2004 - CÁC PHÁP TU TRONG NGÀY THỌ BÁT QUAN TRAI

2004 - CÁC PHÁP TU TRONG NGÀY THỌ BÁT QUAN TRAI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 2004

Thời lượng: [46:18]

1- TỨ DIỆU ĐẾ, 4 CHÂN LÝ CỦA LOÀI NGƯỜI

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay Thầy sẽ dạy những cái Pháp để tu tập trong cái ngày Thọ Bát Quan Trai. Pháp của Phật, mục đích của nó là giúp cho chúng ta làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp làm người, tức là là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Bởi vì đạo Phật ra đời, cái bài pháp đầu tiên của Ngài là dạy chúng ta bốn cái chân lý, tức là bốn cái sự thật của kiếp con người.

Cái sự thật đầu tiên, tức là cái chân lý đầu tiên nói về con người là khổ, thì Đức Phật đã xác định do tâm tham, sân, si chúng ta mà khổ. Như vậy chúng ta xét thấy từ đứa bé mới sinh cho đến một cụ già tám chín mươi tuổi tâm vẫn còn tham, sân, si, thì người nào là con người, thì người nào cũng có tâm tham, sân, si, cho nên đó là một cái chân lý.

Và chân lý thứ hai nói đến cái nguyên nhân sinh ra sự đau khổ, tức là sanh ra tham, sân, si, thì đó là cái lòng ham muốn, mà cái lòng ham muốn thì từ đứa bé mới sinh cho đến cụ già tám chín mươi tuổi, một trăm tuổi vẫn còn ham muốn, chưa có người nào là hết ham muốn. Do đó là cái nguyên nhân sanh ra đau khổ, một sự thật.

Bởi con người là có lòng ham muốn, do ham muốn nó mới có tham, sân, si, còn không ham muốn thì không có tâm tham, sân, si. Cho nên đời người khổ là vì tham, sân, si, nhưng do nguyên nhân ham muốn mà có tâm tham, sân, si. Đó là hai chân lý.

Chân lý thứ ba mà bài pháp của Đức Phật gọi là Diệt Đế tức là trạng thái không tham, sân, si. Mà trạng thái không tham, sân, si đó là tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Hiện giờ các Phật tử xét lại mình có thấy cái trạng thái không tham, sân, si không.

Đó là lúc bấy giờ chỉ trong vòng 1 giây, rồi 1 phút suy ngẫm lại, chúng ta sẽ thấy tâm chúng ta thanh thản, không nghĩ ngợi một điều gì hết, và thân chúng ta an ổn, không đau, không nhức, thì đó là an lạc. Và trong khi trong tâm tư của chúng ta không có khởi lo chuyện này, làm chuyện khác, do đó gọi là vô sự. Vì vậy ba cái nhóm danh từ này hợp lại để chúng ta thấy được trạng thái tâm chúng ta đang giải thoát đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Vậy ai cũng nhận ra được cái trạng thái này, từ người nhỏ cho đến người lớn đều là nhận được, như vậy đó là một cái chân lý của con người. Cho nên có nhiều người nói Diệt Đế là một trạng thái Niết Bàn, sự thật người ta tưởng nghĩ ra Niết Bàn, chứ không phải có cõi Niết Bàn, mà đó là trạng thái tâm của chúng ta thanh thản, an lạc, vô sự.

Do nó, do cái trạng thái sự thật như vậy, vì vậy mà Đức Phật dạy chúng ta để chúng ta sống cho được trong cái trạng thái đó, mà người sống được trong trạng thái đó gọi là chứng đạo, hay hoặc là chứng đạt chân lý. Muốn chứng đạo và chứng đạt chân lý thì chúng ta phải có những cái phương pháp tu tập.

2- 8 LỚP HỌC BÁT CHÁNH ĐẠO VÀ 37 PHÁP TU CỦA PHẬT

(03:39) Nhưng Đức Phật đưa ra cái chân lý để tu tập, chứ không phải là một cái bài pháp suông, mà đó là một cái chân lý, và cái chân lý đó là cái chương trình giáo dục đào tạo để hướng dẫn chúng ta tu tập rèn luyện mình sống để được cái trạng thái giải thoát, tức là cái trạng thái thanh thản an lạc vô sự. Cái chương trình đó nó có tám lớp học, gọi là Bát Chánh Đạo, tám lớp học từ cái lớp Chánh Kiến cho đến Chánh Định.

Bởi vì đạo Phật không phải là một cái bài pháp suông, mà là một cái chương trình giáo dục đào tạo xây dựng cho chúng ta có một cái sự hiểu biết, có một cái nền đạo đức, mà đạo đức gọi là không làm khổ mình, khổ người. Nghĩa là không làm khổ mình, khổ người thì nó mới gọi là đạo đức, còn làm khổ người là không đạo đức, còn làm khổ mình thì không đạo đức.

Do như vậy chúng ta phải học từng lớp một, tức là lớp Chánh Kiến cho lần lượt cho đến lớp thứ tám là lớp Chánh Định, mỗi lớp đều có bài vở học, trong những cái bài mà vở học để cho trong cái tám lớp này, thì Đức Phật gọi là 37 Phẩm Trợ Đạo tức là 37 Phẩm, có nghĩa là 37 cái bài pháp để cho chúng ta học trên các cái lớp này.

Cũng như chương trình giáo dục học ở ngoài đời thì nó có cái lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cho đến Trung Học, Đại Học, thì nó có những cái bài vở học ở trên các cái trường lớp đó, thì Đạo Phật nó cũng như vậy, cho nên mới gọi nó là chân lý.

Nếu chúng ta không hiểu, đạo Phật chỉ là một bài pháp suông, thì không đúng. Bởi vì từ cái lớp 1 thì nó có những cái bài vở cho cái lớp 1, mà cái bài vở cao cho những cái lớp cao, cho nên trong 37 pháp môn để tu tập thì nó có những cái pháp cao và có những cái pháp thấp.

(05:42) Ví dụ, người mới vào tu thì có những cái phương pháp ngăn ác, diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, đó là những cái bài pháp đầu tiên để chúng ta tu, để hằng ngày chúng ta ngăn không có cho các ác pháp tác động vào thân tâm của chúng ta, thì đó gọi là cái bài pháp đầu tiên.

Và cái bài pháp cuối cùng gọi là Tứ Thần Túc hay là Tam Minh, đó là những cái bài pháp cuối cùng, cái bài pháp mà dạy cho chúng ta tu tập để rồi chúng ta ngay bây giờ, hiện tại trong kiếp này mà chúng ta nhìn thấy và hiểu biết được nhiều đời nhiều kiếp của quá khứ của chúng ta, đó là cái bài pháp cao.

Với cái ý thức của chúng ta làm sao mà chúng ta nhớ được nhiều đời, nhiều kiếp mình được, thế mà dạy cho chúng ta tu tập để mà chúng ta nhớ được nhiều đời, nhiều kiếp của mình, đó gọi là Túc Mạng Minh, hiểu được nhiều đời nhiều kiếp của mình gọi là Túc Mạng Minh.

Ngồi đây mà nhìn khắp cả vũ trụ như một cái đài thiên văn, quan sát chỗ nào cũng không sót, thì cái phương pháp tu mà đến cái mức độ cao như vậy thì gọi là Thiên Nhãn Minh. Nó có cái tên Thiên Nhãn Minh.

Nhưng tất cả những cái điều kiện mà tu tập để có cái lực hay cái nhìn thấu suốt như vậy, thì Đạo Phật có cái tên chung gọi là Tứ Thần Túc, 4 cái lực như thần, thì chúng ta sẽ, trong con người chúng ta tu tập có những cái Thần Túc như vậy thì chúng ta mới có quan sát vũ trụ, mới có nhìn lại quá khứ và tương lai xảy ra điều gì chúng ta biết.

Không phải ở đây thầy thuyết giảng nói về thần thông nhưng mà nói về những cái bài pháp có thấp, có cao, chứ không phải nói về thần thông mà đây là nói cái Phật Pháp nó có những cái bài thấp bài cao.

(07:38) Có người cho rằng Phật Pháp có 84.000 Pháp môn, sự thật ra không có nhiều như vậy đâu, đạo Phật có 37 Phẩm Trợ Đạo, có 37 pháp tu hành mà thôi, chứ không có 84.000 ngàn. Cho nên những gì mà không đúng, những cái bài mà, những cái bài vở tu tập, những cái bài pháp tu tập trong tám cái lớp này, hoàn toàn phải đúng chứ không thể được sai, vì sai thì không thể nào nằm ở trong cái chương trình giáo dục đào tạo.

Cho nên khi mà chúng ta học thì phải học cho đúng pháp của Phật chứ không dựa vào một cái mơ hồ khác mà chúng ta nói, thí dụ nói 84.000 ngàn Pháp Môn, vậy bây giờ các bác, các cư sĩ kê ra thử coi tất cả các pháp ở trong thế gian này, hiện giờ tất cả các tôn giáo, thậm chí như cả tư tưởng triết học của các nhà triết, thì thử hỏi đem hết tất cả những pháp đó mà cộng lại coi có được đủ 84.000 ngàn pháp hay là không, không có.

Cao lắm thì chúng ta có 100 pháp đó là cũng hết sức rồi, cho nên vốn đạo Phật có chương trình giáo dục đào tạo thì có 37 Pháp để chúng ta, 37 bài vở để mà chúng ta học tu ở trên cái 8 lớp này. 8 lớp này được phân chia ra làm ba cấp: cấp Giới, cấp Định, cấp Tuệ.

Cấp Giới tức là học đạo đức làm người sống không làm khổ mình khổ người. Như vậy thì cái chương trình học đó sau này Thầy sẽ soạn thảo cái giáo trình học tập trên 8 cái lớp này, còn bây giờ chúng ta chưa có nhưng chúng ta vẫn có phương pháp tu tập.

3- SỐNG THIỆN MỚI CHUYỂN ĐƯỢC NGHIỆP ÁC

(09:30) Vậy thì hôm nay vì lợi ích cho các cụ, các bác, có người thì lớn tuổi sắp sửa, tuổi đời không còn dài lâu nữa, thì cơ thể đã già yếu thì nay, có thể nay đau, mai bệnh và có thể sắp sửa sự vô thường đến và không biết nay còn sống mai chết nữa là khác.

Thì do đó hiện giờ chúng ta phải có những cái phương pháp tu để giúp cho chúng ta, thứ nhất là vượt ra khỏi những cái cơn bệnh đau, thứ hai là giúp cho tâm chúng ta bình an, thanh thản không để giận hờn phiền não hoặc thấy mình quá cô đơn.

Đó là những cái phương pháp hiện giờ cần phải tu tập trong những ngày Thọ Bát Quan Trai. Vì chúng ta có giữ giới thì do giới nó mới chuyển được cái nghiệp cái ác pháp, cái nghiệp của chúng ta, vì chúng ta, trong cuộc đời của chúng ta có nhiều điều chúng ta làm những cái điều mà chúng ta không hiểu, do vô tình mà chúng ta tạo những cái ác mà chúng ta không biết.

Mình tức giận quá mình la một cái người khác hoặc là mình đánh một đứa trẻ, cái hành động đó đều là hành động ác, cho nên nó huân tập những cái điều không đúng. Cũng như từ lâu tới giờ các bác, các cụ, sự tu học, sự tu hành của mình theo Phật Giáo, mình chưa có hiểu rõ, cho nên sống mình còn ăn thịt chúng sanh.

Mình chưa có tu được cái Đức Hiếu Sinh, cái lòng thương yêu sự sống, cho nên mình cứ ngỡ rằng tất cả cá, tôm, gà, vịt, heo, dê là những cái loại mà để cho mình ăn, cho nên mình bắt ra mình làm thịt mình ăn, nhưng mà không ngờ mỗi loài vật đều bị giết chết thì đều có sự đau khổ.

Nó cũng ham sống, sợ chết như mình, mình cũng vậy, nó cũng vậy, nhưng mình nỡ lòng nào mình lại ăn thịt chúng, mình lại giết chúng. Đó là một điều mình hiểu sai, cho nên mình chưa hiểu vì vậy mà mình vô tình mình đem cái sự đau khổ của chúng sanh vào thân mạng của mình, rồi mình bảo thân mình mạnh khỏe không đau ốm thì điều đó không đúng.

Và mình ăn thịt chúng sanh như vậy mà đến chùa lạy Phật cầu để cho mình được bình an thì đặt điều đó không bình an. Tại vì mình sống không bình an cho mọi loài vật, thì sự cầu khẩn của mình để bình an thì không có bình an.

Và chính mình giữ gìn, không có làm đau khổ chúng sanh, không có ăn thịt chúng sanh, thì do đó cái cơ thể của mình nuôi cái thân mạng của mình bằng cái sự không đau khổ thì nó lần lượt nó cũng sẽ giảm sự đau khổ.

Do vô tình như vậy, hôm nay chúng ta mới hiểu được Phật pháp, do cái ác mà đến cái khổ, mà do cái thiện mà đến cái hạnh phúc, cái an vui. Vì vậy mình phải sống thiện, làm thiện thì đem đến cho mình được cái sự an ổn, bình an chứ không ai mà cứu khổ mình được khi mình làm một điều ác.

4- TẬP ĂN NHƯ PHẬT

(12:29) Như vậy hôm nay, là do như vậy mà các bác, các cụ, các Phật tử về đây Thọ Bát Quan Trai là giữ gìn 8 giới, trong khi đó đời thì chạy theo dục, ngày ăn ba bốn bữa, mình hôm nay mình tập làm Phật ăn ngày một bữa.

Phật Ngày xưa sống đến 80 tuổi Ngài vẫn ăn một bữa. Một hôm Ngài bị cảm, bởi vì cơ thể ai cũng như ai, Đức Phật cũng có cơ thể như mình, cho nên Ngài đi nắng gió rồi Ngài cũng bị cảm nhức đầu, sổ mũi hoặc là sốt do cảm như vậy, cho nên Ngài trong cái bữa trưa hôm đó Ngài ăn cơm không được. Ai bị cảm mà ăn cơm được nhiều, cho nên Đức phật ăn không được.

Do thấy Đức Phật ăn không được, ông A Nan mới đi xin cháo cho Đức Phật ăn. Nhưng vì quá giờ Ngọ rồi, quá cái giờ trưa rồi cho nên Đức Phật mới nói ông A Nan: “Ta như vầy mà ăn cháo sao?”. Nghĩa là một người tu hành không nên ăn phi thời, thà chết chứ không ăn phi thời. Mặc dù bữa trưa đó ăn không được, nhưng có chết đâu, Đức Phật vẫn còn sống mà sống tới 80 tuổi mới chết.

Do như vậy chúng ta biết rằng không phải ăn nhiều mà sống, như Thầy ăn ngày một bữa Thầy vẫn sống như thường, và không bệnh đau, thì các bác, các cụ thấy rất rõ. Tuy ốm nhưng mà sự thật ra có sao đâu, ăn một bữa để sống, sống để tu hành, chứ thân chúng ta hoàn toàn là cái, khi nó sống thì phải có một sự đau khổ của một loài vật khác.

(14:13) Thậm chí như ăn chay, chúng ta ngỡ thấy rằng không có nghe tiếng kêu la của loài động vật khi chúng bị giết, nhưng loài cây cỏ thảo mộc vẫn có sự cảm nhận và vẫn có sự đau trong đó chứ, có sự đau trong cây cỏ chứ. Cho nên chúng ta sống mà chúng ta ăn cái loài vật khác chết, dù là cái cây, dù là cây rau, nó chết chúng ta mới sống chứ, nếu không ăn làm sao chúng ta sống.

Do đó hôm nay chúng ta sống không phải vì ăn mà sống ăn để mà tu, để ra khỏi thoát khỏi cái thân người, cái thân người, cái thân mà sống mà có sự chết của kẻ khác, cho nên chúng ta là người tu theo đạo Phật, lòng thương yêu chúng ta không thể nào nhìn thấy cái sự sống của mình mà có sự chết.

Đây là Thầy nói cây cỏ thảo mộc rau cải thôi, nhưng lòng chúng ta còn xót xa thay, huống hồ mà chúng ta ăn loài động vật, lăn lộn, rên la kêu đau khổ của loài động vật, còn cái cây có kêu la có rên không? Nhưng chúng ta biết chúng có đau khổ.

Tại sao chúng ta biết được, chúng ta thử nếu mà cái cây không cảm nhận thì chắc chắn là nó sẽ không đau khổ, còn cái cây mà cảm nhận thì có sự đau khổ, chúng ta thử đụng vào cái cây mắc cỡ, tức là cây Hoa Trinh Nữ, thì chúng ta thấy cành lá chúng xụ xuống, tức là chúng có sự đau khổ, chúng có sự cảm nhận.

Nếu không cảm nhận sao lại khi chúng ta đụng vào, hay hoặc là một con vật gì đụng vào cái cây mắc cỡ thì cành lá chúng lại xụ xuống? Sao không vươn lên như cái cây thảo mộc ngoài kia? Tức là cái loài cây có sự cảm nhận. Mà đã có cảm nhận thì phải có đau khổ.

Cho nên chúng ta ăn là vì chúng ta thấy mình phải sống, mượn cái thân này sống, sống để làm gì? Sống để tu, tu để chúng ta không còn tái sanh luân hồi.

5- TỪ TRƯỜNG THIỆN ÁC TƯƠNG ƯNG TÁI SANH

(16:14) Tại sao vậy? Tại sao mà chúng ta lại bị tái sanh luân hồi mà chúng ta không biết? Tại vì chúng ta hằng ngày chúng ta sống có thiện, có ác. Chúng ta nói một lời nói, lời nói thiện nó vẫn phóng ra cái từ trường, tức là phóng ra cái nghiệp thiện, lời nói ác chửi mắng người thì nó sẽ phóng ra một cái từ trường ác, nó lưu lại ở trong không gian khắp trên cái quả, cái hành tinh sống của chúng ta.

Rồi đến khi mà chúng ta chết tất cả những cái hành động thiện ác đó nó trở thành gọi là nghiệp. Khi thân chúng ta chết thì không có linh hồn cái gì còn tồn tại hết, hoàn toàn hoại diệt, hoàn toàn không còn vật gì hết, nhưng cái nghiệp cái hành động thiện ác mà chúng ta sống nó vẫn còn.

Do nó còn cho nên nó tương ưng với sự tham, sân, si những cái ác của những người khác còn đang sống trên cái quả địa cầu này, trên hành tinh này, nó tương ưng nó giống nhau, những cái hành động thiện ác, cái nghiệp của chúng ta nó giống nhau người nào, thì lúc bây giờ khi mà chúng ta chết thì nó tương ưng nó sẽ làm con của những người đó.

Một mình chúng ta đã tạo nên cái nghiệp ác, thiện đó, nó sẽ sanh ra nhiều đứa con khi nó tương ưng với nhiều người, chớ không phải một mình chúng ta mà sanh ra có một người. Nếu một người mà có một linh hồn thì họ chỉ sanh ra một người, còn bây giờ chúng ta nó do nhân quả cho nên nó tương ưng nhiều người, thì khi mà chúng ta bỏ thân này thì cái nhân quả của chúng ta nó sẽ tương ưng nhiều người thì nó sanh nhiều đứa bé.

Một người mà sanh ra nhiều người, thì nhiều người phải thọ lấy những cái đau khổ của nhiều. Một mình chúng ta sân chúng ta thấy khổ có một mình, nhưng bây giờ 10 người 10 đứa người như vậy, thì 10 cái sân như vậy nó phải khổ gấp 10 lần.

Cho nên chúng ta thấy, vô tình mà chúng ta không ngờ rằng, một mình mình mà tạo ra cho 10 người phải chịu khổ. Một mình mình đau nhức cái đầu, mà bây giờ 10 người đau nhức cái đầu thì 10 cái đau nhức phải nhiều gấp 10 chớ. Quý cụ, quý bác có thấy cái khổ của nhân quả, nhưng mà làm sao?

Tại vì mình phóng ra cái từ trường này, nó tương ưng nó tái sanh chứ nó đâu phải là ai bắt nó đi, ai làm gì nó đi được, nhưng nó tương nhưng nó phải tái sanh mà thôi, nó giống nhau thì nó phải tái sanh.

Muốn dứt không còn tái sanh thì chúng ta không còn giữ cái tâm, không còn để cho cái tâm tham, sân, si nữa. Không tham, sân, si thì, chung quanh chúng ta ai cũng có tham, sân, si. Mà cái hành động sống của chúng ta phóng ra không tham, sân, si thì nó đâu có tương ưng được, thì nó đâu có tái sanh, mà nó đâu có tái sanh thì nó đâu có làm thân này nữa.

Mà không có làm thân này nữa thì nó đâu có ăn loài, nó đâu có ăn những cây cỏ, nó đâu có ăn loài động vật, nó đâu có ăn loài thảo mộc mà nó sống. Cho nên vì vậy nó đâu có thân thì nó đâu có ăn, mà nó đâu có ăn thì nó đâu có huân cái đau khổ của vật khác vào trong thân nó.

Cho nên trong khi đó chúng ta tu tập, mục đích là chúng ta lìa tham, sân, si, mà hết tham, sân, si thì chúng ta không tương ưng với ai hết, không tương ưng ai hết thì đâu có làm con ai được, cho nên vì vậy chúng ta chấm dứt luân hồi tái sanh.

(19:33) Mục đích của đạo Phật là làm chúng ta thoát ra khỏi cái thân này, để chúng ta có một cái thân mà không còn tội lỗi, không còn đau khổ, một cái thân không tham, sân, si. Còn bây giờ chúng ta mang cái thân này tham, sân, si, cho nên vì vậy muốn nuôi sống nó thì có sự đau khổ của vật khác để mà nuôi sống nó.

Cho nên chúng ta không nỡ lòng, muốn có cái thân này mà lại sống thì lại chết, lại có sự đau khổ của loài động vật, của loài thực vật thì chúng ta không nỡ. Cho nên hôm nay chúng ta ăn, sống, mục đích chúng ta sống để tu tập, để chúng ta lìa hết cái tham, sân, si, giữ cái tâm thanh thản an lạc vô sự này, cuối cùng chúng ta chấm dứt tái sanh luân hồi không làm thân con người nữa, không làm thân động vật nữa.

6- PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý DIỆT TRỪ TÂM THAM SÂN SI

(20:21) Cho nên trong cái sự tu tập theo đạo Phật là phải hiểu rõ để mà chúng ta thực hiện, vậy thì muốn lìa tham, sân, si, thì tham, sân, si nó có những cái hiện tượng đến với chúng ta:

Một là tâm chúng ta giận hờn phiền não, lo lắng sợ hãi, thương ghét đó là tham, sân, si. Hai là thân chúng ta đau nhức chỗ này chỗ khác làm chúng ta rất khổ sở, đó là do quả tham, sân, si. Vậy muốn chấm dứt nó thì chúng ta có những phương pháp, phương pháp đầu tiên Thầy dạy các bác, các cụ là phương pháp Như Lý Tác Ý.

Đức Phật dạy chúng ta tác ý một tướng khác của một tướng kia thì tướng kia sẽ không còn nữa. Bây giờ chúng ta biết rằng trong thân tâm của chúng ta có tham, sân, si, vậy muốn không còn tham, sân, si thì chúng ta nên tác ý không tham, sân, si.

Vậy thì ngày xưa, khi Thầy ngồi tựa cửa mà Thầy tu tập như thế này mà tâm Thầy hết tham, sân, si: Thầy nhắc: "Tâm như cục đất phải lìa hết tham, sân, si. Tham, sân, si là ác pháp, là đau khổ". Do Thầy nhắc tâm Thầy như vậy.

Cho nên Thầy thường nhắc: "Tâm như cục đất ly tham, sân, si hết đi. Tham, sân, si là đau khổ, mai mốt tâm không còn được tham, sân, si nữa". Thầy cứ nhắc như vậy, cuối cùng tâm Thầy hết tham, sân, si.

Hoặc Thầy nhắc mình: "Tâm ly dục, ly ác pháp hết, còn ham muốn là còn ác pháp, còn ác pháp là còn đau khổ", cho nên Thầy nhắc: "Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, vào trạng thái Sơ Thiền". Hoặc là Thầy nhắc: "Tâm ly dục, ly ác pháp nhập vào bất động tâm".

Bất động tâm là gì các Phật tử biết không? Bất động tâm là chỗ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, chỗ đó không có động, có động thì làm sao thanh thản được. Có động thì làm sao mà ngồi yên ổn được, cho nên chỗ đó là chỗ bất động. Cho nên Thầy thường nhắc tác ý một tướng khác của một tướng kia thì tướng đó sẽ hết.

7- NƯƠNG VÀO HƠI THỞ ĐỂ TÁC Ý

(22:28) Đồng thời khi chúng ta bị, chúng ta bị tác động, tâm chúng ta khởi lên phiền não, thì Đức Phật dạy chúng ta có những phương pháp đẩy lui cái tâm phiền não đó. Thí dụ như bây giờ chúng ta đang giận, thì Đức Phật dạy cho chúng ta có cái bài đề mục để tu tập, cái đề mục đó Thầy xin nhắc lại để thấy. Cái đề mục đó dạy như thế này:

Khi tâm chúng ta đang sân thì chúng ta tác ý: "Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra". Phương pháp của Phật rất hay mấy con, nghĩa là mình nương vào hơi thở mình tác ý thì cái tâm sân của mình nó sẽ hết.

Bây giờ thí dụ như cái thân của quý Phật tử nhức cái đầu, đau cái bụng, thì quý vị tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Đó là cái thân của quý vị sẽ an ổn trở lại mà không còn bị nhức đầu, không còn bị đau bụng nữa.

Nhưng trước khi tác ý cái câu để mà nương vào hơi thở như vậy, thì quý Phật tử tác ý như thế này, “thọ là vô thường”, nếu đau cái đầu thì nói ngay cái đầu: "Cái thọ vô thường, cái đầu đau này phải rời khỏi cái thân ta không có được đau, không được nhức đầu nữa", rồi tiếp tục tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra".

Và tác ý như vậy 5, 10 hơi thở, rồi tác ý 5, 10 hơi thở nữa, thì nhìn lại thì cái đầu nó không còn đau nhức nữa, không cần uống một viên thuốc nào cả. Đấy là phương pháp đẩy lui chướng ngại pháp làm cho thân chúng ta bình an, không còn đau nhức.

Cũng như tâm lúc nãy Thầy nói đang giận hờn, đang tức giận thì chúng ta sử dụng cái câu tác ý: "Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra" thì tâm sân chúng ta cũng sẽ hết không còn sân, không giận, không phiền trong tâm chúng ta nữa.

8- NƯƠNG VÀO CÁNH TAY ĐỂ TÁC Ý

(24:50) Đó là những cái phương pháp đẩy lui chướng ngại pháp trên thân tâm của chúng ta. Vậy thì muốn tập thì chúng ta phải tập luyện hơi thở hoặc là tập luyện cánh tay, nhưng vì hơi thở rất khó và dễ rối loạn hô hấp, tức là rối loạn cơ thể chúng ta.

Cho nên Thầy sẽ dạy cho các bác, các cụ, là vì đôi khi mình lớn tuổi mà lúc mình sắp chết thì hơi thở mình mệt hoặc là nó làm cho chúng ta đờm, làm cho chúng ta thở không được, làm sao mà chúng ta nương hơi thở để mà đẩy lui được?

Do đó chúng ta chỉ còn có cánh tay chúng ta để mà đẩy lui nó được mà thôi. Thì khi mà gặp trường hợp đó, chúng ta chỉ sử dụng cánh tay chúng ta như thế này đưa ra, đưa vô, đưa ra tức là hơi thở ra, mà đưa vô là hơi thở vô, cho nên tác ý.

Thí dụ như bây giờ cái đầu đau, mà chúng ta muốn đẩy lui cái đầu đau mà chúng ta dùng cánh tay, thì chúng ta nói: "Thọ là vô thường, cái đầu đau nhức này phải rời khỏi thân ta không được đau nữa", rồi các cụ, các bác sẽ tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra ".

Khi đưa tay ra thì các bác, các cụ nên nhìn, nên tưởng như cái bệnh nhức đầu theo cánh tay mà đi ra. Và khi đưa vào thì chúng ta nhắc: "An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô". Và cứ đưa ra đưa vô như thế này thì một lúc sau, cái bệnh đau nhức đầu sẽ không còn có đau nhức đầu nữa.

Đó gọi là phương pháp đẩy lui bệnh trên thân của chúng ta mà trong pháp môn Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy: “trên thân quán thân để khắc phục tham ưu”, làm cho thân chúng ta hết đau, nhưng phải bằng cách nương vào hơi thở, hoặc nương vào cái thân hành của chúng ta để mà đẩy lui cái bệnh mới được.

Tại sao vậy? Bởi vì cái Pháp Như Lý Tác Ý nó giống như cây đòn bẩy, mà cái hơi thở và cái hành động đưa tay ra đó là cái điểm tựa, cho nên chúng ta tựa vào cái chỗ đó, nương vào cái hơi thở, nương vào tập trung vào cái hành động đưa ra đưa vô mà cái pháp Tác Ý nó sẽ đẩy lui cái bệnh ở trong thân của quý vị.

(27:16) Cho nên nếu mà chúng ta có một cái điểm tựa thì chúng ta đẩy được cái bệnh đó ra, còn bây giờ mình không có điểm tựa mà cứ đau thì chúng ta không đẩy lui nó được. Cho nên đạo Phật dạy chúng ta có cái chỗ tựa lưng để mà đẩy những cái đau khổ ở trong thân chúng ta ra.

Như vậy nó là cái pháp thiết thực cụ thể lợi ích cho chúng ta rất lớn, là vì chúng ta đẩy lui được bệnh trong thân, và chúng ta đẩy lui được tâm phiền não chúng ta trong mọi hoàn cảnh, và chúng ta giữ được tâm thanh thản, an lạc, vô sự.

Khi chúng ta sắp chết thì cơ thể chúng ta nó rất là đau khổ, nó làm chúng ta mệt nhọc, làm chúng ta mê sảng không còn tỉnh táo nữa, nhưng chúng ta vẫn ôm chặt pháp từ đầu chí cuối, cho nên tâm chúng ta không còn mê, và đồng thời Pháp Như Lý Tác Ý giúp chúng ta đẩy lui tất cả những cái đau đớn trong thân chúng ta thoát ra khỏi khổ.

Do đó chúng ta chết một cách bình an mà không có khổ đau, chứ không khéo mỗi người chết đều khổ đau lắm, nằm trên giường bệnh cơ thể đau nhức. Ai có nuôi người sắp chết mới thấy, trước khi chết, cái người nào cũng vậy họ rất là trăn trở, họ trăn trở như thế nào.

Thầy đã từng nuôi ông Thân của Thầy, Thầy biết, “Đỡ”, ông Thân Thầy bảo đỡ ngồi dậy nó làm như bứt rứt trong người như thế nào, cho nên bảo đỡ ngồi dậy, ngồi dậy chưa ngồi xong bảo để nằm xuống, cứ đỡ lên, đỡ xuống, nằm lên, nằm xuống cho đến khi chịu hết nổi rồi ra đi. Rất là khổ, thấy cái cảnh tượng mà trăn trở của người sắp chết chúng ta thấy khổ quá, khổ quá khổ.

Mà ai chết cũng có sự trăn trở chứ không phải là chết bình an đâu. Cho nên vì vậy mà chúng ta thấy trước ngày mà chúng ta chết rất là khổ, ngay bây giờ mà không tu thì tới ngày đó làm sao chúng ta tu cho kịp, cho nên ngay bây giờ phải ráng cố gắng mà tu.

9- BỐN GIAI ĐOẠN TU TẬP ĐI KINH HÀNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

(29:18) Vậy thì các bác, các cụ hãy cố gắng tập, nghe lời Thầy tập. Hôm nay thứ nhất là chúng ta tập tỉnh thức, “Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, nghĩa là đi trong 30 phút thôi, mấy cụ mấy bác đi nhiều không được thì đi chừng 10 phút, đừng đi nhiều hơn đi chỉ 10 phút mà thôi. Còn các vị mà tuổi còn trẻ, sức khỏe còn nhiều nên đi 30 phút, đi mình biết mình đi, thì đi như thế này Thầy dạy cho để một lúc nữa mình sẽ tập.

Trước tiên mình đứng thẳng rồi mình tác ý: "tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành", rồi lần lượt bước đi mình đếm 1, bước thứ 2 đếm 2, bước thứ 3 đếm 3. Nhưng đi các cụ đừng nhìn xuống dưới, đừng cúi đầu mà nhìn xuống dưới bước chân mình, mà nhìn thẳng ra ngoài.

Bởi vì nhìn xuống dưới cái chân mình, cái tâm mình nó sẽ gom lại, đi một lúc nó nặng cái đầu. Còn mình nhìn ra xa vầy mà mình biết bước đi, mình cảm nhận bước đi thôi, cảm nhận cái bước đi thôi thì nó sẽ không nặng đầu. Còn mình cúi đầu xuống vậy mình đi, cúi đầu xuống để mình nhìn cái bước chân mình đi đó, thì mình sẽ bị nặng đầu. Nhớ lưu ý điều đó.

Nếu khi đi 30 phút mà không nặng đầu thì nên tập 30 phút, mà nếu đi 30 phút mà cảm giác mình có nặng đầu thì mình lui lại đi 20 phút mà thôi, mà nếu 20 phút có bị nặng đầu, thì mình lui lại còn 10 phút mà thôi. Thà tu tập ít mà không bị chướng ngại, lần lượt cơ thể chúng ta thích nghi được chúng ta tăng dần lên 30 phút mà không bị nặng đầu. Do tu tập nó sẽ quen chớ không ai giỏi.

Còn người nào mà đi mà không có nặng đầu thì nên giữ 30 phút mà tu tiến lên. Đó là giai đoạn đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác. Đi 10 bước thì chúng ta đứng lại tác ý một lần, cứ đi 10 nước đúng 10 bước thì đứng lại tác ý một lần "tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành", đó là giai đoạn tu tập tỉnh thức thứ nhất.

Giai đoạn tu tập tỉnh thức thứ hai, khi chúng ta đi 10 bước chúng ta đứng lại, thì chúng ta không tác ý “tôi đi kinh hành” nữa mà lại tác ý: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra". Tác ý 5 hơi thở như vậy, 5 hơi thở như vậy rồi tác ý: "Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành" rồi tiếp tục đi kinh hành. Rồi đúng 10 bước, đứng lại hít thở 5 hơi thở rồi lại tác ý đi kinh hành như trước. Và cứ như vậy đúng 30 phút xả nghỉ. Đó là giai đoạn đi Chánh Niệm Tỉnh Giác thứ hai.

(32:16) Giai đoạn Chánh Niệm Tỉnh Giác thứ ba, thì quý vị tiếp tục trên con đường đi kinh hành đó, nhưng thay vì đứng mà thở thì mình lại ngồi xuống, ngồi xuống xếp bằng, bán già cũng được kiết già cũng được, tùy theo sự tu tập của mình thì mình lại "hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra".

Bây giờ ngồi mà hít thở chớ không phải như lúc nãy đứng mà hít thở. Rồi bắt đầu đứng dậy, rồi tiếp tục đi kinh hành 10 bước nữa rồi lại ngồi xuống hít thở 5 hơi thở, rồi đứng dậy đi kinh hành 10 bước nữa. Đó là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác, Tỉnh Thức lần thứ 3.

Đến lần thứ tư thì quý vị không còn tu tập như vậy nữa, mà mỗi hành động của quý vị thì quý vị tác ý một lần. Thí dụ như hai chân, muốn bước đi không nói rằng “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, rồi bước đi rồi đếm 1, 2, 3, 4, ở đây khác. Giai đoạn thứ tư để tập tỉnh thức thì phải tác ý khác.

Muốn bước chân trái thì ra lệnh “Chân trái bước”“Dở gót lên” thì dở gót lên, “Dở chân lên” thì dở chân lên, “Đưa chân tới” thì đưa chân tới, “Hạ chân xuống” thì hạ chân xuống, “Hạ gót xuống” là hạ gót xuống. Mỗi động tác của cái hành động bước đều chia ra rất rõ ràng dỡ chân, dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống. Tất cả mọi hành động đó đều có lệnh tác ý, đều có lệnh trước hành động sau, rồi tới chân mặt cũng như vậy. Pháp đó gọi là tỉnh thức thứ tư.

10- CÁCH TU CHO NGƯỜI LỚN TUỔI

(34:08) Nhưng tỉnh thức thứ tư lại có cái tên là pháp Thân Hành Niệm. Tập luyện nó, nó có đủ thần lực để giúp chúng ta làm chủ được sự sống chết, chấm dứt được sự luân hồi, nhưng pháp đó các cụ già tu không nổi đâu. Các cụ không thể tu pháp đó, nhưng những người còn trẻ khỏe thì nên tập pháp đó rất hữu ích.

Khuyên các cụ già chỉ tu tỉnh thức ở giai đoạn 1 và 2, còn giai đoạn ngồi xuống đứng lên, cơ thể suy yếu không thể ngồi xuống đứng lên nhiều mà kết quả tốt được.

Do đó chỉ có đi kinh hành, rồi đứng lại hít thở 5 hơi thở rồi tiếp tục đi, và đúng 30 phút là các cụ đã tu quá nhiều rồi, quá nhiều. Thay vì tu ít lại chừng 10 phút mà thôi, chứ đừng tu tới 30 phút, để làm gì để khi có bị hôn trầm thùy miên, các cụ sẽ dụng nó mà đi kinh hành để cho nó đừng buồn ngủ, đó là cách thức phá tâm si của các cụ.

Còn bình thường thì đối với người già, các cụ không nên tu về hơi thở nhiều, mà trái lại tu về Tứ Niệm Xứ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự. Nghĩa là các cụ cứ ngồi bình thường, ngồi như thế nào cũng được, ngồi trên ghế như Thầy cũng được, nhắc tâm "tâm thanh thản, an lạc vô sự" rồi để tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự.

Nếu có một cái niệm nào khởi vào thì nói như thế này, nếu mà niệm đó nó thương nhớ con cái của mình thì nhắc "đây là kiết sử, đây là nhân quả, chỗ này là thanh thản an lạc, không phải được vào đây!" Các cụ nhắc như vậy thì cái niệm đó nó sẽ tan biến đi, nó sẽ không còn nữa và lúc bấy giờ tâm thanh thản tiếp tục.

(36:07) Và nó có một cái niệm nào khởi để mà lo lắng, sao giờ này con nó đi làm mà nó chưa về, nó lo lắng cho con mình, thì các cụ nói: "Đây là nhân quả, dù tai nạn xe cộ hay gì cũng đều do nhân quả, chỗ này là phải giữ tâm thanh thản, an lạc chứ không được lo lắng điều đó, vì đó là nhân quả, lo có được không, có giải quyết được gì không mà phải lo?" Cho nên tâm lo lắng đó nó sẽ tan biến đi, cái niệm đó nó sẽ không còn ở trong tâm nữa, nó để lại cho chúng ta một trạng thái thanh thản an lạc và vô sự.

Các cụ nhớ tu như vậy, tác ý như vậy. Còn nếu thân của các cụ bị mỏi, bị đau, bị nhức, bị bệnh thì nương vào cánh tay đưa ra, đưa vô như lúc nãy thầy dạy, thì sẽ đẩy lui những chướng ngại do thân bệnh và đem lại sự bình an cho tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự.

Hằng ngày cố gắng tu tập, cho đến khi chết thì các cụ cố gắng giữ gìn tâm bất động, không cho thân tâm chúng ta bị động một chút xíu nào, dù đau như sắp chết nhưng chúng ta vẫn giữ được tâm thanh thản, an lạc, vô sự đó.

Nếu lúc bấy giờ thấy chúng ta bị dao động trước cái cơn đau, làm chúng ta không có được bình tĩnh thì các cụ nên niệm: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, con đang gặp nghiệp khó khăn, xin Phật chứng minh cho con, trợ giúp cho con để vượt qua nghiệp này!” thì các cụ sẽ niệm Phật rồi các cụ giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự.

Thì các cụ sẽ tiếp tục, tiếp, tiếp nhận được cái từ trường bên ngoài thanh thản, an lạc, vô sự của chư Phật, thì các cụ có một cái sức lực mạnh để mà đương đầu với cái nghiệp đang tác động trên thân mình quá khổ đau, thì các cụ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và sự đau khổ giảm đi. Sự mệt nhọc lúc sắp chết, thở không được sẽ phải nghe thông suốt làm cho quý cụ, quý bác thở rất dễ dàng.

Do đó nhớ lời Thầy dạy mà tu tập để tự mình cứu mình. Đức Phật đã dạy tự thắp đuốc lên mà đi, đó là dùng những cái phương pháp tu tập như vậy là mình đã tự thắp đuốc lên mình đi để mình tự cứu mình thoát khổ.

11- TÁM GIỚI BÁT QUAN TRAI

(38:22) Vậy thì ngay trong giờ này Thầy đã truyền cho 8 giới Bát Quan Trai. Giới thứ nhất, bây giờ vào đây thì rõ ràng là mình giữ giới, mình ăn chay rồi, cho nên giới thứ nhất là mình không sát sanh, tức là mình giữ đức hạnh hiếu sinh.

Giới thứ hai thì mình buông xả, bởi vì mình vào đây mình tu mình buông xả hết rồi, mình đâu có mang theo gì đâu, cho nên đó là giới buông xả, đức buông xả. Giới thứ ba tức là Đức Chung Thủy, lòng chung thủy đối với các cụ, các bác, những người mà có gia đình, chắc chắn là chúng ta phải cố gắng giữ gìn giới đức chung thủy, lòng chung thủy với nhau đó là cái đức hạnh.

Đức Thành Thật là không nói dối, ở đây đến đây trong cái ngày giờ này thì chúng ta nhất định thấy cái gì thì nói thấy, mà không thấy thì nói không thấy, nghe thì nói nghe, mà không nghe thì nói không nghe, đó là đức thành thật. Đức Minh Mẫn là giới thứ năm, tức là chúng ta không uống rượu, vào trong cái buổi Thọ Bát Quan Trai mà mình uống rượu là sai, cho nên nhất định là không uống rượu.

Hoàn toàn khi xả giới ra các cụ, các bác có thể uống rượu được, nhưng mà khi mà thọ năm giới làm đệ tử Phật thì cố gắng khắc phục mình không uống rượu nữa, và không hút thuốc lá nữa, để mình trở thành một người đệ tử của Phật xứng đáng. Còn bây giờ ở đây Thọ Bát Quan Trai cho nên các cụ, các bác, hoàn toàn giữ gìn trọn vẹn trong ngày hôm nay, không rượu chè, không say sưa không gì cả, đó là giữ giới trọn vẹn.

Và kế đó thì không trang điểm, không nằm giường cao rộng lớn, không ăn uống phi thời. Như bây giờ mình đâu có trang điểm vậy đâu, tất cả những vật gì mà mình trang điểm đều là mình bỏ xuống hết. Không có còn trang điểm, không có còn mặc áo đẹp, không có mặc đồ sang đẹp, mà rất là đơn giản bình thường. Đó là về cái giới luật đó thì mình giữ trọn vẹn.

(40:40) Như bây giờ nhìn qua các bác, các chú đều ở đây thì mình thấy đâu có trang điểm gì, bên nữ thì người ta còn đeo bông đeo vàng, còn mình có gì đâu. Cho nên đối với nam thì chúng ta thấy rất dễ về cái giới mà trang điểm thì chúng ta không phạm.

Nhưng cái giới nằm giường cao rộng lớn, ngày hôm nay các bác, các cụ giữ gìn giới, Đức Phật ngày xưa đi đến đâu, ăn thì dưới gốc cây, ngủ thì dưới gốc cây chứ đâu có giường chõng. Do đó chúng ta theo cái gương hạnh của Phật, thì bữa nay tới giờ trưa ăn cơm thì quý bác, quý cụ sẽ để cái mâm cơm của mình ở dưới cái nền chùa sạch sẽ như thế này, mình ngồi ăn dưới đất giống như Phật, chứ đừng có để trên bàn, trên ghế ngồi ăn thì không đúng.

Phật ngày xưa đều là ngồi dưới đất ăn chứ không có ngồi trên bàn, trên ghế cao sang. Do đó hôm nay mình giữ cái giới luật mình cũng ngồi dưới đất ăn. Và đồng thời mình ăn chỉ có một bữa, cho nên mình đâu có ăn ba bữa, cho nên mình không ăn phi thời như vậy là giới luật bữa hôm nay là các cụ, các bác sẽ nghiêm chỉnh.

Và đồng thời chúng ta cũng không nghe ca hát cho nên chúng ta không nghe ca hát, nghe radio, tivi hoặc là xem hát nghe ca hát. Ở đây mình không có tụng niệm, tụng niệm cũng là một cái hành, cũng là một cái sự ca hát của đạo. Bởi vì tiếng mõ, tiếng chuông nó nhịp nhàng đó là cái giọng ca hát nhưng mà ca hát của đạo gọi là tụng kinh. Cho nên ở đây mình đâu có tụng kinh đâu mà có ca hát, cho nên mình giữ đúng không phạm vào cái giới ca hát.

Do như vậy thì giữ gìn 8 giới này, thì các cụ sẽ trong một ngày làm Phật cố gắng mà tu tập, buổi chiều còn gặp lại Thầy để kiểm tra coi sự tu tập của mình có chính xác hay không.

12- TÓM LƯỢC NHỮNG PHÁP TU TRONG NGÀY THỌ BÁT QUAN TRAI

(42:29) Bây giờ Thầy tóm lược lại để thấy những cái pháp tu. Đầu tiên thì đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác, đi mình biết mình đi, các cụ, các bác, các cư sĩ nhớ chưa.

Cái thứ hai là mình tu về cánh tay của mình đưa ra, đưa vô như thế này để đẩy lui những cái chướng bệnh của mình.

Cái pháp thứ ba là giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, giữ tâm bất động của mình, giữ trạng thái thanh thản của mình, nhắc “Tâm thanh thản an lạc vô sự”, rồi ngồi để giữ yên lặng một chút, rồi lại nhắc “Tâm thanh thản an lạc vô sự”, rồi một lúc mình lại tác ý để cho cái sự thanh thản đó kéo dài.

Bây giờ nó lại không kéo dài được, nó có một cái niệm nào khác vào thì mình lại tác ý. Cái niệm đó nó thuộc về nhớ thương thì mình nói "Đây là kiết sử, ái kiết sử hãy rời khỏi thân của mình đi, tâm của mình đi!". Mà nếu mà có cái niệm lo lắng buồn phiền tức giận thì đây là cái niệm nhân quả, thì đây là mình nói "Đây là nhân quả, đi ra khỏi thân, tâm ta đi!".

Còn nếu mà cái niệm thân đau nhức mỏi mệt thì các vị dùng cái cánh tay mà tác ý đưa ra "Thọ là vô thường, cái thọ, cảm thọ đau tay, nhức đầu, đau bụng này phải rời khỏi thân!", thì lúc bấy giờ quý vị sẽ tập luyện.

Mặc dù bây giờ thân của mình không đau, không bệnh, nhưng tới cái giờ mà mình tập cánh tay mình, thì mình cũng tập để cho mình biết đưa tay ra, đưa tay vô, và đồng thời khi có mỏi mệt, đau nhức thì mình dùng tưởng đẩy cái đau nhức bệnh đau theo cánh tay mà ra.

Thì trong buổi hôm nay, thì sau khi nhận lãnh 8 giới xong, thì thực hiện những pháp Thầy đã dạy, vì những pháp đó sẽ đem lại lợi ích cho các cư sĩ, các cụ, các bác cố gắng mà tu tập. Rồi lần lượt sự nhuần nhuyễn của pháp này nó sẽ đem lợi ích rất lớn cho người tu tập, đem lại lợi ích rất lớn cho chúng ta.

(44:22) Cuộc đời tu tập là phải có sự lợi ích như vậy mới tu tập, chứ còn tu tập mà không lợi ích thì chúng ta không tu tập để làm gì. Để mất công và bỏ ngày giờ của chúng ta đi đến đây mà không lợi ích thì quá uổng. Cho nên hôm nay phải cố gắng tu tập để rồi Thầy kiểm tra, Thầy xem lại đúng hay sai, nếu sai Thầy sửa lại cho đúng, mà đúng thì cố gắng tiếp tục tu tập nhiều hơn, để rồi kết quả sẽ đem lại một đời sống an ổn, thanh thản, an vui không còn khổ đau nữa.

Đến đây Thầy xin chấm dứt buổi truyền giới Bát Quan Trai cho quý Phật tử, để nỗ lực tu tập trong một buổi hôm nay đến đây là, các bác, các chú sẽ trở về vị trí của mình, những thất, những nơi yên ổn mà tu tập xung quanh ngôi chùa này. Vậy đến đây xin chấm dứt.

Rồi bây giờ, con có thể sắp xếp cho mấy cụ, mấy bác ra những cái phòng nào đó để hướng dẫn hỏi cô…​ Có xếp rồi hả con? Có rồi hả? Vậy thì các bác, các cụ cứ về phòng của mình rồi tập tu. Rồi buổi chiều khoảng 2 giờ rưỡi Thầy sẽ đến xả 8 giới cho, và đồng thời Thầy sẽ kiểm tra lại coi sự tu tập ra sao Thầy sẽ giúp đỡ thêm.

Rồi cứ mỗi người đều giao phòng thất tu tập đi, tại thời gian nó ngắn quá, rồi trưa nhớ ăn cơm cho đúng cách ngồi dưới, dưới dưới nền ăn cơm như Phật. Rồi mấy bác, mấy chú vào lo tu tập!

HẾT BĂNG