2006 CHÁNH TƯ DUY 07
THÂN TÂM CÓ CHƯỚNG NGẠI KHÔNG THỂ TU TỨ NIỆM XỨ
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Ngày giảng: 14/03/2006
Người nghe: Tu sinh nam
Thời lượng: [39:37]
Số lượng: 20 băng
Tên cũ: CTD02D-(Nm)-VĐTNX-TứChánhCăn-PhápXả-ĐuổiBệnh(14-03-2006)
(00:00) Trưởng lão: Còn cái người tu Tứ Niệm Xứ thì luôn luôn lúc nào cũng quán thân hết. Đi cũng quán, ngồi cùng quán, nằm cũng quán, quán hết. Quán làm sao mà không có niệm, chứ mà quán có niệm thì mấy con coi chừng, nó về Tứ Chánh Cần mà không biết đó? Rồi, con hỏi.
Tu sinh 1: Kính thưa Trưởng lão, con có câu hỏi về hơi thở của Tứ Niệm Xứ. Tức là hơi thở của Tứ Niệm Xứ là khi mình tác ý ví dụ: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra" thì lúc đó hơi thở nó tự động ra, vô chứ mình không có dùng ý thức ức chế nó đi ra vô, đúng không Trưởng lão?
Trưởng lão: Đúng đó.
Tu sinh 1: Tức là nó tự động nó ra, vô? Tức là cái tín lực và cái tấn lực nó quyết định cái hơi thở tự động ra vô? Còn nếu mình dùng cái ý thức điều khiển nó ra vô thì tức là cũng chưa phải là hơi thở của Tứ Niệm Xứ?
Trưởng lão: Đúng rồi, không có vận dụng, không có điều khiển, để tự động nó, để mình có cảm nhận thôi. Tự động nó thở ra, mình cảm nhận theo cái ra hoặc hít vô.
Con.
Tu sinh 2: Bạch Thầy cho con hỏi. Nếu như mình không dùng ý thức, mình để cho nó vậy, như vậy nó sẽ chìm vào trong, tất nhiên hơi thở nó mất đi thì nó quay vào trong phải không Thầy? Nó sẽ quay vào trong được ít phút, nó sẽ không có niệm và sẽ không thấy cái gì cả nữa?
Trưởng lão: Nó không thấy gì nữa cả hết thì nó sẽ rơi vào trong ‘Không’- Không Tưởng.
Tu sinh 2: Bạch Thầy, nhưng mà vẫn cảm giác được toàn bộ cái thân như vậy, nhưng mà nó không còn gần không thấy hít thở nữa mà nó vẫn còn..
Trưởng lão: Coi như là nó rơi vào ở trong Không Tưởng của con thì con cũng cảm nhận được cái hơi thở. Mà cảm nhận bằng cái tưởng của mình rồi, chứ không có phải bằng ý thức. Còn bằng ý thức thì nó phải thấy được cái hơi thở của nó rõ ràng. Bởi vì cái đối tượng của ý thức là phải có cái đối tượng thật. Còn con làm mất cái đối tượng thật của con rồi, mà còn thấy có sự rung động không?
Tu sinh 2: Bạch Thầy con lại lôi cái hơi thở ra, con không cho nó mất, con sợ nó rơi vào khoảng không, con lôi nó ra thì nó lại thấy hơi thở.
Trưởng lão: Nó có cái hơi thở ra thì được, thì nó có cái đối tượng của nó. Bởi vì ý thức nó phải có đối tượng của nó.
Tu sinh 2: Một, hai giây thì con lại lôi ra chứ con không để mất.
Trưởng lão: Thì vậy được. Con phải đem cái hơi thở nó ra. Mặc dù nó thở nhẹ, thở như thế nào thì để tự nhiên, con đừng có vận dụng nó thôi. Như Chơn Niệm nói đó, thì đừng vận dụng cái hơi thở, mà lôi ra để cho nó cái đối tượng của cái ý thức của chúng ta biết hơi thở mà cảm nhận toàn thân của nó, thì cái đó đúng.
Tu sinh 2: Đúng là như vậy, nhưng mà được ít phút thôi rồi niệm nó lại xen vô luôn.
(2:28) Trưởng lão: Như vậy là con chưa biết cách thức quán thân. Còn nếu nó lọt ở trong Tưởng kia thì nó mới là không có niệm. Thì Không Tưởng rồi, cho nên nó không niệm đó, còn cái này mà rơi vào ý thức mà bị niệm. Cho nên vì vậy Thầy nói ở đây mình tập quán thân trên thân với cái khả năng, cái sức của mình quán, chứ chưa phải là lúc mình mà kéo dài. Tại mấy con muốn kéo dài đó, thì nó mới có cái trường hợp đó.
Tu sinh 2: Con muốn kéo dài nó ra thêm, vì thấy nó an rồi, lúc thấy thân nó an quá, nó không còn rành như hơi thở nữa..
Trưởng lão: Bởi vì mấy con đi tìm cái chỗ đó, tìm cái chỗ mà nó an đó? Nhưng mà ở đây, cái mục đích của tu Tứ Niệm Xứ là tập tỉnh thức ở trên thân nó, quán thân nó, rồi định tỉnh trên thân nó. Đạt được hai cái này, chúng ta mới kéo dài ra. Nãy giờ Thầy nói mấy con mà mấy con không nghe cái chuyện này, phải không?
Chớ đâu bây giờ mà kéo dài được, kéo dài cái nó đi trật vuốt hết hà. Nó đi lọt vào cái khác, nó không ở trên cái thân nó nhiếp phục tham ưu đâu! Bởi vì Tứ Niệm Xứ nó hoàn toàn nó còn ở trong ý thức.
Cho nên nó quán với cái sức của nó để quán, để tới khi mà nó tỉnh thức cao, rồi đến khi nó định tỉnh, rồi chừng đó mới kéo dài Nhất Dạ Hiền. Cái mục đích của nó là chỗ vậy, nó mới ở trong cái ‘hiện tại của ý thức’ của nó chứ. Thì: "Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại mà thôi". Nhất Dạ Hiền thì nó là hiện tại, nhưng mà hiện tại nó phải ở trong cái đối tượng của nó chứ. Nhưng mà nó lại không có trụ trong cái đối tượng mà lại nó quán trên thân, tức là nó không phóng dật.
Con thấy cái pháp đó hay lắm, nó rất là tuyệt vời. Cách thức dạy như vậy mà chúng ta lầm chút là chúng ta trật đường. Còn mấy con chưa có tỉnh thức, chưa có định tỉnh cái lôi dài nó ra thì bắt đầu nó phải rơi chỗ khác, có phải không?
Tu sinh 2: Bạch Thầy, con nghĩ chỉ tưởng thức nó thôi, chứ còn bản thân con là con luôn muốn hiện tại.
(04:15) Trưởng lão: Chứ con tham đủ thứ, vậy mà nói tùm lum. Mới có được có chút cái rồi lọt trong tưởng mất rồi, cái con đem ra con khoe khoang, ai dè trật lất hết. Cho nên ở đây, Thầy nói thực sự Tứ Niệm Xứ, mấy con tu đúng là mấy con sẽ thấy nó hạnh phúc lắm, nó đúng lắm.
Bây giờ Thầy trả lời thêm câu hai của con: “Khi ngồi, con không nhìn đồng hồ cảm thấy nó bất tiện. Có lúc con ngồi bốn mươi lăm phút, có lúc một tiếng, rồi con đi kinh hành, rồi vào ngồi tập tiếp. Tuy có niệm ra, vô và khi có niệm như vậy, con quay về quán thân liền. Kính bạch Thầy! Như vậy con có thể tu tập pháp Tứ Niệm Xứ được không, hay phải tu pháp xả? Xin Thầy chỉ dạy cho con được.”
Nếu mà con tu như vậy, con tu cái pháp xả thôi à. Tu Tứ Niệm Xứ mà nó còn ra, vô là đâu có gọi là nhiếp phục tham ưu. Đó, mấy con hiểu cái chỗ mà đức Phật nói câu đó không? "Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu". Mục đích của cái quán thân là để nhiếp phục tham ưu, chứ đâu phải để nhiếp chơi. Mà bây giờ con nhiếp chơi để cho nó có niệm trong đó, rồi bây giờ xả nữa thì thôi tu pháp khác đi, cho nó sướng hơn, nó mới đúng cách nó chứ, con hiểu rồi phải không? Cho nên vì vậy mà cái câu này, thì coi như là nó còn niệm là nó không đúng pháp Tứ Niệm Xứ đâu.
Theo Thầy, thì con phải tập thanh thản, an lạc, vô sự, rồi giữ cái tâm của mình để xả thôi, chứ cái sức của con mà tu Tứ Niệm Xứ là chắc tu không nổi đâu. Bởi vì cái quán ở trên Tứ Niệm Xứ là tập nó từ cái sức mà tỉnh thức cho đến định tỉnh. Thì con bây giờ con về, con tập theo cái sức của con đi. Con quán thân được chưa? Con cảm nhận được cái thân của mình được chưa?
(06:04) Cái đầu tiên là phải cảm nhận được thân: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra", con cảm nhận cái thân của con. Con đi kinh hành, con cảm nhận được cái, cảm nhận được đã. Rồi cảm nhận được rồi, mới tập tỉnh thức ở trên đó. Rồi tỉnh thức được rồi, mới tập định tỉnh trên đó. Nó nhiều cái giai đoạn ở trên Tứ Niệm Xứ, gọi là tập quán thân trên thân. Chứ không phải là người nào muốn quán thân trên thân là vô rồi quán cùng được liền đâu, không phải đâu. Mấy con sẽ quán không có được đâu. Thầy nói thực sự cái pháp thì nó hay, thì nó phải khó chứ. Cái pháp hay mà nó dễ thì người nào cũng ăn được hết sao? Đâu phải dễ, cho nên nó khó.
Tu sinh 3: Kỳ rồi Thầy có dạy con tu theo cái quán thân có kinh hành..,
Trưởng lão: Có kinh hành thì con có đi, con có cảm nhận được thân không?
Tu sinh 3: Dạ được ạ
Trưởng lão: Rồi, cảm nhận được. Nhưng mà cái khoảng thời gian con tu năm phút thôi, con không được tu nhiều. Vì con tu nhiều là con sẽ bị sai.
Tu sinh 3: Con tu trong năm, mười phút ạ
Trưởng lão: Rồi, bắt đầu bây giờ con tu như vậy đi
Tu sinh 3: Thầy cho con hỏi, như vậy Thầy có dạy thêm cái chi nữa không?
Trưởng lão: Không! Quán chưa được mà còn hỏi cái chi nữa thì nó lộn xộn sao? Phải về tập quán cho nó được. Khi mà nó được rồi, thì lúc bấy giờ Thầy mới dạy con, nó tỉnh thức ở trên đó. Tỉnh thức ở trên chỗ quán của con, coi nó tỉnh thức đến cái mức độ như thế nào? Rồi Thầy kiểm điểm lại, rồi Thầy mới cho con định tỉnh ở trên đó.
(07:29) Trưởng lão đọc câu hỏi: Con đang thắc mắc trước vấn đề dịch kinh ra tiếng Việt. Một khi bậc Tôn túc, học giả dịch kinh, các danh từ chung không sao. Nhưng đến các pháp hành diễn tả trạng thái tâm của một người tu chứng hoặc trạng thái người đang tu, mà từ chữ Pali sang tiếng Việt. Nếu không ở trong trạng thái tâm đó, làm sao diễn tả đúng được, khi mình ráng tìm hiểu theo nghĩa tiếng Việt? Ví dụ cảm giác, cảm nhận rung động, cảm nhận của thân theo nghĩa tiếng Việt. Hai câu này khác nhau, cảm giác toàn thân, cảm nhận toàn thân rung động. Con thấy các nhà học giả hay gán ghép tiếng Việt khi dịch vì chưa trải qua kinh nghiệm.
Trưởng lão: Sự thật ra thì hầu hết là những người mà dịch trong đó đó, thì phải cái người mà hiểu được cái nghĩa của cái từ mà họ dịch ra bằng cái kinh nghiệm tu của mình nó mới chính xác con. Còn người mà không có kinh nghiệm tu thì họ hiểu cái nghĩa chung chung thôi, chứ họ không có rành. Cho nên khi mà hiểu được cái nghĩa, như ví dụ: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra". Hoặc là Hòa thượng Minh Châu dịch cảm giác thì cũng được. Nhưng mà Hòa thượng Minh Châu dịch: "Cảm nhận toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm nhận toàn thân tôi biết tôi thở ra" cũng được, không có sao hết. Bởi vì cái cảm giác với cảm nhận này nó cũng không có gì mà khác xa lắm đâu.
(09:02) Nhưng mà Hòa thượng Minh Châu lại dịch qua cái câu mà ở trong Thân Hành Niệm. Cái bài pháp Thân Hành Niệm để chúng ta nhận ra được cái câu mà ở trong Định Niệm Hơi Thở: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô". Thì chúng ta thấy khi tôi hít vô, tôi thở ra tôi cảm nhận nhưng chứ không rõ.
"Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra", qua cái câu của Thân Hành Niệm. Đức Phật đã xác định cái câu đó rõ ràng Thân Hành. Thì cho nó tại sao mà ở trong câu kia lại "Cảm giác toàn thân" mà ở trong cái Thân Hành thì phải là "Cảm giác thân hành"? Các con thấy chưa?
Cho nên ở đây, cái câu đầu của cái câu mà "Cảm giác toàn thân" mà Hòa thượng Minh Châu dịch, thì ngài chỉ dịch theo cái từ của Pali ra cái “Cảm giác toàn thân” mà thôi. Nhưng mà cái pháp Thân Hành Niệm thì Ngài lại dịch: "Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra". Cảm giác thân hành là cảm cái sự rung động mà.
Cho nên bây giờ con hỏi cảm nhận toàn thân là sự rung động, có phải không? Thì ở đây, đức Phật đã xác định rồi, nó sự rung động rồi. Thân Hành thì nó nó phải có, hành là nó phải có sự động nó chứ sao? Cho nên có sự rung động. Mà tôi có cảm nhận sự rung động, tức là cảm nhận cái sự Thân Hành của nó rồi. Đó, thì như vậy cho nên chúng ta nhận ra được cái chỗ này. "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô" là tức là cảm nhận được cái sự rung động của cái thân chúng ta. Cho nên từ cái bài pháp này cho đến cái bài pháp khác, chúng ta kê lại, chúng ta xác định.
Còn cái sự tu chứng của Thầy, Thầy rất biết. Nhưng mà Thầy không đủ cái niềm tin để nói, bằng cách là Thầy đưa những cái câu của đức Phật đã dạy mà Hòa thượng Minh Châu dịch để làm cái sự xác chứng cho mấy con. Thầy tu chứng, mấy con biết được cái chứng ở trong lòng của Thầy như thế nào? Các con đâu biết được.
Nó có những cái khó. Cho nên vì vậy mà nó có những cái câu, những bài pháp mà làm chúng ta để hóa giải được những cái từ mà chúng ta rất là khó hiểu. Có nhiều từ rất khó hiểu mấy con, chứ không phải dễ đâu.
Những cái này nó còn dễ hiểu đó, còn có những từ rất là khó hiểu, nhưng mà cái người tu chứng, người ta hiểu. Thí dụ như cái bài Đại Không, cái bài Tiểu Không, mà nếu mà không phải người tu chứng thì không hiểu đó. Người ta chỉ nghĩ đó là cái tánh Không, chứ không phải là Không tánh. Mà Không tánh là cái nghĩa nào, họ cũng vô nghĩa. Cho nên nếu mà Thầy không giải thích ra những cái từ này thì chắc chắn là không ai hiểu. Nếu một người không tu chứng thì người ta không hiểu được cái này, người ta không giải thích nổi. Cho nên, hầu hết là các nhà học giả đều là không giải thích ra được cái nghĩa lý của kinh sách Nguyên Thủy. Nó không thành biến thành cái pháp hành của chúng ta một thực tế.
(11:41) Thiện Trí có một cái ý mà góp ý ở trong cái chỗ hỏi Thầy: Hôm trước con có nghe Thầy nói những người bệnh phải được trị bệnh cho thật hết bệnh rồi mới vào tu. Kể từ ngày Thầy đi khỏi đến nay, trước mặt cái cốc con ở mé bên kia, có ông mặc đồ vàng cũng đâu mặt với cái cốc của con đang ở. Thì ông già này ổng bệnh ho quá nhiều, ho liền liền, ông đụng đâu cũng khạc, nhổ tùm lum. Như vậy làm sao khỏi lây bệnh cho cả khu mà con đang ở tu. Hổm rày tới khi dùng cơm, con phải tản cư, đem cơm xuống tận mé ranh đầu dưới mà ăn cơm. Bởi vì trong khi đang ăn cơm thì ở bên, ổng hỉ mũi một cái rột, rồi ông ho lên, ông khạc ra cái rột. Con gớm quá nên phải chạy cho xa ăn cơm mới hết gớm. Vậy con xin gởi thư điều này trình Thầy.
Trưởng lão trả lời: Ở đây, thì tất cả những cái điều mà Thầy nói trong cái sự tu tập đó. Nếu mà mình có những cái bệnh tật gì đó, thì mình phải trị cho nó lành bệnh cho thật lành, mình vào tu nó mới dễ. Còn mình có bệnh thì nó là cái khổ. Cái khổ là khi mình bị bệnh, thì mình lo cái bệnh của mình không thì mình làm sao được thanh thản, an lạc vô sự? Cho nên, có bệnh thì phải được trị cho hết thật hết, rồi mới tu. Còn nếu không thì mình cứ lo ngồi yên cái là chướng bệnh nó nổi lên rồi. Nó ho, nó khạc thì làm sao mình thanh thản được? Tất cả những cái bệnh bây giờ nó đau nhức, nó nóng sốt hoặc là nó có cái gì trong thân của mình đều là mình phải lo mình trị cho thật sạch, rồi mình mới vào tu.
(13:25) Bởi vì đức Phật đã nói có năm điều khó tu, người mà có thân bệnh là một điều người khó tu, tu không tới đâu. Mình có ham đi nữa nó cũng không tới đâu, mình phải lo mình trị cho hết bệnh.
Lẽ ra phải cho mấy con, phải sắp xếp để rồi, Thầy thì quá bận công việc. Lẽ ra Thầy sắp xếp cho một xóm người bệnh, cho ở vào một cái bệnh viện. Vì Thầy chưa có bệnh viện, chứ cỡ có cái bệnh viện, Thầy cho vào cái bệnh viện nằm hết, để rồi bác sĩ trị cho hết. Còn nếu mà mấy con bây giờ không có bệnh viện, thì đưa vào cái khu mà trị bệnh, mấy con bệnh gì tất cả ung thư, ruột, hay là tim, phổi, gan, phèo gì, lên tăng xông, huyết áp gì cho vào một khu bệnh. Tất cả mọi người đều vào đó để mà trị bệnh. Mà vào đó trị bệnh thì tức là mình dùng phương pháp để trị, thì trong cái xóm mà bệnh, thì chúng ta phải chịu với nhau thôi. Bởi vì mình bệnh thì mình phải chịu với nhau.
Còn cái xóm người mà người ta không bệnh, để cho người ta yên tu. Người ta tu để mà người ta sớm chừng nào, tốt chừng nấy. Thật sự ra cái Tu viện của mình thì nó chưa được hoàn chỉnh, bởi vì nó phải có từng cái khu mấy con. Mà cô Út cô rào cô, cô dạo làm thành khu, từng khu đó, nhưng mà chưa có sắp xếp được. Thay vì bây giờ đó, cái lớp tu của chúng ta nó sẽ sắp xếp lại, cái lớp nào, nó ở cái mực độ nào.
Mà hôm nay, thì Thầy còn xét lại coi cái Tứ Niệm Xứ nó bao nhiêu người? Và cái người tu tâm xả nó được bao nhiêu? Và cái người mà còn đang ở trong cái lớp Chánh Kiến để mà còn triển khai cái tri kiến của mình nó bao nhiêu người? Rồi mới sắp xếp nó theo lớp lang của nó, theo cái khu mà cô Út …
(15:01) Thay vì bây giờ cái khu này là cái khu Một. Cô Út rào đó là cái khu Một. Rồi khu Hai, rào khu hai. Rồi khu Ba, rồi khu Bốn, thí dụ như vậy. Thì do đó nó có từng khu thì mình mới đưa cái nhóm người bệnh nằm ở cái khu nào? Rồi cái nhóm mà người mà tu Tứ Chánh Cần thì ở nhóm nào? Nhóm người tu tâm xả nó ở chỗ nào? Mà cái nhóm người tu Tứ Niệm Xứ nó ở đâu? Nghĩa là từ cái nhóm của người ta thì người ta sẽ giữ gìn giới luật nó nghiêm chỉnh, nó không có nói chuyện với nhau. Nó đem lại cái sự an ổn cho cái khu đó, người ta tu cái pháp đó.
Còn cái này nó lộn xộn, có nhiều khi ở trong cái nhóm mà tu Tứ Chánh Cần lại có một cái người tu Tứ Niệm Xứ. Rồi từ cái người tu Tứ Niệm Xứ, cái người mà tu cái tâm xả của họ, họ đang ở trong Chánh Kiến, họ lại nằm ở trong cái nhóm của cái người tu tâm xả hoặc là cái người tu Tứ Chánh Cần thì hoàn toàn nó bị động hết. Nó bị động hết nó không còn …
Cho nên, ở đây nó cần phải phân lớp. Mà phân lớp ra thì căn cứ vào cái cơ sở của chúng ta, thì nó chưa có hoàn chỉnh. Chứ nếu nó hoàn chỉnh, Thầy sẽ phân lớp ra. Bên nữ nó cũng chưa có hoàn chỉnh cái vấn đề đó, nhưng bên nữ nó cũng có nhiều khu. Bên nam chúng ta bây giờ nó cũng được ba, bốn khu thôi. Nhưng mà làm sao bây giờ chúng ta để khắc phục được những cái đó, để mà chúng ta biến thành một nhóm đó tu cái lớp đó, là phải ở trong cái khu đó thôi. Có vậy thì nó dễ dàng với cái vấn đề tu tập của mấy con.
Cho nên hôm nay, con góp ý điều đó là một cái điều rất là quan trọng. Còn cái nhóm bệnh là phải cho nó theo cái nhóm bệnh. Ở đó nó chỉ cần dùng cánh tay nó đẩy bệnh thôi, chứ không còn cách nào khác hơn hết. Nghĩa là tối ngày nó chỉ tu cánh tay nó đưa ra, đưa vô để đẩy bệnh thôi. Nó ho nó cũng đẩy bệnh đó, mà nó khạc nó cũng đẩy bệnh đó, mà nó tăng huyết áp nó cũng đẩy bệnh đó. Ở đây nó có một thứ thuốc trị thôi, kêu là thuốc này thuốc trị bá bệnh, chứ nó không có nhiều hơn hết. Bởi vì nó là cái pháp Như Lý Tác Ý mấy con, mà nó sử dụng cánh tay nó để trị bệnh thôi.
Thì trong cái vấn đề mà tu tập, nó có nhiều cái khó khăn của cái lớp mới tổ chức mấy con. Chứ sau cái đợt này rồi, sau này thì cái sự tổ chức đó nó dễ dàng hơn, nó không còn khó khăn. Bởi vì mình trải qua một cái thời gian mình mở cái lớp tu, cho nên tất cả mọi cái nó đều được bình an trở lại hết, nó không còn cái gì khó. Còn mới đầu nó thật là nó rất là khó khăn, nó khó quá chừng, nó không có dễ dàng.
(17:23) Trưởng lão đọc thư: Kính bạch Thầy, con không dùng tưởng tượng từ đầu xuống chân và ngược lại. Con chỉ để tâm quán vô để cảm nhận thêm trên thân, có đúng không thưa Thầy?
Trưởng lão: Sự thật ra thì con sẽ được kiểm tra lại kỹ trong vấn đề đó, chứ còn không khéo thì nó quán thân mà nó không trở thành quán thân. “Con cảm nhận trên thân có chỗ nào căng hoặc là khó chịu, hoặc là đau ở đầu, ở ngực, ở chân, con dùng tâm quân bình”. Sự thật nhiếp tâm mà trên Tứ Niệm Xứ thì không có chỗ nào đau hết. Có chỗ nào đau thì mấy con đi qua cái nhóm bệnh đó để mà nằm đó, để mà trị cái bệnh. Chứ còn tu Tứ Niệm Xứ mà có chướng ngại trên đó thì không được. Nghĩa là, các con quán thấy chỗ này đau, chỗ kia đau. Bây giờ nó không đau mà ngồi mà quán thấy chỗ này đau, là tu Tứ Chánh Cần, chứ không phải tu Tứ Niệm Xứ.
Tứ Niệm Xứ là phải thanh thản, an lạc, vô sự, hoàn toàn bất động. Nghĩa là bất động rồi mới tu Tứ Niệm Xứ, chứ còn tâm chưa bất động là chưa tu Tứ Niệm Xứ được. Nó là lớp thứ bảy của Bát Chánh Đạo rồi. Cho nên tâm chúng ta phải thanh tịnh, rất là thanh tịnh. Thân của chúng ta phải là thanh tịnh, nó không còn cái bệnh lặt vặt đủ thứ trong đó. Cho nên nó tu Tứ Niệm Xứ là để chuẩn bị cho mấy con rồi. Thân mà còn đau, mà tâm còn chướng ngại là đừng có nói tu Tứ Niệm Xứ. Lo mà đẩy lui ba cái chướng ngại này, nó chưa được thì như vậy là đang ở trên Tứ Chánh Cần mà khắc phục những ưu phiền ở trên đó, chứ đâu phải là trên Tứ Niệm Xứ đâu?
(18:55) Tứ Niệm Xứ là phải bình an để mà chúng ta hoàn toàn nó đi vào cái sự mà tỉnh thức và định tỉnh trên đó, để chúng ta đạt được cứu cánh. Chứ không phải là cái chỗ mà Tứ Niệm Xứ để mà cái chỗ chơi đâu. Ở chỗ này chỗ còn đau sao được? Chỗ này còn niệm sao được? Chỗ này không còn chướng ngại. Bởi vì vô cái pháp Tứ Niệm Xứ là tự bản thân Tứ Niệm Xứ nó đã khắc phục tham ưu, nó không còn cái đau khổ trên đó hết. Mà giờ mình đã mang cái đau khổ, thì mình đến đó, mình tu Tứ Niệm Xứ thì làm sao tu vô? Bây giờ tôi đang đau đây mà tôi ôm Tứ Niệm Xứ, làm sao tôi khắc phục được nó, tôi nhiếp phục được?
Thì bây giờ qua Tứ Chánh Cần đi, để rồi ở bên đó nó có pháp để đẩy lui cái đó đi. Mà đẩy lui được rồi thì anh mới qua bên Tứ Niệm Xứ anh tu chứ! Anh chưa đẩy lui nó, mà làm sao anh qua đây, anh dùng cái pháp này, anh đẩy lui trên Tứ Niệm Xứ được sao? Con hiểu không? Cho nên mấy con tu như vậy là mấy con không có hiểu pháp.
Tu sinh 4: Thưa Thầy, xét lại trong huynh đệ chúng con đây có người nào khỏi bệnh không? Người thì bị ngứa, người bị sưng, người bệnh…
Trưởng lão: Thì qua cái lớp bệnh hết. Nghĩa là càng bệnh thì Thầy đưa qua cái lớp bệnh. Bệnh ngứa cũng theo đuổi bệnh rồi. Bởi vì có ngứa, có chướng ngại thì, làm sao các con ở trên cái Tứ Niệm Xứ được?
Tu sinh 4: Bị lên tăng xông, lớp thì phù thũng..
Trưởng lão: Rồi thì cái chuyện đó phải qua cái bệnh viện mà nằm hết. Qua cái bệnh viện đa khoa mà nằm, đủ thứ loại. Ngứa thì theo mấy cái phòng mà trị bịnh ngứa, da liễu. Còn bịnh mà lên huyết áp, tăng xông thì qua cái phòng mà cái nhóm huyết áp, tăng xông. Còn người bị phổi lao thì qua bên cái phòng mà bệnh phổi lao, không để truyền nhiễm cho người ta sao? Tất cả những cái này đều là được đưa qua cái bệnh viện hết rồi.
Tiếc những cái trung tâm an dưỡng của Thầy chưa có, chứ có bệnh viện thực sự thì đưa qua nhờ mấy ông bác sĩ trị mấy người này cho hết giùm Thầy đi. Hết rồi Thầy mới đưa qua tu, chứ còn không khéo mấy ông này trời đất ơi! Nó làm động quá đi. Đó, nó như vậy đó mấy con?
Con?
Tu sinh 4: Thưa Thầy cho con hỏi, ví dụ việc tu tất cả thời gian tu lại Tứ Niệm Xứ được không ạ?
Trưởng lão: Tự nhiên nó quay trở lại rồi con. Không nói chứ nó cũng ở trên Tứ Niệm Xứ rồi, cho nên con phải tu. Bây giờ con thấy mình tu pháp xả đi, rồi xả một thời gian sau tự nó mới quay vô. Đó là tự cái tâm của mình nó quay vô, nó quán rồi, nó quán trên Tứ Niệm Xứ. Lúc bấy giờ đó, con mới ôm pháp Tứ Niệm Xứ mà con nhiếp phục.
Tu sinh 4: Thưa Thầy cho con xin hỏi thêm, như vậy thì tập trung những huynh đệ chúng con, những người bị bệnh mà có vi trùng nặng nó sẽ lây lan ra toàn bộ thì làm sao?
(21:20) Trưởng lão: Không sao đâu, con có pháp Như Lý Tác Ý rồi. Nó vô con nào thì đẩy nó ra con nấy, có gì đâu mà lo, bởi vì mình có pháp rồi con. (Thầy cười) Biết rằng gần bên mình có người bệnh lao rồi, bây giờ vi trùng phổi rồi. Mỗi lần mình ngồi tu, mình tác ý: “Lao phổi không được vô đây nhe, mày phải đi ra khỏi đây, pháp Như Lý Tác Ý của tao là độc đáo lắm đó, tao tác ý rồi thì phải đi”, thì nó không có xâm nhập con đâu. Mặc dù con hít thở thả cửa thôi, nhưng mà nó không vô. Đừng có sợ, mấy con là sợ chừng nào, nó lại xâm nhập cơ thể mấy con chừng nấy. Còn không sợ, tự thân con nó có sức đề kháng, nó chống lại vi trùng hết. Thầy nói sự thật như vậy. Bởi vì mình tác ý đó, thì như vậy nó làm cho cái tâm của mình nó không có dao động, không có sợ. Cho nên nó có sức đề kháng, nó mạnh, nó chống lại tất cả những vi trùng lao. Cho nên yên tâm đi, để rồi Thầy cố gắng, Thầy mở cái bệnh viện cho sớm chừng nào tốt chừng nấy.
Tu sinh: Thưa Thầy! Cái bài con xin hỏi, còn phần sau nữa.
(22:21) Trưởng lão: Còn phần sao con?
À bắt đầu đây, Thầy trả lời câu này lần sau nữa, câu hai: Khi cảm nhận thân có chỗ nào căng hoặc khó chịu, hoặc đau ở đầu, ở ngực, ở chân, con dùng tâm quân bình, tự nhiên các chỗ trên đều tạm nhẹ yên, khi yên rồi con chỉ cảm nhận trên thân, còn hơi thở ra, hơi thở vô để tâm …
Trưởng lão: Không phải con, cái đó cũng còn đang tu ở trên Tứ Chánh Cần thôi con. Khi mà nó có cảm nhận những cái đau đớn ở trên thân con thì Tứ Niệm Xứ không được. Tứ Niệm Xứ là phải là con người rất là khỏe mạnh, bình yên mới là tu tập tỉnh thức và định tỉnh trên Tứ Niệm Xứ, tức là quán thân trên thân. Rồi từ đó nó sẽ có sức tu tập. Bởi vì đây là tập quán thôi, chứ chưa phải nhiếp phục đâu. Mà tập quán nó có bị chướng ngại không thì mấy con quán cái thứ gì được đâu? Nó lo đẩy lui bệnh không đó.
Thì do đó, thí dụ như bây giờ con thấy từ đầu, ngực, chân đau con này, rồi bây giờ con dùng tâm quân bình của con để tự nhiên, để mấy chỗ đó nó tạm yên đi, rồi con mới trở về. Thì như vậy là con cũng chỉ đang ở chỗ tu tập để ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện thôi. Tức là Tứ Chánh Cần, nó không phải Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ nó khác rồi con.
Cho nên ở cái lớp Tứ Niệm Xứ này mình phải nhận ra cho được cái sự tu của Tứ Niệm Xứ. Còn cái đó là Tứ Chánh Cần- ngăn ác, diệt ác. Nó không lầm lộn đâu, pháp Phật nó không có lộn. Nó không có lầm lộn pháp này qua pháp khác. Cho nên, ở đây mà nó còn chướng ngại thân, thì cái người mà chướng ngại thân là khó tu. Khó tu là đối với pháp nào? Khó tu đối với Tứ Niệm Xứ, chứ không phải khó tu với Tứ Chánh Cần.
(23:56) Bởi vì Tứ Chánh Cần nó đã nói rồi: “Ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện”, mà anh bị bệnh thì tôi cũng có pháp tôi đẩy cho hết bệnh anh mà. Cho nên Tứ Chánh Cần nó đâu ngán thằng nào. Thằng nào lòi mặt vô thì nó đẩy ra hết. Có phải không? Tứ Chánh Cần mà. Bốn cái chỗ cần của chúng ta tu mà. Mà thân chúng ta có những cái ác pháp, có những cái chướng ngại thì phải Tứ Chánh Cần thôi, không có pháp gì khác hơn hết. Còn Tứ Niệm Xứ là nó cái nơi vị trí của nó đứng, nó phải là cái sự bình an, thật bình an.
Cho nên cái người tu theo đạo Phật mà có bệnh là một điều khó. Nó không phải là cái người đó tu không được, nó khó thôi. Nhưng mà nó khó với Tứ Niệm Xứ, chứ nó đâu phải khó với Tứ Chánh Cần? Bởi vì Tứ Chánh Cần, anh vào gặp tôi thì tôi gạt, tôi đẩy anh bay hết, chứ tôi đâu có để anh vào nằm đây. Cho nên đối Tứ Chánh Cần nó không sợ, mà Tứ Niệm Xứ thì anh vô không được, cái nhà tôi, tôi không chứa anh đâu. Tôi không phải bệnh viện, anh qua cái bệnh viện của Tứ Chánh Cần kìa anh tu, cái chỗ đó là cái chỗ của anh ở. (Cười) Tại cái nghiệp của anh, anh phải vào đó.
Cho nên vì vậy, mà Thầy nói cho mấy con biết. Bây giờ đó mấy con mới biết được Phật pháp, cái pháp nào nó hợp với mấy con, mà cái pháp nào nó chưa hợp với mấy con. Mấy con biết cái đặc tướng của con người mà, nó đâu có giống ai. Người này bệnh cái này, người kia bệnh cái kia, nó phải hợp, nó mới vào cái chỗ pháp đó mà tu tập mới được. Chứ pháp Phật không bỏ một người nào hết. Nghĩa người bệnh cũng không bỏ, mà người đau cũng không bỏ. Nhưng mà nó khó, nó khó là nó khó với cái pháp của nó, nó không thể ở cái pháp đó mà tu cái đó được.
Cũng như bây giờ anh loạn tưởng, mà anh vào cái pháp Tứ Niệm Xứ mà anh tu sao được? Anh bị loạn tưởng thì anh phải vào Tứ Chánh Cần anh tu. Nhưng mà anh phải tu cái pháp nào trên Tứ Chánh Cần? Anh phải tu Định Niệm Hơi Thở, chứ anh đâu có ở chỗ khác được.
Anh tu anh loạn tưởng, anh ngồi cái nó cứ nó vọng tưởng anh tuôn ra ào ào thì anh phải vào Định Niệm Hơi Thở. Thì ở trong Định Niệm Hơi Thở nó có cái đề mục để mà chúng ta nhiếp phục được cái loạn tưởng: "An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra". Cái chỗ mà tâm chúng ta bị loạn tưởng nó không có được yên, chúng ta phải dùng cái câu đó chứ, con hiểu không?
Cho nên ở trong cái Định Niệm Hơi Thở nó có những cái đề mục nó, để nó khắc phục những cái chướng ngại của nó rõ ràng. Bây giờ anh hôn trầm, thùy miên thì trên hơi thở nó cũng có những cái đề mục để mà phá hôn trầm, thùy miên chứ đâu phải không? "Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra", đức Phật trang bị chúng ta đủ hết mà. Chứ đâu phải mà đợi chúng ta đi kinh hành đâu? Nhưng mà anh, vì anh tập luyện Định Niệm Hơi Thở anh chưa có căn bản. Nghĩa là một phút nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở anh chưa làm được, thì thử hỏi làm sao anh phá được hôn trầm, thùy miên? Buộc lòng anh phải đi Chánh Niệm Tỉnh Thức, anh đi kinh hành thôi. Con hiểu chỗ đó chưa? Chứ còn nếu mà tôi tu Định Niệm Hơi Thở hẳn hoi, kỹ lưỡng, đàng hoàng thử coi, có mặt nào mà dám chen vô trong tôi được?
(26:33) Bởi vì Định Niệm Hơi Thở là lợi ích rất lớn. Tất cả những chướng ngại gì mà vào trong thân nó thì nó đẩy lui ra được hết. Nó có phương pháp đẩy lui. Nó có cách thức, nó có đề mục cũng nó đẩy lui mà. Nó rõ ràng, chứ nó không phải là mơ hồ đâu.
Chứ không phải là tôi nhiếp tâm vô hơi thở để sổ tức, tùy túc, để mà tôi chứng được thiền không vọng tưởng đâu. Không phải! Cái điều đó mọi người hiểu sai Phật pháp, không đúng. Cho nên mới đẻ ra Lục Diệu pháp môn, mới đẻ ra sổ tức, tùy tức. Điều đó là điều sai của các tổ không hiểu Phật giáo, không hiểu pháp hơi thở của Phật giáo.
Bởi vậy, khi mà Thầy vạch ra rõ thì Thầy thấy, tất cả các tổ không hiểu Phật giáo. Hiểu qua tưởng của mình, rồi đẻ ra nhiều cái pháp làm chúng ta lầm lạc, đi vào cái pháp ức chế tâm để không có vọng tưởng. Tu như vậy mấy vị đã hiểu sai Phật pháp rồi. Mục đích của đạo Phật là ngăn ác, diệt ác làm cho chúng ta không còn tham, sân, si. Hết tham, sân, si là giải thoát, chứ không cần gì hết. Nó là cái mục đích của đạo Phật như vậy mà!
Đó thì cho nên hôm nay, Thầy nói như vậy để cho chúng ta biết được con đường tu của chúng ta. Cái pháp nào, người đó hợp với pháp đó là phải tu pháp đó. Mà không hợp cái pháp đó, chúng ta trở về. Chúng ta tu là để giải thoát, chứ đâu phải là chúng ta ngồi trên cái lớp cao đó để làm gì? Có (học) vị để làm gì đây, mà có lợi ích thiết thực cho chúng ta không, hay là mua cấp bằng?
Tôi cũng tu Tứ Niệm Xứ đây. Đi ra nói tôi cũng có cái bằng để tu Tứ Niệm Xứ, khoe đâu tôi cũng tu Tứ Niệm Xứ đây. Nhưng mà sự thật Tứ Niệm Xứ của mấy anh có làm chủ được sinh, già, bệnh, chết anh chưa? Có chứng đạt được chân lý chưa?
(27:57) Cái lớp thứ bảy của người ta mà. Cái lớp người ta chứng đạt chân lý của người ta mà, mà mình có làm được chưa? Trong khi đó mình ngồi cái đau bệnh, nhức chỗ này, chỗ kia, mà mình chạy xuống cái lớp Tứ Chánh Cần để xả những cái điều này thì không chịu, coi nó thấp.
Mà bây giờ cái tri kiến của mình không hiểu: “Những gì thông hiểu cần thông hiểu”. Mà không hiểu, mà không chịu ở cái lớp Chánh Kiến mà để học. Mà muốn nhào lên những cái lớp cao hơn, thì thử hỏi làm sao mà cái tri kiến mình đủ? Mấy con cứ muốn cao không, muốn mình làm Hòa thượng không à. Muốn làm Thượng tọa, ngồi một đống như thế này. Nhưng mà Thượng tọa đó làm cái gì mấy con? Có lợi ích gì không? Chưa đâu! Mình làm sao mình làm cho được những cái điều kiện mình làm được. Thà là mình ở cái lớp một, mà cái lớp một, mình là một người học sinh giỏi, thì còn hơn là học sinh ở cái lớp hai mà dở. Thầy nói như vậy, mấy con biết là cái sự tu tập của chúng ta nó phải đi vào cái căn bản rất là căn bản, chứ không có thể nào mà mất căn bản mà được.
Chính vì mất căn bản mà mấy con vô Tứ Niệm Xứ mà vô không được. Mà Thầy đã trang bị cho mấy con hết các pháp rồi. Trước khi mà Thầy biết các con sẽ vào lớp Tứ Niệm Xứ này, thì Thầy đã trang bị một phút nhiếp tâm và an trú tâm. Thế rồi các con tu năm, mười phút, tu luôn luôn à, muốn làm hơn à? Thầy dạy một phút thì một phút cho được. Rồi chừng nào mà Thầy cho lên hai phút là hai phút, mà ba phút là ba phút, mà không cho thì cứ một phút đó mà tu. Nhưng một phút mà tu được rồi thì bắt đầu lên Tứ Niệm Xứ. Mấy con thấy ở trên cái chóp bu của cái hơi thở, mình nhìn lại cái thân mà nhiếp tâm, an trú trong một phút. Mấy con nhìn lại cái thân của mấy con có quán thân coi được không? Thế mà mấy con không hiểu gì hết.
Đó, thì cho nên bây giờ tới giờ này mà tu Tứ Niệm Xứ, rồi mới thấy được cái sự quán của mình nó trợt vuột, nó tới lui, nó không có bám được. Nó không có định tỉnh được, nó không có tỉnh thức được ở trên đó. Đó là cái tu tập thiếu căn bản, mà Thầy dạy rất căn bản.
(29:51) Đó thì hôm nay, mà sự tu tập của chúng ta là như vậy, cho nên phải cần cố gắng tu tập hơn. Người nào nhiếp được trên thân quán thân, nhiếp được thì chúng ta nhiếp năm phút, rồi tập cho nó tỉnh thức, rồi định tỉnh ở trên đó cho Thầy. Rồi đồng thời trong những cái giờ phút mà cần phải gặp Thầy để kiểm tra chặt chịa cho sự quán thân. Bởi vì nó là cái pháp quán thân để nhiếp phục tham ưu mà. Nó quan trọng vô cùng lận, chứ nó không phải là thường. Nó chỉ cần nhiếp cái này mà ưu phiền cái thằng này nó không còn có, đó là cái quan trọng của nó.
Còn cái kia, ngay cả thí dụ như Tứ Chánh Cần, ngay cả bây giờ cái thân chúng ta chướng ngại cái gì, hay tâm chúng ta có gì, thì nó có cái phương pháp khác để đẩy lui nó, thì cái đó nó dễ. Còn cái này tự thân bản thân nó quán mà nó nhiếp phục cái này, nó không cần dùng cái pháp nào khác hơn hết. Nó là Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ, nó không có dùng cái gì khác nữa hơn hết. Cho nên nó khó, nó không phải dễ.
Còn cái Tứ Chánh Cần mấy con thấy, nó ở trên Tứ Chánh Cần nó quan sát thân nó à. Nhưng mà nó có một cái pháp nào mà tác động đến thân nó, thì nó lấy cái phương pháp khác nó đem vô nó đẩy, chứ nó đâu có cần phải ở trên Tứ Chánh Cần đâu. Còn Tứ Niệm Xứ nó ở trên Tứ Niệm Xứ đó mấy con. Bởi vì nói Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ mà, trên thân quán thân mà. Còn Tứ Chánh Cần nó có nói trên thân quán thân đâu? Tứ Chánh Cần là nó ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện thôi, nó chỉ nói vậy thôi. Cái pháp nào nó ra pháp nấy chứ.
(31:12) Trưởng lão đọc thư: Thời tu tối bảy giờ đến mười giờ đầu con ngồi bất động thân năm phút, kèm theo hơi thở cảm giác toàn thân. Để ngó thân tu năm phút, nghỉ mười phút, liên tục tu đến hết giờ đầu, bảy giờ đến tám giờ. Giờ thứ hai, khi hôn trầm chuyển sang kinh hành ngó thân đi năm phút, xả nghỉ mười phút, liên tục tu hết giờ thứ hai tám đến chín giờ. Giờ thứ ba, khi tu đi kinh hành chuyển sang tư thế nằm kiết tường, ngó thân năm phút, nghỉ mười phút, liên tục tu hết giờ: chín giờ đến mười giờ. Thưa Thầy, con tu như vậy có sai pháp Tứ Niệm Xứ không? Hay phải tu ngồi ngó thân đến thuần, rồi mới chuyển sang tư thế khác? Câu hỏi thứ hai.
Trưởng lão: Cái câu hỏi thứ nhất của con đó, con tu như vậy đúng. Nhưng mà vì nó chưa thuần thục ở trên cái đi kinh hành. Rồi bắt đầu tiếp tục là cái giờ đi kinh hành, rồi kiết tường này kia trong cái giờ tu con, nó có nhiều cái hành động của nó.
Cho nên thí dụ như bây giờ, trong cái giờ tu con, bây giờ con tu cái giờ thứ nhất bảy giờ đến mười giờ. Con tu đi kinh hành để cảm giác toàn thân con thôi. Tới giờ thứ hai, thì con cũng tiếp tục con đi kinh hành mà con không có nằm, ngồi gì. Rồi giờ thứ ba, con đừng có thay thế nằm, mà con cũng đi kinh hành luôn.
Ba giờ này cũng đi kinh hành trong năm phút của nó thôi và nghỉ mười phút, cái tiếp tục tu cho nó hết giờ. Mình chuyên vào cái đi kinh hành, để cho nó định tỉnh được ở trên cái thân hành của mình bằng cái đi cái đã, tỉnh thức được ở trên đó cái đã. Rồi sau mà khi nó tỉnh thức được rồi, thì bắt đầu bây giờ con thay đổi cái ngồi hoặc cái đứng, hay hoặc cái đi, cái nằm của nó thì nó rất là tiện lợi, nó tiện lợi.
(33:05) Từ cái căn bản này, để nó dẫn dắt tới những cái căn bản khác của cái oai nghi khác, thì nó tiện. Còn lúc thì con nằm, lúc thì con đi, nhiều khi nó sẽ bị những cái ác pháp ngoài, nó tác động vô con mà con không ngờ được. Trong khi đó con phải tu một cái hành động, cái oai nghi đi thì đi luôn suốt cả một tuần lễ, hai tuần, hay ba tuần cho nó thuần thục, cho nó nhu nhuyễn, cho nó tỉnh thức hoàn toàn ở trên đó được, trên thân con, rồi con mới chuyển sang qua cái oai nghi khác.
Câu hỏi thứ hai: Ngoài những giờ tu để ý ngó thân, ví dụ như thân đi, đứng, nằm, ngồi, tác ý bảo thân đừng dẫm, đạp chúng sanh, hoặc đi khất thực để ý ngó thân. Đi xuyên suốt, đi từ đến khi về thất, như vậy có được không? Hoặc ăn cơm ngó thân, múc cơm biết múc cơm, đưa lên miệng biết đưa lên miệng, biết nhai. Trong thân hành của con phải nhòm ngó, quan sát liên tục, thường xuyên. Như vậy có phải là Tứ Niệm Xứ không? Hay là pháp tu Chánh Niệm tỉnh Giác? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Trưởng lão: Hiện giờ con tu tập nó trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác hơn là cái Tứ Niệm Xứ đâu. Bởi vì cái chính đi kinh hành không mà con quán thân trên thân con, chưa có tỉnh thức mà? Cho nên bây giờ mà tu tất cả những cái hành động khác thì rất là khó, nó không có. Như vậy nó chỉ tỉnh thức thôi, chứ không thể nào khác hơn được. Mà trong tỉnh thức này, mà còn khởi được tâm từ bi của mình tu để cho nó tỉnh thức thôi, thì như tránh dẫm đạp chúng sanh đồ đó, thì con còn câu hữu được những cái điều này. Thì đương nhiên là tập tỉnh thức thôi, chứ không có gì.
Còn cái phần mà tu Tứ Niệm Xứ, thì con chỉ tu chuyên cái phần đó trong các thời như bảy giờ cho đến mười giờ buổi sáng. Chiều hai giờ cho đến năm giờ. Tối bảy giờ cho đến mười giờ, Khuya hai giờ cho đến năm giờ sáng, thì cứ tu chuyên một cái pháp mà quán ở trên thân con trên cái oai nghi đi. Cứ như vậy trong nửa tháng, một tháng mà cho nó thuần thục, nó nhu nhuyễn. Lúc nào mình đi cũng thấy dễ dàng cảm nhận được thân của mình trong cái thời giờ tu. Còn cái thời giờ xả ra thì con tập tỉnh thức, con xả tâm bằng cách này, bằng cách khác điều kiện là tốt hết, chứ không có sao hết.
Tu sinh 5: Thưa Thầy, còn cái giờ đầu thì con ngồi kiết già được không Thầy? Cái giờ đầu, cái giờ mà mới vô đó Thầy?
Trưởng lão: Được chứ con, đâu có sao hết. Nhưng mà.
Tu sinh: Thưa Thầy! Hơi quá giờ rồi. mười giờ mười lăm rồi. Trưa rồi!
Tu sinh 6: Mô Phật còn phần trả lời của con nữa Thầy?
(35:33) Trưởng lão: Phần của con hỏi gì, con cứ nói thẳng đi?
Tu sinh 6: Dạ, có miếng giấy hỏi.
Trưởng lão: Khi mà con tu mà con thấy những cái trạng thái mà cái hơi thở của con nó ngưng. Rồi nó một trạng thái lạ, hơi thở của con nó từ từ nó ngưng hơi thở, rồi một hồi nó lại trở lại bình thường. Con cứ bị tới lui như vậy, tức là con bị tưởng rồi con, bị tưởng về hơi thở đó. Cho nên mình không lưu ý hơi thở thì thôi, mình lưu ý hơi thở thì mình thấy nó hơi thở nó đều đều, nó thở lần lượt nó nhỏ nhiệm hơn, chứ còn nó không bị mất hơi thở. Mà con bị mất hơi thở, tức là con bị tưởng.
Trưởng lão đọc câu hỏi: Có một chú ngồi bên con thường nói chuyện điện thoại rất là lớn tiếng, một ngày đêm điện thoại cả mười lần. Và hồi hôm qua, ông ta nổ máy con tu tập không được, nên con phải phá hạnh độc cư qua nơi ông ta mở máy rồi ngủ. Mai Thầy hoan hỉ dời qua phía trước, chú ở đây làm rất động tâm nhiều quý thầy, quý sư.
(36:50) Trưởng lão: Có một sư ở gần bên con đã làm động con, là mở máy rồi làm động rất nhiều. Để rồi Thầy sẽ xét lại con. Bởi vì công việc Thầy quá nhiều. Cố gắng, khi mà như vậy đó, thì mình rời khỏi thất, mình lại cái chỗ nào yên mình tu cho hết cái thời gian đó đi. Để lần lượt rồi Thầy sẽ kiểm tra lại. Bởi vì bây giờ nó rất khó.
Cái khó là bây giờ cái thất nó chật hết rồi, nó không còn cái chỗ mà dời. Cho nên bây giờ đó chỉ còn cái điều kiện là những khách ở đằng trước đó, họ đã đi về hết đó thì có lẽ là dời ông ta ra đằng trước ở để cho nó dễ hơn. Nó có động, động ở đằng trước thôi, chứ còn bây giờ đưa qua cái thất nào bây giờ? Con là cái phước con gặp được ông ta ở gần, bây giờ đưa lại cho người khác thì làm động người khác cũng tội người ta. Thôi, thà là mình giờ chấp nhận cái đó đi, mình hy sinh đi mà.
Tu sinh 7: Nhưng ông ta nói chuyện điện thoại liên tục, ngày nào cũng nói, lúc nào cũng nói, con đang tu cũng nói, mà ngày nào cũng nói, cứ nói hoài Thầy ạ.
Trưởng lão: Vậy thì lén lén lại lấy cái điện thoại ông giấu cho rồi đi (cười)
Tu sinh 8: Chắc phải vậy quá Thầy.
Trưởng lão: Lấy tôi không phải lấy xài đâu, mà tui lấy cho ông đừng có nói chuyện nữa.
Thôi, bây giờ trong cái vấn đề đó thì như vậy đó con. Thật sự ra thì con thấy, nhìn hết các khu này bây giờ nhét ông ở chỗ nào bây giờ Thầy cũng chưa có biết nữa. Thực sự ra Thầy đã biết cái này rồi, nhưng mà Thầy chưa có biết cách thức làm sao nhét ông ở đâu được? Bởi vì, tất cả những cái người này họ tu ở ngoài, họ không có biết độc cư, rồi họ không biết cách tu nữa, cho nên họ về đây, họ làm động lắm mấy con. Hễ có lạ lạ người mà vô, nhận họ thương họ nhận vô, chứ Thầy biết là động. Nói rằng cái lớp của Thầy nó hết rồi. Nhưng mà họ nói thôi! Cho họ ở đi, họ ở cho nó quen đi, cho giới luật này kia nó quen. Rồi mình tình cảm, Thầy cũng thấy cũng tội, thôi cho ở. Rồi ở đằng trước mà phụ nữ đông quá, cô Út mới đem ông nhét ra đằng sau, mà nhè nhét ngay chỗ con (cười). Con mới có phước lớn đó chứ!
Tu sinh 9: Mô Phật, còn có cái thất trong đó Thầy, thấy thất để không mà không có ai.
Trưởng lão: Dời vào cái thất trong đó sao? Trời đất ơi! Máy móc của chú Thanh Trí để ở trong đó, rồi ông vô, ông còn mở lớn nữa thì sao?
Thôi! Rồi bây giờ sửa soạn đi khất thực, mười giờ hơn rồi. Còn một bức thư nữa mà Thầy chưa trả lời.
Tu sinh: Thưa Thầy buổi chiều chúng con có đến đây không?
Trưởng lão: Khỏi con. (39:37)
HẾT BĂNG