37 - MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

PHÁP HÀNH 37 - MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

PHÁP HÀNH 37 - MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

1- NHỮNG ĐIỀU CẦN TU TẬP ĐỂ NHẬP ĐỊNH

(0:00) “Kính bạch Thầy! Con không cần sống đúng giới luật, không tu Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Con chỉ tập Định Niệm Hơi Thở diệt Tầm Tứ nhập Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền có được không thưa thầy?”

Nghĩa là bây giờ cô hỏi Thầy, là mình bỏ hết không có cần giới luật, cũng như bây giờ các thầy họ không có sống đúng giới luật đâu. Rồi họ bây giờ họ chỉ ngồi thiền, họ dùng cái hơi thở sổ tức hay là tùy tức gì đó, rồi họ diệt cái Tầm Tứ đi, rồi bắt đầu họ nhập Tam Thiền, Tứ Thiền. Cô hỏi có thể nhập được hay không?

Chớ bây giờ nhiều người, người ta cứ nghĩ rằng mình sẽ ngồi thiền, mình ức chế cái tâm không vọng tưởng, thì mình sẽ nhập được Tứ Thiền, Tam Thiền, hay hoặc là nhập tất cả những cái loại thiền nào đó, thì đây cũng là một cái ý hỏi để cho chúng ta thông rõ hơn một chút xíu.

Và nhiều khi có những người mà đọc đến chỗ này, họ được nghe đến cái chỗ câu hỏi này, cũng làm cho họ sáng ra một chút.

Đáp: “Không! Con tu tập như vậy sẽ rơi vào tà thiền, tà định mà chẳng bao giờ nhập Tam Thiền đến Tứ Thiền được. Những loại Thánh Định này không thể một người còn mang tâm trạng phàm phu mà nhập vào được.

Một người chưa ly dục ly ác pháp thì không thể nào nhập vào các Thánh Định này. Vị Tỳ Kheo phá giới, phạm giới, ăn ngủ phi thời thì Bốn Thánh Định này chỉ là ngôn ngữ suông, chẳng ai nếm được mùi vị của nó.

Bởi vậy một vị Tỳ Kheo tu sĩ của đạo Phật phải sống đúng giới luật, phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, phải tu tập Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở thì mới ly dục, ly ác pháp, mới diệt ngã, xả tâm, mới nhập vào Sơ Thiền.”

Tức là mới có được vào Sơ Thiền thôi.

“ Đạt được trạng thái ly dục, ly ác pháp này thì người tu sĩ mới có thể nhập Nhị Thiền, cho đến Tứ Thiền và Tam Minh.

Bằng giai đoạn thứ nhất không thực hiện được…​”

Tức là giai đoạn ly dục ly ác pháp mà không có được đó, tức là không có sống đời sống giới luật đó.

“…​ tâm chưa hết lậu hoặc mà gọi là nhập Tam Thiền, Tứ Thiền thì đó là một điều phỉnh gạt người khác.”

Nghĩa là cái người tu mà sống không có đúng giới hạnh đó, thì cái người đó không bao giờ mà có thể gọi là nhập Tam Thiền, Tứ Thiền gì được hết, thậm chí như cái Sơ Thiền cũng chưa nhập được nữa. Bởi vì chính cái Sơ Thiền là cái thiền phải ly dục ly ác pháp rồi, thì cho nên cái tâm nó phải xa lìa cái lậu hoặc rồi.

(02:35) Nói đến đây thì có người hỏi Thầy: “Thầy nói cái lậu hoặc nó, mình lìa xa hay hoặc là mình đoạn diệt cái lậu hoặc nó, thì nó hết, thì như vậy là một vị mà chứng quả A La Hán nhập tới Tam Minh thì người ta mới đoạn diệt cái lậu hoặc?”

Đúng vậy, ở chỗ này là cái giai đoạn mà ly, mới có lìa cái lậu hoặc thôi, chứ chưa phải đoạn diệt lậu hoặc. Nó hết lậu hoặc, có nghĩa là ở chỗ này nó chỉ hết không có nghĩa là đoạn diệt, mà nó mới chỉ lìa cái lậu hoặc, nó làm cho người ta được cái trạng thái thanh thản, được trạng thái an lạc, nhưng mà người ta còn tiến tới tu.

Cho nên nội cái Sơ Thiền là người ta đã lìa được cái lậu hoặc chứ người ta chưa có đoạn diệt. Và vì vậy mà trải qua thời gian nữa thì người ta mới tiến tới, người ta mới nhập Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, rồi chừng đó người ta mới tiến tới Tam Minh.

Cho nên tới cái Lậu Tận Minh, thì người ta mới bứng sạch cái gốc lậu hoặc, nó mới là đoạn dứt cái lậu hoặc, nó không còn nữa. Mà đoạn dứt cái lậu hoặc đó tức là chấm dứt cái sự tái sanh luân hồi.

Còn chúng ta ly cái lậu hoặc, lìa cái lậu hoặc thì chúng ta đã được giải thoát ở trong cái cuộc sống của chúng ta, không còn phiền não, khổ đau, giận hờn, tham muốn nữa.

Các con thấy rõ mình lìa, cho nên cái đời sống của mình nó an ốn, nó không còn có khổ đau, không ai mà làm gì mình, tâm mình như đất rồi, cho nên mình không còn giận hờn, phiền não nữa. Đó các con thấy rõ.

Cho nên ở đây chúng ta biết được cái giai đoạn mà giải thoát được cái tâm là cái giai đoạn của Sơ Thiền ly dục ly ác pháp.

Mà cái giai đoạn Tứ Thiền là giải thoát được cái thân, tức là làm chủ được cái thân, cho nên thân đau nhức hay hoặc là muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, là cái giai đoạn Tứ Thiền.

Mà cái giai đoạn làm chủ được cái sự tái sanh không, chấm dứt cái tái sanh luân hồi, là cái giai đoạn của Tam Minh, tức là Lậu Tận Minh nó mới bứng sạch cái gốc lậu hoặc cho nên không còn tái sanh luân hồi nữa.

Chớ còn Tứ Thiền là nó làm chủ được cái thân này, nhưng mà nó chưa tới Tam Minh thì nó còn tái sanh luân hồi chớ chưa phải hết. Đó nó còn cái nhân của nó, cái nhân của nó rất sâu, cái gốc của lậu hoặc rất sâu, cho nên nó còn cái nghiệp đó mà nó đưa chúng ta đi đến cái chỗ tái sanh luân hồi.

Nhưng người mà nhập tới Tứ Thiền rồi thân định trên tâm, tâm định trên thân rồi, họ điên gì mà họ còn một chút nữa mà họ không có đi đến Tam Minh, cho nên họ phải đạt tới Lậu Tận Minh!

Cho nên đó là một cái điều kiện là cái người nào tới đây họ cũng phải đi tới thôi, để cho họ hoàn tất được con đường mà chấm dứt cái đời sống kế thứ hai của họ nữa. Nghĩa là đời sống này rồi đời sống sau họ không còn nữa.

2- CÁC MỨC ĐỘ TU TẬP

(5:10) Bây giờ thì cô Út hỏi kế tiếp Thầy:

Hỏi: “Kính bạch Thầy! Tu đến định nào mới gọi là nhập vào dòng Thánh?”

Đây là những cái lời hỏi cuối cùng. Nghĩa là mình nhập vào cái định nào mà mình được vào dòng Thánh, mới gọi là Thánh. Cũng như nghe Thánh tăng, thì cái người mà nào nhập định được, như bây giờ các con chưa nhập định được cái định đó mà gọi con Thánh tăng thì không được, mà các con phải nhập được cái định đó thì mới gọi con là Thánh tăng.

Vậy mà muốn nhập được cái định đó là cái định gì mà mới gọi là mình bắt đầu mới vào được cái dòng Thánh, mới gọi mình là Thánh tăng? Tức là mình trở thành bậc Thánh sau này rồi đó, bây giờ là mình mới vào được cái dòng Thánh.

Đáp: “Ly dục ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm mới được gọi là nhập vào dòng Thánh…​”

Tức là Nhập Lưu đó.

“…​ tương ưng với người nhập Sơ Thiền.”

Cái người nhập Sơ Thiền là cái người đó họ đạt được cái quả Tu Đà Hoàn, cho nên cái quả Tu Đà Hoàn đó là mới nhập vào dòng Thánh, Nhập Lưu đó, thì nó tương ưng với cái Sơ Thiền và cái quả Tu Đà Hoàn.

Còn chúng ta mà ly dục ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm thì chúng ta mới nhập được vào dòng Thánh, nó tương ưng với cái Sơ Thiền và tương ưng với cái quả Tu Đà Hoàn. Người nào mà tâm ly dục, ly ác pháp thì nó mới tương ưng được với những cái thiền định đó.

(06:33) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Tu đến mức độ nào mà làm chủ được sự sống chết?”

Đáp: Những cái điều này là những cái điều mà các con cần phải ghi nhớ rất nhiều, nếu mà không có cô Út hỏi thì chắc chắn là các con, Thầy có giảng rồi nhưng mà nhiều khi các con không lưu ý đến.

“Tu đến mức tịnh chỉ hơi thở và các hành trong thân, thân hành tịnh chỉ thì làm chủ được sự sống chết.”

Đó thì các con thấy, cô Út hỏi: “Bạch Thầy! tu đến cái mức độ nào mà làm chủ được sự sống chết” mình muốn chết hồi nào, sống hồi nào đó,thì ở đây Thầy trả lời: Tu tịnh chỉ được hơi thở và các hành trong thân thì mới làm chủ được sự sống chết, còn cái hơi thở mà thở thì người đó dù có ngồi thiền nhập định bao lâu đi nữa cũng không làm chủ được sự sống chết. Tu mà ngồi thiền nhập định mà hơi thở không thở thì người đó mới làm chủ được sự sống chết.

(7:29) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Tu đến mức độ nào mà chấm dứt được tái sanh luân hồi?”

Nghĩa là không còn tái sanh luân hồi nữa.

Đáp: “Tu đạt được Tam Minh mới chấm dứt tái sanh luân hồi.”

Đó các con thấy từng phần, từng phần nó rất là rõ ràng và cụ thể, con đường chúng ta tu tới đâu chúng ta biết. Nghĩa là mình nhập tới Tứ Thiền thì mình biết mình làm chủ được cái gì, mà mình nhập Sơ Thiền mình biết mình làm chủ được cái gì, mình có cái kết quả nó theo rõ ràng và cụ thể cho cái tâm hồn và làm chủ cái sự giải thoát của mình như thế nào.

(07:57) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Tu đến mức nào mà để lại nhục thân, không hôi thối?”

Đó, từ cái chỗ mà chấm dứt sinh tử luân hồi, làm chủ được cái tâm, làm chủ được cái thân, rồi chấm dứt cái sự tái sanh, rồi bây giờ để lại nhục thân. Tại vì có những người để lại nhục thân, cho nên cô mới hỏi Thầy.

Đáp: “Tu nhập Diệt Thọ Tưởng Định, hay là Diệt Tận Định để lại nhục thân không hôi thối.”

Chỉ có cái định đó là không hôi thối thôi. Nhưng ở đây thì cô Út không có hỏi thầy: Như vậy có phải là cái định Diệt Thọ Tưởng Định đó là cái định cao nhất hay không, cô không có hỏi. Chứ phải cô hỏi thì Thầy có trả lời, vì cô không có hỏi.

Nghĩa là chúng ta có nhiều cái định, cho nên chúng ta không biết là cái định nào cao và cái định nào thấp, có phải là cái định mà để lại nhục thân không hôi thối, cái định đó là cao nhất hay là còn những cái định nào cao nữa không? Hay hoặc là Tứ Thiền là cao nhất? Hay hoặc là Sơ Thiền là cao nhất?

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng cái định nhập Diệt Thọ Tưởng Định là cao nhất, mà cái định Sơ Thiền lại là thấp nhất, thì trái lại hiểu như vậy mà không được cái sự xác định cụ thể thì coi như cái hiểu đó là cái hiểu tưởng tượng của chúng ta mà thôi.

3- TỨ CHÁNH CẦN KHÔNG CÓ GIỚI LUẬT THÌ VÔ ÍCH

(9:11) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Con sống không đúng giới luật nhưng con nỗ lực tu Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Như vậy tâm con có hết lậu hoặc không?”

Bây giờ cô trở về với các pháp mà hỏi Thầy, hồi nãy đứng ở trong góc độ giới luật và thiền định, bây giờ cô trở lại với các pháp để hỏi, để cho nó thêm một cái phần này rõ ràng thêm nữa.

“Kính bạch Thầy! Con sống không đúng giới luật…​”

Nghĩa là thí dụ, một người tu họ sống không có đúng giới luật, ăn uống phi thời, cũng là xem ti vi hay hoặc này kia nọ mọi cách, đi chơi rồi cũng đủ cách không có giữ gìn giới luật.

“Nhưng mà con thì nỗ lực chuyên về tu Tứ Chánh Cần, con luôn luôn lúc nào cũng ngăn ác, diệt ác, mà tăng trưởng thiện pháp, nuôi kéo dài cái tâm thiện ra, như vậy tâm con có hết lậu hoặc không?”

Đáp: “Không! Tu Tứ Chánh Cần mà không có giới luật thì ví như người lau nhà mà cứ để bụi bặm bay vào hoài, thì không bao giờ mà lau sạch được.”

Nghĩa là mình lo mình ngăn ác mà mình cứ để mình không có giới luật ngăn chặn, cũng như là cái nhà của mình mình để gió nó thổi mà rác rến nó bay vào hoài, mà mình ở trong này mình cứ lau hoài thì cái nhà mình lau hoài không sạch đâu.

Đó là mình lấy nội cái Tứ Chánh Cần không mình tu, mình không cần kết hợp với giới luật hay hoặc pháp gì khác, cho nên cái Tứ Chánh Cần nó chẳng có lợi ích gì cho mình chút nào hết đâu.

Không, có nhiều người ờ bây giờ tôi lấy Tứ Chánh Cần mà tôi ngăn ác diệt ác, tăng trưởng thiện, khởi thiện để mà tu tập, thì chắc chắn là tôi cũng đạt được những cái giải thoát của tâm tôi chớ gì? Nhưng mà không đúng!

Bởi vì cái tu hành nó phải có những sự kết hợp như thế nào để cho nó có kết quả, chớ còn nếu không kết hợp mà tu đơn độc một cái pháp như vậy là coi như là mình tu điên, mình tu trật rồi, không có đúng!

4- TỪ BI HỶ XẢ MÀ KHÔNG CÓ GIỚI LUẬT LÀ CHƯA THƯƠNG MÌNH

(11:06) Hỏi: “Kính thưa Thầy! Con tu Tứ Vô Lượng Tâm mà không cần giữ gìn giới luật nghiêm túc, như vậy con có đối trị được tâm tham, sân, si của con hay không? “

Ở đây cô Út hỏi, bởi vì Tứ Vô Lượng Tâm, người ta nói tâm từ đối trị tâm sân mà. Đó, như vậy là thí dụ như mình quán bất tịnh thì mình đối trị tâm dục, mà quán từ bi thì đối trị tâm sân, quán tâm từ thì đối trị tâm sân, mà quán tâm bi thì đối trị tâm hại.

Tất cả những cái này nó có đối trị, mà nó đối trị được cái tâm sân, tâm hại, như vậy thì mình có hết tham, sân, si không? Đó là, mà hoàn toàn là mình không có, coi như là mình không có cần giữ gìn giới luật gì hết, mình chỉ tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Đáp: “Không! Người tu Tứ Vô Lượng Tâm mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì cũng ví như người muốn sạch mà tắm nước bẩn.”

Nghĩa là mình muốn cho mình sạch mà cứ mình lấy nước dơ mà mình tắm thì không bao giờ mình làm cho sạch cái người của mình hết, nó khó!

Bởi vì nó muốn từ, mà luôn luôn lúc nào cái hoàn cảnh của mình nó không từ, thì mình giữ cái tâm từ của mình nó không được! Mình muốn bi mà luôn luôn lúc nào mọi hoàn cảnh nó áp đặt mình, nó làm cho mình không bi được thì mình cũng tu không được. Cho nên mình phải tạo một cái bức rào ngăn cách để cho mình thực hiện cái tâm đó nó mới được.

Bởi vì chính cái tâm từ bi hiểu qua cái chỗ này, cô Út muốn hỏi Thầy là chỉ cho chúng ta hiểu, từ bi ở bên ngoài chớ không phải từ bi ở nội tâm mình. Mà chính từ bi của Đức Phật là dậy chúng ta từ bi ở thương mình, giúp mình thoát ra cảnh khổ, chớ không phải thương người!

Bởi vì đứng trong nhân quả thì nhân quả của người nào nấy chịu, chứ không thể nào mình thương người ta mà nó làm cho mình hết cái phần ở trong này, cho nên mình thương người thì mình phải từ bi đối với mình chớ không phải từ bi với ai hết.

Do đó khi mình biết từ bi, thì như vậy là mình phải sống một cái đời sống của mình đầy đủ giới luật, khép chặt mình ở trong khuôn khổ, do đó mình trở thành một bức tường thành ngăn chặn cứng chắc làm cho mình thực hiện cái Tứ Vô Lượng Tâm nó trở thành thương yêu mình chơn thật, làm cho mình thoát ra cảnh khổ của tâm tham, sân, si và phiền não.

5- BÀI PHÁP KHÓ NHẤT LÀ THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN

(13:28) Trước khi kiểm tra mấy con tu tập Thầy sẽ trả lời những câu hỏi. Đầu tiên thì trả lời cho cô Diệu Quang. Thầy cũng không ngờ là cô Diệu Quang đã có nghiên cứu kinh sách rất kỹ, nhưng cô không có bao giờ mà cô nói về kinh sách, nhưng có điều là hiện giờ thì Thầy giảng về cái Giới Hành thì cô hỏi rất nhiều về cái vấn đề trong 37 phẩm trợ đạo. Thì gần đây thì cô hỏi Thầy về Thập Nhị Nhân Duyên.

Cho nên Thầy thấy rằng sau khi đọc, Thầy cũng vừa mới đọc cái cuốn Trái Tim của Hòa thượng Nhất Hạnh, thì nếu mà Thầy không có đọc của Hòa thượng Nhất Hạnh thì chắc chắn là Thầy cũng không biết cô Út đã hỏi là ai hỏi nữa.

Cho nên trước khi mà Thầy có cái tác phẩm này thì cô Út cổ cũng đã có đọc sơ qua rồi, cho nên khi mà đọc tới cái tác phẩm này, thì cái câu hỏi của cô Út, vì mỗi buổi tối thì nhiều khi cô Út đến Thất thầy cô Út mới ngồi hỏi những cái danh từ của Phật pháp. Gần đây thì cô hỏi rất nhiều về vấn đề này, là vì cô cũng muốn làm sáng tỏ thêm cái phần ngôn ngữ, cái phần giáo lý của nhà Phật để giúp cho các con hiểu thấu hơn.

Nhiều khi thì các con mắc bận tu nhiều, mà không có thời gian để mà nghiên cứu kinh sách để mà hỏi, chớ nếu mà các con có được cái thời gian mà nghiên cứu kinh sách mà hỏi, thì chắc chắn các con cũng sẽ hỏi rất nhiều.

Vì kinh sách Đại Thừa và kinh sách Nguyên Thủy nó có những cái danh từ mà hầu hết là các nhà học giả họ đều có nghĩ sai, tức là họ tưởng ra, họ nghĩ ra, rồi họ dựa vào cái giải thích ở trong kinh điển mà họ giảng rộng ra thôi chớ họ không có dám hiểu vượt ra khỏi cái nghĩa lý đó.

Do cái bài Thập Nhị Nhân Duyên, coi như trong đạo Phật cái bải Thập Nhị Nhân Duyên là cái bài khó nhất mà ít có người nào mà hiểu nổi, mà họ lại giảng nhiều nhất ở trong bài Thập Nhị Nhân Duyên. Còn cái bài Tứ Thánh Định là cái bài ít ai dám mó tới lắm, ít ai dám rờ tới nó lắm, nghĩa là ít có người giảng về Tứ Thánh Định.

Còn Tứ Niệm Xứ thì họ giảng lung tung, người nào cũng giảng, và cái Thập Nhị Nhân Duyên này họ cũng giảng nhiều, nhưng mà giảng sai, giảng sai rất nhiều. Từ những cái từ, cái danh từ mà dùng trong Thập Nhị Nhân Duyên cũng như Tứ Niệm Xứ thì họ đều giảng sai rất nhiều.

Cho nên qua cái chỗ mà muốn làm sáng tỏ những cái pháp này của đạo Phật, thì cô Diệu Quang có hỏi Thầy rất nhiều về cái vấn đề này. Nếu mà cái người mà không có chịu đọc sách thì chắc chắn là cũng khó mà có thể hỏi được những câu hỏi này.

6- MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN LÀ CHỈ CUỘC SỐNG TRONG HIỆN TẠI

(16:54) Cô hỏi:

“Kính bạch Thầy! Trong Mười Hai Nhân Duyên các nhà học giả xưa và nay thường giảng dạy và chia mười hai duyên này ra làm ba thời gian:

Một. Quá khứ có hai duyên.”

Trong cái thời quá khứ thì nó có hai duyên:

“Một là Vô Minh, hai là Hành.”

Đó là ở trong, họ chia cái Mười Hai Nhân Duyên này ra, thì trong thời quá khứ thì Vô Minh và Hành là hai cái duyên đó.

“Rồi trong hiện tại thì họ chia ra làm tám duyên: một là Thức, hai là Danh Sắc, ba là Lục Nhập, bốn là Xúc, năm là Thọ, sáu là Ái, bảy là Thủ, tám là Hữu.”

Họ chia làm tám duyên, đó là cái hiện tại.

“Còn về vị lai thì họ chia làm hai duyên: Sanh với duyên Ưu- Bi - Lão - Tử.”

Cho nên trong cái mà giảng dạy như vậy đó, thì đã chia cái Mười Hai Nhân Duyên ra làm ba cái thời gian: thời quá khứ và hiện tại và vị lai. Nghĩa là hiện tại chúng ta chỉ sống có tám duyên, còn cái quá khứ, cái tiền kiếp của chúng ta là hai duyên, và cái vị lai sắp tới của chúng ta là hai duyên nữa.

“Giảng như vậy có đúng không thưa Thầy?”

Nghĩa là khi mà người ta chia Mười Hai Nhân Duyên ra như vậy thì có đúng hay không? Bởi vì trong Mười Hai Nhân Duyên, Thập Nhị Nhân Duyên này nó là một cái vấn đề rất quan trọng.

Cái pháp này nó không phải là cái pháp để tu, mà cái pháp để chúng ta hiểu, cho nên Phật dạy: “những gì cần hiểu phải thông hiểu”. Bây giờ chúng ta phải hiểu nó, hiểu cái pháp Mười Hai Nhân Duyên này như thế nào để cho nó đúng cách mà chúng ta thực hiện cho đúng mười hai duyên này. Đó là cái cách thức hiểu.

Mà giảng như các nhà học giả mà giảng như vậy, thì cái hiểu của chúng lại là hiểu lệch mất đi. Coi như là cuộc sống của chúng ta nó chia ra, một cái thế giới sống của chúng ta nó chia ra làm ba cái giai đoạn thời gian của nó là quá khứ, vị lai và hiện tại.

Như vậy là trong hiện tại có tám duyên, còn bốn duyên kia thì nó ở quá khứ và vị lai, thì như vậy chúng ta thấy nó không có đúng cái tính cách, cái ý của Phật, mà thế mà người ta dám chia như vậy, thì nó làm cho chúng ta thấy mười hai duyên này, nó không làm sao mà chúng ta tu hành, hay là hiểu biết nó được để mà chúng ta đi vào cái chỗ nào.

Bởi vậy Thầy đáp, trả lời đó:

(19:51) “Từ xưa đến giờ các nhà học giả đã triển khai mười hai duyên theo lối mòn của nhau, họ là những người tu hành chưa đến nơi, đến chốn. Sự tu hành của họ phần nhiều rơi vào thiền tưởng nên phát triển tưởng tuệ, từ đó giáo pháp của Đức Phật họ đều suy tưởng qua tưởng tuệ này, nên giảng kinh thuyết pháp không giảng nổi.”

Nghĩa là triển khai không có ra đó.

“Pháp hành phần nhiều là lý thuyết suông và giảng sai ý Phật.”

Đó thì họ chia như vậy đó là sai ý Phật.

“Họ đã chia mười hai duyên ra làm ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là lối lý luận theo tưởng pháp, không đúng nghĩa của Mười Hai Nhân Duyên.”

Nghĩa là Thầy muốn nói như thế này nè: cái Mười Hai Nhân Duyên này nó chỉ cho cái cuộc sống của chúng ta, nó hợp lại giữa thân con người và những cái các pháp xung quanh, hay hoặc là mọi vật xung quanh để tạo thành một cuộc sống, coi như là có thân con người, mười hai duyên này, thì nó có cái thân con người ở trong đó, và nó có những cái môi trường sống của nó ở trong đó.

Thí dụ như bây giờ, có cái thân của chúng ta mà không có gạo, không có nước thì chúng ta không có làm sao mà chúng ta sống. Mà mười hai duyên này nó chỉ cho chúng ta có cái thân người ở trong đó mà có gạo, có nước, có mọi vật để cho cái thân người nó sống.

Tức là Đức Phật muốn chỉ cho Mười Hai Nhân Duyên này trong cái hiện tại chớ không phải ở trong quá khứ và trong vị lai. Mà chỉ cho chúng ta biết rằng cái thân của chúng ta nó lồng ở trong cái môi trường sống của nó, để cho nó được sống đó, mà nó sống ở trong cái môi trường sống đó, gồm chung nó là Mười Hai Nhân Duyên.

7- SỐNG NGƯỢC LẠI MƯỜI HAI DUYÊN HỢP THÌ MỚI GIẢI THOÁT

(21:36) Mà Mười Hai Nhân Duyên như vậy mà nó gồm chung, nó hợp nhau để mà nó trở thành một cuộc sống của chúng ta, có thân và có môi trường sống như vậy, là cái mười hai duyên này nó hợp lại để chúng ta thành có một cuộc sống như vậy, thì đó là hợp lại một cái thế giới khổ. Khi nó hợp lại như vậy là cái thế giới khổ, không phải là cái thế giới giải thoát.

Ý Đức Phật muốn nói khi mười hai duyên này nó hợp lại, nó mới thành ra một cái môi trường sống và cái cuộc sống của một con người ở trong cái môi trường sống đó, là nó tạo thành một cái thế giới khổ. Cái thế giới của Đức Phật nhìn là cái thế giới Thập Nhị Nhân Duyên, là cái thế giới khổ.

Nhưng mười hai duyên này đã rã ra, thì cái thế giới khổ nó sẽ hoại diệt, nó sẽ mất đi, nó không còn khổ đau nữa. Rã không có nghĩa là nó sẽ bị chết hay hoặc là nó diệt đứt hết hoàn toàn mười hai duyên này phải đứt hết. Nhưng mà rã đây bằng cách nghĩa là tan rã, nó làm cho mười hai cái duyên này nó, coi như là cái người tu phải vượt lên trên mười hai duyên này, thì cái người đó mới giải thoát.

Chớ không phải rã có nghĩa là làm cho nó chết, làm cho nó diệt mất đi, có nghĩa là tiêu diệt nó đi, không phải vậy, mà chữ rã có nghĩa là phải hiểu, ở danh từ dùng, thì phải hiểu rằng mình vượt lên trên, mình sống ngược lại với cái sự hợp, cái môi trường hợp này để làm cho nó sống, thì chúng ta lại sống ngược lại với cái môi trường này, thì nó gọi là rã, làm ngược lại.

(23:08) Thí dụ như một cái vị tu sĩ thì sống ba y một bát, không nhà, không cửa, đó là sống ngược lại với cái môi trường sống của một người thế tục.

Là cái người thế gian thì họ không có sống như chúng ta là ba y một bát, mà họ sống phải làm lụng ra tiền ra bạc, rồi sống bằng cách chạy theo những dục lạc, ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc là nhà cửa tốt đẹp, hay hoặc là mọi thứ vật dụng xung quanh họ, rồi anh em, bà con, tất cả mọi xung quanh, vây quanh họ, cái môi trường sống đó, để tạo cho cái thân Ngũ Uẩn của họ, nó hoàn toàn nó theo những cái dục lạc đó mà tạo ra cái thế giới khổ.

Còn trái lại chúng ta làm ngược trở lại, sống ngược trở lại nó, thì coi như là chúng ta thoát ra cái nỗi khổ đó. Có nghĩa là học Thập Nhị Nhân Duyên thì chúng ta biết rằng đó là cách thức học để mà chúng ta thông hiểu, để mà chúng ta đi ngược lại cái vòng của Thập Nhị Nhân Duyên, để rồi chúng ta giải thoát.

8- TU ĐỂ LÀM CHỦ CHỨ KHÔNG PHẢI DIỆT THÂN NGŨ UẨN

(24:09) Bởi vậy trong Thập Nhị Nhân Duyên nó có cái thân Ngũ Uẩn ở trỏng, chúng ta phải thấy được cái thân Ngũ Uẩn. Trong Ngũ Duyên hay gọi là Ngũ Uẩn, thì nó có là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. ở trong Thập Nhị Nhân Duyên thì nó có cái sắc, rồi cái thọ, cái tưởng, cái hành, cái thức, nó có cái thân Ngũ Uẩn của chúng ta ở trong đó.

Thí dụ như chúng ta thấy nè, như nói về Thức, thì chúng ta thấy là Vô Minh nó mới sanh Hành, thì Hành có rồi phải không? Thì bắt đầu từ Hành nó mới có Thức, Thức nó mới có Danh Sắc. Danh Sắc là gì? Sắc là đã biết rồi, mà Danh là tưởng chớ nó đâu có gì khác hơn! Cho nên, rồi cuối cùng thì tới Thọ, thì chúng ta thấy cái Thọ nó có rồi.

Do vì vậy mà chúng ta thấy thân Ngũ Uẩn của chúng ta nó nằm trọn ở trong Thập Nhị Nhân Duyên ở trong đó. Còn những cái khác, thì những cái duyên khác là những cái duyên mà nó tiếp xúc, rồi những cái duyên đó nó tạo cho chúng ta có một cái đời sống khổ.

Đó là Đức Phật dạy về Ngũ Uẩn, chỉ cho cái thân con người gồm có năm duyên hợp lại, nếu thiếu một duyên thì thân Ngũ Uẩn này, thì thân người không thành. Nếu trong cái Ngũ Uẩn này mà thiếu một duyên thì nó không thành.

Thí dụ như bây giờ chúng ta có sắc, thọ, tưởng, hành mà không có thức, thì như vậy là chúng ta có cái thân, có cái cảm giác thọ mà có cái tưởng, mà thiếu cái thức, thì không có cái thức thì ai biết cái thọ? Nó đau hay là nó lạc, hay hoặc là thọ khổ thọ lạc, nó đâu có biết, phải không?

Mà nếu mà bây giờ trong cái thân Ngũ Uẩn này nó mất đi cái hành, thì cái thân của chúng ta như cái sắc và cái thân nó không có hành, thì nó ngồi như cục đất, nó đâu có lăn qua lăn lại được! Thì như vậy nó, cái thức mà nó không hành thì nó cũng chẳng biết gì hết, nó phải có cái hành.

Mà nếu mà trong cái thân Ngũ Uẩn của chúng ta mà nó không có thọ thì nó như cái cây kia, nó như cục đá kia, nó đâu có cảm giác là nóng, lạnh, hay hoặc là đau nhức, hay là hỷ lạc, nó đâu có biết được. Cho nên nó phải có thọ nó mới thành ra cái thân Ngũ Uẩn của mình, mà nếu nó thiếu cái duyên thọ thì nó cũng không thành.

(26:19) Mà nếu mà thiếu tưởng, thì chúng ta ngồi lại đây, thí dụ như bây giờ chúng ta ngồi đây mà chúng ta không có cái tưởng, thì cái đầu của chúng ta nó không khởi một cái niệm nào hết, thì như vậy chúng ta không thành cái thân Ngũ Uẩn rồi.

Bởi vì cái thân Ngũ Uẩn nó phải có cái tưởng, tức là cái thế giới tâm của nó, nó phải có cái trạng thái siêu hình của nó. Do đó cái tưởng nó phải có, không thể nào mà chúng ta dẹp nó, dẹp hết mà nó thành ra cái thân của chúng ta được.

Cho nên năm cái duyên này nó hợp lại nó thành ra một cái thân của con người chúng ta, nó trọn vẹn và đầy đủ.

Cho nên người tu thiền không có nghĩa là chúng ta phá cái hành, chúng ta cũng không diệt cái tưởng, mà chúng ta không diệt cái sắc, chúng ta không diệt cái thọ, mà chúng ta cũng không diệt cái thức.

Tại sao vậy? Tại vì chúng ta làm chủ nó chứ chúng ta không phải diệt nó.

Thí dụ như bây giờ làm chủ cái sắc là cái thân của chúng ta. Mà sắc của chúng ta nó tiếp xúc với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nó tiếp xúc với những cái trần cảnh ở bên ngoài, nó mới tạo ra cho chúng ta cái tâm tham dục, ham muốn.

Do đó thì khi mà chúng ta muốn nói là diệt cái sắc, tức là ngưng cái sắc, thì tức là chúng ta vượt lên trên cái chỗ mà nó tiếp xúc mà nó không có dính mắc, nó không có tham đắm, nó không khởi cái tâm tham muốn, tham lam. Thì như vậy là rõ ràng là chúng ta đâu có diệt nó, mà chúng ta làm chủ nó!

Cũng như bây giờ cái thọ nó đau, thì chúng ta sẽ làm chủ cái đau đó, tâm của chúng ta không dao động. Đó là cái thứ nhất, sau đó chúng ta đẩy lui cái thọ đó ra khỏi cái thân của chúng ta làm cho chúng ta không thấy đau khổ nữa.

Bây giờ chúng ta tưởng là hay mộng tưởng chiêm bao, chúng ta hay tưởng ra cái này, nghĩ tưởng cái kia, do đó cái đầu óc nó hay lăng xăng, vì vậy mà chúng ta làm chủ nó chớ không có nghĩa là chúng ta diệt nó, cho nó hết có tưởng, chúng ta làm chủ nó.

Bây giờ chúng ta không có cho nó mộng, chiêm bao thì nó không chiêm bao, chúng ta không có cho nó khởi nghĩ một cái tưởng gì thì nó không khởi nghĩ. Mà cho nó là nó khởi nghĩ, mà không cho nó thì nó không khởi nghĩ, gọi là làm chủ.

(28:27) Bây giờ tất cả mọi cái này đều là ở trong cái hoạt động, tức là cái hành, mà chúng ta bây giờ tịnh chỉ làm cho nó ngưng, nó không hoạt động nữa, thì cái tưởng nó ngưng, cái thọ nó ngưng, cái sắc nó ngưng, nó làm chúng ta không có đau khổ, không có cái dính mắc, cho nên chúng ta làm chủ được cái hành.

Cái thức là cái biết, mà cái biết của chúng ta điều khiển cái biết chớ không phải để cái biết nó điều khiển mình. Chính bây giờ cái biết nó điều khiển mình, nó muốn cái gì, nó thích cái gì, cái thức mà chúng ta muốn cái đó, thức biết cái đó, thích cái đó thì chúng ta chạy theo cái đó, cho nên chúng ta không làm chủ nó.

Cho nên nói diệt tức là không phải diệt. Mà chúng ta làm chủ, điều khiển lại nó. Cho nên năm cái duyên này được chúng ta điều khiển, mọi cái chúng ta điều khiển được nó thì tức là chúng ta làm chủ được sanh, lão, bệnh, tử và chấm dứt luân hồi, chớ không phải chúng ta diệt. Ở đây dùng danh từ diệt là làm cho nó đứng lại, làm cho nó ngưng chớ không phải là làm cho nó chết, làm cho nó mất đi, nó không phải vậy.

“Đó là Đức Phật dạy về Ngũ Uẩn chỉ cho cái thân con người gồm có năm duyên hợp lại, nếu thiếu một duyên thì thân người không thành. Mục đích dạy Ngũ Uẩn là chỉ cho chúng ta đừng có mê lầm, cho cái thân Ngũ Uẩn này là ta…​”

Cho cái thân ngũ uẩn này là mình đó.

“…​ là của ta, là bản ngã của ta.”

Mục đích cái này là do năm cái duyên này hợp lại chớ nó không phải cái nào là của mình ở trong này hết. Nghĩa là năm cái duyên này mà nó rã ra rồi thì nó không còn cái gì, như một người chết thì năm cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức này nó không còn cái gì gọi là còn vĩnh viễn cho mình hết.

Cho nên người ta lầm chấp cái thân Ngũ Uẩn này, người ta có thể lấy thức cho là cái ngã của mình, hoặc là người ta cho cái sắc là cái thân này là cái ngã, hoặc là cho cái cảm giác của chúng ta là cái ngã, hoặc là cho cái tưởng đó là cái linh hồn của chúng ta là ngã, hoặc là các cái hành động đó là ngã, cho nên cái lầm chấp đó mà Đức Phật không có chấp nhận.

Do đó chúng ta phải học, phải hiểu để mà chúng ta không có lầm chấp nó. Vì vậy mà người ta chửi mắng mình, mình không phải thấy đó là có cái ngã của mình, cho nên mình không có giận hờn người ta chửi mắng mình.

Người ta chửi mình chó, tức là mình nghĩ rằng mình là chó, cho nên vì vậy mà có cái của mình hay hoặc là mình đã bị người ta chửi chó. Nhưng mà sự thật cái thân này người ta chửi chó mà đâu phải là mình? Mà đâu phải là của mình, mà cũng không phải bản ngã của mình, cho nên nó đâu là chó gì đâu mà sợ?

Nó chỉ là một duyên hợp, không thể nào có cái gì là của mình trong đó. Cho nên vì mình hiểu thấu suốt được như vậy, cho nên người ta chửi mình, mình không có giận. Còn không mình lầm chấp, mình cho cái thân của mình là ngã, vì vậy mà mỗi lần có cái gì mà bất toại nguyện, không đồng ý thì mình giận, mình tức, mình buồn, mình phiền, mình làm cho mình đau khổ.

Đó là những cái mục đích của Phật muốn dạy chúng ta cái thân Ngũ Uẩn là để nhắm vào cái chỗ mà chúng ta lầm chấp cái đó là của mình, cái đó là cái bản ngã của mình hay hoặc là cái đó là mình.

(31:34) “Đại Thừa đã lầm lạc, lấy thức uẩn mà làm thần thức, chơn như Phật Tánh. Thiền Tông cũng đã lầm lạc, lấy thức thanh tịnh không liên hệ với ngũ căn cho là Phật Tánh.”

Thiền Tông thì cũng lầm mà Đại Thừa thì cũng lầm, cho nên những cái nhà Đại Thừa và những nhà Thiền Tông này xây dựng trên một cái sai lệch, làm cho con đường tu nó chẳng đi tới đâu. Vì thế mà biết rằng các thiền sư họ nói gì nói, họ huyền thoại những câu chuyện gì câu chuyện, nhưng chúng ta đã rành, vì vậy mà chúng ta biết rằng họ tu chẳng tới đâu hết.

“Tất cả các duyên Ngũ Uẩn này kết hợp thành ra thân con người, nếu thiếu một duyên trong năm duyên này thì con người không còn là con người nữa. Một trong năm duyên này hư hoại thì các duyên kia đều hư hoại theo, không còn duyên nào sót lại. Trong Thập Nhị Nhân Duyên Phật đã xác định điều này rất rõ.

Trong Mười Hai Nhân Duyên này hợp lại thì Đức Phật gọi là thế giới đau khổ. Trong Mười Hai Nhân Duyên này tan rã thì Đức Phật gọi là thế giới hết đau khổ. Trong mười hai duyên này gồm có con người và môi trường sống của con người, như chúng ta đã thấy có năm duyên là thân Ngũ Uẩn: hành, thức, Danh Sắc tức là sắc và tưởng, thọ, là năm duyên.”

Như hồi nãy Thầy đã nói, thì ở đây Thầy cũng xin nhắc lại để cho chúng ta biết rằng mười hai duyên này nó chỉ cho cái môi trường sống và cái bản thân của chúng ta ở trong cái môi trường sống đó.

9- DANH SẮC VÀ THỨC LÀ HAI DUYÊN RIÊNG BIỆT

(33:20) “Danh Sắc, các nhà học giả giảng là thân và tâm.”

Nghĩa là danh - sắc thì các nhà học giả thường giảng nó là thân và tâm của chúng ta.

“Thân thì chắc ai cũng biết…​”

Thân tức là thân tứ đại của chúng ta ai cũng biết rồi.

“…​ đó là do tứ đại hợp lại gọi là thân…​.”

Tứ đại là đất, nước, gió, lửa đó, cái thân này đất nước gió lửa.

“…​ còn gọi là sắc uẩn. Nhưng với tâm thì ai hiểu tâm này là tâm gì?”

Bởi vì chúng ta thấy thức nè, rồi tâm nè, rồi ý nè, những cái đó làm sao mà chúng ta biết được cái nói rằng danh sắc là thân và tâm của chúng ta, thì trong đó thân, tâm của chúng ta cái nào gọi là tâm và cái nào là thức?

Vậy thì lúc đầu, trên kia thì từ Vô Minh sanh Hành, Hành sanh Thức rồi thì ở đây cũng là Danh Sắc, thì trong Danh Sắc nó lại còn có cái tâm, vậy thì cái tâm này là thức nữa sao? Nếu gọi là tâm thức thì nó là sai, vậy thì nó có hai thức sao?

Cho nên nhà học giả cho rằng Danh Sắc là thân và tâm.

“Nhưng với tâm thì ai hiểu tâm này là tâm gì? Tâm thức ư? Không đúng! Thức là tâm rồi, mà tâm thức đó là thừa, do đó sai. Các nhà học giả nói Sắc tức là phần vật chất, sinh lý, và Danh là phần tâm lý, điều này lại còn sai hơn nữa.”

(34:57) Tại vì chúng ta phải hiểu rằng, như Thầy đã dạy, các con biết rằng nó có ba cái thức rất rõ ràng, chớ không phải một cái thức.

Thứ nhất là như cái Sắc, tức là cái thân của chúng ta thì nó có thân thức, mà thân thức nó thể hiện qua sáu cái thức chớ không phải một cái thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức, nó sáu cái. Cho nên nói thân thức tức là nói sáu cái thức. Mà nói về tưởng thức thì nói một cái, gọi là tưởng thức. Mà nói về thức thì phải nói rằng thức thức mà thôi, chớ không thể nào là có sáu có bảy được. Chỉ có cái sắc, cái thân của chúng ta thì nó có sáu cái thức.

Cho nên ở đây chúng ta cũng biết rằng nó có ba cái thức rất rõ ràng. Vậy thì trong cái thân của chúng ta là nó đã có cái ý thức rồi. Vậy thì cái Danh là cái tâm của chúng ta, vậy cái tâm của chúng ta nó nằm ở trong cái thức nào đây? Nếu gọi là cái thức do Vô Minh sanh Hành, Hành sanh Thức, thì cái Thức này nó lại trùng hợp với cái thức kia sao?

Cho nên cái thức mà ở chỗ Danh này, chỗ Danh Sắc, này thì cái thức đó gọi là tưởng thức. Cho nên các nhà học giả không hiểu chỗ này, cho nên gọi nó là tâm thức. Thì nói vậy là nó hai cái thức rồi, thì không đúng.

(36:17) “Có nhà học giả nói Sắc tức là phần vật chất sinh lý, mà nói Danh là phần tâm lý.”

Tức là họ chỉ nói một cái danh từ chung, nói về phần vật chất thì nói về vật lý; còn nói về phần tâm, nói về tâm lý; nói về phần tinh thần thì thức nó cũng là phần tinh thần, mà tưởng thức nó cũng là tinh thần, mà ý thức nó cũng là tinh thần, thì cái tinh thần này nó sẽ nằm ở chỗ nào? Đó, nó nằm ở chỗ cái thức nào đây?

Cho nên nói một cách tổng quát là do cái chỗ mà không thấu suốt cho nên mới có nói như vậy, chớ còn nếu mà đã thấu suốt thì người ta xác định, như Thầy xác định:

Bây giờ Danh Sắc thì nó, thứ nhất là cái thân của chúng ta thì nó phải có ý thức. Mà nói về ý thức của chúng ta nó là tâm lý của cái thân. Mà Danh là cái, ở đây các nhà học giả nói là tâm, nhưng mà nói danh từ chung chung như vậy có nghĩa là không thông, mà phải nói là tưởng thức thì đúng. Nghĩa là Danh Sắc thì thân và tưởng của chúng ta chớ không phải gì khác hơn hết.

Thì như vậy là nó rõ ràng và cụ thể để chỉ cho cái thân Ngũ Uẩn chúng ta đang nằm ở trong Thập Nhị Nhân Duyên.

“Nhà học giả lại còn cho Danh Sắc nằm trong Thức, đó là một lý giải không đúng.”

Nghĩa là Danh Sắc: Danh là cái tưởng mà sắc là cái thân của chúng ta, hai cái này nằm trọn ở trong cái thức, thì như vậy sai. Bởi vì cái Danh là một cái phần tưởng, cái phần ý, cái phần mà hoạt động về tưởng, mà cái Sắc là cái phần hoạt động về ý thức.

Cho nên tuy rằng nói ba thức thế nhưng sự thực ra nó thì chỉ có một thức mà thôi. Nhưng khi hoạt động ở sắc, tức là ở thân của chúng ta, thì nó hoạt động sáu cái chỗ thức của nó, còn khi nó hoạt động ở tưởng thì nó hoạt động ở tưởng thức mà thôi. Đó là chúng ta thấy, còn khi mà nó không hoạt động ở Sắc, nó không hoạt động ở Danh thì nó sẽ hoạt động ở thức thức.

Chúng ta thấy nó rõ, nó có một chớ không phải hai. Nhưng mà nó còn hoạt động ở Danh, còn hoạt động ở Sắc thì không thể nào hoạt động ở thức được, nó ngưng hai cái này thì nó mới hoạt động ở chỗ thức thức.

Cho nên hướng tâm về Tam Minh thì đó là thức thức của chúng ta, chớ không phải là tưởng thức của chúng ta hoạt động được, hướng tâm về Tam Minh được, mà cũng không phải ý thức của chúng ta hướng về Tam Minh được.

(39:00) “Ở đây có duyên Thức thì mới có duyên Danh Sắc.”

Nghĩa là các nhà học giả họ cho như thế này nè:

“Nhà học giả lại còn cho Danh Sắc nằm trong Thức. Đó là một lý giải không đúng. Ở đây có duyên Thức thì mới có duyên Danh Sắc, Duyên Thức là một, duyên Danh Sắc là một.”

Nghĩa là không phải cái duyên này mà nằm ở trong cái duyên kia được, mà nó hợp lại, chớ không phải cái ý của Thầy muốn nói, đó là các cái duyên này hợp lại, chớ không phải cái duyên này mà nằm trong cái duyên kia, rồi duyên kia nằm ở trong duyên nọ, không phải vậy. Nhưng mà nhà học giả thì họ cho rằng cái duyên Danh Sắc nó nằm ở trong cái duyên Thức, đó là một cái lý giải sai, không đúng của họ.

Ở đây thì chúng ta phải hiểu rằng duyên Thức với duyên Danh Sắc là hai cái duyên, hai cái duyên này nó hợp lại thì nó mới tạo ra, nó tạo ra cái thế giới của nó.

Thí dụ như mười hai duyên này nó hợp lại, thì trong đó nó có duyên của Danh Sắc và duyên của Thức, thì duyên của Thức không thể nào, duyên của Danh Sắc không thể nào nằm trong Thức, hay là duyên Thọ duyên Ái mà nằm trong Thức, mà là nó hợp nhau lại, để nó tạo thành một cái môi trường sống và cái thân của chúng ta ở trong môi trường sống đó.

“Hai cái không nằm chung nhau…​”

Nghĩa là cái Danh Sắc với cái Thức không thể nằm chung nhau được.

“…​ mà lại hợp nhau để tạo thành một cái khác, chớ không như nhà học giả cho Sắc là đối tượng của Thức và Danh cũng là đối tượng của Thức.”

Nó không phải đối tượng, mà ở đây là mười hai duyên này nó hợp lại. Cũng chẳng hạn bây giờ chúng ta bỏ đường vào trong một cái ly nước, rồi chúng ta bỏ sữa vào ở trong một cái ly nước, thì đường, sữa và nước nó sẽ hợp nhau lại, nó thành ra một cái thứ nước để mà chúng ta uống.

Thì như vậy thì bây giờ cái nước này nó không phải còn là cái nước nguyên chất hồi nãy, một cái duyên nước của nó như nguyên hồi nãy, mà sữa thì bây giờ nó bị pha với nước rồi, cho nên nó cũng không phải là còn một cái duyên chuyên nhất của sữa, mà đường bây giờ nó cũng pha với nước, pha với sữa rồi cho nên đường tinh của nó cúng không còn là đường nữa. Cho nên khi mà nó hợp lại để mà thành một chất nước, thì trong cái chất nước đó gọi là nước sữa, thì lúc bấy giờ nó không còn cái nguyên chất của nó nữa.

Cho nên cái Mười Hai Nhân Duyên này, khi nó hợp lại thì nó mới thành, mà khi mà chúng ta dùng những cái phương tiện mà rút nó ra, đường theo đường, nước theo nước, mà sữa theo sữa, thì bây giờ nó không còn là một cái thứ nước như hồi nãy nữa, nó khác ra đi.

Nó không phải nằm ở trong đó mà nó hòa tan nhau để hợp lại, chớ không phải là cái này nằm ở trong cái kia. Đó là hiểu như vậy mới hiểu nhân duyên.

Chớ còn nếu mà hiểu cái nằm trong và cái đối tượng, như Thầy bây giờ đó, ví dụ như chẳng hạn Thầy bây giờ, đối tượng trước cái micro này, thì cái micro làm đối tượng, làm sao mà Thầy hòa hợp với cái micro được? Các con phải hiểu.

Cho nên nước mà hòa tan với sữa hay với đường, thì nó hòa tan, nó hợp thành ra một cái thứ khác. Còn bây giờ Thầy là Thầy, mà cái micro này là cái micro, không thể nào Thầy là cái micro mà cái micro là Thầy được!

Đó cho nên ở đây nhà học giả lý luận nó, cho nó là cái đối tượng, Danh Sắc là đối tượng, Sắc là đối tượng của Thức, Danh là đối tượng của Thức, thì coi như là hai vật nó đứng, nó nghinh với nhau, nó ngó nhau chớ nó không có hòa hợp nhau. Vậy làm sao mà gọi là mười hai duyên hòa hợp?

(42:53) Đó là cái lối lý luận của nhà học giả.

“Những lý luận này nó thiếu sự hành…​”

Nghĩa là cái người mà dùng cái lý luận như vậy đó. là họ:

“…​ thiếu sự hành trì, thiếu sự tu tập, cho nên họ không rõ mười hai duyên của Đức Phật chỉ cho cái gì.”

Nghĩa là họ chưa biết được cái mục đích Mười Hai Nhân Duyên này để chỉ cái gì, họ chưa có biết. Để vạch ra một cái lối nào đây? Để giúp cho cái người tu để hiểu cái này làm cái gì? Để lợi ích gì cho cái người tu?

“Nhà học giả chỉ dùng những danh từ suông để khiến cho người ta hiểu sai lệch ý mười hai duyên của Phật pháp.”

Nếu mà nói như vậy thì người ta hiểu một cách rất là sai lệch, người ta thấy như là cái đối tượng của mình, cái đối tượng của từ cái duyên này với cái duyên kia nó không có hòa hợp lại mà nó đối tượng nhau, thì nó đối tượng nhau thì cái nào nó cũng rời rạc nhau, thì nó có nghĩa lý gì mà gọi là mười hai duyên hòa hợp?

Cũng như bây giờ chúng ta thấy cái thân của chúng ta là Ngũ Duyên, có năm duyên hợp lại, mà bây giờ chúng ta ngắt ra từng cái, bỏ cái thức rời ra, rồi bỏ cái thân ra, rồi bỏ cái tưởng ra, rồi bỏ các hành ra, bỏ từng cái ra, là đối tượng với nhau như vậy thì cái thân chúng ta còn là cái thân không? Đâu còn là cái thân! Đó thì như vậy nó không có hòa hợp được.

Cho nên những cái người học giả họ không thể nào mà hiểu nổi kinh sách của Phật hết. Cho nên do cái sự mà đọc những kinh sách của Phật, thì chúng ta không có đủ cái trình độ hiểu biết, thì chúng ta bị lầm cái miệng của họ, cái lưới của họ, mà họ nói làm chúng ta hiểu sai lệch đi, làm chúng ta không biết đường đâu mà chúng ta tu tập.

Sau những cái lần mà giảng dạy và đồng thời vì cô Diệu Quang hỏi Thầy giảng về cái Giới Hành như thế nào, thì Thầy có nói qua những cái từ, qua những cái ý trong những cái hành của Giới Hành, thì Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo Thầy có nhắc đi nhắc lại, thì cô đã đọc những kinh sách này, cô có thấy được cái điều này, cho nên cô mới hỏi lại Thầy như vậy là đúng hay sai, để làm cho các con thấu rõ hơn.

“Nếu bảo Danh là tâm, là phần tâm lý thì như vậy rõ ràng Thập Nhị Nhân Duyên có hai thức: thức và tâm thức. Như vậy đã có hai duyên trùng hợp.”

Nghĩa là đã có cái thức rồi mà bây giờ lại còn thêm một cái tâm thức nữa, như vậy là rõ ràng có hai cái thức chớ không phải là một cái thức.

(45:29) Trong Mười Hai Nhân Duyên nó rất độc lập, nó không nhắc lại nhiều cái thức, cũng như trong Ngũ Duyên thì các con có thấy Đức Phật nhắc chúng ta nhiều cái thức không? Không, Đức Phật không có nhắc nhiều cái thức, mà Đức Phật chỉ nói: sắc, thọ, tưởng, hành và thức, có một cái thức mà thôi.

Nhưng mà khi mà chúng ta sử dụng chúng ta tu tập, thì chúng ta mới thấy được, ở trong cái thân của chúng ta nó có sáu cái thức: nhãn thức nè, nhĩ thức nè, tỷ thức, thiệt thức, thân thức nè, rồi ý thức nè. Nó có sáu cái thức rõ ràng.

Do đó khi mà chúng ta nằm chiêm bao, nằm mộng, thì chúng ta thấy cái tưởng thức của chúng ta hoạt động, nó biết cái này, biết cái kia, biết cái nọ trong giấc mộng rất rõ ràng, nó nghe, nó thấy, nó biết đủ loại ở trong đó, thì đó là tưởng thức.

Rồi bắt đầu bây giờ chúng ta thực hiện cho tới khi mà chúng ta hướng tâm đến Tam Minh hay hoặc là hướng tâm Tứ Như Ý Túc, có đủ cái thần thông biến hóa, thì lúc bây giờ cái tâm thức này nó thuộc về cái thức nào đây, mà tại sao chúng ta dẫn dắt cái biết này để mà nó làm những điều đó?

Cho nên chúng ta mới rõ ra: À, như vậy là cái này là cái thức thức, còn cái kia là tưởng thức, còn cái nọ là ý thức. Cho nên nó nằm ở trong sắc, trong tưởng và trong thức thức, chúng ta thấy rất rõ.

Vì vậy mà ở trong đây chúng ta lại thấy rất rõ, là trong cái phần Thập Nhị Nhân Duyên, nó cũng không bao giờ mà nói hai cái thức một lần. Nhưng một người tu thì chúng ta biết được cái chỗ nào là có cái thức, mà chỗ nào là không có cái thức. Mà cái thức đó nó có giống với cái thức đầu tiên kia không? Chắc chắn là không giống, nó không giống.

Cho nên từ cái chỗ mà Vô Minh sinh Hành, Hành sinh Thức thì cái thức đó nó không giống với cái thức của Danh, của Sắc, nó không giống với cái thức của Danh Sắc. Hai cái Danh Sắc này nó hợp lại, là tại sao mà ở trong Thập Nhị Nhân Duyên Phật không để nó ró ra là tưởng với…​

(Xem tiếp ở Pháp hành 38)

HẾT BĂNG