12 - TRAU DỒI TÂM XẢ 01

GIÁO ÁN ĐƯỜNG LỐI TU TẬP ĐẠO PHẬT 12 - TRAU DỒI TÂM XẢ 01

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1997

1- TRAU DỒI TÂM XẢ

1- XẢ SẠCH HẾT PHÁP THẾ GIAN MỚI CHUYỂN SANG GIAI ĐOẠN TU SĨ

(00:00) Trưởng lão: Bây giờ chúng ta học đến Xả Vô Lượng.

Xả Vô Lượng là gì?

Xả là gì?

Xả là bỏ, bỏ ra không dùng nữa, không chấp, không kể đến nữa, dẹp nó qua một bên, gọi là xả.

Đó thì, mà xả tất cả mọi pháp thì đó là bỏ qua tất cả hết, không còn lấy cái gì hết. Cho nên Phật dạy chúng ta còn ba y một bát, tức là xả bỏ hết, xả nhiều lắm, không thể nào mà xả ít được!

Xả Vô Lượng là bỏ tất cả, không còn một vật gì, một đối tượng, một hoàn cảnh hay một chướng ngại nào còn sót trong tâm nên gọi là Xả Vô Lượng Tâm.

Nghĩa là tâm xả sạch, quét sạch, không có còn chút nào ở trong đó hết, thì mới gọi là Xả Vô Lượng Tâm.

Xả Vô Lượng Tâm có nghĩa là từ bỏ, từ giã, xa lìa, viễn ly tất cả các pháp thế gian.

Nghĩa là xa lìa hết tất cả các pháp thế gian, không còn để một cái pháp nào mà trói buộc, dính mắc mình hết.

Vậy các pháp thế gian là gì?

Bây giờ mình mới hiểu nó. Nghe nói các pháp thì mình không biết cái pháp thế gian là sao.

Vậy các pháp thế gian là gì?

Các pháp thế gian là những pháp trói buộc như mạng lưới chằng chịt, khó thoát ra.

Đó là chúng ta chỉ qua - bây giờ hỏi nó - các pháp thế gian là gì, thì chúng ta nói cái sự ràng buộc, ràng rịt của nó, rồi chúng ta mới nói cái tên tuổi của nó ra. Cái sự trói buộc của nó chặt như vậy đó, nó làm cho chúng ta khó mà vượt ra được.

Thì đó là các pháp thế gian, cái đặc tánh của nó là cái đặc tánh trói buộc, siết chặt, làm chúng ta khó thoát ra. Rồi chúng ta mới kể tên họ của những cái pháp này ra để chúng ta biết.

Các pháp thế gian như là:

Sắc dục, tiền bạc, của cải, tài sản, vật chất lớn, vật chất nhỏ, nhà cửa, ruộng vườn, danh thơm, tiếng tốt, tiếng khen, tiếng chê, tiếng mắng, tiếng chửi, thức ăn ngon, thức ăn dở, ngủ nghỉ, anh em bầu bạn, cha mẹ, vợ con, tình thân quyến thuộc, bà con xóm làng, bạn bè gần xa, chùa to tháp lớn, miễu đình, tế tự cúng bái, tụng kệ ca ngâm, hát xướng ngâm vịnh, tủ, giường, bàn, ghế, chén, bát, ly nhạo, máy móc, xe cộ, tivi, radio, tủ lạnh v.v…​;

Kinh sách, kiến thức học tập các pháp thế gian, thiên văn, địa lý, y học, kiến thức hội họa, toán học, khoa học, kỹ nghệ học, kinh tế học, chánh trị học, quân sự v.v…​;

Dịch số, bói toán, và các nghề nghiệp buôn bán, làm ruộng, thợ mộc, thợ may, thợ dệt, đi săn, bắt cá, trồng trọt mọi thứ, làm thầy thuốc, thầy thông, thầy ký, thầy ngải, thầy bùa, kế toán, thợ máy, thợ điện v.v…​ Nói chung tất cả các nghề nghiệp sanh sống hiện giờ của con người là pháp thế gian.

(03:25) Quý thầy thấy kể làm sao cho hết những cái pháp thế gian? Nó tùm lum đủ thứ, mà ai hễ dính vào thì nó bị dính à! Dính cái nào nó cũng dính hết, bứt ra khó bứt ra. Cho nên một cái người mà đổi nghề cũng không phải dễ; và một cái ly, cái chén, cái bát của mình ở trong nhà nó cũng dính mình à. Đó là các pháp thế gian đó.

Cho nên ở đây gọi là Xả Vô Lượng - Xả Vô Lượng pháp. Đó là phải hiểu. Bởi vì vô lượng - thì các pháp thế gian nó cũng vô lượng, chớ không thể kể một số như vậy là gọi là hết pháp thế gian đâu!

Từ cái học thuật của chúng ta, từ kiến thức kim cổ, từ cái hiểu biết thế này, thế khác đều là pháp thế gian hết. Nó làm cho chúng ta dính kẹt ở trong đó, cho nên nó gọi là kiến chấp. Đó là những cái hiểu biết học thuật của chúng ta, chấp cái này, chấp cái kia, chấp cái nọ làm chúng ta không giải thoát. Cho nên đó gọi là pháp thế gian.

Vì vậy mà xả nó phải xả hết. Cho nên xả hết nó mới có giải thoát, mà xả không hết thì nó chấp kiến, chấp cái này đúng, cái này sai thì có tranh luận, có cãi cọ, có hơn thua, thì bản ngã nó bộc lộ ra liền! Còn xả hết thì nó không có bản ngã.

Đó cho nên không phải là mình xả những vật chất bàn, ghế, tủ, nhà cửa, đồ đạc của mình sống không đâu, mà còn xả những cái tri kiến của chúng ta ở trong cái đầu của chúng ta, nó huân học từ hồi nào tới giờ, xả hết, thậm chí như kinh sách của Phật cũng xả luôn, chỉ biết có cái thực hiện cho tâm của chúng ta, trau dồi cho tâm chúng ta để xả cho sạch, thì như vậy là giải thoát.

Còn bây giờ mà chúng ta đã tu tập mà ở trong đầu chúng ta còn nhớ ông Phật nói vầy, ông Phật nói khác, đó là chưa xả pháp thế gian. Bởi vì cái này chỉ là mượn mà thôi.

Cho nên Phật nói: “Phật Pháp còn xả huống hồ là pháp thế gian!” Cho nên ngay cả những cái lời Phật dạy chúng ta còn bỏ xuống, huống hồ là những cái pháp thế gian mà chúng ta cứ dính mắc hoài!

Đó là cái Xả Vô Lượng Tâm. Bởi vì cái tâm của chúng ta đến với cái pháp nào thì nó dính, vì vậy mà chúng ta phải xả cái tâm vô lượng này để mà xả sạch, thì cái tâm nó không còn dính đâu nữa hết, thì đó là giải thoát.

(05:52) Cho nên tới cái chỗ này chúng ta mới thấy Tứ Vô Lượng Tâm thật là rốt ráo. Mà muốn cho được cái rốt ráo này, muốn xả cho được cái này thì chúng ta thấy trong Thất Giác Chi tức là Thất Bồ Đề đó là xả sạch đó.

Còn ở đây, chúng ta là những người mới trau dồi cái tâm xả chớ chưa phải xả sạch để chúng ta đoạn dứt từng chút, từng chút, cái nào trước, cái nào sau để chúng ta bớt đi được cái phần nào tốt phần nấy, lần lượt để chuẩn bị cho chúng ta bước vào cái giai đoạn, cái lộ trình thứ hai là xuất gia tu hành là chúng ta đã xả sạch rồi.

Cho nên nếu mà không có tu tập cái Xả Vô Lượng Tâm này mà bước vào cái con đường, cái lộ trình thứ hai của đạo giải thoát của đạo Phật thì chắc chắn là chúng ta chẳng đi tới đâu hết!

Cho nên Thầy đem cái Tứ Vô Lượng Tâm này để giảng là đã thấy chỗ xả này rất là kỹ. Nếu mà xả kỹ thì vô đó chỉ trong một tuần lễ, một tháng, hai ba tháng là chúng ta đã chứng đạo quả Bồ Đề, không còn nữa. Bởi vì xả sạch rồi còn gì nữa mà không chứng đạo Bồ Đề?

Đó, quý thầy thấy rất rõ. Ở đây là cái mục đích của đạo Phật là đạo buông xả, mà Xả Vô Lượng chớ không phải xả một thứ, xả sạch hết! Như vậy mới biết được cái đạo Phật là cái đạo rất là siêu xuất chớ không phải cái đạo bình thường. Bởi vì còn một chút là còn khổ đau, không thể nào giải thoát được!

(07:18) Cho đến đây, cái chỗ từ cái tập luyện trau dồi cái Từ Vô Lượng Tâm, cho đến Bi Vô Lượng Tâm, rồi Hỷ Vô Lượng Tâm thì chúng ta chưa thấy, mới có được an vui hòa mình trong vạn hữu mà thôi. Thì người ta tưởng đâu là - đó là phản bổn hoàn nguyên, trở về với vạn hữu, sống một cách an lạc, thì đó là cái cuối cùng. Nhưng lại - cái cuối cùng là cái xả luôn cả hết, không còn để một cái vật gì hết, thì như vậy mới là chính giải thoát.

Và đây là một cái sự trang bị cho những người cư sĩ còn gia duyên trói buộc, để chuẩn bị tinh thần của họ, để chuẩn bị cái sự sắp xếp của họ, để họ xả cho sạch, để họ bước vào cái con đường xuất gia tu hành trắng bạch như vỏ ốc mà Phật đã thường nhắc: “Khi bước chân vào xuất gia, trở thành một vị Tỳ Kheo thì tâm hồn của họ trắng bạch như vỏ ốc” - thì lúc bấy giờ họ thực hiện không có còn bao lâu nữa mà thành tựu chứng quả Bồ Đề.

Còn trái lại người cư sĩ mà không chuẩn bị cho mình xả sạch ở trong cái giai đoạn Tứ Vô Lượng Tâm này thì bước vào cái lộ trình xuất gia tu tập theo các vị Tỳ Kheo thì khó mà có thể tu tập được, không bao giờ có thể xả được.

Vì ở đó, chúng ta tiếp tục tu những cái hạnh và những cái việc làm nó khác hơn là người cư sĩ. Nó không còn ngồi đó mà nghĩ: “Bây giờ phải xả cái bàn, bỏ cái ly, bỏ cái tách, hay bỏ vợ, hay bỏ con” nữa, mà đi vào đây là còn có sự tập luyện, thí dụ chẳng hạn là như phải Tứ Niệm Xứ, rồi Bốn Thiền, rồi Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế…​ tất cả những cái này, chúng ta vào cái vai trò của cái người tu sĩ Tỳ Kheo thì chúng ta phải thực tập những cái pháp này.

Còn cái vai trò của người cư sĩ thì phải thực tập cái pháp Tứ Vô Lượng Tâm, thì cái xả là cái quan trọng nhất của người cư sĩ.

Mà người cư sĩ không thấy nó quan trọng cho nên nó cứ trói buộc hoài, mà trói buộc hoài thì làm sao bước qua cái lộ trình thứ hai được? Bị trói buộc làm sao bước qua lộ trình thứ hai được!

(09:32) Cho nên ở đây, nhìn chung quanh quý thầy thấy rõ: Mình tu sĩ thật, mình xuất gia thọ Tỳ Kheo nay năm năm, mười năm, hai chục năm, mà mình có xả được không? Vậy thì Xả Vô Lượng chỗ nào? Tâm mình còn dính dù nhỏ, dù lớn, dù ít, dù nhiều, cho nên nó không có xả.

Vì vậy mà Thầy phải làm cái gương hạnh là ẩn bóng để xả cho sạch, để làm cái gương cho người khác thấy rằng Thầy xả cả chùa, cả Tu viện, tất cả đệ tử đều xả sạch hết, thì như vậy mới gọi là Xả Vô Lượng Tâm.

Còn bây giờ mình ở đây thì mình có xả được đâu? Chùa cũng của mình, rồi ăn uống cũng không xả, rồi đệ tử cũng không xả, như vậy thì có xả gì đâu?

Mình làm lợi ích cho chúng sanh thì ở đâu lại làm lợi ích không được? Cần gì mà phải ngồi ở đây mà làm trụ trì mà mới là độ chúng sanh? Chỗ nào có người tu thì mình đến đó độ họ, tu xong rồi thì mình đi chỗ khác, thì có gì đâu là không xả! Cho nên đời sống du tăng khất sĩ là đời sống tuyệt vời, xả sạch!

Đến đây, quý thầy sẽ thấy được cái tâm Xả Vô Lượng này nó tuyệt vời của đạo Phật. Mà nếu một người tu sĩ mà không thực hiện được tâm xả này, người ta nhìn thấy người ta biết rằng không phải là người tu sĩ của đạo Phật. Bởi vì Xả Tâm Vô Lượng, vô lượng cái xả chớ đâu phải là một!

Nhìn thấy như vậy, chúng ta mới biết được cái con đường của đạo Phật, người tu chân hay là người tu giả. Người tu chân thì phải xả hết, mà người tu giả thì xả nửa chừng hay hoặc là xả ít ít, để cho có chừng đó mà thôi. Cũng xả, mà xả cái phần thế gian, còn cái phần chùa miễu thì không dám xả, sợ nó mất đi, thì cái đó cũng chưa phải là xả, mà phải xả sạch hết.

Đó thì hôm nay Thầy nhắc lại để cho chúng ta thấy được cái chỗ tâm Xả Vô Lượng để chúng ta tiếp tục mà tu tập để xả cho hết.

Nãy giờ Thầy nhắc lại những cái pháp thế gian để cho quý vị thấy đó là các pháp thế gian mà người cư sĩ cần phải xả. Tất cả những cái nghề nghiệp cuộc sống gì, tất cả hết, lần lượt chúng ta phải trang trải, tính toán, sắp xếp. Vì đời người có thân là khó, mà được pháp chân chánh mà xả được như vầy là khó lắm.

Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi đâu phải là chuyện dễ! Còn nếu không thì mãi mãi muôn kiếp trôi lăn ở trong lục đạo không thể nào thoát ra khỏi, kiếp này cũng khổ, kiếp khác cũng khổ!

2- TRƯỚC TIÊN CẦN XẢ SẮC, DANH, LỢI, THỰC, THÙY

(12:18) Nói chung, quý vị trước tiên cần phải xả bỏ năm thứ dục lạc:

Nghĩa là bây giờ chúng ta phải xả cái gì trước đây? Đó, thì nói là nói chung chung nó nhiều như vậy, nhưng mà phải lần lượt chúng ta phải xả cái gì, chớ không phải bây giờ xả một lần cái nó cả thế gian này chúng ta xả xuống được liền! Cho nên chúng ta phải tuần tự mà chúng ta xả.

Vậy thì tuần tự chúng ta xả cái thứ gì đây? Chúng ta phải xả bỏ năm thứ dục lạc. Đó, những cái đó là những cái mà gần gũi nhất của chúng ta. Quý thầy nhớ chưa?

Ở trên, tuy rằng nói chung chung là các pháp như vậy, nhưng ở đây trước tiên là chúng ta phải tu tập xả tâm năm cái thứ dục lạc gần gũi nhất của chúng ta:

1. Sắc dục;

2. Tiền bạc;

3. Danh tiếng;

4. Ăn;

5. Ngủ.

Đó, chúng ta phải xả năm cái thứ này đi. Vậy thì xả là như thế nào?

Chúng ta phải tránh xa sắc dục, đừng có lại gần người nữ. Đó là cái thứ nhất.

Cái thứ hai: Tiền bạc, châu báu đừng có cất giữ, cho nên chúng ta xả nó đi, đừng có cất giữ cái thứ đó. Cái thứ đó là rắn độc đó, nó sai khiến chúng ta, chúng ta trở thành nô lệ nó đó. Hễ cái tâm chúng ta khởi muốn cái có tiền là chúng ta mua sắm liền, cho nên chúng ta xa lánh.

Vì vậy mà trong giới luật của Phật dạy: Người tu sĩ không cất giữ tiền bạc, cho nên mình muốn mà mình không có tiền bạc thì thôi, cũng chịu thôi, cho nên vì vậy mà nó không sai mình được, cho nên đó là cái dục lạc đó!

Danh chúng ta phải xả. Nghe người ta khen mình tụng kinh hay, tiếng tốt hoặc là thuyết pháp giỏi, thôi thôi, mình tránh xa đi! Nghe người ta khen mình tụng kinh hay thì thôi thôi, mình đừng có tụng nữa, tức là mình tránh nó đi, đó là mình xả nó đó.

Còn nghe người ta khen mình tụng kinh hay, bắt đầu mình mở máy thu băng vô để tụng cho mọi người nghe, đó là cầu danh. Đó, đó là mình chạy theo danh.

Còn nghe người ta khen mình thuyết pháp hay thì thôi chổng khu chổng gọng mà thuyết ngày này qua ngày khác để cho người ta khen mình nữa, đó là danh!

Cho nên Thầy mới nói Thầy thuyết pháp cho các con kỳ này thôi, Thầy không thuyết nữa! Tại sao vậy? Tại vì đó là danh! Nói hoài cũng lảm nhảm cũng như hát cho mấy con nghe chớ có làm gì?

Đó là những cái chạy theo cái danh, bởi vậy đó là dục lạc.

Rồi bắt đầu chúng ta xả cái gì?

Ăn: Ăn ngày một bữa, ăn để sống chớ đừng có thích ăn ngon. Đó là xả nó, ly nó ra. Ăn coi như là cái thứ thuốc để trị cái bệnh ghẻ đói của chúng ta, chớ không phải ăn mà ngon ngào gì, nó là toàn cái thứ bất tịnh!

Do đó, chúng ta mới ly những cái này ra đi, xả cái này ra đi! Cái này là những cái gần gũi nhất ở trong thân của chúng ta đây, nó làm đau khổ chúng ta nhiều nhất.

Còn tất cả những cái kia chưa đâu, xả được cái này rồi mới xả được mọi cái kia. Mà năm cái thứ dục lạc này mà xả không được thì chắc chắn là tiền bạc, của cải, tài sản, vợ con không bao giờ xả được đâu! Nghĩa là chúng ta không xả được năm thứ dục lạc này thì không bao giờ mà chúng ta xả được cái gì nữa hết.

Rồi ngủ chúng ta phải xả đi. Chớ đừng có nó buồn ngủ là leo lên ngủ thì không có được, xả nó xuống đi, bỏ nó xuống đi! Chừng nào suốt đêm mà chúng ta nằm tỉnh thức mà chúng ta không ngủ, đó là chúng ta đã xả rồi. Còn chúng ta còn ngủ là chưa xả được đâu.

Đó phải nhớ như vậy để chúng ta xa lìa, để chúng ta xả sạch, Xả Vô Lượng năm cái thứ dục lạc này đi. Bởi vì năm cái thứ dục lạc này nó biến ra vô lượng cái điều kiện mà chúng ta dính mắc đó.

Đó thì hôm nay, đó là chúng ta đã biết được năm cái điều kiện mà chúng ta cần phải xả trước.

3- TIẾP THEO CẦN XẢ SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP

(15:58) Kế đó quý vị phải tiếp tục…​

Nghĩa là xả được năm cái thứ này rồi, bây giờ đó, sắc dục mình tránh xa rồi, tâm mình thấy nó không có còn ham sắc dục nữa; tiền bạc của mình thấy mình tự tại không cần dùng tiền bạc nữa; danh tiếng thì mình cũng không ham nữa rồi; ăn thì mình ngày một bữa rồi để sống rồi; ngủ thì mình thấy tỉnh thức rồi, thì bắt đầu mình mới tu tới.

Chớ còn nếu mà nó chưa được cái này mà vội tu tới nữa, thì cái này chưa xả mà cái kia tu tới nữa thì nó trói luôn chớ nó không có xả được ra đâu.

Đó thì các thầy nhớ kỹ, con đường của đạo Phật phải tu cái nào cho được rồi mới tu tới cái kế. Còn tu cái này chưa được: ăn thì còn ba bốn bữa, ngủ thì lúc nào cũng muốn ngủ, tiền bạc thì còn cất cả túi, nghe người ta khen thì nở mũi mừng, thấy con gái thì nhìn…​ thì như vậy thì tu tập tới xả sáu cái pháp dục lạc nữa của thế gian thì chúng ta xả không nổi.

Bởi vì sáu cái pháp dục lạc của thế gian này nó hơn cái này nữa. Cho nên, khi xả được cái này rồi thì chúng ta mới tiếp tục chúng ta xả vô lượng sáu cái pháp dục lạc của thế gian nữa.

Vậy thì sáu cái pháp dục lạc thế gian này là gì?

Là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Đó, bây giờ chúng ta mới thấy sáu cái pháp này nó là cái đối tượng, là cái hình sắc, cái tiếng, cái hương vị của các pháp thế gian, nó cám dỗ chúng ta vô cùng lận.

Còn cái kia là cái cuộc sống của chúng ta đó, đó là năm cái thứ dục lạc, đó là cái cuộc sống của chúng ta. Còn cái này là cái đối tượng của tâm của chúng ta, nó luôn luôn nó cám dỗ, thu hút chúng ta để nó trở về nó phục vụ cho năm cái thứ dục lạc ở trên.

Chúng ta phải thấy rõ được cái đường đi của nó: Nó tiếp xúc với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Sắc ở đây không phải là sắc dục. Như ở trên, cái ngũ dục lạc ở trên đó là sắc dục, đó là tình ái, sắc dục đó. Còn cái sắc ở đây là hình ảnh, sắc tướng. Thấy một cái máy cassette, thấy một cái ca, thấy một cái bàn, đó là cái sắc. Mà cái sắc đó nó làm cho chúng ta ham thích, nó gợi cho chúng ta thích thú nó thì đó là chúng ta bị sắc cám dỗ. Còn cái kia là sắc dục, nó khác, hai cái này nó khác nhau.

Thinh là âm thanh.

Hương là mùi, hương là hương thơm.

Vị là mùi vị mặn, ngọt, cay, đắng…​

Xúc là va chạm.

Pháp là các pháp mà chúng ta đã - tức là pháp ở đây muốn nói là những cái kiến chấp ở trong đầu của chúng ta, những cái sự hiểu biết ở trong đầu của chúng ta gọi là pháp.

Chớ không phải đây là những cái pháp là bàn, ghế, tủ…​ là pháp đâu, không phải! Chữ “pháp” ở đây phải hiểu là những cái hiểu biết ở trong đầu chúng ta, hiểu biết cái này, cái nọ kia, đó là pháp đó.

(18:41) Đó cho nên chúng ta phải xả cái đó ra, xả ly cái đó ra. Bởi vì cái đời sống của chúng ta từ khi mà được hiểu biết thì chúng ta huân biết bao nhiêu sự hiểu biết, những phong tục tập quán, những cái này cái kia, nó dính mắc.

Cũng như bây giờ mình ở trong chùa, hằng ngày, tới cái ngày kỵ giỗ gì đó của Hòa thượng này, Hòa thượng kia mà không cúng thì bà con rầy rà vô cùng lận. Hay hoặc là ngày tư ngày Tết mà không cúng bái, thì người ta đến chùa mình mà không cúng bái thì người ta kiếm chuyện này, chuyện kia đủ thứ hết.

Đó là những cái pháp mà nó bắt buộc chúng ta phải - trói buộc chúng ta làm nô lệ cho cái phong tục tập quán đó.

Cho nên chúng ta phải bứt nó ra, vì vậy mà chúng ta xả bỏ nó đi. Mặc mấy ông nói gì nói, tui làm thầy tui phải giữ đúng cái hạnh tui, tui đâu có làm cái chuyện mà mê tín như vậy. Đó, thì như vậy là chúng ta đã phá những cái pháp đó.

Phải hiểu những cái gì, chớ còn không hiểu, chúng ta hiểu một cách cạn cợt, thì chúng ta thấy chữ pháp này như là pháp thế gian, pháp xuất thế gian là các pháp thì cái đó không đúng. Phải biết chỗ dùng chữ pháp nó ở cái vị trí nào để gọi nó là dục lạc.

Đó thì, ở đây Thầy giải thích như vậy để chúng ta biết được để mà chúng ta xả bỏ nó. Còn nếu không biết được thì lấy gì mà chúng ta xả bỏ nó được?

Vậy sắc là gì?

Bây giờ đã chỉ cho nó được sáu cái pháp dục lạc rồi. Người ta thường nói nó có năm cái dục lạc này, người ta nói: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, người ta bỏ pháp.

Người ta quên mất đi: Đối tượng của pháp là ý của chúng ta; đối tượng của xúc là thân của chúng ta; đối tượng của vị là lưỡi của chúng ta; đối tượng của hương là mũi của chúng ta; đối tượng của âm là lỗ tai của chúng ta; đối tượng của sắc là mắt của chúng ta, rõ ràng là sáu chớ tại sao họ lại bỏ?

Họ nói là có ngũ dục lạc, thì ngũ dục lạc là năm cái ở trên, chớ còn sáu cái dục lạc ở dưới này là cái đối tượng để cho tiếp xúc với sáu căn của chúng ta mà sanh ra cái tâm ham muốn.

Đó thì như vậy chúng ta mới thấy nó mới sanh ra cái Thọ, rồi Thọ nó mới có Ái chớ? Đó là trong Thập Nhị Nhân Duyên Phật đã chỉ cho chúng ta thấy từ cái duyên này nó mới sanh inh ra duyên kia.

Do đó chúng ta mới hiểu được như vậy là sáu cái pháp dục lạc chớ không phải năm pháp. Bởi vì hầu hết là quý thầy dựa vào cái sự hiểu biết không có thực hành, cho nên ngắt bỏ cái pháp đi, để cho còn có những cái đó gọi là dục, còn cái pháp không dục sao? Không dục sao lại chấp? Không thích nó sao lại chấp nó mà tranh luận với nhau?

Mình cho rằng cái pháp mình đúng, tức là cái kiến chấp pháp đó, thì người ta nói mình sai thì mình phùng mang, trợn mắt lên mà cãi, thì không phải là mình thích nó sao?

Đó là những cái mà chúng ta bị nó lôi cuốn ở trong cái thích thú làm chúng ta dính mắc ở trong đó.

Đến đây Thầy giải thích từng phần.

Sắc là gì?

Sắc là mọi hình ảnh của các pháp.

(21:49) Nghĩa là cái vật gì ở trong thế gian này thì nó có cái hình ảnh đó, thì đó gọi là sắc. Có nhiều người hiểu chỗ này là sắc dục đó, thì cái đó là hiểu sai.

Mà hễ các hình ảnh đó thì nó phải:

…​ có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho tâm ta thích thú, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ.

Nó làm cho chúng ta thích nó, cho nên nó khả ái, khả lạc, khả hỷ. Đó thì, những cái hình sắc của mọi vật đều là nó có cái sự như vậy.

Thinh là âm thanh của các pháp có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú, say mê.

Một người mà nghe nhạc đồ đó, họ thích lắm, họ gật gù, gật gù theo điệu nhạc, rồi họ thích thú họ nhảy rumba rồi họ nhảy tùm lum tà la, họ nhảy đầm đồ đó, đó là họ thích lắm. Cho nên nó gây cho họ có những cảm giác khả ái, khả lạc ở trong đó. Đó là những cái âm thanh nó làm cho họ bỏ thời gian rất là phí cuộc đời của họ!

Hương là mùi thơm của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú say mê.

Những điều này quý thầy không thể chối cãi được.

Nghĩa là chúng ta có nghe cái mùi thơm: “Chà! Cái bông này thơm quá!” - thì đó là đã khả hỷ, khả ái rồi, đã thích thú rồi! Mình chỉ khen nó như vậy là đủ biết cái tâm của mình nó đã bị gợi lên những cái khả ái, khả lạc của nó rồi.

Vị là mùi vị ngon, ngọt, cay, đắng, chua, mặn…​ của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến cho ta thích thú, say mê, khó quên.

(24:10) Nghĩa là ăn rồi mà còn nhớ cái bánh đó, nay là một tháng rồi: “Trời! Ăn cái bánh đó ngon quá!” - bây giờ cũng còn nhớ cái ngon ngọt đó nữa! Thì đó là khó quên chớ sao? Cho nên nó làm cho chúng ta thích thú, say mê cái miếng ăn của chúng ta.

Mà ăn rồi thì nuốt vô khỏi cổ rồi thì nó còn ngọt ngon gì đâu, mà cái quên nó không quên, nó nhớ hoài: “Mai mốt ba có đi chợ, đi thành phố mua cho con cái bánh đó, con ăn thấy ngon quá!”. Mà nay ăn cả tháng rồi, mà còn nhắc ông già phải đi mua cho mình ăn nữa, thì đó là khó quên đó.

Xúc là sự va chạm vào các pháp sanh ra cảm thọ êm ấm, nóng, mát, lạnh, đau nhức, nhẹ nhàng, khinh an, hỷ lạc, lâng lâng, say say, cảm giác khoái lạc, cảm giác sung sướng, cảm giác mừng vui, cảm giác buồn khổ, v.v.. Đó là xúc đó.

Thì chúng ta thấy những cái cảm giác mà người tu thiền chúng ta đều gặp những cái cảm giác này, toàn là cái thứ không có đúng đắn, cái thứ sai lạc, cái thứ làm cho chúng ta thích thú, say mê, cho nên nó gợi lên cho chúng ta những cái điều kiện không hay cho con đường tu tập.

Cho nên ngồi tu mà có cái trạng thái nào đó thì biết rằng đó là xúc tưởng hỷ lạc sanh ra chớ không cái gì khác hơn hết, vì vậy mà chẳng để tâm theo nó mà làm gì.

Nói tóm lại thì các cảm giác của chúng ta gồm có ba:

1. Thọ lạc;

2. Thọ khổ;

3. Thọ bất lạc bất khổ.

Chớ không có gì khác hơn hết. Vì cái sự xúc chạm đó mà nó sanh ra những cái thọ, mà sanh ra những cái thọ thì đó là thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ.

Đó thì ở đây quý thầy đã thấy, Thầy giải thích như vậy thì chúng ta thấy năm cái dục lạc này quý thầy đã rõ ràng và không có còn chạy theo nó nữa. Vì chạy theo nó nữa, nó gợi lên khả lạc, khả ái, khiến cho ta thích thú.

(26:26) Cho nên khi mà ngồi thiền, quý thầy thấy có trạng thái khinh an, hỷ lạc, nó lâng lâng, say say, nó làm cho mình thích thú, cảm giác khoái lạc ở trong đó, do đó mình cứ ngồi hoài, ngồi hoài, nhưng mà đó là cái hang quỷ của quý thầy đó, không bao giờ mà quý thầy thoát ra khỏi cái hang này đâu!

Nếu mà quý thầy cứ thích thú nó, nó gợi cho quý thầy thích thú để chạy theo cái thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ.

Thọ lạc thì nó lâng lâng, mà thọ khổ thì nó đau, nó nhức, nó lạnh, nó nóng, nó nặng…​ đó là thọ khổ. Mà thọ bất lạc bất khổ thì quý thầy ngồi thiền nghe không lạc không khổ gì hết, tưởng là nó đúng, nhưng mà quý thầy thiếu vận dụng, thiếu chủ động, thì quý thầy đang ở trong cái thọ bất lạc bất khổ. Tưởng là mình ngon lành thiền định rồi nhưng mà cái đó là rơi vào cái cảm giác thọ bất lạc bất khổ.

Ở đây Thầy giải thích để cho quý thầy hiểu rõ cái chỗ tu thiền của quý thầy sai, tưởng là cái chỗ thọ bất lạc bất khổ đây là đúng nhưng mà sự thật đó là sai. Bởi vì ở trên, lạc và khổ, thì quý thầy đã hiểu rồi, bây giờ thọ bất lạc bất khổ cho nó là đúng. Sai!

Chúng ta ở trong đó là chúng ta có sự vận dụng, có sự điều khiển, chớ không phải là ở chỗ ngồi đó mà hưởng thọ bất lạc bất khổ. Cho nên hầu như người tu thiền mà không biết, tưởng cái chỗ này là đúng, cái chỗ này là định, thì cái này là sai, không đúng.

Người tu thiền là đưa chúng ta đi đến chỗ làm chủ sinh tử, làm chủ cái sống, chết, cho nên từng phút giây vận dụng đi như thế nào để bắt đầu cái thân không thở, các hành ngưng mà không chết.

Từ đó chúng ta phục hồi lại sự sống nó bằng cách nó thở lại, hoạt động trở lại rồi trở về cái hơi thở bình thường, thì đó là chúng ta đã làm chủ được sự sống chết. Chớ không phải ngồi đó mà thọ hưởng cái thọ bất lạc bất khổ trong đó!

Bởi vậy có bao giờ mà người ngồi tu thiền mà người ta vô trong đó mà người ta tìm cái lạc ở trong đó đâu? Cơ thể người ta mệt nhọc quá sức, vì cơ thể càng ngày càng suy yếu, người ta buộc lòng phải phục hồi cái sự sống của nó, cho nên người ta mới ngồi lại người ta vận dụng để cho cái cơ thể nó được nghỉ ngơi, nó thư giãn, mà nó quân bình, nó không rối trật tự ở trong đó, để lấy lại cái sức qua ngày hôm sau làm việc.

Còn quý thầy có được hỷ lạc thì vô ngồi để mà trông cho ngồi đó để đi tìm cái dục lạc đó, thì đó là cái tâm còn bị khả hỷ, khả ái, khả lạc, gợi lên những sự mê thích, say mê trong thiền định. Tu hành như vậy là tu hành không đúng!

(28:43) Pháp ở đây chỉ cho tất cả sự hiểu biết…​

Đó, ở đây Thầy xác định cái chỗ chữ “pháp” đây.

Pháp ở đây chỉ cho tất cả sự hiểu biết cổ kim đến triết học, văn học, sử học, địa lý học, thiên văn học, toán học…​ toàn bộ kinh sách của các tôn giáo trên thế gian này đều gọi là pháp.

Bởi chữ “pháp” ở đây để chỉ cho các cái môn học, các cái pháp, thậm chí cả kinh sách của Phật nữa, lời dạy của Phật cũng đều là pháp hết.

Đây là pháp thật, chớ không phải là cái tượng trưng cho các cái vạn hữu xung quanh chúng ta là pháp, cái này chữ “pháp” kia nó dùng khác.

Hồi nãy Thầy nói “vạn hữu đó là pháp”, đó là cái chỗ dùng chớ không phải…​ - bởi vì cái danh từ để chỉ, nhiều người rất lầm lạc.

Tất cả các pháp đó Phật dạy: Đó là kiến chấp của thế gian. Nó có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta ưa thích, xem đó là Chánh Pháp, đúng pháp, ôm chặt khư khư, không muốn rời bỏ, cho đó là khuôn ngọc, thước vàng, làm mẫu mực cho đời sống thường nhân hoặc tu hành.

Các pháp này có sức lôi cuốn tâm ta, khiến ta ưa thích; gợi lên những sự hiểu biết này khả ái, khả hỷ, khả lạc khiến ta dính mắc không buông xả được, vì thế mới có tranh luận hơn thua.

Đó thì quý thầy thấy, cái giải thích của Thầy ở đây quý thầy thấy rất rõ. Do cái chỗ mà không thấy các pháp như thế nào để rồi dính mắc ở trong đó, rồi mới có cái sự tranh luận hơn thua, mới chia ra pháp này, pháp kia, pháp nọ, toàn là những cái kiến chấp mà thôi, không có gì cái mà giải thoát hết!

Bây giờ quý thầy đã hiểu rõ toàn bộ các pháp ở thế gian là pháp cám dỗ…​

Nghĩa là các pháp thế gian là pháp cám dỗ hết.

…​thu hút, lôi cuốn tâm con người đi đến chỗ làm ác, tạo bao cảnh khổ đau cho nhau.

Đó thì, chúng ta chấp pháp thôi, rồi chúng ta tranh nhau, chúng ta không nể nang những cái gì hết. Chúng ta “sạc” với nhau bằng lưỡi gươm, miệng kiếm, chúng ta không có từ nan những cái gì hết khi mà chúng ta chấp cái pháp đó.

Bằng chứng là quý thầy cũng thấy rằng, người ta tranh luận nhau về các pháp, rồi người ta nói xấu nhau thầy này, thầy khác. Đó là những cái điều không hay cho những cái người mà không thấy các pháp thế gian lôi cuốn họ, làm cho họ khởi lên khả ái, khả hỷ, khả lạc đó.

4- CHUẨN BỊ THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM PHÙ HỢP ĐỂ TRAU DỒI

(31:43) Muốn trau dồi tâm ta Xả Vô Lượng các pháp thì phải trau dồi như thế nào?

Bây giờ, muốn trau dồi cái tâm mình để Xả Vô Lượng pháp thì mình phải trau dồi như thế nào nó mới xả, chớ mình muốn - mình nãy giờ nghe Thầy nói mà không biết cách mà xả thì chắc chắn cũng không làm sao xả được hết.

Nói là một lẽ, lý thuyết là một lẽ, nhưng mà xả, làm sao xả được đây? Đó là cái mà mấu chốt của sự tu tập của chúng ta hôm nay.

Muốn trau dồi tâm ta Xả Vô Lượng các pháp thế gian…​

Đây quý thầy nhớ kỹ chỗ Thầy nói đây, cái này là rất là quan trọng đây:

…​ ta nên lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, bóng mát dưới tàn cây, ngoài trời hoặc trong chòi lá.

Đó, nhớ kỹ, những cái nơi đó đó, là cái nơi mà để chúng ta xả các pháp đó, tìm những cái nơi đó mới xả được các pháp. Còn nếu mà không có được những nơi đó thì khó mà xả các pháp này lắm. Ở giữa chợ mà ngồi giữa xe cộ chạy rần rần mà xả các pháp này thì xả không vô rồi!

Vậy thì xả như thế nào đây mà phải tìm những cái nơi mà yên tịnh, thanh vắng như vậy để mà xả?

Đây, Thầy tiếp:

Sau khi ăn uống xong, đợi cơm và thực phẩm tiêu hóa khoảng hai giờ.

Nghĩa là cơm trong bụng mình ăn xong rồi đó, phải ăn no, chớ không phải được đói mà ngồi đó mà vô đó mà ngồi thiền.

Đó thì đợi cho cơm nó tiêu hóa rồi thì lúc bấy giờ nó vừa tiêu hóa khoảng hai giờ đồng hồ, thì cơ thể chúng ta rất là thảnh thơi, nó không có đói nữa. Chớ người đói thì chắc chắn là ngồi mà xả không được đâu. Bởi vì xả cái đói còn không nổi mà làm sao mà xả các pháp được?

Đó, thì cho nên phải ăn cơm cho xong rồi, rồi bắt đầu nghỉ một chút, khoảng độ hai giờ rồi chúng ta mới bắt đầu. Bắt đầu làm cái gì đây?

Khi mà ăn cơm xong khoảng hai giờ thì chúng ta hãy ngồi kiết già, lưng thẳng…​

Muốn xả các pháp đâu phải là chuyện dễ, nó dính cũng như là cái dây chằng, cũng như lưới bện ở trong thân tâm của chúng ta, nó trói chặt cũng như là dây lòi tói rồi. Mà bây giờ muốn xả nó là phải ngồi cho vững vàng mới bứt ra từng sợi chớ đâu có phải mà xả lơ mơ được!

Đây thì Thầy dạy cho các con thấy cách thức xả:

Ta hãy ngồi kiết già lưng thẳng tại chỗ nói trên…​

Tức là tại cái chỗ mà mình tìm cái nơi vắng vẻ đó đó.

  1. và an trú, đặt niệm trước mặt.

Đó bây giờ mới đặt cái niệm trước mặt. Vậy cái niệm gì mà ở trước mặt đây để mà xả được nó?

Bởi vì các pháp nó quá nhiều, và chúng ta phải tu tập như thế nào để mà xả cái niệm gì trước, cái niệm gì sau. Cho nên khi đặt cái lưng ngồi thẳng, thật thẳng, tâm đặt cái niệm trước mắt, giữ yên lặng, rồi cái niệm đó là cái niệm gì?

5- XẢ TÂM SẮC DỤC - PHẦN 1

(34:42) Bây giờ chúng ta đặt trước mặt chúng ta là cái niệm sắc dục.

Bởi vì từ sắc dục mà chúng ta sanh ra, cho nên cái này là cái quan trọng, và sắc dục là con đường sanh tử, luân hồi, cho nên phải lấy nó mà làm đầu. Cho nên sắc, rồi danh, rồi lợi, rồi mới ăn, mới ngủ, đó là năm cái thứ dục lạc mà đầu tiên hồi nãy Thầy nhắc các con phải xa lìa, xả cái năm thứ dục lạc này, thì bây giờ sắc dục là phải xả trước chớ.

Mà chúng ta biết sắc dục là con đường sanh tử, là con đường luân hồi, là con đường mà đưa đến người này khổ cho đến người khác khổ, chớ đâu phải sung sướng, đâu phải hạnh phúc gì đâu!

Nó là con đường khổ đó, con đường đưa đến một mình mình khổ chưa đã đâu, mình đẻ ra một bầy cho nó khổ theo nữa. Có thằng con nào mình đẻ ra nó sung sướng đâu? Nó cũng trần ai khoai củ nó mới có cuộc sống chớ đâu phải dễ! Nó lăn lộn ở trong trần ai này nó đủ thứ nó mới có thể sống.

Bằng chứng như mình nè, cha mẹ sanh mình ra nè, thử hỏi có phải mình trần ai không mình mới ngoi lên được cái cuộc sống này? Còn bao người, người ta lặn ngụp ở trong cuộc sống, chưa có cơm ăn, áo mặc nữa, thì không là phải sanh ra để mà khổ sao? Thế mà cứ mãi chạy theo sắc dục để mà sanh ra. Quá là vô minh, quá là ngu si!

Con đường khổ mà không thấy khổ, cứ đắm đuối, say mê. Bởi vì cái sức cám dỗ của nó, cái sức khả hỷ, khả ái của nó làm chúng ta không dừng bước được, làm chúng ta không xả được tâm.

Rồi ta theo pháp hướng Như Lý Tác Ý:

Đó, bây giờ chúng ta theo cái pháp hướng mà chúng ta đặt cái niệm, rồi bắt đầu bây giờ chúng ta theo pháp hướng mà chúng ta Như Lý Tác Ý ra.

Thân phải ngồi thẳng đàng hoàng rồi bắt đầu chúng ta đặt cái niệm sắc dục, rồi bây giờ mới dùng cái pháp hướng mà như cái lý của nó mà tác ra, thì như vậy lâu ngày chúng ta mới phá vỡ nó, mới xả nó sạch. Chớ đâu phải xả chuyện dễ. Nó dính ở trong tâm ta. Thân của chúng ta là thân dục, mà xả nó ra đâu phải chuyện dễ, hở một chút là nó đã dục rồi.

“Sắc dục là con đường sanh tử…​”

Đây là cái câu mà chúng ta trạch pháp ra để dùng nó mà hướng tâm, mà như cái lý tác ý:

“Sắc dục là con đường sanh tử của muôn loài, con đường đầy đau khổ, triền miên bất tận kiếp này đến kiếp khác. Ta xả bỏ, từ khước, thoát ly, ra khỏi, từ giã, không nên để tâm ta dính mắc nó nữa!”

Đó là cái câu mà để chúng ta đặt cái niệm trước mặt của chúng ta, rồi chúng ta ngồi yên lặng, một lúc chúng ta lại tác ý ra, xả nữa, rồi một lát chúng ta như cái lý đó tác ý ra nữa, xả nữa, xả hoài, xả chừng nào mà tâm chúng ta thấy thân tâm chúng ta không còn dục nữa, thì lúc bấy giờ chúng ta mới viên mãn.

Đó là một cái câu mà chúng ta để thực tập để xả cái tâm sắc dục của chúng ta, cái tâm dục của chúng ta. Từng nào mà chúng ta thấy rằng cái tâm này hoàn toàn nó sạch hết thì như vậy là chúng ta đã viên mãn được cái sự tu tập này.

Chắc các thầy thấy rằng Phật bảo đặt niệm trước mặt, nhưng Đức Phật nói tới đó thôi, không nói nữa. Nhưng Thầy đã hiểu được cái lý này là do cái sự kinh nghiệm bản thân của Thầy, hôm nay Thầy vạch ra để cho quý thầy biết cách áp dụng để diệt cái tâm sắc dục của quý thầy, từ đó quý thầy mới thấy được con đường giải thoát thênh thang.

(37:45) Nếu không đặt niệm trước mặt, không dùng pháp hướng mà Như Lý Tác Ý thì chắc chắn khó mà xả được cái tâm này. Nó núp đó chớ nó chưa hẳn đã chết đâu.

Chúng ta nhắc cái tâm chúng ta hằng ngày cho thấm nhuần, cho thấm tận xương tủy của nó thì nó mới chạy trốn, nó mới đi mất, chớ còn không khéo thì nó núp ở trong thân chúng ta để chờ cơ hội, rồi bắt đầu nó bùng dậy như một ngọn lửa, nó không phải dễ dàng lắm đâu!

Đây là câu trạch pháp để quý thầy dùng nó mà hướng tâm xả bỏ. Hàng ngày, quý thầy phải siêng năng tu tập trau dồi câu này để đoạn dứt tận tâm ái dục.

Đó, thì luôn luôn phải dùng cái câu này để mà đoạn dứt cái tâm ái dục của quý thầy thì mới mong quý thầy thoát ra khỏi cái nanh vuốt của con đường đi sanh tử luân hồi này, chớ không khéo quý thầy sẽ luôn luôn tu tập - chớ tâm đó khó quá, chớ không phải dễ đâu.

Vì chúng ta từ cha mẹ sinh ra cũng nơi từ con đường này, do đó mà muốn thoát ra con đường này, phải có một sự trau dồi hết sức tâm mình buông xả thì mới dứt ra được, chớ không thể hiểu sơ sơ mà có thể được .

Nếu quý thầy dùng câu trạch pháp này chưa xả được thì quý thầy tiếp tục hướng tâm Như Lý Tác Ý:

Nghĩa là cái câu này nó chưa có đạt được cái kết quả, thấy tâm mình nó còn dục, chưa hết, thì quý thầy phải tiếp tục thêm một cái câu như cái lý khác để mà xả nó nữa.

Đây cái câu Thầy gợi cho quý thầy rồi từ đó quý thầy tự soạn lấy để cho phù hợp với đặc tánh của mình:

“Sắc dục là bất tịnh, là uế trược, nhớt nhao, hôi thúi, tanh hôi khó chịu bẩn thỉu vô cùng, tạo muôn ngàn thứ bệnh tật, tai ương, và truyền nối nhau nhân quả luân hồi kiếp này đến kiếp khác, không bao giờ thôi dứt, một người để lại muôn người khổ, khổ mãi nối tiếp truyền nhau vô cùng, vô tận.

Ta phải xả bỏ, xa lìa, viễn ly vĩnh viễn, chẳng dám bén mảng, xem nó như rắn độc, ung nhọt, cho nó là nguy hiểm nhất, cho nó là tai họa, cho nó là chỗ ác độc, cho nó là bệnh truyền nhiễm nan y không thuốc chữa!”

(40:14) Đó là một cái câu để mà chúng ta trị cái bệnh sắc dục của chúng ta đó. Câu trên nó chưa nhằm nhò thì phải áp dụng thêm câu dưới cho mạnh hơn, và như truyền lệnh, thì may ra quý thầy sẽ chấm dứt được cái nỗi khổ của tâm sắc dục của mình.

Cuộc đời tu hành là cả một sự rèn luyện, trau dồi chớ không thể nói suông suông. Thầy nói hết giọng mà quý thầy không về thực tập thì Thầy quá mỏi mệt, uổng lời của Thầy nói.

Thầy đem hết tâm can của mình truyền dạy lại những kinh nghiệm để cho quý thầy thoát khỏi cảnh địa ngục, cảnh lầm than đau khổ của kiếp người, mà quý thầy nghe rồi mà quý thầy bỏ qua thì rất uổng cho Thầy, rất uổng cái điều mà Thầy đã đem hết tâm huyết dạy lại cho quý thầy để quý thầy thoát ra khỏi kiếp trầm luân khổ ải.

Đến đây Thầy xin chấm dứt bữa này, và Thầy ngày kế tiếp Thầy sẽ giảng để chúng ta còn xả nhiều thứ.

Bây giờ mới có xả có sắc dục mà thôi, còn nhiều thứ cần phải xả nữa. Nếu mà giảng mà xả cho đầy đủ thì Thầy nói không biết bao giờ mà tận cùng. Bởi vì vô lượng mà, vô lượng pháp, phải nói vô lượng lời, phải nói vô lượng pháp để mà đối trị mà xả nó.

Thì sau này Thầy cũng tóm lược một phần trong năm thứ ngũ dục lạc mà xả nó để cho quý thầy biết cách, rồi từ đó trí tuệ của quý thầy thông suốt, rồi quý thầy mới đặt những cái niệm, rồi mới trạch những cái pháp cho nó phù hợp, để rồi quý thầy do đó mà xả cho sạch, sạch trắng bạch như vỏ ốc, thì bấy giờ mới đi vào con đường xuất gia tu hành, trở thành một vị Tỳ Kheo, một vị Sa Môn đúng là những Thánh Tăng trong thời Đức Phật.

Đến đây thì quý thầy đã hiểu rồi, thì hãy cố gắng mà thực hiện những lời Thầy dạy rồi Thầy sẽ vui mà Thầy tiếp tục giảng. Mà nếu không thực hiện thì Thầy nghĩ rằng mình nói nhiều quá mà quý thầy không thực hiện, thì Thầy mệt mỏi, rồi Thầy nghỉ Thầy không giảng nữa!

2- THƯ ĐỀ NGHỊ TRƯỞNG LÃO SANG NƯỚC NGOÀI HOẰNG PHÁP

(43:00) Bây giờ chúng ta tiếp tục cái bài học Tứ Vô Lượng Tâm. Nhưng trước khi học thì Thầy sẽ đọc lại hai cái bức thơ của thầy Thiện Thiền gửi cho Thầy.

Bức thơ thứ nhất, cũng trong những cái bài học có gợi ý rồi thầy cũng có suy nghĩ rồi thầy viết bức thơ, rồi sau đó thì có gợi ý đến cái Trung tâm An dưỡng thì thầy cũng có viết bức thơ gửi cho Thầy.

Cho nên hôm nay thì Thầy xin đọc lại bức thơ đầu tiên để cho quý thầy nghe, và đồng thời Thầy giảng trạch là tại sao, cái lý do nào mà Thầy không thực hiện theo cái lời thỉnh cầu của thầy Thiện Thiền.

“Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch Phương trượng!

Hôm nay, con có chút duyên sự về nhân duyên ẩn bóng của Phương trượng, kính mong Phương trượng từ bi, đại từ, đại bi xem xét những lời ngốc nghếch, táo bạo của con kính trình lên Phương trượng về sự tồn vong của Phật Pháp và lợi ích cho tất cả nhân sinh hiện nay và mãi mãi về sau, là ngọn đuốc từ bi soi đường đi cho nhân loại.

Con tạm ví Phương trượng như hòn ngọc Thái Hòa. Thuở xưa, khi nhà họ Thái nhặt được, nó có năm điều kỳ lạ, kỳ đặc mà các loại ngọc báu khác không có thể có được. Biết nó là hòn ngọc quý nên đem dâng lên cho nhà vua, vua kêu các nhà chuyên xem ngọc coi thiệt hay là giả.

Các nhà xem ngọc nói là loại đá quý giống ngọc chớ không phải là ngọc thật, cho nên nhà vua nói họ Hòa dối vua, khép vào tội khi quân, chặt tay, chân người họ Hòa. Vì uất ức nhà vua không biết dùng ngọc quý, lại tin bọn xem ngọc ngu si không biết gì, cho nên nhà họ Hòa mới đem dâng lên cho nhà vua ở vương quốc khác. Khi đó nhà vua nước mình mới hối hận tìm cách đòi lại.

Thì hôm nay, Phương trượng tiện Phật hóa thế gian. Ý của con muốn nói là Phương trượng liên hệ với Phật tử ở nước ngoài bảo lãnh Phương trượng đi du lịch, khi sang bển, Phương trượng trình bày pháp tu và sở chứng.

Người Tây phương chuộng khoa học và thực tế, họ sẽ đem những dụng cụ y khoa ra chứng nghiệm xong họ sẽ công bố lên cả thế giới. Chừng đó pháp môn tu thiền định của Phương trượng ví như mặt trời chiếu ánh sáng chói chang cả vũ trụ này. Chừng đó, Việt Nam mới thật là hối tiếc!”

3- VIỆC LỚN DO NHIỀU NGƯỜI CÙNG LÀM, KHÔNG DỰA VÀO ANH HÙNG CÁ NHÂN

(45:47) Đó là lời của thầy Thiện Thiền trong bức thơ thứ nhất. Bây giờ Thầy xin trả lời cái bức thơ này.

Nếu mà cái điều kiện này, cách đây 17 năm mà Thầy đã muốn mình làm một cái anh hùng hay hoặc là một cái người vĩ nhân thì Thầy đã làm xong lâu rồi. Vì Thầy nghĩ rằng cái anh hùng cá nhân nó không bằng những anh hùng tập thể, nó truyền thừa mãi mãi.

Hầu hết là mọi người nó đều có cái anh hùng cá nhân. Vì người ta nghĩ rằng người ta làm được cái gì đó thì người ta huân theo cái đó để cho mọi người đều biết lấy mình, mà không để cho người khác biết, mà cũng muốn dìm người khác xuống nữa để cho cái anh hùng cá nhân của mình nó nổi bật lên, nó làm cho sáng tỏ ra.

Điều này Thầy rất suy nghĩ. Một vị anh hùng mà làm nên danh, biết bao nhiêu những vị anh hùng vô danh nằm xuống trong lòng đất này.

Cho nên thí dụ như người ta nhắc đến Napoleon, hoặc là người ta nhắc đến Hitler, những cái nhà độc tài, thì những nhà đó đều là anh hùng cá nhân.

Cũng như trong đất nước chúng ta thấy thí dụ như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, mà những người này họ đã thành tựu được những cái chiến công hiển hách thì biết bao nhiêu người chết, nhưng người ta chỉ tập trung đến những người đó, những cái danh rất lớn.

Biết bao người khổ công tu tập, chớ đâu phải riêng mình Thầy? Mà huân lại ở Thầy chỉ là một cái anh hùng thì Thầy thấy đó là cái cá nhân, quá cá nhân.

Cho nên từ đó Thầy âm thầm để kiếm người đào tạo, lấy kinh nghiệm của mình mà để dạy cho người cho đạt được như mình, và những gì họ sẽ làm hơn mình. Mình âm thầm có thể giúp họ hơn là để cho cá nhân của mình lộ ra.

Đó là Thầy không muốn anh hùng cá nhân mà chỉ muốn tất cả dân tộc Việt Nam và những con người ở trên thế gian này đều là những anh hùng hết, những người làm nên những trang sử, những người làm nên những vĩ đại của tôn giáo, chớ không phải một cá nhân nào.

Tuy nói vậy, nhưng cái sự việc làm của mình nó phải đi từng cái bước một, người này thừa kế người kia, để có một cái con đường đi, để dìu dắt nhau đi, để làm nên một sự nghiệp lớn. Còn một người mà làm nên một sự nghiệp lớn, sự nghiệp đó sẽ bị tan hoại.

Như chúng ta thấy Thiền Trúc Lâm, chỉ có ba thầy trò mà nương nhau để mà làm cái sự việc lớn, từ đó ba thầy trò tịch rồi thì Thiền Trúc Lâm im bóng.

Bây giờ, chúng ta nhìn thấy ở trong nước của chúng ta, trải qua một cái thời gian chúng ta cũng thấy có nhiều vị xuất chúng anh hùng chớ không phải không, nhưng rồi chỉ có một mà thôi chớ không có người thừa kế thứ hai nữa. Rồi đây chúng ta cũng nhận thấy những điều đó hiển nhiên trước mắt.

(48:38) Ở đây quý thầy thấy, như cô Út là một cái người chẳng ra gì hết, người ta xem thường lắm. Nhưng mà từ khi mà Thầy thấy rằng một con người nào cũng có một cái khả năng của họ, mình chỉ cần khai triển họ thôi, từ đó Thầy chỉ khai triển nhẹ nhàng, tự cô Út phải phát triển cái sức của mình.

Bởi vì con người nào cũng có cái khả năng trí tuệ và cái sức của mình, cho nên tự cô cô phải rèn luyện cô, cô phải tạo cho cô có những trí thông minh, sáng suốt, không thể nào mà cô đứng chậm một chỗ. Nếu mà cô cứ nương vào người khác hơn mình, nhờ người khác để dẫn dắt mình thì chắc cô không phát triển nổi, từ đó cô không điều khiển được chúng nữ.

Hôm nay, cô điều khiển được chúng nữ là do sự phát triển chính bản thân của cô, sự điều khiển của cô và sự hướng dẫn của cô do sự phát triển, mà nhiều khi cô không cần học ở Thầy chút nào hết. Thầy thấy rất là tuyệt diệu là do ở chỗ biết khai triển con người để họ làm nên sự nghiệp, nên cái tốt của họ.

Đó là những điều mà thực hiện ở đây, Thầy thấy cô Út làm sao mà cổ có thể điều khiển được chúng nổi? Thế mà bây giờ cổ điều khiển được chúng nổi, và cổ dạy đâu chúng nghe, ở bên chúng nữ.

Trước kia thì họ không bao giờ nghe, họ chỉ biết nghe Thầy mà không bao giờ biết nghe cô Út. Từ cổ phát triển được những cái gì mà chính của cổ, dạy người ta thực tế, kết quả, thì từng đó người ta mới chịu nghe.

Còn bây giờ quý thầy cứ học ở Thầy, nghe Thầy nói rồi bắt đầu quý thầy cũng nói ra như vậy, làm như vậy thì người ta nghe Thầy hơn là nghe quý thầy! Bởi vì quý thầy ít ra cũng phải phát triển những cái kinh nghiệm.

Bởi vậy, tại sao Thầy không đem cái kinh nghiệm của Thầy mà trực tiếp, mà Thầy chỉ nhắc nhở “phải làm như vậy, vậy” rồi quý thầy phải rút tỉa từng kinh nghiệm của mình ra. Từ đó, cái thực tế của quý thầy là quý thầy tự phát triển trí tuệ và cái kinh nghiệm của mình.

Cái đó thực tế, để làm cho quý thầy trở thành những con người có đủ cái khai triển, có cái sức khai triển được cái trí tuệ, có cái sức khai triển trên con đường Phật Pháp. Sau này quý thầy còn hơn Thầy gấp mấy!

Giai đoạn của Thầy khác, mà giai đoạn của các thầy sẽ tiếp tục con đường Phật pháp nó còn khác xa hơn nữa. Con người càng ngày đi lên chớ đâu phải đứng lại sao?

Cho nên thí dụ như bây giờ Minh Tông được Thầy dạy bảo hay hoặc là các thầy được Thầy dạy bảo, nhưng mà sau này cái chương trình, cái phương án của Thầy mà đề ra để đem lại một cái hạnh phúc cho nhân loại như vậy, thì quý thầy vẫn phải theo cái đường đó mà hướng tới để độ chúng sanh toàn cả thế giới. Như vậy là sự phát triển của quý thầy phải đến tuyệt đỉnh.

Thì cái phương án Trung tâm Từ thiện An dưỡng ra đời là nhằm để phục vụ, đem lại mọi hạnh phúc cho con người trên thế gian, thì đạo Phật là một - ước vọng của đạo Phật là đem chúng sanh thoát ra khỏi vòng đau khổ! Thì đó là cái hướng, mà cái hướng đó không phải là có một anh hùng làm.

Còn nếu mà Thầy làm không thì các đệ tử của Thầy chỉ ngồi đó mà nhìn thôi, là người ta sẽ ca tụng Thầy chớ còn các đệ tử Thầy ra gì? Từ đó, Thầy mất rồi thì cái chương trình này nó sẽ bị lụn bại.

(51:44) Cho nên Thầy phát triển từ cái chỗ tu tập của các thầy được theo Thầy, Thầy không đem những cái kinh nghiệm của Thầy được, là vì Thầy biết rằng Phật dạy: “Con người có ba đặc tướng: Nhân tướng, hành tướng và đặc tướng”, nhất là cái đặc tướng rất khó, không thể dễ.

Cho nên các thầy hỏi: cái hơi thở nào mà chúng ta nhập Sơ Thiền, cái hơi thở nào nhập Nhị Thiền, cái hơi thở nào mà nhập Tam Thiền, cái hơi thở nào mà nhập Tứ Thiền? Nó không có một cái mực nhất định được, là vì mỗi đặc tướng của hơi thở của con người nó phải có khác nhau.

Có người bây giờ thở cái hơi thở 3 giây là hơi thở Sơ Thiền, nhưng có người thở 4 giây, có người thở 5 giây. Làm sao bảo rằng 5 giây là nhập Sơ Thiền, mà 2 giây là nhập Sơ Thiền được? Các thầy phải hiểu điều đó.

Cho nên đó là do cái đặc tướng của mỗi người. Vì vậy mà người hướng dẫn phải tùy theo cái đặc tướng đó mà hướng dẫn cho người ta để người ta nhập vào.

Cũng như bây giờ đặt ra là 5 giây là nhập Nhị Thiền, người nào cũng tới 5 giây nhập Nhị Thiền, có người 5 giây người ta không nhập được, mà người ta 7, 8 giây, hay 10 giây. Nhưng mà có người tới 20 giây hay là 30 giây người ta mới nhập Tam Thiền, mà có người thì mới có 6 giây người ta nhập Tam Thiền! Làm sao mà căn cứ có mực chỗ nào được mà dạy? Đó là cái đặc tướng mà!

Cho nên Phật dạy nó có ba cái tướng của nó rõ ràng riêng biệt: nhân tướng, hành tướng và đặc tướng. Mỗi cái nó có cái riêng biệt của nó trong đó. Cho nên ở đây phải tự người đó phải phát triển theo cái đặc tướng của mình, và ông thầy phải khéo léo và linh động để hướng dẫn theo cái đặc tướng của người ta, thì người ta mới nhập được định.

Đó thì, ở đây nó khó là khó cái chỗ đó, chớ không thể nào như có một cái khuôn sẵn để rồi chúng ta vô máy mà chúng ta ép ra thành hàng loạt, hàng trăm cái máy được. Nó không phải như vậy được, mà nó phải có một cái sự uyển chuyển khéo léo.

(53:06) Vậy cho nên Thầy nói, nếu mà cần thiết mà một cá nhân để anh hùng thì chắc chắn là thiên hạ này đã biết Thầy từ lâu rồi!

Thầy mà háo danh, kêu là đại háo danh thì chắc chắn là khi mà thầy Thanh Từ nhận Thầy ở lại, thì lúc bấy giờ Thầy chỉ tìm mọi cách để phô trương cái tu tập của mình, Thầy chỉ nói rằng người ta đem điện tâm đồ người ta đo Thầy trong lúc Thầy nhập Tứ Thiền, người ta sẽ thấy Thầy hoàn toàn là không thở là người ta đã hoảng kinh rồi!

Chứ chưa nói gì mà Thầy câu hữu một vài cái trên thân, trên tâm định, trên thân định, mà Thầy câu hữu một vài cái sự đặc biệt của cái điều khiển được cái tâm linh của Thầy rồi thì người ta còn kính phục đến bực nào nữa?

Nếu mà cầu một cái đại danh thì chắc chắn là Thầy sẽ là một anh hùng, một danh nhân trên thế giới chớ không còn ai hơn nữa! Thầy nói thật! Với việc làm Thầy biết rất rõ. Nhưng mà từ 17 năm trời mà đến bây giờ thì có những sự kiện xảy ra thì quý thầy mới nhận xét qua Thầy được chút ít, chứ chả biết gì hết!

Người ta đồn Thầy như thế này, người ta đồn Thầy như thế kia, người ta nói Thầy là cho bùa để đi bán, mua may bán đắt, người ta nói Thầy là nói chuyện quá khứ vị lai, là người kiếp này, kiếp kia, người ta thêu dệt đủ loại!

Người ta nói Thầy đủ thứ hết, nhưng mà Thầy vẫn âm thầm, mặc, họ nói gì nói. Tại vì họ chưa biết mình! Họ khen, là họ khen cái kiểu của họ tức là họ chê. Mà họ chê cái kiểu của họ, tại họ không biết họ chê, thì họ chê theo cái kiểu của họ chớ làm sao họ biết mình được?

Cho nên đối với Thầy, thản nhiên, không có lo lắng gì vấn đề khen chê, chỉ tìm con người nào mà tin tưởng ở mình, dạy họ đâu họ làm đó.

Và cũng vì cái sự khen chê đó mà làm cho người ta mất niềm tin ở Thầy rất nhiều, cho nên khi Thầy dạy, họ chỉ dựa vào kinh, vào những cái lý luận suông mà người ta nỗ lực tu, người ta không thấy ở kinh nghiệm bản thân của Thầy.

Nhưng Thầy nói đó là cũng là cái duyên. Nếu mà Thầy lộ ra một cái gì thì chẳng qua Thầy lòe bịp thiên hạ mà gạt người ta để thành một cái danh, cái danh hão, cái danh không thật, cái danh không giải thoát đâu, mà giải thoát thì phải giải thoát cho thật.

Đó thì hôm nay Thầy trả lời thầy Thiện Thiền.

Biết rằng cái điều mà thầy Thiện Thiền nghĩ thì nghĩ tốt, nghĩa là làm như vậy để cho người ta biết rằng có một người tu như vậy, thì Phật giáo nó mới có thể theo cái đó, đường lối đó nó mới chấn hưng lại được, nó làm cho Phật pháp sáng tỏ lên. Cái nghĩ của thầy Thiện Thiền là cái nghĩ tốt chớ không phải là nghĩ xấu, không phải nghĩ cầu danh. Cái góc độ của thầy không nghĩ cầu danh.

Nhưng mà tự làm cái đó là mình phải hiểu: Một khi mình làm một cái gì thì mình phải nghĩ cái quả của nó. Cái quả của nó, nó đem đến cái tâm niệm nào của mình, mình phải xét! Cho nên, Thầy làm cái gì thầy rất suy nghĩ.

4- THƯ ĐỀ NGHỊ GIAO CHO GIÁO HỘI THIẾT LẬP TRUNG TÂM AN DƯỠNG

(56:21) Về cái vấn đề bức thơ thứ hai, thì thầy Thiện Thiền sau khi nghe cái Trung tâm An dưỡng thì thầy cũng có tâm nghĩ đến xã hội, nghĩ đến con người, thầy có tâm tốt, cho nên thầy mới viết bức thơ này. Thầy xin đọc bức thơ này:

“Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Kính bạch Phương trượng!

Như lời thuyết giảng sáng hôm qua xong, Phương trượng có nói lên những tâm tư nguyện vọng của Phương trượng sau này. Như chiều hôm qua, Phương trượng có nói cho con nghe về Trung tâm An dưỡng ở Phước Hải mà phương án Trung tâm đã dự định từ lâu.

Hôm trước con có nghe Phương trượng nói là khu đất đó Phương trượng tính giao cho đạo hữu Tâm Như bán lấy số tiền đó đem làm phước bố thí. Như con thiết nghĩ, Phương trượng làm như vậy cũng là cao quý nhưng chỉ tạm xoa dịu cơn đau trong phút giây ngắn ngủi chớ không trị dứt được cơn đau.

Như ý nghĩ thiển cận của con, Phương trượng nên hiến dâng cúng dường khu đất đó cho thành hội, rồi giao lại cho ban Hoằng pháp, rồi thượng tọa Trí Quảng sẽ thiết lập Trung tâm An dưỡng như Phương trượng đã dự định. Thì bên ngoài là hình thức Trung tâm An dưỡng, còn bên trong thành lập hai dòng tu: Thể Nhập và Thể Hiện.

Ban Hoằng pháp Trung ương sẽ đào tạo, rèn luyện nhóm tân tăng tức là dòng Thể Hiện, có vốn liếng kiến thức về Phật pháp cho thông suốt, đầy đủ đức độ, rồi đưa tài năng đức độ đó phục vụ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rồi đem đạo từ bi len lỏi vào nhân gian, hay đem đạo Phật vào cuộc đời, xoa dịu những tâm hồn đau khổ, bơ vơ không nơi nương tựa, đúng với tinh thần của Lục Hòa.

Lục Tổ nói: “Phật Pháp bất ly thế gian pháp” hay “Phật pháp bất định pháp” - tất cả pháp đều là Phật pháp. Cho tất cả chúng sanh hiểu và thâm nhập được giáo lý duyên nhân quả luân hồi và nghiệp báo của đạo Phật sẽ biến thế gian thành thiên đàng và Niết Bàn hiện tại ngay đây chớ không phải thiên đàng ở cõi giới đâu đâu hay Niết Bàn ở nơi nào xa xôi diệu vợi. Nếu mỗi cá nhân, mỗi con người biết hướng thiện thì ngay đây, bây giờ, chớ không phải chờ chết.

(59:07) Nếu những Phật tử nào họ có trình độ kiến thức cao, có ngành nghề và nghiệp vụ chuyên môn trong xã hội, khi họ phục vụ cho Phật giáo thì Giáo hội sẽ trả lương cho họ, nếu họ phát tâm phục vụ cho Giáo hội thì càng tốt.

Đồng thời họ sẽ chăm lo đời sống cho dòng Thể Nhập chuyên tu, và họ thay cho những vị này hoằng pháp lợi sanh và mọi sinh hoạt ích lợi chúng sanh, xã hội, là những người con trung kiên của Giáo hội mà châm ngôn của Phật giáo nói là “tốt đạo, đẹp đời”

Mà thật vậy, nếu nhóm tân tăng này được ra đời thì những văn hóa đồi trụy và những tệ nạn xã hội sẽ được giảm đi nhiều. Đồng thời những nơi dưỡng lão, cô nhi viện, khám đường, nhà giam, khu cải tạo và bao nhiêu sự đau khổ của cõi trần gian đa sự này bớt đi nhiều khi họ hiểu biết được đạo lý nhân quả của nhà Phật áp dụng dạy trong các trường phổ thông mà Phương trượng ước mong, canh cánh nỗi lòng bấy lâu.

Đồng thời Phương trượng làm cố vấn tối cao giải quyết những vấn đề khó khăn và đóng góp những ý kiến tốt đẹp cao quý. Còn ngoài ra, mọi vấn đề sinh hoạt như ngoại giao, kinh tế, tài chánh, tổ chức v.v…​ giao hết cho Giáo hội họ đảm đương. Phương trượng được nghỉ ngơi, trong khi sức khỏe của Phương trượng thì nhà nước cũng không có lý do kêu Phương trượng ra làm chính trị được, mà Phương trượng chỉ làm mặt trong mà mặt ngoài lại thành công tốt đẹp.

Con ví Phương trượng như nhà vua giao ngôi cho Thái tử lên làm đức Thượng hoàng, chỉ làm cố vấn cho Thái tử, còn việc nước, việc dân thì Thái tử tự lấy, nhà Vua không còn phải bận tâm nữa.

Dù sao, tiếng nói của Giáo hội cũng là tiếng nói của cả nước. Mặc dù Phương trượng có đầy đủ đức độ, tài năng, uy đức như thế nào đi nữa thì cũng không bì được với tiếng nói của cả nước.

Cũng như hôm trước, Phương trượng dạy kinh Thập Thiện, ví dụ ông vua chỉ biết lo cho mình thì ngày trước, ngày sau, không bao lâu cũng bị phế xuống ngai vàng. Còn nếu nhà vua chỉ chăm lo cho dân, cho nước, lấy lòng dân làm lòng mình thì ngai vàng mới tồn tại, mình mới ở mãi với ngai vàng.

Cho nên kinh nói: “Đức chúng như hải”. Theo con thiết nghĩ, cái nhân của Phương trượng đứng ra lo cho việc này dù cho có thành công cũng ở trong thất bại, có kết quả cũng là sự phá sản về sau, không sao tránh khỏi!

Đó là những lời chân thành của con kính trình lên Phương trượng. Có điều chi sơ sót, con cúi xin Phương trượng từ bi hoan hỷ cho con!

5- CHỈ CÓ ĐỆ TỬ CỦA THẦY MỚI TRIỂN KHAI ĐƯỢC TRUNG TÂM AN DƯỠNG

(01:02:09) Bây giờ xin trả lời bức thơ này để quý thầy thấy rõ những cái tâm niệm tốt, mà quý thầy khi mà nghe Thầy nói đến cái sự ích lợi của dân, của nước thì ai cũng canh cánh bên lòng, cũng quyết muốn làm được những cái điều tốt đó chớ không ai không muốn, thì một trong những người đó có những ý kiến, đó là thầy Thiện Thiền.

Nhưng cách đây ba năm, sau khi cái khóa mà dạy tu ba năm trước thì Thầy ra thất. Ra thất thì, cái phương án của Thầy thì cách đây sáu năm Thầy đã dự thảo phương án này rồi, nhưng vì mắc vào trong thất để tiếp tục hướng dẫn chúng tăng tu tập, cho nên ba năm giam mình không đi đâu.

Sau ba năm ra thất thì Thầy lại tiếp tục trên con đường đi tìm người có một chí hướng với mình để lo lắng, để cộng sự cùng nhau lo lắng cái Trung tâm này.

Nhưng Thầy đi từ chỗ này đến chỗ khác, lúc bấy giờ thì Hòa thượng là một ánh sáng của hào quang, không những trong đất nước mà cả thế giới, Thầy tin tưởng Hòa thượng chỉ chấp nhận một chút là đã thành công rồi.

Nhưng đến đó Thầy cũng mất hy vọng, vì Hòa thượng có nói với Thầy: Hòa thượng chỉ lo cho người chuyên tu, không có lo cho xã hội. Hòa thượng nói như vậy Thầy đã hiểu biết Hòa thượng ở chỗ nào rồi. Thầy không thể nào mà còn cầu xin gì được nữa.

Nhưng Hoàng Tâm thì quỳ xuống xin Hòa thượng: “Hòa thượng vì thương chúng con mà Hòa thượng hãy nhận làm cố vấn ở trong cái trung tâm này để cho nó có cái uy tín của Hòa thượng, mà cái đức độ của Hòa thượng và cái uy tín của Hòa thượng thì có thể mới thành công được!” - thì Hòa thượng nhận cái lời làm cố vấn ở trong cái trung tâm đó.

Chớ còn Hòa thượng thì hoàn toàn là Hòa thượng không có đem cái khả năng của mình cũng như là đem những cái sự việc này mà đóng góp vào, chỉ làm cố vấn, cái gì mà không đúng hay hoặc có những cái ý kiến gì thì đến hỏi Hòa thượng, Hòa thượng chỉ bảo thôi.

Đó là cái ý của Hòa thượng như vậy, coi như Hòa thượng không có cái trách nhiệm trong đó mà chỉ có góp ý. Đó là cái ý.

Thì Thầy và những người khác đến gặp các bậc Hòa thượng lớn ở trong Giáo hội, và đồng thời thì cũng gặp các vị có uy tín ở trong Giáo hội, nhưng đến đâu thì họ cũng có cái khéo léo của họ hết chớ không phải không khéo léo.

Vì họ nghĩ rằng cái gì mà họ đề ra là họ phải quyết định họ làm cho được, thì Thầy đã hiểu nó rõ ràng, còn cái gì mà Thầy đã đề ra mà họ có làm cho được thì chẳng qua là dồn lại cái danh đó cho Thầy, cho nên họ không muốn, chớ không phải gì hết.

Vì Thầy biết rằng, mỗi con người hiện giờ họ đang ở trong cái anh hùng cá nhân, họ đang muốn làm cho mình nổi bật hơn mọi người, mà bây giờ có một cái sự hợp tác như vậy là anh hùng cá nhân của họ bị mất mát đi, ít ra nó cũng mất một phần nhỏ nào trong đó. Họ thì họ không muốn vậy.

(01:05:32) Nhưng họ không nghĩ rằng, cái chuyện làm việc cái lớn là phải không có người anh hùng ở trong đó, mà chỉ người biết làm, làm vì lợi ích cho mọi người thì mới làm được.

Cho nên, đi khắp cùng, suốt cái thời gian mà ra thất đó thì đem hết cái sức của mình chiều chuộng tất cả mọi người. Nghĩa là dâng lên cho họ, miễn là họ làm thôi, cộng tác với mình: Những người mà có thế, có cái quyền, họ đứng ra xin phép hay này kia, hay hoặc là Thầy đứng ra xin phép, rồi giao lại tất cả những cái phương án này, Thầy chỉ kêu gọi Phật tử đóng góp vào một số tiền hoặc là bỏ ra một số tiền nào đó để cho quý thầy thực hiện, để cho Giáo hội thực hiện cho được cái lợi ích chung cho Phật giáo và cho dân tộc, và cho con người ở trên thế gian này.

Nhưng ai cũng từ chối một cách khéo léo, và đồng thời Thầy cũng thui thủi trở về hai bàn tay trắng của mình.

Thầy nghĩ rằng, cái phương án này chỉ có những người đệ tử của Thầy sau này có thể lần lượt và từ đó họ sẽ khai triển trí tuệ và khả năng của họ. Vì cái nguyện vọng quá lớn với con người trên thế gian này, chắc chắn những người đệ tử của Thầy đã tiêm nhiễm được tư tưởng của Thầy họ mới làm nổi. Còn những người, như những người khác thì họ chỉ là nghĩ đến cái anh hùng cá nhân của họ, thì chắc chắn họ không làm được.

Thầy nghĩ rằng, bây giờ ở đây có những thầy, mà các thầy phải hiểu rằng, không phải quý thầy ra mà một mình quý thầy sẽ làm hết được cái chương trình này đâu.

Quý thầy chỉ làm một phần nào đó, rồi quý thầy lại giao cho một người kế tiếp, thì người kế tiếp đó lại tiếp tục làm cái con đường này nữa, cho mãi đến khi mà thành tựu thì chúng ta không biết là bao nhiêu người làm. Và bao nhiêu người làm tức là bao nhiêu anh hùng của con người chớ không phải là có một mình Thầy!

Cho nên Thầy không dành một mình Thầy được. Bây giờ, phỏng chừng Thầy làm, Thầy dành cho một mình Thầy như Thầy Thiện Thiền nói, cái kết quả đó nó cũng chẳng có gì. Đây, Thầy đọc lại chỗ này: “cái thành công ở trong thất bại” nghĩa là Thầy có thành công đi nữa cũng ở trong thất bại, vì biết bao người đang phá, đâu có để cho Thầy tạo thành một cái danh?

Các con hiểu điều đó. Nhưng chúng ta lần lượt bước đi từng người này thừa kế đến người kia thừa kế thì không bao giờ ai phá được chúng ta!

(01:08:16) Cho nên Thầy đã suy nghĩ rất nhiều. Cho nên lúc này, tuy rằng Thầy cũng còn sức khỏe kéo dài thêm năm mười năm nữa vẫn có thể được, nhưng phải ẩn bóng để rèn luyện đệ tử của mình trong một cái tinh thần phát triển của nó, chớ không thể để nó tựa nương vào Thầy nữa, mà nó phải tự phát triển.

Phát triển để làm những gì? Làm lợi ích cho chúng sanh!

Làm lợi ích gì? Làm lợi ích cho Phật pháp!

Còn nếu để nó nương tựa theo Thầy hoài thì tới chừng mà Thầy thị tịch thật sự thì còn ai mà ở sau lưng nó để mà nhắc nhở giúp đỡ nó? Thì do đó, rồi nó sẽ tự theo ý của nó thì nó chưa có đủ cái khai triển, những cái sáng suốt, cho nên nó có thể lầm lạc.

Hoặc là nó chỉ thấy Thầy là tuyệt vời rồi cho nên nó dậm lại đó mà nó không chịu khai triển nó ra nữa, thì như vậy, con đường mà tiến tới thì nó bị dừng lại rồi. Nó thấy Thầy hơn toàn bộ, không còn ai hơn Thầy được.

Cũng như bây giờ, nhìn Hòa thượng mà chúng ta thấy Hòa thượng hơn tuyệt hết rồi, thì các đệ tử của Hòa thượng không còn phát triển được nữa.

Cho nên Thầy đã biết lúc nào tấn mà lúc nào thối, lúc nào hiện mà lúc nào ẩn. Mà sự ẩn của Thầy thì các thầy cứ nghĩ rằng Thầy sẽ ẩn bóng mãi chớ không phải Thầy còn lộ diện như các vị, các nhà võ công sau một cái thời gian ẩn bóng để trui luyện lại những võ công của mình rồi mới tái xuất hiện giang hồ.

Thầy thì không tái xuất hiện giang hồ cho đến khi nào Thầy thị tịch mà thôi. Chỉ còn lại những người đệ tử của Thầy hiện nay đã và đang tu tập và thành tựu được Phật pháp, thì những người đó phải tự sáng tạo, phải tự khai triển, những gì mà Thầy chưa khai triển, họ sẽ khai triển. Họ lấy cả đầu óc họ làm ra thì họ cũng trở là những anh hùng của những con người khác.

Chớ không thể Thầy để cho họ nhẩm lại cái hiểu biết của Thầy, nhai đi nhai lại cái bã mía này như nhai đờm dãi, Thầy không muốn như vậy!

Nghĩa là Thầy hôm nay dạy như vậy, ngày mai các thầy phải triển khai qua kinh nghiệm của mình làm cho người ta tu dễ dàng hơn nữa thì cái đó là cái mong muốn của Thầy, chớ không được nhai lại, Thầy nói làm sao nhai lại như vậy, điều đó là cái điều sai hết, và không đào tạo những con người có những cái thông minh sau này.

Bởi vậy người ta chỉ nhai đi nhai lại những cái kiến giải của kẻ khác, tưởng đó là hay, nhưng mà sự thật ra đó là cái học lóm chứ không có cái gì mà hay hết!

Cho nên các tổ sư nói, đó là đờm dãi của người xưa. Nghĩa là cái người xưa người ta đã đặt ra cái đó rồi, bắt đầu bây giờ mình nhai đi, nhai lại cũng bấy nhiêu đó thôi, lặp đi lặp lại cũng bấy nhiêu đó thôi, không có cái gì khác hơn hết, thì tức là mình chẳng có gì.

(01:10:27) Cho nên những người sau đều lụn bại, và Phật Pháp suy đồi, và Thiền Tông suy đồi cũng là đều lặp lại, không có phát triển. Mà phát triển lại là phát triển không đúng cách, không đúng lối. Phát triển con người phải trở thành những con người đạo đức chân thật. Phát triển đến con người thiếu đạo đức, con người lung tung, hành động thô tháo, không còn có chỗ nào mà khen được!

Cho nên ở đây, cái phát triển phải là phát triển trong cái khuôn khổ của một con người chân tu, chớ không phải là phát triển trong những con người thiếu tu.

Đến đây Thầy xin chấm dứt. Để trả lời những cái bức thơ này, Thầy đã nhọc nhằn suốt cái thời gian, coi như là hơn nửa tháng tiếp tục đến chỗ này, đến chỗ kia, mà liên tục, nghĩa là luôn luôn lúc bấy giờ Thầy không - thỉnh thoảng Thầy có mặt ở chùa có một lần, còn bao nhiêu thì Thầy ở chỗ này, đến chỗ kia để gặp các vị.

Thường xuyên là Thầy ở thành phố để gặp các vị có thế, có đức, có độ ở trong Giáo hội cũng như các bậc Hòa thượng, Tôn túc lớn mà đang nằm ở trong Giáo hội, Thầy đều có duyên gặp các vị hết, trao đổi, và qua những cái điều kiện để mà thực thi những cái điều lợi ích, nhưng không đạt thành, đó là cái duyên chưa đủ. Chớ nếu đủ thì chắc chắn là đã ra đời lâu rồi chứ không phải mới đây.

Đến đây Thầy xin chấm dứt. Và chúng ta tiếp tục cái bài học.

6- TRAU DỒI TÂM XẢ (Tiếp theo)

1- TIẾP THEO CẦN XẢ: SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP (Nhắc lại)

(01:12:20) Bây giờ, Thầy tiếp tục cái bài học. Mình đã học Xả Tâm Vô Lượng, mà Thầy đã giải thích xả là gì rồi phải không? Bây giờ nó đã tới cái chỗ mà:

Kế tiếp đó quý vị phải tiếp tục xả bỏ sáu cái pháp dục lạc thế gian, đó là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Vậy Sắc là gì?

Sắc là mọi hình ảnh của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ.

Đó là cái Sắc.

Bởi vì khi mà xả cái tâm vô lượng này, ở chỗ Sắc, thì chúng ta phải thấy cái đối tượng của nó với cái tâm của chúng ta là gì.

Bởi vì cái tâm vô lượng thì phải xả cái hình ảnh - Sắc trước. Mà xả cái hình ảnh - Sắc trước, thì nó là cái đối tâm của chúng ta để gợi lên cái sự thích thú, cái sự khả ái, khả lạc, khả hỷ, làm chúng ta thích nó mà chúng ta mới chạy theo nó.

Cho nên muốn mà xả cái tâm vô lượng này thì phải xả nó như thế nào để chúng ta thấy cái ái đó, cái lạc đó, cái hỷ đó nó có đúng hay là không đúng?

Đó là cách thức chúng ta phải biết so sánh để mà chúng ta biết nó để mà chúng ta xả. Còn nếu không biết thì chúng ta lấy gì mà chúng ta xả?

Thinh…​

Bởi vì ở đây nó có sáu cái đối tượng để mà chúng ta - sáu cái đối tượng tức là sáu cái pháp lạc của thế gian, nó làm cho chúng ta bị say mê ham thích. Cho nên chúng ta phải biết cho rõ sáu cái mặt, cái pháp này là cái gì.

Như hồi nãy Thầy nói Sắc là những hình ảnh, sắc tướng của các pháp, nó có sức cám dỗ và lôi cuốn chúng ta. Bây giờ tới Thinh.

Thinh là gì?

Thinh là âm thanh của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú, say mê.

Đó, thì đó là cái âm thanh.

Hương là gì?

Hương là mùi thơm của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên những khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú, say mê.

Vị là gì?

Vị là mùi vị ngon ngọt, cay đắng, chua mặn của các pháp, có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta dễ chịu, ưa thích, gợi lên những khả ái, khả lạc, khả hỷ, khiến ta thích thú, say mê, khó quên.

Xúc là gì?

Xúc là sự va chạm vào các pháp sanh ra cảm thọ êm ấm, nóng, mát, lạnh, đau nhức, nhẹ nhàng, khinh an, hỷ lạc, lâng lâng, say say; cảm giác khoái lạc, cảm giác sung sướng, cảm giác mừng vui, cảm giác buồn khổ v.v…​

Ở đây về cái Xúc thì chúng ta phải nói đến Xúc, thì gồm - nó có ba cái cảm giác rất là rõ ràng và cụ thể. Ba cái cảm giác đó thì thứ nhất Phật gọi là “thọ lạc”; thứ hai Phật gọi là “thọ khổ”; thứ ba Phật gọi là “thọ bất lạc bất khổ”.

(01:15:46) Đó là, những cái cảm giác đó thì Phật chia ra làm ba cái phần để chúng ta nhận xét ba cái thọ đó, để chúng ta biết rằng: Dù chúng ta rơi vào cái thọ lạc thì chúng ta cũng đừng có thích thú; mà rơi vào cái thọ khổ thì chúng ta cũng đừng có sợ hãi; mà rơi vào cái thọ bất lạc bất khổ thì cũng đừng có cho đó là thanh tịnh hay hoặc là thiền định, thì điều đó là cái điều sai hết.

Vì còn cái cảm thọ, mà biết nó thọ bất lạc bất khổ thì đó cũng là một cái trạng thái sai trong cái sự tu hành của chúng ta. Đừng cho đó là Niết Bàn, mà cũng đừng cho đó là một cái gì cả hết, vì đó là thọ bất lạc bất khổ.

Hầu hết là số người tu hành thiền định mà rơi vào trạng thái này tưởng là mình đã nhập định. Cho nên đó là cái sai mà phải nhận xét.

Vì nói đến Xúc là sự va chạm mới sanh ra Thọ, mà sanh ra Thọ thì chúng ta phải xét qua ba cái trạng thái Thọ để mà chúng ta biết cái đúng, cái sai. Trên con đường đi, con đường tu tập chúng ta gặp rất nhiều những cái cảm thọ này.

Nghĩa là ba cái cảm thọ này chúng ta luôn luôn gặp rất nhiều. Vì vậy mà ở đây phải giảng chỗ này để cho chúng ta thấy rõ mà chúng ta tránh nó. Vì con đường nhập định của Phật nó không lọt vào ba cái cảm thọ này, mà còn có ba cảm thọ này thì con đường đó gọi là tà thiền, tà định chớ không phải là Chánh Định, Chánh Thánh Định của Phật!

Pháp ở đây chỉ cho tất cả những sự hiểu biết từ kim cổ đến triết học, văn học, sử học, địa lý học, thiên văn học, toán học, các bộ kinh sách của các tôn giáo trên thế gian đều gọi là pháp.

Tất cả các pháp đó Phật dạy đó là kiến chấp của thế gian, nó có sức cám dỗ và lôi cuốn tâm ta, làm cho ta ưa thích, xem đó là Chánh Pháp, đúng pháp, ôm chặt khư khư không muốn rời bỏ, cho đó là khuôn ngọc, thước vàng, là mẫu mực cho đời sống thường nhân hoặc tu hành.

Các pháp này có sức lôi cuốn tâm ta, khiến ta ưa thích, gợi lên những sự hiểu biết này, hiểu biết khác, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khiến cho ta dính mắc không buông xả được. Vì thế mới có tranh luận hơn thua.

Đó nó trở thành - vì cái chỗ mà nó gợi cho chúng ta những cái hay cái dở trong đầu chúng ta đó, cho nó là đúng, cho nó là này kia - thì đó là trở thành cái kiến chấp của chúng ta, cho nên khó mà có thể bứt rời ra được.

Vì vậy mà một cái người mà học nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều về kinh sách nhiều thì những người đó là những người bị sở tri chướng, và những người đó là những người bị kiến chấp. Một khi bị một kiến chấp rồi mà buông ra là một điều rất khó chớ không phải dễ.

(01:18:21) Cho nên khi họ bị kiến chấp rồi mà họ sống lại cái đời sống của Phạm hạnh giới luật thì họ sống không được. Họ cho đó rằng bị mất tự tại, bị không còn vô ngại nữa, bị giới luật trói buộc, người đó là chấp giới.

Chớ họ không thấy rằng cái giới luật của Phật là một ông thầy để dẫn đường cho cái người đó rèn luyện thân tâm của họ đến cái chỗ giải thoát y như giới luật.

Mới đầu, người mới tu thì xem như bị ràng buộc, bị trói buộc, cho nên họ thấy rằng không có vô ngại được, không có tự tại, như vậy là không giải thoát. Vì cái kiến chấp, vì cái nông cạn mà họ không thấy xa của giới luật nó sẽ giải thoát như thế nào.

Vì họ chưa từng sống trong giới luật, cho nên họ chưa biết sự giải thoát của giới luật, vì vậy mà cái kiến chấp đó làm cho họ mê mờ. Họ tưởng rằng sống trong giới luật là khổ sở, không có tự tại, không có giải thoát, còn sống rời khỏi giới luật là có tự tại, có giải thoát rõ ràng, cụ thể. Nhưng cuối cùng họ chết chìm ở trong ngũ dục lạc mà họ không hay biết.

Bây giờ quý thầy đã hiểu rõ toàn bộ các pháp ở thế gian là pháp cám dỗ, thu hút, lôi cuốn tâm con người đi đến chỗ làm ác, tạo bao cảnh khổ đau cho nhau.

Đó thì các thầy thấy rất rõ là sáu cái pháp ở trên thế gian này nó có cái sức thu hút và lôi cuốn mọi con người, dù con người đó là con người phàm phu vẫn bị lôi cuốn, cho đến những bậc tu hành có hàng giáo phẩm cao siêu nhưng họ vẫn bị lôi cuốn.

Mà họ không hay biết, họ tưởng rằng mình tự tại, vô ngại; nhưng cuối cùng họ vẫn bị lôi cuốn ở trong đó mà họ không hay biết.

Đó là nó làm cho họ vô minh, mê mờ mà họ không thấy. Cái sức lôi cuốn nó làm cho họ nghị luận ra là mình không bị lôi cuốn, nhưng chính họ đã bị lôi cuốn.

Vì cái đời sống của họ - chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng là họ đang sống ở trên đó, nhưng họ nói họ không bị, tức là họ đã bị. Còn đời sống chúng ta trắng bạch như vỏ ốc thì làm sao mà chúng ta bị được?

Trái lại đời sống của họ không trắng bạch như vỏ ốc mà họ nói tâm họ trắng bạch như vỏ ốc, thì không thể làm sao mà người ta tin được, vì lời nói không đi đôi với cái sống của họ.

Cho nên chúng ta xét người thì biết người đó có thực hiện được giải thoát hay không, chớ không phải nghe mà chạy theo họ để rồi tin ở miệng họ.

Bởi vậy đạo Phật xét người qua cái đức độ, qua cái giới hạnh chứ không thể xét người qua những cái bên ngoài của họ được.

2- XẢ TÂM SẮC DỤC - PHẦN 2

(01:21:37) Muốn trau dồi tâm Xả Vô Lượng các pháp thế gian, ta nên lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, bóng mát, dưới tàn cây, ngoài trời hoặc trong chòi lá.

Sau khi ăn uống xong đợi cơm, thực phẩm tiêu hóa khoảng hai giờ, ta hãy ngồi kiết già lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú đặt niệm trước mặt.

Bây giờ ta đặt niệm gì đây?

Đầu tiên chúng ta đối với hình ảnh của các pháp, cho nên chúng ta đặt niệm sắc dục…​

Nghĩa là đầu thì chúng ta thấy Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp – nó sáu cái đối tượng mà nó cám dỗ chúng ta, thì cái Sắc là cái đầu tiên.

Vậy thì cái Sắc là cái đầu tiên để mà chúng ta tu tập, thì chúng ta phải đặt nó ở trước mặt của chúng ta. Khi mà chúng ta đã ngồi thẳng lưng kiết già nơi yên tịnh thì chúng ta đặt cái niệm đó trước mặt.

…​ là một niệm trong năm niệm dục lạc của thế gian.

Bây giờ, Thầy dạy quý thầy Xả Tâm Vô Lượng Sắc Dục thế gian phải đặt niệm như thế nào để xả ly cho được.

Đó là cách thức mà hành pháp. Hồi nãy ở trên thì Thầy nói về Sắc, đó là lý pháp chớ không phải hành pháp.

Còn đến đây là khi mà tạo được cái điều kiện như là chúng ta tìm cái chỗ thanh vắng, yên tịch, tịch mịch; rồi bắt đầu ăn cơm xong rồi mới ngồi thẳng lưng; chớ không phải là lúc nào cũng muốn ngồi thì ngồi, hay hoặc là đặt niệm lúc nào cũng được, mà phải tìm một cái nơi thanh vắng, yên tịnh.

Bởi vì người tu mà, chớ đâu có phải là người lăng xăng ở thế tục đâu? Cho nên chúng ta phải coi như là cái niệm Sắc Dục ở trước mặt chúng ta rất là quan trọng, để chúng ta đập vỡ và phá nó, chớ còn chúng ta coi thường nó thì nó lôi cuốn chúng ta, không hay đâu!

Cho nên, chúng ta phải xem cái hành động tu tập chúng ta rất là quan trọng. Mỗi một cái ý niệm của chúng ta trong bây giờ là một nhát búa mà đập vào sắc dục. Chớ không phải là cái ý niệm của chúng ta, cái niệm của chúng ta bây giờ coi nó là thường thì quý thầy sẽ không đập nổi sắc dục đâu! Nó rất khó.

Cho nên ở đây, mỗi mỗi chúng ta phải có sự rèn luyện và trau dồi mình cho đầy đủ, chớ còn nếu không luyện tập trau dồi thì rất là khó.

Mà Phật đã dạy chúng ta có một cái phương pháp rất là tuyệt diệu, đó là pháp hướng Như Lý Tác Ý. Vậy thì chúng ta đặt cái niệm đó rồi, niệm sắc dục rồi thì chúng ta phải theo cái pháp hướng mà như cái lý của nó mà tác ra, tác ý ra.

Vậy thì tác ý như thế nào?

“Sắc dục là con đường sanh tử của muôn loài, con đường đầy đau khổ triền miên bất tận kiếp này sang kiếp khác. Ta phải xả bỏ, từ khước, thoát ly ra khỏi, từ giã, không nên để tâm ta dính mắc nó nữa!”

(01:24:30) Đó là một cái câu, mà đây là trạch pháp cái câu này ra để trở thành một cái pháp hướng, như cái lý đó mà tác ý ra.

Hằng ngày chúng ta ngồi lại những nơi thanh vắng đó: Dưới lùm cây, trong khe suối, nơi yên tịnh, trong một cái chòi lá…​ rồi chúng ta đặt niệm đó, rồi chúng ta lấy cái niệm đó mà chúng ta nhắc.

Rồi chúng ta nhắc đi nhắc lại, rồi ngồi yên tịnh một hơi, rồi chúng ta lại tiếp tục nhắc nữa, và cứ như thế chúng ta nhắc mãi cho đến khi mà chúng ta xả thiền đi kinh hành mà thôi.

Nghĩa là chúng ta thấy mình ngồi có hơi đau chân hay tê chân là ngay đó là quý thầy hãy đứng dậy đi kinh hành. Còn chưa đau chân, tê chân thì quý thầy ngồi tiếp tục mà hướng tâm nhắc nữa. Nhắc cho nó thấu cái lý, nhắc cho nó thấm như cái lý chân thật của Sắc Dục thì chúng ta mới đoạn trừ nó được.

Chớ không phải nhắc sơ sơ một hai lần, rồi lười biếng, rồi bỏ qua, thì quý thầy tu như vậy, Thầy mệt mỏi quá!

Không có một cái việc làm nào mà ngay liền tức khắc mà thành tựu được, mà phải có một sự bền chí, rèn luyện lâu dài. Không có một công trình nào mà có một ngày mà thành công được, mà phải có một thời gian dài mới thành công được.

Pháp thì hay mà người có bền chí tu tập hay không? Điều đó là do ở chỗ quý thầy tự thắp đuốc lên mà đi. Tự quý thầy phải nỗ lực, phải siêng năng, phải tu tập. Còn quý thầy không nỗ lực, không siêng năng thì Thầy cũng không thể nào thắp đuốc lên cho quý thầy đi mà được.

Chữ thắp đuốc lên ở đây có nghĩa là phải siêng năng, phải nỗ lực. Đuốc này tắt thì phải nối đuốc khác mà đi cho hết quãng đường đen tối trong rừng âm u!

Đây là câu trạch pháp để quý thầy dùng nó mà hướng tâm xả bỏ. Hằng ngày quý thầy phải siêng năng tu tập, trau dồi câu này để đoạn dứt tâm ái dục.

Đó thì quý thầy phải nghe lời Thầy mà cố gắng. Chỉ có quý thầy mới cứu quý thầy mà thôi. Chỉ có hành động tu quý thầy mới cứu quý thầy thôi. Pháp hành thì quá rõ ràng, mà quý thầy không có hành thì làm sao mà đi tới được?

(01:26:44) Hoặc là quý thầy hành chơi để cho qua, ngồi đó lấy lệ, nhắc một câu hai câu rồi không nghiêm chỉnh, để tâm thả hồn phiêu diêu nơi cực lạc, hoặc là để tâm theo hơi thở để mà thọ hưởng hỷ lạc, thì điều này chắc chắn là không bao giờ tới nơi, tới chốn!

Khi tu một cái pháp định nào thì phải là cái pháp đó phải thật sự chuyên cần, trau dồi bằng một cái ý thức cụ thể, rõ ràng, tỉnh táo. Chớ không phải đi tìm hỷ lạc, khinh an của pháp này chuyển qua pháp khác, ngồi một hơi, nghe hơi thở nhịp an ổn thì thả hồn theo sự an ổn đó mà quên đi những cái câu hướng tâm này thì ngàn đời sắc dục không bao giờ lìa được!

Đó là những lời Thầy nhắc nhở, quý thầy hãy cố gắng ghi trong lòng, đừng quên khi không có mặt Thầy ở gần! Có Thầy, Thầy nhắc đi nhắc lại, mà không Thầy thì phải tự tâm mình nhắc mình, tự tâm mình phải rèn luyện cho mình thì mình mới cứu lấy mình!

Khi có Thầy còn có như ông cha săn sóc, không có Thầy thì quý thầy thấy như mình bơ vơ, phải tự cứu lấy mình, phải gan dạ, phải lầm lì, phải nỗ lực, phải siêng năng, đừng lười biếng!

Nếu quý thầy dùng câu trạch pháp này chưa xả được thì quý thầy tiếp tục hướng tâm Như Lý Tác Ý một câu khác nữa:

Đây Thầy cho thêm một cái câu khác nữa, để cho quý thầy thấy câu này nó không phù hợp với cái đặc tướng của mình, mình nhắc hoài mà sao chưa thấy có hiệu quả, thì do đó Thầy cũng sợ quý thầy không đủ cái sức của mình để triển khai trạch pháp những cái pháp để trở thành những cái câu hướng tâm như một cái lý tác ý cho đúng, cho nên kế đó để đối trị với cái sắc dục thì quý thầy phải nhắc cái câu này:

(01:28:35) “Sắc dục là bất tịnh, là uế trược, nhớt nhao, hôi thúi, tanh hôi, khó chịu, bẩn thỉu vô cùng, tạo muôn ngàn thứ bệnh tật tai ương và truyền nối nhau nhân quả luân hồi kiếp này đến kiếp khác không bao giờ thôi dứt, một người để lại muôn người khổ, khổ khổ nối mãi truyền nhau vô cùng vô tận!

Ta phải quyết tâm xả bỏ, xa lìa, viễn ly vĩnh viễn, chẳng dám bén mảng; xem nó như rắn độc, ung nhọt, nguy hiểm, tai nạn, tai họa to lớn, chỗ ác độc, chỗ bệnh truyền nhiễm nan y không thuốc chữa được!”

Đó là một cái câu để mà chúng ta nhớ thuộc làu.

Khi mà chúng ta ngồi đặt lưng là chúng ta nhắc toàn bộ câu này ra, rồi chúng ta ngồi đó để lặng tâm - khi nhắc xong rồi chúng ta ngồi đó để lặng tâm giữ tâm thanh thản. Cho đến một lúc nữa chúng ta lại nhắc nữa, và cứ như vậy những cái nhát búa đó mà chúng ta đập vào tâm sắc dục chúng ta.

Lần lượt chúng ta sẽ thấm thuần, trau dồi được cái tâm Xả cái sắc dục của chúng ta. Chúng ta xả, xả sạch, xả bỏ không còn có một dính mắc nào, thấy cái sắc dục là chúng ta đã hoảng sợ, không còn có ham thích nữa.

Có như vậy thì quý thầy mới chấm dứt được cái tâm sắc dục. Còn không có mà tu tập như vậy thì nó chỉ ẩn núp ở trong tâm quý vị, rồi quý vị vẫn len lét mà lén mà nhìn, mà ngó, chớ chưa phải là quý vị thôi đâu!

Còn ở đây khi quý vị tu tập xong rồi thì quý vị không còn có cái ham thích nữa, từ đó quý vị đã từ giã hẳn hòi, cho nên quý vị nhìn cái giới mà khác giới của quý vị, quý vị thấy hoàn toàn là bẩn thỉu, và dơ bẩn, và độc ác, và khổ đau, chớ không còn có cái hạnh phúc, cái cảm giác thích thú nữa.

Đó, tóm lại là phải siêng năng, phải tập luyện. Thầy đã trao tất cả những kinh nghiệm để mà quý thầy biết để mà tu hành, dùng thực nó chớ không phải là sai được.

Những cái Pháp như vậy mà nó có cái…​ (Mất đoạn)

Trong kinh điển của Phật dạy Tứ Niệm Xứ, Ngài cũng bảo “trên thân quán thân”, nhưng những cái pháp dạy trong đó chung chung, cho nên người mà đọc lại những cái bài kinh này làm cho người ta không biết đâu mà quán, người ta chỉ quán chung chung bằng cách này, bằng cách khác mà thôi.

(01:30:03) Phật dạy “trên thân quán thân”, rồi “bất tịnh”, rồi “quán thân để khắc phục tham ưu” của mình, không biết cái lúc nào mà khắc phục tham ưu, lúc nào mà quán thân bất tịnh!

Bởi vì ở đây chúng ta xả cái tâm sắc dục, cái tâm ái, cho nên chúng ta phải xả nó. Mà phải xả bằng cách nào? Vì vậy mà chúng ta đặt niệm trước mặt - tức là trên thân của chúng ta quán cái thân, quán thân mình, quán pháp, cho nên do đó mà chúng ta xả. Thì như vậy là chúng ta đi đúng vào cái pháp môn để mà chúng ta thực hiện trong cái hành pháp cho nó đúng.

Còn nói chung chung như trên Tứ Niệm Xứ: “trên thân quán thân” như thế này, thế khác là nói chung chung chứ chưa phải là đúng nó.

Sau khi dạy Tứ Niệm Xứ Thầy sẽ phân tích tu cái nào ở trên hành tướng nào, trên thân quán thân mà tu cái hành tướng nào, tu cái nhân tướng nào, tu cái đặc tướng nào; mà xả ly được cái gì, làm cái gì?

Vì đó là tất cả những cái - mà cái câu mà trạch pháp ra nó trở thành một cái niệm. Cái niệm đó để nó phá vỡ đi những cái tâm trạng nào của chúng ta, phá vỡ đi những cái pháp nào mà chúng ta bị dính mắc. Đó như vậy, nó phải rõ ràng và cụ thể.

Còn nếu mà chung chung như trong kinh sách Phật hiện giờ thì con người đọc kinh sách Phật không biết cái hành pháp là ở chỗ nào, rồi lúc tu vầy, lúc tu khác, kết quả không đem đến cụ thể cho quý vị, làm cho quý vị càng tu lại càng chán nản, cho nên mới đi lạc lầm vào tất cả các pháp khác của ngoại đạo, cứ ngỡ tưởng đó là Phật pháp mà thôi!

Tóm lại, muốn xả tâm vô lượng sắc dục thế gian ta hãy siêng năng tu tập trau dồi tâm Xả của ta. Hằng ngày không được biếng trễ thì mới xả ly được. Tinh tấn chớ có phóng dật theo nó!

Nghĩa là luôn luôn lúc nào chúng ta cũng phải tinh tấn, nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn, đừng có thấy nữ sắc mà chúng ta phóng theo, cái tâm chúng ta nhìn theo nó. Lúc bấy giờ mà đang tu thì quý vị phải cách ly, không được nhìn thấy nữ sắc.

(01:33:04) Đó là một cái điều tiên quyết, quan trọng, là lúc bấy giờ cái người mà đang tu những cái pháp xả về cái ái dục này thì tức là đừng có nhìn cái sắc dục của người nữ, đừng có nhìn cái tướng tá của người nữ, đừng có nhìn cái làn da, cái môi của người nữ.

Cho nên Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào mà có thể lôi cuốn người nam bằng cái nụ cười, bằng cái sắc của người nữ, bằng cái miệng của người nữ, bằng cái mắt của người nữ, bằng cái da của người nữ, bằng cái hương thơm của người nữ!” Đó thì các thầy thấy ông Phật ổng xác định như vậy.

Cho nên khi mà chúng ta quyết tâm xả cái tâm này thì chớ có phóng dật theo nó. Nghĩa là đừng có phóng tâm theo nó, đừng có chạy theo nó nữa, mà hãy quay trở vào trong mà cố gắng mà tập luyện trong một thời gian một tháng, hai tháng, thì quý thầy sẽ thấy cái sự tu tập của quý thầy sẽ xa lìa từ bỏ nó, rất là tuyệt diệu!

Còn nếu quý thầy vừa tu, bữa nay ngồi tu đây, quán như vậy, đem cái câu hướng tâm vậy, mà ra kia thì tiếp duyên nói chuyện với mấy bà đó thì thôi thôi, một ngàn đời Thầy nói quý thầy cũng không làm gì được hết! Tu như vậy uổng công lắm! Thôi đi về cưới vợ đi mà sống!

Ngồi tu thì có hình thức, mà ra thì tiếp chuyện với mấy bà nói thôi huyên thuyên không biết bao nhiêu mà kể, thì cái chuyện đó là cái chuyện không thể tu được. Phải tránh xa cái thứ rắn độc đó đi!

Cái thứ đó là cái thứ đem lại cuộc đời chúng ta đau khổ mà người tu sĩ của đạo Phật phải sợ, sợ còn hơn là sợ cái gì nữa! Nó đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu cái khổ đau mà chúng ta đâu có thấy? Tưởng là cái dục lạc đó nó có một chút xíu thôi, mà nó đem muôn ngàn cái sự khổ./.

(Xem tiếp ở Giáo án đường lối tu tập đạo Phật 13)

HẾT BĂNG