MÙA AN CƯ 22-CHỈ ÔM PHÁP KHI CÓ CHƯỚNG NGẠI

2005 MÙA AN CƯ 22-CHỈ ÔM PHÁP KHI CÓ CHƯỚNG NGẠI

2005 MÙA AN CƯ 22

CHỈ ÔM PHÁP KHI CÓ CHƯỚNG NGẠI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 2005

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [35:16]

Tên cũ: Tham vấn Mùa An Cư 2005

1- CHỈ ÔM PHÁP KHI THÂN TÂM CÓ CHƯỚNG NGẠI

(00:32) Phật tử nữ: Sao cái ngày hôm qua thì nó làm cho con cứ bồn chồn không thể chịu được! Con cứ lo lắng như có chuyện gì! Con không phải chạy ra khỏi thất đâu nhưng mà con thấy chướng ngại, nó làm cho con chướng ngại. Con không thể yên mà con không ngồi con tu được! Rồi đến hôm nay thì nó đỡ. Con không biết như vậy là do sao?

Trưởng lão: Cái vấn đề đó, thường thường nó bồn chồn ở trong lòng của mình đó, một là nó là trạo cử, khi mình tu hành mình tu hơi nhiều nó bị trạo cử. Hai là cái tưởng của mình nó giao cảm với một cái điều kiện gì đó mà nó bồn chồn, nó làm cho mình…​ “Không biết chuyện gì mà nó làm cho mình không có yên”. Thì đó là nó cái tưởng của mình nó giao cảm với cái nhân quả của nó xung quanh nó, nó có cái sự giao cảm. Thì cái sự việc đó muốn biết chắc nó thì một vài hôm thì nó sẽ xảy ra, nó báo cho mình biết, thì đó là sự bồn chồn của sự giao cảm của tưởng.

Còn nói bồn chồn là do cái công phu tu tập của mình nó làm cho cái thân của mình nó bất an, hoặc cái tâm của mình nó bất an đó, thì cái đó gọi là trạo cử. Do cái sự công phu tu tập của mình mà trạo cử. Thì nếu mà do công phu tu tập mà trạo cử đó, thì mình thư giãn mình xả nghỉ.

Tại vì mình tu nó có cái phần sai pháp, ức chế, cho nên nó bị trạo cử, chứ không có gì hết. Thường thường, trong cái đạo Phật thì các con nghe cái danh từ mà nói về "Tứ Chánh Cần", thì "Ngăn ác - Diệt ác - Sanh thiện - Tăng trưởng thiện". Nghĩa là sống một cuộc sống bình thường, không có tu cái pháp nào hết. Nhưng mà cái ác pháp nó đến, nó làm cho mình thấy mình khổ, người khác khổ thì "Ngăn" và "Diệt" ác pháp đó đi. Mà cái pháp mà nó đến, nó làm cho mình thấy nó không khổ mà người khác cũng không khổ, thì cái đó là thiện, mình sống ở trong cái thiện đó đi.

Cho nên cái lời của đức Phật dạy trong Tứ Chánh Cần thì nó cụ thể rõ ràng là của một cái người sống bình thường. Nhưng có cái pháp nào mà tác động vào cho nó phiền não, nó buồn phiền hay hoặc là nó lo lắng sợ hãi, thì hãy mau mau ngăn và diệt. Thì "Ngăn - Diệt", thì đức Phật đã dạy cho chúng ta có cái Pháp "Như Lý tác ý": Như cái Lý của Đạo mà tác ý ra một cái tướng khác của một cái tướng đó, thì cái tướng đó hết!

Chẳng hạn là như bây giờ con bồn chồn như vậy thì con tác ý một cái tướng khác, để làm cho cái thân tâm của con nó bình an trở lại. Thì đó là đức Phật dạy mình "ngăn ác và diệt ác" chứ không có gì hết. Cho nên khi mà nó hết bồn chồn rồi thôi, mình khỏi cần tác ý nữa, mình sống bình thường như mọi người khác, chứ không có gì. Do cái sự tu tập mà hiểu biết của đạo Phật nó rất dễ, nhưng vì chúng ta còn mê mờ chưa tỉnh thức, cho nên buộc lòng chúng ta phải đi kinh hành để mà chúng ta tập trung trong cái hành động bước đi. Hoặc là chúng ta tu tập cho chúng ta biết cái hơi thở ra - hơi thở vô, tức là tập tỉnh thức ở trên cái hơi thở.

Cái mục đích là tỉnh thức nó mới nhìn được những cái niệm ác - niệm thiện. Mà khi nó tác động vào thân tâm của chúng ta, chúng ta biết cái niệm này nó sẽ làm cho chúng ta khổ, cái niệm kia nó làm cho chúng ta buồn phiền. Do đó để mà chúng ta ngăn và diệt những cái niệm ác. Cuối cùng thì nó ngăn - diệt những cái niệm ác thì nó đem lại cái sự an vui cho chúng ta, nó đem lại sự bình an cho chúng ta, chứ chúng ta chẳng có tu gì hết.

Sống một đời sống mà ác pháp không tác động vào thì đó là giải thoát. Đạo Phật nó rất đơn giản! Và nếu mà cái thời gian mà tu tập như vậy, ác pháp nó không còn tác động chúng ta được nữa thì chúng ta bước qua cái giai đoạn khác, là cái giai đoạn tu Tứ Niệm Xứ.

Còn cái giai đoạn mà ngăn ác - diệt ác đó là tu Tứ Chánh Cần. Cái tên của nó, để nó chỉ cho chúng ta sống cái cuộc sống, cái cuộc sống luôn luôn phải ngăn chặn các ác pháp và sống trong cái cuộc sống nó không có ác pháp nữa, nó toàn là thiện pháp, tăng trưởng thiện pháp.

(04:24) Cho nên hầu như là Thầy thấy mấy con tu, thì dường như là nó…​ Mấy con bị dính kẹt ở trong cái pháp chứ không phải vượt ra ngoài cái pháp.

Hiện giờ chúng ta tu, chúng ta biết rằng chúng ta tập tỉnh thức, là thí dụ như mục đích của tỉnh thức là nó phá cái tâm lười biếng, hôn trầm, thùy miên, là đi kinh hành, hai mươi bước, rồi hít thở năm hơi thở. Đó là tập Tỉnh Thức.

Rồi bây giờ chúng ta tập cái hơi thở: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra!" hoặc là đưa cánh tay ra vô. Đó là mục đích an trú ở trong cái hơi thở hoặc cánh tay để đẩy lui những cái bệnh đau ở trên thân chúng ta khi bị các ác pháp tác động.

Rồi cái tâm của chúng ta mà khi bị trạo cử, bị niệm khởi lăng xăng, lúc niệm này, lúc thì niệm khác thì chúng ta tu định mà gọi là Định Vô Lậu. Thì trong khi đó, tư duy quán xét những cái niệm đó, làm cho chúng ta thông suốt được những cái niệm đó, thì nó hoá giải, nó làm cho Tâm chúng ta không còn niệm nữa. Thì gọi là Định Vô Lậu.

Cho nên nó có những cái tên của nó để đặt thành vậy, chứ thật ra thì chúng ta đã biết những cái pháp đó, đã tu tập thời gian những pháp đó, chúng ta không còn tu nữa mà chúng ta ngồi chơi. Để chúng ta ở không, rảnh rang, chúng ta ngồi mà chúng ta suy nghiệm lại, suy nghiệm lại. Những cái điều này, mấy con lắng nghe cho kỹ để mấy con biết cách tu. Chứ không khéo mấy con tu sai, thì mấy con bị lọt vào ở trong một cái pháp, thì nó cũng lạc, nó không đúng.

Nghĩa là khi mà các con đã biết từ cái Chánh Niệm Tỉnh Giác - đi kinh hành; mấy con đã tập biết được rồi; thì các con biết cái được cái hơi thở, biết được cánh tay đưa ra vô rồi. Mấy con biết được cái Định Vô Lậu - ngồi mà tư duy những cái niệm, để mà hoá giải cái niệm đó đi, nó thành không có lậu hoặc. Các con đã hiểu biết hết rồi, thì các con không còn tu nữa.

(06:12) Thì bắt đầu bây giờ mấy con ngồi chơi một mình, không chơi với ai hết, không nói chuyện với ai hết. Để làm gì? Để cho mình thấy được cái tâm của mình, mình thấy được cái thân của mình. Nó thấy được cái thân của mình là mình thấy nó có mỏi mệt, đau nhức chỗ này chỗ kia không? Còn thấy được cái tâm của mình, là cái tâm của mình nó thanh thản không hay hoặc là nó bị khởi niệm này, niệm kia? Để từng cái đó đó, mà mình loại trừ nó ra khỏi, khi những cái niệm đó làm động thân, tâm.

Thì loại trừ nó ra khỏi bằng những phương pháp mà mấy con từ lúc mà mấy con đến với Thầy, mấy con đã tập những cái pháp đó rồi đó. Do đó chứ mình không có tu gì nữa hết, nhưng mà mình có sự bảo vệ để cho mình được hoàn toàn giải thoát, không bị ác pháp tác động. Thì như vậy thôi chứ không có gì hết. Nhưng mà mình bảo vệ, mình được cái sự bình an đó mà nó kéo dài được hai mươi bốn tiếng đồng hồ hoặc mười hai tiếng đồng hồ thì gọi là Nhất Dạ Hiền - một đêm làm Thánh Hiền. Nghĩa là mình bảo vệ được sự bình an đó suốt mười hai tiếng đồng hồ thì mình là một bậc Thánh, là một bậc Hiền rồi, chứ không có gì khó khăn hết.

Thầy nói, cỡ sức mà cái người mà biết đạo, mà biết cách thức mà đối phó mà đẩy lui các chướng ngại pháp như vậy, thì họ chỉ tu trong vòng, họ chỉ sống trong vòng vài ba hôm thì họ đã chứng đạo, chứ không còn xa nữa. Nhưng vì mình không biết, mình cứ ôm pháp mình tu hoài. Mình tu hoài thì mình cũng dính kẹt ở trong cái pháp.

Thí dụ chẳng hạn, bây giờ đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác, các con đã biết rồi thì cần gì phải tập nó hoài! Khi nào nó bị hôn trầm, thùy miên mới tập, còn không bị hôn trầm thùy miên, tập làm gì? Bởi vì cái đó là trạng thái si.

Do đó, các con đã biết rồi thì các con dẹp nó qua một bên, bỏ hết. Còn an trú được trong hơi thở, trong cánh tay của Thầy rồi thì tập nó làm gì chi nữa? Khi nào nó có đau bệnh mình mới tập. Còn cái pháp tác ý, luôn luôn lúc nào chúng ta cũng sử dụng nó như một cây chổi mà quét rác. Có chướng ngại thì quét, mà không chướng ngại thì không cần quét! Có gì đâu mà phải quét?

Cho nên biết rồi, mấy con tu nó dễ dàng lắm, mà tu nó thoải mái lắm! Cơm ăn thì mình không lo rồi, tức là mình một ngày một bữa cơm sống được rồi, không lo nữa, ngồi chơi.

Nhưng mà ngồi chơi suốt trong vòng năm ngày, mười ngày, bảy ngày thì Thầy tin rằng ngồi chơi như vậy chứ việc làm của mấy con rất là vĩ đại là mấy con từng lắng nghe, từng cảm nhận, từng cái sự chướng ngại trên thân, tâm của mấy con. Trong vòng bảy hôm thì mấy con đã chứng đạo, không còn gì hết. Bởi vì ngày nào mình cũng lắng nghe coi cái sự chướng ngại nó có hay không, rồi nó có thì mình biết cách.

Thí dụ như tại sao có lúc mình phải đứng dậy mình đi? Có lúc tại sao mình lại nằm? Có lúc lại mình lại đi, có lúc lại mình lại ngồi? Có lúc thì ngồi tư thế này, có lúc lại ngồi tư thế kia?…​ Đều là mình phá đi tất cả những chướng ngại của thân của chúng ta! Cho nên đạo Phật đâu có dạy chúng ta phải ngồi lì để mà chúng ta chịu đau, chịu đớn, chịu nhức, chịu mỏi. Ngồi để làm Phật để làm gì? Mà chúng ta, cái Tâm của chúng ta nó bất động, không có ác pháp nào động được! Do cái sự thiện xảo của chúng ta mà cái thân tâm của chúng ta không động.

Thí dụ bây giờ mình ngồi hoài thì là phải mỏi, mà mỏi là chướng ngại. Mình ngồi hoài nó phải tê, phải đau, đó là chướng ngại. Ai biểu mình ngồi? Mình ngồi thì là mình nghỉ, mình cho nó thoải mái dễ chịu, thì mặc tình mình cứ ngồi. Còn ngồi đau, ngồi mệt mỏi mà cũng ngồi, thì cái đó là mình sai, mình cố chấp trong cái tướng ngồi, trong cái pháp nào đó, rồi mình cố chấp…​

Bây giờ mình ngồi kiết già, mình ngồi thấy nó an ổn, yên ổn, gom tâm được thì mình ngồi. Nhưng mà lúc mà mình biết rằng nó sẽ tê chân hay hoặc đau, thì mình cứ đứng dậy đi, không ai rầy mình hết. Nhưng mà mình đứng dậy đi thì nó đâu làm sao nó đau, nó tê, nó nhức đâu? Các con có thấy không? Cho nên mình quá cố chấp cái gì đó thì coi chừng mình bị sai pháp. Mình sai pháp thì làm cho thân, tâm mình bị chướng ngại, điều đó không tốt! Mình ngồi yên được một giờ, hai giờ thì cứ ngồi, nó an ổn được cứ ngồi. Nhưng mình cảnh giác khi sợ nó lặng mất, ý thức của chúng ta mất thì chúng ta không ngồi nữa.

(10:04) Phải lưu ý: Chúng ta tu ở đây là đối với đạo Phật, là lấy cái ý thức mà tu! Cho nên đức Phật nói "Ý làm chủ, ý tạo tác! Ý làm chủ, ý dẫn đầu"."Ý làm chủ, ý tạo tác", cho nên vì vậy cái ý của chúng ta nó dẫn đầu trong các pháp. Lấy cái ý, đừng có để mất cái ý! Còn mình để làm mất cái ý thì cái tưởng thức nó sẽ dẫn đi tầm bậy rồi, nó không có trúng!

Mục đích của chúng ta làm chủ bằng cái ý, chớ không phải làm chủ bằng cái tưởng! Mình, cái ý của mình hiện giờ mình muốn gì? Mình muốn cho mình đừng có đau khổ, mình muốn cho mình chấm dứt luân hồi, mình muốn cho thân mình đừng bệnh đau, mình muốn cho tâm mình đừng Tham - Sân - Si. Cái muốn đó đó, cái ý muốn của nó, thì cái muốn đó, mình phải giữ cái ý đó để cho mình làm chủ từng cái cuộc sống của mình hằng ngày trong từng phút giây tu tập. Đó là quan trọng! Cho nên đừng để mất cái ý đó, cái ý đó rất quan trọng. Nó làm chủ, nó tạo tác, nó dẫn đầu các pháp. Pháp thiện cũng nó, mà pháp ác cũng chính cái ý.

Còn cái tưởng nó chỉ chẳng qua là nó phụ thôi, chứ nó không có cái gì quan trọng. Nghĩa là nó lặp lại cái ý muốn cái gì đó, nó lặp lại, cái tưởng nó lặp lại thôi. Nó lặp lại, nó vẽ vời cái này cái khác, nó làm chúng ta lệch lạc đường đi. Cho nên chúng ta không có cần sử dụng cái tưởng.

Cho nên đối với mà bốn cái tưởng của đạo Phật, bốn cái Thiền Tưởng của đạo Phật, thì các Tổ xen vô, chứ sự thật ra là bốn cái Tưởng đó đạo Phật rất là bác bỏ, bỏ sạch. Khi mà tu chứng các định tưởng, đức Phật dẹp sạch, thấy không có kết quả. Cho nên trở về Bốn Thiền, tức là Thiền Hữu Sắc, tức là Thiền ý thức đó. Còn cái thiền kia là thiền tưởng thức. Còn cái Thiền mà ý thức thì đó là Bốn Thiền.

Cho nên mà ở đây chúng ta Thiền bằng ý thức, chúng ta sống ly dục ly ác pháp, có gì đâu! Đó là cái Sơ Thiền đầu tiên của chúng ta. Nhưng mà chúng ta không dùng nó là cái "Sơ Thiền đầu tiên". Nhưng mà chúng ta dùng cái danh từ để cho nó cụ thể rõ ràng hơn là "Bất Động Tâm Định”, cái "Định Bất Động". Nó không có làm cho tâm chúng ta bị động, thân chúng ta bị động được. Nó là cái định mà đầu tiên chúng ta phải làm, thực hiện cho được.

Thì Thấy thấy mấy con đừng có cố gắng quá mà nó trạo cử, nó làm cho chúng ta bị cái trạng thái này, bị trạng thái kia hoặc là làm cho mấy con mệt nhọc. Thường thường là mấy con ngồi không thì nó hay buồn ngủ thôi. Thì buồn ngủ thì mấy con có cái pháp, mấy con đi kinh hành. Đi kinh hành nó tỉnh rồi thì mấy con lại ngồi lại. Rồi mấy con ngồi lại mà buồn ngủ thì mấy con đứng dậy đi, có gì đâu. Hết giờ thì mình nghỉ, mình đâu có ép buộc nó gì đâu, nhiều đâu. Cho nên mình sống rất là bình thường như một người bình thường, nhưng mà lại làm chủ nó từng phút; từng giây; từng sát na. Khi nó tác động vào thân chúng ta thì không được, vào tâm chúng ta thì không được. Đó, cách thức là tu tập như vậy.

Các con lưu ý những cái pháp đó đều là cái pháp dụng để đẩy lui chướng ngại pháp, chứ nó không có gì hết. Nó không phải dẫn mấy con đi vào Thiền Định gì cả hết. Những cái pháp mà các con tu tập, mà Thầy nói bốn cái loại Định. Thậm chí như ngay cả Tứ Niệm Xứ cũng vậy, nó cũng chỉ là những cái phương pháp để hộ trì cái tâm giải thoát của mấy con thôi, chứ nó không phải là cái gì khác hết. Nó không có dẫn mấy con đi đến vào cái sự giải thoát được, mà nó chỉ giúp cho mấy con đẩy lui các chướng ngại pháp, để cho mấy con hộ trì bảo vệ cái trạng thái giải thoát của các con thôi. Đó, mục đích là như vậy. Nắm rõ được điều đó thì mấy con tu mau lắm, nó không có lâu.

(13:30) Mấy con cứ nghĩ tưởng rằng khi mình tu là mình phải, cơ thể của mình nó phải có thần thông phép tắc hoặc là nó thay đổi cái này, cái kia, cái nọ, đủ thứ. Tự nó, khi mà nó không còn ác pháp thì nó sẽ thay đổi. Nó không còn tác động được trên thân tâm các con chướng ngại pháp nữa thì nó có sự thay đổi bình thường mà nó rất là an ổn cho mấy con thôi, chứ không có gì lạ hết.

Thầy nói như một cái người bình thường, nhưng mà người bình thường thì họ không bình thường, trên thân họ nó có cái đau, cái nhức, cái mỏi mệt. Còn cái người tu mà ly dục ly ác pháp thì nó không có đau nhức mỏi mệt như cái người bình thường. Nó khoẻ, nó an ổn, nhưng nó vẫn bình thường, chứ không phải nó khác lạ gì hết, nó không phải là Thánh tiên gì hết. Nó cũng chết, ai lại đánh nó, nó cũng biết đau chứ nó, không phải là nói rằng đi tu rồi, bây giờ đánh nó cũng như là nó không biết đau. Nhưng sự thật ra nó không phải điều đó đâu.

Nghĩa là bây giờ ví dụ như Thầy bây giờ ai mà lấy cây gõ Thầy, Thầy cũng đau. Thầy cũng biết đau, cũng như các con vậy. Nhưng mà cái đau đó nó làm cho tâm Thầy không có dao động. Còn mấy con thì rên la, còn Thầy thì không rên la. Thầy bất động trong cái chỗ đau đó, cho nên nó rất bình thường, mấy con.

Đừng có nghĩ gì xa vời, bình thường. Cho nên đức Phật đem cái ví dụ cho chúng ta bờ bên này bờ bên kia, hay là có hai lộ trình, cái lộ trình thiện và lộ trình ác. Cái thiện thì nó an ổn cho cái sự sống của mình bình thường, chứ có gì đâu? Đó là con đường của đạo Phật. Còn cái lộ trình ác, nó đem cho chúng ta buồn phiền, đau khổ, bệnh đau trên thân chúng ta, đó là cái lộ trình ác.

Vì vậy mà bờ bên này, bờ bên kia nó có một chút xíu thôi. Bờ bên kia là chứng quả A La Hán, bờ bên đây là phàm phu đau khổ. Những cái bài pháp nó đơn giản, nó dùng cái danh từ nó đơn giản, rất đơn giản. Mà chúng ta không biết cách để mà chúng ta sống cho đúng, rồi chúng ta cứ cố gắng ôm pháp, trì pháp làm cho cơ thể mệt nhọc đủ cách hết. Tùy theo trường hợp ác pháp đến nhiều làm cho thân chúng ta bị đau; bị nhức; bị mỏi mệt; bị hôn trầm thùy miên, thì buộc lòng chúng ta phải dùng pháp. Cho nên vất vả đương đầu với những cái trạng thái ác pháp làm cho chúng ta bị vất vả, đương đầu đánh cho nó bạt ra. Cái đó là cái khó cho chúng ta thôi, chứ còn sự thật tu tập chúng ta không khó.

Còn bây giờ các con cũng mạnh giỏi bình yên, thân không đau, không nhức, không gì mà cứ tập đi kinh hành rốt ráo làm lia lịa. Trời ơi! Nó mệt gần chết, rồi nó gục tới gục lui, có phải không? Tại mình tập cho nó mệt mỏi, mình gục tới gục lui. Cái này nó không đau, không nhức, không bệnh, thân tâm thì nó thanh thản, an lạc, vô sự, thì mình tu làm gì cho cực, ngồi chơi cho nó sướng đi. Rồi một lúc mà nó có chuyện gì thì mình mới đem ra mình đấu đá với nó, còn không có thì thôi. Các con thấy đơn giản, rất đơn giản. Thầy nói biết pháp rồi, nó dễ quá. Mấy con lắng nghe kỹ, rồi mấy con về, mấy con tu đi, Thầy nói bảy ngày là chứng quả A La Hán, không có xa đâu.

Còn nếu mà mấy con cứ tu cái kiểu mà mấy con, trời ơi! Sao mà Thầy thấy sao mấy con tu sao nó mệt quá? Thật là mệt mà. Tu theo Thầy nó khoẻ quá mà, tu như mấy con mệt quá.

(16:43) Hiểu chưa, mấy con hiểu chưa? Hiểu rồi.

Tất cả những cái pháp đó là trang bị cho mấy con, mà thường Thầy nói đó là vũ khí để đánh giặc, chứ không phải vũ khí mà cứ ôm kè kè, vác đi hoài tối ngày. Trời đất ơi! Ba cái súng pháo cao xạ mà vác đi kiểu này chắc lúc rồi chết. Tối ngày mà ôm cây pháo này mà đi hoài thì chết người còn gì? Tối ngày mấy con cứ đi pháp Thân Hành Niệm đi, có phải chết người không? Trời đất ơi nó nặng chình chịch chứ bộ sung sướng gì? Để nó đó đi, khi nào có giặc, sử dụng nó thì lôi ra mà nổ, còn không có thì thôi, có phải sướng mình không? Các con hiểu chưa?

Tu hành Thầy nói thiệt là, trang bị cho mấy con vũ khí nào là đạn dược, nào là phi pháo đủ loại, bao nhiêu cũng ôm hết, vác hết. Trời đất ơi! Đi suốt ngày cứ ôm đó, mà giặc không có mà cứ ôm, có phải điên không? Người ta dạy mình có giặc thì đánh, mới dùng những cái loại vũ khí đó đánh ra, còn không có thì thôi, có phải không? Ngồi chơi cho sung sướng, mà chơi cho biết cách, chứ không phải chơi cái kiểu mà ngồi ngủ thì cũng chết luôn.

Rồi, nói chung Thầy dạy mà mấy con tu tập đúng, mà hiểu cho đúng cách rồi, thiệt ra mấy con tu dễ lắm. Còn nếu mà mấy con chưa hiểu thì biết rằng chưa hiểu, nó mới hiểu chút! Phải tìm mọi cách cho nó hiểu.

2- ĐẠO PHẬT KHÔNG CHẤP NHẬN ĐỊNH TƯỞNG

(18:07) Tuệ Hạnh: Thưa Thầy! Ban đêm con vô thiền sâu mà xả thiền không được Thầy. Nó điều hòa hơi thở. Mới đầu con điều được, sao riết sao mà không điều được, mà hơi thở nhẹ. Nó giữ chặt cái chân con không bung thiền được.

Trưởng lão: Là con bị tưởng rồi, nó trói con vô trong rồi, bởi vậy cho nên Thầy nói nãy giờ con có nghe Thầy nói sống bình thường không? Có thiền có gì đâu đâu. Nhưng mà ai động tới thân tâm nó thì không được đó, nó có pháp nó đánh ra đó.

Còn con bây giờ, vô cái nó kẹt dính rồi, tới cái hơi thở mà điều khiển còn không được nữa. Con đừng, khi mà như vậy đó, con xả ra, con đi kinh hành, con sống trở lại bình thường đi con.

Đạo Phật không có một cái trạng thái gì nó đặc biệt trong khi mình tu tập hết. Mà nó chỉ có cái cách thức làm chủ được những cái ác pháp nó tác động vào thân tâm, để thân tâm của mình nó không khổ thôi, có vậy thôi. Và đồng thời kéo dài được cái trạng thái mà ác pháp nó không còn tác động được. Tức là nó không tác động được là mình thành công, còn tác động được. Tức là bây giờ Thầy ngồi mà nó còn tác động Thầy mỏi hay nhức tê tê, thì nó còn tác động được, tức là ác pháp nó còn. Còn nếu mà Thầy ngồi suốt thời gian dài mà nó không tác động được thì nó đã hết rồi, con hiểu không?

Cũng như bây giờ Thầy ngồi một thời gian, năm giờ, ba giờ mà không có một niệm nào khởi ra, không có một phóng dật nào mà phóng ra hết, thì đó là ác pháp nó hết rồi. Còn nếu nó còn thì bây giờ mới lấy vũ khí đánh lui nó, để dẹp nó. Mà khi mà đánh lui, dẹp nó thì nó sẽ hết chứ sao? Bởi vì mình có cái loại vũ khí để đuổi nó mà, thành ra cuối cùng mình thành công là ở trên chỗ đó. Còn con bây giờ sao? Con ngồi vô thì nó lặng vô?

Tuệ Hạnh: Có khi con ngồi chơi chơi không thì nó không có niệm, mà cái con vô thiền cái nó bị vậy đó. Con ngồi không nó không sao hết. Nhưng mà con có tỉnh thức nguyên ngày, nó như vậy.

Trưởng lão: À, con bây giờ thì theo Thầy thấy con ngồi không thì nó lại sướng hơn. Còn con đừng có vô thiền.

Tuệ Hạnh: Con ngồi không mà thấy sao mình không có tu gì hết Thầy?

Trưởng lão: Thì không có tu gì hết, nó đâu có chướng ngại đâu mà tu, con hiểu không? Con thấy bây giờ con ngồi không không buồn ngủ thì con có gì đâu tu, bởi vì mình ngồi không là giải thoát rồi.

Tuệ Hạnh: Khi mà con ngồi, ngồi hoài đó Thầy, mà con sợ ngồi hoài lắm đó, con đi tới đi lui mà mình ngồi không, giống như đi chơi ngồi chơi vậy đó, con vô thiền thì bị nó dính cứng ngắc, xả thiền không được vậy đó.

Trưởng lão: Thì cái đó nó sai rồi, con bắt vô thiền chi? Bởi vậy nó đòi hỏi chỗ con tâm bất động mà ngồi không chơi, coi thử coi có động không? Nếu mà nó không động đó là con đã kéo dài từ giờ này qua giờ khác, chứ con đừng có nghĩ rằng đó là tui ngồi không chơi đâu, mà chính là tui đã hộ trì cái chân lý của tui rồi.

(20:35) Cái chân lý được hộ trì, cái trạng thái bất động của con nó không còn cái gì mà động vào đó. Trời ơi! Ngay chỗ đó chứng quả A La Hán rồi còn đòi hỏi gì nữa mà còn vô thiền vô định gì nữa?

Tuệ Hạnh: Con bắt chân lên ngồi kiết già ngồi lâu lắm, ngồi hai tiếng luôn, giờ xả ra không được, nó ngồi im re, xả không được.

Trưởng lão: À, nó bị vậy đó dính ở trong cái…​

Tuệ Hạnh: Nó không đau nhức gì hết

Trưởng lão: Thôi xả cái đó ra, bỏ cái đó đi, nó không phải đâu. Con ngồi bình thường vậy mà nó vẫn thấy nó yên lặng, thanh thản, an lạc, vô sự là đủ rồi. Con thấy con ngồi bình yên con nói: “Sao mình ngồi chơi, không có tu gì hết vậy?”, đâu phải, nó là cái trạng thái Bất Động Tâm đó con. Còn cái kia, nó cái trạng thái nó kẹt ở trong cái định của nó, cho nên vì vậy mà con bung ra không được. Mai mốt nó kẹt luôn ở trong, bắt đầu con muốn ra không được. Bắt đầu người ta đem người ta chôn con à. Bởi vì cứ ngồi hoài thành người ta tưởng đâu con chết rồi, người ta xách, người ta chôn. Con xả ra không được thì ai xả cho con? Thì chỉ còn có nước là khiêng đem chôn đi cho rồi. Chớ để không lỡ nó thúi làm sao?

Tuệ Hạnh: Con ráng, con ráng con xả ra được con mừng muốn chết luôn, con không dám nữa luôn.

Trưởng lão: May là ráng xả được, chứ không khéo phải xách trống xách đồng la mà đập, đập bể trống bể đồng la con mới ra được, chứ không phải dễ đâu. Hồi đó nó đâu còn nghe gì phải không? Con nghe Tổ Hám Sơn không? Ông ta, ông ngồi nhập định kiểu nào không biết. Trời đất ơi! Ba, bốn ngày, người ta thấy chắc ông này sợ chết rồi, người ta đập cửa thất của ông vô, thấy ông ngồi cứng ngắc. Họ xách đồng la đến họ đập, đập riết một hơi, ông mới nghe văng vẳng, văng vẳng, cái lần ông mới xuất định ra được. Trời ơi! Ai nghe cái định cũng hay quá trời! Thầy nói định đó là định điên, chứ ở đó. Con cũng sắp sửa làm Tổ Hám Sơn rồi đó. Kiểu của con là kiểu làm Tổ Hám Sơn, cho nên phải xả ra đi con, xả.

Tuệ Hạnh: Con nói để đi hỏi Thầy coi thiền làm sao chứ con nhập vô rồi sao mà ghê quá, xả riết xả không được. Nghe Thầy nói xả ra sao nó dễ dàng quá mà mình thì dính cứng ngắt xả không được. Mà đem khuya khoác thấy ớn quá trời

Trưởng lão: Thôi! Bây giờ đừng có vô cái định đó. Cái định đó là của thuộc về loại của Tổ Hám Sơn đó.

Tuệ Hạnh: Thưa Thầy con ngồi cái là nó vô liền, nó vô liền thưa Thầy, khi con ngồi bán già nó cũng vô nữa.

Trưởng lão: Đúng rồi, nó gom tâm là nó vô cái trạng thái định đó.

Tuệ Hạnh: Dạ.

Trưởng lão: Cho nên vì vậy mà cái đó mà…​

Tuệ Hạnh: Không nên tác ý gì hết, cứ để tự nhiên.

Trưởng lão: Bởi vì thường thường ở bên Thiền Đông Độ, người ta ngồi đó, thì bắt đầu người ta vô cái định đó, khi mà nó vô được thì ngồi cái nó vô hà. Người ta cứ ngỡ nó là cái định của người ta, cho nên vì vậy mà năm, sáu, bảy ngày người ta vẫn ngồi bất động. Do đó mà Tổ Hám Sơn, các vị Tổ kia Thiền Đông Độ, họ hay nhập vào cái định đó lắm.

Tuệ Hạnh: Dạ.

Trưởng lão: Do vì vậy mà khi mà Thầy đọc rồi, Thầy biết rồi, Thầy cũng bị chứ gì, Thầy cũng dính rồi. Giờ tới con cũng bắt chước đi đường đó nữa rồi!

Tuệ Hạnh: Tự nhiên khi con ngồi nó vô liền hà, con thấy nó dễ vô quá chừng.

Trưởng lão: Thì nó dễ, chứ đâu có khó. Tại vì cái con đường mà mình đã đi rồi thì nó dễ rồi. Còn cái người mà người ta tập tu, người ta vô khó lắm! Người ta ráng cố gắng đừng cho cái niệm thiện, niệm ác, người ta mới vô được. Còn con bây giờ ngồi lại cái nó hết niệm rồi, nó vô liền.

Tuệ Hạnh: Ngồi là nó vô liền hà, nó vô chặt trong con, con buông chân không được, kỳ lắm.

Trưởng lão: À, bởi vậy cho nên vì vậy nó cứ ngồi đó hoài đó. Thầy nói xả đi, đừng có. Bởi vì phải luôn luôn lúc nào cũng phải làm chủ được thân của mình. Còn con thấy thiền của Phật, hễ khi vô đó mà nhập, thí dụ như bây giờ nhập Nhị Thiền đi. Họ bảo ra lệnh “diệt tầm tứ một tuần lễ” là nó sai nó một tuần lễ nó diệt tầm tứ, sẽ ngồi một tuần lễ, sau đó tự nó, nó xả ra. Nó có cái lệnh, có cái pháp tác ý. Còn cái thiền đó nó đâu có cái lệnh, đâu có tác ý cái ngày giờ đâu!

Ví dụ như Thầy bây giờ nhập Nhị thiền, Thầy hô: “tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền một tuần lễ”, thì cái thân và tâm của Thầy sẽ ở trong cái trạng thái Tứ Thiền một tuần lễ. Sau một tuần lễ đó, cứ tới đúng giờ đúng phút nó ra, tự nó nó ra. Chứ còn cái người nhập định rồi thì họ không có cái ý thức ở trong đó, họ bảo nó ra vô được nữa hết.

(24:47) Cho nên, đó như con bây giờ đó, con nhập riết rồi con sẽ vô trong đó, con không biết đâu mà ra hết. Nó đâu có tác ý ra đâu? Nó ở trong đó cứng ngắc, mà giờ con muốn con cũng ra không được nữa.

Tuệ Hạnh: Con thấy cũng mở mắt, không phải nhắm mắt mà vậy đó?

Trưởng lão: Nó nhập định mà, nó đâu có nhắm mắt. Nó nhập cái trạng thái thân và tâm con nó vào cái định. Mặc dầu con ngồi vầy, nhưng mà vẫn hoàn toàn là nó thuộc về cái lệnh tưởng của con, khép chặt con ở trong cái khuôn khổ của Tưởng rồi, nó vô trong cái lồng Tưởng.

Cho nên các Tổ mới nhập ba bốn ngày, một tuần lễ đều được hết, là do cái tưởng đó chứ không có gì. Nhưng mà nó sai. Nó sai là bây giờ con xả ra bình thường, con thấy cái tâm của con nó chưa phải ly dục ly ác pháp hết đâu. Con cứ xét đi, nó vẫn còn cái tâm của mình, nó cũng còn giống như người thế tục, chưa phải là hết sạch.

Khi nào mà bình thường, mà mình thấy cái tâm mình nó không còn ham thích, nó không còn ở trong cái ác pháp, nó không còn bị các dục mà lôi cuốn được thì mình mới thấy được mình giải thoát.

3- PHÂN BIỆT TRẠNG THÁI SƠ THIỀN VÀ BẤT ĐỘNG TÂM

(25:50) Tuệ Hạnh: Cái trạng thái của Sơ Thiền là chủ động nhập vào hay là nó tự nhiên vào ạ?

Trưởng lão: Cái trạng thái của Sơ Thiền là khi nào con có Định Như Ý Túc thì con mới ra lệnh tác ý. Tức là Trạch Pháp Giác Chi đó, con mới ra lệnh: “Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền” thì ngay đó nó nhập Sơ Thiền. Có năm chi thiền, Tầm Tứ con vẫn suy nghĩ được; con vẫn có thể xả ra được; con vẫn đứng dậy đi được. Cái Sơ Thiền nó như vậy, nhưng mà luôn luôn nó có năm cái chi thiền nó hiện, hiện tiền ở trong con. Con xét thấy hỷ lạc có; khinh an có; rồi kế đó Tầm Tứ có. Tức là cái ý thức con nghĩ ngợi cái gì nó được hết, nhưng mà con không nghĩ. Nhưng mà con thấy cái đó con làm được, Tầm Tứ có, rồi cái Nhất Tâm. Nhất Tâm luôn luôn, nó luôn luôn nó ở trong cái trạng thái nhất tâm. Tức là luôn luôn nó ở trong hơi thở, cũng nó biết thở ra thở vô, không có mất. Nó còn cái một duy nhất của nó, tức là nó ở trong hơi thở.

Còn trái lại Bất Động Tâm thì cái trạng thái của nó, nó chỉ ở trên cái hơi thở nó thở ra. Con ngồi vầy, chớ nó thấy nó thở ra thở vô mà nó không có năm cái Chi Thiền đó, nó không có khinh an hỷ lạc gì lạc gì hết. Còn cái kia nó có cái trạng thái khinh an hỷ lạc của cái Sơ Thiền, nó khác, cái khinh an hỷ lạc. Còn cái Bất Động Tâm thì nó không có khinh an, nhưng nó có cái Nhất Tâm của nó. Nó cũng biết hơi thở ra hơi thở vô, hơi thở ra hơi thở vô, cách thức tự nhiên mà thôi, có cái nhất tâm. Nhưng Tầm Tứ thì nó cũng giống cái kia, ở trong cái Sơ Thiền thì có tầm tứ, nhưng mà nó không có khinh an hỷ lạc, nó có hai cái chi thiền không có giống nhau.

Con ngồi xuống đi con! Đừng quỳ.

Tuệ Hạnh: Thưa Thầy, con muốn hỏi pháp Thân Hành Niệm. Con chưa thanh tịnh giới mà tập cái thân nó mệt. nó muốn ngồi dậy tập tiếp, nó không ngủ được, nó muốn ngồi như không vậy hoài đó.

(27:41) Trưởng lão: Nó ngồi như thế nào, ví dụ như bây giờ con đang nằm…​

Tuệ Hạnh Nó muốn ngồi bật dậy, nó ngồi hoài vậy.

Trưởng lão: Nó bật dậy, nó muốn ngồi hoài hả?

Tuệ Hạnh Ngồi hoài tỉnh thức như vậy đó, nó tỉnh thức không có niệm gì hết, nó ngồi không vậy đó.

Trưởng lão: Nó ngồi không vậy tốt. Nó bây giờ thí dụ ngồi không mà thấy nó không mỏi mệt, không gì hết, nó bất động tâm. Nó không bị chướng ngại gì hết thì con cứ ngồi giữ hộ trì cái chơn lý, cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự đó. Con nhận thấy nó ngồi không mà cái trạng thái thanh thản, nó tỉnh, nó không có mê mờ, nó không có buồn ngủ gì hết.

Tuệ Hạnh Nó tỉnh lắm.

Trưởng lão: Mà nó khi nằm cái nó muốn ngồi dậy thì con ngồi dậy. Ngồi dậy rồi bắt đầu.

Tuệ Hạnh Dạ. Nó bắt mình ngồi dậy nó không cho mình nằm nữa.

Trưởng lão: Nó không cho mình nằm thì mình cứ ngồi, rồi bắt đầu nó muốn nằm thì con nằm, nó muốn đi thì con đi. Cứ vậy đó, con làm theo cái sự điều khiển của trạch pháp ở trong tâm con đó, nó trạch ra. Bây giờ nó, con đang nằm, nó muốn con ngồi thôi thì con cứ ngồi dậy để giữ tâm thanh thản thôi. Rồi bắt đầu bây giờ nó muốn đi thì con cũng đứng dậy đi. Rồi nó, tự con thấy rõ ràng là tự nó điều khiển rồi, thì con cứ làm theo nó, để nó bảo vệ cái trạng thái thanh thản của nó. Thì nó kéo dài được cái thời gian dài thì con sẽ đúng mười hai tiếng đồng hồ, hai mươi bốn tiếng đồng hồ là nó đủ bốn cái Thần túc, là con đủ cái đạo lực để mà con làm chủ được sự sống chết của con rồi.

Chỉ cần kéo dài cái trạng thái đó, mà bây giờ con có cái trạng thái đó rồi, nó dễ quá rồi. Bây giờ nó muốn nằm thì mình nằm, muốn ngồi thì ngồi, muốn đi thì đi, để tự nó. Để cho nó tránh đi cái chướng ngại của thân nó, tâm của nó, cho nên nó giữ gìn nó, nó hộ trì. Cái chơn lý đó được hộ trì bằng cái trạch pháp của nó rồi, thì con cứ để cho nó. Bây giờ nó không ngủ mà nó muốn ngồi dậy tu thì cứ ngồi, có gì đâu. Nhưng mà đừng có ngồi tréo chân để vô Định tưởng thì không được.

Tuệ Hạnh Nó tréo chân là nó hay bung ra, hễ tréo chân là nó hay bung ra thôi.

Trưởng lão: Đó, thì con cứ giữ cái bất động đó đi thì con sẽ kéo dài tốt đó con, nó không có sao đâu, nhớ chưa? Cố gắng thêm một chút nữa, độc cư cho trọn vẹn. Lúc này mà độc cư sai là nó điên đó chứ không phải không đâu. Con mà nói chuyện là nó làm bể vỡ con hết, mất công thì giờ, nó dễ bung lắm. Khi mà nó nói chuyện, nó đụng chuyện với người khác rồi, nó làm cho con mất thanh tịnh đó. Bởi vì nó phải hộ trì tận cùng cái lúc mà mình sắp sửa chứng đạo, thì độc cư phải một trăm phần trăm không có hề sơ xuất.

Tất cả những người mà sống gần con đều là phải trợ giúp con. Chứ không khéo cứ đến động con, con cũng vô không được nữa. Họ cứ chạy ra chạy vô nói chuyện với con là nguy hiểm. Là lúc bây giờ ma, mấy người mà ở xung quanh con đó, ma thúc đẩy họ. Ma bắt họ chạy lại thất con để làm cho con đừng có vô. Nguy hiểm lắm đó, coi vậy chứ nguy hiểm lắm, đóng cửa cho chặt, để không nó chạy vô. Họ thì họ không muốn đến phá con đâu, nhưng mà cái con ma nghiệp đó, nó thúc đẩy những cái người chung quanh con đến nói chuyện với con.

Phật tử: Lúc trưa ăn cơm, con thấy cô Út…​

Trưởng lão: Ừ, coi chừng ma thúc đẩy, thúc đẩy họ. Họ thì không phải họ muốn đâu, nhưng mà nó đẩy họ, họ không giữ được. Cho nên cảnh giác, rất là cảnh giác rất cao. Trong khi đó, cho nên thường thường mà tu như vậy đó, thì người ta tìm cái cảnh giới yên tĩnh, sống một mình trong rừng núi để người ta thực hiện cái cuối cùng nó mới thanh tịnh được. Chứ còn mà đông người nó…​ Mình thì ráng mình tu rõ ràng, mình biết rồi. Nhưng mà nó thúc đẩy những người khác ở ngoài lại làm động mình. Mình không muốn nói chuyện, nhưng mà người khác đến nói chuyện, hỏi cái này, hỏi cái kia ba điều rồi chạy về. Rồi một lát nữa chạy lại hỏi ba điều bốn chuyện rồi chạy về, nó làm động đó, nó phá mình.

(31:20) Các con để ý, ma nó thúc đẩy thì mình nhất định là mấy con nhắc: “Bây giờ ma thúc đẩy nó phá cái chị đó rồi; phá cái thầy đó rồi; phá cái sư đó rồi, mình không có lại thất của người ta được nữa”. Bởi vậy mình vừa giữ độc cư là vừa giữ cho mình, mà vừa giữ độc cư là giữ độc cư cho bạn mình nữa. Cái pháp nó hay vậy đó mấy con. Mà mình không giữ được thì mình lại phá người ta, người ta tu không được, mình cũng không được. Nó kẹt như vậy. Cho nên vì vậy mình ráng cố gắng kìm giữ, chứ nó thúc đẩy lắm. Nó có cái lực, nó thúc đẩy cho mình phá độc cư.

Mà hễ nó phá được rồi, mấy con thấy không? Nó đơn giản lắm, nó cứ đi nói chuyện hoài, không làm sao nó dừng lại được. Hễ như con ma nó vô được rồi là bắt đầu nó ngự trị ở trong tâm của mấy người đó rồi thì, thôi, cứ chuyện này hết tới chuyện kia. Thầy nói mấy con cứ lưu ý đi, hễ mấy con nói chuyện được rồi, thì mấy con bị ma nó nhập vô rồi, không làm sao mấy con gỡ ra được hết. Mà cái độc cư nó xác định rất rõ ma nhập, kêu là ma nói chuyện nhập chứ không có gì hết, thắng nó không được.

4- NHẮM MẮT KHI NGỒI THIỀN VÀ CÁCH LẠY

(32:23) Phật tử: Bạch Thầy! Lúc con ngồi thiền sao mà mắt con không có nhắm lại được, con cứ mở trừng trừng?

Trưởng lão: À, con mở như vậy là tốt chứ sao, không bị gì, khi mà nhắm lại nó bị tưởng con, nó hay bị tưởng lắm. Còn nó mở ra thì con đừng mở to, mở to nó bị loạn.

Phật tử: Con nhìn như thế à?

Trưởng lão: Con nhìn dưới này nè, hễ con nhìn xuống thì nó một phần ba mắt, nó chỉ khép lại, nó còn lại một phần ba mắt là vừa, cách thức đó là đúng, không sai đâu. Chứ còn con mở con mắt to đó, chắc chắn là lát nữa vọng tưởng không đó.

Phật tử: Con nhắm mắt lại mà nó không thể nhắm.

Trưởng lão: Nhắm lại thì nó bị tưởng con, nó thuộc bị sắc tưởng nó phóng ra ánh sáng, hoặc là nó phóng ra hình ảnh này kia, nó cũng nguy hiểm lắm. Tốt hơn là mở một phần ba vầy, mà hễ mỏi mắt thì mình có quyền mình nháy, chứ không phải là mình nhìn chăm chăm để tập trung đâu, cũng sai nữa. Mình nhìn trước vậy đó, nhưng mà rất là tự nhiên. Mà mình nhìn mà nó gom lại nó nhìn chăm chăm, mà nghe nó cay mắt là không được.

Phật tử: Mắt con nhìn có nháy nhưng không có nhắm được.

Trưởng lão: À, được rồi, nháy là được, không có sao hết, như vậy là tốt. Chứ mà không dám nháy con mắt, mà cứ nhìn chăm chăm vầy một hơi thì coi chừng đui con mắt nữa. Có gì không con?

Phật tử: Thưa Thầy, cho con hỏi về cách thức lạy Phật ạ.

Trưởng lão: À, cách thức lạy phải không con? Mình phải lạy cho đúng cách. Chứ mình lạy không đúng cách, thì cái người ta biết đó, thì người ta cười: “Mấy người này chưa biết lạy, chưa biết cách thức lạy Phật như thế nào hết”. Họ cười mình.

Còn lạy đúng cách thì nó có hai cách lạy: Một cái cách quỳ lạy, các con quỳ rồi các con lạy, chớ không đứng dậy. Còn một cách nữa là đứng dậy, mà quỳ thì nó kín đáo hơn, còn mình đứng dậy, rồi mình mới lạy, mình quỳ xuống thì nó không kín đáo. Thường thường là bên khất sĩ, mấy con lạy mấy con quỳ thì kín đáo, bởi vì mình quỳ xuống rồi mình lạy. Nhưng mà trước khi lạy thì mình chắp tay lên mình để ở chỗ ngực - cái lòng của mình. Mình để trước ngực, rồi mình mới đưa lên trán của mình, rồi mình mới để xuống mình lạy, các con hiểu không? Mình để xuống lạy.

Khi mà lạy đức Phật, thì cái người đã chết rồi, hoặc lạy ông bà mình những người chết, thì mình hãy đưa ngón tay ra trước, bởi vì người đó đã mất rồi, mình cung kính tôn trọng họ, mình đưa cái bàn tay ra trước rồi mình để xuống mình lạy.

Còn lạy cái người còn sống, như mấy con lạy Thầy hay hoặc là trong cái dịp mà con mà lạy cha mẹ mà còn sống thì lạy để hai bàn tay ngang nhau. Bởi vì cái sự sống của Thầy với cái sự sống của mấy con nó bằng nhau, nó còn đang sống y nhau, do vậy mình để ngang lại mình lạy. Người ta biết là lạy cái người còn sống, còn lạy vầy là lạy người đã chết. Con hiểu không? Cũng úp xuống, nhưng mà khi mình làm cái điều gì lỗi, mình xấu hổ thì mình đến xin mình lạy sám hối như lạy Hồng danh sám hối, lạy Phật mà sám hối thì mình lật ngửa cái bàn tay lên.

HẾT BĂNG