Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 2007
Thời lượng băng: [54:10]
(0:00) Trưởng lão: Cái lớp của chúng ta là cái lớp…( nghe không rõ ) mà hầu như là Thầy đã tuyên bố mà mọi người đều không tin, Thầy biết mọi người không tin. Thầy muốn cái lớp này là lớp đào tạo người tu chứng quả A La Hán, nhưng mọi người đều không tin lắm, bán tín bán nghi. Do không tin thì các con sẽ không bao giờ chứng quả A La Hán, bởi vì tại sao?
Thầy xin nhắc lại, hôm nay ở đây là cái lớp của Thầy đã chọn được mười người nữ, mười người nam, còn những người mới vào sau đều là dự khuyết chớ không có được chính thức vào. Nhưng trong cái số mười người mà Thầy đã chọn, bán tín bán nghi không tin lời Thầy. Cho nên vì vậy mà như thế nào thì quý vị biết quý vị tu chứng hay không tu chứng. Thầy nói như thế này, Thầy xin nhắc lại lời của đức Phật- không tin Thầy tức là không tin đức Phật - bởi vì Thầy dạy hoàn toàn là trong kinh sách của Phật, chớ Thầy không có đặt một cái điều gì mới mẻ của Thầy hết. Mà đức Phật đã xác định cái điều đó rõ ràng: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”. Thấy cái gì? Thấy sự giải thoát. Mà thấy sự giải thoát là chứng đạo, bởi vì giải thoát là chứng đạo chớ gì. Thế mà chúng ta không chịu chứng đạo, chúng ta chạy loanh quanh, chạy loanh quanh trong ác pháp mà không chịu bỏ xuống, không chịu xả, như vậy làm sao chứng được. Ví dụ Thầy nói cho để thấy, đức Phật nói rất rõ ràng, khi đức Phật tuyên bố: “Pháp ta đến để mà thấy, không có thời gian”. Nghĩa là không có phải đợi một ngày, hai ngày, ba ngày, năm ngày mà chứng đạo, để mà thấy được sự giải thoát. Mà thấy được sự giải thoát tức là chứng đạo. Quý vị cứ nghĩ coi cái lời nói của đức Phật đúng không hay là đức Phật nói láo? Mà khi Thầy tuyên bố rằng cái lớp này sẽ tu chứng quả A La Hán, thế mà quý vị không tin Thầy đâu. Người nào cũng không tin: “Tu rất khó” này kia, đều là nghĩ rất khó. Khó là tại quý vị tu khó, chứ không phải Phật pháp khó.
(2:07) Phật đã nói Ngũ Triền Cái như thế nào- tham, sân, si, mạn, nghi. Một con người đều đủ năm cái triền cái này hết, không có người nào thiếu năm triền cái này. Cho nên đức Phật xác định “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”, thấy sự giải thoát, thì đức Phật xác định thấy như thế nào?
“Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham, tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham”. Đó là pháp để mà thấy.
“Tâm tôi có sân tôi biết tâm tôi có sân”, tôi biết tôi chứ, ai biết tôi hơn, quý vị nghĩ coi có phải đúng không?
“Tâm tôi không sân tôi biết tâm tôi không sân”. Đó, như bây giờ quý vị biết tâm quý vị có sân đâu, quý vị biết rất rõ ràng, không có người nào là không biết.
“Tâm tôi có si tôi biết tâm tôi có si”, bây giờ có ai buồn ngủ không? Không có buồn ngủ thì có si ở chỗ nào?
“Tâm tôi có mạn tôi biết tâm tôi có mạn”, bây giờ quý vị biết quý vị có mạn hay không mạn, quý vị biết chứ.
“Tâm tôi có nghi tôi biết tâm tôi có nghi”, mình nghi người này, mình nghi người kia, mình nghi người nọ, thì như vậy rõ ràng mình biết chứ ai biết. Nhưng mà nghi nó là ác pháp, nghi nó đem đến cho khổ mình khổ người mà tại sao mình lại nghi? Nó ác pháp.
Tại vì mình không muốn giải thoát, chứ đạo Phật rất rõ ràng, Ngũ Triền Cái ai cũng có mà ai cũng biết. Tâm mình lúc nào có thì mình biết, nhưng mà có thì mình ngăn mình diệt, đừng có để cho ác pháp đó, đừng có để cái tâm đó thì làm sao không giải thoát. Mình đã biết thì ngay đó buông xả liền hà.
Thế mà Thầy nói ai cũng nghĩ rằng tu chứng quả A-La-Hán khó lắm. Ngồi đây nhiếp trong hơi thở, ngồi đây để nhiếp tâm, ức chế tâm bằng cách này cách kia, ngồi đây là giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, quý vị điên đó, điên đảo như vậy.
Đức Phật dạy chúng ta đâu phải là lìa cái con người chúng ta để mà chứng đạo. Chúng ta là con người bình thường đâu có cần tu gì đâu, nên Thầy nói ngồi chơi, để làm gì? Để chúng ta thấy được từng cái Ngũ Triền Cái chúng ta lúc bấy giờ có hay không. Mà nó không có thì mặc nó, đâu có gì đâu mà mình phải tu, phải tập, phải làm cái gì cho cực. Vậy thì trong khi nó không có Ngũ Triền Cái thì nó có chứng không? Nó có giải thoát không hay là tu nó mới giải thoát? Hay để mà vào một cái trạng thái nào nó là giải thoát? Ông Phật không có dạy chúng ta điều đó đâu.
(4:25) Nghĩa là chúng ta tu tập ở đây quá cụ thể rõ ràng nhưng quý vị muốn giải thoát hay là quý vị không muốn giải thoát? Muốn giải thoát mới về đây tu tập, quý thầy bỏ hết cuộc đời của mình rồi, không còn ham thích cái gì hết. Còn có ba y một bát, bỏ hết. Của cải tài sản, sản nghiệp gì bỏ hết, thế mà Ngũ Triền Cái không chịu bỏ. Năm cái màn ngăn che này không chịu bỏ. Biết rõ ràng chứ sao, nghi thì biết nghi rồi, sân thì biết sân rồi mà tại sao không bỏ? Tham thì biết tham rồi mà tại sao không bỏ? Mà trong khi đức Phật nói “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, tức là đến để mà chứng, chứng sự giải thoát đó, thấy rõ ràng. Mà mình có tha thiết nhiệt tâm xả những cái điều này không hay là nuôi nó?
Quý vị thường nghi, rồi quý vị nghĩ bây giờ mình phải nhiếp tâm trong hơi thở bằng cách này bằng cách kia, phải đi kinh hành, phải đi pháp Thân hành niệm. Điều đó là cái điều chúng ta tập tỉnh thức trong cái giai đoạn đầu, để cái người mới vào tu, chớ không phải lúc bấy giờ mà chúng ta đã tu cái đó đâu. Bây giờ mà còn ôm pháp tu tỉnh thức, chánh niệm, đi kinh hành này kia, làm cái đó là làm sai chớ đâu phải đúng.
Cho nên ở đây Thầy nói rằng, người nào tin Thầy thì Thầy biết, mà người nào không tin Thầy thì Thầy biết, bán tín bán nghi thì Thầy biết. Các con nên nhớ rằng, Thầy chọn người để đào tạo họ chứng quả A La Hán, để nói lên tiếng nói của Phật giáo là pháp của Phật thực tế, tu rất dễ dàng không có khó.
Chín năm trời trong thất, Thầy giam mình, Thầy tu rất vất vả, mà chỉ có sáu tháng ngồi tựa cửa, mà đã thấy được mình giải thoát. Nó có làm gì mình thấy rất rõ, tâm mình nó năm triền cái, hiện ra cái nào mình cũng biết hết, không có cái nào là không biết. Mình biết thì mình theo nó hả? Mình biết mình nuôi dưỡng nó hả? Trong khi mình bỏ hết cuộc đời này, mà mình để mình còn tham, sân, si, mạn, nghi này nữa sao?
Ai cũng biết hết, nó xảy ra mấy người cũng biết hết. Tham chứ gì? Tham đi chơi, tham nói chuyện cũng tham, rõ ràng là mình biết mình hết chứ. Rồi tham danh, tham lợi, tham này kia đủ loại, ai cũng biết hết. Nhưng mà tại sao mình biết cái đó là cái ác pháp, biết đó là triền cái - Ngũ Triền Cái - sao lại không dừng? Trách thầy tui dạy sai à, trách Phật dạy sai à? Thầy có dạy ngoài cái lời của Phật dạy đâu. Đức Phật đã xác định một cách rất rõ ràng.
(6:53) Cái sức của Thầy, thật sự ra cái sức của Thầy thì chỉ hướng dẫn có hai mươi vị mà thôi, Thầy biết mình rất rõ, không thể hơn được. Bởi vì tại sao? Nó cụ thể, nó rõ ràng như vậy mà các con lại tu tập không có đúng, giới luật thì vi phạm, phá hạnh độc cư. Trong những ngày mà Thầy chọn - thật sự các con cứ nghĩ đi - lẽ ra từ cái ngày mà Thầy chọn vô lớp, Thầy ghi tên, thì các con muốn dự được cái lớp này thì không đi nói chuyện với ai hết. Nghĩa là Thầy đã tuyên bố cái thời gian của các con là bảy tháng chứng đạo, thế mà các con đợi tới cái ngày mà các con gọi là Thầy khai hạ, để mà Thầy giảng cho các con, thì chừng đó các con mới cố gắng. Ngay từ lúc đầu tiên mà Thầy đã sắp lớp cho các con rồi thì các con phải giữ hạnh, thì may ra khi đó các con mới thấy được sự kết quả của cái tu tập chớ. Còn cái này không, chạy tới, chạy lui nói chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ đủ thứ.
Các con bỏ cuộc đời vô đây để làm gì? Để tìm sự giải thoát hay làm gì đây? Thầy cực, các con cực, đàn na thí chủ cực, người ta bỏ từng hạt cơm người ta cúng dường mình. Mọi người trong nhà bếp cực, người ta lo bữa ăn cho chúng mình. Thế mà Phật pháp thì nó thực tế như vậy, tại sao chúng ta tu như vậy? Chúng ta làm sai hay là Phật dạy sai? Hay là Thầy dạy sai?
Ai cũng hiểu hết chớ, chúng ta là con người chớ. Cho nên “Trên trời dưới trời, con người là duy nhất làm chủ sanh già bệnh chết”, chỉ có con người hiểu. Mà đây là chúng ta hiểu, chúng ta biết rõ như thật, nhưng tại sao chúng ta không chịu xả? Tại sao chúng ta biết cái đó là “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham”, mà tại sao không bỏ cái tham? Bỏ hết cuộc đời rồi mà tham này không chịu bỏ.
Cho nên Thầy nhắc lại cho các con thấy, muốn tu thì phải tu cho đàng hoàng, còn người nào nghi ngờ, cứ ra khỏi. Thầy không gọi các con về đây tu đâu, nghĩa là các con đến với Thầy, Thầy cực, mà các con đi Thầy khỏe. Người nào không muốn tu thì cứ đi về. Tin, không tin? Tin thì quyết tâm, nhiệt tâm tu thật, làm thật, ăn chắc, nói chắc, làm cho thật sự giải thoát. Còn nghi ngờ, các con cứ về. Thầy không ép các con ở lại theo Thầy tu. Tu các con giải thoát chớ không phải Thầy giải thoát, Thầy có cực khổ với các con thôi, chớ Thầy không có cái gì mà lợi ích cho Thầy hết.
(09:08) Danh Thầy không màng, lợi Thầy cũng không màng. Nghĩa là tất cả các cái lớp học mà từ lâu tới giờ, Thầy viết kinh sách tới giờ là mục đích của Thầy để dựng lại cái nền Đạo Đức cho loài người: “sống không làm khổ mình khổ người”, đó là cái mục đích của Thầy. Và những người tu, thật tu thì Thầy sẽ hướng dẫn họ chứng đạt quả A La Hán. Các con cứ trả lời cho Thầy nghe đi, người chứng quả A la hán là như thế nào? Các con trả lời Thầy nghe đi. Trạng thái chứng quả A la hán như thế nào? Các con nói đi, mà các con đâm nghi. Một cái gì mà Thầy tuyên bố ra đều có bằng chứng kinh sách của Phật hẳn hòi, lời dạy của đức Phật hẳn hòi.
Thầy xin nhắc lời đức Phật nói: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”, tức là đến- chúng ta không tu, mà đã quyết tâm tu, đã nhiệt tâm tu- thì chúng ta có giải thoát, chúng ta chứng đạo ngay cái thời gian, thời điểm đó liền tức khắc, không phải đợi ba tháng, năm tháng, bảy tháng mà để chứng đạo, mà ngay từ cái giờ phút đó. Nếu một người quyết tâm, quyết tâm suốt bảy năm, quyết tâm mà sống như vậy, xả Ngũ Triền Cái như vậy mà quyết tâm, ngày nào cũng nỗ lực xả tâm như vậy, thì đâu phải là bảy năm, thì đâu phải là bảy tháng, thì đâu phải là bảy ngày mà chỉ có Nhất Dạ Hiền.
Như vậy sự tu tập đâu phải khó, vì “pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”, đến để mà chứng đạo rồi. Chứng cái gì? Các con thấy chứng cái gì? Trong khi đó “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham, Tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham”. Bây giờ tôi biết tâm tôi không tham nè, tâm tôi không sân nè, tâm tôi không si nè, tâm tôi không mạn nè, tâm tôi không nghi nè, thì cái chỗ đó không phải là chỗ giải thoát của Phật sao? Chỗ đó không phải là chỗ quả A La Hán sao? Các con cứ nghĩ đi.
Bây giờ cứ suy nghĩ coi, bây giờ các con có năm cái Triền Cái này trong tâm của các con không? Ngay bây giờ đi thì cái quả A-La-Hán ở chỗ đó, chứ đâu phải quả A-La-Hán ở chỗ Tam Minh đâu. Đức Phật đâu có cần cái thứ đó. Nhưng mà cái tâm này, Ngũ Triền Cái này không có thì Tam Minh là đồ bỏ, chớ đâu phải là tu để cầu cái Tam Minh, đâu phải tu để cầu Nhập định!
Nhưng tu là để cầu ở chỗ bất động, chỗ không có Ngũ Triền Cái tác động được thân tâm chúng ta, thì cái chỗ đó là cái chỗ giải thoát. Tại sao chúng ta lại chạy lòng vòng, lòng vòng đi tìm cái chỗ giải thoát nào?
(11:14) Đợi cho mình phải nhập Tứ Thiền, đợi cho mình có thực hiện Tam Minh, mà trong khi một phút, một giây của cái tâm mà không có Ngũ Triền Cái này thì lại không giữ. Lúc thì chạy đi nói chuyện đầu này, lúc thì chạy đi nói chuyện đầu kia, cái đó là cái gì? Cái đó không phải tham sao? Mà tại sao chúng ta không thấy? Bỏ hết cuộc đời vào đây tu còn gì nữa, để cầu gì? Để cầu giải thoát. Mà bây giờ mình hành động, mình tu như vậy, mình cầu giải thoát cái gì? Quý vị cứ trả lời cho Thầy nghe. Người nào trả lời đúng đâu?
Đó là lời của Phật dạy: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”, rồi kế đó đức Phật giải thích cho chúng ta biết: “Tâm tôi có tham tôi biết tâm tôi có tham, Tâm tôi không tham tôi biết tâm tôi không tham”. Đức Phật giải thích cái pháp để chúng ta biết cái pháp rõ ràng. Đức Phật dạy cái bài đó ở trên Ngũ Triền Cái.
Vậy thì hôm nay chúng ta đến đây chúng ta tu, thì chúng ta cũng ngay ở trên những lời Phật dạy mà chúng ta tu, chúng ta có gì đâu mà khó khăn đâu. Các con cứ đổ thừa: “nghiệp tôi nặng cho nên hôn trầm nhiều; Ngũ Triền Cái- tham, sân, si, mạn, nghi- cái gì tôi cũng nghi ngờ là tại nghiệp tôi nặng”. Ở trên đời này ai sanh ra trên đời này không nghiệp? Không nghiệp làm sao có cái thân này? Cái thân này là thân nghiệp chớ có cái gì đâu, người nào cũng có thân hết. Ông Phật cũng có thân, Thầy cũng có thân, đi vấp cục đá thì người nào mà vấp cũng đau vậy, chớ có người nào mà không đau bao giờ đâu, Thầy có không đau đâu.
2- XẢ BỎ NGŨ TRIỀN CÁI LÀ CHỨNG ĐẠO
(12:35) Hôm nay Thầy xin lập lại cái danh sách, để đọc lại cái danh sách ở trong cái số mà Thầy đã chọn lựa. Bên nữ: Cô Huệ Ân, Cô Từ Đức, Mỹ Thiện, Phương Từ, Duyên Thanh, Từ Hạnh, Mỹ Linh, Hải Tâm, Diệu Quang, Liễu Châu; mặc dù Liễu Châu không có ở đây nhưng mà có danh sách ở đây. Còn bên nam thì: Chơn Thành, Minh Nhân, Từ Quang, Thanh Quang, Pháp Châu, Thiện Thảo, Trí Thiện, Minh Nghĩa, Mật Hạnh, Thanh Trí, đó là đủ mười người.
Như vậy trong hai mươi người này, ai mà không trọn niềm tin với Phật, với Pháp của Phật: “Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”. Quý vị nghi rằng và nghĩ rằng cái nghiệp mình nặng, không thể mình tu được thì quý vị tự rút lui. Tự rút lui Thầy không ép, bởi vì mình có tu thì mình cũng chẳng kết quả gì được. Bởi vì mình đang nghi và mình thấy mình tự ti, mặc cảm, mình không thể tu được, nghiệp mình nặng thì quý vị cứ rút lui. Đừng có làm Thầy khổ mà các vị cũng khổ, khổ công trong những ngày tu tập.
Ở đây không có tu thử, Phật pháp không có dạy chúng ta tu thử, mà dạy chúng ta tin thì làm, mà không tin thì thôi, đó là tín lực là hàng đầu. Còn không tin thôi, không phải là chúng ta tu thử. Không bao giờ có một người tu thử được thì chúng ta mới tu, mà không được thì chúng ta nghỉ. Ở đây không có làm thử mà làm thật, bởi vì chúng ta bỏ hết cuộc đời rồi: bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con, bỏ tất cả sản nghiệp, bỏ tất cả công ăn việc làm. Bỏ hết! Thậm chí như cả thân mạng của chúng ta cũng không nghĩ đến nó. Cho nên chúng ta ăn ngày một bữa, chúng ta còn gì nữa mà nghĩ đến thân này. Ăn không cần ngon, không cần mập, không cần béo.
(14:30) Có một vị sư ở đây ăn ngày một bữa rất tốt, nhưng mà sau cái thời gian về có mấy bữa, mà đến đây bây giờ cái mặt mập như thế này. Thầy nghĩ rằng cái người này họ tu như thế nào đây? Chắc các con cũng thấy chớ, cũng thấy cái điều đó. Thầy rất đau lòng. Sống ở đây bao tháng trời mà rốt cuộc rồi dục vẫn cám dỗ, lôi về ăn uống được, thấy quá tệ. Thấy cái mặt thì biết cái người đó ra sao rồi, không phải chạy theo dục lạc sao? Bởi đạo Phật xác định rất rõ, một người tu mà cầu giải thoát, mà còn chạy theo dục lạc ăn uống thì giải thoát cái chỗ nào? Người ta chỉ còn bằng cái que tăm mà người ta chưa thấy được, xả được cái ngã của mình. Còn huống hồ là mình mập ú lên mà mình làm sao mình xả, mấy người đó làm sao mà tu được, các con.
Thầy nói thẳng nói thật. Cho nên ở đây tu thật, làm thật, có tin thì tu, mà không tin thì thôi. Ở đây, hoàn toàn những lời Thầy dạy là của Phật, Thầy không đặt một pháp môn nào mới hết. Mà đức Phật đã xác định từng chút rõ ràng, mà chúng ta là những người bỏ đời đi vào đạo, chớ không phải chúng ta đến đây để mà tu cầm chừng, để mà tu lấy có, để mà tu thử.
Pháp từ xưa đến giờ đã có người tu làm chủ và hiện giờ cũng có người tu thật sự, chớ không phải nói chơi, nói suông. Bởi vì đứng trước cái cảnh dục, tâm mình có dục hay không dục mình biết và có dục thì ngăn diệt. Đức Phật đã dạy điều đó mà, chớ đâu được để. Thì như vậy làm sao còn dục. Tâm mình có sân, biết tâm mình sân thì đâu có điên gì để tâm mình sân. Còn mình thấy mình không đủ khả năng; mình không đủ ngăn diệt; mình không đủ nhiệt tâm; mình còn thương yêu tham, sân, si, mạn, nghi; mình còn nuôi dưỡng nó; mình không nỡ diệt nó thì mình tu làm gì?
Các con không nỡ diệt Ngũ Triền Cái thì các con tu làm gì đây? Hở ra một chút thì các con nghi cái này, nghi cái kia, nghi cái nọ. Tự làm khổ mình, đau khổ vô cùng, bởi mình nghi. Rồi từ cái nghi đó, các con cũng biết nó đem đến bao nhiêu sự đau khổ, đưa đến cái sự chia rẽ tan nát hết. Thầy thường kêu gọi các con, một người lầm lạc thì mình nên thương người đó, bởi vì họ chưa biết cách xả tâm, họ chưa biết cách tu, cho nên họ còn lầm lạc. Còn bây giờ chúng ta đã biết cách rồi mà chúng ta còn lầm lạc sao. Trước mặt chúng ta ai cũng đều là con người, đều đáng thương không có đáng ghét.
(16:59) Tại sao chúng ta muốn dìm người này xuống, muốn dìm người kia xuống? Muốn nói nặng người này, muốn chửi mắng người kia? Là con người với nhau, cần phải thương nhau chớ! Con vật nhỏ tí ti kia chúng ta còn thương, một cây cỏ lên kia chúng ta còn thương xót, nỡ lòng nào mà chúng ta mạt sát nhau từng chút. Vì danh à, vì lợi sao các con? Một người tu theo Phật chúng ta biết thương, chứ không biết trách ai hết. Chúng ta biết lỗi mình mà không biết lỗi người, đó là tu theo đạo Phật. Còn này, các con thấy lỗi người ta không hà, lúc nào cũng thấy người ta có lỗi, còn riêng mình, mình không thấy; Vì mình thấy người ta có lỗi là mình có lỗi.
Hôm nay Thầy nhắc nhở để cho các con thấy rằng, trong con đường tu tập của chúng ta, nó không phải khó, nó không khó chút nào hết. Một người nhiệt tâm, quyết tâm, Thầy nói họ chỉ cần trong một tuần lễ là họ chứng đạo. Tại vì mình chưa biết, cho nên mình chưa chứng đạo. Mà mình biết từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, không có cái mặt tham, sân, si, mạn, nghi nào mà lén vào trong đầu chúng ta được, không có tác động vào thân tâm chúng ta được, thì chúng ta đã giải thoát rồi, đâu cần gì phải tu lâu.
“Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy”. Mà bảy ngày như vậy- suốt bảy ngày như vậy- chúng ta hộ trì bảo vệ cái trạng thái bất động đó. Chúng ta đâu phải là dùng cái trạng thái đó để mà giữ gìn nó, mà chúng ta hộ trì bảo vệ nó, bằng cách là không cho Ngũ Triền Cái xâm chiếm nó. Còn các con thì nhắc “tâm thanh thản, an lạc, vô sự”, rồi cố gắng giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự; cái đó các con tu đúng hay sai? Mà hở một chút có tham, sân, si thì phiền não ở trong này, thì như vậy là cái đó đúng hay sai? Đi kinh hành cố gắng tập trung cái bước đi của mình rất kỹ lưỡng, rất tỉnh thức hoàn toàn không niệm, cái đó là đúng hay sai?
Cái đó là để cho người sơ cơ, người ta mới bắt đầu vào, người ta tu, người ta tập, chớ không phải là người mà nhận cái pháp trên Tứ Niệm Xứ để xả tâm mình, để cùng phá diệt, ngăn diệt Ngũ Triền Cái. Các con thấy không, bây giờ có khó nữa không? Người nào nói khó thì các con cứ ra khỏi tu viện: “Bây giờ tui thấy khó quá, tui tu không nổi”, Thầy rất mừng. Điều đó Thầy thấy “mình biết mình rất rõ” các con biết các con rất rõ “Thấy cái này khó quá tui tu hổng nổi, Phật nói vậy chứ tui làm không nổi”. Các con cứ về.
(19:17) Thầy rất mừng là tại sao? Tại vì các con biết các con không tu được. Các con không làm được và các con còn thương “tham - sân - si - mạn - nghi”, còn thương nó, cho nên các con còn nuôi dưỡng nó. Các con còn thích sống cuộc sống của thế gian, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi thỏa thích, đi đây, đi đó thì các con không nên ở trong cái lớp của Phật. Tại sao vậy? Đức Phật lìa xa tất cả những cái này, không còn. Bởi vì những cái thích này là cái đau khổ, mà các con không bỏ được, không chấm dứt được thì các con nên về để mà thỏa thích. Chừng nào đến cái mức độ mà mình thấy quá khổ rồi thì hãy đến tu tập. Còn bây giờ, còn ham thích thì chúng ta nên vui chơi với nó đi, nên chạy theo nó đi.
Cho nên cái người nào mà còn thích nó thì không dám bỏ nó, không dám buông nó thì hãy sống theo nó đi. Rồi một thời gian mà mình không thích nó nữa thì hãy theo Phật mà tu, theo pháp Thầy dạy mà tu, còn mình còn thích thì thôi. Đừng có đời nữa đời, đạo nữa đạo, không có xong cái chuyện gì. Đừng bắt cá hai tay, đời thì không muốn bỏ, mà đạo thì muốn ôm vô, thì không được. Bởi vì hai con đường này nó là hai con đường nghịch, hễ bỏ cái này thì mới được cái kia, bỏ cái kia thì được cái này, chớ không thể nào đi một lượt mà hai cái được.
Muốn giải thoát thì phải đi đúng cái con đường giải thoát, chớ không thể đi hàng hai được. Cho nên ở đây Thầy nhắc nhở để biết, Thầy chưa giảng dạy nhiều, Thầy không giảng dạy. Nhưng những người quyết tâm tu, Thầy tự hỏi: mình có thể dạy chung như thế này không, hay là mình phải kêu từng người để cho mình dạy? Đúng vậy! Dạy chung chung chẳng ai tu được. Muốn đào tạo họ, để họ chứng đạt được chân lý, được sự giải thoát hoàn toàn thì chỉ có Thầy trò truyền nhau cách thức để xả tâm. Còn nói chung chung, chúng ta nghe được, chúng ta chỉ biết nói như con chim học nói. Đi đến đâu cũng nói tu như vậy, làm như vậy sẽ được giải thoát, nhưng chúng ta chưa được gì hết, tại vì chúng ta học nói mà.
(21:29) Cho nên Thầy cũng tự nghĩ, bây giờ cái lớp mình đã hai mươi người, thì mình phải kêu từng người để mình dạy, chớ nếu mà mình dạy tùm lum ra như thế này, ai cũng nghe hết thì họ có tin tưởng mình đâu. Bởi vì trong cái số người trước mặt Thầy có tin Thầy hết đâu, thì Thầy dạy mất công chớ làm gì. Thầy có nói rồi các con cũng không tu được. Còn cái người nào tin Thầy, Thầy nói ờ bây giờ tu như vậy, như vậy, phải làm như vậy, như vậy thì cái người đó tin Thầy, họ nhiệt tâm họ tu. Họ tâm thành thì họ sẽ được giải thoát. Họ nghe lời Thầy, họ tin Thầy, họ không còn một chút gì nghi ngờ Thầy.
Cũng như hiện giờ người ta tin Phật, nhưng mà người ta không làm theo Phật, người ta sống không theo Phật, cho nên cái tin đó nó chưa hẳn là tin. Còn các con tin theo Thầy- lời nói Thầy- các con sẽ làm đúng lời Thầy thì sự giải thoát nó sẽ có chứ sao. Còn bán tín bán nghi, mình cứ nghĩ, mình tu theo cái kiểu của mình nghĩ, làm theo cái kiểu của mình làm, do đó Thầy có dạy muôn đời đi nữa thì chẳng có tới đâu hết. Bởi vì các con đã hơn Thầy, thì các con sẽ làm theo cái kiểu của các con hơn.
Do đó các con cứ nghĩ rằng mình hơn Thầy, thì mình có làm chủ được sự sống chết chưa? Mình có bất động trước các ác pháp chưa? Khi người ta nói những điều mà mình không có, mà mình có bất động không hay là mình bực tức, phiền não? Người ta mạt sát mình bằng cách này bằng cách khác mình có bực tức không? Nếu mình còn bực tức thì mình chưa có xả được tâm. Còn mình không bực tức, mình đã thấy nó là sao? Nó là pháp ác thì mình cần gì mình phải sân, cho nên một cái người tu chứng quá rõ ràng.
Các con cứ thử chửi Thầy đi, mắng Thầy đi. Ở đây có nhiều người nói Thầy, chửi Thầy, mắng Thầy rất nhiều, nhưng mà Thầy thấy Thầy có giận, có phiền họ đâu. Thầy rất thương họ, Thầy không bao giờ ghét. Thầy thấy họ rất tội. Thầy nói thẳng, nói thật người ta đã hiểu. Có nhiều người rất hiểu Thầy qua những điều kiện ở trong tu viện. Các con thấy Thầy luôn luôn lúc nào, Thầy không bao giờ nói một lời nào. Chuyện gì nó là nhân quả, Thầy đã hiểu, Thầy đã dạy cho các con học nhân quả chớ đâu phải không. Cho nên hôm nay Thầy nhắc lại, Ngũ Triền Cái rất quan trọng mà hầu hết các con đều bị trong những điều này. Biết thấy rõ nhưng không chịu xả, không chịu diệt, chỉ đổ thừa tại nghiệp của mình, chớ không có xả, không có buông mà cho là cái nghiệp của mình nặng, cho nên mình không chịu xả buông.
(24:10) Ở đây, Thầy tuyên bố cho các con một lần nữa, ở đây không nên thu hình, không nên quảng cáo cái lớp học của chúng ta. Bởi vì, cái lớp học này là lớp học chứng quả A La Hán, mà nếu chúng ta quảng cáo - bây giờ chúng ta quảng cáo ở lớp này phải tu chứng quả A La Hán, nhưng cuối cùng không ai chứng quả A La Hán thì tức là mình đã nói láo. Chừng nào mà chúng ta tu chứng xong xuôi, có người tu chứng hẳn hòi, thì chừng đó các con đưa lên trên mạng, đưa đi đâu cũng được hết. Nghĩa là mình nói, mình làm được. Còn mình nói mà chưa làm được, khoan đã, chờ đợi, các con hãy chờ đợi, không lâu!
Còn các con thấy, bây giờ đó, trong cái lớp của chúng ta, hiện bây giờ là chúng ta giữ cái hạnh, giữ cái hạnh đi xin ăn. Hai mươi người chúng ta là đi xin ăn. Ở đây, theo Thầy thiết nghĩ, cô Liên Châu chỉ trợ giúp cho chúng ta một thời gian; Thầy xin hai mươi khẩu phần để cho hai mươi người tu hành. Nhưng mà cô sẽ trợ giúp cho một thời gian thôi, khi nào cái cơ sở của cô thành lập thì, cô sẽ rút về ngoài đó, cô nuôi dưỡng cái số tu sĩ ngoài đó. Còn ở đây thì mình phải tổ chức sự sống của tu sinh, phải tổ chức lại.
Cho nên Thầy không muốn cái nhà bếp ở trong tu viện. Thầy vô trong cái nhà bếp, Thầy thấy phật tử hiện giờ họ cúng đồ légume (la ghim) quá trời! Thầy rất lo cho cái vấn đề đó; quá nhiều! Vì vậy mà, nếu mà có cái nơi nào đó, chúng ta sẽ đưa những cái đồ đó ra ngoài đó, rồi mướn một người ở ngoài, người ta sẽ lo cái đời sống của mình trong này, để cô Út được rảnh rang- Là người em của Thầy quá cực khổ từ lâu tới giờ, vất vả, quá vất vả- Thầy cũng mong rằng dự trong cái khóa này đó, cô Diệu Quang, cô cũng hết sức cố gắng để mà tu tập, cô cũng quyết. Nhưng mà, cái quyết tâm không phải là ngay bây giờ là giải thoát, cái quyết tâm của chúng ta phải có cái thời gian, vì chúng ta quyết tâm tức là chúng ta sẽ diệt “Ngũ Triền Cái” của chúng ta.
Mà bắt đầu từ cái ngày khai hạ vào cái lớp học này, bắt đầu cái ngày đó cho đến cái ngày mà chúng ta hoàn thành được cái Tâm Bất Động thì không giờ phút nào mà chúng ta không lo diệt Ngũ Triền Cái. Nghĩa là không cho chúng xâm chiếm, cái thời gian đó nó sẽ không lâu đối với chúng ta, bởi vì “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, thấy sự giải thoát hoàn toàn, và kéo dài sự giải thoát đó. Thì nó không lâu. Nếu ai gan dạ thì sẽ làm và Thầy tin rằng ai cũng muốn được giải thoát, ai cũng muốn được an vui. Chắc chắn mọi người trước mặt Thầy, người nào làm cũng được, đừng nghĩ là họ làm không được, người nào cũng đủ khả năng làm.
(26:49) Ở đây không có học, ở đây không có chép, không có ghi, ở đây không có làm bài nữa. Nghĩa là chỉ cần chúng ta ý thức, hiểu biết được Ngũ Triền Cái thì chúng ta xả. Nên chúng ta không làm bài nữa, còn làm bài là chúng ta đi vào cái lớp Chánh Tư Duy, chúng ta tập xả theo cái trường lớp đào tạo giáo dục của chúng ta để đi đến chứng quả.
Còn ở đây là lớp cấp tốc, không có chờ đợi, vì chúng ta đã tu nhiều năm tháng ở đây rồi. Người nào cũng đã từng trải, đã nếm mùi cay đắng ở đây rồi.Người nào cũng biết rõ được tham, sân, si, mạn, nghi của mình nhiều rồi. Pháp của Phật, từ bốn loại định, từ Định Niệm Hơi Thở, Định Sáng Suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Vô Lậu, tất cả các Thầy ở đây đều biết rõ hết, đều có tập luyện qua hết. Trừ ra những người mới vào chưa biết, thì những người đó còn thọ Bát Quan Trai, còn tập theo kiểu Bát Quan Trai. Còn những người mà Thầy đã đưa ra, người nào cũng biết hết rồi.
Chỉ cần chúng ta nỗ lực tu, chỉ cần chúng ta sống đúng cách, chỉ cần chúng ta quyết tâm, nhiệt tâm xả bỏ Ngũ Triền Cái thì ngày thành tựu, ngày thành tựu của chúng ta, viên mãn của chúng ta không xa. Bởi vì, ngay từ lúc đầu, chúng ta đã giải thoát, thì tới cái ngày cuối cùng bảy ngày, bảy tháng chúng ta cũng y như vậy, thì làm gì chúng ta không giải thoát? Đó là cái quyết định của Thầy, nếu khi mà vào cái lớp này rồi, mà người nào đi tới, đi lui, nói chuyện thì bị Thầy mời ra khỏi. Những người nào có ghi tên, thì ôm bình bát đi xin ăn như Phật để thực hiện.
Cũng như bây giờ các con có biết, cô Diệu Quang lo lắng cơm, nước với một số người cùng với cô Diệu Quang lo cơm, nước cho khách tham quan, cho những người đến tu viện của chúng ta mà không có cái khẩu phần ăn. Nhưng cô Diệu Quang vẫn- theo Thầy thiết nghĩ, cô Diệu Quang vẫn phải xin cái khẩu phần ăn- Cô có khẩu phần của cô Liên Châu, chớ không phải không có. Và hằng ngày, cô cũng sẽ đến xin ăn. Còn cô làm cái nhiệm vụ của cô, là đối với Phật tử, đối với những người đến đây, chớ không phải là trong hai mươi người tu này. Hai mươi người tu này, Thầy đã xin đủ tiêu chuẩn của cô Liên Châu. Còn những người khác mà không có nằm ở trong cái khẩu phần, không có nằm ở trong cái danh sách này thì đương nhiên là phải thọ dụng cơm của Cô Út, bởi vì Thầy không xin thêm hơn. Thay vì sáu mươi bốn người tu tập ở đây, nhưng mà vì Thầy giải thể, cho nên Thầy còn xin lại đủ hai mươi khẩu phần cho hai mươi người Thầy đào tạo chứng quả A-La-Hán.
Trong hai mươi khẩu phần này, nếu có người nào tu không được, mà xin Thầy rời khỏi, thì Thầy sẽ cho về họ về. Thì khi họ về, khẩu phần ăn còn thừa, Thầy xin trả lại cô Liên Châu chớ Thầy cũng không để cái phần thừa đó cho những khách tham quan, cho những người mới vào. Không! Thầy đã xin cho người tu, thì Thầy đã xin như vậy là Thầy làm đúng như vậy chứ không phải lấy khẩu phần đó. Bây giờ trong hai mươi người này có năm người, mười người về, mà Thầy còn mười người, thì Thầy xin trả lại cô Liên Châu chớ Thầy không có nhận. Bởi vì Thầy chỉ còn mười người mà thôi. Còn nếu quả chăng, Thầy chỉ còn một người theo Thầy tu trong khóa này, Thầy xin trả lại mười chín khẩu phần kia, Thầy chỉ nhận một khẩu phần. Dù một khẩu phần mà cô Liên Châu cúng dường, Thầy tin rằng ở ngoài tiệm cơm chay sẽ mang vào một khẩu phần thôi, không cần nhiều.
(30:37) Nhưng mà người đó phải quyết tâm tu, Thầy muốn làm cái hạnh cho đúng. Còn nếu được ba, năm, mười người, thì Thầy cũng sẽ trả lại. Còn cái phần khách tham quan đến đây dự thính, dự khuyết, thì hiện giờ Thầy không xin cho các con, bởi vì chính Thầy không ghi danh sách của các con vào khóa tu này, mà các con chỉ được nghe, được hiểu, được học để các con biết để mà tu. Nếu mà có cái dịp mà mở những cái khóa khác, thì các con được dự vào, thì chừng đó sẽ xin cơm cho mấy con. Còn bây giờ thì Thầy chỉ có bao nhiêu thôi, Thầy đã tuyên bố ít nhiều ở trong hai mươi người này Thầy sẽ tin tưởng rằng, Thầy sẽ đào tạo họ chứng quả A-La-Hán.
Các con không tin, thì đó là quyền của các con, Thầy không ép. Thầy chỉ nói rằng hai mươi người, Thầy chỉ cần một người cũng đủ cho Thầy đào tạo. Mà một người cũng là tiếng nói của Phật giáo, không cần nhiều. Càng ít Thầy càng khỏe, càng ít Thầy chăm sóc càng kỷ, đệ tử của Thầy chứng đạo không có khó khăn. Thầy tuyên bố với các con, cho các con hiểu, Pháp của Phật không phải tu lâu. Thầy đã từng nói, như đức Phật đã tuyên bố, bảy ngày, bảy tháng, bảy năm. Nhưng sự thật các con không phải bảy năm, mà bảy tháng. Nếu một người quyết tâm, nhiệt tình thật sự, bảy tháng người đó chứng đạo. Vì qua kinh nghiệm của Thầy sáu tháng, không phải khó, những cái gì tu sai bỏ xuống hết, không có dụng nó được chút nào, không có dụng nó được chút nào. Chớ không phải là nói Thầy tu Thiền Đông Độ, rồi tu theo Đại Thừa, nhiếp tâm lọt vào Định Tưởng, như thế này, thế khác, nhờ đó mà tu xả tâm dễ, không phải đâu. Thầy đã chiêm nghiệm được cái điều đó, cho nên vì vậy mà, Thầy biết là con đường tu của Phật, một người bình thường mà nỗ lực, nghe lời Thầy dạy, tin tưởng lời Thầy dạy, họ cũng chỉ bảy tháng mà thôi, chớ không phải bảy năm. Một người bình thường, chớ không phải những người đã có tu, đã có té lên, vấp xuống đủ thứ.
(32:45) Đây thì ở bên Mỹ, Như Đức, Như Hạnh và Kim Quang có hỏi những câu hỏi, nhưng mà vì không có cái thời gian để trả lời những câu hỏi này, thì một bữa nào Thầy sẽ trả lời. Và đồng thời cũng trả lời chung, có người hỏi Thầy và cũng có một số người hỏi.
Phải hôm đó Nguyên Thanh hỏi trước chúng thì Thầy sẽ trả lời câu hỏi đó. Vì nó cũng ngại nên nó không dám hỏi trước chúng- đó là câu hỏi về Nhân Quả. Bởi vì nghe Thầy nói, Thầy đã chuyển nhân quả cho mọi người, cho nên Nguyên Thanh có hỏi Thầy như thế này, xin nhắc lại: “Nhân quả của người nào thì người đó chuyển, chứ làm sao mà Thầy chuyển được. Đức Phật ngày xưa còn nói: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta không đi thay cho các con được”. Vậy tại sao Thầy lại chuyển nhân quả cho người khác được?”. Đó là một câu hỏi mà hầu như nhiều người muốn biết được, chớ không phải riêng Nguyên Thanh.
Thầy xin trả lời, nếu Thầy không viết sách, không dựng lại Phật giáo, thì phỏng chừng ai biết cái nền Đạo Đức này mà chuyển nhân quả của họ. Nếu đức Phật mà không thuyết pháp, bài pháp đầu tiên dạy bốn chân lý, làm gì có người biết được Bốn Chân Lý này. Đức Phật dạy “Ngăn ác - Diệt ác, thấy lỗi mình không thấy lỗi người”. Nếu không có đức Phật, thì ngày giờ này chúng ta có chuyển được nhân quả, Thầy có chuyển được nhân quả của Thầy không? Vậy thì đức Phật đã chuyển nhân quả chứ. Cho nên, Nguyên Thanh có hỏi Thầy: “ Như sóng thần, như núi lửa, hay động đất, Thầy lại Thầy bịt miệng cái núi lửa, Thầy ngăn chận sóng thần, Thầy ngăn chặn nhân quả động đất để cho người ta đừng chết. Thầy có làm được chuyện đó không?”.
(34:41) Thầy làm được! Tại sao Thầy làm được? Thầy sẽ bịt núi lửa, Thầy sẽ làm cho không động đất, Thầy sẽ làm không có sóng thần. Một người như Thầy, Thầy biết rằng năm năm nữa, ở đây sẽ có động đất, rồi chết hết một cái tỉnh Tây Ninh này, hay hoặc là cái huyện Trảng Bàng- thí dụ, biết là năm năm nữa- thì ngày giờ này Thầy viết sách Đạo Đức, Thầy dạy họ sống thiện, Thầy dạy mọi cách họ sống thiện thì tới cái ngày đó có động đất được không, họ sống chớ Thầy có sống đâu nhưng mà Thầy dạy, không phải Thầy dạy là Thầy chuyển nhân quả sao. Cũng như bây giờ Thầy dựng lại nền Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả, để cho mọi người sống là họ sẽ chuyển biến thời tiết nắng, mưa, gió. Không phải là Thầy chuyển nhân quả của họ sao?
Các con cứ nghĩ đi, nếu không có Thầy thì ai biết cái này mà họ chuyển? Nếu không có Thầy dạy thì cái nhân quả này ai biết đâu mà chuyển thì họ lãnh đủ những cái quả ác của họ chứ sao. Cho nên tuy rằng các con thấy Thầy không trực tiếp đậy cái núi lửa, nhưng mà cái hành động đậy được cái núi lửa là do ai, các con có biết không, do Thầy hướng dẫn họ mới đậy. Sao họ biết đâu mà họ đậy, không phải do Thầy chuyển nhân quả của thiên hạ sao?
Cho nên có một câu hỏi cũng ở ngoại quốc cũng hỏi y như Nguyên Thanh. Có một người nói, lập luận như thế này: “Nhân quả của ai thì người đó chuyển, chớ không có người nào chuyển nhân quả của người nào được”, đó là nói về cá nhân. Còn một người nói rằng: “Thầy có chuyển được nhân quả của mọi người không?” Hai cái này đều đứng ở trên hai góc độ, hai góc độ mà trả lời, hai cái này hợp lại nó đúng.
Bởi vì một mình Thầy chuyển mà không có người theo Thầy mà Thầy chuyển thì không có được, mà Thầy chuyển nhân quả của thiên hạ bằng cách là thiên hạ nghe lời Thầy. Cũng như bây giờ các con có nghiệp lực, không giải thoát đó là nhân quả của các con. Nhưng mà Thầy bảo rằng, các con sẽ học cái khóa này, bảy tháng sẽ chứng quả A-La-Hán, không phải là Thầy chuyển cái nghiệp tham, sân, si, mạn, nghi của các con sao? Nếu không có Thầy sách tấn, khích lệ, hướng dẫn, thì các con làm sao biết đâu mà các con chuyển, mà gọi là: “các con thắp đuốc lên mà đi”. Các con không nghe lời của đức Phật dạy cái câu sau cùng sao: “Ta chỉ là người hướng dẫn”. Người hướng dẫn quan trọng lắm, cái người hướng dẫn tức là người đó giúp chúng ta chuyển nghiệp; Nhưng mà cái người đó đã biết cách, cho nên người đó chuyển nhân quả cho mọi người chớ.
(37:11) Cũng như bây giờ các con theo Thầy, các con tin Thầy, là Thầy đã chuyển nhân quả cho các con chớ. Nếu không phải có Thầy, là các con biết đâu các con chuyển? Cho nên nghe cái lời đức Phật nói: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không đi thay con đường đó được, Ta chỉ là người hướng đạo mà thôi". Nhưng mà cái câu hướng đạo đó là quan trọng, nó chuyển cả cái thế gian này trở lại bình an.
Nếu không có đức Phật, ngày giờ này chúng ta, làm sao có Tứ Diệu Đế, có bốn cái chân lý này, làm sao có cái chương trình giáo dục đào tạo tám cái lớp, ba cấp này. Nếu không có đạo Phật, thì bây giờ, chúng ta đi tìm hết tôn giáo nào có cái chương trình này không? Hay hoặc là có một triết gia, triết học nào có điều này không? Hay hoặc là chúng ta cứ đi tìm trong các nhà khoa học, coi họ có nghĩ ra cái điều này không? Hay là chỉ trên thế gian này, hành tinh này chỉ có một mình đức Phật?
(28:02) Mấy con thấy, các con sống tu theo Phật mà bán nghi, bán tin Phật thì Thầy không biết làm sao! Những lời Phật dạy cái gì Thầy đã ghi chú và ghi chép ra rõ ràng; Thầy không có gì là của Thầy hết. Từ cái chỗ Thầy bảo các con chứng quả A-La-Hán, là Phật đã bảo: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Chắc các con nghĩ đến để thấy giải thoát chút thôi, rồi bắt đầu đâu nó cũng vào đấy chứ gì. Như vậy làm sao gọi là Nhất Dạ Hiền, làm sao gọi là bảy ngày, làm sao gọi là bảy tháng, làm sao gọi là bảy năm, các con hiểu đơn giản quá vậy! Bây giờ chúng tôi yên ổn một chút, lát nữa chúng tôi giận ầm ầm, chúng tôi đánh lộn nhau, thì như vậy có nghĩa lý gì, gọi là tu theo Phật.
Đã hiểu Phật rồi: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy” thì thấy sự giải thoát rồi, thì luôn bây giờ, từ cái ngày thấy giải thoát cho đến khi mà chúng ta hoàn tất được cái sự thấy này. Chớ đâu phải thấy lúc thấy vầy, lúc thấy khác; các con thấy cái gì kỳ vậy: “Bây giờ tôi thấy tôi yên ổn chút, có người khác chửi, tôi thấy tôi sân- khi sân thì cũng sân ầm ầm lên; Có lát nữa tôi thấy cái người nào đó thì tôi nghi ăn trộm, ăn cắp”. Như vậy là cái thấy của các con, thấy như thế nào? Đã nói thấy giải thoát, chớ đâu phải thấy nghi ngờ người khác. Thế mà chúng ta học rồi, chúng ta có làm đúng lời dạy của Phật không, “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy”?
(39:27) Vậy từ lâu tới giờ mình tu cái gì đây. Các con tu cái gì? Vậy mà nói xả là xả cái gì đây? Bây giờ các con có hiểu chưa, Thầy nói thì rất là mệt nhọc, nhưng không biết các con có tiếp thu được cái lời nói của Thầy thật sự không. Nếu không tiếp thu thật sự, thì các con tu theo Thầy làm gì. Thầy nói rất rõ, thậm chí Thầy còn đặt câu hỏi: chứng A-La-Hán là chứng cái gì? các con biết không, cứ trả lời Thầy đi. Người nào nghĩ chứng A-La-Hán là chứng thế này, thế khác, các con cứ nói cho Thầy nghe đi, cái nói của các con có đúng, hay là sai. Rồi các con dẫn chứng cái chỗ nào mà của Phật dạy.
Nếu không tiếp thu thật sự, thì các con tu theo Thầy làm gì. Ở đời người ta tu thì có cái bắt đầu, và có cái sau cùng, chớ đâu có phải sự bắt đầu hoài. Nghĩa là bắt đầu chúng ta tu như thế nào, và cái pháp cuối cùng như thế nào. Các con lấy chứng quả A-La-Hán sau cùng mà nói: “người chứng quả A-La-Hán phải có Tam Minh, có thần thông, phải có lục thông, phải nhập định, phải ngồi thiền bảy, tám ngày, một tháng, hai tháng”.
Các con biết cái đuôi mà không biết cái đầu thì các con tu cái gì đây. Đầu đuôi nó phải ra sao chớ. Phải hiểu cách thức: đầu mình tu như thế nào, đuôi mình như thế nào; ở đây đầu đuôi y như nhau, chớ không có cái đầu khác, cái đuôi khác. Nhưng mà sử dụng của cái đầu, và sử dụng của cái đuôi, cái “dụng” của nó- Lục thông, Tam minh, Nhập định đều là cái dụng của cái Tâm Bất Động- chớ đâu phải là cái chứng của người ta. Cái chứng đạo đâu phải vậy.
Cho nên cái chơn lý chứng đạo, là cái trạng thái Diệt Đế, Tâm Bất Động. Chớ đâu phải là Tam minh, Lục thông. các con lấy cái “dụng” của người ta, các con lấy cái đó mà làm cái kết quả của Phật pháp, các con sai mất! các con hiểu Phật Pháp cái kiểu của các con, hiểu cái “dụng”, chớ không hiểu cái giải thoát của nó, cái mục đích của nó. Cho nên các con nói khó quá, khó quá. Bởi vì tôi có thần thông được đâu mà khó; Người ta có nghĩ tới cái điều đó đâu! Người ta chỉ nghĩ cái tâm mình bất động, không ác pháp, tham, sân, si, mạn, nghi không tác dụng được vào nó, thì đó là giải thoát. Các con hiểu chưa?
(41:53) Cho nên cái hiểu của các con, hiểu lệch lạc: “Phật ổng dạy có Tam minh, Lục thông, cái người đó biết rằng mình có kiếp này tới kiếp này nữa là hết”. các con nói cái “dụng” không, mà các con đâu biết cái chỗ giải thoát của người ta là cái gì. Không lẻ cái ông đó, tối ngày ổng tu rồi ổng bay qua, bay lại, bộ kênh kênh, quạ quạ hay sao. Rồi cứ tàng hình biến ra con cóc, con nhái, con ếch làm chi đây, hay hoặc là phóng hào quang lên làm gì đây, cái “dụng” đó để làm gì? Bộ cái người tu đó làm bóng đèn sao mà tối ngày bật đèn cho nó sáng! Hiểu như vậy là hiểu cái gì, để làm cái gì? Không! Thầy nói, Thầy vén rõ lên để cho các con hiểu, đừng có lấy cái “dụng” là nói kết quả giải thoát của các con.
(42:41) Đó là cái “dụng” của Tâm Bất Động, chớ không phải là cái “kết quả”, không phải là quả A La Hán ở chỗ đó. Cho nên đức Phật xác định rất rõ, cái mục đích của đạo Phật, là chỗ Bất Động Tâm trước các ác pháp, mà ngay từ lúc đầu chúng ta đã bất động rồi. Ác pháp tác động chúng ta có được đâu, đó là chúng ta bắt đầu rồi. “ Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, Thầy nhắc đi, nhắc lại rất nhiều cái câu nói đó, các con thấy chưa.
(43:07) Bây giờ thì hôm nay, được khởi sự cho chúng ta và đồng thời cái lớp này Thầy vẫn giữ nguyên cái số người này. Ai có tin thì theo Thầy tu, không tin thì các con sẽ xin Thầy, Thầy cho rút tên các con ra. Còn người nào dự khuyết, mà Thầy thấy nhiệt tâm, Thầy sẽ cho dạy; Thay thế vào. Ở đây tới giờ phút mà Thầy khai hạ năm nay, mùa hạ năm nay Thầy khai hạ và bắt đầu không biết tới cái mùa hạ nào mà chứng đạo thì mới ra thất, còn không chứng đạo thì quyết nát xương trong thất. Nghĩa là người nào cũng tha thiết sự giải thoát, người nào cũng muốn làm chủ sự sống chết của mình, thì phải có một quyết tâm. Còn người nào thấy không được thì không sao; Thầy mong rằng trong mười người này, Thầy sẽ hướng dẫn họ đầy đủ, họ sẽ chứng đạo, và chứng đạt để tiếng nói của Phật giáo có trong một thời đại của chúng ta.
Ở cái lớp của chúng ta có hai mươi người đều tu chứng. Chúng ta không vì một tâm nhỏ mọn nào mà chúng ta phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trên cái sự tu chứng. Chúng ta có tâm ganh tỵ, thì ngay đó chúng ta phải lìa khỏi cái lớp tu này vì tâm chúng ta nó không tốt. Còn chúng ta biết thương nhau, biết sự tu tập, kéo dài thời gian này, sống trong thời gian này quyết tâm thời gian này không bỏ. Chúng ta giúp đỡ, thương yêu để mà nâng đỡ, chúng ta đồng lòng để mà cùng nhau có một tiếng nói chung là: “Phật Pháp có người tu chứng như vậy”, chứ không phải đây là cái lời nói không thật.
(44:44 Đây là cái lời nói thật. Mọi người ở đây, hai mươi người này chứng minh cho cái sự nói thật đây. Ở đây chúng ta nói trong Tâm Bất Động của chúng ta, chúng ta không cần nói cái “dụng”. Bởi vì cái dụng- là khi cái tâm chúng ta tròn đầy- thì cái “dụng” nó sẽ đầy đủ, không thiếu một cái gì. Cho nên ở đây chúng ta phải biết, để mà chúng ta tu tập.
Ở đây chúng ta biết để mà thương nhau trên con đường tu. Chúng ta bỏ hết đâu dám ăn phi thời. Chúng ta bỏ hết đâu dám vui chơi nói chuyện, chúng ta bỏ hết! Thậm chí như cả quần áo chúng ta đang có, mà chúng ta không cần thay đổi, không cần thay đổi bộ nào hết. Từ đây về sau cho đến khi chứng đạo, không cần thay đổi một cái áo, cái quần nào hết, nội bao nhiêu chúng ta đủ. Chớ không phải tu nhiều đời, nhiều kiếp, nhiều bộ quần áo đâu, chỉ một bộ quần áo các con đang mặc trong người các con, nó cũng đủ ba y, một bát, đủ cho các con chứng đạo. các con không cần thay, một bộ áo ngắn là đủ cho các con.
Đó là cái quyết định do các con, mà Thầy chỉ là người khích lệ, sách tấn, hướng dẫn cho các con tu. Thầy là người hướng đạo, Thầy là người cầm ngọn đuốc soi đường cho các con đi, còn đi hay không đi, đó là quyền của các con, chứ không phải của Thầy.
(46:02) Ở đây Pháp của Phật như thật, nghĩa là tâm của các con như thế nào biết như thật, không còn ai mà che đậy trong đó được đối với các con, tự các con. Đến đây Thầy xin chấm dứt, và đồng thời thì các con nhớ rằng cái lớp học của chúng ta là cái lớp quyết định phải đạt được kết quả của sự tu tập. Nếu mà không được, ít ra cái lớp chúng ta cũng phải được một hai người chứ không có dưới một hai người. Thầy báo cho các con biết cái lớp của chúng ta sẽ có một, hai người thì các con tự lượng sức của các con.
Thầy thì cố gắng hết mình để giúp cho các con tu tập. Người nào Thầy cũng thương, không có một người nào mà Thầy ghét, Thầy bỏ. Mặc dù các con như thế nào đi nữa, các con có nói Thầy như thế nào đi nữa, Thầy vẫn thương các con. Đối với Thầy thì không có người nào mà Thầy ghét. Các con nói: “Thầy phao cách này, lúc nói qua, lúc nói lại”, Thầy chẳng màng cái vấn đề đó. Đối với Thầy, ngày hôm nay Thầy nói như thế này, ngày mai Thầy nói như thế khác, chưa hẳn Thầy nói trật cái mục đích của nó. Các con cứ xét cái lời nói của Thầy, nhưng Thầy có thay đổi, biến chuyển từng cái nhân quả nó đang diễn biến, nhưng cái mục đích chính của nó là không bao giờ Thầy trật.
Lời nói của Thầy giữ gìn đúng cái cốt lõi của nó, không bao giờ Thầy nói sai cốt lõi. Nhưng cái nhân quả nó diễn biến, thì Thầy thay đổi theo cái nhân quả diễn biến, để cho nó phù hợp trong cái thời điểm đó. Hiện giờ là cái thời điểm này, nhưng ngày mai hay một lát nữa là thời điểm khác. Cái diễn biến của nhân quả, khéo léo, linh động để làm sao xây dựng cho được cái lớp tu chứng này, để tiếng nói của chúng ta, tiếng nói của Phật giáo, tiếng nói của nền Đạo đức “sống không làm khổ mình, khổ người” mà không chứng minh được cái đạo đức thì còn gì nữa!
Lúc nào cũng hờn, cũng giận, cũng phiền não, cũng điều này, thế kia, làm khổ mình, làm khổ người; Cái nền Đạo Đức đó được dựng để làm gì đây, có được không? Mà trong khi những người theo pháp của Thầy, tu tập theo Thầy mà lúc nào cũng kích bác, chống đối nhau thì như vậy có đúng không? Không đúng thì mình dẹp đi, chớ để làm gì, có người tu được không?
Tượng trưng của các con là đại diện cho con người trên hành tinh này, mà các con làm không được, thì những người kia họ làm được không, chắc cũng không làm được, nên dẹp cái lớp này đi cho rồi. Thầy còn khỏe hơn, sống phải thanh thản an lạc, một mình mình, không phải sướng sao. Mình tự tại, muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống, bệnh đau đối với mình có nhằm nhò gì với mình đâu. Riêng Thầy thì an lạc rồi, còn các con khắc khoải thì các con chịu chớ, có nhằm nhò gì với Thầy đâu.
Thầy thương mà Thầy dựng, Thầy mong cho các con thực hiện được, mà các con không thực hiện được, các con cứ mang cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi trong lòng, ganh tỵ, tỵ hiềm này nọ khi đủ thứ, thì đó là cái lỗi của các con, chớ đâu phải lỗi của Thầy đâu. Thầy dạy bảo các con phải xả bỏ, từ bỏ, ngăn chận, diệt, các con không nghe thì các con cứ nuôi dưỡng nó, thì các con chịu lấy cái hậu quả, các con đau khổ, chớ Thầy có cái nào đâu mà Thầy sợ.
(49:00) Cho nên Thầy thấy, nếu mà các con còn mang một cái tâm tham, sân, si ác pháp như vậy thì Thầy thấy rằng Thầy đào tạo cái lớp này không được, Thầy dẹp cái lớp này tức khắc, kinh sách Thầy dẹp, đạo đức Thầy bỏ. Thầy không bao giờ phổ biến cái đạo đức, mặc dù viết sách Đạo Đức Thầy dạy thiết thực cụ thể, nhưng mà Thầy dẹp.
Đời người ta khổ là do nghiệp của người ta, mình cố gắng kê vai để chuyển nghiệp cho họ, mà mình chuyển không nổi là tại họ chứ không phải tại mình. Mọi người cùng đi với Thầy, chớ đâu phải có một mình Thầy mà đi cho các con được bình an. Cả bao nhiêu người trên hành tinh này cùng đi với Thầy, thì mọi người mới được bình an. Chớ bây giờ có một mình Thầy đi, mà mọi người không chịu đi, thì làm sao mà Thầy đi cho ai đây. Tốt hơn Thầy đi một mình.
Đến đây Thầy xin chấm dứt, chúng ta nghỉ một chút xíu rồi mười giờ các con còn có dịp đi thành phố, đem kinh sách để gửi về Hà Nội, đó là nhiệm vụ, bổn phận các con đem giao kinh sách. Còn ai hỏi gì không?
Thì bây giờ chúng ta, nghe rồi suy ngẫm, coi mình tu nổi hay không, không nổi thì cứ rút lui, còn người nào, quyết một là chết, hai là chứng đạo, thì ở lại với Thầy. Một là Thầy trò đồng chết với nhau, hai là chúng ta sẽ chứng đạo như Thầy. Có vậy thôi!
Đừng nghĩ, đừng có tự ty mặc cảm rằng mình sẽ không tu nổi. Những người ngồi trước mặt Thầy, ai cũng tu được hết, không có người nào mà tu không được. Bởi vì pháp Phật dễ chứ không có khó, dạy chúng ta cụ thể rõ ràng.
Tham, mình biết tâm mình có tham, chứ đâu phải nó lộ cái tướng tham mà mình không biết đâu! Có gì mà mình không biết cái tham.
Sân thì tức giận trong lòng, làm sao mà không biết.
Tướng Si- buồn ngủ hôn trầm thùy miên, mình cũng biết và cách thức phá cũng biết rồi, đâu có gì mà người nào lại không biết.
Rồi Mạn- cái ngã mạn của mình, mình cũng biết chứ! Ai động tới mình, thì mình thấy mình sân; Rồi mình thèm ăn cái này, cái kia là cái chánh mạng của mình nó có không? Đó là tà mạng chứ đâu. Rõ ràng là những cái mạn đều nó hiện ra qua cái tướng tham dục của mình chứ gì. Mình thấy quá rõ chứ gì!
Còn Nghi- các con thấy rõ ràng, không nghi cái này, thì cũng nghi cái kia; nghi người này, nghi người kia, mà huynh đệ của mình mà nghi cái gì, vậy mà mình nghi. Từ cái nghi đó mà đem đi đến cái thiếu đoàn kết, cái chia lìa nhau. Cho nên chúng ta trong cuộc đời chúng ta, thiếu đoàn kết thì làm gì cái nền đạo Phật Thầy dựng lại được. Cho nên quan trọng các con phải biết cái nghi nó làm cho chúng ta ly gián, nó làm cho chúng ta tức giận nhau, nó làm chúng ta chia lìa nhau.
Hôm nay đó là cái điều mà chúng ta cần phải xả, chứ không phải ngồi thiền Nhập định, không phải Định Niệm Hơi Thở gì cả. Nhưng những phương pháp đó, đều trợ giúp cho chúng ta, để chúng ta xả những cái ác pháp. Nó trợ giúp cho chúng ta, chớ không phải là pháp đó để mà đưa chúng ta đi đến cứu cánh. Nó trợ giúp cho chúng ta để chúng ta đem lại sự bất động.
Đến đây Thầy chấm dứt. Rồi các con chuẩn bị, các con về.
HẾT BĂNG