo cái ý của người đó. Mà cái ý của người đó đúng đạo đức thì chấp nhận liền tức khắc".

Đó! Thì các con thấy sống mình biết tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng với nhau, cho nên nó càng sách tấn với nhau trên con đường tu nó không có chống trái với nhau, nó không có rầy rà gì nhau. Cho nên hiện bây giờ mấy con thấy những cái ý kiến của mình mà mình cố chấp là mình bị. Cho nên vì vậy mà mình phải dựa vào một cái cơ bản nào cho đúng cái ý kiến của mình. Thì mình dựa vào cái giới luật đức hạnh của đức Phật thì nó sẽ không sai chứ sao. Bởi vì mình có cái chỗ dựa. Còn mình dựa cái kiến giải của mình thì coi chừng nó trật lất hết: "Ờ! Tôi hiểu theo cái kiểu của tôi, chứ tôi không có hiểu theo cái kiểu của ông Phật". Thì coi chừng tôi đi trật đường.

Đó! Thì do đó Thầy hướng dẫn cho mấy con đúng vào cái chỗ gốc để cho mấy con dựa cho chắc. Bởi vì chính Thầy dạy đạo Thầy cũng dựa vào cái gốc của ông Phật, chứ Thầy cũng không dám dạy theo cái của Thầy nữa. Mà tất cả những cái mà Thầy tu làm được đều là cái của Phật, cho nên bây giờ Thầy dạy cái của Phật tức là Thầy dạy cái của Thầy, chứ đâu phải là cái của Thầy ngoài cái của Phật đâu. Cho nên Thầy không có dạy cái gì mới, toàn bộ cái gì mà Thầy dạy mấy con là cái ông Phật đã dạy cho đệ tử của Ngài ngày xưa hết, không có gì sai.

Cho nên mấy con tu theo theo Thầy tức là mấy con đã coi như trực tiếp tu theo ông Phật. Đó, chứ đâu phải là tu theo Thầy, Thầy đâu có cái ý gì là mới đâu. Cái gì của ông Phật làm ra thì Thầy bây giờ cũng theo như vậy thôi. Bây giờ Thầy cho mấy con mặc áo đồng phục giống nhau, thì ông Phật ngày xưa cũng vậy chứ Thầy có làm khác đâu, có phải không? Ông nói: "Oai nghi chánh hạnh". Cái chánh hạnh của mấy con mà người mặc cái áo này, kẻ mặc áo khác, thì đâu có chánh hạnh. Có phải không? Đức Phật có dạy! Phải không, mấy con thấy đúng không? Chứ Thầy đâu có làm khó khăn gì mấy con, mà chỉ làm cho đúng cái pháp của Phật mà thôi, đâu ra đó.

(32:04) Đó là những cái điều mà Thầy dạy như vậy đó! Thì Thầy sẽ về Thầy cho phô tô cái số bài về cái Định Niệm Hơi Thở. Nội cái Định Niệm Hơi Thở, cái tập của nó tuy mỏng như vậy chứ nó 50 trang. Còn hôm đó thì nó có mười mấy trang, mà bữa nay nó 50 trang. Bởi vì nó phải giảng dạy rất rõ cái lợi ích của một cái đề mục nó như thế nào và cách thức nhiếp tâm nó ra sao, để nó giúp cho mấy con nắm cho thật vững. Vậy mà Thầy còn không để cho mấy con đi sai nữa, Thầy giúp cho mấy con đạt được những kết quả của những cái đề mục đó.

Còn cái thời khóa biểu mà tu tập trong thời đức Phật là giúp cho mấy con lớn tuổi. Các con thấy trẻ tuổi thì nó có khác, mà lớn tuổi thì nó có khác đó. Thì mấy con phải nghiên cứu trong cái thời khóa biểu. Hồi trước cái thời khóa biểu của Phật mỏng lắm mấy con. Thầy nói chín pháp đơn sơ thôi, nhưng mà Thầy thấy cái bài pháp này rất là cụ thể, thực tế, không thể nói đơn giản như vậy mà có thể tu tập được. Nó rất khó!

Cho nên Thầy đã đưa ra rất lâu rồi, nhưng mà Thầy thấy người ta coi nó nhẹ nhàng quá. Hôm nay Thầy chỉnh lại để làm cái cuốn gối đầu nằm của mấy con. Bắt đầu từ đây về sau nó là một cái vật không lìa thân. Cho nên mấy con đọc kỹ và nghiên cứu kỹ. Người nào chưa có thì cứ ghi cho Thầy biết, để rồi Thầy sẽ cho phô tô in ra. Còn cái vấn đề mà xin phép thì đang xin phép. Còn cái Tu viện của mình thì người nào cũng có đặng mình nghiên cứu mình tu. Sau đó xin phép mình mới phổ biến ra cho mọi người biết cái đường lối của đạo Phật là như vậy.

Thậm chí như cái Thanh qui cũng được đưa ra. Và đồng thời Thầy cũng khuyên mấy con, trong cái lớp học bắt đầu mình học Thanh qui, để cho mình theo cái nội qui, cái giới luật, cái cách thức ở trong đó, cách thức dạy cho mình để sống như thế nào để đúng với những cái chánh pháp, đúng với những cái oai nghi chánh hạnh của Phật, thì ở trong cái Thanh qui nó dạy rất kỹ rồi.

Mình phải đem ra mình học tập để cho thông suốt, đừng có mắc mứu một cái nào hết, đừng có người hiểu như vầy, kẻ hiểu khác, mà mình đưa ra. Thì mấy con đọc mấy con hiểu đó, nhưng mà mình phải triển khai ra mình học tập. Cũng như bên Tăng mấy bữa nay là họ học tập cái Thanh qui đó mấy con, để cho thông suốt cả cái Thanh qui rồi bắt đầu áp dụng. Đến khi thông suốt rồi, đồng ý rồi, thì bắt đầu mọi người áp dụng vào cái Thanh qui mình sống đúng. Nghĩa là mình theo cái nội qui ở trong đó mình sống theo cái lời giảng dạy của Thầy trong đó.

Cái Thanh qui của Thầy bây giờ nó cũng là đầy đủ, rất là đầy đủ mấy con. Mỗi một cái giới ví dụ như trong một cái giới nào đó thì Thầy nói như thế nào, rồi sáu cái hòa hợp với nhau Thầy cũng dạy: "Thân hòa đồng trụ như thế nào, Ý hòa, Kiến hòa, Khẩu hòa như thế nào". Tất cả mọi cái này Thầy điều dạy rất rõ ràng. Để khi mình cùng nhau trong một cái tập thể của mình, 10 người, hay 5 người, nó đều có cái sự hòa hợp với nhau.

(35:12) Cho nên Thầy giảng viên lo cái vấn đề mà giảng trạch về cái Thanh qui, để cho chúng mình nắm cho vững được về cái Thanh qui đó, phải không? Thì như vậy là các con sẽ học được cái Thanh qui, rồi học được cái thời khóa biểu tu tập. Tất cả những cái này thì coi như là con đường tu tập của mình hoàn tất.

Bắt đầu bây giờ chỉ trong vòng 1 tuần lễ thì Thầy đến Thầy kiểm tra mấy con lớn tuổi một bữa, coi thử coi mấy con nhiếp tâm như thế nào, coi tâm nó kéo dài được như thế nào, rồi mấy con sẽ trình bày cho Thầy biết trong cái thời gian tu tập. Và đồng thời cứ đều đều mỗi buổi chiều là mấy con sẽ học 1 giờ về cái đạo đức. Sau khi học hết những cái khóa học này rồi, thì coi như là đóng cửa, mấy con sẽ vào thất luôn tu, nó không còn sinh hoạt nữa.

Mà Thầy dạy từ đây mà cho đến khi mấy con học xong rồi thì mấy con nhuần nhuyễn ở trên cái pháp tu đó hết sức rồi. Coi như là mấy con vào thất hết, nghĩa là mấy con sẽ tu rốt ráo rồi đó. Coi như hoàn toàn là mấy con chỉ còn có giữ cái tâm bất động của mình thôi, không còn gì nữa. Tới giờ thì cũng oai nghi tế hạnh đàng hoàn, mình đến đúng giờ.

Coi như là hồi nào tới giờ mình tập những cái oai nghi tế hạnh mình hẹn, mình đã nói, bây giờ 10 giờ là đến cái địa điểm đó, là bất cứ một cái người nào mà ở trong cái Cư sĩ đoàn của mình tới cái giờ đó là ai cũng ôm bát đi ra tại cái địa điểm đó. Rồi sau khi chờ đợi tại địa điểm đó rồi, thì bắt đầu.

Bởi vì 10 giờ thì nói chờ, chứ ai cũng ra đó cái xếp hàng rồi tiếp tục mình đi đến cái chỗ khất thực. Khi mà khất thực rồi, khi mà mình sớt bát xong rồi, thì mình đứng tại một cái địa điểm, người thứ nhất, rồi người thứ hai, thứ ba, lần lượt cái người mà trưởng đoàn đứng trước, kế đó là tất cả các cái người khác kế tiếp nối sau tới sau cùng, rồi người cuối cùng sớt bát xong rồi thì bắt đầu đi về tới cái địa điểm hồi mình đã xuất phát mình đi đó, thì từ đó mình mới về các thất của mình.

(37:02) Đi nó có cái tổ chức hẳn hòi mấy con, chứ không phải là tới cái giờ khất thực cái ai cũng ôm bát đi hàng ngang, hàng 3, hàng 4, đi lung tung như vậy thì nó không có trật tự. Mình phải tổ chức có cách sống kỷ cương trật tự hẳn hòi, nó thuộc về một cái nề nếp của một cái oai nghi chánh hạnh của đạo Phật rồi.

Đó! Thì mấy con thấy, mình tổ chức được như vậy là mình khép mình ở trong một cái khuôn khổ để cho mình tu tập mà nó không bị có những cái chướng. Chứ không khéo mấy con đi ra cái rồi đụng người này, đi tới đụng người kia hỏi, rồi chào cúi, nó lung tung, nó làm cho mình rất động tâm. Đừng có động tâm! Trong cái giờ mà đi khất thực đủ thứ, người thì đi về, người đi ra, thôi thôi, nó đủ thứ, hết cái giờ đó mới yên. Thì thật sự ra mình bị động tâm hết. Còn bây giờ mình tập trung đi như vậy nó không động tâm.

Đi về cũng như vậy, không bị động gì hết, nó rất là trang nghiêm thanh tịnh, trong cái cư sĩ đoàn của mình, nó không bị động. Và người ta nhìn vào người ta thấy đây là có tổ chức đàng hoàng. Chứ không khéo người ta cho mình là không biết, thiếu tổ chức. Thì cái Tăng đoàn họ cũng làm như vậy thì cái Cư sĩ đoàn mình cũng như vậy. Mà làm xong rồi thì Thầy mới qua Thầy tổ chức cho bên nữ. Chứ có một mình Thầy mà tổ chức nhiều quá, làm không có hết.

Bởi vì tổ chức phải kỹ lưỡng, cho nên mấy con thấy bên Tăng mà làm xong rồi thì cho họ học liền. Thầy để cái thì giờ ở trong thất Thầy lo Thầy soạn, Thầy viết sách. Còn cái thời giờ của mấy con Thầy phải chỉnh đốn cho hẳn hòi hoàn toàn, để khi nào mấy con đi vào hoạt động xong rồi, Thầy chỉ còn trong cái giờ nào Thầy đến dạy thì Thầy dạy cho mấy con tu thôi. Còn về cái vấn đề sinh hoạt, học tập thì mấy con đã tự gánh vác được rồi, Thầy khỏi lo nữa. Đó, nó đỡ cho Thầy! Chứ không khéo cái nào cũng Thầy hết thì chắc là Thầy chết mau. Cho nên mấy con ráng!

Thôi bây giờ thì như vậy là tạm đủ. Còn cái Định Niệm Hơi Thở thì mấy con chưa có phải không con? Thầy sẽ gửi cho mấy con! Và Thầy cũng gửi cho mấy con tham cứu hết chứ không phải là không cho, nhưng mà cái vấn đề mà tu thì mấy con lớn tuổi rồi đừng tu, tu mất thì giờ lâu lắm. Và đồng thời ngay đó mấy con tu theo cái pháp xả tâm thôi. Bởi vì Thầy biết cái pháp này nó cũng dẫn mấy con đi tới. Do cái sự tu tập mà ngày xưa đức Phật đã hướng dẫn các vị quan, những người già cả, những người lớn tuổi, cho nó kịp thời.

Và đồng thời thì riêng con thì Thầy sẽ về Thầy kiểm tra lại cái phần của con. Con bị gì? Bây giờ con nhiếp tâm khá rồi, nhưng mà sợ nó lọt trong tưởng thôi. Con thì Thầy chỉ lo nó lọt trong tưởng thôi, rồi lúc bấy giờ nó nghễnh ngãng thì mới chết. Cho nên Thầy sẽ lo cho con.

3- PHẬT TỬ THƯA HỎI PHÁP THẦY

Trưởng lão: Rồi! có gì không con? Con cứ nói đi. Con ngồi đó đi, tự nhiên đi con.

(40:04) Phật tử 3: Bạch Thầy! Con Định Niệm Hơi Thở nữa chừng mà lại có thiện pháp nó đến thăm, rồi mình có lấy cái ngăn, cái diệt để mình ngăn lại không thưa Thầy?

Trưởng lão: Ngăn lại hết con. Bây giờ ngày mai Thầy sẽ về cũng vào cái giờ này, sau cái này buổi học của mấy con rồi thì Thầy sẽ gửi cho mấy con cái tập Định Niệm Hơi Thở. Rồi Thầy sẽ kiểm tra, nhất là cái hơi thở của con. Thầy không có dạy hơi thở mà con nhiếp tâm trong hơi thở nó không vọng tưởng phải không? Rồi nó có những cái thiện pháp, những cái này kia, để Thầy kiểm tra coi cái đó thiện hay là không thiện. Để mà Thầy dẹp cái đầu nó đi chứ, phải không? Thầy giúp cho con! Rồi, con yên tâm! Thầy sẽ giúp được, không có gì đâu mà sợ. Thầy sẽ dẫn cho con đi vào cái "tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự". Cái tâm mà vô lậu, con hoàn toàn để con chứng đạt được cái trạng thái đó. Chứ không nó cứ đưa vô, đưa ra như vậy thì nó làm động tâm con, biết không?

Phật tử 3: Dạ! Con cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Rồi, rồi con về đi, Thầy biết mà!

Còn con hỏi cái gì đây? Cứ ngồi đó thưa đi, đừng có lên khỏi mất công.

Phật tử 4: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Dạ bạch Thầy! Xin phép Thầy cho con biết con sẽ tu tập theo Định Niệm Hơi Thở hay là con đưa tay ra, đưa tay vô?

Trưởng lão: À! Bây giờ con bao nhiêu tuổi rồi?

Phật tử 4: Dạ, con năm nay là 50, 51 tuổi rồi.

Trưởng lão: À! 50, 51 tuổi rồi thì bây giờ còn đưa tay, đưa chân ra làm gì, ngồi yên đó mà tu đi chứ. Thôi bây giờ khỏi đưa đi, không có cần đưa cái đó nữa, Thầy đã dạy là chỉ lo xả tâm thôi. Thầy đã nó rồi mà 40 tuổi trở lại thì sẽ tu Định Niệm Hơi Thở. Mà 40 tuổi trở lên, mà con 50 tuổi thì thừa tuổi rồi còn gì đâu mà ngồi tu.

Phật tử 4: Dạ thưa Thầy, ngày xưa con tập Định Niệm Hơi Thở rồi, thưa Thầy!

Trưởng lão: À! Con tập Định Niệm Hơi Thở, tới đây bây giờ dẹp bỏ cái này đi, không có tu cái đó nữa. Bây giờ cái hơi thở con tu không có nghĩa là bỏ, mà con đã tu tập nó từ hồi nào tới giờ đó là con đã tập nhiếp tâm và an trú tâm ở trong hơi thở. Bây giờ bỏ nó vẫn cái sức tỉnh đó nó còn có để mà xả tâm, chứ không phải bỏ. Nhưng mà cái tuổi của con Thầy không cho học cái đó đâu. Bây giờ chỉ tập cái pháp khác đó con, tập xả tâm thôi. Để đi cho mau chứng để mà về mà hướng dẫn vợ con tu cho chứng luôn, chứ không có bỏ bậy bạ đâu.

Trưởng lão: Con cứ ngồi tại chỗ đi con!

(42:37)Phật tử 5: Dạ! Con xin phép Thầy cho con hỏi. Con bây giờ mọi tưởng con hết rồi.

Trưởng lão: Vậy hả con?

Phật tử 5: Dạ! Bây giờ cái nào cũng nhìn thấy và hiểu biết tất cả, ở trong thất khi nào ngồi cũng an ổn.

Trưởng lão: À! Thấy tâm bất động hết đó con, nó hoàn toàn nó bất động, nó yên lặng. Được rồi! Thầy sẽ dạy con cách thức tiến tới để kéo dài cái thời gian bất động đó, nó kéo dài ra thêm. Bỏ hết, đừng có để bị vướng mắc gì hết thì một thời gian sau sẽ tâm vô lậu hoàn toàn đó.

Phật tử 5: Dạ, cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Ừm, tốt lắm, được rồi! Mấy con cũng có căn bản lắm đó, nhưng mà Thầy kiểm tra đàng hoàng để Thầy hướng dẫn cho tới nơi, tới chốn.

Phật tử 6: Kính thưa Thầy! Hôm nọ con trình Thầy là con xin tu Thân Hành Niệm trên 30 phút. Thầy hướng dẫn cho con là ráng tập mà đừng có quá 1 giờ. Con về con thực tập, mới bữa đầu con tập 40 phút, rồi bữa sau con tăng lên 45 phút. Mới có 45 phút thì cái đêm đó con thức suốt đêm, con không ngủ.

Con thức suốt đêm cho nên con mới vội viết thơ trình cho Thầy (đợt vừa rồi đó). Thì đêm hôm con không dám làm hơn nữa, con trở lại với cái vị trí cũ, thì vô lại là nằm nghỉ được, nó có nghỉ. Chứ còn cái bữa trước làm 45 phút cái là con thức suốt đêm. Thì bây giờ thưa Thầy, như vậy là con trở lại cái cũ hay là mình tăng lên?

Trưởng lão: Cứ trở lại vị trí cũ để cho mình xả mình tu, xả cái tâm con. Nó tỉnh thức như vậy để cho mình xả tâm đủ rồi, đừng có tăng thêm quá, nó tỉnh quá rồi…​

Phật tử 6: Dạ! Cái bữa đó con thức suốt đêm luôn Thầy.

Trưởng lão: Đúng rồi! Bởi vì cái pháp đó là cái pháp phá hôn trầm giữ lắm, nó tỉnh lắm!

Phật tử 6: Dạ, như vậy là con trở về cái vị trí cũ hả Thầy?

Trưởng lão: Vị trí cũ đi con, rồi bắt đầu mình lo xả tâm thôi!

Phật tử 6: Dạ! Khi nào nó thuần rồi thì con tiếp tục.

Trưởng lão: Tiếp tục!

Phật tử 6: Dạ, con cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Thôi bây giờ còn ai nữa không con? Còn con hả con? Con là Thầy sẽ dạy khác. Rồi, rồi con hỏi đi!

Phật tử 7: Dạ bạch Thầy! thưa Thầy kính nhờ Thầy dạy cho con. Lúc này là con tu tập theo thời khóa tu tập trong thời đức Phật, như vậy là con có cần phải tu tập lại cái Thân Hành Niệm hay không? Lúc mà hôn trầm đêm khuya, nửa khuya.

Trưởng lão: Con có bị hôn trầm không?

Phật tử 7: Dạ có, thưa Thầy! Nhưng mà thưa Thầy con quyết tâm là con làm được. Nhưng mà tại vì nhiều lúc con ngồi tu Tứ Chánh Cần để ngăn ác, diệt ác pháp thì hôn trầm nó đến.

(45:07) Trưởng lão: Vậy thì nó có pháp Thân Hành Niệm ôm quét nó ra. Con sẽ dùng cái pháp Thân Hành Niệm đó con quét ra thôi. Rồi nó tỉnh rồi thì bắt đầu tu lại Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác như cái thời khóa tu tập của thời đức Phật.

Phật tử 7: Dạ, con cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Ừm! Chứ đâu phải bỏ nó đâu. Đó là tập luyện nó như vậy để sau này mình sử dụng nó để phá cái chướng ngại của nó. Nó làm cho cái tâm mình nó không thanh thản, an lạc, vô sự, đó mấy con. Nó mất.

Còn con hỏi Thầy gì vậy con? Con hỏi đi con!

Phật tử 8: Dạ thưa Thầy! Hôm trước Thầy dạy con phương pháp đi kinh hành 20 bước hít thở 5 hơi, trong 30 phút. Vậy con có thể kéo dài thêm 1 tiếng được không Thầy?

Trưởng lão: Được chứ con! Cái đó nó bình thường, nó không sao đâu con, nó không sao. Nó không phải như pháp Thân Hành Niệm cho nên đi được.

Phật tử 8: Dạ, con hỏi Thầy thêm một câu nữa. Như trường hợp con tu về Định Niệm Hơi Thở hay là tu Xả.

Trưởng lão: À! Tuổi con bao lớn rồi, bây giờ 40 chưa?

Phật tử 8: Dạ hơn rồi!

Trưởng lão: À! Hơn rồi thì thôi, tu xả đi con, tu xả tâm. Để rồi Thầy sẽ dạy các pháp xả. Bởi vì Thầy nhắm cái tuổi của mấy con là cái pháp xả rồi. Còn chỉ một vài người nhỏ tuổi thôi, chứ còn hầu hết là mấy con xả tâm là nhiều nhất.

Để một vài người mà tuổi trẻ Thầy rèn luyện, để không sau thời gian là mấy con biết xả tâm không, chứ mấy con quên hơi thở mất đi. Để sau này cái hơi thở nó rất là đặc biệt lắm mấy con. Phải nhắm vào cái tuổi trẻ để giúp đỡ họ bằng cái phương pháp hơi thở, nó đối trị cái tâm sắc dục của mình. Bởi vậy nó hay lắm mấy con!

(46:46) Thầy biết mà, cái pháp này là nó mới đối trị được cái tâm đó. Mà tuổi trẻ mà không dạy thì cái chuyện này nguy hiểm. Thầy biết hết mà! Ông Phật ông dạy sao, tâm lý như thế nào Thầy biết. Tại sao La Hầu La ông dạy? Mà sao mấy ông già kia không dạy? Dù sao cơ thể người ta cũng suy yếu rồi, nó khác! Tất cả những cái này là tâm lý hết mấy con. Dạy phật pháp là đi vào tâm lý để cho chuyển biến thay đổi cả một cái đời sống của con người mà, đâu có phải dễ đâu!

Cho nên Thầy theo Phật mà Thầy dạy cho mấy con đúng không sai một pháp nào, không sai một cái người nào hết. Chứ Thầy biết tuổi trẻ mấy con là Thầy biết rồi. Về cái bệnh mà tâm sắc dục mấy con nặng lắm đó, chứ không phải dễ đâu! Vô đây tu chứ trời đất ơi! Nghĩa là ham tu chứ còn về cái tâm nó ghê lắm. Nếu mà không có phương pháp trị nó là mấy con ức chế là mấy con bị nó chứ không phải là không đâu. Cho nên Thầy biết lắm, chứ không phải không. Cho nên Thầy biết là phải dạy cái Định Niệm Hơi Thở này mới đối trị nó mới được.

Đó! Thôi bây giờ tới đây chấm dứt nghe mấy con. Rồi bắt đầu Thầy về mấy con. Thầy chào mấy con!

Phật tử: Chúng con cảm ơn Thầy.

Trưởng lão: Mấy con ráng tập tu, Thầy sẽ dẫn dắt tới nơi mấy con.

HẾT BĂNG