20081003 - ĐẠO PHẬT KHÔNG TÔN GIÁO- PHẬT TỬ TP HCM

20081003 - ĐẠO PHẬT KHÔNG TÔN GIÁO- PHẬT TỬ TP HCM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 03/10/2008

1- ĐƯỜNG LỐI TU TẬP CỦA ĐẠO PHẬT

(00:05) Phật tử 1: Thưa Thầy, xin phép tụi con được ghi âm lại thưa Thầy.

Thưa Thầy hôm nay, chúng con về đây có cái nhân duyên là anh Tài ở bên Cao Đài đó Thầy, anh ở ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng anh vô đây. Anh nghe con vô đây tu rồi, cho nên anh cũng muốn về đây thăm Tu viện, thăm Thầy, được Thầy chỉ dạy cho anh tu học đó thưa Thầy.

(00:41) Trưởng lão: Nhờ cái duyên. Nói chung là đối với Phật giáo thì cái tôn giáo nào cũng tốt hết mấy con. Bởi vì, đường lối của đạo Phật là cái nền đạo đức nhân bản, cái nền đạo đức của loài người. Cho nên bốn cái chân lý của đạo Phật, cái bài Pháp đầu tiên của đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như là nói bốn cái chân lý, bốn cái sự thật của kiếp người. Cho nên người có theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào thì nó cũng phải ở trong cái chân lý đó.

Cho nên vì vậy mà mình muốn thoát ra khỏi cái sự đau khổ của kiếp người thì phải đi vào con đường của đạo Phật chứ không có khác. Nghĩa là mình đi loành quành, dù phương pháp này, phương pháp kia nhưng cuối cùng cũng phải về cái đạo đức giải thoát đó, sống không làm khổ mình, không làm khổ người.

Mà không làm khổ mình, bây giờ thân mình đau thì mình phải đẩy lui được nó thì mình làm chủ được bệnh. Tâm mình phiền não giận hờn thì mình biết cách mình đẩy lui thì tâm hết giận hờn, thì đó là giải thoát chứ gì? Các con thấy không?

Đạo Phật là đạo của con người chứ không phải là đạo Phật chỉ riêng cho một tôn giáo của Phật giáo đâu.

Cho nên, các con ở bất cứ một tôn giáo nào mà đến với đạo Phật thì đạo Phật cũng xem là một con người đến với sự giải thoát mà thôi.

Cho nên bình tâm đừng có nghĩ rằng tôi đến với đạo Phật là tôi có lỗi với tôn giáo của tôi, không phải! Đạo Phật nó không phải có gì khác xa với nền đạo đức đâu. Không sao đâu! Cứ nỗ lực mà thực hiện, Thầy nói nó đơn giản lắm, pháp Phật là rất đơn giản!

Chỉ có điều mình có chịu khó mình nỗ lực mình tu hay không, mình có chịu bỏ xuống những cái ham muốn của mình không, chính những sự ham muốn nó đem đến sự đau khổ cho chính mình. Mà mình bỏ xuống mình thấy tất cả các pháp đều vô thường, hôm nay nó vậy chứ ngày mai nó thay đổi rồi, nó không còn nữa. Và thân này, tâm này một ngày rồi nó cũng mất, nó phải diệt, nó không còn gì hết!

(02:40) Cho nên chính vì vậy mà làm sao cho chúng ta đừng tiếp tục tương ưng tái sanh, chứ nếu không nó tương ưng thì cái sức hút của nó…​ đi tái sanh nó không phải là chúng ta muốn hay là có người nào đưa chúng ta tái sanh, mà cái sức hút. Con còn tham, sân, si, người khác còn tham, sân, si thì hai cái tham, sân, si nó phải hút nhau.

Cho nên con bỏ thân này mà tham, sân, si con còn, thì nó phải hút với tham, sân, si người khác mà làm người con họ, gọi là lực tương ưng. Các con thấy không?

Cho nên nó rất là khoa học, vì vậy mà chúng ta biết cách làm sao chúng ta tu tập, tu tập làm sao mà nó không còn tương ưng, nó không còn giống ai hết, mà nó giải thoát ngay liền. Ai cũng có một đời sống, nhưng chúng ta lại đem đời sống chúng ta vào cái đau khổ, như mình giận hờn, phiền não là đem đời sống vào đau khổ. Mình tham muốn cái này, tham muốn cái kia, đạt được thì nó vui có chút, mà không đạt được thì khổ đau. Đó! Thành ra mình tự mình đem đời sống của mình vào cái khổ.

Còn trái lại, đem đời sống của mình vào chỗ giải thoát, giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì không có tham, sân, si, không có ham muốn trong đó, nó là tâm vô lậu chứ không phải là hữu lậu, cho nên hoàn toàn nó giải thoát.

Mà chúng ta hiện giờ thì ai cũng biết, cũng có, tâm bất động mà, thanh thản ai cũng có thanh thản, thân tâm mình ngồi yên ổn, không có đau nhức, không có mệt mỏi, thì đó là an lạc. Ai cũng biết được thân an lạc, tâm thanh thản, mà bây giờ bảo vệ để giữ gìn nó được từ phút này, đến phút khác, từ giờ này đến giờ khác, từ ngày này qua ngày khác làm sao cho thời gian kéo dài được trạng thái bất động đó, thanh thản đó thì có phương pháp. Thì phương pháp đó thì Như Lý Tác Ý chứ gì, để bảo vệ, giữ gìn, để cuối cùng mình đẩy lui hết các chướng ngại pháp hết, thì còn lại có một cái đó là tâm bất động.

Thì cứu cánh của mình ở đó chứ chỗ nào. Mà chỗ đó thì không tương ứng với ai hết, vì nó không tham, sân, si cho nên không tương ưng ai hết, thì nó là giải thoát, nó không tái sanh nữa. Bị vì còn tương ưng thì còn tái sanh, còn giống nhau thì còn tái sanh, mà không giống nhau thì không tái sanh. Mà chỗ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự nó tương ưng với chư Phật, bị vì chư Phật tu thì hết tham, sân, si, mà hết tham, sân, si thì nó hoàn toàn nó không còn đau khổ. Bây giờ mình giữ được cái tâm đó thì mình phải tương ưng với chư Phật, cho nên mình vào Niết Bàn. Con thấy không? Đơn giản, quá đơn giản!

(05:16) Mà có gì đâu, Thầy nói thật sự có tu tập gì cực khổ đâu. Chỉ mình chịu khó buông xuống hết, đừng vì ăn, ngủ. Hễ buồn ngủ thì đứng dậy đi kinh hành cho nó đừng ngủ, mà khởi ý tham ăn thì mỗi ngày mình ăn một bữa ăn đủ rồi, cần gì phải ăn nhiều. Mình cứ nghĩ rằng ăn cho nó đủ, rồi ăn cho bổ thì nó mới mạnh khỏe. Thầy ăn một bữa, Thầy ăn rau cải, tương dưa, có gì đâu, mà vẫn mạnh khỏe!

Các con thấy nó đơn giản, quá đơn giản, tại vì mình tập cái thân mình nó quen ba bữa, bây giờ ăn một bữa thì bắt đầu nó sụt ký, mà nó sụt ký thì nó sẽ sanh bệnh, chứ không phải không. Nhưng mình tập từ từ đừng vội vàng, nghe người ta ăn một bữa cái mình cũng vội mình ăn một bữa thì không được.

Bây giờ đó, ăn ba bữa thì bắt đầu mình giảm lại đi, buổi chiều thôi mình còn uống nước đi, sáng mình ăn tiểu thực gì đó, rồi trưa mình ăn cơm, chiều uống nước. Sau đó mình thấy được rồi thì chiều không uống nước, sáng mình thay đổi mình uống một ly nước, sữa hay gì đó, rồi trưa ăn cơm. Lần lượt cơ thể nó quen đi, thì mình tập dần nó phải quen chứ gì, quen thì mình ăn ngày một bữa thấy lúc này khỏe rồi, giải thoát được hai bữa ăn. Các con thấy không?

Mình tập riếc chừng trong vòng 5 tháng, 6 tháng thì mình ăn một bữa được. Rồi cái nghị lực, cái ý chí của mình, mình cương quyết để tìm sự giải thoát thì nó có những cái khó khăn, mình thấy tất cả các pháp đều vô thường, cho mày chết đi chứ ở đó mày đói, thì nó qua con, nó qua rồi nó bình thường trở lại, nó không thấy còn đói bụng. Chứ nghe đói bụng, nghe nó run rồi, bắt sợ thì mấy con không có thắng được nó đâu. Cho nên chúng ta phải gan dạ một chút, chiến đấu!

(07:09) Cho nên một người khi mà cái thân cảm thọ mấy con, Thầy nói cái cảm thọ là cái khó chịu nhất của người ta! Nó đau nhức thường thì không nói gì, mà nó đau nhức xước quá, họ lăn lộn. Vậy mà một người tu sĩ đạo Phật họ thấy cái đau khổ đó với cái thân mà đang đau khổ đó là không phải của họ. Bởi vì thân mình cũng đâu phải của mình, mà cái cảm thọ này cũng đâu phải của mình, nó của nhân quả. Thì của nhân quả thì cứ đau, còn mình thì mình bất động tâm thôi, thì mình cứ bất động, còn nó thì nó làm gì nó làm, thì mình cứ ngồi sững nó đau gì thì đau đừng có nằm bò, đừng có lăn lộn, đừng có chạy đi uống thuốc, mặc nó!

Vậy chứ mà con không sợ nó lại lui con, nó đau một chút mà thấy coi bộ mình gan quá rồi, cái bắt đầu nó giảm xuống, nó bớt lần con. Kỳ vậy, bởi vậy nó vô thường con, mình không sợ nó thì nó thay đổi, nó thay đổi rồi nó hết nó không đau nữa, khỏi uống thuốc.

Thầy nói nội có cái gan thôi, thi gan với nghiệp lực, cái thân mình đau là cái nghiệp phải trả, mà giờ mình chuyển cái nghiệp bằng cái gan dạ của mình, thì nó tác động không được. Tức là, cái nghiệp của mình thay vì mình bị trả nghiệp, thì cái nghiệp đến mình coi thường quá, cho nên do đó mình không trả nghiệp, tâm mình bất động rồi, không có sợ nó rồi, cho nên cái nghiệp nó chuyển thay đổi liền tức khắc, thì các con thấy nó thay đổi. Như vậy, rõ ràng mình nói gan dạ, chứ sự thật ra mình đang ở trong cái pháp bất động tâm, không sợ nó.

Cho nên cái phương pháp bất động tâm thanh thản, an lạc, vô sự, có cái gì mà tác động được cái chỗ này, biết cái chỗ đó rồi, chân lý rồi, cái sự thật rồi, không còn cái chỗ nào khác, mà ôm chặt cái này thì không có cái gì mà tác động được hết.

(08:51) Cho nên Thầy nói là mấy con siêng năng, siêng năng bỏ xuống hết, đừng lo nghĩ gì. Bây giờ trong gia đình, ở đâu bất cứ mấy con tu cũng được, xin gia đình giúp đỡ cho một ngày một bữa cơm thôi, ăn để sống, sống để tu, chứ tôi không ăn nhiều nữa.

Bắt đầu bây giờ cứ suốt ngày đêm, thức đúng giờ mình cũng cho cái thời gian. Ví dụ như từ 10 giờ cho đến 2 giờ mình cho nó ngủ, sau đó mình cho 11 giờ cho đến 2 giờ đi ngủ, sau đó mình lần lượt mình đến 12 giờ cho đến 2 giờ đi ngủ thôi, còn có khoảng hai tiếng đồng hồ, không có cho nó ngủ nhiều nữa. Bắt đầu đó mình chiến thắng với cái thùy miên, cái hôn trầm, buồn ngủ của mình. Và cuối cùng mình cứ tỉnh táo thì xả tâm, tác ý, có niệm nào tác ý, không niệm nào ngồi bất động chơi.

(09:41) Như vậy là khoảng mấy con mà nỗ lực tu như vậy trong một tháng cho đến sáu tháng mấy con chứng đạo. Bởi vì nó chứng đạo đâu có phải chứng cái gì đâu, chứng cái chỗ tâm mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nó luôn luôn sống với mình cái trạng thái đó, thì thử hỏi còn cái đau khổ nào xen vô được không? Không phải là giải thoát sao?

Mà chính suốt 7 ngày đêm mà với cái trạng thái bất động đó, thì cái tâm vô lậu đó nó có cái lực của vô lậu, cái lực của cái tâm bất động đó, nó có cái lực. Cái lực của nó, đầu tiên thì nếu mà chúng ta kéo dài được cái trạng thái bất động đó trong một ngày, thì Thầy nói trong một giờ thôi, nó cũng sẽ xuất hiện được cái khinh an, nó làm chúng ta thấy ngồi an ổn, đó là Khinh an giác chi đó.

Mà nếu mà nó xuất hiện thêm một cái nữa là chúng ta tăng lên cái thời gian đó dài được 1 giờ rưỡi, 2 giờ thì nó sẽ Hỷ Giác Chi. Nó thấy một cái niềm vui mình sống cô đơn một mình mình mà nghe vui, mà lại có niềm hân hoan trong lòng của mình, thấy mình chiến thắng được cái thân của mình thật sự, nó làm cho mình có cái vui gọi là Hỷ Giác Chi.

Rồi Hỷ Giác Chi, rồi Trạch Pháp Giác Chi, rồi Định Giác Chi,…​ Tất cả mọi thứ của Giác Chi nó xuất hiện đủ Bảy Năng Lực Giác Chi. Khi mình kéo dài đúng bảy ngày là Bảy Năng Lực Giác Chi xuất hiện đủ. Bảy Năng Lực Giác Chi xuất hiện đủ tức là Tứ Thần Túc, bốn cái lực như Thần: Dục Như Ý Túc, Định Như Ý Túc, Tuệ Như Ý Túc. Tuệ là mình muốn hiểu biết cái gì, chỗ nào mình cũng hiểu biết hết.

Tinh Tấn Như Ý Túc, bây giờ nó siêng năng nó không có lười biếng, nó không còn thích nằm, thích ngủ nữa, tối ngày nó ngồi chơi mà nó tỉnh táo nó siêng năng lắm, gọi là Tinh Tấn Như Ý Túc.

Khi mà nó khởi sự có được Tinh Tấn Như Ý Túc rồi, con bây giờ nó không còn lười biếng, nó ngồi suốt ngày này qua ngày khác nó vẫn thích thú nó ngồi. Còn bây giờ ngồi hơi cái nó lười biếng nó muốn nằm mấy con, còn không là nó muốn đi chơi.

(11:45) Cho nên nó tu đơn giản lắm! Thầy nói nỗ lực tu không bao lâu, trong thời gian ngắn không bao lâu nữa. Từ một tháng, tháng thứ nhất cho đến tháng thứ bảy là chúng ta đã chứng đạo. “7 ngày, 7 tháng, 7 năm” mà, mình lấy cái mốc 7 tháng mình tu tập.

Còn từ hồi nào tới giờ mình chạy lăng xăng mình đi tìm pháp, cho suốt cái đời của mình tìm 7 năm mình may mình gặp được cái pháp, bây giờ tu thì chừng 7 tháng chứ bao nhiêu. Mà 7 tháng kéo dài suốt 7 ngày thì chứng đạo chứ có gì!

Mà không lẽ 7 tháng mình ngồi tu đuổi có những cái chướng ngại pháp ở trong thân, tâm mình để giữ cái tâm bất động không được sao? 7 tháng cũng lâu lắm chứ đâu phải, ngày nào tôi cũng ngồi rèn luyện nó, 7 tháng trôi qua là cái tâm tôi sẽ bất động đó. Thì thời gian mà tu có 7 tháng bất động, chưa được một năm mà giải thoát hoàn toàn, làm chủ được sự sống chết không phải hạnh phúc sao?

(12:39) Phải không, mấy con giờ muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, bởi nói Dục Như Ý Túc mà. Mà muốn chết thì mấy con sẽ dùng Định Như Ý Túc mấy con nhập Tứ Thánh Định thì tịnh chỉ hơi thở, thân này đâu còn thở được nữa sao? Mà không thở thì mấy con xả bỏ báu thân này thì người ta đem chôn quách cho rồi, đâu có gì đâu mà sợ!

Chứ đâu phải mình tự tử. Tại mình làm chủ, cái phương pháp đó là cách thức làm chủ cái thân, muốn chết tao cho mày chết chứ đừng nói chuyện. Còn đau bệnh thì đuổi nó chạy thôi, có gì đâu mấy con lo?!

Đối với một người tu rồi họ chỉ có tâm bất động. Họ ở trong tâm bất động đau nhức chỗ nào thì tâm bất động chỗ đó làm sao nó vô được? Mà nó vô không được thì phải hết đau chứ sao! Con thấy không, phải cụ thể, nó rõ ràng lắm!

Cho nên làm chủ bệnh mà làm chủ chết rồi, thì già nó làm sao mà nó lụm cụm được. Có phải không? Mấy con thấy đâu phải run run, rẩy rẩy đâu. Bệnh đau làm sao tới nó được, mấy con thấy không?

Còn đời sống của mình làm sao ai chửi mình giận nữa? Có gì đem lôi cuốn khêu gợi nó ham muốn được? Nó đâu có ham muốn nữa mấy con, nó không giận hờn, nó không ham muốn gì nữa hết, đem gì cho cũng không ham hết hà, vàng bạc gì đổ đống cũng không ham nữa, tôi chỉ biết có làm chủ thôi.

Cho nên cái đời sống vẫn làm chủ, bệnh đau làm chủ, tuổi già làm chủ, chết làm chủ. Sanh, già, bệnh, chết, là đủ rồi! Đạo Phật thì mục đích như vậy là mình tu, mà chỉ có giữ cái tâm bất động thôi, mà đạt được cái kết quả như vậy.

(14:06) Thầy nói chịu khó đi mấy con, mình không có lỗi với một cái tôn giáo nào hết. Bây giờ, bên Cao Đài hay Thiên Chúa, tất cả mọi cái tôn giáo, cứ đến đây Thầy dạy mà có lỗi với Chúa, có lỗi với tôn giáo của mình, không bao giờ có lỗi.

Ngầm tôi tu giải thoát mà! Chính bây giờ tôn giáo cũng mong cho tôi để giải thoát được lên cõi Thiên đàng, mà ngay bây giờ tôi đã ở cõi Thiên đàng rồi. Bởi vì tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự không phải là Thiên đàng sao? Chỗ đó giải thoát hoàn toàn, đâu còn tham, sân, si, phiền não nữa không phải là Thiên đàng sao?!

Sợ tâm mình chưa hết tham, sân, si, bây giờ cõi Thiên Đàng muốn rước mình người ta cũng không dám rước nữa, rước lên trển để chửi lộn sao? Con hiểu chưa?

Cho nên Thầy nói thật sự chỉ có tâm mình hết tham, sân, si rồi thì ở đâu người ta cũng muốn tới rước mình hết. Bởi vì mình là người quá yên ổn rồi, quá thanh tịnh rồi. Còn rước mấy cái ông mà ở thế gian này tham lam lên trển chắc đánh lộn chết, phải lập tòa án. Các con hiểu chưa?

Cho nên pháp của Phật thật sự nó thực tế lắm mấy con, ráng tu!

(15:12) Gặp Thầy là một cái may mắn, nhưng mấy con biết tại sao mấy con tu không được? Bao nhiêu cái nghiệp, bao nhiêu cái bổn phận, cái trách nhiệm làm người. Mấy con chưa vợ con thôi chứ mà có vợ con mấy con bỏ được không? Con có bây lớn đây mà đi vô tu Thầy cho à? Về nuôi cho nó lớn khôn đàng hoàng, rồi cha con dẫn nhau đi tu, chứ bây giờ còn nhỏ nó biết gì nó tu, phải không?

Rồi bây giờ vợ con, phải chuẩn bị cho nó có cái phương pháp tu chứ, cả vợ chồng đều tu hết chứ. Bây giờ ai đi tu trước nè, hai vợ chồng phân chia ra nè.

Trong kinh Phật có nhắc lại gia đình của ông Visakha, ông Visakha mới nói với bà vợ, nói: “Bây giờ đó, em hãy theo Phật tu trước, mình biết Phật rồi, con đường giải thoát là như vậy, thì phải chia nhau, anh là người đàn ông thì anh phải nuôi con, cho nên khi nào mà em tu xong rồi thì cha con của anh sẽ dẫn vào theo Phật tu luôn”. Thì thật sự bà theo Phật bà tu có một thời gian bà chứng quả A La Hán.

Do đó, sau khi bà về ông Visakha không tin, ông cật vấn, ông hỏi. Đâu bà trả lời ngay đó liền, thì ông đem cái câu trả lời của bà Visakha đến hỏi Phật. Phật nói nếu mà hỏi Phật Phật cũng chỉ trả lời như vậy thôi, không có gì khác. Do đó ông nói: “Bà này đã chứng A La Hán rồi, cho nên thôi bây giờ thì tôi sẽ giao lại nhà cửa cho bà con, và tất cả mọi vật chất thế gian này tôi đều trả hết, không còn. Cha con tôi dẫn nhau xin đến theo Phật tu”. Sau thời gian tu theo Phật, cha con chứng quả A La Hán hết. Cả một gia đình ông Visakha đều chứng đạo hết mấy con.

Như vậy mới được chứ! Chứ ai mà đâu có biết đạo Phật rồi cái: “Thôi bây giờ bà ở nhà bà coi con đi tôi đi tu” thì không được! Phải giải quyết con, cái đó là cách thức giải quyết.

(17:07) Thì sự tu tập của mấy con hiện bây giờ, thì nó còn vướng cha mẹ này kia chưa hiểu biết, thì cũng có cái sự chướng ngại, không có cho sợ con mình đi tu cực khổ chứ gì? Thì mấy con tìm mọi cách. Tu đâu có cực, ngồi không chơi chứ có làm cái gì cực, đâu phải mà cuốc đất cày ruộng đâu mà cực? Con hiểu không? Đâu phải luyện tập như yoga sao mà cực? Tới đây ngồi chơi chứ có làm thứ gì, rồi trưa cũng có cơm ăn có đâu chết đói đâu mà sợ. Rõ ràng! Tại con siêng năng hay không siêng năng thôi, mà siêng năng thì giải thoát mà không siêng năng thì sẽ không giải thoát thôi, có vậy thôi chứ không có gì hết!

(17:46) Cho nên Thầy nói: Cuộc đời này có gì đâu?! Mà nếu không tu thì uổng! Mà tu thì mình làm chủ, mà làm chủ được mấy con thấy Tuệ Như Ý Túc. Trời đất ơi! Bây giờ muốn biết cái gì ở vũ trụ này cái đầu của mấy con biết được không?

Thầy nói bây giờ cái kiếp trước mấy con biết mấy con là ai không? Coi như mấy con đâu có Tuệ Như Ý Túc. Còn Thầy có Tuệ Như Ý Túc, biết đời trước mình là ai. Có phải không? Mấy con thấy không? Nó như vậy, mình phải tu chứ! Tu để biết coi thử coi mình là ai, ở đâu đến đây, mình là con mèo con chó gì đây mà sanh vô làm người đây? Có phải không? Phải biết coi nó là ai mà sanh vô đây, nó ở đâu mà nó vô đây vầy?

Cho nên người ta cứ đặt câu hỏi, “con người từ đâu sinh ra, rồi chết đi về đâu?”. Người ta đặt câu hỏi mà không trả lời được. Còn Thầy khỏi cần đặt câu hỏi, muốn biết thì nhìn qua cái biết chứ sao! Còn không biết thì phải tập, tập để khai triển cái đầu của mình.

Con mắt này nó có cái phần tế bào làm việc của ý thức. Cho nên hôm nay mấy con nhìn thấy Thầy, gương mặt như thế này là bằng ý thức, bằng cái tế bào hoạt động của mắt của mấy con. Nhưng mà mấy con muốn nhìn thấy được cái đời trước của mấy con thì cái số tế bào mà hoạt động mắt của mấy con với cái ý thức này nó dừng lại, để một số tế bào khác ở trên đầu của mấy con nó hoạt động, cái đó gọi là Tuệ Như Ý Túc mấy con.

Cũng con mắt này mà người ta thấy được, cách vách kia kín vậy, mà người ta đứng nhìn suốt qua vách bên kia người ta thấy cái gì ở bển. Còn mấy con nhìn không được, tức là mấy con đâu có Tuệ Như Ý Túc. Các con hiểu không? Mà tại sao cũng trong cái đầu của người ta làm được, cái đầu của mấy con cũng có chứ bộ, Thầy có cái đầu mấy con không có hả? Tại sao các con làm không được? Tại vì mấy con không chịu tu, mà tu thì đâu khó gì!

(19:34) Bởi vì mấy con biết, cái đầu của mấy con hiện bây giờ nó bị năm cái màn ngăn che, mà đức Phật gọi là cái tên của danh từ trong kinh điển Phật gọi là Ngũ triền cái. Triền cái có nghĩa là màn che, mà tham, sân, si, mạn, nghi là nó che khuất. Cho nên mấy con muốn nó thấy cái gì cũng không được hết. Chỉ bây giờ nhìn trước mặt là thấy, chứ cách vách qua bên kia không thấy là tại vì nó che khuất đi.

Mà nó che khuất cho nên mấy con mới có tham, mới có sân, các con hiểu không? Chứ còn cỡ không che khuất ai mà tham, sân làm chi cho cực, cho khổ?! Sân sướng lắm sao? Giận đùng đùng lên mà, phải không? Mà tại vì nó che khuất cho nên mình mới sân. Các con hiểu chưa?

Cho nên bây giờ mình vét cho sạch cái màn tham, sân, si này ra thì cái gì mấy con cũng thấy hết. Mà muốn vét, thì tức là có pháp Như Lý Tác Ý hàng ngày đẩy lui tất cả những chướng ngại pháp, giữ lại cái tâm bất động. Mà khi bất động rồi thì nó đâu làm sao ngăn che được. Mà không ngăn che được thì nhìn chỗ nào lại không thấy! Không phải sướng sao?

Trời đất ơi! Cũng cái đầu này mà bây giờ mình bất động thì nó bắt đầu hoạt động theo kiểu mình muốn, phải không? Nó cũng lăn tăn, nó cũng linh tinh, nó cũng hoạt động ở trong đó, mà mình điều khiển được cái đầu của mình. Bây giờ tao muốn cái đó mày phải thấy, thì cũng con mắt này nó thấy khác, nó không thấy như mấy con hiện giờ.

(20:56) Thì mấy con phải ráng tu đi! Thầy nói ra những cái điều này để khích lệ và sách tấn mấy con. Chứ thật sự mình cũng không muốn ngồi đây mà nhìn vũ trụ để làm gì. Ngồi bất động không phải sướng sao? Cần gì phải nhìn vũ trụ cho mất công. Đi tìm chi mà những hành tinh có người sống, có người chết trên đó làm gì cho cực? Làm như các nhà khoa học làm chi cho tốn hao? Có phải không?

Cỡ bây giờ có hành tinh nào có cái sự sống trên đó, có con người trên đó, rồi mình làm cái gì trên đó? Hay mình đến đó mình chiếm nước người ta? Có phải không?

Cho nên mình ngồi để bất động là đủ rồi mấy con, thế là đủ rồi, cái chỗ giải thoát của mấy con từng phút từng giây. Mà giờ ngày nào, tháng nào, năm nào cũng bất động hết. Ai chửi không giận, ai làm gì cũng…​ đau bệnh trong thân, nghiệp đến thì đẩy lui ra khỏi thân, ngồi không đau không ốm, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là hạnh phúc lớn nhất của đời người rồi!

Thầy nói sinh ra được con người mà được Phật pháp như thế này thì hạnh phúc quá, không còn ai mà đem cái gì đổi mình đổi đâu!

(22:03) Thầy nói bây giờ đem hàng tỷ bạc đổi Thầy Thầy không đổi đâu, mấy người đem về đi. Thầy mà có hàng tỷ bạc chắc chắn Thầy ngủ không yên đâu. Con biết sao không? Sợ người ta lấy! Có đúng không mấy con? Đâu có yên!

Còn giờ không có đồng nào, có bữa cơm ăn đủ rồi. Đó là giải thoát của mình chứ sao, mấy con thấy không? Khỏe, không có lo gì hết!

Mà lại không vợ không con không ai đòi hỏi. Chứ có con: “Ba cho con đồng bạc đi học”, trời ơi, móc túi cho cũng cực! Còn giờ không có gì hết, đây, ai đòi? Mấy con thấy chưa? Thiệt là giải thoát! Vậy mà không tu vậy còn tu cái gì nữa đây?!

(22:44) Mà tu đâu có phải là làm cái gì cực khổ đâu! Thầy nói đâu có phải luyện tập cái gì mà như mấy cái phương pháp thiền Yoga, thiền xuất hồn đồ…​ phải tập luyện, rồi phải ức chế tâm thân, phải ngồi cho đau chân, tê chân. Còn Thầy ngồi chơi vầy, hễ mà nó mỏi Thầy đứng dậy Thầy đi, đi đã rồi Thầy thấy nó chưa mỏi chân cái Thầy nói: Bây giờ ngồi nghỉ chơi cho khỏe, đâu có đi nữa. Thầy hoàn toàn Thầy thấy giải thoát, không có chướng ngại gì trên thân của Thầy được. Tu như vậy không phải khỏe sao? Có luyện tập, có co tay, giật tay, giật chân gì đâu!

Mà bệnh cũng không có bệnh. Còn mấy người buổi sáng đi ra giật tay, giật chân đi bộ gần chết! Tưởng là trị bệnh, mai mốt cũng bệnh chứ làm cái gì trật! Còn đi thì nó khỏe khỏe đó chứ nó già chút nữa chưa chắc đã đi nổi á, nó sẽ chết chứ.

Thầy nói không có phương pháp nào bằng phương pháp Phật. Bởi vì muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào sống. Đó là cái làm chủ cái sự sống chết rồi.

Còn bây giờ có đi tập luyện thể thao thể dục, có làm chủ được không? Các con thấy họ tập cực khổ chứ đâu phải không cực khổ đâu, mắc mớ gì sáng ra quơ tay, quơ chân để cho cơ bắp cho nó vận động chứ gì? Cho nó khỏe một chút trong thời nó còn tuổi trẻ. Chứ già rồi cơ bắp lần nó teo rồi bây giờ có luyện thì cũng teo vô hết. Các con hiểu chưa?

2- ĂN CHAY VẪN ĐỦ CHẤT BỔ

(24:05) Thầy nói thật sự ra mình hay sinh chuyện, mà mình không giữ được cái tâm bất động. Còn trái lại mình có tập luyện gì mà tâm mình không bất động thì nay đòi ăn cái này, mai đòi ăn…​ tập riết rồi bắt đầu bây giờ nó đòi hỏi ăn mới nhiều á chứ. Có phải mấy người tập thể thao, luyện võ họ ăn dữ lắm mấy con!

Nói ăn khỏe, ăn nhiều khỏe, sự thật, ăn nhiều mau chết. Huân ba cái đồ độc vô, ba cái đồ ác vô. Bởi vì cứ nghĩ rằng mình phải ăn thịt chúng sanh nó mới đầy đủ chất bổ, còn ăn rau cải không đầy đủ chất bổ. Cho nên cứ ăn cho nhiều, tạo cái duyên ác vào cái thân, nó mập hồi đó chứ nó bệnh hồi đó chứ nó không phải dễ đâu! Các con hiểu không?

Đó là một cái nhân quả mà, cái cuộc sống của chúng ta hoàn toàn nó nằm ở trong sự nhân quả chi phối mà. Hễ mình tham dục cái nào thì mình sẽ bị ảnh hưởng cái đó, bị ảnh hưởng cái quả đó, chứ đâu phải không.

(25:01) Cho nên trong cái cuộc đời tu hành, chỉ ăn ngày một bữa, không giết hại chúng sanh, ăn rau cỏ, mình biến thành con bò ăn cỏ, khỏi cần! Đói ra ngoài đồng kia hái một mớ cỏ ăn rồi vô ngồi chơi. Cái này giải thoát hoàn toàn. Mà làm sao ăn hết cỏ mấy con? Cỏ hết hái lá cây rừng ăn. Tu hành giải thoát!

Mà càng hái lá cây lại càng ra lá non nữa, ăn lại còn tốt nữa chứ. Mà cây không chết, mà mình lại có thực phẩm. Có phải không, mấy con thấy không? Phải khỏe không?

Còn chi phải nấu nướng làm cái này, cái kia. Ăn ngon cái miệng rồi nuốt vô khỏi cổ rồi đồ bất tịnh cũng ra đồ bất tịnh. Phải không, mấy con thấy không? Nhai trong miệng rồi nhổ ra người ta cũng thấy gớm rồi chứ chưa nói đã nuốt. Có đúng không?

Mà mấy con cứ nghĩ con bò con trâu nó ăn cỏ, nó bổ nó mập nó đi kéo cày cũng mạnh khỏe chứ đâu phải nó ăn rau mà yếu. Mấy người tưởng á, tại mấy người tưởng!

Cho nên nói con người mình nếu mà lao động nặng mà ăn chay thì chắc làm không nổi. Thì thử hỏi con bò, con trâu nó cày nó không nổi, nó kéo cày sao nổi? Nó còn nặng hơn gì!

Không, mình đem những cái ví dụ, còn nói cỏ không bổ, sao lại sữa bò mình lại uống mình nói bổ? Nó ở đâu mà ra cái bổ đó? Không phải cỏ sao? Mấy người lý luận không đúng đó!

3- THẦY SOẠN SÁCH ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN- NHÂN QUẢ GIÚP MỌI NGƯỜI

(26:30) Cho nên đối với Thầy thì đơn giản lắm, sống khỏe thôi. Thầy bây giờ Thầy khỏe lắm, không lo gì nữa hết. Bây giờ chỉ còn tội, tội là thương chúng sanh, sống không có đạo đức, tự làm khổ mình khổ người.

Cho nên Thầy cố gắng soạn cái bộ sách đạo đức nhân bản, tức là năm giới luật của Phật thôi, viết thành cái bộ sách này lưu lại cho đời sau. May mắn gặp được cái chương trình giáo dục - đào tạo của Nhà nước, bộ Giáo dục họ đem cái bộ sách này họ viết thành sách Giáo khoa để cho các em từ Tiểu học, Trung học, Đại học nó sẽ học được đạo đức, nó xây dựng được quê hương xứ sở nó, mọi người sống được đạo đức là hạnh phúc chung cho đất nước đó.

Còn nếu không có duyên thì thôi mấy người không soạn thì các em nó sẽ trụy lạc, nó đồi trụy, tệ nạn xã hội nó rẫy đầy ra mấy người mới chịu đó. Thì cái người lãnh đạo đất nước phải chịu chứ sao. Đất nước mà nhiều tệ nạn xã hội, cướp bóc này kia thì Nhà nước phải lo chứ. Con thấy không? Cái đó là cái đau đầu nhất trong cái giai đoạn xã hội chứ.

Gì mà, trời đất ơi! Thanh niên nhóc nhóc, nhỏ nhỏ vầy mà đi cướp giật người ta. Ghê gớm vậy! Đó là một cái đau, cái đau của đất nước. Mà có dựng lại một cái nền đạo đức, các em nó không có làm điều đó đâu mấy con, nó đã hiểu biết cái trách nhiệm, bổn phận. Và từng đó nó thành một cái thói quen. Cái thói quen không có dục lạc, không có chạy theo vật chất, cho nên nó đâu có tham muốn nữa.

Còn bây giờ ăn chơi mà làm sao nó không tham muốn? Không có tiền thì buộc nó đi ăn trộm nhà nó không được nữa thì nó phải đi cướp người ta chứ sao!

4- GIẢI THOÁT LÀ ĐỀN ĐÁP CÔNG ƠN THẦY

(28:14) À, rồi bây giờ có gì không con?

Thôi bây giờ Thầy gặp mấy con, Thầy nói ráng tu tập con! Về đây thì xin cô Út một số sách, rồi đọc. Cái gì không hiểu Thầy sẽ dạy cho con. Rồi khi nào có dịp con lên đây ở một tuần, hai tuần, xin một cái thất rồi Thầy về Thầy dạy cách thức để cho mình xả tâm.

Phật tử Tài: Dạ. Hôm nay có duyên gặp Thầy chỉ dạy Phật pháp. Xin cảm tạ công đức của Thầy!

Trưởng lão: Không có gì đâu con! Ráng tu là đền đáp cái công ơn của Thầy con. Con giải thoát được một phút là đền đáp Thầy một phút, mà một giờ là đền đáp cái công ơn của Thầy một giờ. Bởi vì con giải thoát là mới không phụ lòng Thầy. Thầy chỉ mong mấy con được giải thoát như vậy đó. Các con hiểu chưa?

Thôi bây giờ Thầy về con.

5- PHẬT TỬ XIN THẦY CHO LÀM SÁCH NÓI

(29:08) Phật tử 1: Dạ kính bạch Thầy! Thầy cho con xin phép được hỏi mấy câu hỏi ngày hôm nay á thưa Thầy.

Trưởng lão: Vậy hả? Rồi rồi để hỏi đi con.

Phật tử 1: Dạ thưa Thầy, thứ nhất ấy là hôm nay dẫn cái huynh Tài tới đây, thì huynh đó cũng có ý là, tại vì con có xin qua ý kiến cô Út là xin Thầy cho đọc cái sách của Thầy lưu vô Mp3 đó Thầy, cho người ta nghe. Có một số vị người ta không có điều kiện được đọc đó Thầy, cho nên anh thì anh cũng có cái giọng đọc cũng tình cảm.

Trưởng lão: Tốt hả? Ờ thôi được rồi, được chứ đâu có gì đâu, để có nhiều người người ta nghe thôi. Thì mình được thu vào cái băng hay hoặc cái gì đó để mình phát âm ra người ta nghe, để người ta hiểu được cái đường lối của đạo Phật. Điều đó là điều tốt con, mấy con phát tâm vậy là tốt lắm con!

Phật tử 1: Dạ mong Thầy chứng minh cho anh em tụi con làm được cái việc này.

Trưởng lão: Được rồi mấy con cứ làm. Cố gắng ráng đọc, đọc cho rõ nha, đọc lờ mờ là bị đòn đó!

6- NÊN SỐNG CÙNG NGƯỜI GIỮ GIỚI

(30:09) Phật tử 1: Dạ thưa Thầy, kế đến Thầy cho con hỏi nữa là, như con giờ con đang học ở trong Đại học Vạn Hạnh đó thưa Thầy. Thì có mấy Thầy ở trong đó, có ba vị hiện tại người ta có chỗ ở nhưng mà cái chỗ ở họ không thích nghi được đó thưa Thầy. Họ muốn xin về ở với con. Trong đó hai vị, hai vị thì trước đây cũng bên Tịnh Độ, họ cũng tu mà họ cũng uống rượu bia đó Thầy, cái con không đồng ý cho nên họ ra đi, họ đi về chỗ cũ ở. Bây giờ chỗ đó người ta lấy lại, bây giờ họ muốn xin về chỗ con ở.

Rồi một vị, thì cái vị đó con cũng chưa biết sao, nhưng mà thường hay đi đá banh, lâu lâu tuần hai lần đi đá banh, cũng muốn xin tới chỗ con ở. Rồi một vị cư sĩ là cháu của sư ở bên Tịnh xá trung tâm khất sĩ Giác Toàn thưa Thầy, sư muốn gửi cháu của sư ở chung với con. Thì con thấy mọi việc làm phước thì cũng tốt, nhưng mà mấy việc đó con không biết là con có làm được hay không? Nay con xin Thầy chỉ dạy cho con!

Trưởng lão: À, bây giờ đó, trước khi mình muốn nhận vào thì mình phải có cái điều kiện bắt buộc họ. Chứ không khéo họ ở chung mình rồi nhậu nhẹt rồi đi chơi đá banh đồ, mà mặc chiếc áo tu sĩ thì nó mang tiếng ghê gớm lắm con! Mang tiếng cái chỗ ở của con nó không tốt.

Cho nên mình đặt ra cái điều kiện, bây giờ ở chỗ tôi thì phải như vậy vậy, chứ mà nếu khác thì không được. Tôi muốn sao nó đúng cái giới luật, cái Phật dạy thì nó mới tốt đẹp được. Chứ còn nếu vậy thì nó ảnh hưởng chung với nhau, một người làm xấu bao nhiêu người khác nó bị ảnh hưởng.

Ví dụ bây giờ ở trong chỗ con, người ta cũng nghĩ con như vậy thôi, con hiểu không? Cái giá trị của con người mình đừng để làm mất con. Mà giờ mấy người này vô ở họ làm mất giá trị chung cả mình luôn đó.

Cho nên mình đặt trước, đồng ý thì vào đây đàng hoàng, còn không đồng ý thì thôi, ngay từ lúc đầu. Mất lòng trước được lòng sau, cứ chắc ăn vậy thôi con. Chứ không lẽ là mình phụ lòng mấy người kia. Mình không phụ lòng, nhưng mà buộc khi mà ở chung nhau là phải giữ gìn cái nề nếp cho nó có kỷ cương đàng hoàng. Bởi vì nói chung mình sống chung nhau trong một ngôi nhà thì nó phải có cái kỷ luật chứ, để không người này xấu thì nó ảnh hưởng cho đến người khác. Đó! Thầy khuyên con như vậy. Mình phải mạnh mẽ nói đi con, đừng có yếu đuối, tùy thuận quá rồi cái bắt đầu ác pháp nó tràn lang.

(32:38) Phật tử 1: Dạ! Thưa Thầy còn cái vị cư sĩ đó Thầy, cháu của cái ông sư cũng muốn xin ở với con đó Thầy, để đi học đó Thầy.

Trưởng lão: À, cũng được! Nhưng mà có cái điều kiện là cũng phải giao kỹ đàng hoàng. Đã là cư sĩ, đã là cháu của một vị sư, thì ít ra mình cũng phải nghiêm chỉnh hẳn hòi chứ mà bê bối là không được đó. Ở chỗ tôi ở thì phải đàng hoàng, chứ mà vô đây nói cư sĩ rồi mình đi học, rồi mình cặp bè, cặp bạn rồi rượu chè này kia đồ thì không được, trai gái đồ không có được. Phải hẳn hòi hoàn toàn! Thà là ở chỗ nào thì thôi, chứ còn ở chỗ tôi thì …​, mình nói trước con. Như vậy là mình không có bị mất lòng, không có tự ái.

7- BĂNG ĐĨA KHÔNG NÊN THÊM NHẠC

(33:19) Phật tử 1: Dạ! Thưa Thầy, toàn thể tụi con có xin phép Thầy để làm băng đĩa của Thầy đó Thầy. Thì có cái băng đĩa là tụi con cũng quay nhưng mà cái khúc cuối hết là để hết không à. Anh Nam anh hết là để hết không, làm vậy con thấy trơ trẽn quá, rồi khúc đầu thì thấy anh lồng nhạc giới thiệu sơ sơ con thấy cũng được, nhưng khúc sau thấy vậy trơ trẽn quá. Xin Thầy cho tụi con ý kiến để tụi con làm sao cho nó dễ nhìn, dễ nghe đó Thầy.

Trưởng lão: À, bắt đầu bây giờ mình băng đĩa mà hình ảnh, thì tức là mình phải thêm những cái cảnh nào đó, để không nó trơ trẽn quá một khúc bỏ trống vậy đâu có được!

Mình phải tìm mọi cái hình ảnh, ví dụ như về Tu viện mình sẽ thu một số hình ảnh mấy con, rồi phải tìm những cái hình ảnh tu tập của quý sư, quý thầy nữa, những cái thất, những cái này kia đó. Tuy là mình không động họ nhưng mình cố gắng mình quay, hoặc là những hình ảnh đi khất thực hay này kia đó. Mình quay những cái hình ảnh đó mình đưa vào thì cái băng đĩa của mình nó tròn đủ, nó thừa một đoạn thì nó cũng phí uổng lắm!

(34:32) Phật tử 1: Dạ! Con vừa rồi thì con cũng có nói với anh Nam là cái khúc cuối mình thêm vô một ít nhạc á Thầy, để tổng kết á Thầy, hòa tấu hay gì cũng được cho nó nhẹ nhẹ để mình báo hết, chứ không cắt hết thấy nó làm sao ấy. Thưa Thầy thấy vậy có được không Thầy?

Trưởng lão: Phải chọn lựa, nhạc thì phải chọn lựa con. Cho nó đàng hoàng. Chứ không khéo đó, Thầy tránh về cái vấn đề mà âm nhạc lắm đó. Bởi vì trong cái giới luật của Phật đó, không nghe ca hát mà không ca hát nữa. Sau này cái tập Quy y của Thầy đưa ra đó, thì Thầy có giải thích cái lý do mà tại sao chúng ta lại không ca hát, mà không nghe ca hát, cái lý do nào? Giải thích ra cái điều đó rất rõ! Nó đưa đến cái tâm của chúng ta như thế nào? Nó ảnh hưởng như thế nào trong cái cuộc đời tu tập của chúng ta?

Phật tử 1: Dạ, nếu vậy thì mình khỏi để nhạc mà mình để một cái câu gì có ý nghĩa Thầy ha?

Trưởng lão: Câu gì có ý nghĩa là được, câu pháp cú hay gì đó con.

8- NGUỒN GỐC CỦA TỪ “CHƠN NHƯ”

(35:35) Phật tử 1: Dạ! Thưa Thầy, hồi đó giờ tụi con tới Tu viện nhưng mà con cũng chưa hiểu cái từ Chơn Như của mình ở đây là mục đích của Thầy muốn hướng, hay sự ý nghĩa của Chơn Như á Thầy?

Trưởng lão: À! Coi như là Chơn Như này từ gốc Chơn Không của Hòa thượng Thanh Từ.

Cho nên khi mà Thầy ra ngoài Phước Hải ấy, mà Hòa thượng đã nhận đất của Phật tử cúng dường đó, mới giao lại cho Thầy, Hòa thượng Thanh Từ đó, mới giao lại cho Thầy thì Hòa thượng lấy cái tên của Thầy, đặt là Chơn Lạc. Rồi khi mà Thầy trở về Trảng Bàng thì Hòa thượng nói: “Thôi! Bây giờ Chơn Lạc không xong thì mình phải về Chơn Như cho nó xong”. Nên Thầy về đây, tức là những cái tên này hoàn toàn từ cái gốc của Chơn Không con, cái Chơn đó. Chứ Thầy không có đặt cái gì hết hà, do Hòa thượng.

Bởi vì khi mà Thầy theo Hòa thượng Thầy tu đó, thì Hòa thượng coi như là có một cái sự giúp đỡ Thầy rất lớn. Từ Phật tử cúng dường, Hòa thượng không giao người khác mà giao đất cho Thầy. Rồi đặt tên cho Thầy luôn cái khu ở ngoài Phước Hải, Chơn Lạc ở ngoài Phước Hải. Rồi khi mà Thầy về Trảng Bàng Thầy sửa sang cái chùa Am ở đây, thì Hòa thượng đặt cho cái chùa này, gọi là Tu viện Chơn Như, cũng cho cái tên. Tình nghĩa Thầy trò thật rất là khắng khít, ở trong cái tình nghĩa đó qua những cái tên của những nơi mà Thầy đến, Thầy xây dựng.

(37:02) Còn từ đây về sau thì Thầy không có đặt cái tên đó nữa, mà Trung tâm an dưỡng từ thiện, rồi cái chữ “Chơn Lạc” luôn luôn lúc nào nó cũng kèm theo, đó là cái danh từ đầu tiên của Hòa thượng đặt cho cái khu đất mà ở ngoài Phước Hải.

Cho nên bây giờ ở chỗ nào đó, ví dụ như bây giờ Trung tâm an dưỡng từ thiện Chơn Lạc Hà Nội thì lấy cái tên Hà Nội vô để cho biết cái địa điểm đó là ở Hà Nội, mà ở Ninh Bình thì để cái tên Ninh Bình. Còn ở đây là cái Tu viện thôi, để Tu viện. Chứ ở đây không thể nào mà gọi là Trung tâm an dưỡng được.

Kia là an dưỡng, an dưỡng thì nó có nhiều thành phần trong đó, có nhiều khu. Bị vì, Thầy biến từ cái chùa cho nó trở thành cái khu an dưỡng mấy con, không phải để chùa nữa. Cái chùa để thờ cúng, còn cái Trung tâm an dưỡng thì nó chỉ nơi an dưỡng cho người ta về người ta học, người ta tu tập, người ta an dưỡng chứ không phải là đến đó gõ mõ tụng kinh, nó khác rồi.

9- NGỒI THIỀN KHÔNG CẦN BỒ ĐOÀN, TỌA CỤ

(38:06) Phật tử 1: Dạ thưa Thầy, Thầy cho con hỏi, sao thấy ở mình thì ngồi thiền không có bồ đoàn, tọa cụ mà thấy ở những Thiền viện khác thì ngồi bồ đoàn, tọa cụ. Vậy thời đức Phật ngồi thì có bồ đoàn, tọa cụ hay không thưa Thầy?

Trưởng lão: Không con! Phật ngồi hồi đó đâu có tọa cụ, ai may cho? Phải không? Rõ ràng là bất quá có ấy thì lấy rơm, cỏ mà trải lên mà ngồi thôi, chứ đâu có. Mà sự thật ra rơm cỏ nó xót mấy con, ngồi trên tảng đá mát mẻ hết sức, thì cần gì phải bồ đoàn, tọa cụ?! Ngồi quen rồi ngồi sao ngồi trên vậy cũng êm nữa mấy con. Tại vì mình không quen, mà tập cho nó thành thói quen nó cực lắm. Đi đâu cũng phải mang tọa cụ, bồ đoàn. Ôi thôi, giải thoát gì mà coi khổ quá vậy nè?! Ba y một bát mang còn muốn cũng không nổi, bây giờ còn thêm tọa cụ, bồ đoàn nữa, con hiểu chưa?

Bớt cái nào được là giải thoát được phần nấy mấy con. Cho nên ở đây Thầy tu tập thì cứ ngồi thiền là cứ ngồi chỗ nào muốn ngồi cũng được, không cần phải trãi làm chi cái miếng vải, mai mốt dơ cũng mất công giặt. Còn mình ngồi rồi đứng dậy đi, khỏi giặt gì hết!

Thầy nói miếng vải thôi đó, còn thêm cái bồ đoàn là cái gối để kê mông của mình đó. Trời ơi, chi cho nó cực vậy? Thôi, dẹp! Ba cái này Thầy dẹp hết!

Bắt chước Thầy sống đâu chỗ nào cũng được hết. Lên tảng đá chỗ nào bằng phẳng thì ngồi trên tảng đá tu tập, chỉ nhiếp tâm chứ ai bảo mình lo cái chuyện ngồi? Mà nhiếp tâm được thì ngồi bao lâu lại không được, mà nhiếp tâm không được bây giờ ngồi êm bao nhiêu đi nữa nó cũng đau nhức hà mấy con.

Tại vì đó, cái cách thức mà ngồi tọa cụ, bồ đoàn là chạy theo dục. Thầy nói chạy theo dục đó, ngồi cho êm. Nhà giàu phải ngủ nệm nữa, đúng không? Bây giờ mình ngồi thiền cũng là tọa cụ, bồ đoàn để ngồi cho êm chứ gì? Kiểu đó là cũng kiểu dục, đây là Thiền sư giàu chứ không phải Thiền sư nghèo, không phải là Thiền sư giải thoát. Thiền sư …​ nhiều chuyện quá!

10- TƯỢNG VÀ HÌNH ẢNH TRƯNG BÀY TRONG TU VIỆN

(40:05) Phật tử 1: Dạ! Kính bạch Thầy, con tới cái chánh điện mình nhiều lần nhưng con không biết hai vị đứng hai bên đức Phật đó thưa Thầy, với lại cái vị ngồi đây là ai? Xin Thầy hoan hỉ Thầy chỉ dạy cho chúng con.

Trưởng lão: À, cái vị giữa đó là đức Phật Thích Ca, còn hai vị ở hai bên là A-nan, Ca-diếp. Ông A-nan một bên, ông Ca-diếp một bên.

Phật tử 1: A-nan là cầm cái cây thưa Thầy?

Trưởng lão: Ờ! Ông Ca-diếp một bên.

Phật tử 1: Còn cái vị ở đây là ai thưa Thầy?

Trưởng lão: Cái vị nào? À! Đó là Tổ Tuyết Sơn con. Trong giai đoạn đức Phật Thích Ca mà tu khổ hạnh trên núi tuyết, gọi là Tổ Tuyết Sơn, tức là đức Phật Thích Ca đó, mà trong lúc khổ hạnh đó.

Cho nên, ông già ông ốm ông chống gậy ông đi đó, chứ ông đi không nổi! Còn trẻ, mà tu quá khổ hạnh, giống như ông già, các hiểu không? Bị vì ăn ít quá rồi, khổ hạnh lục niên, khổ hạnh Thích Ca Tôn mà, sáu năm khổ hạnh chứ đâu phải ít! Cho nên còn thanh niên chứ đi ra giống ông già.

(41:04) Phật tử 1: Thưa Thầy, con có ý ở đây con thấy Tu viện mình bày kế cái này, đức Hồ Chí Minh á Thầy, nhà khách mình mà con thấy để hình vậy không biết làm sao?

Trưởng lão: À, thôi bây giờ thật sự ra thì đây là nhà khách của mình thôi, đừng có để hình Phật, đừng có để hình gì hết. Bị vì, đối với đất nước của mình thì ai cũng để hình Bác Hồ. Để cho Bác Hồ bảo vệ yên ổn chứ mấy con dẹp Bác Hồ là mấy con không yên á chứ!

Phật tử 1: Dạ, con hiểu ý Thầy ạ. Dạ, bây giờ con xong rồi, hôm nay là ngày, bạn của con mẹ nó bị bệnh gửi đến cúng dường Thầy, mong Thầy chứng minh.

Trưởng lão: Rồi, rồi Thầy chứng minh, rồi sau này Thầy gửi lại cô Út lo cho chư Tăng ở đây. Rồi thì bệnh của mẹ của bạn con sẽ giảm hết đi, không còn đau nữa đâu mà sợ!

Phật tử 1: Dạ cám ơn Thầy.

Trưởng lão: Thôi bây giờ Thầy chuẩn bị Thầy ra.

Phật tử 1: Dạ! Con mong Thầy chứng minh cho con từ nay đến năm 30 tuổi con dứt được cái nghiệp chướng của con, con xuất gia tu hành.

Trưởng lão: Rồi rồi xuất gia tu hành con, ráng cố gắng con! Bởi vì chuẩn bị thì phải có ngày, có ngày tu thôi.

Phật tử 1: Dạ, con nguyện tới 30 mươi tuổi thưa Thầy.

Trưởng lão: Rồi được rồi, chưa chết đâu mà sợ! Thôi bây giờ Thầy về con.

Phật tử 2: Chú Thiện mời chú Tâm với các chú xuống dùng cơm nhá!

HẾT BĂNG